Donnerstag, 30. April 2015

Mười năm sau chiến tranh: Cả người chết cũng bị lừa

Tiziano Terzani
 báo Der Spiegel, số 18/1985
Lời người dịch: Tiziano Terzani (1938 – 2004) là một nhà báo, nhà văn người Ý. Ông đã tường thuật 30 năm trời từ châu Á cho tuần báo Der Spiegel, là một trong những phóng viên nổi tiếng ở Đông và Đông Nam Á. Tiziano Terzani là một người có cảm tình với Việt Cộng. Ông đã từng vào rừng sống chung với Việt Cộng. Tháng 4 năm 1975, ông là một trong số ít nhà báo đã ở lại Sài Gòn, nhân chứng của thời điểm lịch sử đó. “Tôi đã rơi nước mắt”, Terzani nhớ lại. Bài báo này do ông viết nhân dịp kỷ niệm mười năm kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani
Tiziano Terzani (phải) đi cùng với xe tăng quân đội Bắc Việt trên đường Tự Do của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Hình: Tư liệu Terzani
Người dân trông mạnh khỏe và vui tươi, họ mặc quần áo chỉnh tề – nhưng chỉ trên các tấm áp phích. Dưới hàng trăm bức hình tưởng tượng khổng lồ nhiều màu đó của công nhân, quân nhân và trẻ em, những người kiên quyết hay mỉm cười nhìn lên bầu trời, là từng ấy con người thật, đói ăn, rách rưới, ốm yếu, dơ dáy nhìn xuống mặt đất. Họ tìm một mẩu thuốc lá thừa, một mảnh giấy hay một cái gì đó ăn được.
Sài Gòn kỷ niệm mười năm chiến thắng của tháng Tư 1975: công sở được quét vôi mới, người bất đồng chính kiến bị bắt giam, ăn mày trên các con đường chính của trung tâm bị đày vào một trại ở ngoại ô thành phố, để họ đừng làm dơ bẩn hình ảnh chiến đấu của Sài Gòn trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nhưng không gì có thể che đậy được sự chán ngán trên các gương mặt của đại đa số 3,5 triệu dân cư của nó.
“Đó là chiến thắng của họ, không phải của chúng tôi”, một người Sài Gòn thì thào nói với con người xa lạ. “Đối với chúng tôi thì lễ kỷ niệm này chỉ có nghĩa là bắt bớ và cúp điện. Họ cần điện để chiếu sáng chân dung của bác Hồ.”
“Họ” và “chúng tôi” – mười năm sau cuộc chiến, sự chia rẽ giữa người chiến thắng và người thua trận cũng vẫn còn không thể vượt qua được.
Chân dung các anh hùng của Chủ nghĩa Xã hội trong buổi kỷ niệm mười năm ngày chiến thắng. Hình: Philip Jones Griffiths
Chân dung các anh hùng của Chủ nghĩa Xã hội trong buổi kỷ niệm mười năm ngày chiến thắng. Hình: Philip Jones Griffiths
Trước đây mười năm, khi những chiếc xe tăng đầy bụi bặm với lá cờ Việt Cộng chạy ngang qua tòa Đại sứ quán Mỹ tiến tới dinh thự của tổng tống Thiệu bại trận, khi những người lính du kích đầu tiên, gầy gò, rụt rè, trẻ tuổi, kéo xuống đường Tự Do, con số ít ỏi của những người ngoại quốc có mặt trong lúc đó đã khóc vì mừng rỡ: một cuộc chiến tranh tàn bạo đã chấm dứt, Việt Nam dường như đã giành lại được độc lập, một dân tộc tái thống nhất bây giờ sẽ có hòa bình và công lý – thời đó chúng tôi tin là như vậy.
Hòa bình đã không trở lại với Đông Dương. Hàng trăm người Việt trẻ tuổi đã hy sinh trên các chiến trường Campuchia. Không có công lý, nếu như công lý khác với việc lật đổ một xã hội và thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ độc tài khác. Người Sài Gòn, rõ ràng là như vậy, ngày nay sống tồi tệ hơn, phải chịu đựng tình trạng thiếu năng lực và tham nhũng nhiều hơn, sợ cảnh sát nhiều hơn là trước kia.
“Cách mạng đã không thực hiện bất cứ lời hứa nào của họ”, một người bạn nói. “Ngay cả người chết cũng bị lừa.” Trên nghĩa trang cũ ở Biên Hòa, nơi nhiều người lính Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản được chôn cất ở đó, phần lớn các ngôi mộ đã bị xe ủi đất san phẳng – mặc dù chế độ mới đã tạo một nghĩa trang riêng cho những người anh hùng đã hy sinh cho cuộc cách mạng.
Đối với người sống, lời hứa hòa giải dân tộc còn được thực hiện ít hơn như thế nữa.
Trong tháng Năm 1975, một sĩ quan từ quân đội của Thiệu được lệnh đi “học tập cải tạo”. Ông mang theo mùng, bàn chải đánh răng và gạo cho 30 ngày đi trình diện; và ông cũng như tôi tin rằng sau 30 ngày ông thật sự sẽ trở về.
“Nào phải 30 ngày! Thành 3289 ngày”, bây giờ ông nói; ông còn có may mắn. Nhiều người lính, sĩ quan và nhân viên trước kia của chính quyền bại trận đã chết trong các trại cải tạo. Nhiều người vẫn còn ở trong những trại trong rừng đó, những trại mà các quan chức cộng sản ngày nay trong những khoảnh khắc bất cẩn đã gọi chúng là “trại tập trung”.
Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud
Một lớp học tập cải tạo tại Tây Ninh, 1976. Hình: Marc Riboud
Còn bao nhiêu người Việt Nam bị giam cầm ở đó? Chính phủ đưa ra con số 7000. Có người ước đoán tới 100.000. Trong năm 1975, chế độ mới hứa hẹn cho mỗi một người Việt Nam một nhiệm vụ trong cuộc tái xây dựng đất nước đã bị tàn phá này. Ngày nay, hàng ngàn người trở về từ những trại cải tạo đó đều không có một cơ hội nào.
Cái tội lỗi thuộc về một “chế độ bù nhìn” là không thể rửa sạch được. Còn ngược lại, nó giống như một căn bệnh được di truyền từ cha sang con: không có công việc làm cho những “tên bù nhìn”, không có chỗ cho con của họ trong các trường trung học hay đại học.
Trong khi nhân viên cộng sản, toàn bộ đều từ miền Bắc, dọn vào ở trong các khu biệt thự và nhà riêng của giới thượng lưu Sài Gòn cũ thì xã hội Việt Nam bị quẳng ra đường phố và lang thang vất vưởng khốn khổ ở đó như một bộ tộc đi lạc, bị nguyền rủa phải tuyệt chủng.
Sau chiến thắng của họ ở Campuchia, tên cộng sản thời đồ đá Pol Pot và Khmer Đỏ đã phân người dân của họ ra thành hai loại: những người dân đã sống dưới sự thống trị của cộng sản trước 1975, vì vậy mà có thể tin tưởng được; và những người kia, những người đã không được hưởng lợi thế này, tức là phải chiến đấu chống lại hay còn phải tiệt trừ hoàn toàn nữa. “Những gì diễn ra ở đây trong Việt Nam cũng giống như Pol Pot quay chậm”, một người bạn ở Sài Gòn nói.
“Chúng tôi đã chết rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể bước đi. Tôi có cảm giác mình giống như một bóng ma từ một thời gian khác”, một phi công trước đây của không quân nói, người có hơn tám năm trại cải tạo ở phía sau mình và bây giờ có nhà của mình ở trên một băng ghế do Lions Clubs tặng ở dưới tượng đài kỷ niệm Trần Hưng Đạo.
Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt, một trong những phi trường bận rộn nhất của thế giới trước kia. Hình: Philip Jones Griffiths
Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt, một trong những phi trường bận rộn nhất của thế giới trước kia. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn vui sống ngày xưa đầy những bóng ma từ quá khứ như thế. Có thể nhìn thấy họ ở khắp nơi: tóc dài, quần áo dơ bẩn, nhiều người có vết thương hay ung nhọt không được băng bó, có người đi tha thẩn lạc lỏng, những người khác làm các công việc khốn cùng: thiếu niên đi lang thang qua thành phố với một cái kẹp và bao tải, để nhặt giấy vụn và bao nilon. Người trung niên với vẻ mặt trí thức dùng ống tiêm bơm mực mới vào những cây bút bi cũ. Những ngưởi khác ngồi cạnh một cái nón lính đổ đầy nước và vá xe đạp.
Ở Sài Gòn có 40.000 xe xích lô. Phần lớn người lái là lính và sĩ quan cũ. Họ ngủ trên những chiếc chiếu ở trước tòa nhà quốc hội cũ và ở cạnh những đài tưởng niệm của thành phố. Họ chui vào trong công sự có từ thời chiến tranh để tránh mưa. Họ thường xuất thân từ những gia đình xưa, khá giả, ở Sài Gòn và bây giờ thì thất nghiệp và vô gia cư, trở về từ “vùng kinh tế mới”, nơi mà họ bị ép buộc phải đi tới đó.
Năm 1976, người ta có thể tới thăm một vùng kinh tế mới lớn ở phía bắc của thủ đô, nơi hàng ngàn gia đình Sài Gòn cần phải biến miền đất hoang vu thành đồng ruộng dưới ngọn cờ đỏ đang bay phấp phới. Không có nước lẫn cây cỏ. Sau mười năm cố gắng, cuộc thử nghiệm đó được tuyên bố là vô vọng, người dân chạy trốn trở về thành phố. Từ đó, không còn ai nói về vùng kinh tế mới nữa. Chế độ của miền Bắc không thành công trong việc lấy được thiện cảm của người dân miền Nam. Vì thế mà mười năm sau ngày giải phóng, hai Việt Nam vẫn còn sống thù địch và nghi ngờ bên cạnh nhau.
Mười năm này cũng không mang lại sự hòa thuận cho những gia đình bị cuộc nội chiến chia cắt, tái đoàn tụ qua giải phóng. “Người anh em cộng sản của tôi đã tố cáo tôi là tư sản để cướp tài sản của tôi”, một người quen thuật lại, người trước kia đã từng sở hữu một quán ăn. “Khi tôi trở về sau ba năm ở trong tù, tường nhà tôi đầy lỗ vì hắn nghĩ rằng chúng tôi giàu lắm và đã cất dấu vàng, thứ mà hắn muốn tìm cho ra.”
Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths
Ở Sài Gòn, bất cứ chức vụ quan trọng nào trong hành chánh đều nằm trong tay của người Việt từ miền Bắc – bắt đầu từ người cảnh sát đứng ở ngã tư và nhân viên bưu điện, người giám sát việc bán tem thư. Đứng trước chính sách nhân sự này, người ta tự hỏi liệu chế độ cộng sản của miền Bắc có thật sự muốn hòa giải dân tộc hay không, điều mà họ đã hứa hẹn trước đây mười năm, hay là, thật lâu trước khi chiếm Sài Gòn, họ đã quyết định đánh giá toàn bộ người dân miền Nam là không thể tin tưởng được.
Người ta cũng tự hỏi, liệu Hà Nội có ý thật sự nghiêm chỉnh với việc “cải tạo” hay không, hay đó là một mưu kế để đánh đổ bộ máy quân sự và dân sự của chế độ trước đây chỉ với một cú đánh. Cuối cùng, người ta tự hỏi, rằng kế hoạch của những vùng kinh tế mới có thật sự xuất phát từ ý định tạo công việc làm mới cho dân cư thất nghiệp của thành phố hay không; hay đó là một biện pháp rẻ tiền thì nhiều hơn, để xua đuổi hàng ngàn gia đình Sài Gòn ra khỏi nhà ở của họ và trao chúng về cho các gia đình từ miền Bắc.
Thật sự là vào năm 1975, ở Nam Việt Nam có hàng ngàn kỹ sư, người tốt nghiệp đại học và người đã qua đào tạo sẵn sàng làm việc cho chế độ mới, rằng chế độ mới này đã khước từ sự cộng tác của họ: một sự lãng phí lòng nhiệt tình, khả năng và nhân tài hết sức to lớn.
Năm 1975, ở Sài Gòn có trên 2000 bác sĩ. 800 người đã ra đi với người Mỹ, phân nửa số người lúc đầu còn ở lại đã rời bỏ đất nước trong vòng mười năm vừa qua.
“Tôi không sợ nghèo khổ”, một người nói, người đã chịu đựng được và không than phiền về việc từ năm 1975 không ai trong gia đình ông đã có thể mua được một cái áo mới. “Nhưng thật khó mà chịu đựng được cái cảm giác mình là người thừa.” Ngày nay, ông kiếm tiền bằng cách dạy tiếng Anh cho người Việt đang chuẩn bị chạy trốn.
Trên một triệu người Việt đã rời bỏ đất nước của họ từ 1975, nhiều người đã liều tính mạng của họ trên biển như là “boat people”. Cả cho tới ngày nay, hàng tháng trung bình có khoảng 2000 người Việt cố gắng bỏ trốn.

Mười năm sau chiến thắng của người cộng sản và thống nhất về mặt hình thức của Việt Nam, thất vọng nhiều nhất chính là các trí thức của miền Nam, những người đã chiến đấu chống chế độ của Thiệu trong Mặt trận Giải phóng hay có thiện cảm với họ và vì vậy mà bị truy nã.
“Tất cả những gì mà Mặt trận Giải phóng đã hứa hẹn thì đều bị Hà Nội hủy bỏ, kể cả chính Mặt trận Giải phóng”, một thành viên trước kia của Việt Cộng than thở.
“Người cộng sản từ miền Bắc chỉ tin vào chính họ. Trong mắt họ, cả chúng tôi cũng là ‘bù nhìn'”, một nhà cách mạng nổi tiếng từ miền Nam nói, người đã chiến đấu cho Việt Cộng 29 năm trời.
Sài Gòn, tháng Tư 1985, lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn, tháng Tư 1985, lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh. Hình: Philip Jones Griffiths
Ngày nay, không ai trong số những người đã xuất hiện như là lãnh tụ của Việt Cộng trong cuộc chiến là còn có ảnh hưởng nữa. Bà Nguyễn Thị Bình, nữ bộ trưởng Bộ Ngoại giao duyên dáng của Việt Cộng, tuy là nữ bộ trưởng Bộ Giáo dục ở Hà Nội, nhưng được cho là “nữ bộ trưởng trình diễn cho người nước ngoài”. Người ta cho rằng các quyết định là do hai người phó của bà đưa ra, những người thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ngay đến Trần Văn Trà, tướng Việt Cộng, người đã giải phóng Sài Gòn và cầm quyền vài năm, đã bị khóa miệng khi dám tranh cãi về phiên bản giải phóng của Hà Nội trong một quyển sách. Quyển sách đó đã bị cấm. Ngày nay, bốn nơi triển lãm chào mừng lần chiến thắng năm 1975 với hình ảnh, tài liệu và vật kỷ niệm, những thứ mà các phái đoàn nước ngoài kính nể nhìn ngắm, cả một phái đoàn từ Cộng hòa Liên bang Đức nữa, mang huy hiệu với hàng chữ “Việt Nam là công việc của chúng tôi” ở trên ngực. Các vật triển lãm chỉ có nhiệm vụ chứng minh cho một điều: vai trò của Hà Nội thời đó và sự lãnh đạo của Đảng ngày nay.
Người ta ít nói về cuộc chiến tranh nhân dân khó khăn mà Việt Cộng đã tiến hành ở miền Nam. Ngày nay, hình ảnh tượng trưng cho lần giải phóng Sài Gòn là hình ảnh của chiếc xe tăng Bắc Việt đã đè bẹp chiếc cổng sắt dinh của Thiệu, thay cho hình ảnh của du kích quân nông dân Việt Cộng, người lập những chiếc bẫy bằng tre và tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ nhiều tổn thất ở hậu phương.
“Đó chính là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập và thống nhất đất nước, nhưng thực tế là Hà Nội đã đấu tranh để nền độc tài cộng sản chiến thắng”, bây giờ một linh mục Công giáo nói, người đã hoạt động tích cực trong giới đối lập chống Thiệu.
Năm 1975, chế độ ra vẻ sẵn sàng khoan dung cho tất cả các tôn giáo trong tương lai. Dường như họ đặc biệt nghiên về phía những người Công giáo đã chiến đấu cho cuộc cách mạng. Không lâu sau khi giải phóng Sài Gòn, tờ nhật báo Công giáo “Tin Sáng” cũng đã được phát hành, còn được chính quyền giới thiệu nữa. Thiệu đã thất bại trong việc cho giết chết người chủ và phát hành tờ báo, Ngô Công Đức, rồi sau đó đã cấm tờ báo này.
Trước đây hai năm, tờ báo bị ngưng hoạt động. “Tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó”, thủ tướng Phạm Văn Đồng bình luận ở Hà Nội.
Ngô Công Đức, một nhà trí thức lỗi lạc, đã trở về từ chốn lưu vong để phục vụ cho chế độ mới và giúp tái xây dựng, bây giờ vẽ tranh sơn mài để xuất khẩu. Cũng như tất cả mọi người Việt, ông cần một giấy phép đặc biệt nếu như muốn tiếp một người nước ngoài.
Dần dần, nhưng có hệ thống, người cộng sản đã gây khó khăn cho việc thực hành tín ngưỡng. Những người Công giáo chống đối cũng như các lãnh tụ của Hòa Hảo và Cao Đài đều bị bắt giam và khóa miệng, chùa Ấn Quang nổi tiếng, trung tâm đối lập của Phật giáo chống Thiệu, bị giám sát nghiêm ngặt, người lãnh đạo về mặt tinh thần của nó, nhà sư Thích Trí Quang, bị quản thúc tại gia.
Bộ máy Đảng và hành chánh của Bắc Việt Nam đã đứng vững ở miền Nam mà không gây ra nhiều chống đối. Trong những năm đầu tiên còn có những tổ kháng chiến vũ trang chống lại những người chủ mới. Một đài phát thanh bí mật còn giữ được hy vọng của một bước ngoặc trong một khoảng thời gian. Tất cả những điều đó đã qua rồi. Chế độ mới không còn gặp chống đối chủ động nữa. Con người đã chấp nhận sự việc, rằng họ phải đối phó với hệ thống này.
Sài Gòn1985 - Ngã tư Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn1985 – Ngã tư Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế. Hình: Philip Jones Griffiths
Một cảnh sát trên một trăm gia đình và một mạng lưới chỉ điểm khó nhận biết giữ người dân trong vòng kiểm soát, những người trước sau gì thì cũng phải cần giấy phép để đi lại hay qua đêm ở nhà bạn bè. “Công an” (an ninh công cộng) là tổ chức đáng sợ nhất đối với tất cả các người Việt.
“May là có thể mua được họ”, một người buôn bán nói mỉa mai về các cảnh sát. Tất cả đều có giá của nó, từ thị thực xuất cảnh cho tới việc phân cho một chỗ làm.
Với một vài tờ tiền, người ta có thể tránh được nhiều hình phạt: một người đi xe đạp bị chận lại vì không chú ý tới đèn đỏ nhét 20 đồng vào tay người cảnh sát. “Không, không”, người này  nói, “tôi phải nhìn thẳng vào mắt Bác Hồ.” Người đi xe đạp hiểu và thay vì tờ 20 đồng, mà trên đó chỉ nhìn thấy ảnh chụp nghiên của Hồ Chí Minh, đã đưa ra tờ 50 đồng, cái thể hiện hết gương mặt của ông ấy. Người cảnh sát cầm lấy.
Tham nhũng là lệ thường, không phải là trường hợp ngoại lệ. “Lênin nói rằng chủ nghĩa xã hội là quyền lực Xô viết cộng với điện khí hóa”, một người bạn nói đùa. “Trong chế độ này thì nó là quyền lực công an cộng chợ đen.”
Điều thường được chấp nhận, là mỗi người đều cố gắng để sống qua ngày, trong khả năng của người đó. Vì thế mà thầy giáo bán bánh cho học trò, lính lấy trộm xăng từ xe quân đội, nhân viên hải quan tận tâm ở phi trường tịch thu tất cả các băng video của người nhập cảnh: với lý do phải kiểm tra nội dung, thật ra là để tổ chức những buổi trình chiếu tư ở gần khách sạn Tong Binh. Giá vào cửa: 50 đồng một người.
Sài Gòn 1985 - Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Hình: Philip Jones Griffiths
Sài Gòn 1985 – Nghĩa trang máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Hình: Philip Jones Griffiths
Cán bộ Đảng đã du nhập thông tục của miền Bắc vào Nam, nuôi heo trong nhà ở của họ và cho chúng ăn bằng thức ăn gia súc của nhà nước.
Thành phố Sài Gòn thanh lịch của ngày xưa gặp heo như thế đó. Ở khắp những nơi có cán bộ sống, người ta nghe được tiếng heo kêu và đánh hơi, ngay cả tướng cao cấp của quân đội cũng chú ý tới việc có một con heo trong phòng khách của họ, khi họ mời khách đến nhà ăn tiệc: con vật phục vụ như là một lời giải thích cho mức sống cao đó, cái mức sống mà ngoài ra thì chỉ có thể xuất phát từ buôn bán ngoại tệ hay buôn thuốc phiện ở Lào và Campuchia.
“Năm 1975, tôi cho rằng chế độ mới hoặc là hồng hoặc là đỏ”, một luật sư trước đây nói, người lúc đó đã từ chối không rời bỏ đất nước. “Tôi không bao giờ nghĩ rằng nó có thể là xám. Chế độ này đã lấy đi tất cả mọi niềm vui thích trong trái tim của chúng tôi. Đó là bi kịch của chúng tôi.”
Danh tiếng của ưu thế về đạo đức, cái mà người cộng sản đã hưởng được ngay sau khi giải phóng, đã lu mờ khi người dân nhận ra được rằng “hành vi của họ được quyết định bởi lợi ích cá nhân, đạo đức của họ là đạo đức giả, và họ không bao giờ làm điều họ nói”, theo một nữ sinh viên, người 18 tuổi vào ngày giải phóng.
Trong khi các cô gái bán dâm của Sài Gòn cũ vẫn còn bị cải tạo trong một trại thì Thành phố Hồ Chí Minh hiện giờ đã có gái bán dâm riêng mà vài người trong số đó còn tới từ Hà Nội nữa. Con số của họ tất nhiên là thích hợp với số khách đã giảm xuống, và hệ thống giá cả hoạt động khác với trước đây. Thay vì phải trả tiền cho người gác cổng thì bây giờ phải trả tiền cho các cảnh sát an ninh của khách sạn, “giá cả tăng với tầng lầu mà người ta muốn làm tình ở trên đó”, một người khách thường xuyên của Sài Gòn nói.
Không thể không nhìn thấy sự khác biệt giữa những lời tuyên bố công khai của chế độ và hiện thực. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tự nó là không mất tiền cho tất cả, nhưng thuốc chữa bệnh thì không có trong bệnh viện. “Ai muốn được mổ thì tốt nhất là nên mua trước thuốc gây mê và chỉ khâu trên thị trường chợ đen”, một bác sĩ nói.
Trong kinh tế, người cộng sản đã phạm lỗi lầm lớn nhất của họ. Đầu tiên, họ đóng cửa tất cả các cửa hàng tư nhân và truy lùng các thương gia của khu phố người Hoa Chợ Lớn như là những kẻ đầu cơ. Nhưng rồi khi họ nhận ra là đất nước đã gần sụp đổ thì họ lại giảm áp lực và còn yêu cầu người Hoa lại hoạt động tích cực trở lại nữa.
“Xổ số, xổ số là hy vọng cuối cùng của chúng tôi”, một người bán thuốc lá nói. Thay vì một lần trong một tuần, như vào thời của Thiệu, ngày nay Sài Gòn có ba cuộc xổ số một ngày. Hàng đoàn người trẻ tuổi đi bộ qua thành phố vào lúc sáng sớm với hàng cọc vé xổ số, mười đồng một tờ, giá độc đắc 100.000 đồng. Rồi cả thành phố bất động vào buổi chiều lúc năm giờ, khi các con số trúng được viết bằng phấn trắng trên các tấm bảng ở chợ và đường phố.
Người Việt Nam có thu nhập trên đầu người là 102 đô la Mỹ một năm. Nghèo khổ và không hài lòng (“Ngay cả Bộ Chính trị cũng không hài lòng”, một quan chức Đảng nói đùa), cung cấp thiếu thốn triền miên và chiến tranh đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của người dân.
“Chúng tôi đã giành lại được nền độc lập của chúng tôi, chúng tôi đã thống nhất đất nước của chúng tôi, và bây giờ thì giống dân Việt cũng khai phá đất mới ở phương tây”, một giáo sư từ Sài Gòn nói, người mang ấn tượng về các thành công quân sự của người cộng sản.
Viện cớ muốn bảo vệ Lào, người Việt đóng 40.000 quân ở đó; viện cớ giải phóng Campuchia ra khỏi chế độ độc tài của Pol Pot, họ có một đạo quân chiếm đóng gồm 180.000 người lính ở đó.
Việt Nam 1985: Trại học tập cải tạo Z30D ở tỉnh Thuận Hải. Hình: Philip Jones Griffiths
Việt Nam 1985: Trại học tập cải tạo Z30D ở tỉnh Thuận Hải. Hình: Philip Jones Griffiths
Nhờ vào sức chịu đựng riêng mà Việt Nam đã có được những thành công ở vẻ ngoài của nó, nhưng cũng nhờ vào một khả năng dùng thủ đoạn đáng ngạc nhiên: dưới áp lực của siêu cường Hoa Kỳ, khi Trung Quốc ngừng giúp đỡ, Việt Nam đã ngã vào vòng tay của Moscow. Ngày nay, khi người Trung Quốc và người Nga lại tiến gần tới nhau, người Việt cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của Mỹ.
Trong lúc đó, họ khéo léo lợi dụng cảm giác có lỗi với Việt Nam của Mỹ – và tự thể hiện mình rất hào phóng. Nhân dịp kỷ niệm mười năm, trên 150 nhà báo Mỹ được mời vào trong nước cho một chuyến tham quan được điều khiển tốt và được giám sát kỹ lưỡng.
Đài truyền hình Mỹ NBC dự định truyền trực tiếp hàng ngày từ Sài Gòn trong tuần lễ kỷ niệm, qua một vệ tinh mà trạm mặt đất của nó được chở bằng máy bay tới. Đài cạnh tranh ABC cố gắng không thua kém với một vệ tinh do Xô viết sản xuất, nhưng vẫn còn chưa hoạt động được, Hoa Sen 2. “Người Nga phải làm sao cho nó phát tín hiệu”, người Việt nói, “vấn đề là uy tín của phe xã hội chủ nghĩa.”
Người Việt đã đòi những khoảng tiền đáng ngạc nhiên từ người Mỹ cho những phóng sự về buổi lễ tung hô nỗi nhục nhã của nước Mỹ: 100 dollar Mỹ mỗi ngày cho một phiên dịch viên, một cuộc phỏng vấn với một giàm đốc nhà máy có giá 200, với phó của ông ấy là 100.
“Các anh đã quay máy bay ném bom MiG và xe tăng trong lúc chiến đấu, và các anh cũng biết giá xăng kia mà”, sếp báo chí của chính phủ Hà Nội nói với một thông tín viên truyền hình Mỹ trước một hóa đơn trên 6000 dollar mà người này nhận được.
Khi Washington không bước đến đứng cạnh họ với trợ giúp kinh tế trong khuôn khổ rộng lớn, thì người Sài Gòn ở miền Nam, tự nó thật ra là giàu có, sẽ còn phải sống khổ cực một thời gian lâu dài nữa. “Thịnh vượng?” một nhân viên nhà nước cao cấp của Việt Nam nói. “Các thế hệ con cháu chúng tôi sẽ có nó.”
Những đứa con này được giáo dục nghiêm khắc, đồng nhất và theo đúng đường lối. Tất cả sách giáo khoa được in trước 1975 đều bị cấm. Chỉ có 71 người đọc là được phép vào thư viện cũ của Pháp mà giám đốc của nó là sếp an ninh Von Vung Tao trước đây.
Những đứa con này diễu hành, các em tập bắn súng, các em chuẩn bị để bảo vệ tổ quốc của các em. Các em lớn lên mà không khao khát một thế giới khác, không có khả năng so sánh, hãnh diện là thuộc một dòng giống đã chiến thắng ba quốc gia lớn – người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ.
Chẳng bao lâu nữa giới trẻ lớn lên như thế từ miền Nam, những người bây giờ gia nhập quân đội để được người Bắc huấn luyện, sẽ cứng rắn và dẽo dai như những người đồng lứa tuổi với họ từ Hà Nội. Một vài thập niên nữa, và Việt Nam thật sự là sẽ thống nhất – bởi một giống người duy nhất.
Cho tới chừng đó, cả một thế hệ của những bóng ma sẽ biến mất, những bóng ma mà giờ đây đang sống trên khắp miền Nam và không nhìn thấy điều gì tốt đẹp trong chế độ mới.
“Có thật sự là không có gì tốt đẹp không? Một người bạn lâu năm trả lời cho câu hỏi này: “Có, có chứ, người cộng sản đã làm cho tôi sáng mắt ra. Trước 1975 tôi cần dùng một cái kính mắt, bây giờ thì tôi vẫn nhìn thấy mà không cần có nó.”
Tiziano Terzani


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen