Seiten

Sonntag, 7. Juni 2015

Chánh sách khai hóa và khai thác của thực dân Pháp tại Nam Kỳ

Lâm Văn Bé
Khai hóa và khai thác là hai bản sắc của chế độ thuộc địa Pháp tại Việt Nam, đặc biệt tại Nam Kỳ là xứ trực trị. Tuy khai hóa và khai thác là hai ý niệm mà tác động có khác nhau, nhưng mục tiêu của thực dân Pháp chỉ là một, khai hóa văn minh để khai thác kinh tế.
Vào giữa thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công kỹ nghệ ở Pháp đã bắt đầu phát triển cần tìm thuộc địa để khai thác nguyên liệu và xuất cảng hàng hóa. Năm 1820, Pháp chỉ có 65 máy hơi nước, năm 1870, Pháp có 27 000. Năm 1830, số vốn trong các cơ sở kỹ nghệ thương mại là 30 tỷ quan, hai mươi năm sau tăng lên 45 tỷ. Trước tình thế mới, hoàng đế nước Pháp không còn nắm quyền bá chủ như khi xưa mà từ đây phải bị chi phối bởi hai thế lực mới là giới tài phiệt và giới quân phiệt muốn bành trướng lãnh thỗ để làm giàu và làm lãnh chúa.
Năm 1852, Louis-Napoléon Bonaparte lên cầm quyền mở đẩu cho Đệ nhị Đế chế với đế hiệu Napoléon III là nhờ sự ủng hộ của Thiên chúa giáo với khẩu hiệu : « Nước Pháp là con gái đầu lòng của Giáo Hội» và hoàng hậu Eugénie de Montijo, gốc người Tây ban Nha, là một tín đồ Thiên chúa giáo thuần thành, chủ trương bành trướng thế lực của giáo hội trên thế giới, kể cả châu Mỹ (Philippe Héduy, p.130).

Chánh sách cấm đạo và giết đạo Thiên Chúa của vua Tự Đức, nhất là sau khi giám mục Fray José Maria Diaz Sanjurjo, người cùng tỉnh Grenade với hoàng hậu bị chém đầu ở Nam Định (tháng 7, 1857) đã khơi dậy thêm mối kinh hoàng và thù hận của hoàng hậu, đòi hoàng đế phải trả thù cho các thánh tử đạo.
Cùng lúc đó (tháng 5, 1857), giám mục Pellerin cũng từ VN về gặp Napoléon và van nài hoàng đế hãy « nắm lấy trách nhiệm giải quyết vấn đề Kitô giáo tại VN, ông thống kê tên bao nhiêu giáo sĩ bị xử tử trong 25 năm qua, và cầu xin Hoàng đế sớm chấm dứt cái chuỗi cầu kinh tang tóc ấy…» (Nguyễn Xuân Thọ, tr. 28)
Không phải chỉ có giới Thiên chúa giáo làm áp lực mà giới quân nhân và tư bản cũng muốn đánh chiếm VN. Tháng 4 năm 1857, Napoléon III thành lập Ủy ban nghiên cứu về Nam Kỳ (Commission de la Cochinchine) do hầu tước Brenier đứng đầu, duyệt xét lại những quyền lợi lịch sử tại Nam Kỳ theo hòa ước Versailles đã ký kết năm 1787 giữa Louis XVI và Nguyễn Ánh (ký bởi giám mục Adran với sự hiện diện của hoàng tử Cảnh), nhưng chưa thi hành được. Phe quân nhân (đô đốc Fourichon) và tư bản (Fleury) cho rằng « Nam kỳ trù phú có 5 sản phẩm quan trọng là bông vải, tơ lụa, đường, lúa, gỗ và một thị trường tiêu thụ lớn, đường sông đi lại dễ dàng », nên sau 7 phiên họp, Ủy Ban đề nghị Napoléon đánh chiếm ba thành phố Huế, Kẻ Chợ (tức Hà Nội) và Saigon. (Devillers, p.30; Nguyễn Xuân Thọ, tr. 28)
Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và hợp thức hóa chế độ thuộc địa tại phân nửa đất Nam Kỳ theo Hòa Uớc Nhâm Tuất (5-6-1862), Pháp đã đặt ngay những nền tảng của hai chánh sách khai hóa và khai thác. Hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874) xác nhận chủ quyền của Pháp trên 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Nam Kỳ hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp.
Khai hóa và khai thác là hai chủ trương chi phối toàn thể chánh sách thực dân của Pháp tại Nam Kỳ.
Chúng tôi sẽ nhận định trước tiên hai sắc thái quan trọng của chánh sách khai hóa về phương diện vật chất và văn hóa trước khi đề cập đến chánh sách khai thác kinh tế dưới hình thức sưu cao thuế nặng và các đồn điền cao su. Dĩ nhiên, trong khuôn khổ của một bài viết, chúng tôi xét qua một cách tổng quan.

Phần 1. Khai hóa

Khai hóa bắt nguồn từ ý niệm về sự ưu việt nhân chũng, tính thượng phong của dân chủ Tây phương và chủ nghĩa năng động của khoa học kỹ nghệ. Nói khác đi, mục tiêu của khai hóa là đem ánh sáng văn minh Tây Phương rọi sáng các nền văn minh bị xem là thấp kém.
Từ xưa, các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylone, Ấn Độ, Trung Hoa đã xuất hiện trước các nền văn minh Hi Lạp - La Mã khi mà hầu hết Âu châu còn bị bao phủ bởi những rừng rậm, dân cư còn thưa thớt và đa số còn sống trong tình trạng bộ tộc. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ XV, khi những nền văn minh cổ xưa nầy bắt đầu suy yếu thì cuộc cách mạng kỹ nghệ và tư tưởng ở Tây Phương đã trỗi dậy làm thay đổi thế lực giữa các nước.
Tuy lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử của các nền văn minh, nhưng phải chờ đến năm 1756 các triết gia nước Pháp mới khai sáng ý niệm về văn minh để đối nghịch với ý niệm man di, lạc hậu (barbarie). Theo các nhà tư tưởng nầy, một xã hội văn minh khác biệt với một xã hội sơ khai (société primitive) ở chỗ xã hội văn minh có những định chế (institutions), phát triển các đô thị và người dân có một trình độ giáo dục tương đối cao. (Huntington, p. 37). Cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789 sau đó đề cao rõ hơn quan niệm nầy với những lý tưởng như tự do, bình đẳng và bác ái.
Với chiêu bài khai hóa, đưa những lý tưởng cao đẹp nầy rọi sáng các quốc gia lạc hậu, Pháp đã bành trướng chế độ thực dân ở Phi Châu và Đông Dương.
1.1. Tiền đề của chánh sách khai hóa : Nam Kỳ lạc hậu
Khi Pháp vừa đặt chân đến Nam Kỳ, dưới mắt họ, Nam Kỳ là một xứ lạc hậu cần được khai hóa văn minh. Sau đây là vài nhận xét điển hình của một số tác giả vào thời điểm đó.
1.1.1- Léopold Augustin Charles Pallu de la Barrière, một quân nhân trong đạo quân viễn chinh đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, trong quyển hồi ký của ông tựa là Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861 (xuất bản bởi Librairie Hachette năm 1864) đã mô tả người Nam Kỳ lạc hậu mà chúng tôi phỏng dịch và trích dẫn một số đoạn như sau :
« Y phục của người đàn ông Nam Kỳ là áo dài cài nút ở bên hông, cái quần giống như quần của người Trung hoa, chân mang dép da đỏ. Đó là lối ăn mặc của người giàu có, quyền thế, còn hầu hết dân dả như nông dân và người chài lưới thì ở trần, chỉ mặc có một cái chăn (nguyên văn : can-chian) là một miếng vải rộng buộc bằng một sợi dây lưng. Trẻ con thì hoàn toàn trần truồng hay chỉ có tấm vải nhỏ hình trái tim, che bộ phận sinh dục, đầu cạo trọc chỉ chừa vài chỏm tóc. Y phục của phụ nữ thì cũng đại khái như đàn ông…Có nhiều phụ nữ Nam Kỳ cũng rất đẹp, mặt tròn, hai mắt như nhung và xếch rộng ra, da màu lợt, dáng dấp mong manh như trẻ thơ, nhưng đặc biệt người phụ nữ Nam Kỳ ham mê nữ trang còn hơn cả phụ nữ Tây phương…
Nếu phải nhận định tính khí của một dân tộc qua nơi ăn chốn ở thì phải nói rằng người Annam dồn hết nổ lực vào nơi họ ở sau khi chết. Mồ mã của họ thật là rắc rối…nhưng nhà họ ở lại rất thấp, dơ bẩn và buồn thảm. Mái nhà nghiêng xuống thật thấp do đó bên trong tối om ngay cả giữa ban ngày, nhưng cũng nhờ thế mà trong nhà rất mát mặc dù ngoài trời nóng bức…
Người Nam Kỳ chỉ biết ngồi bên cạnh chiếc bàn gỗ thô sơ kê sát ngưỡng cửa, miệng đỏ lòm vì ăn trầu. Họ ngồi trong dáng điệu trầm ngâm khiến chúng ta liên tưởng đến các giống thú nhơi cỏ (herbivore)…
Người Nam Kỳ rất ôn hòa, dễ sai bảo mặc dù sức phản kháng của họ cũng rất mạnh. Họ dễ cong lưng vâng lời nhưng cũng đầy khả năng vươn thẳng dậy, họ suy tư, rụt rè nhưng khá vui vẻ…Họ ham vui chơi, khi làm có tiền là xài hết không cần kiệm như người Tàu. Họ không thích và không có khả năng về thương mại, do đó ruộng đất phì nhiêu của họ và việc buôn bán thì để mặc cho người ngoại quốc đến khai thác.
Đất Nam Kỳ miền Tây phì nhiêu, người dân có nhiều phương tiện để trở nên sở hữu chủ đất, dân làng cho nhau mượn trâu để làm việc, triều đình Huế cho vay tiền và ưu đãi nghề nông, do đó người Nam Kỳ có đời sống dễ dàng và không ai nghĩ đến việc di cư đi làm ăn nơi khác. Họ yêu mến đất đai của họ, đạo giáo và luật pháp cấm việc vượt biên, nên người ta không gặp một người Annam nào trên đất Tàu, Phi luật Tân, đảo Java hay Ấn Độ. Chính đó là những lý do trên khiến người dân Nam Kỳ không chịu đi làm cu li…Nhưng hình như mối ràng buộc của họ với đất đai chỉ là một mặt, bởi lẽ sau khi gặt hái xong, người nông dân trở thành người chèo ghe trên sông rạch, di chuyển khắp nơi trên đất Nam Kỳ. Trong một số trường hợp, vì sợ bắt làm nô lệ hay áp lực chính trị, họ có thể kéo nhau cả làng để ra đi, để lại một cảnh hoang tàn cho kẻ địch. Cách giải quyết như thế rất phù hợp với tính khí của người Nam Kỳ và không giống với bất cứ một dân tộc nào khác ở Á Châu.
Ở đất Nam Kỳ, con người trong đám đông không để lộ một cá tính nào cả, không ai tỏ ra hơn kẻ khác, không có sự ganh đua, có lẽ sự tôn thờ hoàng triều san bằng mọi con người. Người Nam Kỳ chiến đấu mạnh khi họ tin rằng họ có thể thắng, nhưng khi họ biết rằng họ thua thì họ chạy tán loạn như đàn chim vỡ tổ hay chui vào bụi rậm như con cọp, đối với họ không có gì nhục nhã. Cũng chính như vậy mà họ đã dùng lao chống lại súng đạn của quân ta trên đồng ruộng ở MỹTho. Ngoài cái can đảm của người Annam mà những người lãnh đạo can trường đã truyền dạy cho họ, ta còn biết được trong ấy có niềm tin dị đoan to lớn. Khi một đồng đội bị giết, họ liền mổ thây móc lấy trái tim còn thoi thóp mà chia nhau ăn ngấu nghiến rồi họ tiến lên bởi họ cho là họ có gan (nguyên văn : ils ont du gan). Truyền thống ăn gan khiến ta lầm tưởng đây là một dân tộc vô nhân đạo, nhưng ta có thể ngược lại khẳng định rằng người Nam Kỳ rất sợ cảnh máu rơi. Ở Âu Châu, giết người thường đi đôi với cướp bóc, trái lại bọn cướp ở Nam Kỳ chỉ lột sạch nạn nhân nhưng không giết, trước năm 1859, chưa chắc đã có đến ba vụ giết người trong một năm.
Người Nam Kỳ chấp nhận những khổ hình vào phút cuối với một thái độ trầm tĩnh đáng nể, không một cử chỉ nào, một lời nói nào cho thấy sự sợ hãi hay hèn nhát.
Người đàn bà Nam Kỳ được tự do hơn bất cứ nơi nào khác ở Á Châu. Người ta kể rằng ảnh hưởng của họ rất lớn ở làng xã. Nều có một người nông dân bị tù tội oan ức, người vợ sẵn sàng bồng con đến cổng quan mà khiếu nại, không ai cản được ý chí của bà ta. Ngoài đồng ruộng, trên sông nước, họ hát tay đôi với đàn ông, với giọng điệu kỳ diệu và tế nhị…
Người Nam Kỳ có thói ham mê cờ bạc cao độ. Những phu khuân vác do công binh ta mướn ở các công trường xây cất khi vừa lãnh lương được vài đồng tiền kẽm thì tụ lại đánh bạc, chơi chẳn lẻ. Trò chơi thật mau kết thúc, chỉ một thoáng là tất cả thua sạch, chỉ có một người thắng. Họ lại mượn lương của ngày hôm sau và tiếp tục cuộc chơi. Những người chuyên chở hàng hóa ở vùng sông MỹTho, khi ra đi trên những chiếc ghe đầy ắp hàng hóa, khi trở về thì thua hết vì cờ bạc chỉ còn cái chăn trên người. Những người Nam Kỳ ta thấy lúc nào cũng hối hả đem những gì họ vừa kiếm ra được để cờ bạc và hình như họ không tha thiết gì đến việc gìn giữ của cải để làm giàu và không ái ngại sống trong cảnh nghèo khó…» (Pallu, chapitre IX)
1.1.2- Henri Aurillac, một bác sĩ giải phẩu trong hải quân Pháp, đã mô tả cảnh vật và người Nam Kỳ như người Mọi, người Miên trong quyển hồi ký Cochinchine, Annamites, Moïs, Cambodgiens (xuất bản bởi Éditeur Challamel Aîné, năm 1870) như sau:
« Người Nam Kỳ là giống dân da vàng, đặc biệt có da màu đồng, lưỡng quyền nhô lên, mắt hí, mủi tẹt và môi dầy. Cả hai giới nam và nữ có cách ăn mặc không khác nhau lắm, đó là búi tóc và quần áo dơ bẩn che phủ một thân hình cũng nhớp nhúa, nhưng họ lại thích phủ trên lớp quấn áo dơ bẩn ấy những tấm lụa bóng láng mà họ rất tự hào…Thói quen ăn trầu khiến màu răng và nước trầu trông họ còn gớm ghiếc hơn và thói quen nầy tạo cho họ lắm bịnh về miệng và răng…
Dáng vóc nhỏ bé, càng nhỏ bé hơn với người phụ nữ, một người đã 20 tuổi mà trông như một thiếu niên 15. Sự kiện nầy được giải thích phải chăng bọn trẻ con Nam Kỳ hoàn toàn ăn không ngồi rồi, không cử động, không nhảy múa. Thú vui duy nhất của chúng là cờ bạc.
Người Nam Kỳ, tuy thông minh, nhưng lười biếng và ngạo mạn…
Nói chung, họ vui tính và vâng lời. Tuy bình thường họ không sùng đạo, không tha thiết với chuyện chính trị, nhưng khi bị khích động, họ bừng dậy và phấn đấu một cách mãnh liệt…
Tuy họ sinh sống bằng nghề nông, nhưng họ bị khai thác bởi người Tàu trước khi chúng ta đến hợp lực khai thác. Tuy người già trên 50 tuổi rất ít, nhưng tôi vẫn thấy có người sống lâu hơn. Người phụ nữ thường chết sớm hơn đàn ông vì họ phải chịu những cực khổ của sinh đẻ và phụ với chồng những công việc đồng áng và những công việc nặng nhọc giống như của người đàn ông…
Thức ăn của họ chỉ là gạo, nước uống là nước sông, kinh rạch và rượu, đó là lý do khiến cơ thể họ không phát triển và hay ốm đau. Khi chúng ta du nhập bánh mì, họ vẫn ăn ngấu nghiến, nhưng họ vẫn trở về với thức ăn cổ truyền của họ là cơm và nước mắm. Họ lại là giống dân thích ăn đường và chất ngọt…
Nếu người Nam Kỳ ăn uống không đầy đủ, chỗ ở của họ còn thô sơ hơn. Người nghèo có thể ngủ bất cứ ở đâu, trên chiếc chiếu hay trên mãnh ván ở giữa trời, do đó họ mặc cùng một thứ quần áo ngày đêm, và cũng vì vậy mà họ dơ bẩn, bị nhiều bịnh về da…
Hút thuốc lá liên miên là thói quen của người Nam Kỳ, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Say rượu là chuyện thường tình. Nhiều người hút á phiện do người Tàu mang đến…
Tuy họ không thích đàn, nhưng họ thích hát và diễn kịch. Nhạc khí của người Việt rất ít, chỉ là chiếc trống hòa theo tiếng hát làm chát chúa tai nếu không kể thêm cây đàn violon Tàu 2 dây và cái ống sáo. Những nhạc sĩ của chúng ta đã đến trình diễn cho họ xem 10 năm rồi mà họ vẫn không bắt chước được một câu hát. Tôi nghĩ có lẽ vì họ thiếu cơ hội để khai thác năng khiếu nên chúng ta phải giúp họ phát triển đời sống và nghệ thuật…
Tôi sẽ thiếu sót khi chấm dứt nếu không kể đến những lối trừng phạt của người Nam Kỳ như roi, gậy, treo cổ, chém đầu thực là khủng khiếp. Tôi không thể nào miêu tả hết các cực hình nầy nhưng có điều là họ thích được treo cổ hơn bởi lẽ họ tin rằng khi chết mà cái đầu lìa khỏi cái xác thì linh hồn họ sẽ sống trong địa ngục…» (Aurillac. Chapitre Annamite, p. 35-54)
1.1.3- Trong một quyển hồi ký khác của nhà thiên nhiên học (naturaliste), Albert Morice (1848-1877) viết năm 1872 với tựa là Voyage en Cochinchine đã mô tả dân Nam Kỳ với một giọng điệu còn miệt thị hơn, xem dân Nam Kỳ như một sắc dân lạc hậu, rừng rú. Chúng tôi xin trích dẫn vài đoạn:
«… Những thú vui nho nhỏ của một nhà thiên nhiên học như tôi không làm cản trở tôi nghiên cứu một đề tài khác quan trọng hơn mặc dù ghê tởm hơn (répugnant), đó là nghiên cứu về người Nam Kỳ (nguyên văn là : Annamites, chúng tôi hiểu là qua hồi ký, có đôi chỗ tác giả muốn tổng quát hóa là người Việt Nam qua những quan sát trên người Nam Kỳ).
Cái cảm giác đầu tiên của một người ngoại quốc khi nhìn thấy dân tộc nầy là một sự ghê tởm tột độ. Cái gương mặt phẳng phiu, chẳng có chút nào phản ứng, cái mủi lẹp và cặp môi vảnh lên, đỏ choét và đen xì vì ăn trầu, chẳng giống gì hết cái quan niệm thẩm mỹ của chúng ta.
Đó là một giống dân thấp bé, chúng ta cao sức vóc hơn họ rất nhiều, hoặc vì bẩm sinh của họ, hoặc vì họ thiếu vệ sinh. Về bản tánh, có thể so sánh với bọn nô lệ, dốt nát, lười biếng, sợ sệt…Một cách tổng quát, dân tộc nầy vô cảm với nghệ thuật, âm nhạc của họ thì buồn chán không hợp chút nào với chúng ta và chắc chắn họ chẳng hiểu gì âm nhạc của chúng ta, họ không biết khoa điêu khắc, thơ phú thì nghèo nàn và không biết nhảy múa. Kiến thức văn chương chỉ gom tụ lại vài chữ nho, còn khoa học thì tốt hơn đừng nói đến. Cách ăn uống của họ không vệ sinh, họ uống nước dơ bẩn ở hồ ao, cùng lắm là lọc với chút phèn, thức ăn thì chỉ có cá ít nhiều tươi, nước mắm, dưa leo và một vài trái cây lặt vặt…Quần áo của họ thì chỉ rời cơ thể họ khi rách nát, họ mặc không đủ ấm nên những buổi sáng tháng 12, tháng giêng họ run lập cập, do đó trẻ con chết nhiều vì sưng phổi và sưng ruột. Nhà cửa của họ thì hoặc là các chòi lá, hoặc cất theo lối nhà sàn trên bùn đất, nhưng nói chung bẩn thỉu…Cách đi của họ rất lạ kỳ, đàn ông lẫn đàn bà đều đi chàng hãng và cách họ ngồi chồm hổm trông thật mệt nhọc đối với chúng ta…
Người Annam chỉ có hai thứ tuổi : hoặc là trẻ con, hoặc là người già, tuổi trẻ của họ kéo rất dài nhưng tuổi già của họ thật ngắn. Người già làm dáng với chiếc áo dài và khăn đóng, đi đứng ra vẻ bệ vệ với cây dù và chiếc quạt, miệng luôn ngậm điếu thuốc xệ ở môi dưới và họ chỉ nhả ra khi họ khạc xuống đất hay thay thuốc xỉa. Họ tiếp tục uống rượu nhiều hơn khi trẻ…
Nếu người đàn ông Nam Kỳ không mấy đẹp, còn người đàn bà Nam Kỳ thì sao ? Trừ một thiểu số vợ của các nhà tai mắt thì duyên dáng với nước da trắng trẻo, còn đa số phụ nữ Nam Kỳ xấu xí, da mặt sần sùi, môi vảnh lên và đỏ vì nước trầu. Người phụ nữ Việt Nam có tướng đi rất xấu, hai tay đánh đàng xa và thân mình quay trái quay phải luôn. Tính họ lông bông, rất thich cờ bạc và đôi khi ăn cắp…
Một số người Annam được chánh phủ ta tuyển vào quân đội được gọi là lính tập (nguyên văn : linhtaps). Họ mặc quân phục như lính của ta, và do sĩ quan ta điều khiển. Thật là khôi hài khi trông thấy mấy anh lính tập nhỏ bé nầy vừa hãnh diện vừa khó khăn trong bộ quân phục, nhất là đôi giày là một thứ cực hình cho họ và họ tháo bỏ đôi giày ngay khi có thể được. Họ có nhiều tự ái nên không muốn cho người Tây Phương rầy họ, nhưng nói chung họ là những người lính ngoan ngoản, nhưng điều khó khăn nhất là bắt họ phải cắt bộ tóc um tùm của họ.
Một loại lính Việt thứ hai là mả tà (Matas) là lính phục vụ cho các quan hành chánh của chúng ta. Họ mặc quần coton trắng, đi chân không, áo xanh có viền vàng, nịt một sợi dây nịt to bản trong đó họ đựng thuốc hút và trầu, đầu đội một cái nón nhỏ che búi tóc. Họ được trang bị súng mousquetons, đứng gác trước các công sở, và một số tín cẩn được cho làm cai, đội, và thơ lại (les tholaï). Những hạ sĩ quan nầy nịnh chủ đến độ cởi giày cho chủ…» (Morice. Chapitre 3,4)
Với những nhận định về trình độ lạc hậu, rừng rú của người Nam Kỳ/Việt Nam qua những mô tả như trên, thực dân Pháp đã áp dụng chánh sách khai hóa trên dải đất mà họ hoàn toàn làm chủ từ năm 1859 đến 1945. Chúng tôi thiết nghĩ, mặc dù là một thứ chiêu bài, và với tinh thần trịch thượng lẫn chủ tâm trục lợi, thực dân Pháp cũng thành khẩn trong việc «giáo hóa» dân Việt Nam mà họ xem là thiếu văn minh như Jules Ferry đã tuyên bố năm 1885 là nhiệm vụ của các dân tộc ưu việt là giúp đỡ các dân tộc nhược tiểu thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu : « le devoir des races supérieures est d’aider les races inférieures à sortir de leur barbarie » (Devillers, tr. 476)
1.2- Khai hóa vật chất : thiết lập hạ tầng cơ sở
Khi vừa chiếm được Saigon, Pháp đã nổ lực biến Saigon thành thủ phủ của Nam Kỳ, bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở, xây cất công thự, công viên như các thành phố Tây Phương với ý định biến Saigon không phải chỉ là trung tâm của một thuộc địa khai thác kinh tế mà còn là thuộc địa di dân. Để biểu tỏ điều nầy, ngay từ năm 1865, đô đốc De La Grandière, người khai sáng chế độ thuộc địa Nam Kỳ đã đem cả gia đình sang định cư ở Saigon và ông đã phải trả giá cho hành động gương mẫu nầy là vợ ông chết 3 năm sau đó vì mắc bịnh và ông cũng phải từ chức vì sức khỏe do phong thổ khí hậu của VN.
Ý định phát triển Saigon đã được phát biểu trong phiên họp ngày 18-9-1879 của Hội Đồng Thành phố Saigon như sau : « Saigon đóng một vai trò quan trọng không phải chỉ về phương diện nếp sống của dân chúng mà còn trên bình diện cả thuộc địa và tổ quốc. Saigon là thủ đô của quốc gia vì ở đây có chính quyền trung ương, các cơ quan chỉ huy hải lục quân, tập trung các cơ sở cung cấp dịch vụ, có tòa án, không những tòa án cho Nam Kỳ mà cho cả Cao Miên, Ai Lao. Saigon là hải cảng duy nhất mà mọi loại tàu chiến và tàu buôn đều có thể ra vào, sẽ là nơi tập trung tất cả những chuyển vận hàng hóa và ngoại thương» (Nguyễn Văn Trung)
Trước khi người Pháp đến, địa hình Saigon gồm một khu đất cao ở phía Bắc chạy dài từ lũy thành Saigon đến Mã Ngụy (Ngả Sáu bây giờ) là nơi cư ngụ của giới phú hộ, còn dân chúng sống chen chúc ở vùng đất thấp dọc theo các con kinh và rạch Bến Nghé ở phía Nam.
Pháp cho đào đất ở vùng địa thế cao đem lấp các vùng đầm lầy, đất trũng và chỉ trong hai năm, địa thế Saigon đã thay đổi hẳn, các đường đất hẹp gồ ghề ở phía Bắc được thay thế bằng các con đường bằng phẳng và khu đất thấp gần sông, sau khi được tháo nước và lấp đất đã trở thành những con đường rộng, thẳng tấp (đường Charner / Nguyễn Huệ; đường Bonard /Lê Lợi, Boulevard de la Somme / Hàm Nghi). Chỉ trong 3 thập niên, Pháp đã hoàn thành các dinh thự, công thự, thiết lập khu vực cư trú và cai trị cho người Pháp ở Thành phố Trắng (Cité blanche) mà con đường Catinat và khách sạn Continental là trục chính. Số công thự và nhà cửa cho người Pháp gia tăng lũy tiến : 40 nhà năm 1862, 108 nhà năm 1864, 200 nhà năm 1865 và 427 nhà năm 1866. (Devillers, tr. 212).
Trong công cuộc thiết lập hạ tầng cơ sở, kiến trúc, Pháp đã du nhập kỹ thuật thiết kế đô thị và nghệ thuật Tây Phương, kể cả việc nhập cảng vật liệu và đưa các nhà trang trí từ Pháp sang giúp. Một vài thí dụ.
Dinh Toàn Quyền (dinh Norodom, dinh Độc Lập) xây cất trong 5 năm, hoàn thành năm 1873, có mặt tiền dài 80m, mái mansard theo kiểu tân baroque; Nhà Hát Tây (trụ sở Quốc Hội thời VNCH), dinh Xã Tây (Tòa Đô Chính) theo phong cách Đệ tam Cộng Hòa Pháp, giống như Tòa Thị chính Paris; dinh Thống Đốc Nam Kỳ (dinh Gia Long) xây xong năm 1864 phỏng theo kiến trúc của Bảo Tàng Viện hội họa Munich; Tòa Án, Bưu Điện, theo kiểu Phục Hưng; nhà thờ Đức Bà (khánh thành năm 1880, với kinh phí 2,5 triệu quan, chuyên chở vật liệu từ Pháp sang), nhà thờ Tân Định theo kiểu romanesque với vòng cung trên cửa sổ; nhà thờ Huyện Sĩ, nhà thờ Cha Tam theo kiểu Gothique với các cửa có dạng cung gãy.
Ngoài các dinh thự, công thự tân kỳ, kiên cố, và nhà cửa đường phố được xây cất theo kế hoạch, người Pháp đã khai hóa đô thị Saigon với việc trồng cây xanh ven theo vĩa hè.
Kể từ năm 1873, các đường phố Saigon được làm thêm vĩa hè cho người đi bộ và cây xanh được trồng dọc theo lề đường. Tại khu Thành phố Trắng, dọc theo các đường Bonard, Charner, Catinat phần lớn là cây me, cây sao, tổng cộng 22 500 cây các loại trên đường và các công viên khu nầy (Franchini. 1992. p.35) được trồng cách nhau 5m. Trên các con đường khác, ngoài cây me còn có cây bàng, cây phượng. Sau vài chục năm, cây cối ven đường mọc um tùm, ẩm thấp nên có đề nghị phải chặt bớt và gây ra sự tranh luận. Trong biên bản một phiên họp tháng 6 năm 1912, một hội viên của Hội Đồng thành phố Saigon đã phát biểu :
«…Tôi không biết các ông có thấy những tấm hình chụp từ nóc nhà thờ Đức Bà hay không, cảnh đập vào mắt là một khu rừng thực thụ vì người ta chỉ thấy toàn là cây cối. Thành phố Saigon đang sống trong một khu rừng, vừa ẩm ướt, vừa không có ánh mặt trời rọi xuống đường sá. Có thể nói là một số con đường không bao giờ khô ráo trong suốt tám tháng liền trong năm, người ta ngửi thấy một thứ không khí của rừng già, vốn chắc chắn sẽ làm sinh sôi đủ mọi thứ mầm mống dịch bịnh truyền nhiểm. Điều nầy hiển nhiên là trái ngược hoàn toàn với vệ sinh …»
Kết quả là Hội Đồng đồng ý cho chặt bớt, và khoảng cách trồng cây từ đó là 10 m, chớ không phải là 5 m như trước. (300 năm TP Saigon, chương 3).
Song song với việc đô thị hóa thành phố Saigon, chánh quyền thuộc địa cũng đô thị hóa các tỉnh, thiết lập các cơ sở cần thiết cho bộ máy hành chánh. Đa số kế hoạch kiến trúc gần như giống nhau tại 21 tỉnh : dinh tham biện (tỉnh trưởng) là tòa nhà to nhất trong tỉnh nằm trên con đường lớn nhất thường quay mặt ra bờ sông, chung quanh là Tòa Bố (Tòa Hành Chánh), Tòa Án, Khám Lớn, Đồn Binh, Kho Bạc, Trường Học, Nhà Thương.
Khai hóa là để khai thác kinh tế và muốn khai thác kinh tế, Pháp cần thiết lập nhanh chóng hệ thống chuyển vận hàng hóa đường thủy và đường bộ.Về đường thủy, các kinh rạch được vét sâu hơn, đất sông đem lên đấp làm bờ. Thương cảng Saigon hoạt động ngay từ năm 1860.
Để dễ dàng cho tàu bè ra vào sông Saigon, hải đăng Cap St-Jacques cao 8m xây trên một vùng đất cao 139m, có tầm nhìn 28 dậm khánh thành năm 1862. Năm 1864, công binh xưởng Ba-Xon được mở trên bờ thương cảng để sửa chửa tàu bè và đóng các tàu loại nhỏ.
Về đường bộ, các đường phố trong nội thành Saigon được phát triển theo một kế họach rõ ràng : đường chính rộng 40m, đường cấp 2 rộng 20m, có vĩa hè rộng 2m và mỗi bên có một hàng cây; đường cấp 1 có vĩa hè 4m và mỗi bên có hai hàng cây. Các bến sông cũng có các con đường chính rộng 40m. Các đường quốc lộ nối liền Saigon với các tỉnh và giữa các tỉnh, các cầu sắt và béton cốt sắt, và các đường xe lửa cũng được cấp tốc thiết lập như đường xe lửa Saigon-MỹTho dài 70km (1881-1885), đường Saigon-Nha Trang dài 409 km (1906-1913). Ngày 2-10-1936, đường Xuyên Việt Saigon-Hanoi dài 1730 km được khánh thành.
Từ 1900 đến 1935, Pháp đã sử dụng 145 triệu quan để lập đường xe lửa và 45 triệu quan để mở mang đường sá (Nguyễn Thế Anh, tr. 179).
Để khai thác tiềm năng nông nghiệp và chuyên chở nông sản, Pháp cũng sớm lo phát triển hệ thống đường thủy nối liền Saigon đi miền Tây.
Chỉ trong 10 năm (1880-1890), Pháp đã cho đào được 2 triệu m3 đất kinh rạch, gia tăng thêm 170 000 mẫu đất canh tác (trung bình cứ đào 12 m3 đất thì được một mẫu ruộng canh tác). Ngoài những con kinh nhỏ được nới rộng, vét sâu hơn để nối liền với các rạch và sông lớn, phải kể đến những con kinh lớn nhỏ mới đào, tạo thành hệ thống chuyển vận huyết mạch trong đời sống xã hội và kinh tế cho các tỉnh vùng Tiền Giang-Hậu Giang.
Kinh Xà No : là công trình thủy lợi sớm nhất và lớn nhất ở Nam Kỳ với kinh phí 3,6 triệu quan thực hiện hơn 2 năm (1901-1903) gia tăng thêm 30 000 mẫu đất canh tác ở vùng Cần Thơ. Lễ khánh thành do Toàn quyền Đông Dương chủ tọa có đoàn ca vũ nhạc từ Saigon xuống.
Kinh Rạch Giá-Hà Tiên dài hơn 80km chạy dọc theo bờ biển nồi liền với các kinh phụ như kinh Tri Tôn (31km), kinh Ba Thê (40km), kinh Tam Ngàn để rút nước úng thủy và gia tăng diện tích khai thác đến 200 000 mẫu.
Hệ thống kinh giữa sông Tiền và sông Hậu được đào trong vòng 7 năm (1904-1911) như kinh Lấp Vò, Mân Thít, kinh Cổ Chiên, kinh Ba Xuyên- Thạnh Lợi.
Hệ thống kinh vùng MỹTho, Tân An, Đồng Tháp Mười tổng cộng dài 80km được thực hiện trong những điều kiện cực kỳ khó khăn trong vùng hoang vu, phải tiếp liệu lương thực, nước uống cho phu đào kinh.
Tuy người dân quê nhọc nhằn cực khổ trong công cuộc đào kinh khẩn hoang, nhưng kết quả đã khiến miền Tây có thêm đất cày, phát triển kinh tế.
Một người nghiên cứu Cộng Sản, vốn thâm thù thực dân, cũng đã công nhận :
«Tính đến năm 1936, Pháp đã đào được 1360 km kinh chính, 2500 km kinh phụ với kinh phí lên đến 58 triệu đồng. Công bằng mà nói, với hệ thống kinh đào được thực hiện trong khoảng 80 năm ở Nam Kỳ, người Pháp đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Diện tích đất canh tác được mở rộng không ngừng, đồng nghĩa với sản lượng lúa mỗi ngày một tăng, hình thành nên thị trường hàng hóa nông nghiệp. Giao thông vận tải cũng phát huy hiệu quả qua hệ thống đường thủy. Đó là những tiền đề quan trọng giúp cho việc phát triển sản xuất đời sống và bảo đảm an ninh lương thực của cả nước ở một vựa lúa lớn nhất nước » (Nguyễn Thanh Lợi.)
Trong vòng nửa thế kỷ (1880-1937), diện tích trống lúa tăng lên 420% (1880 : 522 000 mẫu; 1937 : 2, 2 M mẫu), số lúa xuất cảng tăng lên 545% (1880 : 284.000 tấn; 1937 : 1,5M tấn), số dân tăng 260% (1880 :1,7M dân, 1937 : 4,5 M) (Nguyễn Thế Anh, tr. 181).
Nói tóm lại, nếu chánh sách của chế độ thực dân Pháp là khai thác kinh tế và bóc lột dân Việt Nam, đặc biệt sắt máu ở Nam Kỳ, trong gần một thế kỷ cai trị, nếu phải kể cái di sản của Pháp đáng được ghi nhớ, chính là công trình khai hóa kỹ thuật, thiết lập các hạ tầng cơ sở, các công trình thủy vận, và các công trình kiến trúc mà hơn nửa thế kỷ sau khi người Pháp ra đi, các công trình nầy vẫn còn hữu dụng.
1.3 Chánh sách đồng hóa
Song song với công cuộc khai hóa vật chất, thực dân Pháp cũng gấp rút khai hóa tinh thần người Việt để khiến họ quên đi gốc nguồn, đào tạo lớp người thừa hành và nhân công cần thiết cho guồng máy hành chánh và khai thác kinh tế. Trong giai đoạn 20 năm đầu, thời kỳ Soái phủ với các đô đốc cai trị (1859-1879), Pháp đã áp dụng lúc ban đầu chế độ liên hiệp để lấy lòng giới sĩ phu và dân chúng, nhưng Pháp đã gặp phải sự chống đối mãnh liệt, nhiều cuộc nổi dậy võ trang, dân chúng hoặc không tuân theo mệnh lệnh, hoặc lánh xa khiến người Pháp phải thay đổi chính sách trực trị cứng rắn từ năm 1880, bắt đầu từ thời Le Myre de Vilers, viên thống đốc dân sự đầu tiên của Nam Kỳ.
1.3.1- Mở trường Pháp Việt
Ngay sau khi chiếm xong Gia Định, năm 1861, Pháp đã mở trường thông ngôn Collège annamite - français d’Adran để dạy cho người Việt học tiếng Pháp và người Pháp học tiếng Việt. Kỳ thi Hương năm 1861 bị bãi bỏ, kỳ thi năm 1864 được tổ chức tại huyện Vĩnh Định, tỉnh An Giang (Cần Thơ bây giờ) là kỳ thi chót. Cùng năm 1861, tại Saigon, tờ Công báo của đoàn Viễn chinh Pháp (Bulletin officiel de l’Expédition de l’Indochine) viết bằng tiếng Pháp ra đời, tiếp theo là tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng quốc ngữ xuất bản năm 1865.
Sau hòa ước Giáp Tuất (1874), chữ nho lần lượt bị bãi bỏ ở trường học. Năm 1878, thống đốc Nam Kỳ Louis Lafont ban hành nghị định theo đó kể từ đầu năm 1882, tất cả các công văn và giao dịch với chánh quyền đều phải viết bằng mẫu tự La-Tinh, có nghĩa là chữ Pháp và chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức của Nam Kỳ. Để chuẩn bị cho việc áp dụng chánh sách nầy, ngày 17-3-1879, Pháp thành lập Sở Giáo dục công cộng tại Saigon (Service de l’instruction publique) và đưa ra chương trình giáo dục Pháp -Việt ở bậc tiểu học gồm 6 năm theo đó 3 năm đầu học chữ nho, quốc ngữ và Pháp và 3 năm sau chỉ học chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
Thực ra, Pháp còn giữ lại chữ quốc ngữ trong chương trình học chỉ là giai đoạn tạm thời tiến đến việc Pháp hóa toàn diện bởi lẽ chữ quốc ngữ cũng sử dụng mẫu tự La Tinh. Tuy nhiên, việc mở rộng dạy chữ quốc ngữ trong các trường học ở Nam Kỳ đã gặp trở ngại vì chánh quyền Pháp không đủ tiền để mở các trường học ở các làng xã (phần lớn mỗi tỉnh lỵ chỉ có một trường tiểu học và trường trung học đầu tiên ở Nam Kỳ là Collège de Mỹtho thành lập năm 1879).
Năm 1907, trong một phiên họp của Hội đồng quản hạt, một nghị viên người Việt đã phát biểu : « Ba phần tư làng ở Nam Kỳ không có một học trò nào khi tốt nghiệp trường làng mà biết đọc chữ quốc ngữ và biết làm bốn phép tính. Chữ nho thì đã bị bãi bỏ từ lâu, thầy đồ thì đã bỏ nghề dạy học vì cha mẹ không muốn gởi con đến học phải trả tiền. Nhưng điều đáng tiếc là các trường dạy chữ quốc ngữ thì rất thiếu ở các làng nên trẻ con Annam không được dạy dỗ gì cả, do đó trẻ con trở nên ngu dốt và mất dạy. Càng trầm trọng hơn, ngay cho những đứa trẻ đi học chữ quốc ngữ cũng rất mất dạy vì chúng chỉ được học chữ nghĩa mà không học được đạo lý bởi lẽ những kiến thức về đạo lý chỉ có trong sách chữ nho là những thứ mà người Pháp muốn xóa bỏ vì nó không phù hợp với văn hóa Pháp…(G. Taboulet, p.584 ).
Ngoài vấn đề ngân sách, việc phát triển các trường Pháp-Việt còn gặp một trở ngại tâm lý là những người nhà giàu sợ cho con đi học rồi bị Pháp đem về bổn quốc nên không cho con đi học hay tìm con nhà nghèo thay thế.
Nam Kỳ Địa Phận số ngày 22-7-1909 có đăng một mẫu tin như sau : « Tao dốt cũng đành vì hồi đó Tây chưa qua chưa có lớp nhà trường như bây giờ. Qua tới đời mầy, lúc đó Lang Sa đã lấy Nam Kỳ rồi, đây có lớp nhà trường, lại ép ai có con phải cho đi học, cơm áo nhà nước ban cấp, sách vở bút mực khỏi mua, khỏi tốn mà hồi đó tao sợ cho mầy đi học, họ bắt đem về Tây mất nòi cho nên tao để cho mày chịu dốt, cái đó thì lỗi tại tao. Nay bây giờ mầy có một con trai tuổi cũng trượng rồi, vậy phải cho nó đi học đặng nó biết một hai chữ, có cái tờ cái khế, có nó coi khỏi mượn ai. » (Nguyễn Văn Trung)
Ngoài ra, để đào tạo các cán bộ trung thành cho nền hành chánh thuộc địa, Pháp cũng đã cấp học bổng cho các học sinh ưu tú tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat sang Pháp hay Alger du học, nhưng nhiều người cũng không hưởng ứng. Trong số những người trở về có con của Tổng Đốc Phương tốt nghiệp trường St- Cyr năm 1890 và Bùi Quang Chiêu đậu kỹ sư nông học ở Alger năm 1897.
Trong những điều kiện như vậy, chính sách đồng hóa ngôn ngữ và văn hóa của Pháp đã không thành công, mà hậu quả các trường học ở Nam Kỳ không phát triển.
Ngay tại Saigon, số học sinh trung học và tiểu học (kể cả học sinh Pháp và Tàu) vào năm 1883 chưa đến 3000 như ở : Collège Chasseloup-Laubat (Trường «Bổn Quốc» : 293), Collège d’Adran (151), École municipale (Trường «Sở Cọp», gần Sở Thú : 98)Institution Taberd (58), École de Bình Hòa (143), École de Chơlớn (135 học sinh Việt), École chinoise de Cholon (212 học sinh Tàu), các trường tiểu học ở vùng phụ cận (1828 nam sinh, 126 nữ sinh) (Địa dư chí TPHCM, tập 2, tr.708). Năm 1904, trên toàn cỏi Nam Kỳ chỉ có 17 000 học sinh trường công và 9 500 học sinh trường đạo Thiên chúa. (Devillers, p.466).
1.3.2 - Khai hóa xã hội
Chỉ không đầy nửa thế kỷ, với sự tiếp cận văn hóa Pháp, diện mạo Saigon và các thành phố Nam Kỳ đã biến hóa thành một xã hội Tây Phương.
a) Giai cấp mới
Sự du nhập kỹ thuật và nhu cầu theo lối sống Tây Phương đã sớm phát triển những ngành nghề cũ và mới, tạo nên một giai cấp tư sản công nghệ gồm càc chủ hãng xưởng như nhà máy làm gạch, cưa cây, làm đường, xay lúa, nhà in… hay các công ty buôn bán lớn nhỏ. Khi thế giới chiến tranh thứ nhất bùng nổ, vì người Pháp bận lo chiến tranh, giới tư sản nầy có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, tạo nên một giai cấp tư bản Việt Nam, có một nếp sống thị dân như người Pháp. Họ gởi con du học và những người trở về mang theo kiến thức và tư tưởng tự do Tây Phương. Nhiều nhà cách mạng chính trị hay canh tân quốc gia xuất phát từ giới nầy.
Cuộc khai khẩn đất hoang ở miền Tây và sự hợp tác giữa thực dân và điền chủ đã hình thành một giai cấp mới ở nông thôn là giới đại điền chủ. Những giao dịch thương mại và giao tế xã hội với người Pháp, người Hoa và người Ấn đã đưa ánh sáng «văn minh» Tây phương về nông thôn. Mặt khác, sự bần cùng hóa của nông dân với sự bốc lột của giới điền chủ và nạn cường hào ác bá cùng với sự phát triển công kỹ nghệ ở thành phố đã thành hình sau thế chiến I một giai cấp công nhân trong đó sự tham gia của phụ nữ trong các sinh hoạt kinh tế và xã hội ở thành phố đã góp phần trong việc bình đẳng hóa nam nữ.
Ngoài ra, những chương trình canh tân của các nhà tây học yêu nước cấp tiến, như Gilbert Trần Chánh Chiếu chẳng hạn cũng góp phần trong việc thay đổi một số phong tục thí dụ như cách ăn mặc gọn gàng, cắt tóc ngắn theo người Tây phương, giảm bớt những nghi lễ rườm rà trong quan hôn tang chế, bải bỏ dị đoan mê tín, chống cờ bạc, hút nha phiến, để làm cho đời sống thích nghi hơn với môi trường sống mới với cái tốt và cái xấu của văn minh Tây Phương.
b) Giới đầu gà đít vịt (tête de poulet, cul de canard)
Philippe Franchini, con của Mathieu Franchini, chủ nhà hàng Continental, và một người mẹ Việt,con gái của đốc phủ Lê Văn Mầu là lãnh chúa của Cù Lao Năm Thôn ở Mỹtho là điển hình cho giới đầu gà đít vịt. Hơn ai hết trong số người Pháp ở Việt Nam, ông là người biết tường tận ngọn rau cọng cỏ của quê mẹ ông và trong hơn 10 tác phẩm viết về lịch sử VN, đặc biệt trong Continental Saigon và Saigon 1925-1945, ông đã viết vế quê mẹ ông với tấm lòng và suy nghĩ. Qua hai tác phẩm nầy, ông đã mô tả thân phận cô đơn và sự dằng co của một đứa con lai giữa hai văn hóa Pháp - Việt, của cha ông bị đồng hương dèm xiểm và ganh tị vì lấy phụ nữ Việt (les encongayés, les niaque nghĩa là nhà quê), hạnh phúc và bất hạnh của người Việt lấy Tây (Me Tây : nguyên văn), của gia đình ông ngoại của ông, một mặt bốc lột, bắt nạt dân quê, một mặt nịnh bợ thực dân để có danh có lợi nhưng trong lòng vẫn khinh dễ và chống đối thực dân. Lúc trẻ thơ, từ Saigon ông về nghỉ hè ở cù lao Năm Thôn, sống hồn nhiên với các trẻ VN cùng lứa tuổi nghèo nàn, thất học, ông đã cảm thông cho cái thân phận của người Việt trong chế độ thực dân. Ông viết :
«Sans savoir encore que les Vietnamiens appelaient les métis «dau ga dit vit», tête de poulet, cul de canard, je ressentis très tôt l’inégalité des conditions et l’isolement dans lequel me plongeait cette belle maison propre et ordonnée, alors que dehors tant d’enfants de mon âge vivaient dans la liberté de la poussière et de la boue» (Franchini, 1995. p. 21).
Bởi lẽ khách sạn của ông (ông thay cha ông quản lý khách sạn sau khi cha ông về Pháp, cho đến năm 1975) là nơi gặp mặt của dân «Thành phố Trắng», ông thấy rõ hết bề mặt và bề trái của chế độ thực dân, những sa đọa, những mưu chước tranh chấp và nhất là sự phân chia giai cấp giữa người Pháp với nhau. « Một ông chủ hãng không ở cùng một khu phố với một hạ sĩ quan hay một công chức ngạch thấp …Sự phân chia giai cấp không phải chỉ do tiền của và ngạch trật, mà còn trầm trọng hơn khi sự có mặt càng lúc càng nhiều của các bà vợ từ Âu châu sang !! Năm 1930 tại Saigon có 12 000 người Âu trong khi hồi đầu thế kỷ chỉ có 4000. (Franchini, 1992, p.43).
Tuy cái cộng đồng nầy chỉ chiếm 1% dân số, nhưng Saigon sống dưới sự thống trị và ảnh hưởng của «Thành phố Trắng».
Sự ngăn cách giữa người Việt và người Pháp thì càng rõ rệt hơn. Trong Thành phố Trắng chỉ có hai giới được lui tới, đó là giới làm tạp dịch mà họ gọi là bồi, bếp, tài xế, và một thiểu số nhà giàu, nhà quyền thế người Việt. Nếu giới bồi bếp gần gũi với « monsieur patron et ba dam patronne» (nguyên văn) để làm các công việc tạp dịch, một số ít nhà giàu người Việt hoàn toàn ly cách với người Pháp dù ở chung trong khu phố. Họ biết thân phận họ, không bao giờ dám bước chân đến Continental, dù vợ của chủ nhân là một người Việt, và Cercle sportif , dù không có bảng ngăn cấm, họ vẫn biết là câu lạc bộ chỉ dành cho các quan cai trị người da trắng.
Với người phụ nữ VN, chuyên đi vào thành phố da trắng là cấm kỵ. Nếu trên đường Catinat, thỉnh thoảng bắt gặp một người đàn ông Việt Nam vận âu phục chỉnh tề, hay một anh, một chị Chà Và với chemise và sarong, thì chuyện một người phụ nữ VN đi một mình trên đường Catinat là chuyện thật khó coi, không chấp nhận được. (Franchini, 1992, p. 49-51)
Tinh thần phân chia giai cấp xã hội mà người Pháp mang đến VN từ năm 1859 tiếp diễn trong suốt thời gian cai trị cho đến lúc họ ra đi năm 1954 là cái di sản độc hại đã hằn sâu thêm tinh thần phân chia giai cấp văn hóa của người Việt thừa hưởng của người Tàu.
Sự kỳ thị văn hóa chỉ là tiền đề cùa kỳ thị chũng tộc. Trong thời kỳ thuộc địa, xã hội Nam Kỳ có 3 hạng người : người Pháp, giới trung lưu người Việt và giới công nông.
Trong số người Pháp, sự phân cấp rõ ràng dựa vào cấp bậc và tài sản. Thế hệ con lai Pháp bị xem rẻ rúng. Philippe Franchini đã mô tả sự tủi nhục của ông khi ông bà ngoại ông từ Mỹtho lên Saigon đến trường đón ông trong chiếc xe Peugeot lộng lẫy có phủ rèm. Ngày hôm sau, các bạn hỏi ông:
« - Qui c’était la vieille Annamite qui t’embrassait hier ? (Bà già Việt Nam nào hôm qua ôm hun mầy)
- C’était ma grand-mère (Bà ngoại tao)
- Ta grand-mère est Annamite? Mais alors, tu n’es pas Français (Bà ngoại mầy người Việt Nam? Như vậy mầy không phải là người Pháp),
- Si, je suis Français. Mon père est Français 
(Tao là người Pháp, cha tao là người Pháp)
-Non, tu n’es pas Français. Tu es un métis! (Không mầy không phải người Pháp, mầy là người lai)
Ils se mirent à rire. Je rougis…Désormais, je craignais que mes grands-parents ne viennent m’y chercher, je n’osais plus m’affirmer à moi-même que j’étais Français.(Chúng nó cười rộ lên. Tôi đỏ mặt. Từ nay, tôi sợ ông bà ngoại tôi đến trường đón tôi, tôi không dám tự nhận với chính tôi, tôi là người Pháp) » (Franchini, 1992p. 75)
Trong số người trung lưu Việt Nam phải kể giới trí thức như bác sĩ, luật sư, giáo sư, một số công chức ngạch trật cao cho chánh quyền.
Một số rất ít người vừa có học, vừa giàu được xem như giới thượng lưu Việt Nam, thỏa hiệp với chánh quyền thuộc địa trong chánh sách cai trị, trong đó phải kể thêm giới đại điền chủ. Vào năm 1939, tại Việt Nam có 6 800 đại điền chủ, trong đó Nam Kỳ chiếm 6 300 người. (Nguyễn Thế Anh, tr. 250)
Về điểm nầy, tưởng cũng nên bàn về chánh sách chia để trị. GS Nguyễn Văn Trung, nguyên khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon, trong thiên nghiên cứu Lục Châu Học (chưa xuất bản, trên internet namkyluctinh.org) đâ có ý kiến là ông không tìm thấy một văn kiện nào về chánh sách chia để trị của người Pháp mà các sách sử VN hay viện dẫn. Ông cho là sự phân chia Nam Trung Bắc chỉ vì yếu tố địa lý, chính trị và văn hoá. Theo ông thì :
«Vì sự khác biệt giữa các miền về khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… đưa đến việc coi Nam Kỳ là thuộc địa và Bắc, Trung là bảo hộ đã được nói đến nhiều, chúng tôi không cần nói thêm, nhưng về mặt văn hóa ít được nói đến, chúng tôi xin trích dẫn một vài nhận định của người Pháp về văn hóa, về con người ở hai miền Nam Bắc biện minh cho chính sách thuộc địa và bảo hộ. Ở miền Bắc, vùng đất cũ, làng xã khá chặt chẽ, con người đã gắn chặt với nền văn minh đó nên rất khó thay đổi được nền văn minh này bằng nền văn minh Pháp. Không thay đổi được thì phải tôn trọng nó và lợi dụng sự tôn trọng đó về mặt chánh trị. Đó là ý nghĩa của chánh sách bảo hộ. Trái lại, miền Nam là vùng đất mới, những người lưu dân đến cư ngụ không còn giữ được những truyền thống xưa cũ một cách chặt chẽ, họ lại là người tứ chiếng (Việt trà trộn với Miên-Tàu), do đó có thể tác động vào những cấu trúc văn hóa lỏng lẻo nầy để thay thế chúng bằng văn hóa Pháp. Đó là cơ sở của chánh sách đồng hóa và thuộc địa được áp dụng ở Nam Kỳ». (Nguyễn Văn Trung, Chương 9).
Nếu theo luận cứ của GS Trung, hiện tượng chia rẻ mà người Pháp đã áp dụng ở VN, đặc biệt ở Nam Kỳ không phải là một sản phẩm chính trị, mà là một đặc tính của dân tộc Pháp đã du nhập vào Việt Nam. Cứ nhìn sự phân chia giai cấp của người Pháp trên chính nước Pháp ngày nay thì rõ.
c) Thú vui, giải trí mới
- Về nghệ thuật : sự tiếp xúc với văn hóa Pháp đã phát hiện và phát triển một số nhu cầu mới về thú vui, giải trí. Ngành hát bội được cải biến thành cải lương dựa theo nhu cầu thẫm mỹ, cách trình diễn, trang trí sân khấu mà các ban ca nhạc kịch của Pháp hàng năm đến trình diễn 6 tháng vào mùa hè tại nhà Hát Tây. Sinh hoạt ca kịch dần dần đến nông thôn với các tuồng tích xây dựng theo nội dung mới là một xúc tác mạnh mẽ trong sự biến đổi suy tư và tâm lý của dân quê.
- Những trò chơi thể thao mới được du nhập, ngoài tác động về sức khỏe và giải trí còn là một phương tiện để ru ngủ người dân xa lánh những phong trào chống đối người Pháp.

Phần 2. Khai thác

Như tất cả các chánh sách thực dân, Pháp chiếm Việt Nam là để khai thác tài nguyên đem về bản xứ.
2.1. Sưu cao thuế nặng
Ngày 10-01-1863, chánh phủ ra nghị định là ngoài chi phí về quân sự, Soái phủ Nam Kỳ phải tự túc về mọi chi phí cai trị. Một hệ thống thuế khóa mới được tổ chức để thực thi quyết định nầy.
2.1.1 - Mở mang thương cảng Saigon
Không phải chờ đợi có nghị định, ngay từ 1860, Compagnie des Messageries impériales đã ký kết với các tàu buôn trên đường chuyển vận từ kinh Suez đến Hong Kong được cập bến hải cảng Saigon. Cũng trong năm nầy, thương cảng đã tiếp nhận 246 tàu, trong đó có 111 tàu từ Âu châu mang đến nửa triệu quan thuốc phiện và một triệu quan hàng hóa các loại và chở đi 53 593 tấn gạo trị giá hơn 5 triệu quan và 1 triệu quan hàng hóa khác. Cuộc hải trình Marseille - Saigon trước kia mất 13 tuần qua Cap Bonne-Espérance nay chỉ còn 32 ngày khi đi qua kinh Suez, gia tăng thêm số tàu bè từ các nơi đến Saigon.
Thương cảng Saigon là một mối lợi lớn cho nước Pháp. Năm 1920, số tàu buôn xuất nhập là 1500 tàu, tăng lên 1800 tàu năm 1930 và 2000 tàu năm 1939. Saigon đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của đế quốc Pháp. (Nguyễn Thế Anh, tr.181)
2.1.2- Tịch thu nhà đất và bán đấu giá
Khi thành lập thành phố Saigon, nhà và đất bị truất hữu theo nghị định ngày 20-02-1872. Đất được chia ra từng lô trên họa đồ, nhà cửa, đất đai bị truất hữu và được bán lại. Nếu người chủ không đủ tiền mua lại hay không kịp thời khiếu nại vì giặc giả phải xiêu tán, nhà và đất bị mất. Để phóng đường và xẻ kinh hay cất công thự, thân nhân phải hốt cốt mồ mã trong vòng 15 ngày. (Sau năm 1975, Cộng Sản còn tinh vi hoá hơn chính sách cướp nhà cướp đất của nhân dân)
2.1.3 - Bán và cho công thổ
Gọi là công thổ, những đất hoang hay đất có chủ theo bằng khoán thiết lập từ đời Tự Đức mà không khai khẩn hay không khai báo với nhà nước sau khi đăng trong công báo 3 tháng thì trở nên vô thừa nhận thuộc về chánh phủ.
Nhà nước bán với giá 10 quan một mẫu (năm 1865) hay phát không cho người có công. Thực dân Pháp đã ngang nhiên cướp đất của dân. Sau đây là một trường hợp điển hình trong muôn một.
Cù lao Năm Thôn là vùng trù phú ở MỹTho trên đó đã có dân cư sinh hoạt tại 5 xã (5 thôn). Chiến tranh khiến dân chúng bỏ chạy, Pháp đem cấp 300 mẫu cho Taillefer biến thành một giang sơn riêng của y. Dân làng trở về phải làm tá điền, bị bốc lột bởi công ty Taillefer nên họ chống đối, lại bỏ đi và không trả nợ, Taillefer khánh tận bán đất lại cho Tổng đốc Trần Bá Lộc, sau để lại cho gia đình đốc phủ Lê Văn Mầu là ông ngoại của Philippe Franchini.
2.1.4- Thuế điền và thuế than
Dưới thời Tự Đức, thuế điền được đánh bằng hộc lúa (60kg) cho mỗi mẫu ruộng hạng nhất. Người Pháp nay bắt đóng bằng tiền. Một hộc lúa trị giá trước đây độ 4 quan, nay phải tăng lên 5,5 quan cộng với 0,3 quan tiền công thu thuế. Thực ra, Pháp bắt làng thu thuế rồi đem nộp cho chánh phủ thay vì như trước đây, các điền quan đi thu thuế từng người dân. Đó là một phương thức vừa tiết kiệm được nhân viên, vừa bắt chẹt các làng phải đóng một số thuế quy định, do đó xảy ra nạn cường hào ác bá ở thôn quê và người dân phải đóng thuế theo ý muốn của làng xã.
Về thuế thân, mỗi người dân phải đóng từ 1,20 đến 1,50 quan mỗi năm, gia tăng dần nếu cộng cả tiền sưu (thuế để thay những ngày không đi làm sưu dịch) có thể lên đến 12 quan. Tổng số thuế thu được năm 1864 là 6 291 000 quan và tăng lên 14 triệu quan năm 1874.
Măc dù so với số thuế khi xưa dân đóng cho triều đình tương đương với 3 triệu, nay tăng lên đến 14 triệu, vậy mà thống đốc Luro vẫn cho là chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu mới vể hành chánh, « rất bác học cho một dân tộc nghèo». (Devillers, tr. 215)
Ngoài ra, Pháp còn đặt ra các loại thuế khác như thuế muối, thuế rượu, thuế nha phiến, gọi chung là thuế công quản là một món lợi khổng lồ. Các loại thuế này tăng dần mỗi năm.
Năm 1911, tổng số thuế Pháp thu về là 4,8M đồng; năm 1920 : 6,2M, 1930 :10M ( Nguyễn Thế Anh, tr. 158).,/p>
Sơn Nam, một nhà văn và nghiên cứu về Nam Bộ đã mô tả về đời sống cơ cực của người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ như sau:
«Hai gánh nặng cho người dân là thuế thân và xâu (sưu). Lúc ban đầu, thuế thân được quy định đồng đều là 1 đồng một năm và một số tiền gọi là bách phân phụ trội cho ngân sách tùy theo năm để cho ngân sách được quân bình chi tiêu. Ngoài ra, mỗi người phải chịu 5 ngày làm xâu, có thể chuộc bằng tiền (nếu không đi làm) lại còn phụ thâu về thủy lợi, về rừng, tổng cộng chung tất cả vào đầu thế kỷ mỗi người khoảng 5 đồng. Giá lúa lúc ấy là vài cắc một giạ, một đứa chăn trâu suốt năm chỉ lãnh được 10 đồng. Tuy nhiên, thuế thân và tiền xâu có nơi lại quá cao thí dụ làng Vĩnh Hòa Hưng ở Rạch Giá lên đến 8 đồng 3 xu năm 1914. Do đó, nhiều tá điền không có tiền để đóng và khi bị làng khám xét bọn trốn xâu lậu thuế, họ chạy ra đồng hay vào rừng mà trốn. Nếu bị bắt vì trốn thuế thân thì bị phạt 5 ngày tù và 15 quan phạt vạ. Khi mãn tù thì phải đóng thuế, nếu không tiền thì đi làm cu li để lấy tiền mà trả nợ. Gặp năm mất mùa, người tá điền không đóng đủ địa tô (lúa ruộng) và thuế thân thì đành phải bỏ làng trốn sang làm ăn ở xứ khác, đổi tên họ, làm ruộng lưu động và tiếp tục cuộc sống trốn tránh. Ngoài thuế thân, việc làm xâu là một cực hình của người dân, khi đào kinh, làm đường nhiều tuần mà phải đem theo ky, vật dụng làm việc và thức ăn, nhà nước không cấp phát gì cả. Đó cũng là những dịp để dân làng bỏ trốn…» (Sơn Nam. Chương 2.)
Về địa tô tức lúa ruộng mà tá điền đóng cho điền chủ thì tùy theo sự thỏa thuận giữa đôi bên. Thông thường, điền chủ thâu 80% số lúa gặt hái được. Trung bình đất tốt được 1 600kg lúa mỗi mẫu, đất xấu khoảng 1000kg. Với nhu cầu cho mỗi người để ăn là 200kg, không kể để làm rượu, chăn nuôi, thì tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm ăn chơi trong mấy ngày Tết rồi ra giêng thì bắt đầu vay nợ mới và cuộc đời cứ thế xoay vần.
2.2 Khai thác cao su
Ngoài sưu cao thuế nặng, cao su là một tài nguyên quan trọng trong công cuộc khai thác kinh tế của Pháp từ đầu thế kỷ tại Nam Kỳ.
Cao su nguyên gốc ở Ba Tây (Brésil), đầu tiên được Jean-Louis Pierre, một nhà thực vật học người Pháp đem trồng thử ở Vườn Bách Thảo Saigon năm 1877, nhưng không thành công. Sau đó, năm 1897, toàn quyền Paul Doumer cho trồng tại vườn thực nghiệm Ông Yệm ở Bến Cát (Thủ Dầu Một), nhưng phải chờ đến cuộc thử nghiệm thành công của Yersin rồi người Pháp mới chính thức khai thác tại Nam Kỳ từ năm 1904.
Cao su thích hợp với vùng đất basalte ở miền Đông Nam Kỳ, vì lẽ Pháp có đem ra miền Bắc trồng ở vài nơi nhưng năng suất rất kém vì đất đai và khí hậu không thích hợp.
Việc khai thác cao su ở Nam Kỳ là một mối lợi lớn cho tư bản Pháp để thỏa mãn nhu cầu cao su trên thế giới. Năm 1918, Pháp sở hữu một diện tích đất 185 000 mẫu ở Nam Kỳ trong đó có 7000 mẫu dùng trồng cao su. Trong ¼ thế kỷ, số diện tích canh tác tăng gấp đôi và sản lượng tăng lên gấp 20 lần
1920 : 70 000 mẫu đồn điền; 3 000 tấn cao su
1930 : 80 000 mẫu đồn điền; 8 000 tấn cao su
1940 : 97 300 mẫu đồn điền; 58 000 tấn cao su
1945 : 138 400 mẫu đồn điền; 77 400 tần cao su
Đồn điền cao su ở miển Đông Nam Kỳ tập trung trong tay 5 đại công ty của Pháp như:
Công ty Đồn Điền Đất Đỏ (Plantation des Terres Rouges gọi tắt là SPTR) là công ty hỗn hợp Pháp-Bỉ, lớn nhất ở VN tập trung ở vùng Quản Lợi, Xa Trạch, Xa Cam, Biên Hòa, Bà Rịa, lan qua cả Cao Miên có đến 420 000 nhân viên (1914 đến 1945), có vốn khổng lồ, trang bị cả phòng thí nghiệm riêng.
Công ty cao su Đông Dương (Société indochinoise des plantations d’hévéas, gọi tắt là SIPH) ở vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, thu dụng 350 000 nhân công ở khắp nơi được mộ về (1914-1945). Công ty rất mạnh nhờ vốn của Ngân Hàng Đông Dương, Công ty Đông Dương Thương Mại và Tài Chánh (SICAF) và nhờ kỹ thuật khai thác khéo léo. Công ty có 10 000 mẫu và sản xuất mỗi năm 10 000 tấn.
Công ty các đồn điền Michelin ( Société des plantations et pneumatiques Michelin au Viet Nam) đặt trụ sở ở Thủ Dầu Một sản xuất cao su và có nhà máy làm vỏ xe đạp, vỏ xe hơi tại chỗ. Vào năm 1945, Michelin chiếm 7% diện tích đồn điền và 11% sản lượng cao su trên toàn cỏi Đông Dương. Michelin là công ty nổi tiếng hà khắc với nhân công, là nơi xuất phát nhiều cuộc tranh đấu, đình công chống chủ nhân.
Công ty Viễn Đông (Société des caoutchoucs d’Extrême-Orient (CEXO), trụ sở đặt tại Paris khai thác vùng Lộc Ninh, Bù Đốp thu dụng hơn 200 000 nhân công (1925-1954)
Công ty cao su Đồng Nai ((Le Caoutchouc Dona, viết tắt là LCD) trụ sở cũng ở Paris, hoạt động ở vùng Trãng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng.
Ngoài các đại công ty do Pháp làm chủ còn có độ 60 đồn điền cao su nhỏ, diện tích trên dưới 100 mẫu của người Việt là những công kỹ nghệ gia như Trương Văn Bền hay các công chức trung cấp thân Pháp như quan tòa Đỗ Hữu Trí, Đốc phủ Đoàn Hữu Trung... Các đốn điền nầy không phát triển và không cạnh tranh được với đồn điền của Pháp vì thiếu vốn (trung bình phải 7 năm cao su mới bắt đầu cho mủ),thiếu thế lực bởi lẽ các khu rừng cao su thường là bãi chiến trường trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt và các đồn điền nhỏ của chủ nhân Việt Nam thường bị tàn phá, dội bom trước tiên.
Từ khi khai thác cao su ở Nam Kỳ, số xuất cảng cao su ở Nam Kỳ đã chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng số hàng xuất cảng ở Đông Dương: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 : 18%, năm 1939 : 27,4%. Trong vòng 10 năm (1928-1939) trị giá cao su xuất cảng đã tăng lên gấp 7 lần, từ 11 triệu quan năm 1928 lên đến 96 triệu năm 1939.
Chánh sách bóc lột và đàn áp nhân công tàn nhẩn hiện rõ trong việc khai thác đồn điền cao su. Năm 1939, 19 công ty cao su Đông Dương lời được 309 triệu quan, trong khi số lương trả cho nhân công chỉ 40 triệu (Huỳnh Lứa, tr. 81). Bị bóc lột và đói khổ, nhân công bỏ trốn đồn điền quay trở vế quê, (chỉ trong năm 1926 có đến 4484 phu bỏ trốn) do đó nhu cầu mộ phu ở khắp nơi Trung Nam Bắc là vấn đế cấp thiết.
Bởi lẽ được trả từ 10 đến 20 đồng cho mỗi phu mộ được, chánh sách cưỡng ép, bắt bớ tạo thêm căm hờn, bạo động mà điển hình là vụ ám sát tên mộ phu tàn ác René Bazin năm 1929 đã khiến hơn 200 đảng viên Quốc Dân Đảng bị bắt giam và 76 người bị cầm tù.
Des Rousseaux trong một báo cáo mật gởi cho Toàn Quyền Đông Dương đã viết:
«Người nông dân chỉ chấp nhận rời khỏi làng đi làm việc nơi khác là khi nào họ bị đói. Do đó phải đi đến kết luận lạ lùng cho phương thuốc thiếu nhân công [ở đồn điền] là phải bần cùng hóa nông thôn, rút bỏ các khoản trợ cấp, hạ giá nông sản...» (Huỳnh Lứa, tr. 23).
Nếu chánh sách sưu cao thuế nặng ở đồng ruộng miền Tây đã tạo thành một nồi thuốc súng thì chánh sách bóc lột sức lao động, đàn áp các cuộc chống đối của phu đồn điền ở miền Đông là ngọn lửa căm thù khơi ngòi các cuộc nổi dậy. Đồn điền cao su là lò đào tạo các nhà cách mạng yêu nước chống thực dân, nhưng bằng mưu chước xảo quyệt, đảng Cộng Sản đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để sau khi chiến thắng, áp đặt một chế độ thực dân mới trong đó nhiều phu đồn điền xưa đã trở nên những người lãnh đạo trong chánh quyền Cộng Sản.

Kết luận

Từ con số 4 triệu quan, chi phí theo ước tính của đô đốc Fourichon năm 1857 để đánh chiếm Nam Kỳ cho đến 700 triệu quan vàng, chi phí thật sự mà Pháp đã phải trả để chiếm được Việt Nam, Pháp đã tận tình khai thác và bóc lột kinh tế VN và thu về chính quốc hàng trăm, hàng ngàn lần số chiến phí mà Pháp đã bỏ ra. Sau gần một thế kỷ cai trị (1860-1954), máu và mồ hôi nước mắt của dân quân VN đã đổ ra trên các đồng lúa, trên các đồn điền, trên các sông rạch để phục vụ cho chế độ thuộc địa và sau đó để đánh đuổi thực dân giải phóng quê hương.
Không ai có thể vô lương tri và mù quáng binh vực cho chế độ thực dân, nhưng nếu dùng 600 trang sách để chỉ tuôn ra toàn những lời nguyền rủa, nhào nặn ra những danh từ thô lỗ nhất, ngôn từ tượng thanh, tượng hình nhất về hận thù, khích động nợ máu, xuyên tạc sự kiện lịch sử thì chỉ có « sử gia » loại như Trần Văn Giàu, chủ tịch của nhiều hội sử học của Việt Nam Cộng Sản mới làm được.
« Chống xâm lăng: lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898» của Trần Văn Giàu là điển hình cho kho sử liệu được viết lại với những sự kiện man trá, lý luận thiên vị Cộng Sản trắng trợn, cổ súy hận thù.
Chúng ta hãy đọc lời nói đầu của tác giả:
« Cơ sở lý luận và phương pháp của công trình nghiên cứu mà hôm nay chúng tôi xin trình bày cho bạn đọc là những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê:
-Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản (Mác và Angghen)
- Tư bản luận (Mác)
- Đế quốc chủ nghĩa, thời kỳ cuối cùng của tư bản chủ nghĩa (Lê-nin)
- Vấn đề dân tộc (Stalin)
- Bàn về cách mạng Trung quốc (Mao Trạch Đông)
-Bàn về cách mạng VN của Trường Chinh.....»
 (Trần Văn Giàu, tr.10)
Và sau đây là một đoạn văn tiêu biểu trong 600 trang sử của tác giả đã có 60 công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực lịch sử, tư tưởng.
« Trường nầy [trường thông ngôn] do cha Croc và cha Thu phụ trách. Rồi chính bọn du côn vô loài, vô học, bập bẹ ba chữ Tây nầy sẽ đẻ ra những tên quan to như phủ Ca, huyện Sĩ....tàn nhẩn khét tiếng. Nếu đọc tờ báo Le Courrier de Saigon lúc đó, ta sẽ thấy vô số thông ngôn hãm hại đồng bào, cướp của, giật ruộng, ăn hối lộ, tàn sát, nhân dân bất bình, cho đến nỗi có khá nhiều lần, ngay bọn Pháp (đã chia phần sư tử với đám thông ngôn kia) cũng phải đưa ít đứa vào tù hay đi Côn Lôn để che miệng thế gian...
Bọn tay sai của địch đều là những tên côn đồ, vô loại, chữ nghĩa chẳng có gì....
...Bọn thực dân lập thêm sáu trường dạy tiếng Pháp do hạ sĩ và lính săng đá làm hiệu trưởng và giáo sư » (Trần Văn Giàu, tr. 242-43).
Ông Trần Văn Giàu chắc «vô tư» không biết những lãnh tụ, đồng chí của ông cũng hành động còn tàn tệ hơn «bọn» thực dân (ông Giàu không biết chữ nào khác ngoài chữ nầy) như đốt sách, cướp đất, cướp nhà (tất cả các công thự, nhà cửa của «bọn» nầy, các ông từ ngoài Bắc và trong rừng vào tịch thu để vừa ở, vừa nuôi heo, nay thì sang nhượng lại cho tư bản đỏ), các người cán bộ ngu dốt còn hơn lính săng đá của Pháp mà ông miệt thị được các ông bổ nhiệm làm viện trưởng, thủ trưởng... Những tên thực dân nón cối trắng, giày trắng mà ông chửi là quân cướp nước thì chẳng khác gì những người nón cối vàng dép râu, những Bonard, Charner thì chẳng khác chi những Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Lê Chí Thọ... Nếu người Pháp khi xưa khác máu tanh lòng mà các ông nguyền rủa với tất cả kho tàng ngôn ngữ của các ông thì hôm nay cùng là một nhà một gốc mà các ông còn cư xử tệ bạc hơn, căm thù hơn, thì có ngôn ngữ nào để mô tả các ông? Khi xưa, Gabriel Aubaret còn biết quý trọng văn hóa Việt Nam, đem dịch Lục Vân Tiên, Gia Định Thành Thông Chí ra tiếng Pháp, Luro nghiên cứu tổ chức chánh trị và xã hội VN (Le pays d’Annam: étude sur l’organisation politique et sociale des Annamites - Paris:1878, 252p.) thì hôm nay, tìm đâu ra trong hàng ngũ lãnh đạo và văn công các ông một người (chỉ một người thôi) biết trân quý di sản văn hóa Việt Nam không marxiste. Việc đốt sách và cầm tù các nhà văn miền Nam VNCH còn tàn tệ hơn chánh sách đồng hóa của « bọn thực dân khát máu» mà trong lịch sử chỉ có Tần Thủy Hoàng, Pol Pot và các ông mới dám làm mà thôi.
Đọc «Chống xâm lăng» và các tài liệu sử học của các đỉnh cao trí tuệ các ông, người đọc không tránh được nỗi thất vọng và niềm bi phẩn khi thấy lịch sử Việt Nam đã bị các ông viết lại, bóp méo sự kiện lịch sử với văn phong thù hận, ngôn từ hạ cấp đối với người không cùng chiến tuyến với các ông, nhưng lại ngông nghênh huyễn hơặc với đảng và lãnh tụ.
Nói về hậu quả xấu và tốt của chế độ thực dân Pháp thì quá nhiều, nhưng cái hậu quả bi đát nhất của chế độ thực dân đã để lại là cuộc chiến tranh giành độc lập của dân Việt Nam đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam phản bội để áp đặt một chánh sách khai hóa và khai thác mới, tuy phương thức có khác, nhưng bản chất cũng nghiệt ngã như thời thuộc địa.
Philippe Devillers, một sử gia am tường Việt Nam đã đặt một câu hỏi làm cái tựa cho thiên nghiên cứu sử học của ông: Français et Annamites: partenaires ou ennemis? (Người Pháp và người Việt, bạn hay thù ?).
Qua hơn 500 trang giấy, phần lớn rút từ các tài liệu quý trong văn khố, ông không có câu trả lời dứt khoát.
Đối với người Việt có chút suy tư và tinh thần công chính, không nhất thiết thân Pháp hay thân Cộng, thái độ có lẽ cũng như Philippe Devillers, tuy mức độ có khác.
Ai trong chúng ta không chứng kiến cảnh đàn áp, bóc lột của thực dân để không mang mối hận thù. Tuy nhiên, khi nhìn lại tất cả các cựu thuộc địa của Pháp sau khi giành được độc lập, miền Nam (VNCH) đã tìm ngay được tiềm lực và sinh lực xây dựng một quốc gia. Cái sinh lực ấy, một phần là do tâm thức và ý thức của người Việt đã được un đúc và trưởng thành trong thời gian bị trị, nhưng phần khác, cũng do ý muốn khai hóa của người Pháp. Đồng ý rằng những công thự, những hạ tầng cơ sở là do sự đóng góp mồ hôi và xương máu của người Việt , nhưng nếu không nhờ ý chí, trí lực và vật lực của thực dân, Saigon không thể là Hòn Ngọc Viễn Đông và nửa triệu mẫu đất hoang vu miền Tây vẫn còn tiếp tục úng thủy.
Chỉ cần đan kể, nhà thờ Đức Bà, đẹp và lớn nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ hoàn toàn do vật liệu chở từ Pháp sang và hệ thống 5000 km kinh đào lớn nhỏ ở miền Tây sẽ không phát triển như hiện nay nếu không có sự tiếp tay của các chuyên viên và máy móc của Hảng Xáng Đông Dương.
Thực dân Pháp đã khai thác bóc lột Phi Châu trong thời thuộc địa mà để lại rất ít cơ cấu cho dân Phi Châu tự lực nên nửa thế kỷ sau khi thực dân ra đi, Phi Châu vẫn còn đói, chậm tiến về kinh tế. Với Việt Nam, thực dân Pháp có khai thác, bóc lột nhưng lại có đầu tư và người Việt Nam vẫn thụ hưởng được ít hay nhiều (tùy lãnh vực, tùy cảm nhận) những đầu tư nầy.
Về văn hóa, nếu chánh sách đồng hóa đã đào tạo một lớp công chức thừa hành người Việt để làm công cụ cho nền hành chánh thuộc địa, và nếu những cải tổ giáo dục nhằm hướng dẩn người Việt Nam theo kịp văn hóa và nếp sống Tây Phương đã không đạt được ý muốn trọn vẹn, những toan tính nầy cũng đã đem lại cho nhiều thế hệ tiếp nối biết gạn lọc cái hay cái đẹp của văn hóa Tây phương để có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng quốc gia khi độc lập. Những cán bộ cao cấp và trung cấp làm nền tảng cho chế độ VNCH là những người đã trưởng thành trong cái nôi văn hóa Tây Phương mà thực dân Pháp đã góp phần truyền bá trực tiếp hay gián tiếp. Chính cái di sản văn hóa nầy đã hài hòa với văn hóa cổ truyền Đại Việt để trong đó 20 triệu dân quân miền Nam trong 20 năm đã xây dựng một quốc gia dân chủ, tuy không hoàn thiện, nhưng đủ đảm bảo cho người dân những quyền tự do để rồi năm 1975, bằng bạo lực và lừa dối, Cộng Sản đã từ miền Bắc và rừng rú tràn vào cưỡng chiếm quốc gia nầy, khai hóa văn hóa và khai thác kinh tế quốc gia nầy theo chủ thuyết Cộng Sản.
Montréal, Canada.
Tài liệu tham khảo chính yếu:
- Léopold Augustin Charles Pallu de Barrière. Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861. – Paris : Librairie Hachette &Cie, 1864.
- Henri Aurillac. Cochinchine, Annamites, Moïs, Cambodgiens.- Paris : Éditeur Challamel Aîné, 1870. - Albert Morice. Saigon récit - Paris : Magellan &Cie, 2007. (Texte intégral ayant pour titre : Voyage en Cochinchine, publié en 1875 dans Le Tour du Monde)
- Georges Taboulet. La geste française en Indochine. - Paris: Maisonneuve, 1956.
- Philippe Franchini. Saigon 1925-1945 : de la Belle Colonie à l’éclosion révolutionnaire. – Paris : Éditions Autrement, 1992.
- Philippe Franchini. Continental Saigon.- Paris : Métaillé, 1995.
- Philippe Devillers. Français et annamites, partenaires ou ennemis ?- Paris : Denoël, 1998.
- Samuel P. Huntington. Le choc des civilisations. –Paris :ÉditionsOdile Jacob, 1997.
- Philippe Héduy. Histoire de l’Indochine, la p erle de l’Empire 1624-1954.- Paris : Albert Michel, 1998.
- Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Saigon : Lửa Thiêng, 1970.
-Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897) . Paris : Tác giả xb, 1995. (dịch từ : Les débuts de l’installation du système colonial français au Viet Nam).
Địa dư chí TPHồ chí Minh. Tập 2. – TPHCM: Nxb TPHCM, 1998.
- Trần Văn Giàu. Chống xâm lăng: lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. - TPHCM : Nxb TPHCM, 2001.
- Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang miền Nam. –TPHCM: Nxb Trẻ, 2002. - Huỳnh Lứa. Lịch sử phong trào công nhân cao su VN. – TPHCM : Nxb Trẻ, 2003.
- Nguyễn Thanh Lợi. Tạp chí Xưa &Nay, số 286, số 6, 2007.
- Nguyễn Văn Trung. Lục Châu Học.
(http://namkyluctinh.org


Nguồn: http://dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan04/subpages/nc_cskhaihoa.html

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen