Seiten

Freitag, 25. Juli 2014

LỘC NINH, NỖI ĐAU CÒN DÀI


locninh
“Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang “
 (1)
Nguỵ tui là một người lính muộn màng của một thời khói lửa điêu linh . Trước sự xâm lược của bọn Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng), Nguỵ tui rất vô tình có thể nói là vô tâm . Sống tại Saigon, nơi an ninh gần như 100%, lâu lâu vọng về những tiếng đại bác như ru người vào cõi mộng mơ . Đi học, đi chơi không hề thắc mắc về chiến tranh, về những nỗi mất mát không bao giờ bù đắp đựợc.

Tết Mậu Thân, Saigon ngập tràn khói lửa . Những đơn vị Tổng trừ bị Nhảy Dù (ND), Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Biệt Động Quân (BĐQ), Thiết Giáp (TG) cùng các đơn vị Cảnh Sát đã đánh tan tác các đơn vị đặc công VC xâm nhập Sài Gòn khi chúng phản bội lại lời cam kết ngưng bắn 48 giờ trong ngày Tết . Nguỵ tui vẫn chưa ý thức được “giặc đã đến nhà rồi” dù đã được đoàn ngũ hoá . Mặc bộ đồng phục cũa Sinh Viên Quân sự học đường, đầu đội nón calô, trang bị carbine M1 đi gác những con đường trong thành phố . Mỗi năm vào quân trường Quang Trung, để được huấn luyện căn bản quân sự trong một tháng, rồi lại trở về với đời sống thường nhật. Đi học, đi chơi và chẳng bao giờ thắc mắc là “Quốc gia đang hưng vong, và thất phu là Ngụy tui phải hữu trách”. Lâu lâu còn đi biểu tình chống chính phủ, chống quân sự học đường . Dù rằng có nhiều thằng bạn đã giã từ giảng đường, giã từ những cuộc vui, để tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt hay Trường Bộ Binh Thủ Đức , Không Quân và Hải Quân . Những buổi tiễn đưa cũng rượu thịt ê hề, cũng lời chúc may mắn nhưng Nguỵ tui vẫn chưa ý thức được chính mình phải có trách nhiêm với Tổ Quốc với Đồng Bào. Là một tay hippy yéyé nên hiện sinh, buồn nôn, lu bu với triết lý ba xu .
Nhưng nghĩ cho cùng thì thời đó có biết gì đâu. Báo chí sách vở cũng đâu nói gì nhiều đến chiến tranh tang tóc. Có Nguyên Vũ tức Đại Uý Pháo Binh Dù Vũ Ngự Chiêu với những tiểu thuyết Vòng Tay Lửa kể về những hoạt động của những toán Biệt Kích nhảy vào lòng địch . Có súng nổ, có chết chóc, có tình yêu mê đắm; với Thềm Địa Ngục, chuyện kể về một Thiếu úy lao công đào binh khi VC tấn công, Bộ chỉ huy Tiểu đoàn tan nát thì chính viên Thiếu úy nầy đã chỉ huy các Đại đội để phản công đẩy lui bọn cộng sản xâm lược . .. hay quyển Đời Phi Công của Nguyễn Xuân Vinh cũng đã một thời làm các chàng trai nô nức, rồi Buồn Vui Phi Trường , Dòng Sông Lá Mục , Dòng Sông Cho Chiến ĐỉnhDọc Đường Số 1Dựa Lưng Nỗi ChếtTiền Đồn v.v… . Đại khái những tác phẩm viết về Lính đã không làm Ngụy tui chú ý . Vẫn thích Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tỉnh ,Chiến HữuChuông Gọi Hồn AiKhung Cửa HẹpGiờ thứ 25 , Doctor ZhivagoVỡ Đất Hoang… Những tác phẩm như Bắt Trẻ Đồng Xanh của Vỏ Phiến hay bộ sách Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ không làm cho Nguỵ tui xao động trong thời chinh chiến . Khi vào lính thì hầu như Nguỵ tui không biết gì về những chiến trận đã xảy ra những nơi khác.
Nguỵ tui đã không biết thời đó có Chiến Sử QLVNCH hay không? Qua nhà văn Phan Nhật Nam mới biết được Mùa Hè Đỏ Lửa nhưng cũng chỉ là chiến sử của Nhảy Dù. Nguỵ tui cũng chưa từng thấy tờ Chiến Sĩ Cộng Hoà một tạp chí của Lính hay tờ Tiền Phongdành cho Sĩ quan . Điều tiếu lâm nhưng đó là sự thật dù Ngụy tui là một Kỵ Binh mà chưa từng biết chưa từng nghe tiếng Tướng Kỵ Binh Trần Quang Khôi một chiến sĩ, một Ky Binh anh dũng của Binh chủng Thiết Giáp Binh. Nguỵ tui chưa từng nghe đến cuộc rút quân bi hùng ở Dambe, cuộc phản công oanh liệt làm bạt vía quân thù tại căn cứ BĐQ Biên phòng Đức Huệ . Cũng không hề biết có một Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III (LLXKQĐ3) . Đây là một lực lượng trừ bị cho Quân Đoàn III được tổ chức với ba Thiết đoàn Kỵ Binh và Chiến xa, một Liên Đoàn Biệt Động Quân, một Tiểu Đoàn Pháo Binh, một Tiểu Đoàn Công Binh , Truyền Tin, Tiếp Vận Tiếp liệu. Một lực lượng lý tưởng cho nhị thức Bộ Binh và Thiết Giáp. Một lực lượng mà những tay Thiếu úy Chi đội trưởng đơn vị Ngụy tui hằng mơ ước sau nhiều lần phối hợp cùng Bộ Binh. Chúng tôi mơ ước có một bộ quân phục màu xanh, có in những vết xích màu đen riêng cho Thiết giáp. Mỗi chi đoàn có một Tiểu đoàn BB tùng thiết. Tập dượt phối hợp nhuần nhuyển ăn ý. Khi xung trận chắc chắn sẽ chiến thắng dễ dàng. Đâu ngờ những gì mình mơ ước đã được thực hiện tại Lữ Đoàn 3 KB, dưới quyền chỉ huy của một viên tướng hết lòng vì dân vì nước, bách chiến bách thắng đã làm khiếp đảm quân thù.
Ngụy tui cũng không hề biết đầu năm 1975 Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh (TĐ 9 KB) của Hổ Cáp Trung Tá Trần Hữu Thành đã đánh một trận để đời tại chiến trường Chương Thiện khiến viên tướng VC lê đức anh chạy bán sống bán chết. Đó là những trận đánh sát bên mà mình không biết. Chiến trường Chương Thiện Ngụy tui đâu lạ gì. Đã từng rượt Đại Đội Trinh Sát 21 của Tướng Lê Văn Hưng vì Đại đội đó kiêu binh, vô kỷ luật và chờ đợi Tướng Hưng lột lon xuống Thượng sĩ . Ngụy tui rất ghét lính tráng vô kỷ luật, cho nên mới có cuộc đụng chạm bất ngờ đó. May mà chẳng có việc gì xảy ra. Từng vượt sông Ngã Năm tiến vào mật khu của VC. Nơi dưỡng quân của các Trung đoàn VC từ Quân Đoàn III. Trên hệ thống truyền tin , Đại úy Nghê Thành Thân , Chi đoàn trưởng, báo cho biết Ngụy tui là người đặt vết xích đầu tiên vào nơi bất khả xâm phạm nầy.
Tin tức chiến sự dù xảy ra nơi xa xôi hay kề cận vùng trách nhiệm cũng không hề biết . Mỗi trận đánh dù thua hay chiến thắng , người Lính cũng phải đồ mồ hôi , đổ máu, cũng phải hy sinh mạng sống chính mình để làm nên chiến sử. Vậy mà không có một cá nhân nào, một đơn vị nào thực hiện. Bộ Tổng Tham Mưu , Tổng Cục CTCT rất vô trách nhiệm trong việc ghi lại trung thực sự chiến đấu phi thường của người Lính anh dũng QLVNCH .Tổng Cục CTCT có một Trung Tướng chỉ huy. Một Bộ TTM có một ông Đại Tướng và mấy chục ông Tướng khác đủ cả Ban, Phòng, Cục, Tổng Cục vậy mà không có một Ban chuyên viết về chiến sử. Viết và phổ biến chiến sử để nung đúc , khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ đang trực chiến tại mặt trận. Để cho các đơn vị Quân Binh Chủng học tập những kinh nghiệm để áp dụng cho chính đơn vị mình hoặc không theo bước đường thất bại của đơn vị bạn. Đó là một thiếu sót to lớn. Một sự lảng quên đáng trách. Và người dân đã không hề biết đến sự hy sinh vô bờ bến, sự chiến đấu vô cùng anh dũng của các chiến sĩ. Cho nên khi đến Mỹ sau gần bốn năm trong các trại tù CS, nhìn quanh quất không thấy đồng đội chiến hữu của mình. Có vài Trung úy , có một Thiếu Tá. Nghe nói có vài Trung Tướng và năm ba Đại Tá là chấm hết. Những Tướng lãnh, những Sĩ quan kỵ binh đó đã không còn phục vụ trong binh chủng TGB. Ngụy tui biết rằng các chiến hữu, các đồng đội của Ngụy tui, những kỵ binh can trường của một thời khói lửa binh đao, đang ở tù CS. Vậy là họ đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng mà không đào thoát trong giờ phút tuyệt vọng đó.
Lại nhớ chuyện xưa. Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến. Tin tình báo cho hay cộng quân sẽ tấn công các phi trường và Ngụy tui có trách nhiệm phòng thủ, bảo vệ phi trường VL. Đại úy Nghê Thành Thân (NTT), Chi đoàn trưởng Chi đoàn 3/2 Thiết Kỵ đã ghé qua và dẫn mấy thằng em đi nhậu. Trong khi đang vui vẻ vừa nhậu vừa nhắc lại những ngày tháng sống chết có nhau thì TT Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Mọi người ngẩn ngơ trong một khung cảnh thê hương ảm đạm. Cả đám ôm nhau khóc ngất. Trong cơn túy lúy , Đại úy NTT hỏi rằng mất nước rồi bây giờ phải làm sao? Biết làm sao bây giờ. Ngụy tui trả lời thì mình phải chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, tới giọt máu cuối cùng rồi tới đâu hay tới đó. Bây giờ ở Mỹ nhìn chung quanh không hề thấy một mũ đen tác chiến nào lòng buồn vời vợi. Vậy thì các kỵ binh cũng đã như mình đã đánh, đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng. Trung Úy Phạm Huy Khuê rủ rê lập hội ái hữu. Nhìn quanh có mấy ngoe mà hội hè gì. Đọc thơ Cao Tần càng nẫu ruột. Ta làm gì cho hết nửa đời sau? Sách vở quá ít. Thời đó có chỗ thuê sách bèn luyện chưởng. Hết Cô Gái Đồ Long đến Tiếu Ngạo Giang Hồ, Anh Hùng Xạ Điêu, Lục Mạch Thần Kiếm … Những pho chưởng mà Ngụy tui đã luyện đi luyện lại hằng năm khi vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong chương trình Quân sự học đường. Lòng khao khát được đọc chiến sử để biết QLVNCH đã chiến đấu ra sao? Đã bị bức tử như thế nào và bị bôi nhọ, bị lăng nhục thế nào?. Hoài công! Buồn lại buồn thêm. Không lẽ hơn 20 năm chiến đấu không còn lại gì sao?. Như thế thì bi thảm quá !
Nếu như dòng chiến sử oai hùng hơn 4000 năm của ông cha ta không được viết để truyền bá lại cho đời sau thì làm gì chúng ta biết được Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa đuổi Thái thú Tô Định về Tàu. Làm sao mà chúng ta “nghe sóng nghìn xưa vỗ ấm lòng”của chiến địa Bạch Đằng Giang mà Vua Ngô Quyền cùng Đức Trần Hưng Đạo đã làm cho quân Tàu phải hoảng loạn rút chạy về Tàu. Làm sao chúng ta biết được đã có thời Danh Tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đã tiến quân qua Tàu. Làm sao chúng ta biết được 10 năm kháng chiến chống Quân Minh mà Vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã thu lại giang sơn từ bọn xâm lược. Làm sao chúng ta biết được chiến công oanh liệt làm khiếp đảm quân nhà Thanh chỉ trong vài ngày đã sạch bóng quân xâm lược bằng Trận Đống Đa nghìn thu vẻ vang nòi giống. Những Hịch Tướng sĩ , Bình Ngô Đại Cáo đã là những áng văn tuyệt vời cho ngàn sau. Những lời hịch sang sảng bên bờ sông Như Nguyệt : “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư. Tuyệt Nhiên định Phận Tại Thiên Thư…” như một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của Nước Nam ta.
Buồn lại buồn thêm. Vào khoảng năm 1986 đọc Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng mới hiểu được vì sao Quân Lực VNCH anh dũng của Ngụy tui bị bức tử. Đồng thời cũng hiểu được thân phận của nước nhược tiểu khi “đồng minh ” vì quyền lợi của chính họ đã quay lưng bỏ mặt cho hơn 17 triệu dân VNCH cho bầy quỷ đỏ. Sau đó là Việt Nam Một Trời Tâm Sự của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi chửi TT Ngô Đình Diệm quá cỡ. Nhìn lại tướng mạo quân vụ của Tướng Thi thấy rằng ông chả có công trận gì với đất nước. Năm 1960 đã là Đại Tá làm loạn. Lưu vong 3 năm về lại đất nước chưa đầy 2 năm thăng Trung Tướng. Rồi lại bất mãn làm loạn. Rồi Việt Nam Nhân Chứng của Trung Tướng Trần Văn Đôn cũng chỉ loanh quanh về những chuyện tranh dành quyền lực giữa các tướng lãnh. Đặc biệt Thiếu Tá Phạm Huấn với Triệt thoái Cao Nguyên (1987) –Những Trận Đánh Lớn Trước Khi Mất Miền Nam (1988) – Ban Mê Thuột 75 (1988) vàTrận Hạ Lào (1990) đã cho Ngụy tui những khái niệm về những trận đánh của QLVNCH. Đọc và có nhiều thắc mắc như Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh (LĐ2KB) tan hàng tại Phú Bổn vì pháo của VC. Làm thế nào mà cả một Lữ Đoàn KB tan hàng trong nháy mắt. Tác giả đã không cho biết. Mãi đến khi Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh LĐ2KB sau nhiều năm tù đày qua đến Mỹ thì mới biết được cuộc rút quân tồi tệ ấy được chỉ huy bởi một Ông Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn và toàn bộ Ban Tham Mưu Quân Đoàn vô trách nhiệm. Ông Tư Lệnh thì tử thủ tại Nha Trang. Ông Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn thì coi cuộc rút quân như một cuộc di hành dã trại. Năn nỉ kèo nài để Tổng Thống gắn một sao cho một Đại Tá Phạm Duy Tất , Chỉ huy trưởng BĐQ Quân Đoàn II , xuất thân từ Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) chỉ huy toàn thể quân đoàn rút quân, thì thấy rõ là cuộc rút quân sẽ thảm bại hoàn toàn khi đoàn quân còn ở tại Pleiku. Một ông Tướng LLĐB thì biết gì hợp đồng binh chủng. Làm sao chỉ huy được một đại đơn vị với nhiều quân binh chủng. Ngay cả Tướng Phú cũng chưa đủ khả năng để chỉ huy huống gì một ông Đại Tá LLĐB đã cắt nhỏ Thiết Giáp ra cho theo bộ binh . Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh LĐ2KB không có lấy một chiến xa để chỉ huy . Chúng ta thấy rõ sự vô trách nhiệm của ông Đại Tướng xếp xòng Bộ TTM. Ông ta ở tại Saigon nghe báo cáo và giữ bí mật cuộc rút quân . Trong sách Triệt Thoái Cao Nguyên tác giả đã không cho chúng ta thấy rõ trách nhiệm và những lý do thất bại của cuộc rút quân bi thảm nầy. Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 QĐ và Thiếu Tá Phạm Huấn cũng vì tình thầy trò mà đã không trung thực trong những bài viết về cuộc rút quân trên Tỉnh lộ 7B và trận BMT. Một cuộc rút quân hoàn toàn phá sản. Không di tản gia đình binh sĩ trước. Người Lính không thể vừa cõng mẹ dẫn cha, vừa ôm vợ địu con mà chiến đấu được. Lựa một con đường tử thần Liên tỉnh lộ 7B hoang phế. Không có cầu bắt qua Sông Ba. Không lực lượng trì hoản để cản hậu. Không có lực lượng tiếp trợ từ Duyên Hải. Để cho mỗi ông Đại Tá LLĐB chỉ huy thì xương trắng liên tỉnh lộ 7B là điều chắc chắn.
Muốn giảm thiểu sự thất bại phải cho Sư đoàn 6 và Sư đoàn 2 Không quân và xin Bộ Tổng Tham Mưu cung cấp phi cơ vận tải C 130 tối đa lập cầu không vận để di tản gia đình binh sĩ trước. Lập ngay Lực lượng xung kích Quân đoàn II gồm có Lữ đoàn 2 Kỵ binh và 5 Liên Đoàn BĐQ giao cho Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư lệnh LĐ2KB chỉ huy. Bởi vì với Bộ Tham Mưu của LĐ2KB có thể điều động và chỉ huy một đơn vị cỡ 9 Chiến đoàn. Đại Tá Nguyễn Văn Đồng là một Sĩ Quan KB quả cảm, từng xông pha trận mạc khắp 4 vùng chiến thuật cả chiến trường ngoại biên Cambodia. Đã từng được huấn luyện và đã chỉ huy nhuần nhuyển hợp đồng binh chủng. Con đường rút quân phải là Quốc lộ 19 xa Ban Mê Thuột, nơi có ba Sư đoàn CSBVXL và các Trung đoàn Pháo và đặc công. QL 19 rộng lớn thông suốt có Sư đoàn 22 Bộ Binh đang hoạt động. Đồng thời điều động Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy ra Tuy Hòa làm lực lượng tiếp trợ từ Duyên Hải. Và phải Nghi Binh bằng cách phao tin LĐ3KB ra để tăng cường tái chiếm Ban Mê Thuột để cầm chân ba Sư Đoàn Cộng Quân tại Ban Mê Thuột thì lúc đó cuộc rút lui của Quân đoàn II mới có thể giảm thiểu thiệt hại.
Đó là bàn chuyện rút quân. Thật ra ý định rút quân từ Pleiku của Quân đoàn II về Duyên Hải. Sau đó tổ chức và phản công tái chiếm Ban Mê Thuột thì từ đây cho đến ngày Ngụy tui chết, cũng không thể nào hiểu được. Một ý niệm điên rồ. Một cuộc rút quân tự sát của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vậy mà ba ông Tướng to nhất, lớn nhất, quyền hành nhất của VNCH đã không hề có ý kiến. Tệ hơn nữa là sau khi ra lệnh rút quân, Ông Tổng Thống và ba Ông Tướng trở về Sài Gòn, bỏ mặc cho Tướng Quân Khu đưa QĐII vào tử lộ. Bao nhiêu đồng bào đã bỏ xác trên Liên Tỉnh lộ 7B. Bao nhiêu chiến sĩ đã rút lui trên con đường không bao giờ tới đích. Họ đã nằm lại cùng đồng bào cùng gia đình họ trên con đường hoang phế đó. Ai là người phải chịu trách nhiệm về những nỗi đau đớn mất mát nầy. Nhất Tướng bất tài vạn cốt khô. Bốn Ông Tướng bất tài thì bao nhiêu vạn cốt khô?
Nhớ đến là lòng thêm bi phẩn ngậm ngùi. Mỗi khi nhìn những tấm hình trên Liên Tỉnh lộ 7B nước mắt lại tuôn rơi. Khi có internet và chiến hữu các cấp qua Mỹ diện HO, Ngụy tui như mê đắm với dòng chiến sử oai hùng của QLVNCH mà từng chiến sĩ đã hiển hiện sự anh dũng hào hùng, sự hy sinh vô bờ bến trong các trận đánh và đã rất can trường KHI chiến bại. Mốt số đã tự sát để khỏi sa vào tay giặc.
Vì quá nhiều người viết cho nên khi đọc cần phải kiểm chứng tổng hợp để biết được bài nào đúng, bài nào phịa, và bài nào nhằm đánh bóng tên tuổi hoặc chạy tội cho THẦY. Người ta cho rằng Đại Tá Nguyễn Trọng Luật (NTL) đã không sốt sắng trong việc tiếp cứu Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù ( LĐ3ND) tại căn cứ hỏa lực 31 (CCHL 31) và những chiến sĩ Nhảy Dù đã cho rằng Thiết giáp VNCH (trang bị chiến xa M41) sợ đụng với T54 của CSBVXL bề thế vượt trội về mọi mặt nên đã chậm trễ. Điều nầy quả là sai lầm. Những lời than phiền hay gán ghép cho Thiết giáp lạnh cẳng đó vì đã không hiểu thấu đáo về Thiết giáp. Trung Tướng Dư Quốc Đống đã gửi 1 Chi đoàn Chiến Xa M41 và 1 Chi đoàn Thiết Kỵ M113 cùng hai Đại đội Nhảy Dù thuộc Tiểu Đoàn 8 ND/Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm từ căn cứ A Lưới đi cứu viện CCHL 31. Đây là một sự điều động không hợp lý. Đoạn đường chỉ 6 cây số nhưng là đường rừng. Hai Đại Đội ND có nhiệm vụ phải mở đường, lục soát và bảo vệ Thiết giáp (TG) khi di chuyển. Hai Đại Đội ND không thể chu toàn nhiêm vụ nầy vì quân số quá ít và không có phương tiện để phá rừng. Chậm trễ là điều hiển nhiên. Còn cho rằng TG trang bị M41 nên rét T54 là một điều thiếu hiểu biết. Không phải thép dầy và súng to là có thể áp đảo. Dù chiến xa T54 với thép pháo tháp dầy 100mm và đại bác 100 ly là có thể áp đảo được M41 thép pháo tháp chỉ dầy 38 mm và đại bác 76 ly mà tùy thuộc vào xạ thủ . Cả hai CX T54 và M41 đều bắn bằng bảng xạ thuật, tức là phải ước lượng khoảng cách bằng mắt thường. Đại bác quay bằng tay. Cho nên xạ thủ có kinh nghiệm, ước tính yếu tố chính xác là lấy ăn. Súng M72 XM bắn gục T54 dễ dàng trong khi đạn đại bác 76 ly M41 to hơn mạnh hơn chẳng lẻ không diệt được T54. Xạ thủ nào bắn nhanh và chính xác là thắng. Với Chiến xa M48A3 (CX M48A3) thì khác bởi vì CX M48A3 quay pháo tháp bằng điện nên rất nhanh. Có máy tính yếu tố sẵn sàng. Người xạ thủ không phải ước lượng khoảng cách bằng mắt thường . Độ chính xác 100%. Cho một thí dụ dễ hiểu để bắn quả đạn đầu tiên M48 mất 12 giây và các quả đạn tiếp theo mất 3 giây cho mỗi quả với độ chính xác 100%. T54 bắn quả đạn đầu tiên là 50 giây không chính xác. Khi 5 – T54 gặp 1- M4vA3. Cả 5 chiếc T54 bị bắn cháy mà chưa khai hỏa được. Những kỵ binh QLVNCH đã trải qua 20 kinh nghiệm chiến trường trong khi những người lính TG/VC đó là những tay tân binh chưa biết điều động TG dù bằng những chiến thuật căn bản. Trên đường số 9 Chiến đoàn 1 Đặc Nhiệm (CĐ1ĐN) đã gặp muôn vàn khó khăn vì địa thế. Nhảy Dù không thể phá rừng, lục soát và bảo vệ TG cho nên cuộc tiến quân quá chậm. Đường từ A Lưới đến Tchepone còn quá xa. Lấy bớt một lực lượng từ CĐ1ĐN để đi cứu viện cho CCHL 31 đó là một sai lầm chiến thuật của Tr/Tướng Dư Quốc Đống (Tr/T DQĐ) . Đường rừng hiểm trở hai Đại đội ND quá ít. Đoàn quân dễ bị phục kích tan hàng và đúng như thế. Khi Tr/T DQĐ ra lệnh cho đoàn quân cứu viện, trận đánh đẫm máu dù rằng các kỵ binh VNCH đã bắn cháy nhiều T54 và PT 76. Thế nhưng đã bị VC bao vây chận đường về. Nếu không có B52 giải cứu thì đã tan hàng. Dù vậy đã bị thiệt hại trầm trọng.
Đúng ra Tr/T DQĐ phải điều động LĐ2ND do Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ huy đang làm trừ bị tại Khe Sanh để cứu viện Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 ND (BCH LĐ1ND) tại CCHL 31. Đó là nói trên nguyên tắc. Chứ trên thực tế mọi nổ lực cũng chỉ là điều tuyệt vọng vì chưa nhập trận mà đường gươm đã thất thế rồi . Trong cuộc tiến quân của Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm (CĐ1 ĐN) gồm có Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh và Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù trên đường số 9 đã có quá nhiều khuyết điểm. Không có thống nhất chỉ huy giữa Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I và Trung Tướng Dư Quốc Đống , Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù và sự thiếu hiểu biết về Nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp của Tr/T DQĐ và đoàn quân Nhảy Dù đã là một lý do làm thiệt hại doàn quân anh dũng cô đơn, trên một dịa thế khắc nghiệt không phù hợp với đặc tính MAU và MẠNH của Thiết Giáp. Rồi khi rút quân lại đi về trên đường cũ, thì quả tình Ngụy tui không thể hiểu giới chức nào, thẩm quyền nào , đã thiết kế một lệnh hành quân tử thần. Đại Tá Luật làm được gì khi ông chỉ là một Đại Tá , Tư lệnh một Lữ Đoàn KB. Với một lệnh hành quân quái đản và ngu si như thế LĐ1KB đã trả một giá quá đắt. Chiến cụ nhân sự thiệt hại 2/3. Ra đi 71 CX M41, 125 M113 trở về 22 CX M41 và 54 M113. Nếu không nhờ vào lòng quả cảm của Đại Tá Luật và Kỵ Binh các cấp thì LĐ 1KB đã bị tiêu diệt hoàn toàn trên đường rút quân về nước. Cho nên đổ hết trách nhiệm lên Đại Tá Luật là một hành động, một thái độ không công bằng và thiếu trách nhiệm của các Tướng lãnh chỉ huy trận chiến . Bây giờ ở đây được biết lệnh hành quân được thiết kế ở Ngũ Giác Đài Mỹ quốc. Vậy thì các thẩm quyền cao cấp của VNCH như TT Thiệu như Đại Tướng Cao Văn Viên tại sao lại nhắm mắt thi hành mà không có lời phản đối. Như vậy lỗi là ở thẩm quyền cao cấp là TT Thiệu và ĐT Viên đã chấp nhận một lệnh hành quân tự sát và đã mắc một lỗi lầm là để vị Tư Lệnh Quân Đoàn chỉ huy trận chiến mà không đề cử một vị tướng thâm niên hiểu biết rành rẽ nhuần nhuyển hợp đồng binh chủng cho nên đã tạo ra sự thiếu thống nhất và mâu thuẩn, bất phục giữa Tư Lệnh Quân Đoàn và Tư Lệnh các Binh chủng Nhảy Dù và TQLC.
Đại Tá Luật đã không có lỗi gì trong trận chiến. Ông đã đem về 1/3 quân số và chiến cụ và lúc nào cũng hiện diện cùng đoàn quân trên QL số 9. Đó là một hành động dũng cảm cùng sống chết với ba quân của một Tư lệnh Lữ Đoàn. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân phi lý . Để phá hủy căn cứ hậu cần 601 và 611 không cần phải có cuộc hành quân to lớn như thế. Không nắm vững tình hình địch về quân số và vũ khí. Cuộc hành quân mà Đại Tướng Westmoreland cần tới 4 Sư Đoàn Mỹ tức là 60 ngàn quân thì cuộc hành quân Lam Sơn 719 chỉ tung vào đó 20 ngàn quân VNCH đi tấn công 40 ngàn quân CSBV. Phòng không quá nhiều. Kế hoạch hành quân bại lộ dù đã giữ bí mật tối đa. Các Chiến Đoàn trưởng và Lữ Đoàn trưởng chỉ biết trước vài ngày không có thì giờ để chuẩn bị. Cho nên cuộc hành quân LS 719 còn là cuộc hành quân tử thần. Điều cần biết là Đại Tá Luật đã miệt mài chiến trận từ khi ra trường Khóa 1 Thủ Đức mà đến năm 1964 vẫn còn mang lon Thiếu Tá. Trong khi các bạn cùng khóa nhiều người đã lên Tướng như Nguyễn Cao Kỳ, như Lê Nguyên Khang , Nguyễn Bảo Trị , Nguyễn Đức Thắng,….Những Ông Tướng nầy đã làm gì, chiến công ra sao mà lên lon như hỏa tiển. Trách Đại Tá Nguyễn Trọng Luật thật là bất công và thiếu hiểu biết đến nổi trong kỳ Đại hội Thiết Giáp tại San Jose, Trung Tướng Vỉnh Lộc đã minh oan cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật một chiến sĩ, một kỵ binh can trường đầy trách nhiệm của một thời chinh chiến.
Rất nhiều bài viết trên mạng cho biết Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo thăng Thiếu Tướng ngày 23 tháng 4 năm 1975 . Đại Tá Hà Mai Việt trong cuộc phỏng vấn Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn có hỏi thì Tướng Toàn hỏi lại “Đảo lên Thiếu Tướng hồi nào?” Riêng Nguỵ tui có hỏi Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi là trong cuộc họp vào trưa ngày 29 tháng 4 tại Long Bình giữa Tướng Toàn, Tướng Đảo và Tướng Khôi thì Tướng Đảo đeo mấy sao ? Tướng Khôi trả lời 1 sao (Chuẩn Tướng ) Tướng Toàn là cấp chỉ huy của Tướng Đảo không biết Tướng Đảo lên Thiếu Tướng hồi nào và Tướng Khôi xác nhận ngày 29 tháng 4 năm 1975 vẫn còn mang cấp bậc Chuẩn Tướng .
Cho nên sử dụng tài liệu phải rất cẩn trọng . Có những sai lầm không cố ý và có những sai lầm cố ý . Ngoài ra một số tác giả như Phạm Phong Dinh đi vòng vòng trên Net đọc những bài viết về các trận đánh của nhiều tác giả sau đó viết lại và in sách Chiến sữ QLVNCH . Sách nầy không chính xác vì những tài liệu không thể hoặc khó kiểm chứng. Sử dụng tài liệu cẩn trọng còn phải có kiến thức và khả năng phân tích và tổng hợp .
Một tác giả mà Nguỵ tui muốn nói là Nguyễn Văn Tín (NVT) . Trước khi in sách, Ông có một website “khá lớn” tập trung những bài viết , những sưu tầm , những trích dẫn của nhiều tác giả chỉ với một mục đích là vinh danh anh của ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu . Ông tin rằng Anh ông, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, là một tướng tài ba của QLVNCH vì một lý do nào đó bị bỏ quên và ông (NVT) cũng khẳng định những chiến công của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã bị Trung Tướng Đổ Cao Trí (trận Đổ Xá) Trung Tướng Vĩnh Lộc (Trận Thần Phong và Pleime), Trung Tướng Phạm Quốc Thuần ( trận Svay Riêng)… cướp công (sic) . Nhìn qua Tướng mạo quân vụ của Tướng Hiếu chúng ta thấy rằng Thiếu Tá Hiếu đã thăng Trung Tá (1963) thăng Đại Tá (1964) dưới thời Trung Tướng Đổ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân đoàn II. và thăng Chuẩn Tướng (1967) thời Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tư lệnh. Nói rằng Tướng Trí , Tướng Vĩnh Lộc cướp công của Tướng Hiếu là nói lấy được, không có lý lẽ gì cả.
Ông Tín cũng tin tưởng mãnh liệt là Tướng Hiếu bị Tướng Toàn giết chết rồi nguỵ tạo ra màn cướp cò súng (sic) . Ông Tín là một thầy giáo . Chưa từng được huấn luyện để làm một ngươì Lính cho nên chắc chắn ông Tín không có sự hiểu biết về tổ chức QLVNCH cũng như đặc tính kỷ thuật và tác chiến của các Quân Binh Chủng . Ngay như những SQ cũng phải liên tục thụ huấn các khoá bổ túc như Tham mưu Trung cấp, Cao cấp, các khoá lãnh đạo chỉ huy để có thể phù hợp với chức vụ đang đảm nhiệm . Những tài liệu từ website của Ông Tín lấy từ của Mỹ, của Ta, và của địch có cả những bài viết của cây viết bẩn thỉu Đặng văn Nhâm người chuyên môn có những xì-căng-đan giựt gân nhưng nhảm nhí .
Trong bài viết nầy, Nguỵ tui chỉ bàn về Trận Phản Công tại Đức Huệ . Ông Tín goị Trận Đức Huệ là Hành Quân Svay Riêng dựa vào bài viết của hai sử gia : Samuel Lipsman và Stephen Weiss . Trong lời phản bác Tướng Khôi , Ông NV Tín đã viết : “Tướng Khôi minh họa trí tưởng tượng của tôi như sau: “Ví dụ HQ Svay Riêng: không có cuộc HQ nào gọi là HQ Svay Riêng, chỉ có cuộc HQ phản công của LLXKQĐIII ở căn cứ Đức Huệ (xem Đa Hiệu 74 trang 171-197). Ông Tín (trang 58) viết: “…Tướng Hiếu áp dụng chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) để giải tỏa áp lực của SĐ5BV, tướng Hiếu dùng 20 tiểu đoàn di động . Ngày 27 tháng 4, Tướng Hiếu tung Trung Đoàn 49 Bộ Binh và Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân ( 6 Tiểu đoàn) qua vùng đồng lầy quanh Đức Huệ tiến tới biên giới Cam Bốt, 28 tháng 4, Tướng Hiếu tung mười một tiểu đoàn vào trận địa “ Và Tướng Khôi khẳng định: “Tất cả những điều này là do óc tưởng tượng của Ô. Tín.”
Theo Nguỵ tui Ông NV Tín không những tưởng tượng mà ông còn chế biến. Bài nguyên thuỷ bằng Tiếng Anh thì viết là Trung Tướng Phạm Quốc Thuần chỉ huy. Nhưng bản dịch sang Tiếng Việt của ông Tín đăng trong Đa Hiệu số 74 tựa đề “Tướng Nguyễn Văn Hiếu SVSQ Khoá 3 Trần Hưng Đạo” thì Tướng NV Hiếu chỉ huy . Sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có giá trị thi hành ngày 27 tháng 1 năm 1973 thì những cuộc tấn công lớn sẽ bị phản đối cho nên chỉ dành dân lấn đất lẻ tẻ. Thời điểm diễn ra trận chiến tại Đức Huệ mà hai sử gia người Mỹ là Samuel Lipsman và Stephen Weiss gọi là trận “Svay Riêng” đó là đầu năm 1974 , VNCH bị cắt giảm quân viện thảm thiết. Vũ khí, đạn dược hạn chế tối đa. Không còn được yểm trợ bởi Không quân và Hải pháo của Hoa kỳ. QLVNCH mất khả năng tấn công bằng những đơn vị lớn. Vì lý do chính trị QLVNCH đã không còn mở những cuộc hành quân qua Cambodia và Lào nữa. Cho nên nói rằng Thiếu Tướng Hiếu tung hơn 20 (?) Tiểu đoàn trong một cuộc hành quân qua Cambodia là một lối nói cường điệu và lấy được. Từ năm 1971 Quốc Hội Mỹ cấm không cho bất cứ quân nhân hoặc cố vấn Mỹ bước chân vào đất Miên. Và Trận Đức Huệ vì tính chất nghi binh và bảo mật nên không có bất cứ một phóng viên VN hoặc ngoại quốc được biết, cũng như được tháp tùng đoàn quân của LLXKQĐIII. Vậy thì hai sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weiss lấy tài liệu ở đâu để viết nên trận đánh nầy? Chi tiết trận đánh nầy chỉ có Tổng Thống VNCH , Tư lệnh QĐ III Phạm Quốc Thuần cùng Tướng TQ Khôi và LLXKQĐIII biết mà thôi. Tướng Khôi thiết kế lệnh hành quân nầy phải vượt biên sang Cambodia rồi đánh đằng sau của CT 5 CSBV cho nên Tướng Thuần đã không dám quyết định phải chuyển lên vị Tổng Tư Lệnh là Tổng Thống VNCH quyết định. Đây là một cuộc hành quân táo bạo, tốc chiến tốc thắng chỉ sử dụng toàn bộ LLXKQĐ III mà thôi. Cái vô lý mà ai cũng dễ nhận ra là ở đâu có hơn 20 Tiểu đoàn để Tướng Hiếu tung vào trận địa. Lại còn đánh qua Miên và kéo dài cả tuần lễ. Cho nên vài ngày sau khi chiến thắng Tướng Khôi mở cuộc họp báo và để trả lời câu hỏi của phóng viên là LLXKQĐIII có vượt biên hay không thì Tướng Khôi đã trả lời không . Chỉ hành quân dọc theo biên giới mà thôi.
Không những Ông NV Tín chế biến mà ông còn tưởng tượng cho nên Ông đã trân trọng ghi chú thích : “Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3/Hành Quân, là nhân vật chính đứng trong hậu trường sân khấu thiết kế và thi hành cuộc hành quân này.” trong bài Hành Quân Svay Riêng từ 27 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1974. Người Mỹ có thể sử dụng những tài liệu những báo cáo của các cơ quan DAO hay các văn phòng của sứ quán Mỹ. Tam sao thất bổn. Những báo cáo những tài liệu đó sẽ được viết lại cho phù hợp với quan điểm của người Mỹ và nên nhớ là Người Mỹ có Tả khuynh, có Hữu khuynh có người ủng hộ VNCH, có người phản chiến chỉ bôi xấu QLVNCH và cũng để phù hợp tình hình chính trị đương thời đôi khi chính phủ Mỹ đã bôi xấu người bạn “đồng minh” đã thua trận. Đã đổ thừa QLVNCH thất trận vì không chịu chiến đấu. Cho nên không phải bất cứ nguồn tin , bài viết nào của người Mỹ cũng được coi như là tài liệu chính xác nhất.
Tệ hơn nữa là ông NV Tín đã chế biến thêm bớt để nhằm mục đích là tôn vinh ca tụng người anh của ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu. Ông đã rất hồ đồ khi cho rằng Svay Riêng là công của Tướng Hiếu nhưng bị Tướng PQ Thuần cướp công. Nhưng đọc tới phần tái bút ngày 10 tháng 12 năm 2005 khi Ông Tín tiếp xúc với Đại Tá Lê Tất Biên, Liên đoàn trưởng BĐQ thì thấy rõ ông Tín đã không biết gì về tổ chức LLXKQĐ III dù rằng Tướng Khôi đã trình bày trong bài Chiến Đấu Đến Cùng và Cuộc Phản Công Chớp Nhoáng tại Đức Huệ. Trung Tá Biên cho rằng LĐ3 KB tăng phái cho Liên Đoàn BĐQ của Tr/T Biên là hoàn toàn sai. Liên Đoàn BĐQ có ba Tiểu Đoàn. Mỗi Tiểu Đoàn tùng thiết cho mỗi Thiết Đoàn Kỵ Binh. Các Thiết Đoàn trưởng nhận lệnh từ Tướng Khôi và chỉ huy trực tiếp các Tiểu Đoàn BĐQ tùng thiết. Liên Đoàn BĐQ đã thành đơn vị cơ hữu của LLXKQĐ3. Không có tăng phái gì hết. Nguyên tắc của Nhị thức bộ binh Thiết giáp ai cấp bậc cao hơn người đó chỉ huy. Các Thiết Đoàn trưởng cấp bậc Trung Tá và các Tiểu Đoàn trưởng BĐQ chỉ Thiếu Tá nên Thiết Đoàn trưởng là người chỉ huy. Tương tự như Trận Hạ Lào Lam Sơn 719. Đại Tá Nguyễn Trọng Luật thâm niên hơn Đại Tá Lê Quang Lưởng nên Đại Tá NTL chỉ huy CĐ1DN mặc dù LĐ1KB tăng phái cho Nhảy Dù . Trung Tá Dư Ngọc Thanh không là Tư lệnh phó LLXKQĐIIII như Ông Tín viết mà là Chiến đoàn trưởng CĐ 315 (gồm có Thiết Đoàn 15KB và 1 Tiểu đoàn BĐQ tùng thiết ) được thăng cấp Đại tá vì CĐ 315 là mũi xung kích đã tràn ngập và nghiền nát CT5 CSBV . Tư lệnh phó LLXK QĐIII là Đại Tá Trần Văn Thoàn.
Bài viết dịch từ trận Sway Riêng của hai tác giả người Mỹ là Samuel Lipsman và Stephen Weiss hoàn toàn vô lý cả về tính cách điều quân và chiến thuật. Ngày 27 tháng 3 năm 1974 , CT5 CSBV tấn công căn cứ BĐQ Biên phòng Đức Huệ. Dĩ nhiên QĐ III bắt buộc phải thực hiện cuộc phản công nhằm giải toả áp lực của địch tại Căn cứ Đức Huệ. Vì Hiệp định Paris đã ký kết cho nên CSBV không thể mở những cuộc tấn công qui mô như Trận An Lộc. Cho nên áp dụng chiến thuật xưa như trái đất là công đồn đã viện.. Tấn công Căn cứ Hỏa Lực Đức Huệ đặt phục binh chờ đoàn quân tiếp viện. Cho nên trong trận “Svay Riêng” được dịch bởi ông Tín là một cuộc hành quân “lùng và diệt địch” tung vào hơn 20 tiểu đoàn dùng “chiến thuật thần tốc Blitzkrieg để tìm và tiêu diệt địch. Cuộc hành quân nầy lan rộng ra tới Long Khốt thuộc QĐ IV. Căn cứ Hỏa Lực Đức Huệ đang bị bao vây gần 1 tháng từ ngày 27 tháng 3 năm 1974 đến ngày 30 tháng 4 năm 1974 mà Thiếu Tướng NV Hiếu không lo giải vây cho Căn cứ Hỏa Lực Đức Huệ mà lại đi lùng và diệt địch thì quả là một vở hài kịch tiếu lâm có một không hai.
Ngụy tui thua ông Nguyễn văn Tín về sự tưởng tượng và chế biến. Nhưng vì thiếu kiến thức nên đã hồn nhiên vinh danh anh mình trong một trận đánh không có trong chiến sử. Bài viết Cuộc Phản công Chớp Nhoáng Của Lữ Đoàn 3 KB ở Đức Huệ rất hay và hợp lý. CT 5 CSBV đã thành công khi đặt phục binh chận đứng gây thiệt hại nặng cho hai mũi tiến quân : một của BĐQ từ nhà máy đường Hiệp Hòa và một của Trung Đoàn 46BB/ SĐ25BB cùng CĐ 3/10 Thiết kỵ. Đã hơn 3 tuần lể chưa giải tỏa được cho nên Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã điều động lực lượng trừ bị của Quân Đoàn là LLXKQĐIII vượt biên giới dùng sở trường Nhanh và Mạnh đã nghiền nát Công Trường 5 CSBV và ngày hôm sauThiết đoàn 10 Kỵ Binh (TĐ 10 KB) từ Phước chỉ đã bắt tay Tiểu Đoàn 83 BĐQ Biên phòng tử thủ Căn cứ Hỏa Lực Đức Huệ. Tướng Khôi cũng đã cho đăng những hình ảnh liên quan đến trận đánh tại Căn cứ Hỏa Lực Đức Huệ. Có hình Tướng Khôi đang hướng dẫn Tổng Thống VNCH và Tư lệnh QĐIII bước qua cổng CCHL Đức Huệ. Hình Tổng Thống VNCH bắt tay các chiến sĩ BĐQ can trường TĐ 83 BP. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đang sống tại Seatle. Các chiến đoàn trưởng 315, 318, 322 vẫn còn đang sinh sống tại Virginia HK. Và đặt biệt Thiếu tá Nguyễn Văn Bảo, Tiểu Đoàn phó TĐ 83 BĐQ đã viết lại trận tử thủ CCHL Đức Huệ . Hầu hết các SQ tham chiến trận đánh tại Đức Huệ là những nhân chứng sống đã viết nên trang chiến sử huy hoàng và hào hùng của QLVNCH.
Mới đây Ngụy tui được đọc quyển ” Chiến Thắng An Lộc 1972″ do Trung Tá Nguyễn Ngọc Anh chủ biên và Đại úy Lê Hoàng Ân Tổng biên tập. Quyển sách khá đồ sộ viết lại bản thiên anh hùng ca bất tử của QLVNCH tại An Lộc thuộc Tỉnh Bình Long Anh Dũng. Đọc lên thấy hào khí ngất trời, thấy hảnh diện là một chiến sĩ được hân hạnh phục vụ dưới Quân Kỳ QLVNCH. Thấy được sự chiến đấu vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ tham chiến. Và ngậm ngùi trước sự hy sinh vô bờ bến của những chiến sĩ đã vị quốc vong thân.
Tuy nhiên khi đọc xong cũng thấy có đôi điều cần làm sáng tỏ. Thứ nhất câu chuyện của Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù (TĐ6 ND) được chỉ huy bởi Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh. Sau khi tan hàng tại Đồi Gió. Bổ sung quân số toàn tân binh chưa biết bắn súng M16 và TĐ6ND đã làm nên một chiến tích phi thường là bắt tay với TĐ8 ND ở cực Nam An Lộc. Coi như chấm dứt ý định ngông cuồng của CSBV chiếm thị trấn An Lộc làm thủ đô cho Mặt trận GPMN bù nhìn của CSBV. Cuộc bắt tay vô tiền khoáng hậu của TĐ6ND được viết dựa theo sách Mùa Hè Đỏ Lửa (MHĐL) của Đại úy ND Phan Nhật Nam. Thuở đọc Mùa Hè Đỏ Lửa, Ngụy tui khoái Tiểu Đoàn 6 ND. Lính tân binh chưa từng bắn M16 , cặp súng M16 bên hông chạy cái ào qua bắt tay TĐ8ND đang mòn mỏi trông ngóng đoàn quân cứu viện. Nhung sau đó đọc lại MHĐL khi qua Mỹ thì thấy tiếu lâm. Đại úy Phan Nhật Nam có lẽ vì niềm kiêu hảnh của binh chủng ND hay được tường thuật lại thêm mắm muối cho đậm đà. Chứ nếu dễ như ăn cơm sườn không xương thì TĐ8 ND hoặc TĐ5 ND cho lính cặp súng bên hông chạy cái ào qua bắt tay cùng TĐ 15 BB chứ đợi chờ làm chi những 20 ngày mòn mỏi nằm chịu pháo. Cũng trong sách MHĐL cho biết TĐ5 ND và TĐ8 ND,qua lời các Tiểu đoàn trưởng, cứ nằm chịu pháo mà không làm sao tấn công hoặc nới rộng chu vi phòng thủ (Trung tá Nguyễn Chí Hiếu TĐT TĐ 5ND đã tiếp Nam Xương tức Đại Úy PNN trong hầm) Sau nầy bằng vào kinh nghiệm, Ngụy tui biết rằng muốn bứng chốt kiền thì phải sử dụng Không Quân đánh bom mãnh liệt và sử dụng Pháo tối đa xong xua Bộ Binh lên đánh từng hầm mới giải quyết chốt kiền được. Không có chuyện TĐ6 ND chạy cái ào bắt tay với TĐ8 ND. Tình cờ đọc bài viết “Chia Nửa Vầng Trăng “ của Hoài Ziang Duy, Đại Đội Trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 3 Trung Đoàn 15BB. Bằng bút pháp nhẹ nhàng. HZD đã đưa độc giả trở về những ngày khói lửa can qua. Giọng kể nhẹ nhàng nhưng ngậm ngùi vì nỗi gian lao và nhiều hy sinh trên một mặt trận xa lạ. Ông kể rằng Trung Đoàn 15 BB (TĐ15 BB) được trực thăng vận thẳng vào An Lộc để cùng các đơn vị Trung đoàn 7 và Trung Đoàn 8 / Sư Đoàn 5 BB (SĐ5BB), Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù , Liên Đoàn 3 BĐQ , Trung đoàn 52/ Sư Đoàn 18 BB phòng thủ An Lộc. Cả hai lần phải trở ra, không thể xuống được vì phòng không dữ dội. Cho nên TĐ15 BB đã cùng TĐ33 BB/SĐ21 BB đã từ ngoài đánh vào để bắt tay đoàn quân đang phòng thủ An Lộc. TĐ6 ND sau khi tan hàng tại Đồi Gió được bổ sung quân số và tăng phái cho TĐ15 BB . Trong khi TD6 ND đang tiến một hướng khác, thì TĐ15 BB chỉ cách TĐ8 ND có 700 thước. Trận đánh rất khó khăn kéo dài hơn 20 ngày, vì dãy chốt kiền được hai TrĐ 165 và 141 thuộc Công Trường 7 Cộng sản Bắc Việt xâm lược (CT7 CSBVXL) thiết lập, để ngăn chận đoàn quân cứu viện. Ngày quân ta tấn công. Đêm Cộng quân cho xe tăng tràn vào lấy lại. Dằng co khốc liệt thiệt hại mỗi ngày mỗi gia tăng. Đến một ngày KQVN đã bỏ bom mãnh liệt suốt đêm. Đến sáng Tiểu đoàn 3/15 BB xung phong bắt tay cùng TĐ8 ND. Bài viết của HZD trùng hợp với ” Chiến Thắng An Lộc 1972″ về TĐ6 ND tăng phái cho TĐ15 BB và không quân đánh bom sau đó là cuộc giải tỏa QL 13 thành công. Chỉ khác nhau là thay vì TĐ3/15 bắt tay TĐ8 ND thì nhà văn PNN và Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh cho TĐ6 ND bắt tay cùng TĐ8 ND. Qua bài viết nầy HZD đã cho chúng ta biết rằng Bộ TTM đã cho ấn hành sách Bình Long Anh Dũng và HZD đã được BTTM yêu cầu viết lại trận chiến giải tỏa An Lộc của TrĐ15 BB. Bài viết của HZD với chữ ký của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã bị cắt xén và sửa chữa. Ông (HZD) đã chua chát, ngậm ngùi mà kết rằng :
” Sau nầy cầm lấy quyển sách Bình Long Anh Dũng trên tay, đọc lại tôi thấy ngỡ ngàng với biết bao cắt xén. Người ta không muốn chúng tôi nói thật, những đóng góp xứng đáng của đơn vị, những chiến công là thật để mở đường vào thành phố An Lộc. Chiến tranh là có chính trị, chính trị đối đầu với địch, chính trị với cả phe ta chọn lựa dàn dựng.. Như có một sự e dè sắp xếp nào đó không hiểu được. Người viết ngồi ở phía sau an lành, viết phóng sự từ lời kể lại, tưởng tượng thêm thắt, không thấy được xương máu đổ xuống, hy sinh ngã xuống, của những con người hiến thân cho tổ quốc. Họ muốn thêm, bớt tô son cho đơn vị, ca ngợi thổi phồng cho ai thì tùy. Qua rồi một cuộc chiến. Thử đặt một tác dụng ngược. Tạo ra những huyền thoại cho một binh chủng, khác nào nói với kẻ đối đầu, quân lực ta là đây, chỉ duy nhất có đơn vị nầy….” (Chia Nửa Vầng Trăng- Hoài Ziang Duy)
Lộc Ninh, Tiếng Hờn Ai Oán
Khi nói đến Mùa Hè Đỏ Lửa, nói đến Bình Long Anh Dũng thì phải nói đến Trận Lộc Ninh, Nỗi Đau Khôn Nguôi. Nỗi đau nầy là nỗi đau của Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ Binh (ThĐ1 KB). Một Thiết đoàn trưởng đầy kinh nghiệm và quả cảm của binh chủng Thiết giáp binh (TGB). Trong quyển chiến sử “Chiến Thắng An Lộc 1972 (CTAL1972) khi nói về trận Lộc Ninh (LN) quá sơ sài so với cuộc tử thủ tại An Lộc.
Ngụy tui không hiểu tại sao Trận Lộc Ninh được viết một cách hững hờ. Đúng ra phải phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thất bại và trách nhiệm thuộc về giới chức nào. Trận Lộc Ninh chỉ xảy ra vỏn vẹn từ ngày 4 tháng 4 1972 đến ngày 6 tháng 4 1972 là chấm dứt. Theo như quyển chiến sử CTAL1972 thì Lộc Ninh được Chiến đoàn 9 (CĐ9) gồm có Tiểu đoàn 2/9 và 3/9 thuộc Sư đoàn 5BB được tăng phái Thiết đoàn 1KB, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng (BĐQBP) và một Tiểu Đoàn Pháo binh. Đây là một lực lượng khá hùng hậu gồm hơn 2000 tay súng làm tiền đồn cho thị xã An Lộc. Chiến đoàn 9 được bố trí như sau: Tiểu đoàn 3/9 và Đại đội 9 Trinh Sát cùng BCH Chiến đoàn phòng thủ Chi khu Lộc Ninh. Thiết đoàn 1 Kỵ Binh và Tiểu đoàn 2/9 tại ngã ba Lộc Tấn cách chi khu Lộc Ninh 10 cây số về hướng Bắc. TĐ74 BDQBP đóng tại căn cứ Alpha tức Hoa Lê cách Lộc Tấn (LT) ba cây số về hướng Bắc. Trận đánh mở màn bằng cuộc pháo kích vào Căn cứ Alpha và Đại đội 9 Trinh sát bị tràn ngập. Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh gọi Trung Tá Dương cho một Chi đoàn Thiết kỵ (CĐTK) về Lộc Ninh lúc 3 giờ sáng và Chi Đoàn 3/1 Thiết Kỵ bị phục kích tan hàng. Chi Đoàn trưởng bị bắt sống. Sáng ngày 6 tháng 4 Đại Tá Vĩnh ra lệnh cho Trung Tá Dương dẫn thành phần còn lại của Thiết đoàn 1KB cùng Tiểu đoàn 2/9 và Tiểu đoàn 74 BĐQBP rút về Lộc Ninh. Trên đường di chuyển về Lộc Ninh, đoàn quân của Trung Tá Dương đã bị phục kích tan hàng. Và ngay sau đó CQ tấn công Lộc Ninh và 10:30 tối Lộc Ninh thất thủ và Đại Tá Vĩnh bị bắt. Chiến Đoàn 9 với quân số khá hùng hậu mà bị đánh tan trong chớp mắt bằng chiến thuật củ rích Công Đồn Đả Viện.
Đọc phần bình luận trận đánh nầy Ngụy tui hết sức ngỡ ngàng. Nói khơi khơi thiếu hẳn phần phân tích nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai. Trong bài viết của Trung Tá Dương được in trong tác phẩm Thép và Máu, tác giả Đại Tá Hà Mai Việt, chúng ta thông cảm được nỗi đau đớn khôn nguôi của một Kỵ Binh vì Thiết giáp đã bị sử dụng trái nguyên tắc. Đó là cách nói lịch sự. Đúng ra là sử dụng TĐ1 KB không đúng đặc tính kỷ thuật của Thiết giáp. Thiết Đoàn 1KB(-) tan hàng Thiết đoàn trưởng và Chi đoàn trưởng bị bắt sống là hậu quả sự sai lầm và ngu xuẩn của những cấp chỉ huy. Tướng Minh và Tướng Hưng là hai ông Tướng phải chịu trách nhiệm về sự tan hàng của TĐ1 KB. Vì TĐ1 KB đã tan hàng cho nên khi phòng thủ An Lộc không có Chiến Xa M41 và những Thiết Vận Xa M113 tham chiến. Trung Tá Dương mới về nhận Thiết đoàn 1 ngày là hướng dẫn hai Chi đoàn lên Lộc Ninh để phối trí cùng Trung đoàn 9/SĐ5BB phòng thủ Lộc Ninh. Trong quan niệm điều quân Bộ Tư Lệnh QĐIII đã đưa TĐ1 KB lên ngã ba Lộc Tấn với hai nhiệm vụ Lùng và Diệt địch, và thành lập căn cứ hỏa lực (CCHL) lưu động. Là phải kéo trọng pháo 105 đi tìm vị trí để lập CCHL và vài ngày lại phải di chuyển tìm địa điểm khác để tránh bị pháo kích. Dùng Thiết giáp để kéo pháo và 8 remọoc là một ý kiến quá ngu si. Thiết giáp dùng đặc tính Nhanh, Manh để tấn công, yểm trợ, để tiếp cứu, lòn sâu, bọc hậu chứ không phải dùng như xe kéo. Rồi còn dùng Thiết giáp để Tìm và Diệt địch thì hết biết. Thiết giáp khi di chuyển thì ồn ào thì làm sao mà tìm cho ra địch để diệt hở trời. Trung tá Dương rất buồn phiền về chuyện nầy. Nỗi sầu biết tỏ cùng ai. Nếu lên tiếng thì sợ cấp chỉ huy hiểu lầm là chê họ ngu dốt. Ngày 29 tháng 3 Tướng Hưng đến thăm đoàn quân tại Lộc Tấn, Trung Tá Dương trình bày nhờ Tướng Hưng can thiệp với Quân Đoàn. Xin chấm dứt nhiệm vụ kéo pháo và Tìm và Diệt địch. Tướng Hưng hứa nhưng chẳng bao giờ thay đổi. Vẫn kéo pháo, vẫn đi tìm địch mỗi ngày. Kết quả Thiết đoàn 1 KB tan hàng.
Trong phần bình luận tác giả Tr/Tá Nguyễn Ngọc Ánh cho biết Cộng quân đã thành công trong việc lòn vào giữa hai đoàn quân của CĐ9 giữa Lộc Tấn và Lộc Ninh cách nhau 10 cây số. Và yếu tố tâm lý: CĐ 9 bị bất ngờ khi đối diện với T54.
Ngụy tui không thể tưởng tượng đây là lời bình của một ông Tr/tá Phụ tá Hành Quân QĐIII. Ngu ngơ, vô trách nhiệm và chạy tội cho Tướng Minh và Bộ Tham Mưu của QĐIII. Phòng 2 QĐIII làm cái gì mà không nắm được tình hình địch. Địch đã tập trung hơn ba Sư đoàn để chuẩn bị trận chiến và đưa hơn một Sư Đoàn lòn vào giữa CĐ9. Các giới chức thẩm quyền Phòng 2 QĐ lo ăn ngủ, nhậu nhẹt, nhảy đầm, hay lo mánh mung, thâu tiền đoàn xe be khai thác gổ tại Lộc Ninh mà không theo dõi sự tập trung các Sư đoàn CS . Lực lượng địch không phải dăm ba cán binh mà hơn 30 ngàn người tập trung chuẩn bị trận chiến. Phòng hành quân QĐIII mà Tr/Tá Ánh chỉ huy bao nhiêu lâu mới họp một lần. Có theo dõi sát các hoạt động của các cánh quân đó không? Tại sao bung TĐ1KB và TĐ 2/9BB lên quá xa khoảng 10 cây số mất đi tính yểm trợ liên hoàn. Giao cho TG giữ một nhiệm vụ quái đản Kéo pháo, lùng và diệt địch. VC mới pháo kích vào Lộc Ninh đã vội vã ra lệnh cho một Chi đoàn Thiết giáp rút về lúc 3 giờ sáng. Không có đơn vị mở đường từ Lộc Ninh, không Bộ Binh tùng thiết, di chuyển lúc trời còn tối. Rất trái với nguyên tắc của Thiết giáp và đương nhiên chỉ cần một cuộc phục kích là tan hàng. Chi đoàn trưởng bị bắt sống. Lúc đó QĐIII và CĐ 9 đã biết Chi Đoàn 3/1 Thiết Kỵ bị phục kích chưa, mà ra lệnh cho lực lượng còn lại rút quân về Lộc Ninh. Và đương nhiên đoàn quân rút lui của Trung Tá Dương cùng hai Tiểu Đoàn Bộ binh cũng chịu chung một số phận của Chi Đoàn 3/1 Thiết Kỵ. Trung Tá Dương đã nhiều lần than phiền cùng Đại Tá Vĩnh (ĐT Vĩnh cho biết ngoài thẩm quyền của mình) cho đoàn xe be vào khai thác gổ. Dĩ nhiên VC sẽ dùng đoàn xe be để biết tin tức: bao nhiêu quân, bao nhiêu Thiết giáp, bố trí quân như thế nào, và các hoạt động của họ. Từ đó thiết lập kế hoạch tấn công. Đó là lý do mà chỉ hai ngày đã đánh tan một chiến đoàn và bắt sống hai vi chỉ huy cao cấp là Đại Tá Vĩnh và Trung Tá Dương. Về yếu tố tâm lý lần đầu thấy T54 tham chiến không đứng vững. Tại mặt trận Kontum, lần đầu chiến xa VC xuất hiện tại Tân Cảnh, Đại tá Lý Tòng Bá và Sư Đoàn 23 BB đã chờ đợi để diệt tăng T 54 của VC và tại Ban Mê Thuột lần đầu tiên Địa Phương quân và Nghĩa quân đụng độ cùng T54 và đã rang muối 10 T54 trong thị xã. Đại Tá Lý Tòng Bá Tư Lệnh SĐ23BB và Đại tá Nguyễn Trọng Luật là những kỵ binh dạn dày chiến trận. Biết mình biết ta nên huấn luyện, bày thế trận diệt tăng địch dễ dàng. Trung tá Dương đã không có cơ hội để thi thố khả năng của một Kỵ Binh từng trải đầy kinh nghiệm bởi vì đã bị chỉ huy bởi những giới chức thiếu khả năng và vô trách nhiệm. Tướng Nguyễn Văn Minh , Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh phụ tá HQ và Trưởng phòng 2 QĐ phải chịu trách nhiệm đã làm tan hàng CĐ 9 tại Lộc Ninh. Bộ Tư lệnh Quân đoàn III và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 BB đã không có một hành động nào thích hợp để yểm trợ, để tiếp cứu Chiến đoàn 9 đang bị nguyên một Sư đoàn Cộng quân bao vây và tiêu diệt. Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu bị thương và bao nhiêu bị sa vào tay giặc. Nhiều người đã chết trong đó có Trung úy Lê văn Hùm Chi Đoàn trưởng Chi đoàn 3/1 Thiết kỵ khi bị giặc cộng cầm tù (theo tài liệu của TCAN1972 : 600 chiến sĩ hy sinh và khoảng 2400 chiến sĩ bị thương và bị bắt). Ôi một tổn thất quá to lớn không gì bù đắp vì sự bất tài , vô trách nhiệm và tham nhũng của Tướng Nguyễn Văn Minh cùng bộ tham mưu của Quân Đoàn III trong đó có Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh.
Tù binh Trung Tá Nguyễn Đức Dương đã được VC trao trả tại Lộc Ninh năm 1973 . Ông đã trở về lại với Binh chủng Thiết Giáp Binh và đã tiếp tục chiến đấu chống Cộng sản xâm lược trong chức vụ Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh. Sau đó ông làm Thiết đoàn Trưởng Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh thuộc Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi một danh tướng Thiết giáp của Thế kỷ 20 theo như đánh giá của Đại Tá Raymond Battreal , Cố vấn trưởng Binh chủng Thiết Giáp VNCH. Trung Tá Nguyễn Đức Dương đã cùng Lữ đoàn 3 Kỵ Binh lập nên những chiến công huy hoàng điển hình là trận tiếp cứu Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng tại căn cứ hỏa lực Đức Huệ. Một chiến công vô cùng hiển hách của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhân 38 năm ngày mất Lộc Ninh. Ngụy tui viết bài nầy để trân trọng nhắc về tinh thần của một Kỵ Binh bất khuất, Trung Tá Nguyễn Đức Dương, và toàn thể chiến sĩ Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã đặt Tổ Quốc lên trên, đã thể hiện được tinh thần TRÁCH NHIỆM và DANH DỰ của người Kỵ Binh trong thời chinh chiến. Dù thắng hay thua, cuộc chiến đấu chống cộng sản xâm lược là một cuộc chiến đấu chính nghĩa cho Tự Do, Dân Chủ và đã được toàn dân Việt Nam ghi ơn và ngưỡng mộ.



Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen