Tôi viết về những người sống bằng nghề ký giả ở Sài Gòn – một tên khác của nghề là phóng viên báo chí – và chết vì nghề ký giả ở Sài Gòn. “Chết” trong bài này là “ Chết vì việc làm báo, chết vì việc viết báo của mình, chết vì bị giết, không phải chết vì tuổi già hay chết vì bệnh.”
Nghề ký giả là nghề có nhiều người làm nghề bị giết chết nhất trong tất cả những nghề tự do. Bài này chỉ viết về những ký giả dân sự, không viết đến những phóng viên chiến trường – đa số là quân nhân – chết vì nghề trên chiến trường.
Ký giả Việt Nam thứ nhất bị bắn chết ở Sài Gòn là ông Nam Quốc Cang.
Ðây là bản tin về Nhà Báo Nam Quốc Cang trên Internet:
Nhà báo Nam Quốc Cang (1917-1950) tên thật Nguyễn Văn Sinh. Ông quê ở huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ông vào Sài Gòn năm 1940. Sau năm 1945, ông viết bài cho báo Tin Ðiển với chủ trương chống thực dân Pháp, đặc biệt phụ trách mục Trớ Trêu. Mục này là loạt bài phiếm luận chính trị đầu tiên của làng báo Sài Gòn sau năm 1945. ông chế giễu những hoạt động của Thủ tướng Nam Kỳ Quốc Nguyễn Văn Thinh một cách sâu cay.
Ông lấy tên ba nhà báo Sài Gòn nổi tiếng thời ấy là các ông Nam Ðình Nguyễn Thành Phương, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang làm bút hiệu của ông: Nam Quốc Cang.
Ngày 6 tháng 5 năm 1950, nhà báo Nam Quốc Cang cùng với nhà báo Ðinh Xuân Tiếu bị bắn chết trước tòa soạn báo Dân Quý ở đường Frère Louis, sau năm 1956 là đường Nguyễn Trãi. Ông mất năm ông 33 tuổi.
CTHÐ: Năm 1952 khi tôi vào làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, tôi được nghe các ông ký giả đàn anh kể cho biết:
Cùng bị bắn chết với ông Nam Quốc Cang là ông Ðnh Xuân Tiếu và ông Lư Khê. Ông Lư Khê là chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng. Ông Lư Khê chết, chính quyền cho bà vợ ông Lư Khê làm chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng. Bà tên là Nguyễn Ngọc Diêu. 60 năm qua tôi vẫn nhớ tên bà. Năm 1952 anh Thanh Sanh là chủ bút báo Ánh Sáng, anh Hải Âu phụ tá.. Bà chủ nhiệm mỗi tháng chỉ ghé qua toà báo một, hai lần.
Tôi nghe các ông nhà báo nói kẻ đến bắn ông Nam Quốc Cang là Cò Ðình, nhân viên Ban PJM: Police Judiciaire Mobile. PJM tên Việt là ban Hình Cảnh Lưu Ðộng, một ban đặc biệt của Sureté Pháp. Ban PJM có nhiều quyền hạn thời ấy. Nhân viên Ban này có quyền đi bắt những kẻ phạm tội trên khắp xứ Nam Kỳ.
Khi bắt được một vụ cướp lớn, hay một vụ giết người, Ban PJM thường mở cuộc hội báo để loan báo thành tích. Người chủ tọa những cuộc hội báo PJM này là Cò Nutini, một ông Tây Lai gốc Ý. Trong một cuộc hội báo PJM ông ký giả đàn anh ngồi cạnh tôi chỉ cho tôi thấy một người đàn ông trạc 40 tuổi, cao lớn, ông ký giả rỉ tai tôi:
“Cò Ðình, người bắn Nam Quốc Cang đấy.”
Sau năm 1946 an ninh trở lại Sài Gòn. Trong làng báo, làng văn Sài Gòn có tình trạng nhiều báo, nhiều nhà viết tiểu thuyết gần như công khai ca tụng những người Việt kháng chiến chống Pháp. Ký giả Nam Quốc Cang viết nhiều bài đả kích Thực Dân Pháp và việc trở lại làm chủ Sài Gòn của Thực Dân Pháp. Surete Pháp bắt giam ông Nam Quốc Cang nhưng những năm 1950 có nhiều người Pháp trong chính giới phản đối việc quân viễn chinh Pháp tái chiếm Ðông Dương. Ký giả Nam Quốc Cang được những ông Tây phản chiến ủng hộ, Sureté Pháp phải trả tự do cho ký giả Nam Quốc Cang. Họ cho nhân viên của họ là Cò Ðình đi ám sát ký giả Nam Quốc Cang.
Ba ông nhà báo Nam Quốc Cang, Ðinh Xuân Tiếu, Lư Khê sáng hôm ấy đang ngồi uống cà phê ở một quán cóc trên đường Frère Louis, Cò Ðình tới bắn chết cả ba ông. Hai ông Ðinh Xuân Tiếu, Lư Khê bị chết oan.
Ký giả sinh nghề, tử nghiệp thứ hai bị giết ở giữa thành phố Sài Gòn là ký giả người Pháp: ông De Lachevrotiere. Ông này là một ông Tây Thực Dân – Francais Coloniale – chính cống Bà Lang Trọc. Ông làm ký giả ở Sài Gòn từ năm 1920. Tiểu sử của ông ghi chuyện ông từng bút chiến với ông André Malraux Khoảng năm 1925, ông André Malraux, 21 tuổi mới cưới vợ. Ông bà đi du lịch đến Ðông Dương. Khi đi thăm Angkor Vat trở về Sài Gòn, ông bà bị nhà cầm quyền Pháp khám xét hành lý, tịch thu một số tượng đá Angkor Vat. Ông Malraux không bị án lấy trộm cổ vật, ông chỉ bị phạt tiền. Luật cấm du khách không được lấy, kể cả mua, những cổ vật Angkor Vat.
Buổi trưa ngày Janvier 1951 ký giả De Lachevrotiere ngồi trên một xe hơi bỏ mui, có tài xế lái, chạy trên đường Richaud – sau năm 1956 là đường Phan Ðình Puùng –Tin AFP tường thuật:
Một xe Zeep mang bảng số vàng ngoại giao đoàn trờ tới. Một người trên xe Jeep ném hai tạc đạn vào xe ông De Lachevrotiere. Ông ký giả cầm một tạc đạn định ném lại, tạc đạn nổ. Ông chết trong xe, người tài xế bị thương nặng nhưng thoát chết.
Những ngày như lá, tháng như mây, Làng báo Sài Gòn yên tĩnh trong 15 năm. Ngày 16 Tháng 4, 1966 trong một buổi sáng 2 ký giả bị bắn trong thành phố. Lúc 8 giờ sáng, ông Chu Tử Chu Văn Bình vào xe hơi của ông trước cửa nhà riêng, đường Trương Tấu Bửu, Phú Nhuận, để đến tòa báo, Kẻ sát nhân rình sẵn ở cửa nhà, bắn ông 4 phát đạn, một viên trúng gáy ông, đạn trổ ra miệng, như ông không chết.
Tài liệu về Nhà báo Chu Tử trên Wipekeda:
Chu Tử là bút hiệu của Chu Văn Bình (1917-1975), một nhà văn, nhà báo người Việt. Ông được biết đến là chủ nhiệm nhật báo Sống và là tác giả những cuốn tiểu thuyết Yêu , Ghen.
Ông một thời dạy học ở Trường tư thục Phùng Hưng ở Hải Phòng trước năm 1954, sau làm hiệu trưởng Trường trung tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh.
Sang thập niên 1960 ông mở nhật báo Sống ở Sài Gòn. Mục “Ao Thả Vịt”, “Thơ Ðen”, và trang Nhạc Trẻ báo Sống được độc giả hâm mộ. Những cây viết cộng tác có Tú Kếu, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng. Vì chính kiến, tòa báo bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan đốt phá năm 1966. Cũng vào thời điểm đó ông bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc tấn kích này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương. Cuối thập niên 1960 báo Sống bị thu hồi giấy phép vì chỉ trích việc chính phủ cho Quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng căn cứ Cam Ranh. Vào thập niên 1970 ông đứng chủ biên báo Sóng Thần nhưng sau rút lui.
Vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 trên đường thoát khỏi Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, tàu trúng pháo B-40 VC khi qua cửa Cần Giờ.ø Ông Chi Tử trúng đạn chết, ông được thủy táng ngay cửa biển.
o O o
Cùng ngày 16 Tháng 4, 1966, lúc 12 giờ trưa. Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Nhật báo Chính Luận, từ toà soạn về nhà riêng của ông trong Cư Xá Nguyễn Trị Phương. Ông vừa ra khỏi xe trước nhà thì bị kẻ sát nhân bắn ông. Ông trúng đạn vào lưng, ngã xuống, chết ngay bên xe hơi.
Wipikeda trên Net không có trang nào về Ký Giả Từ Chung Vũ Nhất Huy. Internet cũng không có cái ảnh nào của Ký giả Từ Chung.
Khoảng ba, bốn ngày sau Khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị hạ sát, ba ông Ký Giả Chu Tử – Hiếu Chân – Từ Chung đồng ký một bản gọi là “ Hiệu Triệu” như sau:
HIỆU TRIỆU
Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ và giải phóng con người, vậy mà trong thời gian qua, vì cơm áo, vì khiếp nhược đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội Sự Thật, phản bội Dân Tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lý do nào để bào chữa, chúng ta không thể chối cãi tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, với lịch sử.
Quân Ðội đã đứng lên, làm nhiệm vụ của mình. Cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút, “phi cầm, phi thú’, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người, đã tới…. Nếu sự tự thiêu của bảy tu sĩ — một hy sinh bi hùng nhất trong lịch sử tôn giáo và nhân loại – chưa làm chúng ta giác ngộ, thì quả chúng ta đã hết là người, không còn xứng đáng gặp gỡ vận hội của chúng ta nữa.
Cuộc cách mạng chỉ mới bắt đầu. Xương máu của quân đội, của đồng bào không thể bị bọn đầu cơ chính trị lợi dụng một lần nữa.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải “gạn đục, khơi trong”, đem hết tâm hồn, năng lực ra phụng sự cho chính nghĩa.
Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các bạn nghệ sĩ, bằng máu, nước mắt, mồ hôi, đem ngòi bút viết lại thiên lịch sử của dân tộc, mà trong chín năm qua, bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố.”
Ðại diện cho các nhà văn, nhà báo chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ.
CHU TỬ – HIẾU CHÂN – TỪ CHUNG
Ðăng trên Tạp chí Bách Khoa, số 165 ngày 15-11-1963.
CTHÐ: Bản “Hiệu Triệu” được đăng trên nhật báo Ngôn Luận. Vài ngày sau ông Hiếu Chân có lời “cải chính” trên nhiều nhật báo: ông không ký tên trong bản “Hiệu Triệu” ấy. Từ Chung nói với tôi: “Tao đọc bản ấy cho Hiếu Chân nghe qua tê-lê-phôn. Ông ấy bằng lòng ký tên.” Từ đó ông Chu Tử đoạn giao với ông Hiếu Chân.
Riêng tôi – CTHÐ – tôi được biết bốn tiếng “phi cầm, phi thú” từ bản Hiệu Triệu vội vàng và rộn ràng rổn rảng những lời đao to, búa lớn ấy. Tôi nghĩ tác giả “Hiệu Triệu Phi Cần Phi Thú ” là ông Chu Tử.
Ba ông ký giả “Hiệu Triệu” đền bị chết vì Cộng Sản. Ông Hiếu Chân chết trong Nhà Từ Chí Hòa năm 1987. Ông Nhà Văn Dương Hùng Cường, bút danh Dê Húc Càn, cùng bị bắt với ông Hiếu Chân, chết cùng trong năm 1987 trong một sà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Hai ông chết vì những bài báo hai ông viết, gửi ra nước ngoài.
Ký giả người Pháp thứ hai chết vì nghề ở Việt Nam là Francois Sully. Năm 1945 khi mới 17 tuổi, Francois Sully cầm súng đi diệt quân Ðức để giải phóng Paris. 1946 Sully gia nhập Quân Viễn Chinh Pháp sang chiếm lại Ðông Dương. Từ 1946 khi giải ngũ và trở thành phóng viên nhà báo, Francois Sully sống với Sài Gòn. Ông nói thạo 4 thứ tiếng Pháp, Anh. Việt và Lào. Theo tôi – CTHÐ – Francois Sully là ký giả ngoại quốc sáng giá nhất ở Việt Nam. Năm 1962 vì những bài báo viết về bà Ngô Ðình Nhu, ký giả Francois Sully bị chính phủ VNCH trục xuất. Ông sang Mỹ học một năm ở Ðại Học Harvard. Trở về Sài Gòn năm 1964 ông làm Trưởng Phòng Newsweek Saigon cho đến ngày ông tử nạn.
Tháng Hai 1971 ký giả Francois Sully đi theo Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí trên phi cơ trực thăng. Giữa trời Tây Ninh, trực thăng bốc cháy. Ông cùng chết với Tướng Ðỗ Cao Trí. Wipekeda ghi ông được an táng trong Nghiã Trang Mạc Ðĩnh Chi. Người ký giả chết vì nghề, chết với nghề ấy không vợ con. Khoản tiền bảo hiểm nhân mạng của ông – khoảng 15 triệu đồng VN – được tặng cho những hội từ thiện Việt Nam.
Francois Sully là người sáng chế ra kiểu áo kaki ba túi bỏ ngoài quần, bộ đồ này về sau được các ông thợ may Sài Gòn gọi là “Áo Ký Giả.”
Người ký giả Việt chết vì nghề ở Sài Gòn cuối cùng – trước năm 1975 – là anh Vân Sơn Phan Mỹ Trúc.
Năm 1960 Vân Sơn Phan Mỹ Trúc phụ trách tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Chủ nhiệm tuần báo này là anh Nguyễn Ðức Khiết, người con trai thứ sáu của bà Bút Trà. Vân Sơn Phan Mỹ Trúc là ký giả duy nhất của Sàigònmới-Phụ Nữ Ngày Mai sau ngày cơ sở tan hàng, trở thành chủ nhiện nhật báo. Khoảng năm 1970 Vân Sơn làm chủ nhiệm nhật báo Ðông Phương. Báo bán chạy. Tôi không rõ vì nguyên nhân nào – chỉ biết Vân Sơn bị giết vì những bài đăng trên tờ báo của anh – vào năm 1972, hay 1973, tòa soạn báo Ðông Phương đặt trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Buổi trưa chủ nhiệm Vân Sơn cùng hai ông bạn ký giả Hoài Khâm, Cung Mạnh Ðạt sang tiệm cơm Tầu trước nhà in ăn cơm. Anh Hoài Khâm, anh Cung Mạnh Ðạt là hai ký giả báo Sàigònmới bạn của anh Vân Sơn. Hai ký giả này là nhân viên tòa soạn nhật báo Ðông Phương. Nghe kể ba ký giả đang ngồi ăn, tên sát nhân đến tận bàn, ghé nòng súng một khẩu súng lục chuyên dùng để ám sát, viên đạn nhỏ như đầu chiếc đũa, vào mang tai ký giả Vân Sơn, nổ một phát. Viên đạn ghim vào óc Vân Sơn, anh ngã chết tại chỗ. Tên sát nhân chạy mất. Vụ giết người bị cho chìm suồng.
Dòng thời gian dài một ánh bay,Những ngày như lá, tháng như mây.
Tất cả những người được kể trong bài này đều là ký giả đã chết. Tất cả chết vì nghề ký giả của họ. Tất cả đều chết trong nước.
Nhiều lần, trong những bài Viết ở Rừng Phong, tôi viết về ông Lư Khê:
“Buổi sáng, ba ông nhà báo Lư Khê, Nam Quốc Cang, Đinh Xuân Tiếu, ngồi cùng bàn uống cà phê trong một tiệm cà phê vỉa hè đường Frère Louis, bị kẻ vô danh cầm súng đến bắn. Ba ông chết tại chỗ.”
Tôi viết vụ ám sát ba ông nhà báo Sài Gòn xẩy ra khoảng năm 1948, 1949. Vụ ám sát bị cho chìm suồng: không tìm ra thủ phạm. Tôi viết:
“Tên sát nhân đến để bắn ông Nam Quốc Cang. Hai ông Lư Khê, Đinh Xuân Tiếu chết oan. Ông Nam Quốc Cang viết nhiều bài báo chống thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam nên ông bị Surete Pháp bắn chết.”
Tôi đã viết sai về cái chết của ông Lư Khê.
Đầu năm 1952 Lê Minh Hoàng Thái Sơn bảo tôi:
“Tao mới gặp Thanh Sanh. Lúy nói báo Ánh Sáng cần một rì-pọt-tơ – ( Reporter: phóng viên ) – Mày đến thử xem. Nói tao giới thiệu.”
Anh Thanh Sanh năm ấy là Chủ Bút nhật báo Ánh Sáng.
Tôi đến, tôi được anh Thanh Sanh – xét khả năng của tôi, anh đưa tôi dịch một bản tin chữ Pháp ra chữ Việt – nhận ngay vào làm nhân viên tòa soạn. Những bước đầu trong đời phóng viên nhà báo của tôi được khởi đi từ tòa soạn nhật báo Ánh Sáng. Những năm 1950 nhật báo Ánh Sáng không phải là tờ báo có nhiều độc giả, nhưng số báo bán được đủ cho tờ báo sống đàng hoàng. Tòa soạn nhật báo Ánh Sáng những năm 1950 ở đường Bonard – sau năm 1956 là đường Lê Lợi – từ chợ Bến Thành đi lên Nhà Hát Lớn, tòa soạn Ánh Sáng nằm ở bên trái, bên cạnh là một nhà in của chủ nhân Pháp, qua tiệm chụp ảnh Tân Mỹ là Restaurant Kim Hoa rồi rạp chiếu bóng Casino de Saigon. 60 năm sau ngày đó hôm nay nhớ lại, tôi thấy tôi đã gặp nhiều may mắn trong đời. Muốn và có mộng viết truyện, làm phóng viên nhà báo từ năm 10 tuổi. Năm 20 tuổi, tôi được viết truyện, được làm phóng viên nhật báo.
Tôi biết ông chủ nhiệm sáng lập nhật báo Ánh Sáng là ông Lư Khê, ông bị bắn chết trước năm 1950, nhưng tôi chỉ biết có thế về ông Lư Khê. Đầu năm 2015 khi tôi viết về Nhật báo Ánh Sáng, tôi tìm thấy những tài liệu về ông Lư Khê trên Wipikeda; Tôi trích:
Lư Khê (1916 – 1950), tên thật là Trương Văn Em (còn được gọi là Đệ), tên chữ là Tuấn Cảnh, bút hiệu là Bá Âm, Lư Khê; là nhà thơ, nhà báo Việt Nam thời tiền chiến.
Ông sinh ngày 20 tháng 1 năm 1916 tại làng Rạch Vược, xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên, trong một gia đình lao động. Thân sinh là ông Trương Văn Huynh (ngư dân) và bà Trần Thị Chín.
Thuở nhỏ, Trương Văn Em học tiểu học ở Hà Tiên, học trung học ở Cần Thơ (Collège de Cần Thơ), đậu bằng Thành Chung năm1928 rồi lên Sài Gòn lập nghiệp.
Ở Sài Gòn, ông dạy học tại trường Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai…và cộng tác với các báo: Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Văn nghệ, Tự do, Nay, Đông Tây, Gió mùa…
Năm 1935, ông cùng với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà (4 người được mệnh danh là “Hà Tiên tứ tuyệt”), xuất bản tờ báo Sống, địa chỉ tòa soạn báo ở Hà Tiên, nhưng báo in và phát hành ở Sài Gòn.
Ông yêu nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, hai người thành hôn ngày 11 tháng 11 năm 1937.
Sau năm 1945, ông làm Chủ bút báo Tân Việt. Từ năm 1947 đến năm 1950, ông làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm nhật báo Sự Thật và chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng. Lúc này, ông là người “chủ trương thống nhất quốc gia, độc lập dân tộc, đồng thời đấu tranh chống thực dân Pháp.”
Ngày 3 tháng 7 năm 1950, ông bị một số kẻ lạ mặt; dư luận cho là những người thuộc nhóm chủ trương phân ly – Nam Kỳ Quốc – sát hại tại nhà riêng, cùng một ngày với nhà báo Nam Quốc Cang. Khi ấy, ông Lư Khê mới 34 tuổi.
Những văn phẩm của Lư Khê.
- Douleur secrète(tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Luk, 1939),
- Phút thoát trần(tập truyện ngắn và tùy bút, Nhà xuất bản Luk 1942)
- Nhạc đêm(tập Thơ)
- La Littérature Chinoise et ses ressources artistiques(tiểu luận)
- Khảo về văn chương nước Nhật
- L’ amour dans la poésie annamite(tiểu luận)
- Jour perdu(tiểu thuyết)
- Au fil de l’heure(thơ)
Và rất nhiều bài phóng sự, nghị luận chính trị, khảo luận văn thơ.
Theo Trương Minh Đạt, Lư Khê là học sinh Hà Tiên đầu tiên đậu bằng Thành Chung.
Nhà nghiên cứu văn học Trương Minh Đạt (em trai ông Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu), kể:
“…Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên nhà chồng yêu quí. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)…Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quí trọng chồng và gia đình chồng, chị quí trọng người nghèo rất thật tình, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo, diễn thuyết bênh vực dân nghèo…Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị mất khả năng sinh sản. Chị không còn sinh đẻ được nữa. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời…, chị Kiêm buồn sầu. Để anh Lư Khê có con, chị tự ý cho anh có vợ khác…Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai…Khoảng đầu năm 1950, chị Manh Manh sang sống bên Pháp. Sau nhiều năm sống cô đơn ở xứ người, chị Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, thọ 91 tuổi.
Theo Trương Minh Đạt nhà báo Lư Khê là người “chủ trương quốc gia thống nhất – một nước Việt Nam gồm ba miền Nam Trung Bắc – Ông là tác giả loạt bài nổi tiếng ‘Đả đảo Bazin,’ và nhiều bài “lên án thực dân Pháp.”
Bazin là nhân viên Sureté Pháp nổi tiếng tàn ác với những người Việt Nam chống Pháp bị bắt giam những năm đó ở Bót Catinat.
o O o
MANH MANH
Nguyễn Thị Manh Manh (1914-2005) là một nữ sĩ Việt Nam thời tiền chiến. Bà là người phụ nữ miền Nam đầu tiên làm thơ – Thơ Mới – đăng thơ trên báo, viết bài đề cao Thơ Mới, diễn thuyết cổ vũ phong trào Thơ Mới tại Việt Nam[.
Nữ sĩ tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh ngày 3 tháng 1 năm 1914 tại Sài Gòn, quê quán của bà ở Gò Công. Bà là con gái thứ của ông Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, ông Trị cũng là một cây bút trong làng báo lúc bấy giờ.
Bà học ở Trường Áo Tím, Gia Long (Sài Gòn). Sau khi tốt nghiệp bằng Thành Chung, bà gia nhập làng báo Sài Gòn. Với bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh, có khi ký tắt là Manh Manh, bà thường xuyên cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, và viết cho nhiều tờ báo khác như: Công luận, Nữ lưu, Việt Nam.
Đầu năm 1932, nhà văn Phan Khôi đề xướng Phong trào Thơ Mới . Hưởng ứng, nữ sĩ Manh Manh gửi những bài thơ mới của bà để đăng trên tờ Phụ nữ tân văn. Sau đó, nữ sĩ còn nhiều lần diễn thuyết cổ vũ cho phong trào này. GS.Phan Cự Đệ kể:
…“Cuộc tấn công của “Thơ Mới” vào “Thơ Cũ” ngày càng quyết liệt. Tối ngày 26 tháng 7 năm 1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến Học Sài Gòn về “Lối thơ mới”. Hội này thành lập đã 25 năm nay mới có một phụ nữ lên diễn đàn, đây cũng là buổi diễn thuyết có đông thính giả nhất. Hơn hai năm sau (tháng 11 năm1935), Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hạnh cùng diễn thuyết tranh luận về ThơMới.
Không chỉ đề cao và bảo vệ Thơ Mới, nữ sĩ Manh Manh còn là một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, đòi phụ nữ bình quyền với nam giới. TS. Phan Văn Hoàng viết:
“Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê…, bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết với các đề tài: “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”, “Một ngày của một người đàn bà tiên tiến”, “Có nên tự do kết hôn chăng?” “Nên bỏ chế độ đa thê hay không”? Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc.
Năm 1936, nữ sĩ Manh Manh tích cực tham gia phong trào Đông Dương đại hội. Tuy mới 22 tuổi, nữ sĩ là một trong hai phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương đại hội tại Sài Gòn, bên cạnh các nhân vật nổi tiếng thời đó như Nguyễn An Ninh, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm…
Ngày mồng 1 tháng Mười năm Bính Tý (tức 11 tháng 11 năm 1937), nữ sĩ thành hôn với ông Trương Văn Em, người Hà Tiên, một nhà giáo dạy Việt văn ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đồng thời là một nhà báo với bút hiệu Lư Khê.
Nữ sĩ Manh Manh qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris vào ngày 26 tháng 1 năm 2005, bà thọ 91 tuổi.
Nữ sĩ Manh Manh làm thơ rất ít, và không xuất bản tập thơ nào.
Sự cổ vũ nồng nhiệt của nữ sĩ Manh Manh về “Thơ Mới”, được Hoài Thanh-Hoài Chân ghi lại trong văn phẩm Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1941), như sau:
…“Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có can đảm, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến Học Sài Gòn diễn thuyết về Thơ Mới. Hội Khuyến Học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Đây là lần thứ nhất một vị nữ lưu lên diễn đàn của Hội và đây cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người đến nghe.”
Ghi nhận công lao của nữ sĩ Manh Manh, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng) có đoạn:
…“Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi…Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như tòa cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng Thơ Mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một người đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước.
CTHĐ: Tôi xúc động khi đọc những dòng tiểu sử ông Lư Khê. Tôi vào làng báo Việt Nam bằng cửa nhật báo Ánh Sáng, tờ báo do ông sáng lập, mà trong bao nhiêu năm tôi không biết ông Lư Khê là một nhà văn viết nhiều tác phẩm biên khảo văn thơ bằng văn Pháp, một việc mà tôi thấy dường như chưa có ông chủ báo Sài Gòn nào làm được. Năm 1952 khi tôi được anh chủ bút Thanh Sanh nhận vào làm phóng viên, tôi được biết ông chủ nhiệm Lư Khê bị sát hại, chính quyền Sài Gòn thời ấy cho bà vợ ông Lư Khê thay ông làm chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng, tờ báo tiếp tục xuất bản. Bà vợ ông Lư Khê mời anh Thanh Sanh làm chủ bút nhật báo Ánh Sáng.
Năm 1952 phòng ngoài tòa soạn Ánh Sáng một bên là Ty Trị Sự-Quản Lý, một bên là bàn làm việc của nhân viên, ký giả, phóng viên. Phòng trong có bàn làm việc của anh Thanh Sanh, bàn làm việc của anh Hải Âu. Giữa phòng kê bàn giấy của bà Chủ nhiệm. Mỗi tháng bà chủ nhiệm đến tòa soạn hai, ba lần, bà đến xem sổ sách của Ty Quản Lý, ký giấy tờ. Năm 1952 tôi thấy bà trạc 40, 45 tuổi, trang phục lịch sự, bà khá đẹp. Bà tên là Nguyễn Ngọc Diêu. Những năm 1965 tôi nghe tin bà kết hôn với ông Hoàng Hồ, một nhân vật chính trị ở Pháp về.
Như vậy, theo tôi biết, bà vợ góa của ông Lư Khê, người kế tiếp ông làm chủ nhật báo Ánh Sáng, không phải là bà thi sĩ Manh Manh.
Nhật báo Ánh Sáng do anh Thanh Sanh làm chủ bút sống đến ngày chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành Luật:
– Nhật báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu đồng.
– Tuần báo phải đóng tiền ký quỹ 10 triệu đồng.
Nhật báo Ánh Sáng chết vì báo không có 20 triệu đồng.
Nhà báo Nam Quốc Cang là ký giả thứ hai bị bắn chết ở Sài Gòn.
Wipikedia ghi về Nhà Báo Nam Quốc Cang:
Nam Quốc Cang (1917-1950) tên thật Nguyễn Văn Sinh, là nhà báo Việt Nam. Ông lấy tên ba ông nhà báo nổi tiếng là các ông Nguyễn Kỳ Nam, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang làm thành bút hiệu Nam Quốc Cang.
Ông quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào Sài Gòn năm 1940. Năm 1945, ông viết bài cho nhật báo Tin điển. Ông chủ trương chống thực dân Pháp, đặc biệt phụ trách mục Trớ trêu và được độc giả yêu thích. Dưới bút danh Nguyễn Thạch Sơn, trong bài Sài Gòn hoạt cảnh, ông chế giễu những hoạt động của Thủ Tướng Nam Kỳ Quốc Nguyễn Văn Thinh. Sau báo Tin điển, ông giữ chức chủ bút những báo Thời cuộc, Công chúng, Chống xâm lăng rồi cuối cùng làm quản lý cho tờ Dân Quý.
Ngày 6 tháng 5 năm 1950, nhà báo Nam Quốc Cang cùng với nhà báo Đinh Xuân Tiếu bị ?ám sát trước tòa soạn báo Dân Quý ở góc đường D’Arras-Frère Louis (nay là đường Cống Quỳnh – Nguyễn Trãi). Ông mất khi mới 33 tuổi. Cái chết của hai nhà báo đã gây chấn động giới báo chí và công chúng Sài Gòn. Đám tang của ông được tổ chức vào ngày 9 tháng 5, 1950, hàng vạn dân chúng Sài Gòn đến đưa tiễn ông.
Trong buổi nói chuyện về Thơ Mới ở Hội Khuyến Học Sài Gòn ngày 26 tháng 7, năm 1933, Thi sĩ Manh Manh đọc bài Thơ Mới của bà:
Canh tàn
Em ơi, em lắng ngheGió đêm thoảng ngoài cửaLụn tàn một góc lửaLạnh ngắt chốn buồng the.
Gió đêm thoáng qua cửaNão dạ dế tỉ têLạnh ngắt chốn buồng theEm ơi, khêu chút lửa
Não dạ dế tỉ têGió ru tha thiết chi nữaEm ơi, khêu chút lửaRồi lại ngồi đây nghe
Gió ru tha thiết chi nữaSụt sùi mấy cành treEm ngồi đây có ngheTơ lòng chị đứt nửa.
Những năm 1947, 1948 – Thế Kỷ Hai Mươi – khi tôi đi chân đất đưa thư tay trong vùng đồng đất Bắc Ninh – Bắc Giang – tên Việt Minh là Bắc Bắc – ba chàng thanh niên Hà Nội: Hoàng Anh Tuấn, Trần Bích Lan, Trịnh Viết Thành lên phi cơ Air France từ phi trường Gia Lâm, Bắc Việt, bay sang nước Pháp. Tôi nghe nói ông Hoàng Anh Tuấn sng Pháp trên tầu biển Pháp năm 1950.
Ba chàng cùng trạc tuổi tôi, ra đời trong những năm 1932, 1933, 1934. Ba chàng sang Pháp du học. Những năm 1954, 1955, ba chàng trở về Sài Gòn, Ông Trần Bích Lan là giáo sư Triết, nổi tiếng là Thi sĩ Nguyên Sa – Paris có gì lạ không Em? Mai Anh về, Anh có còn Em? Chỉ biết lòng mình là hương cốm. Chẳng biết tay ai là lá sen – Tôi đã viết nhiều về Thi sĩ Nguyên Sa, Trong bài hồi tưởng-hoài niệm-tri ân Bạn Tốt này, trong ba người, tôi chỉ viết nhiều về Trịnh Viết Thành.
Tôi gặp Trịnh Viết Thành lần thứ nhất – khoảng năm 1953 hay 1954 – ở bàn viết của Thanh Nam trong Ðài Phát Thanh Quân Ðội. Hôm ấy tôi ghé thăm Thanh Nam, TV Thành từ Pháp mới về cũng ghé thăm ThanhNam. Tôi được Thanh Nam cho biết xước danh của Thành là Thành Nham Nhở.
Hai tiếng Nham Nhở gán cho Thành không mang nghĩa “đểu cáng.” Nham nhở đây có cái nghĩa của tiếng Pháp “Cynique.” Tôi không tìm được tiếng Việt nào có cái nghĩa của tiếng Cynique. Người Cynique theo tôi là người hay nói thẳng, nói trắng trợn những chuyện cần nói bóng gió, cần che đậy của người đời. Nói làm người ta khó chịu. Như một chiều Thành và tôi ngồi trong Nhà La Pagode. Bàn bên có anh bạn Nhà Văn-Nhà Báo đi với cô bạn của anh. Trời Sài Gòn lất phất mưa. Khi đi, ông Nhà Văn đưa cái áo mưa của cô bạn lên cho cô xỏ tay.
Thành nói:
“Mặc quần cho em mới hay chứ, mặc áo cho em thì ăn thua gì.”
Một chiều ở Ngân Ðình Tửu Gia, nhà hàng Cơm Tây, Cơm Tầu trên bờ sông Sài Gòn – tên hàng ăn này trước năm 1956 là Point des Blagueurs – ông Nhà Văn trẻ hào hoa phong nhã xách cái hộp trang điểm của cô đào xi-la-ma Giao Chỉ đi vào. Cái hộp đồ trang điểm của cô diễn viên giống cái hòm gỗ đồ nghề toong-đơ, dao cạo của các ông thợ hớt tóc dạo.
Thành hỏi ông Nhà Văn:
“Ê mày….. Viết văn không khá, mày đổi nghề, bây giờ mày làm thợ hớt tóc dạo?”
Trịnh Viết Thành, như Hoàng Anh Tuấn, có năm, sáu năm ăn học ở Pháp, nhưng công lực tiếng Phú-lang-sa của hai ông không hơn tôi bao nhiêu. Thành có năng khiếu về làm báo. Anh làm thư ký tòa soạn nhiều nhật báo ở Sài Gòn. Chức vụ thư ký tòa soạn cuối cùng của anh – trước Ngày 30 Tháng Tư 1975 Ðen Hơn Mõm Chó – là thư ký tòa soạn nhật báo Quật Cường, tờ nhật báo của ông Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Ðốc Công An-Cảnh Sát chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Năm 1965, hay 1966, Nhật báo Tiền Tuyến ra đời, Báo của Cục Tâm Lý Chiến, nhân viên tòa soạn một nửa là quân nhân, một nửa là dân sự. Thành là thư ký tòa soạn Tiền Tuyến. Khi anh bỏ Tiền Tuyến để sang làm một nhật báo khác do các bạn anh chủ trương, anh yêu cầu toà báo cho tôi – H2T- làm thư ký tòa soạn thay anh.
Năm ấy đời tôi đang đi vào chu kỳ xuống dzốc không phanh, Série Noire de Luxe, Sau bẩy, tám năm phây phây, phơi phới làm nhân viên toà soạn Nhật Báo Sàigònmới, viết tiểu thuyết quanh năm cho Nhật báo Ngôn Luận, các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Màn Ảnh, Phụ Nữ Ngày Mai; Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị hạ sát, Sàigòmới, Ngôn Luận bị Ðỗ Mậu – Nguyễn Khánh đóng cửa cùng trong một ngày. Tội gán cho hai báo vừa kể là tội “ Tay sai Nhà Ngô,” tôi không có nhật báo nào để làm. Ðang kiếm 20.000 đồng một tháng, thời gian đen tối ấy tôi chỉ kiếm được khoảng ba, bốn ngàn đồng một tháng. Nhờ bán mấy cái truyện ngắn cho mấy tờ tuần báo. Thời gian này kéo dài đến hơn một năm
Thành nhớ tới tôi, Thành đi tìm tôi:
“Tao đã nói với Ðại Tá Vũ Quang, với Lê Ðình Thạch, Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, mày vào Tiền Tuyến thế chỗ của tao. Xong cả. Sáng thứ hai này mày đến làm, không phải hỏi ai mà cũng không chờ ai gọi.”
Nhờ Thành, tôi trở lại làm báo với công việc trong tòa báo Tiền Tuyến, tôi lại có việc làm có lương tháng; tôi mở đầu loạt truyện Ðiệp Viên O07 bằng truyện Thầy Nô – Doctor No – nơi trang trong báo Tiền Tuyến. Ðời tôi tuy không lên hương, không phơi phới như những năm trước 1963 nhưng nhờ Thành, tôi sống được. Nhờ Thành, tôi gượng dậy được.
Trong thời gian ở Pháp, Thành kết hôn với cô em gái của Trần Bích Lan. Vợ chồng Thành có một, hay hai đưá con, Về Sài Gòn, Thành lấy cô vợ hai. Vợ Thành ly dị, chị sang Pháp sống, giao con cho ông anh bảo dưỡng, giám hộ. Kể Thành lấy vợ hai là không đúng, Thành bỏ vợ, đi sống với vợ mới. Thành không phải là Thuyền Trưởng Hai Tầu.
Ông Giám Hộ Nguyên Sa cho con của Thành vào học, ở nội trú trong Trường Taberd. Một hôm, Thành tìm tôi:
“Nguyên Sa nó cấm không cho tao vào trường gặp con tao, không cho tao đón con tao ra trường. Nguyên Sa nó trọng dư luận bọn văn nghệ sĩ lắm. Mày bảo nó cho tao được gặp con tao.”
Tôi đến gập Nguyên Sa:
“Thằng Thành nó nhờ tao đến nói với mày. Cho nó vào Taberd gặp con nó. Cấm không cho bố con nó gập nhau làm gì.”
Nguyên Sa nói:
“Tao ghét nó. Chẳng thà nó nghiện thuốc phiện đi. Nó lại có vợ bé. Trò nhà quê.”
Như vậy là ông Thi sĩ cho anh ký giả, anh văn nghệ sĩ nghiện thuốc phiện thì được, có vợ bé là không được, là làm trò nhà quê.
Năm 1967 cuộc tình của Alice và tôi gặp khủng hoảng, Alice bỏ đi, tôi vất vả, vất vưởng tìm Nàng, mong chờ Nàng trở về. Một tối Thành đến tìm tôi trong căn phòng tôi sống một mình ở đường Hồ Biểu Chánh, cạnh nhà Duy Sinh. Phòng này do Lê Trọng Nguyễn ở trước, Nguyễn lấy vợ, có nhà riêng, phòng để lại cho tôi. Thành bảo tôi:
“Mày đừng có quá buồn. Vợ chồng lấy nhau vì tình thường đến tám năm, mười năm là có một cái crise. Nếu vượt qua được, vợ chồng mày sẽ sống với nhau suốt đời.”
Thành không nói: “Vượt qua không được là vợ chồng mày xa nhau luôn.” Tôi biết Thành không nỡ nói ra câu đó. Trịnh Viết Thành là người bạn tốt của tôi, tôi nhớ ơn Thành.
Dòng thời gian dài một ánh bay.. Những ngày như lá, tháng như mây.. Cùng với anh em, Thành đi tù, tôi đi tù. Năm 1990 tôi đi tù lần thứ hai trở về. Tôi được biết Thành bị tù ở Trại Khổ Sai Gia Trung – Gia Lai, đã về năm 1988. Vợ Thành bỏ Thành. Tôi nghe anh em kể khi lên trại thăm nuôi Thành, vợ Thành gặp lại người tình cũ của chị, người tình trước khi chị gặp Thành. Người đàn ông này cũng là tù nhân cùng trại với Thành. Anh này được về Sài Gòn trước Thành, chị vợ Thành bỏ Thành để sống với anh này.
Thành đau ốm. Một trưa mùa mưa tôi đến Nhà In Nam Sơn, đường Nguyễn An Ninh, tìm Thành. Nhà In Nam Sơn của bà mẹ Thành. Người em trai của Thành làm chủ nhà in này.
Khi tôi đến Nhà In Nam Sơn không còn nữa. Máy in bị VC đưa đi hết. Tầng dưới là cửa hàng, nhà kho của Quận, tầng gác nhất là nơi ở của cán bộ, Thành ở từng lầu thứ hai, từng cao nhất nhà.
Nơi này trước là nơi ở của bà mẹ Thành. Sân gác có một điện thờ, bồn hoa, cây cảnh. Thành sống một mình ở đây. Cơm nước có người nhà mang đến. Thành gầy ốm quá. Thấy tôi, Thành gọi ngay tên tôi:
“Hoàng Hải Thủy.”
Tôi thấy lạ vì tôi gặp Thành lần cuối trưa ngày 29 Tháng Tư 1975. Lần ấy Thành vào Nhà USIS tìm tôi xem có đi nhờ đường USIS được không. Sau lần đó chúng tôi cùng kẹt ở Sài Gòn nhưng không một lần chúng tôi gặp lại nhau. Cho đến buổi trưa năm 1990 này Thành và tôi không gặp nhau trong 15 năm. Tôi đến tìm Thành, tất nhiên tôi nhìn ra Thành ngay. Còn thấy tôi bất ngờ đến sau 15 năm không gặp, Thành vẫn nhận ra tôi ngay.
Thành nói anh sắp đi sang Pháp, con gái anh ở Pháp bảo lãnh anh. Con gái của Thành chắc là con của anh với bà vợ em gái Nguyên Sa. Thành nói hồ sơ đã xong nhưng anh bệnh quá, phải điều trị ít lâu cho khoẻ mới đi khám sức khoẻ được.
Tôi chỉ gặp lại Trịnh Viết Thành sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 có lần ấy. Khoảng một tháng sau tôi trở lại thăm Thành, thấy cửa phòng đóng, có cái khoá bên ngoài. Trở xuống, tôi hỏi người ở phòng tầng lầu nhất về Thành. Người ta nói:
“Bác Thành mất rồi, bác ơi.”
o O o
Hồng Dương vào làm trong tòa soạn Nhật báo Ngôn Luận khoảng năm 1957, 1958. Năm ấy Nhật báo Ngôn Luận đã sống vững, Chủ nhiệm Hồ Anh ăn nên, làm ra, có nhà in riêng, mở lớn tòa soạn, lấy thêm nhân viên là Hồng Dương, Phan Nghị, hai họa sĩ Văn Hiếu, Huy Tường.
Hồng Dương trẻ hơn tôi khoảng bẩy, tám tuổi, anh có tên Hồng Dương vì trước đó anh là võ sĩ Quyền Anh – boxeur – Lò Võ Hồng Việt. Tất cả những võ sinh Lò Hồng Việt đều có tên Hồng. Tôi quen ba võ sĩ Hồng Việt là Hồng Dương, Hồng Cương, Hồng Trực. Võ sĩ Hồng Dương từng lên đài trong những năm 1955, 1956.
Ký giả Hồng Dương Nguyễn Hữu Hùng đẹp trai, sống sạch, đàng hoàng, anh không ngồi cả buổi đấu láo, uống la ve ở tiệm như nhiều ký giả cùng thời, anh không nghiện ngập, anh có số đào hoa nhưng không bị tai tiếng, không bị nàng nào thù hận. Tôi thường nói về Hồng Dương với người ngoài làng báo:
“Alain Delon của chúng tôi đấy.”
Hồng Dương kết hôn với Linh Linh Ngọc khoảng năm 1961. 1962. Tôi dự tiệc cưới của hai người. Tháng Tư năm 1964 nhật báo S2igònmới, nhật báo Ngôn Luận – hai Nguồn Tiền của tôi – bị đóng cửa cùng trong một ngày, một giờ. Nhắc lại: tôi rơi vào chu kỳ thất nghiệp, túng tiền, không nhìn thấy việc làm đàng hoàng ở đâu.
Nhật báo Chính Luận ra đời. Nhật báo Chính Luận thế chỗ của Nhật báo Ngôn Luận. Gần như toàn bộ nhân viên tòa soạn, ty trị sự Ngôn Luận sang làm cho Chính Luận. Từ Chung Thư ký tòa soạn Ngôn Luận làm thư ký toà soạn Chính Luận. Từ Chung và tôi thân nhau, chúng tôi mày tao với nhau. Tôi được mời viết tiểu thuyết cho Chính Luận. Nhưng tôi nhận tiền dưa trước mà tôi bê bối, tôi không đưa bài. Từ Chung đến nhà tôi tìm tôi nhưng không gặp tôi.
Từ Chung giận tôi, sau đó tuy cần báo đăng tiểu thuyết, tôi không mặt mũi nào đến gặp Từ Chung, nói:
“Xếp chỗ cho tao viết.”
Tôi đành chịu túng thiếu. Vợ chồng tôi về ở trong một căn nhà nhỏ, vách ván, điện câu, nước câu trong xóm Chuồng Bò. Xóm này ở giữa đường Hai Mươi và Ðường Petrus Ký, nơi năm ấy là bến xe đò đi Ðàlạt. Nhà làm trên một khu mấy năm trước là vũng sình lầy. Ðêm đầu tiên về căn nhà nhỏ này, cái bánh chưng để trên bàn của tôi bị chuột cống tha đi mất, trong bếp thường thấy những con bò cạp to tổ bố. Trời mưa, đường vào nhà ngập nước, tôi phải xách giầy lội nước vào nhà.
Một chiều khoảng 5 giờ, tôi thấy có người đến cửa. Hồng Dương và Linh Linh Ngọc đến, dắt theo đứa con trai thứ nhất mới hai, ba tuổi. Ðứng trước cửa, Hồng Dương bảo tôi:
“Tôi đã dàn xếp để anh viết tiểu thuyết cho Chính Luận. Sáng mai anh đến đưa bài. Có truyện của anh, Chính Luận đăng ngay.”
Hồng Dương nghĩ đến tôi, thương tôi túng quẫn. Trong một cuộc họp tòa soạn Chính Luận, anh đề nghị báo đăng tiểu thuyết của tôi. Nhiều người ngần ngại vì lý do tôi hay đưa bài muộn, làm phiền nhiều người trong nhà in, tôi hay đưa bài không đủ, khung dành cho tiểu thuyết của tôi thường có cột để trống. Có hôm để trắng luôn. Hồng Dương phải bảo đảm lần này H2T sẽ viết đều, đưa bài đúng giờ, không sốt-tê, tức có ngày không đưa truyện. Nhờ Hồng Dương tôi có tiểu thuyết Môi Thắm Nửa Ðời đăng nhiều tháng trên Chính Luận. Các ông bạn tôi gọi tiểu thuyết Môi Thắm Nửa Ðời là Môi Thắm Nửa Ðùi.
Những năm 1960 phim võ hiệp HongKong có phim Bẻ Kiếm Bên Trời – Thiên Nhai Chiết Kiếm. Khi phóng tác một truyện điệp viên Mỹ tôi lấy tên truyện là Bỏ Súng Bên Trời. Các ông bạn tôi gọi đó là truyện Bỏ Súng Bên Giường.
Chính Luận chi tôi 7.000 đồng một tháng. Vợ chồng tôi bắt đầu dễ thở. Rồi Trịnh Viết Thành nhường việc thư ký tòa soạn Tiền Tuyến cho tôi. Sau khoảng 2 năm vất vả, vất vưởng, tôi trở vào làng báo, tôi lại sống được với việc Viết Truyện, công việc tôi muốn tôi làm từ năm tôi 11, 12 tuổi. Tôi đã sống trọn đời tôi với công việc tôi thích làm, tôi muốn làm.
Tháng 11 năm 1994 vợ chồng tôi đến Hoa Kỳ. Từ Cali, Hồng Dương phôn cho tôi:
“Tôi mời anh chị sang chơi Cali, anh sẽ gặp lại các bạn ta ở đây.”
Hồng Dương làm paralegal, anh sống được với nghề. Năm 2011, Hồng Dương bị stroke, anh sống nhưng bị bại liệt, nói khó khăn.
Thankgivings 2012, tôi viết Tri Ân Trịnh Viết Thành, Hồng Dương. Tôi còn phải Tri Ân nhiều người nữa, Hôm nay tôi viết Tri Ân có hai người.
Như tôi phải tri ân anh Ung Văn Luông. Không có anh Ung Văn Luông, tôi không thể đưa vợ tôi sang Mỹ. Là nhân viện USIS anh Ung Văn Luông phụ trách Ban Nhân Viên. Anh và gia đình đi thoát khỏi nước trong Ðêm 29 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ, anh làm việc trong USIA – United States Information Agency – ở Washington DC. Anh đề nghị với các ông Mỹ USIA mở Chương Trình Ðưa Nhân Viên USIS bị kẹt ở Sài Gòn sang Mỹ. Việc này không phải dễ dàng mà thành. Nhưng nhờ anh Ung Văn Luông, nhân viên USIS Sài Gòn bị kẹt ở Sài Gòn nhiều người được chính phủ Mỹ cho ODP đưa sang sống ở Hoa Kỳ.
Luật của chính phủ Hoa Kỳ: “Ðưa người Việt trong quân đội, trong chính quyền VNCH bị tù đày sang Mỹ.” Tôi không là nhân viên chính quyền Quốc Gia VNCH, dù có bị Cộng Sản giam tù 20 năm, tôi cũng không được chính phủ Hoa Kỳ nhận cho sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị. Tôi sang được Hoa Kỳ nhờ anh Ung Văn Luông xin cho. Tôi tri ân anh.
Như tôi chịu ơn bà Khúc Minh Thơ. Năm 1994 khi vợ chồng tôi được ODP nhận cho sang Hoa Kỳ, ba con chúng tôi không đưá nào sống cùng nhà với chúng tôi, các cháu không có tên trong sổ gia đình – tiếng VC là Sổ Hộ Khẩu – nên ODP không cho các cháu đi sang Mỹ theo chúng tôi. Năm 2000, bà Khúc Minh Thơ đề nghị Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain đệ trinh Quốc Hội Tu Chính Án cho phép những người đi HO sang Mỹ những năm trước vì các con không ở chung nhà nên không mang được các con đi, nay những người ấy được quyền bảo lãnh các con họ sang Hoa Kỳ. Những người con HO này được hưởng quyền lợi tị nạn như bố mẹ chúng.
Bà Khúc Minh Thơ lo cho các con tôi sang Hoa Kỳ, bà lo cho vợ chồng và các con chúng tôi mọi chuyện. Ðúng la Lo từ A đến Z. Một đêm Tháng Ba năm 2003, tôi đến phi trường đón các con tôi từ Sài Gòn đến. Thấm thoắt dzậy mà các con tôi sang Hoa Kỳ đã 10 năm.
Tôi tri ân bà Khúc Minh Thơ.
Ðêm đông Virginia, phòng ấm, đèn vàng, yên lặng, an ninh 500%, tôi nằm đọc “Ký Ức Huỳnh Văn Lang.” Ký Ức 2 Tập. Tập Một 670 trang, Tập Hai 840 trang. Có đêm tôi đọc Ký Ức Huỳnh Văn Lang đến 2, 3 giờ sáng. Ðọc thì sướng khoái nhưng viết bài Ðiểm Sách Ký Ức Huỳnh Văn Lang thì tôi gặp khó khăn: Ký Ức HVLang nhiều chuyện quá. Tôi không biết nên trích đoạn chuyện nào, đoạn nào tôi thấy cũng nên trích. Tôi không đủ diều kiện để phê phán chuyện nào trong Ký Ức HV Lang đúng, chuyện nào không đúng, chuyện nào lời kể quá đáng.
Vì vậy, bài viết này không phải là bài Ðiểm Sách, tôi chỉ làm cái việc đọc và trích vài đoạn chuyện trong Ký Ức HV Lang để quí vị bạn đọc biết sơ qua về tập Ký Ức này. Nếu quí vị muốn biết thêm, hay muốn biết về 50 năm lịch sử Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà do một người trong cuộc kể, mời quí vị tìm đọc nguyên tác phẩm “Ký Ức Huỳnh Văn Lang.” Hai tập 1.500 trang, 50 đô Mỹ.
Ông Huỳnh Văn Lang là người “đẻ bọc điều.” Không những chỉ là người “đẻ bọc điều suông,” ông HV Lang là người “đẻ bọc điều chân chính, đẻ bọc điều super. “Sinh trưởng trong một gia đình địa chủ tỉnh Trà Vinh, ông sáng dạ, thông minh – ông là mẫu người được giới càn bạt Hà Nội gọi là “Ðẹp trai, trẻ tuổi, học giỏi, con nhà giầu, không có máu ăn cắp vặt.”
Những năm 1950 giới càn bạt Hà Nội có câu “Ðẹp trai, trẻ tuổi, học giỏi, con nhà giầu, chỉ phải cái tội là hay ắp vặt” để riễu những anh rởm tự khoe mình là con nhà gia giáo.
Những năm 1945 ông HV Lang 20 tuổi, ông lên Sài Gòn học. Bà mẹ ông muốn ông làm linh mục, ông đi tu, nhưng mộng Linh mục của ông không thành. Năm 1950 ông HV Lang xuống tầu biển sang Pháp du học. Ông kể về chuyến đi:
Trích Ký Ức Huỳnh Văn Lang:
Hạng Tư là một cái ham tầu trống rỗng, xưa nay dành để chở trâu bò, bây giờ được sơn phết sơ sơ để chở chúng tôi. Mỗi người được một cái võng bố, treo lên như cái bao bị, vì không đủ chiều dài, đầu võng này sang đầu võng kia chỉ chừng 2 thước. Phải là con ông, cháu cha hay là con gái mới đi Hang Ba được.. Hạng Nhì và Hạng Nhất dành cho người Pháp và quan chức Việt Nam làm việc với Pháp.
Khi xuống tàu, tôi mới hay là số sinh viên Việt Nam xuất dương đông đến thế: Hạng Ba có tới 40 người Việt, 30 nữ, 10 nam sinh viên, Hạng Tư có 200 người.
Trên tàu tôi để ý tới hai nhóm sinh viên, mỗi nhóm năm, bẩy anh em hay tập họp nhau và vui vẻ om sòm nhất. Một nhóm người Bắc do anh Hoàng Anh Tuấn cầm đầu, tất cả đều dưới 20 tuổi, hay hát xướng, hay cười giỡn, mấy anh này có hai cây đàn. Một nhóm người Trung làm như do anh Ngô Trọng Anh cầm đầu, nhóm này xem trưởng thành hơn.
Phần đông anh em là người Nam, nhưng lại chia ra nhiều nhóm lẻ tẻ, hai ba người mỗi nhóm, ít nói, ít om sòm hơn. Nhóm anh Tuấn nhận bộ văn hóa, lo âm nhạc, đánh cờ, giải trí cho anh em. Nhóm anh Anh nhận lãnh bộ tiếp tế, lo ăn uống hàng ngày. (.. .. )
Champollon là chiếc tàu đã mục nát, sắp gẫy đến nơi, đáng lý ra phải phế thải từ năm, bẩy năm trước.
CTHÐ: Chuyến hải hành Sài Gòn-Marseille trong Ký Ức HV Lang được kể trong 30 trang. Tôi chỉ trích đoạn trên. Tôi chú ý đến đoạn này vì trong 200 ông sinh viên nằm võng vượt biển sang Pháp học có ông bạn tôi là ông Hoàng Anh Tuấn.
Tôi có ba ông bạn “mày tao” là các ông Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Viết Thành và ông Nguyên Sa Trần Bích Lan. Ba ông sang Pháp học trong khi tôi làm liên lạc viên đi chân đất, cầm thư tay đi đưa thư trong đồng đất những tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang – Việt Minh gọi là Bắc Bắc – Ba ông từ Pháp về nước những năm 1954, 1955. Nhưng..
Mèn ơi..Tôi vẫn cứ tưởng ba ông tôi được quen sang Pháp trên phi cơ Air France, bay đi một sáng đẹp trời từ phi trường Gia Lâm, Bắc Kỳ. Ba ông người Việt trẻ tuổi được những em đầm Hốt-tét đờ Le – Hotesse de l’air Tóc Lông Vàng Óng chiêu đãi, phục vụ. Ðến nay – 2013 – đọc Ký Ức HV Lang, tôi mới biết trong ba ông, ông Hoàng Anh Tuấn sang Tây trong hầm tầu biển Champollon, tầu biển rỉ sét, hầm tầu dùng để chở trâu bò. Ông nằm võng sang Tây. Tôi théc méc chuyện tầu biển Champoilon đi từ bến Hải Phòng hay đi từ bến Sài Gòn? Nếu tàu đi từ bến Sài Gòn thì ông Hoàng Anh Tuấn từ Hà Nội phải vào Sài Gòn để lên tàu Champolon.
Ba ông Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Việt Thành, Nguyên Sa Trần Bích Lan đã ra người thiên cổ.
Ký Ức Huỳnh Văn Lang Tâp II viết nhiều về đề tài “Người Lính Cai Trị.” Tôi trích vài đoạn:
Huỳnh Văn Lang viết về Dương Văn Minh.
Người dân Sài Gòn còn kháo nhau sau đảo chính Dương Văn Minh có xin Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ trích trong Ngân Sách Quốc Gia mấy triệu đồng để cho ông sửa sang lại hồ cá lý ngư và dàn hoa lan của ông ta cho đẹp hơn, lớn hơn.
Người viết không rõ, chỉ nghe nói thôi. Nhưng theo nhận xét về nếp sống, về thái độ chính trị của ông ta, tôi cho DVM chỉ là một người không có bản lãnh, không có kiến thức chính trị, đầu óc có phần đần độn, không thông minh như ông thầy Trần Văn Hương của ông hay quả quyết. DVM là người được đưa lên để bị xỏ mũi, giựt dây hơn là lãnh đạo, lại càng không phải là người có mưu lược, một thứ võ dũng vô mưu, như ông Ngô Ðình Nhu có lần phê phán trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu (1956-57) để tiêu diệt lực lượng HH ly khai Ba Cụt ở miền Tây 1955-56.
Trong ba tháng Người lính DVM cai trị, tôi không rõ ông ta đã làm được cái gì ngoài việc phá hoại những thành quả chánh trị xã hội của chế độ trước để lại và nhứt là việc phóng thích các tên cán bộ CS nằm vùng bị Ðại tá Nguyễn Văn Y giam giữ từ trước. Nhưng vì bị lãnh đạo hơn là lãnh đạo, DVM chỉ là người bị xỏ mũi, bảo đâu làm đó. Trong những người lính cai trị dẫn dắt DVM phải kể:
- Người lính cai trị Ác độc Mai Hữu Xuân, Tổng Giám Ðốc CACS kiêm Trung Tâm Tình Báo Quốc Gia.
- Người lính cai trị Playboy Dâm bôn Trần Văn Ðôn, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng + người lính cai trị em rể gian xảo Lê Văn Kim, Tổng Tham Mưu Quân đội.
- Người lính cai trị già nghiện thuốc phiện Nguyễn Văn Quan, Cục Trưởng An Niunh Quân Ðội và Quân sư chính hiệu của DVM từ lâu.
- Thằng nhỏ ham chơi làm người lính cai trị Tôn Thất Ðính, bộ trưởng Nội Vụ mà không có CACS để thì giờ đi chơi gái Tàu Chợlon để trả thù tác giả Luật Bảo Vệ Luân Lý cho bõ ghét.
- Sau hết mà hơn hết là tên VC nằm vùng Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Huỳnh Văn Lang viết về Nguyễn Khánh.
Tướng Nguyễn Khánh là một người lính cai trị thì hèn nhát cũng không lạ. Dám nhận một trọng trách như là Nguyên thủ Quốc gia mà lại luôn sợ chết thì lạ thật. Chỗ ngủ của anh ta luôn xê dịch. Cũng như tướng Khiêm cho quân cảnh rước về để giao cho anh ta lên nắm chính quyền thì có người kể là anh ta sợ bị bắt nên đã lê lết lậy lục xin tha mạng! Mà có người còn bịa chuyện là anh ta còn làm xấu trong quần là khác.
Huỳnh Văn Lang viết về Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Ưu tư số 1 của Nguyễn Cao Kỳ là kéo bè, kéo cánh, đem bạn bè ăn chơi lính tráng người Bắc đi nắm hầu hết các chức vụ quan trọng ở đô thành SGCL 90% là dân Nam kỳ, và nhiều chức vụ quốc gia khác nữa, như Nha Thương Cảng, Quan Thuế. Có thể NCK vô ý thức đã thành lập một hệ thống tham những chưa từng thấy. Từ ngày NCK lên nắm chính quyền là ngày 19 tháng 6, 1965, khởi sự mọc lên như nấm những ổ mãi dâm trá hình là những phòng tắm hơi. Những phòng tắm này muốn hoạt động lớn nhỏ gì cũng phải đóng hụi chết cho các quận trưởng. (.. .. )
Người viết muốn nói đến bức ảnh bạn nhậu của NCK là tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng lục chĩa vào màng tang của tên đại úy Lộp. Ðã đành tên VC này đáng tội chết ngàn lần, nhưng xử y như vậy thật là phản chính trị, vô chính trị, vừa không phải chỗ vừa không phải lúc
Huỳnh Văn Lang viết về TT Nguyễn Văn Thiệu.
Mở đầu tác giả Ký Ức HV Lang trích bài viết của tác giiả Nguyễn Hoàng Lưu, bài này đăng trên báo Thời Luận, Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012, bài viết về bà Ngô Ðình Nhu. Trong bài nhắc đến TT Nguyễn Văn Thiệu và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm:
..những người lãnh đạo sau này không có tư cách như bà Nhu. Tổng Thống Thiệu gửi con trai còn nhỏ đi học tại các trường tư thục thuộc loại đắt tiền nhất ở Thụy Sĩ, Anh. Con rể của Tổng Thống Thiệu và con rể của Thủ Tướng Khiêm đều thuộc thành phần trốn quân dịch, sống phè phỡn bằng tiền của cha mẹ vợ, tiền vơ vét trên xương máu nhân dân. Kể từ khi bắt đầu cầm quyền các ông Thiệu Khiêm đã lo vơ vét tích lũy tài sản đề phòng lúc hữu sự’
(.. .. .. )
Một trong những mẫu số chung của đa số các tướng lãnh là gái và tiền – từ Dương Văn Minh, Trần Văn Ðôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Ðỗ Cao Trí, Tôn Thất Ðính, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Cao Kỳ, Ðặng Văn Quang..
Sau đảo chánh 01-11-63, không còn sự kiềm chế và kiểm soát, các tướng lãnh “hội đồng tướng lãnh” ăn chơi trác táng thâu đêm.. các nữ sinh viên Phật tử hiến thân cho anh hùng cách mạng, các bà Phụ Nữ Liên Ðới đem thân xác chuộc tội.
Có người biết đem của che thân, có người đem thân che của, thì thân đi Côn Ðảo, của cải mất, vợ bị chiếm đoạt (trường họp của NVB, vợ ông này về sau là vợ bé của ông Thiệu.)
Gian dâm vợ người, tống tiền của, đoạt tài sản không bị coi là tội ác, được xem là chiến lợi phẩm. Sau vụ đoạt quyền 1/11/63 như ông Thiệu đã nói: “Quân đội làm đảo chánh thì Quân đội hưởng.”
CTHÐ: Tôi có lời bàn loạn về đoạn này:
“Các nữ sinh viên Phật tử hiến thân cho anh hùng cách mạng, các bà Phụ Nữ Liên Ðới đem thân xác chuộc tội.”
Tác giả Ký Ức HV Lang viết quá đáng. Theo tôi không có chuyện nữ sinh viên Phật Tử hiến thân cho các ông Tướng – số nữ sinh Phật Tử tham gia cuộc hạ bệ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không nhiều – còn chuyện các bà Phụ Nữ Liên Ðới đem thân xác chuộc tội thì bà nào cũng năm bó, sáu bó tuổi đời, nhan sắc thuộc loại ma chê, quỉ hờn, thân xác bệu nhệch nát hơn cái mền Sakymen, Xưởng máy ở chân cầu Bình Triệu.. Nàm thao mấy ông Tướng có thể nhận trò đem thân chuộc tội của mấy bà này!
Huỳnh Văn Lang viết về Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Sau cuộc đảo chính, ông Nguyễn Ngọc Thơ được các Tướng mời thành lập chính phủ. Ông NN Thơ mời ông HV Lang đến gặp:
HV Lang: Vào phòng, chưa kịp ngồi, ông Thơ nói ngay:
“Toa giúp gì được moa không? Bộ Kinh Tế được không?”
Thật là bất thần, nhưng tôi đã có dự định là không tham gia với võ biền, võ phu. Một người vừa lé vừa lùn như ông Thơ mà đứng giữa những “người lính cai trị” quá vạm vỡ như Dương Văn Minh, Trần Văn Ðôn, Lê Văn Kim hay Ðỗ Mậu ..thì tầm vóc hóa ra quá nhỏ, thì có làm gì được.
“Thưa Phó Tổng Thống, tôi còn quá xúc động, chưa thể làm gì được bây giờ. Xin cho tôi đi nghỉ năm, ba tháng, tôi sẽ về trình Phó Tổng Thống. Tuy nhiên hiện giờ tôi có một vài ý kiến, nếu Phó Tổng Thống cho phép, tôi sẽ viết ra và trình Phó Tổng Thống.
Tôi về nhà, viết một hơi 4 trang giấy, không có gì độc đáo lắm, chỉ nêu lên 6 vấn đề yêu cầu Thủ Tướng lưu tâm. Tóm tắt như sau:
- Ấp chiến lược nên củng cố lại.
- Phật Giáo đặc biệt lưu ý vì làm gì cũng có Cộng sản len lỏi trong đó.
- Sinh viên, học sinh là một lực lượng chính trị đã làm lung lạc bao nhiêu chính phủ trên thế giới.
- Kampuchia nên đem ông Nguyễn Hữu Châu về làm Ngoại Giao, vì ông là bạn học với Sihanouk, vì biên giới Việt Miên đã quá hư thối.
- Báo chí, phải biết lợi dụng cái quyền thứ tư này, chính nó làm cho chính phủ Diệm suy sụp.
- Kinh tế thị trường đòi hỏi phải chơi luật cung cầu, tránh những khúc nghẽn do hành chánh gây ra.
CTHÐ bàn loạn: Tôi théc méc chuyện “Báo chí – Sài Gòn – làm cho chính phủ Diệm suy sụp.” Ông Huỳnh Văn Lang hiện ở Cali, USA, tôi xin hỏi ông: Báo chí Sài Gòn đã làm những thủ đoạn gì làm cho chính phủ Diệm suy sụp? Ðã ca tụng, tâng bốc chính phủ? Ðã đả kích chính phủ? Chuyện báo Sài Gòn đả kích chính phủ Ngô Ðình Diệm là không có. Không có 500%. Tất cả im re, chịu phép. Còn việc báo chí tung hô Tổng Thống và chính phủ thì làm sao mà chính phủ suy sụp đến cái độ bị lật đổ?
Huỳnh Văn Lang viết về Huỳnh Văn Cao.
Như thế có phải là Huỳnh Văn Cao giết hai người anh em không? Chính Cao đã đưx hai người anh em vào cửa Tử. Tức là khi Cao từ chối, hay xem thường lời cầu cứu của Ðại Úy Bằng như Cao có xác nhận trong Hồi ký của mình và không làm gì hết mà lại theo Ðại tá Quân báo Connors đi Cà mâu sáng ngày 01.11.63. Chỉ bởi vì Ðại tá Connors đã hưá với Cao:
“Anh ngồi yên đi, để cho bọn tướng tá làm cỗ cho anh ăn. Minh là một thằng ngu, Ðôn là một playboy, Kim là một tên điếm của Phòng Nhì Pháp, Khiêm là người ba phải, Ðính là một thằng con nít muốn làm đĩ đực. Tất cả là vô tài, bất tướng. Anh là người đạo đức và tài ba mà chúng tôi đã nghĩ đến từ lâu. Chính anh là người chúng tôi sẽ đưa lên thay thế Tổng Thống Diệm.”
CTHÐ viết thêm: Tác giả Ký Ức HV Lang kể ông Ngô Ðình Nhu đã tính trước 3 đường Tổng Thống chạy khỏi Sài Gòn nếu có đảo chính:
Một: đường Hải Quân. Ði bằng tầu Hải Quân. Nhóm Tướng đảo chính giết Ðai Tá Hồ Tấn Quyền.
Hai: Ðường lên Quân Khu 2 với Tướng Nguyễn Khánh. Tổng Thống không chọn đường thoát nạn này.
Ba: Ðường xuống Cần Thơ với sự bảo vệ của Tướng Huỳnh Văn Cao. Tổng Thống chọn đường này nên ông vào Chợ Lớn chờ quân Vùng 4 lên cứu. Nhưng Tướng Huỳnh Văn Cao đã không cứu Tổng Thống như ông Huỳnh Văn Lang viết trong đoạn trên đây.
Huỳnh Văn Lang viết về Phạm Ngọc Thảo:
..anh coi thường, khinh rẻ bọn võ biền, anh thường than vãn:
“Không đưá nào đáng xách giày cho ông Nhu cả.”
Và anh nhận xét không khác gì Ðại tá Quân báo Connors:
“Minh là một đại ca đại ngu, Ðôn là thằng đần, Ðính là thằng dốt, Ðỗ Mậu là người gian, Kim là một tên điếm chính trị đi đêm với Phòng Nhì, Oai là một thằng hèn, Xuân là tên đại ác.”
CTHÐ: Theo lời ông HV Lang kể ông giao du rất thân với ông Phạm Ngọc Thảo. Hai ông mưu đồ làm cuộc đảo chính để – khi thành công – buộc Tổng Thống Ngô Ðình Diệäm phải đưa ra khỏi nước Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, ông Ngô Ðình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, ông Ngô Ðình Cẩn. Ðảo chính không thực hiện được vì ông Trần Thiện Khiêm không chịu nhập cuộc. Theo lời ông HV Lang người đọc thấy Ông Phạm Ngọc Thảo tuy là Việt Cộng hồi chánh nhưng không phải là Việt Cộng nằm vùng. Ông bị các Tướng bắt sống và giết chết.
Năm ấy tôi – CTHÐ – nghe tin đồn ông Phạm Ngọc Thảo bị đạp từ trên phi cơ trực thăng xuống biển. Lại nghe chuyện đồn ông Phạm Ngọc Thảo bị bóp dzế đến chết. Người bóp là Trung Tá Nguyễn Mộng Hùng, xước danh Hùng Sùi.
Tôi viếtt chuyện này với sự không dzè dzặt thường lệ. Nghe sao viết vậy. Ông Hùng Sùi hiện ở San José, USA. Nếu ông cho độc giả biết thực hư về vụ ông Phạm Ngọc Thảo bị giết thì quí lắm. Cám ơn ông. Dù ông – Hùng Sùi – không lên tiếng tôi cũng cám ơn ông.
Hai mươi năm xa cách, năm 1905 tôi gặp lại ông Hùng Sùi, ở Mỹ. Có lần tôi nghe ông nói về những việc ông làm trong thời Sài Gòn xẩy ra đảo chánh liên miên:
“Tao là thằng cầm c. cho chó đái.”
Tôi chắc ông muốn nói việc ông bị các ông Tướng lợi dụng, ra lệnh làm việc này, việc nọ.
o O o
Tôi viết ông Huỳnh Văn Lang là người đẻ bọc điều vì cuộc đời ông toàn có những may, những phúc, những lộc. 8/10 đời ông là thành công. Ông có bị đi tù khoảng 3, 4 năm: vài tháng ở Nhà Giam Tổng Nha Cảnh Sát, một năm ở Nhà Tù Chí Hoà, ba năm ở Trung Tâm Cải Huấn Tam Hiệp. Nhưng tôi thấy những ông tù thời Quốc Gia VNCH có tiền, chịu chi thì ở tù không khổ chi mấy, các ông ăn uống, ngủ gầân như ở nhà, chỉ thiếu có đàn bà.
Ông HV Lang viết Tháng 7, 1965 Ðại úy Trương Vĩnh Ðắt làm Quản Ðốc Trại Tù Tam Hiệp. Tôi théc méc: Năm 1953 là lính Tuyên Truyền Cục Tâm Lý Chiến tôi ra phục vụ ở Trại Giam Tù Binh Phú Quốc, Ðại úy Trương Vĩnh Ðắt là Ðai úy. Năm 1965 – 12 năm sau – Ðại Uý Trương Vĩnh Ðắt vẫn là Ðại úy???
Ngoài mấy năm tù ấy, cuộc đời Ông Bọc Ðiều toàn có những thành công: lập Trường Bách Khoa Bình Dân, ra Tạp chí Bách Khoa, khai thác gỗ rừng bán cho Nhật, nhập cảg xe Nhật Honda. Làm gì ông cũng thành công. Có thể nói tay ông sờ vào cái gì là cái đó hoá ra Vàng, Ðô-la. Con trai, con gái ông sang học ở Pháp, ở Mỹ. Tháng Tư 1975 có ông Mỹ đến đón gia đình ông 5 người lên phi trường Tây Sơn Nhứt đi Mỹ, giá mỗi người là 4.000 Ðô Mỹ. Từ Mỹ những năm 1995, 2001. 2008 ông về nước. Ông đi từ Sài Gòn xuống Cà Mâu, ông đi từ Sài Gòn lên Lạng Sơn, ông về quê chỉnh trang lại những phần mộ của gia đình ông.
Ai bảo Giầu là Khổ? Giầu như ông Huỳnh Văn Lang không Sướng ư?
Tôi không thể trong một bài kể hết những chuyện tôi thấy hấp dẫn trong tác phẩm Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Như chuyện Bà Ðức Lợi bị bắt vì thầu Vé Số Kiến Thiết giá 10 đồng một vé mà bán cho dân 13, 14 đồng. Bà Ðức Lợi khai để trúng thầu mỗi kỳ sổ xố bà phải nộp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến 300.000 đồng, Bộ Trưởng Tài Chính Nguyễn Lương 300.000 đồng, Bộ Trưởng Nguyễn Ðình Thuần 300.00 đồng. Vì phải nộp những số tiền đó, bà phải tăng giá bán vé số.
Ông HV Lang gọi Nguyễn Ðình Thuần là “nịnh thần, gian thần, phản thần.” Theo ông, Bộ Trưởng Phủ Tống Thống kiêm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Ðình Thuần đã thao túng quyền lực, nắm hết quyền hành, bao vây TT Ngô Ðình Diệm, hãm hại những người có tài, cô lập ông Ngô Ðình Nhu.
Tôi kể vài lỗi trong Ký Ức Huỳnh Văn Lang, những viết sai nhỏ thôi, những viết sai mà nhiều người viết mắc phải. Tôi kể những lỗi này để ông Huỳnh Văn Lang biết tôi đọc Ký ỨÙc của ông kỹ đến chừng nào. Nằm đọc, lấy bút ghi những đoạn có thể trích, góp ý. Trong lời Tựa tác giả có lời cám ơn một số ông bà sửa lỗi chính tả trong Ký Ức, tác phẩm vẫn còn nhiều lỗi không nên, không đáng có, như:
HV Lang : “..có nhà dung nước cho sôi và để nguội..” Ðun nước.
HV Lang: “..tiêu biểu là chiếc Tam bản ( do tiếng Sampan của Pháp)..” Tiếng Sampan do tiếng Tam bản mà có. “..theo tiêu chuẫn Nho giáo..”Tiêu chuẩn. “..nói chuyện liêng thiêng..” Phải chăng là Huyên thuyên, huyên thiên?? “Cha tôi cho người đi mua rắn, lột da, căng trên dĩ tre, phơi thật khô..” Vỉ tre.”..chờ tầu viễn du xuất cảng qua Ðức..” Tàu viễn dương. “..chở lên dựa ở Chợ Lớn..” Vựa. “..đánh vải, làm sạch vải.. Vẩy cá. “.. cá bung súng, cá rằng ri cá, cá rằng ri voi..” Cá bông súng, cá rằn ri. “..nồi nêu son chảo..” Nồi niêu soong chảo. “..Ngoại chỉ cảm xoàn thôi..: Cảm xoàng. “Ngày mùn một Tết.” Ngày Mùng Một. “Thời khắc biểu rất chặc chẽ..” Chặt chẽ. “nhà vuôn, nóc vuôn.” Vuông. “đồng hồ Pathé-Philip.” Patek Philip. “Tôi thuật lại câu chuyện trên đây hoàn toàn không có hậu ý tố cáo tham nhũng..” Ẩn ý, không phải hậu ý. “Nước Grésyl.” Nước Crésyl.
HV Lang viết “bệnh rệnh.” Tôi théc méc tiếng “bịn rịn,’ sao ông có thể viết thành “Bệnh rệnh.”
Trong Ký Ức, tác giả có dùng tiếng “phơi rún.” Tiếng này là tiếng của tôi – CTHÐ – tiếng do tôi đặt ra.
Kiến thiết quốc giaGiúp đồng bào taXây đắp muôn ngườiÐược nên cửa nhà
Tô điểm giang sanQua bao lầm thanTa thề kiến thiếtTrong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơiNăm, muời đồng thôiMua lấy xe nhàGiàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc giaGiúp đồng bào taẤy là thiên chứccủa người Việt Nam
Mua số mau lênXổ số gần đếnMua số mau lêXổ số… gần… đến…
Kiến thiết quốc gia..Giúp đồng bào ta..
Tiếng ca quen thuộc tôi nghe mỗi tuần từ năm 1952 cho đến Tháng Tư năm 1975. Vang tiếng một thời. 60 mùa lá vàng bay qua đời tôi, tôi vẫn nhớ tiếng ca Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch.
Tôi không biết người Pháp đem trò chơi Xổ Số vào nước ta năm nào, chắc vào khoảng năm 1935, 1938. Những năm 1940 tôi mười tuổi, ở tỉnh lỵ Hà Ðông bên hông Hà Nội, tôi nghe người lớn nói đến chuyện Xổ Số.
Xổ Số thời xưa ấy tên tiếng Pháp là Lotterie, bán trên toàn cõi Ðông Pháp, tức bán trên cả ba nước Việt, Miên, Lào, 1 đồng bạc Ðông Dương một vé số, mỗi năm – 12 tháng – xổ số một kỳ, vé số trúng độc đắc 10.000 đồng bạc Ðông Dương, tiếng Nam là Mười Ngàn đồng, tiếng Bắc là Một Vạn đồng.
Chiến tranh nổ trên khắp nước năm 1946, Xổ Số bị dẹp. Năêm 1952 tôi thấy Xổ Số sống lại ở Sài Gòn. Giá mỗi vé là 10 đồng. Số tiền khá lớn thời đó. Năm ấy Sài Gòn có hai sòng bạc mở cửa hành nghề suốt ngày đêm, quanh năm không đóng cửa nghỉ một ngày, là Kim Chung và Ðại Thế Giới. Hai sòng bạc có trò Sổ Ðề mỗi chiều. Dân nghèo chỉ có hai, ba đồng cũng đánh Ðề được, biết được mất, tức trúng đề – đề xổ đúng con số mình mua, hay không trúng – biết ngay trong ngày. Dân Sài Gòn mê chơi Số Ðề phần đông là dân nghèo. Như đã nói chỉ hai, ba đồng cũng chơi Số Ðề được. Lại có những người gọi là Huyện Ðề nhận bán Số Ðề ở ngay trong xóm, chi tiền đàng hoàng, việc mua số chỉ bằng miệng.
Nên ít người mua sổ xố do Nhà Nước bán. Xổ Số những năm đầu bị ế. Cảnh sát Sài Gòn phạt người đi xe vi phạm luật giao thông bằng cách bắt mua vé số Kiến Thiết. Tôi không nhớ trong những năm 1952, 1953, xổ số xổ mỗi tuần hay xổ mỗi tháng. Dường như thời xưa đó mỗi tháng Xổ Số một kỳ.
Tôi cũng không biết chắc những năm đó Xổ Số đã có tên là Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia hay chưa. Căn cứ trên bài ca Kiến Thiết Quốc Gia của Trần Văn Trạch làm năm 1952, tôi chắc cái tên Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia đã có từ năm 1952.
Năm 1955 hai sòng bạc Kim Chung, Ðại Thế Giới bị chính phủ – Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm – đóng cửa. Hết trò Số Ðề. Xổ Số bắt đầu được dân mua. Ðến năm 1960 tình trạng Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, vì bán chạy, nên có trò tăng giá. Giá một vé xổ số chính thức là 10 đồng, người mua phải mua với giá 14, 15 đồng. Rồi có tin tổ chức Chợ Ðen Xổ Số KTQG bị bắt, người thầu vé số và bán vé số tăng giá là bà Ðức Lợi. Bà này bị bắt. Tên bà Ðức Lợi Chợ Ðen Vé Số Kiến Thiết được nhiều người Sài Gòn biết.
Khi xẩy ra vụ bà Ðức Lợi, tôi là nhân viên nhật báo Sàigònmới. Nhưng tôi chẳng biết gì nhiều về cái sì-căng-đan này. Như nhiều người Sài Gòn, tôi chỉ biết Nhà Thầu Vé Số KTQG là người đàn bà tên là Ðức Lợi, bị bắt vì bán vé số quá giá. Vậy thôi.
Tháng 12 năm 2013 tôi tìm được vụ Bà Ðức Lợi trong tập “Ký Ức Huỳnh Văn Lang.” Tôi xin phép ông Huỳnh Văn Lang cho tôi trích mấy trang về vụ Bà Ðức Lợi Chợ Ðen Xổ Số trong Ký Ứùc của ông để gửi đến bạn đọc. Tôi chắc chỉ những công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa tuổi đời năm nay Bẩy Bó, Tám Bó mới chú ý đến vụ này. Tôi trích đăng vì theo kinh nghiệm của tôi, chuyện gì tôi muốn đọc, nhiều người Việt cũng muốn đọc.
o O o
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Từ trang 120 đến trang 124.
Vụ Vé Số Kiến Thiết (Tháng 7, 1962)
Một buổi tối đầu tháng 7, năm 1962, trời đang mưa tầm tã, tôi đang dậy một lớp kế toán ở trường Bách Khoa Bình Dân, khoảng 8 giờ, thình lình vợ tôi đến bảo tôi về ngay, vì nhà có chuyện gấp. Ra xe vợ tôi nói cho tôi biết lý do:
Mợ bị Hiến Binh bắt, hiện bị giam giữ với 13, 14 bà nữa. Anh về xem có giúp gì được không?
Có biết lý do gì không?
Không biết, anh ghé Hiến Binh hỏi xem.
Sở Hiến Binh lúc bấy giờ ở trên đường Gia Long, ngay trước Bộ Kinh Tế và sau Bộ Tài Chánh, tôi biết Tư Lệnh Hiến Binh là Ðại Tá Lê Nguyên Phu, người từ miền Trung được đưa vào thay thế Ðại Tá Nguyễn Quang Sanh, một người bạn của tôi ở Liên Kỳ Bộ. Tôi lái xe đến đậu ngoài đường Gia Long, để vợ tôi ngồi trong xe chờ.
Văn phòng của Tư Lệnh Hiến Binh ở từng trên, tôi lên lầu, nhờ tùy viên vào báo và được Tư Lệnh Hiến Binh cho vào ngay. Tôi ngồi xuống ghế và xin vào đề:
Bà Ðức Âm mẹ vợ tôi bị Hiến Binh bắt giữ hồi chiều này, xin Ðại Tá cho tôi biết lý do và nếu được xin cho phép vào thăm bà mươi phút.
Bà Ðức Aâm và mười mấy bà bị bắt giam để điều tra về vụ chợ đen bán vé số Kiến Thiết quá giá chính thức do bà Lê Thị Tuất tổ chức. Khi khám nhà bà Lê Thị Tuất, tức bà Ðức Lợi, Hiến Binh có bắt gặp một cuốn sổ tay trong ghi tên bà Ðức Aâm và mười mấy bà khác với những số tiền mỗi bà hai, ba trăm ngàn đồng. Có thể là những số tiền hùn hạp làm ăn đấu thầu vé số Kiến Thiết với nhau, phải đợi điều tra thêm mới biết rõ được. Ông muốn đi thăm bà Ðức Aâm, đi theo tôi.
Xuống từng dưới, Tư Lệnh Hiến Binh bảo người lính gác mở cửa một cái phòng lớn không bàn ghế và để tôi bước vào. Bà Ðức Aâm và mười mấy bà ( tôi không nhớ rõ là bao nhiêu) mặc áo dài đàng hoàng, ngồi trệt trên sàn. Tôi lại ngồi kế bà Ðức Aâm, các bà khác xúm lại ngồi chung quanh, bà Ðức Ââm giới thiệu bà Ðức Lợi đang ngồi kế bên , bà Ðức Lợi còn trẻ và xem khỏe mạnh hơn bà Ðức Âm. Tôi hỏi chuyện bà Ðức Âm ngay:
Mợ có sao không? Mợ nên nói cho con rõ tất cả họa may con có giúp gì được chăng? Khi khám nhà bà Ðức Lợi, Hiến Binh bắt được một cuốn sổ tay, trong đó có ghi tên tuổi của mợ và các bà ở đây, mỗi người hai, ba trăm ngàn đồng! Vậy tiền này là tiền gì? Tiền hùn đấu thầu vé số?
Không! Con biết khi còn ở Hà Nội chị em buôn bán quen biết với nhau thường hay cho vay, cho mượn khi có chị nào cần một số tiền lớn để lấy hàng hay thế chân đấu thầu, đấu giá. Chị em giúp nhau là chuyện thường, ở Sài Gòn vào đây cũng vậy. Nhưng không có hùn hạp chung vốn, vì mỗi người mỗi chuyện buôn bán làm ăn khác nhau. Mợ chỉ có cho vay, cho mượn thôi, chuyện ai nấy lo. Ðó là sự thật! Mợ cho vay để chị Ðức Lợi thế chân thầu vé số. Mợ không có hùn hay chung vốn gì hết. Các chị em đây cũng vậy.
Bà Ðức Lợi và các bà ngồi chung quanh xác nhận lời bà Ðức Âm nói.
Tôi sang qua hỏi bà Ðức Lợi:
Có đúng vậy không?
Ðúng vậy.
Lãi xuất bao nhiêu?
4% mỗi tháng hay 11% mỗi ba tháng.
Cũng hơi cao! Nhưng làm sao, giá chính thức vé số có 10 đồng mà lâu nay, nhứt là gần đây lại nhẩy vọt lên đến 15, 16 đồng mà người ta giành nhau mua? Có thể nào bà cho tôi biết nguyên do?
Ðến đây thì thấy bà Ðức Lợi lúng túng! Rồi bà đứng lên làm dấu bảo tôi ngồi xa các bà khác một chút và nhỏ tiếng lại nói với tôi:
Ông Lang, ông biết muốn được thầu tôi phải đấu cao, 9 đồng 6, 9 đồng 7 tôi mới trúng được. Bán giá chính thức 10 đồng, tôi chỉ còn 30, 40 xu để trang trải mọi chi phí phát hành ở Sài Gòn, Chợ Lớn, xuống các tỉnh, ra cả miền Trung. Có khi đủ, có khi còn thiếu. Và mỗi kỳ thầu tôi còn phải chi cho ở trên nữa.
Bà nói thật à? Cho ai ở trên?
Mỗi bận trúng thầu, tôi phải đóng cho người của ông Nguyễn Ðình Thuần , người của ông Nguyễn Lương và người của Bs Tuyến, mỗi người 300.000 đồng, không thiếu một xu. Như vậy nếu tôi không bán trên giá chính thức thì tôi làm sao có lời, sống làm sao?
Bà nói thật chứ?
Tôi thề với ông Lang và các bà ở đây làm chứng. Tôi không nói dối đâu, ông Lang.
Bà nhớ, tôi sẽ báo cáo lên trên như bà nói.
Bà Ðức Lợi nói nhỏ tôi nghe, nhưng tôi chắc nhiều bà khác cũng nghe được. Tôi sang qua bà Ðức Aâm:
Mợ yên trí. Con sẽ trình nội vụ với TT liền! Mợ có cần mùng mền gì không?
Không cần, phòng này cũng khá nóng.
Sau đó tôi lên từng trên cám ơn Ðại Tá Lê Nguyên Phu, rồi đi xuống lái xe về ngay. Vợ tôi ngồi chờ, mặt buồn xo, trời còn đang mưa, khá lạnh.
(.. .. .. )
Tôi viết một phúc trình cho TT Diệm, trên một carte postale như xưa nay, từ lúc ông còn là Thủ Tướng, khi gửi tôi qua Bộ Tài Chánh ông có bảo tôi: (10. 10. 1954)Tuy anh không làm trong văn phòng bí thư nữa nhưng anh thấy có gì lợi cũng như hại cho chính quyền thì anh nên biên note cho riêng tôi, anh Hải sẽ lo điều đó, khỏi phải qua tay ai khác, như vậy là anh giúp tôi.
Và lần này, cũng như mọi lần trước, tôi rất ý thức khi viết cái note, một mặt tôi viết: Khi Hiến Binh khám nhà chủ thầu vé số kiến thiết là bà Ðức Lợi Lê Thị Tuất có lấy một cuốn sổ tay, trong đó có ghi tên bà Ðức Âm, mẹ vợ tôi và nhiều bà khác mỗi bà có cho bà Ðức Lợi vay hai, ba trăm ngàn đồng. Bà Ðức Âm và các bà khác nhìn nhận là tiền cho vay, không phải là tiền hùn thầu vé số. Ðó là chuyện thường trong giới buôn bán, chị em họ giúp nhau, nhưng chuyện làm ăn của ai nấy lo. Mặt hai tôi viết: Chính bà Lê Thị Tuất – bà Ðức Lợi – nói và thề với tôi là nói sự thật. Mỗi lượt trúng thầu là phải đóng cho người của ông Thuần, người của ông Lương và người của Bs Tuyến mỗi người 300.000 đồng. Nếu không bán 5, 6 đồng hơn giá chánh thức, thì làm gì có lời, làm sao sống được. Ðó là lời bà Ðức Lợi nói với tôi, nhiều bà ngồi đó có nghe.
Tôi lái xe vào Dinh Gia Long và trao tờ thư cho anh Hải ngay trong đêm đó, nhớ là khoảng 10, 11 giờ gì đó. Chắc chắn là thể nào cũng tới tay TT, trễ lắm là trước 8 giờ sáng ngày hôm sau. (.. .. .. )
Ðến trưa thì được tin Hiến Binh đã cho bà Ðức Aâm và các bà khác tự do đi về nhà, trừ bà Ðức Lợi còn bị giữ ở đó để điều tra thêm.
Chiều lại, khoảng 4 giờ tôi được anh Hải gọi vào Dinh gặp TT ngay. Tôi vẫn được TT tiếp như thường lệ, cũng ở trong phòng làm việc vừa làm phòng ăn,, phòng ngủ, cũng trước cái bàn tròn, cũng ngồi trên một ghế bành đã bạc mầu.
Thưa TT, tôi chào ông như xưa nay.
TT bảo tôi ngồi xuống bên cạnh, ông đang cầm trên tay cái note phúc trình của tôi và đang đọc. Ông lấy từ đĩa lên, 1 điếu thuốc lá, đã đốt rồi và đưa lên miệng phì phà hai ba cái, nhả khói và nhìn theo, tôi thấy ông rất buồn, tôi cảm nhận ông đã mất tinh thần từ bao giờ, có thể cuộc đảo chính bất thành ngày 11 – 11 – 60 và vụ bỏ bom Dinh Ðộc Lập mới 5 tháng trước đây ( 27 – 02 – 62 ) đã để lại trên mặt ông một nỗi buồn khó tả, làm tôi cũng buồn lây.
Ðến chuyện vé số này, liên lụy đến những người ông tin tưởng nhứt, tôi tin chắc là ông cũng phải tin tôi, khi ông cho lệnh Hiến Binh thả bà Ðức Aâm và các bà khác, trừ bà Ðức Lợi ra! Tôi tin chắc TT biết tôi không có lý gì mà bày chuyện, ích gì cho tôi. chỉ có thiệt thôi. Có thể ông đang suy nghĩ ghê lắm!
Sau bốn, năm phút im lặng, tôi thấy ông đau buồn lộ ra vẻ mặt, rồi như cố gắng lắm, như nói với mình, hơn là với tôi:
Làm gì ông Thuần lấy tiền của người ta..Vây mà ông nói với tôi chỉ có 2 cái áo sơ-mi để thay đổi thôi.
Ðến đây tôi không cầm lòng được nữa, nên phải nói ngay:
Thưa TT, tôi ghi lại gần từng tiếng bà Ðức Lợi nói. TT biết tôi không thêm bớt gì hết, tôi không tố cáo ai hết.
TT Diệm không nói gì thêm, phì phà thuốc, rồi chậm chậm điếu thuốc trên đĩa, ông ngó lên trên.
Bỗng chốc tôi sinh ra bối rối, tôi nhít người lên, như muốn đứng dậy, thấy thế TT bảo như người than thở:
Thôi, anh về đi!
Tôi đứng dậy, cúi đầu chào ông và lẳng lặng ra về, cũng không biết phải nói gì bây giờ, tôi sợ làm phiền ông thêm. Ngồi trên xe, đầu óc tôi vẫn bối rối, lòng tôi bất an, không phải cho tôi mà chính là cho TT. Tôi thấy ông hoàn toàn như bị đè bẹp, hoàn toàn thất vọng. Cái hình ảnh sau cùng đó sẽ đeo đuổi tôi rất lâu về sau, dù sau đó trong hội đồng TTTCTD tôi còn gập ông mấy lần nữa nhưng thấy ông xa vắng.
( .. .. .. )
Tôi cũng không theo dõi cho sát chuyện của bà Ðức Lợi. Tôi chỉ biết sơ qua là bà bị đưa ra tòa và bị phạt ba, bốn năm tù ở gì đó về tội tổ chức chợ đen bán vé số Kiến Thiết. Hoàn toàn tôi không nghe ai nói đến chuyện hối mại quyền thế hay tham nhũng gì cả. Thành ra theo tôi nghĩ làm gì cũng có những bí ẩn sao sao đó? Tại sao bà Ðức Lợi nói với tôi như thế mà lại không thấy nói đến chuyện ba ông Thuần/Lương/Tuyến gì hết, dù tôi đã phúc trình đến tận tay TT.
Ông Huỳnh Văn Lang viết về Nguyễn Ðình Thuần: Nguyễn Ðình Thuần. Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Trang 111
Khi viết về người quá cố (anh Trần Kim Tuyến và ông Nguyễn Lương,) tôi có vấn đề lương tri. Tôi phải hết sức cẩn thận, vì họ không còn sống để biện hộ cho mình mà người ta nói: “Les absents ont toujours tort,” thì danh giá gì phải tố cáo người ta. Nhưng ông Nguyễn Ðình Thuần còn sống chui nhủi đâu đó ở Paria. ( .. .. .. )
Trông sao tập sách này được đến tay ông Thuần trước khi ông nhắm mắt không còn đọc được nữa. Ðể ông có cơ hội biện hộ cho ông và đồng lõa của ông.
CTHÐ: Cám ơn ông Huỳnh Văn Lang đã cho tôi biết một chuyện tôi chỉ biết mù mờ 60 năm về trước.
CTHÐ bàn loạn: Sau ngày báo với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm việc ba nhân vật quan trọng trong chính phủ: Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Ðình Thuần, Bộ Trưởng Bô Tài Chính Nguyễn Lương, Bác sĩ Trần Kim Tuyến – người cả nước nghe tên mà không biết mặt – can tội tham những: mỗi lần thầu Xổ Số Kiến Thiết, bà Chủ Thầu Ðức Lợi phải nộp cho ba ông trên đây mỗi ông 300.000 đồng, Tổng Thống Diệm làm lơ. Ba nhân vật tham những vẫn tại chức, ông Huỳnh Văn Lang bị cất chức Tổng Giám Ðốc Viện Hối Ðoái. Viết rõ hơn là ông Huỳnh Văn Lang bị đuổi ra khỏi chính quyền. Người “đuổi” ông là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Trước ông Huỳnh Văn Lang, hai ông Bộ Trưởng sáng giá trong chính phủ Ngô Ðình Diệm là ông Trần Chánh Thành, Trần Trunf Dung đã bị bọn Nguyễn Ðình Thuần, Trần Kim Tuyến đẩy ra khỏi chính phủ.
Tổng Thống Ngô Ðình Diệm từng được ca tụng là “anh minh.” Riêng trong vụ Xổ Số Ðức Lợi, tôi thấy ông không được “anh minh” gì nhiều.
Nếu sự thật và sự thể do ông Huỳnh Văn Lang kể đúng chăm phần chăm, tôi thấy trong vụ Ðức Lợi Chợ Ðen Vé Số, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không những chỉ không anh minh mà còn ngốc nghếch. Khi Bộ Trưởng Nguyễn Ðình Thuần nói với ông Y “chỉ có hai cái áo sơ-mi thay đổi,” người ngu nhất Bắc Kỳ, ngu nhì Ðông Dương” là tôi cũng biết là Y nói láo, Y nói dối. Kẻ nói láo thường cho người nghe mình nói láo là ngu, ngu và sẽ tin lời mình nói láo là thật, nên mới dám nói láo. Tôi lấy làm lạ: Sao ông Ngô Ðình Diệm lại không biết Nguyễn Ðình Thuần nói láo với ông?
Nguyễn Ðình Thuần trạc tuổi ông Huỳnh Văn Lang. Rất có thể hiện nay Nguyễn Ðình Thuần còn sống ở Pháp. Ông Thuần có người anh ruột là Nguyễn Ðình Thái. Ông Thái từng được coi như con nuôi của ông Ðốc Phủ Nguyễn Văn Tâm. Năm 1950 ông Nguyễn Ðình Thái từ Pháp về Hà Nội, làm Giám Ðốc Nha Cảnh Sát – Công An Bắc Việt. Khi ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Tướng Chính Phủ, ông Thủ Hiến Bắc Việt Phạm Văn Bính trình ông Thủ Tướng một hồ sơ tố cáo Giám Ðốc Công An Nguyễn Ðình Thái tội hối mại quyền thế, ăn hối lộ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm cất chức Giám Ðốc Công An Nguyễn Ðình Thái, ra lệnh cho ông Thái và gia đình đi khỏi Hà Nội trong 48 giờ đồng hồ.
Tôi – CTHÐ – théc méc: Chuyện nhỏ thôi: Năm 1952 tôi là Lính Tuyên Truyền đóng ở Trại Tù Binh Cây Dừa Ðảo Phú Quốc. Ðại Úy Trương Vĩnh Ðắt là Phó Tư Lệnh Chi Khu Phú Quốc, ông đặc biệt phụ trách giữ an ninh Trại Tù Binh. Nay tôi đọc thấy ông Huỳnh Văn Lang viết năm 1965 ông bị đưa vào giam ở Trung Tâm Cải Huấn Tam Hiệp:
Ký Ức Huỳnh Văn Lang. Trang 472:
Năm phút sau, Ðại úy Giám Ðốc Trung Tâm – sau này tôi biết tên là Trương Vĩnh Ðắt – bước ra, có hai người lính của Trung Tâm ôm hai quyển sổ lớn đi theo và đặt lên bàn. Người lính của Tổng Nha Cảnh Sát trao một phong thư mầu vàng. Ðại Úy Giám Ðốc mở thư xem liền. Theo thủ tục thì phạm nhân có quyền biết mình bị giam giữ vì tội gì, nên Giám Ðốc Trung Tâm đọc ngay cho tôi nghe:
“Giam giữ đương sự Huỳnh Văn Lang về tội “làm kinh tế cho gia đình họ Ngô.” Ký tên: Tổng Giám Ðốc Công An Cảnh Sát. Ðại Tá Phạm Văn Liễu.
CTHÐ: Năm 1952 người quân nhân Trương Vĩnh Ðắt là Ðại Úy, năm 1965 – 13 năm sau – ông vẫn là Ðại Úy?
Théc méc thứ hai dzui dzui tôi viết để tặng ông Huỳnh Văn Lang.
Trong Ký Ức, trang 110, ông viết:
“.. Ðến bây giờ, sau 50 năm, có ai nhắc đến chuyện gian dối cũ đó, nhiều thày, nhiều Phật tử nhẩy đổng lên như gái ngồi phải cọc..”
Thành ngữ của dân Bắc Kỳ: “Thin thít như gái ngồi phải cọc..” Gái ngồi phải cọc thì im thin thít, không có gái Bắc nào ngồi phải cọc mà nhẩy đổng lên cho người ta biết mình ngồi phải cọc.
Théc méc cuối: Ông Huỳnh Văn Lang đến Sở Hiến Binh lúc 8 giờ tối. Vào giờ này Ðại Tá Tư Lệnh Hiến Binh vẫn làm việc ở văn phòng?
o O o
Viết thêm:
Công Tử Hà Ðông: Tôi không chỉ không được đoc tác phẩm “Trong Bóng Tối của Lịch Sử. Tác giả Lê Nguyên Phu”, tôi còn không biết có tác phẩm ấy. Khi được biết ông Lê Nguyên Phu có viết về ông Huỳnh Văn Lang, tôi tìm trên Internet nhưng tôi không tìm thấy sách “Trong Bóng Tối của Lịch Sử.” Tôi tìm được bài của ông Nguyễn Văn Lục viết về ông Mai Thạch Lê Nguyên Phu. Tôi trích những đoạn viết về ông Huỳnh Văn Lang trong bài của ông Nguyễn Văn Lục. Như sau:
Nguyễn Văn Lục:
Ðọc ông – ( Lê Nguyên Phu ) – tôi có cảm tưởng, ông không ngại ngùng bày tỏ cái niềm kính trọng gần như vô biên đối với cá nhân ông Diệm. Và cũng vì thế, ông khá nặng lời đến không cần thiết khi nói đến đám tướng lãnh hay đám công chức cao cấp như: Nói về Nguyễn Ngọc Huy trong vụ Ba Lòng mà ông gọi là đám “đối lập cuội” (trang 81), Nguyễn Chánh Thi trong vụ biến động 1960, “mặt nạ lưu manh” của y. Huỳnh Văn Lang với những láo khoét, gian dối (trang 175), văn chương ngớ ngẩn, nên tìm đọc hồi ký của y tập 3, từ trang 106 (10 trang tất cả) mà mỗi dòng là là một sự láo khoét, trắng trợn, bỉ ổi (trang 177)
( .. .. .. )
Vụ đầu cơ vé số của bà mẹ vợ ông Huỳnh Văn Lang
Phải thưa là tôi có quen biết với ông Huỳnh Văn Lang trong phạm vi văn học, báo chí. Thỉnh thoảng ông có liên lạc, trao đổi về những vấn đề liên quan đến tờ Bách Khoa, hay cho mượn tài liệu để tôi viết bài.
Sự liên hệ giữa hai người chỉ có vậy thôi. Không thành kiến, không yêu, không ghét.
(.. .. .. )
Nhắc đến việc viết hồi ký, tôi nhận thấy có hai người viết hồi ký khá “nổ” là ông Huỳnh Văn Lang và ông Võ Long Triều. Nhưng mỗi ông mỗi cách. Võ Long Triều viết nổ ra cái vẻ ta đây, Huỳnh Văn Lang viết nổ tàng tàng ra chiều khinh miệt người khác.
Riêng trong sách của ông Lê Nguyên Phu, tôi có cảm tưởng tác giả dành cho ông Huỳnh Văn Lang một chỗ khá đặc biệt, đến hơn 10 trang sách, trong đó nói về truyện ông Huỳnh Văn Lang sạo sạo chứ chẳng có bằng cấp gì. (.. .. .. )
Chuyện bằng cấp theo như lời tác giả Lê Nguyên Phu thì ông Huỳnh Văn Lang, vì không có tú tài nên chẳng học được gì và đỗ đạt gì cả. Vấn đề này không mấy quan trọng và xin bỏ qua và để tự ông Huỳnh Văn Lang nếu thấy cần, đối chất với tác giả Trong Bóng Tối Lịch Sử. Chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại phần bài viết của ông Lê Nguyên Phu nói về vụ vé số chợ đen của bà mẹ vợ ông Huỳnh Văn Lang. Ðáng lẽ ra cũng chỉ nên nói về vụ chợ đen vé số do bà Ðức Âm chủ mưu và không cần nhắc nhở gì đến ông con rể là Huỳnh Văn Lang mới phải. Ở đây thì bà Ðức Aâm chỉ được nói tới vài dòng, phần còn lại dành cho con rể bà theo kiểu “mẹ vợ làm, con rể chịu”
Theo ông Lê Nguyên Phu, chính phủ có ban hành sắc lệnh 7/62TTP trừng trị những kẻ đầu cơ vé số chợ đen. Thoạt đầu các vụ điều tra nạn đầu cơ vé số do Công An và Cảnh Sát thụ lý. Nhưng sau TT Ngô Ðình Diệm gọi ông Lê Nguyên Phu vào dinh và ra lệnh cho Tổng nha Công an và Cảnh sát phải chuyển giao hồ sơ qua Hiến Binh Quốc Gia. Ông Lê Nguyên Phu ra lệnh cho thiếu tá Nguyễn Văn Minh, đại đội trưởng Hiến binh quân khu thủ đô thi hành các biện pháp pháp lý cần thiết. Thiếu tá Minh tìm ra hai thủ phạm chính là ông Nguyễn Lương, Bộ trưởng Tài chánh, cũng là chủ thầu, và Nguyễn Quang Nhạ, giám đốc Nha ngân khố. Vé số được đấu thầu, ai trả giá cao nhất thì được trúng thầu. Chẳng hạn, người trả giá cao nhất là 8 đồng một vé. Lời 2 đồng. Nhưng 2 đồng kia phải chia cho ông Nguyễn Lương và Nguyễn Quang Nhạ. Không lẽ mua 10 đồng lại huề vốn 10 đồng. Vì thế có nạn bán chợ đen. Ðáng lẽ phải đưa đi tù các ông Nguyễn Lương ăn chặn 2 đồng, người ta lại chi bắt giam những kẻ bán chợ đen.
Ðó là cái nguyên cớ sâu xa của việc tham nhũng.
Ngoài hai người trên xem ra vô tội, Hiến Binh lại bắt bà Ðức Âm và một số bà khác để điều tra… Hiến Binh giữ bà từ sáng đến chiều để điều tra. Ông Huỳnh Văn Lang được báo tin đã vội vã đến văn phòng điều tra tư pháp la lối, đòi họ thả bà mẹ vợ về ngay. Ông Lê Nguyên Phu đã yêu cầu ông Huỳnh Văn Lang đi ra ngay và đừng la lối. Biết không làm gì được, ông Huỳnh Văn Lang đành bỏ ra về.
Cũng theo ông Lê Nguyên Phu, sau này viết hồi ký, ông Huỳnh Văn Lang đã viết khác như sau:
“Một chiều tối gió mưa tầm tã, khoảng 9 giờ tối, tôi đang dạy học ở trường Bách Khoa, Tôn Thọ Tường, vợ tôi vội vã ngồi xe đi rước tôi về ngay; cô ta khóc: Mợ bị hiến binh, hiện bị giam giữ ở khám Nguyễn Du. Anh phải về lập tức. Xe về ngang khám cửa sau cũng trên đường Nguyễn Du, bỏ tôi xuống. Tôi lên từng nhà trên và xin gặp Tư lệnh Hiến binh Lê Quang Phu, Cần Lao của ông Cẩn đưa vào thay thế Nguyễn Quang Sanh, bạn tôi. Tôi sẵn không có cảm tình với đại tá Phu, tuy nhiên anh tiếp rước tôi hết sức chân tình và lễ phép, vì anh cũng biết tôi là ai ở trong hệ thống Cần Lao” (1)
(Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, tập 3, trang 96-97)
Ðọc câu chót cho thấy ông Huỳnh Văn Lang quả thực cao ngạo quá chăng? Tội của ông chỉ là tội la lối và có phần phách lối với một ông giám đốc điều tra tư pháp. Giá ông nhẹ nhàng và biết điều một chút thì nay vụ án chợ đen vé số đâu có dịp được lôi ra ánh sang và độc giả đâu có phải đọc những dòng này?
Ông Lê Nguyên Phu đưa ra phản bác như sau:
– Các cơ sở chính quyền đều đóng cửa lúc 6 giờ, làm sao có chuyện ông Huỳnh Văn Lang đến lúc 9 giờ tối được đón tiếp lễ phép?
– Ðón tiếp ở đâu? Nếu ở văn phòng thì văn phòng ở tầng trệt? Còn nếu đón tiếp ở nhà thì cũng phải ở phòng khách, không thể ở trên lầu vì là phòng ngủ?
– Ông Huỳnh Văn Lang cho biết chẳng những gặp mẹ vợ và còn được gặp những người khác và ông đã ghi notes, trình tổng thống, sau đó tổng thống đã ra lệnh thả hết.
– Nhưng theo ông Lê Nguyên Phu, không thể có bất cứ ai có quyền lấy lời khai của can phạm ngoài những người có trách nhiệm điều tra. Nếu tổng thống tin Huỳnh Văn Lang thì tại sao sau đó Huỳnh Văn Lang bị cách chức? Và giải tán kỳ bộ của Huỳnh Văn Lang vào năm 1957?
Nhưng cũng như những “vụ án” khác, tôi không hiểu vụ án này kết quả điều tra ra sao, tòa án xét xử ra sao? Bà Ðức Âm bị tù mấy năm hay cậy quyền thế con rể rồi cũng được thả về? Và có liên quan gì đến cá nhân Huỳnh Văn Lang. Ðây là những vấn đề mà ông Lê Nguyên Phu cần làm sáng tỏ, nếu không, nó trở thành một vụ vu khống, nếu điều tra vụ vé số bà Ðức Âm được trắng án?
Tôi hy vọng là những dòng này được ông Huỳnh Văn Lang đọc và trả lời thích đáng?
Nhiều xe hai bánh của ký Giả nhật báo SỐNG bị những người biểu tình đốt trước toà soạn, đường Gia Long, Sài Gòn những năm 1965, 1966. Không nhớ tòa báo bị khủng bố vì nguyên do gì, chỉ nhớ đó là những năm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng, các ông Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát thay thế nhau làm Thủ Tướng, biểu tình xẩy ra liên miên ở Sài Gòn.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương..
Tháng 12 năm 1994 bánh xe lãng tử — đúng ra là Bánh Xe Tị Nạn, Bánh Xe Lưu Vong, Bánh Xe Thất Quốc, Bánh Xe Tủi Nhục — khấp khểnh và muộn màng, đưa tôi tới Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Từ ấy đến nay tôi đã viết khoảng 10 bài về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng Tư năm nay, năm 2009, tôi đã định không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa. Tôi đã viết về Nó nhiều rồi. Mỗi Tháng Tư trở về, những đêm nằm nghe tiếng thời gian chậm bước đi, những buổi sáng cô đơn buồn trông phong cảnh quê người, tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trái tim tôi vẫn đau nhói, vẫn tuởng như Ngày Ấy là Ngày Hôm Qua. Nhưng viết về Ngày Ấy tôi đã định không viết nữa.
Nhưng “Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái”, dù không muốn tôi vẫn không thể không viết về Ngày Oan Trái. Năm nay, năm 2009, Ngày 30 Tháng Tư 1975 trở lại với tôi qua hình ảnh của anh Chu Tử, Ông Văn Sĩ-Chủ Báo đàn anh của tôi, Người Ký Giả Thứ Nhất của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chết vì đạn thù của bọn Bắc Công kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975.
Buổi sáng ở Rừng Phong, tôi đọc bài viết về anh Chu Tử của người bạn trẻ Đào Vũ Anh Hùng. Bài viết như sau:
Đào Vũ Anh Hùng:
Sáng Ngày 2 Tháng 5 của hơn ba chục năm về trước tại Subic Baỵ Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước. Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của Nhà văn Chu Tử. Bà Hai và Vân cũng vừa nhận ra tôi, hai người mừng tủi khóc òa lên.
Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm… Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc tầu Việt Nam Thương Tín. Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là Nhà văn Chu Tử.
Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa Ngày 30 Tháng Tư, 1975 — khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Sài Gòn lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ…
Chu Tử bị bắn một lần trong Tháng Tư, 1966 ngay trước nhà ông trong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận — vỡ một mảnh hàm — nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng Ngày 30 Tháng Tư 1975 cũng thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử.
Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại Sài Gòn… Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn đau thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, ông đã chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng.
Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với Nhà văn Chu Tử. Đầu năm 1964, tờ nhật báo Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, tôi theo ông Chu Tử trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo. Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “Vua Thầu Khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “Vua Đái Đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “Vua Bóng Bàn” Đinh Văn Ngọc… cho đến khi Chu Tử xin được măng-sét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả anh em kéo nhau về tòa soạn- nhà in cũ trên đường Hồ Xuân Hương.
Cái “ê-kíp Sống Chu Tử” đầu tiên ấy vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi. Vợ chồng Trần Dạ Từ — Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. “Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách việc lo bông giấy in báo và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt Bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa…
Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả trong đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận… Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét: “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc Lmbretta, ông bị taxi đụng gẫy cổ chân phải, từ đó Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm…
Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã tự hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông Thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận. Hơn ba mươi năm ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh… Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận.
Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước…
Đào Vũ Anh Hùng.
Tôi, Công Tử Hà Đông, đã nhiều lần viết về Nhà Văn — Nhà Báo Chu Tử Chu Văn Bình. Bài này, tôi viết Tháng Tư 2009, có thể là bài cuối cùng tôi viết về Chu Tử.
Tôi không là nhân viên Tòa soạn Nhật Báo Sống, tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông Người Yêu, Người Giết cho Nhật báo Sống trong thời gian Nhật báo Sống có nhiều người đọc nhất, khoảng những năm 1967, 1970. Năm 1965, 1966 quân Mỹ ồ ạt kéo vào Việt Nam. Cùng trong một ngày 3 vụ ám sát chính trị xẩy ra trong thủ đô Sài Gòn:
1 — Lúc 8 giờ sáng, Chủ Báo Sống Chu Tử, từ nhà riêng trong Cư Xá Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe để đến toà báo đường Gia Long. Bọn ám sát chờ sẵn trước cửa nhà, bắn ông nhiều phát đạn qua cửa kính sau xe ô tô của ông. Ông Chủ Báo Sống bị trúng đạn vào ót, đạn xuyên qua miệng ông. Nhưng ông không chết.
2 — Lúc 1 giờ trưa cùng ngày, Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Nhật Báo Chính Luận, từ toà báo đuờng Võ Tánh về nhà riêng trong Cư Xá Nguyễn Tri Phương. Bọn ám sát bắn ông khi ông xuống xe. Ông chết ngay tại chỗ.
3 — Cùng ngày, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Giáo, bị đặt mìn dưới xe ô tô. Mìn nổ, Thượng Tọa chỉ bị thương nhẹ.
Sau khi ông Chủ Báo bị bắn, bị thương nặng, nhưng không chết, nhật báo Sống có nhiều người đọc, người mua, trở thành một trong mấy tờ nhật báo nhiều người đọc, có thế lực nhất làng báo Việt Nam thời ấy. Trong một bài Ao Thả Vịt, ông Chu Tử, với bút hiệu Kha Trấn Ác, viết về vụ ông bị bắn và vị Thượng Tọa bị đánh mìn:
“Có người bạn vừa gửi cho ATV câu đối:
Chu Tử sứt miệng bình,
Thượng Toạ mẻ bàn toạ.
Cái miệng của ATV được ví với bàn toạ của Thượng Toạ là một vinh hạnh cho ATV.”
Từ khi ngồi sau xe Lambretta của Minh Vồ, bị xe taxi đụng gẫy cổ chân phải, đi khập khiễng, ông Chu Tử lấy bút hiệu Kha Trấn Ác ký mục Ao Thả Vịt trên nhật báo Sống. Nhưng ông vẫn tự xưng là ATV trong bài viết.
Năm 1967 tôi viết truyện Người Yêu, Người Giết trên nhật báo Sống, phóng tác truyệnLa Seconde Souffle của José Giovanni, tiểu thuyết gia người Ý. Tháng thứ nhất tôi đến toà soạn lấy tiền nhuận bút. Sau khi bị bắn, tay anh Chu Tử run, chữ anh viết thật lớn, anh viết bằng bút Bic trên trang sau của tờ tin Việt Tấn Xã, chỉ ba, bốn hàng chữ, mỗi hàng ba, bốn chữ là kín một trang. Tôi đến trước bàn anh:
– Anh cho tôi tiền tiểu thuyết.
Ngưng viết, anh hỏi tôi:
– Anh muốn lấy bao nhiêu?
Câu hỏi của anh làm tôi sững lại. Viết phơi-ơ-tông từ năm 1956, tới lúc đó là 10 năm, chưa ông bà chủ báo nào hỏi tôi một câu như thế. “Muốn lấy bao nhiêu tiền?” Tôi ngần ngừ. Nói ra con số sợ quá nhiều, không được chi thì ngượng, mà nói ít thì tiếc. Thấy tôi ngần ngừ, anh Chu Tử nói:
– Anh muốn lấy bao nhiêu anh cứ nói. Báo tôi giờ khá rồi.
Tôi nói:
– Nếu anh nói thế, anh cho tôi mỗi tháng 20 ngàn.
Anh viết ngay xuống trang giấy VTX:
“Đưa anh HH Thủy mỗi tháng 20 ngàn.”
Quản lý báo Sống là ông Cao Đắc Tín, các ký giả báo Sống gọi ông là ông Cao Hắc Ín vì nước da của ông, người giữ két báo Sống là Đông, vì trẻ tuổi và nhỏ con nên được anh em thân mật gọi là Đông Con. Trong 2 năm cuối của báo Sống, ông Cao Đắc Tìn nghỉ hưu, người quản lý mới, và cuối cùng của báo Sống là Vũ Đạo Doanh.
Đưa tờ giấy VTX có chữ viết của ông Chủ Báo Sống Chu Tử cho Đông Con là tôi có ngay 20 ngàn đồng. Tôi đưa nguyên 20.000 đồng bạc VNCH tiền nhuận bút Người Yêu, Người Giết tháng thứ nhất ấy cho Alice. Nàng đi mua cái máy may Sinco mới tinh ở nhà đại lý Sinco đường Trần Hưng Đạo. Đặt mua máy may Sinco giá năm ấy là 17.000 đồng, 3 tháng sau có máy; muốn lấy máy ngay thì sang cửa hàng bên cạnh, có máy sẵn, giá 19.000 đồng. Alice chi ngay 19.000 đồng, đưa máy lên xích-lô về nhà. Sinco mua năm 1967, được dùng cẩn thận, giữ kỹ nên đến năm 1975 còn gần như mới nguyên.
Sau 5 năm đồng bạc Quốc Gia bị lạm phát với tốc độ không phải là “phi mã” mà là “phi long,” năm 1972 giá một máy may Sinco là 100.000 đồng, tiền nhuận bút phơi-ơ-tông của tôi mỗi tháng cao nhất vẫn là 20.000 đồng, có báo chỉ trả 10.000 đồng một tháng.
Năm 1966, 1967 — trước Tết Mậu Thân — là những năm nhật báo Sống bán chạy nhất. Báo Sống năm 1967 có Kha Trấn Ác — bút hiệu của anh Chu Tử — viết Ao Thả Vịt, anh Nguyễn Mạnh Côn viết “Tuyên Ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng,” Tú Kếu giữ mục Thơ Đen, anh Anh Hợp viết tiểu thuyết “Cõi Chết,” Nguyễn Thụy Long viết “Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen”, anh Hoàng Ly viết “Giặc Cái,” anh Bùi Giáng viết một tiểu thuyết võ hiệp tôi không nhớ tên, và tôi viết truyện “Người Yêu, Người Giết.” Phóng viên Nhật Báo Sống có Trần Tử, Anh Quân.
Tác giả Bùi Giáng viết phơi-ơ-tông mà người đọc không ai hiểu anh viết gì cả, anh cho nhân vật, nhất là nhân vật nữ, trong truyện của anh, luôn miệng nói hai chữ “liên tồn, tồn liên.” Như:
“Nàng thu bảo kiếm, chắp tay, hé miệng anh đào, nói:
— Đa tạ đại hiệp đã có dạ liên tồn.”
Hoặc:
“– Ơn tồn liên ấy thiếp không bao giờ quên..”
Hay
“Chàng nhớ mãi nụ cười liên tồn của nàng.”
Chủ nhiệm Nhật báo Sống tất nhiên cũng rất muốn báo mình có trang Rao Vặt như báo Chính Luận, nhưng anh không sao có được, Rao Vặt của Sống chỉ èo uột không đầy nửa trang báo, mà đa phần lại không đúng là Rao Vặt. Cho đến một ngày chúng tôi thấy xuất hiện trong mục Rao Vặt của Sống một mẩu nhắn tin khá đặc biệt mà chúng tôi gọi là tin “Tý Con Em.”
“Nửa tháng không thấy nhau, ra vào thấy gối giường, quần áo, rơi lệ, TRẤU CẮN, BUỒN chịu vậy, biết nói cùng ai. TƠ DUYÊN sao đứt. Em đừng tin lời NGƯỜI TA. HAI hay BA cũng xấu. Rắn HỔ MANG. Miệng lằn, lưỡi mối. Em hết giận hờn không lâu. HIỂU LẦM. THƯƠNG QUÍ nhau hơn. Chồng Em mong Em về. Thương Em.”
Anh chồng Tý Con cứ đăng nhắn tin lẩm cẩm như thế trong mục Rao Vặt báo Sống, ba bốn ngày thay một bản tin, dài dài đến bốn, năm tháng. Mỗi lần đến tòa soạn Sống đưa bài, lấy tờ báo qua ngồi đọc ở xe cà phe bên kia đường, tôi thường hỏi các bạn:
— Tý Con Em có gì mới không?
Có hôm tôi nghe nói anh Chu Tử vừa bị An Ninh Quân Đội hỏi thăm về chuyện Tý Con. Số là báo Sống đăng bản nhắn tin:
TÝ CON EM
Cần gặp em thanh toán mấy việc. Công nợ phải trả. Đừng để MANG TIẾNG. Hãy xứng đáng con nhà GIA GIÁO, LƯƠNG THIỆN. TRỐN TRÁNH không đi đến đâu. Hẹn gặp Thứ Bẩy ở nhà bác Tư Cao, ấp Trung Mỹ Tây. Đừng sai hẹn. Nhớ đem Sổ Gia Đình trả cho người ta. Chồng Em.
Năm ấy là năm trước Tết Mậu Thân, VC hay đánh mìn những bin-đinh Mỹ. Vài ngày sau ngày báo Sống đăng tin anh chồng Tý Con hẹn gặp Tý Con ở ấp Trung Mỹ Tây, một bin-đinh Mỹ ở Sài Gòn bị đánh bom, An Ninh Quân Đội nghi bản nhắn tin “Tý Con Em” trên báo Sống có thể là tin của đặc công VC nhắn nhau đi đánh bom bin-đinh Mỹ nên hỏi Chủ nhiệm Sống.
Ngày tháng qua đi, một sáng ở xe cà phê trước tòa soạn Sống, trên báo Sống tôi đọc thấy:
Trả lời: Đừng đăng báo vô ích. Tôi không bao giờ trở về. Tôi trả hết nợ rồi. Sổ gia đình để ở nhà bác Cả Bi. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt. TÝ CON
Tôi kêu lên với Nguyễn Thụy Long:
— Ê.. Tý Con trả lời này.. Nhất định không về… Cắt đứt luôn.. Định mệnh đã an bài. Vĩnh biệt!
Và thế là hết. Thư trả lời ngắn gọn của Tý Con chấm dứt cuộc tình “Rao Vặt Tý Con Em” trên báo Sống. Từ đó anh chồng Tý Con ngưng không nhắn tin cà kê dê ngỗng nữa. Anh im luôn. Đúng là vĩnh viễn. Tôi nhớ mãi chuyện Tý Con, tôi cảm khái vì “Cuộc Tình Tý Con Em.” Tôi dùng câu “Định mệnh đã an bài” làm tên một truyện phóng tác của tôi.
Các anh tôi vừa kể trên đây: Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Cao Đắc Tín, Vũ Đạo Doanh, Bùi Giáng, Hoàng Ly, Anh Hợp, Duyên Anh, Minh Vồ, Anh Quân, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Đông Con, Trần Tử, Anh Quân nay đều không còn ở cõi đời này.
Năm 1969, hay năm 1970, tôi không nhớ đúng, chỉ nhớ là sau Tết Mậu Thân, báo Sống đang sống mạnh, sống vui thì bị đóng cưả. Nguyên nhân: báo Sống làm môït phóng sự về Căn Cứ Quân Sự Mỹ ở Cam Ranh. Bán đảo Cam Ranh, giải đất nhô ra biển, được VNCH nhượng cho người Mỹ làm căn cứ. Mỹ xây lên trên giải đất này một bến tầu biển, một phi trường phi cơ phản lực xuống được. Tầu biển Mỹ, phi cơ Mỹ đến đi, xuống lên căn cứ này không phải xin phép cũng không phải báo cho chính quyền Việt Nam biết, giải đất bán đảo này thời gian ấy gần như một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Ban đêm căn cứ đèn điện sáng choang, phi cơ phản lực quân sự Mỹ trắng như bằng bạc, sáng đèn cả trăm cửa sổ, lên xuống như cảnh phi trường bên Mỹ. Thường dân Việt, kể cả viên chức chính quyền Việt, không được vào căn cứ. Có chuyện rắc rối tơ không ai ngờ là Căn Cứù US Cam Ranh không “cắm dzùi” trọn bán đảo, còn một khoảnh đất ở đầu bán đảo phiá ngoài biển ở ngoài hàng rào căn cứ. Một số dân nghèo Viêt dựng lều trên khoảnh đất ấy, họ sống với việc bán “Sì ke” cho lính Mỹ. Quân Cảnh Mỹ trong căn cứ đến đuổi và phá mấy túp lều của dân Việt. Nhật báo Sống làm lớn vụ này, cáo buộc đây là “hành động quân Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.”
Phóng sự của báo Sống bị kết tội “gây chia rẽ giữa Việt Nam và quân đội Đồng Minh.” Nhật báo Sống bị thu hồi giấy phép. Nguyên nhân chìm của vụ này là Chủ nhiệm báo Sống Chu Tử bị nhiều người trong phe Phó Tổng Thống Trần Văn Hương ghét, họ chờ dịp đập cho báo Sống chết luôn, cho Nhà Văn Chu Tử hết còn được làm chủ báo. Ông Trần Văn Hương còn là Phó Tổng Thống VNCH, ông Chu Tử còn không được làm chủ báo.
Nhật báo Sống một chết là chết luôn. Năm 1972 tôi đọc trên Tạp Chí Playboy bài phỏng vấn một Đại Tá Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Đại Tá này phản đối một số việc làm ông cho là phạm pháp của chính phủ Mỹ trongt chiến tranh Việt Nam, trong số có việc nặng nhất là cho CIA tổ chức những vụ ám sát nhân sĩ Việt Quốc Gia và đổ cho là doViệt Cộng giết. Đại Tá giải ngũ, về Mỹ, nạp đơn kiện chính phủ Mỹ. ông nói trong cuộc phỏng vấn của Playboy:
– Tôi không bày đặt kiện cáo để lấy tiếng. Là quân nhân, tôi bắn đối thủ trên chiến trường nhưng tôi không thể làm việc ám sát. Bọn CIA không có chức vụ gì chính thức, với những cái tên dzởm Bob, Ted có quyền chỉ huy sĩ quan chúng tôi. Tôi phản đối chúng thực hiện những vụ ám sát các nhân sĩ, tu sĩ Việt Nam, giết giữa đường rồi bỏ bản án Tử Hình của Việt Cộng lại bên xác chết, đổ lỗi cho Việt Cộng, để dân Việt căm thù Việt Cộng.
Ông nói về Ngoại Trưởng Henry Kissinger:
– Anh chàng đó là thứ người gì mà có nhiều quyền và được tâng bốc đến như thế? Tôi chắc hồi di học, có ai lấy cái xe máy của hắn, hắn cũng đứng im, không dám nói gì cả.
Tôi kể với anh Chu Tử về những lời ông Đại Tá Mỹ nói trong Tạp Chí Playboy, có thể anh cũng nghĩ như tôi là vụ bắn anh, bắn Từ Chung, gài mìn xe của Thuợng Toạ Thích Thiện Minh, là do CIA gây ra, để dư luận dân Việt Nam quên đi việc lính Mỹ đang ào ạt kéo vào Việt Nam lúc ấy. Tôi hỏi anh:
– Cho đến bây giờ anh có biết ai bắn anh không?
Anh trả lời:
– Cho đến bây giơ tôi vẫn không biết ai bắn tôi.
Trên “Ao Thả Vịt” nhật báo Sống 40 năm trước, Chủ nhiệm Chu Tử loan báo báo Sống sẽ trao giải 100.000 đồng cho ai đối được câu đối:
“Bố cạn tiền rồi, anh cán bộ.”
Cho đến nay chưa có ai đối được câu đối này.
Bây giờ Nguyễn Hoàng Đoan đã ra đi. Tôi biết chắc Khánh Ly sẽ hụt hẫng như thế nào, trống trải đau đớn ra sao sau mỗi lần hát hỏng ở đâu đó trở về - ở nơi có con suối mát nay đã cạn khô. Ê ẩm đặt mình xuống nghỉ ngơi thì chỉ đụng toàn đất đá.
Hoàng Thu Dũng
Cali Today News - Đang lái xe trên xa lộ thì nhận được tin nhắn của một người bạn ở Cali, báo rằng Nguyễn Hoàng Đoan mới qua đời lúc 5:45 sáng (giờ Cali) ngày hôm nay, 7 tháng 1 năm 2015. Ngừng xe đậu vào khoảng trống bên lề dùng cho trường hợp khẩn cấp, tôi gọi hỏi “Sao Đoan chết?”, ông bạn kể vắn tắt “Hình như Đoan qua đời vì bệnh gan, chưa kịp theo vợ ‘lưu diễn’ ở Bình Dương chuyến đi sắp tới”.
Nguyễn Hoàng Đoan là một ký giả gắn bó với tôi cả một khúc đời sinh hoạt báo chí sôi động, từ giữa thập niên sáu mươi cho tới ngày mất Sài Gòn. Dáng người cao, khuôn mặt dài, nụ cười tươi với hai hàm răng đều và đẹp, ăn nói dịu dàng lại đầy vẻ phong lưu, Nguyễn Hoàng Đoan là tay “sát cá” trên tình trường. Anh nổi lên từ Nhật Báo Hòa Bình của Cha Lãm và gắn liền với thiên phóng sự “Con Ma Vú Dài” trong Khám Chí Hòa mà anh là tác gỉả, đã lôi kéo người đọc hết ngày này sang ngày khác. Nên được nhiều chủ báo ưu ái đặc biệt, sáng giá trong làng báo Việt không thua gì Ngọc Hoài Phương, Trắng Đen (California), Huyền Anh, Độc Lập (California), Cao Sơn, Tiến Sơn (Việt Nam Thông Tấn Xã, nay làm ở đài RFA, Washington D.C), Lê Thiệp Sóng Thần (Chủ tiệm Phở 75, Washington D.C đã qua đời), Dương Phục, Thanh Thủy (Texas), Triều Giang (Texas). Nguyên Hồng Điện Tín (Việt Nam Thông Tấn Xã), Nguyễn Hồng, Đại Dân Tộc… của Sài gòn trước 1975.
Vợ chồng Khánh Ly hạnh phúc trong buổi họp báo giới thiệu liveshow riêng của bà tại Hà Nội.
Photo courtesy: Xahoi.com.vn
Nói như vậy, có vẻ hơi phiếm diện, bởi ngoài tài viết bài nằm như phóng sự hay truyện dài chạy nhiều kỳ trên báo, Nguyễn Hoàng Đoan còn là một ký giả trẻ, có nhiều nguồn tin độc đáo, rất tháo vát, giầu sáng kiến trong nghề nghiệp. Biết làm tin cho trang một, trang ba cộng biệt tài đặt “tít” nổ, chỉ liếc qua, chưa xem tin cũng đã thấy hấp dẫn rồi. Hồi đó có lệ mỗi trang báo nhìn vào, phải kín, không một chỗ hổng từ đầu đến cuối. Ví dụ nếu tin đi hai, ba, bốn hay 5 cột, thì tựa đề cũng phải chọn, đếm chữ, đặt “tít”sao cho hay, kích thích đuợc độc giả nhưng vẫn lọt gọn trong cần ấy cột báo. Vì vậy, người phụ trách - thường là Tổng thư ký hay Thư ký tòa soạn, cần có kiến thức về mọi phương diện của cuộc sống, thấu hiểu tâm lý thành phần độc giả của mình. Cuối bản tin dòng chót (gọi là chân) cũng thế, nghĩa là tin nào, bài nào cũng phải thêm, cắt để “bằng chân” mới được. Không như bây giờ, mọi chuyện đều phó thác cho máy điện toán.
Hồi đó, sáng sáng bọn tôi cũng như đào địch của mỗi đứa, thường hẹn nhau ở Brodard, Givral hay La Pagode, đấu láo chia xẻ tin tức, rồi ai họp báo thì đi họp báo tại Trung Tâm Báo Chí đường Tự Do, với Bùi Bảo Trúc, phát ngôn viên chính phủ (đài Hồn Việt TV – California hiện nay), Nguyễn Bích Mạc, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao (Nebraska), Thiếu tá Đỗ Xuân Thảo (sau lên Trung tá, nay thỉnh thoảng xuất hiện trênViệt Báo, (California) rồi Trung tá Lê Trung Hiền, Đại úy Tần Văn Ân phát ngôn viên quân sự (California). Khoảng 10, 11giờ thì về toà soạn viết tin cho kịp thợ typo xắp chữ, vỗ bản thảo, sửa chính tả, đúc khuôn, trình bày, làm âm bản, trình duyệt Chủ Nhiệm, đưa xuống nhà in cho báo kịp ra buổi chiều. Xong nhiệm vụ là từng bè, từng nhóm lại rủ nhau ra những quán nhỏ gần tòa soạn ăn uống, cà pháo, cà phê loạn xị, đấu láo um xùm rồi tan hàng.
Lúc này Nguyễn Hoàng Đoan đã lấy nữ ký giả Lam Thiên Hương, người quê Miền Tây, vốn là ái nữ không chính thức của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm thời Bảo Đại. Lam Thiên Hương hình như vẫn còn ở VN. Tuy có vợ nhưng chàng vẫn lén lút ngoại tình như máy, xin lỗi chị Mai, chỉ là ngày xửa ngày xưa thôi. Nhiều lúc gây “phiền chết được” với bè bạn vì luôn phải ra tay cứu bồ. Một hôm, tôi đang ngồi tán gẫu bên toà soạn Lập Trường (của anh Vũ Tài Lục, do N.M.C - một trong những thủ lãnh sinh viên học sinh di cư, từng lãnh đạo biểu tình trước khách sạn Majectic đuổi phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt về Miền Bắc, đang cư ngụ tạm trong đó sau Hiệp Định Genève chia hai đất nước – làm thư ký toà soạn), thì ký giả Vũ Tiêu Giang (đã chết tại mặt trận khi chụp hình chiến sự cho AP từ bên báo Độc Lập của Đại tá Đinh Văn Phát, Hoàng Châu là Chủ Nhiệm) chạy sang hốt hoảng tìm tôi. Vốn tính ồn ào ruột để ngoài da, râu ria hảo hớn, Vũ Tiêu Giang nói oang oang: “Cậu đi theo tôi ngay, cứu thằng Đoan không thì đời nó rắc rối đến nơi rồi”. Sang bên Độc Lập, Đoan kéo tôi nói “Mày làm ơn ra Givral gặp Ngọc Quyên ( giờ ở Texas) dùm tao. Ông già Lưu (chủ nhà xuất bản sách) mời Ngọc Quyên đi ciné, Quyên hẹn tao theo hộ tống nhưng Lam Thiên Hương nổi hứng muốn tao cùng đi đâu đó. Gặp Quyên mày nói Hoàng Châu bắt tao đi làm phóng sự nên nhờ mày.” Cười cười, nói nói trông phảng phất chút ranh mãnh nhưng vô hại của Bắc Kỳ. Tôi chìa tay hỏi: “Tiền đâu?”. Đoan cười “Chửi thề theo giọng Nam…Dâng em tơ xinh đẹp cho mày mà mày còn đòi tiền.” “Vậy thì mày nhờ Vũ Tiêu Giang đi, tao không cần. Thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ, tao đâu ngu.” Đoan nài nỉ “Giúp đi mà cậu Hai, tụi tao trong sạch, chưa có gì đâu. Còn Vũ Tiêu Giang khi nào cần nài giữ voi, tao sẽ nhờ”…Cười hô hố!
Ngọc Quyên ngày ấy là một cô gái nhỏ nhắn, ăn mặc thời trang, tóc cắt ngắn, ôm lấy khuôn mặt xinh xắn trắng hồng, đôi mắt nai tơ trông như một con búp bê. Vừa thấy tôi bước vào, Quyên hỏi ngay “Anh đi đâu đây?” Tôi giải thích như lời Đoan dặn. Quyên kề tai tôi nói nhỏ: “Chú Lưu rủ Quyên đi ciné. Vào đó nhớ là Quyên ngồi bên trái, còn để chú ấy ngồi bên phải anh nghe chưa”. Tôi cười. Từ đó thêm tình thân, đủ để có thể dẫn về nhà nhau. Gia đình Quyên rất nề nếp. Một ông bố nghiêm trang, một bà mẹ cũng rất đẹp dù đang ở tuổi về già. Lần nào đến tôi cũng thấy ngồi đánh chắn với mấy bà cùng trang lứa. Mọi việc trong nhà đều có người làm lo liệu. Sau này, không theo nhau nữa, Đoan vẫn móc tôi: " Thân qúa há, anh chị dẫn cả về nhà nhau để ra mắt nữa. Muốn cưới hỏi gì thì cũng phải xin phép tôi trước nghe chưa. Lại chửi thề… vậy mà lúc đầu còn đòi tiền”.
Nếu “Nghề Lính” sôi động nhưng ngăn nắp, trật tự bao nhiêu thì ngược lại, nghề viết báo hào hứng, ồn ào lộn xộn nhưng cũng đầy thích thú bấy nhiêu. Hai tay tôi làm cả hai nghề này, sau Nguyễn Hoàng Đoan cũng thế, nên cả một thời son trẻ ở Sài Gòn, chẳng vắt đâu ra chút thời gian để kịp buồn phiền. Nhiều lúc hai đứa bảo nhau mỗi ngày 24 tiếng, không thế nào đủ để tụi mình lo cho tươm tất chuyện viết lách, hẹn hò, dong chơi, bù khú. Vì thế nên nhiều lúc bất đắc dĩ, đành phải cuội với bạn bè. Không giống như “Nghề Lính”, cuội với công việc là chắc chắn sẽ từ chết đến bị thương. Còn ghề viết báo nhiều khi anh kia cuội nhưng lại mang tiền từ trên trời rơi xuống cho đồng nghiệp khác. Lần đó Nguyễn Hoàng Đoan có phiên trực ở Độc Lập, hẹn tôi đến chờ hết việc là hai đứa cùng đi xem phim Chưởng Lý Tiểu Long với Hoạ sĩ Đằng Giao bên Sóng Thần, do Vũ Tiêu Giang làm đầu tầu. Đây là một chuyện lạ, vì hoàn cảnh vợ con nên Vũ Tiêu Giang rất cẩn thận lúc tiêu pha. Thường thì Nguyễn Hoàng Đoan đến tòa soạn bằng xích lô, lần nào cũng vậy, đủng đỉnh buớc xuống xe, trước khi trả tiền, chàng móc gói ba số năm, rút một điếu cho mình và một điếu mời người phu xe, tà tà châm lửa, khách trước mình sau. Xòng phẳng rồi mới lững thững lên lầu. Nhưng hôm đó nhìn từ cửa sổ trên tòa soạn xuống đường, chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng cậu Đoan. Tòa soạn trơ ra chỉ 5 người, Chủ Nhiệm Hoàng Châu, Mai Anh làm trang một, Minh Lộc làm trang ba, Hoạ sĩ Hĩm tức Đinh Hiển (California) trình bày và tôi. Anh Hoàng Châu không thấy Đoan thì tỏ ra rất bực bội, bèn gọi Mai Anh vào cầu nhầu. Khi Mai Anh trở ra, phán một câu thật vô lý: “Dũng! Không có thằng Đoan thì hôm nay mày phải làm công việc của nó”. Tôi xửng cồ “Còn lâu. Sao chuyện nó anh lại bắt tôi làm?” Mai Anh trước đây cũng ở trong quân đội. Hồi nhỏ học cùng trường với tôi, Vũ Tiêu Giang và nhà văn Nguyễn Thụy Long. Nay tình cờ bốn anh em lại làm chung một tòa báo. Mai Anh và Nguyễn Thụy Long thuộc lớp đàn anh, tập quán chúng tôi ngoài ba quân lon lá coi như bỏ. Trước sau, trên dưới phân minh. Giờ đây Mai Anh mang lề thói gia trưởng ra áp đảo: "Việc nó nhưng tao bảo mày làm thì cứ làm. Hôm nay bà Thiệu – Phu nhân Tổng Thống – cùng phái đoàn Air Việt Nam đến ủy lạo Thương bệnh binh trong Quân Y Viện Cộng Hòa. Họ đến đó lúc 10 giờ rưỡi. Mày đi bây giờ là vừa. Xong việc về ngay làm tin cho báo ra chiều nay”. Tôi bực bội đứng lên, ném một câu phản kháng thẳng thừng “Lần này cũng là lần chót, anh đừng chơi trò râu ông nọ cắm cầm bà kia ra với tôi nữa nghe không?” Mai Anh cười, ”Mày lộn xộn. Cứ đi đi. Lần này tính theo lần này. Lần sau tính theo lần sau.” Ấy vậy mà không ngờ, ít ngày sau, Chủ Nhiệm Hoàng Châu bỗng thân thiện bảo tôi đừng hỏi anh gì hết, cứ đến Air Việt Nam, có ông Chung Tốt, Giám đốc quảng cáo bên đó muốn gặp. Đến nơi, tôi được chánh văn phòng dẫn vào. Ông Giám đốc vồn vã đứng ngay lên bắt tay tôi, chưa kịp nói gì thì ông đã vui vẻ hỏi: “Ủa, anh Dũng hả. Hình như bên báo Độc Lập không có cái quảng cáo nào của Air Việt Nam phải không? Anh ngồi đi mình nói chuyện”. Xã giao qua loa đôi chút, ông bấm máy gọi bên ngoài mang vào một cái quảng cáo định kỳ hàng tháng của Air Việt Nam nhờ tôi đưa về cho Độc Lập. Khi tiễn tôi ra cửa, ông mới làm ra vẻ như vô tình chợt nhớ, nhẹ nhàng dặn tôi: “À này, từ nay Độc Lập đừng viết là Air “Con Rồng Lộn” nữa nghe. Hoặc là Air Việt Nam, hoặc là Hãng Hàng Không Việt Nam là được rồi”. Tôi vô tình dạ dạ, vâng vâng rất thoải mái. Bắt tay ông rồi về thẳng tòa soạn.
Như đã nói, báo bổ với tôi chỉ là nghề tay trái. Từ khi đổi vào Sài Gòn thì sống với bố mẹ. Chẳng có gì phải lo toan ngoài chuyện bạn bè, đào địch. Buồn buồn đến Hầm Gió thì có ông Nam Lộc làm chủ, đến Vũ trường Riz của Jo Marcel thì có ông Tùng Giang, Trường Kỳ, đến Mini Club đuờng Tự Do thì có Tiệp, Thành, Yvone. Đó là chưa kể Kim Chợ Lớn (Washinhton DC), thân nhau từ ngày Sư Đoàn 9 Bộ Binh của Đại tá Bùi Dzinh (giờ ở Pháp) đang thành lập ngoài Quy Nhơn. Cứ vào trong đó là ăn đồ Tàu mệt nghỉ. Do vậy chưa hề hiểu thấu chuyện viết lách làm sao để ra tiền. Cho đến khi Chủ Nhiệm Hoàng Châu giải thích thông lệ “tứ lục”, giữa toà báo và người mang quảng cáo về. Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ chỉ do vô tình, lúc Bà Thiệu đi rồi, thấy mấy cô Tiếp Viên Hàng Không trong đoàn chuyện trò vui vẻ, về viết tin tôi kết luận lấy lòng cho mai hậu với các nàng, đại ý rằng: Cuộc ủy lạo Thương Bệnh Binh đó là một nghĩa cử, rất đáng được ghi nhận của Phu nhân Tổng Thống và phái đoàn Air Con Rồng Lộn, ý là gọi theo cái “logo” có hình con rồng của hãng Hàng Không Việt Nam (không phải như thời XHCN bông sen kiểu thức hóa và cờ đỏ sao vàng). Ai dè đâu, cái tên này: Air “Con Rồng Lộn” nếu tinh nghịch nói lái đi thì rất là tục, chẳng ra cái thể thống gì. Khổ một điều nữa, tập đoàn Air Việt Nam trong tương lai lại trở thành thông gia của Tổng Thống. Sau chuyện này, Nguyễn Hoàng Đoan chẳng những không “mang ơn” tôi, mà ngược lại, còn đòi phải biếu chàng hai tút thuốc lá Ba số Năm (thời giá 500 đồng VN một gói) và một bữa cơm Tây Chợ Cũ. Rồi khi anh Phạm Long ra tờ Tự Cường, mời tôi sang làm trang ba, tòa soạn cũng đặt trên đường Võ Tánh sát với tòa soạn báo Đông Phương thì Nguyễn Hoàng Đoan đi Quân Đoàn III, lo liên lạc báo chí cho Trung tướng Ngô Dzu. Từ đó đến lúc Miền Nam tan hàng, hai đứa chỉ gặp nhau duy nhất một lần, do nhà văn Nguyễn Thụy Long mách nước, Đoan muốn cùng tôi đến gặp một người ở Biên Hòa. Hôm ấy trời Sài Gòn chợt se lạnh, Đoan chở tôi ghé qua nhà anh, lấy chiếc áo len đưa tôi mặc. Chiếc áo len này sau bao năm vật đổi sao rời, tôi đều mang theo. Từ những trại tù Cải tạo của Cộng Sản cho tới đảo Pulau Bidong. Tiếc mãi vì mất nó trong dịp rời trại, qua Phi để đi định cư ở Mỹ. Khoảng một năm sau, nhờ Nam Lộc, tôi có địa chỉ và số điện thoại của Nguyễn Hoàng Đoan. Rồi gặp lại nhau, vui buồn đủ chuyện trong căn nhà ấm cúng của Đoan và Khánh Ly. Huyên náo bạn bè. Với đàn piano. Với thưa thớt tranh ảnh xếp đặt vén khéo treo trên tường. Lúc này cậu ấm của Đoan và Khánh Ly chỉ mới chừng 4, 5 tuổi, tròn chĩnh dễ thương. Thấy tôi nhìn như muốn “nuốt” thằng bé, Đoan cười mang ra một tấm hình chụp cậu nhỏ đưa tôi: "Mày gian ác, trời không cho có con trai. Như tao đây, hiền lành chân chất, chỉ cần đụng nhẹ vợ cũng tặng mình cái ấm đất (có vòi). Cho mày ảnh này về mà ngắm cho đỡ thèm”.
Có một câu chuyện tình của Đoan mà tôi không hề biết! Số là vài năm trước, nhân ngày giỗ đầu của Trường Kỳ ở Montréal, Canada. Tôi có đến tham dự. Tại nơi để di cốt của Trường Kỳ, tôi gặp Hiền (tên thật không phải thế), thân thuộc gì đó với tang quyến, từ Việt Nam qua. Chẳng là khi biết tôi là bạn Đoan, Hiền xà lại hỏi “Sao ngày xưa chưa lần nào Hiền gặp anh?” Tôi đáp: "Tôi đi lính ở tận Miền Trung, làm sao mà may mắm gặp chị”. Hiền cười: "À ra thế.” Thế rồi qua điện thoại, tôi kể chuyện ngày giỗ đầu của Trường Kỳ cho Nguyễn Hoàng Đoan nghe. Nghe xong Đoan bỗng hỏi: “Thế mày có gặp Hiền không? ”Đáp “Có…” Và rồi Nguyễn Hoàng Đoan tiếp tục kể chuyện…lại mày biết không…ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia. Nghĩ cho cùng, đàn ông bất kể sang hèn, trình độ, đẳng cấp xã hội ra sao, hình như cũng đều có một “tật xấu” (xin lỗi qúy ông) rất giống nhau, đó là thái độ khi nhắc lại người xưa. Khác chăng là cách bày tỏ. Người thì oang oang bằng lời lẽ huỵch toẹt hãnh diện, kẻ thì “oang oang trong câm lặng” bằng ánh mắt, nụ cuời.
Cuối cùng thì bất luận vấn đề ngã ngũ ra sao, tôi vẫn nghĩ Nguyễn Hoàng Đoan là một người nếu đã đi qua đời ai, thì cuộc đời đó không thể ghét hay quên đuợc chàng. Dĩ nhiên là con người, ai cũng có cái tốt và những cái xấu. Nhưng mấu chốt là sao để cái chuyện mình đi hay ở, ai kia vẫn hân hoan mà chấp nhận, vẫn tình nguyện để mệt lòng xếp đặt mình vào đâu đó, không thể rơi rớt ra khỏi con tim của họ. Hồi còn trẻ cũng như khi đã già ở đất nước này, những người yêu cũ của Nguyễn Hoàng Đoan mà tôi biết, gặp tôi vẫn cứ lập lại câu hỏi từ những ngày còn Sài Gòn, rằng
“Này! Dũng, ông nói thật cho tôi nghe vì sao dạo ấy Đoan lại…?” hoặc “Dũng à, tôi nghe họ nói xui xẻo lắm mà. Gặp tướng thì tướng mất chức. Đụng thương gia thì thương gia xập tiệm. Làm báo nào thì báo ấy đóng cửa. Vậy mà vẫn vướng vào là sao? – Lắc đầu thở dài thườn thượt - Thật hết biết, không hiểu nổi!” Cứ dồn dập, đến bây giờ còn cay cú hỏi như thế thì làm sao dám trả lời. Ngay như Nữ Hoàng Chân Đất đây, có lần về nơi tôi hát buồn tình nhớ cậu Đoan sao đó, cũng đòi “Nói cho tôi nghe về…thế nào, tại sao” Nhưng may qúa, chưa kịp hươu vượn cho qua thì mợ lại tiếp: "Anh biết không, ghê lắm chứ không vừa đâu. Có lần còn quát tôi…Này, Khánh Ly ở ngoài đường chứ trong cái nhà này không có Khánh với Ly gì hết nghe chưa”. “Thế chị phản ứng thế nào?” đáp: “Thì im chứ sao.” Truớc hôm trở lại Los Angeles, Khánh Ly gọi về nhà một lúc rồi chuyển điện thoại cho tôi “Đoan muốn nói chuyện với anh.” Tôi cầm máy: “Đoan đấy hả?” “Tao đây” rồi không vòng vo gì hết, Nguyễn Hoàng Đoan hỏi liền “Mày có đưa mợ đi Canada không đấy?” Tôi cười đáp: "Đi Canada làm cái gì? Nghĩ ông Trác ở trên đó rồi hèn đổ máu ghen sao đây?” Khi gác máy thuật lại cho Khánh Ly nghe, tôi thật lòng nói: "Tôi thấy Đoan như dòng suối mát của chị.” Còn câu tiếp theo nhưng tôi không nói hết. Vậy mà Khánh Ly cũng thêm vào ngay chóc: "Anh nói đúng, Đoan như một dòng suối mát của đời tôi. Sau những lo toan vất vả ngoài cuộc đời, trở về ngâm mình trong con suối đó là bao nhiêu mệt mỏi, ưu phiền đều tiêu tan hết”.
Bây giờ Nguyễn Hoàng Đoan đã ra đi. Tôi biết chắc Khánh Ly sẽ hụt hẫng như thế nào, trống trải đau đớn ra sao sau mỗi lần hát hỏng ở đâu đó trở về - ở nơi có con suối mát nay đã cạn khô. Ê ẩm đặt mình xuống nghỉ ngơi thì chỉ đụng toàn đất đá.
rùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí miền nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974.
Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Đất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa Xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp tắt sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Đó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa. Nhưng dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần (nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí. Nếu không có cuộc tổng tấn công Đông Xuân 1975–đưa đến sự sụp đổ của VNCH trong vòng 55 ngày và 55 đêm địa ngục–chẳng hiểu Trùng Dương và Sóng Thần trôi giạt về đâu.
Dù vô cùng khiêm tốn và nhã nhặn sau 35 năm định cư ở Mỹ, nữ sĩ Trùng Dương vẫn cung cấp cho độc giả Hợp Lưu, qua cuộc phỏng vấn với Lê Quỳnh Mai, những thông tin khả tín về diễn đàn ngôn luận tâm huyết do bà và văn hữu chủ trương đầu thập niên 1970. Đặc biệt, những thông tin của Trùng Dương có thể giúp những thế hệ trẻ thấy một sự thực: Văn nghệ sĩ miền nam cũng có những phần tử can đảm bất chấp mọi hậu quả bi hài đứng lên tranh đấu cho đệ tứ quyền.
Trân trọng giới thiệu nữ sĩ Trùng Dương cùng các văn hữu và độc giả thân quí của Hợp Lưu.Tạp chí Hợp Lưu
Tiểu sử và tác phẩm
Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.
Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971);Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971).
Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.
Lê Quỳnh Mai: Xin chị giới thiệu về nhà báo và nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái.
Trùng Dương: Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, "theo chân mây", như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức.
LQM: Là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Chị có thể cho quí độc giả biết về quá trình thực hiện và hoạt động của cơ quan ngôn luận này không?
TD:Tình cờ tôi vừa viết xong bài điểm sách cuốn Báo chí ở Thành Phố Hố Chí Minh – 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, do Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan biên soạn và nhà xuất bản Tổng hợp TP-HCM ấn hành năm 2006, về báo chí Miền Nam từ 1865 tới 1995, trong đó có hai trang về tờ Sóng Thần với rất nhiều sai sót. Tôi nhận thấy, vì nhu cầu trong nước và cả ở hải ngoại hiện muốn tìm hiểu về nền văn học Miền Nam 1954-1975, trong đó báo chí là một bộ phận, nên tôi có viết lại về tờ báo Sóng Thần để những ai muốn tham khảo về tờ báo như một phần của báo chí nói riêng và văn học Mỉền Nam nói chung, có tài liệu và không phải đoán mò, cương ẩu. Rất tiếc là tôi không có phương tiện, nhất là sức lực, để suy khảo về cả 20 năm báo chí Miền Nam, mặc dù một dạo rất muốn và đã thu thập được một số tài liệu. Sau đây là phần viết về tờ Sóng Thần rút ra từ bài điểm sách.
Tờ Sóng Thần ra đời vào tháng 10, năm 1971, và bị rút giấy phép vào tháng 2, năm 1975. Microfilm của những số báo Sóng Thần (trừ những số báo bị tịch thu không ra được tới sạp bán) hiện được lưu trữ tại thư viện Kroch Library Asia thuộc Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. Bộ phim gồm bẩy cuộn, mang số 5004, gồm 1971: Oct.-Dec., 1972-1974, 1975: Jan.-Feb.
Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai. Sau vì nhu cầu chuyên nghiệp, tờ báo tách ra đứng riêng, mặc dù vẫn theo chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội. Hồi ấy, tham nhũng ở Miền Nam chỉ bằng một phần nhỏ, so với bây giờ, và cũng chẳng lãnh đạo nào dám ngang nhiên tặng đảo, đất hay cho ngoại bang thuê mỏ, thuê rừng để bỏ túi riêng, như bây giờ. Và cũng không có lãnh đạo nào dám bênh vực tham nhũng, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam còn thua xa vài quốc gia khác, như mới đây, ở Việt Nam.
Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Saigòn (không phải ở miền Trung như ghi trong cuốn Báo chí TP. Hồ Chí Minh). Tờ báo do tôi dứng tên làm chủ nhiệm, và nhà văn-nhà báo Chu Tử làm chủ biên. Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu, chứ không phải mãi tới cuối năm 1974, như ghi trong bài "Xin cho biết về tờ Sóng Thần". Tuy vậy, Sóng Thần chống tham nhũng, không chống chế độ hay chính phủ, như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là "anti-government". Ngoài ra là thông tin, bình luận thời cuộc, xã hội, và giải trí (mà việc đăng tải những truyện feuilleton là một).
Báo có anh Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự, một người rất tận tụy, không những đối với tờ báo, mà còn với gia đình của anh chị em tòa soạn. Phát hành thì có Sáu Cao (tôi không nhớ trọn tên họ của anh, anh chị em quen gọi anh là Cao vì anh … rất cao và gầy, người miền Nam, năng nổ, bộc trực). Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Sáu ngồi kiểu nước lụt (tức ngồi xổm, theo lối diễn tả của người Bắc), bứt rứt, khốn khổ, buồn so, mỗi khi nghe tin báo bị tịch thu vì một lý do nào đó, và anh không có báo để phát hành.
Phần tòa soạn thì anh Uyên Thao điều hành, với tư cách tổng thư ký, và anh Trương Cam Vĩnh làm phụ tá. Phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường, và Vị Ý. Hồi ấy, chúng tôi đưa báo đi nhà in mướn người ta in, nhưng có riêng một dàn sắp chữ với khoảng một tá thợ, cậu nào cậu nấy lúc nào cũng mình trần vì phòng sắp chữ vốn là một cái gác lửng trần thấp nên rất nóng, và lem luốc vì mực. Phòng sắp chữ nằm phía sau tòa soạn, do xếp typo Tấn, một thanh niên gốc miền Nam, rất tận tụy, trông coi. Giờ nhìn lại tôi không khỏi xấu hổ mà nhìn nhận là trong số thợ sắp chữ đó có một số em chỉ mới trên dưới 10 tuổi, đủ biết đánh vần để có thể sắp chữ, bỏ học đi làm để kiếm sống giúp gia đình. Tôi cũng còn nhớ cảnh Tấn giục bài, "để mấy đứa nhỏ có bài sắp chữ" vào buổi trưa sau khi báo đã in và thợ sắp chữ sắp các bài nằm, có lần đứng bên cạnh bàn làm việc của tôi với cái thước kẻ, hễ thấy viết được khoảng nửa trang, cậu ta kê thước kẻ vào trang giấy xé cái rẹt, đem phần giấy có chữ xuống nhà sắp chữ, mặc tôi ngẩn ngơ như con gà vừa bị cắt đầu. Sau kinh nghiệm đó, tôi thường viết bài ở nhà, nếu bữa nào chậm bài cho Tấn.
Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh khá đông, nồng cốt gồm có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long, và nhiều người khác nữa. Bên cạnh đó là một hệ thống các văn phòng đại diện ở các tỉnh, đặc biệt là Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, với Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và nhiều anh em khác. Cộng tác viên thì càng đông hơn. Thường xuyên lui tới toà soạn tôi nhớ nhất có các anh Trần Phong Vũ và Vũ Đức Vinh, cả hai hồi ấy làm đài phát thanh Sàigòn, với anh Vinh là tổng giám đốc. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972 đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, Sóng Thần (tồn tại nhờ vay tiền ký quỹ, và số tiền này còn nằm ở Ngân Hàng Quốc Gia khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra) mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954. Khác với lời ghi trong cuốn "100 Câu Hỏi Đáp" là cả ba nhà báo kỳ cựu gốc miền Nam Trần Tấn Quốc, Nam Đình và Ngọa Long "cùng sang cộng tác với Sóng Thần", thực tế chỉ có một mình ông Ngọa Long bằng lòng về hợp tác thôi.
Riêng về các nhà văn nhận lời viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thuỵ Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ, vv. Sau thêm một số khác nữa trong đó tôi nhớ hơn cả, vì là do chính tôi mời, mà lại mời viết hồi ký chứ không phải tiểu thuyết, để in song song, một phần cũng là nhằm lôi cuốn người đọc, đó là hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi đã dự tính sau hai nhà văn này thì sẽ mời Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng viết hồi ký song song như thế, nhưng chưa kịp, không nhớ vì lý do gì. Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện "xuân thu nhị kỳ", như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương. Những người viết feuilleton cho báo hàng ngày là cộng tác viên, không nằm trong thành phần biên tập.
Ngoài công việc thông tin, nhật báo Sóng Thần còn tham gia vào hoặc tài trợ cho một số những sinh hoạt giáo dục (như hỗ trợ cho chương trình gây quỹ học bổng cho trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục dậy học miễn phí cho vài trăm em học sinh trung học nghèo ở Quảng Ngãi, do Nguyễn Liệu và trên 100 giáo sư trung học ở Quảng Ngãi đảm trách); xã hội hoặc nhân đạo (như chương trình xây nhà giúp người nghèo, hoặc gây quỹ và phát động chiến dịch hốt xác và chôn cất gần 2,000 nạn nhân chiến cuộc trên Đại lộ Kinh Hoàng trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972); hoặc văn nghệ (như lập nhà xuất bản Nhân Chủ, hỗ trợ gánh hát cải lương Bạch Tuyết-Hùng Cường, thực hiện phim "Yêu", do Đỗ Tiến Đức đạo diễn, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử).
Cái ưu điểm của Sóng Thần, và lý do tờ báo lôi cuốn được nhiều người tham gia, hỗ trợ, đó là, ngoài chủ trương chống tham nhũng làm sạch hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến chống Cộng đặng bảo vệ một Miền Nam tự do, còn do chỗ này: đó là tờ báo do nhiều người làm chủ, với tư cách cổ đông góp phần hùn vốn, và niềm tin của họ đặt vào hoài bão của nhóm chủ trương, cũng là ước vọng của họ. Tôi chỉ là người đứng tên trên giấy phép xuất bản và chịu trách nhiệm đối với chính quyền, trong đó có những màn đi hầu tòa mỗi khi báo bị tịch thu. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi mặc áo dài đến tòa soạn, thế nào cũng có người hỏi: "Bữa nay bà đi hầu tòa hả?" Vì tôi ít khi mặc ào dài, mà thường mặc âu phục để đi xe đạp cho đỡ vướng. Nói tóm lại, không có các anh chị em khác đã cộng tác với Sóng Thần và sự tin tưởng vào lý tưởng của tờ báo từ các cổ đông và độc giả, chắc chắn đã không có tờ Sóng Thần.
LQM:Khó khăn lớn nhất mà chị đã gặp khi thực hiện tờ Sóng Thần.
TD:Có lẽ là sự kiểm duyệt khá khe khắt, đôi khi vô lý và lố bịch, của chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu, và đặc biệt là luật báo chí 007/72 ban hành sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng để được phép tiếp tục xuất bản. Nguyên nhân sâu xa, đã hẳn là do tình trạng chiến tranh do cộng sản Hà Nội chủ trương, với sự thâm nhập hàng ngũ quốc gia của các cán bộ nằm vùng, đặc biệt trong giới cầm bút viết văn, đưa tới thái độ "paranoid" của giới lãnh đạo Miền Nam. Khi một tờ báo bị kiểm duyệt và tịch thu hơi thường xuyên, khách hàng quảng cáo sợ và độc giả cũng dần nản, bỏ mình, rồi cái nọ kéo theo cái kia.
LQM:Mặc dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng tuổi thọ của Sóng Thần không được lâu dài như một số nhật báo nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước kia. Chị nghĩ sao về cái tên của nó như điềm báo trước về hiện tượng này?
TD:Chuyện "tên như một điềm báo" chỉ là để nói đùa với nhau cho vui. Tôi không tin tên Sóng Thần tự nó là một điềm báo. Hồi đó, mặc dù Sóng Thần nghe không có vẻ tên báo, nhưng ông Chu Tử rất thích khi tôi cho biết đã chọn tên báo là Sóng Thần. Ngoài Sóng Thần, còn có vài tờ khác cũng bị rút giấy phép cùng lúc, trong đó có tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều.
LQM:Sau nhiều biến cố xảy ra, chị có tìm ra nguyên nhân tại sao nhật báo Sóng Thần bị đóng cửa hay không?
TD:Tôi nghĩ tờ Sóng Thần bị đóng cửa là vì thái độ sợ hãi, không còn tin ở ai của chính quyền của ông Thiệu. Như tôi đã nói ở trên, chính quyền của ông Thiệu khi ở bước đường cùng càng trở nên quẫn trí, phản ứng không còn theo lý trí nữa. Người Mỹ có thành ngữ "shoot yourself in the foot" (tự bắn vào chân mình), nói cách khác là tự đào mồ chôn sống, và đấy là tình trạng của những chế độ ở bước đường cùng và không tin ai nữa, kết quả là hở ra làm cái gì cũng sai, trật, và từ từ tự đào hố chôn mình và chôn theo cả một quốc gia, dân tộc. Ta cũng thấy điều đó hiện đang diễn ra ở Việt Nam.
LQM:Chị có nhận xét và so sánh thế nào giữa hai nền báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 1975 (nói riêng tại Hoa Kỳ).
TD:Báo chí ở Miền Nam trước 1975 có kiểm duyệt, mặc dù không bị chỉ đạo, như báo chí dưới chế độ cộng sản độc tài ở Miền Bắc và cả 35 năm qua trên toàn Việt Nam. Báo chí Việt ở hải ngoại thì hoàn toàn tự do, chỉ cần xin giấy phép mở một cơ sở thương mại (business). Ngày nay với kỹ thuật Internet phổ biến, nhiều báo điện tử không cần cả giấy phép thương mại, chỉ cần đăng ký với một trong những cơ sở đăng ký trên Internet. Tuy nhiên, nhiều người làm báo ở hải ngoại, tất nhiên không phải tất cả, hiểu nhầm quyền tự do báo chí, cho rằng mình muốn viết gì, công kích hay chụp mũ ai thì đó là quyền của mình. Điều này không đúng. Càng tự do, trách nhiệm của người cầm bút càng cao, do đấy người cầm bút càng phải luôn học hỏi, tự trau giồi, về kiến thức cũng như khả năng nghề nghiệp. Và quan trọng hơn cả, theo tôi, là vun sới đức tính khiêm tốn, đạo đức nghề nghiệp.
LQM:Chị có so sánh gì về cả hai mặt tốt xấu trong cách làm báo của người bản xứ tại Hoa Kỳ và của người Việt tại hải ngoại.Và ý kiến về sự xuất hiện mạnh mẽ của báo điện tử hiện nay?
TD:Báo Việt ở hải ngoại, đặc biệt tại Nam Cali, nhiều quá, vì ai cũng muốn làm chủ báo, mà số người viết thì có hạn, độc giả có hạn, cũng vậy là khách hàng quảng cáo. Lượng thì nhiều mà phẩm không có bao nhiêu. Về phát thanh cũng vậy. Đã vậy, báo chí Việt ngữ, vì tính chất chính trị đặc biệt của cộng đồng Việt tị nạn, ít nhiều, dù không muốn, cũng bị lôi cuốn vào vòng chính trị, khó duy trì được tính khách quan, chuyên nghiệp. Chưa kể ảnh hưởng của khách hàng quảng cáo tới sự độc lập của tờ báo nữa. Báo chí Mỹ không bị chi phối bởi đặc tính chính trị này, mặc dù cũng không tránh được sự chi phối của quảng cáo. Báo chí Mỹ cũng không xuất bản ồ ạt như vậy. Tại một thành phố như Stockton, nơi tôi đã sống và làm việc 12 năm, chẳng hạn, với dân số khoảng 250 ngàn cho thành phố và khoảng nửa triệu cho toàn quận, chỉ có một tờ báo hàng ngày, tờ The Record, với số phát hành khoảng 70 ngàn số. Vậy mà từ nhiều năm trở lại đây tờ báo cũng đang khốn đốn vì sự phổ biến của Internet vì kỹ thuật này đang lấy đi khách hàng quảng cáo, nguồn thu chính của tờ báo. Và đấy là tình trạng chung của báo in tại Mỹ: nguồn thu quảng cáo đang bị thu hẹp lại, trong khi số độc giả mua báo cũng giảm đi.
Kỹ thuật Internet chỉ mới được chính phủ Hoa Kỳ bàn giao cho tư nhân xử dụng vào năm 1995, bốn năm sau khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tuy thế, Internet đã biến đổi sâu xa đời sống của chúng ta ở mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật và cả những liên hệ và đời sống cá nhân. Cũng chưa có kỹ thuật nào từ cổ chí kim mà lại có khả năng thu nhỏ quả địa cầu, thông tin chớp nhoáng, kể cả "tin" bậy, và dân chủ hoá và trang bị sức mạnh (empower) cho người xử dụng, như kỹ thuật Internet, mà World Wide Web, gọi tắt là Web, là một bộ phận. Do đấy chúng ta không nên lấy làm lạ khi báo điện tử của người Việt trong và ngoài nước bỗng tràn lan, bên cạnh những ấn bản điện tử (online) của những báo giấy, đấy là chưa kể các trang Web của các đoàn thể, hội, nhóm và cá nhân. Không cần chi phí nhiều để mở những trang Web đó, chưa kể nếu chịu khó thì có thể tự làm lấy trang Web của mình với sự hỗ trợ của một vài chương trình computer, rồi thuê post lên Web, tốn vài chục Mỹ kim/tháng. Vấn đề là có người viết và viết như thế nào, có đáng cho chúng ta theo giõi đọc và tin được không. Không ai ở hải ngoại này, kể cả chính quyền, có thể "đóng cửa" những Web sites này, trừ phi họ vi phạm điều lệ của hãng Internet mà họ thuê post và có người khiếu nại. Do đấy, người đọc cần đủ hiểu biết và thông minh để phân biệt thực hư, giữa sự thực và dối trá, đừng bạ cái gì cũng tin, rồi chuyển đi tứ tán, qua phương tiện e-mail, một cách vô trách nhiệm.
LQM:Là nhà báo và cũng là nhà văn, chị thích lãnh vực nào hơn. Tại sao?
TD:Không có lãnh vực nào tôi thích hơn lãnh vực nào, mà cả hai bổ sung cho nhau. Càng lớn tuổi, với kinh nghiệm, mình càng thực tiễn hơn, không còn mơ mộng, đam mê như lúc còn trẻ, do đấy óc tưởng tượng cũng mòn mỏi đi. Vì nhu cầu công việc và thói quen nghề nghiệp, tôi nghiêng về báo chí nhiều. Tóm lại, tôi đọc báo, tạp chí, sách non-fiction, xem phim tài liệu nhiều hơn là đọc truyện và xem phim truyện, trừ những tác phẩm thật hay. Viết cũng vậy.
Từ Chung và quyền tự do báo chí
Trưa ngày 31-12-1965, lái xe về đậu trước cửa nhà (số 59 đường Nguyễn Lâm), vừa bước xuống xe vòng ra sau để mở cốp xe lấy tờ báo và cây viết, Từ Chung, Tổng Thư Ký nhật báo Chính Luận, bị hai cán bộ khủng bố nội thành cộng sản, chở nhau trên một xe gắn máy, rút súng bắn năm phát liền vào lưng. Từ Chung gục chết trong tay chỉ có tờ báo và cây viết ngay trước mắt đứa con trai đầu lòng 12 tuổi.
Ảnh hưởng của cây viết của Từ Chung được tìm thấy trong một tập sách có tựa đề là "Trui Rèn Trong Lửa Ðỏ", trong đó đảng Cộng Sản đã kể lại thành tích dùng bạo lực giết hại những người dân vô tội của Miền Nam mà trong đó Từ Chung là một trường hợp. Thế nhưng Từ Chung là ai mà Việt Cộng phải ra tay giết hại như vậy?
Sơ lược tiểu sử
Từ Chung tên thật là Vũ Nhất Huy (tên khai sinh đầu tiên của ông là Vũ Mạnh Sơn Nhất Huy, nhưng sau này có lẽ thấy cái tên dài lê thê quá, ông đã ra tòa xin rút ngắn lại là Vũ Nhất Huy), bị ám sát vào ngày 30-12-1965 lúc ông 41 tuổi, như vậy là nếu còn sống, năm nay ông 73 tuổi, sinh quán ở Sơn Tây, Bắc Việt Nam. Từ Chung là anh cả trong một gia đình gồm bảy anh em trai, thế nhưng chỉ có hai người anh lớn trong nhà là Vũ Mạnh Sơn Nhất Huy và Vũ Mạnh Sơn Nhị Hoàng vào được miền Nam, năm người em phải ở lại miền Bắc với cộng sản sau năm 1954. Từ Chung mất đi để lại một vợ trẻ và bốn con thơ, cháu lớn nhất mới 12 tuổi.
Sau này đứa con trai lớn nhất của Từ Chung, Vũ Trọng Hiệp, sau khi tốt nghiệp sĩ quan Thủ Ðức đã không chịu ở lại tiểu khu, mà xin đi chiến đấu. Vũ Trọng Hiệp đã bỏ mình tại Ban Mê Thuật năm 1975, vừa đúng 22 tuổi.
Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm 1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế mời giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.
Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn chướng, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v... nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã luận về kinh tế. Từ Chung là người Việt Nam đầu tiên đã giản dị hóa môn học khô khan khó hiểu là kinh tế học, đưa môn học này về gần với quần chúng bình dân. Những bài xã luận của Từ Chung về kinh tế được độc giả thuộc mọi trình độ khác nhau, từ các ông giáo sư đại học, các chuyên viên kinh tế thượng thặng đến các cậu sinh viên, các bà nội trợ đều thấu hiểu tường tận những biến chuyển kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường được một số trí thức gọi đùa là "mục kinh tế chợ" đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch cuốn "Bí Danh" (Secret Name) của Lâm Ngữ Ðường.
Lược thuật ngày Từ Chung bị ám sát
Theo tường thuật của nhật báo Chính Luận, số ra ngày 1-1-1966, một ngày sau khi Từ Chung bị ám sát, thì vào khoảng 12:20 ngày 30-12-1965, Từ Chung từ tòa soạn báo Chính Luận số 15 đường Võ Tánh trở về nhà ở số 59 đường Nguyễn Lâm thì bị hai tên khủng bổ dùng súng lục hạ sát. Từ Chung đi trên chiếc xe hơi cũ kỹ. Khu phố nhà ông lúc ấy thưa thơt người qua lại, chỉ có một số trẻ em nô đùa trên bãi cỏ.
Ðau xót và thảm thương nhất là em Vũ Trọng Hiệp, 12 tuổi, học sinh đệ thất, người con trai đầu lòng của Từ Chung, khi thấy xe bố về liền chạy ra cửa đón bố. Nhưng không ra được khỏi nhà vì cửa khóa, em Hiệp đã mục kích, đã chứng kiến từ đầu đến cuối cái chết của bố em mà đành chịu không làm gì được.
Ðứa bé kể lại cái chết của bố
Em Hiệp đã nức nở kể lại trong tiếng khóc:
Cháu nghe thấy tiếng còi ô tô của bố cháu. Cháu chạy ra đứng phía trong cửa để chờ bố, cháu thấy bố cháu xuống xe rồi mở thùng xe đằng sau để lấy cái gì đó. Thế rồi có hai người đi gắn máy dừng lại, cháu nhìn rõ xe hiệu Goebel sơn màu xanh. Một người xuống xe tay cắp cặp da, mặc quần mầu xanh màu da trời, áo xanh lạt có sọc, trạc độ 26 tuổi. Người ấy mở cặp da lấy ra một khẩu súng và tiến lại gần bố nhắm bắn luôn mấy phát liền. Bố cháu gục xuống.
Hiệp sau này lớn lên đã xung vào Thủ Ðức và em đã bỏ mình tại Ban Mê Thuộc hồi năm 1975.
Thụy Giao
Một số báo tư nhân tại miền Nam trước 1975:
Thời xua làm báo tại miền Nam ra sao, xin đọc bài Từ Chung Giữa Làng Báo
Đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Bến Thành
|
Rạp Rex
|
Khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn
|
Thương xá TAX
|
Nhà thờ Đức Bà
|
Bưu điện trung tâm thành phố
|
Giao thông nhộn nhịp tại quảng trường Lam Sơn với nhiều chủng loại ô tô và xe máy
|
Góc Công Trường Lam Sơn (Lam Sơn không phải là đường) và Hai Bà Trưng
|
Xích lô máy trên đường phố Sài Gòn
|
Những chiếc taxi Sài Gòn trước 1975 rất dễ nhận ra với hai màu xanh - trắng quen thuộc
|
Saigon Xe Hơi Công Ty, Saigon 1965 Góc đường Thống Nhất - Duy Tân (tức Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch ngày nay). Tại vị trí này hiện nay là siêu thị Diamond Plaza.
|
Cảnh sát giao thông Sài Gòn với bộ cánh "trắng toát"
|
Lính Mỹ và các loại xe quân sự hiện diện khắp nơi trong thành phố
|
Đường Lê Lợi năm 1972
|
Cổng chợ Bến Thành
|
Một chiếc xe ngoại giao được kiểm tra khi tiến vào đại sứ quán Mỹ
|
Rào chắn và các chốt kiểm soát quân sự được lập tại các tuyến đường gần đại sứ quán Mỹ và các cơ sở quan trọng của Mỹ ở Sài Gòn
|
Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn
|
Nơi giao cắt giữa hai phố Lê Văn Duyệt và Hồng Thập Tự
|
Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) trên đường Công Lý (nay là Đại lộ Lê Duẩn)Bến Bạch Đằng, phía dưới ảnh là trụ sở Bộ chỉ huy hải quân chế độ cũ
|
Bến Bạch Đằng, phía dưới ảnh là trụ sở Bộ chỉ huy hải quân chế độ cũ
|
Xe lam - một phương tiện rất phổ biến tại Sài Gòn thời điểm trước năm 1975. Ảnh Đường Lê Văn Duyệt
|
Trên đường Phạm Ngũ Lão
|
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen