Seiten

Freitag, 12. September 2014

Cuộc khủng bố chủ nghĩa xét lại ở Việt Nam

Bức thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính, đăng trên Diễn Đàn số 23 (tháng 10.93) vừa qua nhắc tôi nhớ tới một tấn thảm kịch lớn trong lịch sử Việt Nam.

Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn - Giai phẩm, các cuộc cải tạo tư sản ở Bắc và Nam, cuộc hợp tác hoá nông nghiệp... đó đều cũng là những mảng tối của lịch sử. Nhưng dù sao cũng đã được phơi bày.

Cải cách ruộng đất

Những vụ khủng bố chủ nghĩa xét lại thì không. Cả nạn nhân, cả thủ phạm lẫn dư luận vẫn còn im lặng. Mặc dầu, tiếc thay, đó lại là một trong những mảng tối lớn nhất, trong đó chứa đựng đông đặc bản chất của chủ nghĩa cộng sản, của bộ máy đảng và cũng chứa đựng cả nhiều yếu tố quy định số phận của đất nước Việt Nam.

Tôi rất hoan nghênh Diễn Đàn đã làm “diễn đàn” cho những tiếng nói như thế.

Tiếp lời ông Hoàng Minh Chính, tôi xin kể thêm một số điều xung quanh vụ việc này.
Tôi tốt nghiệp ngành hoá ở Liên Xô về vào đầu những năm 60, làm việc tại Uỷ ban khoa học Nhà nước. Lúc đó ngành khoa học xã hội cũng thuộc Uỷ ban này. UBKHNN lúc đó đã trở thành dinh luỹ của chủ nghĩa xét lại và là đối tượng trung tâm của chiến dịch thanh trừng. Tôi lúc đó làm công tác thanh niên của cơ quan, tuy không tới mức ở trong cuộc như ông Chính, nhưng cũng đã nghe và nhìn thấy nhiều điều lớn nhỏ.

Cái nền của cuộc đụng độ này là sự đối lập và thù nghịch của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Sự đối lập đó bắt đầu xuất hiện ngay từ năm 1956 với Đại hội thứ 20 của ĐCSLX và tạm chấm dứt vào năm 1979 với việc Trung Quốc tấn công Việt Nam. Trong 23 năm đó, mức độ đối lập và thù nghịch có khác nhau tuỳ giai đoạn, nhưng thực bụng thì lúc nào cũng là đối lập và thù nghịch.

Từ 1956 đến 1960 là giai đoạn hoà hoãn và tự vệ. Đại hội 20 của ĐCSLX là một gáo nước lạnh dội vào toàn ĐCSVN. Tiếp đó vụ công nhân Ba Lan biểu tình ở Poznan, đặc biệt những sự biến ở Hunggari với Imre Nazy đã làm rúng động hệ thống thần kinh chính trị Việt Nam. Không có sự rúng động đó, thì không biết đến bao giờ mới có chuyện “phát hiện” sai lầm cải cách ruộng đất và sửa sai. Tất cả những yếu tố kể trên đã làm suy yếu quyền uy của đảng. Những lực lượng bất bình và phê phán tưởng là đã đến lúc vùng lên. Vụ Nhân văn - Giai phẩm ra đời trong bối cảnh đó. Nó bị đàn áp ra sao thì sách báo đã nói nhiều rồi. Trong những năm này, ĐCSVN tuy “tức đến tận cổ” vẫn phải đấu dịu với Liên Xô để còn xin viện trợ, để được yên bề xử lý các chuyện đối nội.


Từ sau 1960 thì tình hình đã khác. Ông Lê Duẩn đã làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Thọ đã nắm Ban tổ chức Trung ương. Ông Trường Chinh được phục hồi trong Bộ chính trị, phụ trách lý luận và tư tưởng... Trên vũ đài quốc tế, Trung Quốc đã công khai tuyên chiến về quan điểm với Liên Xô. Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Bành Chân, trưởng đoàn Trung Quốc, với Khrouchtchev tại hội nghị các đảng cộng sản tại Bucarest năm 1961 đánh dấu sự phân liệt không bao giờ hàn gắn được nữa trong phong trào cộng sản quốc tế. Vết nứt này đã ngày càng mở rộng, kéo dài, phân chia toàn bộ thế giới cộng sản và phân chia tất cả các đảng cộng sản. Trên cục diện thế giới, phía theo Liên Xô đông hơn hẳn và thái độ khá dứt khoát. Phía theo Trung Quốc thì ít hơn, mức độ và thái độ lại rất khác nhau. Cuba thì chống Liên Xô trong bụng, những cái bụng lại được nuôi bằng đồng rúp, nên đành “ngậm miệng ăn chè”. Anbani thì do Khrouchtchev định lật đổ Hodja mà không lật được, nên Hodja đã phát động cả nước lao vào cuộc chửi rủa Liên Xô. Bắc Triều Tiên thì vừa thân Trung Quốc vừa lệ thuộc lợi ích vào Trung Quốc, nên sự phân liệt nội bộ không đáng kể, phái của bà Phác Chính Ái, lúc đó là chủ tịch đảng, được thanh toán rất nhanh và không ai còn biết đến bà ta ra sao nữa. Còn ở Trung Quốc, thành luỹ của chống xét lại, thì đương nhiên chủ nghĩa xét lại không mọc lên được. [Sau này, thời Cách mạng văn hoá, họ đưa Lưu Thiếu Kỳ ra đấu như “tên xét lại lớn nhất”, thực ra là vu oan cho ông ta. Ông ta cũng mao-ít không kém gì Mao. Tôi còn nhớ năm 1963, ông và vợ ông là bà Trương Quang Mỹ sang thăm Việt Nam với dụng ý là làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng giữa phe thân Liên Xô và phe thân Trung Quốc ở Việt Nam. Ông đem theo bao nhiêu viện trợ, và cái đến ngay với chúng tôi lúc ấy là “bánh mì bác Lưu”: trước đây chúng tôi mỗi sáng đi làm ăn một ổ bánh mì 1 hào, từ đó ăn 1 ổ bánh y như vậy chỉ có 5 xu... ].

Còn ở Việt Nam, thì sự phân liệt phức tạp hơn nhiều. Kèm theo phân liệt quan điểm, có gửi gấm những âm mưu thanh trừng đã ấp ủ từ trước đó rất lâu. Từ 1961, Đài Bắc Kinh nói tiếng Việt phát ra rả những bài chống Liên Xô. Những brochures của Trung Quốc bằng tiếng Việt được rải khắp Việt Nam. Những thứ này, cùng với “bánh mì bác Lưu”, đã củng cố phái thân Trung Quốc. Phái thân Liên Xô thì không có phương tiện truyền thông đại chúng, không có nhiều sách báo tiếng Việt. Họ chủ yếu dựa vào trí tuệ và lập luận. Vả chăng, họ bao gồm những trí thức cấp tiến, có kiến thức rộng và trung thực với lẽ phải, họ ít gắn với những lợi ích trực tiếp và cụ thể như phái thân Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến trước Nghị quyết 9 (tháng 11.1963) thì cuộc phân liệt chưa mang tính chất “bất cộng đái thiên”. Trong các cơ quan, trong mỗi gia đình, hàng ngày chúng tôi vui vẻ tranh luận về đủ các vấn đề, từ bom nguyên tử đến vụ Vịnh con lợn ở Cuba, từ chính sách trồng ngô của Khrouchtchev đến lý thuyết con hổ giấy của Mao... Vợ chồng cũng bất đồng, cha con cũng bất đồng, nội bộ mỗi cơ quan cũng bất đồng. Song sự bất đồng đó chưa căng thẳng, chưa ai quy kết tội gì cho ai. Lúc này, không biết từ đâu xuất hiện câu vè mà trẻ con hát lải nhải trên các hè phố:
Ông Liên Xô
Bà Trung Quốc
Ông đi guốc
Bà đi giầy
Ông nhảy dây
Bà đá bóng...

Câu vè này cũng thể hiện được tính chất “tào lao” của cuộc tranh luận. Mà đến nay nhìn lại thấy quả thực như ông Hoàng Minh Chính nói, cả hai phái đều đã bị lịch sử vượt rất xa rồi.
Tuy nhiên, trong hệ thống các quan điểm lúc đó, có một quan điểm mà đối với Việt Nam không viển vông chút nào. Đó là quan điểm về chiến tranh và hoà bình. Cuộc đụng độ về vấn đề này chính là cốt lõi của cuộc đấu tranh và cũng chính nó đã làm cho cuộc tranh luận tự do về lý thuyết chuyển sang cuộc thanh trừng. Thời đó, Khrouchtchev đưa ra thuyết chung sống hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau, vì khi kỹ thuật quân sự đã đạt tới bom hạt nhân thì chiến tranh sẽ không để lại người thắng trận. Mao thì đưa ra thuyết “con hổ giấy”, cho rằng Mỹ không đáng sợ, Mỹ là con hổ bằng giấy. Mao còn biện luận: về chiến thuật thì Mỹ rất nguy hiểm, nhưng về chiến lược thì Mỹ là con hổ giấy, không đáng sợ, có thể dùng chiến tranh nhân dân để tiêu diệt con hổ giấy đó. Đối với Việt Nam lúc đó, đây quả là vấn đề quan trọng số 1, vì nó quyết định đường lối đối với miền Nam: đánh để giải phóng hay đấu tranh hoà bình... Phái thân Liên Xô không muốn phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam, vì sẽ vô cùng hao tổn máu xương của cải, tàn phá đất nước, mà chưa chắc đã giải quyết được chuyện thắng bại trên chiến trường Việt Nam, vì cục diện chiến tranh Việt Nam tuỳ thuộc cục diện quốc tế. Tôi được nghe những cán bộ cấp cao hồi đó kể lại rằng chính các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyên Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm là thiên về xu hướng này, tuy các ông không dám tuyên bố công khai, vì như vậy có thể bị đối phương chụp ngay cho cái mũ “phản bội sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Trong dư luận cán bộ lúc đó, người ta còn đồn rằng ông Hoàng Minh Chính đưa ra chủ trương hai nước Việt Nam cùng song song tồn tại trong thi đua hoà bình (Tôi xin lỗi bác Chính, nếu đây là lời đồn thất thiệt. Tôi cũng rất mong bác viết một bài để làm rõ thực hư). Nhiều người, trong đó có tôi, bắt đầu thấy kính trọng ông Hoàng Minh Chính là từ đấy... Chúng tôi biết, nếu phát động chiến tranh thì sự nghiệp khoa học của cả thế hệ chúng tôi sẽ bị ném vào khói lửa, tuy lúc đó chúng tôi chưa hề hình dung được cuộc chiến tranh kéo dài đến thế, gây ra nhiều vết thương đến thế và chiến thắng của nó vừa đắt, lại vừa chóng thối rữa đến thế...

Còn phái chủ chiến thì lập trường của họ có những nguyên nhân sâu xa và phức tạp hơn chứ không phải chỉ do lòng yêu nước và tinh thần giải phóng dân tộc. Các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đều là những người nuôi mộng bá vương từ lâu. Nhưng suốt thời kỳ chống Pháp, họ không có vai vế gì cả, họ chưa được ngồi vào “chiếu trên”. Họ ấp ủ ý chí và tìm kiếm cơ hội. Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã làm cho cả tổng bí thư Trường Chinh lẫn trưởng ban tổ chức trung ương Lê Văn Lương bị ra khỏi “chiếu”. Ông Hồ Chí Minh đã có ý định đưa Võ Nguyên Giáp lên chức tổng bí thư, và vì lẽ đó, ông Giáp đã được phân công đứng ra thay mặt đảng thừa nhận sai lầm cải cách ruộng đất trước quốc dân tại một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Hàng Đẫy. Chính ý định này đã làm cho hai con hổ khát quyền lực vốn vẫn gầm ghè nhau là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ quyết định liên minh lại với nhau. Ở Đại hội Đảng lần thứ 3, họ đã thắng. Họ được ngồi vào chiến trên. Nhưng chiếu đó vẫn còn nhiều bậc mũ cao áo dài, tuy về chức sắc trong đảng không phải là cao, nhưng uy thế thì họ vẫn chưa lấn át được. Khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biên Phủ, để vượt trội cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp. Khát vọng đó được Lê Đức Thọ đồng tình. Lập trường chủ chiến có nguồn gốc sâu xa như vậy. Ông Lê Duẩn là “Cụ Hồ của miền Nam”, là người hiểu miền Nam và có uy tín ở miền Nam hơn bất cứ ai trong Bộ chính trị lúc đó. Miền Nam là điểm mạnh nhất của Lê Duẩn. Nếu không phát động được cuộc chiến tranh ở miền Nam, thì cả Lê Duẩn lẫn Lê Đức Thọ đều chưa nắm được thế thượng phong trên vũ đài chính trị của Hà Nội. Tháng 11.1960, Lê Duẩn phát động phong trào đồng khởi, đặt cả nước và toàn ban lãnh đạo Đảng ở thế “đã rồi”. Lý luận về “hổ giấy” là một sự viện trợ rất quan trọng. Nhưng cũng phải mất 3 năm, phải chủ chiến mới chiếm được ưu thế. Trong số các đối thủ của họ, có những nhân vật mà dù sao cũng đã đi vào lịch sử, như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, nên họ không dễ đương đầu. Họ đã sử dụng hai chiến thuật: chiến thuật phân hoá và chiến thuật “việc đã rồi” .Hai chiến thuật này đã được họ sử dụng rất tài tình không những trong nội bộ đảng, mà cả trong việc vừa chống Liên Xô vừa bòn rút được viện trợ của Liên Xô, cả trong toàn bộ cuộc chiến tranh với Mỹ. Trên cả ba mặt trận, họ đều thắng “oanh liệt”.

Trong cuộc đấu tranh nội bộ, hai chiến thuật này được vận dụng như sau: nhân cái cớ có luật 10-1959 của Ngô Đình Diệm, họ phát động phong trào đồng khởi, cho rằng nếu không vùng lên thì máy chém của Ngô Đình Diệm sẽ chặt hết đầu các chiến sĩ cách mạng. Lúc đó, cả những người lưỡng lự với đấu tranh vũ trang cũng không dám phản đối. Phản đối là phản cách mạng, là phản quốc. Những tuyên bố của ông Hồ Chí Minh trong thời kỳ này cho thấy họ đã phân hoá được phái chủ hoà. Khi đã trói tay trói chân được những đối thủ đáng gờm nhất bằng thái độ lừng chừng, họ mới quyết định giáng đòn chí mạng vào số còn lại, tuy trung kiên hơn, nhưng lại kém trọng lượng hơn. Đòn đánh này, đến lượt nó, lại có tác dụng răn đe và vô hiệu hoá các vị lừng chừng. Đó là thực chất của chiến dịch khủng bố chủ nghĩa xét lại.

Chiến dịch này được mở màn vào tháng 11.1963, với Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Đến lúc này, phái chủ chiến thân Mao đã có phần ưu thắng. Số chủ hoà đã bị phân hoá và cô lập. Các lực lượng đối lập công khai chỉ còn thiểu số. Họ quyết định mở cuộc tấn công bằng một loạt trận càn quét thô bạo, trước hết là trong trí thức (để bịt miệng), sau đó là trong quân đội (để tước vũ khí), và cuối cùng mới là trong Ban chấp hành Trung ương Đảng (để chặt những cái đầu).

Chiến dịch đánh vào trí thức được chọn trận địa là Uỷ ban khoa học nhà nước. Đây là nơi mà số thân Liên Xô chiếm đa số. Trong đó có những nhân vật đáng gờm như Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính là những người mà xét cả về thành phần giai cấp lẫn thành tích cách mạng đều không thể quy kết một tội lỗi gì.

Về ông Hoàng Minh Chính, tôi có thể kể lại hai điều mắt thấy tai nghe:
– Một lần chúng tôi tổ chức Đại hội thanh niên tiến quân vào khoa học, chúng tôi mời ông tới dự và huấn thị, vì ông đã từng là bí thư Trung ương Đoàn thanh niên toàn quốc, và đương thời ông lại là uỷ viên đảng đoàn [của UBKHNN, chú thích của toà soạn]. Sau khi chúng tôi kiêu hãnh đọc một báo cáo về các công trình khoa học của các cán bộ trẻ, ông Chính lên huấn thị. Ngay câu đầu, ông dội cho cả hội trường một gáo nước lạnh: “ Về các thành tích mà các đồng chí vừa nêu ra, Đảng rất hoan nghênh và khen ngợi... Nhưng có một điều mà các đồng chí chưa chứng minh được với Đảng: các thành tích đó có thực là do Đoàn thanh niên làm nên không? Nếu nói đó là thành tựu của các nhà khoa học trẻ thì tôi đồng ý. Nhưng nói là nhờ có tổ chức Đoàn thanh niên lãnh đạo thì tôi chưa tin. Ở bao nhiêu nước trên thế gíới xưa nay, họ không có tổ chức đoàn thanh niên như của các đồng chí mà họ vẫn có rất nhiều nhà bác học trẻ lỗi lạc. Thế thì các đồng chí căn cứ vào đâu để nói rằng chỉ có Đảng, có Đoàn thanh niên mới có được những thành tích đó...” . Chúng tôi tiu nghỉu, choáng váng. Nhưng sau phút choáng váng đó, định thần lại tôi thấy có lẽ ông Chính nói đúng. Dù bị một gáo nước lạnh nhưng tôi cảm phục ông. Ông đã góp một phần giác ngộ cho tôi.

– Có một buổi chiều chủ nhật, tôi đi cùng một ông cũng ở cấp cao ngang cấp ông Chính (dạo đó chúng tôi hay có những buổi bát phố như vậy). Đến ngang cửa Bách hoá phố hàng Bài, gặp hai ông Hoàng Minh Chính và Dương Bạch Mai đang đi lại. Ông “sếp” của tôi dừng lại chào hỏi, rồi nói: “Này Chính ạ, cậu nên régler bớt cái lập trường pro-soviétique của cậu đi, đây là vì chuyện đoàn kết trong cơ quan mà mình thành thật khuyên cậu...”. Ông Chính cướp lời: “Không phải là chuyện theo hay không theo Liên Xô, mà là theo hay không theo phong trào cộng sản quốc tế, theo hay không theo lẽ phải. Là thằng ngu thì không nói làm gì. Nhưng nếu là thằng trí thức mà không đủ can đảm bảo vệ chân lý, thì cái đầu của nó còn dùng để làm gì nữa?”. Ông Dương Bạch Mai, lúc đó đứng hơi xa, bước lại gần, nói với ông “sếp” của tôi: “Các cậu nói đoàn kết, nhưng các cậu có hiểu rằng chính các cậu đã gây mất đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế không? Nếu chúng mình kêu gọi cậu hãy đoàn kết với đa số phong trào cộng sản quốc tế thì cậu thấy thế nào? ”. Cuộc đối thoại bất phân thắng bại, rồi mỗi người đi một ngả. Được độ mươi bước, tôi ngoái đầu nhìn lại hai ông lững thững đi tiếp vào đám đông của buổi chiều chủ nhật đã xế nắng, bỗng đã mơ hồ cảm thấy một cái gì không lành lặn đang chờ đón quãng đời còn lại của các ông.

Còn ông Bùi Công Trừng, phó chủ nhiệm UBKHNN, nhưng lại là bí thư đảng đoàn, chức vụ cao nhất về đảng trong cơ quan. Ông Trừng cũng là người ăn to nói lớn, nổi tiếng bộc trực. Hồi đó các viện đều ở trong ngôi nhà lớn 39 Trần Hưng Đạo, nên chúng tôi có dịp được mục kích những cuộc đấu khẩu.

Tôi được nghe chị Ngô Tấn Nhơn (chị làm việc chỗ văn phòng ông Trừng) kể lại: hồi họp Hội nghị Trung ương 9, ông Trừng lên diễn đàn biện luận quyết liệt cho phe thân Liên Xô. Ông Hồ đã rung chuông để ngắt lời, mà ông Trừng dám cả gan cầm cả bàn tay ông Hồ lẫn quả chuông ấn xuống bàn và nói tiếp...

Bản thân tôi chỉ được mục kích một trường hợp. Đó là vào khoảng giữa năm 1963, ông Trừng đứng giữa một đám đông tại cửa hội trường lầu 2 cơ quan, la ó om xòm. Đầu đội chiếc mũ lông Liên Xô, tay chống ba toong (ông bị trẹo cột sống từ hồi ở tù), một tay khoắng loạn lên trời la lớn: “ Các anh lúc nào cũng leo lẻo ngoài miệng rằng vẫn đoàn kết với Liên Xô. Trong nội bộ thì các anh dạy cho cán bộ phải nghi kỵ Liên Xô, coi Liên Xô như kẻ thù. Các anh chỉ biết yêu đồng rúp thôi. Thực chất của chính sách đối ngoại đó là tử tế trước mặt lõ c...c sau lưng. Với cái đường lối này, sẽ đẩy lùi 20 năm tiến hoá nữa. Khi đó thằng Trừng này chết rồi, nhưng đến đó sẽ thấy nó nói là đúng...”. Sau đó, tôi tò mò hỏi đầu đuôi thì được biết như sau: hồi đó ông Lê Duẩn chủ trương xây dựng một nền kinh tế tự hoàn chỉnh, hướng nội. Ông Trừng chủ trương kinh tế mở, dựa vào phân công lao động quốc tế và thế mạnh của nông sản nhiệt đới, lấy xuất khẩu mà tạo vốn ban đầu nhập thiết bị hiện đại hoá đất nước. Ông cho đăng quan điểm này trên tờ báo Kinh Tế mà ông là chủ nhiệm. Bỗng có lệnh trên tịch thu số báo này. Ông Lê Duẩn phê phán ông Trừng là muốn “biến Việt Nam thành cái vườn chuối của thế giới... ”. Đến nay, thì rốt cuộc ĐCSVN đã làm đúng theo ông Trừng. Cái sai của ông có lẽ là ở con số 20 năm. Sự chậm trễ đã dài hơn. Nếu kể từ Đại hội 20 của ĐCSLX 1956 đến Đại hội 6 của ĐCSN vào 1986 đưa ra chiến lược kinh tế mở, thì đã mất trọn 30 năm... Và ông còn một cái sai trầm trọng nữa: chế độ độc tài cộng sản thường tiểu nhân hơn các chế độ độc tài khác: nó có thể nhặt lại ý kiến của ông, nhưng bản thân ông thì nó không bao giờ phục hồi danh dự cả.

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể nào kể hết về từng nhân vật. Nhưng để có được một bức tranh cân đối, có lẽ nên dành ít dòng cho một nhân vật chống xét lại. Cũng như trong mọi chiến dịch thanh trừng trước đây và sau này, thủ pháp phổ biến của giới lãnh đạo cộng sản là dùng những phần tử dốt nát và thấp hèn nhất làm công cụ tiên phong. Chúng tôi gọi đó là đòn “thả chó ngao”. Ở Uỷ ban khoa học nhà nước lúc ấy, khi mở chiến dịch học tập Nghị quyết 9, bỗng chúng tôi thấy xuất hiện một nhân vật tên là Lê Duy Văn. Ông này vốn là một cán bộ của Ban tổ chức Trung ương. Không có học vấn, không có bằng cấp và chuyên môn gì. Bỗng được cử về làm bí thư đảng uỷ cơ quan, tức là trực tiếp chỉ huy trận tấn công vào dinh luỹ của chủ nghĩa xét lại. Tôi thường nghĩ: sự ngu muội và thấp hèn tự nó thường không thể gây ra tội ác. Nhưng nếu nó được trao cho quyền lực rồi cấy vào đó chất men ghen tị và căm thù, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Nó sẽ nhanh chóng ý thức được rằng cái đe doạ quyền và lợi của nó lại chính là trí tuệ, học vấn, văn hoá và văn minh. Rút cuộc, những thứ này đã bị tấn công và chà đạp bằng một sự căm hờn điên cuồng và man rợ. Có lẽ đây là thứ độc dược mà chủ nghĩa cộng sản đã dùng để tiêu diệt hết kẻ thù này đến kẻ thù khác (cải cách ruộng đất là thế, các đợt thanh trừng của Stalin ở Nga là thế, tạo phản của Hồng vệ binh là thế, Khơ me đỏ là thế... Làm sao coi đó là chuyện cá biệt ngẫu nhiên được!). Nhưng rồi may thay, lại cũng chính thứ độc dược đó đã kết tụ lại thành những thứ sỏi mật, sỏi thận, sơ gan cổ chướng trong lục phủ ngũ tạng của chế độ cộng sản, làm cho chế độ này không ai đánh cũng tự chết (mà có khi không ai đánh thì nó tự chết nhanh hơn).

Cái ông Lê Duy Văn này là một trong vô vàn thí dụ điển hình về độc dược. Nếu trong một trật tự bình thường, ông ấy có thể là một người cần vụ ngoan ngoãn cho các ông Trừng, ông Chính... Nhưng trong thế trận bát quái này, ông ta đã trở thành tàn ác và hung bạo không kém gì chó ngao. Sự dốt nát đã lên ngôi để phán bảo tất cả. Tôi còn nhớ biết bao lần “lên lớp” của ông Văn trên hội trường. Đại để ông ta nói những chuyện như sau: Vừa qua đoàn đại biểu Đảng ta đi hội đàm với ĐCSLX, các đồng chí về cho biết rằng trên các bàn bày rất ít lê táo và hoa quả. Điều đó chứng minh rằng nông nghiệp của Liên Xô gần đây bị sa sút nặng nề do quan điềm kinh tế sai lầm... Một lần khác ông nói: “ Các đồng chí đừng có sùng bái hàng hoá Liên Xô, gần đây các cơ quan điều tra của chúng ta đã phát hiện ra rằng các máy móc, vật dụng của Liên Xô gửi sang, bao giờ cũng có một bộ phận nào đó lắp sai, hoặc cố tình làm hỏng, để cho chúng ta không thể sử dụng lâu dài được”... Ông Văn này không biết một chữ tiếng Nga nào, nhưng đã thản nhiên tuyên bố: “Các đồng chỉ đọc Lênin cũng phải cảnh giác. Nhiều người cũng trích Lênin, tập nọ, tập kia, nhưng có phải thế là họ đúng đâu. Bây giờ có hai thứ Lênin. Lênin xuất bản năm 1932, và 1936, loại bìa nâu mới là Lênin thật. Còn gần đây Liên xô mới xuất bản Lênin toàn tập loại bìa xanh là phải cảnh giác. Đảng ta chưa có điều kiện thẩm tra hết, nhưng đã phát hiện thấy nhiều chỗ không đúng với tư tưởng của Lênin ” !!!

Vậy mà không hiểu sao, hồi đó mỗi lần chúng tôi họp chi bộ, họp chi đoàn, họp công đoàn, ai ai cũng nhắc đến: “anh Văn đã nói rằng...”, “theo chỉ thị của anh Văn thì...”. Trong khi đó, những Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính bị coi như một thứ “ma gà”, không mấy ai dám đến gần. Gặp nhau ở cơ quan cũng không dám chào hỏi chuyện trò. Trông các ông ấy lúc đó thật là xót xa: khinh mạn nhưng ngơ ngác, cô độc và câm nín... Ít lâu sau, điều phải đến đã đến. Hoàng Minh Chính và một loạt nhà khoa học khác bị bắt. Ông Trừng bị quản thúc tại nhà cho đến chết. Ông Minh Tranh (nhà sử học, sau đó làm giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, can tội cho dịch bừa bãi nhiều sách của Liên Xô, điều này chưa thấy nói trong thư ngỏ của ông Hoàng Minh Chính) đã bị đưa đi cải tạo ở Nam Hà... Tất cả các cán bộ và sinh viên đang học [các ngành khoa học xã hội, chú thích của toà soạn] ở Liên Xô đều bị gọi trở về để khỏi bị đầu độc tư tưởng. Mọi việc tiếp xúc với chuyên gia Liên Xô đều phải theo quy chế đối ngoại chặt chẽ. Mọi thư từ gởi đi và nhận từ Liên Xô đều phải báo cáo lãnh đạo...
Trong suốt chiến dịch chống xét lại, cơ quan chúng tôi có một không khí kinh hoàng không khác gì lắm so với một cái làng trong thời cải cách ruộng đất. Ai cũng nơm nớp sợ bị bắt, bị để ý. Tự nhiên xuất hiện một bọn người xu nịnh trắng trợn, mở mồm là chửi Liên Xô, chửi Khrouchtchev... Những trí thức tự trọng thì im lặng và né tránh y như con cái nhà phú nông, địa chủ thời cải cách ruộng đất...

Nhưng lạ thay, chẳng mấy lâu sau khi nghiền nát các lực lượng xét lại, xác định được địa vị bá chủ, vào mùa thu năm 1967 đùng một cái chúng tôi nghe đảng uỷ phổ biến rằng trong dịp đồng chí Kossyguine sang thăm Việt Nam, hai đảng đã thông cảm với nhau trên nhiều vấn đề. Rồi tháng 11 năm đó, ông Lê Duẩn đi dự kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng mười ở Moscou, chúng tôi sửng sốt khi nghe thấy ông tuyên bố: “Liên Xô là tổ quốc thứ nhì của tôi”. Lúc này Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam. Cường độ chiến tranh lên rất cao. Đảng rất cần tiền và vũ khí đề đánh Mỹ. Trong khi vẫn nhốt chặt những người thân Liên Xô ở trong tù và nơi quản thúc, Đảng đã trắng trợn làm thân trở lại với Liên Xô và với đồng rúp. Tôi bỗng nhớ tới định nghĩa của ông Trừng về đường lối đối ngoại của Đảng. Hình ảnh hơi tục, nhưng không khéo lại đúng.

Nhưng xin trở lại một chút với ông Lê Duy Văn. Ông ấy rời khỏi cơ quan lúc nào tôi không nhớ, mà cũng không ai nhắc tới ông ta nữa. Mãi đến năm 1981, nhân vào Sài Gòn, tôi mới tình cờ hội ngộ ông ta trong dịp tôi đến khánh thành phòng thí nghiệm sinh hoá của một trường trung học ở Tân Bình. Tôi thấy ông đến dự ăn liên hoan. Hoá ra ông đi theo bà vợ tên là Nguyệt làm hành chính của trường. Người ta kể rằng ông đã bị kỷ luật vì tội mất đoàn kết và tham nhũng nhà cửa gì đó, lại còn bị khai trừ đảng vì giả mạo giấy tờ kết hôn với người cháu họ. Nay ông hay lân la đến dự các cuộc liên hoan để kiếm cốc bia... Trong cuộc liên hoan này, chính tôi đã mắt thấy tai nghe điều sau đây: khi ông ta định bắt tay một anh tên là Sanh (cán bộ cũ của UBKHNN), anh này rụt tay lại và nói: “Tôi không bắt tay anh đâu, tay anh dơ lắm”. Ông Văn bẽn lẽn rút tay lại, ngồi xuống bàn, cầm cốc bia uống thản nhiên. Không khéo thuyết quả báo cũng có lúc đúng.

Thôi, dài quá mất rồi ! Bài này là để hưởng ứng bài của ông Hoàng Minh Chính, nên tôi xin kết luận bằng vài lời nhắn với bác Chính:

Thưa bác, quả là đời bác chịu những tổn thất rất lớn, và càng đau xót vì tổn thất đó lại được gây ra bởi chính những con đẻ của thứ chủ nghĩa mà bác đã nguyện hy sinh cho nó.
Nhưng nếu “xét lại” một lần nữa, thì thấy bác cũng có được an ủi phần nào. Bác thì đã được trả tự do, vẫn sống, lại ngồi viết đơn kiện, được cả trong và ngoài nước kính trọng, yêu mến. Còn các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ đều đã chết cả rồi. Tôi nghe một chị bạn dạy ở Trường thương nghiệp Hà Nội mới sang Moscou kể lại: năm ngoái, tức chưa qua giỗ đầu của ông Thọ, tại cái mả bằng đá cẩm thạch có cả bia và ảnh của ông ở hàng bên phải nghĩa trang Mai Dịch, có tới hai lần bị ai đó đổ xọt phân lên trên!
Vậy thưa bác Chính, không khéo ông trời cũng có mắt và cũng đi theo chủ nghĩa xét lại của bác chăng?



Hoàng Minh Chính (1920 - 2008)

Chủ nghĩa xét-lại (“revisionism”) là thái độ hay xu hướng của một số người theo hay chống Mác muốn xem xét lại học thuyết Mác, đường lối của Đệ Tam Quốc Tế, cách cai trị của chính quyền cộng sản trong một nước xem nó có còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế giới và trong các điều kiện hiện có trong nước hay không. Người đầu tiên chủ trương xem xét lại học thuyết Mác ở cuối thế kỷ 19 là Eduard Bernstein (1850-1932), một sử gia, lý thuyết gia về chính trị và là người cổ võ cho chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Ðức. Ông bác bỏ thuyết của Mác về giá trị lao động, kinh tế chỉ huy và đấu tranh giai cấp. Ông cũng không chấp nhận những lời tiên đoán của Mác về sự sụp đổ đến nơi của chủ nghĩa tư bản.

Nhóm từ “Chủ nghĩa xét-lại” cũng được các người cộng sản bảo thủ dùng để gọi chủ trương hay thái độ và việc làm của một vài lãnh tụ cộng sản dám hành động trái với những giáo điều Mác Xít hay những chính sách, đường lối Lê-ninít vốn được tôn thờ từ trước hay áp dụng từ trước trong các nước cộng sản. Họ thường thêm tính từ “hiện đại” đi kèm: “Chủ nghĩa xét-lại hiện đại”.

Lãnh tụ cộng sản chủ trương xét lại trước tiên là thông chế Joseph Broz Tito (1892-1980), tổng thống Nam Tư. Ngay khi còn là thủ tướng (1948) ông đã có can đảm đưa nước ông thoát ra ngoài ảnh hưởng của quốc tế cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, để áp dụng một chính sách ngoại giao trung lập và một nền nội trị tương đối cởi mở hơn các nước khác trong khối Xô Viết.
Lãnh tụ cộng sản thứ hai chủ trương “xét lại” là Nikita Khrutshchev (1894-1971), tổng bí thư (danh xưng chính thức lúc ấy là “bí thư thứ nhất“) đảng cộng sản Liên Xô, kiêm thủ tướng Liên Bang Xô Viết, (người nổi tiếng do hành động rút giày ra đập lên bàn tại hội nghị Liên Hiệp Quốc và việc gửi hỏa tiễn cho Cuba rồi lại rút về dưới áp lực tối hậu thư của tổng thống Mỹ Kennedy). Ông đã thực hiện chủ trương này một cách thực tế bằng việc hạ bệ Staline tại đại hội đảng cộng sản XX của Liên Xô vào năm 1956, khui ra những lỗi lầm nghiêm trọng của đảng cộng sản Liên Xô suốt trong thời gian Staline cầm quyền và cố đổ hết lên đầu Staline, biến nhà độc tài khát máu này thành con dê tế thần để cứu nguy cho đảng và chính thể Xô Viết. Chính sách hòa hoãn với Tây Phương và cởi mở đôi chút của ông đã gián tiếp dẫn tới sự nổi loạn của nông dân ở Poznan (Ba Lan) và ở Budapest (thủ đô Hungary) khiến cũng chính ông phải ra tay đàn áp và cũng vì thế phe bảo thủ đã làm áp lực cố buộc ông từ chức. Nhưng ông đã đứng vững được hơn 8 năm nữa. Năm 1964 ông bị hạ và trở về sống cuộc đời ẩn dật, đen tối, cực khổ cho đến chết. Ðám tang ông chỉ có lèo tèo vài người thân trong gia đình.

Người cộng sản thứ ba chủ trương “xét lại” là Mikhail Gorbachov, tổng bí thư Liên Xô từ 1985 đến 1991. Ông là cha đẻ của Glasnost và Perestroika (Cởi Mở và Tái Cấu Trúc), chủ trương và thực hiện cải cách về kinh tế và hành chánh. Sẵn có óc tổ chức và cải cách ông đã mạnh bạo dấn thân vào con đường đổi mới và đi những đường ngoại giao đầy sáng tạo. Ông đã hội kiến và thương thảo với những vị lãnh đạo tinh thần và chính trị có uy tín nhất thế giới đương thời như đương kim giáo hoàng La Mã John Paul II và các vị tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, George Bush. Những vị này đã ảnh hưởng nhiều đến quyết tâm của ông nhằm dân chủ hóa dần dần cơ cấu và guồng máy chính quyền Xô Viết.

Phe bảo thủ trong đảng cộng sản Liên Xô đã tìm cách lật ông bằng một cuộc đảo chính trong lúc ông không có mặt ở thủ đô Liên Xô. Nhưng nhờ có những người đồng chí cùng lòng quyết tâm đổi mới không muốn trở lại con đường chuyên chính sắt máu, nhất là nhờ sự dũng cảm của Boris Yeltsin ông đã lật lại thế cờ. Nhưng trớ trêu là trong quá trình bầu cử tự do đầu tiên được thực thi sau hơn 7 thập kỷ độc tài, ông đã mất quyền lãnh đạo không những Liên Xô, mà ngay chức tổng thống Liên Bang Nga cũng rơi vào tay người cùng phe với ông đã trở thành đối thủ về chính trị. Nền dân chủ của Nga ngày nay là nhờ ông mới có, mặc dù những người cộng sản còn nuối tiếc chế độ độc tôn cũ gán cho ông cái tội đem nền kinh tế của Liên Bang Nga vào ngõ cụt... Nhưng công bình mà nói thì phải nhận rằng nền dân chủ của nước Nga và sự cáo chung của chiến tranh lạnh là nhờ Gorbachew. (Nhờ thế ông đã được nhận Giải Thưởng Nobel về hòa bình) Còn tình trạng rối ren về nội trị và sự suy sụp về kinh tế hiện nay ở Nga, một phần do sự kém cỏi của các nhà kinh tế trong chính quyền của tổng thống Boris Yeltsin, và phần nào cũng do thế giới tự do, nhất là những nước giầu có không viện trợ đủ cho Nga, trong lúc nền kinh tế xứ này đã bị phá hủy hoàn toàn bởi chính sách tập thể hóa nông nghiệp và thương nghiệp trong 7 thập niên. Nền kinh tế tập thể chỉ huy đó đã làm cho người dân quen với thói ỷ lại, thiếu sáng kiến, nay bước sang giai đoạn kinh tế thị trường không quen, thiếu kinh nghiệm. Nhưng dầu sao thì người ta vẫn có cớ (nhưng chưa hẳn có lý) để đổ lỗi cho Boris Yeltsin và gián tiếp cho Gorbachev.

Người cộng sản Việt Nam đầu tiên có tư tưởng xét lại, có can đảm, vị thế và cơ hội để triển khai tư tưởng đó thành những đề xuất thực tiễn có thể nói là Hoàng Minh Chính. Chỉ tiếc là ông không làm được gì giống như 3 nhân vật vừa nêu. Và thân phận ông cứ lận đận mãi. Cho đến nay ông đã vào tù ra khám 3 lần tổng cộng 12 năm rồi, không kể những năm bị quản chế. Chẳng những khổ cái thân ông mà còn liên lụy đến nhiều đảng viên cộng sản khác đã từng tán thành hay bênh vực ý kiến “xét lại” của ông.

Ông Chính không phải là người xướng xuất chủ nghĩa xét-lại. Ông chỉ là người lợi dụng lúc có phong trào xét lại ở Liên Xô do Nikita Khrutshchev lãnh đạo để nêu lên những ý kiến riêng của mình mà ông đã gậm nhấm nhiều năm từ khi du học ở Liên Xô và được nhồi sọ học thuyết Mác Lê để rồi một ngày kia dám nhận ra rằng cái học thuyết đó có gì không ổn. Muốn hiểu rõ nguyên nhân có phong trào xét lại ở Việt Nam và dự đoán xem nó có đi đến đâu không, tưởng cũng nên biết thêm về con người Hoàng Minh Chính và ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Cộng đối với đảng cộng sản Việt Nam vào những năm 50 và 60, cũng là thời kỳ có các chiến dịch “Giảm Tô” và “Cải Cách Ruộng Ðất” long trời lở đất dưới sự điều khiển trực tiếp của các cán bộ Trung Cộng.

Hoàng Minh Chính (HMC) (sinh năm 1920) tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, nguyên quán làng Thượng Lao, huyện Nam Trực tỉnh Nam định (1). Ông gia nhập đảng cộng sản khi mới 19 tuổi và người giới thiệu ông là Lê Ðức Thọ. Về sau cũng chính Lê Ðức Thọ ký giấy tống giam ông. Nhờ có công trong kháng chiến chống Pháp (đã từng cầm đầu quyết tử quân tấn công sân bay Gia Lâm, phá hủy được một số máy bay, và bị thương), ông được đảng cử đi học ở Liên Xô từ năm 1957 đến 1960. Năm 1961 được cử giữ chức viện trưởng viện Triết Học trong 5 năm. Ông cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như Tổng thư ký đảng Dân Chủ, Bí thư “Ðoàn thanh niên Việt Nam”. Lần đầu tiên ông bị bắt giam từ tháng 7 năm 1967 đến 1972. Lần thứ hai từ 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ 1995 đến 1996.

Nắm chức viện trưởng viện Triết Học, giảng viên rồi chỉ huy phó trường đảng Nguyễn Ái Quốc, lại được tổng bí thư đảng Trường Chinh trao nhiệm vụ soạn thảo những diễn văn quan trọng, HMC có thể được coi như một trong những lý thuyết gia của Miền Bắc lúc ấy. Sở dĩ phát sinh cái gọi là “vụ án xét lại chống đảng” khiến ông và một số người khác trong đó mấy tướng lãnh thân Võ Nguyên Giáp bị bắt là do sự xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc sau đại hội 81 đảng cộng sản thế giới họp tại Mặc Tư Khoa vào cuối năm 1960. Sau khi hạ bệ Stalin trong đại hội 20 (năm 1956) của đảng cộng sản Liên Xô, Khrutshchev chủ trương đường lối “Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung”, đồng thời đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng các dân tộc. Nghĩa là, một cách vắn tắt, không còn tin ở thuyết dùng bạo lực lập chuyên chính vô sản trên toàn thế giới của Mác và Lê-nin nữa. Tại đại hội 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới phái đoàn Trung Cộng đã phê bình chủ trương này. Phải khó khăn lắm hai nước đàn anh trong khối cộng mới đi được tới chỗ dung hòa để ra một thông cáo chung đại ý “cùng sống chung hòa bình với Tây Phương nhưng đồng thời các phong trào giải phóng dân tộc vẫn có quyền tiến hành đấu tranh riêng để giành độc lập.” Nhưng chỉ được một năm thì sự dung hòa gượng gạo này tỏ ra thất bại vì Trung cộng (và cả Albany) (2) bắt đầu đả kích đường lối của Khrutshchev cho rằng nó đi sai trệch chủ nghĩa Mác. Những tranh chấp về lãnh thổ ở biên giới hai nước lớn càng đào sâu thêm hố chia re, đẩy hai nước cộng sản đàn anh vào thế đối địch gay go.

Bắc Việt là một chư hầu nhỏ cần viện trợ của cả Liên Xô lẫn Trung Cộng, Liên Xô thì là “đại ca”, còn Trung Cộng thì là nước láng giềng lớn, “như răng với môi”, cảm thấy mình bị kẹt ở giữa. Ông Hồ đã khéo léo đi dây ở giữa hai thế lực trong một thời gian. Cho đến khi tổng thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ ở miền Nam thì đảng cộng sản Việt Nam muốn nhân dịp miền Nam rối loạn tiến hành chính sách tốc chiến tốc thắng để chiếm trọn cả nước. Những kẻ thân Mao lý luận rằng Mỹ hạ ông Diệm là để có thể đem quân tác chiến vào. Nếu không tranh thủ lúc quân Mỹ chưa tới mà tốc chiến tốc thắng thì sẽ phải đương đầu với võ khí tối tân của Mỹ và có thể bị tiêu diệt. Chủ trương này được biểu quyết thông qua trong khóa họp thứ 9 của ủy ban trung ương đảng vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1963 (một tháng sau cuộc đảo chính lật ông Diệm) và được giữ kín hoàn toàn. (Tuy nhiên rồi sau bên ngoài cũng biết được nội dung của nghị quyết số 9 được biểu quyết trong kỳ họp thứ 9 này, Ðó là nhờ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tịch thu được trong một cuộc đột kích vào một mật khu Việt Cộng là nơi có mặt cán bộ cao cấp từ Hà Nội vào.) Lập trường mới này dứt khoát ngả theo Trung Quốc chống lại chủ nghĩa “xét lại” của Khrutshchev. Dân miền Bắc lúc ấy ai có radio thì được biết phần nào qua đài Bắc Kinh phần Việt Ngữ. Những nhà trí thức cũng qua đài này nhận ra sự rạn nứt trong khối Cộng Sản Quốc Tế. Và họ muốn ngả theo Liên Xô vì cho rằng theo đường lối xét lại của Khrutshchev sẽ tránh được chiến tranh với siêu cường Mỹ.

Khi Hoàng Minh Chính được trao nhiệm vụ soạn thảo báo cáo chính trị trong hội nghị 9 cho Trường Chinh, ông ta đã viết theo luận điệu của Khrutshchev nên bài của ông không được chấp nhận. Tuy nhiên vì ỷ thế, hoặc vì liều lĩnh ông ta đã phân phát bài của mình cho một số đại biểu dự hội nghị. Dĩ nhiên có một số nghe theo và chấp nhận lập trường của ông cho nên mới có cái gọi là “vụ án xét lại chống đảng” trong đó có khoảng 200 người liên lụy, (3) kể cả cựu ngoại trưởng Ung văn Khiêm, các tướng Ðặng Kim Giang, Lê Liêm, là hai tướng thân cận của anh hùng Ðiện Biên, tướng Võ Nguyên Giáp. Không kể cấp nhỏ hơn như các đại tá Ðỗ Ðức Kiên, Lê Minh Nghĩa, Nguyễn Minh Nghĩa.
Sở dĩ Hoàng Minh Chính dám phổ biến tư tưởng của mình, vì ông quá tự tin. Chẳng những chính ông đã chứng kiến trên 70 đảng trong số 86 đảng cộng sản trên toàn thế giới (4) đã hoàn toàn ủng hộ lập trường “xét lại” của Khrutshchev, mà ông còn được chính Trường Chinh, lý thuyết gia số một của Việt Nam lúc ấy cũng tán thành ý kiến của ông, và như sau này ông cho nhà báo Ba Lan Jacek Hugo Bader biết là có gần nửa số ủy viên bộ chính trị cũng tán thành, kể cả ông Hồ Chí Minh (!)(5)

Hoàng Minh Chính bị bắt ngày 27-7-1967, sau khi phổ biến tập tài liệu dầy trên 200 trang tựa đề “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam”. Có khoảng 200 người khác cũng bị bắt và giam ở những vùng xa xôi biệt lập hoàn toàn không được tiếp xúc với thân nhân. Trong số những người bị giam có cả cha con ông Vũ Ðình Huỳnh, đã từng là bí thư của Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ có một chương nói về con ông Huỳnh là Vũ Thư Hiên với tác phẩm “Ðêm Giữa Ban Ngày”.
Ngoài Hoàng Minh Chính coi như đầu vụ, sau đây là danh sách một số nhân vật quan trọng khác có dính líu vào cái gọi là vụ án xét lại chống đảng (XLCĐ) đã từng bị sát hại một cách bí mật, đầy nghi vấn, bị kỷ luật, bị bắt giam hay bị cô lập, canh chừng theo dõi một cách bí mật mà ai cũng biết, chưa kể những người khác bị giam giữ ở những nơi hẻo lánh, bí mật chưa phát hiện ra:

Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị bị đẩy ra khỏi bộ chính trị từ đại hội đảng kỳ 3. Ðặng Kim Giang, thiếu tướng, Lê Liêm thứ trưởng bộ văn hóa, đều là thân cận với Võ Nguyên Giáp từ Trận Ðiện Biên Phủ, Nguyễn Văn Vịnh, thứ trưởng bộ quốc phòng, Trần Minh Việt, phó bí thư thành ủy Hà-nội, Bùi Công Trừng phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học nhà nước, Ung Văn Khiêm, ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng Ngoại giao, Phạm Viết, đại tá Lê Trọng Nghĩa, thượng tá Hoàng Thế Dũng, Phạm Kỳ Vân, Lưu Ðộng, Trần Châu, Trần Ðĩnh, Trần Thư, Mai Hiến, Mai Luân, Ðặng Ðình Cần,Nguyễn Gia Lộc, Phùng Văn Mỹ, Vũ Huy Cương vân vân... danh sách này còn dài. Chưa kể 40 người lúc ấy đang ở Liên Xô xin tỵ nạn ở lại và bị khai trừ, trong số đó có Nguyễn Minh Cần, đại tá Lê Vinh Quốc, thượng tá Văn Doãn v.v.
Năm 1972 HMC được thả, nhưng bị quản thúc tại gia cho đến năm 1976. Năm 1981 ông làm đơn khiếu tố về vụ án của ông và lại bị bắt giam 6 năm rồi bị quản chế thêm 3 năm cho đến 1990. Ông đã kể lại cảnh tù tội khốn khổ của ông trong thời gian này trong bức thư ngỏ ngày 27-8-1993 như sau:

“Ðòn đánh lần này tàn bạo gấp bội lần trước. Nhà tù giam mỗi một mình tôi (biệt giam ở Hải Hưng) có trên 20 sĩ quan công an từ cấp úy đến cấp tá canh gác ngày đêm, không rời mắt một giây phút. Họ tuyên bố thẳng với tôi rằng: “chúng tôi được phép hành hạ anh.” Có tên nói: “Tôi sẽ giết anh, tay tôi đã từng vấy máu. Anh là tên phản cách mạng!” Rồi họ dùng biện pháp gây tiếng ồn, phá giấc ngủ ban đêm, gây bệnh ỉa chảy liên tục bằng cách bỏ ruồi nhặng vào canh, cho thức ăn ôi, khi lâm bệnh thì hăm không cho thuốc uống, cứ liên tục như vậy”. Rồi họ đầu độc tôi hai đợt bằng cách cho thức ăn có hóa chất độc, gây ốm mê man, miệng nôn trôn tháo, bụng quặn đau, toàn thân run rẩy suốt tuần (có bác sĩ khám chứng nhận đúng là bị ngộ độc thức ăn). Một lần tôi bị 5 tên công an lực lưỡng xông tới bẻ quặt tay, nắm tóc, buộc giẻ bịt miệng rồi bóp cổ tôi chết ngất. Mục tiêu duy nhất của họ là hủy hoại sức khỏe, tiêu diệt ý chí phản kháng, buộc “phải cúi đầu, quỳ gối nhận tội như lời hai sĩ quan tay sai của ông Lê Ðức Thọ đã thét vào mặt tôi (Tên chúng là Nguyễn Ngọc Nghị và Hoa Văn Lan). Hai lần tù giam cộng 11 năm và 9 năm quản chế tiếp liền sau đó, tổng cộng 20 năm tù đầy và quản chế, với tất cả những nhục hình và hành vi nhục mạ xúc phạm nhân phẩm. Cuối cùng họ đành chịu thất bại hoàn toàn”.
Sau khi được thả năm 1987, rồi bị quản chế thêm 3 năm nữa, HMC đã viết tập “Bệnh ấu trĩ” phê bình đảng đã tiếp thu những tư tưởng giáo điều của cả Stalin lẫn Mao Trạch Ðông. Và đến khi bức thư ngỏ đề ngày 27/08/1993 thì nhà cầm quyền đã tìm mọi biện pháp để canh chừng, gài bẫy hòng bắt giữ ông. Khi cuộc phỏng vấn của HMC dành cho nhà báo Balan Bader được đăng trên tờ Gazeta Wyborcza ngày 21/04/1995 đến tay các nhà lãnh đạo Hà Nội, họ liền quyết định dùng biện pháp mạnh với HMC.

Ngày 13-6-1995 ông lại bị bắt lần nữa. Công an đã cho vợ ông, bà Lê Hồng Ngọc, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Yến biết ông bị bắt căn cứ các điều 205 và 82 của bộ luật hình sự. Cụ thể là vì “thí dụ như việc liên lạc với tên Ðỗ Trung Hiếu, một phần tử xấu, một tên phản động”. Công An cũng trấn an bà là ông Chính chỉ bị tạm giam 4 tháng và sẽ được ra tòa để trả lời về hành động của ông. Bà Ngọc đã đi khắp Hà-nội tìm luật sư bào chữa cho chồng nhưng ai cũng nói: “Vụ này do Trung ương đảng chủ trương, chúng tôi không dám dây vào”.

Bà Ngọc đã tỏ ý mong các luật sư Việt Nam ở hải ngoại bào chữa cho chồng. Vì bài phỏng vấn của Hoàng Minh Chính dành cho nhà báo Bader đã được phổ biến ở nước ngoài, nên lần này ông đã được nhiều tổ chức nhân quyền ở hải ngoại lên tiếng đòi nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông. Tại thành phố Bonn, Ðức Quốc, đã có gần một trăm người thuộc 13 tổ chức của người Việt tại đây biểu tình trước tòa đại sứ Việt Cộng để phán đối phiên tòa xử Hoàng Minh Chính và Ðỗ Trung Hiếu. Ở Pháp có luật sư Antoine Conte tình nguyện sang Việt Nam bào chữa cho Hoàng Minh Chính và Ðỗ Trung Hiếu trước phiên tòa (được ấn định vào ngày 08/11/1995). Nhưng đơn xin nhập cảnh của luật sư không được cứu xét. Ông Chính cũng yêu cầu tòa chấp thuận cho 4 luật sư khác ở trong nước cố vấn cho ông để ông tự bào chữa. Ðó là các ông Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thành Vĩnh, Hoàng Nguyên, Lê Hồng Hà. Nhưng không được tòa chấp thuận. Trái lại tòa chỉ định luật sư Vũ Thiện Kim đứng ra bào chữa. Ông Chính không nhận. Trong phiên tòa ông bị kết án một năm tù.

Hoàng Minh Chính nói gì với ký giả Ba Lan Bader, và viết gì trong bức thư ngỏ? Sau đây chúng tôi chỉ nêu vài điểm quan trọng:

1. Trả lời phỏng vấn:

“Lúc đó (1946) chẳng có ai nói đến chủ nghĩa Mác cả. Người ta chỉ nói đến cuộc chiến đấu vì dân tộc. Trong đơn vị tôi không có một cơ sở đảng nào cả”

“Tất cả những gì tôi nói (đầu 1964) người ta cho là chủ nghĩa xét-lại kiểu mới. Tôi nói như Khrutshchev rằng để tiến lên chủ nghĩa xã hội không cần phải đấu tranh bằng bạo lực, mà bằng hợp tác kinh tế giữa các nước anh em, mở cửa ra thế giới, ra tư bản. Tội lớn nhất của tôi, theo họ là định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội không cần chuyên chính. Họ căm thù tôi vì lẽ đó”.

Khi Hoàng Minh Chính nói sau thế chiến hai ở Âu Châu, cụ thể là Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary chủ nghĩa xã hội đã được đưa vào bằng con đường nghị viện (hòa bình), thì Bader bảo: “Ông hoàn toàn sai rồi”. Hoàng Minh Chính thú nhận:

“Ấy, nhưng lúc đó là lý luận của tôi hồi 1960 để thuyết phục họ đừng sử dụng bạo lực để giải phóng miền Nam. Thời điểm đó số phận miền Nam được định đoạt. Chiến tranh chưa bung ra. Tổng thống Ngô Ðình Diệm lãnh đạo miền Nam, ở đó tương đối yên ổn. Các đồng chí của tôi muốn quan hệ hòa bình. Chúng tôi không chủ trương dựng bức màn sắt. Mỗi cuộc chiến tranh là một sai lầm. Tôi cảm thấy chủ nghĩa Ghandi là hợp với tôi hơn cả”.

Bader: Và ông nói công khai điều đó?

HMC: “Vâng. Và phe chủ hòa thậm chí có vẻ như sắp thắng”.

“Lê Duẩn là nhân vật số hai, nhưng trong thực tế thì nắm toàn bộ quyền lực”. Khi đó ông Hồ đứng sang một bên và luôn nhắc câu: “Ném chuột không được làm vỡ bình quý.” Ông ấy yếu, không quyết đoán, và dễ lung lay, không có vai trò thực. Như thế từ năm 1963 cho tới lúc ông ấy qua đời năm 1969”.

Về quyết định tấn công miền Nam của Lê Duẩn, HMC nói: “Một quyết định rất ngu dốt. Ðất nước cần được thống nhất bằng con đường hòa bình”.

Bader: “Nhưng xem ra toàn dân chấp nhận chiến tranh”.

HMC: “Nhân dân ư? Ai hỏi ý kiến nhân dân? Ðảng là tất cả”.

Bader: “Vậy thì không phải người Mỹ mà là chính quân Bắc Việt Nam là
kẻ xâm lược”.

HMC: “Ðiều đó nên để các nhà sử học phán xét”.

Trong cuộc phỏng vấn này, HMC cho biết ông đã thôi không còn là người cộng sản nữa kể từ khi ông theo học về chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Mạc Tư Khoa và “suốt ba năm rưỡi khi tôi làm viện trưởng (viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê-nin), viện là nơi có tự do dân chủ nhất. Tôi tuyên truyền tư tưởng (mà người ta cho là) xét lại.”

Ông cũng cho biết điều ông ghê tởm nhất là: đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Ông chủ trương “mọi sự phải công khai”, ông không hoạt động gì bí mật. Ông chống mọi biện pháp bạo lực cũng giống như ông chống cộng sản. “Tôi không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản cũng như những phương pháp bạo lực”. Như vậy ông cũng không tán thành những tổ chức bí mật chống cộng bằng bạo lực.

2. Bức thư ngỏ:

Bức thư đề ngày 27/08/1993 gửi tòa án tối cao, quốc hội, trung ương đảng, mặt trận Tổ Quốc, hội luật gia, các cơ quan truyền thông và bạn hữu. Nội dung gồm có 5 mục:

A. Hành động áp chế, phi pháp của lãnh đạo:

“Nhiều chục, nếu không nói là cả trăm người trong và ngoài đảng bị đàn áp vì có những tư tưởng mới, cấp tiến.” “Vì bị hành hạ dã man, có người đã chết trong ngục (thí dụ ông Phạm Viết), hoặc cho rời nhà tù để về chết ở nhà (thí dụ ông Phạm Kì Vân), hoặc chết vì quá suy nhược trong tù đày liên tiếp vì đói khổ, thiếu thuốc men, bị o ép tinh thần, chết ngoài lề xã hội, mang hận trong lòng sang thế giới bên kia (như các ông Ðặng Kim Giang, Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Minh Việt)”.

B. Ông viện dẫn những điều 7, điều 11 trong pháp lệnh tháng 11 năm 1981, và pháp lệnh khiếu tố năm 1992 để chứng minh rằng Lê Ðức Thọ đã không coi luật pháp ra gì vì ông ta nhân danh đảng. Mà đảng thì đứng trên và ngoài vòng luật pháp.

“Tại sao có chuyện cực kỳ phi pháp và phi đạo lý như vậy? Mà chuyện đó lại được coi là lẽ đương nhiên! Ðiều đó chỉ có thể giải thích được bởi một lẽ duy nhất: Tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương xuống đến cơ sở đều phải đặt dưới quyền lãnh đạo của cấp ủy đảng là cấp toàn quyền, tiên quyết và quyết định tối hậu tất cả. Ðiều đó lại được pháp chế hóa bằng điều 4 của hiến pháp năm 1980. (Hiến pháp năm 1992 vẫn giữ nguyên điều 4 đó).

Về nguồn gốc vụ án xét lại, HMC đã nói đến hội nghị 9 của trung ương đảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1963, và nghị quyết 9 theo sau đó. Một nghị quyết được coi là tuyệt mật trong một thời gian dài:

“Ðiều quan trọng nhất là phải được nghe lời giải thích về điều ẩn giấu của nghị quyết 9 không được ghi trên văn bản mà chỉ được phổ biến bằng miệng từ cấp trung ương rồi truyền miệng xuống tới tận cơ sở. Chính những lời truyền miệng đó mới là thực chất, nội dung, linh hồn sâu kín nhất của nghị quyết 9. Tấm màn bí mật ấy được vén lên bởi ông Trường Chinh, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban phổ biến nghị quyết 9 của trung ương. Tại hội nghị các cán bộ cao cấp và trung cấp gồm chừng 400 người họp lần đầu tiên tại hội trường Ba Ðình trong tháng giêng năm 1964 để học tập nghị quyết 9. Ông Trường Chinh tuyên bố: “Các đồng chí cần đặc biệt lưu ý một điều là nghị quyết 9, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế, không thể viết hết ra những điều cần nói. Cần đặc biệt lưu ý là thực chất của nghị quyết 9 chỉ có thể phổ biến bằng miệng, điều đó là: Ðường lối đối nội, đối ngoại của đảng và nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối nội đối ngoại của đảng và nhà nước Trung Quốc.”

“Sau đó ít lâu, ông Lê Ðức Thọ, trưởng ban tổ chức trung ương tuyên bố với cán bộ rằng: 

“Chống chủ nghĩa xét-lại hiện đại, về mặt lý luận ta để cho đảng cộng sản Trung Quốc làm, còn về mặt tổ chức thì ta tự làm lấy.”

C. Trong phần 3 này HMC nêu lên các biến cố ở Ðông Âu, Liên Xô và cả đường lối mềm dẻo của Trung Quốc, cũng như những thay đổi hiện nay ở Việt Nam để khẳng định rằng:

“Như vậy thực tế của Việt Nam hiện nay đã vượt xa các quan điểm xét lại thuộc thập kỷ 60 của những người xét lại ở VN.”

D. HMC nói về trường hợp ông đã tán thành chủ trương của Khrutshchev ra sao. Ông cũng nói chính Trường Chinh trao cho ông chuẩn bị văn kiện đi dự đại hội 81 đảng cộng sản ở Liên Xô, và lúc ấy phái đoàn đảng cộng sản Việt Nam đã chấp thuận đường lối của ông. Chỉ cho đến khi có nghị quyết 9 người ta mới đổi lập trường ngả theo Trung Quốc và kết tội ông là xét lại, bắt giam và quản chế ông tổng cộng 20 năm. Trong thời gian đó ông chịu đủ thứ cực hình. Nhưng họ không làm ông khuất phục để nhận tội.

E. Trong phần kết luận HMC nêu lên 7 điểm. Chúng tôi chỉ trưng dẫn mấy hàng của điểm 3 và điểm 7:

“Nếu Bộ chính trị và ban chấp hành trung ương kết tội những người trong vụ án xét lại chống đảng thì, công bằng mà nói, phải tự kết tội mình trước đã.”

“Việc đảng từ bỏ giữa chừng quan hệ quốc tế đứng đắn được nêu trong tuyên bố 81 đảng (đã được đồng thuận ký kết), mà nhảy ngang sang dòng nước ngược giáo điều bảo thủ, duy ý chí, Mao-ít cực đoan là một sự thụt lùi ghê gớm. Nó đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng, triền miên suốt nhiều thập kỷ liền mà hiện nay nhân dân ta đang phải trả giá đau đớn khốc liệt bằng chính xương máu của mình.”

“Cuối cùng, tôi xin kiến nghị với quốc hội khóa 9, kì họp thứ 4 sắp tới sẽ nghiên cứu toàn diện, sâu sắc mà loại bỏ điều 4 trong hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với nền dân chủ đích thực, phù hợp với một nhà nước pháp quyền sẽ được xây dựng, đáp ứng được sự đòi hỏi lâu nay của quốc dân đồng bào cũng như Việt kiều và các gợi ý chân tình của quốc tế.”

Ðầu năm 1999, nhân vụ tướng Trần Ðộ bị đảng khai trừ, HMC có phát biểu trên đài Á Châu Tư Do là mặc dù có vụ này, “tôi rất lạc quan vì tiến trình thế giới ngày nay đang mở ra tiếng nói về dân chủ, về dân quyền và trở thành ngôn ngữ chung của loài người hiện nay. Và trên thế giới, cao trào hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu đang bùng lên như một cao trào. Việt Nam đã vào ASEAN, vào AFTA và đang xin vào WTO thì lãnh đạo không dại gì chặn lại trào lưu bằng việc làm o ép trong nước.”

Về liên hệ giữa những người trí thức ở hai bên chiến tuyến trước đây, HMC phát biểu:

“Họ đều nung nấu về tình hình đất nước. Họ đều theo dõi tình hình để biết là đất nước hiện nay đang tụt hậu, và đều rất xót xa. Vì thế tôi không thấy có gì ngăn cách giữa những người trí thức với nhau.”

Vài nhận xét về trường hợp Hoàng Minh Chính: Nữ ký giả Judy Stow từng là đặc phái viên của đài BBC ở Ðông Nam Á, sau đó làm trưởng ban Việt Ngữ đài này đã gọi Hoàng Minh Chính là cha đẻ của Chủ nghĩa xét-lại Việt Nam. Ðúng ra ông chỉ là người đem áp dụng ở Việt Nam tư tưởng xét lại của Khrutshchev đã trở thành đường lối chính sách của Liên Xô từ đại hội XX năm 1956 và sau đó trở thành đường lối chính sách của đại hội 81 đảng cộng sản thế giới năm 1960, trong đó tuyệt đại đa số các đảng cộng sản đã đứng hẳn về phía Liên Xô chỉ trừ Trung Cộng, Albany và một vài đảng cộng sản khác. Nói là áp dụng thực ra cũng không hoàn toàn đúng, vì Hoàng Minh Chính chưa leo lên được địa vị có thể đem áp dụng nó mà chỉ luồn lách tư tưởng xét lại trong một số văn kiện được Trường Chính ủy thác soạn thảo, và phái đoàn cộng sản Việt Nam tại đại hội 81 đảng năm 1960 đã phát biểu theo lập trường của văn kiện đó. Căn cứ vào những gì Hoàng Minh Chính tiết lộ với nhà báo Bader, cũng như trình bày trong bức thư ngỏ năm 1993 thì, nếu không có sự chia rẽ đến đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Liên Xô, và nếu không có tham vọng quyền bính tột đỉnh của hai tay chọc trời khuấy nước họ Lê là Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ, thì đảng cộng sản Việt Nam với Hồ Chí Minh (chủ tịch đảng, chủ tịch nhà nước), Phạm Văn Ðồng (ủy viên bộ chính trị, thủ tướng), Võ Nguyên Giáp (ủy viên bộ chính trị, chủ tịch Quân ủy, bộ trưởng quốc phòng) Ung Văn Khiêm (ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng bộ ngoại giao) tương đối hòa hoãn và có xu hướng thân Liên Xô, có lẽ đã có thể đem áp dụng những tư tưởng mà Hoàng Minh Chính đem từ Liên Xô về. Và nếu đảng cộng sản không bị hai tay họ Lê thao túng ngả theo đường lối giáo điều cực đoan của Mao Trạch Ðông, thì có lẽ HMC đã có một địa vị cao hơn, hòng áp dụng đường lối hai miền thi đua phát triển trong hòa bình và thống nhất bằng thương thảo phi vũ trang.

Cho đến nay các vụ án lớn như Cải Cách Ruộng Ðất, Nhân Văn Giai Phẩm, Chỉnh Ðốn Tổ Chức đều đã được công khai hóa. Riêng vụ án Xét Lại Chống Ðảng vẫn còn bị dìm sâu trong bí mật, mặc dù đã có người khiếu tố. Ngay cả, Nguyễn Trung Thành là người thụ lý vụ án thời ông làm trong ban tổ chức dưới quyền của Lê Ðức Thọ cũng đã lên tiếng yêu cầu đem ra xét xử công khai để giải oan cho nhiều cán bộ cao cấp. Chẳng những đảng không chấp thuận mà còn áp dụng kỷ luật với ông Thành và cả ông Lê Hồng Hà, và còn bỏ tù HMC, chỉ vì ông này đã có bức thư ngỏ.

Người ta tự hỏi: Nếu đem ra công khai vụ này, thì liệu đảng sẽ có nguy cơ bị kết tội gây chiến tranh giết hàng triệu người không? Và còn bao nhiêu hệ lụy khác nữa? Và như vậy cái công “chống Mỹ cứu nước” sẽ trở thành tội phạm chiến tranh?

Trong bối cảnh đó, vụ án xét lại chống đảng trở thành quan trọng và do đó vai trò của người tiên phong đưa tư tưởng xét lại vào Việt Nam như HMC cũng trở nên quan trọng không kém.
Khi bức thư ngỏ của HMC được đăng trên tờ Diễn Ðàn ở Paris, một cán bộ (Lê Xuân Tá) đã lợi dụng lúc công tác ở Liên Xô lên tiếng góp ý thêm về vụ án. Ông Tá cũng nhắc lại thái độ và hành động của HMC trong thời gian làm viện trưởng viện Triết Học ở Hà-nội và tỏ ý ca ngợi, tán đồng. Ngoài ra ông cũng nhắc đến các ông Dương Bạch Mai và Bùi Công Trừng là hai nhà trí thức miền Nam (đều là ủy viên trung ương đảng) chống Mao, cùng một lập trường với HMC. Ông Tá đã nhắc lại câu nói của HMC trả lời cấp trên, khi ông này khuyên “nên “régler” bớt cái lập trường “prosovietique” đi để giữ đoàn kết”. Ông Chính bốp chát ngay: “Là thằng ngu thì không nói làm gì. Nhưng nếu là thằng trí thức mà không đủ can đảm bảo vệ chân lý, thì cái đầu của nó còn dùng để làm gì nữa”. Nếu đa số trí thức trong nước dám nói và làm theo chân lý thì có lẽ chế độ cộng sản đã chết từ lâu ở Việt Nam rồi.

Vũ Thư Hiên thì chê Hoàng Minh Chính vẫn còn “thể hiện một niềm tin lỗi thời ở đảng”, mặc dầu, như Vũ Thư Hiên viết, “Ban lãnh đạo căm ghét anh”. (6)

Nguyễn Ngọc Lan (NNL) trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Phát thanh RFI (Pháp Quốc Tế) đã nói về việc Hoàng Minh Chính bị đem ra xử tại tòa ngày 08/11/1995 đại ý, theo báo Sai Gòn giải phóng, mục đích của Hà Nội là muốn nghiêm trị Hoàng Minh Chính và Ðỗ Trung Hiếu về tội lợi dụng tự do dân chủ. NNL châm biếm rằng: “Cứ hễ cái gì được gọi là lợi dụng thì nhắm mắt cũng thấy rõ là thứ ấy không hề có hay thiếu lắm.”

Ðể hiểu thêm về nguyên do và hậu quả của vụ án XLCÐ, tưởng cũng nên lưu ý đến lời HMC tiết lộ với nhà báo Bader rằng ông Hồ cũng tán thành đường lối “xét lại”, nhưng thuộc thiểu số. Ðồng thời thử đặt vụ án vào bối cảnh chung lịch sử cả nước lúc ấy. Tại miền Nam từ đầu năm 1963 có rất nhiều tin đồn về cuộc gặp gỡ giữa ông Ngô Ðình Nhu, cố vấn chính trị của tổng thống Diệm, với Phạm Hùng phái viên của chính quyền Hà-nội tại miền Nam. Ðó là chưa kể những cuộc tiếp xúc công khai giữa ông Nhu và trưởng đoàn đại biểu Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến. Nhiều nhà báo và sử gia Mỹ còn viết rằng lúc ấy tổng thống Diệm có mật lệnh cho các tướng Huỳnh Văn Cao, Bùi Ðình Ðạm tránh những cuộc giao tranh có nguy cơ gây tổn thất nhân mạng. (Họ lên án tổng thống Diệm không muốn chống cộng, chỉ muốn bảo vệ quyền hành.) Ngoài ra cũng nên nhớ lại là tháng 7 năm 1954 trong bữa tiệc ở Paris do phái đoàn Trung Cộng khoản đãi, thủ tướng Trung Cộng Chu An Lai đã làm ông Phạm Văn Ðồng và nhân viên phái đoàn Bắc Việt ngạc nhiên và bất bình, khi ông trực tiếp, công khai ngỏ ý với ông Ngô Ðình Luyện em ông Diệm (ít ai có thể ngờ là cũng được mời dự tiệc), mong muốn có đại diện của Saigon ở Bắc Kinh.

Ðặt tất cả những sự việc kể trên chung lại với nhau, rồi lại đặt chúng bên cạnh bối cảnh của nghị quyết số 9 vào cuối 1963, đầu 1964, nghĩa là chỉ hơn một tháng sau khi tổng thống Diệm bị hạ, người ta thấy hiện lên một giả thuyết khá hấp dẫn: Nếu Mỹ đừng nóng lòng diệt cộng, nếu một số chính khách và nhà sư miền Nam không quá háo hức với một nền dân chủ kiểu Mỹ, tìm cách lật tổng thống Diệm, thì có lẽ Trung Quốc, mặc dù muốn tranh quyền với Liên Xô, cũng chưa chắc đã bắt ép đàn em Bắc Việt phải dùng võ lực cố đánh chiếm miền Nam. Nhưng dù hấp dẫn, đó cũng chỉ là giả thuyết đặt trên cái chữ “nếu” không có trong lịch sử.

Ðiều sau đây thì có cơ sở hơn: Một số trí thức và văn nghệ sĩ cộng sản phản tỉnh bênh ông Hồ. Bảo ông ta ôn hòa, tình cảm, yêu nước, mặc dù có khuyết điểm và có trách nhiệm trong nhiều tội ác, nhưng chỉ vì ông không cương quyết, chứ thực tâm ông không xấu. Ðọc hết soạn phẩm này, độc giả sẽ thấy những điều những tác giả đó nói đáng tin đến mức độ nào. Có một điều chúng tôi thấy nên nói trước về đại cương: Cứ cho rằng những người bênh ông Hồ có lý đi. Nguyên một việc ông đem chủ nghĩa Mác Lê-nin vào Việt Nam, lập nên cái đảng chuyên chính vô sản, chuyên gây thù hằn giai cấp, lấy bạo lực làm phương tiện tiêu trừ các giai cấp khác, các đảng quốc gia khác, cũng đủ là một tội lớn rồi. Cứ cho là ông chỉ là một phù thủy non tay không sai khiến được âm binh, để đến nỗi bị âm binh khống chế, thì nguyên cái tội phù thủy đã nặng lắm rồi. Bao lâu những người tự cho mình thương dân, yêu nước, bên này cũng như bên kia, còn bị lúng túng về tình cảm với ông Hồ, bao lâu cái xác ông còn được tôn thờ ở công trường Ba Ðình, trong khi nhiều nhà yêu nước khác còn nằm co ro, nhục nhã ở những bãi tha ma hẻo lánh, thì nhân dân ta còn khổ.

Minh Võ
________________________________________________________________________

(1) Cũng có người nói ông sinh năm 1922. Nam Định cũng là quê của các cán bộ cộng sản cao cấp khác như Trường Chinh, 3 anh em Lê Ðức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách. Và một số văn thi sĩ nổi tiếng như Tú Xương, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Khái Hưng, Trần Dần, Trần Mạnh Hảo, Vũ Thư Hiên và hai nhạc sĩ thiên tài Ðặng Thế Phong và Văn Cao.
(2) Sở dĩ Albany đứng về phe Mao chống Khrutshchev vì ông này đã định lật Hodja, lãnh tụ An-ba-ny mà không thành.
(3) Cho đến nay vẫn không có ai biết con số chính xác nạn nhân của vụ án này, cũng như con số nạn nhân trong vụ CCRÐ. Nhưng nhiều người ước lượng khoảng 200. Chính HMC thì nói “nhiều chục, nếu không nói là cả trăm.”
(4) 81 trong số 86 đảng đã tham dự đại hội các đảng cộng sản và công nhân thế giới tại Moscow năm 1960, do Khrutshchev triệu tập.
(5) Cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Balan Jacek Hugo Bader đã được đăng tải trên tập san Gazeta wyborza ngày 21-4-1995..
(6) “Ðêm giữa ban ngày”, Vũ Thư Hiên, nxb Văn Nghệ, California, 1997, trang 295.



Vài kỷ niệm vặt với Trần Độ
  
Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm ăn, hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng MNVN, nghe nói anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh… Trong bữa rượu đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, tên Oanh thì phải. 
Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại, bảo:
- Chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.


Tướng Trần Độ

Tôi sững người. Vậy ra anh chẳng biết gì về vụ án nhóm "xét lại chống đảng" mà tôi bị người ta đính vào sao? Cái nhóm này không phải một tổ chức, chẳng phải một đảng, thậm chí cũng chẳng phải một nhóm, nhưng được người ta bịa ra, đặt tên rất kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà anh lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988), khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo, tôi mới hiểu - thậm chí cả tướng Trần Văn Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biến. – Trần Văn Trà nói - Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương, rất sơ sài. Chúng tôi bận tối tăm mặt mũi, chẳng ai để ý”. 

Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin. Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không phải với ý khác.
Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:
- Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa chứ?
Anh gật đầu, cạn chén.
Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của anh, không dám lắm lời.
Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai. 
- Em lắng nghe câu trả lời của anh. – tôi nói.
Anh lắc đầu, thở dài:
- Một lũ chó má! Không thể ngờ.

Nhiều thời gian trôi qua với rất nhiều sự kiện: anh chuyển qua công tác Đảng,à công tác dân sự: Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Phó Chủ tịch Quốc Hội, anh hoạt động tích cực trong những chức trách được Đảng giao phó, sau đó những tiếng xì xào trong nội bộ Đảng về những hành xử không đúng đường lối, không có đảng tính của anh (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…). 

Cũng vào thời gian đó, tôi biết anh khuyến khích nhiều người làm công việc tìm về cội nguồn các dòng họ. Chẳng bao lâu sau, tôi được một anh bạn ở Bộ Nội vụ cho tôi đọc một chỉ thị của bộ anh: “Bọn phản động đang dùng kế sách tìm về cội nguồn (nhận họ, họp họ) để hạ thấp vai trò của Đảng. Phải ngăn chặn việc này”. Anh Hoàng Minh Chính bình: “Hay! Trong các cuộc họp họ, anh bí thư Đảng vốn được coi là cao hơn hết trong mọi vai vế xã hội, thì nay có thể bị ông trưởng tộc quát: “Anh ra ngồi kia, đây là họp họ, không phải họp đảng hay chính quyền”! 

Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”! 
Tôi đồng ý với Văn Cao. Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng, nếu biết xuôi dòng anh rất có thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực. 

Nhưng không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử như một người thẳng thắn, chỉ biết một mực đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ, luôn làm chối tai người cầm quyền. Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị, từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”. 

Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh bất bình với một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ” trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu, không hay chút nào”. Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo cách nói quen đấy, cậu đúng, sửa lại hộ mình nhá. Xem ra thói quen thật nguy hiểm, là một cái tật cần phải đấu tranh để loại bỏ”. 
Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn lắm với Trần Độ. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ lâu. 

Một lần khác, ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), trong cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ vào năm 2001, có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ, chú này đòi được nói với bác vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ!”. Anh Độ cười lớn:”Hay, cậu nói rất hay. Chỉ sai một chút thôi, cái đảng ấy không phải của tôi. Cậu tên gì ấy nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”. 

Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được rũ khỏi trách nhiệm “trước những vũng bùn mà cái đảng ấy đang chui vào một cách được gọi là sáng tạo”. Khai trừ anh ĐCS thêm một lần phô trương cái hẹp hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, ĐCS lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.

Đảng của anh khai trừ anh, bù lại anh được nhân dân đón anh vào lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét, bù lại anh được tình yêu thương của đồng bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta cho là mất chẳng đáng gì với anh. 
Khi lâm bệnh, anh không cần dùng đến thuốc của nhà nước mà anh ngờ vực, đã có đồng bào gửi thuốc cho anh. Trong những người lo lắng cho anh tôi muốn kể hai người rất sốt sắng lo cho anh tới ngày cuối cùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Trong những bức thư hiếm hoi gửi cho tôi, anh không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai bạn mà anh không biết mặt. 

Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”. 

Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng vẫn là quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen