Samstag, 4. April 2015

Việt Tân: Paris - Những bước chân tập tễnh trên xứ lạ

Tôi lên đường đi Pháp vào môt ngày cuối tháng 10. Chuyến bay từ phi trường Peurto Princesa bay vào gần trưa để đáp Manila sau hơn giờ bay.
Ở trại và ở phi trường, cảnh những người đi Pháp thường không có sự ồn ào đưa tiễn. Anh em bạn bè có tiễn cũng là tiễn với những ngậm ngùi. Trại tỵ nạn Palawan đại đa số không ai chọn Pháp để gởi cuộc đời định cư vì lúc bấy giờ chính phủ Pháp nghiêng hẳn về cánh tả với đảng xã hội lên cầm quyền. Ðoàn người vừa vượt trùng dương vì muốn xa lánh chế độ cộng sản đều dựng tóc gáy khi liên tưởng đến cảnh phải khăn gói đến sống ở một quốc gia được hiểu là anh em với chủ nghĩa cộng sản! Thông tin của những người đi trước dội về cũng làm hoang mang những thanh niên thiếu nữ độc thân mà tàu Pháp đã vớt trên biển, vì các anh chị không có chọn lựa khác ngoài Pháp, nếu không có thân nhân ruột thịt nơi các quốc gia Mỹ Úc hay Canada.



Ước mơ được thong dong đến trường dành cho những thanh niên tỵ nạn cô độc trên 18 tuổi khi đến đất Pháp là một ước mơ không thể tồn tại. Ðến Pháp, thanh niên độc thân phải bương trải đi tìm việc làm ngay từ những tháng đầu tiên để khi hết thời hạn sáu tháng giúp hội nhập, sẽ không bị bất ngờ trước cảnh phải bắt buộc rời khỏi các foyer trung tâm tạm trú. Nếu không có việc làm, sẽ tất yếu sống cuộc sống lang thang! Hình ảnh này gây khủng hoảng đối với đám thanh niên đi biển một mình mà được tàu Pháp vớt. Tôi cũng trong trạng thái tâm lý này nên cố gắng nhờ vả anh em bạn hữu giúp để có thể đi Úc thay vì đi Pháp.

Tôi mất học sớm và một trong những khát khao trong tôi là được cắp sách đến trường học lại từ đầu những chương trình trung học mà tôi đã học rất tồi thời niên thiếu. Anh em đã sang Úc tin về cho biết qui chế giúp học vấn cho người vượt biển tỵ nạn làm lòng tôi càng rộn ràng khao khát …
Thời hạn dành cho chúng tôi được tạm trú ở trại tỵ nạn Palawan đã hết. Quá một năm mà không có quốc gia đệ tam khác nhận thì mọi người đã được tàu Pháp vớt trên biển sẽ bắt buộc phải đi Pháp. Tôi hoang mang nhiều trong giai đoạn này…

Người con gái đã thương yêu tôi, bé bỏng đứng trước bên cánh cửa phòng ngăn phi trường. Cả hai chúng tôi đều khóc. Chiếc túi xách tay của cơ quan ICM cấp miễn phí cho tôi lép xẹp dưới chân, trong túi là một cái nồi nhỏ mà người con gái bé bỏng đã chà rửa thật kỹ cho hết màu đen bồ hóng, một cái áo sơmi cô ấy mới may xong và chiếc gối bé nhỏ khâu bằng những miếng vải coton cắt ra từ những vạt áo quần Hồng Thập Tự quá lớn. Mấy người sang trước đã đùa ác, tin về rằng chẳng có nồi để nấu ăn. Mấy anh em tôi quê mùa nên dính bẫy cả! Ai lại mang cái nồi nấu bếp củi từ Phi để sang Pháp bao giờ!
Palawan những buổi sáng thứ hai run run xúc động đứng chào lá cờ vàng không còn nữa. Những mái nhà lều lợp lá dừa mốc thếch không còn nữa. Những người cũ mới và những cuộc hải trình đong đầy nước mắt đã xa tôi rồi. Malina ánh sáng đèn đường đã thay vào những lối mòn tối thui hun hút của Palawan.
Manila với nước phông - ten ngọt chảy ê hề, không còn những người con gái bé bỏng vài ngày lại nhờ tôi đi bơm nước cho các cô tắm nơi một bờ giếng gần trại,vơí những bờ vai trắng nõn thẹn thùng bên những khóm chuối rừng xanh ngắt. Những nàng tiên ngật ngầy thịt da đào mọng nhiều khi làm đứa thanh niên như bời rời hồn vía...

Tôi gặp lại Nguyễn Hồ Bảo Quân và Diệu Liên nơi trại chuyển tiếp. Hai người chờ chuyến bay sang Nhật. Gặp nhau mừng tủi lẫn lộn, Bảo Quân giỏi tiếng Pháp nhưng lại chỉ được đi Nhật. Diệu Liên học tiếng Anh cũng chỉ được chọn Nhật. Chúng tôi như đàn chim phải vùi đầu bay thốc vào những phương trời vô định, hành trang chỉ hai bộ quần áo cho một đời tha hương lữ thứ.

Chuyến bay tôi đi Pháp trước khi Diệu Liên và Quân đi Nhật! Sáng tiễn đưa, bóng Liên mảnh mai, sâm sấp đi bên cạnh, mắt đỏ hoe bặm môi không nói một lời! Một làn khói tạt vào đám tiễn đưa đang bịn rịn làm cả bọn cùng bịt mặt cố giữ tiếng ho đừng bật ra. Làn khói đục của sở rác thành phố Malina đã giúp chúng tôi dứt ra nhanh khỏi phút giây xao xuyến từ biệt không hẹn ngày gặp lại. Xe tòa đại sứ Pháp bốc đầu phóng đi, chục đứa thanh niên ngồi trong xe ơ thờ nhìn dòng xe cộ hỗn độn chảy quanh mình.
Nhân viên ICM mua cho tôi một đôi giày vải khi nhìn thấy tôi mang đôi dép Nhật (dép tông). Ðôi giày to quá, chân tôi xỏ vào lỏng la lỏng lét! Tôi bước lên máy bay với hình dạng ấy và khi bước xuống phi trường Charles de Gaulle, cảnh sát Pháp đã yêu cầu tôi cởi giây giầy và rút hẳn hai bàn chân ra. Ba bốn nhân viên hải quan đều có vẻ ái ngại khi nhìn thấy đôi chân không vớ, lọt thỏm trong đôi giầy rộng quá khổ.
Ðứng trước những cầu thang máy dài như những con rồng thần thoại, lần đầu tiên tôi nhận biết được là nước mình đã cực kỳ lạc hậu so vơí Tây phương! Cánh cửa tự động khép mở của phi trường khiến Lê Lắc không dám bước qua. Ðôi mắt Lê Lắc thất thần khi cả đám anh em đã bước ra hẳn bên ngoài và chuẩn bị bước vào chiếc xe auto car đang đứng đợi. Tôi mặc chiếc sơ mi mỏng không áo lót, cái lạnh tháng 11 của xứ Pháp ôm choàng lấy tôi. Qúa bất ngờ tôi quên mất tìm xem Lê Lắc đang làm gì!
Rồi tất cả gọn gàng trên xe. Mười mấy người đi từ phương Đông, sau chuyến bay 13 tiếng, co ro thu mình lọt thỏm trong những chiếc ghế nệm. Hành lý của cả bọn xếp vừa đủ môt chiếc ghế ngồi. Bên tôi, Lê Lắc nhấp nhổm, có lẽ vì lần đầu Lắc thấy xe cộ nhiều như thế, bu đặc bốn chung quanh chiếc auto car 40 chỗ ngồi rộng thênh rộng thang. Lắc là ngươì đảo Phú Qúy. Tính tình thật thà và thổ âm rất nặng, ngay người Việt cũng khó ai hiểu hết nôị dung mà Lắc muốn nói. Mà Lắc lúc nào cũng nói rất nhanh!
Xe chạy theo hướng Nam chừng 40 phút thì quay hướng Tây Nam, chừng 20 phút thì dừng bên cạnh một dãy nhà cao năm tầng. Dãy nhà dài hàng hai ba trăm thước, sừng sững một bên là cánh đồng một bên là đường vào phố, phân cách giữa cánh đồng và đất khu cao tầng là mấy chục bóng cây cao vời vợi dáng nhọn hoắt trơ trụi lá đứng nghiêm thẳng tắp như có ý chào chúng tôi.
«Sao mà buồn thế nhỉ! Chắc đây là cây sầu đông mà ngươì ta thường nói chăng?». Tôi ngẫm nghĩ trong lúc theo đoàn người của ICM vào khu nhà cao tầng. Những cô gái tóc vàng chạy qua chạy lại trước mặt, như không quan tâm gì đến sự có măt của chúng tôi. Tôi hơi bị hụt hẫng trước thái độ vô tư vô tình này!

Sáng hôm sau lững thững bước ra khỏi khu nhà cao tầng. Mấy đứa nhỏ tuổi hơn còn đang phá phách vơí Lê Lắc bằng cách rủ Lê Lắc (hay lừa cho Lắc bưóc chung vào thang máy to đùng, bấm môt phát cho máy sẽ chay tuốt lên tầng năm… rồi bất ngờ nhảy hết ra, bỏ lại Lắc một mình trong cầu thang máy di chuyển lên cao. Lắc có lúc sợ xanh mặt! Tội Lắc, mặt Lắc vốn đã đen sạm, khi sợ biến thành màu xanh của người rừng. Tôi cũng chịu vơí trò nghịch ngợm này của những câu trẻ hơn đi cùng chuyến sang Pháp, nhưng nghĩ đùa vậy có lẽ là tốt hơn cho Lắc, bởi nếu không, Lắc sẽ không cách chi thích ứng được vơí thành phố kỹ nghệ này...

Tôi mê sách báo từ ngày bé, từ 13, 14 tuổi, mỗi khi đi qua nhà sách Huỳnh Hiệp ở thị xã Biên hòa là tôi cứ hay nấn ná đọc cọp hết quyền này đến quyển kia. Bố tôi và chú tôi là những người cổ động cực kỳ tích cực cho nhà dòng Chúa Cứu Thế trong việc phân phối báo chí và sánh vở của nhà dòng. Tầm tuổi ấy, những loại sách bỏ túi của nhà phát hành Tuổi Hoa từ Kỳ Ðồng không có cuốn nào là tôi không đọc nát bấy. Ðến Huỳnh Hiệp, thế giới sách được mở ra trước mặt tôi, như một khu rừng mật ngọt. Nhà sách ấy, sau 1975 bị đóng chặt, các sách trong từng nhà cũng được huy động đem ra đường đốt. Tôi mất đi thế giới của tôi về sách nên mỗi khi có cơ hội, đều tìm cách mon men đến gần các giá sách.

Bên cạnh nhà bưu điện của thành phố nhỏ có tên là Achers, tôi tìm đươc một tiệm bán sách báo. Lò dò bước vào với 20 đồng France mà buổi sáng nhà cao tầng (foyer) đã cấp, tôi nghĩ sẽ mua đươc một cuốn sách nhỏ nào đó, dù là chỉ để coi hình. Tôi lúi húi trước các giá sách cho đến cuối dãy, mắt mở thiếu điều muốn lộn tròng nhìn vào một loạt các sách khổ lớn in màu cực kỳ đẹp đẽ. Toàn hình ảnh những ngươì phụ nữ trẻ măng không mặc quần áo! Những phần kín đáo nhất của người nữ in lên giấy rất rõ ràng! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những hình ảnh này to và in đẹp đẽ như thế! Chân tay thiếu điều muốn run lên, mặt mày xây xẩm…
Tôi rời tiệm với cái nheo mắt của bà bán sách! Chắc bà này đã thấy cảnh tượng giống như tôi nơi những người Việt khi mơí tỵ nạn đến đây. Hình ảnh như vậy là rất choáng váng. Nó chiếm tâm tư tôi suốt cả ngày hôm đó. Tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt rất cụ thể của xã hôi và cảm quan văn hóa giữa người Viêt Nam và người Pháp. Mù mờ, tôi nhận ra cái hay của một đơì sống thật, như cái chuyện phòng the ấy, càng dấu diếm lại càng làm cho thanh thiếu niên tò mò; mà cái gì tò mò, lọ mọ trong bóng tối cũng sẽ đều dẫn đến những tai họa…

Nên ấn tượng đầu tiên cũa tôi khi đặt chân đến Pháp, là hàng cây trơ lá, phơi trần xương xẩu đứng thành hàng thẳng tắp như chào đợi mình và những người đàn bà trẻ măng vui vẻ phơi phóng tất tần tật những thứ nền móng riêng tư của mình lên mặt sách báo cho bàn dân thiên hạ thưởng lãm quan chiêm!
Những thứ to tát như lý tưởng, phục quốc, giải phóng… trong hai ngày đầu tiên tôi đã đánh rơi mất sạch!


* * *
Ngày thứ ba của cuộc đời lưu vong là ngày cuối tuần. Bữa trưa ăn cơm dưới nhà ăn rộng tôi gặp ông Duyên Anh. Ông cầm mâm chọn đồ ăn trước tôi hai người. Cả ông và tôi không ai nói gì với nhau. Tôi còn quá trẻ để biết nhiều về ông ngoài những cuốc sách ông viết và sự đồn thổi về một giai đoạn ông bị cầm tù vơí những điều tiêu cực.
Ông lấy đồ ăn rồi ngồi một mình ở một dãy bàn dài.
Tôi cũng đem mâm ăn đến ngồi cách ông một bàn. Tôi muốn gợi chuyện để nghe ông nói nhưng lại thôi. Tôi ngại chuyện ông hay những ngươì chung quanh nghĩ rằng mình leo trèo. Ông là ngươì có danh phận, khác vơí tôi hoàn toàn, chỉ là một người tỵ nạn ít học và còn quá trẻ so vơí những thăng trầm và tù tội của ông. Nhóm người của ông đến foyer này từ Mã lai hay Singaport, khác vơí nhóm chúng tôi đến từ Phi Luật Tân.
Sắp xong bữa cơm thì có một nhóm thanh niên ngươì Việt cươì nói đi vào nhà ăn. Họ mua phần ăn chứ không trả ticket như chúng tôi. Nhà ăn rất rộng, còn khoảng năm sáu chục người Pháp chung quanh, hầu hết là thanh niên cùng ở foyer này. Tiếng cười đùa xí xa xí xô của nhóm thanh niên vơí những người thanh niên Pháp làm không khí có phần sinh động lên, khác vơí chúng tôi hầu hết đều rất ít nói vì vốn tiếng Pháp quá hạn hẹp. Cả nhóm hình như cố tình đem mâm ăn đến ngồi chung quanh tôi. Câu chuyện trở nên sôi nổi khi tôi nhận ra cả nhóm đều đeo những miếng đồng gắn trên ngực áo, miếng đồng sơn màu vàng có ba vạch đỏ của quẻ càn: cờ miền Nam việt Nam, lá cờ tôi vừa rời xa nơi trại tỵ nạn và nghĩ sẽ khó gặp lại trên quãng đường biệt xứ.

Buổi chiều ấy là một buổi chiều không quên đối với tôi. Nhóm thanh niên trạc cùng một độ tuổi, sang Pháp đã hai hay ba năm. Đây là nhóm người của một hội đoàn mang tên «Hội Thanh Niên Tỵ Nạn» do ông Nguyễn Ngọc Thanh, một người hành nghề luật trên đất Paris đứng mũi chịu sào, các con trai con gái của ông đều lăn xả sinh hoạt trong hội này. Qua nhóm, tôi bắt liên lạc lại với cơ sở Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN viết tắt là MT) và ngay cuối tuần sau đó, cùng với nhóm anh em gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh, tôi có mặt trong buổi nói chuyện công khai của MTQGTNGPVN / VT ở Cabanis Paris 14 với vai trò an ninh trực tiếp cho diễn giả, tôi đứng sát cánh gà sân khấu với thanh đoản đao dắt dọc sau lưng.
Ô. Phạm văn Liễu (Trần trung Sơn), Sacramento, California , đứng giữa Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyệt Ánh, bìa phải: nhà văn Đào Trường Phúc.

Người nói chuyên là ông Phạm văn Liễu / Trần Trung Sơn (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại của MT) từ Mỹ sang. Trong ngày hội ngộ này, tôi gặp lại anh Dư Kim Sơn, đi với người cùng thuyền là Từ Ngọc Lê (Lê ngọc Tú, trưởng ban Truyền thông Văn hóa trại tỵ nạn Palawan năm 1983, sau làm báo chuyên nghiệp tại Paris, là người có nhiều quan hệ với các nhân lực chống chiến tranh trong phong trào sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm tại Sài gòn trước 1975. Những anh em sau này tôi gặp gỡ trên đường tranh đấu, xác định anh Từ ngọc Lê chính là Lê ngọc Quỳnh của thời sinh viên Sài gòn 1972, chi tiết này không còn là bí mật nên tôi bạch thoại về anh.

Hơn một tuần sau nhóm chúng tôi từ Phi Luật Tân tan đàn xẻ nghé. Người đi về các tỉnh lẻ, người ở lại Paris.
Tôi cùng tám người khác gĩa từ foyer Achers để vào một foyer của Tin Lành nằm ở quận 9 Paris trên đưòng Trevis. Nguyên tắc chúng tôi sẽ ở đây sáu tháng để hoc Pháp văn. Sau sáu tháng, bắt buộc phải rời foyer, không trợ cấp, không giúp tìm nhà hay tìm viêc!
Tôi choáng váng khi đêm đầu tiên, một hai giờ sáng có tiếng í ới goi nhau bằng ngôn ngữ của mình ở dưới đường và những cánh cửa sổ ở tầng dưới cùng mở ra, những sợi dây thừng thả xuống và những bóng người đu lên tường trèo vào cửa! Trời paris tháng 11 đã làm mọi người đi đường co ro trong cái rét chớm đông! Hình ảnh sợi dây thừng và những bóng người Việt trẻ măng đu đưa trên vách tường ấy đeo theo tôi có lẽ là cho đến khi nhắm mắt...

Buổi tối thứ hai khi về foyer mới, hai ngươì đàn ông đến tìm tôi, một người trạc 60 tướng mạo phương phi phúc hậu noí giọng miền Nam và một người trạc 35 mặt xương. Cả hai, vơí cảm nhận ban đầu của tôi, đều là tuýp người hào sảng. Tôi được vị lớn tuổi giới thiệu bí danh là Nguyên Vũ, người thứ hai tôi đã quên bí danh, chỉ nhớ tên là (…) Quang. Anh Quang ngưng hoạt động năm 1985. Một người em tên là Tuấn cũng ngưng hoạt động cùng thời gian.
Buổi nói chuyện khá khuya. Dưới ánh đèn của quán cà phê foyer tôi cảm thấy thật ấm lòng. Nhân dáng và cung cách ăn nói, đối xử của hai người thật sự làm lòng tôi rung động. Đó là hai người của chi bộ 316 của xứ bộ Pháp / MTQGTNGPVN.
Giờ đây, 30 năm trời đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in buổi tối đầu tiên ấy. Bác Nguyên Vũ (Nguyễn Thừa) là người tôi rất nhanh, đặt hết lòng tin tưởng. Bác nói rặc giọng miền Nam. Nụ cười chừng mực và rất cởi mở. Khuôn mặt và tóc tai, mắt mũi ấy … không thể nào có thể là người xấu được. Nhân dáng ấy cho tôi thấy như tìm được một điểm tựa tinh thần lớn lao trên xứ người, trong những ngày tháng đầu đời lưu vong.

Tuần lễ sau đó, một buổi nói chuyện nội bộ của ông Trần Trung Sơn với anh em cơ sở Pháp diễn ra. Gọi là cơ sở Pháp, nhưng sau này tôi mới biết đa phần là anh chị em Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris. Buổi nói chuyện ấy với tôi là không thành công. Một đoàn viên tên Tuấn hỏi trực tiếp một số câu hỏi và ông Trần Trung Sơn trả lời mang nhiều vẻ trịch thượng. Hình ảnh lãnh tụ độc đoán phảng phất qua đầu tôi, nó khác rất xa vơí cảm giác thân tình ấm cúng mà tôi tìm thấy khi ngồi nghe bác Nguyên Vũ cũng như nghe bác sĩ Nguyễn anh Chương những tháng sau đó.

Hai tháng sau tôi chịu nghi thức tuyên thệ ở Ermont. Bác Nguyễn Thừa chủ lễ, hai người quỳ chung vơí tôi là Trần Định và Lý Tâm. Định bằng tuổi tôi, bí danh Tam Nhựt Đông (ba ngày trôi trên biển đông …), Lý Tâm trạc gần 50, mặt quắc thước, đôi mắt sắc kiên định. Lý Tâm là người An Giang, một trưởng lưới «xây dựng nông thôn» miền Nam Việt Nam thời 1972, giăng buồm với máy đuôi tôm vượt đảo Phú quốc sang Thái ngay những ngày đầu trời sập 30/4. Lý Tâm rời tổ chức khoảng 1 năm sau, khi chuyện ông Liễu ông Minh đánh đấm nhau tơi bời! Mười bốn năm sau tôi mơí gặp lại Lý Tâm trong một dịp tình cờ. Lý Tâm nhễ nhại mồ hôi chui từ gầm xe ra, tôi mới trở về Pháp từ nhà tù … hai ngươì đàn ông sương gió đứng như chết lặng!

Giai đoạn đầu 1984, Pháp chỉ có hai người tình nguyện xâm nhập về Việt Nam để nối đầu cầu cho tổ chức. Hai người ấy đều của chi bộ 316 Paris, là tôi và Lý Tâm! Giữa 1985 Lý Tâm lặng lẽ rời tổ chức đi ẩn cư, tôi vẫn bám tổ chức dù thập phần đắng cay chiêm ngắm những cảnh bè phái đấu đá nhau. Tôi nghĩ đến những người từ trại tỵ nạn đã đi vào chiến khu, nghĩ đến những người từ Đan mạch, từ Đức và những người từ Pháp … tâm lý cố bám theo những người ở chiến khu che mờ những tỉnh táo cần có của người dấn thân vào cuộc cách mạng. Chi bộ 316 không giữ được tôi (chi bộ duy nhất có nền nếp và thương yêu quí mến nhau do sự lèo lái của bác Nguyễn Thừa và bác sĩ Nguyễn anh Chương -nguyên cựu sĩ quan quân y Việt Nam Cộng Hòa).
Bác Nguyễn Thừa rất buồn, nói với tôi nhiều lần về việc nên thay đổi ý định về nước, bác sĩ Nguyễn anh Chương, anh Lê Thanh Hùng (ở một chi bộ khác - Sau 2006, trước khi mất, anh có nick Tư Xích Lô trên Paltalk) đều khuyên tôi thay đổi quyết định xâm nhập. Khi ấy, tôi khăng khăng giữ ý tưởng của mình « Nếu ai cũng cầu an, cũng cố gắng lo cho gia đình mình, thì ai là người làm lính xung phong? » …

Tôi tình nguyện hoạt động toàn thời gian không nhận phụ cấp. Tiền chi trải tối thiểu là tôi nhận từ vài người bạn và mỗi tuần đi làm một buổi đêm ở một khu vực chơi bời khét tiếng «Trasbourg Saint Denis». Tôi không cho ai biết công việc này vì chẳng vinh quang gì một người bảo vệ nhà thổ. Tôi không vinh hạnh cũng không mặc cảm. Tôi đi làm, không ăn giựt ăn chặn của ai. Nghề bán hoa là nghề công khai hợp pháp trên xứ Paris. Muốn có tiền để đi lại hoạt động khắp Âu châu, tôi phải làm mới có tiền. Đó là đồng tiền sòng phẳng từ mồ hôi (và cả máu) của tôi.
Tháng 2/1982 tại Đan Mạch. Ô. Phạm văn Liễu (thứ 2 từ ngoài vào, hàng trái) – tư liệu của Phạm văn Thành, phóng ảnh báo Kháng Chiến số 27
Giai đọan 1985/1988 là giai đoạn tôi học được nhiều bài học về con người. Những người tưởng chừng như sẽ mãi mãi là anh em với nhau, bỗng chốc quay mặt vì những lợi lộc hoăc vì những hồ đồ toan tính.
ô. Cao Thế Dung
Những người được coi là lãnh đạo, bôi mặt đá nhau không tiếc lời! Từ những phát biểu của ông Phạm văn Liễu, ông Cao Thế Dung, đến những hành xử tối tăm của ông Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Định! Từ những cuộc điện đàm thoả thuận giữa những người cùng phe phái đến những hành xử phản lại nhau chỉ vài tháng sau đó. Tôi là nhân lực toàn thời, cùng trực phòng liên lạc toàn Âu châu vơí ông Cao Văn, mọi chuyện đỏ đen phản trắc như màn kịch sống diễn ra trước mặt … để rồi khi không còn thuận lợi với nhau nữa, tôi được khắc tạc công phu thành nhân dáng của một đứa lẻo mép, đứa « ăn quỵt », đứa lười biếng … vân vân và vân vân. Toàn từ những người từng một thời nhẫn nhịn đói thiếu cùng nhau từ trại tỵ nạn! Toàn từ những người đầy mình học vị. . .
Tôi đã lên tiếng yêu cầu bạch hóa cái chết của ông Hoàng cơ Minh sau 1 năm ngày ông chết đi. Trung Ương MT điên tiết rút quyết định không cho tôi về chiến khu nữa, đẩy trở lại một cơ sở ba rọi là chi bộ 315 (vùng Cergy Pontoise). Yêu cầu tôi làm đơn xin ra khỏi tổ chức! Tôi cười nhạt nói với X301 (Xứ bộ Pháp) là tôi sẽ không bao giờ xin ra khỏi tổ chức. Lời thề của tôi, tôi sẽ giữ. Tổ chức mạnh, trong sạch, tôi tận tâm tận lực đóng góp. Tổ chức có dấu hiệu bẩn, tôi phải có bổn phận cộng phần tẩy rửa, quét tước. X301 qua người quyền X trưởng là Nguyễn Ngọc Đức ký quyết định sa thải tôi, kèm theo những chuyện thị phi giời ơi đất hỡi.
Nhóm điều hành khu bộ Âu châu, vì những chuyện đạo đức cá nhân khuất tất bị tôi nắm rõ… lại tận tình cổ súy chuyện lăng nhục một tên đoàn viên toàn thời ương bướng.
Nguyễn Ngọc Đức (Lý Quảng)

Đắng ngắt! Anh em lớp cán bộ đoàn văn nghệ Paris chúng tôi cùng rời tổ chức. Mỗi ngươì mỗi kiểu. Chẳng ai ảnh hưởng ai, chẳng ai tùy thuộc vào ai. Điều nuối tiếc đọng lại là tiếc 5 năm đầu của cuộc đời lưu vong, dâng hiến tất cả nhiệt huyết trai trẻ vào cho một tổ chức.
Năm năm, nhìn lại lớp đàn em lóp ngóp cùng nhau từ ngày lên đảo, từ ngày khăn gói đơn giản bước xuống phi trường CDG … nay tất cả đã bắt đầu ổn định cơ ngơi hoăc sắp xong đại học. Nhìn lại gia đình ở quê nhà cơ cực, 5 năm chẳng góp về được mấy đồng! Thật là ngậm ngùi, muốn khóc mà không khóc được.

1990 cộng sản Đông Âu đổ ầm ầm. Trần Huy lúc ấy giúp tôi mướn một căn phòng sinh viên ở cư xá RUA Antony, tìm tôi đưa tệp tài liệu của nhóm Khát Vọng từ Sài gòn và những bài viết rất công phu của một nhóm trí thức trong nước (sau này tôi mơí biết là của nhóm ông Đoàn Viết Hoạt). Anh em lại lao ra, lại hăng hái hoạt động. Có điều khái niệm độc lập đã bắt đầu chi phối vào tâm hồn tất cả anh em. Chúng tôi đã rất sợ kiểu sinh hoạt đảng phái.

Cho đến khi tôi thỏa thuận về nước với tập hợp Liên đảng Cách Mạng Việt Nam, tư thế độc lập tôi vẫn giữ. Và giữ cả trước tòa tối cao của cộng sản VN xử vào các ngày 26/27/28 tháng 8 /1993, tôi lãnh bản án 12 năm.

Chấm dứt chặng đường lưu vong thứ nhất của đời mình. 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen