Seiten

Montag, 3. März 2014

Giáo dục ở miền Nam VietNam …. Những con số biết nói


DaihocSuPhamSaigon
Đại học Sư Phạm Saigon
Công việc giáo dục ở miền Nam bắt đầu từ giai đoạnn chuyển tiếp từ nền giáo dục thuộc Pháp sang Việt Nam. Việc thâu hồi chủ quyền đại học từ trong tay người Pháp chỉ được thực hiện vào ngày 11/05/1955. Lúc đó chúng ta, VNCH mới có một nền giáo dục do Bộ Giáo Dục đảm trách.
Hãy nhìn lại cho thấy thời bắt đầu của một miền Nam VNCH. Các thầy giáo trung học, trình độ còn thấp, học lực có người chỉ là giáo viên tiểu học đưa lên. Nhưng tư cách đạo đức là không thiếu.
Chẳng hạn, cụ Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xàn, ngạch giáo viên lên Thanh tra và hiệu trưởng Chu Văn An. Cụ cũng là người trách nhiệm chọn đề thi lúc ban đầu 1954‒1955. Tiếp đến các cụ hiệu trưởng kế vị như Trần Văn Việt, Nguyễn Hữu Văn, Đàm Xuân Thiều, Lê Văn Lâm, Bùi Đình Tấn, Dương Minh Kính…
Các giáo sư trung học dạy công và tư tiêu biểu lúc đầu là những vị như
‒ Triết có linh Mục Trần Văn Hiến Minh, Trần Bích Lan.
‒ Toán, Lý Hóa: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Nguyễn Xuân Nghiên, Trần Thế Hiển, Nguyễn Đình Quỹ. Dạy tư thì không thể không nhắc tới các giáo sư Ngô Duy Cầu, Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột. Họ chỉ dạy chuyên các lớp từ đệ tứ trở xuống. Dạy hay, dễ hiểu, vẽ đẹp, tài ba lắm. Chẳng ai hỏi xem các vị ấy có chứng chỉ gì về toán ở đại học không? Trường tư thục Văn Lang nổi tiếng với giáo sư Ngô Duy Cầu. Riêng Nguyễn Xuân Nghiên phải được coi là “không ai sánh bằng.”
‒ Sử địa: giáo sư Vũ Khắc Khoan dạy sử. Tài hoa và lôi cuốn. Địa lý có ông Bùi Đình Tấn.
‒ Vạn vật: cụ Nguyễn Văn Đỉnh
‒ Pháp Văn: Có lẽ môn Pháp Văn là tương đối có các giáo chức có căn bản học vấn nhất. Họ theo học chương trình Pháp từ nhỏ nên vững lắm. Giáo sư Nguyễn Văn Linh nói tiếng Pháp tự nhiên và lưu loát như người Pháp. Học trò ban C rất trân trọng ông.
Anh Văn: cụ Nguyễn Văn Nguyên và linh mục Trần Phúc Long. Lm Long đi du học về, nhưng không được học trò thích lắm. Môn Anh Văn có lẽ là môn “bết nhất” về giọng đọc cả về phía thầy đến trò. Có sao đâu, thầy trò nói tiếng Ăng Lê với nhau chứ không nói với Mỹ. Ngay cả các vị tốt nghiệp đại học sư phạm đàng hoàng sau này, thế hệ 1960, giọng đọc cũng thuộc loại có vấn đề. Họ “không lại” các sinh viên hoặc các giáo chức đi tu nghiệp ở Úc, Tân Tây Lan, Singapore về sau này dù chỉ là đi một năm. Hội Việt Mỹ sau này cũng chỉ mướn các giáo chức có đi tu nghiệp ngoại quốc mà thôi.
tudien
Từ điển Việt Anh/Anh Việt Lê Bá Kông
Nguồn: hzportal.dayton.lib.oh.us
Trong khi đó, dạy tư thục môn anh văn không thể không nhắc tới các giáo sư Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh. Chắc trình độ anh văn cũng “qua loa.” Giọng đọc anh văn chắc giống giọng Tàu “Hồng Kông” hơn là giọng Mỹ. Nhưng lúc đó, phải chấp nhận tình trạng liệu cơm gắp mắm chứ biết làm thế nào!!! Tuy nhiên bộ sáchvăn phạm anh văn Lê Bá Kông thì đã giúp cho nhiều thế hệ học sinh lắm. Tuy nhiên cũng có các lớp anh văn “dởm” như các lớp của Tuấn Huy. Sau này, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Linh là một trong những người đi du học Mỹ về. Việc học và nói tiếng Anh đã có căn bản hơn.
Năm 1954‒55, chính phủ Việt Nam chỉ có 29 trường trung học với 20.999 học sinh. Năm 1960, chính phủ xây thêm được 40 trường và nhận thêm được 41.131 học sinh. Năm 1955, chúng ta chỉ có 5 trường bán công với 1200 học sinh. Năm 1960, chúng ta có thêm 80 trường bán công với số học sinh là 245.855.
Vẫn không thể giải quyết được số học sinh quá đông, hệ thống trường tư năm 1955 chỉ có 89 trường. Năm 1960, tăng thêm 254 với tổng số 83.498 học sinh. (Trích Sáu năm hoạt động của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Hồ Đắc Huân, trang 643‒652).
QGNTCongtruong 001
Phải nói là tốt đẹp.
Để đáp ứng nhu cầu dạy học, ngoài trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mở thêm các trường Sư phạm cấp tốc tại các tỉnh Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Ban Mê Thuột,
Năm 1958 là năm thiếu trầm trọng các giáo sư trung học. Để đáp ứng được tình trạng thiếu hụt đó, Đại Học Sư phạm Sài Gòn đã đào tạo được 618 giáo sư trung học. Đại học Sư Phạm Huế đào tạo được 254 người.
Tính chung cả hai cấp Trung tiểu học, chính quyền cho đến năm 1960 đã đào tạo tổng cộng được 24.678 người. Cho đến năm 1960, tỷ lệ đào tào giáo sư trung học tăng 21,45%, trong khi tỉ lệ học sinh chỉ gia tăng 18,93% năm.(Trích Hồ Đắc Huân như trên, trang 652)
Những con số vừa nêu trên cho thấy là thời đệ nhất cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã quan tâm đặc biệt đến việc dào tạo giáo chức cũng như việc xây dựng trường sở. Trong 9 năm này, không chỉ ngành giáo dục mà toàn thể các cơ cấu hành chánh, các nha bộ đều phát triển đồng bộ tạo thành một nề nếp, khuôn khổ hành chánh sau 1954‒1955 về mọi mặt.
Việc xây dựng các trường công lập thì sang thời đệ nhị cộng hòa có phần chậm lại. Chính phủ có phần ít chú trọng đến vấn đề giáo dục.
Việc đào tạo giáo chức nói chung không đáp ứng kịp so với sỉ số học sinh gia tăng. Các trường công ở tỉnh đành mượn cáo giáo sư dạy giờ, dạy theo khế ước. Cho đến thập niên 1965, số lượng giáo chức dạy giờ có thể chiếm đến 1/3 hoặc hơn trong số giáo chức đi dạy. Thường họ chỉ có tú tài 2 hoặc một vài chứng chỉ ở đại học. Đồng lương thật ít ỏi. Lương bổng thấp nên họ được nhận thêm phụ cấp 300 đồng cho bậc tiểu học và 800 đồng cho bực trung học.
Họ phải vừa dạy, vừa học thêm.
Họ cố gắng học thêm để hoàn tất các chứng chỉ cử nhân ở đại học. Sau này, do đi học thêm, nhiều giáo chức có cử nhân. Nhất là các cử nhân khoa học, văn khoa và luật khoa.
Nhưng các trường bán công và tư thục sau này gia tăng rất nhanh.
nguyenbatong
Trong sân trường Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn, 1971)
Nguồn: flickr.com
Trường bán công thường do địa phương điều hành nên việc tuyển mộ giáo chức, điều hành thường không được chặt chẽ. Có nhiều trường hợp quen biết, có những gian lận trong tổ chức hành chánh như bán học bạ, làm chứng chỉ giả để đi học, hoặc để trốn quân dịch. Tổ chức lỏng lẻo nên phẩm chất giáo chức thường thấp. Kỷ luật học đường theo đó cũng xuống thấp theo. Tỉ lệ học sinh thi đỗ theo đó cũng thấp hơn các trường công lập.
Phần các trường tư thục một phần không nhỏ do các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo lập ra ở hầu hết các tỉnh. Tổ chức thường chặt chẽ, có kỷ luật hơn cả các trường bán công. Mỗi tỉnh cũng thường có các trường “công giáo” như thế. Thường các phụ huynh chịu bỏ thêm tiền để cho các con em học trường tư thục do các linh mục, các bà sơ lập ra. Các trường tư công giáo nổi tiếng một thời như Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh. Có một trường tư mà tôi nghĩ rằng kỷ luật học đường hơn hẳn bất cứ trường công tư nào. Đó là trường Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng.
Các tư thục ở Sài Gòn cũng rơi vào tình trạng khá phổ biến là không có đủ tiêu chuẩn bằng cấp. Có người chưa có nổi bằng tú tài. Tình trạng hỗn mang đó sau vài năm đã được chấn chỉnh khá hơn, nhất là đối với các lớp dạy thi tú tài. Không còn cái cảnh thầy học hôm trước, hôm sau dạy lại.
Tình trạng luyện thi đệ tứ và tú tài sau này cũng khá phổ biến. Đó là một thứ Mal nécessaire, thứ xấu cần thiết, không tránh được của nền giáo dục non trẻ của VNCH. Lý do là nhiều viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội VNCH không có bằng cấp. Muốn được nắm chức vụ chỉ huy, lên lon, ông Ngô Đình Diệm khuyến cáo các vị này phải đi học thêm các lớp luyện thi tú tài 1 và 2. Cấp tá phải có tú tài, cấp úy phải có bằng trung học phổ thông.
Tôi xin nêu tên một vài vị ra đây để nêu gương hiếu học của các vị ấy và là tấm gương soi sau này.
Trường hợp tướng lãnh lớp cũ như các tướng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ chắc đa số đều không có tú tài. Trong hồi ký Buddha’s Child, trang 18‒25, tướng Kỳ cho biết, ông học trường Pháp bảo hộ, trường Albert Sarraut. Năm 1950, Bảo Đại tổng động viên và ông Kỳ bỏ học vào quân đội.
Trường hợp những người như tướng Đỗ Mậu, bằng cấp không có, tham vọng lại nhiều phải nói thế nào bây giờ. Sau này, nhận lãnh chức vụ Phó Thủ Tướng đăc trách Văn Hóa thì thật không xứng hợp tý nào.
Vài dòng kết luận
Nhìn lại những năm tháng này sau 1975, tôi có một số ý nghĩ là con số giáo chức trung tiểu học kẹt ở lại cũng vài chục ngàn người. Trong đó bao gồm các trường Kỹ Thuật như:
‒ Trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ với các trường Cao Đẳng Công Chánh, Cao Đẳng Điện Học, Việt Nam Hàng Hải và Quốc Gia kỹ sư công nghệ. Ngoài ra còn có các trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, Trung Học Kỹ Thuật Huế, Trường Quốc Gia Thương Mại và trường Bán Công Phú Thọ.
‒ Về các ngành Mỹ Thuật có có các trường Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, trường Quốc Gia âm nhạc, trường Mỹ Thuật thực hành, Gia Định.
Cứ cho một con số tròn là 50 chục ngàn người vừa trung học công lập, tư thục, vừa các trường chuyên môn như ở trên. Đó là những con người đã xây dựng lên nền giáo dục tốt đẹp ấy.
Trong số những con người ấy nhìn lại, tôi thấy thành phần các thầy cô giáo dạy ở tiểu học là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nhưng lại là những người xứng đáng nhất.
Họ là những viên ngọc quý của nền giáo dục miền Nam. Càng ngày đời sống vật chất càng khó khăn, nhất là sau những năm 1965. Vật giá gia tăng vì người Mỹ đổ xô sang Việt Nam. Địa phương thường mất an ninh. Các cô giáo phần lớn là vợ con các công chức, quân nhân vẫn bám lấy lớp học, vẫn bám lấy trường. Vẫn tận tụy với nghề. Vẫn hy sinh kiên trì. Nhất là vẫn giữ được phẩm chất nhà giáo. Vẩn nụ cười từ mẫu và lòng nhân. Vẫn vì con em học sinh. Không thể không hết lời cảm mến. Con em miền Nam nên người được là nhờ họ.
Nhưng cũng vẫn nững con người ấy, biết giữ gìn phẩm chất người thầy. Cũng vẫn học trò ấy ‒ học trò miền Nam… Vậy mà sau 1975, không bảo nhau, không hẹn mà cả thầy lẫn trò dắt nhau đi xuống. Xuống đến thê thảm, đến mất nhân cách. Thầy không còn ra thầy. Trò không là trò.
Cho nên người ta mới hiểu rằng, con người có tốt đi mấy đi nữa mà sống trong một chế độ như cộng sản thì trước sau cũng biến chất.
Vì thế, trước khi nói đến giáo dục, phải xóa sổ đảng cộng sản ra khỏi học đường.
Vài dòng chót này, tôi có thể chứng minh bằng một thứ “thống kê xã hội” bỏ túi sau đây… Tôi có thu thập khoảng 200 bản tin tức đăng trong báo chí xuất bản ở miền Nam trước 1975. Trong đó một phần ba là các tin tức chính trị và quân sự. Phần còn lại đều là những tin “lá cải” như đánh nhau, đánh ghen, ly dị, hãm hiếp, giết người, v.v… Nhưng tôi không tìm ra các loại tin kiểu: Thầy hãm hiếp trò, lường gạt, đánh đập dã man học trò, sỉ nhục học sinh, gian lận, giả bằng cấp, thi cử gian lận đủ kiểu thường xảy ra hằng ngày được đăng tải trên báo chí trong xã hội Việt Nam bây giờ.
So sánh hai loại bản tin đó đánh giá được hai nền giáo dục: giáo dục trước 1975 và sau 1975.
Chỉ có một tin tức được coi như đau buồn nhất xảy ra trong ngành giáo dục là vào mùa hè thi cử, 1965. Một học sinh thi tú tài ở Nha Trang gian lận thi cử bị giáo sư Trần Vinh Anh bắt được. Mang thù oán. Học sinh trên đã rình trước cửa quán ăn và đâm giáo sư Trần Vinh Anh một nhát chí mạng. Luật sư biện hộ cho bị can cũng là một cựu giáo chức trường Võ Tánh NhaTrang, luật sư Trần Đức Long.
Vai trò của ông là một vai trò khó xử vì có sự xung khắc giữa một nhà giáo và một luật sư. Đóng vai trò của một luật sư ông có bổn phận phải biện hộ cho bị cáo. Cuối cùng thi tòa đã tuyên án tử hình bị can. Mà nếu trí nhớ tôi không nhầm, khi vụ án xảy ra thì ông Nguyễn Cao Kỳ lúc bấy giờ đã tuyên bố với báo chí là trò giết thầy thì phải tử hình. Sau đó thủ tục thi hành bản án đã được thông báo đến chánh án, cá vị luật sư và bác sĩ pháp y. Nhưng không biết vì lý do gì bản án đã không được thi hành và người ta cũng không biết số phần em học sinh đó ra sao nữa. Và đây là một vết đen trong ngành giáo dục.
Nhưng chỉ cần nhìn những tin tức đăng trên báo chí trước 1975 và sau 1975, chúng ta có thể hiểu được nền giáo dục hiện nay của Việt Nam đi về đâu!
Ai là người còn quan tâm đến giáo dục Việt Nam bây giờ mà không khỏi đau lòng?

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen