Seiten

Dienstag, 27. Oktober 2015

Những “dã thú” tiêu biểu của Fauvism




Henri Matisse, “Open Window, Collioure”, 1905
“Donatello giữa bầy dã thú!”(“Donatello parmi les fauves!”) Nhà phê bình Louis Vauxcelles đã thảng thốt kêu lên như vậy sau khi bị “khủng bố” bởi những mảng màu chói gắt trong Salon d’Automne ở Paris, nơi trưng bày những tác phẩm  mang tinh thần phản kháng lại Salon truyền thống của giới thủ cựu.
Donatello là một nghệ sĩ thời Phục Hưng đến từ Florence; những tác phẩm của Donatello có thể được coi là kết tinh của giá trị nghệ thuật cổ điển trong điêu khắc. Tại Salon năm đó, một bức tượng cô độc của Donatello vô tình hay cố ý được bày giữa lớp lớp những bức tranh của Matisse, Derain, Jean Puy tạo nên một sự tương phản ấn tượng đến nỗi Vauxcelles phải bày tỏ ngay sự không đồng tình bằng một bài kể tội dài dặc, trong đó có đoạn: ”…Một phong trào mà tôi phải nói là nguy hại đang hình thành giữa một nhóm họa sĩ trẻ tuổi… Một nhà thờ đã được dựng lên, hai linh mục đang thuyết giảng là ông Derain và ông Matisse, một nhúm trẻ ranh đã được họ rửa tội… Tín ngưỡng mới này tôi không thể nào mê được… Ông Matisse là dã thú chỉ huy, ông Derain là dã thú phó, các ông Friesz và Dufy là dã thú theo hầu, và cậu bé Delaunay là dã thú nhi đồng…”
Và Fauvism, hay còn gọi là trào lưu Dã thú đã bị chết tên từ đó.
Điều mỉa mai nhất là Vauxcelles, người vô tình đặt tên cho Fauvism (dù rất ghét!), đã lại lặp lại kỳ tích trên vài năm sau, với phong trào Lập thể! Phàn nàn rằng tranh của Braques chẳng có gì ngoài những khối lập phương (cubes), Vauxcelles lại tặng cho nghệ thuật của Picasso và đồng bọn một cái tên mới: Cubism.
Dã thú chỉ huy, Matisse, là kẻ tội đồ lớn nhất đối với Vauxcelles. Ngày nay Matisse được tôn thờ như một trong những tượng đài lớn nhất của hội họa hiện đại Pháp, ngang hàng cùng Picasso, nhưng ít ai biết rằng, ông là một kẻ ngoại đạo cho đến tận khi phải nằm dưỡng bệnh vì chứng viêm ruột thừa. Matisse học Luật một cách cần cù chăm chỉ theo đúng nguyện vọng của cha ông, một thương nhân giàu có. Khi nghỉ ngơi tại nhà, ông được mẹ mang đến một mớ bút, màu, cọ, toan, và nhờ cơ duyên này Matisse đã tìm ra được niềm đam mê và tài năng nghệ thuật phi thường ẩn giấu trong một nhân viên luật quèn! Ông vẽ một cách điên cuồng, say mê, nói rằng hội họa đã đem lại cho ông một cảnh giới thiên đường, và khi 22 tuổi ông mới bước vào trường đại học Mỹ thuật để tiếp nhận một nền giáo dục chính thống.

Matisse
Một điều may mắn cho Matisse là ông được sự dìu dắt của Gustave Moreau, tiên phong của phong trào Biểu tượng (Symbolism). Tuy tự mình gò theo các khuôn phép của truyền thống, Moreau luôn tìm cách đưa vào các bức tranh của mình một chút gì đó siêu thực, kì ảo, vô định, và ông không ngừng nghỉ khuyến khích các đồ đệ của mình bứt phá, tự tìm con đường đi riêng. Trong số những học trò của Moreau có rất nhiều Dã thú (fauve): Matisse, Rouault, Pallady.

Europa bị bò (thần Zeus) bắt cóc, tranh của Moreau


Salome, cũng của Moreau
Điều tuyệt vời nhất của Matisse, theo đánh giá của nhiều người (bao gồm của tác giả của bài viết), không hẳn là cách sử dụng màu sắc táo bạo “trademark” của ông, mà là cách ông vẽ (draw) thật tự nhiên thoải mái. Có thể ví rằng Matisse vẽ cũng như một ca sĩ không hề được đào tạo bài bản mà có khả năng cất lên những nốt soprano cao nhất. Biết bao họa sĩ học trong trường lớp ao ước có thể vẽ được như Matisse.

Phác thảo của Matisse
Điều tuyệt vời nữa là đôi bàn tay thiên tài của Matisse không chỉ tạo ra điều thần kỳ với hội họa. Khi 72 tuổi, họa sĩ bị mắc bệnh ung thư và phải ngồi xe lăn, song tinh thần sáng tạo bất diệt đã khiến 14 năm cuối đời của ông trở thành một cuộc đời thứ hai – như Matisse đã gọi. Những tác phẩm cắt giấy bằng kéo của ông có thể phần nào cho thấy sự điêu luyện thần sầu trong đôi bàn tay ông. Đương nhiên, nhạy cảm màu sắc của Matisse cũng không hề kém vế.

“Nỗi buồn của vị vua”, giấy cắt dán


“Những bông hoa tuyết”, giấy cắt dán
Hãy tạm rời cụ già Matisse và cùng quay trở lại chàng trai Matisse khi vừa ra khỏi cổng trường đại học. Cuộc hành trình quan trọng đầu tiên của Matisse là chuyến đến thăm John Peter Russell trên đảo Belle Ile, một vương quốc của những màu sắc tắm đẫm trong ánh nắng. Chính Russell là người giới thiệu hội họa Ấn tượng (Impressionism) cho Matisse và Matisse đã bị choáng ngợp khi được nhìn thấy tận mắt các bức tranh của Van Gogh ở cự ly gần (đây là một cảm giác không của riêng ai. Nếu có cơ hội được ngắm tranh gốc của Van Gogh hoặc William Turner, xin đừng bỏ qua. Rất có khả năng bạn sẽ cảm thấy xúc động dào dạt).
Matisse yêu nghệ thuật như cuộc sống. Những thần tượng – bậc thầy của Matisse là Van Gogh, Gauguin, và Cezanne. Là nhịp cầu nối giữa Impressionism và hội họa hiện đại, Cezanne có chủ kiến mang tính cách mạng về nghệ thuật: vẽ từ thiên nhiên không có nghĩa là sao chép lại thiên nhiên, không, mà là vẽ lại “cảm giác” mà thiên nhiên mang lại. Còn Gauguin đã từng phán:” Thấy những cây này vàng không? Tô màu vàng nhé. Cái bóng này, hơi xanh nhỉ, tô màu xanh nước biển đậm. Lá này hơi đo đỏ? Tô màu son.” Matisse học theo một cách nhiệt thành không ngần ngại.

Tranh Cezanne, “Núi Sainte Victoire”


Tranh Gauguin, “Phụ nữ Taihiti”


Sự hài hòa màu đỏ, Matisse
Phá bỏ quy tắc cũ rằng một bức tranh phải có một tâm điểm và phải áp dụng luật phối hợp xa gần, Matisse vẽ như thể tô màu một tấm thảm phương Đông phẳng lì, tắm trong một màu đỏ xa hoa lộng lẫy và những chi tiết tràn trề nhựa sống. Sự khuất phục hoàn toàn trước cái đẹp của người họa sĩ có thể được cảm nhận rõ rệt. Đúng như Matisse đã phát biểu:”Sẽ luôn luôn có những đóa hoa cho những người muốn nhìn thấy chúng.”

Matisse, “Cá vàng”. Matisse nói:”Tôi không ngại nếu phải biến thành một chú cá vàng màu đỏ.” (Nếu có thể được biến thành một chú cá vàng trong bức tranh này, tôi cũng không ngại!)
Bức tranh là bệ phóng giúp Matisse lọt vào tầm ngắm của cả giới hâm mộ và giới phê bình là bức Người phụ nữ đội mũ (La Femma au chapeau). Người phụ nữ trong tranh chính là vợ của ông. Những lời phê phán mà Henri Matisse nhận được vì bức tranh này mới nặng nề làm sao! Tất cả những đường nét, dáng điệu, bố cục của bức tranh đều tuân theo các quy ước cổ điển, song màu sắc của nó khiến Paris dậy sóng. Có người nói rằng Matisse đã ném cả một lọ sơn vào mặt công chúng Paris! Anh trai của Gertrude Stein (nhà văn, nhà sưu tập, bạn của giới nghệ sĩ Paris) là Leo Stein gọi bức tranh là sự “ bôi bác màu sắc kinh dị nhất mà ông từng thấy”, nhưng hai anh em đã mua nó ngay, vì nhãn quan tinh tường khiến họ dự đoán được tầm ảnh hưởng của bức tranh trong hội họa đương đại.
Tinh thần của Matisse cũng vì thế được vực dậy đáng kể. Matisse nói về cách sử dụng màu sắc: “Khi tôi tô màu xanh lá cây, không có nghĩa là tôi định vẽ cỏ. Khi tôi tô màu xanh lơ, không có nghĩa là tôi vẽ bầu trời.” Đúng vậy, khi Matisse tô màu xanh lá cây, cái ông định vẽ chính là… màu xanh lá cây, hay nói cách khác, cảm nhận của ông về màu xanh lá cây. Thật dễ hiểu phải không?


.
Một người xem tranh của Matisse ắt sẽ sớm nhận ra rằng cái quyến rũ họa sĩ nhất không phải tranh tĩnh vật hay phong cảnh, mà là con người. Matisse yêu cái đẹp của cuộc sống, và cuộc sống ấy nhất thiết phải có mặt con người. Những đường cong của thân thể người phụ nữ di chuyển trong không gian làm ông say mê, và ông tô màu chúng như thể thổi vào đó hơi thở của cuộc sống.

Niềm vui sống, Matisse
Điều Matisse mơ đến và phấn đấu là một thứ nghệ thuật cân bằng, trong sáng và êm ái, một thứ nghệ thuật không có những chủ đề tối tăm và khó chịu. Ông muốn đem đến cho mọi người, từ doanh nhân cho đến nhà văn, ví dụ như vậy, một thứ nghệ thuật chung có tác dụng làm dịu tinh thần, nói cách khác là “một chiếc ghế bành cho sự mệt mỏi về đầu óc.” Và cách biểu đạt không phải dựa trên những vẻ mặt đầy cảm xúc, những cử động mạnh mẽ. Matisse coi toàn bộ cách sắp xếp trong tranh ông là có tính biểu đạt: không gian bị chiếm bởi các nhân vật, không gian trống, các tỉ lệ, mọi thứ đều kết hợp lại để “biểu đạt” (expressionism). Ví dụ rõ:

Điệu nhảy, Matisse
Ngoài hội họa, Matisse còn lấn sang điêu khắc và kiến trúc. Giáo đường Rosary do chính ông thiết kế và là nơi giữ nhiều tác phẩm của ông là một tuyệt tác của kiến trúc, dù có kích cỡ bé nhỏ.

Cửa kính màu bên trong giáo đường Rosary, tác phẩm “Cây đời” của Matisse (Tree of life)
Matisse là một họa sĩ sáng tạo theo đúng nghĩa: ông là nô lệ cho cái đẹp và sự sáng tạo. Matisse đã từng nói rằng, không có gì khó khăn hơn là vẽ một đóa hồng, vì khi vẽ nó, anh phải quên đi tất cả những đóa hồng đã từng tồn tại trên đời. Tranh của Matisse quyến rũ không chỉ vì màu sắc, đường nét, tinh thần, mà vì chúng tràn đầy tự do. Có thể coi tranh Matisse như một dạng biểu đạt của chủ nghĩa thoát ly. Đúng như Elaine Scarry đã nhận xét trong cuốn Về vẻ đẹp và sự công bằng: “Matisse không có khát vọng cứu rỗi ai. Nhưng ông nhắc đi nhắc lại rằng mình muốn tạo ra những tác phẩm đẹp êm ái đến mức khi người ta nhìn thấy chúng, mọi nỗi khổ đau đều dịu đi.”




“Bathers”, 1907, của André Derain – một nhân vật quan trọng của phong trào Dã thú
Kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu đôi chút về khởi nguồn của phong trào Dã thú và người cầm cờ chỉ huy – Matisse. Kỳ này sẽ đi sâu hơn về những yếu tố hợp nhất lại để tạo nên phong trào Dã thú.
Trên thực tế, có nhiều nhà sử học không phân loại Fauvism là một phong trào theo đúng nghĩa. Fauvism không có một bản tuyên ngôn riêng hoành tráng như Futurism, không có các triển lãm chung như Impressionism, lại càng không có một nhóm họa sĩ tự “vỗ ngực xưng danh” liên kết với nhau như Dadaism.
Các họa sĩ Fauvism “hơi hơi” quen biết nhau, vẽ những bức tranh “hơi hơi” giống nhau, và tình cờ triển lãm ở cùng một salon vào năm 1905, sự kiện đem lại cho họ cái tên bầy Dã thú. Lúc mà Fauvism bắt đầu có tiếng vang cũng là lúc nó bắt đầu nguội lạnh, tổng cộng khoảng 3 năm. Các Fauvist, sớm hay muộn, đều đổi hướng đi, và Fauvism như một thời tuổi trẻ bồng bột song có tính bước ngoặt trong sự nghiệp của họ. Nói vậy, vẫn không thể phủ nhận đỉnh cao của Fauvism khi nó đang ở thời hoàng kim và những ảnh hưởng huy hoàng của nó lên các thế hệ nghệ sĩ từ 1908 đến nay.

André Derain, “Ba người trong cỏ”
Sẽ không quá lời nếu nói rằng, nếu không có Impressionism thì cũng không thể có Fauvism. 30 năm cuối của thế kỉ 19 đã chuẩn bị cho màu sắc trở thành một đơn vị độc lập trong hội họa, để biến màu sắc thành nhân vật chính chứ không phải là người, hay cá, hay hoa, hay bất cứ cái gì. Những nhân vật kia chỉ đơn thuận là sàn diễn để màu sắc được phô bày, là những căn phòng để chứa màu sắc mà thôi.
Và Impressionism đã dọn đường cho Fauvism để điều đó trở thành hiện thực. Trong quá trình Impressionism được thai nghén rồi bừng nở và lụi tàn, các họa sĩ Ấn tượng đã thử nghiệm với tất cả, trước tiên là chuyển sang vẽ phong cảnh, để đỡ phải tuân theo các quy tắc hình thức của vẽ người. Rồi những dấu phẩy màu của Impressionism, những dấu chấm màu của Pointillism, những vệt màu của Divisionism đều giúp cho các đường cọ thoát ly dần khỏi đối tượng được mô tả.

Claude Monet, “Mặt trời lên” – trường phái Ấn tượng


Georges Seurat, “Một chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte”, thuộc Pointillism


Jean Metzinger, “Điệu nhảy”, 1906, thuộc Divisionism
Vào khoảng 1905, sự thử nghiệm với màu sắc đã sắp bước đến giai đoạn bão hòa và Fauvism, giống như ngọn nến cháy lên lần cuối trước khi tắt hẳn, đã đẩy cuộc chơi màu sắc của Impressionism đến tận cùng.
Được dẫn dắt bởi những bức tranh của Van Gogh và Gauguin, các họa sĩ Fauvist sản xuất ra những bức tranh “kì quặc”: có những mảng bị phủ sơn đậm đặc, lại có những mảng để trống không. Và cũng chính những Fauvist đã vận dụng các màu sắc khác hẳn nhau, song đặt cạnh nhau để đánh lừa thị giác, khiến bức tranh có cảm giác về đậm nhạt, sáng tối, mà không dùng những biện pháp cổ truyền như đánh bóng hoặc pha màu.

Henri Matisse, “Chàng thủy thủ trẻ”, 1906
Một điều bất ngờ với nhiều người: tuy Matisse là Dã thú nổi tiếng nhất, nhưng nếu chiếu theo các điều lệ cơ bản của Fauvism, thì Matisse vẫn còn thiếu nhiều tiêu chuẩn. Đấy là bởi tuy sẵn lòng “chơi nổi” với màu sắc, Matisse luôn luôn hướng tới sự êm dịu, bình thản, rõ ràng của hội họa Pháp truyền thống. Nếu muốn hình dung được rõ ràng tính chất Pháp ấy, không thể không tham khảo những bức tranh của Puvis de Chavannes, một vị thầy của những người thầy:

Pierre-Cécile Puvis de Chavannes, “Những cô gái bên bờ biển”, 1879


Puvis de Chavannes, “Hope”, 1872
Bố cục cổ điển của Puvis de Chavannes đem lại cảm giác hiền hòa, bình ổn, song các nhân vật của ông vẫn có một vẻ uy nghiêm và vững chãi. Puvis de Chavannes thường miêu tả những đề tài kinh thánh hoặc đạo đức. Matisse học tập bố cục từ Puvis de Chavanes để diễn tả vẻ đẹp êm dịu của cuộc sống, thấy rõ nhất trong bức Luxe, Calme et Volupte (tên lấy từ tập thơ Những bông hoa ác của Baudelaire):

Henri Matisse, Luxe
Trong những Dã thú còn lại, hai người tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn của Fauvism nhất là Derain và Dufy.
Mặc dù Andre Derain đã gặp gỡ Matisse và những Dã thú khác tại Paris từ 1900, ông phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự và chỉ đến 1904 ông mới quay lại để bắt kịp với phong trào.

The Chawed Rosin, bức tranh nổi tiếng nhất của Derain
Andre Derain chịu ảnh hưởng của Van Gogh trong việc sử dụng các sắc độ khác nhau của đỏ-vàng-xanh, nhóm thành những mảng màu lớn để diễn tả ánh sáng, còn học từ Gauguin việc bỏ qua các nguyên tắc về tỷ lệ, xa gần. Cảnh gần và cảnh xa trong bức tranh hầu như không có sự khác biệt.

Andre Derain, “Những vườn nho vào mùa Xuân”, 1904
Nhân vật nữa là Raoul Dufy, có thể ít tham vọng hơn Derain, song không kém phần thành công. Dufy đến với Fauvism khá muộn màng và ban đầu ông học hỏi phần lớn từ Matisse, nhưng rất nhanh chóng, ông xác lập được phong cách của riêng mình. Giống như Derain, ông yêu thích những bố cục lạ, không gian hai chiều, và những yếu tố như nhà cửa, cây cối, kiến trúc. Màu sắc của Dufy tuy nhiên lại dịu hơn, và có thể nói là “Pháp” hơn nhiều những Dã thú khác.

Những ngôi nhà cũ dọc bến cảng Honfleur, tranh của Dufy. Ông thường dùng màu xanh lam đậm để làm nổi lên những sắc tím, hồng, lá cây nhạt. Những đường cọ rắn chắc đặc trưng của ông rất hợp với những khối chữ nhật của các căn nhà. Giống như Matisse, Dufy là một người tạo hình tài ba.
Trong tất cả những Dã thú, người được hưởng lợi nhiều nhất từ Fauvism có lẽ là Maurice de Vlaminck. Là người bạn thân thiết của Derain, hai người đã từng cùng nhau hợp tác sản xuất vài cuốn tiểu thuyết…người lớn có tranh minh họa trước khi bắt tay vào một sự nghiệp hội họa nghiêm túc hơn. Được truyền cho niềm cảm hứng mới về cấu trúc lẫn màu sắc, Vlaminck sản xuất một series các bức tranh vẽ trên bờ sông Seine.

Maurice de Vlaminck, “Sông Seine ở Chatou”, 1906
Một khi rơi khỏi ảnh hưởng của Fauvism, tranh của Vlaminck ngay lập tức trở lại “sền sệt” như trong bức Người đàn ông hút thuốc:

.
Nhiều người đoán sự thất bại của Vlaminck là do việc ông sử dụng hai màu trắng và đen không phải như hai màu, mà là để gây hiệu quả sáng-tối trong tranh; điều này về cơ bản là đi ngược lại quy tắc của Fauvism.
Ngoài ra, có rất nhiều họa sĩ bị ảnh hưởng bởi Fauvism theo một cách nào đó: Fries, Marquet, Manguin, và Braque – người sáng lập ra Cubism.
Fauvism, với sự nhấn mạnh vào những đường cọ xuất chúng và các màu sắc rực rỡ, đã đem lại cho Derain và Vlaminck một cơ hội duy nhất để tạo ra những bức tranh để đời, đã giúp cho những họa sĩ như Dufy xác định được bảng màu của mình, và giúp Matisse trở thành một trong hai họa sĩ quan trọng nhất của nửa đầu thế kỉ 20.  Vì vậy, và chỉ cần vậy thôi, Fauvism xứng đáng được vinh danh là phong trào hội họa quan trọng đầu tiên sau Impressionism.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen