Seiten

Donnerstag, 17. Juli 2014

Cuộc Di Tản Khỏi Pleiku

Người viết bài này thành thật xin lỗi phóng viên Nguyễn Tú vì đã dùng bài của ông mà không được phép trước. Tuy nhiên đây là một bài phóng sự đã gây bàng hoàng và xúc động cho hàng triệu người Việt Quốc Gia, vì thế tác giả xin ông thông cảm và lượng thứ cho. Xin chân thành cảm ơn ông.)

Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng 


Mặc dầu được coi như xa với tiền tuyến, nhưng với những tin tức chiến sự hoàn toàn thất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa như rút bỏ Huế, Đà Nẵng trong hoảng loạn, cuộc triệt thoái khỏi Pleiku của Quân Đoàn II, phòng tuyến Khánh Dương bị bung, Nha Trang bỏ ngỏ, phòng tuyến Phan Rang đã vỡ, tuyến thép Xuân Lộc Long Khánh đã gẫy, thủ đô Saigòn như một cái dầu mà nửa phần thân thể phía trên đã bị chặt rời từng mảnh đã gần như đi vào hoảng loạn và chiến tranh kịch liệt đã áp sát thủ đô.
Vùng 4 Chiến Thuật với Quân Đoàn 4 nơi tập trung các Sư Đoàn 7, 9, và 21 còn nguyên vẹn nhưng cứ với đà này thì mọi người đều linh cảm thấy cái viễn ảnh của một ngày đen tối đã cận kề, ngày mà nước Việt Nam Cộng Hòa sắp sửa mất vào tay cộng quân Bắc Việt.

Lo lắng trong tôi, trong lòng mọi người quân nhân trong đơn vị, từ cấp chỉ huy lớn nhất cho đến cấp thấp nhất, và bầu không khí u buồn thấp thoáng trùm phủ lên những bữa cơm gia đình. Giờ ăn sáng ở câu lạc bộ của Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị hình như cứ dài thêm. Trong một vài buổi học tập chính trị cuối cùng tổ chức vào cuối tuần đặc biệt chung cho quân nhân cơ hữu và khóa sinh, các sĩ quan Trung Tâm cũng đã bàn đến việc có thể miền Nam sẽ lâm vào tình trạng vô cùng nguy ngập với cái đà tiến công ồ ạt của quân đội Cộng Sản Bắc Việt như hiện nay, tuy nhiên kết luận thì cũng vẫn cố bấu víu vào một chút hy vọng rằng rồi ra cũng sẽ có những giải pháp hay nhằm chấm dứt cuộc chiến. Dĩ chí trong những giây phút nói chuyện bù khú có anh lại nói rằng cộng sản bây giờ cũng tiến bộ chứ không còn sắt máu như hồi xưa, và bây giờ cục diện thế giới không phải là thế đối đầu mà là thế tương nhượng, Mỹ nhượng Nga, Nga nhượng Mỹ, và dĩ nhiên các quốc gia nhỏ, những vệ tinh xoay quanh hai cái trục xanh (Mỹ) và trục hồng (Liên Sô) cũng phải thuận theo đàn anh. Tuy nhiên theo tôi nghĩ thì làm gì có cái chuyện ấy, vì người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam, và một khẩu pháo binh của Nam quân chỉ còn có thể bắn một ngày hai quả pháo thì làm sao chống lại được bọn chúng khi Nga cộng và Tầu cộng ồ ạt viện trợ. Bây giờ mới là thời cơ chín mùi cho cộng sản Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, nhuộm đỏ miền Nam, hoàn thành công tác của đạo quân xung kích cộng sản quốc tế. Một dịp may hiếm có, ngàn năm một thuở thì làm gì bọn cộng sản Bắc Việt lại chịu tương nhượng với một đối thủ bây giờ đã lạng quạng, sắp sửa té ngã xuống sàn đấu. Và chẳng bao giờ bọn chúng lại ngu đến thế.

Các khóa sinh Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị gốc Miền Trung lúc ấy đang tham dự khóa Chiến Tranh Chính Trị cứ túm tụm nhau lại nói chuyện với nhau trong trạng thái lo âu, bởi vì họ chẳng biết gia đình, vợ con họ ra sao. Một anh Đại Diện khóa gốc miền Nam nói rằng hiện bây giờ Việt Cộng có loại súng AK báng xếp rất tối tân. Không hiểu anh ta lấy tin tức ở đâu ra mà nói như vậy.

Trước khóa HSQ/CTCT này là khóa 28 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đây là những tân sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt được đưa thẳng về Trung Tâm Huấn Luyện này để theo học một khóa ba tháng về Chiến Tranh Chính Trị trước khi được bổ nhiệm đi đơn vị mới.
Đó cũng là khóa sĩ quan cuối cùng của Trung Tâm trong những năm tháng dài đào tạo các khóa căn bản về Chiến Tranh Chính Trị cho những sĩ quan đại đội phó. Và tôi cũng là một sĩ quan Liên Đoàn Trưởng cuối cùng của Trung Tâm, nhận chức chưa đầy sáu tháng từ đại úy Nguyễn Ngọc Dung[i] Tôi còn nhớ người sĩ quan đại diện cho khóa là một tân thiếu úy tên là Quốc, người gốc Huế, cao lớn trắng trẻo. Khóa này ra trường đúng vào lúc mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đang “thập phần tử, nhất phần sinh”[ii] Họ là những thanh niên trẻ, có học và đầy nhiệt huyết nhưng tiếc thay vận nước đã đến hồi suy mạt và cho dù họ là những thanh niên văn võ toàn tài nhưng chẳng thể nào một tay chống trời chung sức vực dậy được một con bệnh đang trầm kha vì cái họa cộng sản quá lớn.

Và sau này khi ra khỏi trại cải tạo tôi gặp lại được một anh nguyên là thiếu úy của khóa ấy. Theo lời anh ta thì toàn khóa 28 được cấp tốc bổ sung cho các đơn vị tác chiến nhưng đa số đã anh dũng hy sinh vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Trung tuần tháng 3, 1975, lệnh của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cho Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị là phải đề cử một số khóa sinh dưới sự hướng dẫn của Sĩ Quan Trung Tâm tháp tùng phái đoàn cứu trợ ra miền Trung bằng chuyến phi cơ C 130 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. Với tư cách là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Khóa Sinh tôi bảo người Đại diện khóa cắt cử một số khóa sinh để đưa danh sách sang Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị làm Sự Vụ Lệnh đi.

Cựu đại úy Lê Thành Hưng, nguyên sĩ quan thuộc Khối Huấn Luyện Trung Tâm Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị kể lại với tôi như sau:
“Tôi đi với Thiếu Tá Bá thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cùng với nhóm khóa sinh bên Liên Đoàn của ông. Thấy vậy Trung Tá Hương[iii], Chỉ Huy Phó Trung Tâm của mình nói với tôi rằng để cho ông ta đi thay tôi. Tuy nhiên Đại Tá Phúc[iv] không đồng ý để ổng thay tôi với lý do là sự vụ lệnh đã ký rồi không thể sửa đổi được.”
Hưng kể tiếp:
“Theo dự trù thì các thực phẩm cứu trợ cấp tốc như bánh mì và mì gói sẽ được phát cho dân chaỵ loạn nhưng lúc ấy tình hình ở Nha Trang cũng rối loạn cho nên thay vì vậy phi cơ đáp xuống phi trường Cam Ranh chứ không phải Nha Trang. Thiếu Tá Bá và tôi cùng nhóm Hạ Sĩ Quan khóa sinh của ông được lệnh ở lại sân bay Cam Ranh không được đi đâu cả. Và thay vì phát thẳng cho dân thì chúng tôi lại giao cho tiểu khu Khánh Hòa tùy nghi xử dụng, và rồi lại quay về Saigòn.”

Buổi chiều họ trở về, người nào người nấy cũng không dấu được nét xúc động, bởi vì họ đã phần nào nhìn thấy và chứng kiến thấy cái cảnh không mấy vui ngay cả khi chỉ đáp xuống phi trường Cam Ranh.. Họ nói với tôi là tình hình ở ngoài quân khu 2 rất là xấu. Hỏi là xấu thế nào thì họ chỉ biết lắc đầu, bởi vì chính họ cũng chưa thực sự là những người chứng kiến được cái cảnh các đơn vị tan rã sau cuộc rút quân khỏi thị trấn Pleiku theo đường liên tỉnh lộ 7 chạy ngang qua thị trấn Cheo Reo, (Hậu Bổn) tỉnh lỵ Phú Bổn.
Hỏi gặng lại là xấu thế nào thì mấy khóa sinh này chỉ nói rằng: phi cơ được lệnh bay trở lại Saigòn, thành thử không biết nhiều, và không tiếp xúc được với dân và dĩ nhiên là không thể đưa ra cái kết luận dứt khoát nào trước sự “cuốn chiếu” ào ạt về Nam của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Báo chí, đài phát thanh mỗi lúc một đưa ra những tin thất lợi dồn dập về lực lượng Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nhớ lại một trong những bài báo do phóng viên Nguyễn Tú của báo Chính Luận viết về cuộc triệt thoái của Quân Đoàn 2 khỏi thị trấn Pleiku vào ngày 16 tháng 3 năm 1975 đã gây ra cho tôi niềm xót xa vô hạn. Bài báo nói rằng ký giả Nguyễn Tú từ Pleiku tường thuật về cuộc rút quân này qua điện thoại viễn liên với tòa soạn báo Chính Luận ở Saigòn đã nhiều lần bật khóc nức nở.

Tôi cũng phải rơi lệ khi đọc xong bài báo này, bởi vì bản thân mình cũng là người có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với cái thành phố nhỏ bé thân thương ấy từ ngày còn mang cấp bậc chuẩn úy. Vì bài báo mang tính chất của một thảm kịch lịch sử cho nên tôi đã cất kỹ số báo này coi như là một kỷ niệm cuối cùng về một thành phố thân thương trong những ngày tháng đầu đời quân ngũ của mình, một thành phố nhỏ bé, khiêm tốn, núp dưới những rặng thông già lãng đãng mù sương.

Xin các bạn hãy đọc bài viết của ký giả Nguyễn Tú sau đây:
(Saigòn 17 tháng 3) Chiều tối chủ nhật ngày 16 tháng 3 năm 1975, bạn Nguyễn Tú, đặc phái viên Chính Luận tại chiến trường Quân Khu 2 đã từ Pleiku gọi điện thoại cho biết về tình hình Pleiku sau khi Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 di tản về Nha Trang. Bạn Nguyễn Tú cho biết là trong hai ngày qua, đồng bào trong toàn tỉnh đã hoang mang đến cực độ khi nghe tin các đài phát thanh ngoại quốc loan báo Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 đã di tản về Nha Trang. Giới hữu trách không có lời giải thích nào để trấn an đồng bào mỗi phút lại càng mất thêm tinh thần, mạnh ai lo liệu phương tiện di tản ra khỏi vùng giao tranh và trán mặt quân cộng sản.

Chiều qua, các phố xá đã đóng cửa không buôn bán cầm chừng như trước đây, và đồng bào đã đổ xô hết ra đường, nhốn nháo ngược xuôi tìm lối chạy. Người ta thuê bao đủ mọi loại xe, chất hết đồ đạc quần áo để chuẩn bị chạy. Những người ít tiền cũng vét túi, chung nhau thuê xe, và các loại xe, từ xe lam, xe vận tải, xe lô, xe nhà, xe Honda, cho đến cả xe ủi đất, xe cứu hỏa, xe cần trục, máy cày v.v.v.. đều chất đầy ắp đồ đạc, đầu nối đuôi dài trên các đường phố chính như Hoàng Diệu, Võ Tánh, Phan Bội Châu, Quang Trung, Hai Bà Trưng. Tất cả đều rộn ràng di chuyển, nhưng không biết di chuyển theo lối nào, vì con đường duy nhất có thể chạy về Quy Nhơn là quốc lộ 19 thì đã bị địch cắt. Áp lực của cộng quân vẫn nặng nề trên đường băng rừng băng núi này, cái chết có thể đe dọa tập thể tị nạn bất cứ nơi nào và bất cứ giờ phút nào.

Những chuyến bay của Hàng Không Việt Nam đã ngưng từ mấy hôm nay nên phi trường chỉ còn là nơi hoạt động rộn rịp của các loại máy bay quân sự. Tin tức một số gia đình thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các ngoại kiều được di tản ra khỏi Pleiku làm cho mọi người càng thêm hốt hoảng. Họ chỉ còn trông ngóng vào con đường sống duy nhất là quốc lộ 19. Họ cầu nguyện và mong ngóng cho quốc lộ này được giải tỏa mau lẹ để để lánh xa nơi quân cộng sản kéo tới. Cảnh hốt hoảng càng thêm mãnh liệt hơn khi một số các đồng bào tị nạn ở Kontum, Thanh An, Phú Nhơn v..v kéo về Pleiku chờ mở đường chạy giặc. Ám ảnh… đai lộ kinh hoàng và chợ Đông Ba rực cháy ngày nào ở miền Trung là một ám ảnh khó xóa nhòa trong tâm tư mọi người. Dắt díu nhau ngược xuôi ngoài đường phố, và đồng bào ngơ ngác thầm hỏi nhau biết chạy đi đâu bây giờ? Từ cả tuần báo chí không lên Pleiku nữa, do đó có muốn đọc được những lời tuyên bố rất bình tĩnh của các giới chức Saigòn cũng không được. Qua điện thoại bạn Nguyễn Tú báo tin cho tòa soạn biết là bạn đang tìm cách thoát khỏi Pleiku cùng đồng bào và sau đây là bản tin cuối cùng của bạn từ Pleiku gửi về cho tòa soạn và bạn đọc Chính Luận. Lại thêm một hoàng hôn.

Bạn Nguyễn Tú cho biết qua điện thoại nguyên văn như sau:
Lại thêm một hoàng hôn, có thể hơn thế nữa, bắt đầu trưa hôm nay là 12 giờ, dân chúng Thanh An, Phú Nhơn và các vùng lân cận Pleiku đều đổ xô về thị xã Pleiku. Họ đang sống những giờ phút lo âu kinh hoàng ngoài đường phố. Trên khắp cá ngả đường đều chật các xe đủ loại, xe quân sự, xe dân sự, xe chở hàng, xe ủi đất, xe chữa lửa, xe máy kéo có rờ moọc bên trên chất đầy những “gia bảo” cuối cùng của dân chúng. Tất cả các gia đình, già trẻ lớn bé, dân sự cũng như quân sự ngồi sẵn trên xe để chờ di tản mà họ không biết là đi đường nào. Các lực lượng diện địa của ta và các lực lượng trong ngành an ninh, quân cảnh, cảnh sát đều không còn có thể kiểm soát được nữa, vì tất cả các nhân viên đó đều lo lắng cho chính gia đình của họ.
Ngoài đường phố đầy rẫy những người đi bộ. Những quân nhân và thường dân tay xách nách mang và bồng bế các trẻ thơ, xách những giỏ đồ đạc lang thang khắp phố, không biết đi đâu nữa. Pleiku đang sống trong một không khí kinh hoàng chưa từng thấy, hơn cả cố đô Huế năm 1972.

Kontum- Pleiku coi như bị bỏ ngỏ vì các nhân viên có trọng trách an ninh đã chỉ lo riêng cho gia đình họ, và không còn ai còn có tinh thần đảm nhận trách vụ của mình… Sự kiểm soát đã lọt ra ngoài tay của các giới lãnh đạo chính quyền tỉnh. Riêng các lực lượng chính quy còn có kỷ luật và tinh thần chiến đấu. Nhưng tình trạng hỗn loạn và xáo trộn của dân chúng Pleiku ra đầy ngoài đường đã tạo nên một cảnh tượng thật không thể tưởng tượng nổi. Trên khuôn mặt mỗi người đều lộ vẻ lo âu không tả hết. Chiến tranh thực sự chưa tới Pleiku. Chưa một đạn pháo kích nào của địch bắn vào thị xã Pleiku. Hoàng hôn của Pleiku có thể như đã bắt đầu. Đồng thời có thể tiếp luôn những cảnh hoàng hôn khác. Tình trạng Pleiku bi thảm quá!

ký giả lão thành Nguyễn Tú hình chụp 26-8-2009, Alexandria, Virginia

(Saigòn 18-3-1975) Sáng nay bản báo đặc phái viên Nguyễn Tú, tại một địa điểm dừng chân trên đường rút lui của của quân dân hai tỉnh Kontum-Pleiku báo tin qua điện thoại quang cảnh di tản bi thảm của đồng bào.

Dưới đây là nguyên văn ghi lại lời của bạn Nguyễn Tú đọc qua điện thoại.
Tất cả lên đường. Tối nay, Pleiku đã thực sự hỗn loạn. Tất cả dân chúng Pleiku thêm vào đó dân chúng ven tỉnh, dân chúng thuộc vài quận gần thị xã Pleiku, và cả dân chúng Kontum đã đổ xô nhau chạy về Pleiku đều xuống đường và tổ chức một đêm không ngủ. Không phải để biểu tình chống ai, mà để vội vàng hốt hoảng tiếp tục chất các hàng hóa, bàn ghế tủ giường, cùng những vật dụng riêng lên đủ thứ xe: xe lam, xe ba bánh, xe vận tải hạng nặng, xe Jeep, xe hốt rác, xe GMC nhà binh, xe Honda. Thậm chí xe be, xe cần trục, xe máy kéo xe trắc tơ. Cả đến xe chữa lửa cũng được dùng để chất đồ và chở người. Xe nào chất xong đồ là người leo lên ngồi sẵn, xe nào đôi nhíp cũng gần như thăng bằng, vì chất quá nặng.

Từ trưa các lực lượng an ninh trong thị xã Pleiku như Quân Cảnh, Cảnh Sát bỏ tất cả nhiệm sở không còn thấy bóng một ai, mặc dầu hôm qua thứ vbẩy 15 tháng 3 còn canh phòng rất gay gắt các ngả ra vào tỉnh và thị xã pleiku. Mọi đường phố không còn một nhân viên công lực nào giữ trật tự nữa.. Tất cả mọi người đều về nhà lo di tản cho gia đình. Liên lạc vô tuyến của hệ thống quân đội không còn được điều hòa và hữu jiệu như trước nữa tuy vẫn chưa hẳn gián đoạn. Các nhân viên truyền tin cũng thay nhau về nhà để lo việc di tản gia đình. Sự kiểm soát an ninh trật tự coi như đã tuột khỏi tầm tay của chính quyền địa phương Pleiku. Tại tư dinh Đại Tá Tỉnh Trưởng[v] Pleiku, các Nghị Viên, các Trưởng Ty, Sở, hấp tấp ra vào họp liên miên. Chưa bao giờ các đại diện dân cử kể cả đối lập và chính quyền đã sát cánh với nhau như thế. Chưa bao giờ lập pháp, hành pháp, tư pháp đều đồng một lòng một dạ như thế. Đồng một lòng một dạ trong một câu hỏi duy nhất: Bao giờ thì di tản? Mấy giờ thì di tản? Trên thực tế thì Pleiku đã sống giờ thứ 25 từ hôm qua, thứ bẩy 15 tháng 3. Hôm nay chủ nhật 16 tháng 3 lúc 19 giờ đã có điện trở lại trong toàn thị xã.

Đèn ngoài đường và trong các tư gia cũng được thắp sáng. Có lẽ là một hội hoa đăng cuối cùng. Khắp các đường phố dân chúng đi lại hết sức nhộn nhịp tất tưởi. Ngay từ xế trưa hôm nay 16 tháng 3, các xe nào đã chất xong đồ vật đều chuyển bánh trên Quốc Lộ 14 đi về Phú Bổn thành một đoàn dài. Nhưng phải kể từ 20 giờ ngày hôm nay Chủ Nhật 16 tháng 3 năm 1975, sự di chuyển toàn diện của dân chúng mới thực sự bắt đầu, đoàn xe ước chừng đến hàng ngàn chiếc, bật đèn pha nối đuôi nhau trên hàng chục cây số trông như một cuộc “trở về nhà sau cuộc nghỉ ngơi cuối tuần.” Nhưng đây đâu phải là “đoàn xe thanh bình”. Sáng kiến vĩ đại. Cuộc di tản đại qui mô của hai tỉnh gom lại là Kontum và Pleiku do sáng kiến tư nhân có thể là “vĩ đại” ở chốn Tây Nguyên hẻo lánh này. “Mục tiêu đầu tiên là Phú Bổn. Sau đó sẽ tính.” Đó là lời một đồng bào di tản nói với Chính Luận. Nhưng ra khỏi thị xã được vài cây số thì đoàn xe bị kẹt vì những chiếc xe nhỏ hơn như xe lam, xe ô tô nhỏ, xe Honda muốn vượt trước.

Dân chúng nghèo cũng ra đi bằng phương tiện thiên nhiên trời đã phú cho họ là đôi chân của chính họ. Họ đây là gồm cả già, trẻ, lớn, bé, con nít còn bồng trên tay, đàn bà đang mang bầu, tay xách, nách mang, một vài manh chiếu, một vài bọc quần áo, buồn tủi, lo âu, gia đình nọ nối tiếp gia đình kia đi hàng một sát bên lề đường để tránh đoàn xe. Đèn pha của đoàn xe lần lượt chiếu các bóng lưng còng xuống của người lớn, những bóng nhỏ hơn của các trẻ em tay níu vạt áo hoặc ống quần của người bố hay người mẹ.. Họ lặng lẽ thất thểu bước nọ trước bước kia trong đêm tối của tâm hồn.

Cuộc di tản này chắc chắn sẽ kéo dài tới ngày hôm sau. Thế là Kontum và Pleiku đã bỏ ngỏ, chính thức và không chính thức. Không chính thức mà chính thức vào hồi 20 giờ đêm ngày Chủ Nhật 16 tháng 3 năm 1975.
Pleiku không còn gì để cho tôi săn thêm tin thêm nữa. Ba lô vẫn cõng trên vai, hồi 22 giờ 30 tôi theo đoàn người di tản ra khỏi thị xã Pleiku. Bầu trời hôm nay đẹp quá, hàng ngàn vì sao lấp lánh như thiên thần nháy mắt với trần gian hay đó là những ám hiệu dục dã: “Lẹ lên!” Nếu tôi có một người bạn đường đi bên tôi, tôi sẽ bảo: “Bạn ơi, trên trời có bao nhiêu vì sao thì lòng tôi đau xót còn hơn thế nữa.”

Đốt phá, bỏ rơi: Các kho súng, kho đạn tại tỉnh Pleiku đã được lệnh thiêu hủy, tiếng nổ lớn nối liền tiếng nổ nhỏ. Từng cột khói đen bốc lên trong lửa đỏ từ các bồn nhiên liệu cũng được lệnh phá hủy. Tất cả đều bùng cháy. Nhiều khu phố trong thị xã Pleiku đã bị toán người đập phá nhà cửa của các chủ nhân đã di tản, và đã bị phóng hỏa ít nhất tôi đếm cũng được 14 đám cháy trong những khu phố khác nhau. Nhiều tiếng súng cũng đã nổ trong thị xã. Có tin Đại Tá Tỉnh Trưởng Pleiku đã hạ lệnh cho đốt kho giấy bạc trong Ngân Khố, ước lượng khoảng 300 triệu và trong khi tưới xăng để đốt, ông Trưởng Ty Ngân Khố đã bị phỏng. Không còn một bác sĩ tư nào trong thành phố.. Quân cũng như Dân Y Viện không còn hoạt động. Một số bệnh nhân tại Dân Y Viện cũng như một số thương binh tại Quân Y Viện Pleiku đã bị bỏ rơi lại vì không còn ai lo cho họ nữa. Chính họ trong tình trạng bệnh hoạn chẳng tự mình làm được, ngoài sự chết đói dần mòn trên giường bệnh.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay là Chuẩn Tướng Tất[vi], Tư Lệnh Mặt Trận Kontum-Pleiku đang chỉ huy cuộc triệt thoái lực lượng chính quy đi đi về hướng Nam trên quốc lộ 14. Trên đường nóng bỏng (Pleiku 17-3). Sáng nay, cuộc di tản đang tiếp diễn dưới ánh mặt trời huy hoàng của một ngày đầu tuần. Hàng ngàn chiếc xe dân sự và quân sự vẫn nối tiếp nhau trên quốc lộ 19 đi về hướng Phú Bổn. Nhiều xe vì chở quá nặng không chạy nổi đã bỏ lại trên đường. Các quân nhân được lệnh triệt thoái dưới quyền tư lệnh của tướng Tất đã thi hành một cách rất trật tự và kỷ luật. Các đơn vị Biệt Động Quân đã được lệnh đi hai bên quốc lộ 14 ở những chỗ xung yếu để bảo vệ đoàn xe di tản dân sự và quân sự. Các đoàn người đi bộ thật là thảm thương. Đàn bà, con trẻ đi bên lộ dưới ánh nắng nóng bỏng không giọt nước để uống.
Dọc quốc lộ từ Pleiku đến Hậu Bổn là tỉnh lỵ của Phú Bổn, đoàn xe cứ nối dài. Đoàn người đi bộ bị bỏ lại sau, nhưng họ cũng vẫn cố gắng lết đi trên đường nóng bỏng dưới ánh nắng của Pleiku. Chưa biết tối nay họ có thể tới Phú Bổn bằng đôi chân của chính họ hay không. Sẽ có nhiều người bị chết đói, chết khát dọc đường. Đọc Quốc Lộ 14 đi về Phú Bổn, các làng, các ấp, các Buôn đều trống trơn không còn một ai. Cảnh hoang tàn dọc quốc lộ 14 tôi không làm sao mà còn trí óc để nghĩ ra những danh từ tường trình với độc giả. Bi thảm quá đồng bào ơi!
Hôm nay thay vì lá thư hàng tuần sự tường trình của tôi có thể ngắn ngủi và không mạch lạc. Mong quý vị độc giả phương xa ở tại cái thủ đô đầy ánh sáng hiểu cho. Cho tới nay vẫn không thể hiểu được lệnh bỏ ngỏ Kontum Pleiku là ở đâu mà ra và và tại sao lại có sự ra đi hấp tấp trong dân chúng trong khi các nhà cầm quyền quân sự đã trù liệu kế hoạch từ trước. Không có giải thích nào cho dân chúng. Không có tổ chức nào để di tản dân chúng trong trật tự và an ninh, không có một sự trợ giúp nào cho các dân nghèo không có phương tiện đi xe. Từ năm 1954 cho tới nay chính tôi đã chứng kiến bao cuộc di tản. Cuộc di tản Pleiku- Kontum để lại cho tôi một nỗi chán chường. Sống với những hy vọng mong manh từ năm 1954 đến năm 1975 tới nay tôi cảm thấy không còn đủ sức, đủ ý chí để bấu víu lấy cái chút hy vọng mong manh ấy nữa. Ngoảnh về Pleiku khói vẫn ngùn ngụt bốc lên vì những đám cháy đêm qua. Dọc lộ, xe tăng và đại pháo dạt ra hai bên đường để bảo vệ những chỗ xung yếu để cho đoàn xe di tản dân sự và quân sự có thể đi chót lọt tới Hậu Bổn[vii] tức tỉnh lỵ Phú Bổn. Nhưng trên đoạn quốc lộ 14 từ Pleiku đến Hậu Bổn vẫn xẩy ra nhiều đoạn đương kẹt xe.. có thể hàng 5 đến 10 cây số chưa biết rằng đoàn xe có thể tới Hậu Bổn được không. Và từ Hậu Bổn sẽ đi đâu chưa ai rõ. Riêng cho tôi không còn có trí óc nào để nghĩ đến tương lai dù rằng tương lai chỉ là ở một giây, một phút sau đó. Điện đàm đứt đoạn.
(Nguyễn Tú, Chính Luận)

“Phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi không xa, trời thấy thật gần. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương. Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt, nên mắt em ướt, môi em mềm như mây chiều trôi. Phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi không xa, nên thấy tình thân. Đi năm phút, trở về chốn cũ, một buổi chiều nao, lòng thấy bâng khuâng. Xin cảm ơn thành phố có em. Xin cảm ơn, một mái tóc mềm,. Mai xa lắc, trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để thương.”
Bài hát về cái thành phố sương mù này đã gây cho tôi những nỗi xúc động đến bàng hoàng. Âm hưởng của bài hát cứ lãng đãng, cứ như dãn ra trong cái buổi chiều đông năm nào chầm chậm về với những làn gió bấc thổi luồn qua những hàng thông già muôn thuở.

Thế là thành phố thân yêu đã mất vào tay giặc. Đọc tờ báo xong chính tôi cũng không thể nào ngăn được giòng lệ khóc cho một thành phố miền cao, nơi đó đã ấp ủ trong lòng tôi những tình cảm thân thương trong suốt một thời gian dài từ khi mình còn là một chuẩn úy mới ra trường được bổ nhiệm về phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 Chiến Tranh Tâm Lý đồn trú trong thị xã Pleiku.
****
Đại Úy, có mấy bà nào tìm đại úy kìa.
Ai vậy?
Tôi đâu có biết. Lạ lắm
Anh mời hai bà ấy vào trong văn phòng dùm tôi
—–
Đại Úy. . à dạ thưa anh
Ồ chị K’Lan. À mà có cả chị Nghiêm[viii]nữa. Hai chị đến tìm tôi có chuyện gì không?
Người đàn bà mà tôi gọi là chị K’Lan là vợ của một người sĩ quan Thượng gốc Koho, một sắc tộc cư ngụ tại vùng phía Nam tỉnh Tuyên Đức. Anh K’Lan tốt nghiệp khóa khóa 21 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, và khi về trình diện Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến thì được bổ nhiệm về Đai Đội của tôi để làm công tác thượng vận. Chị K’Lan là một người phụ nữ miền Bắc nhưng sinh ra và lớn lên ở Saigòn. Việc làm sao mà một người thiếu nữ Việt sống ở giữa lòng thành phố Saigòn mà lại kết hôn với một sĩ quan Thượng cũng là cả một chuyện khá ngộ nghĩnh và ly kỳ. Theo lới anh K’Lan kể thì hai người chơi tìm bạn bốn phương lúc anh ta bắt đầu vào học khóa 21 Thủ Đức. Anh lấy tên là Hoàng Minh Lan, và hai người bắt đầu quen nhau qua những cánh thư. Anh ta nói với chị Dung (Nguyễn Thị Dung) rằng anh “lai” nhưng không nói là lai gì. Tình yêu một khi đã đến thì cái gì cũng đẹp cả. Anh K’Lan[ix] nhờ bạn bè mai mối và đứng ra tổ chức cưới tại Saigòn. Rồi anh được bổ nhiệm về miền Cao Nguyên làm Sĩ Quan Chiến Tranh Tâm Lý của Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến. Thấy tôi là cấp chỉ huy nhưng vui vẻ và mến anh, K’Lan thường tâm sự với tôi rằng anh muốn đổi tên K’Lan thành ra Hoàng Minh Lan như anh đã từng xử dụng trong những bức thư trao đổi với người “bạn gái” của anh ngày trước (nay là “bạn đời” của anh) khi còn là sinh viên sĩ quan. Một hôm nhân có Đại Úy Phạm Văn Tải[x], Đại Đội Trưởng Đại Đội 204 (thay thế cho Đại Úy Bùi Văn Hường[xi] bị cộng sản sát hại trong đêm 30 Tết Mậu Thân tại chính doanh trại của Đại Đội ở thị xã Kontum) đang ngồi chơi tôi thì K’Lan bước vào chào chúng tôi. Tôi đem chuyện của anh ta muốn đổi tên là Hoàng Minh Lan thì Tải nói ngay: “Khôông..đừng đổi thế. Tôi đề nghị anh K’LAN thế này nhé: Ta đem chữ K ghép AO thành KAO. Và chữ LAN đọc theo Tây là LĂNG cho nên ta ta thêm G và viết thành LĂNG. KAO LĂNG. Ta có hai chữ KAO LĂNG. Nhưng tiếng Việt không ai viết như thế mà mẫu tự K phải đổi thành mẫu tự C. Cuối cùng mình có chữ CAO. Phải, mình có hai chữ CAO LĂNG. Cuối cùng chỉ cần thêm một cái họ Việt Nam nữa là xong rồi. Tôi thấy anh nên lấy họ Nguyễn, và như vậy có cái tên mới là NGUYỄN CAO LĂNG. Hai chữ CAO LĂNG đọc nhanh có cái âm na ná chữ K’LAN. Vả lại lấy là NGUYỄN CAO LĂNG là oai lắm đấy. Ông Nguyễn Cao Kỳ đang làm Phó Tổng Thống mà anh lấy là Nguyễn Cao Lăng biết đâu có kẻ nói anh là bà con với ông Kỳ chưa biết chừng. Nếu có như vậy thì cứ nhận đại đi cho nó oai. K’LAN cười. Và việc anh ta tính làm đơn xin Bộ Quốc Phòng đổi thành HOÀNG MINH LAN theo như ý anh hay NGUYỄN CAO LĂNG theo ý Đại Úy Tải đề nghị cũng chẳng thấy nhắc lại dù chỉ một lần. Rồi chuyện ấy cũng chìm trong quên lãng cho đến một ngày…
Tôi hỏi chị K’LAN:
Chị cần tôi giúp gì trong lúc này?
Chị buồn buồn nói:
Em muốn “đại úy” gọi dùm lên Pleiku xem có gặp được nhà em không. Sốt ruột quá đi. Chị cứ bồn chồn lo lắng.
Tôi an ủi chị:
Chị cứ bình tĩnh đi. Tôi sẽ cố gắng liên lạc với trên ấy xem sao. Nghe nói tình hình chộn nhộn lắm.
Ngồi suy nghĩ một chút tôi nói:
Được, tôi sẽ cố gắng. Tôi sẽ dùng cái điện thoại viễn liên của Chỉ Huy Trưởng[xii] Trung Tâm Huấn Luyện này gọi lên Quân Đoàn và hy vọng có thể biết được tin. Chị ngồi đây đợi chờ tin của tôi.
Tôi lên Văn Phòng Chỉ Huy Trưởng, nói với đại úy Nguyễn Thanh Hóa[xiii] sĩ quan an ninh mà cũng là chánh văn phòng cho tôi gọi nhờ đường giây ưu tiên của Chỉ Huy Trưởng
Hóa vui vẻ bảo tôi:
Gọi đi bồ!
Tôi bốc điện thoại lên chuẩn bị quay số O gọi Tổng Đài Thống Nhất thì Hóa cười nói:
Nghe nói trên Vùng 2 lộn xộn lắm Hung ơi. Chưa chắc đã gọi được.
Tôi cười:
Còn nước còn tát
Tôi quay số 0 và yêu cầu tổng đài Thống Nhất ở Saigòn cho tôi liên lạc với tổng đài Oanh Liệt, tức tổng đài của Tiểu Đoàn Truyền Tin của Quân Đoàn 2 trên Pleiku. Tiếng dial tone kêu u u dòn dã, nhưng bên kia đầu dây không có ai trả lời. Một lúc sau mới nghe thấy tiếng nói gọn lỏn “A lô” rồi lại cúp. Tôi lại gọi, và lần này thì cho dù có tiếng u u nhưng chẳng có ai trả lời. Lúc đó vào khoảng giữa tháng ba 1975.
Trở lại văn phòng Liên Đoàn Khóa Sinh tôi nói với chị K’LAN một câu buông thõng:
Không liên lạc được
Chị K’LAN nhổm dậy, hai mắt tròn xoe hỏi:
Sao vậy? Không liên lạc được?
Đúng vậy, đến tổng đài Oanh Liệt của Quân Đoàn rồi nhưng chẳng có ai trả lời. Lần đầu có một người nào đó nói hai chữ “A lô” rồi bỏ máy xuống. Lần thứ hai thì họ không thèm trả lời luôn. “Dial tone” kêu mấy lần rồi bụp. Thế là máy cúp luôn. Có lẽ trên Pleiku bây giờ chộn nhộn lắm. Gọi đến mấy lần và lần nào cũng đều như thế chị a.
Nghĩa là….
Nghĩa là… hết cách
Chị K’LAN dùng tay áo quẹt nước mắt nói:
Thôi em về. Cám ơn anh, và chào anh. Miệng nói nhưng cặp mắt chị xa xăm. Tôi hiểu tâm trạng của chị. Tôi tiễn chân chị ra cửa Liên Đoàn Khóa Sinh. Chị quay lại nhìn tôi hai mắt đẫm lệ rồi quay đi.
Bầu trời mùa hạ xanh trong không gợn một chút mây, tuy nhiên mây gió chiến tranh đang ào ạt kéo về thành phố thủ đô này rồi.
April 30, 2000
Viết tại Nghênh Phong Các thành phố Santa Ana, quận Orange California, Hoa Kỳ
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng
[i] Tốt nghiệp Thủ Đức Khóa 15 Địa Phương Quân
[ii] Nghĩa là mười phần chết thì mới có hy vọng một phần sống mà thôi
[iii] Tức Trung tá Phạm Anh Hương
[iv] Tức Đại Tá Nguyễn Văn Phúc
[v] Đại Tá Biệt Động Quân Nguyễn Thế Nhu
[vi] Tức là Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 2. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2 trong một cuộc họp ngắn tại Cam Ranh đã đôi ba lân khẩn thiết xin Tổng Thống Thiệu chấp nhận thăng cấp Chuẩn Tướng một sao cho đại tá Phạm Duy Tất để ông này thay ông chỉ huy cuộc rút lui từ Pleiku về Phú Yên. Tướng Tất đã bị cộng sản bắt sống ở Phú Bổn
[vii] Hậu Bổn trước có tên là Cheo Reo, thị trấn Cheo Reo. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho thành lập tỉnh Phú Bổn và đổi tên thị trấn Cheo Reo thành Hậu Bổn
[viii] Vợ Trung Úy Nguyễn Văn Nghiêm, Sĩ Quan Chính Huấn thuộc Đại Đội 201 Chiến Tranh Chính Trị
[ix] Sau này năm 1967 Chuẩn Úy K’LAN và vợ có làm một tiệc rượu tại Khu Gia Binh Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị mời tất cả các sĩ quan trong tiểu đoàn tham dự. Hồi ấy Đại Úy Ngô Vân Hòa cũng vẫn còn là Tiểu Đoàn Trưởng. Trong lần triệt thoái về Phú Yên xuyên qua liên tỉnh lộ 7, Đại Úy K’Lan mất tích ở khoảng giữa Pleiku và Phú Bổn, và không còn tin tức gì nữa. Có người thuộc Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị nói K’LAN bị trúng đạn Việt Cộng và từ trần ngay trên đường rút lui.
[x] Đại Úy Tải và gia đình hiện giờ cư ngụ tại tiểu bang Oregon Hoa Kỳ
[xi] Quê ở Cây Dầu Đôi Nha Trang, tốt nghiệp khóa 15 Thủ Đức. Hường trước là sĩ quan Dân Sự Vụ thuộc Đại Đội 2 Dân Sự Vụ sau đổi thành 21 Dấn Sự Vụ, để rồi cuối cùng sát nhập vào Tiểu Đoàn 2 Chiến Tranh Tâm Lý với danh xưng mới là Tiểu Đoàn 20 Tâm Lý Chiến
[xii] Tức Trung Tá Nguyễn Văn Minh, nguyên Trưởng Khối Tổ Chức Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị
[xiii] Đại Úy Hóa theo học khóa 16 Thủ Đức nhưng thuộc tài nguyên Sĩ Quan Địa Phương Quân cho nên khi ra trường, thay vì đeo lon chuẩn úy như chúng tôi anh đeo lon thiếu úy. Kết hôn với con gái Trung Tá Phạm Văn Khanh một cựu Chỉ Huy Trưởng của Trung Tâm. Thời Đại Tá Phúc và cả thời Trung Tá Minh, anh làm Sĩ Quan An Ninh Của Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 người ta mới vỡ lẽ ra rằng anh là con của một sĩ quan cấp đại tá của cộng sản Bắc Việt. Tuy nhiên Hóa tính tình hiền lành, và cũng không có hành động nào phản bội lại đơn vị mà anh phục vụ. Sau này Hóa hành nghề “chung tiền” cho những gia đình nào có thân nhân từ Mỹ gửi tiền về, và tình cờ anh ta đến nhà tôi chung tiền cho mẹ tôi cho nên tôi mới gặp lại anh. Có lẽ Hóa nghĩ có thể tôi đã biết chuyện của anh với bố ruột anh cho nên câu chuyện giữa chúng tôi cũng không mặn mà lắm, dù cả mười năm sau mới gặp lại nhau.



Một số hình ảnh xưa và nay của thành phố Pleiku.






























Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen