Donnerstag, 7. Januar 2021

ĐÔI NÉT VỀ BỨC TRANH NGÔN NGỮ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC XUYÊN BIÊN GIỚI VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung khoảng 1450 km đường biên giới đất liền. Giữa hai bên đường biên giới chung ấy, có nhiều dân tộc tuy tên gọi (tộc danh) ở mỗi nước khác nhau nhưng trong thực tế, là những cộng đồng dân tộc trước đây gần gũi nhau về ngôn ngữ và văn hóa. Do biến đổi lịch sử và do đặc thù ngôn ngữ, ở mỗi nước bộ phận cư dân ấy có những tên gọi không tương ứng nhau. Theo kết quả nghiên cứu hiện nay, ở Việt Nam có khoảng một nửa trong tổng số 54 dân tộc có dân tộc họ hàng  ở Trung Quốc. Còn ở Trung Quốc có 15/56 dân tộc có dân tộc họ hàng bên phía Việt Nam. Sự khác biệt về số lượng như thế khiến cho có những bộ phận, chẳng hạn, ở Trung Quốc là một cộng đồng tộc người, nhưng bên Việt Nam họ được gọi bằng những dân tộc (tộc danh) khác nhau. Bài viết cố gắng xác định những tên gọi khác nhau của các dân tộc xuyên biên giới để phục vụ cho việc nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa giữa các dân tộc ấy. Từ khóa: ngôn ngữ, văn hóa, xuyên biên giới, tộc danh, tên gọi, vay mượn.***
1. Về cách hiểu nội dung “dân tộc xuyên biên giới”
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có chung khoảng 1450 km đường biên giới đất liền. Theo số liệu về chiều dài đường biên giới được đo thống nhất trên bản đồ địa hình gắn kèm Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt – Trung ký ngày 18 tháng 11 năm 2009, về phía Việt Nam đường biên giới này đi qua 07 tỉnh; về phía Trung Quốc đi qua hai tỉnh (là tỉnh Vân Nam và khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây).
Như vậy, về phía Trung Quốc, đường biên giới đất liền nói trên chỉ thuộc hai đơn vị hành chính; còn ở phía Việt Nam nó trải dài trên địa phận của 07 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Giữa hai bên đường biên giới chung đó, hiện nay có nhiều dân tộc thiểu số tuy tên gọi (hay tộc danh) ở mỗi nước khác nhau nhưng trong thực tế, đó có thể là một cộng đồng dân tộc trong lịch sử. Điều đó thể hiện ở chỗ những cộng đồng tộc người giữa hai bên rất gần gũi nhau trước hết là về ngôn ngữ và sau đó là về văn hóa. Người ta giải thích rằng do biến đổi lịch sử và do thời gian khác biệt nhau về địa lý, mỗi một bộ phận như thế tạo ra những đặc thù ngôn ngữ riêng, tạo ra những khác biệt nhất định về văn hóa. Do chỗ, ở mỗi nước bộ phận cư dân ấy không giữ được nét tương đồng như trước đây nên hiện nay có những tên gọi địa phương không tương ứng nhau. Những dân tộc (hay tộc người) như vậy được chúng tôi gọi là những dân tộc (tộc người – ethnic) xuyên biên giới và trên thực tế họ có đã từng có những mối liên hệ với nhau trước hết là về ngôn ngữ - văn hóa và sau đó là về xã hội và kinh tế.
Chúng ta cũng sẽ nhận thấy dưới đây rằng những dân tộc (tộc người) xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc thuộc vào hai kiểu nhóm khác nhau. Thứ nhất là kiểu nhóm tương đồng trong lịch sử và hiện tại và hiện nay vẫn còn có những mối liên hệ với nhau. Chúng ta có thể lấy ví dụ về trường hợp người Tày, người Nùng ở Việt Nam và người Choang (Zhuang) ở Trung Quốc làm ví dụ. Thứ hai là kiểu nhóm tương đồng trong lịch sử còn hiện tại hầu như có rất ít những mối liên hệ với nhau. Trường hợp này là những người Chăm (người Chăm Hroi) ở trung bộ Việt Nam và người Hồi (người Utsul)ở đảo Hải Nam. Người ta có thể nhận ra mối liên hệ này là nhờ các nhà nghiên cứu Trung Quốc căn cứ vào ngôn ngữ phân biệt nhóm người Hồi ở đảo Hải Nam (đang sử dụng một ngôn ngữ trong hệ ngôn ngữ Nam Đảo) khác với người Hồi (回族) ở phía tây Trung Quốc (không nói ngôn ngữ thuộc hệ Nam Đảo mà nói tiếng Hán, theo đạo Islam). Còn ở Việt Nam, chính tên gọi địa phương người Chăm Hroi cho ta biết họ có tên gọi Hán - Việt người Hồi () hay tên gọi thuần Việt khác là người Hời, người Lồi mà nhiều địa phương từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế vẫn sử dụng để chỉ một bộ phận người Chăm ở trung bộ Việt Nam.
2. Các dân tộc và những “dân tộc xuyên biên giới”ở Việt Nam1
Theo kết quả nghiên cứu và xác định thành phần dân tộc hiện nay, ở Việt Nam có tổng số 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh (hay Việt) là dân tộc đa số, còn lại là 53 dân tộc thiểu số. Trong tổng số 54 dân tộc đó, hiện nay theo xác định của chúng tôi có  những dân tộc sau đây là những “dân tộc xuyên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Còn ở Trung Quốc, ngoài 13/56 dân tộc có dân tộc họ hàng bên phía Việt Nam vừa kể ở trên, còn có hai dân tộc khác nữa, theo chúng tôi, có mối quan hệ “xuyên biên giới” với phía Việt Nam. Tuy nhiên, hai dân tộc này ở phía Trung Quốc chỉ có quan hệ “xuyên biên giới” với “bộ phận tộc người” thuộc một dân tộc ở phía Việt Nam mà thôi.Như vậy, nếu tính ở bình diện dân tộc theo sự phân định của mỗi nước, ở Việt Nam có 27/54 “dân tộc xuyên biên giới”. Trong khi đó ở Trung Quốc, con số này chỉ là 15/56 dân tộc. Sự khác biệt về số lượng như thế là do có những bộ phận, chẳng hạn, ở Trung Quốc là một cộng đồng tộc người (ví dụ như dân tộc Zhuang), nhưng bên Việt Nam họ được gọi bằng nhiều dân tộc (tộc danh) khác nhau (ví dụ như Tày, Nùng, Pu Péo, La Chí …). Ngược lại, có những bộ phận cư dân ở phía Trung Quốc là một dân tộc, những ở bên Việt Nam, họ chỉ là một “nhóm” trong một dân tộc có nhiều nóm khác nhau (ví dụ người Tống và người Thủy hiện được xếp vào dân tộc Tày ở Việt Nam). Có lẽ, việc xác định hay nhận diện những tên gọi khác nhau của các dân tộc xuyên biên giới sẽ rất hữu ích không chỉ cho việc nghiên cứu ngôn ngữ mà còn hữu ích cho việc nghiên cứu văn hóa xã hội giữa các dân tộc hay bộ phân dân tộc xuyên biên giới ấy ở hai nước láng giềng.
3. Phân tích và nhận xét
Để thấy rõ đặc điểm “xuyên biên giới” giữa các dân tộc của hai nước, dưới đây, chúng ta sẽ phân tích để nhận biết tính chất mối liên hệ ấy được thể hiện như thế nào. Theo chúng tôi, dấu hiệu tường minh thể hiện hiện trạng ấy rõ nhất là “quan hệ họ hàng ngôn ngữ” và sau đó là “quan hệ địa lý cư trú”. Từ hai dấu hiệu ban đầu đó, khi điều kiện cho phép, chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu những tương đồng cũng như khác biệt về văn hóa xã hội để nhận biết đầy đủ hơn về bức tranh văn hóa xã hội của những dân tộc xuyên biên giới ở hai nước.
3.1. Đặc điểm “xuyên biên giới” dựa theo quan hệ họ hàng ngôn ngữ
Những nghiên cứu về quan hệ họ hàng (genetic) ngôn ngữ hiện được đa số chấp nhận [T.T.Dõi (2000), (2011)], [C.Goddard (2005)] cho chúng ta biết rằng khu vực Đông Nam Á văn hóa (bao gồm vùng Đông Nam Á và phần phía nam Trung Quốc) các ngôn ngữ khác nhau nơi đây đều thuộc vào năm họ ngôn ngữ. Đó là họ ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian), Hán - Tạng (Sino - Tibetan), Thái - Ka đai (Tai - Kadai) và Mông - Dao (Mieu - Yao). Những dân tộc xuyên biên giới mà chúng ta liệt kê ở mục 2 cho thấy chúng đều thuộc năm họ ngôn ngữ nói trên. Tình hình cụ thể như sau:
Thuộc vào họ ngôn ngữ Nam Á về phía Việt Nam là 03 dân tộc (các dân tộc Kinh, Mảng và Khơ Mú); còn về phía Trung Quốc là 02 dân tộc Gin (Kinh) và Blang (Bố Lăng). Tuy đều cùng là họ Nam Á nhánh (branch) Môn – Khmer nhưng tiếng Kinh thuộc nhóm (group) Việt - Mường, còn tiếng Mảng và Khơ Mú thuộc nhóm Khmú. Có thể thấy, sự tương ứng về ngôn ngữ giữa Blang (Bố Lăng) ở Trung Quốc với Mảng và Khơ Mú ở Việt Nam là đều thuộc vào cùng một nhóm ngôn ngữ của nhánh Môn – Khmer họ Nam Á.
Thuộc vào họ ngôn ngữ Nam Đảo tuy ít nhưng vẫn có. Đó là trường hợp về phía Việt Nam là dân tộc Chăm (nhóm Chăm Hroi) và về phía Trung Quốc là người Hui (Hồi) sinh sống ở đảo Hải Nam. Người Hui (Hồi) ở đảo Hải Nam, như kết quả khảo sát của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, cư dân nói một ngôn ngữ thuộc nhóm Chăm họ Nam Đảo. Rất có thể, đây cũng là thứ ngôn ngữ mà người Chăm (nhóm Chăm Hroi) ở Việt Nam đã/đang sử dụng.
Trong số các dân tộc xuyên biên giới, có nhiều dân tộc thuộc vào họ ngôn ngữ Hán - Tạng. Về phía Việt Nam, trước hết,  đó là các dân tộc Hoa, Ngái thuộc nhóm ngôn ngữ Hán phía nam (02 dân tộc); tương ứng với những dân tộc này là người Han (Hán) ở phía Trung Quốc. Sau đó là cư dân nói các ngôn ngữ La Hủ, Hà Nhì, Cống, Si La, Phù Lá và Lô Lô (06 dân tộc); về phía Trung Quốc tương ứng với những dân tộc này là người Lahu (Lạp Hổ), Hani (Hà Nhì) và Yi (Di). Riêng dân tộc nói tiếng Sán Dìu tam thời ở Việt Nam xếp vào họ Hán – Tạng, nhưng theo giáo sư Phạm Hồng Quý, ở phía Trung Quốc dân tộc này tương ứng với người Yao (Dao) thuộc họ Mông - Dao. Như vậy, đối với họ ngôn ngữ Hán - Tạng, nếu như ở Việt Nam danh mục các dân tộc được xác định là 09 đơn vị thì ở phía Trung Quốc người ta chỉ xếp vào 04 dân tộc. Trong số bốn dân tộc đó, chỉ có người Lahu là tương ứng một - một với người La Hủ; còn lại các dân tộc Han (Hán), Yi (Di) Hani (Hà Nhì) và Yao (Dao) tương ứng nhiều hơn một dân tộc.
Thuộc về họ ngôn ngữ Thái - Ka đai, về phía Việt Nam, có 11 dân tộc gồm người Cơ Lao, Tày, Nùng,  Pu Péo, La Ha, La Chí, Sán Chay, Bố Y, Giáy, Thái, Lự (Thái Lự); về phía Trung Quốc, tương ứng là 04 dân tộc Gelao (Ngật Lão), Zhuang (Tráng/Choang), Buyei (Bố Y), Dai (Thái). So với bốn họ ngôn ngữ vừa nói ở trên chúng ta thấy ở họ này có nhiều dân tộc xuyên biên giới hơn cả. Đó là chưa kể ở phía Trung Quốc còn thêm hai dân tộc Dong (Đồng), Sui (Thủy) có những bộ phận (người Đồng, người Thủy) ở Việt Nam được xếp trong dân tộc Tày. Xét trong mối quan hệ họ hàng, các dân tộc xuyên biên giới thuộc họ ngôn ngữ Thái - Ka đai giữa hai nước đều phân bố ở cả ba nhóm là Thái Tây Nam, Thái Trung tâm và Thái Bắc theo cách phân loại các ngôn ngữ Thái - Ka đai của Lý Phương Quế [Li F. K. (1977)].
Họ ngôn ngữ thứ năm có các dân tộc xuyên biên giới giữa hai nước là họ Mông - Dao (Mieu -Yao). Thuộc họ này, về phái Việt Nam có 03 dân tộc là Dao, Phà Thẻn và Mông (H’Mông); còn về phía Trung Quốc là 02 dân tộc Miao (Miêu) và Yao (Dao). Xin lưu ý rằng, như trên đã nói, một vài nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho người Sán Dìu ở Việt Nam là thuộc dân tộc có mối liên hệ với người Yao (Dao) ở phía Trung Quốc. Từ thực tế đó, có một vấn đề thuộc phạm vi xem xét mối quan hệ họ hàng ngôn ngữ được đặt ta ở đây. Có lẽ cần kiểm chứng lại vấn đề này bằng những nghiên cứu cơ bản và chi tiết thêm nữa có thể có những kết luận cuối cùng về quan hệ phổ hệ ngôn ngữ trong khu vực.  
3.2. Đặc điểm “xuyên biên giới” dựa theo quan hệ địa lý cư trú
Trong quá trình phát triển lịch sử của một dân tộc, có lẽ, tính liên tục về không gian địa lý cư trú là một trong những yếu tố tác động đến sự tương đồng hay khác biệt về mặt ngôn ngữ và văn hóa. Sự liên tục về không gian địa lý cư trú, nếu có, giữa những “dân tộc xuyên biên giới” sẽ là một trong những điều kiện ảnh hưởng quan trong đến sự giao lưu giữa các dân tộc với nhau. Để thấy rõ đặc điểm này, chúng ta có thể dựa vào tình trạng địa lý cư trú trong thời điểm hiện nay của những “dân tộc xuyên biên giới” giữa hai quốc gia để nêu lên nhận xét.
3.2.1. Những “dân tộc xuyên biên giới” cách biệt về địa lý cư trú
Ở bình diện này, trường hợp dân tộc Chăm (nhóm Chăm Hroi) về phía Việt Nam và người Hui (Hồi) sinh sống ở đảo Hải Nam về phía Trung Quốc là hai dân tộc có không gian địa lý cư trú tách bạch nhau. Người Hui (Hồi) ở đảo Hải Nam tuy là cư dân nói một thứ ngôn ngữ thuộc nhóm Chăm họ Nam Đảo như dân tộc Chăm (nhóm Chăm Hroi) ở Việt Nam nhưng chắc chắn những khác biệt giữa họ là không ít. Điều này là dễ hiểu vì giữa họ có một không gian địa lý cư trú xa cách nhau, vói một môi trường địa lý khác nhau. Nếu như có điều kiện nghiên cứu đầy đủ về ngôn ngữ của kiểu “dân tộc xuyên biên giới” cư trú tách bạch nhau này, chúng ta sẽ có những ngữ liệu hấp dẫn cho vấn đề nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ.
Trong một chừng mực nào đó tính chất “xuyên biên giới” giữa người Lô Lô, người Phù Lá ở Việt Nam và người Yi (Di) ở Trung Quốc cũng có không gian địa lý cư trú tách bạch nhau như thế. Hiện nay, người Lô Lô và Phù Lá sinh sống chủ yếu ở Hà Giang, Lào Cai, Lại Châu, Cao Bằng …; còn người Yi chủ yếu định cư ở tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu. Tuy nhiên, địa bàn cư trú của người Yi nằm sâu trong vùng giữa, ví dụ như tỉnh Vân Nam, khoảng cách đó với vùng biên giới Việt Nam là địa địa bàn cư trú liên tục của người Dai (Thái), người Hani (Hà Nhì), người Miao, người Yao (Dao) v.v. Cho nên, có thể nói sự tách biệt ấy hình như xác nhận rằng giữa người Lô Lô và Phù Lá ở Việt Nam với người Yi ở Trung Quốc có một khoảng cách địa lý không liên tục như với những dân tộc khác.
Trường hợp hai nhóm tộc người Đồng và Thủy (ở Tuyên Quang và Hà Giang Việt Nam) thuộc dân tộc Tày có quan hệ “xuyên biên giới” với hai dân tộc Đồng và Thủy ở Trung Quốc, có lẽ, cũng nằm ở nhóm có không gian địa lý cư trú xa nhau. Ở Trung Quốc, hai dân tộc này cư trú chủ yếu ở Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và phía bắc Quảng Tây. Khoảng cách từ địa bàn cư trú ấy đến biên giới hai nước là một khoảng cách địa lý khá xa. Thêm vào đó, giữa khoảng cách đó là địa bàn cư trú liên tục của những dân tộc khác. Cho nên, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói địa bàn cư trú của mối quan hệ “xuyên biên giới” này là không trực tiếp. Vì thế, dễ hiểu rằng xét ở mặt ngôn ngữ, hai nhóm tộc người Đồng và Thủy khi được coi là dân tộc Tày sẽ có những nét tương đồng nhưng cũng sẽ có những khác biệt nhất định.
Ở một mức độ nhất định, chúng tôi cho rằng quan hệ về địa bàn cư trú giữa các dân tộc Giáy - Bố Y, Mảng - Khơ Mú, La Hủ, Cơ Lao ở phía Việt Nam với Buyei (Bố Y), Blang (Bố Lăng), Lahu (Lạp Hổ), Gelao (Ngật Lão) cũng có đặc điểm địa bàn cư trú không liên tục. Chúng ta biết rằng ở Trung Quốc, những dân tộc đang được nói đến cư trú chủ yếu ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Quảng Tây. Quan sát bản đồ phân bố của những dân tộc này, ví dụ như ở Vân Nam, chúng ta thấy những phần địa lý trực tiếp giáp với Việt Nam không phải là vùng cư trú của họ. Chính vì thế, cũng có thể nói xét ở bình diện không gian định cư giữa các dân tộc Giáy - Bố Y, Mảng - Khơ Mú, La Hủ, Cơ Lao ở phía Việt Nam với Buyei (Bố Y), Blang (Bố Lăng), Lahu (Lạp Hổ), Gelao (Ngật Lão) ở phía Trung Quốc cũng không liên tục như với những dân tộc khác.
3.2.2. Những “dân tộc xuyên biên giới” có địa lý cư trú liên tục
Như vậy, ngoài những “dân tộc xuyên biên giới” cách biệt về địa lý cư trú như đã phân tích ở trên, những dân tộc còn lại, theo chúng tôi, là những “dân tộc xuyên biên giới” có địa lý cư trú liên tục. Đặc điểm “có địa lý cư trú liên tục” cùng với đặc điểm “có cùng phổ hệ ngôn ngữ” là những nhân tố cho thấy giữa những dân tộc ở hai bên biên giới này có những mối liên hệ ngôn ngữ - văn hóa - xã hội khá đặc biệt. Danh sách của những dân tộc này là như sau.
Ở phần biên giới các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang, các dân tộc Thái, Lự, Hà Nhì, Cống, Si La, Mông, Dao là những dân tộc có “liên hệ trực tiếp” ngay bên kia biên giới (tương ứng với các dân tộc Dai, Hani, Miao và Yao ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc). Ở phần biên giới các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, các dân tộc Tày, Nùng, La Chí, Pu Péo, La Ha, Sán Chay  (Cao Lan), Sán Dìu, Mông, Dao, Pà Thẻn, Hoa, Ngái, Kinh (Việt) là những dân tộc có “liên hệ trực tiếp” ngay bên kia biên giới (tương ứng với các dân tộc Zhuang, Miao, Yao, Han, Gin ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc). Do đặc điểm “có cùng phổ hệ ngôn ngữ” và “có địa lý cư trú liên tục”, những dân tộc tương ứng này trong một chừng mực nhất định vẫn “giao tiếp trực tiếp” được với nhau. Có lẽ đây là đặc điểm chung nổi bật nhất của những “dân tộc xuyên biên giới” có địa lý cư trú liên tục.
Có lẽ, nhờ tình trạng trong một chừng mực nhất định họ vẫn “giao tiếp trực tiếp” được với nhau nên trong cộng đồng dân tộc ở hai bên biên giới, cư dân vẫn lưu giữ tốt những nét văn hóa vốn có từ xưa của hai cộng đồng. Trường hợp lưu giữ tập tục “hát đình”, thờ thần Cao Sơn v.v [L.X.Bình (2012)] của người Gin ở Quảng Tây (Kinh tộc ba đảo) mà Lê Xảo Bình mô tả cho thấy họ vẫn giữ được mối liên hệ chặt chẽ với người Việt ở Việt Nam. Trường hợp tương đồng giữa người Tày, Nùng, người Yao, người Mông v.v ở Việt Nam với người Zhuang, Miao, Yao v.v. ở Trung Quốc cũng thuộc trường hợp như thế. Tuy nhiên, trong sự tương đồng ấy vẫn có những nét khác biệt do môi trường sinh sống khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng hiện nay những so sánh cụ thể về những tương đồng và khác biệt giữa những “dân tộc xuyên biên giới” có địa lý cư trú liên tục còn phải được nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Như đã nói ở trên, mục đích chính của bài viết là xác định những tên gọi khác nhau nhưng tương ứng giữa các dân tộc xuyên biên giới hai nước Việt - Trung để phục vụ cho việc tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa xã hội giữa các dân tộc ấy. Đến lượt mình, nhờ việc tiếp tục nghiên cứu ấy, chúng ta sẽ có được một cái nhìn bản chất về “các dân tộc xuyên biên giới” giữa hai nước. Và cũng từ đó, chúng ta sẽ hiểu vì sao giữa chúng lại có những tên gọi khác nhau như hiện nay chúng ta đang sử dụng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen