Seiten

Donnerstag, 7. Januar 2021

BIỆT TÀI TẠO NGHĨA (THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG)

Có thể nói thơ Nôm Hồ Xuân Hương rất đặc biệt ở lĩnh vực tạo nghĩa. Đành rằng văn học dân gian ta có hiện tượng đố tục giảng thanh và ngược lại nhưng đó là nằm dưới dạng câu đố, giải thích sự vật hiện tượng thông qua miêu tả hai mặt nghĩa. Còn đối với thơ thì có lẽ thơ Xuân Hương là một hiện tượng cá biệt. Một bài thơ thường có 3 nghĩa: nghĩa thứ nhất, nghĩa thứ hai và nghĩa khái quát. Thiếu vắng một trong 3 nghĩa này dứt khoát không phải là thơ Xuân Hương. Nghĩa thứ ba có thể không quan trọng đối với tác giả vì nghĩa thứ ba này còn tùy thuộc vào đối tượng tiếp nhận. Nhưng với nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai hết sức quan trọng. Và đầu đề tác giả đã đặt tên gì thì dứt khoát nghĩa thứ nhất mang nội dung đó (Ví dụ: Quả mít, Con ốc, Đánh đu, Tát nước, Dệt cửi, Cái quạt, Tự tình, Mời trầu…). Nghĩa thứ hai sẽ hiện ra ngay khi người đọc vừa khám phá nghĩa thứ nhất. Và chính nghĩa thứ hai này mới thực sự làm cho người đọc ngạc nhiên thích thú, thích thú vì chính mình–người đọc– chứ không phải ai khác phát hiện cái tiềm ẩn bên trong. Cái bên trong ấy quả là một kho tàng khiến người khai thác khám phá không dừng được công việc lôi ra ánh sáng cái điều hết sức kỳ thú kia. Và nghĩa thứ ba là nghĩa khái quát rút ra từ nghĩa thực và nghĩa ẩn thứ hai, có tính chất quyết định giá trị bài thơ.

Nghĩa thứ hai có lẽ cần bàn nhiều hơn. Và cả quá trình hình thành cái nghĩa đôi ấy. Xuân Hương cố tình giới thiệu cho người đọc hai sự vật hiện tượng trong một bài thơ. Nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh gợi nên một hình ảnh khác. Xuân Hương không che giấu, không khuất lấp, mà chính Xuân Hương hé lộ cho chúng ta tiếp nhận ảnh tượng của một không gian buồng khuê với nhiều sắc độ tối, đậm, và đầy sức lôi cuốn.       

Trần Đình Sử trong Thi pháp văn học Việt Nam trung đại có chỉ ra không gian buồng khuê và cho rằng: “dù nói tới chuyện gì, miêu tả cái gì, chỉ khi đặt vào buồng khuê thì chúng mới toát ra ánh sáng và ý nghĩa đặc thù của nó nếu đặt chúng vào không gian khác thời cái ý nghĩa thứ hai, hàm ẩn sẽ mất đi” và ông cho rằng “không kể những bài như Tự tình 1, Dệt cửi gợi ra chốn buồng khuê mà những bài như Thiếu nữ ngủ ngày, Tranh tố nữ, Giếng nước, Đá ông chồng bà chồng và cả những phong cảnh đèo, hang, động, kẽm, quán…đều gợi lên không gian buồng khuê tự nhiên khổng lồ” (NXB ĐHQGHN, 2005, tr.222)

Nguyễn Tuân trong bài Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương, cũng có ý kiến: “Thế giới quan, nhân sinh quan của Xuân Hương là một nhỡn quan nõn nường, bất cứ cái gì, bất kể lúc nào và ở đâu, vẫn vang ngân lên chỉ nõn nường” (Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập III, NXB Văn học, H, tr. 170-172)

Trước đó Trương Tửu trong bài Hồ Xuân Hương-thiên tài huê nguyệt đã nhận định: “…cái nhãn quan độc nhất của Hồ Xuân Hương về sự vật là một nhãn quan dâm. Mọi sự vật đều hiện ra, dưới mắt nàng, ở hình thù một cái giống (đực hay cái) hay một tác động thuộc về giống” (HXH- về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001). Và một số ý kiến của các tác giả khác cũng tương tự như vậy.

Thơ Xuân Hương thường đề cập đến nhiều thú vui (Tranh tố nữ, Quán Khánh), chơi xuân (Tự tình I), chơi nguyệt (Trách Chiêu Hổ), và rất nhiều biểu tượng tính dục như: ong, chuột, sừng, lá vông, lá chốc, hang hầm, đèo, khe, kẽm, kẽ rêu, lỗ, cọc, lỗ trôn… Những từ này góp phần làm hiện lên nghĩa thứ hai và không thể chối cãi trong thơ Xuân Hương bao giờ cũng ẩn chứa trong đó không gian buồng khuê và những hoạt động ái ân nhục cảm hoặc những biểu tượng của tính dục. Trước khi đi vào thủ pháp tạo nghĩa, Chúng ta cần quay trở lại vấn đề dâm và tục mà các nhà nghiên cứu phê bình đã bàn khá nhiều trước đây. Vấn đề này, cách nhìn nhận hiện nay cũng đã tương đối thống nhất rằng trong thơ Xuân Hương chỉ có yếu tố tục chứ không có yếu tố dâm. Hoặc nói như Đỗ Lai Thúy thơ Xuân Hương có dâm (érotique) nhưng “dâm là một chiều kích bản thể của con người, nó cũng như các bản năng gốc khác như ăn uống, ngủ, vui chơi…tự thân không có gì là xấu, khác hẳn với khiêu dâm” (Hoài niệm phồn thực–Đỗ Lai Thúy NXB VHTT 1999, tr166). Ngược lại thời kỳ lịch sử trước phong kiến, đất nước ta với những dấu vết văn hoá còn để lại (trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, trò chơi dân gian, tranh dân gian như Đánh ghen, Hứng dừa …) cho thấy quan niệm người xưa rất thoáng về hình ảnh nam nữ sóng đôi, nam nữ giao hoan…Xuất phát từ tín ngưỡng phồn thực từ lâu đời của nhân dân ta, “Đây là tín ngưỡng tôn thờ sự giao hợp và sinh nở. Nó tồn tại ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới (Châu Phi, các bộ lạc da đỏ oở châu Mỹ, An Độ cổ đại, Tây Tạng…). Tuy nhiên, sự hiện diện đồng thời ở nhiều nơi của tín ngưỡng này không phải là kết quả giao lưu văn hoá mà bắt nguồn từ logic khách quan của đời sống con người, tức là theo logic phát triển tự nhiên của xã hội loài người” (Đại cương Văn hoá Việt Nam–TS Phạm Thái Việt chủ biên, NXB văn Hoá Thông tin 2004).

Dĩ nhiên thế kỷ XVIII–XIX không chỉ mình Xuân Hương đề cập đến vấn đề này. Thơ của Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du và các truyện thơ Nôm khác đều có đề cập đến tín ngưỡng phồn thực, mặc dù đôi lúc nó ẩn dưới những hình ảnh tượng trưng ước lệ:


Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng dương lộng bóng trà mi trập trùng

Đoá lê ngon mắt cửu trùng

Thân này uốn éo vì duyên
Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời (Cung oán ngâm)

Hoa giải nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng

Lệch làn tóc rối lỏng vòng lưng eo (Chinh phụ ngâm)

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên

Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về

Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung (Truyện Kiều)

Có đêm giấc quế hồn mai
Thấy người quân tử xa chơi động đào
Càng trông càng lắm chiêm bao
Rõ ràng quân tử đã vào phòng hương (Phạm Tải Ngọc Hoa)

Ngày thì đất bụt đêm thì động tiên (Phan Trần)…

Như vậy chúng ta có thể hiểu một cách thoả đáng về vấn đề này mà không cần bàn cãi nhiều. Hoặc như ở thời hiện đại, không thiếu những tác phẩm hàm chứa trong nó những hoạt động tính dục bởi đó là một phần của đời sống. Thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… Văn xuôi hiện đại, nhất là giai đoạn từ 1975 đến nay có rất nhiều tác phẩm nói đến vấn đề này và trong văn xuôi không giới hạn về câu chữ thì vấn đề này càng hiện ra rõ mồn một không giấu diếm (Đám cưới không giấy giá thú, Góc tăm tối cuối cùng, Phố, Chuyện làng Cuội, An mày dĩ vãng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng…). Và gần đây nhất trong truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, một số tác giả trẻ đã xem vấn đề tình dục như một mốt mới của văn học và các nhà văn trẻ này đang cố ra sức thể hiện.

Ca dao xưa đã có những hình ảnh biểu hiện tình yêu thông qua cảm giác vật chất xác thịt:

Đêm qua trời sáng trăng rằm
Anh đi qua của em nằm không yên

Có trầu mà cũng sẵn cau
Làm sao cho môi nhau thì làm

Đầu rồng mà gối tay tiên
Ước gì tay ấy gối lên đầu này
Đầu ấy mà gối tay này
Như chim loan phụng ấp cây ngô đồng
Một mai nên vợ nên chồng
Như cá gặp nước như bèo gặp mây

Vẫn có cái duyên dáng, nồng thắm của người bình dân trước vấn đề yêu đương nam nữ nghiên về bình diện vật chất xác thịt.

Ca dao thời hiện đại xuất hiện trên những bàn tiệc, giúp vui tạo nên tiếng cười thoải mái thư giản tuyệt đối, cũng nhờ vào cách nói nước đôi đầy dụng ý này.

Em đẹp thế này sao anh chẳng đầu tư
Núi đồi biển sâu em đều có đủ
Tài nguyên em vô cùng phong phú
Em đẹp thế này sao anh chẳng đầu tư

Anh đi ngã bảy ngã năm
Khi về mỏi mệt anh nằm ngã ba

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà

Nhìn chung văn học không thể từ chối những khát khao cháy bỏng vốn thường trực sẵn trong mỗi con người, vì như thế văn học sẽ đi trên mây, chân không chạm đất và con người đến một lúc nào đó người ta sẽ không ngửa cổ mãi lên trời để thưởng thức nó. Người ta phải rời bỏ nó thôi. Như vậy văn học sẽ biến mất. Những gì thuộc về con người phải được nâng niu trân trọng. Tất nhiên không đi quá trớn như hiện nay.

Như vậy, vấn đề còn lại là người đọc chúng ta thấu đáo được cách làm của Xuân Hương theo hướng nào và chúng ta có chấp nhận lối nói ởm ờ nước đôi của Xuân Hương hay không? Kết quả điều tra trên đã cho thấy rõ ràng: nhiều người hiểu một cách tự nhiên không cần phân biệt thơ bà có dâm tục hay không. Đa số người trả lời thích thơ Hồ Xuân Hương cho thấy tâm ý của họ rất đơn giản. Họ cảm nhận được từ thơ Xuân Hương những điều thú vị thông qua những từ ngữ khá đặc biệt. Người đọc vừa thưởng thức vừa có thú vui khám phá. Từ ngữ của Xuân Hương tạo ra điều đó. Một số ít có vẻ không thích kiểu thơ hai mặt, lại thêm nghĩa thứ hai nếu đứng về phía lễ giáo phong kiến thì họ cho đó là dung tục.

Ngôn ngữ là một ký hiệu. Khác với những ký hiệu đơn giản trong cuộc sống như: cứu thương, bảng cấm, đèn đường… đối với những ký hiệu này mọi người chỉ có việc tuân theo, không được làm trái. Còn với ngôn ngữ, vì là ngôn ngữ nghệ thuật, nó vốn đa nghĩa và có một độ chênh giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, giữa ký hiệu ngôn từ và hình tượng nghệ thuật, vì vậy người tiếp nhận có quyền tự do thẩm định, có nghĩa là có thể đưa cái chủ quan của mình tham gia vào cuộc chơi. Ngôn ngữ văn chương bao giờ cũng được cá nhân hoá, chủ thể hoá và là một hệ thống mở, luôn có những con đường thông thoáng từ ngôn ngữ đến siêu ngôn ngữ, một cấu trúc tâm thức, cấu trúc bề sâu của nhà thơ nhà văn. Vì thế người đọc có thể lĩnh hội hình tượng nghệ thuật theo vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, tình cảm cảm xúc ….của mình. Ngôn ngữ thơ Xuân Hương cho người đọc con đường tự do thông thoáng đó.

Mọi người đều phải thừa nhận thơ Xuân Hương quả là “tuyệt chiêu”. Có người muốn bắt chước làm thơ kiểu Xuân Hương nhưng thường họ chỉ chú trọng nghĩa thứ hai, vì thế bài thơ chỉ thấy ghê gớm vì hình ảnh quá thô tục. Khoảng những năm 1990 trên báo Tuổi trẻ cười có phát động phong trào làm thơ nhại kiểu thơ Xuân Hương nhằm để phê phán cái xấu còn tồn tại trong xã hội. Nhưng chỉ được vài kỳ, mục này bãi bỏ vì thơ không thể “ngửi được”. Cũng như có người cho Vi Thùy Linh (một nhà thơ trẻ hiện đại) là Hồ Xuân Hương thời hiện đại, nhưng cũng có nhiều người trong giới phê bình nghiên cứu chỉ trích ngay là không thể đem thơ Vi Thùy Linh ra mà so sánh với Hồ Xuân Hương. Rõ ràng thơ Vi Thùy Linh có nhiều câu không thể đọc nổi:

Những con kiến rừng yêu mùa nào, để đẻ trứng đúng vào tháng tư
Cả tháng tư em bồn chồn như rừng kiến đốt
Như con ong
Em khích động anh bằng tưởng tượng có thật

Và đáp lại tất cả thèm muốn
Anh và em trong trắng trong vũ trụ sơ sinh…
Em bắt đầu yêu anh, và
Anh yêu em, bằng sự cực đại được khuếch tán
Sự tối tăm và sáng láng
Sự chôn chân và những cuộc bay
Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em
Làm thế giới hoá lỏng…
(Sinh ngày 4 tháng 4–Linh–Vi Thuỳ Linh, NXB Thanh Niên 2000)
Hãy siết em cắn em để hằn dấu vết,
Hãy nhập vào em hãy khoá và đánh mất chìa khoá trong em
Của em máu anh đang chảy từng động mạch tĩnh mạch
Cơn run tê cứng người
(Lá thư và ổ khoá–Linh–Vi Thùy Linh, NXB Thanh Niên, 2000)

Còn trên các trang web các nhóm “Mở miệng”, “Ngựa trời” đại diện cho văn học thời @ thì lên tiếng một cách kinh khủng:

Chiếc chiếu sờn lòng giữa
Em save vào anh document tử cung
Trét lên tường những gam màu bò cái
(Đăng cai–Lynh Bacardi)

Hoặc:

Hắn cười khẩy vào giữa đùi nàng đã được tẩm Chanel No.5
(Ta cứ hếch hoác thì đã sao nào?)

Khi ngày nào hắn cũng tới thư viện nhà nước nghiền ngẫm tại sao bà Hồ Xuân Hương không trần truồng Ereka mỗi khi làm thơ (Thanh Xuân)

Thơ Xuân Hương không phơi trần khát vọng cuồng nhiệt như kiểu Vi Thùy Linh, không gian buồng khuê: gối chăn, quần áo, giường chiếu…không lộ diện một cách tự nhiên như thơ Vi Thùy Linh. Phát ngôn trong thơ Xuân Hương không phải phát ngôn cẩu thả vô trách nhiệm, nhăng nhít kiểu các nhóm trẻ háo danh nhảy chồm chồm lên trên những trang web kia. Thơ Xuân Hương ẩn bằng âm thanh, bằng sự chuyển động, bằng ngôn ngữ tạo hình, bằng sự liên tưởng tưởng tượng. Không gian buồng khuê được tạo bằng cánh cửa càn khôn, bằng trời đất sinh ra, bằng con tạo khéo khôn phàm…Biểu tượng của sự sóng đôi nam nữ được nguỵ trang bằng những hoạt động như tát nước, dệt củi, đánh đu…cái “xuân tình” của nam nữ được liên tưởng bằng những hình ảnh hết sức ngộ nghĩnh thú vị: quả mít, con ốc nhồi, chày kình, tràng hạt, quả cau, miếng trầu, cành thông, cơn gió, đá, nước… và cái khoái cảm trần tục kia được sánh với sự kỳ diệu của đất–trời, núi–đá, trăng–trời, hang động–đồi núi… Ngôn ngữ thơ Xuân Hương là ngôn ngữ thuộc văn hoá Việt, ngôn ngữ Vi Thùy Linh là ngôn ngữ văn hoá ngoại lai, xa lạ với con mắt, lỗ tai người đọc Việt, không thể so sánh được.

Thủ pháp nghệ thuật của Xuân Hương là lựa chọn vốn từ ngữ sao cho có thể hiểu hai nghĩa: mười bảy hay là mười tám đây, chành ba góc, xuân tình, lỗ hỏm hòm hom, cành đa, củ đa, bảy nổi ba chìm, thân em, trắng, tròn… Những từ ngữ mang phong cách Xuân Hương cũng là những từ ngữ mà dân gian đã dùng để diễn tả các hình thức câu đố hoặc câu hát. Những từ ngữ này có sức hàm chứa tính liên tưởng, nói cái này nhưng người ta có thể nghĩ ra cái kia. Đặc biệt cái thường che đậy, giấu diếm…dễ bật ra trong liên tưởng. Và có như vậy hình ảnh ấy mới trở nên thú vị. Hình ảnh lá đa, cành đa và củ đa mà Xuân Hương và Chiêu Hổ dùng để xướng hoạ với nhau rõ ràng không phải vô tình. Bởi trên đã chơi chữ nguyệt vì thế câu dưới phải sử dụng lá đa. Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt. Nhớ hái cho xin nắm lá đa. Ngụ ý trách Chiêu Hổ nói dối như Cuội. Nhưng cũng từ đây tạo cớ cho Chiêu Hổ tha hồ tuôn ra cơ man nào cành đa, củ đa. Và người đọc thấy được nghĩa ẩn nằm ở đây.

Xuân Hương cũng chú ý lựa chọn từ ngữ sắc nhọn dễ liên tưởng: cửa son, bậc đá, lún phún, nòng nọc, lỗ, hang, nhựa, tùm hum, mân mó, le te, chênh lệch, đứt đuôi … Những từ ngữ này bất kể danh từ, động từ, tính từ Xuân Hương đều làm cho nó có thể in hình lên sự vật, tác động ngay vào thần kinh cảm giác của người đọc, buộc người đọc không muốn hình dung cũng phải hình dung. Bài Quả mít có người cho hình ảnh đóng cọc gây ấn tượng mạnh, nhưng có người cho hình ảnh nhựa và động tác mân mó mới thật sự làm người đọc giật mình vì ý tưởng táo bạo, lại thêm từ ra tay thì không thể chối cãi vào đâu cái tư tưởng gieo vào người đọc một khoảng trời, riêng thật riêng…Ở đó chỉ có quả mít và người mong mít chín để được ăn mít, chỉ có người yêu với người yêu với những hoạt động bội phần vui vẻ hưng phấn từ chất nhựa kết dính tình yêu.

Cách làm thường thấy nhất là Xuân Hương dùng những tính từ, động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc, cọ, đóng cọc, đạp xuống, đâm ngang, mấp máy, bóc yếm, quệt, bén, đứt đuôi, nảy, leo, lách…; đỏ loét, xanh rì, trắng phau phau, trong leo lẻo, chín mõm mòm, đỏ lòm lom, đầm đìa, xù xì, dày…Những động từ, tính từ này có tác dụng cột chặt ý nghĩ của người đọc vào một thế giới của trăm ngàn lời tình tự, của những đam mê ngất trời, của tâm hồn dâng hương ngào ngạt, của sự hít thở khí trời chất đầy lồng ngực, của sự khoan hoà êm ái…Bài thơ Giếng nước tập trung trong đó không biết bao nhiêu từ gợi hình: có cái trong leo lẻo của nước, cái lún phún, leo của cỏ gà, có cá diếc le te lách giữa dòng. Rõ ràng những động từ, tính từ mạnh, sắc, nhọn…trói buộc người đọc đi từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác: trong gì mà đến độ trong leo lẻo? Cỏ gà đã mạnh mẽ vươn lên lún phún sao lại còn thêm động tác vượt quá sức leo nữa? Cá diếc bản thân nó đã rất nhanh nhẹn le te sao lại còn thêm cái chuyển mình rất điệu nghệ lách ?... điều ấy không làm chú ý người đọc sao được? Quan trọng là từ nước, cỏ gà, cá diếc…người đọc hình dung ra một giếng…khác, một khung trời …khác cũng chứa đụng trong đấy biết bao nhiêu điều kỳ thú.

Đặc biệt những động từ gây ấn tượng như: nhô, nảy, nứt, chen, xọc, dòm, lách, leo, thả, nặn, bóc, đóng, mân mó, cắm, xâu xâu, chành, khép, tắt, sa, nâng niu, phì phạch, dùi, đánh, quệt, nhổ, bỏ, châm, húc, đấm, đáo, đếm, chôn chặt, tung hê, trơ, đạp, mấp máy, đâm, xiên, gầm, lộn, dãi, cọ, móc, khua, sờ, mó, xỏ, trèo, đua xói móc, phô, tạnh… hầu như trong mỗi bài thơ đều có loại từ này, thậm chí có từ dùng nhiều lần (khua: 3 lần, trơ: 2 lần, lộn: 3 lần, đấm: 3 lần, châm: 3 lần, đâm: 3 lần, móc: 2 lần…). Quả thật những từ ngữ này không cần giới thiệu dài dòng, bản thân nó đã gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ đối với người đọc. Có người cho rằng trong thơ Xuân Hương nghe như có đấm có thụi, có lẽ cũng xuất phát từ những động từ gây ấn tượng này, đấy là những từ ngữ mang phong cách con người năng động, có phần đanh đá và hay gây gổ là Xuân Hương.

Các phó từ với chức năng làm đậm nét hành động hoặc trạng thái: đâm ngang, xiên ngang, trông ngang, đâm toạc, chen xọc, lỏm ngỏm bò, hu hơ khóc… cũng góp phần rất nhiều trong việc tạo thêm nghĩa cho mỗi bài thơ. Có những từ bản thân nó đã là động từ mạnh rồi, Xuân Hương còn chưa vừa lòng, còn gắn thêm vào nó một phó từ bổ nghĩa: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám. Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. Từ ngang làm cho động từ xiên trở nên cứng chắc, khỏe và động tác trở nên “ngọt” hơn, cũng như vậy từ toạc làm cho động từ đâm vút lên chỉa thẳng vào chân mây làm rách toạc cả bầu trời.

Ngoài ra Xuân Hương còn đặc biệt chú ý đến hệ thống các từ láy, nói lái, chơi chữ, từ tượng thanh, từ tự xưng, khẩu ngữ, tiếng chửi…   

Từ láy có tác dụng diễn tả độ sâu, độ nhoè, thế luồn lách, chông chênh, sự phơi trần, những cử động nhanh mạnh…: hỏm hòm hom, trắng phau phau, đỏ lòm lom, trơ toen hoẻn, phập phòm, hớ hênh, lom khom, năng năng nhắc, thích thích mau, ngất nghẻo, nổi nênh, lênh đênh, tấp tênh…Thơ Xuân Hương gây ấn tượng còn ở chỗ Xuân Hương thích dùng những loại từ nói trên.

Để diễn tả độ sâu Xuân Hương dùng hai lần từ hỏm hòm hom trong hai bài Hang Cắc Cớ và Động Hương Tích. Từ này vừa diễn tả được cái vòm tròn, sâu hun hút, vừa cho thấy cả chiều rộng lẫn chiều cao của hang động. Đây là một dạng hình ống nhưng không thuôn đuột mà gãy khúc, lắt léo, lởm chởm, không dễ khám phá. Như thế mới kích thích trí tò mò của con người. Một từ thôi mà có thể diễn đạt được các chiều của không gian. Câu thơ Huy Cận đã tài tình nhưng vẫn không tránh khỏi dùng những từ chỉ không gian để dẫn giải về các chiều không gian: Nắng xuống trời lên sâu chót vót. Sông dài trời rộng bến cô liêu (Tràng giang). Xuân Hương chỉ dùng một từ nhưng người đọc có thể hình dung rất rõ ba chiều không gian của sự vật.

Để diễn tả độ nhòe, Xuân Hương dùng màu sắc đỏ loét, đỏ lòm lom. Màu đỏ là màu có sắc độ mạnh, dễ đập vào mắt mọi người. Chấm bài cho học sinh người ta phải dùng bút đỏ để tạo sự chú ý. Chỉ dẫn đường cấm và cảnh báo những chỗ nguy hiểm người ta cũng thường dùng biển màu đỏ, xe cứu thương có hình chữ thập đỏ… Màu đỏ của Xuân Hương không đơn thuần chỉ sắc độ, hoặc cảnh báo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc (Đèo Ba dội)
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom (Hỏi trăng 1)

Đây còn là những quệt màu nhòe nhoẹt, trơn ướt, bôi tràn ra chiếm lĩnh cả không gian… diễn tả sự tràn trào của sức sống bằng những đường nét không có đường nét, màu sắc được đẩy tới cực hạn, mọi chốn mọi nơi đều nhoè ra không có đường biên làm ranh giới, đậm quá nên hoá nhoè, nhoè chứ không phải mờ. Có như thế màu sắc ấy mới gợi được sự chú ý, không chỉ gợi mà còn cuốn hút mọi người đi sâu vào thế giới đó để khám phá những lạc thú trần gian.

Thống kê cho thấy trong 47 bài thơ của Hồ Xuân Hương có đến 88 từ láy. Đặc biệt là những từ láy gợi âm thanh: tỉ tì ti, hi ha, hu hơ, vo ve, thánh thót, long bong, lõm bõm…, những từ gợi cảm giác, xúc giác: xù xì, toen hoẻn, lam nham, lún phún…, những từ gợi tư thế vận động: cheo leo, vắt vẻo, lom khom, ngất nghểu, lăn lóc… Những từ ngữ này bao giờ cũng gợi lên sự vận động, chuyển dịch. Ngay cả những từ láy tượng hình hóa nội tâm nhân vật trữ tình trong bài Tự tình cũng có nét nghĩa vận động: nổi nênh, lênh đênh, lai láng, bập bềnh, tấp tênh …đều gợi sự trôi nổi, chơi vơi. Đặc biệt là những từ tượng thanh gây tiếng động được Xuân Hương chú ý đưa vào thơ rất nhiều: khua lắc cắc, vỗ long bong, vỗ phập phòm, rơi thánh thót, rơi lõm bõm…những từ này có tác dụng khuấy đảo cuộc sống những nơi thâm u cùng cốc, những nơi quạnh quẽ cô tịch, ở những nơi không có mùa xuân…làm cho những nơi đó in dấu chân con người, có tiếng nói, hơi ấm của con người. Đấy là cách con người đang cảm nhận cuộc sống mà cũng có thể là cuộc sống đang chen chân đối mặt với con người.

Nói lái thường thấy trong văn học dân gian. Văn học viết hầu như vắng bóng, chỉ trừ người làm có dụng ý chơi chữ. Không phải mất công tìm kiếm, người đọc thấy sẽ xuất hiện khá nhiều: lo cũ, lộn lèo, đá đeo, đứng tréo, trái gió, đẽo đá, đếm lại đeo, đáo nơi neo, suông không đấm, nắng cực…Những từ này chỉ có Xuân Hương mới dùng mạnh tay. Không nhà thơ thời trung đại nào dùng những từ này. Xét ngữ nghĩa của từng từ đều có ý nghĩa, hoàn toàn không chỉ để lái lại. Lộn lèo là dây lèo của thuyền buồm bị ngược gió phải lộn ngược trở lại, trái gió là ngược gió, đáo nơi neo nghĩa là đi đến một nơi nào đó, còn những từ khác hầu như có nghĩa đúng như nó vốn có. Tuy nhiên những từ này khi lộn trái lại thì nó hoàn toàn tạo ra một nghĩa khác. Nghĩa này thực ra cũng không hề xa lạ với ý nghĩa chung toàn bài, đối tượng chính vẫn là những nhân vật đã được đề cập đến. Ông sư trụ trì buồn tình đáo nơi neo, để cho chú tiểu để suông chày kình không đấm, bà vãi thì ngồi lần tràng hạt hết đếm lại đeo…Luận ra nghĩa thứ hai, các hoạt động đó cũng thuộc về ông sư, bà vãi, chú tiểu… chứ còn ai vào đây? Tài tình ở chỗ những từ ngữ này đều mang nghĩa và không quá sống sượng, chớt nhã, khiêu dục…

Thủ pháp tạo nghĩa còn được biểu hiện ở góc độ chơi chữ. Bài thơ Khóc Tổng Cóc, trong 28 chữ đã có 5 từ chỉ những con vật thuộc loài cóc: Chẫu chàng, nhái bén, nòng nọc, chẫu chuộc, cóc. Bài Bỡn bà lang khóc chồng có rất nhiều từ chỉ các vị thuốc: cam thảo, quế chi, trần bì, thạch nhũ, quy thân, liên nhục…cả các từ chỉ hành động bào chế thuốc, dụng cụ làm thuốc: sao, tẩm, dao cầu…Cách chơi chữ này cũng không phải chỉ có một nghĩa (thạch nhũ: vú đá, quy thân: phần củ của đương quy…). Khi cần Xuân Hương cũng chiết tự chữ Hán để đưa nghĩa đôi vào: Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc. Phận liễu sao đà nảy nét ngang. Hoặc đưa những thành ngữ tục ngữ vào để làm rõ ý: nòng nọc đứt đuôi, cố đấm ăn xôi, bạc như vôi, xanh lá, bảy nổi ba chìm, năm thì mười họa, nặng như đá đeo, làm mướn không công, thăm ván bán thuyền…bằng nhiều cách, có khi đưa nguyên câu, có khi chỉ đưa một vế làm thế nào để diễn đạt rõ điều mình muốn nói.

Xuân Hương cũng đưa khẩu ngữ vào thơ mình khi cần thiết: tí con con, lại đây, muốn sống… kể cả tiếng chửi: bá ngọ, chém cha, cha kiếp, lũ ngẩn ngơ …Đặc biệt từ tự xưng cho thấy Xuân Hương đứng ở nhiều vị trí: tôi, chị, em, thân em, và cả tên Xuân Hương nữa. Cách xưng tên Xuân Hương trong bài Mời trầu rất lạ. Thế kỷ XVIII–XIX không ai dùng từ tự xưng như Xuân Hương, tiếng em ngọt ngào đã quá mới, lại thêm tiếng xưng tên Xuân Hương hết sức thiết tha, đặm thắm trói buộc tình cảm con người. Tuy nhiên không chỉ có thế, tiếng xưng tên của Xuân Hương còn có cái gì đó tinh quái, liêu trai, sắp ngửa… khơi trêu những khách đa tình, tiếng em, hay xưng tên của Xuân Hương người đọc hình dung đi kèm theo đó là cái liếc mắt đưa tình, hoặc một cú huých vai cần thiết, chứ không chỉ đơn giản đậm thắm thiết tha. Quả nhiên sau bà người ta dùng nhiều nhưng thời ấy thì hiếm thấy. Cùng thời với Xuan Hương có lẽ chỉ có Tố Như.

Với phong cách Xuân Hương thì trong thơ không thể thiếu những từ này. Chúng góp phần làm nổi rõ một Xuân Hương trái tính trái nết, mạnh mẽ, ngang bướng, đanh đá, chua ngoa, hay gây gổ, “trời không sợ, đất không sợ” như các nhà phê bình thường nói. Điều này chứng tỏ con người Xuân Hương là con người đa chiều kích, đa phương diện, sống động, và nhất là luôn hút hồn người khác bằng thứ ngôn ngữ tài tình vừa quen vừa lạ, vừa truyền thống vừa hiện đại hết sức độc đáo.

Thủ pháp thơ Xuân Hương có một không hai. Nghĩa thứ hai, không gian buồng khuê, thời Xuân Hương nếu nói trắng ra dễ gì được chấp nhận. Hơn nữa ngay thời đại hiện nay, nhìn những câu văn đậm tính dục người ta còn ngỡ ngàng huống gì người đọc của thế kỷ trước. Người Việt ta thực ra không quá khó tính nhưng cũng không dễ dàng trước những hình thức qúa thô kệch, xấu xí, trái với thẩm mỹ truyền thống. Vì thế những lời tương tự thế này: “Cuộc đời còn đang đẹp thế, đàn bà con gái còn đang nhiều quá trời, thơm tho thế, chết uổng lắm, ráng mà sống, sống què quặt cũng được” (Đó là lời phát biểu của nhân vật Tám Tính, một người lính trong tác phẩm An mày dĩ vãng của Chu Lai) có khi không được chấp nhận. Hoặc những câu đậm đặc vật chất xác thịt của Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè) làm sao người ta có thể yên tâm khi những tác phẩm này tới tay lứa tuổi mới lớn. Hình thức thơ Xuân Hương biểu đạt nội dung hai mặt, điều thú vị được ẩn bên trong thông qua các lớp nghĩa tạo thành thì người ta chấp nhận dễ dàng hơn, đồng thời còn cảm thấy hưng phấn khi tự mình phát hiện điều bí ẩn đó. Tính thích tưởng tượng, ưa tò mò, mê khám phá… cũng là một đặc tính dễ thương của người Việt chúng ta. Những câu đố, đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục một thời làm phong phú đời sống tinh thần của người Việt ta đã chứng minh được điều đó. Xuân Hương đi theo cách làm của cha ông nên thành công cũng là điều dễ hiểu.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen