1.Sông Hồng và những tên gọi có trong lịch sử.
1.1. Sông Hồng là con sông giữ vị trí văn hoá vô cùng
quan trọng không chỉ của riêng thủ dô Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến mà
còn của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Ngoài dòng chảy chính đi qua Hà Nội,
sông Hồng còn có nhiều chi lưu làm nên một châu thổ trù phú: đồng bằng châu thổ
sông Hồng. Cho đến hiện nay, cả trong ghi chép của lịch sử và cả trong sử dụng
của dân gian người ta đã nói đến những tên gọikhác nhau của con sông này.
Bản đồ “các tiểu lưu vực của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam”
Do tính chất quan trọng của con sông trong đời sống cộng đồng dân cư trong
vùng, mỗi một tên gọi của nó đều ít nhiều phản ánh dấu vết văn hoá của những chủ
nhân đã từng sử dụng những tên gọi đó. Phân tích sự khác nhau của các tên gọi
sông Hồng theo nguồn gốc ngôn ngữ và cách cấu tạo, trong một chừng mực nhất định,
sẽ giúp chúng ta phần nào làm rõ tính đa dạng văn hoá trong tiến trình phát triển
lịch sử của người Việt ở cái nôi hình thành nền văn hoá của dân tộc.
1.2. Theo bức tranh phân loại ngôn ngữ ở khu vực hiện
được nhiều người đồng tình và sử dụng, Đông Nam Á có năm họ ngôn ngữ là Hán Tạng
(Sino - Tibetan), Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian), Thái - Kađai
(Tai - Kadai) và Mông - Dao (Miêu - Yao) [TTD, (1999)]. Về ngôn ngữ, địa bàn Việt
Nam được coi là “bức tranh thu nhỏ của khu vực Đông Nam Á” nên ở đây cũng là
vùng lãnh thổ hiện diện năm họ ngôn ngữ này. Khi xem xét các tên gọi khác nhau
của sông Hồng, chúng tôi sẽ xuất phát từ sự phân loại ngôn ngữ nói trên để nhìn
nhận tính đa dạng về nguồn gốc ngôn ngữ, qua đó nhận diện tính đa dạng về văn
hoá của chúng. Khi mà những cư dân cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (và cụ thể hơn
là vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam) sử dụng tên gọi sông Hồng theo cách của
“ngôn ngữ mình”, họ sẽ lưu những tên gọi đó lại trong lịch sử. Nhờ đó chúng ta
nhận biết sự hội tụ nét đa dạng văn hoá của một vùng lãnh thổ cụ thể: vùng đồng
bằng Bắc Bộ và một nền văn minh cụ thể: nền văn minh sông Hồng, một trong những
cội nguồn chính làm nên tính đa dạng của nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
1.3. Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao (Ai Lão
sơn) thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam nó đi qua
các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà
Nam, Nam Định và Thái Bình rồi đỏ ra biển. Trên dòng chảy chính ấy, mỗi một
khúc đoạn, nó lại có những tên gọi khác nhau. Ngoài ra, ngay cùng một khúc đoạn
trong mỗi một thời gian lịch sử cụ thể nó lại có những tên gọi riêng do cư dân
hay điều kiện văn hoá quy định. Và đây chính là nguyên do và cũng là cơ sở để
chúng ta, trên cơ sở nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ và cách cấu tạo những tên
khác nhau của dòng sông chính ấy để qua đó nhận biết sự đa dạng văn hoá theo
tên gọi của nó.
1.3.1. Sử sách của nước ta [QSQTN, t4 (1997), 254] , [NVS,(2003) 349] ghi chép
trên phần trên lãnh thổ Trung Quốc sông Hồng có tên gọi từ xưa là Lan
Thương, Nguyên Giang, Ma Hà (hay Lễ Xá), Lê Hoa và sông Âu;
khi chảy vào nước ta người ta gọi nó là sông Thao. Ngày nay, những
nghiên cứu về địa lý cho thấy Lan Thươnglà tên gọi thượng nguồn của dòng
Mê Công chảy trên đất Trung Quốc chứ không phải là thượng nguồn sông Hồng như
các tài liệu lịch sử cũ đã ghi lại.
1.3.2. Khi chảy vào Việt Nam sách sử xưa cho biết sông Hồng có các tên là sông Thao,
sông Nhị/Nhĩ Hà, sông Phú Lương, sông Bạch Hạc, sông Tam
Đới, sông Đại Hoàng, sông Xích Đằng, sông Hoàng
Giang và sông Lô hay Lô Giang. Những tên gọi này được
sách sử ghi chép lại cụ thể như sau:
- Sông Thao [NVS, (2003) 349; QSQTN, t4 (1997), 253].
- Sông Nhị Hà/Nhĩ Hà [QSQTN, t4 (1997), 256]
- Sông Phú Lương [QSQTN, t3 (1997), 186]. Thực ra tên gọi Phú
Lương này là dẫn theo An Nam chí lược của Cao Hùng Trưng.
- Sông Bạch Hạc [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
-
Sông Tam Đới [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
- Sông Đại Hoàng [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
- Sông Xích Đằng hay sông Đằng [QSQTN, t3 (1997), 297].
- Sông Lô hay Lô Giang [QSQTN, t4 (1997), 253].
Theo giải thích của những sách sử nói trên, hai tên gọi Phú Lương và Lô hay Lô
Giang xuất hiện sớm hơn cả. Tên Phú Lương có từ thời Cao Hùng Trưng
và vào thời Lý nó vẫn và đã được sử dụng. Còn tên gọi Lôhay Lô Giang có
từ thời nhà Trần và đã được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư. Những
tài liệu lịch sử cũng cho thấy hai tên gọi nói trên có tính kế thừa nhau nhưng
không loại trừ nhau trong lịch sử.
Ngoài những tên gọi được ghi chép đó ra, sông Hồng còn có một tên gọi dân gian
là sông Cái. Khi thực dân pháp xâm lược nước ta, con sông Cái này
luôn “đỏ nặng phù sa” nên được người Pháp gọi là “rivière rouge” (sông có màu
nước đỏ/hồng) và tên gọi sông Hồng hay Hồng Hà bắt đầu
được sử dụng. Có thể nói, tên gọi sồng Hồng hay Hồng Hà được
dùng phổ biến hiện nay chính thức xuất hiện vào thế kỷ XIX.
2. Như vây, cả trong sử sách và tên gọi dân gian, sông Hồng có khoảng mười
tên gọi khác nhau và một số biến thể của mười tên gọi ấy. Dựa vào cách giải
thích “nghĩa” (đúng hơn là lý do hay cách thức) gọi tên, người ta có thể chia
chúng làm ba kiểu khác nhau. Mỗi một kiểu tên gọi trong số đó sẽ phản ánh “cách
thức đặt tên” hay lý do gọi tên thể hiện nguồn gốc ngôn ngữ của những tên gọi ấy.
2.1. Nhóm thứ nhất là tên gọi sông Cái, sông Thao, sông Nhĩ
Hà/Nhị Hà và sông Hồng/ Hồng Hà. Đây là cách gọi tên thể hiện “tính
chất, đặc điểm” của con sông do chủ thể nhận diện sử dụng ngôn ngữ của mình để
gọi tên sông.
- Sông Cái, có nghĩa là sông chính. Những cư dân Việt nói tiếng Việt
có nguồn gốc Nam Á (Austroasiatic) là chủ thể của cách gọi tên này. Bởi vì
trong tiếng Việt, chúng ta có không ít những từ hay ngữ như “ngón tay cái”,
“đường cái”, “sông cái”, “cầm cái”v.v có nét nghĩa như thế.
Có thể thấy, việc nhận diện sông để đặt tên cho nó là căn cứ vào “tính chất” của
sông: con sông giữ vai trò chính ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
- Sông Thao, cũng có nghĩa là sông chính. Tên gọi Thao là
tên gọi theo cách của người Việt hoặc người Hán bắt nguồn từ tên gọi có nguồn gốc
Thái - Kađai là tao (trong “nặm tao”, nghĩa là “sông lớn, sông
chính”). Ở Việt Nam, người ta cũng còn gặp một tên gọi kiểu như thế ở vùng Thái
Nghệ An: người Thái ở miền đất này gọi con “sông Cả” hay “sông Lam” của
người Việt là “nặm Pao” với nghĩa là “sông lớn, chính”. (Năm 2000,
trong dịp tham dự hội nghị về ngôn ngữ và văn hoá Thái Áo Hoa do Viện Khoa học
Xã hội Vân Nam tổ chức ở huyện tự trị Tân Bình thuộc Ngọc Khê tỉnh Vân Nam
Trung Quốc, chúng tôi cũng thấy người Thái ở Tân Bình gọi đoạn thượng nguồn
sông Hồng chảy qua đây trên lãnh thổ Trung Quốc là “nặm tao” với nghĩa là
“con sông chính” của vùng đất.
- Sông Nhị Hà/Nhĩ Hà (tức là sông Nhị/Nhĩ) được giải thích là có
từ thời nhà Minh chiếm đóng Đại Việt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” dẫn lại “Đại
Thanh nhất thống chí” ghi rằng “Lại xét về tên Nhị Hà thì Hoàng Phúc nước Minh
đắp thành Đại La, thấy nước sông chảy vòng quanh như hình cái vành tai, bèn đặt
tên này” [QSQTN, t4 (1997), 186]. Qua lời ghi chép ấy có thể thấy cách gọi Nhị
Hà/Nhĩ Hà (sông Nhị/Nhĩ) là để giải thích đặc điểm “nước sông chảy
vòng quanh như hình cái vành tai”. Đặc điểm của sông được thể hiện bằng tên gọi
theo tiếng Hán và sau đó là tiếng Hán - Việt.
- Sông Hồng/Hồng Hà có nghĩa là “sông có mầu nước đỏ”. Theo cách ghi
của “Đại Nam nhất thống chí” thì đến giữa thế kỷ XIX, tên sông vẫn là Nhị hay Nhị
Hà. Đến Việt Nam, với yêu cầu ghi tên sông vào văn bản, người Pháp đã lựa chọn
đặc điểm “sông có mầu nước đỏ/hồng” và thể hiện bằng ngôn ngữ của mình với
nghĩa như vậy. Người ta cũng có sở khi giải thích rằng cách nhận diện để gọi
tên sông là Hồng/Hồng Hà cũng có thể là của người Hán hay người Việt.
Nhưng trong sử sách của Việt Nam cho đến thời điểm giữa thế kỷ XIX, tên gọi này
không thấy xuất hiện. Với lại, đối với người Việt nếu gọi sông Hồng bằng tên
Hán - Việt thì đã có Nhị Hà,Phú Lương, Lô Giang, Đại Hoàng v.v.
Còn nếu gọi theo cách dân gian đã có tên gọi sông Cái quen thuộc. Vì
thế, chúng tôi nghiêng về chấp nhận cách giải thích cho rằng sông Hồng/Hồng
Hà là cách nhận diện và thể hiện tên gọi của sông theo tiếng Pháp khi họ đến
xâm lược Việt Nam.
2.2. Nhóm tên gọi thứ hai là Bạch Hạc, Tam Đới, Xích Đằng và Đại
Hoàng. Những tên gọi theo tiếng Hán hay Hán - Việt này đều có một nét chung là
để chỉ “địa danh lãnh thổ nơi con sông chảy qua”. Nói cách khác, những tên gọi
sông Hồng này là căn cứ vào “địa điểm, lãnh thổ nơi con sông chảy qua”.
- Sông Bạch Hạc, theo “Đại Nam nhất thống chí” dẫn lại An nam chí lược của
Cao Hùng Trưng, là tên gọi khi con sông hợp lưu với sông Đà ở ngã ba Bạch Hạc.
Sách này chép “Sông Phú Lương, ở địa phận huyện Đông Quan, phủ Giao Châu,
có một tên nữa là sông Lô, thượng lưu giáp sông Bạch Hạc châu
Tam Đái, chảy qua phía đông phủ thành, thông đến sông Đại Hoàng thuộc
huyện Lý Nhân rồi đổ ra biển” [QSQTN, t4 (1997), 186].
- Sông Tam Đới, cũng theo “Đại Nam nhất thống chí”, là tên gọi con
sông khi nó chảy qua châu Tam Đái/Đới. Sách này giải thích “Người ta vẫn theo lệ
cũ mà gọi tên sông theo từng khúc một - ví dụ …khúc ở khoảng Bạch Hạc gọi là
sông Tam Đới, …” [QSQTN, t4 (1997), 253].
- Sông Xích Đằng là tên gọi khi sông chảy qua Đằng Châu. Theo ghi
chép của “Đồng Khánh địa dư chí” thì “Một dòng sông lớn, tên là sông Nhj Hà,
cũng gọi là Xích Đằng (đoạn sông Nhị chảy qua Khoái Châu)” [QSQTN, (2003),
251]. Khoái Châu thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay cũng là vùng đất cổ có
những địa danh như đền Đằng Châu, bãi Xích Đằng “là kho của các
đời và là chỗ xung yếu then khoá” [PHC (1960), 80].
- Sông Đại Hoàng là tên gọi sông Hồng từ Hưng Yên đến ngã ba Hoàng
Giang hay ngã ba Vường (điểm giao nối sông Hồng và sông Luộc), qua huyện Lý
Nhân chảy ra biển. Ở đoạn này, sông còn có một tên gọi khác nữa là Hoàng
Giang. Có lẽ vì là khúc sông chảy qua vùng đất Đại Hoàng nên người ta đã gọi
sông Hồng nơi đây là Đại Hoàng hay Hoàng Giang [QSQTN, t3 (1997), 340].
Một điều cần chú ý là các tên gọi thuộc nhóm này thường chỉ thấy chỉ thấy dùng
nhiều trong sách vở. Sự “đóng khung” về phạm vi sử dụng hình như phản ánh có lẽ
đây là những tên gọi Hán - Việt và mỗi một tên gọi ấy thường chỉ gắn với một
khúc đoạn sông cụ thể.
2.3. Nhóm tên gọi thứ ba là sông Phú Lương và sông Lô/Lô Giang.
Đây tuy cũng là những tên gọi Hán và Hán - Việt nhưng tính chất không phải như
nhóm thứ hai “là để chỉ địa danh lãnh thổ nơi con sông chảy qua” hay như nhóm
thứ nhất “là cách gọi tên thể hiện đặc điểm của con sông”. Mặt khác, những tài
liệu lịch sử ghi chép về tên gọi sông Hồng đều cho thấy đây là hai tên gọi cổ
xưa nhất, khá chính thống và cũng được nhắc đến nhiều trong lịch sử. Việc không
thuộc một trong hai phương thức gọi tên sông đã nói ở trên và tính chất cổ xưa
của nó, ở phương diện ngôn ngữ học lịch sử, ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Theo một vài kết quả nghiên cứu về nguồn gốc địa danh nói chung và tên sông nói
riêng đã được nhiều tác giả cũng như chúng tôi công bố [TTD (2001), (2005)], có
cơ sở để nhận thấy rằng Phú Lương và Lô Giang là cách Hán
hoá rồi Hán - Việt hoá những tên gọi thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á. Nói một
cách khác, hai tên gọi sông Hồng này mặc dù hình thức ngôn ngữ thể hiện là tiếng
Hán hay Hán - Việt nhưng “ý nghĩa” ban đầu của chúng lại thuần tuý mang nghĩa
thuần Việt.
3. Để nhận thấy hai tên gọi bằng tiếng Hán và Hán - Việt này là căn cứ vào tên
gọi thuần Việt rồi ghi chép lại, chúng ta sẽ lần lượt quan sát những vấn đề sau
đây.
3.1. Khi so sánh những địa danh Hán và Hán - Việt có liên quan với một địa danh
thuần Việt chúng ta dễ dàng nhận thấy địa danh Hán và Hán - Việt thường có hai
âm tiết, còn địa danh thuần Việt (cũng thường gọi là địa danh Nôm) sẽ chỉ
có một âm tiết [TTD (2005)]. Trong hai âm tiết của địa danh Hán và Hán - Việt,
thường thường một âm tiết có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với ngữ âm của âm tiết
địa danh thuần Việt. Đồng thời đôi khi giữa chúng cũng có liên hệ về mặt ý
nghĩa. Chính mối liên hệ ngữ âm lịch sử giữa hai dạng thức tên gọi này là lý do
để chúng ta nhận biết tên gọi Hán hay Hán - Việt dẫn xuất từ tên gọi thuần Việt.
Chúng ta có thể nêu lên một loạt tương ứng như thế đối với tên làng, tên sông ở
Việt Nam để làm ví dụ:
Thuần Việt
Hán Việt
sông Rum
Lam Giang
làng Mọc
Nhân Mục
làng Chèm/Trèm
Từ Liêm
làng Chấp Cá Lập
làng Trầu
Phù Lưu v.v
3.2. Trong hai địa danh Hán và Hán - Việt là Phú Lương và Lô
Giang, chúng ta có cơ sở để nhận ra âm tiết Lương và âm tiết Lô là
âm tiết có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với dạng thức tên gọi thuần Việt.
3.2.1.Đối với địa danh Lô Giang, rõ ràng Giang là một yếu tố Hán với nghĩa là
“sông”. Vì thế, Lô Giang có nghĩa là “sông Lô” và nhờ đó chúng ta biết rằng
ở địa danh gọi sông Hồng là Lô Giang, âm tiết Lô là âm tiết có mối
liên hệ ngữ âm lịch sử với một tên gọi thuần Việt. Nói cách khác, Lô Hán
hay Hán - Việt này có lẽ dẫn xuất từ một tên gọi thuần Việt xưa dùng để chỉ
sông.
Trong địa danh thuần Việt, dạng ngữ âm lô dùng làm địa danh sông
không phải là đơn nhất. Chúng ta có sông Lô là nhánh sông nhập vào sông Thao ở
Việt Trì để thành dòng chính sông Hồng. Cùng với dạng ngữ âmlô là biến thể
ngữ âm la nên ta có sông La ở Hà Tĩnh và một vài nơi khác.
Dạng ngữ âm gọi tên sông là lô, theo chúng tôi, còn có biến thể ngữ âm
khác là rào. Trong địa danh tiếng Việt, chúng ta gặp không ít dạng ngữ
âmrào có nghĩa là sông: rào Quán ở Quảng Trị, rào Nậy (sông
Gianh) ở Quảng Bình, cửa rào (cửa sông Nậm Nơn hợp thành với sông Cả)
ở Nghệ An v.v.
Nhờ ngữ âm lịch sử tiếng Việt, chúng ta nhận biết lô
~ la ~ rào thực ra có thể là những biến thể ngữ âm của một dạng duy nhất
trong lịch sử. Trường hợp biến thể lô ~ la là khá đơn giản. Cả hai âm
tiết đều có âm đầu [l], còn nguyên âm là [o] và [a] đều cùng là nguyên âm dòng
trước và chỉ khác nhau về độ mở hẹp và rộng. Vì thế chúng ta có thể coi hai biến
thể ngữ âm nói trên là thông thường. Và như vậy cũng có nghĩa chúng được dẫn xuất
từ một dạng thức cổ xưa hơn.
Riêng biến thể lô/la với rào, tình
hình có phức tạp hơn nhưng không phải là không tìm được mối liên hệ ngữ âm lịch
sử giữa chúng. Đối với âm đầu của âm tiết, sự tương ứng [l] ~ [r] cũng rất
thông thường (tiếng Việt:lim ~ rim, lâm ~ râm, lầm ~ rầm, long ~ rồng, lè ~ rè v.v.).
Còn ở trường hợp vần của âm tiết thì tương ứng giữa một vần đơn [o/a] (chỉ có một
nguyên âm) với một vần phức [aw] (gồm một nguyên âm và âm cuối bán nguyên âm)
cũng không phải là hiếm. Những cặp tương ứng tru, trù, gú, gi, chí, mi v.v
ở phương ngữ Bắc Trung Bộ với phương ngữ Bắc Bộ trâu, trầu, gấu, giây, chấy,
mày v.v. của tiếng Việt cũng chính là sự tương ứng giữa một vần đơn (chỉ
có một nguyên âm) với một vần phức (gồm một nguyên âm và âm cuối bán nguyên âm)
giốngnhư ở trường hợp lô/la ~ rào.
Rõ ràng, nhờ mối liên hệ ngữ âm lịch sử và ngữ
nghĩa của chúng, chúng ta có cơ sở để nghĩ rằnglô/la/rào là những biến thể
ngữ âm của một âm tiết xưa có thể tái lập ở dạng [*lo], với nghĩa là “sông” mà
hiện nay nó chỉ thấy lưu lại ở tên riêng như sông Lô, sông La, Lô Giang
hay tồn tại ở thành tố chỉ tên chung như ràoQuán, rào Nậy, rào Con
(ở Hà Tĩnh) v.v. Dựa vào tính chất phương ngữ Việt và phạm vi địa lý sử dụng của
các họ ngôn ngữ ở địa bàn Đông Nam Á, dạng thức ngữ âm xưa [*lo] chỉ có thể là
dạng thức thuần Việt cổ xưa gốc Nam Á (Austroasiatic).
3.2.2. Trường hợp địa danh Hán hay Hán - Việt Phú
Lương có sự khác biệt với Lô Giang. Ở đây, âm tiết thứ hai lương là
âm tiết cho thấy có một mối liên hệ ngữ âm lịch sử với tên gọi sông thuần Việt
cổ xưa cũng gốc Nam Á là [*klɔŋ/krɔŋ]. Tên gọi cổ xưa này cũng có hai biến thể
ngữ âm và hai biến thể sử dụng giống như lô vàrào.
Trong tiếng Việt, không chỉ riêng sông Hồng trong tên
gọi mang yếu tố lương. Chúng ta có sông Hiền Lương/Minh Lương (sông
Bến Hải), khe Lương (ở Vĩnh Linh) tỉnh Quảng Trị, sông Lương (sông
Chu) tỉnh Thanh Hoá, sông Phú Lương ở Thái Nguyên v.v. Việc dạng ngữ
âm lương trở thành tên riêng của nhiều con sông, vì thế, không phải
là ngẫu nhiên. Nó rất có thể chính là dạng ngữ âm có những biến thể khác
hoặc là Hán - Việtlong trong sông Hoàng Long ở Ninh Bình và công trong
sông Công ở Thái Nguyên, hoặc là rông của sông Đắc
Rông (ở Quảng Trị) hay rằng trong tên sông Đà Rằng ở
Phú Yên.
Chúng ta biết, âm thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á
[*klɔŋ/krɔŋ] đã biến đổi có quy luật trong tiếng Việt thành hai biến thể. Biến
thể thứ nhất *klɔŋ/krɔŋ > sông hiện nay [HTC (1964] và nó trở
thành yếu tố tên chung trong phức thể địa danh kiểu sông Hoàng Long, sông Phú
Lương, sông Lam Giang v.v. Trường hợp này, hình như, nó cũng giống dạng
ngữ âm thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á [*lo] biến đổi thành rào trong ràoNậy, rào Thanh
(một tên gọi khác của sông Bến Hải), rào Con đã được chúng tôi giải
thích sơ bộ ở trên. Ở đây, sự biến đổi ngữ âm có quy luật để *klɔŋ/krɔŋ > sông có
thể tìm thấy trong những công trình nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã dược
công bố [NTC (1995)].
Biến thể thứ hai của âm thuần Việt xưa có nguồn gốc
Nam Á [*klɔŋ/krɔŋ] chính là những dạng thức ngữ âm như lương, long, công, rông và rằng.
Đối với những biến thể khác nhau này, người ta vẫn có thể nhận thấy mối liên hệ
ngữ âm lịch sử giữa chúng. Trước hết, trong các âm tiết nói trên, tương ứng âm
đầu [l] ~ [r], như đã chứng minh, là tương ứng thường xuyên; còn tương ứng âm
đầu [l], [r] ~ [k] là do cách xử lý tổ hợp phụ âm đầu nghiêng về nhấn mạnh yếu
tố k hay yếu tố l/r trong tổ hợp *kl/kr mà thôi.
Như vậy, có thể nói sự tương ứng các âm đầu [l] ~ [r] ~ [k] là tương ứng thoả
mãn tính quy luật của sự biến đổi ngữ âm lịch sử. Ở phần vần, nếu như các tương
ứng [oŋ] (ông) ~ [ɔŋ] (ong) ~ [ăŋ] (ăng) là bình thường đối với biến đổi ngữ âm
lịch sử tiếng Việt thì tương ứng giữa chúng với [ɨəŋ] (ương) tuy có khác biệt về
nguyên âm là đơn [o, ɔ, ă]/đôi [ɨə] nhưng vẫn có thể giải thích được lý do.
Chẳng hạn, trong tiếng Việt chúng ta gặp không ít những
cách nói nước đôi do sự khác nhau giữa nguyên âm đơn/đôi như giong buồm/giương buồm, đàng/đường,
màu hồng/ màu hường, náng thịt/nướng thịt, nóingọng/nói ngượng,
trọng nghĩa/trượng nghĩa v.v. Chính sự hiện diện ở phần vần của âm tiết
là nguyên âm đơn với ba nguyên âm có độ mở khác nhau là [o, ɔ, ă] đã minh
chứng khả năng đôi hoá nguyên âm của những vần nói trên. Vì thế khi nói rằng âm
tiết thuần Việt xưa [*klɔŋ/krɔŋ] có các biến thể ngữ âm hiện nay là như lương,
long, công, rông và rằng là có thể chấp nhận được về mặt ngữ
âm lịch sử tiếng Việt.
Từ những gì đã được minh chứng, chúng ta có cơ sở để
có thể nói rằng yếu tố lương trong địa danhPhú Lương để gọi tên
sông Hồng là cách Hán hoá hay Hán - Việt hoá một tên gọi thuần Việt từ thời tối
cổ. Dạng thức thuần Việt tối cổ ấy có thể phục nguyên là [*klɔŋ/krɔŋ] và nghĩa
của nó là để chỉ “sông” hay “con sông”. Cách thức người Hán dùng chữ Hán ghi lại
âm thuần Việt tối cổ rồi sau đó người Việt căn cứ vào chữ Hán của người Hán mà
Hán - Việt hoá địa danh xưa trong ghi chép của mình là cách làm thông thường.
Do dó, tên sông Hồng được ghi là Phú Lương cũng không phải đơn nhất
và không phải là không thể nhận thấy “nghĩa ban đầu” hay “nghĩa khởi thuỷ” của
nó. Nói một cách khác, Phú Lương là cách Hán hoá hay Hán - Việt hoá địa
danh sông< [*klɔŋ/krɔŋ] mà có.
4.Như vậy là, qua mười tên gọi khác nhau của sông Hồng
và một số biến thể của chúng, có thể nhận thấy những tên gọi ban đầu dường như
là những tên gọi có gốc gác Nam Á và Thái - Kađai. Về sau, trừ trường hợp tên gọi
“sông Cái”, những tên gọi Nam Á và Thái - Kađai ấy đều bị “Hán hoá” hay “Hán -
Việt” để có dạng thức như ngày nay.
4.1. Trước hết, chúng ta nói về tình trạng tên gọi
xét theo nguồn gốc ngôn ngữ.
Tên sông Thao < [*taw] là tên gọi gốc
Thái - Kađai. Về mặt ngôn ngữ, đây là tên gọi thuộc về một ngữ hệ được coi là
có mặt từ thời cổ xưa ở Đông Nam Á nói chung và ở bắc Việt Nam nói riêng. Cư
dân chủ thể của họ ngôn ngữ này cho đến hiện nay vẫn sở hữu một nền văn hoá đa
dạng, phong phú và đặc sắc. Tên gọi sông Thao, rõ ràng, là tên gọi thể hiện
đặc điểm của con sông. Đặc điểm mà người ta sử dụng để đặt tên cho sông Hồng là
“to, chính, quan trọng” nhất ở vùng lãnh thổ.
Còn về những tên gọi có nguồn gốc ngôn ngữ Nam Á thì
tình hình đa dạng hơn nhiều. Đầu tiên là tên gọi sông Cái. Đây cũng là một
kiểu tên gọi thể hiện đặc điểm của con sông. Những người dân thuộc họ Nam Á rõ
ràng cũng nhấn mạnh vị trí “to, chính, quan trọng” mà con sông này đảm nhận. Ở
đây rõ ràng một bộ phận cư dân nói ngôn ngữ Nam Á đã tri nhận vai trò của con
sông tương tự như cách gọi tên của cư dân nguồn gốc Thái - Kađai. Do hai tên gọi
“sông Thao” và “sông Cái” đều là loại tên gọi căn cứ vào đặc điểm hay tính chất/vai
trò của con sông mà có nên chúng ta có lý do để có thể nói rằng chúng “mới hơn”
so với hai tên gọi có dạng Hán - Việt hiện nay là lương và lô.
Khác với tên gọi sông Cái, tên gọi Phú
Lương dẫn xuất từ lương hoặc long, công, rông,
rằng < [*klɔŋ/krɔŋ]. Tên gọi này, như vậy, bắt nguồn
từ danh từ chung nghĩa ban đầu là “sông”. Về sau, nó trở thành yếu tố địa danh
chỉ tên riêng trong một phức thể địa danh “sông Sông”. Và sau nữa, khi Hán
hoá, yếu tố Sôngtrong phức thể địa danh “sông Sông” chuyển thành Phú
Lương và ta có địa danh “sông Phú Lương” như ngày nay. Tương tự như vậy,
tên gọi Lô/Lô Giang dẫn xuất từ lô, la, rào < [*lo], một
danh từ chung với nghĩa ban đầu là “sông”. Trường hợp này, nó trở thành yếu tố
địa danh chỉ tên riêng trong một phức thể địa danh “sông Lô”. Và khi Hán
hoá, yếu tố Lô trong phức thể địa danh “sông Lô” hoặc chuyển
thành song tiết Lô Giang hoặc vẫn đơn tiết là Lô như chúng
ta có hiện nay.
4.2. Nếu sự nhìn nhận nguồn gốc ngôn ngữ và cách thức
đặt tên của địa danh sông Hồng như trên có thể chấp nhận được, rõ ràng chúng ta
có chứng cớ để suy luận về một hiện tượng văn hoá. Nói khác đi, người ta có cơ
sở để nêu ra một vài nhận xét thú vị sau đây.
Hình như, trong mười tên gọi sông Hồng hiện đang dùng
hay được ghi lại trong sử sách, hai địa danh Hán - Việt Phú Lương và Lô/Lô
Giang là dẫn xuất từ dạng thức địa danh có nguồn gốc Nam Á cổ xưa nhất. Thứ
đến là địa danh Thao gốc Thái - Kađai và Cái cũng là gốc
Nam Á. Những địa danh Hán - Việt còn lại lần lượt xuất hiện về sau và có lẽ Hồng/Hồng
Hà là địa danh xuất hiện muộn nhất, gần thời đại chúng ta nhất. Đối với
các địa danh sông Phú Lương, sông Lô/Lô Giang, sông Thao và sông Cái việc định
vị thời gian như vậy còn được sự ủng hộ của phương thức cấu tạo địa danh và ý
nghĩa của chúng. Ở hai địa danh dầu, phương thức cấu tạo của chúng là “chuyển
danh từ chung thành tên riêng” nên tính chất của chúng cổ xưa hơn; còn ở hai địa
danh sau, việc đặt tên địa danh là dựa trên “đăc điểm hay tính chất” của nó tự
nó cho thấy giá trị thời gian muộn hơn.
Từ góc nhìn văn hoá, người ta thấy rằng tên gọi sông
Hồng là một sự hội tụ hay hoà hợp của hai cộng đồng cư dân sử dụng hai hệ ngôn
ngữ Nam Á (Austroasiatic) và Thái - Kađai (Tai - Kadai). Trong đó, họ ngôn ngữ
Nam Á là họ ngôn ngữ của cư dân bản địa ở vùng Đông Nam Á hiện nay và thuộc vào
nhiều nhánh khác nhau; còn đối cư dân họ Thái - Kađai, dường như vào thời cổ
xưa, sông Hồng là ranh giới Tây Nam của cộng đồng cư dân này. Về sau, các địa
danh của cư dân hai họ ngôn ngữ ban đầu ấy đều bị cư dân Hán hoá rồi bị
Hán - Việt hoá. Rõ ràng, tên gọi sông Hồng là một sự hội nhập, đan xen văn hoá
của những lớp cư dân có nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau trong lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
.
1. Đào Duy Anh (1997), Đất nước Việt Nam qua các
đời, Nxb Thuận Hoá, Huế 1997, 263 tr.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1989), Nguồn gốc và quá trình
hình thành cách đọc Hán - Việt, Nxb ĐH&THCN, Hà Nội ; Tái bản Nxb
ĐHQGHN (2000), Hà Nội, 354tr.
- (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt
(Sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 348tr.
- (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự
và văn hoá, Nxb ĐHQG Hà Nội, 439 tr.
3. Hoàng Thi Châu (1964), Mối liên hệ về ngôn ngữ
cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông, Thông báo khoa học, Đại học Tổng
hợp Hà Nội, tập 3, tr 94-106.
4. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương
loại chí, tập 1, Nxb Sử học, Hà Nội, 352 tr.
- (1997), Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận
Hoá, Huế.
5. Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các
dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXb ĐHQG Hà Nội, 301 tr.( tái bản 2000)
- (2001), Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội,
Nxb Văn hoá Thông tin, 266 tr
- (2005), Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo),
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội 2005, 268 tr.
- (2005),Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa
danh Cổ Loa (…), Ngôn ngữ 11(198)/11-2005, tr 21-27.
6. Ngô Sỹ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998,
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất
thống chí, Nxb Thuận Hoá, Huế 1997, Tập 3, Tập 4.
8.Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh
dư địa chí, Nxb Thế giới, Hà Nội 2003.
9. Nguyễn Văn Siêu (1997), Đại Việt địa dư toàn
biên, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
- (2003), Phương Đình dư địa chí, Nxb Thế giới,
Hà Nội 2003.
10. Ngô Thì Sỹ (1997), Đại Việt sử ký tiền biên,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998.
Thăng Long-Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch
sử Việt Nam. Trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý
(1010), mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã từng là trọng trấn của phong kiến
phương Bắc (nhà Tùy 581-618, nhà Đường 618-907).
Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long-Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau được chép trong sử sách Nhà nước Việt Nam:
Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long-Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau được chép trong sử sách Nhà nước Việt Nam:
1 - Long Đỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền
nhà Đường, năm 866, đang đắp thành Đại La, phát hiện thần nhân hiện lên tự xưng
là thần Long Đỗ. Do vậy, sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
2 - Tống Bình: Tống Bình là tên đất trị sở của
thế lực đô hộ phương Bắc thời Tùy (581-618), Đường (618-907). Trước đó, trị sở
đô hộ phương Bắc đóng ở vùng Long Biên (tức Bắc Ninh ngày nay), đến đời Tùy, mới
chuyển đến Tống Bình.
3 - Đại La: Theo kiến trúc xưa, kinh đô bao giờ
cũng có "tam trùng thành quách": trong cùng là Tử cấm thành (bức
thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại
La thành.
Năm 866, Cao Biền bồi đắp cho Đại La thành rộng và vững
chãi hơn trước. Từ đó, có tên gọi thành Đại La. Bởi thế, trong Chiếu dời đô của
vua Lý Thái Tổ (1010) có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao
Vương (tức Cao Biền) ở giữa trời đất...".
4 - Thăng Long: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long". Đây là tên gọi có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong các tên về Hà Nội.
5 - Đông Đô: Sách "Đại Việt sử ký toàn
thư" chép: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán
Thương (tức Hồ Hán Thương) coi phủ đô hộ là Đông Đô".
Trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mực" có giải rõ: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô".
6 - Đông Quan: Quan quân nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Theo sử sách, năm 1408, quân Minh sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.
Trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mực" có giải rõ: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô".
6 - Đông Quan: Quan quân nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Theo sử sách, năm 1408, quân Minh sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.
7 - Đông Kinh: Thời Lê, vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh.
8 - Bắc Thành: Đời Tây Sơn (1787-1802) vì kinh
đô đóng ở Phú Xuân (Huế), nên gọi Thăng Long là Bắc Thành.
9 - Thăng Long: Năm 1802, vua Gia Long quyết định
đóng đô ở Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long. Tên Thăng Long đã có từ lâu đời,
nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi, vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ Long
là Rồng thành chữ Long là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà
vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ Long là rồng.
Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805.
10 - Hà Nội: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem
kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ
Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh
thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội".
Ngoài những tên chính quy được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến Nhà nước Việt Nam đặt ra, Hà Nội còn có những tên gọi không chính quy được dùng trong văn thơ, ca dao... như:
1 - Trường An (Tràng An): Trường An là tên kinh
đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của Trung Quốc. Tiền Hán
(206 trước Công nguyên-8 sau Công nguyên) và Đường (618-907), được các nhà Nho
nước ta sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô, thí dụ:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An.
Chữ Trường An ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.
2 - Phượng Thành (Phụng Thành): Đầu thế kỷ 16,
Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Bắc Ninh, viết bài phú Nôm nổi tiếng
"Phượng Thành xuân sắc phú" tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng tức
thành Thăng Long đời Lê. Phượng Thành hay Phụng Thành được dùng trong văn học
nước ta để chỉ thành Thăng Long.
3 - Long Biên: Long Biên vốn là vùng đất phát
triển của nước ta, là nơi quan lại nhà Hán đóng nhiệm sở ở Giao Châu (tên nước
ta lúc bấy giờ).
4 - Long Thành: Long Thành là tên viết tắt chỉ
kinh thành Thăng Long. Nhà thơ Ngô Ngọc Du, sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789)
có viết bài Long Thành quang phục kỷ thực ghi chép việc khôi phục Long Thành tức
thành Thăng Long thời Tây Sơn.
5 - Hà Thành: Tên Hà Thành được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai, v.v...
6 - Hoàng Diệu: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều bài báo đã sử dụng tên Hoàng Diệu để chỉ Hà Nội, tưởng nhớ đến tấm gương lẫm liệt của vị tổng trấn Hoàng Diệu.
Thực ra, còn nhiều từ được dùng trong dân gian để chỉ
Thăng Long-Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ); Kinh Kỳ (Thứ
nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến). Thượng Kinh (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng
lịch cũng thể con người Thượng Kinh)...
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen