Seiten

Sonntag, 15. Februar 2015

Nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ trong phóng sự 1932 – 1945



Cùng với nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật miêu tả và khắc họa chân dung nhân vật, nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc ta thường gặp trong các phóng sự Việt Nam 1932 - 1945.
Nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ trong phóng sự 1932 - 1945

Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của Côn Sinh - Ảnh: wikimedia.org


a) Nghệ thuật châm biếm:

Châm biếm là một trong những thủ pháp nghệ thuật dùng lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thuý để vạch trần thực chất xấu xa của những đối tượng và hiện tượng này hay khác trong xã hội. Thủ pháp nghệ thuật này đã có truyền thống trong văn học và được các tác giả Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Hoàng Đạo... sử dụng khá đắc địa trong các tác phẩm của mình nhằm đả kích thói khoe khoang, nịnh hót và nạn tham những của bọn quan lại triều đình và bọn lý trưởng, lý địch ở chốn hương thôn.

Trong tác phẩm Lọng cụt cán, tác giả đã lấy ý tưởng từ một hiện tượng xã hội đang rộ lên lúc bấy giờ là các bà trưởng giả ở Hà Nội đang quan tâm đến một vấn đề: “Phụ nữ nên dùng giày hay dép để đi lượn?”, tác giả đã đả kích thói nịnh hót, xun xoe cấp trên một cách nhục nhã của bọn quan lại trong triều đình Huế.

Sau khi nêu lên hai ví dụ điển hình về hai người là cụ Hội Quang, một người ăn chơi sành điệu đã từng được vào bệ kiến tại đền Paginies để “bái yết long nhan Nam Phương Hoàng Hậu” và đã “rập đầu ba cái trước bệ Rồng”, mũi cả cụ Hội Quang đã “dính vào mũi giày của Ngài” nên “không là gì đôi giày của Ngài Nam Phương”. Người thứ hai là ông Nguyễn Tiến Lãng, ty trưởng phòng Báo giới của triều đình Huế, người vẫn được theo sau Hoàng Hậu luôn và “đã từng được cái vinh hạnh kính cẩn cúi nhặt chiếc giày của Nam Phương Hoàng Hậu bị tụt ra ngoài gót ngọc”. Cuối cùng tác giả kết luận: “Các bà các cô hiện nay vẫn đi cả giày lẫn dép mà cũng chưa phân biệt thế nào là nền, là đẹp trong khi chờ thư của ông Nguyễn Tiến Lãng - người đã được cái hân hạnh nhặt giày cho Nam Phương Hoàng Hậu - trả lời cụ Hội Quang - người đã hân hạnh được ngửi mũi giày của Hoàng Hậu Nam Phương”. 

Khác với lối chửi cạnh khoé của Tam Lang, Trọng Lang trong tác phẩm Làm dân lại không ngần ngại mà nói thẳng toẹt ra về nạn ăn hối lộ một cách trắng trợn của các “cụ lớn”: “Lại còn cái này nữa. Tôi muốn nói cái bằng như cái bằng cửu phẩm bá hộ chẳng hạn. Ông được giấy lên tỉnh lĩnh. Thoạt đầu, tay không! Mời ông đi ra, cụ lớn còn bận! Nếu ông khôn ra để mà hiểu, thì chiều đến ông khệ nệ bưng độ hai chai sâm banh vào gãi tai hai cái: “Dạ! Vi thiềng”. Cụ lớn sẽ giật mình, so vai mà nói thật nhanh: “Ồ, này lạ! Tôi chưa ký, à thầy? Nào bằng đâu, để tôi ký. Tôi ký ngay bây giờ cho thầy!”. 

Trước vành móng ngựa của Hoàng Đạo là một tập phóng sự về toà án. Bằng giọng văn hài hước, châm biếm nhẹ nhàng, tác giả đã vạch trần bộ mặt thật của luật pháp. Toà án là cán cân của công lý nhưng nó luôn có “con cưng, con ghét”. “Con cưng” là những kẻ có thế lực, có nhiều tiền, còn “con ghét” tất nhiên là những kẻ nghèo hèn, không một xu dính túi. Có những người bị khép vào tội “du đãng” và bị phạt tù vì trong túi “chỉ có 6 xu”, nhưng luật pháp lại quy định “phải từ 7 xu trở lên mới không là du đãng”. Có những phiên toà mà bản án những được tuyên lên khiến người ta nực cười: Một người nghèo không có đủ tiền nuôi con, phải đem con đi bán, bị phạt tù 6 tháng. Còn kẻ mua đứa bé để kinh doanh thì sau phiên toà vẫn tươi cười vì “vốn liếng chưa đến nỗi đi đời nhà ma”; một người khác bị phạt 15 ngày tù và phải lạy chị dâu để xin lỗi vì đã “dám vào lễ mẹ trước anh trai là Phó Tổng thôn”. 

Ngô Tất Tố là một nhà nho nhưng ngòi bút châm biếm của ông vừa có nét sắc sảo của một nhà báo có kiến thức Tây học vừa có cái thâm trầm của một nhà nho. Hình ảnh của nền văn minh vật chất ở Việt Nam đã được ông minh chứng không phải bằng sự giàu có của người dân mà bằng sự phát triển đến chóng mặt của bệnh “tim la” (giang mai): “Trong khoảng hơn ba chục năm, người có bệnh tim la đã đi từ chỗ yêu ma quỉ quái đến chỗ phổ thông, nước mình thật đã tiến một bước khá dài vậy”(Thằng tim la - mấy chấm nhỏ của thời đại vừa qua). Trong thiên phóng sự Việc làng, tác giả cũng vạch trần bộ mặt tham lam của bọn chức sắc ở chốn hương thôn qua việc miêu tả một cách hài hước cuộc hỗn chiến dữ dội để tranh nhau ngôi chủ tế và cái lăm lợn “Ồ lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc... Trên bãi chiến trường còn lại một tuần đinh với một đám độ hơn 10 người hầu hết mặc áo thụng. Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục để đi đánh nhau? Hay là ở đây cũng là cửa Khổng, sân Trình, cho nên dù là đánh nhau, cũng phải giữ lễ?” (Cái lăm lợn). 

Khác với Ngô Tất Tố, nghệ thuật châm biếm của Vũ Trọng Phụng lại không phải là lối miêu tả trực diện. Tiếng cười của ông toát ra từ những tình huống đầy chất bi hài. Ở thiên phóng sự “Cuốn tiểu thuyết của con sen Đũi”, tác giả miêu tả một cô bé 13 tuổi tên là Đũi, con một ông lý trưởng trong làng. Nạn hủ tục ở chốn thôn quê đã làm của cải trong nhà Đũi đội nón ra đi. Ra thành phố Đũi phải làm con sen và bị một “thằng oằn” “hiếp lấy hiếp để. Sau cuộc hiếp dâm ấy, Đũi không còn cách gì cho thân phận mình được sung sướng hơn là “mong muốn được trở thành một cô đầu” - một sự mong muốn đến nực cười. Nhưng đáng nực cười hơn (và cả chua xót nữa) khi ta nghe tiếp tác giả hạ một lời cảm thán: “Ôi! Cái sức ám thị của một cuộc hiếp dâm! Sau này nếu cái Đũi sẽ nên bà, dễ thường nó phải đi cảm ơn cái thằng oằn đã hiếp nó”! Một cô bé 13 tuổi ngây thơ, trong trắng đã bị một thằng oằn lấy đi mất đời con gái, tương lai của cô sẽ là một cô đầu, thế mà cô bé ấy lại phải cảm ơn tên “oằn” kia. Sự ngược đời đến vô lý này là một thực trạng xã hội mà Vũ Trọng Phụng đã không ngần ngại phanh phui. Ngòi bút châm biếm thâm thuý, sâu cay của Tam Lang, Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Hoàng Đạo... đã lên án bọn quan lại gian tham, cảm thông với những con người nghèo hèn phải chịu bao nỗi bất hạnh đã tạo nên giá trị nhân bản sâu sắc cho các thiên phóng sự.

b) Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:

Ngôn ngữ trong một tác phẩm văn học là những ký hiệu nghệ thuật vừa thể hiện tài năng, phong cách của nhà văn, vừa tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và kiến trúc nội dung của tác phẩm. Ngoài nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật châm biếm, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ cũng là một nét nghệ thuật đặc sắc tạo nên hấp dẫn của phóng sự Việt Nam 1932-1945.

Đọc hàng loạt thiên phóng sự, trước hết ta thấy các tác giả rất có ý thức trong việc dùng ngôn ngữ sao cho thật gây ấn tượng. Ngay từ cách đặt các tiêu đề của các thiên phóng sự, từ ngữ đã gây tò mò và kích động trực tiếp vào trí não độc giả: Loài động vật ngắn cổ, Mồ hôi và mồ hôi, Mùa gặt của hương lý, Một thiên kết luận đẫm máu... (Túp lều nát - Nguyễn Trần Ai), Đền con, Từ miếng thịt đến công lý. Tội ác, Vì chẳng tội gì, Giá của những bằng cấp, “Ăn” trên thây ma, Một con mắt gặp một con vắt (Làm dân - Trọng Lang), Ông quân sư của bạc bịp, Đố anh nào bịt được mắt ta, Xưởng chế tạo khí giới (Cạm bẫy người - Vũ Trọng Phụng), Hối hận, Chỉ vì con chó săn, Ông lang Tây trái phép, Nhẫn nhục, Bộ râu dài... Lạy chị em chừa, May cho lũ ăn mày... (Trước vành móng ngựa), Nụ cười thâm, Cái cọc bất nhân, Hối lộ thánh. Ngoài ra, các tác giả phóng sự cũng chú ý đến việc sử dụng đan xen nhiều dạng thức ngôn ngữ: ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ nghề nghiệp, ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, đanh thép, giàu thông tin và ngôn ngữ văn chương giàu hình ảnh.

Ở lớp ngôn ngữ đời thường, một đặc điểm dễ nhận thấy là dù các tác giả đã chú ý sử dụng rất nhiều các lớp từ mang đậm yếu tố dân gian như các thành ngữ, tục ngữ: “nước chảy chỗ trũng”, “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”, “dầu mưa dãi nắng”, “tình ngay lý gian”, “năm cha ba mẹ”, “gà què ăn quẩn cối xay”, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, “tuỳ cơ ứng biến”, “bán trời không văn tự”, “bắt được quả tang”... Thử làm một thống kê nhỏ ta thấy trong Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng trong khoảng 300 trang sách số lượng thành ngữ sử dụng là 62, số lượng tục ngữ là 2; ở Kỹ nghệ lấy Tây số lượng thành ngữ tục ngữ là 36/2/800 trang; ở Lục xì là 10/2/180 trang; ở Tôi kéo xe của Tam Lang 12/1/150 trang; ở Việc làng 20/1/100 trang; ở Làm dân của Trọng Lang là 30/2/100 trang. Thành ngữ, tục ngữ là lối văn mang tính khái quát cao. Việc sử dụng các thành ngữ và tục ngữ không chỉ làm tăng sắc thái biểu cảm của câu văn mà còn có tác dụng lột tả hết bản chất của đối tượng được miêu tả, làm cho người đọc hiểu đến tận ngọn nguồn của nó.

Trong khi sử dụng ngôn ngữ đời thường, các tác giả phóng sự cũng rất chú ý sử dụng các lớp khẩu ngữ tự nhiên phù hợp với từng loại nhân vật. Có lời nói mộc mạc đầy vẻ cầu cứu của cô bé nhà quê ra thành thị đi làm thuê để kiếm miếng ăn: “Khốn nạn, nào tôi có tài giỏi gì mà dám nếm cơm ai! Tôi chỉ cầu vào một cửa đãi mình cho vừa phải, đừng bắt mình làm quá sức, đừng đánh chửi mình như cái nhà tôi vừa bỏ đi thì khốn nạn, nó năm cha ba mẹ quá, ai cũng đánh chửi được mình. Người này sai chưa xong việc này, người khác đã lại ới. Thành ra mình là cái thân ba vạ” (Cơm thầy cơm cô - Vũ Trọng Phụng).

Có ngôn ngữ của bọn du thủ, du thực “Phải chưa ăn cắp nhưng lúc này đã nhờ nhẹ của một bà đi chợ mua hoa một chục bánh ga tô đem ra xó chợ chia nhau ngốn lấy ngốn để” (Trong làng chạy - Trọng Lang).

Có khẩu ngữ nhuốm màu thị thành của những me Tây đã già đời trong nghề: “Việc gì mà sợ? Có đánh chết cái ba vạn? Bọn họ toàn một thứ tính mềm nắn rắn buông mà thôi. Trừ phi bắt được quả tang ngủ với giai hãy chịu, chứ đường đường chính chính ra, mình phải mà họ trái, thì... chửi thì chửi trả, đánh cũng đánh trả. Các cô có biết gái này thế nào không? Đã có lần bị đấm một cái mà tát lại được ba cái đấy. Giơ dao lên dọa, gái này cũng tốc phăng ngay cái coóc xê lên. Anh nào cũng phải gờm! (Kỹ nghệ lấy Tây - Vũ Trọng Phụng).

Ngôn ngữ của một mụ cai xe mắng chửi phu xe khi anh ta thiếu tiền thuế, cũng là thứ ngôn ngữ rất đặc trưng: “Mai mấy kia cái gì! Ao nó đâu, bắt lấy!... Mày thiếu tiền thuế còn bướng phải không? Nó nỏ mồm, đánh bỏ mẹ nó đi cho bà... quai thêm cho nó mấy cái. Mày nắn lưng nó cho bà. Bà đánh cho mày biết, từ rầy thì chừa thói ăn gian... (Tôi kéo xe - Tam Lang).

Bên cạnh ngôn ngữ thường ngày, ngôn ngữ nghề nghiệp - một thứ ngôn ngữ đặc trưng cũng được các tác giả phóng sự sử dụng khá thành công trong các phóng sự. Trong Cạm bẫy người các tiếng lóng của bọn cờ bạc như chếch, giát, mòng, quých, thiếc... Tiếng lóng của bọn ăn cắp như hiếc (lấy),khai (rạch túi), nẩy (cắt khuy, moi cá (móc ví), viết bút (rạch túi bằng dao) bơm giàng, bờm sách (bắt gà, bắt chó) trong tác phẩm Trong làng chạy, cũng được Vũ Trọng Phụng và Tam Lang sử dụng khá nhuần nhuyễn.

Việc sử dụng các loại khẩu ngữ tự nhiên phù hợp với từng loại nhân vật cũng như ngôn ngữ nghề nghiệp không chỉ chứng tỏ sự am hiểu kỹ lưỡng của các tác giả đối với từng đối tượng được miêu tả mà còn góp phần đắc lực trong việc cá tính hoá ngôn ngữ nhân vật.

Ngoài ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ miêu tả cũng được các tác giả phóng sự quan tâm và thể hiện rất hiệu quả. Nhiều thiên phóng sự lôi cuốn được bạn đọc chính là ở sự kết hợp tinh xảo giữa ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, giàu thông tin với ngôn ngữ tiểu thuyết giàu hình ảnh. Đây là cảnh Yến Đình miêu tả một canh bạc; “Năm sáu cánh tay khua động. Năm sáu bàn tay vồ nhau, chộp nhau, tranh nhau chặn lấy đồng hào. Mấy cái đầu bù chạm nhau công cốc. Cái chiếu xô lệch. Những quân bài tổ tôm văng tứ tung. Và tiếng cười ròn tan. Và tiếng kêu hỗn độn”. (Thanh niên trụy lạc. Đây nữa hình ảnh những chú bé đói ăn: “chúng nhướng lông mày lên, chớp mắt rất thong thả, rồi thở dài. Chỉ trong một giây đồng hồ, cái đói âm thầm diễn ra dưới những nét mặt đau đớn, ngây thơ” (Trong làng chạy - Tam Lang). Với những hình ảnh miêu tả trên, bạn đọc như tự hỏi: không biết mình đang đọc một thiên phóng sự hay đang xem một thước phim cận cảnh? Trong phóng sự Thanh niên trụy lạc, hình ảnh một người con gái đi bán mình trong đêm tối cũng được Yến Đình miêu tả vừa chua xót, vừa lãng mạn: “Một cơn gió thổi mạnh. Một chiếc lá ném xuống con đường xi măng bóng nhoáng. Chiếc lá xoay mấy vòng, lăn lăn trên đường rồi đuổi theo bóng người con gái nhoà dần trong đêm tối”. Một làng quê qua ngôn ngữ miêu tả của Trọng Lang thê lương mà vẫn có chút gì đó thi vị: “Trong một rừng tre, làng của Loan nhỏ như cái xóm. Nhà của Loan lại nhỏ quá, trong cái đã nhỏ rồi. Nó như cái nấm, ẩm thấp, đầy rêu phủ. Con chó cũng vậy, già ghê người, lê thê một giãy vú gần chạm đất. Cả đến ông cụ đẻ ra Loan, già và yếu đến thũng quần áo xuống” (Tết trong lòng người ta). Cách sử dụng ngôn ngữ đầy gợi cảm và giàu chất tạo hình trên ta còn gặp rất nhiều trong các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Trần Ai, Thạch Lam, Nguyễn Tuân... Với cách sử dụng ngôn ngữ này, nghệ thuật miêu tả trong các tác phẩm, phóng sự đã đạt đến mức hoàn hảo và cho đến hôm nay nó vẫn là những mẫu mực.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen