Seiten

Dienstag, 15. Juli 2014

chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày 10.3.1975 Lịch sử - Bút ký Nguyễn Minh Khiêm

Sự thật về tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày 10.3.1975 Lịch sử - Bút ký Nguyễn Minh KhiêmNói đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975 lịch sử, ai cũng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của trận đánh mở màn Buôn Mê Thuột mùng 10 tháng 3 năm 1975. Nó là then chốt, là chìa khóa mở ra sự thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của Quân và Dân ta Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất Nước. Nhưng ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột? Sự thật về tiếng súng ấy như thế nào? Giờ G là giờ nào? Chính xác là mấy giờ? Một câu hỏi lớn suốt 39 năm qua chưa có lời giải đáp. Có thể tất cả những chi tiết ấy cũng không có ý nghĩa to
tát gì ...

Sự thật về tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày 10.3.1975 Lịch sử - Bút ký Nguyễn Minh Khiêm
Thông tin liên hệ:
Tác giả Nguyễn Minh Khiêm
Khu 2. Thị trấn Quán Lào
Yên Định. Thanh Hóa
ĐT: 0164 8381555.
Email: nguyenminhkhiem1952@gmail.com
_____

                             1 Nguyễn Minh Khiêm

SỰ THẬT VỀ TIẾNG SÚNG MỞ MÀN CHIẾN DỊCH BUÔN MÊ THUỘC
NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 1975 LỊCH SỬ


    Nói đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975 lịch sử, ai cũng khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của trận đánh mở màn Buôn Mê Thuột mùng 10 tháng 3 năm 1975. Nó là then chốt, là chìa khóa mở ra sự thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của Quân và Dân ta Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất Nước. Nhưng ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột? Sự thật về tiếng súng ấy như thế nào? Giờ G là giờ nào? Chính xác là mấy giờ?  Một câu hỏi lớn suốt 39 năm qua chưa có lời giải đáp. Có thể tất cả những chi tiết ấy cũng không có ý nghĩa to tát gì so với thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc đã giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ Quốc. Nhưng đó vẫn là câu hỏi tò mò, hiếu kỳ không chỉ riêng cho bao nhiêu người lính, mà đối với bao nhiêu nhà nghiên cứu, viết Lịch sử truyền thống Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Lịch sử Trận đánh mở màn chiến dịch Tây Nguyên 1975.
    Làng tôi gần trăm người đi bộ đội thời chống Mỹ. Mười tám Liệt sĩ. Thương binh loại 1, 2, 3, 4có. Lính có. Chỉ huy có. Hơn nửa phần trong số đó đánh nhau ở Tây Nguyên. Nhưng khi hỏi ai là người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, mùng 10 tháng 3, năm 1975? Không ai biết. Hỏi bao nhiêu người nữa cũng không biết.
    Anh Thiều Minh Liên là bộ đội đặc công 305 tham gia đánh nhiều mặt trận. Anh hay kể cho tôi nghe những trận đánh kỳ tài của bộ đội đặc công như trận Pha Thí, trận Cù Kiệt bên Lào. Rồi trận đánh sân bay U-ta-pao Thái Lan. Nhưng không thấy anh kể gì về trận đánh Buôn Mê Thuột. Một hôm anh Thiều Minh Liên đến nhà chơi, hát cho cả nhà tôi nghe ca khúc “Vô đền Sòng nghe hò sông Mã”, anh mới phổ nhạc thơ tôi. Anh có giọng ca trời phú. Chúng tôi vẫn gọi là giọng ca vàng. Anh tự hào đã dạy hát cho Trọng Tấn lúc còn nhỏ. Sau khi nghe anh hát xong, tôi mang cái phân vân bấy lâu nay của mình ra hỏi. Bỗng anh sôi nổi hẳn lên.
    - Ông Sĩ! Ông Sĩ người làng Trịnh Lọc, Yên Phú, Yên Định, Thanh Hóa mềnh đấy. ( Tiếng địa phương quê tôi, âm i phát âm thành âm ê nên “mình” thành “mềnh”). Tôi, ông Sĩ, ông Cộng, với ông Hòa anh ruột vợ chú (anh ruột vợ tôi là Đỗ Công Hòa, hy sinh ở Trảng Bàng, Tây Ninh), cùng nhập ngũ một ngày 20 tháng 6 năm 1968 mà. Cả 4 thằng cùng vào đặc công. Ông Hòa với ông Sĩ còn được rút đi học đặc công chiến lược. Các ông ấy biết lái tất cả các loại xe, lái được cả máy bay trực thăng. Chính ông Sĩ là người nổ phát súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột đấy. Ông Gián, Trịnh Hữu Gián, độ đội đặc công xịn, tôi gọi bằng chú, chính là người chỉ huy mũi đánh mở màn trận ấy đấy.
    Anh nói chắc như đinh đóng cột. Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sao làng Bùi, Yên Phú lại tụ hội nhiều nhân vật đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thế. Ông Đỗ Hoàng Diệu là một trong những sĩ quan chỉ huy trận máy bay Mig17 của ta đánh tập kích bất ngờ mấy tàu chiến của Mỹ ngoài khơi tỉnh Hà Tĩnh làm cho bọn giặc kinh hồn. Sau này ông là Trưởng phòng Điều vận sân bay Quốc tế Nội Bài. Rồi ông Thiều Quang Nông, nguyên Tiểu đoàn Trưởng, trực tiếp chỉ huy tiểu đội cắm cờ lên nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài gòn. Đại tá nghỉ hưu. Vừa được chính thức vinh danh năm ngoái. Không tưởng tượng nổi, người nổ súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột lịch sử lại cũng là người làng Bùi. Tôi bảo anh Liên liên lạc cho tôi gặp ông Gián và gặp anh Sĩ càng sớm càng tốt.
    - Chú cứ yên tâm. Tôi sẽ đưa chú lên nhà ông Sĩ một hôm. Ông Gián, chú tôi, hiện nay đang ở Sài Gòn. Tôi sẽ gọi điện. Còn nhà ông Sĩ, ngay chỗ dốc vào Cổng Ủy ban Yên Phú, ngay cổng chợ làng Bùi. Chú về ông ngoại ngày nào chả đi qua cổng nhà ông Sĩ.
    Quãng một tháng sau, anh Liên đem đến cho tôi ba tập “Nhật ký và Hồi ký qua những năm tháng ở chiến trường miền Nam” của ông Trịnh Hữu Gián, thiếu tá, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn đặc công 198, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 198. Tôi đọc rất kỹ từng tập Nhật ký – Hồi ký” của ông. Nhưng các chi tiết sự kiện nổ súng mở màn thì ông ghi lại chưa rõ. Về tiếng súng đầu tiên, ông Trịnh Hữu Gián viết: “2h địch đã phát hiện thấy ta. 2h 2 phút tên trực ban cùng 2 tên nữa mặc quần đùi áo thun bắn những loạt AR15 vào những đồng chí sau cùng của tổ thọc sâu” (Q3.tr85). Về giờ nổ súng, ông Gián viết: “Giờ G quy định là 2h30 phút sáng 10/3/1975”. Ông kết luận: “Vậy là đặc công bắt buộc phải nổ súng sớm hơn 25 phút”. (Q3. tr 90).
    Nhưng tôi vẫn chưa gặp được anh Sĩ. Người được anh Liên giới thiệu là Người nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột. Rất gần nhà nhau nhưng khi thì anh Liên mắc điều hành Công Ty Khai thác tận dụng nguyên liệu quý ở tận Sơn La. Khi thì anh đang làm việc cùng Công Ty trên Bá Thước, Quan Hóa thượng nguồn Sông Mã.
    Mãi mùng 2 Tết Giáp Ngọ năm nay, anh Liên bảo, tôi hẹn ông Sĩ rồi. Mùng Mười tháng Giêng này các ông ấy xuống nhà tôi uống rượu. Hôm ấy chú đến nhá.
    Thấp thỏm suốt từ sáng tới trưa. Mãi một giờ chiều anh Thiều Minh Liên mới gọi. Tôi đến ngay lập tức. Anh Liên chỉ vào từng người:
    - Đây là anh Nguyễn Văn Sĩ. Người đã bắn phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột. Đây là anh Nguyễn Văn Cộng. Hai anh cùng làng Trịnh Lọc, bộ đội đặc công cùng nhập ngũ một ngày với tôi và ông Hòa anh ruột vợ chú đấy. Anh Sĩ da xạm, chắc khỏe, ngồi trầm lặng. Anh Cộng người nhỏ nhắn, da trắng, cắm lún phún râu đốm bạc, trông nhanh nhẹn. Sau tay bắt mặt mừng chào hỏi chúc tụng đầu xuân năm mới, tôi nói ngay:
    - Tôi muốn được anh kể thật chi tiết về sự kiện nổ phát súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày 10 tháng 3 năm 1975.
    Anh Sĩ kể ngay:
    - Lúc ấy, tôi ở C3, tức đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn đặc công 198. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh sân bay dã chiến – Sân bay Hòa Bình, Thị xã Buôn Mê Thuột. Trung đội đặc công của tôi có 38 đ/c. Tất cả đang tập kết ở Buôn Sa Vằm, cách Ngã Sáu Thị xã Buôn Ma Thuột 30 km. Tôi là Trung đội phó. Mũi phó 12 người. Tổ trưởng 3 người trực tiếp mở cửa mở cho toàn đơn vị.
    Tôi ngắt lời anh:
    - Anh có nhớ mười hai người trong mũi do anh làm Mũi phó và 3 người do anh làm Tổ trưởng trực tiếp mở cửa mở không? Anh Sĩ lần lượt kể tên từng người: Sơn, Sĩ, Thắng, Hòa, Hoa, Chung, Dụng, Cường, Trâm, Đốc – Chính trị viên Đại đội 3 trực tiếp làm Mũi Trưởng... Tôi – Tổ Trưởng trực tiếp.
    Anh Sĩ bảo, tôi phân công anh Hoa, quê Thái Nguyên, chịu trách nhiệm mang bộc phá. Một quả o,6 kg. Một quả 2ki-lô-gam. Quả 2kg là để đánh vào trung tâm chỉ huy sân bay của địch. Anh Nguyễn Văn Thắng, quê Tuyên Quang, phụ trách B40. Tôi, Tổ trưởng, phụ trách AK.
    - Hai quả bộc phá ấy, quả nào là quả bộc phá lệnh giờ G mở màn cho toàn Mặt trận? Quả bộc phá 2 kg dùng đánh vào Trung tâm Sở chỉ huy sân bay chính là quả bộc phá lệnh cho toàn Mặt trận.
    - Anh có nhớ quả bộc phá ấy là loại chất nổ gì không?
    Anh Sĩ cười hiền lành:
    - Có chứ. Bằng chất nổ C4. Anh Thiều Minh Liên còn giải thích thêm “Một lạng chất nổ C4 này có sức công phá bằng 1000 lít không khí thổi”. Khủng khiếp lắm.
    - Ai trực tiếp giao mệnh lệnh cho anh? Ai cho anh biết giờ G là 2 giờ? Hay anh chỉ biết đến giờ ấy là phải nổ được bộc phá?- Tôi hỏi.
    Như để chắc chắn, anh Nguyễn Văn Sĩ lấy bút bi viết ra tờ giấy: Trước khi xuất kích ở Buôn Sa Vằm, Anh Biều, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2, trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Còn đ/ c Vũ Lăng, Chính Ủy Quân Đoàn trực tiếp định giờ cho C3, 38 người chúng tôi: 2 giờ nổ bộc phá lệnh.
    Không để mạch chuyện đi quá xa chủ đề, tôi kéo anh Sĩ vào câu chuyện.
    - Các anh đã vào Sân bay như thế nào?
    Anh kể:
    - Chúng tôi cắt được bốn hàng rào: Hàng rào tôn cao 2,5m ngoài cùng dựng đứng dưới mương nước cạn; ba hàng rào dây thép gai bùng nhùng. Mỗi hàng rào cách nhau từ 5 đến 10 mét. Hàng rào đơn cuối cùng cách lô cốt đầu cầu 15m. Lúc ấy 1giờ 45 phút.
    Tôi buột mồm hỏi:
    - Sao lại có cầu?
    Các anh cười ồ lên.
    - Không phải có cầu. Cũng không phải lô cốt ở đầu một cây cầu thật. Đó là thuật ngữ chuyên môn của bộ đội đặc công. Cái lô cốt đầu tiên gọi là lô cốt đầu cầu.
    - Anh tiếp đi. Tôi hướng sang anh Sĩ.
    - Bỗng thấy một tên lính gác cách lô cốt đầu cầu gần 10m. Tên lính phát hiện ra tổ đột nhập của tôi. Nó la ú ớ không thành tiếng. Rồi bất ngờ nó lia luôn một băng AR15 . Cùng lúc, toàn sân bay báo động. Xác định đã bị lộ. Tình thế buộc phải nổ súng. Tôi nổ súng diệt luôn tên lính gác. Đồng thời tôi ra lệnh cho anh Hoa, số 1, đánh luôn quả bộc phá 0,6 kg phá hàng rào đơn lao vào.
    - Đây có phải là tiếng bộc phá lệnh mở màn cho chiến dịch Buôn Mê Thuột không? Lúc này là mấy giờ?
    -  Đáng lẽ, phải là tiếng bộ phá 2kg đánh vào Trung tâm sở chỉ huy sân bay cơ. Đây chính là tiếng bộc phá lệnh cho toàn Mặt trận ngoài mong muốn. Lúc này là 2 giờ kém 10 phút.
    Bỏ qua lô cốt đầu cầu. Cả ba chúng tôi lao thẳng vào lô cốt Trung tâm Sở chỉ huy sân bay. Tôi ra lệnh cho anh Hoa đánh bộc phá 2 kg. Rất tuyệt vời là, quả bộc phá của chúng tôi diệt gọn toàn bộ lô cốt Trung tâm chỉ huy này.
    So với giờ G quy định, chúng tôi cho bộc phá lệnh (quả 0,6 kg) nổ sớm hơn 10 phút. Đến 2 giờ, toàn bộ sân bay đã bị chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng không biết dưới chỉ huy sở của chúng có một hầm ngầm nên bỏ sót. Chúng chống cự quyết liệt. Nhưng cứ vài chục phút chúng tôi lại ném một quả thủ pháo vào miệng hầm. Chúng không lên được. Mãi đến gần 10 giờ sáng, chúng tôi dọa đổ xăng đốt chúng mới chịu đầu hàng.

*
    Hầu hết các tư liệu, các bài viết về sự kiện này đều nói rất khái quát. Điểm chung là, tất cả các bài viết khẳng định bộ đội đặc công Trung đoàn 198 nổ súng đánh sân bay Hòa Bình mở màn chiến dịch nhưng không viết cụ thể: Ai đã được giao nhiệm vụ nổ phát súng mở màn cho toàn chiến dịch? Giờ G là mấy giờ? Rồi tôi đọc cho ba anh nghe những đoạn tôi ghi chép được nói về sự kiện tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột:
    “Bách khoa toàn thư” trong Wikipedia, Mục 3.2, tiêu đề “Trận Buôn Ma Thuột”, thời khắc nổ súng mở màn chiến dịch được viết ngắn gọn như sau: “2 giờ sáng 10 tháng 3 năm 1975, cuộc tiến công của QĐNDVN vào buôn Ma thuột bắt đầu với các trận đột kích sâu của trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của trung đoàn 53 (QLVNCH) với sự yểm hộ của hỏa tiễn tầm ngắn ĐKB và H- 12”. Như vậy là, 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, tất cả các trận đột kích sâu của Trung đoàn đặc công 198 cùng nổ súng”. Cách diễn đạt của câu văn “bắt đầu với các trận đột kích sâu của trung đoàn 198” cũng không chính xác. Rất chung chung. Không có súng lệnh hay bộc phá lệnh?
    Bài “Tây Nguyên – Chiến dịch mở màn Lịch sử” của Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu (Lược ghi theo lời kể của cố Thượng Tướng, GS Hoàng Minh Thảo) in trên Báo QĐND, ra thứ 3, ngày 19 tháng 03 năm 2013 cũng ghi về sự kiện này như sau: “Ngày 10/3/1975, lúc 2 giờ sáng, ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột”. Thời gian nổ súng lệnh ở đây cũng được ghi là 2 giờ. Nhưng câu “ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột” thì không rõ “ ta” là bộ phận nào? Ai? Hay toàn Mặt Trận?
       Trong cuốn “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng Tướng, GS Hoàng Minh Thảo, Phần 1 “Nhớ lại trận then chốt chiến dịch”, mục nhỏ với tiêu đề “Ngày 10 tháng 3 bắt đầu”, Thượng Tướng viết: “Đúng 2 giờ (có chênh lệch từ 5 – 10 phút) khi đặc công và pháo binh, pháo cao xạ của ta bắt đầu vượt sông Sê–rê–pốc, cùng các đơn vị, các binh chủng trên các hướng, các mũi theo thứ tự tiến vào vị trí triển khai chiến đấu”. Ngay đoạn tiếp theo, cùng trang, Thượng Tướng, GS Hoàng Minh Thảo lại viết: “Đúng 2 giờ 3 phút ngày 10 tháng 3 các đội 1, 9, 18 Trung đoàn đặc công đã nổ súng tiến công sân bay thị xã”. Tôi không dám bình luận gì về tính chính xác của tư liệu trong hai đoạn văn trên. Xin dẫn một tư liệu nữa về sự kiện này.
    Trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” của Đại Tướng Văn Tiến Dũng, chương 6, với Tiêu đề “Đòn đánh trúng huyệt”, Đại Tướng viết: “Đúng 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, bộ đội đặc công nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và và kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột”.
    Anh Sĩ bảo:
    - Đúng là Tướng viết thì không được bàn thật. Nhưng các vị ấy cũng chỉ nghe cấp dưới báo cáo lại thôi. Có ai trực tiếp đâu. Ngay như ông Hoàng Minh Thảo, ở hai tư liệu cũng có sự không thống nhất. Một thì viết đúng 2 giờ ngày 10 tháng 3 năm 1975. Một lại viết đúng 2 giờ (có chênh lệch từ 5 đến 10 phút!) Còn Đại Tướng Văn Tiến Dũng viết “đúng 2 giờ… bộ đội đặc công nổ súng sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho Mai Hắc Đế”. Đó là cách viết tổng quát cả chiến dịch. Làm gì có chuyện đồng loạt cùng nổ súng như thế. Vả lại, 2 giờ cũng không đúng. Chính xác là 2giờ kém 10 phút, thằng lính gác của ngụy phát hiện thấy chúng tôi. Nó bắn một loạt AR15. Ngay lập tức, tôi lia một loạt AK. Nó chết tại chỗ. Không đến một phút sau, tôi ra lệnh cho anh Hoa đánh quả bộc phá 0,6 kg phá hàng rào đơn. Nếu tính tiếng bộc phá lệnh cho Mặt Trận, thì 2 giờ kém 10 phút là đúng nhất.
    Tôi đọc lại đoạn Nhật ký và Hồi Ký của ông Trịnh Hữu Gián “2h địch đã phát hiện thấy ta”. “Song so với thời gian giờ G quy định là 2h30 phút sáng 10 / 3 / 1975 …đặc công bắt buộc phải nổ súng sớm hơn 25 phút”. ( Q3. tr 90 ).
    Tôi hướng về các anh:
    - Đoạn này có vẻ rất tin cậy. Ông Gián vừa chiến đấu, vừa là chỉ huy của anh. Chẳng nhẽ ông viết lại không đúng”?
    Một cuộc bàn tán sôi nổi bùng lên. Anh Thiều Minh Liên, anh Cộng, anh Sĩ đều chung một ý. Chỗ này có vẻ ông Gián nhầm lẫn. Không thể có chuyện nổ súng sớm hơn 25 phút được. Đánh phối hợp phải hợp đồng chặt chẽ. Nếu nổ súng sớm, các đơn vị khác chưa tập kết được, pháo, xe tăng, bom xăng của địch chỉ trong chốc lát nó diệt hết. Làm sao có chuyện sớm hơn so với quy định 25 phút. Cứ theo ông Gián viết, giờ G là 2h30 phút. Nổ súng sớm 25 phút. Vậy bộc phá lệnh sẽ nổ lúc 2h5 phút? Không đúng. Thực tế, chúng tôi đã nổ bộc phá lúc 2 giờ kém 10 phút. Đó là tiếng bộc phá đầu tiên trên toàn Mặt Trận. Còn quả bộc phá 2 kg, được giao đánh Trung tâm Sở chỉ huy sân bay làm bộc phá lệnh cho toàn Mặt Trận thật sự thì lại nổ sau quả bộc phá 0,6 kg vài phút.
    Tôi nói vui:
    - Chiến công có ý nghĩa Lịch sử to lớn thế sao từ trước tới nay không thấy báo chí nào viết về các anh?
    Anh Sĩ chậm dãi:
    - Viết cái chi. Cả nước mềnh (mình) có bao nhiêu trận đánh Lịch sử. Ai cũng đưa, ai cũng viết, ai cũng đòi kỷ niệm Nhà Nước mềnh lấy của mô.
    - Các anh có được tặng thưởng Huân huy chương gì không?
    Vẫn cái giọng hiền lành thật thà, anh Sĩ đáp:
    - Có được thưởng Huân chương Giải phóng nhưng là thưởng hồi đánh Cù Kiệt bên Lào chứ không phải trận Buôn Mê Thuột. Trận này chỉ được Bằng Khen thôi.
    - Sao lại thế? Các anh phải được phong Anh Hùng mới phải.
    Anh Sĩ nói ngay:
    - Không phải kỷ luật bắt đi tù là may lắm rồi chứ còn đòi Anh Hùng?
    Tôi ngạc nhiên:
    - Tại sao lại Kỷ luật? Tại sao lại đi tù?
    Biết tôi không hiểu, Anh Sĩ, anh Liên, anh Cộng cùng giải thích: Chú ơi, đánh hợp đồng binh chủng đòi hỏi giờ nổ súng (gọi là giờ G đấy) phải rất chính xác. Nếu nổ sớm năm sáu phút thôi thì tác hại vô cùng to lớn. Có khi nướng cả Trung đoàn, cả Sư đoàn hoặc mấy Sư đoàn ấy chứ. Đằng này sớm 10 phút. May là mình giải quyết gọn gàng sân bay, sở chỉ huy, tổng kho Mai Hắc Đế và toàn mặt Trận tháng lợi giòn giã mình mới được Bằng khen. Chứ nếu trục trặc thì tù thật chứ tù bỡn à. Mà chưa chắc mềnh (mình) có còn mà về để đi tù nữa không tê! Nói như thế để thấy, việc ông Gián nói đặc công nổ súng sớm 25 phút so với quy định và giờ G là 2 giờ 30 phút là không có cơ sở.
    Sau một hồi tranh luận, anh Sĩ tâm tình:
    - Nếu không nổ súng sớm 10 phút so với quy định chắc cũng được anh Hùng đấy. Vì trước lúc xuất phát, phóng viên mặt Trận đã chụp ảnh 38 chúng tôi rồi còn.
    Tôi hỏi ngay:
    - Anh có còn giữ được tấm ảnh ấy không?
    Anh Sĩ đáp:
    - Mãi ngày mùng 10 tháng 3 năm ngoái, khi Ban Liên lạc những người lính đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên mời họp mặt, dưới sự bảo trợ của ông Nguyễn Văn Khai Chủ tịch Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long, chúng tôi cũng mới được gặp nhau. Tôi mới biết có ảnh chứ trước đây họ chụp lúc nào mình có biết mô.
    - Thế là sau 38 năm?
    - Vâng.
    - Trong số 38 người được giao làm nhiệm vụ đặc biệt ấy có hy sinh người nào không?
    - Rất may,- Anh Sĩ đáp,- Chúng tôi chỉ hy sinh có hai người. Còn lại đều sống cả. Nhưng chỉ có anh Hoa, người trực tiếp đánh hai quả bộc phá là đến bây giờ vẫn chưa liên lạc được.
    Tôi động viên, chắc chắn là các anh sẽ liên lạc được thôi. Chuyện trò râm ran hẳn lên. Gần như chốt lại buổi gặp mặt, tôi hỏi anh Sĩ:
    - Kỷ niệm nào nhớ nhất trong cuộc đời bộ đội đặc công chiến đấu của anh?
    Anh Sĩ cười:
    - 2 giờ kém 10 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975 chắc chắn là kỷ niệm sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời lính đặc công của tôi.
    - Cảm ơn anh. Cuộc gặp gỡ với anh hôm nay chắc chắn cũng là một kỷ niệm không thể quên đối với tôi. Tôi đã biết được sự thật về tiếng súng mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975.
                                                                                                                                                  18.2.2014
                                                                                                                                 Nguyễn Minh Khiêm

    Lời nhắn: Tôi Nguyễn Văn Sĩ, đơn vị C3, D2, Trung đoàn đặc công 198, nhắn tìm đồng đội tôi là Hoa (không nhớ họ). Anh em cùng đơn vị thường gọi anh là Hoa Đốm, Hoa Sứt, quê Thái Nguyên ( không rõ huyện. Hình như ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Dáng người anh đậm, da trắng, mặt tròn, mắt hơi sếch, lông mày đen. Trong trận đánh mở màn Thị xã Buôn Mê Thuột sáng ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975, Hoa số 1, cắt rào mở cửa, đánh bộc phá. Tôi, sĩ Đen, Thanh Hóa, số 2, AK, Tổ Trưởng. Thắng, Tuyên Quang B40, số 3.
    Từ năm 1976, chia tay nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa được gặp lại. Nếu nhận được tin nhắn này, anh hãy liên lạc với:
    1. Nguyễn Văn sĩ, Yên Phú, Yên Định, Thanh Hóa. ĐT: 0167 9850 520
    2. Nguyễn Văn Thắng, TP Tuyên Quang. ĐT: 0942 496 266.


Tiêu diệt Sư đoàn 23 trong chiến thắng Buôn Ma Thuột















Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen