Seiten

Sonntag, 15. Dezember 2013

NGUYỄN VĂN BÔNG: Luật Hiến pháp và Chính trị học (9)

CHƯƠNG II: NHỮNG HÌNH THỨC THAM GIA CHÍNH TRỊ
Mục I: CÔNG DÂN CHÚ TRỌNG ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ
Một trong những hình thức tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị là chú trọng đến các vấn đề chính trị. Vì có chú trọng mới am hiểu sự phức tạp của các vấn đề, mới phán đoán một cách chính xác nhà cầm quyền và khi bầu cử mới sử dụng lá phiếu một cách đứng đắn. Cần phải thành thật mà nhận định rằng tỉ số công dân chú trọng đến các vấn đề chính trị rất kém. Thật vậy, qua những cuộc tìm hiểu dư luận, những cuộc điều tra dân ý, người ta đã có những kết quả như sau:
  • 20% chú ý thật đến chính trị.
  • 40% chỉ biết sơ sài về chính trị.
  • 40% không biết gì về chính trị.
Và kết quả này là kết quả chung của rất nhiều nước hiện nay trên thế giới. Tỉ số quá kém này còn thấp hơn nữa trong những nước vừa thâu hồi nền độc lập trong ấy mức sống còn kém và trình độ hiểu biết chưa được phổ thông nhiều.
Khi nói đến công dân chú trọng đến các vấn đề chính trị, chúng ta cần phải nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng là tìm hiểu chính trị và có lập trường chính trị: công dân ít tìm hiểu chính trị và cũng ít có lập trường chính trị.
Đoạn 1: TÌM HIỂU CHÍNH TRỊ
Tìm hiểu chính trị, tức là sự dò thăm, săn tin tức, theo dõi các vấn đề chính trị. Làm thế nào để theo dõi chính trị? Không có phương tiện nào hơn là báo chí. Và ở đây chúng ta đứng trước một vấn đề cực kỳ quan trọng vấn đề mối tương quan giữa chính trị và báo chí. Thật vậy, công dân chỉ bàn cãi chính trị, chú ý đến cuộc sinh hoạt xuyên qua báo chí. Thế mà báo chí ngày nay lại ít nói đến chính trị. Có một hiện tượng tổng quát chung cho các nước trên thế giới – trừ một vài biệt lệ, một hiện tượng đầy ý nghĩa là càng ngày càng khó mà cho xuất bản một tờ báo hoàn toàn chính trị. Và kinh nghiệm cũng cho biết rằng những tờ báo có một mầu sắc chính trị, có một lập trường chính trị rõ rệt lại thấy độc giả của mình ngày càng kém đi.
Vẫn biết rằng làm báo là làm tròn sứ mạng thông tin, đôi khi để thể hiện xu hướng chính trị của mình, nhưng đó là lí tưởng tốt đẹp. Và lí tưởng tốt đẹp ấy không cho phép các chủ nhiệm xao lãng các con số quan trọng liên hệ đến xí nghiệp của ông: con số in, con số độc giả. Và để ý đến những con số ấy, nhất là sở thích của độc giả – nhất định là đưa đến hậu quả này: tránh những tin tức chính trị và tăng những tin “sốt dẻo”.
Vì báo bán chạy nhất là những tờ báo có đăng ở trang nhất những câu chuyện tâm tình cùng những bức ảnh đầy tưởng tượng của một nữ danh ca hay một ngôi sao màn ảnh, những đám cưới linh đình của con nhà vua, chúa. Và những chuyện chó cắn, đụng xe, những vụ tạt át-xít, những mẩu chuyện bằng hình, những bộ tiểu thuyết tình cảm xã hội likỳ cùng những bộ “lục mạnh thần kiếm” hay là “cô gái đồ long” tất cả những tin tức ấy chiếm hết cả trang giấy của tờ báo.
Chính trị vỏn vẹn còn lại một vài cột và liên quan đến nhân vật nhiều hơn là vấn đề với những lời bình phẩm bên lề chính trị.
Đó là tình trạng bi đát của báo chí ngày nay. Và chính tình trạng bi đát này giải thích một phần nào sự thiếu thông tin của công dân. Và đó là nguyên nhân và đồng thời là hậu quả của một hiện tượng: công dân không chú ý đến các vấn đề chính trị.
Nếu báo chí không thông tin xác thực và bàn luận thì làm sao công dân hiểu biết để tham gia chính trị. Trái lại, nếu công dân không chú ý đến phần tin tức chính trị, làm sao báo chí có can đảm cho in nhiều về chính trị. Và cái vòng lẩn quẩn này đưa đến một hậu quả chính trị không đẹp là công dân không tham gia tích cực vào cuộc sinh hoạt chính trị. Vì làm sao tham gia nếu không tìm hiểu chính trị?
Đoạn 2: LẬP TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
Có những tin tức chính trị, có tìm hiểu chính trị, công dân mới có thể có một lập trường chính trị. Công dân tham gia chính trị khi nào họ công khai có ý kiến, thảo luận về chính trị, cố gắng để thuyết phục người khác về một đường lối chính trị, tham gia một cuộc biểu tình, kí tên dưới một văn kiện có tính cách chính trị. Có những hoạt động này là có một lập trường chính trị.
Cần phải nói ngay rằng tỉ số công dân có một lập trường chính trị lại còn kém nhiều nữa, và về mọi hình thức của lập trường chính trị: thảo luận chính trị, viết thơ cho báo chí hay cơ quan công quyền. Chính ngay ở Mỹ, một cuộc điều tra cho biết rằng, trả lời cho một câu hỏi: “Anh có bao giờ viết thơ cho một dân biểu Quốc hội” 80% trả lời không và 14% có. Và trong số 14% trả lời có này, gần 10% viết thơ để xin một ân huệ, bàn một vấn đề cá nhân không liên quan gì đến chính trị nước nhà.
Tóm lại, dưới khía cạnh lập trường chính trị hay tìm hiểu chính trị, thực tại cho chúng ta thấy rằng công dân ít chú trọng đến vấn đề chính trị. Đây là một nhận xét liên quan đến hình thức tổng quát nhất về tham gia chính trị.
Mục II: CÔNG DÂN CHÚ TRỌNG ĐẾN CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ
Nói đến tổ chức, chúng ta nghĩ ngay đến tổ chức chính trị và tổ chức không chính trị. Đây là những cơ cấu xã hội – mối dây liên lạc – qua đó công dân tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị.
Nói đến tổ chức chính trị, chúng ta nghĩ ngay đến chính đảng, đảng phái chính trị. Nói đến tổ chức không chính trị, chúng ta nghĩ đến những tổ chức không có mục tiêu chính trị, mà trái lại có những mục tiêu văn hóa, xã hội, nghề nghiệp v.v… Những tổ chức, những đoàn thể như Trí thức Công giáo. Thích Quảng Đức, Sinh viên Phật tử, Tổng Hội Sinh viên, tất cả các nghiệp đoàn và hiệp hội. Tất cả đều là những tổ chức không mục tiêu chính trị nhưng chắc chắn là có ảnh hưởng chính trị. Và một khuynh hướng đầy ý nghĩa của nền dân chủ cận đại, là một công dân thích có một lập trường chính trị trong những tổ chức không mục tiêu chính trị hơn là tham gia thẳng thắn vào đảng phái chính trị. Nhận xét quan trọng này chúng ta sẽ có dịp bàn đến.
Điều cần phải nhận thức ngay từ bây giờ là có những chính đảng và tổ chức không mục tiêu chính trị, hai cơ cấu xã hội trung gian của sự tham gia chính trị của công dân.
Đoạn 1: CHÍNH ĐẢNG
Chính đảng là một dụng cụ, phương tiện ưu thế của sự tham gia chính trị. Chính thể dân chủ ngày nay không thể ăn sâu vào quần chúng, không thể tồn tại nếu không có sự hiện diện của chính đảng, vì chính đảng là cơ quan vận dụng và tập trung dư luận.
Nếu không có chính đảng và nếu hệ thống chính đảng không được điều hòa một cách hữu hiệu, tương lai của nền dân chủ sẽ đen tối và cuộc sinh hoạt chính trị kém phần ổn định. Chúng ta có thể so sánh mối tương quan giữa quốc gia và chính đảng với mối tương quan giữa con người và trái tim hay bao tử. Trái tim hay bao tử của chúng ta đã nhiều lần làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng không ai có thể nghĩ rằng con người có thể sống không trái tim hay bao tử. Chính đảng cũng vậy. Chính đảng là một nguồn lo âu và nhiều lúc là trở lực không ít cho cuộc sinh hoạt chính trị. Nhưng không thể nào quan niệm được một nền dân chủ hữu hiệu, một khung cảnh chính trị tự do và hợp lí nếu không có chính đảng. Vì chính đảng là điều kiện tối cần của cuộc sinh hoạt chính trị.
A. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI
1. Đặc tính của chính đảng là mục tiêu của nó. Và mục tiêu của chính đảng là chiếm đoạt chính quyền và hành xử chính quyền một cách hợp pháp. Có rất nhiều đoàn thể – về phương diện tổ chức, điều hành không khác gì chính đảng. Những đoàn thể này cũng bàn về chính trị, cũng có lập trường chính trị. Nhưng mục tiêu của nó – hay nói cho đúng hơn là mục tiêu công khai – không phải là chiếm đoạt và hành xử chính quyền. Đó là điều dị biệt căn bản giữa chính đảng và những tổ chức khác. Nói rằng lập đảng phái để cứu quốc chứ không nghĩ đến nắm chính quyền là nói láo hoặc không biết gì. Chính đảng phải có mục tiêu – vì đó là lẽ dĩ nhiên – chiếm đoạt chính quyền để thực hiện chương trình và lí tưởng chính trị của đảng, lí tưởng và chương trình mà đảng cho rằng hợp với quyền lợi của quốc gia.
Và chiếm đoạt và hành xử chính quyền một cách hợp pháp. Danh từ hợp pháp có nghĩa là chính đảng hoạt động công khai để cố thâu nhận nhân viên, thuyết phục công dân theo đường lối chủ trương của mình. Và hoạt động công khai, hợp pháp, dùng những phương tiện dân chủ để chiếm đoạt chính quyền. Những tổ chức bí mật, với những mánh khóe, những phương tiện bạo động là những tổ chức phiến loạn, tổ chức ăn cướp hoặc là tổ chức gì khác chứ không phải chính đảng.
Tóm lại, “Chính đảng là một đoàn thể trong ấy, những người cùng một chủ nghĩa về chính trị, kết hợp nhau dưới một kỉ luật đã định để mưu thực hiện chính kiến chung”.
2. Phân loại
Ở đây, chúng ta đứng trên quan điểm hình thức tổ chức các chính đảng để phân loại:
a. Chính đảng cán bộ và chính đảng quần chúng
Loại thứ nhất gồm các chính đảng được gọi là “Chính đảng cán bộ”. Loại chính đảng này không nhằm thâu nhận đông đảo quần chúng mà hướng về sự thâu nạp những nhân vật có uy tín. Tổ chức nội bộ của đảng thường thường rất thô sơ với một văn phòng trung ương liên lạc, những đơn vị là những ủy ban địa phương. Giữa văn phòng trung ương và các ủy ban địa phương, cũng như giữa các ủy ban này, những mối tương quan rất là rời rạc, mỗi đơn vị giữ sự độc lập của mình. Vì thế mà chính đảng này có tính cách rất phân tán. Trọng tâm của đảng là vận động tuyển cử và hoạt động tại nghị trường. Vấn đề chủ nghĩa về lí thuyết chỉ có tầm quan trọng tương đối nào đó mà thôi. Loại đảng này thường thường là chính đảng tư sản, bảo thủ.
Loại thứ hai “Chính đảng quần chúng”. Các đảng này chú trọng đến việc thâu nạp nhiều đảng viên và không lưu tâm cho mấy đến cá nhân đảng viên. Đây là những chính đảng dựa vào đại chúng. Hệ thống tổ chức nội bộ rất chặt chẽ: việc gia nhập đảng được xác định rõ ràng với bổn phận lấy thẻ và đóng niên liễm. Các đơn vị chi bộ hoạt động tích cực để thâu nhận đảng viên và giáo dục chính trị họ. Bộ máy hành chính của đảng có một tầm quan trọng đặc biệt: đảng có một số đảng viên thường trực làm việc ăn lương của đảng với tư cách cán bộ và có uy quyền thật sự. Hoạt động của đảng không phải chỉ nhằm vận động tuyển cử mà còn chú trọng đặc biệt đến việc giáo dục chính trị, quần chúng, đến những vấn đề ngoài lĩnh vực hoàn toàn chính trị, như văn hóa, xã hội, kinh tế v.v… Vấn đề chủ nghĩa luôn luôn được đề cao trong mọi lập trường của đảng.
b. Chính đảng có tính cách dân chủ và chính đảng có tính cách độc tài
Trong chính đảng có tính cách dân chủ, lãnh tụ và nhân viên cao cấp của đảng một phần nào do chính đảng viên bầu lên. Tôn chỉ, đường lối, lập trường chính trị được thảo luận một cách công khai tại những buổi họp khoáng đại như đại hội toàn quốc mà tất cả đại diện của đảng viên có quyền tham dự. Nguyên tắc tự do phát biểu ý kiến được tôn trọng trong các đại hội, hội đồng hay ủy ban của đảng. Nguyên tắc phân quyền vẫn còn áp dụng trong việc tổ chức nội bộ và một sự bất đồng ý kiến trong chính đảng có thể được chấp nhận.
Trái lại, với các đảng có tính cách độc tài – mà điển hình là đảng cộng sản và phát-xít – nguyên tắc tổ chức là nguyên tắc tập trung tuyệt đối. Kỉ luật rất chặt chẽ: các chỉ thị từ trên đưa xuống phải được thi hành triệt để, nhân viên của đảng phải triệt để tuân lệnh của ủy ban chấp hành trung ương và nếu có lệnh, các tổng trưởng và nghị sĩ sẽ phải từ chức. Hoạt động chính của đảng không phải là vận động tuyển cử mà là tuyên truyền, sách động quần chúng bằng những phương tiện thông thường có tính cách bạo động (biểu tình, đình công, phá hoại v.v…).
B. HỆ THỐNG CHÍNH ĐẢNG
Kinh nghiệm chính trị cho chúng ta thấy rằng hệ thống chính đảng rất mật thiết ảnh hưởng đến cuộc sinh hoạt chính trị của một quốc gia. Một chính thể độc tài thường được dựa trên một chính đảng duy nhất; trái lại sự hiện hữu của nhiều chính đảng trong một quốc gia được xem là dấu hiệu của nền dân chủ. Hơn nữa chính ngay trong chính thể dân chủ, hệ thống đa đảng hay lưỡng đảng làm cho đảo lộn tất cả các nguyên tắc của luật Hiến pháp và chi phối tất cả cuộc sinh hoạt chính trị.
1. Các hệ thống chính đảng
a. Hệ thống đa đảng
Hệ thống đa đảng là hệ thống chính đảng của một quốc gia trong ấy có nhiều chính đảng hoạt động. Hiện tượng đa đảng này có nhiều nguyên nhân liên hệ đến sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân cũng như sự đối lập giữa những khuynh hướng chính trị tổng quát. Thật vậy, trong một chính đảng thường thường ít nhất cũng có hai khuynh hướng “cương” hoặc khuynh hướng “nhu” tức là nhóm quá khích, nhóm ôn hòa. Nếu sự xung đột gồm hai khuynh hướng này không có tính cách quyết liệt và trong chính đảng còn có một lãnh tụ có uy tín thì chính đảng vẫn tồn tại và giữ được sự thống nhất nội bộ. Trái lại, đến một ngày nào cuộc xung đột không thể dàn xếp được, và đi đến sự li khai chính đảng duy nhất ấy sẽ tan vỡ và một chính đảng mới sẽ xuất hiện.
Ngoài ra sự đối lập giữa các khuynh hướng tân Tây phương hay nghiêng về Khối Cộng sản, khuynh hướng bênh vực tôn giáo và khuynh hướng loại tôn giáo ra đời sống chính trị, khuynh hướng nghiêng về nền kinh tế chỉ huy hay kinh tế tự do là nguyên nhân của sự bất hòa hợp và sự xuất hiện nhiều chính đảng trên trường chính trị. Tưởng cũng nhắc thêm rằng cá tính của một dân tộc, hoàn cảnh lịch sử và thể thức đầu phiếu cũng ảnh hưởng một phần nào đến sự thành lập của đảng phái.
b. Hệ thống lưỡng đảng
Nói đến hệ thống lưỡng đảng là nghĩ ngay đến hai chính đảng hoạt động trong một quốc gia. Nhưng hệ thống lưỡng đảng không có nghĩa là chỉ có hai chính đảng hoạt động. Có thể có ba, bốn chính đảng có mặt. Nhưng tình trạng này không được coi là tình trạng đa đảng mà lại được gọi là tình trạng lưỡng đảng là vì mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai chính đảng lớn và chỉ hai chính đảng này mới ảnh hưởng đến cuộc sinh hoạt chính trị.
Ví dụ ở Anh Quốc, ngoài hai Đảng Lao động và Bảo thủ còn có Đảng Tự do. Ở Hoa Kỳ, ngoài hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ còn các Đảng Xã hội, Tiến bộ, Lao động, v.v… Tuy nhiên, điều quan trọng trong hệ thống lưỡng đảng, là chỉ có hai đảng mới có hi vọng chiếm đa số tại Quốc hội và tham dự chính quyền.
Điều kiện then chốt của sự tồn tại của hệ thống lưỡng đảng là không có một chính đảng nào – trong hai chính đảng lớn – có tính chất độc tài. Vì nếu một trong hai đảng có tính cách độc tài – kiểu đảng cộng sản hay phát-xít – đảng này chắc chắn, khi chiếm đa số, tìm cách loại trừ thiểu số nghĩa là thủ tiêu đối lập để độc quyền lãnh đạo. Vậy hệ thống lưỡng đảng đòi hỏi một đối lập xây dựng dựa trên những nguyên tắc thiết yếu trong một khung cảnh chính trị tự do. Nếu không, hệ thống lưỡng đảng sẽ nhường bước cho hệ thống độc đảng, khi chính đảng có tính cách độc tài chiếm chính quyền.
c. Hệ thống độc đảng
Tình trạng một quốc gia trong ấy có một chính đảng duy nhất hoạt động là một hiện tượng đặc biệt của thế kỉ 20 này. Hệ thống độc đảng đã xuất hiện với chính thể cộng sản ở Nga-Sô, chính thể Quốc xã ở Đức và chính thể phát-xít ở Ý Đại Lợi. Vì thế nói đến hệ thống độc đảng, người ta liên tưởng đến một chế độ độc tài đảng trị. Hệ thống độc đảng – khác với hệ thống đa đảng hay lưỡng đảng – không phải là kết tinh của một sự thực hành chính trị, mà trái lại được ấn định bởi ý chí của những nhà cầm quyền muốn độc quyền lãnh đạo.
Những người bênh vực cho sự hiện hữu của một chính đảng duy nhất quan niệm rằng, trong xã hội cận đại, dựa trên đại chúng, chính đảng duy nhất là một định chế cần thiết cho sự tiến triển của nền dân chủ. Vì chính đảng sẽ là sợi dây liên lạc giữa chính quyền và nhân dân, đồng thời là trường học đào tạo cán bộ ưu tú cho quốc gia. Những lí do đưa ra, thoạt tiên, rất hữu lí. Nhưng thực tế cho chúng ta biết rằng chính đảng duy nhất luôn luôn đưa đến một sự độc tài, đảng trị. Những tầng lớp ưu tú mới đó chỉ là tầng lớp của những người ưu đãi, một giai cấp mới và mối dây liên lạc thường thường đưa đến một sự tôn thờ lãnh tụ và tuyên truyền nhồi sọ độc địa và khéo léo.
2. Hệ thống chính đảng và sinh hoạt chính trị
Ở đây chúng ta tìm xem ảnh hưởng của hệ thống chính đảng đối với cuộc sinh hoạt chính trị. Để có một ý niệm chính xác chúng ta sẽ lần lượt trình bày hiệu lực của ba hệ thống chính đảng đối với ba khía cạnh quan trọng: khía cạnh cơ cấu chính quyền, khía cạnh đối lập và khía cạnh cử tri.
a. Hiệu lực của hệ thống đa đảng
Hệ thống đa đảng đưa đến một tình trạng là không có một chính đảng nào chiếm đa số tại Quốc hội. Trong chính thể Nghị viện, Chính phủ sẽ là một Chính phủ liên hiệp với tất cả hậu quả tai hại là khủng hoảng chính trị và chính quyền không vững mạnh và bất liên tục. Trong chính thể Tổng thống, mối tương quan giữa Hành pháp và Lập pháp sẽ phức tạp hơn và uy tín của Tổng thống sẽ nổi bật lên.
Đối lập sẽ là một đối lập rất tự do và rất hỗn loạn. Biên giới của nhóm đối lập với Chính phủ không rõ rệt vì thành phần của nó là rất hỗn loạn. Chúng ta có thể nói rằng – không phải một đối lập – mà nhiều nhóm đối lập tùy theo vấn đề và tùy theo thời cuộc.
Cử tri – với hệ thống đa đảng – sẽ có nhiều tự do để chọn lựa nhiều mầu sắc chính trị hợp với ý mình. Đồng thời cử tri cũng khó mà lựa chọn: giữa hai thì dễ chứ giữa nhiều thì chắc chắn phải phân vân. Hơn nữa điểm quan trọng về phía cử tri là sự chọn lựa của họ không có tính cách quyết định. Cử tri chỉ định một vị dân biểu thuộc về một chính đảng nào đó. Vị này sẽ hợp cùng các vị khác để cấu thành một đa số tùy theo thời cuộc và vấn đề.
b. Hiệu lực của hệ thống lưỡng đảng
Về phương diện cơ cấu chính quyền hệ thống lưỡng đảng đưa đến một Chính phủ của một chính đảng. Như chúng ta đã thấy – khi đề cập chế độ Nghị viện và Tổng thống – với hệ thống lưỡng đảng, mối tương quan giữa Lập pháp và Hành pháp hoàn toàn thay đổi hẳn. Với chế độ Nghị viện một chính đảng nắm đa số tại Quốc hội và lập Nội các, hoàn toàn tự do áp dụng chương trình của mình. Trong chế độ Tổng thống tùy theo hoàn cảnh – nghĩa là Tổng thống và đa số ở Quốc hội cùng một đảng hay khác đảng – nguyên tắc phân quyền sẽ không còn nữa hoặc trở nên cứng rắn hơn.
Đối lập rất rõ rệt và được định chế hóa như ở Anh Quốc. Đối lập vì có trách nhiệm – thường thường có một thái độ ôn hòa, vì sẽ có dịp áp dụng chương trình của mình và sẽ bị dân chúng phê phán.
Cử tri sẽ đứng trước một sự chọn lựa dễ dàng. Giữa trắng và đen. Lá phiếu của họ có tính cách quyết định: không những chỉ định dân biểu mà còn chỉ định Thủ tướng và tín nhiệm một chính đảng.
c. Hiệu lực của hệ thống độc đảng
Với một chính đảng duy nhất – dù trên Hiến pháp phân quyền được ấn định – nguyên tắc này chỉ là hư ảo vì Hành pháp và Lập pháp chỉ là thừa hành mệnh lệnh của trung ương đảng bộ. Chính phủ gồm toàn nhân viên cao cấp của đảng, còn Quốc hội là cán bộ của đảng chỉ biết hoan hô. Đại hội của đảng có một tầm quan trọng gấp trăm lần phiên họp của Quốc hội.
Đối lập – lẽ dĩ nhiên – không thành vấn đề. Vì chỉ có một chính đảng được phép công khai hoạt động. Không những không có chính đảng đối lập mà cũng không có đối lập trong chính đảng duy nhất ấy.
Cử tri cũng đi bầu vậy nhưng việc đi bầu không có tác dụng gì vì họ không có quyền lựa chọn. Ứng cử viên toàn là do đảng duy nhất đưa ra và phần đông là ứng cử viên duy nhất. Kết quả chắc chắn định trước. Hơn nữa việc kiểm phiếu mất hẳn tính cách trung thực.
C. VAI TRÒ CHÍNH TRỊ CỦA CHÍNH ĐẢNG
Một khi đã biểu danh từ chính đảng và nhận định tầm quan trọng của các hệ thống chính đảng, vấn đề được đặt ra là tại sao phải tham gia vào chính đảng. Công dân tham gia vào chính đảng không phải để giải trí, chơi cho vui mà để tham gia vào sinh hoạt chính trị. Qua vai trò của chính đảng mà chúng ta sẽ phân tích, chúng ta sẽ tìm thấy những hình thức mà công dân tham gia chính trị.
1. Vai trò huấn luyện công dân và những nhà lãnh đạo tương lai
Đây là vai trò hết sức quan trọng mà người ta hay quên khi bàn đến vấn đề chính đảng. Và cùng là một sứ mạng vừa cao cả vừa thực tế nhất.
Sự thật ra, trong một chính thể dân chủ, có hai khuynh hướng khác nhau về vấn đề hành xử chính quyền. Có một ý kiến cho rằng ai cũng có thể làm chính trị được và trong xứ dân chủ, bất cứ ai cũng có thể làm bất cứ cái gì. Có một ý kiến lại cho rằng chính quyền là một việc rất phức tạp, tế nhị lắm và chỉ có những người biết chuyện, quen thuộc, có học lực cao mới có thể sử dụng chính quyền được. Đó là hai ý kiến hoàn toàn quá khích, không thể chấp nhận được. Ý kiến hợp lí và thực tế là chính quyền có thể được hành xử bởi bất cứ cá nhân nào có một trình độ hiểu biết tối thiểu về các vấn đề chính trị. Trình độ hiểu biết tối thiểu ấy, chính những chính đảng là nhà trường nơi ấy công dân tìm thấy. Tại sao?
Vì một chính đảng luôn luôn có những vấn đề tổ chức, vấn đề thông tin, vấn đề giải thích, vấn đề thuyết phục, vấn đề lấy những quyết định chính trị…Tóm lại, tất cả những vấn đề tương tự như những vấn đề của một chính trị gia phải gặp và giải quyết.
Lẽ dĩ nhiên, là một đảng viên, họ có thể có những cái nhìn khác biệt, những quan niệm chính trị hay giải pháp bị lệch lạc hay quá khích. Nhưng đứng trên phương diện kiến thức, hiểu biết thì chắc chắn rằng một công dân có tham gia vào hoạt động của một chính đảng thông thạo các vấn đề chính trị hơn một công dân không phải là một đảng viên. Thật vậy, chính đảng là nơi mà các vấn đề chính quyền được đặt đúng với trình độ hiểu biết của công dân. Đa số công dân không thể nào thấu hiểu những vấn đề Chính phủ, những vấn đề càng ngày càng phức tạp và có tính cách chuyên môn. Vì công dân không hiểu mà chính đảng phải thông tin và có thể thông tin. Công tác của chính quyền càng phức tạp, khó khăn chừng nào thì công việc thông tin, giải thích phải càng sâu xa và đầy đủ chừng ấy. Công dân chỉ thích, chỉ chú ý những gì mà họ biết, và chỉ có thể thể kiểm soát những gì mà họ hiểu. Công dân có thể không nắm vững được tất cả các quyết định chính trị trong chi tiết, nhưng họ có thể thấu hiểu đâu là nguyên nhân, đâu là tinh thần của các quyết định và như thế họ có thể xét đoán những giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Tóm lại, chính đảng là lò nung đúc cán bộ chính trị, là trường huấn luyện công dân về phương diện chính trị và đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai.
2. Vai trò phác họa danh từ và khái niệm chính trị
Về phương diện chính trị cũng như về phương diện tâm lí cá nhân, tư tưởng con người gắn liền với ngôn ngữ. Muốn thảo luận chính trị, cần phải thấu hiểu một số ngôn ngữ chính trị. Nếu không có danh từ, khái niệm chính trị thì trong một xã hội nào đó, chỉ có những sự biểu lộ tình cảm, đả đảo và hoan hô suông mà thôi. Chính những chính đảng đem lại ngôn ngữ chính trị. Những danh từ hay khái niệm mà chúng ta thường nghe như: dân chủ, độc tài, cách mạng, Quốc hội, Cộng hòa, xã hội v.v… toàn là những danh từ, nhưng dù muốn dù không những danh từ này gợi lại cho chúng ta một nội dung nhất định hay một hiện tượng đặc biệt nào đó.
Chúng ta nói rằng những danh từ ấy gợi cho chúng ta một nội dung nhất định, nhưng cần phải thành thật mà nói rằng sở dĩ như thế là vì chúng ta có cái may mắn hiểu biết ít nhiều về luật pháp hay chính trị. Trái lại, còn hàng triệu công dân không có cái may mắn ấy và không bao giờ nắm vững những ngôn ngữ ấy, nếu không có chính đảng.
Vẫn biết rằng, những khái niệm ấy có thể quá trừu tượng và quá đơn sơ. Nhưng chính nhờ nó mà công dân mới có thể chọn lựa và tỏ ý kiến. Để chứng minh điều này, các bạn nên nhớ rằng trong nhiều nước chậm tiến, chính quyền bắt buộc phải dán tên những chính đảng nào là con voi, con bò hay một hình ảnh nào khác để dễ phân biệt. Tại sao? Vì dân quá dốt nên không hiểu ngôn ngữ chính trị. Lẽ dĩ nhiên trong một xứ mà công dân đều biết đọc, biết viết, trình độ hiểu biết càng ngày càng cao, ngôn ngữ chính trị được tuyên bố nhiều thì hình ảnh không còn lí do tồn tại nữa. Điều cần nhấn mạnh là chính đảng có vai trò phác họa những khái niệm và danh từ chính trị.
3. Vai trò chính trị hóa các vấn đề
Chính đảng là những tổ chức có nhiệm vụ tổng hợp các vấn đề, đưa các vấn đề lên một mực độ đại cương, đặt các vấn đề trong một khung cảnh chính trị và cho mỗi vấn đề một ý nghĩa chính trị. Trong thực tế, mỗi người chúng ta nhìn các vấn đề với khía cạnh riêng biệt, và chỉ để ý đến vấn đề liên hệ trực tiếp đến chúng ta. Trái lại, chính trị là tất cả và đồng thời là đại cương và tổng quát. Một quyết định chính trị là một giải pháp của một vấn đề được đặt ra trong một khung cảnh tổng quát, đối với những vấn đề khác.
Yếu tố quyết định của một giải pháp chính trị không phải tính toán một cách tỉ mỉ, rõ ràng những con số, không phải đi sâu vào chi tiết, mà trái lại là lựa chọn. Một sự lựa chọn căn bản giữa hòa hay chiến, kĩ nghệ nặng hay kĩ nghệ nhẹ, chú trọng đến nông thôn hay thị xã v.v…, tất cả các vấn đề khác phải được đặt và giải quyết đối với những lựa chọn căn bản ấy.
Chính những đảng phái chính trị đem lại cho đảng viên mình, nghĩa là cho một số công dân, cái nhìn tổng quát như thế và làm cho đảng viên nhận thức vấn đề theo một tiêu chuẩn chính trị. (Vai trò này, các đảng cộng sản đảm đương một cách tích cực và hiệu quả.)
Trong cuộc sinh hoạt chính trị dân chủ, chính đảng phải đóng vai trò quan trọng là chính trị hóa các vấn đề được đặt ra. Công dân một khi được huấn luyện như thế, nghĩa là thấu hiểu ý nghĩa chính trị của các vấn đề trong một khung cảnh đại cương chắc chắn sẽ ý thức rõ trách nhiệm của mình không những đối với cuộc sống riêng tư mà còn đối với sự sinh tồn của Tổ quốc.
4. Vai trò tiêu chuẩn
Chính đảng cũng như lá phiếu là những dụng cụ, phương tiện của một sự chọn lựa. Bắt buộc hay yêu cầu công dân đi bầu không có ích lợi gì nếu công việc bầu cử không có cái ý nghĩa là lựa chọn. Trong những cuộc tuyển cử – khi công dân đi bầu dân biểu Quốc hội hay Tổng thống – làm sao công dân lựa chọn nếu không có chính đảng trình ứng cử viên và chương trình của họ? Vẫn biết rằng bất cứ một cá nhân nào cũng có quyền ra ứng cử và có thể có chương trình. Nhưng đó là một tình trạng vô kỉ luật và bất hữu hiệu. Chọn lựa giữa ba nhân vật hay ba chính đảng là việc khó khăn rồi.
Chính đảng không những là tiêu chuẩn, mà còn đóng vai trò quan trọng là thu hẹp lại, giới hạn những tiêu chuẩn để lựa chọn. Và dân chúng sẽ dựa vào đó mà chọn nhà cầm quyền và bầy tỏ ý chí của mình một cách dễ dàng.
Không những là tiêu chuẩn của một sự lựa chọn, chính đảng còn là tiêu chuẩn của sự thực hiện sự lựa chọn ấy. Công dân đâu phải tín nhiệm một chính đảng rồi thôi. Lựa chọn và tín nhiệm một chính đảng để chính đảng này thực hiện chương trình và chính sách của mình. Xuyên qua sự thực hiện đó, công dân sẽ quyết định tiếp tục hay rút lại sự tín nhiệm của mình. Chính đảng là dụng cụ thể hiện ý chí của dân chúng trong một giai đoạn nhất định.
Tóm lại, xuyên qua những vai trò mà chúng ta vừa kể – huấn luyện công dân và đào tạo nhà lãnh đạo tương lai – phác họa danh từ chính trị hóa các vấn đề – tiêu chuẩn của sự lựa chọn – chính đảng có một tầm quan trọng trong cuộc sinh hoạt chính trị và chính đảng là cơ quan biểu hiện và tạo thành ý chí quốc gia. Và qua sự trung gian của chính đảng, công dân tích cực và trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chính trị.
D. MỰC ĐỘ THAM GIA CỦA CÔNG DÂN VÀO CHÍNH ĐẢNG
Tham gia vào chính đảng là một danh từ tổng quát. Ảnh hưởng của sự tham gia rất khác biệt tùy theo ở mực độ tham gia. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nhìn thấy bốn loại công dân tham gia vào đời sống chính đảng: cử tri, công dân có cảm tình, hội viên và chiến hữu.
1. Cử tri: là những công dân bỏ phiếu cho chính đảng. Họ không phải là đảng viên, nhưng mỗi khi có tuyển cử là họ bỏ phiếu cho ứng cử viên do đảng đưa ra. Mà sử dụng lá phiếu cho một chính đảng là hành vi tham gia vào cuộc sinh hoạt chính đảng. Nhưng đó là một sự tham gia ở mực độ kém nhất.
2. Cảm tình viên: là những công dân không gia nhập đảng nhưng có nhiều cảm tình với đảng. Họ tán đồng quan điểm chính trị, họ theo dõi hoạt động của chính đảng. Họ mua và đọc báo của đảng và lẽ dĩ nhiên, bầu cho đảng (hạng công dân sợ liên hệ đối với địa vị và nghề nghiệp).
3. Đảng viên: thường tìm thấy ở chính đảng quần chúng là những công dân ghi tên vào đảng, có thẻ và đóng nguyệt liễm hay niên liễm đều đều, tham gia vào các cuộc hội họp của đảng, có thể giữ một chức vụ trong guồng máy hành chính của đảng.
4. Chiến hữu: là những đảng viên hoạt động. Tất cả các công tác của chính đảng dựa trên hoạt động của loại đảng viên này. Tuyên truyền cho đảng, phổ biến khẩu hiệu, dán những bích chương, phát truyền đơn, bán báo cho đảng v.v… Những chiến hữu này là những con người tối cần của đảng nhất là trong giai đoạn vận động tuyển cử. Vì chính họ đảm nhiệm tất cả việc tổ chức và vận động cử tri bỏ phiếu cho đảng.
Đoạn 2: NHỮNG TỔ CHỨC KHÔNG MỤC TIÊU CHÍNH TRỊ
Những tổ chức này là tổ chức có tính cách văn hóa, xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp v.v… Mục tiêu không phải là chính quyền, bênh vực hay phổ biến một ý tưởng, một quyền lợi. Hoạt động của các tổ chức này lắm khi có một tính cách chính trị và thực tại xã hội có thể đưa họ trong rất nhiều trường hợp, đến một lập trường chính trị.
Lí do của sự kiện này là giữa các vấn đề trong xã hội ngày nay cómột sự liên đới rõ rệt và càng ngày càng gia tăng. Thật vậy, trong xã hội phức tạp ngày nay, rất khó mà phân tích và giải quyết một vấn đề gì – một vấn đề thoạt tiên chỉ có tính cách kĩ thuật, nghề nghiệp hay tôn giáo – nếu không đặt rõ nguyên nhân chính trị của nó.
A. Những tổ chức không mục tiêu chính trị này gồm có hai loại:
Loại thứ nhất gồm những tổ chức không đả động gì đến chính trị và rất dè dặt khi đề cập đến việc huấn luyện chính trị. Họ thường dùng danh từ công dân (hiệp hội, tổ chức, thanh niên, nghiệp đoàn…).
Loại thứ hai gồm những tổ chức thẳng thắn tuyên bố học tập, nghiên cứu chính trị (phong trào hòa bình, phong trào chống kì thị chủng tộc, hội bảo vệ dân quyền và nhân quyền…).
B. Những tổ chức này góp phần vào việc cấu tạo công luận và đưa công dân dự vào sự diễn tiến của quyết định chính trị. Góp phần vào việc cấu tạo công luận, nghĩa là đảm nhiệm trách vụ huấn luyện công dân, và trong cuộc huấn luyện các đoàn thể giúp nhiều cho việc chống lại những hậu quả tai hại của sự hững hờ, thái độ thụ động của công dân. Những buổi nói chuyện, những lớp tu nghiệp hay là báo chí của đoàn thể bổ khuyết một phần nào sự thiếu sót về phương diện thông tin của công dân.
Không những góp phần vào việc cấu tạo công luận, những tổ chức này còn đưa công dân dự vào sự diễn tiến của quyết định chính trị. Thật vậy, dù muốn dù không, những tổ chức này, một phần nào, đóng vai trò những đoàn thể áp lực. Họ có thể dồn hoạt động của Chính phủ theo một chiều hướng nhất định, vào một con đường quyết định. Hoặc họ cố gắng thúc đẩy hay cản trở những quyết định quan trọng liên quan ít nhiều đến đoàn thể họ.
Tóm lại, chúng ta đứng trước một hiện tượng cực kỳ quan trọng: hành vi chính trị của những tổ chức không mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, qua hai vai trò mà chúng ta vừa thấy, qua sự trung gian của các tổ chức không mục tiêu chính trị này, công dân tham gia vào cuộc sinh hoạt chính trị. Nói một cách khác, chính những tổ chức này làm cho sự tham gia của công dân – không phải là đảng viên – được dễ dàng hơn nhiều.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II: GIẢI THÍCH VỀ SỰ BẤT THAM GIA CHÍNH TRỊ
Tham gia bất thường, yếu ớt, vì tính cách không bó buộc của hoạt động chính trị
a. Chính trị có tiếng xấu.
Đây là một điểm quan trọng và chính yếu. Đối với đa số công dân, nói đến chính trị, người ta liên tưởng đến một địa hạt của những sự mua bán, đổi chác, xảo trá, đến một địa hạt mà quyền lợi của bè phái được xem là hơn cả. Công dân và nhất là cử tri có ý kiến không tốt đối với những sự mua bán ở hành lang Quốc hội, cho rằng các ông dân biểu lãnh lương quá nhiều đối với công việc làm thật sự.
Thêm vào đó, báo chí lại thổi phồng lên: những bức ảnh khôi hài chế nhạo những nhà chính trị, làm sai sự thật và chỉ nêu lên những điều không hay về sinh hoạt chính trị. Những tư tưởng không hay về chính trị được khai thác một cách quá đáng nhằm mục tiêu thương mại làm cho công dân càng thêm có những định kiến sai lầm về chính trị.
Vì thế mà mỗi khi có một sự thay đổi quan trọng nào thì người ta luôn luôn nghe nào là phải quét cho sạch, nào là phải thay đổi hẳn, nào làphải chặn lại những cường hào ác bá, nào là phải nói sự thật cho nhân dân và tất cả sự thật v.v… Những hiện tượng như thế chứng minh một phần nào thành kiến của công dân đối với chính trị: chính trị là xảo trá, thủ đoạn, lường gạt, cường hào ác bá, làm Tổng trưởng để hốt bạc và hách dịch. Chính trị là bệnh dịch hạch.
b. Những nguy cơ của chính trị
Trong những chính thể độc tài, lẽ tất nhiên những tự do chính kiến và tự do phát biểu không được nhìn nhận và bảo đảm, những nguy cơ này là một sự thật.
Nhưng chính trong những chính thể dân chủ, những cuộc chính biến hay những thay đổi tình thế có thể đem lại không ít nguy hiểm đến công dân. Khi mà công dân thấy tận mắt mình, những oai quyền hôm qua, hôm nay lại thành tù tội và phải bị sa lầy, khi họ tận mắt thấy rằng chính trị là lên voi xuống chó, thì dù rằng họ biết lẽ thông thường và sự trừng phạt là đúng đi nữa, họ không thể không rút ra một bài học chính xác, và bài học đó là thận trọng.
Hơn nữa công dân, trước khi tích cực tham gia chính trị, lại nghĩ đến ảnh hưởng của chính trị đến đời tư của họ, đến gia đình hay địa vị xã hội của họ. Chính trị hay phân li. Và một câu đầy ý nghĩa mà người ta thường thường hay nghe là: “Sở dĩ ở đây công việc chạy vì chúng tôi không làm chính trị”.
Những nguy cơ chính trị còn nhiều hơn nữa về phương diện nghề nghiệp: một anh thợ biết rằng ông chủ mình sẽ sa thải những người nào cầm đầu, kẻ chủ mưu, một nhà buôn ngại rằng khách hàng của mình sẽ không lui tới cửa hàng mình nếu anh có một lập trường chính trị.
Vì sợ những nguy cơ ấy, mà công dân tự kìm chế lấy mình, không tham gia vào bất cứ tổ chức nào, chính đảng hay nghiệp đoàn, và sự kìm chế này đi đến một mực độ mà họ từ khước thảo luận chính trị tại sở làm và không mang theo mình tờ báo mà người ta cho rằng của một chính đảng nhất định.
c. Cảm giác bất lực
Công dân có thể liều lĩnh hơn, bớt thận trọng hơn, nếu họ nhận thức được rằng hoạt động chính trị của họ có hiệu quả. Nhưng họ thường có cảm giác rằng, dù họ có làm gì đi nữa, họ vẫn bất lực.
Và cảm giác này có tính cách tổng quát, và dựa trên ý thức rằng con người quá cô đơn trong xã hội và dù cho mình muốn tham gia đi nữa, sự tham gia của một cá nhân giữa hàng ngàn, hàng triệu người có thể ví như một hạt nước ở biển khơi.
Yếu tố địa dư, xã hội: mực sống và điều kiện hiểu biết của công dân.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen