Seiten

Dienstag, 23. September 2014

Vương Triều Ðỏ : Lê Duẩn


(theo tài liệu báo chí của CSVN)

Lê Duẩn (1907–1986) là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày.

Lê Duẩn ,Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986)

Cuộc đời và sự nghiệp
Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907, tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau đó cậu bé Lê Duẩn theo gia đình về sinh sống tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành cùng huyện, ở bên kia dòng sông Thạch Hãn. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hiện nay được xây dựng tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành.
Tháng 5 năm 1926, ông làm ở Sở Hỏa xa Đà Nẵng.
Năm 1927, nhân viên thư ký đề pô Sở Hỏa xa Đông Dương tại Hà Nội.
Năm 1928, ông tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng.
Năm 1929, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1931, ông là Ủy viên Ban tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ.
Ngày 20 tháng 4 năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù, bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo.

Năm 1936, ông được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Kỳ. Năm 1937, làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1939, ông được bầu vào Ban thường vụ Trung ương Đảng. Cuối năm 1939, tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6.
Năm 1940, bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đón về đất liền.
Năm 1946, ông được cử làm việc bên cạnh Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.
Từ 1946 đến 1954, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (sau đổi thành Trung ương Cục miền Nam). Chức vụ chính quyền của ông chỉ là Trưởng phòng dân quân, trong Bộ Tư lệnh Nam Bộ do Nguyễn Bình làm Tư lệnh.
Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ II, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Năm 1952 ông ra Việt Bắc.
Từ 1954 đến 1957, ông được phân công ở lại miền Nam lãnh đạo cách mạng miền Nam.
Cuối năm 1957, ông ra Hà Nội, vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng.
Tháng 9/1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương.
Tại các Đại hội toàn quốc lần thứ IV (12/1976) và lần thứ V (3/1982), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư đến khi mất. Ông cũng đảm nhiệm chức Bí thư Quân ủy Trung ương từ năm 1978 đến năm 1984.
Từ Đại hội V do sức khỏe yếu, Trung ương đảng giao bớt một số quyền của ông cho Trường Chinh.
Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.
Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương khác.
Ông qua đời ngày 10 tháng 7 năm 1986 tại Hà Nội.

Đánh giá
Ý kiến chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam coi Lê Duẩn có tầm nhìn chiến lược, có đóng góp nhiều cho đường lối chính trị quân sự của Đảng, nhất là trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo đảng và các học giả trong nước đóng góp nổi bật của ông là năm 1939, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, ông đã góp phần cho sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương (11-1939) - chuyển hướng đấu tranh cách mạng; chỉ đạo kháng Pháp tại miền nam trong đó đáng chú ý là (theo lời Trần Hữu Phước) "Xứ ủy Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn thực hiện chính sách ruộng đất “người nông dân có ruộng cày” không phải thông qua cuộc phát động tước đoạt bằng bạo lực, tiến hành đấu tố, cưỡng bức địa chủ; mà bằng chủ trương và biện pháp đúng đắn, thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của Nam Bộ lúc ấy", đặc biệt vai trò lớn của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Chính ông là người viết "Đề cương cách mạng Miền Nam' (sau được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết 15 (Khóa Hai) của đảng tháng 1-1959). Theo ông Võ Văn Kiệt: "Đề cương Cách mạng miền Nam” được đồng chí Lê Duẩn hoàn thành vào tháng 8 năm 1956 ngay tại Sài Gòn, ở số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 Sài Gòn, nay là Tp. HCM.".

Còn theo lời Hoàng Tùng: "Trong quá trình chấp bút dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa Hai), cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều hoàn toàn chưa được biết là tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ (số 290 Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn), từ khoảng cuối mùa khô 1955 đến tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động viết và cơ bản hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam". "Chúng tôi cũng không được biết tháng 12/1956 và mấy tháng đầu năm 1957, tại Nông Pênh, bản Đề cương cách mạng miền Nam được thảo luận kỹ (nhưng chưa được chính thức thông qua) trong Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng. Do đó, cả anh Võ Nguyên Giáp và hai chúng tôi đều chưa được đọc bản Đề cương ấy. Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam. Như vậy, giữa Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và dự thảo Nghị quyết 15 (Khóa hai) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tôi và Trần Quang Huy chấp bút có sự trùng hợp cơ bản về ý tưởng dùng bạo lực cách mạng và ý tưởng tập hợp toàn thể dân tộc để giải phóng miền Nam. Sự khác nhau giữa hai bản thuộc về lời văn và một vài vấn đề cụ thể'".

Theo Đại tướng Lê Đức Anh:"Bản Nghị quyết được hình thành trên cơ sở định hướng năm 1954 của Hồ Chủ tịch và của "Đề cương cách mạng miền Nam"
"Một điểm nữa trong chỉ đạo là Lê Duẩn rất chú ý đàm phán Paris. Ông có nói với ông Lê Đức Thọ rằng: "Anh sang bên đó, một điều không được thay đổi là Mỹ rút và mình không rút".

Nhưng từ lâu có những ý kiến cho rằng nguyên nhân chính của mười năm tụt dốc và khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt của cả nước sau 1975 bởi sự lãnh đạo trực tiếp của ông. Ông đã có những sai lầm về chính sách kinh tế. Nền kinh tế quan liêu, bao cấp ở Việt Nam thực sự chấm dứt sau khi ông mất. Bên cạnh đó, ông còn bị cho là người chuyên quyền khi nắm giữ vị trí Tổng Bí thư (Bí thư thứ nhất từ năm 1960-1986) suốt 26 năm.
Đáng chú ý, thời gian Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn sống, các diễn văn tại các Hội nghị, các cuộc mít tinh quan trọng có sự góp mặt của Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn thì đều xướng tên ông Tôn Đức Thắng lên trước, rồi mới xướng tên ông Lê Duẩn.

Pierre Asselin từng nhận xét về Lê Duẩn: "Ông khao khát quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội không chỉ trung thành mà còn chung quyết tâm hoàn tất các mục tiêu cách mạng". Tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc từ chối cho rằng vai trò của Tướng Giáp bị làm cho lu mờ bởi những thành viên Bộ Chính trị Đảng CSVN trong giai đoạn cuộc chiến tranh miền Nam, cũng như cho rằng không có một sự phân chia ê-kíp trong nội bộ Bộ Chính trị miền Bắc lúc bấy giờ, mà theo đó Tướng Giáp được cho là thuộc phái "chủ hoà".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại viết khác: "Với tôi, những năm công tác trong Bộ Chính trị, Anh đã thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh chóng đi đến nhất trí trong những vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì tranh luận thẳng thắn, những điều chưa nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba lần đề nghị Anh là Tổng Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh nói: “Anh là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo” (trích từ sách "Lê Duẩn một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia xuất bản 2002). Tuy nhiên cũng trong sách này Võ Nguyên Giáp cũng cho rằng Lê Duẩn phải chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng nền kinh tế những năm trước đổi mới trong vai trò là người chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương đảng khi đó.
Theo Giáo sư Tương Lai trích lại lời Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ: "trong bài trả lời phỏng vấn Vietnamnet ngày 5.4. 2007 cho biết “năm 1985, anh là người ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị: "Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần”. Đó là những con chữ quan trọng để tạo đà cho Đại hội VI Đổi Mới... Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới. Nhưng điều đó cũng phù hợp với con người Anh. Chỉ cần mình làm điều tốt cho Đảng, cho dân mà không cần nghĩ rằng có được ghi nhận hay không”. Theo GS Tương Lai: "Đáng tiếc là, những tư tưởng lóe sáng trong tư duy của nhà lý luận ấy đã bị chìm đi trong vô vàn những bức xúc hàng ngày của thực trạng kinh tế đang trong cái thế giằng co giữa cái cũ và cái mới. Ông không thể không gánh chịu trách nhiệm về những hậu quả nặng nề của sự vận dụng những công thức giáo điều trong mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Stalin hoặc của tư tưởng giáo điều “tả” khuynh khác, mặc dầu ông đã cố gắng để vượt ra khỏi những áp đặt".

Giáo sư Trần Phương có thuật lại: "Tôi nhớ có lần, vào một buổi sáng, khi nhóm trợ lý chúng tôi đang họp, anh Ba đi vào “quẳng” xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: “Các anh đọc đi!”. Rồi anh nhếch mép cười, đi ra... Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài dài phê phán anh Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ của anh. Có lần, tôi hỏi Anh: “Tại sao Anh không công khai phản bác lại quan điểm bảo thủ của bài báo...”. Anh nói: “Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng...”. Ông Trần Phương cũng cho rằng: "Ai đó đã nói rằng anh Ba không bảo vệ được Kim Ngọc là không đúng. Sau bài báo đó, Kim Ngọc vẫn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú". . Theo những người trợ lý thân cận nhất của ông kể lại thì thái độ của ông đối với khoán ở Vĩnh Phúc (1966-1968) khác với nhiều người lúc đó. Nhưng ông chưa kịp can thiệp thì đã có lệnh đình chỉ, mà đã có lệnh rồi thì không thể đảo ngược lại được. Ông Đậu Ngọc Xuân là trợ lý của ông kể lại: Khi khoán Vĩnh Phúc đã bị đình chỉ, ông chỉ còn biết lên thăm Kim Ngọc và bày tỏ sự đồng tình với những tìm tòi của Kim Ngọc, an ủi về việc những sáng kiến quá mới như thế thường không dễ đi ngay vào cuộc sống...

Theo lời của Trần Phương, Lê Duẩn từng nói với ông: "Cầm quyền mà không lo nổi cho dân một bộ quần áo thì cầm quyền là nghĩa thế nào? Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lo đủ cho người dân một bộ quần áo... Tôi vẫn nhớ, có lần trong những năm 60, trong một cuộc họp ở Đồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ: “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi...”. Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói một lời. Tôi rất thông cảm với Anh về cái khó của Chính phủ. Muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ. Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn".
Công cuộc đổi mới chính thức được phát động sau khi Lê Duẩn mất và Trường Chinh lên làm Tổng Bí thư. Di sản tư tưởng chính trị và kinh tế của Lê Duẩn như ba dòng thác cách mạng, làm chủ tập thể... hiện vẫn đang bàn cãi để có thể có một đánh giá nghiêm túc.
Trong thời gian ông nắm quyền cao nhất Việt Nam cũng xảy ra hai cuộc chiến tranh: Chiến tranh biên giới Tây Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Dầu sao, khi ông mất, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc khi đó đã điện "... Ngài Tổng Bí thư Lê Duẩn, người đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử của Việt Nam...”. (Điện của Tổng Thư ký liên hiệp quốc Javier Pérez de Cuéllar (Báo Nhân Dân ngày 16.7.1986))

Gia đình
Ông có hai người vợ:
1. Bà Lê Thị Sương (25 tháng 12, 1910 -6 tháng 8, 2008) kết hôn năm 1929 ở quê. Có bốn người con:
* Lê Hãn (sinh 1929), tên thường dùng là Lê Thạch Hãn, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng cục quản lý các nhà trường quân đội, Tư lệnh Bộ Tư lênh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu.
* Lê Thị Cừ
* Lê Tuyết Hồng. có chồng là Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại
* Lê Thị Diệu Muội (1940-2008),Phó Giáo sư, Tiến sĩ sinh vật học. (trùng họ tên với bà Muội nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa V, Thứ trưởng Bộ Nội thương).

2. Bà Nguyễn Thụy Nga, kết hôn năm 1948 tại miền Tây Nam Bộ, do Lê Đức Thọ làm mối, Phạm Hùng làm chủ hôn, khi Lê Duẩn vẫn còn hôn nhân chính thức với người vợ đầu. Sau 1975, bà là Phó Tổng biên tập phụ trách hành chánh trị sự của báo Sài Gòn Giải phóng. Hiện bà sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba người con:
* Lê Vũ Anh, kết hôn giáo sư toán học Viktor Maslov người Nga ở Moskva, mất khi sinh con thứ ba.
* Lê Kiên Thành (sinh 1955), tiến sĩ vật lý, nay là doanh nhân.
* Lê Kiên Trung (sinh 1958), Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM (từ tháng 12 năm 2007). Hiện là Phó Tổng cục trưởng TCAN -Bộ Công an (2010)
Nhắc đến mẹ mình, ông nói: "Tôi thương mẹ tôi, vì vậy bây giờ ở Hà Nội ngày nào tôi cũng ăn thêm vài củ khoai lang để nhớ mẹ tôi…"
Câu nói nổi tiếng
“ "Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh", (Tết 1976) ”


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen