Seiten

Sonntag, 6. September 2015

Hành trình dọc Trung Đông

Saudi - Trung Đông cấm cung

Saudi bây giờ đã khác với bán đảo Ả Rập ngày xưa. 1400 năm trước, nơi đây con người phá biên giới nối liền các bộ lạc, Saudi bây giờ đóng cửa biên giới không cho cả khách du lịch vào thăm.
1400 năm trước xứ này chỉ có cát với cát, Saudi bây giờ ngụp trong vũng dầu, nhiều tiền đến mức có thể xây một bức tường thành toàn bằng vàng cao 1 mét quanh quốc gia làm đường biên. 1400 năm trước ở Mecca, phụ nữ góa bụa vẫn lấy trai tân, lại còn chủ động đòi cưới; Saudi bây giờ bất kể phụ nữ nào cũng phải có đàn ông giám hộ.


Từ đa thần đến độc thần


Vào năm 570 sau Công nguyên ở miền Tây bán đảo Ả Rập (Saudi ngày nay), một cậu bé tên là Muhammad chào đời. Cậu không may mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một ông bác nuôi nấng. Năm 25 tuổi, Muhammad và bà chủ giàu có của chàng phải lòng nhau. Bà chủ động cầu hôn. Họ nên duyên và sống hạnh phúc trong suốt 25 năm cho đến khi Khadija qua đời ở tuổi 65. Làm thử một phép tính nhẩm, bạn sẽ thấy Muhammad 25 xuân xanh cưới Khadija khi bà đã 40 tuổi, góa chồng với ba cô con gái từ cuộc hôn nhân trước1. 



Ngày ấy, bán đảo Ả Rập nằm kẹp giữa hai vùng lãnh thổ lớn mạnh và luôn kình địch nhau là đế chế La Mã theo Thiên Chúa giáo ở bên trái và đế chế Ba Tư theo giáo phái Zoroastrianism ở bên phải. Cả hai giáo phái này đều là dòng tôn giáo độc thần, thờ một đấng Thượng Đế tối cao duy nhất, tiếng Latin gọi là Deus, tiếng Avestan thời cổ Ba Tư gọi là Ahura Mazda. 


Tác giả Nguyễn Phương Mai

Năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã thực hiện một hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về Hồi giáo. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo dòng phát triển của lịch sử tỏa sang châu Phi đến địa đầu Morocco. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh, nhưng cũng là điểm nóng của hơn 80% các bản tin thế giới ngày nay. Trong loạt bài bắt đầu khởi đăng từ số này, tác giả sẽ chia sẻ những vấn đề nhức nhối nhất, những câu hỏi còn đang gây tranh cãi, và những trải nghiệm cá nhân của chị với người dân Trung Đông. 

Nguyễn Phương Mai hiện là Tiến sỹ, giảng dạy bộ môn Giao tiếp đa văn hóa tại ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Độc giả có thể trao đổi với tác giả tại www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai













Lọt thỏm giữa hai người hùng của thế giới là nơi sinh sống của hàng trăm bộ lạc Ả Rập lớn nhỏ. Một chút tương tự như cuộc sống tôn giáo ở Việt Nam và châu Á, họ đi theo nhiều tín ngưỡng khác nhau (paganism), thờ nhiều linh tượng và thần thánh khác nhau (idolatry), trong số đó có một vị thần tôn quý, tiếng Ả Rập phát âm là Allah, cùng nguồn gốc với tiếng Hebrew của Do Thái giáo chỉ Thượng Đế (Elohim), hay tiếng Sankrit của Hindu giáo Ấn Độ (Allah – Thánh Mẫu Mặt Trăng). Như một viên xúc xắc với nhiều mặt khác nhau, Thượng Đế với những tên gọi khác nhau được tôn thờ song song bên cạnh những thần thánh khác. Nơi thờ cúng thường là những khối đá vuông to lớn (kaaba) với hàng trăm bức linh tượng lớn nhỏ của nhiều bộ lạc xếp san sát kề vai thích cánh. Khắp vùng bán đảo Ả Rập có rất nhiều kaaba như vậy cho người dân của tất cả các đạo, kể cả paganism lẫn Thiên Chúa giáo cùng thờ cúng2. Thành Mecca cũng có một kaaba, với 360 linh tượng, mỗi năm thu hút cơ man người hành hương từ vô số các bộ lạc xung quanh. Bất kể tôn giáo nào, khi đến một kaaba, các tín đồ đều đi vòng quanh khối đá thiêng bảy vòng. Họ đặt đồ thờ cúng, cầu nguyện và nghỉ lại Mecca, biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm tôn giáo lớn.





Hẳn nhiên, Muhammad chắc chắn cũng từng thờ cúng Thượng Đế cạnh những linh tượng như thế trong suốt hơn ba chục năm đầu của cuộc đời mình, cho đến một hôm, khi đang cầu nguyện và ngồi thiền tại một hang đá nhỏ tên là Hiraa, chàng Muhammad trẻ tuổi bỗng bị một vòng hào quang rực rỡ quấn thắt lấy người. Thiên thần Gabriel của đạo Thiên Chúa hiện ra, ra lệnh cho chàng chép lại lời truyền của Người. Và thế là một Muhammad không biết chữ nhưng dưới quyền năng của đấng Tối cao, những dòng đầu tiên của kinh thánh được viết ra. “Iqra” tiếng Ả Rập có nghĩa là chép lại, từ đó mà kinh thánh của đạo Hồi có tên là Quran. 


Khadija đã không thể sống lâu để có thể thấy chồng mình làm nên một điều kỳ diệu, thống nhất các bộ lạc vùng bán đảo Ả Rập dưới một tôn giáo mới tên là Islam (người tuân lệnh). Tôn giáo ấy nhanh chóng tràn ngập vùng Trung Đông, cải đạo cả đế chế Ba Tư hùng mạnh và đẩy lui siêu đế chế La Mã về phía châu Âu. Trong vòng sáu thế kỷ, Hồi giáo tỏa ra khắp ba châu lục, đạt đến đỉnh điểm của văn minh và kỹ nghệ trong khi châu Âu còn vùi trong mông muội của đêm trường Trung Cổ. Ngày nay, Hồi giáo có số tín đồ lớn thứ hai thế giới (21%), chỉ sau Thiên Chúa Giáo (33%). 


Lịch sử được viết lại


Tuy nhiên, Mecca của thế kỷ 21 ngoài hình ảnh huyền thoại của hàng trăm ngàn tín đồ xoay vòng quanh Kaaba mỗi mùa hành hương cũng là nơi mộ mẹ đẻ của Muhammad bị xe ủi xóa không còn dấu vết, là nơi ngôi nhà hạnh phúc của Muhammad và Khadija được tìm ra, lấp đi, rồi xây bên cạnh là một hàng… nhà xí công cộng, là nơi đến bản thân phần mộ của Muhammad cũng từng bị đe dọa san phẳng. Mấy năm trước, một thánh đường cổ mang tên cháu ngoại của Muhammad bị đặt bom phá cho tan tành. Những tấm ảnh chụp vụ đặt bom này được bí mật truyền ra ngoài, rõ cả mặt các thầy tu và cảnh sát tôn giáo của Saudi vừa hả hê nhìn gạch ngói bay tung trời, vừa reo hò hoan hỉ chia vui.

Gượm đã! Ai đang hoan hỉ reo hò? Các thầy tu? Các cảnh sát tôn giáo? Thế tức là thế nào? Tại sao giữa vùng đất là trái tim của thế giới Hồi giáo mà vị thiên sứ của nó và gia quyến của ông lại bị các tín đồ nổi tiếng sùng đạo của mình đối xử bạc bẽo đến nhường kia?


Năm 630, sau một thời gian dài phải lánh nạn ở Medina và nhiều trận giao tranh giữa đạo quân của hai thành phố, phe của Muhammad giành thế áp đảo và cuối cùng ông cũng có thể hiên ngang tiến vào quê hương Mecca với tư cách của người chiến thắng. Điều đầu tiên Muhammad thực hiện là đập phá toàn bộ 360 linh tượng trong Kaaba, tuyên bố khối đá vuông linh thiêng giờ đã trở thành nơi thờ đức Thượng Đế cao cả chỉ một và duy nhất. Ngoài Thượng Đế, tín đồ Hồi giáo (Muslim) không được phép cúng bái bất kỳ một ai, người thường, linh tượng cũng như thánh thần
.

Gần 1400 năm sau, những tín đồ cuồng tín nhất của Muhhamad đã thể hiện sự trung thành tuyệt đối với giáo lý độc thần tới mức liệt kê cả ngôi mộ của chính ông vào danh sách những linh tượng cần phá bỏ. Tất cả di sản như đền đài, thành quách, miếu thờ, mồ mả… có tiềm năng khiến tín đồ nảy ra niềm thành kính đều đáng bị triệt hạ, kể cả việc phải biến nó thành một cái nhà vệ sinh công cộng (!)

Đầu thế kỷ thứ 19, nhà Saud bắt tay với một nhánh Hồi giáo khá cực đoan là Wahhabi dần dần đánh chiếm và làm chủ gần như toàn bộ vùng bán đảo Ả Rập, bao gồm cả địa phận Mecca và Medina. Cam kết của nhà Saud và Wahhabi có thể được coi là một trong những cuộc hôn nhân thực dụng nhất giữa quyền lực chính trị và tôn giáo mà trong đó nhà Saud sẽ mang danh lãnh đạo còn giáo lý Hồi dòng Wahhabism sẽ là kim chỉ nam của vương quốc.
 

Vấn đề nằm ở chỗ giáo lý này vốn đã khe khắt lại ngày càng trở nên cực đoan. Dưới con mắt của các thầy tu dòng Wahhabi, kinh Quran được hiểu theo những ý nghĩa khắc nghiệt nhất. Chỉ có Thượng Đế mới xứng đáng được tôn vinh. Và bởi vì chỉ có Thượng Đế mới đáng tôn vinh nên kể cả Liên Hợp Quốc có muốn công nhận và cứu các di sản văn minh cổ ở Saudi cũng là điều không tưởng. Trong danh sách ba di sản mà Saudi cho phép Liên Hợp Quốc tiến hành đánh giá, chẳng có nơi nào liên quan đến Hồi giáo. Hơn 20 năm qua, 95% trong tổng số hơn 1000 khu kiến trúc cổ của Saudi đã bị tàn phá. Những tàn tích cuối cùng của một nền văn minh đa sắc màu cũng như những bằng chứng cuối cùng của một nền văn hóa Hồi giáo cổ gần như cố tình bị triệt tiêu và xóa sổ, đặt vào tay những thầy tu Wahhabi quyền năng tối thượng trong việc viết lại lịch sử tôn giáo và diễn giải triết lý Hồi giáo theo lý lẽ của riêng mình3.


Hẳn nhiên Muhammad không thể ngờ rằng việc ông đập 360 bức linh tượng trong Kaaba khiến nếu ông có sống dậy cũng khó có thể thanh minh cho việc Wahhabism trở thành niềm cảm hứng cho vô số các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda và Taliban. Chưa hết, việc 360 bức linh tượng tan thành tro bụi từ 1400 năm trước được coi là câu trả lời cho việc bức tượng Phật huyền thoại Bamiwam ở Afghanistan cao hơn 50m tồn tại từ trước khi Hồi giáo ra đời bị Taliban đục lỗ vào đầu để nhồi thuốc pháo cho nổ tan tành. Những di sản cuối cùng của một trung tâm Phật giáo cực thịnh từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên nằm trên con đường tơ lụa chỉ trong tích tắc tan thành mây khói. 

Quyền lực tôn giáo
 
Câu trả lời cho quyền năng tối thượng của Saudi một phần nằm ở Hajj (hành hương). Hành hương về thánh địa là lệnh của Thượng Đế. Ngài bảo đi là đi, nhưng đi được hay không thì lại là Saudi quyết định. Mỗi năm, các quốc gia Hồi giáo được phân chỉ tiêu không quá 1.000 tín đồ hành hương/triệu dân, vậy nên ai cũng nơm nớp lo việc mình sẽ trở thành một Muslim kém phần chân chính nếu như Saudi nổi hứng thắt chặt vòng kiểm soát. Năm 2012, ba chiếc máy bay chở Muslim hành hương từ Nigeria bị buộc quay đầu về nước. Nếu bạn kính sợ Thượng Đế, tốt nhất là hãy biết kính sợ quyền lực của nhà Saud trước nhất. 


Trên danh nghĩa kẻ trị vì Mecca và Medina, Saudi nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh tôn giáo của hơn một tỷ tín đồ sùng đạo, có toàn quyền quyết định và rao giảng thế nào là triết lý Hồi theo ý nghĩa thuần khiết nhất, trong sạch nhất, cao quý nhất. Sự khiếp nhược trước quyền năng lớn lao này khiến cho rất nhiều người Hồi trở nên dao động, bối rối, thậm chí đánh rơi cả khả năng tự phán xét theo lý lẽ thường tình. Thế nên mới xảy ra những chuyện trái khoáy như khi một họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh châm biếm Muhhamad hay một gã trời ơi đất hỡi làm một bộ phim hạng bét về cuộc đời ông thì hàng triệu tín đồ nổi cơn cuồng nộ, nhưng việc phần mộ của ông bị dọa san phẳng hay căn nhà của ông bị biến thành nhà xí công cộng thì hầu như chẳng ai buồn hoặc dám đoái hoài.


Trên danh nghĩa chịu trách nhiệm đón tiếp các tín đồ hành hương, Saudi dường như có thêm một cái lý do rất chính đáng để tiếp tục san phẳng các di tích Hồi giáo cổ và thay thế bằng các công trình kiến trúc ngày càng to hơn, cao hơn, đắt tiền hơn, trong đó có cả dự án mở rộng hành lang cầu nguyện xung quanh Kaaba để đạt được sức chứa 25 triệu người. Tiền tuôn chảy về Saudi từ túi những kẻ hành hương giàu sụ muốn ngả lưng trong những căn phòng giá 500 đô la một đêm với cửa sổ nhìn xuống Kaaba. Và để đạt được điều đó thì việc san phẳng căn nhà của Abu Bakr– vị lãnh tụ tôn giáo kế nhiệm Muhammad - để thay bằng một khách sạn siêu sang Hilton là điều hợp lý. Rốt cuộc là, ai cho phép Muslim tôn thờ một cái nhà? 


Nhưng rõ ràng là hình như ai đó đang ngấm ngầm cho phép Saudi tôn thờ đồng tiền. Có lẽ Saudi đang âm thầm chuẩn bị cho tương lai của vương quốc khi mà nguồn dầu lửa đem lại 86% ngân sách quốc gia sẽ bắt đầu hạ sản lượng từ sau năm 2030. Dầu nhiều đến đâu rồi cũng đến ngày sẽ hết, chỉ có Hajj là không bao giờ ngưng nghỉ. Đó chính là năng lượng không bao giờ cạn cho Saudi.

Cực đoan và Tư bản

Sinh ra trong một gia đình khốn khó, là trẻ mồ côi và mù chữ, phải sống nhờ vào sự chở che của họ hàng và sự chăm sóc của một phụ nữ nô lệ da đen khiến chàng trai trẻ Muhammad sớm có trái tim đồng cảm vô hạn với người nghèo, tầng lớp nô bộc, trẻ em mồ côi, và đặc biệt là phụ nữ. Trước mắt Muhammad là hố phân cách giàu nghèo khủng khiếp giữa những gia tộc nắm giữ nguồn thu nhập khổng lồ từ khách hành hương và những gia tộc không chen chân được vào cuồn cuộn chảy của xã hội thương mại hóa tôn giáo. Sự suy đồi đạo đức bởi sức mạnh của đồng tiền chỉ có thể được cứu rỗi bằng một lý tưởng trong sạch và thuần khiết: thờ phụng đức Thượng Đế chỉ một và duy nhất. Trong mắt của Thượng Đế, loài người thảy đều là con cháu của Adam và Eva, đều có quyền được tôn trọng, quyền bình đẳng, quyền học hành, quyền ăn no mặc ấm, và quyền được mưu cầu hạnh phúc. 

Đối với Muhammad, việc đập tan 360 bức linh tượng trong Kaaba có thể được coi như việc triệt bỏ tận gốc một xã hội thương mại hóa tôn giáo, nơi đồng tiền là kẻ thống trị và đạo đức chỉ biết quỵ gối cúi đầu. Những chế tài luật pháp cơ bản nhất của Hồi giáo được ông gây dựng dựa trên nền tảng về quyền bình đẳng, điển hình là zakat – một trong năm điều răn quan trọng của Islam: mỗi tín đồ đều có trách nhiệm trích một phần tài sản của mình để chia cho người nghèo. 


Tôi luôn tự hỏi liệu Muhammad ở dưới tấc đất sâu kia nghĩ gì nếu ông biết rằng Mecca của gần1400 năm sau đang dần dần trở thành Mecca của hơn 1400 năm trước, khi tôn giáo gián tiếp được coi là cỗ máy in tiền? Trả 500 đô la cho một ngày trong khách sạn siêu sang để đêm nằm qua cửa sổ nhìn được xuống Kaaba – nơi được coi là trung tâm của vũ trụ, nơi giàu nghèo sang hèn không phân biệt, mới thấy được sự hão huyền của những giấc mơ. 1400 năm trước, Muhhamad đập tan cuộc hôn nhân giữa sức mạnh của đồng tiền và tự do tín ngưỡng. Mỹ mãn và đầy quyền năng, trên danh Thượng Đế tối cao và thiên sứ cuối cùng của Người, 1400 năm sau, Mecca là hiện thân của một cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa hai kẻ phối ngẫu hầu như không ai có thể ngờ tới: Chủ nghĩa tư bản và Hồi giáo cực đoan.


Bình đẳng giới thụt lùi

Nếu Muhammad sống lại, hẳn ông sẽ vô cùng bàng hoàng trước sự méo mó của di sản mà ông đã đổ tâm dốc sức gây dựng. Vào thời kỳ ông còn sống, chính nhờ Hồi giáo và các chế tài sharia mà lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo, phụ nữ được chính thức đứng ngang hàng với nam giới về quyền con người. Lần đầu tiên có một tôn giáo quy định đàn ông bị giới hạn số vợ họ có thể lấy (bốn vợ), không phải vì họ siêu việt hơn đàn bà mà do quyền lợi của những phụ nữ có chồng chết trận phải được chăm sóc. Sharia cũng quy định đàn ông chỉ được quyền lấy thêm vợ khi họ có thể đảm bảo việc đối xử công bằng và khả năng lo toan tài chính cho đại gia đình. Lần đầu tiên tôn giáo quy định phụ nữ có quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền ly hôn, thậm chí quyền yêu cầu chồng phải có trách nhiệm không lơ là cuộc sống tình dục với mình. Lần đầu tiên trẻ em gái được chính thức bảo vệ bằng tuyên ngôn tôn giáo, các bậc cha mẹ được yêu cầu phải bảo vệ trẻ gái, cho trẻ gái được học hành thì mới được lên thiên đàng. Lần đầu tiên người mẹ được tôn vinh ở vị trí đỉnh cao. Muhammad từng nhấn mạnh “chúng ta phải yêu thương mẹ mình nhất, nhì cũng là mẹ, ba cũng là mẹ, sau đó mới đến người cha”. Bằng tất cả những gì ông làm được vào cái thời mà phụ nữ còn bị coi như của cải trong nhà, đàn ông lấy vợ đuổi vợ vô tội vạ, và những hài nhi nữ bị vùi vào cát sa mạc, thì Muhammad xứng đáng là nhà cải cách xã hội kiệt xuất và là người tiên phong trong phong trào giải phóng phụ nữ. 

Nhưng Saudi bây giờ đã khác với bán đảo Ả Rập ngày xưa. 1400 năm trước, nơi đây con người phá biên giới nối liền các bộ lạc, Saudi bây giờ đóng cửa biên giới không cho cả khách du lịch vào thăm. Người nước ngoài đến Saudi chỉ có mục đích công việc, hành hương hoặc thăm người thân. Saudi không có khách du lịch và bản thân tôi đã xin visa hai năm rồi mà chưa được. 1400 năm trước xứ này chỉ có cát với cát, Saudi bây giờ ngụp trong vũng dầu, nhiều tiền đến mức có thể xây một bức tường thành toàn bằng vàng cao 1 mét quanh quốc gia làm đường biên. 1400 năm trước ở Mecca, phụ nữ góa bụa vẫn lấy trai tân, lại còn chủ động đòi cưới. Saudi bây giờ bất kể phụ nữ nào cũng phải có đàn ông giám hộ, mấy năm trước họ còn chỉ là một cái tên trên chứng minh thư của đàn ông. Họ cần giấy phép của đàn ông để đi học, đi làm, đi bệnh viện, mở tài khoản, đi du lịch, thậm chí đi ra ngoài đường là phải có đàn ông trong gia đình đi theo. Saudi là quốc gia cuối cùng phụ nữ vẫn chưa có quyền đi bầu cử và không được lái xe hơi, thậm chí đến xe đạp cũng mới được cho phép gần đây trong phạm vi công viên. Phụ nữ ở Saudi, kể cả người nước ngoài, đều phải thuê lái xe riêng. Hẳn nhiên, không phải gia đình nào cũng có chồng, cha, anh rảnh việc đưa đón hoặc tài xế riêng. Phụ nữ Saudi nhiều khi bị dồn vào thế bắt buộc phải dùng các lái xe quen biết từ các công ty taxi có uy tín hoặc các taxi công cộng trên đường. Nếu có biến cố như lạm dụng tình dục xảy ra thì phụ nữ luôn là người cùng chịu tội. Năm 2009, một phụ nữ 23 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể và có thai. Cô bị phạt một năm tù và chịu đánh 100 roi sau khi sinh con. Khủng khiếp nhất là mấy năm trước, một vụ cháy nổ xảy ra nhưng các cô gái trong nhà bị một số thầy tu ngăn không được phép chạy ra ngoài vì không kịp… lấy khăn trùm đầu. Kết quả là 15 nữ sinh chết thảm thương. Nói ví von một cách cay đắng, vị thế của họ còn kém cả vị thế của một phụ nữ Mecca 1400 năm trước4. 


Bí mật của Saudi

Hồi tôi còn bé tý, ba tôi – một đại tá trong quân đội miền Bắc Việt Nam - từng giữ trong nhà một ngăn tủ khóa kín. Tôi luôn băn khoăn tự hỏi ba giấu cái gì trong đó mà lúc nào cửa tủ cũng phải đóng chặt: Súng? Thuốc độc? Hay là một con quái vật cũng nên. Tưởng tượng nào cũng xấu xí, vì tất nhiên là nếu nó đẹp đẽ thì chắc chắn ba đã dành nó cho con gái cưng. Nhiều năm sau, ba tôi mắc bệnh ung thư. Vào một ngày rất gần khi ông qua đời, ba gọi tôi đến và đưa cho tôi bí mật ông cất giữ từ bao năm qua.


Đó là một cuốn Kinh thánh. Một cuốn Kinh thánh nhỏ xíu có bìa da thuộc màu đỏ thẫm. 


Tôi không bao giờ hỏi tại sao ba tôi lại giữ một cuốn Kinh thánh nhỏ xíu bao nhiêu năm trong tủ như thế, nhưng tôi đoán đó là một kỷ vật buồn trong đời chinh chiến của ông, góc sách nham nhở vết xém cháy và cái bìa da có chỗ đã thẫm đen lại bởi mồ hôi và cát bụi. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại tuổi thơ với những phút ngồi khoanh chân chống cằm chăm chăm nhìn vào cái tủ khóa chặt và để trí tưởng tượng mặc sức tung hoàng, tôi không khỏi bật cười. Chẳng có hình dung nào có thể xa rời sự thật hơn là con quái vật trong khi thực tế lại là một cuốn Thánh kinh. 


Và vì thế, cho đến giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi liệu những hiểu biết và ấn tượng về Saudi của mình sẽ có thể xa rời thực tế đến chừng nào? Thực lòng mà nói, tôi cầu mong sao mình sẽ sai toàn tập. Saudi đóng cửa đã bao năm và thế giới này đã có quá đủ thời gian để trí tưởng tượng tung hoành về những gì đang diễn ra trong lòng vương quốc. Tôi thường nghĩ về Saudi với lời nhắn nhủ: “Saudi ơi! Đã đến lúc cánh cửa tủ phải mở ra rồi!”

Dubai - Bước đi trên hai sợi dây
Dubai vừa mở toang vừa đóng kín, gần như trong vấn đề gì cũng nhìn thấy hai thái cực rõ ràng, hai hướng đi đối chọi hẳn nhau. Nếu bảo Dubai hiện đại cũng sai mà cổ hủ cũng sai nốt. Kết quả là những người dân Dubai và cả những kẻ thập phương đến đây cũng bị căng ra, cuốn theo những dòng chảy chéo ngược về hai phía.
Dubai vàng son


Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi đặt chân đến Dubai là một mớ những làn đường cao tốc xoắn xuýt đan quấn vào nhau như một đám DNA khổng lồ sáng rực dưới kính hiển vi. Ở cuối làn sóng ánh sáng đó, Dubai hiện ra lộng lẫy và kiêu ngạo như bà chúa kim sa, khinh khỉnh nhìn xuống từ trên những tháp ánh sáng chói lòa như được dát bằng hàng triệu viên kim cương ngũ sắc. Xe tôi lướt đi giữa tầng tầng lớp lớp váy áo lấp lánh, mỗi khúc quanh tối đặc bởi ánh đêm lại bất thần mở ra một miền dải lụa dát sáng.


Dubai nhiều cái nhất. Nổi tiếng nhất có tháp Khalifa cao nhất thế giới. Guinness thậm chí đã quyết định mở hẳn một văn phòng đại diện tại Dubai vào năm 2014 để đáp ứng nhu cầu đánh bại các kỷ lục thế giới của người Tiểu Vương Quốc. Nhưng có lẽ cái nhất ngang ngược số 1 mà chỉ có cái kiểu ngạo mạn của Dubai mới có thể nghĩ ra là dự án The World, Palm Jumeirah và hai quần thể đảo khác. Trong suốt bốn năm, gần một tỷ mét khối đá và cát được đào lên từ đáy biển và phun vòi rồng trùm lên trên vùng san hô ngoài khơi Dubai, tạo thành bốn quần thể đảo nhân tạo, lấn biển hàng trăm nghìn mét vuông. Lượn vòng trên bầu trời Dubai, tôi tận mắt nhìn thấy một thành phố siêu hiện đại mọc lên từ sa mạc cằn cỗi chỉ trong vòng vài thập kỷ. Mà thực ra từ “mọc lên” hoàn toàn không chính xác. Bởi cái sự “mọc” có vẻ chậm rãi và thông thường quá. Với tốc độ phát triển kinh hoàng, nhiều người ví sự xuất hiện của Dubai trên đời giống như thể một mô hình siêu đô thị được người ngoài trái đất bất thần thả xuống trên bát ngát cát trắng, qua một đêm bất thần lững lững chiếm ngự vùng Vịnh heo hút với những công trình ngạo ngược lấn biển, chọc thủng mây, ngang nhiên thách thức cả Tạo hóa. 

Tình cảm của tôi dành cho Dubai khá phức tạp, vừa yêu vừa ghét vừa nể phục. Không thể phủ nhận tầm nhìn xa trông rộng của những ông hoàng Dubai, khởi đầu từ việc sau khi thực dân Anh rút lui đã mải miết kiên trì thuyết phục các tiểu vương lân cận hợp sức thành lập một mô hình Hợp chủng quốc để cùng tồn tại. Vào những năm 1940 ngay giữa thời huy hoàng của ngọc trai, Dubai đã sớm đi trước một bước, nhìn thấy con đường cụt của nền công nghiệp này và mạnh dạn đầu tư vào thương mại. Vào những năm 1960 khi Trung Đông bất ngờ trở nên giàu có tột đỉnh bởi dầu lửa, Dubai đã sớm nhìn thấy con đường cụt của những giếng dầu và đầu tư mạnh vào du lịch. Không có kỳ quan thiên nhiên cũng như kỳ quan văn hóa, Dubai tự tạo nên kỳ quan từ bàn tay con người và biến du lịch thành nguồn thu chính của vương quốc trong khi dầu lửa chỉ chiếm 5% thu nhập quốc gia. Dubai tua băng chạy vùn vụt từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 21 chỉ trong vòng hai thế hệ, biến một vùng chài lưới nghèo khó ven biển nơi chỉ có cát, xương rồng và cướp biển trở thành một trung tâm tiền tệ và thương mại của cả thế giới. Ai cũng biết ở Trung Đông, việc yêu kính những ông bà hoàng gần như là một nghĩa vụ, nhưng chỉ cần ở Dubai một thời gian, thật dễ dàng nhận thấy tình cảm của người Dubai dành cho tiểu vương Zayed xuất phát từ sự tôn kính và yêu quý thực lòng. 


Vậy vì sao tôi ghét Dubai?

Thứ nhất vì chính cái tên của tiểu vương quốc vàng son này: Do – Buy, hay đơn giản là: Mua đi! Sắm đi! Tiêu tiền cho thật nhiều vào! Tôi ở Dubai đúng vào thời điểm diễn ra Tuần lễ mua sắm, cũng không phải ngẫu nhiên mà được tổ chức trùng với tuần nghỉ lễ của người láng giềng giàu có Ả Rập Saudi. Những cô gái Saudi nhìn thoáng qua ai cũng màu đen giống hệt nhau nhưng để ý kỹ sẽ thấy họ quàng khăn trùm đầu hiệu Louis Vuiton, áo choàng và khăn trùm đầu hijab đen gắn đá quý lấp lánh quét đất để lộ thấp thoáng những đôi xăng đan Jimmy Choo cao ngất ngưởng hàng chục phân. Dubai dường như quá sức tự hào về cái danh tính một xứ sở ăn chơi hào nhoáng của mình đến mức từng lấy hình ảnh khách sạn 7 sao Burj Al Arab làm biểu trưng cho đất nước và dập nguyên xi hình ảnh này lên tất cả các biển số xe hơi. 


Lý do thứ hai để tôi ghét Dubai là sự hào nhoáng đó được tạo dựng bởi bàn tay của công nhân từ các quốc gia thế giới thứ ba nghèo đói, và khối óc của các doanh nghiệp trí thức châu Âu. Dân bản xứ Dubai không hẳn đã ưa những người ngoại quốc đến đây sống và làm việc. Nhưng họ lại cần những kẻ lấm lem và ngoại lai này để tồn tại, hệt như một vị chủ nhà không thể sống nổi nếu thiếu đám khách khứa đông đúc, xa lạ và hạ đẳng đến trú ngụ trong nhà.


Bạn không đọc nhầm đâu! Đúng là tôi vừa dùng từ “hạ đẳng” đấy. Thậm chí lương bổng ở Dubai như một luật bất thành văn được trả theo quốc tịch: Mỹ và Tây Âu ở bậc trên, mấy nước châu Á phát triển nối đuôi cùng với Đông Âu, gần chót là người Philippines làm việc trong ngành dịch vụ, và đáy cùng là những lao động chân tay người Ấn Độ và Pakistan. Họ oằn lưng hơn 10 tiếng một ngày trên sa mạc nóng trên 50 độ đến mức cả tuần có thể không hề đi tiểu. Hệ thống quản lý kafalacho phép chủ thuê giữ hộ chiếu của công nhân, đặt vào tay họ quyền sinh sát với toàn bộ đời sống của người làm thuê. Không tiền, không hộ chiếu, cộng thêm một gánh nợ trên vai, có bị ném vào địa ngục cũng đố ai dám bỏ trốn. Mà nếu có bỏ trốn thì cũng là sự trốn chạy thương tâm nhất: cái chết. Rất nhiều người ốm đau và tự vẫn. Thậm chí có người quẫn bách đến mức đã đâm đầu vào xe ô tô để chết, hy vọng đổi mạng sống của mình để kiếm tiền máu diya đền bù nhằm trả nợ cho gia đình. Chỉ trong năm 2005 đã có 971 công nhân Ấn Độ lìa đời. Khi con số này được công bố thì Đại sứ quán Ấn Độ nhận trát yêu cầu im lặng và thôi đừng có đếm nữa. Mặt trái của Dubai vàng son khiến tôi quặn lòng khi nghĩ đến một bộ phận nhỏ những người lao động Việt Nam cùng chịu chung số phận. Ba mẹ dạy tôi đói cho sạch rách cho thơm. Nhưng rách ở cái ao nhà thì còn hy vọng chứ rách rưới ở xứ người thì thật lắm đắng cay. 


Vừa mở toang vừa đóng kín

Sẽ không ngoa khi nói rằng mỗi người dân của tiểu vương này đang bị xé ra làm hai: một nửa đầy tự hào và kiêu ngạo về một Dubai sáng choang giữa lòng sa mạc, nửa kia ngậm ngùi quặn thắt vì chính họ cũng hiểu rằng mình đã mua một Dubai hào nhoáng chứ không phải đã xây một tiểu vương quốc rực rỡ bằng công sức và tài trí của chính mình. Chỉ chiếm có 5% dân số trong một tiểu vương được xây dựng và quản lý chủ yếu bởi người nước ngoài, dân Dubai đang cố tình nhấn mạnh rằng họ khác với đám khách khứa hạng sang sặc mùi Âu Mỹ và đám lao động cùng đinh từ châu Á bằng cách bám chặt lấy từng mẩu văn hóa dù nhỏ nhất của mình. Dubai là ví dụ đặc trưng nhất của hiện tượng “càng mở cửa thì càng truyền thống”, đến mức thành cố chấp khi hàng loạt dân tình bất chấp lý do an toàn kêu gào lên án các trung tâm thể thao là “phân biệt chủng tộc” khi họ không được phép mặc nguyên xi bộ kandura và  abaya truyền thống lướt tha lướt thướt quét đất hoặc lùng thà lùng thùng như cái dù để tham gia các môn thể thao cảm giác mạnh và mạo hiểm như trượt tuyết, ném bowling, nhảy dù và lặn biển.


Hằm hè ra về, thà hy sinh niềm vui cá nhân còn hơn là phải trút bỏ bộ đồ truyền thống, mỗi ông bà khách khó tính của các trung tâm thể thao thực ra là đại diện cho cuộc khủng hoảng danh tính đang ngấm ngầm cắn rứt và xâu xé sự tự tin của nền văn hóa non trẻ Dubai. 


Chưa ở đâu tôi được chứng kiến một sự đối chọi khủng khiếp như thế giữa các giá trị đối lập của cái mới và cái cũ, cái được và không được, cái hợp pháp và phi pháp. Là một nền kinh tế dựa vào du lịch, Dubai buộc phải chấp nhận những thái cực Đông Tây khác biệt. Trên đường phố Dubai, những người đàn ông trong bộ kandura trắng muốt bước đi bên cạnh những cô gái cổ áo hở hang khiêu khích, mỗi bước đi ngoáy mông lại để lộ ra cái “đuôi cá voi” của quần lọt khe phía bên trên thắt lưng cạp trễ. Đám trẻ tuổi teen đội mũ lưỡi trai bẻ ngược, khuyên mũi khuyên lưỡi chi chít trượt ván veo veo trước mặt những cô gái trùm burka đen kín mặt chỉ hở hai con mắt. Du lịch gắn liền với sex. Đêm nào Dubai cũng rùng rùng chuyển động với vô số quán nhạc và câu lạc bộ đồng tính, với những cô gái điếm hạng sang bước chân vào vũ trường như những bà quý tộc và cả những ả bán hoa bình dân lấp ló đâu đó khuất nẻo dưới đường phố tối bưng. 


Nhưng sự cởi mở trong ngành công nghiệp phấn hương và xã hội đồng tính không có nghĩa là bạn có thể hồn nhiên mở một trang sex trên internet. Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể mua sex, nhưng xem sex hoặc làm sex thì rất dễ bị ăn đòn. Cách đây không lâu, một đôi nam nữ chưa kết hôn bị bắt quả tang trao đổi tin nhắn sex với nhau trên điện thoại kết thúc câu chuyện tình tang của họ trong nhà tù, hay một cặp anh ả hôn nhau mùi mẫn trong nhà hàng thoắt cái thấy mình bị án giam một tháng. 

Tương tự, Dubai cởi mở với nền công nghiệp hương phấn bao nhiêu thì lại hà khắc đến cứng nhắc với các loại thuốc kích thích và cần sa bấy nhiêu. Một danh sách dài các loại thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm bị coi là chất kích thích và kết quả là những án tù vài năm, nạn nhân bao gồm cả đạo diễn người Đức gốc Việt Cat Le-Huy. Cảnh sát chặn anh ở sân bay vì một lọ thuốc an thần, rồi lại bắt anh thử nước tiểu, thấy không có vấn đề gì vẫn cố kiết nạo vét tí bụi bặm trong vali để được 0,03 gram, một mẩu bé đến mức mắt thường không dễ nhìn thấy, mà họ cương quyết khẳng định là cần sa. Cat Le-Huy chỉ thoát án bốn năm tù sau khi cộng đồng mạng làm ầm ĩ với hơn 5.000 chữ ký gửi đến Dubai. 

Dubai vừa mở toang vừa đóng kín, gần như trong vấn đề gì cũng nhìn thấy hai thái cực rõ ràng, hai hướng đi đối chọi hẳn nhau. Nếu bảo Dubai hiện đại cũng sai mà cổ hủ cũng sai nốt. Kết quả là những người dân Dubai và cả những kẻ thập phương đến đây cũng bị căng ra, cuốn theo những dòng chảy chéo ngược về hai phía. 


Bối rối danh tính quốc gia

Trong bộ phim “Lawrence of Arabia”, vào thời kỳ đế chế Hồi giáo khổng lồ Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) đang mất dần quyền bá chủ trên lãnh thổ rộng lớn kéo dài khắp ba lục địa của mình vào tay người Anh và Pháp, viên sĩ quan người Anh Lawrence được cử đến bán đảo Ả Rập để hối thúc các bộ lạc nơi đây nổi lên chống lại nhà cầm quyền người Thổ, đưa cuộc chiến vào thế có lợi cho quân Anh. Khi chàng sĩ quan trẻ khơi gợi ý chí phải thoát ra sự đô hộ của người Thổ, một thủ lĩnh bộ lạc đã trả lời mỉa mai: “Người Thổ à? Người Thổ là bộ lạc nào vậy?”


Cho đến bây giờ, trong những tranh chấp xung đột ở Trung Đông, câu hỏi này vẫn là một trong những thông tin quan trọng nhất: “Lãnh tụ mới à? Ông ấy là người bộ lạc nào vậy? Tôi chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên từ bộ lạc của tôi thôi!” Văn hóa của Trung Đông và toàn bộ bán đảo Ả Rập là văn hóa bộ lạc. Người Ả Rập biết đến một khái niệm mới có tên là “quốc gia” chỉ sau khi đế chế Ottoman sụp đổ và các nước lớn Anh, Pháp bắt tay vào chia sẻ chiến lợi phẩm là đất đai và các vùng đô hộ, vạch ra các đường biên giới để dễ bề cai quản. Tuy nhiên, hàng nghìn năm gắn rễ với cấu trúc văn hóa bộ lạc khiến đất nước được thành lập nhưng lòng người vẫn bị chia năm xẻ bảy, trung thành với bộ lạc và gia tộc của chính mình. Thật khó để người vùng Tiểu Vương Quốc nhìn nhận về bản thân mình như một công dân cùng một quốc gia, nhất là khi trong một quá khứ chưa đầy 100 năm trước, kẻ này sẵn sàng bắn chết kẻ kia chỉ vì trong cơn khát giữa sa mạc, gã lữ hành xấu số dám cả gan uống một ngụm nước từ chiếc giếng không nằm trong vùng lãnh thổ của bộ lạc mình. 


Thiếu vắng một độ dày văn hóa gốc rễ và gần như bị đô hộ về mặt trí tuệ (intellectually colonized), tôi nhận thấy Dubai thực ra đang bám vào Hồi giáo như một cứu cánh để xác nhận và tạo lập danh tính văn hóa bản địa của chính mình. Tôi tự khẳng định điều này khi có dịp gặp Ines và Tefridj – hai trong số vài người bản địa hiếm hoi ở Dubai. Họ đều trẻ trung, giỏi giang, và diện những bộ cánh chỉ nhìn qua đã biết là thứ hàng sang trọng đắt tiền: khăn trùm đầu hiệu Chanel điệp màu với giày cao gót Christian Louboutin. Khi tôi buột miệng khen phong cách ăn mặc của họ, cả hai lập tức phá lên cười. Ines mở điện thoại cho tôi xem hàng chục bức ảnh của một Ines cách đây chưa đầy hai tháng: tóc nhuộm vàng rực xõa tung gợi cảm và quần áo không khác gì một ca sĩ chuẩn bị lên sàn diễn. 

“Điều gì đã xảy ra thế này hả trời?” – tôi không tin vào mắt mình.
 
Lý do để Ines và Tefridj quyết định thay đổi diện mạo của mình là vì họ được nhận vào làm ở một công ty truyền thông danh tiếng trong một dự án nhằm thúc đẩy nữ quyền và bình đẳng giới. Cái khó không phải là làm thế nào để bản thân họ nổi bật với tư cách là những phụ nữ tham vọng, mà là làm thế nào để họ được biết đến như những phụ nữ Emirati tham vọng. Quá trình đi tìm kiếm một danh tính quốc gia đưa những cô gái trẻ đậu lại trên một cột trụ vững chãi có tên là Hồi giáo. Thế là cả tủ quần áo thời trang bị tống vào xó nhà, tất cả mọi tấm ảnh trước kia quẳng lên facebook đều phải gỡ bỏ. Những cô gái trẻ quyết tâm chứng minh cho thế giới thấy rằng một phụ nữ Hồi giáo hoàn toàn có thể xông pha trên tuyến đầu, năng động, tự tin, quyết đoán mà vẫn đầy chuẩn mực. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi Ines và Tefridj lại một câu cho chắc: “Vậy thì đây là danh tính quốc gia hay danh tính tôn giáo vậy?” 


“Cả hai!” – các cô gái trả lời không cần suy nghĩ. 


Vậy là đã rõ. 


Từ bao đời nay, vùng đất sa mạc cằn khô này chưa bao giờ có một sắc màu văn hóa ổn định. Khi những bộ lạc rời rạc tụ lại thành một quốc gia vào năm 1971, tôn giáo trở thành điểm chung duy nhất và cũng là chất kết dính duy nhất cho một đất nước non trẻ thiếu chiều dày văn hóa. Đạo Hồi không những thay thế lịch sử của Tiểu Vương Quốc mà còn có sức mạnh định nghĩa văn hóa nền cho cả một dân tộc vừa mới bỡ ngỡ chào đời. Và với sự phát triển kinh tế nhanh đến chóng mặt cộng với sự áp đảo của hơn 90% dân số là người ngoại quốc, cả một thế hệ trẻ bỗng dưng ngơ ngác với câu hỏi mình là ai. Hẳn nhiên khi chẳng còn chỗ bám víu nào khác hơn là một tôn giáo chung để xác lập một bản sắc riêng, những Layla, Ines và Tefridj bỗng thấy chiếc khăn hijab trở thành câu tuyên thệ cho sự khác biệt của chính mình. Danh tính tôn giáo đã chính thức thay thế văn hóa quốc gia. Xét cho cùng, họ cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
 

Một Hồi giáo “xấu xí”

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn cho rằng Hồi giáo – một khi đã đóng vai trò thay thế văn hóa quốc gia và tạo hình cho lịch sử dân tộc – thì sẽ luôn luôn được trọng vọng. 

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cái phiên bản Hồi giáo của nhà cầm quyền và phiên bản Hồi giáo của kẻ quấy rối kỵ nhau còn hơn nước với lửa. Tổ chức Al-Islah, một nhánh của Huynh Đệ Hồi giáo bắt rễ từ Ai Cập, đại diện cho một làn sóng phục hưng Hồi giáo, phản đối mạnh mẽ cuộc sống Âu hóa tột cùng của Các Tiểu vương quốc. Tôi nhớ khi mình chót dại mở miệng nói về một buổi sinh nhật rất vui ở quán bar Barasti, chưa kịp kết thúc câu khen ngợi thì đã bị nói như tát nước vào mặt: “Đủ rồi! Cái xứ này mục ruỗng đạo đức vì có cả những người như cô đến đây xả tiền mua vui một cách đáng xấu hổ như vậy!”

Tuy nhiên, điều khiến chính quyền Các Tiểu vương quốc cảm thấy khó chịu với Al-Islah lại là việc tổ chức này có biểu hiện đòi cải tổ hệ thống độc tài, đòi người dân phải có quyền bỏ phiếu, đòi xây dựng một thể chế chính trị dựa trên giáo lý Hồi. Cái phiên bản Hồi giáo này nguy hiểm quá bởi nó có mùi dân chủ, rất dễ dụ khị tầng lớp thanh niên trí thức đang hoang mang, bế tắc và quẫy đạp. Tức là phải diệt! 

Khi tôi đang viết những dòng này, hơn 100 thành viên của Al-Islah đã bị bắt và đang chờ ngày ra tòa. Họ bị kết tội phản quốc do bí mật thề trung thành với tổ chức mẹ Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Năm 2012, cùng với hoàng gia Saudi và các thầy tu Wahhabi, các Tiểu vương Ả Rập thấy tim mình đập thùm thụp khi thủ lĩnh Huynh Đệ Hồi giáo là ông Mursi lên nhận chức Tổng thống. Họ lo sợ tầng lớp có học thức trong nước bỗng nhiên phát hiện ra rằng Hồi giáo hoàn toàn có thể kết hợp với các thể chế bầu cử dân chủ và sẽ nổi lên chống lại nhà nước độc tài. Khi Mursi bị nhà binh đảo chính, cả Saudi và các Tiểu vương Ả Rập như trút được gánh nặng ngàn cân, hào hứng móc túi trích ra tận tám tỷ đô la để giúp đỡ chính quyền mới. Cái ghế quyền lực được đóng thêm một cái đinh, đã vững chãi giờ lại càng khó đổ. 

Đêm cuối cùng ở Dubai, tôi được rủ tới một quán bar sang trọng cùng với một nhóm bạn mới quen. Trên màn hình TV khổng lồ, với bộ đồ hai mảnh bó sát, Beyoncé đang làm cho khán giả phát cuồng với vũ điệu nóng bỏng của “Put a ring on it”. Ngay dưới chân màn hình, những dòng tin thời sự nhỏ chạy liên tục, thông báo về diễn biến vụ xử án những thành viên của Al-Islah. Anh bạn người bản xứ ngồi bên vừa dụi tàn thuốc vừa kể cho tôi nghe rằng con trai của một trong số những người bị xử án sẽ bị tống giam 10 tháng vì dám cả gan lên mạng twit về phiên tòa. 

“Chế độ hà khắc này hệt như cái nồi áp suất. Đến một ngày chúng tôi sẽ nổ tung ra mất!” – anh thở dài. 

“Này cô em!” – tôi giật mình quay sang anh bạn bên tay trái – “Sao mặt mũi lại phụng phịu thế kia?” Anh ta cười sảng khoái, liến thoắng một hồi rồi dí vào tay tôi một ly cocktail mới pha, nói đầy vẻ trịnh trọng: “Khi người ta trẻ, người ta phải sống ở Dubai!” 

Chà chà! Hai câu nói này có lẽ tổng kết một cách hoàn hảo danh tính của Dubai – một tiểu vương quốc được sinh ra với số phận của kẻ đi trên hai sợi dây, trên tay nắm cây gậy thăng bằng giữa hai thế giới của giàu và nghèo, của bình đẳng và bất công, của nỗi lo sợ và niềm tự hào, của truyền thống và hiện đại, của những phiên bản tôn giáo cùng nguồn gốc nhưng có lẽ sẽ không bao giờ nắm tay chung bước.

Oman – Câu chuyện cổ tích không hồi kết
Cái kiểu đi thăng bằng giữa truyền thống (thật ra là  cực kỳtruyền thống) và hiện đại (cũng vô cùng hiện đại), mà vẫn chân chất hồn nhiên, cộng với cái túi rủng rỉnh tiền của nhà giàu khiến Oman như một câu chuyện cổ tích sau bao nhiêu thăng trầm chiến trận đã đến hồi kết thúc có hậu.

Xứ Ả Rập thần tiên
 Sau gần một tháng ở Dubai mà chạm mặt với chỉ vài người bản xứ (95% dân số Dubai là người nước ngoài), đặt chân đến Oman, tôi sung sướng thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình được trở lại địa vị làm du khách, nghĩa là lại được nhìn ngó, được chào Hê-lô, được mời ăn chà là và bị tra hỏi tại sao đến giờ vẫn chưa lấy chồng (!) Tôi bất chợt nhận ra điều cốt lõi làm nên một nền văn hóa không phải là những đền đài thành quách hay công trình kỳ vĩ hoặc thiên nhiên tạo hóa đặc sắc. Du khách cảm nhận một đất nước từ chính những người dân bản xứ. Đứng cạnh một Dubai vàng son nhưng xa lạ như một thành phố nhân tạo, Oman thân ái đón khách vào nhà, vỗ về an ủi những kẻ du hành đường xa với tấm lòng hiếu khách chân thành và cái chân chất nông dân của một vị chủ nhà giàu có
 Oman là một vương quốc cực kỳ đặc biệt so với các nước vùng Vịnh. Dưới quyền cai trị của Sultan Qaboos, Oman chuyển dịch từ một thời kỳ hà khắc đến nỗi muốn đeo kính cũng phải có giấy phép (!) để bước chân hòa mình vào dòng chảy của thế giới. Chính sách đối ngoại của Oman phải nói là có một không hai trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo. Trong khi các quốc gia Ả Rập động tý là cắt đứt quan hệ, Oman chủ trương đường lối ôn hòa, làm bạn, thậm chí với cả Iran là một nước theo dòng Hồi giáo Shia chứ không phải Sunni như phần lớn các nước ở Trung Đông. Táo bạo hơn, khi quốc gia Do Thái Israel bị coi là “kẻ thù của toàn khối Ả Rập” thì Oman lại nhiệt thành bắt tay hợp tác.
 
Tuy nhiên, điều khiến Oman khác hẳn các quốc gia lềnh bềnh trong biển dầu là chính sách có tên gọi Oman hóa nền kinh tế (Omanization). Trong khi láng giềng Dubai và Saudi dựa dẫm phần lớn vào chất xám ngoại nhập, Oman dù bơi trong vũng dầu vẫn đầu tư mạnh vào giáo dục, quyết tâm không làm hư con dân. Vào năm 2000, số người nước ngoài ở Oman chiếm tới gần 85% lực lượng lao động trong các ban ngành. Không chậm trễ như các đế chế dầu mỏ khác, Sultan Qaboos lập tức đề ra một loạt các tiêu chuẩn bắt buộc các công ty và ban bệ phải Oman hóa, dần dần từ 10%, nơi nào càng Oman hóa nhanh và tốt thì càng được hưởng nhiều lợi tức của chính phủ. Quá trình này đẩy mạnh bình đẳng giới ở tốc độ quỷ khốc thần sầu. Oman từ một quốc gia phụ nữ chỉ ngồi nhà, sau hơn chục năm, phụ nữ chiếm hơn 30% lực lượng kiếm tiền; trong ngành kế toán ngân hàng, thậm chí phụ nữ còn lấn át cả đàn ông. 

Vào một ngày đẹp trời, trong bữa trưa thân mật với viện trưởng Viện Khoa học Trung Đông Abdullah Al Sabahy, ông giáo sư đáng kính vừa sửa lại cái khăn đội đầu, nhìn trước ngó sau, rồi thì thầm với tôi, giọng vừa hài hước, vừa rất tủi thân: “Đàn ông Oman toàn bị bắt nạt thôi, trước chỉ có ở nhà mới cần gọi dạ bảo vâng, bây giờ ra đường cũng phải rón rén.” Tôi bật cười, nhớ tới Laila, cô bạn mới quen hiện là sếp hạng trung ở một công ty dầu mỏ. Đưa tôi về nhà chơi, bước qua bậu cửa là cô cởi phắt khăn trùm đầu và áo chùng đen, một bộ ngực phì nhiêu đập vào mắt tôi, căng mọng sau làn áo thun mỏng dính với hàng chữ gào lên đanh thép: “No man! No cry”1
 
Hiếm có thành phố hiện đại nào ở Trung Đông khiến tôi mềm lòng như Muscat. Hàng chục địa danh trên thế giới được cả người bản xứ lẫn du khách đặt cho biệt hiệu “Thành phố trắng”. Kể sơ sơ thì có Belgrade (Serbia), Ostuni (Italy), Arequipa (Peru), Lisbon (Bồ Đào Nha), hay Popayan (Colombia). Muscat – thủ phủ của Oman chưa bao giờ tự nhận là thành phố trắng nhưng có lẽ đây lại là thành phố duy nhất trên thế giới xứng đáng với tên gọi này. Chính quyền Oman rất quan tâm đến việc phát triển đất nước trong thế hòa hợp với thiên nhiên, quan tâm đến mức gần như quân phiệt, ra cả đạo luật chỉ cho phép người dân sơn nhà màu (be) trắng. Cách đây không lâu, tất cảcác cửa sổ còn bị buộc phải có một cái mái vòm theo kiểu Oman truyền thống. Các tòa nhà chỉ được phép cao dưới chín tầng. Những thành phố của Oman nép vào lòng núi, trắng phau phau, xinh xắn thơm tho giữa bạt ngàn hoa lá như những ngôi nhà trong chuyện cổ tích. Thành phố vùng Vịnh nóng như thiêu như đốt tới 55 độ C trong bóng râm nhưng hoa nở tràn tung vỉa hè. Bọn trẻ con từ lúc bé tý đã hằng tuần được tổ chức đi dọn rác bãi biển. Cơ sở vật chất hiện đại hơn hẳn châu Âu nhưng người dân chất phác như nông dân, hầu như ai cũng mặc đồ truyền thống, khen cái gì đẹp là … cho luôn không tiếc. Đường xá của Oman mượt mà như dải lụa xuyên núi cắt sông. 

Đọc Wikipedia thấy bảo tỷ lệ chết do tai nạn giao thông ở Oman đứng thứ nhì thế giới, tôi hết hồn tưởng các bác tài ở đây lạng lách giống Việt Nam. Tìm hiểu kỹ mới biết phần lớn tai nạn gây ra do tài xế… ngủ quên trên tay lái vì đường thênh thang quá (!) Đi vào quán ăn thấy dân Hồi Giáo áo dài quấn khăn gọi bia rượu cụng ly uống vô tư. Đi vào quán bar thấy các anh Hồi giáo cũng dài áo quấn khăn vừa cầm chai cồn vừa nhún nhảy theo Bon Jovi một cách nhiệt tình. Cái kiểu đi thăng bằng giữa truyền thống (thật ra là  cực kỳ truyền thống) và hiện đại (cũng vô cùng hiện đại), mà vẫn chân chất hồn nhiên, cộng với cái túi rủng rỉnh tiền của nhà giàu khiến Oman như một câu chuyện cổ tích sau bao nhiêu thăng trầm chiến trận đã đến hồi kết thúc có hậu. Mụ phụ thủy gian ác đã phải đền tội còn các công chúa hoàng tử thì đang sống bên nhau đời đời hạnh phúc. 


Nhà vua đức độ muôn năm
Ngày đầu tiên nghỉ lại thủ phủ Muscat, anh bạn mới quen Hilal quyết định cho tôi làm quen ngay với thần tượng số 1 của người dân Oman. Ảnh của ông có ở khắp mọi nơi. Ông cười rạng rỡ trên tường nhà, cửa sổ và kính chắn gió. Đi vào bất kỳ một văn phòng, khách sạn hoặc nhà hàng nào, nhìn quanh bạn cũng sẽ thấy hình ảnh ông hoặc là hoành tráng long lanh ở chính giữa đại sảnh, hoặc đôi khi chỉ là một bức ảnh nhỏ bằng bàn tay dán vội lên tường nhà bằng một miếng băng dính. Ông là vị Sultan quyền lực tối thượng của vương quốc: Sultan Qaboos. Sự yêu kính vô bờ bến của con dân đối với ông có lẽ còn hơn cả người Thái yêu vua Bhumibol Adulyadej, đơn giản vì vua Thái chỉ lãnh đạo về tinh thần còn Sultan Qaboos thì dám cả gan truất ngôi vua cha, cải cách đất nước. Vào năm 1970, Oman chỉ có ba trường học, 1.000 học sinh, hai bệnh viện và 10km đường quốc lộ. 40 năm sau, Oman có hơn 1.000 trường học, xếp thứ tám trên thế giới về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 
Sự trân trọng đối với Sultan lây lan nhiệt tình sang cả cộng đồng người nước ngoài. Tôi chưa thấy bất kỳ một ai nói gì xấu về Sultan, thậm chí những quán ăn ngoại quốc cũng tự nguyện treo hình ông. Bữa tối của tôi và anh bạn Hilal diễn ra tại một nhà hàng mà ông chủ đã thành kính biến toàn bộ sảnh ăn chính thành viện bảo tàng với gần 500 bức ảnh của Sultan Qaboos. Trong lúc chúng tôi hí húi ăn uống, một đoàn các bô lão ở quê ra thăm thành phố lọm khọm chống gậy ghé sát vào từng tấm ảnh, mắt rưng rưng sùng kính. Khi tôi hỏi tại sao không phải dân Oman mà cũng sùng bái Qaboos vậy, vị chủ nhà hàng không nói gì, chỉ đặt tay lên ngực. Đúng là sến, nhưng mà cũng thật ơi là thật!

Năm 2012 khi mùa xuân Ả Rập cao trào, một nhóm biểu tình đã khuấy động Oman nhưng không mảy may động chạm đến vị Sultan cha già dân tộc. Thậm chí ít lâu sau đó, một bức thư dài được đăng trên Thời báo New York giãi bày cho cả thế giới biết rằng: Chúng tôi ở Oman hối hận lắm, rằng đã phụ lòng thương mến của Sultan mà mấy đứa láo lếu kia cả gan xúc phạm Người, rằng ở đâu mùa xuân Ả Rập muốn đánh đổ độc tài chứ ở Oman chúng tôi chỉ muốn nhà độc tài của mình sống lâu đời đời. Nếu mà không tận mắt nhìn thấy cuộc sống ở Oman và tình cảm người dân dành cho ông thì hẳn tôi đã phì cười. Nhưng mà đó là sự thật, một người bạn tôi thậm chí hưng phấn về điều này đến mức đang lái xe đưa tôi đi chơi mà anh bỏ cả vô-lăng, hai tay chém không khí phần phật: “Chúng tôi không cần dân chủ! Chúng tôi chỉ cần một nhà độc tài tốt bụng.”

Sự thực là những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Oman luôn đi kèm các khẩu hiệu đại loại: “Sultan! Chúng tôi nguyện hy sinh máu, thể xác và linh hồn để phục vụ Người”. Trong cả một dải Trung Đông bị làm cho be bét bởi các nhà độc tài, chỉ có hai quốc gia người dân tuyệt đối trung thành với nhà vua nhưng vẫn yêu cầu một thể chế dân chủ hơn, đó là Oman và Jordan. Ở thủ phủ Amman của Jordan, tôi đã chứng kiến cuộc tuần hành dân chủ đòi cải cách nhà nước với cả ngàn người được dẫn đầu bởi một một lá cờ mỗi chiều hơn 10m in hình ảnh nhà vua. Những cuộc nói chuyện với bạn bè khắp Trung Đông luôn xuất hiện số ít vài nhân vật với quan điểm cho rằng người dân ở đây sống theo thói quen bộ lạc nên luôn cần người dẫn dắt. Vả lại, họ đã quá quen với chế độ độc tài và hoàn toàn chưa có khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ dân chủ. Một người bạn ở Libya khi được hỏi “Gaddafi chết rồi chắc đất nước sẽ có hy vọng hơn” đã trả lời thẳng thắn: “Thật ra tôi đang chờ một nhà độc tài mới có tâm với đất nước hơn.”

Trở lại chuyện của Sultan, tôi đã kể với các bạn chi tiết ông hoàng Qaboos bị đồn là đồng tính chưa nhỉ?
 
Vào những năm đầu tiên tại vị, chàng trai trẻ tuổi Qaboos chia sẻ quyền điều hành một đất nước vẫn còn khá hỗn loạn sau những năm tháng chiến tranh với ông bác ruột tên là Tariq Ibn Taymur. Tuy nhiên, sự cộng tác không được dài lâu vì Taymur ngày càng nắm nhiều quyền lực. Không lâu sau, hai người dàn hòa, và theo đúng truyền thống bộ lạc của thế giới Ả Rập, sự dàn hòa này được xác lập bằng một đám cưới, cụ thể là vị Sultan 36 tuổi chính thức lấy con gái của Taymur, em họ của mình, khi đó vẫn còn là cô bé Kamila 14 tuổi về làm hoàng hậu. Cuộc hôn nhân kéo dài được vài năm thì hai người chia tay. Và vị Suntal giàu có, đẹp trai, tài năng của chúng ta đã sống hơn 30 năm qua đơn độc một mình. 

Đấy là phiên bản chính thức, còn phiên bản lê la của quán sá thì Qaboos có một đội ngũ cảnh vệ gồm 700 thanh niên đẹp trai lung linh. Trong harem của ông có cả phụ nữ, nhưng dân tình đồn rằng những cô gái này chỉ được thuê để che mắt thiên hạ. Bản thân vị Sultan lúc nào trông cũng nhân từ và đẹp trai ngời ngời dù đã gần 70 cái xuân xanh. Hàm râu quai nón trắng như tuyết, nhưng tôi “bắt quả tang” lông mày của ông trăm bức ảnh như một đều được nhuộm xanh rì. Bạn bè người nước ngoài ở Oman thì bán tín bán nghi, nhưng lũ bạn người bản xứ khi được hỏi thì một mực cho rằng Qaboos không thể nào là gay được, ông ấy tốt thế cơ mà, giỏi thế cơ mà, đáng phục thế cơ mà (!) Kết luận: Sultan rất có thể đang chọc ngoáy đám trai đẹp tý chút, nhưng điều đó được coi như một thú vui cá nhân hơn là sự “lệch lạc” về giới tính. 

Hilal tất nhiên là không mặn mà lắm với câu hỏi tế nhị của tôi về cái việc ai ở Oman cũng băn khoăn lo lắng nhưng không ai dám nói ra, cứ như thể có một con voi trong phòng khách2, to lớn khổng lồ nhưng ai cũng giả vờ như không nhìn thấy. Sultan thì già rồi, hoàng hậu thì ly dị lâu rồi, con cái thì không có, ai sẽ là người kế nghiệp đây? Cái sự thành công nhanh chóng, rực rỡ mà vẫn rất bình hòa của Oman đều do một tay Sultan sắp đặt. Nhiều người lo Oman sẽ loạn to khi Sultan về chầu giời, Hilal thì đặt tay lên ngực nói đơn giản: “Chúng tôi yêu và tin Sultan. Chúng tôi tin rằng ông sẽ sắp đặt mọi việc đâu vào đấy. Việc Sultan là gay hay không thì nói thực là tôi chẳng quan tâm”.

Hậu duệ của “những kẻ bỏ ra đi”
Tôi cười xòa khi Hilal nói là anh ấy “không quan tâm”. Vấn đề là bản thân tôi thì lại rất quan tâm. Tại sao? Bởi câu hỏi ai kế vị luôn là đầu mối của phần lớn các cuộc binh đao, và một trong những cuộc binh đao lớn nhất, tàn khốc nhất, lâu đời nhất thế giới, cho đến tận bây giờ vẫn tiếp tục đổ cả biển máu bắt nguồn từ chính câu hỏi không có lời giải đáp này. 

Trở lại gần 1.400 năm trước, từ sau khi người vợ yêu Khadija hơn ông tới 15 tuổi qua đời, Muhammad đã cưới thêm hơn một chục bà vợ khác, hầu như tất cả đều là quả phụ hoặc li dị chồng, ngoại trừ một người vợ còn rất trẻ, được gia đình đính hôn từ khi mới lên 6 tuổi tên là Aisha, được Muhammad đặc biệt yêu quý. Thời xa xưa, những cuộc hôn nhân diễn ra không chỉ vì những tiếng gọi ngắn dài từ trái tim, mà phần lớn còn bởi các lý do chính trị, đoàn kết bộ lạc. Muhammad với sứ mạng thống nhất các bộ lạc Ả Rập dưới ngôi tôn giáo mới thậm chí tự cho mình quyền được phá luật, không giới hạn số vợ được cưới. Tuy nhiên, không một ai trong số hơn chục bà vợ này, kể cả Aisha từ lúc chính thức dậy thì và về ở cùng với Muhammad, đẻ cho ông thêm một đứa con nào. Fatimah trở thành cô con gái duy nhất mang dòng máu của vị thiên sứ với người vợ đầu tiên đã khuất Khadija3.

Năm 62 tuổi, Muhammad nhắm mắt xuôi tay, để lại một di sản khổng lồ gồm cả vùng bán đảo Ả Rập thống nhất dưới một tôn giáo có tên là Islam. Truyền thuyết kể rằng trong phút cuối đời, ông yêu cầu đem giấy bút đến bên giường bệnh để viết di chúc, nhưng các bà vợ và kẻ thân cận bị cuốn theo những ý đồ quyền lực ngấm ngầm đã không làm như lời yêu cầu. Muhammad trút hơi thở cuối cùng mà không hoàn toàn nói rõ ai sẽ là người kế vị.

Nếu Muhammad có một cậu con trai, hẳn là bộ mặt thế giới của chúng ta bây giờ đã khác. 

Người đàn ông có quan hệ dòng tộc gần gũi nhất với Muhammad là một cậu bé tên Ali, cháu bên đằng họ nội và cũng là con nuôi của Muhammad. Ali là một chiến binh nổi tiếng oai dũng và là một nhà thơ tài năng. Anh đại diện cho mẫu đàn ông Ả Rập toàn tài với trí óc sáng trong, trái tim nhân văn và bàn tay sắt thép. Khi anh kết hôn với Fatimah, trở thành con rể của Muhammad và đem lại cho ông năm đứa cháu ngoại thì ai cũng cho rằng chính anh sẽ là người kế vị. Tuy nhiên, khi thiên sứ qua đời, trong khi Ali còn đang than khóc và chuẩn bị lễ mai táng thì những cận thần thân tín của Muhammad họp nhau lại và chỉ định người kế vị là Abu Bakr, chính là bố đẻ của cô vợ trẻ Aisha. Vị caliph này trước khi băng hà lại tự chỉ định Umar – cũng là một trong rất nhiều bố vợ của Muhammad - kế ngôi. Khi Umar bị ám sát, vị caliph thứ ba được chọn vẫn không phải là Ali mà là Uthman. Bị liên tục đẩy ra ngoài, không những một lần mà đến tận ba lần liên tiếp, trong suốt 24 năm sau ngày Muhammad qua đời, Ali ngậm đắng nuốt cay, kiên quyết không bạo loạn vì sự bình yên và thống nhất của đế chế. Chỉ đến khi Uthman bị quân nổi dậy xông vào tận hoàng cung giết chết vì sự xa hoa và nhu nhược thì Ali mới được tôn vinh lên làm người lãnh đạo của Islam. 

Tuy nhiên, Ali lên cầm quyền thừa hưởng một thế giới Hồi giáo chia cắt với những kẻ lãnh đạo đầy mưu mô và phản phúc. Một trong số đó là thống đốc vùng Syria tên là Muawiyah, kẻ nhất định không công nhận ngôi caliph của Ali nhưng cũng là kẻ hèn nhát khi không dám nhận lời thách đấu trực tiếp của Ali nhằm tránh tổn thương cho quân lính. Tại trận Siffin, khi đã ở bên bờ vực của đại bại, quân lính Muawiyah được lệnh không đầu hàng mà giắt lên đầu ngọn giáo những cuốn kinh Quran và kêu gọi hãy để cho Thượng Đế nói lời phán quyết. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuốn thánh kinh tôn giáo đóng vai trò quyền năng chính trị. 

Dù đã nhìn thấu mưu chước của Muawiyah nhưng dưới sức ép của chính quân đội mình, Ali buộc phải chấp nhận cử đại diện vào hội đồng phân xử, và sau đó bị phe của chính mình phản bội. Với nhận định cho rằng tôn giáo đã trở nên vấy bẩn bởi ý chí của con người, khoảng hơn 10.000 quân lính tách khỏi cộng đồng, lập nên tổ chức Hồi giáo Khawarij, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Những kẻ bỏ ra đi”.
 
Sự tàn khốc và khát máu của Khawarij khiến cả vùng bán đảo Ả Rập phải ghê sợ. Bất kỳ ai trên sa mạc cũng đều có thể bị chặn đường và buộc phải trả lời một câu hỏi bất kỳ về Islam và lòng trung thành. Chỉ cần một câu ủng hộ Ali, hay một lời đáp sai giáo án là kẻ du hành xấu số bị tuyên bố là kafir4  và bị giết không thương tiếc. Chẳng bao lâu sau, đến chính cả caliph Ali cũng bị Khawarij ám sát. Sau cái chết của Ali, không phải là những kẻ cực đoan Khawarij mà lại là những người cầm quyền chính thống của Hồi giáo đẩy gia đình ông phải chịu nhiều cảnh vô cùng thảm thương. Chỉ chưa đầy 50 năm sau khi Muhammad băng hà, cháu ngoại của vị thiên sứ người thì bị đồn là đầu độc mà chết, người thì bị chặt đầu cắm vào ngọn giáo bêu riếu trong kinh thành, những cháu gái của ông chân đeo gông xiềng lê lết trên cát bỏng sa mạc bước theo sau ngọn giáo xuyên qua đầu cha còn rỏ máu, chịu nhục hình trước mặt những caliph mới. Trên danh nghĩa Hồi giáo thiêng liêng, trớ trêu thay, gia đình máu mủ của chính người khai sinh ra Hồi giáo lại bị tàn sát vô cùng man rợ. 

Nếu không có những giọt máu và sự tàn khốc này, hẳn Hồi giáo đã không bị chia cắt đến gần như đứt lìa suốt gần 1.400 năm qua. Nhóm người Hồi ủng hộ Ali và cho rằng lãnh đạo tôn giáo phải là những người thuộc dòng tộc của thiên sứ Muhammad dần dần hình thành nên nhánh Shia, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người đi theo Ali. Nhóm còn lại cho rằng dòng tộc máu mủ không quan trọng mà cách sống và phẩm chất đạo đức mới quyết định ai là người lãnh đạo. Họ hình thành nên nhánh Hồi giáo Sunni, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người tuân theo lời dạy (sunnah) của thiên sứ Muhammad.

Thế còn những kẻ đã ám hại Ali, những tín đồ Hồi giáo nhân danh thánh kinh Quran sẵn sàng hạ sát bất kỳ ai không cùng chính kiến?

Họ dạt xuống Oman.

Hồi sinh 
Khó có thể tin rằng những hậu duệ cuối cùng của Khawarij lại chính là vị Sultan nhìn hiền như ông Bụt, là một vương quốc Hồi giáo đầy khoan dung với những ông chồng lúc nào cũng tay bồng tay bế trẻ con để cho vợ đi tay không, là những quán bar rượu bia xả phanh và các cậu choai choai miệng cười bẽn lẽn. Ngày cuối cùng trước khi rời Oman, tôi gặp Khalid, người đầu tiên cắm cờ Oman trên đỉnh Everest, hiện là cố vấn cao cấp của Bộ Giáo dục Oman. Khi tôi ngỏ ý ca ngợi sự khác nhau một trời một vực giữa Hồi giáo của tổ tiên Khawarij và Hồi giáo dòng Ibadi hiện tại ở Oman, Khalid liếc xéo tôi một cái rồi nhướng mày hỏi: “Thật ư?” 

Khi ấy, chúng tôi đang lái xe xuyên qua khuôn viên thênh thang như một thành phố của Sultan Qaboos University - trường đại học đầu tiên của Oman mới hơn 20 năm tuổi. Khalid dừng xe, bảo tôi nhìn về ngã tư phía trước nơi hàng trăm nữ sinh đang túa ra khỏi giảng đường, xôn xao đen kịt cả một vùng. Anh chùng giọng hỏi tôi: “Mai đã đến Nizwa, Shalalah và rất nhiều nơi khác của Oman, Mai có chú ý đến những trang phục của phụ nữ nơi đó không?” 

Tôi chợt hiểu ý của Khalid. Quả thật những phụ nữ Oman miền quê có cách ăn bận vô cùng độc đáo. Và không chỉ có phụ nữ Oman, mỗi bộ lạc của Trung Đông đều có một kho báu về vô số chủng loại phục trang, quần áo đầy màu sắc và cá tính. Tuy nhiên, chỉ cần vươn ra đến gần thành phố là mắt người đi đường tối sầm lại vì những bộ áo chùng đen abaya mà ở đâu cũng hệt như nhau: Dubai, Oman, Ai Cập, Jordan, Yemen… Khắp cả Trung Đông, phụ nữ trút bỏ dần xiêm y lộng lẫy của thời ông bà cha mẹ và khoác lên vai “tấm vải liệm” (từ của Khalid) đen xì vô danh tính. Không hẹn mà cùng nhịp, cả tôi và Khalid thốt nhiên lẩm bẩm trong miệng: “Wahhabi”.

Sự thật đã quá rõ ràng. Mặc dù hậu duệ sinh học của Khawarij tồn tại ở Oman, nhưng kẻ nối ngôi “xứng đáng” nhất của tinh thần Khawarij lại chính là dòng Hồi giáo Wahhabi ở Saudi. Sự cực đoan của Wahhabism được phát tán ra khắp Trung Đông và thế giới phương Tây, viền bằng hào quang và uy lực thần bí của một thứ Hồi giáo nhân danh sự chân chính của tín ngưỡng và tính chính thống của vùng đất khai sáng. Khi những người phụ nữ Saudi dưới ảnh hưởng của Wahhabism từ bỏ quần áo truyền thống và quấn quanh mình chiếc áo chùng đen che kín mặt, hình ảnh đen thui rũ bỏ sạch sành sanh mọi dấu vết văn hóa truyền thống ấy được tôn sùng lên thành sự tinh khiết đến tận cùng của tôn giáo. Vượt qua biên giới, chiếc áo đen với sức mạnh của đồng đô-la dầu mỏ từng bước Wahhabi-hóa những thánh đường Hồi giáo cổ truyền, xóa bỏ dần dần từng lớp văn hóa quốc gia, biến mỗi phụ nữ thành một câu khẩu hiệu tôn giáo chói tai khi cô ấy cùng hàng triệu, chục triệu phụ nữ khác tự nguyện khoác lên mình bộ đồng phục đen như một dấu hiệu thần phục sức mạnh tôn giáo của nhà Saud. 

“Mặc áo đen thì suy nghĩ cũng sẽ có màu u ám tiêu cực” – Khalid thở dài thườn thượt. Anh kể cho tôi nghe về cô vợ yêu của mình, năn nỉ cách nào cũng vẫn chui vào cái “khăn liệm” màu tang tóc. Cứ như một cơn dịch tràn lan không thuốc chữa. Những dải áo kim sa lộng lẫy chỉ còn là ký ức trong các lễ hội xa xôi. 

Rồi dường như muốn để tôi chạm sàn thực tế thêm một chút nữa, Khalid nhắc tôi nhớ cho rằng Oman từng là một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới tiên phong trong nghề hàng hải. Có một thời điểm trong quá khứ, Oman đã vượt biển đô hộ và thống trị hơn 10% diện tích châu Phi. Cách Muscat không xa là Sohar, quê hương của chàng thủy thủ Sinbad lừng danh trong Nghìn lẻ một đêm với những cuộc phiên lưu mạo hiểm khắp chân trời góc bể. Vậy mà bây giờ với đống tiền dầu lửa, đám trẻ ai cũng chỉ mong kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước.

“Chán!” – Khalid buông một câu. 
“Chán!” – tôi cũng thầm nghĩ trong đầu, liên tưởng đến một vài người quen biết ở nhà. 

Tôi từng tủi thân nghĩ đất nước dài rộng quấn quanh biển Đông mà sao lịch sử Việt Nam không thấy có trang sử hàng hải huy hoàng. Mỗi lần về nhà bảo bạn bè tao tiêu hết tiền vào đi du lịch thì bị chê là khùng. Tục ngữ có câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn nhưng mấy nghìn năm chẳng đi qua nổi mấy lũy tre làng. Hay là tại chiến trận liên miên? Hay là tại tâm tính dân tộc không khát khao thách thức, ưa việc làm nông quanh con trâu cái cày hơn là đóng thuyền vượt trùng khơi, bất chấp thế đất thế nước thiên thời địa lợi, bất chấp thiên nhiên mời gọi giục giã?

“Thôi mà!”- Khalid phì cười an ủi – “Đến một đất nước tiên phong về hàng hải với huyền thoại Sinbad còn như thế này nữa là… Cái gì cũng phải từ từ. Mình cứ phải làm tốt những gì mình được dạy thôi. Cô là người cầm bút thì sao không viết lấy một bài. Biết đâu mấy bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm được điều gì đó từ đất nước chúng tôi?”

Tôi vẫn nghĩ về Oman như một Trung Đông thần tiên, nhưng là kiểu thần tiên cổ tích của Andersen: đẹp, khắc khoải, và hình như không bao giờ kết thúc. Tôi cũng không còn thích cái kết đời đời hạnh phúc nữa. Phải có một tý phù thủy bạn ạ. Phải có một tý phù thủy để chân tay còn biết động đậy, trí óc còn biết đấu tranh, trái tim còn biết phân biệt tốt xấu.

Và chương này viết theo yêu cầu của Khalid, người đang mải miết chinh phục những đỉnh núi mới.

Li-băng - Trận chiến của những mảng màu Mosaic
Nếu ai đó không biết tý gì về Li-băng, rồi tự dưng một buổi sáng tỉnh giấc giữa trung tâm thủ đô Beirut, hẳn sẽ rất khó để thuyết phục họ rằng đây không phải là châu Âu mà là một quốc gia nằm ngay chính giữa trái tim Trung Đông. 
Đất nước đắt đỏ, hào nhoáng, không có sa mạc nóng bỏng mà có núi cao, không có nắng chói rát người mà có tuyết phủ trắng đầu. Những chàng trai cô gái Beirut bước ra đường ai cũng như đang quảng cáo quần áo hàng hiệu. Đêm xuống,  thành phố ngập tràn trong tiếng nhạc. Quán bar Sky giá hàng trăm đô la một bàn mà số khách đặt trước cả năm chưa lúc nào giảm. Bước chân vào tiệm ăn Menza nổi tiếng nhất Beirut, tôi và bạn bè như bị tấn công bởi những núi đồi đồ ăn liên tiếp được bưng ra, rượu chưa nhấp môi đã được đổ đầy, đến món tráng miệng cũng được bưng đến trên những mâm to chất ngất gần trăm miếng hoa quả. Nhịp sống ở Beirut gấp gáp, sục sôi, đổ vàng mười đổi lấy một trận cười. Từ lúc đặt chân đến nơi đây, tôi luôn cảm thấy có cái gì đó rất bất an trong cách sống hưởng thụ của người Beirut, như thể những cuộc vui thâu đêm kia đang che giấu những lo toan bộn bề không dễ dàng bày tỏ. 

Mario 


Mario là người Thiên Chúa giáo dòng Maronite. Anh sống cùng mẹ trong một căn hộ trang hoàng kiểu Paris, thậm chí theo như bạn bè anh nhận xét, thì còn đậm chất Paris hơn cả một ngôi nhà ở Paris. Li-băng trải qua vài chục năm thuộc địa Pháp, khi rút đi để lại một nền văn hóa đậm đặc ngấm sâu vào máu thịt của cộng đồng Thiên Chúa giáo. Trong bữa ăn ở nhà Mario, tôi khổ sở chuyển từ cách nhúm thức ăn bằng tay của người Ả rập và vắt óc lục lại những kiến thức về cách xử sự trên bàn tiệc theo phong cách châu Âu cổ điển, từ cách dùng dao, nếm rượu, đến cách để khuỷu tay. Cái kiểu sống Pháp hơn cả Pháp xịn thế này, hay nói theo kiểu văn vẻ là “sùng tín hơn cả Đức Giáo Hoàng” thế này, chắc chắn là để cố tình nhấn mạnh rằng...

“…Rằng tôi không phải là người Hồi giáo!” – Mario trả lời thẳng thắn – “Tôi thậm chí không muốn nói tiếng Ả Rập, bởi đó là ngôn ngữ của kẻ thua cuộc. Những người Hồi ở Li-băng chỉ có mỗi một việc là sinh sôi nảy nở. Hơn chục năm trước dân số hai phe còn bằng nhau, giờ thì đến 70% quốc gia là người Hồi. Họ muốn nuốt chửng chúng tôi thì có!” 

Nhưng Mario thực ra đã hơi tụt hậu. Rất nhiều người Thiên Chúa Maronite ở Li-băng bây giờ đã thấy xấu hổ, không còn muốn đánh đồng danh tính với một nước từng là chủ thuộc địa của mình nữa. Họ cất công lộn ngược lại quá khứ, tìm về một nguồn gốc xịn hơn và trăm lần huy hoàng hơn: Nền văn minh Phoenicia. 

Thế là tôi lóc cóc bắt xe đi Byblos.

Tôi yêu Byblos từ cái nhìn đầu tiên. Trái tim tôi tan chảy khi khe khẽ bước chân lên những lối đi nhỏ phủ bóng cây mát rượi, rụt rè ghé nhìn vào những quầy hàng bé xíu thập thò sau vòm cổng đá. Sự dịu dàng, mong manh đến dễ vỡ của Byblos khiến tôi có cảm giác như thể mình vừa mở ra chiếc hộp thần kỳ đã bị rêu phong ngàn năm lãng quên trong góc khu rừng cổ. Và khi nắp hộp được nhấc lên, không phải kim cương châu báu, mà là một thiên thần có cánh bé xíu chấp chới bay ra. Dựa lưng vào bức tường chăng mắc đầy hoa dại, bất kể một tâm hồn dù khô khan đến mấy cũng phải mềm ra, bất kể một trí óc thực tế đến mấy cũng phải băn khoăn: điều gì khiến Byblos giữ mãi được vẻ ngây thơ, điều gì khiến cho thiên thần có cánh chẳng bao giờ già, dù gần mười ngàn năm đã trôi qua và bao điều lớn lao hơn đã nhiều lần vỡ vụn?
 
Thật khó có thể tưởng tượng được thị trấn nhỏ xíu như một ngôi làng trong mơ này đã liên tục xôn xao tiếng người tiếng chợ suốt cả chục ngàn năm qua, chưa một lần bị ngắt quãng, chưa một lần bị tan thành tro bụi. Những thương nhân của nền văn hóa Phoenicia không những thống trị các dòng hải lý lớn trong nghề buôn bán hàng hải mà còn hiến tặng cho thế giới bộ chữ cái đầu tiên của loài người. Từ bộ chữ nguyên thủy này, hầu hết ngôn ngữ hiện đại của chúng ta vay mượn và biến tấu để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, từ người Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái, Latin, cho đến người Việt chúng ta và những dòng chữ bạn đang đọc ngay lúc này đây. Tiếng tăm của nền văn minh Phoenicia và Byblos với ngôi vị của “thành phố lâu đời nhất còn tồn tại” khiến những người Thiên Chúa giáo ở Li-băng dần dần cảm thấy một niềm tự hào không thể cưỡng nổi, một nỗi khao khát muốn được đứng cùng một thuyền và mang cùng một cái tên. Và thế là mặc dù tổ tiên vốn là dân Syria vì chạy trốn cường quyền mà dạt đến đây, nhưng để khẳng định sự khác biệt của mình với số dân Hồi giáo Ả Rập tràn lên sống ở vùng này mới chỉ được hơn ngàn năm, cộng đồng Thiên Chúa dòng Maronite ở Li-băng vẫn ngấm ngầm quyết định gắn cho mình một danh tính mới với lịch sử hẳn mười ngàn năm: Họ chính là con cháu người Phoenicia.  
  
Gus 
Gus là người Thiên Chúa giáo dòng Hy Lạp Othodox. Khi gặp tôi, anh đang lèn chặt đồ đạc vào hai chiếc vali to tướng: “Biến thôi!” – Gus kết luận – “Li-băng bé như cái kẹo, gió đụng chiều nào là đổ chiều ấy. Trung Đông đang loạn, tốt nhất là chuồn.”

Li-băng có hơn 4 triệu dân nhưng có lẽ đây là quốc gia duy nhất có số người sống ở nước ngoài nhiều hơn trong lãnh thổ. Mười bốn triệu dân Li-băng trú ngụ rải rác khắp năm châu. Họ nổi tiếng là những nhà kinh doanh thành đạt. Các hiệu ăn Li-băng hễ mở là đông khách, không đơn giản chỉ là do các món ăn của Li-băng ngon hơn hẳn và phong phú hơn hẳn các nước khác ở Trung Đông. Người Li-băng, có lẽ do lịch sử luôn khiến họ phải sống chung với kẻ thù, rất khéo léo trong xã giao, chẳng bao giờ làm mất lòng khách. 

Đất nước mà Gus chuẩn bị dọn đến là Saudi. Hỏi anh sẽ làm công việc gì, Gus nhìn tôi dò xét một hồi rồi thì thào: “Buôn bán vũ khí.”

Anh ta khoe rằng mình và vợ thậm chí không cần visa cũng vào được Saudi. Bà xã Gus là tư vấn thiết kế riêng cho một cô công chúa trong gia đình hoàng tộc khổng lồ gần 7.000 vương tôn công tử của vương quốc dầu mỏ. Tháng trước, cô công chúa này có việc gấp nên gọi cho vợ Gus. Chỉ một cú điện thoại và thế là “Hấp!”, vợ Gus đã vù đi Mecca. Trong khi tôi suốt hai năm qua cả bộ hồ sơ mấy chục trang nộp vào sứ quán Saudi vẫn biệt vô âm tín.   

Cộng đồng người Thiên Chúa Orthodox chỉ khoảng 8% dân số Li-băng nhưng phần lớn đều thuộc tầng lớp trung lưu với một danh sách dài các thương nhân thành đạt. Họ đóng góp nhiệt thành vào việc làm nên một điều kỳ diệu chỉ có ở Li-băng. Tuy tan tác và tơi tả bởi bao cuộc chiến tranh nhưng quốc gia bé nhỏ này vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa và nghệ thuật lớn của Trung Đông với nền báo chí được coi là cởi mở nhất trong khu vực. Những người như Gus là động cơ của cỗ máy Li-băng. Họ không tốn nhiều thời gian than trách, thậm chí không nhất thiết phải lựa chọn đúng sai. Điều quan trọng nhất là đứng dậy và tiếp tục bò lên phía trước. Như bây giờ đây, Gus đóng sập cái vali rồi gãi đầu kết luận: “Thật ra thì cũng áy náy lắm. Tôi không cho phép con trai mình chơi súng nhựa và nhận các món đồ chơi kiểu vũ khí, thế mà bây giờ lại dính vào cái công việc này. Nhưng mà tiền thì vẫn cứ là tiền thôi.”

Baraa   
Baraa là người Hồi giáo dòng Sunni. Anh đang học năm cuối tại ĐH America. Tôi chưa từng thấy khuôn viên một trường đại học nào đẹp và nên thơ như ngôi trường thuộc loại danh giá nhất và lâu đời nhất Trung Đông này. ĐH America được tạo dựng bởi những nhà truyền giáo Thiên Chúa gần 150 năm trước. Như một Đà Lạt thu nhỏ, ĐH America trải dài những khuôn viên và giảng đường cổ kính trên ngọn đồi nhìn ra Địa Trung Hải xanh mướt. Cách đây không bao lâu, nơi đây cung cấp cho Liên Hợp Quốc nhiều tài năng hơn cả ĐH Harvard của Mỹ. Chen chân với hàng ngàn sinh viên tỏa ra khắp những con đường đồi phủ bóng cây rợp trời, cả ngày lẫn đêm, nhưng những người chủ thực sự nơi đây lại là những… con mèo. 

“Có đến hàng trăm con ấy” – Baraa khổ sở giấu giếm lôi từ trong túi ra miếng bánh mỳ ăn trưa – “Mai mà không cẩn thận chúng nó nhảy lên giật miếng ăn của cậu còn tài hơn cả lũ khỉ nữa.

Một mắt coi chừng lũ mèo, một mắt lướt trên điện thoại, Baraa cố hết sức để tìm thông tin nhằm giải thích thật ngắn gọn cho tôi về sự việc một thủ lĩnh Hồi giáo Sunni mới bị giết tại Akka. Tôi rất muốn Baraa ngừng tay, bởi tôi đã biết câu trả lời. Ở Trung Đông, nếu có một câu hỏi về nguyên nhân của những cuộc chiến, chắc chắn hơn một nửa lời giải đáp nằm ở mối xung đột gần 1.400 năm giữa Sunni và Shia. Hai cộng đồng Hồi giáo này chiếm tới 60% dân số Li-băng và dễ dàng hắt hơi xổ mũi theo diễn biến thời tiết ở bên ngoài lãnh thổ. Như bây giờ đây, nội chiến ở Syria đang diễn ra giữa quân của chính phủ theo dòng Shia và quân nổi dậy theo dòng Sunni. Thế là lập tức hai cộng đồng Shia-Sunni ở Li-băng cũng nhảy vào biến đất nước mình trở thành một chiến trường thứ hai. Ngày hôm qua, một thủ lĩnh Sunni của Li-băng bị quân Shia giết nhưng trong đám tang, quan tài của ông lại phấp phới lá cờ… Syria của quân nổi dậy Sunni bên nước láng giềng. Chỉ cần nhìn vào cái đám tang này thôi, một kẻ chẳng đến nỗi quá ngơ ngác như tôi cũng trở nên hoang mang: Rốt cuộc đây có còn là đất nước của họ không khi giữa Li-băng và Sunni, họ đã chọn vế thứ hai, khi niềm tin vào sự chia cắt tôn giáo còn mạnh hơn cả lòng trung thành với quê hương đất mẹ?  

Amin
Vừa nhìn thấy tôi Amin đã phá lên cười. 

Những tháng ngày ở Trung Đông đã dạy tôi một bài học đơn giản mà hữu dụng. Ấy là phải quẳng hết cái mớ kiến thức về văn hóa tập tục ở chỗ này chỗ nọ chỗ kia ra vỉa hè. Cuộc sống ở Trung Đông vô vàn sắc thái khác nhau cộng với cấu hình xã hội đậm tính bộ lạc khiến điều vốn được coi là lịch sự ở chỗ này chỉ mấy chục kilomet xa hơn đã trở thành một hành động thiếu văn minh. Thế nên tôi tự chế cho mình một lý thuyết giao tiếp đơn giản hơn gọi là “phương pháp cái gương”. Tức là thấy người bản xứ làm gì thì làm y như thế. Khi thấy Amin cười thì tôi cũng toét miệng cười xòe một cái. Cười “giao hàng” xong, tôi hỏi: “Thế cậu cười cái quái gì thế?” Amin chỉ vào cái quần đũng rộng thùng thình của tôi và đắc chí: “Nhìn cậu giống hệt... ông bô nhà tớ”. 

Tôi đoán ngay Amin là người Druze. Đàn ông Druze giờ không mấy ai còn mặc kiểu quần truyền thống hạ đũng rộng như cái lưới bắt cá rồi túm lại ở bắp chân như thế này nữa, chỉ có mấy ông già trong làng may ra. Tôi liền hỏi liệu Amin có thể đưa tôi về thăm gia đình được không. Cậu nhăn trán hỏi lại: “Gia đình ở đâu? Nhà bố mẹ tớ ở Li-băng, đi trong ngày được; nhà bác tớ thì ở Israel; còn cả họ hàng thì ở Syria cơ.”

Tôi luôn tò mò về người Druze. Họ cùng với Alawite là những tín ngưỡng bí mật nhất của Hồi giáo cổ điển, tách ra từ gốc của Hồi giáo Shia khoảng hơn một ngàn năm trước. Sau khi Pháp và Anh đánh thắng đế chế Hồi giáo Ottoman rồi vẽ biên giới chia vùng này lại thành năm đất nước riêng biệt để cai trị, chừng hơn một triệu tín đồ Druze bỗng dưng thấy họ hàng bộ tộc của mình bị chia cắt thành ba mảnh rải rác ở khắp ba quốc gia. Tệ hơn, ba quốc gia này lại liên tục đánh nhau kịch liệt, không chỉ trong vùng tam giác ba bên mà còn với vô số các nước khác. Trong cơn binh đao, người Druze dần dần phát triển kiểu sống có một không hai, chia trái tim mình thành hai ngăn. Tức là sống ở đâu thờ vương ở đó, nhưng họ cũng tuyệt đối trung thành với người cùng tín ngưỡng, nếu bắt buộc phải đối đầu nhau trên chiến trường thì cố… né. Ở hai bên đường biên giới, người Druze cùng một dòng họ có thể mặc áo lính cho Li-băng, và chĩa súng vào người Druze mặc áo lính của Israel cũng đang lăm lăm lựu đạn. 

Không ai có thể phủ nhận sự gan dạ và tinh thần mãnh hổ của những chiến binh người Druze. Sự trung thành tuyệt đối của họ với chính quyền, sự dạn dày trận mạc nhưng lại có phong cách sống không quá phát cuồng vì quyền lực khiến người Druze tuy không đông về mặt dân số nhưng luôn là một nét kỳ bí, vừa đáng trọng vừa đáng gờm trong mắt cộng đồng Hồi giáo chính thống Sunni và Shia. Hẳn nhiên, họ cho rằng người Druze không phải tín đồ Hồi giáo chân chính mà là một sự lai căng pha trộn của các tôn giáo “tạp nham”, nhất là việc cho rằng Thượng Đế có thể đầu thai vào người thường thì Druze như vậy có khác gì Thiên Chúa giáo với triết lý Jesus là hiện thân của Đấng Tối Cao? Nhưng chính niềm tin mãnh liệt vào đầu thai và hóa thân là một phần lý do tại sao người Druze có trái tim thép không mảy may run sợ trước cái chết. Dân Li-băng thường kể lại câu chuyện về một thương nhân Druze bị bắt cóc và đứng úp mặt vào tường. Đằng sau anh, kẻ tống tiền chậm rãi rút súng, lên đạn… nhưng không bóp cò, vì chính hắn mới là người phải ngã quỵ trong cuộc đọ dây thần kinh không cân sức. Khi được hỏi tại sao có thể bình thản được như vậy, thương nhân trả lời: “Thú thực, lúc đó tôi chỉ bận tưởng tượng ra cảnh bà mẹ trong cuộc đời tiếp theo của mình trông sẽ ra sao!”  

Vậy là bữa trưa hôm ấy của chúng tôi ngoài hơn chục con mèo trấn giữ vòng ngoài, chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi hể hả chia sẻ với nhau rằng cuộc túm tụm ăn chung này hội tụ đại diện của những nhánh tôn giáo lớn ở Li-băng. Họ từng đánh giết nhau, rồi dù ghét nhau chết thôi vẫn luôn phải cố gắng giữ hòa khí với nhau. Tại sao?

“Vì cái lũ mèo hóa cọp này này!” – Baraa cười ngất – “Nếu mà không cố sống chung với nhau thì sẽ bị nó xơi tái ngay. Li-băng nằm cạnh ba nước lớn, Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đầu, Syria lúc nào cũng o ép ở sườn phải, sườn trái chạm biển, còn đằng sau lưng là Israel viện đủ cớ nhăm nhăm nhảy vào. Khắp Beirut thánh đường Hồi giáo và Nhà thờ Thiên Chúa san sát cạnh nhau, nhưng cậu biết không, sóng ngầm khủng khiếp lắm. Cộng thêm mấy cái nước lớn ghét nhau ở xung quanh, Li-băng như cái quả bom nổ chậm ấy. Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”

Trúng phóc! Cái mớ bòng bong ở Li-băng khiến bất kể ai có ham muốn được hít thở bình thường đều phải có một cái công tắc trong đầu để có thể tắt phụt đi trước khi bộ óc của chính mình phải xì khói vì quá tải. Đi giữa thủ đô Beirut, thật khó nhận biết ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thống của quốc gia. Người Thiên Chúa nói tiếng Pháp, người Hồi nửa nói tiếng Anh nửa còn lại thậm chí tiếng Ả Rập cũng bập bõm. Trong một nỗ lực cuối cùng để tránh nội chiến, hệ thống chính trị quốc gia chia chác theo thành phần tôn giáo: Tổng thống nhất định phải là người Thiên Chúa dòng Maronite, người Hồi dòng Sunni xí phần Thủ tướng, Phó Thủ Tướng không thể ai khác ngoài người Thiên Chúa dòng Hy Lạp Othodox, người phát ngôn của chính phủ chỉ có thể là người Hồi dòng Shia, và cuối cùng quân đội phải nằm trong tay người Hồi dòng Druze.

“Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!”
Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpetings, and farewells him with hootings,only to welcome another with trumpetings again.Pity the nation whose sages are dumb with years and whose strong men are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments, each fragment deeming itself a nation.

[Tôi thương đất nước tôi, đầy tín ngưỡng mà chẳng có niềm tin,
Chào đón cả kẻ thù, chán chê mải mê, chỉ để rồi lại tung hô một bầy xâm lấn khác.
Vị cứu tinh vẫn còn trong nôi, mà những kẻ cầm đầu thì rặt một bầy phụ bạc,
Đất nước tả tơi, mỗi mảnh vụn hả hê tự xưng vương ở một góc trời.
- Khalil Gibran1]

Tôi đặt cuốn “The Prophet” [Nhà tiên tri] của Khalil Gibran xuống và ngoảnh sang bên giường của Francesca. Cô phóng viên tự do người Ý ngụp lặn trong đống sách cao chất ngất, đánh vật với cái báo cáo phân tích 30.000 chữ về tổ chức Hezbollah. Vừa gõ máy tích choách choách, cô vừa suýt xoa thán phục tài năng và óc tổ chức tuyệt vời của người cầm đầu Hassan Nasrallah. Nhìn một nữ thạc sĩ tóc vàng cổ đeo thánh giá mà cũng phải xao lòng trước Nasrallah, tôi lập tức tin ngay những gì mình từng nghe nói về con người này là sự thật. 

Năm 2006, cả thế giới Ả Rập phát cuồng lên vì sướng khi tổ chức Hezbollah đánh bật Israel khỏi Li-băng, trả thù cho sự ấm ức và sỉ nhục mà quân đội của bao quốc gia Hồi giáo hợp vào cũng không làm được. Lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Shia được tất cả các sắc dân Hồi giáo hò reo xưng tụng, được coi như Che Guevara của Ả Rập, như linh thiêng giáng thế, cộng với sự duyên dáng và hài hước bẩm sinh, bao nhiêu cô gái đã trào nước mắt nguyện sẽ yêu vị trung niên râu ria rậm rịt này đến cuối đời.
  
Tất nhiên, phiên bản của Nasrallah ở phương Tây thì chẳng khác gì một cơn ác mộng. Hezbollah ở Li-băng thậm chí được chính thức coi là một tổ chức khủng bố do Iran bảo trợ với mục đích triệt tiêu hoàn toàn nhà nước Israel và chủ nghĩa bành trướng phương Tây. Tổ chức Hezbollah không những thiện chiến, quy củ, dựa vào chiến tranh nhân dân, mà còn mạnh hơn cả quân đội chính quy của Li-băng. Từ một nhóm du kích bạo động, Hezbollah trở thành niềm hy vọng cho một Ả Rập khao khát tìm lại những tháng ngày huy hoàng. 

Đùng một cái, Nasrallah tuyên bố sẽ đưa quân Hezbollah tham chiến ở Syria. 

Tôi nhớ Baraa đã khóc sướt mướt trên facebook như thế nào khi thần tượng của mình sụp đổ. Là một tín đồ Sunni nhưng anh vẫn tôn thờ một Shia Nasrallah vì ông không ngần ngại đưa cậu con trai 18 tuổi của mình ra trận chiến. Khi Hadi chết, Nasrallah thậm chí từ chối thỏa thuận với phía Israel để chuộc lại xác con mình. Bạn tôi đã ngỡ rằng Nasrallah là biểu trưng của khối đại đoàn kết Hồi giáo chống lại kẻ thù chung Israel cho đến khi ông ta hiện nguyên hình không hơn gì những thầy tu tôn giáo đói khát cường quyền và bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột Shia-Sunni. Gửi quân đến Syria để ủng hộ chính quyền nhà độc tài dòng Shia chống lại quân nổi dậy Sunni, Nasrallah đang đặt dấu chấm hết cho một niềm tự hào mong manh trong trái tim của rất nhiều người dân Ả Rập.  
 
Ở Trung Đông, đất nước nào cũng tự cho mình là đặc biệt, là yếu tố sống còn của thế giới Hồi giáo, là nguyên nhân của âm mưu thâm độc này hay kế hoạch đen tối nọ, hay là cầu nối Á Âu, là con đường kết liên văn hóa. Bản thân mình, tôi dành vị trí này cho một quốc gia duy nhất: Li-băng. Lịch sử Li-băng là lịch sử của một mảnh đất nhỏ chưa bao giờ có chủ quyền lãnh thổ, từ sau thời đại Phoenician, người dân nơi đây lần lượt nằm dưới quyền cai trị của đế chế Babylon, đế chế Ba Tư, đế chế Hy Lạp, đế chế La Mã, rồi người Ả Rập tràn lên thống trị, rơi vào tay Hồi giáo Thổ Ottoman, thành thuộc địa của Pháp, và suốt từ khi độc lập vào năm 1943 cho đến nay chỉ có chưa đến 20 năm hòa bình với sự can thiệp của đủ hạng quyền lực: Syria, Israel, Palestine, Iran. Người Li-băng sống chung với lũ, quen với lũ đến mức đôi khi không còn xem lũ là kẻ thù nữa mà như những cơn sóng lớn đến rồi đi. Kẻ thù nào khi đến cũng được tung hoa chào đón vì được coi là bạn. Người bạn nào cũng hứa chỉ ở lại đến khi trong ngoài ổn định rồi sẽ đi. Lời hứa nào cũng bị bội ước. Lời bội ước nào cũng biến bạn thành thù. Kẻ thù nào kết cục cũng phải rút lui trong ê chề tủi nhục. Trận rút lui nào cũng lại được tiếp nối bằng một người bạn mới và một lời hứa mới…

Li-băng không những là chiến trường cho các cuộc chinh phạt lớn mà còn là nơi duy nhất còn sót lại để chúng ta có thể nhìn thấy Trung Đông đã bị Ả Rập hóa như thế nào suốt gần 1.400 năm qua, từ khi đa số dân là Thiên Chúa cho đến khi cộng đồng này trở thành thiểu số và ngày càng mỏng manh dần đi với hàng chục ngàn tín đồ rời bỏ vùng đất hằng là cái nôi của tôn giáo để dạt sang các quốc gia châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, người Thiên Chúa ở Li-băng chỉ còn 40%, giảm một nửa so với năm 1926 (81%). Trong năm qua, hầu hết những người bạn Thiên Chúa của tôi đã rời quê hương, nhập vào hàng ngũ 14 triệu người Li-băng tình nguyện lưu đày viễn xứ. Mario đã mua nhà ở Bỉ, Gus đã dứt mảnh đất của gia đình. Những kẻ ở lại cùng với non 4 triệu dân của 17 nhánh tôn giáo khác nhau tiếp tục cuộc nắm tay trong một trò chơi không rõ trắng đen, một trò chơi mà ai cũng có thể là bạn và ai cũng có thể là thù. 

Vì thế, thật dễ hiểu vì sao người Li-băng né tránh cả quá khứ lẫn tương lai. Với họ, hiện tại là thời kỳ vàng son. Hiện tại là nơi để rượu tràn ly, nhạc ù tai, đồ ngon ngập bàn ăn và lăn trên đường tới những party trong những chiếc xe đắt tiền. Nghìn vàng đổi một trận cười. Có lẽ chẳng ai giỏi làm điều đó hơn người Li-băng. 

Syria: Máu đổ trong mê cung

Tôi đặt chân vào Syria như một bước đi tình cờ ham vui với một cái xắc tay và vài trăm đô la dắt túi. Tôi rời Syria với một vali lỉnh kỉnh đủ thứ quà cáp như một lão nông ra thành phố thăm bà con.
Phần mộ của Zaynab, cháu ngoại nhà tiên tri Mohammed, với hàng triệu mosaic bằng gương lấp lánh.
Khi tôi đang viết những dòng này, hầu như tất cả những bản tin đều tràn ngập những con số thương vong từ Syria. You Tube lèn chặt những clip đầu rơi máu chảy. Facebook bung ra hàng trăm bức ảnh chết chóc. Chiều qua, tự giam mình trong phòng, tôi lặng lẽ xem lại những bức ảnh và phim tự tay mình bấm máy ở Syria hơn một tháng trước. Có cái gì đó không thật, có cái gì đó giống như một cơn mơ. Bởi Syria trong trí nhớ của tôi và trong những gì tôi ghi lại bằng ống kính đẹp đến quặn lòng.

Bước chân đi cấm kỳ trở lại
Tôi dừng chân ở Li Băng khá lâu trước khi quyết định vượt biên giới qua Syria. Bạn bè dùng đủ mọi phương pháp để phá bĩnh, kể cả việc miêu tả chi tiết viễn cảnh thê lương của một đám tang không xác chết (chết mất xác rồi còn đâu). Trên bản đồ, thủ phủ Damascus của Syria cách biên giới Li Băng chỉ có hai tiếng đồng hồ. Ngay sát biên giới phía bên lãnh thổ của Li Băng là Anjar – một di tích thành cổ Hồi giáo nổi tiếng. Sau nhiều ngày trằn trọc, tôi quyết định lên đường nhằm Anjar thẳng tiến, bụng bảo dạ cứ mang theo hộ chiếu đến gần biên giới dò xét tình hình xem oánh nhau to đến thế nào rồi từ từ mà tính.

Sáng hôm ấy, tôi hí hửng bắt xe đi Anjar, không quên dặn cô bạn phóng viên người Ý cùng phòng ở khách sạn rút hộ quần áo phơi ngoài hiên nếu chiều nay tôi về muộn. Francesca là phóng viên chiến trường từng xuất bản nhiều sách về cuộc chiến ở Israel và Palestine. Cũng như bao phóng viên nước ngoài khác, cô trụ lại Li Băng để tìm cách vượt biên (bất hợp pháp) sang Syria, chủ yếu là bằng cách trả tiền cho vài người thuộc phe chống đối và thâm nhập Syria qua đường núi phía Bắc. Tôi danh chính ngôn thuận không phải là phóng viên, với lại cũng khá ham sống sợ chết nên đến phút chót quyết định không bám đuôi. Mải mê chụp ảnh và lang thang ở Anjar, tôi hết hồn khi ngó đồng hồ thấy đã 5 giờ chiều. Anjar cách biên giới với Syria chưa đầy cây số nên tôi bắt taxi cùng hai cô gái Syria sang Li Băng thăm bạn đang trên đường về. Họ tò mò hỏi han đủ chuyện, nhưng chẳng ai rõ thủ tục nhập cảnh cần những giấy tờ gì. Ai cũng bảo cứ tới cửa khẩu rồi tha hồ mà hỏi.
Nghe tôi trình bày, anh giai an ninh sau chấn song sắt cười tươi như nghé. Sau một hồi google cẩn thận, rồi gọi điện để kiểm tra chắc chắn tôi không phải là phóng viên, anh bảo: “Cô chỉ việc trả tiền rồi được cấp visa thôi, không cần giấy tờ hay chờ đợi gì sất”. Hơ! Tôi nhìn qua vai mình: Một cái túi bé tí đựng máy ảnh và 400 đô la. Tôi nhìn xuống chân mình: Một đôi dép xỏ ngón sắp đứt quai. Tôi nhìn qua hai cô gái Syria: họ hí hửng vỗ tay ra hiệu mời tôi tối nay ngủ lại nhà. Tôi nhắm mắt thở hắt ra một phát, nhớ ra rằng mình đang đeo kính áp tròng mà không hề mang theo nước và khay rửa. Tiếng thằng Mario văng vẳng: “Syria đi là đứt! Đứt phựt! Đừng có điên!”

Chan chứa tình người
Dải đường cao tốc nối biên giới Li Băng và thủ phủ Damascus đẹp mịn màng, chả giống gì với hình dung của tôi và Francesca tẹo nào khi đọc bản tin thấy bảo mìn được rải đầy vùng biên cương. Hai chị em Dana giới thiệu tôi cho cả đại gia đình đang quây quần bên một cái lò sưởi lớn theo dõi màn hình ti vi kín đặc khói bom. Mặt ai nấy vừa vui vừa buồn. Vui vì có khách bất ngờ đến chơi (khách là món quà của thượng đế). Buồn vì thành phố Homs tan tành trong chiến trận. Ai cũng sợ rồi sẽ đến phiên Damascus. Ba nghìn năm lịch sử của thành phố được mệnh danh là cổ xưa nhất thế giới bỗng chốc trở nên mong manh như số phận một đô thị không tên. Đêm ấy tôi ngậm kính áp tròng dưới đầu lưỡi đi ngủ. Mẹo này được Francesca bày cho nhưng chưa thử bao giờ. Ngoài phố xa vọng lại vài tiếng súng. Chị em Dana nằm ở đệm kế bên nắm tay bảo chỉ là tiếng súng bắn vu vơ, không rõ nói thật hay chỉ định vỗ về một kẻ nhát gan khó ngủ.
Ngày hôm sau, một người bạn giới thiệu tôi chuyển đến ở nhà Noura. Tôi hoàn toàn không biết rằng gia đình cô vừa chạy thoát từ Homs chưa đầy một tuần trước. Mẹ Noura đơn thân, một nách hai con đêm nào cũng khóc. Tôi thường đi ngủ khi cả ba mẹ con vẫn ôm nhau trên ghế sô pha xem các vở opera xà phòng tới tận 6-7 giờ sáng, một thói quen không dễ dàng thay đổi từ những ngày họ còn làm chủ một quán cà phê Internet ở Homs, đêm nào cũng phải đợi cho đến khi người khách cuối cùng ra về. Vậy mà mỗi sáng tôi thức dậy, trên bàn luôn luôn có bữa sáng dọn sẵn. Tôi vừa cảm động vừa xấu hổ nhận ra mình được cưu mang bởi một gia đình đang chạy tị nạn.
Những cô gái Damascus nhẩn nha hóng gió buổi chiều trước thánh đường Umayyad
Một quán hàng ở chợ Damascus
Những ngôi nhà nghìn năm tuổi ở Damascus. Khi còn sống, nhà tiên tri Mohammed từng từ chối đặt chân vào thành phố vì ngài “chỉ muốn đến thiên đường một lần duy nhất trong đời”
Huynh đệ tương tàn
Hồi giáo cũng giống như nhiều tôn giáo khác, chia năm xẻ bảy sau cái chết của người sáng lập, nhà tiên tri Mohammed, chủ yếu là do tranh cãi về việc ai là kẻ “nối ngôi”, bố vợ hay con rể của Mohammed. Những người lựa chọn bố vợ của nhà tiên tri lập ra nhánh Hồi giáo lớn nhất tên là Sunni, bao gồm gần 90% tín đồ. Những người lựa chọn con rể của nhà tiên tri lập ra nhánh Hồi giáo thứ hai gọi là Shia. Ở Syria, đại bộ phận dân số là Sunni, phần còn lại là các nhánh Hồi giáo nhỏ khác và người Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, tổng thống Assad và hầu hết quân đội của ông lại thuộc về một dòng tôn giáo khá đặc biệt tên là Alawite.

Alawite dù có gốc gác từ Hồi giáo nhưng bản chất là một món cocktail phức tạp với 3-4 tín ngưỡng khác nhau, tổng hợp từ Thiên Chúa giáo cho đến các triết lý tôn giáo của Hy Lạp cổ. Người Alawite ăn thịt lợn, không cầu kinh 5 lần/ngày, không trùm khăn và thậm chí uống rượu. Dù được chính thức coi là một nhánh của Shia, nhưng gần một nửa dân số Syria không công nhận Alawite là những tín đồ Hồi giáo chính thống.

Khi mùa xuân Ả Rập tràn đến Syria, mới đầu những người chống đối Assad không phân biệt sắc màu tôn giáo và hầu hết là những người trẻ tuổi đầu óc cởi mở. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước ở Trung Đông, phong trào dân chủ này nhanh chóng bị cướp diễn đàn bởi các tổ chức tôn giáo nhiều tiền và có tổ chức quy củ. Mùa xuân Ả Rập từ mục tiêu dân chủ phi tôn giáo nhanh chóng bị biến thành một cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo Sunni cực đoan và Hồi giáo Shia dòng Alawite. Và với chiến trường bó trọn chỉ trong vài thành phố nhỏ, những người dân thường Syria bị lạc giữa một mê cung của hàng trăm nguồn thông tin, thật giả lẫn lộn, chẳng rõ ai là ta ai là địch.
Palmyra thời kỳ vàng son hơn 2000 năm trước được mệnh danh là “Cô dâu của sa mạc”. Nữ hoàng Zenobia trị vì Palmyra không chỉ hài lòng với vương quốc nhỏ bé của mình mà còn đem quân chiếm trọn Ai Cập, đe dọa cả thành Rome
Life Moves on…
Nhưng bất chấp tất cả, cuộc sống vẫn cuộn chảy. Những nơi tôi đặt chân qua vẫn tấp nập đông vui. Những quán cà phê vẫn mịt mù khói thuốc shisha và những đôi lứa vẫn làm đám cưới linh đình mỗi chiều thứ năm. Đêm thứ sáu nào các sàn nhảy của Damascus cũng lèn chặt những bộ mặt tươi vui nhảy múa tung trời. Mỗi lần check mail hay vào facebook, tôi vẫn thường phải hết hơi giải thích với bạn bè là Syria thực ra khá an toàn (!). Những gì được miêu tả trên ti vi là sự thật, nhưng đồng thời cũng chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh sự thật rộng lớn. Khói lửa mịt mù ở Homs không có nghĩa là cả Syria rộng lớn bốc cháy. Hàng trăm người thiệt mạng ở Homs không có nghĩa ở khắp Syria rộng lớn cứ đi ra đường là ăn đạn vào đầu. Nói một cách hình tượng, nếu bạn chĩa ống kính zoom vào cái lòng đen của đôi mắt chẳng hạn, điều đó không có nghĩa là cả cơ thể bạn đều chỉ một màu đen.
 Tôi đặt chân vào Syria như một bước đi tình cờ ham vui với một cái xắc tay và vài trăm đô la dắt túi. Tôi rời Syria với một va li lỉnh kỉnh quà cáp như một lão nông ra thành phố thăm bà con. Những người Syria có lẽ sẽ còn đổ máu nhiều trong mê cung của cuộc nội chiến khó phân biệt địch ta, nhưng một người lạ vô thần như tôi hóa ra lại may mắn. Bởi chẳng mấy khi khúc khuỷu khó lần như mê cung, con đường từ trái tim đến trái tim thường vô cùng giản đơn và mộc mạc.


HỒI GIÁO TẠI Á CHÂU
Theo lịch sử Hồi Giáo thì đạo này đã được truyền bá vào Ấn Độ và Trung Quốc ngay từ giữa thế kỷ 7, tức trong những năm đầu mới được thành lập. Vai trò truyền đạo chủ yếu do những người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Ba Tư (The Persianate Turks) vì họ là những người theo đạo Hồi rất sớm. Họ có biệt tài cưỡi ngựa, bắn cung, đấu kiếm và rất hiếu chiến như quân Mông Cổ sau này. Trong hai thế kỷ 7 và 8, những đoàn kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã lấn chiếm toàn Bắc Ấn và Trung Á.

Năm 751, toàn dân xứ Turkistan theo đạo Hồi. Quân Hồi tràn qua biên giới Turkistan tiến vào phía Tây Trung Quốc đụng trận với quân nhà Đường trên sông Talas. Quân Đường thua trận phải bỏ chạy. Vùng Tây Bắc Trung Quốc trở thành lãnh thổ Hồi Giáo. Nhiều người Trung Á Hồi Giáo như Kazakh, Uzbek, Afgan tràn qua biên giới chiếm lãnh các thảo nguyên của người Trung Quốc và trở thành những tín đồ Hồi Giáo đầu tiên trên lục địa Trung Hoa.
Các hoàng đế thuộc triều đại nhà Nguyên (1280-1368) cho phép đạo Hồi được truyền bá tự do, những người Hồi gốc Trung Á được tự do đi lại và định cư lập nghiệp khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhờ đó, những người Hồi Giáo Trung Á đã có mặt tại hầu hết các thành phố lớn. Những người Hồi Giáo này chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa hỗn hợp Thổ Nhĩ Kỳ - Ba Tư (Turko-Persian Culture). Nhiều người Hồi Giáo Trung Á đã được triều đình nhà Nguyên trọng dụng.

Như trên đã trình bày, các nước Trung Á, Bắc Ấn và phía Tây Bắc Trung Quốc đã bị đạo Hồi chinh phục bằng các đoàn kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ hiếu chiến hiếu sát. Trái lại, miền đông Trung Quốc và các đảo Thái Bình Dương đã được đạo Hồi chinh phục bởi các đoàn thương gia Ả Rập giầu có, khôn ngoan và ôn hòa.

Từ cuối thế kỷ 7, nhiều thương gia Ả Rập đã đặt chân lên bờ biển Trung Quốc, mở nhiều thương điếm tại các tỉnh ven biển. Hơn hai trăm năm sau, tức vào năm 878, tại Trung Quốc bỗng nổi lên phong trào bài ngoại của đảng Huang Chao. Bọn này thực hiện chính sách khủng bố sát hại 1200 người ngoại quốc trên đất Trung Hoa. Những người Hồi Giáo Ả Rập và Ba Tư phải bỏ Trung Quốc, dời việc buôn bán và giảng đạo đến các nước phía Nam Trung Quốc là xứ Champa (Chàm) Mã Lai và quần đảo Nam Dương.

Lịch sử Hồi Giáo Ả Rập có ghi: Năm 1039, một đoàn thương gia Ả Rập đã đến buôn bán tại Champa và tăng cường công cuộc truyền bá đạo Hồi tại xứ này. Họ đã lập nên tại Champa những cộng đồng Hồi Giáo đông đảo. Trong khi đó, những hạm đội hải quân của Hồi Giáo Ả Rập đã chiếm giữ Malacca để bảo vệ quyền giao thương trên trục lộ giao thông với Trung Quốc và Nhật Bản. Hồi Giáo làm chủ toàn vùng bán đảo Mã Lai và quần đảo Nam Dương trong 3 thế kỷ (11-15) và đã biến hai nước này thành hai nước Hồi Giáo.

Năm 1511, một hạm đội hùng mạnh của Bồ Đào Nha đã đánh thắng quân Hồi Giáo Ả Rập và chiếm lãnh Malacca để thực hiện hai mục tiêu: một là để nắm con đường huyết mạch về hàng hải hầu chiếm độc quyền buôn bán gia vị Á Châu (Asian spice trade), hai là thực hiện tham vọng truyền bá đạo Công Giáo ra khắp lục địa Á Châu và các đảo Thái Bình Dương. Malacca là địa điểm chiến lược quan trọng vì từ hải cảng Malacca, hải quân Bồ Đào Nha có thể kiểm soát mọi tàu bè từ Âu Châu và Địa Trung Hải đến Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản.

Kể từ 1511, Bồ Đào Nha dùng sức mạnh quân sự chận đứng sự giao thương và công cuộc truyền đạo Hồi của người Ả Rập tại vùng đất này. Đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc truyền đạo Công Giáo tại Á Châu:
- Giáo sĩ Công Giáo đầu tiên đến Việt Nam là Linh Mục Ignatius (I-nhê-khu) người Tây Ban Nha đến giảng đạo tại làng Ninh Cường, Bùi Chu năm 1533.
- Phan xi cô Xavie đến giảng đạo cho dân chài tại tỉnh Goa Ấn Độ năm 1542.
Tiếp theo đó là nhiều đợt xâm nhập của các giáo sĩ Tây Phương đến giảng đạo tại Á Châu trong nhiều thế kỷ, họ đã tạo nên nhiều cộng đồng tín đồ Công Giáo tại Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.

Nếu so sánh với đạo Hồi, đạo Công Giáo đã được du nhập vào giải đất mang hình chữ S sau đạo Hồi trên 500 năm. Ngay từ năm 1039 tại xứ Chiêm Thành đã có nhiều cộng đồng tín đồ Hồi Giáo vì nhiều đoàn thương gia Ả Rập đã đến đây truyền đạo sau khi họ chạy trốn loạn Huang Chao tại Trung Quốc năm 878.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đánh phá Chiêm Thành bắt vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chiêm sợ chết nên phải chuộc mạng bằng cách dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính cho vua Lý. Nhà vua sáp nhập 3 châu này vào lãnh thổ Việt Nam và đổi tên thành Quảng Trị, Thừa Thiên. Năm 1402, vua Chiêm Thành dâng thêm hai châu nữa là Chiêm Động và Cổ Lũy cho Hồ Quí Ly. Hai châu này trở thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi của Việt Nam ngày nay.

Như vậy, thực tế lịch sử đã chứng minh: Hồi Giáo là đạo Thiên Chúa đầu tiên đã xâm nhập giải đất mang hình chữ S (từ Quảng Trị, Thừa Thiên đến Quảng Ngãi thuộc lãnh thổ Chàm trước năm 1069) chứ không phải là đạo Công Giáo. Tuy nhiên, đạo Hồi đã không có cơ duyên xâm nhập vào xã hội người Việt (dân tộc Kinh) và đã trở nên một thứ tôn giáo hoàn toàn xa lạ và bị hiểu lầm nhiều nhất.

Chúng ta đã biết Hồi Giáo là đạo Thiên Chúa xuất phát từ bán đảo Ả Rập vào đầu thế kỷ 7, nhưng đến nay các quốc gia có số tín đồ Hồi Giáo đông nhất thế giới lại là những nước Á Châu. Đó là Nam Dương, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về tình hình Hồi Giáo tại các nước này:
NAM DƯƠNG (Indonesia). Nam Dương là một quần đảo rộng lớn, gần 2 triệu cây số vuông, lớn gấp 6 lần diện tích Việt Nam, gồm có 13.000 đảo lớn nhỏ. Java là đảo lớn nhất qui tụ 60% dân số cả nước. Thủ đô Jakarta nằm trên đảo này. Dân số Nam Dương là 230 triệu người, gồm có 40% là người Javanese (người Chà Và) 14% Sudanese, số còn lại là người Hoa và các dân tộc khác. Về tôn giáo: Hồi Giáo (phái Sunni) 87%. Công Giáo La Mã 9% (20 triệu) và Ấn Giáo 4% (9 triệu). Ngôn ngữ của Nam Dương là tiếng Mã Lai nhưng chữ viết của họ được mô phỏng theo chữ Ả Rập.

Những thương gia Hồi Giáo Ả Rập đã đến giảng đạo tại Nam Dương từ thế kỷ 8 nhưng không có kết quả trước các ảnh hưởng sâu đậm của Ấn Giáo tại vùng đất này. Phải đợi đến thế kỷ 15, một biến cố lớn lao đã xảy đến làm thay đổi tình hình đất nước này. Đó là sự kiện vua Raden Patah theo đạo Hồi đã ra lệnh cho toàn đảo Java phải bỏ đạo Hindu để theo đạo Hồi tập thể. Chỉ trong một thời gian ngắn, vua Patah đã biến đại đảo Java thành một vương quốc Hồi Giáo (Islamic Kingdom) đầu tiên tại Á Châu. Năm 1568, vua đảo Sumatra (đảo lớn thứ hai trong quần đảo Nam Dương) là Al-Quahhar ra lệnh cho toàn dân trên đảo phải theo đạo Hồi. Sau đó hai đảo lớn này và các đảo khác thống nhất lại tạo thành một nước Indonesia có số tín đồ Hồi Giáo lớn nhất thế giới.

Vào cuối thế kỷ 16, các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã đến giảng đạo Công Giáo tại miền đông đảo Timor và đảo Molucca. Họ đã thành lập tại hai đảo này nhiều cộng đoàn Công Giáo đông đảo. Năm 1945, Nam Dương dành lại độc lập từ tay thực dân Hòa Lan. Hai chính quyền của Sukarno và Suharto đều muốn tách rời chính trị ra khỏi các ảnh hưởng tôn giáo để biến Nam Dương thành một quốc gia thế tục (a Secular State). Tuy nhiên, các thế lực cuồng tín Hồi Giáo và Công Giáo đã tự võ trang và gây ra cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 40 năm khiến cho trên một triệu người chết và 2 triệu phải tản cư. Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để chấm dứt nội chiến bằng cách công nhận một nước Đông Timor (Công Giáo) độc lập kể từ tháng 8-1999.

MÃ LAI - Đạo Hồi xâm nhập Mã Lai từ cuối thế kỷ 7, tuy nhiên chỉ có một số ít dân theo đạo này mà thôi. Mã Lai bắt đầu được cả thế giới chú ý khi hải cảng Malacca tự ý biến thành "Hải cảng tự do" vào năm 1400. Năm 1413, ông hoàng Paramesvara cai trị Malacca theo đạo Hồi khiến cho nhiều dân Mã Lai cũng bắt chước theo đạo Hồi rất đông. Năm 1511, Bồ Đào Nha dùng sức mạnh quân sự chiếm Malacca và cai trị vùng này đến đầu thế kỷ 17. Sau hơn một thế kỷ lệ thuộc Bồ Đào Nha, nhiều người Mã Lai đã theo đạo Công Giáo nhưng đại đa số vẫn giữ đạo Hồi. Dân số Mã Lai hiện nay là 18 triệu, 50% theo Hồi Giáo, số còn lại là Ấn Giáo, Công Giáo và Phật Giáo. Từ lúc được độc lập đến nay, Mã Lai luôn luôn được lãnh đạo bởi các chính quyền Hồi Giáo.

PHILIPPINES - Dân số Philippines xấp xỉ với Việt Nam tức vào khoảng gần 80 triệu người, 85% Công Giáo. Số dân theo đạo Hồi là 7 triệu, qui tụ tại đảo Mindanao, Sulu và Basilan với khoảng 3000 đền thờ. Hồi Giáo Philippines có 2 trường đại học riêng với 9000 sinh viên. Dân Công Giáo Phi xử dụng ngôn ngữ Tagalog là chính, trong khi đó 7 triệu người Hồi Giáo Phi xử dụng ngôn ngữ Maranao.

Đạo Hồi đã được du nhập vào Philippines do một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử. Đó là biến cố quân Mông Cổ đánh chiếm thủ đô Baghdad của Iraq vào năm 1258. Nhiều học giả Hồi Giáo Iraq đã dùng thuyền chạy trốn và cuối cùng họ đã lưu lạc đến các đảo phía Nam Philippines. Họ giảng đạo cho dân các đảo này và đã được dân đảo tôn trọng như các vị thánh. Sau khi chết, các vị thánh Hồi Giáo đã được dân địa phương mai táng và xây cất những ngôi mộ rất đẹp. Họ biến những ngôi mộ này thành những địa điểm hành hương cho khách thập phương đến kính viếng. Một trong những ngôi mộ nổi tiếng nhất hiện nay là mộ của Makhdum Karim trên đảo Sulu. Ông là người Iraq đầu tiên đến giảng đạo Hồi tại Philippines vào giữa thế kỷ 13.
Sau 3 thế kỷ đạo Hồi tồn tại và phát triển trên quần đảo Philippines thì quần đảo này bị Tây Ban Nha chiếm vào thế kỷ 16. Vua Tây Ban Nha lúc đó là Philip rất sùng đạo Công Giáo đã ra lệnh cho quân đội dùng bạo lực cưỡng ép dân Phi theo đạo Công Giáo. Chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha đã đặt tên cho quần đảo này là Philippines, ngụ ý quần đảo thuộc quyền cai trị của vua Philip.

Năm 1896, hải quân Mỹ đánh chiếm Philippines từ tay Tây Ban Nha. Tổng Thống Mỹ lúc đó là Mc Kinley rất sùng đạo Tin Lành đã áp dụng chính sách vừa dụ dỗ vừa cưỡng ép người Hồi Giáo Phi cải đạo sang Tin Lành. Người Hồi Giáo ở Sulu phát động cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 18 năm (1896-1914) gây nhiều tổn thất cho Mỹ. Chính quyền Mỹ thay đổi chính sách bằng cách di dân Công Giáo từ khắp nơi trong nước đến định cư tại các đảo miền Nam từ năm 1915 đến 1939 (24 năm liền) nhằm tạo các vùng xôi đậu để phá vỡ tính đồng nhất của các cộng đồng Hồi Giáo.

Bắt đầu từ 1968, người Hồi Giáo tại miền Nam Philippines tổ chức các cuộc khủng bố dân Công Giáo. Năm 1973, dân tộc lớn nhất ở miền Nam là Moro thành lập "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Moro" (The Moro Liberation National Front). Nhiều nước Hồi Giáo trên khắp thế giới tích cực ủng hộ và tài trợ cho Mặt Trận này. Ngoài ra,một số các tổ chức khủng bố Hồi Giáo khác cũng được thành lập như tổ chức Abu Sayyab từ 1990. (Tổ chức này thực hiện một cuộc bắt cóc 19 người ngoại quốc rất táo bạo tại đảo Jolo ngày 23-4-2000 làm chấn động dư luận thế giới).

Dưới chính quyền của Tổng Thống Marcos trong thập niên 1970, cuộc nội chiến giữa dân Công Giáo và Hồi Giáo tại đảo Mindanao đã làm thiệt mạng 120.000 người. Sau đó, chính quyền Aquino đã phải ký kết với người Hồi Giáo Mindanao một hiệp định công nhận "qui chế tự trị". Từ 1986, những người Hồi Giáo cực đoan không hài lòng với qui chế tự trị này đã tự động thành lập một lực lượng võ trang chống chính phủ với 40.000 tay súng. Bọn người này hiện đang tiếp tục chống chính phủ và gây kinh hoàng cho dân chúng tại Mindanao. Các ký giả Tây phương gọi vùng này là "Bosnia của Á Châu"!

ẤN ĐỘ - Trước năm 1947, Ấn Độ là một lãnh thổ rất rộng lớn, thường được gọi là Tiểu Lục Địa Ấn Độ (The Subcontinent of India) vì nó bao gồm cả nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Tổng số tín đồ Hồi Giáo trên tiểu lục địa này là 250 triệu người.
Đạo Hồi đã đến với tiểu lục địa Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 711, khi quân Hồi Giáo Ả Rập đánh chiếm tỉnh Sind, nay là Pakistan. Đến thế kỷ 11, toàn miền Bắc Ấn theo đạo Hồi, trong đó có tỉnh Ghaznawid, nay là nước Afganistan. Vào năm 1206, Thổ Nhĩ Kỳ cai trị Ấn Độ đã biến nước này thành "Quốc Gia Hồi Giáo Ấn Độ" (Muslim State of India) đặt thủ đô tại La Hore.

Năm 1555, Hoàng Đế Humayun của đế quốc Mông Cổ Hồi Giáo (Mughuls) chiếm toàn thể lãnh thổ Ấn Độ và cai trị xứ này từ đó đến năm 1858 thì bị đế quốc Anh thay thế (303 năm). Trong 3 thế kỷ dưới sự thống trị của đế quốc Mughuls, nhiều người Ấn Độ đã bỏ đạo Hindu theo Hồi Giáo.

Từ đầu năm 1946, tại khắp nước Ấn Độ bỗng nhiên xảy ra nhiều vụ xung đột đẫm máu giữa Hồi Giáo và Ấn Giáo. Ngày 14-8-1947, người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ nhưng tách tỉnh Sind có đại đa số dân theo Hồi Giáo thành một nước riêng gọi là Pakistan. Theo tiếng địa phương, Pakistan có nghĩa là "Đất của người Hồi" (Land of Muslims). Người Hoa gọi Pakistan là Hồi Quốc. Hồi Quốc có hai phần là Đông Hồi và Tây Hồi.
Sau khi tiểu lục địa Ấn Độ chia ra thành hai nước theo tôn giáo, những cuộc di cư vĩ đại đã xảy ra: Những người Hồi Giáo từ các vùng thuộc Ấn Giáo di cư đến Pakistan. Ngược lại, những người Ấn Giáo tại Pakistan di cư về Ấn Độ. Tuy nhiên, có nhiều người đã không di cư và đành phải ở lại với những người khác tôn giáo. Riêng tại vùng thung lũng sông Hằng (The Ganges Valley) còn ở lại 40 triệu người Hồi Giáo. Những tỉnh có đông dân theo đạo Hồi như Kashmire, Jammu, Punjale và Bengal lại được người Anh chia cho Ấn Độ kiểm soát. Tổng số người Hồi tại các tỉnh này lên tới 20 triệu. Từ 1948 đến nay, tại những vùng xôi đậu này thường xuyên xảy ra những vụ xung đột đẫm máu giữa những người anh em cùng một chủng tộc nhưng khác tôn giáo. Trên toàn lãnh thổ Ấn Độ có 12% dân số theo đạo Hồi.

Nói chung, Hồi Giáo đã đến với Nam Dương, Mã Lai và Philippines qua sự truyền giáo của các đoàn thương gia Ả Rập, tương đối có truyền thống ôn hòa. Ngược lại, Hồi Giáo đã đến với tiểu lục địa Ấn Độ "bằng các dấu chân của những đoàn quân xâm lược" (by the stamps of the invaders): Đoàn kỵ binh Ả Rập từ phía Tây đánh qua quân Thổ Nhĩ Kỳ từ các nước Trung Á kéo tới và quân Ba Tư từ phía Tây Bắc kéo sang. Đặc tính hiếu chiến hiếu sát của những đoàn quân xâm lược Hồi Giáo đã một phần nào tạo nên xu hướng bạo động của các tín đồ Hồi Giáo tại vùng Bắc Ấn. Đại đa số giai cấp tiện dân Ấn Độ bất mãn với chế độ phân chia giai cấp rất dã man của Ấn Giáo nên đã đi theo đạo Hồi. Trong khi đa số dân Ấn Độ suy dinh dưỡng nhưng vì mê tín nên đã thờ bò và không dám ăn thịt bò. Ngược lại, những người Hồi Giáo kiêng ăn thịt heo nhưng lại thích giết bò để ăn thịt! Tất cả những mâu thuẫn trên đã gây ra, những cảnh nồi da xáo thịt thê thảm giữa những người Ấn theo đạo Hindu và đạo Hồi. Các cuộc chiến tranh tôn giáo đã diễn ra trên nửa thế kỷ và vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, Ấn Độ và Hồi Quốc đã sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau bằng vũ khí nguyên tử vào bất cứ lúc nào!

PAKISTAN (Hồi Quốc) - Như ta đã biết, Pakistan đã tách ra từ Ấn Độ năm 1947. Ngay từ khi mới tách rời đến nay, hai nước Ấn và Hồi luôn luôn có chiến tranh với nhau về tôn giáo và tranh chấp biên giới. Năm 1971, Đông Hồi tách ra khỏi Tây Hồi để thành lập nước riêng là Bangladesh, thủ đô đặt tại Dacca, dân số khoảng 100 triệu.
Hiện ở Pakistan có 14% dân số theo đạo Hindu. Trên phương diện chính trị, Pakistan không phải là một "quốc gia Hồi Giáo" (A Muslim State) nhưng Hiến Pháp năm 1973 của Pakistan có điều khoản qui định: "Không một điều luật nào của Pakistan trái ngược với kinh Koran và Luật Hồi Giáo Shariah".

Năm 1974, thủ tướng Bhutto muốn đưa Pakistan ra khỏi ảnh hưởng đạo Hồi đã tuyên bố: "Pakistan là một thực thể Phi-Hồi-Giáo" (Pakistan is a Non-Muslim entity). Tuy nhiên, quốc hội Pakistan bị ảnh hưởng Hồi Giáo nặng nề vẫn duy trì việc áp dụng luật Shariah trên toàn quốc.

Từ 1980 đến nay, những người Hồi Giáo cực đoan đã tự ý vượt biên giới sang Ấn Độ hoạt động khủng bố. Chính phủ Ấn đã phải đối phó lại bằng cách ra lệnh cho binh sĩ và cảnh sát Ấn có quyền bắn chết quân khủng bố tại chỗ mà không cần phải đưa ra tòa xét xử. Theo thông cáo chính thức của chính phủ Ấn thì từ 1990 đến 2000 (10 năm) chính quyền Ấn đã bắn chết tại chỗ 28.000 quân khủng bố Hồi Giáo Pakistan. Giới báo chí Tây Phương cho rằng con số thực tế phải cao hơn gấp nhiều lần!

TRUNG QUỐC - Chính phủ Bắc Kinh chính thức công bố con số tín đồ Hồi Giáo trên toàn lãnh thổ Trung Quốc hiện nay là 60 triệu. Con số đưa ra có vẻ lớn lao nhưng thực sự chỉ là một tỷ lệ nhỏ nhoi (0,5%) so với dân số toàn quốc (Theo Ceasar Ferrah trong tác phẩm Islam, 6th edition 2000, trang 283).

Sử sách Trung Quốc có ghi: Vào năm 651, vua Hồi Giáo Uthman đã cử đặc sứ đến yết kiến hoàng đế Trung Hoa đời nhà Đường, dâng lên hoàng đế nhiều cống vật quí hiếm của xứ Ả Rập để thiết lập mối giao hữu giữa hai nước. Ít lâu sau, nhiều thương gia Hồi Giáo Ả Rập và Ba Tư đã đến buôn bán và định cư tại Trường An (Changan) Quảng Châu (Guangzhou) và Hàng Châu (Hangchow). Từ cuối thế kỷ 8, người Trung Quốc đã đọc sách chữ Hán viết về Hồi Giáo. Đó là sách của Du-Huan, một người Trung Quốc đã sống 12 năm tại các nước Ả Rập Hồi Giáo (751-762). Sau khi trở về Trung Quốc, ông đã viết sách giới thiệu Hồi Giáo và đời sống các nước Ả Rập. Trong thế kỷ 9, các sách niên giám ghi nhận sự kiện tại triều đình Trung Quốc có tới 37 phái đoàn các nước Hồi Giáo đến triều yết hoàng đế Trung Quốc.
Học giả Chan Yuan viết sách Tạp Ghi về Hồi Giáo Trung Quốc (Records of Chinese Islam) cho biết: Thành phần Hồi Giáo quan trọng nhất tại Trung Quốc là những người Trung Á. 

Dưới đời nhà Nguyên (1271-1368) nhiều người trí thức Hồi Giáo Trung Á đã được triều đình nhà Minh trao cho nhiều chức vụ quan trọng đặc trách về y khoa, thiên văn, văn chương và nhất là về kỹ thuật quân sự. Đến đời nhà Minh (1368-1644) nhiều nhân tài Hồi Giáo vẫn tiếp tục được trọng dụng. Nhiều học giả Hồi Giáo viết sách chữ Hán quảng bá đạo Hồi như Wang Dai Yu viết sách "Đại Học Hồi Giáo" (The Islamic Great Learning) phỏng theo sách Đại Học của Khổng Giáo. Cuối đời Tống, học giả Lin Zhi viết sách "Triết Học Hồi Giáo về bản chất con người và lý trí" (The Islamic Philosophy of Human Nature and Reason).
Các người Hồi Giáo tại Trung Quốc đều tự xưng là HUI nên người Trung Quốc gọi họ là "Người Hồi" (HUI people) và gọi đạo Hồi là HUI-JAO (Hồi Giáo).
Vào năm 1862, lần đầu tiên kinh Koran được dịch sang chữ Hán. Năm 1927, trọn bộ kinh Koran bằng tiếng Nhật được dịch sang chữ Hán và in tại Bắc Kinh với phần phụ đề bằng tiếng Anh là The Kelan (The Koran).

Hiện nay, tại các thành phố lớn của Trung Hoa lục địa đều có nhiều người Hồi gốc Trung Á sinh sống bằng các nghề chuyên môn với trình độ kỹ thuật cao. Bắc Kinh có 200.000, Thiên Tân 150.000, Thượng Hải 50.000... Họ chuyên làm các đồ bằng da, len sợi, nữ trang, đóng hộp thịt bò, sản xuất mì sợi và nhất là kỹ nghệ nhà hàng (restaurant).

Về phương diện chính trị, từ thế kỷ 19 đến nay, những người Hồi Giáo tại Tân Cương và Vân Nam đã nhiều lần nổi lên chống chính quyền Trung Quốc để đòi thành lập quốc gia tự trị. Đối với họ, vùng đất họ cư ngụ là lãnh thổ riêng của họ chứ không thuộc Trung Quốc vì tổ tiên của họ là những người Trung Á (Caucasus, Tajikistan, Kazakhstan, Uzebekistan và Afganistan) đã đến đây lập nghiệp và định cư từ nhiều ngàn năm trước khi bị người Trung Quốc xâm chiếm. Mới đây các nhà khảo cổ Nga đã đào được rất nhiều xác ướp tại sa mạc Taklimakan thuộc tỉnh Tân Cương. Các cuộc giảo nghiệm đã xác nhận những xác ướp này là xác những người Caucasus đã sinh sống tại Tân Cương từ 4000 năm trước! (tức khoảng 2000 năm trước Công Nguyên). Như vậy, đất Tân Cương là phần đất của giống dân Trung Á xưa kia và đã bị Trung Quốc xâm lấn sau đó.

VIỆT NAM - Theo giáo sư Ceasar Ferrah thuộc đại học Minnesota, tác giả cuốn ISLAM, 6th edition 2000, Barron's (trang 275-276) thì hiện nay Việt Nam có 55.000 tín đồ Hồi Giáo, 2/3 là người Chà Và (Javanese, gốc Nam Dương) và gốc Chiêm Thành (Chàm/Champa), 1/3 còn lại là người Việt gốc Miên.

Riêng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 70.000 người Chiêm Thành, chia ra 50.000 theo Ấn Giáo (Hindu) và 20.000 theo Hồi Giáo. Số người Chà Và tại đồng bằng sông Cửu Long là 25.000 người đều có tổ tiên tại Nam Dương đã theo đạo Hồi nhiều thế kỷ trước khi di cư qua VN. Tại Sài Gòn có 10.000 người theo Hồi Giáo thuộc nhiều chủng tộc. Sau 1975, có 1750 người Hồi Giáo xin di cư qua Yemen và 2000 người xin qua Mã Lai.

Các du khách Hồi Giáo đến Việt Nam nhận thấy Hồi Giáo Việt Nam đã mất đi tính cách chính thống vì đã bị lai tạp với Phật Giáo và Ấn Độ Giáo rất nhiều. Tại nhiều nhà thờ Hồi Giáo có vẽ rồng phượng và hoa sen. Quan niệm về Allah rất mờ nhạt, có nơi tín đồ Hồi Giáo đọc kinh khấn vái Ali (con rễ của Muhammad) và gọi Ali là "Con Thiên Chúa" (Son of God) là điều đạo Hồi cấm kỵ. Người Hồi Giáo Việt Nam thường không ăn chay trọn tháng Ramadan mà chỉ ăn chay 3 ngày mà thôi, sau đó họ bày ra tiệc tùng linh đình tại nhà thờ và mời bạn bè theo các đạo khác đến ăn cho vui.

Từ trước đến nay đạo Hồi không bị kỳ thị tại Việt Nam nhưng đối với Hồi Giáo thế giới thì Hồi Giáo Việt Nam giống như một ốc đảo cô đơn. Họ cách ly với thế giới bên ngoài do trở ngại về ngôn ngữ và hầu như không có ai biết tiếng Ả Rập để học hỏi trực tiếp về giáo lý đạo Hồi.

Vả lại, tỷ số Hồi Giáo chưa tới 1/1000 trên tổng số dân Việt Nam. So sánh với các nước Á Châu khác, cộng đồng Hồi Giáo Việt Nam rất nhỏ bé và không có một ảnh hưởng chính trị nào.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen