Donnerstag, 28. Januar 2021

Trận Normandie (Normandy)

 Dẫn nhập

Cuộc đổ bộ lên bờ biển và nhảy dù xuống vùng Normandie ở Pháp trong Thế chiến 2 là chiến dịch hải–lục–không quân có tầm mức “phức tạp nhất và khó khăn nhất từng diễn ra” – theo lời Thủ tướng Anh Churchill. Nhà quân sử Ambrose nhận xét rằng cuộc hành quân này lớn gấp 4 lần Chiến dịch Bão Sa mạc trong chiến tranh vùng Vịnh. Tất cả được lên kế hoạch vào thời chưa có GPS, máy vi tính, fax và photocopy, còn hồ sơ được đánh máy bằng tay qua nhiều lớp giấy cacbon.

Sau Ngày D (D-Day) – ngày 6 tháng 6 năm 1944 khi quân Đồng minh nhảy dù xuống Normandie và đổ bộ lên bờ biển – đã có rất nhiều tài liệu về trận đánh lịch sử này, và gần đây vẫn có thêm tài liệu đưa ra thông tin mới. Bài viết này tổng hợp những thông tin mới nhất nhằm đưa ra bức tranh tổng quan trung thực đến mức có thể.

Có hai tên quan trọng mà các tài liệu đưa tin không thống nhất, đúng ra là như sau:

  • Chiến dịch Overlord: bắt đầu vào Ngày D và kéo dài cho tới khi quân Đồng minh vượt qua Sông Seine ngày 19 tháng 8 năm 1944.
  • Chiến dịch Neptune: là một phần của Chiến dịch Overlord, hoạt động của hải quân chở bộ binh và được không quân yểm trợ, cũng bắt đầu vào Ngày D và hoàn tất ngày 30 tháng 6 năm 1944.

Cuộc đổ bộ Ngày D thường được gọi là Chiến dịch Overlord, nhưng thật ra chỉ là một mảng nhỏ trong Chiến dịch Neptune, lại càng là mảng có lỷ lệ nhỏ hơn trong Chiến dịch Overlord.

Trong bài này, thuật ngữ “Trận Normandie” bao gồm việc thả quân dù Anh-Mỹ-Canada sâu trong đất liền tiếp theo là việc đưa quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển. Nội dung chủ yếu tập trung vào những bước khởi đầu và 24 tiếng đồng hồ đầu tiên của trận đánh.

o O o

Vào khoảng năm 911, người Vikings tấn công nước Pháp. Vua Pháp khi đó là Charles dành riêng cho người Viking một mảnh đất để họ sinh sống, đồng thời che chắn cho Pháp chống lại xâm lăng do những thành phần khác. Mảnh đất đó là vùng Normandie.

Nếu quân Đức biết đến câu chuyện này mà hiểu rằng cần phải phòng thủ tốt hơn ở Normandie, thì có lẽ chiến dịch đổ bộ của Đồng minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thất bại. Vào ngày đầu tiên của chiến dịch, Ngày D (D-Day), 6 tháng 6 năm 1944, Đồng minh chỉ có thể chuyển vận 8 sư đoàn bộ binh lên bãi biển Normandie và cho 3 sư đoàn dù nhảy xuống tập hậu, trong khi Đức có hơn 60 sư đoàn trên đất Pháp.

Các bước chuẩn bị

Từ năm 1942 – khi Đức bắt đầu thất thế – Hitler ra lệnh xử tử biệt kích Đồng Minh. “Lệnh về Biệt kích” tối mật của Hitler ghi ngày 18 tháng 10 năm 1942 nằm trong số tài liệu mà Đồng minh tịch thu được sau chiến tranh.

“Từ lúc này, phải giết cho đến người cuối cùng tất cả kẻ thù trong cái gọi là sứ mệnh biệt kích ở Châu Âu hoặc Châu Phi chạm trán với binh sĩ Đức, ngay cả nếu mặc quân phục, được vũ trang hay không, đang giao chiến hoặc tẩu thoát.”

Trong một chỉ thị bổ sung được ban hành cùng ngày, Hitler giải thích đó là do sự thành công của biệt kích Đồng Minh.

“Tôi bắt buộc phải ra lệnh nghiêm ngặt tiêu diệt binh sĩ phá hoại của địch và tuyên bố sẽ phạt nặng những ai không tuân thủ lệnh này… Phải tỏ rõ cho địch biết rằng tất cả binh sĩ phá hoại sẽ bị tiêu diệt, không có ngoại lệ, cho đến người cuối cùng.”

Điều này có nghĩa là họ không có cơ may nào trốn thoát… Không có trường hợp nào mà họ mong được đối xử theo quy định của Công ước Geneva… Nếu cần thiết phải hỏi cung mà chừa lại một hoặc hai người, thì phải bắn họ ngay sau khi hỏi cung.

Tội ác đặc biệt này được giữ hoàn toàn bí mật. Chuẩn Thống chế Alfred Jodl (Tham mưu phó Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) phụ thêm hướng dẫn, gạch dưới: Lệnh này chỉ dành cho cấp chỉ huy và trong bất cứ trường hợp nào không được để rơi vào tay địch. Họ được chỉ thị tiêu hủy tất cả các bản sau khi đã ghi chú.

Khi được hỏi liệu anh muốn tham gia thực hiện nhiệm vụ bí mật sắp tới hay không, Lane nhận lời mà không do dự. Anh biết nếu bị Đức bắt, anh có thể bị xử tử.

George Lane sinh ra ở Hungari dưới tên Dyuri Lanyi. Anh đến Anh quốc năm 1935 rồi theo học Đại học London. Khi Thế chiến 2 bùng nổ, anh xin gia nhập Quân đội Anh. Lane được khen là có thiên bẩm hòa hợp với mọi người. Điều đó là tốt thôi, bởi vì anh sẽ cần toàn bộ thiên bẩm đó trong những tuần lễ trước Ngày D.

Khi gia nhập một đơn vị biệt kích, anh phải mang tên mới. Anh chọn Smith bởi vì đó là cái tên Anh thông thường. Người chỉ huy toán biệt kích nói: “Đừng có điên khùng. Bản thân anh còn không thể phát âm cái tên đó cho đúng.” Thật là không công bằng – tiếng Anh của Lanyi gần như hoàn hảo, nhưng ông sếp không muốn có rủi ro. Ông đề nghị cái tên Lane (tên tiếng Anh của Lanyi) và giả làm người gốc Welsh, để phòng giải thích tại sao anh thỉnh thoảng phát âm tiếng Anh không được chuẩn.

Vào tuần lễ thứ hai tháng 5 năm 1944, Trung úy George Lane được giải thích về nhiệm vụ sắp tới. Trong một phi vụ oanh kích, một máy bay Anh đã vô ý làm rơi một quả bom xuống bờ biển miền bắc nước Pháp, gây ra một chuỗi những tiếng nổ hoành tráng. Vừa khéo vụ nổ được thu hình để các nhà khoa học đánh giá. Họ e rằng Quốc xã đã phát triển “một loại mìn mới” có thể đe dọa suốt chiều dài bờ biển. Phim thu được quá mờ nên không thể nhận ra cơ chế hoạt động của loại mìn này, nhưng rõ ràng đây có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng cho cuộc đổ bộ sắp tới của Đồng minh. Chỉ có một cách để tìm hiểu thêm: điều một toán biệt kích đi chụp ảnh các quả mìn.

Kế hoạch là như thế này: một khinh tốc đỉnh đưa toán biệt kích gồm 4 người vượt Eo biển Anh (tên tiếng Pháp là Biển Manche). Họ sẽ xuống một thuyền nhỏ để chèo vào bờ ở Thị trấn Cayeux-sur-Mer. Khi tới nơi, hai người ở lại trên thuyền trong khi hai người kia đi dọc bờ biển, chụp ảnh các quả mìn bằng một máy ảnh hồng ngoại, rồi nhanh chóng rút lui. Nếu mọi việc suôn sẻ, họ sẽ trở về Anh vừa kịp giờ ăn sáng.

Nhiệm vụ được thực hiện ngày 17 tháng 5. Lane chọn một đặc công là Trung úy Roy Wooldridge để giúp anh chụp ảnh các quả mìn, trong khi hai anh kia – Trung sĩ Bluff và Hạ sĩ King – ở lại trên thuyền. Cả bốn người đều tự tin mình sẽ thành công.

Nhiệm vụ bắt đầu suôn sẻ. Hai người lên bờ lúc 1 giờ 40 rạng sáng ngày 18 tháng 5. Lane và Wooldridge tìm thấy một quả mìn mới được rải xuống bờ biển. Lane rút chiếc máy ảnh ra. Ngay sau khi anh bấm máy, một tia sáng vụt tỏa ra. Anh kể: “Một tiếng hô hoán bằng tiếng Đức vang lên, rồi trong vòng 10 giây có tiếng thét nghe như có ai đó bị đâm bằng dao.” Chẳng bao lâu, ba phát súng vang vọng cả bãi biển.

Đó là báo hiệu cho một màn bắn pháo hoa thật khác thường. Lính Đức bắn lên hai trái hỏa châu khác nhau để soi sáng khắp bờ biển, rồi nổ súng loạn xạ vì không nhận ra hai kẻ xâm nhập đang núp ở đâu.

Lane và Wooldridge tuyệt vọng bới cát để chui xuống mong tránh đạn, nhưng vẫn thấy thân mình bị phơi bày và kẹt giữa một cuộc nổ súng dữ dội. Hai tàu tuần tra của Đức cũng nổ súng, rồi chẳng bao lâu hai người nhận ra là bọn chúng bắn vào nhau. Sau này Lane kể lại: “ Nếu chúng tôi thấy an toàn thì đã có một trận cười.”

Đến gần 3 giờ sáng, súng ngừng nổ và đèn pha tắt. Trung sĩ Bluff và Hạ sĩ King tin chắc Lane và Wooldridge đã trúng đạn chết, nhưng họ để lại chiếc thuyền phòng khi hai đồng đội trên bờ sống sót mà dùng đến, còn họ mệt nhoài bơi một quãng xa về đến chiếc khinh tốc đỉnh. Cuối cùng thì hai người này về kịp giờ ăn sáng.

Lane và Wooldridge thì có bữa ăn sáng chẳng ngon lành gì cả. Họ bấm đèn pin hướng ra biển để ra hiệu, rồi chiếu ánh sáng đỏ từng hồi dài, hy vọng chiếc khinh tốc đỉnh thấy được. Nhưng chẳng thấy tăm hơi gì cả. Hai người bò sát trên bờ biển, tự hỏi phải làm gì, rồi trông thấy chiếc thuyền. Lane xem đồng hồ. Còn một tiếng đồng hồ trước khi trời sáng – khoảng thời gian quý giá nhưng ít ỏi để thoát thân. Thời tiết không được tốt để vượt Eo biển Anh trên chiếc thuyền chỉ lớn bằng một bồn tắm.

“Run rẩy trong bộ quần áo ướt đẫm, chúng tôi cố giữ vững tinh thần bằng cách nói về một thủy phi cơ Catalina được điều đi để tìm kiếm và mang chúng tôi về nhà.” Wooldrige nhìn đồng hồ và hóm hỉnh nói đáng lẽ vào ngày này anh đang hưởng tuần trăng mật. Ba ngày trước lễ cưới, anh nhận một điện tín ra lệnh anh trở về trình diện tại đơn vị.

Và rồi hy vọng được máy bay cứu bị dập tắt. Trong khi hình ảnh Thị trấn Cayeux-sur-Mer đang nhỏ dần phía sau, thình lình Lane nhận ra một chấm đen trên mặt biển càng lúc càng to thêm. Đó là một tàu tuần tra của Đức đang tiến đến với vận tốc cao. Hai người lập tức ném đi thiết bị chụp ảnh tố cáo việc dọ thám, nhưng giữ lại súng đạn. Lane đang nghĩ tới một màn hành động: “Bắn tìm đường, trấn áp bọn thủy thủ rồi cướp tàu của chúng.” Nhưng kế hoạch không thành. Khi tàu Đức chạy vòng quanh, “Chúng tôi thấy bốn hoặc năm khẩu súng máy Schmeisser đang chĩa vào chúng tôi một cách đe dọa.” Cả hai ném súng lục của họ xuống biển, rồi “với một cử chỉ như trên sân khấu, giơ hai tay lên.”

Hai người lập tức bị bắt giữ. Con tàu tuần tra của Đức mang họ trở về hướng Thị trấn Cayeux-sur-Mer, cẩn thận chạy zic-zac qua vùng nước triều. Chỉ lúc đó Lane mới nhận ra anh và đồng đội đã chèo thuyền vào rồi chèo ra giữa một bãi mìn bao la mà không hề nhận ra. “Chúng tôi quả là may mắn đến khó tin khi không bị tan xác.”

Hai người bị tách ra. Lane bị dẫn xuống một tầng hầm không có cửa sổ, “rất ẩm ướt và lạnh lẽo.” Quần áo anh ướt sũng, răng anh đánh lập cập vì lạnh. Anh cũng cần lót dạ, bởi vì đã không ăn gì từ lúc rời bờ biển Anh.

Chẳng bao lâu, một nhân viên Mật vụ Đức đến thăm anh. “Dĩ nhiên là anh biết chúng tôi sẽ bắn anh, bởi vì rõ ràng anh là đặc công và chúng tôi nhận lệnh nghiêm nghặt phải bắn bỏ tất cả đặc công và biệt kích.” Lane giả vờ ra vẻ thách thức, cho biết giết mình là ý tưởng không hay. Viên Mật vụ chỉ hỏi gằn: “Các anh đang làm gì?”

Khi ở ngoài biển, Lane và Wooldridge đã cắt bỏ các huy hiệu biệt kích và lính dù, vì biết các huy hiệu đó sẽ khiến họ bị xử tử lập tức. Hai người cũng đã hội ý với nhau về câu chuyện họ sẽ khai. Nhưng việc làm dự phòng đó là vô ích. Viên Mật vụ thẩm vấn xem xét kỹ bộ quần áo của Lane và bảo anh ta “có thể thấy dấu vết của huy hiệu.” Lòng Lane dấy lên cơn sợ hãi đầu tiên: “Bọn chúng biết chúng tôi là biệt kích.” (Tại làm sao mà họ không giả dạng là ngư dân, đi trên thuyền đánh cá có đủ đồ nghề đánh bắt cá?)

Cuộc thẩm vấn đi theo chiều hướng tệ hại khi nhân viên Mật vụ Đức hỏi về cuộc đổ bộ của Đồng minh, mà họ biết sắp diễn ra. “Họ luôn đe dọa tôi và tôi luôn trả lời: ‘Tôi không biết, tôi không thể cho anh biết điều gì quan trọng bởi vì tôi không biết điều gì quan trọng’.”

Anh bị bỏ đói khát – cái giá phải trả vì không chịu khai – và bị tra vấn càng lúc càng dữ dằn thêm. Chỉ đến đêm tối cuộc tra vấn mới dừng.

Lane và Wooldridge bị tra vấn trong mấy ngày liền. Sau đó, phía Đức trói tay, bịt mắt rồi đẩy hai người lên một chiếc ô tô. Họ được dẫn đi lên một tòa lâu đài, và Trung úy George Lane bị dẫn riêng vào một phòng có một con chó dữ tợn canh gác. Anh được mở khăn bịt mắt, và thấy một sĩ quan trông lịch sự mang tới xăng-uýt và cà phê.

Rồi Lane được dẫn đến một phòng đọc sách lớn. Vị Thống chế ngồi bên chiếc bàn ở đầu trong cùng. Ông đứng dậy, anh vẫn đứng nghiêm. Ông mời anh dùng trà với ông.

Rommel nói: “Anh phải biết anh đang lâm vào tình huống nguy hiểm. Ai cũng nghĩ anh là đặc công.”

Lane giả vờ mình không biết tiếng Đức, và cố tránh sự nghi ngờ rằng mình không sinh ra trên đất Anh. Thế nên anh nói giống như người sinh ra ở Welsh: “Nếu Thống chế nghĩ tôi là đặc công thì hẳn đã không cho tôi vinh dự được mời tới đây.”

Rommel nói: “Anh nghĩ tôi mời anh hay sao?”

“Thưa ngài, tôi nghĩ vậy, và tôi lấy làm vô cùng vinh hạnh.”

Vị Thống chế mỉm cười, bầu không khí trở nên cởi mở, rồi hai người chuyện trò hồi lâu.

Còn Trung úy Roy Wooldridge cũng được đưa đến gặp Rommel. Anh kể: “Tôi mở cửa.. và thấy ngồi kế chiếc bàn là Thống chế Rommel, nên tôi giữ lịch sự với ông mà đứng nghiêm. Tôi tôn trọng ông ấy là một chiến binh trong sạch, lính Đức dưới quyền ông không phạm tội ác nào.”

Vị Thống chế hỏi anh cần gì không. Anh đáp “Vé một chiều trở về Anh quốc, một cốc bia, một gói thuốc, và một bữa ăn thật ngon.”

Anh vô cùng kinh ngạc thấy lời ước của mình trở thành hiện thực. Sau này anh kể lại: “Tôi được đưa đến căng-tin của sĩ quan, có một anh bồi bàn mặc bộ đồ trắng được trang điểm với chữ thập ngoặc cho tôi một một cốc bia, một gói thuốc, và bữa ăn. Tôi còn nhớ đó là thịt băm, cùng với khoai tây và dưa cải.” Chỉ thiếu vé trở về Anh quốc. Roy Wooldridge ăn, uống bia và hút thuốc lá Đức, rồi luôn giữ gói thuốc rỗng làm kỷ niệm.

Anh hỏi người lính Đức ngồi kế bên mình: “Tôi chỉ là một trung úy Anh, tại sao tôi được dẫn đến gặp Tướng Rommel? Anh ấy đáp: ‘Bởi vì Tướng Rommel luôn quan tâm đến việc gặp những người làm chuyện bất thường.”

Chiều hôm đó, Lane và Wooldridge được đưa đến trại tù binh của Đức ở Fresnes, gần Paris. Hai ngày sau, họ được chuyển đến trại tù binh ở Spangenberg.

Wooldridge kể: “Khi tôi vào trại tù binh, một lính gác Đức nói được tiếng Anh bảo: ‘Anh là người rất may mắn, nếu anh không được đưa đến gặp Rommel thì anh đã bị xử bắn về tội làm đặc công rồi’.”

o O o

Ngôi làng yên ắng trong buổi sáng tháng 6 ẩm ướt. Suốt gần 12 thế kỷ, làng La Roche-Guyon – nằm bên nhánh Sông Seine hiền hòa, cách Paris 60 kí-lô-mét – đã từng hưởng yên bình. Tòa lâu đài ở đây là nơi cư ngụ của dòng họ Công tước de La Rochefoucauld.

Lau dai La Roche-Guyon_tien canh
Tiền cảnh Lâu đài La Roche-Guyon

Chính tòa lâu đài nhô ra trên đỉnh đồi phía sau làng đó là nguyên nhân chấm dứt sự yên bình của La Roche-Guyon. Thống chế Erwin Rommel chiếm dụng tòa lâu đài La Roche-Guyon làm nơi đặt tổng hành dinh của Tập đoàn quân B dưới quyền và còn cho binh sĩ trú đóng ở tầng hầm. Phó đô đốc Friedrich Ruge (Tùy viên Hải quân của Rommel) vì thích những câu ngạn ngữ của ông tổ chủ nhân (Quận công de La Rochefoucauld) mà đến thăm tòa lâu đài rồi giới thiệu cho Rommel. Tòa lâu đài không xa và không quá gần Paris, nằm trên đường phân ranh (Sông Seind) giữa hai Đại quân đoàn dưới quyền Rommel, và đủ rộng cho cả tổng hành dinh. Thế là dù càu nhàu vì phải xa Paris phồn hoa tráng lệ, cả tổng hành dinh vẫn phải dời về đây.

Gia đình chủ nhân không được phép dời đi nơi khác. Thế là họ phải cư ngụ trên tầng trên, còn tổng hành dinh của Rommel chiếm tầng dưới. Đại úy Hellmuth Lang (Tùy viên của Rommel) lấy làm ngạc nhiên làm thế nào gia đình chủ nhân chịu đựng được tiếng ồn từ tầng dưới. Còn đối với Rommel, cuộc sống ở lâu đài giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là tuyệt vời, khác một trời một vực so với chiến trường trên sa mạc Sahara. Chỉ cần mở cánh cửa sổ là người bên trong có thể thưởng thức cảnh vật hoang dã mà tươi đẹp bên ngoài. Nhưng đối với 543 dân làng, bây giờ là cuộc sống khổ ải: số quân Đức ở đây đông gấp 3 số cư dân.

Lau dai La Roche-Guyon_nhin tu phong sinh hoat gia dinh
Cảnh vườn của Lâu đài La Roche-Guyon

Tình hình các nơi đều yên ắng. Ngày 2 tháng 6 Rommel đi săn hươu. Ngày 3 tháng 6 ông đi Paris để mua một đôi giày cho bà vợ. Rommel luôn kiểm tra báo cáo thời tiết và thấy thời tiết xấu sẽ kéo dài nhiều tuần nữa ở Normandie, và chế độ triều ở Eo biển Dover không thích hợp cho việc đổ bộ cho đến giữa tháng 6. Ông quyết định về Herlingen để mừng sinh nhật của Lucie ngày 6 tháng 6, rồi dự kiến đi Berchtesgaden gặp Hitler để xin thêm tăng viện. Ông muốn có thêm hai sư đoàn thiết giáp và quyền điều động tất cả lực lượng tăng. Ông viết trong nhật ký của mình: “Vấn đề khẩn cấp nhất là thuyết phục Lãnh tụ bằng cách trao đổi riêng.”

Báo cáo sáng nay, ngày 4 tháng 6, không có gì nhiều; khu vực tuyến đầu vẫn yên tĩnh trừ Pas-de-Calais tiếp tục bị ném bom. Dường như không còn nghi ngờ gì: ngoài những dấu hiệu khác, cuộc ném bom kéo dài này cho thấy Pas-de-Calais là nơi Đồng minh đã chọn để tấn công. Nếu họ đổ bộ, thì sẽ là ở đó, hầu như tất cả đều nghĩ như vậy.

Báo cáo tình hình chiến sự cùng dự báo thời tiết giúp Rommel thanh thản chuẩn bị lên đường về Đức. Đây là lần đầu tiên ông về thăm nhà sau nhiều tháng. Ông sẽ đi xe trên quãng đường dài 640 kí-lô-mét; Hitler cấm sĩ quan cao cấp đi máy bay bởi vì Đồng minh chiếm ưu thế trên không. Rommel khá tin tưởng vào việc có thể rời tổng hành dinh của mình vào lúc này. Tháng 5 đã trôi qua – và đó là tháng có thời tiết đẹp nhất để Đồng minh tấn công, nhưng Eisenhower lại không chớp thời cơ. Hiện thời tiết đã xấu nhiều ngày qua. Rommel thấy đám hoa hồng ngoài vườn tan tác vì giông bão. Ông được thông báo thời tiết sẽ còn tệ hơn trong những tuần kế tiếp.

Rommel cảm thấy tự tin đến nỗi đã đặt ra thời hạn cho chương trình củng cố hệ thống phòng ngự. Lệnh của ông cho các Đại Quân đoàn Thứ Năm và Thứ Mười Bảy:

“Phải nỗ lực tối đa để hoàn tất các vật cản hầu quân địch sẽ chịu thiệt hại nặng nếu đổ bộ khi triều ròng… phải tăng tốc công việc… Đến ngày 20/7 phải báo cáo về việc hoàn tất.”

Bên ngoài các thành phố, khoảng giữa Caen và Cherbourg là vùng nông thôn nhiều cây cối: những cánh đồng nhỏ được bao bọc bởi những gò đồi lớn nhiều bụi rậm và cây nhỡ, từ thời La Mã đã được dùng như những vật cản thiên nhiên cả kẻ xâm chiếm lẫn người bảo vệ. Rải rác những trang trại bằng gỗ với mái rạ hoặc lợp ngói đỏ, và đây đó là những thị trấn và ngôi làng giống những pháo đài nhỏ, gần như tất cả đều có những nhà thờ vuông cạnh kiểu La Mã bao quanh bởi những ngôi nhà xây bằng đá xám có tuổi đời nhiều thế kỷ. Các thị trấn đều vô danh với phần lớn thế giới – Vierville, Colleville, La Madeleine, Ste-Mère-Église, Chef-du-Pont, Ste. Marie-du-Mont, Arromanches, Luc.

Trong vùng thưa thớt cư dân này, bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, nông dân Normandie phải làm những gì có thể để thích nghi với hoàn cảnh. Hàng ngàn đàn ông và phụ nữ bị lùa khỏi các thị trấn và làng mạc để trở thành lao động cưỡng bức, những người ở lại thì phải làm việc bán thời gian trong những tiểu đoàn lao công xây dựng công trình phòng thủ bờ biển. Nhưng những nông dân tự chủ đến dữ dội này không làm gì ngoài những việc tối cần thiết, cố trì hoãn công việc xây lô cốt và vật cản. Họ sống qua ngày, chăm sóc vườn táo, chăn giữ đàn cừu trắng, căm ghét quân Đức với sự gan lì của người Norman và khắc khổ trông đợi ngày giải phóng.

o O o

Gerd von Rundstedt, thuộc dòng dõi quý tộc Phổ, là Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây (OB West, phụ trách Tây Âu), một trong ba tổng tư lệnh mặt trận của Quân đội Đức. Cùng thời với ông là Thống chế Không quân Kesselring làm Tổng Tư lệnh Mặt trận Nam (OB South, phụ trách vùng Địa Trung Hải), và Thống chế Siegmund Wilhelm von List làm Tổng Tư lệnh Mặt trận Đông-Nam (OB Southeast, phụ trách vùng Balkan). Tuy các tướng lĩnh khuyên Hitler bổ nhiệm Tổng Tư lệnh Mặt trận Đông (đánh Liên Xô), nhà độc tài vẫn nắm quyền chỉ huy trực tiếp mặt trận này. Đây có lẽ là một trong những hệ lụy cho cuộc đổ bộ lên Normandie: Hitler quá bận rộn với tình hình chiến sự căng thẳng với Liên Xô nên không có tâm trí hướng đến Mặt trận Tây.

Thật ra Rundstedt đã nghỉ hưu năm 1938 ở tuổi 63 với quân hàm Chuẩn Thống chế, nhưng không được lâu. Năm sau ông được gọi trở lại quân ngũ, được cử làm Tư lệnh Tập đoàn quân Nam để tấn công Ba Lan. Sau khi Đức đánh thần tốc qua Pháp năm 1940, Rundstedt được thăng lên Thống chế. Ông xin nghỉ hưu lần nữa nhưng lại được (bị?) phong làm Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây (OB West) giống như bây giờ.

Năm 1941, ông là Tư lệnh Tập đoàn quân Nam, một trong ba tập đoàn quân đánh Liên Xô. Khi Chiến dịch Barbarossa này thất bại vào tháng 12 năm 1941, ông mất chức vì tính khí bốc đồng của Hitler. Đến tháng 3 năm 1942, ông nhận lại chức vụ Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây. Rốt cuộc ông là tướng lĩnh duy nhất bị Hitler cách chức 3 lần và tái bổ nhiệm 3 lần trong Thế chiến 2.

Các tướng lĩnh Đồng Minh trên Mặt trận Tây nhìn nhận ông là vị Thống chế xuất chúng trong Quân đội Đức. Nhưng bây giờ, ở tuổi 69, ông có vẻ thiếu năng động, đầu óc có phần kém tinh tế. Ông tỏ ra bất mãn với Hitler, người mà ông gọi là “anh hạ sĩ người Áo.”

Khác với Eisenhower, quyền hạn của Rundstedt có nhiều hạn chế. Ông không có quyền điều động lực lượng hải quân và không quân. Tư lệnh hai lực lượng này ở mặt trận Tây nhận lệnh từ tư lệnh quân chủng của họ, và hai ông này nhận lệnh từ Hitler. Tương tự như thế, Rundstedt không có quyền điều động Lực lượng Thiết giáp Tây của Đại tướng Leo Geyr von Schweppenburg, tuy rằng về danh nghĩa lực lượng này được đặt dưới quyền ông. Trên thực tế, von Schweppenburg nhận lệnh trực tiếp từ Hitler.

Rundstedt & Rommel
Von Rundstedt và Rommel, hai nhân vật đầu não trấn giữ Normandie

Dưới quyền Rundstedt là Rommel, Thống chế Đức từ năm 1942. Ông nổi tiếng trong trận đánh thần tốc qua Pháp năm 1940, khi là Tư lệnh Sư đoàn 7 Thiết giáp. Sư đoàn này tiến công nhanh đến nỗi nằm ngoài vùng phủ sóng vô tuyến của tổng hành dinh, cấp chỉ huy của Rommel không biết vị trí của sư đoàn ông ở đâu, vì thế sư đoàn này có biệt danh là “Sư đoàn Ma.” Cũng vì thế mà có người đánh giá ông cao hơn Guderian, người khởi xướng Chiến tranh sấm sét (“Blitzkrieg”), là tư lệnh một quân đoàn đánh Pháp, ban đầu ở cấp cao hơn Rommel nhưng sau đó tụt xuống thấp hơn vì không bao giờ được thăng lên thống chế. Trên chiến trường Pháp, Rommel đánh rốc tới Dunquerque rồi bị Hitler ra lệnh dừng tiến quân, đành bất lực nhìn 350.000 lính Đồng minh được giải cứu đưa về Anh.

Từ một trong 140 tư lệnh sư đoàn, chỉ trong vòng ba năm Rommel là một trong 16 Thống chế Lục quân Đức trong toàn cuộc chiến. Khi là Tư lệnh Binh đoàn Châu Phi trong giai đoạn 1941-1943, ông nổi tiếng với biệt danh “Cáo Sa mạc”, nhưng sau đó thua đau dưới tay Montgomery. Đó là vì Hitler không đánh giá cao tầm quan trọng của mặt trận Bắc Phi mà muốn ưu tiên dồn nguồn lực tăng viện cho chiến trường Liên Xô, nên để cho Rommel tự thân đối phó với Montgomery, vốn được Mỹ viện trợ xe tăng dồi dào.

Do chiến công khi làm Tổng Tư lệnh Tập đoàn quân Châu Phi, Rommel là một trong số 27 người trong toàn cuộc chiến được tặng thưởng Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ hàng cao quý thứ nhì (Knight’s Cross of the Iron Cross with Oak Leaves, Swords and Diamonds) của Quốc xã.

Tuy hai vị tướng chỉ huy tăng tài giỏi của Đồng minh là Bernard Montgomery và George Patton xem Rommel là đối thủ xứng tầm của họ, phần lớn các nhà chỉ huy quân sự Đức cho rằng bộ máy tuyên truyền của Quốc xã thổi phồng chiến công của Rommel, trong khi ông liên can quá nhiều đến cách đánh trận ngày qua ngày mà ít để ý đến những vấn đề tổ chức vĩ mô như hậu cần. Việc phòng thủ Normandie rất cần bộ óc chiến lược, tầm nhìn vĩ mô chứ không chỉ lo thị sát công sự phòng thủ bờ biển.

Tháng 11 năm 1943, Hitler bổ nhiệm Rommel làm Tổng Thanh tra Phòng vệ Mặt trận Tây ngoài chức danh Tư lệnh Tập đoàn quân B. Rommel lập một đoàn chuyên gia đi theo mình để đánh giá Bức tường Đại Tây Dương. Đó là hệ thống phòng ngự dọc bờ biển chống đổ bộ mà vào năm 1942 Hitler ra lệnh xây dựng, nhưng ông không bao giờ đi kiểm tra. Bộ máy tuyên truyền của Quốc xã thổi phồng về quy mô và hiệu quả của bức tường này. Bức tường trải dài 3.200 kí-lô-mét (theo bản đồ) và được cho là không thể xâm nhập.

Hình ảnh ụ pháo Lindemann ở Sangatte gần Calais, với 3 khẩu 406 li được trưng bày nhiều lần bởi bộ máy tuyên truyền của Quốc xã. Loại pháo này có nòng dài gần 20 m, có thể bắn quả đạn nặng 1 tấn đi xa 42 km, hoặc quả đạn 600 kg đi xa 56 km. Nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt để tuyên truyền. Các ổ pháo khác dọc Bức tường Đại Tây Dương thường có nòng 105 li hoặc 152 li, đôi khi 210 li; pháo 308 li còn ít hơn nữa.

Buc tuong DTD_phao 406 li Lindemann Sangatte Calais_khanh thanh
Ụ pháo Lindenmann. Hiện nay bị vùi dưới một hồ nước khi Pháp xây hầm Biển Manche.

Rommel cảm thấy sốc khi thấy chỉ ở vài địa điểm, các công sự lớn bằng bê tông và sắt thép dọc bờ biển đã được hoàn thành, nhưng nói chung vẫn còn yếu kém nhiều. Ông gửi cho Hitler những đề xuất cải thiện Bức tường Đại Tây Dương, và Hitler chuẩn y. Rommel nỗ lực đốc thúc việc gia cố bức tường kể cả những trận địa pháo bên trong đất liền. Ông đi thị sát khắp nơi, ra lệnh cải thiện chỗ này, sửa chữa chỗ kia.

Buc tuong Dai Tay Duong
Bức tường Đại Tây Dương tổng thể

Từ đó von Rundstedt trở thành gần như bù nhìn trong khi Rommel là tướng chiến trường hiếm hoi được tiếp cận Hitler. Ngay dưới tay tay von Rundstedt có người sẵn sàng vượt cấp! Rommel chỉ thực hiện các mệnh lệnh của Von Rundstedt nếu chúng trùng với ý tưởng của ông. Để làm được như vậy, ông thường nói ra một câu đơn giản nhưng đầy sức nặng: “Lãnh tụ ra lệnh trực tiếp cho tôi.” Ông không bao giờ nói thẳng như thế với nhà quý tộc von Rundstedt, mà với Thượng tướng Blumentritt (Tham mưu trưởng của von Rundstedt).

Rommel rà soát các kế hoạch chống đổ bộ hiện hữu. Ông nhận ra rằng Đồng minh có ưu thế áp đảo trên không, và yếu nhất là lúc mới đổ bộ. Vì vậy, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, nỗ lực không ngừng của Rommel thay đổi tình hình. Ở mỗi bãi biển được đánh giá có thể đổ bộ được, ông lệnh cho binh lính cùng với lao công cưỡng bức ở địa phương dựng lên các vật cản đơn giản. Những vật chướng ngại đó – có 3 cạnh thép lởm chởm, những cấu trúc cổng sắt hình răng cá mập, cọc gỗ bịt sắt và các khối bê tông hình chóp – được bố trí ngay dưới mực thuỷ triều cao và thấp. Chúng được gắn thêm những quả mìn chết chóc. Ở nơi nào không đủ mìn, đầu đạn pháo được sử dụng, quay mũi ra phía biển. Một sự va chạm sẽ khiến chúng nổ ngay lập tức.

Buc tuong DTD_Khong anh may bay tam thap
Không ảnh của máy bay Đồng minh lúc Đức đang đặt vật cản

Rommel chú tâm vào những vùng có nhiều khả năng bị quân Đồng minh tấn công, nhất là vùng từ Pas-de-Calais tới Normandy. Trong vòng 6 tháng đầu năm 1944, Đức đổ xuống 1,2 triệu tấn thép và 12,3 triệu mét khối bê-tông để gia cố. Quân Đức còn đặt nửa triệu vật cản và 4-6 triệu quả mìn chống tăng và mìn sát chống cá nhân, nhưng Rommel nghĩ cần đến 12-15 triệu – mà quân đội Đức không cung ứng nổi. Sau này, một sĩ quan Anh nghe tù binh khai rằng sĩ quan Đức phụ trách gia cố phòng thủ đã đặt nhiều mìn giả nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao, hy vọng Rommel sẽ không dám săm soi quá kỹ khi kiểm tra! Cũng vì thiếu thốn vật liệu, riêng ở vùng Normandie chỉ có thể đặt 3 hàng vật cản thay vì 6 hàng như Rommel mong muốn.

Những sáng chế lạ mắt của Rommel (phần lớn do ông tự thiết kế) vừa đơn giản vừa hiệu quả. Nhiệm vụ của chúng là chọc thủng và phá hủy hay cầm chân các tàu đổ bộ chở đầy quân tới khi các khẩu đội pháo nhắm được mục tiêu. Trong trường hợp nào, ông lập luận, quân địch cũng sẽ bị tiêu hao dài dài trước khi vào được bờ. Giờ hơn nửa triệu vật cản ngầm gây sát thương đó được bố trí dọc theo bờ biển.

So do phong thu Omaha cua Duc
Sơ đồ bố trí phòng thủ của Đức ở Bãi Omaha

Dù vậy Rommel, vốn là người cầu toàn, vẫn chưa hài lòng. Trên các bãi cát, trên các con dốc, dưới các con mương và đường mòn từ bờ biển, ông ra lệnh đặt mìn – đủ các loại, từ những quả mìn dẹt lớn đủ để phá tung xích xe tăng, tới những quả mìn S (mìn nhảy) nhỏ sẽ nhảy lên và nổ ngang tầm ngực. Khoảng 5-6 triệu quả mìn rải khắp vùng bờ biển. Trước khi cuộc đổ bộ xảy ra, Rommel hy vọng có thể đặt thêm mìn. Tổng cộng, ông định củng cố vùng bờ biển với 60 triệu quả mìn.

Rommel bị mê hoặc trong việc dùng mìn làm vũ khí phòng ngự. Trong một chuyến đi kiểm tra cùng Thiếu tướng Alfred Gause (Tham mưu trưởng tiền nhiệm, trước Thiếu tướng Hans Speidel), ông này chỉ những cánh đồng hoa dại mùa xuân và nói: “Cảnh này không đẹp sao?” Rommel gật đầu và nói: “Ông nên chú ý, Gause ạ, chỗ này cần bố trí 1.000 quả mìn.” Và một dịp khác trên đường tới Paris, Gause gợi ý ghé thăm nhà máy làm đồ sứ nổi tiếng ở Sèvres. Ông ngạc nhiên khi Rommel đồng ý. Nhưng Rommel không quan tâm đến giá trị mỹ thuật của gốm sứ. Ông bước nhanh ra khỏi phòng trưng bày và quay lại nói với Gause: “Hãy xem thử xem họ có làm được vỏ bọc không thấm nước cho mìn của tôi không.”

Gom su Sevres_2
Gốm sứ Sèvres, chế tạo cho vỏ mìn của Rommel?

Sau rừng vật cản và mìn, quân Đức cố thủ trong những lô cốt, hầm ngầm bê tông và giao thông hào, được bao bọc bởi bẫy hay rào thép gai. Nhiều lô cốt được xây ở các khe núi đá mà máy bay trinh sát khó phát hiện, và oanh tạc cơ và hải pháo khó tiêu diệt. Lô cốt và công sự ngầm dọc bờ biển mở ra theo góc chéo mà từ ngoài biển nhìn vào khó nhận ra. Từ mỗi vị trí phòng thủ, pháo được chỉnh hướng sẵn hướng xuống bãi biển.

Rommel tranh thủ tất cả những kỹ thuật và sáng chế tiên tiến. Ở nơi thiếu pháo, ông bố trí khẩu đội pháo phản lực hoặc súng cối nhiều nòng. Ở vài chỗ ông có cả xe tăng robot mini mang tên “Goliaths”. Những thiết bị này mang theo nửa tấn thuốc nổ, có thể được điều khiển bằng sóng vô tuyền từ các công sự đi xuống bãi biển và phát nổ giữa đám lính cùng tàu đổ bộ.

Goliath

Sau khi chiếm được bãi biển, lính Đồng minh chơi đùa với Goliath

Rommel còn có hệ thống phun lửa tự động. Ở vài nơi, mạng lưới các ống dẫn từ những bể chứa dầu được giấu kín chạy xuống những lối đi đầy cỏ dẫn từ bờ biển. Chỉ một cái nhấn nút, đối phương sẽ bị nhấn chìm trong lửa.

Rommel không quên mối đe dọa đến từ lính dù và bộ binh đổ bộ bằng tàu lượn. Phía sau tuyến phòng thủ, những khu đất thấp đã được làm ngập nước, và những bãi trống trong phạm vi cách bờ biển 11 tới 13 km được cắm cọc và bố trí bẫy. Dây gài treo giữa những thứ đó. Khi bị động vào, chúng sẽ kích nổ mìn hay đạn pháo.

Rommel thi sat co cau phong thu bo bien
Rommel thị sát kết cấu phòng thủ bờ biển

Bên trong Bức tường Đại Tây Dương, Rommel ra lệnh đắp đập trên hai con sông và bơm nước vào những vùng trũng, làm ngập hàng nghìn kí-lô-mét vuông. Hàng trăm lính dù Anh và Mỹ chết do bị hành trang 40-45 kg đè họ xuống nước mà họ không thể ngoi lên được. Một chi tiết nhỏ quyết định cái chết và sự sống. Khi đáp xuống, lính dù Mỹ phải mở 3 cái khóa và dây đai, trong khi lính dù Anh chỉ cần bấm một cái nút duy nhất. Đáp xuống đất thì không có vấn đề gì, nhưng khi rơi xuống nước lính dù Anh chỉ mất 5 giây để thoát ra khỏi dây đai và dù trong khi lính dù Mỹ cứ loay hoay mãi. Vải dù bao phủ trên thân người và đai dù trở thành một cái bẫy mà người lính dù Mỹ không thể nào thoát ra nhanh được.

Tóm lại, Rommel bố trí một cuộc nghênh chiến đẫm máu cho quân Đồng minh. Chưa bao trong lịch sử chiến tranh hiện đại, một hệ thống phòng thủ phức tạp như vậy được chuẩn bị. Dù thế Rommel vẫn chưa bằng lòng. Ông muốn thêm nhiều công sự, thêm nhiều vật cản, thêm nhiều mìn, thêm nhiều pháo và quân.

Huy động binh lính Đức vào việc gia cố và xây dựng thêm Bức tường Đại Tây Dương, Rommel phạm một sai lầm nghiêm trọng: ông bỏ qua việc huấn luyện và tập trận. Người lính Đức chỉ biết xây và xây những công trình hóa ra là vô dụng dưới sức tấn công của Đồng Minh, nhưng không biết gì về phương án tác chiến.

Một tháng trước cuộc đổ bộ, Rommel báo cáo rằng “Tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ. Nếu quân Anh chỉ cho chúng ta thêm hai tuần thì tôi không còn băn khoăn gì nữa.”

Rommel chỉ phiền muộn ở chỗ thiếu tin tình báo về ý đồ của Đồng minh. Không quân Đồng minh đã quá áp đảo nên máy bay trinh sát của Đức không thể nào bay đến bờ biển miền nam nước Anh – bây giờ dầy đặc những đơn vị bộ binh, tàu thuyền, máy bay, hàng hậu cần.

o O o

Một công trình của Bức tường Đại Tây Dương phát huy tác dụng cao trong cuộc đổ bộ của Đồng minh là Trận địa pháo Crisbecq. Nằm gần làng Saint-Marcouf, trận địa pháo này gồm 3 khẩu 210 li có tầm bắn 30 kí-lô-mét, cùng một số pháo nhỏ hơn. Dù chịu nhiều cuộc oanh tạc của không quân Đồng minh trong mùa xuân 1944 và đêm trước ngày đổ bộ, trận địa pháo này vẫn không hề suy suyễn nhờ tường bê-tông dầy đến 3 mét. Chỉ huy trận địa pháo là Trung úy Walter Ohmsen có hơn 300 người dưới quyền, và có gần 100 lính bộ binh hỗ trợ – tổng cộng gần 400 người.

Vào lúc 5 giờ rạng sáng ngày 6 tháng 6, nhờ máy định tầm (rangefinder), Trận địa pháo Crisbecq phát hiện ra hạm đội Đồng minh. Họ báo cáo cho tổng hành dinh Hải quân Đức ở Cherbourg, và nơi này phát lệnh báo động đến tất cả đơn vị trú phòng dọc bờ biển Đại Tây Dương.

Lúc 5 giờ 55, Tổng hành dinh Hải quân Đức ở Cherbourg ra lệnh cho Trận địa pháo Crisbecq oanh kích hạm đội Đồng minh, đang cách xa khoảng 17 kí-lô-mét. Có lẽ đây là lệnh chính thức đầu tiên của Hải quân Đức cho việc tham chiến hải quân trong Chiến dịch Overload. Trận địa pháo Crisbecq bắt đầu đấu pháo với các tàu Mỹ: tuần dương hạm Tuscaloosa và Quincy, cùng thiết giáp hạm Nevada. Đây là thiết giáp hạm duy nhất từng bị Nhật tấn công ở Trân Châu Cảng và tham gia Trận Normandie.

Lúc 6 giờ 30, Trận địa pháo Crisbecq bắn chìm khu trục hạm Corry của Mỹ. (Báo cáo chính thức cho biết chiếc tàu này đâm phải một quả thủy lôi.)

Lúc 8 giờ 00, thiết giáp hạm Nevada bắn trúng ổ pháo 210 li ngoài cùng của Trận địa pháo Crisbecq. Hai thiết giáp hạm Texas và Arkansas – ban đầu có nhiệm vụ yểm trợ đổ bộ ở Bãi Omaha – bây giờ được lệnh tham gia việc triệt hạ Trận địa pháo Crisbecq.

Lúc 9 giờ 00, hỏa lực tập trung từ ba thiết giáp hạm Mỹ loại ổ pháo 210 li thứ hai ở Crisbecq ra khỏi vòng chiến. Một quả đạn của chiếc Nevada chui qua khe hở của ổ pháo này, hạ tất cả lính Đức bên trong.

Ổ pháo 210 li thứ ba, nằm trong cùng, vẫn chưa bị thiệt hại, nhưng không thể bắn đến các thiết giáp hạm. Thay vào đó, đội pháo này bắn xuống Bãi Utah, gây thiệt hại nặng cho quân Mỹ ở đây.

Mãi đến 7 giờ sáng ngày 7 tháng 6, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 4 Bộ binh của Mỹ mới có thể tiến đến Trận địa pháo Crisbecq. Họ bị chặn lại phía trước khẩu 75 li của trận địa pháo, rồi phải rút lui sau khi quân Đức phản công với sự yểm trợ của pháo 105 li từ Trận địa pháo Azeville. Cùng với cuộc giao tranh trên bộ, Trận địa pháo Crisbecq vẫn tiếp tục bắn xuống Bãi Utah. Một khẩu 210 li được sửa chữa lại đêm trước tham gia trở lại cuộc đấu súng với tàu Mỹ, nhưng sau đó bị bắn hỏng lần nữa và im tiếng.

Đến 10 giờ sáng ngày 8 tháng 6, cùng tiểu đoàn quân Mỹ tấn công Trận địa pháo Crisbecq lần nữa dưới sự yểm trợ của pháo từ các tàu Mỹ. Lần này, họ tiêu diệt được ổ pháo 210 li cuối cùng, và lúc 4 giờ chiều họ bắt đầu đặt chất nổ để mong phá hủy các công sự.

Tuy nhiên, Trung úy Walter Ohmsen chỉ huy Trận địa pháo Crisbecq ra lệnh cho Trận địa pháo Azeville dùng bốn khẩu 105 li bắn ngay trên vị trí trận địa pháo của mình để xua đuổi quân Mỹ. Kết quả đến lập tức: quân Mỹ chạy tứ tán. Ohmsen tận dụng thời cơ, mở đợt phản công và đẩy quân Mỹ lùi về Dodainville cách đó 1,2 kí-lô-mét. Thương vong của quân Mỹ lên đến 15%.

Đến sáng ngày 11 tháng 6, trận địa pháo dưới quyền Ohmsen hết đạn, không còn đủ thuốc men cho thương binh, trong khi cả 3 khẩu 210 li đều bị hư hại. Đến chiều, Đề đốc Walter Hennecke ra lệnh Ohmsen dẫn số lính Đức còn lại rút lui. Để lại 21 lính Đức bị thương và 126 tù binh Mỹ, Omhsen dẫn 78 lính đánh xuyên qua vòng vây của quân Mỹ để đến phòng tuyến Đức Aumeville cách đó 8 kí-lô-mét và chỉ còn 67 người.

Sau khi Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ giữ vững Bãi Utah, họ mới chiếm được Trận địa pháo Crisbecq vào sáng ngày 12 tháng 6.

 

Phao_210 li Crisbecq gan Utah_3
Ụ pháo 210 li ở Crisbecq. Rất tiếc không được bảo tồn.

Bố trí lực lượng bên Đức

Trong khi Rommel ra lệnh khẩn trương gia cố bãi biển thì ông sếp von Rundstedt lại cho rằng Bức tường Đại Tây Dương chỉ là trò tuyên truyền dối trá dành cho người Đức và trò tháu cáy rẻ tiền cho Đồng minh. Ông tin chắc chẳng có gì cản được cuộc đổ bộ thành công bước đầu. Ông nghĩ cũng cần phòng ngự bờ biển, nhưng không thể nào phòng ngự cả chiều dài. Ông luôn nhớ đến câu nói của Frederick Đại đế, Vua nước Phổ trong giai đoạn 1740-1786: “Người muốn phòng ngự tất cả sẽ không thể phòng ngự gì hết.” Vì thế mà trong những năm tháng dẫn đến cuộc đổ bộ, ông không thiết tha đến việc gia cố Bức tường Đại Tây Dương.

Ai nhìn vào bản đồ Eo biển Anh (Biển Manche theo tiếng Pháp) đều thấy ngay eo biển này hẹp nhất ở Thị trấn Calais bên đất Pháp, đối diện với Thị trấn Dover bên đất Anh. Các chỉ huy quân sự Đức cũng nhận ra điều hiển nhiên này. Các lợi điểm cho Đồng minh là hạm đội có chuyến hải hành ngắn nhất, không quân có thể yểm trợ liên tục vì bay đi bay về nhanh, và đường tiến quân đến biên giới Đức là ngắn nhất, không tới 300 kí-lô-mét (Beevor, 2009).

Suy nghĩ đó quả là hợp lý: Làm thế nào Đồng minh phớt lờ bãi biển Pas-de-Calais, nơi Biển Manche hẹp nhất, rộng chưa tới 40 kí-lô-mét, để chọn bãi biển Normandie và vượt 150 kí-lô-mét? Von Rundstedt và Rommel không để ý đến yếu tố mấu chốt: các hoạt động chuẩn bị cho cuộc đổ bộ được thuận lợi hơn ở miền nam nước Anh, nơi có nhiều cảng biển và cơ xưởng, lại tránh xa sự dòm ngó của trinh sát cơ Đức. Lại còn có một chi tiết quan trọng: Normandie nằm gần Đảo Wight, là nơi có nhiều cảng biển và đường xe lửa cách xa khu dân cư đông đúc, thuận tiện cho việc chuyển quân, ém quân và tập kết hàng hậu cần. Như vậy, đánh qua Normandie thì tiện đường hơn.

Von Rundstedt và Rommel bị che giấu những yếu tố trên vì họ chỉ có ảnh chụp các cơ sở tập kết giả quanh Kent đối diện Pas-de-Calais do gián điệp hai mang gửi về, còn không ảnh của các cơ sở thật ở miền nam là lỗ hỗng to lớn!

Do đó mà quân Đức tập trung lực lượng mạnh ở Pas-de-Calais. Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm được tăng viện 10-15 sư đoàn trong mùa xuân. Ở đây, Bức tường Đại Tây Dương gần đúng theo tuyên truyền của Đức: bất khả xâm phạm. Sau bức tường, phần lớn bộ binh và thiết giáp của Đức trấn giữ ở phía bắc Sông Seine, giữa Le Havre và Dunkerque, còn lực lượng ở Normandie thì mỏng hơn nhiều.

Tuy có nguồn cho rằng Hitler đồng tình với von Rundstedt và Rommel là Đồng minh sẽ đổ bộ lên Pas-de-Calais, Shirer cho biết vào cuối tháng 3, Hitler nghĩ Đồng minh sẽ đổ bộ lên Normandy. Trong vài tuần tiếp theo ông ra lệnh củng cố đáng kể vùng nằm giữa Sông Seine và Sông Loire. Ông luôn cảnh báo với tướng lĩnh: “Hãy trông chừng Normandy.” Đó là do trực giác kỳ lạ hay là tính khí bất đồng như thường thấy của Hitler? Riêng Beevor cho rằng Hitler tiên đoán Đồng minh có thể đánh qua một trong hai nơi để kết cục ra sao thì người ta thấy ông vẫn đúng.

Von Rundstedt và Rommel luôn tự tin nghĩ rằng Đồng minh sẽ đổ bộ lên Pas-de-Calais. Suy nghĩ cực kỳ tai hại! Suy nghĩ từ đầu óc của một nhà quý tộc luôn khinh bỉ Hitler là “anh hạ sĩ người Áo”, và của người kia nổi tiếng là “Cáo già Châu Phi”. Hậu quả là bãi biển Normandy không được củng cố chắc chắn lắm. Khi quân Đồng minh đổ bộ, họ thấy nhiều công sự phòng thủ còn dang dở và một số ụ pháo không có pháo.

Hai chóp bu chỉ đồng ý ở một điểm nêu trên. Ngoài ra thì họ bất đồng đáng kể.

Rommel cho rằng phải chận đứng quân Đồng Minh ngay trên bãi biển; nếu để họ lập được một đầu cầu thì Đức sẽ thua cuộc chiến. Sẽ không có thời gian để đưa lực lượng tăng viện từ tuyến sau lên, ông chắc chắn chúng sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng bởi không quân Đồng minh vốn đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Vì thế thiết giáp Đức bám sát quân Đồng minh sẽ được an toàn hơn là khi di chuyển từ đất liền ra bờ biển.

Trong một chuyến thị sát các công sự phòng thủ bờ biển, Rommel tóm tắt chiến thuật của mình với thuộc hạ:

“Thắng hay bại là ở trên bãi biển. Chúng ta sẽ chỉ có một cơ hội duy nhất để ngăn chặn kẻ thù và đó là khi chúng còn ở dưới nước… đang tìm cách tiến vào bờ. Lực lượng dự bị của Đức sẽ không bao tới được khu xuất phát tấn công và thậm chí còn là ngu xuẩn nếu nghĩ đến họ. Tuyến phòng thủ chính sẽ ở đây… tất cả những gì chúng ta có sẽ phải nằm ở bờ biển. Tin tôi đi, 24 đầu tiên của cuộc đổ bộ sẽ mang tính quyết định… Đối với Đồng minh cũng như Đức, đó sẽ là ngày dài nhất.”

Trên hết, Rommel muốn có quyền điều động lực lượng tăng đang làm dự bị cách xa bờ biển. Ông đã thắng những trận đáng nhớ bằng xe tăng trên sa mạc Bắc Phi.

Nhưng Rommel thuộc về thiểu số trong chiến lược bố trí binh bị.

Von Rundstedt thì nghĩ ngược lại: cứ để cho quân Đồng minh đổ bộ, và phải bố trí các sư đoàn thiết giáp ở trong sâu để tránh tầm đại pháo của hải quân Đồng minh. Sau khi quân Đồng minh đã tiến sâu vào đất liền thì Đức mới huy động thiết giáp đánh trả theo chiến thuật Sấm sét (“Blitzkrieg”) – cũng là chiến thuật mà Đức hạ gục Pháp chỉ trong vòng 6 tuần.

Ý tưởng của von Rundstedt nhận sự ủng hộ của Đại tướng Leo Geyr von Schweppenburg (Tư lệnh Thiết giáp Tây). Ông này nhắc đến bài học cay đắng ở Ý, nơi thiết giáp Đức gần bờ biển bị Đồng minh oanh kích tơi bời.

Tranh cãi giữa Rommel ở một bên và Rundstead-Schweppenburg ở bên kia trong kế hoạch điều động thiết giáp được trình lên cho Hitler quyết định. Nhà báo–sử gia Shirer (1989) tóm tắt kết quả: “Do một chỉ thị ngu xuẩn của Hitler, ngay cả Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây cũng phải xin phép ông khi muốn điều động các sư đoàn thiết giáp.” Chỉ thị này mang đến hệ lụy trầm trọng cho Đức.

Việc phòng thủ vùng Normandie trông đợi nhiều vào 9 sư đoàn thiết giáp và 1 sư đoạn thiết kỵ với 1.400 xe tăng, nhưng có những hạn chế nghiêm trọng do hệ thống quản trị rối rắm:

  • Ba sư đoàn thiết giáp được đặt dưới sự điều động của Rommel nhưng chỉ có Sư đoàn 21 ở gần khu vực đổ bộ, còn Sư đoàn 2 và 116 đồn trú ở phía bắc Sông Seine nhằm bảo vệ vùng Pas-de-Calais, cũng lại vì mắc bẫy đánh lạc hướng của Đồng minh.
  • Ba sư đoàn thiết giáp 1, 12, Lehr và Sư đoàn 17 SS Thiết kỵ, là những đơn vị thiện chiến, chỉ được sử dụng khi Hitler cho phép.
  • Ba sư đoàn còn lại nằm trong cơ cấu của Tập đoàn quân G ở phía nam, vì thế muốn sử dụng cũng phải xin phép Hitler.

Tóm lại, Rommel và von Rundstedt lâm vào tình trạng dở khóc dở cười ở Normandie: chỉ có một sư đoàn thiết giáp gần bãi biển đổ bộ là sẵn sàng ứng chiến, hai sư đoàn họ có quyền điều động lại ở quá xa, còn muốn điều động hai sư đoàn gần khu vực đổ bộ thì phải xin phép Hitler trước. Riêng việc điều động 4 sư đoàn còn lại thì nhiêu khê hơn nữa.

Trong khi không thể sử dụng tất cả lực lượng thiết giáp, Rommel trông cậy vào hai đơn vị lớn của bộ binh dưới quyền với ranh giới là Sông Seine:

  • Đại Quân đoàn Thứ Bảy, trấn giữ vùng đổ bộ Normandie, Tư lệnh: Đại tướng Friesrich Dollmann, Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Max Pemsel.
  • Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm, trấn giữ vùng Pas-de-Calais, Tư lệnh: Đại tướng cấp cao (Chuẩn Thống chế) von Salmuth, Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Rudolf Hofmann.

Lực lượng của Đức trên mặt trận phía Tây lên đến 50-60 sư đoàn nhưng không phải sư đoàn nào cũng có đủ quân số, hoặc đủ vũ khí, hoặc được huấn luyện chu đáo. Một số lớn trong hàng ngũ của Đức là người Pháp, Ý, Ba Lan hoặc bị cưỡng bức hoặc tình nguyện để tránh đói kém và bệnh tật, tinh thần chiến đấu kém xa lính Đức. Khoảng một phần năm lính của Đại Quân đoàn Thứ Bảy là những người như thế. Sĩ quan và hạ sĩ quan Đức cứ lo sẽ bị những người này hạ sát khi quân Đồng minh tấn công. Cũng còn may là – khi Đồng minh đổ bộ – nhóm lính hỗn tạp dưới quyền họ hoặc bỏ sang hàng ngũ lực lượng kháng chiến Pháp để mong được nuôi ăn, hoặc hồ hởi xin đầu hàng lính Đồng minh để mong sớm được về quê nhà. Có người lính Đồng minh ngơ ngác khi thấy lính Đức ra đầu hàng với va li trên tay!

Lại còn có một số Đức kiều (tiếng Đức: Volksdeutsche), tức là người mang dòng máu Đức sống ở nước ngoài. Một phần sáu lính của Sư đoàn 21 Thiết giáp là Đức kiều, mà tư lệnh sư đoàn này than thở họ chẳng hiểu rõ mệnh lệnh của cấp chỉ huy người Đức chính cống.

Số quân vừa thiếu lại vừa yếu được dàn mỏng dọc bờ biển dài 3.200 kí-lô-mét. Chính hồ sơ của Đức nhìn nhận là vào mùa xuân 1944, các đơn vị quân đội Đức chỉ có 50% sức mạnh vì thiếu quân số và yếu kém về trang thiết bị, ví dụ như chỉ có phân nửa số xe tải cần thiết để chuyển quân. Không được yểm trợ bằng không quân, không có xe tăng, không có lực lượng phản công từ phía sau, quân phòng ngự ở bờ biển chỉ có mỗi một việc là bắn. Họ có thể bỏ chạy tán loạn nhưng không thể rút lui chiến thuật bởi vì không có phương tiện chuyển vận.

Sáu sư đoàn bộ binh có trách nhiệm phòng ngự Normandie, từ đông sang tây là:

  • Sư đoàn 711 Bộ binh (cố định), đóng ở Pays de Caux, ở đầu đông của vùng Normandie
  • Sư đoàn 716 Bộ binh (cố định), gồm lính yếu kém người gốc Nga và Ba Lan thêm và cựu tù nhân, nhưng được tăng cường năm trước, được bố trí dọc phòng tuyến dài giữa Ouistreham đầu đông và Arromanches đầu tây để bảo vệ các Bãi Gold, Juno và Sword.
  • Sư đoàn 352 Bộ binh, gồm binh sĩ kỳ cựu được huấn luyện kỹ, có quân số đầy đủ, được bố trí ở vùng Bayeux giữa Vierville và Coleville-sur-Mer để bảo vệ Bãi Omaha, sẽ gây nhiều thiệt hại cho quân Mỹ
  • Sư đoàn 709 Bộ binh (cố định), giống như Sư đoàn 716, đồn trú trên Bán đảo Contentin để bảo vệ Bãi Utah
  • Sư đoàn 91 Bộ binh Không vận, không phải là lính dù, chỉ được trang bị để vận chuyển bằng máy bay, là lực lượng dự bị cơ động, cùng với sư đoàn trên trấn giữ Bán đảo Cherbourg.
  • Sư đoàn 243 Bộ binh (cố định), trấn giữ một bên Bán đảo Cherbourg, phía sau Sư đoàn 716.

Như vậy, 4 trong số 6 sư đoàn là cố định, nghĩa là không có phương tiện vận chuyển để tạo tính cơ động hoặc để rút lui chiến thuật; binh sĩ chỉ việc trụ một chỗ mà bắn hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng.

Riêng ở Carentan có Trung đoàn 6 Dù (Fallschirmjager Regiment 6) với quân số gần 3.500 người thiện chiến và dũng cảm, phần lớn được trang bị tiểu liên (tỷ lệ gấp đôi so với bộ binh Đức).

Huong tien cong Normandy

Các ký hiệu đơn vị quân đội và quân số theo lý thuyết là:
XX   : Sư đoàn (10.000-20.000 quân), quân số lý thuyết thường lớn hơn sư đoàn Anh-Mỹ
XXX   : Quân đoàn (30.000-60.000 quân)
XXXX : Đại quân đoàn (100.000 đến 200.000 quân)
XXXXX: Tập đoàn quân (200.000 đến 300.000 quân)

Tổng cộng phía Đức có khoảng 40.000 đến 50.000 quân ở vùng Normandie. Ngoài bất lợi về quân số, Đức còn phải phòng ngự dàn trải trong khi Đồng minh tấn công qua những mũi cụ thể.

Giữ nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong việc trấn giữ Normandie nhưng không hiểu sao Đại tướng Dollmann lại tỏ ra nghi ngờ về chế độ Quốc xã và tiến trình chiến tranh của Đức. Ở Pháp, vị tướng phục phịch và tự mãn này không theo dõi sát sao tình hình, xem thường tầm quan trọng của không quân chiến lược, lại bắt chước von Rundstedt mà không màng gia cố Bức tường Đại Tây Dương. Thay vào đó, ông thích đi thăm viếng các bảo tàng và thánh đường ở Pháp, còn khoái thưởng thức rượu vang và xì-gà.

Hải quân Đức trong vùng vào ngày đổ bộ thì không đáng kể. Vỏn vẹn chỉ có 3 tàu phóng ngư lôi, 29 khinh tốc đỉnh, 36 tàu quét mìn R-boat, 36 tàu quét mình khác và tuần duyên.

Về không quân, tính đến ngày 4 tháng 6, Đức chỉ còn 183 máy bay tiêm kích trên toàn nước Pháp, với khoảng 160 chiếc được đánh giá là trong tình trạng hoạt động được. Trong số 160 chiếc, Phi đoàn 26 gồm 124 chiếc đã được chuyển đi khỏi vùng Normandie. Lý do chính của việc này là những tiêm kích đó cần cho việc bảo vệ chính quốc Đế chế đang bị Đồng minh tăng cường ném bom dữ dội suốt hàng tháng nay, lại càng không thể để họ phơi mình trên những sân bay ở đất Pháp, nơi họ đang bị không quân Đồng minh tấn công liên tục. Hitler đã hứa với các tướng lĩnh rằng một ngàn máy bay của Không quân Đức sẽ tấn công các bãi biển vào ngày diễn ra đổ bộ. Bây giờ, điều đó hiển nhiên là vô nghĩa.

Von Rundstedt không có quyền hành đối với hải quân và không quân. Hai lực lượng này nhận chỉ thị từ tư lệnh quân chủng của họ. Hệ thống chỉ huy vừa phức tạp vừa kém hiệu quả, sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho Đức trong Trận Normandie.

German chain of command
Tổ chức chỉ huy của Quân đội Đức trong Trận Normandie

Lực lượng bên Đồng minh

Eisenhower ngay bo nhiem Tu lenh Toi cao_2
Đại tướng Dwight D. Eisenhower, ngày được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tối cao

Phía bên kia chiến tuyến, đặt tổng hành dinh của mình ở Southwick House, Đại tướng Dwight D. Eisenhower là Tư lệnh Tối cao chỉ huy trận đánh Normandie. Trước đó, ông là Tư lệnh Tối cao Lực lượng Đồng minh trên chiến trường Bắc Phi và thu được kinh nghiệm quý giá trong nghệ thuật chỉ huy chiến trận. Ông cũng kinh qua nghệ thuật quản trị và ngoại giao, có lần tranh cãi với cả Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Hẳn hai người đã tìm thấy nơi ông giá trị chỉ huy vĩ mô, nhờ đó mới chấp nhận cho ông vào vị thế bây giờ.

Con đường binh nghiệp của Eisenhower khá lạ kỳ: trắc trở lúc đầu nhưng thăng tiến thần tốc về sau. Ông là đại úy khi Thế chiến 1 kết thúc (1918), sau đó là thiếu tá suốt 16 năm đằng đẵng. Có những thời gian khác nhau, ông phục vụ dưới quyền hai tướng George Marshall và Douglas MacArthur, nhưng cuối cùng ông được thăng lên thống tướng sau hai người kia lần lượt 2 và 4 ngày. Được như thế là nhờ ông thăng tiến cực kỳ nhanh chóng về sau: chỉ trong vòng 4 năm được thăng cấp 5 lần, từ đại tá năm 1941 lên thống tướng năm 1944. Đó là do cấp trên nhận ra năng lực thật sự của ông có thể đáp ứng những yêu cầu mới ở mỗi giai đoạn.

Eisenhower được xem là vị tướng có tài quản trị giỏi nhất trong Thế chiến 2. Ông gắn kết các cộng sự đa quốc tịch với nhau nhờ tài ngoại giao giỏi và phương cách khôn khéo. Việc chỉ huy chiến dịch Normandie cho thấy điều này. Hút 4 gói thuốc mỗi ngày, ông điều phối đủ các quân binh chủng Đồng minh đến từ Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada, Lực lượng Pháp Tự do, Ba Lan, Úc, Lực lượng Bỉ Tự do, New Zealand, Hà Lan, Na Uy, Lực lượng Tiệp Khắc Tự do, và Hy Lạp. Đất nước họ có nền văn hóa lâu đời rất khác biệt nhau, và lịch sử thành lập quốc gia họ cũng rất khác biệt nhau. Nhiều người trong số họ nói tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ.

Có một chuyện vui thời chiến. Một báo cáo quân sự bằng Anh văn có câu “We have realised the ennemy’s intention.” Câu này có nghĩa là “Chúng ta đã nhận ra ý đồ của quân địch.” Trong bản dịch ra Pháp văn để gửi cho các tổng hành dinh quân Pháp Tự do, Bỉ, Canada, câu này hóa thành “Nous avons realisé l’intention de l’ennemy.” Dịch đúng từng chữ một. Chỉ có điều, câu này có nghĩa là “Chúng ta đã thực hiện ý đồ của quân địch.” Thế là phải đem ai làm việc này đi xử bắn! Chỉ vì động từ “to realise” trong tiếng Anh và “réaliser” trong tiếng Pháp có nghĩa khác nhau. Và trời ạ, khi viết bài này tôi kiểm tra phần mềm dịch online thì phần mềm dịch đúng như thế! Tức là cho ý nghĩa trái ngược! Khi dịch câu Pháp văn đó trở lại Anh văn thì phần mềm online kết quả là “We carried out the intention of the ennemy.” Dịch như thế này thì đúng!

Bộ Tư lệnh Tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh (Supreme Headquarters Allied Expeditionary Force – SHAEF) là bộ máy dưới quyền Eisenhower.

Meeting SHAEF 1 February 1944
Những nhân vật đầu não của SHAEF. Hàng trước từ trái qua: Arthur Tedder, Dwight D. Eisenhower, Bernard Montgomery. Hàng sau từ trái qua: Omar Bradley, Bertram Ramsay, Trafford Leigh-Mallory, W. Bedell Smith.

Đại tướng Không quân Arthur Tedder là Phó Tư lệnh Tối cao SHAEF. Ông không thích Montgomery và Thủ tướng Churchill không thích ông. Ông tổ chức chiến lược không quân Anh trong chiến dịch Normandie, do đó làm việc mật thiết với Bộ chỉ huy Oanh tạc Chiến lược của Không lực Hoàng gia Anh dưới quyền Đại tướng Arthur Harris và Không lực Chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Âu dưới quyền Thượng tướng Carl Spaatz, những người thường va chạm với SHAEF. Ông đảm trách vai trò làm trung gian giữa Eisenhower và các chỉ huy quân chủng của SHAEF: Montgomery, Leigh-Mallory và Ramsay. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Montgomery, người có quan hệ căng thẳng với Eisenhower.

Thượng tướng W. Bedell Smith là Tham mưu trưởng SHAEF. Trước đó ông là Phụ tá cho Tham mưu trưởng Lục quân George Marshall. Khi Thiếu tướng Eisenhower được cử làm Tư lệnh Mặt trận Châu Âu, ông yêu cầu Marshall điều Smith đến làm tham mưu trưởng cho mình, vì đã biết năng lực của Smith trong vai trò phụ tá và cung cách làm việc hài hòa với người Anh. Marshall phải miễn cưỡng chấp thuận, và vào tháng 5 năm 1942 Smith là Tham mưu trưởng cho Tổng hành dinh Lực lượng Đồng minh. Khi Eisenhower được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tối cao cho trận đánh Normandie, ông cũng kéo theo Smith làm Tham mưu trưởng cho mình.

Frederick Morgan là Tham mưu phó SHAEF. Ông chính là tác giả của Chiến dịch Overlord.

Đại tướng Bernard Montgomery (Anh) được cử chỉ huy Tập đoàn quân 12 gồm toàn thể các lực lượng lục quân Đồng minh. Ông này được công chúng và binh sĩ yêu thích, nhưng bị nhiều chỉ huy quân sự xem là thiếu khôn khéo, ngạo mạn. Ông luôn muốn bảo vệ quyền lợi nước Anh trong liên minh quốc tế nên gây mâu thuẫn với Mỹ. Ong nghĩ Eisenhower thiếu năng lực, có lẽ vì thấy Eisenhower chưa hề trực tiếp cầm quân trên chiến trường, nhưng chắc không biết đến câu nói của Lưu Bị: “Người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”. Nói chung, người ta thấy ông quá coi trọng bản thân, và là con người thất bại về ngoại giao và chính trị.

Thượng tướng Không quân Trafford Leigh-Mallory (Anh) được cử chỉ huy các lực lượng không quân Đồng minh và có trách nhiệm điều phối các hoạt động yểm trợ trên không cho chiến dịch Normandie. Ông khó hòa hợp với người Mỹ, cũng thường mâu thuẫn với các cấp chỉ huy không lực chiến thuật và Bộ chỉ huy Oanh tạc Chiến lược của Không lực Hoàng gia Anh, thậm chí còn chọc tức Eisenhower. Các lực lượng dưới quyền ông bị phê phán là thiếu tác dụng trong việc yểm trợ đổ bộ, cũng như gây quá nhiều thương vong và thiệt hại vật chất cho dân thường. Sử gia Antony Beevor cho rằng việc thả bom Thị trấn Caen thành bình địa và gây trên 2.000 thương vong cho dân thường “gần giống như một tội ác chiến tranh.”

Trung tướng Omar Bradley (Mỹ) tốt nghiệp Trường Võ bị West Point cùng năm 1915 với Eisenhower, chỉ huy Đại quân đoàn Thứ Nhất gồm 2 Quân đoàn đánh lên Bãi Omaha và Bãi Utah.

Đô đốc Bertram Ramsay (Anh) được cử tổng chỉ huy các lực lượng hải quân Đồng minh. Khi còn là Phó Đô đốc năm 1940, ông chỉ huy cuộc di tản của các lực lượng Đồng minh ở Dunquerque. Trong trận đánh Normandie, ông chỉ huy một hạm đội khổng lồ, và nhờ kinh nghiệm trong 46 năm quân ngũ hải quân, ông góp phần quan trọng cho sự thành công.

He thong chi huy Dong Minh
Tổ chức chỉ huy của Đồng Minh

Làm việc với những cá tính khác nhau ở các tầng lớp chính trị và quân binh chủng khác nhau trong các nền văn hóa khác biệt đúng là vạn nan. Tướng Eisenhower và Tổng thống Roosevelt đôi khi bất đồng ý kiến; Eisenhower còn phải chịu khó hòa hoãn với Thủ tướng Churchill, và với Tướng Montgomery.

Tedder không cùng ý tưởng với Leigh-Mallory do có sự chồng chéo về nhiệm vụ, và có ác cảm nặng với Monthomery. Lại còn có Thượng tướng Carl Spaatz (Tư lệnh Không lực Chiến lược Mỹ ở Châu Âu), người có ý tưởng về chiến lược không quân khác với Leigh-Mallory.

Con người Montgomery tự cao tự đại không hợp với Eisenhower, người ban đầu muốn bổ nhiệm Đại tướng Harold Alexander nhưng sau đó đành phải chấp nhận Montgomery một phần do ông này được lòng binh sĩ Anh.

Làm được việc với nhóm người như trên và giúp họ làm được việc đã là một chiến thắng đáng kể cho Eisenhower trước trận đánh Normandie. Một trong những bất đồng cốt cán đầu tiên mà Eisenhower phải giải quyết là chiến lược đánh bom. Thoạt đầu, các tướng chỉ huy không quân Mỹ và Anh muốn ưu tiên đánh bom ở Đức như từ trước tới nay vì nghĩ đó là cách tạo áp lực cho Đức đầu hàng sớm hơn. Họ không muốn nhận lệnh của Eisenhower phải đánh bom ở đâu. Khi bị thúc ép, họ dành ra máy bay tầm ngắn để đánh bom ở Pháp, còn máy bay đường dài vẫn tiếp tục đánh bom ở Đức. Họ cũng muốn giữ quyền quyết định thời điểm đánh bom (ví dụ như để tránh thời tiết xấu), trong khi Eisenhower muốn có không quân yểm trợ theo tiến độ hành quân bất kể thời tiết.

Kế tiếp, Churchill muốn không quân giảm thiểu thiệt hại cho dân thường vì lo sợ dân Pháp oán ghét Đồng minh mà Anh sẽ chịu hậu quả trước tiên. Ông viết công văn cho Eisenhower, nêu rõ “mục tiêu chính phải là không quân Đức.” Việc này đi ngược lại chiến lược của không quân là tập trung vào công nghiệp hóa dầu và xưởng đóng máy bay. Các chỉ huy không quân Anh, Pháp và SHAEF cãi nhau rối như tơ vò! Đối mặt với áp lực từ Không lực Anh và Churchill, Teddy kêu gọi Eisenhower: “Ông phải nắm quyền kiểm soát lực lượng không quân, nếu không tôi sẽ từ chức.”

Vì mục đích bảo vệ mạng sống của lính Đồng minh nên Eisenhower muốn đánh bom vào thời điểm và địa điểm mà ông chỉ định, cho dù phải đánh bom những thị trấn. Ông thiết tha nêu ưu tiên này cho các bên thông cảm. Qua tài ngoại giao của Eisenhower, dần dà kế hoạch sử dụng không quân cho chiến dịch được các bên chấp nhận.

Eisenhower được chỉ định chỉ huy trận đánh Normandie chỉ mới 4 tháng trước, nhưng phương án hành quân đã được soạn thảo trong hơn một năm. Một nhóm sĩ quan Anh-Mỹ dưới quyền Thượng tướng Frederick Morgan, Tham mưu trưởng người Anh của Tư lệnh Tối cao Đồng minh (Supreme Allied Commander – COSSAC) lập cơ sở cho cuộc tấn công. Họ phải giải trình vô số câu hỏi về ngày giờ, địa điểm, quân số và quân binh chủng, lịch xuất phát của mỗi đơn vị, lịch yểm trợ của hải quân và không quân, công tác rà mìn và phá chướng ngại vạt, công tác huấn luyện, hậu cần, chế tạo quân cụ, cung ứng hàng hậu cần, v.v. Tháng 7 năm 1943, Morgan trình kế hoạch rồi đi Mỹ thảo luận với Tổng thống Franklin D. Roosevelt và trao đổi với Hội đồng Tham mưu Liên quân về đủ mọi vấn đề, kể cả việc bổ nhiệm ai sẽ chỉ huy trận đánh Normandie. Ông cũng được trao quyền để yêu cầu Tham mưu trưởng các quân chủng hợp tác cho dù họ ở cấp cao hơn ông.

Kế hoạch được chỉnh lý nhiều lần để đáp ứng với nhiều ý kiến và yêu cầu khác nhau, mỗi lần có thêm quân, thêm máy bay, thêm tàu đổ bộ. Tuy nhiên, những ý tưởng chính yếu của Morgan vẫn được giữ nguyên, kể cả việc chọn khu vực đổ bộ là Normandie và việc dùng bến cảng nhân tạo Mulberry.

Khi Eisenhower được cử làm Tư lệnh Tối cao Đồng minh, nhóm COSSAC được sáp nhập vào SHAEF, và Morgan làm trợ lý cho Bedell Smith.

Trong kế hoạch ban đầu chỉ có một đại quân đoàn, hoặc là Anh hoặc là Mỹ, nhằm đơn giản hóa cơ cấu chỉ huy và tránh rắc rối khi có hai lực lượng thuộc hai quốc tịch. Nhưng về chính trị thì không được. Thủ tướng Churchill không muốn cuộc đổ bộ chỉ do quân Mỹ thực hiện, còn phía Chính phủ Mỹ hẳn cũng không chấp nhận chỉ có quân Anh. Thế là có thỏa hiệp: cánh quân Anh bên trái và cánh quân Mỹ bên phải.

Overlord Plan_final
Kế hoạch Chiến dịch Overlord ngày 6 tháng 6

Lục quân được gồm trong Tập đoàn quân 21 dưới quyền Đại tướng Montgomery, gồm có Đại quân đoàn Thứ Nhất quân Mỹ do Thượng tướng (3 sao) Omar Bradley làm tư lệnh, và Đại quân đoàn Thứ Hai quân Anh-Canada do Dempsey làm tư lệnh.

Đại quân đoàn Thứ Nhất gồm khoảng 73.000 người trong đó có 15.500 lính không vận, có nhiệm vụ và cơ cấu chỉ huy như sau:

Quân đoàn VII dưới quyền Trung tướng J. Lawton Collins phụ trách Bãi Utah, gồm có:

  • Sư đoàn 82 Không vận: Trung tướng (2 sao) Matthew Ridgway.
  • Sư đoàn 101 Không vận: Trung tướng Maxwell Taylor. Cùng với Sư đoàn 82, tổng cộng có 15.500 người, nhảy xuống Ste. Mère-Église và Carentan. Nhiệm vụ là phá hủy các trận địa pháo (đặc biệt là ở Crisbecq, St-Martin-de-Varreville), giữ vững lối thông lên từ bờ biển và các trục giao thông mà Quân đoàn VII của Mỹ sẽ tiến qua để chiếm Cherbourg.
  • Sư đoàn 4 Bộ binh: Trung tướng Raymond Barton, Phó Tư lệnh là Thiếu tướng (1 sao) Theodore Roosevelt, Jr. đổ bộ cùng binh sĩ.
  • Sư đoàn 90 Bộ binh: Thiếu tướng Jay MacKelvie.

Quân đoàn V dưới quyền Trung tướng Leonard Gerow phụ trách Bãi Omaha, gồm có:

  • Sư đoàn 1 Bộ binh: Trung tướng Clarence Huebner, Phó Tư lệnh là Thiếu tướng Willard G. Wyman đổ bộ cùng binh sĩ.
  • Sư đoàn 29 Bộ binh: Trung tướng Charles Gerhardt, Phó Tư lệnh là Thiếu tướng Norman Cota đổ bộ cùng binh sĩ.

Quân đoàn XXX: Thượng tướng Gerard Bucknall

  • Sư đoàn 50 (Northumbrian) Bộ binh: Trung tướng D.A.H. Graham, đánh lên Bãi Gold.

Đại quân đoàn 2 gồm khoảng 83.000 người trong đó có 7.900 quân dù Anh-Canada, có nhiệm vụ và cơ cấu chỉ huy như sau:

Quân đoàn Thứ Hai : Thượng tướng John Crocker

  • Sư đoàn 6 Không vận Anh và Tiểu đoàn 1 Dù Canada: Trung tướng R.N. Gale, nhảy xuống vùng đông-bắc Caen, gần cửa Sông Orne. Nhiệm vụ là chiếm giữ hai chiếc cầu có giá trị chiến lược và phá hủy trận địa pháo (đặc biệt là ở Merville), để bảo vệ sườn phía đông của quân Anh.
  • Sư đoàn 3 Bộ binh Canada: Trung tướng Rod Keller, đánh lên Bãi Juno.
  • Sư đoàn 3 Bộ binh Anh: Trung tướng Tom Rennie, đánh lên Bãi Sword.

Tăng phái: Sư đoàn 79 Thiết giáp: Thiếu tướng Percy Hobart, yểm trợ cho việc đổ bộ.

Hải quân được chia làm 2 cánh, theo lô-gic là hải quân Mỹ phục vụ bộ binh Mỹ và hải quân Anh phục vụ bộ binh Anh:

  • Lực lượng Đặc nhiệm Tây: dưới quyền Phó đô đốc (tướng 3 sao) Alan Kirk, kỳ hạm là Tuần dương hạm hạng nặng USS Augusta, yểm trợ quân Mỹ ở Bãi Utah và Omaha. Sư đoàn 82 Không vận cùng Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ bảo vệ trên đất liền.
  • Lực lượng Đặc nhiệm Đông: dưới quyền Phó đô đốc Philip Vian, kỳ hạm là Tuần dương hạm HMS Scylla, yểm trợ quân Anh-Canada ở Bãi Gold, Juno và Sword. Sư đoàn 6 Không vận của Anh bảo vệ trên đất liền.Kế hoạch là đến cuối Ngày D, quân Đồng minh phải chiếm được các thị trấn lớn Carentan, St. Lô, Caen, và Bayeux, và quân từ các bãi đổ bộ (ngoại trừ Utah) được nối với nhau, lập chiến tuyến sâu vào đất liền 10-16 kí-lô-mét.

Thiếu pháo trên bờ, Đồng minh điều một đội tàu chiến hùng hậu để yểm trợ cho lực lượng trên bộ. Đội tàu này gồm có 5 thiết giám hạm, 23 tuần dương hạm, 93 hộ tống hạm, 2 tàu chiến nhỏ, 2 khinh tốc đỉnh, 142 tàu hộ vệ, 15 tàu tuần tra. Cuộc đổ bộ sẽ được mở màn bằng cơn mưa hải pháo kéo dài suốt một tiếng đồng hồ.

Chiến dịch nghi binh

Trong khi chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ, Đồng minh thực hiện song song một chiến dịch nghi binh để lôi kéo sự chú ý của Đức ra ngoài Normandie.

Những động thái nghi binh bao gồm cung cấp thông tin sai lạc cho điệp viên Đức đã bị Đồng minh phát hiện nhưng phía Đức không biết. Kết quả là Đức bị các gián điệp hai mang đánh lừa về địa điểm và thời điểm của cuộc đổ bộ – một cú lừa thần kỳ trong lịch sử tình báo thế giới.

Nhân vật thần kỳ nhất phải kể đến Juan Pujol García. Khi đó 32 tuổi, anh này là người xứ Catalan đến từ Barcelona. Nghề gián điệp của Pujol được đánh dấu bằng nhiều vụ dối trá và đánh lừa. Do chống đối chế độ Franco mà Franco lại thân Đức, anh muốn giúp Anh quốc lúc đó là đối thủ duy nhất của Đức. Ba lần anh xin làm điệp viên cho Anh nhưng đều bị từ chối. Vì thế, anh liên lạc với sĩ quan Quân báo Đức tại Madrid xin hợp tác với Đức. Anh được chấp thuận, lại còn được Đức huấn luyện nghề tình báo. Với bí danh Arabel, anh cho biết mình đã lập ra một mạng lưới tình báo (nhưng các nhân viên đều là giả), rồi anh giao cho Đức hàng loạt báo cáo giả nhưng đầy tính thuyết phục. Anh xin làm điệp viên cho Anh lần nữa, trình ra những thông tin giả mình đã cung cấp cho Đức. Lần này anh được nhận.

Năm 1942, anh được bí mật đưa qua London, và được đặt bí danh là Garbo – để tỏ lòng mến mộ siêu sao điện ảnh Greta Garbo. Trong nhiều tháng liền, Pujol gửi tin tức cho Quân báo Đức, tạo ra viễn cảnh là quân Đồng minh đang xây dựng lực lượng tại khu vực đông-nam của Anh và sẵn sàng mở hướng tấn công qua Pas-de-Calais. Các loại thông tin là pha trộn của tin thật nhưng ít có giá trị về quân sự, tin có giá trị nhưng cố tình được chuyển muộn, và tin quan trọng nhưng là giả. Vì phía Đức có thể kiểm chứng hai loại tin đầu, họ tin vào loại tin thứ ba.

Việc cung cấp tin giả chỉ có chừng mực, cho thấy vì Anh bảo mật giỏi nên điệp viên gửi tin không thể nắm bắt hết tình hình. Phía Đức phải chịu khó ghép các mảnh rời rạc để có được bức tranh tổng thể, từ đó họ càng tin những nguồn tình báo này hơn.

Có lúc Pujol phải tạo lý do tại sao nhân viên của mình không gửi thông tin quý giá mà sau đó Đức biết được. Chẳng hạn, Quân báo Đức hỏi anh khi một hạm đội rời khỏi cảng Liverpool mà dân thường cũng thấy, nhưng tại sao anh không gửi tin. Anh giải thích cho biết nhân viên (giả) của mình ở Liverpool lâm bệnh ngay trước khi hạm đội rời đi nên không thể gửi tin. Sau đó, anh cho biết nhân viên ấy đã qua đời, và đăng cáo phó trên báo làm bằng chứng. Anh còn thuyết phục phía Đức trả tiền cấp dưỡng cho người vợ của nhân viên ấy! Tóm lại, Đức hoàn toàn tin tưởng nơi anh trong khi thường xuyên nhận tin giả từ anh.

Điều nực cười hơn nữa là ngày 17 tháng 5 năm 1944 Hitler tặng thưởng cho Pujol Huân chương Chữ thập sắt, và vài tháng sau đó Tổng giám đốc MI5 đề nghị trao tặng anh Huân chương Đế chế Anh Quốc cấp Thành viên (Member, Order of the British Empire – MBE).

Ngoài việc cung cấp thông tin cho Pujol để đánh lừa Đức, Đồng minh còn thành lập một cách lộ liễu ở Kent (đối diện Pas-de-Calais) một đoàn quân giả. Đó là Tập đoàn quân Thứ Nhất, gồm Đại Quân đoàn Thứ Ba của Mỹ (có thật nhưng nhiều đơn vị còn đóng ở Mỹ), Đại Quân đoàn Thứ Tư của Mỹ (một số sư đoàn là thật), Đại Quân đoàn Thứ Tư của Anh (giả), và Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Canada (có thật, đang đóng ở Anh). Các quân đoàn và sư đoàn cũng vừa giả vừa thật. Khi tình báo Đức kiểm tra được đơn vị thật thì họ tin rằng thật sự có đơn vị giả mà họ nghĩ cần phải tìm hiểu thêm!

Thậm chí Đồng minh còn tạo ra phù hiệu cho các đơn vị quân đội giả.

Phu hieu vai tuong tuong
Phù hiệu những đơn vị quân đội giả

Các đơn vị giả được cung ứng những tần suất vô tuyến gọi bâng quơ với nhau và một số xe cộ cùng sĩ quan và binh sĩ gắn phù hiệu của đơn vị chạy lông bông đây đó! Nhiều cuộc gọi được thực hiện qua đường dây điện thoại tới Kent rồi từ đây được phát trên sóng vô tuyến để cho Đức nghĩ rằng phần lớn quân Đồng minh tập trung ở đây.

Thượng tướng George Patton được thông báo giữ quyền Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Nhất bởi vì ông là người nổi tiếng ở Đức và được trọng vọng ở Mỹ. Ông đang là Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Ba nhưng tạm thời giao quyền cho một người khác để chuyên tâm đảm trách vai trò kịch sĩ của mình.

Trong vùng đối diện Pas-de-Calais, nhiều máy bay làm bằng vải bạt hoặc gỗ được đặt ở các sân bay. Trong vòng 2 tuần, một tiểu đội công binh có thể tạo ra một “phi đoàn” gồm 24 máy bay , có nhà xưởng bảo trì và những cơ sở phụ trợ khác hẳn hoi. Nhiều doanh trại chứa san sát những xe tăng bằng vải nhựa và đại pháo bằng gỗ – bốn người có thể dễ dàng di chuyển mỗi món, còn bến cảng thì đầy những thuyền đổ bộ giả. Tất cả được phơi bày cho điệp viên hai mang ở bên ngoài hàng rào chụp ảnh rồi gửi về Đức. Buổi tối, các sân bay mở máy phát âm thanh của động cơ máy bay, và cho ô tô mở đèn chạy tới lui trên đường băng, để người bên ngoài hàng rào nhận ra sân bay quân sự đang hoạt động tấp nập.

Xe tang bang nhua
Xe tăng làm bằng vải nhựa được căng phồng

Do chiến dịch nghi binh này mà phía Đức tin rằng Đồng minh có đến 89 sư đoàn ở Anh – gần gấp đôi con số thực tế là 47. Đức cũng liệu định Đồng minh sẽ có đủ tàu để chở 20 sư đoàn trong đợt đổ bộ đầu – trong khi cuối cùng Đồng minh chỉ có thể vận chuyển 8 sư đoàn. Cho đến ngày 20 tháng 3, Đức tin rằng Đồng minh sẽ đổ bộ ở “khoảng giữa Pas-de-Calais và thung lũng Loire”, mở đầu bằng những cuộc tấn công ở nơi khác nhằm đánh lạc hướng.

Đồng minh còn tạo ra thông tin về những cuộc đổ bộ sắp tới ở những nơi khác, từ Na Uy đến Thụy Điển, miền nam nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý, thậm chí vùng nam Châu Âu, v.v. Đức vừa bị chia trí vừa phải phân tán nguồn lực để lo bảo vệ những bãi đổ bộ tưởng tượng này.

Nói suông thì không đủ. Anh quốc còn phái một người có diện mạo giống Montgomery giả ông này đi thăm Gibraltar và Algiers nhằm chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ ở bờ biển Địa Trung Hải.

Lại có bản tin mật gửi đi từ điệp viên hai mang cảnh báo về một cuộc đổ bộ thật sự hai tuần lễ sau cuộc đổ bộ nghi binh. Lần này đoàn quân sẽ xuất phát từ Mỹ và Azores đánh lên vùng bờ biển miền tây nước Pháp. Việc này là nhằm ngăn chặn Đức điều Sư đoàn 11 Thiết giáp gần miền bắc Bordeau về Normandie.

Trung tâm giải mã của Anh ở Bletchley Park nhận lệnh kiểm tra những bản tin do điệp viên hai mang gửi và nhận để đánh giá chiến dịch nghi binh. Kết quả cho thấy phía Đức tin vào những tin giả. Ngày 2 tháng 6, Bletchley báo cáo: “Chứng cứ mới nhất cho thấy địch đánh giá tất cả sự chuẩn bị của Đồng minh đã hoàn tất. Họ nghĩ sẽ có đổ bộ đợt đầu ở Normandy hoặc Brittany, theo sau là nỗ lực chủ chốt ở Pas-de-Calais.” Có vẻ như cá đã cắn câu, và sẽ cắn lâu mới chịu nhả.

Dia diem do bo tuong tuong
Những địa điểm đổ bộ tưởng tượng

Những ngày đến gần cuộc đổ bộ, máy bay Đồng minh oanh kích dữ dội các mục tiêu ở vùng Pas-de-Calais khiến cho bên Đức càng tin đây vùng này mục tiêu chính. Đồng minh cũng không phải tốn bom đạn vô ích, bởi vì quân Đức ở đây sẽ chiến đấu kém hiệu quả sau này khi Đồng minh tiến quân từ Normandie. Trong khi đó, các cuộc oanh kích vẫn diễn ra ở Normandie với tầm mức ngang bằng những ngày trước, khiến cho bên Đức nghĩ rằng đó chỉ là cách đánh lạc hướng.

Chiến dịch nghi binh như trên có hiệu quả đến nỗi khi hạm đội khổng lồ của Đồng minh bắt đầu oanh kích các bãi biển ở Normandy, phía Đức vẫn cho rằng đó là động thái của Đồng Minh nhằm đánh lạc hướng!

Dummy Rupert_2
Hình nộm tên Rupert

Việc nghi binh vẫn tiếp tục trong những tiếng đồng hồ đầu tiên của cuộc đổ bộ, khi Đồng minh thả hàng trăm hình nộm tên Rupert xuống Pas-de-Calais lẫn Normandie. Các hình nộm này mặc quân phục lính dù, cũng có mũ sắt và giày bốt. Để tạo ra quang cảnh quân dù tấn công, hình nộm mang máy phát âm thanh của súng máy và tiếng nổ của đạn cối. Một vài lính dù thật tháp tùng để tạo khói và thêm tiếng nổ. Các chỉ huy Đức xua lính mình ra ứng chiến. Nhìn từ xa trong đêm tối, lính Đức tin rằng họ thật sự đang bị quân dù tấn công. Thế là họ kéo đến ứng chiến ở một hướng, rồi lính dù thật sẽ nhảy xuống ở một hướng khác. Các báo cáo tiền phương của Đức vì thế chứa đầy tin giả lẫn tin thật khiến cho các tổng hành dinh hoang mang tột cùng.

Chiến dịch nghi binh có hiệu quả kéo dài về sau. Eisenhower kể lại:

“Để cho bạn thấy chúng ta đã thành công đến thế nào, Tướng Speidel, tham mưu trưởng cho Rommel, 5 năm sau trong một quyển sách ông viết: ‘Chúng tôi tự hỏi tại sao Đồng minh không nhanh chóng sử dụng 75 sư đoàn của họ.’ Chúng ta không có 75 sư đoàn. Chúng ta chỉ có chừng 35 sư đoàn trên toàn nước Anh.”

Bảo mật

Chiến dịch đánh lạc hướng đi đôi với việc bảo mật, kẻo lộ tin tức cho Đức biết họ bị lừa.

Eisenhower thuyết phục Churchill cấm du khách đi đến các vùng bờ biển Anh nơi đang tiến hành huấn luyện và tập trung binh sĩ cùng hàng hậu cần. Ông cũng thuyết phục Nội các Anh bãi bỏ chế độ dễ dãi trong việc thông tin liên lạc theo đường ngoại giao ngoại trừ đối với Liên Xô và Mỹ. Mọi túi xách và hành lý đi qua biên giới đều bị kiểm tra mà không cần biết người mang là dân thường hay là ngoại gia đoàn. Các sứ quán phản đối ầm ĩ và Hitler bị đánh động. Vào đầu tháng 5 năm 1944, ông nhận xét: “Người Anh đã đưa ra những biện pháp mà họ chỉ có thể duy trì trong vòng sáu đến tám tháng.”

Nhằm đảm bảo an ninh, Anh đóng cửa lãnh hải. Bất kỳ người nào xuất nhập cảnh đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Kể từ tháng 2 năm 1944, công dân Ireland, một nước trung lập khi đó, nơi có sứ quán Đức, đều bị cấm nhập cảnh. Tháng 4, gần như toàn bộ bờ biển phía nam nước Anh bị phong tỏa.

Không ai được ra hoặc vào các doanh trại mà không có giấy phép.

Chỉ những chỉ huy cấp cao mới được biết về chiến dịch đổ bộ, và bị hạn chế di chuyển kẻo rơi vào tay điệp viên của Đức.

Mọi thư từ của binh sĩ đều được đọc cẩn thận. Chỉ cần ngụ ý lờ mờ về trận đánh sắp tới cũng đủ khiến cho lá thư bị ách lại. Một anh lính viết cho cô bồ ở Paris, hẹn sẽ sớm gặp lại cô ở đó. Dĩ nhiên là thư này không tới tay người nhận.

Cơ quan phản gián làm việc có hiệu quả, nghe ngóng khắp nơi, rà soát tất cả các trang báo để tìm tin nhắn, tín hiệu gì đó.

Do biện pháp bảo vệ bí mật, vào cuối tháng 4 năm 1944 chỉ có vài trăm sĩ quan Đồng minh biết về Chiến dịch Overload. Nhưng vào tháng đó, bất chấp những cảnh báo của cơ quan phản gián rằng điệp viên đang hoạt động ở Anh, 2 sĩ quan cao cấp, một viên tướng Mỹ và một đại tá Anh bất cẩn vi phạm quy định an ninh.

Tháng 4 năm 1944, Thiếu tướng Henry Miller (sĩ quan hậu cần của Không đoàn 9 Mỹ) đến dự tiệc cocktail ở Khách sạn Claridge. Ông ăn nói lung tung, than phiền về những khó khăn trong việc cung cấp hàng hậu cần nhưng thêm rằng vấn nạn của mình sẽ kết thúc sau Ngày D, mà ông nói đó là ngày 15 tháng 6. Khi có người nói không tin, ông đòi đánh cược. Sáng hôm sau, Eisenhower biết chuyện và có động thái lập tức dù đó là bạn cùng khóa của mình ở West Point. Ông giáng cấp Milller xuống trung tá và đuổi ông ta về Mỹ – nỗi nhục khôn cùng đối với sự nghiệp của một người lính. Miller phản đối, nhưng Eisenhower không đổi ý. Ít lâu sau, Miller nghỉ hưu.

Vào tháng 5 có một vụ việc khác. Một sĩ quan Hải quân Mỹ uống rượu say ở một party và tiết lộ chi tiết của cuộc hành quân sắp tối kể cả khu vực, cách chuyển vận, quân số, và ngày. Eisenhower viết cho Marshall: “Tôi tức giận đối với sự kiện rủi ro không cần thiết như thế đến nỗi tôi có thể lấy làm vui mà bắn anh ta.” Anh này cũng bị đuổi về Mỹ.

Chỉ có một người làm lộ thông tin mật mà Eisenhower không có cách nào xử lý được. Vừa sau khi cuộc đổ bộ xảy ra, qua sóng vô tuyến Tướng Charles de Gaulle cho biết Ngày D là cuộc đổ bộ thật sự, có khả năng đánh động Đức quá sớm, trong khi Eisenhower đó chỉ là bước khởi đầu.

Một trong những tín hiệu đáng tình nghi phản gián Anh phát hiện là trong ô chữ trên nhật báo!

Sáng ngày 3 tháng 6 năm 1944, ở Thị trấn Leatherhead, Sury, Leonard Dave đang dắt chó đi dạo. Ông là nhà giáo dạy môn vật lý, sống đời trầm lặng, không giao du nhiều. Ông hẳn sẽ vô cùng kinh ngạc nếu biết rằng kể từ ngày 2 tháng 5 ông đã là đối tượng cho việc điều tra tối mật của bộ phận phản gián trong M.I.5. Trong vòng một tháng qua, các ô chữ của ông gây ra hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác trong Bộ Tư lệnh Đồng minh.

Vào ngày Chủ Nhật ấy, khi trở về nhà ông thấy hai nhân viên M.I.5 đang chờ mình. Cũng như mọi người, ông đã nghe về cơ quan an ninh này, nhưng ông có liên quan gì đến họ cơ chứ?

Một nhân viên bắt đầu cuộc tra vấn. “Ông Dawe ạ, trong tháng rồi, một số mật danh dùng trong hoạt động của Đồng minh xuất hiện trên các ô chữ của tờ Telegraph. Có thể nào ông cho biết điều gì khiến cho ông dùng những mật danh đó, hoặc ông lấy những mật danh đó từ đâu?”

Hóa ra là một số ô chữ của tờ Daily Telegraph mà Dawe là tác giả cho lời giải mang tên những mật danh được dùng trong chiến dịch đổ bộ lên Normandie:

  • 2 Tháng 5 năm 1944: Utah, tên một bãi đổ bộ, đáng lẽ được xem như sự trùng hợp ngẫu nhiên.
  • 22 Tháng 5 năm 1944: Omaha, tên một bãi đổ bộ khác – lại trùng hợp ngẫu nhiên hay sao?
  • 27 Tháng 5 năm 1944: Overlord, tên chiến dịch đánh Normandie.
  • 30 Tháng 5 năm 1944: Mulberry, tên bến cảng nhân tạo.
  • 1 June 1944: Neptune, tên giai đoạn hoạt động hải quân.

Dawe không biết họ đang nói gì về hoạt động của Đồng minh, thế nên ông bảo họ rằng ông không thể giải thích làm thế nào hoặc tại sao ông dùng những từ ngữ đó. Ông chỉ ra rằng đó là những từ thông dụng trong sách lịch sử. Ông phản đối: “Nhưng làm thế nào tôi biết được chữ gì đang được dùng làm mật danh và chữ gì không được dùng?”

Hai nhân viên M.I.5 cực kỳ lễ độ. Họ hiểu đó là điều khó. Nhưng có phải là kỳ lạ không khi những chữ đó xuất hiện chỉ trong vòng một tháng?

Dawe không thể giải thích việc dùng những từ ngữ đó, trong khi M.I.5 cứ nghi việc này là do gián điệp đưa tin cho Đức về chiến dịch đánh Normandie. Dawe chỉ biết rằng những ô chữ có liên quan đã được soạn thảo sáu tháng trước. Có giải thích gì không hả? Dawe chỉ có thể nói: đó là sự trùng hợp lạ kỳ.

Chỉ đến năm 1958, ông mới tiết lộ câu chuyện này trong một buổi phỏng vấn của đài BBC.

Đúng thật là không có lửa thì làm sao có khói! Phản gián Anh đa nghi tợn khi biết ngôi trường mà ông Dawe làm hiệu trưởng nằm kế một trại lính Mỹ và Canada đang chuẩn bị cho Ngày D, và an ninh quanh trại này có phần lỏng lẻo. Các học sinh và binh lính thường tiếp xúc với nhau, vì thế học sinh được nghe một số từ ngữ liên quan đến Ngày D. Dawe lại có thói quen kêu học sinh vào phòng ông để cho đáp án, từ đó ông ra đề bài. Vì thế mà các mật danh đi vào các đáp án ô chữ. Sau này, Dawe kể lúc đó ông không biết những từ ngữ đó là mật danh trong quân sự. Ông hỏi một học sinh rằng cậu lấy những từ ngữ đó ở đâu, và hết hồn khi thấy sổ tay của cậu này. Ông trách cứ cậu thậm tệ, ra lệnh đốt quyển sổ tay đó, đòi cậu thề trên quyển Kinh thánh về việc giữ bí mật quân sự và bảo vệ an ninh quốc gia.

Riêng Thiếu tá Terence Otway thuộc Sư đoàn 6 Không vận Anh muốn thử lính dưới quyền. Ông đưa phụ nữ xinh đẹp đang làm việc cho Không lực Anh trà trộn vào các quán ba thử moi tin tức từ đám lính. Không ai hở môi về kế hoạch đổ bộ.

Tarrant Rushton Su doan 6 Khong van chieu 6-6
Máy bay và tàu lượn thuộc Sư đoàn 6 Không vận Anh

Nhiều khi khó mà bảo mật được như ý muốn. Khi binh sĩ được lệnh đi ra bến cảng để xuống tàu, cư dân địa phương đổ ra giã từ. Một kỹ sư công binh trẻ của Mỹ, người được cho vào ở với một gia đình người Anh, kể lại: “Khi chúng tôi đi, họ khóc như thể họ là cha mẹ của chúng tôi vậy. Đó là điều làm cho chúng tôi cảm động. Có vẻ như dân chúng biết khá rõ về chuyện gì đang xảy ra.”Một binh sĩ Anh trong lực lượng thiết giáp kể: “Khi chúng tôi đi qua Southampton, cư dân đón chào nồng hậu. Mỗi khi chúng tôi dừng lại là bị tràn ngập bởi những tách trà và bánh ngọt, khiến cho lực lượng Quân cảnh hộ tống rất lo lắng, vì họ nhận lệnh nghiêm ngặt ngăn cản sự tiếp xúc giữa dân thường và binh lính.”

Cũng vì lý do bảo mật tối đa, mãi cho đến 5 giờ 30 chiều ngày 5 tháng 6, trên các con tàu đang tiến đến Normandie, các cấp chỉ huy bậc trung và bậc thấp của lục quân Đồng minh mới mở phong bì dán kín chứa lệnh hành quân.

Cho đến gần ngày khởi hành, phía Đồng minh vẫn chưa hết lo lộ bí mật. Đó là do sự vắng mặt của một số phóng viên ở tòa soạn của họ, vì họ đi theo hạm đội để săn tin.

Nhờ Anh đã vô hiệu hóa các điệp viên làm việc cho Đức, và cũng nhờ dân Anh có tinh thần yêu nước cùng ý thức cao, cho đến ngày trận đánh xảy ra phía Đức vẫn còn bị lừa do chiến dịch đánh lạc hướng của Đồng minh.

Điều nghiên

Trong khi tìm mọi cách đánh lạc hướng Đức, Đồng minh không quên điều nghiên cặn kẽ tình trạng thực địa nơi chiến trường dự kiến.

Thông báo của đài BBC kêu gọi tặng bưu thiếp in phong cảnh hoặc ảnh địa điểm du lịch thu được 10 triệu hình ảnh, một số tỏ ra hữu ích cho trận đánh Normandie.

Nhiều cư dân địa phương gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp giúp quan sát các công sự phòng thủ rồi vẽ ra sơ đồ và gửi đi bằng chim bồ câu. Tin tức rò rỉ, lính Đức bắn hạ một số chim bồ câu, từ đó truy bắt một số người và xử tử họ lập tức.

Từ tháng 4 năm 1944 cho đến sát ngày đổ bộ, Đồng minh phái trên 3.200 phi vụ chụp ảnh ở độ cao rất gần mặt đất để chỉ ra địa hình, vật cản, ụ pháo, lô cốt, giao thông hào… Việc này được thực hiện dọc dài cả bờ biển Châu Âu nên Đức không thể biết thật sự Đồng minh đang nhắm vào đâu. Bên trong đất liền, máy bay thám thính cũng chụp không ảnh những cầu cống, doanh trại và sở chỉ huy, trận địa pháo… trong nhiều trường hợp từ nhiều hướng khác nhau để cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt. Lực lượng kháng chiến Pháp cũng tỏ ra rất hữu ích khi cung cấp chi tiết cận cảnh – như vật liệu và cách thi công lô cốt – mà máy bay không thể phát hiện.

Tàu ngầm mini được điều đi thu thập dữ kiện về địa hình, địa chất bờ biển, hoặc tính chất hải dương học như độ sâu nước biển, triều và sóng. Người nhái lẻn lên các bãi đổ bộ dự kiến để thu mẫu cát, đo độ dốc và quãng đường mà người lính Đồng minh sẽ chạy lên từ tàu đổ bộ.

Một trong những người nhận nhiệm vụ điều nghiên các bãi đổ bộ từ năm 1943 là Thiếu tá Logan Scott-Bowden. Ngày 31 tháng 12 năm 1943 nhóm của anh đi trên một tàu ngầm bỏ túi tới Bãi Gold để lấy mẫu cát trên đáy biển. Thình lình Trung sĩ Ogden-Smith la lớn. Scott-Bowden kể lại: “Tôi ngỡ anh ta bị chuột rút hay bị gì đó, nhưng khi tôi đến gần anh chỉ la to ‘Chúc mừng năm mới!’ Hắn là một thằng cha tốt, một anh bạn tuyệt vời. Tôi chửi thề, rồi cũng chúc mừng năm mới cho anh ta.” Hóa ra là họ thấy cát ở đây có thể chịu được tải trọng cần thiết.

Vào mùa đông ấy, Scott-Bowden đi điều nghiên Bãi Juno và Bãi Gold. Đôi lúc họ đặt chiếc tàu ngầm bỏ túi trên đáy biển ở độ sâu của kính tiềm vọng để chụp ảnh và định tọa độ. Anh giải thích:

“Chúng tôi có thể thấy nhiều thứ qua kính tiềm vọng mà không ảnh thiếu thể hiện. Đó là công việc rủi ro, bởi vì nếu có người trên tàu ngầm cử động không đúng cách trong khi tàu đậu trên bãi biển có sóng, con tàu có thể mất thăng bằng mà lật cái bụng lên, hoặc nghiêng phần đuôi lên, đại loại như vậy, cho nên ai nấy phải rất cẩn thận.”

Cuối tháng 1 năm 1944, Scott-Bowden được gọi đến tổng hành dinh COSSAC lúc đó nằm dưới SHAEF. Anh trình diện với Đô đốc Ramsay, Tướng Bradley, Tướng Smith, bốn vị tướng khác, và thêm năm tướng hải quân. Phó đề đốc George Creasy (tham mưu trưởng của Ramsey) kéo các màn cửa rồi nói: “Bây giờ, hãy miêu tả chuyến thám thính của anh.”

Scott-Bowden nhìn tấm bản đồ. Nó quá nhỏ, quá chung chung. “Thưa ngài, tôi e rất khó mà cho chi tiết từ đây.”

Creasy trả lời: “À, ta có một bản đồ khác ở dưới kia, có thể tốt hơn.” Thế là anh thiếu tá đi theo ông qua một gian phòng rộng, nhìn lên tấm bản đồ đang treo ở đó, cho biết là dùng được. Creasy kêu lên: “Này quý vị ơi, đến đây, mang theo ghế ngồi.” Trong khi các ông tướng đủ quân binh chủng nhấc lấy ghế ngồi của họ đi đến, Scott-Bowden nghĩ thầm: “Trời ơi, trời ơi, mình bắt đầu hỏng bét rồi.”

Anh kể:

“Tôi chưa từng đối diện với một rừng sao như vậy, nên tôi trình bày va vấp. Rồi họ hỏi tôi tới tấp cả giờ. Các ông hải quân không chú ý, nhưng Tướng Bradley quan tâm. Ông hỏi liệu xe tăng Sherman có thể chạy trên luồng này hoặc luồng kia hay không. Tôi nghĩ đến xe cút-kít có hai bánh nên trả lời có thể được. Và cứ như thế.”

Khi các vị tướng không còn gì để hỏi, Scott-Bowden xin có ý kiến. Anh nói với Bradley: “Nếu ngài không phiền tôi nói điều này, bãi đổ bộ của ngài với những vật cản kinh khủng lại còn bị súng bắn dọc bắn ngang cùng khắp, thì thật sự sẽ có nhiều khó khăn.”

Bradley vỗ vai Scott-Bowden và trả lời: “Vâng, tôi biết, chàng trai ạ, tôi biết.”

Huấn luyện

Công tác huấn luyện được thực hiện chỉn chu bắt đầu từ tháng 7 năm 1943. Mỗi đơn vị được huấn luyện theo nhiệm vụ cụ thể do huấn luyện viên có kinh nghiệm phụ trách. Trong nhiều tháng đặc công Anh huấn luyện việc dùng thang leo và dây thừng bắn lên bằng súng cối cho Biệt động quân lĩnh nhiệm vụ leo lên dốc đứng ở Pointe du Hoc.

Đồng minh cũng tổ chức huấn luyện đổ bộ với đạn thật ở Scotland, huấn luyện cho hải quân ở Bắc Ireland, diễn tập cho các đội quân y ở London để biết cách đối phó với số lượng lớn lính bị thương. Lính nhảy dù thực tập ngoài thực địa, kể cả một chuyến thả dù lớn ngày 23 tháng 3 năm 1944 dưới sự chứng kiến của Churchill, Eisenhower và các cấp chỉ huy khác.

Linh My voi bazooka huan luyen cho Omaha
Lính Mỹ tập trận ở Anh trên địa hình tương tự Bãi Omaha

Huấn luyện có cái giá mà mọi người phải chấp nhận để giảm thiểu tổn thất cho đoàn quân nói chung. Đó là trường hợp của vùng Slapton ở Devon. Tháng 12 năm 1943, chính quyền yêu cầu 3.000 cư dân ở đây dời đi mà không cho biết lý do. Eisenhower muốn chương trình huấn luyện được bảo mật và thể hiện điều kiện thật đến mức có thể. Bờ biển ở đây có sỏi thô, bên trong có dốc đứng rồi đến một hồ nước – các điều kiện tương tự như ở Bãi Utah. Trong mùa xuân năm 1944, đây là nơi hàng chục nghìn lính Mỹ dùng làm địa điểm huấn luyện và diễn tập đổ bộ kể cả cách xử lý vật cản và mìn. Các vị trí quân địch kể cả lô cốt bằng bê-tông được dựng lên để dùng làm hiện trường diễn tập cho từng đội 30 người được trang bị súng cối, súng máy, súng bazooka, súng phun lửa… Mục đích là nhằm mô phỏng Ngày D giống như thật. Quân đổ bộ dùng tàu đổ bộ y như loại sẽ dùng ở Normandie, và xuất phát cùng bến cảng nơi họ sẽ xuất phát. Họ sẽ nhìn, nghe và ngửi điều kiện y như thật. Người lính nếm trải những điều kiện của cơn say sóng, quân phục đẫm nước biển, áo phao vướng víu, chạy qua những hố sỏi thô, chung quanh là đạn thật bắn chi chít… giống như trong Ngày D.

Thế rồi thảm họa xảy ra trong Diễn tập Tiger dưới sự chỉ huy của Phó đề đốc (tướng 1 sao) Don P. Moon thuộc Hải quân Mỹ. Ông này sẽ chỉ huy Lực lượng Tấn công (Assault Force) “U”, là hải đoàn vận chuyển Quân đoàn VII đến Normandie trong Ngày D.

Rạng sáng ngày 28 tháng 4, hải đội tám chiếc tàu đổ bộ tăng LST chở đầy người, xe lội nước, xe jeep, thiết bị nặng… đang di chuyển để diễn tập đổ bộ. Khinh tốc đỉnh E-boat của Đức đang rình rập trong vùng biển này bắt được sóng vô tuyến của nhóm diễn tập nên phát hiện ra đoàn tàu. Do có nhầm lẫn về quân lệnh, quân Mỹ ngoài biển dùng tần số vô tuyến khác với bộ chỉ huy hải quân Anh trên bờ, nên không có thông tin cho nhau. Các ổ súng trên bờ nhận ra mối đe dọa nhưng đã nhận lệnh không được bắn kẻo làm lộ vị trí. Đoàn tàu gửi tín hiệu “E-boat tấn công” nhưng vô ích. Không có cảnh báo gì cả, một loạt ngư lôi và hàng loạt đạn 20 li bắn trúng họ. Ba chiếc LST trúng ngư lôi, hai chiếc chìm. Không có thời giờ để hạ bè cứu sinh xuống. Các tàu còn lại nhận lệnh chạy tản ra để mong tránh thoát những quả thủy lôi kế tiếp. Nhưng làm như thế họ không thể cứu những người đã rơi xuống biển. Vào thời gian này trong năm nước biển rất lạnh, người lính lại chịu trọng lượng lớn của quân trang và quân cụ. Họ lại mang áo phao không đúng cách khiến cho mặt và ngực của họ úp xuống dưới nước. Họ chết đuối nhanh chóng. Chỉ có một tàu hộ vệ duy nhất, chiếc Azalea thì không kịp phản ứng và không thể đuổi theo tàu Đức đang tẩu thoát với vận tốc nhanh gấp ba.

Những lính Mỹ thoát được lên bờ lại trúng phải đạn pháo từ chiếc tuần dương hạm Hawkins của Anh và hỏa lực bạn từ trên bờ. Đúng là một cuộc tàn sát. Sự việc này không hề được giải thích, thậm chí cho đến ngày nay vẫn không được Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn nhận (Gore-Langton, 2014).

Con số chính thức là 749 người chết; hàng trăm người khác bị thương do bị phỏng và cóng lạnh. Tổn thất thuộc về Quân đoàn VII sẽ đổ bộ lên Bãi Utah. Đó là tổn thất của quân Mỹ tồi tệ nhất kể từ Trân Châu Cảng..

Vì lý do bảo mật, những người biết về thảm họa này không được tiết lộ gì cả. Thậm chí nhân viên y tế không được cho biết nguyên nhân gây thương tích. Dĩ nhiên là các cơ quan truyền thông không được phép đưa tin. Người chết được nhanh chóng an táng hoặc đưa về nước.

Có nỗi lo là phía Đức phát hiện được chi tiết về cuộc diễn tập. May mắn là các thủy thủ E-boat nghĩ họ đã phục kích một đoàn tàu hàng.

Ngày 5 tháng 8 năm 1944 Phó đề đốc Don Moon tự sát. Ông chỉ huy Lực lượng Tấn công (Assault Force) “U”, là hải đoàn chở Quân đoàn VII đến Normandie trong Ngày D, hai tháng trước. Lý do chính thức được đưa ra là mỏi mệt tinh thần do chiến trận.

Tập kết

Người ta khó nhận ra tầm mức của Trận Normandie bởi vì khó thấy được tổng thể dòng người và khí tài khổng lồ đổ tới tấp vào Anh quốc.

Cầm đầu Chiến dịch Bolero cung ứng hậu cần là Thượng tướng Mỹ John Lee đầy kinh nghiệm. Eisenhower ca ngợi tài quản trị của ông này vì chỉ trong hai năm, giữa 1942 và 1944, Lee đã biến nước Anh thành một căn cứ hậu cần khổng lồ, một bãi tập kết khổng lồ. Vì Đồng minh đã làm chủ được đường biển Đại Tây Dương sau khi đánh đuổi tàu ngầm Đức, tàu thuyền nườm nượp chở hàng qua đường này mà không bị ngăn trở. Chỉ trong vòng tháng 5/1944, có tới 1,9 triệu tấn hàng được đưa đến Anh quốc. Hệ thống xe lửa của Anh không kham nổi việc chuyển vận tấp nập, vì thế Mỹ đưa qua hàng nghìn đầu máy và hàng chục nghìn toa xe, lại xây hàng trăm kí-lô-mét tuyến đường sắt mới.

Ở nhiều thị trấn và ngôi làng, số người nước ngoài tham gia vào chiến dịch áp đảo số cư dân. Rạp chiếu phim, khách sạn, nhà hàng, sàn nhảy và quán rượu tràn ngập người đến từ hàng chục nước Đồng minh, nói dăm bảy thứ tiếng. Cảnh tượng gây kinh ngạc nhất là những thung lũng với hàng dài đường xe lửa: gần 1.000 đầu máy mới và gần 20.000 toa chở dầu, chở hàng sẽ được dùng thiết lập để thay thế các phương tiện ở Pháp bị Đức phá hủy.

pre_Boc do xe dap o cang Anh (HistoryLink101)
Bốc dỡ xe đạp ở cảng Anh

Sân bay mọc lên khắp nơi. Các bến cảng san sát những tàu thuyền và đầy ứ những đống hàng hậu cần, từ cơ giới nặng cho tới xe đạp và dây kẽm gai.

prep_Boc do day kem gai (IWM).jpg
Tập kết dây kẽm gai
Dua phao xuong tau do bo Cang Brixham 01-Jun (Nehez)
Đưa pháo xuống tàu đổ bộ ở Cảng Brixham

Phụ nữ tham dự vào nhiều loại hình công việc. Nhiều người là quân y tá, nhiều người khác đảm nhận các công tác tình báo, thư ký, trợ lý trung tâm điều hành chiến sự, thông tin giải mã, cơ khí quân cụ, làm phóng sự, sửa và xếp dù, thậm chí đóng tàu hải quân, v.v.

Phu nu Khong luc Anh va & xep du Khong van (IWM)
Phụ nữ Không lực Anh vá và xếp dù cho lính không vận

Từng sư đoàn chiến binh được cho trú ngụ trong lều bạt san sát nhau. Lối đi được lát sỏi, và người lính được lệnh đi đúng trên những lối đi đó để không ảnh của máy bay trinh thám Đức không chỉ ra những lối đi mới. Xe cộ đậu sát những hàng rào cây xanh. Mọi thứ đều được ngụy trang dưới lưới dã chiến. Không được đốt lửa ban đêm cho dù tiết trời đang lạnh ở Anh.

Các loại xe cộ được chống thấm. Tất cả bộ phận cơ động được bảo vệ bởi Cosmoline, một loại mỡ nhằm chống thấm và ngăn chặn rỉ sét do nước biển. Bộ chế hòa khí của xe jeep, xe tải và tăng được gắn ống thu không khí. Trung úy Ralph Eastridge của Sư đoàn 19 cho biết: “Tài xế và xạ thủ không được sơ sót, nếu không xe sẽ chết máy vào lúc gay cấn khi chạy xuống đường dốc và tiến lên bãi biển. Xạ thủ cẩn thận dùng vải nhựa bao nòng súng và bịt kít rìa bằng xi măng cao su. Lính truyền tin dùng túi cao su để bọc máy vô tuyến.”

Hàng triệu bao cao được phân phát. Một số lớn được sử dụng một cách thực tiễn theo cách khác. Lính bộ binh dùng bao cao su bọc lấy họng súng M-1 của họ nhằm ngăn cát và nước. Hàng trăm binh sĩ cho đồng hồ vào bao cao su rồi cột miệng bao lại; điều không may là bao cao su không đủ lớn để chứa ví tiền. Trinh sát đi trong tàu ngầm bỏ túi lên bờ biển Normandie lấy mẫu cát rồi cho vào bao cao su.

Người lính được cấp túi trốn thoát phòng khi bị bắt. Gồm có một cái dũa để may vào vạt áo, một nút quần bằng đồng đen được nam châm hóa để dùng làm la bàn, một khăn quàng cổ bằng lụa có bản đồ Pháp, viên thuốc khử trùng nước uống, và các đồng quan Pháp. Howard nói: “Mấy thứ này làm cho lính rất mừng. Tôi chưa từng thấy món nào đơn giản đến thế lại gây phấn khích đến thế.”

Mỗi người lính nhận vũ khí mới toanh. Các khẩu súng trường và súng máy đã được bắn thử và chỉnh cho chính xác. Đạn được phát không giới hạn để tập bắn. Lưỡi lê và dao dã chiến được mài bén.

Riêng lính dù, vì không có pháo và ngoài tầm yểm trợ của hải quân, muốn mang theo càng nhiều đạn càng tốt. Không ai muốn đối diện lính Đức với khẩu súng hết đạn. Lính dù còn được phát dăm ba quả lựu đạn chứa chất nổ C2 chống tăng mà họ gọi là “pháo cầm tay”. Họ còn đốt C2 trong hố cá nhân để hâm nóng cà phê hoặc thức ăn mà không tạo ra khói. Lính dù chiến đấu xa doanh trại nên phải mang đủ thức ăn kể cả các thỏi chocolat để cầm hơi khi không kịp ăn cho ra bữa. Lại có túi cứu thương chứa đủ băng bông, thuốc men này nọ và hai ống morphine mà lính đùa “một cho cơn đau và hai cho vĩnh hằng.” Mang đủ mọi thứ nên hành trang của lính dù nặng hơn lính các quân binh chủng khác. Điều này sẽ càng gây nguy hiểm khi họ rơi xuống đầm nước, bãi sình với sức nặng 40-45 kg trên lưng.

Người lính nào cũng ghét quân phục được cấp phát. Loại vải đó bí hơi, vì thế họ bị lạnh ban đêm, đổ mồ hôi ban ngày, và luôn hôi hám.

Người lính chấp nhận cảnh sống thiếu tiện nghi với đầy ruồi nhặng và tuân thủ chặt chẽ quy định phòng cháy nổ, nhưng bù lại họ được cung cấp nhu yếu phẩm dồi dào và có khẩu ăn đầy đủ hơn dân Anh: bít-tếch, trứng, bánh táo, thậm chí kem lạnh đều đầy đủ, tha hồ đến no nê thì thôi. Chỉ riêng việc nuôi ăn hàng trăm ngàn người đã là một công tác đồ sộ. Quân Mỹ phải tuyển mộ và huấn luyện 4.500 đầu bếp mới.

Lính được phép bài bạc và đó là môn giết thời giờ mà họ thích. Bài bạc diễn ra suốt ngày. Tiền thắng thua của mỗi người lên cả ngàn đô – là một tài sản đáng kể lúc bấy giờ.

Phòng chiếu phim được dựng lên trong doanh trại, có bỏng ngô và kẹo miễn phí, phim Hollywood mới nhất được chiếu liên tục. Cũng có thư viện chứa sách bìa mềm, và người lính có thể tìm sách để tìm hiểu về nước Pháp hoặc học tiếng Pháp.

Binh si Su doan 3 o Emsworth 29-May (IWM)_2
Lính Sư đoàn 3 xem sách về nước Pháp

Có một ít bia trong bữa ăn nhưng rượu mạnh thì không có. Một số binh sĩ lẻn ra ngoài tìm đến những quán rượu để giải cơn ghiền, nhưng quân cảnh nhanh chóng tóm được.

Trong các buổi thuyết trình, binh sĩ được cho biết trước khi đổ bộ sẽ có trên 1.000 oanh tạc cơ làm nhiệm vụ. Tàu chiến sẽ bắn tung mọi thứ – lô cốt, pháo, súng cối, hàng rào dây thép gai. Mọi thứ sẽ tan tành – Khỏe re! Người lính đổ bộ không biết được rằng các cuộc pháo kích khó bắn tung lô cốt của Đức, và thứ đáng sợ nhất trong các lô cốt là súng đại liên MG 42. Vào thời điểm này, đây là loại đại liên hiện đại nhất thế giới, có thể bắn 1.200-1.500 phát mỗi phút so với 450-600 phát mỗi phút của đại liên phía Đồng minh. Ở Bãi Omaha có 5 khẩu MG 42, và lính Mỹ đang mệt rã rời vì say sóng đối mặt với 125 viên đạn mỗi giây bay tới họ với vận tốc gần 1 mét mỗi giây.

Từ sĩ quan cấp thấp đến hạ sĩ quan và binh nhì được khuyến khích nghiên cứu sa bàn hoặc bản sao thu nhỏ các mục tiêu, và họ bỏ nhiều tiếng đồng hồ quan sát và trao đổi. Họ cũng được cấp hình ảnh – có khi mới được chụp vài giờ trước cho thấy tiến độ xây dựng mới nhất của Bức tường Đại Tây Dương.

Có nhiều buổi thuyết trình chỉ dẫn cặn kẽ. Một sĩ quan cảnh cáo: “Phi công thả tàu lượn khi chiế C-47 đi đầu bắt đầu rẽ trái để quay lại bờ biển. Nếu phi công C-47 nào cắt tàu lượn quá sớm thì bay luôn đi, đừng về gặp tôi.”

Một phi công tàu lượn đặt câu hỏi thật ngây thơ: “Sếp, khi đáp xuống rồi thì chúng tôi sẽ làm gì?”

Viên sĩ quan sửng sốt. Suy nghĩ một lúc, anh ta thú nhận: “Tôi không biết. Chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc này.” Tiếng cười âu lo vang lên rồi một phi công tàu lượn khác đáp thay: “Chạy cho nhanh!”

Su doan 6 Khong van nghe chi dan 4-5 Apr (IWM)_2

Một khi đã dự thuyết trình, binh sĩ bị nhốt chặt trong doanh trại và không được liên lạc với bên ngoài. Quân cảnh tuần tra trong ngoài, không ai được vào nếu không qua kiểm tra giấy tờ, không ai được ra nếu không có lệnh. Hạ sĩ Cyril Heandry, lính tăng Anh, kể người cha của anh qua đời ngày 1 tháng 6 và an táng ngày 3 tháng 6, và “tôi không được phép về dự lễ tang, nhưng em tôi trong quân đội đóng ở Damascus được đi máy bay về nhà cho lễ tang.”

Sau buổi thuyết trình, binh sĩ yêu cầu hành lễ tôn giáo nhiều hơn. Các sĩ quan tuyên uý luôn bận rộn

Thieu ta Edward Waters Tuyen uy Cong giao o Weymouth linh Omaha (IWM)
Thiếu tá Tuyên úy Công giáo Edward Waters hành lễ ở Weymouth cho lính Mỹ

Khi đến giờ tập trung, từ các doanh trại, binh sĩ đi bộ hoặc đi bằng xe tải đến các vị trí tập kết, và giao thông trở thành một chiều nhưng vẫn kẹt cứng. Tàu vận tải và tàu đổ bộ san sát nhau ở các bến cảng Bournemouth, Eastbourne, Plymouth, Portsmouth, Southampton, Torquay, và Weymouth.

Lực lượng kháng chiến Pháp

Các hoạt động chuẩn bị trên đất Pháp cũng cấp tập tuy rằng theo hình thức khác. Trong vùng bị chiếm, phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp, với sự yểm trợ của các điệp viên người Anh, dấy lên một làn sóng hoạt động kháng Đức.

Vào mùa xuân 1944, lực lượng kháng chiến Pháp có khoảng 350.000 người, trong số đó khoảng 100.000 người có súng nhưng chỉ 10.000 người có đạn. Đóng góp chính yếu của họ cho Trận đánh Normandie là về tình báo và phá hoại. Công nhân đường sắt đóng vai trò đáng kể trong hai mặt đó. Có thể ước lượng sức mạnh của một sư đoàn Đức qua số toa tàu dùng để vận chuyển sư đoàn. Lấy ví dụ, các công nhân đường sắt báo cáo Sư đoàn 12 Thiết giáp có sức mạnh gần đến tối đa bởi vì cần đến 84 toa tàu. Công nhân cũng tham gia phá hoại, làm xe lửa trật đường ray trong đường hầm vì khó khắc phục sự cố trong đó. Các cần cẩu hạng nặng là mục tiêu chính cho việc phá hoại và không kích. Các đầu máy ở các ga cùng thường bị làm cho nổ tung.

Công nhân đường sắt Pháp bị Đức trả thù nặng nề. Hàng trăm người bị xử tử, 3.000 người bị đưa vào trại giam. Lái tàu cũng bị nguy hiểm vì không kích của máy bay Đồng minh. Nhẹ nhàng thì thợ bẻ ghi chỉ làm cho con tàu đi chệch qua hướng khác, mất nhiều thời giờ mới quay lại được mà đi tiếp. Đức phải điều công nhân đường sắt của họ đến thay, nhưng hoạt động phá hoại vẫn tiếp tục.

Lực lượng kháng chiến cũng rải đinh trên các tuyến đường bộ, ngăn trở khá hữu hiệu sự di chuyển của quân Đức.

Họ cũng tìm ra những đường cáp ngầm mà quân Đức sử dụng. Việc phá hoại này có lợi điểm khác mà họ không biết: quân Đức phải dùng sóng vô tuyến và do đó bị giải mã.

Lao công người Pháp bị quân Đức bắt đi làm lao động đếm bước đi giữa các công sự phòng thủ hoặc vật cản, và ghi nhận sự di chuyển của quân được. Họ cũng cung cấp thông tin về những bãi mìn thật và giả. Khi Đức thông báo vùng cấm đánh cá để họ thực tập bắn pháo dọc bờ biển, họ báo cáo phạm vi cấm để từ đó Đồng minh tính được tầm bắn của pháo.

Lực lượng Kháng chiến Pháp cung cấp thông tin quý báu về các tuyến đường xe lửa, cầu, cửa kênh… Một số máy phát sóng phát từng chuỗi tín hiệu không theo quy luật nào về giờ giấc, mẫu tự, nhịp điệu… nhằm đánh lừa các nhóm truy tìm của Đức.

Guillaume Mercader là một vận động viên xe đạp có thành tích khi Thế chiến 2 bùng nổ. Anh gia nhập Binh đoàn Lê dương Pháp rồi giải ngũ vào năm 1940. Anh trở về quê nhà ở Bayeux và mở một cửa hiệu xe đạp trong khi gia nhập lực lượng kháng chiến. Nhờ thành tích thể thao làm vỏ bọc, anh chiếm lòng tin của Mật vụ Đức tại địa phương để thuyết phục họ cho phép anh dùng con đường dọc bờ biển để huấn luyện môn xe đạp. Nhờ đó anh ghi nhận vị trí và kích cỡ của từng lô cốt, công sự ngầm và ổ pháo của Bức tường Đại Tây Dương rồi cung cấp thông tin cho lực lượng kháng chiến, qua đó Đồng minh nhận được.

Không quân Anh đã điều nhiều máy bay chụp không ảnh, nhưng vẫn cần lực lượng kháng chiến luôn làm việc cật lực để thu thập thông tin tình báo mới nhất về việc gia cố ở từng công sự phòng thủ, về sự di chuyển của quân Đức. Một trong những tin đó là do trưởng phân khu Jean Marion gửi đi. Ông báo rằng trận địa pháo lớn trên đỉnh vách đá Pointe du Hoc vẫn chưa được bố trí. Chúng vẫn còn đang ở trên đường, cách vị trí này 3 kí-lô-mét. Đồng minh không nắm được thông tin này bời vì bồ câu mang tin báo bị lính Đức bắn hạ. Kết quả là vào ngày đổ bộ Biệt động quân Mỹ quả cảm vẫn cố leo lên vách đá dựng đứng nhằm nhằm khoá họng những khẩu pháo chưa bao giờ ở đó.

Các nhóm kháng chiến có hẹn ước về mật mã báo tin qua các “tin nhắn cá nhân” trên đài BBC để biết khi nào cần cắt ngay các đường cáp điện thoại, khi nào cần tấn công tất cả đường thông tin, khi nào cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu trong 24 giờ tới…, để ngay sau đó họ tỏa ra đặt mìn các tuyến xe lửa, phá hủy cột điện thoại, làm hướng đạo cho quân Đồng minh… Đó là nhờ Đồng minh đã thả dù vũ khí và chất nổ cho họ. Theo sự dàn xếp trong vòng bí mật, tin báo được truyền qua đài BBC bằng câu từ tối nghĩa mà trên đất Pháp chỉ có lực lượng kháng chiến hiểu được. Điều không may là Quân báo Đức mua chuộc được người của lực lượng kháng chiến, vì thế họ cũng hiểu được tin báo. Điều may cho Đồng minh là các chỉ huy quân sự Đức không tin Quân báo của họ!

Khoa học và Kỹ thuật

Năm 1928 Alexander Fleming  phát hiện ra kháng sinh penicillin. Đến năm 1943, sau những thử nghiệm penicillin cho thấy công dụng kháng vi trùng. Sau đó Anh quốc sản xuất đại trà loại kháng sinh này. Có lúc người bị thương được tấp nập đưa đến các quân y viện dã chiến. Đội ngũ quân y chỉ việc rắc bột Penicillin lên vết thương để làm cho nhanh. Họ cho biết penicillin cứu sống khoảng 15% lính bị thương nặng.

Chiến dịch Overlord có những yêu cầu về công nghệ đặc thù. Vì thế, nhiều sáng kiến được phát huy nhằm đáp ứng những yêu cầu về công nghệ. Dưới đây là một số nổi bật.

Xe kỳ khôi

Đây là tên chỉ chung một số kiểu xe tăng do Percy Hobart cải tiến. Ông này là Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 79 Thiết giáp của Anh, luôn trăn trở làm thế nào để cải tiến xe tăng nhằm hoạt động trong những điều kiện ngặt nghèo khi đổ bộ lên Normandie. Kết quả là một số kiểu xe tăng cải tiến được gọi là Xe kỳ khôi của Hobart (Hobart’s Funnies). Đó chỉ là gọi đùa, bởi vì các kiểu cải tiến tỏ ra đắc dụng, ví dụ như 5 kiểu dưới đây.

Bobbin: kiểu xe tăng mang phía trước cuộn vải bạt được gia cố thép rộng 3,3 mét, khi gặp đất mềm thì trải ra để cơ giới đi sau không bị lún.

Funny_Bobbin
Xe tăng Bobbin

Fascine: kiểu xe tăng mang phía trước những bó cọc gỗ cột với nhau bằng dây kẽm, dùng để lấp xuống mương chống tăng. Ở giữa các bó cọc gỗ có những ống nước cho nước trong mương chảy qua.

funny_Fascine
Xe tăng Fascine

ARK: chữ tắt của armoured ram carrier (xem bọc thép mang đường dốc): kiểu xe tăng được gỡ bỏ nóc tháp, thay vào đó là hai đường dốc lắp vào phía trước và phía sau. Xe loại khác có thể đi lên đường dốc và xe bọc thép để vượt qua vật cản hoặc bờ tường.

funny_ARK
Xe tăng ARK

Xe tăng DD: kiểu xe tăng có động cơ quay chân vịt khi ở dưới nước, và quay bánh xích khi lên bờ. Phao bằng vải bạt giúp xe tăng nổi trên mặt nước mà vẫn chở đủ cơ số đạn. Khi lên bờ, phao được tháo ra và xe tăng vận hành đầy đủ chức năng. Cả quân Anh và quân Mỹ đều dùng loại xe tăng này ở Normandie, thường được biến cải từ tăng Sherman.

Funny_DD 2
Xe tăng DD ShermanTrên: khung vải bạt được căng lên, động cơ vận hành chân vịt. Dưới: khung vải bạt được xếp xuống, động cơ vận hành bánh xích.

Xe tăng AVRE: Xe tăng Churchill được trang một súng cối Petard 290 li bắn đầu đạn 18 kg đi xa được 72 mét. Hữu dụng để phá bê-tông, hàng rào dây thép gai, bờ đất…

funny_AVRE
Xe tăng AVRE

Tàu lượn Horsa

Lớn hơn cả vận tải cơ C-47 Dakota (còn được gọi là Skytrain), tàu lượn Horsa được sử dụng nhiều trong Trận Normandie để chuyển vận binh sĩ và hàng hậu cần. Tàu lượn được máy bay kéo bằng một dây cáp. Khi đến gần mục tiêu, máy bay cắt dây cáp để phi công trên tàu lượn nương theo trớn mà lái đáp xuống đất. Bằng cách này, tàu lượn Horsa có thể đưa 30 binh sĩ được trang bị đầy đủ hoặc gần 7 tấn quân cụ đến địa điểm mà máy bay không thể đưa đến được hoặc không có đủ sức chở.

Horsa_2
Tàu lượn Horsa

 

Waco 2
Tàu lượn Waco

Tàu lượn Waco của Mỹ nhỏ hơn, chỉ chở được 13 binh sĩ được trang bị đầy đủ, hoặc một chiếc Jeep và một khấu pháo 75 li. Nhờ kích thước nhỏ, tàu lượn Waco có thể đáp xuống địa hình chật hẹp hơn so với Horsa của Anh.

Bến cảng Mulberry

Đây là một công trình kỹ thuật khổng lồ tạo nên một bến cảng tạm nhằm nhanh chóng đưa số lượng lớn quân nhu và quân cụ nặng lên bờ. Trong khi quân Đồng minh chưa chiếm được bến cảng nào của Pháp hoặc nếu chiếm được thì có thể Đức đã phá hủy nặng nề, họ cần ngay một bến cảng tạm nhằm tiếp nhận tàu lớn cặp bến ở vùng nước sâu (ít nhất 6,7 m). Các nhà lãnh đạo Anh quốc cho rằng khi chưa chiếm được cảng nào ở Pháp thì mang cảng từ Anh sang! Những thành phần của một bến cảng Mulberry được chế tạo ở Anh trong 5 tháng và được lắp ráp ở bãi biển Normandy trong 12 ngày. Bến cảng có tầm cỡ tương đương Cảng Dover, và cần đến 7 năm để xây dựng cảng này. Tuy so sánh giữa cảng vĩnh cửu và cảng tạm thời là khập khiễng, người ta phải công nhận bến cảng Mulberry là một công trình kỹ thuật tuyệt vời.

Mulberry_Che tao khung o Rotherhithe Apr-44 (IWM)
Mulberry: Chế tạo khung ở Rotherhithe, tháng 4/1944

Bến cảng Mulberry có bến tàu nổi (lên xuống theo mức triều) để tiếp nhận hàng xa bờ, cầu tàu nổi (cũng lên xuống theo mức triều) nối với bờ, và đê chắn sóng được tạo từ khung hộp bê-tông và tàu cũ được nhận chìm.

Các thành phần của bến cảng Mulberry được bí mật chế tạo ở Anh quốc, rồi được tàu kéo đến ngoài khơi bãi biển Normandy để lắp ráp. Các khung hộp “Phoenix” bằng bê-tông được đúc ở các cảng biển rồi được tàu dắt đến bờ biển Normandy và được nhấn chìm để tạo đê chắn sống.

Mulberry_Cau tau
Mulberry: Cầu tàu

Các bộ phận của cầu tàu được thiết kế kỹ nhằm linh động di chuyển theo con triều và dòng hải lưu, đặt trên những pontong rỗng tên “Beetle” được neo xuống đáy biển.

Hai bến cảng Mulberry được lắp ráp ở Bãi Omaha và Bãi Gold. Bãi thứ nhất bị hư hại nặng sau một cơn bão mạnh cuối tháng 6 nên không còn sử dụng được, còn bãi thứ hai hoạt động trong 10 tháng, tiếp nhận 2,5 triệu người, 500.000 xe các loại và 4 triệu tấn hàng.

Mulberry_Bai Gold air view
Bến cảng Mulberry ở Bãi Gold, đi lên Arromanches

Tàu hàng lớp Liberty

Trong Chiến dịch Overlord, đa số tàu hàng thuộc lớp Liberty, là lớp tàu được sản xuất nhiều nhất: 2.710 chiếc được sản xuất tại Mỹ trong giai đoạn 1941-1945. Do sử dụng các bộ phận tiền chế và áp dụng phương pháp sản xuất theo dây chuyền, tàu được sản xuất rất nhanh, trung bình 42 ngày mỗi chiếc (kỷ lục nhanh nhất chưa đến 5 ngày), phục vụ đắc lực trong Thế chiến 2.  Trong Trận Normandie, mỗi tàu có thể chở 480 binh sĩ và 120 xe quân đội. Cũng vì giá thành rẻ và nhiệm vụ đã hoàn tất, nhiều chiếc lớp Liberty bị đánh chìm để làm đê chắn sóng, còn ít tốn kém hơn là đúc những khối bê-tông cốt thép ở Anh rồi kéo đến Normandie.

Tàu hàng lớp Liberty được ca ngợi là loại tàu giúp Đồng minh thắng cuộc chiến.

Tau lop Liberty 2
Tàu hàng lớp Liberty

o O o

Đúng thật là tàu hàng không chỉ dùng để vận chuyển. Một số tàu sau khi kết thúc nhiệm vụ này được đánh chìm để làm đê chắn sóng. Lợi ích việc này mang lại cao hơn giá trị còn lại của con tàu.

Danh chim 13 Liberty ship tao de chan song Omaha
Đê chắn sóng ở Bãi Omaha gồm 13 tàu Liberty được đánh chìm

Vào tháng 2 năm 1944, chiếc tàu hàng SS Audacious (không rõ thuộc lớp tàu gì) với thủy thủ đoàn dân sự được trưng dụng để chở hàng cung cấp cho nước Anh. Sau khi đổ hàng ở Liverpool, người ta cắt những lỗ hỗng giữa các khoang hàng hóa rồi nhồi chất nổ vào. Tàu được lệnh đi Scotland để nằm chờ. Sau 2 tháng, khoảng 2.000 quân Mỹ được lệnh lên tàu, rồi con tàu gia nhập hạm đội khổng lồ, đến bãi biển Normandie sau nửa đêm ngày 6 tháng 6.

Một người trong thủy thủ đoàn dân sự kể lại:

“Bầu không khí đầy tiếng súng. Chúng tôi đậu tàu gần một tuần dương hạm đang nã đại bác lên bờ biển. Nhiều tàu hải quân đang bắn lên bờ biển và bắn vào trong sâu. Nhiều máy bay trên không yểm trợ hạm đội. Tôi thấy nhiều máy bay nổ tung mà không biết máy bay bên nào.

“Các tấm lưới được thả xuống từ tàu SS Audacious, một số tàu đổ bộ chạy đến cặp bên hông để đón lính Mỹ leo xuống trên các tấm lưới. Thủy thủ đoàn vẫn ở lại khi con tàu được kéo vào đúng vị trí và người ta chuẩn bị mọi việc. Thủy thủ đoàn xuống một tàu đổ bộ, rồi họ nghe những tiếng nổ rồi trông thấy con tàu hạ xuống nằm trên đáy bờ biển.”

Với đội phòng không trấn giữ, con tàu có chức năng vừa là đê chắn sóng vừa là ổ phòng không để bảo vệ lực lượng đổ bộ. Ít nhất có 35 tàu hàng được cố ý đánh chìm dọc bờ biển Normandie với mục đích như thế.

Dự báo triều–thời tiết

Sau những chuẩn bị về lực lượng và khí tài, yếu tố cuối cùng quyết định cuộc đổ bộ là triều và thời tiết.

Nếu bạn cảm thấy quẫn chân trong đất liền, bạn có thể mơ đến sóng biển vỗ rầm rì gần nhà nghỉ dưỡng của bạn. Đối với quân Đồng minh, sóng biển không cần cao lắm cũng đủ khiến cho họ say sóng trong cuộc hải hành, rồi khi đổ bộ khó mà chiến đấu. Sau đó Đồng minh cần thêm 3 ngày biển lặng để đưa tăng, pháo và hàng hậu cần thiết yếu lên bờ.

Sóng biển chỉ là một phần của thời tiết. Lúc triều ròng lính Đồng minh phải đi một quãng đường dài mới lên đến bờ, khi đó họ sẽ gặp rủi ro lớn do mưa đạn của Đức. Nhưng nếu họ tiến vào lúc triều cường, các tàu đổ bộ sẽ bị lâm nguy do mìn và vật cản Đức đặt dọc dài theo bờ biển bị ngập dưới nước, gây nguy hại tiếp cho binh lính. Tức là mức triều phải vừa đủ thấp để dễ nhận ra những vật cản, và phải đủ cao để binh sĩ Đồng minh không phải chạy khoảng cách quá xa.

Điều kiện tối ưu là thời điểm ngay sau triều ròng thấp nhất để điều công binh phá hủy mìn và vật cản, tạo luồng vào an toàn cho tàu đổ bộ. Họ phải hoàn tất công việc xong xuôi trước khi triều cường lên đến đỉnh, để ngay sau đó tàu đổ bộ tiến vào, thả quân lên bờ biển rồi rút nhanh ra ngoài, nhường luồng an toàn cho tàu khác tiến vào. Tóm lại, các hoạt động phải nhịp nhàng theo con triều ở vùng Normandie có biên độ triều lên tới 6 mét, và lúc triều cường mực nước biển có thể dâng lên với tốc độ 1 mét chiều cao mỗi giờ.

Còn có điều kiện cần khác là lúc trăng tròn để phi công tàu lượn có thể xác định điểm đáp và quân dù có thể chiến đấu, và đủ ánh trăng 3 tiếng đồng hồ sau triều ròng. Mặt trăng phải tạo ánh sáng khá vào ban đêm, tức là trăng khuyết hoặc trăng tròn trong mây thì không ổn.

Vì thế, mỗi tháng chỉ có dăm ba ngày thuận lợi về nước triều và tuần trăng cho cuộc đổ bộ.

Chưa hết: hải quân và không quân cần có trời quang mây tạnh để dễ nhìn rõ mục tiêu mà bắn phá.

Tóm lại, quân Đồng minh cần được dự báo về triều và thời tiết để từ đó họ sẽ lên kế hoạch cho thời điểm của các hoạt động ở bờ biển Normandy, rồi tính ngược lại thời gian xuất phát từ bờ biển Anh quốc.

Dự báo triều

Nhà toán học người Pháp Pierre-Simon Laplace dựa trên lý thuyết của Newton để triển khai những công thức dự báo. Từ đó William Thomson phát triển máy tính analog nhằm rút ngắn thời gian làm theo cách tính thủ công. Có điều bất cập là Newton không thể tính hết các ảnh hưởng của đáy biển mỗi nơi đối với con triều. Chẳng hạn, vùng nước cạn ở cửa sông có chế độ triều khác vùng bờ nước sâu.

Trung tá William I. Farquharson ở Hải quân Anh phụ trách điều phối công tác dự báo triều. Đối tác của ông là Tiến sĩ Arthur Doodson, chuyên gia hàng đầu thế giới về dự báo triều, hiện phục vụ Viện Triều (Tidal Institute) ở Đại học Liverpool. Farquharson cung cấp những hằng số – hoặc dữ liệu để tính ra hằng số – cho Doodson để dự báo triều ở các bãi biển đổ bộ dự kiến. Cũng có thêm dữ liệu do các tàu ngầm mini bí mật của Anh thu thập điều kiện hải dương học ở các bãi biển đổ bộ. Vì lý do bảo mật, không thể tiết lộ những địa điểm đổ bộ mà chỉ dùng mật danh (nhưng nhiều năm sau TS Doodson cho biết mình đã đoán ra được đó là Normandie).

Doodson nạp các hằng số vào hai cỗ máy dự báo triều của ông ở Viện Triều. Điều kiện triều tối ưu được dự báo sẽ diễn ra vào các ngày 5, 6 và 7 tháng 6. Kết quả cũng bao gồm các dự báo về giờ trăng lên, giờ trăng lặn, giờ mặt trời lên, giờ mặt trời lặn, và độ sáng thiên nhiên.

Dự báo thời tiết

Về thời tiết, việc dự báo được giao cho ba nhóm, mỗi nhóm có hai người:

  • Cơ quan Khí tượng AnhC.K.M. Douglas có ý kiến quân bình giữa những lập luận cực đoan, được hỗ trợ bởi Sverre Petterssen, người Na Uy, có ác cảm với hai người Mỹ và tranh cãi với họ không thôi.
  • Hải quân AnhGeoffrey Wolfe có ý kiến kiên định nhất trong số sáu người, và Lawrence Hogben, người New Zealand.
  • Không lực  Hoa KỳIrving Krick, con người ăn nói mạnh bạo, và Ben Holzman, đầy tư tưởng lạc quan.
James Stagg
Tiến sĩ Đại tá James Stagg

Làm trung gian giữa ba nhóm trên là James Stagg, Chief Meteorological Officer (Sĩ quan trưởng Khí tượng) của SHAEF, người duy nhất được tiếp xúc trực tiếp với Eisenhower để bàn về thời tiết. Ông này là một nhân vật đặc biệt: không học chuyên sâu về khí tượng học – ngành nghiên cứu hàn lâm của ông là vật lý địa cầu – còn kinh nghiệm thực tiễn về khí tượng học mà ông thu được là khi dẫn đội thám hiểm Anh ở Cực Bắc vào mùa đông 1932/33. Hogben nhớ lại lúc ấy: “Sáu nhà khí tượng học chúng tôi không bao giờ đồng ý với nhau về điều gì ngoại trừ một điều: Stagg không phải là nhà khí tượng học giỏi.”

Chịu áp lực nặng nề giữa những nhà khí tượng học đầy lòng tự hào, Stagg phân tích dự báo (thường là mâu thuẫn nhau) của ba nhóm kể trên rồi cố gắng rút ra kết luận mà ông nghĩ là đúng nhất để báo cáo cho các chỉ huy Đồng minh.

Trong khi hai nhóm người Anh cho biết chỉ có thể dự báo ngắn hạn, Krick nói rằng anh ta có thể dự báo dài hạn hơn – đúng như ý muốn của chỉ huy quân sự.

Phương pháp dự báo của họ cũng khác biệt. Người Anh dựa trên việc thu thập số liệu rồi nạp vào các mô hình tính toán. Riêng Krick dựa trên chu kỳ số liệu kiểu như trăng hết tròn lại khuyết. Cũng có sự kình chống giữa hai nhà hàn lâm làm việc cho hai đại học Mỹ tiếng tăm khi mà việc đào tạo về dự báo khí tượng còn phôi thai nên tạo ra sự cạnh tranh giữa hai bên.

Các nhà dự báo thời tiết thì giống như thời tiết: thay đổi từ người này qua người khác và từ nhóm này qua nhóm khác. Thế nên thường có tranh cãi kịch liệt, khiến cho Eisenhower và các tướng lĩnh dưới quyền đau đầu theo.

Thoạt tiên, Eisenhower đã được báo rằng ba ngày trong tháng 6 – ngày 5, 6 và 7 – sẽ có con triều và tuần trăng thuận lợi. Chỉ cần thời tiết tốt là êm đẹp mọi bề. Dựa theo đó, Eisenhower đã quyết định Ngày D sẽ là ngày 5, để nếu phải hủy bỏ vì thời tiết xấu thì có thể dời qua ngày 6. Nhưng nếu ra lệnh đổ bộ vào ngày 6 và lại hoãn một lần nữa, vấn đề tiếp liệu cho các đoàn tàu đang quay về sẽ khiến Đồng minh không thể tấn công vào ngày 7.

Tiếp theo đó là rối rắm. Nhóm của Mỹ cho rằng thời tiết ngày 5 là tốt, nhưng hai nhóm của Anh cho rằng ngày 5 là xấu và ngày 6 thì không rõ. Hai nhóm này chiếm ưu thế. Họ đã phát triển những mô hình của Đại học Bergen, nạp vào đó số liệu về nhiệt độ, áp suất không khí và ẩm độ từ một mạng lưới trạm khí tượng đáng tin cậy ở Canda, Greenland và Iceland, được hỗ trợ bởi những tàu thuyền và máy bay thu thập số liệu trên Đại Tây Dương, lại còn nhận số liệu từ các trạm khí tượng ở Cộng hòa Ireland trung lập theo thỏa thuận ngầm với nước này. Số liệu ở Ireland đặc biệt quý giá để người Anh cho dự báo chính xác hơn. Người Anh còn dùng số liệu do tàu ngầm U-boat của Đức thu thập, bởi vì họ đã giải mã được báo cáo thời tiết mà các tàu ngầm này gửi về Khối Dịch vụ Khí tượng Trung ương (Zentral Wetterdienst Gruppe) của Đức.

Riêng chuyên gia Petterssen thì trình ra một tấm bản đồ cho thấy một cơn bão vào ngày 5 tháng 6. Có lẽ hai nhóm người Anh quá bi quan trong khi anh thấy một con tàu khí tượng ở Bắc Ireland bắt đầu truyền đi tin tốt lành: về sau thời tiết sẽ khá lên. Thông tin này hữu ích cho vùng biển cách xa hàng nghìn kí-lô-mét!

Nhưng anh Krick người Mỹ vẫn không chịu thua, cãi lý không thôi. Còn Đại tá Stagg thì được Eisenhower chú ý lắng nghe. Vị Tư lệnh Tối cao thường gặp riêng Stagg để tìm hiểu về cơ sở cho các dự báo và xem ông này giỏi đến đâu, tuy vẫn nói rằng “Thời tiết ở xứ này thực tế là bất thường.”

Hogben sau này kể lại:

“Nhóm người Mỹ cho dự báo sai, không cố ý nhưng vẫn là sai và khăng khăng bám vào đó. Krick và Holtzman còn gọi điện cho C.K.M Douglas và Sverre Pettersen để thuyết phục đổi ý kiến về thời tiết xấu mà đồng ý với họ. Lúc đó Eisenhower sẽ có tỷ lệ là 2 trên 1, và đáng lẽ ngày đổ bộ là 5 tháng 6 như ông hằng mong muốn.”

Với cá tính sôi nổi, Krick còn trình bày ý kiến của mình cho Thượng tướng Carl Spaatz của Không lực Hoa Kỳ để mong ông này gây ảnh hưởng đến Eisenhower.

Nhưng một cú điện thoại của hai sĩ quan Hải quân Anh hóa giải vấn đề. Các nhà dự báo của Cơ quan Khí tượng Anh từ chối thay đổi ý kiến của họ về ngày 5 tháng 6.

Trong khi đó, Không quân Đức cũng dự báo thời tiết xấu, nhưng còn đi xa hơn: thời tiết xấu sẽ kéo dài đến giữa tháng 6. Do dự báo này mà nhiều chỉ huy quân sự Đức sẽ vắng mặt khỏi nhiệm sở vì lý do này hoặc lý do khác. Nhưng đó là dự báo thiếu chính xác.

Vấn đề của các nhà khí tượng Đức nằm ở chỗ họ sử dụng mô hình lỗi thời và số liệu hạn chế, không có bài bản và quy mô giống Đồng minh như nêu trên. Vào lúc này các tàu ngầm Đức đã bị xua đuổi khỏi Đại Tây Dương nên không thể thu thập số liệu, và trạm khí tượng của Đức ở Greenland đã ngưng hoạt động. Riêng Trạm Khí tượng Kurt do U-boat thiết lập ở Bắc Labrador, Newfoundland, đang tê liệt vì ắc-quy bị cạn kiệt. Cũng không giống như SHAEF quy tụ các nhà dự báo khác nhau tuy hay cãi nhau nhưng vẫn làm được việc, các hoạt động dự báo của Không quân và Hải quân Đức làm việc độc lập với nhau, không anh nào chịu trao đổi thông tin với anh kia. Tóm lại, Đồng minh nắm lợi thế mọi mặt về dự báo thời tiết, và đó là một yếu tố quyết định sự thành công.

Đến năm 1964, trong buổi phỏng vấn của đài CBS, Eisenhower kể lại:

“Sáng sớm ngày 4 tháng 6, tôi đến nghe Đại tá Stagg, là Chuyên gia trưởng Khí tượng học của các lực lượng Đồng minh, ông ấy ra trình bày… Buổi sáng sớm đó các ngôi sao trên trời hiện ra rất đẹp, và ông ấy trình cho chúng tôi một báo cáo tệ hại nhất bạn từng thấy… Ông ấy nói về một cơn bão đang hướng đến các bãi biển ở Normandie, và sức gió, bạn biết không, lên đến 45 dặm/giờ [72 km/giờ], và đại loại như vậy… Không thể nào đổ bộ được. Thế nên tôi nói: ‘Được rồi, chúng ta phải hoãn lại.’ Thế là chúng tôi hoãn lại 24 tiếng đồng hồ.”

Hóa ra đó là quyết định đúng đắn của Eisenhower, mặc cho nhóm người Mỹ phản đối. Lúc 6 giờ sáng ngày 4 tháng 6, Eisenhower ra lệnh cho các tướng lĩnh chỉ huy: gọi trở lại nhóm quân nào đã lên đường.

Eisenhower kể:

“Căn nhà rung chuyển. Chắc chắn là điều này làm cho tôi thêm tin tưởng Đại tá Stagg và nhóm của ông ấy, bởi vì 24 tiếng đồng hồ trước, khi tôi thấy thời tiết tốt thì họ lại nói thời tiết sẽ xấu như thế này đây. Ôi, thật đúng là giông bão!”

Lúc 7 giờ sáng, Thiếu tá George Hoffman (Hạm trưởng khu trục hạm USS Corry) nhận tin bất ngờ: cả hạm đội được lệnh quay trở lại Anh. Họ đã rời Plymouth đêm trước và đang rẽ sóng vượt qua Eo biển Anh (tên tiếng Pháp là Biển Manche). Hoffman lo lắng nhận ra hạm đội đang ở gần Pháp tới mức nguy hiểm – chỉ 60 kí-lô-mét. Một số tàu không nhận được lệnh và Hoffman không thể gọi họ do lệnh im lặng vô tuyến. Những tàu đó chỉ dừng lại khi có pháo sáng do máy bay Anh bắn ra. Thật kỳ lạ là hạm đội không bị máy bay của Đức phát hiện.

Mỗi đoàn tàu không chỉ phải quay lại hầu như ngay trước mũi kẻ địch và trở về Anh theo những tuyến đường đặc biệt đã được quét sạch mìn; họ còn phải đối diện với một mối đe dọa khác – bão ngoài biển. Đối với những tàu đổ bộ đi chậm, chất đầy lính và hàng hậu cần, cơn bão là một hiểm họa lớn. Gió trên Eo biển Anh đã đạt tới 48 kí-lô-mét/giờ, với sóng cao 1,5m, và thời tiết đang xấu đi.

Đoàn tàu tập hợp lại quanh khu vực Đảo Wight và kẹt cứng trong các cảng và bến tàu dọc theo vùng bờ biển tây-nam của Anh. Một vài con tàu phải mất cả ngày mới về tới cảng. Lính đổ bộ phải ở lại trên tàu, sẵn sàng đợi lệnh mới.

Tau do bo cho doi o Southampton
Tàu đổ bộ đang chờ đợi ở Cảng Southampton

Lúc 11 giờ sáng, dự đoán của Stagg trở thành sự thật. Gió nổi lên và những đám mây dày đặc trên đầu. Cảnh báo bão tại Eo biển Anh được phát đi.

Trong phần lớn ngày 4 tháng 6 này, Eisenhower vẫn khắc khoải như trong các giai đoạn chuẩn bị, nhưng bây giờ ông không thể giúp được gì: ông chỉ trông đợi vào thời tiết. Nếu không thể đổ bộ ngày 6 tháng 6, sẽ phải hoãn lại tới khi có yếu tố thủy triều vào ngày 19 tháng 6; nhưng làm thế, không quân sẽ phải tấn công trong bóng tối vì đêm đó không trăng. Khả năng thứ hai là đợi đến tháng 7, và một sự trì hoãn lâu như vậy là quá mạo hiểm. Nhiều cấp chỉ huy cho biết trì hoãn quá lâu sẽ khiến cho binh sĩ mất tinh thần và suy giảm thể lực, trong khi yếu tố bí mật bị đe dọa. Hơn một tuần rồi, nhiều bính sĩ đang phải ở trên những chiếc tàu đổ bộ đáy bằng thả neo bên ngoài các bến cảng. Trong không gian chật chội và hôi hám, người ta khổ sở đến khó tin. Đối với họ, cuộc chiến đấu kéo dài ngay từ khi chưa rời Anh. Đó là cuộc chiến đấu chống lại say sóng và buồn nôn. Phần lớn vẫn còn nhớ trên những chiếc tàu chỉ có 3 mùi: mùi dầu diesel, mùi toa lét và mùi bãi nôn. Một số còn phải sống trong lòng tàu ngập nước và buộc phải ăn thức ăn nguội lạnh.

Vào buổi tối 4 tháng 6, Stagg và hai phụ tá của ông gặp lại các chỉ huy Đồng minh ở Southwick House, nơi đặt tổng hành dinh của SHAEF, trong khi bên ngoài mưa còn nặng hạt và cây cối ngả nghiêng vì cơn giông.

Căn phòng im lặng khi Stagg bắt đầu tóm tắt tình hình. Ông nhanh chóng phác thảo bức tranh thời tiết 24 giờ qua rồi khẽ nói: “Thưa quý vị… tình hình đã có vài tiến triển mau lẹ và bất ngờ… ” Tất cả dõi theo Stagg, khi ông gieo cho Eisenhower và các vị chỉ huy đang lo lắng một tia hy vọng mong manh.

Stagg cho biết từ chiều ngày Thứ Hai, 5 tháng 6, sẽ có một khoảng thời gian ngắn thời tiết được thuận lợi, khi đó gió sẽ giảm đáng kể và bầu trời sẽ quang đãng – ít nhất đủ cho oanh tạc cơ hoạt động trong đêm ngày 5 tới trưa ngày 6. Qua trưa ngày 6, thời tiết sẽ xấu trở lại, có thể có mây nhưng trần mây sẽ cao nên sẽ không cản trở tầm ngắm của hải quân. Tóm lại, thời tiết không phải là lý tưởng nhưng chấp nhận được. Nếu không đổ bộ ngày 6 tháng 6 thì phải hoãn đến ngày 18-20 tháng 6 nhưng lúc đó sẽ không có trăng tròn.

Vào lúc Stagg nói xong, ông và hai chuyên gia khí tượng bị cuốn ngay vào một loạt câu hỏi. Họ có tin chắc vào mức độ chính xác của dự báo không? Dự báo của họ có thể sai không? Họ đã kiểm tra báo cáo từ tất cả các nguồn chưa? Liệu thời tiết có khả năng tốt lên trong vài ngày ngay sau ngày 6 không?

Một vài trong số câu hỏi đó vượt quá khả năng của họ. Báo cáo đã được kiểm tra đi kiểm tra lại và họ đang lạc quan nhất có thể về dự báo đó, nhưng luôn có khả năng thời tiết thất thường sẽ khiến nó trở nên sai. Họ cố gắng trả lời trong phạm vi có thể.

Stagg vẫn chưa được buông tha. Ông được hỏi một cách cụ thể: “Thời tiết vào Ngày D ở Eo biển Anh và bờ biển Pháp sẽ là như thế nào?” Tedder kể lại, Stagg suy nghĩ trong hai phút rồi trả lời một cách tỉnh táo và có ý thức: “Nếu trả lời câu hỏi đó thì tôi là kẻ đoán mò, không phải là nhà khí tượng học.”

Sau khi nhóm của Stagg ra về, Eisenhower đi chung quanh phòng họp, hỏi ý kiến từng người.

Ramsay lo lắng. Ông nói nếu tiến hành đổ bộ vào ngày 6 tháng 6 thì trong nửa giờ nữa ông phải ban lệnh cho các lực lượng của mình. Lý do là vì đoàn tàu dưới quyền ông vận chuyển quân đổ bộ đến Omaha và Utah đi quãng đường xa hơn đoàn tàu kia, nên họ cần nhận lệnh sớm hơn. Nỗi lo của Ramsay còn nặng thêm thêm do vấn đề tiếp liệu: nếu lực lượng đó bị triệu hồi lần nữa thì họ không thể nào sẵn sàng cho cuộc tấn công vào ngày 7.

Bedell Smith cho rằng có thể tiến hành vào ngày 6 – sẽ là một canh bạc nhưng phải thực hiện.

Tedder và Leigh-Mallory đều lo ngại về khả năng hoạt động kém hiệu quả của không quân kể cả khi tình hình mây được dự báo sẽ khá hơn. Điều đó có nghĩa cuộc tấn công sẽ diễn ra mà không có không quân yểm trợ đầy đủ. Họ cho rằng chiến dịch rất “bấp bênh”.

Bedell Smith đề nghị tiến hành.

Cuối cùng, Eisenhower hỏi Montgomery: “Anh thấy có lý do nào không đi ngày Thứ Ba hay không?” Montgomery trả lời: “Tôi muốn nói: Đi!”

Bây giờ, tới lượt vị Tư lệnh Tối cao. Lúc này chỉ ông mới đưa ra được quyết định. Im lặng kéo dài khi Eisenhower cân nhắc các khả năng. Tướng Bedell Smith theo dõi đã bị ấn tượng bởi sự “cô đơn và tách biệt” của vị Tư lệnh Tối cao khi ông ngồi, hai tay đan vào nhau trước mặt, nhìn xuống bàn. Thời gian trôi đi, có người nói 2 phút, người khác bảo 5. Sau đó Eisenhower, khuôn mặt căng thẳng, nhìn lên và tuyên bố quyết định của mình. Ông nói chậm rãi: “Tôi rất chắc chắn là chúng ta phải ra lệnh… Tôi không thích thế này, nhưng nó là vậy… Tôi không thấy là ta có thể làm gì khác.”

Eisenhower đứng dậy. Ông trông mỏi mệt, nhưng chút ít căng thẳng đã biến mất trên khuôn mặt. Ông nghiêng về việc chọn ngày 6 tháng 6. Có quá nhiều rủi ro nếu hoãn lại lần nữa. Lại còn có một yếu tố khác. Ngày hôm trước, Eisenhower nhận được một tin tình báo tối mật cho biết một bộ phận thuộc Sư đoàn 91 của Đức bắt đầu di chuyển tới khu vực mới, đúng ở bãi thả quân của Sư đoàn 82 Không vận. Nếu hoãn tấn công thì các vị trí của Sư đoàn 91 sẽ mạnh thêm và gây thiệt hại nặng cho quân dù.

Các chỉ huy Đồng minh đồng ý gặp lại nhau trong sáu tiếng đồng hồ nữa để xem xét dự báo mới nhất.

Bên ngoài phòng họp, các sĩ quan tùy viên đang mang hồ sơ hành quân cho sếp của họ ký. Có hai bộ hồ sơ cho cả hai phương đi và hoãn. Lệnh tạm thời là đi. Kim đồng hồ chỉ 9 giờ 45.

Tối hôm ấy, một mình trong căn nhà lưu động ẩn mình trong khu vườn của Southwick House, Eisenhower trải qua những thời khắc ưu tư nặng nề.

Lúc 3 giờ 30 sáng sớm ngày 5 tháng 6, Eisenhower trở lại Southwick House.

Eisenhower nhớ lại:

“Anh ấy bước vào với cái gì đó giống như nụ cười trên khuôn mặt. Anh ấy ít khi cười, nhưng anh ấy là người tốt. Anh nói: ‘Tôi cho ông tin lành’. Rồi anh ấy nói cho chúng tôi nghe về khu vực áp suất cao đó và tạo cho chúng tôi một ít hy vọng. Như tôi nhớ lại, anh ấy dự báo thời tiết tốt như thế sẽ kéo dài từ 24 đến 36 tiếng đồng hồ… Đó vẫn còn là vấn đề may rủi, nhưng Stagg nói sóng ở các bãi biển sẽ không cao hơn 3 ft [0,9 mét] còn gió đang giảm xuống…”

Eisenhower kể lại:

“Tôi ngồi im lặng xem xét mọi việc, có lẽ trong 35 hoặc 45 giây. Bây giờ có người – như tham mưu trưởng của tôi – nói 5 phút, nhưng thật ra không phải: 5 phút nghe như là cả một năm. Thật ra tôi nghĩ 30 đến 45 giây, rồi tôi nói ‘Okay, Chúng ta đi.’ Thế là phòng họp trống trơn trong vòng… 2 giây!”

Lúc 4 giờ 17 phút, Eisenhower đưa ra quyết định sau cùng: Ngày D là 6 tháng 6.

Đó là một quyết định lịch sử, góp phần lớn vào sự thành công của Trận Normandie. Nếu Eisenhower nghe theo lời Irving Krick mà ra lệnh đổ bộ ngày 5 thì sao? Sau này, Tiến sĩ Hogben cho biết đó sẽ là

“Thảm họa cùng cực. Thất bại toàn diện. Còn vào ngày 19 tháng 6 có một cơn bão lớn nhất Thế kỷ 20. Nếu họ đổ bộ ngày này, tôi không nghĩ có nhiều tàu đổ bộ tiến được đến bờ biển.”

Đúng thật là thời tiết không đến nỗi xấu trong những ngày đầu của Trận Normandie, nhờ Eisenhower tin theo lời một nhà khí tượng không có bằng cấp về khí tượng học.

Vài tuần sau cuộc đổ bộ, Stagg viết cho Eisenhower, cho biết nếu hoãn đổ bộ đến cuối tháng 6 thì Đồng minh sẽ đối mặt với cơn bão mạnh nhất trong hai thập kỷ. Vị Đại tướng khiêm tốn cảm ơn Đại tá Stagg vì đã không ngã theo ý kiến của anh người Mỹ tên Krick ăn nói mạnh bạo.

Đúng như Hogben đã nói, các nhà khí tượng học không bao giờ đồng ý với nhau: ông này nói “Thế kỷ 20” trong khi Stagg nói “hai thập kỷ”!

Khi biết được quyết định về Ngày D, Churchill báo tin cho Stalin:

“Tôi vừa trở về sau hai ngày tại tổng hành dinh của Eisenhower, xem binh lính xuống thuyền… Thật đáng tiếc là Tướng Eisenhower bắt buộc phải hoãn cuộc đổ bộ một ngày, nhưng dự báo thời tiết cho thấy có thay đổi thuận lợi và chúng tôi lên đường tối nay.”

Được trút bỏ gánh nặng trong tâm tư sau khi ra quyết định về Ngày D, lúc 8 giờ 30 tối (trời còn sáng mùa này trong năm), Eisenhower gặp gỡ lính dù thuộc Sư đoàn Không vận 101 ở điểm xuất phát Greenham Common. Họ đã sẵn sàng trong bộ đồ ngụy trang, mặt tô đen, và đủ thứ… Ông khó mà quên tiên liệu của Leigh-Mallory: thương vong của lính dù có thể lên đến 80%. Nhưng tư thái xuề xòa và thân mật của ông khiến ngay cả các tùy viên của ông cũng phải ngạc nhiên.

Trước đó, các sĩ quan đã căn dặn lính của mình đừng nói chuyện cá nhân như kể ra quê quán ở đâu. Ai nấy bật ngửa khi Eisenhower hỏi các sĩ quan dù có ai quê ở Kansas hay không. Ông hy vọng tìm được đồng hương ở thị trấn Abilene. Một lính dù tên Oyler được đưa đến gặp ông.

Eisenhower hỏi anh ta: “Tên anh là gì, anh lính?”

Oyler sững người trước mặt vị tướng, và các bạn phải kêu lên tên anh để anh lấy lại hồn vía.

Rồi Eisenhower hỏi quê anh ta ở đâu.

Oyler đáp: “Wellington, Kansas”.

“À, đó là phía nam Wichita.”

Vị Tư lệnh Tối cao hỏi anh ta về chuyện học hành, đời sống trong quân ngũ, và cũng hỏi anh có bạn gái ở Anh hay không – lại là chuyện riêng tư. Oyler cảm thấy thoải mái và trả lời mọi câu hỏi về việc huấn luyện và liệu anh nghĩ bạn bè trong trung đội của anh sẵn sàng lên đường hay không.

“Anh biết đó, Oyler, bọn Đức đã làm chúng ta khốm khổ trong năm năm, và bây giờ là lúc trả đũa.”

Eisenhower tiếp tục hỏi anh ta có sợ không, và Oyler nhìn nhận có.

“À, nếu anh không sợ thì là xuẩn ngốc. Nhưng mánh lới là phải tiến lên. Nếu anh dừng lại, nếu anh bắt đầu suy nghĩ, anh sẽ mất trọng tâm. Anh sẽ mất tập trung. Anh sẽ nằm trong số thương vong. Ý tưởng, ý tưởng hoàn hảo, là phải luôn tiến lên.”

Eisenhower cung linh du My 05-Jun.jpg
Eisenhower gặp gỡ lính Trung đoàn 502, Sư đoàn 101 Không vận ngày 5 tháng 6. Người mang số 23 là Trung úy Wallace C. Strobel, sẽ chiến đấu mà không bị thương tích gì trong Ngày D. Đa số những người khác trong hình sẽ tử trận hoặc bị thương vài giờ sau. Trung đoàn 502 nhảy xuống với 792 người. Sau 6 ngày chiến đấu, họ chỉ còn 129 người lành lặn.

Lúc 10 giờ 15, Tướng Eisenhower đứng nhìn cảnh tượng đoàn quân xuất phát, đưa tay lên chào lính dù khi máy bay chở họ chạy trên đường băng. Khi các máy bay chậm chạp cất mình lên rồi lượn vòng tập hợp lại thành đội hình, Eisenhower, tay đút túi, nhìn đăm đăm lên bầu trời đêm. Phóng viên Red Mueller của NBC nhìn sang vị Tư lệnh Tối cao. Mắt Eisenhower có ngấn lệ.

Đức vẫn yên tâm

Phía Đức mãi hoang mang về thời gian và địa điểm của cuộc đổ bộ, nhưng vào ngày 5 tháng 6 này họ lấy làm yên tâm. Có vài cuộc không kích mạnh của Anh-Mỹ nhắm đến những mục tiêu của Đức: kho hậu cần, đài radar, dàn phóng V-1, vị trí thông tin và vận tải, nhưng trong những tuần qua mỗi ngày đêm đều có không kích như thế, và bây giờ không mạnh hơn. Bộ phận khí tượng của Không quân Đức ở Paris cho biết vì lý do thời tiết, trong nửa tháng sắp tới Đồng Minh sẽ không hành động. Theo Thiếu tướng Hans Speidel nhớ lại, 5 tháng 6 là “một ngày yên ả”. Ở tổng hành dinh của Không quân Đức trong Điện Luxembourg tại Paris, Đại tá Giáo sư Walter Steobe phụ trách bộ phận khí tượng nói với các sĩ quan tham mưu rằng họ sẽ được thoải mái trong những cuộc họp hàng ngày sắp tới. Ông không hề nghĩ máy bay Đồng minh có thể hoạt động hôm nay. Các pháo thủ cao xạ nhanh chóng được cho nghỉ trực chiến.

Tiếp theo, Steobe gọi điện đến số 20 đại lộ Victor Hugo ở St-Germain-en-Laye cách đó chỉ 19 kí-lô-mét ở ngoại ô Paris. Cuộc gọi của ông được chuyển tới một khu nhà lớn ba tầng, dài 90 mét, rộng 18 mét nằm bên con dốc dẫn xuống một trường nữ sinh. Đó là tổng hành dinh của Thống chế von Rundstedt, Tổng tư lệnh Mặt trận Tây (OB West). Steobe trao đổi với sĩ quan liên lạc về thời tiết, Thiếu tá Hermann Mueller, người có nhiệm vụ ghi lại các dự báo và gửi chúng cho Thiếu tướng Blumentritt (Tham mưu trưởng OB West). Báo cáo thời tiết rất quan trọng đối với OB West và Blumenntritt đặc biệt lo lắng về nội dung của nó. Ông sẽ xác định những chi tiết cuối về chuyến kiểm tra mà Tư lệnh Mặt trận phía Tây định tiến hành. Bản báo cáo xác nhận đánh giá của ông rằng nó có thể thực hiện theo đúng lịch trình. Von Rundstedt cùng với con trai, một trung úy trẻ tuổi, dự định kiểm tra công tác phòng thủ bờ biển ở Normandie vào ngày Thứ Ba.

Không nhiều người ở St-Germain-en-Laye nhận thức được vai trò của khu nhà đó và càng ít hơn nữa biết được rằng viên Thống chế Đức có quyền lực nhất ở mặt trận Tây sống trong một biệt thự nhỏ không phô trương phía sau trường trung học ở số 28 phố Alexandre Dumas. Nó được tường cao bao quanh, cánh cổng sắt hầu như luôn đóng. Đường vào căn biệt thự đi qua một hành lang được xây dựng đặc biệt cắt qua những bức tường của trường, hoặc qua một cánh cửa kín đáo mở ra phố Alexandre Dumas.

Vào ngày 5 tháng 6 này, von Rundstedt dậy muộn như thường lệ (bây giờ vị thống chế cao tuổi hiếm khi dậy trước 10 giờ 30), và đã gần trưa khi ông ngồi vào bàn làm việc ở tầng một. Chính ở đây ông bàn bạc với tham mưu trưởng của mình và phê chuẩn bản “Dự báo ý định của Đồng minh” của OB West để sau đó chuyển cho tổng hành dinh của Hitler trong ngày. Vào ngày 30 tháng 5, ông đã báo cáo với Hitler rằng sẽ không có cuộc đổ bộ trong tương lai gần. Bây giờ cũng thế. Lại thêm một dự đoán sai:

Sự gia tăng không ngừng và có hệ thống các cuộc không kích cho thấy đối phương đã đạt tới mức sẵn sàng cao. Khu vực có thể bị đổ bộ vẫn nằm ở trong khoảng Scheldt [ở Hà Lan] tới Normandie… và không thể không tính đến phía bắc Brittany… [nhưng] vẫn còn chưa rõ đối phương sẽ nhằm vào đâu. Không kích tập trung vào khu vực giữa Dunkirk và Dieppe có thể cho thấy là Đồng minh sẽ chọn nơi này… [nhưng] dấu hiệu về cuộc đổ bộ vẫn chưa rõ ràng…

Với dự đoán mơ hồ này – dự đoán xác định cuộc đổ bộ bất kỳ ở đâu đó dọc bờ biển dài 1.300 kí-lô-mét – von Rundstedt cùng con trai đi tới quán ăn ưa thích của thống chế, quán Coq Hardi ở gần Bougival. Lúc này là vừa sau 1 giờ trưa ngày 5 tháng 6 năm 1944; D-Day chỉ còn cách 11 tiếng đồng hồ nữa.

Xuyên suốt các tầng lớp chỉ huy của Đức, thời tiết xấu kéo dài có tác dụng như một liều thuốc an thần. Điệp viên Đức vẫn cảnh báo Đồng Minh sắp đổ bộ – lần này là giữa ngày 6 tháng 6 và ngày 16 tháng 6 – nhưng từ tháng 4 đã có hàng trăm cảnh báo như thế mà không ai xem là quan trọng. Ai cũng nới lỏng cảnh giác sau nhiều lệnh báo động trong tháng 5 mà rốt cuộc không thấy chuyện gì xảy ra. Bây giờ, nhiều nơi tin chắc rằng trước mắt sẽ không có cuộc tấn công nào. Cơ sở của họ là những đánh giá cẩn thận dựa vào những cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Bắc Phi, Italy và Sicily. Trong mỗi tình huống điều kiện thời tiết là khác nhau, nhưng các chuyên gia khí tượng như Steobe và cấp trên của ông ở Berlin, Tiến sĩ Karl Sonntag, lưu ý rằng Đồng minh không bao giờ tiến hành đổ bộ trừ khi triển vọng thời tiết thuận lợi gần như chắc chắn, đặc biệt cho hoạt động yểm trợ bằng không quân. Đối với những bộ óc cẩn thận của người Đức thì sẽ không có gì đi ra ngoài quy luật này: thời tiết phải tốt thì Đồng minh mới tấn công. Và thời tiết đơn giản là không tốt. Phía Đức vẫn luôn nghĩ Eisenhower có tính cẩn trọng nên ông sẽ không bao giờ ra lệnh phát động đổ bộ trong thời tiết như thế này.

Dựa trên thông tin ít ỏi, Thống chế Rommel báo cáo với von Rundstedt rằng trước mắt sẽ không có việc đổ bộ, rồi ngày 4 tháng 6 (theo nhật ký của Tập đoàn quân B), ông thanh thản rời tổng hành dinh của mình để về thăm gia đình ở Herrlingen và dự sinh nhật bà vợ, Lucie.

Đại tướng Friesrich Dollmann (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Bảy, thuộc Tập đoàn quân B dưới quyền Rommel) tin chắc rằng thời tiết xấu ngăn cản đổ bộ, nên cũng thanh thản ra lệnh giảm tình trạng báo động và tổ chức cuộc tập trận trên bản đồ vào ngày 6 tháng 6 ở Rennes, cách Normandy khoảng 200 kí-lô-mét về phía nam. Tất cả tư lệnh sư đoàn và hai trung đoàn trưởng ở mỗi sư đoàn được lệnh tham dự. Nhiều người muốn được vui vẻ ở Rennes nên lên đường sớm hơn cần thiết.

Thiếu tướng Hans Speidel (Tham mưu trưởng cho Rommel) ở lại nhưng nghĩ rằng tình hình đủ yên tĩnh để tổ chức một bữa tiệc tối nhỏ. Vị tướng nhiều tri thức mong họ sẽ luận bàn về văn học Pháp – chủ đề yêu thích của ông.

Tại tổng hành dinh Quân đoàn 84 ở Saint-Lô, Thiếu tá Friedrich Hayn (sĩ quan Tình báo Quân đoàn 84) đang sắp xếp một bữa tiệc theo kiểu khác. Anh đã đặt nhiều chai Chablis hảo hạng, Bộ Tham mưu dự định sẽ gây ngạc nhiên cho Đại tướng Erich Marcks (Tư lệnh Quân đoàn). Sinh nhật của ông này là ngày 6 tháng 6. Họ tổ chức bữa tiệc sinh nhật vào buổi tối vì đến sáng Marcks sẽ phải đi tới thành phố Rennes ở Brittany. Ông cùng các chỉ huy cao cấp ở Normandie sẽ tham gia cuộc diễn tập trên bản đồ như nêu trên.

Chỉ có Erich Marcks là lo âu. Ông đặc biệt lo cho Sư đoàn 716 và Sư đoàn 352: mỗi sư đoàn phải phòng ngự 50 kí-lô-mét. Ông than phiền: “Đó là khu vực yếu nhất trong toàn địa bàn quân đoàn của tôi.” Vào ngày 1 tháng 6, ông đã đi Arromanches. Nhìn ra biển, ông nói với một đại úy bên cạnh: “Nếu tôi hiểu đúng người Anh, họ sẽ đi nhà thờ lần cuối ngày Chủ Nhật tới, rồi xuất phát ngày Thứ Hai (5 tháng 6). Tập đoàn quân B nói họ chưa tới ngay, và nếu tới thì đó là Calais. Nhưng tôi nghĩ ta sẽ tiếp đón họ ngày Thứ Hai, ngay ở đây.”

Marcks lấy làm thú vị khi nghĩ đến vai trò của mình trong cuộc diễn tập sắp tới. Ông sẽ thủ vai “Đồng minh”. Địa điểm giả tưởng là Normandie. Marcks nghĩ đố bộ ở Pas-de-Calais là điều hiển nhiên quá mà ai cũng có thể nhận ra. Phải đổ bộ ở Normandie thì mới gây bất ngờ. Càng bất ngờ hơn trong thời tiết như thế này. Ông nghĩ may mắn cho Đức vì đây chỉ là diễn tập!

Khi chuông nhà thờ bắt đầu điểm nửa đêm, Hayn dẫn Trung tá Friedrich von Crigern (Tham mưu trưởng Quân đoàn 84) cùng các sĩ quan khác mang theo chai Chablis và ly tiến vào phòng của Marcks để chúc mừng sinh nhật ông này. Marcks ngước lên và nhìn chằm chằm vào họ một cách nhẹ nhàng qua cặp kính. Ông bị mất một chân trên chiến trường Liên Xô. Hayn nhớ lại: “Cái chân giả của ông ấy kêu lách cách khi ông bước tới chào chúng tôi.” Ông ta vẫy tay thân thiện ra hiệu cho họ nghỉ. Chai rượu được mở; các sĩ quan đứng nghiêm xung quanh vị tướng 53 tuổi. Trịnh trọng nâng cốc, họ vui vẻ uống chúc sức khoẻ ông, không hề biết chỉ cách đó 64 kí-lô-mét, 4.255 lính Anh đang chuẩn bị nhảy dù xuống.

o O o

Thiếu tướng Max Pemsel (Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Bảy) đang lo lắng. Điều tệ hại là các chỉ huy cao cấp dưới quyền ông ở Normandie và Cherbourg sẽ cùng lúc vắng mặt ở nhiệm sở để dự buổi diễn tập ở Rennes. Sẽ là điều nguy hiểm hơn nếu họ vắng mặt qua đêm. Phần lớn ở cách xa Rennes nên họ sẽ ra đi trước khi trời sáng – thời điểm quân Đồng minh bắt đầu đổ bộ.

Pemsel gửi lệnh qua viễn ký: “Các tướng lĩnh chỉ huy và những người khác dự định tham gia diễn tập được nhắc nhở không đi Rennes trước bình minh ngày 6 tháng 6.” Nhưng đã quá muộn. Nhiều người đã ra đi – Rennes có nhiều thú vui hơn là ở nhiệm sở.

Tóm lại, vào buổi tối trước Ngày D, các sĩ quan cao cấp của Đức vắng mặt ở nhiệm sở. Ai cũng có lý do chính đáng, nhưng có vẻ như định mệnh quái ác đã tác động cho họ vắng mặt cùng một lúc. Rommel đi về Đức. Von Tempelhof (Sĩ quan hành quân của Tập đoàn quân B) cũng thế. Đô đốc Theodor Krancke (Tư lệnh Hải quân Đức Mặt trận Tây) đi Bordeaux sau khi thông báo cho Rommel biết các tàu tuần tra không thể ra khơi vì biển động. Trung tướng Heinz Hellmich (Tư lệnh Sư đoàn 243 Bộ binh) và Trung tướng Karl von Schieben (Tư lệnh Sư đoàn 709 Bộ binh) đều đi Rennes. Thiếu tướng Wilhelm Falley (Tư lệnh Sư đoàn 91 Bộ binh Không vận) vừa mới chuyển đến Normandie cũng chuẩn bị đi. Đại tá Wilhelm Meyer-Detring (sĩ quan quân báo của von Rundstedt) thì đi nghỉ phép, còn tham mưu trưởng của một sư đoàn thì không ai liên lạc được – ông đang đi săn cùng cô bồ người Pháp. Một nhân vật quan trọng khác là Trung tướng Edgar Feuchtinger (Tư lệnh Sư đoàn 21 Thiết giáp) thì đang ở Paris với cô nhân tình nên vắng mặt trong những tiếng đồng hồ đầu tiên của trận đánh, và chỉ huy Trận địa pháo Merville đang ở trên giường với cô bồ của anh ta.

Thế là trong khi từng hạm đội và từng phi đoàn Đồng minh đang trên đường hướng đến Normandie, nhiều sĩ quan thiết yếu phía Đức không hiện diện nơi cần hiện diện, hoặc hiện diện nhưng không theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự. Tệ hơn nữa là sau khi có lệnh bãi bỏ tập trận ở Rennes, nhiều chỉ huy cấp sư đoàn vội vã lên xe trở về, và trong nhiều tiếng đồng hồ dầu sôi lửa bỏng tổng hành dinh của họ không thể liên lạc với họ. Tình hình ở tiền tuyến vì thêm càng thêm rối.

Sau này, sự kiện nhiều nhân vật cấp cao vắng mặt quá trùng hợp khiến cho Hitler nổi cáu, xem xét điều tra liệu tình báo đã có can dự hay không. Thật ra Hitler cũng đã không chuẩn bị tốt hơn các tướng lĩnh. Ông đang ở tại biệt thự nghỉ dưỡng Berchtesgaden cùng người tình, Eva Braun, một số quan chức Quốc xã và phu nhân của họ. Cả nhóm dùng bữa lúc 4 giờ chiều rồi ra vườn dùng trà. Hitler có giấc ngủ ngắn từ 6 đến 7 giờ chiều, chủ trì một cuộc họp quân sự lúc 11 giờ tối, rồi đến nửa đêm các phụ nữ được gọi vào. Suốt 4 tiếng đồng hồ, cả nhóm nghe nhạc giao hưởng của Wagner, Lehar và Strauss – đúng vào thời gian quân Đồng minh đang trên đường hướng đến Normandie.

o O o

Lúc 8 giờ 00 tối ngày 5 tháng 6, Eva Eifler bắt đầu ca đêm cùng với 4 cô bạn khác ở trung tâm truyền tin của Không quân Đức tại Caen. Nhiệm vụ của họ là nghe những tin báo qua sóng vô tuyến, ghi ra giấy rồi chuyển đến bộ phận giải mã. Công việc đòi hỏi sự tập trung tối đa. Cô kể: “Không có gì được phép làm quấy rầy tôi. Chỉ lơ là 2 giây đồng hồ đủ để mất phần mở đầu của tin báo”. Một sai sót có thể đưa một phi công Đức vào chỗ chết.

Năm trước, khi mới 17 tuổi Eifler phải bỏ học vì bị bắt làm nghĩa vụ lao động. Cô được huấn luyện về cách truyền tin bằng Morse rồi được lệnh xách hành lý đi Pháp. Một cuộc sống mới phục vụ Không quân Đức. Cô kể mình cảm thấy “rất lo lắng khi phải xa cha mẹ tôi lần đầu tiên.” Cô chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như thế trong đời. Cô sống cùng bốn bạn đồng nghiệp. Năm cô gái tuổi teen cố tránh xa cư dân địa phương kẻo một cuộc gặp gỡ có thể bị quy ý nghĩa xấu. Trong hoàn cảnh khác, Abbaye aux Dames là nơi tuyệt vời để sinh sống. Vào những ngày mùa xuân, mặt trời chiếu rọi những tia nắng qua khung kính cửa sổ và nhảy múa trên tường và sàn nhà. Nhưng năm cô gái làm việc một boong-ke nằm giữa thị trấn, sâu phía dưới tòa nhà Place Gambetta. Được bảo vệ an ninh chặt chẽ và chống bom đạn, boong-ke là một trung tâm truyền tin chính của Không quân Pháp.

Đó là nơi chốn làm việc đáng chán. Eifler kể: “Không khí ngột ngạt và ẩm thấp, ánh sáng nhân tạo, và sự mỏi mệt chất chứa khiến cho mắt tôi cay xè. Tôi chán ghét căn phòng nơi tôi trải qua đoạn đời này. Tôi đã trở thành một thứ người máy.” Chỉ có khoảng thời gian tốt đẹp khi cô đi Paris “dưới sự giám sát chặt chẽ” để sửa cặp kính mắt bị gẫy. Cô dùng khoản tiền dành dụm để mua một bộ áo màu hồng cho buổi tối tân hôn. Đó là vụ mua sắm kỳ lạ, bởi vì cô không có ý trung nhân, và cô lấy làm lạ về quyết định của mình.

Ban chiều, khi nhìn lên bầu trời cô cảm thấy hài lòng: nhiều mây mù có nghĩa đêm nay sẽ có ít hoạt động không quân. Đêm này tĩnh lặng hơn nhiều đêm khác. Thời tiết đang xấu đi, và các cô gái được cho biết “sẽ không có chuyện bất thường xảy ra.”

Nhưng khi kim đồng hồ tiến gần đến nửa đêm, Eifler nhận được nhiều tin báo. “Thình lình tin báo trở nên dồn dập.” Có không khí khẩn trương. Tin báo về mỗi lúc càng nhiều hơn. Một số tin báo từ Bán đảo Cotentin (Cherbourg). Những tin báo khác từ vùng nông thôn phía đông thị trấn. Một số từ Sông Orne, Sông Dives, và Sainte-Mère-Église. Eifler thấy mình “làm việc mỗi lúc mỗi nhanh hơn, và ngay khi tôi ghi xong, một bàn tay phía sau tôi chộp lấy mảnh giấy.”

Eifler mất hết mọi ý niệm về thời gian. Cô biết có chuyện gì đó đang xảy ra – nhưng không rõ chính xác là chuyện gì. “Dán chặt thân người trên ghế, tai mang headphone, tôi viết; tôi viết như điên. Tôi viết cho đến khi cổ tay mỏi nhừ.”

Vào giờ rạng sáng, khi gần ngất đi do kiệt sức, cô cảm thấy một bàn tay đặt trên vài mình. Đó là một nhân viên đến thay ca. Cô đã hoàn tất ca đêm của mình.

Cô hỏi: “Chuyện gì xảy ra? Có chuyện nghiêm trọng phải không?”

Với giọng nghiêm nghị, anh ta lặp lại: “Có chuyện nghiêm trọng.” Rồi anh ta ngồi vào ghế mà không nói gì thêm, bắt đầu ghi chép tin báo mới nhất được truyền qua headphone.

Eva Eifler cảm thấy kiệt sức đêm hôm ấy. Bàn tay cô tê dại, cột sống cổ bị vẹo. Cô thấy bốn người bạn của mình trông cũng kiệt sức. Tất cả đều “có cùng ánh mắt phờ phạc, âu lo.”

Năm cô gái đi vào phòng điều hành ở kế bên. Chỉ đến lúc đó – trong nỗi kinh ngạc tột cùng – họ mới nhận ra chuyện gì. “Cảnh tượng thật khó tin. Một tấm bản đồ khổng lồ trên tường cắm chi chít hàng trăm chiếc kim đánh dấu với cờ mang màu khác nhau.” Mỗi cở biểu thị một tin báo về lính dù Đồng minh đã nhảy xuống Normandie. Những tin báo mà Eifler ghi lại chính là những báo cáo đầu tiên về cuộc đổ bộ của Đồng minh.

Một anh lính đứng trước tấm bản đồ, cắm thêm kim đánh dấu hoặc chuyển kim từ điểm này qua điểm khác. Tin báo được chuyển về mỗi giây đồng hồ. Eifler cảm thấy bầu không khí lạnh tanh, nặng nề. “Ánh mắt mỗi người đều căng thẳng. Họ chuyển động nhanh chóng, vội vàng. Nhưng không ai kêu lớn tiếng.” Nhiều sĩ quan cao cấp đến, căn phòng lao xao những chỉ huy, nhiều người trong đồng phục Quốc xã được ủi thẳng thớm. Còn có một, hai vị tướng. Trước đây cô chưa từng thấy cảnh tượng này.

Khi đứng đó, nhìn lên tấm bản đồ, thình lình cô cảm thấy vô cùng hãi sợ. Đúng thật rồi. Đúng là có cuộc đổ bộ được dự kiến bấy lâu. Cô không bao giờ tưởng tượng ra rằng cô chính là một trong những người đầu tiên biết rằng Ngày D đã bắt đầu; rằng lính dù Đồng minh đã bắt đầu đáp xuống.

Cô lo lắng cho bản thân và lo lắng cho gia đình mình. Nhưng điều cô lo lắng nhất là ngày kế tiếp sẽ ra sao.

Hạm đội

Chưa bao giờ và mãi về sau trên thế giới có một hạm đội khổng lồ đến thế và có tổ chức phức tạp đến thế nhưng lại hoạt động có quy củ và nhịp nhàng đến thế. Có 2.727 con tàu các loại thuộc 12 quốc gia, từ tàu chiến đến hải vận hạm và tàu đổ bộ đi thẳng từ Anh tới Pháp. Ngoài ra, các tàu đổ bộ LST còn chở 2.606 tàu nhỏ hơn vốn không thể tự chúng vượt Eo biển Anh. Tất cả có 5.333 tàu đủ loại, theo Stephen E. Ambrose (1994). Con số theo John Ross (2014) là 5.339.

Ban tham mưu soạn thảo Chiến dịch Neptune đã bỏ ra nhiều tháng để đưa ra phương án đối phó với những nguy cơ: tàu ngầm, mìn, E-boat, radar, và không quân Đức.

Chien dich Neptune
Chiến dịch Neptune

Từng đoàn tiêm kích tuần tra dọc bờ biển Pháp cả đêm, sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay Đức nào có thể phát hiện hạm đội. Cũng có máy bay mang thiết bị làm nhiễu tần số của máy bay Đức. Trong nhiều tuần lễ trước đó, oanh tạc cơ Typhoon mang tên lửa tấn công các đài radar của Đức dọc bờ biển. Cũng để đánh lạc hướng, các cuộc tấn công này trải dài từ Hà Lan đến Brittany.

Các oanh tạc cơ Lancaster thả những dải nhôm để tạo màn hình radar giả cho thấy một hạm đội đang tiến đến vùng biển phía đông-bắc Le Havre.

Một số lớn máy bay săn ngầm được tung ra, thay phiên nhau tuần tra suốt ngày đêm. Họ thuộc các quốc tịch Anh, Brazil, Canada, Mỹ, Nam Phi, New Zealand, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Úc. Ngay cả việc điều phối các máy bay này đã là một kỳ công.

Được bảo vệ kín kẽ như thế, mỗi con tàu tuân thủ chặt chẽ quy tắc hải hành đã định chưa bao giờ được thiết lập trong các cuộc hành quân trên biển trước đây. Cần thiết là như thế bởi vì nếu lỡ một chút, tàu có thể va vào nhau tuy đã thấy nhau trước từ xa nhưng dừng không kịp. Nếu có chiếc tàu nào đang đi đến Normandie bị phát hiện thì hẳn chỉ huy hải quân Đức sẽ cho rằng chiếc tàu đó đang tiến đến Le Havre.

Lúc 9 giờ sáng ngày 5 tháng 6, hạm đội rời các cảng ở Anh, đi dọc theo bờ biển theo hàng hai rồi tụ lại trong vùng tập kết “Piccadilly Circus” phía nam Đảo Wight, là một vòng tròn có đường kính 16 kí-lô-mét. Ở đây, mỗi con tàu được chỉ định vào vị trí đã được tính toán trước trong đội hình hướng về bãi biển được phân công. Trong khi đó, tàu quét mìn đi trước để quét mìn và đặt phao đánh dấu luồng hải hành.

Lúc 5 giờ chiều, mỗi con tàu trong hạm đội 2.727 chiếc đổi hướng rồi đi theo một trong 10 luồng hải hành trải dài 30 kí-lô-mét, được chỉ định cho 5 bãi đổ bộ – 1 luồng tàu chậm và 1 luồng tàu nhanh cho mỗi bãi. Tuy có phao đánh dấu luồng hải hành, một số tàu đổ bộ vẫn bị lạc qua luồng khác.

Riêng đội tàu chiến do vận tốc nhanh nên khởi hành muộn hơn, lúc 9 giờ tối.

Ham doi Anh Dao Wight truoc khoi hanh (IWM)
Hạm đội Anh trong vùng tập kết “Piccadilly Circus”

Có tàu vận tải xung kích tốc độ cao kiểu mới, tàu hàng chậm chạp đã gỉ sét, tàu khách viễn dương loại nhỏ, tàu hơi nước của Eo biển Anh, tàu bệnh viện, tàu chở dầu chịu được mọi thời tiết, tàu buôn, tàu kéo ồn ào. Có những hàng dài vô tận tàu đổ bộ nước nông. Nhiều hải vận hạm lớn chở tàu đổ bộ loại nhỏ cùng binh sĩ để khi gần tới bờ thì thả tàu đổ bộ xuống rồi binh sĩ xuống theo. Dẫn đầu là các đội tàu quét mìn, canô của Cảnh sát biển, tàu thả phao (buoy-layers), tàu chống ngầm, v.v… Bao quanh đoàn tàu to lớn chứa đầy người, pháo, tăng, xe cơ giới và hàng hóa, không tính các tàu hải quân cỡ nhỏ là đội hình ghê gớm của tàu chiến.

Mỗi hạm trưởng nhận chỉ thị rõ ràng là phải bắn tất cả phi cơ – không cần biết là bạn hay thù – bay ở tầm thấp. Do đó, mỗi phi công Đồng minh cũng nhận chỉ thị về cao độ chính xác mà họ phải bay theo.

Nhiều tàu trong hạm đội được bảo vệ chống máy bay tầm thấp bằng quả bóng chặn (barrage balloon) chứa khí hydrogen lơ lửng trên cao 70 mét, được cột với tàu bằng một dây cáp. Máy bay tầm thấp có thể tránh dây cáp tàu này thì vẫn có thể va vào dây cáp tàu khác mà rơi xuống. Các quả bóng này nặng khoảng 70 kg, do Tiểu đoàn 320 Barrage Balloon phụ trách. Tiểu đoàn này là đơn vị duy nhất có người da đen trong Ngày D.

320th Barrage Balloon battalion
Tiểu đoàn 320 Barrage Balloon trước quả bóng chặn, ngày 5/6

Khi tới Normandie, từ 5 tuyến được chia thành 10, mỗi bãi biển 2 tuyến – 1 cho tốc độ cao, 1 cho tốc độ thấp. Phía trước, ngay sau mũi nhọn các tàu quét mìn, thiết giáp hạm và tuần dương hạm là các tàu chỉ huy, là 5 tàu vận tải xung kích gắn đầy radar và ăng ten vô tuyến. Những sở chỉ huy nổi này là bộ óc trung tâm của cuộc đổ bộ.

Thật ra, xương sống của hạm đội không phải là tàu chiến uy nghi vơi những dàn đại bác khủng. Xương sống là những tàu nhỏ bé hơn nhiều nhưng đóng vai trò thiết yếu: tàu đổ bộ. Có nhiều loại, dưới đây là một số loại chủ yếu.

Tàu đổ bộ tấn công: Landing craft, assault – LCA

Tàu LCA được Hải quân Anh sử dụng nhiều trong Trận Normandie để đưa binh sĩ từ tàu mẹ đến tấn công quân địch trên bãi biển, và là loại tàu đổ bộ thông dụng nhất của Anh trong suốt Thế chiến 2. Tàu có các đặc điểm được ưa chuộng: vỏ cứng cáp, hình dạng thấp, động cơ ít ồn. Tàu dài 12,5 mét, thường được đóng bằng gỗ cứng có thêm lớp thép chắn đạn, đạt tốc độ 13 kí-lô-mét/giờ, có thể chở 38 binh sĩ được trang bị đầy đủ và thủy thủ đoàn 4 người và 360 kg hàng hậu cần.

tau do bo_LCA tung hang
Tàu đổ bộ LCA đang tiến đến Normandie. Ở góc trái là tàu mẹ được trang bị tời và dây cáp để thả tàu đổ bộ xuống nước. Theo cách này, công việc được an toàn và nhanh chóng.
tau do bo_LCA can canh
Cận cảnh tàu đổ bộ LCA

Tàu đổ bộ cơ giới và binh sĩ: Landing craft, vehicle and personnel – LCVP

Đây là loại tàu tương đương LCA của Anh. Nhà thiết kế của loại tàu này được Eisenhower, khi là Tổng thống Mỹ năm 1964, ca ngợi: “Andrew Higgins là người mang đến chiến thắng cho chúng ta.”

Higgins tự đóng chiếc tàu đầu tiên trong đời khi mới 12 tuổi. Khi lớn lên, ông ghi danh học lớp hàm thụ về thiết kế tàu hải quân, và đến cuối thập niên 1930 làm chủ một cơ xưởng đóng tàu nhỏ. Higgin khởi đầu đóng tàu gỗ cho các công ty tìm dầu ngoài khơi và công ty khai thác gỗ. Khi Thế chiến 2 nổ ra, ông tin rằng Hải quân Mỹ sẽ cần đến hàng ngàn tàu chuyển vận nhỏ trong khi thép sẽ khan hiếm. Ông mua toàn bộ số gỗ gụ nhập từ Philippines năm 1939 để trữ sẵn. Dự đoán của Higgins hóa ra là đúng. Ông xin một chân thiết kế tàu sau những dằng co giữa một nhà sáng chế đơn độc và guồng máy quan liêu. Tin rằng “Hải quân chẳng biết cái quái gì về loại tàu nhỏ”, ông cố thuyết phục về sự cần thiết cho loại tàu nhỏ đóng nửa bằng gỗ nửa bằng thép. Cuối cùng ông nhận được hợp đồng đóng loại tàu LCVP. Khởi đầu với 75 công nhân, ông chiêu mộ thêm 30.000 người kể cả người da đen, phụ nữ, người khuyết tật. Họ đều được trả lương bình đẳng theo năng lực – là việc hiếm thấy vào thời đó. Ông cổ vũ công nhân theo cách tướng cổ vũ lính. Một băng-rôn to giăng trên dây chuyền lắp ráp ghi: “Người Nhàn hạ Đang Giúp đỡ phe Trục.” Có thêm sự hỗ trợ của các công xưởng Mỹ, Higgins đóng được trên 23.000 chiếc LCVP (còn được gọi là Tàu Higgins) trong Thế chiến 2.

Tàu có sức chứa đa dạng: hoặc 36 binh sĩ được trang bị đầy đủ thêm thủy thủ đoàn 4 người, hoặc 2.700 kg xe cộ, hoặc 3.600 kg hàng hậu cần. Tàu dài 11 mét, đạt tốc độ 22 kí-lô-mét/giờ, được trang bị 2 súng máy 7.62 li. Tàu LCVP được dùng để đưa Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ đến Bãi Omaha.

Tau do bo_LCVP tuc tau Higgins
Tàu đổ bộ LCVP tức Tàu Higgins

Tàu Higgins thay đổi chiến thuật tấn công của hải quân. Ngày xưa, hải quân bắn đại bác tấn công cảng hoặc pháo đài thường được phòng thủ kiên cố theo cách tập trung, vì thế cơ hội thành công không cao. Sau này, tàu hải quân chở tàu Higgins lẫn bộ binh. Khi gần đến mục tiêu, tàu Higgins được đưa xuống nước rồi bộ binh xuống tàu Higgins để vào bờ. Theo cách này, bộ binh có thể chọn hướng tấn công được tàu bạn bắn yểm trợ, và quân địch phải dàn mỏng để lo đối phó.

Tàu đổ bộ lục quân lớn: Landing craft, infantry (large) – LCI(L)

Loại này của Hải quân Mỹ có thể chở 210 binh sĩ. Vì có cầu đi xuống bờ quá hẹp, binh sĩ dễ bị rủi ro khi lực lượng phòng ngự bờ biển bắn quá rát. Trong trường hợp này, đợt đổ bộ đầu thường do các tàu LCA thực hiện. Tuy nhiên, trong Trận Normandie, tàu LCI(L) cũng được dùng trong các đợt đổ bộ đầu nhằm tạo ra hỏa lực áp đảo ngay từ đầu.

tau do bo_LCI(L) Gold Beach 6-6
Tàu đổ bộ LCI(L) đang chuyển quân xuống Bãi Gold

Tàu đổ bộ tăng: Landing craft, tank – LCT

Tàu LCT lớp Mark 4 được dùng ở Trận Normandie dài 35,7 mét, có thể chở 9 chiếc tăng M4 Sherman (tăng lội nước DD) hoặc 6 chiếc tăng Churchill hoặc 136 tấn hàng hậu cần. Đây là loại LCT lớn nhất được đóng ở các công xưởng Anh quốc.

Loại LCT của Mỹ có thể chở đến 20 xe tăng hoặc 400 binh sĩ được trang bị đầy đủ hoặc 2.100 tấn hàng hậu cần. Loại tàu này cũng có thể chở tàu đổ bộ LCVP được đưa xuống biển bằng tời và dây cáp.

Tau do bo_LCT Cromwell tank len Omaha
Tàu đổ bộ LCT của Mỹ đang đưa tăng Cromwell lên Bãi Omaha

Sà lan hoặc Tàu đổ bộ nhà bếp: Landing barge, kitchen – LB(K)

Đây là loại sà lan (được tàu lớn kéo) hoặc tàu (tự hành đến Normandie) được trang bị lò nướng, mỗi chiếc có thể cung cấp bánh mỳ và thức ăn nóng khác cho 800-900 người trong một tuần; tức là cung cấp mỗi ngày 1.600-1.800 phần ăn nóng và 800-900 phần ăn nguội. Thức ăn được chứa trong hộp cách nhiệt và chuyển qua tàu đổ bộ cặp kế bên.

Tau do bo_nha bep
Tàu đổ bộ nhà bếp

 

Tàu đổ bộ tăng (hỏa tiễn): Landing craft tank (Rocket) –LCT(R)

Để dùng trong Trận Normandie, loại được biến cải từ tàu đổ bộ tăng Mk3 đặt 1.066 hỏa tiễn, có thể bắn từng loạt 24 hỏa tiễn với tầm bắn 1.000 mét. Hỏa tiễn tương đương với đạn pháo 150 li nhưng không có sức xuyên phá, chủ yếu để phá bãi mìn và bắn hạ quân địch lộ ra ngoài.

tau do bo_LCT(R)
Tàu đổ bộ tăng (hỏa tiễn)

o O o

Trong chuyến hải hành từ Anh đến Normandie, binh sĩ được nghe qua loa phóng thanh – hoặc một sĩ quan đọc trên giấy – Nhật lệnh của vị Tư lệnh Tối cao.

Binh sĩ Lục quân, Lính thủy và lính Không quân của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh!

Các bạn sắp dấn thân vào một cuộc Thập tự chinh Vĩ đại mà chúng ta đã phấn đấu chuẩn bị trong nhiều tháng. Những con mắt trên thế giới đang dõi theo các bạn. Những niềm hy vọng và lời cầu nguyện của con người yêu tự do khắp nơi cùng đi hành quân với các bạn. Cùng với các Đồng minh và chiến hữu trên những mặt trận khác, các bạn sẽ giúp hủy diệt guồng máy chiến tranh của Đức, xóa bỏ chế độ chuyên quyền của Đức Quốc xã trên các dân tộc bị áp bức của Châu Âu, và mang lại an ninh cho chính chúng ta trong thế giới dự do.

Nhiệm vụ của các bạn sẽ không dễ dàng. Quân thù của các bạn được huấn luyện tốt, được trang bị tốt, và dạn dày chinh chiến. Họ sẽ chiến đấu một cách man rợ.

Nhưng đây là năm 1994! Nhiều chuyện đã xảy ra kể từ những chiến thắng của Quốc xã trong giai đoạn 1940-41. Các quốc gia đoàn kết gây cho Đức nhiều chiến bại nặng nề, trong trận chiến mở, người chống người. Cuộc tiến công bằng không quân của chúng ta làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh của địch trên không và năng lực tiến hành chiến tranh trên bộ. Hậu phương của chúng ta cho chúng ta ưu thế mạnh mẽ về vũ khí và đạn dược, và điều đến cho chúng ta lực lượng dự bị lớn lao được huấn luyện đầy đủ. Gió đã đổi chiều! Những con người tự do của thế giới đang tiến đến chiến thắng!

Tôi tin tưởng mạnh mẽ nơi lòng can đảm, lòng tận tâm với nhiệm vụ và kỹ năng tác chiến của các bạn. Chúng ta sẽ không chấp nhận điều gì khác hơn là chiến thắng!

Chúc may mắn! Và tất cả chúng ta hãy cầu xin Ơn Trên ban phước cho nhiệm vụ vĩ đại và cao quý này.

Ngoài ra, binh sĩ hoặc tâm sự với nhau, hoặc chơi bài với nhau, hoặc một mình ngắm nhìn cảnh tượng hạm đội hoành tráng chung quanh, hoặc gập người nôn thốc nôn tháo. Bếp ăn trên nhiều tàu lớn dọn những món thịnh soạn nhất. Có bếp ăn còn cử người hầu bàn ăn mặc trắng muốt làm cho binh sĩ ngỡ mình đang ngồi trong khách sạn hạng sang ở London. Hải quân chỉ muốn đãi ngộ lính bộ trước trận đánh, nhưng một số lính bộ lại nghĩ đó giống như bữa ăn cuối cùng của tử tội và đâm ra mất tinh thần. Nhiều người không nghĩ thế nhưng vẫn không thể ăn được vì say sóng. Những người ăn được thì nuốt lấy nuốt để rồi khi đến gần bờ biển, sóng to khiến cho họ nôn mật xanh mật vàng và ước không ăn gì hết thì hay hơn.

Hạm đội Đồng minh sẽ mất khoảng hơn 4 giờ để tới được khu vực xuống tàu đổ bộ ngoài khơi 5 bãi biển Normandie; trong vòng 3 giờ nữa lính dù sẽ nhảy xuống khắp những cánh đồng và vườn cây – ở khu vực của một đạo quân Đức chưa bao giờ được báo động cho Ngày D. Ngoài nhiệm vụ vận chuyển và thả quân đổ bộ, hạm đội còn yểm trợ hải pháo bằng một cuộc oanh kích mãnh liệt kéo dài từ 5 giờ 45 đến 6 giờ 25.

Nhiều phút sau, trên Eo biển Anh, những người của hạm đội đổ bộ nghe thấy tiếng máy bay. Từng giây chúng trở nên lớn hơn, và rồi từng đoàn máy bay lao qua. Đội hình này mất một khoảng thời gian dài mới đi hết. Sau đó tiếng động cơ nhỏ dần. Khi phi đội cuối cùng bay qua, một luồng sáng màu hổ phách nhấp nháy trong mây hướng xuống hạm đội bên dưới. Một cách chậm chạp, nó phát đi 3 chấm và 1 gạch: ký hiệu V cho “victory” (chiến thắng). Một trùng hợp kỳ diệu: Bản Giao hưởng số 5 (số V La Mã) của Beethoven bắt đầu bằng 3 nốt nhạc ngắn và một nốt nhạc dài.

Điều thần kỳ là một hạm đội gồm từng hàng tàu dài vô tận vượt quãng đường dài hơn 100 kí-lô-mét, thế mà ra-đa của Đức không ghi nhận được gì cả. Một phần là vì phía Đức thiếu năng lực, phần chính là nhờ những đợt không kích xuống các đài ra-đa. Hơn nữa, vào đêm này máy bay của Đồng minh ném ra những “cửa sổ”, đó là những cuộn kim loại gây nhiễu cho ra-đa của Đức. Cùng lúc, Đô đốc Krancke đã hủy các cuộc tuần tra của khinh tốc đỉnh E-boat do thời tiết xấu.

Lúc 10 giờ 30 tối ngày 5 tháng 6, Hải vận hạm USS Samuel Chase chớp đèn báo tin cho các tàu chung quanh: “Đang hành lễ.” Đó là sau khi Lewis Fulmer Koon (Đại úy Tuyên úy của Trung đoàn 12, Sư đoàn 4 Bộ binh), thấy mình phải làm nhiệm vụ người cha tinh thần cho tất cả các tôn giáo. Một sĩ quan Do Thái, Đại úy Irving Gray, đề nghị Cha Koon hướng dẫn cả đại đội cùng “cầu nguyện tới vị Chúa mà chúng con tin tưởng, cả Tin lành, Công giáo hay Do Thái giáo, rằng nhiệm vụ sẽ được hoàn thành và nếu có thể chúng con sẽ được trở về an toàn”. Koon vui vẻ nhận lời.

Trên chiếc Samuel Chase có nhà nhiếp ảnh Robert Capa gốc Hungary, mà nhiều năm trước tạp chí Picture Post miêu tả anh là “nhà nhiếp ảnh chiến trường lớn lao nhất thế giới.” Anh đang đi tới lui trên con tàu với chiếc máy ảnh Contax trên tay. Đối với anh, dường như con tàu được chia thành ba nhóm – nhóm cờ bạn ở boong trên chơi bài phé bằng tiền mặt đặt trên những tấm chăn quân đội; nhóm viết thư giấu mình trong những góc kẹt cố nghuệch ngoạc lá thư cuối cùng cho quê nhà; và nhóm kế hoạch hành quân ở boong dưới đang theo dõi sa bàn Bãi Omada và đấy những con tàu nhỏ tiến về bờ biển.

Anh đã từng bị thương vì liều mạng sống của mình để đi theo sát quang cảnh chiến trận. Bây giờ, anh đi theo quân Mỹ đến Bãi Omaha vào Ngày D.

Hóa ra anh là nhà nhiếp ảnh duy nhất đi theo đợt đổ bộ thứ hai ở Bãi Omaha, nơi chiến trận diễn ra khốc liệt nhất trong 5 bãi đổ bộ.

Lúc 11 giờ 00 tối ngày 5 tháng 6, Hải đội 86 gồm 6 con tàu, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Smith, vào vị trí ở ngoài khơi phía bắc Bán đảo Cherbourg. Trung sĩ John Mellalieu kể lại: “Thật khó mà biết chúng tôi cách đất liền bao xa. Các con tàu trong hải đội đi thành một hàng dọc, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia.”

Nhiệm vụ của Hải đội 68 là tối mật, đến mức họ nhận lệnh trực tiếp từ một đô đốc: trọng trách là dẫn đường cho các phi cơ chở Sư đoàn 82 Không vận và Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ sẽ tiếp cận vùng Cherbourg. Chính vì vậy mà trên các boong tàu đặt những ngọn đèn mà chỉ người trên không trung mới nhìn thấy.

Hải đội đã xuất phát lúc 15 giờ 15 từ Plymouth trong điều kiện biển rất xấu. “Điều đầu tiên tôi nhận thấy là không gian vô cùng yên ắng, bởi chúng tôi là những người đầu tiên vượt Eo biển”.

3 giờ 10 phút sáng ngày 6 tháng 6, 822 chiếc C-47 Dakota và theo sau là tàu lượn chở quân nhân đã thả dù xong. Mellalieu được thông báo qua vô tuyến điện rằng có một tàu lượn nhào xuống biển ở phía bắc Biển Manche. Ông và đồng đội mở cuộc tìm kiếm rồi trở về Plymouth mà không tìm thấy ai sống sót.

“Chúng tôi đến chỗ tàu lượn đâm xuống biển, nhưng sau 10 giờ lùng sục tìm kiếm mà không thấy người nào, chúng tôi về căn cứ. Nhưng có một điều mà chúng tôi không biết, là thị trưởng cùng với BBC và các báo đã đồng loạt kêu người dân tập trung ở cảng để chào đón người lính đầu tiên trở về từ cuộc đổ bộ.”

“Chúng tôi về tay không và rất rầu rĩ. Nhưng sáng hôm sau thì biết được tin hải đội đã tìm nhầm chỗ. Thực tế thì các lính dù đó được cứu ở cách chỗ chúng tôi vài hải lý, về phía nam.”

o O o

Khi màn đêm buông xuống, tổng hành dinh của von Rundstedt nhận tin báo là đài BBC ở London đang phát sóng với thời lượng lớn một cách bất thường những bản tin bằng mật mã cho quân kháng chiến Pháp, và những đài radar của Đức giữa Cherbourg và Le Havre đang bị nhiễu sóng. Cherbourg là đầu phía tây và Le Havre là đầu phía đông của bãi biển Normandy hình vòng cung, hai đầu cách nhau khoảng 130 kí-lô-mét theo đường chim bay.

Lúc 9 giờ 15 tối ngày 5 tháng 6, Thống chế Sir Alan Brooke, Tham mưu trưởng Quân đội Anh, ghi trong nhật ký:

“Tôi rất lấy làm lo cho cả chiến dịch. Theo cách tốt nhất thì vẫn không thể đáp ứng kỳ vọng của những người không biết gì về những khó khăn. Theo cách tệ hại nhất thì có thể đây là thảm họa kinh hoàng nhất trong toàn cuộc chiến…”

Lúc 9 giờ 50, Churchil đang ở trong Phòng Bản đồ dưới tầng hầm ở Đường Great George, không xa tư dinh Thủ tướng ở số 10. Clementine bước vào để chúc ông ngủ ngon.

Vị thủ tướng đang lo âu. “Em có nhận ra rằng vào lúc em thức dậy ban sáng, hai chục ngàn người đã có thể hy sinh?”

Hoạt động của quân dù

Lúc 9 giờ 15 tối ngày 5 tháng 6, quân dù kiểm tra lần cuối những trang thiết bị cần mang theo. Mỗi người mang dù chính và dù dự phòng, áo phao, các loại vũ khí và đạn dược khác nhau cùng nhiều loại thiết bị khác.

Tất cả máy bay vận tải được sơn những vạch trắng và đen trên thân hầu hạm đội có thể nhận ra họ mà không bắn nhầm. Mối nguy do hỏa lực bạn là nỗi lo chính yếu, đặc biệt với lực lượng không vận. Trong cuộc đổ bộ lên Sicily năm trước, súng cao xạ trên tàu chiến Mỹ bắn cả máy bay vận tải lẫn tàu lượn của Mỹ. Hàng tá phi công một số máy bay vận tải phải cắt dây cáp tàu lượn để bay được nhanh mà trốn thoát, khiến cho nhiều người lính trên tàu lượn sa xuống nước chết đuối.

Riêng lính dù thấy những vạch đen trắng trên máy bay vận chuyển họ mà phát rầu. Hạm đội dễ nhận ra máy bay thì xạ thủ phòng không của địch cũng dễ nhận ra mà thử thời vận, khiến cho máy bay trở thành cái bia tập bắn!

Cũng dễ làm lính dù mẫn cảm là một cái tên mà lính bay sơn trên thân máy bay, ví dụ như “Miss Carriage”, có nghĩa vô thưởng vô phạt là “Cô Chuyên chở” nhưng đọc ra “Miscariage” có nghĩa hư thai, thế là hỏng rồi!

Cũng để tránh hỏa lực từ hạm đội, các không đoàn chở lính dù đi theo hai hành lang hai bên, cách xa hạm đội ở giữa.

Linh du My len may bay son den trang (U.S. Government)
Lính dù chuẩn bị lên máy bay

Mất khoảng 40 phút để đưa một trung đội lính dù lên một chiếc C-47. Họ quá nặng nên phải có người nâng họ đưa lên máy bay. Một số khác có thể tự đi lên tàu lượn. Phi công chở lính dù luôn lo lắng về tải trọng, nên nhất quyết yêu cầu cân mỗi anh lính với đủ hành trang cho an tâm. Một hạ sĩ quan lên máy bay trước và trung đội trưởng lên cuối cùng để dẫn đầu. Hạ sĩ quan đảm bảo không ai còn sót hoặc đờ người trên máy bay. Có lần một lính dù hỏi ông hạ sĩ quan có đúng là ông ta sẽ bắn người lính nào không chịu nhảy ra hay không. Ông này đáp: “Tôi được lệnh như thế”. Ông nói nhỏ nhẹ khiến cho mọi anh lính im bặt.

Linh du tren duong den Normandie
Lính dù trên đường đến Normandie

o O o

Lúc 10 giờ 15 tối ngày 5 tháng 6, tại tổng hành dinh của Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm gần biên giới Bỉ, Trung tá Hellmuth Meyer (Trưởng Quân báo của Đại quân đoàn) đang lắng nghe bản phát sóng của đài BBC. Ông đang theo dõi phần thứ hai của một thông điệp bí mật, sau khi đã bắt được phần thứ nhất của thông điệp này vào đêm 1 tháng 6. Đó là nhờ hồi tháng 1/1944, Phó Thủy sư Đô đốc Wilhelm Canaris, Giám đốc Cục Quân báo Đức, đã cho Meyer biết chi tiết về một tín hiệu kỳ lạ gồm 2 phần mà ông nói rằng Đồng minh sẽ dùng để báo động cho lực lượng kháng chiến ngầm ngay trước cuộc đổ bộ. Một người trong lực lượng Kháng chiến Pháp bị Đức mua chuộc đã báo cho Đức biết trước.

Đêm 1 tháng 6 ấy, nhóm quân báo của Meyer nghe được phần thứ nhất của thông điệp. Đó là một câu thơ của thi sĩ Paul Verlaine vào Thế kỷ 19, trong bài thơ mang tựa Chanson d’Automne (có nghĩa: Khúc hát mùa thu):

Les sanglots longs des violons de l’automne
(Tiếng nức nở của những cây vĩ cầm mùa thu)

Meyer hiểu rằng cuộc đổ bộ sẽ xảy ra trong vòng 2 tuần. Phần thứ hai của thông điệp có nghĩa cuộc đổ bộ sẽ xảy trong vòng 48 giờ sau đó.

Sau khi nghe phần thứ nhất của thông điệp, Meyer thông báo cho Thiếu tướng Rudolf Hofmann (Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm): “Thông điệp thứ nhất đã tới. Chuyện gì đó sẽ xảy ra.”

Sau đó, Meyer gửi điện cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực (Oberkommando der Wehrmacht – OKW) và cũng gọi đến tổng hành dinh của von Rundstedt (Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây – OB West) và Rommel (Tư lệnh Tập đoàn quân B),

Tại OKW, tin được chuyển cho Chuẩn thống chế Alfred Jodl (Tham mưu phó Hành quân). Ông này không ra lệnh báo động vì cho rằng von Rundstedt đã làm việc đó; nhưng von Rundstedt lại nghĩ Rommel đã ra lệnh.

Hậu quả là trên toàn mặt trận chỉ có Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm bảo vệ vùng Pas-de-Calais được đặt trong trạng thái sẵn sàng, còn Đại Quân đoàn Thứ Bảy bảo vệ vùng Normandie thì không biết gì.

Trong đêm 2 và 3 tháng 6, phần đầu của thông điệp được phát lại. Điều này khiến cho Meyer lo lắng: theo tin ông có thì nó sẽ chỉ được phát một lần. Ông chỉ có thể đoán Đồng minh lặp lại để đảm bảo lực lượng kháng chiến Pháp nhận được.

Trong một giờ sau khi thông điệp được phát lại đêm 3 tháng 6, hãng AP đưa tin nhanh nói rằng cuộc đổ bộ của Đồng minh lên đất Pháp đang được triển khai. Nếu cảnh báo của Canaris là đúng thì tin của AP phải là sai. Sau những phút đầu hoang mang, Meyer đặt cược vào Canaris.

Tối ngày 5 tháng 6 này, Meyer bắt được phần thứ hai của thông điệp. Đó là câu thơ kế tiếp của Verlaine:

Bercent mon coeur d’une langueur monotone
(Làm tổn thương tim ta trong não nề đơn điệu)

Hellmuth Meyer vội lao ra khỏi văn phòng. Trên tay ông có lẽ là thông điệp quan trọng nhất trong Thế chiến 2 mà người Đức chặn được. Với thông tin này, nếu phía Đức hành động kịp thời thì họ có thể đẩy quân Đồng minh xuống biển. Đó là lý do Meyer chạy hộc tốc tới văn phòng của Chuẩn Thống chế Hans von Salmuth (Tư lệnh Đại quân đoàn), đang chơi bài với các sĩ quan khác. Meyer thở hổn hển: “Tướng quân, Bản thông điệp, phần thứ hai – nó đây!”

Von Salmuth suy nghĩ một chút, sau đó ông ra lệnh đặt Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm vào tình trạng báo động cao nhất. Khi Meyer hối hả rời phòng, von Salmuth nhìn lại ván bài bridge trên tay. “Tôi đã quá già nên không còn phấn khích với chuyện như vậy”, von Salmuth kể lại.

Trở lại văn phòng, Meyer gửi điện báo cho tổng hành dinh của von Rundstedt:

“Bức điện số 211/26. Khẩn. Bản tin của BBC, 21.15, ngày 5 tháng 5, đã được giải mã. Theo thông tin của chúng tôi, bản tin có nghĩa ‘Đổ bộ trong vòng 48 giờ, bắt đầu 00.00, ngày 6 tháng 6’.”

Meyer còn gửi điện báo đến một số đơn vị mà nhật ký của Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm ghi lại, gồm có: Quân đoàn 67, 81, 82, 89; Tư lệnh quân quản Bỉ và Bắc Pháp; Tập đoàn quân B; Sư đoàn Phòng không 16; Đô đốc vùng duyên hải Eo biển; lực lượng Không quân ở Bỉ và Bắc Pháp.

Cả Đại Quân đoàn Thứ Bảy lẫn Quân đoàn 84 đều không có trong danh sách, bởi vì Meyer không có quyền báo tin cho hai đơn vị đó. Trách nhiệm thuộc về tổng hành dinh của Rommel, do hai đơn vị trên nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tập đoàn quân B.

o O o

Tổng hành dinh của von Rundstedt không báo động toàn bộ mặt trận. Lúc chiến tranh kết thúc, người Đức tiết lộ họ đã bắt được và giải mã chính xác ít nhất 15 thông điệp liên quan tới Ngày D. Thông điệp Verlaine là cái duy nhất được tìm thấy ghi lại trong các nhật ký chiến đấu của Đức.

Cho dù Quân báo tự tin, giới Lục quân Đức vẫn nghi ngờ. Von Rundstedt nghĩ không cần thiết phải báo động Đại Quân đoàn Thứ Bảy đóng giữa Caen và Cherbourg, khu vực mà vài nghìn chiếc tàu Đồng minh đang tiến đến. Từ Cherbourg đến Caen là hơn phân nửa chiều dài phía tây của bãi biển Normandy. Quân Đồng minh sẽ đổ bộ chủ yếu lên chiều dài đó. Cho đến lúc này, von Rundstedt vẫn còn nghĩ rằng Đồng minh sẽ đổ bộ lên Pas-de-Calais. Chiến dịch đánh lạc hướng của Đồng minh đã quá thành công!

Chủ nào thì tớ nấy. Thượng tướng Tham mưu trưởng của von Rundstedt trả lời Meyer: “Khi sắp tấn công, có ông tướng nào lại thông báo qua đài phát thanh cơ chứ? Anh hãy quên việc này đi.”

Còn đầu não thứ hai ở Mặt trận Tây, Rommel, lại đang sum vầy với vợ con, chỉ được nghe về cuộc đổ bộ vào buổi sáng.

Thế là Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm ở cách xa Normandie được báo động rất sớm, nhưng những đơn vị sẽ hứng chịu cuộc đổ bộ thì không nhận được tin này.

Ít lâu sau, chính Đồng minh lại thua đau trong chiến dịch đánh Hà Lan cũng vì không tin quân báo của họ.

o O o

Trong tổng hành dinh của Rommel ở La Roche-Guyon, bữa tiệc của Thiếu tướng Hans Speidel đã tàn, phần lớn thực khách đã quay về Paris. Riêng Thiếu tá Wilhelm von Schramm thuộc bộ phận tuyên truyền còn ở lại, vì ông định đi thăm vài sư đoàn ở Normandy sáng hôm sau. Khi từ nhà vệ sinh đi ngang qua bàn giấy của Đại úy tùy viên Ernest Maisch, ông thấy câu thơ mà Quân báo Đức đã ghi lại:

    Bercent mon coeur d’une langueur monotone

Von Schramm nhận ra đó là tin mà Quân báo đã chờ đợi. Trong phấn khích, ông hộc tốc chạy đến Speidel. Ông nói: “Mọi chuyện sắp bắt đầu!”, và dẫn Speidel vào phòng của sĩ quan tùy viên kia để xem bản tin.

Nhưng vị thiếu tướng không mảy may xúc động. Ông nói với von Schramm: “À, ngày đã tàn rồi. Bây chúng ta phải chia tay.”

Speidel đi ngủ, nhưng von Schramm ở lại để xem có báo cáo nào tiếp theo hay không.

o O o

10 giờ 15 tối, máy bay bắt đầu cất cánh chở 6.600 lính đợt đầu của Sư đoàn 101 Không vận Mỹ. Nửa giờ sau, đến phiên 6.400 lính đợt đầu của Sư đoàn 82 Không vận Mỹ. Dăm bảy phút sau, đến phiên đặc công và lính tiền trạm Anh.

Airplane_C-47 & Horsa
Vận tải cơ 4 máy kéo theo tàu lượn Horsa

Lúc 11 giờ tối, 1.200 máy bay đang vận chuyển 3 sư đoàn dù đến Normandie. Tiếng động cơ rì rầm vang không ngớt trên các ngôi làng gần các sân bay ở miền nam và trung nước Anh. Người người trong bộ áo ngủ bước ra vườn nhà, ngước mặt nhìn hàng hàng máy bay nối đuôi in bóng trên làn mây. Cảnh tượng khiến một số người nhớ lại kỷ niệm thương đau khi lính Đồng minh được di tản từ Dunquerque về Anh, chỉ mới bốn mùa hè trước. Một số người trở vào nhà, quỳ bên mép giường để cầu nguyện cho những chiến binh đang lên đường.

Chien dich Neptune
Lộ trình của máy bay vận chuyển quân dù

Trên Bán đảo Carentan (Bán đảo Cherbourg), Đức đã làm ngập hơn 30 kí-lô-mét vuông vùng đất trũng phía sau các bãi biển trên bờ đông của Bán đảo. Bãi Utah nằm gần như chính giữa những cái hồ nhân tạo đó. Chỉ có một cách để Sư đoàn Bộ binh 4 (cùng với xe tăng, pháo binh, xe cơ giới và hậu cần) có thể tiến vào sâu trong đất liền là qua 5 con đường xuyên qua đầm lầy. Và pháo binh Đức khống chế những con đường đó.

Phòng thủ bán đảo và những chướng ngại thiên nhiên này là ba sư đoàn Đức: Sư đoàn 709 ở phía bắc và dọc bờ biển phía đông, Sư đoàn 243 ở bờ biển phía tây, và Sư đoàn 91 mới đến ở trung tâm và xung quanh gốc của bán đảo. Ngoài ra, nằm phía nam Carentan trong tầm tấn công là một trong những đơn vị Đức rắn nhất ở Normandie – Trung đoàn Dù số 6 dưới quyền Nam tước von der Heydte. Chưa kể tới các đơn vị Hải quân phụ trách các cụm pháo bờ biển, các đơn vị phòng không và số quân ở lân cận Cherbourg, Đức có thể gần như ngay lập tức tung ra 40.000 quân để ngăn chặn Đồng minh. Trong khu vực phòng thủ dày đặc này, Sư đoàn 101 Không vận của Trung tướng Maxwell Taylor và Sư đoàn 82 Không vận của Trung tướng Matthew Ridgway được giao nhiệm vụ quan trọng là thiết lập và giữ vững một “đầu cầu” – một dải phòng ngự chạy từ khu vực bãi Utah tới phía tây dọc theo gốc của bán đảo. Họ sẽ dọn đường cho Sư đoàn 4 và cố thủ đến khi được giải tỏa. Trong và quanh bán đảo, lính dù Mỹ bị áp đảo với tỉ số hơn 3 trên 1.

Quân của Taylor sẽ phải đánh chiếm trận địa pháo 6 khẩu ở St-Martin-de-Varreville, gần như ở ngay phía sau bãi Utah, và giành lấy 4 lối ra (exit) giữa khu vực này và làng Poupeville. Cùng lúc đó, chiếm giữ hoặc phá hủy các cây cầu và bến vượt dọc sông Douve và kênh Carentan, đặc biệt là đập La Barquette. Trong khi Sư đoàn 101 chiếm những mục tiêu trên, quân của Ridgway phải bảo vệ các điểm vượt sông ở Douve và Merderet, làm chủ Ste-Mère-Église và chiếm lĩnh các vị trí phía bắc thị trấn để ngăn chặn đối phương phản kích vào bên sườn khu đổ bộ.

Ban dao Carentan
Quân dù Mỹ trên Bán đảo Carentan. LZ (landing zone) là bãi đáp của quân dù.

Hai sư đoàn Không vận còn một nhiệm vụ quan trọng nữa. Họ phải quét sạch quân địch ở các bãi đổ bộ dành cho các chuyến tàu lượn tăng viện cho quân Mỹ – cũng như đối với quân Anh – vào trước bình minh và một chuyến nữa vào buổi chiều tối. Theo kế hoạch, chuyến đầu tiên với hơn 100 tàu lượn sẽ tới lúc 4 giờ sáng.

Lúc 0 giờ 10 rạng sáng ngày 5 tháng 6, các nhóm tiền trạm Mỹ nhảy dù xuống để đánh dấu những bãi nhảy của 2 sư đoàn không vận Mỹ. Họ đã được huấn luyện ở một trường đặc biệt do Thiếu tướng James M. Gavin tổ chức. Ông này nói với họ: “Khi nhảy xuống Normandie, các cậu sẽ chỉ có duy nhất một người bạn: Chúa.” Bây giờ, họ phải nhờ ơn Chúa để hoàn thành nhiệm vụ. Hỏa lực phòng không mạnh làm nhiều máy bay phải bỏ dở hành trình. Những người nhảy dù được gặp khó khăn ngay từ đầu. Chỉ có 38 trong số 120 lính tiền trạm nhảy xuống đúng mục tiêu. Số còn lại đáp chệch đi hàng kí-lô-mét. Họ đáp xuống cây cối, vườn tược, cả nóc nhà. Phần lớn là lính dù kỳ cựu, nhưng vẫn lúng túng khi cố xác định phương hướng. Cánh đồng nhỏ hơn, hàng cây cao hơn và con đường hẹp hơn so với những gì đã học nhiều tháng trên bản đồ.

Trên khắp khu vực, lính tiền trạm Mỹ cố gắng tìm đến địa điểm được phân công. Lặng lẽ di chuyển từ hàng cây này sang hàng cây khác, vác đầy những súng đạn, mìn, đèn, radar và các tấm phản quang nặng tổng cộng 45 không, họ bắt đầu chuẩn bị điểm tập kết. Họ chỉ có không đầy 1 giờ để đánh dấu các bãi đáp cho cuộc tiến công toàn diện của lực lượng Không vận Mỹ sẽ bắt đầu lúc 1 giờ 15 sáng.

o O o

Bà Angeele Levrault, hiệu trưởng 60 tuổi ở Ste-Mère-Église, nghe thấy từ xa vọng tới tiếng ù ù của động cơ máy bay, tiếng trầm của bom nổ và tiếng lanh lảnh của pháo cao xạ. Bà vội vã bước tới cửa sổ. Xa về phía bờ biển, lơ lửng một cách kỳ quặc trên trời là những chùm hỏa châu lấp lánh. Mây nhuốm màu đỏ. Ở khoảng cách này có thể thấy những đám lửa màu hồng sáng và những chùm sáng màu cam, xanh, vàng và trắng của đạn vạch đường.

Khi ra khu vườn sau, bà hiệu trưởng nghe thấy tiếng máy bay to dần, hướng về thị trấn. Đột nhiên mọi khẩu cao xạ trong khu vực bắt đầu nhả đạn. Bà Levrault hoảng sợ chạy vội tới nấp bên một gốc cây. Những chiếc máy bay bay rất nhanh và thấp được đón tiếp bằng những loạt đạn cao xạ rền vang như sấm và bà gần như bị điếc trong giây lát vì âm thanh đó. Hầu như ngay lập tức, tiếng gầm của động cơ nhỏ dần, pháo ngừng bắn và mọi thứ lại yên tĩnh như không có gì xảy ra.

Bà Levrault nghe một tiếng rung động lạ từ đâu đó phía trên. Bà ngước nhìn lên. Đang rơi thẳng xuống khu vườn là một chiếc dù với một thứ to lớn lắc lư bên dưới. Trong một giây ánh trăng bị che khuất, vì chính lúc đó Binh nhì Robert M. Murphy, lính tiền trạm của Trung đoàn 505 Sư đoàn 82, rơi uỵch xuống cách đó 18 mét và lăn mấy vòng. Bà Levrault đứng bất động.

Người lính dù 18 tuổi nhanh nhẹn dùng dao cắt đứt dây dù, nhặt chiếc túi lớn và đứng dậy. Rồi anh thấy bà Levrault. Họ đứng nhìn nhau trong một lúc lâu. Đối với bà già người Pháp, tay lính dù trông đáng sợ một cách kỳ lạ. Trong khi bà vẫn đứng bất động, khiếp sợ nhìn anh, người lạ mặt đặt ngón tay lên môi ra hiệu im lặng và lập tức biến mất.

Bà Levrault vừa nhìn thấy một trong những lính Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống Normandie. Lúc đó là 0 giờ 15 sáng, thứ Ba, ngày 6 tháng 6. D-Day đã bắt đầu.

Dĩ nhiên lúc đó bà Levrault không hề biết tên hay đơn vị của người lính, nhưng bà còn giữ 300 viên đạn trong bao mà người lính dù đã làm rơi. Năm 1958, anh Murphy, giờ là một luật sư có tiếng ở Boston, nói rằng “sau khi rơi xuống đất, tôi rút con dao từ chiếc bốt và cắt dây buộc. Tôi cũng cắt luôn cả dây treo bao đạn 300 viên mà không biết”. Câu chuyện của anh trùng khớp với những gì bà Levrault đã kể.

o O o

Ở Neuville-au-Plain, cô Marcelle Hamel là giáo viên của một lớp duy nhất dạy đủ các cấp gồm 32 trai và gái từ 5 đến 13 tuổi. Cô cùng mẹ, dì và hai ông bà ngoại cùng sống trong khu gia cư của trường học tọa lạc giữa những vườn tược xanh tươi ở vùng đồng quê. Bốn năm trước, bạn trai cô gia nhập Lực lượng Kháng chiến Pháp, và hai người không gặp lại nhau kể từ ngày ấy.

Cô cùng bà mẹ đã ngủ bên nhau từ lúc 10 giờ tối ngày 5 tháng 6. Thình lình màn đêm yên tĩnh bị khuấy động bởi tiếng máy bay. Đó là chuyện bình thường mà cô ít khi quan tâm, bởi vì ngôi trường cách xa bất kỳ vị trí quân sự nào, còn tuyến đường xe lửa cách xa 5 kí-lô-mét. Nhưng lúc này tiếng ồn dần rõ hơn, bầu trời sáng rực với màu đỏ. Cả nhà cùng ngồi dậy, đi ra khu vườn. Chung quanh yên tĩnh, chỉ thoáng nghe tiếng bom ở nơi xa. Rồi yên tĩnh trở lại. Mẹ cô nói: “Giống như lần rồi, hẳn họ đánh bom các lô cốt trên bãi biển.” Rồi tất cả trở vào nhà.

Mẹ cô nhanh chóng ngủ tiếp. Nhưng Marcelle vẫn ngồi thao thức. Rồi cô thấy những cái bóng không biết từ đâu hiện ra ở bên ngoài. Cô cùng mẹ và dì bước ra khu vườn. Cha Dumont, người góa vợ sống cùng ba đứa con bên kia đường, cũng ra bên ngoài. Ông đi đến cô, chỉ lên một chiếc dù treo từ nóc ở sân chơi có mái lợp. Nhưng không ai hiểu được chuyện gì đang xảy ra.

Marcelle đi ra con đường bên ngoài để tìm hiểu. Kế bên hàng rào nhà lân cận, cô thấy một người mang ba lô và vũ khí. Anh ra dấu cho cô đến gần. Cô hỏi người lạ bằng tiếng Anh rằng có phải máy bay của anh bị bắn rơi hay không. Với tiếng Pháp chuẩn, anh thì thầm báo tin: “Đây là cuộc tấn công lớn… Hàng ngàn lính dù đang nhảy xuống đây đêm nay. Tôi là lính Mỹ nhưng nói được tiếng của cô bởi vì mẹ tôi là người Pháp. Quê bà ấy ở Basses-Pyrénées.” Marcelle hỏi anh ta: “Chuyện gì xảy ra ở bờ biển? Có đổ bộ không? Về phần quân Đức thì sao?” Cô đang hoang mang và kích xúc nên nói lắp bắp. Anh không trả lời, nhưng hỏi cô thông tin về quân địch trong vùng. Tôi trấn an anh: “Không có quân Đức ở đây; gần nhất là ở Sainte-Mère-Église, cách đây 2 kí-lô-mét.”

Anh lính Mỹ nói muốn xem bản đồ ở nơi ánh đèn pin không bị phát hiện. Marcelle bảo anh vào trong nhà mình. Anh lưỡng lự, nói sợ gia đình cô bị liên lụy nếu lính Đức bất ngờ đến đây. Đó là khả năng cô đã không nghĩ tới, nhưng bây giờ cô không sợ. Cô trấn an anh: “Cha Dumont và dì tôi sẽ trông chừng, một người phía trước, một người phía sau.” Anh lính đi theo mọi người, chân hơi khập khiễng. Anh nói cổ chân bị trặc khi tiếp đất và không muốn được chăm sóc. Có những việc quan trọng hơn. Trong phòng học, nơi bà ngoại và mẹ của Marcelle cùng bọn trẻ nhà Dumont đi theo, anh mở ra một tấm bản đồ, trải lên bàn. Anh yêu cầu cô chỉ địa điểm của nhà cô. Anh lấy làm ngạc nhiên khi biết mình ở xa tuyến đường xe lửa và con sông tên “le Merderet”. Marcelle chỉ đường cho anh đi đến đó. Anh nhìn đồng hồ: 11 giờ 20. Anh gấp tấm bản đồ lại, xóa đi những dấu vết của mình. Anh lấy một ít thỏi chocolat trao cho bọn nhỏ. Bọn chúng quá kinh ngạc nên quên cả ăn. Anh có vẻ hoàn toàn bình tĩnh, tự chủ. Cô chúc anh may mắn. Anh đáp: “Chúc mọi người ngủ ngon.” Rồi anh hạ giọng nói bằng tiếng Anh để chỉ một mình cô hiểu được: “Những ngày tới sẽ là kinh khủng. Chúc cô may mắn. Cảm ơn cô, tôi sẽ suốt đời nghĩ đến cô.” Rồi cô thấy anh “biến đi, như thể là một hình bóng trong giấc mộng.”

o O o

Đêm hôm ấy, 13.000 lính dù Mỹ nhảy xuống khắp nơi phía sau phòng tuyến của Đức.

Cũng giống như Sư đoàn 6 Dù của Anh, Sư đoàn 82 Không vận và Sư đoàn 101 Không vận bị phân tán nghiêm trọng: trên 75% quân số tiếp đất ngoài bãi đáp được chỉ định. Sau 24 tiếng đồng hồ, chỉ có 2.500 lính của Sư đoàn 101 và 2.000 lính của Sư đoàn 82 – khoảng một phần ba tổng quân số nhảy xuống – ở dưới quyền chỉ huy của sư đoàn mình. Lính của hai sư đoàn xáp nhập nhau, quyền chỉ huy dựa theo cấp bậc hoặc cảm tình. Chỉ có một trung đoàn nhảy dù chính xác, đó là Trung đoàn 505 thuộc Sư đoàn 82. Còn lại, 60 phần trăm trang thiết bị thất lạc, bao gồm phần lớn điện đài, súng cối và đạn dược. Gần phân nửa quân dù lượn của Sư đoàn 82 Không vận, 4.000 người, bị mất liên lạc trong giai đoạn đầu của chiến dịch. Họ cách xa bất kỳ vật chuẩn nào có thể nhận ra được hàng cây số, bối rối và đơn độc. Hành trình của máy bay từ tây sang đông chỉ mất 12 phút để đi hết bán đảo. Nhảy quá muộn thì rơi xuống biển, nhảy quá sớm thì rơi vào đâu đó giữa bờ tây và khu vực ngập nước. Một số bị thả lạc tới mức họ còn rơi gần bờ tây bán đảo hơn là khu đổ bộ ở phía đông. Hàng trăm binh lính với trang bị nặng tiếp đất ở khu vực lầy lội nguy hiểm của sông Merderet và Douve. Nhiều người chết đuối, một số ở độ sâu dưới 0,6m. Những người khác nhảy quá muộn, lao vào màn đêm mà họ tưởng là Normandie và chết đuối dưới biển.

Từ vô số cánh đồng và bãi cỏ nằm giữa biển và vùng ngập nước, lính dù Mỹ tập hợp lại trong đêm tối, không phải bằng tiếng tù và đi săn mà bằng một cái bấm. Sinh mạng họ phụ thuộc vào thứ đồ chơi trẻ con bằng thiếc hình con cá chỉ đáng giá vài cent này. Một tiếng bấm được trả lời bằng hai tiếng và với riêng Sư đoàn 82, một mật khẩu. Hai tiếng bấm được trả lời bằng một. Sau tín hiệu đó, những người lính rời chỗ nấp, gốc cây và rãnh đất, bên tường nhà chào đón lẫn nhau. Trung tướng Maxwell Taylor (Tư lệnh Sư đoàn Không vận 101 Mỹ) và một người lính đầu trần không rõ tên gặp ở góc hàng rào và nhiệt tình ôm chầm lấy nhau. Một số lính dù tìm được ngay đơn vị của mình. Những người khác lại thấy những gương mặt lạ trong đêm, và sau đó là thứ quen thuộc đầy an ủi –  lá cờ Mỹ nhỏ đính bên cánh tay.

Như thế, nhiều vấn nạn của quân dù là do một yếu tố chính: Ban đêm. Sau trận Normandie, quân dù không được thả vào ban đêm nữa.

o O o

Sainte-Mère-Église là một trị trấn thương mại nhỏ nằm trên con đường giữa Cherbourd về hướng bắc và Caen về hướng nam. Lá cờ lớn mang hình chữ thập ngược treo trên tòa thị sảnh đã bắt lửa. Bên kia quảng trường, Place de l’Église, một ngôi nhà đang bốc cháy. Quân Đức đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ 9 tối để phép cư dân giúp dập lửa. Họ đang đứng thành hàng, chuyền cho nhau những xô nước từ một chiếc bơm gần đó.

Từ tháng 6 năm 1940, quân Đức chiếm thị trấn này, treo lá cờ của họ trên tòa thị sảnh, bắt thanh niên làm lao dịch. Cư dân đáp trả bằng nhiều cách – gia nhập Lực lượng Kháng chiến, nghe đài BBC qua máy thu thanh bị Đức cấm dùng, và cố tình trì hoãn việc xây dựng những công trình của Rommel nhằm chống quân dù.

Họ không biết rằng trong gần một năm nay, thị trấn của họ là trung tâm điểm cho chiến dịch giải phóng nước Pháp. Tướng Eisenhower đã ra lệnh phải chiếm cho bằng được Sainte-Mère-Église. Ngoài con đường chiến lược dẫn đến Cherbourg, từ đây còn có một đường dẫn thẳng xuống Bãi Utah. Chính vì vậy mà thị trấn nằm giữa các bãi đáp của Sư đoàn 82 và Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ.

Lúc 0 giờ 55 rạng sáng ngày 6 tháng 6, trong ngôi nhà cách Sainte-Mère-Église 5 kí-lô-mét, cô bé Geneviève Duboscq 11 tuổi cùng gia đình đang ăn mừng sự kiện mà họ tin chắc đó là cuộc đổ bộ. (Ngày hôm trước, cô bé cùng mẹ cắt đứt dây cáp điện thoại chạy từ Sainte-Mère-Église.) Ông bố Maurice định đi xuống tầng hầm thì cánh cửa bị đá tung cho mở ra, một lính dù xông vào, tay cầm khẩu súng máy.

Anh hỏi: “Bạn hay thù?”

Đứa em trai Claude của Geneviève bước tới, trả lời: Bạn, monsieur – chúng tôi đều là bạn.”

“Bạn. Bạn thật hả?” Anh lính dù xoa đầu Claude. Anh rút ra một tấm bản đồ và nói: “Chỉ cho tôi lính Đức ở đâu…”

Từ 1 giờ 00 rạng sáng ngày 6 tháng 6, ở đầu tây của khu vực Normandie, từng lớp máy bay nối tiếp nhau tới, lính dù nối nhau lao ra. Khi tìm cách tiếp đất ở khu vực bên ngoài thị trấn, nhiều người nghe thấy một tiếng động bất hợp lý giữa những âm thanh chiến trận: tiếng chuông nhà thờ trong đêm. Với nhiều người, đó là những âm thanh cuối cùng mà họ nghe được trong đời. Bị gió mạnh cuốn đi, họ rơi vào giữa địa ngục trên quảng trường Place de l’Église – và số mệnh trớ trêu là những khẩu súng của lính gác Đức được bố trí ở đây. Trung úy Charles Santarsiero ở Trung đoàn 506 Sư đoàn 101 đang đứng bên cửa máy bay khi nó bay qua Ste-Mère-Église.

Anh nhớ lại:

“Chúng tôi ở độ cao khoảng 120 mét, và tôi có thể thấy lửa cháy cũng như đám lính Đức đang chạy lăng xăng. Dưới đất dường như hoàn toàn hỗn loạn. Khắp nơi là địa ngục. Cao xạ và súng bộ binh đang bắn và những chàng trai tội nghiệp đó bị rơi vào giữa chúng”.

Hai máy bay thả lính dù Mỹ ngay trên quảng trường Sainte-Mère-Église. Gần như ngay khi rời máy bay, Binh nhì John Steele ở Trung đoàn 505 thuộc Sư đoàn 82 Không vận nhận thấy thay vì hạ xuống một bãi đổ bộ được lính tiền trạm chiếu sáng, anh đang rơi thẳng vào trung tâm thị trấn có vẻ đang cháy. Rồi anh thấy những lính Đức và thường dân Pháp đang chạy cuống cuồng. Với Steele dường như phần lớn bọn họ đang nhìn anh. Vài giây sau anh cảm thấy như “bị một lưỡi dao nhọn đâm”. Một viên đạn đã bắn trúng chân anh. Sau đó Steele nhận thấy một điều còn làm anh hoảng hốt hơn. Treo dưới chiếc dù, không thể đổi hướng thoát khỏi thị trấn, anh đu đưa một cách vô dụng khi chiếc dù đưa anh lao thẳng tới tháp chuông nhà thờ ở bên cạnh quảng trường.

Đối với quân Đức, có vẻ như Ste-Mère-Église đang bị tràn ngập bởi quân dù, và tất nhiên những người dân trên quảng trường nghĩ rằng họ đang ở trung tâm của một trận đánh lớn. Trên thực tế chỉ có một số lính Mỹ – có lẽ khoảng 30 – rơi xuống thị trấn, và không hơn 20 người tiếp đất xung quanh khu vực quảng trường. Nhưng chừng đó là đủ để làm gần 100 lính Đức đồn trú ở đây hoang mang. Đám lính tiếp viện đổ tới quảng trường, nơi có vẻ là trọng tâm của cuộc tấn công.

Bị kẹt trong cảnh tàn sát khắp nơi xung quanh, những người trên quảng trường giờ đây không để ý tới lực lượng Không vận vẫn không ngừng đáp xuống. Hàng nghìn người đang nhảy dù xuống các bãi đổ bộ của Sư đoàn 82 ở phía tây-bắc và Sư đoàn 101 ở phía đông và gần chính tây, giữa Ste-Mère-Église và bãi Utah. Nhưng lúc này và cả sau đó, do cuộc thả dù bị phân tán quá rộng, binh sĩ thuộc đủ các trung đoàn đã rơi lạc vào trong cuộc tàn sát ở thị trấn nhỏ bé này. Thực tế một hoặc hai người, mang theo đạn dược, lựu đạn và thuốc nổ dẻo rơi vào một ngôi nhà đang cháy. Có những tiếng kêu và sau đó là tiếng súng và tiếng nổ khi đạn dược bị nung nóng.

Trong tất cả những sự hỗn loạn và ghê rợn đó, một người vẫn đang bền bỉ đấu tranh để giành sự sống. Binh nhì Steele bị treo dưới mái hiên, dù của anh mắc vào tháp chuông của nhà thờ. Anh nghe những tiếng kêu thét. Anh thấy lính Đức và lính Mỹ bắn nhau trên quảng trường và trên đường phố. Và gần như tê liệt vì kinh hãi, anh thấy những luồng sáng đỏ từ súng máy khi đạn vãi đạn xung quanh mình. Steele cố gắng cắt dây, nhưng con dao bằng cách nào đó đã tuột khỏi tay anh và rơi xuống.

Steele quyết định rằng hy vọng cuối cùng của anh là giả chết. Trên mái nhà chỉ cách có vài mét, súng máy Đức trút đạn vào mọi thứ trong tầm nhìn, nhưng không bắn vào Steele. Anh lơ lửng trên dây giống như đã “chết” thật đến mức Trung úy Willard Young của Sư đoàn 82, người đã trải qua giai đoạn giao tranh ác liệt nhất vẫn nhớ đến “một người lính chết treo trên tháp chuông”. Steele bị treo ở đó hơn 2 tiếng cho tới khi lính Đức đưa anh xuống và bắt giữ. Choáng váng và đau đớn vì vết thương ở chân, tất nhiên anh không để ý gì tới tiếng chuông kêu chỉ vài mét ngay trên đầu.

Sau này, hình tượng của John Steele đu đưa dưới một cánh dù được tạo ra ở cùng vị trí trên tháp chuông, thể hiện đúng hình ảnh của anh.

John Steele Monument (Arnold Silverman)
Hình tượng của John Steele trên tháp chuông (Arnold Silverman)

Đến 4 giờ rạng sáng ngày 6 tháng 6, quân dù Mỹ giải phóng Sainte-Mère-Église, là thị trấn đầu tiên được giải phóng trong chiến dịch. Cờ Mỹ được giương lên ở tòa thị sảnh.

Cuộc giao tranh ở Ste-Mère-Église là sự mở màn cho cuộc tấn công đường không của quân Mỹ. Nhưng nhìn toàn cảnh thì cuộc đụng độ đẫm máu này là một rủi ro. Mặc dù thị trấn là một trong những mục tiêu quan trọng của Sư đoàn 82, trận đánh chính giành Ste-Mère-Église vẫn chưa tới.

Ước tính tốt nhất cho con số thương vong là 12 chết, bị thương và mất tích. Trung tá William E. Ekman, Trung đoàn trưởng 505 nói rằng “một trong số các cha tuyên úy của trung đoàn… nhảy xuống Sainte-Mère-Église bị bắt và bị hành quyết sau đó mấy phút”.

Sau đó ít lâu, lúc 4 giờ 08, Thiếu tướng Don Pratt (Tư lệnh Phó Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ) tử trận khi đáp xuống đất gần Hiesville bằng tàu lượn Waco CG-4A. Ông là sĩ quan cấp cao nhất tử trận trong Ngày D.

o O o

Mặc dù đã hơn 1 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ khi tất cả lính dù Mỹ tiếp đất, nhiều nhóm nhỏ gồm những người ở khắp các đơn vị vẫn còn đang trên đường tiếp cận mục tiêu. Một nhóm trên thực tế đã tấn công mục tiêu được phân công, một vị trí phòng ngự với hầm hào, súng máy và pháo chống tăng ở làng Foucarville ngay sau bãi Utah. Vị trí này hết sức quan trọng, nó kiểm soát mọi sự di chuyển trên con đường chính chạy phía sau khu vực bãi Utah mà xe tăng đối phương có thể lợi dụng để đánh vào đầu cầu. Cần một đại đội để tấn công Foucarville nhưng mới chỉ có 11 người dưới quyền Đại úy Cleveland Fitzgerald tới nơi. Fitzgerald quyết định tấn công mà không đợi thêm quân. Trong trận đánh này – trận đánh đầu tiên được ghi chép lại của Sư đoàn 101 trong Ngày D – Fitzgerald và đồng đội tiếp cận được tới sở chỉ huy của địch. Đó là một trận chiến ngắn ngủi đẫm máu. Fitzerald bị bắn trúng phổi, nhưng khi gục xuống anh cũng hạ được một lính Đức. Cuối cùng, lính Mỹ ít hơn phải rút lui ra ngoài chờ trời sáng và viện binh đến. Họ không biết rằng 9 lính dù đã tới Foucarville khoảng 40 phút trước đó. Họ đã rơi vào chính cứ điểm. Giờ họ đang bị canh giữ trong một căn hầm, không biết gì về trận đánh, và nghe một tay lính Đức tập chơi harmonica.

Đó là những giây phút điên loạn đối với tất cả – đặc biệt là các vị tướng. Họ thiếu sĩ quan tham mưu, thiếu phương tiện liên lạc và thiếu quân. Trung tướng Maxwell Taylor thấy xung quanh ông có nhiều sĩ quan nhưng chỉ có 2 hay 3 người lính. Ông nói với họ: “Chưa bao giờ lại có ít lính được chỉ huy bởi nhiều sĩ quan thế này.”

Trung tướng Matthew Ridgway đang đơn độc trên cánh đồng, súng ngắn trong tay, tự thấy mình may mắn. Như ông nhớ lại sau này, “không có đồng đội thì ít nhất cũng không gặp kẻ thù”. Phó của ông, Thiếu tướng James Gavin, lúc này đang nắm quyền chỉ huy Sư đoàn 82 ở cách đấy vài kí-lô-mét trong khu đầm lầy Merderet.

Hóa ra lính dù đáp tản mác rồi bạ đâu tấn công đó lại là điều hay: phía Đức không thể nào nhận ra mũi tấn công chủ yếu của Đồng minh là ở đâu.

Lúc 2 giờ 27 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Trung úy Robert Mason Mathias (Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội E, Trung đoàn 508, Sư đoàn 82 Không vận) thấy đèn đỏ ở cửa máy bay bật sáng, báo hiệu phải sẵn sàng.

Anh hô lên với 16 người phía sau: “Đứng dậy và móc vào”, rồi móc khóa dù vào sợi dây chạy dọc theo trần máy bay. Anh bước đến cánh cửa đang mở, sẵn sàng nhảy xuống ngaykhi phi công quyết định đã đến bãi nhảy và bật đèn xanh lên.

Quân Đức phía dưới đang bắn dữ dội lên các chiếc C-47 chở lính Sư đoàn 82 Không vận và Sư đoàn 101 Không vận. Súng cao xạ 20 li lấp đầy bầu trời những tiếng nổ; súng liên thanh bắn đạn dẫn đường – lục, vàng, đỏ, lam, trắng – bay vòng lên trời. Khung cảnh trông vừa hoa lệ vừa kinh hoàng. Ở độ cao 300 mét và với tốc độ chưa tới 200 kí-lô-mét/giờ, các vận tải cơ là đích nhắm dễ dàng.

Khi nhìn ra ngoài khung cửa, Trung úy Mathias có thể thấy một đám cháy lớn. Một nhà kho chứa cỏ ở rìa Sainte-Mère-Église đã bắt cháy, có lẽ do đạn dẫn đường rơi xuống, làm sáng rực cả đường chân trời. Khi chiế C-27 lượn về phía đó, do phi công không thể tránh đạn phòng không, lính phía sau Mathias kêu lên “Đi đi”, “Vì Chúa, đi đi”, hoặc “Nhảy, mẹ kiếp, nhảy đi.” Một quả đạn bắn lên kế bên anh. Miểng đạn nóng đỏ xuyên qua chiếc dù dự phòng rồi đi vào ngực anh khiến cho anh ngã xuống. Đèn xanh đã bật.Anh cố hết sức đứng dậy để nhường lối cho người phía sau nhảy xuống. Nếu anh có ý định làm thế thì phi hành đoàn đã có thể làm sơ cứu cho anh và – có lẽ – đưa anh về Anh kịp lúc được giải phẫu cứu mạng sống. Sau này, mọi người đều chắc chắn anh hẳn có ý nghĩ ấy.

Thay vào đó, Mathias giơ cánh tay phải lên, hô “Theo tôi!” rồi nhảy ra màn đêm. Nửa giờ sau người ta tìm thấy anh nằm chết giữa cánh dù. Không ai biết đó là do cú sốc khi dù bật mở, hoặc là chấn động khi tiếp đất, hoặc là do máu chảy quá nhiều. Anh là sĩ quan Mỹ đầu tiên tử trận do hỏa lực của địch trong Ngày D.

o O o

Trong khi đó, màn tối vẫn còn phủ trên các tuyến đường vắng lặng ở Normandie. Cư dân địa phương chưa ra khỏi nhà, chỉ có các đội tuần tra Đức thưa thớt. Nhưng trên tuyến đường giữa Périers và Étienville, một chiếc Mercedes đang phóng vun vút. Trên xe là Trung tướng Wilhelm Falley (Tư lệnh Sư đoàn 91 Bộ binh Không vận) với bộ quân phục thẳng thớm và huân chương Chữ thập Sắt lủng lẳng trên cổ. Ngồi kế bên ông là Thiếu tá Joachim Bartuzat, phụ trách hậu cần. Họ đang trở về Lâu đài de Bernaville tráng lệ được xây trong Thế kỷ 18, bây giờ đang được trưng dụng làm tổng hành dinh của Sư đoàn 91.

Falley quát với anh lái xe, Hạ sĩ Baumann: “Chạy nhanh lên. Trời sắp sáng rồi.”

“Thưa tướng công, chúng ta gần tới rồi.”

Sáu tiếng đồng hồ trước, Falley rời khỏi lâu đài để tham dự buổi diễn tập ở Rennes theo lệnh của Đại tướng Erich Marcks (Tư lệnh Quân đoàn 84). Falley không nhận được tin báo hủy diễn tập của Marcks, nhưng ông vẫn hủy chuyến đi khi cảm thấy không yên tâm do sự xuất hiện của máy bay Đồng minh trên Cherbourg. Ông ra lệnh cho anh lái xe: “Quay đầu xe lại. Ta trở về tổng hành dinh.”

Trong khi Hạ sĩ Baumann đang nhấn lút ga trên đường D-15, đèn xe soi đến Trang trại de la Minoterie của gia đình Lagouge. Chỉ ít phút trước, những người khách không mời xuất hiện khiến cho họ tỉnh giấc.

Đó là Trung úy Malcolm Brannen, lính dù Mỹ đã nhảy xuống cùng đồng đội đây đó. Khi trông thấy nhau, họ khẽ trao đổi mật khẩu rồi cùng nhau mở ra những thùng đựng vũ khí, kể cả một khẩu bazooka và 12 viên đạn. Cả nhóm đi về hướng bắc, dự định đánh thức người trong ngôi nhà họ gặp đầu tiên để hỏi họ đang ở đâu.

Khi đi qua một cánh đồng, họ trông thấy hai căn lều và hai chiếc mô tô. Hiển nhiên đó là một trạm tiền tiêu của Đức bỏ trống. Brannen nhanh chóng cắt các bánh xe mô tô trong khi những người khác sục sạo đồ vật trong hai căn lều. Khi họ đi tiếp trên cánh đồng dưới ánh trăng, có thêm 2 lính quân bạn – Harold Richard và Sergeant Hill – nhập bọn. Bây giờ nhóm của Brannen có 14 người.

Cách đó không đến 50 mét là Trang trại de la Minoterie. Mười hai người tản ra bao vây tòa nhà, trong khi Brannen và Richard gõ cửa. Brannen kể: “Chỉ trong vài giây, một ông người Pháp vô cùng phấn khích chạy ra – hoặc đúng hơn, bổ nhào ra – đến cánh cửa.” Một số thành viên trong gia đình lấp ló trong khung cửa sổ và tự hỏi chuyện quái quỷ nào đang xảy ra. Brannen nhác thấy một số “nhóc tì mở tròn mắt nhìn quân phục Mỹ thay vì bộ đồ Đức chúng thường thấy.” Theo lời bác nông dân, anh được biết họ đang ở giữa Picauville và Étienville.

Anh nghĩ: “Ổn rồi. Bây giờ ta biết nơi chốn đích xác để từ đó tính bước đường kế tiếp.”

Rồi anh nghe tiếng ô tô từ xa. Anh nhìn qua Harold Richard và cả hai có cùng ý nghĩ: Phải chặn nó lại. Gia đình Lagouge nhìn vẻ mặt của hai chiến binh mà phát hãi. Họ biết chiếc ô tô đó là của một trong những sĩ quan đóng ở Lâu đài de Bernavile gần đó, nên vội vã thối lui.

Khi chiếc ô tô chạy đến nông trại, Trung úy Richard chạy đến một bên ngôi nhà trong khi những người khác chạy xuyên qua đầu cuối. Còn Brannen đứng giữa đường, giơ tay lên ra hiệu cho chiếc xe dừng lại. Anh lo lắng thấy “chiếc xe chạy tới nhanh hơn”, bởi vì Hạ sĩ Baumann đã nhận ra mối nguy và đạp mạnh phanh để tăng tốc. Nhưng tốc độ không thể cứu anh ta.

“Tất cả chúng tôi nổ súng một lượt, hàng chục phát nổ vang.” Loạt đạn dầy đặc và chớp nhoáng khiến Brannen sợ mình có thể bị bắn trúng. “Tôi ngã xuống đường và nhìn thấy chiếc xe bị bắn.” Xe tông vào bức tường đá gần ngôi nhà, tài xế “văng ra khỏi ghế trước của chiếc xe.” Brannen thấy anh ta chạy về phía ngôi nhà, tuyệt vọng tìm chỗ che chắn. Anh rút ra khấu Colt tự động “nhìn qua bờ vai của mình” bắn bừa một phát. Tên hạ sĩ bị bắt giữ làm tù binh.

Thiếu tá Bartuzat còn bị khốn khổ hơn. Anh vừa mới hô một tiếng với Falley – Coi chừng! – liền bị bắn gục trên chiếc xe. Sau đó Brannen thấy anh ta “chết gục xuống sàn xe với đầu và hai vai buông thõng bên ngoài cửa xe.”

Còn về Falley, ông ta văng ra khỏi xe, bị thương nhưng còn sống. Brannen thấy ông ta bò qua con đường, cố rút ra khẩu Luger đang lủng lẳng ở bao súng. Viên trung tướng nhìn lên và thấy Brannen. “Khi tay ông ta đưa gần đến khẩu súng lục, ông van nài tôi bằng tiếng Đức, và cũng bằng tiếng Anh: “Đừng giết, đừng giết.” Brannen thoáng một chút suy nghĩ. Anh tự nhủ: “Mình không phải là kẻ sát nhân máu lạnh, nhưng nếu ông ta rút được khẩu Luger đó ra, hoặc là ông ta hoặc là mình sẽ chết.”

Anh bóp cò súng, bắn Falley ngay giữa trán, hạ ông ta lập tức.

Khi nhóm lính Mỹ chuẩn bị ra đi, Brannen “kéo chiếc mũ của viên tướng ra, tìm tên hoặc đơn vị của ông ta.” Anh thấy “chỉ có tên trên chiếc mũ – tên là Falley.”

Trung tướng Wilhelm Falley là tướng Đức đầu tiên tử trận trên chiến trường Normandie

Lúc này chưa tới 5 giờ sáng.

o O o

Bây giờ là bắt đầu câu chuyện ở khu vực quanh Caen.

Nhóm đầu tiên đi trước cả lính tiền trạm là Đại đội 2 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Oxfordshire & Buckinghamshire Bộ binh nhẹ. Dưới quyền Thiếu tá John Howard, họ đi trên 6 tàu lượn Horsa được kéo bởi oanh tạc cơ 4 máy Halifax.

Khi gần đến mục tiêu, oanh tạc cơ cắt dây cáp, Howard ra lệnh cho binh sĩ ngừng hát hò. Như những con dơi khổng lồ, 6 chiếc tàu lượn mỗi chiếc chở khoảng 30 người lặng lẽ sà xuống. Ngay khi đi qua bờ biển, chúng tách khỏi các máy bay kéo ở độ cao 1.500 đến 1.800 mét. Giờ chúng hướng về 2 dải nước nằm song song lấp lánh trong ánh trăng: Kênh Caen và Sông Orne. Cầu Pegasus (lúc đó còn mang tên Bénouville) bắc ngang Kênh Caen và cầu Orsa bắc ngang Sông Orne thông nhau và cách xa nhau khoảng 450 mét. Nằm giữa hai thị trấn Bénouville and Ranville, hai chiếc cầu có giá trị chiến lược quan trọng vì là lối thông duy nhất ra hướng đông cho quân Đồng minh đổ bộ lên Bãi Sword. Nếu không chiếm được hoặc nếu để cho quân Đức phá được hai chiếc cầu này thì Sư đoàn 6 Không vận sẽ bị cắt rời khỏi lực lượng bộ binh. Còn nếu hai chiếc cầu nguyên vẹn trong tay Đức, lực lượng thiết giáp Đức sẽ có lối ra biển để tiêu diệt quân đổ bộ. Vì giá trị chiến lược quan trọng như thế mà Thiếu tá John Howard chỉ huy một đội lính Anh được đưa tới bằng dù lượn với nhiệm vụ chiếm giữ hai cầu trên và chống trả mọi cuộc phản công cho tới khi quân tăng viện đến.

2 cau chien luoc 2
Hai chiếc cầu chiến lược

Khi đến vùng Bénouville, viên phi công của tàu lượn đi đầu, Thượng sĩ Jim Wallwork, báo tin cho Thiếu tá John Howard biết để chuẩn bị. Các lính dù nắm tay với nhau và giơ chân lên. Wallwork phải đáp chiếc tàu lượn Horsa gần Cầu Pegasus (lúc đó có tên Bénouville) càng gần càng tốt. Howard muốn anh ủi tàu lượn qua hàng rào dây thép gai của các lô cốt. Việc hạ cánh tàu lượn là cực kỳ nguy hiểm – có lý do để người ta gọi Horsa trại ra thành “Hearse”, tức là xe tang.

Jim Wallwork hạ chiếc tàu lượn xuống đất Pháp với vận tốc hơn 140 kí-lô-mét/giờ. Anh thấy chiếc cầu sắt lao về phía mình, và anh đáp tàu lượn chỉ cách Cầu Pegasus 50 mét. Anh cất tiếng ra lệnh, và dù của tàu lượn được kích hoạt, làm cho đuôi tàu nâng lên và mũi tàu chúc xuống. Nhiều tia lửa bay qua cánh cửa mở của tàu lượn – chỉ lúc này thôi. Howard và lính dưới quyền nghĩ mình đang bị lính Đức nã súng. Sau hai giây, dù được tháo bỏ. Chiếc Horsa va vào dây kẽm gai, rồi rung lắc dữ dội trước khi dừng lại. Jim Wallwork và nhân viên phi hành bị đẩy mạnh tới mặt kính phòng lái nhưng vẫn còn ngồi trên ghế của mình. Trong một khoảnh khắc, Howard và lính dưới quyền bị va đập bất tỉnh. Đồng hồ của Howard ngừng chạy vì cú va chạm. Lúc đó là 0 giờ 15 rạng sáng ngày 6 tháng 6.

Trung úy Den Brotheridge – thuộc Trung đội 25, Đại đội C, Sư đoàn Không vận 6 của Anh – dẫn trung đội 21 người của mình nhảy ra khỏi chiếc tàu lượn rồi chạy về phía bờ kênh và chạy lên Cầu Bénouville được bảo vệ bởi khoảng 50 lính Đức. Tốp lính Anh mở một cánh cửa của lô cốt rồi ném vào một quả lựu đạn. Sau tiếng nổ, cửa bật trở ra lại, và súng máy bắn vào bên trong.

Phía bên kia đầu cầu, Georges Gondrée, chủ nhân quán Café Gondrée, bị cô vợ Thérèse lay dậy. (Hai người ngủ ở hai phòng riêng để phòng lính Đức đáng ghét đòi vào ngủ trong nhà.)

“Thức dậy! Anh nghe chuyện gì xảy ra không? Nghe như cây ngã đổ…”

Georges mở cánh cửa sổ, nhưng không nhìn thấy gì. Thérèse nhoài người ra, gọi đến người lính gác Đức trên cầu và hỏi chuyện gì đang xảy ra. Người lính gác quay đầu lại, và Georges có thể thấy đôi mắt người lính lộ vẻ khiếp đảm. Anh ta lắp bắp: “Lính dù!”

Kế tiếp, chiếc tàu lượn khác đáp xuống cách cầu 150 mét.

Binh nhì Helmut Romer, một trong hai lính Đức gác cầu, thấy nhóm lính dù chạy đến phía mình, quay người chạy đi, và khi chạy ngang người lính gác kia anh hô lên: “Lính dù!” Người kia rút ra khẩu Leuchtpistole bắn lên một trái hỏa châu. Brotheridge cùng một số lính Anh bắn từng loạt đạn súng máy Sten.

Đó là những phát súng đầu tiên của Đồng minh vào Ngày D. Phát súng hạ gục anh lính gác cầu, là lính Đức đầu tiên tử trận khi bảo vệ Normandie.

Tiếng hô của Romer, ánh sáng hỏa châu và tiếng súng của Brotheridge kết hợp nhau đánh động lính Đức ở các ụ súng máy và giao thông hào. Họ bắt đầu khai hỏa từ các loại súng máy, súng trường và carbine.

Brotheridge dẫn trung đội của mình vừa chạy vừa nã đạn. Khi hết chiều dài cầu, anh ném một quả lựu đạn vào một ụ súng máy bên tay phải. Vừa lúc đó, một viên đạn ghim vào cổ khiến cho anh ngã xuống. Trung đội của anh chạy ngang qua anh, theo sau là hai trung đội từ tàu lượn kia.

Họ đi qua cầu, tiến về quán Café Gondrée. Bên trong, Georges Gondrée đang đưa Thérèse và bọn trẻ xuống trú ẩn ở tầng hầm. Georges Gondrée được xem là người Pháp đầu tiên được giải phóng.

Đại đội D quét sạch xong các ụ súng máy và giao thông hào. Đám lính quân dịch Đức canh giữ chiếc cầu thì lớp chết lớp bỏ chạy.

Lính gác Đức không thể phá hủy cầu ngay cả khi có thời gian. Sau khi xem xét, công binh Anh phát hiện mặc dù đã được chuẩn bị sẵn sàng, thuốc nổ chưa bao giờ được đặt vào vị trí, nhưng được cất giữ trong một căn lều gần đó.

Binh nhì Parr đi tìm Brotheridge, vì nghĩ lúc này đáng lẽ trung đội trưởng đã thiết lập sở chỉ huy gần quán Café Gondrée. Anh chạy đến trước quán đó. Brotheridge đang nằm trên mặt đất phía đối diện. Mắt anh mở, môi run rẩy, nhưng Parr không nghe anh nói gì. Anh được đưa đến bác sĩ quân y của đại đội, John Vaughan. Ông này chích cho anh một mũi morphine và bắt đầu lo chăm sóc vết thương ở cổ. Trước khi ông hoàn tất, Brotheridge qua đời. Anh là lính Đồng minh đầu tiên tử trận do hỏa lực của địch trong Ngày D. Anh mới 26 tuổi. Vợ anh, Margaret, đang mang thai được 8 tháng.

Cau Pegasus
Cầu PegasusỞ góc bên phải của hình là một tàu lượn Horsa chở quân Anh. Trung úy Den Brotheridge tử trận ở vị trí chiếc Jeep đang đậu. Một chiếc 4×4 (tiếng Việt gọi “cách cách”, theo tiếng Pháp “quatre-quatre”) đang trở về từ tổng hành dinh quân dù để nhận hàng hậu cần từ Bãi Sword. Cả hai tài xế đều lái xe bên tay trái như ở Anh quốc

Binh nhì 18 tuổi Helmut Roemer phụ trách gác Cầu Bénouville là lính Đức đầu tiên đối mặt với cuộc tấn công của Đồng minh. Khi quân Anh tấn công, Roemer cùng hai đồng đội chạy vào bụi rậm dọc bờ sông để trốn, nhìn thấy những đồng đội khác bị bắn hạ. Trong hơn 36 tiếng đồng hồ, ba người lính Đức trốn trong bụi rậm, uống nước kênh để cầm hơi. Rồi họ thấy một toán lính Anh đi qua cầu, có một người thổi kèn túi. Roemer kể lại: “Chúng tôi đều kiệt sức nên quyết định đầu hàng quân Anh, thầm nghĩ ‘Hoặc là họ bắn chúng ta hoặc là họ bắt chúng ta làm tù binh’.”

Von Keusgen dựa trên lời kể của một số cựu binh Đức cho biết sức chống trả của lính Đức ở Cầu Bénouville (Pegasus) là không đáng kể, và Trung úy Brotheridge chết do hỏa lực bạn.

Trang Wikipedia cho biết hầu hết thương vong của lính Anh là do hỏa lực bạn hoặc tai nạn, bởi vì lính Đức hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp phản ứng.

Trận đánh đầu tiên của D-Day diễn ra trong không đầy 15 phút. Lúc này Thiếu tá Howard và quân của ông bị cô lập sâu trong vùng chiếm đóng của Đức. Họ sẽ phải chống trả nhiều đợt phản công của Đức cho đến khi Lord Lovat dẫn lính đổ bộ và hành quân đến đây để tăng viện.

Lúc 1 giờ 30, hai xe tăng Đức chạy đến để mong chiếm lại Cầu Pegasus. Lính Anh được trang bị súng chống tăng PIAT bắn đầu đạn 1,5 kg với khoảng cách 100 mét tối đa. Nhưng John Tillet nói loại súng này thiếu chính xác, phải bắn trong tầm 45 mét mới hy vọng trúng mục tiêu. Khẩu PIAT nằm trong tay Trung sĩ ‘Wagger’ Thornton, và anh này đang run như cầy sấy. Lính bộ binh không thích PIAT – nó quá nặng, và đạn thường xịt. Đó có thể là phát đạn quan trọng nhất trong Ngày D. Nếu bắn hạ được chiếc tăng đầu tiên, họ có thể giữ vững chiếc cầu, bằng không quân Đức sẽ chiếm lại cầu. Thornton chỉ có một cơ hội. Anh có thể “nghe hơn là nhìn thấy nó.” Anh chờ cho đến khi chiếc tăng tiến đến cách 45 mét rồi khai hỏa. Một tiếng nổ kinh hồn, rồi đạn pháo của chiếc tăng tạo thêm nhiều tiếng nổ. Mảnh vụn của tăng và của đạn bay tứ tung. Lính Đức nhảy ra ngoài la hét. Chiếc tăng thứ hai lùi lại và rút lui. Lính Anh nghĩ bọn đó sẽ thêm mắm dặm muối về hỏa lực chống tăng của quân Anh nhằm bào chữa cho việc rút lui. Thế mà càng hay!

Suốt 13 tiếng đồng hồ, quân Anh trấn giữ hai chiếc cầu bị tiêu hao liên tục dưới hỏa lực đạn cối và súng bộ binh của Đức, mặc dù được lính Sư đoàn 6 Không vận tăng viện lúc bình minh. Quân của Thiếu tá Howard đã chặn đứng nhiều đợt phản kích nhỏ thăm dò. Bây giờ, những binh sĩ mệt mỏi và lo âu trong công sự chiếm được của quân Đức ở cả hai đầu cầu đang nóng lòng chờ đợi hội quân với lực lượng đổ bộ đường biển.

Trong hố cá nhân gần lối lên cầu kênh Caen, Binh nhì Bill Gray lại xem đồng hồ: 1 giờ 30. Đơn vị đặc công của Lord Lovat đã trễ gần tiếng rưỡi. Anh tự hỏi chuyện gì đang diễn ra trên bãi biển. Gray không nghĩ là chiến sự còn có thể xấu hơn tình hình ở những cây cầu này. Anh hầu như không dám nhô đầu lên, dường như mỗi phút bọn bắn tỉa lại trở nên chính xác hơn.

Chính trong khoảng thời gian yên tĩnh giữa trận đánh, người bạn của Gray, Binh nhì John Wilkes nằm cạnh bỗng nóiL “Cậu biết không, tớ nghĩ là tớ nghe thấy tiếng kèn túi”. Gray nhìn anh ta: “Cậu điên rồi”. Vài giây sau, Wilkes lại quay sang khăng khăng nói: “Tớ nghe tiếng kèn túi thật mà”. Bây giờ chính Gray cũng nghe được.

Những người lính đặc công của Lord Lovat xuất hiện trên đường, bảnh chọe trong những chiếc bêrê màu xanh lá cây. Họ đã đổ bộ lên Bãi Gold lúc 9 giờ 15 rồi hành quân gần 13 kí-lô-mét mới đến được. Bill Millin đi đầu đoàn quân, thổi bài “Blue Bonnets over the Border”. Súng từ cả hai phía bỗng ngừng lại khi binh sĩ ngạc nhiên trước cảnh tượng đó. Nhưng nó không kéo dài. Lúc lính đặc công tiến về phía cầu thì quân Đức tiếp tục bắn. Bill Millin nhớ lại rằng anh “chỉ thấy may mắn khi không trúng đạn, vì tôi chẳng nghe được gì do tiếng kèn túi”. Được nửa đường, Millin quay lại nhìn Lord Lovat. Millin nhớ lại: “Ông ấy sải bước như thể đang đi dạo trong vườn, và ra hiệu cho tôi tiếp tục”.

Bất chấp hỏa lực dày đặc của quân Đức, lính dù lao tới để chào đón lính đặc công. Lovat xin lỗi “vì chậm mất mấy phút”. Đối với những binh sĩ mệt mỏi của Sư đoàn Không vận số 6, đây là một thời khắc sung sướng. Mặc dù phải nhiều giờ nữa chủ lực quân Anh mới tới được điểm xa nhất của tuyến phòng thủ do lính dù bảo vệ, nhưng lực lượng tăng viện đầu tiên đã tới. Khi những chiếc bêrê đỏ và xanh hòa vào nhau, trong lòng họ bỗng xuất hiện cảm giác phấn khởi rõ rệt. Anh lính 19 tuổi Bill Gray thấy “trẻ đi đến vài tuổi”.

o O o

Khi chuẩn bị đi ngủ lúc 1 giờ 00 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Trung tướng Joseph Reichert (Tư lệnh Sư đoàn 711 Bộ binh của Đức đóng gần Bãi Sword) nghe động cơ máy bay trên không. Ông kể lại: “Máy bay bay thật thấp đến nỗi chúng tôi có cảm tưởng như họ có thể chạm đến mái nhà.” Reichert cùng một số tùy tùng chạy ra ngoài xem. “Đó là đêm trăng tròn. Gió thổi khá mạnh, có mây đen tầng thấp, nhưng qua các khoảng trống có thể thấy rõ vài chiếc máy bay hiện ra ở cao độ thấp, lượn quanh tổng hành dinh sư đoàn.” Reichert chạy vào trong để lấy khẩu súng lục của mình, rồi nghe tiếng kêu “Lính dù!” Lính dù đang nhảy xuống khắp cùng chung quanh tổng hành dinh. Các ổ cao xạ 4 khẩu 20 li khai hỏa.

Trong khi sĩ quan hành quân báo động cho sư đoàn, Reichert gọi điện đến tổng hành dinh Quân đoàn 81 ở Rouen thuộc Đại quân đoàn Thứ Mười Lăm. Đến lúc này cao xạ đã ngưng bắn, để lại không gian yên ắng nhưng bất an. Trước đó còn nghi ngờ về cuộc đổ bộ, bây giờ Reichert có cảm tưởng cuộc đổ bộ thật sự đã bắt đầu, cho dù cuộc tấn công này chỉ là nghi binh.

Ông không hết kinh ngạc khi binh sĩ của ông giải đến hai lính dù tiền trạm mà họ bắt giữ. Đang sửng sốt, Reichert chỉ có thể thốt ra: “Các anh từ đâu tới?” Một trong hai người, tự tin như thể rơi xuống một bữa tiệc cocktail, trả lời: “Hết sức xin lỗi, ông già ạ, bọn này đáp nhầm xuống đây thôi.”

Reichert xem xét các bản đồ của hai lính tiền trạm dù bị bắt. Ông thêm kinh ngạc về độ chính xác của các bản đồ này – thể hiện hầu như tất cả các ổ pháo của Đức dọc bờ biển Normandie. Ông suy ra rằng lực lượng kháng chiến Pháp hẳn phải rất bận rộn hơn là người ta nghĩ. Không phải tất cả tù binh được may mắn như thế. Ở nơi khác, một thượng sĩ trong sư đoàn của ông hạ sát tám lính dù Anh bị bắt, có lẽ vì tuân hành lệnh của Hitler về việc xử tử tất cả lính biệt kích.

Trong lúc hai người đang bị thẩm vấn, 570 lính dù đầu tiên của Mỹ và Anh đã bắt đầu trận chiến Ngày D. Trên các bãi đổ bộ, những ngọn đèn bắt đầu chiếu lên bầu trời.

Cùng lúc đó, trong căn lều của mình ở Southwick House, nhà khí tượng học Đại tá James Stagg say ngủ giữa tiếng gầm ghì của các oanh tạc cơ đang bay trên đầu.

Cùng lúc, Tổng thống Roosevelt đang đọc bài diễn văn từ Tòa Bạch Ốc, thông báo cho dân Mỹ về việc Đồng minh đã chiếm được Roma ngày hôm trước. Vào lúc này, vẫn cần giữ bí mật về Ngày D.

Bây giờ, tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Bảy mới nhận ra những gì đang xảy ra, trong khi vị tư lệnh của họ vẫn còn đi tập trận trên bản đồ ở Rennes. Hai sư đoàn không vận Mỹ và một sư đoàn không vận Anh nhảy xuống giữa vùng đóng quân của Đại Quân đoàn Thứ Bảy.

Lúc 1 giờ 11 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Đại tướng Erich Marcks (Tư lệnh Quân đoàn 84) nhận cuộc gọi hốt hoảng từ tổng hành dinh Quân đoàn ở Saint-Lô. Tư lệnh Sư đoàn 716 ở Caen nhận được báo cáo cho biết lính dù đã nhảy xuống khu vực này. Có thể nào đó là cuộc tấn công? Đại tướng Marcks nghĩ nên chờ xem.

Đến 1 giờ 30, máy viễn ký tại tổng hành dinh các quân đoàn của Đức bắt đầu nhận tin báo dồn dập, nhưng báo cáo về các hình nộm Rupert khiến cho phần lớn cấp chỉ huy nghỉ đó chỉ là đánh lạc hướng cho cuộc tấn công thực sự ở Pas-de-Calais.

Đến 2 giờ 11 – hai tiếng đồng hồ đã qua tính từ lúc lính dù đầu tiên tiếp đất – chỉ đến lúc này các chỉ huy Đức ở Normandie mới bắt đầu nhận ra có chuyện gì đó hệ trọng. Những báo cáo đầu tiên bắt đầu tới, nhưng rải rác và chậm chạp.

Đại tướng Erich Marcks đứng bên chiếc bàn dài nghiên cứu tấm bản đồ trải trước mặt. Các sĩ quan tham mưu đứng quanh ông. Họ đã ở đây từ lúc tổ chức tiệc sinh nhật, tóm tắt cho vị Tư lệnh Quân đoàn 84 về cuộc diễn tập ở Rennes. Mỗi lúc vị tướng lại yêu cầu một tấm bản đồ khác. Với Thiếu tá Friedrich Hayn (sĩ quan quân báo của Quân đoàn 84) thì Marcks đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập như thể đó là một trận đánh thực sự, chứ không phải một cuộc đổ bộ giả định lên Normandie.

Trong khi họ đang bàn bạc thì chuông điện thoại kêu. Cuộc thảo luận ngừng lại khi Marcks nhấc ống nghe. Hayn nhớ lại rằng “cơ thể tướng quân dường như hóa đá lại khi ông nghe”. Marcks ra hiệu cho tham mưu trưởng nghe máy song song. Người đang gọi là Thiếu tướng Wilhelm Richter (Tư lệnh Sư đoàn 716 bảo vệ khu duyên hải phía trên Caen). Richter nói: “Lính dù đã đổ bộ xuống phía đông Sông Orne. Phạm vi dường như là quanh Breeville và Ranville… dọc theo phía bắc Rừng Bavent…”

Đây là báo cáo chính thức đầu tiên về cuộc tấn công của Đồng minh tới được một sở chỉ huy cấp cao của Đức. Hayn kể: “Nó làm chúng tôi choáng váng như sét đánh.”

Ngay lập tức Marcks gọi cho Thiếu tướng Max Pemsel, Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Bảy.

Lúc 2 giờ 15, Chỉ huy Hải quân ở Cherbourg gọi đến Tổng hành dinh Sư đoàn 352 Bộ binh của Đức, cho biết đã phát hiện tàu địch. Có lẽ đây là ghi chép đần tiên của phía Đức về việc phát hiện ra hạm đội Đồng minh. Nhưng có vẻ như các báo cáo dồn dập về hoạt động của quân dù sâu trong đất liền khiến cho bộ binh Đức không để ý đến sự đe dọa ngoài khơi. Cả một trung đoàn của Sư đoàn 352 đã nhận lệnh truy lùng những hình nộm Rupert mà họ nghĩ là một đơn vị lính dù Mỹ thực sự.

Cùng lúc, Max Pemsel đặt Đại Quân đoàn Thứ Bảy vào Alarmstruffe II, cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đó là 4 tiếng đồng hồ kể từ khi bắt được thông điệp có câu thơ thứ hai của Verlaine. Cuối cùng, Đại Quân đoàn Thứ Bảy, đơn vị đảm trách khu vực xảy ra đổ bộ, đã được báo động.

Lúc 2 giờ 35, Max Pemsel gọi điện đến Speidel ở La Roche-Guyon, cho biết đấy có vẻ như là “cuộc hành quân trên diện rộng”. Speidel không tin nhưng vẫn báo cáo cho von Rundstedt, và ông này cũng nghi ngờ. Cả hai tướng vẫn tin rằng việc thả quân dù chỉ là chiến thuật của Đồng Minh nhằm đánh lạc hướng để thật sự đổ bộ quanh Pas-de-Calais.

Trong khi đó, lệnh báo động của Đại Quân đoàn Thứ Bảy được chuyển đến tất cả tiểu đoàn và ụ pháo.

Cùng thời điểm đó, Chuẩn thống chế Hans Von Salmuth ở tổng hành dinh của Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm đang cố gắng tìm thông tin trực tiếp. Mặc dù phần lớn lực lượng của ông ở cách xa khu vực có Không vận, có một sư đoàn – Sư đoàn 711 Bộ binh của Thiếu tướng Josef Reichert – đang đóng quân phía đông Sông Orne, điểm tiếp giáp giữa Đại Quân đoàn Thứ Bảy và Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm.

Nhiều báo cáo đã đến từ Sư đoàn 711. Một báo cáo cho biết lính dù thực tế đã đổ bộ gần sở chỉ huy ở Cabourg; cái thứ hai cho biết giao tranh đang diễn ra khắp nơi xung quanh sở chỉ huy.

Von Salmuth quyết định tự mình kiểm tra. Ông gọi cho Reichert, gặng hỏi: “Cái quái gì đang diễn ra ở đây vậy?”

Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói phiền não của Reichert: “Tướng quân, nếu ngài cho phép, tôi sẽ để ngài tự nghe”. Dừng lại một chút, và rồi von Salmuth có thể nghe rõ tiếng xành xạch của súng máy. “Cám ơn,” von Salmuth nói rồi dập máy.

Rồi ông lập tức gọi cho Tập đoàn quân B, báo cáo rằng ở Sư đoàn 711 “có thể nghe thấy tiếng giao tranh hỗn loạn”.

Các cuộc gọi của Pemsel và von Salmuth đến gần như cùng lúc, cung cấp cho tổng hành dinh của Rommel thông tin đầu tiên về cuộc tiến công của Đồng minh. Đó có phải là cuộc đổ bộ đã được chờ đợi từ lâu không? Không ai ở Tập đoàn quân B lúc đó chưa được chuẩn bị để trả lời. Thực tế, Phó đô đốc Friedrich Ruge (Tùy viên Hải quân của Rommel) nhớ rõ ràng rằng trong số nhiều báo cáo về quân Không vận “có một số nói chúng là những hình nộm bị tưởng lầm là lính dù”.

Ai cũng đúng một phần khi nhận xét như vậy. Để gây thêm hỗn loạn cho quân Đức, Đồng minh thả xuống phía nam vùng đổ bộ Normandie khoảng 500 hình nộm Rupert, như đã miêu tả ở trên. Trong hơn 3 tiếng đồng hồ, các hình nộm đó đánh lừa Đại tướng Erich Marcks (Tư lệnh Quân đoàn 84) để ông này tin rằng lính dù đã đổ bộ xuống Lessay, cách tổng hành dinh của ông khoảng 40 kí-lô-mét về phía tây-nam.

Đó là những giây phút kỳ quặc, hoang mang đối với các sĩ quan tham mưu của von Rundstedt tại OB West ở Paris và của Rommel ở La Roche-Guyon. Báo cáo đến từ khắp nơi – những báo cáo thường thiếu chính xác, đôi khi khó hiểu và luôn trái ngược nhau.

Đến 2 giờ 40, von Rundstedt gọi điện cho Pemsel, nói rằng ông không tin đó là cuộc đổ bộ trên diện rộng. Bốn tiếng rưỡi đồng hồ sau khi Quân báo Đức báo cáo về câu thơ thứ hai của Verlaine, chiến dịch đánh lạc hướng của Đồng minh vẫn còn tác dụng!

o O o

Lúc 4 giờ 30 rạng sáng ngày 6, Trung tá Terence Otway (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Dù của Anh) chỉ huy 150 người quyết định tấn công Trận địa pháo Merville chỉ cách bãi Sword 4,8 kí-lô-mét. Cho dù quân số thiếu hụt trầm trọng, lính dù Anh vẫn quyết tâm đánh hạ trận địa pháo này, nếu không 4 khẩu 100 li ở đây sẽ gây thiệt hại nặng cho quân Anh và Canada trong vài tiếng đồng hồ nữa.

Trong những phút đầu tiên của Ngày D, kẻ thù nguy hiểm không phải là quân Đức, mà là thiên nhiên. Các biện pháp phòng bị của Rommel tỏ ra hiệu quả: sông hồ và đầm lầy trong thung lũng Dives ngập nước là những cái bẫy chết người. Một số phi công bị lạc trong mây dày đặc đã nhầm cửa Sông Dives với cửa Sông Orne và thả họ xuống một mê cung những đầm lầy và hồ. Cả một tiểu đoàn 600 quân đáng lẽ phải được thả tập trung trong khu vực rộng 2,5 km2 thì lại bị rải ra trên khắp một vùng rộng 130 km2, phần lớn là đầm lầy. Và tiểu đoàn này – Tiểu đoàn 9 Dù đã được huấn luyện kỹ – lại có nhiệm vụ khó khăn nhất, khẩn cấp nhất, đó là tấn công Trận địa pháo Merville. Một số người mất 4 tiếng đồng hồ chỉ để đi đoạn đường 1 kí-lô-mét rưỡi nhưng vẫn không gặp đồng đội. Không ai có điểm tham chiếu gì để định hướng. Một số người phải mất nhiều ngày để tìm về đơn vị; nhiều người không bao giờ trở về.

Không bao giờ biết có bao nhiêu người đã chết ở Dives. Những người sống sót kể lại rằng đầm lầy chia cắt bởi những con mương sâu 2 mét, rộng 1,2 mét và dưới đáy là chất lỏng nhờn dính. Một người đơn độc, bị súng, đạn và trang bị đè nặng lên người sẽ không thể thoát khỏi những con mương như thế. Ba lô ướt trở nên nặng gần gấp đôi và người lính phải cởi bỏ nó để sống sót. Nhiều người bằng cách nào đó tránh được các đầm lầy nhưng lại chết đuối dưới sông trong khi bờ chỉ cách đó vài mét.

Để đánh chiếm trận địa pháo do 130-160 lính Đức bảo vệ, lính dù Anh chỉ có súng trường, tiểu liên Sten, lựu đạn, vài ống bộc phá và một khẩu đại liên. Súng cối, súng chống tăng, máy dò mìn, xe jeep, tổ quân y, đặc công và thuốc nổ đều thất lạc khi quân Anh nhảy dù. Các đợt thả bom trước đó của không quân Đồng minh đã không hiệu quả: bom hoặc đi chệch xa, hoặc trúng nhưng không thể xuyên qua tường bê-tông dầy 2 mét được đắp thêm cát và đất sét bên ngoài. Trận địa pháo vẫn còn nguyên vẹn. Ở trung tâm là 4 khẩu trọng pháo (mà tình báo Đồng minh cho là có nòng 150 li) đặt trong công sự bê tông. Bên ngoài là các bãi mìn và hào chống tăng, lớp rào thép gai dày 4,5m, cuối cùng là một mê cung chiến hào đầy các ổ súng máy. Quân Đức coi pháo đài này gần như là bất khả xâm phạm.

Otway không nghĩ thế, và kế hoạch tiêu diệt trận địa pháo được anh chuẩn bị tỉ mỉ. Anh không muốn bỏ lỡ cơ hội nào. Trước tiên, 100 máy bay Lancaster sẽ oanh tạc ồ ạt với những quả bom 4.000 kí lô. Tàu lượn sẽ chở đến xe jeep, pháo chống tăng, súng phun lửa, ngư lôi Bangalore [ống thuốc nổ dài dùng để phá hàng rào], máy dò mìn, súng cối và thậm chí cả những chiếc thang gấp nhẹ bằng nhôm. Sau khi thu thập hết số trang bị đó, người của Otway sẽ chia thành 11 nhóm để bắt đầu tấn công.

Chuyện này đòi hỏi sự ăn khớp về thời gian. Nhóm trinh sát sẽ dẫn đầu và do thám khu vực. Các đội “cuốn băng” sẽ gỡ mìn và đánh dấu lối đi đã dọn sạch. Các đội “bộc phá” sẽ dùng ngư lôi Bangalore để phá hàng rào. Các xạ thủ bắn tỉa, súng cối và súng máy sẽ chiếm lĩnh vị trí để yểm trợ cuộc xung phong.

Kế hoạch của Otway còn một bất ngờ cuối cùng nữa: cùng thời điểm lực lượng của anh tấn công, 3 tàu lượn chở đầy lính sẽ hạ cánh thẳng trên đầu trận địa pháo trong một đòn đột kích phối hợp cả từ dưới đất và trên không.

Nhiều điểm trong kế hoạch giống như liều mạng, nhưng đáng để làm thế vì những khẩu pháo ở Merville có thể tàn sát hàng ngàn lính Anh nếu chúng bắn xuống bãi Sword. Ngay cả nếu mọi thứ diễn ra đúng thời gian đã định trong vài giờ nữa, từ lúc Otway tập hợp quân, hành quân tới trận địa pháo thì họ cũng chỉ có không đầy 1 giờ để phá hủy nó. Anh đã được báo rõ là nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian, hải quân sẽ làm nốt. Nghĩa là đến 5:30 sáng đơn vị Otway phải tránh xa trận địa bất kể chuyện gì xảy ra. Vào lúc đó, nếu không có tín hiệu thành công từ Otway, cuộc bắn phá sẽ bắt đầu.

Kế hoạch là thế. Nhưng khi Otway đang vội vã đến điểm tập kết một cách lo lắng, phần đầu tiên đã đi tong. Cuộc không kích lúc 12 giờ 30 đã thất bại hoàn toàn: không một trái bom nào rơi trúng trận địa pháo. Và sai sót đã nhân lên gấp bội: những tàu lượn mang theo những trang bị quý giá đã không tới được.

Phần cuối cùng của kế hoạch cũng thất bại. Ba tàu lượn dự kiến sẽ hạ thẳng xuống trận địa pháo khi cuộc tấn công bắt đầu sẽ không đáp xuống trừ khi nhận được tín hiệu đặc biệt – một viên đạn sáng bắn bằng súng cối. Otway không có cả viên đạn lẫn súng cối. Anh chỉ có khẩu súng ngắn Very bắn pháo sáng, nhưng chúng chỉ dùng để thông báo cuộc tấn công đã thắng lợi. Cơ hội cuối cùng để được hỗ trợ đã mất.

Các tàu lượn Horsa đến đúng giờ: 04:30. Các máy bay kéo bật đèn báo hạ cánh và tách các tàu lượn ra. Chỉ có hai chiếc, mỗi chiếc chở 20 người cùng chất nổ. Chiếc thứ ba bị tách ra khi vẫn còn ở trên Eo biển, đã quay về Anh an toàn. Lính dù nghe thấy tiếng sột soạt nhẹ nhàng khi tàu lượn bay tới trận địa pháo. Otway chứng kiến trong bất lực cảnh những chiếc tàu lượn, bóng dáng nổi lên dưới ánh trăng, từ từ hạ độ cao và lượn vòng, các phi công tìm kiếm vô vọng tín hiệu mà anh không thể gửi. Khi họ xuống thấp, quân Đức nổ súng. Những khẩu súng máy đang ghìm đầu quân dù, bây giờ quay sang bắn tàu lượn. Những luồng đạn vạch đường 20 li xé toang lớp vỏ không được bảo vệ. Các tàu lượn vẫn gan lì quần lượn tìm tín hiệu theo kế hoạch. Và Otway, gần như khổ sở đến trào nước mắt, không thể làm gì.

Một chiếc hạ cánh cách xa hơn 3 kí-lô-mét, chiếc kia hạ cánh gần đó – hóa ra đó là một bãi mìn. Theo bản năng, một số người bật dậy định rời chỗ nấp đến tìm cứu người sống sót. Nhưng họ bị chặn lại ngay lập tức. “Không được di chuyển! Không được rời vị trí!” Các sĩ quan liên tục thì thào.

Không còn gì để chờ đợi. Otway ra lệnh tấn công. Binh nhì Mower hét lên, “Tất cả xông lên! Chúng ta sẽ chiếm cái trận địa chó chết này!”

Và họ xông lên.

Trận đánh kết thúc chỉ sau 15 phút. Không có đặc công và thuốc nổ, quân Anh vẫn xoay sở phá hủy được 2 khẩu pháo và vô hiệu hóa tạm thời 2 khẩu kia. Họ mất một nửa quân số – 70 chết và bị thương. Thương vong phía Đức là 44 người, số còn lại tẩu thoát.

Trong 48 giờ nữa, quân Đức sẽ trở lại trận địa và 2 trong số những khẩu pháo sẽ bắn xuống bãi biển. Nhưng trong những giờ quyết định sắp tới, Trận địa pháo Merville sẽ câm lặng và bị bỏ hoang.

phao_Merville ngay nay
Trận địa pháo Merville sau này

Ghi chú: Ryan (1959) cho rằng ở Merville quân Đức bố trí pháo 75 li, chỉ bằng một nửa so với cỡ nòng 150 li mà trước đó tình báo Đồng minh đã nhận định. Trên thực tế đây là pháo cỡ 100 li của Tiệp Khắc.

o O o

Lúc 6 giờ sáng, hết giờ giới nghiêm của Đức, các bà nội trợ Pháp kéo nhau đến các cửa hàng làm bánh ở Caen để mua bánh mỳ baguette. Lính Đức thấy thế cũng đổ xô tới mua, lại còn lấy bia rượu ở các quán bar. Có vẻ như ai cũng muốn tích trữ phòng xa cho những ngày chiến trận sắp tới.

Vào buổi sáng này, cư dân ở Caen dậy sớm hơn thường lệ. Họ lấy làm hoang mang, hỏi han nhau chuyện gì đang xảy ra.

Bà Marianne Daure, sau khi thức dậy do tiếng máy bay, hỏi chồng đây có phải là cuộc đổ bộ hay không. Ông Pierre Daure, hiệu trưởng đại học, khô khan đáp: “Đúng, đây đúng thực là đổ bộ.” Ông đã được de Gaulle bí mật bổ nhiệm làm Quận trưởng Calvados. Marianne Daure cũng là em của François Coulet, người được de Gaulle chọn làm tỉnh trưởng Normandie, nhưng bà không biết gì hết. Dù SHAEP lo âu về việc bảo mật, nhóm của de Gaulle luôn làm việc kín kẽ.

o O o

Mặt trời đã lên ở Bán đảo Contentin nhưng lính dù Mỹ vẫn gặp khó khăn nhận định vị trí của họ. Chung quanh hoặc là khu vực ngập nước mênh mông hoặc là những hàng giậu cao, không có điểm chuẩn ngoài địa hình để định tọa độ. Thiết bị truyền tin lại thất lạc hoặc hư hỏng. Ánh sáng chỉ giúp một số lính vui vì có thể hút thuốc mà không sợ lộ vị trí, và cũng thuận tiện khi nhặt nhạnh những vật dụng vương vãi. Một cậu bé người Pháp giúp họ chất các món lên một xe ngựa kéo. Lính Đức cũng hưởng lợi vì nhặt được nhiều món rơi lạc mục tiêu. Họ lấy làm vui thụ hưởng khẩu phần K và thuốc lá Mỹ.

Vật liệu y khoa và thuốc men cũng bị thất lạc. Bác sĩ quân y phải làm việc trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Một người kể: “Một anh lính bị bắn qua đầu gối, chỉ có một thứ còn dính là sợi gân bánh chè. Tôi để cho anh ta nằm dưới một con mương và nói: ‘Con trai ạ, ta sẽ phải cắt chân anh, phải ráng chịu đau bởi vì tôi không có thuốc tê.’ Anh ta đáp: ‘Cứ làm đi, Bác sĩ.’ Tôi cắt rời sợi gân bánh chè mà anh ấy thậm chí không rên la.”

Lính Đức bắt một bác sĩ quân y khác rồi đưa ông đến y viện dã chiến trong Lâu đài Hauteville, cách Sainte-Mère-Eglise 8 kí-lô-mét. Các nhân viên quân y Đức đối đãi với ông như bạn bè, và ông cứu chữa cho lính dù Mỹ bị thương. Một trung sĩ Đức – vốn là cha cố Công giáo ngoài đời sống dân sự – làm phụ tá cho ông.

Đối với nhiều tốp lính dù góp nhặt tạp nhạp từ các đơn vị khác nhau, thiếu phương tiện thông tin, thiếu đạn được, họ không thể làm gì được nhiều. Tiếng nổ của hải pháo ngoài khơi Bãi Utah cho họ biết rằng cuộc đổ bộ ở đây đã theo đúng kế hoạch. Bây giờ, tất cả tùy thuộc vào Sư đoàn 4 Bộ binh sẽ tiến nhanh như thế nào.

Oanh kích yểm trợ

Lúc 11 giờ 30 tối ngày 5 tháng 6, các cuộc không kích xuống các vị trí bảo vệ bờ biển bắt đầu và kéo dài đến 5 giờ 15, thả trên 5.200 tấn bom qua trên 1.100 phi vụ. Tuy nhiên, các cơ sở phòng ngự tại các bãi Omaha, Gold và Juno hầu như còn nguyên vẹn, do thời tiết xấu và tầm nhìn kém khiến bom không rơi trúng đích các boong-ke và ụ pháo.

Riêng các cuộc pháo kích bởi hạm đội Đồng minh đạt kết quả tốt hơn, nhưng không tốt như mong muốn.

Lúc 3 giờ 00 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Không lực Hoàng gia Anh bắt đầu oanh kích Caen.

Cùng lúc, tàu chiến và tàu vận tải thả neo ở các điểm hẹn cách bờ 24 kí-lô-mét.

Đến lúc này, Pemsel đã chắc chắn là hướng chủ công của Đồng minh đang nhằm vào Normandie – sau quá nhiều thời gian bị uổng phí. Ông gọi cho Speidel: “Cuộc tấn công đường không là giai đoạn đầu cho một hoạt động lớn hơn của kẻ thù”. Rồi ông nói thêm: “Có thể nghe thấy tiếng động cơ từ phía biển”.

Nhưng ông không thuyết phục được tham mưu trưởng của Rommel. Câu trả lời của Speidel được ghi lại trong sổ liên lạc của Đại quân đoàn Thứ Bảy là “các sự kiện chỉ giới hạn ở mức cục bộ”. Đánh giá mà ông cho Pemsel biết lúc đó được tóm tắt lại trong nhật ký chiến trường: “Tham mưu trưởng Tập đoàn quân B tin rằng đây không phải là một chiến dịch lớn”. Đơn giản chỉ vì tổng hành dinh này vẫn chưa nhận được báo cáo rõ ràng chỉ ra được quy mô cuộc tấn công của Đồng minh.

Ở Paris, OB West chấp nhận đánh giá của Speidel. Viên sĩ quan tác chiến tài năng của von Rundstedt, Trung tướng Bodo Zimmermann – khi biết về cuộc tranh luận của Speidel với Pemsey – gửi điện đồng tình với Speidel: “Phòng Tác chiến OB West giữ ý kiến rằng đây không phải là một cuộc tấn công đường không quy mô lớn, ngoài ra Đô đốc vùng Eo biển (tổng hành dinh của Krancke) đã báo cáo rằng kẻ địch thả nhiều hình nộm rơm.”

Khó mà trách được những chỉ huy quân sự này vì đã hoàn toàn nhầm lẫn. Họ ở cách chỗ chiến sự xảy ra nhiều kí-lô-mét, hoàn toàn dựa vào những báo cáo manh mún. Chúng quá mâu thuẫn và sai lạc đến nỗi ngay cả những sĩ quan có kinh nghiệm nhất cũng không thể định rõ được quy mô của cuộc Không vận – hay bằng cách nào đó, nhận ra toàn bộ ý đồ tấn công của Đồng minh. Nếu đó là cuộc đổ bộ, liệu nó có nhằm vào Normandie không? Dường như chỉ có Đại Quân đoàn Thứ Bảy tin thế. Có thể quân nhảy dù đơn giản nhằm mục đích đánh lạc hướng cho cuộc đổ bộ thật sự nhằm vào Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm ở Pas-de-Calais, nơi hầu như tất cả đều tin là Đồng minh sẽ tấn công. Thiếu tướng Rudolf Hofmann (Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm) tin tưởng cuộc tấn công sẽ diễn ra ở khu vực của mình tới mức ông đã gọi cho Pemsel và cá cược bữa tối. Pemsel trả lời: “Đây là vụ cá cược mà ông sẽ thua”. Cả Tập đoàn quân B và OB West đều không nắm vững tình hình nhằm đưa ra kết luận nào. Họ cho báo động vùng duyên hải và chỉ thị các biện pháp đối phó với quân dù. Đó là những gì ít ỏi có thể làm.

o O o

Lúc 5 giờ 10 rạng sáng ngày 6 tháng 6, tàu chiến Anh bắt đầu bắn phá khu đổ bộ của quân Anh-Canada. Ngoài khơi bãi Sword, Juno và Gold, thiết giáp hạm Warspite và Ramillies dội hàng tấn đạn từ những khẩu pháo 380 li xuống những trận địa pháo nguy hiểm của quân Đức ở Le Harve và xung quanh cửa sông Orne. Các tuần dương hạm và khu trục hạm cơ động trút đạn vào những lô cốt, hầm ngầm bê tông và đồn bốt. Hai tuần dương hạm Ajax và Argonaut liên tục oanh kích trận địa pháo ở Longues-sur-Mer sau khi oanh tạc cơ thả 1.500 tấn bom xuống nhưng trật mục tiêu này. Quân Đức bắn tổng cộng 170 phát đạn từ sáng đến chiều, khiến cho kỳ hạm HMS Bulolo phải rút lui ra vùng biển an toàn. Với sự chính xác kinh ngạc, từ cự ly 9,5 kí-lô-mét hai tàu kể trên triệt hạ được 3 trong số 4 khẩu 152 li, tuy khẩu còn lại vẫn bắn cho đến chiều.

phao_Longues 152 li ngay nay
Ụ pháo ở Longues-sur-Mer. Pháo 152 li này là khẩu nguyên thủy duy nhất được giữ lại.

Lúc 5 giờ 50, cuộc pháo kích vào Bãi Utah của Hải quân Mỹ bắt đầu. Ngoài khơi, thiết giáp hạm Nevada và các tuần dương hạm TuscaloosaQuincy và Black Prince dường như nghiêng đi khi bắn hết loạt này đến loạt khác. Trong khi những tàu lớn khai hỏa từ cự ly 8-10 kí-lô-mét thì các khu trục hạm nhỏ tiến sát bờ biển 1,5-3 kí-lô-mét và nối đuôi nhau trút đạn như mưa vào tất cả các vị trí phòng thủ.

o O o

Về oanh tạc chiến lược, vào đêm 5 và ngày 6, 1.211 oanh tạc cơ xuất kích nhưng chỉ có 946 chiếc hoàn tất thả bom. Các mục tiêu chủ yếu là những trận địa pháo dọc bờ biển. Không dưới 5.000 tấn bom được trút xuống, số lượng lớn nhất thả tromg một đêm của toàn cuộc chiến. Đó là do đường bay gần, nên máy bay có thể giảm mang xăng và mang thêm bom. Tổn thất cho không quân Đồng minh là mất 8 máy bay (0.7%).

Airplanes to Normandie
Máy bay Đồng minh trên đường đến Normandie

 

Về oanh kích chiến thuật do 640 oanh tạc cơ đảm nhiệm, hiệu quả được đánh giá rõ ràng hơn. Cuộc đánh bom yểm trợ Bãi Sword, Juno và Gold đạt một ít kết quả, trúng một số mục tiêu.

Riêng cuộc đánh bom yểm trợ Bãi Omaha thì hầu như vô hiệu. Khi đến bờ biển, phi hành đoàn thường kéo dài thời gian vài giây trước khi thả bom vì muốn tránh thả nhầm xuống các tàu đổ bộ đang tiến đến bờ biển. Chỉ 1-2 giây sớm hay muộn có thể khiến bom rơi chệch mục tiêu vài kí-lô-mét. Một phần lý do khác là mây mù khiến cho phi công không nhận ra mục tiêu, đến nỗi 67 oanh tạc cơ phải hủy bỏ nhiệm vụ. Kết quả là ở Bãi Omaha, quân đổ bộ thấy các công sự và bãi mìn còn nguyên nhưng chẳng thấy hố bom nào cả. Trung tá Herbert Hicks (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16 Bộ binh) phê phán trong báo cáo hành quân: “Hỏa lực hoàn toàn không có tác dụng gì trên Omaha Red. Không quân nên ở nhà mà ngủ còn hơn là đi thả bom.”

Trước đó, các sĩ quan Không quân Mỹ đã quá lạc quan về việc “thả bom chính xác” của họ. Montgomery chấp nhận lời khoác lác này mà không hỏi han. Cả ông và Bradley hẳn không nhớ rằng phần lớn oanh tạc cơ thả bom cách xa mục tiêu đến 8 kí-lô-mét.

Trong khi lính Mỹ công kích không quân kịch liệt, họ không biết rằng có lẽ phi công sợ thả bom nhầm xuống quân bạn. Lúc đó họ sẽ sống suốt đời với nỗi dằn vặt. Vì thế, họ muốn thà bị chê trách do thả bom chệch mục tiêu còn hơn là bị lên án vì tội giết hại quân bạn.

Lúc 5 giờ 50, cuộc pháo kích của Hải quân Mỹ bắt đầu. Ngoài khơi Bãi Omaha, thiết giáp hạm Texas và Arkansas với tổng cộng 10 khẩu pháo 356 li, 12 pháo 305 li và 12 pháo 127 li bắn 600 phát vào trận địa pháo trên đỉnh Pointe du Hoc trong một nỗ lực toàn diện nhằm giảm gánh nặng cho Biệt động quân Mỹ đang hướng về vách đá dốc đứng cao 30m này.

Cuộc bắn phá đáng sợ này gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những người chứng kiến. Trên chiếc Nevada, Thông tin viên cấp 3 Charles Langley gần như kinh hoàng trước hỏa lực khủng khiếp của hạm đội. Anh không thấy “có quân đội nào chịu đựng được cuộc pháo kích này.”

Thủy thủ James O’Neal trên một chiếc tàu đổ bộ LST ngoài khơi Bãi Omaha thấy mỗi lần một thiết giáp hạm bắn một loạt đạn, “con tàu bị lực của đại pháo đẩy nghiêng qua một bên, tạo nên những đợt sóng lớn, và khi tiến vào bờ những đợt sóng này làm cho tàu chúng tôi chao đảo.”

Hải quân không thể bù lỗi cho không quân: ở Bãi Omaha họ chỉ có 45 phút để pháo kích – quá ngắn nên nhiều công sự phòng thủ còn nguyên.

Cuộc đổ bộ

Lúc 4 giờ 30 rạng sáng ngày 6 tháng 6, trên chiếc tàu hàng Prince Baudouin của Bỉ đã được biến cải thành tàu chở quân, binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 5 Biệt động quân nhận lệnh xuống tàu đổ bộ. Một sĩ quan nhận thấy có binh sĩ không đội mũ sắt. Anh ra lệnh: “Đội cái mũ sắt chết tiệt của anh lên.” Chỉ là vì chiếc mũ sắt đầy đến một phần ba số tiền anh lính thắng khi chơi bài trên tàu. Anh nói: “Mặc kệ nó”, rồi đổ tất cả số tiền xuống sàn tàu. Các đồng tiền xu lăn lông lốc khắp cùng.

Một số binh sĩ có hành trang đến 50 kg vì mang thiết bị nặng như máy thông tin hoặc súng phun lửa. Phải có người đỡ họ xuống tàu đổ bộ. Đó là công tác nguy hiểm vì tàu đổ bộ dập dềnh lên xuống không ngừng. Một số lính bị gãy cổ chân hoặc cẳng chân vì nhảy không đúng chỗ hoặc bị kẹp giữa tàu đổ bộ và tàu mẹ.

Riêng lính Biệt động quân lĩnh nhiệm vụ leo lên Pointe du Hoc có hành trang nhẹ hơn. Phần lớn chỉ có khẩu tiểu liên Thompson, súng lục tự động .45 và hơn một lạng TNT.

Một lúc sau, chiếc tàu ngầm mini X23 của Trung úy George Honour thuộc Hải quân Hoàng gia Anh nổi lên cách bờ biển Normandie gần 5 kí-lô-mét. Chiếc tàu đầu tiên và người lính đầu tiên của quân Đồng minh đã vào vị trí ngoài khơi Normandie. Thẳng phía trước tàu X23 là khu vực đổ bộ của quân Anh–Canada. Cách đó 32 kí-lô-mét người anh em X20 dưới quyền Trung úy Ken Hudspeth cũng làm như thế. Hai chiếc tàu dài 17 mét đã vào vị trí, mỗi chiếc đánh dấu một đầu của khu đổ bộ cho quân Anh-Canada – ba Bãi Sword, Juno và Gold.

Tau ngam bo tui lop X
Tàu ngầm bỏ túi lớp X

Hai chiếc X23 và X20 đã khởi hành ngày 2 tháng 6, đến Normandie ngày 4 tháng 5, rồi hôm sau được biết cuộc đổ bộ bị hoãn lại. Trong 5 ngày của nhiệm vụ tối mật, 10 người của hai chiếc tàu ngầm bỏ túi cầm cự bằng đậu nướng, xúp và trà. Họ thay phiên nhau đổi ca trực 4 tiếng, thay phiên nhau ngủ trên cùng chiếc giường vẫn còn hơi ấm của người đã ngủ trước.

Năm người mặc đồ lặn sao su chen chúc nhau trong cabin chung nhỏ bé của mỗi tàu ngầm bỏ túi, mang những giấy tờ được làm giả tài tình có thể qua mặt sự kiểm tra của lính Đức đa nghi nhất. Mỗi người có một thẻ căn cước giả của Pháp với đầy đủ ảnh, giấy phép làm việc và tem phiếu có con dấu chính thức của Đức cùng thư từ và các tài liệu khác. Trong trường hợp xấu, chiếc X23 bị chìm hay phải bỏ, thủy thủ đoàn sẽ bơi vào bờ, cố gắng trốn thoát với nhân thân mới và liên lạc với lực lượng kháng chiến Pháp.

Kế hoạch mà họ phải thực hiện khá phức tạp và tỉ mỉ. Một thiết bị phát sóng vô tuyến liên tục truyền tín hiệu ngay khi họ nổi lên. Cùng thời gian, máy phát sonar tự động truyền sóng âm dưới nước để các thiết bị nhận có thể thu được. Đội tàu chở quân Anh và Canada sẽ dựa vào một hoặc cả hai tín hiệu đó.

Mỗi chiếc tàu cũng được trang bị ống kính tiềm vọng cao 5,5m, gắn đèn chiếu sáng nhỏ nhưng mạnh, tạo ra luồng sáng có thể quan sát từ khoảng cách 8 kí-lô-mét. Nếu luồng sáng màu xanh, có nghĩa là tàu ngầm đã vào vị trí; ngược lại, ánh sáng sẽ là đỏ.

Bổ sung vào các biện pháp dẫn đường, theo kế hoạch mỗi tàu sẽ thả một xuồng cao su được neo cố định do một thuỷ thủ điều khiển và cho phép nó giữ cố định hướng thẳng với bờ. Những chiếc xuồng được gắn thêm đèn chiếu do thuỷ thủ điều khiển. Dựa vào luồng sáng của tàu ngầm và xuồng, các tàu sẽ xác định được vị trí chính xác của bãi đổ quân.

Cứ mỗi 10 giờ tối, họ cho tàu nổi lên, mở đài nghe bản tin bảo mật để biết lúc nào cuộc đổ bộ sắp bắt đầu. Chính qua đó mà họ biết cuộc đổ bộ dự kiến ngày 5 tháng 6 bị hoãn lại – và đe dọa sự cung cấp oxygen.

Jim Booth, một thành viên trong đội tàu, kể lại: “Những lúc như vậy, người không trực cố gắng ngủ để tiết kiệm oxygen. Khi tàu nổi lên buổi tối, chúng tôi có thể đi ra ngoài một chút để hít thở không khí trong lành.” Jim kể vào ngày trước đổ bộ, qua ống kính tiềm vọng họ thấy lính Đức chơi bóng đá trên bãi biển. Rồi họ nhận thông điệp bảo mật về cuộc đổ bộ, và trồi lên mặt biển lúc 4 giờ sáng.

Mỗi thủy thủ dựng một cọc với đèn chiếu sáng, thiết lập các thiết bị liên lạc vô tuyến và dấu hiệu khác, chờ chiếc tàu Anh đầu tiên nhận tín hiệu.

Trên các bãi biển của quân Anh, giờ đổ bộ là từ 7 giờ đến 7 giờ 30 sáng. Như vậy, cho tới khi đợt tàu đổ bộ đầu tiên tiến vào, những chiếc tàu ngầm mini sẽ phải giữ vị trí trong 2 giờ nữa. Suốt thời gian đó, X23 và X20 sẽ phơi ra trên mặt nước – những mục tiêu nhỏ, cố định cho pháo binh Đức. Và trời thì sắp sáng.

Jim kể: “Lúc đó chúng tôi trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời khi nhìn đoàn máy bay lao tới thả bom dồn dập khắp bãi biển. Rồi thình lình không thấy máy bay nào tới nữa. Sau đó đợt tàu đổ bộ xuất hiện.”

Jim trèo vào một chiếc ca-nô có thể gấp khúc, rọi đèn hiệu hướng ra biển để hướng đoàn tàu đổ bộ tiến vào bờ. Nhóm 10 người của anh góp phần vào sự thành công cho cuộc đổ bộ của quân Anh-Canada. Có vẻ như quân Mỹ không tin tưởng nơi phương pháp hướng dẫn này nên họ chọn cách khác. Nhiều đội tàu ở Bãi Utah và Omaha đổ quân sai vị trí chỉ định.

o O o

Phản ứng ban đầu phía Đức là như thế nào?

Lúc 5 giờ 00 rạng sáng ngày 6 tháng 6, vị tướng kiên trì Pemsel gọi cho Tướng Speidel và nói thẳng thừng: “Tàu thuyền đang tập trung trong khoảng giữa cửa sông Vire và Orne. Kết luận là cuộc đổ bộ và tấn công quy mô lớn của địch vào Normandie sắp xảy ra”. Ông nói như thế là do báo cáo từ các đơn vị Hải quân Đức dọc theo bờ biển gửi tới trong vòng 1 tiếng đồng hồ vừa qua. Họ đã phát hiện âm thanh của tàu biển, không chỉ một hay hai chiếc như trước, mà là một hạm đội.

Von Rundstedt vẫn nghĩ cuộc tấn công nhắm đến Normandie là hành động đánh lạc hướng chứ không phải đổ bộ thực sự. Mặc dù vậy ông đã hành động mau lẹ. Hai tiếng đồng hồ trước giờ quân Đồng minh đổ bộ, ông đã ra lệnh Sư đoàn Lehr Thiết giáp và Sư đoàn 12 Thiết giáp SS đang ở vị trí gần nhất tiến ra để ứng chiến Nhưng đây lại là lực lượng dự bị của OKW mà muốn điều động ông phải xin phép Hitler. Nhưng von Rundstedt mạo hiểm; ông không tin là Hitler sẽ hủy lệnh đó. Điện của ông viết:

“OB West chắc chắn rằng đây thực sự là một chiến dịch lớn của địch và chỉ có thể đối phó thành công nếu hành động ngay lập tức. Nó bao gồm việc chuyển giao ngay hôm nay các đơn vị dự bị chiến lược sẵn có… Sư đoàn SS 12 và Sư đoàn Panzer Lehr. Nếu được tập hợp nhanh chóng và khởi hành sớm, họ có thể tham chiến ngay trong ngày. Do đó, trong trường hợp này OB West đề nghị OKW chuyển giao lực lượng dự bị.”

Người gửi nghĩ đây là một bức điện thủ tục, đơn giản chỉ là để lưu trong hồ sơ.

Tại tổng hành dinh Hitler ở Berchtesgaden trong khí hậu êm dịu ở miền nam Bavaria, bức điện trên được chuyển tới văn phòng của Chuẩn thống chế Alfred Jodl (Tham mưu phó Hành quân của OKW). Đại tướng Warlimont (phó của Jodl) nhận được yêu cầu đó. Jodl đang ngủ và các sĩ quan tin rằng tình hình chưa nghiêm trọng đến mức phải quấy rầy ông này. Bức điện có thể đợi.

Khi Jodl thức dậy, ông không dám quyết, còn Hitler thì đang ngủ mà không ai dám đánh thức.

Warlimont báo cáo với Jodl: “Blumentritt đã gọi về số xe tăng dự bị. OB West muốn điều họ tới khu vực đổ bộ ngay lập tức”.

Như Warlimont nhớ lại, Jodl im lặng khá lâu trước khi trầm ngâm hỏi: “Ông có chắc đây là cuộc đổ bộ không?” Trước khi Warlimont có thể trả lời, Jodl tiếp tục:

“Theo những báo cáo mà tôi nhận được thì đây có thể là một cuộc tấn công nghi binh… một phần của kế hoạch lừa gạt. OB West đã có đủ quân dự bị… OB West nên cố gắng đẩy lui cuộc tấn công với lực lượng trong tay… Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chuyển giao các đơn vị dự bị OKW… Ta phải đợi cho tình hình rõ ràng hơn”.

Warlimont biết tranh cãi là vô ích, mặc dù ông tin rằng cuộc đổ bộ ở Normandie nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà Jodl nghĩ. Ông bị “sốc” vì cách giải thích theo nghĩa đen của Jodl về chỉ thị của Hitler đối với việc kiểm soát các đơn vị xe tăng. Sự thật, chúng là dự bị của OKW và do đó được đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Hitler. Nhưng, cũng giống như von Rundstedt, Warlimont đã luôn hiểu rằng “trong trường hợp quân Đồng minh tấn công, bất kể là nghi binh hay không, các đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao ngay tập tức – chuyển giao tự động, trên thực tế”. Đối với Warlimont, làm như thế mới hợp lý; người chỉ huy ở chiến trường đối đầu với cuộc đổ bộ phải có trong tay mọi lực lượng để sử dụng khi cần thiết, đặc biệt khi người đó lại là một chiến lược gia đáng kính von Rundstedt.

Đáng lẽ Jodl có thể chuyển giao các đơn vị đó, nhưng ông đã bỏ qua. Warlimont cảm thấy quan điểm của Jodl chỉ là một ví dụ khác về “sự rối loạn về chỉ huy trong Hội đồng lãnh đạo”. Nhưng không ai tranh cãi với Jodl. Warlimont cho Blumentritt biết qua điện thoại. Lúc này quyết định điều động đơn vị xe tăng dự bị dựa vào tính cách thất thường của người mà Jodl cho là một thiên tài quân sự – Hitler.

Tại OB West, phản ứng của Jodl gây ra choáng váng và hoài nghi. Đại tá Bodo Zimmermann (Trưởng phòng Tác chiến của OB West) nhớ lại rằng von Rundstedt “tức điên lên, đỏ mặt, cơn thịnh nộ khiến ông hành động một cách khó hiểu”. Zimmermann cũng không thể hiểu nổi. Đêm đó, trong cuộc gọi tới OKW, Zimmermann đã báo cho Trung tá Friedel (sĩ quan trực của Jodl) rằng OB West đã ra lệnh báo động 2 sư đoàn thiết giáp. Zimmermann cay đắng nhớ lại: “Không có sự phản đối nào về việc đó.”

Bây giờ Zimmermann gọi OKW một lần nữa và trao đổi với Trưởng ban Tác chiến Lục quân, Thiếu tướng von Buttlar-Brandenfels. Ông được trả lời một cách lạnh nhạt – von Buttlar đã được Jodl gợi ý. Ông ta huênh hoang trong cơn giận dữ: “Những sư đoàn đó nằm dưới quyền điều động trực tiếp của OKW! Các anh không có quyền ra lệnh báo động họ mà không được chúng tôi cho phép trước. Các anh phải dừng lại ngay lập tức – không được làm gì trước khi Lãnh tụ đưa ra quyết định!” Khi Zimmermann cố gắng tranh luận, von Buttlar chặn họng ông lại bằng giọng nói the thé: “Hãy làm như đã được yêu cầu!”

Nước đi tiếp theo thuộc về von Rundstedt. Là một thống chế, ông có thể gọi trực tiếp cho Hitler để thuyết phục, rồi có thể những đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao lập tức. Nhưng von Rundstedt không gọi cho Lãnh tụ lúc đó hay bất cứ lúc nào trong D-Day. Ngay cả tính nghiêm trọng của cuộc đổ bộ cũng không buộc được nhà quý tộc von Rundstedt phải cầu xin với người mà ông vẫn thường gọi là “Anh hạ sĩ người Áo”.

Nhưng các sĩ quan của ông vẫn gọi điện dồn dập tới OKW trong những nỗ lực vô vọng để Jodl đảo ngược quyết định cấm điều động thiết giáp. Họ gọi cho Warlimont, von Butltar-Brandenfels và cả sĩ quan quản trị của Hitler, Thiếu tướng Rudolf Schmundt. Đó là một cuộc đấu tranh kỳ quặc, kéo dài hàng giờ. Zimmermann tóm tắt lại:

“Khi chúng tôi cảnh báo là nếu không có các đơn vị xe tăng, cuộc đổ bộ Normandie có thể thành công và dẫn tới những hậu quả khó lường, chúng tôi được bảo đơn giản là mình không ở vị trí đánh giá đúng mức, rằng cuộc đổ bộ thực sự sẽ diễn ra ở một nơi hoàn toàn khác”.

Trong khi các tướng lĩnh một bên thì kèo nài bên kia thì cứng nhắc từ khước, Hitler ngủ suốt ở thế giới không tưởng êm dịu Berchtesgaden, được bao bọc bởi những kẻ nịnh bợ không muốn đánh thức ông. Ông đã đi nghỉ như thường lệ lúc 4:00 sáng và bác sĩ riêng Morell đã cho ông một liều thuốc ngủ – bây giờ ông ta không thể ngủ nếu thiếu nó.

Cũng vào lúc 5 giờ sáng, Đề đốc Karl-Jesko von Puttkamer (Tùy viên Hải quân của Hitler) bị đánh thức bởi cuộc gọi từ văn phòng của Jodl. Người gọi điện – Puttkamer không thể nhớ ra là ai – nói rằng đã có “dấu hiệu cuộc đổ bộ lên Pháp”. Vẫn chưa biết chính xác điều gì – thực tế, Puttkamer thấy những báo cáo đầu tiên hoàn toàn mơ hồ. Puttkamer nhớ lại rằng dù sao vẫn chưa có gì nhiều để báo cáo, và ông lo ngại rằng nếu bị đánh thức vào lúc này, Hitler có thể sẽ lại bị một cơn kích động vô tận luôn dẫn tới những quyết định điên rồ nhất. Puttkamer quyết định rằng buổi sáng là thời gian thích hợp để báo tin cho Hitler. Ông tắt đèn và quay vào ngủ tiếp.

Lúc 7 giờ, Jodl yêu cầu von Rundstedt hủy lệnh điều động hai sư đoàn thiết giáp. Rồi Jodl gọi cho Speidel để đảm bảo lệnh được thi hành.

Thế là vị Thống chế giống như người bị trói tay: còn khỏe mạnh nhưng không cử động được. Hai sư đoàn thiết giáp nằm chờ suốt buổi sáng ngày 6 tháng 6. Lúc đó bầu trời âm u; đáng lẽ họ có thể tiến ra mà không bị máy bay Đồng minh phát hiện.

o O o

Cách đó 48 kí-lô-mét, Trung tá Heinrich Hoffmann chỉ huy ba khinh tốc đỉnh E-boat nhìn thấy một màn sương kỳ lạ đang phủ lên mặt biển phía trước. Chính loại khinh tốc đỉnh E-boat này chỉ mới 6 tuần trước đã đánh chìm hai tàu đổ bộ LST và làm thiệt hại một tàu LST khác đang tập trận dọc bờ biển Anh, khiến cho 749 lính Mỹ tử thương.

Trong 2 năm qua, Hoffman tuần tra Eo biển Anh và biết rõ từng hải vực như trong lòng bàn tay. Anh nổi tiếng là người của hành động, và lính dưới quyền anh thường kháo nhau: “Khi Hoffman đi đến đâu là thể nào cũng có chuyện.” Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ trước, anh nói chuyện với cô vợ qua điện thoại. Có vẻ như cô có linh tính: “Heinrich à, tối này em lo lắm. Liệu có chuyện gì xảy ra không?” Anh cố trấn an cô: “Em yêu, tình hình vẫn yên tĩnh. Sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.”

Trước đó, vào lúc 3 giờ 09, một báo cáo radar gửi về văn phòng của Đô đốc Theodor Krancke (Tư lệnh Hải quân Đức Mặt trận Tây): “Một số đơn vị hướng về nam.” Một số đơn vị có nghĩa một số tàu. Hướng về nam có nghĩa hướng về Normandie. Ngoài ra thì không có thông tin gì khác rõ ràng hơn. Krancke yêu cầu các ổ pháo dọc bờ biển chuẩn bị hành động. Ông cũng điện cho căn cứ hải quân Le Havre, lúc đó Trung tá Heinrich Hoffmann đang trực.

Lúc đó, Hoffmann đang ở trên chiếc tàu chỉ huy T-28 của Hải đội 5, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ rải mìn. Anh lập tức cho gọi các hạm trưởng. Họ đều còn trẻ, và mặc dù Hoffmann nói rằng “đây có thể là cuộc đổ bộ”, họ không ngạc nhiên. Họ đã chờ đợi nó. Chỉ có 3 trong 6 tàu sẵn sàng, nhưng Hoffmann không thể đợi những chiếc kia nạp ngư lôi xong.

Rồi lúc 3 giờ 30, Hoffman dẫn hải đội E-boat với vận tốc 43 kí-lô-mét/giờ tiến về hướng tây-nam, gần song song với bờ biển. Khi đi khỏi Le Havre 40 kí-lô-mét, Hoffman nhận ra một phi đoàn khổng lồ trên không, và rõ ràng là hải đội nhỏ nhoi của anh không phải là mục tiêu của họ,

Bây giờ, Hoffman nhớ lại câu hỏi của cô vợ, và tự hỏi liệu có phải cuộc tấn công đang xảy ra hay không. Khi Hoffmann đang quan sát, một máy bay xuất hiện từ màn trắng đó. Mắt dõi theo chiếc máy bay, anh nhận ra sự thật hãi hùng: nó đang rải một màn khói trên mặt biển. Ai đó đang muốn che đậy cái gì đó. Hoffman nhìn đồng hồ: 5 giờ sáng. Chẳng bao lâu mặt trời sẽ mọc. Anh biết phải hành động tức thì.

Hoffmann dẫn hải đội E-boat băng qua màn khói để tìm hiểu – và nhận được cú sốc lớn nhất trong đời. Ở bên kia màn khói, anh thấy mình đối mặt với một hàng dài những tàu chiến kinh khủng. Ở khắp nơi anh thấy những thiết giáp hạm, tuần dương hạm và khu trục hạm sừng sững trước mặt. Hoffmann kể lại: “Tôi cảm thấy như đang ngồi trên một chiếc thuyền chèo tay”. Gần như ngay lập tức đạn pháo rơi quanh những chiếc E-boat đang chạy ngoắt ngoéo. Dù bị áp đảo đến mức khó tin, Hoffman vẫn không do dự lấy một giây, tự tin ra lệnh hải đội tấn công. Vài giây sau, 18 quả ngư lôi xé nước lao tới hạm đội Đồng minh trong cuộc tấn công duy nhất của Hải quân Đức trong Ngày D.

Trên đài chỉ huy khu trục hạm Svenner của Na Uy, Đại tá Hải quân Hoàng gia Desmond Lloyd thấy những ngư lôi đang đến gần. Những sĩ quan trên tàu WarspiteRamillies và Largs cũng vậy. Tàu Largs nhanh chóng tăng tốc chạy lùi tối đa. Hai quả ngư lôi đi qua giữa Warspite và Ramillies. Chiếc Svenner không thể tránh. Viên hạm trưởng hét lên “Sang trái! Động cơ phải tiến tối đa! Động cơ trái lùi tối đa!” trong một nỗ lực vô vọng nhằm xoay tàu thoát khỏi quả ngư lôi. Đại tá Lloyd, qua chiếc ống nhòm thấy chúng sẽ đâm thẳng vào ngay bên dưới đài chỉ huy. Tất cả những gì anh có thể nghĩ là “Mình sẽ bay cao bao nhiêu?” Với sự chậm chạp khổ sở, Svenner xoay sang trái và trong một khoảnh khắc Lloyd đã nghĩ rằng họ thoát nạn. Nhưng biện pháp đó thất bại. Một quả ngư lôi xé toang khoang lò hơi. Svenner dường như bị nâng lên khỏi mặt nước, giật mạnh và vỡ làm đôi. Gần đó, thợ máy chính Robert Dowie trên tàu quét mìn HMS Dunbar kinh ngạc khi thấy chiếc khu trục hạm chìm xuống nước với “mũi và đuôi tạo thành một hình chữ V hoàn hảo”. Có 33 người chết và 15 người bị thương. Đại tá Lloyd không hề hấn gì, bơi trong khoảng 20 phút, giữ một thủy thủ bị gãy chân nổi trên mặt nước cho tới khi khu trục hạm Swift cứu họ lên.

Với vận tốc gần 90 kí-lô-mét/giờ, vượt xa các tàu Đồng minh, 3 chiếc E-boat nhanh chóng trở lại an toàn phía bên kia màn khói. Hoffmann biết việc quan trọng lúc này là báo động. Anh cho truyền tin cấp tốc về Le Havre, không hề biết là điện đài đã bị hỏng trong trận chiến chớp nhoáng vừa qua.

Khu truc ham Svenner
Khu trục hạm Svenner

Khu trục hạm Svenner với lượng giãn nước 2.400 tấn là tàu chiến duy nhất của Đồng minh bị Hải quân Đức đánh đắm trong Ngày D.

o O o

Lúc 6 giờ 40 sáng ngày 6 tháng 6, Đại tướng Leigh-Mallory gọi điện tới ngôi nhà di động và Trung tá Harry Butcher (Tùy viên Hải quân) nhận cuộc gọi. Leigh-Mallory chính là người khuyên Eisenhower không nên thả quân dù Mỹ kẻo họ sẽ bị thương vong 70-80 phần trăm. Bây giờ ông cho biết chỉ có 21 trong số 850 vận tải cơ C-47 bị rớt. Thiệt hại về phía lính dù Anh còn ít hơn: chỉ 8 trong số khoảng 400 chiếc C-47 mất tích.

Thêm tin tốt lành từ Leigh-Mallory: quân Đức đúng là bị mắc lừa, phần lớn chiến đấu cơ của họ đang tập trung ở Pas-de-Calais.

Tướng Eisenhower đã thức giấc sau giấc ngủ ngắn, và bây giờ mỉm cười.

Kế tiếp, Đô đốc Ramsy gọi điện cho biết mọi việc đều tiến hành theo kế hoạch, và không có tin xấu nào cả.

Leigh-Mallory thảo ra bản nhận lỗi về phần mình vừa khiêm tốn vừa thanh cao:

“Ngôn từ của tôi không thể nào thể hiện hết lòng cảm kích cho bằng việc nói ra rằng những nghi ngại của tôi là vô căn cứ… Tôi xin chúc mừng ngài về quyết định thông thái của ngài.”

Trong khi đó, có nhiều lo lắng trầm trọng và thất vọng não nề bên Đức. Một số chỉ huy quân Đức vẫn chưa tin đích thực đây là chiến dịch đổ bộ. Von Rundstedt giận dữ khi nghe tin Hitler đã đi ngủ lúc 4 giờ và Jodl không dám đánh thức ông ta sớm hơn.

Lúc 7 giờ sáng, Đức phát bản tin thông báo có cuộc đổ bộ, tuy nhìn nhận thông tin chưa đầy đủ. Tin này vô cùng phấn khởi đối với phía Đồng minh: Đức cho biết cuộc đổ bộ diễn ra ở Pas-de-Calais!

o O o

Khi biết chắc chắn rằng cuộc đổ bộ đã thành công, lúc 9 giờ 30 Eisenhower cho phát đi một bản thông cáo trước toàn thế giới, được truyền qua Đài BBC:

“Sáng nay, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Eisenhower, Hải quân Đồng minh được sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân đã bắt đầu đổ bộ các đơn vị lục quân lên vùng duyên hải phía bắc nước Pháp.”

Đó là khoảnh khắc mà cả thế giới tự do đã chờ đợi và giờ đây họ đón nhận nó với cảm xúc lẫn lộn kỳ lạ, cả nhẹ người, phấn khởi và lo lắng. “Cuối cùng, căng thẳng đã được gỡ bỏ”, ấn bản D-Day của tờ London Times viết.

Phần lớn người Anh nghe được tin này ở nơi làm việc. Trong vài cơ sở quốc phòng bản tin được đọc qua loa, và những người đàn ông và phụ nữ đang đứng máy hát vang bài God Save the King. Nhà thờ của những ngôi làng mở tung cửa. Những hành khách không quen biết chuyện trò với nhau trên tàu hỏa. Trên đường phố, người ta bắt tay các binh sĩ Mỹ. Những đám đông nhỏ tụ tập ở góc đường để ngắm nhìn những chuyến bay tấp nập nhất mà họ từng thấy.

Nữ Đại úy Hải quân Naomi Coles Honour, vợ của hạm trưởng tàu ngầm X23, nghe tin và ngay lập tức biết chồng mình đang ở đâu. Lát sau cô nhận được cuộc gọi từ một sĩ quan tác chiến ở sở chỉ huy hải quân: “George vẫn khỏe, nhưng cô không đoán được là anh ta đã trải qua những gì đâu”. Naomi có thể nghe điều đó sau; quan trọng nhất lúc này là anh vẫn an toàn.

Mẹ của Binh nhì thủy thủ 18 tuổi Ronald Northwood trên kỳ hạm Scylla phấn khích đến mức bà chạy qua đường để kể với bà Spurgeon sống gần đó là “Ron của tôi đang ở đó”. Bà Spurdgeon không chịu kém. Bà có một “người họ hàng trên chiếc Warspite” và chắc chắn anh ta cũng đang ở đó. (Với chút ít khác biệt, những cuộc đối thoại tương tự diễn ra khắp nước Anh).

Grace Gale, vợ của Binh nhì John Gale, người đã đổ bộ lên bãi Sword trong đợt đầu tiên đang tắm cho đứa nhỏ nhất trong số 3 đứa con của họ khi cô nghe được tin. Cô cố gắng cầm nước mắt, nhưng không thể – cô chắc rằng chồng mình đang ở trên đất Pháp. Cô cầu nguyện: “Lạy Chúa, hãy đưa anh ấy về”. Rồi Gale bảo con gái Evelyn tắt radio. “Chúng ta sẽ không để ảnh hưởng đến bố con vì lo lắng”, cô nói.

Trong không khí trang nghiêm ở Ngân hàng Westminster tại Bridgeport ở Dorset, Audrey Duckworth đang tập trung làm việc và mãi về sau mới được nghe về cuộc đổ bộ. Cũng chỉ ngay lúc đó, người chồng Mỹ của cô, Đại úy Edmund Duckwortd thuộc Sư đoàn 1 hy sinh ngay khi đặt chân lên bãi biển Omaha. Họ chỉ vừa kết hôn được 5 ngày.

Trên đường tới tổng hành dinh của Eisenhower ở Portsmouth, Trung tướng Sir Frederick Morgan nghe BBC đề nghị thính giả chuẩn bị theo dõi thông báo đặc biệt. Morgan bảo người lái xe dừng lại. Ông vặn to radio – và rồi cha đẻ của kế hoạch đổ bộ đã được nghe về cuộc tấn công.

Đối với phần lớn dân Mỹ, tin tức đến vào lúc nửa đêm; ở bờ biển phía Đông là 3 giờ 33 sáng, ở bờ biển phía Tây là 12 giờ 33 sáng. Phần lớn đang say ngủ, nhưng trong số những người đầu tiên biết tin về Ngày Day là hàng ngàn người làm việc ca đêm, những người đàn ông và phụ nữ đã lao động vất vả để sản xuất ra phần lớn xe tăng, máy bay, tàu chiến đang được sử dụng trong cuộc đổ bộ. Ở khắp nơi trong các nhà máy quốc phòng nhộn nhịp, người ta ngừng tay để dành một phút mặc niệm. Tại xưởng đóng tàu Brooklyn, trong ánh lửa chói mắt của đèn hàn, hàng trăm người quỳ xuống trên boong những chiếc tàu lớp Liberty chưa hoàn thành và bắt đầu đọc kinh.

Thiếu úy Hải quân Lois Hoffman, vợ của hạm trưởng tàu Corry đang làm nhiệm vụ ở căn cứ hải quân Norfolk, Virginia khi nghe tin về D-Day. Trong suốt thời gian qua cô đã theo dõi hành trình của chồng thông qua các bạn bè ở phòng tác chiến. Tin này không mấy quan trọng với cá nhân cô. Lois Hoffmann vẫn nghĩ chồng đang hộ tống một đoàn tàu chở đạn ở Bắc Đại Tây Dương.

Tại căn nhà ở Long Island, bà Theodore Roosevelt đã có một giấc ngủ chập chờn. Khoảng 3 giờ 00 sáng, bà tỉnh giấc và không thể ngủ lại được. Như cái máy, bà bật radio – vừa đúng lúc để nghe thông báo chính thức về D-Day. Bà biết với tính cách của chồng, ông sẽ ở đâu đó trong cuộc chiến đấu. Bà không biết mình có lẽ là người phụ nữ duy nhất có chồng chiến đấu trên bãi Utah và con trai – Đại úy Quentin Roosevelt 25 tuổi ở Sư đoàn 1 – trên bãi Omaha. Ngồi trên giường, bà nhắm mắt đọc lời cầu nguyện cũ quen thuộc của gia đình. “Chúa che chở cho chúng con… cho tới khi bóng tối kéo dài và đêm đổ xuống”.

Ở Thành phố New York, từng đám đông dừng bước, ngước mặt đọc những dòng chữ quang báo trên các tòa nhà đưa tin về cuộc đổ bộ.

Dam dong New York doc tin Times building o Times Square
Đám đông ở Times Square, New York, đọc tin quang báo về cuộc đổ bộ

Bản thông cáo của Eisenhower hoàn toàn khác với bản nháp ông đã soạn sẵn chỉ 24 tiếng đồng hồ trước. Dự phòng trường hợp các nỗ lực đổ bộ bất thành, ông viết:

“Cuộc đổ bộ của quân ta lên khu vực Cherbourg–Havre đã không thiết lập được một đầu cầu vững chắc, và tôi đã cho rút lui. Thời điểm và địa điểm tấn công được quyết định dựa trên những thông tin tốt nhất có thể. Lục quân, Không quân và Hải quân đã thể hiện tinh thần dũng cảm và tận tụy với nhiệm vụ cao nhất. Nếu có bất cứ trách nhiệm hay sai lầm nào trong chuyện này, tất cả đều thuộc về riêng cá nhân tôi.”

o O o

Vào buổi sáng 6 tháng 6 này, có chi tiết quan trọng: Khi nào Rommel được thông báo? Tùy theo nguồn tin, đó là lúc “sáng sớm” hoặc 6 giờ 00 (theo Speidel) hoặc 8 giờ 00 (theo con trai của Rommel). Vào ngày này, nhật ký của Tập đoàn quân B chỉ ghi lại một cuộc gọi cho Rommel: lúc 10 giờ 15. Nội dung viết: “Speidel thông báo tình hình cho Thống chế Rommel qua điện thoại. Tư lệnh Tập đoàn quân B sẽ quay lại tổng hành dinh hôm nay.”

Rommel lắng nghe Speidel, và choáng váng. Với tất cả bản năng khôn ngoan đã theo ông gần hết cuộc đời, Rommel biết đây chính là cái ngày mà ông đã chờ đợi – ngày mà ông đã nói sẽ là “ngày dài nhất”. Ông kiên nhẫn đợi Speidel báo cáo xong và khẽ nói, không biểu hiện chút cảm xúc nào: “Tôi đã ngu ngốc làm sao! Tôi đã ngu ngốc làm sao!”

Ông đặt máy và bà vợ thấy “cuộc gọi đã biến đổi ông ấy… một sự căng thẳng khủng khiếp”. Trong vòng 45 phút sau, hai lần Rommel gọi Đại úy Hellmuth Lang (sĩ quan tùy viên) đang ở nhà tại Strasbourg. Mỗi lần ông cho Lang một giờ giấc để khởi hành về La Roche-Guyon khác nhau. Bản thân điều đó làm Lang lo lắng; thống chế chưa bao giờ tỏ ra thiếu quyết đoán như vậy. Lang nhớ lại: “Giọng ông nghe phiền muộn ghê gớm trong điện thoại, và điều đó cũng không giống ông ấy”. Giờ lên đường cuối cùng được ấn định. Rommel bảo: “Chúng ta sẽ đi lúc 1 giờ đúng từ Freudenstadt.”. Khi đặt máy Lang đoán rằng Rommel hoãn chuyến đi để kịp gặp Hitler. Anh không biết là ở Berchtesgaden, trừ Thiếu tướng Schmundt (sĩ quan quản trị của Hitler), không ai biết Rommel đang ở Đức.

Lúc 6 giờ chiều, chiếc xe chở Rommel về đến Rheims, còn cách lâu đài La Roche-Guyon khoảng 170 kí-lô-mét theo đường chim bay. Tại sở chỉ huy thành phố, tùy viên Lang gọi cho La Roche-Guyon. Rommel dành 15 phút nắm tình hình từ tham mưu trưởng qua điện thoại. Khi Rommel rời trụ sở, Lang thấy rằng ông đã nhận được tin xấu. Im lặng bao trùm chiếc xe khi họ đi tiếp. Lúc sau Rommel đấm vào lòng bàn tay đeo găng và nói chua chát: “Kẻ thù thân thiết của tôi, Montgomery”. Rồi sau đó ông nói, “Lạy Chúa! Nếu Sư đoàn Panzer 21 thành công, chúng ta có thể đẩy lui chúng trong 3 ngày”.

Lúc 9 giờ 30 tối, Rommel mới về đến tổng hành dinh. Đó là 11 tiếng đồng hồ kể từ lúc Trung tá Quân báo Meyer gửi điện đến tổng hành dinh của ông về câu thơ thứ hai của Verlaine. Đáng lẽ ông đã có nhiều động thái làm nên chuyện nếu ông không trở về nhà. Bây giờ, ông hỏi thuộc hạ một cách mỉa mai: “Không quân Đức đang ở đâu?”

Lúc 12 giờ 00 trưa, Churchill đọc diễn văn ở Viện Dân biểu, thông báo Đồng minh đã giải phóng Rome rồi nói tiếp:

“Tôi muốn thông báo với Viện Dân biểu rằng trong đêm qua và rạng sáng nay những đợt đổ bộ đầu tiên lên Lục địa Châu Âu đã được tiến hành… Cho đến giờ, các chỉ huy chiến trường báo cáo rằng mọi việc đều theo đúng kế hoạch”.

o O o

Chỉ đến giữa trưa Đại tướng Marcks mới được quyền điều động Sư đoàn 21 Thiết giáp. Dưới quyền Trung tướng Edgar Feuchtinger (nhưng lúc này đang ở Paris), sư đoàn này với 127 chiếc tăng Mk IV đang trấn giữ ở Caen. Từ sáng sớm khi nghe tin quân Đồng minh đổ bộ lên các bãi biển phía bắc Caen, Tướng Marcks đã muốn điều sư đoàn này tiến ra bãi biển để nghênh chiến. Nhưng trước hết ông phải xin phép Rommel mà Rommel lại đang sum vầy với vợ con ở Đức. Thế là phải qua một loạt trao đổi với Speidel (tham mưu trưởng của Rommel), phí thêm một khoảng thời gian quý báu.

Tang Mark IV cua Su doan 21 Thiet giap Duc
Tăng Mark IV của Sư đoàn 21 Thiết giáp Đức

Ngay sau khi được cho phép, Tướng Marcks ra lệnh cho Sư đoàn 21 Thiết giáp phản công. Chỉ đến lúc này đơn vị tăng duy nhất của Đức trong vùng Normandie mới xung trận. Nhưng việc tiến quân gặp khó khăn. Mất nguyên 3 tiếng đồng hồ sư đoàn chỉ tiến được 16 kí-lô-mét từ Ranville qua Caen, bởi vì bầu trời luôn có máy bay Đồng minh. Sư đoàn 21 Thiết giáp bị thiệt nặng về người và khí tài trước khi tham chiến.

Mãi cho đến 4 giờ 20 chiều mới có một đơn vị thiết giáp Đức phản công quân Đồng minh trên bãi biển đổ bộ, phía tây Hermanville. Trung đoàn 22 Thiết giáp dưới quyền Đại tá Hermann Oppeln-Bronikowski bên cánh phải, Trung đoàn 92 Thiết quân vận dưới quyền Đại tá Joseph Rauch bên cánh trái. Quân Đức tỏ ra tự tin.

Cuộc phản công bắt đầu với tăng Mark IV đã được cải tiến với đại bác 75 li tốc độ cao, theo sau là xe bánh xích chở binh sĩ, thêm một số súng không giật có khẩu độ khác nhau đặt trên xe bánh xích Lorraine 37L của Pháp. Đội hình trông hoành tráng.

Tiểu đoàn Shropshire Bộ binh của Anh được trang bị tăng Sherman với đại bác 75 li cố thủ trong những vị trí được ngụy trang cẩn thận, chờ cho tăng Đức tiến gần rồi mới đồng loạt nổ súng. Sáu chiếc Mark IV cháy rụi trong loạt đạn đầu tiên, sau đó thêm chín chiếc gần ngôi làng Mathieu. Các chiếc tăng khác vội lùi về, ẩn núp dưới bất kỳ mương đất, tán cây, nhà kho nào họ tìm được. Cuộc chống trả tăng Đức có giá trị chiến lược quan trọng đối với Đồng minh vì đó là khoảng trống giữa hai lực lượng đổ bộ Anh và Canada. Nếu lực lượng của Đức đánh xuyên qua được khoảng trống này thì họ có thể gây rất nhiều khó khăn cho quân đổ bộ.

Trung tướng Edgar Feuchtinger, Tư lệnh Sư đoàn 21 kể lại:

“Khi qua Sông Orne, tôi đi về hướng bắc ra phía bờ biển. Vào lúc này quân địch gồm 3 sư đoàn Anh và 3 Sư đoàn Canada đã tiến quân một cách đáng kinh ngạc và đang chiếm giữ vùng cao cách bờ biển khoảng 10 kí-lô-mét.

“Từ đó, súng chống tăng bắn hạ 11 xe tăng của tôi trong khi bên tôi chưa kịp bắt đầu. Tuy nhiên, một chi đội đã đi vòng quanh đội hình chống tăng và đến 11 giờ tối đến được Lion-sur-Mer.

“Bây giờ tôi trông mong có quân cứu viện để giúp tôi giữ vững vị trí của mình, nhưng không có ai cả. Thêm quân dù Đồng minh nhảy xuống hai bên Sông Orne, cùng với đợt tấn công dữ dội của xe tăng Anh, nên tôi buộc phải rời bỏ vị trí trên bãi biển.

“Tôi rút về phòng tuyến phía bắc Caen. Vào cuối ngày này, sư đoàn của tôi mất khoảng 25% số xe tăng.”

Bai dap Horsa Ranville-Amreville 6-Jun (IWM)
Bãi đáp của tàu lượn Horsa thuộc Sư đoàn 6 Không vận. Có thể thấy hai ngôi làng Amfreville và Breville trên góc trái của hình.

Còn Trung đoàn 92 đúng là tiến được ra bờ biển, nhưng không có ý nghĩa gì. Họ bị kẹp giữa hai lực lượng Đồng minh đang nã súng vào họ từ hai bên, lại còn bị hải pháo đe dọa. Trung đoàn 92 bất động tại chỗ.

Nhưng họ không bất động lâu. Đến 9 giờ tối (nhưng trời chưa tối vào mùa này), trong khi Rauch đang trụ ở bờ nước và Feuchtinger đang trù tính phải làm gì tiếp theo, một phi đoàn gồm 250 máy bay và tàu kéo được hàng chục tiêm kích hộ tống đổ quân Anh xuống. Feuchtinger ra lệnh cho Rauch rút lui..

Bãi Omaha

Bãi Omaha dài 14 kí-lô-mét, ngày xưa được gọi là La Plage de Sables d’Or, Bãi Cát vàng. Cách đây một thế kỷ, có một làng đánh cá nhỏ tên Port-en-Bessin. Vùng này có nhiều biệt thự và nhà nghỉ dưỡng, cũng như một tuyến đường xe lửa nối với Cherbourg, thời đó là nút giao thông quan trọng. Vùng này hấp dẫn nhiều họa sĩ kể cả George Seurat. Ông này để lại nhiều bức họa về Port-en-Bessin, cho thấy nhiều nhà cửa, bến cảng, đê chắn sóng, tàu thuyền… trong khung cảnh yên bình, thơ mộng.

Bai Omaha_Port en Bessin
Port-en-Bessin (George Seurat)

Tất cả thay đổi hẳn vào đầu thập niên 1940, khi quân Đức phá hủy các ngôi nhà dọc bờ biển để có tầm quan sát hướng ra biển, rồi xây dựng các công sự bảo vệ bờ biển. Chỉ trừ một kiến trúc kiểu Gothic mà quân Đức để lại và thành một lô cốt cho đại pháo.

Cách Port-en-Bessin-Huppain chỉ 12 km bằng đường bộ về hướng tây là thị trấn Vierville-sur-Mer, cũng nằm kế bờ biển. Dưới đây là một hình ảnh vào thập niên 1930s của Vierville-sur-Mer. Bức ảnh cho thấy chỉ mười năm trước, bãi biển này là nơi người Pháp thư giãn và vui chơi trong các kỳ nghỉ lễ.

Bai Omaha_Vierville-sur-Mer 1930s
Vierville-sur-Mer vào thập niên 1930s. Bên phải là Bãi Omaha trong Trận Normandie, mũi đất ở hậu cảnh là Mũi Hoc (Pointed du Hoc)

Cũng giống như ở Port-en-Bessin, quân Đức thay đổi hoàn toàn cảnh quan, phá hủy các biệt thự, xây nhiều công sự phòng thủ ở Vierville-sur-Mer. Kết quả là đội quân phòng ngự được che chắn trong những công sự kiên cố, lại thêm thuận lợi nhờ một bờ dốc đứng cao 30-45 mét suốt chiều dài của Bãi Omaha.

Tóm lại, từ đông sang tây là Port-en-Bessin tiếp giáp với Bãi Gold, kế đến là ba ngôi làng Colleville-sur-Mer, St. Laurent-sur-Mer, và Vierville-sur-Mer tiếp giáp với Bãi Utah. Riêng St. Laurent-sur-Mer là nút giao thông quan trọng, từ đó con đường dẫn đến Cherbourg về hướng tây và Bayeux về hướng đông.

Bai Omaha 6 thang 6
Tình hình chiến sự ở Bãi Omaha ngày 6/6

Xe cộ từ bãi biển phải đi qua một trong năm lối ra để lên đển đỉnh bờ dốc, từ đó mới có thể đi sâu vào trong đất liền.

Bãi Omaha được giao cho quân Mỹ gồm Sư đoàn 1 Bộ binh và Sư đoàn 29 Bộ binh.

Tình báo cho biết chỉ có Sư đoàn 716 yếu kém bảo vệ Bãi Omaha. Họ không nhận ra một phần của Sư đoàn 352 đã được điều đến đây.

Ngày nay, khi cựu chiến binh Đồng minh đi thăm lại bãi chiến trường xưa, họ ngạc nhiên thấy những gia đình người Pháp tắm nắng và đắp lâu đài trên cát ngay chính trên bãi biển mà đồng đội của họ đã ngã xuống.

Bai Omaha va Pointe du Hoc ngay nay (Thomas Bregardis)
Bãi Omaha và Pointe du Hoc ngày nay (Thomas Bregardis)

Chính ở Bãi Omaha có những bức ảnh chân thực của cuộc đổ bộ, do nhà nhiếp ảnh Robert Capa bấm máy. Sau chuyển đổ bộ đầu tiên, anh mang các cuộn phim về Anh quốc. Cùng lúc các cuộn phim về đến tòa soạn tạp chí Life ở London, khoảng 9 tối ngày 7 tháng 6, một ngày sau cuộc đổ bộ, thì Capa quay trở lại Normandie để tiếp tục tác nghiệp.

Biên tập ảnh Morris yêu cầu rửa ảnh gấp, khiến cho một kỹ thuật viên phòng tối vì hấp tấp mà phạm lỗi tai hại. Cánh cửa của ô hơ âm bản đóng kín, ngăn luồng khí điều hòa khiến cho thuốc ảnh bị tan chảy, phá hỏng các âm bản. Họ chỉ vớt vát được 11 âm bản 35mm nhưng ảnh đều bị nhòe. Sáng hôm sau, các ảnh này được truyền qua Đại Tây Dương rồi được in trên số báo Life ngày 19 tháng 6. Ảnh bị nhòe được cho là do sai sót trong phòng tối, do tay Capa bị rung, và cũng do độ trung thực của nhiếp ảnh chiến trường. Bức ảnh dưới đây mang tựa The Face in the Surf, có nghĩa “Khuôn mặt trong nước triều”, được biết đến nhiều nhất.

The face in the surf (Robert Capa)
Bức ảnh mang tựa đề The Face in the Surf của Robert Capa

Người ta ca ngợi 11 bức ảnh được vớt vát, gọi đó là “The Magnificent Eleven”, có nghĩa “Mười một Thần kỳ”. Hóa ra đây là những bức ảnh thật sự ghi lại quang cảnh chiến trường của cuộc đổ bộ lên Omaha. Những bức ảnh khác là của những người đi theo các đợt đổ bộ tiếp theo sau, khi các bãi biển đã an toàn. Họ chụp được ảnh rõ nhưng đó không phải là ảnh chiến trường.

Năm 1947, do những cống hiến của Robert Capa về nhiếp ảnh chiến trường trong Thế chiến 2, Thống tướng Eisenhower trao tặng anh Huân chương Tự do. Huân chương này là để tưởng thưởng dân sự đã đóng góp cho sự nghiệp chiến tranh của Mỹ và đồng minh.

Những bức ảnh “Mười một Thần kỳ” tạo cảm hứng cho đạo diễn Steven Spielberg khi ông thực hiện phim Saving Private Ryan. Ông kể: “Tôi làm mọi cách có thể được nhằm thể hiện ngày 6 tháng 6 năm 1944 giống như ảnh của Bob Capa.”

Lúc 5 giờ 20 rạng sáng ngày 6 tháng 6, đoàn tàu đổ bộ bắt đầu rời khỏi tàu mẹ, hướng đến Bãi Omaha. Họ sẽ mất một tiếng đồng hồ để tới bãi biển.

Mười lăm phút sau, hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 741 Thiết giáp yểm trợ Sư đoàn 1 Bộ binh hạ những chiếc tăng lội nước DD Sherman cách bờ biển khoảng 5.000 mét. Thiếu tá Logan Scott-Bowden cùng Trung sĩ Ogden-Smith lúc này lái một chiếc tàu dẫn đường. Scott-Bowden hoảng hồn khi thấy chiếc tàu đổ bộ LCT. Anh nói: “Biển động mạnh. Họ phải tiến thẳng tới.” Sau này, anh miêu tả việc hạ những chiếc tăng ấy xa ngoài khơi là “hoàn toàn ngu ngốc”.

Sóng cao đến 2 mét trong khi vải bạt bao quanh chiếc xe tăng chỉ cao 1,2 mét khỏi mặt nước. Do sức va đập của sóng, lớp bọc chống nước của xe tăng lội nước bị bục, nước tràn vào động cơ; trong số 29 xe tăng lội nước được thả xuống đợt đầu thì 27 chiếc lần lượt chìm nghỉm. Những người lính chui ra từ tháp pháo, bơm phồng áo phao và nhảy xuống biển. Vài người được các tàu cứu hộ đi sau vớt lên, nhưng những tàu đổ bộ khác đã được lệnh không cứu. Nhiệm vụ của họ là đổ quân đúng thời hạn. Vì thế, nhiều binh sĩ nổi trên mặt nước hàng giờ trước khi được cứu. Những người khác chìm xuống cùng với cỗ quan tài thép. Tổng cộng có 32 lính tăng chết đuối. Và một số binh sĩ, tiếng kêu gào của họ không được nghe thấy, chết đuối vì đống trang bị và đạn dược trên người. Nhiều người chết đuối ở ngay gần bãi đổ bộ, không kịp bắn phát súng nào. Việc mất những chiếc xe tăng của Sư đoàn 1 sẽ khiến hàng trăm người bị thương vong trong mấy phút nữa.

Chỉ có 2 chiếc tăng lội nước vào được đến bờ, 3 chiếc khác không thể xuống nước vì cầu dốc bị nghẽn, chiếc tàu đổ bộ phải đưa họ đến tận bãi biển. Tiểu đoàn 743 Thiết giáp được bình yên vì các sĩ quan lục quân và hải quân quyết định đưa họ đến tận bãi biển.

Trong khi còn cách xa bờ, Scott-Bowden và thuyền viên thấy 329 oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ đều thả bom trật mục tiêu. Anh tức giận thốt lên: “Tất cả chỉ là đánh thức bọn chúng.” Trong 30 phút trước giờ đổ bộ, các oanh tạc cơ thả 13.000 quả bom, không quả nào rơi xuống Bãi Omaha. May mắn cho Vierville-sur-Mer là cũng không có quả bom nào rơi xuống ở đây. Nhưng các ngôi làng và trang trại khác không được may mắn như thế.

Trong một boong-ke gần lối ra Vierville-sur-Mer, một hạ sĩ nhất thuộc Sư đoàn 716 Bộ binh của Đức run rẩy khi nhìn thấy cảnh tượng. Sau này, anh viết: “Hạm đội trong giống như một tòa thành khổng lồ trên mặt biển”, còn cuộc pháo kích “như là động đất.”

Quân Đức ở đây phản ứng khá nhanh. Lúc 6 giờ 26, tổng hành dinh Sư đoàn 352 Bộ binh nhận báo cáo cho biết dù cuộc “pháo kích nặng nề” chôn vùi một số pháo của Sư đoàn 716 dưới đống gạch vụn, “ba khẩu vẫn còn nguyên vẹn và đã được nạp đạn.” Một trong những chuyện hoang tưởng là quân Đức được trang bị pháo 88 li đáng sợ. Sư đoàn 716 có lẽ có hai khẩu ở đâu đó dọc bờ biển, còn phần lớn pháo ở Omaha thuộc loại 100 li của Tiệp Khắc có độ chính xác kém hẳn.

Bai Omaha (Robert Capa)
Bãi Omaha, ngày 6 tháng 6 (Robert Capa)

Đúng theo kế hoạch, lúc 6 giờ 30 sáng, Sư đoàn 1 Bộ binh và Sư đoàn 29 Bộ binh bắt đầu đổ bộ lên Bãi Omaha. Trung tướng Leonard Gerow (Tư lệnh Quân đoàn V phụ trách Bãi Omaha) ban đầu muốn đổ bộ lúc triều ròng và lợi dụng trời tối. Ông biện luận rằng công binh cần có thời gian phá hủy vật cản lúc triều ròng mà không bị quân Đức bắn. Phần lớn sĩ quan cao cấp dưới quyền và Đề đốc John Hall (chỉ huy lực lượng đặc nhiệm) ủng hộ ý kiến này. Nhưng cả Eisenhower, Montgomery và Bradley đều yêu cầu đổ bộ lúc 6 giờ 30, nửa giờ sau mặt trời mọc. Họ cam kết hải quân và không quân sẽ bắn phá mạnh mẽ trước giờ đổ bộ. Các chỉ huy của chiến dịch tin rằng những điều kiện này sẽ gây bất ngờ về chiến thuật và đè bẹp quân trú phòng. Dù sao chăng nữa, họ không muốn có rủi ro khi cuộc đổ bộ lên một bãi biển diễn ra vài giờ trước các bãi biển khác. Nhưng Gerow không mấy tin tưởng nơi yểm trợ của hải quân và không quân. Thực tế chứng tỏ ông nhận định đúng: không quân thả bom quá tồi còn hải quân pháo kích quá ít.

Đạn pháo từ hạm đội vẫn đang gầm rít phía trên đầu. Rồi các tàu đổ bộ cách bờ khoảng 900 mét tham gia cuộc bắn phá; và hàng ngàn chớp sáng của hỏa tiễn gầm rít lướt qua đầu binh sĩ. Đối với họ dường như không thể tưởng tượng được thứ gì có thể sống sót dưới hỏa lực kinh khủng đang dội xuống tuyến phòng thủ của quân Đức. Bãi biển chìm trong khói bụi mịt mù, và những đám khói do cỏ cây bị thiêu đốt lờ đờ bốc lên trên những ngọn đồi. Những họng pháo của quân Đức vẫn im ắng.

Những chiếc tàu đổ bộ còn lại tiến vào. Bây giờ, trên bãi cát trải dài người ta có thể nhìn thấy còn nguyên một rừng vật cản bằng thép và bê tông. Chúng được bố trí khắp nơi, buộc dây thép gai và gài mìn, và quân Mỹ gặp khó khăn trong việc phá các vật cản này. Phía sau lớp phòng thủ bờ biển hoàn toàn hoang vắng; không có ai hay thứ gì di động. Những chiếc tàu càng lúc càng vào gần hơn… 450m… 400m. Quân địch vẫn không bắn. Băng qua những con sóng cao 1,2 đến 1,5 mét, các tàu xung kích tiến lên, và bây giờ cuộc bắn phá vĩ đại trên bờ biển bắt đầu ngừng lại, chuyển sang các mục tiêu nằm sâu trong đất liền. Những tàu đầu tiên chỉ còn cách bờ chừng 350 mét khi pháo binh Đức – những khẩu pháo mà không ai nghĩ là có thể thoát khỏi bom đạn của không quân và hải quân Đồng minh – bắt đầu khai hỏa. Hóa ra các cuộc bắn phá của không quân và hải quân không thể đánh sập các lô cốt của Đức.

Trong những tiếng la hét và ầm ĩ có một âm thanh gần hơn, chết chóc hơn tất cả những thứ còn lại – tiếng lanh lảnh của đạn súng máy bắn vào mũi tàu bằng thép. Pháo gầm lên khắp cùng. Đạn cối rơi như mưa. Suốt dọc 6,5 kí-lô-mét bờ biển của bãi Omaha những họng súng của quân Đức cũng trút đạn xuống các tàu xung kích. Báo cáo chính thức cho biết “trong vòng 10 phút sau khi cánh cửa tàu đổ bộ thả xuống, tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan của các nhóm đổ bộ đầu tiên đều tử trận hoặc bị thương.”

Lúc 7 giờ 00 sáng, đợt đổ bộ thứ hai tới nơi đang diễn ra cảnh tàn sát. Do màn khói dầy đặc, nhiều tài công lái tàu đổ bộ cách xa địa điểm được chỉ định, khiến cho nhiều đơn vị bị thất tán. Người lính lội vào bờ dưới làn hỏa lực không ngớt của địch. Các tàu đổ bộ tiếp tục đóng góp thêm vào nghĩa địa những xác tàu tan nát, bốc cháy. Mỗi đợt tàu lại làm dậy lên những cơn sóng, và dọc theo bãi biển hình trăng lưỡi liềm xác lính Mỹ khẽ va chạm vào nhau trong nước.

Lúc 7 giờ 30, một tiếng đồng hồ sau khi đổ bộ, lính Mỹ vẫn liên tục ngã xuống; người sống sót đang nằm bẹp mỗi người một chỗ. Nhưng có một người quan sát khung cảnh từ trên tàu đổ bộ cách bờ biển vài trăm mét. Ông thấy nếu thiếu sự chỉ huy và niềm tin, lính Mỹ ở đây sẽ vỡ trận hoàn toàn. Đó là người lớn tuổi nhất ở Bãi Omada: Thiếu tướng Norman Cota (Phó Tư lệnh Sư đoàn 29 Bộ binh). Ông biết mình cần làm ba việc: (1) chỉ huy trực tiếp lính dưới quyền và truyền tinh thần dũng cảm cho họ, (2) dẫn họ tiến lên để thoát khỏi bãi biển chết chóc, và (3) tổ chức tấn công quân Đức. Thế là ông nhảy xuống nước, chạy lên bờ giữa những lằn đạn chi chít. Ông chạy lên xuống bờ biển, hô hào lính Mỹ tiến lên giữa bãi mìn vương vãi đầy thi thể của đồng đội.

Lính Mỹ kinh ngạc thấy một người to béo, miệng ngậm điếu xì gà, hò hét đốc thúc những người đang nằm bẹp, la thét với mọi người “Ta không thể ở đây, phải tiến lên.” Cota nhanh chóng lập vị trí chỉ huy và bắt đầu nắm bắt tình hình, ra mệnh lệnh. Ông sải bước tới lui trong làn mưa đạn, tay vung vẩy khẩu .45 và hô binh sĩ rời khỏi bãi biển. Dọc bãi cát đầy đá cuội, những người lính nấp bên nhau chăm chú nhìn vị tướng, không tin được là một người có thể đứng thẳng mà vẫn sống.

Lúc 7 giờ 45, Đại úy McGrath thuộc Trung đoàn 116 Bộ binh thấy con triều đang dâng lên nhanh và lính vẫn còn nằm bẹp dí. Ông và những sĩ quan khác cố kêu gọi họ tiến lên. “Chúng tôi nói chuyện với họ, cố dẫn họ đi theo chúng tôi. Nhưng không ai muốn đi. Nhiều người trong số trông giống như tê liệt vì kinh sợ.” Một lính biệt động quân thấy một trung úy thuộc Trung đoàn 116. Anh “la hét với đám lính đang nằm rúc vào nhau, kinh hãi, không hành động gì, không làm nên chuyện gì. ‘Các anh nghĩ mình là chiến sĩ hả?’ Anh ấy làm mọi cách có thể, cố tổ chức lại binh sĩ đang núp tránh đạn dưới chân bờ dốc, nhưng không hiệu quả.” Các sĩ quan tiểu đoàn và đại đội ra lệnh binh sĩ lau súng, bảo những người không có súng đi nhặt súng của người chết. Một số người bị thương được lệnh lo chữa súng hỏng hóc.

Lúc 8 giờ, trong khi Cota đang tìm lối thoát ra khỏi bãi biển, một cảnh tượng kinh khủng diễn ra. Khi tàu đổ bộ lớn LCI(L) 91 tiến đến bờ biển, một quả đạn pháo rơi trúng bình xăng đặc của một binh sĩ mang súng phun lửa. Người lính bị bắn tung lên cao rồi rơi xuống nước. Chiếc tàu cháy trong suốt 18 tiếng đồng hồ, đạn 20 li phòng không liên tục phát nổ trong thời gian này. Mười phút sau, chiếc LCI(L) 92 chịu số phận tương tự.

Phía xa ngoài bãi biển có một xe ủi chất đầy TNT bị bỏ lại. Đó chính là thứ Cota cần để phá bức tường chống tăng ở lối ra Vierville-sur-Mer. Ông hô lớn: “Ai sẽ lái nó?” Không ai trả lời. Có vẻ như họ vẫn còn bị tê liệt trước làn đạn tàn bạo đang đổ xuống bãi biển.

Cota bắt đầu mất bình tĩnh, gầm lên: “Chẳng lẽ không ai dám lái cái thứ khốn nạn đó lên đây hay sao?”

Một người lính tóc đỏ chậm rãi đứng lên và thong thả bước lại. Anh nói: “Để tôi”.

Cota vỗ vào lưng anh ta: “Đúng là người tôi cần, giờ ra khỏi đây thôi”. Ông bước đi mà không nhìn lại. Phía sau, binh sĩ bắt đầu chuyển động. Số TNT đó được dùng trong bộc phá Bangalore để mở lối ra.

Cota chạy tới một nhóm lính đang nằm ép sát kế bên một đụn cát để núp tránh hỏa lực địch. Ông hỏi một sĩ quan: “Quân phục gì đây?” Viên sĩ quan đáp đó là Tiểu đoàn 5 Biệt động quân.

Ông thét lên: “Mẹ kiếp, Biệt động quân, dẫn đường!” Họ bắt đầu đứng dậy.

Sau này, “Biệt động quân, dẫn đường!” trở thành khẩu hiệu của binh chủng ưu tú ấy, nhưng buổi sáng đó chính Thiếu tướng Norman Cota mới là người dẫn đường.

Thiếu tướng Cota trở thành tấm gương ngay lúc ông đặt chân lên bờ biển. Ông chỉ huy cánh phải của Sư đoàn 29, còn Đại tá Charles Canham (Trung đoàn trưởng 116) chỉ huy cánh trái. Ông này là người đi cùng tàu với Cota, và cả hai cùng đổ bộ lên bờ biển. Vừa lên bờ không lâu, Canham bị bắn trúng cổ tay nhưng từ chối tản thương. Với cánh tay phải trong băng đeo còn bàn tay trái vung vẩy khẩu Colt .45, ông đi lại giữa những người chết, những người đang hấp hối và những người còn đang choáng váng, giục giã từng nhóm. Ông nói: “Chúng đang giết ta ở đây!”, “Hãy tiến lên và giết chúng!” Binh nhất Charles Ferguson kinh ngạc khi thấy ông đi qua. Anh hỏi: “Thằng quái nào thế nhỉ?”, và rồi cùng những người khác nhỏm dậy.

Canham luôn thôi thúc các sĩ quan và hạ sĩ quan: “Dẫn mấy người này tiến lên khỏi cái bãi mẹ kiếp này mà đi giết vài thằng Đức mẹ kiếp!” Khi một trung tá núp trong một công sự lính Mỹ chiếm được kêu gọi ông tránh núp, ông la thét lại: “Lê cái mông anh lên mà giúp tôi dẫn mấy người này thoát ra khỏi cái bãi chết tiệt này!”

Ở đầu đông của Bãi Omaha, Đại tá George Taylor (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 16, Sư đoàn 1 Bộ binh), có cách hành động tương tự. Ông kêu hết sĩ quan này đến sĩ quan khác: “Ta phải rời khỏi bãi biển này trước khi bọn chúng chĩa các khẩu 88 đến ta. Ông hét lên câu nói nổi tiếng: “Hai loại người sẽ ở lại trên bãi biển: những người đã chết và những người sắp chết. Ta phải thoát khỏi nơi đây!”

Thật ra đã có sự đột phá: một bộ phận của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 16, đổ bộ giữa Saint-Laurent và Colleville chỉ với 2 thương vong.

o O o

Lúc 7 giờ, Đại tướng Marcks đang ước lượng tình hình mặt trận thì nhận báo cáo cho biết: cuối cùng thì không có quân dù đổ bộ phía nam Carentan. Báo cáo sai lạc do lỗi nào đó – tin truyền miệng, một đơn vị dọ thám lôi thôi, thậm chí lỗi bàn phím khi đánh máy tin báo từ sóng vô tuyến.

Lại có báo cáo thêm cho Marcks: “Phía đông bắc Colleville, 100 đến 200 quân địch đã xuyên thủng phòng tuyến của ta.” Quân Đức rõ ràng đang lo lắng. Marcks thấy mình đang chỉ huy các đơn vị dưới quyền trong vùng vô định. Ông lại nghe tin lực lượng Đồng minh ở Bãi Omaha đã bị đánh tan, còn quân Anh đang tiến sâu vào đất liền dưới sự yểm trợ của tăng.

Theo lệnh của Marcks, Trung đoàn 915 thuộc Sư đoàn 352 Bộ binh dưới quyền Đại tá Ernest Meyer bắt đầu hành quân để xử lý mũi xuyên thủng ở Colleville. Đồn trú gần Bayeux, đây là lực lượng dự bị duy nhất của Quân đoàn 84. Nhưng di chuyển theo những tuyến đường hẹp trong đêm tối không phải là dễ dàng. Trung đoàn vẫn còn trên đường tiến quân khi mặt trời mọc và hạm đội Đồng minh xuất hiện ngoài khơi. Thật ra, không quân oanh kích ngăn họ tiến quân cho tới xế chiều.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu Thiếu tướng Kraiss (Tư lệnh Sư đoàn 352 Bộ binh) thấy không thể điều thêm quân tới Omaha. Sư đoàn 50 của Anh đã đánh xuyên qua phòng tuyến Đức ở vài điểm, vì thế sườn trái của Sư đoàn 352 hoàn toàn bị hở. Lực lượng của Meyer được chuyển về nhằm đối phó với quân Anh.

Việc này cũng khó khăn như khi tiến quân. Meyer phải ra lệnh cho từng đơn vị quay trở lại và sắp xếp lại đội hình. Công việc mất gần một tiếng đồng hồ. Vì lẽ đại pháo từ hạm đội Đồng minh đang rót xuống đất liền, trung đoàn phải đi vòng qua phía nam Bayeux thay vì tiến thẳng trên trục lộ chính. Thế rồi thời tiết thình lình thay đổi. Từ 11 giờ đến giữa trưa, bầu trời quang đãng đầy những chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của Đồng minh. Meyer quyết định hoãn đánh quân Anh đến 2 giờ chiều. Nhưng trung đoàn nằm bẹp dí dưới cơn mưa bom đạn của máy bay Đồng minh. Đến 3 giờ chiều thì đã quá muộn. Những bộ phận thuộc Sư đoàn 50 của Anh được dẫn đầu bởi xe tăng Sherman và được yểm trợ bởi máy bay đánh tan tác Trung đoàn 915. Đại tá Meyer tử trận, lính Đức sống sót chạy tán loạn về hướng tây. Nếu bảo đợt phản công của Meyer thất bại là không đúng. Thậm chí đợt phản công của Meyer còn chưa bắt đầu. Lực lượng 3.000 người của ông chỉ còn có 90 người trở về sư đoàn.

o O o

Cách bờ biển 16 kí-lô-mét, hạm đội theo dõi diễn tiến trên Bãi Omaha. Họ đã được lệnh bắn phá các khu vực như trận địa pháo sâu trong đất liền, nhưng bây giờ chỉ huy hạm đội ra nhiệm vụ mới. Chiếc khu trục hạm USS Frankford được lệnh mở hết tốc lực chạy đến cách bờ biển không tới 800 mét, chịu rủi ro tàu chạm đá ngầm có thể bị hư hại. Con tàu xoay ngang rồi nã đại bác lên những vị trí quân Đức dọc bờ biển. Lính Mỹ thình lình nghe những tiếng rít trên đầu rồi những tiếng nổ ầm ầm phía trước mặt. Mười một tàu chiến khác cũng đến, gia nhập cuộc pháo kích. Một tiếng đồng hồ sau, thế trận ngả về phía Đức.

Cách không xa chiếc tàu đổ bộ vẫn còn đang cháy, Cota chọn một đoạn bờ tường để phá xuyên qua. Anh ra lệnh cho một binh sĩ bắn khẩu tự động Browning để ngăn lính Đức phía trên ngóc đầu lên, rồi ra lệnh dùng bộc phá Bangalore để tạo ra một khoảng trống xuyên qua bờ tường. Người đầu tiên bị bắn chết trước khi có thể khai hỏa bộc phá. Người thứ hai cố bắn hạ lính súng máy Đức trong lô cốt nhưng anh cũng bị bắn chết. Cuối cùng, một người lính dùng bắn được bộc phá Bangalore tạo ra một khoảng trống. Người lính đầu tiên chạy qua khoảng trống bị lính bắn tỉa Đức bắn hạ. Những lính Mỹ phía sau bất động. Chính vào lúc này mà ông thể hiện tinh thần chỉ huy: thôi thúc lính Mỹ tiến lên, vẫy vẫy khẩu súng lục .45 trên ngón tay. Sau đó Biệt động quân phá thêm một số khe hở để có thêm binh sĩ tiến qua. Cota gây ấn tượng mạnh cho lính dưới quyền qua câu nói nói tiếng: “Quý vị, chúng ta đang chết trên bãi biển. Hãy chạy lên đất liền rồi chết ở đó.”

Bangalore
Bộc phá Bangalore

Chẳng bao lâu, một hàng lính bộ binh của Trung đoàn 116 tiến lên được đỉnh bờ tường, được che chắn bởi làn khói mù mịt.

Lúc 8 giờ 30, Cota trở lại với Canham ở vị trí chỉ huy dưới chân tường. Một quả đạn cối rơi gần nhóm của Cota, hai người lính kế bên ông ngã ra chết. Họ nhanh chóng dời vị trí chỉ huy, nhưng không thể bắt liên lạc với Sư đoàn 1 bên cánh phải. Hoặc máy truyền tin bị ngấm nước biển, hoặc lính truyền tin chậm chạp vì trọng lượng 45 kg trên lưng bị lính Đức nhắm bắn.

Lúc 9 giờ 15, trên tàu chỉ huy USS Ancon đậu cách bờ 16 kí-lô-mét, Trung tướng Gerow nhận tin báo từ một tàu chỉ huy gần bờ: “Tàu và xe chất đống trên bãi biển. Binh lính nằm ẩn nấp trên bãi biển. Địch chờ cho tàu đến bờ mới khai hỏa.” Ông đã lo lắng vì không thể liên lạc với lực lượng dưới quyền ở bãi biển. Ông càng lo lắng hơn khi thấy biển động đã làm chìm vài chiếc tàu đổ bộ chung quanh.

Gerow báo cáo cho Bradley đi trên tuần dương hạm USS Augusta. Cả hai đều lo lắng tột độ. Lúc này, 2.000 người chết và bị thương nằm la liệt khắp cùng trên cát, thêm những người bị đuối nước dập dềnh trên sóng biển.

Sau đó ít lâu, Đại tá Talley (Tham mưu phó Kế hoạch, Quân đoàn V) gọi cho Tướng Gerow trên tàu chỉ huy USS Ancon: “Tình hình đã khá hơn.” Nhưng việc đổ bộ vẫn còn là một đống hỗn độn. Có nhiều trì trệ, và thường khi một chiếc xe hoặc thiết bị đến nhưng không chở theo thứ họ cần dùng.

o O o

Lúc 8 giờ sáng, Trung tá Phi đoàn trưởng Josef Priller và Trung sĩ Heinze Wordarczyk lái 2 chiếc tiêm kích FW-190 cất cánh từ một sân bay gần Lille. Priller là một trong những phi công Át chủ bài hàng đầu của Không quân Đức – anh đã bắn rơi 96 máy bay.

Ngay trước khi lên máy bay, Priller bước lại chỗ người trợ thủ. Anh nói: “Bây giờ nghe đây. Chỉ có hai chúng ta. Ta không thể tách nhau được. Vì Chúa, hãy làm chính xác những gì tôi làm. Bay sau tôi và làm theo”. Họ đã chiến đấu cùng nhau một thời gian dài và Priller cảm thấy nên rõ ràng. Anh thêm: “Chúng ta đi một mình, và tôi không nghĩ sẽ quay về được”.

Trước đó, Sở chỉ huy Quân đoàn 3 Tiêm kích đã gọi điện. Viên sĩ quan tác chiến nói: “Priller, cuộc đổ bộ đã bắt đầu. Tốt hơn là anh nên tới đó.”

Priller nổ tung: “Giờ các anh đã bỏ qua nó! Lũ ngốc khốn kiếp! Anh muốn tôi làm cái quái gì với 2 máy bay? Các tiểu đoàn của tôi đâu? Các anh gọi họ về được không?”

Người sĩ quan tác chiến vẫn bình tĩnh đến tuyệt vời. Anh ta nói: “Priller, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác các tiểu đoàn của anh đã hạ cánh ở đâu, nhưng chúng tôi sẽ điều họ về sân bay Piox. Đưa các nhân viên kỹ thuật của anh tới đó ngay. Trong lúc đó anh nên tới ngay khu vực đổ bộ. Chúc may mắn, Priller.”

Bình tĩnh tựa như cơn giận đã qua, Priller hỏi, “Làm ơn cho tôi biết cuộc đổ bộ diễn ra ở đâu?”

Viên sĩ quan điềm tĩnh đáp, “Normandie, đâu đó phía trên Caen.”

Trước đó, ba tiểu đoàn không quân của anh đã được lệnh di chuyển rời khỏi Normandie, chuyển về những vùng đông-bắc, đông và nam nước Pháp.

Vị phi đoàn trưởng không thể làm gì ngoài việc đưa ra lời phản đối. Priller là người nóng tính, một phi công được biết đến trong Luftwaffe vì tính khí của mình. Anh nổi tiếng vì việc dám to tiếng với các tướng lĩnh, và giờ anh gọi điện cho liên đoàn trưởng. Priller hét lên: “Thật điên rồ. Nếu chúng ta đang chờ một cuộc đổ bộ thì các tiểu đoàn phải được đưa lên chứ không phải là rút về! Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tấn công diễn ra trong quá trình di chuyển? Hậu cần của tôi sẽ không thể tới được căn cứ mới cho đến ngày mai hoặc ngày kia. Các ông điên hết cả rồi!”

Liên đoàn trưởng nói: “Nghe này, Priller, cuộc đổ bộ không còn là vấn đề. Thời tiết quá xấu.”

Priller dập máy. Chỉ còn lại 2 chiếc tiêm kích, của anh và của Hạ sĩ Heinz Wodarczyk, người trợ thủ. Anh nói với Wodarczyk: “Chúng ta có thể làm gì? Nếu cuộc đổ bộ diễn ra họ chắc chắn sẽ đòi hỏi ta ngăn chặn nó bằng tất cả khả năng của bản thân. Tốt nhất là ta nên bắt đầu uống rượu thôi”.

Bây giờ, hai phi công hướng về phía tây, bay sát mặt đất. Ngay phía trên Abbeville, ở trên đầu, họ bắt đầu thấy máy bay tiêm kích Đồng minh. Priller nhận thấy chúng không bay theo đội hình chặt chẽ cần thiết. Anh nhớ lại đã nghĩ là “nếu tôi chỉ cần có thêm vài máy bay, họ sẽ là những cái bia sống”. Tới gần Le Harve, Priller nâng độ cao để ẩn nấp trong mây. Họ bay trong mấy phút rồi lao xuống. Ở phía dưới là một hạm đội vĩ đại – hàng trăm tàu đủ cỡ, đủ loại dường như trải dài vô tận suốt Eo biển Anh. Có những tàu đổ bộ đều đặn chở quân vào bãi biển, và Priller có thể thấy khói trắng từ những vụ nổ trên và phía sau bãi biển. Bờ cát đen đặc những lính, xe tăng và đủ thứ trang bị. Priller vòng trở lại để cân nhắc xem nên làm gì. Có quá nhiều máy bay, quá nhiều tàu chiến ngoài khơi, quá nhiều lính trên bãi biển, nên anh tính chỉ có thời gian để bay qua bãi biển một lần trước khi bị bắn rơi.

Không cần giữ im lặng vô tuyến nữa. Gần như vui vẻ, Priller nói vào loa. “Thật là một màn trình diễn! Thật là một màn trình diễn!” “Mọi thứ có ở đây – ở mọi nơi. Tin tôi đi, đây chính là cuộc đổ bộ!” Rồi anh tiếp: “Wodarczyk, ta tấn công thôi! Chúc may mắn!”

Họ lao xuống bãi biển của quân Anh với tốc độ 640 kí-lô-mét/giờ, tấn công ở độ cao dưới 45 mét. Priller không có thời gian để ngắm. Anh chỉ đơn giản là giữ nút bắn trên cần lái và cảm thấy họng súng rung lên. Lướt qua gần như ngay trên đầu, anh thấy những khuôn mặt giật mình nhìn lên.

Trên bãi Sword, Trung tá Philippe Kieffer ở đơn vị đặc công Pháp thấy Priller và Wodarczyk tới. Ông lao xuống nấp. Sáu tù binh Đức nhân cơ hội đó định chạy trốn. Người của Kieffer nhanh chóng hạ gục chúng.

Trên bãi Juno, Binh nhì Robert Rogge ở Lữ đoàn Bộ binh 8 Canada nghe thấy tiếng máy bay và thấy chúng “lao tới ở độ cao thấp tới mức tôi có thể nhìn rõ mặt phi công”. Anh cũng như những người khác nhào xuống, nhưng anh kinh ngạc khi thấy một người “bình tĩnh đứng thẳng, xả đạn từ khẩu Sten”.

Ở rìa phía đông bãi Omaha, Thiếu úy Hải quân Mỹ William J. Eisemann há hốc mồm khi chứng kiến 2 chiếc FW-190 với họng súng khạc lửa, phóng tới ở độ cao dưới 15 mét và luồn lách giữa những quả khí cầu. Và trên tàu HMS Dunbar, Thợ máy chính Robert Dowie dõi theo những khẩu pháo phòng không của hạm đội nổ súng bắn tới Priller và Wodarczyk. Hai chiếc tiêm kích vượt qua mà không hề hấn gì, rồi hướng vào đất liền và biến mất trong mây. Vẫn không thể tin được, Dowie nói: “Dù có phải bọn Đức hay không thì cũng chúc may mắn. Chúng mày anh dũng lắm!”

Đó có lẽ là cuộc tấn công duy nhất của Không quân Đức chống lại cuộc đổ bộ Ngày D. Một vài nguồn viết rằng 8 máy bay ném bom Ju-88 tấn công bãi biển trong thời gian cuộc đổ bộ, nhưng Ryan (1959) không tìm thấy nguồn chỉ ra cuộc tập kích nào trong buổi sáng D-Day trừ phi vụ của Priller.

o O o

Lúc 11 giờ 30, quân Đức phòng ngự Bãi Omaha bắt đầu hết đạn trong khi quân Mỹ dần lật ngược thế cờ. Tướng Bradley nhận báo cáo “tình hình đã khá lên.” Có nguồn cho biết Tướng Bradley đã từng có ý định ra lệnh cho quân rút lui, nhưng Eisenhower trong một cuộc phỏng vấn sau này cho biết Bradley chỉ định chuyển quân qua bãi đổ bộ khác.

Đến 1 giờ 30 chiều 6 tháng 6, Thượng tướng Omar Bradley đi trên tuần dương hạm hạng nặng USS Augusta nhận tin báo rằng các đơn vị bị cầm chân ở 3 khu vực đang tiến chiếm các điểm cao phía sau bãi biển.

Cu hanh le sau khi do bo len Omaha (Robert Capa)
Cử hành lễ sau khi đổ bộ lên Omaha được thắng lợi (Robert Capa)

Đến 5 giờ 21 chiều, Đại tá Talley gọi cho Tướng Gerow trên tàu chỉ huy USS Ancon, cho biết bãi biển có thể tiếp nhận xe cộ kể cả xe bánh xích trên phần lớn khu vực dưới mức nước. Tướng Gerow cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Ông lên bờ để thiết lập tổng hành dinh cho quân đoàn của mình. Ông vượt qua bãi biển trên một xe ủi chống đạn mà Đại tá Tallery gọi cho ông.

Tổng kết lúc 8 giờ 15 tối ngày 6 tháng 6 ở Bãi Omaha: chỉ có 100 tấn trong số 2.400 tấn hàng hậu cần đưa được lên bãi biển. Tổn thất vật chất cao: 26 khẩu pháo, trên 50 xe tăng, khoảng 50 tàu đổ bộ và 10 tàu lớn hơn. Không có đủ phương tiện để tải thương.

Mũi Hoc (Pointe du Hoc)

Riêng tại Mũi Hoc (Pointe du Hoc), trận đánh diễn ra với sắc thái độc đáo. Mũi Hoc là điểm cao nhất của bờ biển Normandie, nằm giữa Bãi Utah về hướng tây và Bãi Omaha về hướng đông, được cho là có cụm đại pháo gồm 4 khẩu 152 li khống chế cả hai bãi. Phía Mỹ dự kiến không khích bằng máy bay và tàu chiến không thể tiêu diệt trận địa pháo này, vì thế Tiểu đoàn 2 Biệt động quân Mỹ nhận nhiệm vụ leo lên dốc đứng cao 30 m để tiêu diệt nó.

Trung tá Colonel James Rudder (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Biệt động quân) dẫn quân thiếu Đại đội A bị tổn thất quá nặng tiến đến Pointe du Hoc. Nhưng ông nhận thấy tàu đổ bộ đưa họ về hướng đông quá xa, hầu như ở trên Bãi Omaha. Phải mất nửa tiếng đồng hồ đi ngược con triều để đến Pointe du Hoc. Một khi các con tàu ở chân dốc đứng, họ bắn dây thừng lên bằng loại hỏa tiễn cho Anh chế tạo.

Ngày 6 tháng 6 năm 1984, kỷ niệm tròn 40 năm ngày đổ bộ Normandie, các cựu chiến binh Đồng minh trong cuộc đổ bộ và thân nhân họ của họ tề tựu ở Mũi Hoc. Dưới đây là một phần của bài diễn văn Tổng thống Ronald Reagan đọc trong lễ kỷ niệm này.

reagan-d-day

Chúng ta đang đứng trên một mũi đất cô đơn, lộng gió trên bờ biển miền bắc nước Pháp. Không khí dìu dịu, nhưng bốn mươi năm về trước, chính vào thời điểm này, bầu không khí dầy đặc khói lửa và tiếng thét của con người, bầu không khí lấp đầy bởi tiếng súng chát chúa và tiếng gầm rú của đại bác. Vào lúc bình minh, sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, 225 Biệt động quân Mỹ nhảy xuống từ tàu đổ bộ Anh rồi chạy đến chân những vách đá này.

Nhiệm vụ của họ nằm trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất và táo bạo nhất trong cuộc đổ bộ: phải leo lên những vách đá cheo leo hoang vắng này để tìm cách tiêu diệt pháo của địch. Quân Đồng minh được báo rằng một số đại pháo mạnh nhất đã được bố trí ở đây, hướng tầm ngắm xuống các bãi biển để mong chặn bước tiến của Đồng minh.

Biệt động quân Mỹ nhìn lên và trông thấy quân địch ở rìa vách đá, đang bắn đại liên và ném lựu đạn xuống họ. Nhưng Biệt động quân bắt đầu tổ chức leo lên vách đá. Họ bắt các thang leo bằng dây thừng qua bề mặt các vách đá rồi bắt đầu leo lên. Khi một Biệt động quân ngã xuống, một người khác thế chỗ anh ta. Khi một dây thừng bị cắt, một Biệt động quân nắm lấy một dây thừng khác rồi leo lên. Họ kiên trì leo lên, bắn trả, và cố trụ vững. Chẳng bao lâu, từng người một, Biệt động quân lên được đỉnh vách đá, và khi chiếm lấy khu đất vững chắc trên mũi đá này, họ bắt đầu giành lại lục địa Châu Âu. Hai trăm hai mươi lăm người lính đã đến đây. Sau hai ngày chiến đấu, họ chỉ còn có chín mươi tay súng.

Phía sau chỗ tôi đứng đây là một đài tưởng niệm để hình tượng hóa những mũi lê đâm lên đỉnh các vách đá ấy. Và trước mặt tôi là những người đâm các mũi lê ngày ấy. Đấy là những chàng trai trẻ của Mũi Hoc. Đấy là những người chiếm được các vách đá. Đấy là những chiến sĩ góp công vào việc giải phóng một lục địa. Và đấy là những anh hùng góp công vào việc chấm dứt cuộc chiến. Thưa các bạn, tôi nhìn các bạn mà nhớ đến những câu trong bài thơ của Stephen Spender. Các bạn là những người “trong cuộc đời mình chiến đấu cho đời rồi để cho làn gió sinh động vinh danh bạn.” …

Bốn mươi mùa hè trôi qua sau trận đánh mà các bạn tham gia ở đây. Vào ngày các bạn chiếm lấy vách đá này, các bạn còn là thanh niên; vài người trong số các bạn còn là trai mới lớn với những nguồn vui thời tuổi trẻ trước mặt. Nhưng các bạn lại chịu hy sinh tất cả ở đây. Tại sao? Tại sao các bạn làm việc ấy? Điều gì thôi thúc các bạn gạt qua một bên bản năng sinh tồn mà chấp nhận sẵn sàng hy sinh đời mình để chiếm lấy những vách đá này? Điều gì động viên tất cả binh sĩ của các đoàn quân để tập họp nơi đây? Chúng tôi nhìn các bạn, và bằng cách nào đấy chúng tôi biết câu trả lời. Đấy là đức tin và xác tín. Đấy là lòng trung thành và tình thương yêu.

 

Pointe du Hoc
Mũi Hoc, ít lâu sau khi quân Mỹ đã chiếm được đỉnh

Khi chiếm được ụ pháo, lính Biệt động quân không thấy có pháo. Họ tản ra đi tìm và tiêu diệt được pháo Đức cách đó 1.100 mét, còn trong tình trạng tốt nhưng không thấy pháo binh.

Bãi Utah

Bãi Utah dài 18 kí-lô-mét, nằm về phía tây xa nhất, được bảo vệ bởi 110 khẩu pháo các loại từ 75 đến 170 li. Trong đất liền, Đức có 18 trận địa pháo, lớn nhất là bốn khẩu 210 li nằm trong ụ lô cốt ở St.-Marcouf. Chịu trách nhiệm ở đây là Quân đoàn VII dươi quyền Trung tướng J. Lawton Collins. Đơn vị chính là Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ gồm trên 23.000 người. Nhiệm vụ của họ là lập một đầu cầu trên Bán đảo Contentin, từ đó tiến đến Cảng Cherbourg có giá trị chiến lược quan trọng.

Việc đổ bộ lên Bãi Utah thành công hơn ở các bãi khác. Các oanh tạc cơ hạng trung thuộc Đại Quân đoàn Không quân 8 thả bom chính xác hơn Hạm Đại Quân đoàn Không quân 9 ở Bãi Omaha. Đội tàu chiến yểm trợ không mạnh hơn ở Omaha, nhưng hữu hiệu hơn, giúp phá hủy nhiều bãi mìn. Điều hay là – không giống như thảm cảnh ở Omaha – không chiếc tăng lội nước nào bị chìm.

Lúc 6 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 6, tất cả các cuộc oanh kích dừng lại rồi đổ bộ bắt đầu. Theodore Roosevelt, Jr. (Phó Tư lệnh Sư đoàn 4 Bộ binh) là cấp tướng duy nhất trong đợt đổ bộ đầu tiên ở Normandie, đợt nguy hiểm nhất. Ông là con cả của Theodore Roosevelt, Tổng thống Mỹ trong giai đoạn 1858-1919 (đừng nhầm với Franklin D. Roosevelt làm Tổng thống Mỹ trong giai đoạn 1933-1945).

Thiếu tướng Theodore Roosevelt, Jr. đang bị viêm khớp, đi đứng phải chống gậy, và cũng bị bệnh tim nhưng giấu kín việc này với quân y vì muốn chiến đấu cùng binh sĩ dưới quyền. Ông đã kiên quyết yêu cầu Trung tướng Raymond O. Barton (Tư lệnh Sư đoàn 4) cho mình đổ bộ, nêu lý do việc ông có mặt sẽ khiến “các chàng trai vững tâm khi thấy tôi đi cùng với họ”. Và yêu cầu người sếp đừng nghĩ mình là con trai một cố tổng thống. Barton miễn cưỡng chấp thuận, nhưng quyết định này làm ông day dứt. Ông nhớ lại: “Khi chào tạm biệt Ted ở Anh, tôi không bao giờ hy vọng sẽ gặp lại ông ấy”. Roosevelt quả quyết mình đang rất khỏe.

Khi lên bờ Roosevelt nhận thấy nhóm binh sĩ đầu tiên của mình đổ bộ chệch khỏi mục tiêu gần 2 kí-lô-mét (do dòng hải lưu mạnh). Ông tập họp một số binh sĩ, núp bên một đụn cát để tránh đạn mà bàn bạc với họ.

Rồi ông bình tĩnh bước ra bãi biển, nhìn quanh để định vị. Đạn pháo bắn tung cát lên người ông, nhưng ông chỉ phủi phủi cát trên vai rồi bước đi tiếp.

Khi đợt tàu thứ ba đổ quân và binh sĩ đang lội vào bờ, bất ngờ pháo 88 mm của quân Đức bắn, đạn nổ giữa họ. Một tá người gục xuống. Một giây sau, một hình bóng đơn độc hiện ra từ đám khói. Khuôn mặt anh ta đen kịt, mũ sắt và quân trang đều đã biến mất. Anh ta bước đi trên bãi biển trong trạng thái hoàn toàn sốc, mắt mở trừng trừng. Hét gọi cứu thương, Roosevelt lao tới người lính. Ông vòng tay đỡ lấy anh ta: “Con trai, ta nghĩ chúng ta sẽ đưa cậu trở lại tàu”.

Lúc này mới chỉ có Roosevelt và vài sĩ quan của ông biết rằng cuộc đổ bộ Utah đã diễn ra nhầm chỗ. Đó là một sai sót may mắn, những khẩu đội pháo hạng nặng nằm dọc khu vực đổ bộ dự kiến có thể sẽ tàn sát binh sĩ. Có vài nguyên nhân cho sự nhầm lẫn này. Lúng túng bởi màn khói do các cuộc pháo kích lốc bên che mất các mốc chuẩn, bị cuốn vào luồng nước xiết chảy dọc bờ biển, một tàu điều hành đã dẫn đợt đầu tiên đổ bộ cách mục tiêu hơn 1,5 kí-lô-mét.

Trong khi đạn quân địch vẫn bắn chung quanh, Roosevelt triệu tập một buổi họp dã chiến với các sĩ quan của sư đoàn dưới một hố tránh đạn. Ông quyết định nhanh chóng, cho biết ông sẽ đi cùng binh sĩ, và ra lệnh yêu cầu Hải quân chuyển hướng qua vị trí này cho các đợt đổ bộ tiếp theo.

Ông nói với thuộc hạ: “Chúng ta khởi đầu cuộc chiến ngay ở đây.” Đó là câu nói khiến cho ông trở nên nổi tiếng sau này.

Rồi ông bắt đầu tổ chức cuộc hành quân, không màng đến an toàn cho mình mà chạy tới lui, tóm lấy sĩ quan và binh sĩ đang mất định hướng và đưa họ vào đúng hướng xuất phát.

Nhóm của Roosevelt đổ bộ chệch hướng nhưng đó lại là điều may vì vị trí mới được phòng vệ yếu hơn. Kết quả là trong số 32 xe tăng lội nước được thả xuống, 28 chiếc tiến được vào bờ, yểm trợ hữu hiệu cho bộ binh. Quân dù đã nhảy xuống khu vực đất thấp, kiểm soát bốn lối ra cho bộ binh ở bờ biển lấn sâu vào.

Lúc 11 giờ, quân Mỹ giải phóng Vierville-sur-Mer.

Lính Sư đoàn 4 gặp nhiều ngạc nhiên khi tiến quân. Một nhóm lính đối mặt với một toán kỵ binh Đức gồm những tù binh Hồng quân, đang núp phía sau một đàn ngựa. Một trung úy Mỹ viết lại: “Chúng tôi phải giết hầu hết đàn ngựa, bởi vì quân Đức dùng ngựa làm phòng tuyến chống trả.”

Có ngạc nhiên khác khi một tù binh Đức nói chuyện với một lính Mỹ gốc Đức.

“Không còn lại gì nhiều ở New York, phải không?”

“Ý anh nói gì?”

“À, anh biết mà, nó bị Không quân Đức đánh bom.”

Hóa ra lính Đức bị guồng máy tuyên truyền của Đức nhồi nhét những dối trá.

Trung tướng von Schlieben (Tư lệnh Sư đoàn 709 Bộ binh của Đức) điều một tiểu đoàn tăng Renault tịch thu được từ quân Pháp năm 1940. Ông hy vọng tiếng động cơ xe tăng sẽ khủng bố tinh thần quân dù Mỹ. Thay vào đó, lính dù thấy quá dễ dàng hạ gục các chiếc tăng cổ lổ sỉ đó chỉ bằng lựu đạn Gammon.

Tuy vậy, các sĩ quan dù vẫn rất lo lắng. Đạn được gần cạn, và không thể bắt liên lạc với quân bạn nào. Cư dân Pháp hỗ trợ quân dù cũng lo lắng: nếu cuộc đổ bộ thất bại như tin đồn và quân Đức trở lại, họ sẽ hứng chịu cơn trả thù tàn khốc. Vì thế, bao nhiêu người sướng thỏa lúc 1 giờ chiều, khi những chiếc tăng Sherman cùng Sư đoàn 4 Bộ binh tiến đến vị trí quân Sư đoàn 101 Không vận ở Pouppeville, sau khi giải phóng Courseulles lúc giữa trưa. Họ giúp trấn giữ sườn phải giữa Sainte-Mère-Eglise và đồng ngập nước gần bờ biển.

Đến 8 giờ 15 tối, Sư đoàn 4 tiến được khoảng 6 kí-lô-mét và chịu thương vong chưa tới 200 người, chỉ bằng 1 phần 10 so với Bãi Omaha. Một phần là nhờ Sư đoàn 4 được huấn luyện cẩn thận trong khi các đơn vị Đức quá yếu kém. Họ thuộc Sư đoàn 91 Bộ binh Không vận, và Tư lệnh Sư đoàn này đã bị phục kích chết lúc sáng sớm. Nhưng khoảng 700 lính Mỹ bị mất trong các đơn vị công binh, tiểu đoàn tăng, và các vụ tàu chìm.

Bãi Gold

Bãi Gold dài 16 kí-lô-mét nằm giữa Arromanches và La Rivière, được giao cho quân Anh gồm Sư đoàn 50 và đội Đặc công 47. Nhiệm vụ của họ là đóng chốt tại Arromanches ở đầu tây, chiếm thị trấn Bayeux và kiểm soát tuyến đường Caen-Bayeux, để Đồng minh thiết lập trạm truyền tin đông-tây ở vùng này. Vào cuối ngày, quân Anh tiến được gần 10 kí-lô-mét vào đất liền và bắt tay với Sư đoàn 3 của Canada đổ bộ lên từ bãi Juno.

Bai Gold 6 thang 6
Tình hình chiến sự ở Bãi Gold cuối ngày 6/6

Lúc 7 giờ 25 sáng ngày 6 tháng 6, Sư đoàn 50 của Anh dưới quyền Thiếu tướng Graham bắt đầu đổ bộ lên Bãi Gold. Thời gian đổ bộ là 1 tiếng đồng hồ sau quân Mỹ ở Bãi Omaha kế bên, nhưng tiến trình cơ bản là giống nhau.

Các nhà quy hoạch quân sự lo lắng về đá ngầm ở đây, vì vậy họ lên kế hoạch đổ bộ muộn hơn các bãi khác, để có lợi thế do triều cường. Hóa ra đá ngầm chỉ là rong biển. Gió mạnh khiến cho triều lên nhanh hơn dự kiến, che lấp các vật cản. Hai tiểu đoàn thiết giáp phớt lờ lệnh thả xe tăng DD cách bờ 4.500 mét. Thay vào đó, họ thả cách bờ 900 mét, nhưng vẫn mất 8 chiếc. Pháo và súng liên thanh của Đức làm chậm bước tiến của quân Anh, tuy các cuộc oanh kích của không quân và hải quân giúp tiêu diệt một số phòng thủ của Đức.

Bãi Juno

Juno là bãi đổ bộ thứ hai từ đông sang tây, rộng 10 kí-lô-mét từ Thị trấn La Rivière đến Thị trấn Saint-Aubin-sur-Mer, được giao cho quân Canada, gồm phần chính một sư đoàn bộ binh và một lữ đoàn thiết giáp. Nhiệm vụ của họ là chặn con đường Caen-Bayeux, và bắt tay với quân Anh ở hai bên sườn, chiếm Thị trấn Caen và sân bay ở Carpiquet. Bãi Juno được bảo vệ bởi 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 716 Bộ binh Đức.

Lúc 7 giờ 45 sáng ngày 6 tháng 6, Sư đoàn 3 của Canada dưới quyền Thiếu tướng R.F.L. Keller bắt đầu đổ bộ lên Bãi Juno, chậm 15 phút so với lịch trình và ba tiếng đồng hồ sau thời điểm triều tối ưu. Sự chậm trễ khiến cho quân Canada gặp khó khăn. Các vật cản của Đức chỉ lộ khỏi mặt nước chút ít, khiến cho công binh không thể dọn sạch. Biển động khá mạnh, sóng cao tới 2 mét. Đoàn tàu chao đảo mạnh nhưng đội tàu quét mìn vẫn làm nhiệm vụ. Tàu đổ bộ vẫn phải liều tiến lên, và 30% số tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng vì mìn của Đức. Trong số 29 xe tăng lội nước, 7 chiếc bị chìm. Quân Đức chống trả quyết liệt. Thương vong của quân Canada là 5% nhưng trong đợt đổ bộ đầu tiên lên tới 50%, chỉ kém Bãi Omaha.

Trong khi hai bên còn đang giao chiến, một số cư dân Pháp ra khỏi nhà. Họ kinh ngạc khi gặp binh sĩ phía Đồng minh nói ngôn ngữ của họ. Khi đáp lời một cư dân Pháp, một binh sĩ Canada trả lời “P’tet ben que oui, p’tet ben que non” (Có thể đúng, có thể không) với ngữ âm rất giống tiếng Pháp ở Normandy.

Đến 9 giờ sáng, một quán rượu ở Bernières-sur-Mer được mở cho binh sĩ Canada ăn mừng sau khi quân Đức chạy trốn và cư dân xuất hiện từ hầm tránh bom. Sĩ quan đã cảnh báo binh sĩ không nên nhận thức ăn và thực phẩm của cư dân vì có thể trúng độc, nhưng nhiều người phớt lờ. Sự cẩn trọng là do tin đồn nhiều người Pháp cộng tác với quân Đức chiếm đóng. Sự thật thì ngược lại: vì khốn khổ dưới sự chiếm đóng của Đức trong thời gian dài, đại đa số người Pháp vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng họ.

Quân Canada giải phóng Thị trấn Bernières lúc 9 giờ 30, và hai tiếng đồng hồ sau giải phóng Thị trấn Saint-Aubin-sur-Mer. Ở đây, nhờ có một xe tăng AVRE bắn vào hệ thống boong-ke, quân Canada mới dập tắt được sức kháng cự của Đức.

Lúc 9 giờ tối, tất cả hoạt động của chiến tuyến quân Anh-Canada được lệnh ngưng lại. Quân Canada có 359 người tử trận, và tiến sâu hơn các cánh quân còn lại của Đồng minh, chỉ còn cách Caen không tới 5 kí-lô-mét. Cùng lúc, phần còn lại của Sư đoàn 6 Không vận Anh nhảy xuống khu vực.

Sư đoàn Panzer 21 Thiết giáp của Đức trước đó đã thất bại với nhiều tổn thất khi phản công quân Anh-Canada, bây giờ e sợ quân dù tấn công, nên Tư lệnh Sư đoàn ra lệnh rút về Caen.

Bai Juno & Sword 6 thang 6
Tình hình chiến sự từ Bãi Juno và Bãi Sword cuối ngày 6/6

Bãi Sword

Nằm về phía đông xa nhất, Bãi Sword rộng 8 kí-lô-mét từ Lion-sur-Mer ở đầu tây đến Ouistreham bên cửa Sông Orne ở đầu đông, được giao cho quân Anh gồm Sư đoàn 3 Bộ binh và Lữ đoàn 27 Thiết giáp. Nhiệm vụ của họ là trấn giữ bờ phải của Sông Orne, bắt tay với quân Canada, chiếm Thị trấn Caen vào cuối Ngày D. Mục tiêu quan trọng là hai chiếc cầu bắt qua Kênh Caen và Sông Orne. Đại pháo của Đức bảo vệ bãi này là pháo 100 li đặt ở Merville và pháo 155 li đặt ở Le Havre.

Lúc 5 giờ 30, tàu đổ bộ được thả xuống vùng biển động từ tàu mẹ. Còn xe tăng lội nước được thả xuống cách bờ 4.500 mét thay vì 7.200 mét như dự định ban đầu, nhưng xe tăng vẫn còn quãng đường khá xa trên những con sóng cao tới 1,5 mét. Điều kỳ lạ là trong số 40 chiếc, chỉ có 6 chiếc bị chìm, 2 chiếc do tàu đổ bộ đâm phải.

Lúc 6 giờ 50, súng không giật của Sư đoàn 3 Bộ binh trên tàu đổ bộ khai hỏa khi còn cách bờ gần 10 kí-lô-mét.

Lúc 7 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 6, Sư đoàn 3 của Anh dưới quyền Thiếu tướng T.D. Rennie bắt đầu đổ bộ, theo đúng lịch trình. Triều cường và địa hình tạo ra khu vực tấn công hạn hẹp, gây ùn tắc các phương tiện cơ giới nên trì hoãn việc tiến quân vào đất liền.

Quân Đức đợi cho đến khi lính Canada nhảy ra khỏi tàu đổ bộ mới khai hỏa.

Không quân và Hải quân Đồng minh đã oanh kích dữ dội các vị trí phòng thủ của Đức, nhưng giao tranh trên bộ vẫn diễn ra dằng dai.

Binh sĩ Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Middlesex vô cùng kinh ngạc khi thấy một người ăn mặc lộng lẫy trông kỳ quái, đầu đội mũ đồng của lính cứa hỏa “trông giống như lính thời Napoleon” đi xuống bãi biển. Đó là xã trưởng của Colleville-sur-Orne, một ngôi làng nhỏ cách đó gần 2 kí-lô-mét, quyết định ra đến tận nơi để đón chào lính Đồng minh. Một phụ nữ trẻ đi theo ông nhanh chóng chăm sóc cho thương binh. Do tình cờ, một phụ nữ Pháp khác cũng can đảm giúp chăm sóc thương binh. Ngày hôm trước, cô nữ sinh điều dưỡng đã bỏ quên bộ áo tắm trên bãi biển nên sáng nay cô đạp xe ra để tìm. Cô phớt lờ những tiếng huýt sáo của đám lính đang kinh ngạc mà bắt tay ngay vào việc băng bó những vết thương. Cô làm việc trong hai ngày, và qua công việc này cô gặp người chồng tương lai của mình, một sĩ quan trẻ người Anh.

Tuy quân Anh đẩy lùi được đợt phản công của Đức, trong ngày 6 tháng 6 họ không thể chiếm được Thị trấn Caen có vị trí quan trọng về chiến lược.

Đến 9 giờ 30, quân Anh ở đây giải phóng Thị trấn Hermanville.

Ngày ngắn nhất

6 tháng 6 được gọi là ngày dài nhất cho cả quân Đức và quân Đồng minh, nhưng lại là ngày ngắn nhất đối với một số người.

Sáng ngày này, Đức tin rằng đến tối Đồng minh sẽ chiếm được Caen, nên họ tính đến việc làm sao xử lý nhóm tù nhân đang bị giam ở đây. Trong số những tội ác chiến tranh mà trước Tòa án Nuremberg Tướng Keitel khai đã thi hành theo lệnh của Hitler, “tệ hại nhất trong tất cả” là Nacht und Nebel Erlass, có nghĩa: Lệnh Đêm đen và Sương mù. Himmler ban hành lệnh kinh tởm này vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 để nhắm vào những dân thường vô phúc trên những vùng đất bị chiếm đóng ở phía Tây. Như cái tên kỳ dị cho thấy, mục đích của lệnh này là bắt giữ “người nguy hại đối với an ninh của Đức” nhưng không hành quyết ngay, mà khiến cho họ mất tung tích trong đêm đen và sương mù ở một vùng hẻo lánh nào đấy trên đất Đức. Gia đình nạn nhân không hề nhận được tin tức gì về số phận của họ, ngay cả nơi chôn xác. Tù nhân bị giam ở Caen là nạn nhân của Lệnh Đêm đen và Sương mù, được gọi tắt là tù nhân NN.

Ở Caen, Gestapo nhận lệnh không để tù nhân NN nào rơi vào tay Đồng minh. Vì thế, ý định ban đầu là Mật vụ (Gestapo) và Cơ quan An ninh (Sicherheitsdienst, gọi tắt S.D.) dẫn tù nhân NN đi bằng xe lửa đến Belfort, gần biên giới Pháp-Đức. Nhưng lúc 4 giờ rạng sáng ngày 6 tháng 6, nhà ga Caen bị máy bay Đồng minh oanh kích tan tành. Quân đội lại không thể cấp xe cộ cho họ. Thế là họ quyết định thủ tiêu tù nhân NN.

Không dưới 85 người bị hành quyết, nhưng có thể đến hàng trăm (Dillon, 2004). Họ không được giải thích, không được xét xử. Không có hồ sơ gì còn sót lại. An ninh Đức đã đốt sạch giấy tờ, cũng như đã lấy đi và tiêu hủy mọi vật dụng của tù nhân NN. Cũng không thể tìm ra xác của họ. Một nguồn tin cho biết xác của họ được hỏa thiêu, nhưng không thể xác minh điều này. Một nguồn khác nói Đức chôn xác của họ trong sân nhà tù nhưng sau đó đào lên và mang tất cả xác chết đi đâu không rõ.

Ở Saint-Lô, 42 tù nhân chết theo cách khác: nhà tù trúng bom đạn.

Lúc 8 giờ tối ngày 6 tháng 6, oanh tạc cơ Đồng minh bắt đầu san bằng có hệ thống Thị trấn Saint-Lô với mục đích làm tắc nghẽn nút giao thông quan trọng này và do đó làm chậm bước tiến của quân tăng viện phản công. Cư dân Saint-Lô đã không được nghe hoặc nhận cảnh báo của Đồng minh qua đài phát thanh và tờ bướm, hoặc họ không quan tâm. Ngày trước, họ an tâm khi thấy máy bay Mỹ đánh bom chính xác một ga xe lửa. Một nhóm người đang chơi bài ngắm cảnh tượng “như thể đang xem phim” và vỗ tay. Một người trong bọn họ kể lại: “Những phi công thân thiện đó làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm với ý nghĩ rằng Đồng minh không đánh bom một cách mù quáng những mục tiêu có dân thường.” Nhưng khoảng 300 cư dân chết, và cả thị trấn biến thành đống gạch vụn.

St-Lo_Tre em nhin canh tan pha_2
Trẻ em nhìn xe Jeep của quân Mỹ chạy qua cảnh tàn phá của Saint-Lô

Phản ứng của Hitler

Trong những thời khắc trọng đại, phản ứng của Hitler là như thế nào? Phản ứng này cực kỳ quan trọng. Hitler là nhà độc tài, nhưng không phải là độc tài suông. Các chức vụ chính thức mà ông ta kiêm nhiệm gồm có: Lãnh tụ, Thủ tướng Đế chế, Tư lệnh Tối cao Quân lực, Bộ trưởng Chiến tranh, chỉ huy trực tiếp Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực (Oberkommando der Wehrmacht – OKW), và Tư lệnh Lục quân. Tức là Hitler có tất cả quyền hành dân sự và quân sự ở cấp cao nhất. Thật ra, khi ông ta ra lệnh thì cấp dưới chỉ biết tuân theo mà không cần biết ông ra lệnh với cương vị gì. Chỉ cần lên tiếng chứ không cần văn bản, lệnh của ông ta sẽ được tuân theo răm rắp.

Thế mà trong thời khoảng 24 tiếng đồng hồ như kể trên, Hitler không có quyết định gì cả, không ra mệnh lệnh gì cả.

Trong một thời gian dài, Hitler đã cảm thấy bực bội vì Đồng minh xây dựng sức mạnh ở Anh mà quân Đức không thể chạm tới. Bây giờ, ông nghĩ sức mạnh đó đã ở trong tầm đạn của Đức. Về cuộc tấn công sắp tới, ông ta một phần mong chờ và coi đó là cơ hội để đập tan quân Đồng minh, đồng thời phân vân liệu nó có thể diễn ra hay không. Với cả hai giả thiết đó, ông ta vẫn tự tin là sẽ giành chiến thắng. Nếu Đồng minh thực sự tấn công, họ sẽ gặp thảm họa và sẽ không bao giờ dám thử nữa. Máy bay phản lực có thể kết liễu họ. Nếu Đồng minh không tấn công thì đó là đúng ý của Hitler: ông muốn đánh thẳng tới London thay vì đánh một trận chiến phòng thủ. Ông có một vũ khí mới để làm việc này: hỏa tiễn V-1. Tiên liệu của Hitler là London sẽ bị biến thành “khu vườn đổ nát”.

Ngày 5 tháng 6, TS. Paul Joseph Goebbels (Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền) dùng trà với Hitler và thấy Lãnh tụ có trạng thái bình thản. Theo Kershaw (2004) có lẽ từ 8 giờ 15 đến 9 giờ 30 tối hôm ấy là lúc OKW bắt đầu tin chắc rằng đây là cuộc đổ bộ thực sự. Trong khi đó, Hitler và người tình Eva Braun cùng đoàn tùy tùng xem phim rồi chuyện trò. Goebbels kể lại: “Đêm hôm ấy chúng tôi ngồi quanh lò sưởi cho tới 2 giờ khuya, trao đổi với nhau về kỷ niệm tươi đẹp của những tháng ngày cũ… Nói chung, trạng thái tinh thần giống như ngày xưa.” Không thấy có ghi chép gì về thảo luận tình hình chiến sự cho dù hai tiếng đồng hồ trước đã có những báo cáo đầu tiên về cuộc đổ bộ.

Lúc 1 giờ 50 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Phó đô đốc Karl Hoffman, chỉ huy Hải quân Mặt trận Tây ở Paris, triệu tập các tùy viên sau khi đã nhận những báo cáo đáng báo động. Ông cho gửi bức điện như sau về Đức: “Hãy báo cáo với tổng hành dinh của Lãnh tụ rằng đây là cuộc tấn công.”

Như vậy có lẽ đây là thông báo rõ ràng đầu tiên về cuộc tấn công được gửi đến Hitler. Có vẻ như không có động thái gì phản ứng với tin báo này. Dường như hầu hết những người thân cận của Hitler đang chờ tuyên bố chính thức của phía Đồng minh trước rồi mới dám báo cho ông ta. Đề đốc Karl Jessko von Puttkamer (Tùy viên Hải quân của Hitler) đã gọi Jodl để yêu cầu báo cáo mới nhất. Ông được trả lời rằng “có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một cuộc đổ bộ quan trọng đã được tiến hành”. Tập trung mọi tin tức có thể, Puttkamer và ban tham mưu nhanh chóng chuẩn bị một tấm bản đồ.

Lúc 9 giờ 15 sáng, Hitler thức dậy sau giấc ngủ không bị quấy rầy, ông nghe báo cáo mới nhất. Tức là ông được thông báo 11 tiếng đồng hồ sau khi OKW nhận báo cáo của Quân báo Đức, và 8 tiếng đồng hồ sau khi các đơn vị tiền phương Đức ban hành lệnh báo động. Thời gian quý giá bị uổng phí! Thế mà khi Albert Speer (Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang) đến, ông thấy Hitler vẫn chưa thức tỉnh với tin tức về cuộc đổ bộ.

Hitler lắng nghe báo cáo và cho gọi Thống chế Wilhelm Keitel (Tham mưu trưởng của OKW), và Chuẩn Thống chế Alfred Jodl (Tham mưu phó Hành quân của OKW). Khi họ đến, Hitler đang đợi họ trong trạng thái kích động. Cuộc thảo luận sau đó, như Puttkamer nhớ lại, “hoàn toàn kích động”. Tin tức chưa đầy đủ, nhưng dựa trên những gì được biết Hitler quả quyết rằng đây không phải là cuộc đổ bộ chính, và ông ta lặp đi lặp lại điều đó. Cuộc thảo luận chỉ kéo dài vài phút và bị ngắt một cách thô lỗ, như Jodl nhớ lại sau này, khi Hitler bất ngờ quát vào mặt ông và Keitel: “Nào, đây có phải là cuộc đổ bộ không?” rồi xoay lưng đi ra khỏi phòng.

Một nguồn khác kể lại diễn tiến ngày này.

Hitler nói: “Không có tin nào hay hơn. Nếu chúng cứ đóng quân ở Anh, ta không thể tấn công chúng. Bây giờ chúng tới đây thì ta có thể tiêu diệt chúng.” Cùng lúc, Hitler có hẹn tiếp Thủ tướng Hungari, với sự tham dự của các nhà ngoại giao Bulgari và Romani, để yêu cầu họ đóng góp thêm cho nỗ lực chiến tranh. Khi bước vào phòng tiếp tân, ông hồ hởi kêu lên: “Cuối cùng nó bắt đầu rồi.” (Ambrose, 1994).

Sau buổi hội kiến, Hitler trải ra một tấm bản đồ nước Pháp và nói với Goering: “Chúng đang đổ bộ ở đây, và ở đây: đúng là nơi ta đang mong đợi”. Goering không cãi lại sự dối trá hiển nhiên đó.

Goebbels cũng được thông báo về cuộc đổ bộ, và thấy Hitler giống như trong trạng thái trút được gánh nặng trên vai. Ông kêu lên: “Rốt cuộc, Ơn Chúa! Đây là hiệp cuối cùng.”

Một phụ tá của Goebbels giải thích suy nghĩ của Hitler và Goebbels trong một đoạn nhật ký:

“Vấn đề liệu Đồng minh sắp tấn công phía Tây hay không lấn áp mọi thảo luận và chính trị quân sự. Goebbels e rằng Đồng minh chưa dám tấn công. Nếu thế, đối với chúng ta có nghĩa là nhiều tháng trông chờ đằng đẵng, mệt mỏi, chỉ thách thức sức mạnh của chúng ta vượt quá mức chịu đựng. Hiện tiềm năng chiến tranh của chúng ta chỉ giảm chứ không thể tăng. Mỗi cuộc không kích mới làm cho tình hình xăng dầu trầm trọng thêm.”

Con người ấy luôn hoang tưởng mặt này hay mặt khác. Hitler đã trở nên tin chắc rằng cuộc đổ bộ “thật” sẽ bắt đầu ở khu vực Pas-de-Calais đến mức ông ta giữ nguyên Đại quân đoàn Thứ Mười Lăm của Von Salmuth cho đến tận ngày 24 tháng 7. Đến lúc đó thì đã quá muộn. Trớ trêu thay, ban đầu Hitler dường như là người duy nhất tin cuộc đổ bộ sẽ xảy ra ở Normandie. Tướng Blumentritt kể: “Tôi nhớ rõ một cuộc gọi từ Jodl hồi tháng 4, khi đó ông ta nói rằng ‘Lãnh tụ có thông tin rõ ràng rằng không phải là không có khả năng sẽ diễn ra một cuộc đổ bộ ở Normandie’.”

Tại tổng hành dinh OB West ở Paris, Blumentritt gọi cho Speidel ở tổng hành dinh của Rommel. Cuộc đàm thoại với một câu duy nhất này được ghi lại trong Nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân B. Blumentritt nói: “OKW đã chuyển giao Sư đoàn SS 12 và Panzer Lehr”. Lúc này là 3 giờ 40 chiều. Cả hai vị tướng đều biết đã quá muộn. Hitler và cấp dưới của ông ta đã ghìm giữ hai sư đoàn xe tăng suốt gần 11 tiếng đồng hồ. Bây giờ mây mù đã tan, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Đồng minh vần vũ bắn phá khắp cùng. Xe tăng Đức phải chui vào ẩn nấp dưới các tán lá cây ven đường, chờ đến khi đêm tối mới tiếp tục hành quân.

Mười ba tiếng đồng hồ sau khi OB West yêu cầu hai sư đoàn thiết giáp mà bị bác bỏ, Hitler ban hành một chỉ thị nổi tiếng, được lưu giữ trong hồ sơ của Đại Quân đoàn Thứ Bảy:

16:55, 6 tháng 6, 1944

Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây phải nhấn mạnh ý muốn của Bộ Chỉ huy Tối cao là tiêu diệt địch quân ở đầu cầu vào buổi tối 6 tháng 6, vì nguy cơ có thêm quân đổ bộ và nhảy dù để hỗ trợ… Phải quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay.

Trong không khí núi rừng âm u tại Berchtesgaden, nơi Hitler đang chỉ đạo trận chiến quan trọng nhất cho đến lúc này, chỉ thị lạ lùng trên có vẻ nghiêm túc, được cả Jodl và Keitel đồng tình. Vì lẽ, trong nhiều tháng Hitler vẫn nói vận mệnh của Đức sẽ được quyết định ở phía Tây. Dường như ngay cả Rommel cũng xem đó là nghiêm túc, vì ông lập tức truyền đạt chỉ thị trên qua điện thoại, rồi ra lệnh cho tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Bảy mở cuộc phản công bằng Sư đoàn 21 Thiết giáp – là đơn vị thiết giáp duy nhất trong vùng – “ngay lập tức dù có tăng viện hay không”.

Sư đoàn này đã làm việc ấy từ 10 sáng mà không đợi lệnh của Rommel, và họ bị thiệt hại nặng nên phải rút về Caen như đã nêu trên. Khi Rommel gọi đến, Tướng Pemsel trả lời về chỉ thị “quét sạch, hạn cuối là đêm nay” của Hitler, không phải một, mà là ba đầu cầu. Ông nói: “Việc này là không thể được.”

Không đầy hai tháng trước, Rommel viết cho Tướng Jodl:

Dù địch có ưu thế trên không, nếu trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên ta có thể huy động phần lớn lực lượng cơ giới để tác chiến trên những vùng bờ biển bị đe dọa, tôi tin chắc rằng cuộc tấn công của địch sẽ hoàn toàn sụp đổ trong ngày đầu tiên.

Mệnh lệnh nghiêm ngặt của Hitler khiến cho những sư đoàn cơ giới không thể tác chiến “trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên” hoặc thậm chí trong những ngày đầu tiên. Khi cuối cùng các sư đoàn này được tung ra, họ bị đánh tan tác.

Cuối Ngày D

Speidel cho biết chỉ đến xế trưa thì phía Đức mới thấy sự việc rõ ràng – 16 tiếng đồng hồ sau khi Quân báo Đức giải mã lệnh tấn công của Đồng minh và 12 tiếng đồng hồ sau khi quân Đồng minh khởi hành. Vào lúc này, quân Mỹ đã lập được hai đầu cầu trên bãi biển, quân Anh có đầu cầu thứ ba rộng lớn và đã xâm nhập vào đất liền được 3 đến 10 kí-lô-mét.

Sau 2 giờ chiều là giai đoạn củng cố, và quân Đồng minh bắt đầu tiến sâu hơn vào đất liền, được yểm trợ bởi nhiều may bay tiêm kích trong khi không quân Đức vắng bóng hẳn trên bầu trời. Bãi Omaha là bãi biển cuối cùng mà lính Đồng minh phải vượt qua, khi những lính Đức cuối cùng tuần tự rời bỏ vị trí.

Một số thị trấn được giải phóng tiếp theo:

  • 2 giờ 20 chiều: Périers-sur-le-Dan.
  • 4 giờ chiều: Biéville
  • 8 giờ tối: Colleville-sur-Med.
  • 8 giờ 15 tối: Taillerville.
  • 10 giờ tối: Arromanches; quân Đồng minh tiến đến ngoại ô Thị trấn Bayeux.
  • 10 giờ 30 tối: Tailleville.

Đúng như các tướng lĩnh Đức nói về lệnh của Hitler: quân Đức không thể nào quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay. Hoặc vào bất kỳ đêm nào khác. Ngày dài nhất chấm dứt.

D-Day_end.jpg
Tình hình cuối Ngày D

Đến nửa đêm ngày 6 tháng 6, tất cả các đầu cầu trên bãi biển được giữ vững, kéo dài hơn 120 kí-lô-mét, với tổng cộng 6 sư đoàn bộ binh. Phòng tuyến quân Anh-Canada từ các bãi Gold, Juno và Sword lấn sâu vào đất liền gần 10 kí-lô-mét. Sư đoàn 4 từ Bãi Utah tiến nhanh hơn dự kiến và bắt tay với Sư đoàn 101 Không vận – thành công gần như hoàn hảo. Chỉ có Bãi Omaha là hơi chông chênh, nhưng cơn khủng hoảng đã qua đi.

Điều đọng lại của ngày dài nhất

Lucille Boggess, cô gái lên 14 tuổi vào thời gian này, kể lại về ngày dài nhất trong gia đình cô. “Chúng tôi đang chuẩn bị đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật khi anh cảnh sát mang đến bức điện tín thứ nhất. Một anh lái taxi mang đến bức điện tín thứ hai.” Hai bức điện tín báo tin hai người anh của Lucille vừa tử trận vào Ngày D. Điều đáng buồn hơn là có 21 bức điện tín báo tin tương tự cho các gia đình trong cùng thị trấn lúc đó có 3.200 cư dân. Đó là thị trấn Bedford thuộc Bang Virginia, Hoa Kỳ. Trong ngày thứ nhất của cuộc đổ bộ lên Normandie, 19 chàng trai của thị trấn này ngã xuống. Trong những ngày kế tiếp, thêm 4 chàng trai hy sinh.

Một cư dân thị trấn nói: “Bạn thử nghỉ, thảm kịch này đổ xuống mọi người. Mỗi chàng trai đó là một bạn học, một đứa con, một đứa cháu, một trẻ đi phát báo, một trai trẻ mặt có tàn nhang chơi bóng trên sân vườn nhà – 23 chàng trai như thế không bao lâu đáng kẽ sẽ có cơ hội tạo lập một gia đình, khởi nghiệp hoặc xây dựng cái gì đó lớn lao – không thể nào hình dung được sự mất mát ngày đó cho cộng đồng này.” Trong số 46 người ở thị trấn Bedford, chỉ có 23 trở về. Tính theo đầu người hoặc tỷ lệ, Bedford là cộng đồng chịu mất mát cao nhất trong Trận Normandie.

Những con số

Những con số liên quan đến Ngày D khá khác biệt nhau theo những nguồn khác nhau. Những con số dưới đây được xem là gần đúng nhất.

Quân đội dưới quyền Eisenhower là một guồng máy lớn lao tham gia chiến dịch đổ bộ lên Normandie:

  • Số người tổng cộng của Đồng minh tham gia vào Chiến dịch Overlord là gần 2,9 triệu người, trong đó có khoảng 1,7 triệu người Mỹ. Trung bình mỗi người lính tác chiến được 3 hay nhiều hơn người lính khác hỗ trợ để cung ứng cho những nhu cầu về quân nhu, quân cụ, quân y, huấn luyện, v.v. Đó là lý do tại sao có nhiều người tham gia đến thế.
  • 1.108 doanh trại quân Đồng minh ở Anh.
  • 163 căn cứ không quân mới ở Anh.
  • Gần 1.000 đầu máy xe lửa và 20.000 toa tàu được đưa đến Anh.
  • Vào cuối Ngày D, có 156.115 quân bộ binh và quân dù được triển khai ở Normandie.
  • Tuổi trung bình của những người lính đổ bộ là 22.
  • 11.590 máy bay các loại trong 14.674 phi vụ, trong đó có 832 máy bay C-47 Dakota; 127 máy bay bị rơi. Riêng quân dù được vận chuyển bởi 2.395 máy bay và 867 tàu lượn.
  • Hạm đội tham gia đổ bộ gồm 6.939 tàu thuyền hải quân và dân sự các loại từ 12 quốc gia, gồm 1.213 tàu chiến, 4.126 tàu đổ bộ, 736 tàu phụ trợ, 864 tàu buôn.
  • 20.000 xe cộ các loại được đưa đến Normandie trong Ngày D.

Thiệt hại về con người vào cuối ngày đổ bộ:

  • 4.413 người lính Đồng minh tử trận, phần lớn trong số họ dưới 20 tuổi.
  • Trong Ngày D, số thương vong (tử trận, bị thương, mất tích, bị bắt làm tù binh) tổng cộng là 10.500 người – thấp hơn nhiều so với nỗi lo sợ lúc đầu của Churchill là 20.000.
  • Trong thời gian chuẩn bị dẫn đến Ngày D, các lực lượng Đồng minh mất 12.000 người chủ yếu trên 2.000 máy bay.
  • Số tử vong phía Đức ước tính từ 4.000 đến 9.000, ở mức thấp bởi vì một số lớn bỏ chạy hoặc đầu hàng.
  • Có khoảng 11.000 đến 19.000 người Pháp vì các cuộc dội bom trước Ngày D, và 3.000 người Pháp chết trong các cuộc oanh kích Ngày D.

Ngày D mở màn cho những trận đánh đẫm máu tiếp theo trên vùng Normandie. Số tổn thất trung bình của mỗi sư đoàn Đồng minh và Đức ở đây còn cao hơn tổn thất tương tự của Liên Xô và Đức trong thời khoảng tương đương trên Mặt trận Đông.

Tiếp theo ngày dài nhất

Von Rundstedt và Rommel quyết định đã đến lúc đối thoại một cách cởi mở với Hitler, mặt đối mặt, và yêu cầu ông chấp nhận mọi hậu quả. Họ thuyết phục ông đến một cuộc họp ngày 17 tháng 6 tại Margival, phía bắc Soissons, nơi có một boong-ke xây vào mùa hè 1940 làm tổng hành dinh cho Hitler, nhưng chưa bao được dùng đến. Bây giờ, 4 mùa hè sau, Lãnh tụ sẽ xuất hiện ở đây lần đầu tiên. Speidel viết lại:

Trông ông ấy nhợt nhạt như người thiếu ngủ, mân mê một cách bồn chồn chiếc cốc và những cây bút chì màu. Ông ngồi khòm vai trên chiếc ghế, trong khi các thống chế đứng. Mãnh lực thôi miên xem dường đã nhạt phai. Ông chào hỏi với vẻ cụt lủn và nguội lạnh. Rồi ông cất cao giọng bày tỏ nỗi bất bình về việc Đồng Minh đã đổ bộ thành công, mà ông quy trách nhiệm cho các chỉ huy chiến trường.

Nhưng viễn cảnh có thêm một chiến bại choáng váng khiến các tướng lĩnh thêm can đảm, hoặc ít nhất đối với Rommel, được Rundstedt cho phép phát biểu khi lời lẽ của Hitler trách cứ họ tạm ngừng. Speidel kể:

Với sự thẳng thắn mà không cần uốn nắn ngôn từ, Rommel vạch ra rằng trận chiến chống lại Đồng Minh có ưu thế trên không, trên mặt biển và trên đất liền là vô vọng.

Các tướng lĩnh thấy tình hình không đến nỗi tuyệt vọng nếu Hitler từ bỏ quyết tâm vô lý là giữ vững mọi tấc đất rồi đẩy các lực lượng Đồng Minh xuống biển. Với sự đồng ý của Rundstedt, Rommel đề xuất rút quân Đức kể cả các đơn vị thiết giáp về phía sau và tổ chức lại rồi sau đó phát động phản công. Làm như thế, có thể đánh bại Đồng Minh trong một trận đánh “bên ngoài tầm bắn của đạn pháo hải quân địch”. Tức là đúng theo ý tưởng ban đầu của von Rundstedt và ngược lại với ý tưởng ban đầu của Rommel.

Nhưng Hitler không muốn nghe bất kỳ đề xuất nào về việc rút lui. Binh sĩ Đức phải trụ lại chiến đấu. Hiển nhiên là Hitler cảm thấy không vui về tình hình, thế nên ông nhanh chóng thay đổi đề tài thảo luận.

Đến lúc này, Không quân Đức đã bị thiệt hại rất nặng nề nên hầu như vắng bóng hẳn trên bầu trời phía Tây. Khi các tướng lĩnh nhắc Hitler về thất bại thảm hại của Không quân Đức, Lãnh tụ trả đũa rằng “hàng loạt máy bay chiến đấu phản lực” chẳng bao lâu sẽ bắn tan tác phi công Anh và Mỹ khỏi bầu trời. Ông nói, lúc ấy nước Anh sẽ sụp đổ. Trong thái độ mà Speidel gọi là “một sự pha trộn kỳ lạ giữa tư tưởng yếm thế và trực giác sai lầm”, Hitler trấn an các tướng lĩnh rằng vũ khí V-1, một loại bom bay tự động, đã được phóng đến London lần đầu tiên, “sẽ có tính chất quyết định chống lại Anh… và khiến cho người Anh sẵn lòng đi đến hòa bình”.

Thử nghiệm đã thành công vào Giáng sinh năm 1943, đến tháng 6 năm 1944 thì sẵn sàng. Vào buổi chiều ngày 6 tháng 6, Hitler ra lệnh bắt đầu bắn V-1 qua Longon. Mấy 6 ngày để mang dàn phòng từ kho được ngụy trang tới bờ biển. Chỉ đến ngày 12 tháng 6 mới bắt đầu bắn V-1. Kết quả thật thảm hại: trong số 10 hỏa tiễn bắn đi, 4 rơi ngay xuống, 2 biến mất mà không để lại dấu vết, 1 bắn trúng một cầu xe lửa ở London, và 3 rơi xuống đồng trống.

Tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn đó. Tháng 5 năm mắn cho Đồng minh là Hitler đã chọn sai mục tiêu. Bắn V-1 cầu âu đến London mênh mông không đạt mục đích quân sự nào. Nhưng nếu Hitler ra lệnh bắn V-1 vào các khu vực tập trung quân Đồng minh đông đúc, các vùng đổ bộ và bến cảng nhân tạo dầy đặc những con người và khí tài, thì Đức có thể tạo sự khác biệt.

Đến đây, tin báo máy bay Đồng Minh đang đến khiến cho họ dừng lại và đi xuống hầm trú bom của Lãnh tụ.

Speidel nhớ lại, buổi họp kéo dài từ 9 sáng đến 4 chiều, bữa ăn trưa

chỉ có một món mà Hitler ăn một đĩa đầy cơm và rau, sau khi có người nếm trước. Xung quanh ông là những viên thuốc và cốc thuốc nước, mà ông dùng tuần tự mỗi thứ. Hai nhân viên S.S. đứng canh chừng phía sau ông.

Được an toàn trong boong-ke xây bằng bê-tông cốt sắt dưới mặt đất, họ tiếp tục thảo luận, và đến lúc này Rommel muốn hướng về chính trị. Speidel kể lại:

Ông ấy tiên đoán rằng phòng tuyến của Đức tại Normandy sẽ tan vỡ và rằng không thể ngăn chặn đà tiến của Đồng Minh vào đất Đức… Ông không chắc liệu có thể giữ vững phòng tuyến ở Liên Xô hay không… Ông vạch ra tình trạng cô lập hoàn toàn của Đức về chính trị… Ông kết luận… với đề xuất cấp bách là nên tìm cách chấm dứt cuộc chiến.

Hitler ngắt lời Rommel vài lần, cuối cùng chen vào:

Ông đừng lo lắng về tiến trình tương lai của cuộc chiến, mà nên chú tâm vào mặt trận tấn công của ông.

Hai thống chế không đi đến đâu, với cả lập luận quân sự và chính trị. Tướng Jodl khai trước Tòa án Nuremberg: “Hitler không hề chú tâm đến những lời cảnh báo của họ.”

Cuối cùng, các tướng lĩnh khuyến cáo Hitler ít nhất nên đi đến tổng hành dinh Tập đoàn quân B của Rommel để thảo luận với các chỉ huy chiến trường nhằm đánh giá tình hình mà họ đang đối mặt. Hitler lưỡng lự rồi đồng ý sẽ đi ngày 19 tháng 6 – cách hai ngày sau.

Ông không hề đi đến đó. Ít lâu sau khi các thống chế rời Margival vào buổi chiều 17 tháng 6, một tên lửa V-1 được phóng qua London nhưng bay lạc đường và đâm xuống nóc boong-ke của Lãnh tụ. Không có thương vong gì cả, nhưng Hitler bực tức đến nỗi ông đi ngay đến những vùng an toàn hơn, không dừng lại cho đến khi ông về đến vùng rừng núi Berchtesgaden có biệt thự nghỉ dưỡng của ông.

Vào ngày 29 tháng 6, một lần nữa von Rundstedt và Rommel kêu gọi Hitler nên đối mặt với thực tế ở phía Đông và phía Tây, cố gắng chấm dứt chiến tranh trong khi một phần đáng kể của Quân đội Đức vẫn tồn tại. Buổi họp diễn ra tại Berchtesgaden, nơi Hitler đối xử lạnh lùng với hai thống chế. Ông từ khước lời kêu gọi của họ một cách cụt lủn và rồi sa vào tràng độc thoại về việc làm thế nào Đức sẽ thắng cuộc chiến với “vũ khí thần kỳ” mới. Speidel nói phần phát biểu của Hitler “mất hút trong sự lạc điệu lạ kỳ”.

Hai ngày sau, von Rundstedt bị bãi nhiệm chức Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây. Thay thế ông là Thống chế von Kluge. Việc von Rundstedt bị cách chức có thể một phần là do lời lẽ thô thiển ông nói ra với Keitel vào đêm hôm trước. Keitel gọi điện cho ông để hỏi về tình hình. Bốn sư đoàn thiết giáp của S.S. mở cuộc phản công toàn diện nhưng bị đánh lui, và von Rundstedt tỏ vẻ u uất. Keitel hỏi: “Ta sẽ làm gì đây?” Von Rundstedt trả lời: “Tìm kiếm hòa bình, đồ ngu! Liệu ông có thể làm được gì khác?” Dường như Keitel – mà phần lớn chỉ huy chiến trường gọi là kẻ “hớt lẻo để nịnh nọt” – thuật lại vụ việc và thêm lời phê phán. Lúc ấy, Hitler đang thảo luận với Kluge, hiện đang nghỉ dưỡng bệnh sau một tai nạn ô tô. Lập tức, Kluge được cử thay thế von Rundstedt. Đó là cách thức Hitler thay đổi chỉ huy cấp cao.

Ngày 15 tháng 7, Rommel gửi cho Hitler một bức thư dài qua đường viễn ký:

Binh sĩ đang chiến đấu khắp nơi một cách anh dũng, nhưng trận chiến không cân sức đang đi đến hồi kết… Tôi van nài ông nhanh chóng rút ra kết luận thích hợp. Là Tư lệnh Tập đoàn quân, tôi thấy mình có bổn phận phải trình bày việc này một cách rõ ràng.

Rommel nói với Speidel:

Tôi đã cho ông ấy cơ hội cuối cùng. Nếu ông ấy không nắm lấy cơ hội này thì tôi sẽ hành động.

Hai ngày sau, vào buổi chiều 17 tháng 7, trong khi ngồi trên xe từ mặt trận Normandie trở về tổng hành dinh, máy bay chiến đấu Đồng minh bắn Rommel bị thương nặng đến nỗi lúc đầu người ta nghĩ ông không thể sống sót. Binh nghiệp của ông chấm dứt từ đây.

Nơi người lính nằm lại

Đa số những người lính ngã xuống ngày D và những ngày tháng kế tiếp an nghỉ trong những nghĩa trang vùng Normandie. Tổng cộng có 13 nghĩa trang cho quân hai bên ở Normandie. Họ nằm bên đồng đội, và nằm không xa nơi những người lính bên kia an nghỉ.

Nhiều cựu thù an nghỉ trong cùng một nghĩa trang, ví dụ như:

  • Nghĩa trang Anh Fontenay-le-Pesnel: 461 lính Liên hiệp Anh và 59 lính Đức (Sư đoàn 12 Thiết giáp)
  • Nghĩa trang Anh La Délivrande: 943 lính Liên hiệp Anh và 180 lính Đức
  • Nghĩa trang Anh Saint-Manvieu: 1,627 lính Anh và 555 lính Đức
  • Nghĩa trang Anh Tilly-sur-Seulles: 990 lính Đồng minh và 232 lính Đức

Một số nghĩa trang khác là như sau.

Nghĩa trang Anh Ranville: Ranville là ngôi làng đầu tiên được Sư đoàn 6 Không vận Anh giải phóng. Nghĩa trang ở đây có trên 2.500 ngôi mộ, trong đó 322 ngôi mộ của lính Đức. Đa số lính Sư đoàn 6 tử trận an nghỉ ở đây. Trung úy Den Brotheridge, được xem là người lính Đồng minh ngã xuống trong Ngày D, cũng ở đây.

This image has an empty alt attribute; its file name is nghia-trang_anh-ranville.jpg
Nghĩa trang Anh Ranville

Nghĩa trang Canada Bény-sur-Mer: gần Caen, cách ngôi làng Reviers 1 kí-lô-mét về hướng đông, cũng có 3 lính Anh và 1 lính Pháp an nghỉ tại đây, tổng cộng 2.048 ngôi mộ.

Nghia trang Canada Beny-sur-Mer
Nghĩa trang Canada Bény-sur-Mer

Theo một người cháu của một lính Canada được an táng ở đây:

Nghĩa trang được chăm sóc tươm tất. Tất cả các ngôi mộ đều được trồng hoa, không có cỏ dại mọc lan. Phần lớn người an nghỉ ở đây có tuổi 19-24 khi qua đời. Trên 2000 chàng trai trẻ.

Nghĩa trang và Đài tưởng niệm Mỹ Normandie: ở Colleville-sur-Mer, nhìn xuống Bãi Omaha, là nơi an nghỉ của 9.286 người, trong số đó có 307 chiến sĩ vô danh. Có 1.557 tên người được ghi nhưng không thể lập phần mộ cho họ. Đại tướng Lesley J. McNair là tướng Mỹ cấp cao nhất tử trận ở Normandie (một trong 4 thượng tướng của Mỹ tử trận trong Thế chiến 2, mười năm sau được Quốc hội Mỹ truy thăng đại tướng); Thiếu tướng Theodore Roosevelt, Jr. cũng an nghỉ ở đây. Trung úy phi công Quentin Roosevelt (cho đến năm 2018 là con trai duy nhất của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tử trận trên chiến trường) được cải táng ở đây để anh em gần nhau. Hai anh em khác ở đây là Thiếu úy Preston T. Niland và Thượng sĩ Robert J. Niland.

Nghia trang & Dai Tuong niem My Normandy
Nghĩa trang và Đài tưởng niệm Mỹ Normandie

Trong bài diễn văn kỷ niệm tròn 70 năm Ngày D, Tổng thống Obama nói:

“Vào cuối cuộc chiến, khi những con tàu của chúng tôi khởi hành về nước Mỹ chở đầy những người ngã xuống, hàng chục nghìn người Châu Âu được giải phóng đến để nói lời giã biệt. Và họ cam kết chăm sóc cho trên 60.000 người Mỹ nằm lại trong các nghĩa trang trên lục địa này, mà theo lời một người, ‘như thể họ là con cái của chúng tôi.’ Các bạn đã giữ lời, như những người bạn thật sự. Chúng tôi luôn lấy làm cảm kích.”

Nghĩa trang Đức Orglandes: ở rìa phía bắc ngôi làng Orglandes, cách Bayeux 25 kí-lô-mét về phía tây, tổng cộng 10.152 ngôi mộ. Trung tướng Wilhelm Falley, tướng lĩnh Đức cấp cao nhất tử trận Ngày D, được an táng ở đây.

Nghia trang Duc Orglandes (Andy Lock)
Nghĩa trang Đức Orglandes

Nghĩa trang Đức La Cambe: ở gần Bayeux, tổng cộng hơn 21.200 ngôi mộ.

Nghia trang_Duc La Cambe
Nghĩa trang Đức La Cambe

Hình ảnh trước và sau

Ngay ay_Weymouth 3
Cảng Weymouth, Anh quốc

 

Ngay ay_Bai Juno 3
Bãi Juno

 

 

Ngay ay_Bernieres 3
Nôtre Dame, Bernière-sur-Mer

 

Ngay ay_St-Mere-Eglise 3
Sainte-Mère-Église

 

Ngay ay_Saint-Lo 3
Saint-Lô

 

Ngày D được tô màu

“Thế hệ của Thế chiến 2 hầu hết đã ra đi, vì thế tôi nghĩ điều quan trọng là cứu lấy những bức ảnh này qua một phương cách nhằm giúp thế hệ mới quan tâm – vì thế người ta sẽ có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đó là việc mà tôi đang làm kể từ khi tôi bắt đầu tô màu các bức ảnh hai năm trước.”

“Tôi luôn tự nhủ rằng tôi đang làm việc với những sự kiện lịch sử, công việc của tôi không phải là thay đổi câu chuyện và làm cho nó thay đổi theo ý muốn của tôi.”

Đó là lời của nghệ sĩ Marina Amaral người Brazil, người đã dày công tô màu bằng Photoshop nhiều ảnh lịch sử trắng đen, nhân kỷ niệm Ngày D tròn 73 năm. Dưới đây là một số ảnh được cô Marina Amara tô màu.

Marina Amaral_Soldiers of 101st Airborne Division, 5 June
Lính Sư đoàn 101 Không vận, ngày 5/6

 

Marina Amaral_Transfer to LC.jpg
Binh sĩ từ tàu mẹ xuống tàu đổ bộ

 

Su doan 1 BB Omaha 6-Jun
Binh sĩ Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ đổ bộ lên Bãi Omaha, Ngày D

 

Marina Amaral_Biet kich Hai quan Anh, Sword, 06-Jun
Biệt kích Hải quân Anh ở Bãi Sword, Ngày D

 

Marina Amaral_Su doan 50 gan St Gabriel
Binh sĩ Sư đoàn 50 Bộ binh Anh gần St Gabriel

 

Marina Amaral_New York Times Square
Xem tin về Ngày D trên quang báo, Times Square, Thành phố New York

Những người ấy sau này

Günther Blumentritt: sau Thế chiến 2 tham gia việc xây dựng Quân đội Tây Đức mới.

Logan Scott-Bowden: sau Thế chiến 2 về hưu với quân hàm thiếu tướng.

Omar Bradley: sau Trận Normandie là Tư lệnh Tập đoàn quân 12 gồm 1,3 triệu quân (đơn vị quân đội lớn nhất lịch sử của Mỹ dưới quyền một người) đánh từ Pháp tới Đức, là người cuối cùng được thăng thống tướng Mỹ trong Thế chiến 2 (ngày 22/9/1950).

Charles Canham: do chiến công trong Trận Normandie được trao tặng Huân chương Distinguished Service Cross cao quý thứ nhì (sau Huân chương Danh dự) và được thăng thiếu tướng rồi làm Phó Tư lệnh Sư đoàn 8 Bộ binh. Ở cương vị này ông có câu nói nổi tiếng. Tháng 9/1944, Sư đoàn 8 giải phóng  Cảng Best. Canham đến gặp người trấn giữ cảng này, Trung tướng Hermann-Bernhard Ramcke, để nhận đầu hàng. Ramcke ỷ mình có quân hàm cao hơn nên yêu cầu Canham xuất trình thư ủy nhiệm. Canham chỉ những người lính Mỹ, lấm lem bùn đất đi cùng để chứng kiến sự đầu hàng, nói: “Đây là thư ủy nhiệm của tôi.” Câu nói này được xem là sự vinh danh cao nhất dành cho người lính bình thường. Sau Thế chiến 2 Canham là Tư lệnh Sư đoàn 82 Không vận.

Robert Capa: tử thương ngày 25/5/1954 do dẫm phải mình khi săn ảnh cho tạp chí Life trong một trận đánh giữa Pháp và Việt Minh ở Thái Bình.

Norman Cota: sau khi Paris được giải phóng,  dẫn đầu quân Mỹ diễu hành trên Đại lộ Champs Élisées, làm Tư lệnh Sư đoàn 28 Bộ binh, mắc sai sót nên sau Thế chiến 2 về hưu chỉ với quân hàm trung tướng.

Friedrich Dollmann: nghe tin Hitler dọa sẽ đưa ra tòa quân sự sau khi Cherbourg thất thủ ngày 26/4/1944, rồi chết trong trường hợp khả nghi, nhiều người nói là do ông tự tử.

Dwight D. Eisenhower: được thăng thống tướng ngày 20/12/1944, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ (1945-1948), Tư lệnh Tối cao đầu tiên của NATO (1950-1952), Tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ (1953-1961).

James Gavin: được thăng trung tướng, rồi ở tuổi 48 là thượng tướng trẻ nhất của Hoa Kỳ (tháng 3/1955), Đại sứ Mỹ tại Pháp (1961-1962).

Marcelle Hamel: sau Thế chiến 2 nhận bằng đại học, được cử làm hiệu trưởng một trường trung học, nhận Ordre des Palmes Académiques, là huân chương của Pháp tưởng thưởng công lao xuất chúng về văn hóa và giáo dục.

Friedrich von der Heydte: sau Thế chiến 2 lấy bằng tiến sĩ rồi được bổ làm giáo sư công pháp quốc tế tại Đại học Mainz, đồng thời phục vụ quân đội Tây Đức, về hưu với quân hàm thiếu tướng.

Percy Hobart: trước đó đã bị cấp trên bảo thủ trù dập cho về hưu năm 1940, nhờ Churchill ra lệnh thu dụng lại, nhưng sau Trận Normandie không được Anh thăng thưởng gì, chỉ được Mỹ trao tặng Huân chương Legion of Merit mà ông rất lấy làm vinh hạnh.

Lawrence Hogben: sau chiến tranh lấy bằng Tiến sĩ rồi trong 35 năm làm việc cho Công ty Imperial Chemical Industries.

Georges Gondrée: sau chiến tranh cùng bà vợ tiếp tục quản lý nhà hàng café, cứ mỗi năm vào ngày 6 tháng 6 đãi rượu các cựu chiến binh Trận Normandie. Quán café được xem là di tích cấp quốc gia. Khi kênh được mở rộng, cầu mới được xây nhưng Cầu Pegasus cũ được bảo tồn ở bảo tàng gần đó.

John Howard: do công trạng chiếm giữ hai chiếc cầu, được trao tặng huân chương Distinguished Service Order cao quý hàng thứ nhì và huân chương Croix de Guerre avec Palme của Pháp cao quý tương tự, được mời đi đây đó để thuyết trình về chiến thuật đánh chiếm thần tốc (coup de main), cũng thường trở lại thăm khu vực Cầu Pegasus và tái ngộ Georges Gondrée.

Georges Gondree Major Howard Lieutenant David Wood 1946.
Georges Gondrée, Thiếu tá Howard và Trung úy David Wood năm 1946

Irving Krick: trở về Mỹ nhận chân Chủ nhiệm Khoa Khí tượng ở CalTech, khoe khoang nhưng bị bóc mẽ, cùng lúc lập một công ty tư vấn dùng thiết bị và số liệu mà chính phủ cấp miễn phí cho trường. Ông bị chấm dứt hợp đồng với CalTech. Nhưng công việc tư vấn vẫn thành công, như dự báo đúng là tuyết sẽ rơi vào ngày Eisenhower nhậm chức tổng thống.

George Lane: vượt ngục, vào một bệnh viện và được một bác sĩ ở đây che giấu, rồi khi quân Đồng minh đến ra trình diện, được Anh cho nhập tịch năm 1946, nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Ông luôn tin rằng Rommel đã cứu mạng sống của mình. Ông sống cho đến năm 2018, hưởng thọ 95 tuổi.

Trafford Leigh-Mallory: ngày 16/8/1944 được cử làm Tổng Tư lệnh Bộ chỉ huy Đông Nam Á với quân hàm đại tướng không quân. Nhưng trước khi nhận nhiệm vụ, ngày 14/11/1944 ông và vợ tử nạn máy bay ở Miến Điện. Ông là sĩ quan đương nhiệm cấp cao nhất của Anh chết trong Thế chiến 2.

Erich Marcks: khi đi thị sát tiền tuyến ngày 12/6/1944, một máy bay Đồng minh tấn công khiến ông phải rời bỏ chiếc xe gần Hebecrevon (tây-bắc Saint-Lô). Ông bị thương nặng ở đùi vì một viên đạn 20 li. Tài xế đưa ông xuống núp dưới một con hào, rồi vì mất máu quá nhiều ông qua đời.

Bernard Montgomery: được thăng thống chế, chỉ huy các lực lượng Anh và Canada trên chiến trường Châu Âu (1944-1945), Tham mưu trưởng Lục quân Hoàng gia Anh (1946-1948) rồi làm Phó Tư lệnh Tối cao NATO cho đến lúc nghỉ hưu năm 1958.

Frederick Morgan: sau Thế chiến 2 phụ trách chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử của Anh quốc.

Walter Ohmsen: sau Thế chiến 2 gia nhập hải quân Tây Đức rồi về hưu với hàm trung tá.

Werner Pluskat: sau Thế chiến 2 là một trong những tư vấn cho việc thực hiện phim The Longest Day. Trong phim chuyển thể này cũng như quyển sách cùng tên, ông được thể hiện là người lính Đức đầu tiên trông thấy hạm đội Đồng minh ngoài bờ biển Normandy. Tuy nhiên, có nguồn phía Đức phản biện điều này, cho rằng vào ngày đó Pluskat không có mặt trong đơn vị của ông. Vì lý do có tranh cãi đó, bài viết này không ghi câu chuyện của ông.

Josef Priller: ngày 15/6/1944 bắn hạ chiếc máy bay thứ 100, được tặng thưởng Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt với Lá sồi và Gươm (Knight’s Cross of the Iron Cross with Oak Leaves and Swords), cao quý hàng thứ ba của Đức Quốc xã, sau chiến tranh quản lý một nhà máy làm bia, và là một trong những tư vấn cho việc thực hiện phim The Longest Day.

Karl-Jesko von Puttkamer: ngày 20/7/1944 bị thương trong vụ ám sát Hitler bằng bom, đi theo Hitler vào sống dưới boong-ke ở Berlin, ngày 20/4/1945 cùng một nhóm nhỏ được lệnh đi Berghop để tiêu hủy tài liệu của Hitler. Sau khi Đức đầu hàng ngày 8/5/1945, bị giam cầm cho đến tháng 5/1947.

Bertram Ramsay: ngày 2/1/1945 bị tử nạn máy bay khi đang trên đường đi gặp Montgomery.

Matthew B. Ridgway: được thăng lên thượng tướng (1945), trong Chiến tranh Triều Tiên là Tư lệnh Đại quân đoàn 8, đến năm 1951 thay thế Thống tướng MacArthur làm Tư lệnh Tối cao Bộ chỉ huy Viễn Đông và được thăng lên đại tướng, năm 1952 thay thế Eisenhower làm Tư lệnh Tối cao của NATO.

Helmut Roemer: bị đưa vào trại tù binh ở Canada mà anh kể “giống như trong trại nghỉ dưỡng.” Anh xem mình là người may mắn vì được Đồng minh “giải phóng” trong Ngày D, lại còn được ăn uống đầy đủ và được học hành. Năm 1947, anh cùng các tù binh Đức khác được phóng thích và trở về Đức với những món xa xỉ khó tưởng tượng là thuốc lá và cà phê. Anh trở lại thăm Cầu Pegasus và làm bạn với Thiếu tá John Howard, người đã chỉ huy quân Anh chiếm chiếc cầu.

Erwin Rommel: bị máy bay bắn trọng thương ngày 17/7/1944, chấm dứt sự nghiệp chiến đấu kể từ đây. Vì liên can trong vụ ám sát Hitler, ngày 14/10/1944 Hitler ra lệnh hạ sát ông với lời hứa sẽ tổ chức quốc tang cho ông và không truy cứu vợ con ông.

Theodore Roosevelt Jr_2
Thiếu tướng Theodore Roosevelt, Jr. vài giờ trước khi qua đời

Theodore Roosevelt, Jr.: là người lính Đồng minh lớn tuổi nhất (57 tuổi) đổ bộ Ngày D. Ngày 12/7/1944, Omar Bradley ký công văn đề nghị thăng ông lên trung tướng mà ông không bao giờ biết. Vào ngày ấy ông bỏ nhiều thời giờ trò chuyện với con trai, đại úy Quentin Roosevelt II cũng đổ bộ lên Normandie, rồi đến nửa đêm ông qua đời vì chứng đau tim. Khi Eisenhower đọc công văn của Bradley thì cũng được tin Roosevelt đã qua đời.

Ông được truy tặng Huân chương Danh dự cao quý do sự chỉ huy can trường và hiệu quả. Sau này, khi được yêu cầu nêu ra một gương anh dũng nhất trong Trận Normandie, Tướng Bradley đáp: “Ted Roosevelt trên Bãi Utah.”

Gerd von Rundstedt: bị Hitler cách chức ngày 2/7/1944. Sau Thế chiến 2 bị quy là tội nhân chiến tranh do người Ba Lan tố cáo lính dưới quyền ông phạm tội ác đối với binh sĩ Ba Lan mặc quân phục. Ông không ra tòa vì lý do sức khỏe, rồi được trả tự do (1948).

Hans von Salmuth: sau Trận Normandie bị cách chức, sau Thế chiến 2 bị đưa ra Tòa án Nuremberg vì tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người, bị kết án 20 năm tù, sau đó được giảm án còn 12 năm và mãn hạn tù (1953).

Leo Geyr von Schweppenburg: được Rommel giao nhiệm vụ phản công quân Đồng minh, nhưng ngày 10/6/1944 bị thương nặng do không quân Anh oanh kích. Hitler bãi nhiệm ông cùng ngày với Rundstedt.

Walter Bedell Smith: sau chiến tranh là Đại sứ Mỹ tại Liên Xô (1945-1948), Giám đốc CIA (1950-1953), được thăng đại tướng (1951), và Thứ trưởng Ngoại giao (1953-1954).

Hans Speidel: được thăng trung tướng, sau Thế chiến 2 làm đại tướng của Cộng hòa Liên bang Đức trong khối NATO, Tư lệnh lực lượng trên bộ của NATO (1957-1963).

James Stagg: được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Khí tượng Anh. Trong cuộc phỏng vấn 20 năm sau Trận Normandie, Eisenhower có nhiều lời ca ngợi ông.

John Steele: bị quân Đức bắt rồi trốn thoát được, trở về với đơn vị cũ. Sau Thế chiến 2, ông thường đến thăm lại Sainte-Mère-Église, và được phong là công dân danh dự của thị trấn này.

Maxwell Taylor: được thăng đại tướng (1953), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng hòa (1964-1965).

Arthur Tedder: được thăng thống chế, Tham mưu trưởng Không lực Hoàng gia Anh (1946-1950), Viện trưởng Đại học Cambridge (1950–1967).

Roy Wooldridge: nhờ có Rommel mà không bị xử tử, bị gram trong trại tù binh Đức cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc, được thăng đại úy, và sống cho đến năm 2017, hưởng thọ 97 tuổi.

Willard G. Wyman: sau Thế chiến 2 là Đại tướng Tổng tư lệnh các Lực lượng Bộ binh NATO vùng Đông-Nam Châu Âu (1952-1954), cuối cùng là Tổng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lục địa Hoa Kỳ (1956-1958).

Tổng kết

Một số yếu tố kết hợp nhau tạo nên thành công cho Trận Normandie.

Nghi binh

Đồng minh cần một yếu tố chủ chốt: yếu tố bất ngờ, và họ đạt được nhiều kết quả ngọt ngào. Trước Trận Normandie là chiến dịch nghi binh quá chi li, quá thần kỳ! Kết quả lớn lao nhất là Đức dồn sức mạnh quân sự để phòng ngự vùng Pas-de-Calais, khiến cho vùng Normandie yếu hơn hẳn. Trong ba sư đoàn thiết giáp dưới quyền điều động của Rommel, hai sư đoàn được bố trí để bảo vệ Pas-de-Calais.

Rồi khi quân dù nhảy xuống và tấn công khắp cùng cả 3 tiếng đồng hồ mà Tổng tư lệnh Mặt trận Tây Rundstedt và Tham mưu trưởng Tập đoàn quân B Speidel vẫn không tin đó là cuộc đổ bộ trên diện rộng, và đến gần trưa Hitler vẫn không tin đó là chiến dịch đổ bộ. Quá nhiều thời gian bị phía Đức bỏ uổng phí vào lúc đầu, để khi có quyết định thì đã muộn.

Chiến dịch nghi binh của Đồng minh gây nê cách ứng phó vô tổ chức đến mức rối loạn phía Đức, ví dụ như một lệnh quan trọng mà người này nghĩ người kia đã ban hành, hoặc như do tình trạng hỗn loạn dẫn đến những báo cáo tiền phương thiếu chính xác, đôi khi khó hiểu và luôn trái ngược nhau. Nghi binh còn khiến cho các chỉ huy chiến trường cho đến Hitler trong nhiều tiếng đồng hồ của Trận Normandie vẫn hoang mang: có phải đó là mũi tấn công thực sự hay không?!

Sức mạnh

Tiềm lực kinh tế dồi dào cộng với trình độ kỹ thuật của Đồng minh – nhất là của Mỹ-Anh – hỗ trợ rất nhiều cho chiến dịch. Mặc dù Cảng Chesbourg bị quân Đức tàn phá và đến tháng 8 mới được khôi phục, ngay từ ngày đầu của chiến dịch hàng hậu cần vẫn được đổ lên bờ đầy đủ cho một đoàn quân ngày càng đông hơn.

Ngược lại, tình hình phía Đức gói gọn trong một chữ: “thiếu”. Thiếu tàu, thiếu máy bay, thiếu đại bác, và nhất là thiếu người – quân số và mức độ huấn luyện đều thiếu. Hitler đã phê bình Hoàng đế Đức vì lâm vào Thế chiến I trên hai mặt trận, nhưng quân Quốc xã đang lâm vào ba mặt trận: phía đông chống Liên Xô dọc chiến tuyến dài 2.000 kí-lô-mét, mặt trận Địa Trung Hải dài 3.000 kí-lô-mét, và mặt trận phía tây dài 3.000 kí-lô-mét. Thật ra, còn có mặt trận thứ tư: ở chính quốc Đức chống lại những đợt thả bom ngày của Không lực Hoàng gia Anh và đêm của Không lực Mỹ. Chính ở chữ “thiếu” đó mà có một nhận định cho rằng dù Hitler ngủ hay thức sáng ngày 6 tháng 6 và dù Rommel ở nhà hay ở trận tiền ngày 4-6 tháng 6, kết cục vẫn không thay đổi.

Kết quả là chiến dịch đổ bộ lên Normandie được yểm trợ bởi lực lượng hải quân và không quân khổng lồ chưa từng có trước đó và cho đến bây giờ. Ngược lại, vào Ngày D hải quân Đức chỉ có 3 khinh tốc đỉnh bắn chìm được một tàu nhỏ của Đồng minh, còn không quân chỉ có 2 máy bay cất cánh không gây thiệt hại đáng kể cho quân Đồng minh rồi lủi mất tăm. Kết luận về yểm trợ: thế mạnh áp đảo về phía Đồng minh.

Đồng minh đưa 8 sư đoàn bộ binh đổ bộ lên bãi biển và thả 3 sư đoàn dù trên đất liền. Các đơn vị này đều được huấn luyện chu đáo trong khi vùng đổ bộ chỉ có 6 sư đoàn bộ binh của Đức với năng lực chiến đấu cao thấp khác nhau. Kết luận về bộ binh: thế mạnh đáng kể về phía Đồng minh.

Đức sở hữu 9 sư đoàn thiết giáp có thể được huy động chống Đồng minh, nhưng chỉ là “có thể” trên lý thuyết. Vì sự phân nhiệm vô lý, lực lượng này hầu như bị chôn chân trong khi tăng đổ bộ của Đồng minh thuộc loại nhẹ, một số lớn lại bị chìm khi đổ bộ. Kết luận về thiết giáp: thế mạnh về phía Đức nhưng họ không thể khai thác!

Cũng do khác biệt về sức mạnh và kỹ thuật mà khả năng  dự báo thời tiết của Đức yếu kém hẳn. Hậu quả là nhiều chỉ huy quân sự vắng mặt tại nhiệm sở, quân Đức thiếu sự chỉ huy sát sao trong khi phó tướng ở các tổng hành dinh không dám hoặc không có đủ thẩm quyền ra lệnh.

Thật ra, theo một vài phương diện phía Đức không thiếu sức mạnh. Quân báo Đức giải mã được bản tin đài BBC về cuộc đổ bộ sắp tới, nhưng các chỉ huy quân đội Đức không tin. Lại là do nghi binh phía Đồng minh (xem ở trên).

Và nếu phía Đức huy động nhanh chóng các sư đoàn thiết giáp để nghênh chiến thì có thể Eisenhower sẽ phải đọc bản thông cáo mà ông đã soạn sẵn, nhận trách nhiệm về cuộc đổ bộ thất bại, và lịch sử có thể quay theo hướng khác.

Tin tưởng, lãnh đạo và cơ cấu chỉ huy

Tin tưởng tạo ra sự lãnh đạo quyết đoán, và lãnh đạo quyết đoán cũng đến từ cơ cấu chỉ huy rành mạch.

Có sự khác biệt lớn: Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh tin nơi Eisenhower, Eisenhower tin nơi các tướng lĩnh, các tướng lĩnh Đồng minh tin tưởng nhau; trong khi Hitler không tin nơi tướng lĩnh của mình và các tướng lĩnh Đức khinh thường nhau. Hitler tự cho mình là thiên tài quân sự, bảo Rommel như dạy bảo học trò là đừng nói chuyện chính trị mà chỉ nên chú trọng vào mặt trận, trong khi von Rundstedt thường gọi Hitler là “anh hạ sĩ người Bô-hê-miêng”, gọi Rommel là “Thống chế nhóc tì”, và mắng Thống chế Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao) là “đồ ngốc”. Cũng vì khinh thường Hitler mà trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng von Rundstedt không màng đích thân gọi cho Hitler để thuyết phục giao lực lượng thiết giáp cho mình. Nếu vị Thống chế tỏ ra nhún nhường và thiết tha, hẳn ông có thể đạt ý nguyện.

Khi được tin tưởng, Eisenhower được trao toàn quyền, tạo nên sự lãnh đạo quyết đoán. Nhờ đó,  Eisenhower có thể ra lệnh hoãn cuộc đổ bộ trong 24 giờ, rồi sau đó quyết định cho đổ bộ ngày 6 tháng 6. Dĩ nhiên là trong cả hai trường hợp ông đều lắng nghe ý kiến các cộng sự, nhưng quyết định cuối cùng là chỉ do một mình ông. Sau chiến tranh, Phó đô đốc Friedrich Ruge ca ngợi Eisenhower vì đã đi đến “một trong những quyết định thật sự lớn lao nhất trong lịch sử quân sự.” Ông nói thêm rằng không chỉ huy quân sự nào phía Đức có thể làm như thế nếu không xin chỉ thị từ bên trên. Đó là do một khác biệt nữa: trong khi Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill lắng nghe và tin tưởng Eisenhower thì Hitler không chịu nghe ai hết, tự cho mình là thiên tài quân sự!

Cơ cấu chỉ huy

Nhà quân sử Ambrose nhận xét: một trong những “vấn nạn lớn của Đồng minh vào cuối năm 1943 chính vì họ là đồng minh.” Eisenhower giải quyết được vấn nạn này. Ông vượt qua những bất đồng nội bộ và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa để xây dựng một guồng máy hoạt động nhịp nhàng, có tổ chức, có tính khoa học, và trên hết: tin tưởng lẫn nhau cho mục đích chung, bỏ qua những tị hiềm cá nhân.

Có sự khác biệt lớn nữa: Eisenhower yêu cầu và được chấp nhận người làm tham mưu trưởng cho mình và có toàn quyền đối với tất cả các đơn vị thuộc 5 quân chủng hải quân, cảnh sát biển, lục quân, không quân và thủy quân lục chiến theo đúng danh nghĩa Tư lệnh Tối cao, trong khi von Rundstedt mang danh là tổng tư lệnh mặt trận Tây Âu nhưng không có quyền điều động hải quân, không quân và thậm chí một số sư đoàn thiết giáp đóng trên địa bàn của mình.

Đúng là thoạt đầu Eisenhowr phải tranh đấu với cấp trên để có quyền đối với các lực lượng không quân chiến lược, những người không muốn được bảo phải đánh bom ở đâu vì muốn dành ưu tiên đánh bom xuống đất Đức. Nhờ được tin tưởng mà Eisenhower được trao quyền như mong muốn. Đến phiên ông cho phép tướng lĩnh dưới quyền được linh động tùy theo tình hình mặt trận đòi hỏi ở mỗi lúc mỗi nơi. Nhờ đó mà tướng Roosevelt, Jr. ra lệnh thay đổi vị trí của những đợt đổ bộ kế tiếp tạo bước đột phá, còn các khu trục hạm khi thấy quân Mỹ nằm bẹp dưới hỏa lực Đức lập tức tiến sát bờ để bắn phá các vị trí quân Đức trên bãi biển trong khi đó không phải là nhiệm vụ họ được giao ban đầu, nhờ đó cứu nguy cho quân Mỹ.

Trái lại, Hitler có những áp đặt vô lý còn tướng Jodl ở Bộ Chỉ huy Tối cao quá cứng nhắc, vô hình trung trói tay Rundstedt và Rommel. Điều kỳ quái mà có thật (Shirer cho là “ngu xuẩn”) là Hitler nắm quyền điều động các sư đoàn thiết giáp cách xa cả nghìn kí-lô-mét trong khi ông ta không thể theo dõi sát sao những diễn tiến của chiến trường.

Cũng có khác biệt lớn là hệ thống phân nhiệm rõ ràng trong tổ chức SHAEF của Eisenhower, so với sự phân nhiệm phức tạp giữa các cơ cấu của Rundstedt (OB West) và Rommel (Tập đoàn quân B) cũng như giữa hai người này và von Schweppenburg (Thiết giáp Mặt trận Tây). Sự phân nhiệm còn dẫn đến hệ lụy kỳ khôi khi Đại tướng Marcks phải xin phép Trung tướng Hans Speidel mới được sử dụng Sư đoàn 21 Thiết giáp (sau cả buổi sáng chờ đợi!), còn Thống chế von Runstedt bị Chuẩn Thống chế Jodl từ chối việc sử dụng hai sư đoàn thiết giáp khác (phải chờ 13 tiếng đồng hồ cho đến chiều!)

Về phía Đức, quyền hành quyết đoán được thực thi sai chỗ. Khi đi ngủ, Hitler ra lệnh không ai được đánh thức ông trước 9 giờ sáng, và Jodl răm rắp tuân theo dù báo cáo chiến sự đang dồn dập bay tới. Nếu Eisenhower ra lệnh tương tự thì hẳn bất kỳ người nào dưới quyền cũng sẽ làm trái lệnh này mà đánh thức vị Tư lệnh Tối cao nếu thấy cấp bách – và tạo khác biệt lớn.

Chính nghĩa

Còn có một yếu tố sâu xa khác. Các tướng lĩnh Đồng minh hết lòng tin tưởng nơi chính nghĩa của họ: chiến đấu vì tự do. Trong khi đó, Speidel (tham mưu trưởng của Rommel) gia nhập nhóm chống đối Hitler và còn thuyết phục Rommel gia nhập theo, hai tư lệnh Đại Quân đoàn 7 và 15 không phải là những chỉ huy chiến trường nhiệt tình, riêng nhà quý tộc Rundstedt là một kiểu tướng Phổ theo truyền thống hơn là người theo Quốc xã cuồng nhiệt.

Vì những yếu tố trên, cuộc đổ bộ lên Normandie là bước ngoặt quan trọng, thể hiện sự xoay chiều của Thế chiến 2, và cũng là khởi đầu cho sự kết thúc của Đế chế thứ Ba – Đức Quốc xã.

Hai mươi năm sau

Eisenhower ngồi trên một băng ghế trong Nghĩa trang Quân sự Mỹ ở Saint‐Laurent sur‐Mer, nhìn xuống Bãi Omaha. Khi nhìn qua 9.000 nấm mộ trong nghĩa trang, ông nói:

“Tôi thiết tha mong mỏi chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy khung cảnh như thế này nữa. Tôi suy nghĩ và hy vọng và cầu nguyện rằng nhân loại sẽ lĩnh hội hơn là chúng tôi đã lĩnh hội cho đến lúc ấy. Nhưng những người này đã cho chúng ta một cơ may, và họ cho chúng ta thời gian, hầu chúng ta có thể làm tốt hơn trước.

“Vì thế mỗi lần tôi trở lại những bãi biển này, hoặc bất kỳ ngày nào khi tôi nghĩ về ngày đó 20 năm trước, một lần nữa tôi muốn nói chúng ta phải tìm cách làm việc cho nền hòa bình, và thật sự đạt đến một nền hòa bình vĩnh cửu cho thế giới này.”

Nhiều năm sau

Trong một bài diễn văn đọc năm 1953 khi đang đau yếu, Eisenhower phát biểu:

“Mỗi một khẩu súng được chế tạo, mỗi một tàu chiến được hạ thủy, mỗi một hỏa tiễn được bắn đi, theo ý nghĩa chung cục đó là những thứ cướp giật được từ những người đói không được cho ăn, những người chịu lạnh không có đủ áo ấm. Thế giới của vũ khí này không chỉ hoang phí tiền của. Đó còn là sự hoang phí mồ hôi của công nhân, trí tuệ của khoa học gia, hy vọng của trẻ em.”

Tham khảo

Ambrose, S.E. (1994). D-Day: June 6, 1944 — The Climactic Battle of WWII. Simon and Schuster.

Balkoski, J. (2014). “We’ve gonna die”http://liberationtrilogy.com/the-road-to-d-day/were-gonna-die/

Beevor, A. (2009). D-Day: The Battle for Normandy. Viking.

Bull, J. (2018). The Weatherman: The Man Who Decided D-Dayhttps://blog.usejournal.com/the-weatherman-the-man-who-decided-d-day-d0eb5cad3f7e

Butcher, H. (1946). My Three Years with Eisenhower. Simon and Schuster, New York.

Citino, R. M. (2017). D-Day Through a German Lenshttp://www.historynet.com/d-day-german-lens.htm

Daily Mail (2011). The X-craft secret to D-Day revealed: Submariners who led invasion after spending FIVE DAYS on seabed just yards from Nazi gunshttps://www.dailymail.co.uk/news/article-2015984/Honours-submariners-led-secret-D-Day-invasion.html

Dean, M. (2018). Battle of Normandy Factshttp://www.worldwar2facts.org/battle-of-normandy.html

Dillon, J. (2004). D-Day Was a Short Day for Somehttps://www.bbc.co.uk/history/ww2peopleswar/stories/42/a2299142.shtml

Encyclopaedia Britannica (2018). James Martin Stagghttps://www.britannica.com/biography/James-Martin-Stagg

Encyclopaedia Britannica. German Chain of Command in Western Europe, June 1944https://www.britannica.com/topic/German-Chain-of-Command-in-Western-Europe-June-1944-1673116#ref830443

Gore-Langton, R. (2014). The tragedy of Slapton Sands: The real story of that terrible nighthttps://www.express.co.uk/news/uk/475351/The-tragedy-of-Slapton-Sands-The-real-story-of-that-terrible-night

History Documentary – World War 2 Normandy Invasion In Colour Best Documentary HD, Full Documentary. May 28, 2015 – https://www.youtube.com/watch?v=N-P4GoG69Xw

Hymell, K.M. (2017). Cracking the Vierville Draw at Omaha Beachhttps://warfarehistorynetwork.com/daily/wwii/cracking-the-vierville-draw-at-omaha-beach/

IWM Staff (2018). A Who’s Who of D-Day.  https://www.iwm.org.uk/history/a-whos-who-of-d-day

IWM Staff (2018). What you Need to Know about the D-Day Beacheshttps://www.iwm.org.uk/history/what-you-need-to-know-about-the-d-day-beaches

Kershaw, I. (2008). Hitler. Penguin Books.

Klein, C. (2014). The Weather Forecast That Saved D-Dayhttps://www.history.com/news/the-weather-forecast-that-saved-d-day

Kuhne, M. & Byrne, K. D-Day anniversary: How the weather forecast changed the tide of warhttps://www.accuweather.com/en/weather-news/d-day-anniversary-how-the-weather-forecast-changed-the-tide-of-war/70001862

Logan, W. B. (2013). The Weather on D-Dayhttps://medium.com/@wwnorton/the-weather-on-d-day-85ea0491a14f

Mayo, J. (2014). D-Day Minute by Minute. Atria Books/Marble Arch Press

Milton, G. (2018). D-Day – The Soldier’s Story. John Murray (Publishers), Hachette UK, London.

Miskimon, C. (2018). Glider Assault on Pegasus Bridgehttps://warfarehistorynetwork.com/daily/wwii/glider-assault-on-pegasus-bridge/

Moutin-Luyat, S. & Elie, P. (no date). 6 June 1944: A particular dayhttp://www.6juin1944.com/en_journee.html

New World Encyclopedia (2016). Battle of Normandyhttp://www.newworldencyclopedia.org/entry/Battle_of_Normandy

OK Let’s Go: D-Day. Dec 16, 2013. https://www.youtube.com/watch?v=7MNyysN8NaA

Palmer, A. (2014). D-Day as it happened minute-by-minutehttps://www.mirror.co.uk/news/uk-news/d-day-happened-minute-by-minute—how-3649663

Roberts, M.L. (2014). D-Day through French Eyes: Normandy 1944. The University of Chicago Press.

Ross, J. (2014). The Forecast for D-Day: And the Weatherman behind Ike’s Greatest Gamble. Globe Pewuot Press, Guilford, CT, U.S.A.

Ryan, C. (1959). The Longest Day, June 6, 1944. Simon Schuster.

Shirer, W.L. (1989). The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany. Bản Việt văn: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba (Diệp Minh Tâm dịch), Nhà Xuất bản Tri Thức.

Tillman, B. (2014). D-Day Encyclopedia: Everything You Want to Know about the Normandy Invasion (World War II Collection).

Von Keusgen, H.K. (2014). Pegasus Bridge and the Merville Battery. Bản dịch Pháp văn: (2018) Pegasus Bridge et la batterie de Merville, Heimdal.

Wikipedia. Invasion of Normandyhttps://en.wikipedia.org/wiki/Invasion_of_Normandy

Wikipedia. John Howard (British Army officer)https://en.wikipedia.org/wiki/John_Howard_(British_Army_officer)

Wikipedia. List of military cemeteries in Normandyhttps://en.wikipedia.org/wiki/List_of_military_cemeteries_in_Normandy

Wikipedia. Normandy landings. – https://en.wikipedia.org/wiki/Normandy_landings

Yung, C.D. (2009). “Action This Day of Days”, Naval History Magazine23 (3).

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen