Seiten

Donnerstag, 28. Januar 2021

Những kiến trúc lịch sử của Sài Gòn

 Dẫn nhập

Những kiến trúc lịch sử

  1. Đình Thông Tây Hội (1679, 1883)
  2. Chùa Huê Nghiêm 1 (1721)
  3. Nhà thờ Chợ Quán (1727, 1896)
  4. Chùa Giác Lâm (1744)
  5. Chùa Bà Thiên Hậu (1760)
  6. Ngôi nhà xưa nhất Sài Gòn (1799)
  7. Lăng Ông Bà Chiểu (1848)
  8. Bệnh viện Chợ Quán (1862) – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (2002)
  9. Thảo Cầm Viên (1864)
  10. Dinh Norodom (1873) – Dinh Độc Lập (1966)
  11. Collège Chasseloup-Laubat (1874) – Trung học Lê Quý Đôn (1975)
  12. Trường Lasan Taberd (1874) – Trường THPT Trần Đại Nghĩa (2000)
  13. Nhà thờ Tân Định (1876)
  14. Nhà thờ Đức Bà (1880)
  15. Khách sạn Continental Palace (1880)
  16. Tòa án (1885)
  17. Dinh Phó soái (1890) – Dinh Gia Long (1954) – Bảo tàng Thành phố (1999)
  18. Bưu điện Sài Gòn (1891)
  19. Tu viện La Sainte-Enfance (1864) – Tu viện Phaolô (1895)
  20. Chùa Ngọc Hoàng (1905)
  21. Nhà hát Thành phố (1900)
  22. Nhà thờ Cha Tam (1902)
  23. Nhà thờ Huyện Sĩ (1905)
  24. Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố (1909)
  25. Chợ Bến Thành (1914)
  26. Bảo tàng Lịch sử (1929)
  27. Bảo tàng Mỹ thuật (1934)

Những kiến trúc nổi tiếng đã mất

Kết luận

Tài liệu tham khảo

Dẫn nhập

Con người xuất hiện ở Sài Gòn từ khá sớm. Các cuộc khai quật khảo cổ trên địa phận Sài Gòn và khu vực lân cận cho thấy ở đây đã tồn tại nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho tới thời kim khí. Những cư dân cổ từ nhiều thiên niên kỷ về trước đã biết đến kỹ thuật canh tác nông nghiệp.

Văn hóa Sa Huỳnh (khoảng năm 1000 tCN đến cuối thế kỷ 2) từng tồn tại trên khu vực này với những nét rất riêng. Thời kỳ Văn hóa Óc Eo (từ đầu Công Nguyên cho tới thế kỷ 7), khu vực miền Nam Đông Dương có nhiều tiểu quốc và Sài Gòn khi đó là miền đất có quan hệ với những vương quốc này.

Những người Việt đầu tiên tự động vượt biển tới khai khẩn vùng đất này hoàn toàn không có sự tổ chức của Nhà Nguyễn. Nhờ cuộc hôn nhân giữa Công Nữ Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II từ năm 1620, mối quan hệ giữa Đại Việt và Chân Lạp trở nên êm đẹp, dân cư hai nước có thể tự do qua lại sinh sống. Từ đó, khu vực Sài Gòn, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những người Việt định cư. Trước đó, người Khmer, người Chăm, người Man cũng sinh sống rải rác ở đây từ xa xưa.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ “Lũy Sài Gòn” (theo Hán Nho viết là “Sài Côn”). Đây là lần đầu tiên chữ “Sài Gòn” xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán “Côn” được dùng thế cho “Gòn”. Nếu đọc theo Nôm là “Gòn”, còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là “Côn”.

Năm 1679, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho một số nhóm người Hoa tị nạn triều Mãn Thanh tới Mỹ Tho, Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn.

Theo Vương Hồng Sển, dòng Nam tiến của người Việt là như sau:

  • năm 1653, đến Nha Trang;
  • năm 1693, đến Phan Thiết;
  • năm 1698, đến Biên Hòa và Gia Định (Sài Gòn).

Vào năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đi kinh lược miền Nam. Vùng Đông Nam Bộ được sáp nhập vào cương vực Việt Nam. Trên cơ sở những lưu dân Việt đã tự phát tới khu vực này trước đó, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình. sắp đặt các quan chức địa phương để cai quản vùng đất này. Như vậy, mốc 1698 là năm thiết lập chính thức chủ quyền của người Việt trên đất Sài Gòn.

Cuối thế kỷ 18, sau các biến loạn và chiến tranh, thương nhân các nơi dần chuyển về vùng Chợ Lớn. Khu vực Sài Gòn dần trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Nam Bộ.

Năm 1788, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) tái chiếm Sài Gòn, lấy nơi đây làm cơ sở để chống lại quân Tây Sơn. Năm 1790, với sự giúp đỡ của hai sĩ quan công binh người Pháp là kỹ sư Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel (1768–1799), Nguyễn Ánh cho xây dựng Thành Phiên An (dân gian gọi là Thành Bát Quái) làm trụ sở của chính quyền mới. Vùng đất Gia Định Thành khi đó được đổi thành Gia Định Kinh.

Năm 1802, sau khi chiến thắng Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi và đẩy mạnh công cuộc khai khẩn Miền Nam. Sài Gòn nhờ đó mà phát triển theo.

Sáu năm sau, 1808, tên vùng đất được đổi lại là Gia Định Thành. Trong khoảng thời gian 1833 đến 1835, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại nhà Nguyễn, Thành Phiên An trở thành căn cứ địa. Sau khi trấn áp cuộc nổi dậy, năm 1835, vua Minh Mạng cho phá Thành Phiên An hẳn là do ác cảm với tòa thành đã bị Lê Văn Khôi chiếm giữ 2 năm. Ông cho xây Thành Gia Định (Phụng Thành) thay thế nhưng nhỏ hơn nhiều, cho thấy không còn xem vùng đất này là quan trọng.

Ngay sau khi chiếm được Thành Gia Định vào năm 1859, chính quyền Pháp gấp rút quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn nhằm phục vụ mục đích khai thác thuộc địa. 

Ngày 11 tháng 4 năm 1861, Phó Đô đốc Léonard Charner ra nghị định xác định địa giới thành phố Sài Gòn (tiếng Pháp: Ville de Saigon) bao gồm cả vùng Sài Gòn và Bến Nghé.

Đến ngày 3 tháng 10 năm 1865, quyền thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn Đô đốc Pierre Roze ký nghị định quy định lại diện tích của thành phố Sài Gòn chỉ còn 3 km2 tại khu Bến Nghé cũ, đồng thời cũng quy định thành phố Chợ Lớn (tiếng Pháp: Ville de Cholon) tại khu vực Sài Gòn cũ. Từ đó tên gọi Sài Gòn chính thức dùng để chỉ vùng đất Bến Nghé, và tên Chợ Lớn để chỉ vùng Sài Gòn cũ.

Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn Quyền, được Pháp thiết kế và huy động nhân công xây dựng. 

Thành phố Sài Gòn khi đó được thiết kế theo mô hình Châu Âu, nơi đặt văn phòng nhiều cơ quan công vụ như: Dinh Thống đốc, Nha Giám đốc Nội vụ, Tòa án, Tòa Thượng thẩm, Tòa Sơ thẩm, Tòa án Thương mại, Tòa Giám mục… Nam Kỳ Lục tỉnh là thuộc địa của Pháp và Sài Gòn nằm trong Tỉnh Gia Định.

Ngày 15 tháng 3 năm 1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập Thành phố Sài Gòn. Đứng đầu là viên Thị trưởng người Pháp. Đến năm 1879, Pháp cho lập thêm Ủy hội Thành phố (Commission municipale), tương tự như hội đồng thành phố ở các nước sau này.

Theo quy hoạch của Pháp, Sài Gòn khi đó chỉ rộng khoảng 3 km²; gần bằng một nửa Quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8 km²), bao bọc bởi sông Sài Gòn. Chính quyền thuộc địa Pháp tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất mà họ có được ở diện tích 3 km² này, phần còn lại của Sài Gòn thì vẫn còn rất hoang sơ, đầm lầy ngổn ngang.

Theo Sơn Nam trong Bến Nghé xưa, khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914,

trước mặt còn là ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò, dê đi lang thang ăn cỏ.

Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn có ranh giới giao nhau tại hai con đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật hiện nay.

Năm 1931 Tổng thống Pháp ra sắc lệnh hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn–Chợ Lớn. Đứng đầu khu là một Khu trưởng, do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Chợ Lớn được mở rộng hơn do sáp nhập, trong khi Sài Gòn thì thu hẹp do phần đất thuộc quận 7 ngày nay sáp nhập vào Nhà Bè. Tổng diện tích Khu Sài Gòn–Chợ Lớn lúc này là 51 km2.

Sau Hiệp định Genève, Sài Gòn được Việt Nam Cộng hòa chọn làm thủ đô. Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đổi tên Khu Sài Gòn–Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn–Chợ Lớn.

Đến năm 1956, Ngô Đình Diệm làm Tổng thống lại ra sắc lệnh đổi tên “Đô thành Sài Gòn–Chợ Lớn” thành “Đô Thành Sài Gòn”. Từ đó, địa danh Chợ Lớn chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực Quận 5, Quận 6 và Quận 11.

Nguồn:

https://anhxua.net/album/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-sai-gon.html
https://hinhanhvietnam.com/tom-tat-so-luoc-su-hinh-thanh-saigon-gia-dinh/
https://www.maxreading.com/sach-hay/gioi-thieu-ve-sai-gon/lich-su-phat-trien-33774.html
https://trithucvn.org/van-hoa/khai-quat-lich-su-sai-gon-tu-truoc-khi-xuat-hien-nguoi-viet-den-nay.html

Được thành lập năm 1698, cho đến lúc bài này được tổng hợp Sài Gòn trải qua 322 năm với những thăng trầm, biến động của lịch sử. Nhiều nhân vật từng hiện diện ở đây rồi ra đi hoặc nằm xuống, nhưng nhiều chứng tích vẫn tồn tại. Bài viết này tổng hợp những kiến trúc gắn liền với lịch sử của Sài Gòn.

Những kiến trúc lịch sử

Đình Thông Tây Hội (1679, 1883)

Nằm trên Đường Thống Nhất, Phường 11, Quận Gò Vấp, Thông Tây Hội được xem là ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và của cả Nam Bộ. Ban đầu, công trình chỉ được xây bằng tre, vách lá. Đến năm 1883 được dựng lại với kiến trúc như hiện nay. Hiện đình còn khá nguyên vẹn về quy mô, kiến trúc và kết cấu với những chạm khắc đặc trưng Nam Bộ.

Đình Thông Tây Hội là ngôi đình có cấu trúc thuộc dạng đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19. Đình hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ. Nơi đây thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam.

Toàn bộ khu đình tọa lạc trên một khu đất rộng 1.500 m2. Đình quay về hướng Đông. Cổng đình xây theo kiểu tam quan. Phía cổng chính đình là bức bình phong thờ thần Hổ, hình tượng phổ biến trong đời sống dân gian của người Việt. Loài này là biểu tượng của sự dũng mãnh, uy linh, có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương.

Sân đình rộng, có một số cây cao khoảng 10 m. Mặt bằng kiến trúc của đình tạo thành hai trục song song với nhau: một trục dài (trục chính) gồm võ ca, chánh điện; một trục ngắn (trục phụ) là nhà hội sở. Kiểu mặt bằng kiến trúc này rất phổ biến đối với công trình kiến trúc tôn giáo ở miền Nam thế kỷ thứ 18-19.

Võ ca có kích thước: ngang 14 m, sâu 17,5 m, cao 4 m, gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ, không có tường bao xung quanh. Đây là nơi diễn ra hoạt động trình diễn như xây chầu, hát bội trong các dịp lễ hội.

Võ ca (ảnh: Xiaoao)

Chánh điện gồm hai nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, tức nhà kép hai mái trên một nền. Tất cả có 48 cột, chia thành 8 dãy cột, mỗi dãy có 6 cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m; có đường kính là 30 cm (thường được gọi là “tứ tượng”) là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất – nơi đặt bàn thờ các vị thần.

Các chân cột ở chánh điện được có khắc hình lăng trụ thắt ở giữa.

Chân cột ở chánh điện (T.D., 2018)

Trên nóc chánh điện có hình tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, kiến trúc thường thấy ở đình làng Việt Nam.

Hình tượng lưỡng long tranh châu (T.D., 2018)

Một gian khác trong ngôi đình thờ Bà Chúa Xứ cùng các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Thần nông, Bạch mã thái giám…

Nhà hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ, có kích thước ngang 12 m, dài 19 m, cao 4,2 m; có 56 cột, chân cột kê đá xanh, có 3 nếp nhà “trùng thiềm điệp ốc”; có vách ván ngăn phòng làm việc với nhà kho. Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng Ban Trị sự Đình Thông Tây Hội, cho biết: “Do đình quá thấp so với mặt đường, thường xuyên bị ngập nên năm 1998, ban trị sự vận động kinh phí xã hội hoá nâng sân và sửa chữa. Vì không có nhiều tiền nên phần nhà hội sở vẫn chưa được nâng, do đó vẫn nằm thấp hơn sân đến nửa mét. Mỗi khi mưa nền nhà lại lênh láng nước”. (Tiến Thành, 2016)

Nhà hội sở (ảnh: Xiaoao)

Toàn bộ ngôi đình lợp ngói âm dương, bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, nền lót gạch tàu (30 cm x 30 cm).

Về trang trí của đình Thông Tây Hội, phần đặc sắc nhất tập trung tại chánh điện. Ở đây các đầu kèo, trính đều được chạm khắc đầu rồng và cành mai. Có 3 bao lam: bao lam ở giữa chạm theo đề tài lân – li – quy – phụng, hai bao lam hai bên chạm theo đề tài mẫu đơn – trĩ. Tác phẩm chạm khắc đặc sắc nhất là trang thờ thần, được chạm khắc tinh xảo theo đề tài lưỡng long triều nguyệt và lân – li – quy – phụng. Ngoài ra còn có hai trang thờ tả ban, bức hoành “chung linh lưu tú”, hai cặp câu đối bằng thân cây dừa ở chánh điện đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Đình Thông Tây Hội còn giữ nhiều hiện vật quý kể cả tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng của hiện vật cổ, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm. Đề tài chạm khắc trong đình Thông Tây Hội rất phổ biến đối với các công trình tôn giáo ở Sài Gòn–Chợ Lớn–Gia Định ngày xưa.

Chi tiết thếp vàng (T.D., 2018)

Đình Thông Tây Hội có hai vị Thành hoàng rất độc đáo. Đó là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với Thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương.

Theo tài liệu Hán văn còn lưu lại trong đình thì lần trùng tu thứ nhất của đình là vào năm Bính Thân (1896). Lần trùng tu thứ hai năm là vào Đinh Mão (1927).

Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn (1698–1998), đình là một trong sáu công trình lớn được trùng tu. Tuy nhiên, lần trùng tu này bị coi là chưa đảm bảo nguyên tắc khiến cho các hoa văn, bàn ghế của đình bị hư hại nhiều (Wikipedia). Việc quản lý đình cũng chưa được tổ chức chặt chẽ. Hiện nay mặt tiền đình là nơi mát mẻ khiến cho một số người dân bày bán các loại hàng hoá như vé số, trái cây, quần áo… Nhìn chung các hình ảnh cho thấy đình trông nhếch nhác và khó coi.

Nguồn: Nguyễn Vũ Thành Đạt (2017), T.D. (2018), Tiến Thành (2016), Wikipedia_Đình Thông Tây Hội.

Chùa Huê Nghiêm 1 (1721)

Tọa lại tại số 204, Đặng Văn Bi, Quận Thủ Đức, cũng được gọi là Huê Nghiêm Cổ tự. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm – “huê” là tiếng tránh kỵ húy từ “hoa”, theo cung cách Nam Bộ từ xưa.) Ngày nay, chùa thường được gọi là Chùa Huê Nghiêm 1 để phân biệt với Chùa Huê Nghiêm 2 ở Phường Bình Khánh, Quận 2.

Chùa được Thiền sư Thiệt Thụy–Tánh Tường (1681–1757) thành lập năm 1721, là ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn hiện nay. Nói là “cổ tự” chỉ là dựa theo thời điểm thành lập, còn kiến trúc đã đổi khác nhiều so với lúc ban đầu.

Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ xây cất trên vùng đất thấp, cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100 m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên (pháp danh Liễu Đạo) hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như vị trí hiện nay. Kiến trúc và cảnh trí chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu. Trong đó, lần trùng kiến lớn nhất vào cuối thế kỷ 19 do Thiền sư Đạt Lý – Huệ Lưu tổ chức. Tam quan chùa và Đài Quan Âm ở sân trước chùa được xây vào năm 1990. Lần trùng tu gần nhất là vào năm 2011.

Mặt trước Chùa Huê Nghiêm 1 (ảnh: chuaviettoancau.com)

Mái lợp bằng ngói ống màu đỏ, được thiết kế theo lối cổ truyền với các đầu đao cong vút, đường viền mái ngói màu xanh. Riêng các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều được trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân hồi cách điệu đặt trên hoa sen.

Mái chùa (Hoàng Giang, 2016)

Ban Tam bảo trong chùa được bài trí tôn nghiêm với nhiều tượng gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

“Dấu ấn cổ xưa trong chùa là bàn thờ bằng gỗ mít đặt tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề, vị Bồ tát trong trường phái Đại thừa”, Thượng tọa Thích Minh Đạo, Viện chủ của chùa, cho biết.

Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề (Thành Nguyễn, 2019)

Một góc chùa bài trí những pho tượng tái hiện hình ảnh Đức Phật Thích Ca hành đạo bên gốc cây bồ đề với nhiều cám dỗ.

Hình ảnh Đức Phật Thích Ca với nhiều cám dỗ (Thành Nguyễn, 2019)

Khu vườn tháp của chùa tràn ngập các loại cây xanh cùng màu sắc rực rỡ của bia mộ.

Trong chùa còn có khu để tro cốt những người đã khuất với tên gọi “Nạp cốt đường”.

Nguồn: Hoàng Giang (2016), Thành Nguyễn (2019).

Nhà thờ Chợ Quán (1727, 1896)

Nhà thờ Chợ Quán (tên hiệu: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu), tọa lạc tại số 120 Trần Bình Trọng, Phường 2, Quận 5, là một nhà thờ Công giáo thuộc Giáo xứ Chợ Quán. Đây là nhà thờ cổ nhất ở Sài Gòn, nếu tính năm 1727 là thời điểm xây nhà thờ đầu tiên.

Nhà thờ nhiều lần bị phá hủy rồi được xây lại vào các năm 1727, 1733, 1793, 1862, 1882. Mãi đến năm 1882 (lần thứ 8), cha Nicolas Hamm về kế nhiệm đặt nền móng cho ngôi nhà thờ mới (nhà thờ tồn tại đến ngày nay). Ngôi nhà thờ hiện nay được khánh thành vào năm 1896, có thể chứa khoảng 1.500 người.

Mặt chính diện nhà thờ được thiết kế tinh xảo kiểu kiến trúc Gothic với các mái vòm nhọn kết nối liên tục. Phía trước cửa chính là khuôn viên rộng, trồng nhiều cây xanh. Các cánh cửa đều theo cấu trúc mái vòm cong, những cột đá to với những hoa văn độc đáo và lợp ngói đỏ.

Mặt trước Nhà thờ Chợ Quán (ảnh: Fayhoo)

Tháp chuông nhà thờ gồm có ba tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng mái trên cùng với tổng cộng năm quả chuông (mỗi quả chuông đều có ghi tên người dâng cúng): hai quả chuông kéo trong ngày thường, hai quả chuông dùng cho các dịp lễ quan trọng và một quả chuông để báo tử. Trong dịp lễ đặc biệt thì mới kéo tất cả năm quả chuông cùng một lúc.

Tháp chuông Nhà thờ Chợ Quán (Quỳnh Trần, 2019c)

Mặt bên nhà thờ đơn giản với dãy cửa sổ vòm, gờ chỉ, cửa sổ lá xách kính, bộ mặt kiến trúc bề ngoài công trình mang chung một gam màu vàng nhạt.

Mặt bằng bố trí theo lối kiến trúc nhà thờ cổ, gồm năm gian trải dài từ lối vào chính – tháp chuông đến Cung thánh, qua khỏi sảnh vào không gian chính, nơi làm lễ của nhà thờ với hai tượng thánh ở hai bên. Tiếp theo là một dãy sáu vòm lớn chạy dọc, nối nhau trên các phần đầu cột, phân chia phần không gian chính có trần cao ở giữa và các không gian phụ. Có nhiều chi tiết tinh tế trên tường.

Chi tiết trang trí (ảnh: Nguyễn Trương)

Hành lang hai bên có cao độ trần thấp hơn, cấu tạo trần là hình dạng của những múi đan chéo nhau, tạo nên những đường gân góp phần trang trí, làm cho không gian nội thất giảm bớt sự đơn điệu. Các cửa sổ không lắp tranh kính màu như nhiều nhà thờ khác mà chỉ lắp kính trắng. Nguyên nhân là những tranh kính màu cũ hư hỏng nhưng chưa tìm được người có khả năng phục chế như ban đầu.

Khu Cung thánh được bố trị trên một mặt bằng cong trần có hình cầu. Gần cung thánh đặt mộ phần của cha Hamm, người xây dựng Nhà thờ Chợ Quán như hiện nay. Bên trong các gian, tường đều được bài trí nhiều tượng thánh đủ kích cỡ.

Bên trong Nhà thờ Chợ Quán (ảnh: Prof MK)

Trừ giờ lễ, du khách có thể vào nhà thờ Chợ Quán trong suốt cả tuần. Nhiều người dân trong vùng cũng hay đi dạo mát, tập thể dục trong khuôn viên nhà thờ do có nhiều cây xanh.

Nguồn: Quỳnh Trần (2019c), Wikipedia_Nhà thờ Chợ Quán.

Chùa Giác Lâm (1744)

Tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, Phường 10, Quận Tân Bình, Chùa Giác Lâm còn có các tên khác: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Chùa do một người Minh Hương tên Lý Thoại Long, quyên tiền xây nên năm 1744 thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nằm trên gò đất cao, kiến trúc Chùa Giác Lâm được xem như là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các ngôi chùa tại Nam Bộ.

Đến năm 1774, Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc, là trụ trì Chùa Từ Ân, cử đệ tử của mình là Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (gọi tắt là Viên Quang) về trụ trì chùa, đồng thời đổi tên chùa thành Chùa Giác Lâm. Dưới thời trụ trì của thiền sư Viên Quang, chùa trở thành nơi đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho các chư tăng ở thành Gia Định và Nam Bộ. Năm 1873, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa còn là nơi in ấn và sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm cho một số sách Phật giáo.

Từ khi thành lập đến nay, Chùa Giác Lâm trải qua nhiều lần trùng tu, lần đại trùng tu mang tính quy mô là vào năm 1798–1804 dưới thời Thiền sư Viên Quang trụ trì. Lần đại trùng tu thứ hai do các Thiền sư Như Lợi, Như Phòng, Hồng Hưng tổ chức vào năm 1908–1909. Kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn của đợt trùng tu này. Sau này, chùa có xây dựng và tu sửa thêm. Tiêu biểu như: năm 1939–1945, chùa xây thêm vòng tường rào; năm 1955 chùa xây cổng tam quan; sau năm 1975, chùa được lợp lại ngói, lót gạch ở sân trước chánh điện…

Mái chùa hình bánh ít thường thấy trong kiến trúc Nam Bộ, tạo cảm giác dân dã, gần gũi. Mái gồm bốn vạt với các sống mái thẳng, khác hẳn diềm mái hình đầu đao đặc trưng của kiến trúc miền Bắc. Trên đỉnh mái là hình ảnh “lưỡng long tranh châu” quen thuộc trong văn hóa chùa chiền Việt Nam.

Trang trí đỉnh mái Chùa Giác Lâm (Quỳnh Trần, 2019d)

Chùa Giác Lâm có lối kiến trúc chữ TAM  (  ) gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ):

  • Chính điện
  • Giảng đường
  • Nhà trai (còn được gọi là nhà Ông Giám).

Khu vực chính điện được dựng theo kiểu nhà dân gian truyền thống 1 gian 2 chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ.

Bên trong điện có diện tích khá rộng và sâu, gồm có 56 cột to, trên mỗi cột đều có chạm khắc câu đối và được sơn son thiếp vàng công phu.

Trong chính điện bày trí theo kiểu “tiên bái Phật, hậu bái Tổ”.

Điện thờ Phật tôn nghiêm, gồm có ba bàn sắp xếp trong cao ngoài thấp dần:

  • Bàn Di Đà tôn trí tượng Di Dà Tam Tôn. Theo hàng ngang: Phật A Di Đà lớn ở giữa, hai bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Theo hàng dọc: A Di Đà Thích Ca, hai bên có tượng Ca Diếp, A Nan và Di Lặc.
  • Bàn Hội đồng. có tượng Phạm Thiên (Ngọc Hoàng), Nam Tào, Bắc Đẩu.
  • Tam Bảo đặt tượng 5 vị: Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Sư Lợi, Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền.
  • đặt Hai bên tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Đản sanh có hai vị Hộ Pháp

Hai bên vách chánh điện đặt thờ tượng Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Địa Tạng, Bồ Đề Đạt Ma, Long Vương, Quan Thánh.

Đặc biệt, trên đỉnh tường của chính điện có hơn 6.000 đĩa trang trí. Những chiếc đĩa này chủ yếu được nung trong lò gốm tại Lái Thiêu (Bình Dương), một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản… Những đĩa kiểu trang trí được gắn vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20.

Đĩa trang trí trên đỉnh tường (Quỳnh Trần, 2019d)

Phía sau chính điện là bàn thờ Tổ để thờ các vị hòa thượng đã từng trụ trì tại chùa.

Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Có nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc Bồ Tát; Thế Chí Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng Mười Tám Vị La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Sư Đạt Ma, tượng Long Vương, v.v… Các pho tượng do nhóm nghệ nhân ở Bình Dương, Cần Đước tạc vào đầu thế kỷ 19.

Một số tượng cổ trong Chùa Giác Lâm (Quỳnh Trần, 2019d)

Trên các cột chính của chùa đều có khắc câu đối (gồm 86 câu) thếp vàng công phu. Đáng chú ý có câu đối của Hiệp trấn Trịnh Hoài Đức (treo ở gian thờ Tổ) và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm 1804. Ngoài ra ở đây còn có 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ. Phía trước có Bửu tháp Xá lợi được xây dựng từ năm 1970, nhưng vì một vài lý do đến năm 1994 mới hoàn thành với 7 tầng. Bảo tháp Xá Lợi có hình lục giác, cao 32,70 m, diện tích hơn 600 m2, mặt hướng phía Bắc. Tầng dưới cùng đặt bàn thờ tượng Di Đà Tam Tôn, các tầng tiếp theo đặt thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát như: đức Phật Thích Ca, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm… Tầng trên cùng được trang trí chùm đèn Cửu Long, giữa là tháp Xá lợi đức Phật Thích Ca.

Bửu tháp Xá Lợi Chùa Giác Lâm (ảnh: Phan Ba)

Nguồn: Quỳnh Trần (2019d), Wikipedia_Chùa Giác Lâm.

Chùa Bà Thiên Hậu (1760)

Tọa lạc ở số 710 Nguyễn Trãi, Quận 5, Chùa Bà Thiên Hậu còn có tên gọi khác là Chùa Bà Chợ Lớn, tên Hán-Việt là Thiên Hậu miếu (天后廟), thờ Thiên Hậu Thánh mẫu. Đây là một trong những nơi thờ tự cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa và luôn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc Tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp của và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này. Từ đó đến nay, ngôi chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn giữ được phong cách vốn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho vùng đất Sài Gòn–Gia Định xưa.

Vương Hồng Sển (1960) kể:

Sau đây là sự tích của bà Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến).

Ngày sanh: 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Tám tuổi biết đọc, mười một tuổi tu Phật giáo. Mười ba tuổi, thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ “Nguyên vị bí quyết” và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác. Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.

Cha tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai trai, anh của Bà, chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn… Cả ba cùng té, lặn hụp chới với… Cùng một ngày giờ đó, trong lúc trận bão diễn ra ngoài khơi, thì bà đang ngồi dệt vải bên cạnh mẹ. Bà ngồi khung cửi, bỗng nhắm mắt lại, nghiến hai hàm răng, hai tay đưa tới trước dường như trì níu một vật gì nặng lắm. Mẹ ngồi gần thoạt thấy cử chỉ lạ lùng làm vậy, phát sợ, gọi bà. Bà không ừ hử. Mẹ càng sợ thêm, đến gần Bà nắm hai vai vừa lắc chuyển vừa la lớn: “Sao vầy con? Trả lời đi con! Nói mau kẻo mẹ sợ lắm”. Bà mở mắt, ư một tiếng dài như vừa tỉnh giấc chiêm bao, bỗng oà lên khóc: “Mẹ ôi! Thôi rồi, cha mắc nạn to, thuyền bị bão chìm, nay con không cứu cha được cũng vì mẹ một hai trục con về. Âu chẳng qua cũng tại số trời! “ Rồi bà thuật tự sự. Khi ban nãy Bà làm như vậy là Bà đang một tay nắm anh cả, một tay kéo anh thứ, vì cả hai đang chới với dưới ngọn ba đào. Giữa lúc bối rối làm vậy bỗng Bà thấy cha đang lặn hụp dưới thuỷ triều và sắp bị nước cuốn trôi… nên Bà vừa dùng răng cắn được chéo áo của cha, Bà sắp cứu được cả ba thoát nạn dữ, kế nghe mẹ kêu giựt dội một hai lay gọi ép Bà trả lời. Bà vừa hở môi thì sóng cuốn cha mất dạng. Nên Bà chỉ cứu được hai anh khỏi nạn và chờ các ngƣời ấy về sẽ rõ âm hao.

Quả đúng như lời, cách ít hôm sau, hai anh về tả lại cảnh cha chết, quả y như lời Bà đã thuật cách mấy ngày trước. Từ đó tin đồn truyền ra, xa gần đều biết và mỗi khi ngoài biển thuyền bè bị đắm, gọi vái đến Bà là tai qua nạn khỏi.

Về sau, dân gian quá ngưỡng mộ danh Bà, mỗi khi có nguy hiểm tai nạn đều van vái Bà, nhứt là những khách thương cỡi thuyền vượt biển. Năm Canh Dần (1110) niên hiệu Đại Quan, nhà Tống sắc phong Bà: “Thiên Hậu Thánh Mẫu”.

Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ KHẨU (  ). Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện hoặc hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có không gian thoát khói hương.

 

Mặt trước Chùa Bà Thiên Hậu (Hàn Hàn, 2019)

Tiền điện là khu vực thờ cúng của hai vị thần: Phúc Đức Chánh Trần và Môn Quan Vương. Tượng thờ của vị thần Phúc Đức Chánh Trần – hay còn gọi là thần Thổ địa – có vai trò là người quản lý đất đai của người dân, mang áo màu xanh lam đặc trưng của những thần thổ địa. Thần Môn Quan Vương có vai trò là giữ của tránh trộm cắp, mang áo màu đỏ.

Trung điện đặt bộ lư có năm món (ngũ sự) đúc năm 1886 với những nét điêu khắc tỉ mỉ mang đậm nét nghệ thuật của Trung Hoa thời bấy giờ.

Chính điện là nơi đặt tượng Bà Thiên Hậu. Tượng bà được đặt trong một khung gỗ màu đen tuyền càng làm tăng nét huyền bí và linh thiêng ở đây. Hai bên thờ Bà Kim Hoa Nương Nương (phía phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía trái). Tượng Bà Thiên Hậu được tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1, có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài.

Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc “tứ linh”.

Chùa có gắn các tượng tròn, phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường… do hai lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908.

Trang trí trên nóc Chùa Bà Thiên Hậu (Hàn Hàn, 2019)

Điểm nhấn của Chùa Bà Thiên Hậu là những chiếc vòng nhang treo trên không độc đáo. Người viếng có thể mua vòng nhang, ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình lên giấy, sau đó treo lên cùng với nhang để cầu xin với Bà Thiên Hậu.

Những vòng nhang trong Chùa Bà Thiên Hậu (Hàn Hàn, 2019)

Thêm một điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa chính là toàn bộ vật liệu đều được nhập từ Trung Quốc. Từ những cây gỗ quý đến bát lưu hương, từ những bức phù điêu đến phần tượng nhỏ… Điều đó phần nào cho thấy Chùa Bà Thiên Hậu hết sức quan trọng trong cuộc sống của người Hoa ở Sài Gòn.

Vương Hồng Sển (1960) mô tả:

Trong Chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn còn vài cổ vật, cổ tích: một đại đồng chung đề “Đạo Quang năm thứ 10” tức làm vào năm 1830, một bộ lư Pháp lam (cloisonne) vĩ đại, cũng đề một niên hiệu ấy, một tướng lịnh của tướng d’Ariès ký tên cấm các binh sĩ Tây và Y Pha Nho (Tây Ban Nha) phá phách trong chùa cũng đề ngày lối năm 1859 hoặc 1860, tiếc thay người trong chùa không biết giữ gìn kỹ lưỡng, nên chữ đã phai mờ không đọc được. Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch xây liền mí không tô hồ, đếm rõ từng tấm một, lằn hồ thẳng đừờng thẳng lối khít rịt và ngay bon như vẽ, thiệt là rất khéo và tưởng chừng thợ kim thời khó làm sắc sảo hơn được nữa. Truy ra chùa nầy trùng tu năm 1860 (Hàm Phong năm thứ 10). Ngày nay đứng sân chùa ngắm lên các cảnh chưng trên nóc bằng đồ gốm nung bên Tàu là biết được những phong tục Trung Hoa cổ thời, thuở vua chúa còn trị vì: đả võ đài, thi đậu vinh quy, công chúa tuyển phò mã, v.v… Những vật này đáng được liệt kê vào sổ cổ tích vậy.

Hằng năm, chùa tổ chức lễ hội vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch, được xem là ngày hội chính của chùa. Vào ngày này, tượng Bà Thiên Hậu được đặt lên kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ rước quanh những con đường cạnh khu vực.

Nguồn: Hàn Hàn (2019), Phong Vinh (2016a).

Ngôi nhà xưa nhất Sài Gòn (1799)

Giám mục người Pháp Pigneau de Behaine (1741–1799), được người Việt gọi là Bá Đa Lộc (phiên âm từ tên tiếng Hoa), còn mang tên thông dụng là Cha Cả (vì ông đứng đầu một giáo phận). Với ý đồ truyền giáo cho người Việt, ông quyên góp vận động để cung cấp cho Nguyễn Ánh tàu chiến và vũ khí và nhân lực để huấn luyện quân đội theo phương Tây. Nhờ đó, quân Nguyễn Ánh mạnh hẳn lên, càng ngày càng chiến đấu hiệu quả chống nhà Tây Sơn.

Trong bối cảnh hai người đã tạo được mối thân tình, vào năm 1790 Nguyễn Ánh cho dựng một ngôi nhà bằng tre, lợp mái tranh bên hữu ngạn Rạch Thị Nghè (địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ) để làm nơi Bá Đa Lộc ở và dạy học cho hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh.

Năm 1799, Nguyễn Ánh cho làm lại dinh Giám mục bằng gỗ lợp ngói cho đến khi Bá Đa Lộc từ trần cùng năm. Sau đó, ngôi nhà được giao cho một linh mục khác ở cho đến năm 1811.

Từ năm 1811 đến năm 1864, ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế.

Sau khi Vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn.

Năm 1864 người Pháp cho xây dựng Thảo Cầm Viên, ngôi nhà được di chuyển về khu đất của Hội Thừa sai Hải ngoại ở vị trí Sở Ngoại vụ Thành phố hiện nay trên Đường Alexandre de Rhodes.

Năm 1911 Tòa Tổng Giám mục kiên cố được xây cất tại vị trí hiện nay ở 180 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà nguyện của Tòa Tổng Giám mục. Nhằm bảo vệ tốt hơn chống mối mọt, người nhà được kê trên nền gạch thay vì kê trực tiếp trên nền đất ở nơi nguyên thủy.

Năm 1962, Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xây tường gạch thay một số vách ván mục nát của ngôi nhà nguyện cổ và cho gia cố một số cột mục vào năm 1980.

Năm 2011, ngôi nhà nguyện cổ đó lần lượt xuất hiện những chỗ mục nát sụp đổ, dấu hiệu của tình trạng xuống cấp trầm trọng, xem ra không còn có thể phục chế hay gia cố nữa nên Ban Văn hoá Công giáo của tổng giáo phận cùng với Ban Quản lý Tòa Giám mục được giao nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện phục chế toàn bộ theo kiến trúc cổ kính như xưa. (Wikipedia)

Như vậy, trái với một số nguồn, ngôi nhà hiện nay không có kiến trúc nguyên thủy. Đó là bởi vì ngôi nhà bằng gỗ được xây lên hớn 220 năm trước lúc chưa có công nghệ xử lý gỗ cho bền thì không thể nào tránh hư hại do mối mọt và thời tiết trong thời gian dài như thế.

Ngôi nhà gồm 3 gian và 2 chái theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam, lợp ngói âm dương, hoàn toàn dựng nên bằng gỗ quý với diện tích 136 m2.

Tổng thể ngôi nhà (Văn Trãi, 2014)

Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ với các bộ khung liên kết, dính chặt khít với nhau bằng kỹ thuật ghép mộng mà không dùng bất cứ cây đinh nào.

Chính diện gian giữa đặt án thờ cầu nguyện. Hầu hết chi tiết bên trong đều được giữ nguyên bản để không làm mất vẻ đẹp sơ khai của ngôi nhà. Nhiều vật dụng trong nhà như bàn, ghế, tủ, bình phong… vẫn được giữ nguyên vẹn và còn khá tốt.

Bên trong ngôi nhà (Quỳnh Trần, no date)

Họa tiết trang trí được khắc họa tỉ mỉ, công phu, đặt ngay cửa chính diện tạo sự cân đối và cổ kính, thể hiện nét sáng tạo độc đáo của người xưa. Mái ngói âm dương của ngôi nhà bị hư hỏng nặng gây dột, tuy nhiên nét cổ kính nơi đây vẫn còn. Trên đỉnh mái nhà, thay vì họa tiết lưỡng long tranh châu là lưỡng long tranh thánh giá.

Họa tiết trong ngôi nhà (Văn Trãi, 2014)

Dàn rui lách, vì kèo và hệ thống vách được xếp đặt một cách tinh xảo. Đó là nét độc đáo và giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa ngôi nhà.

Dàn rui (Văn Trãi, 2014)

Qua thời gian, ngôi nhà được tu sửa và nâng cấp nhằm tránh bị hư hại. Nói chung, các mặt gỗ quá đẹp, quá hoàn hảo, khiến cho người ta thắc mắc liệu đó có phải là những chi tiết xưa cũ hơn 220 năm? Chính người tổng hợp bài này chứng kiến một số ngôi nhà gỗ ở miền Tây bị hư hỏng nặng nề chỉ sau 50-60 năm.

Dấu vết tu sửa và nâng cấp (Văn Trãi, 2014)

Dù sao đi nữa, trải qua hơn hai thế kỷ, ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng là một kiến trúc mang dáng dấp lịch sử, tôn giáo và văn hóa.

Nguồn: Quỳnh Trần (no date), Văn Trãi (2014), Wikipedia_Nhà nguyện Tòa tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh.

Lăng Ông Bà Chiểu (1848)

Thật ra, đây là lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764 – 1832), và do tục lệ kiêng cữ tên cho nên thường được gọi là Lăng Ông. Lăng lại nằm kế bên vùng Bà Chiểu, vậy nên đó là nguồn gốc ra đời của cái tên Lăng Ông Bà Chiểu.

Năm 1835 sau sự biến thành Phiên An, Lê Văn Duyệt bị lên án và buộc tội đã gián tiếp gây nên biến loạn. Vua Minh Mạng ra chỉ dụ san bằng mộ, trên dựng bia đá có khắc tám chữ “Quyền yêm Lê Văn duyệt phục pháp xử” (chỗ hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội), theo Đại nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi cho dẹp bỏ trụ đá hài tội và đắp lại mộ.

Năm đầu đời Tự Đức 1848, Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần, trong đó có Lê Văn Duyệt. Nhà vua xem sớ cảm động, truy phong cho cả ba ông và ban phẩm hàm cho con cháu họ. Lại cho đắp phần mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định cao rộng thêm và cho sửa sang miếu thờ. Theo nhà văn Sơn Nam, sau đó dân làng Long Hưng đem trình quan sở tại một người cháu nội của Lê Văn Phong (Phong là em ruột Tả Quân) tên Lê Văn Thi, bấy lâu sợ tội với triều đình nên mãi trốn tránh. Sau đó, ông Thi được phép đến Bà Chiểu, lo việc chăm sóc Lăng Ông. Ngày nay ở trong miếu vẫn còn thờ ông Thi làm Tiền hiền.

Lăng Ông Bà Chiểu – còn có tên gọi khác là Thượng Công miếu – có địa chỉ số 1 Vũ Tùng, Phường 1, Quận Bình Thạnh, được bao quanh bởi bốn con đường: Lê Văn Duyệt (Đinh Tiên Hoàng cũ), Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Lăng Ông Bà Chiểu có tổng diện tích là 18.500 m2 nằm trên một khu đất cao, là một trong những nơi linh thiêng, cổ xưa của Sài Gòn. Lăng được bao bọc bởi tường dài 500 m, cao 1,2 m và có bốn cổng theo bốn hướng ra bốn con đường nêu trên.

Ở hướng Nam là lối vào chính: Cổng Tam quan, với kiến trúc quen thuộc, đặc trưng của những ngôi chùa, đền, và dinh thự thời xưa. Cổng lợp mái ngói âm dương, 2 tầng, có cột vuông chống đỡ, các cánh cửa hình chữ ‘song hỉ’. Ba cổng vào, với lối giữa cao và rộng hơn hai cổng phụ, còn thể hiện ba quan điểm của nhà Phật, bao gồm: hữu quang, thông quan, và trung quan, đại diện cho sự vô thường của Phật. Phía trên cổng là dòng chữ Hán “Thượng công miếu”, tức là nơi thờ phụng Thượng công, một chức quan lớn và quan trọng của thời xưa. Trước năm 1975, cổng này từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn–Gia Định xưa, và xuất hiện trên tờ giấy bạc 100 đồng của Việt Nam Cộng hòa.

Từ cổng tam quan ở phía nam vào qua một khu vườn cảnh bao quanh bởi bức tường xây năm 1948, dài 500m, cao 1m20. Tường bao quanh này có 4 cửa ra vào: ngoài Cổng Tam quan ở phía Nam, còn có cửa Đông, cửa Tây và cửa Bắc. Các cánh cửa hình chữ Thọ bằng sắt.

Có ba phần chính: nhà bia nơi đặt bia đá ghi công đức, mộ tả quân và vợ, và miếu thờ.

Nhà bia được xây dựng như một ngôi đình nhỏ, tường gạch và mái ngói cong lợp âm dương. Trên nóc trang trí đồ án lưỡng long triều nguyệt. Chung quanh trang trí bằng cách đắp nổi hình hoa lá, hình con dơi ngậm tiền. Mặt trước đề chữ Hán “Lê Công Bi Đình” (bia dựng tại đình thờ Lê Công). Nền lát đá hoa, có bậc tam cấp bằng đá xanh. Hai mặt trước sau để trống.

Ở trong nhà bia có tấm bia bằng đá đen, hình chữ nhật, đỉnh hình bán nguyệt. Mặt trước trên cùng được trang trí lưỡng long triều nguyệt chạm sâu trong đá, chung quanh có vẩn mây và ở giữa chạm nổi 4 đại tự “Lê Công Miếu Bi”. Mặt sau của bia là hình con lân chạm đá, chung quanh có mây.

Hình con lân chạm gốm sứ (tuonguyen, 2018)

Bia đá khắc do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm 1894 với nội dung ca ngợi công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình cũng như nhân dân, phần cuối bia có nhắc đến phu nhân Đỗ Thị Phận và Phan công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ trong miếu.

Trước nhà bia là tượng đôi hạc vàng cưỡi rùa. Đây là hình ảnh tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương, sự tương quan hỗ trợ lẫn nhau giữa muôn loài và muôn vật. Ngày xưa có một thuyết kể rằng cứ tới mùa hạn hán, hạc sẽ “cắp” rùa đến những vùng có nước. Còn khi đến mùa nước lũ, rùa lại trở thành những tảng đá vững chắc cho hạc đậu chân.

Nhà bia và tượng hạc vàng cưỡi rùa (tuonguyen, 2018)

Ngôi mộ của Lê Văn Duyệt có ngay từ năm 1832 là năm ông từ trần, và được tái thiết từ khi vua Tự Đức cho phép trùng tu, trở thành kiến trúc cổ nhất được tồn tại ổn định từ năm 1848. Toàn thể khu mộ được xây bằng hợp chất ô dước cổ xưa. Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng: Tả quân và vợ chính là bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Trước mộ có một khoảng sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.

Mộ Lê Văn Duyệt và vợ chính (Nga Truong, 2018)

Toàn thể khu mộ đều được xây bằng hợp chất ô dước. Đặc biệt phù điêu ở hai bức bình phong (tiền và hậu) chạm khắc những hình ảnh rất giản lược nhưng lại thật thú vị. Theo ông Trần Văn Sung, Trưởng ban Quý tế Lăng Ông, ở mặt trước bình phong tiền chạm hình một con đại bàng đậu trên cành cây trong tư thế đang nghênh chiến khiến con khỉ dưới đất sợ hãi, co rúm – là nói về cái uy của Lê Văn Duyệt với quân Xiêm. Ở mặt sau bình phong chạm hình 2 con hổ: hổ phụ và hổ tử. Hổ cha nhảy lên, chân trước chạm vào vách núi nhưng mặt vẫn ngoái lại nhìn hổ con – là nói về tích Lê Văn Duyệt sắp qua đời vẫn hướng về người con nuôi là Lê Văn Khôi.

Bình phong hậu chạm hình “long vân” (rồng ẩn mình trong mây) biểu tượng của bậc quan tướng nhưng đường nét cũng rất giản lược. Hai bên bình phong hậu có đắp quai, chạm hình cá hóa long cách điệu.

Ngoài ra, ở đây còn hai phần mộ nhỏ của hai cô hầu.

Khu miếu thờ – được gọi là Thượng công Linh miếu – bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện với sắc đỏ và vàng chủ đạo, hai bên còn có dãy Đông lang và Tây lang…

Khu miếu thờ (ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên)

Bàn thờ giữa chính điện là tượng Tả quân Lê Văn Duyệt, được đúc bằng đồng nguyên chất dựa theo mẫu chân dung của ông in trên tờ tiền 100 lưu hành dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Tượng Lê Văn Duyệt trong miếu thờ (ảnh: Wikipedia)

Mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tĩnh (giếng trời). Tầng mái ngói cong được xây dựng với lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Việt Nam thời xưa, cùng với nghệ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ vẫn còn được lưu lại tại nơi thờ cúng này cho đến ngày nay. Bức phù điêu bằng sành sứ được trang trí năm 1937 trên miếu thờ, dùng hình tượng cá chép hóa rồng chiến đấu với chim, là biểu tượng của tinh thần đấu tranh, luôn tìm cách vượt qua khó khăn để vươn tới tương lai tốt đẹp. Trên nóc miếu thờ còn được trang trí bằng hình ảnh nhiều loài vật và họa tiết khác nhau như chim trĩ, chim công, hoa sen, hoa mẫu đơn.

Sâu bên trong khu vực chánh điện của miếu có một góc dựng lại khung cảnh sống đời thường của Tả quân, với chiếc võng đơn sơ có phần hiu quạnh. Vào ngày giỗ, khách đến thăm cũng chỉ vào được phía ngoài của chánh điện, trung điện, và hạ điện chứ không vào được sâu bên trong. Chỉ những người có phận sự mới được vào để thực hiện các nghi thức lễ.

Nguồn: Nga Truong (2018), Nguyễn Quang (2019b), tuonguyen (2018).

Bệnh viện Chợ Quán (1862) – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (2002)

Bệnh viện Chợ Quán được xây dựng năm 1862, do một số nhà giàu hảo tâm người Việt đóng góp xây dựng và quản lý. Đây là bệnh viện cổ nhất ở Sài Gòn.

Bệnh viện có địa chỉ 766 Đại lộ Võ Văn Kiệt (Bến Hàm Tử ngày xưa), Phường 1, Quận 5, phía trước có Kênh Tàu Hủ (Sông Bến Nghé ngày xưa). Vị trí của bệnh viện vốn là nền cũ trạm cứu thương của quân Pháp khi đánh đồn Kỳ Hòa (1861). Đến năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.

Trong giai đoạn 1876–1904, bệnh viện được sửa chữa và xây thêm, ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh và 20 giường dành cho bệnh nhân bệnh hoa liễu, bệnh viện được bổ sung 6 phòng cho bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật và hộ sản.

Năm 1901, lớp nam y tá đầu tiên của cả nước được mở ra tại Bệnh viện Chợ Quán. Trong giai đoạn 1904–1907, bệnh viện có thêm khu điều trị tâm thần và trở thành Trung tâm Huấn luyện Y khoa. Khi Trường Y khoa Đông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1908, bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần. Dân Sài Gòn thường gọi đây là “nhà thương điên”.

Bệnh viện Chợ Quán thời Pháp thuộc (Dzung Nguyen, 2019)

Trong giai đoạn 1954–1957, bệnh viện được giao cho quân đội thời bấy giờ sử dụng 2/3 cơ sở để làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính, và được đổi tên thành Viện Bài lao Ngô Quyền.

Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán, tiếp tục nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, đồng thời tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần.

Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126 m2 với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Đến cuối năm 1973, công trình hoàn tất và bệnh viện được khánh thành vào ngày 02 tháng 3 năm 1974 với tên mới là Trung tâm Y khoa Hàn–Việt. Cùng với cơ sở cũ, bệnh viện có 550 giường, trị các bệnh: truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng, cùng khu phẫu thuật với 4 phòng được trang bị hiện đại. Thời bấy giờ bệnh viện được xem như là một trung tâm y tế toàn khoa tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam. Bệnh viện được chọn làm nơi thực tập của Đại học Y khoa Sài Gòn, Đại học Y khoa Minh Đức, Chương trình đào tạo tiến sĩ Khoa Quản trị Bệnh viện, Viện Quốc gia Y tế Công cộng…

Bệnh viện Chợ Quán khoảng 1973-1974 (Hoài Nhơn, 2017)

Năm 1975, bệnh viện được Ủy ban Quân quản tiếp nhận, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán.

Tháng 8 tháng 2002, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Dấu vết còn lại của Bệnh viện Chợ Quán xưa là những phòng ốc dành cho bệnh nhân tâm thần điều trị dài ngày. Khu vực này được lưu giữ để trở thành một di tích lịch sử văn hóa. Lý do là ngày xưa, một số tù thường phạm lẫn tù chính trị bị giam giữ ở khu vực này, trong số đó có Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Bạch Ðằng.. Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương), Trần Phú bị Pháp bắt năm 1931 rồi đưa về giam tại khu vực nói trên cho đến khi ông qua đời cùng năm.

Di tích khu trại giam cũ trong Bệnh viện Chợ Quán (Huy Chương, 2019)

Nguồn: Dzung Nguyen (2019), Nguyễn Ðạt (2012), Thiên Chương (2012), Wikipedia_Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Thảo Cầm Viên (1864)

Tọa lạc tại số 2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1, đây là vườn sinh vật cổ nhất Việt Nam và là vườn sinh vật cổ thứ 8 trên thế giới. Ban đầu, khu vườn có tên Latin là Hortus Botanicus Saigonensis (Vườn Thực vật Sài Gòn), tên thông dụng là Vườn Bách thảo.

Ngày 23 tháng 3 năm 1864, Đô đốc Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul de La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Vườn Bách thảo (Jardin Botanique) tại Sài Gòn. Ngay sau đó, Louis Adolphe Germain, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12 ha trên vùng đất hoang ở phía đông bắc Rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây.

Tháng 3 năm sau (1865) thì một số chuồng trại đã được xây xong. Cuối năm, diện tích của Vườn Bách thảo được mở rộng đến 20 ha.

Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương; vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Muséum national d’histoire naturelle và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn, viên Thống đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn, nên đã mời J.B. Louis Pierre (1833–1905), người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc vào ngày 28 tháng 3 năm 1865. Ông làm Giám đốc Vườn Bách thảo cho đến năm 1877.

Chính ông Pierre này đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát thực vật ở vùng Đông Dương, phân định và đặt tên các loài cây chưa được khoa học mô tả, một số loài mang tên khoa học dựa theo tên Pierre. Cũng có một số chi thực vật mới được những người khác đặt tên theo tên ông. Dưới sự chỉ huy của ông, nhiều loài cây được du nhập từ Châu Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á để được trồng ở vườn ươm trước khi được nhân rộng ra ngoài.

Với kinh nghiệm phụ trách chăm sóc thực vật tại Vườn Bách thảo Calcutta, Giám đốc Pierre cùng nhiều nhà khoa học khác bảo vệ được nhiều cây gỗ quý của vùng nhiệt đới còn sót lại trong khu vực Thảo Cầm Viên như gõ đỏ, giáng hương, sao dầu…, đồng thời sưu tầm thêm 1.626 loài cây khác, trong đó có một vài cây gỗ quý như xa cừ (Khaya senegalensis), dái ngựa (Sweetenia macrophylla), giá tỵ (Tectona grandis). Pierre cũng nhân giống thành công nhiều loại cây ăn trái từ một số nước trong khu vực như sabotier, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, lékima, mãng cầu xiêm, xoài, mận… Một số tài liệu cũ còn lưu lại cho biết chính ông đã có công di thực các loài cây công nghiệp như cao-su, cà-phê, ca-cao, trà… vào Việt Nam. (Mai Kim Thành, 2011)

Ông cũng được xem là cha đẻ của các khoảng xanh ở Sài Gòn, nhất là các hàng cây cổ thụ dọc đường phố Sài Gòn theo quy hoạch kiểu phương Tây. Đặc biệt, ông mang nhiều giống cây lạ đến trồng ở Công viên Tao Đàn.

Công viên Tao Đàn (ảnh: vntrip.vn)

Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ông còn để lại một di sản quý giá là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Sang năm 1924, khuôn viên sáp nhập thêm bên bờ bắc Rạch Thị Nghè 13 ha nữa; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927, được gọi là Cầu Thị Nghè.

Đúng ngày Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7 năm 1869, Vườn Bách thảo mở cửa thường trực cho công chúng vào xem.

Năm 1956, Vườn Bách thảo được tu sửa và được đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Khi số thú nuôi tăng lên tạo ấn tượng mạnh hơn số cây, dần dà người dân gọi nơi này bằng tên thân thương là Sở thú.

Số động vật ở đây gồm khoảng 1300 cá thể thuộc 125 loài. Có những loài quý hiếm như báo gấm, báo lửa, các loài cầy, cò quăm đỏ, hổ Đông Dương, hổ trắng Bengal, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh dương đầu bò, linh dương Bles, khỉ râu trắng, khỉ sóc, các loài rái cá, tê giác trắng, sóc đen Côn Đảo, sói xám, trĩ sao (biểu tượng của Thảo Cầm Viên) voọc chà vá, voọc chân xám, vượn cáo v.v… Nhiều loài động vật mới lạ xuất hiện tại Việt Nam như: hà mã (Hippopotamus amphibius), hà mã lùn (Choeropsis liberiensis), báo đốm Mỹ (Panthera onca), đà điểu Châu Phi (Struthio camelus), hồng hạc Châu Mỹ (Phoenicopterus ruper ruper), đười ươi (Pongo pygmaeue), hươu cao cổ (Giraffa camelopardalis)…

Tại đây đang bảo tồn 1800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai…. Hiện Thảo Cầm Viên còn lưu giữ một số cây cổ thụ có tuổi hàng trăm năm, ví dụ như (Thái Bình & Nguyễn Cảnh, 2019):

  • cây giáng hương trên 200 tuổi, đã có mặt hơn nửa thế kỷ khi thành lập Sở thú,
  • cây mét gần 200 tuổi
  • cây thị khoảng 160 tuổi
  • cây sọ khỉ (cây xà cừ) được trồng năm 1865 tức 155 tuổi, được xác định là cây sọ khỉ lớn nhất Việt Nam
  • cây tung trên 150 tuổi.
Cây sọ khỉ được trồng năm 1865 (Thái Bình & Nguyễn Cảnh, 2019)

Thảo Cầm Viên còn có nhiều cây rất quý hiếm khác như bao báp, cẩm lai bông, dây gùi, đinh, gõ đỏ, lát hoa, mặc nưa, trầm hương, v.v…

Để tưởng nhớ và ghi công vị Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên, vào tháng 2 năm 1933, Hội đồng khoa học Pháp cho xây dựng một cột bia bằng đá hoa cương đặt phía sau khu vườn kiểng. Trên mặt cột bia, ghi lại câu nói của ông trước khi qua đời: Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi.

Vào năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên, cột bia được tôn tạo và đặt ngay trên trục đường chính, giữa Bảo tàng Lịch sử và Đền thờ các vua Hùng. Lần này, cột bia có gắn thêm bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình ông J.B. Louis Pierre.

Tượng ông J.B. Louis Pierre (ảnh: M. Guy Dalmazzo)

Gắn liền với lịch sử Thảo Cầm Viên là Cầu Thị Nghè cũ (gần trạm biến áp hiện nay) với một lịch sử thương đau. Nguyên ngày Quốc khánh 26 tháng 10 năm 1957, lần đầu tiên Sàigòn có hội chợ trong vườn hoa Thị Nghè. Muốn vào hội chợ người ta phải mua vé vào cổng Sở thú, từ Sở thú đi qua một chiếc cầu đúc mới sang chỗ Hội chợ. Đêm ấy một số đông người nô nức đi xem hội chợ. Khoảng 7 giờ tối, xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy nhau trên mặt cầu hẹp, người người dồn lại chật cứng, tiếng kêu la vang dậy… Sáng hôm sau báo chí đăng tin có đến 17 người chết và mấy chục người bị thương.

Cầu Thị Nghè cũ năm 1948 (ảnh: Prevost Marcel)

Đến những năm 2000 cây cầu này đã bị hư hại nặng do dân ve chai lợi dụng vắng vẻ vào cắt trộm sắt dưới những mố cầu. Năm 2003, Thành phố tiến hành phá bỏ cây cầu.

Nguồn: Mai Kim Thành (2011), Thái Bình & Nguyễn Cảnh (2019), Wikipedia_Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Dinh Norodom (1873) – Dinh Độc Lập (1966)

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ, năm 1868 chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm Sài Gòn một dinh thự làm nơi cư ngụ và cho Thống đốc Nam kỳ. Dinh được xây dựng theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo (người phác thảo đồ án Tòa thị sảnh Hongkong).

Phần lớn vật tư xây cất được chuyển từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp–Phổ (xảy ra năm 1870) nên công trình này kéo dài mãi đến năm 1871 mới xong, và việc trang trí dinh phải kéo dài thêm 2 năm nữa. Công trình được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là Đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834-1904).

Dinh Norodom (Saigon Xưa, 2019b)

Dinh được coi là một công thự đẹp nhất ở Á Ðông, được xây cất trên một diện tích rộng 12 ha. Mặt tiền rộng 80m, phòng khách có thể chứa đến 800 người. Chung quanh là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây cỏ. Trước mặt dinh, dưới chân cột cờ đặt một khẩu thần công kiểu cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai nghiêm cho công thự.

Từ khi xây xong cho đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) cư ngụ và làm việc, nên còn được gọi là Dinh Thống đốc. Từ 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Đông Dương (Gouverneur-général de l’Indochine Française) sử dụng dinh thự này làm nơi cư ngụ và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương, nên dinh nên dinh còn được gọi là Dinh Toàn quyền. Đây cũng là cơ quan biểu thị cho bộ máy cai trị Pháp trên toàn cõi Ðông Dương.

Ngày 09 tháng 3 năm 1945, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng chỉ sáu tháng sau, Nhật thất bại trong Thế chiến 2, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, Dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm việc của của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, một chức vụ gần tương đương với chức vụ Toàn quyền Đông Dương thời thuộc địa.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành hai quốc gia. Ngày 07 tháng 9 năm 1954 Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện Pháp, tướng 5 sao Paul Ely và đại diện Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống. Ông quyết định đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập, còn được gọi là Dinh Tổng thống. Theo thuật phong thủy, dinh được đặt ở vị trí đầu rồng, nên dinh còn được gọi là Phủ Đầu rồng. Dinh xuất hiện trên giấy bạc 200 đồng của Việt Nam Cộng hòa.

Dinh Độc Lập cũ (ảnh: Saigon Viewers)

Ngày 27 tháng 2 năm 1962, Dinh Độc Lập bị máy bay phe đảo chính đánh sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh. Do không thể khôi phục, Tổng thống Ngô Ðình Diệm cho san bằng và xây dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam duy nhất đoạt giải Khôi nguyên La Mã.

Khi thiết kế Dinh Ðộc Lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương Đông và cá tính của dân tộc. Qua đó, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.

Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn.

Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU (  ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận.

Hình chữ KHẨU (  ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG (  ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên.

Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM (  ), theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ.

Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG (  ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ (  ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước.

Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG (  ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.

Ði vào bên trong Dinh, tất cả các đuờng nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng; các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.

Công trình mới được khởi công ngày 01 tháng 7 năm 1962, do Cục Công binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa phụ trách xây dựng. Trong thời gian xây dinh mới, ông Diệm chuyển sang cư ngụ và làm việc tại Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Thành phố). Công trình đang dở dang thì ông Ngô Ðình Diệm bị sáт hạị ngày 02 tháng 11 năm 1963. Do vậy, ngày khánh thành dinh 31 tháng 10 năm 1966, người chủ tọa buổi lễ là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu – Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia.

Dinh Độc Lập mới (Saigon Xưa, 2019b)

Dinh rộng 4.500 m2, diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.

Phòng họp Nội các ở tầng 1 (ảnh: Vinhtantran)

Nổi bật nhất là phòng khánh tiết có sức chứa lên đến 500 người – nơi diễn ra các cuộc họp, chiêu đãi, lễ ra mắt nội các. Trong phòng khánh tiết (có lúc không thấy) có một bức tranh lớn mang tên Quốc Tổ Hùng Vương, vẽ bằng màu nước, có chiều dài 5,4 m và chiều rộng 2,34 m. Tác giả bức tranh là họa sĩ Trọng Nội Tranh ghép gồm 8 tấm cốt gỗ, dán giấy xuyến chỉ phủ bề mặt. Họa sĩ Trọng Nội thể hiện tranh bằng chất liệu màu nước, diễn tả nhân vật và không gian theo lối đồ họa, chủ yếu diễn tả bằng nét, điểm màu có tiết chế. Nhân vật trung tâm được vẽ lớn hình ảnh đức Quốc Tổ Hùng Vương đang ngồi rất uy hùng giữa hai hàng văn võ bá quan, tay phải ông đang cầm bút viết hai chữ “Văn Lang” (bằng chữ Hán) quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, tay trái ông cầm mũi tên. Hậu cảnh vẽ cách điệu hoa văn sóng nước và mây.

Bức Quốc tổ Hùng Vương (ảnh: tapchimythuat.vn)

Trong phòng đại yến có bức tranh sơn dầu Sơn hà cẩm tú do chính kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hoàn thành năm 1966. Bức tranh này, với phong cách tranh sơn thủy, thể hiện phong cảnh đất nước Việt Nam đồng hiện các sắc thái riêng biệt của ba miền Bắc Trung Nam. Phía bên trái của tranh là phong cảnh miền Bắc với núi non trùng điệp, giữa là miền Trung với cảnh Ngọ môn Huế, bên phải là miền Nam với đồng bằng và sông ngòi. Phía trên bên trái của tranh có hai câu thơ bằng chữ Hán: “Cẩm tú sơn hà, thái bình thảo mộc” tạm dịch là: “Non sông gấm vóc, cây cỏ thái bình”. Góc dưới bên phải của tranh có bút tích của tác giả. Bộ tranh đồ sộ không kém các họa phẩm khác trong dinh, ghép lại từ 7 bức nhỏ, mỗi bức dài 2 m và rộng 1 m. Toàn bức tranh dài 7 mét, rộng 2 mét.

Phòng đại yến ở tầng 1 (Nguyễn Hoàng Hà & Hoàng Hà, 2014)

Phòng trình quốc thư nằm ở vị trí trung tâm lầu nghi lễ tầng 2, các vật dụng từ bàn ghế đến tranh trang trí đều bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Đặc biệt ở đây là bức tranh sơn mài Bình Ngô Đại Cáo, do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thực hiện. Đó là quang cảnh đất nước vừa lấy lại nền thái bình từ tay giặc Ngô (Minh) vào thế kỷ thứ 15. Đây là bức tranh có kích thước lớn nhất nhì của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, dài 14 mét, cao 9 mét, được ghép lại từ 40 bức sơn mài khổ nhỏ mỗi bức 0,8 mét x 1,2 mét. Bức Bình Ngô Đại Cáo dùng chất liệu sơn mài dân tộc để thể hiện khoảng 15 cảnh sinh hoạt bao gồm khí thế của đoàn quân chiến thắng kiêu hùng trên đường về kinh đô trẩy hội, sự uy nghi của triều đình nhà Lê, vẻ tưng bừng của đồng ruộng núi sông, của người nông dân vừa thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm.

Phòng trình quốc thư ở tầng 2 (ảnh: Chris&Steve)

Tiếp theo dưới đây là ảnh hai phòng tiếp khách.

Phòng tiếp khách của Tổng thống ở tầng 1 (ảnh: stormdog)

Phòng tiếp khách của Phó Tổng thống ở tầng 2 (ảnh: Jame Healy)

Dinh cao 26 m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha với gần 2.000 cây xanh của 99 loài khác nhau. Nhiều cây cổ thụ trên trăm tuổi; nhiều cây quí như trắc, gõ đỏ, gõ mật, giáng hương, cẩm lai, sao đen, kim giao…

Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Mặt tiền dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành của các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu. Dinh Độc Lập được xem là bảo tàng triệu đô, bởi vì tất cả những vật trang trí trong dinh đều là hàng thượng phẩm, từ bàn ghế, chén tách cho đến tranh ảnh, vật trang trí. Tranh toàn của các họa sĩ nổi tiếng. Vật trang trí như bình gốm, tranh thêu, mô hình nhà sàn, cặp ngà voi… là của đại sứ các nước hoặc cấp dưới mang đến tặng.

Khi thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc, kết hợp hài hòa với nghệ thuật kiến trúc hiện đại.

Sân trước của dinh là một thảm cỏ hình oval có đường kính 102 m. Màu xanh thảm cỏ tạo ra cảm giác êm dịu, sảng khoái ngay khi bước qua cổng. Chạy dài suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ thả hoa sen và súng gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, chùa cổ kính của Việt Nam.

Sau năm 1975, Dinh Độc Lập bị đổi tên thành Hội trường Thống Nhất, nhưng người dân vẫn quen gọi tên cũ là Dinh Độc Lập. Đặc biệt là du khách quốc tế vẫn quen gọi là Independence Palace, và đó vẫn là tên tiếng Anh chính thức của dinh. Cho đến gần đây, trước cổng dinh đã được gắn lại bảng tên tiếng Việt là Dinh Độc Lập chứ không còn là Hội trường Thống Nhất (Saigon Xưa, 2019b).

Đến với Dinh Độc Lập là tìm về nguồi cội của Sài Gòn trong những bước thăng trầm. Nhiều hiện vật quý hiếm cả trăm năm, chứng kiến bao sự kiện lịch sử. Bộ sưu tập cây xanh, cây cảnh và tặng phẩm độc đáo, không gian lý tưởng và tầm vóc kiến trúc đặc sắc… tất cả tạo nên cho Dinh Độc Lập dáng dấp của một chứng nhân lịch sử cực kỳ sống động.

Nguồn: Linh Đan (2014), Nguyễn Hoàng Hà & Hoàng Hà (2014), Phạm Công Luận (2018), Saigon Xưa (2019b), Wikipedia_Dinh Độc Lập.

Collège Chasseloup-Laubat (1874) – Trung học Lê Quý Đôn (1975)

Trung học Lê Quý Đôn tọa lạc tại số 114 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn và cũng là trường trung học lâu đời nhất Việt Nam.

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, ngày 14 tháng 11 năm 1874, Thống đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz (1821-1914) thành lập trường trung học đầu tiên của Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp tại Sài Gòn. Trường sở được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Sau thời gian ngắn mang tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), năm 1877, trường được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) lúc bấy giờ là Hầu tước François de Chasseloup-Laubat (1754-1833). Trường có chương trình ba năm nhằm đào tạo thông ngôn, thư ký cho các văn phòng chính phủ, kỹ thuật viên về cầu đường, địa chính và bưu điện– điện tín cho các ban ngành liên quan.

Năm 1879, trường được chuyển đổi thành trường trung học, và con em người Pháp bắt đầu được nhận vào học từ năm 1880. Chẳng bao lâu sau đó, trường được mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt. Do đó, trường phân biệt thành 2 khu:

  • Khu dành riêng học trò người Pháp, gọi là Quartier européen
  • Khu dành cho học trò Việt có học thêm giờ tiếng Việt, gọi là Quartier indigène (khu bản xứ).

Cả hai khu này đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp. Hai khu được cách biệt nhau bởi nhà bếp, hành lang, sân chơi, các phòng tắm… Vì thế, vào giờ ra chơi học sinh ở hai khu vẫn chơi chung với nhau.

Collège Chasseloup Laubat đầu thế kỷ 20 (Doling, 2014)

Việc thu nhận học sinh người Việt với dụng ý đào tạo lớp người phục vụ cho Pháp gây một hiệu ứng ngược. Vào ngày 04 tháng 4 năm 1926 tổ chức lễ tang cho cụ Phan Châu Trinh, học sinh trường viết trên các bảng đen bốn chữ ABLF tức À Bas Les Français (đả đảo người Phsp) rồi tham gia phong trào bãi khóa lan rộng trên toàn quốc.

Năm 1927, trường chính thức được nâng cấp để trở thành trường trung học hoàn chỉnh mang tên Lycée Chasseloup-Laubat. Ngoài con em của người Pháp, những học sinh xuất sắc nhất của đất Nam kỳ cũng được tuyển chọn theo học. Sau mỗi kỳ thi, kết quả học tập của từng người còn được đăng trên Gia Định Báo.

Vào niên khóa 1950-1951, cả miền Nam chỉ có trường Chasseloup Laubat mở lớp để học sinh chuẩn bị thi tú tài toàn phần Pháp cho cả ba ban Triết, Toán và Khoa học, còn các trường trung học khác chưa có đủ khả năng mở những lớp này.

Sau khi quân Pháp rời khỏi Việt Nam, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, năm 1958 trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý.

Đến năm 1967 1970?, trường được bàn giao cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn.

Từ 1975, chính quyền Việt Nam vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu: Trường THCS Lê Quý Đôn và Trường THPT Lê Quý Đôn.

Cuốn phim L’Amant thể hiện khung cảnh ở Lycée Chasseloup-Laubat, nhưng thật ra phim được quay tại Lycée Pétrus Ký (bây giờ là trường Lê Hồng Phong).

Hành lang một dãy lớp (ảnh: Kinomy)

Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà hai tầng ghép lại có hình chữ KHẨU (  ). Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường sở được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa.

Sân trường với những cây xà cừ hơn 100 tuổi (Thành Nguyễn, 2017)

Năm 1998, tượng Lê Quý Đôn được dựng ở cổng vào, phía dưới có khắc dòng chữ “Phi trí bất hưng” (không có tri thức thì không hưng thịnh).

Cổng vào trường (ảnh: M. Guy Dalmazzo)

Dựa trên nền kiến trúc cổ, hiện tại trường đã xây thêm một số công trình phụ gồm nhà luyện tập thể thao và 10 phòng học kiểu mới. Tính truyền thống và hiện đại được nhà trường chú ý ngay trong khâu thiết kế và trang trí, vì thế ngôi trường Lê Quý Đôn vẫn mang nét cổ kính. (Wikipedia)

Một số cựu học sinh nổi tiếng (Wikipedia)

  • Ngô Minh Chiêu, tín đồ Đạo Cao Đài đầu tiên, lãnh đạo phái Chiếu Minh.
  • Phan Văn Chương, cố vấn Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Rạch Giá, Giám đốc Sở Ngân khố Nam Bộ.
  • Marguerite Duras, nhà văn, tác giả nhiều tiểu thuyết, kịch… kể cả tiểu thuyết L’Amant (Giải Goncourt) sau được dựng thành phim cùng tên, và kịch bản cho phim Hiroshima mon amour.
  • Trần Văn Giàu, nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo.
  • Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư, Bác sĩ vi trùng học và Đông y, Bộ trưởng Bộ Y tế.
  • Lưu Văn Lang, kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương, nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20.
  • Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
  • Hồ Văn Nhựt, bác sĩ y khoa, sáng lập hội Hồng Thập Tự Nam phần
  • Nguyễn An Ninh, nhà cách mạng đầu thế kỷ 20.
  • Cao Triều Phát, lãnh đạo chi phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khóa I.
  • Vương Hồng Sển, nhà văn hóa, học giả, Giám đốc Báo tàng Lịch sử Sài Gòn.
  • Norodom Sihanouk, Quốc vương, Thái thượng hoàng Vương quốc Campuchia.
  • Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ.
  • Phạm Công Tắc, Hộ pháp Đạo Cao Đài, lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài.
  • Trọng Thanh, nhiếp ảnh gia và nhà báo.
  • Phạm Ngọc Thảo, đại tá của hai bên: Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam.
  • Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn, tác giả nhiều quyển sách về vũ trụ học.
  • Nguyễn Ngọc Tương, Giáo Tông chi phái Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.
  • Cung Trầm Tưởng, nhà thơ.

Nguồn: Doling (2014), Đức Nam & Hữu Nhật (2015a), Wikipedia_Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Lasan Taberd (1874) – Trường THPT Trần Đại Nghĩa (2000)

Vào năm 1873, Linh mục Kerlan quyết định mở một trường nghĩa thục dạy các trẻ bị bỏ rơi, trong số đó có nhiều trẻ em lai. Trường được gọi theo tên của Jean-Louis Taberd, Giám mục địa phận Nam Kỳ từ 1830 đến 1840.

Năm 1874, Cha Henri De Kerlan – Cha Sở coi Thánh đường Sài Gòn – tự xuất tiền riêng xây trường Lasan Taberd đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức. Địa chỉ hiện nay là số 20 Lý Tự Trọng, Quận 1. Trường xây xong năm 1875 và hoàn thiện năm 1887, đầu tiên để nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi. Ngày đầu đi vào hoạt động, toàn trường chỉ có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo sư gồm 2 người Việt và 2 người Pháp dạy dỗ. Sau này thu nạp học sinh bất luận lương – giáo.

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, các dãy nhà chính của trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Ít ai biết rằng vật liệu chính để xây nên công trình trường tồn này cùng với thời gian chỉ đơn giản là gạch, cát, đá bên trong có lõi thép và được kết dính bằng chất đường mật.

Trước năm 1975, khi vẫn còn mang tên Lasan Taberd, cổng chính và sân danh dự được đặt hướng về phía mặt tiền Đường Nguyễn Du chứ không phải Lý Tự Trọng như ngày hôm nay.

Ngày 12 tháng 12 năm 1975, Trường Lasan Taberd được bàn giao cho Sở Giáo dục Thành phố. Trường tiếp tục duy trì đào tạo giáo dục phổ thông cac cấp I, II và III đến hết tháng 9 năm 1976.

Năm 1976, trường Trung học Sư phạm để đào tạo giáo viên cấp I và nhận bàn giao từ trường Lasan Taberd cũ.

Năm 2000, cơ sở vật chất Trường Trung học Sư phạm được bàn giao để thành lập Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Sân trường từ cống sau nhìn vào (ảnh: Xuân Vinh)

Cơ sở trường được chia thành các khu A, B, C, D và khu nhà trung tâm, trong đó khu C, D và khu trung tâm mang nét kiến trúc đẹp nhất và được giữ lại gần như nguyên bản.

Mặt ngoài (Hoàng Giang, 2020)

Nổi bật với nét kiến trúc cổ điển, tiêu biểu cho lối xây dựng theo phong cách Pháp xen lẫn là lối trang trí mang hơi hướng truyền thống Á Đông.

Hành lang (Hoàng Giang, 2020)

Giữa các dãy phòng học luôn có các hành lang nối lại với nhau, đảm bảo thông suốt.

Hành lang nối (Hoàng Giang, 2020)

Nguồn: Đức Nam & Hữu Nhật (2015b), Hoàng Giang (2020),

Nhà thờ Tân Định (1876)

Nhà thờ Tân Định (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định) là một nhà thờ Công giáo thuộc giáo xứ Tân Định.

Nhà thờ tọa lạc tại số 289 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3, được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào ngày 16 tháng 12 năm 1876.

Mặt tiền Nhà thờ Tân Định (ảnh: nhathoconggiao.com)

Mặt sau trên bưu thiếp thời Pháp thuộc (ảnh: giothanhle.net)

Tổng thể mang phong cách kiến trúc Gothic, nhưng các chi tiết trang trí lại mang chút Roman và Baroque.

Chi tiết trang trí Nhà thờ Tân Định (Ngọc Thảo, 2020)

Toàn bộ công trình hiện được sơn màu hồng, phía mặt tiền gồm một tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp chính cao 52,6 mét có cây thánh giá làm bằng đồng cao 3 mét. Bên trong có năm quả chuông, với tổng trọng lượng là 5,5 tấn. Hai tháp phụ có những tháp đèn, nhiều cửa sổ hoa gió với những hoa văn tạo vẻ vững chãi mà duyên dáng.

Nội thất nhà thờ khá bề thế với hai hàng cột Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch của Ý, tôn lên vẻ đẹp rất nhiều cho cả công trình kiến trúc.

Bên trong Nhà thờ Tân Định (ảnh: giothanhle.net)

Bên trong Nhà thầu Tân Định vào thời điểm khác.

Bên trong Nhà thờ Tân Định (ảnh: Tâm Linh)

Hàng cột biên bên trái là nơi có các bệ tượng các vị thánh nữ, bên phải là bệ tượng các thánh nam.

Bệ tượng các thánh nam và nữ (nguồn: Hà Trang, 2019)

Nhà thờ Tân Định đã trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng không xóa đi nét kiến trúc ban đầu.

Nguồn: Hà Trang (2019), Ngọc Thảo 2020), Nguyễn Chiên (2018).

Nhà thờ Đức Bà (1880)

Nhà thờ Đức Bà, tên đầy đủ là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là nhà thờ lớn nhất tại Sài Gòn. Tên gọi ban đầu của nhà thờ là Nhà thờ Sài Gòn (tiếng Pháp: l’Église de Saïgon). Nơi đây được coi là một tuyệt tác kiến trúc đặc sắc, với 2 tháp chuông cao 60 mét, tọa lạc tại trung tâm thành phố (Số 1 Công trường Công xã Paris, Quận 1).

Kiến trúc nhà thờ dựa trên đồ án của kiến trúc sư J. Bourard theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gothic. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt, mặt ngoài của công trình được xây bằng loại gạch đặt làm tại Toulouse (Pháp), để trần, không tô trát, không bám bụi rêu mà đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi.

Vào ngày Lễ Phục sinh 11 tháng 4 năm 1880, nghi thức cung hiến và khánh thành do cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers.

Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m, có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên mỗi đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.

Ngày 5 tháng 12 năm 1959, Tòa Thánh tôn phong Nhà thờ lên hàng tiểu Vương cung thánh đường (basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Năm 1960, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của Tổng Giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.

Tổng thể Nhà thờ Đức Bà (ảnh: fineartamerica.com)

Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ vùng Sài Gòn–Gia Định lúc ấy và bây giờ.

Bên hông Nhà thờ Đức Bà (ảnh: Lil Tran)

Dòng chữ Latin nơi cổng chính: DEO OPTIMO MAXIMO BEATIEQUE MARIŒ VIRGINI IMMACULATŒ, có nghĩa: Thiên Chúa tối cao đã ban cho Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính và hai lòng phụ, tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 93 m. Chiều ngang nơi rộng nhất là 35 m. Chiều cao của vòm mái thánh đường là 21 m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người. Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật, tổng cộng 6 cột tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang với hơn 20 bàn thờ với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo.

Nội thất Nhà thờ Đức Bà (ảnh: dulichkhampha24.com)

Bàn thờ nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ. Bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang và kế đó là nhiều nhà nguyện nhỏ với những bàn thờ về các thánh (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ 14 chặng Đàng Thánh Giá làm bằng đá trắng khá tinh xảo.

Bàn thờ nơi Cung Thánh (ảnh: truyenhinhdulich.vn)

Trên tường được trang trí nổi bật bằng 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo hình thức Roman và Gothic, tôn nghiêm và trang nhã. Tuy nhiên, trong số 56 cửa kính này hiện chỉ còn 4 cửa là nguyên vẹn như xưa, còn các cửa kính màu khác đều đã được làm lại vào khoảng những năm 1949 để thay thế các cửa kính màu nguyên thủy của nhà thờ đã bị bể gần hết trong Thế chiến 2.

Hai trong số 56 cửa kính (ảnh: Hữu Khoa)

Ngay phía trên cao phía cửa chính là “gác đàn” với cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn. Phần thân đàn cao khoảng 3 m, ngang 4 m, dài khoảng 2 m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng 2,5 cm. Phần điều khiển đàn nằm riêng, nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3 m, ngang khoảng 1 m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh. Hiện nay, cây đàn này đã hỏng do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay.

Ban đầu, hai tháp chuông cao 36,6 m, không có mái và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng 40 cm bề ngang. Nội thất gác chuông rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút. Vào năm 1895, thánh đường xây thêm hai mái chóp để che gác chuông cao 21 m, theo thiết kế của kiến trúc sư Gardes, tổng cộng tháp chuông cao 57 m. Có tất cả sáu chuông gồm sáu âm, treo trên hai tháp chuông. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879.

Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông Mi vào lúc 5 giờ sáng và đổ chuông Re vào lúc 16g15. Vào ngày lễ và Chủ Nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông theo hợp âm Mi, Đô và Sol. Vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh thì mới đổ cả sáu chuông. Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.

Giữa vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903 người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc hoặc Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) nắm tay dẫn Hoàng tử Cảnh (con Nguyễn Ánh). Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng tạc hình Giám mục Adran với phẩm phục Giám mục, tay trái dẫn hoàng tử Cảnh, tay phải giơ bản hiệp ước Versailles 1787, bảo đảm viện trợ của nước Pháp cho Nguyễn Ánh. Tượng làm bằng đồng, được đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó thường gọi là tượng “hai hình” để phân biệt với tượng “một hình”, là bức tượng của Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở Công trường Mê Linh (cuối Đường Hai Bà Trưng, gần bờ Sông Sài Gòn). Năm 1945, tượng này bị Chính phủ Đế quốc Việt Nam của Thủ tướng Trần Trọng Kim phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ vẫn tồn tại ở đó.

Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy, đặt tạc một Tượng Đức Mẹ Hòa bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti tạc tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500 km. Tượng tới Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm 1959. Sau đó, công ty Société d’Entreprises dựng tượng Đức Mẹ lên bệ đá vốn còn để trống kể từ năm 1945 trước nhà thờ. Tượng Đức Mẹ có thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, đôi mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên bầu trời. Do sự kiện này mà từ đó nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà.

Tượng Đức Mẹ Hòa Bình phía trước Nhà thờ (ảnh: Ngô Trung)

Dẫu trải qua bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử, đến nay Nhà thờ Đức Bà đã trở thành một công trình lịch sử có giá trị kiến trúc và văn hóa vô cùng cuốn hút giữa lòng thành phố.

Lao công quét dọn phía sau Nhà thờ Đức Bà (ảnh: Nguyễn Tấn Tuấn)

Nguồn: Như Ý (2019), Wikipedia_Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Khách sạn Continental Palace (1880)

Tọa lạc ở số 123 Đồng Khởi (trước 1975 là Tự Do, thời Pháp thuộc mang tên Catinat), Continental Palace (gọi tắt Continental) là khách sạn thời cận đại có lịch sử lâu đời nhất của Sài Gòn và của cả Việt Nam.

Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam và mở ra cửa ngõ đi vào các nước Đông Dương, họ cũng mở ra một trục du lịch mới ở Viễn Đông. Cùng với việc phát hiện ra quần thể Angkor (Đế Thiên Đế Thích) ở Campuchia năm 1860 gây sửng sốt cho cả thế giới, nhu cầu du lịch và khám phá Đông Dương trong giới quý tộc, giàu có Pháp tăng cao. Điều này khiến Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nảy ra ý định xây một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn để đón những khách hàng người Pháp lắm tiền nhiều của. Họ cần có nơi dừng chân thoái mái và ăn ngon sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ mẫu quốc, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm các vùng đất thuộc địa mới.

Pierre Cazeau chọn một lô đất rất đắc địa: Nằm giữa bến cảng và thánh đường, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch thời bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất kéo dài xuống bờ Sông Sài Gòn. Nhà thờ Đức Bà lúc đó đang bắt đầu được xây dựng, Đức Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên năm trước thì năm sau (1878) khách sạn cũng được khởi công, hoàn thành năm 1880, gần như cùng lúc với Nhà thờ Đức Bà.

Khoảng đất trống mênh mông đối diện với khách sạn nếu nhìn về hướng bờ sông, vốn được gọi là Esplanade – tức khoảng đất dạo chơi –là nơi Nhà Hát Thành phố được xây lên vào năm 1911 khiến giá trị khách sạn gia tăng một cách đáng kể. Bởi hiếm có địa điểm nào trong Sài Gòn lúc đó có góc nhìn đẹp được như vậy.

Giống các kiến trúc Châu Âu trong thành phố, Khách sạn Continental được mở ngõ hướng ra bên ngoài. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.

Nhà hàng khách sạn năm 1912 (Saigon Xưa, 2019a)

Tuy nhiên cũng có ngoại lệ: khách sạn được thiết kế vuông vức, tạo ra một khoảng sân ở giữa. Những dãy phòng bên trong đều quay mặt về khoảng sân này. Và giữa sân, người ta trồng rất nhiều cây hoa sứ (hoa đại), loại cây vùng nhiệt đới cho hoa có hương thơm thoang thoảng.

Tầng một của khách sạn đặt một sòng bài, nơi có người gọi là “cercle européen” (câu lạc bộ Châu Âu), còn Franchini (ông chủ của khách sạn từ năm 1930 đến 1975) gọi là “cercle privé” (câu lạc bộ riêng), nơi các viên chức, sĩ quan cao cấp của Pháp, các nhà quản trị hành chính, lữ khách, chủ đồn điền và chủ ngân hàng thường họp mặt, vừa vì thói ham bài bạc cũng vừa để sống lại kỷ niệm của đời sống mẫu quốc.

Đã có rất nhiều người nổi tiếng từng đến ở trong khách sạn này, từ ông hoàng nước Nga cho đến vũ công nước Pháp. Có thể kể ra: Jacques Chirac (lúc còn là Thị trưởng Paris, sau là Tổng thống Pháp), diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, nhà văn người Anh Graham Greene, nhà văn Pháp André Malraux (Giải Goncourt) cùng vợ, nhà văn truyện ngắn nổi tiếng Somerset Maugham, Mahathir Mohamed (Thủ tướng đầu tiên của Malaysia), người mẫu Kate Moss, nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel Văn chương 1913), v.v…

Có hai căn phòng rất đặc biệt trong khách sạn: Đó là phòng 214, nơi Graham Greene trong thời gian lưu trú dài hạn tại đây thai nghén ý tưởng và viết gần hết tác phẩm nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng), câu chuyện về buổi giao thời của người Pháp và Mỹ tại Sài Gòn. Và phòng 307, nơi thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng từng lưu trú khá dài.

Việc nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thường xuyên lui tới Khách sạn Continental, cũng như hay “ngồi lê đôi mách” ở Café Givral (bây giờ không còn) xéo bên đường đến mức ông được đặt biệt danh là “tướng Givral” do khách sạn là nơi thường xuyên lui tới của giới quan chức, sĩ quan, thương gia, nhất là cánh báo chí phương Tây… để bàn bạc và trao đổi thông tin về thời sự, chiến trận, kinh doanh… Không một nơi nào giúp thu thập các nguồn tin tốt hơn thế cho công việc tình báo. Chính vì thế mà trong thời gian này, Khách sạn Continental thường được gọi là “Radio Catinat”, có ý nói đó là nguồn thông tin quan trọng.

Khách sạn năm 1967 – trái: Café Givral (nay không còn), phải: Nhà Hát lớn (Saigon Xua 2019a)

Khách sạn Continental được thể hiện trong tiểu thuyết và phim mang cùng tựa đề The Quiet American, và phim Indochine (đoạt 2 Giải Oscar và 1 Giải Golden Globe).

Khách sạn đã qua nhiều lần đổi chủ, và đổi tên. Năm 1911, khách sạn được gia đình Cazeau sang tên cho Công tước De Montpensier, người được cho là đã bỏ tiền xây lầu Ông Hoàng tại Phan Thiết.

Đến năm 1930, khách sạn có chủ mới là Mathieu Franchini, một người đến từ đảo Corse. Ông này là một người Pháp bị chính đồng bào của mình khinh rẻ, thứ nhất vì anh là dân đảo Corse, thứ hai vì anh ta nghèo, thứ ba là vì có nguồn cho rằng anh là một dân anh chị. Anh ta rời Pháp để đến một nước thuộc địa Pháp với hy vọng kiếm tiền dễ dàng ở nơi màu da của anh ta được đánh giá cao hơn. Cách đi để khỏi tốn tiền mua vé rất đơn giản: anh ta xin làm bồi bàn cho một con tàu sang nước An Nam và xin nghỉ việc khi tàu cập cảng Sài Gòn. Sau đó tìm một việc gì đó và kết bạn, giao du để tìm cách cưới một phụ nữ bản địa con nhà giàu muốn có chồng Tây.

Người phụ nữ đó là cô Lê Thị Trọng, con gái của Đốc phủ sứ giàu có Lê Văn Mầu, người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Đốc phủ Mầu đã bỏ số tiền rất lớn để mua lại Khách sạn Continental từ năm 1920 để làm của hồi môn cho con gái. Sau khi cưới cô Trọng, Mathieu Franchini đứng ra điều hành toàn bộ như một ông chủ thực sự.

Trong những thập niên 1960-1970, chính quyền Sài Gòn bắt các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt, vì thế khách sạn có tên là “Đại Lục Lữ quán”.

Người ta gọi Mathieu Franchini là gangster bởi vì ngoài kinh doanh khách sạn, ông ta còn làm ăn nhiều chuyện không đứng đắn. Sau năm 1954, Mathieu Franchini móc nối với lực lượng Bình Xuyên. Thậm chí Siemon Netto, phóng viên thường trực của tạp chí “Thế giới” (CHLB Đức) tại Nam Việt Nam, còn quả quyết rằng ông ta có dính dáng vào hơn một nửa nhà chứa ở Sài Gòn. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đổ năm 1963, cũng là lúc Franchini ngã bệnh rồi qua đời năm 1965. Con trai ông ta, Philippe Franchini, người mang hai dòng máu Việt-Pháp, đứng ra tiếp tục điều hành khách sạn cho đến năm 1975. (Phạm Trường Giang, 2016)

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nơi đây được đổi tên thành Hải Âu. Từ đó đến giờ, khách sạn thuộc về Saigon Tourist.

Đến năm 1989, công trình được tu sửa và lấy lại tên cũ Continental Palace, rộng hơn 3.400 m2, cao 3 tầng.

Mặt ngoài Khách sạn Continental Palace (ảnh: hotelplanner.com)

Trải qua 140 năm, kiến trúc của khách sạn không thay đổi đáng kể. Vẫn giữ nguyên chiều cao khiêm tốn chỉ một trệt, ba lầu. Dù có chút thay đổi về cửa sổ nhưng phong cách vẫn như cũ với màu trắng sang trọng ngày xưa. Nhà hàng chính La Fayette được đầu tư theo chuẩn quốc tế, với không gian sang trọng cổ điển. Nhà hàng sân vườn Continental Patio – nơi những cây sứ ngày xưa nay đã hơn 130 tuổi – có sức chứa đến 500 khách, nay là nơi lý tưởng để đãi tiệc hay tổ chức sự kiện, ra mắt sản phẩm. Bầu không khí “đặc sắc thời thuộc địa” được tái tạo nhằm lôi cuốn giới du khách trong thế kỷ 21 trải nghiệm không khí thời thuộc địa.

Continental Patio với những cây sứ hơn 130 tuổi (Saigon Xưa, 2019a)

Sau khi khách sạn bị quốc hữu hóa, Philippe Franchini trở về Pháp, thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, nơi ông sinh ra và hiểu về từng ngọn cỏ gốc cây của xứ sở này. Trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 bởi Nhà Xuất bản Ed Métaili tại Paris.

Nguồn: Phạm Trường Giang (2016), Saigon Xưa (2019a).

Tòa án (1885)

Tòa nhà có địa chỉ 131 đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, tọa lạc trên khu đất rộng lớn được bao quanh bởi bốn con đường: Nam Kỳ Khởi nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực và Lý Tự Trọng.

Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Jule Bourard thiết kế phần kiến trúc và Marie-Alfred Foulhoux phụ trách phần trang trí mỹ thuật. Marie-Alfred Foulhoux là Kiến Trúc sư trưởng (Architecte-en-Chef) đầu tiên của chính quyền dân sự Nam Kỳ, chịu trách nhiệm thiết kế cho các công trình dân sự trên toàn thuộc địa Nam Kỳ. Ông chính là người đã vẽ kiểu cho một số công trình dân sự của thành phố Sài Gòn vẫn tồn tại cho đến ngày nay: ngoài Tòa án còn có Dinh Thượng thơ (1881) ), Hải quan (1887), Dinh Phó soái (1890), Bưu điện (1891).

Công việc xây dựng bắt đầu năm 1881, đến năm 1885 thì khánh thành, được gọi là “Palais de justice”. Tòa nhà lúc đầu được xây dựng theo hình chữ H, gồm 2 tầng nổi và một tầng bán hầm. Mỗi tầng nổi có chiều cao 6,2 m. Bốn mặt đều có hành lang để cách ly, che mưa che nắng, đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên thoáng mát rồi dẫn vào các phòng làm việc. Tầng bán hầm được dùng làm kho lưu trữ và phòng lưu phạm nhân trong quá trình xét xử.

Hình Tòa án trên bưu thiếp năm 1907 (ảnh: Georges Victor Planté)

Người Pháp xây dựng tòa nhà này làm công sở cho cơ quan xét xử. Hơn 120 năm qua, chính quyền của mỗi chế độ đều sử dụng đúng mục đích xây dựng ban đầu.

Cổng sắt bốn cánh bằng thép đúc rất nặng, có thể mở vào trong hay ra ngoài linh hoạt bởi một trụ thép nằm giữa. Trên hai trụ cổng là đầu tượng nữ – biểu tượng của cuộc cách mạng 1789 của Pháp – nàng Marianne. Ta thường thấy hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên nhiều tài liệu, văn bản chính thức, tem thư và đồng tiền xu của Pháp. Trên đầu tượng là một con nhân sư ngự trị, có đôi cánh thể hiện sức mạnh của pháp luật có thể vươn tới bất cứ nơi đâu.

Tượng được đặt trên một cuốn sách thể hiện một văn bản luật, một bộ luật, một khế ước xã hội đặt ra để quản lý con người và mọi hoạt động chi phối trong xã hội. Phía dưới cuốn sách là các bông hoa, chi tiết hoa văn thể hiện những bàn tay nâng đỡ cuốn sách (bộ luật) với ý nghĩa chính con người đã viết nên những bộ luật để quản lý xã hội chứ không phải thần thánh.

Bên dưới là tượng đầu con sư tử, hình ảnh mà ta bắt gặp hầu hết trong các cơ quan công quyền của Pháp và châu Âu. Tượng đầu con sư tử với miệng sư tử bị xích lại thể hiện ý nghĩa quyền lực phải cần được kiểm soát.

Dưới cùng là hệ thống họa tiết hoa văn trang trí, trong đó có nổi bật hai chi tiết: bên trái là một thanh kiếm, thể hiện công lý phải được thực thi, đối xứng thanh kiếm là một cành cây thể hiện sự mềm dẻo trong ứng xử của pháp luật, tính chất khoan hồng của pháp luật. Ở giữa là hai chữ cái RF (République Française – Cộng hòa Pháp). Tất cả các chi tiết đều cân đối qua một trục, thể hiện tính chính nghĩa, nghiêm minh.

Phù điêu ở mặt trước cổng (Cao Thành Nghiệp, 2018)

Tòa nhà kết hợp kiến trúc Châu Âu và kiến trúc La Mã, văn hoá Phương Tây và Phương Đông mang nhiều ý nghĩa.

Nổi bật nhất trong tòa nhà là hệ thống tượng phù điêu trên đỉnh mái, hệ thống các hoa văn, họa tiết, phù điêu. Tiêu biểu là tượng thần Công lý, tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách ghi chữ CODE (bộ luật). Hai bức tượng người ngồi hai bên, một là tượng người phụ nữ búi tóc cao, tay cầm nón, thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với phong thái nhẹ nhàng, nữ tính, hiền dịu; tượng người đàn ông đầu đội khăn đóng với nét mặt nghiêm trang, chăm chú, thể hiện tính chính trực, thẳng thắn, nghiêm trang. Những người dựng cụm tượng này muốn thể hiện một tổng thể ý nghĩa của pháp luật: ngoài tính nghiêm minh, cần có tính khoan hồng, ngoài việc vận dụng các quy định của pháp luật, sự xét xử cần phải có người dân tham gia. (Cao Thành Nghiệp, 2018)

Phù điêu trên đỉnh mái (ảnh: static.panoramio.com)

Đi thẳng vào cửa chính của tòa nhà là gian sảnh lớn ngăn cách giữa hai phòng xét xử. Hai bức tượng được bố trí hai bên chân cầu thang dẫn lên tầng hai. Bên phải là tượng nữ thần Công lý, bên trái là tượng nữ thần Đoàn kết. Rất nhiều họa tiết hoa văn từ trần nhà, cột, tường nhà thể hiện nét kiến trúc Hy Lạp cổ đại pha lẫn kiến trúc Phục Hưng và kiến trúc dân gian Việt Nam.

Hoa văn trên tường, đầu cột và trần nhà ở sảnh chính tầng 2 (ảnh: static.panoramio.com)

Bên trong các phòng xét xử được thiết kế uy nghi và trang nghiêm, thể hiện lý tưởng về công lý. (Có lẽ vì sự hiện diện của tòa nhà này mà con đường trước mặt ngày xưa mang tên đường Công Lý.)

Hai bên, vươn về phía trước là những dãy phòng làm việc thông thoáng, kéo dài về phía sau. Tầng một, tường của dãy hành lang được gắn những cửa sổ cao, uốn cong phía trên và trên tầng hai là những đôi cột tròn nâng đỡ mái ngói như một sự bảo vệ vững chắc của pháp luật.

Năm 1961, khi dân số đã phát triển, tòa nhà không đủ diện tích để phục vụ công việc xét xử, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho xây dựng thêm dãy nhà phía sau. Kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh (tác giả thiết kế Chùa Xá Lợi) tôn trọng thiết kế của tòa nhà nên cho ra đời dãy nhà ngang nằm về phía đường Nguyễn Trung Trực. Dãy nhà cũng mang dáng vẻ uy nghi, hài hòa với khu nhà phía trước, nếu không được giới thiệu, chúng ta sẽ nghĩ rằng ngay từ khi xây dựng đã có nó. Điều đó nói lên tài nghệ của kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh trong việc cải tạo công trình này. (Hồng Việt, no date)

Sau hơn 130 năm sử dụng, công trình bị xuống cấp ở nhiều vị trí. Đầu năm 2016, công trình bắt đầu được trùng tu. Toàn bộ lớp sơn cũ của nhiều năm được cạo bỏ để phủ lớp áo mới. Không chỉ bề ngoài mà các phòng xét xử bên trong tòa nhà cũng được chỉnh trang, hoàn thiện lại.

Một trong những khu vực kiến trúc quan trọng và đẹp nhất là sảnh chính tại tầng 2 của tòa nhà, đã được sơn và hoàn thiện trùng tu lại. Ngoài ra, một số hạng mục được xây sau này bị đập bỏ để trả lại khuôn viên như thuở ban đầu. (Phong Vũ, 2019)

Toa an_B Một mặt ngoài sau khi trùng tu (ảnh: static.panoramio.com)

Một mặt ngoài sau khi trùng tu (Phong Vũ, 2019)

Nguồn: Cao Thành Nghiệp (2018), Phong Vũ (2019).

Dinh Phó soái (1890) – Dinh Gia Long (1954) – Bảo tàng Thành phố (1999)

Trong số các tòa nhà xưa của Sài Gòn, có lẽ tòa nhà này chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nhất và do đó mang nhiều tên nhất qua từng thời kỳ.

Tòa nhà này tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1, trên một khu đất rộng gần 2 ha, giới hạn bởi các con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Khởi đầu, tòa nhà Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux.

Mục đích sử dụng dự kiến ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Ðến nửa chừng thì có lệnh là tòa nhà sẽ làm nơi cư trú cho vị Phó Toàn quyền Ðông Dương, nên Alfred Foulhoux phải điều chỉnh bản vẽ lại rất nhiều.

Việc xây cất bắt đầu vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1890. Vị Phó Toàn quyền vào cư ngụ trong dinh đầu tiên là ông Henri Eloi Danel Người dân Nam Kỳ lúc đó thường gọi tòa nhà này là Dinh Phó soái (Palais du Lieutenant-Gouverneur).

Sau ông Danel, có thêm tất cả 14 Phó Toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh.

Palais du Lieutenant-Gouverneur (ảnh: VietFun.com)

Do mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại, ở hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn, hình tượng con gà tượng trưng cho ban ngày và chim cú tượng trưng cho ban đêm ở hai góc, một vòng hào quang phía sau đầu tượng.

Trang trí mặt tiền tòa nhà (ảnh: vietlandmarks.com)

Nhiều họa tiết khác đắp nổi trên mái là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hy Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới như họa tiết thằn lằn và chim cao cẳng chuyển động bằng cách uống cong hoặc xòe cánh.

Tổng diện tích của kiến trúc bao gồm một tòa nhà rộng hơn 1.700 m² gồm hai tầng của tòa nhà chính và tòa nhà ngang thiết kế theo phong cách cổ điển–Phục Hưng, kết hợp Âu–Á: mặt tiền của tầng lầu mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Bao quanh khu nhà là một khuôn viên vườn hoa có hình dạng như một hình thang.

Nội thất của dinh thự rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần có phong cách cổ điển sang trọng.

Nội thất tòa nhà (ảnh: vietlandmarks.com)

Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.

Cầu thang giữa sảnh chính (ảnh: vietlandmarks.com)

Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng nữ thần tại cửa chính của dinh để xây một mái hiên. Hẳn là vì ông không thích dấu vết của Bảo tàng Thương mại (?)

Từ năm 1912, chính phủ Pháp bỏ chức vụ Phó Toàn quyền Ðông Dương và thay bằng chức vụ Thống Ðốc Nam Kỳ, do đó dinh được đổi tên thành Dinh Thống đốc Nam Kỳ.

Năm 1945, Dinh Phó soái nhiều lần đổi chủ:

  • Sau khi quân Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 09 tháng 3, Thống đốc người Pháp Ernest Thimothée Hoeffel bị bắt; Thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.
  • Ngày 14 tháng 8, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.
  • Đến ngày 25 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền, bắt giam Khâm sai Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng phủ khâm sai Hồ Văn Ngà tại dinh khâm sai. Sau đó, dinh trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.
  • Ngày 10 tháng 9, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý (tức trụ sở UBND Thành phố ngày nay).
  • Đến ngày 5 tháng 10, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 02 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Tại đây, ngày 09 tháng 1 năm 1950, nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt vô cớ trước đó. Lúc 13 giờ chiều ngày hôm đó, chính quyền của thủ hiến Trần Văn Hữu huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp, bắt giữ 150 người, đánh 30 người trọng thương tại chỗ, học sinh trường Petrus Ký là Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn tử thương. Sự kiện này đã dẫn đến đám tang Trần Văn Ơn ngày 12 tháng 1 năm 1950, có đến 25.000 người tham gia.

Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì Dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành Dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 07 tháng 9 năm 1954. Năm 1954, tòa nhà được Quốc trưởng Bảo Ðại chính thức đặt tên là Dinh Gia Long, với đường La Grandière chạy ngang trước mặt Dinh cũng được đổi tên thành Gia Long.

Có một hầm nằm phía sau Dinh Gia Long, chiều dài 25 m chạy từ cánh trái của dinh phía đường Pasteur đến cánh phải phía đường Công Lý (sau này là Nam Kỳ Khởi nghĩa). Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế xây dựng, còn kỹ sư Phan Đình Tăng (Phó Giám đốc Nha Kiều lộ) trực tiếp chỉ đạo và kiểm soát thi công đường hầm.

Căn hầm được đào sâu xuống đất khoảng 4 m, đúc bằng xi măng cốt thép vô cùng kiên cố, độ dày của tường là 1 m, đủ sức chịu đựng sự công phá của các loại trọng pháo và bom 500 kg. Toàn bộ hầm có 6 cửa bằng sắt, đóng mở bằng bánh lái như tàu thủy bằng cách xoay, bên trong có chốt sắt lớn để cài và một hệ thống cửa thông gió. Nóc hầm được ngụy trang bằng nhiều chậu cây cảnh cùng hệ thống điện thắp sáng, nước sạch và cống dẫn thải đầy đủ để cho hầm được hoạt động thông suốt.

Có năm lối dẫn xuống hầm. Một lối thông với phòng ngủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở lầu hai, một lối khác ăn thông với căn phòng ông Ngô Đình Nhu ở phía đường Pasteur. Hầm phân ra hai khu, một dành cho Tổng thống Diệm, một dành cho ông Nhu. Về phía Tổng thống Diệm, hầm được ngăn ra thành ba phòng nhỏ: một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng tắm.

Tổng diện tích mặt bằng hầm là 1.392 m2. Ở hai đầu tòa nhà chính của dinh là hai cầu thang dẫn theo bậc tam cấp xuống tầng hầm. Hầm gồm 6 phòng và một hành lang thông thoáng, bên dưới tùy từng đoạn được tráng xi măng hoặc lót gạch bình thường như trên sàn nhà và lối thoát ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur bằng hai lô cốt nhỏ. Hầm có cầu thang thông lên ngay phòng làm việc và tiếp khách nên khi đang ngủ hay đang ăn, chỉ sau 5 phút là tổng thống đã xuống được hầm với đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc và kết nối với bên ngoài để nắm bắt tình hình.

Một số nguồn thống nhất cho rằng thông tin về đường hầm trong Dinh Gia Long kéo dài ra bên ngoài (tới Chợ Lớn hay Thủ Thiêm…) chỉ là thêu dệt.

Sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại năm 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm chuyển vào ở trong Dinh Độc Lập và chỉ định Dinh Gia Long làm Dinh Quốc khách, là nơi cư ngụ cho lãnh đạo các nước khi viếng thăm chính thức Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 27 tháng 2 năm 1962, Dinh Độc Lập bị quân đảo chính ném bom gây hư hại nặng, Ngô Đình Diệm dời Phủ Tổng thống sang đây.

Ngày 01 tháng 11 năm 1963 quân đảo chính tấn công dữ dội vào Dinh Gia Longm gây thiệt hại không ít cho tòa nhà này. Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trốn vào Chợ Lớn. Ngày hôm sau, hai ông đến cầu nguyện ở Nhà thờ Cha Tam trước khi bị quân đảo chính dẫn đi và bị sát hại.

Trong thời gian 1964–1965, Dinh Gia Long được dùng làm Dinh Quốc trưởng, nơi cư ngụ và làm việc của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu. Dinh Gia Long là nơi chứng kiến sự thành lập của hai chính phủ dân sự Trần Văn Hương (1964–1965) và Phan Huy Quát (1965).

Sau cuộc khủng hoảng nội các (bắt đầu vào cuối tháng 5-1966) đưa đến việc phe quân nhân lên nắm chính quyền (từ ngày 19-6-1966), Dinh Gia Long trở thành Phủ Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, nơi đặt văn phòng làm việc của Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban. Sau khi Dinh Ðộc Lập mới được khánh thành vào ngày 30-10-1966, Trung tướng Thiệu dọn vào làm việc tại Dinh Ðộc Lập.

 Một thời gian sau khi nền Ðệ nhị Cộng hòa được thành lập (theo Hiến pháp ban hành ngày 1-4-1967), Dinh Gia Long được chỉ định làm trụ sở của Tối Cao Pháp viện cho mãi đến ngày 30-4-1975.

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không được dùng cho mục đích cụ thể nào. Năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố.

Năm 1999, tòa nhà được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố.

Bảo tàng Thành phố ngày nay (ảnh: pinterest.com.au)

Nội dung trưng bày trong Bảo tàng Thành phố gồm 9 phần cố định với hơn 45.000 hiện vật.

Phòng Thiên nhiên và Khảo cổ: Giới thiệu vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động, thực vật, hệ thống sông ngòi, đời sống của cư dân cổ từ cách đây 3000–2000 năm với những công cụ lao động: rìu đá, cuốc đá, trang sức, đồ minh khí, hình thức mai táng tìm được ở các di tích khảo cổ, các di tích trong nội thành.

Phòng Địa lý và Hành chính: Với sưu tập bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, hiện vật, trưng bày quá trình hình thành và phát triển của thành phố về mặt địa lý, hành chính.

Phòng Thương cảng, Thương mại và Dịch vụ: Với hơn 527 hiện vật, 36 ảnh và 10 bản đồ, giới thiệu vai trò trung tâm kinh tế của Sài Gòn đối với khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung qua các chủ đề: Hệ thống cảng Sài Gòn, chợ Bến Thành và những chợ xưa, cửa hàng chạp phô của người Hoa xưa, các hiện vật đo lường xưa nay, hệ thống giao thông: với các bến xe, ga tàu hỏa, sân bay…

Phòng Công nghiệp và Tiểu thủ Công nghiệp: Giới thiệu một số nghề thủ công truyền thống và đôi nét về công nghiệp tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Với gần 300 hiện vật, hình ảnh trưng bày về các nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề kim hoàn, nghề dệt, nghề chạm khắc gỗ… Một số cơ sở công nghiệp đầu tiên của thành phố những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các khu công nghiệp tập trung giai đoạn 1954-1975, các khu công nghệ cao hiện nay…

Khu trưng bày công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên)

Phòng Văn hóa: Giới thiệu phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục của thành phố. Phòng trưng bày mô tả đám cưới truyền thống của bốn nhóm dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khmer, tục ăn trầu, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ Thổ Địa – thần Tài, sưu tập nhạc cụ, trang phục, đạo cụ và hình ảnh của một số vở cải lương nổi tiếng của sân khấu cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer, đặc biệt phòng trưng bày còn giới thiệu các tư liệu về nền giáo dục ở Sài Gòn – nơi truyền bá chữ quốc ngữ và báo chí được xuất bản đầu tiên tại Việt Nam.

Khu trưng bày hiện vật nghệ thuật cải lương (ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên)

Phòng Đấu tranh cách mạng 1930-1954: Nêu bật các phong trào đấu tranh chính trị từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, phòng còn trưng bày tái hiện phần nào quang cảnh ngày độc lập tại quảng trường Norodom – Sài Gòn ngày 2 tháng 9 năm 1945 và cuộc kháng chiến 9 năm.

Phòng Đấu tranh cách mạng 1954–1975: Trưng bày các chủ đề: Hội nghị Genève, Phong trào Đồng khởi năm 1960, Địa đạo Củ Chi, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Sự kiện Tết Mậu Thân (1968), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập (1969), Hội nghị Paris năm 1973, Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).

Phòng Kỷ vật kháng chiến: Trưng bày những hiện vật, di vật đồng hành với cuộc sống và chiến đấu trong 30 năm kháng chiến.

Phòng Tiền Việt Nam: Giới thiệu 1.086 hiện vật bao gồm sưu tập tiền kim loại, tiền giấy, tiền thưởng qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Ngoài ra, ở đây còn có hình ảnh các công đoạn đúc tiền thời phong kiến, một số văn tự liên quan đến tiền…

Ngoài 9 phần trưng bày trên, Bảo tàng Thành phố còn có các phòng trưng bày chuyên đề, và ở bên ngoài tòa nhà còn khu trưng bày một số loại máy bay, xe và vũ khí, v.v…

Sau hơn 100 năm hiện diện, dinh thự hàng đầu tại thành phố chứng kiến biết bao biến cố quan trọng về chính trị, quân sự của Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, cũng như trải qua nhiều đời chủ nhân hết người Pháp rồi đến người Việt thuộc nhiều chính quyền khác nhau, tòa nhà sau cùng được sử dụng đúng với chức năng thiết kế ban đầu của nó: bảo tàng.

Nguồn: Cao Phương (2020), Lâm Vĩnh Thế (2017), Lê Công Sơn (2015a).

Bưu điện Sài Gòn (1891)

Sau khi đánh Thành Gia Định, chiếm được vùng đất Sài Gòn, Pháp thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Ngày 11 tháng 11 năm 1860, “Sở dây thép” Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn) được thành lập. Ngày 11 tháng 11 năm 1860, Pháp cho xây dựng Nhà dây thép Sài Gòn, ngay vị trí trung tâm thành phố.

Năm 1886, tòa nhà Bưu điện Sài Gòn được xây cất lại theo đề án của kiến trúc sư người Pháp Villedieu với quy mô hiện đại, và được chính thức khánh thành năm 1891. Tòa nhà tọa lạc tại số 2, Công trường Công xã Paris, Quận 1. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông.

Toàn cảnh tòa nhà Bưu điện (ảnh: Diego Delso)

Khối kiến trúc của Bưu điện Sài Gòn rất cân đối và chắc chắn. Mặt tiền bao gồm 20 trụ cột hình vuông đắp bằng các mảng phù điêu trên các ô cửa sổ. Riêng phần cửa chính được thiết kế hình vòm song sắt hoa văn, phía trên là mảng phù điêu lớn. Các phù điêu sử dụng hoa văn kiến trúc thời Phục hưng rất sắc sảo.

Cửa chính tòa nhà Bưu điện (ảnh: VOH)

Bên ngoài, phía trước tòa nhà được trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trong số những tên được khắc trên các ô hình chữ nhật có Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin, nhà phát minh người Ý Alesandro Volta, nhà vật lý người Anh Michael Faraday, nhà toán học người Pháp Galvani, và nhiều tên nổi tiếng khác. Mỗi tên được khắc trong một ô xi măng hình chữ nhật, chung quanh trang trí các phù điêu hoa văn, trông khiêm tốn nhưng trang trọng. Nếu không để ý, chúng ta dễ dàng lướt qua mà không thấy.

Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế, trên vòng cung tòa nhà có chiếc đồng hồ lớn.

Ngày xưa, trên cửa chính bưu điện có ba chữ cái bằng sắt viết tắt “PTT” rất to. Ba chữ cái này có nghĩa là “bưu điện”, từ tiếng Pháp “Postaux, Télégraphiques et Téléphoniques”. Nói chung là dịch vụ bưu chính viễn thông. Chẳng biết ngày nay ba chữ đó đã đi đâu, tháo gỡ khi nào không ai rõ. (Thanh Nhàn, 2019)

Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được chống đỡ bởi bốn trụ sắt nằm bốn góc, mỗi cột chống đỡ bốn kèo sắt tỏa ra bốn phía. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên màu xanh lá cây. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp.

Hàng cột mỗi bên (ảnh: Zing.vn)

Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào. Vào mùa hè, tuy bên ngoài trời nóng, bên trong tòa nhà vẫn mát mà không cần dùng máy điều hòa không khí.

Bên trong tòa nhà Bưu điện (ảnh: Diego Delso)

Trên vòm mái trong tiền sảnh của tòa nhà có hai bản đồ lịch sử mang tên: Saigon et ses environs (Sài Gòn và các vùng phụ cận) năm 1892, và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge (Đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Cambodia) năm 1936.

Saigon et ses environs, 1892 (ảnh: Prenn)

Nhìn chung, diện mạo bên ngoài lẫn bên trong của tòa nhà Bưu điện Sài Gòn gần như không thay đổi mấy. Tấm bản đồ Sài Gòn 1892, bản đồ Nam phần và Cam Bốt 1936 khảm trên tường, các quầy điện thoại, các băng ghế gỗ tuổi đã trăm năm… vẫn còn hiện diện trong tòa nhà như bất biến cùng năm tháng…

Riêng màu sơn có lúc có vấn đề, trong việc tu sửa và sơn lại màu cho tòa nhà Bưu điện. Sau khi hoàn thành, toàn bộ mặt tiền công trình kiến trúc có màu vàng đậm hơn màu cũ, tạo cảm giác khá chói khiến dư luận không đồng tình về diện mạo mới của công trình. Vào tháng 2 năm 2015, Hội đồng Quy hoạch kiến trúc Sài Gòn đồng ý sửa đổi, chọn lại màu sơn mới cho tòa nhà. Trong lần tu sửa, này các chi tiết hư hỏng được phục chế tỉ mỉ, đảm bảo giữ nguyên trạng công trình. Đầu tháng 4 năm 2015, Bưu điện Sài Gòn được sơn trả về màu vàng nhạt nguyên thủy và nhận được nhiều lời nhận xét tích cực từ phía người dân.

Nguồn: Thanh Nhàn (2019), Wikipedia_Bưu điện trung tâm Sài Gòn

Tu viện La Sainte-Enfance (1864) – Tu viện Phaolô (1895)

Địa chỉ: 4 Bis Nguyễn Trung Ngạn, Phường Bến Nghé, Quận 1. Còn được gọi là Tòa nhà Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô (tiếng Anh: St Paul’s Convent).

Năm 1858, Pháp nổ súng vào Đà Nẵng và chỉ một năm sau chiếm được thành Gia Định. Lúc này, do chiến tranh loạn lạc nên trẻ em mồ côi đói rách, lang thang cơ nhỡ… bị bỏ rơi khá nhiều, lại thêm bệnh dịch tả hoành hành dữ dội tại Sài Gòn–Gia Định. Giám mục Dominique Lefèbvre, lúc ấy là Giám quản tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong, thấy tình cảnh quá cấp thiết nên viết thư mời các nữ tu dòng Thánh Phaolo (tiếng Pháp: Saint-Paul de Chartres) đang làm việc tại Hồng Kông sang tiếp sức. Họ tới Sài Gòn ngày 29 tháng 5 năm 1860.

Để có chỗ ở ổn định cho các sơ cùng trẻ mồ côi, được sự giúp đỡ kinh phí của giáo hội bên Pháp và nhiều người Việt thiện nguyện, Mẹ Bề trên Benjamin (1821-1883, vị sáng lập dòng Thánh Phaolô tại Viễn Đông) cùng mọi người bắt đầu lên kế hoạch xây dựng Tu viện Phaolô.

Năm 1862, thể theo yêu cầu của Mẹ Bề trên Benjamin, Toàn quyền Nam Kỳ Bonard cấp một mảnh đất để xây Tu viện. Năm 1864, Tu viện La Sainte-Enfance (Thánh Hài đồng) – gồm Cô nhi viện, Nhà Nữ tu và Nguyện đường – được khánh thành.

Công trình này càng đặc biệt hơn khi người phác họa sơ đồ và trực tiếp trông nom việc thi công là một tri thức người Việt – Nguyễn Trường Tộ, còn nhân lực xây dựng chủ yếu là các binh lính thời đó. Nguyễn Trường Tộ không nhận bất kỳ khoản thù lao nào khi thực hiện công việc này.

Tòa nhà chính với phong cách kết hợp Á–Âu, giống lối kiến trúc của Ý pha lẫn những nét trang trí mang đậm nét thẩm mỹ của người Việt. Nguyện đường nằm ở trung tâm Tu viện theo phong cách Gothic với ngọn tháp thanh mảnh. Toàn bộ Tu viện được bao quanh bởi một ngôi vườn lớn trồng cây bông, café và cây vanila.

Điểm nhấn của tổng thể công trình Tu viện là ngọn tháp cao nhất Sài Gòn vào thời bấy giờ. Theo tài liệu ghi chép của Hội Thừa Sai Paris, công trình Tu viện là một kiệt tác kiến trúc được nói đến trên nhiều trang lịch sử thuộc địa. Tu viện trông như một mũi tên trắng sáng cao vút, dễ dàng được nhận ra khi tàu thuyền cập bến Sài Gòn, đó là tất cả của Sài Gòn. Cha Wibaux nhận xét mặc dù được xây dựng bởi một kiến trúc sư An Nam nhưng đây là biểu tượng đẹp nhất của Sài Gòn trước khi có Dinh Thống đốc (Palais du Gouvernement). Và ngay cả khi Dinh Thống đốc thành hình thì Tu viện vẫn rất đẹp, ngọn tháp chuông của nó có thể được nhận ra từ xa bên cạnh khúc quanh của sông Sài Gòn. (Trương Phúc Hải, 2019)

Trong chuyến viếng thăm ba ngày đến Sài Gòn từ 25 đến 27 tháng 10 năm 1863, bên cạnh việc hội đàm với chính quyền Pháp tại Sài Gòn, vua Norodom của Campuchia cùng phái đoàn cũng đến tham quan tu viện tuyệt đẹp của dòng Sainte Enfance.

Điều không may là các tòa nhà được xây bằng gỗ nên nhanh chóng bị hư hỏng vì mối mọt. Sau hai thập kỷ, các nữ tu đành phải cho xây dựng lại một cách tốn kém. Lần này họ nhờ đến Cha Charles Boutier thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris (Société des Missions Étrangères de Paris). Ông này cũng là kiến trúc sư, người đã thiết kế Nhà thờ Huyện Sĩ và Nhà thờ Thủ Đức. Tu viện mới được khánh thành năm 1895. Mặc dù vẫn giữ nguyên những nét độc đáo của kiến trúc cũ nhưng ngọn tháp cao được thay thế bằng một chóp tháp thấp hơn, có lẽ cho đúng với tinh thần của một nguyện đường dòng tu. Đã có nhiều bài viết nhầm lẫn cho rằng ngọn tháp cao vút của tu viện Saint Paul mãi đến năm 1945 mới bị phá sập bởi bom đạn của không quân Mỹ oanh tạc quân Nhật ở cảng Ba Son. Tuy nhiên, từ những bức không ảnh chụp đầu thế kỷ 20 ở khu vực này cho thấy ngọn tháp mũi tên đã không còn.

Đến năm 1924, Tu viện được chính thức đổi tên từ Saint-Enfance thành Couvent St-Paul de Chartres.

Vì ở gần Công xưởng Ba Son, vào năm 1945 trên 30 máy bay Đồng Minh đánh bom nhầm tọa độ khiến cho nhiều tòa nhà của Tu viện bị hư hỏng nghiêm trọng. Việc sửa chữa trên quy mô lớn được thực hiện trong giai đoạn 1946-1952. Đến năm 2009, toàn bộ Tu viện được hoàn toàn tân tạo.

Ngày nay, tòa nhà trung tâm của Tu viện vẫn là Nguyện đường, một công trình theo kiểu Gothic có từ năm 1895 và được trùng tu với quy mô lớn sau khi bị thiệt hại vì bom năm 1945.

Ngay phía sau Nguyện đường là Nhà Truyền thống. Được xây như là bảo tàng thu nhỏ, nơi đây trình bày lịch sử xây dựng Saint-Paul de Chartres bằng tiếng Pháp.

Ghi chú: có một số nguồn ngộ nhận rằng Nguyễn Trường Tộ là nhà thiết kế của Tu viện Phaolo như ta thấy hiện nay. Điều này là đáng ngờ, bởi vì Nguyễn Trường Tộ không theo học môn kiến trúc một cách bài bản. Ông chỉ được một Giám mục người Pháp tên Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) dạy cho học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây. Vì thế, ông khó có năng lực thiết kế được Tu viện với cấu trúc sử dụng gạch đá và quy mô như ta thấy hiện giờ. Riêng việc thiết kế và chỉ huy thi công tu viện nguyên thủy bằng gỗ thì dễ dàng hơn nhiều.

Ảnh dưới đây do tongocthao (2015) ghi chú như sau:

Tu viện Sainte Enfance của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam. Hai nữ tu đầu tiên đến Saigon năm 1860, và tòa nhà được xây dựng xong vào năm 1864 theo thiết kế của Nguyễn Trường Tộ. Hình của Émile Gsell chụp năm 1866 tức hai năm sau khi xây xong. Tòa nhà này sau đó vào cuối thế kỷ 19 được thay thế xây lại như còn lại hiện nay (tháp chuông không còn) – (Collection Gsell, 1866, ancien fonds du musée des colonies).

Tu viện Sainte Enfance (ảnh: Emile Gsell)

Các ảnh kế tiếp chỉ Tu viện Phaolô hiện giờ, do Charles Boutier thiết kế và sau này được trùng tu với quy mô lớn.

Mặt ngoài Nguyện đường trong Tu viện Phaolô (Doling, 2015b)

Một góc nhìn khác của Nguyện đường trong Tu viện Phaolô (Doling, 2015b)

Bên trong Nguyện đường (ảnh: Quỳnh Trần)

Nguồn: Doling (2015b), tongocthao (2015), Trương Phúc Hải (2019).

Chùa Ngọc Hoàng (1905)

Chùa Ngọc Hoàng là tên thường gọi của Điện Ngọc hoàng, tên chữ là Phước Hải Tự, tọa lạc tại số 73 Mai Thị Lựu, Quận 1.

Vương Hồng Sển (1960) mô tả Chùa Ngọc Hoàng:

Chùa tạo lập lối năm 1905, trông có vẻ cổ kính vô cùng; hoa viên và cách sắp đặt phía trong đáng được liệt kê vào hàng kỳ quan tại Sài Gòn này lắm.

Một người Tàu tên Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo “Minh Sư”, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi “hội kín”. Chánh điện thờ đức Ngọc Đế, tiền điện thờ đức Thích Ca, phía hữu điện vào trong xa có một cổ miếu nhỏ thờ viên đá bản xứ tượng trưng “Ông Tà” của người Cao Miên xưa. Đây có lẽ là nguồn gốc miếu cổ nầy. Về sau người Tàu có thâm ý mang từ bên xứ họ sang một viên đá khác để gần đó, nhang đèn thờ phượng, chữ đề “Thái Sơn”, tức lấy đá từ hòn Thái Sơn bên Tàu qua đây thay thế.

Gần đó nữa, có bụi tre ngà, dưới gốc cũng nhang đèn nghi ngút, trên nhánh tre nào quạt, nào tóc rối, nào chỉ quấn nùi. Quạt tượng trưng cho sự mát mẻ, có lẽ hoặc của hai ngƣời bạn, vừa hết giận nay làm thân, hoặc của đôi vợ chồng sum hiệp sau những ngày hờn dỗi. Tóc rối, chỉ nùi tượng trưng những rối rắm trường đời nay cởi bớt treo đây cho nhẹ. Trước miếu có gian phòng bày cảnh thập điện và cảnh thiên đàng chạm trên cây rất đẹp. Bên tả điện có treo bức tranh “Đạt Ma Tổ Sư quá hải”, tranh vẽ trên giấy nét bút thần tình. Kế bên có thang đưa lên từng lầu, nơi đây thờ Quan Đế và bài vị những người có công tạo lập cảnh chùa. Bước ít bước tới sân lộ thiên, đứng đây dòm bao quát thấy đủ nóc bắt bông bắt chỉ bằng đồ gốm tinh xảo vô cùng, lại thấy sự thâm ý hạn chế ánh sáng làm cho trong chùa có vẻ âm u huyền bí theo ý nhà kiến trúc sư tinh thông thuật tâm lý.

Chùa Ngọc Hoàng đầu thế kỷ 20 (Minh Chính, 2019)

Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đến năm 1984, điện thờ Ngọc hoàng được đổi tên là “Phước Hải Tự”, nhưng người dân vẫn quen gọi là Chùa Ngọc Hoàng.

Chùa Ngọc Hoàng được xây theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô-típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu.

Chi tiết trang trí trên mái Chùa Ngọc Hoàng (ảnh: http://www.planetware.com)

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.300 m2. Phía trước có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ pháp. Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của hai con rồng theo tư thế “tranh châu”.

Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi.

Bên trong ngôi chùa gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chính điện.

Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Thổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy, v.v… Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng… Nhìn chung, các pho tượng thờ trong điện thờ đều là những tác phẩm khắc gỗ đẹp.

Chùa Ngọc Hoàng cũng là một trong những ngôi chùa cầu con nổi tiếng ở Việt Nam. Ngôi chùa thờ Kim Hoa Thánh Mẫu (theo tín ngưỡng dân gian là vị thần coi sóc việc sinh nở ở chốn nhân gian) cùng 14 bà mụ, mỗi bên 6 bà với tư thế khác nhau, mỗi bà lo một việc: nắn tay, nắn chân, nắn đầu, dạy trẻ tập đi, tập nói…

Tượng Kim Hoa Thánh Mẫu và 14 bà mụ (Phong Vinh, 2016b)

Khách đến Chùa Ngọc Hoàng cầu con được đeo vào cổ tay một sợi chỉ màu đỏ. Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo bên trái. Sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa. Nếu ai đó khấn vái đạt được thành tựu viên mãn thì sau đó mua trái cây, nhang đèn, hoa tươi đến cúng tạ lễ Mẹ. Khi con đầy tháng thì mang xôi chè đến cúng lần nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không cúng bái, tạ lễ gì phức tạp cả. (Luyến Nguyễn, 2020a)

Ngày 24 tháng 05 năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm chùa Ngọc Hoàng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông.

Nguồn: Luyến Nguyễn (2020a), Phong Vinh (2016a), Phong Vinh (2016b), Wikipedia_Chùa Ngọc Hoàng.

Nhà Hát Thành phố (1900)

Tọa lạc tại số 7 Công trường Lam Sơn, Phường Bến Nghé, Quận 1, đây là nhà hát được xây dựng theo kiến trúc phương Tây đầu tiên ở Việt Nam. Mặt tiền của Nhà Hát Thành phố quay hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi, còn ở bên cạnh là hai khách sạn lớn: Caravelle và Continental Palace.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, năm 1863 chính quyền Pháp mời một đoàn hát sang biểu diễn tại Sài Gòn để giải trí cho lính viễn chinh Pháp. Lúc đầu, đoàn biểu diễn tạm tại nhà gỗ của dinh Thủy sư đề đốc tại Công trường Đồng hồ (Place de l’Horloge) ở góc Nguyễn Du–Đồng Khởi hiện nay.

Sau đó, một nhà hát tạm được lập ở vị trí Khách sạn Caravelle ngày nay.

Năm 1895, một cuộc thi thiết kế cho nhà hát lớn được tổ chức; có 3 thiết kế lọt vào vòng chung khảo. Ban giám khảo chọn thiết kế của Kiến trúc sư Eugène Ferret có tiêu đề “Grand-Théâtre de Saigon” (Nhà Hát Lớn Sài Gòn) với 800 ghế ngồi.

Năm 1896, Nhà Hát Lớn được khởi công trên nền Nhà Hát Thành phố hiện giờ. Lễ khánh thành diễn ra ngày 15 tháng 1 năm 1900 với sự hiện diện của Thị trưởng Saigon Paul Blanchy và Hoàng tử Waldemar của Đan Mạch lúc đó đang viếng thăm chính thức Đông Dương.

Có phong cách kiến trúc tân cổ điển, nguồn cảm hứng cho thiết kế đến từ các “garnier opera” và “palais petit” ở Paris thời Đệ Tam Cộng hòa. Có hai lớp cửa để ngăn tiếng ồn từ bên ngoài. Kiến trúc của Nhà Hát được ca ngợi rộng rãi, nhưng chi phi xây cất 2,5 triệu franc khiến nhiều người phê bình, cho rằng số tiền nên dành cho những mục đích thiết thực để phát triển thành phố.

Nhà Hát thời Pháp thuộc (ảnh: Nhan’s Blog)

Nhưng việc tạo đủ nguồn thu để duy trì Nhà Hát lại là vấn đề khó khăn hơn, khiến cho thành phố luôn phải trợ giá các chi phí điều hành Nhà Hát. Trong thời kỳ đầu, nơi đây là địa điểm giải trí phổ biến của giới thượng lưu Pháp. Nhiều đoàn sân khấu ca nhạc được mời để biểu diễn nhạc kịch và các tác phẩm sân khấu khác. Đến giữa Thế chiến 1 và Thế chiến 2 tức 1918-1939, tuy sống trong hòa bình nhưng Nhà Hát ngày càng mất khách vì các tay ăn chơi bị các hộp đêm, các quán ăn có nhạc và khiêu vũ giúp vui thu hút hầu hết. Sau thời gian đầu hoạt động sôi nổi, Nhà Hát chỉ còn sinh hoạt cầm chừng với các buổi ca hát, hòa nhạc và cải lương.

Do có nhiều chỉ trích về kiến trúc rườm rà và chi phí tổ chức tốn kém, nên chính quyền thành phố từng có ý định chuyển Nhà Hát thành nơi hòa nhạc (salle de concert). Tuy nhiên, ý định này không được thực hiện. Thay vào đó, năm 1943 phần trang trí, điêu khắc (như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn…) ở mặt tiền Nhà Hát bị xóa bỏ nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc.

Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, Nhà Hát không được tu bổ nhiều. Năm 1954, Nhà Hát được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève năm 1954.

Năm 1955, tòa nhà được sử dụng với chức năng Trụ sở Quốc hội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Khi đó mặt tiền của trụ sở này được thay đổi cho phù hợp với chức năng mới. Lối kiến trúc được chuyển thành đường nét vuông vức, phù hợp với một trụ sở mang tính chính trị.

Nhà Hát trở thành trụ sở Quốc hội VNCH (ảnh: Pierre Nordique)

Sau khi nền Đệ nhất Cộng hoà kết thúc năm 1963, từ đó cho đến năm 1966, miền Nam được điều hành bởi một chính quyền quân sự, không còn quốc hội nữa. Qua năm 1964, tòa nhà này được đổi lại thành nhà hát như cũ với tên gọi là Nhà Văn hóa.

Được hai năm, đến năm 1966, chính quyền mới thành lập Quốc hội Lập hiến. Cuộc tuyển cử năm 1967 bầu lên Quốc hội chia thành hai viện giống như nhiều nước phương Tây là Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện. Chính quyền chọn Trụ sở Quốc hội cũ để làm Trụ sở Hạ Nghị viện.

Sau 1975, Nhà Hát được trả lại công năng cũ là nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật sân khấu, hòa nhạc, thậm chí cả biểu diễn xiếc… nhưng lại vẫn tiếp tục bị kèm thêm công năng phụ để phục vụ chính trị, đó là thường xuyên dùng làm các cuộc hội họp, mít-tinh chính trị.

Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Sài Gòn, công trinh tu bổ lớn được hoàn tất theo phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền Nhà Hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… được phục chế nguyên trạng so với trước đó gần 100 năm.

Nhà Hát sau này (ảnh: gomsuxaydung.vn)

Toàn cảnh Nhà Hát sau phục chế (nguồn: yeudulich.com)

Điêu khắc nổi của Nhà Hát sau phục chế (ảnh: Diệp Minh Tâm)

Bên trong Nhà Hát (ảnh: luneproduction.com)

Kiến trúc bên trong nhìn từ sân khấu (ảnh: Quỳnh Trần)

Từ đây, các cuộc hội họp chính trị không còn được tổ chức tại đây nữa, nhưng Nhà Hát vẫn cho các cơ quan thuê để tổ chức sự kiện, như lễ kỷ niệm thành lập Hội Nông dân, lễ tốt nghiệp của một trường trung học hoặc đại học…

Nguồn: Huy Đức (2019), Tran Thanh Nhan (2013).

Nhà thờ Cha Tam (1902)

Nhà thờ Cha Tam (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê) tọa lạc tại số 25 Học Lạc, Phường 14, Quận 5.

Năm 1865, Mẹ Bề trên Benjamin dẫn một cậu bé gốc Hoa 8 tuổi ở Hồng Kong sang Sài Gòn nuôi dưỡng trong Tu viện Phaolo do Nguyễn Trường Tộ thiết kế và chỉ huy thi công. Cậu bé đó là Francois Pierre d’Assou (1855–1934, có tên Hoa là Đàm Á Tố (Tam An Su). Năm 1882, ông được thụ phong linh mục. Ông được sai về làm phó xứ Nhà thờ chính tòa Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư cho Trường Trung học Lasan Taberd. Ông phục vụ tại khu vực Sài Gòn trong 16 năm.

Xét thấy ở khu vực Chợ Lớn thuộc giáo xứ Chợ Quán, người Việt gốc Hoa theo Công giáo không có nơi cầu nguyện, Đô đốc Lagrandière – lúc đó đang là Thống đốc Nam Kỳ – ra lệnh cho Sở Công trình Công cộng dùng tiền công để xây dựng một ngôi nhà thờ. Được sự hỗ trợ của chính quyền, Giám mục Dépierre cử Linh mục Pierre d’Assou để phụ giúp việc này.

Ông tìm thấy được một lô đất rộng hơn 3 hecta ngay trung tâm Chợ Lớn, vừa đủ để cất nhà thờ, trường học và nhà xứ, nhưng rất khó mua vì là đồng sở hữu của 9 Hoa kiều. Lô đất này xưa nguyên là nhà hội của người Hoa dùng làm nơi nghỉ ngơi, giải trí và bàn tính công việc. Trải qua 20 năm bỏ hoang, chủ đất kẻ về Trung Hoa, người biệt tin tức, muốn mua phải tìm cho đủ 9 người chủ hay là con cháu thừa kế của họ. Cuối cùng, ông mua được lô đất ấy. Mua đất xong xuôi, ông tiến hành xây một ngôi nhà tạm làm nhà thờ cho giáo dân người Hoa và nhà xứ, đồng thời sắp xếp công việc xây cất nhà thờ mới. Từ đây, giáo dân trong họ đạo bắt đầu gọi ông là Cha Tam. Ông tổ chức quyên góp. Rất nhiều người, giáo dân có, các nhà giàu có và thương gia người Hoa bên lương cũng có, đều sẵn lòng rộng tay giúp đỡ, đóng góp.

Ngày 03 tháng 12 năm 1900, nhân ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier), Giám mục địa phận Sài Gòn đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường, và vì thế ngôi thánh đường chính thức mang tên vị thánh này. Tuy nhiên, vì Linh mục Pierre d’Assou là người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, nên dân gian quen gọi là Nhà thờ Cha Tam.

Hai năm sau, vào ngày 10 tháng 1 năm 1902, lễ cung hiến thánh đường được tiến hành một cách trọng thể.

Nét riêng biệt của nhà thờ này là kiến trúc pha lẫn giữa phong cách Gothique Châu Âu và Trung Hoa. Nếu nhìn từ bên ngoài, không ít khách tham quan từng nhầm lẫn cổng vào nhà thờ là của đền chùa nào đó. Vì cổng được thiết kế theo kiểu tam quan, mái đầu đao, lợp ngói lưu ly, hàng cột sơn đỏ đậm chất Á Đông, lại có thánh giá và tượng thiên thần thổi kèn.

Cổng vào Nhà thờ Cha Tam nhìn từ bên trong (ảnh Quỳnh Trần)

Mặt tiền Nhà thờ Cha Tam (Phạm Hoài Nhân, 2014)

Nhìn chung, nhà thờ có lối kiến trúc Gothique, giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhưng yếu tố văn hóa Hoa vẫn được coi trọng. Như cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong, hai bên cây thánh giá có hai con cá tượng trưng cho hình ảnh “cá chép hóa rồng”.

Ngay sau cổng vào là gian thờ Đức Mẹ Maria, kiến trúc giống tiểu đình của người Hoa. Các cột sơn son thếp vàng có câu đối, trên các đầu đao treo lồng đèn.

Nt Cha Tam_gian tho Gian thờ Đức Mẹ Maria (Quỳnh Trần, 2019e)

Gian thờ Đức Mẹ Maria (Quỳnh Trần, 2019e)

Trên nóc nhà thờ còn gắn hoa sen, hai bức liễn ở hai bên cửa ra vào cũng viết bằng chữ Hán.

Bên trong, bốn cây cột nơi chính điện sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo. Nơi treo hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ Hán màu đen:

Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện
Thiên hương vĩnh phúc phương năng sung thiện tâm.

Dịch:

Vinh hoa hư ảo không thỏa mãn ham muốn con người
Ơn đức lâu dài giúp người suy gẫm về lòng thiện.

Bên trong Nhà thờ Cha Tam (Quỳnh Trần, 2019e)

Bên ngoài sân là bức tranh phù điêu mô tả 107 thánh tử đạo người Việt và 110 thánh tử đạo người Hoa.

Phù điêu mô tả các thánh tử đạo (Quỳnh Trần, 2019e)

Sau đó, Cha Tam cũng cho xây dựng thêm ở khu vực nhà thờ một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú và một số nhà dành để cho thuê.

Để tôn vinh công đức của Cha Tam, hài cốt của ông được chôn cất bên cạnh cửa chính của nhà thờ sau khi ông qua đời.

Vào năm 1990, tháp chuông nhà thờ được tu sửa lại và cung thánh được tân trang.

Ngày 01 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính quân sự nổ ra, Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em ruột là Cố vấn Ngô Đình Nhu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải tạm lánh đến ở một nhà người Việt gốc Hoa tên Mã Tuyên ở khu vực Chợ Lớn.

Sáng hôm sau, tức ngày 02 tháng 11 năm 1963, hai ông đến ngôi nhà thờ này cầu nguyện trước khi tự nộp mình cho phe đảo chính, nhưng rồi cả hai ông đều bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính hạ sát ngay trên đường áp tải từ Nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng tham mưu.

Năm 2018, người viết bài này còn thấy một tấm thẻ gắn trên một bàn trong Nhà thờ, có ghi tiếng Pháp cho biết đây là chỗ hai ông Diệm và Nhu ngồi cầu nguyện trước khi bị quân đảo chính áp tải.

Nguồn: Phạm Hoài Nhân (2014), Quỳnh Trần (2019e), Tracy Do (2016), Wikipedia_Nhà thờ Cha Tam.

Nhà thờ Huyện Sĩ (1905)

Ghi chú: Một số tài liệu ghi tên là Huyện Sỹ, riêng tên Huyện Sĩ là dùng theo các trang web giaoxugiaohovietnam.com, giothanhle.net, nhathoconggiao.com, thanhnien.vn, ubdkcgvn.org.vn, v.v…

Nhà thờ Huyện Sỹ (tên chính thức là: Nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ) tọa lạc tại số 1 Tôn Thất Tùng (góc Tôn Thất Tùng–Nguyễn Trãi), Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Đây là nhà thờ của Giáo xứ Chợ Đũi.

Giáo xứ Chợ Đũi được thành lập năm 1859. Thời đó Linh mục Boutier là người có khả năng về kiến trúc, là người đã thiết kế nhà thờ Thủ Đức. Vì vậy, giáo dân nhờ Cha Boutier thiết kế ngôi nhà thờ Chợ Đũi. Hồi đó có đại điền chủ Lê Phát Đạt, là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, có tiếng là giàu có với câu truyền tụng về Tứ đại Phú hộ: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

  • Sĩ: Huyện Sĩ tức Lê Phát Đạt.
  • Phương: Đỗ Hữu Phương, cộng sự đắc lực của thực dân Pháp, do được Pháp phong Tổng đốc Danh dự nên còn được gọi là Tổng đốc Phương.
  • Xường: Lý Tường Quan, người Minh Hương, chưa rõ năm sinh năm mất, do làm chủ tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường.
  • Hỏa: chú Hỏa, có tên thật là Hui Bon Hoa, có cơ nghiệp khổng lồ và là đại gia bất động sản Nam Kỳ với hơn 20.000 căn nhà mặt tiền khắp Sài Gòn. Xem mục: Bảo tàng Mỹ thuật (1934).

Dân gian gọi ông Lê Phát Đạt là Huyện Sĩ vì ông được phong Huyện hàm ở Bình Lập, Tân An, tỉnh Long An. Ông là người Công giáo giàu có và hay công đức cho giáo hội. Chính ông đã công đức xây nhà thờ Chí Hòa và nhà thờ Chợ Đũi mà dân thường gọi là Nhà thờ Huyện Sĩ. Bổn mạng của nhà thờ là thánh Philipphê cũng là thánh bảo trợ của ông Huyện Sĩ.

Năm 1900, phú hộ Huyện Sĩ qua đời, để lại di chúc hiến đất và dành 1/7 tài sản của mình để xây nhà thờ. Sau đó, các con ông tiếp tục di nguyện. Nhà thờ được khởi công năm 1902 theo thiết kế của Linh mục Bouttier. Ba năm sau, nhà thờ được khánh thành.

Mặt trước Nhà thờ Huyện Sĩ (Quỳnh Trần, 2019f)

Nhà thờ Huyện Sĩ có khuôn viên thoáng đãng nhất vào loại nhất nhì ở Sài Gòn. Trước tháp chuông là tượng đài thánh tử đạo Việt Nam Mátthêu Lê Văn Gẫm. Lối cổng vào hai bên có tượng thánh thiên thần bản mệnh và tượng thánh Giuse. Bên trái nhà thờ là Hang đá Lộ Đức (Lourdes) khá đẹp được xây dựng năm 1960, trong hang có ảnh Đức Mẹ hằng cứu giúp.

Nhà thờ có chiều dài 40 mét, chia làm 4 gian, mỗi gian rộng 18 mét. Thiết kế ban đầu của Nhà thờ Huyện Sĩ gồm 5 gian, tức khoảng 50 mét. Nhưng thời gian đó, nhà thờ tạm Chí Hòa bị hư hại trầm trọng, vì vậy, giới chức trong họ đạo Chợ Đũi xin cắt bớt một gian, dùng số tiền đó để xây Nhà thờ Chí Hòa.

Mặt hông Nhà thờ Huyện Sĩ (ảnh: Dobanjare)

Nhà thờ Huyện Sĩ dùng đá hoa cương Biên Hòa để ốp mặt tiền và các cột chính điện. Chính điện nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn. Tường có nhiều cửa sổ dạng vòm đỉnh nhọn và được trang trí bằng lớp kính màu ghép hình mua từ Ý. Bên trong các gian tường có nhiều tượng thánh. Trên vòm cửa chính có tượng Thánh Philípphê bổn mạng nhà thờ bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây thánh giá Phục sinh. Nhà thờ cũng có nhiều cửa kính màu vẽ ảnh thánh.

Bên trong nhà thờ có diện tích hơn 700 m2, được xây theo kết cấu vòm chịu lực. Ở vị trí trung tâm là cung thánh, bài trí tượng Chúa dang tay.

Bên trong Nhà thờ Huyện Sĩ (Quỳnh Trần, 2019f)

Tường bên trong có nhiều cửa sổ dạng vòm đỉnh nhọn, các cột ốp đá hoa cương. Mỗi cửa sổ được trang trí bằng lớp kính màu, hình ảnh thường thấy ở các nhà thờ. Những kính nhiều màu sắc được mua từ Ý. Mỗi lớp kính thể hiện hình ảnh chúa, các câu chuyện trong Kinh Thánh.

Ngọn tháp chuông chính cao 57 mét kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois. Bên trong tháp có 4 quả chuông được đặt đúc tại Pháp năm 1905.

Khi vợ ông Huyện Sĩ là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, người ta mới đưa hai ông bà chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ.

Tại gian chái bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sĩ bằng thạch cao gắn cột đầu, phía sau là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Mỗi mộ là một hộp vuông bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối cao khoảng 1 m, dài gần 3 m, có trang trí hoa văn.

Trên nắp mộ là tượng toàn thân của ông bà với kích thước bằng người thật trong tư thế nằm, đầu hướng về cung thánh. Tượng bằng đá cẩm thạch nguyên khối và dính liền với phần mộ (không phát hiện kẽ hở giữa tượng và phần nắp mộ). Tượng ông Huyện Sĩ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày.

Mộ ông Huyện Sĩ (ảnh: Quỳnh Trần)

Tượng bà Huỳnh Thị Tài để đầu trần, cũng gối trên 2 chiếc gối, mắt nhắm kín, mặc áo dài gấm, hai bàn tay đan vào nhau trước ngực, chân đi vớ và mang hài thêu… Hai pho tượng có vẻ đẹp tinh tế, mềm mại và sống động. Từ nét mặt đôn hậu như đang “an giấc ngàn thu” cho đến những đường nhăn của chiếc gối, của đôi vớ bà đi, đường lượn của đế giày, nếp gấp của áo, những sợi gân trên mu bàn tay…, thậm chí đến cả những vòng hoa văn hình tròn chữ Thọ in chìm trên áo dài gấm cũng được thể hiện một cách tinh xảo.

Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên phải) và Anna Đỗ Thị Thao (bên trái). Sở dĩ vợ chồng người con được đặt tượng tại đây vì đã có công dâng cúng 2 trong số 4 quả chuông được đặt đúc bên Pháp.

Ông Lê Phát Đạt (quê quán tại Tân An, Long An) sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) trong một gia đình theo đạo Công giáo, thuở nhỏ ông có tên là Sĩ. Ông được giáo sĩ người Pháp đưa sang Penang (Malaysia) du học. Tại đây Sĩ được học tiếng Latin, Pháp, Hán và quốc ngữ (lúc đó chữ Việt mới sơ khai). Do trùng tên với một người thầy nên Sĩ đổi tên thành Lê Phát Đạt.

Về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi năm 1880được đề bạt làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Tuy nhiên, dù đã đổi tên nhưng người ta vẫn gọi ông là Sĩ. Vị thế một hào phú giàu nhất Nam kỳ của ông Sĩ (được lưu danh trong câu nói “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hảo” của dân Nam kỳ) được nhiều người cho là nhờ ăn may và cả sự liều lĩnh. Vào thời điểm đó, Pháp vừa buộc triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Tuất (1874, triều đình công nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, đổi lại Pháp trả thành Hà Nội và các tỉnh bị Pháp chiếm ở Bắc kỳ cho Nam triều). Do vậy, lòng dân tan tác, ruộng đất hàng chục ngàn mẫu bỏ hoang – không ai dám nhận là của mình vì phải đóng thuế cho Pháp và do đó sợ triều đình bắt tội là hợp tác với Pháp. Thấy đất ruộng bỏ hoang, chính quyền Pháp lập đoàn kiểm tra, khoanh vùng và bán đổ bán tháo cho các viên chức bản xứ, không mua cũng bị ép mua.

Ông Huyện Sĩ lúc đó dành dụm được một số tiền khá lớn, dự định mua ít nhà phố ở Sài Gòn để cho thuê. Nhân việc này ông đánh liều lấy tiền mua một số thửa đất có địa thế tốt và thuê người gieo trồng thử. Không ngờ năm đó mưa thuận gió hòa, lúa lên xanh tốt. Không cần đợi đến cuối mùa, nhận thấy lợi ích từ đầu tư vào ruộng lúa rất lớn, là người quảng giao, ông Huyện Sỹ lập tức đi vay mượn tiền của bạn bè để mua đất tiếp, mấy năm trúng mùa liên tiếp khiến tài sản ông tăng đến chóng mặt, hầu như ruộng đất khu vực Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ đều về tay ông. Khi ruộng lúa bão hòa, lại nhận thấy xu hướng Sài Gòn sẽ sớm gia tăng dân số, mở rộng thành phố, ông lấy lợi nhuận từ lúa để mua hàng loạt khu đất rộng lớn mênh mông sát với thành phố như vùng Gò Vấp (lúc đó chỉ là đất hoang ngoại thành) để cho thuê xưởng, nhà máy, cất nhà cho thuê… Người ta ước tính chỉ riêng nhà cho thuê, ông Huyện Sỹ đã có tới hàng ngàn căn.

Là người được học hành tử tế và bản thân có lẽ cũng hiểu việc giàu lên của mình đi kèm sự mất mát, thiệt thòi của người khác nên ông Huyện Sĩ có cách hành xử đặc biệt. Không giống nhiều phú hộ giàu xổi khác, ông treo trong nhà hai câu đối:

Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách
Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ.

Nghĩa:

Chuyên cần tiết kiệm trong gia đình
Nhẫn nhịn hòa hoãn với người ngoài.

Ông không xây dinh thự quá to lớn, ông cũng không tiêu xài xa xỉ. Các con ông đều được cho đi du học nước ngoài, khi về ông giao cho ruộng đất để kinh doanh tiếp bước gia đình. Noi gương ông, người con trai Denis Lê Phát An cũng hiến tặng tiền để xây nhà thờ Hạnh Thông Tây thay cho ngôi nhà thờ nhỏ cũ kỹ và dột nát.

Nguồn: Bích Hải (2015), Hà Đình Nguyên (2015), Nguyễn Quang (2019a), Quỳnh Trần (2019f).

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố (1909)

Sau khi chiếm được một số tỉnh của Nam Kỳ, người Pháp tổ chức một hội đồng thị xã để cai trị Saigon– Gia Định nhưng chưa có trụ sở chính thức, phải đi thuê. Đến năm 1871, chính quyền Pháp mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một nhà làm việc chính thức cho Hội đồng Thị xã. Khu kinh lấp (tức đường Nguyễn Huệ hiện nay) được lưu ý đầu tiên, nhưng vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền vì nơi đây là vùng đất bùn. Nhiều phương án được đưa ra nhưng vẫn không đạt được sự thống nhất, khiến dự án kéo dài trong nhiều năm.

Tuy nhiên, năm 1898 tòa thị sảnh được khởi công xây cất ngay trên vùng đất đã được chọn trước đó, hiện nay là số 86 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1. Kiến trúc sư Gardès chịu trách nhiệm xây dựng đồ án và họa sĩ Ruffier chịu trách nhiệm trang trí.

Rồi có sự bất đồng ý kiến giữa họa sĩ Ruffier và các nghị viên người Việt trong Hội đồng Thị xã. Họa sĩ Ruffier xin về Pháp nghiên cứu thêm vài chi tiết trang trí, nhưng ông không trở qua. Hội đồng thành phố phát đơn kiện Ruffier vì không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn. Sự bàn cãi giằng co kéo dài mãi đến năm 1907, sau đó hợp đồng của Ruffier bị bãi bỏ và một họa sĩ khác là Bonnet nhận lãnh hoàn toàn mọi công việc trang trí.

Ðến năm 1908 tòa nhà mới được hoàn thành và vụ Ruffier được đưa ra trước Tham chính viện vì Ruffier đã nhận trước một khoản kinh phí là 2/3 trong tổng số kinh phí để thực hiện công việc. Mãi đến năm 1914 vụ kiện này mới được giải quyết, Ruffier buộc phải hoàn lại toàn bộ số tiền đã lĩnh cộng thêm khoản bồi thường thiệt hại cho Hội đồng Thị xã. Nhưng Ruffier vắng mặt vì… không có tiền, nên kết quả huề cả làng.

Tòa nhà được khánh thành vào năm 1909 với sự tham dự của Toàn quyền Ðông Dương nhân kỷ niệm 50 năm duy trì chánh quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn (1859-1909). Ủy ban Thị xã do một Xã trưởng Tây đứng đầu, nên khi xây dinh này xong, người Sài Gòn gọi là Dinh Xã Tây hoặc Dinh Đốc lý (l’Hôtel de Ville), sau này còn có tên là Tòa Đô chánh.

L’Hôtel de Ville (ảnh: fudozon.com)

Tòa nhà có vóc dáng nhại theo kiểu lầu chuông đúc cao có nóc nhọn thường lấy ở vùng miền Bắc nước Pháp, về sau xây thêm lầu chuông ở hai bên. Cách kiến trúc kỳ dị này đã có một thời là đề tài cho các ký giả ngoại quốc chê cười là rườm rà, là ăn cắp kiểu thời kỳ Phục Hưng ở Ý, lai căng Pháp. Thuở ban đầu, hai cánh trái và phải của tòa nhà chính chỉ có một tầng; những năm 1950 mới thêm một tầng.

Phía trước dinh là một công viên có bãi cỏ rộng và ghế đá kéo dài ra đến ngã tư kết nối với bùng binh (bây giờ gọi là vòng xoay) xây bằng bệ xi-măng cao hình bát giác. Khi xưa vào mỗi Chủ Nhật, ban nhạc Hải quân Pháp đem kèn trống chơi nhạc cho công chúng xem, vì thế người Việt gọi tên bồn kèn. Ðây cũng là bùng binh đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn và cả Việt Nam. Sau này, quanh bùng binh người ta trồng nhiều cây liễu rũ thướt tha rất đẹp, nên dân chúng gọi là Bùng binh Cây liễu.

Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc Châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu baroque và rococo, cửa sắt kiểu art-nouveau… Mặt tiền dài 30 m trích dẫn hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940) như tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu… Các chi tiết trang trí mang độ tinh xảo cao.

Bộ ba phù điêu trên tòa nhà (giữa, trái, và phải) là hình tượng nhân cách hóa quốc gia về Nữ thần Marianne – được coi là hiện thân cho Cộng hòa Pháp, biểu hiện cho những giá trị tự do, bình đẳng, huynh đệ, bác ái. Đây là ba cụm điêu khắc mang phong cách cổ điển thường xuất hiện tại những tháp tòa thị chính của Pháp.

Ở giữa, hình tượng nữ thần Marianne bác ái đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông và trên trán tường tòa nhà. Marinanne trong tư thế và trang phục Phrygia, gần giống với tượng nữ thần chiến thắng Samothrace, tà áo bay linh động hài hòa với tất cả chi tiết trong cụm điêu khắc. Hình ảnh đứa trẻ chế ngự 2 con sư tử ách chung với nhau cũng nhằm thể hiện thuộc tính về lòng bác ái.

Phù điêu Nữ thần Marianne ở giữa (ảnh: Hữu Khoa)

Trên trán tháp bên trái là Marianne bình đẳng, đội vành nguyệt quế, sau lưng là cụm olive tươi tốt, tay cầm cuộn sách có trục, bên dưới là cây tích trượng của thần Hermes (tượng trưng sự truyền tin, hướng dẫn và cứu chữa), dưới chân là đống lúa mì với cái liềm gặt.

Trên trán tháp bên phải là Marianne của tự do với tay dựng thanh gươm (biểu tượng công chính) và tấm bia luật, chim câu hòa bình đậu trên mũ tự do Phrygia. Một nhánh cọ biểu tượng cho sự chiến thắng, còn khẩu đại bác và cây súng dưới chân nhắc đến cuộc cách mạng Pháp. Marianne ngực trần như nữ thần tự do trong tranh của Delacroix.

Bên cạnh kiến trúc tổng thể và các phù điêu mang đậm nét văn hóa Pháp, công trình còn thể hiện sự giao hòa với kiến trúc Italy giai đoạn Phục Hưng, thể hiện ở hai lầu chuông hai bên được bổ sung sau này. Ngoài ra, nét kiến trúc Italy còn thể hiện bởi hàng cột tròn theo thức cột Corinth (một trong 3 kiểu cột cơ bản của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại) chống đỡ phần trung tâm của lầu một, được xen kẽ với các cửa vòm cung, tạo sự thông thoáng, mềm mại cho tòa nhà. Do kết hợp đa phong cách, tòa nhà từng bị ví như người phụ nữ mang quá nhiều trang sức.

Thời kỳ thuộc chính quyền Sài Gòn, chức đô trưởng được đặt ra để trông coi thành phố Sài Gòn–Chợ Lớn–Gia Định mà trụ sở đặt tại đây, nên dinh này được đổi tên là Tòa Ðô chánh.

Năm bộ cửa của tòa nhà đúc bằng gang, sơn xanh rắn rỏi ở cổng vào. Đó không phải là những bộ cửa kín bưng theo kiểu thành quách mà là cửa trổ hình hoa văn rất thanh thoát. Trung tâm mỗi cánh cửa là hình dáng hai chữ V và S được khéo léo lồng vào nhau. V viết tắt cho Ville còn S chính là Sài Gòn. Ville de Saigon, tiếng Pháp, nghĩa là thành phố Sài Gòn. Càng bất ngờ hơn, khi nhận ra ba chữ S – H – V được khắc trang trọng nơi các phù điêu lớn gắn bên trên các vòm cửa cổng vào. Đó là từ viết tắt của Saigon – Hôtel de Ville. (Phúc Tiến, 2019)

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tòa nhà này được dùng làm trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố năm 2009 (ảnh: goosmurf)

Bên trong tòa nhà được trang trí đa dạng và cầu kỳ. Từ cổng chính dẫn vào sảnh lớn giữa tầng trệt, hướng thẳng đến cầu thang dẫn lên lầu một. Nơi chiếu nghỉ của cầu thang trước bức vách có hai bức tượng chú bé thiên thần bụ bẫm đang nâng niu ba chữ S-V-H.

Cầu thang lên tầng 1 (ảnh: Hữu Khoa)

Nội thất được trang trí phong phú, đầy khắp các bức tường và trần nhà với rất nhiều bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng, tranh kính nhiều màu sắc hay những bức họa trên trần… rất thời thượng lúc bấy giờ.

Trang trí vòm nhà tầng lầu (ảnh: Phúc Tiến)

Năm 2005, các chuyên gia ánh sáng của Thành phố Lyon giúp thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật làm cho tòa nhà càng thêm rực rỡ.

Mặt tiền về đêm (ảnh: Hữu Khoa)

Là một trong những trụ sở của chính quyền qua các thời kỳ, tòa nhà này đã chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử quan trọng.

Nguồn: Lộc An (2019), Phúc Tiến (2019).

Chợ Bến Thành (1914)

Chợ Bến Thành được khởi công xây dựng từ năm 1912, đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất. Từ lâu, hình ảnh cửa Nam với mặt đồng hồ của ngôi chợ này được xem là biểu tượng không chính thức của Sài Gòn.

Chợ nằm giữa các đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và Công trường Quách Thị Trang (đã bị dẹp bỏ) tại Phường Bến Thành, Quận 1, với diện tích 13.056 m².

Nguyên thủy, Chợ Bến Thành đã có từ trước khi Pháp xâm chiếm Gia Định. Thời đó, vị trí của chợ nằm bên bờ Sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định ngày xưa (bây giờ không còn). Hành khách vãng lai và quân nhân lên bến nước này để vào thành, vì vậy mới có tên địa danh Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là Chợ Bến Thành. Vào thời kỳ đầu, Chợ Bến Thành được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Lúc này, xung quanh chợ dọc theo bờ Sông Bến Nghé, các thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước, buôn bán rất sầm uất. Tuy vậy, sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1836) thì khu vực này bị tàn phá, chợ Bến Thành không còn nhộn nhịp như trước nữa.

Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên Chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy. Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng nha Ngân khố, nay là Trường Đào tạo Cán bộ Ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7 năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.

Khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ. Đồng thời, người Pháp chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới lớn hơn nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.

Nét kiến trúc đặc trưng của Chợ Bến Thànhlà khu tòa tháp với 4 chiếc đồng hồ quay về 4 mặt phía trên cổng chính phía Nam. Ba mặt còn lại của chợ có 3 cổng với kiến trúc đơn giản hơn. Một nét đặc sắc khác trong kiến trúc của Vhợ Bến Thành là trên các cổng đều có gắn những bức phù điêu gốm, mô tả những mặt hàng sản vật của miền Nam với hình con bò, con ngỗng, nải chuối… Các phù điêu gốm này đều do các nghệ nhân gốm Biên Hòa thực hiện vào năm 1952.

Mặt Nam Chợ Bến Thành năm 1943 (ảnh: vntrip.vn)

Kể từ lúc khánh thành, Chợ Bến Thành đã hoạt động liên tục hơn 100 năm qua. Đến năm 1985, khu chợ Bến Thành được cải tạo và sửa chữa lớn, nhưng về kiến trúc cơ bản vẫn được giữ nguyên. Toàn bộ nhà lồng chợ, mái che, các gian hàng, sạp hàng đều được sửa chữa, làm mới và nâng cấp.

Mặt Nam Chợ Bến Thành trước 2017 (ảnh: vntrip.vn)

Ngành hàng kinh doanh chủ yếu của Chợ Bến Thành là: áo quần, vải sợi, giày dép, thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi.

Đặc biệt, Chợ Bến Thành có một khu ẩm thực khá đa dạng và ngon thơm, khiến cho nhiều người vào đây chỉ để ăn uống chứ không mua sắm gì cả. Các món ăn chính có bún mắm, bún riêu, bún thang, bún thịt nướng, cơm tấm, cơm sườn, gỏi cuốn, xôi bảy màu. Các món ăn vặt thì vô vàn như bánh bèo Huế, bánh bột, bánh tráng trộn, bì cuốn, gỏi cuốn, các món ốc… Hàng dài các sạp chè đủ mọi màu sắc từ màu xanh của cốm, màu vàng của chuối, ngô, màu trắng của nước cốt dừa, màu tím của khoai môn, màu đỏ của sương sa hạt lựu… (Luyến Nguyễn, 2019b)

Bên trong Chợ Bến Thành (ảnh: vietnamgrouptour.com)

Ban đêm mới là thời khoảng độc đáo của Chợ Bến Thành. Với nhiều hoạt động giao thương và dịch vụ ẩm thực, nhiều khách du lịch và người dân địa phương tham quan, thưởng thức các món ăn vặt đa dạng hoặc ăn một bữa tối phong phú ngoài trời, nhằm trải nghiệm cuộc sống sôi nổi về đêm của Sài Gòn mà người ta ít thấy ở các thành phố khác tại Việt Nam.

Chợ Bến Thành về đêm (ảnh: vntrip.vn)

Nguồn: Luyến Nguyễn (2019b), Nguyễn Vũ Thành Đạt (2014), Wikipedia_Chợ Bến Thành.

Bảo tàng Lịch sử (1929)

Ngày 18 tháng 2 năm 1927, nhà sưu tầm cổ vật Victor Holbé qua đời, để lại hơn 2000 cổ vật. Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indochinoises) muốn mua lại số cổ vật này, nên quyết định xin 5 hội viên hảo tâm cho mượn trước số tiền trên, đồng thời xin phép chính quyền cho mở cuộc lạc quyên số tiền ấy trong dân chúng để trả lại, với cam kết là sẽ tặng lại nhà nước số cổ vật sau khi mua xong.

Sau khi hoàn tất công việc trên, để có chỗ gìn giữ và trưng bày số cổ vật của Holbé vừa mua được, cùng với nhiều cổ vật khác mà Hội đã có (nhờ thu mua hay được tặng), Hội đề nghị với chính quyền xây dựng Bảo tàng, và xin dành cho Hội một phòng làm trụ sở và thư viện (chứa trên 5.000 tác phẩm chuyên khảo về Đông Dương và Viễn Đông bằng các thứ tiếng).

Thuận theo đề nghị, ngày 28 tháng 11 năm 1927, Thống đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse ký nghị định thành lập Bảo tàng Pacha Da Lagos ở Sài Gòn, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền Nam Kỳ, và thuộc quyền kiểm soát khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ.

Tọa lạc trong Thảo Cầm Viên, Bảo tàng được xây theo lối kiến trúc “Đông Dương cách tân” (style indochinois), do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế. Khi khởi xây (1926), tòa nhà này được dự kiến làm Viện Triển lãm Mễ cốc (Musée du Riz), sau định làm Viện Triển lãm Kinh tế (Musée Économique), nhưng cuối cùng lại quyết định làm Bảo tàng Blanchard de la Brosse.

Ngày 1 tháng 1 năm 1929, chính quyền Nam Kỳ long trọng khánh thành Bảo tàng Pacha Da Lagos. Tòa nhà này có chiều dài 70 m, chiều rộng 30 m, tổng diện tích sử dụng là 2.100 m2. Mặt bằng tổng thể gồm khối tháp bát giác ở giữa làm điểm nhấn và cũng là trục đối xứng cho hai dãy nhà hai bên.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Việt Nam chính thức phục hồi nền độc lập. Ngày 20 tháng 10 năm ấy, Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra nghị định đổi tên các Học viện, Thư viện và Bảo tàng. Theo đó, Bảo tàng Phacha Đa Lagos được đổi tên là Gia Định Bảo tàng viện. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết vì ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn.

Đến ngày 14 tháng 6 năm 1954, Bảo tàng được Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp thu trọn vẹn, sau khi 3 chuyên gia người Pháp rút về nước. Học giả Vương Hồng Sển là quản thủ (giám đốc) người Việt đầu tiên của Bảo tàng này, trong giai đoạn 1956–1964.

Ngày 16 tháng 5 năm 1956, tên gọi được đổi thành Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 3 tháng 9 năm 1958, Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bảo tàng được chính quyền mới tiếp thu nguyên vẹn. Sau đó, vào ngày 26 tháng 8 năm 1979, ngành chức năng cho đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2013 đổi lại tên Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh như quyết định thành lập ban đầu.

Các hoa văn trang trí được sử dụng tại kiến trúc bảo tàng tuy được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, sắt, xi măng) cho thấy sự giao lưu văn hóa Việt–Pháp, góp phần làm cho công trình kiến trúc bảo tàng mang nét Á Đông nhưng cũng rất Tây phương.

Nhìn chung, kiến trúc của công trình có những thiết kế phù hợp với công năng của một bảo tàng như: Nền cao, tường xây dày để chống ẩm và chịu lực tốt; trần cao có cửa sổ sát mái để tận dụng ánh sáng tự nhiên chiếu sáng cho các gian phòng… Tòa nhà luôn được sử dụng đúng với công năng thiết kế ban đầu cho đến ngày hôm nay.

Mặt trước Bảo tàng Lịch sử (Quỳnh Trần, 2019a)

Phần giữa Bảo tàng có một khối bát giác có hai nóc mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu. Trên cùng, là bốn quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Vì vậy, có người cho rằng phần nóc mái này mang nhiều yếu tố của kiến trúc cổ Trung Quốc.

Hai nóc mái với bốn quả cầu (Quỳnh Trần, 2019a)

Năm 1970, Bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cây cảnh lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng với hai lớp mái, có gắn đầu rồng kiểu gặm trang trí ở các góc mái. Nhờ các cửa đều hướng ra hồ cây cảnh, nên phòng trưng bày khá thoáng mát và sáng sủa.

Kiến trúc trang trí bên trong và ngoài bảo tàng sử dụng nhiều họa tiết, hoa văn… mang âm hưởng truyền thống xen kẽ Tây phương.

Trang trí trên vòm bên trong (Quỳnh Trần, 2019a)

Bên trong Bảo tàng có diện tích 3.000 m2, chia làm nhiều phòng với 18 không gian trưng bày. Các phòng thông với nhau ở sảnh chính tại vị trí trung tâm.

Hiện nay, hệ thống trưng bày của bảo tàng Bảo tàng gồm 2 phần:

  • Phần 1: Lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử cho đến hết thời nhà Nguyễn:
  • Thời Tiền sử (cách nay khoảng 500.000 năm – 2879 Tr. CN)
  • Thời kim khí – Hùng Vương dựng nước (2879 Tr. CN – 179 Tr. CN)
  • Thời Bắc thuộc – Đấu tranh giành lại độc lập (179 TR. CN – 938)
  • Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý (939 – 1225)
  • Thời Trần – Hồ (1266 – 1347)
  • Thời Lê sơ – Mạc – Lê -Trịnh và Chúa Nguyễn (1428 – 1788)
  • Thời Tây Sơn (1771 – 1802)
  • Thời Nguyễn (1802 – 1945)

Phần 2: Chuyên đề về văn hóa phía Nam Việt Nam và một số nước châu Á:

  • Văn hóa Champa (thế kỷ 2 -17)
  • Văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 -7)
  • Điêu khắc Campuchia
  • Súng thần công và đại bác (thế kỷ 18 – thế kỷ 19)
  • Sưu tập Dương Hà
  • Gốm một số nước Châu Á: Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam
  • Xác ướp Xóm Cải ở Sài Gòn
  • Sưu tập Vương Hồng Sển với gần 170 hiện vật và tư liệu
  • Văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam
  • Tượng Phật một số nước Châu Á: Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…

Bảo tàng có hơn 40.000 hiện vật có giá trị… Ngoài ra, Bảo tàng còn có trên 25.000 sách báo và tài liệu, cũng có giá trị cho công việc nghiên cứu các ngành khảo cổ học, dân tộc học, sử học, bảo tàng học…

Câu chuyện giữa Ngô Đình Diệm và Vương Hồng Sển

Vương Hồng Sển (2017) viết về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc tác giả đang làm Giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử, qua đó chúng ta hiểu biết thêm về vài hiện vật trong Bảo tàng này.

Ngày 17-12-1960, Tổng thống Diệm đón tiếp một ông thượng khách Tàu từ Trung Hoa hải đảo trẩy sang. […] hai người dạo khắp đó đây mà trời còn sớm quá chưa tới giờ về dinh ngự thiện, ông bỗng nảy ý cùng với khách đến xem một lần cho biết Viện bảo tàng Sài Gòn, mà ông chưa đặt chân đến lần nào. […]

Phái đoàn hiện đã qua khỏi cửa đại môn, lướt qua khỏi phòng mỹ thuật Chàm, và đang đứng ngắm nghía chuyện trò nơi phòng mỹ thuật Cơ-me. […]

… bỗng ông dừng bước, ngó ngay mặt tôi và chăm bằm nói trống:

–  Hãy nói tiếng Việt. Tôi sẽ dịch lại. Không được dùng ngay tiếng Pháp. Nhớ chứ?

[…]

Ông Tổng thống đi đến giữa phòng Cổ Cao Miên, đứng lại lấy gậy nhịp nhịp vào một khối đá vuông và to, đầu tròn, đặt ngay trung tâm phòng nầy và hỏi trống:

–  Cái chi đây?

–  Thưa Tổng thống, viên đá nầy, chữ Phạn gọi linga, tiếng Việt dịch sợ khó nghe.

–  Cho phép nói.

–  Dạ thưa, đó là cái ngọc hành, đạo Bà-la-môn thờ dương vật làm thần tạo hóa, sanh sanh biến biến, vũ trụ cũng là đó. Phạn tự gọi linga, Pháp giữ y cũng gọi linga, không đổi.

Tôi vừa nói câu nầy, bỗng thấy Tổng thống đỏ mặt nhưng thản nhiên dịch lẹ:

–  Đây là hòn đá thiêng của đạo Bà-la-môn, gọi linga, các người biết chứ? (C’est une pierre sacrée du culte brahmanique, le linga, vous le savez bien?)

Rồi ông lật đật xách gậy, lẹ làng bước qua chỗ khác. Tôi chạy theo định giới thiệu ông đứng lại xem một tượng Phật đá ngồi buông thòng hai chân xuống đất theo điệu ngồi Tây phương, không như các tượng Phật khác ngồi xếp bằng theo điệu tham thiền thường thấy, nhưng ông chưa hết đỏ mặt, giả chước không nghe và vẫn bước tới trước, tự tìm những cổ vật lạ để ngắm xem lấy mình.

Tôi thầm phục ông là người có bản lĩnh, không phải bất cứ ai muốn dẫn dắt, “xỏ mũi” ông thế nào ông cũng nghe, đến đây tôi giựt mình, tự xét tốt hơn là phải biết an phận, ông hỏi gì sẽ liệu mà ứng đối, không nên láu táu mà bỏ mạng sa tràng với ông. Nãy giờ tôi mới hiểu thâm ý của Tổng thống, sở dĩ ông bắt buộc tôi nói tiếng Việt cho ông dịch lại tiếng Pháp là đề phòng sợ tôi nói ngay Pháp ngữ rủi có sơ hở lỡ lời, lấy lại không kịp, và như vây là ông cố ý muốn duyệt lại những gì tôi trình bày, liệu cái gì chính đáng ông sẽ dịch, cái gì thừa thãi có hại, ông sẽ bỏ bớt, như vậy ông sẽ làm chủ câu chuyện và giữ được bí mật, quả ông cao thâm lắm và vì tôi còn thấp trí nên khinh thường. […]

… bỗng ông Tổng thống đứng lại ngay một viên đá dài kê bên vách, hất hàm hỏi:

–  Cái gì đây?

–  Thưa Tổng thống, đó là đặc điểm của tinh thần đạo Phật phái Cổ Cao Miên. Hình đá nầy chạm tích vị thần Indra biến thân hóa làm con voi lớn có ba đầu, hai đầu tả hữu dùng vòi nắm chặt đầu rắn dữ Mãng xà vương, chạm đuôi rắn quấn chắc hai bên đông tây đại hải, rồi dùng phép thần căng thẳng thân con rắn Khổng Lồ ấy hóa ra sợi dây thần thông dài thiên lý, dùng đó toan tát cạn nước biển để tìm cho được vị thuốc trường sanh bất lão, sẽ làm cho con người trắng da dài tóc sống mãi đời đời thiên thu bất diệt. Thưa Tổng thống, Tổng thống để ý xem như viên đá nầy chạm khấc từ thế kỷ thứ X thứ XI, thế mà linh động vô song, và người thợ đá chế tạo, quả tài tình có một. Dưới nét chạm chỗ nầy, thưa đó là mấy con chim ăn bám, bình sanh theo sát người mà đớp bóng bắt mồi, chim no lòng khỏi tốn công tìm bắt, và đây, thưa Tổng thống, đây là thợ đá tạc hình những người còn mê sa vật chất nên phải chết đuối, thân còn lặn hụp giữa khổ ải trầm luân. Như vậy bức đá chạm tuyệt tác nầy tượng trưng xã hội chúng ta, luôn luôn vẫn có bọn ăn bám ở nhờ, luôn luôn có người đắm đuối trong ba đào biển khổ.

Câu viết tuy dài, nhưng lúc nói, tôi nói chậm và rõ ràng từ tiếng, nói tới đâu tôi trộm thấy mặt ông Tổng thống sáng lên, như bao nhiêu bực dọc nãy giờ đã tiêu tan, tôi thấy ông cười cười dường như vui lên, khiến cho tôi thao thao bất tuyệt ráng diễn sát nghĩa và giữ đúng tinh thần của người thợ cổ để lại trong phiến đá câm. Sự thật lúc ấy tôi cố đem sở trường học hỏi bấy lâu cố thuyết phục vị tân khách Tàu và ông Tổng thống công giáo nầy rằng đạo giáo miền Nam từ nhiều đời vẫn có truyền thống riêng và vẫn có chứa ẩn nhiều diệu thuật mà những người theo đạo nước khác chưa khám phá được tường tận. […]

Tổng thống vui vẻ bước qua phòng Đế Thiên Đế Thích, nhưng đến đây ông khách thân mật lấy tay chỉ một pho tượng Phật bằng gỗ cao trên ba thước dựng sát vách và lấy mắt hỏi Tổng thống.

Ông Tổng thống lấy cây gậy nhịp nhịp dưới sàn gạch hoa, tôi biết ý bước lại gần, ông hất hàm hỏi:

–  Phật nầy bằng gỗ gì, làm đời nào?

–  Thưa Tổng thống, vị Phật nầy, trước năm đảo chánh 1945 nhà học giả Malleret đem về từ ruộng sâu làng Phong Mỹ ở Đồng Tháp Mười. Phật làm bằng gỗ mù u và có lẽ đã có từ đời Tiền Đế Thiên Tiền Đế Thích, tức đã lâu đời lắm. Gỗ mù u, danh từ chuyên môn La tinh gọi gỗ Calophyllum inophyllum.

–  Gỗ chi? – Tổng thống cắt ngang lời tôi nói, vì có lẽ ông không biết nên dịch ra làm sao danh từ lạ tai Calophyllum inophyllum nầy.

–  Dạ thưa, gỗ mù u. – Và để ông dễ hiểu, tôi lật đật nói trớ lại – Thứ gỗ nầy, ở miền Nam mọc nhiều, quả nó tròn làm gáo múc dầu, mủ nó xức ghẻ mau lành lắm.

–  Đây là Phật bằng gỗ, – Tổng thống nương lời tôi nói mà dịch lại – Phật bằng gỗ tìm gặp ở Đồng Tháp Mười, xưa gần ngàn năm làm bằng gỗ mù u, thứ gỗ nầy mủ nó dùng trị ghẻ chốc. (Voici un bouddha en bois, trouvé au Tháp Mười, de près de mille ans d’âge, fait dans un bois qui s’appelle “mù-u”, et dont la résine sert à guérir la gale, là?)

[…]

Qua tới phòng mỹ thuật Việt Nam, hai ông dừng lại trước một tủ kính, trong có chưng một bức bình phong Pháp lam (cloisonné) xinh xinh, đế làm bằng gỗ trắc quý trổ ra hình chữ “Vương” có vân mây bao trùm, xem khéo lắm.

–  Cái ni là cái chi? – Tổng thống hỏi.

–  Dạ thưa, đây là bức bình phong Pháp lam của vua Minh Mạng, có bài thi ngự chế.

Ông chống gậy cúi xuống xem, hai người cùng đọc bài thi chữ Hán. Bỗng ông Tổng thống dõng dạc nói:

–  Mấy người biết chứ! Các vị tiên vương nước Đại Nam đều là thi sĩ. Đây là một bài ngự chế của ngài Minh Mạng đó. (Vous savez que les anciens Empereurs du Đại Nam étaient tous des poètes. Voici une poésie écrite de la main de l’Empereur Minh Mạng.Voi là).

Cắt nghĩa xong, Tổng thống đưa khách qua phòng mỹ thuật Ốc Eo, không ngó vật nào, và ông bước đi thoăn thoắt, không cần biết đến ai, tay xách gậy ngoe nguẩy bước ra Đại môn, bọn tùy tùng ráp lại tiền hô hậu ủng, và tôi thoát nạn. […]

Nguồn: Lê Công Sơn (2019), Quỳnh Trần (2019a), Vương Hồng Sển (2017), Wikipedia_Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bảo tàng Mỹ thuật (1934)

Thời xưa, người ta thường nói về hai đại gia Nam Kỳ nổi tiếng qua câu “Đi tàu Chú Hỷ, ở phố Chú Hỏa”.

Vương Hồng Sển (1960) viết về Chú Hỷ:

Có tàu chạy khắp Lục Tỉnh, hễ đường nào có tàu Tây hãng Vận tải đường sông rạch (Compagnie des Messageries Fluviales) thì có tàu Chú Hỷ chạy kèm, giá vé rẻ hơn, cơm nước dễ chịu, bộ hành cũng biệt đãi hơn, nhưng về giờ khắc thì không đúng hẳn như tàu hãng Pháp.

Còn về Chú Hỏa, năm 1865, ở tuổi 20, ông di cư đến Sài Gòn, có thời xin vào làm chân phụ việc tại một hiệu cầm đồ mang tên Ogliastro do một người Pháp làm chủ: Louis Ogliastro. Nhờ siêng năng và tốt bụng, Chú Hỏa được ông chủ Pháp thương, giúp vốn mở tiệm cầm đồ. Tiệm cầm đồ đầu tiên là tòa nhà ở góc đường Phó Đức Chính–Nguyễn Thái Bình, thuộc Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1. Đối diện tiệm cầm đồ của ông thuở đó vẫn là một khu đất trống.

Năm 1896, Chú Hỏa thành lập công ty bất động sản mang tên “Hui Bon Hoa và các con”, chuyên mua bán nhiều thửa đất ở Sài Gòn, Chợ Lớn cũng như nhiều nơi ở Nam kỳ. Danh tiếng Chú Hỏa từ đó lừng lẫy khắp Đông Dương. Các con của ông được du học và làm việc ở nước ngoài.

Vương Hồng Sển (1960) viết về Chú Hỏa:

Tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập Pháp tịch, nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời… Đến nay các con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trƣởng huynh khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào. Sơ khởi chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một ngƣời Pháp bao thầu khuyếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de piété) trong Nam Kỳ. Về sau rã hùn, người Pháp được chia một số tiền to lớn và Chú Hỏa làm chủ vĩnh viễn các sản nghiệp đất cát miền Lục Tỉnh. Hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty nầy được tiếng là “rất biết điều” và không eo xách, làm khó người mướn phố.

Chú Hỏa có tên thật là Hui Bon Hoa 黃文華 tức Hoàng Văn Hoa (1848-1901), nguyên quán ở Nam An, sau chuyển đến sống ở Hạ Môn, Phúc Kiến. Ông đến Việt Nam lập nghiệp năm 20 tuổi. Ông có ba người con trai lần lượt là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa). Cả ba người con đều sinh ra ở Trung Quốc, nhưng khi lớn lên đến Nam Kỳ để giúp Chú Hỏa tạo nên một sự nghiệp lừng lẫy.

Ban đầu, hai cha con chỉ có đôi quang gánh sang đất Nam Kỳ làm nghề ve chai. Từ Sài Gòn–Gia Định đến các vùng ngoại thành, gặp thứ gì cũng mua: soong ấm bể, quần áo, mùng mền cũ… gom về đem bán lại cho một vựa ở Chợ Lớn. Vậy mà chỉ ít năm sau, chú Hỏa đã mua được một căn phố ở gần cầu Ông Lãnh làm… “địa điểm tập kết” ve chai cho bạn bè đồng hương. Thời gian sau, chú mua thêm mấy căn phố bên cạnh mở cửa hàng. Chú Hỏa làm thêm nghề cho vay. Chú mua đất, cất nhà cho thuê, mua dãy phố dọc khu cầu Ông Lãnh, Chợ Lớn, rồi mở thêm tiệm cầm đồ. Nhờ có đầu óc kinh doanh, chú Hỏa góp vốn mở công ty địa ốc với một người Pháp nên chú nhập quốc tịch Pháp, lấy tên Jean Baptiste Hui Bon Hoa cho tiện việc làm ăn. Chú phát triển thêm nghề buôn và bỏ tiền làm chủ ngân hàng, mua những căn phố lớn ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên… thu mua thóc gạo. (Lý Nhân Phan Thứ Lang, 2015b)

Khi in tác phẩm Sài Gòn năm xưa vào năm 1960, Vương Hồng Sển ghi: “Hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ”.

Phạm Ngọc Hường (2020) ghi rõ hơn:

Trong thời kỳ cực thịnh, hầu như con phố nào ở Sài Gòn–Gia Định đều có những tòa nhà, căn hộ của gia tộc Hui Bon Hoa cho thuê. Trong toàn thành phố có khoảng hơn 200.000 bất động sản cho thuê thì có tới 40.000 căn thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa.

Một số nguồn khác ghi Chú Hỏa có hơn 20.000 căn nhà mặt tiền khắp Sài Gòn.

Người Nam Kỳ xếp ông vào hàng thứ tư của Tứ đại Phú hộ: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

  • Sĩ: Huyện Sĩ tức Lê Phát Đạt, ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu. Xem mục: Nhà thờ Huyện Sĩ (1905).
  • Phương: Đỗ Hữu Phương, cộng sự đắc lực của thực dân Pháp, do được Pháp phong hàm Tổng đốc Danh dự nên còn được gọi là Tổng đốc Phương.
  • Xường: Lý Tường Quan, người Minh Hương, do làm chủ tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường.
  • Hỏa: Chú Hỏa tức Hui Bon Hoa.

Chú Hỏa dành dụm tiền mua khu đất rộng 3 ha đối diện tiệm cầm đồ đầu tiên của ông, được bao bọc bởi 4 con đường: Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Calmet và Lê Thị Hồng Gấm. Trên khu đất này, ông cho xây bốn căn nhà sát nhau, mỗi căn cho một người con trai mang tên mỗi người thêm một căn cho dòng họ mang tên Hui Bon Hoa đặt bàn thờ tổ tiên. Hẳn bốn căn nhà này khá đặc biệt, thể hiện sự giàu có của một trong “tứ đại phú gia” Sài Gòn xưa, cho nên từ khi ấy dân gian gọi bốn căn nhà chung một tên là “nhà chú Hỏa”.

Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây.

Năm 1925 các con trai của ông nhờ hai kiến trúc sư người Pháp là Paul Veysseyre và Kruze vẽ đồ án cho “khu nhà chú Hỏa”, xây dựng theo hướng liên kết các khối nhà để làm các văn phòng của công ty địa ốc mang tên “Hui Bon Hoa, cha và các con” tầng trệt và khu gia cư ở các tầng lầu. Tòa nhà hợp nhất có diện tích khoảng 4.000 m2, được xây kiên cố với một trệt ba lầu, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông–Tây kết hợp. Công trình có bố cục đăng đối, gồm hai dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc khép kín, tạo thành một giếng trời ở giữa.

Tòa nhà được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách art décort, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á–Âu, với kỹ thuật xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tường nhà được đúc kiên cố, kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí. Mặt tiền của ngôi nhà gồm phong cách mái vòm tròn, vòm nhọn, mái cửa vào theo thức bản địa và lối đi hai bên không cho đâm thẳng vào nhà.

Ngoài sự kết hợp Á– Âu ở hình thức kiến trúc, bố cục mặt bằng và tổ chức không gian nhà chú Hỏa thể hiện rõ trường phái kiến trúc Đông Dương. Đó là việc tổ chức hài hòa kiến trúc và môi trường (sân, vườn), mặt bằng bố trí hệ thống hành lang bao quanh để tạo vùng đệm thông thoáng, hệ thống cửa trong kính ngoài chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Toàn bộ công trình có bộ mái lớn, dốc vươn xa để che mưa nắng, phía dưới mái là một không gian thoáng với những ô cửa thông hơi hình tròn…

Mặt tiền tòa nhà (ảnh panorama: Traveloka)

Tòa nhà có tường dày 40-60 cm, màu vàng đặc trưng kiến trúc Pháp. Mặt tiền với ban công đưa ra phía ngoài, mái vươn xa. Mỗi cửa của tòa nhà mang phong cách kiến trúc khác nhau, trên mỗi cửa có hệ thống hoa sắt uốn công phu, đẹp mắt. Cửa chính và cổng khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, khung bằng thép, trên vòm cửa có ba mẫu tự cách điệu H B H – viết tắt tên chủ nhân Hui Bon Hoa.

Cửa vòm có ba mẫu tự cách điệu H B H (ảnh: VoV)

Bên ngoài, gốm xanh được ốp ở các dãy cột, con tiện, diềm mái… Màu gốm hòa với màu vàng nhạt của tường tạo thành nét trang nhã cho tòa nhà.

Gốm xanh ốp trên mặt tiền (ảnh: Thuận Thắng)

Sân sau thực chất là giếng trời rộng, được tạo ra để trở thành hệ thống điều hòa không khí sạch trong thời kỳ này.

Giếng trời (ảnh: Eureka287)

Tòa nhà được lợp ngói âm dương, loại phổ biến trong kiến trúc ở Việt Nam và các nước Á Đông. Trên đỉnh các mái trang trí nhiều hoa văn được tráng men tạo màu xanh lục.

Một số đỉnh mái gắn tượng gà trống Gaulois bằng gốm. Gaulois là biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp, với dáng hình oai vệ, màu đỏ, đuôi cong lên. Con gà thể hiện cho quyền lực và lòng dũng cảm.

Bên trong tòa nhà chính giữa của khu “nhà chú Hỏa”, từ những ngày tháng 5 năm 1975, người ta còn thấy một chiếc đòn gánh được đặt trân trọng trong tủ pha lê ở khu vực trong cùng ở chính giữa căn nhà, tức ngay gian thờ. Chú Hỏa cho thờ cái đòn gánh thuở hàn vi là để nhắc con cháu đừng quên quá khứ của gia đình, rằng gia đình này đã thoát nghèo bằng cách gì, đã giàu lên nhờ cái gì. Chiếc đòn gánh tượng trưng cho sự tảo tần, cho lao động nhọc nhằn và mải miết, cho những tháng năm gồng mình gánh chịu biết bao gánh nặng mưu sinh, và cũng tượng trưng cho một quyết tâm đổi đời, một nội lực dữ dội dưới đôi vai. (Hồ Tường, 2016).

Tòa nhà có những hành lang dài, nhiều cửa với kiểu cuốn vòm để lấy gió, ánh sáng tự nhiên. Toàn bộ nền lát bằng gạch với nhiều kiểu hoa văn. Mỗi khu vực, mỗi tầng có kiểu dáng gạch khác nhau.

Gạch lát hoa văn (ảnh: VoV)

Bên trong dinh thự gồm nhiều gian, được xây theo kết cấu vòm chịu lực. Nội thất sảnh của tòa nhà có những trang trí hoa văn đắp nổi trên trần, mỗi gian đều lắp đèn chùm kiểu Pháp.

Cầu thang có mặt bằng hình chữ U với ba vế, được lát đá cẩm thạch, lan can sắt uốn.

Cầu thang (Luyến Nguyễn, 2020b)

Dinh thự của Chú Hỏa là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, là thứ xa xỉ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy là sản phẩm của Châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.

Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa dần dần chuyển sang các nước khác: Anh, Pháp (đa số), Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ … Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hui Bon Hoa đã rời Việt Nam.

Sau chiến tranh, hai ngôi nhà mang tên Hui Bon Hoa và Tang Hung được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ Thuật, ngôi nhà Tang Phien được cho thuê, còn ngôi nhà Tang Chanh thì không còn nữa. Theo quy định của Pháp, người có quốc tịch Pháp làm chủ bất động sản ở Việt Nam trước 1975 được bồi thường phần nào nếu nhà nước Việt Nam trưng dụng bất động sản của họ. Vì thế, gia đình Hui Bon Hoa cũng được nhận bồi thường cho khu nhà Chú Hỏa. (Saigoneer, 2016)

Bảo tàng Mỹ Thuật đón nhận khách từ năm 1992, địa chỉ ở 97 Phó Đức Chính. Đây là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật, tác phẩm nghệ thuật qua các thời kỳ.

Với tổng diện tích trưng bày 2.890 m² bên trong và 1.623 m² trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Mỹ thuật là địa điểm lý tưởng để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật giá trị bởi vì chính tòa nhà cũng có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm trưng bày tại đây phần lớn là của các tác giả miền Nam hoặc liên quan đến những giai đoạn lịch sử của Nam Bộ.

Hiện nay, tầng hầm ngoài văn phòng làm việc còn là các gallery tranh – nơi trao đổi, mua bán tác phẩm đồng thời là nơi giao lưu của các nghệ sĩ. Lầu 1 là không gian triển lãm, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Lầu 2 là không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại. Nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm có giá trị của các tác giả lớn như Diệp Minh Châu, Đinh Rú, Nguyễn Sáng, Nguyễn Siên, Nguyễn Gia Trí… Có tranh của các họa sĩ Canada, Hàn Quốc, Indonesia, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Ý… Cũng có mục đích truyên truyền: bộ sưu tập ký họa chiến trường của nhiều họa sĩ, chiến sĩ.

Lầu 3 là nơi trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật cổ đại, cận đại và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Còn khu vực ngoài trời và hành lang giới thiệu với công chúng nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại.

Trong những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, nổi bật là bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Đây là tác phẩm được họa sĩ sáng tác lâu nhất, từ năm 1969 đến 1989 mới hoàn thành, có kích thước lớn 200 x 540 cm, năm 2013 được công nhận “bảo vật quốc gia”.

Bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí (ảnh: Hungneo)

Có một tác phẩm đặc biệt bất đắc dĩ trong bảo tàng này: bức tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký. Tháng 12 năm 1927, trong một buổi lễ long trọng bức tượng này được dựng lên trong công viên đầy cây xanh trước dinh quan toàn quyền trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Tượng do nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để xây dựng. Thời thế thay đổi, chính quyền mới không đánh giá cao Trương Vĩnh Ký nên đưa tượng ông về Bảo tàng Mỹ thuật, nhiều năm đặt ở vị trí thấp kém như là đồ phế thải. Có lúc người ta thấy tượng Trương Vĩnh Ký được dựng ở sân sau của tòa nhà, đối diện với tượng Quách Đàm (người Hoa đã có công xây dựng Chợ Bình Tây, Quận 6, năm 1928).

Ngoài tòa nhà trên được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật, gia đình Hứa Bổn Hòa còn để lại cho Sài Gòn một số công trình đáng kể khác.

  • Khu đất nằm giữa các đường Lý Thái Tổ, Trần Bình Trọng và Hùng Vương, có diện tích hơn 3,7 ha chủ yếu là không gian xanh gồm những thảm cỏ, vườn hoa và những cây cổ thụ có tuổi thọ gần 100 năm, có bảy ngôi biệt thự xây dựng theo kiến trúc cũ dạng một trệt cùng một hoặc hai lầu, chiếm tổng diện tích khoảng 7.000m². Thời Pháp thuộc, chính quyền đặt tên Hui Bon Hoa cho một con đường lớn chạy qua khu đất này. Đến tháng 3 năm 1955 con đường này đổi thành đường Lý Thái Tổ, là địa giới Quận 3 và Quận 10 cho đến nay. Sau năm 1954, các ngôi biệt thự được dành cho Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến ở. Đến năm 1975, Bộ Ngoại giao thuộc chế độ mới tiếp quản và quản lý để dùng làm Nhà khách Chính phủ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.
  • Phước Thiện Y Viện (1909), nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi, số 314 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5.
  • Khách sạn Majestic (1925), mang dáng vẻ kiến trúc cổ Châu Âu thời Phục hưng, thuộc hàng cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn.
  • Chẩn Y Viện (1937), nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, số 125 Lê Lợi, Phường Bến Thành , Quận 1. Trước 1975, trên tường lầu ba bệnh viện còn đề chữ Hôpital Jean Baptiste Hui Bon Hoa.
  • Maternité Indochinoise tức Bảo sanh viện Đông Dương (1937), dưới thời Việt Nam Cộng hòa mang tên Bảo sanh viện Từ Dũ, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, số 284 Cống Quỳnh, Quận 1.
  • Thành Chí học hiệu, nay là Trường THCS Minh Đức, số 75 Nguyễn Thái Học, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1.
  • Chùa Phụng Sơn (1949), số 1408, 3 Tháng 2, Phường 2, Quận 11. Thật ra chùa này được tạo lập vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Long. Có lẽ Chú Hỏa giúp trùng tu sau này (?)
  • Chùa Kỳ Viên (1949-1952), số 610 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 3, Quận 3.

Tóm lại, gia đình Chú Hỏa có vị trí đặc biệt trong dòng lịch sử của đất Sài Gòn–Gia Định–Chợ Lớn. Họ làm giàu nhưng tỏ ra biết ơn nên cưu mang nuôi ăn người cơ nhỡ, đối xử tử tế với những người thuê nhà của họ, xây chùa, bệnh viện và trường học. Khi chết, hai người con Thang Hung và Thang Chanh gửi nắm xương trên vùng đất Nam Kỳ – chính xác là ở Đồng Nai. Cho đến năm 2014, vẫn còn có những gia đình được giao nhiệm vụ chăm sóc phần mộ của hai ông.

Nguồn: Hoài Thương (2020), Hồ Tường (2016), Luyến Nguyễn (2020b), Lý Nhân Phan Thứ Lang (2015b), Saigoneer (2016), Trần Đình Ba (2020).

Những kiến trúc nổi tiếng đã mất

Thành Phiên An (1790-1835) – Thành Gia Định (1836-1859) – Thành Ông Dèm (1873)

Thành Phiên An được Nguyễn Ánh cho xây dựng vào năm 1790, do có 8 cửa tạo hình dáng giống bát quái trận đồ nên còn được gọi là Thành Bát Quái, và cũng giống hình con rùa nên còn có tên khác là Quy Thành.

Nguyễn Ánh nhờ hai sĩ quan công binh người Pháp là Oliver de Puymanuel và và Le Brun vẽ họa đồ án thiết kế Thành Phiên An, rồi huy động 30.000 dân phu, thầy thợ đắp thành. Thành được xây theo kiểu Vauban, có mặt bằng tương tự như Thành Đồng Hới và Thành Nội ở Huế ta còn thấy ngày nay. Vách thành cao 4,80, toàn bằng đá ong Biên Hoà kiểu “lục lăng”, chịu đựng tốt với súng, đạn pháo hiện đại nhất thời đó.

Theo Vương Hồng Sển (1960), năm 1926 khi thợ đào móng cất nhà chọc trời góc đường Đồng Khởi–Lý Tự Trọng, ở độ sâu khoảng 5,6 m thấy một số đá ong lục lăng, định chắc đó là chân cũ vách Thành Phiên An. Số đá lục lăng này được lưu trữ tại kho của Bảo tàng Lịch sử trong Thảo Cầm Viên. Một di tích khác của Thành Bát Quái được đào thấy năm 1935 gần Bệnh viện Grall (ngày nay mang tên Nhi đồng 2), góc đường Lý Tự Trọng–Chu Mạnh Trinh. Có ý kiến cho rằng Đường Lý Tự Trọng là con đường đắp trên hào thành xưa.

Chu vi Thành Phiên An được xác định bởi bốn con đường sau:

  • đông-nam:  Lê Thánh Tôn.
  • tây-bắc: Nguyễn Đình Chiểu. Khoảng năm 1920 tại góc Nguyễn Đình Chiểu – Đinh Tiên Hoàng còn có hào thành sâu, có hai cây cầu bắc qua hai hào cạn (hào trong và hào ngoài).
  • tây-nam: Nam Kỳ Khởi nghĩa. Thời ông Vương Hồng Sển, “ ở giữa khoảng nhà dòng (Presbytère) nguyên vị trí góc thành xưa, còn nhiều dấu vết Quy Thành, nhìn kỹ còn nhận được”.
  • đông-bắc: Tôn Đức Thắng nối với Đinh Tiên Hoàng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Phiên An là tòa thành đồ sộ nhất trong lịch sử nhà Nguyễn. Bên trong thành xẻ 4 đường ngang, 4 đường dọc thành những ô vuông. Nhà Thái miếu và kho một bên, xưỏng trại một bên, ở giữa là hành cung. Trại lính được phân bố chung quanh để quân túc vệ ở.

Trong sơ đồ dưới đây do Trương Vĩnh Ký vẽ, các ký hiệu là A: cung vua, B: cung hoàng hậu, C: cung thái tử, D: y viện, E: trại lính, F: xưởng quân cụ, G: trại súng, H: kho thuốc súng, V: di tích cho thấy tường thành. Chữ in hoa là tên các cửa thành.

Thành Phiên An và Thành Gia Định (dotrongdanh.vn)

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, dời kinh đô từ Gia Định kinh (Sài Gòn) về Huế. Ông sai tháo dỡ sườn nhà Thái miếu ở Sài Gòn chở ra Huế dựng lại.

Năm 1813, Gia Long sai Nguyễn Văn Nhân và Trịnh Hoài Đức lập hành cung tại Sài Gòn, có xây gác chuông và gác trống hai bên, với ý thiết lập triều đình tạm trong Nam phòng khi cần đến.

Khi làm Tổng trấn Gia Định Thành, năm 1830 Tả quân Lê Văn Duyệt cho củng cố Thành Phiên An cao thêm một thước rưỡi và dùng toàn đá ong, nên thành càng kiên cố. Vì việc gia cố thành, cộng với hiềm khích trước đó, vua Minh Mạng (nối ngôi Gia Long) khép Lê Văn Duyệt tội nhị tâm (hai lòng) và cho san bằng mồ mả ông sau khi mất.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự biến Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt nổi loạn, đánh chiếm Thành Phiên An và 6 tỉnh Nam Kỳ (1833-1835). Để đánh bại Khôi, Minh Mạng huy động hàng chục nghìn quân thủy, bộ vào Nam, bao vây chặt thành Phiên An. Do thành được xây dựng chắc chắn, bên trong lại có đủ khí giới và lương thực nên phải mất 2 năm mới chiếm được.

Sau khi dẹp binh biến Lê Văn Khôi, năm 1935 Minh Mạng cho phá bỏ Thành Phiên An. Năm sau, ông ra lệnh xây thành mới là Gia Định (còn được gọi là Thành Phụng, Pháp gọi là La Citadelle de Saïgon), ở góc phía bắc thành cũ.

Theo Đại Nam nhất thống chí, Thành Gia Định có chu vi khoảng 1.960m (thành cũ 4.000m), diện tích so với thành cũ chỉ bằng 1/4, cũng được xây bằng đá ong Biên Hòa và theo mẫu kiến trúc Vauban nhưng nhỏ, dễ bị bắn phá hơn vì chỉ có 4 pháo đài (Thành Phiên An có 8 pháo đài). Thành nhỏ, đơn giản nên chỉ cần 10.000 dân phu xây trong hai tháng đã xong.

Chu vi Thành Phiên An được xác định bởi bốn con đường sau:

  • đông-nam:  Lê Duẫn
  • tây-bắc: Nguyễn Đình Chiểu
  • tây-nam: Mạc Đĩnh Chi
  • đông-bắc: Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp dưới quyền Phó Đô đốc Charles Rigault de Genouilly tấn công Thành Gia Định và nhanh chóng thiêu rụi thành này.

Như vậy Thành Phiên An tồn tại 45 năm và Thành Gia Định 23 năm. Hai tòa thành có số mệnh tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn đáng kể trong lịch sử Sài Gòn. Nếu Thành Phiên An thể hiện tư duy quân sự hiện đại của phương Tây, thì Thành Gia Định  – hoàn toàn do người Việt xây – chứng tỏ tính tự chủ, tuy rằng vị thế chiến lược của Sài Gòn bị xem nhẹ.

Từ nền thành Gia Định xưa, năm 1870 bản thiết kế một ngôi thành mới của hai kiến trúc sư người Pháp là Varaigne và  A. Dupommier đã được vẽ và thi công, 11 năm sau khi các khối kiến trúc lớn của thành Gia Định bị nổ tung. Vật liệu xây thành lấy từ gạch, sắt của thành Gia Định vẫn còn ngổn ngang nơi đây

Bản vẽ này cho thấy thành mới chiếm diện tích chỉ bằng gần một nửa thành cũ ở phía đông-bắc, chu vi chỉ khoảng 1.400 m; hiện nằm khớp trong bốn con đường: Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hàng loạt các cuộc tập kích của người dân Gia Định liên tục diễn ra, khiến cho việc xây thành mới kéo dài đến ba năm, năm 1873 mới xong; đặt tên Martin des Pallières là tên một tướng Pháp.

Thành mới này gồm ba khối kiến trúc chính: hai khối nhà dài một trệt một lầu hai bên cổng và một khối nhà một trệt hai lầu xây cao hẳn trên nền đất. Một cổng ở vị trí hiện nay là giao lộ Đinh Tiên Hoàng–Lê Duẫn, cổng kia ở vị trí hiện nay là giao lộ Đinh Tiên Hoàng–Nguyễn Thị Minh Khai.

Phía ngoài tòa thành mới này vẫn còn hệ thống lũy đất quanh thành, vì thế trong các bản đồ, hình vẽ trước 1900 hầu như đa số còn vẽ nguyên hình dáng thành Gia Định xưa. Từ 1900, hệ thống lũy đất này bị san bằng nên các bản đồ sau đó không còn thấy hình dáng  thành Gia Định xưa nữa.

Từ năm 1890, thành thuộc quyền sử dụng của Trung đoàn 11 Bộ binh Hải quân (11ème Régiment d’infanterie de marine – 11ème RIM), sau đổi tên là Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa (11ème Régiment d’infanterie coloniale – 11ème RIC). Dân thường lúc bấy giờ gọi căn cứ của trung đoàn này là Thành Ông-Dèm, đọc trại từ onzième trong tiếng Pháp nghĩa là thứ 11.

Thành Ông-Dèm thời Pháp thuộc (alumni.hcmussh.edu.vn)

Dưới đây là mô tả cho khối nhà hiện nay được dùng làm Đại học trường Đại học Xã hội và Nhân văn, cũng tương tự như 3 khối nhà khác của Thành Ông-Dèm. Đây là công trình duy nhất ở trung tâm thành phố được xây dựng theo phong cách kiến trúc pháo đài phòng thủ, loại hình kiến trúc phổ biến của Châu Âu vào thế kỷ 19. Điều đặc biệt là khối nhà này có các cửa quay vào trong mà không quay ra ngoài trục đường chính (Lê Duẩn). Tường dày hơn 60 cm, có chỗ 80 cm, đảm bảo các loại pháo thần công của lực lượng quân sự địa phương không thể công phá được. Các cửa sổ hình bán nguyệt rộng 1,2 -1,5 mét, có mái vòm rộng tạo ra tầm quan sát 180 độ cho người từ bên trong nhìn ra. Hàng lang kín, cao hơn 5 m, rộng hơn 3 mét, đủ cho binh lính di chuyển cơ động bên trong và ngựa đi lại được dễ dàng. Gối tường giữa hai cửa sổ rộng gần 1 mét và bệ tường cao hơn 1,4 mét, đảm bảo an toàn cho người phòng thủ bên trong khi thực hiện các hoạt động tác chiến. Khối nhà có hai hành lang hai bên có độ lớn như nhau và thông nhau qua lại giúp chuyển quân, vũ khí cơ động. Khối nhà chỉ có 1 trệt 1 lầu nhưng tầm quan sát rất rộng, có thể khống chế toàn bộ mặt bằng phía trước, phía sau và hai bên. Cầu thang nối tầng trệt với tầng một rất rộng đảm bảo cho 4 người cùng lúc lên xuống. (Nguyễn Minh Hòa, no date)

Một khối nhà Thành Ông-Dèm trên bưu thiếp thời Pháp thuộc (ảnh: Wikipedia)

Thành Ông-Dèm nằm giữa trung tâm thành phố, gần các cơ sở quan trọng của chính quyền thực dân như Dinh Toàn quyền, Tòa án… vì vậy có vị trí quân sự quan trọng. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, tước vũ khí và bắt giam mọi quân nhân cũng như các quan chức chính quyền thực dân Pháp. Nhiều quan chức chính quyền thực dân Pháp bị đưa về giam giữ trong Thành Ông-Dèm.

Khi quân Anh vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ giải giới quân Nhật, nhằm nhanh chóng nắm quyền kiểm soát tình hình, chỉ huy quân Anh tại Đông Dương là tướng Douglas Gracey ra lệnh phóng thích và trang bị cho người Pháp tại Nam Bộ, đặc biệt là với các binh lính Pháp bị giam tại Thành Ông-Dèm. Chính Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa, cùng với Trung đoàn Bộ binh 5 Thuộc địa mới được thành lập, cùng quân Anh nổ súng tái chiếm Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945.

Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam. Thành Ông-Dèm được bàn giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, trong đó có cả trại Ông-dèm. Nhằm tăng cường lực lượng quân sự để đối phó với lực lượng Bình Xuyên chống chính phủ, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm cho điều một số tiểu đoàn trung thành với chính phủ vào nội đô Sài Gòn, đóng tại Thành Ông-Dèm. Nhờ sự chuẩn bị này, khi quân Bình Xuyên nổ súng tần công thành, quân chính phủ nhanh chóng đập tan cuộc tiến công, đẩy lùi lực lượng Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn.

Sau khi lên ngôi vị Tổng thống, nhằm xóa bỏ các tàn dư văn hóa của chế độ thực dân, đồng thời kỷ niệm chính thể mới, Ngô Đình Diệm cho đổi tên Thành Ông-Dèm thành Thành Cộng Hòa.

Từ lúc này, Thành Cộng Hòa trở thành nơi đồn trú của lực lượng Phòng vệ Phủ Tổng thống. Vì thế, nơi đây là mục tiêu tấn công của lực lượng đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 và ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Ảnh dưới chỉ hai khối nhà của Thành Cộng Hòa sau ngày đảo chính 1 tháng 11 năm 1963.

Thành Cộng Hòa sau ngày 1 tháng 11 năm 1963 (hinhanhlichsu.org)

Năm 1967, khu vực Thành Cộng Hòa được giao cho Bộ Giáo dục để thiết lập một khu Đại học. Ở cổng giao lộ Đinh Tiên Hoàng–Lê Duẫn là trường Dược và trường Văn khoa, còn ở cổng giao lộ Đinh Tiên Hoàng–Nguyễn Thị Minh Khai là trường Nông Lâm Súc. Hai cổng được thông nhau bằng Đường Cường Để (Đinh Tiên Hoàng hiện nay).

Thanh_Dai hoc Van khoa (trunghochatienxua.wordpress.com)

Đại học Văn khoa (trunghochatienxua.wordpress.com)

Hiện giờ, di tích bốn khối nhà thuộc Thành Cộng Hòa là như sau:

  • Khối nhà thứ nhất thuộc trường Nông Lâm Súc (chủ yếu là hội trường, văn phòng và cư xá sinh viên) được dùng làm Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2, số 45 Đinh Tiên Hoàng.
  • Khối nhà thứ hai thuộc trường Nông Lâm Súc (gồm các phòng học) bị phá bỏ để xây lên Đài Truyền hình, số 14 Đinh Tiên Hoàng.
  • Khối nhà trường Dược được dùng làm Khoa Dược của Đại học Y Dược, số 41 Đinh Tiên Hoàng.
  • Khối nhà trường Văn khoa được dùng làm trường Đại học Xã hội và Nhân văn, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng.

Ngày nay, dấu tích của Thành Ông-Dèm tức Thành Cộng Hòa vẫn còn ba khối nhà thứ nhất, thứ ba và thứ tư nêu trên.

Nguồn: Chung Hai (2016), Nguyễn Minh Hòa (no date), Trung Sơn (2016a), Trung Sơn (2016b), Vương Hồng Sển (1960).

Lăng Cha Cả (1799)

Giám mục người Pháp Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine (1741–1799), được người Việt gọi là Bá Đa Lộc (phiên âm từ tên tiếng Hoa), còn mang tên thông dụng là Cha Cả (vì ông cai quản một giáo phận). Với ý đồ truyền giáo cho người Việt, ông giúp trang bị vũ khí và chiến thuyền cho Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, nhưng quân Nguyễn vẫn thua trận. Ông bèn sang Xiêm La (Thái Lan bây giờ) cầu viện quân Xiêm đánh quân Tây Sơn, nhưng quân Xiêm bị quân Tây Sơn đánh cho tan nát trong trận thủy chiến Rạch Gầm–Xoài Mút trên Sông Tiền gần Cái Bè, Mỹ Tho bây giờ.

Bá Đa Lộc không nản chí, khuyên Nguyễn Ánh cầu viện nước Pháp. Nguyễn Ánh đồng ý, giao đích trưởng tử là Hoàng tử Cảnh 3 tuổi đi cùng Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh được yết kiến Hoàng đế Pháp Louis XVI. Một hiệp ước được ký với Pháp theo đó Pháp sẽ giúp quân đội và chiến hạm để đổi lấy việc nhường hẳn Đảo Côn Lôn (Côn Đảo bây giờ) cho Pháp và cho Pháp thuê Cảng Tourane (Đà Nẵng bây giờ) với giá ưu đãi, kèm theo độc quyền kinh doanh. May mắn cho Việt Nam, Hiệp ước này không được thực hiện do Cách mạng Pháp nổ ra ngay sau đó, khiến cho Louis XVI bị lật đổ.

Chờ mãi không nhận được sự chi viện từ Pháp, Bá Đa Lộc tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Đại Việt cùng với số tiền của gia đình mình cho, mua vũ khí, thu nạp được 350 lính và 20 sĩ quan Pháp giúp Nguyễn Ánh.

Các hoạt động quyên góp của Bá Đa Lộc về tài chính và nhân lực giúp phần không nhỏ cho Nguyễn Ánh trong việc xây dựng, củng cố lực lượng. Ngoài ra, việc huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và huấn luyện binh sĩ theo lối Châu Âu, làm trung gian mua tàu chiến và vũ khí… đều có sự góp sức của những người Pháp do Bá Đa Lộc chiêu mộ, kêu gọi. Thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu ngang ngửa với Tây Sơn. Vì vậy Nguyễn Ánh rất quý trọng ông, coi ông là ân nhân, sau này phong ông tước Quận công, chỉ thấp hơn tước Vương.

Như để thưởng công, Nguyễn Ánh sai cất một ngôi nhà cho Bá Đa Lộc ở cùng với Hoàng tử Cảnh để dạy học Hoàng tử. Xem mục: Ngôi nhà xưa nhất Sài Gòn (1790).

Giám mục Bá Đa Lộc mất năm 1799. Lúc này, Nguyễn Ánh còn phải chống đỡ nhà Tây Sơn, nên việc chôn cất Bá Đa Lộc phải giấu kín, âm thầm cho an táng ông ở Nha Trang đồng thời công khai làm đám tang thật lớn để che mắt, lại cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng. Mãi đến năm 1925, người Pháp mới cho cải táng ngôi mộ thực của Bá Đa Lộc ở Nha Trang, rồi mang chút xương cốt còn lại của ông về chôn ở Gia Định, chỗ nghĩa trang các vị thừa sai Pháp mà trước đó đặt là Lăng Cha Cả. Khu vực đó là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt phía tây-bắc Sài Gòn.

Lăng Cha Cả trên bưu thiếp thời Pháp thuộc (ảnh: nhacxua.vn)

Tuy Giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp, nhưng kiến trúc mộ ông theo kiểu Việt Nam, có bình phong, bái đường và hậu cung. Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng 2000 m2, gồm một dãy nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn ghi công đức của người nằm trong mộ.

Toàn cảnh Lăng Cha Cả năm 1970 (ảnh: Frederick P Fellers)

Khu Tân Sơn Nhứt sang thế kỷ 20 phát triển và xây cất lên, hòa nhập vào khu ngoại ô Sài Gòn. Xế về phía bắc lăng là phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Về phía tây là bến xe lớn cho xe đò. Với những thay đổi đó, ngôi lăng bị thu hẹp lại làm điểm tròn. Vào những năm trước 1975, nếu đi từ ngã tư Phú Nhuận đến ngã tư Bảy Hiền thế nào cũng đi ngang qua Lăng Cha Cả. Thời bấy giờ Lăng Cha Cả nằm trên Đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ bây giờ) gần nơi giao với Đường Trương Minh Ký (Lê Văn Sỹ hiện nay). Tuy vậy khu mộ được giữ gìn đến hết thời Việt Nam Cộng hòa.

Lăng Cha Cả năm 1970 (ảnh: Frederick P Fellers)

Sang năm 1980, chính quyền mới ra lệnh giải tỏa lăng mộ. Những người khai mộ lúc đó cho biết khi khai quật, người ta còn thấy đầy đủ cả thánh giá bằng vàng tây lớn với chiếc gậy vàng của giám mục cùng những huân chương của nhà nước Pháp–Nam khi trước đã trao tặng Đức cha Bá Đa Lộc. Ngày 02 tháng 3 năm 1983, ngôi lăng bị san bằng và việc cải táng hoàn tất. Di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho Tổng Lãnh sự Pháp đưa về Pháp. Mấy nếp nhà cũ bị san bằng.

Lăng Cha Cả không còn tồn tại nhưng địa danh Lăng Cha Cả vẫn còn lưu truyền ở vị trí lăng ngày xưa. Đó là Vòng xoay Lăng Cha Cả, nơi giao cắt của các con đường Hoàng Văn Thụ–Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân. Đầu năm 2013, một cầu vượt bằng thép được hoàn tất ở đây.

Vòng xoay Lăng Cha Cả (ảnh: batdongsan.com.vn)

Nguồn: Lý Nhân Phan Thứ Lang (2015a), Trần Chánh Nghĩa (2016).

Thương xá Tax (1880, 1924)

Công trình kiến trúc nguyên thủy được xây năm 1880 ở góc Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ hiện giờ) và Đại lộ Bonnard (Lê Lợi hiện giờ). Tòa nhà mang tên là Les Grands Magasins Charner (GMC). Tuy được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp nhưng tòa nhà lại có những nét chấm phá mang nét văn hóa Á Đông.

Năm 1914 công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là GMC), cho tái thiết và khuếch trương tòa nhà theo phong cách Art Deco. Năm 1924, tòa nhà bách hóa được khai trương, là một sự kiện nhộn nhịp đáng ghi nhớ của Sài Gòn.

Thương xá GMC năm 1925 (ảnh: cochinchine-saigon.com)

Tòa nhà đúng là bách hóa. Vào ngày khánh thành người ta thấy đủ loại hàng hóa, từ nữ trang đến sách báo, các nhãn hiệu rượu vang và rượu champagne ngon nhất, đồ chơi (kể cả những con búp bê nhắm mắt lại khi để nằm xuống và kêu “maman, papa” khi được vuốt ve, đủ loại bánh kẹo, hàng gia dụng, lại có dụng cụ thể thao và săn bắn, v.v… Ấy thế mà đại diện thương xá cáo lỗi với quan khách rằng rất tiếc thương xá chưa cung ứng đủ các mặt hàng! Ở phía sau là quán trà “salon de thé” nơi người ta có thể nhâm nhi champagne và nếm bánh bít-quy, bánh ngọt hoặc sandwich…

Thương xá GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hàng hóa ở các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây.

Tháng 12 năm 1925, khi Toàn quyền Alexandre Varenne đến Saigon, vợ của ông sau đó có đến Thương xá GMC để mua sắm. Ông giám đốc GMC bảo đảm chắc với bà là cửa hàng GMC đều đón tiếp phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ.

Quảng cáo các tiệm trong Thương xá GMC được đăng trên các báo ở Saigon như trên tờ Echo Annamite (Tiếng gọi An Nam). Trong đó có những cửa hàng bán các hàng như đồng hồ, kính đeo mắt, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, kể cả dịch vụ làm móng, v.v…

Năm 1942, công ty xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC thật to, từ xa ai cũng nhìn thấy.

Dưới thời thời Việt Nam Cộng hòa, năm 1960 tòa nhà chính thức mang tên là Thương xá Tax, với địa chỉ 135 đại lộ Nguyễn Huệ. Thập niên 1960, Tổng giám mục Ngô Đình Thục ủy quyền cho Viện Đại học Đà Lạt mua lại Thương xá này, từ đó trở thành bất động sản của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sau đảo chính lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa năm 1963, chính quyền mới tịch thu thương xá này vì cho rằng nó liên quan đến dòng họ Ngô. Khu thương xá từ đó không còn thuộc một công ty mà do thương nhân thuê làm nơi buôn bán.

Sau năm 1975 với chính sách tập trung kinh tế, cấm tiểu thương, Thương xá Tax bị giải thể. Tòa nhà được giao về cho Ủy ban Nhân dân Thành phố, không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất. Mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất.

Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá Tax trở thành một công ty quốc doanh mang tên “Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố”, người bán hàng được gọi là mậu dịch viên, có thắt khăn quàng đỏ như thiếu nhi để bán mặt hàng chính là đồ chơi cho trẻ em.

Đến năm 1981, tòa nhà này đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” do Sở Thương Nghiệp.

Từ năm 1997, tòa nhà đổi tên thành “Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn” do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.Năm 1998 tên Tax được phục hồi.

Mặt tiền Thương xá Tax (ảnh: doisongphapluat.com)

Nội thất Thương xá Tax (ảnh: doisongphapluat.com)

Không gian sảnh chính bên trong Thương xá Tax (Tứ Quý, 2016)

Năm 2014 có lệnh giải tán Thương xá Tax với kế hoạch phá tòa nhà này đi để xây một cao ốc 40 tầng ở địa điểm trung tâm này. Ngày 12 tháng 10 năm 2016, quá trình đập bỏ khu Thương xá được bắt đầu tiến hành.

Nguồn: Doling (2015c), Đông Kha (2020), Thái Nguyễn (2016), Trường Nguyên (2016), Tứ Quý (2016), Wikipedia_Thương xá TAX.

Ga Sài Gòn xưa (1885)

Ga xư lửa đầu tiên của Sài Gòn được khánh thành năm 1885, nằm ở khu Chợ Cũ cuối đường Hàm Nghi, bên bờ Sông Sài Gòn.

Đến năm 1915, Ga Sài Gòn nêu trên được chuyển về cạnh Chợ Bến Thành. Xe lửa đỗ gần tòa nhà ga gần bùng binh Chợ Bến Thành, trong khi dải đất hiện giờ là Công viên 23 tháng 9 (ở giữa hai đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão) được dùng làm xưởng cơ khí, kho hàng hóa và các tuyến đậu tàu.

Ảnh dưới đây chỉ vị trí của Ga Sài Gòn trong thập niên 1920. Hai tòa nhà ga có mặt đầu hồi màu sáng bên tay trái, Chợ Bến Thành bên tay phải.

Ga Sài Gòn thập niên 1920 (ảnh: railwaysinvietnam.com)

Từ nhà ga này có hai tuyến đường sắt. Tuyến thứ nhất đi dọc theo Đường Nguyễn Thượng Hiền bây giờ đến Ga Hòa Hưng bây giờ rồi đi lên miền Trung và miền Bắc. Tuyến thứ hai đi dọc theo Đường Trần Hưng Đạo bây giờ đến Mỹ Tho. Tuyến đường sắt này ngưng hoạt động năm 1958, kết thúc 73 năm tồn tại.

Ga Sài Gòn thập niên 1950 (ảnh: Tạp chí LIFE)

Trong ảnh dưới đây, góc trên bên trái hướng ra Công trường Quách Thị Trang, đường phía trên là Phạm Ngũ Lão, đường phía dưới là Lê Lai.

Một góc Ga Sài Gòn xưa (ảnh: Fred Mucciardi)

Ðến năm 1978, Ga Sài Gòn cũ được dời tạm về Ga Bình Triệu để sửa chữa lại Ga Hòa Hưng nhỏ bé ở Quận 3 thành ga hành khách rộng lớn, lấy theo tên cũ là Ga Sài Gòn. Như vậy, nhà ga Sài Gòn do Pháp xây dựng đầu tiên ở khu vực Chợ Cũ, sau hơn trăm năm phải đổi chỗ ba lần. Tuy vậy, những đoàn tàu năm sáu toa xe goòng vẫn còn hoạt động ngay trung tâm thành phố, qua lại trên đường ray cũ, không chỉ từ Ga Sài Gòn mà còn chạy ra đến Cảng Sài Gòn theo đường ray chạy giữa Đại lộ Hàm Nghi, quẹo qua Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu sau này) rồi chạy ra Cảng Sài Gòn. Nghe người ta nói là xe lửa ra cảng nhận bo bo do Liên Xô viện trợ bổ sung, đây là thời kỳ ăn độn của dân Sài Gòn. (Trang Nguyên, 2019)

Từ năm 1975 đến 1979, hằng ngày người dân vẫn thấy xe lửa chạy từ cảng Sài Gòn qua Nguyễn Tất Thành – Hàm Nghi – Ga Sài Gòn – Nguyễn Thượng Hiền – Ga Hòa Hưng… Những năm đó, dân nghèo chuyên nhảy lên tàu rạch bao bo bo cho chảy xuống đường đặng hốt… Vì thế người dân gọi đoạn đường sắt này là đường rầy bo bo.

Ga Sài Gòn mới được khánh thành năm 1983, những con hẻm thông với Đường Nguyễn Thông khi xưa biến mất, nối liền con đường nhỏ trở thành đường lớn thông ra Cống Bà Xếp. Đường ray từ Công viên 23/9 lên tới Ga Hòa Hưng được chôn lấp hẳn để biến thành đường nhựa như Nguyễn Thượng Hiền và Nguyễn Phúc Nguyên bây giờ. Đường ray trên Đường Trần Hưng Đạo được dỡ bỏ bởi Dự án Cải thiện Môi trường Nước năm 2008.

Mặt bằng ga cũ sau đó được cải tạo thành Công viên 23 tháng 9 như ngày nay. Nhà ga ngầm Bến Thành của tuyến đường sắt số 1 Bến Thành–Suối Tiên được xây ở vị trí nhà ga cũ gần bùng binh Chợ Bến Thành.

Nguồn: Lưu Đức & Hoàng Tuyên (2012), Trang Nguyên (2019).

Khám Lớn Sài Gòn (1890) – Thư viện Khoa học Tổng hợp (1972)

Một số kiến trúc mất đi để lại luyến tiếc cho những người từng gắn bó với lịch sử Sài Gòn. Công trình Khám Lớn để lại hoài niệm theo chiều hướng khác.

Sau khi bình ổn được Sài Gòn, người Pháp cho xây ba công trình gần như cùng lúc: Tòa án (1885), Dinh Phó soái (1890) và Khám Lớn (1890) nằm ở ba góc, thể hiện bộ mặt quyền lực của Pháp.

Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) do kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux thiết kế, tọa lạc trên nền đất xưa kia là chợ Cây Da Còm. Dinh Thượng Thơ (1881), 59-61 Lý Tự Trọng, Tòa án (1885), Hải quan (1887)

Theo học giả Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên là Cây Da Còm, vì nó họp dưới gốc một cây đa nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất. Chợ chuyên bán trống, lọng, yên ngựa, mũ tú tài…, và có một xưởng đúc tiền. Ban đầu, khám dài khoảng 30 m và rộng 15 m, có lối đi hẹp ở giữa hai dãy khám, mặt chính được rào bằng những song sắt, vách tường sơn đen, chỉ chừa cửa sổ nhỏ ở trên cùng, rất ngột ngạt. Trong phòng giam, nền tô bằng xi măng, các tù nhân đều nằm trên sàn, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim (cellule). Ở đây, còn có một xà lim dành cho tù nhân lãnh án tử hình. Đó là một hầm 3×5 m, ba mặt là tường kín và mặt còn lại là một cửa sắt có đục lỗ nhỏ. Thiết kế như vậy, vừa để thông hơi, vừa để lính canh từ bên ngoài có thể quan sát bên trong phòng giam.

Khám Lớn Sài Gòn (ảnh: flikcr)

Khám Lớn Sài Gòn được giới hạn bởi bốn con đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn và Filippini. Đối chiếu với thực địa hiện nay, khám nằm trọn trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp.

Vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng 2 năm 1916, một nhóm vũ trang do “Hoàng đế” Phan Xích Long chỉ huy, tấn công vào Khám Lớn, giải thoát cho các tù nhân yêu nước nhưng không thành. 57 nghĩa sĩ vô danh đã hy sinh trước họng súng quân thù. Đây được coi là một cuộc đối đầu vũ trang đầu tiên của người yêu nước Việt Nam với giặc Pháp giữa đô thành Sài Gòn.

Sau một thời gian, do số tù nhân tăng lên, khám phải xây thêm nhiều phòng mới, tường cao bao quanh, gồm hai dãy nhà một tầng và hai dãy nhà trệt, phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều hạng tù khác nhau.

Khám Lớn Sài Gòn trở thành khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh ngay sau khi hoàn thành, giam giữ, tra tấn tù nhân người Việt, người Hoa lẫn người Âu, có lúc lên tới 1.500-2.000 người. Nhiều nhà hoạt động cách mạng, chí sĩ yêu nước nổi tiếng đã từng bị giam giữ tại đây, như: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Phan Văn Hùm, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Minh Khai, nhà văn An Khê, Phan Xích Long, Nguyễn An Ninh, Bùi Ái Quốc, Võ Văn Tần, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng… Trong đó nhiều người bị hành quyết tại đây như Trần Trương Công, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Thêm, Lý Tự Trọng…

Những ngày ở trong tù, Phan Văn Hùm viết tác phẩm Ngồi tù Khám Lớn. Đây là một tập ký sự cá nhân mô tả lại những cảnh sinh hoạt diễn ra trong khám đường: việc tra khảo dã man, bức cung, bắt người tùy tiện; cảnh sống vô vàn khổ sở, đói khát của tù nhân, thói hành xử tàn ác của bọn cai tù…

Nhà văn Thiếu Sơn nhận xét tác phẩm như sau:

Ngồi tù Khám Lớn là một cuốn sách có giá trị về nhiều phương diện: nội dung, hình thức, giáo dục, luân lý, nhân bản, xã hội. Tác giả chẳng những có văn tài mà lại có văn tâm.

An Khê (1993) viết về Khám Lớn Sài Gòn:

Cái địa danh ấy, cái thế giới kinh hoàng rùng rợn ấy, dù chỉ bốn tiếng gọi, dù chiếm một diện tích nhỏ hẹp ở trung tâm thành phố – Số 69 Đường Lagrandière – vào những năm trước 1953 là nơi ít có người dân nào dám tưởng nghĩ hay nhắc nhớ đến. Ðấy là sầu thành khủng khiếp tọa lạc giữa đường phố nhộn nhịp của Sài thành, nơi được gọi là Hòn ngọc Viễn Ðông, với bốn bức tường thành cao vọi có truyền điện cao thế, với những dãy nhà lầu ba tầng, với một hệ thống canh phòng chặt chẽ sau lớp song sắt kiên cố, nơi là nấm mồ kín đáo bao lấp biết bao cơ man uất hận của hàng vạn con người…

Số tội nhân thường trực của khám vào khoảng 3,000 người, có kẻ ở lâu đến vài ba năm, có người bị giam một thời gian rồi chuyển đi nơi khác. Thường phạm có, chính trị phạm có, già trẻ bé lớn, cả vị thành niên và phụ nữ. Trong khám người tù có cuộc sinh hoạt riêng, nhọc nhằn và khổ cực, chết thảm. Tất cả xảy ra trong vòng thành chỉ cách một con đường với cảnh người ta tự do qua lại của thành phố.

Trong sầu thành ấy, bao kiếp người đã nhiều đêm trằn trọc ao ước sống dưới trời tự do, thèm  một hơi thở sảng khoái của kẻ ở bên ngoài. Những đêm không ngủ, tai nghe vẳng tiếng cười nói vui nhộn của trai thanh, gái lịch dạo phố, hồi tưởng đến thời bay nhẩy không vướng mắc của mình đã qua, lòng gậm nhấm sâu sắc nỗi sầu hận mà người xưa thường nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Rồi những đêm mưa sầu rả rích, đố ai từng nằm trùm manh chiếu rách bên song sắt phòng tù, bụng đói nao nao, nghe tiếng chị bán chè dưới đường rao lanh lảnh: “Ai chè đậu xanh, đường cát, bột khoai, bún tàu hông..!” mà chẳng nhớ nhà day dứt, sầu nẫu cả ruột gan.

Đến ngày 8 tháng 3 năm 1953, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tâm (cầm quyền từ 23/6/1952 đến 7/12/1953), cho phóng thích một số tù nhân ở Khám Lớn Sài Gòn, số còn lại khoảng 1.600 người cùng với chiếc máy chém được chuyển về khám đường mới, tức Khám Chí Hòa.

Sau năm 1953, Khám Lớn Sài Gòn chỉ còn là nơi giam giữ phụ và sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho phá hủy, để xây lên Đại học Văn khoa (thành lập năm 1957, trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn).

Khuôn viên Đại học Văn khoa là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa ca sĩ Khánh Ly từ Đà Lạt về để hát những ca khúc của mình. Có nhiều buổi tối nhóm sinh viên tổ chức mời Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đến hát trên sân cỏ Đại học Văn khoa. Không có sân khấu; chỉ có vài thùng bia bằng gỗ ọp ẹp, ai đi trên đó phải cẩn thận kẻo té ngã. Khánh Ly đứng trên thùng bia, trước mặt là một bóng đèn thõng xuống, chẳng có hệ thống âm thanh gì cả. Khi hát, Khánh Ly thường bỏ đôi guốc của mình ra, đi chân trần cho nên có biệt hiệu là “nữ hoàng chân đất” và cũng nhờ nơi này mà tên tuổi của cô được mọi người biết đến. Nhóm sinh viên pha cà phê phin hoặc soda chanh có ít rượu rum để bán cho khán giả ngồi quây quần trên thảm cỏ, ngoài ra không có bia rượu gì khác.

Khu đất Đại học Văn khoa sản sinh ra một đội ngũ văn nghệ thành danh đông đảo, tiêu biểu cho một thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên tưng bừng của thập niên 60. Có thể kể:

  • Về ca nhạc (sáng tác và trình diễn) là: Diễm Chi, Giang Châu, Phong trào Du Ca, Phạm Duy, Ban Tam Ca Đông Phương, Hoàng Xuân Giang, Thanh Lan, Khánh Ly, Ca đoàn Nguồn Sống, Phương Oanh, Từ Công Phụng, Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn, Ngô Mạnh Thu, Ban Trầm Ca, Hồng Vân…
  • Về văn thơ, báo chí có: Phạm Quốc Bảo, Phạm Xuân Đài, Nguyễn Đạt, Lê Đình Điểu, Nguyễn Huỳnh, Cao Huy Khanh, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Thụy Long, Hồng Khắc Kim Mai, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Đào Trường Phúc, Đặng Phùng Quân, Cao Sơn (Nguyễn Văn Tấn), Trần Công Sung, Phan Thanh Tâm, Lê Thiệp, Đỗ Quý Toàn, Ngô Vương Toại, Bùi Bảo Trúc, Hoàng Ngọc Tuấn, Cung Vĩnh Viễn, Đỗ Ngọc Yến…
  • Hội họa có Mai Chửng, Trịnh Cung, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Lê Thành Nhơn, Nguyễn Trung…

Ông Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa thuộc nội các Trần Văn Hương, cho phá bỏ Đại học Văn khoa để xây lên Thư viện Quốc gia. Nguyễn Hữu Thiện là kiến trúc sư trưởng, được Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh trợ giúp, với Kiến trúc sư Lê Văn Lắm làm cố vấn kỹ thuật. Việc xây dựng bắt đầu vào ngày 23 tháng 12 năm 1971, và vài tháng sau đó công trình được hoàn tất. Thư viện có diện tích 7.070 m2, bao gồm hai khối:

  • Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71 m, ngang 23 m gồm một tầng hầm, một tầng trệt và hai lầu cùng một sân thượng.
  • Khối thứ hai nằm ở trung tâm, hình vuông và vươn lên cao như một ngọn tháp với 14 tầng, cao 43 m, dùng để chứa tài liệu.

Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, cũng là thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Lúc đầu thư viện có 53 nhân viên phục vụ với khoảng 100.000 bản tài liệu.

Đến năm 1978, cơ sở này được đổi tên là Thư viện Khoa học Tổng hợp, số 69, đường Lý Tự Trọng, Phường Bến Thành, Quận 1, hiện có hơn trên 2 triệu ấn phẩm.

Mặt tiền Thư viện Khoa học Tổng hợp năm 2019 (Huỳnh Ái Tông, 2019)

Câu chuyện của Vương Hồng Sển (2017)

Cái khám đường hay ngục thất mà ngày nay nhắc đến tên đủ rợn tóc gáy là Khám Lớn Sài Gòn, … mà oái ăm thay, người Pháp lúc đó không gọi là khám lại gọi là “nhà” và đặt tên là “Maison Centrale” để tránh tiếng Prison Centrale, mà chính họ cũng không muốn dùng tiếng prison vì nghe ghê rợn quá; duy dân ta lại quá nhàm và đặt là Khám Lớn Sài Gòn, cũng không gọi đó là Đại Ngục thất hay Đại Khám đường chi cho rườm.

Năm 1953 tôi có viếng và chụp hình được đầy đủ chi tiết để viết một thiên khảo cứu dày, nhưng hỏi ra tôi đành chịu thua, vì chánh phủ không muốn phanh phui những tài liệu của nhà nước như vậy. Trên từng lầu cao, không nhớ rõ từng thứ mấy, duy nhớ ngó mặc qua sở nhà hình, đường Nguyễn Trung Trực ngày nay, có một phòng lớn xây rất kiên cố, vách dày ba mươi phân Tây (ba lớp gạch thứ 0, 20 x 0, 10 x 0, 05), cửa làm bằng sắt, ống khóa cũng bằng một loại kim khí mà người làm, Ăng-lê và Hoa kỳ, tự hào là giũa không ăn, cưa không đứt, chánh hiệu là ống khóa Yale trứ danh. Phòng nầy dùng để giam cầm những người bị khép án tử hình và ngày như đêm vẫn khóa chân vào cùm sắt (trong Nam còn gọi là còng), và những còng nầy vẫn xỏ vào một gông sắt to bằng bắp tay, một đầu gông thì cháy cứng và một tấm sắt thật dày không rút còng ra được, còn đầu gông bên kia thì có khoét lỗ để đặt một ống khóa Yale thật to. Mỗi lần muốn đưa tù đi hầu tòa hay đi một việc cần thiết như hỏi cung, trình biện lý cuộc hay “cho ra chơi”, mỗi tuần vài ba mươi phút, thì phải mở khóa rồi rút chân từng người như cá trong xâu gắp, lấy ra, xong rồi khóa chân lại trong cùm. Lâu ngày chân chai đi, chớ lúc đầu lở loét, sanh ghẻ, chảy máu chảy mủ đau đớn lắm.

Nội cái cách làm tiền, cai ngục khóa chân tù vào còng rồi, rồi lại nắm chân giựt kéo thử xem có sút tuột ra không, nói đến cũng đủ lạnh mình. Tục lệ “khám tối” nầy, là cứ mỗi phiên đúng bốn giờ đồng hồ thì có một “phiên canh”, viên cai xếp mở khóa cửa phòng, vô xem xét lại coi cái khóa gông có còn y như cũ chăng, rồi mới trở ra khóa trái cửa sắt lớn và canh tuần bên ngoài cẩn mật. Có thể nói là con ruồi cũng không thể bay vô ra thong thả chốn nầy nếu không có phép của viên cai ngục nầy. (Tôi nói cai ngục chớ chưa phải chúa, vì tôi dành chữ “chúa ngục” để gọi tên Agostini là đầu dọc của khám đường, chức gọi directeur de la Mai son Centrale; cũng chưa hẳn chúa ngục là gác-dan xếp, vì Agosiini là chủ, là chúa tất cả và oai hơn nhiều, nhưng nếu dịch “giám đốc khám đường” thì tựa hồ kém mất oai đi).

Ấy vậy mà một đêm tối trời, mưa gió lu bù, vào một giờ khuya khoắt, các xếp cai ngục đang ngủ gục. Giữa lúc ấy (độ một hai giờ khuya), anh cai ngục Chà lai Việt tên là Simoni, có phận sự mở khóa phòng tử hình để vào trong xem xét ổ khóa của cái gông lớn. Vừa đúng lúc ấy, các tù bên trong đã núp chờ sẵn, bỗng tạt mạnh vào mắt mũi tên cai ngục một mủng vùa chứa đầy nước mắm giằm ớt cay mà họ dành dụm từ nhiều ngày để chờ cơ hội nầy. Tên cai ngục bị ớt cay nước mắm mặn làm cho mở mắt không ra. Thừa dịp ấy, mấy người tù nầy lấy áo quần làm dây trói tay chân tên cai ngục bỏ nằm đó, lục lưng thộp xâu chìa khóa và ùn ùn mở khóa cửa kéo nhau chạy ra ngoài, rồi cởi hết quần áo đánh làm dây thang, quăng móc được lên vách ngoài và mặc dầu miểng chai, miểng kiếng chơm chởm, nhưng bất kể kiếng cắt chai đâm, họ cũng liều chết leo ra trốn được không hơn mười người. Về sau đều bị bắt lại đủ số, vì làm sao thoát được với cách đề phòng hết sức hoàn bị của Pháp, có điện ba dây, có chuông a-lẹt (báo động) và cách trấn binh phòng thủ năm ngăn, bảy nắp từ trong ra ngoài của cái Khám Lớn Sài Gòn có tiếng là khó hạ, khó chiếm (imprenable) nầy?

Khi bắt tù trốn về, quan chưởng lý ra lịnh điều tra và có mời một viên chuyên môn từ Pháp quốc qua, để nghiên cứu về kỹ thuật tại sao khóa Yale tuy tù không có khí cụ tinh xảo mà vẫn cắt đứt và trốn thoát được như vậy.

Hỏi: Mấy anh lấy gì để cắt gọng ống khóa nầy?

Đáp: Chúng tôi lén giấu miếng xi-măng rồi thừa dịp cai ngục trở ra, thì cắt.

Hỏi: Mấy anh cắt như vậy trong bao lâu thì gọng khóa đứt?

Đáp: Dạ, cắt trong tám giờ đồng hồ thì gọng khóa đứt lìa.

Hỏi: Tôi không tin, vì trong tám giờ có đến hai lần đi rỏn, đi tuần (faire une ronde), mấy anh làm sao để tránh mắt cú vọ kinh nghiệm của gác-dan?

Đáp: Dạ thưa, dễ ợt! Gác-dan ra vô mãi hóa quen và khinh thường. Chúng tôi kinh nghiệm nào thua họ và cứ mỗi lần rỏn họ day lưng ra hoặc chúng tôi canh kỹ biết giờ họ sắp vào trong khám, thì trước đó chúng tôi dùng xà-bông dành dụm phát khi tắm khi giặt, lấy đó đắp lên trên chỗ cắt, màu đồng ổ khóa và màu vàng của xà-bông Mạc-xây vẫn tiệp y nhau, dẫu ông Trời hay Bao Công tái thế cũng không dễ gì khám phá.

Thế là cuộc điều tra kết thúc. Muốn cho hắc bạch phân minh, viên điều tra Pháp yêu cầu một ông quán ty đề hình xỏ chân vào cùm và còng lại, khóa lại bằng ổ khóa Yale và dạy ông cắt thử bằng miếng xi măng, quả nhiên tám giờ đồng hồ gọng khóa đứt lìa. Tội nhân tử hình phạm tội gì chớ không phạm tội nói dối!

Để tỏ ra mình tài ba xuất chúng, viên điều tra Pháp, cử nhân khoa học kiêm cứ nhân luật, đích thân đến khám xem xét tại chỗ, sau đó gởi lên chưởng lý và thống đốc tờ phúc trình chê đè các viên chức giữ ngục cũ, hoặc vì dốt hoặc thiếu kinh nghiệm, hoặc vì lơ đễnh, đã “dâng cơm cho lục” nhè ổ khóa gông lại đặt trong phòng giam, khiến nên khi đi rỏn, thì người cai ngục vẫn ở trong tay tha giết của những tù nhân bên trong, đều là bọn bất trị hay liều mạng cùi.

Viên điều tra đưa ra sáng kiến mới mẻ trong phúc trình rằng: “Thay vì đặt đầu gông và ổ khóa bên trong, bây giờ tay hãy đục vách tường khoét một lỗ nhỏ cho vừa lọt đầu gông ra ngoài, rồi khóa cái ống khóa Yale bên ngoài vách. Như vậy tù nhân làm sao thò tay ra ngoài mà cắt ổ khóa được? Cố nhiên khi đi tuần, chỉ cần liếc xem ổ khóa còn y nguyên, thì biết tù bên trong vẫn còn đủ số. Trừ ra khi nào muốn giải tỏa đầu gông hay dẫn tù ra ngoài, khi ấy sẽ mở khóa, thụt đầu gông vào trong và khi ấy viên cai ngục sẽ đem lính gác có đủ súng ống theo vào trong, thì làm sao tù tạt hắt nước mắm và bắt trói được, như vậy phải lưỡng toàn kỳ mỹ chăng?”

[…]

Nay nhắc lại viên đá khoét lỗ của Khám Lớn Sài Gòn, khiến tôi phải dài dòng thêm nữa. Số là buổi ấy là thời kỳ chiến tranh, bên Châu Âu thì Tây đã thua Đức còn chờ ngày “đứt chến”, còn bên Đông Dương thì binh Nhật lan tràn hách dịch, người Pháp làm chuyện vá víu chờ thời cơ, cho nên mặc dù lời đề nghị kia có chỗ tuyệt diệu, nhưng khi đem ra thực hành, trong cơn cấp bách như lửa cháy nầy, khiến nên khi đục vách đem đầu gông ra ngoài, thay vì lựa một viên đá cho vuông vắn, người thợ hồ làm việc tạm bợ lấy có và đã chọn một đầu đá có chạy chỉ bất viền khéo léo, vì chưng viên đá cổ nầy có khoét sẵn một lỗ tròn đúng ni tấc cho đầu gông sắt lọt qua; khi đặt vào tường, người thợ hồ sẽ lấy xi măng trám bằng phẳng và bít mất những lằn chỉ viền bên kia đi, thì cục đá cổ sẽ hoàn toàn như mới chỉ còn hai mặt liền trơn với vách.

Làm như vậy viên đá đã làm tròn phận sự và giữ được tù khỏi trốn. Nhưng đối với nhà kháo cổ gàn như tôi, tôi vẫn chưa bằng lòng. Số là khi có lịnh chánh phủ sai phá bỏ Khám Lớn Sài Gòn, tôi là người có ý định sẵn cho nên tôi xin đem cục đá có khoét lỗ ấy về đặt tại sân giữa của Viện Bảo tàng [Lịch sử], vì tôi cho rằng đó là một viên đá lịch sử, di tích độc nhất của cái gọi là Khám Lớn Sài Gòn. Năm trước đây, nhân một buổi hội hiệp bàn về văn hóa và về thư viện quốc gia, tôi có đề nghị ngay với ông bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, kiêm Chủ tịch Ban Văn hóa thời ấy, rằng nên dựng một cái bia bằng đá, nơi góc đường Gia Long và đường Công Lý, trước mặt tiền Thư viện Quốc gia, rồi đặt viên đá Khám Lớn có khoét lỗ nầy và ghi một đôi hàng chữ cắt nghĩa đó là di tích của một chỗ âm u tù đày “Khám Lớn” mà ta đã biến thành một nơi sáng suốt chứa đựng văn hóa văn minh các nước, v.v…

Lời đề nghị của tôi được ông N.L. Viên tán thành, và cục đá vẫn còn nằm chờ đợi “có chỗ dùng” nơi Viện Bảo tàng; tiếc thay cho đến nay vật đâu nằm đó, cho đến tôi chết ắt không thấy cái bia kia, vì ông Mai Thọ Truyền đặc trách Văn hóa, vốn là đốc phủ sứ, sau làm thanh tra ngạch tài chánh, làm sao nghe một lời đề nghị vô duyên của một thơ ký quèn, bạn cũ mà thi rớt Huyện!…

Nguồn: An Khê (1993), Huỳnh Ái Tông (2019), Kim Thủy (2016), Nguyễn Hữu Thái (2016), Trung Sơn (2017b), Vương Hồng Sển (2017).

Kết luận

Trong những kiến trúc còn tồn tại ở Sài Gòn cho đến nay, hầu hết các công trình bề thế có tính mỹ thuật cao ra đời trong giai đoạn 1860-1900, với tuổi đời tính đến năm 2020 là 120-160 năm.

Bài này bao gồm một số kiến trúc xưa nhất của Sài Gòn:

  • Ngôi đình xưa nhất: Thông Tây Hội (1679, 1883)
  • Ngôi chùa cổ nhất: Huê Nghiêm 1 (1721)
  • Nhà thờ xưa nhất: Chợ Quán (1727, 1896)
  • Ngôi nhà xưa nhất: nhà dành cho Cha Cả (1790)
  • Bệnh viện xưa nhất: Chợ Quán (1862)
  • Công viên lâu đời nhất: Thảo Cầm Viên (1864)
  • Ngôi trường xưa nhất: Lê Quý Đôn (1874) và Trần Đại Nghĩa (1874)
  • Khách sạn xưa nhất: Continental Palace (1880)
  • Tu viện xưa nhất: Phaolô (1895)
  • Nhà hát xưa nhất: Nhà hát Thành phố (1900)
  • Bảo tàng đầu tiên ở Nam Kỳ: Bảo tàng Lịch sử (1929).

Chỉ 11 công trình xưa nhất này đủ cho thấy một di sản lịch sử–văn hóa phong phú của thành phố hơn 300 năm tuổi, qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Không chỉ có thế. Một số công trình xưa cũ khác được liệt kê dưới đây nhưng phạm vi bài này không cho phép đi vào chi tiết, tùy bạn đọc tự tìm hiểu thêm.

Nhà máy đóng tàu Ba Son (1863). Tọa lạc tại số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1. Năm 1861, chính quyền Pháp cho xây dựng một ụ nhỏ cùng lán trại để sửa chữa các chiến thuyền nhằm tiếp tục công cuộc xâm chiếm Việt Nam. Chính phủ Pháp cho xây dựng thêm cơ sở, và nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 1863.

Một số công nhân nổi tiếng từng làm việc ở đây: Nguyễn Bảo, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Đình Chính, Võ Thành Công, Tống Văn Hên, Ngô Văn Năm, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Thị Nhỏ, Đào Sơn Tây, Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Trần Đình Xu. (Wikipedia)

Nhà máy đóng tàu Ba Son (mapio.net)

Nhà Rồng (1864). trụ sở của hãng vận tải Messageries maritimes trong giai đoạn 1864–1955, hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, bên bờ Sông Sài Gòn, Quận 4. Có đề án phá dỡ để tái phát triển.

Bến Nhà Rồng trên bưu thiếp thời Pháp thuộc (saigoneer.com)

Phố cổ Hải Thượng Lãn Ông (1864): Được công nhận là khu phố cổ nhất của thành phố.

Phố cổ Hải Thượng Lãn Ông (Lao Động)

Câu lạc bộ Sĩ quan (1876). Ban đầu mang tên Cercle des Officiers, là nơi tụ họp và giải trí của sĩ quan cấp cao trong quân đội Pháp. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa được dùng làm trụ sở Bộ Tư pháp. Hiện nay được dùng làm trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận 1, số 47 Lê Duẫn.

Cercle des Officiers trong thập niên 1920 (historicvietnam.com)

Dinh Thượng Thơ (1881). Khởi đầu mang tên Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891), kế tiếp là Bureaux du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Văn phòng ban thư ký Chính phủ Nam Kỳ, 1894-1945), sau đó là Dinh Thủ hiến Nam Việt. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa là trụ sở Bộ Kinh tế. Hiện là trụ sở của Sở Thông tin–Truyền thông và Sở Công thương, 59-61 Lý Tự Trọng.

Tòa nhà này “không nằm trong danh mục (kiểm kê di tích của ngành văn hóa–thể thao) nên bước đầu không đưa vào bảo tồn” – theo lời của lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc (An Vũ, 2018).

Dinh Thượng thơ thời Pháp thuộc (An Vũ, 2018)

Bót Catinat (1881). Trong các năm 1905-1906, tòa nhà này mang tên Recette locale (Thu thuế địa phương), chiếm gần 10.000 m2. Giai đoạn 1907-1911 mang tên Receveur spécial (Thu ngân đặc biệt), và từ năm 1912 trở đi là Trésor public (Ngân khố, kho bạc). Đến năm 1917, khi kho bạc mới được xây ở Đại lộ Charner (Đường Nguyễn Huệ), chính quyền Pháp bố trí cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát Trung tâm sử dụng công trình này làm nơi bắt giữ, tra khảo những người chống Pháp. Do nằm trên Đường Catinat nên người dân thường gọi cơ quan này là “Bót Catinat”.

Bót Catinat thuở còn mang tên Recette Locale (Nhan’s Blog)

Sau năm 1954, nơi đây là trụ sở Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa.

Hiện nay, nơi đây là Sở Văn hóa và Thể thao, 164 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1. Có đề án phá dỡ để tái phát triển.

Sở Văn hóa và Thể thao (baodauthau.vn)

Hải quan (1887). Khởi đầu mang tên L’Hôtel des Douanes. Hiện nay là Cục Hải quan Thành phố. Đang đối diện với đe dọa “tái-phát-triển”.

L’Hôtel des Douanes những năm 1900 (dothivietnam.org)

Grand Hotel de la Rotonde (1900). Trên lầu khách sạn này là văn phòng của công ty tàu biển Chargeurs Reunis mà Nguyễn Tất Thành đến xin làm phụ bếp trên tàu trước khi đi Pháp năm 1911. Ngày nay là Little Saigon, số 2 Đồng Khởi, Quận 1.

Grand Hotel de la Rotonde khoảng 1900 (ảnh: Neurdein & Roger Viollet)

Sở Hỏa Xa (1914). Được xây cùng lúc với Chợ Bến Thành. Khởi đầu là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa là trụ sở Hỏa xa Việt Nam (HXVN). Sau 1975 thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), số 136 Hàm Nghi, Quận 1.

Sở Hỏa xa thập niên 1950 (ddth.com)

Biệt thự Phương Nam (1915). Ở số 110-112 Võ Văn Tần, Quận 3, có cổng thông ra hai con đường khác là Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân, đang được trùng tu (2020).

Biệt thự Phương Nam (plo.net)

Sở Chứng khoán (1928). Ban đầu mang tên Chambre de Commerce (Phòng Thương mại). Dưới thời Việt Nam Cộng hòa là Hội trường Diên Hồng rồi kế tiếp là trụ sở Thượng Nghị viện.

Chambre de Commerce (nhacxua.vn)

Chợ Bình Tây (1930). Do một thương gia người Hoa là Quách Đàm (còn gọi là Thông Hiệp) bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1928 rồi tặng cho chính quyền thành phố lúc bấy giờ, khánh thành năm 1930. Đổi lại, ông chỉ xin được xây thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và được đặt tượng mình giữa chợ khi mất. Chợ Bình Tây được xây dựng mang phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng những kỹ thuật hiện đại phương Tây đương thời, và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn.

Khung cảnh buôn bán sầm uất bên trong Chợ Bình Tây (asiapackagetravel.com)

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp HCM (1930). Từng mang tên Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn (1930-1957), Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa, từ năm 1957 đến 30-4-1975).

Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn (hinhanhvietnam.com)

Rồi đây một số công trình kiến trúc nêu trên có lẽ sẽ biến mất. Những ý kiến về bảo tồn trong phát triển và chấp nhận để phát triển luôn diễn ra mà không có hồi kết trong khi dòng đời vẫn thay đổi.

Tài liệu tham khảo

An Khê (1993). Từ khám lớn tới Côn-Đảo. Nhà Xuất bản Làng Văn, Canada.

An Vũ (2018). Dinh Thượng Thơ – Vẻ đẹp kiến trúc 154 nămhttp://daidoanket.vn/van-hoa/dinh-thuong-tho-ve-dep-kien-truc-154-nam-tintuc402832

binhqb94 (2017). [HCM] khám phá chùa Giác Lâm ngôi chùa gần 300 năm tuổi giữa lòng Sài Gònhttps://khamphadisan.com.vn/hcm-kham-pha-chua-giac-lam-ngoi-chua-gan-300-nam-tuoi-giua-long-sai-gon/

Bích Hải (2015). Nhà thờ Huyện Sĩhttp://ubdkcgvn.org.vn/vi/van-hoa-nghe-thuat/2015/11/81E209B4/nha-tho-huyen-si/

Cao Phương (2020). Dinh Gia Long – chứng nhân lịch sử của vùng đất Sài Gòn-Gia Địnhhttp://baodulich.net.vn/Dinh-Gia-Long–chung-nhan-lich-su-cua-vung-dat-Sai-Gon—Gia-Dinh-0703-22247.html

Cao Thành Nghiệp (2018). Nghĩ về một tổng thể di sản tuyệt đẹphttps://tuoitre.vn/nghi-ve-mot-tong-the-di-san-tuyet-dep-1445089.htm

Chung Hai (2016). Thành Gia Định bị san bằng, còn lại dấu tích gì giữa Sài Gòn? https://tuoitre.vn/thanh-gia-dinh-bi-san-bang-con-lai-dau-tich-gi-giua-sai-gon-1053328.htm

Doling, T. (2014a). Foulhoux’s Saigonhttp://www.historicvietnam.com/foulhouxs-saigon/

Doling, T. (2014b). Old Saigon Building of the Week – The Former Lycée Chasseloup-Laubathttps://saigoneer.com/saigon-heritage/2607-old-saigon-building-of-the-week-the-former-lycee-chasseloup-laubat

Doling, T. (2015a). Old Saigon Building of the Week – Saigon Municipal Theatre, 1900http://www.historicvietnam.com/the-municipal-theatre/

Doling, T. (2015b). Old Saigon Building of the Week – St Paul’s Convent, 1863http://www.historicvietnam.com/st-pauls-convent/

Doling, T. (2015c). The Inauguration of the Grands Magasins Charner in 1924http://www.historicvietnam.com/grands-magasins-charner-inauguration/

Đông Kha (2020). Những biểu tượng Sài Gòn phần 2: Thương xá TAX – Biểu tượng đã mấthttps://nhactrinh.vn/nhung-bieu-tuong-sai-gon-phan-2-thuong-xa-tax-bieu-tuong-da-mat/

Đức Nam & Hữu Nhật (2015a). Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gònhttps://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/doc-dao-nhung-ngoi-truong-tram-tuoi-o-sai-gon-568214.html

Đức Nam & Hữu Nhật (2015b). THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cú nhảy vọt của ngôi trường dòng năm nào. https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thpt-chuyen-tran-dai-nghia-cu-nhay-vot-cua-ngoi-truong-dong-nam-nao-568208.html

Dzung Nguyen (2019). Un siècle et demi de l’architecture française à Saigon en 10 plus vieux ouvrageshttps://authentikvietnam.com/un-siecle-et-demi-architecture-francaise-a-saigon-en-10-plus-vieux-ouvrages

Hà Đình Nguyên (2015). Độc đáo mộ cổ Sài Gòn: Nơi an nghỉ của đệ nhất hào phú Nam kỳhttps://thanhnien.vn/van-hoa/doc-dao-mo-co-sai-gon-noi-an-nghi-cua-de-nhat-hao-phu-nam-ky-608288.html

Hà Trang (2019). Nhà thờ Tân Định làm say đắm lòng mọi du khách ghé qua Sài Thànhhttps://kenhhomestay.com/nha-tho-tan-dinh/

Hàn Hàn (2019). Chùa Bà Thiên Hậu – đâu chỉ là chốn tâm linh! https://dulichvietnam.com.vn/chua-ba-thien-hau-dau-chi-la-chon-tam-linh.html

Hoài Thương (2020). Ôn cố tri tân: Chú Hỏa, đại gia bất động sản sở hữu 20.000 căn nhà Sài Gònhttps://vietnamfinance.vn/on-co-tri-tan-chu-hoa-dai-gia-bat-dong-san-so-huu-20000-can-nha-sai-gon-20180504224244398.htm

Hoàng Giang (2016). Diện mạo mới của ngôi chùa được xây dựng từ năm 1721https://plo.vn/video-photo-hi-hoa/anh/dien-mao-moi-cua-ngoi-chua-duoc-xay-dung-tu-nam-1721-662985.html

Hoàng Giang (2020). Cận cảnh ngôi trường dòng trăm tuổi ở Sài Gònhttps://plo.vn/video-photo-hi-hoa/anh/can-canh-ngoi-truong-dong-tram-tuoi-o-sai-gon-884600.html

Hoàng Hải Thủy (2013). Tu và tùhttps://hoanghaithuy.wordpress.com/2013/11/23/tu-va-tu/

Hồ Tường (2016). Giữa dinh cơ Chú Hỏa lộng lẫy thờ một chiếc đòn gánhhttps://tuoitre.vn/giua-dinh-co-chu-hoa-long-lay-tho-mot-chiec-don-ganh-1045972.htm

Hồng Việt (no date). Tòa nhà Trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh – Một tuyệt tác về kiến trúchttp://www.tand.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/lich-su-hinh-thanh-chi-tiet?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=column-2&p_p_col_count=1&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=10217&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=31756&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Flich-su-hinh-thanh

Huy Chương (2019). Cận cảnh khu trại giam bệnh viên Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú lâm bệnh nặng và hy sinhhttp://kinhtedothi.vn/can-canh-khu-trai-giam-benh-vien-cho-quan-noi-dong-chi-tran-phu-lam-benh-nang-va-hy-sinh-342159.html

Huy Đức (2019). VIETKINGS – Niên lịch Việt Nam (08): 121 năm Nhà hát Lớn Thành phố – Nhà Hát lâu đời nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Namhttp://kyluc.vn/tin-tuc/nha-sang-nghiep/vietkings-hanh-trinh-nien-lich-16-121-nam-nha-hat-lon-thanh-pho-nha-hat-lau-doi-nhat-thanh-pho-ho-chi-minh-viet-nam

Huỳnh Ái Tông (2019). Một chút nhớ về Sàigònhttp://huynhaitong.blogspot.com/2019/04/mot-chut-nho-ve-saigon.html

Jossie Ng (2020). 21 Photos of Saigon landmarks & key sites then & now that show how much the City has changedhttps://thesmartlocal.com/vietnam/saigon-landmarks-then-and-now/

Khánh Ly (2014). Những biểu tượng Sài Gòn sống mãi cùng năm thánghttps://vnexpress.net/nhung-bieu-tuong-sai-gon-song-mai-cung-nam-thang-3034814.html

Kim Thủy (2016). Thư viện Khoa học Tổng hợp: Di tích lịch sử, văn hóa gắn bó một thời.

Lâm Vĩnh Thế (2017). Dinh Gia Long trong dòng lịch sử cận đại của Sài Gònhttps://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/dinh-gia-long-trong-dong-lich-su-can-dai-cua-sai-gon

Lê Công Sơn (2015a). Cận cảnh đường hầm bí mật ở dinh Gia Long giúp Tổng thống Ngô Đình Diệm bỏ trốnhttps://thanhnien.vn/van-hoa/can-canh-duong-ham-bi-mat-o-dinh-gia-long-giup-tong-thong-ngo-dinh-diem-bo-tron-577417.html

Lê Công Sơn (2015b). Cận cảnh ngôi nhà ‘khủng’ của tỉ phú Đông Dương ở Sài Gònhttps://thanhnien.vn/van-hoa/can-canh-ngoi-nha-khung-cua-ti-phu-dong-duong-o-sai-gon-585766.html

Lê Công Sơn (2018). ‘Hiến kế’ bảo tồn Dinh Thượng Thơhttps://thanhnien.vn/van-hoa/hien-ke-bao-ton-dinh-thuong-tho-1008471.html

Lê Công Sơn (2019). 90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳhttps://thanhnien.vn/van-hoa/90-nam-bao-tang-dau-tien-o-nam-ky-1117058.html

Linh Đan (2014). Dinh Độc Lập – Kho báu giữa lòng thành phốhttps://traveltimes.vn/vn/diem-den/1086/dinh-doc-lap—kho-bau-giua-long-thanh-pho.html

Lộc An (2019). Kiến trúc đa văn hóa trong công trình 110 tuổi của Sài Gònhttps://vnexpress.net/kien-truc-da-van-hoa-trong-cong-trinh-110-tuoi-cua-sai-gon-3910549.html

Luyến Nguyễn (2019a). 5 ngôi chùa đẹp và linh thiêng nhất ở Sài Gònhttps://www.vntrip.vn/cam-nang/ngoi-chua-dep-o-sai-gon-38673

Luyến Nguyễn (2019b). Tham quan Chợ Bến Thành – Nét đặc trưng của Sài Gònhttps://www.vntrip.vn/cam-nang/tham-quan-cho-ben-thanh-sai-gon-15535

Luyến Nguyễn (2019c). Tham quan ngôi chùa Bà Thiên Hậu – Chốn linh thiêng giữa lòng Sài Gònhttps://www.vntrip.vn/cam-nang/chua-ba-thien-hau-32892

Luyến Nguyễn (2020a). Chùa Ngọc Hoàng – bí ẩn sự linh thiêng giữa thành phố Sài Gònhttps://www.vntrip.vn/cam-nang/chua-ngoc-hoang-o-dau-30705

Luyến Nguyễn (2020b). Tham quan bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minhhttps://www.vntrip.vn/cam-nang/bao-tang-my-thuat-thanh-pho-ho-chi-minh-27819

Lưu Đức & Hoàng Tuyên (2012). Dấu xưa xe lửa Sài Gòn – Bài 2: Vẫn còn tên cũ, cầu xưahttps://kienviet.net/2012/03/16/dau-xua-xe-lua-sai-gon-bai-1-tu-xe-lua-den-xe-dien/

Lý Nhân Phan Thứ Lang (2015a). Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ – Kỳ 3: Bí ẩn Lăng Cha Cảhttps://thanhnien.vn/van-hoa/sai-gon-gia-dinh-mot-thoi-de-nho-ky-3-bi-an-lang-cha-ca-584373.html

Lý Nhân Phan Thứ Lang (2015b). Sài Gòn – Gia Định một thời để nhớ – Kỳ 6: Đại phú hào chú Hỏahttps://thanhnien.vn/van-hoa/sai-gon-gia-dinh-mot-thoi-de-nho-ky-6-dai-phu-hao-chu-hoa-585611.html

Mai Kim Thành (2011). Thảo Cầm Viên Sài Gònhttps://www.aseantraveller.net/tin-tuc/359_thao-cam-vien-sai-gon.html

Minh Chính (2019). Chùa Ngọc Hoàng, ngôi chùa cổ giữa lòng Sài Thànhhttps://phatgiao.org.vn/chua-ngoc-hoang-ngoi-chua-co-giua-long-sai-thanh-d37480.html#

Minh Nguyên (2020). Khám phá những công trình kiến trúc nổi tiếng hơn 100 tuổi của Sài Gònhttps://dulichvietnam.com.vn/kham-pha-nhung-cong-trinh-kien-truc-noi-tieng-hon-100-tuoi-cua-sai-gon.html

Nga Truong (2018). Từ Lăng Ông Bà Chiểu đến phủ thờ Lê Văn Duyệt ở Huếhttps://trangsuvang.com/tu-lang-ong-ba-chieu-den-phu-tho-le-van-duyet-o-hue.html

Ngọc Thảo 2020). Cận cảnh nhà thờ Tân Định 150 tuổi ngay trung tâm Sài Gòn ‘đốn tim’ du kháchhttps://thanhnien.vn/du-lich/can-canh-nha-tho-tan-dinh-150-tuoi-ngay-trung-tam-sai-gon-don-tim-du-khach-1234648.html

Nguyễn Chiên (2018). Kiến trúc nhà thờ Tân Định – Nhà thờ hơn 100 tuổi ở Sài Gònhttps://gotrangtri.vn/kien-truc-nha-tho-tan-dinh-nha-tho-hon-100-tuoi-o-sai-gon/

Nguyễn Ðạt (2012). Bệnh viện Chợ Quán, ‘nhà thương điên’ một thờihttps://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Benh-vien-Cho-Quan-nha-thuong-dien-mot-thoi-3609/

Nguyễn Hoàng Hà & Hoàng Hà (2014). Bên trong Dinh thự đặc biệt nhất Sài Gònhttps://zingnews.vn/ben-trong-dinh-thu-dac-biet-nhat-sai-gon-post412709.html

Nguyễn Hữu Thái (2016). Những KTS tài danh của Sài Gòn trước 1975https://tuoitre.vn/nhung-kts-tai-danh-cua-sai-gon-truoc-1975-1159918.htm

Nguyễn Minh Hòa (no date). Vài nét về lịch sử mảnh đất 1,1 ha của Trường ĐH KHXH&NV, và giá trị lịch sử kiến trúc khu nhà Khttp://alumni.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=615435e1-4678-4c12-997b-d8254c06c09e

Nguyễn Quang (2019a). Chiêm ngưỡng nhà thờ trăm tuổi của ông ngoại Nam Phương hoàng hậu tại Sài Gònhttps://dantri.com.vn/doi-song/chiem-nguong-nha-tho-tram-tuoi-cua-ong-ngoai-nam-phuong-hoang-hau-tai-sai-gon-20190907203642896.htm

Nguyễn Quang (2019b). Lăng miếu 200 năm tuổi, nơi thờ danh thần ở Sài Gònhttps://dantri.com.vn/du-lich/lang-mieu-200-nam-tuoi-noi-tho-danh-than-o-sai-gon-20191002162559834.htm

Nguyễn Vũ Thành Đạt (2014). 100 năm chợ Bến Thànhhttps://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/100-nam-cho-ben-thanh/52953.html

Nguyễn Vũ Thành Đạt (2015). Vãn cảnh chùa Bà Thiên Hậuhttps://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/van-canh-chua-ba-thien-hau/157290.html

Nguyễn Vũ Thành Đạt (2017). Thông Tây Hội – Ngôi đình cổ nhất phương Namhttps://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/thong-tay-hoi-ngoi-dinh-co-nhat-phuong-nam/356992.html

Như Ý (2019). Nhà thờ Đức Bà: Tuyệt tác kiến trúc Pháp giữa lòng Sài Gònhttps://thoidai.com.vn/nha-tho-duc-ba-tuyet-tac-kien-truc-phap-giua-long-sai-gon-75409.html

Paka Jatrang (2014). 10 công trình kiến trúc nổi tiếng Sài Gònhttps://vnexpress.net/10-cong-trinh-kien-truc-noi-tieng-sai-gon-2940573.html

Phạm Công Luận (2018). Câu chuyện của những bức họa trong Dinh Độc Lậphttps://hdv.travel.blog/2018/12/07/cau-chuyen-cua-nhung-buc-hoa-trong-dinh-doc-lap/

Phạm Đình (2017). Lăng Ông Bà Chiểu: Chốn tâm linhhttps://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/lang-ong-ba-chieu-chon-tam-linh-689722.html

Phạm Hoài Nhân (2014). Nhà thờ Cha Tamhttp://phnhan.vncgarden.com/2014/08/nha-tho-cha-tam.html

Phạm Ngọc Hường (2020). Văn bia Hán Nôm Thành phố Hồ Chí Minh – Khảo cứu và giới thiệu. Nhà Xuất bản Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phong Vinh (2016a). Ba ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/ba-ngoi-chua-noi-tieng-o-sai-gon-3453009.html

Phong Vinh (2016b). Bên trong ngôi chùa tổng thống Mỹ dự kiến tới thămhttps://vnexpress.net/ben-trong-ngoi-chua-tong-thong-my-du-kien-toi-tham-3406381.html

Phong Vinh (2017). Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/dau-an-kien-truc-phap-o-sai-gon-3641939.html

Phong Vũ (2019). Tòa nhà trụ sở Tòa án 134 năm tuổi tại TP.HCM dần ‘lột xác’ sau trùng tuhttps://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/toa-nha-tru-so-toa-an-134-nam-tuoi-tai-tp-hcm-dan-lot-xac-sau-trung-tu-8273.html

Phúc Tiến (2019). Tòa thị chính Sài Gòn – Lâu đài trăm năm bao giờ rộng cửa? https://nguoidothi.net.vn/toa-thi-chinh-sai-gon-lau-dai-tram-nam-bao-gio-rong-cua-19811.html

Quỳnh Trần (no date). Nhà cổ nhất Sài Gòn từng là nơi ở của giám mục Bá Đa Lộchttps://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=11155

Quỳnh Trần (2018). Nhà thờ 150 tuổi ở Sài Gòn trước ngày Giáng sinhhttps://vnexpress.net/nha-tho-150-tuoi-o-sai-gon-truoc-ngay-giang-sinh-3858270.html

Quỳnh Trần (2019a). Bảo tàng đầu tiên ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/bao-tang-dau-tien-o-sai-gon-3974427.html

Quỳnh Trần (2019b). Bảo tàng từng là dinh thự của đại gia Sài Gòn xưahttps://vnexpress.net/bao-tang-tung-la-dinh-thu-cua-dai-gia-sai-gon-xua-3978781.html

Quỳnh Trần (2019c). Nhà thờ gần 300 tuổi cổ xưa nhất Sài Gònhttps://vnexpress.net/nha-tho-gan-300-tuoi-co-xua-nhat-sai-gon-3957493.html

Quỳnh Trần (2019d). Ngôi chùa gần 300 tuổi trang trí hàng nghìn chiếc đĩa ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/ngoi-chua-gan-300-tuoi-trang-tri-hang-nghin-chiec-dia-o-sai-gon-3939012.html

Quỳnh Trần (2019e). Nhà thờ hơn 100 tuổi phong cách ‘lai’ Á – Âu ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/nha-tho-hon-100-tuoi-phong-cach-lai-a-au-o-sai-gon-3960373.html

Quỳnh Trần (2019f). Nhà thờ trăm tuổi của ông ngoại Nam Phương hoàng hậu ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/nha-tho-tram-tuoi-cua-ong-ngoai-nam-phuong-hoang-hau-o-sai-gon-3953826.html

Phạm Trường Giang (2016). Continental Palace – Khách sạn đầu tiên và hoành tráng nhất Việt Nam của Sài Gòn xưahttps://nhacxua.vn/continental-palace-khach-san-dau-tien-va-hoanh-trang-nhat-viet-nam-cua-sai-gon-xua/

Saigon Xưa (2019a). Continental Palace – Khách sạn đầu tiên và hoành tráng nhất Việt Nam của Sài Gòn xưahttps://nhacxua.vn/continental-palace-khach-san-dau-tien-va-hoanh-trang-nhat-viet-nam-cua-sai-gon-xua/

Saigon Xưa (2019b). Dinh Norodom – Dinh Độc Lập và những thăng trầm cùng lịch sửhttps://nhacxua.vn/dinh-norodom-va-dinh-doc-lap-va-nhung-thang-tram-cung-lich-su/

Saigoneer (2016). The Legacy of Hui Bon Hoahttps://saigoneer.com/old-saigon/8680-the-legacy-of-hui-bon-hoa

T.D. (2018). Khám phá ngôi đình hơn 300 năm tuổi lâu đời nhất Sài Gònhttps://kienviet.net/2018/12/01/kham-pha-ngoi-dinh-hon-300-nam-tuoi-lau-doi-nhat-sai-gon/

Thanh Nhàn (2019). Bưu điện Sài Gònhttps://doanhnhansaigon.vn/doi-song-van-hoa/buu-dien-sai-gon-1091990.html

Thái Bình & Nguyễn Cảnh (2019). Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Ly kỳ những “cụ” cây của Thảo cầm viênhttp://antg.cand.com.vn/Phong-su/Chuyen-ve-vuon-thu-155-tuoi-Ly-ky-nhung-cu-cay-cua-Thao-cam-vien-546724/

Thái Nguyễn (2016). 136 năm Thương xá Tax gắn bó với Sài Gòn.

Thành Nguyễn (2017). Trường trung học đào tạo nhiều người nổi danh ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/truong-trung-hoc-dao-tao-nhieu-nguoi-noi-danh-o-sai-gon-3581364.html

Thành Nguyễn (2019). Ngôi chùa cổ xưa nhất Sài Gònhttps://vnexpress.net/ngoi-chua-co-xua-nhat-sai-gon-3954661.html

Thiên Chương (2012). Bệnh viện cổ nhất Sài Gònhttps://vnexpress.net/benh-vien-co-nhat-sai-gon-2404274.html

Tiến Thành (2016). Đình Thông Tây Hội hơn 300 tuổi đang xuống cấp nghiêm trọnghttp://congan.com.vn/doi-song/dinh-thong-tay-hoi-hon-300-tuoi-dang-xuong-cap-nghiem-trong_26631.html

tongocthao (2015). Nhiếp ảnh ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20https://tongocthao.wordpress.com/2015/09/18/nhiep-anh-o-viet-nam-tu-cuoi-the-ky-19-den-dau-the-ky-20/

Tracy Do (2016). Cha Tam Church (Church of Saint Francisco Xavier)https://scootersaigontour.com/cha-tam-church/

Tran Thanh Nhan (2013). Sài Gòn xưa – Những khoảnh khắc nhà hát lớnhttp://tranthanhnhan1963g.blogspot.com/2013/12/sai-gon-xua-nhung-khoanh-khac-nha-hat.html

Trang Nguyên (2019). Nhớ ga xe lửa Sài Gònhttps://dongsongxua.wordpress.com/2019/02/17/nho-ga-xe-lua-sai-gon-trang-nguyen/

Trần Chánh Nghĩa (2016). Lăng Cha Cả – Một góc Sài Gòn xưahttps://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chuyen-la/lang-cha-ca-mot-dia-danh-xua-o-sai-gon-329200.html

Trần Đình Ba (2020). Nhớ xưa ‘Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa’https://plo.vn/van-hoa/nho-xua-di-tau-chu-hy-o-nha-chu-hoa-913066.html

Tri Thức Mở (2016). Những cái cổ xưa nhất ở Sài Gònhttp://www.trithucmo.net/index.php/lich-su/item/88-nhung-cai-co-xua-nhat-o-sai-gon

Trung Sơn (2016a). Số phận 2 thành cổ bảo vệ Sài Gòn xưahttps://vnexpress.net/so-phan-2-thanh-co-bao-ve-sai-gon-xua-3336201.html

Trung Sơn (2016b). Thành Ông Dèm qua 143 nămhttps://vnexpress.net/dau-tich-thanh-co-hon-140-tuoi-giua-trung-tam-sai-gon-3372167-p2.html

Trung Sơn (2017a). 8 công trình đầu tiên của Sài Gòn xưahttps://vietgiaitri.com/8-cong-trinh-dau-tien-cua-sai-gon-xua-20170503i2831724/

Trung Sơn (2017b). Nhà tù khét tiếng nhất Sài Gòn xưahttps://vnexpress.net/nha-tu-khet-tieng-nhat-sai-gon-xua-3577781.html

Trương Phúc Hải (2019). Saint Paul Thành Chartres – Dòng ngoại quốc đầu tiên ở Sài Gònhttp://www.sugia.vn/portfolio/detail/1823/saint-paul-thanh-chartres-dong-ngoai-quc-dau-tien-o-sai-gon.html

Trường Nguyên (2016). Tẩy bụi, bóc tách từng viên gạch nhỏ xíu trong Thương xá Taxhttps://soha.vn/tay-bui-boc-tach-tung-vien-gach-nho-xiu-trong-thuong-xa-tax-20161012135839541.htm

tuonguyen (2018). Lăng Ông Bà Chiểu – Tìm về chốn cung đình thời nhà Nguyễnhttps://blog.traveloka.com/vn/lang-ong-ba-chieu/

Tứ Quý (2016). Những hạng mục nào của Thương xá Tax sẽ được bảo tồn để xây TTTM 40 tầng? https://kenh14.vn/nhung-hang-muc-nao-cua-thuong-xa-tax-se-duoc-bao-ton-de-xay-tttm-40-tang-20161012184617457.chn

Văn Trãi (2014). Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi ở Sài Gònhttps://vnexpress.net/ngoi-nha-co-hon-200-tuoi-o-sai-gon-3105414.html

Vietnam Travel (2018). Kiến thức thuyết minh – Bưu điện Sài Gònhttps://hdv.travel.blog/2018/10/16/buu-dien-sai-gon/

Vũ Ngọc Thành (2012). Ranh giới hành chính đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện qua các bản đồ (giai đoạn 1859–2005)http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=67307519-0f17-42b5-8d9e-61ad8323c0a8&groupId=13025

Vương Hồng Sển (1960). Sài Gòn năm xưa. Nhà Xuất bản Tự Do.

Vương Hồng Sển (2017). Hơn nửa đời hư. Nhà Xuất bản Trẻ.

Wikipedia_Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_t%C3%A0ng_L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Vi%E1%BB%87t_Nam_(Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh)

Wikipedia_Bệnh viện Bệnh Nhiệt đớihttps://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%87nh_vi%E1%BB%87n_B%E1%BB%87nh_Nhi%E1%BB%87t_%C4%91%E1%BB%9Bi

Wikipedia_Bưu điện trung tâm Sài Gònhttps://vi.wikipedia.org/wiki/B%C6%B0u_%C4%91i%E1%BB%87n_trung_t%C3%A2m_S%C3%A0i_G%C3%B2n

Wikipedia_Chợ Bến Thànhhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A3_B%E1%BA%BFn_Th%C3%A0nh

Wikipedia_Chùa Bà Thiên Hậu (Thành phố Hồ Chí Minh)https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A0_Thi%C3%AAn_H%E1%BA%ADu_(Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh)

Wikipedia_Chùa Giác Lâmhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Gi%C3%A1c_L%C3%A2m

Wikipedia_Chùa Ngọc Hoànghttps://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ng%E1%BB%8Dc_Ho%C3%A0ng

Wikipedia_Dinh Độc Lậphttps://vi.wikipedia.org/wiki/Dinh_%C4%90%E1%BB%99c_L%E1%BA%ADp

Wikipedia_Đình Thông Tây Hộihttps://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_Th%C3%B4ng_T%C3%A2y_H%E1%BB%99i

Wikipedia_Nhà nguyện Tòa tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minhhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_nguy%E1%BB%87n_T%C3%B2a_t%E1%BB%95ng_gi%C3%A1m_m%E1%BB%A5c_Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh

Wikipedia_Nhà thờ Cha Tamhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_th%E1%BB%9D_Cha_Tam

Wikipedia_Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gònhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_th%E1%BB%9D_ch%C3%ADnh_t%C3%B2a_%C4%90%E1%BB%A9c_B%C3%A0_S%C3%A0i_G%C3%B2n

Wikipedia_Nhà thờ Chợ Quánhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_th%E1%BB%9D_Ch%E1%BB%A3_Qu%C3%A1n

Wikipedia_Thảo Cầm Viên Sài Gònhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_C%E1%BA%A7m_Vi%C3%AAn_S%C3%A0i_G%C3%B2n

Wikipedia_Thương xá TAXhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0%C6%A1ng_x%C3%A1_TAX

Wikipedia_Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minhhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Trung_h%E1%BB%8Dc_ph%E1%BB%95_th%C3%B4ng_L%C3%AA_Qu%C3%BD_%C4%90%C3%B4n,_Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh

* * *

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen