Seiten

Mittwoch, 30. Juli 2014

Trại Định Cư Bình Giã

Là một tỉnh trong số 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, Đông giáp Bình Tuy, Bắc giáp Long Khánh và Biên Hoà, Tây giáp Gia Định, Nam và Đông Nam giáp Biển Nam Hải. Bờ biển dài 45 km chạy dài từ ranh giới Thị xã Vủng Tàu đến ranh giới Tỉnh Bình Tuy. Địa thế bằng phẳng, trung bình ở độ cao từ 50 m đến 120 m so với mặt biển. Dọc theo Quốc lộ 15 có dải núi Ông Trịnh và núi Thị Vải nối tiếp chạy dài từ tỉnh lỵ và lài ra đến xã Phú Mỹ. Phía Nam cạnh bờ biển dọc theo tỉnh lộ 44 có dải núi Long Hải và cạnh bên phải Liên tỉnh lộ 2 có Núi Đất. Trung bình đỉnh cao nhất của các dải núi này có cao độ từ 500 đến 550 m so với mặt biển.
Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định số 420-BNV/HC DP/26, do Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Công Chất ký, sát nhập Trường Sa và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, Tỉnh Phước-Tuy.

(Ngày 16 tháng 9 năm 1973, Hải Quân VNCH bàn giao lại cho Tỉnh Phước Tuy và Tiểu Khu Phước Tuy gởi một Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn 372 ĐPQ ra chiếm đóng các đảo như sau: BCH Đại Đội đóng tại đảo Nam Yết, 1 Trung đội đảo Sơn Ca, 1 trung đội đảo Sinh Tồn và 1 trung đội đảo Trường Sa. Đơn vị sau cùng khi CSVN gởi quân ra đánh chiếm quần đảo là Đại Đội thuộc Tiểu đoàn 302 ĐPQ).

Diện Tích:

Tỉnh Phước-Tuy có hình dáng của hình chữ nhật nằm theo trục Tây-Nam Đông-Bắc với cạnh dài 60 km và cạnh ngang 40 km. Diện tích ước độ trên dưới 2400 km vuông

Dân Số và Tôn Giáo:

Theo tài liệu của Quân đội Úc, tổng số dân của Tỉnh Phước Tuy tính đến tháng 7 năm 1967 là 126,256 người (Gồm cả Quân Cán Chính và gia-đình). Đa số dân sống tập trung theo Quốc lộ 15, tại tỉnh lỵ và quận lỵ. Phần lớn dân chúng theo đạo Phật hay đạo Thờ cúng ông bà. Một số ít theo đạo Công Giáo. Năm 1955-1956 đồng bào miền Bắc di cư vào Nam lập thêm các làng Bình Giã, Phước Tỉnh và một số giáo xứ rải rác trong tỉnh lỵ, quận lỵ nên tỷ số người theo đạo Công giáo Tỉnh Phước Tuy trước năm 1975 đã tăng lên với tỷ số đáng kể.

Tổ Chức Hành Chánh:

Tỉnh Phước Tuy có 5 Quận: Long Lễ, Đức Thạnh, Đất Đỏ, Long Điền và Xuyên Mộc gồm 29 xã, 129 ấp. Tỉnh lỵ nằm trong Xã Phước Lễ thuộc Quận Long Lễ.

Kinh Tế:

Không giống như những tỉnh miền Tây hầu như hoàn toàn dựa vào nông nghiệp, người dân Bà-Rịa Phước-Tuy phần đông sống về̀ nghề̀ đánh cá và làm muối. Các ruộng muối trải dài từ Long Hải đến Vũng Tàu đã cung cấp muối với phẩm chất tốt cho nghề đánh cá địa phương cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Cao Miên. Năm 1897, cao su được đưa từ Mã-lai sang để trồng thử. Nhờ đất tốt và sản lượng cao nên từ năm 1938, nước Pháp đã có thể thỏa mãn được nhu cầu về cao su khai thác tại Việt Nam.

(Trích đoạn bài thuyết trình của Ông Phạm Minh Tuấn trong Đại Hội Bình Giả tại Atlanta, Georgia)

Bình Giả là trại của địa phận Vinh, toàn quốc là 315 trại. Số dân ban đầu là 6.445 (Vinh Hà: 2.100, Vinh Châu 2.300, Vinh Trung: 2.045). Đầu tháng 6/55, Phủ Tổng Uỷ Di Cư (PTUDC) đã tổ chức nhiều đoàn đi tìm đất cho đồng bào di cư đến trễ. Khi người mình vào tới các trại tạm cư ở miền Nam thì những trọng điểm cần thiết chung quanh Sàigòn, Gia Định và vùng phụ cận đã được đưa những đồng bào miền Bắc di cư đến định cư. Người mình đến sau phải đến những vùng trọng điểm xa hơn, hơn nữa việc chọn, tìm đất đai sinh sống cho một số dân trên 6 ngàn người chuyên về nghề nông cả là một vấn đề khó khăn và phức tạp vì còn phải tuỳ thuộc vào công thổ quốc gia mới đáp ứng yêu cầu được.
Nhưng để bù lại, những trại định cư như Bình Giả được chính phủ quan tâm và ưu tiên hơn, được tổ chức chu đáo hơn với nguồn viện trợ nhiều hơn và lâu dài hơn so với các trại đã có từ trước..
Phái đoàn đến Bình Giả để xem xét đất đai gồm có:
Ngày 28.10.1955, xe Tổng Ủy Di Cư được phái đến chở một số đồng bào Nghệ Tĩnh đang tạm trú tại các lán trại tiếp cư, như Bình Ðông (Chợ Lớn), Xuân Trường (Thủ Ðức, Gia Ðịnh) về vùng Bình Giả
  • Đại diện Phủ Tổng Uỷ Di Cư: Ông Đoàn Văn Sáo (GĐ Nha Định Cư) và ông Nguyễn Văn Thái (kỹ sư điền địa).
  • Đại diện ban di cư địa phận Vinh gồm có 4 linh mục: Nguyễn Viết Khai, Đoàn Duy Đông, Nguyễn Văn Kiều và Phùng Viết Mỹ.
  • Đại diện dân chúng gồm có 7 ông: Phan Thanh Hương, Đinh Thế Lưu, Bùi Quang Báu, Nguyễn Xuân Hiền, Trần Quốc Hiếu, Nguyễn Trọng Thanh và Hoàng Công Phu.
  • Đại diện các nước viện trợ gồm có 3 người Mỹ và 2 người Pháp.
  • Đại diện chính quyền tỉnh Bà Rịa hướng dẫn phái đoàn.
Sau khi xem xét xong, phái đoàn trở về lại tòa hành chánh tỉnh nghỉ ngơi và dùng cơm trưa do tình khoản đãi. Đoàn được biết Bình Giả là nơi mà PTUDC đã có dự án sẽ lập 3 làng dưới sự bảo trợ của chính phủ Pháp (làng 1), Mỹ (làng 2 và 3).
Theo kế hoạch dự trù thì Bình Giả lấy hương lộ làm phân ranh các làng. Hương lộ này là của chủ đồn điền người Pháp (Đồn điền Bésia và Gallia) thực hiện để chuyên chở mủ cao su va cà phê từ La Sơn, Xuân Sơn về Bình Ba. Từ ngã 3 Ngãi Giao cách 2km, qua một con suối cạn về hướng Đông là bắt đầu khu định cư Bình Giả. Chạy thẳng về hướng Đông khoảng 2km phía Nam hương lộ là làng 1, phía Bắc hương lộ là làng 2. Một đường ngang cắt hương lộ theo hướng Nam Bắc chạy dài về hướng Đông khoảng 1km là làng 3.
Mỗi làng có một khu trung tâm rộng khoảng 4 mẫu tây để làm nhà thờ, trường học, trạm y tế, chợ, sân chơi...; và được phân phối 1 máy phát điện khoảng 40Kw, 1 xe ô tô chở hành khách loại Renault, 1 xe cam nhông. Phía sau mỗi làng dành một lô đất khoảng 4 mẫu tây phía sau khu nhà ở để làm nghĩa trang.
Nhà dân sẽ được cất theo hàng dọc hướng Đông-Tây, và mỗi gia đình sẽ được:
  • 2 sào vườn (25m x 80m) trên có nhà ở,
  • 1 căn nhà sườn gỗ 2 gian, mái tranh, vách lá (đúng ra là lợp 26 tấm tole nhưng vì tole đến trẽ, nên lợp tranh và dân được lãnh thêm vào tiền canh tác),
  • 5 sào đất đã ủi để canh tác,
  • 1 mẫu mới đốn cây to.
Cách thiết kế thì cứ 3 vườn lại có một con đường ngang nhỏ rộng 2m (Nam-Bắc) và cứ 9 vườn lại có một con đường rộng 5m (Nam-Bắc), cách 2 dãy vườn ở lại có một con đường rộng 5m (Đông-Tây) chạy song song với hương lộ chính. Mỗi khu xóm được máy khoan đào từ 2 đến 3 giếng công cộng để có nước cho dân chúng dùng.
Đó là kế hoạch tổng quát cho người dân biết trước lúc đến định cư chưa kể đến các trợ cấp khác.
Đáp lời yêu cầu của chính phủ, nước Pháp sẽ bảo trợ và xây dựng làng 1, Hoa Kỳ sẽ bảo trợ và xây dựng làng 2 và làng 3. Vì là giáo dân cùng chung một địa phận Mẹ, cùng chung một hoàn cảnh sống như nhau, để mọi người luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, tránh tình trạng so đo, suy bì có thể xảy ra, cha Nguyễn Viết Khai đã đề nghị nhập chung cả hai nguồn viện trợ để xây dựng và phân chia đồng đều cho cả 3 làng.

Lợi Điểm Của Trại BÌNH GIẢ:

  • Đất đai: Vừa có đất trồng lúa, vừa có đất trồng hoa màu và cây công nghiệp. Đặc biệt là có thể đem một số dân trên 6 ngàn người tới đây định cư.
  • Khí hậu: Với mưa thuận gió hòa.
  • Giao thông thuận lợi, gần tỉnh lỵ và thành phố.
Phái đoàn đi xem đất về đã họp dân tại Xuân Trường để báo cáo tình hình cho dân chúng biết. Bà con rất vui mừng và đã chọn vùng Bình Giả (Bà Rịa) là nơi để lập trại định cư.
Toàn dân đã bầu một ban đại diện chung gồm 16 người: Ông Đinh Thế Lưu (chủ tịch), ông Đinh Huỳnh Lục, ông Nguyễn Văn Cừ, ông Cao Xuân Trường, ông Ngô Xuân Trạch, ông Nguyễn Duy Hiền, ông Trần Hữu Liệu, ông Ngô Xuân Trình, ông Nguyễn Đình Thi, ông Bùi Quang Báu, ông Nguyễn Đình Thông, ông Nguyễn Nhiệm, ông Trần Quốc Hiếu, ông Nguyễn Tiến Hoàng, ông Hoàng Công Phu, ông Trần Văn Hạnh.
Trong lúc đang ngồi đọc tài liệu tham khảo để soạn bài thuyết trình này, tôi đã nhận được điện thoại của Ông Cao Xuân Sung từ Bắc Cali (San Jose) báo tin Ông Cao Xuân Tường vừa qua đời tại Xuân Phong Bình Giả Việt Nam sáng ngày 21 tháng 5, 2005. Như vậy ban đại diện chung gồm 16 người năm đó, nay theo sự thăm dò của chúng tôi thì chỉ còn có Ông Nguyễn Văn Cừ ( Phi Lộc) còn sống ở Việt Nam và thầy Nguyễn Đình Thông (Gia Hòa) hiện đang sống cùng gia đình tại Canada .
Theo dự trù thì PTUDC sẽ cho máy san ủi đất trước, tuy nhiên vì chờ khá lâu (4 tháng) nên bà con ở Xuân Trường và Bình Đông muốn được đi định cư sớm bởi lẽ cảnh sống chung quá nóng nực và phức tạp, nhất là trẻ em bị đau yếu nhiều.
Đầu tháng 10/1955 văn phòng di cư địa phận Vinh họp khẩn cấp và đệ đạt nguyện vọng lên PTUDC Xin được khai phá rừng bằng chính sức người với nguyện vọng:
  1. Tăng cường mức ăn cho dân trong 4 tháng lao động nặng.
  2. PTUDC cung cấp dụng cụ để khai phá rừng.
  3. Xin PTUDC tuyển 30 cán bộ trong dân di cư (có trả lương) để hướng dẫn và đôn đốc 200 người
    xung phong đi trước.
  4. Xin một số thùng phuy để đựng nuớc uống.
  5. Xin cấp một số vài bạt (tentes).
Linh mục đại diên địa phận Vinh trình bày ý nguyện của dân và đã được ông tổng uỷ trưởng PTUDC chấp thuận và ông đã chỉ thị cho các phòng, ban liên hệ thi hành. Thông báo cho tình Bà Rịa để phối hợp công tác.
Ngày Thứ Sáu 28/10/1955 (13-09 Ất Mùi) toán tiền phong 200 người đã đặt chân đến mảnh đất Bình Giả. Đây là ngày lịch sử.
Nơi dừng chân đầu tiên là dưới bóng mát của cây cựa gà cổ thụ (là trung tâm xứ Vinh Hà ngày nay).
  • Ông giám đốc nha định cư đem kỹ sư và cán bộ đi cắm mốc của 3 làng.
  • Dân phá rừng được rải đều 2 bên hương lộ dài khoảng 1km.
  • Dựng lều trại làm nơi cư trú tạm cho dân lao động.
  • PTUDC đã cấp một xe Renault và 1 GMC và tài xế để tuỳ nghi sử dụng.
  • Các đồn binh Pháp ở Bà Rịa giúp đỡ và cung cấp nước hàng ngày.
  • Linh mục tuyên uý ở đồn Bàu Long và Hòa Long cứ vài ba ngày đến dâng thánh lễ.
  • Đoàn xe PTUDC về lại Sàigòn, còn cha Nguyễn Viết Khai và CB văn phòng địa phận vẫn ở lại để chỉ đạo và đôn đốc công tác.
Sau đó xe ủi được phái đến để ban đất phân lô giúp hình thành các khu, ranh giới cho 3 làng và mở rộng các con đường ngang dọc. Công việc khai phá được tiến hành một cách mau chóng, các lều trại được dựng lên tại khu trung tâm của 3 làng, chuẩn bị đón đồng bào từ Bình Đông và Xuân Trường.
Khoảng 1 tháng sau, đồng bào trại Bình Đông 1 (cha Đông), Bình Đông 2 và Bình Đông 3 (cha Kiều), Xuân Trường (cha Cần) được xe PTUDC chở lên trại định cư Bình Giả. Với 40 xe cam nhông chở ngày đêm phân phối cho 3 làng. Mỗi làng đều tổ chức cho các gia trưởng bốc thăm nơi tạm trú lúc mới đến.
Để cho cuộc sống mới của người giáo dân được hài hòa, phù hợp với sinh hoạt, phong tục và tập quán, nghề nghiệp trước đây, cha đại diện và quý cha đã hội ý, phân tích và sắp xếp như sau:
  • Giáo dân gốc Hà Tĩnh hầu hết sống về nghề nông, cần cù và hiền hòa, tổ chức thành một làng dưới sự lãnh đạo của cha Nguyễn Văn kiều.
  • Giáo dân gốc Diễn Châu, Nghệ An, hầu hết sống nghề buôn bán, tháo vát, năng động, tổ chức thành một làng dưới sự lãnh đạo tinh thần của cha Đoàn Duy Đông.
  • Giáo dân gốc Nghệ An nhưng sống gần Xã Đoài và vùng phụ cận, đa số sống nghề nông cần cù, dũng cảm, tổ chức thành một làng, dưới sự lãnh đạo của cha Trần Thanh Cần.
*Mặc dầu có sự sắp xếp của quý cha, tuy nhiên mỗi gia đình, mỗi xứ, họ vẫn được tự do lựa chọn theo ý riêng, miễn sao trong cuộc sống được hài hòa và thông cảm với nhau.
Sau đó 3 cha đại diên cho 3 làng bốc thăm, kết quả:
  • Cha Nguyễn Văn Kiều bốc đúng thăm số I.
  • Cha Đoàn Duy Đông bốc đúng thăm số II.
  • Cha Trần Thanh Cần bốc đúng thăm số III.
Và để đáp ứng với tình hình thực tế:
  • Ban đại diện chung giải tán.
  • Mỗi làng (xứ đạo) bầu ban quản trị riêng để lo điều hành tổng quát về công tác chung của làng, quản lý vật liệu, nhân công và trợ cấp, phân bổ xe ủi theo nhu cầu của mỗi khu xóm.
  • Mỗi khóm (giáo họ) cũng bầu ra một ban quản trị của khóm để thi hành công tác chung của làng, đôn đốc công tác của khu xóm. Các ban quản trị của làng, xóm làm việc (phục vụ) dưới sự lãnh đạo của các cha giám đốc trại kiêm quản xứ cả đạo lẫn đời.
  • Ban quản trị làng tổ chức cho các khóm bốc thăm vị trí định cư và đã có kết quả như ngày hôm nay.
* * *
Công tác xây dựng cơ bản lẽ ra là do nhà thầu đảm trách, nhưng cha đại diện của địa phận đã trình xin với PTUDC cung cấp sườn nhà còn lại như tranh lợp nhà, lá thưng vách và công xây dựng xin dành cho dân di cư đảm trách, hầu giúp mọi người có công ăn việc làm. Nhờ vậy khi vào nhà mới ở, mỗi gia đình còn nhận thêm 3 ngàn đồng tiền công xây dựng.
Dân chúng được chia thành nhiều nhóm để đảm trách từng công việc như: cắt tranh, đánh tranh, dựng nhà, lợp nhà, thưng vách, đắp nền, v.v... dưới sự lãnh đạo của quý cha, của ban quản trị các khóm. Mọi người hăng say, tích cực bắt tay vào công cuộc xây dựng trại một cách đồng bộ và nhịp nhàng.
  • Nhờ có sự lãnh đạo, có kế hoạch và có tổ chức cộng với tinh thần hăng say cao độ của mọi người, mọi giới mong muốn sớm tạo dựng lại cuộc sống mới, tin tưởng ở một tương lai đầy hứa hẹn, nên chỉ một thời gian kỷ lục (khoảng 4 tháng), cuối tháng 2/56 là chính thức bắt thăm nhà ở.
  • Ngày 10/04/56 ĐGM Phạm Ngọc Chi (Uỷ ban hỗ trợ di cư) đã gửi thư cho các cha giám đốc các trại, chuyển giao các hoạt động hành chánh lại cho dân.
  • Sau khi các ban quản trị làng, xóm chấm dứt nhiệm vụ, UBHC Xã đã được bầu lên qua các nhiệm kỳ như sau:
    • (1956-58): Ông Nguyễn Duy Hiền
    • (1959-61): Ông Đinh Thế Hiển
    • (1962-64): Ông Võ Đình Hoạt
    • (1964-66): Ông Hoàng Đình Long
    • (1966-68): Ông Nguyễn Đồng
    • (1968-72): Ông Hoàng Đình Long
    • (1973-30/4/75): Ông Bùi Viết Khoa
Tóm lại, nhờ sự giúp đỡ tận tình của chính phủ (PTUDC) và của quốc tế nhất là Hoa Kỳ (UBHTDC đi vận động để xin yểm trợ), đồng bào di cư Bình Giả đã mau chóng có nơi ăn chốn ở, sớm ổn định cuộc sống, làm ăn ngày càng phát đạt, góp phần tạo thêm sự phong phú cho nền kinh tế địa phương. Tuy lúc đầu hội nhập đã phải vượt qua ít nhiều sự kỳ thị và thành kiến có cả từ 2 phía, nhưng nói chung, sự chấp nhận, dung dưỡng và che chở của miền Nam dành cho chúng ta đáng xem là quá tốt đẹp và đáng nói lên bằng 2 tiếng biết ơn.
Về Kinh Tế: Từ đầu năm 1957, con đường “tự túc mưu sinh” đã được chính thức phát động. Người dân Bình Giả với bản tính siêng năng, chịu khó, đã tự mình từng bước tạo dựng cuộc sống mới một cách hăng say với tràn đầy hy vọng.
Nông sản chính là lúa gạo, bắp, đậu phộng, đâu xanh... Nhờ đất đai màu mỡ lại gặp mưa thuần gió hòa nên kết quả vụ mùa bội thu ngoài cả sự ước mong của người nông dân. Số nông sản dư dùng đã giúp người dân có điều kiện nuôi thêm gia súc, gia cầm. Những cánh đồng cỏ tốt tươi rất thuận lợi cho việc chăn nuôi trâu bò, giúp cho người dân nhiều trong công việc cày cấy. Các thương gia người Bình Giả đã mua các nông phẩm của dân làng đem lên tỉnh, thành phố Sàigòn, Chợ Lớn bán và mua các nhu yếu phẩm, mắm muối, cá thịt về bán lại cho dân. Dần dà dân địa phương cũng tìm đến vùng đất đông đúc dân cư, là môi trường tốt cho việc mua bán, đổi trao... Nhiều gia đình đã sớm trở nên giàu có nhờ biết cách trỉa bắp, trỉa đậu xanh trước trận mưa phá hàng năm, biết và chịu khó trồng bù tưới và nhất là biết trồng cây công nghiệp có giá trị như tiêu, cà phê, cây điều... Dân làng còn trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, xoài, mãng cầu, đu đủ, chuối... vừa có trái cây ăn, vừa có thêm lợi tức cho gia đình. Chỉ vài năm sau đó, dân làng lần lượt xây nhà gạch lợp tôn thay cho nhà tranh vách lá. Nhiều toán thợ xây, thợ mộc, thợ hồ, thợ cưa đã được hình thành. Người dân có thêm công ăn việc làm. Bộ mặt làng xã đã thay hình đổi dạng một cách mau chóng và đẹp mắt.
Về Xã Hội: Bình Giả đã được tổ chức và sống theo mô hình giông giống như chế độ làng xã trước kia. Tinh thần tự giúp là căn bản cho cuộc sống. Dân làng đã dựa vào phong tục tập quán từ ngàn xưa của cha ông, tự tổ chức cứu tế, công quả, phòng vệ, sản xuất, tự túc cánh sinh trong vòng bảo bọc của luỹ tre xanh bằng tình lối xóm qua lại, đỡ đần nhau, một thứ tình cảm của người dân quê chân chất, thật thà, thắm thiết.
Những người ra làm việc ngoài xã hội hay tham gia vào các hội đoàn tôn giáo đề mang tính tự nguyện phục vụ dân làng. Đạo, đời lúc nào cũng phối hợp và gắn bó với nhau dưới sự lãnh đạo tinh thần của quý cha.
Về Văn Hóa: Bình Giả có những công trình vừa biểu thị niềm tin sâu xa mang tính cách tôn giáo, vừa là những di tích văn hóa, có giá trị và ý nghĩa cần bảo tồn, trùng tu và duy trì.
1. Tượng Đài Đức Mẹ Fatima trên đồi Gia Hòa: Trong một dịp cha Phùng Viết Mỹ từ Nha Trang ghé về thăm giáo họ Gia Hòa (khi còn ở quê nhà, giáo xứ Gia Hòa thuộc hạt Cầu Rầm mà ngài lạ hạt trưởng), sau khi thăm hỏi giáo dân và những người quen biết trước đây, ngài đã đi xem phong cảnh nơi người Gia Hòa định cư, thấy phong cảnh hữu tình, nên thơ, đẹp mắt và đặc biệt có hòn lèn phía sau, nếu khai phá và xây trên đó một bức tượng để kính Mẹ thì hay lắm. Qua lời gợi ý của ngài, bà con Gia Hòa đã họp bàn và quyết định khởi công xây dựng tượng Đức Mẹ Fatima trên ngọn đồi này.
Người thiết kế vẽ mẫu là ông Ngô Kim Toàn, người điều công là cố Nguyễn Khán (cố Nông). Tượng đài Đức Mẹ đã được khánh thành ngày 15-05-1957 và cũng đã được tu sửa nhiều lần.
Đến năm 2004, nhờ một số con cháu người Gia Hòa ở hải ngoại gửi về chút ít, cộng với sự đóng góp của bà con trong giáo họ và của các gia đình ngoài giáo họ có lòng sùng kính Đức Mẹ dâng cúng, ban điều hành giáo họ đã nhờ các kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà trang hoàng chuyên nghiệp vẽ họa đồ và phối trí xây dựng lại. Công trình đã được khánh thành vào tháng 12 năm 2004, vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là quan thầy của giáo họ.
2. Tượng Đài Đức Mẹ tại trung tâm giáo xứ Vinh Châu: Đêm mùng 2 Tết Mậu Thân (Chúa Nhật ngày 18-02-1968), khoảng 1 giờ sáng, Bình Giả đã phải hứng chịu nhiều đợt pháo kích bằng loại đạn pháo 75 ly, 2 quả đạn rớt nổ ngoài vòng đai Vinh Hà, 1 quả nổ ở một căn nhà không có người ở tại hàng 4 khóm Yên Đại, 1 quả đạn xuyên qua tường nhà ông Quý (Thổ Hoàng) vào năm ngay dưới tủ chén, đạn nóng hổi nhưng không nổ. Sáng hôm sau, lực lượng an ninh đi thu gom được 51 quả đạn 75 ly về tập trung tại sân xã Bình Giả cho mọi người xem. Điều làm mọi người ngạc nhiên là tất cả số đạn này đều bị gãy đầu hỏa pháo. Cũng trong đêm đó tại chi khu Đức Thạnh đạn pháo đã nổ rền trời, tại đồn Suối Nghệ đạn nổ đã phá hư hại nặng một số công sự phòng thủ...
Để tạ ơn Đức Mẹ đã che chở và ban ơn bình an đặc biệt này, anh em nghĩa quân đã thực hiện công trình này. Đức Mẹ đứng trên một tháp cao. Tượng Đài Đức Mẹ đã được ĐGM Giuse Lê Văn Ấn làm phép và khánh thành ngày 17-12-1968, và đã được ban hành giáo xứ Vinh Châu nhiệm kỳ IX (1985-1987: Ông Đặng Bảng (Đông Yên) là chánh trương và ông Phạm Thuyên (Xuân Phong) là phó) trùng tu lại. Việc trùng tu đã được khởi công ngày 01-05-1986 và hoàn thành ngày 31-05-86.
3. Tượng Đài Chúa Kitô Vua trên đồi Gia Hòa: Đã được anh em thanh niên giáo họ Gia Hòa thực hiện. Đây là một công trình đầy sáng tạo và nhiều công phu. Tượng Chúa Kitô Vua đứng trên một cánh của ngọn đồi cao, đang nhìn đoàn con truớc mặt với đôi tay giang rộng, để che chở và ban phát mọi ơn lành hồn xác cho con cái của Ngài... Công trình đã được khánh thành đúng ngày lễ KITÔ VUA, 21-11-1990.
Về Giáo Dục: Ngay từ lúc xây dựng những cơ sở vật chất đầu tiên, công tác ưu tiên của cả 3 làng là các lớp học cho con em. Trường học được làm bằng sườn gỗ, mái tole, vách ván. Vật liệu và bàn ghế do PTUDC cấp. Tiên lương cho giáo viên và mọi chi phí khác do Đức Cha Phạm Ngọc Chi và cơ quan Caritas tài trợ.
Luật pháp của đệ I cộng hòa quy định: các trẻ em từ 6 đến 14 tuổi phải qua 3 năm đầu của bậc tiểu học.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt và nhắc nhở thường xuyên của quý cha, các bậc phụ huynh đã ý thức được việc lo cho con cái được cắp sách đến trường, ý thức được giáo dục là phương tiện tốt để con cái có cơ hội tiến thân. Như thế người ta khuyến học, ham học nên kính trọng giáo dục và người có học.
Từ năm 1957 Bình Giả đã có trường trung tiểu học Tấn Đức chung cho cả 3 làng được xây dựng tại trung tâm xứ Vinh Châu. (Tiền do quỹ riêng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho trong dịp ông về thăm Bình Giả vào cuối năm 1956). Cha phó xứ Vinh Châu là cha Giacôbê Lê Đức Trung thiết kế, vẽ mẫu gồm 5 lớp học, 1 phòng dành làm văn phòng và 1 sân chơ bóng rổ. Thủ quỹ là ông Đinh Thế Lưu, đốc công là ông Đinh Huỳnh Lục và hiệu trưởng là cha Đoàn Duy Đông.
  • Năm học 1957, trường Tấn Đức có lớp nhứt đầu tiên đi thi lấy bằng tiểu haọc ở tình lỵ.
  • Các thầy, cô (giáo viên) đã được tuyển chọn tại địa phương.
  • Cuối thập niên 1960 đã có nhiều học sinh của các lớp đầu trở về dạy cho các lớp đàn em.
Điểm nổi bật nhất nói lên sự quan tâm lo lắng của quý cha đối với vấn đề giáo dục của con em trong xã nhà: Năm 1970, lúc cha Phêrô Trần Đình Trọng là chánh xứ Vinh Trung, ngài đã mở trường trung học tư thục Hồng Lĩnh đệ nhị cấp. Trong lúc đó ở ngay tỉnh lỵ Phước Tuy ngoại trừ trường bán công Huỳnh Tịnh Của và trường công lập Châu Văn Tiếp, các trường tư thục lâu năm như Minh Phụng và Sĩ Tải cũng chỉ có đến đệ nhất cấp.
Ngày nay con cháu bình Giả đã có mặt trong mọi ngành nghể từ nha sĩ, y sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, v.v... và trong số đó có nhiều người trở về phục vụ tại nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Về Tôn Giáo:
  • Từ 28-10-55 đến 04-10-65: Thuộc điạ phận Sàigòn do ĐM Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền cai quản.
  • Từ 04-10-65 đến nay: Thuộc giáo phận Xuân Lộc mà ĐGM tiên khởi là Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn.
  • Về ơn gọi: Bình Giả có 1 giám mục, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, 30 linh mục, 11 chủng sinh, 14 nam tu sĩ, 51 nữ tu sĩ.
  • Hiện tại cả 3 giáo xứ đều có các dì thuộc các cộng đoàn nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, cộng đoàn thuộc dòng Đa-Minh (Tam Hiệp), cộng đoàn thuộc dòng Chúa Quan Phòng, cộng đoàn thuộc dòng Mến Thánh Giá (Huế). Quý dì giúp các giáo xứ trong việc phụng vụ, dạy giáo lý và văn hóa cho con em. Ngoài ra quý dì còn trực tiếp hướng dẫn cho các hội đoàn rất hiệu quả, luôn sát cánh với bà con từng ngày qua cuộc sống vui buồn, sướng khổ.
    Ngoài việc giáo dục trẻ thơ, quý dì còn chăm sóc sức khỏe cho bà con qua việc khám bịnh, cho thuốc, châm cứu chạy điện cho các bịnh nhân. Quý dì còn thường xuyên lo cho các gia đình dân tộc thiểu số Châu-Ro ở Ruộng Tre. Đã có gần cả trăm gia đình tân tòng, trình độ hiểu biết về đạo cũng như đời còn yếu nên quý dì quan tâm, nâng đỡ họ một cách đặc biệt hơn với lớp học tình thương và sự giúp đỡ về vật chất (nếu có), thật đúng với danh xưng thừa sai truyền giáo.
  • Sau 30.04.75, quý cha, quý thầy thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam theo sự hợp đồng của Tòa Giám Mục Xuân Lộc và Nhà Dòng đã về giúp giáo hạt Bình Giả nói chung và giáo xứ Vinh Châu nói riêng.
Cha Đa-Minh Nguyễn Xuân Bá đã về làm quản xứ vinh Châu từ ngày 2-11-75 cho đến ngày 30-3-93 ngài được về nghỉ hưu tại cơ sở nhà dòng ở Thủ Đức và qua đời tại đó ngày 17-10-95 hưởng thọ 74 tuổi. Cha Phêrô Đậu Văn Minh được ĐGM giáo phận Xuân Lộc nhờ tiếp tục quản nhiệm giáo xứ cho đến ngày 13-6-94.
Quý cha đã dồn mọi nỗ lực và cống hiến nhiều điều cho giáo xứ. Cụ thể là ngôi thánh đường hiện nay. cha Nguyễn Xuân Bá là người khởi xướng và xét duyệt mô hình xây dựng để dân xứ thực hiện.
Cha Đậu Văn Minh từ lúc là phụ tá rồi quản nhiệm tạm thời, lúc nào cũng lo lắng và đã phục vụ bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ, luôn lắng nghe những ý kiến xây dựng tạo được tinh thần đoàn kết và bầu khí vui vẻ trong giáo xứ, các giáo họ chấp hành công tác được giao một cách tích cực, hăng say, nhờ vậy giáo xứ đã dễ dàng vượt qua được “vạn sự khởi đầu nan” và tiến bước...
Nhờ có cộng đoàn Phan Sinh, sinh hoạt của xứ họ đã thay đổi theo chiều hướng đáng mừng. Các hội đoàn của giáo xứ đã được từng bước xây dựng, củng cố, phát triển và vững vàng cho đến ngày nay. Đặc biệt thanh niên và Thiếu Nhi Thánh Thể là 2 giới nòng cốt và là hy vọng của giáo xứ. Đào tạo đội ngũ giáo lý viên và huynh trưởng các ngành của thiếu nhi với đầy đủ khả năng, thiện chí và tinh thần hy sinh phục vụ. Có các lớp học hỏi Kinh Thánh cho tất cả các giới trong xứ. Các lớp về nhân bản, giáo lý hôn nhân cho giới trẻ. Hướng dẫn các trò vui chơi trong sinh hoạt tập thể, các kỹ năng chuyên môn và tinh thần đồng đội cho giới thiếu nhi, v.v.... Hết thảy là những món ăn bồi bổ tinh thần cho mọi người, mọi giới nhằm canh tân đời sống đức tin. Đã đào tạo được nhiều anh chị em có năng khiếu về âm nhạc thành ca trưởng của các ca đoàn phụng vụ thánh nhạc trong thánh lễ. Nhờ vậy, các dịp lễ trọng trong năm, ca đoàn tổng hợp đã tổ chức những đêm thánh ca giúp cho ý nghĩa của ngày lễ được sâu lắng vào tâm hồn sống đạo của mọi tín hữu.
* * *
Nếu nhìn mộc cách chung chung thì từ ngày đến định cư tại Bình Giả đến năm 1963 là thời kỳ mà người dân có cuộc sống thoải mái, vui vẻ, đời sống kinh tế của người dân rất ổn định và đồng đều, có thể nói là sung túc nữa. vào thời đó giá cả nhu yếu phẩm, gạo, cá, thịt, đường sữa, vải vóc, xăng dầu, thuốc men luôn ổn định không lên xuống.
Cuối năm 2000, phía bắc của hương lộ chính bắt đầu từ xuân Phong và phía nam của hương lộ, một phần lớn khóm Văn Yên trở xuống hết ấp Vinh Trung đã được thành lập thêm một xã mới: Xã Bình Trung. Về hành chánh thì Bình Giả đã chia ra làm hai, còn trong thực tế của cuộc sống hàng ngày, Bình Giả vẫn là bình Giả đúng nghĩa như ngày đầu.
Dù cho sông cạn đá mòn
Nghĩa tình Bình Giả mãi còn sắt son


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen