Trong số hơn 400 đơn vị tác phẩm của Nguyễn Khuyến (1835-1909), Ưu phụ từ (hay Lời vợ anh phường chèo) giữ vị trí khá đặc biệt. Nếu các bài thơ khác là những nhận thức, tâm sự được bộc lộ một cách trực tiếp qua lời của tác giả - chủ thể trữ tình, thì Ưu phụ từ lại được cấu trúc như một câu chuyện có bối cảnh, nhân vật và cả lời thoại. Nếu người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu như là các đối tượng, khách thể không có tiếng nói, được quan sát, đánh giá bởi một tác giả nam giới; và cái nhìn đàn ông đó có ảnh hưởng không nhỏ đến cách họ được miêu tả (thiên về dung mạo), bình luận (theo tiêu chí đạo đức của Nho gia), thì Ưu phụ từ lại là một trong hai bài thơ hiếm hoi có sự hiện diện của tiếng nói phụ nữ. Trong khi ở Vũ phu đôi, nhân vật nữ chỉ có một câu nói xã giao “Trót dại hở hang xin xá tội!” trong cuộc đối đáp với nhân vật nam (ông Cuội), lời người vợ anh phường chèo trong Ưu phụ từ chiếm đến 11/16 câu của toàn bộ tác phẩm, nhiều hơn hẳn lời của người chồng (chiếm 2/16 câu). Không chỉ áp đảo về mặt số lượng, diễn ngôn của nhân vật nữ còn cho thấy sự sắc sảo, khôn ngoan hơn hẳn khi so sánh với suy nghĩ thiển cận, nông nổi của người chồng. Người vợ trong bài thơ này đã vượt ra khỏi mẫu hình phụ nữ nhu thuận thường thấy ở văn học trước đó vì không những không “tòng phu” mà còn dám lớn tiếng mắng chồng. Nhưng chính Nguyễn Khuyến - một môn đệ trung thành của học thuyết Khổng Mạnh - dường như cũng không mấy “lấn cấn” về sự trái ngược này, nếu không, nhà thơ đã dành thêm vài dòng ngụ ý châm biếm như nhiều nhà nho đức độ từng phê phán những phụ nữ lệch chuẩn, hoặc khắc họa chân dung người vợ như một nhân vật phản diện theo cách ông đã làm trong Lấy Tây hay Đĩ cầu Nôm. Người phụ nữ lấn lướt chồng trong tác phẩm này, đúng hơn, là một thủ pháp để qua đó, Nguyễn Khuyến gián tiếp bày tỏ nỗi thất vọng về nam tính thời loạn và sự khủng hoảng niềm tin đối với bộ máy cầm quyền đương thời.
Nỗi thất vọng về nam tính thời loạn
Ưu phụ từ cung cấp cho người đọc một cuộc hoán đổi vị trí thú vị giữa hai giới nam và nữ. Bài thơ là tiếng nói bất mãn của một phụ nữ trước sự ngu dại của người chồng khi anh ta thắc mắc vì sao không ai coi trọng anh, dù anh thường đóng vai quan lớn. Ảo tưởng của anh phường chèo ngay lập tức bị dập tắt bởi câu mắng phũ phàng của vợ “Tuổi đã già sao dại như ri/Đêm hôm ai chẳng biết chi/Người như biết đến thiếp thì hổ thay”, để sau đó, cô từng bước phân tích thực tế “Đời có hai điều này nên sợ/Sống chết người đều ở trong tay”, liên hệ bản thân “Thế mà chàng vẫn chẳng hay/ Còn ai sợ đến phường này nữa chăng/Vả chàng vẫn lăng nhăng túng kiết/Cuộc sinh nhai chèo hát qua thì”, rồi kết luận bằng một nhận định không thể tỉnh táo hơn “Vua chèo còn chẳng ra gì/Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”, đủ để người chồng nông cạn ý thức rõ ràng về thân phận thực sự của họ: không tiền, không quyền, chỉ là những kẻ diễn trò mua vui qua ngày cho người đời. Nếu so sánh cách hành xử và diễn ngôn của người vợ này với những yêu cầu được đặt ra cho phụ nữ thời trung đại, không khó để nhận thấy sự vi phạm những tiêu chuẩn về “nữ ngôn”[i]. Những quy định về lời ăn tiếng nói và hành xử của người phụ nữ trong quan hệ vợ - chồng trong các sách nữ huấn cũng như các văn bản luậtđều thể hiện nỗ lực của nhà nước và các trí thức Nho học trong việc duy trì sự thuận hòa trong gia đình, nơi người đàn ông, người chồng, người cha luôn giữ vị trí bề trên, chủ động, là người đưa ra những phán quyết cuối cùng; còn phụ nữ, người vợ, người mẹ luôn ở vị trí bề dưới, phụ thuộc, người tuân thủ thực hiện các phán quyết. Mặc dù người vợ anh phường chèo chưa sai phạm nghiêm trọng đến mức phải bị xử phạt theo pháp luật, nhưng rõ ràng mối quan hệ phu phụ của họ trái ngược hoàn toàn trật tự tôn ti của Nho giáo. Việc một nhà nho như Nguyễn Khuyến tập trung khắc họa hình ảnh một người phụ nữ khôn ngoan, sắc sảo, hiểu biết hơn chồng hàm ý cho thấy sự xuống cấp và mất giá của nam tính lúc bấy giờ. Anh phường chèo ảo tưởng và nông cạn trong Ưu phụ từ chỉ là một trong nhiều chân dung nam giới xộc xệch, không toàn vẹn của Nguyễn Khuyến. Trong khi những nam nhân được ông cảm phục, ngưỡng mộ như Trần Hưng Đạo, Tô Hiến Thành, Nhạc Phi… đều là người thiên cổ, các nam tử đương thời hiện lên trong thơ ông, đặc biệt là những tác phẩm làm sau khi ông từ quan về quê, không còn mang vẻ đẹp nam tính lý tưởng như các mẫu hình chinh phu, anh hùng thời loạn hay tài tử phong lưu trong văn học trước đó nữa. Gần như không thể tìm thấy trong sáng tác của Nguyễn Khuyến hình ảnh bậc đại trượng phu đứng trong trời đất, ôm ấp những hoài bão, khát vọng lớn và quyết tâm kiến tạo cho mình một sự nghiệp riêng để lưu danh thiên cổ. Trái lại, đó là những người đàn ông rất bình thường với các thói hư tật xấu như ngủ gật, nghiện rượu (Chế học trò ngủ gật), keo kiệt (Hỏi thăm quan tuần mất cướp), cửa quyền, hạch sách (Tặng Đốc học Hà Nam), tham lam (Hội Tây). Không chỉ thể hiện thái độ coi thường những người đỗ đạt cao, có chức quyền trong xã hội (Gửi Đốc học Hà Nam, Mừng ông nghè mới đỗ, Tiến sĩ giấy), ngay với bản thân mình, Nguyễn Khuyến cũng tự họa bằng những đường nét méo mó (Tự thán, Tự trào). Thảng hoặc trong một đôi bài, ông thể hiện niềm ưu ái với ông phỗng đá, anh giả điếc, nhưng rốt cuộc, đó chỉ là những người đàn ông bất lực trước thời thế, không biết làm gì để xoay chuyển vận mệnh dân tộc, chỉ có thể minh triết bảo thân, phó mặc cho thế hệ sau (Anh giả điếc,Ông phỗng đá). Chua chát về sự vô dụng của bản thân khi không thể đóng góp thiết thực trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược, Nguyễn Khuyến càng ngao ngán khi chứng kiến những nam nhân khác hoặc bất lực như mình, hoặc không ý thức được nỗi nhục của người dân mất nước, hoặc tệ hơn, tranh thủ kiếm chác trong thời buổi nhập nhằng giữa các giá trị. Nỗi thất vọng về nam tính Việt có lúc được nhà thơ phát biểu trực tiếp, thẳng thắn: “Nghĩ càng thêm ngán trai thời loạn” (Lấy Tây), có lúc bộc lộ qua việc khắc họa hình ảnh phụ nữ như một nền tảng để đối sánh với nam giới. Việc tiếng nói của đàn ông bị lấn át, chìm khuất sau tiếng nói của phụ nữ trong bài thơ Ưu phụ từ là một thủ pháp của người viết nhằm làm nổi bật sự yếu kém của người đàn ông. Thủ pháp này cũng được Nguyễn Khuyến sử dụng trong nhiều bài thơ khác, chẳng hạn Lấy Tây: Dù sử dụng cách nói ngược để bóng gió mỉa mai việc cô gái Việt lấy chồng Tây “Cái gái đời này gái mới ngoan, Quyết lòng ẩu chiến với Tây quan”, song chính tác giả cũng phải thừa nhận cô gái ấy vẫn còn hơn các anh trai thời loạn. Trong một tác phẩm khác, Dữ bản huyện doãn Nguyễn, nguyên doãn Trần đồng ẩm, tức tịch thư tiễn (hay Tiễn người quen), Nguyễn Khuyến lại đặt bản thân mình và người bạn cố tri trong thế đối sánh với cô đào hát họ từng gặp 15 năm trước. Dẫu rằng sau 15 năm, thanh sắc cô đào chẳng còn được như xưa, nhưng tác giả tự nhủ điều đó cũng chẳng nên trách cứ, bởi suy cho cùng, “lũ ta cũng chẳng ra gì” vì họ chẳng làm tiếp được tập thơ Kiếm Nam chất chứa lòng căm thù quân xâm lược của Lục Du - nhà thơ yêu nước đời Tống. Và Mẹ Mốc - bài thơ được cho là do Nguyễn Khuyến sáng tác khi nghe chuyện một người đàn bà điên ở Nam Định thường ăn mặc rách rưới đi ngoài phố - cũng có thể được xem như một cách treo gương cảnh tỉnh những nam nhân thời loạn, khi mà đến một người phụ nữ bình thường còn biết giữ gìn tiết sạch giá trong giữa dòng đời xô bồ.
Sự khủng hoảng niềm tin với bộ máy chính quyền
Ưu phụ từ không phải là trường hợp duy nhất có tác giả nam giới viết bằng giọng của một nhân vật nữ hư cấu nào đó. Trước Nguyễn Khuyến, đã có không ít nhà nho Việt Nam giả giọng nữ giới để sáng tác, tiêu biểu như Đặng Trần Côn và Nguyễn Gia Thiều với hai khúc ngâm nổi tiếng Chinh phụ ngâm khúc và Cung oán ngâm khúc; bên cạnh đó, những bài thơ Nôm vẫn được truyền tụng là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng được chứng minh là sản phẩm của các tác giả nam. Nhân vật chính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và hai khúc ngâm nói trên đều là những phụ nữ có vẻ đẹp nữ tính hấp dẫn và luôn sầu muộn vì thiếu thốn tình cảm từ lang quân. Tiếp thu các mô típ, quy ước quen thuộc trong thơ khuê oán, cung oán của văn học Trung Quốc, nhà nho Việt Nam đã khắc họa thành công hình ảnh những khuê phụ ủy mị, yếu mềm, ở vị trí lệ thuộc vào tình lang, coi đó là lẽ sống của cuộc đời họ để rồi đau khổ khi bị bỏ rơi trong khuê phòng lạnh lẽo, không biết làm gì ngoài việc hồi tưởng lại quá khứ đầm ấm vui vẻ, lo sợ nhan sắc tàn phai và nguyện cầu ý trung nhân quay trở về. Tuy nhiên, người vợ trong Ưu phụ từ không có bất cứ điểm chung nào với những nhân vật nữ nói trên. Nếu người chinh phụ, cung nữ đều thuộc tầng lớp nhàn hạ trong xã hội - điều hoàn toàn có thể xác định được qua dáng điệu, trang phục, vật dụng, không gian sống của họ, thì người vợ anh phường chèo dường như nằm ở thang bậc thấp nhất trong xã hội: không có nơi ở cố định “Xóm bên đông có phường chèo trọ”, nghèo khổ “túng kiết”, “Cuộc sinh nhai chèo hát qua thì”, không được coi trọng “Còn ai sợ đến phường này nữa chăng?”. Cô không phải là người đàn bà bị bỏ rơi, không u sầu vì thiếu chồng ở bên, cho nên, diễn ngôn của cô không chất chứa nỗi buồn thương, trách móc thường thấy trong các bài thơ cung oán, khuê oán. Người vợ ấy đề cập đến vấn đề thời sự hơn, vĩ mô hơn những cảm xúc thường tình của phụ nữ chốn buồng khuê: sự hữu danh vô thực của triều đình đương thời. Bộ máy vô quyền đó được ví như một phường chèo trong phát ngôn của một phụ nữ bình dân - người mang trên mình cả chuẩn mực về giới tính (là phụ nữ thì chỉ nên quan tâm đến những chuyện trong gia đình, không nên đa ngôn, không lạm bàn chính sự[ii]) lẫn định kiến của xã hội (thuộc tầng lớp dưới nên ít học, ít hiểu biết). Đằng sau việc mượn giọng nữ giới để châm biếm trong bài thơ này, bởi vậy, là những vấn đề phức tạp liên quan đến văn hóa và chính trị. Trong khi xã hội nam quyền mặc định rằng “nam ngoại nữ nội” (đàn ông gánh vác những việc bên ngoài, đàn bà lo liệu công việc trong gia đình) và yêu cầu phụ nữ “chẳng nên bàn việc triều đình”, việc ngay cả một phụ nữ bình dân ít học cũng nhận thấy sự bất lực, vô dụng của bộ máy chính quyền lúc bấy giờ mang ý nghĩa đả kích không nhỏ. Ưu phụ từ, vì thế, phản ánh cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng của người dân Đại Nam đối với triều đình nhà Nguyễn.
Nhìn từ phương diện quyền lực, hiện tượng giả giọng nữ giới trong bài thơ này có thể được xem như một chiến lược viết để nhà thơ giữ được khoảng cách thẩm mĩ với tác phẩm của mình. Sử dụng giọng nữ như một phương thức nghệ thuật để châm biếm, thủ pháp của Nguyễn Khuyến phản ánh mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa ông và đối tượng bị châm biếm. Dù bất mãn và ý thức được bộ máy nhà nước đương thời chẳng có thực quyền, nhưng ông vẫn trung thành với những motip quen thuộc khi cần bao biếm trong văn học nhà nho mười thế kỷ như rào đón, hàm ngôn, dùng uyển ngữ, giả giọng… thay vì trực tiếp bộc lộ suy nghĩ của mình. Ngay cả khi đối tượng bị châm biếm ở đây là Hoàng Cao Khải[iii], thì chính lời chú thích cho bài thơ này trong các tuyển tập và những giai thoại liên quan đến Nguyễn Khuyến và Hoàng Cao Khải cũng cho thấy cụ Tam nguyên dù “không bằng lòng” nhưng vẫn phải tỏ ra “bằng mặt” và hợp tác với Hoàng Cao Khải. Trong mối quan hệ đó, dù được đánh giá cao hơn về nhân cách và học thức, Nguyễn Khuyến vẫn là kẻ yếu hơn về quyền lực.
Để một phụ nữ bình dân cất tiếng nói châm biếm chính quyền hữu danh vô thực đương thời, Nguyễn Khuyến đồng thời ám chỉ sự yếu kém, bạc nhược của các bậc tu mi nam tử Đại Nam vì không giúp ích được gì khi nước nhà đang gặp nạn ngoại xâm. Dù kế thừa phương thức mượn giọng nữ giới của văn nhân trước đó, Nguyễn Khuyến vẫn có những sáng tạo riêng trong việc cấu trúc tác phẩm (một cuộc trò chuyện có sự tham gia của cả nam và nữ), xây dựng nhân vật (phụ nữ bình dân) và nội dung diễn ngôn (đề cập đến vấn đề thời sự thay vì tâm sự cá nhân). Ưu phụ từ cũng nằm trong số ít tác phẩm được chính Nguyễn Khuyến dịch từ nguyên tác chữ Hán sang chữ Nôm. Việc chuyển ngữ này có lẽ không phải sự khoe chữ nghĩa đơn thuần của một bậc đại khoa, mà phiên bản tiếng dân tộc dường như giúp cho tác phẩm tiếp cận với đông đảo quần chúng bình dân hơn. Những chiến lược viết - dịch ấy không chỉ gia tăng hiệu quả trào phúng của Ưu phụ từ, mà còn góp phần định vị Nguyễn Khuyến như một cây bút độc đáo, tài năng của nền văn học dân tộc.
[i]Chẳng hạn, các văn bản gia huấn Nôm không chỉ yêu cầu “lời ăn tiếng nói của người phụ nữ phải thật nhu hòa, không giảo ngôn, không to tiếng”, mà còn “khuyên phụ nữ rằng việc lấy chồng là do số trời đã định sẵn trên Thiên tào: lấy chồng thì phải theo chồng dù giàu nghèo thế nào cũng phải cam chịu. Trong cuộc sống vợ chồng thì cái quý nhất là phải giữ lấy chữ nhẫn. Giữ được chữ nhẫn là giữ được hạnh phúc gia đình, giữ được nết hạnh cao quý của người phụ nữ” (Xem Lã Minh Hằng, Bàn về công dung ngôn hạnh trong các sách gia huấn Nôm, http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=678&Catid=6, cập nhật ngày 23/8/2007). Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định riêng để xử phạt những phụ nữ mắc các sai phạm về lời ăn tiếng nói (Xem “Hộ hôn”, Hồng Đức thiện chính thư; “Hình luật”, Hoàng Việt luật lệ…).
[ii]“Chẳng nên bàn việc triều đình, Chẳng nên đại ngữ cao thanh lăng loàn, Việc người chớ nói chớ bàn, Chỗ ngồi chưa đặt đã toan đặt lời” (Giáo huấn diễn ca).
[iii]Phần chú thích cho bài thơ này ở các tuyển tập nêu rõ:
“Tương truyền rằng tác giả làm bài này khi ông làm gia sư cho Hoàng Cao Khải và có dụng ý ngầm đả kích tên này. Lưu ý những tiếng ‘chèo trọ’, ‘như ri’ có ý nhại tiếng nói họ Hoàng người Nghệ Tĩnh” (Nguyễn Khuyến tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền sưu tầm - biên dịch - giới thiệu, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1984, tr.183).
“Tương truyền, lúc làm gia sư ở nhà Hoàng Cao Khải, Nguyễn Khuyến mắt thấy những kẻ ‘quyền môn’ qua lại cũng giống như các vai vua, quan trong phường chèo. Do đó, nhà thơ tức cảnh làm bài thơ này để chế giễu” (Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ, Nxb Giáo dục, H., 1994, tr.521).
Đĩ cầu Nôm |
Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ?
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích.
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không.
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng.
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng.
Chém cha cái kiếp đào hồng,
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số.
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích.
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc
Khá khen thay làm đĩ có tông
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không.
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng.
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng.
Chém cha cái kiếp đào hồng,
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số.
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con đĩ cầu Nôm.
Cầu Nôm thuộc làng Đại Đồng ở Hải Hưng. Ở đây có nghề đúc nồi đồng bán khắp nơi và mua nồi hỏng về đúc lại. Ca dao có câu “Nồi nát lại về Cầu Nôm, Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Nguyễn Khuyến dùng Cầu Nôm với ý là làm đĩ khắp nơi rồi lại về quê quán.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen