Seiten

Mittwoch, 21. Dezember 2016

Vương triều Mạc


-Bắc xâm và Nam tiến



ngu-dai-toc-trong-thoi-ky-chien-tranh-nam-bac-trieu
Vào những thập niên đầu thế kỷ XVI, Thăng Long chứng kiến một sự kiện trọng đại: Cuộc đảo chính cung đình do Mạc Đăng Dung tiến hành nhằm lật đổ vương triều Lê sơ, đưa họ Mạc lên ngôi báu.
Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483), quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay thuộc Thành phố Hải Phòng). Tổ 7 đời của Mạc Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên đời Trần. Thuở trẻ, ông theo học với người thày họ Lê, được thầy thương yêu, gả con gái cho. Nhà nghèo, nhưng ông có sức khỏe, có chí lớn, thường đi đánh vật, thi lấy giải về sống qua ngày và làm nghề đánh cá mưu sinh.
Dưới thời vua Lê Uy Mục (1505-1509) tuyển dụng võ, ông dự thi môn đánh vật, trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào Đô túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua, sau được thăng chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), tiến phong tước Vũ Xuyên bá.
Năm 1516, Mạc Đăng Dung được cử giữ chức Trấn thủ Sơn Nam, gia phong Phó tướng Tả đô đốc.
Năm 1518, Mạc Đăng Dung được thăng tước Vũ Xuyên hầu, được cử ra Trấn thủ Hải Dương. Tại đây, ông thu thập hương binh, chỉnh đốn đội ngũ, quân số ngày thêm nhiều.
Năm 1520, Mạc Đăng Dung bàn mưu với người thông gia là Thượng thư bộ Lễ Phạm Gia Mô, tính kế nắm trọn binh quyền. Vua Lê Chiêu Tông trúng kế, cho Mạc Đăng Dung chức Tiết chế các doanh thủy lục quân 13 đạo. “Thế là tất cả binh mã tinh nhuệ trong thiên hạ, đều thuộc quyền Đăng Dung” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử).
Năm 1521, Mạc Đăng Dung tự phong lên tước Nhân quốc công, vẫn giữ chức Tiết chế các doanh thủy lục quân 13 đạo.
Sau khi Mạc Đăng Dung một mình giữ binh quyền, từng bình được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh, mà đạo quân của vua Lê Chiêu Tông thì yếu ớt, lòng người trong nước ai cũng hướng đề Đăng Dung. Những người thân của ông đều giữ các chức quan trọng trong triều đình. Vì thế, Mạc Đăng Dung không cần giữ gìn, e dè gì nữa. Khi ông đi đường bộ, thì dùng lọng phượng bông vàng; khi đi đường thủy, thì dùng thuyền rồng dây lụa. Tự do ra vào nơi cung cấm không hề nể sợ. Ông lại tự tiện giết hết những người tâm phúc của vua là bọn thị vệ Nguyễn Cấu, đô lực sĩ Minh Sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm cử.
Trước sự bức bách ấy, đêm 23 tháng 7 năm Quang Thuận thứ 7 (1522), vua Lê Chiêu Tông cùng với mấy người thân tín bỏ chạy khỏi kinh thành ra đi, tới Mông Sơn, huyện Minh Nghĩa, trấn Sơn Tây (nay là huyện Tùng Thiện – thị xã Sơn Tây).
Ngày hôm sau, Mạc Đăng Dung mới biết, một mặt ông sai quân ngăn chặn các ngả đường quan trọng, rồi dựng cờ điểm binh đuổi bắt vua, mặt khác lập Hoàng Đệ Xuân lên làm vua thay Chiêu Tông.
Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được vua Chiêu Tông ở động An Nhân, núi Cai Trĩ, châu Lang Chánh – Thanh Hoa, đưa về kinh sư. Cuối năm 1526, Mạc Đăng Dung sai Phạm Kim Bảng bí mật giết vua Chiêu Tông tại phường Đông Hà, kinh thành Thăng Long.
Đầu năm 1527, Mạc Đăng Dung tự thăng lên tước Thái sư An Hưng vương, gia cửu tích. Vua Lê Cung Hoàng (Hoàng Đệ Xuân) thấy quyền thế của họ Mạc lớn quá, muốn lấy lòng Đăng Dung nên sai Tùy Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, và Trung sứ Đỗ Hữu Đễ cầm cờ tiết, đem kim sách, áo mũ thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, và lọng tía, đến Cổ Trai tuyên bố mệnh vua ban cho Đăng Dung.
Tháng 5, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai tới kinh bái yết vua Cung Hoàng, rồi từ cửa Đông Hoa ra cửa Đại Hưng trở về Cổ Trai.
Ngày 15 tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình. Sử cũ chép cảnh lên ngôi của Mạc Đăng Dung tại kinh thành Thăng Long hôm ấy như sau: “Bây giờ ban thứ trăm quan đã yên chỗ, nhưng chưa có tờ chiếu nhường ngôi. Đăng Dung hạ lệnh cho Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt đứng thảo. Nhưng Phu Duyệt quắc mắt, mắng Đăng Dung: “Thế nghĩa là gì!”. Đăng Dung bèn sai Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái phải làm cho xong tờ chiếu. Đăng Dung bèn sai tuyên đọc lời chiếu rồi xưng hoàng đế, đổi năm này (Đinh Hợi – 1527) làm năm Minh Đức thứ 1” (Cương mục, tập II. Sđd, tr. 98).
Mạc Đăng Dung từ làng Cổ Trai vào đóng tại thành Thăng Long, đặt Hải Dương làm Dương Kinh. Từ tổ 7 đời là Mạc Đĩnh Chi đến cha là Mạc Hịch đều truy tôn làm đế và hậu. Lập con là Đăng Doanh làm Thái tử, phong em trai Mạc Quyết làm Tán vương, em trai Mạc Đốc làm Tư vương, em gái là Mạc Thị Ngọc Huệ làm công chúa…
Năm 1528, Bích Khê hầu Lê Công Uyên bèn mưu bàn với Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Trường cùng dấy quân chống Mạc Đăng Dung. Họ tấn công vào cửa Chu Tước, kinh thành Thăng Long nhưng không được, phải chạy vào Thanh Hoá. Sau Lê Công Uyên bị Lê Thiệu, người châu Thúy Đả (Thanh Hóa) giết chết, do đó các tướng cũng đều tan vỡ.
Bấy giờ trong kinh thành Thăng Long và ngoài các trấn, lòng dân đều hoang mang. Mạc Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê. Từ đó, kinh thành Thăng Long dần dần yên ổn trở lại.

Lê Bá Ly là một danh tướng của nhà Mạc, quê ở huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hóa. Ông vốn xuất thân là Hiệu úy, dưới quyền chỉ huy của Mạc Đăng Dung.
Đến đời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561), Lê Bá Ly được phong tước Phụng quốc công, có công giúp Mạc Kính Điển dẹp yên cuộc khởi loạn của Mạc Chính Trung (con thứ của Mạc Đăng Dung) và Phạm Tử Nghi.
Năm 1548, Mạc Phúc Nguyên thăng Lê Bá Ly lên làm chức Thái tể.
Nguyên nhân để Thái tể Lê Bá Ly bỏ triều Mạc chạy vào Thanh Hóa đầu hàng nhà Lê, được Lê Quý Đôn chép rõ trong bộ Đại Việt thông sử như sau: “Bá Ly là một vị lão tướng trọng thần, chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính, ai cũng tôn phục. Sau khi đánh phá Phạm Tử Nghi, uy danh càng thêm lừng lẫy! Con trai là Phổ quận công Lê Khắc Thận, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, lại giữ quyền Tiết chế lộ Sơn Nam thượng, được gia thêm chức Chưởng phủ sự; cháu ông là Vạn An hầu, nguyên lấy ngụy Hiển Nghi Thái trưởng công chúa, gia thăng Chưởng kim ngô vệ, con rể là Văn phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, con nuôi là Tả ngự hầu giữ vệ Cẩm y; con trai thứ là Thuần Lương hầu cũng quản đội cấm binh; thông gia là Thự quận công Nguyễn Thiến, giữ chức Thượng thư bộ Lại, Đổng giang hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ. Thân đảng kết liên, khí thế rực rỡ, bao nhiêu hùng binh trọng trấn, đều nắm trong tay, bao nhiêu bầy tôi văn võ, đều ra từ cửa nhà Bá Ly. Phạm Quỳnh và Phạm Dao, nguyên trước xuất thân trong hàng đày tớ nhà Bá Lý, bây giờ chúng được hiển đạt, lại đem lòng oán ghen, muốn tính sự hãm hại Bá Ly” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử. Nxb KHXH, H. 1978, tr. 289).
Phạm Quỳnh, nguyên quán ở làng Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, đến cư ngụ tại thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nhà nghèo làm nghề bán trà. Khi Mạc Kính Điển lên 2 tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi. Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung, làm vú nuôi Kính Điển. Đến đây, Mạc Kính Điển giữ quyền bính, nghĩ tới tình nghĩa nuôi dưỡng của vợ Quỳnh, cho nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh. Mạc Kính Điển cho Phạm Quỳnh giữ quyền Tiết chế Đông đạo, cho Phạm Dao trấn thủ Sơn Nam, gia hàm Thái bảo. Năm 1548, Phạm Quỳnh được phong tước Vinh quận công, Phạm Dao lúc đầu phong tước Phú Xuyên hầu, sau thăng lên Văn quận công (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử. Nxb KHXH, H. 1978, tr. 289).
Năm 1551, Phạm Quỳnh và Phạm Dao gièm với Mạc Kính Điển, bảo Lê Khắc Thận (con trai Lê Bá Lý) có âm mưu phản nghịch. Mạc Kính Điển ngạc nhiên, mà nói: “Quốc gia trông cậy vào Tướng phụ (tức Lê Bá Ly) như quả núi cao, các ông không nên nói những lời như vậy”. Biết không lay chuyển được Kính Điển, cha con Phạm Quỳnh lại đem ý trên gièm pha với Mạc Phúc Nguyên.
Ngày 12 tháng 2 năm Tân Hợi (1551), Phạm Quỳnh, Phạm Dao tự ý sai quân vây nhà Lê Bá Ly ở trại Hồng Mai (nay là phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) vào lúc nửa đêm. Chúng lại sai người vây nhà thông gia của ông là Đô ngự sử Nguyễn Thiến. Nhưng lúc ấy, Nguyễn Thiến đi dự họp chưa về, còn Lê Bá Ly thì ở trong trại quân, cho nên đều không bắt được. Đến gần sáng, người đày tớ nhà Bá Ly, tên là Đồi Mồi ra ngoài, thấy có quân vây, vội trở vào báo. Bá Ly bèn thu thập người nhà và các quân sĩ, đóng cửa cố thủ, để chờ em đến cứu viện. Một lúc sau, Vạn An hầu, Văn Phái hầu và Tả Ngự hầu, mỗi người mang theo 2.000 cấm binh tới hộ vệ, giao chiến ác liệt với quân Quỳnh, Dao. Quỳnh, Dao thua chạy. Vạn An hầu bèn đem quân đón Bá Ly về đóng tại Thịnh Liệt, rồi Lê Khắc Thận cũng từ đồn Vân Sàng kéo về hội binh.
Lê Bá Ly cùng các tướng dưới trướng bèn dẫn quân chiếm giữ cửa Chu Tước, kinh thành cực kỳ náo loạn! Mạc Phúc Nguyên thấy thế bức bách, hoảng sợ, bỏ thành chạy qua sông, di cư đến Bồ Đề (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên – Hà Nội) rồi sai sứ thần dụ Bá Ly bãi binh. Lê Bá Ly không nghe, bảo phải bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến nộp cho ông, mới chịu bãi binh. Mạc Phúc Nguyên không nghe lời yêu cầu của Bá Ly, liền dẫn quân đi về phương Đông. Lê Bá Ly nổi giận, mắng nhiếc Phúc Nguyên, rồi trở về kinh thành.
Tháng 3 năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Ly đem 1 vạn 4 nghìn quân các đạo Tây Nam, cùng với Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, và con trai là Lê Khắc Đôn, Lê Khắc Thận vào Thanh Hóa đầu hàng vua Lê và họ Trịnh.
Vua Lê Trung Tông rất mừng! Úy tạo và nhận cho hàng, lại thăng Lê Bá Ly chức Thái tể, tước Phụng Quốc công. Lúc ấy Lê Bá Ly đã 77 tuổi. Triều đình nhà Lê, thấy là một vị kỳ lão, có danh vọng, ai cũng tôn kính. Khi vào yết kiến Thái sư Lưỡng Quốc công Trịnh Kiểm, Lê Bá Ly giữ hết lễ, rất cung kính. Thái sư Trịnh Kiểm tiếp đãi cũng rất kính cẩn tận lễ.
Sách Đại Việt thông sử chép: “Từ đấy, thanh thế quân nhà vua rất là lừng lẫy! Phúc Nguyên thấy vậy, lấy làm lo sợ, bao nhiêu binh quyền ủy cả cho Kính Điển, để tính kế bảo vệ trong kinh đô cho tới các xứ miền Đông” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 293).
Về cấu trúc thành lũy, thành Đông Kinh thời Lê sơ, hay Thăng Long thời Mạc vẫn dựa trên cơ sở thành Thăng Long – Đông Đô thời Lý, Trần.
Vòng thành ngoài cùng vẫn mang tên thành Đại La. Năm 1477, Lê Thánh Tông cho xây dựng lại vòng thành này trên cơ sở thành cũ.
Vòng thành thứ hai được chính thức gọi là Hoàng thành. Năm 1474 và 1500, nhà Lê cho sửa chữa và xây dựng lại tường thành phía tây và phía đông của Hoàng thành. Năm 1516, Hoàng thành được mở rộng thêm về phía đông “đắp thành to rộng mấy nghìn trượng”.
Vòng thành trong cùng gọi là Cung thành hay Phượng thành. Năm 1490, vòng thành này cũng được mở rộng.
Năm 1588, để đề phòng những cuộc tiến công của quân Lê – Trịnh, nhà Mạc lo tăng cường hệ thống thành lũy phòng vệ quanh thành Thăng Long. Nhà Mạc huy động dân bốn trấn vùng đồng bằng “đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ – Hà Nội), vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa (nay là ô Chợ Dừa thuộc phường Thịnh Quang, quận Đống Đa – Hà Nội) đến Cầu Dền (nay là Ô Cầu Dền, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vai trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mười mấy dặm để bọc phía ngoài thành” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 164).
Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo đường phía tây Hồ Tây, qua Bưởi, Ô Cầu Giấy, theo đường Giảng Võ – La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Kim Liên, rồi theo đường Đại Cồ Việt, qua Ô Cầu Dền, theo đường Trần Khát Chân, tới Ô Đống Mác, ra tới chân đê sông Hồng. Thành này rộng hơn thành Đại La và đưa toàn bộ khu Hồ Tây vào trong phạm vi thành Thăng Long đời Mạc.
Năm 1592, sau khi đánh bại quân Mạc ở Thăng Long, Mạc Mậu Hợp chạy sang bên kia sông Nhị Hà, chiếm cứ một dải sông để tự vệ, Trịnh Tùng toan dẫn quân qua sông tiến đánh. Nhưng bấy giờ Trịnh Tùng trúng kế hoãn binh của hàng tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện: “Lệnh cho các quân san phẳng lũy đất thành Đại La dài đến mấy nghìn trượng, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh, phá hết thành đất bằng, không mấy ngày là xong. Đây là mưu của Nguyễn Quyện để làm kế hoãn binh cho họ Mạc” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 173)… Tuy nhiên, quân Trịnh trong thực tế cũng không san bằng hết được toàn bộ vòng thành Đại La, chúng ta còn thấy nhiều đoạn thành Đại La do nhà Mạc đắp khá rõ, đó là: đoạn đường đất khá cao chạy từ chợ Bưởi cho đến Cầu Giấy, hoặc đoạn đường chạy từ Ô Chợ Dừa cho đến đầu khu tập thể Kim Liên (đầu phố Đào Duy Anh – Hà Nội, ngày nay), hoặc đoạn đường đê chạy từ đầu Ô Cầu Dền (Bạch Mai) đến Ô Đống Mác vừa được san đi để mở đường Trần Khát Chân… chẳng hạn.
Các bộ sử xưa thường coi nhà Mạc là “ngụy triều”, không công nhận chính thống, nhưng cũng không phủ nhận được, nên trong khi viết về nhà Lê, đã “phụ chép” về các vua nhà Mạc. Tuy nhiên, với tính khách quan của ngòi bút chép sử, các sử gia xưa đã dành nhiều dòng ca ngợi sự thịnh trị về nền nếp của triều đình Mạc, cũng như sự được lòng dân của nhà Mạc. Bên cạnh đó, các sử gia thời Lê-Trịnh cũng phải thừa nhận xã hội thời Mạc khá ổn định, thiên hạ yên bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Xã hội dưới thời Mạc thực sự ổn định trong nhiều năm đầu. Phần lớn các vùng đất do nhà Mạc cai quản đều khá yên ổn cả về kinh tế và an ninh chính trị. Trong đó đặc biệt trù phú, hưng thịnh là vùng châu thổ sông Hồng mà trung tâm là kinh đô Thăng Long và vùng phụ cận.
Chỉ sau 5 năm cầm quyền, năm 1532, sử cũ cho biết nhà Mạc đã xây dựng được một xã hội thái bình thịnh trị: “Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong, ngoài không được cầm giáo mác và dao nhọn, can qua, cùng những binh khí khác hoành hành trên đường đi. Ai vi phạm thì cho pháp ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 115).
Về mặt hoạt động kinh tế, tại kinh đô Thăng Long, cũng giống như nhà Lê trước đây, nhà Mạc cũng có các giám, sở, cục và nha môn dành cho thợ thủ công như: Thượng bảo giám, Lục thanh giám, Khí giới ôanh tạo sở, Bách đâu cục… Những người thợ ở đây lo các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho nhà vua và hoàng tộc, thậm chí có cơ quan chuyên về việc chế tác từ đá quý, ngọc được gọi là Ngọc thạch cục. Trần Kim Bảng, người thợ khắc bia chùa Cự Linh (Gia Lộc, Hải Dương) năm 1543, từng giữ chức Cục phó của Ngự dụng giám san thư cục; Vũ Đạo, giữ chức Cục phó cục san thư ở Thượng bảo giám, khắc bia chùa Tư Phúc (Thái Bình), năm 1545; Hoàng Văn Thúy, giữ chức Phó thường ban ở Lục thanh giám Bách đâu tác cục, khắc bia chùa Đông Ngọ (Hải Dương), năm 1536; Đỗ Văn Đình làm trong Ngọc thạch cục thuộc Khí giới doanh tạo sở…(Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc. Nxb KHXH, H. 1996, tr. 45, 50, 68, 106, 345). Trong một số ty của các vệ cấm thành, cũng có thợ chuyên nghiệp, như trường hợp Nguyễn Ích Diệu làm trong ty Hà Thanh đã san khắc 4 bia đá. Thực tế, các sở, cục chuyên nghề thủ công phục vụ trong hoàng cung đều do các giám quản lý.
Thợ chuyên nghiệp nhà nước cũng được phong chức tước như những quan chức khác. Đoàn Nhân Hạng được phong chức Cẩn sự tá lang, Tạ Văn Kế giữ chức Sở thừa, được huân phong là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu… (Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc – Qua thư tịch và văn bia. Nxb KHXH, H. 2001, tr. 203, 204). Bên cạnh đó, họ còn có chức danh mang tính chuyên biệt của ngành nghề. Chẳng hạn, người đứng đầu ở các sở gọi là Sở thừa, Tượng chánh, Thường ban, rồi Tượng phó, Cục phó, Tượng nhân… Rõ ràng là dưới thời Mạc, người thợ thực sự được coi trọng, hoàn toàn không phải là những “công tượng” bị o ép, coi rẻ như ở thời Lê sơ.
Trong dân gian, ở kinh đô Thăng Long, thợ chuyên nghiệp vẫn được tổ chức lại theo phường thợ thủ công. Với chính sách kinh tế khá cởi mở, và tình hình trị an tương đối tốt của triều Mạc, thợ thuyền được tự do đi lại và tự do hành nghề mà Thăng Long là nơi tụ họp nhân tài các phường thợ dân gian, khiến cho nơi đây dần dần hình thành thêm các phường, phố nghề mới, làm phong phú hơn nét đặc sắc của 36 phường phố cổ truyền.
Một sản phẩm thủ công đặc sắc ở thời Mạc, đó là đồ gốm. Gốm sứ thời Mạc hiện thu thập được khá nhiều, bao gồm phần lớn là những chân đèn, lư hương và bình hoa lam và men lam mà trên đó hầu hết đều có minh văn với xuất xứ, niên đại cũng như chủ nhân mỗi sản phẩm đó. Cách kinh thành Thăng Long không xa có hai làng nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, đó là làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, trấn Hải Dương) và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sản phẩm của hai làng này, ngoài phần tiêu thụ tại địa phương và phục vụ xuất khẩu, thì phần lớn được chuyển về bán tại Thăng Long và các trấn lân cận.
Dưới triều Mạc, Thăng Long không chỉ phát triển thủ công nghiệp mà hoạt động thương nghiệp cũng được tự do hơn trước. Ngoài những chợ chính có từ các triều đại trước, triều Mạc còn cho phép những vùng phụ cận ven kinh đô được mở thêm những chợ mới, thí dụ như chợ Phù Ninh (Ninh Hiệp, Gia Lâm – Hà Nội) cũng từng được mở rộng vào thời Mạc để chuyên buôn bán vải vóc và các vị thuốc Bắc (Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… Sđd, tr. 220).
Cũng như các triều đại trước đó, triều Mạc cũng tổ chức đúc tiền để lưu hành trong vùng mình thống trị. Cơ sở đúc tiền được đặt tại kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, vì nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển nên đồng tiền chưa có vai trò vật ngang giá nhất thiết phải có trong việc trao đổi hàng hóa. Tình hình vật đổi vật vẫn còn khá phổ biến ở khắp nơi. Triều đình nhà Mạc đúc tiền, tất nhiên là để dùng vào nhiều việc phát lương, chi cho quân đội, v.v… Song, chẳng phải vì mục đích kinh tế. Mỗi một ông vua khi lên ngôi thường nhất thiết phải đúc tiền để trước hết xác lập địa vị chính thống của triều đại mình. Việc đúc tiền nhiều khi bị lỗ, nhưng nhà vua ít nhiều vẫn phải đúc tiền mang niên hiệu của mình.
Trong 5 đời vua nhà Mạc ở ngôi tại Thăng Long là Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592), chúng ta chỉ mới thấy 4 đời vua từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Phúc Nguyên đúc tiền. Trong số 4 đời vua đó, trừ Mạc Đăng Dung đã đúc hai loại tiền “Minh Đức thông bảo” và “Minh Đức nguyên bảo”. Còn mỗi đời vua khác chỉ đúc một loại tiền “Đại Chính thông bảo” (Mạc Đăng Doanh); “Quang Hòa thông bảo (Mạc Phúc Hải); “Vĩnh Định thông bảo” (Mạc Phúc Nguyên) (Đỗ Văn Ninh: Tiền tệ thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc. Nxb KHXH, H. 1996, tr. 150-153).
Ở đây có một điều cần chú ý tới hiện tượng, trong 10 đời vua nhà Mạc [5 đời tại Thăng Long (1527-1592) và 5 đời tại Cao Bằng (1593-1677)], thì chỉ có 5 đời là có đúc tiền (4 đời vua kể trên cùng với Mạc Kính Cung (1593-1625)]. Trong 5 đời vua có đúc tiền thì 4 đời là những đời vua đầu thời Mạc, khi đó thế lực còn mạnh, kinh đô còn đóng được tại Thăng Long. Đồng tiền thời Mạc có được đúc hay không, trước hết là chứng cứ cho tình hình có ổn định hay không của triều đại. Nhà Mạc có một ông vua đóng đô tại Thăng Long tới 30 năm (1562-1592) là Mạc Mậu Hợp. Thế nhưng không thấy sử cũ chép về việc Mạc Mậu Hợp đúc tiền. Có thể, Mạc Mậu Hợp không đúc tiền, bởi vì, vào đời vua này, thế lực nhà Mạc đã rất suy yếu. Mạc Mậu Hợp tuy vẫn đóng đô tại Thăng Long, nhưng nhiều lần phải tạm bỏ kinh thành, trước nguy cơ tấn công của quân Lê-Trịnh.
Từ khi phải rời bỏ Thăng Long (1593), chuyển lên sinh sống tại Cao Bằng, cho đến ngày kết thúc (1677), nhà Mạc chỉ đúc được một loại tiền “Càn Thống thông bảo”. Nhưng tiền Càn Thống ngày nay rất khó thấy vì rằng số lượng đúc chẳng được là bao và tất nhiên là số lần đúc cũng vậy.
Về mặt văn hóa-giáo dục, tại kinh đô Thăng Long dưới thời Mạc cũng có những bước phát triển nhất định.
Một trong những công việc cần thiết để tạo ra đội ngũ quan liêu, làm cơ sở xã hội cho vương triều của mình là mở các khoa thi Tiến sĩ. Việc tổ chức thi cử này, không ngoài mục đích xây dựng một tầng lớp trí thức phong kiến trung thành với nhà Mạc, phò tá triều Mạc tồn tại và phát triển. Nhưng, ngoài ra, các ông vua nhà Mạc còn nhằm một mục đích khác: tranh giành ảnh hưởng đối với các nho sĩ đang còn chần chừ do dự, chưa quyết định ra làm quan với nhà Mạc hay nhà Lê-Trịnh ở phía Nam. Hơn thế nữa, mục đích thi cử còn nhằm tranh thủ thu hút, lôi kéo những nho sĩ trong phạm vi ảnh hưởng của triều Lê-Trịnh.
Trong 65 năm (1527-1592) tồn tại với tư cách là một vương triều, đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc đã tổ chức được 22 kỳ thi Hội, lấy đỗ được 485 Tiến sĩ, trong đó có 13 Trạng nguyên và còn biết bao Hương cống, Sinh đồ, mà sử sách không ghi lại được danh tính. Trong lịch sử giáo dục khoa cử Việt Nam, sau thời thịnh đạt Lê Thánh Tông (1460-1497), thì chỉ có triều Mạc (1527-1592) mới liên tục thực hiện được quy chế tuần tự cứ 3 năm một lần mở khoa thi Hội. Số lượng khoa thi Hội, cũng như chất lượng Tiến sĩ dưới triều Mạc cũng có thể so sánh được với thời Lê Thánh Tông. Những vị tiến sĩ, trạng nguyên được nhà Mạc lựa chọn phần lớn đều là những người có thực tài và có những đóng góp đáng kể đối với lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535) và Giáp Hải đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất (1538).
Điều đáng cho chúng ta chú ý là chỉ sau 2 năm thay thế triều Lê sơ, đóng đô ở Thăng Long, ông vua đầu triều Mạc (Bắc triều) là Mạc Đăng Dung đã có thể mở khoa thi Hội để tuyển chọn nhân tài, bổ sung cho bộ máy hành chính quốc gia. Ta thử so sánh: Ngay triều Lê-Trịnh (Nam triều) được coi thành lập vào năm 1545 ở Thanh Hóa, thì mãi đến 10 năm sau, năm 1554, mới bắt đầu mở Chế khoa. Và việc mở các khoa thi cũng không được đều đặn, thường xuyên như nhà Mạc. Còn khoa thi Hội thì mãi tới năm 1580, triều Lê-Trịnh mới tổ chức được.
Mạc Đăng Dung cũng theo lệ ban hành năm Hồng Đức thứ 15 (1484) dưới triều Lê Thánh Tông, cho lập bia đá, nhằm tôn vinh những người trúng tuyển Tiến sĩ và để “khích lệ nhân tâm, huân đào sĩ khí, bồi đắp giáo hóa cho được lâu dài…” (Văn bia Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529). Nhưng có thể do chiến tranh liên miên, nên việc lập bia Tiến sĩ của triều Mạc không thực hiện được đều đặn, hoặc giả do sự tàn phá của binh lửa bao lần tràn vào Thăng Long, nên ngày nay trong 82 tấm bia Tiến sĩ còn lại trong Văn Miếu – Hà Nội, chỉ có duy nhất tấm bia ghi chép về khoa thi Hội năm Kỷ Sửu (1529) dưới đời Mạc Đăng Dung. Tuy vậy, chỉ đọc đoạn đầu của bài văn bia khoa Kỷ Sửu này, chúng ta cũng thấy không khí náo nhiệt ở Thăng Long ngày đó, do hàng nghìn các sĩ tử từ khắp mọi miền đất nước đổ về dự thi. Bài văn bia ấy viết: “Hoàng thượng lên ngôi báu tới năm thứ 3, chính buổi trời bắt đầu văn minh đấy. Gặp năm thi Hội, sĩ chúng hát thơ Lộc Minh (1 bài thơ ở Kinh Thi – TG), tới kinh đô có trên 4.000 người để đua tài văn học ở trường thi. Quan trường lựa được 27 người xuất sắc” (Cao Ttiên Trai: Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, S. 1969, Q.I, tr. 205).
Để cố kết nhân tâm và thu phục nhân tài, tăng cường sức mạnh cho triều đại của mình, ngay từ khi mới thay thế triều Lê, các ông vua đầu triều Mạc vẫn đề cao Nho giáo. Sử cũ cho biết: “Mùa xuân năm Bính Thân (1536), Mạc Đăng Dung sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc tử giám (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 278). Vào tháng giêng năm sau, Đinh Dậu (1537): “Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ thích điện tế Tiên thánh (Chu Công), Tiên sư (Khổng Tử)” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 278). Với những hành động có tính chất biểu trưng nói trên, nhà Mạc muốn khẳng định với nhân dân Thăng Long và nhân dân cả nước việc họ chính thức thừa nhận tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chính thống của triều đại. Nho giáo vẫn là công cụ chính để nhà Mạc xây dựng chính quyền và củng cố trật tự xã hội.
Nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận: so với triều Lê sơ, đời sống văn hóa-tư tưởng dưới triều Mạc phong phú, đa diện hơn mà cởi mở hơn. Triều Mạc, mặc dù dựa vào Nho giáo để trị quốc nhưng vẫn cho phép các tín ngưỡng, tôn giáo khác phát triển, nhất là Phật giáo. Dưới thời Mạc, Phật giáo lại có điều kiện để hưng khởi. Nhiều chùa ở kinh đô Thăng Long được tu sửa, tôn tại, bên cạnh các chùa khác như Phật Tích, Bút Tháp, Vĩnh Nghiêm, Luy Lâu thuộc Kinh Bắc cũng được trùng tu. Trên địa bàn Hải Dương – quê hương của nhà Mạc, các chùa Quỳnh Lâm, Sùng Quang, Đông Sơn… được tu bổ lại to lớn, đẹp đẽ hơn.
Thăng Long hơn nửa thế kỷ (1527-1592) sống trong sự kiểm soát của nhà Mạc là một đô thị đang trên đà phát triển kể cả về kinh tế, kể cả về văn hóa. Với một chính sách khá cởi mở đối với thương nghiệp, nhà Mạc không đến nỗi “ức thương” như nhà Lê trước đó, nên đời sống Thăng Long thời kỳ này ổn định hơn, người dân kinh thành sống dễ chịu hơn.
Thăng Long thời Mạc, về văn hóa-giáo dục cũng có bước phát triển đáng ghi nhận, so với thời cuối Lê sơ. Giống như thời Lê Thánh Tông, Thăng Long dưới thời Mạc vẫn là nơi hội tụ các sĩ tử của cả nước, cứ 3 năm một lần, tập hợp lại đây, so tài, cao thấp mong “vượt vũ môn” để làm cuộc đổi đời. Và cũng giống như các triều đại trước, các cô gái trẻ Thăng Long, vào mỗi mùa xuân – đúng dịp thi Hội ấy, lại háo hức chờ đón các vị tân Tiến sĩ trẻ tuổi, mong trở thành các bà Nghè trong tương lai…
Nhưng Thăng Long thời Mạc chỉ ổn định được trong khoảng chừng một phần hai thời gian tồn tại của vương triều. Từ những thập niên 60 của thế kỷ XVI trở đi, Thăng Long luôn luôn sống trong sự bất ổn: các cuộc thanh toán lẫn nhau của các thế lực quân sự, phe phái trong lòng triều Mạc, các cuộc tấn công dữ dội của quân đội Lê-Trịnh từ phía Nam.
Người dân Thăng Long cũng như một số quan lại có phẩm chất trong triều đình còn phải chứng kiến những hành vi vô chính trị và thiếu đạo đức của ông vua cuối cùng nhà Mạc tại kinh đô: Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Ông vua này đã đang tâm chiếm người vợ yêu của viên tướng thủy quân nổi tiếng triều Mạc là Bùi Văn Khuê, dẫn tới việc đầu hàng của ông ta về với triều Lê-Trịnh. Một nguyên nhân nữa góp phần làm nhanh chóng hơn sự thất bại của triều Mạc Mậu Hợp. Và, cũng chính vì thất bại ê chề, nên Mạc Mậu Hợp đã bị Trịnh Tùng bắt và giết chết tại Bồ Đề (nay là phường Bồ Đề, quận Long Biên – Hà Nội).
Năm 1592, nhà Mạc chấm dứt sự có mặt tại kinh đô Thăng Long.

Vào cuối đời Mạc Mậu Hợp, do sự suy yếu của nhà Mạc, Trịnh Tùng sau một thời gian phòng ngự và củng cố lực lượng, lại bắt đầu mở cuộc tấn công ra Bắc, nhằm đánh chiếm Thăng Long, lật đổ vương triều Mạc. Từ năm 1583 về sau, hầu như năm nào Trịnh Tùng cũng tấn công ra Bắc rồi lại rút lui. Nhưng cuộc tiến quân quy mô hơn cả của quân đội Lê-Trịnh là vào cuối năm 1591.
Năm ấy, Trịnh Tùng điều động 6 vạn quân, chia làm 5 đạo theo đường phía Tây, qua Thiên Quan tiến lên đến các huyện Yên Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc, Tân Phong (đều thuộc Sơn Tây). Mạc Mậu Hợp sai điều động tất cả quân mã trên 10 vạn người, tự thân chinh cùng với các tướng Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện tiến lên Sơn Tây quyết chiến một trận sống còn. Trong trận chém giết tàn khốc này, quân Mạc bị chết tại trận trên 1 vạn người, số tàn quân bỏ chạy qua sông bị chết đuối trên một nửa. Mạc Mậu Hợp và Nguyễn Quyện chạy thoát về kinh. Thừa thắng, Trịnh Tùng tiến quân uy hiếp kinh thành, “đốt phá nhà cửa, khói lửa ngập trời”. Mạc Mậu Hợp trốn sang Bồ Đề. Nhân dân kinh thành “trai gái già trẻ tranh nhau xuống thuyền qua sông, chết đuối đến hơn 1.000 người” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 353).
Mạc Mậu Hợp sai các tướng Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện, Bùi Văn Khuê chia quân bảo vệ kinh thành, tự mình chỉ huy thủy quân đóng ở sông Nhị Hà.
Đầu năm 1592, Trịnh Tùng đóng quân ở phía tây sông Ninh Giang ra lệnh nghiêm cấm quân sĩ 3 điều để chuẩn bị tấn công Thăng Long:
  1. Không được tự ý vào nhà dân lấy thức ăn và củi đuốc.
  2. Không được cướp bóc của cải, chặt cây cối.
  3. Không được hãm hiếp đàn bà, con gái và lấy thù riêng để giết người.
Sau đó, Trịnh Tùng kéo quân qua sông Tô Lịch, đến Nhân Mục, chia các tướng tiến đánh vào thành lũy xung quanh thành Thăng Long. Quân Mạc đại bại, các tướng Bùi Văn Khuê, Mạc Ngọc Liễn phải bỏ lũy chạy trốn, tướng Nguyễn Quyện bị bắt. Mạc Mậu Hợp thu tàn quân về, dựa vào dòng sông Hồng làm phòng tuyến cố thủ.
Cả kinh thành Thăng Long cổ kính trong chốc lát đã thành bãi chiến trường trong cuộc hỗn chiến tàn khốc của hai tập đoàn phong kiến: nhà cửa bị đốt phá, “khói lửa ngập trời”, “thây chết nằm chồng chất lên nhau”.
Tuy chiến thắng liên tiếp, nhưng lực lượng quân Mạc ở Đông Bắc còn mạnh có thể dùng thủy binh chặn đường về hay tấn công vào Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi chiếm được kinh thành, Trịnh Tùng sai quân san phẳng các thành lũy, thu lấy của cải rồi hạ lệnh rút quân. Tháng 4 năm ấy, Trịnh Tùng lại theo đường Thiên Quan rút về Thanh Hóa.
Sau lần thất bại trên, lực lượng Bắc triều hầu như kiệt quệ, không thể phục hồi lại được. Tháng 10 năm ấy, tướng Nam Đạo của nhà Mạc là Bùi Văn Khuê lại nổi binh chống lại Mạc Mậu Hợp, rồi cho người vào Thanh Hóa xin hàng nhà Lê. Nguyên nhân của sự việc này là do “Vợ viên trấn thủ Nam Đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, tức con gái Nguyễn Quyện. Chị gái của Thị Niên là hoàng hậu của Mậu Hợp, vì thế Thị Niên thường được ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên, đem lòng yêu mến, bèn ngầm tính kế giết Văn Khuê, để cướp vợ y” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 356). Từ đây, nhà Mạc mất hẳn một lực lượng thủy binh lợi hại phòng thủ vùng Đông Nam.
Tháng 11 năm ấy, Trịnh Tùng mở cuộc tấn công quyết định ra Bắc. Quân Trịnh ra đến Sơn Nam, thì lui về đắp lũy chống giữ ở sông Thiên Phái (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định), nhưng bị đại bại. Quân Mạc tan vỡ, các tướng nhà Mạc như Trần Bích Niên trên 10 người đều xin hàng.
Quân của Trịnh Tùng theo sông Đáy, tiến lên cửa sông Hát. Tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn bày thuyền, đắp lũy, cắm cọc chống cự lại nhưng bị thua, trốn chạy lên núi Tam Đảo. Quân thủy của Trịnh Tùng xuôi dòng sông Hồng cùng với quân bộ tiến thẳng tới thành Thăng Long. Mạc Mậu Hợp bỏ kinh thành chạy về Kim Thành (Hải Dương). Phần lớn các tướng tá, quan lại của nhà Mạc đều ra hàng.
Ngày 25 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng sai tướng đem quân thủy bộ tiến đánh Kim Thành, thu được vô số của cải, châu báu. Mạc Mậu Hợp bỏ trốn, rồi truyền ngôi cho con là Mạc Toàn, còn tự mình làm tướng cầm quân chống cự lại quân Trịnh.
Tháng 12, Trịnh Tùng lại sai tướng đem quân lên bình định vùng Kinh Bắc, bắt được Mạc Mậu Hợp trong một ngôi chùa ở Phượng Nhãn (thuộc Bắc Giang), đem về kinh giết chết. Mạc Toàn bỏ trốn rồi cũng bị bắt về chém chết.
Địa vị thống trị của nhà Mạc tại kinh đô Thăng Long đến đây là kết thúc.






Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen