Seiten

Samstag, 12. April 2014

Nhạc Sĩ Anh Bằng- Một Đời Cho Âm Nhạc, nhìn lại sau hơn 50 năm sáng tác



Khi nghe CD “Anh Còn Yêu Em…” trình làng trong năm 2008 của Anh Bằng (phổ thơ Phan Thành Tài) cùng với “Khúc Thụy Du” (phổ thơ Du Tử Lê), chúng ta thấy mélody qua dòng nhạc của người nhạc sĩ từng trải mênh mang như sóng nhưng cũng trổi dậy căng tràn nhựa mới.

Người phụ trách nhạc yêu cầu trên SBTN-TV, Orchid Lâm Quỳnh cho biết “Anh Còn Yêu Em” là ca khúc top hit được yêu cầu liên miên trên truyền hình. Với lời thơ: “Anh còn yêu em, Nụ hôn sim tím, áo nhàu qua đêm” “Anh còn yêu em, như rừng lửa cháy, anh còn yêu em, như ngày xưa ấy, Anh còn yêu em, đường xanh ngực nở, Anh còn yêu em lồng tim rạn vỡ, anh còn yêu em, bờ vai mười sáu… Nồng nàn hương ấm ”, và “ Bạch đàn thâu đêm, Thầm thì tóc rũ … chiều xuống mờ sương, cửa đóng rèm buông- Gối kề bên gối, môi kề bên môi “… “ Buồm trăng dương cánh, khi biển triều lên, sóng xa êm đềm” “Anh còn yêu em- Chênh vênh mi buồn”, mélody của ca khúc này bắt được bằng những rung động của lời thơ, như chính Anh Bằng là người làm thơ, sống động như đó là nội dung cuộc sống của ông.


Đồng thời còn có những bài hát khác cũng phổ từ những lời thơ như “ Anh còn yêu em, bờ vai 16” hay “Anh biết em đi chẳng trở về ”, nghe âm điệu cứ như là những ca khúc trẻ nào như của lứa tuổi mới lớn, 18- đôi mươi của ông từ trên nửa thế kỷ trước “Nỗi Lòng Người Đi”: “Tôi Xa Hà Nội năm lên 18, khi vừa biết yêu…”. Nên CD “ Anh Còn Yêu Em” xuất hiện năm 2008, Anh Bằng như trở lại thời mới lớn khi vừa mới biết yêu? Từ đấy, người thưởng ngoạn hình dung được rằng: Anh Bằng sáng tác bởi chính cuộc sống lãng mạn rung cảm đắm say của ông.
Tại sao?
Cuộc đời của Anh Bằng, sinh năm 1925, đã trải dài ra, từ “những đồi sim” lớn lên thời có cao trào kháng chiến Văn Cao, Hữu Loan (thập niên 1940- 1950), ở vùng cửa Thần Phù Điền Hộ, Thanh Hóa, tới những đêm lắng nghe tiếng hàng bạch đàn gió lay, như tóc xoã ở Quy Nhơn (1957 và thập niên 1960). Đến Hoa Kỳ tiếp sáng tác những ca khúc sáng tác từ cảm nhận khi sống bỡ ngỡ những năm đầu tỵ nạn, bát ngát đồi hoa tím ở thành phố nhỏ dưới 5,000 dân ở (Enumclaw) thuộc Tiểu Bang Washington tới Quận Cam: Rung cảm khi nhớ lại đồi ấu thơ, cánh buồm căng tuổi trẻ và chênh vênh ở tuổi bất cứ nào khi nhìn nhau qua hàng mi buồn nuối tiếc- Chênh vênh như gần như xa- bên nhau trong quán trên đồi gió cao, như thấy sóng biển, lảo đảo chênh vênh mất mát.. những hứng khởi trữ tình rất mới vượt qua lằn ranh thời nhạc phổ thông trở thành trữ tình mang tính thính phòng, sang cả và “ấn tượng” với cảm hứng từ thơ “mới” Du Tử Lê, Nguyễn Khoa Điềm, B.H., Phan Thành Tài … mang cho ông một vóc dáng cuốn hút thính giả những ấn tượng mới mẻ lịch lãm và sang cả…
Theo nhà văn Trần Khánh Liễm: ”Ba Làng có hai vườn thông thật đẹp và đầy mơ mộng, mà những ai thích nhạc đều ra đó để lấy cảm hứng. Những buổi chiều Chúa Nhật các tu sĩ của Tiểu Chủng Viện thường lên núi Thủi chơi. Nơi này có những đồi hoa sim trùng trùng lớp lớp- mấy trăm mẫu trải dài cho tới sườn núi và tận cùng ra tới biển với những tảng đá to lớn phía cạnh bãi. Những đêm khuya khi trời đẹp chỉ nghe tiếng sóng êm từ từ đổ, để ru hồn người vào giấc đông miên.. Còn khi biển động thì … ôi thôi, sóng lớn như vỡ bờ! ”
Trong đời sống thực, Anh Bằng đã rời Sài Gòn trong chuyến bay từ Tân Sơn Nhất vào ngày 29 tháng Tư, cùng với vài người con, trong số đó có Thy Vân vừa tuổi trăng tròn, Sơn, Dân nhưng vợ ông và người con gái tên Yến (Nam) còn kẹt lại, đi sau. Ông đến trại tị nạn Fort Chaffee-Arkansas, được một phi công (Mr Tom) của hãng hàng không Alaska bảo trợ đến Connecticut, rồi sau đó đạo diễn Trần Thăng giúp về định cư tại Enumclaw, ngoại ô Seattle. Tại đây, Thy Vân đã tốt nghiệp trung học, trước khi cả gia đình (thêm Trần Ngọc Sơn, Trần An Thanh) di chuyển về ở Quận Cam và chủ trương Trung Tâm Asia. Tên các con của ông từng được đặt nói lên tấm lòng của ông như: Dân, Việt và Nam…
Và phải chăng như nhà thơ Du Tử Lê thổ lộ trong đoạn “ Hãy nói về cuộc đời- khi tôi không còn nữa!! ”
“Hãy nói về cuộc đời”: Ngay khi tác giả nay còn sống quanh ta đâu đây, thì đáng quí hơn là khi tác giả đã ra đi mất rồi, mới ca tụng chiêu hồn sao?
* “Nỗi Lòng Người Đi”… Tôi Xa Hà Nội, khi lên 18 khi vừa biết yêu”...
Anh Bằng sinh ra và lớn lên tại vùng đất phù sa Tân Bồi, Thần Phù, làng Điền Hộ- Thanh Hóa. Năm 1951, người anh của ông là Đại úy Trần An Lạc, chỉ huy trưởng Lực Lượng Tự Vệ của Đức Cha Lê Hữu Từ, bị Việt Minh lùng bắt gắt gao. Cùng lúc Việt Minh muốn đe dọa Đại úy Trần An Lạc, nên đã dọa trấn áp cả các người anh em là: anh cả, nhạc sĩ Trần Văn Mão và hai người em, là ông Trần Tấn Mùi (trước 1975 là dân cử của Tỉnh Lâm Đồng-VN) với cậu em út Anh Bằng nhỏ tuổi, để tiêu diệt lòng cương quyết bảo vệ khu tự trị do lệnh của Giám Mục Lê Hữu Từ, … vì ông chỉ huy trưởng Tự Vệ-Trần An Lạc vẫn không chịu ra hàng!!
Vì Anh Bằng không ra khỏi “vùng Tề” và khu Tư (từ Thanh Hóa tới Nghệ An) để trốn tránh như các người anh khác, nên đã bị bắt, bị kết án và đi tù Lý Bá Sơ… Mãi đến khi Việt Minh ám sát được Đại Úy Trần An Lạc, người không ở trong quân đội, nhưng từng xuất ngoại, kể cả Tân Gia Ba, (trong lúc ông này ngồi trên xe jeep chỉ huy từ tòa Đức Giám Mục Lê Hữu Từ đi ra, bị mai phục bắn hạ-ngay cổng Tòa Giám Mục Phát Diệm, từ đó án đe dọa cho mấy anh em mới không còn nhắc tới đe dọa nữa. Theo lời ông Thơ Đường-Phạm Ngọc Pháp, phụ tá Linh Mục Nhạc (tại Ấp Hàng Dầu-Chí Hòa có Giáo Xứ An Lạc) kể rằng tên giáo xứ An Lạc- Chí Hòa  đã được đặt cho một xóm họ đạo di cư tân lập sau 1957 ở ngoại ô Sài Gòn- vùng Ông Tạ). Nhưng ông Anh Bằng vẫn còn bị giam tù với những cực hình khắt khe, trong khoảng thời gian Tây nhẩy dù xuống Phát Diệm, Việt Minh đang nỗ lực chuẩn bị mặt trận Điện Biên Phủ. Rồi Pháp thua trận Điện Biên, rồi mãi cho đến khi có Hiệp Định Genève thì mới được thả- gia đình đi đón Anh Bằng về. Thân hình đúng nghĩa chỉ còn “da bọc xương”, mang theo trí nhớ một ca khúc Anh Bằng viết trong tù: “ Tiếng Hò Sông Chu”, là con sông chảy ngang trong ký ức người tù. Anh Bằng đưa vợ con vào Nam. Vợ ông, Trần Thị Khiết, người bạn đời giản dị bình thường, vẫn gắn bó chung dưới một mái nhà Quận Cam trên 60 năm qua..
Nhiều người dân làng còn nhắc nhớ, nhà văn Trần Khánh Liễm nói: “có một thời 3 anh em ông Anh Bằng, có người anh cả là nhạc sĩ đàn harmonium và phong cầm rồi đến hai “ca sĩ” Trần Tấn Mùi và Anh Bằng là các giọng hát chính: Ông Trần Tấn Mùi là giọng hát nam solo, hai anh em cùng có giọng hát nổi tiếng át hẳn bạn đồng lứa”.
Các tiếng đàn tiếng hát đồng lớp với Anh Bằng lúc bấy giờ là Linh Mục Hương Tiến, Linh Mục Đinh Trí Thức, ông Ninh Phúc Duật, và Trần Khắc Kỷ (cụ Chánh Kỷ đã qua đời gần đây tại Nam Cali), cũng như một số bạn lớp trên như Linh Mục Thanh Lãng, GS Phạm Việt Tuyền, LM Nguyễn Duy Vi, Nguyễn Hữu Chỉnh, Đức Giám Mục Nguyễn Sơn Lâm, LM Trần Khắc Hỉ (học trên 2 lớp), Vĩnh Phò, Phạm Tế Mỹ, chánh án toà nhân dân Phan Ngọc Hoan (thân phụ của cựu viên chức Tình Báo Trung Ương thời Nguyễn Văn Thiệu-Phan Ngọc Huấn, cũng là bố vợ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa), những người trong làng danh tiếng như Sơn Điền-Vũ Ngọc Ánh, Sư Huynh Phạm Ngọc Hóa (hiệu trưởng LaSan Taberd/ Viện Đại Học La San), Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Cung (cùng người Điền Hộ), giám đốc Viện Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, thân phụ ông Cung là cụ Bố Chánh Tỉnh Thái Bình Nguyễn Lập Lễ. Ngoài ra, Anh Bằng cũng là lớp đàn anh tại Ba Làng của Trần Khánh Liễm, Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Gia Hiến, Nguyễn Tiến Hỷ (học trên Anh Bằng 2 lớp), Đàm Quang Hưng, TS Nguyễn Xuân Phong, TS Nguyễn Tiến Hưng (phụ tá Tổng Thống, đặc trách Liên Bộ, đặc trách kế hoạch VNCH), trẻ nhất là nhạc sĩ Trường Sa, GS Phạm Thiên Hùng, Trần Anh Liễn. Đồng thời một vài nhân vật kể trên cũng đều là bà con họ hàng, làng nước với nhạc sĩ Anh Bằng. Sau ngày gia đình đón từ Lý Bá Sơ (Trại Giam Số 5) năm 1953 trở về làng Điền Hộ. Cũng có người kể lại ông có thời từng lên võ đài tranh giải Quyền Anh trước khi chuyển ra Nam Định và Hà Nội trước khi theo làn sóng di cư vào Nam, trôi dạt không có một mảnh giấy tờ, lý lịch nào của những năm học chuyên cần, xuất sắc từ Ba Làng nữa.
Những người bạn đồng trang lứa hoặc nhỏ tuổi hơn nhưng có đầy đủ giấy tờ bằng cấp từ những năm học Ba Làng, thì đã được giữ những chức vụ khá lớn. Còn Anh Bằng sau tháng năm tù đầy trở về với hai bàn tay trắng, may nhờ vào Pháp ngữ rất thông suốt, Anh ngữ cũng khá giỏi và cũng nhờ thời gian tự học với một vài trí thức trong tù, ông lại trở thành một nghệ sĩ sáng tác nhạc. Trách vụ này, ông đã đa mang trên vai tròn suốt một đời sau đó.
Vào Nam, ông phục vụ quân đội trong ngành Công Binh từ 1957, ở Quy Nhơn (lúc ấy Thy Vân mới vừa ra đời sau các anh chị mang tên: Dân, Việt, và Nam). Sau đó ông được chuyển về Tiểu Đoàn Chiến Tranh Tâm Lý nhờ sáng tác các vở kịch đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, suốt thời gian này gia đình nhạc sĩ Anh Bằng từ xa thỉnh thoảng liên lạc với họ hàng anh em.
Giải ngũ năm 1962, khi đang được trọng dụng nhờ tài năng văn nghệ trong Tiểu Đoàn Chiến Tranh Tâm Lý, ông liên lạc lại được với anh em họ hàng ruột thịt, sau đó ông cùng vợ con về sống tại Bà Chiểu. Đây là quãng thời gian ông sáng tác rất mạnh, và gắn bó chặt chẽ gần gụi với các hệ thống truyền thanh Quốc Gia và tư nhân.
* Tâm hồn nhạc sĩ luôn sống động, như mãi vẫn tươi mới.
Trong khoảng thời gian 1956-1958, Anh Bằng soạn vở kịch thơ dài khoảng 3 giờ “Đứa Con Nuôi” đoạt giải thưởng hạng nhất của giải thưởng văn học nghệ thuật và kịch nghệ của Tổng Thống VNCH. Liên tiếp những năm sau đó, ông soạn thêm những vở kịch nổi danh thời ấy như: Hoa Tàn Trên Đất Địch, Lẽ Sống và Nát Tan…
Những vở kịch này đã được các đài phát thanh diễn lại nhiều lần, nhưng chẳng ai biết Anh Bằng là tác giả! Ông thích sống đời nghệ sĩ tự do, và phát triển trong lãnh vực sản
xuất âm nhạc, phát thanh, ông liên tiếp có nhiều tác phẩm “best seller” và lập nhiều cơ sở kinh doanh liên hệ đến ca nhạc, như 3 quán ca nhạc Làng Văn, gần sân vận động Hoa Lư, một quán khác tại Ngã Tư Bẩy Hiền…
Cuộc sống vẫn thật yên tịnh, ông luôn tự chế, chỉ muốn là người nghệ sĩ hết sức lãng mạn, nhưng không bao giờ đi quá xa, và giữ được vai trò người cha gương mẫu trong gia đình, một nghệ sĩ chừng mực, nghiêm chỉnh sáng tạo.
Nhờ tài năng diễn xuất kịch nghệ, được trọng dụng trong quân đội một cách công bằng, ông luôn khiêm tốn, chừng mực. Là tác giả không ai ngờ được của các khẩu hiệu tuyên truyền, các bài viết chiến dịch cho “Binh Méo-Cai Tròn”, “Huynh Đệ Chi Binh” thường được ban hài hước nổi tiếng nhất thời ấy là “Ban kích động nhạc AVT” trình bày, với mục đích nêu cao tâm tình của người lính, tránh chia rẽ.
Nhạc sĩ Anh Bằng thường nhớ lại những năm cuộc chiến cao độ, thính giả ái mộ và yêu mến ca nhạc chính là anh em quân nhân tiền tuyến hoặc hậu phương và những người tình, người thân yêu của lính… Đó là thời thành tựu của những ca khúc hát mỗi ngày, trên hệ thống Phát Thanh Thương Mại tại Sài Gòn. Khi ca khúc “chạm” đến trái tim người nghe rồi sẽ được yêu mến, đón nhận, chỉ giản dị thế thôi… Như ”Nửa Đêm Biên Giới”, “ Căn Nhà Ngoại Ô”…v.v… dành cho đại chúng, và sau này ”Khúc Thụy Du”, hoặc cuối đời: “Anh Còn Yêu Em”, thoả mãn cả mọi thính giả dù là kén chọn nhạc, khó tính, thích nội dung bài hát có chiều sâu ý nghĩa, hay là đại chúng thính giả ưa nhạc đa sầu đa cảm.
Cũng như những năm ở hải ngoại này (lần thứ nhì lập nghiệp trở lại, cũng giống như bao nhiêu năm trước tại quê nhà, vẫn bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng), sáng tác của Anh Bằng có thêm những nét xúc cảm mới, đưa vào dòng nhạc mélody của sức sống mới dựa trên kho tàng âm nhạc Việt, bằng xúc cảm vượt trội hơn cả so với những nhạc sĩ đã thành danh trước đây. Lớn lên trong âm hưởûng dân ca, những ca khúc từ giáo đường, thời lên 6 tuổi đã “kéo” đàn Nhị lưu loát…
Những người hát nhạc Anh Bằng, như Nguyên Khang, Y Phương, Thiên Kim, Hoàng Anh Thư họ thể hiện thật tươi mới qua các DVD và CD Asia trong vài ba năm gần đây… Họ cũng khiến ta liên tưởng tới mươi năm trước với Như Quỳnh, Mạnh Đình tiếng hát sở trường những khúc hát mộc mạc bình dị như “Chuyện Tình Hoa Trắng”, “ Chuyện Giàn Hoa Thiên Lý, Cô Bé Môi Hồng, “Chuyện Tình Hoa Sim”, bài hát ra đời sau nhưng vẫn tươi mới hơn những ca khúc tương tự về đồi hoa sim thơ Hữu Loan, đã vang dội sân trường Thanh Hóa (quê Hữu Loan), nối lên cùng với Sông Lô của Văn Cao rung động cả vùng khu Tư, trong lúc ấy Anh Bằng đang được các Linh Mục giáo dục và cho học thuộc các sách nhạc như Cantique de la Jeunesse của nhà dòng.
Từ thập niên 1965-1975, với những ca khúc top hit như: Nếu Vắng Anh, Giấc Ngủ Cô Đơn, và khi sang đến hàng loạt sáng tác như “Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3.. ” ra đời cùng với các nhạc phẩm khác của hãng dĩa Sóng Nhạc, cũng như hợp tác thêm với hãng dĩa Continental, Sơn Ca bằng những hợp đồng “ăn khách”..
Một hai nhạc sĩ tên tuổi đã cùng xác nhận: “lúc ấy Anh Bằng đã là người nhạc sĩ sống rất phong lưu, bằng tài riêng và sự chuyên cần, hoàn toàn do tự mình tạo ra; đi lại bằng xe Toyota tư nhân mới, tiền bạc vô nhiều không kể”, “không nhạc sĩ sáng tác hoặc nhà văn có tác phẩm nào có thể giầu bằng”.
Có nhiều người vẫn nêu câu hỏi: “Tại sao tác giả Anh Bằng lại sống thầm kín, khiêm cung, tránh cho in hình (dù là một nghệ sĩ … rất ăn ảnh) và tránh trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí?..”
Có lẽ phải hiểu được ông vì bị chi phối bởi quan niệm cổ về nghiệp “xướng ca…”: Dù rất thành công về tài chánh và trở thành ‘bố già‘ trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu, ông không hề khuyến khích hoặc đào tạo con cháu nối tiếp đường đi của ông, ngoại trừ một khi lớp hậu duệ tự ý thức và tự chọn lựa.
*Trọn cuộc đời giữ tâm hồn thơ và mộng: Anh Còn Yêu Em
Khởi đi từ những năm xa xưa mới đến Hoa Kỳ và định cư tại một thành phố nhỏ của Tiểu Bang Washington trước khi về Cali chủ trương một trung tâm ca nhạc đã lớn mạnh và rất danh tiếng hiện nay, nhạc sĩ Anh Bằng tâm sự rằng: “trong tủ thơ của mình có trân trọng hàng ngàn tập thơ và các sáng tác của nhiều tác giả thương mến gửi tặng, Anh Bằng trân trọng từng bài thơ, đọc thường xuyên rất kỹ, không bỏ sót..”
Theo lời ông, “tác giả rất quý mến những ca sĩ hát nhạc Anh Bằng truóc đến nay”. Mới đây nhất qua ca khúc Anh Còn Yêu Em, như Nguyên Khang, Y Phương, Thiên Kim, cũng như xa xưa có Trang Mỹ Dung với Hai Mùa Mưa, Phương Dung, Thanh Thúy, Thanh Tuyền.. đầu thập niên 1980 ở hải ngoại có Lệ Thu, Ngọc Lan, Hải Lý. Họ hát Hạnh Phúc Lang Thang rồi đến Như Quỳnh mà theo lời ông những tiếng hát hát thành công đoạt trong list nhạc top hit.. Tất cả, cho dù bao giờ, lúc nào ông cũng đều dành cho những tiếng hát nhạc của mình: sự cảm mến… Dù mười năm qua, ông không còn thưởng thức qua thính giác được tiếng hát nào qua thanh âm nữa. Có chăng ông chỉ còn ân cần xem lại hình ảnh, qua DVD và ghi nhận từ những lời khen ngợi, cảm kích của thính giả.
Nhạc sĩ Anh Bằng cho rằng dù nhà thơ Phan Thành Tài (thơ phổ cho ca khúc Anh Còn Yêu Em) chưa nổi tiếng “nhưng thơ có hồn, thơ gây cảm xúc cho người viết nhạc”… và ‘cả hai ca khúc “Anh Còn Nợ Em” và ”Anh Còn Yêu Em” đều hay’. Trong ca khúc này, ta thấy mênh mông cả khung trời Thanh Hóa, rồi đến Quy Nhơn và quãng đời lưu vong tại Garden Grove, Quận Cam, tất cả đều phảng phất nét lãng mạn chôn dấu.
Điểm đặc biệt là có một vài ca khúc tác giả rất bằng lòng thì lại không được đón nhận mạnh, còn một số ca khúc tác giả không thích lắm thì lại được đón nhận nồng nhiệt (tuy vậy Anh Bằng cũng nói rằng: trường hợp này ít khi xảy ra…) – Có những tập thơ hay (đối với chủ quan của Anh Bằng), ông nói: “mình đọc đi đọc lại nhiều lần- thấy sung sướng” và “ngược lại cũng có những bài thơ của các tác giả danh tiếng nhưng lại vẫn chưa tìm ra được nét ưng ý để phổ thành ca khúc… Tác giả BH nhận định: “Tâm hồn nhạc sĩ Anh Bằng qua thính giả khắp nơi ghi nhận, càng những năm về sau Anh Bằng càng thơ mộng, trẻ trung, yêu thiết tha cuộc đời này, âm nhạc đã mang tâm tình vang xa..”.
* Những ca khúc nổi như cồn rất hiện tượng, thời thập niên 1960
Nếu Vắng Anh là ca khúc đầu tiên của Anh Bằng được in trên bản nhạc giấy với số lượng bán rất cao (đó là nét đặc thù của nền âm nhạc miền Nam- trước 1975) và cùng thời trên dĩa Sóng Nhạc-Asia qua tiếng hát Lệ Thanh, tiếng hát sắc sảo rất hay, nhưng ít chịu xuất hiện trên sân khấu hoặc chịu in hình ca sĩ trên bài hát ngày ấy. Ca khúc thứ nhì lại là Thanh Thúy được mời trình bày mang tên: Giấc Ngủ Cô Đơn, và kế đến là tác phẩm thứ ba mang tên: Đôi Bóng với Phương Dung rồi sau đó mới đến Lẻ Bóng một lần nữa lại được Thanh Thúy trình bày. Nhưng trước khi cho ra mắt 4 tác phẩm được các ca sĩ thượng thặng thời đó trình bày, Anh Bằng còn có Tiếc Thầm, (một ca khúc cổ võ cho cao trào đi quân dịch, bảo vệ đất nước tự do cho người dân) ít người nghĩ đến tên tác giả, đã do ban AVT trình bày lần đầu được phát nhiều lần trên màn ảnh truyền hình mới ra đời được chiếu lớn trên toàn quốc cho đợt thử nghiệm truyền hình đen trắng, chưa hết lại còn những bài hài hước Anh Bằng dựa trên ý thơ Hồ Xuân Hương, khiến ai cũng nhớ, cũng cười thoải mái với Em Tập Vespa, hoặc Đánh Cờ… không phải của Lữ Liên. Riêng bài Huynh Đệ Chi Binh thì lại là một đề tài phẩm bình về sự chia rẽ trong quân đội rất ý nghĩa khi kêu gọi đoàn kết giữa hàng tướng lãnh để chống Cộng, bảo vệ người dân..
Trong sáng tác mạnh mẽ bội phần với thời trước 1965, Anh Bằng liên tiếp cho ra đời: Nửa Đêm Biên Giới, tiếng hát Thanh Thúy, Tiếng Ca U Hoài (một trong những ca khúc tác giả rất thích, rất hài lòng và biết được rằng không thành công như những ca khúc khác), sau đó là những ca khúc mở lối cho cao trào phát thanh thương mại như: Hai Mùa Mưa, Căn Nhà Ngoại Ô, Gõ Cửa.. cùng với cả trăm sáng tác khác, với nhiều khúc hát slogan, khúc hát chiến dịch tuyên truyền mà Anh Bằng viết không cần lưu lại tên tác giả dù với ông, không một việc làm hoặc sáng tác nào mà ông coi nhẹ, không đặt trọn vẹn trái tim với tinh thần phục vụ.
Tên của từng bài hát và tiết tấu cùng chọn ca sĩ thời bấy giờ nằm trong tay nhạc sĩ, sự tìm chọn ca sĩ, tập luyện và cùng nhau đi thu băng chung cả là một công trình kéo dài cả tuần lễ, và nhạc sĩ vừa có quyền vừa thể hiện vai trò rất quan trọng trong tiến trình trình diễn… Cho đến khi “Chuyện Tình Lan và Điệp 1, 2, 3…” ra đời đã đánh dấu mức cực thịnh của những fans ái mộ và nhu cầu nghe, thưởng thức loại nhạc tình cảm gần gụi của Anh Bằng.
Sau đó sáng tác “Chuyện Tình Trương Chi” tuy số thu có thua Chuyện Tình Lan Và Điệp nhưng thính giả đại đa số vẫn khát khao thưởng thức và mua các bản nhạc giấy xuất bản với số lượng đáng kể, và số thu tài chánh đã vượt trội một ca khúc có tựa đề tương tự , đó là “Khối Tình Trương Chi” của nhạc sĩ thành danh Phạm Duy: Dù ca khúc ký tên Phạm Duy này là loại nhạc noble, được đánh giá sang cả, nhưng ít ai bỏ tiền ra mua nhạc giấy bài này, hoặc yêu cầu nghe qua các chương trình Phát Thanh Thương Mại thường nhật so với Anh Bằng.
Trong khi các chương trình “phát thanh thương mại”, quyến rũ đông đảo thính giả, từ học sinh, thanh niên, bạn trẻ, quân nhân tiền tuyến, em gái hậu phương, cả giới lao động thợ thuyền, cả những bạn gái trẻ nhọc nhằn gánh nước cũng dành dụm đồng tiền khó kiếm, mua nhạc giấy hoặc dĩa nhạc “Chuyện Tình Lan Và Điệp”. Những tháng năm đó có phong trào “say mê” với các chương trình Phát Thanh Thương Mại, tư nhân là chủ, tràn ngập những quảng cáo như ta vẫn thấy ngày nay rất nhiều ở Hoa Kỳ.
Một trong những sáng tác mới và rất sung mãn mới được thu CD và DVD gần đây của Anh Bằng là “Khóc Mẹ Đêm Mưa” qua tiếng hát Đặng Thế Luân, Nhạc sĩ Anh Bằng tâm sự rằng: ”mẹ mất sớm, người anh thứ hai (bị Việt Minh ám sát từ sớm) khiến Anh Bằng lúc nào cũng chơ vơ nhớ và cần mẹ, nhưng đến khi người anh từ trần ngày 29 tháng 4-2006, khiến nhạc sĩ Anh Bằng cảm nhận như một mất mát thật lớn lao đã xảy ra cho mình”. Nước mắt và xúc động rất chân thật nhiều tháng đã khiến cho ca khúc sống thật và thương cảm, gieo cảm xúc cho hầu hết người nghe qua ca khúc..
* Phong phú sáng tạo, nhanh chóng chinh phục trái tim của khán thính giả.
Tính tình kín đáo, thiện cảm của Anh Bằng khiến những “ông lớn” trong ngành âm nhạc tuyên truyền cũng chẳng bao giờ biết Anh Bằng chính là tác giả những sáng tác như ca khúc nhạc hiệu cổ võ cho chiến dịch động viên mang tên “Tiếc Thầm”. Ông còn là tác giả ơột số vở kịch được các đoàn Tâm Lý Chiến quân đội diễn nhiều nơi. Một tâm hồn nghệ sĩ tiềm ẩn biết bao thơ mộng mà bây giờ sau hơn 50 năm nhìn lại sự nghiệp, nhiều thính giả mới thầm thán phục thêm khi nghe những ca khúc lãng mạn chân tình như: Khúc Thụy Du, Anh Còn Yêu Em, Chia Tay Hư Ảo, Khóc Mẹ Đêm Mưa.. Tiếc Thương trong DVD Lá Thư Chiến Trường muộn màng ra đời. Và đến nay, gần như không DVD Asia nào không có đóng góp tươi mới. Sáng tác kịp thời để mang tên Anh Bằng mà không được chờ đón.
Trở lại với các sáng tác như bài “Hoa Học Trò”, là của Anh Bằng phổ thơ Nhất Tuấn chứ không phải Trần Thiện Thanh, “Chuyện Giàn Thiên Lý ” cảm nhận từ ý bài thơ Nhà Tôi của Yên Thao, hoặc Trúc Đào, ý thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Theo nhà văn Phạm Quốc Bảo: “chúng ta thấy các bài thơ dài thượt, khó bắt được âm điệu để diễn tả những ý thơ, thế mà qua tay nhạc sĩ Anh Bằng, ông tỏ ra rất dễ dàng nắm bắt được ý chính những rung cảm mạnh mẽ nhất, thô sơ nhưng gần gũi nhất, để người nghe sẽ nhớ ngay, hiểu ngay và có thể hát lại dễ dàng, họ sẽ yêu thích và ghiền… Và công lao chính là nhờ âm điệu của dòng nhạc tài hoa, dù chỉ cảm nhận một vài ý thơ, nhưng không bao giờ Anh Bằng quên trang trọng đề tên nhà thơ qua tác phẩm ấn hành.
Kiếm được một bài nhạc sẽ ăn khách rất khó, kiếm được một bài thơ hay trở thành ca khúc lại càng khó hơn nữa, nhưng Anh Bằng đã “đeo” cho bài thơ một đôi hia bảy dặm, nó đã bay bổng xa tới tận đâu đâu …. “Chỉ cần 32 trường canh”, ông đủ diễn tả cho thính giả biết tựa đề, nét lãng mạn và nội dung của bài thơ bài hát… và như ánh sét, nhanh chóng đi ngay vào tận mỗi trái tim. Ông biết trước loại nhạc nào quần chúng thích, kể cả vào những năm sau những đảo chính, chỉnh lý, biến động ở Miền Nam, người dân cần những tình cảm mới, nguồn xúc động tươi tắn, gần gũi, bình dị và trong thời điểm này có những sáng tác cho chiến dịch, như “Nửa Đêm Về Sáng”, “Nửa Đêm Biên Giới” như các khẩu hiệu cổ động, nó phát xuất từ Anh Bằng: Chỉ trong thoáng chốc ngồi ở bàn viết và liền được tung lên phát thanh, vang dội toàn quốc ngay sau đó…
* Triệu phú (thời VNCH) hãng dĩa Sóng Nhạc-Asia
Nhạc sĩ Anh Bằng quá dầy kinh nghiệm phát hành, phân phối của trung tâm “Hãng Dĩa Sóng Nhạc”, từ những năm điều hành hệ thống âm nhạc ở các đài Phát Thanh Quốc Gia, cho tới các chương trình Phát Thanh Thương Mại. Cái nhìn viễn kiến của ông, theo lời anh Trần Văn Khải là “nhìn ra biển rộng mênh mông chân trời bao la, và tiến mạnh, chứ không chỉ là cái nhìn nhỏ hẹp trong ao hồ nhỏ bé. Cũng theo Anh Bằng: Âm nhạc và văn nghệ miền Bắc (1954-1975) chỉ có kho súng đạn, chiến đấu trong khi miền Nam là một kho tàng nhạc giá trị tình tự và nhân bản.”
Dù trong một hai năm đầu lớp dạy nhạc Lê Minh Bằng khu nhà thờ Tân Định Sài Gòn, mới chỉ vừa đào tạo đã có được thêm Trang Mỹ Dung và Giáng Thu… cho các chương trình phát thanh kịp một năm trước khi miền Nam thất thủ vào tháng Tư 1975. Đó là những năm hợp tác tuyệt vời của bộ ba làm chương trình phát thanh: Lê Dinh đến Canada (sinh năm 1934- là viên chức trọng yếu phụ trách Tân Nhạc của Đài Phát Thanh Sài Gòn), Nhạc Sĩ Minh Kỳ (1930-1975), đi tù và chết. Bộ ba người có cả Anh Bằng, trong cái tên ghép của ba người: Lê-Minh-Bằng.
Ra hải ngoại, Anh Bằng khởi nghiệp ban đầu với người cháu trai là nhà tổ chức ca nhạc Trần Thăng, đầu tiên là chung sức lập ra “Trung Tâm Dạ Lan” khoảng năm 1983-1984.
Ông vốn sẵn có tài, cả hai có sáng tạo, và người cháu có tài chánh, nhiệt huyết và sáng kiến; nên những năm đầu tiên rất thành công đáng kể. Trong dịp này, Thy Vân cũng có hình mặc áo dài xanh nước biển in trên bìa băng cassett nhạc khi hát một vài ca khúc, nhưng sau đó Thy Vân biến dần vào lãnh vực tổ chức. Cô có ý muốn phát triển lớn rộng hơn, và Asia ra đời từ đó. Khi rời Dạ Lan cũng là lúc Thy Vân không còn chú tâm hát để thu cátsét tiếng hát của mình nữa và bắt đầu điều hành, phát triển Asia dưới sự hướng dẫn và công sức của thân phụ. Nhờ vậy, Asia đã lên rất cao.
So sánh với vài nhạc sĩ có tiếng, có tài và thế lực giao tế rộng, sáng tác mạnh như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Phạm Duy nổi bật trong giới văn nghệ nhờ báo giới luôn nhắc nhở khen ngợi trước 1975, cũng phải chịu nhựơng bộ, bó tay trong khung cảnh xa lạ xứ người … Từ đó mới thấy sự chọn lựa đúng lúc và có kế hoạch cũng như tài năng phong phú, nhạc sĩ Anh Bằng lớn lao vượt trội là như thế!
Soạn nhạc để có người yêu mến, và có số thu tài chánh khó ai có thể ngờ tới… Không đáp ứng được quần chúng qua một vài ca khúc thì bị loại bỏ. Có lẽ như thế mà những ca khúc gần đây mới là cảm nhận nét lãng mạn, tài hoa, như mỗi loạt nhạc ra đời của Asia, và Anh Bằng nói riêng là thêm một đợt đón nhận mới, lạ kỳ!
Nhạc sĩ Anh Bằng thập niên qua đã có góp phần viết script, chọn nhạc, soạn nhạc, cùng đóng góp ý kiến trong việc chọn ca sĩ và ca khúc.. góp sức đưa Asia lên mức thành công rất cao. Tâm niệm của Anh Bằng là “đáp ứng quần chúng, muốn người nghe thoả mãn tâm sự cuả nghệ sĩ sáng tác; như vậy có nghĩa là tác phẩm đã thành công…” Cũng như khi lập ra lớp huấn luyện nhạc trước 1975, ông cũng có một lý do đặc biệt: “vừa đào tạo, vừa tìm kiếm ra tài năng mới”.
* Đối thủ trong âm nhạc của Anh Bằng? Có hay không?
Đã từng sống trong Lý Bá Sơ, từng đêm nghe tiếng cai tù đánh thức những người bạn đồng tù khác, thức dậy, trói ké, mang ra sân bắn hoặc mang đi điều tra hành hạ có lẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong đầu của nhạc sĩ… thiếu ăn, thiếu áo quần, thiếu một mảnh chăn đơn để che đắp cái rét giá tù đày… nhưng tác giả Anh Bằng luôn nở một nụ cười, không chua cay oán thù, dù “không bao giờ đội trời chung với chủ nghĩa và chính sách từ những năm trước 1954, và chủ nghĩa CS kéo dài những năm sau đó…” Đối với người nhạc sĩ đầy tấm lòng nhân ái này, ông luôn có một nụ cười tươi tắn cho cuộc sống, hầu như không bao giờ ganh ghét.
Không bận lòng với ai, chỉ phấn đấu say mê làm việc, thúc đẩy tự chính mình, nhưng luôn tươi tỉnh với một câu nói như giờ thúc quân (kinh nghiệm từ gian khổ). Ông thường thúc đẩy: “Khi làm việc thì phải tiến lên, phải “sắt máu” , ý của ông chỉ muốn diễn tả –lòng quyết tâm. Ông không tranh giành với đồng nghiệp hoặc với một ai, vì bản tính chân chất hiền lành… nhưng có thể chỉ ngọai trừ với lập trường và vì lằn ranh trong cách sống?
Theo ông, qua những lần thổ lộ ở tại xứ người, thì: “trong khi chúng ta cố mang lại những lạc quan, kêu gọi chiến đấu bảo vệ đồng bào, bảo vệ sự sống còn và nhân bản tại miền Nam thì lại có những người cố tình phản chiến, kêu gọi hòa bình bằng mọi giá như thể là họ luôn lên tiếng nói: chúng ta hãy đầu hàng đi! ”.
Chế độ VNCH lúc ấy chẳng phải là không chặt chẽ trong chủ trương kiểm duyệt ca nhạc chiến đấu: Các ca khúc trước khi được in, được phát trên các đài phát thanh, hoặc trước khi được thu dĩa, đều trải qua những con mắt kiểm duyệt gắt gao. Vẫn theo ông “thậm chí có những sáng tác khi cho phát thanh, thu dĩa tạm gọi là”đầu Ngô mình Sở”, vì các con mắt kiểm duyệt, các sếp kiểm duyệt, mỗi viên chức, mỗi nhạc sĩ, thêm câu này, thay chữ kia, bớt, cắt chữ nọ, để thích hợp với chính sách… nâng cao tinh thần cùng chiến đấu”. Thế nhưng nói riêng về mặt tuyên truyền thì chúng ta làm sao mà cản nổi khi cứ 3 ca khúc phản chiến, kêu gọi buông súng thì chúng ta mới có kịp một sáng tác nỗ lực chiến đấu như của Anh Bằng, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, (một sáng tác chống tàn ác, bảo vệ tự do thì có ngay ba ca khúc phản chiến kêu gọi buông súng hoà bình mọi giá!) khiến cán cân lực lượng tuyên truyền chúng ta bị xâm lấn bởi phe phản chiến, làm lợi cho đối phương…
Chẳng hạn, khi Trịnh Công Sơn mô tả cảnh “các bà mẹ chết vì chiến tranh vì bom đạn” để phản chiến, thì nhạc sĩ Anh Bằng vội vã soạn ngay ra đời ca khúc có những hình ảnh tương tự, nhưng dưới con mắt của một chiến sĩ đấu tranh có chính nghĩa cho tự do: “một bà mẹ ôm con chết trong tay mình nhưng cảm thông sự hy sinh chiến đấu của đất nước” là vì giặc phá hoại, và người dân Miền Nam, yêu chuộng tự do, nỗ lực “tự vệ”…, hoặc nói lên nỗi khổ chiến tranh qua ca khúc “Nó”, hoặc Đêm Nguyện Cầu… Điều trái nghịch là một số những kẻ thụ hưởng trong miền Nam tự do thì thích âm nhạc phản chiến, trái lại rất nhiều cán binh cộng sản và dân chúng miền Bắc lại ưa chuộng tìm nghe, chép chuyền tay những lời nhạc về “người mẹ ôm con chết vì bom đạn của kẻ chủ trương chiến tranh” của Anh Bằng, hoặc ca khúc “Nó”, “Đêm Nguyện Cầu”, “Nỗi Lòng Người Đi” để soi chiếu lại cuộc đời thời chiến tranh của họ quá nhiều bất hạnh: Các cán binh miền Bắc vẫn lén lút thích thú say mê ca khúc “Tôi xa Hà Nội năm lên 16 khi vừa biết yêu”… như những món hàng “độc”, được ưa chuộng và đánh giá cao… Phải chăng trước những trách nhiệm tự chọn lựa qua cuộc sống dân sự, trong vai trò Tâm Lý Chiến, tác giả Anh Bằng cũng phải đối kháng với Trịnh Công Sơn, mỗi người một lý tưởng. Theo lời anh Trần Minh: “Nhạc Sĩ Anh Bằng muốn dùng nhạc của mình góp phần làm suy thoái tinh thần sát máu của các chiến binh sinh Bắc tử Nam, với ước mong miền Nam được yên bình, giặc từ Bắc không thể xâm lấn vô Nam… Những kẻ phản chiến, hình như, đã góp phần làm mất miền Nam, là nỗi đau đớn cho những nguòi như Anh Bằng suốt trong quá trình những sáng tác phản chiến đó ra rả tại nhiều nơi trong và ngoài thành phố.”
Nỗi đau đớn này dằn vặt tác giả Anh Bằng, khiến ông giới hạn nhạc tình của mình để hướng vào góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp qua những ca khúc ca ngợi cuộc chiến đấu cho tự do dân chủ.
Có lẽ cho đến hơn ba thập niên, sau miền Nam thất thủ, tâm sự của nhạc sĩ Anh Bằng qua thổ lộ vẫn chưa nguôi ngoai… Lý do chỉ giản dị có thế … Theo lời đạo diễn Trần Thăng, Mây Productions-giám đốc /sáng lập Hollywood Night/ Dạ Lan nói: “những người như ông, không ngại chống lại một chủ nghĩa sai lầm, với tiếng nói và tấm lòng chân thật”
Ông Anh Bằng vẫn có thổ lộ đôi lần: “Tương lai, một đất nước Việt Nam, rồi sẽ không còn CS”, hình như ông luôn lạc quan như thế: “… nhưng không hẳn chúng ta chỉ ngồi chờ đợi sự sụp đổ, ta phải góp phần tích cực thì ngày ấy sẽ đến”…
Một đời tận tụy, với trên 500 sáng tác, trong đó rung cảm của ông trải ra với độ 200 bài phổ thơ. Nhưng trên tất cả vẫn là một tấm lòng trọn vẹn với đất nước của một nghệ sĩ có lý tưởng, dù rất thành công nhưng xem ra ông vẫn thấy không được như mơ ước: Quân đội đã là lò luyện thép nhưng cũng là tháp ngà cho một số người khác kiêu binh. Anh Bằng đã hưởng những phúc lợi từ các lò luyện thép và có những người cũng đã “đứng dậy được” sau những “cú đấm Thôi Sơn” của vận nước mà không thiếu gì những người đã cũng như tiếp tục gục ngã, mà có mấy ai vững niềm tin “sau cơn mưa trời đã lại sáng’. .. Riêng Anh Bằng, như “người tù vượt ngục Papillon”, đã “đứng dậy được”..
cũng theo lời ông Trần Khải, người cháu (năm lên 8) từng đi đón ông Anh Bằng ra tù… về đến đường làng Điền Hộ …
Và bao nhiêu năm đã trôi qua, nước chảy qua cầu, tác giả Anh Bằng với trái tim nhân ái, hiền lành từ thời tu học ở Ba Làng (cùng chất chứa đau thương ở Phương Ý-Lý Bá Sơ sau đó), tấm lòng với âm nhạc luôn tươi tắn, nhạc trữ tình Anh Bằng cuối đời vẫn thêm mới mẻ sang cả, ở một mức thưởng ngoạn cao vẫn đi vào từng trái tim, và ở lại lâu dài (so với sự đào thải nói chung….. nhanh đến độ tàn nhẫn hiện nay của ca khúc sáng tác- nhất là tình trạng nhạc trong nước), qua một số sáng tác mang của Anh Bằng mãnh liệt và tồn tại lâu bền, vừa lòng mọi giới mộ điệu ở trình độ thưởng ngoạn khác nhau.
* Người biến những cô Tấm thành siêu sao Diva nhạc Việt
Ngày xưa ông đã sáng tác có “Chuyện Tình Lan và Điệp”, bây giờ qua Hoa Kỳ ông lại tiếp tục sáng tác có Chuyện Tình Hoa Sim, Chuyện Hoa Trắng, Chuyện Giàn Hoa Thiên Lý: Đề tài cũ nhưng vẫn được đón nhận và hay vượt trội, ngoài ra còn có ca khúc, ý thơ của Nguyễn Tất Nhiên: Trúc Đào…
Tuy vậy những năm đầu khi chưa thành Trung Tâm Ca nhạc tại Hoa Kỳ, ông đã có những ca khúc sáng tác như: Huế Xưa, Cõi Buồn được đánh giá là cũngthu hút, nhưng không được hưởng ứng nồng nhiệt.
Sang đây, “Chuyện Tình Hoa Sim” làm kỷ niệm vào nghề của Như Quỳnh, khi cô mới tới Hoa Kỳ. Ngày ấy, Như Quỳnh được nhạc sĩ Trúc Giang, thân sinh nhạc sĩ trẻ Trúc Hồ (đang nối nghiệp tài năng nhạc Anh Bằng?) giới thiệu tại nhà thờ Tam Biên quận Cam-Cali, và cùng với dòng nhạc lãng mạn tình tứ, Như Quỳnh là mặt nổi của dòng nhạc Anh Bằng được đại chúng yêu mến. Những tài danh 10 năm qua, 20 năm qua, hoặc 40 năm về trước… và mới nay thôi cũng chỉ là một sự nối tiếp: Anh Bằng đã từng “khám phá”, từng giúp gò luyến láy những năm xa xưa cho Phương Dung, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Trang Mỹ Dung. Sự nổi tiếng của những tên tuổi này trong làng âm nhạc, từ trong nước đến hải ngoại, nói lên được rằng, cây đũa thần đủ sức “biến cô Tấm thành công nương” được hay không?
Nơi đây, với nhạc sĩ Anh Bằng trong vài chục năm qua, câu trả lời là với “tên tuổi thành danh thường vẫn là một initial cho một bài mới sáng tác”. Khác với nhiều người nói chung- chưa kịp được khen ngợi đã bị loại bỏ – quên lãng, chính vì đó là những cái hay nổi rộ, ngay từ bước đầu, giống như chương trình thương mại Anh Bằng góp công sức ngày xưa thật khó khăn, nhưng thành công ngay. Định luật chung: Phải tài hoa mới được trao phó cho, để tạo được những bước nổi lên đình đám… Một ca khúc mới, một bài thơ mới, một tiếng hát mới, có nổi được trên sân khấu (hoặc có cơ hội bước được lên sân khấu) và được vang dội khắp nơi, cũng đã là chuyện khó.
Tác giả Anh Bằng đôi lần thổ lộ rằng: “tôi không muốn tác phẩm bị cô đơn, lẻ loi trong âm nhạc, không muốn bài hát mình nghĩ là hay, mà chỉ dành riêng cho vài lớp người hoặc để nhằm chỉ đáp ứng giới người ưa thích xa vời và hiểu được. Khi đã sáng tác là “phải đụng tới một khối lớn đa số quần chúng yêu thích” Theo ông như lời tâm sự với nhà thơ Du Tử Lê và Nguyên Sa, “sẵn lòng xóa bỏ một sáng tác, khi nghĩ rằng sự ra đời ca khúc nào đó sẽ không chiếm được đa số quần chúng đón nhận, hiện còn nhiều sáng tác trong những năm qua, gần cuối đời, mươi bài Thánh Ca (có một thời từng giao cho Khánh Ly hát) nhưng các bài ca ngợi Thiên Chúa đã thất lạc và nay ông lại tìm về những giây phút gò lưng tìm lại những trầm bổng thanh thoát cũ và mới và những ca khúc ca ngợi tình yêu còn đang cất trong safe box”, cùng với những ca khúc còn dang dở như “Đợi Chờ”, “Vườn Thánh Ấu Thơ” cuốn hút ông vào những tình cảm khó nhạt phai, thần thánh hoá.
Chính vì vậy mà ở kết hợp “Ý thơ cùng với mélody” phải vang vọng trong tâm tưởng, để thành một tác phẩm đưọc ưa chuộng. Tác giả phải ngồi xuống bàn vào buổi chiều, có khi cạnh người cháu thân thiết Trần Khải (hoặc đạo diễn Trần Thăng sau này là producer của Hollywood Night- Dạ Lan) cận kề tán thưởng: Những ngón đàn guitar dạo mélody của nhạc sĩ Anh Bằng khi soạn một ca khúc, ngày xưa ấy vẫn thường được tâm sự chia sẻ, và chỉ trao đổi với vài người thân khi sáng tác vừa kết thúc…
Nhưng ngược lại, hầu như ông không hề khuyến khích các người con ông theo ngành sáng tác âm nhạc? Không một lời giải thích của tác giả vì sao?. Có thể các người con không có một quá trình dài học nhạc như ông tại Ba Làng, không có hoàn cảnh thúc đẩy cần thiết, không trải qua những kinh nghiệm lẫn thương đau?
Và sáng tác tiếp nối sáng tác, trở thành tác phẩm được đón nhận, cung cách giản dị đắm say trong vài giờ viết nốt với chữ viết luôn trân trọng và đẹp (và ngày nay thì nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác-gõ nốt nhạc rành rọt trên máy điện toán). Những bản nhạc ấy chẳng mấy lâu sau sẽ đồng loạt phổ biến xa rộng, và “một sớm một chiều” được hưởng ứng, ngưỡng mộ…
Còn ngày nay, cung cách sáng tác không khác, ông dựa trên ý tưởng lời thơ, tươi vui bên phím điện toán… có khác chăng là Anh Bằng đi ngược lại với thời gian, sống lại với đồi sim tím mênh mang quê nhà thời còn đọc thơ Hữu Loan, tím cả chiều hoang biền biệt càng ngày nhạc càng thêm trẻ và căng đầy sức sống… và càng cuối đời nhạc của ông trở thành suy tư sang cả mang tính suy tư, triết lý, “thính phòng”, vượt qua một thời tên tuổi vang lừng trong giới nhạc trữ tình đại chúng…
Nhạc sĩ Anh Bằng thường tâm sự : từ kinh nghiệm học ở Ba Làng, ông được hun đúc sức sống và tận tụy làm việc mãnh liệt và cương quyết, hàng ngày còn trau dồi- học Anh văn nữa chứ! .
Còn bây giờ là lúc nhìn thấy các hậu duệ đã vững vàng trên đường sự nghiệp, thì ông bắt đầu thanh thản và an nhiên… Những năm lao động khổ sai, người tù Lý Bá Sơ, đói khổ là hành trang để ông thêm trân trọng tự do, nhân bản mà mình được hưởng ở Miền Nam, và ở cả bên ngoài nước Việt Nam ngày nay.
Vẫn đi tiếp một quãng đời, khởi đi từ ca khúc “Tiếng Hò Sông Chu” và bản án tù Lý Bá Sơ, cướp mất thanh xuân, chàng trai Anh Bằng lúc nào cũng như mới lớn- tuổi 18, tươi tắn nhựa sống, dù nay ông đã bước qua khỏi sinh nhật thứ 81 trên vài năm rồi.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen