Seiten

Dienstag, 23. September 2014

Thâm cung bí sử trong ‘Bên Thắng Cuộc’?

                                                                                                     Vũ Ánh

Ðời tư của những lãnh tụ chính trị thuộc đảng Cộng Sản Việt Nam được người dân thường xem là những thâm cung bí sử. Mà đã gọi là thâm cung bí sử thì chắc chắn nó được che giấu rất kỹ và những gì mà người ta biết đến hay nói đến thường không được căn cứ vào tin mà vào lời đồn đại.

Tác giả của “Bên Thắng Cuộc” cho biết ngay từ đầu tác phẩm rằng anh không viết chuyện thâm cung bí sử mà chỉ ghi chép những chuyện xảy ra trong đảng Cộng Sản Việt Nam theo thứ tự của từng vấn đề. 

Lê Duẩn

Nhưng khi nói đến cuộc đời của Lê Duẩn, tác giả đã không thể bỏ qua được một phần nhỏ những riêng tư của ông ta trong lãnh vực tình yêu, gia đình và hôn nhân. Tuy chỉ chiếm khoảng 9 trang trong tác phẩm dầy đến 680 trang, tiểu đề “Lê Duẩn và Mối Tình Miền Nam” là một trong hàng trăm câu chuyện về đời tư của nhân vật này được nhiều người coi là “khá hấp dẫn chẳng khác gì những chuyện thâm cung bí sử”.

Theo lời tác giả “Bên Thắng Cuộc”, Lê Duẩn sinh năm 1907 tại Triệu Phong thuộc tỉnh Quảng Trị trong một gia đình thợ nghèo. Ông ta chỉ học đến lớp 4 rồi tự ý bỏ học. Nhưng lớp 4 ở nhà quê vào thời kỳ đó vẫn được người trong làng coi là “hay chữ”, nên dân làng thường gọi Lê Duẩn là “cậu thông Nhuận”. Tham gia hoạt động từ thời Hội Thanh Niên Cách Mạng, Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Ðông Dương. Tuy nhiên, ngày nay một câu hỏi được đặt ra là: “Với trình độ học lớp 4 như vậy mà làm sao họ Lê có thể thành công trong những hoạt động dẫn dắt cả một Xứ bộ ở miền Nam Việt Nam?” Thực ra, có nhiều sử gia cố tìm cách giải thích sự kiện này, nhưng họ đều không tìm ra câu trả lời, ngoại trừ một vài tác giả thời còn trẻ vốn là chuyên viên tình báo thuộc phái bộ MAC-V, trong đó có Harry D. Felt viết trong một phúc trình gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ Sài Gòn vào cuối năm 1962: “…Họ (VC) được huấn luyện ngay tại chỗ thành thử họ quen chịu đựng khó khăn, khổ sở. Những thắng lợi gần đây cho thấy, Việt Cộng đã vượt qua được những thử thách do kế hoạch Ấp Chiến Lược tạo ra và đây là điều chúng ta (Mỹ) cần lưu tâm…” (The Pentagon Papers, Beacon Press-Boston)

Năm 2002, khi trở về Mỹ sau chuyến đi dài ngày ở Việt Nam để thu thập tài liệu viết cho xong tác phẩm “Bare Feet, Iron Will-Conversation With The Enemy” (tạm dịch: Chân đất, Ý chí sắt thép-Ðối thoại với kẻ thù), Luật Sư James G. Zumwalt, cháu nội của Ðô Ðốc Zumwalt, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đồng thời là một cựu hải quân đại tá trong Hải Quân Hoa Kỳ đã đưa cho tôi bản thảo gần như toàn phần của tác phẩm này, chỉ còn một phần rất nhỏ không quan trọng lắm ông viết chưa xong. Ông yêu cầu tôi dịch tác phẩm này ra tiếng Việt để ông có thể xuất bản cùng một lúc với phần Anh ngữ. Hai ngày sau khi đọc xong, tôi gặp tác giả và nói rằng loại tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam như “Bare Feet, Iron Will” tôi dịch khá nhanh chỉ mất khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh nội cái tựa không thôi, James Zumwalt cũng đã phải đi dưới hai lằn đạn tại một cộng đồng Việt Nam còn rất nhạy cảm khi nói đến cuộc chiến kết thúc ngày 30 Tháng Tư 1975. Hơn nữa, trong tác phẩm, một vài cuộc phỏng vấn một số sĩ quan và tướng lãnh trong quân đội Cộng Sản Việt Nam có nội dung cho thấy họ tỏ ra hãnh diện đã có thể dùng gạo rang, muối và nước lã chống Mỹ trường kỳ và họ đã thắng. Hợp đồng dịch thuật không thành đạt được và tôi mất liên lạc với ông đã lâu rồi nên cũng không biết “Bare feet, Iron will” đã xuất bản hay chưa. Tuy nhiên, tác phẩm này cũng cho tôi thấy một cách nhìn khác riêng biệt của giới quân sự Mỹ giải thích một phần nào lý do thắng trận của người Cộng Sản, nhưng đã không thể thắng được trong việc quản lý đất nước và phát triển kinh tế chỉ vì trình độ học vấn thấp thời làm “cách mạng” không đáp ứng được những yêu cầu về quản lý và làm ăn kinh tế ở “thời bình”.

Ðiều này thực cũng chẳng khác gì trong cuộc chiến bí mật ở miền Nam Việt Nam, Lê Duẩn với tư cách bí thư Xứ Ủy Nam Bộ sau khi từ Côn Ðảo trở về sau Cách Mạng Tháng Tám đã nhiều lần thoát hiểm mật thám Tây và lực lượng an ninh của chế độ Ngô Ðình Diệm nhiều lần, nhưng lại không thể thoát ra khỏi được mắt lưới tình ái. Khi Lê Duẩn qua đời vài năm sau 30 Tháng Tư 1975, dư luận bàn tán rất nhiều về những người vợ của một trong những tổng bí thư khét tiếng nhất trong đảng CSVN. Nhưng sự thực ông có bao nhiêu vợ thì chưa có một tài liệu nào khả dĩ rõ ràng như được trình bày trong tiểu đề “Lê Duẩn và Mối Tình Miền Nam” trong “Bên Thắng Cuộc”. Theo tác giả của “Bên Thắng Cuộc”, dựa theo cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Muội con gái của Lê Duẩn với bà vợ đầu ở quê tên là Lê Thị Sương và cuộc phỏng vấn ông Lê Kiên Thành, con trai của ông Duẩn với bà vợ thứ hai là bà Nguyễn Thụy Nga, người ta mới được biết một cách chính thức là Lê Duẩn ít nhất cũng có hai vợ chính thức và bà Nga, người vợ lẻ, chính là người mà tác giả gọi là kết quả “mối tình miền Nam” của họ Lê.

Tác giả “Bên Thắng Cuộc” gọi việc ông Lê Duẩn bí thư Xứ Ủy Nam Bộ lấy bà Nguyễn Thụy Nga là kết quả của một tình yêu cho nó nhẹ đi thôi vì trong thế giới Cộng Sản, nói đến chuyện công khai cũng đã khó rồi huống chi đây lại là chuyện “không nên nói ra” mà vẫn cứ phải nói ra. Nó cũng bàng bạc một màu giống như câu chuyện được Trần Mạnh Hảo trình bày trong “Ly thân”: Ðảng bảo bỏ là phải bỏ, đảng bắt lấy là phải lấy! Bà Nguyễn Thụy Nga là con gái người chủ bút một tờ báo viết bằng tiếng Pháp tên là “La Tribune Indigène”. Năm 14 tuổi cô bé Nga đã theo “mấy chú” đi hoạt động “cách mạng” và trót yêu “một đồng chí đã có gia đình”, đó là Nguyễn Văn Trấn, một trong những người Cộng Sản lãnh đạo cuộc cướp chính quyền Sài Gòn năm 1945 từ tay người Pháp. Năm 1948, mối quan hệ tình ái của hai người bị lộ và bị tỉnh ủy Cần Thơ họp kiểm điểm. Bà Nguyễn Thụy Nga bị buộc phải chuyển về Sài Gòn công tác để cắt lìa hai người, một kiểu ép buộc mà người Cộng Sản hay làm. Vẫn theo tác giả “Bên Thắng Cuộc”, bà Nga lúc ấy đang là nữ đoàn trưởng Phụ Nữ Cứu Quốc và Lê Duẩn gặp bà Nga vào dịp họp tỉnh ủy nghe được câu chuyện có hỏi bà Nga thì được trả lời:
“Lên Sài Gòn đối với tôi là một công tác rất mới và khó, nguy hiểm nữa, nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì, nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã yêu (Nguyễn Văn Trấn) thì khó mà làm được. Xa nhau cũng được, nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt buộc”.

Tư chất của người phụ nữ này lẽ ra phải được tôn trọng. Tuy nhiên theo tác giả Huy Ðức thì Lê Duẩn tuy không phát biểu gì vào lúc đó, nhưng khi trở về Xứ ủy gặp Lê Ðức Thọ thì ông ta lại nói: “Nếu có cưới vợ thì tôi cưới người có tính chung thủy như chị Nga”. Ít lâu sau Lê Ðức Thọ tìm xuống Cần Thơ để thực hiện “lệnh” của sếp và ông ta nói thẳng: “Anh Ba (Lê Duẩn) muốn hỏi chị làm vợ, chị nên ưng anh ấy đi… Nếu chị làm vợ anh ấy, chị chăm sóc anh để anh có sức khỏe làm việc, đó cũng là một nhiệm vụ… sự sáng suốt của anh ấy có lợi cho cách mạng…” Rõ ràng, đây không phải là cách thuyết phục của một “ông mai” mà là ép duyên chỉ vì “đồng chí” Lê Duẩn muốn và ý muốn thiếu trong sạch này được che lấp bằng quyền lợi của đảng. Tỉnh ủy Cần Thơ ép Nguyễn Thụy Nga bỏ Nguyễn Văn Trấn, một người có gia đình, nhưng lại ép cô gái này lấy một cán bộ Cộng Sản “gộc” cũng đã có gia đình. Theo tôi, không còn gì thô lậu và “thiếu đạo đức cách mạng” bằng trò ép duyên này! Nhưng chưa hết. Theo lời bà Nga, có lần bà hỏi thẳng Lê Duẩn rằng nếu ông ta lấy vợ rồi, sau này về gặp gia đình thì phải giải quyết sao đây? Họ Lê nói tỉnh bơ:
“Anh cưới vợ trước đây là do cha mẹ cưới cho. Anh đi cách mạng, vợ ở nhà sau đó có đưa ra Hà Nội ở một thời gian, nhưng anh thấy hai người không hợp nhau. Có hai lần anh về nhà, anh nói chị ấy nên tìm người chồng khác, anh đi cách mạng không giúp gì được cho gia đình và không biết sống chết ra sao. Nhưng người phụ nữ miền Trung còn phong kiến, đã có chồng rồi thì ở nhà lo cho cha mẹ chồng, nuôi con. Chồng đi xa có lấy thêm vợ thì phụ nữ miền Trung cũng dễ chấp nhận. Nếu sau này giải phóng chị cũng sẽ ở trong quê với cha và mấy đứa con, lâu lâu anh về thăm. Còn chúng mình có đi hoạt động cách mạng, có gần nhau gũi nhau, chắc không có gì khó khăn lắm”.

Ðó là thứ hôn nhân ba vạ của một trong những lãnh tụ lớn của đảng Cộng Sản Việt Nam, một người đời tư đã có nhiều bùn nhưng lại chỉ coi đời tư người khác mới có vết hoen ố? Năm ấy Lê Duẩn đã 41 tuổi còn tuổi thực của bà Nga chỉ bằng một nửa số tuổi của ông ta, nhưng cuộc hôn nhân này đã mang lại cho bà Nguyễn Thụy Nga nhiều rắc rối và đau đớn nhất. Chính bà Nga đã thừa nhận trong cuộc hôn nhân hơn ba thập niên của bà chỉ có 3 năm là sống hạnh phúc. Tất cả còn lại đều là một cuộc sống bé mọn của người phụ nữ bị đảng ép buộc bỏ mối liên hệ tình ái mà đảng cho là thiếu đạo đức với một đảng viên Cộng Sản nhưng lại buộc phải chấp nhận mối liên hệ tình cảm hoàn toàn phi đạo đức với một đảng viên lớn tuổi, lớn cấp khác. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” đưa ra một so sánh nhẹ nhàng và khéo léo, nhưng nó như một vết chém hằn sâu trang sử hôn nhân và tình ái mờ ám của các lãnh tụ đảng, từ Hồ Chí Minh cho tới một số thuộc hạ thân cận của ông ta:

“Lê Duẩn chọn vợ vì ông ta chứng kiến đức thủy chung mà bà Nga dành cho người khác, còn bà Nga thì thừa nhận là đã chọn Lê Duẩn qua đạo đức và tình cảm lớn lao mà ông dành cho đồng chí, đồng bào”.
Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ so sánh này thì đây chính là một lời ám chỉ nặng nề về cái gọi là “đạo đức cách mạng” mà những người Cộng Sản thường rêu rao. Thực ra, thứ đạo đức này chỉ là một bức bình phong che đậy những chuyện phi đạo đức trong đảng mà thôi. Năm 1955, bà Nguyễn Thụy Nga nghe lời chồng mang con tập kết ra Bắc và việc đầu tiên mà bà phải đối phó là giải quyết sự liên lạc êm ấm với gia đình nhà chồng và bà vợ cả của Lê Duẩn là bà Lê Thị Sương. Chuyện này đáng lẽ có thể đã ổn thỏa, nếu không có sự can thiệp của các “đồng chí lớn” của Lê Duẩn. Bà Nga kể lại trong cuộc phỏng vấn: “…Anh Phạm Hùng và chị Nguyễn Thị Thập nói với tôi, trước kia vì sự nghiệp của anh mà chị ưng anh ấy, bây giờ cũng vì sự nghiệp của anh, chị nên chủ động ly dị để anh làm tròn nhiệm vụ”. Khi ấy Quốc Hội vừa có luật Hôn Nhân và Gia Ðình qui định chế độ “một vợ, một chồng”.

Khi Lê Duẩn được lệnh trở ra Bắc, ông ta vui mừng được gặp lại người vợ trẻ miền Nam, nhưng ngay lập tức lại phải đương đầu với áp lực phải bỏ bà Nga. Họ Lê tức quá nói với vợ: “Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau, bây giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta bỏ nhau. Có làm tổng bí thư đi nữa mà phải bỏ nhau trong lòng anh không bao giờ yên ổn. Người Cộng Sản thì phải có thủy có chung, có tình, có nghĩa” (?)Lê Duẩn ném cái boomerang đi qua vụ gạt bỏ tình nghĩa với người vợ cả là bà Sương, nay cái thanh gỗ thường được thổ dân Úc dùng làm vũ khí săn thú đã quay ngược lại chính ông ta. Lê Duẩn dẫn bà Nga sang Hội Phụ Nữ để trình bày, nhưng trong hồi ký, bà Nga cho biết hội phản đối kịch liệt và bà trở thành đối tượng bị hội ghét bỏ, bị cắt tất cả chế độ phúc lợi y tế (trong đó có chế độ được nằm bệnh viện Việt-Xô, một bệnh viện tối tân nhất vào thời bấy giờ). Huy Ðức nhấn mạnh thêm về những hậu quả ê chề khác mà bà Nguyễn Thụy Nga phải nhận chịu giống hệt như những phụ nữ thời phong kiến:
“Những đồng chí của ông Lê Duẩn như Lê Ðức Thọ người đã mai mối bà Nga cho ông Duẩn giờ đây cũng câm lặng. Bà Mai Khanh vợ ông Hai Hùng (Phạm Hùng), người chủ hôn thì cùng với cán bộ khác vào tận Nghệ An vận động các gia đình chống lại bà Nga… Khi ông Lê Duẩn trở ra Bắc, cũng chỉ thỉnh thoảng bà Nga mới được về căn nhà riêng dành cho ông ở số 6 đường Hoàng Diệu, Hà Nội để thăm chồng. Hơn nữa, bà Nga lại còn phải đối phó với cô Hồng con gái của ông Duẩn với bà vợ trước lúc đó đã là sinh viên. Theo cách kể lại của bà Nga, cô sinh viên này không hề có một chút thông cảm nào để bố mình giải quyết gia đình vợ nọ, con kia. Cuối năm 1957, Lê Duẩn đành phải thu xếp cho bà Nga đi công tác ở Bắc Kinh, vừa nuôi 3 đứa con, vừa đi học. Năm 1962, bà Nga được trở lại Hà Nội nhưng sau đó bị điều sang làm việc tại báo Hải Phòng, thỉnh thoảng mới có dịp lên Hà Nội thăm chồng và vẫn bị cô Hồng khinh miệt và làm tình làm tội. Bà Nga kể lại: “Nhiều lần tôi muốn treo cổ tự tử ở cổng nhỏ nhà số 6 đường Hoàng Diệu. Nhưng còn anh (Lê Duẩn) còn mấy đứa con tôi sẽ ra sao. Anh sẽ mất uy tín, sẽ đau khổ. Vì đảng, vì tình thương mà tôi đã vượt qua”.

Trong một chế độ thiếu tự do và con người bị câu thúc, mức độ hoài nghi lan tràn như Việt Nam, khó lòng mà biết được thực sự người ta nghĩ gì và suy nghĩ ấy có giống như khi người ta nói hay viết không? Nhưng rõ ràng những người như Lê Duẩn, Lê Thị Sương, Nguyễn Thụy Nga, Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ… cũng vẫn chỉ là những con người bị mắc vào cái cạm bẫy vĩ đại của chủ nghĩa Cộng Sản hoang tưởng. Trong chốn tù đày của cạm bẫy ấy, đàn áp không những đã trở thành một công cụ để người Cộng Sản tước đoạt mọi thứ quyền của con người mà còn là một công cụ chuyên chính ngay với cả tình cảm con người, tình yêu và hôn nhân.
Vũ Ánh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen