Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đã xảy ra 2 cuộc đảo chánh mà hậu quả đưa đến cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Thời Ðệ Nhị Cộng Hòa đã xảy ra nhiều cuộc chỉnh lý mà hậu quả là một số tướng tá bị giết và tình hình chính trị thêm rối ren.
Ðã có nhiều hồi ký và tài liệu nói về những biến cố này, nhưng có những trái ngược nhau và nhiều sự thật chưa được sáng tỏ. Những biến cố này có nhiều liên quan đến sự tham dự một số đơn vị quân đội, trong đó có TQLC.“Kỷ luật là sức mạnh quân đội” và “thi hành trước, khiếu nại sau” là hai yếu tố khiến Binh Chủng Tổng Trừ Bị TQLC chúng ta, dù muốn dù không, trong giai đoạn đó gồm các TÐ1, 2, 3 và 4 cũng bị kéo vào cơn lốc này. Tuy nhiên đa số chúng ta, nhất là những anh em trẻ sau này chưa biết nhiều về vai trò của một số TQLC đi trước. MX Cổ Tấn Tinh Châu là một trong số những người đó, đã ghi lại những gì có liên quan tới những biến cố này trong phạm vi một quân nhân TÐ 2/TQLC. Bài viết của MX Cổ Tấn Tinh Châu tuy không đi sâu vào chi tiết của các TÐ1, TÐ3, và TÐ4 mà chỉ chú trọng nhiều về TÐ2 nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn khá chính xác về tình hình chung.
Nhận thấy bài viết này nêu ra những dữ kiện thật về lịch sử mà thế hệ sau cần biết mà không đụng chạm đến đời tư của cá nhân nào nên BBT/ÐSST xin giới thiệu bài viết đến các Mũ Xanh và độc giả ngoài Binh Chủng.
Trân trọng.
MX Tôn Thất Soạn
Chủ Nhiệm ÐSST/TQLC
***
Chủ Nhiệm ÐSST/TQLC
***
Ðảo chính năm 1960
Ðây là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên tại Việt Nam Cộng Hòa do một nhóm sĩ quan chủ trương trong đó có Trung Tá Vương Văn Ðông, Tr/Tá Nguyễn Triệu Hồng (tử thương tại Tổng Nha Cảnh Sát) Th/T Nguyễn Văn Lộc, Th/T Phan Trọng Chinh, Th/Tá Phạm Văn Liễu và Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi.
Vào đầu tháng 11 năm 1960, Tiểu Ðoàn 2/TQLC đang hành quân tại quận Vĩnh Châu, Tỉnh Bạc Liêu. Ngày 11 tháng 11, 1960 khoảng 07:00 giờ sáng, Ban Truyền Tin đại đội báo cho tôi biết đài phát thanh vừa thông báo: “Tổng Thống Ngô Ðình Diệm gọi Ðại Tá Trần Thiện Khiêm, tư lệnh Quân Khu 5, (sau này đổi thành Vùng 4 Chiến Thuật rồi Quân Khu 4) về Saigon cứu giá, cứ 5 hay 10 phút thì lệnh cứu giá được lặp lai. Lối 30 phút sau TÐT/TÐ2 là Trung Úy Dương Hạnh Phước nhận được lệnh của CHT /TQLC là Thiếu Tá Lê Nguyên Khang cho TÐ di chuyển về Cần Thơ. Khi đến Cần Thơ, Trung Úy Phước nhận lệnh tiếp của Th/Tá Lê Nguyên Khang là đem Tiểu Ðoàn 2 về Saigon theo đoàn xe của Tư Lệnh Quân Khu 5.
Ðến Mỹ Tho đoàn xe được lệnh dừng lại để chờ Thiết Giáp của Thiếu Tá Lâm Quang Thơ, (tiểu khu trưởng Mỹ Tho kiêm trung đoàn trưởng Thiết Giáp) cùng tiến về Saigon. Về đến Phú Lâm, toán quân BB đi đầu của của Quân Khu 5 bị một đơn vị Nhảy Dù chận lại, kế đó có lệnh tất cả đoàn xe lui lại khoảng 1 cây số. Tôi thấy pháo binh trong đoàn xe mở đội hình và bắn vào toán quân Nhảy Dù.
(Sau này tôi được biết ÐÐ Nhảy Dù ở Phú Lâm có một vài anh em chết và bị thương, trong đó có Trung Úy Nhâm ÐÐT Nhảy Dù bị thương vì pháo binh. Năm 1964 Ðại Úy Nhâm là Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ7 Dù tử trận ở Ðồng Xoài).
Khoảng 20 phút sau TÐ2/TQLC được lệnh lên dẫn đầu, đoàn xe tiếp tục lên đường, từ Chợ Lớn đến Saigon dân chúng hai bên đường hoan hô và vui mừng. Không biết là họ hoan hô đảo chính hay hoan hô chống đảo chính.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 11 tháng 11, 1960, đơn vị đầu tiên trong đoàn quân “cứu giá” của Ðại Tá Trần Thiện Khiêm, tư lệnh Quân Khu 5 về tới Dinh Ðộc Lập là Tiểu Ðoàn 2 TQLC.
Trung Úy Dương Hạnh Phước TÐT cùng thiếu tá chỉ huy trưởng TQLC Lê Nguyên Khang vào dinh Ðộc Lập. Trong dinh đã có 2 đại đội của TÐ3/TQLC rồi (**).Sau đó tôi được gọi vào dinh nhận lệnh của TÐT/TÐ2 hướng dẫn các đại đội đóng quân dọc theo dãy nhà trước dinh Ðộc Lập. Trong dinh tôi thấy 3 anh Nhảy Dù chết gần cột cờ, 2 anh khác chết bên bực thềm bước vào cửa dinh. Thời gian ngắn sau, đoàn chiến xa của Thiếu Tá Thơ đến và dàn đội hình trên bãi cỏ phía sau nhà thờ Ðức Bà. Còn BB và PB không biết đóng quân nơi nào. Bên trong dinh Ðộc Lập có 2 đại đội của TÐ3/TQLC đang bố trí quân dọc hàng rào sắt theo đường Công Lý và đường Hồng Thập Tự.
(** Tại sao có 2 ÐÐ/TÐ3 trong dinh ÐL. Theo lời Saigon Tôn Thất Soạn cho biết thì hiện ông giữ 6 trang bút tích của cố Trg/Tướng LNK thì TÐT/TÐ. 3 là Ð/Úy Nguyễn Kiên Hùng bị móc nối theo phe đảo chánh của Vương Văn Ðông. Vì không đủ xe để đi chuyển cả tiểu đoàn nên Ð/Úy Nguyễn Kiên Hùng dẫn 2 đại đội đi trước, còn TÐP là Ð/Úy Mã Viết Bằng thì ở lại chờ xe trở về đón. Trong khi chờ xe đến đón thì Ð/Úy Mã Viết Bằng nhận được lệnh trực tiếp của Tư Lệnh HQVN là Trg/Tá Hồ Tấn Quyền (vì lúc đó TQLC còn thuộc quyền chỉ huy của HQ) đưa quân vào dinh ÐL để bảo vệ TT NÐD. Sau khi phe đảo chánh thất bại thì Ð/Úy Mã Viết Bằng làm TÐT/TÐ3/TQLC. Nguyên nhân và hậu quả của sự kiện TÐ3 một nửa theo phe đảo chánh TT NÐD, một nửa vào dinh bảo vệ TT NÐD không nằm trong bài viết này.)
Khoảng 20:00 giờ ngày 11 tháng 11, 1960 cuộc thương thảo giữa chính quyền và lực lượng đảo chính được diễn ra ngay trên đường Thống Nhất, phía sau Nhà thờ Ðức Bà. Phe đảo chính cử Trung Tá Vương Văn Ðông làm đại diện, còn bên chính quyền là Thiếu Tướng Nguyễn Khánh. Hai bên thảo luận nhau khoảng một tiếng thì Tướng Khánh vào dinh, sau đó chừng 15 phút Tướng Khánh trở ra thảo luận tiếp lối 1 tiếng nữa thì Trung Tá Ðông lên xe về thành Cộng Hòa.
Sáng ngày 12 tháng 11 có một số thiết giáp vào dinh bố trí chung với 2 đại đội của TÐ3/TQLC. Bỗng một loạt súng đại liên từ xe thiết giáp trên đường Hồng Thập Tự bắn vào dinh làm chết và bị thương 3, 4 anh em TQLC. Lập tức, chiến xa và TQLC trong dinh bắn trả vang rền.
Lúc này hai bên đại lộ Thống Nhất phía sau nhà thờ Ðức Bà dân chúng đang công kênh Ðại Tá nguyễn Chánh Thi đi quanh nhà thờ với nhiều biểu ngữ chống Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Tiếp theo loạt súng của TQLC, chiến xa của Thiếu Tá Lâm Quang Thơ đã nổ đại liên chỉ thiên lên những tàn cây ở phía trước dinh ÐL để áp đảo tinh thần. Những cành cây gẫy đổ và tiếng đạn nổ làm đám biểu tình hốt hoảng, không ai bảo ai, tất cả vất bỏ biểu ngữ, giày dép mà chạy tán loạn, kể như giải tán luôn.
Ngày 13 tháng 11, TÐ2/TQLC được lệnh rời dinh ÐL và vào sân Tao Ðàn đóng quân trong sân đá banh giáp với bờ tường sau của dinh ÐL làm trừ bị cho Phủ Tổng Thống, cứ mỗi chiều TÐ2 phải di chuyển từ Thủy Xưởng Miền Ðông (trong trại Cửu Long) đến vườn Tao Ðàn để giữ an ninh dinh ÐL trong thời gian khoảng một tháng. Sau đó TÐ2 được trả về hậu cứ với sinh hoạt bình thường.
Ðảo chính năm 1963
Tôi là TÐP/TÐ2/TQLC vừa đi học khóa Chỉ Huy về và còn đang trong thời gian nghỉ phép, nhưng nghe tin tức có “biến động” nên sáng sớm ngày 1 tháng 11, 1963 tôi vào hậu cứ TÐ2 tại Tam Hà, Thủ Ðức để thăm TÐT/TÐ 2 là Ðại Úy Nguyễn Thành Yên, nhưng khi đến nơi thì Ðại Úy Khái, ÐÐT/ÐÐCH cho biết là Tổng Tham Mưu đã gọi Ðại Úy Yên lên họp rồi. Tôi không biết có chuyện gì quan trọng mà TTM lại gọi Ð/Úy Yên nên tôi nán ở lại tiểu đoàn để chờ anh Yên trở về cho biết tình hình. Nhưng mãi tới chiều tôi vẫn chưa thấy TÐT về thì ngay buổi chiều đó, TÐ2 lại nhận lệnh của Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên TMT/TQLC là TÐ2 phải di chuyển ngay từ trại Tam Hà, Thủ Ðức về Chợ Lớn trình diện.
TÐT còn đang “họp” ở TTM chưa về, không liên lạc được với ông, tuy tôi còn đang trong thời gian nghỉ phép, nhưng với tư cách là TÐP tôi không thể làm gì khác hơn là cho thổi kèn tập họp tiểu đoàn để thi hành lệnh của TMT/TQLC. Trên đường xa lộ đoạn giữa Thủ Ðức và Gia Ðịnh, TÐ2/TQLC bị Sư Ðoàn 5 chận lại. Tôi hỏi thiếu tá chỉ huy đơn vị này:
-Lý do gì chận tiểu đoàn của tôi?
Ông ta cho biết là phải có lệnh của tư lệnh Sư Ðoàn 5 là Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu mới được qua, và ông ta hỏi lý do tôi di chuyển?
Tôi cho ông ta biết tôi thi hành lệnh của Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên tham mưu trưởng TQLC về trình diện chiến đoàn. Ông ta liên lạc với nơi nào đó và chừng 5 phút sau thì TÐ2 tiếp tục di chuyển vào Chợ Lớn. Tôi vào trình diện Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên TMT/TQLC và TÐ2 được chỉ định làm đơn vị trừ bị, đóng quân cách BCH Chiến Ðoàn chừng 5, 6 trăm thước.
(Theo ghi nhận của Saigon Tôn Thất Soạn thì Trung Tá Lê Nguyên Khang, TL/TQLC vì lý do nào đó không xuất hiện nên Th/Tá Nguyễn Bá Liên TLP kiêm TMT chỉ huy một lực lượng TQLC gồm TÐ1 và TÐ2, sơ khởi gọi là tăng phái hành quân cho QÐ3/V3CT, nhưng sau đó thì trực tiếp tham gia vào lực lượng đảo chánh. Những tài liệu và hồi ký chính trị sau 1963 càng xác nhận rõ điều đó. Thiếu tá Nguyễn Bá Liên là cháu của Ðại Tá Ðỗ Mậu, một trong những người chủ trương đảo chánh, nên Th/Tá Liên bị (được) chú móc nối theo đảo chánh. Làm chính trị thì phải bảo mật đối với người không cùng phe nên chuyện giữa TL/LNK và TLP/NBL cũng là lẽ thường và đôi khi còn thủ tiêu nhau như chúng ta đã thấy trong những cuộc đảo chánh. Nhưng cái đẹp ở đây là sau đảo chánh 1963, Tr/Tá Lê Nguyên Khang vẫn bình an và đã được thăng cấp đại tá và đi làm tùy viên quân sự tại Phi Luật Tân, còn Th/Tá Nguyễn Bá Liên được thăng trung tá và làm TL/TQLC, Ðại Úy Trần Văn Nhựt được thăng thiếu tá và làm TLP kiêm TMT/TQLC.)
Sau đó tôi được lệnh đưa một đại đội lên giữ an ninh khu phòng làm việc của các tướng lãnh trên TTM. Lúc đó tại phòng hành quân của BCH Chiến Ðoàn TQLC gồm có Thiếu Tá Liên, Ðại Úy Trần Văn Nhựt TÐT/TÐ1/TQLC, còn có sự hiện diện của Trung Tá Phạm Ngọc Thảo (tôi chỉ biết Phạm Ngọc Thảo là một hồi chánh viên, được đồng hóa cấp bậc đại úy, làm công cán ủy viên của Phủ Tổng Thống, sau đó khi lên thiếu tá thì ông ta được giữ chức vụ tỉnh trưởng kiêm TKT Kiến Hòa.)
Lối 19:00 giờ ngày 1 tháng 11, có 2 xe GMC chở Lực Lượng Ðặc Biệt bị TÐ2 chận lại, Ðại Úy Ðại vào gặp tôi (bạn cùng khóa), nên chỉ thăm hỏi nhau, sau khi liên lạc với BCH Chiến Ðoàn TQLC tôi cho đoàn xe LLÐB tiếp tục di chuyển về doanh trại.
Khoảng 20:00 giờ ngày 1 tháng 11, 1963, Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị TQLC xuất phát. Ðại Úy Lê Hằng Minh TÐT/TÐ4/TQLC đem quân tấn công vào dinh Gia Long. Ðến hừng sáng ngày 2 tháng 11, 1963 thì TÐ4 đã làm chủ tình hình trong dinh. Lối 11:00 giờ ngày 2 tháng 11, 1963 TÐ4 được lệnh rút ra khỏi dinh Gia Long và TÐ2 có lệnh của TMT là Th/Tá Nguyễn Bá Liên vào dinh GL thay thế cho TÐ4.
Xin trích dẫn email của Saigon để biết sơ qua về TÐ4:
SG: Chiều ngay 1 tháng 11, 1963, TÐ4 được lệnh tấn công vào dinh Gia Long, cánh A do Tiểu Ðoàn Trưởng Lê Hằng Minh chỉ huy, cánh B do TÐP Tôn Thất Soạn chi huy, vì ở cách xa nhau, nên SG chỉ nhận lệnh của TÐT/LHM tấn công vào dinh Gia long rạng sáng ngày 2 tháng 11, 1963 nên SG không biết lịnh này TÐT/LHM nhận trực tiếp của ai?
Tuy tiểu đoàn đang phòng thủ ở dinh Gia Long, nhưng khi nghe máy truyền tin của Thiết Giáp nói là Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã được đón về bộ TTM, tôi đã chạy lên TTM để nghe ngóng tình hình và thú thật là muốn biết xem cách đối xử của các tướng lãnh đối với TT Ngô Ðình Diệm ra sao? Vì TÐ2/TQLC đang có 1 đại đội giữ an ninh tại TTM nên việc tôi đến đây bất cứ lúc nào để kiểm soát đơn vị của mình là lẽ bình thường nên không ai ngăn cản.
Khi đoàn thiết vận xa về đến TTM thì có một chiếc thiết vận xa M113 chạy đến trước mấy bực thềm trước dinh làm việc của Ðại Tướng TTMT, các tướng lãnh đã đứng đó như chờ đợi, và rồi khi bửng sau của M113 được mở ra thì có 2 xác người. Sự hoảng hốt và kinh ngạc hiện rõ trên mặt đa số người đứng đó. Sau khi các tướng lãnh nhìn xác của Tổng Thống Ðiệm và ông Nhu rồi trở vào phòng. Nhân dịp này tôi xin gặp Thiếu Tướng Khiêm và xin ông cho biết tin tức quyết định về Ðại Úy Nguyễn Thành Yên TÐT/TÐ2.
Thiếu Tướng Khiêm nói:
-Ð/Úy Yên không có tội gì hết, vì không muốn để anh ta ở ngoài sẽ làm đổ máu thêm nên giữ lại đây thôi, anh có thể đón Ðại Úy Yên về.”
Có lệnh của Th/Tướng Khiêm, tôi đến đón Ð/Úy Yên và đưa ông về dinh Gia Long nơi BCH/TÐ2 đang đóng quân, và đến mấy ngày sau thì TÐ2 được lệnh về lại trại Tam Hà, Thủ Ðức. Tại đây Ð/Úy Yên đã bàn giao quyền chỉ huy tiểu đoàn cho tôi và TÐ2/TQLC lại tiếp tục các cuộc hành quân diệt địch.
Xin nói thêm là trong cuộc đảo chánh 1963, Ð/Úy Mã Viết Bằng TÐT/TÐ3 cũng bị gọi về TTM nên khi Ð/Úy Tôn Thất Soạn đến nhận TÐ3 thì không có tiểu đoàn trưởng để bàn giao. Sau khi đón Ð/Úy Yên, tôi đi hỏi tin tức về Ð/Úy MVB thì quân cảnh cho biết ông Bằng không cùng chỗ với ông Yên, mà bi giam ở nơi khác. Sau đảo chánh Ð/Úy MVB ra khỏi TQLC và về SÐ22BB, sau đó ông bị thương và sau 30 tháng 4, 1975 ông đi định cư ở Pháp.
Tài liệu mật của Mỹ liên quan tới đảo chánh 1963 đã giải mã:
Theo tài liệu, Ðại Sứ Lodge gửi công điện cho Bộ Ngoại Giao:
Thứ nhất: Không cần phải nói với Diệm về việc loại bỏ Nhu, mà bảo các tướng lãnh loại bỏ Nhu.
Thứ hai: Cho các tướng VN được tùy ý giữ Diệm hay loại bỏ Diệm.
Thứ ba: Tòa Ðại Sứ Mỹ đã nghĩ đến việc giúp đỡ các nhân viên Mỹ và các tướng lãnh VN trốn thoát trong trường hợp đảo chánh thất bại.
Tổng Thống Kennedy gửi cho Ðại Sứ Lodge một mật điện trong đó tổng thống tái xác nhận chủ trương đảo chánh của tòa Bạch Ốc. (Telegram 269, Kennedy to Lodge Aug 28, 1963, Box 316, national security files, John F. Kennedy library).
Mật điện nói trên của TT Kennedy là một sử liệu vô cùng quý giá, chứng minh sự tham gia của chánh quyền Mỹ trong việc lật đổ TT Ngô Ðình Diệm năm 1963.
Mật điện nói trên của TT Kennedy là một sử liệu vô cùng quý giá, chứng minh sự tham gia của chánh quyền Mỹ trong việc lật đổ TT Ngô Ðình Diệm năm 1963.
Nhưng quan điểm của Tướng Krulag TQLC Mỹ thì hoàn toàn khác. Theo Tướng Krulag thì cuộc chiến đấu quân sự vẫn đang tiến hành với một nhịp độ đáng khâm phục. Cuộc khủng hoảng chính trị cũng có ảnh hưởng đến, nhưng không bao nhiêu, VC sẽ thua, nếu Mỹ vẫn tiếp tục những chương trình viện trợ về quân sự và xã hội. (Report, Visit to Vietnam, 7-8, sept 1963, Box 316, national security, JFK library, được trích dẫn trong Kennedy in Vietnam, trang 135).
Ngoài Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Ðại Sứ Lodge thấy rằng cần phải giết thêm ba người nữa là ông Ngô Ðình Nhu, ông Ngô Ðình Cẩn và Ðại Tá Lê Quang Tung. Nếu cuộc đảo chính phải xảy ra, vấn đề bảo vệ các kiều dân Mỹ, Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh cho CINCPAC sắp xếp cuộc di chuyển của tiểu đoàn thủy quân lục chiến bằng đường thủy đến hải phận gần Nam VN.
Chính phủ Ngô Ðình Diệm chủ trương độc lập với người Mỹ, trong khi người Mỹ muốn kiểm soát chính phủ VNCH.
Người Mỹ không quan tâm đến quyền lợi của người Việt mà chỉ lo lắng cho quyền lợi của Mỹ, vì vậy mối giao hảo giữa VNCH với Mỹ càng ngày càng xa ra.
Chỉnh lý năm 1964
Năm 1964, ngày 29 tháng 1, khoảng 22:00 giờ, tôi nhận được lệnh từ một vị tướng ngoài TQLC là đem Tiểu Ðoàn 2 TQLC tăng phái cho Vùng 3 Chiến Thuật để tham dự một cuộc hành quân đặc biệt ngay và BTL/TQLC sẽ xác nhận bằng công điện sau… Một tiếng đồng hồ sau, khoảng 23:00 giờ thì có một đại úy của V3CT đưa cho tôi sự vụ lệnh của Vùng 3 để di chuyển vào Tiểu Khu Gia Ðịnh và nói với tôi là lệnh thượng cấp không cho tôi liên lạc và tiếp xúc với bất cứ ai cho đến khi cuộc hành quân hoàn tất. Thời gian này tất cả mọi đơn vị muốn vào lãnh thổ Biệt Khu Thủ Ðô phải có lệnh của Vùng 3 CT.
Ngay sau đó xe của vận tải đến chuyển quân của TÐ2 vào Tiểu Khu Gia Ðịnh. Ðến Tiểu Khu tôi trình diện Trung Tá Tồn Tiểu Khu Trưởng (TKT). Trong phòng của TKT có Trung Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Nguyễn Khánh. Trung Tá TKT nói với tôi:
-Lệnh của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng cho anh đi bắt Trung Tướng Tôn Thất Ðính về Tổng Tham Mưu, anh có cần tin tức gì thì cứ hỏi tôi sẽ cho anh biết.
Tôi hỏi về an ninh của tư dinh Tr/Tướng Ðính thì được biết có khoảng một trung đội lo an ninh và canh gác. Phương tiện liên lạc thì điện thoại đã bị cắt rồi. Có 1 chiến xa sẽ trình diện khi chúng tôi tới mục tiêu. Nhận được đặc lệnh truyền tin để liên lạc với thượng cấp và đơn vị bạn.
Tôi ra lệnh cho Ðại Úy Ngô Văn Ðịnh, ÐÐT/ÐÐ4 thi hành nhiệm vụ bắt Tr/Tướng Ðính, nhưng sau đó tôi đổi ý, chỉ định Ðại Úy Nguyễn Văn Hay, ÐÐT/ÐÐ2 thay anh Ðịnh để thi hành nhiệm vụ này. Theo lệnh của thượng cấp, tôi còn ra lệnh cho ÐÐT/ÐÐ3 là Trung Úy Nguyễn Năng Bảo đi bắt một trung tướng nữa, nhưng nay tôi không còn nhớ là ông tướng nào trong số 4 ông Tướng Kim, Ðôn, Xuân, Ðính. Ngoài ra còn 2 trung tướng nữa trong số 4 ông thì có đơn vị bạn nhận trách nhiệm đi bắt.
Ðại Ðội 2 của Ð/Úy Hay đã di chuyển lối 2, 3 phút thì tôi lại lo là Ðại Úy Hay tánh nóng có thể làm điều bất lợi cho Trung Tướng Ðính nên tôi vội lấy xe chạy đến tư dinh Tướng Ðính (nằm trên đường Thống Nhất gần hãng xăng Shell). Vừa đến nơi tôi đã thấy Ðại Úy Hay cho bố trí 4 khẩu SKZ 57 ly bên kia đường đối diện nhằm vào dinh Tướng Ðính! Tôi nói anh Hay nên lo giữ an ninh bên ngoài thôi để chờ tôi liên lạc với Tr/Tướng Ðính trước đã.
Ngay lúc đó có một chuẩn úy và một xe thiết giáp đến trình diện tôi, anh ta là trưởng toán chiến xa theo như lệnh đã ấn định trước. Tôi nói với anh ta đợi ở ngoài với Ðại Úy Hay. Tôi đến cửa dinh thấy bên trong có khoảng 2 Tiểu Ðội Nhảy Dù đang bố trí dọc theo hàng rào sắt phía trước, có 1 sĩ quan đến hỏi tôi là ai, cần gì?
-Tôi, Thiếu Tá TÐT/TÐ2 TQLC muốn gặp Trung Tướng.
Chừng vài phút sau sĩ quan này trở ra nói chỉ một mình tôi được vô mà thôi. Tôi nói với anh ta:
-Anh chờ đây, tôi sẽ trả lời anh sau.
Tôi trở lại bàn ý định với Ðại Úy Hay, nhưng ông khuyên tôi không nên vào nhà một mình, chú cowboy của tôi và anh mang máy truyền tin cũng đòi đi theo nhưng tôi không cho. Tôi nói Ðại Úy Hay:
-Anh cứ yên trí đi, không lẽ trung tướng mà đổi thiếu tá sao? Nếu trong vòng 30 phút mà anh thấy tôi chưa trở ra thì anh biết phải làm gì rồi.
Tôi một mình đi vào dinh, tôi chào Trung Tướng Ðính, chưa kịp xưng danh trình diện thì ông đã hỏi tên tôi và ai ra lệnh tôi đến đây? Tôi trình diện tên và cấp bực, tôi nói:
-Chủ Tịch Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng ra lệnh tôi đến mời Trung Tướng vô Bộ Tổng Tham Mưu ngay bây giờ (mặc dù đây là lệnh bắt chớ không phải mời).
Trung Tướng Ðính lấy điện thoại gọi, thấy vậy tôi nói:
-Thưa trung tướng, đường dây điện thoại bị cắt rồi.
Trung tướng nói tôi ngồi đây uống café chờ ông thay quần áo. Vài phút sau ông ta bước ra với quân phục worsted vàng, mũ đỏ Nhảy Dù. Tôi nói trung tướng cứ đi xe của trung tướng, tôi sẽ theo sau lên Bộ TTM. Sau khi giao Tướng Ðính cho Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng tôi trở về Tiểu Khu Gia Ðịnh cho một ÐÐ di chuyển lên Bộ TTM để giữ an ninh khu phòng họp của các tướng lãnh, kể từ giờ phút này TÐ2 nhận lệnh làm trừ bị cho Vùng 3 Chiến Thuật. Ngay sau đó tôi mới thông báo cho Bộ Tư Lệnh TQLC và hậu cứ TÐ2 biết vị trí của Tiểu Ðoàn 2. Mấy ngày sau TÐ2 được trả về hậu cứ và tiếp tục các cuộc hành quân trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật.
(Theo ghi nhận cả Saigon Tôn Thất Soạn thì sau Chính Lý 1964, Ðại Tá Lê Nguyên Khang đang làm tùy viên quân sự ở Phi Luật Tân thì được Trung/Tg Nguyễn Khánh gọi về giữ chức TL/TQLC và sau đó được thăng cấp chuẩn tướng tại Vũng Tàu, sau trận Bình Giả, còn Trg/Tá Nguyễn Bá Liên và Th/Tá Trần Văn Nhựt thì lại đi làm tùy viên quân sự ở PLT thay thế Ð/Tá Lê Nguyên Khang.)
Sau nhiệm kỳ ở PLT, hai ông Liên và Nhựt trở về VN. Tr/Tá Liên phục vụ ở QÐ2, sau khi được thăng cấp đại tá, được đề cử đi làm tư lệnh Biệt Khu 24 và tử nạn trực thăng trong lúc đang chỉ huy hành quân vào ngày 6 tháng 12 năm 1969 và được vinh thăng cố chuẩn tướng.
Còn Th/Tá Nhựt đi phục vụ ở QÐ.3, thăng trung tá làm trung đoàn trưởng thuộc SÐ.18 BB, rồi Ðại Tá Tỉnh Trưởng Bình Long. Sau Bình Long An Lộc, ông Nhựt được cử đi làm tư lệnh SÐ2 BB rồi thăng chuẩn tướng.
***
***
Nhận xét về Chỉnh Lý 1964. Theo tôi nghĩ, việc chỉnh lý này đương nhiên là phải do Mỹ chủ trương rồi, còn Trung Tướng Khiêm, tư lệnh Vùng 3 Chiến Thuật, và Tướng Khánh, tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, là người thi hành, sau đó thì Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng ra tuyên cáo là các tướng bị bắt vì chủ trương Trung Lập thân Pháp. Còn Trung Tướng Dương Văn Minh không hay biết gì cho đến lúc Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi đến tư dinh của ông Minh bắt Thiếu Tá Nhung đem về trại Hoàng Hoa Thám ông Minh mới biết chuyện gì xảy ra.
Sự thật là từ khi nhận lệnh tăng phái cho V3CT đến lúc nhận lệnh đi bắt các Tướng, tôi vẫn chưa biết mục đích của cuộc hành quân đặc biệt này là gì cho đến trưa ngày 30 tháng 1, 1964 tôi mới biết đó là cuộc chỉnh lý để bắt 4 Tướng Lê Văn Kim, Trần Văn Ðôn, Mai Hữu Xuân và Tôn Thất Ðính.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen