TRƯƠNG VĨNH KÝ,
NGƯỜI MỞ ĐẦU CHO CUỘC TRÒ CHUYỆN ĐÔNG TÂY
Trương Vĩnh Ký (l) không phải là người đầu tiên tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhưng có lẽ là người đầu tiên tiếp xúc có tiếp biến (acculturation).Nhớ lại các tác giả Tây dương Gia tô bí lục, mặc dù đã sống nhiều năm ở La Mã, bản thân lại là linh mục, mà vẫn nhìn phương Tây nói chung và Kitô giáo nói riêng bằng con mắt đầy thành kiến của Nho giáo: kẻ khác là kẻ thù, các văn hóa phi Khổng giáo đều là man ri mọi rợ cả. Chấp nhận cái lý của kẻ khác, thấy được ngoài trời mình còn có trời khác, thì mới có đối thoại. Và trong văn hóa, đối thoại không phải để giành trọn phần thắng về mình mà để nhận thức sâu thêm về mình, về người nhằm đạt tới một chân lý cao hơn cho cả hai bên.
Ở Việt Nam, có thể nói, Trương Vĩnh Ký là người mở đầu cho cuộc trò chuyện Đông - Tây. Cuộc đối thoại Đông Tây này, ngay từ đầu tiên đã bị nhiễu, bởi những éo le của lịch sử. Người tiếp nhận được văn hóa phương Tây, tức văn hóa hiện đại, thì khi cất tiếng với đồng bào của mình khó mà thanh thoát trọn vẹn, bởi kẻ đó là tín đồ Kitô giáo, tôn giáo của kẻ xâm lược, thứ tôn giáo mà ngay từ khi đến mảnh đất này đã bị coi là mắc một thứ tội tổ tông nào đó. Với Trương Vĩnh Ký (cũng như với Nguyễn Trường Tộ) còn thêm một nan vấn nữa là có thời ông làm việc với người Pháp. Những bi kịch như vậy của văn hóa Việt Nam trên hành trình hiện đại hóa dường như là một hằng số. Nếu không giải tỏa được tâm lý đối kháng và phương pháp tư tưởng trắng đen rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng không ít đến tiến độ hội nhập với văn hóa thế giới.
Ở Việt Nam, có thể nói, Trương Vĩnh Ký là người mở đầu cho cuộc trò chuyện Đông - Tây. Cuộc đối thoại Đông Tây này, ngay từ đầu tiên đã bị nhiễu, bởi những éo le của lịch sử. Người tiếp nhận được văn hóa phương Tây, tức văn hóa hiện đại, thì khi cất tiếng với đồng bào của mình khó mà thanh thoát trọn vẹn, bởi kẻ đó là tín đồ Kitô giáo, tôn giáo của kẻ xâm lược, thứ tôn giáo mà ngay từ khi đến mảnh đất này đã bị coi là mắc một thứ tội tổ tông nào đó. Với Trương Vĩnh Ký (cũng như với Nguyễn Trường Tộ) còn thêm một nan vấn nữa là có thời ông làm việc với người Pháp. Những bi kịch như vậy của văn hóa Việt Nam trên hành trình hiện đại hóa dường như là một hằng số. Nếu không giải tỏa được tâm lý đối kháng và phương pháp tư tưởng trắng đen rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng không ít đến tiến độ hội nhập với văn hóa thế giới.
Có lẽ, Trương Vĩnh Ký cũng như nhiều người Việt Nam có dịp đặt chân đến châu Âu, chứng kiến tận mắt sức mạnh vật chất của phương Tây, có được một cái nhìn về Việt Nam khác với cái nhìn của những người Việt Nam khác ở trong nước, nên cho rằng đối đầu quân sự với Pháp là một việc làm có tính ứng phó, một hành động sát thân thành nhân cao quý. Ông chọn một con đường khác, lâu dài hơn, tuy không phù hợp với tâm lý phản ứng tức thời của số đông, nhưng chắc chắn hơn. Đó là canh tân đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, theo con đường phương Tây. Đó là con đường đi của văn hóa. Trong hoàn cảnh bấy giờ phải nói đây là một tư duy mới, phi truyền thống của một trí thức mới, trí thức Tây học đầu tiên của Việt Nam.
Thực ra, xét cho kỹ thì đó là một ứng xử quen thuộc của Việt Nam trong thế đối phó với Trung Hoa. Học tập họ, trở nên giống họ, để đủ sức mạnh chống lại họ. Nhưng miếng vinavo (Việt Nam võ) gậy ông đập lưng ông lần này lại không được người Nam đồng lòng sử dụng với người Tây. Hẳn do Pháp Nam không phải là những nước đồng văn? Hay do kiểu tư duy Nho giáo cho văn minh phương Tây là văn minh vật chất, thô lậu, còn văn minh phương Đông là văn minh tinh thần cao quý? Hiểu được sự "vô lối", sự "lộn trái của mặc cảm tự ty" của thứ lý luận tiên nghiệm kia, thấy được sức mạnh vật chất của phương Tây, xét cho cùng, cũng bắt nguồn từ văn hóa, Trương Vĩnh Ký muốn giới thiệu văn hóa phương Tây cho người Việt và văn hóa Việt Nam cho người phương Tây để tạo ra một sự hiểu biết, một mặt tránh được những xung đột không cần thiết, mặt khác hướng suy nghĩ của toàn dân vào việc đổi mới, canh tân đất nước. Đó là việc bình sinh của Trương Vĩnh Ký, còn công với tội, những khái niệm nhiều khi có tính quy ước ấy là việc hậu nghiệm của người sau.(2)
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà văn hóa sáng chói của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Ông là một học giả tiên phong, chuyên tâm nghiên cứu học thuật, sáng lập nền báo chí Việt Nam và đóng vai trò khai sáng đối với văn học nước nhà.
Để đổi mới đất nước, phải xây dựng một căn bản của văn hóa Việt Nam. Và Trương Vĩnh Ký nhìn thấy nó ở sự kết hợp văn hóa Đông Tây. Nhưng vấn đề là kết hợp như thế nào? Khác với các nhà Nho có Tây học đương thời, Trương Vĩnh Ký là người nắm được hai rễ cái của nền văn hóa phương Tây là văn minh Hy La và Kitô giáo. Ông lại sử dụng thành thạo tiếng Latinh là ngôn ngữ của giới trí thức phương Tây bấy giờ. Trong chuyến đi Pháp làm thông ngôn cho sứ đoàn Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, chàng thanh niên 26 tuổi ấy, đã tiếp xúc trực tiếp với những nhà bác học nổi tiếng thuộc các lĩnh vực triết học, khoa học, văn học, như Duruy, Victor Hugo, Renan, Lettré,Paul Bert... Hơn nữa, việc tự học Nho giáo khiến Trương Vĩnh Ký thoát khỏi lối học thi cử, khuôn sáo và gò bó, để tiếp thu được tinh hoa của học thuyết này. Ở Trương Vĩnh Ký người ta thấy có sự kết hợp của một trí nhớ Nho giáo với lối tư duy phân tích, lối suy luận của khoa học thực nghiệm. Từ đó, căn bản văn hóa Việt Nam, theo Trương Vĩnh Ký, là sự kết hợp của khoa học phương Tây và đạo lý Nho giáo. Tất nhiên, ở đây là đạo lý chứ không phải đạo đức. Đạo đức gắn chặt một thể chế, một giai đoạn lịch sử, một xã hội, nên nó có thể thay đổi, còn đạo lý thì có ý nghĩa phổ quát, tồn tại lâu dài. Nói vậy, không có nghĩa là văn hóa phương Tây không có đạo lý, mà bởi người Việt còn chưa quen với hình thức đạo lý này, nên giữ lấy đạo lý Nho học cũ. Hơn nữa, đạo lý Nho giáo ở chỗ thâm sâu nhất, tinh túy nhất cũng sẽ tham thông với Kitô giáo và văn hóa Pháp. Như vậy, cải cách xã hội là tiếp thu khoa học, kỹ thuật, các thể chế chính trị, luật pháp, giáo dục phương Tây trên cơ sở nền đạo lý Nho học, tức Nho giáo vẫn được lấy làm ý thức hệ cho cuộc canh tân. Như vậy Trương Vĩnh Ký không chỉ là người mở đầu cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, mà quan trọng hơn còn vạch ra một đường lối cho công cuộc canh tân đó.
Thực hiện canh tân, cần phải có công cụ truyền bá mới. Đó là lý do Trương Vĩnh Ký hết sức chú trọng đến chữ quốc ngữ, một thứ chữ giản tiện, dễ học. Có thể nói, ông đã tái sinh cho quốc ngữ bằng việc kẻo nó từ chỗ chỉ là một công cụ tuyên truyền tôn giáo thành một công cụ văn hóa, từ chỗ là con hoang thành con chính thức, có địa vị ngang với chữ Nho và chữ Pháp, càng về sau càng hơn cả chữ Nho và chữ Pháp.
Để giữ vững đạo lý Nho giáo, theo gương Hồ Quý Ly và Quang Trung trước đây dịch ra chứ Nôm các sách kinh điển Nho gia, Trương Vĩnh Ký (làm các việc mà ngày nay chúng ta còn tiếp tục làm) dịch ra chữ quốc ngữ, giảng giải bằng chữ quốc ngữ những sách phổ thông như Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Minh tâm bảo giám, Tứ thư, Ngũ kinh... Trong thời buổi xã hội có nhiều thay đổi, đảo lộn, các giá trị mới còn chưa định hình, thì việc khẳng định cái giá trị cũ đã ổn định và bền vững để làm cơ sở tiếp thu văn hóa mới là việc làm cần thiết. Bởi vậy, cùng với việc dịch các tác phẩm kinh điển Nho gia, Trương Vĩnh Ký còn sưu tập, phiên âm ra quốc ngữ và chú giải những truyện nôm nổi tiếng như Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần cũng như những bài thơ liên quan đến việc giáo dục Huấn nữ ca, Thơ mẹ dạy con, Thơ dạy làm dân. Ông còn sưu tầm và giới thiệu rất nhiều truyện cổ tích, truyện dân gian, câu đố, câu hát...
Sách của Trương Vĩnh Ký thường được ghi chú thêm bằng tiếng Pháp cho những độc giả phương Tây muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cũng nhằm mục đích trên, Trương Vĩnh Ký còn viết một số sách sử ký, địa dư Việt Nam bằng tiếng Pháp và soạn thảo từ điển Pháp - Việt và Việt - Pháp. Các sách viết cho độc giả phương Tây của Trương Vĩnh Ký chỉ nhằm một mục đích thông hiểu giữa hai nền văn hóa quá nhiều khác biệt, chứ không phải mục đích tuyên truyền tôn giáo chính trị. Bởi vậy, người ta chưa bao giờ thấy Trương Vĩnh Ký viết gì về Kitô giáo mà ông là một tín đồ.
Như vậy, đạo lý Nho giáo và dân tộc là chủ yếu trong các công trình biên soạn và phổ biến của Trương Vĩnh Ký. Dễ hiểu vì sao mà đương thời và cả về sau nữa đều coi Trương Vĩnh Ký không chỉ là nhà bác học tháp ngà mà còn là ông thầy dạy đạo lý cho toàn cõi Nam kỳ.
Cho đến nay, có lẽ, Trương Vĩnh Kỳ là một người biết nhiều ngoại ngữ nhất ở Việt Nam một phần bởi năng khiếu, phần khác bởi hoàn cảnh. Ngoài tử ngữLatin được học một cách nghiêm túc ở trường đạo Pénang, còn các sinh ngữ khác đều tự học được trong các chuyến xuất ngoại đi châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc. Theo nhiều tài liệu, ông nói thạo 15 ngữ Âu châu, 11 ngữ Á châu. Đồng thời, ông còn là một nhà ngữ học và ngữ văn học.
Về ngữ học, Trương Vĩnh Ký có 8 công trình đã được công bố hoặc còn ở dạng bản thảo, trong đó những công trình nổi bật là Khảo luận về sự tương đồng giữa các tiếng và chữ Á Đông (1882) và Ngữ pháp tiếng Việt (1883). Đánh giá cuốn thứ nhất, Luro viết: "Khảo luận về các ngôn ngữ. phương Đông (1882) là cuốn có công rất lớn thật độc đáo vì có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên vế ngôn ngữhọc do một người bản xứ viết. Những cái nhìn về ngữ văn học của một người Á châu có thể bày tỏ cho các nhà ngữ học Âu châu một số sự kiện mà chắc chắn họ đã không để ý tới". Jean Bouchot, người đầu tiên viết tiểu sử Trương Vĩnh Ký, cũng cho rằng đây là một "công trình nghiên cứu vững chắc về ngữ học chứng tỏ sự dễ dàng của ông nhờ thiên phú và lý luận chín chắn mà ông có". Một điều đáng lưu ý là Trương Vĩnh Ký sống cùng thời với Ferdinand de Saussure nhưng không hề biết đến nhà cách mạng ngữ học này mà lại có cái nhìn về ngữ học giống như ông. Có thể nói, ở tác phẩm này, Trương Vĩnh Ký bộc lộ một khả năng làm khoa học thuần túy với những khám phá về lý thuyết. Cùng với những phát minh khoa học về việc sinh con theo ý muốn, việc trừ sâu không phải bằng thuốc sâu mà bằng những sinh vật khác càng chứng tỏ khả năng đi vào khoa học cơ bản của Trương Vĩnh Ký. Nhưng yêu cầu của dân chúng, của xã hội bấy giờ không phải là thứ xa xỉ phẩm này. Bởi vậy, ông phải lao vào những lao động phổ thông như dịch thuật, sưu tầm, dạy học, ra báo, xuất bản, công bố những mảnh vụn (văn hóa, văn học...). Đây là số phận của các nhà bác học sống ở những quốc gia mà mặt bằng học thuật thấp hơn thế giới. Liệu có thể xây được những ngôi nhà cao khi mà chưa có nền móng? Cuốn sách ngữ học thứ hai, Ngữ pháp tiếng Việt là một tác phẩm có tính chất thực dụng. Nhưng đây là cuốn giáo trình ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên được viết theo quan điểm phương Tây. Ông có nhiều nhận xét về tiếng Việt còn hiện đại cho đến ngày nay bởi theo quan điểm cấu trúc - chức năng. Hơn nữa, ông còn phát hiện nhiều đặc trưng của ngữ pháp tiếng Việt như các từ cái, con, chiếc... những trạng từ chỉ mức độ trước tính từ nhưtrắng (bóc), đen (thui)... các từ có ý nghĩa "cách" trong tiếng Việt Như vậy, so với đa số các nhà ngữ học hiện nay, ông còn ít "dĩ âu vi trung" hơn họ. Tóm lại, theo Cao Xuân Hạo, "Trong mấy cuốn sách này không thiếu những phát hiện quan trọng mà ngày nay chẳng mấy ai nhắc đến, trong khi lẽ ra nó phải được những người đi sau tiếp thu và khai triển, đào sâu hơn nữa". Đó là một điều đáng buồn cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, mỗi thế hệ hầu như lại cứ làm lại từ đầu mà không biết hoặc bỏ qua thành quả của bao người đi trước. Không có sự tiếp tục này, họ không thể đi xa và đi nhanh trong cuộc chạy đua tiếp sức vào thế giới hiện đại. Điều này, phần nào do những thành kiến chính trị với khoa học, phần khác do dân ta không có thói quen bảo quản văn khố, bảo tồn các sinh hoạt dân chúng nên dễ làm suy giảm trí nhớ dân tộc.
Bởi vậy, nên đánh giá lại nhân cách chính trị Trương Vĩnh Ký dựa vào ý kiến người cùng thời với ông và cuộc sống thanh bần của ông, để từ đó xóa bỏ những thành kiến và nhận lại cái gia tài văn hóa đồ sộ do ông để lại. Vì Trương Vĩnh Ký không chỉ là một nhà bác học, có tầm cỡ thế giới, mà còn là một trong những nhà cách tân văn hóa đầu tiên của Việt Nam mở đường cho thế kỷ sau.
(1) Trương Vĩnh Ký (1837-1885) sinh tại Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre, trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Học chữ Hán từ nhỏ, sau học trường đạo Pinhalu (Cămpuchia), chủng viện Dulaima (Penang,Mã Lai). Năm 1860 làm thông ngôn cho Pháp, 1863 theo phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp; từ năm 1866 làm Hiệu trường Trường Thông ngôn Sài Gòn; năm 1869 làm chủ bút tờ Gia định báo. Năm 1872 làm ủy viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn; năm 1877 làm ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn; năm 1876 được Paul Bert, Toàn quyền Đông Dương, cử ra Huế làm việc ở Cơ mật viện, cố vấn cho vua Đồng Khánh. Sau khi P.Bert chết, ông về Sài Gòn dạy học và viết sách cho đến lúc mất.
(2) Bằng Giang trong bài Trương Vĩnh Ký với "Cuốn sổ bình sinh” viết: "Sự thành công của giải pháp (phi truyền thống) này tuỳ thuộc vào thành tâm, thiện ý của đối phương (Pháp). Sai lầm của giải pháp phi truyền thống là ở đó... Theo giải pháp truyền thống, có thất bại cũng còn được tiếng anh hùng. Ngược lại, âm thầm theo giải pháp phi truyền thống mà không thành công thì bị coi là có tội”(trong Thế kỉ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Trẻ, 2002, tr.28).
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen