Seiten

Montag, 15. September 2014

Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc 1953 – 1956

Viết theo dữ kiện lấy từ:
- Án Tích Cộng Sản Việt Nam (2001), Trần Gia Phụng
- Từ Thực Dân Đến Cộng Sản (1964), Hoàng Văn Chí
- Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, Hoàng Văn Chí
- Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên
- Mặt Thật, Bùi Tín

1. Bối cảnh xảy ra đấu tố cải cách ruộng đất
Chiến dịch CCRĐ xảy ra vào giai đoạn mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã củng cố được địa vị lãnh đạo và quyền lực . Đi ngược thời gian, chúng ta thấy sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, đảng CSVN đã tiêu diệt các lực lượng và đảng phái quốc gia cũng như CS khác từ năm 1946 . Trong giai đoạn từ 1946 đến 1950 thì đảng CSVN bị tách biệt với phong trào CS Quốc Tế, không thể nhận sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc và vì còn yếu nên còn cần sự hợp tác của các thành phần không cộng sản trong hàng ngũ Việt Minh . Khi đảng CS Trung Quốc chiếm được chính quyền tại Trung Quốc tháng 10 năm 1949, biên giới Việt Nam – Trung Hoa thông thương được . CSVN được CSTQ viện trợ khí giới, cán bộ huấn luyện . Lúc đó đảng CSVN cũng đã nắm vững tình hình trong nước nên có thể thi hành biện pháp có tính cách cộng sản mà trước đây đảng CS chưa thể làm vì chưa đủ sức chống đỡ với sự phản đối của quần chúng và các tổ chức không theo CS .

Chiến dịch cải cách ruộng đất và một số các chiến dịch  thuộc vào giai đoạn hai trong sách lược cách mạng vô sản của đảng Cộng Sản: giai đoạn đầu là Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân, giai đoạn hai là giai đoạn Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa . Chỉ từ giai đoạn hai trở thì thì các đặc tính của CS mới lộ ra .

2. Các hoạt động liên quan đến ruộng đất
Các  hoạt động có liên quan đến ruộng đất theo thứ tự thời gian như sau:

2.1 Sắc lệnh giảm tô 1949:
Sắc lệnh số 78/SL, 14-7-1949, giảm tô, chủ điền giảm tô cho tá điền từ 25% đến 35%, lấy ruộng đất của điền chủ người Pháp và người Việt bị ghép tội Việt gian chia cho nông dân .

2.2 Các sắc lệnh giảm tô và tịch thu ruộng đất 1950:
Sắc lệnh số 89/SL, 22-5-1950: xóa bỏ hợp đồng vay nợ giữa chủ điền và tá điền trước 1945, nếu món nợ sau 1945 thì chỉ phải trả vốn mà không phải trả lãi .
Sắc lệnh 90/SL, 22-5-1950: tịch thu ruộng đất bỏ hoang quá 5 năm tính đến ngày ra sắc lệnh . Đất tịch thu chia cho nông dân cày cấy trong thời hạn 10 năm, 3 năm đầu miễn thuế . Ruộng bỏ hoang chưa đến 5 năm thì phải cho những tập đoàn nông dân cày cấy lại hoặc cho người khác thuê cày . Sắc lệnh này không áp dụng cho đất đai trồng cây kỹ nghệ hoặc đất đai của những người vì phục vụ cho Việt Minh nên không thể trồng trọt .

2.3 Sắc lệnh giảm tô 1953
Sắc lệnh ngày 20-4-1953, giảm thêm giá thuê đất 25%, để tổng số phí tổn của tá điền không quá 1/3 hoa lợi .

Sau năm 1951, đảng CSVN đưa người qua Trung Quốc để học tập cách cải cách ruộng đất rồi về nước phát động giảm tô, giảm tức . Theo Nguyễn Văn Trấn, đã tham gia công tác thí điểm tại Thanh Hóa, thì không thành công lắm vì gặp sự chống đối của nông dân .

2.4 Đấu tố đợt một 1953
Giai đoạn này được bắt đầu năm 1952 với 6 xã thí điểm ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên rồi sau đó chính thức thực hiện vào giữa năm 1953. Chiến dịch làm đầu tiên ở 47 xã tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hóa rồi sau đó lan ra các tỉnh miền Bắc . Các tỉnh gần vĩ tuyến 17 thì không có đấu tố, giết chóc để tiếng đồn không lan xuống miền Nam và để người dân đừng chạy xuống phía Nam . Qua đến đầu năm 1954 thì dừng lại khi sắp thi hành hiệp định Genève để người dân đừng sợ hãi thêm mà bỏ vào miền Nam rồi qua năm 1955 lại bắt đầu CCRĐ trở lại .
Cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Noãn thực hiện tại miền Nam sau năm 1954 kể lại vụ đấu tố ở giai đoạn trước khi chia đôi đất nước, nghĩa là thuộc đợt xảy ra vào trước năm 1954 . Kết cục trong phim là những kẻ từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp phải bỏ miền Bắc mà đi vào miền Nam vì thấy không sống nổi dưới chế độ như vậy .

2.4.1 Ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất:

Gồm hai cấp, cấp trung ương và cấp địa phương .

·           Cấp trung ương:
o          Chủ Tịch: Trường Chinh, Tổng Bí Thư đảng Lao Động .
o          Phụ tá: Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương (cả 2 đều là Ủy Viên Bộ Chính Trị) và Hồ Viết Thắng . Hồ Viết Thắng, là người đã đi học tại CHNDTH, trực tiếp điều hành theo lệnh của Trường Chinh .

·           Cấp địa phương:
Những người đã được đào tạo về CCRĐ được bổ về các tỉnh .

Trung bình mỗi tỉnh có 10 đoàn, mỗi đoàn có khoảng 100 cán bộ . Đoàn trưởng nhận lệnh trực tiếp từ Ủy Ban Cải Cách, không qua hệ thống đảng và chính quyền địa phương .

Mỗi đoàn chia ra thành nhiều đội . Mỗi đội có khoảng 6 – 7 cán bộ . Đội trưởng được chọn trong số bần nông hay bần cố nông, nhất là những người đã từng tham gia CCRĐ trước đây . Đội có quyền hành tuyệt đối chỉ nhận lệnh từ Ban Cải Cách Ruộng Đất vì thế có câu “nhất đội, nhì trời” . Phương châm thi hành là “Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch” .

2.4.2 Nội dung sắc lệnh
·           Tịch thu ruộng đất của người ngoại quốc, những người bị gọi là Việt gian, “địa chủ phản động” và “phú hộ ác ôn” .
·           Ruộng đất của những người hợp tác với Việt Minh thì được trung thu, mỗi năm bồi thường 1.5% trị giá đất . Ai bán, sang, chuyển nhượng để trốn tránh bị trưng thu sẽ bị tịch thu và bồi thường bằng tín phiếu ngân hàng . Trung nông đã mua các ruộng này sẽ phải bán lại cho nông dân nghèo không có ruộng với giá chỉ định .
·           Các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ chỉ được giữ một số đất đai và phải tự cày cấy . Điều này có nghĩa có nhiều chùa và nhà thờ sẽ bị mất ruộng đất nếu có nhiều hơn số qui định . Điều này là chùa và nhà thờ mất đi bớt phương tiện hoạt động .
·           Việc thực hiện được giao cho Nông Hội, một thành phần của Mặt Trận Liên Việt . Tòa Án Nhân Dân sẽ được thiết lập để trừng phạt những kẻ chống đối .

2.4.3 Diễn tiến của chiến dịch đấu tố

2.4.3.1 Bắt rễ sâu chuỗi
Để chuẩn bị cho các cuộc đấu tố, các cán bộ CCRĐ được gửi về các làng, xã thực hiện chính sách Tam Cùng, Thăm Nghèo Hỏi Khổ, rồi Bắt Rễ Sâu Chuỗi .

Tam Cùng:
Tam Cùng là cùng làm việc, cùng ăn và cùng ngủ chung . Các cán bộ  đi vào làng quan sát ai là thành phần nghèo khổ, giả vờ xin vào ở chung mà không cho biết ý định của mình rồi phụ làm việc, ăn chung, ngủ chung để làm thân .

Thăm Nghèo Hỏi Khổ:
Sau khi gây được thân tình thì hỏi thăm tình cảnh, khêu gợi người nông dân thổ lộ nỗ khổ của mình . Từ đó dọ ý và khêu gợi lòng căm thù những kẻ giàu có trong làng . Đồng thời các cán bộ cũng dọ hỏi tin tức về các gia đình, các cá nhân trong làng trong nhiều năm qua để biết ai được xếp vào loại kẻ thù, ai có thể bênh kẻ thù, ai là có thể là người đứng ra đấu tố kẻ thù . Các chi tiết như phụ nữ nào lúc trẻ có quan hệ với địa chủ được xử dụng để sau này ép các phụ nữ đó tố địa chủ đã cưỡng hiếp mình . Tin tức về những ai từng làm thuê cho địa chủ sẽ được dùng để sau này dùng để bị ép người làm thuê tố địa chủ đã đánh đập, bạc đãi mình . Các vụ tai nạn như chết đuối, chết vì bệnh hoạn trong làng dù không liên quan đến địa chủ cũng có thể dùng để vu cáo cho địa chủ vì ác tâm mà gây ra .

Bắt Rễ, Xâu Chuỗi:
Những kẻ nào sau khi được khêu gợi lòng căm thù mà mang tâm trạng muốn trả thù được xếp vào loại Rễ . Cán bộ dùng Rễ để giới thiệu thêm những kẻ khác cũng nghèo khổ và mang tâm trạng căm thù tạo thành xâu chuỗi một nhóm những kẻ căm thù, đồng lòng trả thù địa chủ . Nhiều thành phần bất hảo, vô đạo đức trong làng đã hưỏng ứng lời thúc dục trả thù này . Việc Rễ giới thiệu thêm người được cán bộ giới hạn chỉ vài ba người và kiểm soát kỹ để đừng lọt vào những kẻ mà sau này có thể phản đối hành động đấu tố .

2.4.3.2 Phân định thành phần:
Sau khi thu thập đủ tin tức về làng đó, các cán bộ báo cáo kết quả trong một phiên họp bí mật của Đoàn CCRĐ tỉnh . Cán bộ làm việc điều tra đưa ra đề nghị là những ai trong làng sẽ bị qui là địa chủ, gán ghép người nào tội gì cho họ . Khi được cấp tỉnh chấp thuận thì Đội CCRĐ công khai phát động chiến dịch trong làng đó .

Bắt đầu chiến dịch CCRD là Ủy Ban Hành Chính Xã và Chi Bộ Đảng bị giải tán, Ban CCRĐ có toàn quyền hành động trong làng . Các bần cố nông nằm trong Nông Hội được Đội CCRĐ núp sau giựt dây sai làm để làm ra vẻ phong trào CCRĐ là của nhân dân đứng ra làm chứ không phải của chính quyền . Cổng làng được đóng lại, có công an canh gác, chỉ những ai có giấy phép mới được ra vào . Các làng ở miền Bắc thường được bao bọc bằng lũy tre xanh nên khi đóng cổng làng thì coi như làng đó hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài .

Sau đó các cán bộ tổ chức buổi họp kéo dài khoảng 10 ngày gồm các thành phần bản bộ, tức là bần cố  nông để dạy cho cách phân định thành phần . Các bần cố nông cũng  được họp bàn với cán bộ để thống nhất ý kiến về cách sắp xếp ai vào thành phần nào . Thường thì bần cố nông đều đồng ý với cách cán bộ đã định trước .

Sau khóa học về cách phân định thành phần thì buổi họp công khai có dân làng tham dự được tổ chức  và kết quả phân định thành phần được loan báo . Sau khi loan báo kết quả, địa chủ bị bắt giữ ngay .

Các thành phần được chia ranhư sau:

·           Địa chủ: có ruộng đất mà không trực tiếp cày cấy . Có 3 hạng địa chủ:
1.Địa chủ ác ôn phản động: là quan lại, những người có liên quan đến các tổ chức đảng phái khác hay thân Pháp .
2.Địa chủ cường hào, ác bá: những người có thế lực trong làng, hiếp đáp, ngược đãi bần nông, cố nông .Địa chủ có dưới 5 ha, không hợp tác với chính quyền cũ .
3.Địa chủ có dưới 5 ha, không hợp tác với chính quyền cũ .

·           Phú nông: có khoảng 3 mẫu ta, 1 con trâu, tự cày cấy và thuê nông dân phụ giúp.

·           Trung nông: có dưới 3 mẫu ta, tự cày cấy, chỉ đủ sống . Chia ra hai hạng:
1.         Trung nông cấp cao: có dưới 3 mẫu ta, 1 trâu hay 1 bò .
2.         Trung nông cấp thấp: có dưới 1 mẫu ta .

·           Bần nông: có một ít sào đất , không đủ sống, phải đi làm thuê cho địa chủ hay thuê đất của địa chủ để cày cấy và phải trả tô .

·           Bần cố nông: không có đất đai nhiều đời, không có gia súc, không có nông cụ, làm thuê đủ thứ nghề để sống .
Ban Cải Cách Ruộng Đất phân loại như vậy để chia rẽ nông dân, giảm sức chống đối . Khẩu hiệu của chiến thuật là : dựa vào bần cố nông, tranh thủ trung nông, cô lập phú nông, tập trung mũi nhọn vào địa chủ .  Đó là chiến thuật “bẻ đũa thì bẻ từng chiếc” .

Đảng CS chia ra nhiều thành phần rồi tiêu diệt từng thành phần một để giảm bớt sự chống đối . Nếu chúng ta xét từ các sắc lệnh cải cách ruộng đất đầu tiên thì lúc đầu thành phần bị tịch thu ruộng đất chỉ là người Pháp và những người hợp tác với người Pháp . Rồi sau đó là hễ đất bỏ hoang quá năm nay thì bị tịch thu bất kể là của người có hợp tác với Pháp hay không . Lần đầu thì chỉ những người Việt hợp tác với Pháp mới bị mất ruộng . Lần thứ hai thì tất cả những người nào có ruộng bỏ hoang quá năm năm mới bị mất ruộng .

Đến đợt đấu tố thì “tập trung mũi nhọn vào địa chủ” nghĩa là tất cả ai làm chủ ruộng mà có thuê tá điền đều là nạn nhân . Điạ chủ lại được chia ra 3 thành phần và đối xử khác nhau do đó phản ứng của mỗi thành phần mạnh yếu cũng khác nhau. Điạ chủ ác ôn sẽ bị bắt và gia đình bị cô lập sau khi phân định thành phần . Địa chủ cường hào ác bá phải đi dự lớp cải tạo kéo dài 3, 4 tuần, ban đêm không cho ngủ để khủng bố tinh thần, phải khai ra chỗ dấu của cải . Địa chủ loại 3 bị bắt đi ở nhà của một nông dân khác có công an canh chừng, đêm đến giải từ nhà này qua nhà khác .

Phú nông, trung nông, bần nông thì thấy mình không bị đụng đến nên cố hợp tác với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của mình . Phú nông, trung nông cũng bị đối xử cho thấy rõ có phân biệt là thấp hơn đối với bần nông . Chẳng hạn, khi đi vào buổi đấu tố, bần nông đi thành đoàn và đứng riêng , phú nông, trung nông đi riêng, đứng riêng . Cách đối xử phân biệt khiến cho phú nông, trung nông sợ hãi, không dám chống đối vì sợ bị xép vào hạng địa chủ và hết sức ủng hộ đấu tố .
Nhưng đến chiến dịch CCRĐ sau, phú nông, trung nông bị kích lên thành địa chủ và cũng vẫn bị mất ruộng đất tài sản, bị tù tội, bi. chết .
Cuối cùng sau khi đấu tố chấm dứt, đến phong trào hợp tác hóa toàn thể nông dân đều phải đem ruộng vào hợp tác xã cả, không còn ai có ruộng riêng .
Để không còn ai bênh vực địa chủ, những người có thể bênh địa chủ cũng bị gán cho tội “liên quan đến địa chủ” . Có ba loại liên quan:

1. Liên quan nặng: dám có thái độ bênh vự địa chủ, bị gán cho tội “có tư tưởng địa chủ” . Bị đối xử như là địa chủ nghĩa là bị bắt giam “cô lập”, bị tịch thu tài sản, vợ con bị quản thúc trong nhà cho đến khi đói mà chết .
2. Liên quan vừa: trước đây có cảm tình với địa chủ, nhận ơn nghĩa của địa chủ . Bị đưa sang làng khác quản thúc đổi nhà với thành phần “liên quan vừa” của làng kia được đem qua làng này quản thúc .
3. Liên quan sơ: bị nghi là vẫn còn có óc muốn bênh địa chủ, không chịu đấu tố hăng . Bị đuổi khỏi Nông Hội, nghĩa là sau này sẽ không được phân phát cho các phương tiện cày cấy như trâu bò, nông cụ, vay lúa giống ...

Trong giai đoạn phân định thành phần nhiều người bị trả thù mà bị đưa vào thành phần địa chủ . Hoặc  vì muốn lập công làm cho đủ hoặc nhiều hơn chỉ tiêu ở trên giao cho mà nhiều người bị qui là địa chủ oan .

Trong khi địa chủ bị giam giữ thì các Đội CCRĐ đến nhà các địa chủ đòi gia đình phải tiền nộp “thoái tô”, tức là số tiền thâu của tá điền quá mức nhà nước qui định, cho Nông Hội . Trên lời nói của Đội CCRĐ thì số tiền thoái tô là do tá điền mách bảo nhưng trên thực tế thì món tiền được định tùy theo Đội CCRĐ thấy nhà địa chủ có của cải nhiều ít đến mức nào . Mục đích là bắt địa chủ phải nộp cho hết tiền, vàng bạc, của cải . Ai mau mắn đóng đủ thì bị nghi là vẫn còn của cải nên Đội CCRĐ nói là đã định lầm và gia tăng bắt đóng thêm cho đến mức đóng không nổi . Những kẻ không mau mắn nộp thì bị hành hạ, con cái bị giam riêng để tra hỏi . Gia đình nào không chịu đóng thì bị kích thành phần cho lên hạng trên và có thể bị bắn .

Các giai đoạn đấu tố chia ra làm đấu lý, đấu lực và đấu pháp .

2.4.3.3 Tố khổ (Đấu Lý)
Đấu lý là dùng lời lẽ kết án . Trong khi địa chủ bị giam thì nông dân được triệu tập đi học lớp về “Tội ác của giai cấp địa chủ” . Mục đích của lớp này là giảng cho nông dân biết địa chủ đã bóc lột nông dân như thế nào .
Sau khi học, các học viên phải “kể khổ”, nghĩa phải kể ra địa chủ đã đối xử xấu với mình như thế nào . Mỗi người phải kể ra ít nhất một tội . Phần lớn các tội đều là bịa đặt, nhiều người nông dân bị ép buộc phải ra tố cáo và phải bịa ra chuyện để tố . Giảng viên đọc ra một danh sách các tội “điển hình” nói là đã thu thập trong các lớp trước, cốt để gợi ý các nông dân nào không bịa được tội thì cứ lấy các tội trong danh sách mà kể ra . Lúc tố phải dùng ngôn từ hung dữ, nặng nề . Các tội bịa ra càng là những tội xấu xa, bỉ ổi nhưng hiếp dâm, đánh đập người . . . thì càng tốt . Các “diễn viên” tập dợt tố khổ với hình nộm bằng rơm giả làm địa chủ .
Những kẻ nào không tỏ vẻ hưởng ứng thì bị kết tội là muốn bênh địa chủ và có thể bị kích thành phần lên để trị tội. Vì thế một số địa chủ bảo con cái tố mình cho hăng, Họ biết thê nào họ cũng chết, chỉ hy vọng là con cái không bị xếp vào thành phần xấu hơn, may ra còn giữ lại được chút của cải.

2.4.3.4 Đấu tố địa chủ (Đấu Lực)
Đấu lực là dùng cực hình hành hạ nạn nhân.

Sau khi đã có danh sách các tội sẽ đem ra kể, những người được chọn sẽ ra đấu tố trong tòa án nhân dân sẽ tập dượt lời ăn tiếng nói, cử chỉ sẽ làm trong buổi đấu tố . Đội CCRĐ cố tình dùng những cách làm cho nạn nhân bị xỉ nhục trở nên mất tư cách trước con mắt mọi người đứng xem và dùng những cách hành hạ để người xem thấy kinh khủng . Người tập dượt phải học thuộc lòng lời nói của mình, phải biết khi nào cần hung dữ, quát tháo, khi nào cần khóc lóc bi thảm để tỏ ra vẻ bị ức hiếp .

Khi việc tập dợt đã xong, đấu trường được thiết lập để thi hành việc đấu tố . Đấu tố là màn chính trong chiến dịch CCRĐ. Tất cả mọi người trong làng đều phải đến tham dự .

Cách xử địa chủ được phân theo hạng:
Địa chủ hạng 1, phản động ác ôn, bị đấu 3 ngày liền trước một đám đông từ một đến hai chục ngàn người, gồm dân của một “liên xã”, tổng cộng là 15 làng .
Địa chủ hạng 2, cường hào ác bá, bị đấu 2 ngày liền trước đám đông khoảng hai ngàn người, tức là dân của cả làng .
Địa chủ hạng 3 bị “đấu lưng” nghĩa là đấu vắng mặt . Trong khi địa chủ bị giam một nơi thì dân làng đem kể tội với nhau trong tòa án nhân dân . Sau đó mới gọi địa chủ ra ký nhận biên bản là có tội . Lý do cho xử vắng mặt được nói là “nhà nước muốn khoan hồng” nhưng trên thực tế thì đây là hạng địa chủ không có tội gì đáng kể để mà tố, nếu để cho họ có mặt thì họ sẽ cãi làm cho buổi đấu tố không thể thành công . Địa chủ hạng này có thể là người có ruộng trong làng nhưng lại sống nhiều ở thành thị, ít chung đụng với dân làng nên chẳng có gì để mà kết tội là đối xử tệ với nông dân.

Những địa chủ không chịu nổi sự hành hạ, sỉ nhục mà bị chết hoặc tự tử thì sẽ bị “đấu ảnh”, nghĩa là lấy mũ, nón hoặc khăn, áo của người này đem ra để tập thể nông dân xỉ vả .

Đấu trường được lập ở một nơi rộng rãi như sân vận động hay bãi đất trống . Một bục ba tầng được dựng lên, từng dưới là 14 thư ký gồm toàn bần cố nông, trong đó  có ít ra 1 người thực sự biết chữ  làm ra vẻ là viết biên bản có thể là trung nông. Từng hai là 7 người bần cố nông của Chủ TọaĐoàn, gồm Chủ Tịch Nông Hội và một công an trưởng . Từng trên cùng trưng ảnh Hồ Chí Minh, hai bên là ảnh Malenkov và Mao Trạch Đông . Hai bên đấu trường chăng các biểu ngữ với khẩu hiệu như “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giảm tô” hoặc “đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất”, “Đả đảo tên địa chủ ABC Việt gian, phản động, cường hào, ác bá” .
Chủ tọa đoàn tuyên bố lý do buổi họp, thuyết trình về ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc đấu tranh chống địa chủ . Công an trưởng ra lệnh lôi địa chủ ra để tố . Khi địa chủ bị lôi ra, những người xung quanh phải hô to “Đả đảo thằng Việt gian, phản động, cường hào, gian ác ...(tên nạn nhân)”. Nạn nhân phải bò ra đấu trường chứ không được đi bằng hai chân. Giữa đấu trường đắp hai mô đất, người bị đấu đứng trên một mô đất, người đấu đứng trên mô đất kia .
Khi chủ tọa đoàn kêu gọi “anh chị em nông dân” ra kể tội thì theo như đã sắp xếp mọi người xung quanh đua nhau giơ tay xung phong . Chủ tọa đoàn gọi những người đã định trước trong danh sách của mình ra để đấu .

Tùy theo từng sáng kiến của mỗi Đội CCRĐ mà các hình thức xỉ nhục, hành hạ tại mỗi làng khác nhau, chẳng hạn bỏ đói, bỏ khát nạn nhân, bắt phải quì phơn nắng, đào hố sâu đến đầu gối bắt nạn nhân đứng xuống để trông thấp hèn hơn mọi người xung quanh . . .  Dùng những lời lẽ nặng nề, cực đoan, quát mắng, hò hét, thóa mạ để làm mất nhân phẩm người bị xử . Người bị đấu phải gọi kẻ tố mình là “thưa các ông, các bà nông dân”, còn người tố thì phải gọi nạn nhân là “thằng này”, “con kia”, “mụ kia”, “chúng bay”,  và tự xưng là “tao”,  “chúng tao” . Ngay cả những nạn nhân lớn tuổi cũng phải gọi kẻ đấu mình còn nhỏ tuổi là “ông”, “bà”, còn người nhỏ tuổi thì dùng những tiếng xưng hô rất khinh miệt để gọi người lớn tuổi hơn mình .
Hành động điển hình thường bắt đầu bằng lấy tay xỉa xói vào nạn nhân và nói “Mày có nhớ tao là ai không”, rồi nói “Tao là ... ở làng ... đã đi ở cho mày trong ... năm”, rồi sau đó kể ra các tội tưỏng tượng như bị cướp trâu, bò, bị đánh đập, bị nhét phân vào miệng, bị cưỡng hiếp, bị giết con, bị rủ vào hội “Việt gian”, vẫy tay với máy bay Pháp ...
Thái độ người tố trình diễn như đã tập sẵn là phải làm ra vẻ căm thù, hoặc khóc lóc tùy theo màn, theo cảnh đã sắp xếp. Tuy vậy khi ra đấu trường, nhiều kẻ cũng không thuộc lời mình nói và đóng kịch một cách vụng về , phải có người đứng ngoài nhắc khiến cho các phiên tòa của Tòa Án Nhân Dân càng rõ chỉ là những màn trình diễn .
Người bị đấu không được quyền trả lời mà chỉ được nhận “Có” hay là “Không” . Mỗi khi trả lời “Không” thì đám đông phải la ó “Đả đảo thằng ... ngoan cố” . Cứ mỗi năm phút thì công an trưởng bắt người bị tố phải quì xuống, đứng lên, dơ tay lên trời rồi giang tay ra .

Một số trò hành hạ được được ghi lại như:  sỉ nhục, mắng chửi, đánh đập, đào hố bắt nạn nhân nằm xuống rồi tiểu, đại tiện lên người nạn nhân, giựt tóc, dìm nước, nhét phân vào miệng, dùng tre nhọn xuyên qua qua tay chân, thân thể, cho ngồi vào ổ kiến lửa, dùng lửa đốt tay chân  . . . 

Nhà văn Vũ Thư Hiên viết trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tả cảnh thời đấu tố như sau:
“Đấu tố diễn ra liên miên, ngày càng khốc liệt. Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại . Tôi kinh hoàng không hiểu nỗi: lần lượt lướt qua mặt tôi từng bầy đàn người bị kích thích bỡi mùi máu, hăm hỡ đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình.”
“Tại xã Ngô Xá, làng Ngò, Thanh Hóa, ...người ta trói chặt hai tay rồi dong mẹ bạn tôi đi khắp làng, chỉ vì bà ta trót dại nói điều gì đó mất lập trường hoặc không vừa lòng cán bộ giãm tô, giảm tức...Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc chạy tới thì mấy anh du kích quen đang xềnh xệch kéo bà đi . Hai tay bị trói dơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm thiết “Ới cụ Hồ ơi, Cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân Cụ thế này đây”.
“Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa . “Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm”, những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mải, tới khi ngất đi rồi mới được người ta hạ xuống”
“Cha bạn tôi, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, bị tống giam vì bị vu là đảng viên Quốc Dân Đảng, thắt cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Oan cho tôi lắm, cụ Hồ ơị Tôi trung thành với cụ, với Đảng”.
“Trẻ thơ cũng không thoát :” Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay của một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì, có thể là cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói”
“Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường. như một con chó. Lũ trẻ trong làng rùng rùng chây theo sau, chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo”

Mỗi người nông dân được tố  trong15 phút . Mỗi địa chủ thông thường bị 4 người tố . Tổng cộng thời gian bị tố khoảng một tiếng đồng hồ . Sau khi đã tố xong, địa chủ bị đưa đến bàn chủ tịch để ký vào biên bản đã ghi các tội sẵn để nhận tội.

Về nội dung tội trạng, địa chủ hạng 1, phản động ác ôn, bị đấu 3 loại tội vào vào 3 ngày:

1.Ngày 1: tội về các “món mồ hôi”: cướp trâu, cướp bò, cho vay nặng lãi v.v...
2.Ngày 2: tội về các “món nợ hạnh phúc”: hãm hiếp vợ người tố, hãm hiếp người tố , cha cưỡng hiếp con gái ...
3.Ngày 3: tội về các “món nợ máu”: các tội liên quan đến chính trị như rủ rê người tố vào hội “phản động”, do thám tin tức cho Pháp, rủ rê làm việc cho Pháp ...

Những kẻ cứ khăng khăng không nhận tội thì những ngày hôm sau sẽ bị gán cho các tội càng nặng hơn, cuối cùng sẽ đưa ra tòa án nhân dân để nhận án tử hình . Những kẻ ngoan ngoãn nhận tội sẽ bị các tội tương đối nhẹ hơn . Dù ngoan ngoãn cuối cùng cũng sẽ bị xử tử nếu như  án đã được định từ trước là phải xử tử và vì mỗi xã phải có bao nhiêu người đó phải bị bắn cho đúng chỉ tiêu .

Trong những đợt đấu tố đầu tiên, nhiều địa chủ không hiểu điều này nên cứ khăng khăng không nhận tôị nên số người bị bắn rất cao. Nhưng về sau, mọi người đều hiểu là dù nhận hay không thì số phận đã được định sẵn rồi .

Những linh mục, hòa thượng, nhà nho càng đạo mạo thì lại càng hay bị tố cáo về các tội liên quan đến đạo đức như hiếp dâm, loạn luân .

2.4.3.5 Thi hành án (Đấu Pháp)
Trừng phạt bản thân địa chủ:
Đấu pháp là đem nạn nhân ra xử tội. Việc kết án không theo điều luật nào mà chỉ tùy thuộc đội cải cách quyết định . Toàn thể dân làng phải đi xem xử  án . Chánh án là đội viên trong đội CCRĐ . Biện lý hay công tố là một trong những nông dân trước đây đã làm thuê cho kẻ bị xử . Không có luật sự biện hộ . Án căn cứ theo biên bản mà tội nhân đã ký . Không ai có quyền cãi hay biện hộ . Hình phạt có thể từ  5 năm khổ sai đến tử hình, kèm theo tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản . Sau khi tòa tuyên án tử hình thì tội nhân bị đem xử bắn ngay . Công chúng xung quanh phải vỗ tay hoan hô sau khi tội nhân ngã gục xuống .

Chính sách cô lập gia đình địa chủ:
Chẳng những địa chủ bị xử tội mà gia đình địa chủ cũng bị cô lập . Sau khi địa chủ bị xử tội, trong vòng hơn một năm trời, từ đợt đấu tố đầu tiên cho đến đợt thứ hai, nhiều gia đình  địa chủ không được phép ra khỏi nhà, trừ khi bị chính quyền gọi ra xét hỏi . Nhiều gia đình bị chết đói trong giai đoạn này . Trẻ con và người già chết trước rồi đến các người lớn . Người trong làng không được giao thiệp, chào hỏi, không được tiếp thế thức ăn . Khi những người này bị chính quyền giải đi ngoài đường hay đứng trước sân nhà, cán bộ xúi trẻ con lấy đá ném vào họ .

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Toàn Quốc của Mặt Trận Tổ Quốc nói về việc cô lập làm chết người già, trẻ em như sau: “Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người già cả, hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt “ .

Nguyễn Hữu Đang, từng là Bộ Trưởng Văn Hóa cũng viết: “Trong CCRĐ, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tử, xử bắn, tịch thu tài sản hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây làm cho chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ, hoặc chính là nông dân bị quy sai thành phần “.

2.5 Đấu tố giai đoạn hai 1955
Cách thức đấu tố thì vẫn như đợt trước nhưng lần này có thêm một số đảng viên cũ cũng trở thành nạn nhân . Vì Chi Bộ Đảng tại xã đã bị giải tán vào lúc đợt CCRĐ đầu tiên bắt đầu nên sau khi đợt CCRĐ đầu tiên chấm dứt, việc kết nạp đảng viên được thực hiện để tái lập Chi Bộ . Trong đợt này, nhiều bần cố nông đã được kết nạp vào đảng , một số đảng viên cũ bị xét là có “liên quan đến địa chủ”, mặc dù trước đó đã góp công kháng chiến, cũng bị gạt ra ngoài . Trong đợt CCRĐ thứ hai, nhiều đảng viên cũ cũng bị qui là địa chủ đem ra đấu tố, tài sản bị tịch thu . Ngoài ra vì chỉ tiêu là mỗi xã phải có 5% địa chủ cho nên một số người trước đây là phú nông hoặc trung nông cũng bị đôn lên thành địa chủ cho đủ số, hoặc bất cứ ai mà Đội CCRĐ không ưa cũng bị ghép vào làm địa chủ . Ước lượng có từ 40000 đến 60000 đảng viên bị qui tội địa chủ và bị đem ra đấu tố .

Một số điểm trong nội dung sắc lệnh của đợt này ban hành ngày 14-6-1955 như sau:

  • Tịch thu tịch thu toàn bộ tài sản (đất đai, nhà cửa, gia súc, nông cụ ...) của những người bị liệt vào hạng thực dân, địa chủ gian, cường hào ác bá, Việt gian.
  • Những người hợp tác với cộng sản thì hoặc bị trưng thu không bồi thường hoặc được thu mua .
  • Các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ bị lấy hết đất đai .
  • Đất sẽ được chia theo thứ tự ưu tiên: nông dân không có đất hay thiếu đất, các thành phần nghèo khổ làm thợ, buôn bán nhỏ , gia đình liệt sĩ, bộ đội, thương phế binh . . .

Tuy sắc lệnh là như vậy nhưng khi thực hiện thì việc tịch thu rất là bừa bãi, còn những kẻ mà tài sản bị thu mua thì về sau chính phủ cũng không nhắc đến việc bồi thường mà nạn nhân cũng không dám đòi bồi thường vì sợ bị gán cho là còn “đầu óc địa chủ” hoặc không “tiến bộ” .

Trong đợt CCRĐ lần hai, số  người bị cô lập chết đói nhiều hơn đợt đầu vì gia đình những “địa chủ” từ phú nông hoặc trung nông bị đôn lên quá nghèo không có nhiều vườn tược, hoặc của cải dấu, được bạn bè lén giúp như các địa chủ đợt trước để sống sót cầm hơi .

2.4.6 Sửa Sai 1956

Các cuộc đấu tố làm cho mọi nơi tại nông thôn miền Bắc người dân phẫn nộ . Một trong những phản ứng của nông dân ghi lại được là vụ nổi dậy ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vào tháng 11-1956. Hàng ngàn người dân đã nổi lên đánh đuổi các cán bộ, chiếm chính quyền địa phương . Sư đoàn 325 được đưa đến để bao vây và đàn áp . Trong vòng 10 ngày từ ngày 10-11-1956 đến 20-11-1956, dân làng đã chống nhau với quân đội và cuộc nổi dậy bị dập tắt . Khoảng 1000 người đã bị giết và nhiều người khác bị bắt .

Tuy vậy theo ông Hoàng Văn Chí, chiến dịch Sửa Sai không phải là do sự phẫn nộ của người dân mà là một giai đoạn đã được dự trù từ trước cùng với các giai đoạn trước đó trong một chương trình toàn bộ . Sửa Sai là để xoa dịu lòng công phẫn của quần chúng sau khi làm cho họ phải chịu sự kinh hoàng tột độ .
Các vụ qui chụp bừa bãi, dùng các biện pháp tàn ác trong các đợt trước là có dụng tâm do sự thực hiện nguyên tắc của Mao Trạch Đông: “Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt quá mức của sự công bằng” hoặc như ông Hồ Chí Minh nói: “Nếu muốn thẳng một cái que cong thì phải bẻ nó quá về phía bên kia và giữ như vậy một lúc lâu . Khi buông tay, cái que sẽ từ từ thẳng trở lại” . Sửa Sai là để cho cái que trở về vị trí “thẳng” .

Ngày 1-7-1956, Hồ Chí Minh gửi văn thư cho đoàn CCRĐ nói rằng trong CCRĐ đã có sai lầm .
Ngày 18-8-1956, Hồ Chí Minh gửi thư ngỏ cho toàn dân công nhận có sai lầm: “Trung Ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc, kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm . . . và đã có kế hoạch kiên quyết sử chữa , nhằm đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất . “
Tháng 9-1956, hội nghị Trung Ương Đảng Lao Động lần thứ 10 họp thảo luận và cho rằng về đường lối Cải Cách Ruộng Đất vẫn đúng, chỉ có cấp dưới làm sai . Hội nghị cũng bàn về các biện phát sửa sai . Ngày 29-10-1956, buổi mít ting ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, ông Võ Nguyên Giáp đã đọc lời công nhận có sai lầm . Nhưng về sau, guồng máy thông tin của đảng CSVN cũng vẫn nói CCRĐ là thắng lợi lớn .

Một số nhân vật bị cách chức để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân . Trường Chinh bị mất chức Tổng Bí Thư ĐLĐVN . Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị đưa ra khỏi Bộ Chính Trị . Lê Văn Lương ngưng chức Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng . Hồ Viết Thắng bị loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng .

Một thời gian sau, Trường Chinh lại được làm Phó Thủ Tướng (29-4-1958), rồi làm Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (7-7-1960). Những người kia cũng vẫn được giữ các chức vụ quan trong trong đảng và chính quyền .
Ngày 2-11-1956, báo Nhân Dân đăng thông báo của Hội Đồng Chính Phủ với nội dung:

·           Ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất không có quyền chỉ đạo nữa, mọi việc sẽ thuộc chính phủ trung ương .
·           Hủy bỏ Tòa Án Nhân Dân đặc biệt .
·           Hồ Viết Thắng thôi chức Phó Chủ Nhiệm và Ủy Viên Thường Trực Ủy Ban Cải Cách Ruộng Đất Trung Ương, thôi chức Thứ Trưởng Nông Lâm .
·           Lê Văn Lương thôi chức Thứ Trưởng bộ Nội Vụ và Chủ Nhiệm phòng Nội Chính Chính Phủ .

Có khoảng 12000 đảng viên được xét là bị gán tội địa chủ oan được thả ra .

Giai đoạn sửa sai này vẫn chưa phải là hết xáo trộn rắc rối . Những đất đai, nhà cửa bị tịch thu và chia cho các nông dân, đến khi muốn trả lại cho chủ cũ thì hoặc là chủ cũ đã bị chết, gia đình tan nát, hoặc nhà cửa đã bị hư hỏng . Khi nông dân được chia của biết rằng mình sẽ trả lại tài sản thì họ đem làm thịt trâu bò để ăn, hoặc cạy gỡ cánh cửa, vách ván để đem đi, phá hại cây cối, vườn tược .

Các đảng viên cũ bị qui làm địa chủ khi được trả về đã trả thù những người đã hành hạ mình. Một số đảng viên mới bị đảng viên cũ lấy phân bỏ vào miệng để trả thù lúc trước họ bị xử như vậy hoặc có đảng viên mới bị cắt lưỡi, rạch mồm để trả thù hành động kẻ đã vu cáo trước họ đây. Có những trường hợp đảng viên mới sợ bị trả thù đã cùng nhau giết các đảng viên cũ vừa được thả ra .
Vợ của đảng viên cũ bị ép lấy đảng viên mới trở thành nguyên nhân nhiều vụ xung đột khi người chồng cũ được thả ra .

Đại Tá Bùi Tín viết trong cuốn Mặt Thật như sau về chiến dịch Sửa Sai:
Uy tín của đảng qua sai lầm cải cách ruộng đất có bị sứt mẻ, giảm sút không?  Tôi nhơ" lại và thật khó trả lời cho đúng.  Xin kể lại cả thời ấỵ  Sau nghị quyết sửa sai, lại thành lập những đoàn cán bộ sửa sai, công bố cả một loạt tài liệu quy định các bước sửa sai, phát hành rộng rãi những văn kiện có tính pháp luật về sửa saị  Lại một lô tài liệu chồng chất về sửa sai.

Cuộc sửa sai được tiến hành ráo riết, mồi nơi là chừng 4 tháng, có nơi hơn 6 tháng.  Các bước sửa sai đi cũng với củng cố tổ chức đảng và chính quyền ở cơ sở.  Những người bị giam giữ oan ức được trả tự do, sau những buổi học thanh mình và xin lỗi theo nội dung: đảng không cố tình mà vô tình làm sai, do không kiểm tra cấp dưới; đảg rất đau xót nhận sai lầm; đảng xin lỗi mỗi đồng chí, đồng bào và khôi phục danh dự và quyền lợi của các đồng chí, đồng bàọ  Trong cơn khó khăn này, đảng mong mỗi đồng chí sát cánh cùng đảng sửa sai đến nơi đến chốn, mà đóng góp lớn nhất của đồng chí là thông cảm với đảng, cùng đảng sửa sai và ổn định tình hình, không gây thêm bất kỳ khó khăn nào cho đảng.  Êm taị  Ngọt ngào.  Số đảng viên ốm yếu được bồi dưỡng, tẫm bổ trước khi trở về nhà. Những người mắc bệnh được giới thiệu đi bệnh viện với sụ chăm sóc và thuốc men khá là đặc biệt. Số bị qui sai thành phần nhận giấy chứng nhận về thành phần xã hội đã hạ xuống, địa chủ hạ xuống phú nông, hoặc trung nông; địa chủ phản động được gỡ mũ phản động...)  Những thứ tịch thu sai được trả lại: nhà cửa, đồ đạc như bàn ghế, giường tử, đồ đồng...,  được trờ về chủ cũ (tất nhiên không thể nguyên vẹn và đầy đủ).  Đảng viên bị khai trừ oan được làm lễ phục hồi đảng ti.ch.  Con em họ còn đưọc ưu tiên nhận vào các cơ sở đào tạo và nhà máỵ

Còn số người chết oan?  Những gia đình này được cán bộ cấp huyện và chủ tịch xã đến thăm viếng, nhận lỗi và an ủị  Giấy minh oan được mang đến tận nơi, với những chứng nhận phục hồi đảng tịch (nếu là đảng viên), trả lại huân chương, bằng khen, còn được tặng thêm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh có đóng dấu của tỉnh.  Mộ người chết oan được dân quân đắp lại, việc xây mộ được đặt ra, và lễ phát tang được làmlại với cổ bàn tử tế, có bà con họ hàng, làng xóm cùng các vị chức sắc địa phương tham dự.

Cuối năm 1957 có lúc tình hình khá căng thẳng, một số gia đình oan ức chưa được sửa sai kéo về Hà Nội trước trụ sở trung ương đảng, trước cả Phủ Chủ Tịch (Phủ Toàn Quyền cũ) đưa đơn, chờ đợi trả lời với thái độ phẩn uất, có người chít khăn tang, dắt trẻ nhỏ lết thếch cũng đội khăn trắng.  Phải tổ chức nơi tiếp đón, nhận đơn, giải thích, chuyển về địa phương.. dần dần mới dịụ  Đặt biệt là sau cuộc gặp gỡ các đại diện những gia đình bị tổn thất lớn trên toàn miền Bắc ngày 29.10.1956 tại sân vận động Hàng Đẫy, đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đứng ra nhận tội, xin lỗi, đưa ra phương án sửa sai khẩn cấp thì không khí dịu hẳn lạị  Tại cuộc họp lớn này, người ta đẩy cụ Bùi Kỷ, một nhân sỹ trong Mặt Trận Tổ Quốc ra đọc lời khai mạc.  Sau đó đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng thuyết phục.  Cái lý sự để thuyết phục ở mặt trận, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ, chiến sỹ ta còn lấy thân chèn pháo bất kể sinh mạng mình, hàng ngày chiến sỹ bỏ mình... thì việc tổn thất trong cải cách ruộng đất tuy là đáng tiếc nhưng cũng là đóng góp cho cách mạng tiến lên. (!)

Ít lâu sau báo Quân đội Nhân Dân đưa ra xã luận, chỉ rõ "Chính trong sai lầm mà nhân dân ta càng thêm vĩ đại, đảng ta thêm vĩ đại", lập luận rằng: một đảng có gan nhận sai lầm và nhận trách nhiệm, bắt tay vào sửa sai một cách khẩn trương, chu đáo là thể hiện sức mạnh của toàn đảng đó, chứng minh sự vĩ đại của đảng! Mối quan hệ bản chất ruột thịt giữa đảng và nhân dân càng thêm bền chặt qua thử thách lớn nàỵ

Đó, thế có tài thánh không! Ngay cả khi đảng phạm tội giết bừa hàng chục ngàn sanh mạng nhân danh chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vô sản, thì đảng vẫn cứ là vĩ đại!  Đảng vĩ đại ngay cả trong sự sai lầm khủng khiếp nhật.  Lẽ phải, chân lý, sự đứng đắn vĩnh viển nằm trong tay đảng.

Ngay sau đó, chế độ "ngày đảng", còn gọi là "đảng nhật" được áp dụng, theo kiểu Tàụ  Cứ ngày thứ bảy, thường là sáng thứ bảy, tất cả cơ quan xí nghiệp đều họp chi bộ  Trong quân đội, tôi còn nhớ, đó là cả ngày thứ bảỵ  Anh em ngoài đảng thì lam` vệ sinh, sửa chữa doanh trại, nhà cửa, đi làm công tác giúp dân (gọi là dân vận), cán bộ đảng viên thì học tập về đảng, tự phê bình và phê bình, tu dưỡng tư tưởng.  Riêng tài liệu của Cục Tuyên Huấn biên soạn: "Đảng lãnh đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện và tuyệt đối quân đội ta", phải tiến hành học tập trong 3 buổi đảnh nhật, có tên lớp, phát hiện thắc mắc, thỏo luận tổ, liên hệ cá nhân, giải đáp thắc mắc, làm thu hoạch và tổng kết cuối cùng.

Các tổ trưởng đều phải ghi biên bản thảo luận và tổng kết, phát hiện những "ý kiến sai trái" và những người có ý kiến sai trái, có nhận thức "không đúng", "lộn xộn", "không rõ ràng", "lập trường không vững", "ảnh hưởng của tư tưởng phi vô sản", "không thông suốt"; hoặc nếu hay cải thì: có thái độ "không tiếp thu", thậm chí "ngoan cố", "chống đảng".  Những người này lập tức được các cơ quan tổ chức cán bộ chú ý,gạch chéo torng danh sách, nằm trong số cán bộ cá biệt: "không thuần", "không thông đường lối và chính sách", "có nhận thức chống đối nguy hiễm", cần đặc biết chú ý...  Và suốt đời họ được chiếu cố!

Cho nên mặc dù có khẩu hiệu "tự do tư tưởng", "người nói không có tội, người nghe lấy để răn mình", nhưng rất ít ai dám nói lên ý kiến thật của mình, việc học tập hết sức là xuôi chiều, tán tụng, nói theo, chỉ nói ra những điều mình không hoàn toàn nghĩ như thế, giữ kín những suy nghĩ lành mạnh, nh*~ng thắc mắc ngay thật theo lương tri của mỗi ngườị  Cái tệ con người "2 mặt", giả dối, không ngoan, giữ mình, "bị điều kiện hóa" dần dần hình thành, ngày càng nặng nề và tệ hạị

Biết bao người nhẹ dạ, cả tin, nêu lên những thắc mắc về tư tưởng Mao Trạch Đông, về nguồn gốc sai lầm trong cải cách ruộng đất là tư tưởng nông dân, nghi ngờ về chính sách cải tại công thương nghiệp, nói đến bệnh sùng bái cá nhân của Stalin, và Mao, "không thông suốt về đường lối cán bộ lấy công nông làm cốt cán", để rồi từ đó cứ bị định kiến, theo dõi, không được lên chức, lên cấp, lên lương nữa...

Nói và làm của đảng Cộng Sản luôn cách xa nhau vời vợi...

3.0 Ảnh hưởng của Đấu Tố Cải Cách Ruộng Đất

3.1 Khía cạnh kỹ thuật

3.1.1 Tiêu diệt các tầng lớp cũ
Trước tiên CCRĐ với các màn đấu tố làm cho người dân sợ hãi không dám chống đối việc tịch thu ruộng đất . Một số hoạt động cải cách ruộng đất trước đây đã bị dân chống đối, thí dụ ở Thanh Hóa . Đặc biệt tại Trung Quốc, các thôn xã có tinh thần gia tộc rất mạnh . Một vài giòng họ có thể có ưu thế cả về của cải lẫn uy tín trong làng, xã nhiều thế kỷ vì thế các cán bộ vốn là thành phần thấp ở trong làng không đủ uy tín để thuyết phục dân làng đi theo mình mà tịch thu ruộng đất, bắt giữ địa chủ . Đấu tố là biện pháp của Mao Trạch Đông đặt ra để giải quyết tình hình của Trung Quốc . Tại Nga, nông dân cũng chống đối lại việc tịch thu ruộng đất, tẩy chay tập thể hóa và CS Nga cũng đã làm theo lối của mình là cô lập nguyên một địa phương, không cho tiếp tế lương thực để mặc cho toàn thể vùng bị chết đói để về sau dân không dám chống đối nữa .
Các đợt CCRĐ liên tiếp đã đem các tầng lớp trên ở nông thôn, địa chủ, phú nông, trung nông xuống tận cùng để hàng ngũ bần cố nông trung thành với đảng CS lên cầm quyền trở thành tầng lớp trên ở trong làng . Các nông dân bị ép buộc phải tố và hành hạ địa chủ thì về sau họ sẽ khó mà hàn gắn lại với địa chủ và chỉ còn cách phải trung thành với đảng CS .

3.1.2 Tạo ra tâm lý sợ tư hữu
Các cuộc đấu tố với toàn thể nông dân phải tham dự chứng kiến cảnh trừng phạt khủng khiếp cho những kẻ chỉ vì có ruộng đất mà trở thành có tội làm cho người nông dân sợ hãi không còn dám mơ đến làm chủ ruộng đất và chấp nhận nộp ruộng cho hợp tác xã .

3.1.3 Đặc tính không tôn trọng pháp lý của CCRĐ
Về mặt thi hành, các vụ xử án đều không căn cứ vào sách vở, luật lệ nào cả . Tuy các cán bộ đều được dự các khóa huấn luyện giống nhau và các cuộc đấu tố được tổ chức theo như những gì họ được học nhưng trong cách thực hiện nhiều chi tiết được để mặc cho những người dưới tự nghĩ mà làm vì thế có nhiều khác nhau giữa các địa phương trong việc định thành phần , cách thức trừng phạt .

Nhưng đặc tính không tôn trọng pháp lý không phải là chỉ của riêng của chiến dịch CCRĐ mà là đặc tính chung của chế độ độc tài toàn trị, trong đó đảng cầm quyền tập trung được quyền lực tuyệt đối trong tay muốn làm gì thì làm, không cần đến luật pháp . Ngày nay người ta vẫn còn thấy đặc tính này ở Việt Nam và Trung Quốc, và ảnh hưởng của nó vẫn còn sót lại tại Nga sau khi chế độ độc tài đã bị phá bỏ .

Trong số phản ứng của giới trí thức về tính cách vô pháp luật của CCRĐ có luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết:
“(1) Quan điểm ta địch, thù bạn của ta rất mơ hồ . (2) Ta bất chấp luật, lấy chính trị lấn áp pháp lý . (3) Ta bất chấp chuyên môn”.
Và ông đề nghị:

“1) Một chế độ pháp trị chân chính . 2) Một chế độ thực sự dân chủ . 3) Một chế độ tự do ngôn luận” .

Lời đề nghị của ông không được nghe và ông bị chế độ cô lập, không dùng, đẩy ông vào con đường nghèo khó, túng thiếu suốt đời .

3.1.4 Lợi ích về mặt tuyên truyền

3.1.4.1 Tạo ra cảm tưởng CS thương dân nghèo .
Các vụ CCRĐ được chính quyền ca tụng (lờ đi đấu tố), cho đó là vì đảng CS thương nông dân nghèo mà làm và làm cho thế giới đứng ngoài nhìn vào, có cảm tưởng là chính quyền CS lo cho dân nghèo. Trên thực tế, các nông dân được chia ruộng trong các vụ đấu tố đều phải đem ruộng vào hợp tác xã và thuế nông nghiệp được định cũng cao chẳng khác gì mức tô mà địa chủ định cho tá điền và có lúc còn cao hơn .

3.1.4.2 Tạo ra không khí khủng bố .
Các buổi đấu tố tạo ra không khí khủng bố làm người dân sợ hãi khiến cho từ đó về sau, người dân không dám cãi lại chính quyền hay chỉ trích, phản kháng chính quyền .

3.2. Khía cạnh đạo đức

3.2.1 Giết quá nhiều người
Điều đầu tiên mà phần lớn mọi người nghĩ đến khi nhắc đến CCRĐ là có quá nhiều người bị giết . Có ước lượng là khoảng 100 ngàn người bị giết, cộng thêm vào đó là người thân trong gia đình cũng bị chết lây vì bị cô lậpï .

3.2.2 Phá hủy các giá trị đạo đức truyền thống
Các hành vi lăng nhục, hành hạ con người trong các buổi đấu tố vi phạm đến các giá trị đạo đức cổ truyền của dân tộc . Tuy nhiên các chế độ CS đều có chủ ý muốn phá hủy đạo đức cũ mà họ là không còn thích hợp với xã hội mới theo tinh thần XHCN mà họ đặt ra theo chủ thuyết Mác xít – Lê nin nít , cho nên ngoài CCRĐ ra thì các chính quyền CS cũng còn các chiến dịch khác để đả phá các luân lý, tập tục, giá trị đạo đức truyền thống .

Cũng nên bàn thêm ở đây là nếu chiến dịch CCRĐ làm chết nhiều người như vậy, và làm nhiều người phẫn nộ thì tại sao lại vẫn còn có người trung thành với đảng CS và tiếp tục hy sinh cả một đời để phục vụ cho đảng CS ? Câu trả lời là người CS có quan niệm về nhân đạo khác với quan niệm nhân đạo thông thường . Các quan niệm nhân đạo thông thường cho rằng nhân là nhân với tất cả mọi người, không phân biệt thành phần xã hội, của cải, dân tộc . Còn quan niệm của người CS là chỉ nhân với những kẻ cùng giai cấp với mình, tức là giai cấp công nhân (trên lý thuyết), hoặc những kẻ thuộc giới liên minh với giai cấp của mình, còn đối với những kẻ bị xếp vào loại “kẻ thù của giai cấp” thì không cần phải thương xót . Theo cách nhìn đó thì sự chết chóc, đau khổ của “kẻ thù của giai cấp” là điều cần thiết phải chấp nhận trên con đường tiến đến “thiên đường cộng sản” làm cho toàn thể nhân loại đời đời sung sướng . Những người già, trẻ con bị cô lập làm cho chết đói đều được xếp và loại “kẻ thù giai cấp” vì thế không cần phải thương xót . Trái lại ai còn có ý thương xót là chưa thấm nhuần tính giai cấp .

3.3 Khía cạnh Cách Mạng Vô Sản
CCRĐ là một trong các chiến dịch, phong trào đánh dấu cho sự khởi đầu của giai đoạn Cách Mạng XHCN . Một số phong trào khác là phong trào Chỉnh Huấn, phong trào Đấu Tranh Chính Trị, được ghi lại trong cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản của ông Hoàng Văn Chí .
Theo lý thuyết, người CS chia sách lược cách mạng vô sản thành hai giai đoạn:

·           Giai đoạn Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ (DTDC).
·           Giai đoạn Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) .

Trong giai đoạn cách mạng DTDC, đảng cộng sản phải cố đoạt được quyền lực tại nước của mình. Nếu nước đó bị ngoại bang đô hộ, thì đảng CS phải đánh đuổi ngoại bang để chiếm chính quyền. Trong giai đoạn này, đảng CS có thể liên minh với các tổ chức không cộng sản khác để hợp lực đánh đổ thế lực đang cầm quyền . Sau khi đánh đổ thế lực đang cầm quyền thì đảng CS sẽ loại những thành phần đã liên minh với mình để độc chiếm chính quyền . Trong giai đoạn đầu, tinh thần ái quốc là điều đảng CS dùng để hiệu triệu quần chúng đi theo mình còn chủ nghĩa Cộng Sản có thể che dấu chưa cần phô bày ra .

Giai đoạn XHCN là giai đoạn đảng CS biến đổi xã hội thành khuôn mẫu của theo cách mà người CS cho là đúng với sự mô tả trong chủ thuyết Mác Xít . Các thành phần xã hội cũ sẽ bị tiêu diệt hoặc cải tạo để tạo ra một xã hội với các thành phần mới . Các tư tưởng cũ sẽ bị tiêu diệt để thay thế bằng tư tưởng mới theo chủ thuyết Mác Xít .

Một số người lên án chiến dịch CCRĐ đánh luôn cả vào những địa chủ, đảng viên đã có công với công cuộc kháng chiến chống Pháp và có công với đảng CS cho rằng như thế là vô ơn. Theo cách nhìn sách lược hai giai đoạn của người CS thì những địa chủ, các đảng viên có liên quan đến địa chủ hay từng lớp trên trong xã hội ở giai đoạn đầu được công nhận là bạn của giai cấp vô sản mặc dầu nhìn về mặt đấu tranh giai cấp họ là kẻ thù của người CS. Qua giai đoạn hai, thì sự liên minh với những người bị xếp vào hạng kẻ thù không cần thiết nữa và những kẻ này cần phải bị tiêu diệt, hoặc về thể chất hoặc về mặt địa vị xã hội, để đảng CS tiếp tục tiến lên trên con đường tiến đến việc thực hiện chủ nghĩa CS 

4. Kết luận
Chiến dịch CCRĐ thật ra không phải là để cải cách ruộng đất như tên gọi mà để khủng bố làm cho dân sợ mà nghe lời một chính quyền độc tài . Cải cách ruộng đất đã xảy ra tại nhiều nước và tại miền Nam trước 1975 mà không có đấu tố, không gây chết chóc . CCRĐ vẫn là một “thắng lợi” đối với đảng CSVN, vì nhờ dân quá sợ hãi mà chế độ của đảng CSVN được bền vững trong nhiều năm qua, nhưng là một đại họa cho dân tộc .

CCRĐ cũng là để phá hủy luân lý cũng như cơ cấu xã hội truyền thống của Việt Nam để thay bằng luân lý và cơ cấu xã hội theo quan niệm của người CS, những quan niệm theo thuyết Mác Xít mà họ tin là mới, là tiến bộ . Nhiều điều trong những quan niệm đó ngày nay chế độ CS tại Việt Nam và Trung Quốc đã phải bỏ đi, chẳng hạn làm chủ ruộng đất không phải là cái tội, thuê người làm việc cho mình không phải là cái tội, kinh doanh không phải là cái tội ... Các quan niệm Mác Xít đã không đứng vững được với sự thử thách của thực tế .

Với sự thất bại của chính sách cai trị theo kiểu XHCN, đảng CSVN cũng như đảng CS Trung Quốc đã phải chia lại ruộng đất cho nông dân, tầng lớp địa chủ lại bắt đầu xuất hiện lại tại Việt Nam ngày nay. Các chiến dịch CCRĐ đã phá hủy cơ cấu xã hội, phá hủy đạo đức cổ truyền, làm thiệt hại nhiều sinh mạng một cách vô ích .


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen