Seiten

Samstag, 10. Januar 2015

Người bắt “vụ buôn lậu còi hụ Long An” lên tiếng

 Người trung sĩ Quân Cảnh “bị bắn chết” sống dậy, vạch mặt kẻ nói dối
Gần đâymột số tờ báo trong nước đã đăng lại “Vụ buôn lậu còi hụ” ở Long An thời chế độ cũ với nhiều cái tựa rất sốc “Vụ buôn lậu chấn động của vợ chồng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”, “Bí mật vụ buôn lậu của vợ chồng Tổng Thống Thiệu”…. Hầu hết các bài viết này đều có nội dung, chi tiết na ná nhau và chừng như được dẫn lại từ bài viết của Đặng Văn Nhâm, một cây viết đầy “tai tiếng” hiện định cư ở Đan Mạch. Trong các bài đó, có nhiều thông tinsai sự thật, không có thật, thí dụ như cho rằng việc bắt đoàn xe buôn lậu xảy ra tại quận Gò Đen, quận trưởng quận Gò Đen có công bắt buôn lậu nhưng bị mất chức, bị giam…. Trong khi thực tế xưa nay, Việt Nam chưa hề có quận Gò Đen. Các bài viết cũng cho rằng, viên trung sĩ quân cảnh bắt giữ đoàn xe buôn lậu này đã không được tưởng thưởng mà còn bị đày đi PleiKu và chết bí ẩn, trung úy Thọ trưởng đồn quân cảnh Long An cũng bị mất chức và chết bí ẩn. Thông tin báo chí Miền Nam thời đó đã đăng rõ họ tên người bắt đoàn xe buôn lậu là Trung sĩ nhất quân cảnh Nguyễn Văn Sang thuộc Trạm kiểm sát quân xa Tân An thuộc đại đội 3 C, tiểu đoàn 3 quân cảnh. Chúng tôi đã tìm gặp anh Sang, người bắt đoàn xe buôn lậu đó nay vẫn còn sống ở tại xã Khánh Hậu, TP Tân An và xin giới thiệu câu chuyện của anh Sang đối chiếu, các nguồn tin khác.

Đặng Văn Nhâm đã nhiều lần đăng trên báo chí hải ngoại về vụ buôn lậu này với thái độ rất tự tin là đã quen biết, tiếp xúc với những người trong cuộc và dẫn ra tên tuổi, tướng mạo của từng người kể cả lai lịch họ hàng. Đặng Văn Nhâm cho rằng báo chí đương thời không dám viết lên bản chất vụ án. Chỉ có mình Đặng Văn Nhâm là người yêu nước, dũng cảm hàng chục năm sau khi trốn chạy ra hải ngoại đã dám nói lên sự thật về vụ buôn lậu này. Đặng Văn Nhâm quy kết vợ chồng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều quan chức đứng sau vụ buôn lậu này. Những kẻ bị bắt, bị xử lý chỉ là những con vật tế thần, là tép riu phải chịu hàm oan.

Thông tin hấp dẫn nhưng sai sự thật
Rất tiếc là sự dũng cảm của Đặng Văn Nhâm khá muộn màng, quy tội Thiệu, Khiêm và nhiều người khác hàng chục năm sau khi họ đã mất hết chức quyền sống đời lưu vong, trong đó nhiều người đã chết. Trong khi đương thời khi vụ án xảy ra, báo chí miền Nam đã vào cuộc, điều tra, đưa thông tin sát sao. Linh mục Trần Hữu Thanh năm 1974 đã phát động “Phong Trào Chống Tham Nhũng và Kiến Tạo Hòa Bình” đã đưa vụ buôn lậu này vào bản cáo trạng số 1, tố cáo sự thối nát của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra dư luận trong nước và quốc tế ngay lúc Thiệu đang đương chức Tổng thống.

Những thông tin của Đặng Văn Nhâm về vụ buôn lậu này sai thực tế rất xa, người viết đã nổ văng mạng, giỏi sáng tác mà thiếu kiến thức. Về đoàn xe buôn lậu, Đặng Văn Nhâm đã viết như sau: “Còn cái tên dị hợm "Còi Hụ Long An" là bởi vụ buôn lậu táo bạo từ cổ chí kim chưa từng xảy ra này, đã gồm cả đoàn công voa, hàng chục chiếc quân xa thuộc nha quân vận vùng 3, và có xe quân cảnh dẫn đầu đàng hoàng. Đoàn quân xa phủ bạt kín mít như bưng, di chuyển tới đâu, xe quân cảnh mở đường hú còi inh ỏi, báo cho các trạm kiểm soát dọc đường biết đây: Là đoàn xe có quyền ưu tiên, không được chận xét. Nếu là đoàn xe vận chuyển võ khí, đạn dược, nhiên liệu, quan trọng hơn, còn có cả phi cơ L 19, còn gọi là "máy bay bà già" bay rề rề trên không, để thám thính và phòng ngừa địch quân phục kích. Nhưng đoàn quân xa di chuyển có quyền ưu tiên như thế, không ngờ bất thình lình lại bị chận đứng ở một trạm kiểm soát thuộc tỉnh Long An. Khi ấy mới đổ bể ra là đoàn xe buôn lậu, toàn những mặt hàng xa xí phẩm, đắt tiền, đặc biệt dành để bán vào dịp Giáng Sinh và Tết, như: Các loại rượu quý, Cognac, Martel, Whisky, Champagne, các loại thuốc lá thơm hiệu con mèo Craven "A", 555, Marlboro, quần áo, hàng vải, tơ lụa, giày vớ của Pháp, Ý, nồi nấu cơm National, các loại đồ chơi điện tử của Nhật, đồng hồ hiệu Omega, Longine, Rolex, Seiko, Certina, đá lửa, bật quẹt máy đủ loại tối tân, bút máy Parker, Mont Blanc, Cross, các loại bánh kẹo trứ danh của Anh, Hoà Lan và Đan Mạch v.v....”


Cựu trung sĩ nhất Nguyễn Văn Sang.

Người bắt đoàn xe buôn lậu

Theo anh Sang, người trung sĩ nhất quân cảnh trực tiếp bắt đoàn xe, thì đoàn xe buôn lậu này chỉgồm bảy chiếc xe GMC và hai chiếc xe Jeep, một quân sự một dân sự chứ không phải hàng chục chiếc như Nhâm đã viết. Hàng hóa trên xe chỉ gồm hai loại là rượu Hennessy và thuốc lá chứ không phải đủ thứ hàng đồng hồ, nồi cơm điện….
Đặng Văn Nhâm không hiểu về quy chế phương thức hoạt động của các đoàn công voa quân sự. Không phải các đoàn công voa có xe quân cảnh dẫn đường, có còi hụ là được quyền bất khả xâm phạm không ai được xét.
Về nhiệm vụ, quân cảnh VNCH cũng giống như lực lượng Kiểm soát quân sự hiện nay có nhiệm vụ duy trì, kiểm tra xử lý những vi phạm về quân phong, quân kỷ, quân pháp trong quân đội. Vai trò của quân cảnh hộ tống các đoàn công voa, trước hết là nhằm bảo đảm kỷ luật và an toàn cho đoàn xe trên đường di chuyển. Theo quy định, để bảo đảm an ninh phải có một xe quân cảnh mở đường và một xe khóa đuôi, giữa hai xe quân cảnh là đoàn xe quân sự, tuyệt đối không để xen lẫn trong đó yếu tố dân sự nào (xe, hoặc người).

Không trình báo, đi sai quy định…trung sĩ có quyền ra lệnh bắt
Các đoàn xe công voa không phải được ưu tiên muốn đi đâu thì đi, không ai được xét, mà ngược lại được quản lý chặt chẽ theo sự vụ lệnh của Phòng Hành quân của đơn vị có thẩm quyền. Kế hoạch di chuyển, số lượng đoàn xe phải thông báo đến các bộ phận hành quân nơi đi, nơi đến, nơi có liên quan trước và sau khi đi. Trưởng đoàn hoặc quân cảnh hộ tống phải thông báo, trình báo qua hệ thống truyền tin với các trạm, đồn quân cảnh kiểm sát quân xa ở những địa phương mà đoàn đi qua. Nếu các đơn vị quân cảnh này thấy có dấu hiệu vi phạm vẫn có quyền xét, bắt giữ. Trường hợp trạm quân cảnh Long An bắt giữ đoàn xe buôn lậu còi hụ là một điển hình, mà cụ thể ở đây là chỉ một viên trung sỉ nhất quân cảnh đang làm nhiệm vụ trực trạm kiểm soát quân xa Long An đã có quyền bắt ông Đại úy quân cảnh hộ tống trái phép và cả đoàn xe.

Về diễn tiến việc bắt giữ, Đặng Văn Nhâm đã viết như sau: Khi đoàn quân xa do đại uý Nhiều dẫn đầu tới trạm kiểm soát hỗn hợp gồm Quân Cảnh và Cảnh Sát ở Long An thì mặt trời đã xế bóng, nhưng vẫn còn trông tỏ mặt người. Lúc bấy giờ trong trạm kiểm soát của quân cảnh ở Long An chỉ có mặt vỏn vẹn 2 viên hạ sĩ quan quân cảnh. Hai viên trung sĩ QC ấy không lạ gì đại uý Nhiều, tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 6 QC, thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Lúc đoàn quân xa đi qua trạm gác, họ đã thấy rõ mặt đại uý Nhiều. Lúc ấy ông ta đang ngồi vách đốc trên xe, có vẻ dường như đã "SỈN" rồi!”

Theo lời khai của cả 2 viên hạ sĩ quan trước uỷ ban điều tra, ngay lúc đó, họ đã thi hành phận sự, thổi còi chận đoàn xe lại, nhưng đoàn xe không ngừng. Bởi thế, họ không khỏi thắc mắc, lo ngại cho phận sự và trách nhiệm của mình. Theo lời khai của họ, mặc dù đoàn quân xa có quân cảnh mở đường hợp lệ, và trên xe có sự hiện diện của Đ.U. Nhiều, nhưng tại sao đoàn tuỳ tùng lại nhốn nháo một bầy lẫn lộn quân nhân và dân sự, ăn mặc lôi thôi, xốc xếch và tốc độ vận chuyển quá mức bình thường khi qua trạm gác. Họ chợt nhớ tới nghiêm lệnh của phủ tổng thống là phải kiểm soát chặt chẽ, bất kỳ một đoàn quân xa nào khả nghi vào đô thành, để phòng ngừa âm mưu đảo chánh, hoặc sự phá hoại của đặc công CSBV. Trong khi họ còn đang suy nghĩ, phân vân và lo ngại thì đoàn quân xa của Đ.U. Nhiều đã đi xa mất hút rồi. Hai viên hạ sĩ quan này chỉ còn cách duy nhất, là cấp tốc điện thoại liên lạc về đồn Quân Cảnh Long An, báo tin cho chỉ huy trưởng trực tiếp của họ là trung uý Thọ. Viên trung uý trưởng đồn được báo cáo khẩn như vậy cũng tá hoả tam tinh, nhưng vẫn không biết phải đối phó cách nào, liền báo cáo chuyền lên thượng cấp của ông ta, lúc bấy giờ là đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Long An để xin chỉ thị. Được biết đại tá Lê Văn Năm vốn là bào đệ của chuẩn tướng Lê Văn Tư, cựu tỉnh trưởng Gia Định, người tình của nàng Ánh Hoa VÚ BỰ, vào đầu năm 1975 đã bị tống giam vào khám Chí Hoà vì tội tham nhũng”Trung sĩ Sang cung cấp thông tin thực tế cho thấy bài viết này hoàn toàn là sáng tác của Đặng Văn Nhâm, đó là sự tưởng tượng sai cả kiến thức lẫn thực tế. Về thực tế thì không hề có cái gọi là trạm kiểm soát hỗn hợp gồm Quân Cảnh và Cảnh Sát ở Long An” mà đây là Trạm kiểm sát quân xa Tân An là đơn vị cấp trung đội trực thuộc đại đội C3 của Tiểu đoàn 3 quân cảnh, phụ trách địa bàn tỉnh Long An, ngoài trạm này, Long An không còn đồn quân cảnh nào khác.

Trụ sở của trạm này nguyên là nhà ga xe lửa Tân An trên tuyến đường sắt Sài Gòn Mỹ Tho ngày xưa. Vị trí của trạm, ngày nay là dãy nhà dọc bên quốc lộ 1A đối diện Thánh thất Cao Đài Phường 2 TP. Tân An. Cũng không có hai hạ sĩ quan quân cảnh mà chỉ duy nhất có trung sĩ nhất Nguyễn Văn Sang làm nhiệm vụ trực trạm và có trách nhiệm và toàn quyền xử lý vụ việc, không cần trình báo và thực tế cũng không hề trình báo với trung úy Thọ. Thời điểm này, trung úy Thọ không vào ca trực, đang ở nhà riêng và cũng không có phương tiện liên lạc.
Thời điểm đoàn quân xa lậu đi qua không phải là lúc mờ tối nhưng còn thấy rõ mặt người để biết là Đại úy Nhiều đang sỉn như ông Nhâm viết mà khoảng 10 giờ 30 tối. Dấu hiệu để anh Sang chú ý đến đoàn quân xa là tốc độ chạy quá nhanh làm rung rinh cả nền Trạm kiểm soát và trên xe loáng thoáng có thấy người mặc quần áo dân sự.

Như đã nói ở phần trên, đoàn xe này này đã vi phạm quy định rõ ràng nhất là để lẫn xe jeep trắng dân sự ở giữa đoàn xe tải quân sự GMC. Hơn thế nữa, đoàn xe này không hề có thông tin trình báo với Trạm kiểm soát. Từ những dấu hiệu bất thường này, anh Sang đã gọi điện cho trung úy Hộ ở phòng 3 tiểu khu Long An và một đại úy phụ tránh hành quân của quân đoàn 3 để thẩm định hành trình các đoàn quân xa thì được biết là các đoàn quân xa đã về hết lâu rồi. Thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, anh Sang quyết định chặn giữ đoàn xe để khám xét. Theo thẩm quyền của trạm kiểm soát, anh gọi điện cho chi khu (Quận) Bến Lức chặn đoàn xe nhưng đoàn xe chạy quá nhanh đã vượt qua cầu Bến Lức.

Lúc này, tại Gò Đen, có căn cứ của tiểu đoàn 332 địa phương quân thuộc tiểu khu Long An đóng sát quốc lộ. Anh Sang đã gọi điện cho Thiếu tá Bé, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 332 yêu cầu cho quân kéo kẽm gai lồng chốt chặn, buộc đoàn xe dừng lại. Đến lúc này, Đại úy Nhiều người đi xe quân cảnh mở đường cho đoàn xe lậu xưng danh tánh, chức vụ Tiểu đoàn phó quân cảnh Biệt khu Thủ đô hù dọa, trấn áp đơn vị địa phương quân, yêu cầu giải tỏa cho đoàn xe.

Trung sĩ bắt giam đại úy, Đại tá tỉnh trưởng không dám lên tiếng

Nghe báo cáo của trung uý Thọ, trưởng đồn Quân Cảnh Long An, đại tá Lê
Văn Năm không khỏi giật mình lo cho địa vị của mình. Ông liền cấp
tốc điện thoại cho viên sĩ quan thuộc cấp, quận trưởng kiêm chi khu
trưởng chi khu Bến Lức. Nhưng viên sĩ quan quận trưởng kiêm chi khu
trưởng Bến Lức trả lời, cho biết đoàn quân xa đã vượt khỏi trạm
kiểm soát của Bến Lức rồi. Mối lo sợ càng gia tăng dồn dập, đại tá Năm
lập tức ra lịnh cho viên sĩ quan quận trưởng kiêm chi khu trưởng chi
khu Gò Đen, bằng mọi giá phải chận đứng cho bằng được đoàn xe quân vận
ấy. Lúc bấy giờ, đoàn quân xa do Đại uý Nhiều Quân Cảnh mở đường
đang tiến trên lộ trình giữa Bến Lức và Gò Đen. Được lịnh khẩn của thượng cấp, viên sĩ quan quận trưởng kiêm chi khu trưởng Gò Đen lập tức ra công đốc xuất binh sĩ, và các lực lượng nhân dân tự vệ trong vùng, gần trạm kiểm soát Gò Đen đem hết các chướng ngại vật ra đặt giữa đường, đồng thời kéo dây kẽm gai chăng kín cả lối đi. Dân chúng trong khu gia binh gần đó cũng náo nức thi đua đem cả bàn ghế ra chận đường. Kết quả đương nhiên là đoàn quân xa do đại uý Nhiều, tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 6 Quân Cảnh thuộc Biệt Khu Thủ Đô dẫn đầu, dù muốn dù không cũng phải ngừng lại. Khi đó viên sĩ quan chi khu trưởng Gò Đen mới đánh điện báo cáo cho đại tá Lê Văn Năm tiểu khu trưởng Long An. Mặc dù trời đã tối sẫm, rất dễ bị quân du kích CS phục kích dọc đường, nhưng đại tá Lê Văn Năm vẫn phải cấp tốc lên xe cùng đoàn quân hộ tống tuỳ tùng chạy thẳng đến chi khu Gò Đen, để chứng kiến tại chỗ sự việc.”

Đây lại thêm là một đoạn tưởng tượng của Đặng Văn Nhâm. Xưa nay ở Việt Nam chưa bao giờ có quận Gò Đen và chi khu Gò Đen thì làm sao có quận trưởng? Gò Đen chỉ là tên gọi dân gian để chỉ vùng đất gồm các xã Mỹ Yên, Phước Lợi của huyện Bến Lức chứ không phải là một địa danh hành chánh. Do tình hình an ninh trên quãng đường này thường bị đặt mìn phục kích về đêm, nên sau khi bắt giữ đoàn xe, anh Sang không trực tiếp lên Gò Đen mà qua hệ thống truyền tin hướng dẫn cho đơn vị địa phương phương quân làm thủ tục kiểm tra sự vụ lịnh của đoàn công xa. Đại úy Nhiều không xuất trình được sự vụ lịnh. Khi được hỏi về chủng loại nội dung hàng vận chuyển, Đại úy Nhiều cho rằng đây là linh kiện thiết bị truyền tin. Theo quy định thời ấy, tuyệt đối cấm việc vận chuyển thiết bị truyền tin vào ban đêm nên lời khai này càng vô lý, anh Sang quyết định cho kiểm tra hàng và phát hiện ra toàn bộ lô hàng là rượu và thuốc lá ngoại. Thấy đã đủ cơ sở, anh Sang yêu cầu Địa Phương quân bắt tạm giữ toàn bộ hàng và những người áp tải kễ cả đại úy Nhiều chờ sáng mai sẽ lập biên bản điều tra.

Sau khi đã bắt giữ đoàn xe, anh Sang mới gọi điện báo cáo cho Đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An và Thiếu tá Đức tiểu đoàn phó tiểu đoàn 3 quân cảnh. Chi tiết Đặng Văn Nhâm đã viết “Khi đó viên sĩ quan chi khu trưởng Gò Đen mới đánh điện báo cáo cho đại tá Lê Văn Năm tiểu khu trưởng Long An. Mặc dù trời đã tối sẫm, rất dễ bị quân du kích CS phục kích dọc đường, nhưng đại tá Lê Văn Năm vẫn phải cấp tốc lên xe cùng đoàn quân hộ tống tuỳ tùng chạy thẳng đến chi khu Gò Đen, để chứng kiến tại chỗ sự việc” là hoàn toàn không có thật. Anh Sang còn nhớ một chi tiết nhỏ nhưng hết sức quan trọng là đại tá Năm sau khi nghe anh điện báo, ông không có ý kiến gì. Khi ngừng đàm thoại và ông Năm nói lầm thầm (do gác ống nghe không sát) mà anh vô tình nghe được “ĐM. Sao tụi nó lại đi giờ này?”. Từ câu nói này cho thấy ông Năm có biết về đoàn xe và lẽ ra nó phải đi vào giờ khác. Ông Năm rõ ràng có liên quan đến đoàn xe này nhưng trước dấu hiệu sai phạm rõ ràng đã không dám lên tiếng bênh, làm gì có việc chạy xe đến hiện trường.Chi tiết này có liên quan đến chi tiết quan trọng khác dẫn đến kỷ luật ông Năm sẽ nói ở phần sau.

Riêng Thiếu tá Đức tiểu đoàn phó tiểu đoàn 3 quân cảnh, văn phòng trú đóng ở tận Bộ tư lệnh quân đoàn 3 Biên Hòa nhưng đến 1 giờ đêm đã có mặt tại Trạm quân cảnh của anh Sang để nắm chi tiết vụ việc. Đến lúc này, anh Sang mới cho người mời trung úy Thọ trưởng trạm (không nhằm phiên trực nên nghĩ ở nhà) đến làm việc với Thiếu Tá Đức.

Tương tự, một đoạn khác viết về diễn tiến bắt giữ đoàn xe của Đặng Văn Nhâm cũng không phù hợp thực tế “Trong thời gian chờ đại tá Lê Văn Năm đến thị chứng, viên sĩ quan chỉ huy chi khu Gò Đen vẫn chưa biết đoàn quân xa này chở những vật liệu gì, đang được che kín bít bùng. Nhưng mấy binh sĩ dưới quyền của ông ta, vì tò mò, đã mở hí tấm bạt ra xem. Tình cờ họ thấy trong xe chứa toàn rượu, bánh, kẹo, vải, đồng hồ và các loại hàng xa xỉ đắt tiền khác, mắt họ hoa lên. Họ liền nảy lòng tham, mở mấy tấm bạt ra, xúm nhau vào ăn cắp. Lúc đầu chỉ có vài người lính làm phận sự canh gác ăn cắp hàng lậu, nhưng chỉ trong một thoáng, tin giật gân, ngon lành ấy loan truyền rộng rãi trong đám gia đình binh sĩ, cư ngụ sát lề đường. Thế là cả bầy đàn bà, con nít và lính tráng trong trại gia binh ùa nhau ra hôi đồ lậu. Lợi dụng tình hình rối loạn đó, bọn người mặc thường phục, đi theo đoàn xe chở đồ lậu, liền nương theo bóng tối, rủ nhau chuồn êm, và biệt dạng hết trọi. Cảnh hỗn loạn đó chỉ chấm dứt khi đại tá Lê Văn Năm và đoàn tuỳ tùng đã đến nơi. Lúc bấy giờ đã vào khoảng 8 hay 9 giờ tối rồi.”
Theo lời kể của anh Sang, việc khám xét kiểm tra hàng hóa đã thực hiện trước lệnh bắt. Đại tá Năm hoàn toàn không đến hiện trường và cũng không có vai trò gì trong vụ việc bắt người, hàng hóa. Việc kiểm tra và giữ hàng được thực hiện trong căn cứ của tiểu đoàn 332 địa phương quân nên không thể có chuyện người dân chung quanh đến hôi của. Đây cũng không phải là việc làm bộc phát do tò mò mà là kiểm tra để có cơ sớ bắt giữ đoàn xe và người.
Thực chất, lượng hàng lậu có bị thất thoát khoảng 30% so với khối lượng khai báo của những người áp tải do hai nguyên nhân: binh sĩ của tiểu đoàn 332 có “chôm chỉa” một phần, một phần khác đổ vỡ trong quá trình kiểm tra, bốc xếp. Đây chính là nguyên nhân mà Thiếu tá Bé Tiểu đoàn rưởng 332 bị tòa án Mặt trận cách chức còn binh nhì sau này.
Hoàn toàn không có, “bọn người mặc thường phục, đi theo đoàn xe chở đồ lậu, liền nương theo bóng tối, rủ nhau chuồn êm, và biệt dạng hết trọi”. Theo anh Sang, hơn hai mưoi người mặc đồ dân sự đi theo đoàn xe, chủ yếu là những người bốc xếp mà đa số là lao công đào binh đều bị bắt giữ, trong đó có một cựu trung sĩ quân cảnh đồng khóa với anh Sang, thượng sĩ Hảo huấn luyện viên bắn súng lục là thầy cũ của anh Sang ở trường quân cảnh. Tất cả đều bị bắt giam nghiêm túc.
Diễn tiến của vụ bắt buôn lậu còi hụ khác hẳn với những điều Đặng Văn Nhâm đã viết. Nhâm bịa rằng hạ sĩ quan quân cảnh bắt đoàn xe đã bị bắt giam đưa lên Pleuku và bị bắn chết nhưng thực tế là trung sĩ nhất Nguyễn Văn Sang được thăng đặc cách lên thượng sĩ và rút về làm Xử lý thường vụ Tiểu đoàn ở tại Biên Hòa và đến nay vẫn còn đang sống khỏe. Có một sự thật hết sức quan trọng mà Đặng Văn Nhâm không hề biết là chiếc xe Jeep trắng dân sự đã bỏ trốn ngay trong giai đoạn đoàn xe bị chặn. Theo lời khai của những người bị bắt thì chiếc xe Jeep này có mang theo sáu chục triệu đồng tiền mặt và hàng chục ký bạch phiến. Theo tỉ giá thời đó vàng chỉ có hơn sáu ngàn đồng/lượng, đây là số tiền rất lớn và lượng bạch phiến rất lớn lên đến hàng chục ngàn cây vàng.
Vấn đề quan trọng của vụ án này là trong điều kiện luật pháp rõ ràng minh bạch thì chỉ cần một trung sĩ nhất quân cảnh cũng có thể chặn đứng một đường dây buôn lậu quy mô lớn cấp quốc gia có nhiều tướng tá tham gia. Với những biểu hiện vi phạm về hình thức của đoàn xe, chạy không đúng quy định, ngoài giờ hoạt động, một trung sĩ nhất đương nhiệm có quyền bắt giữ, không cần phải báo cáo ai.

TRUNG TÁ TRỞ XUỐNG ĐI TÙ,  ĐẠI TÁ THUYÊN CHUYỂN, CẤP TƯỚNG KHỎE RE

Qua điều tra ban đầu của quân cảnh Long An cho thấy vụ buôn lậu ít nhất có dính líu trực tiếp của một ông tướng ở phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn và có đường dây bảo kê của hải quân vùng 4, các tỉnh trưởng Long An, Định Tường.... Từ lời khai của các những người áp tải đã phát lệnh truy bắt bốn chủ hàng là Hoa kiều Chợ Lớn, trong đó có hai người đã trốn qua tận Singapore. Vụ việc được đưa ra tòa án quân sự mặt trận vùng 4 xét xử. Hàng chục sĩ quan quân đội cấp tá, úy có liên quan bị tuyên án hàng chục năm tù nhưng những quan chức như Đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An, Đại tá Chung Văn Bông, tỉnh trưởng Định Tường chỉ bị điều chuyển ra làm trung đoàn trưởng bộ binh. Các ông tướng liên quan hoàn toàn vô sự. Dư luận râm ran bà Thiệu Khiêm đứng sau vụ án.
Theo anh Nguyễn Văn Sang, ngay khi bắt giữ đoàn xe, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 Quân cảnh nửa mừng nửa lo vì vụ việc quá lớn. Trong hoàn cảnh chiến tranh thời đó, việc đi lại ban đêm trên quốc lộ 1A rất nguy hiểm vì thường xuyên bị phục kích, đặt mìn. Thế nhưng từ Biên Hòa, sau khi nhận báo cáo bằng truyền tin, thiếu tá Đức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 đã tức tốc đi xe jeep về đến Long An vào 1 giờ đêm để nắm thông tin vụ việc. Sáng hôm sau, quân cảnh Long An đã lập biên bản và dẫn giải những người bị bắt về tiểu khu Long An điều tra trong khoảng nửa tháng.

Báo chí công khai, dư luận lên tiếng, quyền lực đen phải co vòi
Ngay ngày hôm sau, báo chí Sài Gòn và cả báo chí Mỹ đã đăng rộ lên thông tin này. Người anh rể của anh Sang đang học ở Mỹ đọc báo biết tin em mình làm chuyện động trời ở Việt Nam nên hết hồn lo ngại. Nhưng thực tế dù chỉ là viên chức cấp thấp, công việc điều tra của anh Sang đụng đến quan chức cấp trên rất lớn nhưng hoàn toàn thuận lợi và không bị một áp lực, cản trở nào.

Có lẽ thấy quy mô vụ án quá lớn, Đặng Văn Nhâm đã tưởng tượng theo lô gích và viết về sự trù dập đối với người phát hiện và điều tra án “Nhưng trong danh sách những người đã bị tổng thống Thiệu ra lịnh bắt, để điều tra còn gồm luôn cả những sĩ quan và hạ sĩ quan, rõ ràng đã có công khám phá ra, và chận đứng lại được vụ buôn lậu này, như: Thiếu tá quận trưởng kiêm chi khu trưởng Gò Đen, Trung uý Thọ, trưởng Đồn Quân Cảnh Long An. Hai viên hạ sĩ quan Quân Cảnh gác trạm kiểm soát Long An, đã có công báo cáo nội vụ cho trung uý Thọ trưởng đồn, để trung uý Thọ báo cáo lên đại tá Lê Văn Năm ra lịnh chận đoàn xe buôn lậu. Chính bản thân đại tá Lê Văn Năm, đã sốt sắng thi hành nhiệm vụ, ra lịnh chận lại cho bằng được đoàn xe bằng mọi giá, cũng không thoát khỏi tội vạ oan nghiệt đổ xuống đầu…”. Thực tế, như đã nói là không có quận Gò Đen nên không có thiếu tá quận trưởng Gò Đen nào có công mà bị bắt. Về anh Sang, sau khi hoàn thành hồ sơ điều tra, anh Sang được thăng đặc cách trước hạng từ trung sĩ nhất lên thượng sĩ. Anh được điều động về Ban Chỉ huy Tiều đoàn 3 Quân cảnh làm nhiệm vụ xử lý thường vụ. Lúc này anh mới 23 tuổi và là thượng sĩ trẻ nhất đơn vị. Công việc xử lý thường vụ tiểu đoàn buộc anh phải điều động, kiểm tra cả những sĩ quan và hạ sĩ quan lớn tuổi, thâm niên cao hơn. Đó là công việc tế nhị và rắc rối về quan hệ, nên chỉ thời gian ngắn sau, anh xin chuyển về đại đội C ở Đồng Dù, sau đó Gò Dầu và cuối cùng về lại Long An. Đặng Văn Nhâm còn bịa đặt chuyện anh Sang bị đổi ra PleiKu và chết bí ẩn “Trung uý Thọ, trưởng đồn Quân Cảnh Long An, mặc dù đã có công và rõ ràng không dính líu gì vào vụ buôn lậu, đã bị phạt mấy chục ngày trọng cấm, có ghi vào quân bạ, và bị thuyên chuyển đi làm trưởng đồn QC Phước Long, một hình thức dùng bàn tay của CSBV để tiêu diệt chứng nhân. Vì chỉ trong vòng một thời gian ngắn sau đó trung uý Thọ đã bị ghi nhận là mất tích! Hai viên hạ sĩ quan Quân Cảnh, thuộc trạm kiểm soát Long An, đã có công đầu tiên báo cáo về hành tung của đoàn quân xa, đều bị phạt mỗi người mấy chục ngày trọng cấm có ghi vào hồ sơ, và thuyên chuyển lên Pleiku, thuộc Tiểu Đoàn 2 Quân Cảnh. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, 2 viên hạ sĩ quan này đã bị bắn chết không ai biết do quân thù hay quân ta hạ sát.” Thực tế Trung úy Thọ, trưởng đồn quân cảnh Long An không tham gia vụ bắt buôn lậu và cũng không bị bắt giam hay thuyên chuyển.

Đặng Văn Nhâm đã viết trong một đoạn khác của bài báo là “Đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Long An bị giáng cấp xuống đại uý, và bị thuyên chuyển ra Sư Đoàn 21, đóng ở Chương Thiện, Gia Rai, và phải đi hành quân như một lao công chiến trường”. Theo lời anh Sang, Đại tá Lê Văn Năm hoàn toàn không sốt sắng ra lệnh chận bắt đoàn xe mà chỉ được biết sau khi anh Sang đã bắt và báo cáo lại. Nhận được tin dữ này ông Năm còn buộc miệng tức tưởi chưởi thề “ĐM tại sao đi giờ này?”. Kết quả điều tra cho thấy ông Năm có liên quan sâu trong đường dây buôn lậu, đáng lẽ phải bị bắt giam và ra tòa như những quân nhân khác nhưng không rõ vì tác nhân nào đó, ông Năm chỉ bị điều chuyển làm trung đoàn trưởng trung đoàn 14 của sư đoàn 9. Đại tá Quyến hoán chuyển về làm tỉnh trưởng Long An đến 30-4- 75. Lê Văn Năm hoàn toàn không  bị cách chức xuống làm đại úy và làm lính khổ sai như Đặng Văn Nhâm đã viết.

Siêu nổ, siêu xạo Đặng Văn Nhâm
Tổng thông Thiệu phải xử nghiêm, Đại tướng Viên không dám bênh đệ tử ruột
Qua điều tra, quân cảnh Long An phát hiện ra đường dây buôn lậu này bắt đầu từ một vị tướng ở phòng 6 (chuyên về tình báo quân sự, chỉ huy các lực lượng Biệt kích Dù, Lôi Hổ…) Bộ Tổng Tham Mưu, móc nối với một số đơn vị hải quân ở vùng bốn và các tỉnh trưởng Long An, Định Tường đưa hàng lậu từ biển vô bằng tàu hải quân và dùng quân xa đưa hàng về Sài Gòn giao hàng ở khu vực cây Da Sà. Chuyến hàng bị bắt là chuyến thứ 11. Một số chuyến trước đi từ hướng Cần Giuộc lên Sài Gòn. Nhưng do An Ninh quân đội phản ánh, Tiểu đoàn 3 quân cảnh đã cử hai sĩ quan chốt chặn ở Cần Giuộc nên nhóm buôn lậu chuyển địa bàn lên hàng ở Chợ Gạo. Cũng qua điều tra cho thấy, các chuyến trước hầu hết đều chuyển hàng vào ban ngày, đoàn xe lậu được các tỉnh trưởng bảo kê và hòa lẫn trong các đoàn xe công vụ nên không bị phát hiện. Lần này, do đi vào ban đêm lúc các đoàn xe công voa đã về hết và có những biểu hiện vi phạm rõ ràng về hình thức, thủ tục khi di chuyển nên mới bị bắt giữ.
Cũng theo anh Sang, ý thức đối diện với một vụ án lớn, các anh đã làm việc rất nghiêm túc. Trong số những người bị bắt có thượng sĩ Hảo (nguyên là huấn luyện viên bắn súng lục ở trường Quân cảnh) là thầy cũ của anh. Hảo là tay súng thiện xạ nổi tiếng có thể bắn đứt dây kẽm gai nhỏ xíu, từng thách thức bắn đứt đầu điếu thuốc đang ngậm trên miệng người khác… Dù kính trọng ông thầy cũ, anh Sang vẫn bắt giam theo đúng luật. Một người bạn học đồng khóa với anh nhưng đã đào ngũ và đi làm bốc vác cho đoàn buôn lậu cũng bị giam. Anh Sang chỉ dành một đặc ân duy nhất cho người này là mỗi sáng mang cho bạn ổ bánh mì, gói thuốc hút. Thiếu tá Đeo, trưởng ban 2 tiểu khu Long An vì tình cảm với anh Sang đã nới lỏng cho người này ngồi ở văn phòng. Người này lợi dụng sơ hở bỏ trốn, thiếu tá Đeo đã bị kỷ luật cách chức xuống còn binh nhì.
Cũng từ kết quả điều tra và báo cáo của quân cảnh Long An, An Ninh quân đội đã lần lượt bắt giam hàng chục sĩ quan từ cấp tá tới cấp úy có liên quan đến vụ án. Đây chỉ là phần việc của Bộ Tổng Tham mưu, thế nhưng Đặng Văn Nhâm đã lên gân gán ghép cho là âm mưu của Nguyễn Văn Thiệu “Theo sự tìm hiểu của tôi, những người đã bị tổng thống Thiệu ra lịnh tống giam ngay sau đó để điều tra, ngoại trừ đại tá Lê Văn Năm, tỉnh trưởng Long An, gồm toàn các sĩ quan cấp thấp và hạ sĩ quan, như: Đại uý Nhiều, tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 6 Quân Cảnh, thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Đại uý Trần Hữu Thế, con rể của đại tá Luông, Giám Đốc Cảnh Sát quân khu 3, đàn em thân cận của vợ chồng thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Đại uý Thế thuộc Tiểu Đoàn 4 Quân Cảnh, đặt dưới quyền sử dụng của Quân Đoàn 4, làm trưởng Đồn Quân Cảnh Mỹ Tho, tức thuộc cấp của đại tá Chung Văn Bông, tỉnh trưởng Mỹ Tho, kiêm tiểu khu trưởng Định Tường. Đại uý Quới, trưởng đoàn quân xa thuộc Quân Vận quân đoàn 3. Đại uý trưởng ty Cảnh Sát quận Chợ Gạo, một viên sĩ quan An Ninh Quân Đội, tôi không nhớ tên, thiếu tá chỉ huy trưởng Giang Đoàn ở Mỹ Tho (mấy người này tôi không nhớ tên)... “

Đặng Kim Thu (Thu Đen), trung tá quận trưởng Chợ Gạo, từng là sĩ quan tùy viên của tướng Cao Văn Viên đã tường thuật chi tiết hoàn cảnh bị bắt và xét xử của mình như sau “Trong khi đang làm nhiệm vụ, theo lệnh trên, tôi đã cho lính canh gác, giữ an ninh một chiếc tàu Hải quân nhỏ, đang đậu trên sông trong phạm vi cuả quận Chợ Gạo, đề phòng VC dùng B40 bắn. Vài ngày sau, chiếc tàu bị bắt vì dính liú đến vụ buôn lậu lớn, mà báo chí đặt tên là “Còi hụ Long An”, từ hải phận quốc tế. Ngày 31-1-74, vụ buôn lậu bị phát giác thì tới ngày 1- 3-74, tôi bị gọi lên cục An Ninh Quân đội để điều tra. Tại đây tôi đã trình bày rằng tôi chỉ thi hành theo lệnh trên, không biết đó là chiếc tàu dùng để buôn lậu, và không hề có chân trong tổ chức này. Trước khi tôi vào trình diện Cục An Ninh Quân đội, tôi vào nhà Đại Tướng Viên để cầu cứu thì được ông cho biết rằng tôi đã dính vào chuyện lớn ngoài tầm tay can thiệp của ông. Ông còn nói thêm, vụ này không còn là vụ buôn lậu bình thường nữa mà là một vụ liên quan tới thời cuộc. Không khéo thì chính phủ sẽ gặp rắc rối. Thôi thì chú ráng chiụ đựng trong lúc này, chờ đến khi tình hình lắng diụ, dư luận không còn ồn ào nữa, lúc ấy tôi sẽ liệu cách cứu chú. Hiện giờ không ai dám nói gì hết. Vì ông Thiệu đang tức giận. Còn báo chí ngoại quốc, và báo chí đối lập trong nước đang theo dõi để đả kích chính phủ. Với những lời khai như đã nói tới ở trên, tôi vẫn bị toà án kết án 20 năm tù, đầy ra Côn Đảo, cùng với những người chung vụ vào ngày 15-8-74 với tội danh “Làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia”. Lời kể của ông Thu cho thấy, rõ ràng đây là vụ án lớn, chịu nhiều áp lực của dư luận báo chí trong ngoài nước phải xử lý nghiêm ngay cả Đại tướng Cao Văn Viên cũng không dám can thiệp cho đệ tử ruột của mình. Và ngay trong hồi ký viết sau đó hàng chục năm, ông Thu cũng chưa thật sự thành khẩn.

Chỉ đánh từ trên vai xuống
Theo kết quả điều tra cho thấy đường dây buôn lậu này liên quan đến nhiều cấp nhiều đơn vị, binh chủng khác nhau: hàng lậu từ tàu đậu ở ngoài khơi đem vào đất liền là Giang Đoàn 56 Tuần Thám do HQ/Thiếu Tá Ninh Duy Định làm Chỉ Huy Trưởng vận chuyển đổ vào đất liền. Địa điểm đổ đồ lậu là Chợ Gạo, Mỹ Tho. Dù ông Đặng Kim Thu né tránh nói mình vô tội nhưng hồ sơ điều tra cho thấy để bảo vệ bí mật cho việc bốc vở 11 chuyến hàng lậu từ tàu lên xe, chính quyền địa phương đã báo động, ra lệnh giới nghiêm cấm người dân đi lại. Ông quận trưởng, cảnh sát trưởng quận không thể nào không biết và không ăn chia trong chuyện này, vì vậy việc ông Thu và trưởng chi cảnh sát Chợ Gạo ra tòa là hoàn toàn xác đáng.
Việc đoàn quân xa chuyên chở hàng lậu lại thuộc Quân Vận quân khu 3, và Quân Cảnh mở đường cho đoàn quân xa chở hàng lậu cũng thuộc Biệt Khu Thủ quân khu 3 như vậy, chắc chắn phải có sự thoả hiệp nào đó của các cấp cầm quyền quân sự từ cấp quân khu trở lên. Trong hồ sơ điều tra cũng cho thấy có ông tướng ở phòng 6 Bộ Tổng tham mưu ký sự vụ lệnh cho đoàn xe như vậy những người đã có dấu hiệu, bằng chứng tham gia còn ở cấp cao hơn. Ít nhấ phải là hai đại tá Lê Văn Năm, Chung Văn Bông, tướng trưởng phòng 7, tư lệnh Quân Đoàn 3, và tướng tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô…. Nhưng những con cá lớn này hoàn toàn thoát lưới và không bị ra tòa, không bị cáo buộc về liên đới trách nhiệm. Từ cấp trung tá trở xuống, tất cả các đơn vị có liên quan đến đường dây buôn lậu hoặc thuộc địa bàn đoàn buôn lậu đi qua đều bị xử lý hết sức nặng nề. Tất cả đều bị đưa ra tòa và bị lột hết cấp bật lãnh án từ 7 đến 20 năm tù Côn Đảo.  Đại uý Nhiều, Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 6 QC thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Đại uý Thế trưởng đồn Quân Cảnh Mỹ Tho, thuộc Tiểu Đoàn 4 QC,  Đại uý Qưới chỉ huy đoàn quân xa, HQ/Trung Tá Lê Huệ Nhi, Thiếu tá HQ Ninh Duy Định, trung tá Biên quận trưởng quận Bến Tranh …. Ngay cả hạ sĩ quan quân cảnh nhằm phiên trực các trạm quân cảnh trên đường có đoàn xe đi qua cũng bị lột lon phạt giam.

Dựng lên những thông tin không có thật “Như trên vừa trình bày, hầu hết những sĩ quan và hạ sĩ quan đã có công chận bắt vụ buôn lậu "Còi Hụ Long An" đều bị tổng thống Thiệu trực tiếp ra lịnh tống giam để chờ ngày ra toà lãnh án” Đặng Văn Nhâm đã bình luận thêm những hệ quả không có thật về vụ án này nghe rất bi thương. “Vụ án này đã gây chấn động dư luận trong nước một thời gian khá dài, đồng thời cũng là một vết thương đau đớn cho toàn thể binh chủng Quân Cảnh, một đơn vị quan trọng có tác dụng duy trì quân phong, quân kỷ của quân lực VNCH. Riêng tinh thần của hai đơn vị Quân Cảnh thuộc Quân Khu 3 và Quân Khu 4 đều bị sa sút đến mức thảm hại. Họ không còn thấy được đâu là công lý và đâu là sự thực nữa!”

Muốn chống buôn lậu tham nhũng phải có báo chí tham gia
Cựu thượng sĩ Nguyễn Văn Sang lại cho thấy sự thật khác. Tiểu đoàn 3 Quân cảnh rất phấn chấn về vụ án này đã rửa được nỗi oan mà họ bị An Ninh quân đội gán cho là đã bảo kê buôn lậu trong những cuộc họp của Bộ Tổng Tham Mưu trước đó. Qua một người thân làm ở ngành quan thuế, anh Sang được biết ngành quan thuế đã trích thưởng theo giá trị lô hàng số tiền một triệu đồng và đại diện Tiểu đoàn 3 Quân cảnh đã nhận. Rất tiếc là cá nhân anh không được chia đồng nào trong số tiền này. Với mức lương thượng sĩ chỉ khoảng 23.000 đồng, giá vàng khoảng 7000 đồng lượng thì giá trị số tiền thưởng một triệu đồng thời điểm ấy là rất lớn.
Anh Sang cũng thấy rằng với kết quả điều tra của anh và mức độ xử lý vụ việc cũng còn có nhiều điểm chênh. Những người cấp cao có dấu hiệu phạm tội, có trách nhiệm liên quan đã không bị xử đến nơi đến chốn. Những người như thiếu tá Đeo vì thương người, sơ suất để bị can bỏ trốn phải cách chức xuống còn binh nhì hay thiếu tá Bé chỉ vì sơ suất để thất thoát một số hàng bị lột lon, đi tù là quá nặng. Điều này cho thấy chừng như những quan chức cao hơn của chính quyền mà cụ thể là tổng thống Thiệu chưa thật lòng, thật tâm chống tham nhũng mà việc xử lý chỉ nhằm đối phó với dư luận.

Nhưng cũng chính từ trường hợp này, anh Sang đã chiêm nghiệm ra một điều, chống tham nhũng, buôn lậu hoàn toàn không khó. Với anh là nhân viên cấp thấp, chỉ cần làm đúng chức năng theo luật định đã phá được đường dây tham nhũng, buôn lậu tầm cỡ quốc gia. Điều kiện không thể thiếu là pháp luật phải rõ ràng minh bạch, báo chí phải được thông tin công khai và phải có áp lực từ các tổ chức xã hội đối lập. Vụ buôn lậu còi hụ được phát hiện và anh dám quyết bắt giữ hàng, giữ người chính là nhờ những quy định về vận chuyển quân xa rất rõ ràng. Khi sự kiện được báo chí trong ngoài nước đưa tin, dư luận chú ý theo dõi và các phong trào của linh mục Trần Hữu Thanh, các dân biểu đối lập mạnh dạn lên tiếng đấu tranh đã tạo áp lực rất lớn cho chính quyền.

Trong câu chuyện thân tình, anh Sang đã nói nửa thật nửa vui là lúc nghe lời khai về chiếc xe Jeep trắng mang theo sáu chục triệu đồng tiền mặt (để dành chi trả hối lộ khi bị bắt) đã trốn mất trong lúc đang chốt chặn kiểm tra, anh đâm ra tiếc. Nếu đêm ấy chạy lên Gò Đen kiểm tra, chắc chắn anh sẽ tìm được chiếc xe ấy và nếu họ đưa hối lộ với số tiền ấy chắc anh sẽ cầm lòng không đậu mà sẽ nhận. Anh Sang kể, trong mấy năm làm quân cảnh anh chỉ phạt hoặc tha chứ chưa từng nhận tiền để tha. Có lần anh đã tha một xe hàng lậu, chủ hàng đã đưa cho người môi giới một triệu đồng và anh đã buộc người môi giới hoàn trả. Nhưng một triệu là chuyện khác, sáu chục triệu đồng lại là chuyện khác. Với sáu chục triệu, người ta có thể đổi đời và có thể đánh đổi mọi thứ an toàn. Đó là câu chuyện rất thật và mang tính người. Vấn đề với người, cơ quan có trách nhiệm quản lý nếu khôn ngoan phải có cơ chế, biện pháp phù hợp để tránh cho cấp dưới phải đối diện với những cám dỗ quá mạnh thì mới mong giữ được sự lương thiện của con người.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen