Seiten

Sonntag, 15. Dezember 2013

NGUYỄN VĂN BÔNG: Luật Hiến pháp và Chính trị học (24)

PHỤ BẢN 8: HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA NGÀY 1-4-1967
LỜI MỞ ĐẦU
Tin tưởng rằng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của dân tộc bảo đảm trong tương lai huy hoàng của Đất nước.
Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy trách nhiệm trước lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể Cộng hòa của Dân, do Dân và vì Dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm độc lập, tự do, dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.
Chúng tôi, một trăm mười bảy (117) Dân biểu, Quốc hội Lập hiến, đại diện nhân dân Việt Nam, sau khi thảo luận, chấp thuận bản Hiến pháp sau đây:
CHƯƠNG I: ĐIỀU KHOẢN CĂN BẢN
ĐIỀU 1
1.- VIỆT NAM là một nước CỘNG HÒA, độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.
2.- Chủ quyền Quốc gia thuộc về toàn dân.
ĐIỀU 2
1.- Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân.
2.- Quốc gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến hóa chung của dân tộc.
3.- Mọi công dân đều có nghĩa vụ góp phần phục vụ quyền lợi Quốc gia dân tộc.
ĐIỀU 3
Ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản tự do, dân chủ và công bằng xã hội.
ĐIỀU 4
1.– VIỆT NAM CỘNG HÒA chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức.
2.– Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ.
ĐIỀU 5
1.- VIỆT NAM CỘNG HÒA chấp nhận các nguyên tắc quốc tế pháp không trái với chủ quyền quốc gia và sự bình đẳng giữa các dân tộc.
2.- VIỆT NAM CỘNG HÒA cương quyết chống lại mọi hình thức xâm lược và nỗ lực góp phần xây dựng nền an ninh và hòa bình thế giới.
CHƯƠNG II: QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CÔNG DÂN
ĐIỀU 6
1.- Quốc gia tôn trọng nhân phẩm.
2.- Luật pháp bảo vệ tự do, sinh mạng, tài sản và danh dự của mọi công dân.
ĐIỀU 7
1.- Quốc gia tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân và quyền biện hộ.
2.- Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ, nếu không có mệnh lệnh hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền luật định ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp.
3.- Bị can và thân nhân phải được thông báo tội trạng trong thời hạn luật định. Mọi sự câu lưu phải đặt dưới quyền kiểm soát của cơ quan tư pháp.
4.- Không ai có thể bị tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách thú tội.
Sự nhận tội vì tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách không được coi là bằng chứng buộc tội.
5.- Bị can phải được xét xử công khai và mau chóng.
6.- Bị can có quyền được luật sư biện hộ dự kiến trong mọi giai đoạn thẩm vấn kể cả trong cuộc điều tra sơ vấn.
7.- Bị can về các tội tiểu hình, chưa có tiền án quá ba (3) tháng tù về các tội phạm cố ý, có thể được tại ngoại hầu tra nếu có nghề nghiệp và địa chỉ chắc chắn. Nữ bị can về các tội tiểu hình, có nghề nghiệp và địa chỉ chắc chắn, có thể được tại ngoại hầu tra, nếu có thai trên ba (3) tháng.
8.- Bị can được suy đoán vô tội cho đến khi bản án xác nhận tội trạng trở thành nhất định. Sự nghi vấn có lợi cho bị can.
9.- Bị can bị bắt giữ oan ức, sau khi được tuyên bố vô tội, có quyền đòi Quốc gia bồi thường thiệt hại trong những điều kiện luật định.
10.- Không ai có thể bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ.
ĐIỀU 8
1.- Đời tư, nhà cửa và thư tín của công dân phải được tôn trọng.
2.- Không ai được quyền xâm nhập, khám xét nơi cư trú và tịch thâu đồ vật của người dân, trừ khi có lệnh của tòa án hoặc khi cần bảo vệ an ninh và trật tự công cộng trong phạm vi luật định.
3.- Luật pháp bảo vệ tánh cách riêng tư của thư tín; những hạn chế, nếu có, phải do một đạo luật quy định.
ĐIỀU 9
1.- Quốc gia tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng; tự do truyền giáo và hành đạo của mọi công dân miễn là không xâm phạm đến quyền lợi Quốc gia, không phương hại đến an ninh, trật tự công cộng và không trái với thuần phong mỹ tục.
2.- Quốc gia không thừa nhận một tôn giáo nào là quốc giáo. Quốc gia vô tư đối với sự phát triển của các tôn giáo.
ĐIỀU 10
1.- Quốc gia công nhận quyền tự do giáo dục.
2.- Nền giáo dục cơ bản có tánh cách cưỡng bách và miễn phí.
3.- Nền giáo dục đại học được tự trị.
4.- Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn.
5.- Quốc gia khuyến khích và nâng đỡ các công dân trong viện nghiên cứu và sáng tác về khoa học, văn học và nghệ thuật.
ĐIỀU 11
1.- Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.
2.- Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục.
ĐIỀU 12
1.- Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.
2.- Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường.
3.- Một đạo luật sẽ ấn định quy chế báo chí.
ĐIỀU 13
1.- Mọi công dân đều có quyền tự do hội họp và lập hội trong phạm vi luật định.
2.- Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định.
3.- Quốc gia tôn trọng các quyền chính trị của mọi công dân kể cả quyền tự do thỉnh nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp.
ĐIỀU 14
Mọi công dân đều có quyền tự do cư trú, đi lại, xuất ngoại và hồi hương ngoại trừ trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do y tế, an ninh và quốc phòng.
ĐIỀU 15
1.- Mọi công dân đều có quyền, có bổn phận làm việc và được hưởng thù lao tương xứng để bảo đảm cho bản thân và gia đình, một đời sống hợp với nhân phẩm.
2.- Quốc gia nỗ lực tạo công việc làm cho mọi công dân.
ĐIỀU 16
Quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được tôn trọng trong phạm vi và thể thức luật định.
ĐIỀU 17
1.- Quốc gia công nhận gia đình là nền tảng của xã hội. Quốc gia khuyến khích, nâng đỡ sự thành lập gia đình, săn sóc sản phụ và hài nhi.
2.- Hôn nhân được đặt căn bản trên sự ưng thuận, sự bình đẳng và sự hợp tác giữa vợ chồng.
3.- Quốc gia tán trợ sự thuần nhất gia đình.
ĐIỀU 18
1.- Quốc gia nỗ lực thiết lập chế độ an ninh xã hội.
2.- Quốc gia có nhiệm vụ thiết lập chế độ cứu trợ xã hội và y tế công cộng.
3.- Quốc gia có nhiệm vụ nâng đỡ đời sống tinh thần và vật chất của các chiến sỹ quốc gia, bảo trợ và dưỡng dục các quốc gia nghĩa tử.
ĐIỀU 19
1.- Quốc gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu.
2.- Quốc gia chủ trương hữu sản hóa nhân dân.
3.- Sở hữu chủ các tài sản bị truất hữu hoặc trưng dụng vì lí do công ích phải được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng theo thời giá.
ĐIỀU 20
1.- Quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh được công nhận nhưng không được hành xử để nắm giữ độc quyền, độc chiếm hay thao túng thị trường.
2.- Quốc gia khuyến khích và tán trợ sự hợp tác kinh tế có tánh cách tương trợ.
3.- Quốc gia đặc biệt nâng đỡ những thành phần xã hội yếu kém về kinh tế.
ĐIỀU 21
Quốc gia chủ trương nâng cao đời sống nông dân và đặc biệt giúp đỡ nông dân có ruộng đất canh tác.
ĐIỀU 22
Trên nguyên tắc quân bình giữa nghĩa vụ và quyền lợi, công nhân có quyền cử đại biểu tham gia quản trị xí nghiệp đặc biệt về những vấn đề liên quan đến lương bổng và điều kiện làm việc trong phạm vi và thể thức luật định.
ĐIỀU 23
1.- Quân nhân đắc cử vào các chức vụ dân cử hay tham chánh tại cấp bậc trung ương phải được giải ngũ hay nghỉ dài hạn không lương, tùy theo sự lựa chọn của đương sự.
2.- Quân nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái.
ĐIỀU 24
1.- Quốc gia công nhận sự hiện hữu của các sắc tộc thiểu số trong cộng đồng Việt Nam.
2.- Quốc gia tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số. Các Tòa án Phong tục phải được thiết lập để xét xử một số các vụ án phong tục giữa các đồng bào thiểu số.
3.- Một đạo luật sẽ quy định những quyền lợi đặc biệt để nâng đỡ đồng bào thiểu số.
ĐIỀU 25
Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và chánh thể Cộng hòa.
ĐIỀU 26
Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp và tôn trọng luật pháp.
ĐIỀU 27
Mọi công dân đều có nghĩa vụ thi hành quân dịch theo luật định.
ĐIỀU 28
Mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế theo luật định.
ĐIỀU 29
Mọi sự hạn chế các quyền công dân căn bản phải được quy định bởi một đạo luật có ấn định rõ phạm vi áp dụng trong thời gian và không gian. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, tánh cách thiết yếu của các quyền công dân căn bản vẫn không được vi phạm.
CHƯƠNG III: LẬP PHÁP
ĐIỀU 30
Quyền Lập pháp được Quốc dân ủy nhiệm cho Quốc hội. Quốc hội gồm hai viện:
- Hạ Nghị viện
- Thượng Nghị viện
ĐIỀU 31
Hạ Nghị viện gồm từ một trăm (100) đến hai trăm (200) Dân biểu:
1.- Dân biểu được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín, theo thể thức đơn-danh, trong từng đơn vị lớn nhất là tỉnh.
2.- Nhiệm kì Dân biểu là bốn (4) năm, Dân biểu có thể được tái cử.
3.- Cuộc bầu cử tân Hạ Nghị viện sẽ được kết thúc chậm nhất là một (1) tháng trước khi pháp nhiệm cũ chấm dứt.
ĐIỀU 32
Được quyền ứng cử Dân biểu những công dân:
1.- Có Việt tịch từ khi mới sanh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất bảy (7) năm, hoặc đã thủ đắc hoặc hồi phục Việt tịch ít nhất năm (5) năm tính đến ngày bầu cử.
2.- Đủ hai mươi lăm (25) tuổi tính đến ngày bầu cử.
3.- Được hưởng các quyền công dân.
4.- Ở trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
5.- Hội đủ những điều kiện khác dự liệu trong đạo luật bầu cử Dân biểu.
ĐIỀU 33
Thượng Nghị viện gồm từ ba mươi (30) đến sáu mươi (60) Nghị sĩ.
1.- Nghị sĩ được cử tri toàn quốc bầu lên trong một cuộc phổ thông đầu phiếutrực tiếp và kín theo thể thức liên danh đa số. Mỗi liên danh gồm từ một phần sáu (1/6) đến một phần ba (1/3) tổng số Nghị sĩ.
2.- Nhiệm kì Nghị sĩ là sáu (6) năm, mỗi ba (3) năm bầu lại phân nửa (1/2). Nghị sĩ có thể tái cử.
3.- Các Nghị sĩ trong pháp nhiệm đầu tiên sẽ được chia làm hai (2) nhóm đều nhau theo thể thức rút thăm. Nhóm thứ nhất có nhiệm kì sáu (6) năm, nhóm thứ hai có nhiệm kì ba (3) năm.
4.- Cuộc bầu cử các tân Nghị sĩ phải được tổ chức chậm nhất là một (1) tháng trước khi phân nửa (1/2) tổng số Nghị sĩ chấm dứt pháp nhiệm.
ĐIỀU 34
Được quyền ứng cử Nghị sĩ những công dân đủ ba mươi (30) tuổi tính đến ngày bầu cử, hội đủ các điều kiện dự liệu trong đạo luật bầu cử Nghị sĩ và các điều kiện quy định ở điều 32.
ĐIỀU 35
1.- Trong trường hợp khống khuyết Dân biểu vì bất cứ nguyên nhân nào, cuộc bầu cử thay thế sẽ được tổ chức trong hạn ba (3) tháng, nếu sự khống khuyết xẩy ra trên hai (2) năm trước ngày chấm dứt pháp nhiệm.
2.- Trong trường hợp khống khuyết Nghị sĩ vì bất cứ nguyên nhân nào, cuộc bầu cử thay thế sẽ được tổ chức chung với cuộc bầu cử phân nửa (1/2) tổng số Nghị sĩ gần nhất.
ĐIỀU 36
Các thể thức và điều kiện ứng cử, bầu cử Dân biểu và Nghị sĩ kể cả Dân biểu đồng bào thiểu số, sẽ do những đạo luật quy định.
ĐIỀU 37
1.- Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân biểu hay Nghị sĩ vì những sự phát biểu và biểu quyết tại Quốc hội.
2.- Trong suốt thời gian pháp nhiệm, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp, không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân biểu hay Nghị sĩ, nếu không có sự chấp thuận của ba phần tư (3/4) tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ.
3.- Trong trường hợp quả tang phạm pháp, sự truy tố hay bắt giam sẽ được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của Viện sở quan.
4.- Dân biểu và Nghị sĩ có quyền bảo mật về xuất xứ các tài liệu trình bày trước Quốc hội.
5.- Dân biểu và Nghị sĩ không thể kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử nào khác.
6.- Dân biểu và Nghị sĩ có thể phụ trách giảng huấn tại các trường Đại học và Cao đẳng Kỹ thuật.
7.- Dân biểu, Nghị sĩ và người hôn phối không thể tham dự những cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan công quyền.
ĐIỀU 38
1.- Trong trường hợp can tội phản quốc hay các trọng tội khác, Dân biểu hay Nghị sĩ có thể bị Viện sở quan truất quyền.
2.- Sự truất quyền phải được hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ đề nghị.
3.- Quyết nghị truất quyền phải được ba phần tư (3/4) tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ chấp thuận.
4.- Đương sự được quyền biện hộ trong mọi giai đoạn của thủ tục truất quyền.
ĐIỀU 39
Quốc hội có thẩm quyền:
1.- Biểu quyết các đạo luật.
2.- Phê chuẩn các hiệp ước và hiệp định quốc tế.
3.- Quyết định việc tuyên chiến và nghị hòa.
4.- Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh.
5.- Kiểm soát Chính phủ trong việc thi hành chính sách Quốc gia.
6.- Trong phạm vi mỗi Viện, quyết định hợp thức hóa sự đắc cử của các Dân biểu hay Nghị sĩ.
ĐIỀU 40
1.- Mỗi Viện, với một phần ba (1/3) tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ, có quyền yêu cầu Thủ tướng hay các Nhân viên Chính phủ ra trước Viện sở quan để trả lời các câu chất vấn về sự thi hành chính sách Quốc gia.
2.- Chủ tịch Ủy ban của mỗi Viện có quyền yêu cầu các Nhân viên Chính phủ tham dự các phiên họp của Ủy ban để trình bày các vấn đề liên quan đến Bộ sở quan.
ĐIỀU 41
Thượng Nghị viện có quyền mở cuộc điều tra về sự thi hành chính sách Quốc gia và yêu cầu các cơ quan công quyền xuất trình các tài liệu cần thiết cho cuộc điều tra này.
ĐIỀU 42
1.- Quốc hội có quyền khuyến cáo thay thế từng phần hay toàn thể Chính phủ với đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ.
2.- Nếu Tổng thống không có lí do đặc biệt để khước-từ, sự khuyến cáo sẽ có hiệu-lực.
3.- Trong trường hợp Tổng thống khước-từ, Quốc hội có quyền chung quyết sự khuyến cáo với đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ. Sự khuyến cáo sau này của Quốc hội có hiệu-lực kể từ ngày chung quyết.
ĐIỀU 43
1.- Dân biểu và Nghị sĩ có quyền đề nghị các dự án luật.
2.- Tổng thống có quyền đề nghị các dự thảo luật.
3.- Các dự án luật và dự thảo luật, gọi chung là dự luật, phải được đệ nạp tại Văn phòng Hạ Nghị viện.
4.- Trong mọi trường hợp Hạ Nghị viện chấp thuận hoặc bác bỏ một dự luật, Viện này đều chuyển dự luật sang Văn phòng Thượng Nghị viện trong thời hạn ba (3) ngày tròn.
5.- Nếu Thượng Nghị viện đồng quan điểm với Hạ Nghị viện, dự luật hoặc sẽ được chuyển sang Tổng thống để ban hành hoặc sẽ bị bác bỏ.
6.- Nếu Thượng Nghị viện không đồng quan điểm với Hạ Nghị viện, dự luật sẽ được gởi về Văn phòng Hạ Nghị viện trong thời hạn ba (3) ngày tròn, kèm theo quyết nghị có viện dẫn lí do.
7.- Trong trường hợp sau này, Hạ Nghị viện có quyền chung quyết dự luật với đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu.
8.- Nếu Hạ Nghị viện không hội đủ đa số hai phần ba (2/3) nói trên, quan điểm của Thượng Nghị viện được coi là chung quyết.
9.- Thời gian thảo luận và biểu quyết một dự luật tại Thượng Nghị viện chỉ có thể bằng phân nửa (1/2) thời gian thảo luận và biểu quyết tại Hạ Nghị viện. Thời gian thảo luận và chung quyết một dự luật tại Hạ Nghị viện chỉ có thể gấp đôi thời gian thảo luận và biểu quyết tại Thượng Nghị viện.
ĐIỀU 44
1.- Các dự luật được Quốc hội chung quyết sẽ được chuyển sang Tổng thống trong thời hạn ba (3) ngày tròn.
2.- Thời gian ban hành là mười lăm (15) ngày tròn kể từ ngày Tổng thống tiếp nhận dự luật.
3.- Trong trường hợp khẩn cấp do Quốc hội thẩm định, thời hạn ban hành là bảy (7) ngày tròn.
4.- Nếu Tổng thống không ban hành trong các thời hạn kể trên, dự luật đã được Quốc hội biểu quyết đương nhiên thành luật và sẽ được Chủ tịch Thượng Nghị viện ban hành.
ĐIỀU 45
1.- Trong thời hạn ban hành, Tổng thống có quyền gởi thông điệp có viện dẫn lí do yêu cầu Quốc hội phúc nghị một hay nhiều điều khoản của dự luật.
2.- Trong trường hợp này, Quốc hội sẽ họp khoáng đại lưỡng viện để chung quyết dự luật với đa số quá bán tổng số Dân biểu và Nghị sĩ. Nếu Quốc hội chung quyết bác bỏ lời yêu cầu phúc nghị của Tổng thống, dự luật đương nhiên thành luật và được chuyển sang Tổng thống để ban hành.
ĐIỀU 46
1.- Dự thảo ngân sách được đệ nạp tại Văn phòng Hạ Nghị viện trước ngày ba mươi tháng chín (30-9)
2.- Dân biểu và Nghị sĩ có quyền đề nghị các khoản chi mới nhưng đồng thời phải đề nghị các khoản thu tương đương.
3.- Hạ Nghị viện phải biểu quyết dự thảo ngân sách trước ngày ba mươi tháng mười một (30-11) và chuyển bản văn đã được chấp thuận đến Văn phòng Thượng Nghị viện chậm nhất là ngày một tháng mười hai (1-12).
4.- Thượng Nghị viện phải biểu quyết dự thảo ngân sách trước ngày ba mươi mốt tháng mười hai (31-12).
5.- Trong thời hạn nói trên, nếu Thượng Nghị viện yêu cầu Hạ Nghị viện phúc nghị một hay nhiều điều khoản trong dự thảo ngân sách, thủ tục quy định tại điều 43 phải được áp dụng. Trường hợp này, Tổng thống có quyền ký sắc luật cho thi hành từng phần ngân sách tương đương với một phần mười hai (1/12) ngân sách thuộc tài khóa trước, cho đến khi Hạ Nghị viện chung quyết xong dự thảo ngân sách.
ĐIỀU 47
1.- Mỗi Viện họp những khóa thường lệ và những khóa bất thường.
2.- Hàng năm mỗi Viện họp hai khóa thường lệ; một khóa họp bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên trong tháng tư dương lịch, một khóa họp bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên trong tháng mười dương lịch.
Mỗi khóa họp thường lệ không thể lâu quá chín mươi (90) ngày. Tuy nhiên Hạ Nghị viện có thể triển hạn khóa họp để chung quyết dự thảo ngân sách.
3.- Mỗi Viện có thể triệu tập các khóa họp bất thường khi có sự yêu cầu của Tổng thống hoặc một phần ba (1/3) tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ.
Nếu khóa họp bất thường do Tổng thống yêu cầu triệu tập, nghị trình khóa họp do Tổng thống ấn định.
ĐIỀU 48
1.- Quốc hội họp công khai trừ khi quá bán tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ hiện diện yêu cầu họp kín.
2.- Trong các phiên họp công khai, biên bản tường thuật toàn vẹn cuộc thảo luận và các tài liệu trình bày tại Quốc hội sẽ được đăng trên công báo.
ĐIỀU 49
1.- Mỗi Viện bầu Chủ tịch và các Nhân viên Văn phòng.
2.- Mỗi Viện thành lập các Ủy ban thường trực và các Ủy ban đặc biệt.
3.- Mỗi Viện trọn quyền ấn định Nội quy.
4.- Văn phòng hai Viện ấn định thủ tục liên lạc và sinh hoạt giữa hai Viện.
ĐIỀU 50
1.- Chủ tịch Thượng Nghị viện triệu tập và chủ tọa các phiên họp khoáng đại lưỡng viện.
2.- Trường hợp Chủ tịch Thượng Nghị viện bị ngăn trở, Chủ tịch Hạ Nghị viện sẽ thay thế Chủ tịch Thượng Nghị viện trong nhiệm vụ này.
CHƯƠNG IV: HÀNH PHÁP
ĐIỀU 51
Quyền Hành pháp được Quốc dân ủy nhiệm cho Tổng thống.
ĐIỀU 52
1.- Tổng thống và Phó Tổng thống cùng đứng chung một liên danh, được cử tri toàn quốc bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
2.- Nhiệm kì của Tổng thống và Phó Tổng thống là bốn (4) năm. Tổng thống và Phó Tổng thống có thể được tái cử một lần.
3.- Nhiệm kì của Tổng thống và Phó Tổng thống chấm dứt đúng mười hai (12) giờ trưa ngày cuối cùng tháng thứ bốn mươi tám (48) kể từ ngày nhậm chức và nhiệm kì của tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống bắt đầu từ lúc ấy.
4.- Cuộc bầu cử tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống được tổ chức vào ngày chúa nhật, bốn (4) tuần lễ trước khi nhiệm kì của Tổng thống tại chức chấm dứt.
ĐIỀU 53
Được quyền ứng cử Tổng thống hoặc Phó Tổng thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây :
1.- Có Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử.
Thời gian công cán và lưu vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước nhà.
2.- Đủ ba mươi lăm (35) tuổi tính đến ngày bầu cử.
3.- Được hưởng các quyền công dân.
4.- Ở trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
5.- Hội đủ những điều kiện khác dự liệu trong đạo luật bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống.
ĐIỀU 54
1- Tối cao Pháp viện lập danh sách ứng cử viên, kiểm soát tánh cách hợp thức của cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả.
2- Các ứng cử viên được hưởng đồng đều phương tiện trong cuộc vận động tuyển cử.
3- Một đạo luật sẽ quy định thể thức ứng cử và bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống.
ĐIỀU 55
Khi nhậm chức, Tổng thống tuyên thệ trước quốc dân với sự chứng kiến của Tối cao Pháp viện và Quốc hội : “Tôi long trọng tuyên thệ trước quốc dân sẽ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc và tận lực làm tròn nhiệm vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”.
ĐIỀU 56
1.- Nhiệm kì của Tổng thống và Phó Tổng thống có thể chấm dứt trước kỳ hạn trong những trường hợp:
a. Mệnh chung.
b. Từ chức.
c. Bị truất quyền.
d. Bị bệnh tật trầm trọng và kéo dài không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực này phải được Quốc hội xác nhận với đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ sau các cuộc giám định và phản giám định y khoa.
2.- Trong trường hợp nhiệm vụ của Tổng thống chấm dứt trên một (1) năm trước kỳ hạn, Phó Tổng thống sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ Tổng thống trong thời hạn ba (3) tháng để tổ chức cuộc bầu cử tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống cho nhiệm kì mới.
3.- Trong trường hợp nhiệm vụ Tổng thống chấm dứt dưới một (1) năm trước kỳ hạn, Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống đến hết nhiệm kì, ngoại trừ trường hợp Tổng thống bị truất quyền.
4.- Nếu vì một lí do gì, Phó Tổng thống không thể đảm nhiệm chức vụ Tổng thống, Chủ tịch Thượng Nghị viện sẽ đảm nhiệm chức vụ này trong thời hạn ba (3) tháng để tổ chức cuộc bầu cử tân Tổng thống và tân Phó Tổng thống.
ĐIỀU 57
Tổng thống ban hành các đạo luật trong thời hạn quy định ở điều 44.
ĐIỀU 58
1.- Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng; theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm các nhân viên Chính phủ.
2.- Tổng thống có quyền cải tổ toàn bộ hay một phần Chính phủ, hoặc tự ý, hoặc sau khi có khuyến cáo của Quốc hội.
ĐIỀU 59
1. Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng Nghị viện:
a- Các Trưởng nhiệm sở ngoại giao.
b- Viện trưởng các Viện Đại học.
2.- Tổng thống thay mặt Quốc gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao.
3.- Tổng thống ký kết và sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ban hành các hiệp ước và hiệp định quốc tế.
ĐIỀU 60
Tổng thống là Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
ĐIỀU 61
1.- Tổng thống ban các loại huy chương.
2.- Tổng thống có quyền ân xá, và ân giảm hình phạt các phạm nhân.
ĐIỀU 62
1.- Tổng thống hoạch định chính sách Quốc gia.
2.- Tổng thống chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng.
ĐIỀU 63
1.- Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội bằng thông điệp. Vào mỗi khóa họp thường lệ và mỗi khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình-hình Quốc gia và chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ.
2.- Thủ tướng và các nhân viên Chính phủ có thể tham dự các phiên họp của Quốc hội hoặc của các Ủy ban để trình bày và giải thích về các vấn đề liên quan đến chính sách Quốc gia và sự thi hành chính sách Quốc gia.
ĐIỀU 64
1.- Trong các trường hợp đặc biệt Tổng thống có thể ký sắc luật tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm hay khẩn trương trên một phần hay toàn lãnh thổ.
2.- Quốc hội phải được triệu tập chậm nhất mười hai (12) ngày kể từ ngày ban hành sắc luật để phê chuẩn, sửa đổi, hoặc bãi bỏ.
3.- Trong trường hợp Quốc hội bãi bỏ hoặc sửa đổi sắc luật của Tổng thống, các tình trạng đặc biệt đã được ban hành sẽ chấm dứt hoặc thay đổi hiệu lực.
ĐIỀU 65
Trong tình trạng chiến tranh không thể tổ chức bầu cử được, với sự chấp thuận của hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ, Tổng thống có quyền lưu nhiệm một số các cơ quan dân cử và bổ nhiệm một số Tỉnh trưởng.
ĐIỀU 66
1.- Phó Tổng thống là Chủ tịch Hội đồng Văn hóa Giáo dục, Hội đồng Kinh tế Xã hội và Hội đồng các Sắc tộc Thiểu số.
2.- Phó Tổng thống không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào trong Chính phủ.
ĐIỀU 67
1.- Thủ tướng điều khiển Chính phủ và các cơ cấu hành chánh Quốc gia.
2.- Thủ tướng chịu trách nhiệm về sự thi hành chính sách Quốc gia trước Tổng thống.
ĐIỀU 68
1.- Tổng thống, Phó Tổng thống và các nhân viên Chính phủ không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào thuộc lãnh vực tư, dù có thù lao hay không.
2.- Trong mọi trường hợp, người hôn phối của các vị này không được tham dự các cuộc đấu thầu hoặc kết ước với các cơ quan công quyền.
ĐIỀU 69
1.- Hội đồng An ninh Quốc gia có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng.
- Đề nghị các biện pháp thích ứng để duy trì an ninh Quốc gia.
- Đề nghị tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm, khẩn trương hoặc chiến tranh.
- Đề nghị tuyên chiến hay nghị hòa.
2.- Tổng thống là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia.
3.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia.
ĐIỀU 70
1.- Nguyên tắc địa phương phân quyền được công nhận cho các tập thể địa phương có tư cách pháp nhân như: Xã, Tỉnh, Thị xã và Thủ đô.
2.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành nền hành chánh địa phương.
ĐIỀU 71
1.- Các cơ quan quyết nghị và các vị chỉ huy các cơ quan chấp hành các tập thể địa phương phân quyền sẽ do cử tri bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
2.- Riêng ở cấp Xã, Xã trưởng có thể do Hội đồng Xã bầu lên trong số các hội viên Hội đồng Xã.
ĐIỀU 72
Các vị chỉ huy các cơ quan chấp hành của các tập thể địa phương phân quyền là:
- Xã trưởng ở cấp Xã.
- Tỉnh trưởng ở cấp Tỉnh.
- Thị trưởng ở cấp Thị xã.
-  Đô trưởng ở Thủ đô.
ĐIỀU 73
Các cơ quan quyết nghị của các tập thể địa phương phân quyền là:
- Hội đồng Xã ở cấp Xã.
- Hội đồng Tỉnh ở cấp Tỉnh.
- Hội đồng Thị xã ở cấp Thị xã.
- Hội đồng Đô thành ở Thủ đô.
ĐIỀU 74
Chính phủ bổ nhiệm bên cạnh các Đô trưởng, Thị trưởng, Tỉnh trưởng, Xã trưởng hai (2) viên chức có nhiệm vụ phụ tá về hành chánh và an ninh cùng các nhân viên hành chánh khác.
ĐIỀU 75
Nhân viên các cơ quan quyết nghị và các Vị chỉ huy các cơ quan chấp hành của các tập thể địa phương phân quyền có thể bị Tổng thống giải nhiệm trong trường hợp vi phạm Hiến pháp, luật pháp Quốc gia hay chính sách Quốc gia.
CHƯƠNG V: TƯ PHÁP
ĐIỀU 76
1.- Quyền Tư pháp độc lập, được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và được hành xử bởi các Thẩm phán xử án.
2.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành ngành tư pháp.
ĐIỀU 77
Mọi Tòa án đều phải do một đạo luật thiết lập với một thành phần Thẩm phán xử án và Thẩm phán công tố chuyên nghiệp và theo một thủ tục tôn trọng quyền biện hộ.
ĐIỀU 78
1.- Thẩm phán xử án và Thẩm phán công tố được phân nhiệm rõ rệt và có quy chế riêng biệt.
2.- Thẩm phán xử án quyết định theo lương tâm và pháp luật dưới sự kiểm soát của Tối cao Pháp viện.
3.- Thẩm phán công tố theo dõi sự áp dụng luật pháp để bảo vệ trật tự công cộng dưới sự kiểm soát của Bộ Tư pháp.
ĐIỀU 79
Thẩm phán xử án chỉ có thể bị giải nhiệm trong trường hợp bị kết án, vi phạm kỉ luật hay bất lực về tinh thần hoặc thể chất.
ĐIỀU 80
1.- Tối cao Pháp viện gồm từ chín (9) đến mười lăm (15) Thẩm phán Tối cao Pháp viện Do Quốc hội tuyển chọn và Tổng thống bổ nhiệm theo một danh sách ba mươi (30) người do Thẩm phán đoàn, Công tố đoàn và Luật sư đoàn bầu lên.
2.- Thẩm phán Tối cao Pháp viện phải là những Thẩm phán hay luật sư đã hành nghề ít nhất mười (10) năm trong ngành tư pháp.
3.- Nhiệm kì của Thẩm phán Tối cao Pháp viện là sáu (6) năm.
4.- Thành phần cử tri thuộc Thẩm phán đoàn, Công tố đoàn và Luật sư đoàn phải đồng đều.
5.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Tối cao Pháp viện.
ĐIỀU 81
1.- Tối cao Pháp viện có Thẩm quyền giải thích Hiến pháp, phán quyết về tách cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tách cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh.
2.- Tối cao Pháp viện có thẩm quyền phán quyết về việc giải tán một chánh đảng có chủ trương và hành động chống lại chánh thể Cộng hòa.
3.- Trong những trường hợp này, Tối cao Pháp viện sẽ họp khoáng đại toàn Viện, các đại diện Lập pháp hoặc Hành pháp có thể tham dự để trình bày quan điểm.
4.- Những quyết định của Tối cao Pháp viện tuyên bố một đạo luật bất hợp hiến hoặc giải tán một chánh đảng phải hội đủ đa số ba phần tư (3/4) tổng số Thẩm phán Tối cao Pháp viện.
ĐIỀU 82
Tối cao Pháp viện có thẩm quyền phán quyết về các vụ thượng tố các bản án chung thẩm.
ĐIỀU 83
Tối cao Pháp viện có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để quản trị ngành tư pháp.
ĐIỀU 84
1.- Hội đồng Thẩm phán có nhiệm vụ:
-  Đề nghị bổ nhiệm, thăng thưởng, thuyên chuyển và chế tài về kỉ luật các thẩm phán xử án.
-  Cố vấn Tối cao Pháp viện về các vấn đề liên quan đến ngành tư pháp.
2.- Hội đồng Thẩm phán gồm các Thẩm phán xử án do các Thẩm phán xử án bầu lên.
3.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng Thẩm phán.
CHƯƠNG VI: CÁC ĐỊNH CHẾ ĐẶC BIỆT
Đặc biệt Pháp viện
ĐIỀU 85
Đặc biệt Pháp viện có thẩm quyền truất quyền Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, các Tổng Bộ trưởng, các Thẩm phán Tối cao Pháp viện và các Giám sát viên trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác.
ĐIỀU 86
1.- Đặc biệt Pháp viện do Chủ tịch Tối cao Pháp viện giữ chức Chánh thẩm và gồm năm (5) Dân biểu và năm (5) Nghị sĩ.
2.- Khi Chủ tịch Tối cao Pháp viện là bị can, Chủ tịch Thượng Nghị viện giữ chức Chánh thẩm.
ĐIỀU 87
1.- Đề nghị khởi tố có viện dẫn lí do phải được quá bán tổng số Dân biểu và Nghị sĩ ký tên. Quyết định khởi tố phải được đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ biểu quyết chấp thuận.
Riêng đối với Tổng thống và Phó Tổng thống đề nghị khởi tố có viện dẫn lí do phải được hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ ký tên.
Quyết nghị khởi tố phải được đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ biểu quyết chấp thuận.
2.- Đương sự phải đình chỉ nhiệm vụ từ khi Quốc hội biểu quyết truy tố đến khi Đặc biệt Pháp viện phán quyết.
3.- Đặc biệt Pháp viện phán quyết truất quyền theo đa số ba phần tư (3/4) tổng số Nhân viên. Riêng đối với Tổng thống và Phó Tổng thống, phán quyết truất quyền theo đa số bốn phần năm (4/5) tổng số Nhân viên.
4.- Đương sự được quyền biện hộ trong mọi giai đoạn của thủ tục truy tố.
5.- Sau khi bị truất quyền, đương sự có thể bị truy tố trước các Tòa án có thẩm quyền.
6.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức, điều hành và thủ tục trước Đặc biệt Pháp viện.
Giám sát Viện
ĐIỀU 88
Giám sát Viện có thẩm quyền:
1-Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi Quốc gia.
2- Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và hợp doanh.
3- Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Dân biểu, Nghị sĩ, Chủ tịch Tối cao Pháp viện.
4- Riêng đối với Chủ tịch Giám sát Viện và các giám sát viên, việc kiểm kê tài sản do Tối cao Pháp viện đảm trách.
ĐIỀU 89
1.- Giám sát Viện có quyền đề nghị các biện pháp chế tài về kỉ luật đối với nhân viên phạm lỗi hoặc yêu cầu truy tố đương sự ra trước Tòa án có thẩm quyền.
2.- Giám sát Viện có quyền công bố kết quả cuộc điều tra.
ĐIỀU 90
1.- Giám sát Viện gồm từ chín (9) đến mười tám (18) giám sát viên, một phần ba (1/3) do Quốc hội, một phần ba (1/3) do Tổng thống và một phần ba (1/3) do Tối cao Pháp viện chỉ định.
2.- Giám sát viên được hưởng những quyền hạn và bảo đảm cần thiết để thi hành nhiệm vụ.
ĐIỀU 91
Giám sát Viện có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để tổ chức nội bộ và quản trị ngành giám sát.
Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Giám sát Viện.
Hội đồng quân lực
ĐIỀU 92
1.- Hội đồng Quân lực cố vấn Tổng thống về các vấn đề liên quan đến quân lực, đặc biệt là việc thăng thưởng, thuyên chuyển và trừng phạt quân nhân các cấp.
2.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng Quân lực.
Hội đồng Văn hóa Giáo dục
ĐIỀU 93
1.- Hội đồng Văn hóa Giáo dục có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ soạn thảo và thực thi chính sách văn hóa giáo dục.
Một Hàn lâm Viện Quốc gia sẽ được thành lập.
2.- Với sự chấp thuận của Quốc hội, Hội đồng Văn hóa Giáo dục có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc hội về các vấn đề liên hệ.
3.- Các dự luật liên quan đến văn hóa giáo dục có thể được Hội đồng tham gia ý kiến trước khi Quốc hội thảo luận.
ĐIỀU 94
1.- Hội đồng Văn hóa Giáo dục gồm:
- Một phần ba (1/3) hội viên do Tổng thống chỉ định.
- Hai phần ba (2/3) hội viên do các tổ chức văn hóa giáo dục công và tư, các hiệp hội phụ huynh học sinh đề cử.
2.- Nhiệm kì của Hội đồng Văn hóa Giáo dục là bốn (4) năm.
3.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng Văn hóa Giáo dục.
Hội đồng Kinh tế Xã hội
ĐIỀU 95
1.- Hội đồng Kinh tế Xã hội có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ về những vấn đề kinh tế và xã hội.
2.- Với sự chấp thuận của Quốc hội, Hội đồng Kinh tế Xã hội có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc hội về các vấn đề liên hệ.
3.- Các dự luật kinh tế và xã hội có thể được Hội đồng Kinh tế Xã hội tham gia ý kiến trước khi Quốc hội thảo luận.
ĐIỀU 96
1.- Hội đồng Kinh tế Xã hội gồm:
-  Một phần ba (1/3) hội viên do Tổng thống chỉ định.
-  Hai phần ba (2/3) hội viên do các tổ chức công kỹ-nghệ, thương mại, nghiệp đoàn, các hiệp hội có tách cách kinh tế và xã hội đề cử.
2.- Nhiệm kì của Hội đồng Kinh tế Xã hội là bốn (4) năm.
3.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng Kinh tế Xã hội.
Hội đồng các Sắc tộc
ĐIỀU 97
1.- Hội đồng các Sắc tộc có nhiệm vụ cố vấn Chính phủ về các vấn đề liên quan đến đồng bào thiểu số.
2.- Với sự chấp thuận của Quốc hội, Hội đồng các Sắc tộc có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc hội về các vấn đề liên hệ.
3.- Các dự luật liên quan đến Đồng bào Thiểu số có thể được Hội đồng các Sắc tộc tham gia ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận.
ĐIỀU 98
1.- Hội đồng các Sắc tộc gồm có:
-  Một phần ba (1/3) hội viên do Tổng thống chỉ định.
-  Hai phần ba (2/3) hội viên do các sắc tộc thiểu số đề cử.
2.- Nhiệm kì của Hội đồng các sắc tộc là bốn (4) năm.
3.- Một đạo luật sẽ quy định sự tổ chức và điều hành Hội đồng các Sắc tộc.
CHƯƠNG VII: CHÁNH ĐẢNG VÀ ĐỐI LẬP
ĐIỀU 99
1.- Quốc gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ.
2.- Chánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điều kiện luật định.
ĐIỀU 100
Quốc gia khuyến khích việc tiến tới chế độ lưỡng đảng.
ĐIỀU 101
Quốc gia công nhận sự định chế hóa đối lập chính trị.
ĐIỀU 102
Một đạo luật sẽ ấn định quy chế chánh đảng và đối lập chính trị.
CHƯƠNG VIII: TU CHÍNH HIẾN PHÁP
ĐIỀU 103
1.- Tổng thống, quá bán tổng số Dân biểu hay quá bán tổng số Nghị sĩ có quyền đề nghị tu chính Hiến pháp.
2.- Đề nghị phải viện dẫn lí do và được đệ nạp tại Văn phòng Thượng Nghị viện.
ĐIỀU 104
Một Ủy ban lưỡng viện sẽ được thành lập để nghiên cứu về đề nghị tu chính Hiến pháp và thuyết trình trong những phiên họp khoáng đại lưỡng viện.
ĐIỀU 105
Quyết nghị tu chính Hiến pháp phải hội đủ hai phần ba (2/3) tổng số Dân biểu và Nghị sĩ.
ĐIỀU 106
Tổng thống ban hành đạo luật tu chính Hiến pháp theo thủ tục quy định ở điều 44.
ĐIỀU 107
Không thể hủy bỏ hoặc tu chính điều một (1) và điều này của Hiến pháp.
CHƯƠNG XI: ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
ĐIỀU 108
Hiến pháp bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ban hành và Ước pháp Tạm thời ngày mười chín tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm (19-6-1965) đương nhiên hết hiệu lực.
ĐIỀU 109
Trong thời gian chuyển tiếp Quốc hội dân cử ngày mười một tháng chín năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm (11-9-1965), đại diện Quốc dân, trong phạm vi lập pháp:
1.- Soạn thảo và chung quyết:
- Các đạo luật bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống, Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện.
- Các đạo luật tổ chức Tối cao Pháp viện.
- Các quy chế chánh đảng và báo chí.
2.- Phê chuẩn các Hiệp ước.
ĐIỀU 110
Kể từ khi Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kỳ một (1) nhậm chức, Quốc hội dân cử ngày mười một tháng chín năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu (11-9-1966) đảm nhiệm quyền Lập pháp cho đến khi Quốc hội pháp nhiệm một (1) được triệu tập.
ĐIỀU 111
Trong thời gian chuyển tiếp Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Ủy ban Hành pháp Trung ương lưu nhiệm cho đến khi Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kỳ một (1) nhậm chức.
ĐIỀU 112
Trong thời gian chuyển tiếp, các Tòa án hiện hành vẫn tiếp tục hành xử quyền tư pháp cho đến khi các định chế tư pháp quy định trong Hiến pháp này được thành lập.
ĐIỀU 113
Quốc hội dân cử ngày mười một tháng chín năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu (11-9-1966) sẽ lập danh sách ứng cử viên, kiểm soát tách cách hợp thức và tuyên bố kết quả bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kì một (1).
ĐIỀU 114
Trong nhiệm kì đầu tiên Tổng thống có thể bổ nhiệm các Tỉnh trưởng.
ĐIỀU 115
Cuộc bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống phải được tổ chức chậm nhất sáu (6) tháng kể từ ngày ban hành Hiến pháp này.
ĐIỀU 116
Cuộc bầu cử Quốc hội Lập pháp; việc tổ chức Tối cao Pháp viện và Giám sát Viện phải được thực hiện chậm nhất là mười hai (12) tháng kể từ ngày Tổng thống nhiệm kì một (1) nhậm chức.
ĐIỀU 117
Các cơ cấu khác do Hiến pháp quy định phải được thiết lập chậm nhất là hai (2) năm kể từ ngày Quốc hội pháp nhiệm một (1) được thành lập.
Bản văn Hiến Pháp này đã được Quốc hội chung quyết trong phiên họp ngày 18 tháng ba năm 1967. (*)
Sài Gòn, ngày 18 tháng 3 năm 1967
Chủ tịch Quốc hội Lập hiến
PHAN KHẮC SỬU
Chủ tịch Ủy ban Thảo hiến
ĐINH THÀNH CHÂU

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen