Seiten

Donnerstag, 17. Juli 2014

PETER HANSEN – BẮC DI CƯ: DÂN CÔNG GIÁO TỊ NẠN TỪ MIỀN BẮC VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA HỌ TẠI CỘNG HÒA MIỀN NAM, 1954-1959

Đôi bờ Hiền Lương - Photo by Howard Sochurek - 1961

Đôi bờ Hiền Lương - Photo by Howard Sochurek - 1961

Gia Kiệm, một thị trấn gần tám mươi nghìn dân, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng năm mươi ki lô mét trên đường đi Đà Lạt. Nó đáng chú ý về sự giàu có và quy củ, nhưng nét nổi bật nhất của nó là có rất nhiều nhà thờ Công giáo rải rác dọc theo đường cái, cách nhau chỉ khoảng vài trăm mét. Gia Kiệm không phải là một cộng đồng cổ. Thật ra, trước năm 1954, nó chỉ là một ngôi làng. Nhưng vào năm đó, Đức Cha Thaddeus Lê Hữu Từ đã chọn Gia Kiệm làm nơi tái định cư cho hàng ngàn dân Công giáo từ Giáo khu Phát Diệm ở miền bắc chạy vào nam. Đám con chiên của Lê Hữu Từ chẳng bao lâu đã có thêm những giáo dân từ những giáo khu khác của miền bắc, như Bùi Chu và Thanh Hóa hội nhập vào. Tên của những xứ đạo mới đến thiết lập ở Gia Kiệm gợi nhớ đến những gốc gác miền Bắc của họ: Phát Hội, Thanh Sơn, Phúc Nhạc, Ninh Phát, Kim Thượng vân vân.[1]

Ở Gia Kiệm và ở nhiều cộng đồng tương tự ở miền Trung và miền Nam ngày nay, những người Công giáo vẫn còn gắn bó với nhau không chỉ bởi tín ngưỡng chung, mà còn bởi ký ức, kinh nghiệm và quê gốc chung nữa. Khoảng giữa những năm 1950, gần một triệu người lựa chọn rời bỏ địa phương phía trên vĩ tuyến mười bảy, thực tế là quay lưng lại với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh. Ngược lại, họ chọn nơi trú ẩn tại lãnh thổ chẳng bao lâu trở thành Việt Nam Cộng hòa, một chế độ do người lãnh đạo theo Công giáo là Ngô Đình Diệm đứng đầu.
Hiền Lương Bridge - Photo by Howard Sochurek - 1961Việc tái định cư của những người di cư này và sự hòa nhập của họ vào xã hội miền Nam trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách mà chính quyền Ngô Đình Diệm phải đương đầu, trong những năm tháng cầm quyền đầu tiên. Cuộc di chuyển ồ ạt của những người miền Bắc được miền Nam biết đến như là Cuộc Di cư Vĩ đại [Great Transmigration], và những người di cư được gọi là Bắc di cư Năm mươi tư [Northern Refugees from Fifty-four] hay là Bắc di cư.
Vào thời điểm họ đến miền Nam, địa vị chính trị và xã hội của Bắc di cư được đánh giá chủ yếu dựa vào quan hệ của họ với chính quyền Ngô Đình Diệm. Việc người Công giáo miền Bắc di cư có mặt quá đông trong trong quân đội Việt Nam Cộng hòa và bộ máy dân sự, giới học giả và đời sống nghề nghiệp của miền Nam, chưa nói đến các giới thân cận trong nội bộ của chế độ Ngô Đình Diệm, hầu như luôn luôn là một chủ đề chính trong mọi cuộc thảo luận về vai trò của Bắc di cư ở miền Nam sau 1954[2]. Vì sự có mặt đông đảo này ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình chính trị của Việt Nam Cộng hòa cả trong và sau thời kỳ Ngô Đình Diệm, nên không có gì đáng ngạc nhiên rằng các học giả và những nhà bình luận khác đã tập trung quá nhiều vào khía cạnh này của cuộc di cư 1954-1955.
Tuy nhiên, quan điểm này đối với lịch sử của Bắc di cư là khó hiểu về nhiều mặt. Trước hết, nó quá thường xuyên coi những người Bắc di cư như những nhân vật thụ động hơn là những người tích cực chủ động trong việc quyết định số phận của chính mình. Trong những truyện lịch sử, họ được miêu tả  như những kẻ khốn khổ phụ thuộc vào ý muốn ngẫu hứng của những người khác – những người khác như Đại tá Edward Lansdale của CIA, hay Ngô Đình Diệm và những thành viên trong gia đình ông ta. Trong những truyện này, người Công giáo lúc đầu bị lôi kéo rời bỏ quê hương của họ ở miền Bắc để vào Nam, rồi sau đó bị biến thành con đê chắn sóng được dựng lên nhằm bảo vệ chế độ Sài Gòn chống lại các nguy cơ bên trong và bên ngoài. Theo quan điểm này, Bắc di cư chỉ thực thi một lực nhỏ quý báu trong việc hình thành số phận của họ và, hầu như không chú ý gì đến cách họ xoay sở và theo đuổi những chương trình chính trị, xã hội và tôn giáo riêng của họ. Nhìn nhận Bắc di cư mà chỉ xét đến tác động của họ lên chính trị Việt Nam Cộng hòa thì chỉ là tập trung vào một khía cạnh trong lịch sử sau 1954 của họ, mà bỏ qua những khía cạnh đáng chú ý khác. Ngay cả lịch sử Đạo Thiên Chúa Việt Nam thế kỷ 20 được viết trong tầm nhìn Công giáo cũng hầu như không nói được về tác động của Bắc Di cư  đến đời sống Công giáo và văn hóa ở miền Nam. Cứ như thể những dính líu bên trong của phong trào Bắc di cư đối với lịch sử Công giáo miền Nam là một chủ đề không thích hợp cho diễn ngôn lịch sử. Các nhà sử học của Giáo hội Việt Nam đã thảo luận tường tận những căng thẳng giữa các nhà truyền giáo Pháp với người Công giáo “bản xứ” Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi, cũng như cuộc xung đột lâu dài và phức tạp giữa giáo hội Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, các học giả này đã không chú ý hoặc chú ý rất ít đến những quan hệ nội bộ lục đục và không kém phần phức tạp trong giáo hội miền Nam thời kỳ Việt Nam Cộng hòa[3]. Chẳng hạn bạn đọc muốn tìm kiếm trong các tác phẩm lịch sử Giáo hội này những cuộc thảo luận về những vấn đề như tác động của sự vượt trội về số lượng những người di cư miền Bắc trong giáo hội miền Nam sẽ hoài công vô ích.
Những đề tài khác chưa được động tới bao gồm quan hệ giữa hệ thống cấp bậc của giáo hội miền Nam với các cha cố mới từ miền Bắc vào, hậu quả của việc những cha cố này gia nhập hệ thống nói trên, và ảnh hưởng của quan hệ qua lại hằng ngày giữa người Công giáo miền Bắc và miền Nam, là cái tạo nên đời sống giáo dân của cả hai nhóm trong những năm sau 1954. Tất nhiên, việc thảo luận những vấn đề như thế có thể không phù hợp với mục đích giáo huấn của các tác giả do giáo hội bảo trợ. Nhưng ở nhiều phương diện, những câu hỏi nảy sinh từ những vấn đề ấy dường như hiện nay thậm chí càng cấp bách hơn, chính bởi vì trước đây chúng đã bị bỏ qua.
Tiểu luận này nhằm khảo sát Bắc di cư – nguồn gốc của họ, sự tái định cư của họ, một số hậu quả của sự hiện diện của họ đối với phần còn lại của xã hội miền Nam trong những năm đầu sau Cuộc Di cư Vĩ đại. Tại sao trong những năm 1954-1955 có nhiều người rời bỏ miền bắc đến thế? Tại sao người Công giáo chiếm một tỷ lệ lớn như vậy trong số những người ra đi? Tại sao nhiều người trong số họ như vậy tái định cư xa rời khối dân cư “bản địa” miền Nam? Hình mẫu chia tách này đã được thực hiện như thế nào? Và việc hội nhập của Bắc di cư vào xã hội miền Nam có những tác động gì? Trong việc nêu lên những câu hỏi này, tôi bác bỏ hai cách hiểu sai về Bắc di cư. Một là, tôi thách thức cái quan điểm cho rằng việc có nhiều người Công giáo đến thế ra đi khỏi miền Bắc phần lớn hay hoàn toàn do những cố gắng của CIA hay các cơ quan chính phủ khác của Hoa Kỳ. Hai là, tôi thách thức điều khẳng định rằng sự tái định cư của người Công giáo miền Bắc ở trong và xung quanh Sài Gòn là do chính sách có chủ ý và có tính chiến lược do Ngô Đình Diệm chủ mưu. Trong cả sự bỏ chạy của họ khỏi miền Bắc và trong những cuộc đời mới mà họ tạo lập cho mình ở miền Nam, người Bắc di cư bình thường hoàn toàn không thụ động và thiếu phương hướng.
Địa lý lịch sử của Công giáo Việt Nam
Nhiệm vụ hòa nhập Bắc di cư vào Việt Nam Cộng hòa mới ra đời không phải chỉ là trách nhiệm của chính phủ Ngô Đình Diệm. Trước tình hình đại đa số những người mới đến là dân Công giáo, giáo hội miền Nam cũng phải đối phó với những thử thách vốn có trong việc đồng hóa một tập đoàn giáo dân còn lớn hơn bản thân giáo hội miền Nam. Vào thời gian Hiệp định Geneva 1954, có khoảng 1.900.000 tín đồ Công giáo ở Việt Nam, trong đó chỉ có 520.000. hay 27,4 phần trăm, sống trong hai tỉnh của giáo hội miền Nam là Sài Gòn và Huế. Ngược lại, vào cuối Cuộc Di cư Vĩ đại, các tỉnh này là nơi sinh sống của gần 1.700.000 dân Công giáo Việt Nam (61,6 phần trăm)[4].
Các khó khăn trong việc đồng hóa số lượng khổng lồ giáo dân Bắc di cư lại càng tồi tệ hơn bởi họ thừa kế một văn hóa giáo hội hoàn toàn khác với văn hóa ở miền Nam. Sự phân chia ranh giới giữa miền Bắc (Đàng Ngoài) và miền Nam (Đàng Trong) là một chủ đề diễn đi diễn lại trong lịch sử Việt Nam, và hiện tượng này cũng rõ ràng trong lịch sử và văn hóa Công giáo Việt Nam. Khi Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam là một nước thống nhất vào tháng Chín 1945, người Công giáo trong các vùng miền khác nhau của Việt Nam tán thành các truyền thống địa phương đặc biệt, các văn hóa, các tự sự lịch sử và các cấu trúc xã hội.
Bên trong giáo hội Công giáo chung, thời kỳ đầu của thực dân Pháp ở Việt Nam trùng với một thái độ thù địch và nghi ngờ đối với những tín ngưỡng khác, thái độ này đặc biệt rõ ràng trong các nhiệm kỳ Giáo Hoàng Piux IX (1846-1878) và Pius X (1903-1914). Trong thế giới quan này, những người Cơ Đốc giáo phải được bảo vệ khỏi xã hội phi- Cơ Đốc, đừng để cho họ rơi vào thói tục vô đạo. Những người mới cải đạo (Neophytes) trong các vùng đất truyền giáo được coi là đặc biệt dễ bị tấn công  bởi nguy cơ này, ngay cả khi gia đình của họ đã theo đạo Cơ Đốc hàng mấy đời.
Ở miền Bắc, chủ nghĩa biệt lập tôn giáo này còn tồi tệ hơn vì nỗi lo sợ bị người lương (không theo Công giáo) tấn công về thể xác. Trong thế kỷ mười chín, các quan hệ lương–giáo ở miền này rất căng thẳng và thường dẫn đến bạo lực. Mặc dầu bước sang thế kỷ hai mươi, sự ngược đãi Công giáo đã chấm dứt, nhưng những ký ức còn nóng hổi ở miền nam và phần lớn miền trung, và cái mạng lưới chằng chịt các vấn đề chính trị, tôn giáo và xã hội ngay từ đầu đã gây xung đột phần lớn vẫn còn chưa được giải quyết. Thật ra, trong khi thực dân Pháp đến cai trị dẫn đến đàn áp tấn công về thể xác, thì nỗi oán giận dường như càng nặng nề hơn đối với thiểu số Công giáo vốn được coi là đồng minh của bọn thực dân áp bức.
Bởi vì việc ngược đãi Công giáo nói chung chấm dứt ở Nam kỳ vào khoảng những năm 1860, và ở Trung kỳ vào khoảng những năm 1880, những người Công giáo trong các vùng này dần trở nên quen với việc chung sống hòa bình trong các cộng đồng pha trộn với những người hàng xóm không Công giáo của họ. Ngược lại, những đồng đạo của họ ở Bắc kỳ – đặc biệt những người sống trong những giáo khu lớn như Phát Diệm hoặc Bùi Chu – sống trong các họ đạo [các tiểu giáo khu Công giáo toàn tòng] trong đó họ được cách ly khỏi mối đe dọa của thế giới bên ngoài không theo Công giáo. Trong khi những người Công giáo miền Nam dễ dàng phân biệt việc đạo với việc đời, thì đường phân giới này ở những cư dân họ đạo miền Bắc thường bị xóa nhòa. Và trong khi những người Công giáo miền Nam sẵn sàng thừa nhận rằng họ chỉ được các linh mục dẫn dắt trong các địa hạt tâm linh và tôn giáo, thì sự dẫn dắt của các cha cố trong các họ đạo miền Bắc đôi khi khoác vẻ ngoài của một thứ chính trị thần quyền toàn diện.
Tất nhiên về phương diện cùng là giáo dân Công giáo thì họ có nhiều điểm chung, và nhiều đặc điểm đã sẵn sàng được cả người miền Bắc và miền Nam thừa nhận như nhau. Hơn nữa, tất cả họ là thành viên của một Giáo hội Thiên Chúa giáo chung, nó quy định sự tương đồng trong những lĩnh vực của đời sống tôn giáo như nghi lễ, giáo lý, các phép bí tích và các cấp bậc trong giáo hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, những sự khác nhau giữa người Công giáo miền Bắc và miền Nam vẫn còn là đáng kể. Khi những thăng trầm lịch sử và chính trị của cuộc di cư 1954-1955 ném một bộ phận lớn của giáo hội miền Bắc vào chung sống ngay lập tức với đối tác của họ ở miền Nam, những khác biệt này đôi khi trở thành ức chế việc đồng hóa dễ dàng và thường là nguồn gốc của sự không hiểu được nhau. Nhiệm vụ hòa trộn những người Công giáo bản địa miền Nam với Bắc di cư thành một cơ thể giáo hội thống nhất nhất định phải lâu dài và phức tạp.
Những ai đi vào Nam?
Các hiệp định được ký kết ở Hội nghị Geneva về Đông dương ngày 20 tháng Bảy năm 1954 quy định phân ranh giới tạm thời giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam ở vĩ tuyến 17[5]. Điều 14(d) của Hiệp định quy định tự do đi lại giữa các địa phương miền Bắc và miền Nam trong thời hạn ba trăm ngày tiếp sau ngày bắt đầu của Hiệp định[6]. Vào cuối thời kỳ mở cửa này, hơn 810.000 người đã lợi dụng cơ hội để di dời từ miền Bắc vào miền Nam[7]. Hơn bảy mươi lăm phần trăm là người Thiên Chúa giáo La Mã, phần lớn, nhưng không phải duy nhất, rút ra từ hai giáo khu tập trung đông người Công giáo nhất của miền Bắc là Phát Diệm (ở tỉnh Ninh Bình) và Bùi Chu (ở tỉnh Nam định).[8] Các Giám mục của hai giáo khu này [lần lượt] là Thaddeus Lê Hữu Từ, và Piere Phạm Ngọc Chi, từ cuối những năm 1940 đã là những đối thủ gay gắt của Việt Minh. Mỗi người đã duy trì một lực lượng  tự vệ thường xuyên đụng độ với các lực lượng Việt Minh. Về phía mình nhiều người trong hàng ngũ Việt Minh đã coi Giáo hội Thiên Chúa Việt Nam như một đồng minh của thực dân Pháp. Sự đối kháng lẫn nhau này đặc biệt thấy rõ ở những vùng từ lâu nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, như trung-bắc Nghệ An. Nhiều người Công giáo đã chiến đấu không chỉ cho lực lượng dân quân Công giáo mà còn trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Pháp. Khi cuộc nổi dậy của Việt Minh đã rõ ràng thắng lợi ở miền Bắc, nhiều người Công giáo sợ bị trả thù, sẵn sàng rời bỏ miền Bắc. Cuộc di chuyển lớn của người Công giáo đã bắt đầu ngay khi những tin tức của Hiệp định Geneva và những điều khoản chuyển quân của nó được công bố. Thật ra, cuộc bỏ chạy của người Công giáo từ các làng xã trên khắp bắc bộ và bắc trung bộ đã bắt đầu từ trước khi công bố Hiệp định Geneva[9]. Sau thất bại của các lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ ngày 7 tháng Năm 1954, các chỉ huy quân đội Pháp lựa chọn di tản các lực lượng của họ khỏi các giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu để củng cố hành lang chủ yếu do họ kiểm soát từ Hà nội đến Hải Phòng[10]. Phần lớn thường dân Công giáo của các vùng này, vốn không được báo trước về sự rút lui của quân đội Pháp, bỗng nhiên thấy mình đứng trước con đường tiến quân của Việt Minh. Những chỉ thị về rút quân được gửi từ chỉ huy cấp cao của Pháp đến chiến trường vào ngày 15 tháng Sáu 1954, hơn một tháng trước khi kết thúc các cuộc đàm phán ở Geneva[11]. Cuộc chuyển quân của Pháp rất bí mật, nhưng các chức sắc giáo hội rõ ràng đã biết về nó gần như tức khắc, đúng chỉ trong thời gian hai tuần đó mà các giám mục Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi đã [lần lượt] rời Phát Diệm và Bùi Chu[12]. Vào thời gian kết thúc Hội nghị Geneva, đã có hai mươi lăm ngàn người Công giáo tị nạn tại Hà Nội, mười lăm ngàn ở Hải Phòng, và năm ngàn ở Hải Dương[13].
Ngoài những người tị nạn từ trung tâm Công giáo, còn những người Công giáo từ các vùng bắc và tây Hà Nội, bắt đầu đến các trụ sở Công giáo ở thủ đô[14]. Ở miền trung, cư dân của các cộng đồng Công giáo ở bắc địa phận Huế (nằm ở các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) đã bắt đầu chuyển đến thành phố Huế và vùng lân cận phía nam trước khi Việt Minh tiến đến[15].Những cuộc di chuyển này bắt đầu thậm chí trước khi hiệp định được ký; tuy nhiên, ở các địa phương khác trên miền Bắc, đặc biệt những nơi mà người Công giáo chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng số dân cư, thì sức thúc đẩy di chuyển vào nam cho đến cuối tháng Bảy 1954 không mạnh.
Những số liệu chính thức của Việt Nam Cộng hòa biên soạn tháng Mười 1955 cho thấy rằng những người di cư từ Bắc vào Nam bao gồm 676.348 người Công giáo (76,3 phần trăm toàn bộ Bắc di cư), 209.132 Phật giáo (23.5 phần trăm), và 1041 Tin Lành (0,2 phần trăm)[16]. Các phân tích của chế độ Sài Gòn không phân loại người di cư theo vùng cư trú trước đây ở miền bắc; tuy nhiên giáo hội cung cấp những ước tính về số giáo dân chạy vào Nam từ mười giáo khu Thiên Chúa nằm phía trên giới tuyến (Xem bảng 1)[17].
Bảng 1:  Sự di cư của những và linh mục trong các giáo khu miền Bắc, 1954.

Giáo khu
Giáo dânLinh mục
Tổng số người ra đi% của số giáo dân di cưTổng số người ra đi% của số linh mục di cư
Hà Nội50.00033,4%11555,6%
Hải Phòng60.00052,3%7980,6%
Vinh57.08031,7%7039,3%
Bùi Chu150.00071,7%15077,7%
Hưng Hóa8.00011,8%2328,4%
Bắc Ninh38.00055,9%6075,0%
Phát Diệm80.00072,7%13987,4%
Thanh Hóa18.50020,6%6488,9%
Thái Bình80.00057,1%79a70,6%
Lạng Sơn2.50050,0%1458,3%
_______________________________________________
a. Con số này dường như rất cao so với ước tính của Hội đồng Giám mục Việt Nam,“hơn 60.”: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, 284. Nguồn: Lê Ngọc Bích, Nhân Vật Công Giáo Việt Nam: Các V Giám Mục Một Thời Đã Qua Đời (1933–1995) [Vietnamese Catholic Biography: Deceased. Bishops (1933–1995)] (HCMC, 1995); và Công Giáo và Dân Tộc [Catholicism and the Nation], Công Giáo Sau Quá Trình 50 Nam [Catholicism through a Process of Fifty Years] (HCMC: Công Giáo và Dân Tộc, 1995)
Điều 14(d) Hiệp định Geneva qui định tự do di chuyển không hạn chế qua lại nam-bắc và bắc-nam trong thời kỳ chuyển quân nói trên, và đề nghị rằng những di chuyển như thế được theo dõi và giám sát và đảm bảo được tôn trọng bởi Ủy ban Kiểm soát Quốc tế ICC (Điều 34-36) B.S.M. Murti, một ủy viên ICC sau đó nói rằng lúc đầu chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng lòng cho phép những người muốn rời khỏi vùng kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đi tự do, nhưng sau đó thái độ của họ mau chóng trở nên cứng rắn vì rõ ràng có một số lượng lớn người lợi dụng cơ hội này để đi Nam[18]. Vào giữa năm 1955, có nhiều báo cáo về các trường hợp trong đó các lực lượng quân đội Việt Minh và các cán bộ hành chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tích cực ngăn cản, gây trở ngại cho những người có-thể-ra-đi không để họ đến các điểm xuất phát tại Hà Nội và Hải Phòng[19]. Điều đó được thực hiện thông qua một sự kết hợp giữa các lực lượng quân đội và làm rối về mặt hành chính; thẩm quyền cấp giấy phép ra đi nằm bên phía chính quyền chiếm đóng trong các vùng tương ứng của họ[20].
Hậu quả là, những người Công giáo và những người có-thể-sẽ-di-cư sống tại những giáo khu xa nhất so với các điểm xuất phát (ví dụ Hưng Hóa ở vùng tây bắc) và những người sống trong vùng từ lâu nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Minh (như phần lớn các vùng Nghệ An và Thanh Hóa ở Liên Khu IV) gặp khó khăn lớn nhất trong việc đến được các điểm đăng ký coi như cửa ngõ vào miền Nam. Ngược lại, những người Công giáo ở Phát Diệm và Bùi Chu, nằm khá gần đường trục Hà Nội – Hải Phòng, thì có một hành trình tương đối dễ dàng hơn để đến được những nơi mà từ đó họ được trực tiếp chuyển bằng đường biển và đường hàng không vào miền Nam[21].
Tuy nhiên, những khó khăn về vật chất và hậu cần trong hành trình đến điểm xuất phát không đủ để giải thích những khác biệt to lớn về số người ra đi từ những giáo khu khác nhau[22]. Chẳng hạn tại sao các cư dân Công giáo thuộc địa phận Hà Nội, là những người khá sẵn sàng tại điểm xuất phát, lại chỉ có 33,4 phần trăm lựa chọn ra đi? Con số này ít hơn một nửa tỉ lệ những người ra đi từ Phát Diệm, họ phải cất công ra tận Hà Nội hay Hải Phòng để lên đường[23]. Sự khác biệt này có thể một phần vì thủ đô phần lớn đã tránh được chiến sự trong thời gian chiến tranh. Nó cũng phản ánh thái độ tích cực của một số cư dân Hà Nội – trong đó có cả những người Công giáo dân tộc chủ nghĩa – trước sự ra đi của người Pháp và  sự kiện Hồ Chí Minh sắp trở về thủ đô.
Tuy nhiên, về sau những sự kiện như thế này không thật quan trọng trọng sự quyết định của người Công giáo so với một điều cân nhắc khác: thái độ của các cha cố ở địa phương. Đối với nhiều người Công giáo miền Bắc — đặc biệt những người sống trong các làng xã — quyết định ở hay đi phần lớn phụ thuộc vào lời nói và việc làm của các linh mục và giám mục.
(còn tiếp)
NguồnJournal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009.
Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Một số cái tên như Phúc Nhạc nhắc đến giáo khu gốc của họ. Gia Kiệm không phải là duy nhất trong những năm 1954–1955, cả loạt những khu định cư mới rộng lớn, hầu như dành riêng cho Công giáo di cư như Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp vân vân, mọc lên ở khu vực xung quanh Sài Gòn, và nhiều khu cuối cùng đã sáp nhập vào ngoại ô của nó.
[2] Điều này là chắc chắn trong những tác phẩm như Harvey Neese. John O’Donnell, Prelude to Tragedy: Vietnam, 1960–1965 (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2001); Robert Shaplen, (The Lost Revolution: The Story of Twenty Years of Neglected Opportunities in Vietnam and of America’s Failure to Foster Democracy There (New York: Harper & Row, 1965); và Charles A. Joiner, The Politics of Massacre: Political Processes in South Vietnam (Philadelphia: Temple University Press, 1974). Xem thêm Robert Scheer, “Genesis of United States Support for the Regime of Ngo Dinh Diem” và “Behind the Miracle of South Vietnam,” trong Vietnam and America: A Documented History, eds. Marvin E. Gettleman và những người khác. (New York: Grove Press, 1985), 118–132 và 137–153,. Joiner ít ra cũng cho cuộc trốn chạy của Bắc di cư trong lịch sử tôn giáo một tầm quan trọng nổi bật trong khi nhiều người khác coi vai trò của họ chỉ đơn giản là bị thúc đẩy bởi thái độ chống cộng quyết liệt của họ, thái độ này nảy sinh từ tư cách chính trị của họ (theo đường hướng lập luận này). Xem: Joiner, Politics of Massacre, 30, 68–69, 162.
[3] Piero Gheddo, The Cross and the Bo Tree, Charles Quinn dịch (New York: Sheed & Ward, 1968); Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử[Vietnamese Church History], 2 tập. (Sài Gòn: Cứu Thế Tùng Thư, 1962–1965); Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, 1975–2000 [The Catholic Church in Vietnam, 1975–2000] (Westminster, CA: Asian Printing, 2001); Nguyễn Thế  Thoại, Công Giáo Trên Quê Hương Việt Nam[Catholicism in the Homeland, Vietnam], 2 tập. (Vietnam: self-published, 2001). Nhiều số tạp chí lịch sử của giai đoạn này do các cộng đồng người Việt phát hành cũng có ý định phác hoạ bối cảnh cuộc di cư trong luận chiến, cùng tên Phan Phát Huồn. Hơn nữa, mỉa mai thay, nhiều người trong số họ phần lớn lại dựa trên các nguồn sơ và thứ cấp ngoài Việt Nam. Một ngoại lệ đáng chú ý, xem Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995: Chiến Tranh, Tị Nạn; Bài Học Lịch Sử [Vietnam 1945–1995: War, Refugees, Historical Lessons], 2 tập. (Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004). Công trình này không chỉ đề cập đến cuộc di cư một cách bình thản, mà còn dựa chủ yếu trên các nguồn tài liệu Việt Nam.
[4] Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam [The Catholic Church in Vietnam] (Calgary: Veritas Press, 1998), 3:214. Tính toán chính xác khó khăn vì giáo hội Công giáo Việt Nam được chia thành ba giáo khu, trong đó một giáo khu – Huế –  lại nằm trải ra cả trên và dưới vĩ tuyến mười bảy
[5] Trong khi chỉ có ý định như một biện pháp tạm thời cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử, việc chia cắt kéo dài đến khi thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1976.
[6] Robert F. Randle, Geneva 1954: The Settlement of the Indochinese War(Princeton, NJ: Princeton University Press, 1969), 462–467.
[7] Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn (PTUDCTN) [thuộc phủ Tổng thống (PTT), File 343, Folder 4041, Phủ Tổng thống đệ Nhất Cộng hòa (PTTĐNCH) Lưu trữ Quốc gia Vietnam II, Hồ Chí Minh City (VNA-II). Không phải tất cả là người gốc Bắc, 154,400 là lính phục viên và gia đình họ. Thời kỳ di chuyển chính thức lúc đầu hết hạn ngày 15, tháng Năm 1955, nhưng sau gia hạn đến 20 tháng Bảy. Sau ngày đó, các lực lượng Pháp buộc phải rút hoàn toàn khỏi các vị trí của họ ở Hà Nội và Hải Phòng. Số rời miền Bắc tăng lên vào ngày 31, tháng Mười Hai 1955, đến 887.861. Xem PTUDCTN thuộc PTT, 21, tháng Giêng 1956, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[8] Khoảng 140.000 người ủng hộ Việt Minh di chuyển theo hướng ngược lại, từ Nam ra Bắc. Phái đoàn Ngô Đinh Diệm tại Hội nghị Geneva đấu tranh không thành công để tách Phát Diệm và Bùi Chu ra khỏi vùng kiểm soát của Việt Minh. Xem Bernard B. Fall, Viet-Nam Witness, 1953–1966 (New York: Frederick A. Praeger, 1966), 62.
[9] “Hàng vạn dân lánh nạn miền xuôi” [Lines of Thousands of Evacuees Head Downwards], Tiếng Chuông [Sound the Bell]July 7, 1954. Xem thêm Edgar O’Ballance, The Indo-China War, 1945–1954: A Study in Guerilla Warfare(London: Faber & Faber, 1964)239.
[10] O’Ballance, The Indo-China War, 215; “Bùi Chu và Phát Diệm” [Bùi Chu and Phát Diệm], Ánh Sáng [Light], July 9, 1954; “Hà Nội tản cư và hồi cư” [Hà Nội Evacuees and Returnees from Evacuation], Dân Ta [Our People],July 19, 204 Hansen 1954; Martin Windrow, The Last Valley: Dien Bien Phu and the French Defeat in Vietnam (Cambridge, MA: Da Capo Press, 2006), 631.
[11] Windrow, The Last Valley, 631.
[12] “Hà Nội tản cư và hồi cư”; Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled,vol. 2 (London: Pall Mall Press, 1967), 1092.
[13] Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995, 1:237–238.
[14] Donald Lancaster, The Emancipation of French Indochina (London: Oxford University Press, 1961), 343; “Một nguyện vọng của đồng bào tản cư” [An Aspiration of the Evacuees], Cải Tạo [Transformation], July 24, 1954.
[15] Lê Ngọc Bích, Nhân vật Giáo Phận Huế: Kỷ niêm 150 năm thành lập GiáoPhn Huế [Biographies from the Diocese of Huế: A Memento of 150 Years of the Establishment of the Diocese of Huế], 2 vols. (Huế: Ban Truyền Thống Giáo Phận, 2000), 2:260–261
[16] PTUDCTN thuộc PTT,  22, tháng Mười Một 1955, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II. Ủy ban của Giám mục Phạm Ngọc Chi tuyên bố rằng 78.6 phần trăm Bắc di cư là Công giáo. Xem Ủy  Ban Hỗ Trợ Định Cư [Resettlement Assistance Committee] (UBHTĐC), S các làng Đình cư [A List of Resettlement Villages] (Sài Gòn: UBHTĐC, Tháng Chín 1955), 4.
[17] Tại một hội nghị 1959, cựu tổng ủy di cư Việt Nam Cộng hòa  Bùi Văn Lương, ước lượng có 794.876 Công giáo trong tổng số 928.152 Bắc di cư, hay  85.6 phần trăm. Số còn lại gọi chung là “Phật giáo và Tin Lành. Xem Bùi Văn Lương, “Role of Friendly Nations,” trong Viet-nam,the First Five Years: An International Symposium, ed. Richard W. Lindholm (East Lansing: Michigan State University Press, 1959), 49. các con  số do ủy ban của Phạm Ngọc Chi cung cấp có vẻ chính xác hơn.
[18] B.S.N. Murti, Vietnam Divided: The Unfinished Struggle (New York: Asia Publishing House, 1964), 74–79.
[19] Jacques Dalloz, The War in Indo-China, 1945–1954, Josephine Baker dịch (London: Gill and Macmillan, 1990), 189; Harry Haas, “Catholics in North Vietnam,” trong American Catholics and Vietnam, ed. Tom Quigley (Grand Rapids, MI: William Eerdmans, 1968), 176–177; Gheddo, Cross and Bo Tree, 60–66. Andrew Hardy nhắc lại một cuộc nói chuyện với một người ủng hộ Việt Minh ở Nam Định (Bùi Chu), trong đó ông nhớ lại các hoạt động để tích cực can ngăn các làng Công giáo di cư. Xem Andrew Hardy,Red Hills: Migrants and the State in the Highlands of Vietnam (Copenhagen: NIAS Press, 2003), 156–157.
[20] Murti, Vietnam Divided, 92.
[21]Vào 30 tháng Mười Một và 1 tháng Mười Hai, 1954, các lực lượng quân sự của chính phủ Bảo Đại đã giúp nhiều ngàn người rời khỏi vùng biển Bùi Chu, nhưng sau đó hoạt động này bị gián đoán vì những cuộc tấn công của Việt Minh tăng lên Xem Louis A. Weisner, “Vietnam: Exodus from the North and Movement to the North, 1954–1955,” Vietnam Forum 11 (Winter–Spring 1988): 220.
[22] Haas, “Catholics in North Vietnam,” 176.
[23] Cần lưu ý là một tỉ lệ lớn cư dân Công giáo ở Địa phận Hà Nội trước năm 1954 sống phần lớn ở các làng ngoại ô nhiều hơn là ở thủ đô.
Giải thích quyết định vào Nam
Tại sao có nhiều người miền Bắc đến thế đã tận dụng cơ hội để vào Nam trong những năm 1954-1955? Mặc dầu câu hỏi này gây ra bao cuộc tranh cãi, rất ít tác giả nói về nó sử dụng chứng cứ lấy từ chính Bắc di cư. Khi những chứng cứ như thế được khảo sát, nó chứng minh rằng những quyết định của người di cư được hình thành bởi hỗn hợp nhiều tầng các động cơ bên trong và các ảnh hưởng bên ngoài. Do đó bức tranh nổi lên từ chứng cứ này phức tạp hơn nhiều so với trí suy xét thông thường của người chép sử cho phép hình dung.
Một lý thuyết được lan truyền rộng rãi về cuộc di cư 1954-1955 nhấn mạnh vào những hoạt động chiến tranh tâm lý của Đại tá Lansdale và CIA[1]. Từ lâu người ta biết rằng Lansdale và thuộc hạ của ông ta Lucien Conein tiến hành một chiến dịch chiến tranh tâm lý để động viên cư dân người Bắc – đặc biệt người Công giáo – chuyển vào nam. Truyền đơn được rải từ máy bay, các nhà chiêm tinh được yêu cầu soạn những cuốn lịch dự báo số phận thảm khốc của lãnh đạo cộng sản và những người dưới quyền họ, và tiếng đồn kinh hoàng về những kế hoạch của Việt Minh được phát tán rộng rãi[2]. Khi một tỉ lệ lớn cư dân Công giáo đã di cư vào Nam, một số nhà bình luận cho rằng chiến dịch của Lansdale là nguyên nhân chủ yếu. Lý thuyết này là phần chính trong ý kiến của các nhà báo và học giả về các sự kiện 1954-1955, và hiện nay nó vẫn còn ảnh hưởng ở một số vùng. Chẳng hạn một nhà sử học gần đây mô tả những cố gắng của Lansdale như “một trong những chiến dịch tuyên truyền táo bạo nhất trong lịch sử hoạt động gián điệp” Theo học giả này, những áp phích và khẩu hiệu mà nhóm Lansdale nghĩ ra: “Chúa Giê-xu đã đi Nam” hay “Đức Mẹ đã rời khỏi miền Bắc” có những ảnh hưởng quyết định đến suy nghĩ của những người Công giáo Việt Nam bình thường”[3].
Tất nhiên khẳng định như thế dựa trên một giả định khá trịch thượng rằng Bắc di cư ra đi là vì họ mê tín và dễ bị lừa bởi những mánh khóe và mưu mô đơn giản đến vậy – một giả định dường như đã xuyên tạc rất nhiều những báo cáo ban đầu về cuộc di cư.[4] Bản thân Lansdale tỏ ra hoài nghi hơn nhiều người phê bình ông về những thắng lợi được khẳng định không qua chứng minh về các cố gắng của ông. Như sau này ông nhận xét trong một cuộc phỏng vấn: “Người ta không đơn giản nhổ rễ bản thân mình đi trồng ở chỗ khác chỉ vì những khẩu hiệu. Họ thật sự sợ những gì có thể xảy đến cho họ, và những tình cảm ấy đủ mạnh để vượt qua sự gắn bó với đất đai, nhà cửa, mồ mả tổ tiên của họ. Như vậy thế chủ động phần lớn là của họ, và chúng tôi chủ yếu chỉ làm cho cuộc chuyển vận trở nên có thể thực hiện được.”[5]
Mỉa mai thay, phát biểu đầu tiên về “lý thuyết chiến tranh tâm lý” trong cuộc di cư những năm 1954-1955 không phải do Lansdale và những người ủng hộ ông ta đưa ra, mà bởi các quan chức cộng sản miền Bắc Việt Nam.[6] Theo khẳng định của các quan chức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau năm 1955 và sau đó được các nhà báo nước ngoài có cảm tình đưa tin lại, thì cuộc di cư ồ ạt của Bắc di cư vừa vô lý vừa không có chủ tâm.[7]Trong những phân tích của họ về cuộc di cư, nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thường xuyên nêu một câu nói đã thành công thức “Đồng bào bị cưỡng ép và dụ dỗ”. Sự cưỡng ép và dụ dỗ được nói là do Đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm thực hiện.[8]
Một thuyết khác cho rằng động cơ di cư chủ yếu có bản chất tôn giáo. Như một tác giả Công giáo Italia, Piero Gheddo diễn đạt, “Họ ra đi là để bảo vệ đức tin”.[9] Mới thoạt nhìn, thuyết này có vẻ dựa trên một cơ sở chứng cứ đáng tin cậy hơn so với thuyết đầu. Nhiều người Bắc di cư thật sự sợ rằng khả năng hành đạo của họ có thể bị cắt bớt dưới chế độ cộng sản, hơn nữa, nỗi sợ này có cơ sở trong kinh nghiệm trước đó của nhiều cộng đồng Công giáo miền Bắc. Vào năm 1954, nhiều giáo dân già vẫn còn nhớ những cuộc xung đột hung tàn giữa giáo và lương xảy ra vào cuối thế kỷ mười chín. Như vậy sự thù hằn giữa giáo hội và Việt Minh đã làm thức dậy nỗi sợ của người Công giáo đối với những chiến binh người lương giết chóc và tàn phá, bị kích động bởi quyền lực trung ương thù địch. Đối với nhiều người Công giáo, ra mặt chống lại mối đe dọa đã được nhận biết về khủng bố là điều kiện tiên quyết và là cách xử sự rõ ràng thiết thực nhất, và cái đó đâu cần phải học từ người ngoài. Như Bernard Fall diễn tả “người Công giáo Bắc kỳ bỏ chạy vì họ đã có kinh nghiệm lâu dài nằm trong tay những người đồng bào không theo đạo của mình, chứ không phải vì chiến dịch chiến tranh tâm lý.”[10]
Đối với nhiều người Công giáo ở miền Bắc sống ở vùng Liên Khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, là vùng nói chung dưới quyền kiểm soát hiệu quả của Việt Minh, từ năm 1945 trở đi, những sự kiện gần đây dường như đã xác nhận những bài học lịch sử này. Những người Công giáo này đã trải qua những tòa án hình sự của Việt Minh, những cuộc hành hình, bỏ tù những cha cố Công giáo và những nhà lãnh đạo thế tục, những sự kiện như thế khiến một số người lo sợ cho tự do tín ngưỡng của họ, thậm chí cho mạng sống của họ trên cơ sở họ có thể bị rơi vào nghi ngờ và khủng bố, khi mọi sự kháng cự đối với Việt Minh chấm dứt.[11] Chẳng hạn Phạm Tuyên, lãnh đạo đầu tiên của Liên đoàn Công giáo giáo khu Vinh, bị hành hình sau khi bị một tòa án nhân dân kết án ngày 25 tháng Giêng 1951[12]. Và một trường hợp gây lo lắng hơn khi ba mươi tư thành viên của Liên đoàn Công giáo, bao gồm ít nhất hai giáo sĩ, bị kết tội hoạt động như thành viên của tổ chức phản động “Gây ra tinh thần chống đối chính phủ và kháng chiến, và phổ biến những tuyên truyền bí mật trong giáo dân” và xúi giục trốn thuế nông nghiệp[13]. Trong số những lý lẽ được viện ra để chống lại họ, là họ đã tung tin đồn rằng hai người Công giáo địa phương chết trong cuộc bắt giữ của Việt Minh sau một phiên tòa năm 1950 đã chết cho niềm tin của họ (Tử vì Đạo), một luận điệu có sức lôi kéo mạnh đối với một cộng đồng mà di sản tôn giáo quốc gia chủ yếu dựa quanh những câu chuyện kể về tử vì đạo.[14]
Tuy nhiên, những lo lắng về tự do tín ngưỡng, mặc dầu không nghi ngờ gì là rất nổi bật trong số Bắc di cư, bản thân chúng không đủ để giải thích cuộc ra đi ồ ạt. Mặc dầu hàng trăm ngàn người Công giáo lựa chọn ra đi, một số lớn hơn lựa chọn ở lại, tuy họ vẫn biết có sự bất hòa giữa Giáo hội và Việt Minh. Ngược lại, trong khi bảy mươi lăm phần trăm những người di cư là Công giáo, số còn lại thì không, một sự kiện tự nó có ý nghĩa là gợi ý rằng Bắc di cư có thể đã bị lôi kéo bởi tính đa dạng của các mối lo ngại và các động cơ. Nỗi lo âu về tự do tôn giáo chỉ là một trong rất nhiều nhân tố thúc đẩy đối với Bắc di cư được khẳng định bởi cuộc phỏng vấn nghiên cứu thực địa mà tôi thực hiện với những người Công giáo đủ già để nhớ được những sự kiện hồi 1954-1955.[15]
Nhiều người Công giáo miền Bắc được phỏng vấn kể với tôi rằng gia đình họ có liên hệ với quân đội Pháp hoặc với Lực lượng Tự vệ của Giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm.[16] Vì những mối liên hệ này, họ sợ sự trả thù, là điều thường xảy ra đối với người thua trận sau khi xung đột quân sự kết thúc. Những người cung cấp tin khác nêu nỗi sợ bị tịch thu ruộng đất, nhiều địa chủ nhỏ sống ở Phát Diệm kể là đã nghe nói về chiến dịch cải cách ruộng đất trong những vùng do Việt Minh kiểm soát ở Liên Khu IV và hậu quả của nó đối với các địa chủ, đặc biệt là người Công giáo[17]. Cái viễn cảnh lao động khổ sai và thuế nông nghiệp nặng nề đánh trên các địa chủ, một lần nữa lại dựa trên các câu chuyện về những sự việc xảy ra trong vùng Việt Minh kiểm soát, cũng gây ra những lo lắng lớn[18].
Điều thú vị là không có người trả lời phỏng vấn nào đã từng thấy một truyền đơn, áp phích tuyên truyền hay bất kỳ tài liệu nào khác ủng hộ việc đi vào Nam. Một người được phỏng vấn thừa nhận có đọc được một tờ truyền đơn, nhưng không nhớ nổi nó nói gì. Ông khẳng định rằng nó không ảnh hưởng đến quyết định của ông, hoặc quyết định của những người trong gia đình ông lựa chọn ra đi. Trong số những người trả lời phỏng vấn không ai nhớ đã bị hối thúc ra đi bởi những người ngoài vùng quê của họ.
Nhiều người được phỏng vấn nói về những mối quan tâm lo lắng của họ về những mối ràng buộc với ruộng vườn hoặc mồ mả ông cha, những nỗi lo lắng thường được nói lên như nhân tố can ngăn họ đừng ra đi. Nhưng dù cho những mối liên hệ như vậy là rất mạnh, chúng cũng không nhất thiết ngăn được họ khỏi ra đi. Nhiều người được phỏng vấn còn ở lại giáo khu Phát Diệm than phiền rằng gia đình họ đã phải quyết định chia lìa, với hy vọng rằng những người ở lại có thể giữ được ruộng đất dưới chế độ mới. Một chiến lược như thế phù hợp với mong đợi phổ biến trong số Bắc di cư rằng sự rời bỏ quê hương của họ chỉ là tạm thời, và họ sẽ sớm đoàn tụ với gia đình mà họ bỏ lại ở miền Bắc. Chạy trốn vào Nam để tránh đàn áp tôn giáo hay các khó khăn khác không hề là hiện tượng chưa có tiền lệ trong lịch sử Công giáo Việt Nam. Chẳng hạn trong mấy thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi, Tổng Giám mục Mossard của Sài Gòn đã đón rước những người Công giáo miền Bắc, đặc biệt là từ Vinh vào miền Nam lập ra những thôn làng mới trên vùng đất hoang[19]. Một đoàn người khác rời địa phận Bùi Chu vào những năm 1920 để tái định cư tại vùng Cao nguyên miền nam[20]. Vào cuối những năm 1940 vẫn còn những người khác rời miền Bắc vào tái định cư tại miền Nam, như là để đối phó với nạn đói trong những năm 1944-1945, hay vì sợ Việt Minh, hay đơn giản chỉ là để kiếm việc làm[21]. Như vậy, tìm nơi trú ẩn ở miền Nam và không phải là một ý tưởng lạ lùng hay chưa nghe nói đến trong số những người Công giáo. Nỗi sợ của những người ra đi 1954-1955 tăng lên không phải chỉ vì chiến dịch của Lansdale hay vì thói mê tín dị đoan, mà chủ yếu vì ký ức tập thể của họ về số phận của cộng đồng Công giáo cuối thế kỷ mười chín, và vì những câu chuyện kể về những gì đang xảy ra trong vùng Việt Minh kiểm soát. Cũng có cả những nhân tố “lôi kéo” trong tính toán của những người Công giáo để quyết định có đi Nam hay không. Việc bổ nhiệm Ngô Đình Diệm, một người Công giáo có quê nằm ở bắc vĩ tuyến mười bảy – làm lãnh tụ mới của chế độ Sài Gòn tháng Sáu năm 1954 đã cổ võ nhiều người Công giáo miền Bắc nếu không có thể đã phải miễn cưỡng ra đi[22].
Mặc dầu Ngô Đình Diệm không phải là người ở các trung tâm Công giáo Bùi Chu hay Phát Diệm và thường xuyên bất hòa với hàng giáo phẩm của những giáo khu này về vấn đề hợp tác với chính phủ Bảo Đại và Pháp trước 1954, nhiều người Bắc di cư vẫn quay về với Ngô Đình Diệm với hy vọng rằng tôn giáo của họ và các quyền lợi khác sẽ được bảo vệ tốt nhất bởi người đồng đạo. Ngô Đình Diệm chăm chỉ vun xới hình ảnh của bản thân như một cứu tinh của những người đang có ý định ra đi, đã ra Hà Nội nhiều lần trong mùa hè và mùa thu năm 1954, để kêu gọi nhân dân ở đấy hãy đi theo ông ta vì một nước Việt Nam tự do trong vùng không cộng sản[23].
Nhiều người Công giáo cảm thấy buộc phải rời miền Bắc vì những lý do rất ít hay không liên quan gì đến Công giáo. Mặc dầu không khắc nghiệt và trên diện rộng như nạn đói 1945, ở miền Bắc 1954 nhiều vùng rõ ràng bị thiếu lương thực, và có vẻ nhiều người di cư rời bỏ miền Bắc một phần vì họ sợ nạn đói đã tàn phá địa phương của họ một thập niên trước đó có thể trở lại[24]. Những nỗi lo âu của họ về viễn cảnh tương lai ở miền Bắc đôi khi củng cố thêm nhận thức của họ về cơ hội ở miền Nam, đặc biệt vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Nhiều thành viên tầng lớp trung lưu thành thị ở Hà Nội có lý do để tin rằng họ có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh hay công việc chuyên môn ở thủ đô miền Nam – chính xác là những loại cơ hội chẳng bao lâu sẽ rất khó tìm thấy ở Hà Nội[25]. Các trang báo Sài Gòn giai đoạn 1954-1955 đầy rẫy những quảng cáo của các doanh nghiệp miền Bắc đã chuyển vào Nam[26]. Đối với những người miền Bắc khác, quan hệ với họ hàng ở miền Nam khiến cho viễn cảnh di chuyển thành lời mời gọi hấp dẫn. Cuối cùng, ý tưởng về di cư vào Nam cũng là một lời mời gọi cực kỳ đáng chú ý với những cư dân nghèo hơn của các cộng đồng Công giáo miền Bắc. Đối với những cố nông (lao động nông nghiệp không ruộng đất) và những người khác sống bên lề kinh tế xã hội của các xã hội nông thôn miền bắc, việc chuyển vào Nam ít ra cũng hứa hẹn khả năng có cuộc sống sung túc hơn.
Điều này không có nghĩa rằng những quyết định của người Bắc di cư những năm 1954-1955 được tạo ra trong một khoảng chân không chính trị và xã hội, hoặc rằng dân Công giáo không bị tác động bởi những cố gắng của những người cổ vũ họ ra đi hay ở lại. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong những cố gắng này không phải là chiến dịch của Lansdale hay của các lãnh đạo của chế độ mới ở miền Nam. Đối với nhiều người Công giáo ở nông thôn miền Bắc, các quyết định về di cư được hình thành trên hết bởi lời nói và việc làm của các cha cố trong xứ đạo của họ.
Vai trò và tác dụng của giới tăng lữ Công giáo
Trong nhiều xã hội Công giáo ở nông thôn miền Bắc, các cha cố đã từ lâu đóng vai trò dẫn dắt cả phần đời (cuộc sống xã hội) lẫn phần đạo (cuộc sống tâm linh). Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên rằng những cha cố này thường có những quyết định tới cả cá nhân lẫn cộng đồng về di cư trong thời kỳ sau khi ký Hiệp định Geneva. Cư dân của những giáo khu miền Bắc có tỷ lệ lớn người ra đi nhớ lại các cha cố của họ đã nói như thế nào về đề tài đi hay ở trong dịp cử hành Lễ mixa ngày Chủ nhật. Những người cung cấp tin tức cũng nêu nhận xét về ảnh hưởng quyết định của những ý kiến của các cha cố. Một số linh mục diễn đạt của họ bằng những thuật ngữ lý trí, đặt trước giáo dân những lập luận chặt chẽ ủng hộ cho việc ra đi. Những vị khác khơi gợi đến những nỗi sợ chủ yếu của họ, hoặc đến những điều có thể coi là mê tín dị đoan: “Chúa không còn ở đây nữa”[27]. Còn có những vị khác không giảng giải gì hết, chỉ nói với giáo dân “Tôi sẽ đi” hoặc “Ngày mai chúng tôi đi” với mong đợi giáo dân sẽ không chần chừ gia nhập ngay vào đoàn người nam tiến. Cũng những người trả lời phỏng vấn này nói rằng họ không có cảm giác bị các cha cố lôi kéo hay qua mặt, mà bằng lòng nghe những lời giáo huấn, việc tìm đến các cha cố để xin hướng dẫn về vấn đề này là “tự nhiên”. Một số người coi là một nguồn an ủi khi có được những quyết định do những người mà họ coi là khôn ngoan hơn họ trên đường đời làm giúp cho. Một giáo dân nhớ lại: “Cha B. [linh mục của xứ đạo] đi một mình, ông ấy không nói với ai là ông ấy đi. Nhưng chúng tôi vẫn nghe theo các cha cố của chúng tôi. Khi cha B. đi, đó là tín hiệu cho những người khác thấy rằng họ cũng nên đi.”[28]
Một người khác ở giáo khu bên cạnh, quyết định ở lại miền Bắc, thì nhận xét:
“Cha K. [linh mục của xứ đạo], một sáng chủ nhật từ trên bục giảng đạo nói với giáo dân rằng Chúa đã vào Nam, [và] mọi người phải đi theo. Rất nhiều người nghe và tin. Nhưng không phải tất cả mọi người ra đi thành một đoàn duy nhất. Họ đi làm nhiều đợt, nhưng phần lớn tập hợp lại với nhau thành một giáo xứ, dưới sự lãnh đạo của linh mục của họ ở miền Nam, [ở Gia Kiệm, Quận 5]. Những lời của cha K. rằng Chúa đã đi Nam là rất quan trọng. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sợ cộng sản. Chúng tôi đã từng có kinh nghiệm với Việt Minh; chúng tôi sợ họ. Chúng tôi đã nghe rằng Mỹ và Pháp có thể bỏ bom chúng tôi. Chúng tôi cũng nghe rằng ở miền Nam có nhiều điều tốt cho chúng tôi, ruộng đất và trâu bò. Nhưng chắc chúng tôi đã không đi nếu chúng tôi không nghĩ ở đó có nhà thờ. Một số người ở lại không tin cha K. Ông ấy luôn luôn nói với chúng tôi Chúa ở khắp mọi nơi, vậy tại sao không ở đây? Và “nếu tôi sống tôi sống, tôi chết tôi chết”. Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng đó là do ý Chúa.”[29]
Không phải tất cả các cha cố miền Bắc đều đi Nam. Một số bị cản trở bởi những cố gắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngăn trở và hạn chế những người có thể ra đi[30]. Những người khác thì già yếu và mệt mỏi hoặc đau ốm không kham nổi chuyến đi thường là khắc nghiệt. Lại còn một số khác liên hệ với Việt Minh và trông chờ họ trở về nắm quyền.[31]Cuối cùng, một số người đã ở lại như kết quả của một chỉ thị của các Tổng Giám mục John Dooley và Trịnh Như Khuê.
Những người được phỏng vấn quê Phát Diệm nhất trí rằng các vị chức sắc cao cấp trong hàng giám mục không có tác động trực tiếp tới thái độ hay quyết định của họ. Đối với họ, giám mục Lê Hữu Từ là một nhân vật cao xa không thể với tới, các chỉ thị của Giáo hội luôn phải được trung gian qua các linh mục của giáo xứ của họ, và chính các linh mục địa phương này là nơi họ quan tâm và tin tưởng. Điều này không phải để nói rằng các giáo sĩ cấp cao không có ảnh hưởng. Chính các giám mục là người thông báo với các linh mục của mình thái độ của Giáo hội đối với Việt Minh, các kết câu tổ chức và các tuyến thông tin liên lạc được sử dụng ở cả hai giáo khu Phát Diệm và Bùi Chu nói riêng, có nghĩa là nỗi sợ của các giám mục Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi về hậu quả có thể của việc “mất chủ quyền” trong các giáo khu của họ dễ dàng lan sang các linh mục giáo xứ của họ. Tuy nhiên, phạm vi mà sự can thiệp của các giáo sĩ cấp cao có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành thái độ của các linh mục là không rõ ràng. Không nên quá cường điệu ảnh hưởng của các giám mục đến các linh mục, chưa nói đến giáo dân; trong một số giáo khu mà các giám mục từ chối ra đi thì một số lớn linh mục vẫn lựa chọn ra đi (chẳng hạn Hà Nội, nơi mà quyết định ở lại của Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đã không ngăn được hơn một nửa số linh mục của địa phận này ra đi). Tác động của Cuộc Di cư Vĩ đại lên dân cư Công giáo ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khác nhau rất nhiều giữa các giáo khu. Ở giáo khu Hưng Hóa, chỉ có 11,8 phần trăm giáo dân di cư vào Nam; ngược lại, ở Phát Diệm, số người ra đi lên đến 72, 7 phần trăm dân cư Công giáo của giáo khu này. Có thế thấy sự khác nhau tương tự về số linh mục Công giáo ra đi, từ 88,9 phần trăm ở Thái Bình, xuống đến 28,4 phần trăm ở Hưng Hóa (Xem Bảng 1). Tuy nhiên, điều có ý nghĩa là tỉ lệ các linh mục ra đi lớn hơn tỉ lệ giáo dân trong mọi giáo khu miền Bắc. Có thể đưa ra hai lý do sau đây: Thứ nhất, các linh mục tin rằng trong trường hợp Việt Minh trả thù người Công giáo, họ hầu như chắc chắn sẽ là mục tiêu cho các cuộc trả thù. Thứ hai, sự lãnh đạo của họ trong cộng đồng giáo xứ có nghĩa là họ chịu trách nhiệm về an toàn của giáo dân, nếu họ nghĩ rằng một bộ phận lớn giáo dân có ý định ra đi, thì họ cũng nên đi để tiếp tục vai trò đứng đầu cộng đồng của họ.
Trong khi các nhân tố vật chất và an toàn giải thích sự khác biệt giữa các địa phương như nêu ở trên, các thái độ khác nhau của các giám mục miền Bắc cũng góp phần giải thích những khác biệt này. Tổng Giám mục Hà nội Joseph-Maria Trịnh Như Khuê quyết định không đi Nam, và ông ủng hộ lập trường của phái viên Tòa Thánh, Tổng Giám mục người Ailen-Columbia John Dooley, ông này tuyên bố rằng các giám mục và linh mục nên ở lại giáo xứ của mình[32]. Điều này có thể phần nào giải thích số lượng tương đối nhỏ ra đi từ Hà Nội.
Quan trọng hơn, nếu “đàn chiên” đã quyết định vào Nam, thì có thể suy ra là bổn phận của các đấng chăn chiên là phải ra đi cùng với họ. Cách thức chăn chiên của các linh mục giáo xứ bình thường được coi là có tính chất địa phương, có nghĩa là họ chăn dắt trong giáo khu của họ, thường là trong một xứ đạo mà họ được chỉ định. Nhưng với cách bố trí như vậy, sẽ nảy sinh vấn đề là làm gì trong những trường hợp bất thường, khi nhiều hoặc hầu hết giáo dân lựa chọn chuyển đi nơi khác. Vậy lúc này các nghĩa vụ có phải là ở lại đúng khu vực của mình, hay là đi theo đám con chiên mà vị linh mục đã được giao chăn dắt? Phần đông các linh mục miền Bắc chọn cách thứ hai, mặc dầu Tổng Giám mục John Dooley đã chỉ thị cho họ chọn cách thứ nhất. Nhiều linh mục quyết định từ chối Dooley chắc chắn đã bị ảnh hưởng của sự kiện là một nửa số giám mục của các giáo khu miền bắc đã chọn di cư vào Nam (Xem Bảng 2). Trên thực tế, ngoài địa phận Hà Nội, chỉ thị của các giám mục Trịnh Như Khuê và Dooley có tác dụng rõ ràng tối thiểu lên hành vi của các linh mục các xứ đạo[33]. Những linh mục ra đi được nhiều giáo dân coi như hành động vì phúc lợi của cộng đồng giáo xứ, cộng đồng này coi như bị rơi vào tình trạng nguy hiểm khi cộng sản đến. Đồng thời các linh mục ít bị cảm thấy bị thúc ép bởi những nhân tố giữ những giáo dân Công giáo bình thường ở lại miền Bắc, như những mối quan tâm về sở hữu đất đai và buôn bán hoặc gắn bó với quê nhà, với mồ mả tổ tiên. Những sự thúc ép này ít có tác động đến các linh mục Công giáo, những người thường được chỉ định đến những giáo xứ ngoài quê hương của họ.
Tạp chí khá phổ biến của dòng chúa cứu thế Mẹ Hằng Cứu Giúp [Our Lady Of Perpetual Succor] chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn trong thời gian di cư. Trong một bài báo xuất bản tháng Tư 1955 sau khi đã đến Sài Gòn, ban biên tập hỏi một câu hỏi tế nhị: “Tại sao các Cha đã vào Nam?” và đưa ra lời biện hộ mạnh mẽ cho những ai đã chọn con đường này:
“Chịu chết vì Chúa là một vinh dự cao quý [và như vậy là] điều đáng mong ước, nếu nhìn từ quan điểm các linh mục cá thể, nhưng nếu nhìn từ quan điểm đời sống cộng đồng của Giáo hội Việt Nam, thì việc này là một [nguồn gốc của] tai hại to lớn.
Phải cần đến mười hai năm trong trường dòng sơ hoặc cao cấp mới trở thành một linh mục, rồi linh mục đó có thể giúp được cho bao nhiêu người? Nhưng nếu họ rơi vào tay Việt Minh Cộng sản, những người sẽ lấy đi tự do [của các linh mục]. Đối với các linh mục, như vậy là không khôn ngoan, đối với giáo hội, nó là hết sức phá hoại. Ai sẽ chăm nom những con chiên lang thang? Ai sẽ gánh vác công việc đem lại đức hạnh cho Bắc Việt Nam khi hòa bình trở lại, khi nhân dân có thể lại cung kính thờ phụng Chúa?…
Nhưng chúng ta rút lui để làm gì? Chúng ta rút lui về miền Nam không phải để kiếm cái ăn cái mặc, không phải để có nhà cao cửa rộng, không phải để giành quyền cao chức trọng. Chúng ta vào Nam để bảo vệ lối sống của chúng ta, để chuẩn bị cho tương lai, để đến một ngày không xa, trên đường thắng lợi, chúng ta sẽ quay trở lại miền Bắc, để đặt Chúa lên bàn thờ, để tạo tình yêu và niềm tin nơi những người đồng bào không theo đạo của chúng ta, để dựng xây độc lập và thống nhất trong hạnh phúc và hòa bình cho toàn thể nhân dân.”[34]
Bỏ qua giọng văn khiêu khích của bài báo, nó cung cấp một cái nhìn khá thấu đáo vào thái độ của các linh mục Bắc di cư. Trước hết, các linh mục di cư đặt quyết định rời miền Bắc của họ trong cả hai bối cảnh: lịch sử Việt Nam và truyền thống tâm linh trong lịch sử đạo Công giáo.
Mặc dù biết về câu cách ngôn của Tertulian: “Máu của người tuẫn đạo là hạt giống của Giáo hội” và vai trò trung tâm của quan niệm này trong lịch sử Công giáo Việt Nam, nhiều linh mục vẫn giữ quan điểm cho rằng không nên chuốc lấy hay gây ra sự tự hy sinh như vậy. Họ biết những người tiền nhiệm của họ thường phải tìm phương kế trốn chạy hay tự vệ, và họ đã đặt bản thân dưới sự bảo hộ của Pháp, để tránh bị tiêu diệt. Từ viễn cảnh này, đối với các linh mục sẽ là vô nghĩa nếu ở lại để đối mặt với sự ngược đãi mà họ tin chắc sẽ đến với họ.
Ngoài sự viện dẫn đến các tiền lệ trong lịch sử giáo hội Việt Nam, nhiều người trong số các linh mục đi Nam đã hiểu và bảo vệ quyết định của mình phù hợp với truyền thống và thông lệ cũ hơn của đạo Cơ Đốc. Dẫn dắt đàn con chiên qua những miền đất lạ để tìm kiếm sự an định, hòa bình, và tự do thờ phụng Chúa là một chủ đề sâu sắc của kinh Thánh. Đúng như Moses dẫn dắt dân Israel đi suốt bốn mươi năm qua sa mạc (Số 14) nhiều linh mục Bắc di cư tin rằng bổn phận đấng chăn chiên của họ là phải đi cùng với giáo xứ của minh vào miền nam.
Một điều có ý nghĩa là nhiều giáo dân chọn đi vào Nam sau đó nhấn mạnh rằng quyết định của các linh mục di cư vào Nam phù hợp với nguyện vọng của giáo dân chứ không phải ngược lại. Don Luce and John Sommer đã phỏng vấn những người tham gia vào quyết định chung như thế: “Cả làng chúng tôi vào đến [miền Nam] tháng Mười, 1954. …Đầu tiên chung tôi họp làng lại, và bàn bạc nên đi hay nên ở. Một số người muốn ở lại vì họ không muốn rời bỏ mồ mả tổ tiên. Tất nhiên, không ai trong số chúng tôi muốn thế, nhưng chúng tôi sợ Việt Minh. Chúng tôi bàn bạc rất lâu đến tận đêm khuya, và quyết định di cư vào Nam nơi chúng tôi biết chúng tôi sẽ được tự do theo đạo”. Ông già ngừng lại, và bây giờ chính Dương kể tiếp câu chuyện: “Ông thấy đấy, chúng tôi là người Công giáo” ông giải thích. “Việt Minh tuyên bố rằng Công giáo là tôn giáo của Pháp và của những ai ủng hộ Pháp. Mặc dầu họ còn cử người đến làng chúng tôi bảo chúng tôi có thể sống hòa bình với Việt Minh, nhưng chúng tôi không tin họ. Chúng tôi đã nghe nói quá nhiều về những trò lừa dối của họ.” “Cả những người muốn ở lại làng cũ cũng đến à?” Chúng tôi hỏi. “À vâng. Tất cả chúng tôi đều đến. Đây là quyết định của cả làng. Sau đó, cuộc ra đi thật là gian nan… Chỉ có cha Nam của chúng tôi còn giữ được tinh thần phấn khởi, mặc dù cha là người nặng gánh nhất. Vào các buổi tối, ông tập hợp chúng tôi xung quanh đống lửa để cầu nguyện[35]
Đối với nhiều người Công giáo di cư, việc các cha cố chọn cùng đi với họ vào Nam và tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc trung gian cho quan hệ giữa cộng đồng với thế giới bên ngoài là đúng và tự nhiên. Cái hình mẫu của sự tôn kính đối với sự lãnh đạo của các cha cố đặc trưng cho cộng đồng Công giáo miền bắc hóa ra là một chủ đề trở lại nhiều lần trong việc tái định cư và hòa nhập của Bắc di cư vào xã hội miền Nam.
(còn tiếp)
NguồnJournal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009.
Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Cecil B. Currey, Edward Landsdale: The Unquiet American (Boston: Houghton Mifflin, 1988), 158–159.
[2] Currey, Edward Landsdale; Harry Haas và Nguyễn Bảo Công, Vietnam: TheOther Conflict (London: Sheed & Ward, 1971), 22; US State Department, “The Geneva Conference: A Retrospective View,” Internal Secret Memorandum, 1957, giải mật ngày 23, tháng Tư 1979, p. 11, Item Number 2410403028, Vietnam Virtual Archive, Texas Tech University, www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/ starweb/virtual/vva/servlet.starweb?path=virtual/vva/virtual.web (accessed March 13, 2006); Philippe Devillers and Jean Lacouture, End of a War: Indochina 1954 (London: Pall Mall Press, 1969), 334; Wilfred Burchett, North of the Seventeenth Parallel (Hà Nội: 1957), 323–324.
[3] Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race and U.S. Intervention in Southeast Asia, 1950–1957(Durham, NC: Duke University Press, 2004), 132–133. Trong số những tác giả khác nhấn mạnh vai trò mê tín tôn giáo trong việc di cư của người Công giáo vào Nam, xem George McT. Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Alfred A. Knopf, 1986)76; David G. Marr, “The Rise and Fall of ‘Counterinsurgency’: 1961–1964,” in eds. Marvin E. Gettleman et al., Vietnamand America, 204–205; Christopher J. Kauffman, “Politics, Programs and Protests: Catholic Relief Services in Vietnam, 1954–1975,” The Catholic Historical Review 91, no. 2 (April 2005): 228.
[4] Haas cho rằng “Đức Mẹ đã vào Nam” giải thích lượng di cư tăng lên từ các báo cáo của một nhà báo Pháp về Công giáo mang  tượng và ảnh Đức mẹ trong chuyến di cư của họ vào Nam. Xem Haas, Vietnam, the Other Conflict, 21.
[5] Lansdale, trích dẫn trong Stanley Karnow, Vietnam, A History- Việt Nam thiên sử truyền hình (New York: Viking Press, 1984), 238. Tiểu sử Lansdale, Cecil B. Currey, trong khi những người khác đánh giá cao những cố gắng tuyên truyền của Lansdale và Conein cuối cùng thừa nhận rằng “phần lớn người Bắc không cần đến tin đồn, hay tuyên truyền lừa phỉnh, để đi Nam.” Xem Currey, Edward Landsdale, 159.
[6] Kiểu biện luận này dường như xuất phát từ Báo cáo tháng Ba 1955 của tướng Võ Nguyên Giáp gửi Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xem Carlyle A. Thayer, War by Other Means: National Liberation and Revolution in Vietnam,1954–1960 (Sydney: Allen & Unwin, 1989), 31.
[7] Burchett, North of the Seventeenth Parallel, 323–324.
[8] Chẳng hạn xem Chống Âm Mưu Bắt-Ép Dụ  Dỗ Di Dân của Đế Quốc Mĩ và Bè Lũ Ngô Đình Diệm [Oppose the Plot of American Imperialists and the Ngô Đình Diệm Clique to Force and Seduce People to Transmigrate] (Hải Phòng: Ban Tuyên Truyjn HOi Phòng, 1955); Tội Ác của Đế Quốc Mĩ, Phái Thực Dân Pháp phản Hiệp Định và Bè Lũ Ngô Đình Diệm Trong Âm Mưu Cưỡng Ép và Dụ Dỗ Đồng Bào Di Cư ở Việt Nam [Crimes of the American Imperialists, French Colonialist Betrayers of the Treaty, and the Ngô Đinh Diem Clique in Their Plot to Force and Seduce Our Vietnamese Compatriots to Transmigrate] (Hà Nội: Bộ Tuyên Truyền, 1955).
[9] Gheddo, Cross and the Bo Tree, 70–77.
[10] Bernard Fall, The Two Viet-Nams: A Political and Military Analysis (New York: Frederick A. Praeger, 1962), 154.
[11] Xem, chẳng hạn phiên tòa về các linh mục và giáo dân mô tả trongtBản buộc tội  của Công Tố Viên tòa án Nhân dân Liên khu IV về Vụ án bọn phản động ở Hưng Yên [The Indictment of the Prosecutor at the People’s Court, Zone IV, Concerning the Trial of the Reactionary Gang at Hưng Yên] (Vinh: Tòa Án Nhân Dân Liên khu IV, 1953).
[12] Trương Bá Cần, “Người Công giáo Giáo phận Vinh trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ [Catholics in Vinh Diocese in the Resistence Years of Opposition to France and the United States], Công Giáo và Dân Tộc [Catholicism and the Nation] 29 (May 1996): 69–128 (see 87–88).
[13] Bn buộc ti, 68. Về những người bị buộc tội, bốn bao gồm cả Đức cha Võ Việt Hiền, bị hành hình trong khi ba mươi người khác (bao gồm bốn thày tu) bị kêu án tù. Xem Trương Bá Cần, “Người Công giáo Giáo phận Vinh,” 90–91.
[14] Bn buộc ti,, 45. Sự cố này đáng chú ý vì báo cáo lấy từ nguồn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều lý lẽ viện ra về sự ngược đãi và bạo hành chống Công giáo ở Liên Khu IV đến từ những người Bắc di cư Công giáo cũ của giáo phận Vinh. Xem: Joseph Minh, The Tragedy of Vinh, June 1959, Số mục: 1332022, Vietnam Virtual Archive, Texas Tech University,www.virtualarchive. vietnam.ttu.edu/starweb/virtual/vva/servlet.starweb (accessed March 13, 2006); Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo, 3: 246n5. Trương Bá Cần cũng nêu một số sự cố khác về sự thù địch Việt Minh–Công giáo trong giáo phậnVinh. Xem: Trương Bá Cần, “Người Công giáo Giáo phận Vinh” 91–93.
[15] Tháng Mười 2003, tôi làm cuộc nghiên cứu thực địa về giáo phận Phát Diệm như một cuộc thăm viếng nghiên cứu ở Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, một phân viện của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia. Tôi đã phỏng vấn hai mươi sáu giáo dân Công giáo già trong bốn xứ đạo đã sống qua thời di cư. Tiếc thay, tôi đã không được phép phỏng vấn bất kỳ linh mục nào trong loạt bài phỏng vấn ấy. Tôi cũng đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn trong các vùng Bắc di cư ở miền Nam, nhưng đó không phải là nghiên cứu thực địa chính thức và không được ghi âm tại chỗ.
[16] Lê Xuân Khoa cũng đưa ra lý do này, Việt Nam 1945–1994, 1:242. các trung đội Công giáo từ Phát Diệm và có thể nơi khác nữa, đã chiến đấu cho Pháp ở Điện Biên Phủ. Xem Windrow, The Last Valley, 426, 456. Ellen Hammer cho rằng các giám mục ngoài  Phát Diệm và Bùi Chu cũng cổ động thành lập các đơn vị Công giáo tự vệ trong vùng Việt Minh kiểm soát Xem: Ellen Hammer, The Struggle for Indochina1940–1954(Stanford, CA: Stanford University Press, 1966), 285.
[17] Gareth Porter, The Myth of the Bloodbath, North Vietnam’s Land ReformReconsidered (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1972), 21–23.
[18] Gareth Porter, The Myth of the Bloodbath, North Vietnam’s Land Reform Reconsidered (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1972), 21–23.
[19] Nguyến Thế Thoại, Công Giáo Trên Quê Hương, 260.
[20] Hardy, Red Hills, 91. Một kế hoạch năm 1932 di chuyển năm mươi ngàn nông dân từ miền bắc vào miền nam đã không được thực hiện. Xem: Ralph B. Smith, Vietnam and theWest (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1968), 132.
[21] Murti, Vietnam Divided, 83.
[22] Tôi không được phép nêu vấn đề sự hấp dẫn của Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm trong các cuộc phỏng vấn khi nghiên cứu thực địa, tuy nhiên, trong những cuộc trò chuyện không chính thức ở miền Nam, rõ ràng là việc xuất hiện một nguyên thủ người Công giáo ở miền Nam đã trở nên có sức hút lớn với người Công giáo miền Bắc.
[23] Một cuộc hội họp những người Bắc Việt quyết đi tìm tự do” [A Meeting of Northern Vietnamese Determined to Seek Freedom], Ánh Sáng[Light], July 28, 1954; Devillers, End of a War, 334; Lancaster,Emancipation, 343. Ngô Đình Diệm cũng thăm Hải Phòng 9, tháng Tám 1954. Xem Nguyến Thế Thoại, Công Giáo Trên Quê Hương, 2:408.
[24] Mieczyslaw Mareli, War of the Vanquished (New York: Harper & Row, 1971), 38.
[25] State Department, Geneva Conference in Retrospect, Item Number: 2410403028,Vietnam Virtual Archive, Texas Tech University,www.virtualarchive.vietnam. ttu.edu/starweb/virtual/vva/servlet.starweb (accessed October 17, 2005), 11. Xem: Porter, Imperialism, 27. Nhiều người thượng lưu giàu có ở Hà Nội vội vã bán tài sản và lên đường vào Nam với số tiền thu được. Xem: Ernest Zaug, “End of a Crazy War: Indochina’s Morning After,” Nation, August 28, 1954, 173.
[26] Chẳng hạn ông Vũ Đinh Tân, tự quảng cáo là thầy thuốc gia truyền từ Hà Nội, cho biết phòng mạch của ông hiện mở ở phố Frère Louis ở Sài Gòn, Ánh Sáng, 9 tháng Bảy, 1954, 4.
[27] Không có báo cáo nào về câu “Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam,” một câu thường được gán cho chiến  dịch của Lansdale.
[28] Do tôi phỏng vấn một nhóm giáo dân giáo phận Phát Diệm 1 tháng Mười, 2003.
[29] Do tôi phỏng vấn một nhóm giáo dân giáo phận Phát Diệm 1 tháng Mười, 2003, nhưng với một nhóm khác và từ một xứ đạo khác với nhóm nêu trong chú thích 51. Tất cả những bài dịch phỏng vấn là của tôi.
[30] Xem: Murti, Vietnam Divided, 74–79; Dalloz, War in Indo-China, 189; Haas, “Catholics under Ngo Dinh Diem,” 176–177; Gheddo, Cross and Bo Tree, 60–66.
[31] Một ví dụ là đức cha Petrus Vũ Xuân Kỷ, người sau này đứng đầu Ủy Ban Liên Lạc Những Người Công Giáo Việt Nam Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình. Xem Vũ Xuân Kỷ, Bài nói chuyện ca Linh Mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ(Nam Định: Ban Cải Cách, 1954), 174; Stephen Denney, “The Catholic Church in Vietnam,” trong Catholicism and Politics in CommunistSocieties,”ed. Pedro Ramet (Durham, NC: Duke University Press, 1990), 273.
[32] Gheddo, Cross and the Bo Tree, 70.
[33] Fall, Vietnam Witness, 59.
[34] Ti sao các Linh Mục vào Nam? [Why Did the Priests Go South?], Đc Mẹ Hng Cứu Giúp [Our Lady of Perpetual Succor], 71 (April 1955): 101, 124.
[35] Don Luce and John Sommer, Vietnam: The Unheard Voices (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1969), 138–140.

Ba giai đoạn tái định cư

Đúng như quyết định di cư vào Nam của Bắc di cư có tính tự chủ và có suy nghĩ hơn là nhận thức của nhiều nhà bình luận, kiểu mẫu tái định cư của họ ở miền Nam cũng vậy. Hầu như vào thời điểm họ đến miền Nam, những người di cư tích cực chủ động trong việc lựa chọn địa điểm có thể sẽ là quê mới họ. Đồng  thời, các linh mục đã ra đi từ miền Bắc tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt trong những cố gắng của giáo dân của họ tìm kiếm vị trí cho mình trong xã hội miền Nam.
Việc tái định cư của những người di cư ở miền Nam diễn ra trong ba giai đoạn riêng biệt nhưng có chồng lấn lên nhau. Giai đoạn một ứng với thời kỳ di chuyển tự do do Hiệp định Geneva quy định tại Điều 14 (c). Dòng người di cư từ miền Bắc trong khoảng hở ba trăm ngày là khổng lồ, và không một chính phủ nào, chứ đừng nói đến một chính phủ mới ra đời, có thể đối phó với các vấn đề hậu cần liên quan đến đoàn người mới đến. Trong giai đoạn đầu này, phần lớn những ai di tản qua Hà Nội và Hải Phòng được bố trí ở trong những Trạm Tiếp Cư, gần các sân bay và bến tàu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu[1]. Những trạm đón tiếp này được lập lên trên những cơ sở công cộng có sẵn như trường học, trại lính Pháp cũ, và nhà thờ, nhiều ngàn người di cư ở trong những liên hợp lều trại được dựng trên những bãi đất trống gần sân bay Tân Sơn Nhất và trên trường đua Phú Thọ. Như các quan chức chính phủ thừa nhận, những khu mới này không phải là giải pháp sinh sống lâu dài cho vấn đề tái định cư[2]. Những người chủ hay những người sử dụng trước của các cơ sở này chẳng bao lâu sẽ cần trở lại cơ ngơi của họ để sử dụng chúng theo các mục đích ban đầu, hơn nữa, do thiếu các cơ sở hạ tầng thích đáng các khu trại tạm này rất dễ xảy ra dịch bệnh và hỏa hoạn[3].
Bảng 2  Các Giám mục của các Địa phận miền Bắc, 1954
Địa phậnGiám mụcNăm
Bổ nhiệm
Ở lại hay ra đi
Hà NộiTrịnh Như Khuê1950Ở lại
Hải PhòngTrương Cao Đại1953Ra đi
Bắc NinhHoàng Văn Đoàn1950Ra đi
Hưng HóaJean Maizé MEP1945Ở lại
Lạng SơnFelix Hedde, OP1939Ở lại
Andre Jacq. OP1945Ở lại
Thái BìnhSantos Ubiema, OP1942Ra đi
Bùi ChuPhạm Ngọc Chi1950Ra đi
Phát DiệmLê Hữu Từ1945Ra đi
Thanh HóaLouis de Cooman, MEP1935Vắng mặt
VinhTrần Hữu Đức1951Ở lại
Nguồn: Từ Lê Ngọc Bích: Nhân vật Công Giáo Việt Nam: Các Vị Giám Mục Một Thời Đã Qua Đời (1933-1995) [Vietnamese Catholic Biography: Deceased Bishops (1933–1995)] (HCMC, 1995; và Công Giáo và Dân Tộc [Catholicism and the Nation], Công Giáo Sau Quá Trình 50 Năm [Catholicism through a Process of Fifty Years] (HCMC: Công Giáo và Dân Tộc, 1995).
Trong giai đoạn hai của công cuộc tái định cư, bắt đầu vào lúc kết thúc thời kỳ ba trăm ngày theo quy định của Hiệp định Geneva, đa số người di cư đóng ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu chuyển đến những nơi định cư lâu dài hơn ở các tỉnh liền kề xung quanh các trung tâm đô thị. Trong khi những khu định cư mới này nằm rải rác trên nhiều tỉnh, có nhiều khu tập trung trong một vùng nằm ngay bắc Sài Gòn, ở Gia Định, Biên Hòa và Long Khánh. Trong một số trường hợp, bản thân Bắc di cư tự chọn những địa điểm trên đó họ đề nghị xây dựng những cộng đồng mới của họ; trong những trường hợp khác, họ được đưa đến những nơi này bằng các chỉ dụ của chính phủ, hoặc Ủy ban Hỗ trợ Định cư, một nhóm đại diện cho sự lãnh đạo của các giáo sĩ của mười giáo khu miền Bắc di cư đến. Ủy ban Tái Định cư do Giám mục Phạm Ngọc Chi của địa phận Bùi Chu đứng đầu.
Trong nhiều trường hợp, việc di chuyển trong giai đoạn hai này được thúc đẩy bởi mong muốn làm nhẹ bớt những vấn đề xã hội nảy sinh từ dòng người di cư đông đảo và đột ngột kéo đến Sài Gòn và Chợ Lớn. Những vấn đề này bao gồm sự chen chúc chật chội, giá nhà ở và tiện nghi sinh hoạt tăng vọt, và sự bất hòa giữa các cộng đồng tăng lên do cạnh tranh việc làm và cơ hội buôn bán. Việc tái định cư trong giai đoạn hai này không được dẫn dắt bởi một kế hoạch toàn diện, có tính chiến lược, được sự bảo trợ của chính phủ, mà đúng ra, nó được hình thành từ một hỗn hợp những tình huống ngẫu nhiên, những quyết định vội vã thiếu tính trước, và những sáng kiến của bản thân những người di cư. Toàn bộ điều này dựa trên nhu cầu tìm một chỗ nào đó –  ở đâu cũng được – cho Bắc di cư  đến ở sao cho ít tàn phá nhất đến các cơ sở hạ tầng của Sài Gòn (và một mức độ thấp hơn, Đà Nẵng). Ngay từ tháng Tám 1954, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cắt cho Giám mục Phạm Ngọc Chi (mới vào Sài Gòn được ít ngày) một vạt đất hai mươi lăm ngàn hecta trong các huyện Biên Hòa và Xuân Lộc (lúc ấy là các bộ phận của tỉnh Long Khánh). Theo tờ nhật báo Sài Gòn Tiếng Chuông, các quan chức chính phủ mong đợi sử dụng viện trợ Mỹ để lập bốn mươi làng mới, mỗi làng khoảng hai nghìn năm trăm dân[4]. Giám mục Lê Hữu Từ chọn Gia Kiệm, trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt làm nơi tái định cư cho những người di cư từ giáo khu Phát Diệm[5]. Vào tháng Mười Hai, 1954, 271.208 người Bắc di cư đã được bố trí chỗ ở; con số này tăng lên thành 462.799 vào tháng Tư, 1955[6]. Vào tháng Mười Hai, 1955, có 257 trại tái định cư chính thức đăng ký với Tổng ủy Di cư Tị nạn[7].
Không giống hai giai đoạn đầu của công cuộc tái định cư, giai đoạn ba – bắt đầu vào khoảng cuối 1955, và nhanh chóng lấy đà tiến lên – được hình thành bởi những cố gắng phối hợp mạnh mẽ của chính phủ Ngô Đình Diệm, để vận động Bắc di cư theo cách nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị, an ninh, kinh tế dài hạn. Trong giai đoạn này nhà cầm quyền tập trung các nỗ lực của họ vào việc chuyển người di cư ra khỏi một số vùng đông dân ở miền Nam, những vùng bao gồm vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Đà Nẵng và vùng biển miền Trung – và đưa đến những vùng thưa dân hơn như Châu thổ sông Cửu Long và Cao nguyên Trung phần. Trong nhiều trường hợp những kế hoạch định cư mới nhằm giảm căng thẳng do sự di chuyển khối người di cư lớn trong giai đoạn một và hai gây nên. Chẳng hạn dân số tỉnh Biên hòa vào năm 1955 là 265.000 người, gấp đôi con số của mười hai tháng trước. Hầu như tất cả những người mới đến là Bắc di cư[8].
Phân bố ban đầu của người di cư trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam không đồng đều. Vào tháng Mười Hai năm 1955, trong số ba mươi mốt tỉnh có các trại định cư, có năm tỉnh mỗi tỉnh tạo được điều kiện ăn ở cho ba mươi ngàn người Bắc di cư, điều có ý nghĩa hơn là, trong đó có bốn tỉnh ở lân cận Sài Gòn. Bảy tỉnh khác mỗi tỉnh thu hút từ mười đến ba mươi ngàn người mới đến. Mười chín tỉnh còn lại nhận ít hơn mười ngàn người di cư, trong đó nhiều tỉnh ít hơn một ngàn[9]. Các quan chức chính phủ Ngô Đình Diệm tin rằng tập trung quá mức Bắc di cư trong một số ít vùng có thể gây hậu quả bất lợi. Người ta cũng tin rằng nhiều trại tái định cư giai đoạn hai cần phải giải tán và chuyển đi chỗ khác vì tình hình an ninh bất lợi, vì vùng đất định cư không phù hợp với dân cư, hay chỉ đơn giản vì thiếu việc làm và các cơ hội kinh doanh[10]. Ngô Đình Diệm biện hộ cho chính sách phân phối dân cư bằng một số cách. Đầu tiên ông tìm cách tạo ra sự ổn định kinh tế, quân sự, chính trị trong những khu vực nguy hiểm và kém phát triển. Làm như thế, ông hy vọng sẽ tạo ra một Việt Nam Cộng hòa mạnh về kinh tế và một con đê ngăn chặn sự nổi dậy của cộng sản. Đồng thời ông cũng cố gắng giảm căng thẳng ở những vùng bị áp lực bởi sự tập trung quá đông dân và không đủ đất hoặc các cơ hội kinh tế, bằng cách dời những khu định cư khỏi các vùng quá đông như Sài Gòn Chợ Lớn và bờ biển miền Trung.
Việc định cư những người di cư cũng báo trước các chiến dịch tổng thể hơn như cải cách điền địa và tái định cư mà Ngô Đình Diệm hy vọng sẽ bắt đầu sau khi những khủng hoảng ban đầu đã qua đi[11].
Điểm khởi đầu của giai đoạn lớn cuối cùng của công cuộc tái định cư được đánh dấu bằng việc khởi công dự án Tái Định cư Nông nghiệp Cái Sắn ở Châu thổ sông Cửu Long. Địa điểm Cái Sắn, một vạt đất trải ra trên các tỉnh Kiến An và Long Xuyên đã nhận khoảng năm mươi ngàn người di cư trong các năm 1956-1957[12]. Dân cư ở dọc bên bờ con kênh chính và dọc theo mười chín nhánh kênh. Mười tám trong số kênh đó chiếm bởi dân định cư Công giáo, mỗi con kênh là nơi ở của một nhóm dân định cư thuộc một giáo khu nhất định ngoài Bắc, riêng con kênh cuối cùng dành riêng cho dân di cư theo Phật giáo và Tin lành[13].
Ngoài Cái Sắn và các khu định cư mới khác thuộc Châu thổ sông Cửu Long, giai đoạn ba này còn liên quan đến việc tái định cư mở rộng Bắc di cư lên các vùng cao nguyên của Nam Việt Nam, đặc biệt các vùng xung quanh các thành phố Đà Lạt, Pleiku và Buôn Mê Thuột[14]. Các kế hoạch tái định cư Bắc di cư trên các vùng cao nguyên đã được vạch ra ngay từ tháng Bảy 1955, chúng được nảy sinh một phần để giải tỏa nỗi lo lắng về sự quá tải dân cư trong vùng xung quanh Đà Nẵng[15]. Cũng như trong trường hợp các khu định cư vùng Châu Thổ sông Cửu Long, các khu định cư trên cao nguyên được chính phủ Ngô Đình Diệm coi như phương tiện để đạt các mục tiêu nhiều mặt kinh tế, chiến lược và chính trị. Một báo cáo chính thức khẳng định rằng chỉ có 109.000 trong số 5.700.000 hecta trong vùng cao nguyên đã được chính phủ Pháp đưa vào khai thác về kinh tế[16]. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm thấy các vùng cao nguyên không phải chỉ như những khu vực đủ điều kiện chín muồi cho phát triển kinh tế mà còn là một địa điểm để lập một con đê chắn sóng chống lại sự nổi dậy của cộng sản. Trong một báo cáo ngày 8 tháng Tám 1956, đại diện chính phủ ở Cao nguyên Trung phần Nguyễn Sơn Duyền nhận xét:
“Trong một hội nghị ở Kontum 10 và 11 tháng Năm 1956, Tổng thống đã quyết định về một kế hoạch cho dân cư các Cao nguyên Trung và Nam, nhằm mục đích quét sạch các hoạt động và các tổ chức của VC, đồng thời:
- Giải quyết vấn đề quá đông dân số trong một số tỉnh miền Trung.
- Hướng dẫn người dân vùng núi cải thiện đời sống vật chất của họ, hướng dẫn họ bước lên con đường văn minh và tiến bộ, sao cho họ có thể tham gia vào hàng ngũ những người sáng lập nhà nước và những người giải phóng.
- Khai hoang và khai thác đất đai vùng cao nguyên và tạo ra các thị trường tiêu thụ mới trong các vùng giàu tài nguyên rừng, khoáng sản… trong rừng núi, và mở ra các ngành công nghiệp quốc dân mới.
Chương trình có các mục tiêu nói trên để phân tán bớt dân cư khỏi các vùng trung tâm có mật độ cao, để cải thiện mức sống vật chất của họ, và để mở mang cao nguyên ra khai thác các nguồn tài nguyên của nó. Để thực hiện nhiệm vụ này và để ổn định vùng mà VC gây rối trong các khu vực tập trung đông dân cư và khó kiểm soát, chính phủ sẽ thi hành một hoạt động chính trị mạnh với nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng cao nguyên.”[17]
Mặc dầu nhiệt tình của Ngô Đình Diệm với những dự án mới này, phản ứng của Bắc di cư tham gia vào chúng may lắm là hỗn tạp. Nhiều người được lựa chọn để sống trong những cộng đồng mới đã chuyển chỗ trong giai đoạn hai của tái định cư vào những vùng có môi trường xung quanh tương đối phù hợp, nơi họ tìm thấy cho mình những cơ hội sinh sống cũng như chung sống với những người đồng đạo. Nhiều người thấy cực kỳ miễn cưỡng phải lần nữa nhổ rễ đến những vùng có tiếng là đầy tai ương, do kinh tế lạc hậu, khí hậu khắc nghiệt, tật bệnh đặc hữu và loạn lạc liên miên. Một số dân Công giáo còn cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc chuyển đến những vùng mà tại đó họ có thể phải chung sống với những người thuộc các giáo phái phi Công giáo như Hòa Hảo, Bình Xuyên hay Cao Đài[18]. Trong nhiều trường hợp, sự oán giận nảy sinh do bị cưỡng ép di chuyển có vẻ còn kéo dài. Một cặp vợ chồng mà tôi phỏng vấn ở Cao nguyên Trung phần năm 2006, ông bà Q., kể với tôi như sau:
“Chúng tôi ra đi vào tháng sáu 1955, bằng đường bể từ Nghệ An rồi được một tàu Ba Lan đón và đưa chúng tôi đến Đà Nẵng. Chúng tôi ở đó được đâu ba tháng, rồi người ta mời vào Phan Thiết, ở đó có một trại cho những người từ giáo khu Vinh, gọi là Vinh Thủy, do cha Hồ Sĩ Cai lập ra. Chúng tôi không biết và nhiều người khác từ trại này, vì dù có nhiều người đến từ giáo khu Vinh, nhưng không có mấy người từ xứ đạo chúng tôi. Cha xứ của chúng tôi không đi Nam. Vấn đề với trại Vinh Thủy là nó được dựng lên với nghề cá và nuôi trồng thủy sản là nguồn thu nhập chính, mà tôi thì không phải là dân miền biển, gia đình chúng tôi là dân làm ruộng. Cha Cải biết điều ấy và cha dàn xếp với cha Nguyễn Quang Diệu để chuyển tất cả những người muốn đến trại mới Vinh An do chính phủ lập ra ở Đắc Min tỉnh Đắc Lắc. Chúng tôi quyết định ra đi từ đầu năm 1957 và sống ở  Đắc Min từ bấy đến giờ. Tất cả những người đánh cá ở lại Vinh Thủy[19].”
Nhiều học giả đã đồng nhất những động cơ chính trị quân sự rõ ràng của Ngô Đình Diệm trong việc đặt Bắc di cư vào các vùng chiến lược như Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tái định cư thứ ba này với việc tạo ra một vành đai thực tế gồm những khu định cư của người di cư vào những vùng thưa dân và do đó sơ hở về quân sự ở những vùng bắc và tây Sài Gòn trong giai đoạn hai[20]. Chẳng hạn Jean Lacouture, cho rằng Ngô Đình Diệm cố ý tạo ra những “vành đai thép”bằng cách bố trí định cư một cách chiến lược những Bắc di cư trung thành xung quanh Sài Gòn để bảo vệ ông ta khỏi cả cộng sản lẫn những kẻ thù tiềm tàng trong lòng Việt Nam Cộng hòa. Kết quả là, bị vây bọc bởi những pháo đài biến chúng thành những ấp chiến lược, một số làng xã đầy dân di cư hình thành một vành đai xung quanh Sài Gòn, như thể chế độ [Ngô Đình Diệm] bị vây hãm muốn củng cố thủ đô của nó bằng một đội cận vệ thép bao gồm những người thù ghét cộng sản nhất và gắn bó mạnh mẽ với đạo Công giáo chiến đấu[21].
Tuy nhiên có nhiều bằng chứng không hậu thuẫn giả thuyết này. Mục tiêu chiến lược chủ yếu của giai đoạn tái định cư thứ hai không đặt nặng vấn đề bố trí Bắc di cư vào các vùng chiến lược bằng việc đưa họ ra khỏi những cơ sở ở đô thị không phù hợp với nhiệm vụ này, đặc biệt khi một số lượng to lớn những người mới đến đe dọa làm hỏng hạ tầng cơ sở đô thị hiện có. Trong khi Ngô Đình Diệm luôn luôn coi Bắc di cư là nguồn ủng hộ tiềm tàng, các khả năng sinh ra từ việc bố trí họ một cách chiến lược đã không được đánh giá đầy đủ cho đến khi quá trình tái định cư đã vận hành suôn sẻ. Trong cuốn lịch sử tự thuật Bên giòng lịch sử, linh mục Cao Văn Luận, một trong những linh mục cố vấn của Ngô Đình Diệm cùng quê Quảng Bình nêu ý kiến rằng khả năng sử dụng Bắc di cư một cách chiến lược đến với Ngô Đình Diệm như một thiên khải. Nhắc đến cuộc trò chuyện tháng Mười năm 1954, Cao Văn Luận khẳng định ông đã nói vói Ngô Đình Diệm như sau: “Nếu ngài nghĩ về nó, ngài có thật sự tin rằng ngài và những người thân tín của ngài đã dùng tất cả sức mạnh để đối phó với tình hình này? Những người di cư từ miền Bắc và Nghệ Tĩnh Bình (bắc Trung bộ) là một gánh nặng, nhưng cũng là một sức mạnh. Ngài đã nghĩ đến chuyện sử dụng sức mạnh đó chưa?”[22] Không có tài liệu nào trong hồ sơ lưu trữ Phủ Tổng thống cho thấy một sự bố trí chiến lược Bắc di cư trước cuối năm 1955, trong thời gian đó mẫu hình tái định cư giai đoạn hai được xác lập hoàn toàn. Vào thời kỳ đầu của khoảng hở thời gian di cư do Hiệp định Geneva quy định, cả Ngô Đình Diệm cũng như bất cứ ai khác đều không biết có bao nhiêu người sẵn sàng cho cơ hội ra đi. Trong khi ông ta tích cực công khai lôi kéo những người miền Bắc (đặc biệt người Công giáo miền Bắc) vào Nam, thì điều đó không có nghĩa là ông đã có sẵn kế hoạch tức khắc cho việc triển khai họ một cách chiến lược[23].
Ủy viên Hội đồng di cư Bùi Văn Lương cảm thấy quá trình bố trí cho Bắc di cư định cư ở các tỉnh xung quanh Sài Gòn chỉ là bước đi trước để chuyển họ đến những vùng xa hơn, bước này tận dụng được việc tự-lựa chọn tái định cư mà nhiều người đã làm. Trong một biên bản bí mật tháng Mười một năm 1955 gửi Ngô Đình Diệm sau một cuộc biểu tình của người Bắc bên ngoài phủ tổng thống, Bùi Văn Lương nói với ông ta:
“Họ sợ họ bị đưa đến một vùng xa xôi hẻo lánh. Do đó, chúng ta nên cho họ lúc đầu ở một nơi tương đối gần, để tạo ra một tiền lệ thuận lợi, chờ thời gian để đưa họ đi xa hơn. Biết rằng đa số họ là nông dân, chúng ta nên đưa họ về Gia Định, là nơi gần thành phố, vốn chỉ dành cho những người gắn với thương mại và công nghiệp nhẹ. Sau đó, họ có thể đến Hố Nai. Biên Hòa và các tỉnh miền đông Nam Bộ. Các tỉnh này, mặc dù nghèo và thiếu phương tiện để định cư họ, nhưng là nơi mà những người di cư muốn đến bởi vì những nơi ấy tương đối yên bình và có đường giao thông thuận tiện đến Sài Gòn.”[24]
Hồi tưởng lại, hóa ra vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch tái định cư giai đoạn hai, trong vùng rộng lớn hơn Sài Gòn lại không phải thuộc về chính phủ, mà thuộc về Giám mục Phạm Ngọc Chi và ủy ban của ông. Trong mọi trường hợp, phần lớn tái định cư được quyết định đơn giản bởi hoàn cảnh và bởi lựa chọn của những cộng đồng Bắc di cư riêng lẻ. Những khu định cư ở Gia Định, đặc biệt ở những địa điểm như Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức, lan tràn cả sang các vùng kề bên, những khu ăn ở tạm dựng lên cấp tốc tại những khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất và trường đua Phú Thọ. Những khu vực rộng lớn của Biên Hòa và Đồng Nai bị chiếm bởi Bắc di cư một phần vì những khu vực trước đây thuộc người Pháp nay đang rút đi nên bị bỏ không. Các đồn điền cao su trong hai tỉnh này có những dải đất rộng lớn về cơ bản chưa có người ở, là những địa điểm lý tưởng tiềm tàng cho khối dân cư lớn cần định cư nhanh[25]. Nhiều cộng đồng Công giáo Bắc di cư tìm chỗ định cư ở những nơi đã có khá đông dân Công giáo miền Nam[26].
Một khi có khối tới hạn những người Công giáo Bắc di cư nhập vào, những người định cư được bố trí chỗ ăn ở trong giai đoạn hai này miễn cưỡng dời đến những vùng tái định cư giai đoạn ba chỉ vì để thực hiện chính sách của chính phủ. Lời đáp của Ngô Đình Diệm cho báo cáo tình thế của Bùi Văn Lương xác nhận lý lẽ của Philip Catton rằng “Không phải chỉ phải đối mặt với những nỗi cực nhọc của cuộc sống ở cao nguyên nhiều người miền Bắc vẫn còn bám lấy hy vọng rằng việc chia cắt Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn, và cuộc di chuyển tiếp theo của họ sẽ là sớm trở lại quê nhà gốc của họ phía trên vĩ tuyến mười bảy.”[27]
Tuy nhiên việc di cư từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Việt Nam Cộng hòa rồi lại di chuyển trong một số dịp khác nữa cho đến khi tìm được nơi cư trú ổn định lâu dài là một kinh nghiệm chung của Bắc di cư.[28]
Kết luận: Số phận của người Bắc di cư
Vào cuối những năm 1950, niềm thiện cảm ban đầu của những người bản địa miền Nam một phần do tuyên truyền của chính quyền Ngô Đình Diệm đem lại đã bắt đầu nhạt dần. Nỗi oán giận ngày càng tăng của dân chúng đối với người Công giáo miền Bắc lại được tiếp thêm bởi nhận thức rằng họ được ưu đãi bởi người đồng đạo của họ là Ngô Đình Diệm. Liệu có thể giải thích cách nào khác sự hiện diện quá mức của những người Công giáo miền Bắc trong hàng ngũ quan chức cao cấp của chính quyền Nam Việt Nam, trong các bộ máy quân sự, pháp luật và học thuật? Sự bất bình nầy là một nhân tố có ý nghĩa trong sự bất mãn chung ngày càng tăng đối với chính phủ Ngô Đình Diệm, như vậy, có thể nói nó đã góp phần vào cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến cái chết của chế độ và cuộc ám sát Ngô Đình Diệm tháng Mười Một, 1963.
Tuy nhiên, những hành động và chính sách của Ngô Đình Diệm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự phản ứng dữ dội của dân chúng chống lại Bắc di cư. Bản thân người di cư là đồng lõa trong nhiều quyết định hồi những giai đoạn đầu của cuộc tái định cư, những quyết định kìm hãm sự hòa nhập của những người mới đến vào dòng chính của xã hội Nam Việt Nam. Đúng là chính quyền Ngô Đình Diệm đã can ngăn việc hòa nhập Bắc di cư vào khối dân chúng chung của miền Nam, ngược lại tìm cách định cư các cộng đồng miền Bắc như những thực thể riêng biệt, thường ở những vùng xa các trung tâm dân cư chính của Nam Việt Nam. Nhưng bản thân Bắc di cư là những người chủ động trong sự cách ly này. Ngay cả sau khi bộ máy hành chính của các trung tâm tái định cư được sáp nhập vào các đơn vị hành chính địa phương và các tỉnh, vào cuối 1957, những người Công giáo trong các khu định cư ấy tiếp tục sống như một bộ phận dân cư tách rời. Trong những cộng đồng như Gia Kiệm, hình mẫu này tồn tại dai dẳng bằng nhiều cách cho đến tận ngày nay. Về mặt này, Bắc di cư đã tái tạo và kéo dài chủ nghĩa ly khai vốn là đặc điểm của đời sống Công giáo miền Bắc trong những thế kỷ trước. Mặc dù chủ nghĩa ly khai này giúp cho cộng đồng Bắc di cư giữ được sự thống nhất và cố kết nội bộ, nhưng nó cũng kìm hãm sự hiểu biết lẫn nhau và sự hòa hợp với những người láng giềng miền Nam của họ. Như vậy người Công giáo miền Bắc vẫn giữ mối nghi ngờ sâu sắc với thế giới bên lương mà họ đã gieo trồng trong những cộng đồng miền bắc khép kín và tự túc của họ. Mối nghi ngờ này, kết hợp với niềm tin rằng việc họ lưu lại miền Nam chỉ là tạm thời, đảm bảo cho phần lớn người Bắc di cư vẫn chống đối lại việc đồng hóa.
Các trại di cư biến thành các làng phản ánh các giá trị mà Bắc di cư có, bằng nhiều cách, họ đã trốn khỏi miền Bắc để giữ gìn. Năm 1954, họ đã nhận ra rằng thắng lợi của cộng sản ở miền Bắc đe dọa khả năng của họ sống trong những cộng đồng chính trị thần quyền biệt lập, tự duy trì. Chính phủ Ngô Đình Diệm, ngược lại, đề nghị đặt Bắc di cư trong những khu định cư mới, xa rời bộ phận dân cư chủ yếu của miền Nam, một quan niệm hoàn toàn thích hợp với nguyện vọng của họ. Giới giáo sĩ lãnh đạo miền Bắc, đặc biệt là Giám mục Phạm Ngọc Chi, đều ủng hộ nguyện vọng này. Sự đồng thuận của Bắc di cư luôn luôn bị hiểu sai thành bằng chứng cho việc họ bị chế độ và những người Mỹ ủng hộ nó lôi kéo, lợi dụng. Nhưng rất lâu sau khi sự lợi dụng mà người ta viện ra ấy biến mất khỏi hiện trường, thì những cộng đồng Bắc di cư, như Gia Kiệm chẳng hạn, vẫn còn nguyên như trước: biệt lập về mặt địa lý, khác biệt về văn hóa, và dựa trên tôn giáo.
Peter Hansen là Giảng viên khoa Lịch sử Giáo hội ở Châu Á tại Cao đẳng Thần học Công giáo, Melbourne, Australia, và linh mục địa phận Melbourne. Ông có bằng tiến sĩ thần học về lịch sử giáo hội tại Cao đẳng Melbourne, và M.A.từ đại học Monach, Melbourne. Ông hành nghề luật trong một thập niên, và làm việc trong trại tìm kiếm cứu trợ người Việt Nam ở Hồng Kông và Philipine đầu những năm 1990.
Tóm tắt: Những người Công giáo miền bắc di cư năm tái định cư tại CHVN những năm 1954-1955 theo kết quả của Hiệp định Geneva hình thành một cộng đồng có bản sắc riêng,  nói chung không bị đồng hóa, và dần dần, nhưng không phải ngay lập tức, bị chính phủ Ngô Đình Diệm lợi dụng cho những mục đích lập quốc. Trong cả cuộc ra đi từ miền Bắc và cuộc tái định cư tại miền Nam, Bắc di cư nói chung thuận theo sự cai quản của các cha cố của họ. Những cộng đồng Công giáo này thường tái tạo các hình mẫu tổ chức, cung cách lãnh đạo và sự nghi ngờ của thế giới bên ngoài vốn đặc trưng cho các cộng đồng làng xã của họ ở miền Bắc.
NguồnJournal of Vietnamese Studies, Volume 4, issue 3, Fall 2009.
Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] PTUDCTN gửi PTT, 15 tháng Bảy, 1955, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[2] Về sắc lệnh của chính phủ trưng thu các tài sản này để dùng cho các trại di cư tạm thời: xem báo cáo của chính phủ về tản cư, 20 tháng Tám 1955, File 121, Folder 1088, PTTĐNCH, VNA-II.
[3] Trần Trung Dung (Thứ trưởng Quốc phòng) gửi PTT, Re: Phú Thọ Camp March 23, 1956, File 1003, Folder 9855, PTTĐNCH, VNA-II.
[4] “Đức Giám mục Phạm Ngọc Chi cai quản giáo khu Bùi Chu đến Sài Gòn để tổ chức các làng tản cư”, Tiếng Chuông, 30 tháng Tám. Dự định mỗi làng sẽ có một nhà thờ, một trường học, một giếng nước và, cơ bản nhất, một mạng điện vĩnh cửu. Các kế hoạch này được thực hiện về cơ bản. Phạm Ngọc Chi cũng kiếm được đất đặc biệt ở Suối Cúng huyện Hố Nai. Xem “Đồng bào di cư Bắc Việt ở Biên Hòa: Sinh hoạt cách nào?”, Dân Ta21 tháng Chín, 1954.
[5] Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, Giám Mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm, 1945–1954 (Sài Gòn, 1973), 34.
[6] Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 232.
[7] PTUDCTN gửi PTT, 21 tháng Giêng, 1956, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II. Trong số 257 này, một nhóm đại diện khi định cư “giai đoạn một” nơi những người di cư được bố trí ban đầu. Tuy nhiên, phần lớn là các vùng định cư giai đoạn hai.
[8] Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 232.
[9] Ralph Smuckler, Walter W. Mode, và Frederic R. Wickert, Research Report—Field Study of Refugee Commission (Sài Gòn: Michigan State University, September 1955), 2. Các số liệu ngoại trừ Sài Gòn.
[10] Xem, chẳng hạn, tình hình an ninh ở Sa Đéc, mô tả trong “Báo cáo thăm Sa Đéc” của  PTUDCTN        gửi PTT, 22, tháng Mười Một 1955, File 343, Folder 4042, PTTĐNCH, VNA-II. Một ví dụ về bố trí đất định cư không thích hợp là Khâu Băng, một trại ở Tỉnh Bến Tre. Xem: Bùi Văn Lương gửi  PTT, October 7, tháng Mười,1955, và “Chuyến Thăm Bến Tre cùng với phái đoàn Pháp và Mỹ”, 5 và 6 tháng Mười, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[11] Stan Tan, “‘Dust Beneath the Mist’: State and Frontier Formation in the Central Highlands of Vietnam, the 1955–1961 Period” (Luận văn tiến sĩ, Đại học Quốc gia Australian, 2006), 166, 189. Cao ủy Di cư của Ngô Đình Diệm trở thành Cao ủy Cải cách Điền địa, với Bùi Văn Lương làm cố vấn cho cả hai.
[12] Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa, Cái Sắn: Câu chuyện xúc động về tái định cư và Cải Cách Điền Địa tại “vựa lúa” của Việt Nam Cộng hòa, 8; Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995, 1:264. Kế hoạch ban đầu là di dời hai mươi ngàn gia đình, với một trăm ngàn người, đến Cái Sắn. Xem: Bộ trưởng Cải cách Điền địa gửi PTUDCTN, 10, tháng Mười Hai, 1955, File 375, Folder 4405, PTTĐNCH, VNA-II.
[13] Báo cáo của Bộ trưởng Cải cách Điền địa gửi PTUDCTN, 6, tháng Bảy, 1956, File 375, Folder 4405, PTTĐNCH, VNA-II.
[14] Khoảng mười lăm ngàn người thuộc các sắc dân thiểu số từ miền Bắc đã tham gia cuộc di cư được định cư ngay tại Cao nguyên Trung phần trước giai đoạn ba của tái định cư của người Kinh. Xem: Weisner, “Vietnam: Exodus from the North,” 234–235.
[15] PTUDCTN to PTT, July 15, 1955, File 343, Folder 4041, PTTĐNCH, VNA-II.
[16] Báo cáo nêu trong: Gerald Cannon Hickey, Free in the Forest: Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands, 1954–1976 (New Haven, CT: Yale University Press, 1982), 18. Báo cáo này bỏ qua sự kiện là phần lớn vùng này có người các bộ tộc thiểu số sinh sống, mặc dầu chính sách của chính phủ Ngô Đình Diệm mà báo cáo nói đến đã cố gắng giải quyết các nhu cầu của họ. Xem Hickey, Free in the Forest, 18–19.
[17] Báo cáo của Nguyễn Sơn Duyền, đại diện chính phủ ở Cao ngyên Trung phần. 8 tháng Tám, 1956.  File 376, Folder 4411, PTTĐNCH, VNA-II. Thực tế, quyết định chuyển một số Bắc di cư đến các vùng tái định cư mới không phải là mới hay bột phát, tầm quan trọng của tuyên bố này là nó tổng hợp các ưu tiên chính sách của Ngô Đình Diệm và những cuộc điều động cơ bản của họ trong giai đoạn tái định cư thứ ba. Về các bình luận tương tự, xem biên bản cuộc họp trước của Ủy ban Định cư người di cư, tháng 24 tháng Bảy, 1956, File 375, Folder 4408, PTTĐNCH, VNA-II.
[18] Bình Xuyên là một nhóm (không phải giáo phái) dính líu vào cả các hoạt động bán quân sự và các hoạt động tội ác, cho đến khi nhóm này bị Ngô Đình Diệm tiêu diệt hoặc tước khí giới năm 1955.
[19] Một thí dụ tương tự liên quan đến cộng đồng Đại Hải, di cư như một thực thể đơn lẻ từ giáo khu Hải Phòng đến Sóc Trăng ở miền Nam, xem: “Chúng tôi đi viếng trại định cư Đại Hải Đôn Diên La Bách – Sóc Trăng” xem: Dân Chủ 17, tháng Bảy 1956.
[20] Lê Xuân Khoa cho rằng sức thúc đẩy ngang nhau của các khu tái định cư giai đoạn ba này chủ yếu đến từ phái bộ Truyền giáo Hoa Kỳ và Trường Đại học bang Michigan. Xem: Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945–1995, 1:261.
[21] Jean Lacouture, Vietnam: Between Two Truces, Konrad Kellen and Joel Carmichael dịch (London: Secker & Warburg, 1966)105. Nguyễn Ngọc Tân miêu tả Bắc di cư định cư ở vành đai xung quanh Sài Gòn như “một bức tường người để ngăn chặn sự thâm nhập của cộng sản và để phá vỡ ảnh hưởng của Việt Minh ở vùng nông thôn”. Xem: Nguyễn Ngọc Tân, “The ‘Miracle of Vietnam’: The Establishment and Consolidation of Ngo Dinh Diem’s Regime, 1954–1959” (luận văn tiến sĩ, Đại học Monash, Melbourne, 1997)168. Xem thêm: Bernard Fall, “On Father Harnett,” in Lindholm, ed., Viet-Nam, The First FiveYears, 93; Kahin, Intervention, 77.
[22] Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, 1940–1965 (Sài Gòn: Trí Dũng, 1972), 248–249.
[23] Điều này có bằng chứng là hai cuộc viếng thăm Hà Nội để nói chuyện trước cuộc mít tinh quần chúng trong thời kỳ trước khi thủ đô trở về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xem: “Chánh phủ sẽ đòi lại các vùng Bùi Chu và Phát Diệm” Ánh Sáng, 9, tháng Bảy 1954.
[24] PTUDCTN gửi PTT, 22, tháng Mười Một 1955, File 343, Folder 4042, PTTĐNCH, VNA-II. Trong cùng văn bản này, Bùi Văn Lương tiếp tục thừa nhận rằng hai tỉnh này (Biên Hòa và Gia Định) không hề là địa điểm lý tưởng cho Bắc Di Cư định cư vì thiếu ruộng đất, và họ gây cho chính quyền địa phương rất nhiều rắc rối.
[25] Điều này dẫn đến những tin đồn rằng người miền Bắc không được tự do mà bị cưỡng bức lao động trong những đồn điền cao su như dưới thời thực dân Pháp. Xem: “Giới hữu quyền đính chánh, không có việc đưa đồng bào tản cư đi đồn điền cao su” Tiếng Chuông, 23, tháng Tám 1954.
[26] Các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, và Bà Rịa là quê quán của những cộng đồng Công giáo lâu đời.
[27] Philip E. Catton, Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam (Lawrence: University Press of Kansas, 2002), 60–61. Tuyên bố sau đó của ông ở trang 61, rằng “Thái độ của họ tiếp tục phá hoại các quan hệ giữa Sài Gòn và cộng đồng Công giáo, đã căng thẳng do các cố gắng của chính phủ kiềm chế chính quyền thế tục hành hạ các linh mục trong các làng di cư” gây tranh cãi nhiều hơn; Catton đưa ra mà không chứng minh.
[28] Chẳng hạn, cư dân trại Tiên Thuận đã phải di chuyển bốn lần: từ khu nhà tạm ở Sài Gòn đến Tây Ninh; ở Tây Nam cuộc nổi loạn buộc họ về lại Xóm Mới ở Sài Gòn, và trước khi PTUDCTN quyết định tái định cư họ ở Pleiku trên cao nguyên. Xem biên bản các cuộc họp PTUDCTN ở Pleiku, 23, tháng Bảy 1956, File 375, Folder 4408, PTTĐNCH, VNA-II.


Nhìn lại cuộc di cư đẫm máu 1954

Ngày 21.7.2004 tới đây là đúng 50 năm kể từ ngày đất nước bị Pháp và Việt Minh thỏa thuận chia đôi, từ đó nhiều chuyện đau thương đã xẩy ra trên quê hương. Những người đã phải bỏ quê hương miền Bắc ra đi năm 1954 đã quyết định tổ chức ngày họp mặt tại Orange County để ôn lại những kỷ niệm xưa và nghiền ngẩm bài học lịch sử.

Cuộc tháo chạy khỏi vùng Cộng Sản năm 1954 vẫn còn đờ sờ trước mắt nhiều người, nó bi thảm không khác gì cuộc tháo chạy 1975, thế nhưng một số người mang nặng mặc cảm tội lỗi đã làm công cụ cho Cộng Sản trong suốt cuộc chiến Việt Nam, nay đang cố gắng dùng phịa sử để bóp méo biến cố lịch sử này, mô tả cuộc chiến chống Cộng của nhân loại và của người Việt như là một “cuộc thánh chiến chống cộng” để bôi bác. Những gì Cộng Sản đã phịa ra năm 1954 và sau đó để giải thích cuộc di cư vĩ đại ra khỏi vùng Cộng Sản chiếm đóng vào 1954, lại được nhóm này đưa ra nhai lại!

NHỮNG GIỜ QUYẾT ĐỊNH

Năm 1954, Pháp bắt đầu gặp nhiều khó khăn về cuộc chiến Đông Dương nên đã cùng Việt Minh mở hội nghị tại Genève để giải quyết vấn đề này. Hội nghị khai mạc ngày 26.4.1954 và thật sự bàn về Đông Dương kể từ ngày 8.5.1954.

Việt Minh vốn chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, nên khi cuộc thương thuyết đang diễn ra, họ đã dùng toàn lực dứt điểm Điện Biên Phủ để tạo ưu thế trên bàn hội nghị. Ngày 7.5.1954 Điện Biên Phủ thất thủ. Thua trận này, Pháp mất khoảng 5% lực lượng ở Đông Dương.

Lúc đó lực lượng của Pháp tại Đông Dương còn khoảng 440.000 quân, trong đó có 124.600 quân là người Âu Châu và người Phi Châu. Riêng lực lượng quân đội quốc gia Việt Nam tuy đã có quân số lên đến 249.517 người, nhưng khả năng chiến đấu còn rất yếu. Điều này cũng dể hiểu, vì quân đội quốc gia Việt Nam còn quá non trẻ.

Ngày 11.5.1950, theo đề nghị của Thủ Tướng Pháp, Quốc Hội Pháp chấp thuận cho chính phủ Việt Nam được thành lập quân đội. Ngay sau đó, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập quân đội quốc gia Việt Nam. Đến tháng 2 năm 1952, quân đội quốc gia Việt Nam đã có khoảng 120.000 quân cbính quy và 50.000 phụ lực quân. Kể từ ngày 1.7.1952, Việt Nam được chia thành 4 Quân Khu: Đệ Nhất Quân Khu là Nam Việt, Đệ Nhị Quân Khu là Trung Việt, Đệ Tam Quân Khu là Bắc Việt và Cao Nguyên Bắc Việt, và Đệ Tứ Quân Khu là Cao Nguyên Trung Việt. Đến đầu tháng 6 năm 1954, trước khi ký Hiệp Định Genève, quân đội quốc gia có 205.613 chính quy và 43.904 phụ lực quân, tổng cộng là 249.517 quân, chia ra như sau:


  • Đ1QK: 63.550 chính quy và 29.282 phụ lực quân;
  • Đ2QK: 30.023 chính quy và 1.854 phụ lực quân;
  • Đ3QK: 73.367 chính quy và 6.709 phụ lực quân;
  • Đ4QK: 38.673 chính quy và 6.059 phụ lực quân;
Với quân số như trên, người Pháp còn có thể tiếp tục cuộc chiến không có gì khó khăn, nhưng dư luận Pháp không còn muốn quân đội Pháp ở lại Đông Dương nữa vì quá tốn kém. Tại hội nghị Genève, Pháp đề nghi lấy vĩ tuyến 18 (ngang sông Gianh) chia đôi lãnh thổ Việt Nam, trong khi đó Việt Minh đòi lấy vĩ tuyến 16 (ngang Đà Nẵng). Mọi người tiên đoán hai bên rồi sẽ thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) để phân chia. Mọi sự phản đối của chính phủ quốc gia Việt Nam đều không được Pháp quan tâm.

ĐỐI PHÓ VỚI GIỜ PHÚT ĐEN TỐI

Trong cuốn hồi ký Con Rồng An Nam, Quốc Trưởng Bảo Đại cho biết khi thấy tình thế nguy ngập, ông nghĩ rằng chỉ có một người duy nhất dám đương đầu với Pháp, đó là ông Ngô Đình Diệm. Ông đã mời ông Diệm đến và thuyết phục ông nhận chức Thủ Tướng. Không hề có áp lực nào của Hồng Y Spellman hay Vatican như bọn viết phịa sử “cuộc thánh chiến chống Cộng” thường rêu rao. Chính phủ Pháp biết chuyện đó, nhưng nghĩ rằng ông Diệm là người ngang bướng, không thể thích ứng với tình thế mới được. Chống chọi giỏi lắm ông cũng chỉ làm Thủ Tướng được 6 tháng là cùng. Sau đó, mọi sự sẽ diễn ra như Pháp đã dự tính. Theo Đại Tá Edward G. Lansdall, lúc đó Hoa Kỳ đã chuẩn bị một con gà khác để thay thế, đó là Bác sĩ Phan Huy Quát, còn Pháp muốn tái xử dụng cựu Thủ Tướng Trần Văn Hữu. Nhưng mọi sự đã không xẩy ra như người Pháp và người Mỹ đã tính.

Ngày 16.6.1954, Quốc Trưởng Bảo Đại ký Sắc Lệnh số SL 38/QT cử ông Diệm làm Thủ Tướng thay thế ông Bửu Lộc với toàn quyền quân sự và dân sự. Ngày 25.6.1954 ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh.

Ngày 26.6.1954, Pháp mở cuộc hành quân Auvergne, triệt thoái khỏi Phát Diệm, Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định về tập trung xung quanh Hà Nội và Hải Phòng để tránh những thiệt hại trước khi đình chiến. Dân chúng miền Bắc rất hoang mang. Ngày 30.6.1954 Ông Diệm ra Hà Nội quan sát tình hình và được đón tiếp rất long trọng. Người ta hy vọng ông có thể giúp làm cho tình hình sáng sủa hơn.

Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí vận động xin vũ khí để đánh Việt Minh và bảo vệ vùng châu thổ Bắc Việt nhưng Pháp không chấp nhận. Thật ra, ông Nguyễn Hữu Trí, một lãnh tụ Đại Việt, chỉ có trong tay Đoàn Quân Thứ gồm một số cán bộ công dân vụ, không quen chiến đấu, nên dù có được trang bị võ khí cũng không thể đương đầu với Việt Minh.

Ngày 5.7.1954 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ. Ngày 8.7.1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm triệu tập Hội Đồng Nội Các và quyết định thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt và cử Bác Sĩ Hoàng Cơ Bình làm Thủ Hiến Bắc Việt thay ông Nguyễn Hữu Trí từ chức, kiêm luôn Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt. Ủy Ban này có ông Trần Trung Dung làm Ủy Viên Dân Sự và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vận làm Ủy Viên Quân Sự. Ngày 9.7.1954, quyết định này được hợp thức hóa bằng Dụ số 11. Theo Dụ này, Ủy Ban được dành quyền thay hai Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tổng Trưởng Nội Vụ để giải quyết các vấn đề hành chánh, chính trị và quân sự tại miền Bắc. Ngày 12.7.1954 Ủy Ban bắt đầu hoạt động.

Ngày 16.7.1954, chính phủ quốc gia Việt Nam đã ra thông cáo tuyên bố 3 điểm: (1) Hiệp Định Genève không có giá trị đối vối chính phủ và nhân dân Việt Nam. (2) Thống nhất lãnh thổ trong hòa bình và tự do, và (3) Cương quyết bảo vệ quyền thiêng liêng của Dân Tộc về nền Thống Nhất lãnh thổ, Độc Lập quốc gia và Tự Do của con người.

Chính phủ quốc gia Việt Nam chấp nhận tổng tuyển cử với 4 điều kiện: Giải tán quân đội Việt Cộng, giải tán các tổ chức độc tài mệnh danh là “tổ chức nhân dân”, cho dân chúng có thời gian để nhận định và lựa chọn chế độ, và cuộc bầu cử phải do Liên Hiệp Quốc giám sát.

Ngày 19.7.1954, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ tuyên bố tại Genève rằng chính phủ quốc gia Việt Nam không chấp nhận chia cắt Việt Nam và yêu cầu đặt Việt Nam dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Những cuộc biểu tình chống chia đôi đất nước đã diễn ra nhiều nơi. Tướng Ely của Pháp tuyên bố sẽ xử dụng mọi biện pháp để ngăn chận các cuộc biểu tình chống Pháp và nếu cần sẽ cho lệnh bắt ông Diệm.

Ngày 21.7.1954, Hiệp Định Genève được ký kết giữa Pháp và Việt Minh, gồm có 47 điều khoản và một phụ lục. Sau đây là những điểm chính:

  • 1.- Định một giới tuyến quân sự từ cửa sông Bến Hải, theo giòng sông đến làng Bồ Hồ Su và biên giới Lào – Việt.
  • 2.- Lập một khu phi quân sự 5 cây số bề rộng bên này và bên kia giới tuyến để làm “khu đệm”.
  • 3.- Thời hạn để hai bên rút quân là 300 ngày, kể từ ngày Hiệp Định có hiệu lực.
  • 4.- Việc ngưng bắn được ấn định như sau: 8 giờ ngày 27.7.1954 tại Bắc Việt, 8 giờ ngày 1.8.1954 tại Trung Việt và 8 giờ ngày 11.8.1954 tại Nam Việt.
  • 5.- Trong thời hạn 300 ngày, dân chúng được tự do di cư từ khu này sang khu bên kia.
  • 6.- Ủy Hội Quốc Tế sẽ giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp Định.
Một Bản Tuyên Ngôn Chung đính theo Hiệp Định có nói rằng một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 dưới sự kiểm soát quốc tế.

Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đưa ra một bản tuyên bố chống lại hiệp ước này vì cho rằng hiệp ước đã được ký kết bất chấp các nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam. Chính Phủ Việt Nam dành toàn quyền tự do hành động để bảo vệ quyền của dân tộc Việt Nam được độc lập và tự do.

Ngày 22.7.1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố cực lực chống việc chia đôi đất nước và ra lệnh treo cờ rủ để tang.

Hai Ủy Viên của Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt là ông Trần Trung Dung và Tướng Nguyễn Văn Vận được triệu hồi vào Sài Gòn để trình bày về tình hình. Sau khi họp bàn, chính phủ thấy rằng sau khi quân Pháp rút, Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt sẽ không thể đối đầu với Việt Minh được, nên ngày 6.8.1954 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm quyết định hủy bỏ Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt và ký Sắc Lệnh số SL 61/NV cử Luật sư Lê Quang Luật, Bộ Trưởng Thông Tin, làm Đại Biểu Chính Phủ “phụ trách công việc ở Bắc Việt, nhất là việc tản cư người tỵ nạn.”

CUỘC DI CƯ VĨ ĐẠI

Điều 14, đoạn b, của Hiệp Định Genève quy định:

“Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy.”

Trong Lời Tuyên Bố Cuối Cùng ngày 21.7.1954, ở đoạn 8 có nói:

“Phải triệt để thi hành những điều khoản trong hiệp định đình chỉ chiến sự nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và tài sản của mọi người và nhất là phải để cho tất cả mọi người ở Việt Nam tự do lựa chọn vùng mình muốn sống.”

Lúc đầu, Việt Cộng cho di cư khá dễ dàng. Người Công Giáo ý thức rằng không thể có tự do tôn giáo dưới chế độ cộng sản nên đa số quyết tâm ra đi. Về sau, Việt Cộng thấy rằng số người bỏ làng mạc di cư vào Nam ngày càng đông, sẽ gây ảnh hưởng không tốt về chính trị và làm cho tiềm năng nhân lực và kinh tế miền Bắc yếu đi nên đã tìm cách ngăn chận.

a) Phong trào di cư bùng nổ: Cùng với sự triệt thoái của quân đội Pháp ra khỏi vùng Nam Trung Châu Bắc Việt, đồng bào thuộc các tỉnh Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh Bình, Nam Định và Phủ Lý vội vàng chạy về Hà Nội. Đồng bào ở Thái Bình theo đường bể ra Hải Phòng. Tiếp theo, đồng bào ở các vùng quanh Hà Nội như Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc Yên cũng hốt hoảng chạy về Hà Nội. Phong trào di cư đã bùng nổ 3 ngày trước khi Hiệp Định Genève được ký kết. Ngày 17.7.1954, Pháp phải mở chuyến tàu đầu tiên chở người di cư đến Sài Gòn.

Phong trào di cư ngày càng lan rộng. Những đồng bào ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hòa Bình cũng tìm cách chạy về Hà Nội. Sau đó, đến lượt đồng bào ở ba tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh ở Liên Khu IV là vùng bị Việt Cộng chiếm đóng và cai trị từ 1945, cũng tìm cách di cư.

b) Các cuộc đàn áp đẩm máu: Trước phong trào di cư ồ ạt này, nhà quyền Cộng Sản đã tìm cách ngăn chận. Các cuộc đàn áp đẩm máu đã xẩy ra. Sau đây là một vài thí dụ điển hình:

1.- Vụ Ninh Bình: Công an đã bắt 30 linh mục đứng ra hướng dẫn phong trào di cư. Giáo dân đã phản đối rất mạnh, công an phải thả ra. Quảng đường từ Bích Câu đến Bùi Chu đầy nghẹt người. Từ Bùi Chu đến Cựa Gà còn gay cấn hơn. Bọn công an và bộ đội giả dạng dân chúng chạy ra níu kéo lại. Người di cư phải vật lộn với họ từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới đến được Cựa Gà. Tại đây, công an lại phong tỏa các đò ngang không cho qua sông. Họ tập trung đồng bào lại và khuyên không nên đi. Đến 5 giờ chiều, họ đem xe đến mời đồng bào trở về Hậu Hải. Đồng bào không chịu lên xe.

2.- Vụ La Châu: Cuộc ra đi của khoảng 3000 đồng bào ở giáo xứ La Châu, Giao Thủy, còn khó khăn hơn. Việt Cộng cho phá sập cầu Nam Điền nên đồng bào không qua sông được. Đồng bào tìm mọi phương tiện để qua sông, một số nhảy xuống sông bơi qua, nhưng bơi không tới, bị chết đuối. Đa số gia đình có đàn bà và trẻ con, không thể bơi qua sông được nên đành phải quay trở về.

3.- Vụ Trà Lý: Đêm mồng 5 rạng ngày 6.11.1954, một tiểu hạm của Hải Quân Pháp đang tuần tiểu ngoài khơi Trà Lý thì được một thuyền đánh cá đến gần và báo tin cho biết có khoảng 2.000 người đang lâm nguy trên một bãi cát ngoài biển Trà Lý, nếu không cứu kịp, họ sẽ bị chìm xuống biển. Tiểu hạm này liền báo cho các tàu La Capricieuse, LMN-9052, LCT-9065 xin đến tiếp cứu. Đến 8 giờ sáng ngày 6.11.1954, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến cũng đã được thông báo về vụ này. Đô Đốc Jozzan liền ra lệnh cho các tàu ở Hải Phòng và Đà Nẵng phải đến Trà Lý cứu những người đang bị nạn.

Theo một sĩ quan của Tàu La Capricieuse kể lại, sáng ngày 6.11.1954, Tàu 151-L9035 vào cứu đầu tiên, với được 900 người đưa về Hải Phòng. Tàu LSM-9052 và LCT-9065 cho xuồng máy vào cứu tiếp. Đến 1 giờ sáng ngày 7.11.1954, đã có 1.445 người nữa được vớt đưa lên tàu LCT-9065.

Một số người, nhất là đàn bà và trẻ con, khi vội vàng chen chúc nhau leo lên xuồng mày đã bị rơi xuống biển. Các thủy thủ đã ném phao theo cho họ, nhưng họ không biết bơi nên không bám vào được, đã bị chìm luôn.

4.- Vụ Lưu Mỹ: Ngày 18.12.1954, 189 gia đình thuộc thôn Lưu Mỹ, xã Trù Sơn, huyện An Sơn, tỉnh Ngệ An, đã đến trụ sở xã nộp đơn xin di cư. Việt Cộng coi đây là một tổ chức phản động nên tìm bắt những người mà họ nghi đã xách động hay lãnh đạo dân chúng, đó là các ông Phạm Văn Như, Lê Hữu Bằng, Nguyễn Văn Hương, Đinh Thế Xuyên và Nguyễn Văn Cung. Ông Phan Văn Như trốn về được đã báo cho mọi người biết. Dân chúng liền kéo nhau đến trụ sở xã yêu cầu thả những người bị bắt, nhưng họ không thả.

Biết trước thế nào cũng bị khủng bố, dân Lưu Mỹ đã tổ chức những toán tự vệ để canh phòng. Đêm 7.1.1955, công an đến bắt một số người đem về thẩm vấn rồi đến sáng 8.1.1955 thả ra. Sau đó, Việt Cộng đưa bộ đội tới bao vây thôn Lưu Mỹ. Một cuộc xô xát đã xẩy ra vào lúc 4 giờ sáng ngày 13.1.1955. Có 11 người bị chết và nhiều người bị thương. Nhiều người đã bị bắt dẫn đi.

5.- Vụ Ba Làng: Ngày 8.1.1955, tại Ba Làng, huyện Gia Tỉnh, tỉnh Thanh Hòa, có khoảng 20.000 người đã tập trung tại trụ sở xã yêu cầu được cho đi di cư đúng như điều 14b của Hiệp Định Genève đã quy định. Việt Cộng đã huy động cả một Trung Đoàn đến dẹp. Một cuộc xô xát đã xẩy ra. Bộ đội nổ súng bắn, có 4 người bị chết và 6 người bị thương. Sau đó, Việt Cộng lập tòa án nhân dân ở làng bên, đem những người tổ chức và kháng cự ra xét xử. Kết quả 2 người bị tuyên án khổ sai chung thân, 4 người bị án 20 năm và 22 người bị án 12 năm. Khoảng 60 người đã bị bắt đưa đi mất tích.

6.- Vụ Mậu Lâm: Theo những người trốn đi di cư kể lại, vào tháng 2 năm 1955 đã xẩy ra một cuộc xô xát đẩm máu giữa những người đòi đi di cư với bộ đội Việt Cộng tại xã Mậu Lâm, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khoảng 2000 dân đã rầm rộ kéo nhau lên đường đi di cư. Việt Cộng liền cho 2 đại đội thuộc Sư Đoàn 304 ra chận lại. Một cuộc xô xát đã xẩy ra. Có 5 bộ đội bị thương. Bộ đội liền xã súng bắn, có 11 người dân bị chết, nhiều người bị thương và hơn 200 người bị bắt.

7.- Vụ Cửa Lò: Biết rằng theo Hiệp Định Genèvè, người dân có quyền tự do di cư trong hạn 300 ngày, nhiều người dân Cửa Lò, Nghệ An, đã tìm cách ra đi bằng đường bộ hay đường biển, nhưng không ai thoát được. Tất cả hoặc bị bắt lại, hoặc bị chết vì kiệt sức ở trong rừng hay ngoài biển. Cuối cùng, họ đã lập được kế để chạy thoát. Đêm 1.1.1956, bổng nhiên lửa cháy dữ dội đầu làng. Trong khi công an và bộ đội đang lo chửa cháy, dân làng vội vàng xuống thuyền ra khơi, bọn công an không hay biết gì. Đoàn thuyền đi đến trưa hôm sau thì thấy có tàu chiến Pháp xuất hiện ở ngoài khơi. Họ cột một cái áo trắng lên cây sào và vẩy. Tàu chiến Pháp biết có người đang kêu cứu, đã cho tàu chạy sát vào các thuyền của họ và vớt tất cả lên tàu. Đến 2 giờ đêm 2.1.1954, tàu cập bến Hải Phòng. Mọi người đều sung sướng reo hò, nhưng không ai quên được một em bé 12 tuổi tình nguyện ở lại đốt làng để cầm chân bọn công an và bộ đội, không biết số phận em sau đó ra sao.

Tóm lại, tại các xứ Công Giáo, vì việc ra đi có lãnh đạo, có kế hoạch và có tổ chức, nên số thoát được nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, đa số đều phải ở lại. Một thí dụ cụ thể: Mặc dầu bị kiểm soát rất chặt chẽ, ở xã Xuân Liên có ba thôn, tại thôn Hạ có 95 gia đình đã thoát đi toàn vẹn, 28 gia đình bị dang dở. Tại thôn Lạc Thủy, có 124 gia đình trốn thoát được. Tại thôn Liên Thượng, hơn 30 gia đình đã đi được.

Theo một tài liệu mà nhân viên an ninh lúc đó bắt được, Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam (sau này đổi thành Đảng Cộng Sản Việt Nam) ước lượng rằng nếu không có biện pháp ngăn chận, sẽ có khoảng 5 triệu người bỏ miền Bắc ra đi. Sự kiện này sẽ đưa đến những kết quả tai hại về cả phương diện chính trị lẫn kinh tế. Vì thế, Trung Ương Đảng đã ra chỉ thị phải tìm cách ngăn chận phong trào di cư lại.

Để giải thích hiện tượng người người bỏ miền Bắc ra đi này, Việt Cộng đã nhiều lần tuyên bố rằng đồng bào miền Bắc đã bị “cưỡng ép” di cư và chính phủ Ngô Đình Diệm cũng như người Mỹ đã tuyên truyền rằng “Đức Mẹ đã vào Nam” để đánh lừa đồng bào công giáo chạy theo. Trò bịp bợm này đã được lặp đi lặp lại trong nhiều bộ phim tuyên truyền, và cũng được dùng để giải thích tình trạng đồng bào bỏ nước ra đi sau 30.4.1975.

Điều đáng buồn cười là hiện nay luận điệu đó lại được bọn bồi bút như Bùi Kha của nhóm Giao Điểm đã lặp lại trong bài “Ngô Đình Diệm, tại sao ông thất bại?” đăng trên GiaoDiem.net, tháng 9 năm 2003 hay “Tiến Sĩ” Lê Cung chép lại một cách trình trọng trong tác phẩm ấu trỉ mang tên “Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963”!

KẾT QUẢ CỦA CUỘC THÁO CHẠY

Ngày 6.8.1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã gởi văn thư yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cung cấp viện trợ để di chuyển khoảng 100.000 người di cư từ Bắc vào Nam. Trong thư phúc đáp ngày 8.8.1954, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý cung cấp cho chính phủ Việt Nam những vật dụng cần thiết để di tản đồng bào muốn di cư ra khỏi vùng sẽ trao lại cho Việt Minh và sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để bảo đảm rằng viện trợ của Hoa Kỳ đáp ứng một cách hữu hiệu nhu cầu của chính phủ và dân chúng Việt Nam.

Mỗi ngày, các phi cơ của Pháp có thể di tản khoảng 3.400 người từ Hà Nội và Hải Phòng đến Sài Gòn. Hải Quân Pháp cũng được xử dụng để thực hiện việc di tản. Tuy nhiên, với những phương tiện sẵn có, Pháp không thể vận chuyển hết số người di tản trong thời gian ấn định được. Theo lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đã đưa tàu tới phụ giúp. Theo sự ước tình, phải di tản ít nhất 200.000 người ra khỏi Hà Nội và Hải Phòng trước ngày 10.9.1954. Đô Đốc Felix Stump đã ra lệnh cho các tàu đổ bộ thuộc Hạm Đội Tây Thái Bình Dương vào Hải Phòng và các cảng ở miền Trung (Đồng Hới) để di tản từ 80.000 đến 100.000 người.

Để hoàn thành cuộc di tản vĩ đại này:

  • Về hàng không, Pháp đã thực hiện 4.280 chuyến bay, vận chuyển được 213.635 người.
  • Về tàu thủy, Pháp thực hiện 338 chuyến và Mỹ 109 chuyến, vận chuyển được 555.037 người.
  • Những người di tản bằng phương tiện riêng hay vượt qua sông Bến Hản thì không kể.
Xin chân thành cám ơn chính phủ Pháp và chính phủ Hoa Kỳ lúc đó.

Đầu tháng 8 năm 1954, chính phủ đã thành lập Sở Di Cư để lo việc tản cư, tiếp cư và định cư. Nhưng về sau, vì phong trào di cư bùng nổ quá lớn, chính phủ đã phải thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn để phụ trách công việc này. Lúc đầu, ông Ngô Ngọc Đối được cử làm Tổng Ủy Trưởng. Sau đó, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và ông Ngô Ngọc Đối đã thuyết phục Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đứng ra thành lập “Ủy Ban Hổ Trợ Di Cư” để yểm trợ Phủ Tổng Ủy Du Cư và Tỵ Nạn về tinh thần lẫn vật chất. Trong vài trò này, Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi đã đi vận động các tổ chức quốc tế yểm trợ phong trào di cư của Việt Nam.

Kết quả: Đã có 860.206 người di cư được đưa vào Nam, chia ra như sau:

  • Thiên Chúa Giáo: 677.389 người (Công Giáo: 676.348 người, Tin Lành: 1.041 người)
  • Phật Giáo: 182.817 người
Sau cuộc di cư năm 1954, số giáo dân còn lại ở miền Bắc khoảng 750.000 người với 254 linh mục và 7 Giám Mục, chia làm 10 Giáo Phận. Ngoài ra, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Dooley cũng đã ở lại với Giáo Hội miền Bắc.

Các trại định cư đã được lập từ Quảng Trị đến Cà Mau. Có tất cả 315 trại định cư dành cho 508.999 người, chia ra như sau:

  • Nam phần: 206 trại với 393.354 người.
  • Trung phần: 59 trại với 61.094 người.
  • Cao nguyên: 50 trại với 54.551 người.
NHỮNG TÊN ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Sau khi Hiệp Định Genève được ký kết, tỉnh Quảng Bình được trao cho Việt Cộng. Quân đội, công chức và dân chúng khắp nơi trong tỉnh tìm mọi phương tiện để rời khỏi Quảng Bình. Hai phương tiện được dùng để di cư đồng bào một cách nhanh chóng là tàu thủy và máy bay.

Lúc đó tôi mới 15 tuổi, nhưng đã cùng một số anh em tham gia vào toán tiếp cư do linh mục Georges Neyroud, tuyên úy Quân Đội Pháp thành lập. Ngày 1.8.1954, linh mục cho biết linh mục phải vào gấp Đồng Hà và Đà Nẵng để lo cho đồng bào mới vào, ông cần mấy người biết tiếng Pháp ở lại tiếp tục đón tiếp các đồng bào ở xa tới và cấp giấy cho họ đi.

Gia đình chúng tôi đã vào Đà Nẵng hết rồi, nhưng tôi và một số anh em vẫn còn ở lại lo công việc tiếp cư. Khi nghe linh mục Georges Neyroud hỏi như trên, tôi, anh Nguyễn Kim Thuyên và anh Lê Trung Tha xin tình nguyện ở lại. Thấy chúng tôi còn quá nhỏ, ông hơi do dự, nhưng không còn ai khác, mọi người đã lo đi càng sớm càng tốt, nên ông đành chấp nhận cho chúng tôi ở lại và giới thiệu một Trung Úy người Pháp đến làm việc chung với chúng tôi. Ông ném lại cho chúng tôi hai tạ gạo và một thùng lựu đạn OF. Đó là lương thực của chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi đem một trái lựu đạn OF ném xuống sông rồi lặn xuống bắt cá đem lên luộc ăn với cơm. Sông Nhật Lệ quá nhiều cá nên có khi chúng tôi ăn cá thay cơm.

Công việc của chúng tôi cũng không có gì khó khăn. Chúng tôi tiếp những người trốn được từ vùng quê hay từ Nghệ An và Hà Tĩnh vào, lấy lý lịch của họ ghi vào một tấm thẻ màu đỏ, bắt họ lăn hai ngón tay cái vào thẻ, rồi chuyển cho Trung Úy người Pháp để anh này dẫn họ đến một phòng tiếp cư đợi lên tàu vào Đà Nẵng. Cứ theo lời khai của những người trốn được từ bên kia sông Gianh vào, nếu có sự can thiệp của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, sẽ có hàng chục ngàn người ở Hà Tĩnh xin ra đi. Nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì để giúp đỡ họ.

Trong khi chúng tôi lo tiếp những người từ xa đến thì trên đường phố của thành phố Đồng Hới, Việt Cộng tổ chức biểu tình “hoan hô Cách Mạng” liên tiếp từ ngày này qua ngày khác với thái độ hung hăng, nhưng chúng tôi chẳng ai lo sợ gì cả!

Sáng 8.8.1954, Trung Úy ngưới Pháp đến báo tin cho chúng tôi biết phải rời thành phố chiều hôm nay và phải đi bằng đường bộ vượt qua sông Bến Hải, vì không còn phương tiện tàu thủy hay máy bay nữa. Con đường từ Đồng Hới đến Bến Hải dài 71 cây số. Cách đây một năm, ba chúng tôi đã dám vượt qua các bãi mìn, đi bộ từ Bến Hải đến Đống Hới, nên khi được bảo phải đi bằng đường bộ, chúng tôi không có chút lo ngại nào. Đúng là điếc không sợ súng!

Chiều hôm đó, khi chúng tôi qua khỏi phà Quản Hàu, cách thành phố Đồng Hới khoảng 3 cây số, quay nhìn lại thì thành phố đang cháy!

Tôi nhớ lại, khi tôi trao tấm thẻ đỏ di cư cho người anh họ của tôi để lên đường vào Đằ Nẵng, anh ấy đã cúi đầu xuống và thở dài: “Đi như thế này rồi cũng mất nữa thôi!”

Lời tiên đoán đó đã đúng 20 năm sau!



Hà Nội 1954

sau Hiệp định Genève chuẩn bị di cư vào Nam 

bán đồ đạc chuẩn bị di cư vào nam sau khi Hiệp định Genève được công bố

những ngày cuối cùng ở Hà Nội

Việt Minh và Pháp bàn giao bót Hàng Trống

bộ đội tiến vào tiếp thu bót Hàng Trống, lúc này đang là Ty Cảnh Sát TP Hà Nội
tiếp thu bót Hàng Trống

tiếp thu bót Hàng Trống

lễ hạ cờ Tây lần cuối cùng trong thành Hà Nội, phía trước Đoan Môn, chấm dứt hơn 70 năm chiếm đóng thành Hà Nội từ năm 1883 của quân Pháp.



những ngày cuối cùng của Hà Nội, bệnh viện Yersin


những ngày cuối cùng của Hà Nội, bệnh viện Yersin

Jul 1954, dân chúng đọc Viet-Nam Presse

Bộ đội Việt Minh tiến vào tiếp quản Hà Nội

Bộ đội Việt Minh tiến vào Hà Nội

di cư vào nam
đi tìm tự do
Chuẩn bị lên tầu vào nam
Chuẩn bị lên tầu vào nam

mẹ và hai con, tay xách nách mang, trên đường vào miền Nam
tìm đường vào miền Nam
ra phi trường Gia Lâm vào Nam
ra phi trường Gia Lâm

ra phi trường Gia Lâm
phi trường Gia Lâm
phi trường Gia Lâm
Hải Phòng
lên tầu vào Nam
di cư vào Nam
lên tầu vào Nam
lên tầu vào Nam
lên tầu vào Nam

Hải Phòng 1954
Operation Passage to Freedom, October 1954 đi tìm tự do
người ở lại
Hải Phòng 1954
Hải Phòng 1954


USS Bayfield di cư vào Nam 3 September 1954

Hình xưa , dân Hà Nội chuẩn bị di cư vào Nam vào thời 54



Foto

38 Events following signing of Agreement at Geneva

nhiều người dân Hà Nội bán đồ đạc để chuẩn bị di cư vào Nam sau khi Hiệp định chia đôi đất nước được ký giữa Việt Minh và Pháp

Foto


Bán đồ đạc chuẩn bị di cư vào Nam. Có lẽ hình chụp tại hồ Thiền QuangFoto


Kiosk giải khát trên đường Cổ Ngư. Trong hình là hồ Trúc Bạch với tháp nhà thờ Cửa Bắc ở phía xa.



Foto


Foto


Foto


Foto


Foto


Foto


Foto

"bỏ của chạy lấy người": bán tháo đồ đạc trước ngày di cư vào Nam




Foto

Last Days Of Hanoi

bán đồ đạc chuẩn bị di cư vào nam sau khi Hiệp định Genève được công bố

Foto

Last Days Of Hanoi - People reading the Viet-Nam Presse. Jul 1954


Foto


Foto

26 French nun watching over children as they play. Hanoi 1954


Foto

25 French soldier preparing to give money to beggars. Oct 1954

trên thềm Nhà thờ Lớn

Foto

24 People standing on steps of Catholic church. Hanoi, Oct 1954


Foto


Foto


Foto

Last Days Of Hanoi - July 1954


Foto

Last Days Of Hanoi

dạo hồ Hoàn Kiếm lần cuối cùng với chó cưng và người giúp việc

Foto


Foto

những ngày cuối cùng của người Pháp ở HN, trẻ em vẫn vô tư câu cá trong Văn Miếu




Foto


Foto

bồn phun nước giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục



Foto

Kids are kids!

bồn phun nước giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Foto

Hanoi, July 1954 - Streets crowded with people after cease-fire announced

phụ nữ đội nón lá mít tinh trước Nhà hát Lớn, khẩu hiệu trên băng rôn có nội dung phản đối mưu mô chia cắt Việt Nam (của hiệp định đình chiến ký giữa Pháp và Việt Minh)

Foto

Hanoi, July 1954 - Streets crowded with people after cease-fire announced

dân chúng mít tinh trước Nhà hát Lớn phản đối việc chia cắt đất nước, sau khi hiệp định đình chiến giữa Việt Minh và quân Pháp được công bố

Foto

Hanoi, July 1954 - Streets crowded with people after cease-fire announced


Foto

Hai Phong - March 15, 1954

tháng 3-1954, những ngày tháng cuối cùng của người Pháp tại Hải Phòng

Foto

Hai Phong - March 15, 1954



nam64 wrote on May 19, '11, edited on May 19, '11


Foto

Ben Hai River (38) 2-1965 Anti-Communist billboard near 17th Parallel in South Vietnam.


Foto



nam64 wrote on May 19, '11

Sinh viên Sài gòn biểu tình phản đối Hiệp định Geneva, treo cổ hình nộm De Gaulle và Hồ Chí Minh



nam64 wrote on May 19, '11

Photobucket
Ê, ráng mà quất banh qua thành tầu nha. Chú mày (ở truồng) thì không cách gì mà “chùi” được
Nguồn: National Geographic, số tháng 6 1955

Photobucket
Dân quê VN có thể không sử dụng thuần thục cầu tiêu dã chiến nhưng làm quen rất nhanh với giường treo 4 tầng kiểu HQ Mỹ
Nguồn: National Geographic, số tháng 6 1955
Photobucket
Toán y khoa Hải quân Mỹ tại trú khu Hải Phòng
Nguồn: Thư khố Quốc gia Mỹ
Photobucket
Sao cụ lại bỏ xứ ra đi?
Nguồn: William R. Park


Khoảng năm 1978- 1980 tôi bắt đầu có những bạn học mới người Bắc, đó là các bạn có cha mẹ là cán bộ nhà nước chuyển công tác vào miền Nam. Các bạn đang học chương trình phổ thông hệ 10 năm, chuyển vào Nam tự động được nhảy lên hai lớp rồi… nghiễm nhiên học chung với chúng tôi, và tất nhiên là sức học của các bạn rất kém. Đặc biệt tới giờ ngoại ngữ thì các bạn được miễn học, vì các trường miền Nam chỉ dạy tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dần dà chúng tôi bớt kỳ thị, thay vào đó chúng tôi giúp các bạn trong việc học để họ theo kịp chương trình. Tuy thế, trình độ hai nhóm học sinh Bắc và Nam vẫn là một khoảng cách không thể lấp được.
Thế rồi nhiều năm sau, những bạn ngày xưa ấy (dù rằng cái sự học rất kém), cũng đã được học hành và rồi trở thành cán bộ nhà nước. Còn chúng tôi, cái đám con cái “ngụy quân ngụy quyền”, do cái gọi là nền giáo dục ưu việt xhcn, đã chẳng thể len vào đại học. Tới phiên họ ái ngại cho cái hoàn cảnh của mình. Tự nhiên mình trở thành kẻ đáng thương trong mắt họ. Tới nhà bạn chơi, sợ “được” cha mẹ bạn nhìn bằng con mắt thương hại, tôi phải nói ngay, vẻ hãnh diện (khi được hỏi về thân thế): Cháu là Bắc 54!
Sau này trong một buổi tiệc, một vị là phó giám đốc một công ty quốc doanh đã ngạo mạn gọi người Bắc 54 là dân “đuổi tây quá đà chạy tuốt vô miền Nam”. Vì đã kinh nghiệm về cái sự học của các bạn thời phổ thông nên tôi dõng dạc nói thẳng vào mặt ông ta mà rằng: “Tôi là Bắc 54 đây, và tôi rất hãnh diện về điều đó”.
.
Nhân tháng Bảy về, thân mời quý bạn xem hai con tem (tỉ lệ 2:1) hiện tôi may mắn còn giữ. Phần thuyết minh lấy từ 20 Năm Bưu hoa Việt Nam 1951-1971 (Phủ Quốc Vụ Khanh xb 1971) của Nhà sưu tập Nguyễn Bảo Tụng.
Năm Thế-Giới Giúp Người Tỵ-Nạn
Giá tiền 0đ50-hồng; 3đ00-xanh lá cây; 4đ00-đỏ, da cam; 5đ00-tím. Họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris. Số lượng in: 0đ50-1 triệu , 3đ00-1 triệu, 4đ00-1 triệu, 5đ00-1 triệu. Phát hành: ngày 07/04/1960 ngày khai mạc tuần lễ triển lãm về “Năm Thế-giới giúp người tỵ-nạn” tại Phòng Thông-Tin Đô-Thành Saigon”.
Đề tài: con tem diễn tả một gia-đình tỵ-nạn, trên bước đường di-cư, mang theo một bao đồ, một chiếc va-li, tất cả của cải còn lại của họ, ở góc trái tem, hình vẽ một cây mất rễ, tượng-trưng những người tỵ-nạn, không còn nơi nương-tựa, được Liên-Hiệp-Quốc nâng đỡ. Nhật ấn: Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn.
*
Thống-Nhất
Giá tiền 0đ30-xanh lá cây đậm, xanh dương, nâu; 0đ50-rượu chát, vàng, xám; 1đ50-xanh dương đậm, xám. Số lượng: 0đ30- 1 triệu; 0đ50- 1 triệu; 1đ50- 1 triệu. Hình do họa sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành: ngày 20/07/1964 nhân ngày “Quốc-Hận” đánh dấu chia cắt lãnh thổ quốc-gia. Đề tài: Mẫu tem hình dung hai miền phân tách nhuộm hai mầu sắc riêng biệt, ở giữa là bản đồ Việt-Nam chia làm hai đoạn do một chiến tuyến rõ rệt. Hàng đầu phác họa chân dung một thanh niên cường tráng, biểu hiệu cho người dân miền Nam, giơ tay đón tiếp đồng bào miền Bắc, thân thể ốm yếu, quần áo tả tơi, cánh tay bị xiềng xích. Dấu đặc-biệt: a) Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn. b) Dấu cổ động tại các Bưu-cục lớn.
*
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève về Việt Nam được ký kết. Vĩ tuyến 17 đã là ranh giới chia đôi hai miền đất nước. Gần một triệu người miền Bắc đã rời bỏ quê hương di cư vào Nam.
Xin trích lại một số đoạn trong bài “Nhìn lại cuộc di cư 1954- 1955” của Giáo sư Nguyễn Văn Lục (nguồn: DCVOnline)
——————
Nay tôi nhìn lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh kỷ niệm quá khứ.
Như một cái vẫy cánh của một con chim xa tổ, đã lìa cành, nhìn lại.
Đó là thời đại của cuộc di cư không tiền khoáng hậu đã để lại dấu tích không phai nhòa trong mỗi mảnh đời…
… hình ảnh bà mẹ còn giữ lại chiếc đồng hồ quả lắc cũ treo trên tường cũng như những tấm phản đã mang vào miền Nam mà cho đến bây giờ, bà vẫn nằm trên đó. Hay hình ảnh đồng bào Thiên Chúa giáo xứ Kẻ Sặt còn mang theo quả chuông nhà thờ. Họ đã để lại hết, nhưng quyết đem cho bằng được quả chuông này tượng trưng cho niềm tin sắt đá của họ.
Và đó là tất cả phần đời của họ còn lại.
Sau nữa nhìn lại chiến dịch Operation Passage to Freedom của Hải quân Mỹ để thấy rằng không có chiến dịch này, cuộc di cư của gần một triệu người có thể không trọn vẹn…
Việc di cư ấy nói cho cùng chỉ là sự kéo dài tình trạng trốn chạy cộng sản mà không phải đợi đến Hiệp định Geneva, 1954. Ngay từ đầu thập niên 1950, phong trào tỵ nạn cộng sản đã thành hình dưới hình thức “phong trào nhập thành”, hay nói nôm na là phong trào “dinh tê”. Đã có bao nhiêu người tìm mọi cách dời bỏ khu “an toàn Phát Diệm”, thoát đi bằng đường biển, từ cửa Cồn Thoi, ra Hải Phòng vào những năm sau 1950? Và đã có bao nhiêu người có tiền bạc của cải đã chạy trốn vào Nam khi mà Hiệp định Geneva chưa thành hình?
Theo nhận xét của phần đông thủy thủ Mỹ, nhiều người di cư đem theo những thứ lỉnh kỉnh không có đáng một đồng xu. Như một cái chậu, một cái thùng bằng nhựa, một tay nải quần áo cũ. Những thứ lỉnh kỉnh không đáng gì. Phải, nothing, nhưng lại chính là gia tài của họ.
Sản nghiệp ra đi có khi không có gì, có khi chỉ là đôi tay nải. Nhưng lòng lại tràn ngập niềm tin tưởng.
Hình ảnh con tầu LST (*) rất quen thuộc đối với người tỵ nạn vốn chỉ dùng để chuyên chở xe tăng, vũ khí hạng nặng dùng để giết người, nay chở những con người tỵ nạn bất hạnh. Và đã có 26 chiếc. (Có tài liệu viết 74 chiếc là không đúng, vì tất cả số tầu của Hải quân Mỹ tham dự vào chiến dịch là 113 chiếc bằng nhiều chuyến hải trình Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn). Dù chỉ là chiếc tàu nhỏ, bình thường chở được 170 người, tối đa 700 người, nhưng trường hợp khẩn cấp, có thể chở đến cả 1000 người di cư. Các tầu LST có thể cập bến dễ dàng để vớt người tỵ nạn, sau đó có thể dùng để chở ra các tầu lớn. (Trích Operation Passage to Freedom, Ronald B. Frankum, Jr. trang 137)
Đó là những chiếc LST- 526, LST-803, LST-825, LST- 840 v.v… Nhiều bạn đọc có thể còn nhớ tên những chiếc tầu LST thân yêu này…
Các tầu há mồm LST là biểu tượng cho những con tầu chở người di cư
Những người di cư ấy đều quyết tâm, như thế mới đi được. Người ta nói đến cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân. Có đến gần 1 triệu đôi chân đã bỏ phiếu như thế. Đó là đôi chân trần, chưa hề biết xỏ chân vào đôi giầy, đôi dép. Họ là những người dân quê nghèo nàn, cơ cực.
Cũng không phải chỉ có đa số là người Thiên Chúa giáo di cư như đã có sự hiểu lầm từ trước đến giờ. Cuộc di cư 1954-1955 là của toàn thể dân chúng miền Bắc, Kinh có, Thượng có và đủ thành phần xã hội và tôn giáo.
Họ thuộc đủ loại người, đủ thành phần xã hội. Đồng bào các tỉnh miền Thượng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang (vốn là những nơi sào huyệt của Việt Cộng) cũng cùng với đồng bào Thượng ở Hòa Bình bỏ lại tất cả rừng núi quen thuộc lần mò về Hà Nội để vào Nam. Đã có hơn 10 ngàn người Nùng ở Hòn Gai được di cư dưới quyền Đại tá Sung. Có 2340 người Nùng gốc Tầu đi vào Nam ngày 02/09 trên tầu Montrose. Có chuyến tầu như Beauregard chở các người thuyền chài và gia đình họ mang theo cả dụng cụ đánh cá. Đặc biệt hơn cả, có những gia đình và có khi cả một làng ở trong các vùng do Việt Minh kiểm soát như Vinh, Nghệ An tìm cách trốn thoát khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Tỉ dụ dân chúng ở Ba Làng, huyện Tĩnh Gia tụ họp hơn 2 vạn người đòi di cư bị Việt cộng nã súng bắn giải tán.Tỉ dụ những người di cư ở Vinh đà trải qua bao gian nan, khốn khó mới tìm được con đường đi đến tự do. Sau này, họ tụ tập định cư trong khu vực Bình Giả, Bà Rịa.
Trên bước đường đi tìm Tự do, nhiều người đã lên được tàu, nhưng vì quá mệt mỏi, kiệt sức đã chết trên tầu.
Căn bệnh sốt rét và sự ốm yếu chung đã gây nên chết chóc cho nhiều người. Người ta nhận thấy rằng tình trạng cơ thể của người Việt Nam khi họ lên những chiếc tầu Mỹ thường là tuyệt vọng. Nhiều người Việt Nam đã phải đi những đoạn đường rất dài để đến trung tâm tiếp cư, thường là nguy hiểm cho chính bản thân họ và ít khi mà không có sự gian khổ. (Trích OPTF, trang 82).
Nhưng nếu tính chung tất cả cuộc di cư thì đã có 66 người di cư chết trên biển vì nhiều nguyên do, nhưng đồng thời ghi nhận có 184 trẻ sơ sinh trên các tầu chiến.
Và còn bao nhiêu người bỏ xác trên biển trên những bè mảng ghép vội vàng để đi tìm tự do?
Tình trạng đó cho thấy người di cư đã phải trả giá cho chuyến hành trình đi tìm tự do của họ.
…hình ảnh một bà cụ cõng cháu gái di cư, mang tương lai tuổi trẻ lên đường. Hay câu chuyện về những trẻ em Việt Nam thưởng thức món quà tự do. Đó là những chiếc kẹo Mỹ mà lần đầu tiên trong đời các em đã được ăn.
Henry Đỗ, một trong những đứa trẻ đã nhận ăn cái kẹo do người thủy thủ Mỹ cho năm 1954 viết lại như sau:
“I cannot forget the first moment I stepped onto a American ship to go to South Vietnam. A sailor handed me a candy, at the moment, I could not say thanks in English… Oh, my God, it was very very delicious. It was the best candy in the world. 21 year after, the sweet moment I meet the candy again at American soil…I can eat the candy anytime I want, but I didn’t eat many candy…I eat the candy only I want to remember the sailor and the ship that brought me and my family to the freedom land”. (Trích lại trong bài viết Passage to Freedom in Việt Nam của Gertrude Samuels, số tháng 6-1955)
Tôi không thể quên được cái giây phút đầu tiên tôi bước lên một chiếc tầu Mỹ để đi đến miền Nam Việt Nam. Người thủy thủ đưa cho tôi cái kẹo. Lúc ấy, tôi không nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh. Ôi, trời ơi! Ngon thật là ngon. Cái kẹo ngon nhất thế giới. Hai mươi mốt năm sau, cái giây phút dễ thương là khi tôi lại trông thấy kẹo ở đất Mỹ. Tôi có thể ăn kẹo bất cứ lúc nào tôi muốn, nhưng tôi không ăn nhiều kẹo đâu… Tôi ăn kẹo chỉ để muốn nhớ đến người thủy thủ và chiếc tầu đã đưa tôi và gia đình đến vùng đất tự do.
Có những cuộc chia lìa bà con, anh em, họ hàng, làng nước.
Cũng đành đoạn mà bỏ đi thôi. Nào ai muốn thế đâu? Sau này, liên lạc Bắc Nam giới hạn vào một tấm bưu thiếp in sẵn…
Bên cạnh những khổ đau, cuộc di cư ấy không thiếu những nét đẹp
Tôi vẫn thấy đẹp và ý nghĩa là câu chuyện do một anh thủy thủ người Mỹ tên John Ruotsala trên chiến hạm Montrose (*) kể lại như sau:
Khi bước lên tầu, các người di cư phải xịt thuốc DDT để diệt trừ chấy rận (1). Nhiều người di cư hoảng sợ vì phải cởi quần áo, nhất là phụ nữ. Trong đó có trường hợp một bé gái khoảng 9 tuổi bế đứa em khoảng 3, 4 tuổi. Thủy thủ Mỹ đã chẳng may xịt thuốc vào mắt đứa em 3 tuổi. Nó khóc, chị nó bình tĩnh dỗ dành em và lau mắt cho em. Sau đó như không có chuyện gì xảy ra, ôm em bước lên thang để lên tầu.
Câu chuyện có vẻ bình thường, nhưng lại là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc di cư này.
Nó cho thấy tình nghĩa đùm bọc của gia đình Việt Nam, cho thấy tình chị em, cho thấy tình người, cho thấy tình liên đới nhân loại vượt lên trên những dấu ấn chính trị vốn đè nặng lên tâm trí người tỵ nạn.
Trong số những người mới di cư vào Nam thì đến 60% là nông dân, 10% là dân thuyền chài. Còn lại trải đều cho công chức, sinh viên, thợ thuyền và người buôn bán.
Những người dân nghèo, 80%, ít học tưởng đi theo Việt Minh mới phải thì lại là thành phần đông đảo sợ hãi cộng sản nhiều nhất. Và đi nhiều nhất. Đi rất đông. Đi cả nhà. Và nhất là đi cả làng. Không phải một làng mà nhiều làng. 25 ngàn người trong cùng khu vực không hẹn mà cùng nhau bỏ ra đi.
*
Cuộc di cư 1954-1955 dưới mắt người Cộng sản
Không gì tức tối bực bội hơn cho chính quyền cộng sản là chiến thắng xong, đuổi được thực dân Pháp phải ra đi. Vậy mà vô lý thay gần một triệu người đã ùn ùn kéo nhau bỏ chạy cộng sản. Gần một phần mười dân số toàn miền Bắc đấy. (Miền Bắc gồm 12 triêu người và chiếm 60.900 dặm vuông, miền Nam 11 triệu người và chiếm 66.300 dặm vuông) Ngay những người dân trong vùng bị Việt Minh kiểm soát từ 1946 như Vinh, Nghệ Tĩnh càng lo bỏ chạy bán sống bán chết. Họ phải hiểu tại sao chứ? Họ phải làm gì để hàng triệu người đã trốn chạy như vậy? Phải có một câu trả lời chứ?
Nhưng họ cố tình không cần biết điều ấy và tìm cách bôi nhọ hình ảnh cuộc di cư 1954-1955.
Vì thế, họ đã cho xuất bản cuốn sách: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam, Hà Nội. Sự thật của họ không phải là sự thật của người di cư. Cuốn sách này không dễ mấy ai còn giữ lại. Nhưng nó được tuồn sang Pháp. Sau này, ông linh mục, giáo sư Trần Tam Tỉnh, dạy ở tỉnh bang Québec, Canada đã dùng tài liệu này viết một cuốn sách rất bôi bác và tồi tệ về cuộc di cư này, đó là cuốn Dieu et César. Les catholiques dans l’histoire du Việt Nam, Rome ngày 19/05/1975. Vương Đình Bích, môt linh mục nữa đi theo cộng sản mà tôi gọi là một trong bọn Tứ nhân bang đã chuyển ngữ ra tiếng Việt và đã đổi nhan đề cuốn sách thành:Thập giá và lưỡi gươm. Vương Đình Bích cũng bỏ không dịch câu: Les catholiques dans l’histoire du Viet Nam. Sự tùy tiện của Vương Đình Bích còn thấy ở phần cuối cuốn sách. Ông đã bỏ phần Bibliographie selective của tác giả. Ông tự nhét thêm bài viết của Nguyễn Quang Huy, trưởng ban tôn giáo chính phủ về vấn đề phong thánh vốn chẳng ăn nhập gì với cuốn sách Dieu et Cézar. Đồng thời cho in bức thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam 1986. Phần ông Trần Tam Tỉnh, trong lời nói đầu của cuốn sách, ông đã viết:
Ce livre écrit avec amour par un des membres fidèles, de cette église catholique vietnamienne, n’a autre ambition que de présenter la vérité historique. Cuốn sách này được viết ra do một trong những đứa con trung thành của giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam, không có một tham vọng nào khác ngoài việc trình bày sự thật lịch sử.
(Trích Dieu et César, Trần Tam Tỉnh, trang 13)
Nay thì chúng ta thử tìm hiểu xem, căn cứ vào cuốn sách để thứ tìm hiểu thứ lịch sử mà ông Trần Tam Tỉnh đưa ra là thứ lịch sử nào, một thứ lịch sử sao chép theo tài liệu của cộng sản Hà Nội trong cuốn: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam?
Và đây là những sự thật dưới mắt Hà Nội:
- Có những tin đồn rằng quân Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc.
- Đức mẹ được giao chức năng chính trị là để giải thoát những kẻ tôn sùng ngài.
- Chúa Ki tô đã đi vào Nam.
- Đức mẹ đã rời bỏ Bắc việt. Trong tập Passing the Torch, một trong những tuyển tập gồm 18 cuốn cũng nêu ra một nhan đề như sau: “The Blessed Virgin is moving South”, trích trang 95 (Đây là một vài khẩu hiệu mà ngày nay đọc lại người viết không mấy làm thích thú. Những khẩu hiệu này do đại tá Edward Lansdale in và phổ biến chung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Sau này đại tá Lansdale được giải thưởng: Distinguished Service Medal on January 8, 1957. Ông là người trực tiếp chỉ huy những chiến dịch tâm lý chiến vào giữa thập niên 1950, Psychological war-fare projects).
- Lời một nhân chứng: Tôi không cầm nổi nước mắt, họng tôi nghẹn ngào, trí óc ghi sâu bức tranh thảm cảnh di cư đó của những con người vô tội bị giật lôi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi bị bốc lên xe, chở đi và bị đối xử chẳng khác nào những súc vật người ta chở tới lò mổ. Một bầu khí rất nặng nề, còn những người ở lại thì nín bặt không dám nói ra, vì chắc là sợ bị trả thù bởi những tay bạo chúa tổ chức di cư.
- Một tổ chức phá hoại có hệ thống tại Hà Nội trước khi quân Pháp rút đi, chẳng hạn sẽ làm hỏng kho dầu xe buýt, phá hư các máy móc và đặt mìn đánh sập chùa Một cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo có từ hằng trăm năm.
- Giám mục Phát Diệm, Lê Hữu Từ thì nhảy lên chiếc ca nô cuối cùng của quân Pháp đang rời cảng, bỏ quân lính của ông tại chỗ. Một vài tên thấy giám mục mình hành động hèn nhát như thế, bèn nổi giận đến nỗi lấy lựu đạn ném theo ông.
- Bị các linh mục lôi kéo vào cuộc mạo hiểm nhục nhã và bi đát này, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi do sự phản bội của quân Pháp.
- Việc Đức mẹ hiện ra: một linh mục đã dàn dựng mặc áo Đức mẹ cho một thiếu niên và đã cho em đứng vào sau bàn thờ Đức mẹ Fatima. Trước mấy cây nến lung linh, một vài nhà “đạo đức” coi đó là Đức mẹ hiện ra, nói với họ một giọng dịu dàng nhưng minh bạch rằng, phải từ bỏ đất Cộng sản với bất cứ giá nào, mà tìm lánh sang vùng đất tự do, Đức mẹ sắp bỏ miền Bắc. (Trích dẫn tóm tắt Thập giá và Lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, từ các trang 101-112)
(…)
Bên cạnh đó là những tin đồn mà các thủy thủ Mỹ thu lượm được qua những người di cư kể lại lúc lên tầu do Việt Minh tung ra như sau:
- Người Mỹ cắt tay của trẻ sơ sinh và quẳng đàn bà xuống biển, còn đàn ông thì bắt đi làm cao su cạo mủ tại các đồn điền cao su.
- Tầu há mồm ra đến biển thì há mồm ra, rồi xô đẩy người ta xuống biển.
- Với những áp lực đủ kiểu, nhờ một lối tuyên truyền xảo trá, tạo ra một cơn hốt hoảng tinh thần nơi dân chúng công giáo.
- Một khi bầu khí hoảng loạn thì mạnh ai nấy chạy, trong khi đó từng toán xe tải nhà binh tiến vào các làng để bốc hốt đi thật nhanh, kể cả dùng bạo lực cưỡng ép tất cả dân chúng.
Giáo sư Nguyễn Văn Lục (nguồn: DCVOnline)
————
Một số hình ảnh về Cuộc di cư 1954- 1955 (nguồn: internet)
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.

.
.
.
.
.
.
—————-
(*) LST: Landing Ship Tank, tầu đổ bộ xe tăng- dùng để chuyên chở xe tăng, xe cộ… còn được gọi nôm na là tầu há mồm.



Đi cùng Thánh Giá sang phía Tự Do - Kỷ Niệm 60 Năm Di Cư


Ðể tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000 người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và người hành nghề tự do. Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư tổng số trên 100,000 người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao Nguyên Trung Phần.

Tại những nơi này, Nha Ðịnh Cư thiết lập các trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ... Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy Ban Ðịnh Cư tỉnh được thành lập do tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.

Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô la là chi phí chuyên chở của tàu Hải Quân Ðặc Nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô la mỗi đầu người.

Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết. Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi Tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000 dân bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn.

Nhờ sự giúp đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của Ðại Học Michigan, các dự án mới được thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trại này có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ Dầu Một không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá. Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Ðây là bước đầu của giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư. Số dân do chính phủ định cư được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau:

NAM PHẦN (14 tỉnh):


Ba Xuyên, 1 trại, 780 người
Phong Dinh, 3 trại, 10,683 người
Kiên Giang (Cái Sắn), 15 trại, 42,145 người
An Giang (*)
Vĩnh Long, 6 trại, 2,803 người
Kiến Hòa, 11 trại, 12,268 người
Ðịnh Tường, 10 trại, 9,036 người
Long An, 9 trại, 14,108 người
Phước Tuy (Bà Rịa), 20 trại, 26,241 người
Ðô thành Sài Gòn, 12 trại, 24,925 người
Gia Ðịnh, 37 trại, 110,339 người
Biên Hòa, 56 trại, 107,947 người
Bình Dương, 12 trại, 16,353 người
Tây Ninh, 14 trại, 15,726 người
Tổng cộng: 206 trại, 393,354 người

TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Nguyên):

Quảng Trị, 11 trại, 9,251 người
Thừa Thiên, 11 trại, 5,700 người
Ðà Nẵng, 5 trại, 7,917 người
Quảng Nam, 4 trại, 462 người
Bình Ðịnh, 1 trại, 275 người
Khánh Hòa, 6 trại, 4,608 người
Phú Yên, 2 trại, 1,129 người
Ninh Thuận, 1 trại, 312 người
Bình Thuận, 18 trại, 31,430 người
Tổng cộng: 59 trại, 61,094 người

NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên):

Ðồng Nai Thượng (Blao), 8 trại, 12,796 người
Ðà Lạt, 18 trại, 15,456 người
La Ngà I và II, 5 trại, 6,770 người
Ban Mê Thuột, 15 trại, 14,725 người
Pleiku, 4 trại, 4,804 người
Tổng cộng: 50 trại, 54,551 người
(*) Số trại và số người định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, “Cuộc Di Cư Lịch Sử tại Việt Nam,” trang 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sáp nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. 

Ngoài các thành phần kể trên, Nha Ðịnh Cư còn tổ chức những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao Nguyên miền Nam cho đồng bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:

Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình Thuận.
Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku.
Một trại người Mán ở Ban Mê Thuột.
Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Ðà Lạt.

Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh, tỉnh Biên Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người Công Giáo. Chỉ trong vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới 240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường sá và khai quang những vùng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm (3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống Công Giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc ban đầu để trở thành khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề.

Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như sau:

NAM PHẦN:

Diện tích đã khẩn hoang: 30,565 ha
Diện tích đã cấy lúa: 21,057 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 7,973 ha

TRUNG PHẦN:Diện tích đã khẩn hoang: 3,630 ha
Diện tích đã cấy lúa: 1,750 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 1,870 ha

CAO NGUYÊN:
Diện tích đã khẩn hoang: 3,996 ha
Diện tích đã cấy lúa: 823 ha
Diện tích đã trồng tỉa: 3,100 ha

Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku được thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải Cách Ðiền Ðịa, Canh Nông, Công Chánh, Xã Hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế và xã hội.

Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng 12, 1955, là thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500 gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành vườn ruộng phì nhiêu. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc Tế, giúp đỡ tổ chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và trụ sở sinh hoạt cộng đồng.

Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.

Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại cao nguyên Nam Trung Phần tập trung trong vùng Ðà Lạt, Pleiku, Ban Mê Thuột cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học, bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để trồng trọt. Ðến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi tháng được 24 tấn rau đủ loại.


Ngày 23 tháng Bảy 1954, hai ngày sau khi bản thỏa hiệp đình chiến được ký kết tại Genève, Thủ tướng Pháp Mendès France ra trước Quốc Hội để báo cáo về kết quả hội nghị. Khi nhắc đến một điều khoản trong bản thỏa hiệp cho phép dân chúng ở Việt Nam được tự do lựa chọn nơi cư trú của mình giữa hai miền Nam, Bắc, ông nói: > Phần 1, 2, 3, 4, 5 … Nếu chúng tôi không đòi được những đảm bảo đầy đủ cho điểm thỏa thuận này thì những cuộc thương thuyết ắt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đã đòi rằng bất cứ người nào ở vùng bên này hay bên kia tin rằng mình sẽ gặp nguy hiểm tại nơi cư trú hiện thời phải được phép di chuyển sang bên mà người đó nghĩ rằng mình sẽ được an toàn hơn. Đây là lần đầu tiên một điều khoản về di chuyển như vậy —điều quan trọng trong một nước bị phân chia thành nhiều chủng tộc và tôn giáo và là nơi đáng lo ngại sẽ có những vụ trả thù— đã được chấp thuận bởi một nhà nước cộng sản.1 Ở chương Bốn, chúng ta đã thấy Mendès France là một chính khách có biệt tài và là nhà thương thuyết thành công nhất tại hội nghị Genève vì đã đạt được gần như hoàn toàn những điều mong muốn của nước Pháp trước một tình thế tuyệt vọng về quân sự ở Việt Nam. Nhưng qua lời tuyên bố trên đây, chúng ta thấy ông vẫn còn quá lạc quan khi tỏ vẻ hãnh diện và tin tưởng đối với những điều lần đầu tiên được thỏa thuận bởi những người cộng sản. Mendès France quả đã thành công khi đạt được điều thỏa thuận này nhưng thay vì ngủ yên trên thành quả ấy, đáng lẽ ông đã phải kèm theo một cơ chế đảm bảo cho việc tôn trọng bản thỏa thuận với những biện pháp đối phó mau chóng và cụ thể của quốc tế trong những trường hợp vi phạm việc người dân Việt Nam được tự do chọn lựa nơi cư trú. Mặc dù cơ chế đảm bảo này chưa chắc đã có hiệu lực trong việc tôn trọng các thỏa thuận, ít ra nó cũng có khả năng ngăn ngừa được một số trường hợp vi phạm. Điều kiện đòi hỏi của Mendès France chính là để thỏa mãn một điểm trong bản thông cáo chung bảy điểm của Eisenhower và Churchill tại Washington DC ngày 29.06.1954 đã được nói đến trong chương Bốn trên đây. Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh quốc đã tiên liệu sẽ có một cuộc di cư lịch sử ở Việt Nam như một hậu quả tất nhiên của việc chia đôi đất nước. Do đó, điểm số 6 trong bản thông cáo chung đã ấn định một trong những điều kiện để Pháp có thể thỏa hiệp tại hội nghị Genève là “cho phép tất cả những người muốn dời đổi nơi cư trú từ một vùng này sang một vùng khác ở Việt Nam được di chuyển trong những điều kiện bình an và nhân đạo dưới sự kiểm soát của quốc tế.” Điều kiện này được xác nhận bởi Điều 14 (d) trong bản thỏa hiệp đình chiến ký ngày 21 tháng Bảy với lời lẽ như sau: “Kể từ ngày bản Thỏa hiệp này có hiệu lực cho đến khi cuộc chuyển quân được hoàn tất, bất cứ những người dân nào ở trong một khu vực do một bên này kiểm soát muốn dời sang sống trong khu vực đã được chỉ định cho bên kia thì chính quyền sở tại phải cho phép và giúp đỡ họ di chuyển.” Điều kiện này được nhắc lại một lần nữa trong bản Tuyên cáo chung của những nước đã ký tên trên thỏa hiệp Genève, nhấn mạnh rằng những điều thỏa thuận “phải được triệt để thi hành”. Thời hạn hoàn tất cuộc chuyển quân, được ấn định bởi Điều 2 trong bản Thỏa hiệp đình chiến, là 300 ngày. Ở miền Bắc, Pháp sẽ tập trung quân tại ba địa điểm và lịch rút quân được ấn định như sau: ngày rút hết quân ra khỏi Hà Nội là 11 tháng Mười, Hải Dương là 31.10 và Hải Phòng, địa điểm cuối cùng, là 19.05.1955. Trên nguyên tắc, chính quyền ở các nơi có nhiệm vụ thông báo cho dân chúng địa phương biết tất cả những tin tức này và phải giúp đỡ mọi sự dễ dàng cho những người quyết định dọn tới hay rời khỏi nơi đó. Khi nói “bất cứ người nào” cũng được tự do di chuyển trong thời hạn ấn định, bản thỏa hiệp đã dự liệu bảo vệ sự an toàn cho những người có thể bị trả thù vì lý do chính trị. Bởi thế, Điều 14 (c) đã ghi rõ việc đôi bên phải “cam kết không hành động trả thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những người hay tổ chức nào căn cứ vào những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh.” Thật ra, trong những năm chiến tranh đã có những cuộc tản cư của dân chúng từ Hà Nội và một số thành phố về miền quê để tránh các cuộc xung đột giữa quân Pháp với dân quân tự vệ và bộ đội Việt Minh trước khi những lực lượng này rút ra khỏi thành phố. Mấy tháng sau, vì chiến tranh lan tới các vùng quê và Pháp cho phi cơ đi oanh kích những nơi tình nghi có quân kháng chiến trong khi đời sống ở các thành phố do Pháp kiểm soát đã được bình thường, dân chúng bắt đầu trở về thành để lo việc làm ăn. Từ giữa năm 1948, sau khi Pháp công nhận Việt Nam độc lập và Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Bảo Đại cầm đầu thì số dân hồi cư về thành càng ngày càng đông. Một số dân ở vùng kháng chiến cũng chạy về vùng quốc gia để lánh nạn. Còn ở lại kháng chiến là những thanh niên, sinh viên và những người yêu nước không đảng phái, đáp lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh từ lúc đầu, đã gia nhập bộ đội chiến đấu hoặc phục vụ trong các cơ quan hành chính, hay tham gia công tác thông tin văn nghệ vận động quần chúng chống Pháp. Một số người này sau trở thành đảng viên có điều kiện thăng tiến, một số bất mãn với các biện pháp cách mạng cộng sản nên tìm cách bỏ về thành, một số khác mắc kẹt luôn với chính phủ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng và đất nước chia đôi. Như vậy từ những năm trước hội nghị Genève đã có dân tị nạn từ vùng Việt Minh về vùng quốc gia. (Theo thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc, họ là dân “di tản nội địa” với tiềm năng là “tị nạn” như được định nghĩa dưới đây). Khu vực từ Hà Nội đi ra biển với ba địa điểm chính là Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng được gọi là “hành lang tự do”. Khi hội nghị còn đang họp thì ở miền Bắc lại xảy ra một biến cố quan trọng ở vùng Bùi Chu, Phát Diệm là khu vực tự trị của dân công giáo. Vùng này từ lâu vẫn được quân đội Pháp bảo vệ bỗng nhiên bị tướng Navarre bỏ rơi bằng quyết định rút quân về củng cố vòng đai thủ đô. Lập tức bộ đội Việt Minh kéo tới chiếm đóng, nhiều lần đụng độ với các đoàn tự vệ công giáo khiến cho dân chúng phải bỏ chạy. Để dễ tổ chức di tản tập thể, họ tập trung tại một số địa điểm trong vùng, nhờ vậy hàng ngàn người đã tới được “hành lang tự do”. Chẳng bao lâu những địa điểm tập trung này bị Việt Minh phong tỏa, nhiều người bỏ trốn bị bắt, giam cầm và hành hạ. Mặc dầu vậy, nhiều người vẫn tìm được cách vượt thoát. Trước ngày ký hiệp định Genève, con số tị nạn từ các nơi kéo về được phỏng định là 25,000 người ở Hà Nội, 15,000 ở Hải Phòng và 5,000 trong vùng Kiến An-Hải Dương. Dọc đường, người tị nạn choán hết các nhà ga, bến xe, bến tàu và dựng lều ngủ ở giữa đồng, ở Hà Nội, Nhà Hát Lớn Thành Phố và Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội cũng đầy người tị nạn, tràn ngập cả lối đi. Tị Nạn hay Di tản nội địa? Trước khi tìm hiểu quá trình tị nạn và định cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954-1955, có một vấn đề chính danh cần được xem xét. Khi còn hoạt động về tị nạn, trong một buổi họp mặt với một số đồng nghiệp thuộc các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) và đại diện Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tôi có nhắc đến cuộc tị nạn 1954 ở Việt Nam. Một người trong nhóm lập tức nhận xét là tôi đã dùng sai từ ngữ và đính chính rằng những người Bắc di cư đó không phải là refugees (tị nạn) mà là internally displaced people (tạm dịch là “di tản nội địa”, thường được gọi tắt là IDPs.) Tôi giải thích tại sao tôi dùng đúng từ ngữ “tị nạn” và đã thuyết phục được các đồng nghiệp hiện diện. Nói một cách đơn giản, theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, chỉ những người đã ra khỏi biên giới của nước mình để tị nạn ở một nước khác thì mới được gọi là tị nạn, nếu chỉ đi lánh nạn từ nơi này sang nơi khác ở trong nước thì được gọi là di tản nội địa. Căn cứ vào những định nghĩa tổng quát ấy và nhìn vào bề ngoài của cuộc di cư 1954 ở Việt Nam thì những người dân từ Bắc vào Nam lánh nạn sau thỏa hiệp đình chiến Genève không phải là người tị nạn. Hãy so sánh hai định nghĩa chuyên môn và chính thức của Liên Hiệp Quốc để thấy rõ hơn sự phân biệt giữa “tị nạn” và “di tản nội địa”: Tị nạn là “người nào, do nỗi lo sợ có cơ sở vững chắc là bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội hay chính kiến đặc biệt, ở ngoài xứ sở quốc tịch của mình và không thể hoặc, vì nỗi lo sợ như vậy, không muốn sử dụng quyền được bảo vệ bởi xứ sở đó; hoặc người nào, vì không có quốc tịch và đang ở bên ngoài xứ sở thường trú trước kia của người đó, không thể hoặc, vì nỗi lo sợ như vậy, không muốn trở về xứ sở đó.”2 Di tản nội địa là “những người hay những nhóm người bị bắt buộc phải bỏ chạy hay phải rời khỏi gia cư hay địa điểm thường trú của họ do hậu quả của, hay đặc biệt vì muốn tránh, những tác hại của xung đột vũ trang, những tình trạng bạo động đã lan rộng, những vụ vi phạm nhân quyền hay những tai họa do tự nhiên hay do loài người gây ra, và chưa vượt qua một biên giới được quốc tế công nhận.”3 Căn cứ vào hai định nghĩa này, dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 chính là người tị nạn vì họ có ít nhất là một lý do vững chắc để lo sợ bị ngược đãi (trong nhiều trường hợp, đã bị ngược đãi), và vì nỗi lo sợ đó không muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của chính quyền cộng sản, và cũng vì nỗi lo sợ đó, không thể trở về nơi cư trú cũ của họ. Ngoài ra, nước Việt Nam đã bị chia làm hai vùng lãnh thổ có đường biên giới cấm vượt qua, được quyết định bởi một hội nghị quốc tế. Thực tế là có hai nước Việt Nam với hai chính quyền và hai chính thể chống đối nhau. Sau hết, những dân di cư tị nạn này không phải là di tản nội địa vì họ không di tản tạm thời trong lúc đang có chiến tranh mà dời đổi nơi cư trú sau khi chiến tranh chấm dứt. Mặc dầu đã có từ lâu, dân di tản nội địa (IDPs) được nói đến nhiều nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, thường do những cuộc tranh chấp về tôn giáo, chủng tộc và vi phạm nhân quyền mộí cách có hệ thống, mạnh mẽ nhất vào những năm đầu thập kỷ 1990. Chẳng hạn như vụ dân Hutus tàn sát người Tutsis ở Rwanda (500,000 người bị giết chỉ trong vòng vài tháng) hay những vụ “thanh tẩy chủng tộc” (ethnic cleansing) ở Bosnia-Hercegovina với tổng số trên 200,000 người thiệt mạng. Riêng hai cuộc chiến này vào những lúc cao điểm đã gây ra trên 4 triệu dân di tản. Sự phân biệt về định nghĩa giữa dân “tị nạn” và “di tản nội địa” là một vấn đề tranh cãi gay go giữa các chính trị gia và những người tranh đấu cho nhân quyền. Đối tượng của cả hai định nghĩa đều là nạn nhân của bạo loạn hay tai họa và đều có những nhu cầu giống nhau cần được đáp ứng một cách nhân đạo. Điểm tranh cãi là vấn đề trách nhiệm bảo vệ các nạn nhân, thuộc quốc gia có chủ quyền hay thuộc cộng đồng quốc tế? Nếu chính nhà cầm quyền của một nước là nguyên nhân của những vụ tàn sát và vi phạm nhân quyền thì họ thường từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài, và quốc tế khó có thể bảo vệ dân chúng ở quốc gia đó. Có chính phủ lại đổ trách nhiệm cho những nhóm chống đối ở trong nước và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế với ý đồ chiếm đoạt hay giành lấy phần lớn sự giúp đỡ ấy cho bè phái của mình. Nghĩ cho kỹ, sự phân biệt “tị nạn” và “di tản nội địa” có một lý do rất thực tế là các quốc gia phát triển không muốn và cũng không thể thâu nhận nhiều người tị nạn. Khuynh hướng chung của các nước trong vài thập kỷ gần đây là hạn chế di dân và tị nạn đến mức tối đa. Nói như Janie Hampton, vào thời điểm cuối thập kỷ 1990, “nếu tính tất cả mọi người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn vì bất cứ lý do gì thì con số dân di tản trên thế giới lên đến trên 100 triệu người”4 trong khi còn có khoảng 20 triệu người tị nạn ở nhiều nơi mà tình trạng chưa được giải quyết. Bởi thế, ngoài việc chống lại chính sách hạn chế dân tị nạn, phải có những giải pháp thích hợp cho từng trường hợp có biến động gây nên tình trạng tị nạn hay di tản nội địa. Trong trường hợp Việt Nam, hai cuộc chiến tranh 1945-1954 và 1956-1975 đã thường xuyên gây ra những vụ dân chúng phải rời bỏ nhà cửa ruộng nương của mình đi nơi khác để tránh bom đạn và khủng bố. Riêng trong cuộc chiến ở miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, Guenter Lewey ghi nhận số dân di tản nội địa (mà ông gọi là tị nạn) trong khoảng từ 1964 đến 1969 lên tới 3 triệu rưởi, tức là hơn 20 phần trăm dân số miền Nam hồi đó.5 Tiếp theo cuộc triệt thoái cao nguyên rất hỗn loạn hồi tháng Ba 1975, hơn một tháng trước khi Saigon sụp đổ, số dân di tản nội địa lại lên cao hơn nữa. Như đã thấy, trường hợp ngót một triệu dân di cư từ Bắc vào Nam sau thỏa hiệp đình chiến Genève 1954 không nằm trong định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về dân di tản nội địa như tất cả những truờng hợp biến động kể trên. Những người Việt Nam bỏ chạy chính thể cộng sản ở miền Bắc trong thời hạn 300 ngày của 1954- 1955 để làm lại cuộc đời dưới chính thể quốc gia ở miền Nam đích thực là những người tị nạn theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, lịch sử tị nạn Việt Nam ở thế kỷ XX không thể bỏ sót trường hợp tị nạn 1954. Trong thời điểm 1954-1955, vấn đề thông tin giữa các thành phố và các tỉnh nhỏ hay miền quê còn rất chậm chạp và khó khăn. Hệ thống điện thoại, phát thanh và ngay cả báo chí chưa về đến các làng xã hay miền núi. Đường xá và các phương tiện giao thông vận tải còn rất khó khăn vì sau những trận ném bom của máy bay Mỹ từ thời Thế Chiến II, các trục lộ giao thông lại tiếp tục bị tàn phá thêm do xe tăng của Pháp và những hoạt động phá cầu cắt đường trong lúc kháng chiến. Ngoài ra, chính quyền VNDCCH chỉ phổ biến những tin tức thích hợp với mục đích tuyên truyền có lợi cho chính phủ, Những tin tức về việc xứ sở bị chia đôi và quyền di tản của người dân thường không được nhắc đến, hoặc mỗi khi cần phải loan báo đều luôn luôn đi kèm với những lời bình luận theo quan điểm của nhà nước. Đến tháng Chín, những tấm bích chương và tờ bướm thông tin về vấn đề tự do di tản mới in xong, được ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến trao cho chính quyền ở cả hai bên để phổ biến cho dân chúng nhưng không được chính quyền VNDCCH sử dụng.6 Trong khi đó chính quyền Pháp và QGVN không có điều kiện đưa tin về những vùng do Việt Minh kiểm soát ngoài việc rải một số truyền đơn bằng máy bay của Pháp, một phương tiện không mấy hiệu nghiệm vì dễ bị phản tuyên truyền về mặt tâm lý và chính trị. Hầu hết dân tị nạn từ những nơi khác nhau tới được các địa điểm tạm trú trước khi vào Nam là nhờ hệ thống thông tin truyền miệng lan tràn nhanh chóng trong dân chúng. Hiệu lực nhất là công tác thông tin trong cộng đồng công giáo nhờ có hệ thống liên lạc chặt chẽ trong nội bộ đã có sẵn từ trước. Hai phần ba dân công giáo miền Bắc lại tập trang ở những tỉnh lân cận với “hành lang tự do” nên nhận được tin tức đầy đủ và mau chóng hơn dân chúng ở những nơi khác. Đó là lý do thực tế cho thấy tại sao đa số dân di cư là người công giáo, bên cạnh bản chất chống cộng kịch liệt của tôn giáo này ở Việt Nam. Những dân di cư không phải người công giáo là những người thuộc các đảng phái hay khuynh hướng chính trị chống cộng sản, những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay chính phủ quốc gia, hoặc đã có ít nhiều kinh nghiệm trực tiếp hay gián tiếp với chế độ Việt Minh trong thời kháng chiến, thành phần tư sản và tiểu tư sản thành thị, những gia đình ở nông thôn lo sợ sắp trở thành nạn nhân của chính sách cải cách ruộng đất và một số nông dân nghèo phải đóng thuế cao hoặc bị thúc đẩy làm dân công kháng chiến. Đặc biệt là có một số người dân tộc thiểu số theo quân đội Pháp chống Việt Minh đã cùng với gia đình được đưa vào Nam định cư. Những gia đình sắc tộc này gồm có khoảng 45,000 người Nùng từ Móng Cái và hơn 2,000 người Thái, Mèo (nay gọi là Hmong) từ Sơn La và Điện Biên Phủ. Thực tình mà nói, việc VNDCCH bất mãn vì phải chấp thuận những điều khoản trái với ý muốn của mình là phe đang thắng thế, nhất là điều 14 (d) của thỏa hiệp Genève, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng từ đó đi đến chỗ vi phạm thỏa hiệp một cách trắng trợn kể cả việc sử dụng bạo lực thì không thể không chỉ trích được. Như ta đã thấy, điều 14 (d) của thỏa hiệp không những cho phép dân chúng được tự do chọn lựa nơi cư trú trong thời hạn ấn định mà còn nói rõ rằng các nhà chức trách địa phương phải giúp đỡ cho họ di chuyển được dễ dàng. Trong thực tế, để ngăn chặn làn sóng người “bỏ phiếu bằng chân”, chính quyền VNDCCH đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ thuyết phục đến cản trở, đe dọa hay bạo lực. Nhiều quan sát viên và phóng viên ngoại quốc đã tường thuật vô số chuyện vi phạm thỏa hiệp rất ngang nhiên và tàn nhẫn đồng thời cho thấy sự bất lực và thái độ thiếu trách nhiệm của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (UHQT). Trước khi nói đến những vụ vi phạm điều 14 (d) của hiệp định Genève, cần phải nhắc lại đầy đủ hai điều khoản khác, 14 (c) và 21, liên quan trực tiếp đến trường hợp “bất cứ người dân nào” muốn di tản “thì chính quyền đia phương cũng phải cho phép và giúp đỡ di chuyển”: Điều 14 (c): Mỗi bên cam kết không hành động trả thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những ngưới hay tổ chức nào căn cứ vào những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, đồng thời cũng cam kết bảo đảm mọi quyền tự do dân chủ của họ. Điều 21: Việc phóng thích và hồi hương tất cả những tù binh và thường dân bị giam giữ của mỗi bên vào lúc Thoả hiệp này có hiệu lực phải được thi hành theo các điều kiện sau đây: (a)Tất cả những tù binh và thường dân người Việt Nam, Pháp hay quốc tịch khác bị bắt giữ từ những ngày đầu cuộc chiến trong khi hành quân hay trong bất cứ trường hợp chiến tranh nào khác, và ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải được thả tự do trong vòng 30 ngày sau ngày đình chiến có hiệu lực ở mỗi bên. (b) Từ ngữ “thường dân bị giam giữ” có nghĩa là tất cả những người đã tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị hay vũ khí giữa đôi bên, dưới bất cứ hình thức nào, và vì thế đã bị bắt và giam giữ bởi mỗi bên trong thời gian chiến tranh. (c) Tất cả những tù binh và thường dân bị mỗi bên giam giữ phải được trao trả cho nhà chức trách thích hợp của mỗi bên, và những giới hữu trách này phải giúp họ bằng mọi cách có thể được để cho họ trở về nguyên quán, về trú sở quen thuộc của họ, hay đi tới vùng mà họ lựa chọn. Theo các giới quan sát, cả hai điều 14 (c) và 21 trên đây đều không được phía VNDCCH thi hành đốì với một số tù binh người Việt Nam và rất nhiều thường dân người Việt Nam hay ngoại quốc. Một bản tin của Linh mục Patrick O’Connor từ Hà Nội điện về cho tổ chức National Catholic Welfare Conference ở Washington, DC, ngày 5 tháng Mười, 1954 thuật lại: “Hai điều vi phạm hiển nhiên của Việt Minh mà ai cũng biết là: giữ lại những người bị bắt giam mà họ đã thỏa thuận thả ra trong vòng 30 ngày (tức là đến 20.8), và ngăn chặn sự ra đi của những người Việt Nam muốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát… Thật ra, mãi đến tuần lễ thứ nhì của tháng Chín, Việt Minh mới thả một số tù binh. Những thường dân Việt Nam đầu tiên được thả vào ngày 15 tháng Chín, vẫn còn vào khoảng 30,000 người chưa được biết rõ số phận. Tới ngày 1 tháng Mười, Việt Minh vẫn chưa thả Đức Ông Jean Amaud, chánh xứ Thakhek và ba linh mục Pháp cùng bị bắt với Ngài…”7 ở đây không cần nói nhiều đến chuyện vi phạm những điều 14 (c) và 21 mà chỉ cần nhắc đến một số nhân chứng khác trong mấy tháng đầu thi hành hiệp định Genève như: Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield đi quan sát ba xứ Đông Dương trong tháng Mười 1954, các ký giả Robert Martin (U.S. News & World Report), Yves Desjacques (Le Figaro), những bài tường thuật trong các báo Christian Science Monitor, Journal d’Extrême-Orient, New York Herald Tribune, New York Times, Osservatore Romano và những bản tin của Junior Chamber of Commerce từ Manila, U.S.I.S. và Vietnam Press từ Sài gòn. Trở lại điều 14 (d), có quá nhiều tin tức về những vi phạm trầm trọng và bi thảm mà ở đây cũng chỉ cần kể lại một số hành động điển hình: Gây hoang mang lo sợ trong đầu óc những người muốn di cư vào Nam bằng cách phao các tin đồn như : Pháp bắt dân vào làm phu đồn điền cao su, đàn bà bị hãm hiếp, trẻ con bị đem đi bán, giặc Pháp và Mỹ hung ác trả thù Việt Nam bằng cách đổ người xuống biển khi tàu ra tới ngoài khơi, v.v… Đối tượng của việc tuyên truyền này là dân nghèo và ít học. Không cấp hoặc trì hoãn việc cấp giấy phép di chuyển cho những người ở trong vùng do Việt Minh kiểm soát. Ngăn cấm hoặc làm khó dễ việc bán nhà cửa, ruộng nương của những người chuẩn bị ra đi. Dọa sẽ bắt giữ hay ngược đãi thân nhân còn kẹt lại của những người ra đi. Không cung cấp phương tiện chuyển vận và gây cản trở cho việc di chuyển của dân di cư trên đường bộ cũng như đường thủy. Hành hung người ra đi ở các bến xe, nhà ga hay bến tàu. Kiếm cớ bắt giữ chủ gia đình để điều tra hay bắt cóc trẻ em trong gia đình khiến cả nhà phải ở lại. Giật mìn hay nổ súng vào các xe cộ, bắn phá hoặc đánh chìm những tàu thuyền chở người tị nạn. Trong một điện văn gửi cho Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết ngày 29.10.1954, Cao ủy Pháp ở Saigon cho biết một số chi tiết đặc biệt của tình hình giáo dân tị nạn và những vụ vi phạm của nhà cầm quyền cộng sản: Từ đầu tuần vừa qua, các phi cơ thám sát của hải quân đã thấy trên những bãi cát dọc theo bờ biển có nhiều nhóm dân đánh cá ra dấu hiệu. Hải quân được tin đã cho tàu tuần tiễu tới cứu giúp. Khi tới gần duyên hải Bùi Chu và Phát Diệm, hải quân đã thấy hiện ra trên mặt biển đầy rẫy các thuyền bè đủ loại. Các giới thạo tin ở Hải Phòng cho hay là Việt Minh đã ngăn cấm thuyền đánh cá ra khỏi hải phận, tức là ba hải lý. Hơn nữa, tại hàng trăm địa điểm miền duyên hải, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt dân chúng phải di cư lui vào nội địa nhiều cây số… Từ cuối tháng Bảy, hơn 20,000 dân tỉnh Thái Bình đã tới được vùng tự do mặc dù bị công an kiểm soát gắt gao. Dân chúng trong những vùng này đã đệ đơn lên UHQT ở Hà Nội xin được di tản theo như thỏa hiệp Genève. Một trong những lý do của cuộc ra đi thê thảm này dường như là thái độ của Việt Minh đối với dân công giáo trong những tỉnh bị chiếm đóng từ bốn tháng nay. Ngay khi mới tới Phát Diệm, bộ đội chính qui và địa phương đã chiếm đoạt nhà dòng công giáo, tịch thu tài sản ruộng đất của các tu viện và họ đạo. Những linh mục còn ở lại bị bắt buộc phải mặc quần áo nông dân miền đồng bằng và phải canh tác đất đai trong chiến dịch tăng gia sản xuất. …Trong tỉnh Thái Bình, nhiều vụ đụng chạm đã xảy ra giữa dân công giáo và nhà cầm quyền. Một thứ thuế kỳ cục được ra đời: thuế đánh vào những “bùa chú” tức là những miếng mề-đay thiêng liêng8 mà giáo dân phải trả mới được đeo trên cổ áo. Linh mục được quyền làm lễ, nhưng mỗi người vào nhà thờ dự lễ phải trả 1,000 đồng tiền thuế… Ban tuyên truyền của cộng sản còn phát hành những cuốn sách nhỏ gọi là Kinh Thánh Mới do những linh mục theo nhà nước sửa đổi lại, trong đó có những câu như: “Chúa Giê-Su là một người lao động tranh đấu cho công cuộc giải phóng anh em của Người là các công nhân.” … Nhiều vụ xô xát xảy ra giữa dân công giáo và bộ đội địa phương. Nhiều người bị chết và bị thương, dân công giáo Việt Nam sẽ có nhiều người tử đạo… Một linh mục đã nói với tôi: “Tôi nhớ lời dạy của Thánh Phao-lồ: Chúng ta chiến đấu chống lại tất cả các thế lực đen tối.”9 Một tài liệu của “Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội Viễn chinh ở Bắc Việt” cho biết một số chi tiết về một vụ di cư từ Phát Diệm và việc làm tắc trách của UHQT trong việc thị sát dân tị nạn và can thiệp cho họ được tự do di tản: Trước hết, các đại diện Việt Minh dứt khoát phủ nhận sự hiện hữu của những địa điểm tập trung này. Sau đó họ bác bỏ thẩm quyền của UHQT về vấn đề thị sát và đòi hỏi rằng công việc điều tra phải do một Ủy ban Hỗn hợp thực hiện. Sau cùng, họ trì hoãn các chuyến đi, lấy cớ vì lý do an ninh, có những kế sách động, v.v… Chuyến đi thăm đầu tiên của UHQT là ở Nam Định. Chuyến này hoàn toàn thất bại vì đoàn chỉ thâu lượm được những lời ca ngợi Việt Minh và những kiến nghị tố cáo các hành động tàn ác của người Pháp. Rốt cuộc, ngày 1 tháng Mười Một, Toán Lưu động đầu tiên của UHQT cũng tới được Phát Diệm và thấy có hàng ngàn dân tị nạn ở trong các nhà thờ đang tìm đường di tản. Một toán lưu động điển hình gồm có một viên chức Ấn độ, một viên chức Canada, một viên chức Balan có thông dịch viên sang tiếng Pháp (thường là một cựu nhân viên hầm mỏ ở miền Bắc nước Pháp), kèm theo là một viên chức Việt Minh và một viên chức người Pháp, mỗi người đều có thông dịch viên chính thức. Cả thảy là 8 người. Nên biết rằng những đại diện Việt Minh và Pháp đều không có quyền điều tra nhưng có thể đặt câu hỏi cho những thành viên của UHQT… Ngày 11.11 có thêm “Ủy ban Tự do” đến thăm, Ủy ban này cũng gồm có một đại diện của mỗi nước thành viên trong Ủy hội, kèm theo một thông dịch viên người Balan… cả ba người trong đoàn đều có chức quyền của cố vấn Đại sứ quán. Đó là các ông: Nair, người Ấn độ tốt nghiệp Oxford; Crepault, người Canada, cựu sĩ quan hải quân; Bibrowski, đại tá Balan có căn bản văn hoá Pháp, Ủy ban Tự do có mục đích hỗ trợ cho những Toán Lưu động với khá đủ quyền lực, đặc biệt nhấn mạnh vào các phương tiện chuyên chở. (Việt Minh có tiếng nói quan trọng sau cùng, nại cớ là không có phương tiện và từ chối việc người khác cung cấp phương tiện)… Việt Minh muốn cho người tị nạn nói rằng họ bị thúc dục bởi những linh mục từ bên ngoài, rằng họ bị đe dọa nếu không ra đi thì sẽ bị thả bom nguyên tử… Tôi không thấy là những người tị nạn ra đi vì bị ép buộc. Trong số 1,000 người đầu tiên tới Nam Định chỉ có 16 người rút lui, trong đó có gia đình của một trẻ em bị chết ở dọc đường (điềm gở) và một người Pháp (?) không biết rõ lý lịch. Dù cố gắng đến đâu cũng không thể được Việt Minh cung cấp danh sách có tên người. Họ chỉ cho biết các con số để có thể thay thế người được dễ dàng. Việc tiếp đón ở Nam Định rất hoàn hảo do Hồng thập tự Việt Minh và các trợ tá xã hội phụ trách. Đài phát thanh công khai tuyên truyền dân chúng đề cao cảnh giác chống lại mọi thủ đoạn của bè lũ Ngô Đình Diệm. Những Toán Lưu động của UHQT gặp phải nhiều trở ngại mà việc thiếu thông tin đích xác về những địa điểm tập trung người tị nạn là một trở ngại quan trọng. Khả năng can thiệp của UHQT cũng bị giới hạn. Một phụ nữ có người chồng bị bắt đến gặp Ủy hội xin can thiệp cho quyền tự do lựa chọn của mọi người. Toán Lưu động đến trại giam, được xác nhận về việc chồng người đó bị bắt giữ nhưng không được giải thích lý do. Các viên chức UHQT cũng không đòi phải giải thích. Ngoài ra, người ta còn thấy cứ mỗi khi UHQT đề nghị một thủ tục nào để thi hành thì Việt Minh lại cố tình đưa ra một phản đề nghị… Sau hết, có một chuyện nhỏ cho thấy thái độ của Việt Minh đối với vấn đề tự do tín ngưỡng: viên chức Canada là người theo đạo công giáo, muốn cùng hai viên chức người Pháp đi lễ nhà thờ ngày Chúa nhật. Việt Minh cho biết đó là một hình thức vi phạm tính chất trung lập mà họ có nhiệm vụ tôn trọng, thế là họ phải thôi đi lễ.10 Một vụ cứu người tị nạn trên biển được thuật lại trên nhật báo Journal d’Extrême-Orient ngày 25 tháng Mười 1954 làm cho người ta không khỏi nhớ đến những vụ cứu vớt thuyền nhân Việt Nam mấy chục năm về sau bởi những con tàu nhân đạo quốc tế trên hải trình đi Thái lan, Mã Lai hay Nam Dương. Mặc dù câu chuyện năm 1954 là một vụ cứu dân tị nạn công giáo trong một trường hợp không hoàn toàn bất ngờ nhưng cảnh tượng vượt biển và cứu vớt không kém phần bi thảm: Với những lá cờ vàng và trắng của Vatican phấp phới trong gió, cả ngàn chiếc thuyền đánh cá, bè mảng và thuyền buồm, quá tải người tị nạn, đã ra đi vào ban đêm phó mặc cho số phận tiến về phía những chiến hạm nhỏ của Pháp ở ngoài khơi Vạn Lý bên kia vùng hải phận của Việt Minh. Không may có nhiều thuyền bè đóng vội vàng đã bị sóng biển lật úp hay đánh vỡ làm thiệt hại rất nhiều sinh mạng và hàng hóa. Hàng trăm người tị nạn đã chết như vậy. Tuy nhiên, giữa 6 và 8 giờ sáng hôm qua, chiếc tàu Jules Vernes là một con tàu cũ dùng để tiếp tế cho tàu ngầm đã riêng một mình nó vớt được 3,000 dân tị nạn; trong khi tàu Commandant de Pimodam, vớt khoảng 600, và hai chiếc LSM11 từ Hải Phòng tới tăng cường mỗi chiếc vớt được khoảng 1,000 người. Những thuyền bè đó lại lập tức quay trở về để lấy thêm những nhóm người khác. Thủy thủ đoàn người Pháp làm việc hết sức mình để chuyển người lên tàu, nhất là phải kéo lên những trẻ sơ sinh, người già hay người có tật bệnh. Có những chiếc bè luôn luôn tràn ngập sóng đã chở cả những con trâu mà những người chạy trốn chế độ Hồ Chí Minh vội vã đem theo. Ở Hải Phòng, Đô đốc Jean-Marie Querville tới hải cảng để đón nhận dân tị nạn và khen ngợi thủy thủ đoàn, trước sự hiện diện của các thành viên người Ấn độ, Ba-lan và Canada trong Ủy hội Quốc tế. Tất cả những người tị nạn đều cho hay rằng còn hàng ngàn người khác sẽ tìm cách vuợt biển bằng thuyền đánh cá và đang phải trả mỗi người 5,000 quan để được đưa tới những con tàu của Pháp ở ngoài khơi… Trong một trường hợp khác, tàu Pháp xông vào tận bờ để cứu khoảng 6,000 người tị nạn đã liều mạng kéo nhau ra biển vào ban đêm và nhiều người đã bị nước thủy triều cuốn đi. Đây là vụ Trà Lý thường được báo chí hồi đó nhắc đến như một trong những thảm kịch của người tị nạn. Trà Lý là một hòn đảo nhỏ chỉ cách tỉnh Thái Bình có mấy dặm. Thuyền bè đã bị Việt Minh tịch thu và đường bộ thì bị ngăn chặn. Bởi thế, những người quyết tâm tìm tự do chỉ còn lại một cách là lội bộ ra bãi biển Trà Lý khi thủy triều rút xuống với hi vọng được tàu Pháp đến cứu. Đô Đốc Jean Marie Querville ra lệnh cho các tàu nhỏ tiến vào Trà Lý, chiếu đèn pha lên bờ để cho thủy thủ xuống cứu người tị nạn. Cuộc cứu vớt rất nguy hiểm vì sóng triều dâng lên cuồn cuộn. Sau ba đêm liền, khoảng 5,000 người được đem lên tàu đưa ra Hải Phòng tạm trú. UHQT khi được báo tin muốn dùng tàu hoặc trực thăng của Pháp tới Trà Lý để điều tra. Việt Minh chỉ cho phép Toán lưu động của UHQT tới nơi bằng đường bộ khiến chuyến đi bị trễ 24 tiếng đồng hồ và hầu hết các bằng chứng vi phạm điều 14 (d) của hiệp định Genève đã không còn. Bác sĩ quân y Thomas Dooley, một cứu tinh của dân tị nạn 1954, phục vụ trên chiếc tàu Montague của hải quân Hoa Kỳ, tham dự một chuyến cứu người vượt biển ở Vịnh Hạ Long trên một chiếc LSM của Pháp do Đại úy Gerald Cauvin chỉ huy. Nhờ sự hướng dẫn của máy bay quan sát, chiếc tàu đã tiến đến vị trí của 14 chiếc thuyền buồm đang vật vã ở ngoài khơi. Đoàn thuyền này chở hơn 1,000 dân làng cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đã phấn đấu với sóng biển và đói khát trong năm ngày năm đêm mới tới được cửa biển Hải Phòng. Dân tị nạn kể cho Dooley biết rằng họ phải liều mạng ra đi vì không chịu được chính sách cải cách ruộng đất và những biện pháp cưỡng bách tinh thần và vật chất của Việt Minh. Họ đã phải bí mật chuẩn bị rất nhiều ngày trước khi đi trốn vào một đêm không có trăng. Do âm mưu sắp đặt trước, một em nhỏ tên Mai Văn Thịnh chịu hi sinh ở lại đã đốt nhà ở đầu làng và hô hoán cho lính gác kéo đến chữa cháy. Trong khi đó hơn một ngàn người kéo nhau xuống thuyền ra biển. Không ai biết được số phận của Mai Văn Thịnh ra sao nhưng chắc chắn không thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề của giới chức địa phương. “Cha mẹ của Thịnh đều đã chết vì chiến tranh. Người anh duy nhất của Thịnh là Châm bị thiêu sống vì cầm đầu một phong trào thanh niên Công giáo. Ngày 16 tháng Giêng 1953 Châm bị trói vào một thân cây, bị đánh đập tàn nhẫn bằng gậy gộc rồi bị tưới dầu xăng và châm lửa đốt cho đến chết.”12 Ngoài những vụ vượt thoát nguy hiểm nêu trên, còn có những vụ xung đột đẫm máu giữa dân chúng và lực lượng công an, quân đội ở một số nơi khác, nhất là vụ 5,000 bộ đội Việt Minh xả súng vào ngót 20,000 thường dân ở Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 8 tháng Giêng 1955, và vụ 10,000 bộ đội, dân quân và công an hợp lực đàn áp và bắt giữ 3,000 dân Lưu Mỹ (Nghệ An) ngày 13 tháng Giêng 1955 chỉ vì dân chúng ở hai nơi này đã biểu tình đòi di cư và chống cự bằng giáo mác, gậy gộc khi chính phủ hạ lệnh giải tán và bắt giữ những người lãnh đạo biểu tình. Trước những vi phạm thỏa hiệp 1954 hiển nhiên của Nhà nước VNDCCH, đặc biệt đối với điều 14 (d) về quyền tự do lựa chọn nơi cư trú của người dân, UHQT đã không chấm dứt được những vụ vi phạm ấy, hoặc vì không có đủ quyền lực hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ. UHQT được thành lập bởi điều 34 của thỏa hiệp Genève gồm có đại diện của Ấn-độ (Trung lập), Ba-lan (Cộng sản) và Canada (Tây phương), và do Ấn-độ làm chủ tịch. Ấn-độ thời đó chủ trương trung lập nhưng vì là một nước Á châu và một cựu thuộc địa của Anh nên vẫn có thiện cảm đối với cuộc chiến tranh chống đế quốc Tây phương do Việt Minh lãnh đạo. Điều đó dễ nhận thấy nhưng trong nhiều trường hợp Ấn độ cũng cố gắng giữ vai trò khách quan. Trở ngại chính là đại diện Ba Lan, thường nại cớ đau ốm hay bận việc bất thường không thể gia nhập đoàn điều tra khi cần thiết hoặc không chịu nhìn nhận có sự vi phạm của các viên chức Việt Minh. Theo điều 35, UHQT lập ra các toán giám sát cố định và lưu động với số nhân viên bằng nhau của ba nước trong Ủy hội. Những toán giám sát này được quyền tự do đi lại dọc theo đường ranh giới và trong vùng phi quân sự, và các nhà cầm quyền quân sự và dân sự phải dành cho họ mọi sự dễ dàng để thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngoài những khu vực nói trên, việc di chuyển và hoạt động của họ phải được sự chấp thuận của nhà chức trách thuộc bên chính phủ liên quan. Chính vì điều sau cùng này mà những toán giám sát của UHQT đã gặp phải nhiều trở ngại mà họ không thể hoặc không muốn vượt qua. Như trong trường hợp xung đột ở Ba Làng và Lưu Mỹ kể trên, đoàn giám sát của UHQT đã không thể tới điều tra tại chỗ vì nhà chức trách địa phương cho biết họ không thể đảm bảo an ninh cho các phái viên của Ủy hội. Ngay cả trong trường hợp đã điều tra, theo điều 39, nếu thấy “có vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm trầm trọng” mà không giải quyết được tại chỗ —và thường là như vậy— các toán giám sát phải báo cáo cho trung ương UHQT. Theo điều 43, nếu UHQT không giải quyết được thì vấn đề sẽ được thông báo cho các thành viên của hội nghị Genève. Chuỗi thủ tục hành chánh này đương nhiên không thể kịp thời “chấm dứt sự vi phạm hay loại bỏ nguy cơ vi phạm” như trong các trường hợp cấp bách và bi thảm trên đây. Ký giả Robert Martin, quan sát “những ngày tự do cuối cùng của Hà Nội”, cho biết dân chúng lũ lượt theo nhau rút ra khỏi thành phố và đã bị nhà cầm quyền cộng sản tăng cường ngăn chặn bằng bạo lực. Nhiều vụ vi phạm như vậy đã được thông báo cho UHQT từ những ngày đầu, nhưng “cho đến ngày 1 tháng Mười, không có một vụ khiếu nại nào được điều tra. Để bào chữa cho thái độ này, một nhân viên của Ủy hội nói: Ông cũng biết rõ như tôi là nêu chúng tôi xuống vùng đồng bằng để điều tra chúng tôi sẽ phải đảm bảo che chở và di tản bất cứ nhân chứng nào chống lại Việt Minh. Chúng tôi không có phương tiện hay thì giờ để làm chuyện đó. Và cũng chưa chắc gì chúng tôi đã có nhân chứng để can thiệp.”13 Ký giả Yves Desjacques đi theo một toán giám sát lưu động của UHQT tới Nam Định để điều tra một vụ ngăn chặn dân di cư. Tới nơi. “đoàn được đón tiếp bởi những cán bộ cộng sản đeo thánh giá và chuỗi hạt ca ngợi chính thể dân chủ cộng hòa.” về một vụ khiếu nại khác của người tị nạn, Desjacques than phiền rằng “Thái độ của UHQT thật là khó hiểu.”14 Tuy nhiên, đôi khi UHQT cũng ghi nhận việc các giới chức VNDCCH gây trở ngại đốì với quyền tự do di cư của dân chúng: Ở Phát Diệm, Đoàn Lưu Động thấy có khoảng 10,000 người tị nạn tập trung tại đó và không di chuyển được. Đoàn cũng nhận thấy bộ máy cấp giấy phép và phương tiện chuyên chở không đủ đáp ứng với nhu cầu của tình thế… Ủy Hội phái ủy ban Tự do đến tận nơi thảo luận với Phái đoàn Liên lạc VNDCCH, sau đó đề nghị một thủ tục đặc biệt để giải quyết tình trạng bất thường ở Phát Diệm. Ngoài trường hợp này, Ủy Hội còn nhận được một số báo cáo về những người muốn di chuyển từ miền Bắc Việt Nam tới vùng do Pháp kiểm soát. Do đó, Ủy Hội cũng yêu cầu nhà chức trách VNDCCH xúc tiến việc cấp giấy phép và những phương tiện thích hợp khác cho những người muốn di cư để thực hiện những cam kết của họ trong điều 14(d) của hiệp định đình chiến và để tránh xảy ra những trạng huống bất thường như Phát Diệm. Tuy nhiên, Ủy Hội vẫn tiếp tục nhận được những vụ khiếu nại rằng nhà cầm quyền VNDCCH không chịu làm thủ tục mà thực ra còn ngăn chặn dân chúng di cư… Trong khi nhìn nhận rằng chính quyền VNDCCH có quyền thiết lập thủ tục điều hành việc cấp phát giấy phép và sự ra đi của người tị nạn, Ủy Hội chủ trương rằng các thủ tục hành chính không thể cồng kềnh, phiền phức và chậm chạp đến nỗi vô hiệu hoá mọi dự liệu của Điều 14(d)”15. Để cho công bằng, UHQT cũng điều tra các hoạt động “vi phạm nhân quyền” của Pháp và Mỹ đối với dân di cư. Chính quyền VNDCCH đã trao cho UHQT 320,000 đơn khiếu nại của thân nhân và bằng hữu của những người đã di cư vào Nam, tố cáo rằng họ đã bị “cưỡng, bách” hay “bắt cóc” ra đi. Những Toán Lưu Động của UHQT đã vào Nam để điều tra ở các trại tạm cư và nhận thấy rằng “không có người nào trong số 25,000 người được tiếp xúc (lúc đó tổng số dân đã vào Nam là 121,000 người) than phiền là đã bị cưỡng bách di cư hoặc bày tỏ ý muốn trở về Bắc.”16Thực tế là trong cuộc đấu tranh chính trị, chiến dịch tố cáo này đã được phát động để bôi nhọ đối phương và giữ thể diện cho Việt Minh. Tho­mas Dooley kể chuyện trạm y tế của ông trong một trại tạm trú ở Hải Phòng đã bị toán lưu động UHQT đến điều tra mấy lần vì bị tố cáo là làm nhiều chuyện hại cho sức khoẻ của người tị nạn. Một lần, tin đồn đưa ra là có nhiều người trong trại bị Mỹ bỏ thuốc độc vào nước uống. Một lần khác thì lại có tin là Mỹ xịt thuốc vào người tị nạn để làm cho họ mất khả năng sinh sản. Thực ra đây là thuốc sát trùng trị bệnh chấy rận. Bác sĩ Dooley trả lời đoàn điều tra rằng đây quả thực là thuốc làm mất khả năng sinh sản của… loài chấy rận.17 Cuộc ra đi ào ạt của gần một triệu người đã làm suy giảm trầm trọng lực lượng sản xuất ở đồng bằng sông Hồng, nhất là số lượng lúa gạo không đủ cho dân trong năm 1955, khiến cho miền Bắc bị nguy cơ đói kém không thua gì nạn đói năm 1945. Vì không thể kêu gọi chính phủ quốc gia miền Nam tiếp tế lúa gạo, Bắc Việt đã phải cầu cứu Liên Xô và nhờ đó mua được 150,000 tấn gạo của Miến Điện để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, trong lâu dài, số ruộng đất tịch thu của những người đã ra đi giúp cho chính phủ miền Bắc được nhẹ bớt áp lực về dân số ở nông thôn. Ngoài ra, về mặt chính trị, sự ra đi của số đông người công giáo cũng làm cho chính quyền được yên tâm hơn về những hoạt động của một lực lượng chống đối đáng kể. Tổ chức di cư và định cư Công cuộc di chuyển và định cư ngót một triệu dân tị nạn gồm ba công tác chính: chuyên chở, tiếp đón và định cư. Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón và định cư là trách nhiệm của QGVN với sự viện trợ tài chánh và vật liệu của Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Trước khi tìm hiểu chi tiết của mỗi loại hoạt động, ta cũng nên biết cơ cấu điều hành và phối trí các hoạt động trong suốt quá trình di cư và định cư của dân tị nạn 1954. Do việc Pháp bỏ rơi Bùi Chu và Phát Diệm vào tháng Sáu 1954 một số linh mục và giáo dân đã bỏ chạy về vùng Hà Nội, Hải Phòng. Chính phủ Ngô Đình Diệm khi đó vừa được thành lập đã Cấp tốc giao cho Bộ Xã hội và Y tế phối hợp với các Bộ Thanh niên, Công chánh, Thông tin, Canh nông và Kinh tế để tổ chức công cuộc di cư và định cư tị nạn. Sở Di Cư thuộc Bộ Xã Hội và Y tế được đặc biệt thành lập để phối hợp các hoạt động tiếp đón, chuyên chở, cổ động cứu trợ, và định cư tị nạn. Chuyến tàu chở dân di cư đầu tiên là chiếc tàu Anna Salen của Thuỵ Điển, rời cửa biển Bắc Việt ngày 17.7.1954, ba ngày trước hiệp định Genève, và cặp bến Sài-gòn ngày 21.7 với trên 2,000 người tị nạn. Trước tình hình gia tăng lũy tiến số dân tị nạn, ngày 17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tị nạn (PTUDCTN), ngang hàng với một Bộ trong Nội các. Thành phần gồm có: Ngô Ngọc Đối            :           Tổng Ủy trưởng Nguyễn Ngọc An        :           Đổng lý văn phòng Nguyễn Lưu Viên       :           Tổng Ủy phó Nguyễn Thanh Diệu    :           Giám đốc định cư Lê Văn Trà                  :           Giám đốc tài chánh Nguyễn Văn Thụ        :           Tổng thanh tra Hoàng Văn Thận         :           Kỹ sư Công chánh Đỗ Trọng Chu             :           Công cán Ủy viên Trần Phước Lộc          :           Chánh sở Tiếp cư Nguyễn Công Phú      :           Chánh sở Chuyển vận Đỗ Đức Trí                  :           Thông dịch viên Trung tá Bùi Văn Hai :           Sỹ quan liên lạc của Quân đội QGVN18 Sau ông Ngô Ngọc Đối còn có hai Tổng Ủy trưởng khác là Bác sĩ Phạm Ngọc Huyến và ông Bùi Văn Lương. Ông Lương là người tại chức lâu hơn cả (từ tháng Chín 1955 đến khi hết nhiệm vụ khoảng cuối năm 1957). Nhiệm vụ của PTUDCTN là phối trí với các cơ quan hữu trách của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề chuyên chở bằng phi cơ và đường thủy, và đảm nhiệm công cuộc tiếp đón, cứu trợ và định cư tị nạn. Bên cạnh PTUDCTN có các văn phòng liên lạc quân sự và tôn giáo, văn phòng an ninh để phối hợp với các cơ quan liên hệ. Trụ sở trung ương PTUDCTN đặt ở miền Nam với các Nha Đại diện tại Bắc phần, Trung phần và Cao Nguyên. Sau thời hạn di cư chấm dứt ngày 19.5.1955, Nha Đại diện tại Bắc phần đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ. Các Sở Chuyển vận và Tiếp cư được sáp nhập vào Nha Định cư để tập trung vào công cuộc kiện toàn định cư ở miền dưới vĩ tuyến 17. Một Ủy ban Định cư cũng được thiết lập tại mỗi tỉnh do Tỉnh trưởng làm chủ tịch với các cơ quan trách nhiệm địa phương. Vì phần lớn dân tị nạn 1954 là người công giáo (khoảng 70% trên tổng số tị nạn) nên song song với PTUDCTN của chính phủ còn có một tổ chức cứu trợ tư nhân do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, lấy tên là “Ủy ban Hỗ trợ Định cư” (UBHTĐC), hoạt động từ 1.9.1954. Đáp lời kêu gọi của UBHTĐC, nhiều tổ chức công giáo trên thế giới đã nhiệt thành gửi tiền và phẩm vật cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự trợ lực của chính phủ, UBHTĐC đã giúp thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ và trường học, cung câp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Sau hơn hai năm hoạt động, UBHTĐC đã gây được cơ sở vững chãi cho các trại định cư. Ngay cả sau khi Ủy ban đã chính thức giải tán vào cuối năm 1957, các linh mục trưởng trại cùng nhiều cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình văn hoá, giáo dục và phát triển xã hội trong các trại. Như trên đã nói, ngoài Phủ Tổng ủy và UBHTĐC, công cuộc định cư ngót một triệu người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp, Mỹ và Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ. Công cuộc chuyên chở bằng đường hàng không và đường thủy lúc đầu do chính phủ Pháp đảm nhiệm như đã cam kết tại Hội nghị Genève. Một Ủy ban Chuyển vận Việt-Pháp được thành lập ngày 21 tháng Bảy để phối trí công tác này. cầu hàng không Hà Nội-Sài-gòn bắt. đầu hoạt động mạnh mẽ với sự huy động các phi cơ quân sự và dân sự. Các tàu hải quân Pháp cũng được sử dụng đến mức tối đa. Tuy nhiên, vì số người di cư gia tăng quá nhanh vượt hẳn sự ước lượng và khả năng tiếp nhận của nhà chức trách Pháp, chính phủ Quốc gia Việt Nam phải kêu gọi sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Do chỉ thị của Tổng Thống Eisenhower, Đệ thất Hạm đội thành lập đoàn Hải quân Đặc nhiệm 90 (Navy Task Force 90) gồm 41 chiếc tàu đủ loại do thiếu tướng hải quân Lorenzo Sabin chỉ huy để giúp việc chuyên chở người tị nạn Việt Nam. Đoàn tàu đặc nhiệm này có khả năng chở 100,000 người mỗi tháng. Con tàu lớn nhất là tàu Marine Serpent chở được 6,200 người. Chuyến đầu tiên là tàu U.S.S. Menard chở 2,100 người cặp bến Sài-gòn ngày 16.8.1954. Chuyến cuối cùng của đoàn Đặc nhiệm 90 là tàu Gen­eral A.W. Brewster chở 1,900 binh sĩ Liên Hiệp Pháp và 520 người tị nạn tới Sài-gòn ngày 15.5.1955. Việc chuyên chở vào Sài-gòn bằng đường hàng không được thực hiện từ các phi trường Gia Lâm và Bạch Mai ở Hà Nội hoặc phi trường Cát Bi ở Hải Phòng bắt đầu từ ngày 4 tháng Tám. Cầu không vận dài nhất thế giới (khoảng 1,200 km đường chim bay) hoạt động với sự tham gia của các công ty được thuê mướn hay trưng dụng gồm có: Air-France, Air Vietnam, Aigle Azur, Air Outre- mer, Autrex, CAT, Cosara, và UAT. Hầu hết các máy bay đều được tháo gỡ hết ghế để chở được tối đa số hành khách, trung bình mỗi ngày là 2,000 người. Phi trường Tân Sơn Nhất trong một ngày hoạt động tối đa ghi được con số 4,226 người tới. Cứ mỗi sáu phút lại có một phi cơ hạ cánh, biến sân bay Tân-Sơn-Nhất thành một phi trường bận rộn nhất thế giới hồi đó. Tổng cộng có 4,280 chuyên bay và có một tai nạn đã xảy ra ngày 15 tháng Tám khi chiếc Bristol hai động cơ chở 47 người tị nạn và phi hành đoàn bốn người bị rớt ở Lào cách Sài-gòn 300 km. Chỉ có một phụ nữ với đứa con nhỏ và ba nhân viên phi hành sống sót. Những người đi bằng đường thủy được đưa xuống Hải Phòng bằng xe lửa và di chuyển vào Nam bằng tàu của hải quân Pháp hay Hoa Kỳ. Đoàn tàu đặc nhiệm 90 của Mỹ thả neo ở cửa sông Hồng để nhận người tị nạn do các tàu nhỏ của Pháp chở tới. Một số ít tàu của Anh, Trung Hoa và Ba-Lan cũng tham dự vào việc chuyên chở người tị nạn. Nhiều ngườị ở các tỉnh xa không thể tới Hà Nội hay Hải Phòng phải di chuyển bằng phương tiện riêng. Vì vào ngày chót của thời hạn di cư (19.5.1955) vẫn còn một số người chưa được chuyên chở, Pháp yêu cầu Hà Nội gia hạn ba tháng và được chấp thuận. Theo thống kê của PTUDCTN, tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478 người trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 tháng Năm và 3,945  người đi trong thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng 76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn lên tới gần 950,000 người. Trong số 871,533 người đi đúng kỳ hạn có 213,635 người được Pháp chở bằng máy bay (4,280 chuyến), số còn lại gồm có 555,037 người được chở bằng tàu thủy và 102,681 người đi bằng phương tiện riêng. Số 555,037 người đi bằng đường thủy chia ra như sau: Pháp    237,000 người (338 chuyến) Mỹ       316,000 người (109 chuyến Anh, Trung Hoa và Ba Lan 2,000 người (8 chuyến) Số 3.945 người đi trong thời kỳ gia hạn cũng được chở bằng đường thủy, trên chín chuyến tàu cuối cùng sau đây: Djiring             ngày    2.6.55              500 người Nam Việt        __          6.6.55              70 __ Gascogne        __             8.6.55              818 __ St. Michel        __             16.6.55            700 __ Espérance        __             27.7.55            787 __ Durand                        __             7.8.55              12 __ Phong Châu    __             6.8.55              286 __ Hương Khánh __             16.8.55            310 __ Ville de Haiphong __    19.8.55            462 __ Công cuộc tiếp cư bắt đầu từ việc tiếp nhận dân di cư vào những trại tạm trú ở Hà Nội, Hải Phòng, làm thủ tục di chuyển bằng máy bay hay tàu thủy, cho đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở và tiếp tế vật dụng cần thiết cho mỗi gia đình khi mới đặt chân lên Sài-gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang. Những hoạt động này đã diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của thời hạn di cư. Sau khi Hà Nội và Hải Dương được chuyển siao cho Việt Minh vào cuối tháng Mười, trung tâm tiếp cư Hải Phòng càng trở nên đông đúc và bận rộn. Tất cả các trường học và một số lớn công sở được biến thành trại tạm trú cũng không đủ cho người tị nạn tạm trú. Nha Đại diện PTUDC tại Bắc phần phải cho dựng lên hàng ngàn chiếc lều vải ở hai trú khu vùng ngoại ô, mỗi nơi chứa được khoảng 15,000 người, đủ cho các đợt người đến và đi liên tiếp. Ngoài ra còn một trú khu khác chứa được 12,000 người ở cách Hải Phòng bảy cây số do bác sĩ Tom Dooley dựng lên và quản trị hoàn toàn riêng biệt. Khi tới các sân bay hay bến cảng Sài-gòn hay Vũng Tàu, đồng bào được các nhân viên tiếp cư đưa lên xe đến các trạm tiếp cư hay tạm trú. Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà Hát thành phố và một số trường học trong thời gian nghỉ hè được dùng làm nơi tiếp đón trước khi phân phối người tị nạn tới các trại tạm trú. Tại đây, họ được Sở Tiếp cư cung cấp các phẩm vật cần dùng và tiền tiếp tế cho mỗi người. Có tất cả hai mươi trại tạm trú trong vùng Saì-gòn, Gia-định, và một trại ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau ngày cuối thời hạn di cư, các trạm tạm trú còn hoạt động thêm một tháng, tới ngày 17 tháng Chín 1955 mới chấm dứt. Công Cuộc Định cư Để tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000 người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và những người hành nghề tự do. Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư20 tổng số trên 100,000 người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao nguyên Trung phần. Tại những nơi này, Nha Định cư thiết lập các trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ… Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy ban Định cư tỉnh được thành lập do Tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ. Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô-la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô-la là chi phí chuyên chở của tàu Hải quân Đặc nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô-la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô-la mỗi đầu người. Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết. Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000 dân đã bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn. Nhờ sự giúp đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của đại học Michigan, các dự án mới được thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ-dầu-một (Bình Dương.) Trại này có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ-dầu-một không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá. Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam-Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Đây là bước đầu của giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư, số dân do chính phủ định cư được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau: NAM PHẦN (14 tỉnh): Ba Xuyên                    1 trại                780 người Phong Dinh                 3 __                         10,683 __ Kiên Giang (Cái Sắn)  15                    42,145 An Giang*                     Vĩnh Long                   6 __                   2,803 __ Kiến Hòa                     11__                  12,268 __ Định Tường                10 __                 9,036 __ Long An                      9 __                   14,108 __ Phước Tuy (Bà Rịa)    20 __                 26,241 __ Đô thành Sài – Gòn    12 __                 24,925 __ Gia Định                     37 __                 110,339 __ Biên Hòa                     56 __                 107,947 __ Bình Dương                12 __                 16,353 __ Tây Ninh                     14                    15,726 Cộng:                          206 trại            393,354 người TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Quyên): Quảng Trị                    11 trại              9,251 người Thừa Thiên                  11 __                 5,700 __ Đà Nẵng                      5 __                   7,917 __ Quảng Nam                 4 __                   462 __ Bình Định                   1 __                   275 __ Khánh Hòa                  6 __                   4,608 __ Phú Yên                      2 __                   1,129 __ Ninh Thuận                 1 __                   312 __ Bình Thuận                 18 __                 31,430 __ Cộng:                          59 trại              61,094 người NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên): Đồng Nai Thượng (Blao)        8 __                   12,796 __ Đà Lạt                                     18 __                 15,456 __ La Ngà I và II                         5 __                   6,770 __ Ban Mê Thuột                         15 __                 14,725 __ Plâyku                                     4 __                   4,801 __ Cộng:                                      50 trại  __          54,551 người __ * Số trại và số người định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, Cuộc di cư lịch sử tại Việt nam, tr. 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sát nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Ngoài các thành phần kể trên, Nha Định cư còn tổ chức những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao nguyên miền Nam cho đồng bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:   Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình Thuận. Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku. Một trại người Mán ở Ban Mê Thuột. Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Đà lạt. Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài-gòn, Chợ Lớn và Gia Định, tỉnh Biên Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người công giáo. Chỉ trong vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng lên gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới 240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường xá và khai quang những vạng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm (3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống công giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc ban đầu để trở thành một khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề. Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như sau: Diện tích                     Nam phần                    Trung phần                  Cao nguyên đã khẩn hoang             30,565 ha                    3,630 ha                      3,999 ha Diện tích đã  cấy lúa                   21,057 ha                    1,750 ha                      823 ha Diện tích                     đã trồng tỉa                  7,793 ha                      1,870 ha                      3,100 ha          Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku đuợc thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải cách Điền địa, Canh nông, Công chánh, Xã hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế và xã hội. Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng Mười Hai 1955, là thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500 gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành những vườn ruộng phì nhiêu. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc tế, giúp đỡ tổ chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và trụ sở sinh hoạt cộng đồng. Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại cao nguyên Nam Trung phần tập trung trong vùng Đà Lạt, Pleiku, Ban- mê-thuột cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học, bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để trồng trọt. Đến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi tháng được 24 tấn rau đủ loại. Một khía cạnh đặc biệt khác của chương trình định cư là vấn đề hội nhập của dân di cư miền Bắc vào xã hội miền Nam. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì nguyên nhân và hệ quả chính trị của nó. Trước hết, đa số dân chúng miền Nam không thể hiểu được phong trào di cư tị nạn cộng sản của ngót một triệu người miền Bắc và không thể tin được những câu chuyện về chính sách thuế má nặng nề và cưỡng bách lao động, nhất là những chuyện khủng khiếp quá sức tưởng tượng về “đấu tố” trong cải cách ruộng đất và chỉnh huấn trí thức. Thêm vào đó là công cuộc tuyên truyền chống đốì người tị nạn của chính quyền miền Bắc và những lực lượng chính trị đối lập, nhất là hành động khủng bố của lực lượng Bình Xuyên, vì người tị nạn thường tổ chức biểu tình ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ngày 31 tháng bảy 1955, làng tị nạn Phước Lý ở Biên Hoà bị dư đảng Bình Xuyên đốt cháy, phá hủy hoàn toàn 190 căn nhà với 2,400 nạn nhân bị cướp hết của cải và 25 người bị thương do pháo kích. Thêm vào đó là những tin đồn xuyên tạc được tung ra để gây nghi ngờ và ác cảm đối với “dân di cư Bắc Kỳ” trong dân chúng miền Nam. Những tin đồn này lan ra tới ngoài Bắc nhưng chỉ làm giảm đôi chút số người ra đi vào những ngày chót của thời kỳ gia hạn. Chính sách tị nạn thích hợp vào lúc đó là lập những trại định cư riêng biệt, phát động chiến dịch “tự lực mưu sinh” để người tị nạn mau chóng tiến đến kinh tế tự túc. Ngoài ra còn có chiến dịch “thông cảm Trung Nam Bắc” nhằm xóa bỏ ngộ nhận, thành kiến, nhất là những tin đồn gây chia rẽ địa phương của những phần tử phá hoại. Không bao lâu, do những nỗ lực tăng gia sản xuất biến đất hoang thành ruộng vườn màu mỡ, những sinh hoạt ngư nghiệp nhộn nhịp miền duyên hải và những hoạt động đa dạng trong ngành tiểu công nghệ, người tị nạn đã chứng tỏ sự đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế địa phương. Những trại định cư dần dà không còn mang dấu vết tị nạn và trở thành những thôn xã chính thức. Trong khi đó, qua những hoạt động buôn bán và nghề nghiệp, những cuộc tiếp xúc phi chính trị giữa những người dân bình thường và những sinh hoạt thông tin văn nghệ cộng đồng, cuộc sống hoà hợp giữa người di cư và dân chúng địa phương cũng mau chóng trở thành hiện thực. Mọi người có nhiều cơ hội hiểu biết lẫn nhau hơn khiến cho mọi mưu toan chia rẽ đều phải tan biến đi hoặc trở thành vô hiệu. Di cư và Tập Kết ra Bắc Theo hiệp định đình chiến tại Genève, khoảng 140,000 bộ đội cộng sản, cán bộ và gia đình được chính phủ VNDCCH đưa ra tập kết ở miền Bắc bằng phương tiện riêng trong thời hạn 300 ngày. Ngoài ra, số người xin di cư hay hồi cư từ Nam ra Bắc tổng cộng chỉ có 4,358 người, trong đó 1,018 người (599 người lớn, 419 trẻ em) được phi cơ nhà binh của Pháp chuyên chở giúp. Chuyến bay đầu tiên khởi hành ngày 8.4.1955 và chuyến cuối cùng vào ngày 9 tháng Năm. Sau ngày này, số 3,340 người còn lại (1,913 người lớn, 1,427 trẻ em) được Pháp chở bằng tàu thủy, chuyến cuối cùng là ngày 14.7.1955, gần hai tháng sau thời hạn ấn định. Theo nhận xét của PTUDCTN thì số người xin ra Bắc tuy rất nhỏ so với số người di cư vào Nam, nhưng có nhiều loại và nhiều nguyên nhân: 1. Lao động vào Nam sinh sống đã lâu, nhớ quê hương, nay có dịp được giúp đỡ trở về. Trong số này có 630 người là gia đình phu đồn điền đã mãn hạn giao kèo, gồm 352 người lớn và 278 trẻ em. 2. Một số người di cư chỉ vì chạy theo phong trào, sau đổi ý xin về. 3. Một số người vì kinh tế quẫn bách, lo sợ cho cuộc sống tương lai. 4. Một số cán bộ cộng sản trà trộn với dân di cư vào Nam hoạt động và trở về Bắc khi hết hạn 300 ngày. 5. Một số người nghe tuyên truyền ra Bắc học tập để giải phóng miền Nam. Trong mọi trường hợp, những người di cư hoặc hồi cư về miền Bắc không gặp trở ngại nào từ phía chính quyền miền Nam. Điều này dễ hiểu vì số người xin ra Bắc quá nhỏ, nhất là vì chính phủ miền Nam mới thành lập còn phải lo việc định cư số dân tị nạn quá đông trong khi phải đối phó với một tình hình chính trị đầy bất ổn. Cuộc định cư của ngót một triệu dân miền Bắc tại miền Nam năm 1954-1955 được hoàn tất thành công vào cuối năm 1957 là nhờ ở sự hợp lực giữa PYUDCTN, các chương trình viện trợ quốc tế và những cố gắng xây dựng cuộc đời mới của chính người tị nạn. Ngoài ra phải kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về đất đai, sông biển ở miền Nam và lòng người rộng rãi cởi mở ở nơi đây khiến cho việc hòa hợp dân tộc được tiến hành tốt đẹp. Trên tổng số dân phía Nam vĩ tuyến 17 năm 1954 vào khoảng 11 triệu người, hơn 850,000 dân di cư miền Bắc chiếm gần 8 phần trăm là một tỉ lệ khá quan trọng. Từ một gánh nặng kinh tế lúc ban đầu, chỉ chưa đầy ba năm, số người này đã trở thành một nguồn nhân lực có khả năng đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa ở miền Nam. Tuy nhiên, trước những nhu cầu cấp bách của làn sóng người tị nạn, mọi yếu tố tài nguyên và nhân sự chỉ là tiềm năng và sẽ không thể trở thành động lực sản xuất nếu không có sự giúp đỡ quan trọng về tài chánh, phương tiện vật chất và kỹ thuật của các chương trình viện trợ quốc tế. Lịch sử tị nạn 1954 sẽ thiếu sót đáng tiếc nếu không ghi nhận sự giúp đỡ đặc biệt ấy của các chính phủ, các tổ chức từ thiện và tôn siáo trên thế giới. Các quốc gia cung cấp các phương tiện chuyển vận, tài chánh và phẩm vật định cư gồm có: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Đức, Ý, Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Phi-líp-pin, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nam Triều Tiên. Các cơ quan quốc tế, ngoài UNICEF và Hồng Thập Tự, còn có nhiều tổ chức từ thiện và tôn giáo như Catholic Relief Service (CRS), Church World Service (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Res­cue Committee (IRC), CARE và Thanh Thương Hội Quốc tế (In­ternational Junior Chambers of Commerce, thường gọi tắt là “Jay- cees” và viết tắt là JCI). Chương trình viện trợ Mỹ, ngoài chi phí chuyên chở bằng đường biển, còn đóng góp nhiều nhất cho công cuộc định cư tị nạn nói chung. Chương trình USOM không những cung cấp tiền trợ cấp và các phương tiện về nông, ngư nghiệp và tiểu công nghệ mà còn thiết lập các dự án kiện toàn định cư với sự hợp tác của đoàn chuyên gia đại học Michigan và phái đoàn Viện trợ kinh tế của Pháp (Mis­sion Franchise d’Aide Economique). Các dự án này là kết quả của những hoạt động nghiên cứu về khả năng nghề nghiệp của người tị nạn và môi trường địa phương, tham khảo với các Bộ liên hệ của Việt Nam trong việc hoạch định nhằm giúp cho người tị nạn sớm tiến đến tự túc và phát triển. Về phần các tổ chức nhân đạo quốc tế, ngoài việc đáp ứng một số nhu cầu chung của người tị nạn, mỗi tổ chức chú trọng vào một vài chương trình đặc biệt. Chẳng hạn CRS và Catholic Auxil­iary Resettlement Committee giúp xây cất 189 nhà thờ trong các trại định cư công giáo và một trung tâm sinh hoạt văn hóa cho nữ sinh viên ở Đô thành Sài-gòn. CRS cũng được USOM hợp tác để xây cất một bệnh viện lớn ở gần trại định cư Hố Nai. CWS và MCC cung cấp thực phẩm và thuốc bổ, đặc biệt là phân phát 40 tấn gạo cho những trại bị thiếu hụt trầm trọng. CWS còn giúp lập một xưởng đúc chuyên sản xuất lưỡi cuốc và xẻng, sau đó mua những dụng cụ này để phát cho những gia đình làm nghề trồng trọt với giá thấp hơn nhiều so với đồ nhập cảng. CARE được nhớ đến qua việc phân phát những gói quà, những bao gạo và túi đựng quần áo bên ngoài có đóng nhãn hiệu CARE. Tổ chức IRC thì chú trọng việc giúp đỡ sinh viên và trí thức. Trước hết là việc lập căng-tin để cho sinh viên được ăn uống chung với giá rẻ và có thể dành nhiều thì giờ hơn cho việc học hành, sau đó là lập các đội thể thao và ban nhạc sinh viên. IRC còn đặc biệt tài trợ cho việc thành lập và điều hành Hội Văn Hóa Bình Dân với trung tâm sinh hoạt văn hóa và thư viện, nhất là các lớp học buổi tối cho người nghèo và những người phài đi làm ban ngày. IRC cũng đóng góp đáng kể cho Viện Đại học Huế khi mới thành lập. Ngoài ra, IRC còn hợp tác với Thanh Thương Hội Hoa Kỳ mở cuộc lạc quyên về tài chánh và vật dụng cho Operation Brotherhood (Chiến Dịch Huynh Đệ), một trong những chương trình định cư tị nạn nổi tiếng nhất hồi đó. Operation Brotherhood là một chương trình cứu trợ khẩn cấp về y tế và nhu yếu phẩm cho người tị nạn và nạn nhân chiến tranh do Thanh Thương Hội Quốc Tế (JCI) bảo trợ. Do sự thúc đẩy của chi hội Jaycees Phi-líp-pin, chương trình này được Jaycees Á châu thành lập ở Việt Nam hồi tháng Mười 1954 sau đó được bảo trợ bởi các chi hội từ 57 quốc gia. Ngoài việc cung cấp thuốc men, thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng, Operation Brotherhood còn gửi bác sĩ, y tá, cán bộ xã hội và chuyên gia nông nghiệp sang làm việc tình nguyện ở Việt Nam. Chiến dịch Huynh đệ này lập trụ sở tại 16 tỉnh để phối hợp các dự án y tế, vệ sinh và phát triển nông nghiệp, vừa hoạt động tại những địa điểm cố định trong thị xã vừa tổ chức những đoàn lưu động đi phục vụ ở những làng định cư xa xôi miền đồng bằng hay miền núi. Tất cả những chương trình viện trợ của các chính phủ và tổ chức tư nhân trên đây không những chỉ cứu trợ khẩn cấp và đáp ứng các nhu cầu trước mắt của người tị nạn mà còn tạo cơ sở cho họ xây dựng một đời sống tự túc và có khả năng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong lâu dài. Đây là những kinh nghiệm hữu ích cho công cuộc cứu trợ và định cư tị nạn ở mọi nơi trên thế giới, và một lần nữa cho người tị nạn Việt Nam sau biến cố 1975. ______ Ghi chú: [1] Nhật báo Le Monde, Paris, France, 26.07.1954. 2 United Nations Convention Relating to the Status of Refugees, January 1951, và điều sửa đổi trong Protocol Relating to the Status of Refugeesof 31 Janu­ary 1967. 3 Dẫn bởi Janie Hampton, editor, Internally Displaced People: A Global Sur­vey, (London: Earthscan Publications Ltd., 1998), Introduction, XV. 4 Hampton, ed. “Introduction”, xvi. 5 Guenter Lewey, America in Vietnam (Oxford, England, 1978). Dẫn bởi Valerie O’Connor Sutter, The Indochinese Refugee Dilemma (Baton Rouge and London: Louisiana State University Press, 1990), tr. 60. 6 Rev. Patrick O’Connor, “Violations of Article 14 of the Geneva Agree­ment” trong cuốn Terror in Vietnam: A Record of Another Broken Pledge(Washington, D.C.: National Catholic Welfare Conference, 1955), 9, 12 và 18. 7 National Catholic Welfare Conference, Terror in Vietnam, op.cit., 17-18. 8 Người công giáo gọi những miếng mề-đay nhỏ này là “ảnh áo Đức Bà” dùng để choàng vào cổ, đeo ở phía trước ngực. 9 CAOM, HCI-488. 10 Trích văn thư số 8975/PVN ngày 30.11.1954 của A. Moret, phó giám đốc Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội viễn chinh ở Bắc Việt gửi Đại diện Cao ủy Pháp tại Hải Phòng và Giám đốc sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội viễn chinh ở Đông Dương tại Sài gòn (CAOM, HCI-488). 11 Landing Ship Medium (LSM), thường gọi là “tàu há mồm” dùng để chở quân đổ bộ. Tin đồn lúc đó là “tàu há mồm” hớp dân di cư vào bụng rồi khi ra đến ngoài khơi sẽ mở mồm ra để trút hết mọi người xuống biển 12 Thomas A. Dooley, Deliver Us from Evil: the Story of Vietnam’s Flight to Freedom (New York: Farrar, Straus and Cudahy, 1956), 137. 13 U.S. News and World Report, October 15, 1954. 14 Le Figaro, Paris, 17 Novembre, 1954. 15 First and Second Interim Reports of the I.C.C., Her Majesty’s Stationery Office, London, May 1955, 22-23. 16 14th Interim Report by the I.C.C., Her Majesty’s Stationery Office, Lon­don, 11. 17 Dooley, 126. 18 Danh sách liệt kê theo tài liệu của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, CAOM, hộp HCI/488. Theo tài liệu của Phủ Tổng ủy Di Cư Tị Nạn, “ông Ngô Ngọc Đối được cử giữ chức Tổng ủy Trưởng Di cư Tị nạn chính thức nhận việc từ ngày 27-8-54.” Tài liệu này không ghi số Nghị định thành lập và cũng không có danh sách thành phần nhân sự Phủ Tổng ủy, nhưng cho biết Phủ này gồm có 5 Nha: Nha Đổng Lý Văn phòng (Văn phòng, Phòng Bí thư, Sở Hành chánh, Sở Tuyên truyền), Nha Tổng Thanh tra, Nha Tiếp Cư (Sở Chuyển vận, Sở Tiếp cư, Sở y tế Di cư, sở Kiểm tra), Nha Định Cư (Sở Kế hoạch, sở Tiếp liệu, Sở Y tế Xã hội), và Nha Tài chánh sự vụ (Sở Kế toán tổng quát, Sở Tiếp trợ). Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Saì-gòn, 1957, 68. 19 Những con số này được tính từ số liệu trong cuốn Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn ấn hành, Sài-gòn, 1975, 120 và 136. 20 Binh sĩ trong quân đội Quốc gia Việt Nam vì không bị ràng buộc bởi Hiệp định đình chiến giữa Pháp và Việt Minh (ngoại trừ việc trao đổi tù binh) nên di cư vào Nam như một thành phần dân tị nạn. Hầu hết những binh sĩ này xin tái ngũ và gia nhập các binh chủng ở miền Nam. (vietinfo.eu)

Cám ơn bạn đã truyền bá nội dung bài vở của chúng tôi. Ngoại trừ mục đích cá nhân, khi sử dụng lại thông tin, xin các bạn không quên ghi rõ tên tác giả, tên nguồn và vietinfo.eu.





Xuống miền cực Nam lập nghiệp 
Định cư ở 2 vùng Lạc An và Bà Nhã, Bời Lời được gần 2 năm. Tình hình kinh tế làm ăn khó khăn, chỉ trông cậy vào nghề thủ công nghệ. Thanh niên, đàn ông phải vào tận rừng sâu nguy hiểm: chặt tre, đốn giang, đóng bè lao xuống sông, thả trôi theo dòng về trại, vớt lên: chẻ tre, vót nan, đan, lát, thành thúng mủng, rổ rá, giao cho con buôn đem về Sàigòn bán. Hàng ngày chỉ ngóng cổ trông cậy vào viện trợ lương thực của giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, nên Đức Cha Phạm Ngọc Chi giám đốc đặc trách phong trào di cư, đã liên lạc với Phủ Tổng Ủy Di Cư của chính quyền miền Nam, cho di dân xuống các dinh điền thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây như: Mộc Hóa, Sóc Trăng, hay Cái Sắn, Rạch Giá, Long Xuyên. Thế là cuộc di cư vĩ đại lần thứ 2 lại được thực hiện vào năm 1956. Tât cả bà con đồng bào thuộc trại Lạc An ai muốn đi xuống vùng nông thôn lập nghiệp thì chuẩn bị xuống tàu, di cư xuống tận cùng của miền Nam nước Việt. Gia đình chúng tôi cũng nằm trong diện của hàng chục ngàn dân di cư này. Lại bảo nhau thu dọn, bồng bế xuống chành lúa do chính phủ thuê bao để xuôi Nam. Miền Nam gọi là “Chành Lúa” là những chiếc thuyền rất khổng lồ chở thóc. Mỗi chiếc có trọng tải được hàng ngàn tấn thóc. Cứ mỗi chiếc chở được khỏang 100 gia đình. Mỗi một đoàn Chành Lúa gồm 10 chiếc, được một chiếc tàu thủy có máy lớn kéo đi. Vị chi cứ mỗi lần 10 chành luá như vậy, thì đã di chuyển được cả 1 ngàn gia đình xuống Cái Sắn, Long Xuyên, Rạch Giá. 

Xuống Cái Sắn vào đầu năm 1956, nhìn thấy sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cánh đồng bát ngát, bao la, ai nấy được thở một không khí trong lành mát mẻ tự do. Chính phủ miền Nam đã đào kênh dẫn nước, chia cắt ruộng đất và làm nhà cửa cho dân sẵn sàng. Họ cấp phát tiền và viện trợ lương thực hàng ngày cho từng nhân khẩu và chia cho mỗi gia đình một thửa đất chiều ngang 30 mét tây, chiều dài 1 cây số 200 mét, (30m x 1,200m = 36,000m vuông) khoảng gần 4 mẩu tây ruộng, độ chùng 26 công tầm cắt, (kiểu đo ruộng của người dân miền Nam. Mổi công tầm cắt rộng khoảng 3 sào 6 miền bắc). Ruộng đồng thẳng cánh cò bay, ai nhìn cũng ngán. So sánh với miền bắc, mọi người ai cũng thắc mắc, sao mà chính phủ cho ruộng nhiều thế, làm sao mà cày cấy cho hết, chắc phải bỏ hoang. 

Người dân di cư còn đang hoang mang vì nhiều ruộng đất, thì chính phủ cho đội máy cày cả 100 chiếc xuống, cầy ruộng khai hoang cho đồng bào, phát thóc giống cho bà con gieo mạ cấy cày. Đội cán bộ canh nông đến hướng dẫn bà con xạ lúa theo kiểu miền Nam, chứ không cấy lúa theo kiểu miền bắc và cũng không phải tát nước be bờ. Chỉ cần cầy ruộng lên, rắc thóc xuống ruộng, cho máy bừa lại một lần, trời mưa xuống là lúa mọc lên. Lúa mùa mọc lên theo mực nước sông Cửu Long, nước dâng lên tới đâu, lúa mọc lên tới đó. Nước dâng lên tràn ngập cánh đồng trong 6 tháng. Khi nước rút xuống thì lúa chín, người dân chuẩn bị gặt lúa. Họ chỉ cần dùng cái liềm cắt bông lúa, còn rạ bỏ lại cánh đồng, đốt làm phân tro. Dân di cư cảm thấy vui mừng phấn khởi, vì cách làm ruộng của nông dân miền Nam thật dễ dàng, không vất vả như 
làm ruộng ở miền bắc, mà lại gặt được nhiều thóc luá. Mỗi năm trung bình mỗi gia đình có thể thu hoạch được 400 dạ lúa (Mỗi dạ 2 thùng, mỗi thùng 20 lít) khoảng 800 thùng thóc. Nếu đem so sánh với một gia đình miền bắc thì người di cư quá giầu và sung sướng. Chẳng bao lâu người dân di cư vào Nam đã tái lập lại đời sống, trở nên phồn vinh. Các nhà xứ và giáo đường bắt đầu mọc lên nguy nga và tráng lệ. Song song với sự phát triển đó, giáo dân gốc giáo xứ Nam Lỗ đã qui tụ lại với nhau thành lập lên những giáo họ, hoặc giáo xứ gốc Nam Lỗ. 

Click để xem ảnh lớn hơn!Riêng kênh B2 vùng Cái Sắn, các gia đình gốc Nam Lỗ đã qui tụ lại thành một khu, xây cất lên nhà thờ giáo họ Nam Lỗ, kênh B. Sau khi Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ về thành lập giáo phận Long Xuyên, Ngài chia cắt, phân định lại ranh giới các giáo xứ cho rõ ràng, mạch lạc. Ngài phân chia mỗi kênh làm 2 giáo xứ (Mỗi kênh dài 12 cây số, Đức Cha phân chia mỗi giáo xứ 6 cây số chiều dài, cắt ngang kênh bằng Kênh Đòn Giông). Do đó giáo họ Nam Lỗ kênh B phải lệ thuộc theo giáo xứ có tên mới là Thánh Tâm. Kinh B có đông giáo dân từ nhiều giáo xứ gốc giáo phận Thái Bình. Nên Giáo họ Nam Lỗ theo qui định ranh giới mới, qui tụ giáo dân của nhiều xứ khác miền Bắc gom lại, nên giáo dân đã bầu lại Ban Hành Giáo và biểu quyết đổi tên mới là giáo họ Hợp Tiến, để thể hiện tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tên cũ Nam Lỗ từ đấy. Giáo họ Hợp Tiến có một ½ số giáo dân là gốc Nam Lỗ di cư, bây giờ trực thuộc giáo xứ mới Thánh Tâm do cha Đa Minh Nguyễn Trính Đức (thầy Điều) con cha già Đoàn Nam Lỗ làm chánh xứ. 

Đối diện kênh B là kênh Rivera giáo dân gốc Nam Lỗ, do cha Đoàn dẫn dắt đã thành lập nên giáo xứ Nam Lỗ, nhưng giáo xứ này lại có đông giáo dân thuộc các giáo xứ khác ngoài miền bắc di cư cũng thuộc giáo phận Thái Bình cùng chung một khu, nên Cha Đoàn cũng đã họp Hội Đồng Giáo Xứ lại, đổi tên mới là Bình Nam (do cái tên Nam Lỗ và Thái Bình gom lại) cho có sự thống nhất và đoàn kết. Giáo dân kênh Rivera theo chân cha Đoàn, thì đa phần là gốc thuộc họ nhà xứ Nam Lỗ ngoài bắc.. 

Khi Đức Cha Ngữ phân chia lại giáo xứ. Gx Bình Nam không nằm trong địa bàn qui định, nên bị mất xứ, xóa sổ. Cha Đoàn phải ra đi xuống kinh 8, gần tỉnh Rạch Giá, Kiên Giang để thành lập giáo xứ mới. Một vài gia đình gốc Nam Lỗ cũng theo Cha Đoàn xuống kênh 8 và kênh 7 lập nghiệp. Hàng năm các con chiên gốc giáo xứ Nam Lỗ như kinh B, kinh Rivera tổ chức thuê đò máy, rủ nhau xuống chúc Tết cha già Đoàn. Đặc biệt Cha già Đoàn Ngài ghiền thuốc lào, nên lúc nào cũng có cái điếu trên bàn nơi phòng khách. Ai vào thăm, Ngài chào một câu, rồi kéo ngay cái điếu lại, bắn một bi thuốc lào xong, khà một cái cho đã, rồi mới nói 
chuyện tiếp khách. 

Lên Sàigòn 

Sinh sống ở Cái Sắn, Long Xuyên được vài năm, đến năm 1962, một trận đại hồng thủy đã tràn ngập khắp nơi trên vùng đồng bằng miền Tây sông Cửu Long, tàn phá hoa màu, nhà cửa ruộng vườn của người dân nông thôn. Gia đình chúng tôi đành bỏ Cái Sắn bồng bế nhau lên Sài Gòn lập nghiệp và buôn bán, để lại ruộng đồng cho người thân trông coi, một chốn hai nơi. Tuy sinh sống ở Sàigòn nhưng hàng năm chúng tôi vẫn về Cái Sắn ăn Tết và thu hoạch lúa mùa. Đến năm 1975, sau biến cố 30 tháng Tư. Thì gia đình tôi từ từ chuyển nhượng tất cả nhà cửa, ruộng đất Cái Sắn cho cậu Huấn em út của Mẹ tôi. 
Trước 1958, năm khu Đinh Điền được thành lập, vùng nầy được người dân địa phương gọi là “Vùng Nước Nổi”, có nghĩa là khi tới mùa nước sông Hậu lên cao thì toàn bộ đất đai bị ngập nước, mênh mông những nước là nước. Chỉ những nhà cửa dân cư dọc theo hai bên LTL 8A mới không bị ngập vì người dân đắp nền cao. Ngay cả LTL 8A nhiều năm nước lên cao hơn bình thường, vẫn bị ngập, xe cộ không lưu thông được.
            Trước khi thành lập khu dinh điền, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hồi ấy đã cho đào những “kinh ngang” (như bậc ngang của một cái thang, nối liền hai kinh lớn, nằm dọc là kinh Cái Sắn (Từ Hậu Giang vào tới thị xã Rạch Giá) và Kinh Núi Sập, nối từ Hậu Giang với kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Những kinh ngang nầy cách nhau 2Km, được đặt tên theo vần chữ cái A, B, C…. và theo số 1, 2, 3, 4… Từ kinh B, - ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Kiên Giang, trở về hướng Rạch Giá (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang) có kinh A, kinh 1, 2, 3, 4… Từ kinh B trở ra hướng Long Xuyên thì có kinh C, D, E, F, G, H. Nói chung, khu dinh Điền Cái Sắn kéo dài từ xã Vĩnh Trinh, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, gần “Ngã Ba Lộ Tẻ”, tức là chỗ bắt đầu LTL 8A, LTL 9 (đi Châu Đốc), LTL 27 (đi Cần Thơ), kéo dài tới xã Mông Thọ ở phía bắc thị xã Rạch Giá. Chiều dài dinh điền Cái Sắn, kể dọc theo LTL 8A là khoảng 70Km. Bề ngang từ kinh Núi Sập tới kinh Cái Sắn là 12Km. Kinh Núi Sập và kinh Cái Sắn được đào từ thời kỳ Pháp đô hộ. Khoảng cách giữa hai kinh nầy là 12Km. Khi thành lập khu dinh điền nầy, chính quyền Ngô Đình Diệm cho đào thêm một kinh ở giữa hai kinh ấy, cách mỗi bên là 6Km, thường gọi là kinh Đòn Dông để việc tháo nước xã phèn cho vùng Cái Sắn được nhanh hơn. Trên hướng Long Xuyên - Rạch Giá, vùng tôi vừa nói là ở phía tay mặt. Phía trái, cũng la khu dinh điền, nhưng dân chúng ở thưa thớt hơn, không phồn vinh như phía phải, lẫn lộn những kinh do chủ điền đào trước 1945 như kinh Rọc Bà Ke, kinh Thạnh Tây, kinh Đông Bình và những kinh mới đào khi thành lập dinh điền như kinh Tân Hiệp, kinh 10, kinh 8, v.v… Việc đặt tên lộn xộn, không thứ tự như phía tay phải. Vùng nầy cũng có kinh Giữa (Thay vì gọi là kinh Đòn Dông). Những kinh nầy dẫn nước ra kinh Cái Bé, có khi còn gọi là kinh Thốt Nốt, thuộc địa phận Long Xuyên, ngang qua địa phận dinh điền Thới Lai, Cờ Đỏ của Tây hồi thuộc địa. Trước 1945, vùng nầy rất phát triển, vừa trồng lúa vừa giao thông bằng ghe thuyền vì hồi đó xe cộ không nhiều, thường người dân di chuyển, vận tải hàng hóa bằng ghe. Điểm hội tụ của 6 con kinh là ở Thuận Trung, thuộc tỉnh Phong Dinh cũ là nơi buôn bán, trên quán, dưới thuyền ghe, rất tấp nập.
            Dân di cư từ các tỉnh Thái BìnhNam Định, v.v… được đưa về dịnh cư ở khu dinh điền nầy. Thật ra, từ Bắc vô Nam, thấy đời sống miền Nam dễ dàng, no đủ, không ai muốn về vùng “đồng chua nước nổi”, “nắng bụi mưa bùn” nầy làm gì. Tuy nhiên, hầu hết họ là người theo đạo Thiên Chúa, các linh mục khuyến khích họ về nên họ nghe theo. Phần đông, khi ở miền Bắc, họ là nông dân nên cũng muốn về đây làm ruộng. Nhiều gia đình sống “hai chân”. Phần đông gia đình trụ lại Saigon, vợ buôn bán sống qua ngày, tiện cho con cái đi học. Chồng và con trai lớn về dinh điền, nhận đất, nhận ruộng và … lảnh đồ cứu trợ.

Posted Image
Posted Image

Đường phố Hà Nội, hình chụp vào tháng 7 năm 1954.

Posted Image


Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều.
Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ.

Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư.















Di tản và Định cư Tị nạn 1954

GS Lê Xuân Khoa
Ngày 23 tháng Bảy 1954, hai ngày sau khi bản thỏa hiệp đình chiến được ký kết tại Genève, Thủ tướng Pháp Mendès France ra trước Quốc Hội để báo cáo về kết quả hội nghị. Khi nhắc đến một điều khoản trong bản thỏa hiệp cho phép dân chúng ở Việt Nam được tự do lựa chọn nơi cư trú của mình giữa hai miền Nam, Bắc, ông nói:
… Nếu chúng tôi không đòi được những đảm bảo đầy đủ cho điểm thỏa thuận này thì những cuộc thương thuyết ắt đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đã đòi rằng bất cứ người nào ở vùng bên này hay bên kia tin rằng mình sẽ gặp nguy hiểm tại nơi cư trú hiện thời phải được phép di chuyển sang bên mà người đó nghĩ rằng mình sẽ được an toàn hơn.
Đây là lần đầu tiên một điều khoản về di chuyển như vậy —điều quan trọng trong một nước bị phân chia thành nhiều chủng tộc và tôn giáo và là nơi đáng lo ngại sẽ có những vụ trả thù— đã được chấp thuận bởi một nhà nước cộng sản.1
Ở chương Bốn, chúng ta đã thấy Mendès France là một chính khách có biệt tài và là nhà thương thuyết thành công nhất tại hội nghị Genève vì đã đạt được gần như hoàn toàn những điều mong muốn của nước Pháp trước một tình thế tuyệt vọng về quân sự ở Việt Nam. Nhưng qua lời tuyên bố trên đây, chúng ta thấy ông vẫn còn quá lạc quan khi tỏ vẻ hãnh diện và tin tưởng đối với những điều lần đầu tiên được thỏa thuận bởi những người cộng sản. Mendès France quả đã thành công khi đạt được điều thỏa thuận này nhưng thay vì ngủ yên trên thành quả ấy, đáng lẽ ông đã phải kèm theo một cơ chế đảm bảo cho việc tôn trọng bản thỏa thuận với những biện pháp đối phó mau chóng và cụ thể của quốc tế trong những trường hợp vi phạm việc người dân Việt Nam được tự do chọn lựa nơi cư trú. Mặc dù cơ chế đảm bảo này chưa chắc đã có hiệu lực trong việc tôn trọng các thỏa thuận, ít ra nó cũng có khả năng ngăn ngừa được một số trường hợp vi phạm.
Điều kiện đòi hỏi của Mendès France chính là để thỏa mãn một điểm trong bản thông cáo chung bảy điểm của Eisenhower và Churchill tại Washington DC ngày 29.06.1954 đã được nói đến trong chương Bốn trên đây. Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh quốc đã tiên liệu sẽ có một cuộc di cư lịch sử ở Việt Nam như một hậu quả tất nhiên của việc chia đôi đất nước. Do đó, điểm số 6 trong bản thông cáo chung đã ấn định một trong những điều kiện để Pháp có thể thỏa hiệp tại hội nghị Genève là “cho phép tất cả những người muốn dời đổi nơi cư trú từ một vùng này sang một vùng khác ở Việt Nam được di chuyển trong những điều kiện bình an và nhân đạo dưới sự kiểm soát của quốc tế.”
Điều kiện này được xác nhận bởi Điều 14 (d) trong bản thỏa hiệp đình chiến ký ngày 21 tháng Bảy với lời lẽ như sau:
“Kể từ ngày bản Thỏa hiệp này có hiệu lực cho đến khi cuộc chuyển quân được hoàn tất, bất cứ những người dân nào ở trong một khu vực do một bên này kiểm soát muốn dời sang sống trong khu vực đã được chỉ định cho bên kia thì chính quyền sở tại phải cho phép và giúp đỡ họ di chuyển.”
Điều kiện này được nhắc lại một lần nữa trong bản Tuyên cáo chung của những nước đã ký tên trên thỏa hiệp Genève, nhấn mạnh rằng những điều thỏa thuận “phải được triệt để thi hành”.
Thời hạn hoàn tất cuộc chuyển quân, được ấn định bởi Điều 2 trong bản Thỏa hiệp đình chiến, là 300 ngày. Ở miền Bắc, Pháp sẽ tập trung quân tại ba địa điểm và lịch rút quân được ấn định như sau: ngày rút hết quân ra khỏi Hà Nội là 11 tháng Mười, Hải Dương là 31.10 và Hải Phòng, địa điểm cuối cùng, là 19.05.1955. Trên nguyên tắc, chính quyền ở các nơi có nhiệm vụ thông báo cho dân chúng địa phương biết tất cả những tin tức này và phải giúp đỡ mọi sự dễ dàng cho những người quyết định dọn tới hay rời khỏi nơi đó. Khi nói “bất cứ người nào” cũng được tự do di chuyển trong thời hạn ấn định, bản thỏa hiệp đã dự liệu bảo vệ sự an toàn cho những người có thể bị trả thù vì lý do chính trị. Bởi thế, Điều 14 (c) đã ghi rõ việc đôi bên phải “cam kết không hành động trả thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những người hay tổ chức nào căn cứ vào những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh.”
Thật ra, trong những năm chiến tranh đã có những cuộc tản cư của dân chúng từ Hà Nội và một số thành phố về miền quê để tránh các cuộc xung đột giữa quân Pháp với dân quân tự vệ và bộ đội Việt Minh trước khi những lực lượng này rút ra khỏi thành phố. Mấy tháng sau, vì chiến tranh lan tới các vùng quê và Pháp cho phi cơ đi oanh kích những nơi tình nghi có quân kháng chiến trong khi đời sống ở các thành phố do Pháp kiểm soát đã được bình thường, dân chúng bắt đầu trở về thành để lo việc làm ăn. Từ giữa năm 1948, sau khi Pháp công nhận Việt Nam độc lập và Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Bảo Đại cầm đầu thì số dân hồi cư về thành càng ngày càng đông. Một số dân ở vùng kháng chiến cũng chạy về vùng quốc gia để lánh nạn. Còn ở lại kháng chiến là những thanh niên, sinh viên và những người yêu nước không đảng phái, đáp lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh từ lúc đầu, đã gia nhập bộ đội chiến đấu hoặc phục vụ trong các cơ quan hành chính, hay tham gia công tác thông tin văn nghệ vận động quần chúng chống Pháp. Một số người này sau trở thành đảng viên có điều kiện thăng tiến, một số bất mãn với các biện pháp cách mạng cộng sản nên tìm cách bỏ về thành, một số khác mắc kẹt luôn với chính phủ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng và đất nước chia đôi.
Như vậy từ những năm trước hội nghị Genève đã có dân tị nạn từ vùng Việt Minh về vùng quốc gia. (Theo thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc, họ là dân “di tản nội địa” với tiềm năng là “tị nạn” như được định nghĩa dưới đây). Khu vực từ Hà Nội đi ra biển với ba địa điểm chính là Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng được gọi là “hành lang tự do”. Khi hội nghị còn đang họp thì ở miền Bắc lại xảy ra một biến cố quan trọng ở vùng Bùi Chu, Phát Diệm là khu vực tự trị của dân công giáo. Vùng này từ lâu vẫn được quân đội Pháp bảo vệ bỗng nhiên bị tướng Navarre bỏ rơi bằng quyết định rút quân về củng cố vòng đai thủ đô. Lập tức bộ đội Việt Minh kéo tới chiếm đóng, nhiều lần đụng độ với các đoàn tự vệ công giáo khiến cho dân chúng phải bỏ chạy. Để dễ tổ chức di tản tập thể, họ tập trung tại một số địa điểm trong vùng, nhờ vậy hàng ngàn người đã tới được “hành lang tự do”. Chẳng bao lâu những địa điểm tập trung này bị Việt Minh phong tỏa, nhiều người bỏ trốn bị bắt, giam cầm và hành hạ. Mặc dầu vậy, nhiều người vẫn tìm được cách vượt thoát. Trước ngày ký hiệp định Genève, con số tị nạn từ các nơi kéo về được phỏng định là 25,000 người ở Hà Nội, 15,000 ở Hải Phòng và 5,000 trong vùng Kiến An-Hải Dương. Dọc đường, người tị nạn choán hết các nhà ga, bến xe, bến tàu và dựng lều ngủ ở giữa đồng, ở Hà Nội, Nhà Hát Lớn Thành Phố và Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội cũng đầy người tị nạn, tràn ngập cả lối đi.
Tị Nạn hay Di tản nội địa?
Trước khi tìm hiểu quá trình tị nạn và định cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954-1955, có một vấn đề chính danh cần được xem xét. Khi còn hoạt động về tị nạn, trong một buổi họp mặt với một số đồng nghiệp thuộc các tổ chức ngoài chính phủ (NGOs) và đại diện Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tôi có nhắc đến cuộc tị nạn 1954 ở Việt Nam. Một người trong nhóm lập tức nhận xét là tôi đã dùng sai từ ngữ và đính chính rằng những người Bắc di cư đó không phải là refugees (tị nạn) mà là internally displaced people (tạm dịch là “di tản nội địa”, thường được gọi tắt là IDPs.) Tôi giải thích tại sao tôi dùng đúng từ ngữ “tị nạn” và đã thuyết phục được các đồng nghiệp hiện diện.
Nói một cách đơn giản, theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, chỉ những người đã ra khỏi biên giới của nước mình để tị nạn ở một nước khác thì mới được gọi là tị nạn, nếu chỉ đi lánh nạn từ nơi này sang nơi khác ở trong nước thì được gọi là di tản nội địa. Căn cứ vào những định nghĩa tổng quát ấy và nhìn vào bề ngoài của cuộc di cư 1954 ở Việt Nam thì những người dân từ Bắc vào Nam lánh nạn sau thỏa hiệp đình chiến Genève không phải là người tị nạn.
Hãy so sánh hai định nghĩa chuyên môn và chính thức của Liên Hiệp Quốc để thấy rõ hơn sự phân biệt giữa “tị nạn” và “di tản nội địa”:
Tị nạn là “người nào, do nỗi lo sợ có cơ sở vững chắc là bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội hay chính kiến đặc biệt, ở ngoài xứ sở quốc tịch của mình và không thể hoặc, vì nỗi lo sợ như vậy, không muốn sử dụng quyền được bảo vệ bởi xứ sở đó; hoặc người nào, vì không có quốc tịch và đang ở bên ngoài xứ sở thường trú trước kia của người đó, không thể hoặc, vì nỗi lo sợ như vậy, không muốn trở về xứ sở đó.”2
Di tản nội địa là “những người hay những nhóm người bị bắt buộc phải bỏ chạy hay phải rời khỏi gia cư hay địa điểm thường trú của họ do hậu quả của, hay đặc biệt vì muốn tránh, những tác hại của xung đột vũ trang, những tình trạng bạo động đã lan rộng, những vụ vi phạm nhân quyền hay những tai họa do tự nhiên hay do loài người gây ra, và chưa vượt qua một biên giới được quốc tế công nhận.”3
Căn cứ vào hai định nghĩa này, dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 chính là người tị nạn vì họ có ít nhất là một lý do vững chắc để lo sợ bị ngược đãi (trong nhiều trường hợp, đã bị ngược đãi), và vì nỗi lo sợ đó không muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của chính quyền cộng sản, và cũng vì nỗi lo sợ đó, không thể trở về nơi cư trú cũ của họ. Ngoài ra, nước Việt Nam đã bị chia làm hai vùng lãnh thổ có đường biên giới cấm vượt qua, được quyết định bởi một hội nghị quốc tế. Thực tế là có hai nước Việt Nam với hai chính quyền và hai chính thể chống đối nhau. Sau hết, những dân di cư tị nạn này không phải là di tản nội địa vì họ không di tản tạm thời trong lúc đang có chiến tranh mà dời đổi nơi cư trú sau khi chiến tranh chấm dứt.
Mặc dầu đã có từ lâu, dân di tản nội địa (IDPs) được nói đến nhiều nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, thường do những cuộc tranh chấp về tôn giáo, chủng tộc và vi phạm nhân quyền mộí cách có hệ thống, mạnh mẽ nhất vào những năm đầu thập kỷ 1990. Chẳng hạn như vụ dân Hutus tàn sát người Tutsis ở Rwanda (500,000 người bị giết chỉ trong vòng vài tháng) hay những vụ “thanh tẩy chủng tộc” (ethnic cleansing) ở Bosnia-Hercegovina với tổng số trên 200,000 người thiệt mạng. Riêng hai cuộc chiến này vào những lúc cao điểm đã gây ra trên 4 triệu dân di tản. Sự phân biệt về định nghĩa giữa dân “tị nạn” và “di tản nội địa” là một vấn đề tranh cãi gay go giữa các chính trị gia và những người tranh đấu cho nhân quyền. Đối tượng của cả hai định nghĩa đều là nạn nhân của bạo loạn hay tai họa và đều có những nhu cầu giống nhau cần được đáp ứng một cách nhân đạo. Điểm tranh cãi là vấn đề trách nhiệm bảo vệ các nạn nhân, thuộc quốc gia có chủ quyền hay thuộc cộng đồng quốc tế? Nếu chính nhà cầm quyền của một nước là nguyên nhân của những vụ tàn sát và vi phạm nhân quyền thì họ thường từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài, và quốc tế khó có thể bảo vệ dân chúng ở quốc gia đó. Có chính phủ lại đổ trách nhiệm cho những nhóm chống đối ở trong nước và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế với ý đồ chiếm đoạt hay giành lấy phần lớn sự giúp đỡ ấy cho bè phái của mình.
Nghĩ cho kỹ, sự phân biệt “tị nạn” và “di tản nội địa” có một lý do rất thực tế là các quốc gia phát triển không muốn và cũng không thể thâu nhận nhiều người tị nạn. Khuynh hướng chung của các nước trong vài thập kỷ gần đây là hạn chế di dân và tị nạn đến mức tối đa. Nói như Janie Hampton, vào thời điểm cuối thập kỷ 1990, “nếu tính tất cả mọi người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn vì bất cứ lý do gì thì con số dân di tản trên thế giới lên đến trên 100 triệu người”4 trong khi còn có khoảng 20 triệu người tị nạn ở nhiều nơi mà tình trạng chưa được giải quyết. Bởi thế, ngoài việc chống lại chính sách hạn chế dân tị nạn, phải có những giải pháp thích hợp cho từng trường hợp có biến động gây nên tình trạng tị nạn hay di tản nội địa.
Trong trường hợp Việt Nam, hai cuộc chiến tranh 1945-1954 và 1956-1975 đã thường xuyên gây ra những vụ dân chúng phải rời bỏ nhà cửa ruộng nương của mình đi nơi khác để tránh bom đạn và khủng bố. Riêng trong cuộc chiến ở miền Nam trong cuộc chiến tranh lần thứ hai, Guenter Lewey ghi nhận số dân di tản nội địa (mà ông gọi là tị nạn) trong khoảng từ 1964 đến 1969 lên tới 3 triệu rưởi, tức là hơn 20 phần trăm dân số miền Nam hồi đó.5 Tiếp theo cuộc triệt thoái cao nguyên rất hỗn loạn hồi tháng Ba 1975, hơn một tháng trước khi Saigon sụp đổ, số dân di tản nội địa lại lên cao hơn nữa.
Như đã thấy, trường hợp ngót một triệu dân di cư từ Bắc vào Nam sau thỏa hiệp đình chiến Genève 1954 không nằm trong định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về dân di tản nội địa như tất cả những truờng hợp biến động kể trên. Những người Việt Nam bỏ chạy chính thể cộng sản ở miền Bắc trong thời hạn 300 ngày của 1954- 1955 để làm lại cuộc đời dưới chính thể quốc gia ở miền Nam đích thực là những người tị nạn theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, lịch sử tị nạn Việt Nam ở thế kỷ XX không thể bỏ sót trường hợp tị nạn 1954.
Trong thời điểm 1954-1955, vấn đề thông tin giữa các thành phố và các tỉnh nhỏ hay miền quê còn rất chậm chạp và khó khăn. Hệ thống điện thoại, phát thanh và ngay cả báo chí chưa về đến các làng xã hay miền núi. Đường xá và các phương tiện giao thông vận tải còn rất khó khăn vì sau những trận ném bom của máy bay Mỹ từ thời Thế Chiến II, các trục lộ giao thông lại tiếp tục bị tàn phá thêm do xe tăng của Pháp và những hoạt động phá cầu cắt đường trong lúc kháng chiến. Ngoài ra, chính quyền VNDCCH chỉ phổ biến những tin tức thích hợp với mục đích tuyên truyền có lợi cho chính phủ, Những tin tức về việc xứ sở bị chia đôi và quyền di tản của người dân thường không được nhắc đến, hoặc mỗi khi cần phải loan báo đều luôn luôn đi kèm với những lời bình luận theo quan điểm của nhà nước. Đến tháng Chín, những tấm bích chương và tờ bướm thông tin về vấn đề tự do di tản mới in xong, được ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến trao cho chính quyền ở cả hai bên để phổ biến cho dân chúng nhưng không được chính quyền VNDCCH sử dụng.6Trong khi đó chính quyền Pháp và QGVN không có điều kiện đưa tin về những vùng do Việt Minh kiểm soát ngoài việc rải một số truyền đơn bằng máy bay của Pháp, một phương tiện không mấy hiệu nghiệm vì dễ bị phản tuyên truyền về mặt tâm lý và chính trị. Hầu hết dân tị nạn từ những nơi khác nhau tới được các địa điểm tạm trú trước khi vào Nam là nhờ hệ thống thông tin truyền miệng lan tràn nhanh chóng trong dân chúng.
Hiệu lực nhất là công tác thông tin trong cộng đồng công giáo nhờ có hệ thống liên lạc chặt chẽ trong nội bộ đã có sẵn từ trước. Hai phần ba dân công giáo miền Bắc lại tập trang ở những tỉnh lân cận với “hành lang tự do” nên nhận được tin tức đầy đủ và mau chóng hơn dân chúng ở những nơi khác. Đó là lý do thực tế cho thấy tại sao đa số dân di cư là người công giáo, bên cạnh bản chất chống cộng kịch liệt của tôn giáo này ở Việt Nam. Những dân di cư không phải người công giáo là những người thuộc các đảng phái hay khuynh hướng chính trị chống cộng sản, những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay chính phủ quốc gia, hoặc đã có ít nhiều kinh nghiệm trực tiếp hay gián tiếp với chế độ Việt Minh trong thời kháng chiến, thành phần tư sản và tiểu tư sản thành thị, những gia đình ở nông thôn lo sợ sắp trở thành nạn nhân của chính sách cải cách ruộng đất và một số nông dân nghèo phải đóng thuế cao hoặc bị thúc đẩy làm dân công kháng chiến. Đặc biệt là có một số người dân tộc thiểu số theo quân đội Pháp chống Việt Minh đã cùng với gia đình được đưa vào Nam định cư. Những gia đình sắc tộc này gồm có khoảng 45,000 người Nùng từ Móng Cái và hơn 2,000 người Thái, Mèo (nay gọi là Hmong) từ Sơn La và Điện Biên Phủ.
Thực tình mà nói, việc VNDCCH bất mãn vì phải chấp thuận những điều khoản trái với ý muốn của mình là phe đang thắng thế, nhất là điều 14 (d) của thỏa hiệp Genève, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng từ đó đi đến chỗ vi phạm thỏa hiệp một cách trắng trợn kể cả việc sử dụng bạo lực thì không thể không chỉ trích được. Như ta đã thấy, điều 14 (d) của thỏa hiệp không những cho phép dân chúng được tự do chọn lựa nơi cư trú trong thời hạn ấn định mà còn nói rõ rằng các nhà chức trách địa phương phải giúp đỡ cho họ di chuyển được dễ dàng. Trong thực tế, để ngăn chặn làn sóng người “bỏ phiếu bằng chân”, chính quyền VNDCCH đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ thuyết phục đến cản trở, đe dọa hay bạo lực. Nhiều quan sát viên và phóng viên ngoại quốc đã tường thuật vô số chuyện vi phạm thỏa hiệp rất ngang nhiên và tàn nhẫn đồng thời cho thấy sự bất lực và thái độ thiếu trách nhiệm của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (UHQT).
Trước khi nói đến những vụ vi phạm điều 14 (d) của hiệp định Genève, cần phải nhắc lại đầy đủ hai điều khoản khác, 14 (c) và 21, liên quan trực tiếp đến trường hợp “bất cứ người dân nào” muốn di tản “thì chính quyền đia phương cũng phải cho phép và giúp đỡ di chuyển”:
Điều 14 (c): Mỗi bên cam kết không hành động trả thù hay đối xử phân biệt đối với bất cứ những ngưới hay tổ chức nào căn cứ vào những hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, đồng thời cũng cam kết bảo đảm mọi quyền tự do dân chủ của họ.
Điều 21: Việc phóng thích và hồi hương tất cả những tù binh và thường dân bị giam giữ của mỗi bên vào lúc Thoả hiệp này có hiệu lực phải được thi hành theo các điều kiện sau đây:
(a)Tất cả những tù binh và thường dân người Việt Nam, Pháp hay quốc tịch khác bị bắt giữ từ những ngày đầu cuộc chiến trong khi hành quân hay trong bất cứ trường hợp chiến tranh nào khác, và ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải được thả tự do trong vòng 30 ngày sau ngày đình chiến có hiệu lực ở mỗi bên.
(b) Từ ngữ “thường dân bị giam giữ” có nghĩa là tất cả những người đã tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị hay vũ khí giữa đôi bên, dưới bất cứ hình thức nào, và vì thế đã bị bắt và giam giữ bởi mỗi bên trong thời gian chiến tranh.
(c) Tất cả những tù binh và thường dân bị mỗi bên giam giữ phải được trao trả cho nhà chức trách thích hợp của mỗi bên, và những giới hữu trách này phải giúp họ bằng mọi cách có thể được để cho họ trở về nguyên quán, về trú sở quen thuộc của họ, hay đi tới vùng mà họ lựa chọn.
Theo các giới quan sát, cả hai điều 14 (c) và 21 trên đây đều không được phía VNDCCH thi hành đốì với một số tù binh người Việt Nam và rất nhiều thường dân người Việt Nam hay ngoại quốc. Một bản tin của Linh mục Patrick O’Connor từ Hà Nội điện về cho tổ chức National Catholic Welfare Conference ở Washington, DC, ngày 5 tháng Mười, 1954 thuật lại: “Hai điều vi phạm hiển nhiên của Việt Minh mà ai cũng biết là: giữ lại những người bị bắt giam mà họ đã thỏa thuận thả ra trong vòng 30 ngày (tức là đến 20.8), và ngăn chặn sự ra đi của những người Việt Nam muốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát… Thật ra, mãi đến tuần lễ thứ nhì của tháng Chín, Việt Minh mới thả một số tù binh. Những thường dân Việt Nam đầu tiên được thả vào ngày 15 tháng Chín, vẫn còn vào khoảng 30,000 người chưa được biết rõ số phận. Tới ngày 1 tháng Mười, Việt Minh vẫn chưa thả Đức Ông Jean Amaud, chánh xứ Thakhek và ba linh mục Pháp cùng bị bắt với Ngài…”7 ở đây không cần nói nhiều đến chuyện vi phạm những điều 14 (c) và 21 mà chỉ cần nhắc đến một số nhân chứng khác trong mấy tháng đầu thi hành hiệp định Genève như: Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield đi quan sát ba xứ Đông Dương trong tháng Mười 1954, các ký giả Robert Martin (U.S. News & World Report), Yves Desjacques (Le Figaro), những bài tường thuật trong các báo Christian Science Monitor, Journal d’Extrême-Orient, New York Herald Tribune, New York Times, Osservatore Romano và những bản tin của Junior Chamber of Commerce từ Manila, U.S.I.S. và Vietnam Press từ Sài gòn.
Trở lại điều 14 (d), có quá nhiều tin tức về những vi phạm trầm trọng và bi thảm mà ở đây cũng chỉ cần kể lại một số hành động điển hình:
  • Gây hoang mang lo sợ trong đầu óc những người muốn di cư vào Nam bằng cách phao các tin đồn như : Pháp bắt dân vào làm phu đồn điền cao su, đàn bà bị hãm hiếp, trẻ con bị đem đi bán, giặc Pháp và Mỹ hung ác trả thù Việt Nam bằng cách đổ người xuống biển khi tàu ra tới ngoài khơi, v.v… Đối tượng của việc tuyên truyền này là dân nghèo và ít học.
  • Không cấp hoặc trì hoãn việc cấp giấy phép di chuyển cho những người ở trong vùng do Việt Minh kiểm soát.
  • Ngăn cấm hoặc làm khó dễ việc bán nhà cửa, ruộng nương của những người chuẩn bị ra đi.
  • Dọa sẽ bắt giữ hay ngược đãi thân nhân còn kẹt lại của những người ra đi.
  • Không cung cấp phương tiện chuyển vận và gây cản trở cho việc di chuyển của dân di cư trên đường bộ cũng như đường thủy. Hành hung người ra đi ở các bến xe, nhà ga hay bến tàu.
  • Kiếm cớ bắt giữ chủ gia đình để điều tra hay bắt cóc trẻ em trong gia đình khiến cả nhà phải ở lại.
  • Giật mìn hay nổ súng vào các xe cộ, bắn phá hoặc đánh chìm những tàu thuyền chở người tị nạn.
Trong một điện văn gửi cho Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết ngày 29.10.1954, Cao ủy Pháp ở Saigon cho biết một số chi tiết đặc biệt của tình hình giáo dân tị nạn và những vụ vi phạm của nhà cầm quyền cộng sản:
Từ đầu tuần vừa qua, các phi cơ thám sát của hải quân đã thấy trên những bãi cát dọc theo bờ biển có nhiều nhóm dân đánh cá ra dấu hiệu. Hải quân được tin đã cho tàu tuần tiễu tới cứu giúp. Khi tới gần duyên hải Bùi Chu và Phát Diệm, hải quân đã thấy hiện ra trên mặt biển đầy rẫy các thuyền bè đủ loại.
Các giới thạo tin ở Hải Phòng cho hay là Việt Minh đã ngăn cấm thuyền đánh cá ra khỏi hải phận, tức là ba hải lý. Hơn nữa, tại hàng trăm địa điểm miền duyên hải, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt dân chúng phải di cư lui vào nội địa nhiều cây số… Từ cuối tháng Bảy, hơn 20,000 dân tỉnh Thái Bình đã tới được vùng tự do mặc dù bị công an kiểm soát gắt gao.
Dân chúng trong những vùng này đã đệ đơn lên UHQT ở Hà Nội xin được di tản theo như thỏa hiệp Genève. Một trong những lý do của cuộc ra đi thê thảm này dường như là thái độ của Việt Minh đối với dân công giáo trong những tỉnh bị chiếm đóng từ bốn tháng nay. Ngay khi mới tới Phát Diệm, bộ đội chính qui và địa phương đã chiếm đoạt nhà dòng công giáo, tịch thu tài sản ruộng đất của các tu viện và họ đạo. Những linh mục còn ở lại bị bắt buộc phải mặc quần áo nông dân miền đồng bằng và phải canh tác đất đai trong chiến dịch tăng gia sản xuất.
…Trong tỉnh Thái Bình, nhiều vụ đụng chạm đã xảy ra giữa dân công giáo và nhà cầm quyền. Một thứ thuế kỳ cục được ra đời: thuế đánh vào những “bùa chú” tức là những miếng mề-đay thiêng liêng8 mà giáo dân phải trả mới được đeo trên cổ áo. Linh mục được quyền làm lễ, nhưng mỗi người vào nhà thờ dự lễ phải trả 1,000 đồng tiền thuế… Ban tuyên truyền của cộng sản còn phát hành những cuốn sách nhỏ gọi là Kinh Thánh Mới do những linh mục theo nhà nước sửa đổi lại, trong đó có những câu như: “Chúa Giê-Su là một người lao động tranh đấu cho công cuộc giải phóng anh em của Người là các công nhân.”
… Nhiều vụ xô xát xảy ra giữa dân công giáo và bộ đội địa phương. Nhiều người bị chết và bị thương, dân công giáo Việt Nam sẽ có nhiều người tử đạo… Một linh mục đã nói với tôi: “Tôi nhớ lời dạy của Thánh Phao-lồ: Chúng ta chiến đấu chống lại tất cả các thế lực đen tối.”9
Một tài liệu của “Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội Viễn chinh ở Bắc Việt” cho biết một số chi tiết về một vụ di cư từ Phát Diệm và việc làm tắc trách của UHQT trong việc thị sát dân tị nạn và can thiệp cho họ được tự do di tản:
Trước hết, các đại diện Việt Minh dứt khoát phủ nhận sự hiện hữu của những địa điểm tập trung này. Sau đó họ bác bỏ thẩm quyền của UHQT về vấn đề thị sát và đòi hỏi rằng công việc điều tra phải do một Ủy ban Hỗn hợp thực hiện. Sau cùng, họ trì hoãn các chuyến đi, lấy cớ vì lý do an ninh, có những kế sách động, v.v…
Chuyến đi thăm đầu tiên của UHQT là ở Nam Định. Chuyến này hoàn toàn thất bại vì đoàn chỉ thâu lượm được những lời ca ngợi Việt Minh và những kiến nghị tố cáo các hành động tàn ác của người Pháp.
Rốt cuộc, ngày 1 tháng Mười Một, Toán Lưu động đầu tiên của UHQT cũng tới được Phát Diệm và thấy có hàng ngàn dân tị nạn ở trong các nhà thờ đang tìm đường di tản. Một toán lưu động điển hình gồm có một viên chức Ấn độ, một viên chức Canada, một viên chức Balan có thông dịch viên sang tiếng Pháp (thường là một cựu nhân viên hầm mỏ ở miền Bắc nước Pháp), kèm theo là một viên chức Việt Minh và một viên chức người Pháp, mỗi người đều có thông dịch viên chính thức. Cả thảy là 8 người. Nên biết rằng những đại diện Việt Minh và Pháp đều không có quyền điều tra nhưng có thể đặt câu hỏi cho những thành viên của UHQT…
Ngày 11.11 có thêm “Ủy ban Tự do” đến thăm, Ủy ban này cũng gồm có một đại diện của mỗi nước thành viên trong Ủy hội, kèm theo một thông dịch viên người Balan… cả ba người trong đoàn đều có chức quyền của cố vấn Đại sứ quán. Đó là các ông: Nair, người Ấn độ tốt nghiệp Oxford; Crepault, người Canada, cựu sĩ quan hải quân; Bibrowski, đại tá Balan có căn bản văn hoá Pháp, Ủy ban Tự do có mục đích hỗ trợ cho những Toán Lưu động với khá đủ quyền lực, đặc biệt nhấn mạnh vào các phương tiện chuyên chở. (Việt Minh có tiếng nói quan trọng sau cùng, nại cớ là không có phương tiện và từ chối việc người khác cung cấp phương tiện)…
Việt Minh muốn cho người tị nạn nói rằng họ bị thúc dục bởi những linh mục từ bên ngoài, rằng họ bị đe dọa nếu không ra đi thì sẽ bị thả bom nguyên tử…
Tôi không thấy là những người tị nạn ra đi vì bị ép buộc. Trong số 1,000 người đầu tiên tới Nam Định chỉ có 16 người rút lui, trong đó có gia đình của một trẻ em bị chết ở dọc đường (điềm gở) và một người Pháp (?) không biết rõ lý lịch.
Dù cố gắng đến đâu cũng không thể được Việt Minh cung cấp danh sách có tên người. Họ chỉ cho biết các con số để có thể thay thế người được dễ dàng. Việc tiếp đón ở Nam Định rất hoàn hảo do Hồng thập tự Việt Minh và các trợ tá xã hội phụ trách. Đài phát thanh công khai tuyên truyền dân chúng đề cao cảnh giác chống lại mọi thủ đoạn của bè lũ Ngô Đình Diệm.
Những Toán Lưu động của UHQT gặp phải nhiều trở ngại mà việc thiếu thông tin đích xác về những địa điểm tập trung người tị nạn là một trở ngại quan trọng. Khả năng can thiệp của UHQT cũng bị giới hạn. Một phụ nữ có người chồng bị bắt đến gặp Ủy hội xin can thiệp cho quyền tự do lựa chọn của mọi người. Toán Lưu động đến trại giam, được xác nhận về việc chồng người đó bị bắt giữ nhưng không được giải thích lý do. Các viên chức UHQT cũng không đòi phải giải thích.
Ngoài ra, người ta còn thấy cứ mỗi khi UHQT đề nghị một thủ tục nào để thi hành thì Việt Minh lại cố tình đưa ra một phản đề nghị…
Sau hết, có một chuyện nhỏ cho thấy thái độ của Việt Minh đối với vấn đề tự do tín ngưỡng: viên chức Canada là người theo đạo công giáo, muốn cùng hai viên chức người Pháp đi lễ nhà thờ ngày Chúa nhật. Việt Minh cho biết đó là một hình thức vi phạm tính chất trung lập mà họ có nhiệm vụ tôn trọng, thế là họ phải thôi đi lễ.10
Một vụ cứu người tị nạn trên biển được thuật lại trên nhật báo Journal d’Extrême-Orient ngày 25 tháng Mười 1954 làm cho người ta không khỏi nhớ đến những vụ cứu vớt thuyền nhân Việt Nam mấy chục năm về sau bởi những con tàu nhân đạo quốc tế trên hải trình đi Thái lan, Mã Lai hay Nam Dương. Mặc dù câu chuyện năm 1954 là một vụ cứu dân tị nạn công giáo trong một trường hợp không hoàn toàn bất ngờ nhưng cảnh tượng vượt biển và cứu vớt không kém phần bi thảm:
Với những lá cờ vàng và trắng của Vatican phấp phới trong gió, cả ngàn chiếc thuyền đánh cá, bè mảng và thuyền buồm, quá tải người tị nạn, đã ra đi vào ban đêm phó mặc cho số phận tiến về phía những chiến hạm nhỏ của Pháp ở ngoài khơi Vạn Lý bên kia vùng hải phận của Việt Minh. Không may có nhiều thuyền bè đóng vội vàng đã bị sóng biển lật úp hay đánh vỡ làm thiệt hại rất nhiều sinh mạng và hàng hóa. Hàng trăm người tị nạn đã chết như vậy.

Tuy nhiên, giữa 6 và 8 giờ sáng hôm qua, chiếc tàu Jules Vernes là một con tàu cũ dùng để tiếp tế cho tàu ngầm đã riêng một mình nó vớt được 3,000 dân tị nạn; trong khi tàu Commandant de Pimodam, vớt khoảng 600, và hai chiếc LSM11 từ Hải Phòng tới tăng cường mỗi chiếc vớt được khoảng 1,000 người.
Những thuyền bè đó lại lập tức quay trở về để lấy thêm những nhóm người khác. Thủy thủ đoàn người Pháp làm việc hết sức mình để chuyển người lên tàu, nhất là phải kéo lên những trẻ sơ sinh, người già hay người có tật bệnh. Có những chiếc bè luôn luôn tràn ngập sóng đã chở cả những con trâu mà những người chạy trốn chế độ Hồ Chí Minh vội vã đem theo.
Ở Hải Phòng, Đô đốc Jean-Marie Querville tới hải cảng để đón nhận dân tị nạn và khen ngợi thủy thủ đoàn, trước sự hiện diện của các thành viên người Ấn độ, Ba-lan và Canada trong Ủy hội Quốc tế.
Tất cả những người tị nạn đều cho hay rằng còn hàng ngàn người khác sẽ tìm cách vuợt biển bằng thuyền đánh cá và đang phải trả mỗi người 5,000 quan để được đưa tới những con tàu của Pháp ở ngoài khơi…
Trong một trường hợp khác, tàu Pháp xông vào tận bờ để cứu khoảng 6,000 người tị nạn đã liều mạng kéo nhau ra biển vào ban đêm và nhiều người đã bị nước thủy triều cuốn đi. Đây là vụ Trà Lý thường được báo chí hồi đó nhắc đến như một trong những thảm kịch của người tị nạn. Trà Lý là một hòn đảo nhỏ chỉ cách tỉnh Thái Bình có mấy dặm. Thuyền bè đã bị Việt Minh tịch thu và đường bộ thì bị ngăn chặn. Bởi thế, những người quyết tâm tìm tự do chỉ còn lại một cách là lội bộ ra bãi biển Trà Lý khi thủy triều rút xuống với hi vọng được tàu Pháp đến cứu. Đô Đốc Jean Marie Querville ra lệnh cho các tàu nhỏ tiến vào Trà Lý, chiếu đèn pha lên bờ để cho thủy thủ xuống cứu người tị nạn. Cuộc cứu vớt rất nguy hiểm vì sóng triều dâng lên cuồn cuộn. Sau ba đêm liền, khoảng 5,000 người được đem lên tàu đưa ra Hải Phòng tạm trú. UHQT khi được báo tin muốn dùng tàu hoặc trực thăng của Pháp tới Trà Lý để điều tra. Việt Minh chỉ cho phép Toán lưu động của UHQT tới nơi bằng đường bộ khiến chuyến đi bị trễ 24 tiếng đồng hồ và hầu hết các bằng chứng vi phạm điều 14 (d) của hiệp định Genève đã không còn.
Bác sĩ quân y Thomas Dooley, một cứu tinh của dân tị nạn 1954, phục vụ trên chiếc tàu Montague của hải quân Hoa Kỳ, tham dự một chuyến cứu người vượt biển ở Vịnh Hạ Long trên một chiếc LSM của Pháp do Đại úy Gerald Cauvin chỉ huy. Nhờ sự hướng dẫn của máy bay quan sát, chiếc tàu đã tiến đến vị trí của 14 chiếc thuyền buồm đang vật vã ở ngoài khơi. Đoàn thuyền này chở hơn 1,000 dân làng cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đã phấn đấu với sóng biển và đói khát trong năm ngày năm đêm mới tới được cửa biển Hải Phòng. Dân tị nạn kể cho Dooley biết rằng họ phải liều mạng ra đi vì không chịu được chính sách cải cách ruộng đất và những biện pháp cưỡng bách tinh thần và vật chất của Việt Minh. Họ đã phải bí mật chuẩn bị rất nhiều ngày trước khi đi trốn vào một đêm không có trăng. Do âm mưu sắp đặt trước, một em nhỏ tên Mai Văn Thịnh chịu hi sinh ở lại đã đốt nhà ở đầu làng và hô hoán cho lính gác kéo đến chữa cháy. Trong khi đó hơn một ngàn người kéo nhau xuống thuyền ra biển. Không ai biết được số phận của Mai Văn Thịnh ra sao nhưng chắc chắn không thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề của giới chức địa phương. “Cha mẹ của Thịnh đều đã chết vì chiến tranh. Người anh duy nhất của Thịnh là Châm bị thiêu sống vì cầm đầu một phong trào thanh niên Công giáo. Ngày 16 tháng Giêng 1953 Châm bị trói vào một thân cây, bị đánh đập tàn nhẫn bằng gậy gộc rồi bị tưới dầu xăng và châm lửa đốt cho đến chết.”12
Ngoài những vụ vượt thoát nguy hiểm nêu trên, còn có những vụ xung đột đẫm máu giữa dân chúng và lực lượng công an, quân đội ở một số nơi khác, nhất là vụ 5,000 bộ đội Việt Minh xả súng vào ngót 20,000 thường dân ở Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 8 tháng Giêng 1955, và vụ 10,000 bộ đội, dân quân và công an hợp lực đàn áp và bắt giữ 3,000 dân Lưu Mỹ (Nghệ An) ngày 13 tháng Giêng 1955 chỉ vì dân chúng ở hai nơi này đã biểu tình đòi di cư và chống cự bằng giáo mác, gậy gộc khi chính phủ hạ lệnh giải tán và bắt giữ những người lãnh đạo biểu tình.
Trước những vi phạm thỏa hiệp 1954 hiển nhiên của Nhà nước VNDCCH, đặc biệt đối với điều 14 (d) về quyền tự do lựa chọn nơi cư trú của người dân, UHQT đã không chấm dứt được những vụ vi phạm ấy, hoặc vì không có đủ quyền lực hoặc vì thiếu tinh thần trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ.
UHQT được thành lập bởi điều 34 của thỏa hiệp Genève gồm có đại diện của Ấn-độ (Trung lập), Ba-lan (Cộng sản) và Canada (Tây phương), và do Ấn-độ làm chủ tịch. Ấn-độ thời đó chủ trương trung lập nhưng vì là một nước Á châu và một cựu thuộc địa của Anh nên vẫn có thiện cảm đối với cuộc chiến tranh chống đế quốc Tây phương do Việt Minh lãnh đạo. Điều đó dễ nhận thấy nhưng trong nhiều trường hợp Ấn độ cũng cố gắng giữ vai trò khách quan. Trở ngại chính là đại diện Ba Lan, thường nại cớ đau ốm hay bận việc bất thường không thể gia nhập đoàn điều tra khi cần thiết hoặc không chịu nhìn nhận có sự vi phạm của các viên chức Việt Minh. Theo điều 35, UHQT lập ra các toán giám sát cố định và lưu động với số nhân viên bằng nhau của ba nước trong Ủy hội. Những toán giám sát này được quyền tự do đi lại dọc theo đường ranh giới và trong vùng phi quân sự, và các nhà cầm quyền quân sự và dân sự phải dành cho họ mọi sự dễ dàng để thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngoài những khu vực nói trên, việc di chuyển và hoạt động của họ phải được sự chấp thuận của nhà chức trách thuộc bên chính phủ liên quan. Chính vì điều sau cùng này mà những toán giám sát của UHQT đã gặp phải nhiều trở ngại mà họ không thể hoặc không muốn vượt qua. Như trong trường hợp xung đột ở Ba Làng và Lưu Mỹ kể trên, đoàn giám sát của UHQT đã không thể tới điều tra tại chỗ vì nhà chức trách địa phương cho biết họ không thể đảm bảo an ninh cho các phái viên của Ủy hội.
Ngay cả trong trường hợp đã điều tra, theo điều 39, nếu thấy “có vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm trầm trọng” mà không giải quyết được tại chỗ —và thường là như vậy— các toán giám sát phải báo cáo cho trung ương UHQT. Theo điều 43, nếu UHQT không giải quyết được thì vấn đề sẽ được thông báo cho các thành viên của hội nghị Genève. Chuỗi thủ tục hành chánh này đương nhiên không thể kịp thời “chấm dứt sự vi phạm hay loại bỏ nguy cơ vi phạm” như trong các trường hợp cấp bách và bi thảm trên đây.
Ký giả Robert Martin, quan sát “những ngày tự do cuối cùng của Hà Nội”, cho biết dân chúng lũ lượt theo nhau rút ra khỏi thành phố và đã bị nhà cầm quyền cộng sản tăng cường ngăn chặn bằng bạo lực. Nhiều vụ vi phạm như vậy đã được thông báo cho UHQT từ những ngày đầu, nhưng “cho đến ngày 1 tháng Mười, không có một vụ khiếu nại nào được điều tra. Để bào chữa cho thái độ này, một nhân viên của Ủy hội nói: Ông cũng biết rõ như tôi là nêu chúng tôi xuống vùng đồng bằng để điều tra chúng tôi sẽ phải đảm bảo che chở và di tản bất cứ nhân chứng nào chống lại Việt Minh. Chúng tôi không có phương tiện hay thì giờ để làm chuyện đó. Và cũng chưa chắc gì chúng tôi đã có nhân chứng để can thiệp.”13
Ký giả Yves Desjacques đi theo một toán giám sát lưu động của UHQT tới Nam Định để điều tra một vụ ngăn chặn dân di cư. Tới nơi. “đoàn được đón tiếp bởi những cán bộ cộng sản đeo thánh giá và chuỗi hạt ca ngợi chính thể dân chủ cộng hòa.” về một vụ khiếu nại khác của người tị nạn, Desjacques than phiền rằng “Thái độ của UHQT thật là khó hiểu.”14
Tuy nhiên, đôi khi UHQT cũng ghi nhận việc các giới chức VNDCCH gây trở ngại đốì với quyền tự do di cư của dân chúng:
Ở Phát Diệm, Đoàn Lưu Động thấy có khoảng 10,000 người tị nạn tập trung tại đó và không di chuyển được. Đoàn cũng nhận thấy bộ máy cấp giấy phép và phương tiện chuyên chở không đủ đáp ứng với nhu cầu của tình thế… Ủy Hội phái ủy ban Tự do đến tận nơi thảo luận với Phái đoàn Liên lạc VNDCCH, sau đó đề nghị một thủ tục đặc biệt để giải quyết tình trạng bất thường ở Phát Diệm. Ngoài trường hợp này, Ủy Hội còn nhận được một số báo cáo về những người muốn di chuyển từ miền Bắc Việt Nam tới vùng do Pháp kiểm soát. Do đó, Ủy Hội cũng yêu cầu nhà chức trách VNDCCH xúc tiến việc cấp giấy phép và những phương tiện thích hợp khác cho những người muốn di cư để thực hiện những cam kết của họ trong điều 14(d) của hiệp định đình chiến và để tránh xảy ra những trạng huống bất thường như Phát Diệm.
Tuy nhiên, Ủy Hội vẫn tiếp tục nhận được những vụ khiếu nại rằng nhà cầm quyền VNDCCH không chịu làm thủ tục mà thực ra còn ngăn chặn dân chúng di cư… Trong khi nhìn nhận rằng chính quyền VNDCCH có quyền thiết lập thủ tục điều hành việc cấp phát giấy phép và sự ra đi của người tị nạn, Ủy Hội chủ trương rằng các thủ tục hành chính không thể cồng kềnh, phiền phức và chậm chạp đến nỗi vô hiệu hoá mọi dự liệu của Điều 14(d)”15.
Để cho công bằng, UHQT cũng điều tra các hoạt động “vi phạm nhân quyền” của Pháp và Mỹ đối với dân di cư. Chính quyền VNDCCH đã trao cho UHQT 320,000 đơn khiếu nại của thân nhân và bằng hữu của những người đã di cư vào Nam, tố cáo rằng họ đã bị “cưỡng, bách” hay “bắt cóc” ra đi. Những Toán Lưu Động của UHQT đã vào Nam để điều tra ở các trại tạm cư và nhận thấy rằng “không có người nào trong số 25,000 người được tiếp xúc (lúc đó tổng số dân đã vào Nam là 121,000 người) than phiền là đã bị cưỡng bách di cư hoặc bày tỏ ý muốn trở về Bắc.”16 Thực tế là trong cuộc đấu tranh chính trị, chiến dịch tố cáo này đã được phát động để bôi nhọ đối phương và giữ thể diện cho Việt Minh. Tho­mas Dooley kể chuyện trạm y tế của ông trong một trại tạm trú ở Hải Phòng đã bị toán lưu động UHQT đến điều tra mấy lần vì bị tố cáo là làm nhiều chuyện hại cho sức khoẻ của người tị nạn. Một lần, tin đồn đưa ra là có nhiều người trong trại bị Mỹ bỏ thuốc độc vào nước uống. Một lần khác thì lại có tin là Mỹ xịt thuốc vào người tị nạn để làm cho họ mất khả năng sinh sản. Thực ra đây là thuốc sát trùng trị bệnh chấy rận. Bác sĩ Dooley trả lời đoàn điều tra rằng đây quả thực là thuốc làm mất khả năng sinh sản của… loài chấy rận.17
Cuộc ra đi ào ạt của gần một triệu người đã làm suy giảm trầm trọng lực lượng sản xuất ở đồng bằng sông Hồng, nhất là số lượng lúa gạo không đủ cho dân trong năm 1955, khiến cho miền Bắc bị nguy cơ đói kém không thua gì nạn đói năm 1945. Vì không thể kêu gọi chính phủ quốc gia miền Nam tiếp tế lúa gạo, Bắc Việt đã phải cầu cứu Liên Xô và nhờ đó mua được 150,000 tấn gạo của Miến Điện để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, trong lâu dài, số ruộng đất tịch thu của những người đã ra đi giúp cho chính phủ miền Bắc được nhẹ bớt áp lực về dân số ở nông thôn. Ngoài ra, về mặt chính trị, sự ra đi của số đông người công giáo cũng làm cho chính quyền được yên tâm hơn về những hoạt động của một lực lượng chống đối đáng kể.
Tổ chức di cư và định cư
Công cuộc di chuyển và định cư ngót một triệu dân tị nạn gồm ba công tác chính: chuyên chở, tiếp đón và định cư. Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón và định cư là trách nhiệm của QGVN với sự viện trợ tài chánh và vật liệu của Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Trước khi tìm hiểu chi tiết của mỗi loại hoạt động, ta cũng nên biết cơ cấu điều hành và phối trí các hoạt động trong suốt quá trình di cư và định cư của dân tị nạn 1954.
Do việc Pháp bỏ rơi Bùi Chu và Phát Diệm vào tháng Sáu 1954 một số linh mục và giáo dân đã bỏ chạy về vùng Hà Nội, Hải Phòng. Chính phủ Ngô Đình Diệm khi đó vừa được thành lập đã Cấp tốc giao cho Bộ Xã hội và Y tế phối hợp với các Bộ Thanh niên, Công chánh, Thông tin, Canh nông và Kinh tế để tổ chức công cuộc di cư và định cư tị nạn. Sở Di Cư thuộc Bộ Xã Hội và Y tế được đặc biệt thành lập để phối hợp các hoạt động tiếp đón, chuyên chở, cổ động cứu trợ, và định cư tị nạn. Chuyến tàu chở dân di cư đầu tiên là chiếc tàu Anna Salen của Thuỵ Điển, rời cửa biển Bắc Việt ngày 17.7.1954, ba ngày trước hiệp định Genève, và cặp bến Sài-gòn ngày 21.7 với trên 2,000 người tị nạn.

Phủ Tổng Uỷ Di Cư Tị Nạn (Photo by Howard Sochurek - 1955)


Phủ Tổng Uỷ Di Cư Tị Nạn (Photo by Howard Sochurek - 1955)



Phủ Tổng Uỷ Di Cư Tị Nạn - 1955 (Photo by Howard Sochurek)


Trước tình hình gia tăng lũy tiến số dân tị nạn, ngày 17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tị nạn (PTUDCTN), ngang hàng với một Bộ trong Nội các. Thành phần gồm có:

Ngô Ngọc Đối            :           Tổng Ủy trưởng
Nguyễn Ngọc An        :           Đổng lý văn phòng
Nguyễn Lưu Viên       :           Tổng Ủy phó
Nguyễn Thanh Diệu    :           Giám đốc định cư
Lê Văn Trà                  :           Giám đốc tài chánh
Nguyễn Văn Thụ        :           Tổng thanh tra
Hoàng Văn Thận         :           Kỹ sư Công chánh
Đỗ Trọng Chu             :           Công cán Ủy viên
Trần Phước Lộc          :           Chánh sở Tiếp cư
Nguyễn Công Phú      :           Chánh sở Chuyển vận
Đỗ Đức Trí                  :           Thông dịch viên
Trung tá Bùi Văn Hai :           Sỹ quan liên lạc của Quân đội QGVN18
Sau ông Ngô Ngọc Đối còn có hai Tổng Ủy trưởng khác là Bác sĩ Phạm Ngọc Huyến và ông Bùi Văn Lương. Ông Lương là người tại chức lâu hơn cả (từ tháng Chín 1955 đến khi hết nhiệm vụ khoảng cuối năm 1957). Nhiệm vụ của PTUDCTN là phối trí với các cơ quan hữu trách của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề chuyên chở bằng phi cơ và đường thủy, và đảm nhiệm công cuộc tiếp đón, cứu trợ và định cư tị nạn. Bên cạnh PTUDCTN có các văn phòng liên lạc quân sự và tôn giáo, văn phòng an ninh để phối hợp với các cơ quan liên hệ. Trụ sở trung ương PTUDCTN đặt ở miền Nam với các Nha Đại diện tại Bắc phần, Trung phần và Cao Nguyên.
Sau thời hạn di cư chấm dứt ngày 19.5.1955, Nha Đại diện tại Bắc phần đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ. Các Sở Chuyển vận và Tiếp cư được sáp nhập vào Nha Định cư để tập trung vào công cuộc kiện toàn định cư ở miền dưới vĩ tuyến 17. Một Ủy ban Định cư cũng được thiết lập tại mỗi tỉnh do Tỉnh trưởng làm chủ tịch với các cơ quan trách nhiệm địa phương.
Vì phần lớn dân tị nạn 1954 là người công giáo (khoảng 70% trên tổng số tị nạn) nên song song với PTUDCTN của chính phủ còn có một tổ chức cứu trợ tư nhân do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, lấy tên là “Ủy ban Hỗ trợ Định cư” (UBHTĐC), hoạt động từ 1.9.1954. Đáp lời kêu gọi của UBHTĐC, nhiều tổ chức công giáo trên thế giới đã nhiệt thành gửi tiền và phẩm vật cứu trợ.
Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự trợ lực của chính phủ, UBHTĐC đã giúp thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ và trường học, cung câp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Sau hơn hai năm hoạt động, UBHTĐC đã gây được cơ sở vững chãi cho các trại định cư. Ngay cả sau khi Ủy ban đã chính thức giải tán vào cuối năm 1957, các linh mục trưởng trại cùng nhiều cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình văn hoá, giáo dục và phát triển xã hội trong các trại.
Như trên đã nói, ngoài Phủ Tổng ủy và UBHTĐC, công cuộc định cư ngót một triệu người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp, Mỹ và Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ.
Công cuộc chuyên chở bằng đường hàng không và đường thủy lúc đầu do chính phủ Pháp đảm nhiệm như đã cam kết tại Hội nghị Genève. Một Ủy ban Chuyển vận Việt-Pháp được thành lập ngày 21 tháng Bảy để phối trí công tác này. cầu hàng không Hà Nội-Sài-gòn bắt. đầu hoạt động mạnh mẽ với sự huy động các phi cơ quân sự và dân sự. Các tàu hải quân Pháp cũng được sử dụng đến mức tối đa. Tuy nhiên, vì số người di cư gia tăng quá nhanh vượt hẳn sự ước lượng và khả năng tiếp nhận của nhà chức trách Pháp, chính phủ Quốc gia Việt Nam phải kêu gọi sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Do chỉ thị của Tổng Thống Eisenhower, Đệ thất Hạm đội thành lập đoàn Hải quân Đặc nhiệm 90 (Navy Task Force 90) gồm 41 chiếc tàu đủ loại do thiếu tướng hải quân Lorenzo Sabin chỉ huy để giúp việc chuyên chở người tị nạn Việt Nam. Đoàn tàu đặc nhiệm này có khả năng chở 100,000 người mỗi tháng. Con tàu lớn nhất là tàu Marine Serpent chở được 6,200 người. Chuyến đầu tiên là tàu U.S.S. Menard chở 2,100 người cặp bến Sài-gòn ngày 16.8.1954. Chuyến cuối cùng của đoàn Đặc nhiệm 90 là tàu Gen­eral A.W. Brewster chở 1,900 binh sĩ Liên Hiệp Pháp và 520 người tị nạn tới Sài-gòn ngày 15.5.1955.
Việc chuyên chở vào Sài-gòn bằng đường hàng không được thực hiện từ các phi trường Gia Lâm và Bạch Mai ở Hà Nội hoặc phi trường Cát Bi ở Hải Phòng bắt đầu từ ngày 4 tháng Tám. Cầu không vận dài nhất thế giới (khoảng 1,200 km đường chim bay) hoạt động với sự tham gia của các công ty được thuê mướn hay trưng dụng gồm có: Air-France, Air Vietnam, Aigle Azur, Air Outre- mer, Autrex, CAT, Cosara, và UAT. Hầu hết các máy bay đều được tháo gỡ hết ghế để chở được tối đa số hành khách, trung bình mỗi ngày là 2,000 người. Phi trường Tân Sơn Nhất trong một ngày hoạt động tối đa ghi được con số 4,226 người tới. Cứ mỗi sáu phút lại có một phi cơ hạ cánh, biến sân bay Tân-Sơn-Nhất thành một phi trường bận rộn nhất thế giới hồi đó. Tổng cộng có 4,280 chuyên bay và có một tai nạn đã xảy ra ngày 15 tháng Tám khi chiếc Bristol hai động cơ chở 47 người tị nạn và phi hành đoàn bốn người bị rớt ở Lào cách Sài-gòn 300 km. Chỉ có một phụ nữ với đứa con nhỏ và ba nhân viên phi hành sống sót.
Những người đi bằng đường thủy được đưa xuống Hải Phòng bằng xe lửa và di chuyển vào Nam bằng tàu của hải quân Pháp hay Hoa Kỳ. Đoàn tàu đặc nhiệm 90 của Mỹ thả neo ở cửa sông Hồng để nhận người tị nạn do các tàu nhỏ của Pháp chở tới. Một số ít tàu của Anh, Trung Hoa và Ba-Lan cũng tham dự vào việc chuyên chở người tị nạn. Nhiều ngườị ở các tỉnh xa không thể tới Hà Nội hay Hải Phòng phải di chuyển bằng phương tiện riêng. Vì vào ngày chót của thời hạn di cư (19.5.1955) vẫn còn một số người chưa được chuyên chở, Pháp yêu cầu Hà Nội gia hạn ba tháng và được chấp thuận.
Theo thống kê của PTUDCTN, tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478 người trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 tháng Năm và 3,945  người đi trong thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng 76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn lên tới gần 950,000 người.

Trong số 871,533 người đi đúng kỳ hạn có 213,635 người được Pháp chở bằng máy bay (4,280 chuyến), số còn lại gồm có 555,037 người được chở bằng tàu thủy và 102,681 người đi bằng phương tiện riêng.
Số 555,037 người đi bằng đường thủy chia ra như sau:
Pháp    237,000 người (338 chuyến)
Mỹ       316,000 người (109 chuyến
Anh, Trung Hoa và Ba Lan 2,000 người (8 chuyến)
Số 3.945 người đi trong thời kỳ gia hạn cũng được chở bằng đường thủy, trên chín chuyến tàu cuối cùng sau đây:
Djiring             ngày    2.6.55              500 người
Nam Việt        __          6.6.55              70 __
Gascogne        __             8.6.55              818 __
St. Michel        __             16.6.55            700 __
Espérance        __             27.7.55            787 __
Durand                        __             7.8.55              12 __
Phong Châu    __             6.8.55              286 __
Hương Khánh __             16.8.55            310 __
Ville de Haiphong __    19.8.55            462 __
Công cuộc tiếp cư bắt đầu từ việc tiếp nhận dân di cư vào những trại tạm trú ở Hà Nội, Hải Phòng, làm thủ tục di chuyển bằng máy bay hay tàu thủy, cho đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở và tiếp tế vật dụng cần thiết cho mỗi gia đình khi mới đặt chân lên Sài-gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang. Những hoạt động này đã diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của thời hạn di cư. Sau khi Hà Nội và Hải Dương được chuyển siao cho Việt Minh vào cuối tháng Mười, trung tâm tiếp cư Hải Phòng càng trở nên đông đúc và bận rộn. Tất cả các trường học và một số lớn công sở được biến thành trại tạm trú cũng không đủ cho người tị nạn tạm trú. Nha Đại diện PTUDC tại Bắc phần phải cho dựng lên hàng ngàn chiếc lều vải ở hai trú khu vùng ngoại ô, mỗi nơi chứa được khoảng 15,000 người, đủ cho các đợt người đến và đi liên tiếp. Ngoài ra còn một trú khu khác chứa được 12,000 người ở cách Hải Phòng bảy cây số do bác sĩ Tom Dooley dựng lên và quản trị hoàn toàn riêng biệt.
Khi tới các sân bay hay bến cảng Sài-gòn hay Vũng Tàu, đồng bào được các nhân viên tiếp cư đưa lên xe đến các trạm tiếp cư hay tạm trú. Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà Hát thành phố và một số trường học trong thời gian nghỉ hè được dùng làm nơi tiếp đón trước khi phân phối người tị nạn tới các trại tạm trú. Tại đây, họ được Sở Tiếp cư cung cấp các phẩm vật cần dùng và tiền tiếp tế cho mỗi người. Có tất cả hai mươi trại tạm trú trong vùng Saì-gòn, Gia-định, và một trại ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau ngày cuối thời hạn di cư, các trạm tạm trú còn hoạt động thêm một tháng, tới ngày 17 tháng Chín 1955 mới chấm dứt.
Công Cuộc Định cư
Để tránh tình trạng ứ đọng ở các trại tạm trú, các hoạt động định cư được thực hiện song song với hoạt động tiếp cư. Nhiều người ngay sau khi tới miền Nam hoặc sau một thời gian ngắn ở trại tạm trú đã tự lo liệu việc định cư ở những nơi có thân nhân hay bạn bè hoặc ở những vùng lựa chọn thích hợp với khả năng nghề nghiệp của mình. Con số này gồm khoảng 200,000 người hầu hết là gia đình công chức, thương gia và những người hành nghề tự do. Ngoài ra còn gia đình các quân nhân di cư20 tổng số trên 100,000 người. Những người hoàn toàn trông cậy vào chương trình của chính phủ được xếp vào ba loại nghề nghiệp chính: nông nghiệp, ngư nghiệp hay tiểu công nghệ, sau đó được đưa đi định cư ở những địa điểm thích hợp tại các tỉnh miền Nam, miền Trung hay Cao nguyên Trung phần. Tại những nơi này, Nha Định cư thiết lập các trại định cư, cất nhà cửa, trường học, trạm y tế và đào giếng nước cho dân trong trại. Qua chương trình viện trợ Mỹ, Pháp và các chính phủ trong thế giới tự do cùng các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, và các cơ quan thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, hàng trăm ngàn người làm nghề nông, nghề đánh cá hay tiểu công nghệ được cấp phát các dụng cụ và phương tiện thích hợp (trâu bò, hạt giống, phân bón; thuyền xuồng, lưới chài; nguyên liệu và vật liệu sản xuất.) Ngoài ra, trong thời gian đầu định cư, tất cả mọi gia đình đều được trợ cấp nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm, mùng mền, giường tủ… Tại mỗi tỉnh có đồng bào di cư, một Ủy ban Định cư tỉnh được thành lập do Tỉnh trưởng làm chủ tịch gồm đại diện dân chúng và các cơ quan liên hệ.
Chi phí định cư phần lớn do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ, tổng cộng là 56 triệu đô-la và khoảng 150 triệu đồng Việt Nam (theo hối suất chính thức hồi đó thì 1 đô-la bằng 35 đồng VN.) Trong số này, ngót 12 triệu đô-la là chi phí chuyên chở của tàu Hải quân Đặc nhiệm 90. Số tiền viện trợ còn lại, khoảng 45 triệu đô-la, được dùng vào việc định cư tị nạn, gồm mọi sự giúp đỡ từ thời gian ở trại tạm trú đến trại định cư. Chi phí trung bình cho việc định cư là khoảng 80 đô-la mỗi đầu người.
Mấy tháng định cư đầu tiên có một số trở ngại do việc lựa chọn địa điểm không thích hợp với khả năng nghề nghiệp của người tị nạn. Chẳng hạn người làm ruộng ở đồng bằng không quen với công việc canh tác và trồng trọt ở miền núi, dân ngư phủ lại đưa đi định cư ở miền đồng ruộng. Nhiều vùng đất bỏ hoang trong tám năm chiến tranh lại nằm trong những khu kháng chiến cũ của Việt Minh. Dân tị nạn gặp không ít khó khăn khi sinh hoạt với dân chúng địa phương có ít nhiều liên hệ với những cán bộ và binh sĩ cộng sản đã ra Bắc tập kết. Ngoài ra còn có trở ngại về an ninh do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi loạn Bình Xuyên hồi tháng Tư 1955. Kết quả là khoảng 20,000 dân đã bị mất hết nhà cửa tài sản, trong đó một số là người tị nạn. Nhờ sự giúp đỡ tài chánh và huấn luyện kỹ thuật của các cơ quan viện trợ, nhất là các chuyên viên U.S.O.M. và phái đoàn cố vấn của đại học Michigan, các dự án mới được thiết lập nhằm bãi bỏ một số trại định cư và chuyển dân tị nạn đến những nơi thích hợp hơn. Một thí dụ là trại định cư ở Thủ-dầu-một (Bình Dương.) Trại này có 224 gia đình nông dân và ngư dân tổng cộng 1,036 người. Rừng Thủ-dầu-một không thích hợp với nghề làm ruộng, lại càng không thích hợp với nghề đánh cá. Những người này được chuyển tới Ba Ngòi, gần vịnh Cam-Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, 150 gia đình ngư dân được cấp phát phương tiện đóng tàu thuyền và đồ nghề chài lưới và 74 gia đình nông dân được chia đất ở bên trong, được giúp đỡ khẩn hoang và cấp phát phương tiện canh tác. Đây là bước đầu của giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn kiện toàn định cư, số dân do chính phủ định cư được phân phối theo tỉ lệ phỏng định 70% về nông nghiệp, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Tổng cộng có 315 trại định cư với 508,999 dân, phân phối như sau:
NAM PHẦN (14 tỉnh):
Ba Xuyên                    1 trại                780 người
Phong Dinh                 3 __                         10,683 __
Kiên Giang (Cái Sắn)  15                    42,145
An Giang*                    
Vĩnh Long                   6 __                   2,803 __
Kiến Hòa                     11__                  12,268 __
Định Tường                10 __                 9,036 __
Long An                      9 __                   14,108 __
Phước Tuy (Bà Rịa)    20 __                 26,241 __
Đô thành Sài – Gòn    12 __                 24,925 __
Gia Định                     37 __                 110,339 __
Biên Hòa                     56 __                 107,947 __
Bình Dương                12 __                 16,353 __
Tây Ninh                     14                    15,726
Cộng:                          206 trại            393,354 người
TRUNG PHẦN (9 tỉnh Trung Quyên):
Quảng Trị                    11 trại              9,251 người
Thừa Thiên                  11 __                 5,700 __
Đà Nẵng                      5 __                   7,917 __
Quảng Nam                 4 __                   462 __
Bình Định                   1 __                   275 __
Khánh Hòa                  6 __                   4,608 __
Phú Yên                      2 __                   1,129 __
Ninh Thuận                 1 __                   312 __
Bình Thuận                 18 __                 31,430 __
Cộng:                          59 trại              61,094 người
NAM TRUNG PHẦN (5 tỉnh Cao Nguyên):
Đồng Nai Thượng (Blao)        8 __                   12,796 __
Đà Lạt                                     18 __                 15,456 __
La Ngà I và II                         5 __                   6,770 __
Ban Mê Thuột                         15 __                 14,725 __
Plâyku                                     4 __                   4,801 __
Cộng:                                      50 trại  __          54,551 người __
* Số trại và số người định cư ở An Giang không thấy ghi trong nguồn tài liệu của PTUDCTN, Cuộc di cư lịch sử tại Việt nam, tr. 169. Có lẽ các trại này lúc đó đang sát nhập vào trại Cái Sắn ở giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ngoài các thành phần kể trên, Nha Định cư còn tổ chức những trại riêng biệt ở một số tỉnh miền Trung và Cao nguyên miền Nam cho đồng bào sắc tộc. Tổng cộng có 14,794 người định cư tại bảy trại, gồm có:

Hai trại người Nùng ở Sông Mao và Phan Rí, tỉnh Bình Thuận. Ba trại người Mường, một trại ở Biên Hòa, và hai trại ở Pleiku. Một trại người Mán ở Ban Mê Thuột.
Một trại người Thổ và người Thái ở Trung Nghĩa, Đà lạt.
Theo bảng phân phối trên đây, số dân định cư đông nhất là ở Nam Phần, và ngoại trừ vùng thủ đô Sài-gòn, Chợ Lớn và Gia Định, tỉnh Biên Hòa có nhiều dân định cư nhất nước với đại đa số là người công giáo. Chỉ trong vòng một năm, dân số tỉnh Biên Hòa tăng lên gần gấp đôi, từ 130,000 lên tới 240,000. Quân đội Pháp và Việt đem máy móc tới làm đường xá và khai quang những vạng đất bỏ hoang để giúp dân chúng cất nhà hay trồng trọt. Có tất cả sáu khu định cư trong tỉnh Biên Hòa gồm Hố Nai, Gia Kiệm, Tân Uyên, Phước Lý, Tân Mai và Bến Cỏ. Khu lớn nhất là Hố Nai gồm bảy làng chia theo thành phần dân di cư từ các tỉnh ở miền Bắc, xếp thứ tự theo số dân từ đông nhất đến ít nhất: Hải Phòng (20,000), Thái Bình (11,050) Bùi Chu (6,000), Bắc Ninh (4,000), Thanh Tâm (3,250), Thanh Hóa (2,858). Với khả năng tổ chức và điều hành của hệ thống công giáo, tinh thần kỷ luật và siêng năng của trên 50,000 giáo dân, Hố Nai đã tận dụng được các chương trình giúp đỡ và sớm vượt qua được những trở ngại lớn lúc ban đầu để trở thành một khu định cư hoàn toàn tự túc với đủ mọi ngành nghề.
Sau việc cất nhà, đào giếng và tổ chức bộ máy hành chánh trong các trại định cư, PTUDCTN bắt đầu cung cấp các phương tiện nghề nghiệp cho dân chúng. Riêng về nông nghiệp, nông dân được cấp phát đất hoang để làm vườn hay làm ruộng. Chỉ trong vòng một năm, 23 trại định cư tại 5 tỉnh miền Nam đã được chính quyền ký nghị định thiết lập thành làng xã địa phương. Cũng chỉ trong năm đầu tiên, công việc khẩn hoang tại các trại đã đạt được kết quả như sau:
Diện tích                     Nam phần                    Trung phần                  Cao nguyên
đã khẩn hoang             30,565 ha                    3,630 ha                      3,999 ha
Diện tích
đã  cấy lúa                   21,057 ha                    1,750 ha                      823 ha
Diện tích                    
đã trồng tỉa                  7,793 ha                      1,870 ha                      3,100 ha         
Trong số các trại định cư, có nhiều trại như Cái Sắn, La Ngà, Ban Mê Thuột, Pleiku đuợc thành lập theo chương trình đặc biệt nhằm tái canh vùng Cái Sắn (Kiên Giang) và khai thác cao nguyên miền Nam. Các Bộ Cải cách Điền địa, Canh nông, Công chánh, Xã hội hợp tác chặt chẽ với PTUDCTN để hoạch định và thực hiện các dự án kiện toàn định cư về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế và xã hội.
Cái Sắn, được thành lập ngày 21 tháng Mười Hai 1955, là thí điểm kiện toàn định cư lớn nhất, trong vòng hai năm, đã đem lại cho 7,500 gia đình gồm trên 42,000 người một đời sống hoàn toàn tự túc. Nhờ các cơ quan ngoại viện cung cấp vật liệu xây cất và nông cụ cần thiết, trong năm đầu tiên đã có trên 13,000 căn nhà được dựng lên và 12,000 ha (trong số trên 100,000 ha ruộng đất bỏ hoang) được khai khẩn và trở thành những vườn ruộng phì nhiêu. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là tổ chức Thanh Thương Hội Quốc tế, giúp đỡ tổ chức và điều hành các trạm y tế, nhà bảo sanh, thành lập các phòng thông tin và trụ sở sinh hoạt cộng đồng.
Công trình quan trọng nhất ở Cái Sắn là việc chính quyền và dân tị nạn với máy móc và dụng cụ viện trợ đã hợp lực đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào các khu tiếp giáp với đồng ruộng và nơi cư trú của dân chúng, mỗi con kinh rộng 8 mét và dài trung bình 12 km, không những cần thiết cho việc trồng trọt mà còn là những tuyến giao thông, thương mại và chuyên chở bằng thuyền bè giữa các địa điểm trong trại với bên ngoài. Nhờ sự sinh hoạt tấp nập trên những con kinh này, Cái Sắn đã thay đổi hẳn đời sống kinh tế địa phương, gia tăng lợi tức và công ăn việc làm. Tỉnh Kiên Giang nhờ đó cũng có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.
Những trại định cư của gần 15,000 đồng bào sắc tộc tại cao nguyên Nam Trung phần tập trung trong vùng Đà Lạt, Pleiku, Ban- mê-thuột cũng được hưởng chương trình đặc biệt. Cơ quan viện trợ USOM (United States Operations Mission) lập dự án khai khẩn đất đai, làm đường, xây trường học, bệnh xá, cung cấp cho dân định cư vật liệu làm nhà và nông cụ, nông phẩm để trồng trọt. Đến cuối năm 1957 dân chúng đã có thể tự túc nhờ sản xuất nông phẩm cung cấp cho thị trường địa phương. Chỉ riêng một làng đã có khả năng sản xuất mỗi tháng được 24 tấn rau đủ loại.
Một khía cạnh đặc biệt khác của chương trình định cư là vấn đề hội nhập của dân di cư miền Bắc vào xã hội miền Nam. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì nguyên nhân và hệ quả chính trị của nó. Trước hết, đa số dân chúng miền Nam không thể hiểu được phong trào di cư tị nạn cộng sản của ngót một triệu người miền Bắc và không thể tin được những câu chuyện về chính sách thuế má nặng nề và cưỡng bách lao động, nhất là những chuyện khủng khiếp quá sức tưởng tượng về “đấu tố” trong cải cách ruộng đất và chỉnh huấn trí thức. Thêm vào đó là công cuộc tuyên truyền chống đốì người tị nạn của chính quyền miền Bắc và những lực lượng chính trị đối lập, nhất là hành động khủng bố của lực lượng Bình Xuyên, vì người tị nạn thường tổ chức biểu tình ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ngày 31 tháng bảy 1955, làng tị nạn Phước Lý ở Biên Hoà bị dư đảng Bình Xuyên đốt cháy, phá hủy hoàn toàn 190 căn nhà với 2,400 nạn nhân bị cướp hết của cải và 25 người bị thương do pháo kích. Thêm vào đó là những tin đồn xuyên tạc được tung ra để gây nghi ngờ và ác cảm đối với “dân di cư Bắc Kỳ” trong dân chúng miền Nam. Những tin đồn này lan ra tới ngoài Bắc nhưng chỉ làm giảm đôi chút số người ra đi vào những ngày chót của thời kỳ gia hạn.
Chính sách tị nạn thích hợp vào lúc đó là lập những trại định cư riêng biệt, phát động chiến dịch “tự lực mưu sinh” để người tị nạn mau chóng tiến đến kinh tế tự túc. Ngoài ra còn có chiến dịch “thông cảm Trung Nam Bắc” nhằm xóa bỏ ngộ nhận, thành kiến, nhất là những tin đồn gây chia rẽ địa phương của những phần tử phá hoại. Không bao lâu, do những nỗ lực tăng gia sản xuất biến đất hoang thành ruộng vườn màu mỡ, những sinh hoạt ngư nghiệp nhộn nhịp miền duyên hải và những hoạt động đa dạng trong ngành tiểu công nghệ, người tị nạn đã chứng tỏ sự đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế địa phương. Những trại định cư dần dà không còn mang dấu vết tị nạn và trở thành những thôn xã chính thức. Trong khi đó, qua những hoạt động buôn bán và nghề nghiệp, những cuộc tiếp xúc phi chính trị giữa những người dân bình thường và những sinh hoạt thông tin văn nghệ cộng đồng, cuộc sống hoà hợp giữa người di cư và dân chúng địa phương cũng mau chóng trở thành hiện thực. Mọi người có nhiều cơ hội hiểu biết lẫn nhau hơn khiến cho mọi mưu toan chia rẽ đều phải tan biến đi hoặc trở thành vô hiệu.
Di cư và Tập Kết ra Bắc
Theo hiệp định đình chiến tại Genève, khoảng 140,000 bộ đội cộng sản, cán bộ và gia đình được chính phủ VNDCCH đưa ra tập kết ở miền Bắc bằng phương tiện riêng trong thời hạn 300 ngày. Ngoài ra, số người xin di cư hay hồi cư từ Nam ra Bắc tổng cộng chỉ có 4,358 người, trong đó 1,018 người (599 người lớn, 419 trẻ em) được phi cơ nhà binh của Pháp chuyên chở giúp. Chuyến bay đầu tiên khởi hành ngày 8.4.1955 và chuyến cuối cùng vào ngày 9 tháng Năm. Sau ngày này, số 3,340 người còn lại (1,913 người lớn, 1,427 trẻ em) được Pháp chở bằng tàu thủy, chuyến cuối cùng là ngày 14.7.1955, gần hai tháng sau thời hạn ấn định.
Theo nhận xét của PTUDCTN thì số người xin ra Bắc tuy rất nhỏ so với số người di cư vào Nam, nhưng có nhiều loại và nhiều nguyên nhân:
1. Lao động vào Nam sinh sống đã lâu, nhớ quê hương, nay có dịp được giúp đỡ trở về. Trong số này có 630 người là gia đình phu đồn điền đã mãn hạn giao kèo, gồm 352 người lớn và 278 trẻ em.
2. Một số người di cư chỉ vì chạy theo phong trào, sau đổi ý xin về.
3. Một số người vì kinh tế quẫn bách, lo sợ cho cuộc sống tương lai.
4. Một số cán bộ cộng sản trà trộn với dân di cư vào Nam hoạt động và trở về Bắc khi hết hạn 300 ngày.
5. Một số người nghe tuyên truyền ra Bắc học tập để giải phóng miền Nam.
Trong mọi trường hợp, những người di cư hoặc hồi cư về miền Bắc không gặp trở ngại nào từ phía chính quyền miền Nam. Điều này dễ hiểu vì số người xin ra Bắc quá nhỏ, nhất là vì chính phủ miền Nam mới thành lập còn phải lo việc định cư số dân tị nạn quá đông trong khi phải đối phó với một tình hình chính trị đầy bất ổn.
Cuộc định cư của ngót một triệu dân miền Bắc tại miền Nam năm 1954-1955 được hoàn tất thành công vào cuối năm 1957 là nhờ ở sự hợp lực giữa PYUDCTN, các chương trình viện trợ quốc tế và những cố gắng xây dựng cuộc đời mới của chính người tị nạn. Ngoài ra phải kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về đất đai, sông biển ở miền Nam và lòng người rộng rãi cởi mở ở nơi đây khiến cho việc hòa hợp dân tộc được tiến hành tốt đẹp. Trên tổng số dân phía Nam vĩ tuyến 17 năm 1954 vào khoảng 11 triệu người, hơn 850,000 dân di cư miền Bắc chiếm gần 8 phần trăm là một tỉ lệ khá quan trọng. Từ một gánh nặng kinh tế lúc ban đầu, chỉ chưa đầy ba năm, số người này đã trở thành một nguồn nhân lực có khả năng đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa ở miền Nam. Tuy nhiên, trước những nhu cầu cấp bách của làn sóng người tị nạn, mọi yếu tố tài nguyên và nhân sự chỉ là tiềm năng và sẽ không thể trở thành động lực sản xuất nếu không có sự giúp đỡ quan trọng về tài chánh, phương tiện vật chất và kỹ thuật của các chương trình viện trợ quốc tế.
Lịch sử tị nạn 1954 sẽ thiếu sót đáng tiếc nếu không ghi nhận sự giúp đỡ đặc biệt ấy của các chính phủ, các tổ chức từ thiện và tôn siáo trên thế giới. Các quốc gia cung cấp các phương tiện chuyển vận, tài chánh và phẩm vật định cư gồm có: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Đức, Ý, Úc, Tân Tây Lan, Nhật, Phi-líp-pin, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nam Triều Tiên. Các cơ quan quốc tế, ngoài UNICEF và Hồng Thập Tự, còn có nhiều tổ chức từ thiện và tôn giáo như Catholic Relief Service (CRS), Church World Service (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Res­cue Committee (IRC), CARE và Thanh Thương Hội Quốc tế (In­ternational Junior Chambers of Commerce, thường gọi tắt là “Jay- cees” và viết tắt là JCI).
Chương trình viện trợ Mỹ, ngoài chi phí chuyên chở bằng đường biển, còn đóng góp nhiều nhất cho công cuộc định cư tị nạn nói chung. Chương trình USOM không những cung cấp tiền trợ cấp và các phương tiện về nông, ngư nghiệp và tiểu công nghệ mà còn thiết lập các dự án kiện toàn định cư với sự hợp tác của đoàn chuyên gia đại học Michigan và phái đoàn Viện trợ kinh tế của Pháp (Mis­sion Franchise d’Aide Economique). Các dự án này là kết quả của những hoạt động nghiên cứu về khả năng nghề nghiệp của người tị nạn và môi trường địa phương, tham khảo với các Bộ liên hệ của Việt Nam trong việc hoạch định nhằm giúp cho người tị nạn sớm tiến đến tự túc và phát triển.
Về phần các tổ chức nhân đạo quốc tế, ngoài việc đáp ứng một số nhu cầu chung của người tị nạn, mỗi tổ chức chú trọng vào một vài chương trình đặc biệt. Chẳng hạn CRS và Catholic Auxil­iary Resettlement Committee giúp xây cất 189 nhà thờ trong các trại định cư công giáo và một trung tâm sinh hoạt văn hóa cho nữ sinh viên ở Đô thành Sài-gòn. CRS cũng được USOM hợp tác để xây cất một bệnh viện lớn ở gần trại định cư Hố Nai. CWS và MCC cung cấp thực phẩm và thuốc bổ, đặc biệt là phân phát 40 tấn gạo cho những trại bị thiếu hụt trầm trọng. CWS còn giúp lập một xưởng đúc chuyên sản xuất lưỡi cuốc và xẻng, sau đó mua những dụng cụ này để phát cho những gia đình làm nghề trồng trọt với giá thấp hơn nhiều so với đồ nhập cảng. CARE được nhớ đến qua việc phân phát những gói quà, những bao gạo và túi đựng quần áo bên ngoài có đóng nhãn hiệu CARE. Tổ chức IRC thì chú trọng việc giúp đỡ sinh viên và trí thức. Trước hết là việc lập căng-tin để cho sinh viên được ăn uống chung với giá rẻ và có thể dành nhiều thì giờ hơn cho việc học hành, sau đó là lập các đội thể thao và ban nhạc sinh viên. IRC còn đặc biệt tài trợ cho việc thành lập và điều hành Hội Văn Hóa Bình Dân với trung tâm sinh hoạt văn hóa và thư viện, nhất là các lớp học buổi tối cho người nghèo và những người phài đi làm ban ngày. IRC cũng đóng góp đáng kể cho Viện Đại học Huế khi mới thành lập. Ngoài ra, IRC còn hợp tác với Thanh Thương Hội Hoa Kỳ mở cuộc lạc quyên về tài chánh và vật dụng cho Operation Brotherhood (Chiến Dịch Huynh Đệ), một trong những chương trình định cư tị nạn nổi tiếng nhất hồi đó.
Operation Brotherhood là một chương trình cứu trợ khẩn cấp về y tế và nhu yếu phẩm cho người tị nạn và nạn nhân chiến tranh do Thanh Thương Hội Quốc Tế (JCI) bảo trợ. Do sự thúc đẩy của chi hội Jaycees Phi-líp-pin, chương trình này được Jaycees Á châu thành lập ở Việt Nam hồi tháng Mười 1954 sau đó được bảo trợ bởi các chi hội từ 57 quốc gia. Ngoài việc cung cấp thuốc men, thực phẩm, quần áo và đồ gia dụng, Operation Brotherhood còn gửi bác sĩ, y tá, cán bộ xã hội và chuyên gia nông nghiệp sang làm việc tình nguyện ở Việt Nam. Chiến dịch Huynh đệ này lập trụ sở tại 16 tỉnh để phối hợp các dự án y tế, vệ sinh và phát triển nông nghiệp, vừa hoạt động tại những địa điểm cố định trong thị xã vừa tổ chức những đoàn lưu động đi phục vụ ở những làng định cư xa xôi miền đồng bằng hay miền núi.
Tất cả những chương trình viện trợ của các chính phủ và tổ chức tư nhân trên đây không những chỉ cứu trợ khẩn cấp và đáp ứng các nhu cầu trước mắt của người tị nạn mà còn tạo cơ sở cho họ xây dựng một đời sống tự túc và có khả năng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước trong lâu dài. Đây là những kinh nghiệm hữu ích cho công cuộc cứu trợ và định cư tị nạn ở mọi nơi trên thế giới, và một lần nữa cho người tị nạn Việt Nam sau biến cố 1975.
______
Ghi chú:
[1] Nhật báo Le Monde, Paris, France, 26.07.1954.
2 United Nations Convention Relating to the Status of Refugees, January 1951, và điều sửa đổi trong Protocol Relating to the Status of Refugees of 31 Janu­ary 1967.
3 Dẫn bởi Janie Hampton, editor, Internally Displaced People: A Global Sur­vey, (London: Earthscan Publications Ltd., 1998), Introduction, XV.
4 Hampton, ed. “Introduction”, xvi.
5 Guenter Lewey, America in Vietnam (Oxford, England, 1978). Dẫn bởi Valerie O’Connor Sutter, The Indochinese Refugee Dilemma (Baton Rouge and London: Louisiana State University Press, 1990), tr. 60.
6 Rev. Patrick O’Connor, “Violations of Article 14 of the Geneva Agree­ment” trong cuốn Terror in Vietnam: A Record of Another Broken Pledge (Washington, D.C.: National Catholic Welfare Conference, 1955), 9, 12 và 18.
7 National Catholic Welfare Conference, Terror in Vietnam, op.cit., 17-18.
8 Người công giáo gọi những miếng mề-đay nhỏ này là “ảnh áo Đức Bà” dùng để choàng vào cổ, đeo ở phía trước ngực.
9 CAOM, HCI-488.
10 Trích văn thư số 8975/PVN ngày 30.11.1954 của A. Moret, phó giám đốc Sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội viễn chinh ở Bắc Việt gửi Đại diện Cao ủy Pháp tại Hải Phòng và Giám đốc sở Bảo vệ Pháp kiều và Quân đội viễn chinh ở Đông Dương tại Sài gòn (CAOM, HCI-488).
11 Landing Ship Medium (LSM), thường gọi là “tàu há mồm” dùng để chở quân đổ bộ. Tin đồn lúc đó là “tàu há mồm” hớp dân di cư vào bụng rồi khi ra đến ngoài khơi sẽ mở mồm ra để trút hết mọi người xuống biển
12 Thomas A. Dooley, Deliver Us from Evil: the Story of Vietnam’s Flight to Freedom (New York: Farrar, Straus and Cudahy, 1956), 137.
13 U.S. News and World Report, October 15, 1954.
14 Le Figaro, Paris, 17 Novembre, 1954.
15 First and Second Interim Reports of the I.C.C., Her Majesty’s Stationery Office, London, May 1955, 22-23.
16 14th Interim Report by the I.C.C., Her Majesty’s Stationery Office, Lon­don, 11.
17 Dooley, 126.
18 Danh sách liệt kê theo tài liệu của Cao ủy Pháp ở Đông Dương, CAOM, hộp HCI/488. Theo tài liệu của Phủ Tổng ủy Di Cư Tị Nạn, “ông Ngô Ngọc Đối được cử giữ chức Tổng ủy Trưởng Di cư Tị nạn chính thức nhận việc từ ngày 27-8-54.” Tài liệu này không ghi số Nghị định thành lập và cũng không có danh sách thành phần nhân sự Phủ Tổng ủy, nhưng cho biết Phủ này gồm có 5 Nha: Nha Đổng Lý Văn phòng (Văn phòng, Phòng Bí thư, Sở Hành chánh, Sở Tuyên truyền), Nha Tổng Thanh tra, Nha Tiếp Cư (Sở Chuyển vận, Sở Tiếp cư, Sở y tế Di cư, sở Kiểm tra), Nha Định Cư (Sở Kế hoạch, sở Tiếp liệu, Sở Y tế Xã hội), và Nha Tài chánh sự vụ (Sở Kế toán tổng quát, Sở Tiếp trợ). Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Saì-gòn, 1957, 68.
19 Những con số này được tính từ số liệu trong cuốn Cuộc Di cư Lịch sử tại Việt Nam, Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn ấn hành, Sài-gòn, 1975, 120 và 136.
20 Binh sĩ trong quân đội Quốc gia Việt Nam vì không bị ràng buộc bởi Hiệp định đình chiến giữa Pháp và Việt Minh (ngoại trừ việc trao đổi tù binh) nên di cư vào Nam như một thành phần dân tị nạn. Hầu hết những binh sĩ này xin tái ngũ và gia nhập các binh chủng ở miền Nam.


Ngày 09/08/1954, chính quyền miền Nam do thủ tướng Ngô Đình Diệm cầm đầu đã cho thiết lập một phủ Tổng Ủy di cư, phụ trách giúp đồng bào tỵ nạn theo NĐ 111TTP-VP...
Mỗi ngày có khoảng 50-70 chuyến bay, đem theo khoảng 1500 dân di cư mỗi ngày...
Đấy là cầu không vận lớn nhất chưa từng có...
Ngày 17/08/1954, có buổi họp giữa ông (Nguyễn Văn) Thoại (Tổng Ủy Trưởng Di Cư) và các viên chức Pháp và Mỹ. Về phía Pháp có tướng Ely, Jean Gambiez (cố vấn cho ông Nguyễn Văn Thoại). Về phía Mỹ có tướng O’Daniel và đô đốc Sabin, thông qua cơ quan MAAGvà STEM. Đại tướng O’Daniel đã chỉ định đại tá Rolland Hamelin, đại diện ông để làm việc với Hải quân Mỹ.Kết quả là phía người Pháp cung cấp 30 xe vận tải để chở người di cư từ bến tầu đến các trại tạm trú... Phía chính quyền Việt Nam cung cấp 100 xe vận tải...
Có 10 trung tâm tiếp cư chính là: Phú Thọ, Xuân Trường (Thủ Đức), Nhị Thiên Đường, Bình Đông 1, Bình Đông 2, Bình Đông 3, Bảo Hưng Thái, Rạch Rừa, Bình Trị Đông và Bình Thới. Ngoài ra còn có những trung tâm tiếp cư lẻ tẻ như Bệnh viện Bình Dân, Nhà Kiếng, Tân Sơn Nhất, Dạ Lữ Viện, Rạch Dừa và các trường học ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Đầu Một hay ở Gò Vấp như các trường Tôn Thọ Tường, Nguyễn Tấn Nghiệm, Pétrus Ký, Cây- Gỗ lớn, Cây-Gỗ nhỏ, Đỗ Hữu Phương, Phú Thọ, Đakao, Khánh Hội và các trạm cứu hỏa đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Gia Định và trại tiếp cư Hòa Khánh ở Chợ Lớn v.v… Các thành phần như sinh viên, học sinh, nhất là phái nữ thì được ưu tiên tạm trú tại trường Gia Long, trường Petrus Ký và 2000 người tạm trú tại các trường học ở Gia Định vì lúc đó các trường đang nghỉ hè.
Ở trường Gia Long... đã có sự cứu trợ của cơ quan The Intertionnal Rescue Committee đến giúp quý bà cho những nhu cầu thiết yếu (in the form of living essentials) như tặng quạt máy, đèn bàn học, thuốc diệt sâu bọ, bàn ủi, quần áo và xà bông, v.v… Chưa kể mở các lớp huấn nghệ xã hội như về sản khoa, chăm sóc trẻ con v.v. (trích tài liệu International Assistance to Refugees, The Junior Chambre International. J.C.I or JAYCEE)...
Trại di cư Phú Thọ còn được gọi là Phú Thọ “lều”, vì ở trong các lều. Các lều này được chuyên chở từ Nhật về trong các kho dự trữ của chính phủ Mỹ ngày 31/07/1954. Đợt đầu tiên là 2000 căn lều bạt đã tới Sài Gòn và trù liệu chỗ trú ẩn cho 40.000 dân di cư...
Chi phí dự trù cho việc tiếp cư này là 1.500.000.000, một tỷ rưỡi tiền Việt Nam trong đó có các chi phí như tiền ăn uống trong 3 tháng cho mỗi người di cư, 12 đồng/một người, 367.000.000. Chi phí cho việc xây cất một trăm ngàn căn nhà, với giá 6000 đồng/căn, 600.000.000. Có lẽ, đây là chi phí tốn kém nhất. Chi phí cho việc mua dụng cụ làm đồng như dao, liềm, cuốc v.v... với số tiền 377.800.000 đồng. (Trích OPTF, trang 29)...
Cơ quan STEM ước định, để có thể cung cấp đầy đủ cho người di cư cho đến khi họ tự túc được thì số tiền tài trợ phải bỏ ra là ở phía Nam là: 1.205.000.000 tỉ đồng. Chưa kể khoảng một tỉ đồng cho các tỉnh miền Trung. (Trích tóm lược trong OPTF, trang 149)
Ngày 02/02/1955, Hoa Kỳ đã hoàn tất chương trình viện trợ để ổn định 500.000 người di cư... Ngày 28/02/1955, Hoa Kỳ tháo khoán 18 triệu Mỹ Kim giao trực tiếp cho Việt Nam mà không qua tay Pháp...
Bắt đầu từ 11/3/1955 thì ngay khi tầu cập bến được cấp 800 đồng mỗi người, cấp một lần một và sau đó được đưa tới các trại định cư. Khitới trại định cư được cấp 3.000 đồng để tự túc dựng lấy một căn nhà, chia làm ba kỳ để mua vật liệu cất nhà như tre, nứa. Chưa kể được cấp phát giường chiếu, chăn mùng, cấp phát dụng cụ làm ruộng, hạt giống, phân hóa học để mưu sinh. (Tài liệu Phủ Tổng Ủy di cư, trích lại trong Bình Giả, quê Hai, tác giả Đình Quang).
Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan từ thiện như CARE cung cấp 25 ngàn thùng quần áo, giầy dép
Ngày 1/7/1955, ngân khoản mà Hoa Kỳ đã trợ cấp cho người di cư là 1 tỉ 58 triệuTrong đó có 480 triệu để trợ cấp định cư, 300 triệu để trợ cấp cho người định cư làm nhà.
Ngày 1/7/1955, đại sứ Mỹ Rheinarat trao cho Thủ tướng Ngô Định Diệm ngân phiếu 11 triệu Mỹ Kim của dân chúng Hoa Kỳ tặng cho người di cư. Không quên là trước đó tháng 12/1954, tướng Lawton Collins đã trao một chi phiếu 28.571.428 triệu Mỹ Kim(Trích Bình Giả, quê Hai, Đình Quang).Cũng cần ghi nhận là những số tiền lớn như thế đã được trao cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm,
sau đó được phân phối cho các trại tị nạn về phân phối lại...
Khi tới trại tạm cư, mỗi người được trợ cấp 12 đồng/ngày cho người lớn và 6 đồng/ ngày cho trẻ em. ..
Tính đến ngày 30/10/1955 có tất cả là 887.890 người đã được di cư vào miền Nam. Trong đó cần định cư 596.031 người. Còn lại 140.000 sống rải rác khắp nơi và 125.393 là gia đình các quân nhân. Để định cư con số hơn nửa triệu người thì chính quyền đã cho thiết lập được156 trại ở Nam Phần, 65 trại ở Trung Phần và 34 trại ở vùng Cao Nguyên...
Hơn nửa triệu người cần được tái định cư, phải lo cho họ có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm tự túc, có trường học cho trẻ em, có trạm y tế cho người ốm đau và nhất là nơi thờ phượng tôn giáo. Ở chỗ nào có dân di cư thì ở đấy có chùa chiền, nhà thờ...
Đó là một điểm son cho việc định cư gần một triệu người tỵ nạn...
Cơ quan xã hội công giáo Hoa Kỳ, The National Catholic Welfare Conference (NCWC) với 400.000 cân (Anh) sữa bột và sau đó còn gửi thêm một số lượng khổng lồ là 1.000.000 pounds sữa bột, 900.000 pounds dầu ăn, bơ và phó mát...
Bên cạnh cơ quan xã hội công giáo Hoa Kỳ, còn có cơ quan The Catholic Relief Service đã cứu trợ 1.100 tấn quần áo và thuốc men, 50 máy may và trường học dạy may, giúp xây cất 69 nhà thờ, giúp xây dựng 81 Hợp tác xã, giúp xây một nhà thương ở Biên Hòa với 250 giường bệnh, giúp xây dựng các trại mồ côi ở ở Thủ Đức, Gò Vấp, Ban Mê Thuột, giúp xây dựng nhà thương cho người cùi ỏ Di Linh, giúp xây dựng 4 nhà máy làm gạch ở Phước Lý, Biên Hòa, Tây Ninh và Đà Lạt...
Phải kể thêm các cơ quan thiện nguyện khác như The Phiippine Jaycees, UNICEFF, Rotary club và Jaycee, The American Women Association, Operation Brotherhood, Hội cứu trợ công giáo Pháp và Đức do giám mục Rhodain và Daniels đại diện v.v… (trích tài liệu International Assistance To Refugees)
Rất nhiều bàn tay đã dơ ra để giúp đỡ người di cư trong lúc đầu đến lập nghiệp ở miền Nam.
Cơ quan FOA đã gửi sang những máy làm gạch để ngày đêm dân di cư sản xuất lấy gạch xây trường học.
Nhưng có một vài trại đinh cư như các trại ở Củ Chi mà con số người di cư lúc đầu lên đến 6, 7 ngàn người. Trại này do người Pháp đỡ đầu, được hưởng nhiều quyền lợi từ hai phía, từ chính quyền đến người Pháp giúp ủi đất, dựng nền nhà, đào giếng, xây dựng trường học, nhà thương, nhà thờ do tiền quyên được của nhật báo Le Figaro ở bên Paris tài trợ.
Còn đối với người Mỹ thì như nhận xét sau đây trong Passing the Torch“Cái Sắn was hailed by the US as a symbol of South Viet Nam‘s determination to shelter people who linked their future with that of the free government”. (Trích Passing the Torch, trang 141) Cái Sắn được chính quyền Mỹ chào đón như biểu tượng về lòng quyết tâm của miền Nam Việt Nam để che chở những ai đặt tương lai của họ vào tương lai của một chính quyền tự do”.
Nhưng để đất có thể trồng trọt được, cơ quan USOM đã dùng 110 máy ủi đất để cào sới đất, sau đó dùng máy cầy san đất. Tính chung là1.800.000 mét đất đã được ủi và cào xới.
Chính quyền có cấp phát cho các gia đình trâu để cầy ruộng. Trâu mua từ Thái Lan về. Đã có 2148 con trâu đã được cấp phát cho các trại di cư ở Nam Phần và 40 con ở Trung Phần.
Riêng ở Cái Sắn, cứ 4, 5 gia đình chung nhau một con trâu để cầy ruộng...
Trên toàn thể các trại di cư, chính phủ đã giúp đào được 5405 cái giếng và phân phối khoảng 400 tấn phân bón. Đồng thời phân phối khoảng 60 ngàn cuốc xẻng. Chính phủ cũng cho nông dân đi định cư vay một số tiền là 118.217.200 triệu đồng.
Chính phủ Hoa Kỳ còn cung cấp cho dân định cư, lúc đầu là 50.000 người, dự trù thêm 50.000 nữa, một số tiền là 400 triệu đồng cùng với tất cả các dụng cụ nông nghiệp mà số tiền tính ra khoảng 1 triệu Mỹ kim.





THOÁNG NHÌN VỀ MIỀN CÁI SẮN NỬA THẾ KỶ QUA

          “ Ai về miền Cái Sắn xinh tươi, ai về đồng lúa mới, ai về nhà má tôi....”
Bài hát trữ tình, thân thương, ngọt ngào được hát vang đâu đó trong vùng Cái Sắn một thời gian dài ở thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX. Hôm nay với những đổi thay, có lẽ bài hát đã bị lãng quên, ít người còn nhớ đến. Trong khi một bài hát về ngôi trường Cái Sắn “Đây trường Phanxicô xinh đẹp dựa bóng bên đường, như mẹ hiền yêu thương rộng tay đón đoàn niên thiếu...Lạy thánh Phanxicô cho đoàn con chăm học luôn để mai này tô thắm núi sông ...” lại luôn được các cựu học sinh trường trung học Cái Sắn hát vang hàng năm, trong ngày mừng lễ bổn mạng Thánh Phanxicô mùng 03 tháng 12 của trường, và cũng là bổn mạng của cha cố Nguyễn Thượng Uyển. Họ hát với cả tâm hồn, với tấm lòng yêu thương tha thiết bên cha cố thân yêu, người cha tinh thần đã khai phá cho bao thế hệ qua việc xây dựng ngôi trường trung học đầu tiên của vùng Cái Sắn 1958 và cũng là Hiệu trưởng của ngôi trường thân yêu này. Ngôi trường đã đào tạo được bao lớp người hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
Nửa thế kỷ qua, vùng đất miền Cái Sắn được trải dài hai bên quốc lộ 80 và dòng sông Cái Sắn hơn 30 km, từ Giáo xứ Môi Khôi, Láng Sen, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đến Giáo xứ Mông Thọ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Hai bên quốc lộ là những con kinh đào dài 12 km cách nhau khoảng từ 1,5 đến 2km, trông giống như những rẽ xương sườn nhận quốc lộ 80 là trục xương sống, và dòng sông Cái Sắn là tủy sống chuyên chở phù sa của dòng sông Cửu Long phủ lên những cánh đồng lúa mênh mông xanh mướt, đầy sức sống ở hai bờ những con kinh đào. Những con kinh đào phía hạt Vĩnh Thạnh, trước đây là hạt Thốt Nốt, TP Cần Thơ được đặt tên theo mẫu tự từ: kinh B,C, D,..., H và kinh Thầy Ký.Trong khi những con kinh đào phía hạt Tân Hiệp, Kiên Giang thì đươc đặt tên theo dãy số tự nhiên từ kinh zêrô, kinh 1, kinh 2, ..., kinh 10, kinh A và kinh Rivera thuộc hạt Tân Hiệp.
Hai bên bờ của những con kinh đào chính là nơi định cư sinh sống của hầu hết người Công giáo, mà trước đó họ đã tạm cư ở các nơi như: Biên Hòa, Đồng Nai, Lạc An, Trạch Đông, Lâm Đồng… Theo chương trình định cư của dinh điền Cái Sắn lúc đó, bà con về đây vào năm 1956. Mỗi gia đình được nhận 3ha ruộng, có 30m theo mặt kinh đào, ruộng ngay sau nhà, rất thuận tiện cho việc canh tác Một kế hoạch lập khu định cư cho cả mấy chục ngàn người, có tầm nhìn thế kỷ, đến nay vẫn không hề lạc hậu, mà ngày một phát triển.
Từ năm 1956 đến năm 1960, vùng đất này thuộc Giáo phận Cần Thơ, do đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cai quản, sau này ngài mới về Sài Gòn. Đức Cha và cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã mang nặng suy tư, và hoạt động tích cực trong việc hòa hợp và hòa giải dân tộc, giữa đạo và đời, đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Ngày 24/11/1960 giáo phận Long Xuyên được thiết lập, tách ra từ Giáo phận Cần Thơ. Cố Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, vị Giám Mục tiên khởi của Giáo phận. Ngài hết lòng lo cho sự phát triển của Giáo phận trong buổi sơ khai còn nhiều thử thách, khó khăn. Một trong những mặt được ngài quan tâm nhất chính là giáo dục. Vì thế Ngài đã có chủ trương xây trường học trước khi xây nhà thờ. Đó là một chủ trương giúp bao thế hệ thoát mù chữ, được học hành đến nơi đến chốn, mang lại lợi ích nhiều cho Giáo phận, Giáo hội cũng như cho quê hương Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua và mai này. Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, vị Giám Mục kế vị thì luôn thao thức cho con người và quê hương, hôm nay và ngày mai, về các vấn đề của Giáo phận, Giáo hội,việc đạo, việc đời. Ngài đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc góp phần cho thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 với nội dung tích cực: “ Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Chính nội dung đó đã được Đức Thánh Cha Bênêdictô nhắc lại với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi các ngài về viếng mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô ngày 27 – 06 –2009tại Vatican “ Giáo hội Chúa Kitô giữa lòng dân tộc”. Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, hiện là Giám Mục chính Giáo Phận Long Xuyên. Ngài chú tâm đến vấn đề truyền giáo, xây dựng các giới, các xứ đạo có chiều sâu trong việc sống đạo, bớt hình thức. Giáo phận Long Xuyên  gồm năm hạt thì hai hạt nằm trọn trong miền Cái Sắn, Hạt Vĩnh Thạnh có 25 Giáo xứ 46 nhà thờ, trong đó có 36 nhà thờ có Linh Mục, bốn Giáo xứ nằm trên quốc lộ 80. Giáo hạt Tân Hiệp có 31 Giáo xứ với 56 nhà thờ, trong đó có 39 nhà thờ có Linh Mục, ba Giáo xứ nằm trên quốc lộ 80.
            Hơn nửa thế kỷ qua, người dân miền Cái Sắn đã dồn tất cả tâm trí, sức lực, chẳng quản ngại một nắng hai sương, để biến vùng đất gần như hoang vu, cỏ mọc như rừng với muỗi mòng, rắn rết thành những thửa ruộng phì nhiêu, màu mỡ đem lại năng suất lúa cao cho miền. Và cũng đồng thời dồn sức cho ngày mai bằng con đường đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Có thể nói cả hai lĩnh vực đó người dân nơi đây đã có thành công nhất định, đáng khâm phục và trân trọng.
            Khi những chiếc xe khách từ khắp nơi rẻ vào ngã ba lộ tẻ, xuôi về Rạch Giá, Hà Tiên. Họ đang đi vào cửa ngõ miền Cái Sắn... Người am tường vùng đất này đã nghĩ ngay đến thịt chó, cà ghém, mắm tôm, chả lụa, bánh đa, thuốc lào… Họ đang tiến vào bộ mặt của vùng Cái Sắn xuyên qua một dãy phố nối đuôi nhau dài khoảng 30km từ Láng Sen đến Mông Thọ. Quốc lộ 80 ở đoạn này chính là trung tâm thương mại, dịch vụ của cả vùng. Người dân trong vùng có thể nhận được mọi thứ cần thiết cho cuộc sống như: trang trí nội thất, kim khí điện máy, vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, vàng bạc, tiền bạc, vải vóc, quần áo, lương thực, xăng dầu…từ các công ty, ngân hàng, doanh nghiệp, hoc cửa hàng… Năm mươi năm trước, nơi đây là những túp lều thưa thớt hai bên quốc lộ 80 với ngọn đèn dầu le lói trong đêm, vắng người qua lại, thì nay là dãy phố được xây dựng nhà hai ba tầng lầu, có căn xây dựng tới bạc tỷ san sát bên nhau, điện sáng trưng suốt đêm, tấp nập người và xe cộ qua lại. Dọc theo hơn 30km trên quốc lộ 80 tính từ Long Xuyên về Rạch Giá các ngôi Thánh đường đều được xây dựng mới: Thánh đường giáo xứ Môi Khôi Láng Sen, Thánh đường giáo xứ Thạnh An, Thánh đường giáo xứ Ngọc Thạch, Thánh đường giáo xứ Tân Hiệp, Thánh đường giáo xứ Trung Thành , Thánh đường giáo xứ Mông Thọ. Riêng nhà thờ Giáo xứ An Bình, kinh F sẽ khởi công vào tháng 8/2010, LM Phan Chí Minh cho biết . Dọc quốc lộ 80 vùng Cái Sắn có hai ngôi trường trung học Công giáo được xây dựng thật sớm ở đây, đó là trường trung học Cái Sắn do cha cố Nguyễn Thượng Uyển xây dựng như phần trên đã đề cập tới. Ngôi trường trung học Sao Mai do cố LM Nguyễn Đức Do xây dựng 1960, theo thời gian đổi thành THPT Thạnh An, hiện nay là THCS Thạnh An, tác giả đã có dịp nói đến trên báo Công giáo và Dân tộc số 1927 từ mùng 04 đến mùng 09 tháng 9/2009. Sau này Giáo phận Long Xuyên mở thêm trường trung học Thái Hòa tai Tân Hiệp 1968. Hiện nay còn ngôi trường tiểu học dân lập Ân Bình được xây dựng năm 1989 do LM PhanĐình Sơn sáng lập là của người Công giáo. Hiện đã giao lại cho LM PhanChí Minh điều khiển .
Đến với các xứ đạo trong các con kinh đào, chúng ta lại thấy một sự thay đổi đến không thể tin được. Trước đây hai bên bờ kinh là những căn nhà tre, tràm, lá, vách đất chỉ thắp sáng bằng ngọn đèn dầu. Hai bên kinh là những con đường đất chỉ đi lại vào mùa nắng, đến mùa mưa đất rất mến người, nên đi lại thật khó khăn. Nối hai bờ kinh là những chiếc cầu khỉ bằng tre, chênh vênh, cheo leo, đong đưa, thật trở ngại cho việc đi lại. Thửa ruộng sau nhà chỉ đạt năng suất  2 tấn/ha/năm. Ngày nay hai bờ kinh là những căn nhà xây nhiều kiểu dáng, rộng rãi, khang trang, đẹp đẽ và kiên cố. Trước nhà con đường bêtông rộng 3m. Nối liền hai bờ kinh là những cây cầu bêtông vững chắc, rất thuận lợi cho việc đi lại hai mùa mưa nắng. Cánh đồng lúa sau nhà đã đạt năng suất 10 tấn/ha/năm. Điện đường sáng trưng thâu đêm. Hầu hết những ngôi Thánh đường trong các Xứ đạo đều được xây dựng lại thay cho những ngôi nhà nguyện tre, gỗ tạm bợ trước đây.

            Điểm nổi bật nhất đối với người dân Cái Sắn thuộc hai hạt Vĩnh Thạnh và Tân Hiệp là tinh thần hiếu học. Họ ý thức sâu sắc rằng: chỉ có con đường học sẽ giúp họ thoát nghèo nhanh nhất, vững vàng nhất và cũng danh dự nhất. Nhìn vào số sinh viên của các xứ đạo miền Cái Sắn trong những năm vừa qua chúng ta rất khâm phục. Cứ 10.000 dân thì có từ 300 đến 1.100 sinh viên. Vấn đề này tác giả đã đề cập trên báo Công giáo và dân tộc số 1917 từ mùng 07 đến 13/8/2009 và số 1724 từ 11 đến 17/9/2009. Kết quả là hiện có hàng ngàn người tốt nghiệp Đại học, Thạc Sĩ, Tiến sĩ, trong và ngoài nước đang làm việc khắp nơi kể cả ở hải ngoại, trong mọi ngành nghề của xã hội hôm nay. Dù làm việc ở đâu, nhiều người trong họ luôn hướng về miền Cái Sắn bằng sự giúp đỡ cho gia đình, cho các thế hệ sau bằng những suất học bổng, những phần thưởng. Cái Sắn  quê hương thứ hai của họ. Quê hương đã nuôi họ khôn lớn bằng dòng sữa Mẹ, mà máu thịt của Mẹ đã thắm đượm mồ hôi  trên quê hương, bằng tình yêu thương và hy sinh cao vời vợi của bao người Cha khả kính, đã một nắng hai sương bên ruộng đồng ngày đêm vất vả. Nhờ đó họ nên người hữu ích cho Giáo hội, xã hội,  hôm nay và ngày mai.
            Nhìn về miền Cái Sắn hôm nay, ta còn thấy một điểm sáng ngời về công việc từ thiện của Linh mục Nguyễn Đức Thịnh, cũng là vị Lương y Giám đốc Bệnh viện Tình thương Giáo xứ Thánh Giuse kinh 7, Tân Hiệp, Kiên Giang. Chính Linh mục Giám đốc cũng không thể ngờ được, sau 20 năm hoạt động bệnh xá đã đạt được một kết quả mỹ mãn đến thế! Năm 1980 Linh mục Lương y Nguyễn Đức Thịnh chỉ châm cứu cho một vài giáo dân tại nhà của họ trong Xứ đạo, thế mà hôm nay một bệnh xá có một trăm giường bệnh, có máy siêu âm, máy điện tim, máy X-quang, hàng ngày đón khoảng 300 bệnh nhân, với 40 lương y trong đó có bác sỹ, y sỹ, dược sỹ trực tiếp chữa trị. Trong 20 năm qua đã có tới gần nửa triệu lượt người được điều trị, số khỏi bệnh lên tới 90%.
            Điều đáng trân trọng là bệnh xá đã được 5 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài cùng nhau chia sẻ để tổ chức cho 300 bệnh nhân và người nhà của họ các bữa ăn miễn phí sáng, trưa, chiều hàng ngày. Bệnh nhân đến điều trị trả một khoản tiền tượng trưng, nếu nghèo được miễn phí 100%. Ước tính số tiền giúp nửa triệu lượt bệnh nhân và người nhà lên tới 32 tỷ đồng trong thời gian qua. Có được như thế là nhờ lòng hảo tâm của các ân nhân xa gần trong và ngoài nước. Họ đã đặt niềm tin vào nơi đây.
            Ngày 11/04/2010 Linh mục Nguyễn Đức Thịnh lại khánh thành nhà nuôi trẻ mồ côi cũng tại Giáo xứ Thánh Giuse kinh 7, Tân Hiệp, Kiên Giang. Nơi đây quả là điểm sáng ngời trong việc từ thiện, bác ái và hòa hợp Tôn giáo, mà Linh mục đang thực hiện cho con người. Thật hữu ích và đáng trân trọng biết bao!


            Bên thành quả vượt bậc 50 năm qua, người dân miền Cái Sắn hôm nay lại đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đầu tiên là về môi trường, hàng tấn thuốc trừ sâu trút xuống đồng ruộng để lại hậu quả khó lường với những căn bệnh nguy hiểm. Hơn 4000 căn nhà ở mé sông Cái Sắn Quốc lộ 80 đang bấp bênh, nửa đi, nửa ở không rõ ràng! Mà họ biết đi đâu cho bằng nơi ở hiện tại? Họ đã đề nghị mọi giải pháp như: bảo vệ môi trường , bảo vệ quốc lộ 80, gìn giữ nét văn hóa sông nước miền Nam, nhưng vẫn chưa được trả lời rõ ràng ! Dù họ đã định cư ở đây hơn nữa thế kỷ với bao thế hệ đã sống dưới một mái nhà ấm cúng


            Hơn trăm ngàn người dân miền Cái Sắn hôm nay, hầu hết là đồng bào Công giáo đã gắn bó với mảnh đất này, quê hương thứ hai của họ. Họ đang cố gắng sống với tinh thần “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” như thư chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam  năm 1980 đã dạy. Và họ đang học tập để  sống đạo bằng niềm tin son sắt, bằng yêu thương chân thành, bằng bác ái không vụ lợi, thay cho cách giữ đạo hình thức, chức vụ, thường gặp đó đây.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen