Seiten

Sonntag, 11. Januar 2015

Những bí mật sau cánh gà

 Thủ Tướng râu kẽm mời người chống lại mình làm Bộ Trưởng. 

Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ nói chuyện với sinh viên
Trước năm 1975, nhà hát TP.HCM được sử dụng làm trụ sở Quốc Hội của VNCH. Báo chí Sài Gòn thời ấy khi châm biếm thường không gọi đúng tên mà gọi là “Nhà hát Tây” (theo công năng ban đầu, khi người Pháp xây dựng, vừa có ý biếm nhẽ chính trường như một phường tuồng) cũng như không gọi Dinh Độc Lập hay Dinh Tổng Thống mà gọi là Phủ Đầu Rồng (do dư luận các thầy phong thủy cho rằng đây là đầu con rồng, còn đuôi là ở Hồ Con Rùa ngày nay). Trong bối cảnh thời đó, với tinh thần đấu tranh chống độc tài của nhân dân miền Nam và cơ chế nhà nước tam quyền phân lập, Quốc Hội VNCH có thành phần đối lập với chính quyền có những hoạt động đa dạng hỗ trợ phong trào đấu tranh của người dân. Tuy số dân biểu, nghị sĩ thuộc phe thân chính phủ hoặc bị phe chính phủ mua chuộc chiếm đa số, nhưng trong từng lúc nhất định, cuộc đấu tranh của phe đối lập vẫn đạt kết quả nhất định. Điều thú vị là khởi nguồn của Quốc hội ấy được xây dựng bởi tướng cao bồi, tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ, một người bốc đồng ngẫu hứng ngay trong các quyết định mang tính quốc sách. Có dân biểu, bộ trưởng được lựa chọn đầu tiên lại chính là người đã chống đối ông trước đó.

Một số dân biểu, nghị sĩ VNCH đã viết hồi ký ghi lại hoạt động cá nhân của mình và bối cảnh nghị viện thời đó. Mỗi người có chính kiến khác nhau, mức độ tư liệu thông tin có sự chênh nhau nhất định, nhưng tinh thần chung của các hồi ký cũng ghi nhận được bối cảnh nghị viện thời ấy. Chúng tôi đã chọn lọc, đối chiếu, trích dẫn từ các tư liệu này để giới thiệu với bạn đọc những thông tin thú vị về một thời kỳ lịch sử.

Trái bóng chính quyền trong chân quân đội, tướng Kỳ làm Thủ tướng.
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính trường VNCH lâm vào khủng hoảng với những cuộc đảo chánh, chỉnh lý liên miên. Trước áp lực các phong trào phản kháng của các tầng lớp nhân dân, Tướng Nguyễn Khánh nhân danh Hội Ðồng Quân Lực tuyển nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, cắt cử ông Phan Huy Quát làm Thủ tướng và quyết định thành lập Hội đồng Quốc Gia Lập Pháp ngày 17 tháng Hai năm 1965. Có vẻ như một chính phủ dân sự được thành lập nhưng tình hình chính trị cũng không ổn định hơn được, bởi vì hai ngày sau đó có một cuộc đảo chánh hụt. Bên trong có những cuộc tranh chấp quyền lực mới giữa Quốc trưởng và Thủ tướng với những lý do mới về tôn giáo, Bắc Nam. Ngày 5 tháng Năm, Hội Đồng Quân lực tuyên bố giải tán để các tướng lãnh trở về nhiệm vụ quân sự thuần túy.
Tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, ký trao quyền quốc trưởng cho Phan Khắc Sửu
Trong bối cảnh đó, tin đồn đảo chánh loan truyền liên tục, dân Sài Gòn thường thấy phi cơ mang bom đầy hai cánh, lượn trên thành phố mà không biết chuyện gì đã hay sẽ xẩy ra. Ngày 25 tháng Năm, Thủ tướng Phan Huy Quát trình diện nội các cải tổ. Giữa buổi trình diện, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cho biết không hề ký bổ nhiệm hai ông tân Tổng Trưởng Nội Vụ và tân Tổng Trưởng Kinh Tế, bởi lẽ hai ông bộ trưởng cũ không từ chức. Mâu thuẫn nội bộ trở thành công khai. Ông Quát dựa theo hiến chương ngày 20 tháng Mười năm 1964, lấy quyền Thủ tướng cách chức Tổng trưởng, Ông Sửu nhân danh Quốc trưởng không ký bổ nhiệm Bộ trường mới. Nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo ra thông cáo phản đối chính phủ Quát hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng một dự thảo quy chế tôn giáo.
Nội các Phan Huy Quát tồn tại được 3 tháng 26 ngày. Ngày 9 tháng Sáu năm 1965, Thủ tướng Phan Huy Quát họp báo giao trả quyền hành cho các tướng lãnh. Các tướng lãnh thành lập Ủy ban Lãnh đạo Quốc Gia do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch (tương đương Tổng Thống) và Ủy ban Hành pháp Trung ương do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch (tương đương Thủ Tướng). Một giai đoạn mới bắt đầu. Trong đó có việc Tướng Kỳ kết thân và xây dựng chính phủ từ những thành phần trí thức trẻ, thế hệ những thanh niên vừa mới ra trường, du học sinh nước ngoài mới trở về như Kỷ sư Canh Nông Võ Long Triều, Giáo sư triết Lý Chánh Trung ….

Liên minh Kỳ và Thiệu trong những ngày đầm ấm
Tướng Kỳ trễ hẹn 15 phút bị phê bình, “lên lớp”!
Lúc này một nhóm trí thức Công giáo gồm có ông Võ Long Triều, Lý Chánh Trung, một số linh mục họp quyết định bày tỏ sự lo ngại của giáo dân Công giáo phản đối chế độ độc tài quân phiệt, nếu quân đội có chủ trương thi hành chính sách đó. Nhóm này lập một phái đoàn đến gặp tướng Kỳ để trình bày và được hẹn gặp lúc 10 giờ sáng. Ðúng 9 giờ 55 sáng phái đoàn có mặt tại văn phòng Tư Lệnh Không quân trại Phi Long. Chờ đến 10 giờ 5 phút ông Triều lưu ý thiếu tá Phan Văn Minh, Chánh Văn phòng đặc biệt của tướng Kỳ rằng trễ hẹn quá năm phút rồi. Vị Chánh Văn phòng trả lời tướng Kỳ đang tiếp khách. Ông Triều bất bình là phép xã giao không cho phép người có chức quan trọng sai hẹn quá năm phút. Các vị linh mục trách ông Triều là quá nóng nảy.
Ðến 10 giờ 15, ông Triều đề nghị phái đoàn ra về và ghi nhận Ông Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương coi thường và không muốn tiếp phái đoàn. Linh mục Hoàng Quỳnh, ông Triều đứng dậy ra đi, tất cả đành bỏ về theo. Ra khỏi văn phòng độ mười thước, thiếu tá Minh chạy theo xin lỗi bảo rằng tướng Kỳ mời quí vị vào. Phái đoàn trở lại. Vừa bắt tay chào hỏi, mời ngồi xong, ông Kỳ vào đề ngay: “Chính ông Triều chủ trương làm cách mạng. Các chính phủ dân sự không chu toàn nổi nhiệm vụ, cho nên quân đội phải đứng ra lãnh trách nhiệm.” Ông Triều đang sùng trong bụng vì cách đối xử không đúng lễ nghi của ông Kỳ nên hỏi vặn ông ta một cách sỗ sàng gần như vô lễ.
“Thiếu Tướng nói làm cách mạng mà thiếu tướng có hiểu và định nghĩa được hai chữ cách mạng cho chúng tôi nghe không?”
Tướng Kỳ nói về sự hy sinh của quân đội, về tuổi trẻ, về đất nước, về kỷ luật quốc gia, ông diễn tả ước mơ của ông không dính dấp gì với câu hỏi của ông Triều đưa ra cả. Ông Triều lại vặn hỏi: “Thiếu tướng muốn làm người hùng như kiểu Ðại tá Nasser của Ai Cập mà Thiếu tướng có đọc quyển sách “Triết lý của Một Cuộc Cách Mạng” do Ðại Tá Nasser viết chưa?”
Ông Kỳ chân thật trả lời chưa đọc và bị ông Triều lên lớp dạy dỗ “Vậy thì Thiếu tướng rêu rao làm một cuộc cách mạng mà không định nghĩa được cách mạng là gì, muốn làm người hùng kiểu Nasser mà không biết Nasser là ai, không đọc ông ấy đã viết những gì thì làm sao khẳng định và thuyết phục được chúng tôi là quân đội chủ trương và có khả năng làm cách mạng?”
Ông Kỳ lại hăng say xác định tập thể quân đội là một tập thể hùng mạnh… Vậy còn ai xứng đáng và có khả năng hơn nữa?
Ông Triều trả lời: “Thiếu tướng lại xác định một cách trống rỗng. Cách mạng phải có chủ trương đường lối, phải có lãnh đạo. Cách mạng không phải lời nói suông, không phải một sự tưởng tượng, càng không phải là một sự ước mơ”.
Ngại tướng Kỳ nổi nóng, hai vị linh mục trong đoàn can thiệp và yêu cầu tướng Kỳ ghi nhận là phái đoàn đại diện cho giáo dân Công giáo cảnh báo và yêu cầu quân đội không nên áp đặt chế độ độc tài quân phiệt cho miền Nam. Các vị linh mục lo lắng e rằng ông Triều có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào. Phần ông Triều thì có hơi sợ nhưng thấy hả dạ nhẹ lòng vì đã nói cho vị đại diện quân đội hiểu được rằng họ chủ trương làm việc lớn mà không được chuẩn bị, không hiểu biết phải làm sao?

Phê phán Thủ tướng được mời làm Bộ Trưởng
Ngày hôm sau vào khoảng 7 giờ tối, hai linh mục Nguyễn Quang Lãm, Hồ Văn Vui, ông Lý Chánh Trung và ông Triều đang ngồi ăn chả cá ở tiệm Như Ý đường Calmet gần chợ Tân Ðịnh, Linh mục Lãm có điện thoại và có việc gấp phải đi. Ông Triều về nhà đánh máy bản Nhận Ðịnh thứ hai của Văn Phòng Liên Lạc Cạnh Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn thì có điện thoại của cha Lãm gọi ra trước cửa nhà số 168 đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), đón ông vì xe ông bị hư. Nhưng khi đến nơi, cha Lãm cứ một mực nài nỉ ông Triều khóa xe, xuống để nghe ông nói một việc quan trọng.
Thì ra người gọi điện thoại cho cha Lãm, buộc ông phải bỏ dỡ bửa ăn để đi công việc chính là tướng Kỳ. Cha Lãm kể lại câu chuyện như sau: “Thằng Kỳ gọi “tao” lên trại Phi Long, nó hỏi “tao”: “Cái thằng ngồi trước mặt chống đối tôi hung hăng trong buổi tôi tiếp kiến quí vị là tên gì? Ở đâu? Xin linh mục làm ơn cho tôi biết địa chỉ và số điện thoại nhà nó”. (mối thâm tình giữa cha Lãm và ông Triều có từ thời sinh viên ở Paris, cách xưng hô với nhau lúc thì “tao, mầy” vỉ ông là cha đạo và ông Triều là con chiên, lúc thì “ông tớ” lúc thì “toa moa” thân thiện tùy hứng, theo kiểu văn hóa Pháp).
Cha Lãm kể: “Tao” đinh ninh 100% là nó sẽ ra lệnh bắt “mầy” nên “tao” khẳng định nếu Thiếu Tướng bắt anh nầy thì Công giáo sẽ biểu tình ngay. Bởi vì thứ nhứt, Ðức Tổng Giám Mục và cha Hoàng Quỳnh rất thương nó, thứ hai, buổi tiếp xúc đó là chính ông Triều đại diện cho giáo dân công giáo. Ông Kỳ trả lời:
“Tôi bắt nó làm gì? Nếu muốn bắt, chẳng lẽ cảnh sát không tìm ra được địa chỉ của nó sao? Tôi có ý định mời nó tham gia nội các”.
“Tao” nhẹ nhõm nhưng lại nhủ thầm: Thôi bỏ mẹ rồi, chắc chắn là “mầy” không chịu, nên cho địa chỉ thì “mầy” sẽ kêu ầm lên, rồi lại gây gỗ với “tao” nữa, còn không cho thì phải ăn nói với người ta làm sao đây? “Tao” một mực khẳng định là “mầy” không chịu đâu, bởi vì chính “mầy” lo ngại quân đội áp đặt chế độ độc tài mà. Ông Kỳ một mực yêu cầu “tao” dàn xếp cho ông ta gặp được “mầy”, rồi nhận tham gia hay không sẽ hay. Vậy “tao” chỉ còn có một đường là nói gạt cho “mầy” lên đây. Nói xong ông cười ha hả rất khả ố. Ông Triều trả lời: “Không gặp quân phiệt”.
Cha Lãm nài nỉ: “mầy” đừng làm mất mặt “tao” tội nghiệp, “tao” đã lỡ hứa với ông ta rồi, thì “mầy” cứ vô đó gặp ông ta rồi sẽ trả lời không nhận tham gia có thiệt hại gì đâu?
Nể mặt cha Lãm, ông Kỳ bằng lòng gặp tướng Kỳ với điều kiện có mặt ông Lãm. Nghĩa là chỉ để giúp ông Lãm giữ lời hứa. Trong buổi gặp sau đó, tướng Kỳ mặc bộ hắc y, mang súng lục kè kè, vui vẻ nói: Thế nào? Tôi mời anh tham gia nội các với chức Tổng Trưởng Thanh Niên, thay thế tôi, chúng ta sẽ cùng nhau làm một cuộc cách mạng thật sự.
Trong gần mười lăm phút thuyết phục, lời nói cử chỉ của ông Kỳ hiện rõ lòng thành, ý chí phấn đấu, mục đích muốn xây dụng một điều gì tốt đẹp, nhưng diễn tả bằng những đại ngôn trống rỗng, nào là hy sinh mạng sống, sẵn sàng lấy cái chết để đền nợ nước, vân vân và vân vân, ngôn ngữ khôi hài với sự tự tin quá đáng, ông Kỳ cho ông Triều một cảm giác ngờ vực. Một ông Tư lệnh Không quân, từ nhỏ đến nay chỉ biết bay và giội bom. Bây giờ lại nắm quyền cai trị, ông Triều không yên lòng hợp tác. Ông Triều chưa dám đứt khoát từ chối, nên tìm cách hoãn binh để về nhà suy nghĩ. Xin cho suy nghĩ vài ngày sau sẽ trả lời.
Tướng Kỳ trả lời dứt khoát “Không còn kịp đâu, anh ngồi đây suy nghĩ, nửa giờ sau trả lời. Ngày mai chúng tôi phải trình diện nội các rồi”.
Ông Triều phân bua đây là chuyện đại sự quốc gia cần suy nghĩ chính chắn, Tướng Kỳ gia hạn thêm mấy giờ nữa. “Thôi anh về suy nghĩ đi, 12 giờ khuya trở lại đây trả lời cho tôi rõ”.
Lúc đưa ông Triều ra cửa, Tướng Kỳ nói: Sợ gì, anh và tôi chúng ta mua sẵn hai cái hòm, thành công thì dân tộc nhờ, chết cũng vì tổ quốc. Ông Triều giựt mình, vừa buồn cười vừa cảm kích, phải chăng lời nói đó có nghĩa là ông đã kết ông Triều là bạn tâm tình, là đồng chí đồng hành rồi? Hay là dùng đại ngôn để dụ dỗ những kẻ ngây ngô?
Ra khỏi nhà, linh mục Lãm và ông Triều chỉ bàn việc từ chối có thể xem như chống đối và thách thức, có thể bị tù. Túng thế quá, ông Triều đề nghị đến nhà Luật Sư Nguyễn Văn Huyền hỏi ý kiến. Ông Huyền cũng nghĩ không nên tham gia và có thể sẽ bị bắt. Ông Triều bèn nghĩ đến người bạn chí thân, người cha linh hồn, người cố vấn sáng suốt, có thể nói là người thầy đáng kính của ông Triều là linh mục Nguyễn Bình An, ở tu viện Thủ Ðức, nên lao xe đến nhà dòng này và kéo ông An qua nhà ông Lý Chánh Trung để nói chuyện.
Bàn thảo đủ mọi khía cạnh, họ đi đến quyết định cuối cùng là lựa một bộ chuyên môn như Canh Nông chẳng hạn, không nên lãnh một bộ có tính cách chính trị. Trở lại gặp tướng Kỳ, ông Triều thông báo quyết định chỉ nhận Bộ Canh Nông mà thôi viện cớ là tuổi thanh niên ông Triều đi du học, bây giờ trở về ông Triều không hề giao dịch tiếp xúc với thanh niên làm sao lãnh đạo được. Tướng Kỳ lại đổi ý, vì Bộ Canh Nông đã có người rồi, đề nghị ông Triều giữ bộ Phủ Thủ Tướng.
Lại càng không thể nhận, bởi vì cái ghế đó phải dành cho người thân tín nhứt của Thủ Tướng, còn ông Triều và Kỳ chưa hề quen biết, chưa tiếp xúc với nhau được hai lần.
Cuối cùng Tướng Kỳ chấp nhận: “Thôi, tôi đã hết lời mời anh nhập cuộc phục vụ cho đất nước mà anh vẫn một mực từ chối, tôi đành ghi nhận vậy”.

Viết báo chống Thủ Tướng, được mời cùng đi công du Hàn Quốc
Bắt tay chào nhau, ông Triều thấy nhẹ nhõm, nhưng lòng cứ tự hỏi tại sao anh Tướng trẻ tuổi nầy, không có chút oán hờn đối với mình, người đã từng chống đối ông ta, thậm chí coi thường ông ta, mà nay ông lại ân cần mời mình giữ chức vụ quan trọng bên cạnh ông ta?

Chuyện Tướng Kỳ chọn người chống đối mình để giao những việc quan trọng không chỉ xảy ra đối với ông Triều mà còn xảy ra với cả ông Lý Quý Chung (cố nhà báo Chánh Trinh, Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH và là Bộ Trưởng Thông Tin của chính phủ Dương Văn Minh). Ông Chung đã viết về chuyện lúc đang là nhà báo trẻ, bất ngờ được tướng Kỳ chọn vào đoàn đi công cán Hàn Quốc như sau “Đầu tháng 10-1965, Giám đốc Sở báo chí của Bộ thông tin là Hoàng Nguyên cho tôi biết trong danh sách các nhà báo được mời tham gia chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đến Đại Hàn (tức Nam Triều Tiên) có tên tôi. Chuyến viếng thăm này của Nguyễn Cao Kỳ nằm trong cuộc vận động của chính phủ Sài Gòn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh trong khu vực.



Chưa bao giờ đi ra nước ngoài, cơ hội này đối với tôi thật hấp dẫn. Tôi có hỏi Giám đốc báo chí Bộ Thông tin tại sao tôi được chọn vào danh sách này và được ông ta tiết lộ hết sức bất ngờ: Thủ tướng Kỳ bảo Nha báo chí phải mời “cái anh ký giả Nguyễn Lý hay viết bài chống tôi”. Lúc đó tôi ký bút danh Nguyễn Lý trên các bài xã luận và phóng sự của mình trên tờ Bình Minh và thường chỉ trích chính phủ Kỳ. Bút danh Nguyễn Lý kết hợp họ của tôi và họ của vợ tôi”.

Từ chối Bộ trưởng được xem như cố vấn, cứu báo chí bị đóng cửa!
Sau đó cứ vài ngày là có điện thoại của Phủ Thủ Tướng, Ông Kỳ hỏi ý ông Triều về nhiều chuyện liên quan đến tôn giáo, gút mắc chính trị, nhiều khi hình như ông cảm thấy cô đơn nên gọi ông Triều đến phủ nói chuyện bâng quơ, hay là có dụng ý khuyến dụ ông Triều nhập cuộc cũng không chừng. Ông Triều còn nhớ rõ có hai lần chính ông Triều điện thoại xin gặp Tướng Kỳ. Lần Thứ nhứt, khi ông đóng cửa nhiều tờ báo, không biết ai khuyên mà đa số lại là báo của những chủ nhiệm người miền Nam. Dư luận nhao nhao lên là Thủ tướng người Bắc chèn ép người miền Nam. Linh mục Nguyễn Quang Lãm, người Bắc tìm gặp ông Triều, ông nói: “Coi bộ ông Thủ tướng thích nghe “mầy” nói chuyện, thử gặp khuyên ông ta nên rút quyết định đó lại. Làng báo nhao nhao “tao” là thằng Bắc Kỳ thấy ngại quá”.
Khi gặp nhau, ông Triều vô đề ngay: Thiếu Tướng nghĩ như thế nào mà quyết định đóng cửa một lượt nhiều tờ báo như vậy?”
Tướng Kỳ thản nhiên: Báo chí gì? Ðó là những tờ lá cải, đóng cửa là phải”.
Ông Triều thuyết phục: “không biết tự Thiếu tướng quyết định hay có người phúc trình nhưng quyết định như vậy là sai, là thất chính trị. Bời vì thứ nhứt, nếu thật sự muốn đóng cửa những tờ báo đó thì phải chờ họ có một lỗi lầm nhỏ lớn nào đó rồi mình bắt bẻ xé to ra lấy cớ đóng cửa, như vậy dù tâm không phục, lý phải phục. Thứ hai, đóng cửa một loạt vô cớ đó là độc đoán, độc tài, là điều mà chính tôi lo ngại quân nhân thi hành chính sách quân phiệt. Nghĩa là cầm súng đe dọa rồi muốn làm gì thì làm. Thứ ba, báo chí là một thứ “đệ tứ quyền” có khả năng hướng dẫn, xoay chiều, bóp méo dư luận có lợi hay bất lợi cho ông tùy họ muốn. Vậy thì mới vừa ngồi vào ghế Thủ Tướng, ông lại gây chiến với báo chí là một sai lầm chính trị to lớn”
Hình như tướng Kỳ nghe lọt tai, ông bèn chuyển sang chuyện khác, hỏi han ông Triều đang làm việc gì có ích nước lợi dân? Ông Triều trả lời đi dạy học và làm thống kê kiểm tra năng suất lúa và tổng sản lượng gạo của miền Nam. Vài ngày sau, lại có quyết định cho tái bản toàn bộ những tờ báo bị đình bản.
Hồi Ký của Lý Quý Chung có ghi lại sự kiện này nhưng kết quả có khác hơn một chút “Chính phủ Kỳ là chính phủ duy nhất tại Sài Gòn đã ra quyết định đóng cửa tất cả các báo ngày (lúc đó Sài Gòn có khoảng 40 tờ báo ngày). Đây là lần đầu tiên Sài Gòn trải qua những ngày không có báo! … Khi Kỳ cho báo chí xuất bản lại thì chỉ có mười hai tờ được cấp phép”
Còn chuyện thứ hai ông Triều ghi nhớ là có một ngày ông Triều được Hội Chuyên Viên Kỹ Thuật Gia mời họp tại trụ sở của mỏ than Nông Sơn bàn về luật tổng động viên trong đó đương nhiên có các chuyên viên kỷ thuật. Hiện diện trong buổi hợp có khoảng hơn năm mươi người. Nhiều ý kiến lên án chính phủ không sáng suốt, sẽ làm tê liệt kinh tế kỹ nghệ quốc gia, vì chuyên viên đi lính, nhà máy, hãng xưởng đóng cửa. Có ý kiến đề nghỉ miễn dịch, có ý kiến chính phủ nên đồng hóa cấp bực theo chức vụ và văn bằng, có ý kiến xin cho đi lính vài tuần cho biết đời sống quân ngũ và cũng là một hình thức tôn trọng sự công bằng và luật pháp quốc gia, rồi biệt phái họ về ngay nhiệm sở cũ. Nhưng vấn đề là làm sao đạo đạt thỉnh nguyện của chúng ta đến tay ông nhà nước? Tóm lại đa số rất sợ bị động viên. Ông Triều đưa tay xin phát biểu:
Anh em ở đây muốn đạo đạt thỉnh nguyện của mình, tại sao không xin gặp Tổng trưởng Quốc Phòng hay Thủ tướng? Nhiều tiếng phát biểu nhau nhau, lộn xộn.
Ông Triều đề nghị anh em làm đơn xin yết kiến Thủ Tướng để trình bày sự việc.
Nhiều người thuận theo ý kiến xin gặp, mấy ổng có cho gặp hay không rồi sẽ tính sau. Ông Triều bỏ ra ngoài gọi điện thoại cho ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, trình bày lý do va xin cho một phái đoàn anh em chuyên viên gặp mặt. Ông Kỳ chấp nhận ngay. Ông Triều còn gạn hỏi cho phép đi bao nhiêu người?
Tướng Kỳ đáp là bao nhiêu cũng được. Ông còn nói đùa, càng nhiều càng tốt.
Trở vào phòng họp ông Triều thông báo quyết định của Thủ Tướng chấp nhận tiếp kiến anh em. Ða số tưởng ông Triều nói đùa, ông Triều phải nhiều lần khẳng định là thật và anh em đề nghị cử người đại diện, ông Triều bảo không cần, ai muốn đi thi cứ đi. Ông Triều lại ra ngoài diện thoại lại xin hẹn ngày giờ lên dinh Thủ Tướng trình bày sự việc. Sáng hôm đó, Thủ tướng tiếp kiến hai mươi mố anh em chuyên viên tại phòng họp của nội các, không có đủ ghế ngồi, một vài anh phải đứng. Cuộc tiếp kiến vắn tắt, kết quả chuyên viên được biệt phái về nhiệm sở cũ, sau những tuần lễ được huấn luyện quân sự.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc gia (Thủ tướng), Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã điều hành công việc quốc gia một cách cảm tính đầy ngẫu hứng, bốc đồng. Điển hình là chuyến công du của Thủ tướng và đại diện chính phủ sang Hàn Quốc lại mời cả một nhà báo trẻ thường viết bài phê phán Thủ tướng cùng đi mà không hề xét lý lịch nên không biết rằng nhà báo này đang trốn quân dịch (không đi lính theo quy định thời đó). Ngày về của đoàn bị dời ba lần cũng vì những lý do ngẫu hứng: để các bà mua sắm, dự lễ ở Đài Loan,… Ngay trong việc chọn người, lập chính phủ, đầu tư cải tạo xã hội cũng vậy, Tướng Kỳ thích cử thanh niên trẻ tham gia chính quyền nên mạnh tay đầu tư cho chương trình phát triển quận 8 do một nhóm thanh niên trẻ đề xuất và từ chương trình này đã phát triển nhiều hạt mầm cho quốc hội. Hình thành một bộ máy chính phủ theo ekip trẻ

Theo hồi ký của cựu dân biểu Lý Quý Chung, phái đoàn chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên, theo lời mời của thủ tướng nước này, gồm có Thủ tướng, Phó Thủ tướng (tướng Nguyễn Hữu Có) và các phu nhân cùng một số thành viên nội các. Ông Chung nhận xét: “Điều không thể tưởng tượng về chuyến đi này là: Một phái đoàn cấp cao quốc gia nhưng đi đứng rất tự do và vô trật tự. Các sĩ quan đi theo “phò” chủ tướng Kỳ đều thuộc binh chủng Không quân, bạn bè thân thiết cũ hoặc đàn em tâm phúc của ông ta cho nên bất kể vấn đề tôn ti trật tự.
Sòng bạc ngay trên chuyên cơ


Khi chiếc máy bay Caravelle vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một lúc thì đoàn tháp tùng ngồi phía sau máy bay gầy (mở) ngay một dòng sòng bài chơi bằng đô la Mỹ. Có lúc vợ của Thủ tướng Kỳ (bà Đặng Tuyết Mai) cũng rời phòng VIP tham gia cuộc vui một cách rất tự nhiên. Các sĩ quan Không quân cao cấp đều là bạn của hai vợ chồng bà. Ông Chung nhìn nhận rằng ông Kỳ khi trở thành Thủ tướng rất ít thay đổi trong đối xử với bạn bè cũ.

Ông Chung cũng được mời tham gia sòng bạc lưu động trên cao mấy ngàn mét ấy. Ông Chung chỉ mang theo khoảng 250 USD, do vợ gom góp từ đủ thứ tiền. Thế mà khi máy bay còn 25 phút đến Seoul thì ông Chung chỉ còn vỏn vẹn 30 USD! Nhưng may mắn đã trở lại với ông Chung. Khi còn 10 phút nữa máy bay đáp xuống Seoul, ông Chung thắng lại gần đủ số tiền đã thua.

Trong chuyến đi Nam Triều Tiên, có một sự việc mà ông Chung không thể quên: khi quân đội Mỹ đưa đoàn tham quan bằng trực thăng một điểm cao ở khu vực Bàn Môn Điếm (sát ranh giới Nam – Bắc Triều Tiên), thời tiết ở đây lạnh dưới 0 độ, nhưng ông Chung chỉ mặc một áo len bên trong và một áo vét bên ngoài, không đủ để chống lại cái rét dữ dội. Hai hàm răng của ông Chung đánh lập cập thành tiếng không sao kềm lại được. Tướng Kỳ đứng cách ông Chung chừng hai mét đột nhiên quay lại hỏi ông Chung: “Nhà báo không mang theo pardessus à?”. Ông Chung trả lời: “Thưa không”. Ông Kỳ lại quay sang nói với viên sĩ quan tùy viên của mình: “Cậu hãy lấy cái pardessus dư của tôi cho nhà báo mặc”. Ông Chung hết sức bất ngờ. Lúc đó ông Chung chỉ là một nhà báo mới vào nghề vô danh. Chắc chắn ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ không có một cử chỉ như thế. Ông Chung nhận xét: “Con người của Kỳ đầy những mâu thuẫn: sự chân thành chen lẫn với những cuộc trình diễn kiểu diễn viên kịch; một mặt muốn sắm vai người hùng kiểu Lương Sơn Bạc nhưng cách nói năng đao to búa lớn và kiểu ăn mặc lập dị lại tạo cho ông một hình ảnh không nghiêm túc. Ông đã tự chế cho mình một kiểu áo mặc riêng, nửa lai Ấn Độ nửa lai Trung Quốc thời Mao Trạch Đông!”.

Sau lịch viếng thăm chính thức, đoàn chuẩn bị lên đường trở về nước. Nhưng chiều tối trước khi giã từ Seoul, một số sĩ quan cao cấp thân thuộc của ông Kỳ đã tìm gặp bà Kỳ “đề đạt nguyện vọng của nhiều người trong đoàn” muốn ở lại Seoul thêm một ngày để có thời gian “shopping”. Ông Kỳ tán đồng ngay. Sáng hôm sau Thủ tướng Nam Triều Tiên đến khách sạn Chosun tiễn đưa đoàn đành ra về và hôm sau phải tiễn lại. Tại Sài Gòn, phái đoàn ở lại Seoul thêm một ngày không thông báo kịp đến các đoàn ngoại giao nên các đại sứ nước ngoài ở Sài Gòn vẫn phải ra sân bay đón phái đoàn theo thủ tục ngoại giao. Vợ ông Chung cũng ra đón hụt! Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra bên Seoul.

Trên đường từ Seoul về Sài Gòn khi máy bay sắp vào không phận Đài Loan, ở khoang sau nhóm sĩ quan tùy tùng lại to nhỏ với bà Kỳ nên đáp xuống Đài Bắc chơi, vì hôm nay là lễ Song thập (10-10 ngày Quốc Khánh) của Đài Loan. Bà Kỳ thấy có lý và vào phòng VIP năn nỉ chồng. Khoảng một phút sau, ông Kỳ xuất hiện trước cửa phòng VIP và thông báo với đoàn: “Đoàn ta sẽ dừng lại Taipei một hôm”. Thế là tại Sài Gòn, các đoàn ngoại giao có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất lại lũ lượt kéo nhau ra về một lần nữa vì Thủ tướng Kỳ lại dời ngày về. Và vợ ông Chung lại đón ông Chung hụt lần thứ hai.
Tại Đài Bắc, khi được phái đoàn Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa thông báo từ trên máy bay cuộc viếng thăm đầy bất ngờ, chính phủ Đài Loan không thể không lúng túng. Vì đúng vào ngày lễ lớn của mình, Đài Loan không còn chỗ trong các khách sạn sang trọng để đón khách ở hàng quốc gia. Rốt cuộc họ đã phải khẩn trương dồn khách ở một số khách sạn để dành chỗ cho đoàn của chính phủ Sài Gòn!
Chưa hết! Sáng hôm sau các đoàn ngoại giao Sài Gòn lại được thông báo dời ngày đón thủ tướng lần thứ ba vì rằng khi cả đoàn đã ngồi vào máy bay chuẩn bị rời phi trường Taipei thì phát hiện chiếc Caravelle bị trục trặc bộ phận xăng. Máy bay phải cần một ngày để sửa chữa. Thế là đại diện chính phủ Đài Loan lại phải rước đoàn trở vào thành phố Đài Bắc và lại dồn khách của họ lần nữa để có chỗ dành cho đoàn của ông Kỳ tá túc thêm một đêm. Sáng hôm sau, máy bay sửa chữa xong, đoàn mới về đến Sài Gòn.

Ký tên phê duyệt đề án 22 triệu mà không cần đọc lý do.
Cũng với tính cách ngẫu hứng, cảm tính đó, Thủ tướng Kỳ đã phê duyệt và hỗ trợ cho chương trình phát triển quận 8. Đó là một dự án phát triển cộng đồng mới mẻ hỗ trợ để người dân địa phương tham gia xây dựng cộng đống địa phương từ cơ sở vật chất hạ tầng đến nhà cửa, phố xá, đặc biệt là thay đổi lối sống, xóa bỏ tệ nạn xã hội, phổ cập tri thức văn hóa mới. Đặc biệt hơn nữa, người quản lý điều hành dự án đồng thời là người đứng đầu chính quyền địa phương. Đặc biệt là từ dự án này, đã hình thành một nhóm chính khách trẻ tham gia Nội Các của Kỳ và tham gia vào các kỳ Quốc Hội tiếp theo như thành phần đối lập với chính quyền Thiệu và có phản ứng với chính quyền VNCH. Ông Hồ Ngọc Nhuận, một sĩ quan cấp thấp được bố trí về làm quản lý dự án đã nhày phắt lên ghế Quận trưởng và nhiều người khác cũng thăng tiến nhanh như vậy.

 Ông Nhuận kể về quá trình thành lập này như sau “Năm 1965 Tướng Thiệu làm Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tướng Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tức Thủ tướng. Lúc đó, tuổi Kỳ đâu khoảng trên dưới bốn mươi. Trong một lần cao hứng, để lấy lòng thanh niên, ông tuyên bố ai trên tuổi thanh niên đều coi như… hết xài. Đây là một thời kỳ hết sức xáo trộn ở miền Nam, hết chỉnh lý đến đảo chánh, và quân đội làm vua. Tuyên bố của Tướng Kỳ được báo chí làm rùm beng. Lợi dụng cao hứng và “cao trào” nầy, một số anh em thanh niên, với anh Võ Long Triều làm trung gian, đã xin Tướng Kỳ giao cho một quận ở ven đô để làm thí điểm phát triển kinh tế. “Chương Trình Phát Triển Quận 8” ra đời từ đó. Chức “Quản Lý Chương Trình”, do anh em đặt ra, được giao cho bác sĩ Hồ Văn Minh sau nầy là Đệ nhất Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện. Ông Nhuận làm Quận trưởng hành chánh. Phó quận trưởng và các công chức cũ vẫn được giữ nguyên. Ngoài đông đảo lực lượng quần chúng các quận tích cực hưởng ứng, còn có một số ông em địa phương gần như “thoát ly” tham gia hợp tác với các chương trình phát triển, như ông Trần Kim Hoa, một nhà giáo ở Xóm Củi, hay ông Trương Tấn Lộc, một doanh nhân nhỏ ở Hưng Phú. Lại có ông Nguyễn Văn Mừng, kỹ sư công nông từ Mỹ về giúp sức. Nhưng lực lượng nòng cốt ban đầu đáng kể nhất của các Chương trình Phát triển chính là các nam nữ học trò cũ của ông Nhuận, tất cả bây giờ đã trở thành các ông bà nội ngoại.

Theo ông Võ Long Triều, người trực tiếp đề xuất chương trình này với ông Kỳ, chính ông bị ông Kỳ khích tướng phải làm cái gì đó để thể hiện sức bật của giới trẻ. Lúc đó, ông Triều là một Chánh Sở ở Bộ Canh Nông nhưng được ông Kỳ tin cậy như một cố vấn không lương. Ông Triều kể, có lần Thủ Tướng gọi mà ông không có mặt ở sở. Gọi về bộ cũng không gặp, ông Kỳ nổi giận mắng nhân viên bộ: một ông chánh sở đi đâu mà bộ cũng không biết? Cả bộ nhao nhao sợ hãi, chạy đôn chạy đáo kiếm ông Triều. Ai cũng lo sợ giùm riêng ông Triều thì biết đó chẳng qua là ông thủ tướng cảm thấy cô đơn hay bực tức điều gì muốn tìm người chia sẻ, nên ông Triều tỉnh bơ coi thường.
Hôm đó, ông Triều lên phủ Thủ tướng, ông Kỳ đã mỉa mai, thách thức:
-Anh giỏi tài nói phét, xúi bẫy, nhưng chết nhát không dám dấn thân làm bất cứ việc gì, miệng thì nói đất nước, lòng thì cầu an. Hạng người như anh, tôi đã thấy rất nhiều.
Quen tính ông Kỳ, ông Triều vặn lại
- Thiếu tướng nói khích tôi đấy à? Vô ích thôi. Ông dám giao cho tôi một bộ nhưng ông có dám giao một tỉnh không?
- Dám chứ sao không? Mà anh có dám nhận không nào? Ðó là vấn đề.
Rồi ông bật cười ha hả... đắc chí. Ông Triều cũng cười theo. Nhưng mỗi người cười theo chiều suy nghĩ của mình. Chính từ đó ông Triều và nhóm thân hữu đã xây dựng chương trình quận 8. Khi đưa đề án chương trình với chi phí 22 triệu đồng, ông Kỳ ký ngay mà không cần đọc lại. Ông ủng hộ mọi yêu cầu của đề án từ con người đến mục tiêu. Đề án thuận lợi với phía người dân nhưng bị phía chính quyền địa phương Sài Gòn ngăn trỏ. Đại tá Văn Của, Đô trưởng Sài Gòn, không cho giải ngân số tiền đầu tư. Nhân viên dự án kể cả ông Nhuận phải bỏ tiền túi đi làm nhiều này mà không có lương. Cuối cùng, ông Triều mét với ông Kỳ và ông Kỳ đã nổi trận lôi đình lệnh cho Đại tá Của đến, quát một trận. Ngay sau đó, tiền bạc được giài ngân và đạt nhiều kết quả tốt. Ông Kỳ lại đặt vấn đề mời ông Triều tham gia chính phủ.

Tha thiết mời người “chống mình” làm bộ trưởng, sẵn sàng cải tổ cả chính phủ bằng người trẻ
Ông Triều kể chi tiết về thái độ quyết đoán của ông Kỳ lúc đó như sau. “Ông Kỳ nói: Chương trình quận 8 cho đến bây giờ đã có sức hấp dẫn đối với quần chúng. Nếu ông bỏ dở thì sẽ hoài công anh em, và uổng lắm. Nếu ông tham gia nội các thì sẽ có người bao che thúc đẩy, đưa chương trình nầy đến chỗ thành công dễ dàng hơn. Tôi sẽ cải tổ nội các nếu cần. Ông dạy kinh tế nông nghiệp phải không? Tôi đề nghị ông giữ bộ Kinh tế, tôi đang cần một ông tổng trưởng Kinh Tế tài ba để ổn định thị trường đang xáo trộn làm dân chúng hoang mang. Ông Triều vặn lại- Một mình tôi vào nội các thì cũng không giúp được ông nhiều.- Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả những người ông giới thiệu, miễn là cùng chí hướng với chúng ta, và không phải là thứ ăn hại đái nát.

 Phó Tổng Thống Hubert Humphrey thăm chương trình phát triển quận 8 Sài Gòn cùng với Nguyễn Cao K

Phó Tổng Thống Mỹ Hubert Humphrey viếng thăm Việt Nam, muốn đến một nơi nào có thể chứng minh viện trợ của Mỹ đem lại kết quả tốt cho Việt Nam. Chính phủ của ông Kỳ không có chỗ nào khác hơn là quận 8 phô trương với báo chí Mỹ.
Ông Humphrey đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, về những thanh niên trẻ đã làm được ở Quận 8, ông cầm nguyên trái dừa dùng ống hút, hút nước giải lao, miệng cười niềm nỡ. Trước khi rời Việt Nam, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Tổng thống Hubert Humphrey tuyên bố với báo chí là những gì ông chứng kiến và hiểu được ở quận 8 Saigon là “Cốt lõi của một cuộc cách mạng” (nguyên văn: “C'est l'essence même d'une révolution” (Journal d' Extrême Orient Saigon). Báo chí trong và ngoài nước khởi sự loan tin và nói tốt về một chương tình phát triển cộng đồng do giới trẻ Việt Nam thực hiện.

Hai ngày sau cuộc viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ, Tướng Kỳ điện thoại mời ông Triều đến gặp ông. Vừa thấy mặt là ông Kỳ nói ngay:
- Thế nào, toa đã suy nghĩ chín chắn chưa. Còn suy nghĩ cái mẹ gì nữa? Những ông trí thức của tụi toa thường hay nói: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” kia mà, chẳng lẽ toa vô trách nhiệm sao? Chẳng lẽ toa không muốn bảo vệ cho sự thành công của chương trình phát triển cộng đồng của toa sao?
- Cái đó còn tùy, nhận trách nhiệm để làm cái gì và với những ai? Chắc toa (anh) cũng đoán được moa (tôi) đã nghĩ gì rồi. Thôi thì moa nhận tham gia nhập cuộc.
Sở dĩ ông Triều bắt đầu gọi ông Thủ tướng bằng toa là vì ngạc nhiên thấy ông tự nhiên xưng “toa, moa” với ông Triều. Thông thường đối với người Pháp “tutoyer” (gọi nhau toa moa) là tỏ ý muốn thân thiện. Bắt đầu từ đó ông Kỳ và ông Triều “à toi à moi” (xưng toa toa, moa moa) với nhau một cách thân thiện
Ông Kỳ gợi ý:
- Nhìn tổng quát mà nói, moa thấy có hai cách: trong thời buổi chiến tranh, một là áp đặt chế độ phân phối và tiếp tế, hai là chính phủ phải trực tiếp can thiệp vào thị trường, bằng nhiều cách, chớ không thể để cho tự do mua bán như thời bình được. Chỉ cần gian thương tích trữ để nâng giá, hay kẻ thù gieo một tin đồn thất thiệt, là đủ để làm xáo trộn thị trường. Nhưng moa sẽ không bao giờ nhận ghế Tổng Ủy viên Kinh tế. Bởi vì moa mới bước chân vào chính trường mà ngồi trên cái ghế có vàng, dù moa không lấy, người ta cũng đồn là đít của moa có dính vàng.
- Vậy toa muốn nhận bộ nào?
- Thì Bộ Thanh niên như ngày đầu toa đề nghị với moa. Toa muốn thay người ở Bộ Kinh tế thôi hay còn bộ nào toa muốn thay nữa?
- Thay tất, nếu cần, trừ Bộ Quốc phòng. Moa đã nói với toa rồi, mình phải tìm một “équipe” (đội ngũ) đồng ý chí, dám hy sinh.
- Toa cho moa vài ngày để thăm hỏi bạn bè.

Đang trốn lính được bổ nhiệm làm Giám Đốc Nha
Chính từ sự kiện này, ông Triều đã giới thiệu cho ông Kỳ một nhóm thành viên chính phủ hoàn toàn dựa trên nhận xét, đánh giá về khả năng chứ không phải trên quan hệ quyền lực. Đương nhiên không phải người nào ông Triều giới thiệu cũng là người tài giỏi thực tâm, điều đó chỉ do sự ngộ nhận trong đánh giá của ông.
Ngay trong Bộ Thanh niên của mình, ông Triều cũng chọn người để bổ nhiệm theo khả năng mà không chú ý đến lý lịch, quan hệ. Thậm chí vô tư đến nỗi ông bổ nhiệm Lý Quý Chung làm Giám đốc Nha tác động tâm lý trong lúc ông này đang trốn quân dịch mà không hề hay biết dẫn đến chuyện Quân Cảnh bao vây Bô Thanh niên bắt ông Chung sau đó. Trong hồi ký, ông Chung đã kể như sau “Trốn quân dịch, nhưng Tôi cũng đã có dịp đi tận Seoul (Nam Triều Tiên). Và cũng ở trong tình trạng không hợp lệ quân dịch, Tôi lại được mời làm giám đốc Nha Tác động Tâm lý của Bộ Thanh niên Thể thao! Chuyện khó tin ấy xảy ra như thế này: Năm 1965, Tôi đang làm tổng thư ký tòa soạn báo Bình Minh, tôi có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Tôi chỉ trích nội các Nguyễn Cao Kỳ cố tình không thành lập đại học tại miền Tây để tiếp tục duy trì khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở tình trạng dân trí thấp, hạn chế sự phát triển dân chủ. Cùng lúc này có một nhóm trí thức miền Nam tên tuổi như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hảo, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Võ Long Triều cũng mở cuộc vận động mạnh mẽ đòi thành lập đại học miền Tây (ban đầu chưa xác định tên Đại học Cần Thơ). Người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động này là kỹ sư Võ Long Triều.

Chính ông đã mời Tôi nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Võ Long Triều là người Công giáo, có hậu thuẫn từ Tòa Tổng giám mục, thêm nữa lúc bấy giờ ông là một gương mặt trí thức trẻ miền Nam có khá nhiều uy tín, nên Nguyễn Cao Kỳ chọn ông làm đầu cầu để với tới giới trí thức miền Nam mà phần đông dị ứng phong cách “cao bồi” của ông và đồng thời không ủng hộ lập trường hiếu chiến của “nội các chiến trông” mà ông đứng đầu. Thủ tướng Kỳ (chức vị chính thức lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên (chức danh chính thức là Ủy viên Thanh niên). Để lấy lòng người dân miền Nam, Thủ tướng Kỳ cũng ra quyết định thành lập Đại học Cần Thơ.”


Lấy xe thủ tướng rước người bị tố là Cộng sản để mời làm Bộ TrưởngCuối cùng tôi đề nghị với Tướng Kỳ hai người. Ðó là Trương Văn Thuấn giữ Bộ Giao thông. Âu Trường Thanh giữ Bộ Kinh tế, còn tôi giữ Bộ Thanh niên. Sáng hôm sau, ông Kỳ mời tôi lên Phủ Thủ tướng có chuyện gấp. Vừa bắt tay ngồi vào ghế, Tướng Kỳ đẩy về phía tôi một chồng hồ sơ dầy cộm bọc trong bìa cứng màu xanh lợt, bề dầy độ hơn một tấc tây và nói:
- Âu Trường Thanh là cộng sản mà toa giới thiệu nó vào nội các chiến tranh của mình? Hồ sơ đây, xem đi rồi nói chuyện tiếp.
- Moa chơi với Âu Trường Thanh khá lâu, sinh hoạt với nhau thường, moa có thể biết được tư tưởng của anh ta. Dĩ nhiên moa không thể đoan chắc 100% bởi vì “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. Moa không cần đọc tập hồ sơ nầy. Xin toa nghe moa nói hết ý kiến của moa rồi toa tự ý quyết định. Moa không ép và cũng không đặt điều kiện bởi vì Âu Trường Thanh cũng không phải phe nhóm gì với moa cả. Hiện tại, mình cần một người có khả năng điều khiển bộ kinh tế và ổn định cho bằng được thị trường đang xáo trộn làm dân chúng hoang mang phải không? Nếu như vậy thì cho dù Âu Trường thanh là một đảng viên Cộng sản, bây giờ mình giả sử như nó là Hồ Chí Minh đích danh đi để cho dễ nói chuyện. Trong giai đoạn nầy, trong điều kiện hiện tại mà Hồ Chí Minh giúp mình ổn định được tình hình kinh tế cho dân mình nhờ, cho nội các đứng vững thì cám ơn. Nếu nó ló cái đuôi Cộng sản thì mình còng đầu tức khắc. Mình nắm cán mà sợ gì? Tùy toa quyết định. Nếu đứng chỗ của toa thì moa sẽ mời nó hợp tác. Nhưng xin lập lại một lần nữa, hoàn toàn do chính toa quyết định nhé. Moa không thuyết phục toa nhận hay không nhận nó đấy.
Ông Kỳ lộ vẻ suy nghĩ, ngồi im, chấp mấy ngón tay trước ngực, dựa lưng vào ghế, bật tới bật lui độ hơn 30 giây, ông nói:
- Mời Âu Trường Thanh lên đây đi.
Tôi bước tới cạnh bàn của ông lấy điện thoại gọi Âu Trường Thanh:
- Thanh đấy hả? Thiếu tướng Chủ tịch mời toa lên dinh ở số 2 đường Thống Nhứt ngay bây giờ.
Bên kia đầu dây, tiếng anh Thanh nói:
- Toa đừng có cà rỡn. Ai thèm mời moa mà gọi. Moa không tin chuyện “phong thần” của toa đâu, chừng nào có xe của ông Thiếu tướng xuống rước thì moa mới tin.
Tôi hơi bực mình, nhưng suy đi nghĩ lại, muốn cho được việc thì chuyện nầy là chuyện nhỏ.
Bỏ điện thoại xuống, tôi nói với Tướng Kỳ:
- Thanh nó không tin, nó nói phải có xe của toa xuống Sicovina rước, nó mới tin.
Tướng kỳ nổi nóng ngay:
- Bộ hắn là bố của moa sao mà đòi phải có xe của Thủ tướng rước?
- Toa nề hà chi chuyện đó mà nổi giận. Ðồng ý là phi lý và vô lễ, Nhưng toa có nhớ ngày xưa Lưu Bị mời Khổng Minh như thế nào không? Thằng Thanh chưa phải là Khổng Minh nhưng mình chỉ cần nó ngồi đó dẹp yên trận giặc kinh tế, cho mình có thì giờ và cơ hội làm việc lớn được.
Không biết Tướng Kỳ nghe thuận tai hay vì nể mặt tôi mà ông nhận chuông. Thiếu tá Liệu chạy vào.
- Liệu, anh xuống Sicovina rước ông Âu Trường Thanh lên đây tức khắc.

Những cuộc đảo chính, chính biến liên tục ở Sài Gòn từ sau khi chế độ Diệm sụp đổ là cơ hội phát triển cho một lớp trí thức trẻ miền Nam. Có những người du học nước ngoài trở về như Giáo sư Lý Chánh Trung, Kỹ sư Võ Long Triều, Âu Trường Thanh… Có những người là trí thức trong nước như Bác sĩ Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận… Điều quan trọng hầu hết những người trẻ ấy đều đã trưởng thành từ hoạt động xã hội từ thời sinh viên học sinh. Họ đã thực thiện chương trình phát triển quận 8 với lòng nhiệt huyết và tạo ra chuyển biến căn bản về kinh tế xã hội vùng đất nghèo nhất Sài Gòn và điều quan trọng nhất là xây dựng lối sống với ý thức cộng đồng.

Phó Tổng thống Mỹ thăm quan chương trình quận 8 và đánh giá "Tôi đã nhìn thấy
ở đây cuộc cách mạng xã hội
Đặc biệt trong những trường hợp đó, là Hồ Ngọc Nhuận. Từ một thầy giáo bị động viên đi sĩ quan Thủ Đức, ra trường làm sĩ quan huấn luyện quân khí ở Châu Đốc, đột nhiên sau đảo chánh 1/11/1963 được triệu tập lên làm Trợ lý (Thứ trưởng) Bộ trưởng Thanh niên. Sau chỉnh lý của Nguyễn Khánh, ông Nhuận lại rơi xuống làm thiếu úy bộ binh chuyển ra Pleiku. Đến thời Nguyễn
Cao Kỳ lại được bốc lên làm Quận trưởng quận 8 và sau đó là Tổng Giám đốc Nha Thanh niên, dân biểu Quốc hội. Sự thăng tiến đột ngột ấy, hoàn toàn không do quan hệ quen biết chạy chọt mà chỉ từ dấu ấn trong hoạt động xã hội thời học sinh, sinh viên.

Chuẩn úy trốn trại đi chơi được mời làm… Thứ trưởng
Ở miền Nam trước 1975, do đặc thù hoàn cảnh, hoạt động ngoài nhà trường của sinh viên học sinh rất sôi nổi. Ngoài các hoạt động mang tính chính trị như biểu tình phản đối chế độ độc tài, phản đối bầu cử gian lận, phản đối bắt lính… thì nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia các hội đoàn rèn luyện kỹ năng và làm công tác từ thiện xã hội theo hệ thống quốc tế như Hướng đạo sinh, Hội Chữ thập đỏ, Du ca … Ngoài ra là hàng trăm, hàng ngàn những hội đoàn tự phát của từng trường học, của các tổ chức tôn giáo. Xu hướng trong các hoạt động thanh niên thời đó là hoạt động phát triển cộng đồng. Khác với các hoạt động cứu tế, cứu trợ theo truyền thống là cho tặng quà cáp đơn thuần, hoạt động phát triển cộng đồng là sự “gây men”, hỗ trợ về phương tiện, phương pháp để cho đối tượng tiếp nhận tự vươn lên, tự phát triển.
Theo hồi ký của ông Hồ Ngọc Nhuận (nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc TP.HCM), ông gốc là thầy giáo dạy học ở Mỹ Tho và bị động viên vào trường Bộ binh Thủ Đức, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy trừ bị, khóa 14. Đảo chính 1/11/1963 diễn ra, ông Nhuận đang ở Trung tâm Huấn luyện Vùng IV Chiến thuật, nằm dưới chân núi Cấm, trong dãy Thất Sơn. Trước những tin tức dồn dập về cuộc chính biến, ông trốn trại về Sài Gòn để quan sát thời cuộc. Tuy nhiên một ngày sau, một công điện khẩn từ Hội đồng Quân nhân Cách mạng ở Sài Gòn đã được chuyển đến Trung tâm, lệnh cho Chỉ huy trưởng phải để ông Nhuận khẩn cấp đến trình diện. Công điện lại có thêm câu thòng: “Nếu cần sẽ cho trực thăng đến đón”. Cả Trung tâm nháo nhác: Một sĩ quan của Trung tâm được lệnh trình diện cấp tối cao nhưng lại “biến mất”. Anh em sĩ quan cùng đơn vị, cùng phòng đều biết ông đã “nhảy dù” về Sai Gòn, vì đã góp tiền cho ông đi xe, nhưng làm sao dám nói? Đành giả bộ túa ra đi tìm, nhóm chạy ra Châu Đốc, nhóm đi Long Xuyên. Nhiều giả thiết được đặt ra về cái công điện khẩn: Hoặc ông Nhuận thuộc phe ông Diệm, bị gọi về để nhốt, hoặc ông Nhuận có dự phần gì đó với nhóm “làm cách mạng”, được gọi về để cho “làm lớn”.
Điều thú vị là khi ông Nhuận quay về Trung tâm Huấn luyện để trả quân trang và làm thủ tục đi nhận nhiệm sở mới, liền được sếp cũ là chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện mời đãi cơm. Trong buổi tiệc, ông này tự thú là đã lỡ tham gia đảng Cần Lao của ông Diệm, hy vọng được khoan hồng tha thứ, cứ như ông Nhuận đã là quan chức cấp cao của phe đảo chánh, trong khi chính ông Nhuận cũng không biết vì sao, ai đã triệu tập mình.
Không chỉ ông Nhuận mà có cả ông Nguyễn Hữu An và vài người khác cùng tham gia sáng lập phong trào thanh niên Công giáo thời sinh viên cũng được gọi đến trình diện Bộ Tổng tham mưu. Họ được đưa đến chào trình diện ông tướng Chủ tịch Dương Văn Minh, nhưng người tiếp là tướng Lê Văn Kim. Trong bộ ba Minh - Đôn – Kim chóp bu, ông Kim là “lý thuyết gia”. Ông Kim “thuyết ” cho họ khá lâu về nhiệm vụ của thanh niên trong giai đoạn mới, thời đại mới, nhấn mạnh: “Thanh niên phải yêu quân đội”, trong khi họ đang bực bội vì bị cưỡng bách, ép buộc phải vào sống trong môi trường gò bó. Với tư duy phản biện của trí thức, ông Nhuận lại tự nghĩ theo hướng phản kháng. Tại sao phải yêu quân đội? Tại vì quân đội nắm quyền chăng? Sau buổi nghe thuyết giảng ấy, ông Kim phái họ đến giúp việc cho Bộ Thanh niên, một bộ mới toanh, vì thời ông Diệm không có Bộ Thanh niên, chỉ có Tổng nha Thanh niên.

Chọn từ những thanh niên từng lãnh đạo phong trào
Thầy và trò trường Lương Văn Can, thành quả của chương trình quận 8.
Trường lớp đơn sơ nhưng phương pháp học hiện đại chủ động
Nhưng tại sao có sự ráp nối này ? Ông Nhuận tìm ra giải đáp là ông thầy cũ người Pháp dạy triết của ông, cha Bernard Pineau, được tướng Dương Văn Minh yêu cầu giới thiệu họ về làm việc với ông. Thời học sinh sinh viên, ông Nhuận cùng bác sĩ Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu An, Hoàng Ngọc Tuệ là sáng lập viên Phong trào Thanh niên Sinh viên Công giáo Đại học Sài Gòn. Họ cùng được cha Pineau giới thiệu về làm việc ở Bộ Thanh niên năm 1963. Cha Pineau vừa là thầy vừa là cha tuyên úy của tổ chức sinh viên Công giáo mà ông Nhuận sáng lập, đã giới thiệu cả nhóm thành viên sáng lập này cho ông Minh. Nhưng vì sao tướng Minh nhờ cha Pineau giới thiệu họ, đến giờ này Nhuận cũng chưa có dịp hỏi ông Minh hay cha Pineau mà chỉ suy đoán có thể ông Minh muốn có sự đa dạng màu sắc tôn giáo trong chính phủ, cũng có thể ông muốn tăng thêm sức trẻ.

Nhưng sự cách tân ấy chỉ mang tính chắp vá và không hiệu quả. Thành phần chủ chốt của chính phủ sau đảo chánh vẫn là những công chức lớp cũ thời Pháp. Ông tân Bộ trưởng Thanh niên là một kiến trúc sư đã lớn tuổi, từng là bạn tennis với ông Minh. Một ráp nối có vẻ “khập khiễng”, giữa ông tân Bộ trưởng và ông Nhuận ông An, không chỉ về tuổi tác, về thế hệ, mà còn về nhiều yếu tố khác. Không đàng nào biết đàng nào, không đàng nào “ăn” với đàng nào. Là trợ lý Bộ trưởng Thanh niên nhưng ông Nhuận, ông An suốt ngày ở ngoài đường cùng tham gia các cuộc biểu tình. Ông Nhuận kể: “Chúng tôi làm việc ở Bộ Thanh niên thì ít, bởi cũng không biết làm gì, mà ở ngoài đường thì nhiều. Không khí đường phố dự báo nhiều “bão táp”, thế mà ở Bộ Thanh niên người ta đang bổ sung ngân sách mua sắm nhiều thứ. Đến ngày “chỉnh lý”, chỉ vài tháng sau ngày 1/11/1963, và cho đến sau ngày đại tướng Dương Văn Minh về làm Quốc trưởng ở dinh Gia Long, An và tôi vẫn ở ngoài đường, tiếp tục cùng thanh niên chống tướng Nguyễn Khánh, chống “ Hiến chương Vũng Tàu ””.

Đặc biệt trong sự nhộn nhạo của các phe cánh chính trị thời đó, những quyền lực, sự đấu đá phe phái làm chính trường hỗn loạn. Nguyễn Khánh liên kết với Khiêm làm chỉnh lý tiếm quyền Dương Văn Minh, sau đó lại đẩy Khiêm ra nước ngoài. Nhưng trong một số người, chừng như tình bạn, tình người vẫn vượt lên trên chính kiến phe phái. Trong đó có trường hợp của ông Nhuận. Trong thời gian làm ở Bộ Thanh niên và thân cận với tướng Minh, ông Nhuận có quen biết với những tùy viên của tướng Minh như Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, Đại tá Chiêm và đã xảy ra những tình huống tế nhị sau này.

Khi đẩy tướng Dương Văn Minh đi làm đại sứ ở nước ngoài, Nguyễn Khánh mở đợt “trả thù” xuống cấp thấp hơn. Tất cả các sĩ quan được cho là thân cận với tướng Dương Văn Minh đều được lệnh đi Pleiku (thời đó đây là vùng chiến sự dữ dội nhất, dễ bị thương vong nhất). Một số đã lên đường. ông An và ông Nhuận bỏ trốn. Thời gian bỏ trốn không lâu mà cũng lắm chuyện dở khóc dở cười. Quân nhân trốn lệnh điều động lại mò đến nhà đại tá Chiêm, trưởng Quân vụ Thị trấn hỏi thăm tin tức tình hình. Ông Nhuận, ông An phải ngụy trang, phải nhờ bác sĩ Minh lái xe đưa đi đón về, nhưng cái quan trọng là họ cứ do dự vì sợ Đại tá Chiêm bắt giao cho phe tướng Khánh. Trong khi ông Chiêm luôn một lòng đối xử tốt với họ. Chính Đại tá Chiêm là người ở lại dinh Độc Lập cho tới cuối tháng 4/1975 để tiếp ông Dương Văn Minh, trong khi ông Thiệu đã bỏ chạy…
Cuối cùng ông Nhuận và ông An thoát được cái lệnh điều động đi Pleiku, nhờ người bạn là kỹ sư Đoàn Thanh Liêm có quan hệ thân quen với  tướng Nguyễn Bảo Trị, Tư lệnh Sư đoàn 7. Ông này cho người cầm giấy xin với Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cho ông Nhuận về Sư đoàn của ông ở Mỹ Tho. Không lâu sau đó, đến thời tướng Kỳ làm Thủ tướng, đùng một cái ông Nhuận được bốc lên làm Quận trưởng quận 8 sau đó làm Tổng Giám đốc Thanh niên.

Quận trưởng cũ cố vấn quận trưởng mới, Đô trưởng đi rình quận trưởng
Năm 1965 tướng Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, tức Thủ tướng. Lúc đó, tuổi ông Kỳ đâu khoảng trên dưới 40. Trong một lần cao hứng, để lấy lòng thanh niên, ông Kỳ tuyên bố “ai trên tuổi thanh niên đều coi như… hết xài”. Tuyên bố của tướng Kỳ được báo chí làm rùm beng. Lợi dụng cao hứng và “cao trào” này, một số thanh niên trí thức, với Võ Long Triều làm trung gian, đã xin tướng Kỳ giao cho một quận ở ven đô để làm thí điểm phát triển kinh tế xã hội. Và để có người hậu thuẫn cho chương trình phát triển quận 8 là quận nghèo nhất Đô thành Sài Gòn, ông Triều và nhóm công tác này đã đề nghị đưa người trong nhóm làm quận trưởng.
Vì vậy, khi Chương trình Phát triển Quận 8 bắt đầu, ông Nhuận từ thiếu úy được tướng Kỳ bổ nhiệm chức Quận trưởng Hành chính Quận 8. Thời đó, Quận 8 cùng với các quận khác ở Sài Gòn vẫn còn duy trì chế độ quận trưởng hành chính, thường là một công chức thuộc ngạch Tri phủ hay Đốc phủ sứ, đa số là những người có tuổi đã trải qua nhiều năm làm viên chức hành chính. Lúc ấy, trừ ở Sài Gòn, tất cả các quận trên miền Nam đều đồng hóa với các khu quân sự, và các ông quận trưởng đều là sĩ quan quân đội, với cấp bậc thiếu tá hoặc trung tá. Lúc bấy giờ ông Nhuận cũng là nhà binh, nhưng chỉ là thiếu úy gốc nhà giáo bị động viên. Tuy được Kỳ bổ nhiệm giữ chức Quận trưởng hành chính nhưng còn phải thông qua sự chấp hành của Đô trưởng, lúc bấy giờ là Đại tá Y sĩ Văn Văn Của, thuộc binh chủng nhảy dù.

Chuyện một sĩ quan làm quận trưởng ở Sài Gòn là chưa có tiền lệ, và quyết định của tướng Kỳ bổ nhiệm một thiếu úy làm Quận trưởng cũng khá mới mẻ táo bạo, nên ông Đô trưởng đâm lo và thi hành một cách nửa vời. Với ông Nhuận, ở chức vụ Quận trưởng và Mai Như Mạnh ở chức vụ Phụ tá, ông Đô trưởng còn bổ nhiệm thêm ông Đốc phủ Cao Minh Chung quận trưởng cũ mà ông Nhuận vừa thay thế, làm cố vấn quận trưởng, một chức vụ  xưa nay chưa từng có ở bất cứ đâu ở VNCH. Công việc của ông cố vấn Quận trưởng lại càng đặc biệt là kiểm tra vừa theo dõi, vì thực tế nội dung hoạt động phát triển cộng đồng của nhóm ông Nhuận quá mới mẻ khác xa với kiến thức hành chính của viên chức già thời Pháp thuộc.
Theo hồi ký của ông Nhuận, mỗi ngày, khi ông Nhuận lặn lội đến đâu thì y như rằng ngày hôm sau ông “cố vấn” cũng mò tới đó để hỏi thăm đồng bào xem “ hôm qua mấy đứa nhỏ đã làm được gì”. “Mấy đứa nhỏ” là mấy anh em trong dự án phát triển quận 8 của nhóm ông Nhuận, hầu hết chưa đầy 30 tuổi, cùng với các học trò của ông Nhuận, phần lớn chưa đầy 20 tuổi. Riêng ngôi nhà công vụ dành cho quận trưởng, trong khuôn viên Tòa Hành Chính Quận 8, thì cũng phải nhường một nửa cho ông cố vấn quận trưởng.

Tình trạng khó xử và khó chịu này kéo dài cũng khá lâu. Cho tới khi cả ông Đô trưởng, cả ông cố vấn quận trưởng đều “thấy nhột” mà tự động thoái lui khi thấy những bước tiến dài trong một thời gian ngắn của công cuộc phát triển cộng đồng về mọi mặt; và lòng dân, trước hết là mấy cụ già, ngày càng ngã về “mấy đứa nhỏ”; những đoàn khách nườm nượp đến thăm, ủng hộ hay rút kinh nghiệm; Đại sứ Hoa Kỳ, cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ Hubert Humphrey mò đến “tham khảo”...
Riêng ông Đô trưởng Sài Gòn nhiều lần tự mình “thử thách” kiểm tra viên thiếu úy Quận trưởng mà ông buộc lòng phải bổ nhiệm. Với tác phong một đại tá nhảy dù, ông Đô trưởng đã nhiều lần “đột kích” xuống Quận 8 vào ban đêm nhưng đêm nào ông cũng gặp quận trưởng quận 8 ở đâu đó giữa các khóm nghèo để cùng người dân nghèo họp bàn giải quyết một vấn đề nào đó tại chỗ.

Khó có nơi nào nghèo hơn Quận 8 thời 1965. Không giống bất cứ quận nào khác, càng không giống các quận trung tâm, Quận 8 không có trường trung học, mà trường tiểu học thì cũng thật lèo tèo. Và đương nhiên là không có trường Đại học. Nhưng lại có Trại Tế bần, ở phường Rạch Ông, nơi tập trung các trẻ lang thang bụi đời của toàn thành phố. Quận 8 cũng không có ngân hàng, kho bạc, nhưng lại có bãi rác chung của Sài Gòn ở phường Chánh Hưng. Những “núi” rác chồng chất nối tiếp nhau trên nhiều héc-ta, nơi tập trung sinh sống, không biết từ thời nào của một số dân cư làm nghề rác. Các bà con này, cùng gia đình, cất chòi sống ngay trên rác, phân loại khai thác rác. Những đôi guốc vông, thời đó còn thịnh hành, hết xài vất đi, là một nguồn lợi đặc thù của bà con làm rác, để phơi làm củi chụm. Ăn cơm hay lai rai vài chén, đều phải ngồi trong mùng. Không phải “nằm mùng để chống muỗi”, mà chống ruồi: Ruồi sà xuống uống rượu, ruồi chui vô lỗ mũi, ruồi tọt vô cuống họng… nếu ngồi đối ẩm mà không giăng mùng. Và nước rác nữa, những dòng suối đen ngòm, đặc quánh, có chỗ ngập tới ống chân khiến ông Nhuận thường bỏ cơm sau khi cùng bà con địa phương ngược xuôi trên rác tìm cách chỉnh trang thích hợp để an cư và cải thiện đời sống đồng bào.

Quận nghèo không khó bằng ông Đô trưởng gây khó
Đặc điểm của chương trình phát triển kinh tế xã hội quận 8 không phải là đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất, cũng không phải là thu hồi đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh, mà là chương trình tổng hợp, vận động chính người dân trên địa bàn tham gia cải tạo, quy hoạch lại đất đai và tái thiết xây dựng nhà cửa cho chính người dân tại địa bàn.
Nhưng những cái khó của chương trình nằm ngay ở chính chánh quyền địa phương mà chính xác là đại tá Văn Văn Của. Ông Võ Long Triều đã hồi ức chi tiết như sau: “Việc đầu tiên là giải quyết tình trạng lầy lội của những ngõ hẻm bằng cách đi xin “xà bần” (một thứ gạch vụn gạch nát người ta sửa chữa nhà còn dư không biết đổ đâu, không biết làm gì) chúng tôi mướn xe ba bánh chở về lấp những đường hẻm lầy lội. Chúng tôi phụ với chủ sửa vách, lợp nhà. Quận trưởng Nhuận có khi ngồi trên mái nhà ký công văn khẩn cấp do người đem tới. Quận trưởng không dùng xe ô tô được cấp, để anh em lấy xe công đó mà chuyên chở hay chạy việc khác quan trọng hơn, còn ông ta khi thì mượn xe vespa, khi thì nhờ người chở đi chỗ này chỗ khác.

Thật là buồn cười nhưng cũng thật đáng khen, ông quận đi lợp nhà dân. Nhanh chóng “Nhóm Quận 8” khởi sự chiếm được cảm tình của đồng bào tại đây, vì họ thấy “bọn trẻ” này xông xáo, hy sinh thật, sẵn lòng giúp bất cứ việc gì. Bác sĩ Minh khám bệnh miễn phí còn đi xin thuốc đầu này đầu kia phát không cho đồng bào. Trong khi đó anh Mai Như Mạnh lo hành chánh, cứ gởi tờ trình đều đều, liên tục, xin giải ngân, nhưng chương trình phát triển không có một xu của chính phủ bỏ vào. Tôi phải rút tiền nhà cung cấp cho anh em, mua cây cất trường, mua lá lợp nhà, mua thức ăn nuôi các bạn trẻ, may mắn cho tôi là thời đó tôi có trường Anh văn London School, mỗi chiều ngồi chờ ông quản lý thu tiền lấy về đưa cho quận trưởng Nhuận mua gạo nuôi những em tình nguyện làm công tác không công. Có ngày không tiền mua cá hay tép để kho ăn, mấy em leo lên trần nhà của ông quận trưởng bắt dơi đem xuống, nấu cháo ăn, hay kho khô cho có món mặn. Khó khăn thật, nhưng vui thú thật, an ủi thật, hãnh diện thật.

Cứ như thế kéo dài đôi ba tháng trời, cho đến khi chúng tôi hoàn thành một ngôi trường lá ba lớp, có sinh viên tình nguyện thay nhau dạy trẻ em, có một trạm y tế nhỏ do bác sĩ Minh khám bệnh phát thuốc ít nhiều. Chúng tôi mời Ðại Tá Ðô trưởng khánh thành, Nghị viên La Thành Nghệ đến đọc diễn văn, Ðô trưởng ban huấn thị. Quan khách ngồi chễm chệ trên vài hàng ghế. Tôi đứng giữa đám đông dân chúng lòng mừng rỡ thấy tuổi trẻ hăng say, dân chúng hưởng ứng, nhưng bực tức vì quan chức vô ý thức, ganh tị, nhỏ nhen; buồn phiền vì không có kinh phí để thực thi một chương trình thấy rõ sự thành công. Bực tức, khinh khi lẫn lộn.

Tức giận tràn hông, tôi quyết định thông báo cho tướng Kỳ là chúng tôi sẽ trao trả chương trình này cho Ðô trưởng Sài Gòn sau lễ khánh thành chấm dứt. Bởi vì tôi tin chắc đô thành sẽ không giải ngân, họ chờ cho “bọn trẻ” hết hơi, thất bại thì mọi việc đâu sẽ vào đấy. Tôi cố nhẫn nại chờ cho cuộc lễ kết thúc. Tất cả vui vẻ ra về, bốn vị “Tứ Ðại Gan Lì” còn lại của chương trình là Hồ Văn Minh, Ðoàn Thanh Liêm, Hồ Ngọc Nhuận và Mai Như Mạnh. Hình như họ vẫn hy vọng kết quả này sẽ khiến cho đô thành Sài Gòn giải ngân và chúng tôi sẽ có đủ tài chánh hoạt động tiếp. Tôi vào quận mượn điện thoại xin gặp tướng Kỳ. Dĩ nhiên tôi được tiếp kiến ngay. Sau khi chào hỏi và cố gắng lấy giọng hết sức bình tĩnh thưa.






Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen