Seiten

Dienstag, 15. Juli 2014

Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu

TỪ CÂU 01 ĐẾN 199

Trước đèn xem chuyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
Hỡi ai lẵng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dà thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu


Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Có người ở quận Ðông Thành
Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền
Ðặt tên là Lục Vân Tiên
Tuổi vừa hai tám, nghề chuyên học hành


Theo thầy nấu sử sôi kinh
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao
Văn đà khởi phụng đằng giao
Võ thêm ba lược sáu thao ai bì
Xẩy nghe mở hội khoa thi


Vân Tiên vào tạ tôn sư xin về:
"Bấy lâu cửa Thánh dựa kề
Ðã tươi khí tượng lại xuê tinh thần
Nay đà gặp hội long vân
Ai ai mà chẳng lập thân buổi này.



Chi lăm bắn nhạn ven mây
Danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa
Làm trai trong cõi người ta
Trước lo báo bổ, sau là hiển vang"
Tôn sư bàn luận tai nàn


Gẫm trong số hệ khoa tràng còn xa
Máy trời chẳng dám nói ra
Xui thầy thương tớ xót xa trong lòng
Sau dầu tỏ nỗi đục trong
Phải toan một phép để phòng hộ thân


Rày con xuống chốn phong trần
Thầy cho hai đạo phù thần đem theo
Chẳng may mà gặp lúc nghèo
Xuống sông cũng vững, lên đèo cũng an
Tôn sư trở lại hậu đàng


Vân Tiên ngơ ngẩn lòng càng sanh nghi
Chẳng hay mình mắc việc chi
Tôn sư người dạy khoa kỳ còn xa
Hay là bối rối việc nhà
Hay là đức bạc hay là tài sơ


Bấy lâu ra sức công thư
Hội này chẳng gặp còn chờ hội nao
Nên hư chẳng biết làm sao
Chi bằng hỏi lại lẽ nào cho minh
Ðặng cho rõ nỗi sự tình


Ngõ sau ngàn dặm đăng trình mới an
Tôn sư ngồi hãy thở than
Ngó ra trước án thấy chàng trở vô
Hỏi rằng: Vạn lý trường đồ
Sao chưa cất gánh trở vô việc gì


Hay là con hãy hồ nghi
Thầy bàn một việc khoa kỳ ban trưa
Vân Tiên nghe nói liền thưa
Tiểu sinh chưa biết nắng mưa thế nào
Song đường tuổi hạc đã cao


Xin thầy nói lại âm hao con tường
Tôn sư nghe nói thêm thương
Dắt tay ra chốn tiền đường coi trăng
Nhân cơ tàng sự dặn rằng:
Việc người chẳng khác việc trăng lên trời


Tuy là soi khắp nơi nơi
Khi mờ, khi tỏ, khi vơi, khi đầy
Sau con cũng tỏ lẽ này
Lựa là trước phải hỏi thầy làm chi
Số con hai chữ khoa kỳ


Khôi tinh đã rạng, tử vi thêm lòa
Hiềm vì ngựa chạy đằng xa
Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan
Bao giờ cho tới bắc phang
Gặp chuột ra đàng, con mới nên danh


Sau dầu đặng chữ hiển vinh
Mấy lời thầy dạy tiền trình chẳng sai
Trong cơ bĩ cực thái lai
Giữ mình cho vẹn việc ai chớ sờn
Vân Tiên vội vã tạ ơn


Trăm năm dốc giữ keo sơn một lời.
Ra đi vừa rạng chân trời
Ngùi ngùi ngó lại nhớ nơi học đường
Tiên rằng : Thiên các nhất phương
Thầy đeo đoạn thảm, tớ vương mối sầu


Quản bao thân trẻ dãi dầu
Mang đai Tử Lộ quảy bầu Nhan Uyên
Bao giờ cá nước gặp duyên
Ðặng cho con thảo phỉ nguyền tôi ngay
Kể từ tách dặm đến nay


Mỏi mê tính đã mấy ngày xông sương
Ðoái nhìn phong cảnh thêm thương
Vơi vơi dặm cũ, nẻo đường còn xa
Chi bằng kiếm chỗ lân gia
Trước là tìm bạn sau là nghĩ chân


Việc chi than khóc tưng bừng
Ðều đem nhau chạy vào rừng lên non
Tiên rằng : Bớ chú cõng con
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài
Dân rằng: Tiểu tử là ai


Hay là một lũ sơn đài theo tao
Tiên rằng: cớ sự làm sao
Hãy dừng gót lại mà trao một lời
Dân nghe tiếng nói khoan thai
Kêu nhau đứng lại vài lời phân qua


Nhân rày có đảng lâu la
Tên là Ðỗ Dự, hiệu là Phong Lai
Nhóm nhau ở chốn sơn đài
Người đều sợ nó có tài khôn đương
Bây giờ xuống cướp thôn hương


Thấy con gái tốt qua đường bắt đi
Xóm làng chẳng dám nói chi
Cảm thương hai gã nữ nhi mắc nàn.
Con ai vóc ngọc mình vàng
Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng


E khi mắc đảng hành hung
Uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu
Thôi thôi chẳng dám nói lâu
Chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình
Vân Tiên nổi giận lôi đình


Hỏi thăm lũ nó còn đình nơi nao
Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.
Dân rằng: Lũ nó còn đây
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành


E khi họa hổ bất thành
Khi không mình lại xô mình xuống hang.
Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ


Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng
Thằng nào lại dám lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mày
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng


Vân Tiên tả đột hữu xung
Khác nào Triệu Tử mở vòng Ðương dang
Lâu la bốn phía vỡ tan
Ðều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay


Bị Tiên một gậy thác rừng thân vong
Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi: Ai than khóc ở trong xe này?
Thưa rằng: tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ


Trong xe chật hẹp khôn phô
Cúi đầu tôi lạy cứu cô tôi cùng
Vân Tiên nghe nói động lòng,
Ðáp rằng: Ta đã trừ dòng lâu la
Khoan khoan ngồi đó chớ ra


Nàng là phận gái ta là phận trai
Tiểu thư con gái nhà ai
Ði đâu đến nỗi mang tai bất kỳ
Chẳng hay tên họ là chi
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?


Trước sau chưa hãn dạ này
Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?
Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga
Còn con tì tất tên là Kim Liên.
Quê nhà ở quận Tây Xuyên


Cha làm tri phủ ngồi miền Hà-khê
Sai quân đem bức thư về
Rước tôi qua đó định bề nghi gia
Làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành


Chẳng qua là sự bất bình
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi
Trước xe quân tử tạm ngồi


Ngõ chi tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa
Chút tôi liễu yếu đào thơ
Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần
Hà khê qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng


Gặp đây đương lúc giữa đàng
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không
Tương câu báo đức thù công
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Vân Tiên nghe nói liền cười


Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng


Ðó mà biết chữ thủy chung
Lựa là đây phải theo cùng làm chi
Nguyệt Nga biết ý chẳng đi
Hỏi qua tên họ một khi cho tường.
Thưa rằng: Tiện thiếp đi đường


Chẳng qua quân tử quê hương nơi nào?
Phút nghe lời nói thanh tao
Vân Tiên há nỡ lòng nào phôi pha
Ðông Thành vốn thiệt quê ta
Họ là Lục thị tên là Vân Tiên.


Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên
Tai nghe lời nói tay liền rút trâm
Thưa rằng: Nay gặp tri âm
Xin đưa một vật để cầm làm tin
Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn


Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na
Vật chi một chút gọi là
Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ
Của này là của vất vơ



---

1.Truyện Tây Minh không rõ lai lịch, hoặc một tiểu thuyết cũ của Trung Quốc, hoặc là tác giả bịa ra, đó còn là một điều nghi vấn. Xét trong sách Tính-lý, Tây Minh là một bài triết là do Trương Tái nhà nho học đời Tống soạn ra, luận về đạo hiếu và đạo nhân, có lẽ Nguyễn Ðình Chiểu mượn đầu đề ấy mà đặt tên cho truyện để nêu cao cái bản lĩnh hiếu và nhân của Lục Vân Tiên, mà tựu trong là phản ánh cái bản lĩnh của mình.

2. Dữ răn việc trước, lành dà thân sau: câu này ý nói là người nghe nên trông gương nhân vật trong chuyện mà răn sợ điều lành đạ hưởng phúc yên về sau.

3.Trau mình: sửa mình (tiếng miền Nam). Trau có nghĩa là làm cho tốt hơn, đẹp hơn.

4.Ðông Thành: tên một huyện ở tỉnh An-huy, Trung Quốc. Những địa danh trong truyện Lục Vân Tiên không chắc chắn là chỉ những địa điểm ở Trung Quốc. Ở tỉnh An-giang (Châu-đốc) xưa kia cũng có Ðông-Thành và con sông Ðông-Thành.

5.Tu nhân tích đức: sửa điều nhân, chứa điều đức, nghĩa là làm cho lòng thương người, trí làm lành của mình ngày càng tăng thêm.

6.Nấu sử sôi kinh: học kinh và sử nhiều lần cho thật chín.

7.Sân trình: sân nhà họ Trình (tức anh em Trình Hiệu hiệu Minh Ðạo và Trình Di hiệu Y Xuyên, là hai nhà đại nho đời trước thuật các sách nho giáo, dạy được nhiều học trò hiền tài ở thời bấy giờ). Người ta thường nói cửa Khổng (Khổng Tử) sân Trình là chỉ những người theo nèn nếp đạo nho hay những trường học tậo đạo nho.

8.Khởi phụng đằng giao: con phượng trỗi dậy, con rồng bay cao, chỉ văn chương xuất sắc lỗi lạc.

9.Ba lược sắc thao: do chữ Hán Tam lược, Lục thao, tên hai quyển sách nói về cách dùng binh.

10.Xẩy nghe: chợt nghe, sực nghe.

11.Tôn sư (si): thầy học đáng kính trọng. Chữ sư chính âm đọc là chữ si, ta đọc chệnh ra sư.

12. Cửa thánh: chỉ trường học đạo thánh, cũng như cửa Khổng.

13. Khí tượng: cái nghĩa cũ: cái khí thế, cái dáng cách biểu hiện ra bên ngoài. -nghĩa mới: hiện tượng của không khí, như mưa gió, nóng lạnh v.v... Ðây dùng nghĩa cũ. Xuê: xinh tốt, đẹp đẽ (tiếng miền Nam). ý Vân Tiên nói: những đạo đức và nghề văn nghề võ mà thầy trau giồi cho bản thân tôi nó đã dành chứa ở phần tinh thần bên trong và biểu lộ ra phần khí tượng bên ngoài một cách tốt tươi.

14.Long Vân: rồng mây. Kinh dịch có câu "Vân tùng long, phong tùng hổ", nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp, ý nói những vật cùng khí cùng loại thường cảm ứng và tìm đến với nhau, như rồng hiện thì mây kéo lại, cọp gầm thì gió sinh ra, người sau nhân ý ấy dùng chữ long vân hay phong vân (gió mây) để chỉ sự gặp gỡ tốt đẹp trong một cơ hội, như vua giỏi tôi hiền gặp nhau, hay thi đỗ, công danh thành đạt...

15. Lập thân: lo cho thành người có sự nghiệp giúp dân giúp nước.

16. Lăm: rắp toan nhưng có ý quyắt tâm

17 Ven: bên, quyết bắn nhạn bên mây, nghĩa là muốn trổ tài để thỏa chí.

18. Tôi: đây có nghĩa là học trò. Tác giả dùng chữ tôi, tớ để chỉ học trò trong câu: Thầy đeo đoạn thảm tớ vương mối sầu.

19. Báo hổ: báo đáp đền bù. Hiển vang: hiển vinh. ý nói: Làm người vừa phải lo đền ơn thầy học, ơn cha mẹ vừa phải lo xây dựng công danh sự nghiệp của mình.

20. Tai nàn: tai nạn.

21. Khoa tràng (trường): chính nghĩa là trường thi, nơi thi cử, mượn dùng là việc thi cử hay kỳ thi cử. Ðây nói: xét theo số phận thì còn lâu mới thi đỗ.

22.Máy trời: do chữ Hán là "thiên cơ", cái lẽ huyền diệu của trời.

23. Ðục trong: dịch chữ Hán thường: thanh trọc, những thói hay dở ở đời.

Trong truyện Lục Vân Tiên cũng như trong những văn thơ khác, Nguyễn Ðình Chiểu thường dùng hai chữ đục, trong để hình dung một cách cụ thể đạo đức nhân nghĩa (trong) và bất nhân bất nghĩa (đục).

30. Phong trần: gió bụi. Danh từ này có ba nghĩa: 1) chỉ cõi đời rối ren hỗn tạp; 2)chỉ cảnh lữ khách gian khổ hay nói chung sự gian khổ ở đời; 3)chỉ việc giặc giã loạn lạc. ở đây dùng chỉ cõi đời rối ren, phức tạp và gian khổ.

31. Phù thần: đạo bùa thiêng để hổ mệnh.

32. Nghèo: hiểm nghèo, nguy hiểm.

33. Hậu đàng: (hậu đường): nhà sau.

34. Khoa kỳ: kỳ thi cử. Ðây nói thời kỳ thi đỗ.

35. Ðức bạc: đức mỏng, không được bao nhiêu.

36.Tài sơ: sơ là thô sơ, ý nói không giỏi.

37.Công thư: công: chuyên làm một việc gì, công thư: chuyên vần vẳ sách vở.

38.Nên hư: do chữ Hán "thành bại", nhưng dùng nghĩa rộng hơn: cùng thông, bĩ thái, hay dở, tốt xấu v.v... ở đây dùng như nghĩa hay dở.

39. Minh: Rõ ràng.

40.Ngõ sau: ngõ hầu sau lúc ấy.

41.Ðăng trình: lên đường.

42.Án: Bàn đọc sách.

43.Vạn lý trường đồ: đường dài (xa) muôn dặm.

44.Tiểu sinh: học trò nhỏ tuổi, tiếng xưng hô khiêm tốn.

45.Song đường: cha mẹ, lấy ở chữ Hán "xuân đường" và "huyên đường" (chữ xuân ta quên đọc là thung, nhưng chính là âm xuân). Người ta thường gọi cha là "xuân đường" (nhà xuân) và mẹ là huyên đường (nhà huyên).

46.Tuổi hạc: Hạc là loài chim sống lâu, tiêu biểu tuổi già.

47.Âm hao: Tin tức.

48.Tiền đường: nhà trước, nhà trên.

49.Nhân cơ tàng sự: nhân cơ hội coi trăng mà ngụ ý việc người trong lời nói bí ẩn để chỉ bảo Vân Tiên.

50.Khôi tinh: sao Thiên khôi. Theo thuật số tử vi, sao Thiên khôi chủ về văn học, sao Tử vi chủ về thân mệnh người ta. Cả câu ý nói: sao văn rạng lên, văn chương được nổi danh, nhưng sao mệnh lại mờ đi vận hạn gặp không may, đó là giải nghĩa theo chữ "lòa" là lu mờ. Lòa còn nghĩa là sáng chói, nên có người giải: văn tài đã rạng rỡ, thì thân phận cũng cao quí, nhưng xét đoạn văn, dưới có câu: Thỏ vừa ló bóng, gà vừa gáy tan (năm mão vừa học thành tài, năm dậu đã bị hoạn nạn), ngụ ý tài và mệnh tương phản với nhau, thì câu này cũng nên giải theo ý nghĩa tương phản, cái nọ tỏ thì cái kia mờ, để cho mạch văn được trên dưới hô ứng với nhau.

52. Theo cách tính năm, tính tuổi trong môn thuật số, ngựa tiêu biểu năm "ngọ" , thỏ năm "mão", gà năm "dậu", chuột năm "tí", ám chỉ năm "nhâm tí". Ngựa chạy đường xa: ý nói

Thân thế Vân Tiên còn phải trải nhiều gian khổ, như con người, như con ngựa còn phải chạy hoài trên khoảng đường xa.

53. Bắc phang (phương): phương Bắc, tính theo thập can, thuộc về "nhâm" và "quí". Bắc phang gặp chuột: tức "nhâm" gặp "tí", ám chỉ năm "nhâm tí". Mấy câu này cụ thể hóa "máy trời" và việc coi trăng mà Vân Tiên chưa hiểu rõ. Ðại ý là: Vân Tiên tuổi ngọ, cái tuổi còn nhiều vận hạn, đến năm mão học thành tài đi lập công danh, nhưng năm dậu gặp tai nạn, phải đắ năm nhâm tí mới công danh trọn vẹn.

Ðối chiếu với tiểu sử Nguyễn Ðình Chiểu thì năm sinh nhằm năm nhâm ngọ (1822, tuổi ngựa), năm thi đỗ là quý mão (1843, Thỏ vừa ló bóng), năm bị mù là kỷ dậu (1849 -gà đã gáy tan), đúng với sự việc trong mấy câu này. Trong Lục Vân Tiên, tác giả đã tự thuật thân thế mình.

54.Tiền trình: bước đường trước mắt, tức là tương lai.

55.Bĩ thái: 2 tên quẻ trong kinh Dịch, bĩ tượng trưng sự cùng khốn, thái tượng trưng hanh thông, Bĩ cực thái lai: cái cùng đến hết mức thì cái thông trở lại, hết khổ đến sướng.

56. Việc ai chớ sờn: chớ sờn lòng về việc làm của người đời (ám chỉ những việc lừa đảo, bất nhân của Trịnh Hâm và Võ công sau này).

57.Keo sơn: hai chất dẻo, dính dùng để gắn đồ vật. Người ta thường dùng để chỉ sự bẳn chặt khăng khít trong tình bạn bè. ở đây có nghĩa là gắn bó đinh ninh.

58.Thiên các nhất phương: mỗi người một phương.

59.Tử lộ: tên của Trọng Do, một hiền triết đời Xuân thu, học trò Khổng tử, nhà nghèo, thường đội gạo thuê, lấy tiền nuôi mẹ.

60.Nhan Uyên: Nhan Hồi, tên tự là Tử Uyên, một hiền triết đời Xuân thu, học trò giỏi nhất của Khổng tử, ông sống trong cảnh nghèo, (một giỏ cơm hầm, một bầu nước lã, ở nơi hang cùng ngõ hẻm) mà vẫn vui vẻ, dốc lòng học đạo. Cả hai câu có ý nói: với những hành lý thanh đạm của nhà nho, Vân Tiên vui vẻ lên đường, không quản ngại dãi dầu.

61.Cá nước: Chỉ sự gặp gỡ mà tương đắc với nhau, như cá với nước. ở đây chỉ sự thi đỗ, công danh thành đạt

62.Phỉ nguyền: thỏa lòng. Cả hai câu ý nói: biết bao giờ cá nước gặp duyên, công danh thành toại, để con người trung hiếu sẽ làm rạng rỡ gia đình và thỏa chí giúp vua giúp nước.

63. Tách dặm: rời bước trên dặm đường.

64.Xông sương: xông pha sương gió.

65. Vơi vơi: nghĩa chính của tiếng Bắc là cạn bớt, cạn dần dần, hơi vơi. ở đây, tác giả dùng theo tiếng miền Nam, nghĩa là thăm thẳm. ở câu 234 "Dặm dài vơi vơi" câu 279 " vơi vơi đất rộng trời dài" dưới đây cũng như ở câu này, chữ "vơi vơi" đẳu dùng với nghĩa thăm thẳm, mênh mông. Dặm cũ: tức dặm đường về nhà.

66.Lân gia: nhà hàng xóm. Ðây nói nhà ở gần đó.

67.Tiểu tử: chú bé. Nhân dân thấy Vân Tiên ít tuổi nên gọi là như thế.

68. Sơn dài: bọn cướp ở núi. Có lẽ trên quả núi mà bọn cướp ở có cái đài, nên gọi là sơn đài.

69.Phân qua: bày tỏ qua.

70. Thôn hương: thôn làng.

71.Lạnh lùng: tiếng miền Nam, ý nói dung nhan rất đẹp.

72.Thục nữ: người con gái có đức hạnh tốt, đoan chính dịu dàng.

73. Thất phu: kẻ tầm thường, đâu là kẻ hèn mọn, thô bỉ.

74.Âu: tức ưu, là lo. Chữ này là chính âm là ưu, ta đọc chệch là ưu.

75.Lôi đình: sấm sét.

76.Ðinh: dừng lại.

77.Qua, bậu: tiếng miền Nam "qua" là ta, "bậu là "người", mày.

78. Họa hổ bất thành: vẽ hổ không nên hình. Ðây nói: Vân Tiên muốn giúp người, nhưng e rằng làm không nên việc, lại gặp tai nạn.

79.Hồ đồ: lờ mờ, không rõ ràng. Ðây nói không nghĩa lý chính đáng.

80.Bịt bùng: kín mít.

81. Tả xung, hữu xông: đánh vào bên trái, xông sang bên phải. Tung hoành trong trận.

82.Triệu Tử: chàng họ Triệu. Triệu Vân tên là Tử Long, một tướng tài của Lưu Bị đời Tam quốc, một mình phá vòng vây của Tào Tháo ở trận Ðương Dương bảo vệ được A Ðẩu là con nhỏ của Lưu Bị.

83.Thân vong: thân mạng mất đi, tức là chết, nghĩa giống như chữ "mạng vong". Ðây nói là chết bỏ thân.

84.Khôn phô: phô là bày ra. ý nói trong xe chật hẹp, không để đứng lên để là lễ chào được.

85.Mang tai bất kỳ: thình lình gặp tai nạn.

86.Khuê môn: (quê môn) cửa phòng con gái. Chữ khuê chính là âm quê (chữ khuê là sao khuê cũng thế). Khuê môn phận gái: việc của con gái là chỗ buồng the, không đi ra ngoài.

87. Chưa hãn dạ này: tức dạ này chưa hãn, văn đặt đảo ngược. Hán chưa rõ (tiếng miền Nam). Ðây Vân Tiên nói: Lòng này nghi hoặc, chưa rõ sự tình thế nào?

88.Tì tất: đày tớ gái.

89.Tây-xuyên: tên một tỉnh xưa ở phía Tây tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), ở tỉnh An Giang (Châu Ðốc) nước ta xưa cũng có quận Tây Xuyên.

90. Hà Khê: trong nguyên từ điển Trung Quốc không có địa danh này. ở tỉnh Hà Tiên nước ta trước kia có những huyện Hà Châu, Hà Âm, Hà Dương. Có thể Nguyễn Ðình Chiểu đã dựa vào những tên ấy đã đặt ra tên Hà Khê chăng?

91. Nghi gia: chính nghĩa là hòa thuận cửa nhà (nói người con gái khi về làm dâu). Ðây chỉ việc lập gia đình, lấy chồng.

92.Bất bình: không thường, việc xảy ra trái ý mình.

93.Hay vầy: biết như thế này (thường dùng ở miền Nam).

94.Ðăng trình: lên đường, cũng như thượng trình.

95.Quân tử: người có tài đức hơn người. Trong khi xưng hô giữa nam với nữ, tiếng quân tử có nghĩa là "chàng" như "Trách người quân tử bạc tình" (Ca dao) "Ðã lòng quân tử đa mang" (Truyện Kiều)

96.Tiện thiếp: người đàn bà hèn mọn. Tiếng xưng hô khiêm tốn của phụ nữ ngày xưa. Những danh từ quân tử và tiện thiếp chỉ thường dùng trong văn thư cổ.

97.Chút tôi: cái tôi nhỏ,cũng như tiếng chút thân,chút phận, cách nói khiêm tốn.

98.Ðã phần: đã là phần của tôi.

99.Báo đức công thù: đáp ơn đức, trả công lao.

100.Kiến ngãi (nghĩa)bất vi: thấy việc nghĩa không làm. Sách Luận ngữ có câu: "Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã", nghĩa là thấy việc nghĩa không làm, không phải là người mạnh vậy.

101.Phi anh hùng: chẳng phải anh hùng.

102.Thanh tao: trong trẻo

103.Phôi pha: nhạt đi, phai đi, kém vẻ đằm thấm, nhạt nhẽo lãnh đạm

104.Lục thị: họ Lục

105.Thuyền quyên: cái trạng thái tốt đẹp dễ coi, nói chung cả người và vật (như hoa, cây, trăng v.v...). Ta thường dùng để chỉ người "phụ nữ đẹp" hay người "phụ nữ" nói chung

106.Tri âm: hiểu biết tiếng đàn. Nghĩa rộng là người biết mình, hiểu rõ mình, người bạn chí tình.

107.Thìn: tiếng miền Nam cũng như giữ gìn.

TỪ CÂU 200 ĐẾN CÂU 399

Lòng chê cũng phải mặt ngơ sao đành
Vân Tiên khó nỗi làm thinh
Chữ ân đã buộc, chữ tình lây đây
Than rằng: Ðó khéo trêu đây
Ơn kia đã mấy của này rất sang

Gặp nhau đang lúc giữa đàng
Một lời cũng nhớ, ngàn vàng chẳng phai.
Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài
Nào ai chịu lấy của ai làm gì.
Thưa rằng: Chút phận nữ nhi

Vốn chưa biết lẽ, có khi mích lòng
Ai dè những đấng anh hùng
Thấy trâm thôi lại thẹn cùng cây trâm
Riêng than: Trâm hỡi là trâm
Vô duyên chi bấy, ai cầm mà mơ

Ðưa trâm chàng đã làm ngơ
Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ.
Vân Tiên ngó lại rằng: ừ
Làm thơ cho kịp chừ chừ chờ lâu
Nguyệt Nga ứng tiếng xin hầu

Xuống tay liền tả tám câu năm vần
Thơ rồi này thiếp xin dâng
Ngửa trông lượng rộng văn nhân thể nào.
Vân Tiên xem thấy ngạt ngào
Ai dè sức gái tài cao bực này

Ðã mau mà lại thêm hay
Chẳng phen Tạ Nữ, cũng tày Từ Phi
Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ
Cho hay tài kém gì tài trai
Như vầy ai nhẫn thua ai

Vân Tiên họa lại một bài trao ra
Xem thơ biết ý š xa
Mai hòa vận điệu, điệu hòa vận mai
Có câu xúc cảnh hứng hoài
Ðường xa vòi vọi, dặm dài vơi vơi

Ai ai cũng ở trong trời
Gặp nhau ta đã cạn lời thì thôi.
Vân Tiên từ giã phản hồi
Nguyệt Nga than thở: "Tình ơi là tình!"
Nghĩ mình mà ngán cho mình

Nỗi ân chưa trả, nỗi tình lại vương.
Nặng nề hai chữ uyên ương
Dây sầu ai khéo vấn vương vào lòng
Vái cùng Nguyệt Lão hỡi ông
Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an.

Hữu tình chi bấy Ngưu Lang
Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.
Thôi thôi em hỡi Kim Liên
Ðẩy xe cho chị qua miền Hà-Khê
Trải qua dấu thỏ đàng dê

Chim kêu vượn hú, tứ bề nước non
Vái trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm cho vẹn lòng son với chàng
Phút đâu đã tới phủ đàng
Kiều công xem thấy lòng càng sinh nghi

Hỏi rằng: Nào trẻ tùy nhi
Cớ sao nên nỗi ra đi một mình?
Nguyệt Nga thưa việc tiền trình
Kiều công tưởng nỗi sự tình chẳng vui.
Nguyệt Nga dạ hãy ngùi ngùi

Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi dòi cơn
Lao đao phận trẻ chi sờn
No nao trả đặng công ơn chi chàng.
Kiều công nghe nói liền can
Dạy rằng: Con hãy nghỉ an mình vàng

Khi nào cha rãnh việc quan
Cho quân quan đó mời chàng sang đây
Sao sao chẳng kíp thi chầy
Cha nguyền trả đặng ơn này thì thôi
Hữu đường con khá tạm lui

Làm khuây dạ trẻ cho vui lòng già.
Tây lầu trống điểm sang ba
Nguyệt Nga còn hãy xót xa phận mình
Dời chân ra chốn hoa đình
Xem trăng rồi lại chạnh tình cố nhơn

Than rằng: Lưu thụy cao sơn
Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm
Chữ tình càng tưởng càng thâm
Muốn pha khó lợt, muốn dầm khôn phai
Vơi vơi đất rộng trời dài

Hỡi ai nỡ để cho ai đeo phiền
Trở vào bèn lấy bút nghiên
Ðặt bàn hương án chúc nguyền thần linh
Làu làu một tấm lòng thành
Họa ra một bức tượng hình Vân Tiên.

Than rằng: Ngàn dặm sơn xuyên
Chữ ân để dạ, chữ duyên nhuốm sầu.
Truyện nàng sau hãy còn lâu
Truyện chàng xin kể thứ đầu chép ra
Vân Tiên từ cách Nguyệt Nga

Giữa đường lại gặp người ra kinh kỳ
Xa xem mặt mũi đen sì
Mình cao đồ sộ dị kỳ rất hung
Nhớ câu bình thủy tương phùng
Anh hùng lại gặp anh hùng một khi.

Chẳng hay danh tính là chi
Một mình mang gói ra đi chuyện gì?
Ðáp rằng ta cũng xuống thi
Hớn Minh tính tự, Ô-mi quê nhà.
Vân Tiên biết lẽ chính tà

Hễ người dị tướng ắt là tài cao
Chữ rằng bằng hữu chi giao
Tình kia đã gặp lẽ nào làm khuây?
Nên rừng há dễ một cây
Muốn cho có đó cùng đây luôn vần.

Kia nơi võ miếu hầu gần
Ðôi ta vào đó nghỉ chân một hồi.
Cùng nhau bày tỏ tên rồi
Hai chàng từ tạ đều lui ra đường
Hớn Minh đi trước tựu trường

Vân Tiên còn hãy hồi hương thăm nhà.
Mừng rằng: Nay con thấy ta
Cha già những tưởng, mẹ già những trông
Bấy lâu đèn sách gia công
Con đà nên chữ tang bồng cùng chăng?

Vân Tiên quỳ lạy thưa rằng:
Chẳng hơn người cổ cũng bằng người câm (kim)
Dám xin cha mẹ yên tâm
Ðặng con trả nợ thanh khâm cho rồi
Mẹ cha thấy nói thêm vui

Lại lo non nước xa xôi nghìn trùng
Cho theo một gã tiểu đồng
Viết một bức dặn cùng Vân Tiên
Xưa đà định chữ lương duyên
Cùng quan hưu trí ở miền Hàn Giang

Con người là Võ Thệ Loan
Tuổi vừa hai bảy dung nhan mặn mà
Chữ rằng Hồ Việt nhất gia
Con đi tới đó trao qua thư này
Con dầu bước đặng thanh mây

Dưới chân đã sẵn một dây tơ hồng
Song thân dạy bảo vừa xong
Vân Tiên cùng gã tiểu đồng dời chân
Ra đi tách dặm băng chừng
Gió Nam rày đã đưa xuân qua hè

Lại xem dặm liễu đường hòe
Tin ong ngơ ngác, tiếng ve vang dầy.
Vui xem nước nọ non này
Nước sao sóng dợn, non vầy đà cao
Màn trời gấm trải biết bao

Trên nhành chim nói, dưới ao cá cười
Quận thành nhắm kiểng coi người
Kiểng xinh như vẽ, người tươi như giồi
Hàn-Giang phút đã tới nơi
Vân Tiên ra mắt một hồi trình thư.

Võ công lấy đọc bây giờ
Mừng duyên cầm sắt mối tơ đặng liền
Liếc coi tường mạo Vân Tiên
Khá khen họ Lục phước hiền sinh con
Mày tằm, mắt phụng, môi son,

Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân
Những e kẻ Tấn người Tần
Nào hay chữ ngẫu đặng gần chữ giai
Nhắm đà đẹp đẽ hòa hai
Kìa dâu nam giản, nọ trai đông sàng

Công rằng: Ngãi tế mới sang
Muốn lo việc nước hãy toan việc nhà.
Tiên rằng: Nhờ lượng nhạc gia
Ðại khoa dầu đặng, tiểu khoa lo gì
Công rằng: Con dốc xuống thi

Sao không kết bạn mà đi tựu trường
Gần đây có một họ Vương
Tên là Tứ Trực văn chương tốt đời
Cha đà sang trẻ qua mời
Ðặng con cùng gã thử chơi một bài

365. Thấp cao, cao thấp biết tài
Vầy sau trước (trúc) bạn cùng mai mới màu.
Phút đầu Tử Trực tới hầu
Võ công sẵn đặt một bầu rượu ngon.
Công rằng: Này bớ hai con

Thơ hay làm đặng rượu ngon thưởng liền
Muốn cho Trực sánh cùng Tiên
Lấy câu "bình thủy hữu duyên" làm đề.
Song song hai gã giao kề
Lục, Vương hai họ đua nghề một khi

Cho hay kỳ lại gặp kỳ
Bạch Hàm há dễ kém chi Như Hoành
Công rằng: Ðơn quế hai nhành
Bảng vàng, thẻ bạc đã đành làm nêu
Như chuông chẳng đánh sao kêu

Ngọn đèn rạng tỏ trước khêu bởi mình
Thiệt trang lương đống đã đành
Khá khen hai họ tài lành hòa hai.
Trực rằng: Tiên vốn cao tài
Dám đâu én hộc sánh vai một bầy

Tình cờ mà gặp nhau đây
Trực này xin nhượng Tiên rày làm anh
Nay đà nên nghĩa đệ huynh
Xin về mai sẽ thượng trình cùng nhau.
Xảy đâu trăng đã đứng đầu

Vân Tiên vào chốn thư lầu nghỉ an.
Võ công trở lại hậu đàng
Ðêm khuya dạy bảo Thể Loan mọi lời
Ngày mai vừa rạng chân trời
Tiểu nhi trang điểm ra nơi lê đình


Gọi là chút nghĩa tống tình
Phòng sau cho khỏi bất bình cùng nhau,
Bóng trăng vừa lộ nhành dâu
Vân Tiên vào tạ dây lâu xuất hành.
Ra đi từ thuở bình minh




Chú thích:

1.Một lời cũng nhớ, ngàn vàng chẳng phai: câu này đại là giữa đường gặp nhau, nếu lấy tình nghĩa, thì một lời nói, cũng đủ ghi nhớ mãi mãi, dù đem ngàn vàng nữa, cũng không làm phai lạt được .

2.Ai dè...Thấy trâm...Hai câu này nói: dà đâu gặp người anh hùng, cho sự nhìn cây trâm là không chính đáng, nên có ngượng ngùng mà ngơ mặt đì .

3.Chừ: giờ, bây giờ (tiếng miền Nam). Chừ chừ: một loại "tiếng đôi" mà tác giờ hay dùng trong truyện để nhấn mạnh lời nói rõ thêm.

4.Hầu: xin vâng làm thơ hầu Vân Tiên

5.Xuống tay: do chữ Hán "hạ thủ', nghĩa là bắt tay làm một việc gì. Ðây nói xuống tay làm thơ chép ra giấy.

6.Tám câu năm vần: theo qui tắc thơ Ðường, mỗi bài thể "luật" ngũ ngôn (năm chữ) hay thất ngôn (bảy chữ) đều có tám câu và năm vần.

7.Ngạt ngào: mùi thơm nức lên. Nói lời và tứ thơ, sực nức như mùi hoa thơm, nghĩa là hay lắm.

8.Tạ nữ: Tạ Ðao Uốn, một phụ nữ có thi tài đời Tần. Nàng có câu thơ tả "tuyết" (ví bông tuyết như những bông tơ liễu gặp gió tung lên) được truyền tụng ở đời.

9.Từ phi: Từ Huệ phi vợ Ðường Duệ Tông, giỏi văn chương lên 8 tuổi đã biết làm văn, bà có bài Tiểu-Sơn soạn theo thể Ly-Tao của Khuất Nguyên, có so tài mình với tài cổ nhân .

10.Dũ xuất dũ kỳ: càng phát ra càng hay lạ.

11.Nhẫn: chịu. Vân Tiên thấy Nguyệt Nga làm thơ hay, ý muốn nói trổ tài họa lại, không chịu thua kém (chữ cổ) .

12.Mai: cây mơ, Ðiểu: chim. Mai điểu là bức tranh thể hiện sự phân phối hợp, đẹp đẽ của hoa với chim. tác giả khen hai bài thơ xướng họa rất xứng với nhau .

13.Xúc cảnh hứng hoài: xúc cảm trước cảnh mà động lòng thơ.

14.Vơi vơi: thăm thẳm (tác giả dùng theo tiếng miền Nam, xem chú thích ở câu 88)

15.Phản hồi: trở lại, trở về.

16.Uyên ương: một loài chim nước, con đực gọi là uyên, con cái gọi là ương, hai con không rời nhau, lúc nào cũng đi thành đôi... Hình ảnh vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau. Ðây nói tình yêu Nguyệt Nga với Vân Tiên.

17. Nguyệt lão: tức "Nguyệt hạ lão nhân", ông già dưới trăng, một vị thần giữ việc xe duyên vợ chồng (ông tơ). Người ta cũng gọi người làm mối vợ chồng là Nguyệt lão.

18.Vẹn chữ tòng: vẹn đạo làm vợ. Do chữ Hán tam tòng; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) Ðây nói chữ tòng đối với chồng.

19. Ngưu lang: tức Khiên ngưu lang, chàng chăn trâu (chàng Ngưu). Chức nữ: nàng dệt vải (ả Chức). Theo sách Kinh sở tuế thời kỳ: Chức nữ là con trời (có sách chép là cháu trời) ở bên Ðông sông Ngân hà là nghề dệt vải rất siêng năng. Trời thương cảnh nàng cô độc gả cho Khiên ngưu lang làm nghề chăn trâu ở bên Tây sông Ngân Hà. Từ khi Chức nữ về với Ngưu lang ham mê đường tình ái, chạnh mảng việc canh cửi, Trời phạt, lại bắt về bên Ðông sông Ngân hà, mỗi năm chỉ được qua sông gặp nhau một lần, tức đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch (chữ Hán gọi là "thất tịch"). Theo thiên văn của ta thì Khiên ngưu, Chức nữ là hai ngôi sao bên bờ sông Ngân hà, mỗi ngôi một bên thường ở cách xa nhau hoặc có khi thấy sao này mà không thấy sao kia, chỉ có đêm mồng bảy mới thấy hai sao gần nhau

20. Dấu thỏ đầng dê: những đường lối khúc khuỷu khó đi (Ðường dê do chữ Hán dương trường": đường ruột dê, nói đường chật hẹp quanh co như ruột dê)

21. Phủ đàng: phủ đường, dinh thự của tri phủ.

22. Tùy nhi: bọn theo hầu Nguyệt Nga

23. Chi sờn: Không sợ, không ngại

24. No nao: tiếng cổ miền Nam, chưa biết lúc nào

25. Sao sao: Làm sao, làm thế nào (xem chú thích ở câu 218).

26. Tây lầu: tây lầu, lầu phía Tây. Thời xưa trong cung vua hay nhà quan, nam giới thường ở phía Ðông (Ðông cung thái tử) nữ giới thường ở phía Tây (Tây cung thái hậu)

27. Hoa đình: có hai nghĩa: 1.sân có trồng hoa; 2. nhà xây ở giữa vườn để ngồi mát chơi hoa

28. Cố nhân: người cũ, bạn cũ. Cũng dùng chỉ "chồng cũ" "vợ cũ"

29. Lưu thủy cao sơn: xem chú thích ở câu 193. Hai câu này ngụ nói: cái tâm tình lưu thủy cao sơn của mình, bao giờ được người tri âm biết đến, bao giờ được lại gặp nhau và hiểu nỗi lòng nhau .

30. Làu làu: rất trong sạch

31. Sơn xuyên: núi sông,

32. Thứ: (tiếng miền Nam) lớp tuồng, lớp truyện. Thứ đầu: lớp truyện kỳ đầu, nói kỳ nói chép truyện kỳ đầu,

33. Kinh kỳ: nói chung kinh đô và cả khu đất kế cận chung quanh hàng nghìn dặm. Ðây chỉ kinh đô, thủ đô.

34. Dị kỳ rất hung: nói tướng mạo lạ lùng trông đáng sợ.

35. Bình thủy tương phùng: bèo nước gặp nhau, nói sự gặp gỡ ngẫu nhiên, như bèo trôi theo nước, không định chỗ nào .

36. Tính tự: họ và tên

37. Ô-mi: ở Trung-Quốc và ở nước ta đều không có địa danh này nhưng tỉnh An-Giang (Châu-Ðốc) có cù lao Ô-Châu, có sông Ô-Môn và có làng đánh cá Ô-Môn.

38. Bằng hữu chi giao: cái tình giao kết giữa bạn bè với nhau

39. Võ miếu: miếu thờ một vị thần quan võ

40. Tựu trường: đến nơi thi

41. Tang bồng: do chữ "tang hồ bồng thỉ", là cung gỗ dâu, tên cỏ bồng. Tục xưa, khi đẻ con trai thì làm cung bằng gỗ dâu, để ngụ ý người con trai sau này phải giúp nước giúp đời. Tang bồng tiêu biểu cho chí nam nhi .

42. Người câm (kim): người nay- chữ "kim" chính âm là chữ "câm", ở đây nên đọc đúng âm, cho có vần với hai câu dưới.

43. Thanh khâm: áo cổ xanh, học trò Trung-quốc ngày xưa mặc áo cổ xanh. Trả nợ thanh khâm: trả nợ bút nghiên, tức là đi thi đỗ đạt

44. Lương duyên: nhân duyên tốt lành

Hưu trí: làm việc công vì tuổi già sức yếu

45. Hàn-Giang: tên một con sông ở tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); ở tỉnh Ðịnh Tường cũ (Nam Kỳ) cũng có có sông Hàn Giang.

46. Hai bảy: 14 tuổi

47. Hồ Việt nhất gia: người Hồ người Việt ở cùng một nhà. nói: người xa thành người gần, tình sơ thành tình thân. Ðây chỉ tình thân hai gia đình .

48. Thang mây: do chữ Hán là vân thê, chữ có hai nghĩa:

1)Một khí cụ bằng gỗ, dưới như hình cái xe, trên đặt hai cái thang thật dài, khi chiến trận, dùng để nhòm vào trong thành giặc, vì nó cao như sát với mây, nên gọi là thang mây;

2)Chỉ sự thi đỗ bước lên con đường công danh, có địa vị cao.

49. Tơ hồng: do chữ Hán "xích thắng", dây xe duyên.

50. Băng chừng: chừng đồng nghĩa với dặm. Băng chừng còn có nghĩa là lướt chân theo chừng dặm đường.

51. Non vầy: vầy là họp,như nghĩa "sum vầy" (sum họp)

52. Giồi: trau giồi, như nghĩa dồi phấn.

53. Cầm, sắt: hai thứ đàn người ta thường gảy để hòa nhịp với nhau, tiêu biểu tình vợ chồng hòa hợp. Duyên cầm sắt: như nói duyên vợ chồng.

54. Tấn Tần: hai nước ở đời Xuân Thu bên Trung-quốc. Kẻ Tấn người Tần: mỗi người một xứ khác nhau.

55. Ngẫu: một đôi, một lứa. Giai: tốt đẹp. "Chữ ngẫu gần chữ giai" tức là hai chữ này ghép lại với nhau, thành một danh từ "giai ngẫu", một lối nói bóng trong văn chương (Truyện Nhị độ Mai: "Chữ tư để dưới chữ tương ngày nay" , nói bóng danh từ "tương tư"). Võ công nói: ai ngờ con mình với Vân Tiên lại kết thành "giai ngẫu", nghĩa là một lứa đôi tốt đẹp").

56. Nam giản: dòng suối (khe) phía Nam. Thơ Thái Tần Kinh Thi tả người phụ nữ cần lao thanh thiết, đi hái rau tần (một thứ rau nước) ở dòng suối phía Nam đưa về làm lễ dâng cúng tổ tiên.

57. Ðông sàng: giường bên Ðông. Khích Giám (có sách chép là Hi Giám) đời Tấn, sai người nhà đến Vương Ðạo kén rễ, các con cháu họ Vương nghe tin, ai cũng làm ra vẻ đứng đắn nghiêm chỉnh, chỉ có Vương Hi Chi là nằm ưỡn bụng trên tấm giường bên Ðông mà ăn bánh ngọt một cách tự nhiên, như không hay biết gì, Khích Giám là người giỏi bèn gả con cho Hi Chi (sau Hi Chi thành một nhà văn, và chữ viết rất tốt, có "thiếp Lan Ðình" cùng một số bút tích lưu truyền đời sau). Do đó, người ta gọi là con rễ "đông sàng".

58. Ngãi (nghĩa) tế: con rễ có nghĩa.

59. Nhạc gia: gia đình bố mẹ vợ.

60. Ðại khoa: đại đăng khoa là thi đỗ. Tiểu khoa: đăng khoa là cưới vợ (cưới vợ cũng là một việc mừng như thi đỗ).

61.Trúc, mai: hai thứ cây quý về đức tính, cốt cách thanh cao. ýnói: về sau kết bạn cùng nhau rất tốt .


62. Bình thủy hữu duyên: bèo nước có duyên. nói: gặp gỡ nên duyên, trong sự bèo nước tình cờ (như bèo trôi theo nước không định chỗ nào), cũng như "Bình thủy tương phùng .

63. Kỳ: người lạ thường nói tài giỏi .

64. Bạch Hàm: Yến Bạch Hạm (chữ này chính âm là hạm tác giả đặt âm hàm cho dễ đọc). Như Hoành (hành): Binh Như Hành. Hai nhân vật nổi tài thi sĩ trong truyện "Bình Sơn Lãnh Yến".

65. Ðơn (đan)quế: cây quế đỏ (da đỏ). Ðậu Vũ Quân đời Tống, có năm con đều thi đỗ hiển đạt người ta khen là năm nhành đan quế. Ðây nói Vân Tiên và Tử Trực là hai người con tài giỏi của hai nhà họ Lục và họ Vương.

66. Lương đống: rường cột. Nói người tài cao đức cả giúp được việc nước.

67. én hộc: chim én và chim hộc (ngỗng trời), én là loài chim nhỏ, bay thấp, hộc và loài chim to, bay cao.

Ðây là Tử Trực tự khiêm, nói mình tài kém, không sánh được với Vân Tiên là người tài cao.

68. Trăng đã đứng đầu: nửa đêm

69. Thư lầu: thư lâu, lầu đọc sách

70. Lê đình: sân có trồng cây lê

71. Tống tình: tình tiễn biệt

TỪ CÂU 400 ĐẾN CÂU 599

Thể Loan đứng trước lê đình liễm dung
Thưa rằng: Quân tử phó công
Xin thương bồ liễu chữ tòng ngây thơ
Tấm lòng thương nhớ gió mưa
Ðường xa ngàn dặm xin đưa một lời

Ngày nay thánh chúa trị đời
Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng
Quản bao chút phận má hồng
Phòng khuê vò võ đợi trông khôn lường
Chàng dầu cung quế, xuyên dương

Thiếp xin hai chữ tào khương cho bằng
Xin đừng tham đó bỏ đăng
Chơi lê quân lựu, chơi trăng quên đèn.
Tiên rằng: Như lửa mới nhen
Dễ trông một bếp mà chen mấy lò

May duyên rủi nợ dễ phô
Chớ nghi Ngô Khởi, hãy lo Mãi Thần
Thể Loan vội vã lùi chân
Vân Tiên từ biệt trông chừng Trường An
Xa xa vừa mấy dặm đường

Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
Trải qua thủy tú sơn kỳ
Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay
Người hay lại gặp kiểng hay
Khác nào tiên tử chơi rầy Bồng Lai

Cùng nhau tả chút tình hoài
Năm ba chén rượu một vài câu thơ
Công danh ai chẳng ước mơ
Ba tầng cửa Võ một giờ nhảy qua
Cùng nhau bàn bạc gần xa

Chữ tài chữ mệnh xưa hòa ghét nhau
Trực rằng: Rồng xuống vực sâu
Mặc dầu giỡn sóng mặc dầu chơi mây
Tiên rằng: Hồng hộc đều bay
E khi mỏi cánh lạc bầy về sau

Mảng còn trò chuyện với nhau
Trông chừng kinh địa đã hầu tới nơi.
Chênh lệch vừa xé mặt trời
Hai người tìm quán nghỉ ngơi đợi kỳ
Phút đầy gặp bạn cố tri

Ðều bày tên họ một khi đăng tường.
Một người ở quận Phan-Dương
Tên Hâm họ Trịnh tầm thường nghề văn
Một người ở phủ Dương-Xuân
Họ Bùi tên Kiệm tác chừng đôi mươi.


Hai người kại gặp hai người
Ðều vào một quán vui cười ngả nghiêng,
Kiệm rằng: Nghe tiếng anh Tiên
Nay đà thấy mặt phỉ nguyền ước ao.
Hâm rằng: Chưa biết thấp cao


Làm thơ mới rõ bậc nào tài năng
Bèn kêu ông quán nói rằng:
Khá toan sắm sửa đồ ăn cho bề
Quán rằng: Thịt cá ê hề
Khô lân, chả phụng bộn bề thiếu đâu.


Kìa là thuốc lá ướp ngâu
Trà ve tuyết điểm, rượu bầu cúc hương
Ðể khi đãi khách giàu sang
Ðãi người văn vật, đãi tranh anh hùng.
Bĩ bàng trà rượu đã xong

Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ
Kiệm, Hâm còn hãy ngẩn ngơ
Phút thơ Tiên, Trực, một giờ đều xong.
Kiệm, Hâm xem thấy lạ lùng
Gẫm nghi Tiên, Trực viết tùng cổ thi

Chẳng hay ông quán cười chi
Vỗ tay xuống chiếu một khi cười dài.
Tiên rằng: Ông quán cười ai?
Quán rằng: Cười kẻ bất tài đồ thơ
Cười người Tôn Tẫn không lừa

Trước đà thấy máy, chẳng ngừa Bàng Quyên.
Trực rằng: Lời nói hữu duyên
Thế trông Kinh sử có tuyền cùng chăng?
Quán rằng: Kinh sử đã từng
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa

Hỏi thời ta phải nói ra
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương
Tiên rằng: Trong đục chưa tường
Chẳng hay thương ghét ghét thương lẽ nào?
Quán rằng: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Ghét đời Kiệt, Trụ, mê dâm
Ðể dân đến nỗi sa hầm sảy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

Ghét đời Ngũ Bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời Thúc Quý phân băc
Sớm đầu, tối đánh, lằng nhằng rối dân.
Thương là thương đức thánh nhân

Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dở dang
Ba mươi mốt tuổi, tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha

Thương thầy Ðổng Tử cao xa
Chí đà có chí, ngôi mà không ngôi
Thương người Nguyên lượng ngùi ngùi
Lỡ bề giúp nước, lại lui về cày
Thương ông Hàn Dũ chẳng may

Sớm dâng lời biểu tối đầy đi xa
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân
Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét nửa phần lại thương.

Trực rằng: Chùa rách phật vàng
Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân
Thương dân sao chẳng lập thân
Ðể khi nắng hạ toan phần làm ma
Quán rằng: Nghiêu Thuấn thủa xưa

Khó khăn Sào Phủ, khôn ngừa Hứa Do
Di, Tề chẳng khứng giúp Châu
Một mình một núi ai hầu chi ai
Ông Y, ông Phó ôm tài
Kẻ cày người cuốc đoái hoài chi đâu

Thái Công xưa một cần câu
Hôm mai sông Vị mặc dầu vui chơi
Nghiêm Lăng đã mấy đua bơi
Cày mây cầu nguyệt tả tơi ao cầu
Trần Ðoàn chẳng phút lo âu

Gió trăng một túi, công hầu chiêm bao
Người nay có khác xưa nào
Muốn ra ai cấm, muốn vào ai ngăn
Hâm rằng: Lão quán nói nhăng
Dẫu cho trải việc cũng thằng bán cơm

Gối rơm theo phận gối rơm
Có đâu ở thảo mà chồm lên cao.
Quán rằng: Sấm chớp mưa rào
Ếnh nằm đáy giếng thấy bao năm trời
Sông trong cá lội thảnh thơi

Xem hai con mắt sáng ngời như châu
Uổng thay đàn gảy tai trâu
Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười.
Tiên rằng: Ông quán chớ cười
Ðây là nhờ đặng bảy người Trước lâm

Cùng nhau kết bạn đồng tâm
Khi cờ, khi rượu, khi cầm, khi thi
Công danh phú quý màng chi
Sao bằng thong thả thả mặc khi vui lòng
Rừng như biển thánh mênh mông

540.Dễ ai lặn lội cho cùng vậy vay
Quán rằng: Ðó biết ý đây
Lời kia đã cạn lời này thưởng cho.
Kiệm, Hân là đứa so đo
Thấy Tiên dường ấy thêm lo trong lòng

Khoa này Tiên ắt đầu công
Hâm dầu có đậu cũng không ra gì.
Mảng còn bàn bạc thị phi
Xảy nghe trống điểm một khi nhập trường
Kẻ hòm, người tráp đầy đường

Lao xao đoàn bảy, chàng ràng lũ ba.
Vân Tiên vừa bước chân ra
Bỗng đâu xẩy gặp tin nhà gửi thư
Khai phong mới tỏ sự cơ
Mình gieo xuống đất dật dờ hồn hoa.

Hai hàng lụy ngọc nhỏ sa
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn tràng
Anh em ai nấy đều thương
Trời ơi! Há nỡ lấp đường công danh
Những lăm công toại thành danh

Nào hay từ mẫu u minh sớm rời
Gắng nào trong quán yên nơi
Tớ thầy than thở liệu lời qui lai
Tiểu đồng thở vắn than dài
Trời ơi trời nỡ phụ tài người ngay

Trực rằng: Ðã đến nỗi này
Tiểu đồng bậu hãy làm khuây chớ phiền
Sớm hôm thang thuốc giữ gìn
Chờ ta vài bữa ra tràng sẽ hay
Bây giờ kíp rước thợ may

Sắm đồ tang phục nội ngày cho xong
Dây rơm mũ bạc áo thùng
Cứ theo trong sách Văn công mà làm.
Tiên rằng; Con Bắc mẹ Nam
Nước non vòi vọi đã cam lỗi nghì

Trong mình không cánh không vi
Lấy chi lướt dặm, lấy chi tách đàng
Nhập tràng phút lại gặp tang
Ngẩn ngơ người ở, ngỡ ngàng kẻ đi.
Việc trong trời đất biết chi

Sao dời, vật đổi còn gì mà trông
Hai hàng lụy ngọc ròng ròng
Tưởng bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu
Cánh buồm bao quản gió xiêu
Ngàn trùng biển rộng, chín chiều ruột đau.

Thương thay chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
Quán rằng: Trời đất thình lình
Gió mưa đâu phút gãy nhành thiên hương
Ai ai trông thấy cũng thương

Lỡ bề báo hiếu, lỡ đường lập thân
Dẫu cho chước quỷ mưu thần
Phong trần ai cũng phong trần như ai
Éo le ai khéo đặt bày
Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Ðường đi một tháng chẳng gần
Khi qua khi lại mấy lần xông pha
Xảy đâu bạn tác vừa ra
Trực cùng Hâm, Kiệm xúm cùng đưa Tiên.
Hâm rằng: Anh chớ ưu phiền





Chú thích:


1.Lê đình: sân có trồng cây lê

2. Tống tình: tình tiễn biệt

3.Liễm dung: nghiêm chỉnh dáng điệu để tỏ lòng kính trọng

4.Phó công: đi công việc, nói đang việc,

5.Bồ liễu: tức cây thủy dương, nó thuộc giống dương liễu, nên gọi là bồ liễu hay bồ dương (nhiều người giải là cỏ bồ và cây liễu là sai), thể chất yếu ớt, ngày xưa ví với phụ nữ.

6.Linh phụng: chim phượng khôn thiêng

7.Ngô đồng: một loại cây cao lớn đẹp đẽ, thuyết cao cổ, chim phượng thường đậu cây này. "Phượng hoàng đậu cây ngô đồng" tượng trưng người tài giỏi ở một địa vị xứng đáng. Ðây Thể Loan mong Lục Vân Tiên lập được công danh xứng được với tài của mình.

8.Cung quế: cung trăng. Người xưa bảo trên cung trăng có cây đan quế (quế đỏ), và thường ví sự khi thi đỗ như bẻ quế cung trăng. Xuyên dương: bắn thủng lá dương liễu. Dưỡng Do Cơ người nước Sở (đời Xuân Thu), bắn rất giỏi, từng đứng xa trăm bước bắn vào lá cây dương liễu (lá nhỏ lắm) trăm phát trúng cả trăm. Tích Xuyên dương này thường mượn dùng để chỉ sự thi đỗ, vì người học giỏi như người bắn giỏi vậy.

9.Tào khương: là bã rượi và cám gạo, thức ăn xấu, người nghèo thường dùng. Tống Hoằng đời Ðông Hán, làm chức Ðại Tư Không, là người có uy đức trong đám quần thần, vua Quang Vũ muốn ông bỏ vợ để lấy chị gái mình là Hồi Dương công chúa, ông trả lời rằng: "Tào khang chi thê, bất khả hạ dường" (người vợ đã cùng ăn ở kham khổ với mình, không thể ruồng rẫy được). Câu nói này được người sau truyền tụng và nhân gọi vợ là người "tào khang"

10.Ðó, đăng: hai dụng cụ là bằng tre nứa để bắt cá

11.Nhen: nhóm

12.Phô: nói ra, bày ra. nói: may thì gặp duyên, rủi thì gặp nợ, tức như làm hay thì gặp hay, làm dở thì gặp dở, lẽ đó bày ra rành rày

13.Ngô Khởi: người nước Vệ, giỏi binh pháp, khi nước Tề đánh nước Lỗ, Lỗ muốn dùng Khởi là tướng quân chống Tề, nhưng có ý nghi ngại, vì Tề là nước quê của vợ Khởi, Khởi nghe biết, bèn giết chết vợ để tỏ mình không vị gì nước Tề. Người thời ấy bảo Khởi "giết vợ để cầu làm tướng" (sát thê cầu tướng) thật là con người phụ bạc tàn ác .

14.Mãi Thần: họ Chu, người đời Hán, nhà nghèo mà ham học, vừa đi kiếm củi vừa đọc sách nghêu ngao ở dọc đường, vợ lấy làm xấu hổ, và cũng không kham nổi cảnh nghèo khổ của Mãi Thần, bỏ đi lấy người khác, sau Mãi Thần hiển đạt vợ lại xin về, Mãi Thần lấy bát nước đổ xuống đất, bảo vợ hốt đầy lại được thì sẽ xum họp, vợ hổ thẹn thắt cổ chết. Ý nói câu này: chớ ngờ tôi như Ngô Khởi và nàng cũng nên nghĩ đến việc vợ Mãi Thần .

15.Trường An: tên kinh đô đời nhà Hán, về sau kinh đô nói chung

16.Vầy đoàn: họp thành đoàn

17.Thủy tú sơn kỳ: nước đẹp, núi lạ, nói cảnh đẹp.

18.Cá nhảy, rồng bay: cá vượt Vũ-Môn hóa rồng. Rồng bay lên mây làm mưa làm gió. Chỉ sự trổ tài đua sức người thư sinh.

19.Tiên tử: người tiên.

20.Bồng Lai: chỗ tiên ở. Theo thần thoại, ba hòn núi ở ngoài bể Bột (bể phía Ðông) gọi là Bồng Lai. Phương-trượng và Doanh-châu, có các tiên ở và nhiều thuốc trường sinh bất tử.

21.Tình hoài: tình và lòng, cũng như nói tâm tình (Hoài là cái ôm ấp ở trong lòng, chữ này sóng đôi với chữ tình, thuộc nghĩa danh từ chứ không thuộc nghĩa động từ).

22 Cửa Võ: Vũ-môn, tức Long-môn, Long-môn là hai nhỏm núi đá đứng sững hai bên bờ trên một khúc sông Hoàng-Hà (Trung-Quốc), như hình cái cửa, cửa này nguyên trước chật hẹp, khi ông Hạ Vũ trị thủy có đục phá cho rộng thêm ra, nên gọi là Vũ-Môn (cửa ông Vũ). Sách Tam Tần-ký nói: Long-Môn là nơi dữ sóng, cá khó vượt qua, nếu vượt qua được thì sẽ hóa rồng, Sách Thủy-Kinh nói: tiết tháng ba, cá chép vượt qua được Long Môn hóa rồng; người đời Ðường bảo những sĩ tử thi đỗ là "nhảy qua Long-Môn". Theo sách Ðại Nam Nhất Thống Chí thì nước ta cũng có Vũ-Môn, ở dãy núi Khai-Trướng (Giăng-Màn) thuộc huyện Hương-Khê, tỉnh Hà-Tĩnh, là một dòng suối ba bậc, tương truyền: mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng "vượt Vũ-Môn để hóa rồng", ca dao đã nói: "Tháng ba cá đi ăn thề, tháng tư cá về, cá vượt Vũ-Môn". Truyền thuyết này rất phổ biến trong văn thơ, cũng như trong dân gian .

23.Tài, mệnh ghét nhau: thuyết cũ cho rằng người có tài thì không có phận.

24.Giỡn sóng, chơi mây: Nói con rồng khi ở vực sâu thì giỡn sóng, khi lên trời cao thì chơi mây, mặc sức vẫy vùng. Hai câu này đại : dù hiển đạt ra giúp nước hay chưa hiển đạt còn ở nhà, tùy hoàn cảnh mà thi thố chí mình, chỉ cần có tài, bất chấp số mệnh (muốn phản lại thuyết tài mệnh ghét nhau ở trên )

25.Hồng hộc: chim hồng, chim hộc, tức là vịt trời và ngỗng trời, loại chim bay xa và bay cao.

26.Kinh địa: đất kinh đô.

27.Cố tri: người bạn quen biết đã lâu nay, bạn cũ. ở đây nói xa nhau lâu ngày nên quên mặt .

28.Tác chừng: tuổi chừng.

29. Cho bề: cho nhiều, như nghĩa "bề bộn". Bề bề: nhiều lắm, tục ngữ: "Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay " .

30.Khô lân: nem làm bằng thịt con kỳ lân, một loài thú tưởng tượng.

31.Ướp ngâu: ướp hoa ngâu, thứ hoa bé nhỏ như hạt kê, màu vàng rất thơm.

32.Ve: bình nhỏ

33.Tuyết điểm: không rõ nghĩa. Có lẽ chè có lấm tấm trắng, hoặc phơn phớt màu trắng.

34.Cúc hương: hương thơm mùi cúc.

35.Văn vật: có học tức văn hóa, hay có nhiều nhân tài và chế độ hay, như nói: người văn vật, đất văn vật.

36.Bĩ bàng: đầy đủ, sung túc (tiếng miền Nam)

37.Viết tùng cổ thi: viết theo thơ cổ. nói "cóp" của người xưa cổ.

38.Ðồ thư tức đồ thư: sách vở câu này nói: con người chẳng có tài gì về sách vở (chẳng biết sách vở gì cả, vô học). Có người giải: Ðồ thơ tức đồ thi: bôi thơ, nói không biết làm thơ, như người bôi vẽ ra giấy, nhưng theo văm phạm chữ Hán, chưa thấy lối đặt như thế .

39.Tôn Tẫn, Bàng Quyên: hai tướng tài thời Chiến quốc. Hai người cùng học Quỉ Cốc tử, kết nghĩa với nhau, nhưng về sau Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy, lập mưu cắt xương đầu gối của Tôn Tẫn (có sách chép là cắt chân). Không lừa: không chọn lọc, nói không biết chọn bạn. Trước đà thấy máy: máy là máy trời; nói Quỉ Cốc tử đã bảo trước Tôn Tẫn nên phòng ngừa Bàng Quyên, nhưng Tôn Tẫn vẫn hững hờ không lưu , nên bị Bàng Quyên lừa hại. Hai câu này nói: chơi bạn nên để ý tới tình bạn, kẻo xảy ra ta nạn như việc Tôn Tẫn, Bàng Quyên .

40.Tuyền: toàn: trọn vẹn. nói những việc trong kinh sử, có hay có dở, không thể nào toàn được .

41.Tầm phào: không có nghĩa lý, vu vơ, hão huyền, tiếng thường dùng ở miền Nam .

42.Kiệt, Trụ: Vua Kiệt đời Hạ, vua Trụ đời Thương. Hai vua tàn ác có tiếng, bị nhân dân oán ghét mà mất ngôi. Mê dâm: mê là trong lòng mê ám, dâm là việc tà dâm (càn bậy)

43.U, Lệ: U vương và Lệ vương hai vua đời nhà Chu, làm nhiều việc bạo ngược vô đạo.

44.Ða đoan: nhiều mối, lôi thôi, nhiều việc.

45.Ngũ Bá: năm vua Bá. Cuối đời nhà Chu (đời Xuân thu), năm vua chư hầu mạnh lớn, tức Tề Hoàn công. Tấn Văn công, Tống Tương công, Trần Mục công, Sở Trang vương, kế tiếp nhau nổi lên làm bá chủ nhất thời, gọi là "Ngũ bá". Ngũ bá đều dựa trên uy lực, giả dối nhân nghĩa, kéo bè nước này đánh nước kia, gây chiến tranh hại dân.

46.Thúc quí: đời suy loạn nói chung. Bài phú "Bạch lộc động" của Chu Hi đời Tống, trong có chữ "Thúc qui", tuy tác giả dùng chỉ chung đời suy loạn, nhưng cái thời gian xảy ra mà tác giả thuật đó, vẫn là thời gian "Ngũ quí", vậy 'Thúc quí" cũng có thể giải là đời suy loạn "Ngũ quí" được "Ngũ quí" tức "Ngũ đại", năm triều đại khởi lên cuối đời Ðường , hồi ấy nước Trung-Quốc bị chia cắt nghiêng đổ (phân băng), dân rất khổ vì chiến tranh liên miên.

47.Ðầu: đầu hàng

48.Ðức thánh nhân: Tức Khổng Tử, ông đi khắp các nước Tống, Vệ, Trần, Khuông, để tìm cách đạo hành của mình mà không được.

49.Nhan Tử: tức Nhan Uyên, học trò Khổng Tử thông minh và hiếu học, đức hạnh vào bậc nhất, nhưng chết sớm, năm chết mới 32 tuổi (đây nói 31 tuổi, có lẽ chép nhầm), thày và bạn rất thương tiếc.

50.Gia Cát: chữ này chính âm là Chư Cát (họ hai chữ), Chư Cát Lượng tên tự Khổng Minh, người đời Tam quốc, có tài chính trị, nhất là binh pháp làm quân sư cho Lưu Bị, chỉ muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Hán, nhưng khi Khổng Minh chết, nước vẫn còn bị chia ba.

51.Hán mạt: cuối đời Hán, tức đời Tam quốc (Thục, Ngụy , Ngô, ba nước phân tranh)

52.Ðổng Tử: Ðổng Trọng Thư, một nhà đại nho đời Hán, có tài đức hơn người vua Hán cử làm Giang Ðô tướng, nhưng rồi lại giáng chức và có lần bị bắt giam, sau ông cáo quan về.

53.Nguyên Lượng: Ðào Tiêm, tên tự là Nguyên Lượng một nhà cao ẩn đời Tấn. Trước có làm quan Lệnh (tri huyện), huyện Bành Trạch, vì không chịu quỵ lụy quan trên, ông treo ấn bỏ quan về ở ẩn, có làm bài thơ "Quy khứ lai từ" (Về đi thôi) để tỏ chí mình.

54.Hàn Dũ: Người đời Ðường, đỗ tiến sĩ, làm đến chức Lại Bộ Thị Lang. Vì làm biểu can vua Ðường đừng mê tín đạo Phật (vua rước xương Phật vào trong cung để cúng lễ), nên bị giáng chức và đầy đi xa. Ông là người đạo đức văn chương nổi tiếng, có nhiều tác phẩm hay truyền lại, các học giả coi ông như Thái Sơn (ngọn núi cao hơn các núi khác) Bắc đẩu (chòm sao sáng hơn các sao)

55.Liêm, lạc: Chu Ðôn Di ở Liêm Khê và học trò là hai anh em Trinh Hiệu, Trinh Di ở Lạc Dương, ba người là nhà triết học nổi tiếng đời Tống, có ra làm quan nhưng không đắc dụng, lại trở về dạy học.

56.Giáo dân: dạy dỗ chúng dân

57.Chùa rách Phật vàng: Tục ngữ "Chùa đất phật vàng", chùa xấu mà bụng tốt. nói nhân tài sinh ở chỗ nghèo hèn .

58.Kinh luân: khi làm tơ kéo từng mối ra mà chia gọi là kinh, so các sợi mà hợp lại gọi là luân; nghĩa bóng: sự sửa sang xắp đặt khéo. Có tài kinh luân là có tài tổ chức, tài trị nước.

59.Làm mưa: Kinh thư có câu: "Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ" , nghĩa là như năm đại hạn, dùng người là trận mưa rào, nói người hiền tài ra cứu dân giúp nước, cũng như trận mưa giải cơn hạn vậy. nói hai câu này: ông quán thương dân khổ (nắng hạ) sao không ra giúp dân (làm mưa) ?

60.Nghiêu, Thuấn: hai vua đời cổ Trung-Quốc, có đức tính tốt chính hay, dân nước được thái bình thịnh vượng, làm tiêu biểu cho các vua hiền đời sau. Thời ấy, Nghiêu, Thuấn đã có quan niệm: nước là của chung nhân dân, và trị nước phải người có tài đức, nên đều không truyền ngôi cho con mà truyền cho người hiền.

61.Sào phủ, Hứa Do: hai nhà hiền triết thời vua Nghiêu, ở ẩn, cày ruộng tự túc. Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do. Do không nhận trốn lên núi Cơ-Sơn. Sau vua Nghiêu lại sai người đến mời ra làm Cửu Châu Trưởng. Do không muốn nghe, cho lời nói đó làm bẩn tai mình, bèn xuống sông Ðĩnh-Thủy rửa tai. Vừa lúc ấy thì Sào Phủ cho trâu xuống uống nước, Hứa Do kể chuyện cho bạn nghe, Sào Phủ liền dắt trâu lên trên dòng cho trâu uống, vì sợ uống nước ngay chỗ bẩn đó làm bẩn miệng trâu. Câu này nói: giỏi như Nghiêu, Thuấn thuở xưa cũng không thể đem phu quí mà thay đổi hai nhà hiền triết.

62.Di Tề: Bá Di, Thúc Tề, hai con vua nước Cô-Trúc, chư hầu nhà Thương. Bá Di là con cả, Thúc Tề là con thứ ba, khi cha mất dặn lập Thúc Tề lên ngôi, nhưng Thúc Tề nhường ngôi Bá Di, vì Bá Di là trưởng. Bá Di không nghe, bảo phải theo mệnh cha, rồi bỏ trốn đi. Thúc Tề cũng không nhận ngôi mà bỏ đi, người trong nước lập con trai thứ hai làm vua. Khi Vũ Vương đánh Trụ (vua nhà Thương), Di, Tề dằng cương ngựa mà can ngăn, bảo tôi đánh vua là lỗi đạo (Vũ Vương là chư hầu, Trụ là thiên tử). Sau Vũ Vương thắng được Trụ, diệt nhà Thương lập nên nhà Chu. Di, Tề không thèm ăn gạo thóc của nhà Chu, lên ẩn núi Thủ-Dương, kiếm rau vi mà ăn, rồi chết đói ở đó.

63. Châu (nhà Chu): chữ này thường đọc là Chu, nhưng chính âm là Châu, và chữ Do (Hứa Do) ở câu trên cũng chính là âm Dâu, vậy cả hai chữ đều nên đọc là theo âm chính cho có vần.

64.Ai hầu chi ai: nói khổ.Ai hầu chi ai:

65.Y, phó: Y Doãn và Phó Duyệt, hai nhà hiền tướng đời Thương, trước đều ôm tài đi ở ẩn. Y Doãn cày ruộng kiếm ăn, vua Thang ba lần mời ra làm tướng, mãi ông mới chịu ra, giúp Thang gây dựng cơ nghiệp nhà Thương. Phó Duyệt là nghề đắp tường thuê, vua Cao Tông nhà Ân (tức nhà Thương) sai người đi cầu về, lập làm tướng, có chính sự hay, nước trị dân yên.

66. Thái Công: ông chính họ Khương, tên Thượng, tên tự là Tử Nha, tổ tiên đời trước có công được phong đất Lã, nên theo đất phong cũng gọi là Lã Thượng. Bậc đại hiền tài cuối đời Thương, tuổi đã hơn tám mươi, thường ngồi câu cá trên sông Vị. Văn Vương (tổ nhà Chu) đi săn, gặp ông, rước về, nói: "Ngô Thái Công vọng tử cửu hĩ", nghĩa là cha tôi mong ông đã lâu (trước cha Văn Vương thường mong có bậc thánh nhân đến giúp nhà Chu, nay được Thái Công, quả như điều mong muốn đó), nhân gọi ông là Thái Công Vọng (sau chuyển ra Lã Vọng), rồi lập làm Quân Sư, tôn làm Thái Công (cha), làm Thượng Phụ (người kính trọng ngang với cha). Thái Công đã giúp Văn Vương và con là Vũ Vương lập nên nghiệp lớn nhà Chu.

67.Nghiêm Lăng: Nghiêm Quang, tên tử là Tử Lăng, một ẩn sĩ đời Hán, bạn thân với Lưu Tú (dòng dõi vua Hán), Khi Tú dẹp được loạn Vương Mãng (Mãng cướp ngôi nhà Hán), lên làm vua tức là Quang Vũ, Tử Lăng đổi họ tên đi ẩn náu, Quang Vũ sai người tìm kiếm mãi mới thấy ông mặc áo cừu ngồi câu cá trên một cái đầm ở nước Tề. Quang Vũ mời ra làm quan, mấy lần Tử Lăng đều kiên quyết từ chối. Sau cùng, Quang Vũ khẩn khoản mãi, Tử Lăng có ra chuyện trò với Quang Vũ mấy ngày (Tử Lăng nằm cùng giường với vua, gác chân lên bụng vua) rồi lại về, trọn đời cày ruộng nơi Phú Xuân và câu cá ở bến sông Ðồng-Giang gần bên núi. Ðã mấy đua bơi: ý nói đã bao lâu vẫy vùng nơi sông núi mình ở .

68.Cày mây câu nguyệt: cày trong mây (trong núi), câu dưới trăng. Nói cày ruộng câu cá với cảnh mây trăng thanh cao ẩn dật. -Tả tơ áo cầu: cầu (chữ này ta thường đọc là "cừu", nhưng chính âm là "cầu") là áo làm bằng da thú (như dê, cừu, cáo...). nói Tử Lăng ngồi câu lâu năm, áo cừu đã rách náo...).

69.Trần Ðoàn: tên tư là Ðồ Nam, hiệu Hi Di, người đời Tống, ẩn núi Hoa-Sơn, tinh môn học Dịch, tài đoán số mệnh, tu luyện đạo tiên, không ăn cơm gạo, giấc ngủ thường trăm ngày chưa dậy. Vua Thái Tông nhà Tống mấy lần mời ra làm quan, Trần Ðoàn không nhận, có bài tạ biểu lời lẻ rất kiên quyết.

70.Công hầu chiêm bao: coi chừng công hầu như giấc chiêm bao.

71.Ra vào: ra giúp nước hay đi ở ẩn.

72.Ếch nắm dưới đáy giếng thấy bao lăm trời: do chữ Hán "tỉnh đế oa": ếch đáy giếng, và "tọa tỉnh quan thiên": ngồi trong giếng xem trời, dùng chỉ những người kiến thức nhỏ hẹp. Hai câu này nói: Trịnh Hâm là kẻ kiến thức hẹp hòi, như ếch ngồi đáy giếng, chỉ trông thấy một khoảng trời nhỏ bé, còn biết gì đến những trạng thái biến động, sấm chớp mưa rào trên cái bầu trời bao la rộng lớn kia .

73.Xem hai con mắt sáng ngời như châu: mắt chỉ mắt cá, châu là ngọc châu (ngọc trai), do câu chữ Hán "ngu mục hỗn châu" : mắt cá lẫn ngọc châu (cái giả tráo lộn với cái thực). Hai câu này đại ý : người ở đời, tốt xấu hay dở, thường mập mờ hay lừa dối, cũng như cá lội trong nước, hai mắt trông sáng như ngọc châu, nó chỉ là cái mắt cá đó thôi. Ðây chỉ Kiệm, Hâm bề ngoài coi như vẻ người ăn học, thế mà lại là kẻ dốt nát ngu ngốc .

74.Ðàn gảy tai trâu, nước xao đầu vịt: do hai câu tục ngữ (xao là dội), ý nói: người ngu dốt không hiểu lời nói hay, như trâu không biết nghe đàn; người ngoan cố không thu lẽ phải, như đầu vịt truội lông không thấm được nước .

75.Trước lâm: rừng trúc. Do điển cũ: "Trúc lâm thất hiền": bảy người hiền ở rừng trúc, tức Kê Khang, Nguyễn Tịch, Nguyễn Hàm, Sơn Ðào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh) (cùng người đời Tấn). Bảy ông này tính tình phóng đạt, thường họp nhau chơi bời ở rừng trúc, đàm luận học thuyết Lão, Trang, uồng rượu quên đời. Ðây nói ông quán cũng là hạng người ẩn dật như bảy ông Trúc lâm.

76.Khi cầm khi thi: cầm là đàn, thi là thơ.

77.Rừng nhu: rừng nho (chữ "nho" chính là âm "nhu"). Rừng nho biển thánh: nói đạo học cao rộng như Khổng tử.

78.So đo: tâm địa chật hẹp, tén mén.

79.Ðầu công: thành công bực nhất.

80.Thị phi: những lời phải trái trong khi bàn luận.

81.Chàng ràng: dàng dênh, dênh dang.

82.Khai phong: mở thứ gì bọc kín. ở đây là mở thư.

83.Dật dờ: tâm hồn bị xúc động mạnh nên chập chờn như nửa tỉnh nửa mê.

84.Ðoạn tràng: đứt ruột

85.Công toại danh thành: toại là nên, cũng như nghĩa chữ thành. nói vừa nên sự nghiệp vừa có danh vọng .

86.U minh: tối tăm (minh: mờ), đây chỉ cõi chết.

87.Qui lai: Trở lại, quay về.

99. Dây lưng: bằng rơm. Mũ bạc: mũ trắng. áo thùng: áo thụng, áo tộng tay.

88.Sách Văn Công: sách Gia Lễ của Chu Văn Công tức Chu Hy đời Tống, dạy lễ nghi về tang chế, cưới xin v.v...

89.Không cánh không vi: nói mình không mọc được cánh như chim, mọc được vi (vẩy) như cá để bay thẳng hay bơi thẳng về nhà một mạch cho nhanh chóng

90.Sao dời, vật đổi: do câu chữ Hán "vật hoán di tinh": vật đổi sao dời, nói cảnh đổi thay, thời tiết cũng chuyển dời ("sao" là chỉ thời tiết, người xưa thường tính thời tiết theo cái vòng chuyển vần của 28 vì sao trên trời). Một thành ngữ chỉ sự biến đổi nói chung.

91.Chín chiều ruột đau: do câu văn của Tư-Mã Thiên: "Trường nhất nhật nhi cửu hồi": ruột quặn chín trong vòng một ngày, nói người ta mỗi khi có sự đau thương, ruột thường bị quặn lại nhiều vòng (chín vòng chỉ là nói nhiều vòng thôi). Câu "Quặn đau chín khúc" ở phần dưới đây (câu 1-182) cũng nghĩa là quặn đau chín vòng chứ không phải chín đoạn ruột.

92.Chín chữ cù lao (cửu tự cù lao): tức chín chữ: sinh (sinh đẻ ra), cúc (nuôi nấng nói chung), phủ (vỗ về, vuốt ve), xúc (giữ gìn, xem xét), trưởng (chăm nuôi cho lớn), dục (dây dỗ cho nên người), cố (quay lại nhìn con, quyến luyến mỗi khi đi ra), phục (đi ra rồi lại trở lại, quấn quít không nỡ rời bỏ), phúc (bế ẵm, ấp ủ) ở thơ Lục-Nga Kinh Thi nói chín cái công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi con.

93.Ba năm nhũ bộ (tam thiên nhũ bộ): ba năm bú mớm (cho bú sữa, mớm cơm)

94.Thiên hương: hương trời. "Thiên hương" và "quốc sắc" là những danh từ dùng để chỉ người đàn bà có tài sắc, ở đây không rõ nghĩa, có lẽ tác giả định nói mẹ hiền của Lục Vân Tiên.

95.Phong trần: gió bụi, chỉ sự gian khổ ở đời.

96.Bạn tác: bạn cùng lứa cùng tuổi.

TỪ CÂU 600 ĐẾN CÂU 799

Khoa này chẳng gặp ta nguyền khoa sau
Thấy nhau khó nỗi giúp nhau
Một vừng mây bạc, dàu dàu khá thương
Vân Tiên cất gánh lên đường
Trịnh Hâm ngó lại đôi hàng lụy sa.

Ði vừa một dặm xa xa
Phút đâu ông quán bôn ba theo cùng
Quán rằng: Thương đấng anh hùng
Ðưa ba hườn thuốc để phòng hộ thân
Chẳng may gặp lúc gian truân

Ðương đi quá đói thuốc thần cũng no
Tiên rằng: Cúi đợi ơn trên
Tấm lòng ngài ngại hãy lo xa gần
Ta ? ? cũng bâng khuâng
Thấy vầy nên mới tị trần đến đây

Non xanh nước bích vui vầy
Khi đêm rượu cúc, khi ngày trà lan
Dấn thân vào chốn an nhàn
Thoát vòng danh lợi, lánh đàng thị phi
Nói rồi quày quả ra đi

Vân Tiên xem thấy càng nghi trong lòng
Trông chừng dặm cũ thẳng xông
Nghĩ đòi cơn lại não nùng đòi cơn
Nên hư chút phận chi sờn
Nhớ câu dưỡng dục, lo ơn sinh thành

Mang câu bất hiếu đã đành
Nghĩ mình mà thẹn cho mình làm con
Trọn đời một tấm lòng son
Chí lăm trả nợ nước non cho rồi
Nào hay nước chảy hoa trôi

Nào hay phận bạc như vôi thế này
Một mình ngơ ngẩn đường mây
Khác nào chiếc nhạn lạc bầy kêu sương
Ðến nay lâm việc mới tường
Hèn chi thày dạy khoa trường còn xa

Tiểu đồng thấy vậy thưa qua
Gẫm đây chi đến quê nhà còn lâu
Thầy sao chẳng ngớt cơn sầu
Mình đã đi mỏi, dòng châu thêm nhuần
E khi mang bệnh nửa chừng

Trong non khó liệu, giữa rừng khôn toan.
Tiên rằng: Khô héo lá gan
Ôi thôi con mắt đã mang lấy sầu
Mịt mù nào thấy chi đâu
Chân đi đã mỏi, mình đau như dần

Có thân phải khổ vì thân
Than ôi! Thân biết mấy lần chẳng may.
Ðồng rằng: Trời đất có hay
Ra đi chưa đặng mấy ngày lại đau
Một mình nhắm trước xem sau

650.Xanh xanh bờ cõi, dàu dàu cỏ cây
Vốn không làng xóm chi đây
Xin lần tới đó tìm thấy thuốc thang.
Vừa may gặp khách qua đàng
Người người đều chỉ vào làng Ðồng Văn

Dắt nhau khi ấy hỏi phăng
Gặp thầy làm thuốc hiệu rằng Thầy Ngang
Ngang rằng: Khá tạm nghỉ an
Rạng ngày coi mạch đầu thang mới đành
Gặp ta bệnh ấy ắt lành

Bạc tiền trong gói sẵn dàng bao nhiêu?
Ðồng rằng: Tiền bạc chẳng nhiều:
Xin thầy nghĩ lượng đặng điều thuốc thang,
May mà bệnh ấy đặng an
Bạc còn hai lượng trao sang cho thày
Ngang rằng: Ta ở chốn này
Ba đời nối nghiệp làm thày vừa ba
Sách chi cũng đũ trong nhà
Nội kinh đã sẵn, ngoại khoa thêm mầu
Trước xem Y học làm đầu

Sau coi Thọ thế, thứ cầu Ðông y
Gẫm trong Ngân hải tinh vi
Cùng là Cang Mục, thua gì Thanh Nang
Gẫm trong Tập nghiệm lương phang
Cùng là Ngự toản trải đàng Hồi xuân

Vị chi sẵn đặt quân thân
Thuốc thời bào chế mười phần nỏ nan
Mạch thời đọc phú Lư san
Ðặt vào tay bệnh đàng tử sinh.
Lục quân, tứ vật thanh danh

Thập toàn, bát vị, sẵn dành nội thương
Lại thông bát trận tân phương
Lâm nhằm ngoại cảm đầu thang ngũ sài
Ðồng rằng: Thầy thiệt có tài
Xin vào coi mạch luật bài thuốc chi.

Ngang rằng: Lục bộ đều suy
Bộ quan bên tả, mạch đi phù hồng
Cứ trong Kinh lạc mà thông
Mạng môn tướng hỏa đã xông lên đầu
Tam tiêu, tích nguyệt đã lâu

Muốn cho giáng hỏa phải đầu tư âm
Huỳnh liên, Huỳnh bá, Huỳnh cầm
Gia vào cho bội nhiệt tâm mới bình
Ngoài thời cho điểm vạn linh
Trong thời cho uống hoàn tình mới xong

Khá trao hai lượng vàng ròng
Bổ thêm vị thuốc để phòng đầu thang
Chẳng qua làm phúc cho chàng
Nào ai đòi cuộc, đòi đàn chi ai
Tiểu đồng những ngỡ thiệt tài

Vội vàng mở gói, chẳng nài tiền trao
Mười ngày chẳng bớt chút nào
Thêm đau trong dạ như bào như xoi
Ðồng rằng: Vào đó thầy coi
Bệnh thời không giảm thầy đòi tiền thêm.

Ngang rằng: Nằm thấy khi đêm
Tiên sư mách bảo một điềm chiêm bao
Quỉ thần người ở trên cao
E khi đường sá lẽ nào biết đâu
Tiểu đồng ngươi khá qua cầu

Cùng ông thày bói ở đầu Tây Viên
Tiạu đồng nghe nói đi liền
Gặp ông thầy bói đặt tiền mà coi
Bói rằng: Ta bói hẳn hoi
Bói hay đã dậy, ngươi coi đã đầy

Ta đây nào phải các thày
Bá vơ, bá vất, nói nhây không nhằm
Ôn nhuần Châu Diệc mấy năm
Sáu mươi bốn quẻ, ba trăm dư hào
Huỳnh kim, Dã hạc sách cao

Lục nhâm, Lục giáp chỗ nào chẳng hay
Can chi đều ở trong tay
Ðã thông trời đất, lại hay việc người
Ðặt tiền quan mốt bốn mươi
Khay trầu, chén rượu cho tươi mới thành

Thày bèn gieo quẻ đặng linh
Chiêm tên tuổi ấy lộ trình mắc chi
Ứng vào rùa với cỏ thi
Rồi thày coi quẻ một khi mới tường
Ðồng rằng: Người ở Ðông phương

Nhân đi buôn bán giữa đường chẳng an.
Con nhà họ Lục là chàng
Tuổi vừa hai tám, còn đàng thơ ngây.
Bói rằng: Ðinh Mão năm nay
Hàn chi Giáp tí ngày rầy chẳng an

Mạng kim lại ở cung càn
Tuổi này là tuổi giàu sang trên đời
Cầu tài quẻ ấy xa vời
Khen người khéo nói những lời phỉnh ta
Cầm tiền gieo xuống xem qua

Một giao, hai sách, lại ba Hào trùng
Trang thành là quẻ lục xung
Thấy hào phụ mẫu khắc cùng tử tôn
Hóa ra làm kẻ du hồn
Lại thêm thế động khắc dồn hào quan

Cứ trông quẻ ấy mà bàn
Tuổi này mới chịu mẫu tang trong mình
Xui nên phát bịnh thình lình
Vì chưng ma quỉ lộ trình rất thiêng
Muốn cho bệnh ấy đặng yên

Phải tìm thày Pháp chữa chuyên ít ngày
Ðồng rằng: Pháp ở đâu đây
Bói rằng: Cũng ở chốn này bước ra.
Pháp hay dậy tiếng đồn xa
Tên là Ðạo sĩ ở Trà Hương thôn

Tiểu đồng mới chạy bôn bôn
Hỏi thăm đạo sĩ Hương thôn chốn nào
Chợ đông buôn bán lao xao
Người ta chỉ vào nhà ở chẳng xa,
Ðồng đi một buổi tới nhà

Ðạo sĩ xem thấy, lòng mà mừng thay
Ðồng rằng: Nghe tiếng thày đây
Trừ ma, ếm quỉ, phép thày rất hay
Pháp rằng: ấn đã cao tay
Lại thêm phù chú xưa nay ai bì

Qua sông cá thấy xếp vi
Vào rừng cọp thấy phải quỳ lạy đưa
Pháp hay gió hú kêu mưa
Sai chim, khiến vượn, đuổi lừa, vật trâu
Pháp hay miệng niệm một câu

Tóm thâu muôn vật vào bầu hồ linh
Phép hay sái đậu thành binh
Bện hình làm tướng phá thành Diêm Vương
Phép hay đạo hỏa phó thang
Ngồi gươm , đứng giáo khai đàng thiên hoang

Có ba lượng bạc trao sang
Ðặng thày sắm sửa lập chữa cho
Ðồng rằng: Tôi chẳng so đo
Khuyên thày ra sức chớ lo kho giàu
Bấy lâu thày tớ theo nhau

Bạc dành hai lượng phòng sau đi đàng
Chữa chuyên bệnh ấy đặng an
Rồi tôi sẽ lấy đem sang cho thầy
Pháp rằng: Về lấy sang đây
Cho thầy toan liệu lập đàn bày ra

Ðồng rằng: Tôi đã lo xa
Cực vì người bệnh ở nhà chẳng yên
Xin thày gắng sức chịu phiền
Ra công bùa chú chữa chuyên cách nào,
Pháp rằng: Có khó chi sao

Người nằm ta chữa rồi trao phù về
Ðồng rằng: Tôi vốn thằng hề
Bệnh chi mà khiến chịu bề chữa chuyên?
Pháp rằng: Ta biết kinh quyền
Ðau Nam chữa Bắc mà thuyên mới tài

Tiểu đồng nghe lọt vào tai
Lòng mừng vội vã nằm dài chữa chuyên
Pháp bàn cất tiếng hét lên
Mời ông Bàn cổ tọa tiền chứng miêng
Thỉnh ông Ðại thánh Tề thiên


Chú thích:
1.Mây bạc: Ðịnh Nhân Kiệt đời Ðường, khi đi làm quan xa, thường hay nhớ cha mẹ, một hôm lên núi Thái-Hàng trông về quê hương, thấy đám mây trắng bay lững lờ, ông bùi ngùi nói: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây kia". Do đó, danh từ "mây bạc". Do đó, danh từ "mây bạc" (mây trắng) được dùng để chỉ sự mong nhớ cha mẹ.

3.Bôn ba: nghĩa chính: làn sóng chảy mạnh (chảy xiết); nghĩa bóng: chạy đuổi theo vất vả làm một việc gì hoặc có cầu cạnh điều gì

4.Câu này: nói lòng này còn lo ngại, chưa biết việc biến đổi như thế nào .

5.Tị trần: tránh bụi, tức tránh cuộc đời huyên náo, xấu xa.

6.Thị phi: phải trái, lời khen chê.

7.Quầy quả: vội vã.

8.Dưỡng dục sinh thành: công cha mẹ sinh ra, nuôi lớn, dạy dỗ nên người.

9.Phận bạc: Phận mỏng. Tiếng bạc ở đây không phải là trắng nhưng khi dùng tiếng này thì liên tưởng đến bạc là trắng nên đem ví với vôi. Truyện Kiều: "Phận sao bạc như vôi".

10.Ðường mây: con đường ở trên mây, tức đường công danh (được lên địa vị cao, nên gọi là mây).

11.Lâm việc: tới khi vó việc (lâm là tới)

12.Thêm nhuần: ướt thêm. Nói mình đã mỏi mệt mà lại thêm khóc mãi.

13.Ðã lấy mang sầu: nói mắt đã bị bệnh.

14.Ðồng Văn: ở tỉnh Biên-Hòa, huyện Phước-Chánh xưa có cái chợ Ðồng-Văn.

15.Ðầu thang: cho uống thuốc.

16.Ðiều:

1)điều hòa: dùng thuốc thang được đúng mức đúng phép.

2) điều trị: dùng thuốc thang để chữa trị bệnh (điều trị bằng thuốc thang). Hai nghĩa cùng được cả.

17.Nội kinh: một pho sách thuốc cổ nhất, dạy về nguyên lý căn bản và phép châm cứu của Ðông y .

18.Ngoại khoa: những sách thuốc dạy chữa các bệnh ở thân thể bên ngoài.

19.Y học: tức Y học nhập môn, sách thuốc của Ly Duyên đời Minh, những người làm thuốc nước ta trước đây, thường bắt đầu đọc sách này trước.

20.Thọ Thế: Thọ Thế Bảo Nguyên, sách thuốc của Cung Ðình Hiển đời Minh.

21.Ðông y: Ðông y bảo giám, do Hứa Tuấn nước Triều Tiên thâu thái những lý luận và phương pháp của các sách thuốc Trung quốc mà soạn ra .

22.Ngân hải tinh vi: tên một sách thuốc nói về chữa bệnh đau mắt của Tôn Tử Mạc đời Ðường. Ngân hải: bể bạc, tức là con mắt.

23.Cang mục: tức Bản thảo cương mục của Lý Thì Trân đời Minh, sách nói về tính chất các vị thuốc (dược tính) .

24.Thanh nang: túi xanh. Hoa Ðà đời Hán, có pho sách ghi chép những bí quyết chữa bệnh, thường đựng trong túi xanh, nên gọi là Thanh nang, nhưng sách này khi Hoa Ðà bị Tào Tháo giết, vợ Ðà ở nhà tức giận, đã đem đốt đi mất.

25.Tập nghiệm lương phan: sách tập hợp lại những phương thuốc hay đã kinh nghiệm

26.Ngự toản, Hồi xuân:

- Ngự toản: tức sách Ngự toản y tông kim giám đời Kiển long nhà Thanh, do tòa Thái y viện phụng mệnh vua thâu thái các sách thuốc cổ kim và sưu tầm các sách cùng phương thuốc bí truyền của dân gian mà soạn nên (Ngự toản: vua làm, sách này không phải vua làm, nhưng theo lối phong kiến, để tên sách như thế, để tôn sùng và qui công cho vua).

- Hồi xuân: Vạn bệnh hồi xuân, sách thuốc của Cung Ðình Hiển đời Minh, cũng như Thọ thế bảo nguyên.

27.Vị: vị thuốc.

28.Quân thần: vua tôi. Các vị thuốc theo tính chất và công dụng của nó, chia ra vị và vua, vị là tôi, vị là người giúp việc, vị là người liên lạc (quân,thần, tá, sứ), một đơn thuốc cũng như một tập thể, phải đủ thành phần mới có công dụng.

29.Nỏ nan (nang): nói thuốc khô, không ẩm ướt.

30.Lư san: bài phú Lư san nói về phép xem mạch (Lư san mạch phú).

31.Lục quân, tứ vật: hai bài thuốc căn bản để chữa khí và huyết. Thanh danh: tên bài thuốc.

32.Thập toàn, bát vị: hai bài thuốc bổ căn bản để chữa bệnh nội thương, nghĩa là bổ tạng phủ suy yếu.

33.Bát trận tân phương: Trương Giới Tân hiệu Cảnh Nhạc, một danh y đời Minh, có lập ra các phương thuốc mới, chia là tám loại đội ngũ, gọi là "Tân phương bát trận" (tám trận phương mới). Chữ bát trận này có nhắc lại "Bát trận đồ" của Khổng Minh. Tác giả cho việc dùng thuốc chữa bệnh cũng như dùng binh đánh giặc .

34.Ngoại cảm: mắc bệnh vì khí hậu thời tiết ở ngoài, như gió, mưa, nóng, lạnh, ẩm thấp. Lúc mới lâm bệnh, nên cho uống thang "ngũ sài" một thang thuốc trong Tân phương bát trận có vị 'sát hồ" giải cảm.

35.Lục bộ: sáu bộ mạch. Ðông y nghe mạch ở chỗ cổ tay, chia bên trái và bên phải, mỗi bên có ba bộ "thốn", "quan", "xích", hai bên thành sáu bộ.

36.Bộ quan bên tả: có mạch gan, mật.

37.Phù hồng: mạch đi nổi và bốc lên.

38.Kinh lạc: các đường truyền dẫn khí huyết trong thân người, đường dọc là kinh, đường ngang là lạc.

39.Mạng môn tướng hỏa: theo thuyết Ðông y thời trước, mạng môn là một điểm ở giữa hai quả thận, cấp dương khi (ôn độ) cho người cả.

40.Tam tiêu: thượng tiêu ở khoảng bụng trên, chủ về phổi, tim; trung tiêu ở khoảng bụng giữa, chủ về tì, vị; hạ tiêu ở khoảng bụng dưới, chủ về gan, thận. Thích nhiệt: chứa chất khí nóng.

41.Giáng hỏa: dẹp hỏa (khí nóng) xuống. Tư âm: làm cho âm (như các chất nước, huyết, tân dịch...) sinh ra nhiều. Cổ phương có bài "tư âm giang hóa" làm cho âm sinh nhiều để dẹp hỏa xuống.

42.Huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm: ba vị thuốc mát để chữa nóng. Nói phải dùng gấp bội ba vị này để chữa nóng.

43.Vạn linh, hoàn tinh: hai phương thuốc chữa đau mắt: vạn linh để điểm vào mắt, hoàn tình để uống cho sáng mắt.

44.Ðàn: đặt đàn cho thầy thuốc: chủ bệnh đưa trước một số tiền, thầy thuốc cam đoan sẽ hoàn lại nếu không chữa lành. Ðòi cuộc đòi đàn: đòi chủ bệnh phải đặt cuộc đàn với thầy.

45.Thật tài: gốc chữ Hán, có nghĩa là thực tài, có tài thực sự.

46.Cầu: nhờ làm một việc gì đó. Qua cầu: đến nhờ giúp việc.

47.Bói hay đã dậy: dậy là nổi tiếng.

48.Nói nhây: nói dai dẳng, nói dai như đỉa, như rẻ rách.

49.Ôn nhuần: xem đi xem lại cho thấm. Châu Diệc: Chu Dịch đọc chệnh. Kinh dịch đời nhà Chu, sách triết học rất cổ của Trung Quốc. Sách có tám quẻ chính (bát quái), mỗi quẻ nguyên có ba hào (ba vạch), sau chồng lên thành sáu hào. Tám quẻ có sáu hào này, lại giao đổi với nhau, thành 64 quẻ, 384 hào. Thể hiện sự biến chuyển của vũ trụ và xã hội loài người.

50.Huỳnh kim, Dã hạc: hai sách nói về thuật bói toán.

51.Lục nhâm, Lục giáp: hai môn thuật số bói toán. Lục nhâm có sách "Lục nhâm đại toàn" nói về cách xem "nhâm". Lục giáp có sách "Kỳ môn độn giáp" nói về cách xem "độn".

52.Can, chi: can là thập can (mười can), tức: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quí; chi là thập nhị chi (mười hai chi), tức: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Thập can là mười dấu hiệu thuộc về trời (thiên can) hợp với thập nhị chi là mười dấu hiệu thuộc về đất (địa chi) để chỉ ngày giờ tháng năm. Ví dụ năm giáp tí, năm đầu tiên của can chi, rồi lại đến ất sửu... cứ như thế luân chuyển trong 60 năm lại quay trở lại. Can chi còn phối hợp với "ngũ hành": thủy, hỏa, thổ, mộc, kim, theo tính chất của nó. Ðây nói: trong tay nắm vững qui luật can chi, tính toán được ngày giờ và ngũ hành sinh khắc, nên việc trời đất, việc người đều tỏ cả.

53.Chiêm: bói xem.

54.Lộ trình: khoảng đường đi; trong lúc đi đường.

55.Rùa, thi: mai rùa và cỏ thi, hai thứ dùng để bói toán.

56.Ðinh Mão: năm vận hạn của Vân Tiên, gặp ngày Giáp tý là ngày xung nên mắc bệnh (nguyên tắc về bói toán ) .

57.Mạng kim: bản mệnh thuộc kim (vàng), một trong ngũ hành. Cung càn (kiền, cung thuộc quẻ (kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, li, khôn, đoái), thuộc về kim. Mệnh kim ở cung là đắc địa (ở được chỗ hay), nên số sẽ giàu sang.

58.Cầu tài quẻ ấy xa vời: nói quẻ này không phải ứng vào người đi buôn bán (cầu tài).

59.Phỉnh : lừa dối. (theo nghĩa miền Nam)

60.Giao, sách, trùng: cách bói Dã-bạc (bói Dịch), cầm ba đồng tiền gieo xuống cái đĩa, một đồng sấp là "sách", ba đồng sấp là "trùng", ba đồng cùng ngửa là "giao". Mỗi lần gieo tiền sấp ngửa như thế, ghi làm một hào, gieo đủ sáu lần là sáu hào thành một quẻ, sẽ theo tính chất mỗi hào trong một quẻ mà đoán sự việc. Quẻ bói ở đây, lần thứ nhất gieo được hào giao (ba ngửa), lần thứ hai hào sách, lần thứ ba hào trùng...

61.Trang: sắp đặt ra, trình bày ra. "Trang quẻ, trang lá số": trình bày nội dung cái quẻ, lá số.

62.Lục xung: sáu hào trong quẻ bói đều xung khắc với nhau.

63.Phụ mẫu, tử tôn: theo sách bói Dã-hạc: sáu hào trong quẻ bói, mỗi hào chủ về một sự việc, nên có nhưng tên hào: phụ mẫu (cha mẹ), huynh đệ (anh em), thê tài (vợ và tiền của-gọi tắt là hào "tài"), tử tôn (con cái), quan quỉ (quan sự và quỉ thần-gọi tắt là hào "quan"), trong đó lại có một hào đại biểu cho bản thân gọi là "thế", một hào đại biểu cho người hay việc bên ngoài trực tiếp quan hệ đến bản thân gọi là "ứng". Những hào này, theo ngũ hành, có tính chất tương sinh hay tương khắc nhau. ở đây, hào phụ mẫu khắc hào tử tôn, ứng vào việc cha mẹ gặp nạn mà con cháu đau thương.

64.Du hồn: tên quẻ bói (hồn đi chơi vẩn vơ).

Quẻ bói hóa ra quẻ du hồn, chỉ việc Vân Tiên bị long đong bệnh hoạn nơi đường xa đất khách.

65.Thế động: hào"thế" tức hào bản thân bị xung động. Hào quan: tức hào "quan quỉ" gọi tắt, quan chỉ chung những sự việc: thi cử, công danh, văn thư, kiện tụng. Thế động khắc hào quan, chỉ cuộc đời của mình bị biến chuyển mà công danh trắc trở.

66.Mẫu tang: tang mẹ.

67.Thày pháp: pháp sư, thày phù thủy.

68.Bôn bôn: bon bon.

69.ấn: phù phép của thày pháp để bắt ma, trừ tà.

70.Phù chú: lá bùa và câu chú.

71.Hồ linh: bầu thiêng liêng.

72.Sái đậu thành binh: rảy hạt đậu thành binh lính đi đánh trận được

73.Diêm vương: vua ở âm phủ. Hai câu này nói: sai được âm binh bằng đậu, bằng rơm xuống phá thành vua âm phủ.

74.Ðạo hỏa phó thang: Dẫm chân lên lửa cháy, dấn mình vào nước sôi.

75.Ngồi gươm, đứng giáo: ngồi trên gươm, đứng trên giáo. Khai đàng thiên hoang: mở lối đi ở cõi trời xa vắng chưa có ai tới.

76.So đo: có nghĩa là suy hơn tính thiệt.

77.Hề: người theo hầu, như nói "hề đồng": chú bé theo hầu.

78.Kinh quyền: hành sự theo lẽ thường là kính, theo lẽ biến là quyền. Hai chữ này thường dùng chung là một danh từ để chỉ sự hành động biết tùy thời, không cố chấp câu nệ.

79.Thuyên: bớt đau, khỏi bệnh.

81.Bàn cổ: theo truyền thuyết Trung-quốc. Tọa niền chứng miêng (minh): chứng tỏ trước bàn thờ

82.Ðại thánh Tề thiên: tức Tôn Ngộ Không, một nhân vật chính trong chuyện Tây Du Ký. Ngộ Không nguyên là một con khỉ đá tinh quái, đi cầu tiên học đạo, có nhiều phép lạ, từng xuống thủy cung yêu sách Long vương, và xuống âm cung xóa sổ Diêm vương, Trời vời lên làm Bật Mã Ôn (chức coi ngựa nhà Trời), Ngộ Không bất mãn, làm náo động thiên cung rồi bỏ về, mấy tướng nhà Trời xuống bắt, đều bị Ngộ Không đánh bại, Trời phải phong y là Tề thiên đại thánh (thánh to bằng trời). Sau Ngộ Không qui Phật, theo Ðường Tam Tạng sang Tây trúc lấy kinh. Nhân vật Tề thiên đại thánh ngày này được coi tượng trưng cho sức mạnh vô địch của nhân dân .

TỪ CÂU 800 ĐẾN CÂU 999

Thỉnh bà Vũ Hậu đều liền đắn đây
Thỉnh ông Nguyên soái Chinh Tây
Cùng bà Vương mẫu sum vầy một khi
Thỉnh ông Phật tổ A Di
Thập phương chư Phật phù trì giúp ông

Lại mời công chúa Ngũ Long
Bình Nam ngũ hổ hội đồng an dinh
Thỉnh trong thiên tướng, thiên binh
Cùng là tam phủ Ðộng-Ðình xích lân
Thỉnh trong khắp hết quỉ thần

Cũng đều xuống chốn dương trần vui chơi
Cho người ba đạo phù trời
Uống vào khoẽ mạnh như lời chẳng sai,
Tiểu đồng vâng lĩnh theo lời
Lấy phù trợ lại toan bài thuốc thang

Vào nhà thưa với thầy Ngang
Pháp phù đã đũ thày toan phương nào?
Ngang rằng còn bạc trong bao
Thời ngươi khá lấy mà trao cho thày
Ðồng rằng: Tôi hãy ở đây

Bệnh kia dầu khá mình này bán đi
Triệu Ngang biết chẳng còn chi
Kiếm lời tráo chác đuổi đi khỏi vòng
Ở đâu hàng xóm khó lòng
E khi mưa nắng ai phòng đỡ che

Ðồng rằng: Trong gói vắng hoe
Bởi tin nên mắc, bởi lo nên lầm
Những lo chạy hết một trăm
Một ve khô xép, ruột tằm héo don
Thương thay tiền mất tật còn

Bơ vơ đất khách thon von thế này
Thôi thôi gắng gượng khỏi đây
Tôi đi khuyên giáo đỡ ngày gạo rau
Vân Tiên chi xiết nỗi sầu
Tiểu đồng dìu dắt qua cầu Lá Buôn

Ðương khi mưa gió luông tuồng
Người buồn lại gặp cảnh buồn khá thương
Xiết bao ăn tuyết nằm sương
Màn trời chiếu đất dặm trường lao đao
Dẫu cho tài trí bậc nào

Gặp cơn nguy biến biết sao cho thường
Bơ vơ lạ khách tha hương
Nhân tình nào biết ai thương mà nhờ
Tiên rằng: đi đã ngất ngơ
Tìm cây cối bụi bờ nghỉ chân


Ðồng rằng: Chốc nữa khỏi rừng
Tìm nơi quán xá sẽ dừng nghỉ ngơi
Non Tây vừa khuất mặt trời
Tớ thày dìu dắt tới nơi Ðại đề
Trường thi một lũ vừa về

Trịnh Hâm xem lại thấy kề hỏi thăm
Anh về nay đã hai rằm
Cớ sao mang bệnh còn nằm nơi đây
Tiên rằng:Tôi vốn chẳng may
Chẳng hay chư hữu khoa này thể nao?

Hâm rằng: Tử Trực đỗ cao
Tôi cùng Bùi Kiệm đều vào cử nhân
Một tôi về trước viếng thân
Hai người trở việc có lần đi sau
Ðương cơn hoạn nạn gặp nhau

Người lành nỡ bỏ người đau sao đành
Từ đây tới quận Ðông thành
Trong mình có bệnh bộ hành sao xong
Lần hồi đến chốn giang trung
Tìm thuyền ta sẽ tháp tùng với nhau

Tiên rằng: Tình trước ngãi sau
Có thương xin khá giúp nhau phen này
Hâm rằng: Anh tạm ngồi đây
Tiểu đồng ngươi tới trước này cùng ta
Vào rừng kiếm thuốc ngoại khoa

Phòng khi sóng biển phong ba bất kỳ
Tiểu đồng vội vã ra đi
Muốn cho đặng việc quản gì lao đao
Trịnh Hâm trong dạ gươm đao
Bắt người đồng tử trói vào gốc cây

Trước cho hùm cọp ăn mày
Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong
Vân Tiên ngồi những đợi trông
Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn
Vân Tiên than khóc nằm lăn

Có đâu điạ hãm thiên băng thình lình
Bấy lâu đất khách lưu linh
Một thày một tớ lộ trình nuôi nhau
Này đà hai ngã phân nhau
Còn ai nâng trước, đỡ sau cho mình

Hâm rằng: Anh chớ ngại tình
Tôi xin đưa tới Ðông thành thời thôi
Vân Tiên chi xiết lụy rơi
Buồm đà theo gió chạy xuôi một bề
Tiểu đồng bị trói khôn về

Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang
Phần mình còn mất chi màng
Cám thương họ Lục suối vàng bơ vơ
Xiết bao nhưng nỗi vật vờ
Ðò giang nào biết, bụi bờ nào hay

Vân Tiên hồn có linh rày
Ðem tôi theo với đỡ chân tay cùng
Vái rồi lụy nhỏ ròng ròng
Ðêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên
Sơn quân ghé lại một bên

Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng
Tiểu đồng thức dậy mơ màng
Xem qua dấu vết ràng ràng mới hay
Nửa mừng nửa lại sợ thay
Chạy ra chốn cũ kiếm thầy Vân Tiên

Mặt trời vừa khỏi mái hiên
Người buôn kẻ bán chợ phiên rộn ràng
Hỏi thăm bà quán giữa đàng
Bữa qua có mấy người tang chăng là?
Quán rằng: Thôi đã ra ma

Khi mai xóm làng người đà đi chôn
Tiểu đồng nghe nói kinh hồn
Hỏi rằng biết chỗ nào chôn chỉ chừng
Tay lau nước mắt rưng rưng
Xẩy nghe tiếng nói đầu rừng lao xao

Tiểu đồng vội vã bước vào
Xóm làng mới hỏi: Thằng nào tới đây?
Ðồng rằng tớ tới kiếm thầy
Chẳng hay người thác mả này là ai?
Người rằng: Một gã con trai

Ở đâu khôn biết, lạc loài tới đây
Chân tay, mặt mũi tốt thay
Ðau chi nên nỗi nước này khá thương.
Tiểu đồng chẳng kịp hỏi han
Nằm lăn bên mả khóc than một hồi

Người người xem thấy thương ôi
Kêu nhau vác cuốc đều lui ra đàng
Tiểu đồng nằm giữa rừng hoang
Che chòi giữ mả lòng toan trọn bề
Một mình ở đất Ðại Ðề

Sớm đi khuyên giáo, tối về quảy đơm
Dốc lòng trả nợ áo cơm
Sống mà trọn nghĩa, thác thơm danh hiền
Thứ này đến thứ Vân Tiên
Năm canh ngồi dựa be thuyền thở than

Trong khăn lụy nhỏ be thuyền thở than
Cám thương phận tớ mắc nàn khi không
Lênh đênh thuyền giữa biển Ðông
Riêng than một tấm cô bồng ngẩn ngơ
Ðêm khuya lặng lẽ như tờ

Nghênh ngang sao mọc, mịt mờ sương bay
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị ngã xô ngay xuống vời
Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời
Cho người thức dậy lấy lời phôi pha

Trong thuyền ai nấy kêu la
Ðều thương họ Lục, xót xa tấm lòng
Vân Tiên mình lụy giữa dòng
Giao long dìu đỡ vào trong bãi rầy
Vừa may trời đã sáng ngày

Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày
Vân Tiên vừa ấm chân tay
Ngìn ngơ hồn phách như say mới rồi

Ngỡ là mình phải nước trôi
Hay đâu còn hãy đặng ngồi dương gian
Ngư ông khi ấy hỏi han
Vân Tiên thưa hết mọi đàng gần xa
Ngư rằng: Người ở cùng ta

Hôm mai hẩm hút một nhà cho vui
Tiên rằng: Ông lấy chi nuôi
Thân tôi như thể trái mùi trên cây
May mà trôi nổi đến đây
Không chi báo đáp, mình này trơ trơ

Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa, há chờ trả ơn
Nước trong rửa ruột sạch trơn
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây
Rày doi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng
Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm
Nghêu ngao nay chích mai dầm
Một bầu trời đất vui thầm ai hay

Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế, vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang
Tiên rằng: Vậy cũng một làng

Võ công người ở gần đàng đây chăng?
Ngư rằng: Nhà ở cũng gần
Khỏi ba khúc vịnh thời lần đến nơi
Tiên rằng: Xưa đã gá lời
Sui gia bao nỡ đổi dời chẳng thương


Vợ chồng là đạo tào khương
Chi bằng tới đó tìm phương gửi mình
Trăm năm muốn trọn ân tình
Ðương khi hoạn nạn ai đành bỏ nhau
Chút nhờ cứu tử ơn sâu

Xin đưa tới đó trước sau cho tròn.
Ngư rằng: Làm đạo rạ con
Cũng như sợi chỉ mà lòn trôn kim
Sợ bay mà mỏi cánh chim
Bơ vơ cảnh lạ khôn tìm cây xua

E khi chậm bước tới trưa
Chớ tin sông cũ bến xưa mà lầm
Mấy ai ở đặng hảo tâm
Nắng đun chóp nón mưa dầm áo tơi
Mấy ai hay nghĩ sự đời

Chú thích:
1.Vũ Hậu: Vũ Chiếu, vợ Ðường Cao Tông, Cao Tông chết, con là Trung Tông lên kế ngôi, được mấy tháng, bà phế con tự lập làm vua, đổi hiệu nhà Ðường là nhà Chu. Sau bọn Trương Giản Chi phù Trung Tông phục lại ngôi vua, tôn hiệu bà là Tắc Thiên đại thánh hoàng đế, người sau nhân gọi là Vũ Tắc Thiên.

2.Nguyên soái Chinh Tây: theo chính sử, Tiết Nhân Quí, một tướng tài đời Ðường Thái Tông, thường đánh Ðông dẹp Tây, phá được các nước Cao-Ly, Khiết-Ðan, Ðột-khuyết. Người sau đã nhân sự tích náy diễn thành tiểu thuyết Chinh Ðông chinh Tây.

3.Vương mẫu: tức Tây Vương mẫu, cũng là gọi là Kim mẫu, một bà tiên lãnh đạo tất cả các nữ tiên, ở cõi Dao trì (nơi Vương mẫu ở có ao ngọc gọi là Dao trì), thường có nhiều chuyện giao thiệp với trần gian.

4.A Di: tức A Di Ðà, tên hiệu vị Phật tổ chí tôn ở thế giới cực lạc phương Tây. Di Ðà nguyên là một quốc vương xuất gia, sau khi mãn quả thành phật, do công đức tu hành, Di Ðà đã tạo được một cõi quảng đại trang nghiêm, trong đó chỉ có vui sướng không có khổ sở, gọi là thế giới cực lạc, những chúng sinh ở thập phương, người nào nhất tâm niệm phật, tu phật, đều được Di Ðà tiếp dẫn về thế giới ấy.

5. Công chúa Ngũ Long: tức Thành Long, Hắc Long, Bạch Long, Xích Long, Hoàng Long, năm vị công chúa (năm con gái Long vương) trong truyện "Thuyết Ðường", năm vị này tu tiên ở núi Ngũ-long, có nhiều phép lạ, từng bày ngũ trận "Ngũ hành" giúp nước Tây phiên đánh nhau với quân nhà Ðường.

6.Bình Nam ngũ hổ: năm tướng mạnh như hổ đi đánh phương Nam trong tiểu thuyết "Ngũ Hổ Bình Nam". An dinh: đóng yên dinh trại, nói đến tụ họp nơi bàn dinh

7.Tam phủ: Thiên phủ, Ðịa phủ, Thủy phủ.

8.Ðộng Ðình: tên một cái hồ lớn đẹp có tiếng ở tỉnh Hồ-Nam Trung-Quốc. Xích lân: không rõ tác giả tác giả dùng điển gì. Xích lân: nguyên nghĩa là vẩy đỏ, có lẽ chỉ thần "rồng" hay "cá" có vẩy đỏ, một vị thủy thần ở Ðộng-Ðình, mà phải thỉnh vị thần gì ở hồ ấy.

9.Dương trần: cõi dương bụi bặm, tức cõi đời.

10.Pháp phù:phép và bùa để chữa bệnh

11.Tráo chác: trở tráo, đổi chác, tức là lừa dối, trở mặt.

12.Vắng hoe: ở đây là cạn hết tiền.

13.Khuyên giáo: đi quyên tiền, đi xin.

14.Cầu Lá buôn: buôn (có chỗ viết là buôm) là một thứ cây gồi, cây cọ ở miền Nam, lá dùng làm nón và áo tơi. Trung-quốc thì không có địa danh Lá Buôn, nhưng ở tỉnh Biên Hòa, có cái rạch (sông nhỏ) gọi là rạch Lá Buôn, trên có một các cầu gọi là cầu Lá Buôn, đường quan lộ từ Huế vào Gia Ðịnh đi qua cái cầu này. (Theo Gia định Thống chí của Trịnh Hoài Ðức).

15.Hai rằm: hai tháng.

16.Chư hữu: các bạn

17.Viếng thân: thăm cha mẹ.

18.Trở việc: bận việc

19.Giang trung: giữa sông tức là nơi có sóng nước, nơi bến đò.

20.Tháp tùng: chữ "tháp" chính âm là "đáp", nói đáp thuyền mà đi cùng. Tiếng này rất phổ biến ở Nam bộ.

21.Trong dạ gươm đao: do câu chữ Hán "Phúc trung hữu kiếm": trong bụng có gươm, nói tâm địa bất nhân, hiểm ác.

22.Ðịa hãm thiên băng: đất sụp trời sụp. Tai biến rất lớn.

23.Lưu linh: trôi nổi lạc loài, nay đây mai đó.

24.Suồi vàng: do chữ Hán "hoàng tuyền" , tức cõi chết. Ðây nói tiểu đồng nghĩ thương cho Vân Tiên không ai dìu dắt nuôi nấng chắc đã chết rồi.

25.Ðò giang nào biết, bụi bờ nào hay: nói hồn Vân Tiên - cái hồn mù mắt - vật vờ không biết lối mà đi .

26.Cội tòng: gốc cây thông

27.Sơn quân: vua núi, tức là cọp.

28.Ràng ràng: rõ ràng.

29.Người tang: người mặc quần áo tang, chỉ Vân Tiên.

30.Quảy đơm: cúng lễ

31.Be thuyền: mạn thuyền

32.Mắc nàn khi không: bỗng dưng mắc nạn

33.Cô bồng: cô: lẻ loi, bồng: mui thuyền. Nói chiếc thuyền lẻ loi một mình.

34.Vời: khoảng nước rộng.

35.Phôi pha: chữ phôi pha dùng ở câu này có nghĩa: làm cho nhẹ chuyện đi, che lấp việc đi.

36.Giao long: con rồng nước, rồng bể, có tính hung tơn hay gây sóng gió. Vân Tiên và tiểu đồng đều là người rất tốt, nên giao long hay sơn quân cũng cảm thông mà đến cứu giúp. Sông Cửu-long có nhiều cá sấu, cũng gọi là giao long.

37.Bãi rầy: bãi này.

38.Hối: giục vội. Vầy lửa như nghĩa nhóm lửa

39.Nước trôi: nói chết bị nước cuốn đi.

40.Hẩm hút: hẩm: hư hỏng, biến chất (gạo hẩm, đường hẩm). Hút: (tiếng miền Nam, nói về gạo) không trắng, không ngon. Danh từ hẩm hút dùng để chỉ thứ gạo xấu, thức ăn người nghèo, cũng như nói rau cháo. Câu này nói: tuy nhà nghèo, nhưng thây mật vui vẽ .

41.Trái mùi: trái chím lắm. Vân Tiên nói: trái cây chín mùi, tất phải rụng, cũng như thân mình, bệnh hoạn ốm yắu nhiều, tất phải chết, sẽ phụ cả công ơn của ngư ông .

42.Doi: dải đất thòi ra ngoài bể, ngoài sông (doi bể, doi sông).

43.Chích: cái hồ, cái đầm.

44.Kinh luân: ông ngư nói: ông có tài chài lưới, cũng chẳng kém gì người trị nước có tài kinh luân .

45.Dưới thế: dưới đời

46.Tắm mưa chải gió: tắm mình bằng mưa, chải đầu bằng gió. Do câu chữ Hán "Trất phong mộc vũ" : chải gió gội mưa, chỉ sự cần lao dầu dãi ở ngoài trời.

47.Gá lời: như nói hứa lời.

48.Sui gia: thân gia, dâu gia, hai nhà gả con cho nhau.

49.Cứu tử: cứu cho khỏi chết.

50.Sợi chỉ lòn trôn kim: lòn tức là luồn. nói: sợi chỉ phải vừa với trôn kim, cũng như con rạ phải hợp với nhà vợ. Ông ngư sợ rằng: ngày nay Vân Tiên đã tang tóc sa sút lại đeo tật bệnh, chắc sẽ bị nhà vợ ruồng rẫy mà không nhận nữa .

51.Nắng đun: đun: nung đốt, nắng đun cũng như nói nắng nung. Chóp nón: hai chữ này có lẽ là "nón chóp" chép lộn đi. ở dưới đặt chữ "áo tơi", thì đây phải đặt chữ "nón chóp", văn mới sóng nhau, vậy nên đổi làm "nón chóp" cho được đúng nghĩa, đúng văn. Nón chóp là thứ nón lá hình chóp, hình chum chúp.

TỪ CÂU 1000 ĐẾN CÂU 1199

Nhớ nơi nghèo khổ, quên nơi sang giàu
Ðã ba thứ tóc trên đầu
Gẫm trong sự thể thêm âu cho đời
Vân Tiên thưa đã hết lời
Ngư ông chẳng đã tách rời đưa sang

Dắt Tiên vào trước tiền đàng
Vũ công xem thấy lòng càng hổ ngươi
Chẳng qua sợ thế gian cười
Một lòng gượng gạo chào người ngày xưa
Ngư ông đã có công đưa

Tới ngày sau sẽ lo lừa đền ơn
Ngư rằng lòng lão chẳng sờn
Xin tròn nhân ngãi còn hơn bạc vàng
Nhớ xưa trong núi Lư san
Có ông ngư phủ đưa chàng Ngũ viên

Tới sau đình trưởng đỗ thuyền
Giúp ngươi Hạng Võ qua miền Ô-giang
Xưa còn thương kẻ mắc nàn
Huống nay ai đã quên đàng ngãi nhân
Một lời gắng giúp keo sơn

Ngư ông từ giã lui chân xuống thuyền
Võ công không ngớt lòng phiền
Ân tình, thế lợi khó tuyền đặng vay
Dạy Tiên: Ngươi hãy ngồi đây
Cho ta trở lại sau này lo toan

Công rằng: Hỡi mụ Quỳnh Trang
Dò lòng ái nữ Thể Loan thế nào
Mặc bay toan liệu làm sao
Vốn không ép vợ, nỡ nào ép con
Loan rằng: Gót đỏ như son

Xưa nay ai nỡ đem chôn xuống bùn
Ai cho sen muống một bồn
Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê
Thà không trót chịu một bề
Nỡ đem mình ngọc dựa kề thất phu

Dốc lòng chờ đợi danh nhu
Rễ đâu có rễ đui mù thể nay
Ðã nghe người nói hội này
Rằng Vương Tử Trực đậu rày thủ khoa
Ta dầu muốn kết sui gia

Họ Vương, họ Võ một nhà mới xinh
Công rằng: Muốn trọn việc mình
Phải toan một chước dứt tình mới xong
Nghe rằng trong núi Thương tòng
Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra

Ðông thành ngàn dặm còn xa
Ðem chàng bỏ đó ai mà biết đâu
Phút vừa trăng đã đứng đầu
Vân Tiên ngồi trước nhà cầu thở than
Võ công ra đó dỗ chàng

Xuống thuyền rồi sẽ đưa sang Ðông thành
Ra đi đương lúc tam canh
Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên
Bỏ rồi rón rén bước liền
Xuồng gay chèo quế dời thuyền tách xa

Tiên rằng: Các chú đưa ta
Xin đưa cho tới quê nhà sẽ hay
Ghi lòng dốc trọn thảo ngay
Một phen mà khỏi, ngàn ngày chẳng quên
Lặng nghe văng vẳng hai bên

Tay lần hang tối đá trên chập chờn
Vân Tiên khi ấy hãi hùng
Nghĩ ra mới biết Võ công hại mình
Nực cười con tạo trớ trinh
Chữ duyên tráo chác, chữ tình lãng xao

Nghĩ mình tai nạn xiết bao
Mới lên khỏi biển, lại vào trong hang
Dây sầu ai khéo vương mang
Tránh nơi lưới thỏ gặp đàng bẫy cheo
Trong hang sau trước quạnh hiu

Muốn ra cho khỏi ai dìu dắt đi
Oan gia nợ đã khéo gây
Ôi thôi thân thể còn gì mà toan
Ðã đành xa cõi nhân gian
Dựa mình vào chồn thạch bàn nằm co

Ðêm khuya ngọn gió thổi lò
Sương sa lác đác, mưa tro lạnh lùng
Năm ngày nhịn đói khát ròng
Nhờ ba hườn thuốc đỡ lòng hôm mai
Du thần xem thấy ai hoài

Xét trong mình gã có bài phù tiên
Mới hay là LụcVân Tiên
Cùng nhau dìu dắt đều liền đem ra
Khỏi hang một dặm vừa xa
Ðến nơi đại lộc trời đà hửng đông


Du thần trở lại sơn trung
Vân Tiên còn hãy giấc nồng mê man
Lão tiều cơm gói sẵn sàng
Sớm mai sách búa đi ngang qua rừng
Tới đường đại lộc là chừng

Xẩy nghe có tiếng trong rừng thở than
Hay là yêu quái tà gian
Rung cây nhát lão làm đường hại nhân
Lão tiều liền bước lại gần
Thiệt là một gã văn nhân mắc nàn

Chi bằng lên tiếng hỏi han
Nhân sao mắc việc tai nàn thế nay?
Vân Tiên nghe tiếng mừng thay
Vội vàng gượng dậy trình bày trước sau
Lão tiều nghe nói giờ lâu

Gẫm trong thế sự lắc đầu thở than
ít người trong tuyết đưa than
Khó ngồi giữa chợ, ai màng đoái thương
Vân Tiên nghe nói mới tường
Cũng trang ẩn dật biết đường thảo ngay

Ngửa trông lượng cả cao dày
Cứu trong một thuở ơn đầy tái sinh
Mai sau về tới Ðông thành
Ðền ơn cứu khổ mới đành dạ tôi
Lão tiều mới nói thôi thôi

Làm ơn mà lại trông hồi sao hay
Già hay thương kẻ thảo ngay
Này thôi để lão dắt nay về nhà
Tiên rằng: Trong dạ xót xa
Nay đà sáu bữa không hòa mùi chi

Lại thêm rũ liệt tứ chi
Muốn đi theo đó mà đi khôn rồi
Lão tiều này ngỡ nực cười
Mở cơm trong gói miệng mời Vân Tiên
Gắng mà ăn uống cho yên

Lão ra sức lão cõng Tiên về nhà
Khỏi ra rừng tới ngã ba
May đâu gặp một chàng là Hớn Minh
Lão tiều lật đật bôn trình
Hớn Minh theo hỏi sự tình một khi

Vân Tiên nghe nói cố tri
Vội mừng bạn cũ còn nghi nỗi mình
Minh rằng: Dám hỏi nhân huynh
Cớ sao nên nỗi thân hình thế ni?
Tiên rằng: Chẳng xiết nói chi

Thân này nào có khác gì cây trôi
Lênh đênh gió dập sóng giồi
Rồi đây mai đó, khôn rồi gian nan
Minh rằng: Ðây khó hỏi han
Xin vào chùa sẽ luận bàn cùng nhau

Tiều rằng: Chẳng dám ngồi lâu
Vào rừng đốn củi bán chầu chợ phiên
Hớn Minh quỳ gối lạy liều
Ơn ông cứu đặng Vân Tiên bạn lành
Nay hai lạng bạc trong mình

Tôi xin báo đáp chút tình cho ông
Tiều rằng: Lão vốn tay không
Một mình ngẩn ngơ non tòng hôm mai
Tấm lòng chẳng muốn của ai
Lánh nơi danh lợi chông gai cực lòng

Kìa non nọ nước thong dong
Trăng thanh gió mát, bạn cùng hươu nai
Công hầu phú quí mặc ai
Lộc rừng gánh vác hai vai tháng ngày
Vân Tiên nghe biết người ngay

Hỏi thăm tên họ phòng ngày đền ơn
Lão tiều trở lại lâm sơn
Tiên, Minh vội vã phản hoàn am mây
Tiên rằng: Ðã gặp khoa này
Cớ sao ngọc hữu ở đây làm gì?

Minh rằng: Xưa dốc xuống thi
Gặp nơi miếu võ cùng đi một lần
Anh thì trở lại viếng thân
Tôi thì mang gói trước lần xuống kinh
Ði vừa tới phủ Ô Minh

Gặp con quan huyện Ðặng Sinh là chàng
Giàu sang ỷ thế dọc ngang
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò

Mình làm nỡ để ai lo
Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.
Án đày ra quận Sóc phang
Tôi bèn vượt ngục lánh đàng đến đây
Vừa may lại gặp chùa này

Mai danh ẩn tích bấy chầy náu nương
Vân Tiên nghe nói thảm thương
Lại bày mọi khúc tai ương phận mình
Minh nghe Tiên nói động tình
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng

Tiên rằng: Thương cội thung huyên
Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao
Trông con như hạn trông dào
Mình này trôi nổi phương nào biết đâu
Vầng mây giăng bạc trên đầu

Ba năm chưa trọn một câu sinh thành
Hữu tam bất hiếu đã đành
Tiểu đồng trước đã vì mình thác oan
Tưởng thôi như cắt ruột gan
Quặn đau chín khúc, chứa chan mấy lần.

Minh rằng: Người ở trong trần
Có khi phú quí, có lần gian nan
Thấp cao vàng biết tuổi vàng
Gặp khi lửa đỏ màu càng thêm xuê
Thôi thôi anh chớ vội về

Ở đây nương náu toan bề thuốc thang
Bao giờ hết lúc tai nàn
Ðem nhau ta sẽ lập đàng công danh
Cam La sớm gặp cũng xinh
Muộn mà Khương tử cũng vinh một đời

Nên hư có số ở trời
Bôn chôn sao khỏi, đổi dời sao xong
Vân Tiên khi ấy an lòng
ở nơi am tự bạn cùng Hớn Minh
Võ công làm việc trớ trinh


Chú thích:
1.Ba thứ tóc trên đầu: đầu đã đốm bạc, có ba thứ tóc đen, vàng (dở đen dở trắng) và trắng.

2.Âu: âm chính của chữ "ưu": lo

3.Lo lừa: lo tính , mưu làm một việc gì.

4.Lư-san: một núi có nhiều thắng cảnh ở tỉnh Giang-Tây, Trung-Quốc, đời Ân, Chu, anh em Khuôn Tục làm nhà ở ẩn trên núi này, nên cũng gọi là núi Khuông-Lư.

5. Ngũ viên: tên tự là Tử Tư, một tướng tài đời Xuân Thu, người nước Sở, cha và anh bị Sở Bình Vương giết, Tử Tư chạy trốn sang Ngô. Ðến một dòng sông, gặp ngư phủ, ngư phủ thấy Tử Tư đói, đi kiếm cơm cho ăn, và chở qua cứu thoát nạn. Sau Tử Tư giúp Ngô đánh phá Sở, báo thù cho cha anh.

6.Ðình trưởng: đời Tần, Hán, cứ mười lý đặt làm một đình, có đình trưởng coi giữ trộm cướp, Ðình còn gọi là nhưng quán nghỉ lập dọc đường, năm dặm một "đoản đình", mười dặm một "trường đình" .

7.Hạng Võ (Vũ): một tướng tài có sức mạnh phi thường, đã đánh phá nhà Tần, lập nên cơ nghiệp nước Sở, tự xưng là Tây Sở Bá vương, giành thiên hạ với Lưu Bang tức Cao Hán Tổ, nổi tiếng bách chiến bách thắng trong cuộc "Hán Sở tranh hùng" . Sau cùng, Hạng Vũ lại thua to, chạy đến sông Ô-Giang giáp đất Giang-đông, xứ sở của Vũ. Một người đình trưởng biết Vũ, chào thuyền mời Vũ qua sông để về Giang-Ðông. Vũ nghĩ thẹn với đồng bào và xứ sở của mình, không chịu về và lấy gươm tự tử.

8.Ân tình thế lợi khó tuyền đặng vay: một bên là ân tình, một bên là lợ thế (quyền thế, tài lợi), mâu thuẫn nhau, khó trọn vẹn được cả hai.

9.Ai cho sen muống một bồn: không ai trồng cây sen và rau muống trong một chậu

10.Phồn: tiếng miền Nam, có nghĩa là hạng người, như ta nói quân này, quân kia.

11.Thà không chót chịu một bề: thà không chồng mà ở một mình còn hơn.

12.Danh nhu (nho): người học trò nổi tiếng

13.Thủ khoa: người đậu đầu trong khoa thi hương.

14.Nhà cầu: cái nhà ngang nối nhà trước với nhà sau.

15.Tam canh: Canh ba (một đêm có năm canh)

16.Gay: buộc mái chào vào cọc chào, sửa soạn bơi thuyền đi.

17.Trớ trinh: tráo trở, đành hanh, trêu ngươi.

18.Cheo: tên một con thú, thuộc loài sóc.

19.Oan gia: chính chữ là "oán gia", tục (tiếng tục Trung-quốc), gọi trại là oan gia, chỉ kẻ oán thù với mình hay sự oán thù nói chung. Ðây là Vân Tiên nói có lẽ kiếp trước mình có nợ oán thù gì với Võ công, nên mới bị hãm hại như thế này (nói theo thuyết nhà Phật).

20.Thạch bàn: bàn đá, tảng đá lớn và phẳng.

21.Mưa tro: (tiếng miền Nam) mưa bụi, mưa phùn.

22.Du thần: vị thần đi dạo các nơi để xem xét nhân gian

23.Phù tiên: bùa tiên để giữ mình, tức đạo bùa của thầy Vân Tiên cho khi Vân Tiên đi thi.

24.Ðại lộc: lộc là chân núi, đại lộc tức dưới chân núi lớn (theo Kinh thư).

25.Sơn trung: trong núi.

26.Tới đường đại lộc là chừng: chừng: mức độ ấy, khoảng ấy, nói ông tiều qua rừng tới khoảng đường chân núi thì nghe thấy tiếng Vân Tiên ở quanh nơi đấy. Chữ "đại lộc" ở đây cũng như chữ "đại lộc" trên kia, nhiều bản chép là đại lộ (đường cái), xét ra không đúng nghĩa chỗ này. Du thần chỉ đưa Vân Tiên ra khỏi hang một dặm tới dưới chân núi trong rừng thôi, chứ không đưa ra ngoài đường cái, vì câu dưới nói: "Có tiếng trong rừng thở than", và mãi tới dưới nữa lại có câu: "Khỏi rừng ra tới ngã ba", rõ là Vân Tiên trước còn ở trong rừng, mãi sau ông tiều mới cõng ra đường cái.

27.Nhát (hoặc nát): dọa cho người ta sợ

28.Trong tuyết đưa than (hoặc cho than): do thành ngữ chữ Hán "Tuyết trung tống thán": cho than để sưởi ấm khi trời tuyết. Tống Thái Tông nhân tiết mưa tuyết, trời rét lắm, sai cho những người già yếu nghèo khổ than sưởi và gạo ăn. Nhân đó, người ta thường dùng chữ "Tuyết trung tống thán" để chỉ sự giúp đỡ người khi cần kíp cùng quẫn.

29.Khó ngồi giữa chợ, ai màng đoái thương: do câu thơ chữ Hán: "Bần cư nào thị vô nhân vần. Phú tại thâm sơn hữu khách tầm" nghĩa là người nghèo ở ngay giữa chợ búa nhộn nhịp không ai hỏi han, giàu ở tận trong núi sâu cũng có kẻ tìm đến.

30.Ẩn dật: ở ẩn không theo thế tục.

31.Hồi: trả lại, đền lại. Nói làm ơn mà trông báo đáp lại sao nên.

32.Bôn trình: đi vội trên đường, như nói rảo bước.

33.Còn nghi nỗi mình: Vân Tiên đã bị Trịnh Hâm và Võ công tráo trở hãm hại, nên tuy mừng gặp bạn cũ, nhưng vẫn còn nghi ngại nỗi mình.

34.Nhân huynh: người anh tốt, tiếng xưng hô.

35.Bán chầu: bán vào buổi ấy.

36.Non tòng: núi có nhiều cây thông.

37.Lộc rừng: lộc của rừng cho (đây là củi)

38.Lâm sơn: rừng núi.

39.Phản hoàn: quay trở về. Am mây: chùa trong mây, tức chùa trong núi. Ðây là ngôi chùa ở nơi vắng vẻ.

40.Ngọc hữu: bạn ngọc, bạn quí như ngọc

41.Viếng thân: thăm cha mẹ

42.Cưỡng gian không nghì: lấy sức mạnh mà hãm hiếp phụ nữ

43.Bẻ đi một giò: bẽ gãy một chân

44.Huyện đàng (đường ): dinh quan huyện

45.Sóc phang (phương): cũng như Bắc phương, nói quận ở phương Bắc.

46.Mai danh, ẩn tích: vùi tên, giấu tích, không cho ai biét đến mình.

47.Dào: mưa dào, mưa to.

48.Sinh thành: đẻ ra và nuôi dạy nên người, chỉ công ơn cha mẹ

49.Hữu tam bất hiếu: rút ra ở câu chữ Hán: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" nghĩa là bất hiếu có ba điều, không có con là điều nặng nhất. Ðây nói: mình phải bỏ cuộc thi, chưa lập được công danh, để báo đáp công ơn cha mẹ, lại đeo tật bệnh, chưa lập được gia đình, để nối dõi dòng giống, thật là điều bất hiếu to lớn.

50.Tiểu đồng trước đã vì mình đã thác oan: câu này nối câu trên nói: đã không vẹn đạo con với cha mẹ, lại không vẹn tình thầy với trò, Vân Tiên cảm thấy vô cùng chua xót .

51.Cam La: người nước Tần thời Chiến quốc, sớm có tài mưu lược, mười hai tuổi đã đi sứ sang nước Triệu, vua Triệu thân ra đón tận ngoại thành và phải nhượng đất cho Tần, khi thành công về nước, được phong là chức Thượng Khanh.

52.Khương tử: ông họ Khương ("tử" là tiếng xưng hô chung về nam giới của Trung-quốc, như ta nói ông, chàng, gã v.v...), tức Khương tử Nha, xem chú thích ở câu 515. Hai câu này nói: công danh được sớm như Cam La (mười hai tuổi) càng hay, mà dù muộn như Khương tử (hơn tám mười tuổi) cũy vẫn vẽ vang .

53.Bôn chôn: vội vàng, hấp tấp, nóng ruột.

54.Am tự: am, chùa, chùa chiền.

TỪ CÂU 1200 ĐẾN CÂU 1399

Dứt tình họ Lục, mến tình họ Vương.
Kể từ định chước hại chàng
Thể Loan hớn hở lòng càng thêm vui
Ngày ngày trang điểm phấn giồi
Phòng khi gặp gỡ đứng ngồi cho xuê

Xẩy đâu Tử Trực vừa về
Vào nhà họ Võ thăm bề Vân Tiên
Công rằng: Chớ hỏi thêm phiền
Trước đà lâm bệnh huỳnh tuyền xa chơi
Thương chàng phận bạc ở đời

Cũng vì Nguyệt Lão xe lơi mối hồng
Nghe qua Tử Trực chạnh lòng
Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa
Than rằng: Chạnh nhớ linh xưa
Nghĩa đà kết nghĩa, tình chưa phỉ tình

Trời sao nỡ phụ tài lành
Bảng vàng chưa thấy ngày xanh đã mòn
Cùng nhau chưa đặng vuông tròn
Người đà sớm thác ta còn làm chi
Trong đời mấy bậc cố tri

Mấy trang đồng đạo, mấy người đồng tâm
Công rằng: Lão cũng thương thầm
Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang
Thôi thôi khuyên chớ thở than
Lão đà tính đặng một đàng rất hay

Tới đây thì ở lại đây
Cùng con gái lão sum vầy thất gia
Phòng khi hôm sớm vào ra
Thấy Vương Tử Trực cũng là thấy Tiên
Trực rằng: Ngòi viết đĩa nghiên

1230.Anh em xưa có thề nguyền cùng nhau
Vợ Tiên là Trực chị dâu
Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì
Chẳng hay người học sách chi
Nói sao những tiếng dị kỳ khó nghe

Hay là học thói nước Tề
Vợ người Tử Củ đưa về Hoàn Công
Hay là học thói Ðường cung
Vợ người Tiểu Lạc sánh cùng Thế Dân
Người nay nào phải người Tần

Bất Vi gả vợ Dị Nhân lấy lầm
Nói sao chẳng biết hổ thầm
Người ta há phải là cầm thú sao
Võ công hổ thẹn biết bao
Ngồi trân khôn cãi lẽ nào cho qua

Thể Loan trong trướng bước ra
Miệng cháo: Thày Cử tân khoa mới về
Thiếp đà chẳng trọn lời thề
Lỡ bề sửa tráp lỗi bề nâng khăn
Tiếc thay dạ thỏ nằng nằng

Ðêm thu chờ đợi bóng trăng bấy chầy
Chẳng ưng thì cũng làm khuây
Nỡ buông lời nói chẳng vì, chẳng kiêng
Trực rằng: Ai Lữ Phụng Tiên
Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi

Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi
Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa
Hổ hang vậy cũng người ta
So loài cầm thú vậy mà khác chi
Vân Tiên anh hỡi cố tri

Suối vàng có biết sự ni chăng là
Tay lau nước mắt trở ra
Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông thành
Võ công hổ thẹn trong mình
Năm ngày nhuốm bệnh thất tình chết oan


Thể Loan cùng mụ Quỳnh Trang
Mẹ con đóng cửa cư tang trong nhà
Ðoạn này đến thứ Nguyệt Nga
Hà khê phủ ấy theo cha học hành
Kiều công lên chức Thái khanh

Chỉ sai ra quận Ðông thành chăn dân
Ra tờ khắp hết xa gần
Hỏi thăm họ Lục tìm lần đến nơi
Khiến quân đem bức thư mời
Lục ông vâng lệnh tới nơi dinh tiền

Kiều công hỏi truyện Vân Tiên
Lục ông nhớ đến bỗng liền khóc than
Thưa rằng: Nghe tiếng đồn vang
Con tôi nhuốm bệnh giữa đàng bỏ thây
Biệt tin từ ấy nhẫn nay

Phút nghe người hỏi dạ này xốn xang
Kiều công trong dạ bàng hoàng
Trở vào thuật lại cùng nàng Nguyệt Nga
Lục ông người nói cùng cha
Duyên con rày đã trôi hoa dạt bào


Riêng than chút phận tơ điều
Hán giang chưa gặp, Ô kiều lại rơi
Nàng rằng quả thiệt như lời
Xin cha sai kẻ mời người vào trong
Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng

Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa
Công rằng: Nào bức tượng xưa
Nguyệt Nga con khá đem đưa người nhìn
Lục ông một buổi ngồi nhìn
Tay chân mặt mũi giống y con mình

Nguyệt Nga lạy gửi phân minh
Lục ông khi ấy sự tình mới hay
Thương con phận bạc lắm thay
Nguyền xưa còn đó, con rày đi đâu
Nguyệt Nga chi xiết nỗi sầu

Lục ông thấy vậy càng đau gan vàng
Kiếm lời khuyên giải với nàng
Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu
Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng

Cũng như đống tịch đồng sàng
Cũng chưa nên nghĩa tào khang đâu mà
Cũng như cửa sổ ngựa qua
Nghĩ nào mà ủ mặt hoa cho phiền
Nàng rằng: Trước đã trọn nguyền

Dẫu thay mái tóc phải nhìn mối tơ
Công rằng: Ơn trước ngãi xưa
Liền đem vàng bạc tạ đưa cho người
Lục ông cáo tạ xin lui
Tôi đâu dám chịu của người làm chi

Ngỡ là con trẻ mất đi
Hay đâu cốt cách còn ghi tượng này
Bây giờ con lại thấy đây
Tấm lòng thương nhớ dễ khuây đặng nào?
Ngửa than: Ðất rộng trời cao

Tre còn măng mất, lẽ nào cho cân
Lục ông tạ từ lui chân
Kiều công sai kẻ gia thần đưa sang
Nguyệt Nga nhuốm bệnh thở than
Năm canh lụy ngọc, xốn xang lòng vàng

Nhớ khi thề thốt giữa đàng
Chưa nguôi nỗi thảm, lại vương lấy sầu
Công đà chờ đợi bấy lâu
Thà không cho gặp buổi đầu thì thôi
Biết nhau chưa đặng mấy hồi

Kẻ còn người mất trời ơi là trời
Thề xưa tạc dạ ghi lời
Thương người quân tử biết đời nào phai
Tiếc thay một bậc anh tài
Nghề văn, nghệp võ nào ai dám bì

Thương vì đèn sách lòng ghi
Uổng công nào thấy tiếng là gì đâu
Thương vì hai tám trên đầu
Người đời như bóng phù du lỡ làng
Thương vì chưa đặng hiển vang

Nước trôi sự nghiệp, hoa tàn công danh
Thương vì đôi lứa chẳng thành
Vùa hương, bát nước ai dành ngày sau
Năm canh chẳng ngớt giọt châu
Mặt nhìn bức tượng ruột đau như dần

Dương gian nay chẳng đặng gần
Âm cung biết có thành thân chăng là
Kiều công thức dậy bước ra
Nghe con than khóc, xót xa lòng vàng
Khuyên rằng: Con chớ cưu mang

Gẫm trong còn mất là đường xưa nay
Ðàn cầm ai nỡ dứt dây
Chẳng qua con tạo đổi xây không thường
Nàng rằng: Khôn xiết nỗi thương
Khi không gẫy gánh giữa đường chẳng hay

1Nay đà loan phụng rẽ bầy
Nêm nghiêng, gối chính phận này đã cam
Trăm năm thề chẳng lòng phàm
Sông Ngân đưa bạn, cầu Lam rước người
Thân con còn đứng giữa trời

Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi
Kiều công trong dạ chẳng vui:
"Con đành giữ tiết trọn đời hay sao?"
Có người sang cả, ngôi cao
Thái sư chức trọng trong trào sắc phong

Nghe đồn con gái Kiều công
Tuổi vừa hai tám, tơ hồng chưa xăng
Thái sư dùng lễ vật sang
Mượn người mai chước kết đàng sui gia
Kiều công khôn ép Nguyệt Nga

Lễ nghi đưa lại về nhà Thái sư
Thái sư chẳng biết rộng suy
Ðem điều oán giận sớm ghi vào lòng
Xẩy đâu giặc mọi làm hung
Ô-qua quốc hiệu, binh nhung dấy loàn

Ðánh vào tới cửa Ðồng-Quan
Sở vương phán hỏi lưỡng ban quần thần
Sao cho vững nước an dân
Các quan ai biết mưu thần bày ra
Thái sư sẵn có cừu nhà

Vội vàng quỳ gối tâu qua ngai vàng
Thuở xưa giặc mọi dấy loàn
Cũng vì tham sắc phá tàn Trung Hoa
Muốn cho an giặc Ô-qua
Ðưa con gái tốt giao hòa thì xong

.Nguyệt Nga là gái Kiều công
Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh
Nàng đã sắc khuynh thành
Lại thêm rất bậc tài tình hào hoa
Ðưa nàng về nước Ô-qua

Phiên vương ưng dạ ắt là bãi binh
Sở vương nghe tấu thuận tình
Châu phê khiến sứ ra dinh Ðông-thành
Sắc phong Kiều Lão Thái Khanh
Việc trong nhà nước, trẫm đành cậy ngươi

Nguyệt Nga nàng ấy nên người
Lựa ngày tháng chín, hai mươi cống Hồ
Kiều công vâng lệnh nhà vua
Lẽ nào mà dám nói phô điều nào
Nguyệt Nga trong dạ như bào



Chú thích:
1.Huỳnh tuyền (hoàng tuyền): suối vàng, cõi chết. Nói Vân Tiên đã bị bệnh chết rồi

2.Xe lơi: xe lỡ, xe dở dang.

3.Linh: tiếng dùng để chỉ người đã chết rồi.

4.Ðồng đạo: cùng theo một đạo lý. Ðồng tâm: cùng chung một lòng .

5.Thất gia: nhà cửa (như nói gia đình), tức vợ chồng

6.Ngòi viết, đĩa nghiên: bút nghiên, hình tượng này được dùng để chỉ tình bằng hữu thân thiết trong việc học hành.

7.Vợ Tiên là Trực chị dâu: Trực chị dâu tức là chị dâu Trực, tác giả theo cú pháp chữ Hán. Người Trung-quốc thường coi người bạn thân hơn tuổi như anh ruột, và coi vợ bạn như chị dâu.

8.Tử Củ: con Hi Công nước Tề. Hi Công chết anh Tử Củ là Tương Công lên kế ngôi, chính sự rối nát, bị bầy tôi là Vô Tri giết chết. Khi ấy Tử Củ chạy sang nước Lỗ, em là Tiểu Bạch chạy sang nước Cử. Sau Tiểu Bạch về nước trước, lên làm vua (tức là Hoàn công) sai người nói với vua Lỗ giắt Tử Củ và lại lấy vợ Tử Củ.

9.Ðường cung: cung nha Ðường (618-907)

10.Thế Dân: Lý Thắ Dân, tức Ðường Thái Tông. Thế Dân giết em là Tiểu Lạc và lấy vợ em. Tích này trong Ðường sử chép lại là Nguyên Cát, đây nói là Tiểu Lạc, có lẽ sai .

11.Bất Vi: Lã Bất Vi, người nước Tần, một lái buôn giàu có và xảo quyệt. Khi Bất Vi đến nước Triệu, thấy cháu vua Tần là Dị Nhân đang làm con tin ở đó, y nói: "Người này là món hàng quí có thể tích trữ đầu cơ được" (Kỳ hóa khả cư), rồi y mưu mô cho Dị Nhân được về nước lên kế ngôi làm vua, và y làm Tể Tướng. Bất Vi còn lấy một người thiếp rất đẹp, khi có thai, đem gán cho Dị Nhân, ít lâu sau sinh được người con trai, Dị Nhân vẫn tưởng là con mình, nên được kế ngôi, tức Tần Thủy Hoàng . Sau Bất Vi vì thông tinh với thái hậu (mẹ Thủy Hoàng, tức người thiếp của y trước), việc tiết lộ, bị đày vào Tứ-Xuyên, rồi y uống thuốc độc tự tử.

12. Dạ thỏ: lòng con thỏ, Thể Loan ví với lòng mình. Người xưa bảo cung trăng có con thỏ, -lại bảo con thỏ trông bóng trăng mà chửa. Hai câu này: giải theo thuyết trên thì nghĩa là: ôm nặng tấm lòng, như con thỏ ngồi trong bóng trăng mà chờ đợi, hay theo thuyết dưới, thì... con thỏ trông lên bóng trăng mà chờ đợi, nhưng theo thuyết dưới thuận nghĩa hơn. Thể Loan nói có lòng chờ đợi Tử Trực .

13.Lữ Phụng Tiên: Lã Phụng Tiên. Lữ Bố, một võ tướng đời Tam quốc, con nuôi và chân tay của Ðổng Trác. Trác mưu cướp ngôi nhà Hán. Vương Doãn, một trung thần nhà Hán, có người con gái hát trong nhà (ca cơ) tên là Ðiêu Thuyền, sắc đẹp, bàn dùng kế ly gián: trước hứa gả cho Lữ Bố, sau lại đem hiến cho Ðổng Trác.

14.Thất tình: bị việc gì trái mình mà uất ức phiền não trong lòng .

15.Cư tang: đạ tang, chịu tang

16.Thái khanh: một chức quan to

17.Chăn dân: do chữ Hán "mục dân": trị dân.

18.Dinh tiền: trước dinh.

19.Xốn xang: xôn xao, thổn thức, (tiắng miền Nam)

20.Hán giang: có bản chép là Hàn giang, xét ra không đúng nghĩa. Hàn giang tức là sông Hán (sông Ngân) trên trời; theo chữ Hán, sông này có nhiều tên: Thiên hà, Thiên hán, Ngân hà, Ngân hán, Vân hán, Hà hán.

21.Ô kiều: cầu Ô. Theo các sách Hoài Nam và Phong tục ký: Ðêm thất tịnh (đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch) chim ô thước (quạ và vẹt) sắp hàng làm cầu bắc qua sông Ngân cho vợ chồng Ngâu gặp nhau. Câu này nói: Nguyệt Nga chưa được gặp Vân Tiên mà nhân duyên lỡ dở, cũng như vợ chồng Ngâu chưa được gặp nhau trên sông Ngân, mà nhịp cầu Ô đã long mất, rơi mất rồi .


22.Phù du: con vờ, một thứ trùng có cánh, hay bay trên mặt nước, sống một thời gian rất ngắn. nói đời ngước, sống một đời người ngắn ngủi .

23.Ðồng tịch đồng sàng: cùng giường cùng chiếu, chỉ vợ chồng.

24.Cửa sổ ngựa qua: nói đời người chóng qua như bóng ngựa chạy qua cửa sổ

25.Dẫu thay mái tóc phải nhìn qua mối tơ: dẫu tóc bạc tuổi già cũng phải giữ lấy mối tơ.

26.Cáo tạ: cũng như cáo từ, từ tạ với chủ nhân đạ xin về.

27.Dám chịu: dám nhận

28.Tre còn măng mất: nói cha già thì còn, con trẻ thì đã chết .

29.Gia thần: người hầu hạ trong nhà quan.

30.Ðèn sách ghi lòng: ký chú việc đèn sách .

31.Vùa hương: bình hương

32.Dương gian: khoảng có mặt trời chiếu tức cõi sống .

33.Âm cung: âm phủ, chỗ toàn bóng tối, tức cõi chết.

34 Thành thân: nên vợ nên chồng, nói: sống không lấy được nhau, không biết chết xuống cõi âm có được thành vợ thành chồng không ?

35.Cưu mang: ôm ấp, bận bịu, lo ngại.

36.Loan phụng: hai chữ chim thường dùng để tượng trưng cho vợ chồng đôi lứa tốt đẹp

37.Gối chích: gối chếch (lệch). Nệm nghiêng gối chích: nói loan phụng phải rẽ nhau, tình cảm đổi xây đột ngột nệm gối như bị xô lộn mà nghiêng lệch đi. Chữ Hán cũng dùng: khi trầm (gối nghiêng).

38.Sông Ngân: xem chú thích ở câu 245, 246.

39.Cầu Lam: chữ Hán Lam kiều, tức cầu trên ngòi Lam (Lam Khê) ở huyện Lam-Ðiền tỉnh Thiểm-Tây (Trung-quốc). Theo sách Thái-Bình quảng ký. Bùi Hàng đời Ðường gặp bà tiên Vân Kiều cho bài thơ, trong có chữ Lam Kiều, sau Hàng đến trạm Lam-kiều, khát nước, vào xin một bà lão gần đấy, được Vân Anh, con gái bà đưa nước ngọc dịch (thứ nước tiên) cho uống. Hàng thấy Vân Tiên tuyệt đẹp, muốn lấy, bà lão bảo: bà cần dùng cối ngọc và chầy ngọc để gia (luyện) thuốc huyền sương (thứ thuốc tiên) nếu có những thứ ấy làm sính lễ thì gả cho. Hàng về tìm được cối chầy ngọc đưa đến lại ở đấy giã thuốc tiên cho bà một trăm ngày, rồi Hàng lấy Vân Anh và hai vợ chồng cùng thành tiên (Truyện Kiều: "Chầy sương chưa nệm cầu Lam", sương tức thuốc huyền sương .

40.Tiết: xem chú thích ở câu 6 và câu 164

41.Thái sư: chức quan to nhất triều đình

42.Xăng: xe chặt, gắn bó

43.Mai chước (mối chước): người làm mối trong việc lấy vợ, lấy chồng

44.Lễ nghi: các cuộc lễ có nghi thức chương trình, cũng có nghĩa là các lễ vật. Ðây là các lễ vật mà Thái sư đưa đến để hỏi vợ cho con.

45.Ô-qua: Theo Gia định Thông chí thì ở miền Châu-Ðốc Hà-Tiên trước kia thường có giặc Qua Oa ở ngoài bể vào cướp phá. Quân Miến-Ðiện xưa, còn gọi là Ô-đỗ cũng hay đe dọa miền Hà-Tây, Châu-Ðốc. Có thể là Nguyễn Ðình Chiểu đã nhớ lại những giặc xâm lược này mà đặt tên nước Ô-qua chăng.

46.Binh nhung: binh sĩ, cũng có nghĩa là khí giới. Ðây chỉ binh sĩ. Dấy loàn: làm loạn. Nói nước Ô-qua đem quân quẫy nhiễu cõi biên.

47.Ðồng-Quan: một cửa ải hiểm yếu ở biên giới Hán Hồ.

48.Lưỡng ban: hai ban văn võ. Quân thần: bầy tôi trong một triều đình

49.Cừu: thù hằn

50.Khuynh thành: nghiêng thành. Lý Diên Niên đời Hán có câu ca: "Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc" (có bản chép là "Nhất tiếu"... "tái tiếu"...), nghĩa là một cái nhìn làm nghiêng thành, hai cái nhìn làm nghiêng nước (hay một cái cười... hai cái cười...), nói: cái nhìn (hay cái cười) của người con gái đẹp khiến vua chúa phải say mê đến nỗi mất thành mất nước. Do đó, người ta thường dùng danh từ "khuynh thành" "khuynh quốc" để chỉ những người con gái có sắc đẹp .

51.Hào hoa: hào là khí phách khác người, hoa là văn vẻ tỏ dạng.

52.Châu phê: vua hạ bút son phê vào tờ chiếu chỉ (châu: son)

53.Cống Hồ: đem dâng cho nước Hồ (tức nước Hung-nô ở phía Bắc Trung-quốc, người Trung-quốc thường gọi là nước Hồ)

TỪ CÂU 1400 ĐẾN 1599

Canh chày chẳng ngủ những thao thức hoài
Thất tình trâm nọ biếng cài
Dựa mành bỏ xõa tóc dài ngồi lo
Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ
Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên


Hanh Ngươn sau cũng chẳng yên
Vì người Lư Kỷ cựu hiềm còn ghi
Hai nàng chẳng đã phải đi
Một vì ngay chúa, một vì thảo cha
Chiêu Quân nhảy xuống giang hà

Thương vua nhà Hán, nàng đà quyên sinh
Hạnh Ngươn nhảy xuống Trì-linh
Thương người Lương Ngọc duyên lành phôi pha
Ðến nay phận bạc là ta
Nguyện cùng bức tượng trót đà chung thân

1415.Tình phu phụ nghĩa quần thần
Nghĩa xa cũng trọn, ơn gần cũng nên
Nghĩa tình nặng cả hai bên
Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng
Sao sao một thác thời xong

Lấy mình báo chúa, lấy lòng sự phu
Kiều công nương gối đang lo
Nghe con than thở mấy câu thêm phiền
Kêu vào ngồi dựa trướng tiền
Lấy lời dạy dỗ cho tuyền thân danh


Chẳng qua là việc triều đình
Nào cho có muốn ép tình con chi
Nàng rằng: Con kể chi con
Bơ vơ chút phận, mất còn quản bao
Thương cha tuổi tác đã cao

E khi ấm lạnh buổi nào biết đâu
Tuổi già bóng xế nhành dâu
Sớm xem tối xét, ai hầu cho cha
Công rằng: Chi xá việc nhà
Hãy an dạ trẻ mà qua nước người

Hôm nay đã tới mồng mười
Khá toan sắm sửa hai mươi tống hành
Nàng rằng: Việc ấy đã đành
Còn lo hai chữ ân tình chưa xong
Con xin sang lạy Lục ông

Làm chay bảy bữa trọn cùng Vân Tiên
Ngõ cho nhân nghĩa vẹn tuyền
Phòng sau xuống chốn huỳnh tuyền gặp nhau
Kiều công biết nghĩ trước sau
Dạy đem tiền bạc cấp hầu đưa đi

Lục ông ra rước một khi
Nguyệt Nga vào đặt lễ nghi sẵn sàng
Ngày lành giờ ngọ đăng đàn
Ăn chay nằm đất cho chàng Vân Tiên
Mở ra bức tượng treo lên

Trong nhà cho tới láng giềng đều thương
Nguyệt Nga cất tiếng khóc than
Vân Tiên anh hỡi suối vàng có hay
Bảy ngày rồi việc làm chay
Bàn đem tiền bạc tạ rày Lục ông

1455.Trông chồng mà chẳng thấy chồng
Ðã đành một chữ má hồng vô duyên
Rày vua gả thiềp về Phiên
Quyết lòng xuống chốn cửu tuyền thấy nhau
Chẳng chi cũng gọi là dâu

1460.Muốn lo việc nước, phải âu việc nhà
Một ngày một bước một xa
Của này để lại cho cha dưỡng già.
Lạy rồi nước mắt nhỏ sa
Ngùi ngùi từ giã bước ra trở về

Các quan xe giá bộn bề
Năm mươi thể nữ hầu kề chân tay
Hai mươi nay đã đến ngày
Các quan bảo hộ đưa ngay xuống thuyền
Nguyệt Nga vội khiến Kim Liên

Lên mời thân phụ xuống thuyền xem qua
Công rằng: Dạ đã xót xa
Con đừng dùn thẳng cho cha thảm sầu
Nàng rằng: Nước non cao sâu
Từ đây xa cách khôn hầu thấy cha

Thân con về đất Ô-qua
Ðã đành một nỗi làm ma đất người
Hai phương Nam Bắc cách vời
Con xin gửi lại một lời làm khuây
Hiu hiu gió thổi ngọn cây

Ấy là hồn trẻ về rày thăm cha
Kiều công lụy ngọc nhỏ sa
Các quan ai nấy đều thương
Chẳng qua việc ở quân vương
Cho nên phụ tử hai đường xa xuôi

Buồm trương thuyền vội tách vời
Các quan đưa đón ngùi ngùi đứng trông
Mười ngày đã tới ải Ðồng
Mênh mông biển rộng đùng đùng sóng xao
Ðêm nay chẳng biết đêm nào

Bóng trăng vặc vặc, bóng sao mờ mờ
Trời trên lặng lẽ như tờ
Nguyệt Nga nhớ nỗi tóc tơ chẳng tròn
Than rằng: Nọ nước kìa non
Cảnh thời thấy đó, người còn về đâu

Quân hầu đều ngủ đã lâu
Lui ra một bức rèm châu một mình
Vắng người có bóng trăng thanh
Trăm năm xin gửi chút tình lại đây
Vân Tiên anh hỡi có hay

Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng
Than rồi lấy tượng vai mang
Nhằm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay
Kim Liên thức dậy hoảng thay
Cùng quân thạ nữ một bầy đều lo


Cùng nhau đều chẳng dám hô
Thầm toan mưu kế chẳng lo lậu tình
Việc này là việc triều đình
Ðốc quan hay đặng ắt mình thác oan
Muốn cho cẩn nhiệm trăm đàng

Kim Liên thế lấy làm nàng Nguyệt Nga
Trá hôn về nước Ô qua
Ai mà vạch lá, ai mà tìm sâu
Tính rồi xong xả chước mầu
Phút đâu thuyền đã đến đầu ải quan

Ðốc quan xe giá sửa sang
Kiệu trương long phụng, rước nàng về Phiên
Ai hay tì tất Kim Liên
Ðặng làm hoàng hậu nước Phiên trọn đời
Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời

1Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày
Bóng trăng vừa khuất ngọn cây
Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung
Xiết bao sương tuyết đêm đông
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay

Quan âm thương gái thảo ngay
Bèn đem làng lại để rày vườn hoa
Dăn rằng: Nàng hỡi Nguyệt Nga
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày
Ðôi ba năm nữa gần đây

Vợ chồng sau sẽ xum vầy một nơi
Nguyệt Nga giây phút tỉnh hơi
Ðịnh hồn mới nghĩ mấy lời chiêm bao
Thiệt hư chưa biết làm sao
Bây giờ biết kiếm nơi nào gửi thân

Một mình luống những bâng khuâng
Phút đâu trời đã rạng hừng vừng đông
Một mình mang bức tượng chồng
Xẩy đâu lại gặp Bùi ông dạo vườn
Ông rằng: Nàng ở hà phương

Việc chi mà tới trong vườn hoa ta
Nàng rằng: Trận gió hôm qua
Chìm thuyền nên nỗi mình ra thế này
Tối tăm sẩy bước tới đây
Xin soi xét tới thơ ngây lạc đường

Bùi ông đứng ngắm tướng nàng
Chẳng tranh đài các cũng hàng trâm anh
Ðầu đuôi han hỏi sự tình
Nàng bàn lời thiệt việc mình bày qua
Bùi ông mừng rước về nhà

Thay đổi xiêm áo nuôi mà làm con
Rằng: Ta sinh đặng chồi non
Tên là Bùi Kiệm hãy còn ở kinh
Trong nhà không gái hậu sinh
Ngày nay lại gặp minh linh phước trời

Nguyệt Nga ở đã an nơi
Ðêm đêm nghĩ lượng sự đời gần xa
Một lo về nước Ô-qua
E vua bắt tội cha già rất oan
Hai lo phận gái hồng nhan

Sợ khi bảo dưỡng mưu toan lẽ gì
Nguyệt Nga luống những sầu bi
Xẩy đâu Bùi Kiệm tới khi về nhà
Từ ngày thấy mặt Nguyệt Nga.
Ðêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần

Thấy nàng thờ bức tượng nhân
Nghiệm trong tình ý dần lân hỏi liền
Tượng này sao giống Vân Tiên
Bấy lâu thờ có linh thiêng điều gì?
Nàng rằng: Làm phận nữ nhi

Một câu chánh tiết phải ghi vào lòng
Trăm năm cho trọn đạo tòng
Sống sao thác vậy, một chồng mà thôi
Kiệm rằng: Nàng nói sai rồi
Ai từng bán đắt mà ngồi chợ trưa

Làm người trong cõi gió mưa
Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào
Chúa xuân còn ở vườn đào
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần
Chúa xuân ra khỏi vườn xuân

Hoa tàn nhụy rữa như rừng bỏ hoang
Ở đời ai cậy sang giàu
Ba xuân dẫu hết ngàn vàng khôn mua
Hay chi như vãi ở chùa
Một căn cửa khép, bốn mùa lạnh tanh

Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước gửi mình vào đâu
Ai từng mặc áo không bâu
Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau
Nàng sao chẳng nghĩ trước sau

Giữ ôm bức tượng bấy lâu thiệt mình,
Nàng rằng: Tằng đọc sử kinh
Làm thân con gái chữ trinh làm đầu
Chẳng phen thói nước Trịnh đâu
Hẹn người tới giữa vườn dâu tự tình

Kiệm rằng: Ðã biết sử kinh
Sao không suy xét để nằm không
Hồ Dương xưa mới góa chồng
Còn mơ nhan sắc Tống công cũng vừa
Hạ cơ lớn nhỏ đều ưa


Chú thích:
1.Chiêu Quân: Vương Tường tự là Chiêu Quân, một cung nhân của Nguyễn đế nhà Hán, sau bị gã cho vua Hung-Nô. Ði thuyền vào quá nội địa Hung-Nô, Chiêu Quân nhảy xuống sông Hắc-Hà tự tử. "Chiêu Quân cống Hồ" một đề tài thường được các nhà thơ văn xưa nay ca ngợi thương tiắc.

2.Hạnh Ngươn (Nguyên): một nhân vật trong truyện Nhị Ðộ Mai. Cũng như Chiêu Quân, Hạnh Nguyên bị bắt đi cống Hồ và cũng tự tử nhưng có người cứu vớt.

3.Cựu hiềm: thù cũ

4.Ngay chúa: trung với vua. Thảo cha: hiếu với cha. Nói một đằng Chiêu Quân, một đằng Hạnh Nguyên theo mệnh cha, hai người phải trọng đạo trung với đạo hiắu mà đành đi hiến thân cho nước Hồ.

5.Quyên sinh: vứt bỏ cái mạng sống, tự tử

6.Chung thân: trọn đời, đến khi chết

7.Nghĩa xa cũng trọn, ơn gần cũng nên: nói nghĩa vua tôi cũng như ơn (tình) vợ chồng cùng phải giử cho trọn vẹn .

8.Sự phu: thờ chồng. nói: chết đi thì mới có thể được cả hai bề : báo chúa , thờ chồng .

9.Trướng tiền: trước màn

10.Thân danh: thân mình và danh dự

11.ấm lạnh buổi nào biết đâu: nói không biết lúc nào khoẻ lúc nào ốm .

47.Bóng xế nhành dâu: như nói bóng xế về Tây. Sách Hoài Nam Tử nói: mặt trời xế về Tây, gác bóng trên ngọn cây, gọi là "tang du" (tang: cây dâu, du: một loài cây cao, gỗ bền chắc, thường dùng chế khí cụ). Người sau mượn dùng hai chữ "tang du" này để chỉ phương Tây hay ví với tuổi già.

12.Tống hành: tiễn người lên đường.

13. Ðăng đàn: lên đàn tế lễ.

14. Bức tượng: đây là bức tranh truyền thần.

15.Cửu tuyền: chín suối, chỉ dưới đất sâu, tức cõi chết, cũng như nói "hoàng tuyền" (suối vàng).

16.Xe giá: xe dùng cho vua, gia đình vua, hoặc các bậc vương hầu. Ðây Nguyệt Nga được coi là vợ vua Phiên, nên các quan đưa xe giá đến đón một cách rộn rịp.

17.Thể nữ (con gái):con gái hầu trong cung vua, tức cung nữ. Ðây Nguyệt Nga đã coi là hoàng hậu phi, nên con gái đưa đến hầu nàng, cũng gọi là thể nữ.

18.Bảo hộ: giữ gìn hộ vệ.

19.ải Ðồng: cửa ải Ðồng-Quan, xem chú thích câu 1375

20.Tóc tơ: kết tóc xe tơ, tức tình nghĩa vợ chồng.

21.Rèm châu: chính nghĩa là một thứ rèm bện bằng ngọc châu, sau thường dùng để chỉ chung những thứ rèm quí.

22.Lậu tình: tiết lộ tình hình để cho người ngoài biết chuyện.

23.Ðốc quan: chức quan đôn đốc việc Nguyệt Nga đi cống Phiên.

24.Cẩn nhiệm: cẩn thận bí mật.

25.Trá hôn: giả mạo trong công việc cưới gả, nghĩa là không đúng người đã đính ước.

26.Long phụng: lọng che vẽ hình chim phượng.

27.Âm cung: âm phủ, cõi chết. nói Nguyệt Nga còn mê mệt chưa tĩnh .

28.Quân âm: tức Quan Thế Âm, tên một vị Phật, quan là nghe xem, thế âm là âm thanh của người đời, vị Phật này thường nghe xem những tiếng kêu khổ nạn của người đời mà tìm đến chỗ giải cứu cho, nên gọi như thế.

29.Ðịnh hồn: tỉnh lại, hồn được yên định lại

30.Hà phương: phương nào, nơi nào?

31.Ðài các: dinh thự và lầu gác, chỉ nơi quan chức quyền quí. Trâm anh: cái gài tóc và cái dải mũ, chỉ hạng người sang cả.

32.Minh linh: một loại sâu (sau hóa bướm) thường cuộn tổ ở lá lúa, lá rau mà cắn hại. Kinh Thi có câu: "Minh linh hữu tử, quả lõa phụ chi", nghĩa là minh linh có con, tò vò cõng về nuôi, do đó, tục gọi "con nuôi" là: "minh linh". Việt nam cũng có câu: "Tò vò mà nuôi con nhện...". Nhưng người xưa đã không xét kỹ, tò vò bắt minh linh hay nhện đưa về, là để làm thức ăn nuôi con nó, chứ không phải để nuôi làm con.

33Nghĩ lượng: nghĩ ngợi suy tính.

34.Bảo dưỡng: giữ gìn và nuôi nấng. Nguyệt Nga sợ rằng: Bùi ông bảo dưỡng mình là có mưu toan gì chăng ?

35.Phòng hoa: căn phòng trang trí đẹp đẽ, văn vẻ.

36Tượng nhân: hình người vẽ

37.Dần lân: lân la dần dần

38.Chánh tiết: điều trinh tiết chủ yếu.

39.Bán đắt: tiếng miền Nam là đắt hàng. nói: bán đắt hàng sao không bán ngay mà lại ngồi chợ trưa nghĩa là có nhan sắc như Nguyệt Nga, ai chả say mê, việc chi mà ngồi đợi .

40.Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào: do câu thơ của Ðỗ Phủ đời Ðường. Nhân sinh thất thập cổ lai hy, nghĩa là đời người ta, xưa nay ít ai sống được bảy mươi tuổi.

41.Mười hai bến nước: có lẽ là một thành ngữ chỉ con số cửa sông hoặc cửa biển của nước ta thời xưa. Bài thơ của Lê Quát đời Trần có câu: "Hải môn thập nhi ngã hoàn sơn", nghĩa là: một vùng mười hai cửa biển, ta về núi ẩn". Ðây nói số phận đàn bà lênh đênh, không biết rõ đâu là bờ bến.

42.Bâu: cổ áo. Câu này là một câu ca dao có sẵn

43.Thói nước Trịnh: nước Trịnh đời Xuân thu, có tiếng là một nước nhiều thói phóng đãng, trai gái thường tụ trên sông Trăn sông Vị, cùng nhau tặng hoa thược dược mà đùa bỡn, còn những chuyện trèo tường, đón ngõ, hẹn nhau ngoài nội cỏ, thì rất phổ biến ở trong nước.

44.Vườn dâu: đời Xuân Thu còn có nước Vệ cũng dâm tục như nước Trịnh, trai gái thường hẹn hò nhau ở trên sông Bộc hoặc trong vườn dâu.

45.Hồ Dương: theo Hậu Hán thư: Hồ Dương công chúa, chị gái vua Hán Quang Vũ, góa chồng được ít lâu muốn lấy Tống Hoằng (Tống công) một đại thần của Quang Vũ. Hoằng không chịu lấy, quyết giữ trọn tình nghĩa với người vợ "tào khang" của mình (Xem chú thích ở câu 410).

46.Hạ Cơ: một người đàn bà đẹp nhưng đa dâm, là con gái Trịnh Mục Công (đời Xuân thu), lấy Ngự Thúc, quan nước Trần, Ngự Thúc chết, thông tình với Trần Linh Công và các quan triều là Khổng Ninh, Nghi Hành Phủ. Sau Sở diệt Trần, lại lấy Liên Doãn Tương Lão (Liên Doãn là họ). Tương Lão chết, lại lấy Thân Công Vu Thần nước Sở

TỪ CÂU 1600 ĐẾN CÂU 1799

Sớm đưa Doãn Phủ, tối ngừa Trần Quân
Hán xưa Lữ hậu thanh xuân
Còn vua Cao tổ mấy dừng Dị Ky
Ðường xưa Võ hậu thiệt gì
Di Tông khi trẻ, Tam Tư lúc già

Cứ trong sách vở nói ra
Một đời sung sướng cũng qua một đời
Ai ai cũng ở trong đời
Chính chuyên, trắc nết chết thời cũng ma
Người ta chẳng lấy người ta

Người ta đâu lấy những là tượng nhân
Cho nên tiếc phận hồng nhan
Học đòi Như ý vẽ chàng Văn Quâ
Nguyệt Nga biết đứa tiểu nhân
Làm thinh toan chước thoát thân cho rồi

Bùi ông ngon ngọt trau dồi
Dỗ nàng cho đặng sánh đôi con mình
Làm người chấp nhất sao đành
Hễ là lịch sự, có kinh có quyền
Tới đây duyên đã bén duyên

Trăng thanh gió mát cắm thuyền đợi ai
Nhớ câu: Xuân bất tái lai
Ngày nay hoa nở, e mai hoa tàn
Làm chi thiệt phận hồng nhan
Năm canh gối phụng màn loan lạnh lùng

Vọng phu xưa cũng trông chồng
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Thôi thôi khuyên chớ thở ra
Vầy cùng con lão một nhà cho xuôi
Nguyệt Nga giả dạng mừng vui

Thưa rằng:Người có công nuôi bấy chầy
Tôi xin dám gửi lời này
Hãy tua chậm chậm sẽ vầy nhân duyên
Tôi xin lạy tạ Vân Tiên
Làm chay bảy bữa cho tuyền thủy chung

Cha con nghe nói mừng thầm
Dọn nhà sửa chỗ động phòng cho xuê
Chiếu hoa gối sách bốn bề
Cỗ đồ bát bửu chỉnh tề chưng ra
Xẩy vừa tới lúc canh ba

Nguyệt Nga lấy bút đề vài câu thơ
Dán trên vách phấn một tờ
Vai mang bức tượng kịp giờ ra đi
Hai bên bờ bụi rậm rì
Ðêm khuya vắng vẻ gặp khi trăng lờ


Lạ chừng đường sá bơ vơ
Có bầy đom đóm sáng nhờ đi theo
Qua truông rồi lại lên đèo
Dế kêu giăng giỏi, sương gieo lạnh lùng
Giầy sành đạp sỏi thẳng xông

Vừa may trời đã vừng đông ló đầu
Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chân
Người ngay trời phật cũng vưng
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra

Hỏi rằng: Nàng phải Nguyệt Nga
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta
Khi đêm nằm thất Phật bà
Người đà mách bảo nên đà tới đây
Nguyệt Nga bán tín bán nghi

Ðành liều nhắm mắt theo đi về nhà
Bước vào thấy những đàn bà
Làm nghề bô vải lụa là mà thôi
Nguyệt Nga đành dạ ở rồi
Từ đây mới hết nổi trôi chốn nào

Hỏi thăm qua chốn Ô sào
Quan san mấy dặm đi vào tới nơi
Ðoạn này tới thứ ra đời
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền
Nửa đêm nằm thấy ông tiên

Ðem cho linh dược mắt liền sáng ra
Kể từ nhuốm bệnh đường xa
Tháng ngày thấm thoát kể đà sáu năm
Tuổi cha rầy đã năm lăm
Chạnh lòng nhớ tới đầm đầm châu sa

Vân Tiên trở lại quê nhà
Hớn Minh đưa khỏi năm ba dặm đường
Tiên rằng: Ta lại hồi hương
Ơn nhau sau gặp khoa trường sẽ hay
Minh rằng: Em chẳng vốn may

Ngày xưa mắc phải án đày chốn đi
Dám đâu bày mặt ra thi
Ðã đành hai chữ qui y chùa này
Tiên rằng: Phước gặp khoa này
Sao sao cũng tính sum vầy, cùng nhau

Mấy năm hẩm hút tương rau
Khó nghèo nỡ phụ, sang giàu đâu quên
Lúc hư còn có lúc nên
Khuyên người giữ dạ cho bền thảo ngay
Hớn Minh trở lại am mây

Vân Tiên về một tháng chầy tới nơi
Lục ông nước mắt tuôn rơi
Ai dè con sống trên đời thấy cha
Xóm giềng cô bác gần xa
Ðều mừng chạy tới chật nhà hỏi thăm

Ông rằng: Kể đã mấy năm
Con mang tật bệnh ăn nằm nơi nào
Tiên rằng: Hoạn nạn xiết bao
Mẹ tôi phần mộ, nơi nào viếng an
Ðặt bày lễ vật nghiêm trang

Ðọc bài văn tế trước bàn minh sinh
Suối vàng hồn mẹ có linh
Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay
Tưởng bề nguồn nước cội cây
Công cao ngàn trượng, ngãi dày chín trăng

Suy trang nằm giá khóc măng
Hai mươi bốn thảo chẳng bằng thời xưa
Vân Tiên nước mắt như mưa
Tế rồi hỏi việc khi xưa ở nhà
Ông rằng: Có nàng Nguyệt Nga

Bạc vàng mang giúp, cửa nhà đặng xuê.
Nhờ nàng nên mới ra bề
Chẳng chi khó đói bỏ quê đi rồi
Vân Tiên nghe nói hỡi ơi
Chạnh lòng nghĩ lại một hồi giây lâu

Hỏi rằng nàng ấy ở đâu
Ðặng con đến đó đáp câu ân tình
Lục ông thuật việc triều đình
Ðầu đuôi chuyện vãn tỏ tình cùng Tiên
Kiều công rày ở Tây-xuyên

Cũng vì mắc nịnh biếm quyền đuổi ra
Tiên rằng: Cám nghĩa Nguyệt Nga
Tôi xin qua đó thăm cha nàng cùng
Tây-Xuyên ngàn dặm thẳng xông
Ðến nơi ra mắt, Kiều công khóc liền

Nguyệt Nga rày ở Tây phiên
Biết sao cho đặng đoàn viên cùng chàng
Mấy thu Hồ Việt đôi phang
Cũng vì máy tạo, én nhàn rẽ nhau
Thấy chàng dạ lại thêm đau

Ðất trời bao nỡ chia bâu cho đành
Hẹp hòi đặng chút nữ sinh
Trông cho chồi quế trổ nhành mẫu đơn
Nói rồi lụy nhỏ đòi cơn
Cũng vì một sự oán hờn nên gây

Thôi con ở lại bên này
Hôm mai thấy mặt cho khuây lòng già
Vân Tiên từ đấy lân la
Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kỳ
Năm sau lệnh mở khoa thi

Vân Tiên vào tạ xin đi tựu trường
Trở về thưa với xuân đường
Kinh sư ngàn dặm một đường thẳng ra
Vân Tiên dự trúng khôi khoa
Hẳn suy nhâm tí thiệt là năm nay

Nhớ lời thầy nói thật hay
Bắc phương gặp chuột con rày nên danh
Vân Tiên vào tạ triều đình
Lệnh ban y mão hiển vinh về nhà
Xẩy nghe tin giặc Ô-qua

Phủ vây quan ải binh ba bốn ngàn
Sở vương phán trước ngai vàng
Chỉ sai quốc trạng dẹp loàn bầy ong
Trạng nguyên tấu trước bệ rồng:
Xin dâng một tướng anh hùng đề binh

Có người họ Hớn tên Minh
Sức đương Hạng Vũ, mạnh kình Trương Phi
Ngàn xưa mắc án trốn đi
Phải về nương náu từ bi ẩn mình

Chỉ sai tha tội Hớn Minh đòi về
Sắc phong phó tướng bình di
Tiên, Minh tương hội xiết gì mừng vui
Nhất thinh phấn phát oai lôi
Tiên phong hậu tập trống hồi tấn binh

Quan sơn ngàn dặm đăng trình
Lãnh cờ binh tặc phá thành Ô qua
Làm trai ơn nước nợ nhà
Thảo cha ngay chúa mới là tài danh
Phút đâu binh đáo quan thành

Ô-qua xem thấy xuất thành cự đang
Tướng phiên hai gã đường đường
Một chàng Hỏa Hổ, một chàng Thần Long
Lại thêm Cốt Ðột nguyên nhung
Mắt hùm râu đỏ tướng hung lạ lùng

Hớn Minh ra sức tiên phong
Ðánh cùng Hỏa Hổ, Thần Long một hồi
Hớn Minh đánh xuống một roi
Hai chàng đều bị một hồi mạng vong
Nguyên nhung Cốt Ðột nổi xung

Hai tay xách búa đánh cùng Hớn Minh
Hớn Minh sức chẳng dám kinh
Thấy chàng hóa phép thoát mình trở lui
Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô


Một mình nhắm trận xông vô
Thấy người Cốt Ðột biến đồ yêu ma
Vội vàng trở ngựa lui ra
Truyền đem máu chó đều thoa ngọn cờ
Ba quân gươm giáo đẳu giơ

Yêu ma xem thấy một giờ vỡ tan
Sa cơ Cốt Ðột chạy hoang
Vân Tiên giục ngựa băng ngàn đuổi theo
Ðuổi qua khỏi đặng bảy đào
Khá thương Cốt Ðột vận nghèo nài bao

Chạy qua ngang núi Ô-sào
Phút đâu con ngựa sa hào thương ôi
Vân Tiên chém Cốt Ðột rồi
Ðầu treo cổ ngựa phản hồi bổn quân
Ôi thôi bốn phía đều rừng


Chú thích:

3.Doãn Phủ: hai chữ này nghi có sách chép sai. Hạ Cơ thông tình với Nghi Hành Phủ và lấy Liên Doãn Tương Lão, vậy hai chữ này phải là Hành Phủ, vì theo nghĩa của câu văn, dưới đặt chữ Trần Quân (vua Trần, tức Linh công), thì trên nên đặt là Hành Phủ, hai người cùng thông tình, mà lại đồng thời .

4.Lữ hậu: Lã hậu (chữ Lã chính âm là Lữ), tức Lã Trĩ, vợ Hán Cao Tổ (Lưu Bang). Lã Hậu tư thông với Thẩm Dị Ky, người này trước là quan hậu cận Lã hậu, sau có công đánh giặc, được phong tước hầu, khi Cao Tổ chết, Lã hậu thường giấu giếm Dị Ky ở nơi cung cấm và yêu đương tin dùng, cử làm Thừa Tướng.

5.Võ hậu: xem chú thích ở câu 800. Khi Vũ hậu làm vua, tin dùng bọn gian nịnh và thông tình với anh em Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi, hai người cùng đẹp trai, nguyên trước cử vào hầu hạ trong cung, sau được Vũ hậu yêu đương cho làm quan chức ở triều.

6.Di Tông, Tam Tư: bốn chữ này ghi cũng chép sai. Theo Ðường sử. Vũ hậu thông tình với Xương Tông và Dịch Chi, chứ không với Tam Tư, tức Vũ Tam Tư, cháu gọi Vũ hậu là cô.

7.Trắc nết: hư nết, xấu nết. Câu này phỏng theo câu ca dao: "Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng".

8.Như Ý : một nhân vật chính trong một vở tuồng Tả Sự gặp gỡ của Như Ý và Văn Quân. Như Ý giúp Văn Quân, một chàng thanh niên tài giỏi, trốn tránh được khỏi tay quân thù. Về sau hai người lấy nhau .

9.Chấp nhất: câu nệ, khăng khăng giữ một

10.Lịch sự: chính nghĩa là trải (thông thạo) việc đời. Ta thường dùng để chỉ những tác phong, cử chỉ, ăn nói, ăn mặc có tính cách chững chạc, trang nhã, chỉnh tề, đẹp đẽ.

11.Xuân bất tái lai: xuân không trở lại lần nữa. nói: một tuổi một già đi .

12.Vọng phu: trông chồng. Ðây là một tích cũ đã phổ biến ở Trung-quốc cũng như ở Việt-nam. Hai câu này nói: tội gì mà làm người vọng phu cho uổng một đời người trẻ đẹp .

13.Thở ra: cũng như nói ra.

14.Tua: nên, phải. Do chữ Hán tu nói chệch ra.

15.Thủy chung: trước sau như một.

16.Ðộng phòng: có hai nghĩa: 1) căn phòng sâu kín nói chung; 2) căn phòng dành cho việc tân hôn của đôi vợ chồng. Ðây dùng nghĩa thứ hai.

17.Gối sách: gối gấp như chồng sách.

18.Bát bửu: (Bát bảo): tám thứ vật quí. Cỗ đồ bát bửu đây là các thứ gươm, giáo, chùy, búa... làm bằng đồng, bạc để bày trong nhà sách cho sang trọng.

19.Vách phấn: tường vôi

20.Trăng lờ: trăng tối, tức là không có trăng, vì đêm tối không trăng nên dưới nói đi nhớ ánh sáng đom đóm.

21.Truông: vùng đất bỏ hoang, cây cỏ mọc thành bụi thấp.

22.Bàn thạch: tảng đá lớn và phẳng.

23.Vưng: bảo hộ, phủ trì.

24.Bô vải: bô do chữ bố và vải. Bô vải như nói vải sồi.

25.Quan san: cửa ải và núi non. Chỉ những nơi cách trở xa xôi.

26.Thứ ra đời: lớp chuyện kể một nhân vật đang sống ẩn mình nay "ra đời" hoạt động. Ðây nói Lục Vân Tiên "ra đời"

27.Linh dược: thuốc màu nhiệm, chỉ thuốc tiên.

28.Qui y: đi tu, quy là hướng theo, y là nương tựa, nói đem cả thân thể, tâm chí hướng tựa vào đạo Phật.

29.Hư, nên: như nói có khi cùng khốn nhưng cũng có lúc vinh quang.

30.Phần mộ: mồ mả. Viếng an: do chữ Hán vấn an, thăm viếng xem có được bình an mạnh khoẻ không. ở đây là đi viếng mộ.

31.Minh sinh: minh tinh, tức mảnh lụa hay vải dài có viết họ tên, chức tước của người chết để rước đi lúc đưa ma. ở đây treo lên bàn ở chỗ cúng.

32.Nguồn nước cội cây: nguồn của nước, cội (gốc) của cây. Ðây dùng chỉ cha mẹ.

33.Chín trăng: chín tháng. nói mang thai chín tháng.

34.Nằm giá: Vương Tường đời Tấn, khi mùa Ðông, nước đóng thành băng, mẹ già thèm ăn cá, ông ra nằm trên băng để tìm kiếm, băng tan, hai con có chép nhảy lên, ông bắt về dâng mẹ. Khóc măng: Mạnh Tông người nước Ngô đời Tam quốc, mẹ già thèm ăn măng, nhưng mùa Ðông không có, ông vào rừng tre khóc lóc cầu khẩn, rồi được măng mọc đưa về. Ðây là hai sự tích trong sách "Nhị thập tứ hiếu" của Quách Cư Nghiệp (có sách là Quách Cư Kinh) đời Nguyên.

35.Ra bề: ra bề thế.

36.Biếm quyền: hạ quyền xuống, giáng chức quan. Nói Kiều công vì bọn nịnh thần mà bị tước quyền đuổi về.

37.Ðoàn viên: chỉ sự tụ họp sum vầy của vợ chồng hay gia đình, thân thuộc.

38.Hồ Việt: danh từ này thường dùng để chỉ sự xa cách nhau, mỗi người một nơi, như hai nước Hồ Việt, một ở tận phương Bắc, một ở tận phương Nam.

39.én nhàn: én nhạn.

40.Chia bâu: chia rẽ, phân ly.

41.Nữ sinh: con gái, cũng như nói "nữ nhi" (khác với "nữ sinh" là học sinh con gái).

42.Ôn nhuần: ôn tập lại cho thấm nhuần thêm.

43.ứng kỳ: theo kỳ thi mà đi thi.

44.Kinh sư: kinh đô.

45.Khôi khoa: đỗ đầu khoa, ở đây là đỗ trạng nguyên.

46.Y mão (mạo): áo mũ của vua ban.

47.Hiển vinh về nhà: lệ thi thời xưa, những người thi đỗ tiến sĩ, sau khi đỗ, nhà vua có ban mũ, áo, cờ và tấm biển khắc bốn chữ "Ân tứ vinh qui", nghĩa là ơn vua cho được vẻ vang trở về.

48.Quan ải: cửa ải nước nọ sang nước kia.

49.Chỉ: lệnh của vua.

50.Quốc trạng: trạng nguyên của cả nước.

51.Dẹp loàn: dẹp loạn

52.Ðề binh: đem binh đi đánh giặc.

53.Kình: đối địch lại (kình địch). Trương Phi: một danh tướng đời Tam quốc, có sức mạnh, giỏi đánh trận, kết nghĩa anh em với Lưu Bị.

54.Từ bi: yêu đương và thương xót người, tiêu biểu của đạo Phật. Ở đây là cửa Phật

55.Tương hội: gặp nhau, sum họp cùng nhau.

56.Nhất thinh (thanh) phấn phát oai lôi: lôi là sấm, một tiếng truyền lệnh, oai hùng như sấm, làm phấn khởi mọi người.

57.Tiên phong: toán quân xông trận ở mặt nước. Hậu tập: toán quân tiếp ứng và đánh bọc phía sau. Tấn binh: tiến binh (chữ tiến chính âm là tấn). Nói các toán quân tiên phong hậu tập nghe lệnh truyền trống đánh, đều phấn khởi mà tiến lên.

58.Binh tặc: dẹp giặc.

59.Binh đáo quan thành: binh đến trước thành cửa quan.

60.Cự đang (đương): chống địch lại.

61.Nguyên nhung: nguyên soái chỉ huy toàn quân.

62.Hóa phép: dùng phép yêu quái để đánh trận. Hai câu này nói: Hớn Minh thấy Cốt Ðột hóa phủp, sức không địch được, phải thoát mìy nóy

63.Kim khôi: khôi là thứ mũ dùng khi ra trận, đời cổ chế bằng da, đời sau chế bằng sắt, và cũng chế bằng đồng hay dát vàng gọi là kim khôi.

64.Phản hồi bổn quân: trở về toán quân của mình

TỪ CÂU 1800 ĐẾN CÂU 2080 (HẾT)

Trời đà tối mịt, lạc chừng gần xa
Một mình lạc nẻo, vào ra
Lần theo đàng núi, phút đà tam canh
Một mình trong chốn non xanh
Biết ai mà hỏi lộ trình trở ra

Ðoạn này tới thứ Nguyệt Nga
Ở đây tính đã hơn ba năm rồi
Ðêm khuya chong ngọn đèn ngồi
Chẳng hay trong dạ bồi hồi việc chi
Quan âm thuở trước nói chi

Éo le phỉnh thiếp lòng ghi nhớ hoài
Ðã đành đá nát vàng phai
Cũng nguyẳn xuống chốn dạ đài gặp nhau
Khôn trông mồng bảy đêm thâu
Khôn trông bầy quạ đội cầu đưa sao

Phải chi hỏi đặng Nam Tào
Ðêm nay cho đến đêm nào gặp nhau
Nguyệt Nga gượng giãi cơn sầu
Xảy nghe nhạc ngựa ở đâu tới nhà
Kêu rằng: Ai ở trong nhà?

Ðường về quan ải chỉ ra cho cùng
Nguyệt Nga ngồi sợ hãi hùng
Vân Tiên xuống ngựa thẳng xông bước vào
Lão bà lật đật hỏi chào
Ở đâu mà tới rừng cao một mình?

Vân Tiên mới nói sự tình
Tôi là quốc trạng triều đình sai ra
Ðem binh dẹp giặc Ô-qua
Lạc đường đến hỏi thăm nhà bà đây
Lão bà nghe nói sợ thay

Xin ông chớ chấp tôi nay mụ già
Vân Tiên ngồi ngắm Nguyệt Nga
Lại xem bức tượng lòng đà sinh nghi
Hỏi rằng: Bức ấy tượng chi
Khen ai vẽ dung nghi giống mình

Ðầu đuôi chưa rõ sự tình
Lão bà khá nói tính danh cho tường
Lão bà chẳng dám lời gian
Tượng này vốn thiệt chồng nàng ngồi đây
Tiên rằng: Nàng xách lại đây

Nói trong tên họ tượng này ta nghe
Nguyệt Nga lòng rất kiêng dè
Mặt thời giống mặt, còn e lạ người
Ngồi che tay áo hổ ngươi
Vân Tiên thấy vậy mỉm cười một khi

Rằng: Sao nàng chẳng nói đi
Hay là ta hỏi động chi chăng là
Nguyệt Nga khép nép thưa qua:
Người trong bức tượng tên là Vân Tiên
Chàng đà về chốn cửu tuyền

Thiếp làm trọn đạo, lánh miền gió trăng
Vân Tiên nghe nói hỏi phăn
Chồng là tên ấy, vợ rằng tên chi?
Nàng bàn tỏ thiệt một khi
Vân Tiên vội vã xuống quì vòng tay:

Thưa rằng: Nay gặp nàng đây
Xin đền ba lạy, sẽ bày nguồn cơn
Ðể lời thệ hải minh sơn
Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi
Vân Tiên vốn thiệt là tôi

Gặp nhau nay đã phỉ rồi ước mơ
Nguyệt Nga bảng lảng bơ lơ
Nửa tin rằng bạn, nửa ngờ rằng ai
Thưa rằng: Ðã thiệt là ngài
Khúc nôi xin cứ đầu bài quân ra

Vân Tiên dẫn tích xưa ra
Nguyệt Nga khi ấy khóc òa như mưa
Ân tình càng kể càng ưa
Mảng còn bịn rịn trời vừa sáng ngay
Xảy nghe quân ó vang vầy

Bốn bề rừng bụi khắp bày can qua
Vân Tiên lên ngựa trở ra
Thấy cờ đề chữ hiệu là Hớn Minh
Hớn Minh khi ấy dừng binh
Anh em mừng rỡ tỏ tình cùng nhau

Minh rằng: Tẩu tẩu ở đâu
Cho em ra mắt chị dâu thế nào
Vân Tiên đem Hớn Minh vào
Nguyệt Nga đứng dậy miệng chào có duyên
Minh rằng: Tưởng chị ở Phiên

Quyết đem binh mã sang miền Ô-qua
Mừng rày sum họp một nhà
Giặc đà an giặc, khải ca hồi trào
Tiên rằng: Nàng tính thế nào?
Nàng rằng: Anh hãy về trào tâu lên

Ngỏ nhờ lượng cả bề trên
Lệnh tha tội trước mới nên về nhà
Trạng nguyên từ giã lão bà
Dặn dò gửi lại Nguyệt Nga ít ngày
Tôi về đem bức tượng này

Tâu cho khỏi tội, rước ngay về nhà
Tiên, Minh lên ngựa trở ra
Ðem binh trở lại trào ca đề huề
Sở vương nghe trạng nguyên về
Sai quân tiếp rước vào kề bên ngai

Sở vương bước xuống kim giai
Tay bưng chén rượu thưởng tài trạng nguyên
Phán rằng: Trẫm sợ nước Phiên
Có người Cố Ðột phép tiên lạ lùng
Nay đà trừ Cốt Ðột xong

Thật trời sinh trạng giúp trong nước nhà
Phải chi sớm có trạng ra
Làm chi nên nỗi Nguyệt Nga cống Hồ
Lệnh truyền mở yến trà đô
Rày mừng trừ đặng giặc Ô-qua rồi

Trạng nguyên quỳ tấu trước ngôi
Nguyệt Nga các việc khúc nôi rõ ràng
Sở vương nghe tấu ngỡ ngàng
Phán rằng: Trẫm tưởng rằng nàng ở Phiên
Chẳng ngờ nàng với trạng nguyên

Cùng nhau trước có nhân duyên thuở đầu
Thái sư trước bệ quỳ tâu
Ô-qua dấy động qua mâu cũng vì
Trá hôn oán ấy gây nên
Nguyệt Nga nàng thiệt tội thì khi quân

Trạng Nguyên mặt đỏ phừng phừng
Bèn đem bức tượng quỳ dưng làm bằng
Sở vương xem tượng phán rằng:
Nguyệt Nga trinh tiết ví bằng người xưa
Thái sư trước chẳng lo lừa

Thiếu chưa dân thứ phải đưa tới nàng
Dầu cho nhật nguyệt rõ ràng
Khôn soi chậu úp cũng mang tiếng đời
Ngay gian sao cũng có trời
Việc này vì trẫm nghe lời nên oan


Trạng nguyên tâu trước trào đàng
Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà
Trịnh Hâm là kẻ gian tà
Hại tôi buổi trước cũng đà ghe phen
Sở vương phán trước bệ tiền

Những ngờ tướng ngỏ tôi hiền mà thôi
Vậy cũng đạo chúa nghĩa tôi
Thái sư muốn cướp ngôi chín trùng
Hán xưa có gã Ðổng công
Nuôi dòng Lã Bố cướp dòng nhà Lưu

Ðời xưa tôi nịnh biết bao
Thái sư nay cũng khác nào đời xưa
Thấy người trung chính chẳng ưa
Rắp ranh kế độc, lập lừa mưu sâu
Trịnh Hâm tội đáng chém đầu

Ấy là mới hết người sau gian tà
Sở vương phán trước trào ca
Thái sư cách chức về nhà làm dân
Trịnh Hâm là đứa bạo thần
Giao cho quốc trạng xử phân pháp hình

Nguyệt Nga là gái tiết trinh
Sắc phong quận chúa hiển vinh rỡ ràng
Kiều công xưa mắc tội oan
Trẫm cho phục chức làm quan Ðông-thành
Trạng nguyên dẹp giặc đã bình

Kiểu vàng tán bạc hiển vinh về nhà
Bãi chầu chư tướng trở ra
Trạng nguyên mời hết đều qua dinh ngồi
Họ Vương, họ Hớn, họ Bùi
Cùng nhau uống rượu đều vui, đều cười

Trạng nguyên mới hỏi một lời
Trịnh Hâm tội ấy các người tính sao
Truyền quân dẫn Trịnh Hâm vào
Mặt nhìn khắp hết, miệng chào các anh
Minh rằng: Ai mượn kêu anh

Trước đà đem thói chẳng lành thời thôi
Kéo ra chém quách cho rồi
Ðể chi gai mắt, đứng ngồi căm gan
Trực rằng: Minh nóng nói ngang
Giết ruồi đâu xứng gươm vàng làm chi

Xưa nay mấy đứa vô nghì
Dẫu cho có sống làm gì nên thân
Hâm rằng: Nhờ lượng cố nhân
Vốn tôi mới dại một lần xin dung
Trạng rằng: Hễ đấng anh hùng

Nào ai có giết đứa cùng làm chi
Thôi thôi ta cũng rộng suy
Truyền quân mở trói đuổi đi cho rồi
Hâm mừng khỏi thác rất vui
Vội vàng cúi lạy chân lui ra về

Còn ngươi Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chề bề mặt như sề thịt trâu
Hớn Minh, Tử Trực vào tâu
Xin đưa Quốc trạng kịp chầu vinh qui
Một ngươi Bùi Kiệm chẳng đi

Trong lòng hổ thẹn cũng vì máu dê
Trạng nguyên xe giá chỉnh tề
Sai quân hộ vệ rước về Nguyệt Nga
Bạc vàng đem tạ lão bà
Nguyệt Nga từ tạ thẳng qua Ðông-thành


Võng điều, gươm bạc, lọng xanh
Trạng nguyên, Tử Trực, Hớn Minh lên đàng
Trịnh Hâm về tới Hàn Giang
Sóng thần nổi dậy thuyền chàng chìm ngay.
Trịnh Hâm bị cá nuốt vây

Thiệt trời báo ứng lẽ này rất ưng
Thấy vầy nên dửng dừng dưng
Làm người ai, nấy thì đừng bất nhân
Tiểu đồng trước giữ mộ phần
Ngày qua tháng lại đã gần ba năm

Của đi khuyến giáo mấy năm
Tính đem hài cốt về thăm quê nhà
Hiềm chưa thuê đặng người ta
Còn đương thơ thẩn vào ra Ðại Ðề
Trạng nguyên khi ấy đi về

Truyền quân bày tiệc lo bề tế riêng
Tiểu đồng hồn bậu có thiêng
Thỏa tình thày tớ lòng thiềng ngày nay
Ðọc văn nhớ tới chau mày
Ðôi hàng lụy ngọc tuôn ngay ròng ròng

Người ngay trời phật động lòng
Phút đâu ngó thấy tiểu đồng đến coi
Trạng nguyên còn hãy sụt sùi
Ngó lên bài vị lại xui lòng phiền
Tiểu đồng nhắm ngửa, nhìn nghiêng

Ông này sao giống Vân Tiên cũng kỳ
Ông nào mất xuống âm ty
Ông nào còn sống nay thì làm quan?
Trạng nguyên khi ấy hỏi chàng
Phải người đồng tử mắc nàn chốn ni

Mấy năm tớ mới gặp thầy
Cúng nhau kể nỗi đắng cay từ ngằn
Ai dà còn thấy bổn quan
Ba năm gìn giữ mồ hoang đã rồi
Trạng nguyên khi ấy mừng vui

Tớ thầy sum họp tại nơi Ðại Ðề
Ðoạn thôi xe giở ra về
Tuần du phút đã gần kề Hàn Giang
Võ công từ xuống suối vàng
Thể Loan cùng mụ Quỳnh Trang đeo sầu

Mẹ con những mảng lo âu
Nghe Vân Tiên sống gặp chầu công danh
Cùng ta xưa có ân tình
Phải ra đón rước lộ trình họa may
Loan rằng: Mình ở chẳng hay

E ngưòi còn nhớ những ngày trong hanh
Trang rằng: Con có hồng nhan
Cho chàng thấy mặt thời chàng ắt ưa
Ví dầu còn nhớ tích xưa
Mẹ con ta lại đổ thừa Võ công

Cùng nhau bàn luận đã xong
Soi gương đánh phấn ra phòng rước duyên
Nay đà tới thứ Trạng nguyên
Hàn giang đã tới, bỗng liền đóng quân
Bạc vàng châu báu áo quần

Trạng nguyên đem tạ đáp ân ngư tiều
Ngư tiều nay đặng danh biêu
Ơn ra một buổi của nhiều trăm xe
Trạng nguyên chưa kịp trở về
Thấy Quỳnh Trang đã đừng kề trong quân

Trang rằng: Tưởng chữ hôn nhân
Mẹ con tôi đến lễ mừng Trạng nguyên
Võ công đã xuống huỳnh tuyền
Xin thương lấy chút thuyền quyên phận này
Trạng rằng: Bưng nước bát đầy

Ðổ ngay xuống đất hớt rày sao xong
Oan gia nợ ấy trả xong
Thiếu chi nên nỗi mà mong tới đòi
Hớn Minh, Tử Trực đứng coi
Cười rằng: Hoa khéo làm mồi trêu ong

Khen cho lòng chẳng thẹn lòng
Còn mang mặt đến đèo bòng nỗi chi
Ca ca sao chẳng chịu đi
Về cho tẩu tẩu để khi xách giày
Mẹ con đương thẹn thùng thay

Vội vàng cúi lạy chân quày bước ra
Trở về chưa kịp tới nhà
Thấy hai ông cọp chạy ra đón đường
Thảy đều bắt mẹ con nàng
Ðem vào lại bỏ trong hang Thương-tòng

Bốn bề đá lấp bịt bùng
Mẹ con than khóc khôn trông ra rồi
Trời kia quả báo mấy hồi
Tiếc công trang điểm phấn giồi bấy lâu
Làm người cho biết ngãi sâu


Gặp cơn hoạn nạn cùng nhau cho tròn
Ðừng đừng theo thói mẹ con
Thác đà mất kiếp, tiếng còn bia danh
Trạng nguyên về tới Ðông-thành
Lục ông trước đã xây dinh đầu làng

Bày ra sáu lễ sẵn sàng
Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga
Sui gia đã xứng xui gia
Rày mừng hai họ một nhà thành thân
Trăm năm biết mấy tinh thần

Sinh con sau nối gót lân đời đời



Hết

Chú thích:

1.Phản hồi bổn quân: trở về toán quân của mình

2.Dạ đài: lâu đài đêm, đêm có nghĩa là tối tăm, chỉ nơi tối tăm của người chết. "Dạ đài" cũng như "tuyền đài" (đài suối vàng, tức là lâu đài dưới đất), nghĩa chính là "cái mả", mà nghĩa bóng là nói cõi âm, cõi chết.

3.Mồng bảy đêm thâu (thu): đêm mồng bảy tháng bảy mùa thu. Bầy quạ đội cầu đưa sao: sao chỉ hai sao Khiên ngưu và Chức nữ. (Xem chú thích ở các câu 245, 246 và 1248). Nguyệt Nga nói, mình với Vân Tiên, khôn mong gặp nhau như Chức nữ gặp Ngư 1248).

4.Nam Tào: theo thần thoại. Nam Tào và Bắc Ðẩu là hai vị thần giữ sổ sinh tử của trần gian.

5.Dung nghi: dáng điệu

6.Tính danh: họ tên

7.Kiêng dè: dè dặt, thận trọng

8.Gió trăng: chỉ thói dâm tà xấu xa

9.Phăn: lần (phăn mối chỉ). Hỏi phăn: hỏi lần cho biết

10.Thệ hải minh sơn: thề bể hẹn non, tức là chỉ bể chỉ núi mà thề: lời nói của mình bền vững như núi như bể.

11.Khúc nôi: hay khúc nhôi, những chi tiết của sự việc, lai lịch khúc chiết. Ðầu bài: như nói câu chuyện. nói câu chuyện lai lịch thế nào, xin bàytỏ cho biết .

12.Quân ó vang vầy: quân thét vang lừng.

13.Can qua: mộc và mác, đồ binh khí. nói: quân gia kéo đến chung quanh rừng, la liệt những binh khí.

14.Tẩu tẩu: chị dâu, dùng theo tiếng bạch thoại Trung Quốc. Ðây Hớn Minh coi Nguyệt Nga như chị dâu, nên xưng hô như thế. (Xem chú thích ở câu 1229)

15.Khải ca hồi trào: hát khúc ca thắng trận trở về triều.

16.Trào ca: triều đình, triều ban.

17.Ðề huề: dắt tay nhau cùng đi. Nghĩa bóng là thân thiện mà dìu dắt nhau.

18.Kim giai: thềm vàng

19.Trà đô: nơi đô thị có triều đình.

20.Qua mâu: giáo mác. Dấy động qua mâu: dấy binh xâm phạm

21.Khi quân: dối vua, lừa vua. Tội khi quân là tội to thời xưa

22.Dân thứ: cũng như dân chúng. nói: thiếu gì con gái nhân dân mà lại phải dùng đến nàng.

23.Chậu úp: do chữ Hán "phú bồn", sách Bảo phác tử có câu "Tam quan bất chiếu phú bồn chi nội" , nghĩa là ánh tam quang (mặt trời, mặt trăng và các vì sao) không soi vào được trong lòng cái chậu úp. Người ta thường nói: "Phú bồn chi oan": cái oan chậu úp, là chỉ sự oan ức không giải bày được. nói hai câu này: dù sáng suốt như mặt trời mặt trăng mà không xét đến nỗi oan tối tăm thì cũng mang tiếng xấu với đời .

24.Trữ dưỡng: chứa chấp và nuôi nấng.

25.Ghe phen: (tiếng miền Nam) nhiều phen, có phen.

26.Tướng ngỏ: ngỏ có nghĩa là trung, giải bày cả tấm lòng thành thực với vua.

27.Chín trùng: do chữ "cửu trùng": chín trùng cửa. Sở-từ có câu: Quân chi môn dĩ cửu trùng", nghĩa là cửa nhà vua những chín trùng, nói vua ở một nơi sâu thẳm. Nhân thế người ta gọi nơi vua ở hay bản thân vua là "cửu trùng" . Ðây nói: thái sư muốn cướp ngôi vua.

28.Ðổng công: Ðổng Trác. (Xem chú thích ở câu 1251)

29.Nhà Lưu: nhà họ Lưu, tức nhà Hán.

30.Bạo thần: kẻ bày tôi tàn ác

31.Xử phân pháp hình: Theo hình phép nhà nước mà trị tội.

32.Giết ruồi đâu xứng gươm vàng: nói người quân tử không thàm giết kẻ tiểu nhân, cũng như gươm vàng không đáng đem mà giết ruồi cho bẩn gươm. Câu này do câu ca dao: "Ðạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi".

33.Vô nghì: phi nghĩa, bạc ác.

34.Dung: tha cho

35.Chề bề: một từ ngữ hình dung cái bộ mặt ê chệ khi bị nhơ nhuốc.

36.Sề: một thứ rổ, đan bằng tre nứa, dùng đựng đồ vật. Sề thịt trâu: nói như cái rổ thịt trâu trông nhầy nhụa ê chệ .

37.Vinh qui: vẻ vang trở về. Thời xưa, những người thi đỗ tiến sĩ, được vua ban mũ áo, cờ biển cho vẻ vang mà trở về, và được nhân dân tổ chức cuộc đón rước long trọng. Kịp chầu vinh qui: kịp thời (buổi, lúc) vinh qui. Trước đây Vân Tiên thi đỗ xong, chưa được vinh qui, phải đi đánh giặc ngay, nên nay mới xin vua cho kịp thời trở về.

38.Rước về Nguyệt Nga: tức là rước Nguyệt Nga về. Câu này cũng như câu: "Vợ Tiên là chị Trực" ở phần trên, đảo ngữ gò ép để cho có vần.

39.Báo ứng: giả lại xứng đáng những việc mình làm. Theo thuyết nhà Phật: làm điều thiện thì gặp thiện, làm điều ác thì gặp ác, đó là lẽ báo ứng. Rất ưng: rất phải, rất đúng.

40.Mộ phần: mồ mã, cũng như phần một.

41.Hài cốt: xương người chết. Tiểu đồng đi khuyên giáo được một số tiền, định thuê người đưa hài cốt chủ (người chết mà tiểu đồng nhận nhầm là Vân Tiên) về chôn ở quê nhà.

42.Thiềng: do tiắng "thành" đọc chệch.

43.Bài vị: mảnh gỗ hay giấy có đề tên tuổi người chết để thờ cúng.

44.Từ ngằn: từ độ ấy đến nay.

45.Bổn quan: bản quan, cũng như bản chức, tiếng tự xưng hô của người làm quan thời trước. ở đây là tiếng của tiểu đồng xưng Vân Tiên.

46.Tuần du: đi chơi để xem xét. Chữ "tuần" nguyên trước chỉ nghĩa là đi mà xem xét, như nói "tuần du" "tuần thú" (sự đi xem xét các nước chư hầu của thiên tử thời xưa), sau lại dùng thêm nghĩa: đi qua lại mà xem xét, như nói "tuần tiễu" (về quân sự), "tuần cảnh" (về cảnh sát).

47.Hồng nhan: sắc đẹp.

48.Ðổ thừa Võ công: đổ cả việc hãm hại Vân Tiên cho Võ công.

49.Ra phòng rước duyên: phòng là chờ, hòng, nói Thể Loan trang điểm xong, ra nơi lộ trình của Vân Tiên để hòng đón rước mối duyên.

50.Biêu: do chữ "tiêu" là nêu đọc chệch đi. Có bản chép là "bêu", cũng do chữ "tiêu" mà ra, nhưng tác giả dùng tiếng miền Nam với nghĩa tốt của nó (nêu), chứ không dùng theo nghĩa xấu (bày ra một cách nhơ nhuốc) ở miền Bắc, như nói: bêu đầu, bêu xấu, bán bêu.

51.Huỳnh tuyền: hoàng tuyền (xem chú thích ở câu 1206)

52.Bưng bát nước đầy, Ðổ ngay...: nói tình duyên đã dứt, không thể nối lại, cũng như bát nước đã đổ xuống đất, không thể hốt lại đầy được nữa. Dùng tích vợ Chu Mãi Thần (xem chú thích ở câu 416) .

53.Oan gia: xem chú thích ở câu 1069. Vân Tiên cho việc mình bị nhà Võ công hãm hại là cái nợ oan gia, nên bảo rằng: oan gia nợ ấy tôi đã giả xong rồi, sao lại còn tới đòi hỏi?

54.Ca ca: anh (chữ này ta thường đọc là kha, nhưng chính âm là ca). Chịu đi: ưng thuận đi.

55.Tẩu tẩu: chỉ Nguyệt Nga. Hớn Minh và Tử Trực bảo Vân Tiên sao không ưng thuận, cho Thạ Loan về để xách giày cho Nguyệt Nga.

56.Thương-tòng: cái hang mà Võ công đã bỏ Vân Tiên trước đây

57.Quả báo: tiếng nhà Phật, chỉ cái kết quả đền lại, giả lại nhưng việc mình đã làm (nói chung cả việc thiện lẫn việc ác)

58.Xấu còn bia danh: tiếng xấu còn lưu lại như tạc bia, để cho người đời chê cười mỉa mai

59.Sáu lễ: sáu lễ trong việc cưới xin thời xưa, tức: nạp thái (đưa lễ kén chọn), vấn danh (hỏi tên tuổi), nạp cát (đưa điềm tốt), nạp trương (đưa sính lễ), thỉnh kỳ (xin ngày cưới), thân nghinh (đón dâu).

60.Gót lân: do chữ Hán "lân chi" là chân con kỳ lân, một loài thú tượng trưng cho đức tính nhân hậu (người xưa bảo con kỳ lân không dẫm chân lên các sinh vật bé nhỏ và làn cỏ xanh tươi). Thơ "Lân chi" ở Kinh thi khen ngơi con cháu và họ hàng của Văn vương (vua tổ nhà Chu) là nhưng người sang cả mà có đức tốt, nhân lấy con lân ví với cha mẹ (Văn vương) và chân của nó ví với con cái. Do đó, người ta gọi người con hiền, con quí là "lân chi". Ðây nói Vân Tiên lại sinh được con hay, lập nên công danh, nối dõi nghiệp cha lâu dài
.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen