Montag, 1. Februar 2021

Sông Hậu, Cù lao Mỹ Hòa Hưng và Thành phố Long Xuyên

Tóm tắt. Đoạn chảy qua cù lao Mỹ Hòa Hưng và Thành phố Long Xuyên là đoạn cuối của sông Hậu trước khi nó đi vào địa bàn của tỉnh Đồng Tháp, Thành phố Cần Thơ, … rồi ra Biển Đông với ảnh hưởng của triều mạnh dần khi dòng chảy càng tiến gần biển. Theo dõi diễn biến theo chiều ngang và theo chiều đứng của đoạn sông Hậu, của đường bờ, đưa ra những nhận xét, thảo luận, đề xuất và kiến nghị vì sự phát triển bền vững có ý nghĩa đối với An Giang và đối với đồng bằng sông Cửu Long là nội dung của bài viết.

Hành trình của sông Hậu qua địa bàn và những đổi thay

Sau khi qua thị trấn An Châu (huyện Châu Thành) sông Hậu phân ra hai nhánh bao quanh Cù lao Mỹ Hòa Hưng. Nhánh hữu ngạn đi theo hướng Tây Nam, qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình, Mỹ Long của Thành phố Long Xuyên (sau đây gọi là nhánh Tây Nam). Nhánh tả ngạn chảy theo hướng Đông (sau đây gọi là nhánh Đông), một bên qua các xã Nhơn Mỹ, Long Giang, Long Kiến, An Thạnh Trung, Hòa Bình (huyện Chợ Mới) và một bên là Mỹ Hòa Hưng.

Hai nhánh hợp nhất lại tại khu vực ngã ba Cồn Phó Ba, đầu ra của Kênh Rạch Giá – Long Xuyên và đối diện là bến phà An Hòa xã Hòa Bình. Sau đó sông Hậu xuôi Nam, bên hữu ngạn là các phường Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thới và Mỹ Thạnh, và bên tả ngạn là xã Hòa Bình và xã Hòa An (huyện Chợ Mới).

Hình 1 bên trái là đoạn trên, từ đầu cù lao Mỹ Hòa Hưng đến nơi hợp lưu, bên phải là đoạn dưới từ Cồn Phó Ba đến ranh giới An Giang – Đồng Tháp. 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Dịch chuyển theo chiều ngang, trên bề mặt ở đoạn trên

Theo dõi đoạn trên và cù lao Mỹ Hòa Hưng qua ảnh vệ tinh trong 41 năm (1979 – 2020) cho thấy có một sự dịch chuyển theo chiều ngang, trên bề mặt, khá hiếm thấy về tốc độ và cường độ. 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Trong Hình 2, (A, B, C) lần lượt là ảnh vệ tinh Landsat các năm 1979, 1989 và 2020 vào giữa mùa khô. (D) là ảnh chập hai ảnh 1989 và 2020 trên nền ảnh năm 1989.

Nhận xét đầu tiên từ so sánh (A) và (B) là trong vòng 10 năm (1979-1989), có ít nhất bốn thay đổi nhìn thấy rõ:

(1) Cửa vào của sông Hậu hẹp lại;

(2) Hai bãi bồi được hình thành ở cuối nhánh Đông;

(3) Bờ phía Đông cù lao Mỹ Hòa Hưng và bãi bồi đến Cồn Phó Ba biến dạng. Nhánh Đông hẹp lại, lồi phía bờ tả ngạn (xã Hòa Bình) và lõm về phía Mỹ Hòa Hưng.

(4) Đô thị hóa Long Xuyên hướng ra bờ sông Hậu, một bãi bồi đến năm 1979 vẫn còn cách Mỹ Long một dòng sông đến năm 1989 hầu như đã gắn vào đất liền.

+ Trong 31 năm tiếp theo (1989 – 2020), nhận xét thứ hai từ so sánh (B) và (C) và (D) (hình chập hai ảnh này) là hai nhánh sông Hậu và cù lao Mỹ Hòa Hưng dịch chuyển nhanh và mạnh theo hướng Đông.

(1) Cửa vào của hai nhánh sông Hậu tiếp tục hẹp lại bởi (2) và (3).

(2) Ở nhánh Đông, bờ trái được bồi dọc dài từ xã Nhơn Mỹ qua xã Long Giang, đến xã Long Kiến (huyện Chợ Mới);

(3) Nhánh Tây Nam dịch chuyển sang hướng Đông bởi bờ hữu ngạn được bồi (5) và bờ tả ngạn bị xóa sổ (6);

(4) Một cù lao nhỏ ở cuối nhánh Đông được hình thành chia nhánh này thành hai phân nhánh, một rẽ ngoặc, bọc theo xã An Thạnh Trung, một chảy qua vị trí (7) đã bị xóa sổ hoàn toàn. Xu hướng dòng chảy của nhánh Đông giữa xã Hòa Bình và Cù lao hẹp lại và uốn cong, đã nhận thấy giai đoạn (1979-1989), tiếp tục diễn ra.

(8) Ở Tây Nam Cù lao, dãi đất bồi (8) bị xóa sổ, chỉ còn lại Cồn Phó Ba ở cuối. Trong khi đó dọc bờ Nam của Cù lao được bồi (9) chỉ cách Cồn Phó Ba một lạch nhìn thẳng qua Kênh Cầu Quay và nối thông hai nhánh Đông và Tây Nam.

(10) Bãi bồi đã gắn liền vào phường Mỹ Long. Cục diện của sông Hậu hợp nhất tại Mỹ Long và Hòa Bình (Chợ Mới) phía bờ đối diện thay đổi nhiều so với trước. Các yếu tố này sẽ tác động lên phần dưới của đoạn sông Hậu sau hợp nhất.

Những nhận xét trên đây được xác nhận khi nhìn cận cảnh nửa trái và nửa phải Cù lao cùng với ảnh vệ tinh các năm trung gian 2007 và 2018. Hình 3, 4, 5.

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
Nguồn ảnh vệ tinh: Google Earth

Các ảnh vệ tinh trong các Hình 3, 4, 5 được lựa chọn, ngoài yếu tố thời điểm trung gian còn để bổ sung thông tin về dòng chảy và thủy văn. Sự hiện diện của nhiều nhà lồng nuôi cá bè tại Cù lao Mỹ Hòa Hưng cần được ghi nhận và suy nghĩ về tác động.

Khu vực hợp lưu hai nhánh sông Hậu 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Hình 6a là ảnh chập hai ảnh vệ tinh ngày 16/01/1989 và ngày 07/02/2020 tại khu vực hợp lưu giữa hai nhánh Đông và Tây Nam sau khi chúng chảy bao quanh cù lao Mỹ Hòa Hưng. Tham dự vào hợp lưu, ngoài hai nhánh Đông và Tây Nam, còn có Kênh Rạch Giá – Long Xuyên và Kênh Cầu Quay trổ ra và cắt ngang sông Hậu.

Hình 6b là khu vực hợp lưu ngày 13/10/2018 (mùa lũ). Hình 6c là khu vực hợp lưu ngày 07/03/2019 (giữa mùa khô). 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Đoạn sông Hậu từ hợp lưu đến ranh giới An Giang – Đồng Tháp

Đoạn này được thể hiện trong Hình 7 vào hai thời điểm, ngày 16/01/1989 và ngày 07/02/2020, và ảnh chập 7C.  

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Nhận xét thứ ba: Tác nhân của các biến đổi tại khu vực hợp lưu và sau đó trong đoạn dưới mang nặng dấu ấn từ con người trong phát triển đô thị Thành phố Long Xuyên mà một hướng là lấn sông. Vấn đề môi trường nước trong các kênh rạch của Thành phố là một nguy cơ tiềm ẩn cần đươc quan tâm đúng mức.

(1) Do có một bãi bồi ở cửa ra của Kênh Rạch Giá – Long Xuyên, có trước năm 1979 và nay đã gắn liền vào phường Mỹ Long nên sau khu vực hợp lưu dòng, bề rông sông Hậu bị co hẹp (Hình 7A và 7C). 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

(2) Việc co hẹp bề rộng sông kéo dài sang các phường Mỹ Phước, Mỹ Quý và sẽ tiếp tục bồi lắng đến đầu Kênh Hội đồng (Mỹ Quý). Đến ranh giữa Mỹ Quý và Mỹ Thới chiều ngang sông Hậu, ở thời điểm hiện nay, là rộng nhất vì sau đó co hẹp lại dần cho đến phà Vàm Cống (cũ), phường Mỹ Thạnh.

(3) Bên phía bờ tả ngạn, sau điểm hợp lưu, từ xã Hòa Bình đến xã Hòa An, bờ sông bị bào mòn.

(4) Việc bồi lắng tự nhiên và đô thị hóa lấn sông hàm chứa nguy cơ làm tắt nghẽn sự trao đổi nước giữa các kênh rạch (như Rạch Tám Bót, Kênh Hội đồng, …) với sông Hậu. Mặt khác biên độ triều tại Long Xuyên bình quân vào khoảng từ 3 đến 3,5 mét. Nước thải từ chợ, các nhà máy thủy sản, … đổ ra sông Hậu không thông qua xử lý là một nguy cơ tiềm ẩn đối vói môi trường nước cần được cảnh báo.

Biến đổi theo chiều thẳng đứng và những vấn đề liên quan 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Dọc theo đoạn sông Hậu chảy qua Cù lao Mỹ Hòa Hưng và Thành phố Long Xuyên có 9 mặt cắt được chọn và vị trí được ghi trong Hình bên trái.

Số liệu về bề mặt và lòng sông được Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đo đạc từ năm 2016 đến nay, mỗi năm hai đợt, đợt 1 vào tháng 4 (cuối mùa khô) và đợt 2, tháng 11 (đầu mùa khô năm sau).

Số liệu về bề rộng, đáy sâu nhất của các mặt cắt (*24, 25, 26, 27, 28, 29, 30), (*VCH) và (*MyB) đo đợt 1/2020, được trình bày trong Bảng 1

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Nhận xét thứ tưnếu nhánh Đông năm 1979 rộng hơn nhánh Tây Nam ở đầu Cù lao thì hiện nay hẹp hơn (390/630 mét, bằng 61,9%) và cạn (nông) hơn (-12,2 / -20 mét, bằng 61%). Hình 8a, 8b.  

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

+ Nhận xét thứ năm: sạt lở ở Vàm Cái Hố và ở cuối xã An Thạnh Trung là đúng quy luật.

Chảy đến cuối xã Long Kiến, trước khi đến xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới) nhánh Bắc lại chia ra hai phân nhánh, chảy quanh một cù lao được hình thành sau năm 1979 và liên tục biến đổi (Hình 4, 5). Hai phân nhánh hợp lưu ở cuối cù lao nhỏ này.

Hình 9a là mặt cắt phân nhánh Bắc tại Vàm Cái Hố (*vch). Hình 9b là mặt cắt nhánh Đông sau khi hai phân nhánh hợp lưu tại cuối xã An Thạnh Trung, đầu xã Hòa Bình (*28). Trong cả hai mặt cắt, vách đứng, dòng chảy ép sát bờ An Thạnh Trung. Dòng chảy tại (*28) vừa dịch chuyển vừa xoáy thể hiện trong Hình 9c. Sạt lở tại Vàm Cái Hố và tại An Thanh Trung là phù hợp với quy luật. 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
 

Nhận xét thứ sáu: Những biến động trong hai mặt cắt tại Bình Đức và Bình Khánh, dợt đo 1/2020 có phải là sản phẩm của dòng chảy?

Trong Hình 10 và Hình 11 là hai mặt cắt (*26), (*27) tại phường Bình Đức và phường Bình Khánh trên nhánh Tây Nam. 

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
a

Đợt 1/2020 đáy sông ở mặt cắt Bình Đức có độ sâu -25 mét không thay đổi từ khoảng cách 100 mét đến 270 mét cách bờ Bình Đức. Tiêp theo là một bậc thang khác ở độ sâu -20 mét và sau đó vách có dạng tuyến tính đến 0 mét ở bờ Mỹ Hòa Hưng.

Mặt cắt (*26) tại Bình Đức đợt đo 1/2020 khó có thể là sản phẩm của dòng chảy tự nhiên. Có vẽ mặt cắt đã được nạo vét bằng cơ giới, điều cần được xác minh. Tuy nhiên điều quan trọng còn là hệ quả trên mặt cắt tiếp theo.

Ở mặt cắt Bình Khánh (*27), đáy sông đo đợt 1/2020 khác nhiều so với các năm 2018 và 2019, Hình 11. Có hai rãnh sâu cách bờ Bình Khánh từ 55 mét đến 190 mét, ngăn cách nhau bởi một gờ ở giữa. Rãnh thứ nhất gần bờ, sâu -23,4 mét, rộng 30 mét. Rãnh thứ hai sâu -23,7 mét rộng khoảng 40 mét. Khác biệt về độ sâu đáy khá lớn hình thành chỉ trong vòng 6 tháng từ đợt đo 2/2019 cần được làm rõ. Từ đâu có hai lạch sâu này; có liên quan gì đến nhận xét về đáy sông ở mặt cắt (*26) không?

Nhận xét thứ bảy: Những biến đổi từ Kênh Cầu Quay trổ ra sông Hậu

Đầu thế kỷ XIX Kênh Rạch Giá – Long Xuyên đã được Thoại Ngọc Hầu đào nối sông Long Xuyên đến Rạch Giá.

Cuối thế kỷ XIX, chính quyền thuộc địa đã cho đào Kênh Cầu Quay nối thẳng Kênh Rạch Giá – Long Xuyên với sông Hậu nhằm rút ngắn khoảng cách đường thủy từ sông Hậu đi Thoại Sơn và đến điểm cuối Rạch Giá. Hiện nay có vẻ Kênh trở nên thông dụng cho vận tải thủy.

Trao đổi nước giữa Kênh Rạch Giá – Long Xuyên với sông Hậu qua Kênh Cầu Quay dược thể hiện qua Hình 12a, 12b (mùa nước lũ, nước từ sông Hậu chảy vào Kênh) và Hình 12c (cuối mùa khô, nước từ Kênh đổ ra sông Hậu). Các Hình 12 cho thấy tác động của dòng chảy tại vàm đầu Kênh Cầu Quay với sông Hậu trong năm và gắn với đó là bồi và lở trong khu vực này. Một câu hỏi: Hoạt động của Kênh Cầu Quay có liên quan gì đến đoạn kênh cắt ngang bãi bồi và Cồn Phí Ba không (Hình 12,13)?  

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Hình 13 cho thấy trong mùa lũ sự trao đổi nước giữa sông Hậu với Kênh Rạch Giá – Long Xuyên tại Cầu Nguyễn Trung Trực, năm 2018 tháng 9 (trái) và tháng 10 qua Kênh Cầu Quay trực tiếp hơn qua cửa ra tự nhiên tại Mỹ Bình bến phà Ô Môi.  

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Về trao đổi nước giữa sông Hậu và Kênh Rạch Giá – Long Xuyên trong mùa khô, sông Hậu qua Kênh Cầu Quay (trái) mạnh hơn trao đổi nước giữa Kênh Rạch Giá – Long Xuyên và sông Hậu tại cửa ra Mỹ Bình-Mỹ Long, bến phà Ô Môi (phải). Phương tiện giao thông thủy cũng nhộn nhịp hơn. Hình 14 (phải) còn cho thấy tình trạng bồi tại cửa ra bến phà Ô Môi.  

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

Bố sung nhận xét thứ ba.

Mặt cắt sông Hậu tại vị trí (*29) và (*30), Hình 15a và 15b bề ngang sông Hậu rộng ra tại phường Mỹ Thới, và hẹp lại tại Mỹ Thạnh là phù hợp với ảnh vệ tinh đầu năm 2020.

Vách đứng của lòng sông ở cả hai bờ ẩn chứa nguy cơ sạt lở. Cần làm rõ tại sao ở bờ Mỹ Thới có một lạch sâu -12,5 đến -13 mét cách bờ Mỹ Thới khoảng 50 mét, sau đó đáy sông cao lên dần đến -7 mét cách bờ độ 100 mét rồi lại sâu dần đến bờ Hòa Bình (-20 mét).

Hình 16 là địa hình đáy đoạn sông Hậu đề cập trong bài viết này đo năm 2009 cách đây hơn 10 năm, trên nền Google Earth (gần đây) để tham khảo.

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen
 

Trao đổi, thảo luận

Trong quá trình theo dõi sự biến đổi của đoạn sông Hậu, cù lao Mỹ Hòa Hưng và Thành phố Long Xuyên, tác giả ghi lại những nhận xét đã trình bày và những điều chưa lý giải được một cách khoa học và thỏa đáng. Xin được trao đổi sau đây.

(1) Như đã nhận xét, sự biến động của đoạn sông Hậu và của cù lao Mỹ Hòa Hưng trong 41 năm qua là nhanh về tốc độ và mạnh về cường độ. Theo tác giả, điều này có được là nhờ ở sự “sung mãn” có được sau khi sông Hậu nhận lượng nước và trầm tích từ sông Tiền chuyển sang qua sông Vàm Nao.

(2) Sự bồi tụ dọc nhánh Đông, ở cả hai bờ, quan trọng hơn dọc nhánh Tây Nam. Phải chăng có nguyên nhân là vì ở những thập niên 1980, 1990 và 2000 nhánh Đông là dòng chủ lưu?

(3) Sự hình thành rồi sau đó biến dạng liên tục của một cù lao nhỏ ở khúc ngoặc (đánh số (4) trong Hình 2) chia nhánh Đông thành hai phân nhánh. Giải thích được tình trạng biến dạng liên tục này sẽ giúp tiên liệu phân nhánh nào sắp tới sẽ là chủ lưu.

(4) Sự hình thành trước đây của bãi bồi dài (đánh số (8) trong Hình 2) chia đôi luồng của nhánh Tây Nam, và từ 41 năm qua đã bị xóa sổ dần, chỉ còn lại khúc cuối là Cồn Phó Ba. Trong khi đó lại hình thành một bãi bồi dài dọc theo bờ Nam của cù lao Mỹ Hòa Hưng đến Cồn Phó Ba. Nhánh Tây Nam chỉ còn một luồng duy nhất. Nguyên nhân được hình thành và bị xóa dần bãi bồi (8) là gì?

(5) Phía trên Cồn Phó Ba có một đường nước ngang nối liền nhánh Tây Nam với nhánh Đông (Hình 12d). Đường nước này được hình thành tự nhiên trong quá trình bồi (đánh số (9) trong Hình 2) hay nhân tạo với chủ đích tạo một luồng giao thông thủy nối liền Kênh Cầu Quay (nghĩa là Kênh Rạch Giá – Long Xuyên) với nhánh Đông (bây giờ có hướng Bắc Nam sau khúc ngoặc) và đến trực tiếp các xã Hòa Bình, An Thạnh Trung mà không phải đi đường vòng?

(6) Nghiên cứu dòng chảy trong khu vực hợp lưu giữa hai nhánh sông suốt năm là một bài toán phức tạp, nhiều tham số nhưng rất thú vị về mặt khoa học và cần giải quyết vì ý nghĩa thực tiển.

Song Hau, Cu lao My Hoa Hung va Thanh pho Long Xuyen

(7) Đoạn sông Hậu đề cập trong bài viết này có nhiều chỗ hợp lưu với nhiều tình huống dòng chảy tùy mùa khô hay lũ. Nghiên cứu hợp lưu tại ngã ba Vàm Nao mà tác giả đề cập [2] có thể áp dụng ở địa bàn này

 (8) Tác nhân từ con người, cụ thể là lấn sông, trong phát triển Thành phố Long Xuyên, không phải chỉ riêng ở thành phố này mà cũng ở các thị trấn An Châu, Cái Dầu, thị trấn mới của Châu Phú, … đến Châu Đốc (vừa được “lên” thành phố). Một lý do là vì các đô thị này được xây dựng dọc theo sông Hậu, trên đê ven sông mà chiều ngang không rộng. Sau đê ven sông là bưng sau đê cao trình mặt đất thấp. Cát sẵn đó, thổi lên là tôn cao được nền để xây dựng. Mấy ai nghĩ đến hậu quả đối với phía bên kia bờ hoặc về phía hạ lưu, nhất là khi đó là xã, phường, huyện hay tỉnh khác. Vả lại nếu có đền bù thì chênh lệch giá giữa “đất xã” và “đất phường” tính ra vẫn “đáng lấn”.

Đề xuất và kiến nghị

Từ các nhận xét và các nội dung trao đổi thảo luận, tác giả gút lại ba đề xuất và kiến nghị dưới đây vì sự phát triển bền vững của An Giang và của ĐBSCL nói chung.

(1) Bồi và lở là một cặp phạm trù, không phụ thuộc vào ranh giới hành chính mà tuân theo quy luật và mang tính hệ thống, động. Không thể “chỉnh trị dòng sông” để giải quyết xói lở, hay phòng chống thiên tai có hiệu quả mà không xét đến hai mặt của cặp phạm trù với các đặc trưng này.

(2) Tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ số, trong các lĩnh vực ảnh vệ tinh và xử lý ảnh vệ tinh, mô phỏng số ngày nay cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học các công cụ theo dõi diễn biến của cặp phạm trù trên những địa bàn từ rộng (tỷ lệ xích nhỏ) đến hẹp (tỷ lệ xích lớn) để từ đó có những đề xuất và ra quyết định thích hợp có cơ sở khoa học.

(3) Cần có một cách nhìn khác, những quy chuẩn khác về xây dựng trong quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp hơn với ĐBSCL, nơi mà cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu, sụt lún tự nhiên và sụt lún nhân tạo cao (từ khai thác nước ngầm, xây dựng công trình, v.v. …) để các thành phố, thị trấn ở ĐBSCL có thể phát triển bền vững./.

CHÚ THÍCH:

[1] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI (1992-2007).

[2] Nguyễn Ngọc Trân, Về dòng chảy sông Hậu tại ngã ba Vàm Nao, ngày 13/11/2020, https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ve-dong-chay-song-hau-tai-nga-ba-vam-nao-3422360/

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen