Seiten

Mittwoch, 20. Mai 2015

VNPRESS-lịch sử báo chí Việt Nam (6)

NHỮNG ‘KỲ BIẾN’ TRONG LÀNG BÁO ĐẦU THẾ KỶ 20

Về cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây. Bên cạnh những thể loại cũ, một số thể loại mới xuất hiện, tạo nên những "kỳ biến" trong làng báo đầu thế kỷ XX.
Trong một thời gian khá dài ở chặng khởi đầu, tính không chuyên nghiệp là một đặc điểm lớn đã chi phối tất cả mọi hoạt động của nền báo chí non trẻ nước ta. Điều hiển nhiên trước nhất là chúng ta chưa có một đội ngũ nhà báo thực thụ. Thế chân những người lẽ ra cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp đó là các nhà văn, những người cũng sử dụng phương tiện chữ viết nhưng lại theo một lối tư duy khác.
Phương tiện hoạt động của các tờ báo cũng thiếu thốn, chắp vá, chủ yếu dựa trên sự cung ứng nhỏ giọt từ nhà nước bảo hộ (trừ những tờ báo thân chính phủ). Các toà soạn cũng chưa có một cơ cấu hoàn chỉnh và hợp lý, phần nhiều do một vài người "xúm lại" (chữ của Vũ Trọng Phụng) cùng làm với niềm yêu thích công việc và không ít ngẫu hứng, tuỳ tiện. Nhiều tờ báo vẫn hoạt động trong khuôn khổ một nhà xuất bản, vừa ra báo vừa ra sách...
Trong một cái nhìn chung nhất, người ta thấy lúc đó, cách làm báo không mấy khác với cách làm văn chương và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề thể loại của báo chí: Phần lớn các nhà báo xuất thân từ văn nhân, học giả hoặc những người ôm mộng văn chương khoa cử, đã viết báo bằng những kinh nghiệm của viết văn và hầu như không có khái niệm rõ ràng về các thể loại báo chí.
Đó là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu đã định danh một cách tương đối chính xác là văn - báo bất phân (tương đối - vì thực tế chưa hẳn như vậy. Chẳng hạn ngay khi làm tờ báo tiếng Việt đầu tiên từ năm 1865, Trương Vĩnh Ký đã đưa ra một tiêu chí về cách viết "trơn tuột như lời nói" để phân biệt với lối viết biền ngẫu và đầy rẫy điển cố của văn chương khi đó. Tuy nhiên, ý thức là một chuyện nhưng làm được đến đâu lại là chuyện khác!).
Tình trạng chung trên đây được cải thiện dần theo sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà báo tân học, chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp, đặc biệt là đến những năm 30 của thế kỷ XX. Họ tiếp thu những kinh nghiệm từ báo chí phương Tây và phần nào từ báo chí Trung Hoa, hoặc được đào tạo từ chính môi trường báo chí Pháp, nhằm tìm kiếm những phương cách nâng cao chất lượng các tờ báo tiếng Việt mà họ chủ trương, với mơ ước đạt tới sự bình đẳng nghề nghiệp với những tờ báo tiếng Pháp do chính người Pháp thực hiện tại Đông Dương.
Có thể tạm coi thời điểm 1929 với sự xuất hiện của tờ Đông Tây - "một tờ báo được làm như Tây" - số đông người làm báo mới có dịp ngỡ ngàng nhìn lại những gì mà họ và các nhà báo đi trước đã làm với các tờ báo tiếng Việt, và họ muốn có những thay đổi về phương diện nghề nghiệp.
Nói cho đúng thì từ 1908, trong Văn minh tân học sách, các trí thức mẫn thời và có tinh thần cởi mở trước văn minh phương Tây đã ý thức được báo chí như một phương tiện văn hoá hiện đại mang tính đặc thù nghề nghiệp cao, nhưng họ vẫn chủ yếu dừng lại ở lý thuyết mà khi ấy còn thiếu một dẫn chứng sinh động như trường hợp Đông Tây và Hoàng Tích Chu. Có nhà nghiên cứu đã coi hiện tượng Đông Tây như một cuộc cách mạng nghề nghiệp trong công việc làm báo ở nước ta, một nhận xét có chút "phong thần" nhưng không phải là không có lý.
Những thành công bước đầu đó - chủ yếu do lớp nhà báo trẻ khởi xướng - đã có tác động tới đông đảo các nhà báo và các tờ báo khác, dần làm thay đổi diện mạo của một nền báo chí còn non trẻ và từng bước góp phần chuyên nghiệp hoá nghề báo ở nước ta.
Trong quá trình vận động có ý thức đó, các thể loại trên báo chí Việt Nam đã có khuynh hướng tách dần khỏi sự phong tỏa của các thể loại văn học, chúng trở thành những thể loại riêng biệt của báo chí. Nói một cách chung nhất, yếu tố thông tấn đã được đặt ở vị trí hàng đầu trong những thể loại đó.
Tin tức - thể loại sống còn của báo chí - đương nhiên xuất hiện sớm nhất. Đây là thể loại hoàn toàn mới với cả người viết lẫn người đọc. Từ thời Nam kỳ địa phận (1883), người ta đã biết đưa tin giật gân trên tờ báo của nhà thờ để mở rộng sức mua của người đọc (sự việc con gà chọi móc nhầm cuống họng ông chủ khi ông này đang há miệng cho nó ăn trước khi vào một cuộc đá gà ở Huế, ông chủ - vốn là quan trong triều - đã thiệt mạng).
Càng về sau cách thể hiện tin tức càng trở nên đa dạng; có tin sâu, tin kèm bình luận, tin chuyển thành biếm họa thời sự (cây vợt da đen số một của Pháp vào giải chung kết Hải Phòng trên Đông Tây, Tản Đà kiếm sống bằng bói số Hà lạc trên Phong Hoá...), tin ảnh kèm theo lời bình ngắn gọn (loại phi cơ chiến đấu mới của Đức trên Đông Dương tạp chí, quân Nhật khôn ngoan trả lại Trương Học Lương đồ đạc đã tịch thu trên Đông Tây...).
Bình luận, có thể coi là một phái sinh của tin tức khi nó lấy sự kiện làm hạt nhân, xuất hiện trên khắp các mặt báo. Bút chiến, một phía phát triển khác của bình luận nhưng với một lối tư duy nặng về lập luận chặt chẽ và một văn phong "đáo để", làm nên bản sắc của nhiều cây bút và nhiều tờ báo.
Phỏng vấn đã đi một bước dài, từ chỗ chỉ có một giọng văn viết của người hỏi và người đáp trên những tờ Lục tỉnh tân văn, Nam Phong... đến sự tách bạch của văn nói giữa phóng viên và nhân vật trên những tờ Thời vụ, Đông Tây... đã đem đến rất nhiều thú vị cho bạn đọc vốn chỉ quen thưởng thức văn chương.
Để lại dấu vết văn học nhiều nhất, "báo mà như văn", có lẽ là thể loại xã thuyết và một thể loại nữa được gọi chung là bài báo. Ở thể loại trước, người ta vẫn quen với cách bố cục và diễn đạt của một bài văn có những diễn giải đôi lúc rềnh ràng; ở thể loại sau, với những nội dung chủ yếu có màu sắc văn hoá, khảo cứu, học thuật, người ta rất dễ sử dụng các thủ pháp văn chương mà vẫn thấy ý tưởng được trình bày trọn vẹn (hầu như các nhà văn khi viết báo đều có những tác phẩm kiểu như vậy, đó là những tác phẩm có dung lượng không lớn nhưng rất khó phân định thể loại, mặc dù nó được viết ra với ý định để in trên mặt báo.
Sự chuyển dịch không dễ dàng nhưng ngoạn mục từ văn học sang báo chí, chính là các thể loại vốn có ranh giới mong manh giữa hai loại hình lấy văn tự làm phương tiện này: tiểu phẩm, ký sự, phóng sự, phóng sự điều tra, thường được "rút gọn" thành hai thể loại tiểu phẩm và phóng sự.
Tiểu phẩm có gốc gác từ thể loại tạp văn của văn học, một thể loại vốn được các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn phương Đông ưa chuộng. Các thể loại "nhỏ" của văn học thường được xếp vào khu vực này:nhàn đàm, nhàn tưởng, thư từ, sổ tay... với đặc điểm chung là dung lượng nhỏ và có yếu tố ngẫu hứng. Đặc điểm này ngay lập tức được phát huy trong thời buổi của báo chí và nhu cầu cập nhật thông tin của xã hội. Chỉ cần nhìn vào tên của các chuyên mục dành cho tiểu phẩm trên mặt báo sẽ thấy ngay điều này: Nói hay đừng, Guồng trần xoay máy, Câu chuyện hàng ngày, Câu chuyện hàng tuần...
Thay vì phần ngẫu hứng có chút thù tạc kiểu văn chương, tiểu phẩm báo chí giờ đây đã nóng bỏng một ý thức xã hội và tính mục đích của nó luôn luôn được xác định như một lý do tồn tại của mỗi tác phẩm. "Trong báo chí, tiểu phẩm có dung lượng nhỏ và tần số xuất hiện ít hơn so với các thể loại: tin tức, phóng sự, bình luận v.v...", nhưng "tiểu phẩm khẳng định vai trò là một vũ khí sắc bén" - nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Tấn đã đưa ra nhận xét này khi khảo sát thể loại tiểu phẩm trên báo chí Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX trở lại đây.
Phóng sự cũng là thể loại xuất hiện khá sớm trên báo chí nước ta, trùng khớp với thời điểm xuất hiện của tiểu phẩm, có mặt từ đầu thế kỷ XX nhưng phải đến những năm 1932-1945 mới thực sự là "thời kỳ hoàng kim" thứ nhất của thể loại này.
Thành công này trước hết thuộc về các nhà văn chuyển sang/đồng thời viết báo, họ có những thế mạnh đặc biệt khi sử dụng một bút pháp có sự giao thoa và cộng hưởng giữa văn chương với báo chí, "Nó vừa được xem như là thành tựu của một thời đại văn học rực rỡ với những cuộc cách mạng và cách tân lớn, vừa được xem như là thành tựu của một nền báo chí tuy non trẻ nhưng lại có tốc độ phát triển khác thường, tạo nên những "kỳ biến" trong đời sống xã hội tinh thần Việt Nam' vào những thập niên cuối của tiền bán thế kỷ" (Lời nói đầu bộ sưu tậpPhóng sự Việt Nam 1932-1945 - Văn học, 2000).
Hàng loạt tác giả và tác phẩm phóng sự trên báo chí giai đoạn này đã đi vào cả lịch sử báo chí và lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, chính bởi lý do đó. Tuy nhiên, xét cho cùng, những thành công rực rỡ của phóng sự cần phải được nhìn nhận trước hết từ phía báo chí, nó đã trở thành một thể loại báo chí, nó xuất hiện và tồn tại do những yêu cầu của báo chí.
Cũng cần phải nói thêm, tính chuyên biệt của các tờ báo (một dấu hiệu của báo chí hiện đại) được manh nha từ những năm 1908-1918 trong bối cảnh thuộc địa ở nước ta, cũng có tác động tới sự hình thành và làm sâu sắc các thể loại báo chí. Mỗi tờ báo phục vụ cho một đối tượng bạn đọc chính yếu sẽ có một số thể loại thích hợp và được ưa chuộng khác nhau, chúng sẽ tạo cơ hội cho các nhà báo được phát huy và sáng tạo ở mức cao nhất những đặc điểm và lợi thế của các thể loại đó.
Chẳng hạn, các tờ báo có khuynh hướng chính trị xã hội (Trung Bắc tân văn, Đông Tây, Phụ nữ thời đàm, Việt báo...) sẽ có yêu cầu về mức độ và chất lượng các thể loại tin tức, bình luận, xã thuyết khác với các tờ báo có khuynh hướng văn hoá, giải trí (Ngày nay, Ích hữu, Thời vụ, Tao đàn...) - những tờ báo quan tâm nhiều đến các thể loại thích hợp như tiểu phẩm, bút chiến, phóng sự... (Có hẳn một tuần báo mang tên Phóng sự, xuất bản năm 1940 ở Sài Gòn).
Nhìn lại, về cơ bản, đến những năm 30 của thế kỷ XX, các thể loại báo chí Việt Nam đã định hình khá rõ nét, có phần được chiếu theo những tiêu chí của báo chí phương Tây.
Nhận xét sau đây của nhóm tác giả thực hiện bộ sưu tập Phóng sự Việt Nam1932­ - 1945, không chỉ đúng với bối cảnh văn học nước ta lúc đó, mà còn đúng với cả sự ra đời và phát triển của các thể loại báo chí, ấy là thời điểm "Yếu tố đột biến của truyền thống văn học dân tộc kết hợp với yếu tố hiện đại ngoại sinh trong một môi trường xã hội - văn hoá bản địa đang nỗ lực chuyển mình dưới ảnh hưởng phương Tây, đang nương theo chiều hướng diễn tiến của lịch sử để gia nhập một cách chủ động và tích cực vào quỹ đạo vận hành chung của thế giới"./.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen