Seiten

Montag, 1. Februar 2021

Sông Tiền từ Vĩnh Xương qua Tân Châu đến Hồng Ngự

 SÔNG TIỀN TỪ VĨNH XƯƠNG QUA TÂN CHÂU ĐẾN HỒNG NGỰ                                           

Mở đầu.  Đoạn sông Tiền mà bài viết này khảo sát sự biến động từ năm 1979 đến năm 2020, đi từ biên giới Việt Nam – Campuchia tại xã Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đến Thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đoạn sông chảy qua một vùng mà cao trình, đặc biệt hai bờ, là tương đối cao so với cả đồng bằng (Hình 1).

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu
Hình 1

Đầu mùa mưa, mực nước sông Tiền lên cao dần, đạt đỉnh tại Tân Châu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nước sông tràn qua đê ven sông và gây ngập một vùng rộng lớn hai bờ hữu và tả ngạn. Chế độ thủy văn này, địa hình lòng sông và trầm tích mà sông Tiền mang theo đã tạo nên sự biến động của đoạn sông mà chúng ta khảo sát.  
1. Từ Vĩnh Xương đến Tân Châu

Đặc điểm nổi bật trong đoạn này là bãi bồi giữa sông hình thành và biến đổi rất nhanh về hình dạng, kích thước và vị trí đầu cồn như có thể thấy qua Hình 2(a,b,c).  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu
Hình 2 (a, b, c)

Một lý do chính yếu là chiều ngang sông Mekong mở rộng khá nhanh khi đi vào lãnh thổ Việt Nam (Hình 2d).

Diện tích mặt cắt ướt tăng, vận tốc dòng chảy giảm dẫn đến trầm tích lắng đọng và bồi tụ dần hình thành bãi bồi, và rồi dòng chảy lại bào mòn đầu bãi.

Diện tích mặt cắt ướt tăng, dòng chảy cơ bản một chiều chuyển sang hai chiều giải thích việc sạt lở đến phải xây kè tại đầu xã Vĩnh Xương, và xói lở phía đối diện phía ranh giới giữa xã Thường Phước và Campuchia. 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Từ Vĩnh Xương đến trước khúc ngoặc Tân Châu có hai mặt cắt (∃T1) và (∃T2) do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đo đạc (Hình 3a). 

Tại mặt cắt (∃T1) xã Vĩnh Xương, đo từ bờ sông đến bãi bồi, dòng chảy áp sát bờ phải. Đáy sông sâu từ 12-14 mét cách bờ Vĩnh Xương khoảng 80 mét và cao dần đến bãi. Mặt cắt cho thấy việc khai thác cát năm 2018. Ở mặt cắt (∃T2) xã Tân An đáy sông sâu từ 22-23 mét ở cách bờ Tân An 400 mét (Hình 3b, 3c).

2. Khúc quanh Tân Châu – Thường Thới Tiền

Bề ngang sông Tiền khi đi vào khúc quanh bị co hẹp lại đáng kể, vận tốc dòng chảy tăng. Bồi, lở mạnh được chờ đợi. Hình 4a  4b là đoạn sông Tiền tại khúc quanh Tân Châu – Thường Thới Tiền các năm 1979 và 2019. Hình 4c là hình chập hai ảnh vệ tinh. Tại các vị trí 1, 2 là nơi bi xói lở. Các vị trí 3, 4 là nơi được bồi.      

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Năm 1979 ở đầu Kênh xáng Tân An hãy còn là một vài bãi bồi riêng lẻ đang trong quá trình gắn vào xã Long An, thị xã Tân Châu hiện nay.

Vị trí 1 trên Hình 4c một phần bị xói mất, bù lại vị trí 3 trên Hình 4c dược bồi, kéo dài về hạ du.

Về phía tả ngạn, dọc theo bờ sông đến khúc quanh của xã Thường Thới Tiền bị sạt lở (vị trí 2 trên Hình 4c). Sau khúc quanh, vị trí 4 trên Hình 4c là vùng đất được bồi.
Hình 4d, Hình 4b và Hình 4e dưới đây, cho chúng ta thấy sự biến động trong 19 năm gần đây 2001 – 2019. 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Doi đất dài từ Vĩnh Hòa, đến Tân An và Long An bị bào mòn phía trên và kéo dài về phía dưới (vị trí 1 trên Hình 4e), vị trí 4 được bồi, đuôi cù lao giữa sông Tiền kéo dài xuống về phía khúc quanh (vị trí 3 trên Hình 4e) và một bãi bồi bị xóa sổ (vị trí 2 trên Hình 4e). 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Ở khúc quanh về phía tả ngạn, xã Thường Thới Tiền bị bào mòn cho đến năm 2014 (Hình 5a). Đến năm 2016 bờ sông được kè một đoạn (Hình 5b) và kè được kiên cố hóa và được tiếp tục kéo dài về phía cuối xã (Hình 5c, 5d).

Về phía Tân Châu, trước chỉ có kè từ đầu Kênh Vĩnh An phía bờ phải. Kè này được kéo dài đến cuối phường Long Châu. Một kè được xây phía bờ trái Kênh Vĩnh An sau khi vàm đầu Kênh bị hàn năm 2014.

Tình hình kè hai bên bờ sông Tiền tại khúc quanh được thể hiện qua Hình 6. Đáy sông Tiền là nơi mà dòng chảy tập trung xói. Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã đo địa hình đáy sông trong ba năm 2016, 2017 và 2018, mỗi năm đo hai đợt, đợt 1 vào tháng 4, đợt 2 vào tháng 11 và hai mặt cắt (∃T3) và (∃T4). 

Hình 7 là địa hình đáy đoạn sông trong Hình 6. Một hố sâu kéo dài được hình thành áp sát kè Tân Châu.  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Hình 8 là vị trí và số đo của hai mặt cắt (∃T3) và (∃T4). Dòng chảy ép sát bờ Thị xã Tân Châu, phường Long Châu.  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu
Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Tại vị trí (∃T3) đáy sâu nhất gần -40 mét, cách bờ khoảng 200 mét. Tại vị trí (∃T4) đáy sâu nhất gần -35 mét, cách bờ khoảng 140 mét.

Diễn biến ở đầu các kênh Vĩnh An và Tân An

Trên địa bàn Thị xã Tân Châu, Kênh Vĩnh An [2]  và Kênh xáng Tân An [3] có ý nghĩa quan trọng đối với dòng chảy sông Tiền về hạ du và đối với việc chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu.

Cửa Kênh Vĩnh An trổ ra sông Tiền đã bị hàn lại năm 2014. Diễn tiến của đầu Kênh được mô tả trong Hình 9a qua 4 ảnh vệ tinh Google Earth từ năm 2007 đến năm 2019.  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Cho đến năm 1979 cửa Kênh xáng Tân An trổ ra sông Tiền trực tiếp, có bị án ngữ bởi một số bãi bồi (Hình 4a). Trước năm 2001 cửa sông dã bị cản trở bởi một doi đất, bẽ ngoặc đường nước sông Tiền vào Kênh. Lối vào cửa Kênh xáng cần được theo dõi vì từ giữa năm 2007 và 2011 nổi lên một cồn cát và nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh (Hình 9b). Người dân định cư bám sát bờ sông bất chấp diễn biến bồi lở.  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

3. Đoạn qua Cửa sông Cái Vừng, Cù lao Long Khánh và Thị xã Hồng Ngự

Sau khúc quanh Tân Châu – Thường Thới Tiền, sông Tiền chảy bọc Cù lao Long Khánh theo hai nhánh.

Nhánh Bắc bọc Cù lao rồi ngoặc sang phải chảy qua Thành phố Hồng Ngự.

Nhánh Nam chảy qua cửa sông Cái Vừng, bọc Cù lao Long Khánh về phía Nam rồi hợp nhất với nhánh Bắc sau Hồng Ngự. Sông Tiền tiếp tục xuôi về Nam. Hình 10a được trích từ ảnh vệ tịnh Landsat 5. Hình 10b, từ Lndsat 8.

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Hình 10c chập hai ảnh vệ tinh này, trên đó thể hiện những vùng biến động (1,2, 3 bồi), (4, 5, 6 lở).  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Cửa sông Cái Vừng

Sông Cái Vừng phân ranh giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, lấy đi một lượng nước từ sông Tiền mà nó sẽ trả trở lại tại cửa sông Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang).

Hình 10c cho thấy ở cứa sông Cái Vừng, tại vị trí (1) được bồi.

Diễn biến tại cửa sông Cái Vừng được thể hiện qua ảnh vệ tịnh từ năm 2007 đến 2020 được trình bày trong Hình 11.

Chiều rộng của sông Cái Vừng tại cửa sông và bên trong biến động ra sao cần đo đạc trên ảnh vệ tinh và kiểm chứng tại hiện trường. Nhưng rõ một điều là các nhà bè nuôi cá rất nhiều, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và thu hẹp chiều ngang hữu dụng cho giao thông thủy nội địa.

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

 Hình 12 cho chúng ta mặt cắt sông Cái Vừng tại hai vị trí (∃T5) và (∃T6) (Hình 10c). Sông Cái Vừng tại hai mặt cắt này sâu -10 mét. 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu
 

+ Dọc bờ và hai nhánh Bắc, Nam sông Tiền chảy qua Cù lao Long Khánh

Bờ trái nhánh phía Bắc được bồi trên địa bàn xã Thường Thới Tiền, bị xói lở cuối xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) và đầu phường An Lạc (Tp. Hồng Ngự). 

Ở khúc sông đi về thị xã Hồng Ngự tại Phường An Lạc và phường An Thạnh (Thành phố Hồng Ngự) đã xây nhiều kè kiên cố để bảo vệ bờ sông tả ngạn.

Dọc bờ phải nhánh Nam là xã Long Thuận bị sạt lở đến đường xã Hình 13.

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

 Bảng 14 cung cấp thông tin về đáy sông sâu nhất và chiều rộng hai nhánh Bắc và Nam chảy qua Cù lao Long Khánh [4].   

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Trên nhánh Bắc, mặt cắt có chiều rộng hẹp nhất là mặt cắt ALA 06 (387 mét), có đáy sâu nhất là mặt cắt ALA 07 (-31,2 mét), có đáy cạn nhất là mặt cắt ALA 11 (-6.5 mét).

Trên nhánh Nam, mặt cắt có chiều rộng hẹp nhất là mặt cắt LT 05 (710 mét), có đáy sâu nhất là mặt cắt LT 06 (-22.1 mét), có đáy cạn nhất là mặt cắt LT 09 (-11.9 mét). Nhiều bãi bồi và cù lao nhỏ ở giữa nhánh Nam sông Tiền, vẫn còn năm 1979 đã biến mất, còn lại một năm 2007, để rồi không còn thấy trong các ảnh vệ tinh sau đó.

Cù lao Long Khánh

Cù lao Long Khánh biến đổi liên tục và nhanh trong 42 năm qua như thể hiện trong Hình 15 vào các thời điểm 1979, 2007, 2014, 2020. 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Đầu Cù lao bị đẩy về hướng Đông. Bờ phía Bắc và bờ phía Đông Cù lao được bồi, thu hẹp dòng chảy nhánh sông Tiền phía Bắc chảy qua Hồng Ngự. Nửa phía Nam của bờ Đông gần như thẳng đứng theo hướng Bắc – Nam.

Ở bờ Nam, từ Tây sang Đông, một phần ba đầu bị sạt lở. Cùng với đầu Cù lao bị đẩy lùi sang hướng Đông, nhánh Nam sông Tiền khởi đầu với hướng Tây Bắc – Đông Nam rõ nét hơn. Phần ba ở giữa được bồi. Phần ba cuối bị sạt lở khuyết vào trong. Chiều ngang nhánh Nam sông Tiền chỗ khuyết nhất là 1204 mét (LT 07).

Sông Tiền chảy qua Thành phố Hồng Ngự

Từ những biến động đường bờ của Cù lao Long Khánh, chiều ngang của nhánh phía Bắc sông Tiền bị thu hẹp trong khi ở nhánh phía Nam lại tăng lên.

Thị xã Hồng Ngự được tách ra từ Huyện Hồng Ngự, trực thuộc tỉnh Đồng Tháp và nay là Thành phố thuộc tỉnh. Nội ô của Thành phố giáp với sông Sở Thượng, sông Tiền và có Kênh Hồng Ngự - Long An (còn được gọi là Kênh Trung ương) đi xuyên qua trước khi đổ ra sông Tiền.

Vào mùa khô, nước từ sông Tiền chảy vào sông Sở Thượng và vào Kênh TW. Đầu mùa mưa, nước sông Tiền vẫn chảy vào sông Sở Thượng và Kênh TW. Khi lũ tràn về, nước lại đổ ngược ra sông Tiền. Màu nước đổ ra, ít phù sa nên khác màu nước sông Tiền nhiều phù sa vào lúc này, như thể hiện qua Hình 16c.  

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Trước ngã ba với sông Sở Thượng, đã có hiện tượng hai màu nước dọc theo sông với nước từ bưng sau đê của xã Thường Thới Tiền đổ ra qua cầu Trung Tâm, của xã Thường Lạc đổ ra qua cầu Trà Dư. Lượng nước đổ ra sông Tiền từ Kênh TW, vào thời điểm ngày 13/11/2020, khá lớn đã ép dòng nước đục sông Tiền về phía bờ Cù lao Long Khánh. Hình 16c

Trong Hình 16c có vị trí hai mặt cắt (∃T5, ∃T6) bên phải cửa sông Sở Thượng và hai mặt cắt (∃T7, ∃T8) ở giữa sông Sở Thượng và Kênh TW. Mặt cắt (∃T6) có bề ngang sông hẹp nhất, 387 mét. Mặt cắt (∃T7) có đáy sông sâu nhất -31,2 mét (Bảng 14).

Theo số liệu đo đạc, đáy sâu nhất tại bốn mặt cắt (∃T5, ∃T6, ∃T7, ∃T8) lần lượt vào khoảng -23.1, -20.2, -31,2 và -23.7 mét, ở cách bờ Hồng Ngự lần lượt 87, 160, 188 và 200 mét.

Trong một đoạn ngắn, từ ∃T5 đến ∃T8, dòng chảy sông Tiền và đáy sông biến động mạnh. Nếu có một bản đồ địa hình đáy sông với các đường bình độ trong đoạn, đo đạc trong những năm gần đây, sẽ giúp hiểu thêm diễn tiến của sự giao thoa giữa các dòng chảy sông Tiền, sông Sở Thượng và Kênh Trung ương. Có nhiều khả năng sự giao thoa đã tạo ra một hố sâu mà đáy sâu ít nhất là -31.2 mét.

4. Nhận xét và thảo luận

Trong mỗi phần 1, 2, 3, trên đây tác giả đã có nhận xét về biến động của đoạn sông Tiền, đường bờ và cù lao. Trong phần này là bốn nhận xét có tính chất tổng quan từ các biến động, để trao đổi với hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp và bạn đọc.  

(1) Cần thiết mô phỏng dòng chảy sông Tiền trong đoạn Vĩnh Xương – Hồng Ngự

Như đã thấy nhiều biến động quan trọng đã diễn ra chỉ trong vòng một hai thập kỷ gần đây. Đã có nhiều sạt lở và bồi tích đáng kể xảy ra trên địa bàn. Đoạn sông rất cần được nghiên cứu, mô phỏng để phục vụ công tác dự báo bồi lở.

Để sát với thực tế, cần mô phỏng hai chiều kết nối với mô phỏng ba chiều không thủy tĩnh tại một số vị trí. Tốt nhất nên sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Đi vào cụ thể, khúc quanh Tân Châu – Thường Thới Tiền và khu vực giao thoa sông Tiền – sông Sở Thượng – Kênh Trung ương là hai vị trí cần được ưu tiên nghiên cứu.

Việc mô phỏng càng cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguồn nước về Tân Châu tùy thuộc vào sự vận hành của các đập thủy điện ở thượng nguồn.

(2) Cần quản lý nhà nước tốt hơn nữa Kênh xáng Tân An

Sau khi đầu kênh Vĩnh An bị hàn, Kênh xáng Tân An là dòng chảy duy nhất chuyển nước từ đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long từ sông Tiền sang sông Hậu. Sự chuyển nước này là cần thiết cho đoạn sông Hậu trước sông Vàm Nao. Vì vậy cần quản lý nhà nước Kênh xáng này tốt hơn nữa, từ đầu Kênh đến cuối Kênh, từ lưu lượng đến chất lượng nước, từ lấn chiếm đến sạt lở bờ sông.

(3) Dòng chủ lưu của sông Tiền sẽ theo nhánh nào?

Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố Hồng Ngự bằng giao thông đường thủy. Theo số liệu thực đo về chiều rộng cũng như về chiều sâu (Bảng 14) của hai nhánh, dường như nhánh Nam sẽ là dòng chảy chủ lưu. Điều này có đúng hay không và một nguyên nhân có phải vì chiều ngang sông Tiền đã bị co hẹp lại rất nhiều trước khi phân nhánh chảy qua Cù lao Long Khánh (Hình 17)?

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

(4) Đê ven sông, phương thức quần cư và đô thị hóa

Tầm quan trọng của đê ven sông, một đơn vị môi trường vật lý của ĐBSCL, đối với kinh tế, xã hội và đời sống người dân đồng bằng là điều mà bài viết muốn nhấn mạnh.

Trong Hình 18a là đê ven sông Tiền mùa nước nổi năm 2007. Chỉ có hai đê ven sông Tiền từ Vĩnh Xương về Tân Châu là không bị ngập. Hình 18b là đê ven sông Tiền nhánh Bắc ngày 14/11/1994. Trong Hình 18c là Hình 18b 26 năm sau. Người dân vẫn sống chen chúc nhau trên đê ven sông và lấn ra sông khi ở đó được bồi, kè khi ở đó bị lở. Phía sau đê vẫn là vùng ngập lũ. Trên đê còn được xây đường tỉnh ĐT 841. Bên phải của Hình 18b và 18c là thị xã Hồng Ngự năm 1994 và thành phố Hồng Ngự năm 2020. 

Song Tien tu Vinh Xuong qua Tan Chau den Hong Ngu

Ngành chức năng và các tỉnh cần xem lại một cách căn cơ phương thức quần cư ở ĐBSCL, nhất là ở vùng ngập lũ. Chủ trương xây dựng “cụm dân cư vượt lũ” cần được tổng kết. Mục đích là để định hình, với sự tham gia và đồng thuận của người dân, một phương thức phù hợp với điều kiện tự nhiên để có được sự an cư

Có ba vấn đề đặt ra trong quá trình đô thị hóa và quy hoạch không gian ở ĐBSCL cần suy nghĩ: tập quán “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”; cuộc chạy không ngừng từ thị trấn lên thị xã thuộc huyện, rồi thuộc thuộc tỉnh, từ thị xã lên thành phố cấp thấp rồi lên cấp cao; những quy định, quy chuẩn để đạt được mục đích trong cuộc chạy đó.

Trong bài viết [5] tác giả cho rằng cần có một cách nhìn khác, những quy chuẩn khác về xây dựng trong quy hoạch đô thị, phát triển đô thị phù hợp hơn với ĐBSCL, nơi mà cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu, sụt lún tự nhiên và sụt lún nhân tạo cao (từ khai thác nước ngầm, xây dựng công trình, v.v. …) để các thành phố, thị trấn ở ĐBSCL có thể phát triển bền vững.

  • GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân

CHÚ THÍCH:

[1] :  Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (CT 60-B, 1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007).

[2] : Kênh Vĩnh An được đào năm 1843 và hoàn thành năm 1844 dưới thời Vua Thiệu Trị, dài 17 km, rộng 30 mét, sâu 6 mét, nhằm mục đích giao thông và quốc phòng giữa Tân Châu và Châu Đốc, Hà Tiên.

[3] : Kênh xáng Tân An được chính quyền thuộc địa cho đào năm 1914, dài 9 km, rộng 30 mét, sâu 6 mét. Hiện nay có chỗ Kênh rộng đến 100 mét, sâu -20 mét. (Theo Hội Lịch sử tỉnh An Giang).

[4] : Số liệu do tỉnh Đồng Tháp cung cấp. Số liệu đo đạc do Viện Kỹ thuật Biển thực hiện năm 2019.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen