Seiten

Dienstag, 2. Februar 2021

Lịch sử Trường Đại học Y Hà Nội qua các giai đoạn

 


Chương I
THỜI KỲ THUỘC PHÁP (1902 - 1945)
 

HOÀN CẢNH RA ĐỜI

Năm 1885, tướng Pháp Bégin trong một dịp ghé qua Pondichéry (nhượng địa của Pháp tại ấn Độ, mãi 1956 mới trao trả) đã tới thăm trường Y khoa được thành lập từ năm 1863 ở đây. Năm 1886, khi trở thành quyền thống đốc Nam Kỳ, viên tướng này đã có ý tưởng thành lập một trường tương tự tại Sài Gòn. Không hiểu sao việc này không được triển khai tiếp và 12 năm trôi qua.

Hai năm trước khi Bégin sang cầm quyền ở Nam Kỳ thì triều đình Huế đã ký "hoà ước" năm Giáp Thân (6.6.1884), thừa nhận sự bảo hộ của Pháp ở Bắc và Trung kỳ và cũng chỉ sau một năm nữa (1887) sẽ bắt đầu hình thành liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Có lẽ trong tình hình đó, ý tưởng của Bégin đành phải gác lại chăng ? Cũng nên biết rằng tên "Nam Kỳ, Bắc Kỳ" không phải do Pháp đặt mà là tên đất từ hồi còn độc lập. Kể từ nhà Nguyễn, vùng đất ở xa phía bắc Kinh đô được gọi là Bắc Kỳ và phía Nam là Nam Kỳ. Các triều đại trước không có tên gọi này vì lãnh thổ chưa vươn xa như vậy. Tên Trung Kỳ là do suy diễn: có Bắc, có Nam thì phải có Trung. Thật ra, Pháp gọi Trung Kỳ là Annam, tức là vương quốc An Nam. Gọi như vậy có nghĩa là nhà Nguyễn đã mất nốt Bắc Kỳ. Thói ngạo mạn của thực dân là thế, dùng ngay tên do bọn thống trị nhà Đường đặt ra trước đây để gọi đất nước ta tuy tên chính thức của nước ta khi đó là Đại Nam.
Tháng 6.1862, nhà Nguyễn phải ký nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định tường). Điều oái oăm là sau khi mất 3 tỉnh miền Đông thì 3 tỉnh miền tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) sẽ bị cắt đứt khỏi triều đình trung ương. Quả nhiên, chỉ đến tháng 6.1867, Phan Thanh Giản phải ký nhượng nốt ba tỉnh này cho Pháp trước khi uống thuốc độc tự vẫn. Sáu tỉnh Nam Kỳ 1vĩnh viễn tuột khỏi tay nhà Nguyễn, trở thành “nhượng địa” của Pháp. Sau đó, tình hình diễn biến đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946: "Ta càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới": Pháp tiếp tục leo thang ra Bắc 2để đặt ách đô hộ lên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và sang cả Cao Miên (Cămpuchia) và Lào. Về phần chúng ta, phải đợi đến Điện Biên Phủ năm 1954 mới có thể "thẹn ngàn thu rửa sạch làu làu" (Bình Ngô đại cáo)

Năm 1897, Paul Doumer sang thay Armand Rousseau làm toàn quyền Đông Dương, vấn đề xây dựng trường Y lại được đặt ra và đến 12.8.1898, một tiểu ban do bác sĩ hải quân Henaff đứng đầu được thành lập để nghiên cứu dự án tổ chức nhà trường. Các thành viên của tiểu ban, ngoài Henaff, còn có các bác sĩ Collomb, Pineau, Simon, Dejean de la Batie và dược sĩ Halbe. Đã tưởng như chắc chắn sẽ mở trường Y tại Sài Gòn nhưng người ta lại do dự, và lại 4 năm nữa trôi qua.

Doumer sang cầm quyền vào lúc cuộc khởi nghĩa văn thân đã thoái trào. Trong báo cáo ngày 22.3.1897, Doumer đã nhận định: "Tình hình chính trị ở Đông Dương không còn có những mối quan ngại lớn nữa, dân bản xứ có vẻ đã chịu chấp nhận sự cai trị của chúng ta". Như vậy có nghĩa là giai đoạn bình định bằng quân sự đã kết thúc và giai đoạn "khai hoá" bắt đầu. Doumer là một chính khách cỡ lớn vì sau khi ở Đông Dương về, ông liên tục làm bộ trưởng các bộ Tài Chính, Nội vụ, rồi chủ tịch Thượng Viện Pháp. Ông được bầu làm tổng thống cộng hoà Pháp năm đã 74 tuổi (1931). Năm 1932 ông bị một cựu binh côdắc ám sát chết ở Paris, theo một số dư luận báo chí, thì vì ông chủ trương đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Ngày đó, Liên xô vừa ra khỏi nội chiến và chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc (chủ yếu là Anh và Pháp), còn đang bị phương Tây bao vây, cô lập.

Tại sao Đông Dương ? Về mặt địa lý, bán đảo Đông Dương bao gồm vùng đất Đông Nam á nằm giữa Trung Hoa và ấn Độ. Cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp, hay như ngày trước thường gọi là xứ Đông Pháp, được khai sinh năm 1887, lúc đầu gồm xứ thuộc địa Nam Kỳ và ba xứ bảo hộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên. Đến 1893, nước Lào được "kết nạp" và từ đó Liên bang Đông Dương thuộc Pháp có tổ chức hoàn chỉnh gồm 5 xứ.
Ngày 6 tháng 6 năm 1884 (Giáp Thân), đại diện triều đình Huế Nguyễn Văn Tường ký với đại diện Pháp Patenôtre bản “hoà ước” bán nước nhục nhã, khẳng định giá trị của hoà ước Harmand ký năm trước (25.8.1883), thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với vương quốc An Nam, (sau được gọi là Trung Kỳ) gồm cả Bắc Kỳ
Năm 1886 (năm mà tướng Bégin đã nói trên làm quyền thống đốc Nam Kỳ), Paul Bert 3, đặc sứ của Pháp tại Trung và Bắc kỳ dưới triều Đồng Khánh (vua bù nhìn đầu tiên của triều Nguyễn được Pháp đưa lên ngôi sau khi vua Hàm Nghi đã bị bắt và đi đầy) đã đặt ra nha Kinh Lược Bắc kỳ do Nguyễn Hữu Độ đứng đầu (sau là Hoàng Cao Khải), danh nghĩa là khâm sai đại thần (tức là đại diện toàn quyền) của Nam triều nhưng chỉ làm theo lệnh của thực dân Pháp, thực tế đã cắt Bắc kỳ khỏi sự quản lý, dù chỉ là hình thức, của triều đình Huế. Đến Doumer, cái Nha Kinh Lược hình thức đó cũng bị bãi bỏ. Đồng thời, Doumer còn bãi bỏ cả Viện Cơ Mật, cơ quan quyền lực tối cao của nhà vua bù nhìn, không đếm xỉa thậm chí đến cả những hiệp ước bán nước mà triều Nguyễn đã ký trước đó với nước Pháp, thực hiện đầy đủ chính sách nhất quán của chủ nghĩa thực dân là: chia để trị.
Viên đại uý Gosselin trong đạo quân viễn chinh của Pháp đã thừa nhận: "Khi tới Annam, chúng ta đã đối mặt với một cư dân thống nhất chưa từng thấy, từ các vùng sơn cước Bắc Kỳ tới biên giới Cao Miên, về mặt dân tộc cũng như về các mặt chính trị và xã hội. Mọi sử gia tôn trọng sự thật không thể không thừa nhận điều này" (Gosselin: Vương quốc Annam.- 1904 - dẫn theo H.B.Lamb). "Trên thực tế, khi người Pháp lo chia cắt Việt Nam, họ không bao giờ cho phép nói tới hai chữ Việt Nam mà phải thay bằng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Hình như người Pháp thật sự tin rằng hễ không nói tới Việt Nam là có thể bóp nghẹt mọi tình cảm dân tộc".(H.B.Lamb: The Vietnam's will to live - New York, 1972-pp 247).
Nhưng không thể để ba Kỳ thành ba thực thể riêng biệt, vì như vậy, không thể sử dụng Nam Kỳ làm căn cứ hậu cần tại chỗ cho việc bình định Trung và Bắc Kỳ (thực tế mỗi lần cần huy động lương thực hoặc tiền của để dùng trong việc bình định Bắc Kỳ thì bọn cầm đầu thực dân lại phải xin tận...Paris), nhưng cũng không thể tập hợp riêng ba kỳ thành một liên bang vì như vậy vô hình trung lại là tái lập một Việt Nam thống nhất, điều mà người Pháp hoàn toàn không muốn. Nhà cầm quyền thực dân tìm ra rất nhanh cách giải quyết nên đến 1887, liên bang Đông Dương ra đời và hoàn chỉnh vào năm 1893. Đây là một tổ chức nhà nước giả tạo, gò ép bỏ vào một rọ chung 3 quốc gia hoàn toàn khác biệt về nguồn gốc lịch sử, văn hoá và ngôn ngữ, bất chấp nguyện vọng và chủ quyền của các nước bị bảo hộ. Điều mỉa mai là sau này, chính các thế lực xâm lược lại dùng cái "liên bang Đông Dương" nguỵ tạo này để vu cáo chúng ta âm mưu bá quyền.
Từ đó, chế độ cai trị của Pháp tại Đông Dương được chính thức thiết lập. Đứng đầu toàn liên bang là một viên toàn quyền, đứng đầu mỗi xứ là một viên thống đốc (cho Nam Kỳ, vì đây là nhượng địa) hoặc thống sứ (cho Bắc Kỳ), nếu là xứ có vua thì mang tên khâm sứ, ví dụ như khâm sứ Trung Kỳ, khâm sứ Ai lao... Đứng đầu mỗi tỉnh ở Bắc và Trung Kỳ là một viên công sứ, chính quyền bảo hộ không đặt tới cấp huyện mà do quan lại bản xứ điều hành dưới sự chỉ đạo của công sứ, chủ yếu để làm những việc tạp dịch như hộ đê, thu thuế, trị an. Tuy Bắc và Trung kỳ vẫn còn các quan Nam triều cấp tỉnh (tổng đốc, tuần phủ, án sát, bố chính) nhưng quyền lực không hơn gì mấy viên tri huyện. Riêng Hà Nội và Hải Phòng là nhượng địa, do một viên đốc lý (thị trưởng) người Pháp đứng đầu.

Trong thời kỳ quá độ, hai trường Thông ngôn và Hậu bổ đã đào tạo được một lớp người tân học đầu tiên.

Trường Thông ngôn, như tên gọi của nó, có nhiệm vụ đào tạo phiên dịch viên tiếng Pháp đang rất cần cho thời kỳ bình định (trong số học sinh có Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều người khác sau nổi tiếng trong văn học). Trường Hậu Bổ (sau đổi tên thành trường Sỹ Hoạn) đào tạo chủ yếu là những người đã có văn bằng Hán học (tiến sỹ, cử nhân, tú tài) trong 3 năm để chuẩn bị tuyển vào ngạch quan lại, làm việc dưới quyền các viên công sứ Pháp. Ban đầu, trường không hạn tuổi, tuyển cả người trên 50 nhưng sau đó đã dần dần thu hẹp, chỉ tuyển những người dưới 30 tuổi, thực tế đã loại bỏ nhiều sĩ phu đã tốt nghiệp các kỳ thi Hán học. Cùng với tiếng Pháp, hai trường này còn dạy cho học viên các kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phương Tây. Hai trường này đóng cửa năm 1917, khi trường trung học Bảo Hộ đã có những lớp học sinh tốt nghiệp đầu tiên.

Các kỳ thi Hương còn được duy trì tới khoa Ất Mão (1915) ở Bắc Kỳ (trường thi Nam Định) và khoa Mậu Ngọ (1918) ở Trung Kỳ (trường thi Vinh). Khoa thi Đình năm Kỷ Mùi (1919) chính thức đặt dấu chấm hết cho hệ thống khoa cử Hán học của Việt Nam với tổng số 189 khoa thi Đình, 3021 vị tiến sĩ cùng hàng vạn các vị cử nhân và tú tài của các kỳ thi hương. Kể từ khi vua Thánh Tông triều Lý thành lập Quốc tử giám 4 và mở khoa thi đầu tiên năm 1075, trải suốt 800 năm, nền giáo dục Hán học đã đào tạo cho đất nước nhiều danh nhân, danh tướng thì đến nay đã tỏ ra không còn phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Tuy Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín vẫn là nền tảng của đạo đức xã hội nhưng Tứ thư, Ngũ kinh 5 đã bất lực trong nhiệm vụ cung cấp tri thức cần thiết cho việc quản lý, xây dựng và cách tân đất nước. Nhưng, thay vì đổi mới nền giáo dục cũ, người ta lại thẳng tay xoá bỏ nó để ngày nay, về mặt chữ viết, chúng ta hoàn toàn bị cắt đứt với quá khứ: đi thăm các cung điện, đền chùa như một người nước ngoài, không còn đọc được các bài văn bia, các hoành phi, câu đối tổ tiên để lại chứ đừng nói gì đến các tác phẩm văn học Hán Nôm.

Một trường Y khi đó, dù mới sơ khai, cũng vẫn là đại diện duy nhất cho nền giáo dục đại học và cao đẳng của phương Tây ở Đông Dương. Nhưng tại sao lại là Y mà không phải các trường khác, có lẽ chính vì Y là ngành tân học dễ được chấp nhận nhất vì nhân đạo nhất. Sau này, khi đã bãi bỏ nho học, trường Y sẽ là con đường tiến thân của thanh niên, vẫn thoả mãn được mộng làm quan của nhiều người và vẫn đạt được những bằng cấp danh giá tương đương như cử nhân, tiến sĩ của chế độ trước. Theo ý nghĩa đó, trường Y sẽ là kế tục xứng đáng của Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước ta.

Cuối cùng, Hà Nội được chọn làm địa điểm thành lập trường vì trước hết, Hà Nội là đất thánh của giới sĩ phu Việt Nam, là cái nôi của nền giáo dục Hán học và tiêu biểu nhất cho cái xứ Đông Dương thuộc Pháp. Biên bản phiên họp thường kỳ năm 1898 của Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương (do Doumer thành lập) còn nói: "Bắc Kỳ không chỉ cho phép nghiên cứu các bệnh của vùng nhiệt đới Viễn Đông mà còn cả các bệnh riêng cho mùa lạnh. Hơn nữa, Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa là nơi mà ảnh hưởng của nền Y học chúng ta đang ngày càng tăng cường. Đó là sự xâm nhập hữu hiệu nhất và cũng vinh dự nhất (nhấn mạnh của Henri Galliard, trong bài Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - (Henri Galliard: Yersin và việc thành lập trường Y Hà Nội - Kỷ yếu trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương, Hà Nội.- Tập 9.- 1944, tr 1).

Người ta lo đi tìm một hiệu trưởng cho trường Y tương lai. Những tài liệu lưu trữ cho thấy có nhiều người được giới thiệu. Brouardel, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Paris đề nghị năm người, trên hết là hai cựu nội trú đã qua thi tuyển sang Đông Dương là Degorce và Le Roy des Barres nhưng bộ trưởng bộ Thuộc địa Decrais phản đối: hiệu trưởng phải không được quá trẻ mà phải là người có đủ uy tín để đảm đương được nhiệm vụ. Do đó, toàn quyền Doumer đã chọn nhà khoa học gốc Thụy Sĩ 39 tuổi, học trò của Louis Pasteur, là Alexandre Yersin, khi đó đang làm giám đốc viện Pasteur Nha Trang. Alexandre Yersin là người đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch trong một đại dịch tại Hồng Kông năm 1894. (Chú thích) Những sách giáo khoa cơ bản của Nho học, gồm: Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học (Tứ Thư), Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu (Ngũ Kinh)

Yersin cùng một người Việt Nam giúp việc sang Hồng Công lúc đang có đại dịch. Ông vấp ngay phải đối thủ cạnh tranh quyết liệt là nhà khoa học Nhật Bản Kitasato, học trò của Robert Koch (người tìm ra vi khuẩn lao). Với khả năng kinh tế rồi rào, Kitasato đã "mua" tất cả các nhà xác ở các bệnh viện Hồng Công nên Yersin và người giúp việc chỉ còn cách mật phục tại nghĩa địa trong một ngôi nhà tranh để nghiên cứu trên tử thi. Khác với nhà khoa học Nhật Bản chỉ quan tâm tìm vi khuẩn trong máu, Yersin tập trung vào chọc dò hạch và đã thành công. Thoạt tiên, vi khuẩn được Yersin đặt tên Pasteurella pestis để ghi nhớ công ơn thầy học nhưng hậu thế đã trả lại vinh dự cho ông khi đổi tên vi khuẩn dịch hạch thành Yersinia pestis.
Ông xây dựng Viện Vi trùng học Nha Trang năm 1895 và khi làm Hiệu trưởng trường Y Hà Nội năm 1902, ông nắm quyền lãnh đạo cả Viện Pasteur Sài Gòn do bác sĩ Calmette sáng lập năm 1891.

Trong ý kiến gửi lên toàn quyền Đông Dương, Yersin đã xác định rõ mục đích và yêu cầu của nhà trường: trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành một trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ. Do đó, Yersin yêu cầu phải xác nhận giá trị công ích của trường, hiệu trưởng phải do Tổng Thống Cộng Hoà Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường đại học Y khoa hoặc Giám đốc Viện Pasteur Paris và các giáo sư do tổng thống Pháp bổ nhiệm theo giới thiệu của hiệu trưởng trường Y Hà Nội. Nếu được như vậy thì trường Y Hà Nội sẽ có qui chế tương đương như các trường đại học y khoa ở chính quốc.

Ngày 8.1.1902, quyết định bổ nhiệm Yersin làm hiệu trưởng được ký cùng với Nghị định sau đây 6:

Toàn Quyền Đông Dương
Căn cứ Sắc lệnh ngày 21 tháng Tư 1891;
Căn cứ ý kiến của Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương trong khoá họp thường kỳ năm 1898;
Theo đề nghị của ông Giám Đốc Nha Nội Chính và ông Thống Sứ Bắc Kỳ;

Với sự đồng ý của Thường trực Hội đồng Tư vấn Tối cao Đông Dương;

Quyết định:
Điều 1: Xây dựng tại Hà Nội một trường Y khoa trực thuộc Toàn Quyền Đông Dương và phụ thuộc vào Nha Nội Chính về mặt hạch toán.
Điều 2: Trường Y khoa Hà Nội có nhiệm vụ:
1º Đào tạo các thầy thuốc người châu á có khả năng đảm nhiệm, cùng với các thầy thuốc người Pháp và dưới sự chỉ đạo của họ, công tác y tế ở Đông Dương và các chức vụ ở bên ngoài (nguyên văn: dans les postes de l'extérieur);
2º Góp phần nghiên cứu khoa học về căn nguyên và điều trị các bệnh của người Âu và người bản xứ ở Viễn Đông.
Điều 3: Việc giảng dạy của trường gồm:
1º Phần cho sinh viên châu á gồm tập hợp các bài giảng lý thuyết và thực hành, việc thực tập được tiến hành tại một bệnh viện bản xứ trực thuộc trường
2º Phần giành cho các nhà khoa học tại chỗ và biệt phái đến trường gồm các phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ nghiên cứu khoa học.
Điều 4: Khung cán bộ của trường gồm có:
1º Một Hiệu trưởng do Toàn Quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Paris hoặc của Giám đốc Viện Pasteur.
2º Các giáo sư được bổ nhiệm theo đề nghị của Hiệu trưởng, chọn trong số các thầy thuốc dân y ở chính quốc hoặc ở Đông Dương và các thầy thuốc quân y được bàn giao cho Toàn quyền Đông Dương.
3º Các giảng viên, theo đề nghị của Hiệu trưởng, được lựa chọn trong số các thầy thuốc dân y ở thuộc địa, hoặc với sự đồng ý của tướng Tổng chỉ huy, trong số các thầy thuốc Quân Y và Quân Dược ở Hà Nội trong khi vẫn tiếp tục công tác tại bệnh viện hoặc các đơn vị quân đội.
Trường hợp đặc biệt, có thể được bổ nhiệm làm giáo sư hoặc giảng viên những người tuy không có văn bằng bác sĩ y khoa nhưng có kiến thức về một ngành khoa học đặc biệt.
Điều 5: Khi được hiệu trưởng đề nghị, các nhà khoa học Pháp và ngoại quốc có thể tiến hành nghiên cứu khoa học tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành và các khoa lâm sàng của trường.
Điều 6: Các Viện Vi trùng học hiện có ở Đông Dương và bệnh viện bản xứ ở Hà Nội sẽ đặt dưới quyền hiệu trưởng nhà trường.
Điều 7: Tướng Tổng chỉ huy, Giám đốc Nha Nội chính Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ, theo chức trách của mình, chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

Hà Nội, ngày 8 tháng Giêng năm 1902
Toàn quyền Đông Dương
PAUL DOUMER

Nghị định này tuy không đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Yersin vì trường vẫn ở qui mô một trường thuộc địa nhưng đã nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phần nào mang dáng dấp một nền giáo dục đại học ban đầu. Sau đó 17 năm nữa thì giáo dục Nho học mới thực sự chấm dứt và dù thế nào thì trường Y Hà Nội cũng đã trưởng thành để có thể cho "ra lò" các vị cử nhân và tiến sĩ mới.

Ngay ở đây, ta đã có thể thấy sự khác biệt về quan điểm giữa một nhà khoa học chân chính và một viên quan cai trị, dù sau này trở thành chính khác lớn: Yersin muốn có một cơ sở khoa học theo đúng nghĩa nhưng Doumer có lẽ chỉ muốn để lại một dấu ấn của mình, cùng với cầu Long Biên và đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam. Những việc đã làm chứng tỏ ông ta chỉ toàn tâm, toàn ý lo củng cố sự thống trị thực dân và đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Nhiều tài liệu đã cho biết Đông Dương là thuộc địa đóng góp nhiều nhất cho mẫu quốc trong hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp, trong đó chắc Doumer góp công đầu.

NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA THỜI KỲ ĐẦU

Kỳ thi tuyển đầu tiên vào trường Y khoa Hà Nội có 121 thí sinh Bắc Kỳ. Ngày đó, tiêu chuẩn cao nhất là biết ít nhiều tiếng Pháp. Hệ thống giáo dục phổ thông chưa được tổ chức (mãi năm 1907 mới thành lập trường Trung học Bảo Hộ, tức trường Bưởi). Theo kết quả công bố ngày 1.2.1902, có 15 người trúng tuyển, trong đó có 7 thí sinh người Hà Nội, tất cả đều đạt loại Xuất sắc (très bien), gồm các vị 7:

STTHỌ VÀ TÊNTUỔIĐỊA CHỈ
1.Nguyễn Văn Thanh16 tuổiSố 10 phố Hàng Tre
2.Tạ Văn Việt16 tuổiSố 109 phố Mã Mây
3.Nhữ Trọng Tân19 tuổiSố 6 phố Hàng Ngang
4.Trần Đình Huy15 tuổiSố 41 phố Hàng Bạc
5.Phạm Đình Minh15 tuổiSố 100 phố Hàng Gai
6.Nguyễn Văn Giụ18 tuổiSố 45 phố Hàng Vôi
7.Phạm Văn Nam20 tuổiSố 16 phố Hàng Chiếu

Danh sách được học bổng đăng trong Công báo Đông Dương ngày 3 - 4 - 1902 gồm 27 người, riêng Hà Nội có 5 người, hơi khác với danh sách trúng tuyển ở trên (nguyên bản không có dấu và các tên đều có gạch nối)

Xứ Bắc Kỳ: 
Hà NộiTa-van-Viet, Nhu-trong-Tam, Tran-dinh-Huy, Pham-dinh-Minh, Pham-van-Phan
Tỉnh Bắc NinhPham-dinh-Vi
Tỉnh Hải DươngNguyen-van-Ban, Le-quang-Linh
Tỉnh Hưng HoáNguyen-huu-Phuc
Tỉnh Nam ĐịnhHoang-van-Phong, Bui-van-Qui, Tran-van-Chuc, Do-van-Tân
Tỉnh Ninh BìnhCao-dinh-Tu
Tỉnh Sơn TâyLe-nhu-Hang
Xứ Trung Kỳ:Ung-Phong, Le-Canh, Vo-dai-Thuc, Van-dinh-Gian
Xứ Nam Kỳ:Lương-van-Thieu, Nguyen-van-Ba, Vo-van-Huu, Nguyen-van-Danh, Pham-van-Chu, Nguyen-van-Tiep, Nguyen-van-Sanh, Nguyen-van-Trong
Xứ Cao Miên:Pendinand Amphon
Cộng 28 vị (?)

Năm học đầu tiên cách đây đúng 100 năm có 15 học sinh Bắc Kỳ, 5 học sinh Trung Kỳ, 8 học sinh Nam Kỳ và 1 học sinh Cao
Miên (nhưng không thấy trong danh sách học bổng), tất cả 29 người 8 được họcbổng với mức 8 đồng một tháng (có lẽ để bảo
đảm tính chất "Đông Dương" nên riêng Bắc Kỳ có số thí sinh đông nhất mới phải thi tuyển, còn học sinh các xứ khác do chính
quyền địa phương cử tuyển trong số người biết tiếng Pháp). Không có căn cứ cụ thể để tính giá trị của học bổng này, nhưng dựa
vào luận án của Giáo sư Đinh Văn Thắng năm 1940 có thể biết được đại khái: giá cả năm 1938 là 1 hào một chục bìa đậu phụ
hoặc một lít nước mắm loại ngon. Theo Nguyễn Ngọc Lanh (do các cụ kể lại) thì 6 đồng bạc năm 1902 mua được 1.000 quả
trứng hoặc 3 - 4 tạ gạo. Lương Tri huyện vào thời này cũng chỉ khoảng 25 đồng (theo Đặng Hữu Thụ: Làng Hành Thiện và các
nhà nho Hành Thiện triều Nguyễn, sách tự xuất bản.- Paris 1992). Ngân sách dành cho thư viện và sách giáo khoa là 2000
đồng trong năm đầu tiên.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng toà nhà chính của trường (tức lễ thành lập) được tiến hành vào ngày 27 tháng Hai 1902 tại ấp Thái Hà (Nam Đồng), cách xa trung tâm Hà Nội, ngay hôm trước ngày khánh thành cầu Paul Doumer (tức cầu Long Biên). Chắc không phải ngẫu nhiên mà hai "dấu ấn văn hoá" này của toàn quyền Paul Doumer được trình làng vào cùng một dịp.

Trường khai giảng ngày 1 tháng Ba 1902. Thời gian học cho tới kỳ nghỉ hè 1902 thật ra là để hoàn thành chương trình dự bị trước khi khai giảng chính thức năm học vào tháng Mười. Các môn học gồm có:
- Giải phẫu và sinh lý học đại cương
- Động vật học, Thực vật học, Hoá học và Vật lý học đại cương
- Số học và Hình học
- Tiếng Pháp, Lịch sử và Địa lý đại cương.

Trong thời gian này, hiệu trưởng yêu cầu hai bác sỹ Le Roy des Barres và Degorce hoàn thành luận án tốt nghiệp tại Paris (hai bác sĩ này đã phải qua một kỳ thi tuyển sang Đông Dương). Khung cán bộ trong năm đầu tiên gồm 8 vị:
Yersin, hiệu trưởng
Degorce và Le Roy des Barres: giảng dạy lâm sàng
Bertin Capus, bác sĩ trưởng hạng nhất: giảng dạy giải phẫu
Jacquet, giám đốc sở Nông Nghiệp: giảng dạy thực vật học
Duveigne, dược sĩ trưởng: giảng dạy Hoá học
Gallois, thư ký: giảng dạy Lịch sử, Địa lý, Toán học, Hoá học và Vật lý học cơ bản
Lê Văn Chinh, phụ giảng và phiên dịch (thầy Chinh, năm 1905, được sang Pháp thi bác sĩ y khoa)

Như vậy có tới 6 vị có học vị bác sĩ (theo cách gọi thời đó, thực chất là tiến sĩ) và 1 vị có học vị cử nhân để giảng dạy 29 học sinh mới chỉ võ vẽ tiếng Pháp và chút ít kiến thức về toán pháp và cách trí (tên gọi các môn khoa học thường thức ngày ấy). Không kể học sinh Nam Kỳ, học sinh Bắc Kỳ chắc còn phải giỏi Hán văn vì những năm đó, nhiều người trong số họ có thể đang chuẩn bị thi Hương thì bỏ sang cầm bút sắt. Ngoài ra để đi thi Hương những khoá cuối cùng, họ cũng sẽ phải thi môn toán pháp và cách trí. Nếu đây là một lớp nho sinh thì chắc không bao giờ có một số đông đến thế các vị khoa bảng cùng giảng dạy trong một khoá học.

Chương trình ba năm học được qui định như sau:

Năm thứ Nhất:Năm thứ Hai:Năm thứ Ba:
Giải phẫu lý thuyếtGiải phẫu lý thuyếtGiải phẫu định khu
Mô họcLâm sàng ngoại khoaBệnh ngoài da và hoa liễu
Phẫu tíchPhẫu tíchPhẫu thuậtLâm sàng ngoại khoa
Lâm sàng ngoại khoaLâm sàng nội khoaĐiều trị học
Sinh lý họcHoá họcVi trùng họcLâm sàng nhãn khoa
Lâm sàng nội khoaBệnh học đại cươngPhẫu thuật
Động vật học, lý thuyết và thực hànhBệnh học nội khoaPháp Y
Thực vật họcBệnh học ngoại khoaPhôi thai học
Vật lý học, hoá học, lý thuyết và thực hànhVật lý họcVệ sinh
Tiếng Pháp, Địa lý, Lịch sửĐịa chất họcLâm sàng nhãn khoa
 Giải phẫu bệnh họcLâm sàng nha khoa
 Thiên văn họcLâm sàng sản khoa
 Dược lý họcLâm sàng nội khoa
 Khí tượng học 

Môn Giải phẫu được giảng dạy trong cả 3 năm học, dù nay chưa biết nội dung hay dung lượng nhưng phải học suốt 3 năm là khá nặng, đã có thể thấy là học sinh được đào tạo rất cơ bản và không thể coi đây là một chương trình trung cấp. Những môn cơ bản khác, như địa chất, thiên văn và khí tượng thì học sinh tốt nghiệp phổ thông của ta bây giờ cũng không biết nhưng lại cần cho hành nghề y, vì liên quan tới những kiến thức về khí hậu, thời tiết và lịch pháp (thuật tính lịch). Tóm lại là kiến thức của học sinh y khoa khoá đầu được chuẩn bị khá toàn diện Thực hành rất được chú ý.

Học sinh ngay từ năm thứ nhất đã đi thực tập tất cả các buổi sáng, từ 7 đến 9 giờ, tại bệnh viện thực hành của nhà trường (được xây dựng cách trường 200 mét, thời gian đầu có 5 phòng, 40 giường, 4 y tá nam, 2 y tá nữ và 6 y công), buổi chiều lên lớp lý thuyết. Chiều thứ Năm hàng tuần có kiểm tra viết, thứ Bảy có thêm kiểm tra vấn đáp.

Đã có nhiều ý kiến trong giới cầm quyền thực dân phản đối chương trình học của trường, cho rằng các môn cơ bản (lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, khí tượng) chỉ là kiến thức chết, làm học sinh không tập trung được cho các môn y học. Câu trả lời của Yersin mang tính nhân văn sâu sắc: "Đó chỉ là chương trình tạm thời, có thể thay đổi khi chúng ta có thêm kinh nghiệm. Chúng tôi cho rằng dạy học sinh một số kiến thức về phương Tây là cần thiết vì y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây. Giả sử ngược lại, y học hiện đại có nguồn gốc từ Trung Hoa thì chúng ta sẽ phải dạy cho sinh viên châu Âu các kiến thức về Trung Hoa... Quả thật là các thầy thuốc do nhà trường đào tạo sẽ chỉ hành nghề chủ yếu ở đất nước họ, nhưng đó không phải lý do để chỉ dạy họ những môn thuần túy y học, nghĩa là chỉ muốn họ trở thành các thầy thuốc tồi" (Yersin: Thư gửi toàn quyền Đông Dương ngày 20.8.1902).

Rõ ràng chương trình học nhằm cung cấp cơ sở lý thuyết và thực hành cần thiết cho học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục phổ thông chưa hình thành. Kết quả các kỳ thi kiểm tra tháng Sáu rất tốt, 15 học sinh đạt điểm trung bình 6/10, chứng tỏ họ có khả năng tiếp thu những môn học mới mẻ và đa dạng của chương trình

Có lẽ các bạn trẻ sẽ ngạc nhiên khi chỉ có 15/29 người đạt trên trung bình mà đã khen là kết quả “rất tốt”. Ngày trước, các kỳ thi lên lớp rất khó khăn, thường chỉ nửa số sinh viên Y1 học chính qui lên được Y2 và lại một nửa số đó sẽ lên Y3, nên khoá đầu, trong điều kiện trình độ phổ thông còn hạn chế mà đạt được tỷ lệ lên lớp gần 50% đã là kết quả tốt.
Kết quả các kỳ thi Tú tài phần 1 sau này cũng ngặt nghèo: thường chỉ đạt tối đa 30 - 35% qua cả hai lần thi đầu và cuối hè, tú tài phần 2 được khoảng 40%, nghĩa là cuối cùng, chỉ còn 14-15% học sinh mỗi khoá tốt nghiệp phổ ông.

Bệnh viện thực hành, mới đến ngày 25 tháng Hai, chỉ 5 ngày trước khi khai trường, đã nhận 21 bệnh nhân nội trú. Trong 4 tháng đầu đã nhận điều trị 546 bệnh nhân nội trú và khám bệnh, phát thuốc cho 250 bệnh nhân ngoại trú. Số bệnh nhân có thể nhiều hơn nữa nếu bệnh viện có thêm ngân sách và giường bệnh.

Nghị định ngày 28.7.1902 bổ sung đầy đủ hơn về các qui chế học tập, chương trình và thời gian các học kỳ (nghỉ Tết trong suốt tháng 2 và nghỉ hè từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 9). Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng y sĩ và có thể dự thi để được làm nội trú bệnh viện hoặc phụ giảng (répétiteur) của trường trong 2 năm. Như vậy, chế độ thi nội trú đã được đặt ra ngay từ đầu, theo khuôn mẫu các trường đại học Y bên Pháp (vì vậy có lẽ mà khoá đầu ra trường mất những 5 năm, sau hai năm làm nội trú)

Địa điểm ấp Thái Hà không thuận tiện cho việc đặt trường. Khu vực này cách trung tâm thành phố tới 5 kilômét (hồi ấy chủ yếu đi bộ), nên ít bệnh nhân; nhiều ao hồ nên bệnh sốt ráe còn hoành hành (chỉ vài tháng sau khi khai giảng, hầu hết học sinh cũng như nhân viên người Âu đã bị sốt rét). Được ít lâu, có thể là vào cuối năm 1902, trường phải dọn về một ngôi nhà ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay) còn bệnh viện thực hành thì về đầu phố Armand Rousseau (phố Lò Đúc), có hai căn nhà bằng gỗ lợp lá gồi.

Theo đề nghị của học sinh, hiệu trưởng ký quyết định cho phép họ được đeo thẻ bài có khắc dòng chữ Hán "Học sinh Y khoa Đông Dương". Đây là một vinh dự rất lớn vì ngày đó, chỉ các quan Nam Triều mới được đeo thẻ bài. Đeo thẻ bài thì phải mặc Nam phục (áo dài may bằng the, đoạn, hoặc gấm, khăn xếp, dép da) để đeo vào khuy áo bên phải ngực. Mới vào học trường Y mà đã ra dáng một vị đường quan rồi. Hiệu trưởng tỏ ra rất hiểu và thông cảm với tâm lý học sinh nên mới có quyết định này. Có lẽ điều đó cũng phản ánh quan niệm của hiệu trưởng: trường sẽ đào tạo ra các trí thức cao cấp cho xã hội, không phải chỉ đơn giản là những anh y sĩ phụ việc như trong quyết định thành lập.

Cuối năm 1902, Paul Doumer mãn nhiệm, rời Đông Dương về Pháp, Yersin trở nên đơn độc trước các ý kiến chỉ trích chương trình học của nhà trường. Paul Beau sang thay đã ban hành các nghị định qui định chi tiết chức năng và nhiệm vụ của trường Y Hà Nội: đổi tên trường thành trường Y khoa Đông Dương trực thuộc Toàn quyền Đông Dương, kéo dài chương trình học thành 4 năm và học sinh ra trường được cấp bằng y sĩ. Những học sinh đã tốt nghiệp trường Y Chợ Quán và các trường tương đương khác có thể vào học thẳng năm thứ Ba. Mở thêm khoa Nữ Hộ sinh và khoa Thú Y. Cho phép những người đang hành nghề đông dược được dự thính các giờ giảng.

Có thể hiểu đây là sự thừa nhận gián tiếp nền y học cổ truyền do các nho sĩ thực hành. Hệ thống giáo dục Hán học không có trường chuyên đào tạo y học. Y học chỉ là chuỗi lô gích Nho - Y - Lý - Số. Ai biết đọc sách và hiểu được ý nghĩa thâm thúy của sách thánh hiền đều có thể đọc sách y để trở thành thầy lang (hoặc đọc sách lý và số để làm thầy tướng) và những người kiệt xuất lại có thể viết sách y học truyền cho hậu thế. Cần phân biệt y học cổ truyền bác học, dựa trên lý thuyết Âm - Dương, Ngũ Hành do tầng lớp trí thức Nho học hành nghề và y học cổ truyền dân gian, dựa trên kinh nghiệm lâu đời, được lưu hành trong các gia đình. Tại nước ta, hai nền y học này vẫn tồn tại và phát triển song song với y học phương tây cho tới tận ngày nay và đó cũng là hậu quả của sự không có thời kỳ chuyển tiếp giữa cựu và tân học. Các nước phương Tây cũng có y học cổ truyền nhưng theo đà tiến bộ của lịch sử, nó đã hoà nhập được phương pháp thực nghiệm và các yếu tố khoa học để trở thành y học khoa học ngày nay, những yếu tố lạc hậu đã bị dần dần mai một.
Trước khi có Tây Y, công tác y tế tại nước ta dựa trên các thầy lang (trí thức và dân gian) và nguồn thuốc Nam và Bắc. Như vậy, với một ý nghĩa nào đó, trường Y sẽ là nơi giới thiệu các thuốc Tây Y của nhiều hãng dược phẩm bên Pháp, mở ra thị trường tiêu thụ dược phẩm ở Đông Dương.

Các nghị định không nói tới nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, có nghĩa là đã hạ thấp vai trò của trường Y Đông Dương thành một trường trung cấp. Lớp dự bị vẫn được mở, chỉ học sinh nào thi tốt nghiệp dự bị đạt yêu cầu mới có thể vào trường Y.

Với cách tổ chức mới của trường Y Đông Dương trong tầm nhìn thiển cận của giới cầm quyền, Yersin kết luận "Họ (những học sinh y khoa) đã bị kết án mà không qua xét xử". Vào thời kỳ đầu, nếu chưa có học sinh có trình độ phổ thông theo yêu cầu thì trường Y cố tạo ra trình độ đó cho học sinh trong khi chờ đợi, đó là lý do mở các lớp dự bị trước khi bước vào chương trình chính thức. Trong tư tưởng của ông, trường Y Đông Dương luôn là và thực chất là một trường Đại học đang phát triển. Ngày 9.7.1904, ông rời ngôi nhà số 44 đường Félix Faure Hà Nội (nay là đường Trần Phú) ra đi mãi mãi. Viện Pasteur Nha Trang và nhiều công việc khác đang chờ ông (ông là người phát hiện ra cao nguyên Đà lạt 9năm 1983, là người đưa giống cao su và cọ dầu sang trồng ở miền nam Việt Nam từ năm 1897). Ông đã cống hiến 39 năm còn lại của cuộc đời cho mảnh đất Nha Trang mà ông yêu quí và đã vĩnh viễn an nghỉ tại Suối Dầu, Nha Trang, trong lòng nhân dân, năm 1943. Dù trước kia Pasteur đã nhận định về ông: "Đây sẽ là một nhân tài đem lại vinh quang cho nước Pháp" nhưng ông không thể ở lại Paris với tất cả những điều kiện thuận lợi sẵn có. Ông là nhà khai phá, sẵn sàng dấn thân vào những công cuộc tìm kiếm khó khăn nhất, và ông đã thành công.

Người kế nhiệm ông tại trường Y Đông Dương là bác sĩ Cognacq (1904 - 1921), tiếp đó là bác sĩ Degorce (1922 - 1929 về hưu), Le Roy des Barres (5.1929 đến 1935), H. Galliard (1935 - 1945). Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm (1947 - 1954) là P. Huard và trường Y Sài Gòn (1947-1954) là Massias. Nhiều người trong số họ có vợ Việt Nam và rất có cảm tình với sinh viên Việt Nam.

Tuy vậy, những mục tiêu và chuẩn mực nhân văn mà Yersin tạo nên không dễ gì xoá bỏ được. Trong báo cáo kiểm tra các hoạt động của nhà trường ngày 15.12.1906, thanh tra Clavel, một mặt hoan nghênh chương trình cải tiến đã loại bỏ được những môn học không cần thiết nhưng mặt khác lại than phiền về trình độ quá chênh lệch của học sinh và yêu cầu mở lại lớp dự bị. Cuối cùng, báo cáo vẫn kết luận: "Đề nghị gửi số học sinh xuất sắc nhất sang Pháp thi bác sĩ Y khoa và thử sức với sinh viên Pháp qua kỳ thi. Chắc chắn họ sẽ làm nên chuyện và trường Y khoa Đông Dương sẽ không phải xấu hổ".

Khoá đầu tiên chỉ có 5 người tốt nghiệp năm 1907 (nghĩa là sau 5 năm, lý do có thể là họ đã qua khoá nội trú 2 năm, sau khi học xong chương trình chính thức 3 năm) và được phân phối về các tỉnh. Khai giảng có 29 người, cuối năm chỉ 15 người lên lớp, kết cục còn 5, ta có thể hiểu sự chọn lọc là khắt khe và đòi hỏi cao như thế nào, từ đó có thể suy ra chất lượng của những "ông cử" mới ra trường. So với thời còn học chữ nho, thi hương tổ chức ba năm một lần cũng chỉ lấy dỗ được 20 - 25 ông cử mỗi khoá, tức là bình quân đào tạo 8 ông cử mỗi năm. Những nơi tiếp nhận thoạt tiên tỏ vẻ không tin tưởng lắm, tuy nhiên thực tế công tác đã chứng minh năng lực của những y sĩ mới ra trường này.
Nhưng rồi mọi việc đã diễn biến không trôi chảy.

Khi phong trào nông dân chống thuế dấy lên ở các tỉnh Trung Kỳ năm 1908, nhà cầm quyền thực dân đã đổ riệt trách nhiệm lãnh đạo cho tầng lớp sĩ phu đang chủ trương duy tân, mặc dù không hề có bằng chứng. Kẻ đang lăm le xoá bỏ cựu học, truyền bá tân học lại sợ chính cái mà mình định truyền bá vào (!). Tác giả người Mỹ, Helen B.Lamb đã nhận xét rất có lý là suốt thời kỳ thống trị Việt Nam, người Pháp luôn luôn sống trong lo sợ, đó là lý do tại sao họ luôn phải dùng những hình thức đàn áp mang tính chất khủng bố (H.B.Lamb: The Vietnam's will to live.- New York, 1972). Cũng phải thấy rằng sĩ phu nước ta đã thích ứng rất nhanh với tình hình. Từ chỗ chống đối tân học, họ đã mau chóng nhận thấy tân học chính là con đường cứu nước nên đã phát động phong trào duy tân và Đông du (chủ yếu là sang Nhật). Cơ quan hoạt động công khai của văn thân lúc đó là trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Năm 1908, toàn bộ nền giáo dục tân học mới phôi thai đã bị đàn áp. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa cùng nhiều trường khác. Đặc biệt, trường Y Đông Dương, một lần nữa lại bị giáng cấp thành trường Y khoa Hà Nội trực thuộc Thống sứ Bắc Kỳ. Khi quyền lợi thực dân bị đe doạ thì mọi lời hoa mỹ về văn minh, khai hoá biến mất tức khắc. Sắc lệnh ngày 18.3.1909 của tổng thống Pháp A. Fallière được qui định chi tiết thi hành theo nghị định ngày 6.8.1909 của toàn quyền Đông Dương A.Klobukowski, theo đó một hội đồng giáo dục (Conseil de perfectionnement) được thành lập để nghiên cứu những vấn đề hoạt động và phát triển của nhà trường, thực tế là để trực tiếp giám sát và chỉ đạo mọi hoạt động của trường. Đứng đầu hội đồng là viên Thống sứ Bắc Kỳ, ngoài ra còn có:
- Viên giám đốc Nha Y Tế Bắc Kỳ,
- Một viên tỉnh trưởng,
- Hiệu trưởng nhà trường,
- Giám đốc bệnh viện Bản xứ (tức bệnh viện thực hành),
- Một giảng viên (chargé de cours),
- Một thầy thuốc thuộc sở Y Tế và
- Một thầy thuốc làm thư ký.

Hội đồng phải họp ít nhất mỗi năm hai lần, theo triệu tập của chủ tịch, vào dịp chuẩn bị ngân sách và dịp khai trường. Ngoài ra, hầu như mọi việc (cử hiệu trưởng, chuẩn bị ngân sách, chương trình học và thi cử, lựa chọn giảng viên và mọi thay đổi trong qui chế tổ chức nhà trường...) đều bắt buộc phải hỏi ý kiến Hội đồng. Quyền hạn hiệu trưởng bị thu hẹp đến tối thiểu. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng bị thu hẹp. Suất học bổng hàng năm được qui định là 4 suất cho người An nam, 1 suất cho người Cao miên và 1 suất cho người Lào. Tỷ lệ chiêu sinh giữa số không được học bổng/số được học bổng sẽ do Thống sứ Bắc Kỳ quyết định từng năm.

Chính Nha Học Chính Đông Dương sau này, trong báo cáo giới thiệu trường Y khoa tại Triển lãm Thuộc địa tại Paris năm 1931 đã phải thừa nhận: "Dưới chính quyền mới, một giai đoạn ngừng trệ đã tác động lên toàn bộ nền giáo dục nói chung - bị chụp mũ một cách đáng tiếc là tác giả thực sự của phong trào cách mạng 1908. Cái trạng thái tinh thần đáng buồn đó, hiện vẫn chưa hoàn toàn mất đi, đã làm chậm sự phát triển của trường mất 10 năm" (Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương - Hanoi, 1931: tr 9-10). Báo cáo đó còn nói thêm: "Sắc lệnh ngày 18 tháng Ba 1909 giảm số biên chế, bãi bỏ khoa quân y coi như không cần thiết, giảm số học sinh (6 người mỗi năm) và đặt trường dưới quyền Thống sứ Bắc Kỳ. Đó là làm cho trường trở thành một trường Y tá chỉ có lợi ích địa phương, bất kể việc đã gửi sang Pháp các học sinh xuất sắc nhất của mình. Mặc dù vậy, tuy bị biến đổi trường vẫn tồn tại bởi sức mạnh của những điều hữu ích" (Sách đã dẫn, trang 10).

THỜI KỲ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

Dẫu sao, sai lầm cũng đã được ngấm ngầm thừa nhận hay nói đúng hơn, sau khi đã "hoàn hồn", thì chính hội đồng giáo dục đã nâng dần số tuyển sinh trong thời kỳ ngừng trệ đó lên 20 học sinh mỗi năm. Hệ thống giáo dục phổ thông dần dần phát triển, trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi) được thành lập năm 1907, đến nay đã có thể cung cấp lớp học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở cho nhà trường, vì vậy, tiêu chuẩn văn hoá khi tuyển sinh cũng được nâng cao dần: học sinh phải tốt nghiệp bậc Cao Đẳng Tiểu Học (tương đương lớp 9 bây giờ) trở lên mới được nhận - giống như 40 năm sau (1948-1965), các trường trung cấp của nước Việt nam độc lập cũng tuyển sinh ở trình độ này. Năm 1911, Albert Sarraut sang nhậm chức toàn quyền Đông Dương lần thứ nhất (1911-1914). Người Pháp đánh giá rất cao viên toàn quyền này, coi ông ta là người đã chấn hưng nền giáo dục Đông Dương và trường Y Đông Dương được hưởng lợi trước tiên (tên ông ta được đặt cho một trường trung học và đại lễ đường trường Đại học Hà Nội). Sắc lệnh ngày 28 tháng 6 năm 1913 của tổng thống Pháp, được qui định chi tiết thi hành trong nghị định ngày 29 tháng chạp 1913 của toàn quyền Đông Dương, đã bãi bỏ sắc lệnh 18 tháng Ba 1909, đặt lại tên trường là trường Y khoa Đông Dương trực thuộc toàn quyền Đông Dương. Bằng tốt nghiệp sẽ do Toàn quyền Đông Dương ký, bên cạnh có chữ ký của tổng Thanh tra Y tế Đông Dương và Hiệu trưởng nhà trường. Học sinh được phân công công tác theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương. (Đây là một đặc thù của ngày đó: vì bằng tốt nghiệp là bằng quốc gia nên phải do người cao nhất, đại diện cho quốc gia ký. Mặt khác, vì trường Y Đông Dương trực thuộc phủ toàn quyền nên học sinh tốt nghiệp cũng phải do Toàn quyền trực tiếp phân công, thống sứ Bắc Kỳ không đủ quyền hạn. Ngày nay, việc công nhận tốt nghiệp và phân công là do Bộ Y Tế vì Bộ trưởng có đủ tư cách thay mặt Nhà Nước, riêng văn bằng lại do hiệu trưởng ký).

Nghị định 29 tháng Chạp 1913 qui định tiêu chuẩn tuyển sinh: học sinh phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học (tương đương tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngày nay) hoặc chứng chỉ tốt nghiệp trường Chasseloup-Laubat (một trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn) hoặc tú tài bản xứ (tương đương tốt nghiệp lớp 12 hiện nay), tuổi không quá 25 tính đến ngày 1 tháng 1 năm sau ngày nhập trường, phải có sức khoẻ tốt và lý lịch tốt. Thí sinh có bằng tú tài chính quốc 10 (baccalauréat métropolitain, thường được gọi tắt là Bacc Métro, hay Tú tài “tây”) sẽ được theo học khoa toàn cấp, sau này ra bác sĩ hoặc dược sĩ hạng nhất. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm sẽ do Toàn quyền Đông Dương quyết định (đây là một bước tiến, vì sắc lệnh 18 tháng Ba 1909 qui định do Thống sứ Bắc kỳ quyết định). Học sinh được ưu đãi hơn. Tất cả được hưởng chế độ nội trú không mất tiền (đừng nhầm với chế độ ngoại trú và nội trú của chương trình đào tạo ngành Y) và được học bổng: 5 đồng/tháng cho học sinh năm thứ nhất, 6 đồng/tháng cho năm thứ hai và 8 đồng/tháng cho hai năm cuối; ngày trực được ăn không mất tiền tại bệnh viện. Học sinh còn được miễn thuế thân và quân dịch. Ngoài ra, vào dịp nghỉ hè, học sinh được hưởng tiền tầu xe đi và về tới một địa điểm bất kỳ của Đông Dương, còn được chữa bệnh không mất tiền tại bệnh viện Bảo Hộ.
Tuy nhiên, họ cũng phải ký cam kết sẽ làm cho nhà nước ít nhất 10 năm sau khi ra trường. Ai vi phạm, sẽ phải bồi hoàn phí tổn đào tạo cho Kho Bạc.

Về chương trình học, nghị định đã đưa ra chương trình 4 năm như sau:
Năm thứ Nhất

Giải phẫu mô tả (cốt học, khớp học, cơ học, mạch học)

Phẫu tích.

Triệu chứng học thực hành

Tiểu phẫu thuật - Dụng cụ học (Instrumentation)

Thực tập bệnh viện

Năm thứ Hai

Giải phẫu mô tả (tạng học, thần kinh, giác quan)

Phẫu tích

Sinh lý học

Bệnh học nội

Bệnh học ngoại

Triệu chứng học

Vệ sinh học

Tiểu phẫu thuật - Dụng cụ học

Thực tập bệnh viện

Năm thứ Ba

Giải phẫu định khu

Bệnh học nội

Bệnh học ngoại

Bệnh học nhiệt đới

Sản khoa

Vệ sinh học - Các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm

Dược học - Thực hành - Chế độ liều lượng (Dosage)

Nội khoa lâm sàng

Ngoại khoa lâm sàng

Sản khoa lâm sàng

Thực tập bệnh viện

Năm thứ Tư

Bệnh học nội

Bệnh học ngoại

Bệnh học nhiệt đới

Sản khoa

Vệ sinh học - Các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm

Dược học - Thực hành - Chế độ liều lượng

Các khái niệm thực hành về nha khoa

Nội khoa lâm sàng

Ngoại khoa lâm sàng

Sản khoa lâm sàng

Thực tập bệnh viện

Điều 24 của nghị định còn nói rõ: các khoa lâm sàng cho học sinh thực tập được đặt dưới quyền hiệu trưởng nhà trường

Chương trình lần này đã khác với thủa ban đầu, các môn cơ sở đã được loại bỏ vì trình độ học sinh phổ thông đã cao hơn, và không cần học qua lớp dự bị nữa. Riêng chương trình chuyên môn Y đã tương tự như chương trình đại học sau này: vẫn 3 năm học giải phẫu, 2 năm thực tập phẫu tích, học triệu chứng học và đi thực tập bệnh viện ngay năm đầu

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là dịp chứng tỏ phẩm chất của học sinh y khoa Đông Dương qua thực tế công tác tại các đơn vị quân đội và tại bệnh viện Đông Dương ở Marseille (Pháp). Chúng ta cũng có thể thấy vị thế của trường Y Đông Dương: mỗi lần nâng cấp, hạ cấp đều phải do tổng thống Pháp quyết định, tiêu chuẩn văn hoá để tuyển sinh cũng tăng dần theo từng bước phát triển của nền giáo dục phổ thông. Năm 1917, mười lăm năm sau khi thành lập, lần đầu tiên có học sinh tốt nghiệp tú tài nhập học. Đến khi bậc học phổ thông phát triển đầy đủ thì trường cũng trở thành một trường đại học hoàn chỉnh về qui mô và trưởng thành về chất lượng đào tạo. Đến đây, ước mơ ban đầu của Yersin đã được thực hiện

Nghị định ngày 20 tháng Bảy 1914 đã đặt thêm khoa Dược học 3 năm, từ đó, trường mang tên trường Y Dược khoa Đông Dương. Việc giảng dạy do các giáo sư chính thức và các giảng viên dược sĩ dân y và quân y đảm nhiệm.

Chương trình học ba năm được phân chia như sau:
Năm thứ Nhất (trong ngoặc đơn là số giờ học mỗi tuần)
Lý thuyết:Vật lý (1) - Hoá học (3) - Động vật học (2)Thực vật học (2)- Hoá vô cơ (1)
Thực tập:Vật lý (2) - Hoá học (2) - Đông vật học (3)Thực vật học (3) - Hoá vô cơ (2)
Năm thứ Hai
Lý thuyết:

Y Vật lý - Dược thực vật - Hoá hữu cơ -Dược liệu - Hoá phân tích - Thảo dược

Độc chất học - Thuỷ văn học - Pháp chế - (mỗi môn đều có 1 giờ mỗi tuần)

Thực tập:

Y Vật lý - Hoá hữu cơ - Dược liệu

Thảo dược - Hoá dược - Hoá phân tích (mỗi môn đều có 2 giờ mỗi tuần)

Năm thứ Hai đi thực tập bệnh viện về Dược

Năm thứ Ba
Lý thuyết:Hoá hữu cơ - Dược liệu - Hoá phân tích - Thảo dược - Độc chất, Thuỷ văn học và Pháp chế (mỗi môn đều có 1 giờ mỗi tuần)
Thực tập:

Hoá hữu cơ - Dược liệu - Thảo dược - Hoá dược - Hoá phân tích - Hoa sinh (mỗi môn đều có 2 giờ mỗi tuần)

Năm thứ Ba đi thực tập bệnh viện về Dược

Thực tập tại labô Vệ sinh và chống hàng lậu (3 tháng)

Năm 1917, khoá dược sĩ Đông Dương đầu tiên ra trường, có 4 người. Từ đó đến năm 1930, tổng số có 48 dược sĩ Đông Dương ra trường, khoá nhiều nhất có 6 người và ít nhất có 2 người.

Khoa toàn cấp (đại học) Dược hoạt động theo những qui định trong các nghị định ngày 28 tháng Bảy 1909 và 30 tháng Tám 1923 của Toàn quyền Đông Dương (về tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp). Năm tập sự của sinh viên được tiến hành tại các cửa hàng Dược được uỷ nhiệm của Tổng giám đốc Nha Học chính Đông dương, theo đề nghị của hiệu trưởng nhà trường. Đây là những cửa hàng dược đủ tiêu chuẩn, có pha chế theo đơn của thầy thuốc. Trong trường hợp không có điều kiện thực hiện tập sự tại cửa hàng Dược thì sinh viên có thể xin tập sự ở một bệnh viện có khoa Dược do một dược sĩ người Pháp làm chủ nhiệm. Sinh viên sẽ ghi tên xin tập sự tại văn phòng nhà trường.

Sau khi qua được kỳ thi kiểm tra năm tập sự, sinh viên theo học 4 năm nữa theo đúng như thể thức ở chính quốc. Các kỳ thi kiểm tra của năm tập sự, các năm thứ Nhất, thứ Hai, thứ Ba và hai kỳ kiểm tra năng lực (examens probatoires) đầu tiên được tiến hành ở Đông Dương. Kỳ thi kiểm tra năng lực thứ ba và kiểm tra năm cuối cùng được tiến hành tại Pháp, nếu qua được, sẽ nhận bằng tốt nghiệp Dược sĩ hạng nhất (đại học).

Vì nền công nghiệp Dược của Đông Dương không phát triển nên số sinh viên theo học khoa Dược là rất ít, so với khoa Y. Ví dụ như trong năm học 1930 - 1931, toàn khoa Dược chỉ có 5 sinh viên. Ngày trước, tốt nghiệp Dược dược sĩ thường mở ngay hiệu thuốc để kinh doanh, hầu nhưkhông có ai học tiếp để thi tiến sĩ Dược khoa (tương đương bác sĩ Y khoa). Đến nay là chưa tìm được số liệu về Dược sĩ cao cấp đã tốt nghiệp.

Bệnh viện Mắt được thành lập theo nghị định ngày 14 tháng Bảy năm 1915 của Thống sứ Bắc Kỳ và chính thức mở cửa ngày 16 tháng Tư năm 1916 ở phố Résident Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông). Bệnh viện này được trang bị rất nghèo nàn vì theo lời phán nàn của người giám đốc đầu tiên, bác sĩ Bargy: "người ta định cho nó chết yểu", nhưng những kết quả ban đầu lại rất khích lệ (có thể hiểu điều này, vì vùng nông thôn Bắc Kỳ là ổ dịch đau mắt hột, cho tới nay vẫn chưa thanh toán triệt để được).Nghị định ngày 7 tháng Bảy 1917 nâng cấp bệnh viện Mắt Hà Nội thành Viện Nhãn khoa Đông Dương và đặt trực thuộc trường, với giám đốc là một giáo sư của trường. Kể từ ngày đó, viện này vừa hoạt động như một cơ quan của ngành Y tế điều trị miễn phí cho nhân dân, vừa là trung tâm giảng dạy nhãn khoa củatrường Y Dược khoa toàn cấp Đông Dương. Năm 1925, bệnh viện được mở rộng ra hai bên với mặt trước được xây dựng lại thành phòng khám, phía sau, thẳng góc với nó là một hành lang dẫn tới các phòng mổ và phòng học. Tại đây, các bác sĩ và y sĩ Đông Dương tương lai sẽ tiếp thu được những khái niệm rất cần thiết về nhãn khoa để hành nghề ở Đông Dương.

Thoạt tiên, người ta cho 2 học sinh năm thứ Tư tách hoàn toàn cho bệnh viện Mắt với ý định cho học một chuyên khoa sâu nhưng thấy bất lợi nên lại thay bằng cho cả lớp năm thứ Tư mỗi tuần đến Viện Mắt một lần để nghe giảng lâm sàng. Sau nhiều lần thử, cuối cùng người ta chọn giải pháp cho từng tổ học sinh, bất kể là năm thứ Ba hay thứ Tư đi luân khoa trong 3 tháng. Kết quả đã được chứng minh là rất tốt.

Khoa thú y được tách thành trường Thú Y độc lập. Môn Pháp Y được đưa vào từ 1919. Nghị định ngày 4 tháng Bảy 1920 tái lập khoa quân y đã bị bãi bỏ năm 1909 nhưng sau, do điều kiện quá ngặt nghèo (học sinh thi ra trường không đạt sẽ phải đăng lính 5 năm với chức vụ là y tá) nên từ 1925, không có học sinh nào ghi danh tham gia nữa.

Nghị định ngày 7 tháng Giêng 1919 sáp nhập chứng chỉ Lý-Hoá-Sinh (PCN: Sciences physiques, chimiques et naturelles) vào trường Y Đông Dương giống như ở chính quốc và bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương: đó là bước đầu tiên trong việc kiến tạo một nền giáo dục đại học của Đông Dương tương đương như chính quốc. Kể từ đây, phải có chứng chỉ PCN mới vào được đại học Y. Khi trường Cao Đẳng Khoa học được thành lập thì chứng chỉ này chuyển sang đó và tách thành PCB (Physiques-Chimie-Biologie: Lý-Hoá-Sinh) để vào học trường Y và SPCN (Sciences physiques, chimiques et naturelles: Lý-Hoá-Tự nhiên) để học trường Cao Đẳng Khoa học. Chứng chỉ PCB còn được áp dụng tại trường Y Hà Nội cho tới năm học 1954-1955. Ngoài trường Y Dược, các trường cao đẳng khác trong thành phần của Viện Đại học Đông Dương vẫn chỉ mang tính chất trường chuyên nghiệp. Mãi đến năm 1941, do tình hình chiến tranh làm Đông Dương tách rời khỏi chính quốc, các trường Luật, Khoa học rồi đến Cao đẳng Nông Lâm, Cao đẳng Công chính mới dần dần trở thành nơi đào tạo đại học, cấp bằng kỹ sư và cử nhân luật, cử nhân khoa học, nhưng không đủ thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ như trường Y.

Chứng chỉ PCNđã nâng cao trình độ cơ bản, nên nhà trường tổ chức lại theo sắc lệnh ngày 18 tháng Năm 1921. Năm học 1920-1921, học sinh tốt nghiệp tú tài phần 2 vào trường Y bắt đầu học PCN, nhưng từ năm học sau (1921-1922), sinh viên vào Y phải có chứng chỉ PCN trước đã. Đây là một bước nhảy vọt về chất lượng tuyển sinh.Năm học 1921-1922, lần đầu tiên có hai sinh viên tốt nghiệp PCN vào học là các ông Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thụy Ba. Cả hai đã bảo vệ luận án tại Paris và tốt nghiệp năm 1927. Trường hợp ông Đặng Vũ Lạc là tiêu biểu cho lớp thanh niên chuyển từ "mực tầu, giấy bản" sang cầm bút sắt. Ông đã dự kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 tại Nam Định vào được đến tam trườngmới quay sang tân học và thi đỗ tú tài, rồi PCN.Sau này, ông Đặng Vũ Lạc đã thành lập một bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Dương thời đó, (dân gian chỉ gọi bằng tên: Nhà thương Đốc tờ Lạc) lấy chỗ làm việc cho nhiều bác sĩ Việt Nam không làm cho chính quyền Bảo Hộ, trong đó có bác sĩ Phạm Hữu Chí, một người tốt nghiệp vào loại xuất sắc ở trường Y Paris nhưng không được nhận vào trường Y Hà Nội do kỳ thị dân tộc của nhà cầm quyền thực dân. Bác sĩ Phạm Hữu Chí không may mất sớm mấy năm sau đó. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc cũng mất sớm khi còn khá trẻ, riêng bác sĩ Hoàng Thụy Ba công tác tại Viện Bảo vệ Bà Mẹ - Trẻ Sơ sinh ở Hà Nội cho tới sau giải phóng miền Nam mới nghỉ hưu năm 73 tuổi và mất năm 93 tuổi.

Sau hai năm chuẩn bị, trường được tổ chức lại hoàn toàn theo Sắc lệnh ngày 30 tháng Tám 1923: được nâng lên thành Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương ( école de Plein Exercice: còn gọi là Trường Kiêm Bị) giống như của chính quốc, có thêm khoa y sĩ và dược sĩ Đông Dương. Tất cả những qui chế mới này đã đưa tới việc xây dựng các bộ môn Mô học, Giải phẫu bệnh học, Phẫu thuật thực hành, Vi trùng học, Ký sinh trùng học, Sinh lý học và Y-hoá học - trước đó chưa có. Chương trình học nhờ tăng thêm phần thực tập chung ở các bộ môn kể trên của khoa y sĩ và khoa đại học khiến chất lượng y sĩ Đông Dương ngày càng sát gần chất lượng bác sĩ. Học sinh của trường, vì lý do gia đình hoặc lý do khác, có thể xin chuyển sang học tại các trường bên chính quốc hoặc Algérie, đặc biệt là những trường có khoa thuộc địa, và sinh viên các khoa y học nhiệt đới của Pháp cũng có thể chuyển sang học trường Đông Dương.

Khung cán bộ của thời kỳ cuối những năm 1920 bao gồm: 
BS. DEGORCENgoại lâm sàng
BS. LE ROY DES BARRESSản phụ khoa lâm sàng
BS. COPPIN (Sau khi BS Coppin mất, BS Polidori thay)Nội lâm sàng
BS. CASAUX (chuẩn bị về hưu năm 1930)Lâm sàng Nhãn khoa
BS. DE RAYMONDBệnh Ngoài da và Hoa liễu
BS. NAUDINLâm sàng cơ sở
BERNARD (Thạc sĩ Vật lý)Vật lý và Hoá học
BOURRET (tiến sĩ khoa học, cộng tác viên Viện Bảo tàng)Động vật học
PETELOT (cử nhân khoa học, cộng tác viên Viện Bảo tàng)Thực vật học


TRANG 2

Bệnh viện thực hành được chú trọng xây dựng cùng với trường ngay từ ngày đầu ở ấp Thái Hà. Năm 1904, bệnh viện Nhà Chung (Hôpital de la Mission) của Hội Truyền giáo được chuyển thành Bệnh viện Bản xứ (Hôpital indigène) và sau thành bệnh viện Bảo hộ (Hôpital du Protectorat, dân gian quen gọi là Nhà thương Phủ Doãn) là cơ sở thực hành đa khoa của học sinh. Bệnh viện gồm hai khu, cách nhau qua đường Borgnis-Desbordes, trước kia là đường Camps des Lettrés (phố Tràng Thi ngày nay). Khu phía Bắc đường là khu chính, khu phía Nam là nhà Carmel cũ (nay là khu Viện Bảo vệ Bà mẹ-Trẻ em) được sử dụng làm nơi giảng dạy nữ hộ sinh và khoa Sản-Phụ. Ngày 1 tháng Tư năm 1904, chính quyền Bảo hộ Bắc Kỳ chính thức mua lại nhà, đất và trang bị của Bệnh viện Bản xứ và nghị định ngày 13 tháng Mười năm 1904 tổ chức lại bệnh viện trên cơ sở mới. Các khoa lâm sàng được đặt dưới quyền bác sĩ Cognacq, hiệu trưởng trường Y Đông Dương. Bác sĩ Le Roy des Barres được cử làm giám đốc bệnh viện. Các giáo sư, giảng viên và sinh viên đảm nhiệm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Lafaurie được chỉ định làm thường trú.

Ngày đó bệnh viện có 354 bệnh nhân, mọi bệnh nhân của bệnh viện thực hành trước đây đều được chuyển sang bệnh viện Bảo Hộ. Năm 1905, trại phong Tế Trường được sáp nhập vào bệnh viện nhưng đến 1912 lại tách ra và sáp nhập vào hệ thống các trại phong. Năm 1928 xây dựng khu nhà mổ hiện đại.

Theo sắc lệnh ngày 30 tháng Tám năm 1923, bệnh viện Bảo Hộ trở thành bệnh viện thực hành của trường Y nên chức vụ giám đốc bắt buộc phải do một giáo sư của trường đảm nhiệm, mặt khác, theo nghị định ngày 17 tháng Chạp năm 1923, về mặt hành chính, bệnh viện Bảo hộ vẫn là bệnh viện chính của Nha Y Tế Bẵc Kỳ. Bệnh viện Bảo hộ khi đó gồm có các khoa:

Khoa Ngoại (nam và nữ)
Khoa Sản-phụ (khu nhà Carmel cũ, ở bên kia đường)
Khoa Nội (nam và nữ)
Khoa Nội Nhi
Khoa bệnh ngoài da và Hoa liễu
Khoa bệnh Tâm thần
Khoa Ung thư
Khoa dành cho phạm nhân
Khoa điện quang và điện trị liệu
Labô vi sinh
Khoa Dược và labô hoá sinh
Khoa Khám bệnh đa khoa
Bệnh viện Bảo hộ sau này đã dần dần chuyển thành chuyên ngoại khoa.
Tổng số giường bệnh cho đến năm 1931:
Bệnh viện Bảo hộ: 583 giường
Khu Nhà Carmel cũ: 50 giường
Khu cách ly Cống Vọng: 134 giường

Viện Mắt và bệnh viện tâm thần Vôi (Bắc Giang) cũng được đặt trực thuộc trường. Khu cách ly (lazaret) Cống Vọng 13 đến năm 1932 mở rộng dần thêm thành bệnh viện René Robin, hoàn chỉnh vào khoảng năm 1940-1941 (bệnh viện Bạch Mai hiện nay). Dân gian chỉ gọi bằng một tên đơn giản: Nhà thương Cống Vọng. Vào những năm 1940, đường Thuộc địa số 1 (RC1, tức đường Giải phóng ngày nay) xuống Nhà thương Cống Vọng qua ô Đồng Lầm chỉ thuộc loại "thênh thang tám thước", hai bên là ruộng lúa và đoạn qua công viên Lênin hiện nay là hồ sen Bảy Mẫu, đầu mùa hạ đi qua có thể ngửi hương sen ngào ngạt, nhưng bệnh viện đã có kiến trúc hiện đại, thanh thoát, khác với kiểu “nhà thuộc địa” của nhà thương Bảo Hộ và khu cách ly Bạch Mai. Khu nhà tròn đang được xây dựng thành khu phẫu thuật thì phải bỏ dở vì chiến tranh thế giới thứ hai đã gần kề. Tuyến đường xe điện Yên phụ - Kim Liên có điểm kết thúc ngay trước cổng bệnh viện, rất tiện cho bệnh nhân trong thành phố xuống. Như vậy, truyền thống xây dựng bệnh viện thực hành cho trường Y đã được bắt nguồn ngay từ 1902 và duy trì liên tục qua kháng chiến chống Pháp, ngay trong những điều kiện rất gian khổ và thiếu thốn. Đáng tiếc là quyền có bệnh thực hành riêng của trường đã bị một quyết định năm 1955 của bộ Y Tế tước bỏ bằng cách đặt các bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức trở thành trực thuộc Bộ. Hệ thống đào tạo nội trú, một đặc thù của ngành Y (hầu như trên toàn thế giới) trong rèn luyện tay nghề thực hành cho thầy thuốc, được đưa vào ngay từ những ngày đầu thành lập trường, cũng đã bị bãi bỏ một thời gian và rồi khi quay trở lại vẫn không được chính thức thừa nhận và lăm le bị thay thế bằng hệ đào tạo cao học nặng về lý thuyết như ở các ngành khác. Cố Hiệu trưởng Nguyễn Trinh Cơ đã bỏ bao tâm huyết để tái xây dựng ngành đào tạo nội trú và bệnh viện thực hành, có lẽ vì các giáo sư trường Y hiểu hơn ai hết giá trị của ngành học này.

Thời đó, bác sĩ được gọi, “đốc tờ” hay "quan đốc", thậm chí là "cụ", y tá được gọi là "thầy" và y tá cũng gọi sinh viên là "thầy" nhưng không phải với nghĩa ngày nay. Tiếng "thầy" được dùng để chỉ các viên chức cấp thấp (thầy thư ký, thầy thông, thầy đề). Riêng y công bị gọi một cách rất khinh miệt là "cu li san" (coolie des salles = lao công các phòng).

Giáo sư Hồ Đắc Di, người hiệu trưởng đầu tiên của trường Y chúng ta sang Pháp du học năm 1918, năm đó cụ tròn 18 tuổi. Khi tầu qua Địa Trung Hải vẫn còn lo vấp thủy lôi của Đức thả trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Người bảo trợ cho cụ là toàn quyền Albert Sarraut (vì thân phụ cụ Di là thượng thư Hồ Đắc Trung, một trong tứ trụ triều đình triều Duy Tân, có quan hệ cá nhân với toàn quyền). Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, cựu nội trú các bệnh viện Paris, cụ nhớ nhà, đến đòi ông Albert Sarraut cho về nước. Ông này mách cụ xuống Marseille dự thi tuyển thầy thuốc cho Đông Dương. Năm đó (1931) có 3 người trúng tuyển là Hồ Đắc Di, Huard và Cartoux. Hai người Pháp được phân công về Hà Nội còn cụ Di về Huế theo gia đình. Khi đó bệnh viện Huế có một phẫu thuật viên người Pháp tên là Lemoine rất kém cỏi. Mỗi khi mổ xẻ, ông ta thường phải đối chiếu với át-lát giải phẫu. Cụ Di giỏi hơn nhiều mà lại không được mổ, thế là mâu thuẫn dẫn đến vác ghế đánh nhau. Dù là con quan nhưng cuối cùng thì Tây vẫn thắng, cụ Di bị đổi vào Qui Nhơn. Đang lang thang ở Qui Nhơn thì gặp giáo sư Le Roy des Barres đi công tác qua. Khi đó, ông đang là hiệu trưởng trường Y Đông Dương kiêm giám đốc bệnh viện Bảo Hộ, đồng thời là cố vấn y tế cho Toàn quyền. Cụ Di kể lại: "Ông ấy hỏi tôi: Qu'est-ce que tu fais là ? Tôi trả lời: "Je m' amuse !" (Cậu làm gì ở đây ? Tôi chơi !). Từ cuộc gặp gỡ này, giáo sư hỏi cụ có muốn về Hà Nội không, và thế là ông đã can thiệp để Toàn quyền Pierre Pasquier quyết định qua mặt khâm sứ Trung Kỳ, chuyển cụ Di ra Hà Nội (giáo sư làm được việc này vì ông rất thân với toàn quyền). Tất nhiên là khâm sứ Trung Kỳ rất tức tối nhưng không làm gì được. Trách cụ thì cụ thản nhiên trả lời: việc này là do toàn quyền, tôi không biết
Ra tới bệnh viện Bảo Hộ, cụ gặp cụ Vũ Đình Tụng khi đó là y sĩ thường trú của bệnh viện, cụ Tụng bảo cụ: "Toa ra đây làm gì, họ có cho toa mổ đâu !" "Không cho mổ thì moa lại đi" và lập tức, cụ lên gặp Le Roy des Barres để hỏi cho ra lẽ nhưng giáo sư nói: "Anh là cựu nội trú, anh có quyền mổ chứ !". Được lời như cởi tấm lòng, cụ lập tức xuống ra lệnh cho thầy y tá trưởng: "Thầy chuẩn bị cho tôi mổ bệnh nhân này". Thầy y tá tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại: "Bẩm cụ mổ ?" - "Chứ sao" - "Cụ đã bẩm quan chánh chưa ?" - "Việc gì tôi phải bẩm, cứ chuẩn bị đi" (Kể đến đây, cụ Di cười sảng khoái: "Thật ra thì mình bẩm rồi, nói thế cho oai thôi. Sau này cụ Hồ biết chuyện, có hỏi tôi năm đó bao nhiêu tuổi. Tôi mới ngoài 30, thế là cụ Hồ gọi đùa tôi là cụ non") Thầy y tá khốn khổ bị kẹt giữa hai làn đạn, không biết kêu ai. May mà mọi chuyện đều êm đẹp và giáo sư Hồ Đắc Di trở thành người Việt Nam đầu tiên được mổ cho bệnh nhân Việt Nam ở chính trên quê hương Việt Nam !
Ngày 11 tháng Chạp năm 1943, cụ Hồ Đắc Di được phong học hàm giáo sư không bộ môn (professeur sans chaire) cùng với Cartoux và là người Việt Nam đầu tiên ở trường Y được phong học hàm này. Với một ý nghĩa nào đó, giáo sư Le Roy des Barres đã có công rất lớn với trường Y khi mang giáo sư Hồ Đắc Di về Hà Nội để sau này kế tục trường Y Đông Dương, khai sinh ra trường Y Cách Mạng trong kháng chiến chống Pháp.

Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương được coi chính thức là chi nhánh của trường Đại học Y Paris, khi đó gồm 7 khoa (hay phân khoa):

1. Một khoa chuẩn bị thi chứng chỉ Lý-Hóa-Vạn Vật (PCN).
2. Một khoa Y toàn cấp
3. Một khoa Dược toàn cấp
4. Một khoa Y sĩ Đông Dương
5. Một khoa Dược sĩ Đông Dương
6. Một khoa cho người châu á
7. Một khoa nữ hộ sinh bản xứ.

Nghị định ngày 22 tháng Tư 1924 của toàn quyền Đông Dương M.Merlin đã qui định các chi tiết thi hành Nghị định ngày 30 tháng Tám 1923 về việc cải tổ lại trường Y Đông Dương. Lần đầu tiên, một hội đồng giáo sư được thành lập để tư vấn cho hiệu trưởng về những vấn đề tổ chức giảng dạy và qui chế kỷ luật. Hội đồng gồm các giáo sư chính thức và hai giảng viên do Giám đốc Nha Học Chính chỉ định vào đầu mỗi năm học. Một thư ký phụ tá hiệu trưởng (đúng ra phải gọi là chánh văn phòng, tương đương như phó hiệu trưởng thường trực hiện nay) được chọn trong số giáo sư chính thức với nhiệm kỳ 5 năm theo quyết định của Toàn quyền và do Giám đốc Nha Học Chính giới thiệu sau khi đã tham khảo ý kiến hiệu trưởng. Thư ký sẽ phụ trách công tác hành chính và tổ chức, giám sát và kỷ luật đối với sinh viên, phụ trách công tác bệnh viện theo chỉ định của hiệu trưởng. Thư ký lĩnh lương theo cấp bậc và được thu xếp nơi ở trong trường (theo giáo sư Vũ Công Hoè, trường còn cơ sở phố Tràng Tiền - hiện nay thuộc chỗ cửa hàng Bôđêga - là nơi ở cho một số giáo sư và cả sinh viên). Ban thư ký còn gồm hai thư ký người bản xứ biệt phái từ Nha Học Chính Đông Dương, một trong hai người kiêm phụ trách thư viện và được hưởng thêm phụ cấp đồng niên về việc này là 120 đồng.

Nghị định 22 tháng Tư 1924 khẳng định lại nhiệm vụ của trường đào tạo các đối tượng, gồm:

1. Bác sĩ y khoa và dược sĩ hạng nhất theo nghị định 30 tháng Tám 1923
2. Y sĩ và Dược sĩ Đông Dương
3. Y sĩ Quân Y
4. Y sĩ Trung Hoa
5. Nữ hộ sinh Đông Dương.

Y sĩ Đông Dương khoá cuối cùng ra trường năm 1934 (theo giáo sư Vũ Công Hoè. Cũng theo giáo sư, không có chênh lệch đáng kể về trình độ giữa bác sĩ và y sĩ Đông Dương). Sau này phần lớn y sĩ Đông Dương đã thi lấy bằng tú tài “tây” và dành ra 2 năm để bổ túc một số môn và làm luận án tốt nghiệp bác sĩ Y khoa. Lớp y sĩ cuối cùng ra trường năm 1934 vào trường và cùng học với giáo sư Vũ Công Hoè (giáo sư Hoè ra trường năm 1937, bác sĩ Trương Cam Cống học trên giáo sư Hoè 4 lớp và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch học trên giáo sư Hòe 3 lớp và là khoá cuối cùng phải sang Pháp làm luận án). Số y sĩ được đào tạo từ trường Y Đông Dương kể từ khoá ra trường đầu tiên năm 1907 đến khoá năm 1930 là 294 người (chưa có số liệu ra trường các năm từ 1931 đến 1934).

Nghị định cũng qui định chi tiết chương trình học, số giờ mỗi tuần của một môn và qui định chương trình thi tốt nghiệp. Trong bước đầu đặt hệ nội trú, nghị định có qui định tuyển chọn hàng năm 4 sinh viên làm trợ lý giải phẫu, sinh lý, mô-giải phẫu bệnh học và dược học. Trợ lý giải phẫu được phụ cấp hàng tháng 15 đồng, các trợ lý khác được 10 đồng. Hàng năm tổ chức thi tuyển trong số sinh viên năm thứ 3 và 4 (chung cho mọi chuyên khoa) lấy 3 trưởng phòng của bệnh viện Bảo Hộ (2 phòng ngoại khoa và 1 phòng nội khoa). Các sinh viên được chỉ định có trách nhiệm làm bệnh án và thực hiện điều trị, ngoài ra còn hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên lớp dưới và được hưởng phụ cấp mỗi tháng 10 đồng.

Chế độ nội trú đã có ngay từ khi thành lập trường, theo nghị định ngày 28 tháng Bảy năm 1902. Sau này, chế độ nội trú được thực hiện đầy đủ hơn. Sinh viên năm thứ ba thi ngoại trú và sinh viên năm thứ 5 thi nội trú. Chỉ sinh viên ngoại trú và nội trú mới có quyền điều trị, số không trúng tuyển vào chế độ "trú" thì như giáo sư Nguyễn Trinh Cơ thường gọi đùa, là "những linh hồn lang thang ngoài hành lang" (Les âmes errantes du couloir). Tất cả các thầy thuốc giỏi của ta sau này đều đã trải qua một thời gian làm nội trú và có thầy, như thầy Tôn Thất Tùng, đã tỏ ra nổi bật ngay từ thời kỳ làm nội trú. Vì vậy, danh hiệu "cựu nội trú" rất được tôn trọng, trên danh thiếp, thường danh hiệu "cựu nội trú các bệnh viện" được đặt trên danh hiệu "bác sĩ y khoa".
Hàng năm, kỳ thi ngoại trú và nội trú được tổ chức với số tuyển chọn không nhất định, tuỳ theo số chỗ còn trống ở bệnh viện. Ngoài phần thi lý thuyết, sinh viên được giao bệnh nhân và làm bệnh án dưới sự giám sát của giám thị. Sau đó giám thị thu lại bệnh án. Ngày hôm sau, trước hội đồng thi, sinh viên đọc lại bệnh án của mình dưới sự giám sát của sinh viên kế tiếp, nghĩa là không có quyền sửa đổi lấy một chữ. Cách kiểm tra chéo như vậy bảo đảm được tính nghiêm minh và công bằng của cuộc thi. Sau khi có danh sách trúng tuyển, người đỗ đầu được chọn chỗ chuyên khoa trước, thứ mới đến người sau. Vì vậy những chuyên khoa "nổi tiếng" hoặc "hái ra tiền" không bao giờ đến tay các anh đỗ hạng kém, tuy kém của nội trú vẫn còn hơn không nội trú.

Các giáo sư người Pháp được trả lương rất cao do có phụ cấp khu vực (lương bên thuộc địa gấp đôi lương ở chính quốc). Giáo sư bậc khởi điểm (bậc 5) có lương đồng niên kể cả phụ cấp thuộc địa gấp 3 lần lương Y sĩ Đỗ Xuân Hợp thời đó (như vậy, nếu so với lương bên Pháp thì khởi điểm của giáo sư chỉ hơn lương y sĩ Đỗ Xuân Hợp có 1,5 lần), còn khởi điểm của giáo sư bậc 1 thì gấp 4,5 lần. (5981,92 và 8617,56 đồng so với 1944 đồng, trong khi giá vàng khoảng 50 đồng một lạng - Theo Lê Gia Vinh, sách đã dẫn, tr 24 + tư liệu trường Đông Dương).

Nghị định cũng qui định phụ cấp giảng dạy cho những giảng viên không hưởng lương giáo sư, hay phụ giảng chính thức, là 8 đồng cho một giờ lý thuyết và 6 đồng cho một buổi thực tập 2 giờ. Đến giai đoạn này, sinh viên năm thứ nhất khoa đại học không hưởng học bổng mà phải đóng lệ phí mỗi học kỳ 3 tháng là 19 đồng, gồm cả tiền thư viện 1 đồng và tiền thực tập 6 đồng. Như vậy hàng năm mất 76 đồng, cộng thêm 26 đồng tiền lệ phí thi, thành 102 đồng, những năm sau là 98 đồng. Năm cuối cùng sang Pháp bảo vệ luận án phải đóng tiền thi 165 francs, luận án và văn bằng 240 francs, cộng 405 francs (thời đó 1 đồng Đông Dương ăn 8,25 francs, như vậy mất khoảng 50 đồng Đông Dương nữa).

Thư viện thời kỳ này được gộp chung với thư viện Viện Đại học trong một phòng rộng, đối diện Đại Giảng đường, tới cuối những năm 1950 mới tách riêng thành Thư viện Đại học Y Dược. Sau khi tách riêng hai trường (Y và Dược) năm 1962, thư viện Đại học Y được tổ chức thành hai đơn vị riêng biệt là Viện Thông tin-Thư viện Y học Trung ương và thư viện Đại học Y Hà Nội.

Trước năm 1935, sinh viên chỉ học hết năm thứ Tư thì sang Pháp thi nốt năm thứ Năm và bảo vệ luận án tốt nghiệp. Từ 1935 trở đi, khi giáo sư thạc sĩ Henri Galliard, giáo sư trường Đại học Y khoa Paris sang nhậm chức hiệu trưởng, các giáo sư bắt buộc phải có bằng thạc sĩ nên các chủ nhiệm khoa người Pháp lần lượt thay nhau về Paris thi thạc sĩ và cũng từ đó, trường Paris hàng năm cử một giáo sư sang chủ trì luận án. Các giáo sư từ Paris sang chủ trì việc bảo vệ luận án, như giáo sư Lemaitre, đã gọi trường Y Đông Dương là "cái ăng ten của nền khoa học Pháp tại Viễn Đông", đánh giá rất cao trình độ và khả năng của sinh viên trường Đông Dương, coi tương đương như tốt nghiệp từ trường Paris. Số bác sĩ sang Pháp làm luận án, kể từ khoá đầu 1921-1927 tới khoá 1928-1934 là 42 người. Khoá 1929-1935 trở đi bắt đầu bảo vệ luận án tại Hà Nội. Từ năm 1935 đến khoa thi cuối cùng của trường Đông Dương năm 1945, đã có tổng số 147 luận án được bảo vệ chính thức (không kể một số nội trú không kịp làm luận án, như Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Thế Khánh, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm và nhiều người khác). Người ta thấy rõ từng bước trưởng thành của trường Y Đông Dương, từ lúc chỉ đào tạo được y sĩ, rồi đào tạo bác sĩ thiếu năm cuối, phải sang Pháp thi tốt nghiệp, cho tới khi đào tạo hoàn chỉnh học vị bác sĩ tại Hà Nội. Mười sáu năm kể từ sau khoa thi Đình cuối cùng (vào năm 1919), các tiến sĩ tân khoa bắt đầu ra trường tại Hà Nội năm 1935 (nhưng trước đó 8 năm, nghĩa là sau 8 năm không có tiến sĩ kể từ khoa thi Đình năm Kỷ Mùi, đã có các tiến sĩ do trường Y Hà Nội đào tạo nhưng lại phải sang Pháp thi). Khi đó, mới chỉ có trường Y Hà Nội có khả năng cấp học vị này. Cũng lần đầu tiên, bệnh tật của nhân dân Việt Nam được nghiên cứu và trình bày một cách khoa học trong các luận án tốt nghiệp (dù thời gian đầu phải bảo vệ tại Paris nhưng tất cả các luận án đều lấy đề tài từ thực tế Việt Nam). Tóm lại, chỉ sau 8 năm gián đoạn, các tiến sĩ tân khoa lại tiếp tục ra trường, kế tục sự nghiệp của giáo dục Hán học. Ngày đó, lễ bảo vệ luận án và tốt nghiệp được tiến hành rất long trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết, tốt nghiệp 1938, kể lại (cụ mới mất cách đây vài năm), các bác sĩ tân khoa và giáo sư trường Y đều đội mũ có 4 giải và mặc áo thụng đen.

Về sau, những người theo kháng chiến được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cấp bằng tốt nghiệp, một số sau này bảo vệ tại trường Y trong Hà Nội tạm chiếm. Như vậy, nếu tính cả số y sĩ Đông Dương và số bảo vệ luận án ở Pháp, trường Y Đông Dương đã đào tạo ít nhất 483 người (chưa tính số y sĩ Đông Dương 4 năm sau cùng và số nội trú chưa kịp bảo vệ luận án), một con số thật ít ỏi so với nhu cầu (1 thầy thuốc cho hơn 50.000 dân) nhưng không thể trách trường Y Đông Dương. Sự phát triển giáo dục chậm chạp của thời đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trong nhất là chủ nghĩa thực dân không phát triển mạnh giáo dục và trình độ kinh tế thấp kém của đất nước ta dưới ách thực dân, có tới trên 90 phần trăm dân số mù chữ. Tuy nhiên để bù lại, và đây là công của trường Y Đông Dương, các bác sĩ ra trường, nhất là bác sĩ nội trú, có trình độ chuyên môn và phương pháp luận khoa học rất vững vàng, là tiền đề để sau này tự lực phát triển sau khi đã giành được độc lập.

Năm 1932, Viện Giải phẫu thuộc trường được thành lập tại địa điểm ngày nay ở phố Tăng Bạt Hổ, khi đó do bác sĩ P.Huard làm Viện trưởng kiêm chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu. Cũng năm đó, thầy Đỗ Xuân Hợp (tốt nghiệp y sĩ Đông Dương năm 1929), được ông lấy trúng tuyển trong kỳ thi chọn trợ lý giải phẫu và được nhận về đây làm việc. Năm đó thầy Hợp mới 26 tuổi. Viện này là một cơ sở trực thuộc trường, có một gian triển lãm cổ sinh vật học rất đẹp. Huard đã cùng các cộng sự (chủ yếu là Đỗ Xuân Hợp) xuất bản 9 tập Công trình của Viện Giải phẫu thuộc trường Đại học hỗn hợp Y Dược khoa Hà Nội (Travaux de l' Institut anatomique de la Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, 9 tomes, de 1936 à 1944). Ngoài ra, ông còn là thành viên trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông đã góp phần đào tạo nhiều nhà giải phẫu và ngoại khoa lớp trước của ta như Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng, Đinh Văn Thắng, Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, v.v... Bác sĩ Huard xuất thân từ trường Quân Y bên Pháp và đã giảng dạy ở đó. ở ông có sự thẳng thắn của một quân nhân và một nhà khoa học. Năm 1947, nghe tin ngoài kháng chiến có mở kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ Y khoa, ông đã nhắn tin chúc mừng. Có một dịp đi nhận thương binh, ông đã gửi tặng bác sĩ Tôn Thất Tùng một cây thuốc lá Cotab, một số thuốc DDT đang được ưa dùng thời đó và đề nghị thầy Tùng có yêu cầu gì về sách vở sẽ hết sức giúp đỡ.

Viện Giải Phẫu là một cơ sở trực thuộc trường cũng xuất bản được tập kỷ yếu riêng (9 tập như trên đã nói) và có một gian triển lãm cổ sinh vật học rất đẹp. Cũng năm 1932, thầy Đỗ Xuân Hợp, đã tốt nghiệp y sĩ Đông Dương năm 1929, trúng tuyển kỳ thi chọn trợ lý giải phẫu 18và được nhận về đây làm việc. Năm đó thầy Hợp mới 26 tuổi.

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp nhớ lại: thời đó còn thanh niên ham bay nhảy, thi trợ lý giải phẫu chỉ coi như bước đi đầu tiên. Sau này, theo giáo sư Lucas Championnère khuyên, tôi đi luân khoa Tai Mũi Họng của giáo sư Sollier và định xin chuyển sang làm việc tại đó. Khi trình bày với hiệu trường Le Roy des Barres, ông đập bàn quát tôi : "tôi không thích đôi bàn tay đã mó vào xác chết lại mó vào bệnh nhân của tôi", và thế là tắt mộng đi lâm sàng, trở nên gắn bó suốt đời với nghề giải phẫu ! Kể đến đây, giáo sư phá lên cười. Cũng không nên nghĩ rằng đây là hành động áp bức của một "ông Tây". Tuổi hai người chênh lệch như cha với con (khi giáo sư Le Roy des Barres sang Đông Dương dạy học thì giáo sư Hồ Đắc Di mới lên 2 và mãi 4 năm sau, giáo sư Hợp mới ra đời). Chúng ta cũng mong được "an phận" như giáo sư Đỗ Xuân Hợp để trở thành chuyên gia giải phẫu đầu tiên của Việt Nam. Giáo sư có nhiều công trình làm chung với giáo sư Huard, một số được trích dẫn trong cuốn giáo khoa Giải Phẫu nổi tiếng của Rouvière và nổi bật nhất là cuốn "Hình thái học Người và Giải phẫu nghệ thuật" (Morphologie humaine et Anatomie artistique) được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp. Theo thông lệ thời đó, mỗi khi có công trình làm chung bởi hai tác giả Việt và Pháp, tên tác giả Pháp bao giờ cũng được để lên trên (dù người đó có là học trò tác giả Việt đi nữa, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết). Vì vậy, xem tài liệu Pháp, bao giờ cũng là cặp tên: Huard và Đỗ Xuân Hợp. Hỏi lại thầy Hợp là ai đóng góp nhiều hơn, thầy khẳng định: bằng nhau.
Khi về làm việc tại Viện Giải Phẫu, giáo sư Hơp vẫn phải tự học để thi tú tài (thời đó nếu không có tú tài thì không thi bác sĩ được). Cuối cùng thì cũng xong, ông bảo vệ luận án năm 1944 về một đề tài rất đặc thù: "Nghiên cứu về hệ thống xương người Việt Nam". Ông là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống các đặc điểm giải phẫu của người Việt Nam, kể cả về ngón chân Giao Chỉ, nghiên cứu cả các tác phẩm điêu khắc ở chùa chiền, đền miếu để kết tinh lại trong cuốn "Hình thái học Người và Giải phẫu nghệ thuật". Ông vừa giảng dạy tại trường Y, vừa giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1936 (theo Lê Gia Vinh: Con đường vinh quang.- NXB Văn hoá, 1991). Ngày đó, thầy Hợp là một trang phong lưu công tử, vừa giàu, vừa có tài. Dĩ nhiên thầy có xe hơi riêng và được cô bác sĩ Jeanne T. T. O. ở bộ môn Sinh Lý học rất ngưỡng mộ, tuy thầy đã có gia đình.
Khi trường Y về tay nhân dân, trong kháng chiến chống Pháp, giáo sư Đỗ Xuân Hợp là người đầu tiên dùng tiếng Việt trong giảng dạy ở bậc đại học và biên soạn các danh từ giải phẫu còn nguyên giá trị đến ngày nay. Ông liên tục làm hiệu trưởng trường Đại học Quân Y cho tới khi nghỉ hưu năm 72 tuổi (1978) nhưng vẫn lãnh đạo bộ môn Giải Phẫu trường Đại học Y Hà Nội và chỉ đạo Hội Hình thái học Việt Nam. Ông đã được phong quân hàm thiếu tướng quân y và được tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang và giải thưởng Hồ Chí Minh.

Địa điểm 11 Lê Thánh Tông thật ra là của Đại học Luật khoa. Một địa điểm mới cho trường Y Dược toàn cấp Đông Dương cũng đã được chọn ở góc giữa hai phố Trần Thánh Tông - Trần Hưng Đạo, bên cạnh bệnh viện Đồn Thủy (ngày nay là Viện Quân Y 108) nhưng chưa kịp thực hiện thì bị tình hình chiến tranh làm gián đoạn (mới chỉ xây được Viện Giải Phẫu ở Tăng Bạt Hổ, việc xây dựng Viện Pháp Y cũng bị bỏ dở vì chiến tranh), tuy chiến tranh thực sự đến 1939 mới xảy ra. Hiện còn các cáo thị điều tra "Tiện và Bất tiện" về việc xây dựng Viện Pháp Y (tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Những ông thầy người Pháp của thời kỳ này, có lẽ chỉ trừ một số rất nhỏ, đều sang giảng dạy với tinh thần truyền thụ kiến thức khoa học cho học sinh, đúng theo lời thề Hippocrate. thầy Henri Coppin được học sinh quí mến vì rất giỏi lâm sàng (theo GS. Trịnh Ngọc Phan), tiếc rằng thầy qua đời sớm (1929). thầy Naudin, một cựu bác sĩ hải quân là người rất thương học sinh và thông cảm với bệnh nhân. Bác sĩ Lê Văn Khải kể lại: "Thời đó tình trạng thiếu giường nằm trong bệnh viện chưa trầm trọng lắm nên chúng tôi dễ dãi thu nhận cả những người chỉ có bệnh đói và rét. Giáo sư Naudin không phản đối, chỉ nhắc câu "Một người bề ngoài khoẻ mạnh là người có bệnh mà không biết" và ông bắt sinh viên xem lại, thế nào ông cũng tìm ra một bệnh, dù rất nhẹ, như ghẻ, giun, thiếu máu... để người ấy được nằm và ăm miễn phí một số bữa. Giáo sư Naudin ưa cho thuốc dạng bào chế" (ngày ấy, các dung dịch để uống thường không thành công thức bào chế sẵn như ngày nay nên thầy thuốc thường kê đơn 5-7 vị thuốc để phòng bào chế pha cho bệnh nhân dùng, giống như kê thang đông y). Chắc chắn nhiều bác sĩ trẻ ngày nay không biết trong "Si rô ho Bổ Phế" có những vị gì, liều lượng bao nhiêu. Dạng bào chế sẵn (officinal) thật tiện lợi, đỡ phải nhớ nhiều ! Các thầy người Pháp tuy không phải là những nhà khoa học xuất sắc nhưng họ đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ bác sĩ Việt Nam có đủ Đức, Tài để sau này duy trì được trường Y trong kháng chiến chống Pháp và phát triển lớn mạnh như ngày nay. Các giáo sư nhà trường đã xuất bản định kỳ được 9 tập Kỷ yếu công trình kể từ năm 1936, công bố các nghiên cứu của giáo sư và bác sĩ, dược sĩ trường Y Dược khoa Đông Dương. Rất đáng tiếc là những tập kỷ yếu của trường và của Viện Giải Phẫu hiện nay đều không còn được lưu trữ tại thư viện nhà trường. Điểm qua vài ông thầy người Pháp.

Giáo sư Le Roy des Barres, hiệu trưởng trường Y (thời kỳ 1929-1935) chuyên về sản khoa và mổ rất giỏi. Những bệnh nặng không có khả năng chuyển về Pháp đều phải qua tay thầy vì vậy thầy được hầu hết các vị tai to mặt lớn kính nể. Ông chỉ có tật hay gắt nên sinh viên rất ngại phụ cho ông và chỉ có bà vợ ông (người Việt) là một nữ hộ sinh làm được việc đó. Bà biết trước những dụng cụ ông sắp cần để đưa đúng lúc và nếu ông gắt thì bà gắt lại, thậm chí đá chân qua gầm bàn vào cẳng chân ông là ông dịu ngay (Lê Văn Khải, sách đã dẫn)

Giáo sư Lucas Championnère rất giỏi ngoại khoa, gia đình có 3 đời đều là thầy thuốc danh tiếng. Ông là người điềm đạm, rất quí mến sinh viên. Ông khám bệnh rất kỹ nên chẩn đoán rất chính xác và vừa mổ, ông vừa giải thích cặn kẽ cho sinh viên phụ mổ. Giáo sư Lucas Championnère đã mất tại Hà Nội trong sự tiếc thương của sinh viên khiến chính người Pháp phải ngạc nhiên. Sau giáo sư Lucas Championnère, có giáo sư Cartoux (người cùng sang Đông Dương một lượt với các giáo sư Hồ Đắc Di và Huard) làm ngoại khoa kiêm giảng dạy môn giải phẫu. Ông rất biết ăn diện, là người đầu tiên ở Hà Nội có chiếc xe hơi kiểu thể thao và là người rất lịch sự. Ông mổ tay trái rất khéo và tận tình hướng dẫn cho sinh viên trong lúc mổ.

Các giáo sư lớp sau 1930, ngoài Huard (có công đào tạo y sỹ Đông Dương Đỗ Xuân Hợp) và Cartoux, còn có Meyer May (một người gốc Do thái, theo phe kháng chiến De Gaulle, sau năm 1946 ông sang Mỹ sinh sống), là người có công lớn đào tạo bác sĩ Tôn Thất Tùng; Gs Daléas (Sản Phụ Khoa) có công đào tạo bác sĩ Đinh Văn Thắng, rồi GS Montagné, Sollier và nhiều người khác cũng thuộc lớp này. Người Pháp rất trọng bằng cấp nên nhiều cán bộ giảng dạy thời đó đã phải về Pháp thi thạc sĩ (như nội khoa có Massias, ngoại có Mayer May, sản có Daléas, nhi có Blondel, giải phẫu có Huard...). Tuy nhiên cũng còn nhiều giáo sư khác không có bằng thạc sĩ như Toullec dạy môn Bệnh học nhiệt đới, Cartoux dạy Phụ sản, Polidori dạy nhi, Naudin dạy nội, Grenierboley dạy da liễu, Joyeux dạy mô học, Keller dạy Mắt, Sollier dạy Tai mũi họng. Giáo sư Sollier là người rất đặc biệt. Ông có tính “ăn to nói lớn”, luôn gắt gỏng với mọi người, thậm chí khi vợ ông tới khám cũng bị ông gắt gỏng như với những bệnh nhân khác. Thật ra, tuy ông gắt đấy nhưng nếu sinh viên bỏ không đến thì ông lại tìm họ xin lỗi vì tật nóng tính của mình và vui vẻ mời quay lại. Ông có bà vợ rất hiền, sinh cho ông sáu con toàn gái. Mỗi lần thấy ông bà và đàn con đi phố hay đi lễ nhà thờ, người Việt Nam nào cũng phải ngắm nhìn vì hiếm có người Pháp nào đông con như vậy. Ông đã có công đào tạo các bác sỹ tai mũi họng lớp đầu của ta như bác sĩ Vũ Hữu Hiếu bên quân Y (đã mất), giáo sư Võ Tấn, v.v. Giáo sư hiệu trưởng Henri Galliard sau này khi đã về Pháp đã tiếp tục đỡ đầu nhiều sinh viên Việt Nam du học bên đó. Ông vẫn giữ nguyên cảm tình với Việt Nam tuy từ 1946 đã thôi dạy học trường Đông Dương. Các thầy người Pháp không làm tư, nhưng sắn sàng khám giúp người nhà sinh viên. Thỉnh thoảng, do bệnh viện Saint Paul mời (từ sau 1935 mới có bệnh viện này, do các bà sơ đảm nhiệm) thì mới sang mổ.

Các thầy người Pháp tuy không phải là những nhà khoa học xuất sắc nhưng họ đã thành công trong việc đào tạo mọt thế hệ bác sĩ Việt Nam có đủ Đức, Tài để sau này duy trì được Trường Y trong kháng chiến chống Pháp và phát triển lớn mạnh như ngày nay. Các giáo sư nhà trường đã xuất bản định kỳ được 9 tập Kỷ yếu công trình kể từ năm 1936, công bố các nghiên cứu của giáo sư và bác sĩ, dược sĩ trường Y Dược Đông Dương. Rất tiếc là những tập kỷ yếu của trường và của Viện Giải Phẫu hiện nay đều không còn được lưu trữ tại thư viện nhà trường.

Từ 1935, việc bảo vệ luận án được tiến hành ngay tại trường Y Đông Dương, lúc đầu do các giáo sư từ Pháp sang chủ trì.

Năm đầu tiên bảo vệ luận án tại Hà nội có 12 bác sĩ là:

1. Lê Văn Cẩn: Góp phần nghiên cứu các trường hợp gãy xương cánh tay
2. Huỳnh Công Chiêu: Góp phần vào việc điều trị bệnh lách do sốt rét bằng liệu pháp phủ tạng lách
3. Huỳnh Tấn Đối: Góp phần nghiên cứu các hội chứng bụng cấp trong bệnh giun đũa
4. Nguyễn Trọng Hiệp: Nghiên cứu về hậu quả ngoại khoa các bệnh lỵ và viêm đại tràng nhiệt đới
5. Nguyễn Đình Hoàng: Góp phần nghiên cứu các trường hợp gãy mỏm ngang đơn độc cột sống thắt lưng
6. Hoàng Gia Hợp: Gây mê tĩnh mạch bằng Numal
7. Trương Hồ Ly: Điều trị ngoại khoa cácviêm đại tràng mạn tính bằng tạo lỗ dò, đặc biệt là mở ruột thừa
8. Nguyễn Xuân Nguyên: Góp phần nghiên cứu bệnh do Pseudomonas pseudomallei ở Đông Dương
9. Phạm Văn Phán: Góp phần nghiên cứu bệnh sốt rét bẩm sinh
10. Lê Đình Quý: Góp phần nghiên cứu phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo
11. Võ Duy Thạch: Góp phần nghiên cứu bệnh sinh của phù trong chứng tê phù (béri béri)
12. Dương Tấn Tươi: Công cuộc chống bệnh sốt rét ở Tuyên Quang.

Từ khi Đông Dương bị ngăn cách với chính quốc do chiến tranh thế giới thứ 2, các giáo sư nhà trường tự đảm nhiệm việc chủ trì luận án, và cuối cùng, từ Vichy, sắc lệnh ngày 15 tháng Mười 1941 của thống chế Pétain, quốc trưởng Pháp, đã nâng cấp trường Y Dược toàn cấp Đông Dương thành trường Đại học hỗn hợp Y Dược khoa Đông Dương, hoàn thiện bước cuối cùng trong việc xây dựng trường Y Dược Đông Dương (chính quyền Đông Dương thời đó theo chính phủ Vichy và chống lại phe kháng chiến De Gaulle)

Từ khoảng năm 1940 trở đi, trưởng các khoa lâm sàng tại bệnh viện và phần lớn các khoa cận lâm sàng đều do cán bộ Việt Nam đảm nhiệm. Các bậc đàn anh có cụ Vũ Đình Tụng và cụ Trần Văn Lai là hai bác sĩ thường trú tại bệnh viện Bảo hộ để hướng dẫn sinh viên thực tập. Bác sĩ thường trú cuối cùng là cụ Hồ Đắc Di (theo hồi ký giáo sư Vũ Công Hoè).

KHUNG CÁN BỘ CỦA TRƯỜNG ĐÔNG DƯƠNG TRONG THỜI KỲ ĐẦY ĐỦ NHẤT (1943)

Hiệu trưởng:H. GALLIARD, giáo sư trường Đại học Y khoa Paris
Giáo sư chính thức: Daléas, Huard, Cousin, Sollier, Grenierboley,
Blondel, Rivoalen, Joyeux, Montagné, Bonnet
Trợ lý lâm sàng: CARTOUX, Hồ Đắc Di (hai vị này được phong giáo sư ngày 11.12.1943).

BAN Y:
A. BLONDEL

Nội lâm sàng

Bệnh học Nội khoa

Điều trị học

P. BONNETDược lý học
C. CARTOUXSản khoa
G. COESTER (giảng viên)Y Vật lý
E. COUSINY hoá học
P. DALEASLâm sàng Sản-Phụ khoa
DUGA (giảng viên)Điện quang và Vật lý trị liệu
H. GALLIARD

Vi trùng học

Ký sinh trùng học

J. GRENIERBOLEY

Lâm sàng bệnh ngoài da - hoa liễu

Bệnh học đại cương

HỒ ĐẮC DIBệnh học ngoại (cùng với M. Montagné)
P. HUARD

Giải phẫu định khu

Phẫu thuật thực hành

Ngoại lâm sàng

B. JOYEUX

Mô học và Phôi thai học

Giải phẫu bệnh

M. MONTAGNÉ

Giải phẫu học

Bệnh học ngoại

B. NOYER (Giảng viên)

Sinh lý học

Y học thực nghiệm (tức Sinh lý bệnh học)

A. RIVOALENNội lâm sàng nhi khoa

Truyền nhiễmVệ sinh

R. SOLLIER

Lâm sàng Tai-Mũi-Họng

Y pháp học và Qui chế hành nghề

Không có chủ nhiệm chính thứcNhãn khoa

Trường Đại học Y - Dược khoa năm 1923

Tấm thẻ ngà của các học sinh Trường Y Đông Dương

Khoá đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương.
Hàng đầu tiên: ông Lê Văn Chinh, thầy thuốc Capus, BS. Degorce và BS. Le Roy des Barres
Hàng thứ hai: các giám thị.
Hàng thứ ba: tám học sinh.

Đại giảng đường Đại học Y - Dược khoa Đông Dương năm 1930.

Nhà thương Bạch Mai năm 1915

Các học sinh, y sĩ Đông Dương khoá 1921 - 1925.
Lần đầu tiên cso hai sinh viên tốt nghiệp PCN:
Sinh viên Đặng Vũ Lạc (người mặc áo màu trắng) và sinh viên Hoàng Thuỵ ba (người đứng hàng đầu, thứ tư từ trái sang). Sau đó tốt nghiệp Bác sĩ ở Paris.

Khu nội trú của sinh viên ở 13 Lê Thánh Tông (Hiện nay là nơi làm việc của Bộ môn Giải phẫu bệnh và Pháp y).

Học sinh, y sĩ Đông Dương thực tập tại Bệnh viện năm 1910.

Nhiều thầy của chúng ta đã nổi bật ngay từ khi làm nội trú hoặc mới ra trường, ở đây chỉ có thể nêu một vài thí dụ :

Thầy Đặng Văn Ngữ bảo vệ luận án năm 1936 với đề tài :"Góp phần nghiên cứu về lâm sàng và bệnh căn các áp xe gan ở Bắc Kỳ". Ông là trợ lý cho giáo sư Henri Galliard, hiệu trưởng và chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng. Khi trở thành trưởng labô Ký sinh trùng và giảng viên Sinh học ban Dược, ông đã công bố 16 công trình nghiên cứu và đến năm 1943, ông được tuyển chọn đi du học ở Nhật Bản với tiêu chuẩn "Người có trình độ cao, đại diện xứng đáng cho nền Y học Pháp tại Đông Dương". Sau này, năm 1949, từ Nhật Bản, ông về thẳng Việt Bắc tham gia trường Y kháng chiến và đã có công trình nghiên cứu sản xuất nước lọc (filtrat) pênixilin phục vụ điều trị thương binh.

Năm 1936, ông phát hiện thấy loài sán Clonorchis sinensis (Sán lá gan nhỏ) còn có thể ký sinh ở tụy. Nghiên cứu về sự tiến hoá theo mùa của giun chỉ Dirofilaria immitis ký sinh ở muỗi Aedes được mọi người thán phục về sự tỉ mỉ, chính xác (1938). Khi điều tra muỗi, ông phát hiện loài muỗi chưa từng được biết và đặt tên là Anopheles tonkinensis (1940). Ông đã thực nghiệm thành công bệnh sán nhái ở nòng nọc, làm sáng tỏ nguyên nhân một bệnh ở Việt Nam do tập tục đắp nhái lên mắt chữa bệnh mà giáo sư chủ nhiệm khoa Mắt Keller mô tả là một bệnh đặc biệt.

Thầy Tôn Thất Tùng thì vừa làm nhiệm vụ nội trú khoa Ngoại, vừa làm phụ giảng (prosecteur) giải phẫu và kiêm luôn cả giải phẫu đại thể (mổ tử thi sau khi bệnh nhân chết để xác định nguyên nhân tử vong). Do có sức khoẻ tuyệt vời nên thầy còn giữ chân đội trưởng đội bóng trường Y thời đó. ở thầy, có phẩm chất một nhà khoa học lớn ngay từ khi còn trẻ : cái gì đã tìm thấy thì không bằng lòng với kết quả trước mắt, kiên quyết đi tới cùng, không nề là việc lớn hay nhỏ

Khoảng năm 1960, có một bệnh nhân ngộ độc mercurochrome (ý định tự tử) bị nôn liên tục. Thầy không biết giải độc bằng cách nào bèn sai học trò đi xe của thầy xuống khoa Nhi Bạch Mai tìm bà chuyên gia tiết chế Liên Xô để hỏi ý kiến. Được bà hướng dẫn cách làm sữa chua đơn giản (hồi đó không có sẵn sữa chua như ngày nay) và cho bệnh nhân uống. Quả nhiên hết nôn và ngay hôm sau đã ăn cơm được. Hôm sau, thầy lại bắt học trò xuống tìm bà chuyên gia để yêu cầu giải thích cơ thế tác dụng.

Trong thời gian làm trợ lý rồi phụ giảng giải phẫu từ 1935 đến 1939, thầy đã phẫu tích hơn 200 bộ gan người chết. Lao động cực nhọc đó đã được đền bù xứng đáng : thầy là người đầu tiên phẫu tích được toàn bộ các đường dẫn mật trong gan, sau này có ứng dụng rất to lớn trong công trình cắt gan khô Tôn Thất Tùng được giới Y học phương Tây đánh giá rất cao. Luận án bảo vệ năm 1940 của thầy là khởi đầu cho một công trình suốt đời "Sự phân bố tĩnh mạch trong gan và các ứng dụng trong cắt gan và cắt thùy gan" (Tôn Thất Tùng, cuộc đời và sự nghiệp _ NXB Y Học, 1997).

Như vậy, ngay từ đầu những năm 1940, đội ngũ cán bộ người Việt trong trường Đông Dương đã lớn mạnh, tự đảm đương được công tác giảng dạy lâm sàng và điều trị. Các trưởng khoa lâm sàng hoàn toàn thay thế được các giáo sư người Pháp khi họ vắng mặt.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh, nguyên giám đốc bệnh viện Saint Paul, học trò thầy Nguyễn Hữu Thuyết được nghe thầy kể lại : hồi đầu có 3 ông thầy người Việt đi với các thầy người Pháp : Thầy Tôn Thất Tùng trưởng khoa ngoại với giáo sư Meyer May, thầy Đinh Văn Thắng trưởng khoa Sản Phụ với giáo sư Daléas và thầy Nguyễn Hữu Thuyết, trưởng khoa Nhi với giáo sư Blondel. Cả ba thầy đều được sinh viên gọi bằng "sếp".
Học trò của sếp Thuyết khá đông và còn nhớ mãi cái khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai ngăn nắp, sạch sẽ và thoáng mát. Các bác sĩ, từ giáo sư chủ nhiệm đến nội trú đều mặc một kiểu trang phục dễ nhận ra, có mũ bác sĩ, túi đựng ống nghe và búa gõ phản xạ. Y tá mặc trang phục trắng có khăn bịt đầu, hộ lý mặc màu xanh lục. Trong khoa tuân theo một trật tự nghiêm ngặt : Khi bác sĩ hoặc nội trú đi khám bệnh, cô y tá người Pháp Marcel tháp tùng ghi lại mọi mệnh lệnh điều trị và tưới cồn vào bàn tay người khám bệnh, không phân biệt đó là giáo sư hay nội trú . Trong giao ban hàng ngày, thường do trưởng khoa lâm sàng chủ trì, nội trú trình bày diễn biến ở bệnh phòng, bà y tá trưởng Landauer người Pháp gốc Đức báo cáo các vấn đề kỹ thuật (ví dụ cấp cứu viêm phổi bằng lều dưỡng khí, truyền máu thừa ở rau sản phụ cho trẻ thiếu máu do sốt rét, v.v..).Bà Minh, y tá phụ trách dược trình sổ thuốc xin chữ ký và cô Marcel báo cáo về các vấn đề dinh dưỡng (như cho bệnh nhi dùng sữa chua, tiêm nước dừa cho trẻ suy dinh dưỡng, v.v..).
Khi bắt đầu kháng chiến tại Hà Nội, thầy Nguyễn Hữu Thuyết là quân y trưởng Trung đoàn Thủ Đô, có trạm cứu thương đặt tại phố Hàng Bè. Sau khi rút khỏi Hà Nội, thầy lại làm quân y trưởng Trung Đoàn 72 Bắc Cạn, mãi tới năm 1952 mới trở lại ngành Nhi rồi được sang Trung Quốc, ở đó, thầy học thêm Trung Y và trở thành một chuyên gia Nhi khoa về Đông Y cho tới cuối đời.

Năm 1940, phát xít Nhật tấn công Lạng Sơn, hạ đồn Đồng Đăng. Thực dân Pháp quì gối dâng Đông Dương cho Nhật và từ năm 1943, Đông Dương đã bị lôi kéo vào cuộc chiến (trong khi nhà cầm quyền thực dân vẫn đứng ngoài cuộc và cổ động cho thống chế Pétain !). Hà Nội bị không quân Đồng Minh ném bom nhiều lần, tất nhiên mức độ ác liệt không thể so sánh với những năm chống Mỹ của nhân dân ta nhưng sinh viên trường Y đã bắt đầu được làm quen với công tác cấp cứu chiến thương, phân loại nạn nhân để sắp tới sẽ thích ứng rất nhanh trong cuộc kháng chiến trường kỳ

Thời kỳ từ những năm 1940 còn chứng kiến các hoạt động cách mạng trong sinh viên Y. Hiện nay, rất tiếc là những nhân chứng lịch sử không để lại nhiều hồi ức cho hậu thế nhưng những gì ta được biết cũng có thể cho thấy hoạt động yêu nước sôi nổi thời đó. Điển hình nhất là hai nhóm :

Nhóm Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng với hàng loạt bài "Thanh niên ca" khơi dạy lòng yêu nước và tự hào dân tộc khi ca ngợi những chiến công ngàn năm xưa của tổ tiên. Những bài hát này có tính chất kích động rất mạnh. Lớp học sinh mới lớn tiếp thu được lịch sử oanh liệt của dân tộc qua dạng rất hấp dẫn là các bài tráng ca. Những chiến thắng Chi Lăng, Bạch đằng, Đống Đa trở nên sống động hơn bao giờ hết. Có thể nói những bài ca yêu nước của thời kỳ này đã làm sống dạy lòng tự hào dân tộc, nung nấu ý chí trả thù cho nỗi nhục mất nước hơn 80 năm và thôi thúc thanh niên sinh viên học sinh lên đường cứu nước.

Nhóm thứ hai đông hơn, với những hoạt động xã hội như cứu đói, khám bệnh cho đồng bào, quyên góp thuốc men gửi lên chiến khu, gồm nhiều bác sĩ, dược sĩ đã ra trường như Vũ Văn Cẩn (sau này là Cục trưởng Cục Quân Y, rồi Bộ trưởng Bộ Y Tế), Lê Văn Chánh, Nguyễn Sĩ Dư, Nguyễn Dương Hồng, Vũ Công Thuyết, các sinh viên Nguyễn Xuân Bích, Chu Văn Tích, Nguyễn Minh Tâm, v.v... Tuy nhiên cả hai nhóm này hoạt động không phải với tư cách là một tổ chức của Đại Học Y Dược. Lịch sử 100 năm của trường không thể nói nhiều về họ.

Trước khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, hàng loạt sinh viên Y đã vào quân đội, nổi bật nhất là các anh Đặng Văn Việt, từ một sinh viên Y trở thành trung đoàn trưởng trung đoàn 174 nổi tiếng đã dám cả gan với lực lượng bản thân hạ đồn Đông Khê ngày 25.5.1950, trước chiến dịch Biên Giới, làm chính Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp phải ngạc nhiên (Võ Nguyên Giáp : Đường tới Điện Biên Phủ - NXB Quân Đội Nhân Dân, 1999.- tr 21), anh Nguyễn Kèng trở thành thiếu tướng QĐND Nguyễn Thế Lâm, và một vinh dự rất lớn nữa cho trường Y là anh sinh viên Cayxỏn Phomvihản sau này trở thành Tổng bí thư đảng Nhân Dân Cách Mạng và Chủ tịch nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào.

Tuy ngày 9.3.1945, Nhật đã lật đổ chính quyền thực dân Đông Dương nhưng mọi việc trong trường Y vẫn tiến hành bình thường. Giáo sư Vũ Công Hoè nhớ lại là Nhật chỉ đuổi giới cầm quyền và quân đội Pháp nhưng không đụng tới các trí thức dân sự. Vì vậy, năm 1945 vẫn tổ chức thi tốt nghiệp và bảo vệ luận án.

Có 6 luận án được bảo vệ năm 1945 gồm:
1. Nguyễn Sĩ Dinh: étude clinique du typhus murin à forme épidémique (Nghiên cứu lâm sàng về sốt Rickettsia mooseri thành dịch)
2. Hồ Văn Huê: Contribution à l' étude du liquide céphalo-rachidien des phylitiques tertiaires cutanés Annamites (Góp phần nghiên cứu dịch não tủy các bệnh nhân giang mai da thời kỳ thứ ba người Việt Nam)
3. Nguyễn Văn Liêu: étude clinique des accidents cutanés provoqués par le latex des arbres à laque du Tonkin (Nghiên cứu lâm sàng các tai biến ngoài da do nhựa cây sơn ở Bắc Kỳ).
4. Huỳnh Bá Nhung: La transfusion sanguine dans les anémies infantiles observées au Tonkin (Truyền máu trong thiếu máu trẻ em ở Bắc Kỳ)
5. Lê Văn Phụng: étude de l' ostéomyélite de l' adolescent et des voies d'accès à la diaphyse humérale (Nghiên cứu về viêm xương tủy ở thiếu niên và đường vào thân xương cánh tay)
6. Nguyễn Tử Vinh: Contribution à l' étude des maladies chirurgicales du colon droit (Góp phần nghiên cứu các bệnh ngoại khoa của đại tràng phải)

Sau Cách mạng tháng Tám, Viện Đại học Hà Nội trở về với nhân dân, trường Y Dược Hà Nội trở thành trường Đại học Y Dược Việt Nam do giáo sư Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng. Các giáo sư người Pháp đều ra đi nhưng lúc đó, lớp cán bộ giảng dạy người Việt đã sẵn sàng thay thế trong mọi bộ môn. Kỳ thi tốt nghiệp năm học 1945 - 1946 vẫn mở và Bộ Quốc gia Giáo dục đã cấp bằng tốt nghiệp cho nhiều người, tuy nhiên, không có luận án nào được trình bày.

Năm học 1946 - 1947 bị trở ngại vì chiến tranh nhưng vẫn có kỳ thi tốt nghiệp ở ngoài kháng chiến năm 1947.

Khoảng tháng Tư năm 1947, trường Y Dược Đông Dương được tái giảng trong Hà Nội tạm bị chiếm. Tính chất trường vẫn như xưa, nghĩa là do các giáo sư người Pháp chủ trì và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Khi đó, giáo sư Huard là hiệu trưởng kiêm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn (tên cũ bệnh viện Bảo hộ đã bị xoá bỏ, sau này, chính quyền bù nhìn đổi tên thành bệnh viện Yersin).

Dần dà, khung giáo sư được bổ sung thêm 4 giáo sư thạc sĩ người Việt : Phạm Biểu Tâm (Ngoại khoa, 1949), Đặng Văn Chung (Nội khoa, 1952), Vũ Công Hoè (Giải phẫu bệnh, 1952) và Nguyễn Hữu (Giải phẫu, 1952) . Cũng năm 1947, một phân hiệu của trường được mở ở Sài Gòn do giáo sư Massias làm hiệu trưởng. Năm 1949, về danh nghĩa, trường được chuyển giao cho chính quyền bù nhìn nhưng vẫn do giáo sư Huard làm hiệu trưởng. Lần này có thêm giáo sư Phạm Biểu Tâm được làm phó hiệu trưởng kiêm phó giám đốc bệnh viện Yersin.

Từ 1947 đến 1954, trường Hà Nội đã tổ chức bảo vệ được 106 luận án (năm cao nhất là 1952, có 53 luận án) nhưng sau đó, phần lớn bác sĩ đã bị bắt vào quân đội. Cùng thời gian này, trường Sài Gòn cũng đã tổ chức bảo vệ được 57 luận án trước khi kết thúc tồn tại của trường Đông Dương cũ.

PHỤ LỤC

Luận án của các giáo sư trường đại học Y Hà Nội bảo vệ trong thời Đông Dương (theo trình tự thời gian)

1. Nguyễn Xuân Nguyên, 1935: Contribution à l' étude de la mélioidose en Indochine (Góp phần nghiên cứu bệnh do Pseudomonas pseudomallei ở Đông Dương).
2. Đặng Văn Ngữ, 1936: Contribution à l' étude clinique et étiologique des abcès du foie au Tonkin (Góp phần nghiên cứu về lâm sàng và bệnh căn các áp xe gan ở Bắc Kỳ).
3. Vũ Công Hoè, 1937: Du suicide dans la société annamite (Vấn đề tự sát trong xã hội Việt Nam).
4. Nguyễn Ngọc Doãn, 1940: Ascaridiose infantile au Tonkin (Bệnh giun đũa trẻ em ở Bắc Kỳ).
5. Phạm Khắc Quảng, 1940: Amibiase et cancer (Bệnh amíp và ung thư)
6. Đinh Văn Thắng, 1940: Les épreuves fonctionnelles du rein et la valeur de la glycémie chez l'Annamite du Tonkin (Các xét nghiệm chức năng thận và trị số đường huyết ở người Việt Nam Bắc Kỳ)
7. Tôn Thất Tùng, 1940: La vascularisation veineuse du foie et ses applications aux résections et lobectomies hépatiques (Sự phân bố tĩnh mạch trong gan và các ứng dụng trong cắt gan và cắt thùy gan).
8. Nguyễn Tấn Gi Trọng, 1941: De l' intérêt de la ponction sternale dans l' étude du paludisme (Về ích lợi của chọc dò xương ức trong nghiên cứu sốt rét).
9. Đặng Văn Chung, 1944: Les dilatations congénitales de l' artère pulmonaire (Giãn bẩm sinh động mạch phổi).
10. Nguyễn Trinh Cơ, 1944: Considérations sur le traitement des pleurésies purulentes aiguởs non tuberculeuses (Nhận xét về việc điều trị các tràn mủ màng phổi không do lao).
11. Đỗ Xuân Hợp, 1944: Recherches sur le système osseux des Annamites (Nghiên cứu về hệ thống xương người Việt Nam).
12. Trịnh Ngọc Phan, 1944: Contribution à l' étude du traitement chirurgical du goợtre au Tonkin (Góp phần nghiên cứu về điều trị ngoại khoa bướu giáp ở Bắc Kỳ)

Hồ Chủ Tịch đã đến dự lễ khai giảng Trường đại học và phát bằng tốt nghiệp BS y khoa, nha khoa, nữ hộ sinh (15-11-1945)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS. Trần Hữu Tước với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô (2-1947)

Các trí thức trong kháng chiến tại Thanh Thuý (Phúc Thọ) năm 1948.
Từ phải sang trái, các đơn vị: Đinh Văn Thắng, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Xuân Hợp, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Trinh Cơ

Hội nghị tổng kết thi đua năm 1952 Trường Đại học Y khoa trong kháng chiến
Từ trái, hàng cuối:
Thứ nhất: GS. Hồ Đắc Di.
Thứ ba: BS Tôn Thất Tùng.


Chương II
THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)
 

PHẦN I. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC NĂM 1945 - 1946

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH 1945

Năm 1945, trước sự phản công của phe Đồng minh, phe phát xít chỉ còn sót lại Nhật, nhưng cũng đang thua to trên khắp mặt trận châu á - Thái Bình Dương. Do vậy, ở Đông Dương Nhật làm đảo chính chớp nhoáng: chỉ một đêm 9-3-1945 đã lật đổ Pháp để rảnh tay đối phó với Đồng Minh. Nhật tuyên bố cho Việt nam được “độc lập” và lập ra chính phủ Trần Trọng Kim, toàn người Việt, có cả một số trí thức danh tiếng về thực học cũng như về tư cách tham gia. Vua Bảo Đại tuyên bố “dân vi quý”...

Điều đó khiến một số người trong tầng lớp trí thức và thanh niên không khỏi có ảo tưởng, lạc hướng. Những người cầu an và bàng quan nhất với thời cuộc cũng nói tới hai chữ “độc lập”. Nhưng ai chịu suy nghĩ sẽ nhận ra ngay bản chất “bù nhìn” của cái chính phủ do Nhật dựng lên vì nó thiếu hai Bộ quan trọng là Ngoại Giao, Quốc Phòng; và vì thái độ của nó đối với mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc thành lập và đứng đầu, đangđược quốc dân ngóng đợi.

Sau đảo chính 9-3, theo giáo sư Vũ Công Hoè nói lại, Nhật chỉ giam giữ các nhân vật thuộcgiới cai trị và quân sự Pháp, do vậy các thầy người Pháp vẫn làm việc ở trườngY Dược. Điều này cắt nghĩa vì sao có 6 luận án được bảo vệ năm 1945 (Lê Văn Phụng, Hồ Văn Huê, Huỳnh Bá Nhung, Nguyễn Sỹ Dinh, Nguyễn văn Liêu, Nguyễn Tử Vinh). Đây là những bác sỹ y khoa cuối cùng của trường Y Dược thuộc Pháp (ba vị đầu tiên sau này trở thành cốt cán của quân y ta). Tuy nhiên, lúc này vị thế các thầy người Việt trong trường đã khác hẳn trước: 1) số lượng họ rất đông đảo, khác hẳn tình hình ở các trường đại học khác; 2) họ bắt đầu đảm nhiệm nhiều công việc (do các thầy người Pháp bi quan, không còn hứng thú để làm, hoặc đang bị Nhật quản chế). Điều này giúp hậu thế cắt nghĩa được vì sao trường Y Dược vẫn hoạt động có quy củ nhất sau cách mạng tháng 8 và cả trong kháng chiến chống Pháp.

Cuối 1944 và đầu 1945 xảy ra hạn hán diện rộng và vỡ đê trên khắp triền sông Hồng và sông Thái Bình đã gây mất mùa nặng nề. Do vậy đúng vào lúc “giáp hạt”, nông dân chết đói tới 2 triệu người trên tổng số hơn 10 triệu dân Bắc kỳ. Ở Hà Nội, nông dân tràn ra xin ăn, rách rưới, ghẻ lở, bị chết đói và chết bệnh (dịch sốt “định kỳ”) ngay ở hè phố đến mức chôn không xuể. Sau mỗi đêm xác chết bày ra khắp nơi, cảnh tượng hết sức thê thảm.

Mặt trận Việt Minh - do đảng Cộng Sản thành lập (1941), gồm các đoàn thể và các cá nhân yêu nước, đến lúc này đang phát huy ảnh hưởng rất lớn trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật - đã hiệu triệu quốc dân và thanh niên tham gia các đoàn thể yêu nước và các phong trào cách mạng. Trong số hưởng ứng có các sinh viên trường Y-Dược và nhiều trường khác. Họ hoạt động bí mật (thời ấy gọi là hoạt động “trong bóng tối”) và chấp nhận mọi rủi ro nếu bị mật thám của chế độ thực dân phát hiện ra. Năm 1945, nhất là sau đảo chính, họ đã có thể hoạt động bán công khai.

Số này không đông lắm so với tổng số sinh viên và bác sĩ, dược sĩ. Ví dụ, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Đặng Ngọc Tốt, Lê Khắc Thiền, Vũ Văn Cẩn, Lê Văn Chánh, Nguyễn Xuân Bích, Nguyễn Dương Hồng, Vũ Công Thuyết, Chu Văn Tích, Nguyễn Sĩ Dư, Nguyễn Minh Tâm và nhiều vị khác. Tuy nhiên, họ tham gia không phải với tư cách người của nhà trường mà là tư cách cá nhân được giác ngộ sớm.

Trường Y Dược - với tư cách là cả một đơn vị tập thể đứng hẳn trong hàng ngũ cách mạng - chỉ bắt đầu từ khi giáo sư Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng.

Trước đó mấy năm, từ 1943, một số đường giao thông và các vị trí quân sự của Nhật ở Hà Nội và ở vài tỉnh đã bắt đầu bị máy bay phe Đồng Minh oanh kích. Sự thực là bom đạn của Đồng minh chủ yếu giết hại thường dân Việt Nam (ở khu Đấu Xảo và ga Hàng Cỏ) và lần đầu tiên các sinh viên y khoa và thầy thuốc người Pháp cũng như Việt tận mắt thấy ở Bệnh viện Phủ Doãn thế nào là vết thương chiến tranh do bom mà họ phải giải quyết. Còn vết thương do đạn bắn thẳng lác đác xuất hiện khi Nhật vào Đông Dương (có vài trận xung đột với Pháp và gây ra tai nạn cho người Việt), và nhiều nhất là khi Nhật làm đảo chính: nhà thương Đồn Thuỷ bị Nhật chiếm, nên thương binh Pháp phải chữa ở bệnh viện Phủ Doãn). Đây là bài học ban đầu, tuy rất đắt giá, để sau này họ bớt lúng túng khi cứu chữa nạn nhân và thương binh trong cuộc chiến tranh với thực dân Pháp. Bác sĩ trẻ tuổi Tôn Thất Tùng ngay hồi đó đã có một vị trí quan trọng về mặt tổ chức cũng như về mặt kỹ thuật giải quyết các loại vết thương đa dạng này.

Theo hồi ký 1992 của bác sĩ Trương Công Trung khi đó là sinh viên Y4 thì bác sĩ Tùng rất có tài tổ chức cứu chữa. Khi đứng đầu kíp trực, ông phân loại các vết thương nhanh chóng và chính xác, cử từng người giải quyết từng vết thương phù hợp với năng lực của họ, kèm sự hướng dẫn cần thiết. Cuối cùng, ông dành rất nhiều thời gian tự mổ những trường hợp khó nhất. Vai trò của ông càng lớn khi Nhật làm đảo chính, số thương binh và nạn nhân tăng lên nhiều.

Sự thực lúc đó, việc cứu chữa các vết thương chiến tranh, đối với các bác sĩ là một điều hoàn toàn mới lạ, chưa có kinh nghiệm. Dịp cứu chữa nạn nhân ở khu Đấu Xảo giúp cho các bác sĩ ngoại khoa biết cách cử các bác sĩ giỏi ra chọn lọc và phân loại vết thương, tổ chức nơi tiếp nhận bệnh nhân để sơ cứu ban đầu, cách chống choáng và tổ chức sinh viên cáng thương về cơ sở điều trị và triển khai các bàn mổ, phân loại những trường hợp mổ theo thứ tự trước sau. Cuối cùng là việc theo dõi săn sóc những trường hợp nặng sau mổ. Dịp này, ngoài những kinh nghiệm thu được về tổ chức khi có chiến thương hàng loạt, một bài học sâu sắc về chuyên môn thu hoạch được là: tuyệt đối không khâu kín thì đầu những vết thương chiến tranh, không khâu kín những mỏm cắt cụt, rạch rộng các vết thương nhiễm trùng. Lần đảo chính ngày 09 tháng 3 năm 1945, Nhật chiếm nhà thương Đồn Thuỷ, Pháp phải đưa tất cả thương binh của họ về bệnh viện Phủ Doãn để điều trị. Đây là lần thứ ba, các thầy thuốc ngoại khoa Việt Nam làm việc tại đây được nhìn thấy những vết thương do đạn thẳng, do đại bác và những vết thương đã nhiễm trùng. Kinh nghiệm thu hoạch được lần này là cách xử trí các vết thương chiến tranh đã nhiễm trùng. Cuối cùng, là những kinh nghiệm của bác sĩ Hoàng Đình Cầu và Nguyễn Thúc Tùng trong cuộc Nam Tiến phục vụ điều trị cấp cứu các vết thương chiến tranh đã được phổ biến và viết thành tài liệu.

Đây cũng là hành trang đầu tiên để thầy trò trường Y Dược lên đường phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngày 15 tháng 8 Nhật tuyên bố đầu hàng phe Đồng Minh vô điều kiện. Chỉ 4 ngày sau (19 tháng 8) khởi nghĩa cướp chính quyền đã nổ ra tại Hà Nội, nói lên sự chuẩn bị kỹ càng từ trước và khả năng chớp thời cơ “ngàn năm có một” (theo đúng nghĩa đen). Và chỉ một tuần sau, làn sóng khởi nghĩa đã lan đến tận Nam Bộ. Chính phủ Lâm thời Việt Nam đã được khẩn trương thành lập và chỉ hai tuần sau (ngày 2 tháng 9) kịp ra bản Tuyên ngôn Độc lập trong cuộc mít tinh khổng lồ tại vườn hoa Ba Đình, công bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, trước khi quân Đồng Minh kịp vào Đông Dương làm nhiệm vụ công khai là tước khí giới quân Nhật, còn nhiệm vụ không công khai là phục hồi sự cai trị của thực dân Pháp.

Tại Bắc Bộ, cuối tháng 8-1945, 20 vạn quân Tàu (của Tưởng Giới Thạch) vào tước vũ khí quân đội Nhật, mang theo tàn dư thoái hoá của Việt Nam Quốc Dân Đảng, với âm mưu cướp lại hoặc chia sẻ quyền lãnh đạo với Việt Minh. Chỉ cung cấp cái ăn cho đội quân ô hợp này đã là điều nan giải của chính quyền cách mạng. ở Nam Bộ, chỉ vài ngày sau khi ta cướp chính quyền ở Sài Gòn, thực dân Pháp núp sau liên quân Anh- ấn (vào tước khí giới quân Nhật) đã khởi đầu cuộc xâm lược với âm mưu chớp nhoáng chiếm lại các tỉnh từ vĩ tuyến 16 trở vào. Ngày 23.9.1945 với những vũ khí thô sơ cùng với lòng yêu nước vô bờ, người dân Nam Bộ đã đứng dậy kháng chiến, bảo vệ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của một đất nước độc lập. Tại các thành phố và đô thị quan trọng vẫn còn sáu vạn quân Nhật với nguyên vẹn vũ khí; tuy đã đầu hàng, nhưng sẵn sàng theo lệnh quân Đồng minh chống lại cách mạng nước ta. Một số tàn quân Pháp ẩn náu ở Lào và Vân Nam trước đây bắt đầu trở lại đánh chiếm Lai Châu, nhẩy dù xuống Đông Triều, Thừa Thiên, Quảng Nam... Bọn tàn dư Quốc Dân Đảng nhân cơ hội đã cướp chính quyền ở một số địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên, Lạng Sơn, Hải Ninh... để làm áp lực cho việc tranh dành quyền lực với chính phủ lâm thời.

Trong tình hình khó khăn và phức tạp đó, giáo sư Hồ Đắc Di được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, và ông đã cùng với các trí thức thân cận và yêu nước hướng toàn trường đại học Y Dược vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của đất nước.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI. NĂM 1945 VÀ 1946.

Chỉ 2 tháng chuẩn bị, trường đại học Y Dược khoa của nước Việt Nam non trẻ đã khai giảng. Quả là việc phi thường. Để làm việc này phải chuẩn bị cơ sở vật chất, lập bộ khung giảng dạy, giải quyết chế độ đãi ngộ thầy cũng như chiêu sinh. Bộ Giáo Dục sẽ ra các Nghị Định phù hợp, nhưng chính là dựa vào các đề nghị cụ thể của hiệu trưởng (lúc đó gọi là giám đốc).

Tháng 10-1945, có thông báo tuyển sinh. Số người ghi tên vào năm thứ nhất Y (gọi tắt là Y1) đông chưa từng có: 73 người.

Cho đến tháng 8-1945 mới có 6 luận án được bảo vệ; trong khi năm 1944 là 16 luận án. Còn rất nhiều sinh viên đến niên hạn, đang chuẩn bị luận án thì cách mạng bùng nổ. Thay cho việc trình luận án của từng người, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã ra nghị định ngày 16/10/1945, căn cứ theo đề nghị của Hội đồng các “quyền giáo sư”, cấp văn bằng bác sĩ y khoa cho mọi sinh viên đã qua 24 lần ghi danh (tức học kỳ 3 tháng) và đã trúng tuyển ba kỳ sát hạch Nội, Ngoại, Sản. Một số đã được Chủ tịch chính phủ trực tiếp trao bằng trong lễ khai giảng năm đó.

Ngoài ra, có cả nghị định về tên gọi tiếng Việt của các bằng cấp do trường đại học Y Dược cấp phát.

Bộ máy quản lý và khung giảng dạy cũng được thành lập và củng cố.
- Trước hết phải có các vị phụ trách các bộ môn. Ngày 3.11.1945, Bộ Quốc Gia Giáo Dục ra nghị định chính thức cử các vị “quyền giáo sư” dạy các bộ môn, gồm 35 người, cho các ban Y, Dược, Nha của trường.

Tháng 9, giáo sư Hồ Đắc Di bằng uy tín lớn của mình đã tập hợp được một bộ khung giảng dạy khá hoàn chỉnh. Nhìn vào danh sách, người ta thấy có tên hầu hết các thầy từng làm việc ở trường trước đó (Tôn Thất Tùng, Trương Cam Cống, Vũ Công Hoè, Đặng Văn Chung, Phạm Khắc Quảng, Đinh Văn Thắng, Tôn Thất Hoạt, Trần Văn Bảng...), sau đó là những bác sĩ và dược sĩ có tiếng nhất của miền Bắc cũng được mời (như các vị: Tiến sĩ dược khoa Trương Công Quyền và Lê Quang Phú, các BS. Đặng Vũ Hỷ, Hoàng Tích Trí, DS. Huỳnh Quang Đại...), cả thảy 34 vị chia nhau phụ trách trên 70 môn học của 3 “ban”: Y, Dược, Nha; ngoài ra còn thầy Dương Bá Bành phụ dạy lớp nữ hộ sinh.

Danh sách kịp công bố trước ngày khai giảng, và đến 16.11.1945 còn được đăng ở Công báo. Chức danh “quyền giáo sư” ghi trong Nghị Định được chú thích bên cạnh bằng tiếng Pháp, là “chargés de cours”. Nói chung, các văn bản hồi đó đã cố gắng dùng tiếng Việt, nhưng vẫn chú thích rất nhiều bằng tiếng Pháp, nhất là các từ chuyên môn.

Hồi ấy, trong đào tạo có 4 bậc chức danh: thấp nhất là phụ trợ giáo, rồi đến phụ giáo (gọi gộp là “Ban phụ giáo”), trên nữa là “chargés de cours”và cao nhất là giáo sư. Các vị có chức danh “chargés de cours” được phép dạy lý thuyết trên giảng đường, có thể được cử phụ trách một bộ môn (nếu khuyết giáo sư) - do vậy khi dịch sang tiếng Việt có thể dùng “giảng viên” hay “phó giáo sư”. Còn văn bản của Bộ Giáo dục dùng “quyền giáo sư”. Có thể nghĩ rằng nhiều thầy lần đầu tham gia giảng dạy, thậm chí mới ra trường vài năm, đã có ngay chức danh “quyền giáo sư” như trên là việc làm mạnh bạo và rộng rãi của hiệu trưởng, được chính quyền mới chấp nhận. Nhưng Nghị Định ghi rõ: đây chỉ là chức danh của năm học 1945-1946 mà thôi.

Danh sách các Quyền giáo sưở trường đại học Y-Dược-Nha Việt nam (năm học 1945-1946)

BAN Y
1. Hồ-Đắc-Di10. Trần-Văn-Bảng
2. Tôn-Thất-Tùng11. Nguyễn-Đình-Hào
3. Lê-Quang-Phú12. Nguyễn-Đình-Hoàng
4. Trương-Cam-Cống13. Nguyễn-Đình-Cát
5. Hoàng-Tích-Trý14. Tôn-Thất-Hoạt
6. Vũ-Công-Hoè15. Đặng-Vũ-Hỷ
7. Đặng-Văn-Chung16. Phạm-Khắc-Quảng
8. Nguyễn-Hữu-Phiếm17. Đặng-Vũ-Kha
9. Đinh-Văn-Thắng
BAN DƯỢCBAN NHA
18. Trương-Công-Quyền27. Trịnh-Văn-Tuất
19. Nguyễn-Văn-Định28. Phạm-Biểu-Tâm
20. Nguyễn-Văn-Minh29. Nguyễn-Huy-Tiếp
21. Chương-Văn-Vĩnh30. Bùi-Đình-Cận
22. Nghiêm-Xuân-Huỳnh31. Dương-Minh-ấp
23. Nguyễn-Văn-Du32. Phan-Huy-Bích
24. Hoàng-Đình-Tuấn33. Lê-Văn-Trung
25. Nguyễn-Duy-Quang34. Dương-Thị-Hiền
26. Trịnh-Văn-Luận
BAN NỮ HỘ SINH
35. Dương-Bá-Bành
Tổng số thầy (Y, Dược, Nha) : 35
Tổng số môn học (Y, Dược, Nha) : 75 môn

Tiếp đó, cần có các nhân viên chuyên môn giúp việc các “quyền giáo sư”. Ngày 13/12/1945, Bộ Giáo Dục ra tiếp nghị định về việc tổ chức thi tuyển 25 người vào “ban phụ giáo” (tức cán bộ chuyên môn giúp việc các vị quyền giáo sư; cụ thể: họ hướng dẫn các giờ thực tập cho sinh viên), đồng thời quy định luôn mức đãi ngộ cho từng chức vụ. Đó là các chức vụ trưởng, phó khoa lâm sàng và phụ trách thực tập (tức là chức vụ mà các quyền giáo sư trước đây đã từng giữ dưới thời trường này thuộc Pháp). Ngày thi là 27.12.1945. Chưa tìm được danh sách trúng tuyển, nhưng chắc chắn phần lớn họ là các bác sĩ mới ra trường, hay sinh viên sắp ra trường, ví dụ thầy Nguyễn Hữu, Hoàng Đình Cầu, Lê văn Hùng (Y6) mà nhiều sinh viên hồi đó đã được học, sau này có ghi lại trong hồi ký.

Tóm lại, mô hình ban đầu đã rập theo cách tổ chức thời thuộc Pháp.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, chính quyền cách mạng đã ổn định tổ chức các trường Đại học gồm: Đại học Y Dược, Đại học Khoa Học, Đại học Luật khoa, Cao đẳng Mỹ thuật, Đại học Văn khoa và một số trường kỹ thuật khác (đáng chú ý là chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Khoa Học được giao cho bà Hoàng Thị Nga, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ toán học).

Chế độ lương bổng và phụ cấp giảng dạy ở trường Đại học Y Dược được quy định trong Nghị định ngày 28.11.1945 như sau: Thực hành khoa trưởng lương đồng niên 3.000đ, trưởng khoa lâm sàng 2.400đ, phó khoa 1.200đ (là sinh viên thì chỉ được 840đ), trợ lý giải phẫu 2.400đ (là sinh viên thì được 1.200đ), v.v... Nếu từng là cựu nội trú, được hưởng thêm 600đ mỗi năm. Với các quyền giáo sư, ngoài nhiệm vụ chính đã hưởng lương và phải dạy một số giờ theo quy định (khoảng 80 giờ), thì theo Nghị định ngày 20.3.1946 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cứ mỗi môn dạy thêm được phụ cấp là 1.200đ hoặc 800đ, tuỳ theo đó là môn phải dạy cả năm hay chỉ nửa năm; nếu dạy lẻ, mỗi giờ lý thuyết được 10đ, giờ thực hành được 5đ.

Hồi đó, lương một công chức bậc trung là 180 đồng/tháng, đủ nuôi cả gia đình (hai mươi xu một bát phở). Thầy Hồ Đắc Di, nếu tính toán theo quy định hồi đó, ngoài lương chính khoảng 800 đồng/tháng, còn có phụ cấp chức vụ hiệu trưởng và dạy thêm hai môn khác, tính ra khoảng 1200đ/tháng
Tham khảo: bà Hoàng Thị Nga được chính quyền Pháp cử làm giáo sư trường Cao đẳng Khoa học từ 15.5.1945; và đến 15-8-1945 thì đề bạt hiệu trưởng. Dường như bà chưa được lĩnh lương trong những ngày ấy. Ngày 7-11-1945 chính quyền cách mạng đã ra Nghị Định (tóm tắt nội dung): 1) vẫn trả lương cho bà Nga từ khi có chức vụ giáo sư là 642,26 đồng/tháng; 2) từ khi giữ chức hiệu trưởng thì hưởng 1.033,54 đồng/tháng (thời kỳ trước cách mạng). Cố nhiên, nay, dưới chính thể mới, bà vẫn tiếp tục hưởng lương đó (quy đổi từ tièn thời Pháp sang). Như vâỵ chính quyền mới tranh thủ và đãi ngộ trí thức không thua thời Pháp thuộc.

15.11 lễ khai giảng đã được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Hồ chủ tịch và nhiều vị bộ trưởng. Theo báo chí hồi đó mô tả lại thì sau phần giới thiệu quan khách, gồm Hồ Chủ Tịch, ông Vũ Đình Hoè Bộ trưởng Giáo Dục; ông Trần Huy Liệu (bộ Tuyên Truyền), các ông bộ trưởng (hoặc đại diện) bộ Tài Chính, Lao Động, Giao Thông và ông Nguyễn Văn Huyên lúc đó là Giám đốc Đại học vụ (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thay ông Hoè), bài Tiến Quân Ca và bài Tiếng Gọi Sinh Viên đã vang lên. Giáo sư Hiệu trưởng đọc diễn văn (nay chưa tìm được), các quan khách phát biểu. Hồ Chủ Tịch đích thân trao bằng, dặn dò và kêu gọi các bác sĩ tân khoa “ hãy vì tổ quốc, vì đồng bào mà làm việc quên mình”.

Danh sách những người được phát bằng hôm đó được đăng rộng rãi trên báo chí nói lên giá trị tấm bằng. Bác sĩ Y khoa (9 vị): Nguyễn Đình ái, Dương Bá Bành, Đặng Đình Huấn, Phạm Gia Triệu, Trương Sỹ Hoàn, Nguyễn Duy Ngọ, Nguyễn Hữu Giới, Nguyễn Ngọc Huy, Ngô Như Hiền. (một số khác tiếp tục được công nhận sau). Nha Sỹ (4 vị): Nghiêm Mỹ, Nguyễn Dương Hồng, Ưng Văn Thiệu, Nguyễn Thân. Dược sĩ (5 vị): Nguyễn Đình Ân, Nguyễn Trọng Bính, Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Bá Khang, Đặng Vũ Xích. Nữ hộ Sinh: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hoàng Hinh Nương, Phùng Thị Quảng, Trương Thị Tâm, Đỗ Thị Tâm, Đỗ Thị Minh.

Sự có mặt của Chủ tịch nước trong lễ khai giảng và phát bằng nói lên vị thế của trường, đồng thời cho thấy nhãn quan sáng suốt của lãnh tụ đã nhìn rõ vai trò sau này của trường trong công cuộc bảo vệ nền độc lập. Về sau, trong buổi lễ thành lập “quân y đại học”, Hồ Chủ Tịch cũng tới dự.

Sinh viên y khoa vào trường năm 1945 đến nay nhiều vị còn thọ. Các vị (Nguyễn Văn Nhân, Trần Quang Vỹ, Vũ Triệu An...) còn nhớ khá rõ tình hình học tập hồi đó. Các môn đều theo đúng chương trình của Pháp. Các thầy rất khó khăn trong dùng tiếng Việt, nên đa số vẫn dùng tiếng Pháp, hoặc chỉ “đá vào” chút ít tiếng Việt mà thôi. Theo bản ghi nhớ lại của phó giáo sư Trần Quang Vỹ thì giảng lâm sàng và trình bày bệnh án cũng bằng tiếng Pháp, chỉ khi hỏi bệnh nhân mới dùng tiếng Việt. Bài ghi tại lớp của sinh viên Trần Quang Vỹ còn giữ lại được đến nay thì 100% là tiếng Pháp. Ngay năm đầu (Y1), sinh viên đã phải đi thực tập tất cả các buổi sáng, từ 7.00’ đến 11.30’ (ở bệnh viện Bạch Mai hoặc Phủ Doãn); còn buổi chiều học lý thuyết từ 13 giờ đến 17 hay 18 giờ. Khá căng thẳng.

Số thời gian đầu tư cho phần Cốt Học (ostéologie) là rất lớn, nhiều người phải bỏ học vì không qua nổi kỳ thi này (và thi môn Giải Phẫu nói chung). BS Trần Quang Vỹ nhớ lại: từ 13.00-14.00 học lý thuyết Giải Phẫu, từ 14.00’-16.00’ phẫu tích trên xác; từ 16.00’-17.00’ học các môn cơ sở khác (Sinh lý 2 tiết/tuần; Mô Học; Tế Bào Học; Phôi-Thai Học; Y Lý, Y Hoá... mỗi môn 1 tiết/tuần). Chỉ cần chểnh mảng học hành một chút là nguy cơ “bỏ học” do không qua được kỳ thi đã bày ra nhãn tiền. Tuy nhiên, năm học 1945-1946 số người được lên năm thứ hai chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay: khoảng trên 50% (sau khi đã trừ đi số người bỏ học vì các nguyên nhân khác), chứ không phải dưới 30% như các năm trước. Sau Giải phẫu, Sinh lý học cũng là môn “sát thủ” đối với sinh viên Y1.

Năm học 1945-46 đội ngũ thầy ở trường còn phải kiêm nhiệm rất nhiều công tác chính quyền, đoàn thể và xã hội. Con mắt toàn xã hội nhìn bác sĩ, nhất là bác sĩ dạy đại học, như những bậc trí thức lớn, có vị trí cao và rất đáng kính trọng. Khi thấy họ hăng hái tham gia các công tác thì dân rất yên tâm và càng tin tưởng, gắn bó với chế độ mới. Thầy Di được bầu vào quốc hội, kiêm nhiệm thanh tra y tế, giám đốc đại học vụ, giám đốc bệnh viện Đồn Thuỷ...; thầy Hợp giữ chức trưởng Ban Cứu Đói và cả... chủ tịch phố Chợ Hôm; sau đó thầy tòng quân (nhưng vẫn giảng dạy ở trường). Thầy Thắng, thầy Tùng làm giám đốc bệnh viện Bạch Mai và Phủ Doãn đã phục hồi nề nếp và tổ chức tốt sự hoạt động; qua đó đã góp phần rất quyết định vào chất lượng đào tạo (với tư cách bệnh viện thực hành của trường). Nhiều thầy tham gia sáng lập hội Hồng Thập Tự, sau này thầy Tùng làm chủ tịch. Một số thầy ngoại khoa đi chi viện chiến trường miền nam (Dương Bá Bành và Hoàng Đình Cầu). Cũng sang năm 1946, trường tiếp tục công nhận 16 sinh viên Y6 đã học đủ chương trình (chưa xong luận án) và một số trong các vị tân khoa này được bổ sung vào khung giảng dạy của trường. Thực ra, có những người đã tham gia giảng dạy ngay khi chưa tốt nghiệp, thậm chí từ dưới thời thuộc Pháp (các thầy Nguyễn Hữu, Phạm BiểuTâm, Hoàng Đình Cầu, Dương Bá Bành...). Khi chiến tranh xảy ra, người ta càng nhận rõ chủ trương công nhận tốt nghiệp mà không cần trình luận án là rất dúng đắn.

Tổng số bác sĩ được nhận bằng, kể cả đã nhận ngày khai giảng năm 1945, là 30 (số được công nhận năm 1946 gồm các vị: Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Thế Khánh, Phạm Ngọc Khuê, Trương Công Trung (?), Lê Khắc Thiền, Trương Hán Bật, Nguyễn Thúc Tùng, Phạm Gia Lăng, Ngô ứng Lân, Phạm Phú Khai, Nguyễn Thúc Mậu, Lê Văn ốc, Lê Quang Quới, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Thiện Thành, Phạm Biểu Tâm. Đây là con số rất đáng kể hồi đó, nếu ta biết rằng tổng số y sĩ và bác sĩ “trong khả năng huy động” chỉ dưới 100, thậm chí 80 người. Trước nguy cơ ngày càng rõ Pháp sẽ kiếm cớ mở rộng chiến tranh ra cả nước, chính phủ cho thống kê tổng số bác sĩ, y sĩ và dược sĩ (cả công và tư) ở 30 tỉnh thành. Việt Nam Dân quốc Công báo ngày 2-3-1946 nêu tên từng người, kèm địa chỉ làm việc và chức vụ của họ.

Tổng hợp lại ta được bảng dưới đây

Bác sĩ công: 42Bác sĩ tư: 47Tổng bác sĩ (công và tư): 89
Y sĩ công: 38Y sĩ tư: 12Tổng y sỹ (công và tư): 50
Y-bác sĩ công: 80Y-bác sĩ tư: 59Tổng y-bác sĩ (công, tư): 139

Dễ dự đoán là sẽ không huy động được tất cả số này, khi có tình hình khẩn cấp do tuổi cao hoặc nặng gánh gia đình và một số rất ít không cùng chính kiến...
Quả nhiên, đến 27-7-1946, Bộ Xã Hội công bố danh sách các bác sĩ sẽ được trưng tập giúp việc Quân Y Cục, nếu lấy từ 26 đến 33 tuổi theo quy định thì chỉ được cả thẩy có 83 người (y sĩ Đông Dương không còn ai ở độ tuổi này). Trong số này có hầu hết các bác sĩ do chế độ mới công nhận và cấp bằng. Ví dụ, các vị: Dương Bá Bành (sinh 1920, lúc này 26 tuổi), Nguyễn Thiện Thành, Đặng Đình Huấn, Nguyễn Thúc Mậu... (sinh 1919), Phạm Gia Triệu, Lê Khắc Thiền, Nguyễn Duy Ngọ... (sinh 1918), Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Đình ái, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Thế Khánh, Lê văn ốc, Trương Hán Bật... (sinh 1917), Nguyễn Thúc Tùng, Phạm Gia Lăng, Phạm Biểu Tâm... (sinh trước 1917). Một số dược sĩ tốt nghiệp 1945 và 1946 cũng tham gia quân đội ngay những ngày đầu (Nguyễn Đình Ân, Nguyễn Trọng Bính...).
Niên khoá 1946-1947, số sinh viên ghi tên vào ban Y (hồi ấy chưa gọi là khoa Y) lên tới 128 người. Lại một con số kỷ lục mới.
Nguyên nhân:
1) trước kia học Y rất tốn kém, nhà nghèo không thể theo được; nay chi phí có đỡ hơn;
2) số học sinh tú tài đã tăng lên nhiều;
3) trường Y Dược có vẻ quy củ hơn cả. Số sinh vien vào các trường khác cũng tăng lên so với “ngày xưa”, nhưng không tăng nhiều như ở trường Y Dược. Thực tình, chưa ai nghĩ tới chuyện sau 4 hay 5 năm nữa sẽ lấy đâu ra người hướng dẫn luận án cho họ và cho cả sinh viên năm trước họ (201 sinh viên, nhưng chỉ có 18 “quyền giáo sư” ở Ban Y học). Tình hình đất nước còn khẩn trương hơn nhiều. Thầy trò nhận thức rất rõ nguy cơ đang đe doạ đối với nền độc lập non trẻ của nước nhà (qua báo chí, qua sự khiêu khích của Pháp tại Hà Nội và nhất là qua các sự kiện liên quan trực tiếp với trường.
Xin nêu vài sự kiện:
1) Pháp đã dùng đường biển đánh ra Phú Yên, Khánh Hoà, Quy Nhơn và các tỉnh lân cận. Do vậy, các thầy trẻ mới tốt nghiệp của trường dẫn đầu các đoàn phẫu thuật chi viện 6 tháng cho Nam Bộ (thầy Cầu, thầy Bành, BS Nguyễn Thúc Tùng) thực tế chỉ vào được đến Trung Bộ là vì vậy. Cho đến đoàn của bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng thì... nghẽn đường ra, vì chiến sự đã lan rộng (BS Tùng ở lại, lãnh đạo quân y khu V đến 1954 mới tập kết ra Bắc);
2) Sự gây hấn của Pháp ở ngay Bắc Bộ: 15.000 quân Pháp ra đóng ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc (thay thế quân Tàu, theo Tạm Ước 14-9-1946), đã lập tức gây sự, bộc lộ dã tâm xâm lược; và một số sinh viên đã được trưng dụng đến những nơi có căng thảng hoặc có chiến sự (Lạng Sơn, Thái Nguyên...) để cứu chữa thương binh do những trận đụng độ tại địa phương; ví dụ Trần Quang Vỹ, Nguyễn Hữu Mô, Nguyễn Khắc Lung (Y1) đi theo đàn anh Lê Văn Hùng (Y6) lên Bắc cạn..
3) Sự kiện tiếp đó: 1.11.1946 (sát ngày toàn quốc kháng chiến) Cục Quân Y vận động sinh viên tòng quân (nhưng vẫn tiếp tục học ở trường này) - lập ra tổ chức gọi là “Quân y đại học”, có khoảng 40 sinh viên tham gia. Buổi lễ ra mắt có Hồ Chủ Tịch và nhiều bộ trưởng đến dự nói lên ý nghĩa của sự kiện đối với cuộc kháng chiến sắp lan ra cả nước.. Trong hoàn cảnh đó, thầy Đỗ Xuân Hợp tòng quân cùng nhiêù học trò mình, gồm nhiều người mới tốt nghiệp.
4) Chính số bác sĩ này là nòng cốt đào tạo cấp tốc nhiều lớp y tá cho nhu cầu chiến tranh. Khi tốt nghiệp, trong lễ trao bẳng y tá được tổ chức ở Đại giảng đường đại học, có đại tướng tổng tư lệnh và đại diện trường Y Dược tới dự, đã nói lên nhu cầu nhân viên y tế từ thấp đến cao cho quân đội gay gắt đến mức nào.
5) Cuối cùng là từ giữa tháng 11.1946 thì tình hình ở ngay Hà Nội cũng bắt đầu căng thẳng, mức độ tăng lên hàng ngày. Cuốn Lịch Sử Quân Y còn cho thấy sau Sắc lệnh của Chủ tịch nước về xây dựng Giải Phóng Quân thành Vệ Quốc Đoàn, nhu cầu nhân viên y tế cho quốc phòng tăng vọt, nhưng số sẵn có cộng với sự đào tạo cấp tốc lúc đó vẫn chỉ đảm bảo được 1/10. Các lãnh tụ với nhãn quan chiến lược đã thấy trường đại học Y Dược (cỗ máy cái của các máy cái khác) phải tồn tại bằng mọi giá trong cuộc kháng chiến sắp tới.

Tháng 10/1946, các kỳ thi kết thúc năm học cho Y1 đến Y5 vẫn mở và các sinh viên đã tòng ngũ hoặc do quân đội điều động đều được về dự thi.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 1.11.1946 đã có lễ thành lập hệ “Quân y đại học” đầu tiên tại Trường Đại Học Y Dược, có 40 sinh viên tự nguyện tham gia, trong đó có Đặng Văn Việt, Nguyễn Sĩ Quốc, Nguyễn Xuân Ty, Võ Tấn, Vũ Trọng Kính, Vũ Triệu An... Sinh viên quân y được cấp phát trang phục, có sinh hoạt phí, sinh hoạt tương tự bộ đội, chịu sự điều động của quân đội, nhưng vẫn dự các giờ giảng tại trường.

“Quân Y đại học” tuy gọi như vậy nhưng không phải là trường đại học quân y nằm trong trường Y Dược. Hệ này tồn tại một số năm, kể cả khi trường đã lên Chiêm hoá (hàng năm, trong số sinh viên mới tuyển, có một số - ngày càng đông - được trưng dụng vào quân y, cho đến khi có sắc lệnh của Chủ tịch nước động viên toàn thể sinh viên y dược vào quân đội. Sinh viên Đặng Văn Việt từ cương vị trưởng ban quân y trung đoàn đã trở thành vị trung đoàn trưởng trung đoàn 174 nổi tiếng trên mặt trận đường số 4, với chính uỷ là ông Chu Huy Mân.

Sinh viên khoá 1946-47 được gọi tựu trường tháng 11.1946 thì ngày 19-12 năm ấy tiếng súng toàn quốc kháng chiến đã nổ ở Hà nội. Với hành trang chuyên môn còn nhẹ tênh, sinh viên khoá này vẫn hăng hái phục vụ và học hỏi ở các trạm cứu thương, các đội phẫu thuật và ở bệnh viện dã chiến của thầy Tùng, thầy Di. Họ “vừa làm vừa học” theo ý nghĩa đầy đủ nhất của cụm từ này. Còn sinh viên Y2 (thực ra mới học Y2 được hơn một tháng) nhờ thực tập bệnh viện tất cả các buổi sáng suốt từ khi vào trường đến giờ đã biết (theo nhớ lại của BS Trần Quang Vỹ và một số bạn cùng lớp ): băng bó và thay băng, tiêm, săn sóc bệnh nhân, khám bệnh, làm bênh án, cho đơn, tiểu phẫu, phụ mổ... Với truyền thống lớp trên dìu dắt lớp dưới nên những sinh viên mới đã được đàn anh chỉ bảo thêm còn biết làm nhiều hơn thế. Đó là hành trang chuyên môn đi kháng chiến của họ.

THAM GIA CUỘC KHÁNG CHIẾN Ở MIỀN NAM

Ngày 23.9.1945 tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ đã nổ khi chính quyền cách mạng mới tồn tại được một tháng. Lực lượng quá chênh lệch và chưa đủ thời gian chuẩn bị, nhiều mặt trận của ta đã bị vỡ. Việc cấp cứu điều trị cho thương binh gặp nhiều khó khăn. Thiếu lương thực, thuốc men..., các bệnh xá của nhiều đơn vị dần thu nhỏ lại. Có nơi phải phân tán thương bệnh binh tới từng nhà dân để nhờ chăm sóc hộ. Số bác sĩ và dược sỹ do trường công nhận 1945 và 1946 là lực lượng rất lớn bổ sung cho quân-dân y Nam bộ, qua năm tháng họ trở thành cốt cán trong ngành ở miền Nam (Nguyễn Thiện Thành, Trương Công Trung, Nguyễn Thúc Tùng, Nguyễn Kim Phát, Phạm Văn Số...).

Tại Bắc Bộ, phong trào Nam Tiến được phát động và được thanh niên hưởng ứng rộng rãi, sôi nổi. Nhiều đoàn Nam Tiến gồm mấy chục hay hàng trăm nguời với vũ khí thô sơ được tiễn đưa rầm rộ lên đường ở ga Hàng Cỏ, bến xe phía nam và các địa điểm tập kết khác. Không kể một số sinh viên Y đi theo các đoàn Nam Tiến lớn (ngoài ngành Y), các đoàn y tế của thầy trò nhà trường và bệnh viện Phủ Doãn tuy nhỏ, nhưng vai trò chuyên môn và tác dụng phát huy thì rất lớn; ví dụ, họ là nòng cốt xây dựng các bệnh viện dã chiến hàng mấy trăm giường, gồm cả vai trò về chuyên môn kỹ thuật và về tổ chức.

Ngày 07/2/1946, đoàn phẫu thuật đầu tiên vào tăng viện cho chiến trường miền Nam do bác sĩ Hoàng Đình Cầu phụ trách cùng với hai y tá nhà mổ là y tá Nguyễn Hữu Huy và y tá Trần Đức Hy. Đoàn này cùng đi với đoàn của bác sĩ Vũ Văn Cẩn (có nhiệm vụ kiểm tra công tác quân y từ Huế trở vào). Đoàn mang theo đủ dụng cụ của một bộ đại phẫu thuật và nó đã góp phần vào việc xây dựng bệnh viện phẫu thuật đầu tiên của liên khu 5 sau này. Đoàn vào đến Phú Yên phải dừng lại (vì Pháp đã đánh ra đến đây) và phối hợp với dân y thành lập bệnh viện Tuy Hoà, khoảng 300 giường để phục vụ thương bệnh binh từ Khánh Hoà gửi ra. Số nhân viên ít, thương bệnh binh đông, nhưng được đồng bào do lòng yêu nước sôi sục cử một số chị em phụ nữ thường xuyên tới làm công tác bệnh viện, từ cấp dưỡng hộ lý và cả một số công tác của y tá (theo Lịch sử quân y - tập I). Tiếp theo là đoàn của thầy Dương Bá Bành, đoàn bác sĩ Nguyễn Tăng Cơ (ra trường 1943), đoàn của bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng (công nhận 1946) vào tăng viện. Cuốn Lịch Sử quân y (tập I) đánh giá rất cao vai trò và sự hoạt động của các đoàn này, nhất là đoàn thầy Hoàng Đình Cầu và Nguyễn Thúc Tùng.

Một số sinh viên tham gia các đoàn quân Nam Tiến khác, như Đỗ Đình Luận, Vũ An Dậu, Nguyễn Văn Đức, Y Tlam, Đỗ Bá Hiển... mặc dù khi đó nhiều người chưa hoc xong Y1. Nhiều sinh viên, như Y Tlam, không còn dịp ra Bắc học tiếp nữa, cũng như đoàn của bác sĩ nội trú Nguyễn Thúc Tùng (vào thay thế từ tháng 10-1946; ở lại đến tháng 10-1954, tròn 8 năm, mới ra Bắc).

Tình hình Hà Nội căng thẳng dần, cũng là lúc trường Y Dược thông báo tuyển sinh niên khoá 1946-1947 (cuối tháng 9), tháng 10 đã có nhiều người ghi tên. Thầy trò ngày càng thấy rõ chiến tranh với Pháp là khó lòng tránh khỏi, qua các sự kiện giặc Pháp khiêu khích ở Hà Nội; lúc này, quân Pháp đã được phép thay thế quân Tàu ra đóng ở miền Bắc. Tuy nhiên, vẫn có một số người ở trường cho rằng chính phủ cụ Hồ sẽ khôn khéo hoà hoãn để tránh đổ máu. Một số khác lại tin rằng “Thăng Long phi chiến địa”(!) như câu nói từ xưa để lại. Nhưng hiệu trưởng và một số cốt cán thì được thông báo rõ do vậy họ hiểu rằng chỉ thị tổ chức kỷ niệm Pasteur có mời các nhà khoa học và quan chức Pháp chỉ nằm trong kế hoạch làm địch chủ quan.

Ngày 10-12 trường nhận chỉ thị phải tổ chức kỷ niệm Pasteur. Việc in giấy mời, mời khách (chủ yếu người Pháp), chuẩn bị hội trường, diễn văn... dù làm khẩn trương nhất vẫn chỉ có thể tổ chức buổi lễ vào 15-12. Diễn văn của hiệu trưởng, ngoài ca ngợi Pasteur và “truyền thống hữu nghị Việt-Pháp” còn kết thúc bằng khẩu hiệu “khoa học không biên giới”. Bốn ngày sau, ta bất ngờ và chủ động đánh Pháp, khi hôm trước, 18-12, chúng gửi tối hậu thư đòi kiểm soát trị an ở toàn thành phố Hà Nội và nhiều điều láo xược khác.
Vài sự kiện. Trước đó, Pháp đã gây hấn bằng cách đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, khiêu khích ở Bắc Bộ phủ. Từ tháng 11-1946 tình hình Hà Nội căng thẳng cao độ (Pháp bố trí súng máy chĩa vào cửa Bắc Bộ phủ, âm mưu bắt cóc và thủ tiêu cốt cán của ta, Bác Hồ phải tạm lánh ra ngoại thành (26-11-46). Hôm sau ta ra lời kêu gọi “Hỡi toàn quốc đồng bào! Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ khi nào và chỗ nào”... Pháp rất muốn ta không kiềm chế nổi, tự phát đánh lại chúng khi ta chưa có sự chuẩn bị cần thiết.
Từ 2-12, quân Pháp từ các nơi điều về Hà Nội nhiều hơn, lập các ổ chiến đấu ở nhà Pháp kiều; báo chí Pháp ở Hà Nội công khai nói xấu chính phủ ta, xuyên tác các sự kiện. Tây “mũ đỏ” phá phách nhà thông tin Tràng Tiền và ba đêm liền cho xe rải truyền đơn khắp thành phố. Nhân dân Hà Nội được lệnh tản cư khỏi thành phố. 5-12, Hồ chủ tịch giao nhiệm vụ cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa việc chuẩn bị quân dụng vũ khí cho cuộc kháng chiến.
Cho đến 15-12 Pháp tăng quân ở nhiều nơi; đánh chiếm Tiên Yên, Đình Lập, Đồ Sơn..., khiêu khích trắng trợn hơn ở Hà Nội. Ngày 16-12: Cao uỷ Pháp Đac-giăng-li-ơ tuyên bố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ nước Pháp (!). Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu. Nhiều ổ đề kháng nhanh chóng dựng thêm, nhưng được lệnh hết sức kiềm chế. 15-12, ta còn tổ chức kỷ niệm Pasteur ở giảng đường đại học Y-Dược; 17-12: máy bay Pháp thám thính cả ngày trên bàu trời Hà Nội. Pháp đem quân và xe đi phá các ụ chiến đấu của ta ở Lò Đúc. Lính Pháp bao vây trụ sở Công an ta ở phố Hàng Đậu, đốt nhà dân ở khu Trúc Bạch, nã đại bác vào phố hàng Bún và bắt phụ nữ vào thành - nơi chúng chiếm đóng. Giọt nước làm tràn ly là ngày 18-12: Vẫn bao vây trụ sở công an phố Hàng Đậu, gửi tối hậu thư yêu cầu ta phá các ụ chiến đấu; đòi từ 19-12 ta phải giao nộp hết vũ khí; từ 20-12 sẽ đảm nhiệm trị an ở Hà Nội. Đêm 18-12, bác Hồ hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Đêm 19-12, lúc 20.05’: cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra bắt đầu từ Hà Nội. 20.15’ công nhân nhà máy điện phá máy; đại bác từ pháo đài Láng và Xuân Tảo dội bão lửa vào trại lính Pháp trong thành; vũ trang ta đồng loạt tấn công các vị trí địch; tự vệ ta nổ mìn đánh đổ các cây lớn và cột điện; công nhân lật đổ các toa xe điện, nhân dân quăng đồ đạc ra đường... làm chướng ngại vật, làm chiến luỹ; dân quân ngoại thành nổi trống liên hồi, thúc giục tự vệ vào các cửa ô tiếp ứng cho bộ đội... Đêm đó lực lượng vũ trang ta đục tường các nhà dân cho thông từ nhà nọ sang nhà kia làm đường giao thông đánh địch.

TRƯỜNG Y DƯỢC TRONG NHỮNG THÁNG ĐẦU KHÁNG CHIẾN

Mục tiêu cuộc chiến đấu ở trong Hà Nội là kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, để hậu phương kịp chuẩn bị đối phó khi chúng đánh rộng ra. Nội thành được chia làm 3 liên khu chiến đấu, trong đó ác liệt nhất là liên khu I, là nơi Pháp định bao vây tiến tới tiêu diệt lực lượng chiến đấu chủ lực của Hà Nội, cũng là của cả nước.

Liên khu 1 gồm 8 khu hành chính: Hoàn Kiếm, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Thành, Đồng Xuân, Trúc Bạch, Long Biên, Hồng Hà, Bãi Giữa. Liên khu 2 là khu vực Nam Hà Nội, bắc giáp liên khu 1, đông theo hữu ngạn sông Hồng tới Vĩnh Tuy, phía tây dọc theo Hàng Lọng tới Kim Liên, phía Nam là các xã Hoàng Mai, Thanh Nhàn. Liên khu 3 ở Tây Nam thành phố, bắc giáp liên khu 1, đông giáp liên khu 2. Sau hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội để kìm chân địch, Liên khu I bị địch bao vây rất chặt nhưng vẫn tìm được đường rút ra (qua gầm cầu Long Biên để qua sông Hồng). Tiểu đội du kích của Nguyễn Ngọc Nại làm nhiệm vụ đánh lạc hướng địch đã bị hy sinh toàn bộ.

Chính vì vậy các trạm phẫu thuật lưu động cũng được đặt tại các địa điểm trên các trục đường thuận lợi cho việc chuyển thương binh từ liên khu I tới, cũng như dễ dàng di chuyển về tuyến cao hơn ở phía sau. Tuy chưa có một ý thức rõ ràng về tổ chức các tuyến điều trị, nhưng tự nhiên việc cấp cứu chiến thương đã hình thành ba tuyến rõ rệt.

Trong nội thành Hà Nội, nhất là Liên khu I, đã hình thành được ba trạm cứu thương tại số 10 phố Hàng Bè (nhà riêng của thầy Nguyễn Hữu Thuyết), nhà Phú Lợi ở 18 Hàng Bè và nhà Nam Long ở phố Hàng Buồm. Trong những ngày đầu có sinh viên Nguyễn Văn Vân và Đào Huy Chân tham gia phục vụ dưới sự chỉ đaọ của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết lúc đó phụ trách quân y trung đoàn Thủ đô và bác sĩ Đoàn Khắc Hiền.

Thuốc men được lấy từ nhà bào chế Phan Anh ở phố Hàng Bạc. Kháng sinh lúc này đã có Dagenan, Soludagenan, Sulfathiazine... Thuốc sát trùng khi hết thì dùng nước hoa Eau de Cologne thu lượm được từ các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Bạc... Sau khi được điều trị sơ cứu bước đầu, thương binh được chuyển về tuyến sau do đội nữ tải thương khu Lãng Bạc đảm nhiệm. Một số được đưa đến bệnh viện Phủ Doãn (giả làm nạn nhân) lúc này do thầy Phạm Biểu Tâm được phân công phụ trách.

Đội nữ tải thương đã đóng góp rất nhiều công lao kể cả hy sinh xương máu đảm bảo đường dây liên lạc này cho đến khi trung đoàn Thủ Đô rút ra khỏi Hà Nội. Đêm đêm, từ phố Hàng Bè ra bãi cát ven sông Hồng, chui qua gầm cầu Long Biên lên tới đình làng Tứ Tổng (xã Tứ Liên, quận Tây Hồ Hà Nội bây giờ).

Từ đó, dọc theo đường đê lên trạm cứu thương và tiểu phẫu đóng ở Chèm và Vẽ, do các sinh viên Trịnh Kim Ảnh, Đỗ Bá Hiển, Nguyễn Đức Nguyên cùng hai y tá Ninh và Triệu phụ trách. Những trường hợp quá nặng được tiếp tục chuyển qua Yên Nhân, Đống Đồ lên bệnh viện tuyến sau ở Phúc Yên do thầy Đinh Văn Thắng phụ trách.

Một trạm tuyến sau (hậu phương) được tổ chức tại bệnh viện Việt Trì do thầy Đỗ Xuân Hợp phụ trách.

Còn phía nam, có trạm phẫu thuật do bác sĩ Vũ Đình Tụng (thầy cũ của trường) và sinh viên Vũ Đình Tuân phụ trách, đầu tiên đặt tại bệnh viện Bạch Mai, sau đó rút xuống Văn Điển.

Tại trạm này xảy ra một sự kiện gây xúc động và đau lòng. Anh Vũ Chí Thành, con trai thầy Vũ Đình Tụng, tham gia tự vệ chiến đấu bị thương trên chiến luỹ; được chuyển về đây, mặc dù được tận tình cứu chữa, nhưng vết thương quá nặng, anh đã hy sinh trước sự bất lực và nỗi đau đớn của cha và anh ruột mình.
Bác Hồ biết, đã viết thư chia buồn, động viên bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bức thư, do đích tay Người đánh máy và sửa dấu, hiện nay vẫn được gia đình bác sĩ Tụng cất giữ trân trọng coi như một gia bảo.

Tuyến sau có trạm phẫu thuật tại Cầu Phùng (Đan Phượng) do bác sĩ Trần Hữu Tước phụ trách.

Biên chế chủ lực của trường Đại học Y Dược khoa và bệnh viện Phủ Doãn được tổ chức quy mô tại ba địa điểm:
- Trạm phẫu thuật A do bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Hữu Trí (hiện nay ở Pháp) phụ trách; và khi thầy Tôn Thất Tùng chuyển về Vân Đình xây dựng bệnh viện hậu phương, thì thầy Hoàng Đình Cầu thay thế. Trạm triển khai tại Cự Đà, Chuôn, Tre thuộc ứng Hoà (Hà Đông) có nhiệm vụ đón thương binh từ phía Tây Nam Hà Nội. Nhiều sinh viên y khoa đã làm việc và học tập tại trạm này, như: Đinh Văn Lạc, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Doãn Đại, Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Như Bằng, Trần Quang Vỹ, Vưu Hữu Chánh, Phạm Văn Phúc, Vi Huyền Trác, Trần Bá Kỳ... và y tá trưởng Khang, các cô y tá Công, Hồng Lan, Tân... của bệnh viện Phủ Doãn. Khi chiến sự lan rộng, trạm chuyển vào Nông Cống (Thanh Hoá).
- Trạm phẫu thuật B do thầy Nguyễn Hữu phụ trách đóng tại Kim Lũ, Ngọc Bài (Sơn Tây) có nhiệm vụ đưa đón thương binh của mặt trận phía tây Hà Nội. Trạm này có các sinh viên: Trần Mạnh Chu, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Tấn Hồng, rồi Nguyễn Văn Nhân, Đinh Văn Lạc tham gia. Trạm này đã làm việc rất căng thẳng, vất vả, vì số thương binh và nạn nhân chiến tranh chuyển về rất đông, nhưng trạm dã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có thời gian trạm chuyển về Đồng Quan và lưu lại đây khá lâu.

Qua một thư của thầy Nguyễn Hữu gửi thầy Tôn Thất Tùng (lúc này đã ở Chiêm Hoá), ta thấy trạm B đã làm cả các đại phẫu thuật. Riêng trong tháng 4 và tháng 5-1947 trạm đã mổ 147 trường hợp, tỷ lệ tử vong 4%. Sinh viên Nguyễn Văn Nhân nhớ lại: thầy Hữu rất hay “truy” sinh viên, sau đó lại giảng giải hết sức cặn kẽ. Dù chỉ là đứng ngoài xem thầy mổ, sinh viên vẫn thu nhận được rất nhiều điều bổ ích. Ai chưa thuộc bài sợ thầy truy, cố ý vắng mặt, thì học được rất ít.
Cũng có thầy chỉ cặm cụi tập trung vào việc mổ cho thương binh mà không giảng gì, Nguyễn Văn Nhân và Đinh Văn Lạc phải chia nhau: người phụ mổ, người đứng ngoài ghi chép đầy đủ các “thì” (temps) mà thầy đã làm; để sau đó hoàn chỉnh lại thành bài học.

Một bệnh viện hậu phương được thành lập tại Vân Đình do thầy Hồ Đắc Di và thầy Tôn Thất Tùng phụ trách. Đây là một cơ sở lớn, có nhiều trang bị phục vụ mổ xẻ được mang theo từ bệnh viện Phủ Doãn. Sinh viên y khoa và nhân viên kỹ thuật của trường và bệnh viện tập trung đông nhất ở đây. Ngoài những sinh viên từ các trạm A, B dần dần quy tụ về, còn có bác sĩ Đặng Văn Chung và các sinh viên Đỗ Dương Thái, Vũ Tam Hoán, Võ Như Tỷ, Trần Quang Việp ; các nữ nhân viên Đặng Thị Huyền, nữ hộ sinh quốc gia Nguyễn Thị Ngọc, Nga, Hồ, Nhung... và cựu y tá trưởng Thu là những nhân viên cũ của bệnh viện Phủ Doãn có nhiều kinh nghiệm về ngoại khoa và gây mê.

Ngoài ra tại các vị trí trọng điểm khác đều có sự tham gia của thầy trò trường Đại học Y Dược khoa. Phụ trách đội phó đội điều trị của Bộ tổng chỉ huy có sinh viên Nguyễn Xuân Ty. Tại mặt trận Hồng Quảng có bác sĩ Phạm Gia Triệu và sinh viên Đào Bá Khu. Sinh viên Vũ Triệu An tham gia tại mặt trận Hải Dương, trong đơn vị quân y do bác sĩ Ngô Như Hiền và y sỹ Đông Dương Lê Văn Khải phụ trách. Tại trạm phẫu thuật Vĩnh Yên có sinh viên Hoàng Tích Tộ phụ trách. Tại Nam Định ở đội phẫu thuật của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ có sinh viên Trần Văn Bảo tham gia...

Trong cuốn Lịch sử quân y, có đoạn viết: Bác sĩ trẻ tuổi Nguyễn Trinh Cơ với tay nghề khá vững đã phục vụ tận tuỵ. Trước những ca khó về phẫu thuật đã trăn trở miệt mài nghiên cứu tìm phương pháp cứu chữa thương binh, đã bộc lộ những nét đau buồn sâu lắng của người thầy thuốc trước những ca hiểm nghèo của thương binh, nhân dân, của những em nhỏ bị sát hại trong chiến tranh. Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ còn là tác giả của nhiều bài báo dưới dạng truyện và hồi ký, nói lên sự xúc động, căm thù của người bác sĩ quân đội trẻ tuổi đứng trước nỗi đau, nỗi mất mát của đồng đội, đồng bào. Tác phẩm "Em Ngọc", "Nhà M" đã được đăng trên nhiều báo rồi in thành tuyển tập đã gây nhiều cảm xúc cho người đọc và giới văn nghệ đánh giá cao về nội dung và cách thể hiện (trang 86).

Mặt trận lan rộng, các trạm phẫu thuật lưu động A và B rút về Vân Đình. Một bộ phận nhỏ rút theo bác sĩ Hoàng Đình Cầu về Đồng Quan, rồi Nông Cống, trong đó có sinh viên Nguyễn Văn Vân và Nguyễn Tấn Hồng.

Các thầy chuyên khoa ngoại đã phát huy tác dụng lớn trong chiến tranh, do vậy là những người rút sau cùng khi Pháp đánh rộng ra. Các thầy khác (Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên, Đặng Vũ Hỷ, Tôn Thất Hoạt, Hoàng Tích Trí...), nhiều vị tập hợp quanh mình một số sinh viên lập ra các trạm cứu thương quanh mặt trận (trên đường tải thương), sau đó rút về khu 3, khu 4 và tham gia công tác ở đây; có vị phải đi theo cơ quan mà mình làm thủ trưởng: thầy Trí theo Bộ Y tế, thầy Hợp lên bệnh viện Việt Trì...

Nhìn tổng quát, sau hai tháng bị ta giam chân ở Hà Nội, quân Pháp đã phá được vòng vây và quyết tâm bình định vùng đồng bằng, nhất là các tỉnh quanh Hà Nội, trước hết là Hà Đông, nơi tập trung các đơn vị của trường. Nói chính xác hơn: trường, với tư cách các đơn vị cứu chữa, đã đóng ở vùng chiến sự diễn ra căng thẳng nhất.
Số y bác sĩ tham gia kháng chiến ban đầu khoảng 60 người, trong đó bác sĩ thuộc trường Y Dược (các thầy, và số mới được công nhận năm 1945 và 1946) chiếm quá bán. Số sinh viên còn đông hơn nữa - là lực lượng không thể thiếu...
Các đơn vị cứu chữa và điều trị dần dần liên kết để hình thành một mạng lưới, phù hợp với tình hình chiến sự và có các tuyến theo chiều sâu. Phát huy hiệu quả cao nhất là các trạm phẫu thuật (do bác sĩ ngoại khoa giỏi phụ trách, đóng gần mặt trận để có thể nhận thương binh không quá muộn), sau đó là bệnh viện dã chiến nhận các ca nặng đã được sơ cứu từ các trạm chuyển tới. Màng lưới phải thay đổi vị trí theo tình hình chiến sự, phải rút ra xa khi Pháp dần dần chiếm được Hà Đông và các tỉnh quanh Hà nội.
Về sự tham gia của sinh viên: Sinh viên các lớp trên đã có thể công tác độc lập hoặc là cánh tay phải của các thầy: Nguyễn Sĩ Quốc, Nguyễn Xuân Ty, Bùi Thế Sinh, Vưu Hữu Chánh, Trịnh Đình Chương, Nguyễn Danh Đàn, Phó Đức Thực, Nguyễn Lưu Viên, Đào Trọng Xuân...; sinh viên Y2 (vào trường 1945) đã có thể làm một số tiểu phẫu và rất đắc lực trong phụ mổ; thống kê ban đầu cho thấy số lượng lớp này lên tới trên 20 người. Còn sinh viên khoá vào trường 1946, tức Y1, cũng rất được việc” và tiến bộ rất nhanh qua phục vụ thực tiễn; số lượng lớp này khoảng gần 40 người.
Không nhất thiết họ bám theo các thầy (lúc đó ở các địa điểm thuộc Hà Đông), mà có thể phục vụ ở nhiều nơi khác: Nguyễn Thành Châm phục vụ ở mặt trận Trung Bộ, Y Tlam (Y2) trưởng quân y mặt trận Buôn Ma Thuột kiêm phụ trách bệnh viện, Nguyễn Văn Thụ phụ trách bệnh xá quân y của tỉnh Gia Lai....

Về dược, số thầy của trường tham gia kháng chiến không nhiều như các thầy khoa Y (có thầy Huỳnh Quang Đại, Trương Công Quyền), nhưng số sinh viên từ D1 đến D5 và cả sinh viên được công nhận dược sỹ năm 45 và 46. thì tham gia rất đông đảo (Nguyễn Trọng Bính, Nguyễn Đình Ân, Đặng Vũ Xích...). Mặt khác, do những đặc điểm riêng, khoa Dược trong mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp được đặt dưới sự quản lý của Cục Quân Y.

Từ trước ngày nổ ra kháng chiến toàn quốc những vị có trách nhiệm đã lo mua dự trữ để có đủ thuốc men và các phương tiện dụng cụ y tế cho cuộc kháng chiến lâu dài. Dược sĩ Vũ Công Thuyết, dược sĩ Hoàng Xuân Hà cùng các đồng nghiệp đã bằng mọi cách có trong kho hơn sáu tấn thuốc và đã kịp chuyển khỏi Hà Nội trước ngày nổ súng. Trong việc này có sự tham gia rất tích cực của nhiều sinh viên khoa Dược. Một số sinh viên như Đặng Hanh Khôi, Hoàng Bá Long còn tham gia sớm hơn: phụ tá dược sĩ Vũ Công Thuyết ở Phòng bào chế tiếp tế đặt ở xã Phúc Lâm (Hà Đông), sinh viên Phan Hữu Đào phụ tá dược sĩ Nguyễn Sĩ Dư ở Ty bào chế dược ở miền Trung; sinh viên Vũ Ngọc Lộ làm việc ở Phòng Bào chế của Quân Y Viện trung ương, dưới quyền phụ trách của thầy Huỳnh Quang Đại,,,

Do đặc điểm phải di chuyển theo thuốc men, nhiều dược sĩ đã đi theo các đơn vị quân y như các dược sĩ: Nguyễn Trọng Bính, Trương Xuân Nam, Nguyễn Văn Luận, Huỳnh Quang Đại, Đỗ Tất Lợi, Đỗ Hữu Thế... và sinh viên Nguyễn Văn Đàn.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu chiến tranh, tình hình nói trên cũng chỉ là một cuộc triển khai chiến đấu với quy mô chiều rộng của trường Đại học Y Dược để ứng phó kịp thời việc cấp cứu thương binh trong những trận đánh đầu tiên của cuộc kháng chiến. Chưa một ai hình dung nổi cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ và còn gian khổ. Lực lượng và tài sản của toàn trường lúc này đều tập trung tại Vân Đình, nhưng phương hướng để hình thành, tồn tại, và tiếp tục hoạt động của trường trong kháng chiến thì cũng chưa có ai mường tượng được.

Lúc đó số đông trí thức còn chưa thấy hết cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ, gian khổ, cho nên về tới đây (tạm yên ổn) ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm nghĩ rằng đây là một hậu cứ an toàn. Mọi người bảo nhau: "Tây mà đến được đây thì chắc chắn chiến tranh cũng đã xong rồi". Ngờ đâu, chỉ một năm sau giữa núi rừng trùng điệp Việt Bắc, nhà trường vẫn phải di chuyển vì Tây vẫn tấn công và lùng sục.

HỘI NGHỊ VÂN ĐÌNH LỊCH SỬ VÀ ĐƯỜNG LÊN VIỆT BẮC

Cuối tháng 1 năm 1947, bác sĩ Vũ Văn Cẩn với tư cách Cục trưởng cục Quân Y về Vân Đình họp với các thầy của ông với tư cách lãnh đạo trường Y Dược: Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng, để xác định nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và ổn định việc cứu chữa thương binh. Từ đó, đề cập cả việc hoạt động lâu dài của trường.

Giáo sư Hồ Đắc Di sau này còn nhớ lại: "Lúc đó, không ai hình dung được là có thể tổ chức một trường Đại học trong rừng". Tuy từ nhiều năm trước đã sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng chỉ là gián tiếp, còn đây là lần đầu tiên mọi người phải trực tiếp tham gia kháng chiến mà không được chuẩn bị thích đáng cả về tinh thần lẫn vật chất. Về toàn quốc, việc quản lý hành chính và kinh tế bị đảo lộn và thực tế nhiều ngành (như đường sắt, xây dựng v.v...) không còn hoạt động nữa; chỉ có việc sơ tán nhân dân khỏi các vùng chiến sự là do uỷ ban di - tản cư các địa phương lo liệu. Trong tình hình đó, cuộc họp Vân Đình đã đi tới một quyết định duy nhất, và hoàn toàn đúng: Trường Đại học Y Dược khoa (không có ban Dược) sẽ tồn tại, phát triển và phục vụ sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Về biện pháp, trường sẽ dựa vào các trạm cứu thương, các bệnh viện, các đơn vị quân y làm nơi tập trung và thực tập của sinh viên (một kiểu bệnh viện thực hành thời chiến), lớp học sẽ tổ chức ở nhà dân hoặc đình chùa (bản thân giáo sư Hồ Đắc Di và gia đình cũng tản cư về ở nhờ nhà người quen ở Vân Đình).

Trên thực tế, trường đã được mở lại từ tháng 2 năm 1947, ở Vân Đình, như một thách thức đối với kẻ thù, với số sinh viên quy tụ ngày càng đông (tới 99 người ghi tên, thực có mặt là 66), có các bài giảng lý thuyết, có các bài thực hành trên lâm sàng (và tập sự tại trạm)... Có lẽ chưa nơi nào trên thế giới tổ chức một trường Đại học Y Dược khoa như vậy ít nhất là vào thời gian này (theo hồi ký của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ngày ông đi thăm Triều Tiên là cuối năm 1951, bên đó cũng chưa tổ chức được trường Đại học Y mà phải nhờ chuyên gia y tế các nước anh em sang giúp). Thiếu tướng Vũ Trọng Kính (khi đó là Y1) nhớ lại: "Hồi đó, bộ giáo trình giải phẫu của Testut được coi là sách gối đầu giường, anh em chia nhau truyền tay để chép và vẽ. Thầy Đặng Văn Chung được phân công viết tập tài liệu Cấp cứu nội khoa và thầy Tôn Thất Tùng viết cuốn Cấp cứu ngoại khoa. Đó là tất cả gia tài lúc đầu. Nhiều năm sau, chúng vẫn là cẩm nang của chúng tôi"...

Nhưng trường hoạt động không được lâu. Ngày 2/3/1947, mặt trận tây nam Hà Nội bị vỡ; quân Pháp tràn ra tấn công đánh chiếm tỉnh lị Hà Đông, rồi nhảy dù Vân Đình, chặn con đường đi Hoà Bình. Nhà trường và Bệnh viện thực hành phải lui về cuối tỉnh Hà Đông, tại Hoà Xá - Đốc Tín, dọc theo sông Đáy để dễ dàng di chuyển thương binh bằng thuyền. Từ tuyến này cũng có thể rút về Chùa Hương hoặc lên Việt Bắc. Địch cũng lại từ Nam Định, Phủ Lý kéo lên, tiến theo sông Đáy...

Dường như ở cấp cao nhất đã thấy vai trò tương lai của trường Y Dược trong kháng chiến chống Pháp. Nó phải tồn tại và hoạt động, mà linh hồn của nó chỉ có thể là Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng. Bởi vậy, từ Đốc Tín, trường nhận được “lệnh gấp” phải di chuyển lên Tuyên Quang; Cục Quân y cử cả người dẫn đường: sinh viên Nguyễn Xuân Ty. Ông này có cả lệnh “đặc nhiệm” (có quyền trưng dụng phương tiện di chuyển) do Đại tướng Tổng tư lệnh cấp. Đến đây, trường (không kèm bệnh viện thực hành) theo ông Ty lên Tuyên Quang; còn bệnh viện thực hành do giáo sư Tùng lãnh đạo đổi tên là "đoàn mổ xẻ lưu động Việt Bắc" chưa lên ngay, vì còn có thương binh đang điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ty đưa các gia đình thầy Di, thầy Tùng và gia đình ông Huyên (bộ trưởng Bộ Giáo Dục) với một số ít tài sản, tư trang. Cuộc di chuyển quy mô và đường dài lần đầu tiên này thật gian nan vất vả. Chỉ có một số ít nhân viên, người yếu, trẻ em và trang thiết bị, dụng cụ, sách vở... là được di chuyển bằng thuyền và phương tiện trưng dụng được, còn phần lớn đi bằng phương tiện tuỳ ứng hoặc đi bộ. Cũng may, lệnh của Võ đại tướng quả là lá bùa thiêng khi đi đường.
Bằng chiếc ca nô của Cục quân giới được trưng dụng ở dọc đường, đoàn đi từ Đốc Tín đến Phương Trung, thuộc huyện Quốc Oai. Lên bộ, vượt qua các làng Văn Lao, Võ Lao hướng về phía Chúc Sơn rồi vòng lại về Mông Phụ. Nghỉ một đêm tại nhà cụ Phan Kế Toại, đoàn tiếp tục qua Sơn Tây rồi vượt bến Trung Hà. Tại đây đoàn được bác sỹ Phạm Gia Lăng, phụ trách quân y vụ chiến khu X, dùng ôtô đưa lên Tuyên Quang, rồi Chiêm Hoá (cách thị xã Tuyên Quang trên 60 km). Cùng tới Chiêm Hoá lần ấy còn có giáo sư Nguỵ Như Kon Tum (lúc đó ông là Đổng lý Văn phòng của Bộ Giáo Dục, tương tự Chánh văn phòng ngày nay). Sau này, ông cũng có tham gia giảng dạy ở trường. Bác sĩ Đặng Văn Chung khi lên Chiêm Hoá còn mang theo bộ dụng cụ bơm khí màng phổi.
Trong cuộc di chuyển này, sinh viên Nguyễn Xuân Ty có công rất lớn, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Cục Quân Y và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao cho.

Còn đoàn “mổ xẻ lưu động Việt Bắc” của bác sĩ Tôn Thất Tùng thì cơ động chủ yếu bằng xe đạp. Cũng do lúc đầu phải di chuyển cả thương binh (bằng thuyền), ta đã áp dụng với kết quả tốt một kinh nghiệm chuyên môn về bó bột kín mà trong chiến tranh 1936 các chiến sĩ Tây Ban Nha đã sử dụng để điều trị gãy xương hở. Thương binh được bàn giao dần cho các trạm dịa phương.

Từ Đốc Tín đoàn “mổ xẻ lưu động Việt Bắc” trở về Hoà Xá, định sang sông thì xe tăng Pháp đã kéo vây Hoà Xá và nổ súng. Đạp xe đến Ba Thá thì Tây cũng vừa bắn phá ở đây. Không dám dừng, “chạy” một mạch lên Đồng Mô rồi đến Sơn Tây vào ngủ nhờ nhà bác sĩ Nguyễn Văn ấu (khi đó là trưởng ty Y Tế tỉnh Sơn Tây). Đi khỏi Sơn Tây ít ngày thì nghe tin bác sĩ ấu bị quân Pháp sát hại.

Hồi đầu 1947, báo chí ta đưa tin: giặc Pháp đã sát hại 3 nhân sĩ trí thức của Việt Nam, do vậy gây sự phẫn nộ lớn trong dư luận. Người bị giết đầu tiên là luật sư Thái Văn Lung ở Nam Bộ (hiện ở Sài Gòn có một phố mang tên ông. Tiếp đó, đúng đêm 19.12.1946, tại Hà Nội khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, rất nổi tiếng về chuyên môn, hoạt động xã hội và lòng yêu nước từ thời Pháp thuộc đã hy sinh. Trong một dịp giáo sư Hồ Đắc Di tới chơi nhà ông, giáo sư tuyên bố sẽ hoàn toàn ủng hộ “cụ Hồ” (vì biết rằng Cụ chính là Nguyễn ái Quốc, trước đây giáo sư đã được gặp ở Paris), ông Luyện rất tán thành. Sau đó cả hai người đều được bầu vào quốc hội. Đêm 19. 12, giặc Pháp đã bao vây nhà bác sĩ Luyện và gọi hàng đích danh (có lẽ chúng định dùng ông làm một nhân vật trong chính phủ bù nhìn sau này), nhưng ông cùng hai con trai là sinh viên Giám và Minh (tự vệ khu phố) đã dùng súng chống lại; cuối cùng cả ba người đều bị giặc giết hại. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất cả ba cha con hy sinh trong đêm đầu kháng chiến. Ngành Y tế cần làm sáng tỏ gương hy sinh này và cần đối xử xứng đáng hơn với ông (ít nhất cũng ngang với gương hy sinh của luật sư Thái Văn Lung). Người thứ ba là bác sĩ ấu, nghe nói khi thấy quân Pháp sát hại dã man đồng bào, ông lớn tiếng mắng chúng (ông rất giỏi tiếng Pháp), lập tức chúng bắn chết ông.

Đoàn đến Phú Thọ thì Phú Thọ vừa bị oanh tạc. Đến phủ Đoan Hùng, đoàn phải ẩn nấp và nếm trận bom dữ dội đầu tiên. Đến Tuyên Quang chưa được một ngày thì thị xã cũng bị bom. Cuối cùng đoàn lên làng ải, thuộc huyện Chiêm Hoá.

Về việc dường như Đoàn đi tới đâu cũng gặp máy bay Pháp ném bom thì hoàn toàn không phải chúng dõi theo sự di chuyển của đoàn phẫu thuật này. Thực ra, sau khi chiếm được nhiều tỉnh đồng bằng, Pháp bắt đầu dùng không quân đánh phá các địa điểm quan trọng ở Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc tấn công của chúng lên căn cứ địa cách mạng, nơi có trung ương và chủ lực của ta.

Sau cuộc "trường chinh" này bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận được một lá thư của Bác Hồ, chữ đánh máy màu tím, như sau:
"Bác sĩ Tùng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền, cháu thảo.
Thím và các cháu vẫn mạnh khoẻ chứ? Tôi luôn luôn bình yên.
Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng.

Giáo sư Hồ Đắc Di cũng được gặp Bác Hồ sau khi lên Việt Bắc. Cuộc gặp gỡ đã để lại cho giáo sư ấn tượng rất sâu sắc. Ông nhớ lại: "Tôi vừa được gặp Bác Hồ, và lần đầu tiên trong đời, tôi nghe thấy bốn chữ "Tự lực cánh sinh". Đó chính là phương châm hành động và tồn tại của trường không những chỉ trong kháng chiến chống Pháp mà còn mãi mãi về sau này.

NĂM HỌC ĐẦU TIÊN CỦA KHOA Y Ở VÙNG KHÁNG CHIẾN

Đây là lần định cư thứ nhất của nhà trường tại Chiêm Hoá, đúng ra là từ huyện lỵ Chiêm Hoá còn vào sâu thêm 5 hay 6 km nữa (làng ải; cách tỉnh lỵ Tuyên Quang gần 70km).

Làng Ải, sau cách mạng tháng 8 thuộc xã An Lạc (hồi đó nhiều làng ghép lại thành một xã), nhưng dân chưa quen dùng, vì vậy các thế hệ sinh viên đến nay chỉ quen gọi là làng ải. Dẫu sao tên gọi An Lạc cũng là cái điềm trường sẽ “an cư” và “lạc nghiệp” ở nơi này. Phong cảnh làng ải rất đẹp. Có ngòi Quẵng quanh co, nước xanh, bờ cát, chảy ra sông Gâm. Có nhiều đồi và đâu đâu cũng là rừng. Rừng núi hoang vu, chỉ thấy một màu xanh, thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng tà áo chàm của người dân tộc. Ra khỏi nhà là ngửi thấy mùi lá mục và cảm giác ẩm ướt dưới chân, nhưng muỗi rừng cũng chẳng thiếu và nếu trời mưa những đàn vắt vươn vòi sô đến mỗi khi nhận thấy có hơi người.
Theo Sơ lược lịch sử y tế Việt nam thì ở rừng quanh làng ải đặc biệt nhiều hổ; những đêm động trời, tiếng gầm gào của hổ trong đêm khuya nghe đến rợn người. Theo hồi ký của một số sinh viên khoá 1950, ban đêm sinh viên không dám ra khỏi nhà để tiểu tiện, cứ đứng trên sàn “giải quyết“ luôn xuống sân - trâu bò thiếu muối đến nghếch mõm hưởng cái nguồn bổ sung quý giá này. Khi bị hiệu đoàn phê bình, họ có sáng kiến dự trữ vài cái ống nứa, sáng ra đi đổ sớm.
Khi đó rừng chưa bị tàn phá, tuy có hổ, nhưng thực ra không nhiều như mọi người nghĩ. Suốt 8 năm, chưa ai bị hổ vồ; trâu bò dù thả rông cả ngày lẫn đêm, vẫn khá an toàn. Một vài lần theo từ ngữ người dân gọi là “ động rừng “ hổ về tận làng, cõng trâu, bắt lợn của dân và đã tát chết con chó của thầy Tùng. Khẩu súng các bin của thầy Tùng (để tự vệ) chủ yếu dùng bắn chim và thú nhỏ.

Lúc này đã có quyết định trường Đại học Y Dược khoa tiếp tục hoạt động, kèm theo quyết định cố nhiên là kinh phí. Một bệnh viện thực hành phục vụ cho việc giảng dạy được dựng lên. Chỉ còn thiếu phòng thí nghiệm là ở đây có một “trường đại học trong rừng” hoàn chỉnh. Điều này được thực hiện vào năm 1950, khi giáo sư Đặng Văn Ngữ từ Nhật về nước. Sinh viên từ các nơi được lệnh tập trung về. Và họ cơ động bằng đôi chân là chính..

Mỗi lần tấn công lên Việt Bắc, Pháp thường dùng hai hướng: hướng Thái nguyên, Bắc Cạn và hướng Phú Thọ, Tuyên Quang (theo quốc lộ 2 và sông Lô). Do vậy, trường không thể đặt ở thị xã Tuyên Quang như đã từng dự định mà chọn Chiêm Hoá. Đó là thị xã của huyện Chiêm Hoá, nằm khá xa (60km) về phía trên thị xã Tuyên Quang. Tuy nhiên, trường không đóng ở chính thị xã Chiêm Hoá mà ở làng ải, cách thị xã 5 km. Không xa làng ải, là nơi Trung Ương đóng (gọi là An toàn khu được bảo vệ tốt). Mỗi khi thầy Tùng và ông Huyên đi họp chính phủ có thể dũng xe đạp (mất tối thiểu một ngày). Khu vực Đầm Hồng, phía trên Chiêm Hoá khoảng 10 km là nơi có các cơ quan tài chính Trung Ương. Tóm lại, Chiêm Hoá là một địa điểm nằm giữa lòng Việt Bắc, gần các cơ quan Trung Ương, xa các trục giao thông thuỷ bộ lớn, rất an toàn cho việc đặt địa điểm bệnh viện và trường; nhưng sinh viên từ các mặt trận về Chiêm Hoá để bổ túc thì rất vất vả.

Được nhân dân đùm bọc, tre nứa rừng không thiếu; thêm nữa, sinh viên Võ Như Tỷ trước đây học kiến trúc sau chuyển sang học Y, đã thiết kế khu trường, khu nhà mổ, bệnh viện thực hành rất giản dị nhưng rất khang trang thoáng mát. Cụ Ba Viên, thợ mộc đi theo trường đã đóng cho bác sĩ Tùng một bàn mổ rất đẹp. Chiếc xe đạp ông mang từ dưới xuôi lên được dùng để "phát sáng" cho nhà mổ. Y tá gây mê là cụ Thu của bệnh viện Phủ Doãn.

Thực ra, ngay tháng 5.1947, trường đã tái giảng, dựa vào bệnh viện tỉnh Tuyên Quang; lúc đó có 25 sinh viên. Nhưng ngày 14.5.1947, địch nhảy dù Phú Thọ và Việt Trì, trường lại phải lên Chiêm Hoá. Tới ngày 20.5, chỉ còn 11 sinh viên, tới tháng 8 mới tăng lên 28 và sang tháng 9 tăng lên 53.

Nhà các thầy ở bên kia ngòi Quẵng, có một dẫy “phố” tranh tre của dân Hà Nội tản cư lên, dường như sống bám vào trường. Dẫu sao đây vẫn là đồng bào yêu nước dám bỏ thủ đô ra sống cuộc đời kháng chiến gian khổ. Bên này ngòi có các “giảng đường” thời chiến, bệnh viện thực hành, nhà ở của sinh viên; năm 1950 sinh viên khoá này làm một “nhà Đình”, bên dưới là “đại giảng đường” của họ, tầng trên (sàn) là chỗ ở; nhiều người nằm lỳ trên sàn vì không muốn dự các bài giảng về vật lý nguyên tử của thầy Kon Tum ở dưới (nhưng vẫn được “nghe” rất rõ). Sau đó, còn mọc lên “viện nghiên cứu” của thầy Ngữ. Có thời kỳ sinh viên Trịnh Kim ảnh ngày ngày có nhiệm vụ chở mảng sang đón các thầy; về sau nếu là mùa nước cạn thì cụ Di xắn quần tự lội sang giảng bài.

Các kỳ thi lên lớp được mở trong các tháng 6, 8 và 9/1947 cho 43 sinh viên. Thi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm học 1946-1947 được tổ chức ba đợt: có 6 người tốt nghiệp.

Ngày 20/5/1947 có các ông Đào Trọng Xuân (sau trở thành trưởng ban quân y đại đoàn 308) và Trịnh Đình Chương (lúc đó phụ trách Quân y trung đoàn 112 Tuyên Quang, có quân y viện 150 giường tại thị xã Tuyên Quang) ; ngày 15/7/1947 có các ông Nguyễn Tăng ấm (phụ trách ban Quân Y Bộ Tổng chỉ huy) và Phó Đức Thực (phụ trách Ban Quân Y Bộ Quốc Phòng, đã mất hai năm sau, lúc mới 27 tuổi và được lấy tên đặt cho bệnh viện cơ quan Bộ Quốc phòng). Ngày 28/7/1947 có các ông Phạm Phú Khai (năm 1951 phụ trách phân viện Quân Y K72 đóng tại Yên Định, Thanh Hoá) và Vưu Hữu Chánh (phụ giáo của trường, kiêm phụ trách “Quân y đại học” và có thời gian phụ trách Giáo vụ hoặc tham gia hiệu đoàn). Năm học 1947-1948 có ông Nguyễn Lưu Viên thi tốt nghiệp ngày 25.9.1947. Trường cũng chấm thi tốt nghiệp nha sĩ cho bà Hoàng Thị Thục và ông Võ Như Tỷ. Năm 1952 chỉ cho thi y sỹ cao cấp, năm 1954 do sự “đấu tranh” của Hiệu đoàn, Bộ Giáo Dục lại cho thi bác sĩ. Tuy nhiên, không thể gọi hết những người đủ niên hạn về thi vì sinh viên không thể bỏ nhiệm vụ chỉ vì kỳ thi ra trường. Thực tế, có mang danh bác sĩ cũng không hưởng thụ gì hơn bạn bè cùng khoá. Sau này, dù thi muộn vẫn được công nhận đúng niên hạn.

Thi tốt nghiệp BS. Y khoa ở vùng kháng chiến

NĂM HỌCKỲNGÀYTHÍ SINH
1946-47I20-5-47Đào Trọng Xuân, Trịnh Đình Chương
 II15-7-47Nguyễn tăng ấm, Phó Đức Thực
 III28-7-47Phạm Phú Khai, Vưu Hữu Chánh
1947-48I07-9-48Chu Văn Tích
 II14-8-48Trần Vỹ, Đặng Văn ấn
1949-50I05-10-49Vũ Văn Ngũ, Bùi Thế Sinh
 I12-11-49(Nha sĩ) Hoàng Thị Thục, Võ Như Tỷ
1950-51 ?Vũ Tam Hoán
1951-52 ?Y sĩ cao cấp : Trần Quang Vỹ, Trần Trọng Hùng
1954  BS : Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Thụ, Trần Quang Vỹ, Nguyễn Xuân Bích, Nguyễn Quý Hưng (+ 2 người)

Việc thi tốt nghiệp bác sĩ và sự tồn tại của trường đại học Y Dược vùng kháng chiến nhanh chóng được giới y học Pháp ở Hà Nội biết tin. Trong một cuộc gặp gỡ trao đổi tin tức của tù binh Pháp do lãnh sự Anh, Trevor Wilson, làm trung gian tại Cầu Đuống ngày 4/10/1947, bác sĩ Huard, đại diện hội Hồng Thập tự Pháp đã nhờ đại diện quân đội ta (trung uý Điền Ngọc) chuyển lời hỏi thăm và nhiệt liệt khen ngợi trường Y Dược Việt Nam. Bác sĩ Huard không quên gửi tặng bác sĩ Tôn Thất Tùng một tút thuốc lá Cotab và một số thuốc cho hội Hồng Thập tự Việt Nam (DDT và thuốc ỉa chảy); ông cũng ngỏ ý nếu bác sĩ Tùng cần sách vở thì sẽ xin cố gắng kiếm, mặc dù việc mua sách bên Pháp không dễ.

KHOA DƯỢC NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN

Theo thoả thuận của 3 Bộ Giáo dục, Y tế, Quốc phòng thì Cục Quân y quản lý và đào tạo tiếp các sinh viên dược, gồm cả tuyển sinh mới.

Phải nói rằng để Cục Quân Y làm việc này là hợp lý trong tình hình lúc đó. Bộ Giáo Dục có nhiệm vụ rất nặng nề là lo phát triển bậc tiểu học (tiến tới mỗi xã một trường) và trung học (tiến tới mỗi huyện một trường) nên rất khó có kinh phí để tạo cơ sở vật chất, tìm thầy, nuôi ăn sinh viên để đào tạo họ thành dược sỹ. Ngược lại, Cục Quân Y đang quản lý nhiều thầy, có kinh phí lớn (của quốc phòng), có cơ sở thực tập: kho, xưởng bào chế, lại đang rất thiếu nhân viên dược cao cấp (có thể trông cậy vào sinh viên).

Lúc đầu, việc đào tạo dược sĩ định giao cho một thầy lâu năm của trường là dược sỹ Chương Văn Vĩnh (với sự phụ tá của sinh viên Nguyễn Văn Đàn); cố nhiên, ông phải nhập ngũ. Trên thực tế, dược sĩ Vĩnh đã đóng góp một số công sức trong sản xuất thuốc cho nhu cầu kháng chiến trong những ngày đầu. Đến khi Pháp tấn công Việt Bắc (mở đầu là nhẩy dù Bắc Cạn, 1947) thì dược sĩ Vĩnh bỏ hàng ngũ kháng chiến, vào Hà Nội. Cục Quân Y đã cử dược sĩ Vũ Công Thuyết (lúc này đang là cục phó) làm hiệu trưởng, và dược sĩ Nguyễn Trọng Bính (đang phụ trách phòng bào chế khu X) làm hiệu phó của “ban Quân dược đại học”. Thực tế, người “chạy việc” chủ yếu là dược sĩ Bính. Ông phải thôi công tác cũ để đi tìm một địa điểm ở trung du, về tận khu III và IV để tìm sách vở, tài liệu, và kiếm nhân viên. Năm 1948, cơ sở đặt tại làng Hanh, thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình - Thái Nguyên do sinh viên Nguyễn Hữu Thiệu và Đặng Hanh Khôi tìm được; xây dựng cơ sở xong, giao cho sinh viên D3 Nguyễn Văn Đàn quản lý với sự trợ giúp của hai sinh viên D2 là Nguyễn Hữu Thiệu và Nguyễn Xuân Tiến. Sinh viên về đây, cũng như sinh viên Y ở Chiêm Hoá, đã tích cực xây dựng cơ sở, tham gia mọi công việc quản lý nội bộ (hành chính, quản trị, giáo vụ, đời sống...). Khi khai giảng có 30 sinh viên ghi tên. Ban có 6 giảng viên là các ông Huỳnh Quang Đại, Vũ Công Thuyết, Hoàng Xuân Hà, Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Trọng Bính và Đặng Đức Dục, tất cả đều đang ở quân ngũ và đều là thầy kiêm nhiệm.

Nhược điểm khó khắc phục là tất cả các thầy đều giữ nhiều trọng trách nên việc giảng dạy chỉ là kiêm nhiệm, không ai coi việc đào tạo là công việc chủ yếu của mình. Dược sĩ Nguyễn Trọng Bính (công nhận 1945) có đóng góp rất lớn cho Quân Y ngay từ những ngày đầu, và đến nay vẫn đóng góp rất lớn trong xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức trường, nhưng số thâm niên còn mỏng, hiểu biết sâu về dược học còn hạn chế, do vậy chưa đủ uy tín gánh vác nhiệm vụ đào tạo. Một số sinh viên lớp trên chưa phục. Vài năm sau, thầy Trương Công Quyền sẽ rất thích hợp cho vị trí này.
Thầy Đặng Đức Dục, tuổi cao, không quản ngại vất vả, vẫn từ xa đến trường dạy học, tác phong tỷ mỷ, được sinh viên rất kính phục và cảm thông. Các kỹ thuật viên Bùi Đình Sang, Trương Văn San đã có tuổi, với tay nghề vững chắc và mẫu mực được sinh viên tin yêu, khâm phục, biết ơn - không khác gì quan hệ của sinh viên Y đối với cụ y tá Thu, maman Ngọc ở bệnh viện thực hành Chiêm hoá.

Do số sinh viên Dược không đông, nên có thể đặt lớp ở đình làng Hanh, hầu hết sinh viên ở nhờ nhà dân. Hàng năm, sinh viên từ năm thứ nhất (mới tuyển) đến năm thứ 3 được về học nửa năm rồi đi công tác thực tế nửa năm (ở các đơn vị sản xuất, kho, ban quân dược trung đoàn...). Sinh viên các lớp cao hơn thì chỉ học các lớp “đoản kỳ” ( ngắn hạn ). Tham gia giảng dạy có các dược sĩ Vũ Công Thuyết, Huỳnh Quang Đại, Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Trọng Bính... Hướng dẫn thực hành có các dược sĩ: Trần Lâm Huyến, Nguyễn Văn Luận, Đỗ Hữu Thế... Ngoài ra còn có dược sĩ Đặng Đức Dục và sinh viên Nguyễn Văn Đàn phụ trách phòng thí nghiệm. Chương trình đào tạo vẫn dựa theo chương trình cũ tuy nhiên có lược bỏ những phần không cần thiết. Thời gian học tập là 5 năm: năm đầu thực hành cơ sở (gọi là năm “tập sự”) và 4 năm vừa về học chuyên môn tại trường vừa công tác tại các cơ sở Dược (gọi tắt là D1 - D4).

Ngày 30.8.1948, trường mở một kỳ thi kết thúc năm tập sự dược học cho các sinh viên tập sự từ niên khoá 1946-1947 và các sinh viên tập sự đủ 9 tháng tính đến 30.8. Có 5 sinh viên trúng tuyển (Ngô Gia Trúc, Nguyễn Văn Hợi, Phó Bá Long, Nguyễn Khoa Thông, Ngô ứng Long). Ngày 1.11.1948 mở kỳ thi sát hạch năm thứ nhất lên năm thứ hai, có 5 người trúng tuyển là các sinh viên Đặng Hanh Khôi (có thời gian hoạt động tại mặt trận Huế, sau có công tác trong phòng bào chế - tiếp tế, di chuyển từ Ba Thá lên Tuyên Quang, có thời kỳ làm trưởng ban tiếp tế thuộc phòng Dược chính, Cục Quân Y), Phan Hữu Đào (trước có thời kỳ hoạt động tại mặt trận Huế, trong chiến dịch Trung Du, làm khoa trưởng khoa Dược Chính), Nguyễn Văn Đàn (về sau là Thứ trưởng Bộ Y tế ), Đinh Ngọc Lâm (có thời kỳ phụ trách Ban Kế hoạch thuộc Phòng Dược Chính, cục Quân Y) và Bùi Hồng (không rõ làm gì). Những khoá sau, sinh viên thi kiểm tra viết tại ban Quân Dược và thi vấn đáp tại Chiêm Hoá trước Hội đồng giám khảo do giáo sư Hồ Đắc Di làm chủ khảo.

Mỗi khi sinh viên tập trung về trường các giảng viên chỉ giới thiệu, giải đáp, rồi hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu. Do vậy, một yêu cầu rất lớn là phải có đủ tài liệu. Ngoài những tài liệu có sẵn sinh viên có thể mượn, đọc, ghi chép (chủ yếu tiếng Pháp), trường còn in thêm tài liệu để phát. Sinh viên Nguyễn Văn Hợi, với sự giúp sức của sinh viên Bạch Quang Chiểu đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ ấn loát này.

Sinh viên Hợi gắn bó với trường rất sớm, ở trường khá lâu, sau này đã đem kinh nghiệm đó đi xây dựng thành công trường trung cấp dược. Bộ phận ấn loát của ông Hợi có tên COTALO (công ty ấn loát); cũng in bằng đất sét nhưng do khéo tay, nên người của ban in đã viết chữ ngược trực tiếp lên mặt đất sét, in ra được 20 bản rõ nét.
Sau học lý thuyết và kỹ thuật, sinh viên lại “đi thực tập”, nhưng sự thật là trở về công tác tại các cơ sở và phục vụ các chiến dịch (quy định nửa năm, nhưng thực tế thường lâu hơn thế; do vậy đợt sau họ không được về trường đủ 6 tháng như quy định, mà có khi còn phải học lớp “đoản kỳ” trong một hay vài tháng). Thời gian đi “thực tập”, họ gánh vác rất nhiều nhiệm vụ kháng chiến - gian khổ, bỡ ngỡ và trưởng thành; không khác và không kém các sinh viên y khoa. Có sinh viên phụ trách xưởng bào chế, phụ trách kho, hoặc lãnh đạo thu chiến lợi phẩm y dược ở cả một mặt trận (Nguyễn Hữu Thiệu), hay phụ trách công tác dược của cả một sư đoàn (Nguyễn Xuân Hiền). Tiện đây, cần nhắc tới một số sinh viên dược khoa được cử đi công tác vào tận khu 5 hay Nam Bộ, trong số này có những người đến 1954 mới ra miền Bắc “học tiếp” và thi tốt nghiệp (Phạm Văn Số, Nguyễn Kim Phát, Bùi Quang Tùng... ở Nam Bộ, Phan Hữu Đào, Đinh Ngọc Lâm, Phan Doãn... ở khu V).

Nói chung, số sinh viên Dược không đông như sinh viên Y

Thống kê năm 1954 cho kết quả như bảng dưới đây:

KHOÁSỐ SINH VIÊNKHOÁSỐ SINH VIÊN
Tới 19456Khoá 194811
Khoá 19466Khoá 194919
Khoá 19479Khoá 195020
1951-1954Không tuyển sinhTổng cộng71

Hội đồng chấm thi dự định sẽ do giáo sư Hồ Đắc Di làm chủ khảo. Thành viên hội đồng là dược sĩ Nguyễn Trọng Bính, lúc đó là Giám đốc Ban Quân dược Đại học - và các cán bộ phòng Dược chính của Cục quân y.

Năm 1947, ban Dược có các khoá sau: khoá trước 1945 và 1945 (Nguyễn Văn Kỳ, Hoàng Như Tố, Nguyễn Văn Đàn, Phan Hữu Đào, Đặng Hanh Khôi, Đinh Ngọc Lâm, Bùi Hồng...); khoá 1946 (Đoàn Hữu Sử, Ngô Gia Trúc, Vũ Ngọc Lộ, Nguyễn Huy Chý, Nguyễn Văn Hợi, Ngô Ứng Long) lúc này đã hết năm tập sự. Khoá mới tuyển vào năm tập sự (Nguyễn Hữu Bảy, Trần Ngọc Bẩy, Nguyễn Xuân Hiền, Lê Văn Thuần, Nguyễn Hữu Thiệu, Nguyễn Khoa Thông, Nguyễn Xuân Tiến, Đỗ Viết Trang, Trịnh Thế Trụ). Tất cả đều được lên lớp với điểm số khác nhau.

KHAI GIẢNG NĂM HỌC 1947-48 CỦA BAN Y.

Ngày 6.10.1947, lễ khai giảng niên khoá 1947-1948 được tổ chức trọng thể, có mặt đại diện Chính phủ, là Bộ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Trưởng Bộ Y Tế Hoàng Tích Trí, Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Khánh Toàn, Cục Trưởng Cục Quân Y Vũ Văn Cẩn…. Năm học này có 17 sinh viên ghi tên, cộng với 3 sinh viên các khoá trước bị đứt đoạn học tập nay lại học tiếp. Tuy nhiên, không phải họ đã có mặt đầy đủ hôm khai giảng. Ngoài ra, một số lớn sinh viên các lớp trên không thể bỏ nhiệm sở về dự khai giảng. Trước các quan khách, thầy Tùng, thầy Chung, và 67 sinh viên các lớp (không có sinh viên Dược) giáo sư Hồ Đắc Di đã đọc diễn văn (tiếng Pháp).

Hôm trước, sinh viên Vũ Triệu An còn thấy cụ Di vừa đi bách bộ vừa lẩm nhẩm đọc trước bài diễn văn. Do vậy, đây là diễn văn lịch sử, vì nó được soạn thảo công phu để trình bầy đầy đủ tư tưởng và quan điểm của người sáng lập trường Y Dược kháng chiến.

"... Trường Đại học Việt Nam luôn trung thành với chính mình, nghĩa là với truyền thống trí thức, vị tha và khoan dung. "Thực tế khoa học" cũng như "thực tế trí thức" là cơ sở của mọi hành động cũng như mọi triết lý, nhạy cảm với mọi nhịp đập, mọi đau khổ và niềm vui của Tổ quốc, ý chí luôn vươn tới Độc lập, tới chiến thắng; nhưng không vương vấn ý muốn chinh phục, mưu toan thống trị mà chỉ có lòng căm giận cảnh nô lệ và tình yêu tự do. Có thể tóm tắt con đường của trường Đại học trong một công thức đơn giản: hiểu Cái Thật và Cái Đẹp để thực hiện Cái Tốt.
Trường Đại học là một cộng đồng tập hợp thầy và trò cùng nguyện vọng học hỏi, đạt được bằng thảo luận tự do để tự khẳng định mình trong việc nhận định các giá trị cao cả có thực. Các khái niệm chính xác về các giá trị tinh thần đó là bí quyết của tinh thần Đại học...".

Quan hệ thầy-trò và phương châm giáo dục được trình bày như sau:

"... Chính trong lao động tập thể sẽ phát triển tình cảm thân thiện giữa thầy và trò, gắn bó họ với nhau bởi những mối quan hệ quý mến và hữu nghị, không hề có chỗ cho sự quỵ luỵ. Trong mối quan hệ đó, ý thức phê bình, bông hoa đẹp nhất của trí tuệ cần được nở rộ hoàn toàn tự do. Nhưng trường Đại học không phải là một sự pha trộn các trường phái, không phải là một trung tâm phân phát kiến thức và kỹ thuật, nó còn phải là một trung tâm nghiên cứu, vì dạy và nghiên cứu là anh em sinh đôi, giảng đường chỉ là tiền sảnh của phòng thí nghiệm..."

Các sinh viên ngoài 20 tuổi có lẽ không hiểu hết ý nghĩa sâu sắc qua những ngôn từ uyên bác trong diễn văn, kể cả những sinh viên đang dỏng tai nhất (vì họ là khoá 1947, vừa mới vào trường), như Phạm Văn Cự, Nguyễn Kim Đương, Phạm Gián, Phạm Tràng Giang, Nguyễn Kim Khánh, Vũ Phong, Hoàng Kim Phụng, Nguyễn Đình Quang, Bùi Xuân Tám, Vũ Nhật Thăng, Đào Gia Thìn, Nguyễn Hữu Toại, Nguyễn Duy Tuân, Hoàng Phúc Tường, Đỗ Hoài Nam, Nguyễn Văn Hải, Đào Đan Chi) và 3 sinh viên các khoá trước nay nhập vào khóa 1947 là Võ An Dậu (khoá 1946), Đỗ Dương Thái (1946) và Phạm Thế (1944).

Nhưng năm học vẫn chưa tiến hành được vì ngay hôm sau, địch nhảy dù Bắc Cạn, mở đầu cuộc tấn công thu đông lên Việt Bắc. Tuy địch chưa tới nơi, nhưng việc Võ đại tướng tức tốc rời trường khiến thầy trò thấy được tình hình sẽ không yên. Một trong 2 gọng kìm của địch là binh đoàn Com-muy-nan theo sông Lô và quốc lộ 2 nhằm hướng Tuyên Quang, ở đó có An toàn khu (nơi các cơ quan đầu não của ta đóng). Trường đang tập trung 67 sinh viên nên phải phân tán, sau khi họ được phát đầy đủ sinh hoạt phí của cả tháng. Một số sinh viên về với gia đình ở dưới xuôi, một số ở lại với trường, hoặc tản ra các xã quanh vùng. Trường đại học, nhưng lại không có kế toán, thủ quỹ, nên đích thân hiệu trưởng Hồ Đắc Di phải giữ số tiền quỹ quá lớn và phải lo bảo vệ nó.

Vài ngày sau, một mũi tấn công của địch từ thị xã Tuyên Quang lên thẳng làng ải, vào một buổi sáng sương mù chưa tan hết; nhưng trước đó trường đã kịp cất dấu kho tàng (chẳng có bao nhiêu) và nhờ dân sơ tán bệnh nhân vào rừng; các nhân viên và gia đình họ (có gia đình cụ Di, thầy Tùng, ông Huyên...) cũng tạm lánh như vậy. Chúng lùng sục, gọi loa “chiêu hàng” đích danh 2 nhân vật: GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng.

Rõ ràng, trong cuộc chiến tranh này, cả ta và địch đều hiểu rất rõ vai trò của trường, cũng như vai trò hai cá nhân trên. Vấn đề là thái độ của hai nhân vật lịch sử đó. Việc Pháp đi “một mạch” lên đến làng ải, thì có nhiều suy đoán: chúng trinh sát và đã phát hiện hoặc do có “Việt gian” nằm vùng chỉ điểm; còn bác sĩ Vưu Hữu Chánh đoán rằng có thể do bác sĩ Huard biết trường ở đó...

Lúc đó cả gia đình cụ Di, ông Tùng đều nấp kín trong bụi rậm cách địch không xa, đến mức có người nghĩ rằng chỉ cần một tiếng ho phát ra thì tất cả sẽ bị bắt. Sau này cụ Di kể lại: nếu chúng phát hiện ra mình thì mình có thể tự sát, nhưng còn tiền quỹ lọt vào tay chúng thì sao?

Kết quả của trận càn: thuốc men dụng cụ còn nguyên vẹn, nhân viên nhà trường và bệnh viện đều an toàn, một bệnh nhân bị địch bắn chết, một vài nhà bị đốt. Gà lợn của dân bị bắt một số.

Cái binh đoàn Com-muy-nan khét tiếng ấy còn nán lại vùng Chiêm Hoá, Đầm Hồng tới cuối tháng 10, do đường sông bị cắt (phải dùng máy bay thả dù tiếp tế). Cuối cùng, nó bị tiêu diệt thảm hại do bị phục kích trên đường rút theo sông Lô, sông Gâm, làm nguồn cảm hứng sáng tác cho Văn Cao; nhờ đó ta có bài trường ca Sông Lô bất hủ.

Ngày 10/10/1947, Hồ chủ tịch gửi thư thăm hỏi và động viên bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng và tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Bức thư bắt đầu bằng “chủ tịch chính phủ” và “thưa các ngài”, và kết thúc bằng “Tôi gửi lời thăm các thím, hôn các cháu và thăm các anh em sinh viên...”.

CHỦ TỊCH
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
VĂN PHÒNG
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số 432-MHà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Bs Huyên, Bộ trưởng Bộ QGGD;
Bs Tùng, Thứ trưởng Bộ Y Tế;
Bs Zi, Giám đốc Đại học Vụ;

Thưa các Ngài,

Cuộc tấn công mùa đông của địch đã thực hiện như chúng ta đã đoán trước. Chính vì biết trước nên chúng ta không nao núng. Dù sao trong lúc đầu, những nơi chưa quen tiếng súng thì dân sự không tránh khỏi ít nhiều hoang mang. Vậy xin các Ngài sang giải thích cho đồng bào ở vùng đó hiểu.

Nam Bộ cách xa Chính phủ trung ương, địa thế lại kém và trước đây chuẩn bị cũng kém thua Bắc Bộ, mà lực lượng kháng chiến phát triển và củng cố khá mau thì Bắc Bộ nhất định phát triển và củng cố mau hơn nữa.

Việc liên lạc với các Ngài và việc khai hội đồng, tôi đã dặn kỹ chú.... (chữ bị mờ, không đọc được). Cuộc kháng chiến nay đã vào bước gay go mà chúng ta đã đoán định trước. Đó là một cuộc thử thách tinh thần và lực lượng của chúng ta. Đồng thời sự gay go đến sớm chừng nào tốt chừng ấy.

Trong cuộc thử thách này, mọi anh em ta phải tỏ ra cái chí khí "bách chiết bất hồi", cái tinh thần nhân lao nãi khổ. Đối người đối việc phải hết sức cẩn thận. Không bao giờ cẩu thả, cầu yên. Không sợ địch mà cũng tuyệt đối không khinh địch.

Chúng ta đã thắng lợi nhiều thử thách trước. Thì với sự đồng tâm hợp lực của Chính phủ, của quân đội và của toàn dân, chúng ta sẽ nhất định thắng lợi trong cuộc thử thách này.

Tôi nhờ các Ngài lập tức chuẩn bị, nếu địch đi qua đó, để giữ gìn gia quyến và toàn thể anh em sinh viên được an toàn. Phải có kế hoạch cẩn thận.

Chào thân ái và quyết thắng.
Ký tên HỒ CHÍ MINH

TB - Tôi gửi lời thăm các thím. Hôn các cháu và hỏi thăm các anh em sinh viên.

(Tư liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia 2)

Không ngờ, hồi ấy ở dưới đồng bằng lại khá yên ổn. Té ra, ngày đầu chiến tranh Pháp không có nhiều quân lắm, đồng bằng bị “rỗng” khi chúng vét quân tấn công Việt Bắc. Ngoài trận càn vào quân y viện Thư Điền do thầy Hỷ phụ trách và vài trận lẻ tẻ khác, nói chung tình hình khu III yên tĩnh. Ông Lê Văn Hiến (bộ trưởng Tài Chính) từ khu III viết thư cho bác sĩ Tùng, mời bác sĩ và vài vị khác về khu III cho an toàn.

“...Được tin Pháp đến Chiêm Hoá và chúng lùng đến cơ quan các anh, chúng tôi rất lấy làm lo. Nhưng sau nghe (nói) các anh Huyên, Di và anh đều được thoát nạn sau những ngày lẩn lút vất vả trong rừng, chúng tôi rất đỗi vui mừng. Nếu tình hình trên ấy không yên tĩnh lắm mà bọn Pháp cứ lục lọi để tìm các anh, thì tôi tưởng anh nên mau mau thu xếp và tìm đường xuyên sơn để về liên lạc với dưới này.. .. chúng tôi rất mong tin tức của các anh Huyên, Di và anh...”
Kèm thư, có cả tiền để ba gia đình làm lộ phí về xuôi. Nhưng số tiền đã được chi phí cho trường, chứ không phải thanh toán như khoản công tác phí. Chẳng gia đình nào bỏ Việt Bắc về khu III.

Địch rút khỏi Tuyên Quang 21 tháng11 thì hơn 10 ngày sau, ngày 3.12.1947, trường đã tái giảng tại địa điểm cũ. Những sinh viên tạm lánh dưới xuôi lại trở lên, còn rủ thêm được nhiều người. Ngày 17.3.1948 đã tổ chức thi tốt nghiệp bác sĩ cho ông Nguyễn Danh Đàn (sau phụ trách Quân Y mặt trận Bình Trị Thiên năm 1950). Đến đầu tháng 6.1948 đã có 76 sinh viên và ngày 21.6.1948, các kỳ thi sát hạch cuối năm học được tổ chức: 20 sinh viên được lên năm thứ hai, 32 sinh viên lên năm thứ ba, 18 sinh viên lên năm thứ tư và 3 sinh viên lên năm thứ năm, tất cả có 73 người được lên lớp. Không có sinh viên hai năm cuối vì anh em hoặc đã được điều động đi chiến trường, hoặc đang làm việc tại các cơ sở quân dân y.

Các kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ năm học 1947-1948 tiếp tục được mở cho tới ngày 14.9.1948, có các ông Trần Vỹ (ông này cuối năm 1946 phục vụ tại trạm phẫu thuật lưu động của bác sĩ Hoàng Đình Cầu tại vùng ứng Hoà, Hà Đông) và Đặng Văn ấn (sau này là trưởng khoa X quang bệnh viện Bạch Mai). Như vậy tổng số bác sĩ tốt nghiệp năm học 1947-1948 là 4 người (kể cả ông Nguyễn Lưu Viên thi sớm hơn).

Cách thức học hành của sinh viên hồi đó nói chung là: năm đầu tiên, tuỳ tình hình chiến sự, được học ở trường từ 7 đến 11 tháng liên tục (trừ khoá 1946 được học quá ít và khoá 1952 được tập trung 18 tháng). Phải hết sức tranh thủ nghe giảng ở lớp, ghi chép cật lực, sau đó còn phải ngày đêm ghi lại (tóm tắt) từ các cuốn sách có ở thư viện. Các cuốn sách bị sinh viên “quần” đến nát là: sách Giải phẫu của Rouvière và Testut, sách Triệu chứng học của Sergent, Bệnh học ngoại khoa của Forgue và Patel, nhất là sách về ngoại khoa thời chiến của Quénu, Lejars... vân vân.

Một nguồn tài liệu khác là nhưng tập tự ghi của các “đàn anh lớp trước”. Đó là những tập giấy pơ luya “Mỹ” (để khỏi nặng và khỏi dễ bị nát khi hành quân) với chữ viết nhỏ li ti (để ghi được nhiều) dùng mực Parker (để khỏi nhoè khi giữ lâu hoặc khi bị ướt). Nó quý ở chỗ đàn anh đã tóm tắt (bằng tiếng Pháp) sau khi đã tiêu hoá và hấp thu phần tinh tuý nhất. Tập nào càng cũ càng quý, chứng tỏ nó không bị chủ nhân quẳng đi vì vẫn còn rất đắc dụng. Việc thực hành ở bệnh viện của thầy Tùng thì “từ thấp lên cao”, nhưng ai cũng cố học nhiều để nhanh chóng được phụ mổ, rồi nếu may mắn thì được mổ vài ca dễ. Gương tầy liếp là các đàn anh đã phải giải quyết những ca quá sức mình mà không có ai là giỏi hơn về chuyên môn ở bên cạnh để hỏi han.

Kể ra, học như trên là quá sức với Y1. Thời nay, sinh viên Y1 khó mà hiểu nổi, nhưng lại là sự thật với các bậc tiền bối. Các vị rất biết cần học gì để hoàn thành trách nhiệm, và đã tự thiết kế lấy kế hoạch học tập của mình; không thể tất cả trông vào thầy. Số thầy quá ít, ngoài hai giáo sư ngoại khoa, sau thêm giáo sư Đặng Văn Ngữ, chỉ còn có thầy Vưu Hữu Chánh là trong biên chế trường. Các thầy đã tự vắt kiệt sức rồi. Tuy năm nào trường cũng giữ lại một số sinh viên lớp trên làm phụ giáo: Nguyễn Dương Quang, Đỗ Quang, Trần Quang Vỹ, Trần Trọng Hùng, Đinh Văn Chí, Nguyễn văn Phan, Phạm Thuý Liên...v.v. nhưng rồi họ nhấp nhổm chỉ muốn xin ra trận, duy có sinh viên Phạm Thuý Liên là ở trường lâu nhất (theo giáo sư Vũ Triệu An thì có lẽ ông Liên phải ở lại để lãnh đạo chi bộ).

Về ăn uống, sinh hoạt, chỉ một số ít sinh viên có “lương khô” do gia đình cấp cho (vài ba chỉ vàng); do vậy thỉnh thoảng có thể cải thiện bằng bánh cuốn bà Phán Tảo hay phở chú Tám (là Hoa kiều, được giáo sư Tùng mổ cứu sống, nên chú quý mến tất cả nhân viên và sinh viên của trường; hễ thầy Tùng vào ăn, bao giờ chú cũng làm một tô “tặc piệt”). Còn đa số hoàn toàn trông cậy vào tiền sinh hoạt phí được cấp phát (230 đồng một tháng), tạm đủ, hay thừa ra chút ít để đôi khi có thể ăn thêm chút quà. Sinh viên quân y có sinh hoạt phí khá hơn, lại được cấp cả trang phục, nên có người còn dè sẻn nuôi được em trai ăn học. Tuy nhiên, tình hình này chẳng kéo dài được bao lâu. Đồng tiền mất giá rất nhanh. Tất cả thầy trò dần dần đều được nếm trải những ngày rất gian khổ, thiếu thốn. Có lớp, sinh viên nữ trở thành “chuyên gia” vá quần áo rách cho các bạn nam giới để họ đi vác gạo và cuốc đất tăng gia thay mình.

Chính phủ kháng chiến không có nguồn thu nào đáng kể, mà chủ yếu là sự quyên góp và sự ủng hộ của dân (số thóc thu được khoảng 1 vạn tấn thóc/năm, thời giá năm 2002 là 30 tỷ đồng, hoặc 2 triệu U$D); các khoản chi thì ngày càng lớn (ví dụ: số thóc dùng cho chiến dịch biên giới tới 3 vạn tấn). Chỉ còn cách in thêm thật nhiều tiền, mà không thể thu thuế (dân cũng nghèo, không thể bắt họ đóng góp quá sức); do vậy sức mua của đồng tiền tụt dốc rất nhanh. Sinh viên quân y cũng gian khổ và sau đó thì tất cả đều là quân y (theo sắc lệnh của Hồ chủ tịch trưng dụng họ vào bộ đội).
Tuy sinh hoạt phí có tăng nhưng còn cách xa sự tăng giá tự phát của thị trường (trong vòng 8 tháng, học bổng từ 230 tăng lên 350 đ/tháng, đủ nói lên tốc độ lạm phát). Thế là, tất cả được quy ra gạo để đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu. Thầy hiệu trưởng được lĩnh cả thảy trên 60 kg/tháng; thầy Tùng, thầy Ngữ 58 kg. Mỗi bậc lương hơn nhau 1-2 kg gạo, thì có thể suy ra sinh viên khổ đến mức nào (23 kg gạo/tháng, trong đó số gạo “thực lĩnh” là 15-18kg). Đó là nói từ năm 1948, 1949. Sau này, việc tự tăng gia và chế độ tự quản khiến sinh viên có sự cải thiện đáng kể: gạo lĩnh ở kho về (mỗi người được 15kg) bằng cách cho vào cái quần cũ, buộc túm hai ống quần lại rồi côông kêêng nó lên vai, đem về nhập kho. Số gạo còn lại được lĩnh bằng tiền để mua mắm muối, thức ăn. Mức ăn do quản lý xuất kho hàng ngày để các chị cấp dưỡng nấu cho. Ai cũng biết món canh sắn: củ sắn nấu nhừ với chút mỡ, rồi nêm muối (thừa củi, nhưng lúc đó chưa có mì chính). Dầu đèn và giấy mực do trường phát. Ai cũng cố tự sắm cái bút máy Wearever, sang hơn thì có bút Pilot hay Parker để ghi chép cho nhanh. Các bác sĩ tương lai không ai viết ẩu (như chữ bác sĩ) mà đều cố viết cho thật li ti để ghi được thật nhiều trên một trang giấy.
Hai năm sau, sau chiến dịch biên giới (1950), ta thông với Trung Quốc và có chủ trương thu thuế nông nghiệp, công thương nghiệp để tăng ngân sách và nhờ vậy cuộc sống của thầy trò đã cải thiện hơn.

TRƯỜNG CHUYỂN SANG TRUNG GIÁP. NĂM HỌC 1948-1949

Được sự chấp nhận của chính phủ, kèm kinh phí di chuyển và xây dựng. Tư liệu còn lại cho thấy bộ Tài Chính vất vả lo khoản kinh phí này như thế nào, qua đó cũng thấy vị thế rất lớn của trường. Tháng 9.1948 trường chuyển về xã Trung Giáp huyện Phù Ninh, Phú Thọ. Địa điểm ven sông Lô này có những cánh rừng gỗ và rừng cọ rất rộng. Bệnh viện thực hành được xây dựng rất đẹp bằng tre nứa lá tại trung tâm; xung quanh là nhà ở và lớp học; có thêm một tiền trạm đóng tại Phú Hộ, cách xã Trung Giáp hai cây số, để đón nhận thương binh ở mặt trận Việt Trì, Trung Hà, Sơn Tây chuyển về theo quốc lộ số 2. Lúc này giặc đã chiếm Trung Hà (thuộc đất Sơn Tây mà chúng đã bình định được phần lớn), lập thành căn cứ, đang lăm le sang sông chiếm Việt Trì (thuộc đất Phú Thọ). Trung Hà mới cách đó 2 năm còn là nơi “trường” (do sinh viên Ty dẫn đường) qua sông để sang địa đầu Việt bắc, nay đã bị địch chiếm.

Ngày 15/10/1948, Bộ Quốc Gia Giáo Dục ra Nghị định số 1128/ZY-TD chính thức quyết định xây dựng hai bệnh viện thực hành cho trường: Bệnh viện thực hành A do bác sĩ Tôn Thất Tùng làm giám đốc ở Ngòi Quẵng và ở cơ sở Trung Giáp. Bệnh viện thực hành B ở Nông Cống (Thanh Hoá) do bác sĩ Hoàng Đình Cầu làm giám đốc (gắn với trường y sĩ Liên khu 3-4).

Khởi đầu chuyện chuyển về Trung Giáp là do một số sinh viên trong hiệu đoàn tỉ tê thuyết phục thầy Di chuyển trường về xuôi, nhưng họ cũng chưa rõ “xuôi” cụ thể là ở đâu. Lý do không nói ra là để cuộc sống anh chị em đỡ khổ, lý do công khai là “để thu hút sinh viên trong Hà Nội ra học”(!). Thầy Di “độp” lại ngay: chẳng biết các anh “hút” họ ra vùng kháng chiến, hay chính các anh lại bị họ “hút” vào Hà Nội. Tuy nhiên, khi được trường báo cáo, ông thứ trưởng bộ Giáo Dục Nguyễn Khánh Toàn vẫn yêu cầu điều tra cẩn thận vùng huyện Phù Ninh coi thử có nơi nào phù hợp. May mắn, ở đây có cụ điền chủ yêu nước Đào Đình Quang sẵn sàng đưa cả nhà cửa, đồi nương cho trường sử dụng, chỉ xin cho 2 con mình - đã có bằng tú tài - được vào trường. Thực ra hễ có bằng tú tài thì chỉ việc ghi tên nhập học, chẳng cần xin. Cuối cùng, mọi người tìm được địa điểm Trung Giáp, báo cáo lên bộ Giáo Dục, và được chính phủ đồng ý, với khoản kinh phí không nhỏ để di chuyển và xây dựng. Sinh viên Võ Như Tỷ lại có dịp trổ tài vẽ mẫu nhà.
Và đã thành lệ, bệnh viện thực hành của nhà trường đóng ở đâu là nhân dân tìm đến rất đông để chữa bệnh. Nhiều quán hàng tranh thủ "mọc" xung quanh với các món ăn "thủ đô" sẵn sàng phục vụ các quý khách... nghèo; cũng có nghĩa là phố Quẵng ở Chiêm Hoá sẽ trở nên tiêu điều hơn...
Rồi những đêm liên hoan của thầy trò mà giáo sư Hồ Đắc Di gọi là "sinh hoạt vui thú tư tưởng". Có những đêm trăng bờ sông, chàng sinh viên mang đàn guitare ra gẩy, và lẽ tất nhiên xúm xít xung quanh có những cô nàng xinh đẹp. Đời cứ tươi.

Năm học 1948 - 1949 khai giảng ngày 6.10.1948, ở Trung Giáp, số sinh viên thực tế có mặt hôm đó là 70.Năm thứ nhất, tức khoá mới tuyển có mặt 18 người. Năm thứ hai có mặt 20; năm thứ ba có mặt 32.

Trong số “lính mới tò te” người ta thấy có các tên trong danh sách như Tôn Thất Duy, Đào Đình Đức, Trịnh Xuân Giáp, Nguyễn Xuân Hiền, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Xuân Huyên, Hoàng Kỷ, Hà Văn Mạo, Đỗ Quang, Hoàng Trọng Quỳnh, Đặng Tấn...). Nhưng một số khá đông các lớp đàn anh chỉ “có tên” mà không “có mặt”. Đã bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn: sinh viên đến kỳ về học, thậm chí đã nhận được giấy gọi, nhưng đơn vị không thể giải quyết cho về. Hiệu đoàn biết rõ cũng đành chịu vì không ai quan niệm nổi chuyện bỏ nhiệm vụ để về học; khổ nỗi, không về học thì sau đó rất khó mà hoàn thành những nhiệm vụ cao hơn. Đơn vị quân y biết rõ điều ấy cũng đành chịu.
Các lớp trên đang tập sự và làm tại các bệnh viện, các trạm, dù không vê học và thi, đều vẫn được nhà trường công nhận “đã lên lớp”. Tuy đó cũng là một cách giải quyết cho phù hợp thực tế, tránh thiệt thòi cho sinh viên, nhưng sinh viên không mấy ưa thích vì họ thích về trường hơn...

Trong năm học này, lần đầu tiên, môn Chính Trị được đưa vào chương trình chính khoá do thứ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp giảng dạy. Sinh viên tiếp thu rất tốt và rất hoan nghênh. Năm học mới bắt đầu được ít ngày thì có tin địch nhảy dù, chiếm Việt Trì. Chúng đã cắm một chân vào đất Việt Bắc.

Từ đó, Việt Trì thành một căn cứ bàn đạp lớn của địch để chúng tấn công lên Việt Bắc, vì Việt Trì là nơi hội tụ của sông Hồng, sông Lô và quốc lộ 2 - đó là những đường (thuỷ, bộ) rất thuận tiện cho ca nô và cơ giới địch lên Phú Thọ, Đoan Hùng, rồi Tuyên Quang. Thường thì địch lợi dụng mùa thu-đông (ít mưa, đường khô ráo) để tấn công ta.
Từ Việt Trì theo quốc lộ 2 lên đến Phú Hộ chỉ có 33 km, rẽ phải 3 km là tới Trung Giáp; nếu địch dùng đường sông Lô thì quãng đường cũng tương tự. Như vậy trường ở vào vị trí luôn bị đe doạ. Việc giảng dạy bị hay bị gián đoạn suốt thời gian sau đó chính là do nguyên nhân này.

Trường buộc phải tạm đình giảng “để nghe ngóng”. Địch ở Việt Trì chưa động tĩnh gì, nên đến ngày 8.11 trường lại được phép tái giảng và việc học được tiếp tục tới hết tháng 12.1948. Đầu năm 1949, chính phủ lại ra lệnh tạm đình giảng tất cả các trường để đề phòng cuộc tấn công thu - đông. Trong hai tháng ngừng học (tháng 1và 2), sinh viên lại đi thực tập tại các trạm, các đơn vị phẫu thuật lưu động ngoài tiền tuyến, tổ chức chủng đậu, khám sức khoẻ và chữa bệnh cho dân địa phương. Sinh viên mới vào học thì làm công tác truyền bá vệ sinh. Tuy nhiên thu-đông năm ấy địch không tấn công ra xa mà tập trung củng cố cứ điểm Việt Trì.

Ngày 5.3.1949, trường vừa mới tái giảng được hai tháng ở Trung Giáp thì ngày 3.5.1949, khi đã sang hè, địch mở chiến dịch Pomone, theo quốc lộ 2 và theo sông Lô. đánh lên Phú Thọ và trường ta nằm kẹt giữa hai gọng kìm này.

Rất may là trường theo quốc lộ 2 chạy ngược lên phía trên, nhằm hướng Đoan Hùng và Tuyên Quang sớm hơn vài giờ trước khi địch tới Trung Giáp đốt phá (theo hồi ức của giáo sư Nguyễn Dương Quang thì chỉ sớm nửa giờ). Không thể cứ chạy bộ trước mũi tiến công cơ giới của giặc, lại thêm chúng vừa nhẩy dù chiếm Đoan Hùng, chặn đường lên Tuyên Quang, trường phải bỏ quốc lộ để rẽ trái vào xã Đại Lục, gần Đào Giã, cách quốc lộ khoảng 5 km, đóng ở đấy. Địa điểm dừng lại để rẽ trái có tên là Cầu Hai, còn cách Đoan Hùng 20 km. Nhờ vậy trường đã tránh được mũi tiến công, bảo đảm an toàn về người và những phương tiện quý nhất kể cả hai cái máy chữ, năm 1952 kiểm kê chất lượng được đánh giá là còn “mới” 30%. Chính ở Đại Lục, một sinh viên khoá 1947 đã hy sinh, được công nhận liệt sĩ.

Trường đóng ở Đại Lục không lâu, tuy có giảng dạy, nhưng ít sinh viên vì họ chưa biết địa điểm này để quy tụ về và rất nhiều sinh viên y kháng chiến không có kỷ niệm với Đại Lục, thậm chí chưa đến đấy bao giờ. Khi tình hình yên ổn, trường quay lại Trung Giáp, tận dụng cơ sở cũ, tiến hành nốt năm học 1948-1949 đầy biến động. Điều ngạc nhiên là trong hoàn cảnh như vậy, trường vẫn tổ chức được các kỳ thi cho năm học này, kể cả thi tốt nghiệp.

Đó là Nghiêm Tằng Lẫm. Khi xung quanh yên ắng làm mọi người phân vân “địch đã rút chưa”; muốn biết rõ phải có người đi thăm dò, thì sinh viên Nghiêm Tằng Lẫm thấy không ai khác ngoài mình ra - một đảng viên cộng sản. Anh cầm súng dò dẫm ra khỏi trường chưa đầy vài trăm mét thì bị địch phát hiện, bắn chết. Nhờ nghe tiếng súng, trường lẳng lặng rút vào sâu hơn. Và lại an toàn.
Đến nay chưa rõ mũi tiến công cơ giới và bộ binh theo quốc lộ 2 của địch lên Việt Bắc vì sao lại có một nhánh rẽ sang phải để vào Trung Giáp. Rất nhiều ý kiến cho rằng chúng biết có trường Y ở đây.

Các kỳ thi “lên lớp sớm” năm học 1948-1949 bắt đầu mở ngay từ cuối tháng 5-1949 (lẽ ra, là tháng 7 hay 8). Ban giám khảo gồm các vị: Hồ Đắc Di, hiệu trưởng, làm chủ khảo ; Tôn Thất Tùng, Nguỵ Như Kon-Tum, giáo sư, làm uỷ viên (nhưng hồi đó gọi là phân khảo) và Vưu Hữu Chánh (phụ khảo). Vì cần một số sinh viên Y4 đủ trình độ phụ trách một trạm cứu thương /phẫu thuật, đủ sức độc lập ra mặt trận, nên mới có kỳ thi “sớm” này cho số sinh viên năm thứ ba lên năm thứ tư. Có 32 người trúng tuyển nhưng vẫn được phép tiếp tục học tới tháng 8 cho thật sự vững vàng mới sang Quân Y nhận công tác. Họ có chức danh mới: “Y sỹ cao cấp”. Các thầy đều hiểu đây là dấu hiệu quân đội ta đang lớn mạnh, và sẽ có đánh lớn. Điều ứng nghiệm là chiến dịch biên giới và nhiều chiến dịch được mở ra liên tiếp sau đấy, từ 1950 trở đi (làm thay đổi thế chién lựoc hai bên).
Các kỳ thi khác tổ chức từ ngày 18.7.1949 cho các sinh viên từ năm thứ ba trở lên. Có 13 người ghi tên dự, trong đó có: năm thứ ba lên năm thứ tư: Ngô Vi Đại (đến năm 1951 trở thành trưởng ban huấn luyện của Cục Quân Y), Nguyễn Quý Hưng, Đỗ Nguyệt, Nguyễn Công Thắng (hai năm sau đã phụ trách đội điều trị 9 trong chiến dịch Hà Nam Ninh), Lê Đình Tiềm. Một người vắng mặt vì ốm là sinh viên Nguyễn Gia Quyền (năm đó đã là trưởng ban Quân y trung đoàn 165 trong trận Phố Ràng, thuộc chiến dịch sông Thao. Ngày nay chắc không ai dám giao cho sinh viên Y3 làm việc đó). Thi năm thứ tư lên năm thứ 5 có: Nguyễn Thành Châm (trưởng ban cán bộ Cục Quân y), Từ Giấy, Đào Bá Khu (1953 đã là đội trưởng đội điều trị 1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ), Nguyễn Khắc Lung (sau đó trở thành phụ trách quân y đại đoàn 320), Nguyễn Sỹ Quốc, Bùi Hữu Yến (sau đó làm Viện phó Phân viện 4 tại Đại Đồng, Phú Thọ). Thi năm thứ 5 lên năm thứ 6 có: Nguyễn Sĩ Quốc. Trường hợp ông Quốc là thi dồn 2 năm làm một. Ngày 3.9.1949, thi lên lớp được 18 sinh viên từ năm thứ nhất trở lên. Kỳ 6.10.1949 được 2 sinh viên năm thứ tư và năm thứ năm và kỳ 3.11.1949 được 24 sinh viên từ năm thứ nhất trở lên (báo cáo ngày 22.11.1949 của trường). Như vậy, theo báo cáo này, có 90 sinh viên đã đạt kết quả các kỳ thi lên lớp năm học 1948-1949.
Thi tốt nghiệp bác sĩ năm học 1948-1949 được tổ chức 2 kỳ: Kỳ thứ nhất vào ngày 7.9.1949 có ông Chu Văn Tích (trong chiến dịch Việt Bắc, làm quân y trưởng trung đoàn 72 Bắc Cạn) tốt nghiệp. Kỳ thứ hai, ngày 5.10.1949 có các ông Vũ Văn Ngũ và Bùi Thế Sinh tốt nghiệp (trong chiến dịch Việt Bắc, hai ông là quân y trưởng và phó trung đoàn 174 Cao Bằng). Do in ấn khó khăn, các bác sĩ tân khoa được hoãn trình luận án đến khi hết chiến tranh. Kỳ thi tốt nghiệp nha sĩ mở ở Chiêm Hoá ngày 12.11.1949 có bà Hoàng Thị Thục (phòng Nha khoa Quân y viện Liên khu 10, sau đổi thành phân viện 4) và ông Võ Như Tỷ (đã đi theo đoàn phẫu thuật của bác sĩ Tôn Thất Tùng từ đầu kháng chiến lên Chiêm Hoá, sau khi thi làm trưởng ban Quân y trung đoàn 101 nổi tiếng. Đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 1966).

Có hai điều được rút ra: thứ nhất là trường đại học không thể cứ di chuyển nay đây mai đó. Trung Giáp không yên ổn nữa, cuối cùng, tháng 10-1949 trường quyết định trở lại Chiêm Hoá. Tháng 11-1949, khai giảng niên khoá 1949-1950 ở đây và thứ hai, không thể để sinh viên suốt 6 năm cứ lĩnh học bổng (dưới dạng sinh hoạt phí); nhất là khi “sinh viên” đã phụ trách các chức vụ cao trong quân y. Do vậy, trường Y-Dược và Cục Quân Y thống nhất như sau, được Bộ Giáo Dục và chính phủ chấp nhận: sinh viên học hết hai năm đầu được công nhận là y sĩ trung cấp (nhờ vậy, hưởng chế độ đãi ngộ khác so với sinh viên mới vào trường, đồng thời đủ tư cách “đàng hoàng” nhận lãnh các chức vụ), học hết bốn năm - là y sĩ cao cấp (đủ năng lực để được đề bạt trưởng ban quân y trung đoàn, đội trưởng phẫu thuật trung đoàn, hoặc cao hơn).

Quy định thêm: sau này, y sĩ cao cấp phải về trường học tiếp 3 năm, trình luận án và thi tốt nghiệp để thành bác sĩ. Khi hoà bình lập lại, nhiều y sĩ cao cấp đã trình luận án ra trường kiểu này vào những năm từ 1955 đến 1958, nhưng không ai phải “học tiếp 3 năm” vì họ đã là Y8 hay Y10.
Các văn bản trong thời kỳ kháng chiến liên quan đến thi tốt nghiệp luôn nhắc đến yêu cầu trình luận án, coi như một điều kiện bắt buộc để có thể được công nhận bác sĩ (hiểu là tiến sĩ). Điều này thể hiện quan điểm đào tạo của những thầy tiền bối và được các thầy nhắc lại nhiều lần :"...việc giáo dục ở bậc đại học còn phải nhằm mục đích xa hơn, rèn luyện "óc nghề" cho người cán bộ, đào tạo cho họ biết nghiên cứu khoa học"... và "Trường Đại học không thể chỉ là nơi dạy khoa học đã hình thành mà còn phải là nơi hình thành khoa học" (Hồ Đắc Di: Tâm sự với các đồng nghiệp trẻ ).

Bằng cách công nhận sinh viên là y sĩ như trên, Quân Y ta chính thức có thêm rất nhiều cán bộ (bác sĩ, y sĩ), nhưng vẫn rất thiếu so với nhu cầu. Chính phủ đã giải quyết bằng cách mở hai trường trung cấp. Đối tượng tuyển sinh là những người đã học hết trung học cơ sở (do vậy, trong vài khoá đầu học sinh có vốn tiếng Pháp rất khá), học 2 năm, ra trường gọi là y sĩ trung cấp.

Sự hăng hái tòng quân của sinh viên y khoa cũng được Bác Hồ biết đến. Ngày 6 tháng 5 năm 1949, Người đã gửi thư cho sinh viên trường ta.

Ngày 6/5/1949
Gửi sinh viên Trường Y Khoa Đại Học.
( Nhờ ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục chuyển ).

Các cháu yêu quý,

Tôi được báo cáo các cháu xung phong tình nguyện tòng quân. Tôi rất lấy làm vui lòng.

Đó là vinh dự cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là cho thanh niên trí thức, nhất là cho sinh viên đại học.

Tinh thần ái quốc đó một phần cũng do ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và ông Giám Đốc Trường Y Khoa Đại Học khéo dung đúc nên.

Tôi gửi lời thân ái khen các cháu.

Để nêu gương xung phong và để thoả mãn chí khí hăng hái của các cháu, tôi đặc biệt chuẩn các cháu vào bộ đội ngay.

Để các cháu được tòng quân và đồng thời khỏi gián đoạn sự học tậm, tôi đã nói với Bộ Quốc Phòng để các cháu công tác ở các Quân y viện. Đến ngày kháng chiến thành công các cháu trở lại trường, thời giờ tòng quân sẽ được tính như thời giờ học ở trường.

Mong các cháu thi đua lập công

Hôn các cháu,
HỒ CHÍ MINH.

Sau thời gian chuẩn bị, chiêu sinh, làm trường sở... trường Quân Y sỹ khai giảng vào 10-3-1949, tại Vĩnh Yên, có 55 học sinh; trường Dân Y sĩ cũng khai giảng vào thời gian này, tại Thanh Hoá.

Vị thế của bậc học trung cấp khi đó là rất cao vì hai trường này được thành lập theo sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 28-8-1948.
Phải nói rằng bộ khung giảng dạy của hai trường trên hầu hết là các thầy của trường đại học hoặc các bác sĩ mà trường đại học Y Dược công nhận từ 1945 trở đi. Các thầy trường Y là trụ cột (Đinh Văn Thắng, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Thế Khánh), còn các bác sĩ được công nhận từ sau 1945 đến lúc đó đã đủ trình độ cũng như kinh nghiệm thực tiễn để làm thầy. Đây chính là lúc trường đại học Y-Dược phát huy vai trò “máy cái” của nó, như đã được dự kiến từ rất lâu. Nhờ vậy, nay đất nước có thêm hai cỗ “máy cái” nhỏ hơn. Nhiều y sỹ trung cấp do hai trường này đào tạo ra sau này đã tham gia đào tạo y tá, hộ sĩ...
Trường Quân Y sỹ đóng ở Vĩnh Yên do thầy Đinh Văn Thắng làm hiệu trưởng, thầy Đỗ Xuân Hợp làm giảng viên, với sự phụ tá của các bác sĩ Đặng Đình Huấn, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Xuân Bích (công nhận sau 1945). Còn trường Dân Y sĩ đóng ở Thanh Hoá do thầy Hoàng Đình Cầu làm hiệu trưởng, quy tụ được các thầy lão thành như Nguyễn Xuân Nguyên, Đặng Vũ Hỷ. Trần Hữu Tước và một số thầy khác...

KHOA DƯỢC: CŨNG CHUYỂN ĐỊA ĐIỂM, ĐÓN THẦY TRƯƠNG CÔNG QUYỀN VỀ DẠY

Trong lúc khoa Y chuyển trường về Xuôi (Trung Giáp) gặp những khó khăn do Pháp tấn công lên Phú Thọ, thì khoa Dược bỏ làng Hanh (huyện Phú Bình) di chuyển lên ngược: xã Bằng Ninh (huyện Chợ Mới, Bắc Cạn), do vậy được yên ổn và còn gặp nhiều thuận lợi cho tới ngày kháng chiến thành công.

Có hai nguyên nhân khiến phải di chuyển địa điểm

1) Làng Hanh tương đối gần vùng địch nên luôn luôn phải sẵn sàng đối phó, do vậy khó ổn định. Thái Nguyên, cũng như Phú Thọ, luôn luôn là nơi địch đặt chân tới đầu tiên mỗi khi chúng tấn công Việt Bắc. Đã vậy, các thầy bên khoa Dược đều là giảng viên kiêm nhiệm, cơ quan chủ quản lại ở rất xa, mỗi lần đến giảng dạy việc đi lại không dễ và không thể lưu lại lâu.

2) Địa điểm mới ở Bắc Cạn, phía trên làng Hanh hàng trăm kilomet, không những an toàn, lại không xa các Viện (bào chế, kiểm nghiệm) và tổng kho dược (cấp trung ương), do vậy rất thuận lợi cho sinh viên thực hành và cho các thầy tới trường dạy.

Tuy nhiên, điều rút ra là không thể có một trường mà đội ngũ thầy toàn là kiêm nhiệm. Cần một thầy, và phải là thầy đủ uy tín, “cắm” hẳn ở trường, dành tất cả công sức cho sự nghiệp đào tạo mà mình theo đuổi cả đời. Chính sinh viên Dược đã phát hiện thầy Trương Công Quyền thích hợp với vai trò này và đề xuất với cục Quân Y để hiệu doàn đảm nhiệm việc mời rước thầy.

Tháng 11 năm 1949, sinh viên Lê Văn Thuần, đang ở liên khu X, tới Đoan Hùng gặp thầy dưới danh nghĩa cá nhân tìm học. Được thầy giảng cho, được cùng đi săn với thầy, sinh viên Thuần đã đặt rõ vấn đề và được thầy chấp nhận. Về thủ tục, phải đưa thầy sang Chiêm Hoá gặp thầy Hồ Đắc Di và bộ trưởng Giáo Dục để cơ quan chủ quản chính thức nhận nhân sự, phân công và bàn cách làm việc. Hai sinh viên Lê Văn Thuần và Nguyễn Dương Huy đã “hộ vệ” thầy trong chuyến đi này.

Trong hội nghị, mọi người đều nhất trí phải gắn Y và Dược trong đào tạo, việc cấp bằng phải là quyền hạn của trường (chứ không phải của cục Quân Y). Thầy Di muốn thầy Quyền sang Chiêm Hoá (và nói: sẽ đề nghị bác sĩ Tùng nhường nhà cho). Cuối cùng, không thể “bệ” cả khối đào tạo Dược với con người, nhà cửa, cơ sở thực tập... đi 200 km trong hoàn cảnh kháng chiến, hơn nữa sinh viên Dược đang nhận nhiều trọng trách ở Cục Quân Y, không dễ dàng hàng năm tập trung 6 tháng ở Chiêm Hoá; hội nghị đã chấp nhận nguyên trạng, thầy Quyền sẽ làm việc ở Bắc Cạn. Từ đó trong danh sách thầy của trường, thầy Quyền lại trở về đúng vị trí xưa kia sau 4 năm vắng bóng.

Đón thầy và gia đình thầy (bà vợ, cô cháu gái Chung, cậu con trai Đô) sang Bắc Cạn là công của các sinh viên Lê văn Thuần, Vũ Ngọc Lộ, Lê Ngọc Bích, Đỗ Minh. Chuyến đi gian nan vất vả, toàn đi bộ, hàng trăm kilomet, đường bị phá hoại rất khó đi, nhưng tất cả đều vui. Làm nhà cho thầy ở Bằng Ninh là sinh viên khoá 1947. Đây là khoá rất gắn bó với thầy Quyền, từng được xem album gia đình của thầy và được chiêu đãi nhiều loại chè do gia đình nấu.
Có giai doạn, khoa Dược (hồi ấy gọi là “ban”) được coi là trường, như trường Y. Xét ra, “trường” Dược có tổ chức riêng, do cục Quân Y quản lý, có địa điểm, cơ sở, kinh phí và con dấu đều riêng. Vậy nó có thể là đơn vị độc lập. Trong biên bản cuộc họp về “hợp nhất mọi trường Y Dược - trung cấp cũng như đại học - thì đại học Y và Dược là hai trường riêng. Tuy vậy, đến lúc thi tốt nghiệp và cấp bằng dược sĩ thì chỉ chữ ký “cụ Di”mới có giá trị. Lúc này, trường Dược lại là một khoa/ban của đại học Y-Dược.

Có thầy Quyền làm chủ tịch hội đồng, các kỳ thi hết môn, thi lên lớp của sinh viên dược trở thành hợp lệ; kể cả thi tốt nghiệp. Từ đó các kỳ thi tốt nghiệp của các khoá được tổ chức phần thực hành và thực tiễn ở Bắc Cạn (có thể có sự tham gia của các thầy bên khoa Y), ngay sau đó sinh viên dược kéo nhau sang Chiêm Hoá để thi lý thuyết, với chủ tịch hội đồng là giáo sư Hồ đắc Di, uỷ viên là giáo sư Trương Công Quyền và các thầy khác.

Khoá 1947 (đông nhất) sau khi thi tốt nghiệp ở Chiêm Hoá đã khao nhau và khao cả các nhân viên Viện nghiên cứu ở ngay phố Quẵng. Bánh cuốn bà Phán Tảo, phở chú Tám và quán cơm bình dân của ông Cai Lãng lại có dịp đắt hàng.

Kết quả đào tạo dược sĩ như sau :
- Khoá 1 (ngày thi: tháng 5/1950) : 6
- Khoá 2 (ngày thi: 1/8/1951): 6
- Khoá 3 (ngày thi: 15/5/1952): 9
- Khoá 4 (ngày thi: 15/1/1953): 11

Tổng cộng: 32 dược sĩ

Có thể coi Bằng Ninh là làng ải (Chiêm Hoá) đối với khoa Dược với linh hồn là thầy Quyền.

TRỞ LẠI CHIÊM HOÁ. KHAI GIẢNG NĂM HỌC 1949-50; 50-51 VÀ 52-53

Trường từ Trung Giáp trở lại Chiêm Hoá và ở đây cho đến khi chiến thắng Điện biên Phủ, Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hoà bình.

Số sinh viên các khoá có mặt tại trường khi khai giảng năm học 1949-50 (tháng 11) gồm 63 người.

- Lớp mới vào, tức Y1, là 20 sinh viên

- Năm thứ hai: 18 sinh viên,
- Năm thứ ba: 18 sinh viên,
- Các năm thứ tư, năm và sáu: chỉ có 7 sinh viên về được.

Ngoài ra nếu gộp cả 60 sinh viên ba năm cuối không có mặt (vì đang được điều động đi tập sự tại các trạm quân y và dân y), thì cả thảy số người “có tên” là 123 người.

Trong năm học này, sinh viên các lớp từ Y5 trở lên là số còn lại của trường Đông Dương. Số sinh viên ghi tên theo học từ năm học 1945-1946 nay mới tới năm thứ tư (Y4) và khoá sau đó nay mới là Y3. Theo quy định (do gợi ý của Bác Hồ hồi đó), cứ một năm phục vụ trong quân y được tính là một năm học ở trường (để không ai bị chậm); nhưng để đảm bảo thực chất học tập, sau này sinh viên vẫn phải về trường ôn tập, bồi dưỡng để sát hạch lên lớp.

Sinh viên Y1 và Y2 năm học này lần đầu tiên biết Chiêm Hoá, dù trước đây nhiều người đã nghe tên; và khi kháng chiến đã trải qua 3 năm thì hầu như chẳng còn ai có xe đạp để đi nữa - hơn nữa đường xá bị phá hoại tới mức đi bộ đỡ khổ hơn đi xe đạp. Đa số họ đi từ trường Trung học kháng chiến Chu Văn An (lúc ấy đóng ở Đào Giã, Phú Thọ), đôi chân mang dép lốp (làm bằng lốp ô tô cắt ra) chỉ cần vượt 120 km là tới nơi. Một số khác đi từ khu IV bằng con đường duy nhất là qua Hoà Bình, với dốc Cun nổi tiếng nguy hiểm (nhiều cọp, đã quen ăn thịt người và máy bay Pháp bắn phá để cắt con đường liên lạc từ khu IV với trung ương), quả có vất vả hơn nhiều. Từ khu III, có thể “đi thẳng” (khá nguy hiểm vì phải tránh nhiều đồn địch) hay đi đường vòng (qua Hoà Bình) để lên Phú Thọ, Tuyên Quang.

(Trần Quang Anh, Trương Quý Bình, Lê Quang Cát, Lê Hải Chi, Nguyễn Chí, Cao Đình Cự, Trịnh Bỉnh Dy, Vũ Đình Hải, Vũ Duy Hàn, Lê Vĩ Hùng, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Đình Hường, Đặng Đức Hựu, Nguyễn Huy, Phan Kiểm, Phạm Văn Long, Hoàng Thuỷ Nguyên, Phan Sỹ Nhân, Nguyễn Văn Phan, Đỗ Trần Thận, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Công Thuỵ, Đặng Đức Trạch, Hà Văn Trạch, Bạch Quốc Tuyên, Bùi Xuân Vĩnh, Nguyễn Thị Minh Vượng... ).

Sinh viên bảo nhau “mọi con đường đều dẫn tới Chiêm Hoá. Sinh viên Trương Quý Bình do về thăm gia đình, xin “lương khô”, lại đi bộ từ khu III ra, nên vào trường chậm cả tháng vẫn được nhận vào học. Cố nhiên anh đã gắng để đuổi kịp bạn bè trong lớp.
Sinh viên nữ duy nhất Nguyễn Thị Minh Vượng nhớ lại: học trung học ở Phú Thọ, nên lên Chiêm Hoá không xa lắm, có các bạn cùng lớp là Nguyễn Huy và Phan Kiểm đi “hộ vệ”, do vậy dọc đường an toàn. Đến nơi, được các anh Nguyễn Đăng Tường và Nguyễn Đình Quang (lớp trên, hiệu đoàn, phụ giảng) đón tiếp và hướng dẫn về ăn ở, sinh hoạt. Nam thì có lán để ở, chỉ có một nữ nên được gửi vào nhà dân. Cơm đạm bạc (muối vừng, canh rau, canh sắn) nhưng đủ 3 bữa và đủ no. Dầu đèn và xà phòng được phát. Sau khi cụ Di khai giảng 20 phút là thầy Chánh “phủ đầu” ngay bằng bài Giải Phẫu (xương); còn cụ Di và “anh” Tùng thì giảng cho các lớp cao hơn.

Chương trình học của khoá này không khác so với các khoá trước, duy có điều các thầy đã rút kinh nghiệm để sinh viên được học phần cốt lõi nhất, sát thực tiễn nhất. Vẫn giảng bằng tiếng Pháp. Vẫn có “quân y đại học” tổ chức thành một trung đội (gồm những người tự nguyện sẽ tòng quân, do sinh viên Phạm Thế phụ trách); nhưng cấp bậc của mỗi đội viên đã là trung đội trưởng hay đại đội phó (nay là chuẩn uý). Đến 1-5-1950 thì chẳng còn phân biệt “quân y” với “không quân y” nữa: tất cả đều gia nhập quân đội (theo sắc lệnh động viên của Chủ Tịch nước). Tất cả rời trường lên đường ra tiền tuyến. Các lớp trên đã quen với nhiệm vụ, còn lớp 1949 mới được học có gần 6 tháng, nên rất lo lắng; nhưng may, họ không còn phải công tác độc lập như các đàn anh “ngày xưa” nữa. Họ cũng trưởng thành rất nhanh. Một nữ duy nhất của khoá này không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ nên vẫn ở lại trường, được nhà trường phân công phụ giúp giáo sư Ngữ trong công trình về penicillin.

Lúc này giáo sư Đặng Văn Ngữ đã từ khu IV ra Chiêm Hoá, đang lo lập Viện Nghiên Cứu và bắt đầu tạo cơ sở vật chất sản xuất “nước lọc penicillin”. Thầy có 3 trợ thủ đi cùng thầy từ khu IV ra (Nguyễn Thị Ngọc Toản, Võ Văn Hạp, Nguyễn Quyên), nay thêm Minh Vượng, chưa kể một số nhân viên kỹ thuật, trong đó có bà Lưu (em vợ thầy). Chị Minh Vượng một mặt học thêm Bệnh học Nội và Bệnh học Ngoại (qua sách Pháp), đồng thời phụ giúp thầy Ngữ cho đến cuối năm 1951 thì được phân công về phân viện 9, được các vị lãnh đạo ở đấy (BS Vũ Hữu Hiếu) sử dụng đúng “tay nghề”: cho trở về trường xin “chủng” để về sản xuất tại chỗ nước lọc penicillin đắp lên vết thương của thương binh đang điều trị ở phân viện này.

Khoá vào trường 1950 có thể nói là đông nhất cho đến năm đó, nhưng không quá đông để đến nỗi sau 6 tháng chưa quen hết bạn bè trong lớp. Đa số học trung học ở Phú Thọ, đến trường không vất vả lắm; một số từ khu 3, khu 4 ra thì khá gian nan (Quang Long, Mạnh Liên, Lưu Văn Thắng...).

Đặc biệt vất vả mọi mặt là sinh viên Lưu Văn Thắng: anh đã học (dở dang) lớp y sỹ xã hội ở Sài Gòn từ hồi Pháp thuộc, đến 1949 đang làm y sĩ viện K43 (Quảng Trị) thì được Uỷ ban tỉnh và quân đội cho ra trường trung học Huỳnh Thúc Kháng để học và thi tú tài. Do vậy anh thuộc loại nhiều tuổi của lóp. Đường ra khu IV hết sức gian nan, trải 21 ngày qua những địa danh ở biên giới Lào Việt nghe đã rợn người. Sau đó, có bằng tú tài, lại từ khu IV ra Việt Bắc với bao gạo, ống tre đựng thc ăn mặn, ba lô đơn sơ vài bộ quần áo nhưng cuốn từ điển tiếng Anh cố đem theo thì quá nặng... Khi đến Tuyên Quang thì được tin trường đã chuyển đi Vô Tranh, lại sang Vô Tranh... Cũng lần đầu làm thuê dọc đường được ít tiền, sinh viên Thắng dám ăn phở và anh phải công nhận “phở Bắc” là ngon.

Về học tập, họ cũng chỉ được học 6 tháng trong năm học đầu, rồi ra trận. Về đóng góp cho kháng chiến, họ vào trường không quá muộn nên tất cả đều có cơ hội mặc áo lính, phục vụ cứu chữa thương binh ở nhiều chiến dịch. Do đông ngưòi, họ có nhiều sinh hoạt nội bộ sôi nổi, đa dạng, qua đó nhiều kỷ niệm và rất gắn bó với nhau. Sinh viên Đỗ Dung Dịch đã xung phong đi chiến dịch thay cho bạn đang bấn bíu việc gia đình. Và cũng vì đông người họ phải tự dựng lấy nhà (vừa để ở, vừa để học), được họ gọi là “nhà đình”. Khoá này có người chết do ốm đau, có người hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Không những đối với thầy, khoá này cũng đối xử rất đúng mức với các anh khoá trước đã hướng dẫn chuyên môn cho họ (kính trọng, thân yêu, thể hiện trong các bản hồi ký cung cấp cho trường sau này).

Khoá có một số đặc điểm. Trong gần 40 người, có tới 3 nữ là điều rất hiếm (được cả lớp quý mến nhưng rất hay bị trêu chọc); trong lớp nhiều nhân vật có tài lẻ và cá tính: nữ sinh viên Bình hát hay và hay hát, Đoàn Bá Thả rất có tâm hồn thơ, Nguyễn Quý Tảo dí dỏm, nhìn sự vật nào cũng phát hiện ra cái đáng cười, Nguyễn Trọng Khiết khá tinh nghịch... Chính hai người này rất sớm nhận ra ra sự “nghiêm chỉnh” giả tạo, sự “lên gân” đến tức cười của đợt chỉnh huấn do sự du nhập vào nước ta những lý thuyết xa lạ, trái với truyền thống dân tộc. Họ cũng nhớ mãi hình ảnh anh Nguyễn Hữu Mô (khoá1945) đứng tập nói và tập điệu bộ sư phạm khi chuẩn bị bài phụ đạo cho lớp họ. Họ bảo nhau mua tặng thầy Chánh quần áo vì gia đình thầy Chánh đông con, có nhiều khó khăn.

Sau khi học ở Chiêm Hoá, họ chuyển sang Vô Tranh (nơi có phân viện 5 và trường Quân y sĩ) để bổ túc thêm về Ngoại khoa chấn thương rồi đi phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám (đường 18) với vốn liếng thu nhận trong 6 tháng ở trường, với sự chỉ bảo của các đàn anh và sự nỗ lực bản thân. Vậy mà tất cả đều trôi chảy, kể cả Lưu Văn Thắng vào trường rất muộn. Có người, trong chiến dịch, còn được tin cậy đảm nhiệm cả một phòng điều trị.

Năm 1951 không tuyển sinh. Sinh viên Đỗ Châu bị lỡ học khoá trước (1950), đã phải nhập vào khoá sau nữa (1952).

Khoá 1952 dự tuyển 100 sinh viên, cuối cùng chỉ có gần 80 người ghi tên. Sau ít lâu, một số được lấy đi học Liên Xô, khoá chỉ còn 72. Cả lớp đã không ngờ số này đi “du học” tới 11 năm (đến 1953-64) mới về nước.

Hồi đó rất không sẵn học sinh tốt nghiệp trung học (không thừa ứ như bây giờ). Ngành sư phạm thu hút một số không nhỏ, tới 3/4 (tự xin, hoặc được bộ Giáo Dục điều động): hoặc ra dạy ngay cấp II, hoặc đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) đào tạo 2 năm thành thầy dạy cấp III. Sinh viên Đinh Lương nộp đơn xin vào học trường y sĩ ở Thanh Hoá, trường này phát hiện đây là đơn củ một vị tú tài, không dám nhận, lập tức chuyển hồ sơ ra Chiêm Hoá.

Đây là khoá đông nhất trong kháng chiến, có 4 nữ (Ngọc Toản, Mẫu Đơn, Quỳnh Giao và Hà Thị Tư). Do không có khoá 1951 nên khoá 1952 khai giảng rất sớm vào tháng 5-1952 (thông thường thì tháng 10, 11), và được học “một mạch” đến tháng 9-1953 (gần 1,5 năm, tương đương 2 niên khoá) thì đi công tác. Hiệu đoàn, do sinh viên tập trung rất đông nên đã hoạt động sôi nổi và nề nếp hơn; lớp chia thành các phân đoàn. Có một chi bộ của lớp, đứng đầu là sinh viên Hà Huy Tiến; và một liên chi của trường (bí thư Phạm Thuý Liên) lúc này đã hoạt động công khai.

Sau 6 năm kháng chiến, tình hình chung đã khả quan hơn; có người đến trường bằng xe đạp; có người đi học đang mang thai (sinh con ngay tại trường, và khi đi công tác khu 4 thì mua xe đạp nhờ 2 bạn nam thay nhau đèo đi). Lớp trưởng: Nguyễn năng An, phụ trách thi đua: Phạm Song. Ngoài 5 thầy, lớp này được các sinh viên lớp trên phụ đạo là Đinh Văn Chí, Đỗ Quang, Trần Quang Vỹ. Chế độ ăn 18 kg gạo và 5 kg để mua thức ăn và nhu yếu phẩm; sinh viên do ở lâu trong trường nên có điều kiện trồng rau và chăn nuôi cải thiện. Do số lượng đông, nên chuyện cơm để trong rổ rá, canh để trong máng tre lại càng là điều đương nhiên. Một nguồn cải thiện là thịt chó, thịt dê sau thí nghiệm, thực tập (đôi khi còn sặc mùi chloroforme hay ether). Đo đông, nên khoá 1952 gặp một số khó khăn trong thực tập ở bệnh viện. Khi thầy mổ, thì các anh lớp trên là phụ 1, khoá 52 may mắn lắm mới được làm phụ 3.

Năm 1953, ta học và làm theo kiểu cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Các lớp chỉnh huấn được tổ chức rộng khắp và khá căng thẳng. Nhiều người cho biết đã thu nhận được những hiểu biết mới như về đường lối giai cấp của Đảng, về sự ảnh hưởng sâu sắc của thành phần giai cấp đối với con người, về tính chất bấp bênh, lãng mạn, cầu an, tự do chủ nghĩa của giai cấp tiểu tư sản… Chính sách đại đoàn kết mà Bác Hồ đề ra hồi đầu cách mạng nay phải hiểu là đoàn kết có nguyên tắc, có chọn lọc, có tính giai cấp. Tuy vậy với vốn liếng học thức, họ đã nhận thấy có những việc đã xảy ra quá mức cần thiết.

Theo sự nhớ lại của sinh viên Đỗ Quang, nhiều học sinh quân y sĩ đã đóng kịch với bộ mặt thiểu não, thậm chí khóc lóc, đau khổ để biểu lộ thấm thía sai lầm của bản thân về lập trường giai cấp hoặc vẻ mặt hằm hằm khi biểu lộ căm thù đế quốc, phong kiến. Khoá 1952 có người phải học tới 2 đợt, vì gia dình “vướng thành phần” mà bản thân lại là đảng viên (theo nhớ lại của sinh viên Ngọc Toản). Những năm sau, khi có sự thừa nhận sai lầm tả khuynh trong cải cách ruộng đất, số sinh viên mấy khoá này đã nói đủ chuyện hài hước về cái thời ấu trĩ đó …

Tháng 9-1953, bác sĩ Phạm gia Lăng ở Cục Quân Y tới trường lấy khoảng một nửa khoá 1952 vào quân đội (có 3 nữ); sẽ phục vụ trực tiếp hay gián tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ. Được phân công hợp năng lực và được các anh lớp trên hướng dẫn, họ đã có những đóng góp đáng kể. Số còn lại vào Dân Y và đi phục vụ cải cách ruộng đất.

Khoá 1952 chỉ trở về trường khi đã tiếp quản Hà Nội. Thi tốt nghiệp không phải nộp luận án, nói chung không ai bị tốt nghiệp muộn như các khoá đàn anh.

Năm học 1953 - 1954 không tuyển sinh, mà bắt đầu bằng việc sinh viên tập trung để đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

VIỆC THẦY NGỮ VỀ TRƯỜNG. SẢN XUẤT NƯỚC LỌC PÉNICILLIN. LẬP VIỆN

Ngày 10.11.1949, phái viên Chính phủ ta tại Thái Lan điện về nước cho biết bác sĩ Đặng Văn Ngữ vừa từ Nhật về qua Thái Lan. Sang Nhật năm 1943, ông đã học tập và công tác tại nhiều cơ sở nghiên cứu về ký sinh trùng và nấm ở Tôkyô, và đã trải qua 2 năm làm việc tại một Viện nghiên cứu huyết thanh của quân đội chiếm đóng Mỹ tại Nhật. Khi về ông mang theo một số giống nấm sản xuất péniciline và stretomycine với hiệu suất cao do chính ông phân lập được, với mong muốn đóng góp cho cuộc kháng chiến. Hành trình qua Lào về miền Trung khá gian nan nhưng giống nấm vẫn nguyên vẹn. Thoạt đầu ông tạm làm việc ở viện Vi Trùng Học Trung Bộ do cụ y sĩ Đông Dương Nguyễn Đức Khởi phụ trách, và được chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính khu IV Lê Viết Lượng đề nghị ở lại để sản xuất penicillin. Ông đã làm dự trù và lên kế hoạch, nhưng sau ông nghĩ rằng việc lâu dài của ông không phải là trở thành nhà sản xuất kháng sinh, mà là nhà nghiên cứu y học; nhưng ở khu IV thì không thể đủ điều kiện. Ông phân vân, định rằng sau khi sản xuất được penicillin ở khu IV sẽ bàn giao lại quy trình và sẽ xin trở về trường đại học là cơ quan cũ của ông. Chính phủ, Bộ Y tế và trường Y Dược khi biết tin ông đã về đến miền Trung, lập tức điện vào hỏi tình hình và yêu cầu ông ra miền Bắc công tác. Số lần trao đổi bằng công điện và công văn giữa trung ương với khu IV lên tới gần hai chục. Cuối cùng, đến tháng 1 năm 1950, cụ y sĩ Đông dương Nguyễn Kính Chi, giám đốc Sở y tế khu 4 giới thiệu ông ra.

Trung ương theo nguyện vọng của ông, là được trở lại trường Đại học Y khoa. Thật là một tin mừng cho nhà trường, vào lúc rất thiếu cán bộ giảng dạy, nhất là thiếu người lập phòng thí nghiệm để trường Y Dược xứng với danh hiệu đại học. Việc đón gia đình ở Huế (gồm bà vợ và hai con), chuẩn bị hành trang - nhất là giống nấm và các phương tiện tối thiểu khác - tốn nhiều tháng. Hành trình từ khu IV ra bắc khá gian nan, cho nên tới đầu tháng 6 năm 1950 bác sĩ Ngữ và gia đình mới ra tới Chiêm Hoá. Và bắt tay ngay vào việc xây dựng một phòng thí nghiệm (còn gọi là Viện nghiên cứu) trực thuộc trường, kiêm giảng dạy môn Sinh học, Ký sinh trùng và Vi trùng.

Khi trở lại trường, Thầy Ngữ được gọi là giáo sư (như thầy Di và thầy Tùng) cả trong giao tiếp ngày thường, cũng như trong văn bản. Chứng cứ gián tiếp còn cho thấy khoảng 1953 tại trường Y Dược có cuộc họp và có văn bản đề xuất việc phong tặng chức danh giáo cho những thầy tham gia kháng chiến (các vị: Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ,Nguyễn Xuân Nguyên, Trần Hữu Tước, Đặng Vũ Hỷ...) nhưng đến nay chưa tìm được tư liệu về cuộc họp và văn bản đề nghị. Cũng thời gian này, trường Y Dược trong Hà Nội tạm bị chiếm chính thức có 4 giáo sư người Việt.
Trong số những người cộng sự mà bác sĩ Ngữ đem từ khu IV ra có các tú tài Nguyễn Thị Ngọc Toản, Võ Văn Hạp, Nguyễn Quyên (sau này cả ba người đều học Y: khoá 1952). Bác sĩ Ngữ còn được bổ sung thêm một trợ thủ là sinh viên Nguyễn Thi Minh Vượng, khoá 1949. Cho dến cuối năm 1951 sinh viên Minh Vượng đựoc Cục quân y điều động tới thực tập và làm việc ở một phân viện (đóng ở Yên Kiện) và đã giúp phân viện này sản xuất nước lọc penicillin “tại chỗ” dùng cho thương binh đang điều trị ở đây.

Người cộng tác có công nhất của thầy Ngữ là sinh viên dược khoa Nguyễn Xuân Tiến (nay là giáo sư), vào trường 1947, khi đó vừa được lên năm thứ tư, được Cục Quân Y cử tới Chiêm Hoá.

Lên đường 30-9-1950, sau khi đã đọc kỹ mọi tài liệu có trong tay (kể cả bài nói chuyện của thầy Ngữ tháng 12-1949 ở khu IV), đoàn gồm 10 người, thuê thêm nhân công gánh theo mười mấy gánh dụng cụ, hoá chất, sách báo, tài liệu, đến ngòi Quẵng sau 5 ngày cuốc bộ. Ngoài một số nhân viên kỹ thuật, Thầy Ngữ chỉ có 4 phụ tá “thâm niên” mới 9 tháng, làm tiếp đến 1952 thì cả 4 chia tay vĩnh viễn với công trình. Cơ ngơi lại quá đơn sơ, thiếu thốn, khó mà nhanh chóng có sản phẩm như thầy Ngữ dự định, nhất là thầy chưa có kinh nghiệm làm việc với lề lối trong thời chiến ở Việt Nam. Sau hai tuần cặm cụi học thầy kỹ thuật, sinh viên Tiến đã làm một đề án để Cục Quân Y phê duyệt, cấp tiền và phương tiện. Đề án cũng được thầy Ngữ báo cáo với Hồ Chủ Tịch, được bác Hồ cho hạn 3 tháng. Việc thiếu chai thuỷ tinh chuyên dụng được bác Hồ dự định giao cho ông Hoàng Quốc Việt giải quyết, nhưng sau các sinh viên Dược (Tiến, Thiệu, Sửu) đã khắc phục được. Sinh viên Nguyễn Hữu Thiệu (phó quản đốc xưởng dược XF1) đã có công lớn thúc đẩy việc duyệt đề án sớm nhất và cung cấp một số dược tá lâu năm. Tháng 1-1951 đề án được thông qua.
Thế là bắt tay vào việc. Không thể làm “nhỏ” như cũ, do vậy cần tới 1000 chai Roux để cấy nấm. Sinh viên Tiến đã “chạy” được suôn sẻ do quan hệ công tác và hiểu rõ nơi nào phải gặp gỡ liên hệ. Lẽ ra phải làm khuôn sắt để sản xuất chai, thì công nhân dưới sự quản lý của sinh viên Nguyễn Văn Sửu có sáng kiến thay bằng 2 viên gạch chịu lửa và làm cả trong ngày tết âm lịch, nên công việc không bị chậm trễ. Các chai Roux được phân phối về các phân xưởng Dược ở nhiều địa điểm, đồng thời 20 dược tá được cử sang học quy trình ở Chiêm Hoá để làm việc này. Sản phẩm được đưa đến dùng thử ở nhiều bệnh viện, trạm y tế do sinh viên Tiến liên hệ từ trước. Mặt khác, sinh viên Tiến còn tổ chức nhóm sản xuất lưu động phục vụ chiến dịch Trung Du sắp mở do anh Võ Văn Hạp dẫn đầu... Kết quả, sản phẩm được tất cả các nơi xác nhận công hiệu và hoan nghênh...

Qua việc điều trị thực nghiệm tại bệnh viện nhà trường, các phân viện I, II, III, phòng phân tích AH3..., do sinh viên Tiến trực tiếp liên hệ từ trước, nước lọc penicilline tỏ ra có tác dụng rất tốt đối với các vết thương nhất là các vết bỏng do bom na pan. Chế phẩm đã phục vụ tốt cho thương binh trong hầu hết các chiến dịch lớn: đầu tiên là chiến dịch Trần Hưng Đạo, sau đó là Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Lý Thường Kiệt và chiến dịch Hoà Bình...

Thầy Ngữ cũng bắt tay ngay vào việc thiết lập phòng thí nghiệm. Thoạt tiên phòng này làm một số xét nghiệm huyết học, hoá sinh và ký sinh giúp chẩn doán cho bệnh viện A của thầy Tùng; như vậy, bệnh viện có cả X quang lẫn xét nghiệm, xứng đáng với hai chữ “hiện đại” vào thời đó. Trong mấy năm số xét nghiệm đã làm lên tới 1246. Về nghiên cứu, đã thử dùng “nước lọc streptomycin” chữa các ổ viêm mạn tính (ví dụ, trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn đã cho kết quả tốt). Đáng chú ý là đã lấy trên 400 loại lá cây quanh vùng, tạo tinh chất, thử tác dụng kháng sinh của chúng. Kết quả: chỉ vài loại có tác dụng. Cũng thử phân lập nấm, cô đặc nấm nuôi cấy để làm giàu vitamin B12 (thuốc bổ), lấy một số lá cây và quả thử tác dụng chỉ thị màu...

Điều rủi ro đối với gia đình thầy Ngữ là khi thầy đi vắng, người vợ thân yêu của thầy qua đời, để lại cho thầy 2 con còn nhỏ. Thầy đã một mình nuôi dạy và chăm sóc cho đến khi thầy hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Một chi tiết cần nói: Khi về nước thầy Ngữ đã lường tới mọi khó khăn vật chất và sẵn sàng chịu đựng. Suốt 6 năm ở Nhật, chính quyền Pháp vẫn trả một phần lương cho gia đình, nay sắn sàng trả đủ nếu thầy về vùng tạm chiếm. Theo thầy khai với Uỷ ban Hành chính khu IV thì lương do Pháp trả là 800 đồng/tháng (số tiền này đủ nuôi sung túc 40 người, vẫn không hết); nay thầy chỉ cần được cung cấp đủ ăn cho mình và gia đình, cả thảy 4 người. Nhưng ngay đến điều đó cũng không thể thực hiện được trong kháng chiến (mọi khoản lĩnh của thầy khoảng 60 kg gạo), do vậy bà vợ đã rất vất vả gánh vác cái gia đình nhỏ này. Một chi tiết khác: Uỷ ban xã An Lạc (làng ải) đã chứng nhận cho thầy Di “có hai con nhỏ đang phải nuôi” để thầy làm hồ sơ xin phụ cấp do khó khăn (!).

CÁC THẦY CỦA TRƯỜNG Y DƯỢC Ở VÙNG KHÁNG CHIẾN

Việc học cho đến 1952 chủ yếu là thực hành ngoại khoa chiến thương. Với một số cán bộ rất ít ỏi, các môn lý thuyết đã đơn giản đi rất nhiều. Phần giảng dạy các môn cơ sở như Sinh lý, Giải phẫu, do bác sĩ Vưu Hữu Chánh phụ trách, giáo sư Nguỵ Như Kon-Tum giảng môn Hoá và Vật lý y học; về sau có giáo sư Đặng Văn Ngữ giảng môn Vi trùng, Ký sinh trùng và Vệ Sinh và bác sĩ Nguyên Dương Quang phụ giáo ngoại khoa. Nhưng thời gian chủ yếu là dành cho giáo sư Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng giảng bệnh học lâm sàng ; cụ Di còn kiêm giảng môn sản phụ.

Đến đây, có thể nảy sinh câu hỏi: tại sao trường chỉ tập trung đào tạo về ngoại khoa mà không điều động các thầy khác ở liên khu III, IV, như Trần Hữu Tước, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Xuân Nguyên, Đinh Văn Thắng v.v... lên để tổ chức một trường hoàn chỉnh với các chuyên khoa như Tai-mũi-họng, Da liễu, Mắt, Sản-Phụ khoa...? Có thể có những câu trả lời khác nhau. Và ít nhiều đều có phần đúng. Hoặc do hình thái chiến trường lúc đó không cho phép tổ chức trường với quy mô lớn, hoặc do nhu cầu thầy thuốc ngoại khoa của quân đội nên chỉ tập trung làm ngoại khoa với uy tín chuyên môn rất lớn của các giáo sư Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng; hoặc còn do nhu cầu nội khoa cho các vùng đông dân cư ở đồng bằng khu 3, khu 4 nên không thể điều động các bác sĩ giỏi nội khoa lên một vùng rừng núi thưa dân như Chiêm Hoá; hoặc do số thời gian học quá ít ỏi, không thể tham lam đưa vào chương trình quá nhiều môn, mà phải “cần gì, học nấy”. Theo mấy chục bản hồi ký của cựu sinh viên thời đó, ai may mắn nhất thì được về trường khoảng 2, hay 2,5 năm (chia ra nhiều đợt). Cuối cùng, nếu tham khảo thêm các chức vụ mà các thầy đảm nhiệm lúc đó thì còn một nguyên nhân nữa: các thầy không thể bỏ nhiệm sở tại địa phương để tập trung lên Chiêm Hoá hay Trung Giáp. Ví dụ, thầy Nguyên đang là giám đốc y tế (cả dân y và quân y) của chiến khu III; thầy Thắng đang là giám đốc y tế chiến khu X, kiêm bệnh viện trưởng một bệnh viện dân y, sau đó còn kiêm hiệu trưởng trường quân y sĩ trung cấp. Thầy Hợp đang làm giám đốc bệnh viện ở Quế Trạo, sau kiêm thêm giảng viên trường quân y sĩ nói trên; thầy Hoàng Đình Cầu làm giám đốc trường Dân y sĩ ở Thanh Hoá...

Một thầy ít được nhắc đến là Đặng Vũ Hỷ. Đang khám bệnh tư ở Hà Nội, bác sĩ Hỷ là một trong những người được giáo sư Hồ Đắc Di mời giảng cho trường Y Dược năm 1945-46 và được “phong” ngay “quyền giáo sư”. Thầy Hỷ thuộc thế hệ những sinh viên học 4 năm ở trường Y-Dược Đông Dương, rồi sang Pháp 2 hay 3 năm để làm luận án và thi tốt nghiệp. ở Paris, thầy từng là nội trú các bệnh viện. Khác các vị tương tự mình, bác sĩ Hỷ không ở lại Hà Nội mà đưa cả gia đình ra với kháng chiến, trọn vẹn 8 năm.

Ai cũng biết, ngoài cơ sở thực tập là bệnh viện A của thầy Tùng, trường còn lấy các cơ sở quân y làm nơi thực tập cho sinh viên, nhưng rất ít người biết một trong các cơ sở đó là Quân y viện đóng ở Thư Điền, thuộc Ninh Bình (thành lập cuối 1945), do thầy Đặng Vũ Hỷ phụ trách. Chuyên khoa Da Liễu, thầy gặp nhiều khó khăn khi làm giám đốc một quân y viện, do vậy phải tự học rất nhiều để có hiểu biết về Ngoại khoa, Nội khoa; đến mức có thể dạy Nội khoa, Sinh lý cho trường y sĩ, kể cả sau đó đã viết giáo trình môn học này cho đại học Y ở Lang Quán. Ngày nay, nếu hỏi nhà Da Liễu Học nào của Việt Nam có hiểu biết cơ sở vững vàng, thì e rằng ít người biết, kể cả trong ngành của thầy.

Chúng ta tham khảo một đoạn hồi ký của giáo sư Phạm Khuê, viết về thầy Hỷ nguyên văn như dưới đây.

...Trở lại thời gian đầu kháng chiến ở Thư Điền. Tối nào hai anh em cũng thắp đèn dầu học đến tận khuya mặc dầu cả ngày đã làm việc đến mệt lừ. Sổ tay ghi chép chuyên môn của anh dày đặc vì những sách học đều là mượn, nên phải trả. Anh làm việc rất điều độ, thể dục rất đều, giờ nào việc nấy, tính tình lúc nào cũng điềm tĩnh cho dù ở hoàn cảnh rất khó khăn của cuộc kháng chiến. Khi có điều kiện thì thực hiện cái mà ngày nay ta gọi là thư giãn - mặc dầu bận rộn, khi ở địa phơng có ai đau ốm cần đến, anh đều chống gậy xách hòm cấp cứu đến ngay. Hình ảnh người thầy thuốc quần xanh công nhân chống gậy xách cái hòm “na ná như hòm thợ cạo” đi khắp hang cùng ngõ hẻm là rất quen thuộc với đồng bào địa phương. Một điều làm tôi cũng rất cảm phục là tuy ở lâu, làm chuyên môn là chủ yếu nhưng khi cần vẫn có khả năng tổ chức chỉ huy rất tốt. Khi giặc tấn công Việt Bắc vào năm 1947 (Sông Lô, đường số 4) thì chúng cũng tiến công luôn căn cứ Ninh Bình làm thành một gọng kìm rất hiểm. Quân y viện của chúng tôi bị đánh phá. Anh đã chỉ huy đâu ra đấy đơn vị sơ tán vào chân núi Dưỡng Khê đảm bảo an toàn cho tất cả thương binh, phương tiện dụng cụ, một cách rất bình tĩnh. Đứng ở một gò cao anh chỉ huy một cách gọn gàng, ra những mệnh lệnh chính xác và cụ thể. Tôi thoáng nghĩ: trí thức của ta như thế đó. Bẵng một dạo, tôi không gặp anh. Anh chuyển về Trường Y sĩ Nông Cống, rồi lên Việt Bắc tham gia giảng dạy ở Đại học Y ở Việt Bắc.

Điều cần nói thêm là tất cả các thầy dù không ở Chiêm Hoá thì vẫn cứ là “thầy”, nghĩa là vẫn giảng dậy. Sinh viên khi đi công tác qua, rẽ vài chục cây số vào thăm thầy với tư cách cá nhân, là xin “thụ giáo” luôn. Chưa nói sau này các thầy được mời giảng chính thức ở trường y sỹ Thanh Hoá, sinh viên vẫn tìm đến đó để học theo kiểu “tranh thủ”.

Thật ngạc nhiên, khi sinh viên Trần Quang Vỹ (vào trường 1945) viết trong hồi ký: năm 1946-47 đã làm được các thủ thuật: mổ đục nhân mắt, thiên đầu thống, lông quặm, cắt được amiđan... do học các thầy nói trên.

Bộ trưởng bộ Giáo Dục định mở một phân khoa đại học Y ở khu III và mời thầy Trần Hữu Tước phụ trách. Trong một thư viết tay cho phó thủ tướng, giáo sư Tùng cũng nói rõ tâm trạng của thầy Tước “đã có tuổi, chỉ muốn làm điều gì đó có ích cho đất nước”. Nhưng dự định của Bộ trưởng là bất khả thi vì không thể có kinh phí và không đủ nguồn tuyển sinh. Bộ trưởng đã viết một thư dài xin lỗi thầy Tước.

Bên khoa Dược cũng có một số thầy ra vùng kháng chiến. Chỉ xin nói 2 thầy tiêu biểu là Huỳnh Quang Đại và Trương Công Quyền. Cả hai lúc đầu đều là dược sĩ tư, được mời giảng với chức danh “quyền giáo sư”. Phụ cấp giảng dạy chẳng đáng là bao so với thu nhập bằng kinh doanh thuốc, nhưng việc được mời giảng đã làm thay đổi quan niệm sống của hai vị.

Khi tình hình ở Hà Nội bắt đầu căng thẳng, dược sĩ Đại liền đóng cửa hiệu thuốc ở phố Hai Bà Trưng, xin tòng quân. Ra kháng chiến, ngay từ đầu ông đã là một trong những cốt cán có công rất lớn xây dựng và phát triển ngành quân dược (là giám đốc Xưởng Bào chế và tiếp tế trung ương), đồng thời vẫn trích thời gian tham gia giảng dạy; do vậy tất cả dược sĩ đào tạo trong kháng chiến đều được học ông; và kể cả những dược sĩ đào tạo trong giai đoạn chống Mỹ (khi đó ông là hiệu trưởng trường đại học Dược ở Hà Nội - đã tách khỏi trường Y).

Khi mới ra vùng kháng chiến, vị tiến sĩ dược khoa Trương Công Quyền, do tính ít giao tiếp, đã “nằm trùm chăn” ở Đoan Hùng (Phú Thọ), lấy săn bắn làm vui. Sinh viên dược khoa đã tìm ra thầy, mời thầy về trường; lập tức thầy hăng hái tòng quân, trở thành linh hồn khoa Dược (thuộc đại học Y Dược). Có thể so sánh vai trò của thầy Quyền ở khoa Dược với vai trò thầy Di, thầy Tùng bên khoa Y.

SỰ LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP CỦA TRUNG ƯƠNG
VAI TRÒ CHI BỘ ĐẢNG VÀ CÁC ĐOÀN THỂ TRONG TRƯỜNG

Hồi kháng chiến, chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu căn cứ vào các văn bản mà Người đã ký, thì Người kiêm luôn thủ tướng. Khi đó, ông Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm phó thủ tướng, thực chất là nhân vật số 2 trong chính quyền cách mạng. Có thể nói, rất nhiều cuộc họp về trường Y Dược, ngoài bộ trưởng Giáo Dục, Y Tế, cục Quân Y (thay mặt bộ Quốc Phòng, có phó thủ tướng chủ trì, kể cả các cuộc họp về chương trình.

Không kể những lần họp chính phủ (thứ trưởng bộ Y Tế Tôn Thất Tùng cũng được mời dự), có sự trao đổi trực tiếp giưa các vị lãmh đạo cấp cao với đại diện trường Y Dược, thì số “thư tay” của giáo sư Tùng gửi trực tiếp phó thủ tướng đã tới hàng chục. Như vậy, sự chỉ đạo của trung ương là trực tiếp và chặt chẽ. Từ đó, suy ra vị thế và vai trò của trường.

Có thư viết cho phó thủ tướng, thầy Tùng chỉ phàn nàn chuyện thiếu thuốc gây mê, do vậy bệnh viện phải ngừng phẫu thuật - cũng được phó thủ tướng chỉ thị cho cục Quân Y đi kiếm bằng được. Một thư khác nói về máy phát điện bị hỏng, do vậy thiết bị hiện đại nhất là máy X quang của bệnh viện không vận hành được, cũng được phó thủ tướng chỉ thị cấp dưới sớm giải quyết. Lần khác, phó thủ tướng hỏi “cụ Di thật sự cần gì” (vì chính phủ không thể lo hết mọi nhu cầu thiết yếu cho vị giáo sư cao tuổi), thầy Tùng trả lời: cụ cần làm răng giả, nếu không sẽ không ăn được, đưa đến sức khoẻ suy yếu; trong khi chờ đợi, nên kiếm cho cụ Di hộp sữa đặc.

Những ngày đầu kháng chiến, chưa có cơ sở Đảng trong trường Đại học Y Dược khoa. Khi lên tới Chiêm Hoá, khoa Y có 2 y tá được kết nạp Đảng là Đỗ Thiên Thu (Thu B) và Phát. Cũng trong thời gian này có ông Nguyễn Văn Bát tức Hoài Nam, người xã Yên Thịnh - Chiêm Hoá, được đảng viên Phát giới thiệu vào công tác tại bệnh viện thực hành. Sinh viên Phạm Thuỵ Liên, sau khi đi Nam Tiến, được chuyển từ trường lục quân về học tại trường Đại học Y. Như vậy tổ đảng gồm 4 người (Thu, Phát, Bát, Liên) do sinh viên Phạm Thuỵ Liên làm tổ trưởng, sinh hoạt trực thuộc chi bộ huyện Chiêm Hoá. Năm 1948, do sự phát triển của cơ sở Đảng, chi bộ Y tế (trường Đại học Y dược khoa và bệnh viện thực hành) được thành lập vẫn do sinh viên Phạm Thuỵ Liên làm bí thư chi bộ, sinh hoạt trực thuộc huyện uỷ Chiêm Hoá. Đảng viên của chi bộ lúc này có thêm các đồng chí: Thu A, Long, Trà, Kính, Hoành. Cuối năm 1949, sinh viên Nguyễn Dương Quang, từ trung ương đoàn thanh niên về học và sinh hoạt cùng chi bộ. Sau chiến dịch biên giới năm 1950, chi bộ đã kết nạp thêm được 3 người (tên là Nghị, Sơn và Thìn). Tới 1952, khi Đảng Lao Động Việt Nam được thành lập và tổ chức Đại Hội (thực chất là đảng Cộng Sản ra hoạt động công khai) thì sau đó chi bộ ở trường Y mới hoạt động công khai.

Trong giai đoạn này, Trường với vị thế hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến nên đã được sự lãnh dạo trực tiếp của trung ương Đảng, thông qua sự quan tâm của chủ tịch Hồ Chí Minh, phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (đều trong bộ chính trị). Đôi khi tổng bí thư Trường Chinh có thư từ trao đổi với thầy Tùng (ví dụ, thư hoan nghênh bài viết của Thầy về những khó khăn y tế của địch; đồng thời đề nghị thầy Tùng viết tiếp và cho biết bài nào có thể đăng ở báo Sự Thật, bài nào không được đăng).
Những phương châm cơ bản mang tính chiến lược đã được chỉ đạo trực tiếp bởi các lãnh tụ và đã được giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Tôn Thất Tùng, hai trụ cột của nhà trường lúc đó, thực hiện một cách sáng tạo. Thoạt nhìn tưởng như đơn giản: trường phải vượt mọi khó khăn để tồn tại và phát triển, đào tạo đủ bác sĩ và dược sĩ cho nhu cầu kháng chiến. Chỉ có vậy, vì lịch sử chỉ yêu cầu có vậy. Nhưng để thực hiện trong điều kiện lúc đó, quả là phi thường. Người trực tiếp tiếp nhận các chủ trương của trung ương là giáo sư Tôn Thất Tùng, mỗi khi ông đi dự họp hội đồng chính phủ ở cương vị thứ trưởng bộ Y Tế (hai tháng một lần), dịp đó ông còn được gặp riêng các nhà lãnh đạo cấp cao nhất.
Các nhà lãnh đạo cấp cao khi chủ trì hội nghị bàn về sự hoạt động trong thời gian sắp tới của trường Y Dược thường gặp gỡ riêng cụ Di và thầy Tùng. Lúc này vai trò chi bộ chưa thể hiện rõ do chi bộ hoạt động bí mật, ít người biết. Vì vậy, nhiều cuộc họp do phó thủ tướng hoặc 2 bộ trưởng chủ trì, mời đại biểu các hiệu đoàn của 4 trường, nhưng trong danh sách đại biểu không có đại diện chi bộ y khoa.
Tuy nhiên, chi bộ vẫn hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể, gồm: giáo dục tư tưởng nội bộ, gương mẫu bản thân để động viên cán bộ và sinh viên tin tưởng vào thắng lợi của kháng chiến. Cụ thể hơn, không bỏ hàng ngũ kháng chiến để dinh tê vào Hà Nội tạm bị chiếm, khắc phục mọi gian khổ để ở lại chiến khu ; xung phong, quên mình đi phục vụ các chiến trường...

Tổ chức hiệu đoàn có vào đầu năm 1949, thoạt đầu do sinh viên Vưu Hữu Chánh tạm đảm đương (khi ông chưa thi ra bác sĩ), rồi sinh viên Trịnh Kim ảnh, Trần Trọng Hùng, Nguyễn Đăng Tường, Nguyễn Đình Quang, Đỗ Quang và nhiều sinh viên khác trong ban chấp hành. Do sinh viên quá phân tán (hầu như khắp miền Bắc và Trung) nên hiệu đoàn rất khó phát huy tác dụng. Thời gian quân đội quản lý sinh viên nhiều gấp 3 hay 6 lần thời gian sinh viên có mặt ở trường. Do nhiệm vụ, có người vừa vào ban chấp hành hiệu đoàn đã được điều ra mặt trận cho đến hết nhiệm kỳ, khiến sinh viên chưa kịp biết tên. Về sau, anh chị em có xu hướng cử những sinh viên phụ giáo vào ban chấp hành, nhờ vậy hiệu doàn đã đề đạt nhiều nguyện vọng lên hiệu trưởng, kể cả lên Bộ Giáo Dục, và sau này đại biểu hiệu đoàn đã được dự họp một số buổi mở rộng với nhà trường. Khi có các lớp sinh viên mới (bỡ ngỡ) ban chấp hành phân công đón tiếp, hướng dẫn những điều cần thiết. Hiệu đoàn đã in (đất sét) được một số báo nội bộ và một số bài viết về chuyên môn (nay còn lưu giữ được) để gửi cho các nhóm sinh viên ở các nơi, nhưng số lượng in ra không nhiều, không thể gửi khắp cho các nhóm.

In qua đất sét: viết chữ thật đậm lên giấy, áp giấy vào mặt đất sét (trước đó đã đem nhào nước cho mịn, cán ra cho phẳng), để mực bị hút vào dất; sau đó áp giấy in lên mặt đất sét: được khoảng 20 bản in, nhưng bản cuối phải căng mắt ra mà đọc. Nếu khéo tay, chữ đẹp, có thể viết trực tiếp lên mặt đất sét (phải viết chữ ngược) thì bản in sẽ rõ nét hơn. Để có bản in rõ, phải mua giấy và mực trong vùng tạm chiếm mà không thể dùng giấy mực sản xuất ở vùng kháng chiến. Số lượng in hạn chế, chỉ có thể gửi theo nhóm, nhưng không phải nhóm nào cũng nhận đủ các bản đã in ra.
Một hiệu đoàn trưởng năm 1953 rất năng nổ là Trần Trọng Hùng (vào trường 1945), đảng viên cộng sản, bị chết bom trên đường đi công tác (họp Đoàn Thanh Niên), được công nhận liệt sĩ.

Trong trường có tổ công đoàn. Đoàn viên phát triển trong 8 năm kháng chiến khá đông, nhưng vẫn không rộng khắp như ngày nay. Hầu hết đoàn viên chỉ là nhân viên thường, do vậy sự hoạt động chủ yếu là tương trợ nhau, giúp nhau lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, động viên nhau ở lại vùng tự do. Chưa bao giờ công đoàn dám đặt kế hoạch tuyên truyền, giác ngộ, để cụ Di, ông Tùng viết đơn xin gia nhập.

Khoa Dược bên Thái Nguyên thời kỳ này cũng có chi bộ, trong số đảng viên của chi bộ có người giữ cương vị cao về chính quyền, do vậy chi bộ có vai trò lãnh đạo rõ ràng. Về hiệu đoàn của khoa dược, do sinh viên cũng phân tán, nhưng số lượng không đông, lại được định kỳ gọi về trường bổ túc 6 tháng hoặc ngắn hạn, do vậy có điều kiện hoạt động tốt hơn. Báo nội bộ và tài liệu chuyên môn rất có tác dụng, được gửi khá rộng khắp và rất được hoan nghênh (số sinh viên ở xa trường chỉ khoảng 50). Lợi thế là sinh viên Nguyễn Văn Hợi và Bạch Quang Chiểu (trong ban chấp hành hiệu đoàn) lại phụ trách ban ấn loát của khoa Dược.

Bạch Quang Chiểu đã học xong chứng chỉ PCB từ thời Pháp thuộc, lẽ ra có thể xin học Y khoa từ 1944. Do chiến tranh, sinh viên này đã xin học Dược khoa (hơi muộn). Rất khéo tay và rất tích cực hoạt động hiệu đoàn. Chẳng may, bị sốt thương hàn, bị chẩn đoán nhầm là sốt rét; sau chết vì chẩy máu đường ruột do chế độ ăn không phù hợp với bệnh đang mắc. Anh em bạn bè rất thương tiếc.

Cũng chính hiệu đoàn đã đề xuất việc mời thầy Trương Công Quyền tham gia giảng dạy, trực tiếp cử người đến gặp, thuyết phục, tổ chức rước thầy (và toàn gia) từ Đoan Hùng sang Bắc Cạn, dựng nhà cho thầy. Ngày thầy tới trường được Cục Quân Y coi như ngày thầy Quyền nhập ngũ. Hiệu đoàn, cụ thể là sinh viên Nguyễn Hữu Thiệu, còn có vai trò lớn trong vận động một số sinh viên ở khu 3, khu 4 (đời sống vật chất dễ chịu hơn) lên Việt bắc nhập học và vào quân đội (mặc dù đời sống khó khăn hơn).

 


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen