Mittwoch, 20. Mai 2015

VNPRESS-Lịch sử báo chí Việt Nam (3)

Sự chuyển tiếp từ Đại Nam Đồng văn nhật báo

qua Nam Việt quan báo & Đại Nam Đăng cổ tùng báo

                                                                                                
Tính từ tờ Gia Định báo của chính quyền thuộc địa Pháp xuất bản ở Nam kỳ năm 1865,  báo chí Việt Nam đến nay đã có gần 150 năm phát triển. Nhưng vì lý do thư tịch mất mát, tài liệu thiếu thốn nên mặc dù đã có nhiều công trình tìm hiểu, những ghi nhận về báo chí Việt Nam mà đặc biệt là trong thời gian trước Chiến tranh thế giới thứ nhất hiện nay vẫn còn nhiều sai sót. Tình hình này cũng trình hiện ở một số công trình viết về ba tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo, Nam Việt quan báo và Đại Nam Đăng cổ tùng báo, nhưng hiện đã có một số tư liệu cho phép đính chính những sai sót nói trên. 
1. Về Đại Nam Đồng văn nhật báo.
Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 1 của Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết Đại Nam Đồng văn nhật báo ra số đầu tiên năm 1893, Huỳnh Văn Tòng cho biết tờ báo này tồn tại từ 1892 đến 1907(1), Nguyễn Thành cho biết nó được xuất bản từ 1892(2), nhóm Đỗ Quang Hưng căn cứ vào số 171 ra ngày 27- 1-1895 tính ngược lên đã cho rằng tờ Đại NamĐồng văn nhật báo có thể ra đời vào năm 1891, tức năm Thành Thái thứ 3(3).
Trong Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, các sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận rõ ràng hơn “Năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891 Tây lịch)… Tháng 8… Đặt Đại Nam Đồng văn nhật báo (ở Hà Nội), chuẩn cho Bố chánh Lục Nam Dương Lâm lấy hàm Tham biện Nha Kinh lược quản lãnh. Trước là năm Đồng Khánh thứ 1 đã đặt Nam công báo, về sau vì nhiều việc nên đình bãi không thi hành. Đến lúc ấy Toàn quyền đại thần De Lan-essan bàn nên đặt lại, phàm những công văn tư lục ở kinh có quan hệ đến chính thể và những việc có quan hệ tới dân tình, thương chính ở Bắc Kỳ đều nhất nhất in lên báo, mỗi tháng bốn kỳ, phát giao cho các bộ nha ở kinh và các phủ tỉnh ở ngoài xem” (điều 0278)(4). Nhưng có lẽ vì thời gian nhận phát công văn-thông báo tin tức thời bấy giờ bị kéo dài nên sự kiện nói trên được ghi nhận chậm hơn so với thực tế ít nhất 5 ngày và bị kể vào tháng sau: tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo số đầu tiên được xuất bản ở Hà Nội ngày 26 tháng 7 năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3, tức ngày 30 – 8- 1891 (ảnh 1), có khổ báo 21×28,5cm.
Theo Huỳnh Văn Tòng, tờ báo này phát triển được “là nhờ ông giám đốc Francois Henri Schneider, một người thân cận của vị Toàn quyền Lanessan”, và quả thật trong rất nhiều số trang bìa của tờ báo đều có một cáo bạch của Nhà in Schneider ở phố Hàng Bông, Hà Nội. Mặc dù tờ báo không có thông tin nào về tòa soạn, các bài báo được in cũng đều không ghi tên tác giả, nhưng vai trò quan trọng của Schneider ở đây cũng chỉ có thể là về mặt in ấn và phát hành chứ không thể về mặt nội dung và nghiệp vụ. Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên và tờĐại Nam Đồng văn nhật báo có một số ghi nhận về nhân sự của tờ báo từ Dương Lâm, Phan Văn Tâm, Vũ Phạm Hàm thời gian 1891 – 1893 tới Kiều Oánh Mậu, Phan Văn Đại năm 1904 và cả một viên Trú biện người Pháp là Xương Ông nhưng không hề nhắc tới Schneider. Cần lưu ý rằng Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đã chấm dứt nhiệm kỳ từ ngày 29- 12- 1894, nên từ đó trở đi nếu muốn cũng chỉ có thể giúp đỡ Schneider một cách gián tiếp. Cũng không hẳn tờ báo phát  triển được chỉ nhờ vào năng lực kinh doanh của Schneider: Đại Nam thực lục chính biên  Đệ lục kỷ Phụ biên cho biết vào tháng 2 năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903) triều đình nhà Nguyễn có lệnh mua báo phát cho các cơ quan trong kinh ngoài tỉnh và hỗ trợ tiền mua báo cho các làng xã ở Trung kỳ (điều 1170), hoàn toàn ăn khớp với việc tờ báo lên giá từ số 579 ra ngày 25- 1- 1903 (từ 4 xu lên 16 xu/tờ, mua trọn năm là 8 đồng, có lẽ  tính tròn 50 số/năm). Nhưng quả thật Schneider đã rút tỉa được nhiều lợi nhuận từ tờ báo này: trong rất nhiều năm nó duy trì số lượng từ 1 tới 2 trang quảng cáo và thông tin thương mại trên tổng số 8 trang báo. Đây là một trong những lý do dẫn tới cái kết thúc kỳ lạ của tờ báo và gây ra nhầm lẫn trong nhiều công trình nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam trước nay. 
2. Về Nam Việt quan báo.
Ngoài nhóm Đỗ Quang Hưng nhắc tới nhưng gọi tên là Việt Nam quan báo(5) và không nói gì tới quan hệ giữa nó với tờ Đại Nam Đồng  văn nhật báo, ít thấy công trình tìm hiểu lịch sử báo chí nào đề cập tới tờ báo này. Thật ra nhìn từ phía quan phương, đây mới đúng là hậu thân của tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo trước đó. Trong số đầu tiên, trang bìa tờ báo có hai dòng chữ Pháp đề tên báo là Journal Officiel en Caractères (Công báo chữ Hán) và số báo cùng ngày tháng Dương lịch “Dimanche, 6 Janvier 1907”, kế là bốn chữ Hán Nam Việt quan báo viết dọc rồi tới dòng ngày tháng Âm lịch viết từ phải qua trái “Thành Thái thập bát niên thập nhất nguyệt nhị thập nhị nhật” (ngày 22 tháng 11 năm Thành Thái thứ 18) (ảnh 2). Ngoài Mục lục, trên bìa có lời cáo bạch nói “Bản báo nguyệt hữu tứ kỳ, mỗi lễ bái nhật ấn phát nhất thứ, báo tư đồng niên trị Tây tiền nhất quan (Bản báo mỗi tháng ra bốn kỳ, mỗi ngày Chủ nhật phát hành một lần, giá báo trọn năm là một quan tiền Tây), tức cũng ra ngày Chủ nhật hàng tuần như Đại Nam Đồng văn nhật báo, nhưng có giá bán rất “cạnh tranh”. Lời Báo chương hiểu bố ở trang đầu nhiều số còn cho biết thêm “Liệt tỉnh chi các xã thôn câu tuân niêm tại đình sở dĩ tiện quan khán. Giới kỳ hà xã thôn vị thừa cấp phát, kỳ dịch đẳng hướng Công sứ tòa trình lĩnh” (Các xã thôn ở các tỉnh đều phải tuân lệnh niêm yết ở đình để tiện xem đọc. Đến kỳ mà xã thôn nào chưa được cấp phát thì lý dịch cứ tới tòa Công sứ khai trình nhận lãnh), tức tờ báo được phát không cho các làng xã ít nhất ở Bắc kỳ. Báo có khổ 19×26,5cm, số trang và bố cục trang bìa cũng tương tự Đại Nam Đồng văn nhật báo.
Đặc biệt, số 2 có đăng bài Báo chương cải hiệu nói rõ Nam Việt quan báo tiếp nối Đại Nam Đồng văn nhật báo với tư cách là công báo của phía quan phương “Bản báo chương nguyên hiệu Đại Nam Đồng văn nhật báo, tựu trung đăng báo giả đa thị quốc gia chính lệnh, dân sinh lợi tệ, hiến điển hoàng hoàng, phi như như tư báo giả lệ. Tư thừa lệnh cải  vi Nam Việt quan báo dĩ chương định thức” (Bản báo vốn tên là Đại Nam Đồng văn nhật  báo, tựu trung bài vở đăng tải phần nhiều là chính lệnh của quốc gia, điều lợi tệ của dân  sinh, hiến lệnh pháp điển rõ ràng, không phải như lệ báo tư nhân. Nay thừa lệnh đổi tên là Nam Việt quan báo để làm rõ khuôn phép đã định). Sau số 69 ra ngày 10- 5- 1908, từ ngày 17-5-1908 tờ báo này được đổi tên thành Nam Việt công báo và in thêm chữ Quốc ngữ tương tự Đại Nam Đăng cổ tùng báo, tên báo chữ Pháp trên bìa cũng được đổi là Journal Officiel en Car-actères et en quoc-ngu. Số sau cùng hiện được biết tới của Nam Việt công báo là số 284 ra ngày 23- 12- 1913.
Bài Báo lâu xuân sắc trong số 15 ra ngày 21-4-1907 cho biết ngày 9- 4-1907 Thống sứ Bắc kỳ ra nghị định chuẩn lấy Phán sự hạng ba Vũ Ngọc Oánh thay thế Tham biện sung Đốc biện Nam Việt quan báo Nguyễn Đình Quỳ sung vào phái bộ qua Pháp, theo đó có  thể nghĩ đây là hai viên Đốc biện đầu tiên của tờ Nam Việt quan báo.
Phần quảng cáo trên Nam Việt quan báo chỉ thấy xuất hiện trong hai số đầu, rất nhiều số tiếp theo đều không có quảng cáo.
3. Về Đại Nam Đăng cổ tùng báo.
Huỳnh Văn Tòng cho biết tờ báo này bắt đầu được xuất bản từ năm 1907 và không nói  gì tới quan hệ giữa nó với tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo. Nguyễn Thành thì cho biết  đây là hậu thân của Đại Nam Đồng văn nhật báo, năm 1907 đổi tên thành Đại Nam Đăng  cổ tùng báo, số đầu đánh số 793 (tiếp theo số 792 của Đại Nam Đồng văn nhật báo) ra ngày 28-3-1907, số cuối cùng là số 826 ra ngày 14-11-1907. Nhưng nhìn từ phía quan phương thì sau số 781 ra ngày 30-12-1906, Đại Nam Đồng văn nhật báo đã đổi tên thành Nam Việt quan báo với số 1 ra ngày 6-1-1907. Đại Nam Đăng cổ tùng báo thật ra là một tờ báo tư nhân, và tuy chưa đầy đủ hay rõ ràng, những tư liệu hiện có cũng cho thấy đây là một câu chuyện khá nhiêu khê.
Theo lẽ thường mà suy, nếu thực sự được xuất bản thì 11 số từ 782 đến 792 của Đại  Nam Đồng văn nhật báo vẫn phải ra vào ngày Chủ nhật (tức các ngày 6, 13, 20, 27 tháng 1, các ngày 3, 10, 17, 24 tháng 2 và các ngày 3, 10, 17 tháng 3 năm 1907), nhưng Đại Nam Đăng cổ tùng báo đề số 793 không ra vào ngày chủ nhật 24-3 mà vào ngày thứ  năm 28-3-1907 (Jeudi 28 Mars 1907 tức ngày 15 tháng 2 năm Thành Thái thứ 19). Bìa báo  vẫn đề Đại Nam Đồng văn nhật báo thêm bốn chữ Đăng cổ tùng báonhưng bên trong đề là Đại Nam Đăng cổ tùng báo, có hạ giá nhiều so với trước, tuy gồm 16 trang nhưng chỉ đề giá bán 10 xu/tờ (ảnh 3), giá báo trọn năm là 4 đồng. Trong số này có bài Nhời  ông F. H. Schneider, là Chủ nhật báo, dịch ra bằng chữ Quốc ngữ, nội dung có một số chi tiết rất đáng chú ý (so với bản dịch ra chữ Hán thì bản dịch ra chữ Quốc ngữ này có nhiều sai biệt, ở đây chỉ nêu những điểm tương đồng và có điều chỉnh về chính tả):
“…Từ đấy thế sự đã đổi, và chính phủ nước Đại Pháp cũng đã biết rằng dân An Nam đã qua thuở âm a rồi, cho nên bây giờ cho phép đặt ra báo quán tự do.
Vậy cái Đại Nam Đồng văn nhật báo cũng phải theo thời. Trước kia là quan báo, nay xin cải ra làm một  trường nhật báo thực tự do, đem trình cùng các quý khách, từ phương Bắc đến phương  Nam cõi Đông Dương.
Kỳ thủy tôi đã định bỏ hẳn chữ Nho đi, chỉ làm bằng chữ Quốc ngữ  thôi, vì chữ Nho quả là một cái hàng rào hiểm chắn ngang đường văn minh (…). Trước tôi nghĩ thế, song lại nghĩ rằng ở Bắc kỳ với Trung kỳ còn ít người biết chữ Quốc ngữ lắm, rồi tất cũng biết cả, chắc cũng không lâu, vả việc học chữ Quốc ngữ, bản báo sẽ dùng hết chước để cho dân đều biết.
Như vậy cho nên trong nhật báo còn nhiều bài ta dùng cả hai thứ chữ: chữ Nho và chữ Quốc ngữ.
Tôi phải chiều ý người như thế, vì quả bụng tôi chỉ cốt cầu một điều, là: nước Đại Pháp tôi đã sang bảo hộ nước Nam, thì tôi muốn hết lòng làm cho người An Nam hiểu biết rằng nước Đại Pháp tôi từ xưa hay hết sức gắng bao nhiêu, mà bây giờ vẫn gắng bao nhiêu, để cho dân nước Nam học lấy sách thực là sách dạy cho dân biết tự do, là sách dạy chính trị để người ta biết bình đẳng, là sách dạy thuật xã hội để người ta biết đồng bào.
…Vì thế cho nên tôi mới đặt ra hai cái nhật báo, cùng theo đuổi một đích: một cái bằng chữ Lang Sa để nhủ lòng người Lang Sa, tên là Tri-bune Indo – Chinoise, một cái bằng  chữ Quốc ngữ và chữ Nho để nói với người bản quốc tên là Đại Nam Đồng văn nhật báo.
Hai trương báo khác tên nhau, nhưng cũng một tên nhỏ là Đăng cổ tùng báo, ý cũng dựa chữ Tribune”.
 Đối với việc tìm hiểu sự chuyển tiếp từ Đại Nam Đồng văn nhật báo qua Đại Nam Đăng cổ tùng báo, bài viết nói trên của Schneider đáng kể là một đầu mối quan  trọng. Có thể nghĩ rằng việc tờ Đại Nam Đồng văn nhật báo trở thành công cụ kinh doanh của một chủ nhà in người Pháp đã khiến nhiều quan chức người Pháp cũng như Nam triều bực bội, nhưng vì những lý do tế nhị nào đó nên họ đã phải cắn răng bỏ luôn cái tên gọi vốn có mà ra tờ Nam Việt quan báo bắt đầu từ số 1 ngày 6-1-1907. Dĩ nhiên họ cũng không quên bài bác Schneider với câu “… Hiến lệnh pháp điển rỡ ràng, không phải như lệ báo tư nhân”, thậm chí còn phát không cho các làng xã đồng thời hạ giá báo xuống tới mức gần như cho không. Cho nên với tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo đầu năm 1907, Schneider đã trở thành người thừa kế nếu không phải chính đáng thì cũng là chính thức cái “thương  hiệu” Đại Nam Đồng văn nhật báo. Và ngoài những lời lẽ ca ngợi Tự do, Bình đẳng, Bác ái như một cách trả đũa báo chí quan phương, để dễ bán báo ông ta cũng tìm cách chứng  tỏ báo tư nhân “thoáng” hơn báo nhà nước. Giữa những biến động chính trị lúc vua Thành Thái bị phế truất năm 1907, Đại Nam Đăng cổ tùng báo đã liên tiếp đăng tải một số thư từ, bài viết có nội dung “nhạy cảm” và nhất là giống như không tán thành việc đàn áp những người yêu nước Việt Nam(6).
Khác với ghi nhận của một số công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam trước nay, những tư liệu nói trên cho thấy sau năm 1906, trong ý nghĩa là một tờ công báo, Đại Nam Đồng văn nhật báo đã chuyển thành Nam Việt quan báo, còn với tư cách là một tờ báo chữ Hán, nó đã phát triển thành Đại Nam Đăng cổ tùng báo gồm cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ. Cái kết thúc kỳ lạ ấy quả là một hiện tượng cần được tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn từ nhiều góc độ, trên nhiều phương diện, vì như người ta đã thấy, sau cùng cả hai hậu thân của nó đều phải đình bản khoảng trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi hiện trạng thuộc địa và tình hình thế giới khiến chính quyền thuộc địa Pháp trở nên nhất quán trên một đường hướng cứng rắn hơn trong chính sách truyền thông ở Việt Nam. Dĩ nhiên, nếu một tư liệu góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề thì có khi chính nó cũng mang một số vấn đề cần được làm sáng tỏ. Chẳng hạn “phó bản” tiếng Pháp của tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo với tên gọi Tribune Indo – Chinoise mà Schneider nói tới đã thật sự được xuất bản chưa, được bao nhiêu số? Hy vọng những câu hỏi chung quanh sự chuyển tiếp từĐại Nam Đồng văn nhật báo qua Nam Việt quan báo và Đại Nam Đăng cổ tùng báosẽ được trả lời chính xác và mau chóng nơi các công trình nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam trong tương lai.
CHÚ THÍCH:
(1) Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945,  Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.86, 433.
(2) Nguyễn Thành, Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông  tin, Hà Nội, 2001, tr.172 – 173.
(3) Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thành, Dương Trung Quốc, Lịch sử báo chí Việt Nam  1865 – 1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, tr.40.
(4) Quốc  sử  quán  triều  Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Cao  Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
(5) Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thành, Dương Trung Quốc, Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Sđd, tr.47. Ngoài ra giáo trình Lịch sử báo chí Việt Nam của Phạm Đình  Lân ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2008 cũng có nhắc tới Việt Nam quan báo, nhưng có lẽ chỉ là chép theo nhóm Đỗ Quang Hưng. 
(6)  Xem thêm ĐạiNamthực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Sđd, Phụ lục 12.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen