I. Bối cảnh lịch
sử
Rất nhiều người đã đọc
Tam Quốc Chí và gần đây hơn là xem bộ phim Xích Bích, chúng ta – những người Việt
trẻ – hẳn đã hiểu rất nhiều về bối cảnh cũng như diễn biến của cuộc
chiến này. Khi xem bộ phim Xích Bích tại rạp, tôi chợt liên tưởng đến trận chiến
Thị Nại – một trận chiến cũng vĩ đại không kém, cá nhân tôi cho rằng trận chiến
này còn có nhiều chi tiết hay hơn cả trận Xích Bích. Với trận Xích Bích, chúng
ta chỉ thấy phần nhiều về những lợi ích cá nhân, những tài năng cá nhân, Chu Du
và Gia Cát Lượng, cũng như Tào Tháo. Nhưng trong trận chiến Thị Nại, ngoài những
tài năng quân sự, những chiến lược kiệt xuất – chúng ta còn có những câu chuyện
đẹp như những thiên anh hùng ca về sự cao thượng, quân tử, về tình người đối xử
với nhau dù ở 2 chiến tuyến.
Khi xem phim, tôi chỉ ước ao sao đến một ngày điện ảnh nước nhà đủ kỹ thuật, đủ năng lực để làm những bộ phim với quy mô như vậy. Tôi viết bài này không mục đích nào khác ngoài việc chia sẻ lại một câu chuyện bi hùng trong hàng ngàn những câu chuyện của lịch sử đất nước. Mong rằng sau khi đọc, nó sẽ tiếp thêm được chút cảm hứng cho những người trẻ chúng ta quay về với lịch sử nước nhà. Vì lịch sử nước Việt chúng ta không thiếu những câu chuyện hay và rất đẹp. Và thủy chiến Thị Nại là một trong những câu chuyện như thế.
Vài điều thưa trước
Trong bài, thỉnh thoảng
tôi có dùng từ Gia Long thay cho Nguyễn Ánh, dẫu rằng việc dùng từ này không
chính xác vì chỉ sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, chọn niên hiệu là Gia
Long thì tên gọi Gia Long của Nguyễn Ánh mới chính thức xuất hiện. Lý do đơn giản
là vì tôi thích từ Gia Long hơn từ Nguyễn Ánh (cũng như tôi thích dùng Quang
Trung hơn là Nguyễn Huệ – chỉ là một sở thích cá nhân).
Các sử liệu trong bài chủ
yếu được tham khảo từ các sách sử chính thống, tuy nhiên vẫn có một số nguồn từ
các giai thoại lịch sử, các nguồn ngày bao gồm: những sách truyện lịch sử và những
lời kể tôi được nghe từ những người đam mê sử, những nguồn thông tin này tuy
chưa được xác định nhưng vẫn là những nguồn khá tin cậy. Dẫu sao điều này về
nguyên tắc là không được (vì không phải là những nguồn chính thống) nếu đây là
một bài nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên tôi không dám xem bài này là một bài
nghiên cứu lịch sử – mà chỉ đơn giản bài viết này như một câu chuyện kể, một đoạn
phim nho nhỏ về một giai đoạn bi hùng của lịch sử.
Bài viết tôi sẽ cố gắng đảm
bảo tính khách quan nhất có thể, cũng như những tư liệu chính xác nhất có thể –
nếu nguồn nào dùng từ những nguồn tin không chính thống, tôi sẽ có ghi chú rõ.
Bối cảnh
Để hiểu rõ về bối cảnh lịch
sử vì sao dẫn đến trận thư hùng quyết định này, tôi xin tóm tắt một cách sơ lược
cuộc chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn cho đến thời điểm nổ ra trận chiến.
Năm 1771, vì những nhiễu
nhương của chính quyền chúa Nguyễn – lúc đó là chúa Nguyễn Phúc Thuần, dân
chúng không còn cảnh thái bình như thời đầu của các chúa Nguyễn. Ở Quy Nhơn,
nhà Tây Sơn nổi dậy lãnh đạo khởi nghĩa và dần dần tập họp được nhiều hiền tài,
lực lượng dần lớn mạnh.
Sau đó 7 năm, năm 1778 –
Nguyễn Nhạc lên ngôi ở cũng tại Quy Nhơn, lấy hiệu là Thái Đức. Cùng năm, sau
khi đã bình định được vùng Bắc Hà (miền Bắc hiện nay), Nguyễn Huệ cũng lên ngôi
ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung. Một nước hai vua, anh em nhà Tây Sơn bắt đầu
nảy sinh những mâu thuẫn và thậm chí đã có lúc đánh nhau, khi vua em Quang
Trung kéo quân vây thành Quy Nhơn. Sau đó nhờ những dàn xếp chính trị, mọi việc
tạm ổn định.
—
Thị Nại là một vịnh biển,
nó là con đường gần như duy nhất bằng đường thủy để các chiến hạm đổ bộ khi
công thành Quy Nhơn. Trước đó ở Thị Nại đã từng diễn ra một trận thủy chiến rất
lớn – tuy không lớn bằng trận trong bài này. Khi đó hạm đội của vua Thái Đức đậu
ở Thị Nại đã bị quân nhà Nguyễn đánh úp và thiệt hại rất nặng nề.
Không thể chấp nhận tiếp
tục tình trạng như thế, sau khi đại thắng quân Thanh ở Bắc Hà, Quang Trung quyết
tâm diệt cho bằng được nhà Nguyễn, ông bắt đầu lên một chiến dịch với số lượng
quân thủy bộ rất lớn để Nam tiến nhằm tiêu diệt hoàn toàn quân đội nhà Nguyễn.
Tuy nhiên chiến dịch chưa bắt đầu thì vua Quang Trung lâm bệnh và băng hà, con
ông là Quang Toản lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Đến đây thì nhà Tây Sơn bắt
đầu rối ren.
Tấn công thành
Quy Nhơn lần 1
Thường thì để công thành
Quy Nhơn phải dùng chiến lược phối hợp 2 nhánh quân thủy bộ, thủy binh sẽ theo
cửa biển Thị Nại vào đầm Thị Nại và đổ bộ, từ đó đi vòng lên hội quân với bộ
binh đi từ ở phía Nam để áp sát thành. (Hình minh họa tui chụp từ Google Maps
nên có thêm mấy cái quốc lộ 1 và 19 – lưu ý: hồi đó không có )
Năm 1793, Gia Long bắt đầu
xuất quân theo 2 hướng, thủy binh do 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương chỉ
huy, bộ binh chỉ huy bởi các tướng Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành và đặc biệt
là tướng tài Nguyễn Huỳnh Đức. Thủy binh nhanh chóng chiếm được thành Diên Khánh,
cùng lúc bộ binh cũng tiến chiếm thành Bình Thuận
và sau đó là thành Phú Yên. Bộ binh chỉ huy bởi 2 tướng Tôn Thất Hội và Nguyễn
Văn Thành tiếp tục tấn công áp sán thành Quy Nhơn từ phía nam, mặt trước thủy
binh của tướng Võ Tánh cũng tiến vào cửa Thị Nại và bắt đầu đổ bộ.
Thành Quy Nhơn bị bao vây
2 mặt. Tình thế rất nguy cấp, vua Thái Đức đành phải cầu viện vua Cảnh Thịnh.
Vua Cảnh Thịnh sai tướng Ngô Văn Sở và Phạm Công Hưng chỉ huy đại binh tiếp cứu
thành Quy Nhơn. Phân tích lực lượng viện binh quá lớn, Gia Long quyết định rút
đại binh về Diên Khánh để tránh tổn thất. Việc chiếm thành Quy Nhơn lần 1 thất
bại.
Cần nói thêm đôi chút
giai đoạn này, lúc này nhà Tây Sơn đã suy, tình hình rối ren, hôn quân bất tài
lên ngôi (vua Cảnh Thịnh) nên lòng dân lúc này gần như ngã nhiều về phía nhà
Nguyễn. Nhà Tây Sơn bắt đầu dấu hiệu tối tăm, ngay cả việc gửi quân giải cứu
Quy Nhơn, quân của vua Cảnh Thịnh (là cháu của vua Thái Đức) đã không về mà ở lại
luôn Quy Nhơn khiến (một hành động chiếm giữ) khiến vua Thái Đức vì tức giận mà
chết.
Năm 1799, Nguyễn Ánh xuất
quân lần 2 quyết chiếm thành Quy Nhơn…
Tấn công thành Quy Nhơn lần 2
Địa thế của thành Quy
Nhơn có 2 mặt phòng thủ rất quan trọng. Ở phía Nam là núi Hàm Long, núi này là
điểm trọng yếu để bảo vệ mạn nam thành Quy Nhơn. Mạn phía bắc là ba ngọn núi
Cung Quăng, Sa Lung và Thạch Tân, 3 ngọn núi này tạo thành bức tường thiên
nhiên để che cho mặt bắc cho thành Quy Nhơn. Ai chiếm giữ được dãy núi này thì
có thể dễ dàng kềm chân các mũi tấn công từ hướng Bắc xuống.
Nguyễn Ánh đích thân chỉ
huy thủy binh tiến vào cửa Thị Nại, 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức cho
quân đổ bộ lên bờ và tiến đánh núi Hàm Long, tại đây đã diễn ra trận kịch chiến
giữa một bên là quân của 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức và một bên là tướng
Võ Đình Tú – tướng Võ Đình Tú cũng là một tướng tài của nhà Tây Sơn, là một
trong 7 tướng tài giỏi nhất của Tây Sơn (Tây Sơn thất hổ tướng). Thế ở núi Hàm
Long dễ thủ hơn công, sau cùng vì trúng kế điệu hổ ly sơn, quân Tây Sơn đã thất
thủ, tướng Võ Đình Tú tử trận.
Cùng lúc ở mạn Bắc, quân
nhà Nguyễn chỉ huy bởi tướng Tống Phước Hiệp trấn giữ dãy núi Cung Quăng để
ngăn không cho quân từ Phú Xuân tiến vào cứu viện như lần 1.
Thế của thành Quy Nhơn
lúc này đang dần bị ép lại từ 3 phía, phía Nam đang bị tướng Võ Tánh và Nguyễn
Huỳnh Đức trấn giữ và có thể tiến đánh bất kỳ lúc nào. Phía Bắc viện binh từ
Phú Xuân không thể xuống được và đại quân công thành của Nguyễn Ánh thì hiện
đang ở đầm Thị Nại.
Nguyễn Ánh bắt đầu cho đổ
bộ thủy binh để vây thành Quy Nhơn, cùng lúc tướng Võ Tánh kéo quân tiến đánh mạn
Nam thành. Tuy nhiên thành Quy Nhơn là một thành vững, khi đã vào thế thủ thì rất
khó công. Quân của Nguyễn Ánh đánh mãi vẫn không hạ được thành (lúc này trấn giữ
thành Quy Nhơn là tướng Lê Văn Thành).
Ở mạn bắc, đại quân cứu
viện chỉ huy bởi 2 tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng tiến vào từ Phú Xuân.
Tuy nhiên bị quân của Tống Viết Phước chặn lại ở dãy núi Cung Quăng đã nói ở
trên, một lần nữa địa thế ở đây thủ dễ hơn công. Quân viện binh tấn công mãi
không thể qua được.
Thêm nữa vào lúc này ở
triều đình Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nghe lời gièm pha của bọn nịnh thần, đa ra
mật lệnh cho tướng Võ Văn Dũng giết Trần Quang Diệu. Võ Văn Dũng kháng chỉ và
báo lại cho Trần Quang Diệu vì thấy lệnh đó là vô lý. Trần Quang Diệu là trọng
thần theo Tây Sơn từ những ngày đầu tiên, suốt một đời trung thành với nhà Tây
Sơn, nay vua Cảnh Thịnh vì nghe những lời xàm tấu mà ra lệnh như vậy, Trần
Quang Diệu nổi giận cho chuyển hướng đại binh quay trở lại Phú Xuân quyết xử hết
bọn nịnh thần.
Trong thành đợi mãi không
thấy viện binh, Lê Văn Thành đành phải mở cửa thành ra hàng. Nguyễn Ánh nhập
thành và đổi tên lại là thành Bình Định, trong cái nhìn của nhà Nguyễn, Tây Sơn
trước sau chỉ là một nhóm nổi loạn, ông đổi tên thành Bình Định ý rằng nơi đây
cuối cùng đã được Bình Định.
Thời điểm này trấn giữ
Phú Yên là tướng Nguyễn Quang Huy của nhà Tây Sơn. Được tin thành Quy Nhơn thất
thủ, nhận ra mình đang bị khép giữa 2 cánh quân nhà Nguyễn, từ Quy Nhơn ở phía
Bắc và từ Diên Khánh ở phía Nam, nếu cả 2 cánh quân này đồng loạt tấn công thì
khó bề chống đỡ.
Tướng Nguyễn Quang Huy
quyết định tiến quân ra cứu Quy Nhơn. Tuy nhiên đó là một bước đi sai lầm của
tướng Nguyễn Quang Huy, vì khi tiến quân ra Quy Nhơn thì thành Phú Yên lực lượng
sẽ mỏng. Nhận ra điều đó, tướng Nguyễn Văn Thành từ Diên Khánh kéo lên đánh chiếm
Phú Yên. Lúc này Nguyễn Quang Huy nhận ra nếu Phú Yên thất thủ, quân của ông sẽ
không còn đường lui, do đó ông buộc phải quay lại giữ thành Phú Yên.
Trong lúc tướng Nguyễn
Quang Huy giao chiến với quân của tướng Nguyễn Văn Thành, ở mặt bắc Nguyễn Ánh
quyết định cho tướng Nguyễn Huỳnh Đức ra tiếp đánh. Quân của tướng Nguyễn Quang
Huy cũng lúc bị tấn công cả từ 2 phía bắc và nam nên không chống đỡ nổi, tướng
Nguyễn Quang Huy sau khi chiến đấu dũng cảm phải bỏ thành lên núi Dương An,
thành Phú Yên thất thủ. Nhà Nguyễn thống nhất một dải từ Nam ra đến Quy Nhơn.
Sau khi ổn định tình hình
ở thành Quy Nhơn – lúc này đã đổi tên là thành Bình Định. Nguyễn Ánh giao thành
Bình Định lại cho tướng Võ Tánh cùng với thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ông
kéo đại binh về Gia Định.
Về phía Trần Quang Diệu,
sau khi xử xong bọn nịnh thần ở Phú Xuân. Tình thế lúc này rất nguy cấp, nhà
Tây Sơn mất thành Bình Định xem như quân Nguyễn đã ở ngay sát Phú Xuân. Trần
Quang Diệu quyết tâm chiếm lại cho bằng được thành Bình Định. Ông tập hợp đại
quân chia làm 2 mũi, bộ binh do chính ông chỉ huy và thủy binh do đô đốc Võ Văn
Dũng chỉ huy tiến về thành Bình Định.
Dàn quân
Tháng 1 năm 1800, đại
quân của Trần Quang Diệu vượt qua Bến Đá và tiến thẳng về thành Bình Định, cùng
lúc thủy binh của đô đốc Võ Văn Dũng đổ bộ. Cả 2 cánh quân tiến đánh thành Bình
Định. Tướng Võ Tánh ra giao chiến nhưng vì đại binh của Tây Sơn quá lớn nên
không chống đỡ nổi phải rút vào thành cố thủ, đồng thời báo tin về Phú Yên và
Gia Định xin cứu viện.
Như trên đã nói, thành
Bình Định là một thành dể thủ khó công. Nên dù với quân lực hùng hậu, tướng Trần
Quang Diệu cũng không thể chiếm được thành. Ông quyết định cho xây đắp số lượng
rất lớn trượng lũy xung quanh dùng chiến thuật vây thành cho đến khi trong
thành hết binh lực.
Trấn giữ ở cửa Thị Nại là
hạm đội thủy quân cực kỳ hùng mạnh của Tây Sơn nhằm ngăn không cho thủy binh của
quân Nguyễn tiếp viện bằng đường thủy – gần như tất cả sức mạnh thủy binh của
Tây Sơn đều tập trung ở đây.
Nhận được tin nguy cấp
thành Quy Nhơn đang bị đại binh hùng mạnh của Tây Sơn vây đánh, Nguyễn Ánh chuẩn
bị đại quân cùng hạm đội hùng hậu tiến ra ứng cứu. Một bên quyết chiếm cho bằng
được, một bên quyết tâm không để mất. Trận Thị Nại bắt đầu…
II. Diển biến
Những ai chưa đọc
phần một vui lòng tham khảo để nắm được bối cảnh chung trước khi diễn ra trận
Thị Nại cùng một số lưu ý về cách viết của người viết.
Trước khi bắt đầu về diễn
tiến trận thủy chiến kinh thiên động địa này có lẽ chúng ta nên điểm qua sơ bộ
về binh lực đôi bên để hình dung được độ lớn của trận đánh này.
Hải quân nhà Nguyễn
Đứng đầu là hoàng đế Gia
Long – là một người cách tân, nhìn xa trông rộng, ông luôn luôn coi trọng việc
phát triển hải quân và dành sự đầu tư rất lớn cho việc xây dựng các hạm đội của
mình. Ông có tinh thần tiếp thu cởi mở đáng ngạc nhiên so với các thời trước và
cả sau đó, ông tập trung cho nghiên cứu và tìm hiểu các kỹ thuật đóng tàu cũng
như kỹ thuật tác chiến hiện đại của phương Tây. Đã từng có câu chuyện kể lại
khi Gia Long cho mua 1 chiến hạm của nước ngoài về và cho tháo rời tất cả để
nghiên cứu rồi từ đó ông cho đóng một loạt tàu chiến mới thậm chí còn mạnh hơn
chiếc đã mua.
Vua Gia Long cũng dành rất
nhiều sự quan tâm nghiên cứu chiến lược và kỹ thuật tác chiến mới, ông cho mời
rất nhiều chuyên gia quân sự từ phương Tây về làm cố vấn cho mình. Ông được coi
người như tiên phong trong việc sử dụng chiến thuật dùng hải pháo đánh mở đường
cho bộ binh. Hơn thế nữa, đích thân vua Gia Long cũng là hạm trưởng của một
soái hạm và đã từng thân chinh rất nhiều trận chiến mà trận Thị Nại là một
trong những trận như vậy. Rất nhiều người đồng tình với quan điểm có thể
coi vua Gia Long như cha đẻ của hải quân hiện đại.
Dưới vua Gia Long là rất
nhiều các tướng tài khác, riêng trong trận này thì chúng ta có các tên tuổi lẫy
lừng như: Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Võ Duy Nghi (người hy sinh trong trận này),
Nguyễn Văn Thành, Trương Tấn Bửu và một số sĩ quan cao cấp người Pháp chỉ huy
các chiến hạm.
* Tả Quân Lê Văn Duyệt:
là một trong những công thần của nhà Nguyễn từ những ngày đầu tiên, ông tham
gia rất nhiều trận chiến lẫy lừng cùng vua Gia Long mà một trong số đó là trận
thủy chiến Thị Nại này. Tả quân Lê Văn Duyệt có thời làm tổng trấn thành Gia Định
và rất được lòng dân. Ông từng được in trên tờ tiền của Việt Nam thời Việt Nam
Cộng Hòa, hiện nay lăng của ông nằm ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu gần
chợ Bà Chiểu rất đẹp.
* Tướng Võ Tánh: một võ
tướng thuộc hàng rường cột của nhà Nguyễn. Ông được người đời xưng tụng là Gia
Định Tam Hùng, câu chuyện về ông chính là nguồn cảm xúc để tôi viết nên loạt
bài này. Chúng ta sẽ trở lại với tướng Võ Tánh chi tiết hơn ở phần sau.
Về binh lực, vào thời điểm
đó nhà Nguyễn có hơn 140.000 quân trong đó hải quân chiếm gần 27.000. Số lượng
hạm đội cực kỳ hùng hậu với rất nhiều loại tàu chiến hiện đại. Về số lượng tàu
chiến trong trận Thị Nại này có tài liệu nói lên đến con số 1000 chiến hạm lớn
nhỏ. Về sự đa dạng của các loại chiến hạm, vua Minh Mạng đã cho khắc lên Cửu Đỉnh
từng loại chiến hạm mà ngày nay chúng ta có thể thấy khi tham quan Đại Nội (Cửu
Đỉnh được đặt trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu).
Hải quân Tây Sơn
Hải quân Tây Sơn tuy
không giao lưu nhiều với phương Tây, nhưng dưới quyền lãnh đạo của thiên tài
quân sự Nguyễn Huệ thì hải quân Tây Sơn thật sự là một lực lượng hùng hậu bấc
nhất thời bấy giờ. Nguyễn Huệ đã cho đóng nhiều chiến hạm có kích thước và sức
mạnh ngang ngửa các chiến hạm của Châu Âu – nếu không muốn nói là trội hơn.
Trong số đó điển hình có thể kể là pháo đài biển Định Quốc, chiến hạm này được
trang bị hơn 60 hải pháo và có thể vận chuyển được cả tượng binh, riêng chiến hạm
loại này Tây Sơn đã có đến gần 20 chiếc, ngoài ra còn có hàng chục chiến hạm hạng
trung khác, cùng hàng trăm tàu chiến loại được trang bị đại bác và vô số thuyền
chiến cỡ nhỏ.
Bên cạnh đó, Tây Sơn còn
một loại vũ khí rất lợi hại nữa là súng hỏa hổ. Để dễ hình dung thì đây là loại
súng gần giống như súng phóng lựu ngày nay, đầu đạn có thể được thay bằng nhiều
loại khác nhau mà súng có thể phóng ra nhựa cháy (kiểu như bom
Napalm ), khói độc hoặc lựu đạn.
Về kỹ thuật tác chiến,
sau khi đã kinh qua rất nhiều trận đánh long trời lở đất khác như trận ở cửa Cần
Giờ, cửa Hàm Luông và nổi tiếng nhất có lẽ là trận Rạch Gầm Xoài Mút khi mà
trong chưa đầy một ngày đã tiêu diệt gần như toàn bộ 50.000 quân Xiêm… không ai
có thể nghi ngờ về khả năng tác chiến của quân Tây Sơn.
Trong trận Thị Nại này, với
quyết tâm chiếm lại cho bằng được thành Bình Định nên gần như tất cả sức mạnh hải
quân của Tây Sơn đều tập trung lại tại đây. Tuy lúc này vua Quang Trung đã băng
hà, nhưng hải quân Tây Sơn vẫn rất mạnh và thêm vào đó dưới quyền chỉ huy của Đại
đô đốc Võ Văn Dũng – một dũng tướng của Tây Sơn, người đã từng kề vai sát cánh
với vua Quang Trung từ những ngày đầu tiên, không ai dám có thể coi thường sức
mạnh của hải quân Tây Sơn.
Cầm quân chính trong trận
này là 2 cánh quân thủy bộ khổng lồ do trụ cột của Tây Sơn là tướng Trần Quang
Diệu và đô đốc Võ Văn Dũng. Ngoài ra còn một cánh quân bộ ở mạn nam được chỉ
huy bởi tướng bộ binh dày dạn kinh nghiệm khác là Nguyễn Quang Huy.
Diễn biến
Tiếp theo bài trước, khi
biết đại quân hùng mạnh trên bộ của Trần Quang Diệu đang tiến chiếm thành Bình
Định, tướng Võ Tánh – lúc này đang nhận nhiệm vụ giữ thành – đã cho quân ra
giao chiến, nhưng do đại quân của Tây Sơn quá lớn nên không thể nào chống đỡ nổi.
Tướng Võ Tánh cho thu binh vào thành cố thủ. Như đã nói, thành Bình Định một
khi đã vào thế thủ thì quân bên ngoài rất khó công, nếu để ý ta sẽ thấy gần như
tất cả các trận công thành trước đây của cả 2 bên đều không thành công. Trong
trận tiến chiếm thành của Nhà Nguyễn lần trước cũng là do tướng Lê Văn Thành giữ
thành bị vây không còn binh lực nên phải ra hàng.
Màu đỏ là bố trí quân Tây
Sơn, màu vàng là quân Nguyễn
Lần này cũng vậy, tuy với
quân số áp đảo nhưng tướng Trần Quang Diệu vẫn không thể công thành do đại pháo
và cung thủ trên thành bắn xuống liên tiếp khiến cho bộ binh không thể áp sát
chân thành. Trần Quang Diệu quyết định vây thành, ông cho xây dựng một số lượng
rất lớn các trượng lũy xung quanh thành. Ở mạn nam, ông phân công tướng
Nguyễn Quang Huy canh giữ không cho bộ binh của nhà Nguyễn đánh ra.
Như bài đầu đã phân tích,
do địa thế đặc biệt nên để đánh thành Bình Định không thể chỉ dùng mỗi bộ binh.
Nhà Nguyễn biết điều này nên theo chiến thuật thì bắt buộc phải tạo thành được
thế gọng kềm 2 mặt, bộ binh từ phía Nam đánh lên và hải quân đổ bộ vào cửa Thị
Nại. Và tất nhiên, Tây Sơn cũng biết điều này nên đã huy động hạm đội cực lớn –
gần như là tất cả sức mạnh hải quân của Tây Sơn đều dồn vào trận chiến này. Một
canh bạc của cả hai bên mà bên thua sẽ dẫn đến kết cục ảnh hưởng lớn đến đại cuộc
chung.
Chiến thuật ban đầu
của quân Nguyễn
Như đã nói bên trên, nhà
Nguyễn dùng 2 nhánh quân chính là bộ binh từ phía Nam và thủy binh đổ bộ từ Thị
Nại.
Bộ binh được huy động số
lượng rất lớn trong đó có cả kỵ binh và tượng binh do tướng Nguyễn Văn Thành chỉ
huy cùng các tướng dưới quyền là Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu. Tổng
cộng chia làm 3 đạo quân lớn tiến đánh các đồn Hội An rồi tiến thẳng ra đồn Thị
Dã ở mạn Nam thành Bình Định. Tuy nhiên cánh quân bộ này bị chặn đánh bởi tướng
Nguyễn Quang Huy của Tây Sơn và viện binh do tướng Trần Quang Diệu cử xuống.
Ở đường biển, do thủy
quân giữ vai trò rất quan trọng trong trận chiến này nên Nguyễn Ánh đã đích
thân chỉ huy cùng bên dưới là hàng loạt tướng lãnh nhiều kinh nghiệm hải chiến:
Lê Văn Duyệt, Võ Duy Nghi cùng hàng loạt tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm người
nước ngoài. Với hạm đội và số lượng thuyền chiến khổng lồ.
Về phía Tây Sơn, biết rõ
vị trí trọng yếu của Thị Nại, đô đốc Võ Văn Dũng đã cho đặt hàng loạt đại pháo
đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai (là cửa ngõ để vào Thị Nại). Án
ngữ ở cửa biển là 3 đại chiến hạm “Định Quốc” trấn giữ, phía sau là hạm đội khổng
lồ trên biển. Với sự phòng thủ này thì đô đốc Võ Văn Dũng có thể chắc chắn rằng
quân nhà Nguyễn không thể đưa được 1 chiến hạm nào vào Thị Nại mà không bị đốt
cháy.
Và quả đúng như vậy, sau
rất nhiều trận giao chiến khốc liệt. Hải quân nhà Nguyễn vẫn không thể tiến vào
được. Pháo từ hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai tỏ ra vô cùng nguy hiểm khi
gần như nhấn chìm tất cả các chiến thuyền tiên phong của nhà Nguyễn từ trước
khi giáp mặt với các chiến hạm của Tây Sơn.
Tình thế lúc này rất
nghiêm trọng, quân của tướng Võ Tánh bên trong thành liên tục bị áp lực từ quân
vây thành bên ngoài. Nguyễn Ánh quyết định thu quân về đảo Hòn Đất để họp bàn
các tướng lại bàn kế sách tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn. Nhận định mùa có hướng
gió thuận lợi, mọi người đi đến thống nhất là dùng hỏa công – đây là chiến thuật
giống như trong bộ phim nổi tiếng Đại chiến Xích Bích khi quân của đô đốc Chu
Du cũng dùng hỏa công tiêu diệt toàn bộ các chiến thuyền của Tào Tháo.
Thủy chiến
Rằm tháng Giêng năm Tân Dậu
1801, tướng Nguyễn Văn Thành mang theo 1200 quân bí mật đổ bộ lên bờ, tiến đánh
các hải đồn của Tân Sơn (rất nhiều sách sử ghi là Lê Văn Duyệt chỉ huy đạo quân
này, riêng tôi thì ủng hộ nguồn nhận định của sử gia Huỳnh Minh – ông cho rằng
cánh quân này phải do tướng Nguyễn Văn Thành chỉ huy, do lúc này Lê Văn Duyệt
chỉ huy lực lượng hải quân). Các hải đồn này chính là nơi xuất phát của các hải
pháo rất nguy hiểm khiến chiến hạm của nhà Nguyễn thiệt hại nặng nề trước cả
khi giáp chiến với các chiến hạm của Tây Sơn. Nhiệm vụ của nhánh quân này là hạ
các hải đồn trên bộ của Tây Sơn – cơn ác mộng của các chiến hạm khi tiến vào cửa
Thị Nại và sau đó là chặn nhánh quân tiếp viện từ bộ của Trần Quang Diệu.
Cánh quân thủy được chỉ
huy trực tiếp bởi Nguyễn Ánh, dẫn đầu là nhóm các chiến thuyền tiên phong của
tướng Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương. Yểm trợ phía sau là hạm đội chủ lực
chỉ huy bởi Lê Văn Duyệt và Võ Duy Nghi.
…
Sau khi đã áp sát được
các hải đồn này, Nguyễn Văn Thành cho khai hỏa, cùng lúc đó toàn bộ hạm đội của
nhà Nguyễn được lệnh tổng tấn công.
Ngoài biển, nhánh quân
tiên phong của tướng Nguyễn Văn Trương cũng chặn bắt được thuyền tuần tra của
Tây Sơn do Đô ty Nguyễn Văn Độ chỉ huy và từ đó khai thác để lấy được mật lệnh.
Nhờ mật lệnh này Nguyễn Văn Trương đã cải trang đội chiến thuyền của mình thành
tàu chiến của Tây Sơn và vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong đốt phá.
Chính 2 nhánh quân thủy bộ này là chìa khóa quan trọng để đảo ngược thế cờ tại
Thị Nại.
Đô đốc Võ Văn Dũng đang
trấn giữ ngay cửa biển thì thấy phía sau bị đốt phá liền đổi hướng 3 đại chiến
hạm Định Quốc quay vô tiếp cứu. Lúc này hạm đội chủ lực của Lê Văn Duyệt và Võ
Duy Nghi được lệnh tổng lực tấn công vào mặt trước.
Tuy đã bị 1200 quân vây
đánh dữ dội, nhưng các hải đồn của Tây Sơn vẫn liên tục nã hải pháo xuống các
chiến thuyền của nhà Nguyễn đang lao nhanh vào cửa biển. Và một trong những hải
pháo này đã khiến tướng Võ Duy Nghi tử trận tại chỗ, thấy chủ tướng tiên phong
của mình tử trận, viên tướng điều khiển chiến hạm hoảng hốt dừng lại. Lê Văn
Duyệt thấy vậy liền cho chém ngay viên tướng đã thiếu can đảm và đốc quân bất
chấp mưa tên lửa đạn lao tiếp lên trên.
Bị áp đảo cả mặt trước và
mặt sau, 3 đại chiến hạm “Định Quốc” của Tây Sơn lần lượt bị hạm đội của Gia Định
bắn chìm. Thấy 3 soái hạm chỉ huy của mình bị hạ, các chiến hạm Tây Sơn ở phía
sau thoáng một phút chần chừ, nhưng tất cả đã muộn, hạm đội của nhà Nguyễn tràn
vô dùng hỏa công liên tục bắn phá các mục tiêu. Do đã tính toán kỹ từ trước, nhờ
thuận hướng gió nên hỏa công của nhà Nguyễn phát huy tác dụng tối đa, lửa cháy
phần phật từ thuyền này lan sang thuyền kia.
Cả Thị Nại sáng rực trong
ánh lửa và chìm ngập trong tiếng đại pháo cũng như tiếng reo hò rầm trời của
binh sĩ hai bên.
…
Thủy chiến Thị Nại – Những
thiên anh hùng ca
Đến sáng hôm sau, Thủy
chiến Thị Nại coi như đã xong với chiến thắng thuộc về nhà Nguyễn. Để có
được chiến thắng này, quân Nguyễn đã chịu thiệt hại không nhỏ, hơn 4000 binh sĩ
tử trận trong đó có Thủy sư Đô đốc Võ Duy Nghi.
Nhưng phía Tây Sơn còn
thiệt hại nặng nề hơn, toàn bộ hạm đội ở Thủy Nại – có thể hiểu như toàn bộ sức
mạnh hải quân của Tây Sơn lúc bấy giờ – bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo số liệu thống
kê thì tổng cộng Tây Sơn mất hơn 20.000 quân, 1800 chiến thuyền, hơn 600 đại
pháo đủ cỡ. Gần đây có tin người ta vừa trục vớt được một trong những khẩu đại
pháo tại vùng biển này.
Những thiên anh
hùng ca
Sau khi thất thủ cửa biển,
đô đốc Võ Văn Dũng cho thu quân và đổ bộ lên bờ phối hợp cùng nhánh quân bộ của
tướng Trần Quang Diệu trấn giữ các nơi trọng yếu, nhằm không cho quân Nguyễn đổ
bộ. Lúc này tuy đã mất Thị Nại nhưng đại quân trên bộ của Tây Sơn vẫn còn rất mạnh,
quân Nguyễn tuy đã làm chủ được mặt biển nhưng vẫn không thể đổ bộ được. Kế hoạch
hội 2 cánh quân thủy bộ do đó vẫn không thể thực hiện được, quân Nguyễn vẫn
không thể giải vây được thành Bình Định.
Nguyễn Ánh nhiều phen cho
quân tổng lực tập kích nhằm đổ bộ, tuy nhiên vẫn không thể nào vượt qua được lực
lượng trấn giữ bờ biển và dàn đại pháo từ trên núi của Trần Quang Diệu.
Phía Tây Sơn, tướng Trần
Quang Diệu cũng không muốn tiếp tục kéo dài, ông tiến đánh ngày đêm quyết tâm hạ
cho bằng được thành Bình Định. Tình thế trong thành lúc này vô cùng nguy ngập,
trong thành binh sĩ hết lương thực không còn sức chiến đấu. Trước tình hình
trên, Nguyễn Ánh cho người bí mật lẻn vào thành truyền lệnh cho Võ Tánh và
Ngô Tùng Châu phải bỏ thành, tìm đường thoát ra biển để hạm đội bên ngoài đón.
Một góc thành Bình Định
ngày nay
Võ Tánh đọc xong thánh chỉ,
ông trầm tư rồi viết thư trả lời kêu sứ giả mang về cho Nguyễn Ánh. Trong thư
ông một mực phân tích rằng hiện tại toàn bộ đại quân của Tây Sơn đều tập trung ở
thành Bình Định:
“Điều đó nghĩa là ở kinh
đô Phú Xuân đang bỏ ngõ, nếu lúc này quân ta chuyển hướng ra Phú Xuân ắt sẽ chiếm
được, từ đó sẽ giúp thay đổi đại cuộc và kết thúc chiến tranh. Phận thần, làm
tướng mà không giữ được thành thì phải chết với thành, đó là lẽ hiển nhiên, huống
hồ cái chết của thần sẽ góp phần thống nhất sơn hà, vậy hà cớ gì không thể mỉm
cười nơi chín suối. Thánh thượng là thiên tử, không được vì tình riêng mà quên
đi đại cuộc. Xin thánh thượng hãy cho chuyển hướng đại binh ra Bắc đánh chiếm
Phú Xuân”.
Đọc thư của Võ Tánh, Gia
Long cho họp bàn các tướng lại trên soái hạm, ông một mực không chấp thuận: “Võ
Tánh theo ta từ những ngày đầu lập nghiệp, trải qua biết bao nhiêu khó khăn
gian khổ, nay nghiệp lớn chưa thành, một ngày vinh hoa chưa hưởng. Ta đi đồng
nghĩa với việc đưa Võ Tánh vào chỗ chết, sau này làm sao có thể ngẩng mặt nhìn
thiên hạ mà trị vì?”
Mọi người đều trầm ngâm,
sau khi luận bàn, Tả quân Lê Văn Duyệt thay mặt các tướng đứng ra can ngăn vua
Gia Long: “Là tướng võ, mong muốn của Võ Tánh là được chết theo thành – nhờ đó
xoay chuyển được đại cuộc. Nay nếu thánh thượng vì cứu Võ Tánh mà đi sâu vào
giao chiến với đại binh của Tây Sơn, cứu được Võ Tánh rồi không biết đến bao giờ
chiến tranh mới kết thúc. Một đằng được chết cho non sông vươn lên, một đằng là
vì sự sống của mình mà kéo dài chiến tranh. Liệu rằng điều đó có công bằng cho
Võ Tánh? Xin thánh thượng lắng nghe lời Võ Tánh: người là thiên tử, nhất định
phải gạt bỏ tình riêng mà vì thiên hạ”.
Nguyễn Ánh trầm ngâm quay
về phòng, sáng hôm sau ông ra lệnh hợp quân với bộ binh của tướng Nguyễn Văn
Trương tiến thẳng về Phú Xuân, giao cho tướng Nguyễn Văn Thành ở lại kềm chân
Trần Quang Diệu với hy vọng mong manh sau khi đánh chiếm xong Phú Xuân sẽ quay
trở về giải cứu Võ Tánh.
Ngày 5 tháng 6 năm 1801,
ông cho hạm đội chuẩn bị rời Thị Nại, trước khi soái hạm của mình quay đầu chuyển
hướng, lần đầu tiên ông phá lệ (là thiên tử không được quỳ lạy trước bấy kỳ ai
ngoài trời đất và tổ tiên), Nguyễn Ánh đã quỳ xuống hướng về thành Bình Định chắp
tay lạy. Chứng kiến cảnh tượng đó các quan tướng xung quanh ai nấy đều ngậm
ngùi.
Nguyễn Ánh đi rồi, thành
Bình Định cũng kiệt quệ. Có một câu chuyện kể lại rằng các binh sĩ vì quá đói
nên đã trộm cắp lương thực của dân trong thành, Võ Tánh bắt được mang ra trước
quân lính và dân chúng, ông nói: “Chúng ta còn giữ thành được tới ngày hôm nay
là do lòng dân vẫn còn ủng hộ, nếu trộm cắp của dân như vầy thì quân ta như phường
giặc cướp hay sao? Mang ra chém!”
Tên lính khóc van nói:
“Xin chủ tướng tha mạng, cả đội lính dưới quyền vì quá đói nên thuộc hạ mới làm
càn”.
Dân làng xung quanh cũng
can ngăn, trước tình cảnh đó, Võ Tánh ngước mắt lên trời: “Để đến ngày hôm nay,
tội lớn nhất là ta. Anh em yên tâm ta đã có cách, ngày mai tất cả sẽ thoát khỏi
cảnh này”. Nói đoạn ông quay trở về lầu chỉ huy, nói với thượng thư Ngô Tùng
Châu: “Sau khi ta đi rồi, huynh ở lại lo cho các anh em, cố gắng bảo toàn mạng
sống của mình và các anh em”.
Ngô Tùng Châu gạt nước mắt
nói: “Võ có trung can lẽ đâu Văn lại không nghĩa khí. Tôi xin vô phép đi trước
ngài”.
Rồi Võ Tánh lên lầu bát
giác, phóng hỏa tự thiêu để lại một lá thư tuyệt mệnh gửi cho tướng Trần Quang
Diệu. Thượng thư Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn.
Sau khi Võ Tánh và Ngô
Tùng Châu chết, quân Nguyễn mở cửa thành đầu hàng. Trần Quang Diệu cưỡi ngựa đi
chậm giữa quân lính 2 bên, ông đến đài chỉ huy tiếp nhận thư tuyệt mệnh của Võ
Tánh. Trong thư Võ Tánh nói: “Phận làm tướng, ta không giữ được thành lẽ hiển
nhiên phải chết theo thành. Chỉ một mong muốn sau cùng, anh em binh sĩ không có
tội tình gì, xin ngài hãy vì đức lớn mà đừng làm hại, cũng như ngày trước khi
chiếm được thành Quy Nhơn, quân Nguyễn đã không giết hại những binh sĩ Tây Sơn
giữ thành”.
Trần Quang Diệu ra lệnh tẩm
liệm thi hài Võ Tánh và Ngô Tùng Châu làm lễ hậu táng trang nghiêm. Trong lễ hậu
táng ông bước đến cúi đầu trước vong linh một võ tướng trung dũng dù là ở phe đối
nghịch. Sau đó ông cho tập họp tất cả quân Nguyễn lại và nói: “Các ngươi may mắn
có được một chủ tướng kiên trung mà cả dân chúng lẫn đối thủ đều kính phục. Nay
theo mong muốn tướng Võ Tánh. Các người có thể ở lại Quy Nhơn này lập nghiệp,
trở lại quê nhà làm ăn, thậm chí có thể quay trở về với Nguyễn Ánh chống lại
ta. Ta đảm bảo mạng sống cho các ngươi rời khỏi thành.”
Khung cảnh trang nghiêm
bi hùng. Tất cả quân Nguyễn trong thành hôm đó, không một ai quay trở lại con
đường binh đao chống lại Trần Quang Diệu.
Trận Thị Nại đã góp phần
quan trọng xoay chiển đại cuộc thời bấy giờ, giúp cho việc kết thúc chiến tranh
nhanh hơn. Sau chiến thắng ở Thị Nại thì gần như tất cả tàu thuyền của nhà Nguyễn
có thể tự do đi lại ngoài biển. Đúng như tình hình nhận định, sau khi chuyển hướng
đại binh ra Phú Xuân, Nguyễn Ánh trong thời gian ngắn đã chiếm được kinh đô Phú
Xuân và từ đó thống nhất toàn bộ đất nước.
Ngày mồng 1 tháng 6 năm
Nhâm Tuất (1802), ông lên ngôi ở Phú Xuân, lấy hiệu là Gia Long, ý nghĩa là từ
nay đất nước đã được thống nhất một dải từ Gia Định đến Thăng Long.
Lên ngôi rồi, công lao và
cái chết trung dũng của Võ Tánh vẫn luôn đau đáu trong suy nghĩ của ông. Và ông
đã cho làm tất cả những gì có thể để vinh danh sự hy sinh của người tướng trung
kiên ấy.
Vì cơ nghiệp chín đời bị
giày xéo, lòng căm giận hơn 20 năm nằm gai nếm mật, Gia Long đã cho tiến hành
xét xử thảm khốc vua quan nhà Tây Sơn (việc mà cho đến nay vẫn còn bị rất nhiều
sử sách lên án). Trong cuộc xét xử này, vua Gia Long đã rất mạnh tay, lý do trả
thù tôi cho rằng chỉ là một trong những lý do, mà lý do lớn hơn có lẽ là lúc đó
đất nước vừa mới thống nhất, cả nước vẫn còn nhiều rối loạn, những người thân
Tây Sơn và các phe phái khác vẫn còn nhiều nên Nguyễn Ánh muốn dùng sự kiện này
để răn đe tất cả các phe chống đối.
Tất cả những ai có liên
quan đến Tây Sơn đều bị áp dụng hình phạt tru di cửu tộc. Những người hiếm hoi
thoát được là những người đã bỏ đi biệt xứ, thay đổi tên họ. Riêng các trọng thần
của Tây Sơn thì đều phải chịu những hình phạt cao nhất như lăng trì, ngũ mã
phanh thây (chính xác hơn là dùng voi chiến).
Riêng trường hợp của tướng
Trần Quang Diệu, ông là một trong những rường cột của Tây Sơn và theo chiếu thì
chắc chắn sẽ là người hứng chịu sự trừng phạt nặng nhất. Nhưng nhờ những ơn
nghĩa đã đối xử với Võ Tánh kể trên mà Gia Long đã xét xử ông nhẹ hơn rất nhiều.
Thay vì tru di cửu tộc và bản thân bị xử ngũ mã phanh thây, ông được giảm xuống
chém ngang lưng (có tài liệu nói là chém đầu – nhẹ hơn cả án chém ngang lưng)
và được Gia Long chấp thuận cho mẹ ông được sống.
Câu chuyện về tướng Võ
Tánh, Ngô Tùng Châu, Trần Quang Diệu chính là nguồn cảm xúc để tôi viết nên
toàn bộ loạt bài này. Võ Tánh là người duy nhất hiếm hoi không phải là dân Bình
Định nhưng lại được người dân nơi đây truyền tụng bằng câu ca dao:
Ngó lên ngọn tháp
Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm!
Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm!
Sinh thời, vì nhiều công
trạng vào sanh ra tử cùng nhà vua mà ông đã được Nguyễn Ánh gả em gái của mình
là công chúa Ngọc Du. Khi được tin Võ Tánh hy sinh, công chúa Ngọc Du đã làm
bài thơ khóc chồng đẫm nước mắt sau:
Những tưởng ra tay
giúp nước nhà
Ai dè binh địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!
Ai dè binh địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!
Gia Long trước sau vẫn nhớ
về sự hy sinh kiên trung vì nghiệp lớn của Võ Tánh. Ông là người duy nhất trong
tất cả các đại tướng Bình Tây được phong đến tước Quốc Công, những tướng khác
Châu Văn Tiếp, Võ Duy Nghi, Nguyễn Văn Trương và cả tướng Nguyễn Huỳnh Đức cũng
chỉ được phong đến tước quận công là hết. Bài vị của ông cũng được đặt cách thờ
tại Thế Miếu – nơi chỉ dành riêng cho hoàng tộc.
Mộ ông tại Bình Định sau
này Gia Long xây dựng lại chính tại vị trí mà Trần Quang Diệu đã chôn cất khi
xưa. Ngày nay khi thăm thành cổ Bình Định, ta vẫn còn thấy ngôi mộ này. Mộ ông
hình bầu dục trên có khắc hình con dơi (vẫn chưa hiểu ý nghĩa tại sao), gần đó
là mộ thượng thư Ngô Tùng Châu hình chữ nhật. Sau đó Nguyễn Ánh cho cải táng và
chôn ở bắc thành Gia Định – khu vực đường Hồ Văn Huê ngày nay, có dịp tôi sẽ viết
bài chi tiết hơn, nhưng có tài liệu nói mộ này chỉ chôn hình nhân bằng sáp do
Võ Tánh đã tự thiêu không còn thi hài.
Trước năm 1975 ở Sài Gòn
có 2 con đường được đặt tên là Võ Tánh, một ở khu vực đường Nguyễn Trãi bây giờ
và một ở khu vực đường Phan Đăng Lưu (gần mộ ông).
Khi được nghe kể về những
câu chuyện trên, trong lòng tôi dấy lên một niềm tự hào sâu sắc về tinh thần
thượng võ của dân tộc, về cách mà người xưa cư xử với nhau dù là bạn hay thù.
Xen lẫn đó là chút xót xa khi đất nước xưa nay cứ phải trải qua biết bao nhiêu
cuộc chiến, lại là nội chiến khốc liệt đã đẩy những con người kiên trung của cả
hai phe phải chống lại nhau.
Những câu chuyện trên,
chuyện về một võ tướng vị quốc vong thân Võ Tánh, một tướng Trần Quang Diệu
dũng mãnh nhưng cũng đầy tình người và tinh thần thượng võ, một hoàng đế Gia
Long vẹn nghĩa trước sau. Khi đó tôi đã tự hứa với bản thân mình là đến một lúc
nào đó sẽ viết lại những câu chuyện đã được nghe, được đọc này lại. Để truyền một
phần nào sự tự hào đó cho những bạn bè xung quanh.
Và cũng để biết rằng nước
ta đã một thời có nền hải quân hùng mạnh bậc nhất trong khu vực, khi mà hạm đội
của chúng ta bao quát gần như toàn bộ biển đông và Vịnh Thái Lan. Chính vua Gia
Long là người đã tiên phong cho tiếp quản các hải đảo xa xôi Hoàng Sa – Trường
Sa để sau này vua Minh Mạng (con vua Gia Long) đã cho thành lập Hải Đội Hoàng
Sa để bảo vệ xác lập chủ quyền trên những hòn đảo mà người Trung Quốc hiện nay
đang ngang nhiên chiếm giữ. Viết với ước mong một ngày không xa, hải quân ta sẽ
trở lại lớn mạnh hơn, tiếp bước cha ông gìn giữ đất mẹ.
Vẫn ước mong có một ngày
nền điện ảnh nước nhà đủ lớn để có thể truyền tải được những câu chuyện này đi
xa hơn, thay vì chỉ là một bài blog nằm trong góc kẹt này. Từng trang sử của đất
nước ta, không hiếm những câu chuyện bi thương hùng tráng như vậy.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen