Mittwoch, 20. Mai 2015

VNPRESS-Lịch sử báo chí Việt Nam (5)

THỦY TỔ CỦA BÁO CHÍ VIỆT NAM
GIA ĐỊNH BÁO

 Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.
Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký đã từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910 .
Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo của Gia Định báo không cố định, khi thì thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy. Số trang của Gia Định báo cũng không cố định, khi thì 4 trang, lúc 12 trang.
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội...
Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa.
 Chánh Tổng Tài Trương Vĩnh Ký muốn có những tin tức mới lạ, cùng khuyến khích những thông tín viên tự nguyện, để góp cho Gia Ðịnh Báo được dồi dào tin tức khắp Nam kỳ lục tỉnh, ông đã có lời rao sau đây, đăng trên tờ Gia Định báo, số 11 năm thứ 6, phát hành ngày 8/4/1870, cụ thể như sau:
Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập vân vân đặng hay:
Nay việc làm Gia Ðịnh Báo tại Sài Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như:
Ăn cướp, ăn trộm.
Bệnh-hoạn, tai-nạn.
Sự rủi-ro, hùm tha, sấu bắt.
Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào.
Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân
Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt-trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gửi về cho Gia Ðịnh Báo Chánh tổng tài ở Chợ-quán
Trong tờ báo, như đã nói có phần công vụ và tạp vụ, có những bài không ghi rõ xuất xứ. Trương Vĩnh Ký giải thích phần nầy:
Những kẻ coi nhựt trình phải có ý cũng hiểu điều nầy là:
“Thường những chuyện Tạp vụ các nơi trong đất Nam kỳ gửi về cho kẻ coi Gia Ðịnh Báo, thì có kẻ coi lại, có trắc thì sửa lại cho xuôi cho dễ nghe vì các thầy gửi cho nhựt trình thì cũng ưng chịu làm vậy; lại cũng để tên các thầy ấy ký lấy vì là của các thầy ấy viết và gửi. Còn như phần công vụ, các bài nghị luận quan lớn Nguyên Soái cùng những khúc chẳng có tên ai đứng là kẻ coi nhựt trình làm. Mà những khoản thẩm xét án các quan tham biện hay là trả lời cho kẻ quì đơn, việc nọ việc kia thì của Hội đồng quan Thống soái Nam kỳ luật vụ làm ra sẵn rồi mà gửi đem vô Gia Ðịnh Báo, có tên người đứng ký vô đó, thì hể gửi thế nào thì in ra thế ấy mà thôi. Cho nên khi có điều gì không được cho rõ mấy thì xin kẻ coi nhựt trình chớ trách cứ kẻ coi việc ấy... ”.
Đường D'Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay), một trong những địa chỉ từng in tờ Gia Định báo - Ảnh tư liệu
 Bước đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của thực dân Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử... Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Gia Định báo cũng đã góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen