Freitag, 22. November 2019

CƯƠNG VỰC LÃNH THỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

CƯƠNG VỰC LÃNH THỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

25TH5
Trước đây vài năm tôi có viết bài về “Tóm lược lịch sử Việt Nam qua các thời đại” và nhận được những phản hồi tích cực. Để giúp đọc giả hiểu rõ hơn về lịch sử dựng nước hào hùng của dân tộc, nay tôi mạn phép viết bài “CƯƠNG VỰC LÃNH THỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ” như là một phần tham khảo.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-2
Khoảng thế kỷ 7 TCN. Nước Văn Lang do các vua Hùng trị vì, đóng đô ở Phong Châu. Nước Nam Cương do Thục Chế-Thục Phán trị vì có vương phủ là Thành Bản Phủ. Đến khoảng thế kỷ 3 TCN. Thục Phán cùng vua Hùng thứ 18 hợp lực đánh bại quân đội xâm lược của nhà Tần. Vua Hùng đã nhường ngôi cho Thục Phán, sát nhập lãnh thổ hai nước lấy tên là Âu Lạc. Thục Phán lên ngôi vua lấy hiệu là An Dương Vương, lập nên nhà Thục, đóng đô ở Cổ Loa.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-3
Thời Bắc thuộc lần I (208 TCN – 39). Nhà Triệu (208 TCN – 111 TCN) : Triệu Đà là quan uý quận Nam Hải (nay là Quảng Đông) nhân lúc nhà Tần suy yếu đã cát cứ quận Nam Hải sau đó đem quân đi thôn tính các lãnh thổ của Âu Lạc, Mân Việt và quận Quế Lâm thành lập nhà Triệu, đặt tên nước là Nam Việt, kinh đô là Phiên Ngưng, xưng ngang hàng với nhà Hán bên Trung Quốc.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-4
Thời Bắc thuộc lần I (208 TCN – 39). Thuộc Hán (111 TCN – 39) : năm 111TCN, Hán Vũ Đế đã điều hơn 10 vạn quân đi thôn tính nước Nam Việt và sát nhập vào lãnh thổ của nhà Hán. Nhà Hán đã chia Nam Việt thành 9 quận bao gồm Đạm Nhĩ, Chu Nhai (đảo Hải Nam, Trung Quốc ngày nay), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô(đều thuộc Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay), Giao Chỉ (Bắc Bộ, Việt Nam ngày nay), Cửu Chân (Thanh Hóa-Nghệ Tĩnh, Việt Nam ngày nay), Nhật Nam (Quãng Bình-Quãng Nam, Việt Nam ngày nay).
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-5
Trưng Nữ Vương (40 – 43). Trong vòng 3 năm dưới sự lãnh đạo của 2 bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, quân ta đã đánh chiếm được 65 thành trì ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Sau đó nhà Hán đã sai tướng Mã Viện sang đàn áp cuộc khởi nghĩa và nước ta lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần II (43 – 543).
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-6
Nhà Tiền Lý (544-602) Năm 542 Lý Bí khởi nghĩa đánh bại nhà Lương. Mùa xuân 544, Lý Bí xưng đế tức Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm 602, vua Tùy đem quân đánh nước ta. Nước ta lại rơi vào Thời kỳ Bắc thuộc lần III (602 – 905). Mai Hắc Đế (713-722) : Năm 713, Mai Thúc Loan lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa ở Hoan Châu chống lại ách đô hộ nhà Đường và giành được thắng lợi. Ông lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế. Năm 722, nhà Đường sai 10 vạn quân sang đánh. Nước ta lai rơi vào tay nhà Đường. Trong thời kỳ này có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, tiêu biểu : khởi nghĩa Phùng Hưng (766-791), khởi nghĩa Dương Thanh(819-820).
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-7
Khúc Thừa Dụ (905-907) : năm 905 Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành chính quyền, tự xưng là Tiết Độ Sứ mở ra Thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta. Khúc Hạo (907-917) : năm 907 Khúc Thừa Dụ qua đời, con là Khúc Hạo lên thay. Khúc Thừa Mỹ (917-930) : năm 917 Khúc Thừa Mỹ là con của Khúc Hạo lên thay cha giữ chức Tiết Độ Sứ. Vào thời gian này, chính quyền phương Bắc đang rất hỗn loạn hình thành nên cục diện Ngũ Đại Thập Quốc. Năm 930 quân Nam Hám đem quân sang đánh nước ta, Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi sức địch, bị bắt và giải về Phiên Ngưng.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-8
Năm 930 Dương Đình Nghệ, là tướng cũ của của Khúc Hạo, đã đánh chiếm Giao Châu
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-9
Năm 931 Dương Đình Nghệ đã đánh tan quân tiếp viện của Nam Hán giành lại chính quyền. Sau khi dẹp xong giặc, ông tự xưng Tiết Độ Sứ tiếp tục xây dựng nền tự chủ của nước ta.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-10
Năm 938 Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chính quyền. Con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền khởi binh trừng phạt. Kiều Công Tiễn bỏ chạy sang cầu cứu với Nam Hán
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-11
Năm 938, Nam Hán kéo quân sang nước ta. Lúc này, Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn và bố trí trận địa chờ sẵn. Khi quân Nam Hán đến cửa sông Bạch Đằng đã bị quân ta đánh cho tan tác phải tháo chạy về nước. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lập ra nhà Ngô.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-12
Năm 944 Ngô Quyền mất ủy thác con trưởng là Ngô Xương Ngập cho em vợ là Dương Tam Kha. Kha cướp ngôi Ngập và xưng là Dương Bình Vương. Các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng, thậm chí xưng vương và đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Lúc bấy giờ đất nước hình thành 12 sứ quân, sử gọi là “Loạn 12 sứ quân” hay còn gọi là “Thập nhị sứ quân tranh trưởng”
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-13
Sau khi Trần Lãm – một sứ quân cát cứ vùng đất Thái Bình – Nam Định mất, Đinh Bộ Lĩnh lên nắm binh quyền, chuyển về Hoa Lư đánh dẹp các sứ quân khác như Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu,Kiều Công Hãn, Nguyễn Thủ Tiệp,…
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-14
Cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẫn quân lên vùng Tam Đái, Nguyễn Khoan chống không nổi, tử trận. Cuối cùng khi lực lượng đủ mạnh ông không tiêu diệt mà hàng phục Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (Hà Nội), Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (Thanh Hóa) vốn là những hậu duệ nhà Ngô để lấy lòng thiên hạ
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-15
Chỉ trong vài năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh bãi11 sứ quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương. Cuối năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư. Vì đây là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta nên sử thường gọi là Đinh Tiên Hoàng đế, hay Đinh Tiên Hoàng.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-16
Năm 980, nhà Tống đem quân xâm lược Đại Cồ Việt. Lúc bấy giờ Đinh Toàn – tức Đinh Phế Đế chỉ mới được 6 tuổi, nên quần thần tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, tức Đại Hành Hoàng Đế hay Lê Đại Hành, mở ra triều Tiền Lê (980 – 1009)
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-17
Nhà Lý (1009 – 1225). Năm 1009 Lê Long Đĩnh chết, dưới sự hậu thuẫn của quan Chi hậu là Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh, quần thần đã tôn quan Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, tức Lý Thái Tổ. Ông cho dời đô về Thăng Long và đặt niên hiệu là Thuận Thiên, mở ra triều đại nhà Lý.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-18
Năm 1014, tướng của Đại Lý là Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân Vân Nam vào cướp vùng đất thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Vua Lý Thái Tổ sai con trai là Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, “chém đầu hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết”. Nhân đó Vua Lý Thái Tổ sáp nhập thêm 3 châu của Đại Lý mà ngày nay vùng đất đó phần lớn thuộc Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái vào đất Đại Việt. Sau đó, vua Lý tiếp tục sáp nhập vùng đất của tộc người Thái vào lãnh thổ, đó là vùng đất thuộc tỉnh Sơn La ngày nay.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-19
Năm 1041, Nùng Trí Cao lấy châu Thảng Do (gần châu Quảng Nguyên) lập ra nước Đại Lịch. Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về Thăng Long. Nhưng vua thương tình không giết lại phong cho làm Quảng Nguyên mục, sau đó lại gia phong cho tước Thái bảo. Năm 1048, Trí Cao lại làm phản, chiếm giữ động Vật Ác (phía tây Cao Bằng). Lý Thái Tông sai Quách Thịnh Dật đi đánh, Trí Cao lại đầu hàng.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-20
Tháng 2 âm lịch năm 1069, Lý Thánh Tông quyết định mở chiến dịch đánh Chiêm. Ông thân chinh cầm quân tấn công, đánh tan quân Chiêm Thành và bắt được Chế Củ. Chế Củ xin dâng 3 châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý (vùng từ dãy Hoành Sơn đến dãy Bạch Mã tương ứng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay)để chuộc tội nên ông được tha về
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-21
Năm 1158, Lý Anh Tông chính thức nắm lại mọi quyền vị, dựa vào Tô Hiến Thành và những hiền thần khác như Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín để tiến hành thân chính. Tiếp nối gương của Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Tô Hiến Thành đã cùng vua Lý Anh Tông đi dẹp loạn các nơi, mở mang bờ cõi thêm về phía Tây bắc. Chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành. Làm cho vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh với các nước lân bang và với nhà Tống. Buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-22
Năm 1207, Đoàn Thượng nổi dậy chiếm cứ Hồng Châu. Năm 1220, Nguyễn Nộn cầm quân chiếm cứ Bắc Giang. Năm 1225, nhà Trần thay nhà Lý. Bấy giờ Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, Trần Thủ Độ bèn phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn. Tháng 12 năm 1228, Nguyễn Nộn đánh bại giết chết Đoàn Thượng. Nhân đó ông gộp cả quân của Thượng, thanh thế của Nguyễn Nộn rất lừng lẫy. Tháng 3 năm 1229, Nguyễn Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương và bị ốm chết không lâu sau đó. Lực lượng của ông nhanh chóng tan rã. Cả nước thống nhất về tay nhà Trần.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-23
Tháng 6 âm lịch năm 1306, Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt làm hồi môn. Trần Anh Tông đã đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hóa. Dân Chiêm ở hai châu này không chịu phục tùng, nên Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài đến thu phục nhân tâm, duy trì được ổn định tại vùng đất địa đầu phía Nam.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-24
Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được một năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã có những sự thay đổi về hành chính, kinh tế, quân sự và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-25
Tháng 12 năm 1400, nhà Hồ phát 15 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng 7 năm 1402, Hồ Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành lần 2, chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen, sản vật và đất Chiêm Động (nam Quãng Nam) để xin rút quân. Bồ Điền tới, Quý Ly ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy(bắc Quãng Ngãi), rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-26
Năm 1406 nhà Minh lấy cớ “phò Trần diệt Hồ” đã đem quân sang đánh nước Đại Ngu. Nhà Minh huy động 80 vạn quân, chia làm 2 đường tấn công. Cha con Hồ Quý Ly chống cự không nổi bèn rút về Thanh Hóa và bị bắt vào tháng 6 năm 1407, nhà Hồ chấm dứt từ đây. Nhà Minh đặt ách đô hộ lên nước Việt, họ tự đặt nước Việt trở thành một tỉnh của Trung Quốc bắt đầu Thời kỳ Bắc Thuộc lần IV (1407 – 1428). Đại Ngu còn mất đi lãnh thổ mà họ chiếm được của Chiêm Thành trước đó khi Chiêm Thành nhân cơ hội đã đưa quân chiếm lại.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-27
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Lý… tất cả 50 tướng văn và tướng võ chính thức phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn (trong đó 19 người đã từng tham gia hội thề Lũng Nhai, năm 1416), xưng là Bình Định Vương, kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh quân xâm lược nhà Minh cứu nước. Địa danh Lam Sơn nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-28
Năm 1425, Lê Lợi đem quân ra đánh Tây Đô, quân Minh ra đánh lại bị thua phải rút vào cố thủ trong thành. Lê Lợi một mặt siết vòng vây quanh thành Nghệ An và Tây Đô, mặt khác sai Trần Nguyên Hãn, Doãn Nỗ, Lê Đa Bồ đem quân vào nam đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa. Như vậy đến cuối năm 1425, Lê Lợi làm chủ toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào, các thành địch đều bị bao vây
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-29
Năm 1427, Lê Lợi đã lãnh đạo quân đội đánh tan 15 vạn quân cứu viện và chém chết Liễu Thăng. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, tức Lê Thái Tổ, chính thức khôi phục nước Đại Việt, dựng lên nhà Hậu Lê. Ông bắt tay vào việc thiết lập chính quyền trung ương và địa phương, chấn hưng kinh tế, giáo dục, đặt ra luật pháp, lễ nhạc,… mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước Việt.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-30
Tháng 8 năm 1470, quốc vương Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Viên tướng giữ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển đánh nhau với quân Chiêm, không địch nổi, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về kinh đô. Cuối năm 1470, Lê Thánh Tông quyết định đem 26 vạn quân chinh phạt Chiêm Thành. Trước khí thế như vũ bão của quân Đại Việt, quân Chiêm Thành không chống cự nổi. Vua Chiêm Thành là Trà Toàn bị bắt. Lê Thánh Tông có ý muốn làm cho Chiêm Thành yếu đi, mới chia đất Chiêm ra làm 3 nước, phong 3 vua: 1 nước gọi Chiêm Thành, 1 nước nữa là Hóa Anh và 1 nước nữa là Nam Phan. Lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân tới bắc Phú Yên ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt, lập thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Lê Thánh Tông thực hiện chính sách bình định và Việt hóa dân chúng người Chiêm Thành
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-31
Năm 1478, tù trưởng Bồn Man là Cầm Công làm phản, ngầm xin sự trợ giúp của vương quốc Lan Xang. Lan Xang điều binh quấy nhiễu châu Quy Hợp của Đại Việt. Cùng năm 1478, vào tháng 7 Lê Thánh Tông quyết định xuống chiếu đánh dẹp mặt trận phía Tây, phát động 18 vạn quân, chia làm 5 đường tiến vào Lan Xang và Bồn Man Quân Đại Việt thế mạnh hơn đã tiến sâu vào Luang Prabang, lấy đây làm bàn đạp để tiến sang phía Tây tiếp tục truy kích quân Lan Xang tới sông Kim Sa giáp với Miến Điện. Quân Đại Việt toàn thắng, Lê Thánh Tông đại giá trở về. Đầu năm 1479, nhà vua về tới Đông Kinh, rồi sai Lê Niệm dẫn 30 vạn quân đánh Bồn Man. Quân đội Đại Việt vượt qua được cửa ải, đốt phá các thành trì kháng cự, thiêu hủy kho tàng. Thủ lĩnh của Bồn Man là Cầm Công bỏ chạy rồi chết. Vua Lê bèn cho Cầm Đông (họ hàng của Cầm Công) làm Tuyên úy đại sứ để thu phục, đặt lại quan cai trị như trước. Từ đây Bồn Man hoàn toàn thuộc về Đại Việt.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-32
Năm 1527, thái phó Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, bắt đầu chiêu mộ nhân tài. Lúc này, Vũ Văn Uyên là chủ cả một vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang ngày nay vẫn giữ vững miền Tuyên Quang, cát cứ một phương, không chịu thần phục nhà Mạc. Uyên là người khai quốc cho sự nghiệp của các Chúa Vũ (Chúa Bầu) cát cứ 172 năm, ông đóng góp rất nhiều công sức chống Mạc
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-33
Năm 1533 cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim không phục nhà Mạc nên đã vào Thanh Hóa thành lập lực lượng rồi đón Lê Duy Ninh về lập làm hoàng đế, tức Lê Trang Tông, phục hưng nhà Lê. Vua Trang Tông còn được dân gian gọi là chúa Chổm.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-34
Năm 1539, Trang Tông dùng con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm làm Dực quốc công, cùng Trịnh Công Năng và Lại Thế Vinh cùng đánh họ Mạc. Quân Lê đánh bại quân Mạc ở Lôi Dương. Khoảng đầu năm 1940, quân Lê chiếm lại hai vùng Thanh Hóa và Nghệ An làm căn cứ chống lại nhà Mạc, mở ra giai đoạn Nam – Bắc triều.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-35
Năm 1545, Nguyễn Kim bị tướng cũ của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất hạ độc giết chết. Trước khi chết, Nguyễn Kim giao lại toàn bộ binh mã cho Trịnh Kiểm. Toàn bộ binh quyền của nhà Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm. Năm 1554, Trịnh Kiểm dời hành dinh của vua Lê đến Biện Thượng và xuất quân bình định đất Hóa châu ở phía Nam, tức hai xứ Thuận, Quảng. Thái sư Trịnh Kiểm thu thập các hào mục, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-36
Năm 1558, em vợ của Trịnh Kiểm là Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể sát hại nên đã xin vào Nam trấn thủ Thuận Hóa (từ Quãng Trị đến Thừa Thiên-Huế ngày nay). Năm 1569, vua Lê Anh Tông gia phong cho Kiểm là Thượng tướng Thái Quốc Công và tôn là Thượng phụ. Đến đây quyền lực của Trịnh Kiểm bao trùm của triều đình. Cũng trong năm này, Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa yết kiến Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp Nam triều đánh nhà Mạc, rồi đến phủ Thái sư lạy mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hài lòng, phong cho ông trấn thủ luôn đất Quảng Nam, thay cho Quận Công Nguyễn Bá Quý‎nh. Vậy là Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-37
Tháng 11 năm 1592, quân Lê-Trịnh tiến đánh Thăng Long, quân Mạc thua chạy về Kim Thành (Hải Dương). Năm 1593 quân Lê – Trịnh đã bắt và giết được Mạc Toàn kết thúc thời kỳ Nam – Bắc triều mở ra thời kỳ phân liệt khác là Đàng Ngoài (do vua Lê chúa Trịnh cai quản) – Đàng Trong(do chúa Nguyễn cai quản). Cùng lúc đó, chúa Bầu Vũ Đức Cung ở Tuyên Quang lại không theo nhà Lê như thời Nam-Bắc triều nữa mà từ năm 1594 quay sang liên kết với họ Mạc để chống triều đình Lê Trịnh. Ở Đàng Trong, vào năm 1611, do quân Chăm Pa tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Nguyễn Hoàng đã sai Văn Phong đi dẹp, quân Chăm Pa nhanh chóng bị đánh bại trước lực lượng của chúa Nguyễn. Vua Po Nit của Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng, Văn Phong làm lưu thủ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-38
Một số tàn dư nhà Mạc rút lên Cao Bằng vẫn chống đối với triều Lê – Trịnh cho đến khi bị tiêu diệt hết vào năm 1677. Ở Đàng Trong, năm 1653, vua Chiêm là Bà Tranh xâm phạm biên cảnh, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sai người đánh dẹp, người Chiêm đầu hàng. Nhân đó lấy đất từ Phú Yên vào đến sông Phan Rang đặt làm 2 phủ Thái Khang, Diên Ninh và gồm 5 huyện: Quảng Phước, Tân Định (thuộc phủ Thái Khang), Phước Điền, Vinh Xương và Hoa Châu (thuộc phủ Diên Ninh). Vùng đất này là tỉnh Khánh Hòa ngày nay.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-39
Năm Mậu Tuất (1658), chúa Nguyễn Phúc Tần sai Phó tướng Yến Vũ hầu – Nguyễn Phước Yến đem 2000 quân, đi tuần đến thành Mỗi Xoài nước Cao Miên, đánh phá được, bắt vua nước ấy là Nặc Ông Chân, đóng gông đem đến hành tại ở dinh Quảng Bình. Vua dụ tha tội. Khi ấy địa đầu trấn Gia Định là hai xứ Mỗi Xoài, Đồng Nai đã có dân lưu tán của nước ta cùng ở lẫn với người Cao Miên, để khai khẩn đất.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-40
Năm 1677, quân Lê Trịnh đã tiêu diệt được tàn dư cuối cùng của nhà Mạc, lấy lại đất Cao Bằng. Ở Đàng Trong, vào năm 1679, vì không theo nhà Thanh, các tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình đã đem hơn 3.000 quân cùng 50 chiếc thuyền từ Quảng Đông (Trung Quốc) vào hai cửa biển là Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng xin qui phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần bèn cho họ vào ở xứ Đồng Nai (nhóm Trần Thượng Xuyên) và xứ Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch). Từ đó, họ vỡ đất phá hoang, cày ruộng, dựng nhà và phố chợ, buôn bán giao thông với người Trung Quốc, Tây Dương, Nhật Bản, Đồ Bàn…khiến phong tục văn minh dần dần phổ biến
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-41
Năm 1692, vua Chăm tên Bà Tranh đã tấn công vào phủ Diên Ninh và dinh Bình Khang tức vùng Diên Khánh ngày nay. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh đánh đuổi. Quân Chiêm và Việt đã giao tranh ác liệt tại Sông Lũy, quân Chiêm Thành bại trân, vua Chiêm và hoàng gia bị bắt. Năm 1693, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thành lập khu tự trị Thuận Thành Trấn tại vùng đất của Chiêm Thành, chúa Chăm được gọi là Trấn Vương, là thần hạ của chúa Nguyễn
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-42
Năm 1699, Vũ Công Tuấn bị triều đình nhà Lê – Trịnh bắt và giết. Triều đình đặt chức Lưu thủ ở Tuyên Quang, từ đó dòng dõi “Chúa Bầu” chấm dứt. Ở Đàng Trong, năm 1697, Chúa Nguyễn lấy một phần đất chiếm được của Chiêm Thành trong trận chiến 1692 lập thành Bình Thuận phủ. Năm 1708, Mạc Cửu đầu phục Chúa Nguyễn Phúc Chu và dâng toàn bộ đất đai mà ông khẩn hoang lập ấp cho Chúa Nguyễn, đó là vùng đất thuộc Kiên Giang, Cà Mau ngày nay. Mạc Cửu được phong chức Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước Cửu Ngọc Hầu. Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ 17, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-43
Năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu tiến chiếm và sáp nhập vùng đất ngày nay là Vĩnh Long, Bến Tre.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-44
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ khai phá và đưa thêm vào lãnh thổ Đàng Trong các vùng đất thuộc Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu ngày nay.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-45
Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) sau khi bị chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh bại đã dâng vùng đất ngày nay thuộc Long An, Tiền Giang để cầu hòa.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-46
Năm 1757, vua Nặc Nguyên chết, chú là Nặc Nhuận dâng vùng đất ngày nay thuộc Trà Vinh và Sóc Trăng để được chúa Nguyễn Phúc Khoát phong làm vua Chân Lạp. Năm 1758, sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã hỗ trợ Nặc Tôn lên ngôi và bảo vệ Chân Lạp trước sự tấn công của Xiêm La, vua Nặc Tôn đã dâng vùng đất ngày nay là thuộc An Giang, Đồng Tháp cho chúa Nguyễn Các chúa Nguyễn cũng cho sáp nhập các vùng đất do người Việt vào vùng đất Chân Lạp khẩn hoang làm ăn ngày nay thuộc Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-47
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) quyền thần Trương Phúc Loan lấn lướt nhà chúa, gây sự bất mãn trong dân chúng.
Nǎm Tân Mão – 1771, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (còn được gọi là Tây Sơn Tam Kiệt) khởi nghĩa ở Tây Sơn với khẩu hiệu chiến lược: “Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”. Quân Tây Sơn thường lấy của những nhà giàu rồi phân phát cho dân nghèo, do đó được dân chúng các nơi theo về.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-48
Năm 1773, anh em Tây Sơn hạ được thành Quy Nhơn (kinh thành Đồ Bàn cũ của Chiêm Thành). Đến tháng 12 năm 1773, Quân Tây Sơn làm chủ Quảng Ngãi, quân Nguyễn phải rút về. Nguyễn Nhạc sai quân chiếm các phủ Bình Khang, Diên Khánh. Bấy giờ, quân Tây Sơn chiếm một dải đất từ Quảng Ngãi vào Nam cho tới Bình Thuận
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-49
Nhân cơ hội chúa Nguyễn suy yếu, tháng 10 năm 1774, chúa Trịnh Sâm điều 3 vạn quân tiến đánh Đàng Trong. Quân Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Phú Xuân. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phải theo đường biển trốn vào Gia Định. Quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đã đụng độ với quân Tây Sơn cũng đang tiến ra, đang đà thắng lợi, quân Trịnh đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn. Lợi dụng Nguyễn Nhạc thua trận, nhà Nguyễn cho quân từ Bình Khang tiến ra đánh Phú Yên, quân Tây Sơn thua trận phải co về Quy Nhơn. Phần lãnh thổ mà anh em Tây Sơn còn kiểm soát chỉ còn Quy Nhơn và Quảng Ngãi.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-50
Tháng 11-1775, Nguyễn Nhạc điều Nguyễn Huệ từ Phú Yên ra đánh tan quân Nguyễn, lấy lại Quảng Nam. Năm 1776, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Tháng 3-1777, Nguyễn Nhạc lại cử Nguyễn Huệ làm tướng mang thủy quân vào đánh Gia Định. Trong vòng 7 tháng, Nguyễn Huệ đánh thắng và bắt giết được cả hai chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn từ chỗ bị dồn về Quy Nhơn đã chủ động giành lại không những Nam Trung Bộ mà cả Nam Bộ, tiêu diệt chính quyền chúa Nguyễn.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-51
Năm 1786, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đánh ra Bắc, chiếm Phú Xuân. Trên đà thắng thế, Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc đánh Thăng Long để diệt họ Trịnh dù chưa được lệnh của vua anh Nguyễn Nhạc nên gây ra sự bất hòa. Ở phía Nam, hậu duệ của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh sau trận thua ở Rạch Gầm – Xoài Mút, đã lưu vong ở Xiêm 3 năm. Nhân việc bất hòa giữa anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh về nước, tập hợp lực lượng vào tháng 8 năm 1787 tiến đánh Gia Định. Thế quân Nguyễn Ánh càng đánh càng mạnh khiến Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Tháng 8 năm 1788 Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định. Cuối năm 1788, vua Thanh đương thời là Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 29 vạn quân, với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long. Nghe tin, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, đem quân thần tốc ra bắc đánh tan quân Thanh chiếm lại Thăng Long trong vòng 6 ngày.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-52
Sau khi chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung đang chuẩn bị phối hợp với vua anh đem quân vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Tháng 4 âm lịch năm 1793, Nguyễn Ánh đem đại quân tiến đánh Tây Sơn, lần lượt chiếm được Phan Rang, Nha Trang, Diên Khánh, Phú Yên rồi tranh thủ đánh Thị Nại, tới tận thành Quy Nhơn. Năm 1799, Nguyễn Ánh lại tự cầm đại quân đi đánh chiếm được thành Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định. Tháng 6 âm lịch năm 1802, Nguyễn Ánh xưng đế lấy hiệu là Gia Long, đem quân tiến ra Bắc chiếm được Thăng Long, vua Tây Sơn là Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và sau đó bị bắt. Nhà Tây Sơn bị tiêu diệt, Gia Long chính thức thống nhất quốc gia.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-53
Thời Minh Mạng, lãnh thổ Đại Nam rộng lớn hơn cả. Nhiều vùng ở Ai Lao đã xin thuộc quyền bảo hộ của Đại Nam. Các vùng nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn (Khammuane) và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đều được sáp nhập và trở thành các châu, phủ của Đại Nam
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-54
Từ năm 1833, sau khi phá được quân Xiêm, tướng quân Trương Minh Giảng cùng Tham tán Lê Đại Cương lập đồn Đại Nam gần Nam Vang (tức Phnôm Pênh) để bảo hộ Chân Lạp (Campuchia). Cuối năm Giáp Ngọ (1834), vua Nặc Ông Chân (Ang Chan II) của Chân Lạp qua đời mà không có con trai nối dõi, quyền bính chuyển sang cho Trà Long và Lê Kiên – hai người Chân Lạp – làm quan cho Đại Nam. Đến năm Ất Mùi (1835), Trương Minh Giảng lập con gái Nặc Ông Chân là công chúa Ang Mey (tức Ngọc Vân công chúa) lên làm Cao Miên quận chúa. Trương Minh Giảng đổi nước Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, rồi chia làm 32 phủ và 2 huyện, và đặt các chức quan cai quản mọi việc quân sự và dân sự.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-55
Việc chiếm đóng Trấn Tây Thành cùng với chính sách cai trị mất lòng dân Chân Lạp của triều đình Huế là một gánh nặng cho đất nước, từ binh sĩ đến lương nhu đều hao thiệt nên đến Tháng 9 năm 1841, thấy tình hình Chân Lạp bất ổn mãi, Tạ Quang Cự và các đại thần dâng sớ xin bỏ bảo hộ Chân Lạp. Vua Thiệu Trị thuận theo, truyền cho quan quân Đại Nam rút quân về giữ An Giang. Lợi dụng tình huống bỏ ngỏ Chân Lạp, vua Xiêm đưa Ang Duong lên làm vua Chân Lạp. Chiến sự kéo dài khi quân Việt và quân Xiêm tiếp tục giao chiến từ năm 1841 đến 1845. Năm 1845, triều đình Huế và Vọng Các thỏa hiệp cùng bảo hộ xứ Chân Lạp và nhận triều cống của Ang Duong.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-56
Tháng 8 năm 1858, trung tướng Pháp là Charles Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu Tây Ban Nha gồm 14 chiếc vào cửa Đà Nẵng bắn phá rồi hạ thành An Hải và Tôn Hải. Dù chỉ đồn trú ở Đà Nẵng, các binh sĩ ngoại quốc đã bị mắc cá bệnh nhiệt đới như dịch tả, kiết lỵ,… nên không thể tiến quân trên nội địa bằng đường bộ. Trung tướng Rigault de Genouilly đổi ý sang đánh Gia Định. Đầu năm 1859, Rigault de Genouilly dẫn quân Pháp và Tây Ban Nha vào cửa Cần Giờ, đánh thành Gia Định. Chỉ trong 2 ngày thì thành vỡ, quan hộ đốc Võ Duy Ninh tự vận. Xong trung tướng Rigault de Genouilly lại đem quân trở ra Đà Nẵng đánh đồn Phúc Ninh, quân của Nguyễn Tri Phương thua phải rút về giữ đồn Nại Hiên và Liên Trì.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-57
Năm 1862, quân Pháp chiếm Biên Hoà và Vĩnh Long. Triều đình Huế phái Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Nam giảng hoà với Pháp ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất, 1862. Trong bản hoà ước gồm 12 khoản có những khoản như sau: Việt Nam phải để cho giáo sĩ Công giáo người Pháp và người Tây Ban Nha được tự do giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo. Việt Nam phải nhượng đứt cho nước Pháp các tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường và phải để cho chiến thuyền của Pháp ra vào tự do ở sông Mê Kông. Vua Tự Đức bèn nhường ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp và phái Phan Thanh Giản vào trấn giữ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ còn lại.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-58
Ngày 05 tháng 7 năm 1863 tại Sài Gòn, vua Campuchia là Norodom đã thực hiện ký kết các điều ước quốc tế trao cho nước Pháp quyền bảo hộ Campuchia.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-59
Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Bộ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Nam kỳ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-60
Vào 1870 Pháp đã tiến hành phân chia địa giới giữa Nam Kỳ thuộc Pháp và Cao Miên do Pháp bảo hộ. Năm 1870 Pháp cùng Cao Miên điều chỉnh ranh giới tại vùng thượng nguồn giữa hai sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông: Phần lớn đất đai vùng này là vùng lồi Svay Tieep-Svay Rieng (nay thuộc tỉnh Svay Rieng) trả về Campuchia; bù lại một dải đất nhỏ dọc bờ tây nam rạch Cái Cậy (thượng lưu của sông Vàm Cỏ Đông) vốn thuộc tỉnh Prey Veng thì trao cho Nam Kỳ. Dải đất này đến năm 1914 thì lại nhập vào Campuchia bởi nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1873 hoàn thành việc cắt chỉnh địa giới hai hạt Hà Tiên và Châu Đốc của Nam Kỳ, phần đất phía bắc kênh Vĩnh Tế và thị xã Hà Tiên ngày nay, về cho Campuchia.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-61
Ngày 20 tháng 8 năm 1883, quân Pháp tấn công và chiếm lấy cửa Thuận An, khống chế cửa ngõ thủy lộ chính lên kinh đô Huế. Trong hoàn cảnh nguy ngập bị Pháp uy hiếp sát kinh thành, triều đình cử Nguyễn Trọng Hợp – Thượng thư bộ lại ra Thuận An để điều đình với Pháp.  Lúc này, triều đình Huế đang ở thế thua, không làm được gì hơn ngoài việc phải ký chấp nhận 27 điều khoản do Pháp đưa ra, gọi là Hòa ước Quý Mùi, 1883. Trong hòa ước, Triều đình Huế công nhận sự bảo hộ của Pháp, Pháp có quyền đóng quân ở Đèo Ngang và cửa Thuận An,
Trung Kỳ (tức các tỉnh từ Khánh Hòa ra đến Đèo Ngang) thuộc triều đình Huế. Cắt ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh nhập vào Bắc Kỳ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-62
Sau khi ký Hoà ước Quý Mùi 1883, trong nội bộ triều đình Huế tiếp tục lục đục. Lúc này, ở Bắc Kỳ quân Pháp đang đánh nhau với quân nhà Thanh và đã đuổi được phần lớn quân Thanh về Trung Quốc, tuy nhiên tại một số tỉnh quân Thanh vẫn còn có mặt và đe doạ sự có mặt của người Pháp ở Bắc Kỳ. Chính phủ Pháp đã sai Fournier sang Thiên Tân ký với Lý Hồng Chương bản sơ bộ về Hoà ước Thiên Tân 1884, trong nội dung bản hoà ước sơ bộ giữa Pháp và nhà Thanh năm 1884, đã có điều khoản nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Đại Nam. Dựa vào bản sơ bộ này, mà sau này là bản chính thức Hòa ước Thiên Tân 1885, Chính phủ Pháp đã sai Patenôtre-Đại diện Cộng hoà Pháp đến Huế sửa lại Hòa ước Quý Mùi 1883 trước đó giữa Pháp và nhà Nguyễn. Ngày 6 tháng 6 năm 1884, hòa ước Patenôtre được ký kết tại kinh đô Huế gồm có 19 điều khoản trong đó công nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-63
Ngày 17-10-1887, thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, bao gồm có Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì và Campuchia, trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa. Quảng Châu Loan cũng được sáp nhập năm 1900. Công ước Pháp-Thanh 1887 lấy đông kinh tuyến 105º43’ làm giới hạn bên bờ Vịnh Bắc Việt nên một dải đất Trường Bình, Bạch Long ở phía bắc sông Bắc Luân thuộc tổng Vạn Ninh bị nhượng cho nhà Thanh. Việc đóng mốc phân định biên giới hoàn thành năm 1896. Vì sự chia cắt đó đến năm 2000 có 22.000 người Kinh là hậu duệ người Việt cũ vẫn sinh sống ở đất Quảng Tây. Ngược lại đất các vùng Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai xưa là phên giậu biên thùy, từng triều cống Lão Qua, thì nay được sáp nhập vào Bắc Kỳ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-64
Năm 1893, 3 nước thuộc vương quốc Lan Xang cũ là Luang Phrabang, Vientiane và Champasak hợp thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Pháp là Lào. Lào được sát nhập vào Liên Bang Đông Dương. Vùng Cao nguyên Trung phần thì người Pháp năm 1893 buộc triều đình Huế cắt ra và cho phụ thuộc Lào. Thủ phủ của Đông Dương ban đầu đặt tại Sài Gòn, sau chuyển ra Hà Nội năm 1902. Từ thập niên 1890 chính quyền Bảo hộ nhân danh triều đình Huế đã có dự định dựng ngọn hải đăng để khẳng định chủ quyền của Pháp trên quần đảo Hoàng Sa nhưng đồ án không thực hiện được và mãi đến năm 1938 mới có lực lượng chính thức chiếm đóng quần đảo này. Dù vậy khi nhà Thanh gửi thuyền xâm phạm Hoàng Sa vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Bộ Ngoại giao Pháp đã có công văn phản đối. Cuộc tranh chấp này kéo dài cho đến khi người Pháp mất chủ quyền ở Đông Dương và vẫn chưa kết thúc.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-65
Theo Nghị định ngày 5 tháng 6 năm 1893 của Toàn quyền Đông Dương, Tiểu quân khu phụ Lai Châu được thành lập gồm gồm châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Phong Thổ và trực thuộc tỉnh Vạn Bú từ ngày 10 tháng 10 năm 1895. Đất Trấn Ninh và Sầm Châu mặc dù có quan Việt cai quản thì người Pháp lại cắt cho Lào kể từ năm 1895 và 1903.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-66
Tỉnh Vạn Bú đổi tên thành tỉnh Sơn La năm 1904, nên Lai Châu lại thuộc tỉnh Sơn La. Cũng trong năm này, Đắk Lắk mới được trả lại cho Trung Kỳ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-67
Năm 1905 thì Kontum cũng được trả lại cho Trung Kỳ.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-68
Năm 1906 Xiêm trả lại hai tỉnh Battambang và Xiêm Riệp để nhập vào Cao Miên.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-69
Năm 1940, Đế quốc Nhật Bản tấn công Đông Dương và nhanh chóng thỏa thuận được với chính quyền Vichy ở Pháp để Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Thực dân Pháp chỉ tồn tại đến ngày 9 tháng 3 năm 1945 khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn bộ Đông Dương. Sau khi Đế quốc Nhật Bản tuyên bố “trao trả độc lập cho Việt Nam”, Hoàng đế Bảo Đại ra tuyên cáo độc lập và thành lập chính quyền mới với chính phủ do Trần Trọng Kim làm thủ tướng, còn Bảo Đại được Đế quốc Nhật Bản công nhận là vua của Đế quốc Việt Nam. Đế quốc Việt Nam là chính quyền do Đế quốc Nhật Bản dựng nên và không có thực quyền
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-70
Khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945. Lực lượng Việt Minh tổ chức quần chúng tiến hành cuộc Cách mạng tháng 8. Chính phủ Trần Trọng Kim không có hành động quân sự chống lại mà tự nguyện chuyển giao chính quyền cho Việt Minh. Đến 24 tháng 8 năm 1945, hoàng đế Bảo Đại đã quyết định thoái vị. Chính phủ Đế quốc Việt Nam đến đây tan rã. Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-71
Ở miền Nam Việt Nam, Pháp theo quân Anh trở lại Đông Dương và ngày 23 tháng 9 năm 1945 đã nổ súng gây chiến ở Sài Gòn rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ, lập ra Cộng hòa tự trị Nam Kỳ với âm mưu tách miền Nam Việt Nam ra khỏi Việt Nam. Ngày 10/3/1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp thuận tham dự Hội nghị Genève theo đề nghị của Pháp. Ngày 08/05/1954, tin về kết quả Chiến dịch Điện Biên Phủ được truyền đến Geneva. Sáng sớm 08/05/1954, vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn đàm phán. Kết thúc hội nghị, Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền tạm thời, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung về phía Bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả Quân đội Quốc gia Việt Nam) tập trung về phía Nam, tập kết chính trị tại chỗ, tập kết dân sự theo nguyên tắc tự nguyện.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-72
Ngày 30-4-1975, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát lãnh thổ toàn miền Nam và đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam.
Ban-do-lich-su-Viet-Nam-xua-phong-kien-73
Vào ngày 25 tháng 04 năm 1976, Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để tái thống nhất Việt Nam, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, thông qua các nội dung: Xóa bỏ khu phi quân sự theo Vĩ tuyến 17, Quốc kỳ, quốc huy là Cờ đỏ Sao Vàng, Lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Thủ đô là Hà Nội, Đổi tên Thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự kiện này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen