Seiten

Mittwoch, 30. Juli 2014

Tại sao phải viết lại lịch sử FULRO ?

 Vấn đề mâu thuẫn sắc tộc tại Việt Nam cho đến nay vẫn còn nằm trong chương mục “nhạy cảm chính trị” – ít người dám nói và cũng ít người dám tìm hiểu kỹ ; nên điều đó tạo ra nhận thức mơ hồ về vai trò của các sắc tộc thiểu số trong cùng đất nước. Bài viết dưới đây là diễn văn của PGS.TS Po Dharma nhân dịp công bố ấn phẩm “Từ FLM đến FULRO : cuộc đấu tranh của dân tộc thiểu số miền Nam Đông Dương 1955 – 1975” (Du FLM au FULRO : une lutte des minorités du sud indochinois, 1955 – 1975) vào ngày 19.4.2008, tại hội trường Nhật báo Viễn Đông – Westminster (tiểu bang California, Mỹ). Trên tư cách cựu sĩ quan cấp cao của FULRO, ông Po Dharma trình bày những am tường về phong trào chính trị – quân sự này, đồng thời nêu quan điểm về cách đặt vị trí của FULRO trong lịch sử. Phải thừa nhận, đây là phong trào sắc tộc thiểu số có biên độ rộng nhất về không gian cũng như thời gian, nhưng không nhiều người từng đặt câu hỏi về căn nguyên, sức ảnh hưởng và hệ quả mà nó mang lại. Phần nhiều sự biết và sự hiểu về thời kỳ đấu tranh của FULRO đều qua lăng kính của báo giới trong nước – những tổ chức truyền thông đã dệt nên hình ảnh FULRO chỉ là “tập đoàn tội phạm”, “bọn phản động lưu vong chống phá chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước”.

Hiệu kỳ FULRO.
Trong những năm 1964 – 1975, một phong trào vũ trang mà thông tin đại chúng thường nói đến như một cốt truyện huyền thoại ly kỳ, đó là FULRO – chữ viết tắt của Front Unifié de Lutte des Races Opprimées, tức là Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức.
Sự ra đời của FULRO vào năm 1964 là một thời sự nóng bỏng xuất hiện trên nhiều báo chí và tác phẩm nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiếc rằng, những bài viết này chỉ tiêu biểu cho quan điểm riêng tư của chế độ Sài Gòn, quân đội Mỹ hay chính quyền cộng sản mà thôi. Chính vi lý do đó, mà chúng tôi phải viết lại lịch sử của cuộc đấu tranh này một cách trung thực, nhân danh một nhà sử học, bằng cách khai trừ mọi ý đồ binh vực cho mục tiêu của FULRO hay quảng cáo cho quan điểm của chính quyền Sài Gòn.
Sự ra đời của tác phẩm “Từ FLM đến FULRO” không nhằm đánh thức dân tộc thiểu số vùng dậy li khai đòi độc lập như một số người hiểu lầm, mà là trình bày lại những gì đã xảy ra trên bàn cờ chính trị ở Việt Nam thời đó. FULRO là chứng nhân lịch sử trên bàn cờ chính trị này. Thành vậy, lịch sử FULRO đã trở thành một yếu tố cấu thành lịch sử Việt Nam mà độc giả cần biết đến sự thật của nó.
Tiểu đoàn 181 Fulro - Đại úy Po Dharma
Ảnh chụp năm 1970 : Thiếu tá Osman (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 181 FULRO – ngồi giữa), Đại úy Po Dharma (Tiểu đoàn phó – ngồi bên trái), Thống tướng Lon Nol (Thủ tướng Campuchia - đứng bên phải).
Phần I : Nguyên nhân sự ra đời của FULRO
Sự ra đời của mặt trận FULRO có nhiều nguyên nhân của nó. Nhưng tựu trung, chỉ có hai yếu tố quyết định để giải thích cho sự ra đời của tổ chức này.
Yếu tố I : Chính sách sai lầm của Ngô Ðình Diệm
Ai cũng biết, Tây Nguyên xưa kia thuộc về vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832. Cộng đồng Tây Nguyên là một tập thể dân tộc bản địa sống từng bộ lạc, có một hệ thống tổ chức gia đinh và xã hội riêng. Vì ý thức đến đặc thù của di sản văn hóa này, chính quyền Pháp thuộc ra lệnh ngăn cấm người Kinh lên định cư trên Tây Nguyên và biến khu vực này thành một đơn vị hành chánh trực thuộc chính quyền Pháp ở Ðông Dương, sau đó vua Bảo Ðại đổi thành Hoàng triều Cương thổ.
Hoàng triều Cương thổ là khu vực tự trị dành cho dân tộc bản địa. Trong quy ước pháp lý này, chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) của Hoàng triều Cương thổ thuộc về triều đình Huế, nhưng chủ nhân đất đai (landlord) của khu vực này thuộc về dân tộc bản địa miền núi (điều 1 và 3). Chính vì thế, không ai có quyền xâm chiếm, bán nhượng, thuê mướn đất đai thuộc về Hoàng triều Cương thổ mà không có sự đồng ý của dân tộc bản địa này (điều 7) và không ai có quyền chia cắt lãnh thổ này để nhường lại cho một quốc gia khác mà không có sự chấp thuận của triều đình Huế.
Giấy căn cước Hoàng triều Cương thổ
Giấy căn cước của một công dân Quốc gia Việt Nam định cư tại Hoàng triều Cương thổ.
Có 7 nguyên nhân sai lầm của chính quyền Ngô Ðình Diệm :
● Sai lầm 1 : Xóa bỏ quy chế tự trị của dân bản địa
Vừa nắm được chính quyền vào năm 1955, Ngô Ðình Diệm đơn phương chôn vùi khế ước Hoàng triều Cương thổ, biến khu vực miền cao thành địa bàn di dân ồ ạt dành cho người Kinh di cư từ miền Bắc. Ðối với sắc tộc Tây Nguyên, đây chỉ là một hành động tước đoạt quyền sở hửu đất đai và quy chế tự trị của dân tộc này, làm sụp đổ hoàn toàn cơ cấu tổ chức kinh tế – xã hội cổ truyền của họ.
● Sai lầm 2 : Ðịnh nghĩa lu mờ giữa dân tộc thiểu số và dân tộc bản địa
Dưới thời Ngô Ðình Diệm, dân tộc Tây Nguyên và Chăm được xếp vào thành phần dân tộc thiểu số. Ngược lại, dân tộc Tây Nguyên và Chăm cho rằng họ không phải là dân tộc thiểu số mà chính quyền Sài Gòn thường gán cho họ, mà là dân tộc bản địa được công nhận trong điều 7 của quy chế Hoàng triều Cương thổ, tức là tập thể tộc người sinh ra trên đất đai mà tổ tiên của họ để lại từ ngày khai thiêng lập địa, có một chiều dài của lịch sử, có phong tục tập quán, nguồn gốc văn hóa riêng. Tiếc rằng chính quyền Ngô Ðinh Diệm không quan tâm cho lắm để định nghĩa thế nào là dân tộc bản địa và thế nào là dân tộc thiểu số trên dải đất Việt Nam.
Ban Me Thuot 1957 - 2
Ảnh chụp tại hội chợ quốc tế Ban Mê Thuột, Tết Nguyên Đán 1957.
● Sai lầm 3 : Khủng hoảng về chủ quyền lãnh thổ và chủ nhân đất đai
Dựa vào quy chế Hoàng triều Cương thổ, người Tây Nguyên tự cho rằng họ có một khu vực đất đai riêng, không ai có quyền trưng dụng đất đai này mà không có sự đồng ý của họ.
Theo chính quyền Ngô Ðình Diệm, đất đai của dân tộc Thượng nằm trên lãnh thổ của Viêt Nam. Chính vì thế, chủ quyền lãnh thổ và chủ nhân đất đai của Tây Nguyên phải thuộc về nhà nước Việt Nam. Dân tộc Tây Nguyên thì có quan điểm ngược lại. Họ là tập thể dân bản địa sinh ra trên đất đai mà tổ tiên của họ đã để lại, nhưng nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Chính vì thế, họ công nhận rằng chủ quyền lãnh thổ Tây Nguyên phải thuộc về nhà nước Việt Nam, nhưng chủ nhân đất đai của Tây Nguyên này phải thuộc về dân bản địa. Nếu vấn đề này đã xảy ra, là vi quy chế Hoàng triều Cương thổ cho rằng, chủ nhân đất đai là người có quyền khai thác, quản ly bất động sản của họ, ngay cả quyền bán nhượng cho người khác trong nước, phù hợp với pháp lý của quốc gia Việt Nam thời đó, nhưng họ không quyền bán nhượng bất động sản này cho một quốc gia khác, vì chủ quyền lãnh thổ của tây Nguyên thuộc về hoàng triều của vua Bảo Ðại.
Quan điểm khác nhau giữa hai quy chế “chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia và chủ nhân đất đai của dân tộc bản địa” đã cấu thành điểm mốc của bao sự xung đột kể từ năm 1955. Sự ra đời của FULRO vào năm 1964 chỉ là kết quả của sự khác biệt về quan điểm đất đai này.
Ban Me Thuot 1957
Ảnh chụp tại hội chợ quốc tế Ban Mê Thuột, 1957.
● Sai lầm 4 : Phân biệt chủng tộc trong cách cư xử
Trước năm 1955, dân tộc Tây Nguyên chưa hề từng thấy thế nào là bóng dáng người Kinh trên vùng cao. Sự hiện diện quá bất ngờ trong một không gian quá ngắn ngủi của dân tộc Việt trên Tây Nguyên vào năm 1955 đã làm thay đổi hẳn môi trường nhân sinh xã hội của dân tộc này. Kể từ đó, mọi hành động và cách cư xử của người Kinh không phù hợp với truyền thống của người sắc tộc, chỉ càng khuếch đại thêm bao tự ti mặc cảm, nảy nở ra bao sự ngờ vực, biến địa bàn Tây Nguyên thành một không gian tranh chấp thường trực, vì có sự phân biệt chủng tộc trong cách cư xử.
● Sai lầm 5 : Không tôn trọng quy luật công bằng xã hội
Cùng chung một giai cấp lao động, người Thượng lãnh những công việc nặng nề hơn, nhưng nhận tiền lương thấp hơn so với người Việt làm lao động. Cùng trong một tổ chức quân đội, đa số người Thượng chỉ biết làm lính mang súng đánh giặc, ít khi được thăng chức hay nhận bằng khen. Sự bất công đó đã thúc dục binh lính gốc dân tộc Thượng đứng ra đấu tranh bằng vũ lực. Vụ ám sát Ngô Ðình Diệm là thí dụ điển hình. Tiếc rằng, mọi cuộc đấu tranh bằng vũ lực mà không có giải pháp tích cực để giải tỏa vấn đề chỉ là tiếng chuông báo hiệu cho bao cuộc bạo lực khác tiếp theo. Sự ra đời của FULRO chỉ là sự nối tiếp của hiện tượng đấu tranh bạo động đã xảy ra từ năm 1957 mà thôi.
Ban Me Thuot 1957 - 3
Sau khi chính thể Đệ nhất Cộng hòa thành lập, Tổng thống Ngô Đình Diệm đề ra chính sách cưỡng bức đồng hóa các sắc tộc thiểu số. Tại Cao nguyên Trung phần, các địa danh bằng ngôn ngữ bản địa phải đổi sang tiếng Kinh – thí dụ : B’Lao (Trầu Cau) đổi thành Bảo Lộc, Lang Bian đổi thành Lâm Viên ; đồng thời, người miền Bắc di cư (bao gồm Kinh, Mông, Thái, Mường, Dao..) được đưa lên ở lẫn với người bản địa ; kèm theo đó là việc tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường dạy văn hóa xa lạ với tập tục cổ truyền địa phương.
● Sai lầm 6 : Dùng quyền lực để hòa giải dân tộc
Sau ngày ám sát Ngô Ðình Diệm tại Ban Mê Thuột, chính quyền Sài Gòn ra lệnh truy nã những tội phạm, đưa hàng trăm thành viên Bajaraka vào ngục giam hơn 8 năm trường. Thay vì dùng đường lối ôn hòa để làm câu châm ngôn cho chính sách hòa giải dân tộc, Ngô Ðình Diệm dùng bạo lực để giải quyết biến cố. Trước cuộc đàn áp quy mô của chế độ Ngô Ðình Diệm, một số thành viên Bajaraka phải chạy sang Campuchia lánh nạn. Một khi đã thoát thân, những thành viên Bajaraka này phải tìm mọi cách để giải phóng đồng đội của mình hiện đang bị giam giữ trong lao tù. Sự ra đời của FULRO cũng xuất phát từ bối cảnh chính trị này.
● Sai lầm 7 : Xóa bỏ yếu tố văn hóa và lịch sử của dân bản địa
Sắc tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam là công dân của quốc gia Việt Nam, nhưng có một chiều dài của lịch sử riêng và có nguồn gốc văn hóa riêng. Chính vì thế, lịch sử Việt Nam không thể định nghĩa như là lịch sử riêng tư của dân tộc Việt mà là lịch sử chung của tất cả dân tộc hiện có mặt trên giải đất miền Nam Việt Nam này, trong đó có dân tộc Tây Nguyên và Chăm. Việt Nam là một quốc gia đa chủng tộc và đa tôn giáo, thì tất nhiên phải là một quốc gia đa văn hóa và đa lịch sử. Tiếc rằng, Ngô Ðình Diệm chỉ công nhận rằng Việt Nam là một quốc gia đa chủng tộc và đa tôn giáo, nhưng không công nhận Việt Nam là quốc gia đa văn hóa và đa lịch sử. Dân tộc Việt và sắc tộc thiểu số, dù không cùng chủng tộc, đã trở thành công dân Việt Nam, chấp nhận chung sống với nhau trong tình huynh đệ trên lãnh thổ Việt Nam và lúc nào cũng có nghĩa vụ đối với quốc gia này. Tiếc rằng Ngô Ðình Diệm chỉ bám vào chủ thuyết Việt Nam hóa sắc tộc thiểu số thành dân tộc Việt, bằng cách xóa bỏ mọi yếu tố lịch sử và nền văn minh dân tộc bản địa, ngăn cấm tất cả mọi người không quyền nhắc đến lịch sử của dân tộc thua trận để ngăn chặn mọi ý đồ li khai đòi tự trị và độc lập.
Ban Mê Thuột - Hội chợ Tết 1957
Tổng thống Ngô Đình Diệm và các quan chức tham quan Hội chợ Tết 1957 tại Ban Mê Thuột.
Yết tố II : Hậu thuẫn của quốc gia láng giềng
Ai cũng biết, Norodom Sihanouk – quốc trưởng Campuchia – là nhân vật thân Pháp, chống Mỹ và chống chế độ Sài Gòn, chủ trương đòi lại lãnh thổ của của vương quốc Cao Miên ở đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng bàn tay đón nhận bất cứ ai có sứ mệnh vùng dậy chống lại chế độ Sài Gòn. Sự hiện diện của một số thành viên Bajaraka trên lãnh thổ Campuchia sau vụ ám sát Ngô Ðình Diệm vào năm 1957 là một cơ hội tốt giúp chính quyền Cao Miên có phương tiện để hình thành những lực lượng vũ trang gây rối loạn bàn trên cờ chính trị ở miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của FULRO, tức là lực lượng vũ trang đầy đủ khí giới, có trụ sở đặt tại Nam Vang chỉ nằm trong chiến lược của nước láng giềng Cao Miên nhằm làm suy yếu mọi thế lực quân sự và chính trị của chế độ Sài Gòn thời đó.
Chiến khu 3 FULRO
Ảnh chụp tại chiến khu 3 FULRO (nằm trong địa phận tỉnh Mondulkiri – Đông phần Campuchia) năm 1969 : đứng - Đàng Năng Thành, Đặng Nô, Soulaiman, Po Dharma, Tạ Văn Lành, Lưu Văn Biến ; ngồi - Đổng Tập, Đàng Năng Nghịch.
Phần II : Diễn biến thời sự của FULRO
Một khi đã thoát thân đến Campuchia, những thành viên của Bajaraka liên kết với Đại tá Lès Kosem, đại diện cho dân tộc Chăm ở Cao Miên, được chính phủ Norodom Sihanouk tín nhiệm, để tổ chức những mặt trận đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng dân tộc bị áp bức ở bán đảo Ðông Dương, gồm có :
● Mặt trận Giải phóng Cao nguyên – Champa (đặt dưới sự lãnh đạo của Lès Kosem và Y Bham Enuol, gốc dân Radé)
● Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom (đồng bằng sông Cửu Long)
● Mặt trận Giải phóng Campuchia Nord (khu vực Champasak của nước Lào)
Ba mặt trận vũ trang này kết thành một liên minh đấu tranh mang tên là FULRO, có trụ sở trung ương đặt tại thủ đô Nam Vang, do chính quyền Campuchia đứng đằng sau làm hậu thuẫn. Trong tổ chức “liên minh” này, Mặt trận Giải phóng Cao nguyên – Champa là phong trào đấu tranh có lực lượng hùng mạnh nhất, đã gây bao sóng bão chính trị ở Ðông Dương.
Lúc ban đầu, các báo chí địa phương và quốc tế thường sử dụng tên gọi FULRO để ám chỉ phong trào đấu tranh của dân tộc Thượng. Tiếc rằng phong trào này không nằm trong tay của người Thượng mà là dưới quyền điều hành trực tiếp của Đại tá Lès Kosem, sĩ quan Nhảy Dù gốc người Chăm, có một quyền lực và ảnh hưởng rất lớn trong chính phủ Norodom Sihanouk.
Lès Kosem + Lon Nol
Ảnh chụp ngày 13.9.1972 : Thiếu tá Po Dharma, Thiếu tướng Lès Kosem, Thống tướng Lon Nol (bấy giờ là Tổng thống Cộng hòa Khmer).
1. FULRO vùng dậy ngày 20.9.1964
Ðể đánh dấu cho sự hình thành của của tổ chức này, ngày 20 tháng 9 năm 1964 lực lượng vũ trang FULRO vùng dậy chiếm một số khu vực ở Tây Nguyên và đài phát thanh Ban Mê Thuột để phổ biến yêu sách của mình. Sự vùng dậy của FULRO đã gây bao sự phẫn nộ của Thủ tướng Nguyễn Khánh, nhà lãnh đạo đầu tiên lên tiếng tố cáo sự nhúng tay của quân đội Mỹ và hăm dọa dùng vũ lực để dập tắt quân phiến loạn. Sự vùng dậy này cũng lôi kéo các giới lãnh đạo dân sự và quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam vào chiến cuộc để cứu vớt tù binh Mỹ mà FULRO đã bắt để làm con tin.
Conférence de presse du général Nguyen Khanh à Saigon en octobre 1964. Le général de brigade Nguyen Duc Thang présente un drapeau du Fulro saisi lors d’une opération contre le front montagnard
Chuẩn tướng Nguyễn Đức Thắng công bố hiệu kỳ FULRO trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Sài Gòn, tháng 10 năm 1964. Lá cờ này do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thu giữ được trong chiến dịch tiễu trừ quân nổi dậy. Người ngồi bên trái là Quốc trưởng Nguyễn Khánh.



2. Quan hệ của FULRO với quân đội Mỹ
Quan hệ giữa FULRO với quân đội Mỹ và CIA thường biểu lộ qua nhiều hiện tượng rất là bí ẩn. Theo quân đội Mỹ và CIA, FULRO không phải là tổ chức thân cộng mà là tổ chức chống cộng, đóng một vai trò vô cùng quan trọng để bảo vệ địa bàn quân sự trên dãy hoành sơn. Chính vì thế, quân đội Mỹ và CIA không do dự nhượng bộ để làm thỏa mãn những yêu sách của tổ chức FULRO ở Tây Nguyên, nhưng cũng không muốn làm phật lòng chính phủ Việt Nam Cộng hòa mà các lực lượng Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ.
cv
Hoạt động cứu tế của Lữ Dù 173 (Quân lực Mỹ) tại Cao nguyên Trung phần.
4. Quan điểm của quân đội và chính quyền Việt Nam đối với FULRO
Sự ra đời của FULRO đã đưa chính quyền Việt Nam đi vào khúc quanh mới, phân chia cấp lãnh đạo quân sự và dân sự thành hai khối, có hai quan điểm toàn khác nhau về tổ chức FULRO.
Tiêu biểu cho cấp lãnh đạo quân đội là Chuẩn tướng Nguyễn Phước Vĩnh Lộc (Tư lệnh Quân đoàn II) và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có (Tổng trưởng Quốc phòng), họ cho rằng chính quyền Sài Gòn phải dùng vũ lực để tiêu diệt phong trào FULRO – một tổ chức trá hình của Norodom Sihanouk, làm tay sai cho Pháp và công cụ của Việt Cộng, kết tội quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm phần nào trong biến cố này.
Chính quyền Sài Gòn dưới thời Đệ nhị Cộng hòa lại có quan điểm về FULRO hoàn toàn trái ngược, cho rằng FULRO không phải là nhóm phiến loạn li khai mà là một phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của họ. Mọi giải pháp dùng sức mạnh để trấn áp phong trào này chỉ thúc đẩy đồng bào sắc tộc ngả về phía cộng sản. Chính vì thế, chính quyền Sài Gòn thường chọn lựa con đường thương thuyết với tổ chức FULRO. tìm cách thỏa mãn những quyện vọng của họ, ngoại trừ yêu sách đòi hình thành khu tự trị trên Tây Nguyên. Từ một Nha Ðặc trách Thượng vụ, chính quyền Sài Gòn tăng lên thành Bộ Phát triển Sắc tộc vào năm 1967 đã nói lên sự quan tâm của chính quyền Đệ nhị Cộng hòa đối với đồng bào thiểu số thời đó. Ngay trong hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa, nhà nước Việt Nam dành cho người sắc tộc một chỗ đứng rất là trân trọng trong đại cộng đồng dân tộc Việt Nam, có một tiếng nói trực tiếp trong bộ máy điều hành trung ương của nhà nước Việt Nam qua Hội đồng Sắc tộc Thiểu số mà chủ tịch của Hội đồng này là Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Tìm hiểu phong trào tranh đấu FULRO (1958 - 1969)
Một ấn phẩm về lịch sử phong trào FULRO.
5. Những yêu sách của FULRO
Nhìn vào danh xưng Mặt trận Giải phóng Cao nguyên – Champa, người ta có cảm tưởng ngay tổ chức này muốn đòi lại lãnh thổ Champa từ Quảng Bình đến biên giới Sài Gòn. Nhưng trên thực tế, thì hoàn toàn khác hẳn. Những yêu sách mà FULRO đòi hỏi, thường hàm chứa một nội dung quá nhiều chi tiết, nhưng yêu sách của tổ chức này chỉ tập trung vào hai vấn đề chủ yếu :
● Ban hành quy chế đặt biệt cho dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam
● Tái lập quy chế Hoàng triều Cương thổ bằng cách thành lập Phủ Tổng ủy Sắc tộc có quy chế riêng, quân đội riêng, lá cờ riêng, tức là một khu tự trị dưới lá cờ của Việt Nam Cộng hòa.
Trước yêu sách của FULRO, chế độ Sài Gòn sẳn sàng ban hành quy chế đặt biệt cho dân tộc thiểu số, nhưng không chấp nhận quy chế tự trị trên Tây Nguyên, có nghĩa là không chấp nhận quốc gia trong một quốc gia Việt Nam. FULRO thì có quan điểm ngược lại. Theo tổ chức này, thà tái lập lại quy chế tự trị trên Tây Nguyên dưới lá cờ Việt Nam Cộng hòa để cho dân tộc bản địa Tây Nguyên tự đảm trách và bảo vệ lãnh thổ miền cao này còn hơn giao lại cả miền Nam Việt Nam cho chế độ cộng sản. Ban Mê Thuột rơi vào tay của cộng sản vào ngày 10.3.1975 lôi kéo tức thời sự sụp đổ cả một chế độ miền Nam Việt Nam là một bài học đáng suy nghĩ.
Y Bham Enuol, 3.8.1964
Ông Y Bham Enuol (chủ tịch FULRO) phát biểu tại buổi thương thuyết cấp cao giữa phái đại diện chính phủ Việt Nam Cộng hòa và phái đoàn FULRO, Ban Mê Thuột – 3.8.1968.
Phần III : Kết luận
Những biến cố đã xảy ra trên Tây Nguyên kể từ năm 1955 phát xuất từ quan niệm khác nhau để định nghĩa thế nào là chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia độc lập và chủ nhân đất đai của dân tộc bản địa, thế nào là dân tộc thiểu số và dân tộc bản địa. Thêm vào đó, sự đấu tranh của sắc tộc thiểu số không nhằm mục tiêu chống phá nhà nước Việt Nam mà là chống phá mọi chế độ chính trị, mọi tổ chức quân sự và dân sự Việt Nam có chủ trương nhằm thống trị, chụp mũ, nghi ngờ cộng đồng sắc tộc thiểu số vô tội. Hy vọng rằng, lễ ra mắt tác phẩm Champaka số 7 đang diễn ra trong hội trường này không bị chụp mũ như một hành động có mục tiêu chính trị hay mang ý đồ li khai đòi tự trị như một số người đã hiểu lầm.
Tất cả những yếu tố đồng hóa, chụp mũ, nghi ngờ, khinh thường sắc tộc thiểu số mà chúng tôi vừa phân tích, không biểu tượng cho bản chất của dân tộc Việt, mà là bản chất của một số chế độc độc tài mà thôi. Vi rằng, dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, chính quyền Sài Gòn – cũng là nhà nước Việt Nam, có chính sách đối với sắc tộc thiểu số hoàn toàn khác biệt. Tiếc rằng đỉnh cao của chính sách này chỉ tồn tại trong thời gian quá ngắn ngủi cho đến 1975, năm đánh dấu miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, một chế độ luôn luôn ghép dân tộc Tây Nguyên và Chăm vào thành phần phản động, tìm cách li khai đòi tự trị. Có chăng đây là sự thật của vấn đề hay chỉ là một loại văn chương chụp mũ. Vi rằng, dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam hôm nay gồm hơn 800 ngàn người, nhưng lúc nào cũng lâm vào nạn nghèo đói bần cùng, vì đất đai của họ bị chế độ cộng sản tịch thu và trưng dụng sau năm 1975. Thế thì dân tộc thiểu số này vùng dậy đòi li khai tự trị để làm gì, trong khi đó họ không tìm ra chén cơm để nuôi bản thân và gia đinh của họ
Cuộc đấu tranh của dân tộc thiếu số ở miền Trung Việt Nam từ năm 1955 cho đến hôm nay mà chúng tôi đã trình bày trong Champaka số 7 này chỉ là tổng thể sự thật của tất cả biến cố đã xảy ra, nhưng đã cấu thành yếu tố của lịch sử cận đại Việt Nam mà không ai có quyền phủ nhận. Sự thật có thể làm mất lòng nhau, nhưng sự thật của lịch sử không làm mất lòng ai cả, nếu dân tộc Việt và sắc tộc thiểu số cùng nhau chấp nhận sự thật của lịch sử này như một giá trị cơ bản cần được tôn trọng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen