Seiten

Samstag, 5. September 2015

Giờ Sài Gòn từng khác giờ Hà Nội

                                                                        Nguyễn Giang
                                                                       bbcvietnamese.com

"Gentlemen, start your engines" (Quý vị hãy nổ máy!) - là lệnh cất cánh cho chiếc trực thăng CH-53 Sea Stallion của Trung tá Herbert Fix thuộc phi đoàn Heavy Helicopter Squadron 463.
Đoàn trực thăng rời hàng không mẫu thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ đậu ngoài khơi Nam Việt Nam để bay vào đất liền.
Chiến dịch Frequent Wind bắt đầu để di tản những quân nhân và nhân viên dân sự, ngoại giao cuối cùng của Mỹ khỏi Sài Gòn.

Khi đó là 5 giờ chiều ngày 29 tháng Tư giờ Washington nhưng đã là 5 giờ sáng ngày 30 tháng Tư 1975 giờ thủ đô Việt Nam Cộng hòa.
Vì cho đến khi cuộc chiến Nam Bắc chấm dứt, Sài Gòn đi trước giờ Quốc tế GMT (Greenwich Mean Time, ở Anh) tám tiếng.

Mặt trời, múi giờ và chính trị
Lấy theo vị trí Đài Thiên văn Hoàng gia Anh Quốc tại Công viên Greenwich, Đông Nam London (Kinh tuyến 0° 0' 0" và Vĩ tuyến 51° 28' 38" Bắc - Greenwich Meridian), GMT được công nhận từ năm 1884 để chuẩn hóa hoạt động hàng hải, thương mại toàn cầu.
Và tất nhiên là các múi giờ khác trên thế giới đều lấy theo chuẩn GMT vốn cũng là giờ của trạm vũ trụ quốc tế trên không gian.

Xin phân biệt GMT với Coordinated Universal Time (UTC), giờ Quốc tế vì đây là một chuẩn khác áp dụng từ năm 1928 và được tính bằng đồng hồ nguyên tử, không phải theo vòng quay của Trái Đất như GMT.

Nhưng nếu như ban đầu chỉ có 24 múi giờ trên toàn cầu, căn cứ vào GMT thì nay người ta có tới 40.

Theo Valeria Perasso của BBC trong một bài viết nhân chuyện Bắc Triều Tiên đổi giờ từ 15/08/2015 này, chính trị là lý do chính cho chuyện các quốc gia đặt ra múi giờ riêng cho mình.

Điều thường thấy là các nước láng giềng đôi khi tránh không dùng giờ của nhau, và không phải đến nay mới có chuyện Bình Nhưỡng đổi múi giờ vì ghét Tokyo.
Và thay đổi chỉ 30 phút đã đặt Bình Nhưỡng nằm giữa giờ Tokyo và Bắc Kinh, khác với giờ Seoul.
Có phải đây là thông điệp để ông Kim Jong-un xác tín quan điểm 'không ưa Nhật, cũng chẳng thích Trung Quốc'?

Ông Kim Jong-un cho Bắc Hàn theo múi giờ riêng từ 15/08/2015

Chuyện 'nửa múi giờ' cũng không phải nay mới có.
Nằm ngay cạnh Anh nhưng giờ của Ireland cho đến tận năm 1916 vẫn khác giờ Anh Quốc, vì Đài Thiên văn tại Dublin lập luận rằng Mặt Trời mọc ở Ireland chậm hơn ở Anh 25 phút.
Và vì thế, Dublin Mean Time chơi riêng một kiểu là 25 phút, 21 giây sau GMT.
Afghanistan và Iran thì lại cho rằng vị trí địa lý đặt nước họ nằm trải dài trên hai múi giờ nên quyết định chọn giải pháp 30 phút dung hòa cho cả hai.

Trung Quốc là nước áp đặt ý chí chính trị mạnh mẽ nhất về múi giờ.
Sau khi thống nhất quốc gia năm 1949, ông Mao Trạch Đông để cả nước Trung Quốc theo một múi giờ Bắc Kinh dù lãnh thổ toàn bộ trải dài 5000 km và nằm trên 5 múi giờ quốc tế.
Giờ Bắc Kinh (Chinese Standard Time - CST) bao phủ cả Tân Cương, Tây Tạng trong lòng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhằm thống nhất tất cả dưới quyền lực của một Đảng Cộng sản.
Điều này có nghĩa là các vùng phía Tây Trung Quốc vào những giờ tối thui nhưng vẫn gọi là 'buổi sáng'.

Theo Valeria Perasso, có những nhóm ly khai Tân Cương không chấp nhận giờ Bắc Kinh mà tự đặt ra giờ riêng của mình, đi sau CST 120 phút.
Thời thuộc địa Anh, Ấn Độ nằm trên hai múi giờ nhưng nước cộng hòa khi giành độc lập đã đưa về một để cắt đứt với quá khứ.

Người Pháp tự do trong Thế Chiến 2 không theo giờ chính quyền Vichy

Do vậy, người dân phía Tây nước Ấn Độ đón mặt trời mọc chậm hơn phía Đông tới 90 phút.
Nhưng tất nhiên giờ 'nhà nước' không nhất thiết được người dân tuân theo trong sinh hoạt và làm ăn của họ.

Chẳng hạn một số trang trại trồng trà ở bang Assam, phía Đông Ấn Độ, áp dụng 'giờ vườn chè', đi trước giờ nhà nước 1 giờ, vì họ cần ra chăm bón, thu hoạch trà lúc nắng sớm.
Chính trị cũng khiến Venezuela thời ông Hugo Chavez đổi giờ bất chợt năm 2007.

Năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea bất chấp phản đối của Ukraine và châu Âu, Điện Kremlin đổi giờ của bán đảo này theo giờ Moscow cho dù Crimea trước đó nằm cách thủ đô Nga hai múi giờ.

Hai phần nước Việt Nam cũng trải qua nhiều thay đổi về múi giờ, tùy theo biến đổi chính trị, mà có tài liệu nói là 10 lần trong Thế kỷ 20.
Nói ngắn gọn nhất thì Pháp là 'mẫu quốc' khi đó đổi giờ Paris thành GMT+1 từ 1911, khiến Đông Dương thuộc Pháp, gồm cả các phần nay là Việt Nam, Lào và Campuchia đổi theo, thành GMT+7.
Điều thú vị là đã có lúc giờ Hà Nội 'bị' chính quyền Hitler đổi, dù là gián tiếp.
Sau khi chính phủ Vichy ở Pháp đầu hành phát-xít Đức năm 1940, chính quyền Đức đặt giờ mới cho vùng Đức kiểm soát: GMT+2.
Vì vậy, giờ 'Indochine Francaise', lấy chuẩn theo Đài Thiên văn Phủ Liễn (từ 1906), cũng bị đổi theo Paris, thành GMT+8.
Không rõ phái chống Vichy ở Đông Dương theo giờ nào nhưng tại các vùng 'tự do' của người Pháp ủng hộ tướng Charles de Gaulle đã chạy sang Anh phát động kháng chiến, thì múi giờ 'yêu nước', hay giờ Trung Âu (Central European Time) vẫn là GMT+1.

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 2/9/1945 đổi lại giờ Hà Nội thành GMT trong khi Lào, Campuchia và một số nơi do Pháp quản trị vẫn không đổi.
Sài Gòn và Hà Nội từng cùng giờ cho đến năm 1960 khi miền Nam theo giờ 'tư bản' là GMT+8, cùng giờ Singapore.


                                               Sài Gòn từng theo múi giờ GMT+8

Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sắc lệnh 362-TtP ngày 30/12 năm 1959 đưa 23 giờ đêm ngày 31 tháng 12 năm đó, thành 0 giờ ngày đầu tiên của năm 1960.
Singapore cũng từng phải chịu thay đổi múi giờ vì lý do chính trị.

Theo truyền thống từ thời Anh, Singapore luôn là GMT+8 nhưng khi quân đội Nhật Hoàng chiếm hòn đảo và biến nó thành lãnh thổ trực trị gọi là Chiêu Nam (Ánh sáng Phương Nam) thì giờ bị đổi theo Tokyo thành GMT+9.

Sau ngày 30/04 năm 1975, chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ra quyết định chính thức trở lại múi giờ 7 và giờ Sài Gòn phải vặn chậm lại 1 giờ từ 13/06 năm đó để theo giờ Hà Nội.
Sang năm 1976, nước Việt Nam thống nhất áp dụng múi giờ GMT+7 thành Vietnamese Standard Time như hiện nay, không phân biệt Nam, Bắc, mùa hè hay mùa đông.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen