Dẫn nhập
Những sai lầm tạo bước ngoặt
Sai lầm Số 1: Không biết điểm dừng sau khi mở rộng lãnh thổ Đức
Thu hồi Saar
Tái chiếm Rhineland
Sáp nhập nước Áo vào Đức
Sáp nhập Tiệp Khắc vào Đức
Thu hồi Memel
Xúi bẩy Slovak tách ra khỏi Tiệp Khắc
Chiếm phần còn lại của Tiệp Khắc
Nếu Tiệp Khắc đánh trả?
Nếu Hitler dừng bành trướng và không gây chiến tranh: nước Đại Đức
Sai lầm Số 2: Dừng tấn công Dunquerque
Sai lầm Số 3: Trận chiến Anh quốc
Sai lầm Số 3A của Göring
Sai lầm Số 3B của Hitler
Nếu Đức thắng Anh?
Sai lầm Số 4 (?): Không đổ bộ lên Anh quốc
Sai lầm Số 5: Chuỗi sai lầm trong chiến dịch đánh Liên Xô năm 1941
Sai lầm Số 5A: Đánh Nam Tư và Hy Lạp
Sai lầm Số 5B: Tình báo yếu kém
Sai lầm Số 5C: Đánh giá Liên Xô quá thấp
Sai lầm Số 5D: Nhập nhằng giữa chiến lược và chiến thuật khi đánh Moskva
Sai lầm Số 5E: Không dự liệu điều kiện địa hình và thời tiết
Sai lầm Số 6 (?): Ra lệnh cấm rút lui
Sai lầm Số 7: Thiếu nguồn lực
Sai lầm Số 8: Can dự quá sâu vào chiến thuật quân sự
Sai lầm Số 9: Tuyên chiến với Hoa Kỳ
Sai lầm Số 9A: Thiếu hiểu biết về văn hóa-xã hội nước Mỹ
Sai lầm Số 9B: Không nhận ra tiềm lực kinh tế của Mỹ
Sai lầm Số 10: Không chiếm Trung Đông
Sai lầm Số 11 (?): Thiếu quan tâm đến hải quân
Sai lầm Số 11A: Không xây dựng hạm đội mạnh trên mặt biển
Sai lầm Số 11B: Thiếu phát triển lực lượng tàu ngầm
Sai lầm Số 11C: Không sử dụng hạm đội Pháp
Sai lầm Số 12: Sai lầm trong chiến dịch đánh Liên Xô năm 1942
Sai lầm Số 13: Chính sách diệt chủng
Tù binh chiến tranh
Giải pháp Cuối cùng
Sai lầm Số 14: Trận Kursk năm 1943
Sai lầm Số 15: Trận Normandie năm 1944
Sai lầm Số 16: Cuộc Tổng phản công Ardennes, 1944-1945
Sai lầm Số 17: Đức không chế tạo bom nguyên tử
Sai lầm Số 17B: Quá quan tâm đến “vũ khí thần diệu”
Sai lầm Số 18: Một số sai lầm khác
Sai lầm Số 18A: Không huy động nền kinh tế chiến tranh
Sai lầm Số 18B: Không giải quyết mâu thuẫn trong Quân đội
Sai lầm Số 18C: Không giải quyết chia rẽ nội bộ
Sai lầm Số 18D: Không màng đến công việc dân sự
Đúc kết
Nguồn tham khảo
Dẫn nhập
Ta thường nghe ý kiến cho rằng sau khi sự việc đã xảy ra thì quá dễ mà bàn luận nếu như thế này, nếu như thế kia. Mỗi bàn luận về giả tưởng như thế thường nhận được ý kiến đồng tình lẫn phản bác. Bài tổng hợp này cố gắng đưa ra sự quân bình dựa trên lý luận có tính thuyết phục nhất.
Những giả định ở đây đều áp dụng cho bên Đức Quốc xã trong khi giả dụ rằng những điều kiện bên Đồng minh là cố định. Có thể đặt những giả định cho bên Đồng minh, chẳng hạn, nếu như:
- Tiệp Khắc kiên cường chống trả Đức và Anh–Pháp toàn tâm yểm trợ Tiệp Khắc.
- Quân đội Pháp hùng mạnh giữ vững tinh thần và tổ chức phản công hữu hiệu.
- Stalin lắng nghe tin tức tình báo Xô Viết cùng những lời cảnh báo bên Đồng minh nói rõ thời điểm cuộc tấn công sắp tới của Đức.
- Eisenhower không tin lời nhà dự báo thời tiết người Anh rằng thời tiết sẽ khá hơn mà phớt lờ nhóm dự báo người Mỹ cho rằng thời tiết sẽ tiếp tục xấu, để rồi lúc trời còn giông bão lại phát lệnh hành quân đổ bộ lên Normandie.
- Thống chế người Anh Montgomery – “có lẽ là người có cái tôi lớn nhất lịch sử quân sự”, theo Henderson (2001) – không được giao quá nhiều nhiệm vụ quan trọng rồi gây cho Eisenhower nhiều vấn nạn còn hơn cả người Nga gây ra.
- Vị tướng đánh tăng nổi tiếng Patton không bạt tai anh lính kia đến nỗi Eisenhower không trao quyền cho ông chỉ huy một tập đoàn quân làm mũi dùi chính phản công từ Tây Âu.
- Tổng thống Mỹ Roosevelt không đòi hỏi Đức đầu hàng vô điều kiện nhưng ngược lại đồng ý đàm phán với Hitler để kết thúc cuộc chiến sớm hơn trước khi Liên Xô có cơ hội thống trị Trung Âu
Xét qua tất cả những giả định ở cả hai bên như thế chỉ càng làm chủ đề thêm rối, vì thế ở đây ta chỉ xét đến Hitler.
Adolf Hitler, Lãnh tụ và Thủ tướng (1934-1945), Bộ trưởng Chiến tranh rồi Tư lệnh Tối cao Quân lực (1938-1945), Tư lệnh Lục quân (1941-1945) của Đức, là người chủ yếu trong Thế chiến 2 đưa ra những quyết định phạm sai lầm được trình bày ở đây. May mắn cho thế giới, một số sai lầm này tạo nên những bước ngoặt lịch sử làm nguy hại nỗ lực chiến tranh của Đức.
Riêng Thống chế Đế chế Göring, Tư lệnh Không quân Đức (1935-1945), nhân vật số 2 của đảng Đức Quốc xã, có quyết định sai lầm trong trận chiến trên bầu trời nước Anh, vô hình trung giúp Anh thoát khỏi cơn nguy khốn.
Nhờ việc tịch thu sau chiến tranh phần lớn thư khố của Chính phủ và Quân đội Đức kể cả nhật ký chiến trường và ghi chép hội họp cùng lời khai của những người có liên quan, người ta có thể phân tích những sai lầm của Hitler. Bài này trình bày một số sai lầm chính.
Những sai lầm tạo bước ngoặt
Sai lầm Số 1: Không biết điểm dừng sau khi mở rộng lãnh thổ Đức
Hitler hầu như là người độc nhất ra các quyết định tái chiếm Rhineland, sáp nhập Áo, và sáp nhập vùng Sudetenland vào Đức, trong khi các tướng lĩnh và các chính trị gia của Đức nghi ngờ sự thành công của các quyết định này. Điều đặc biệt là qua những mưu mô xảo quyệt, Hitler mở rộng lãnh thổ nước Đức bằng những biện pháp hòa bình và có tính chính danh mà về sau thế giới phương Tây khó lòng lật lại ván cờ đã định.
Thu hồi Saar
Saar là một bang miền tây-nam nước Đức, ngày xưa thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh nhưng chịu ảnh hưởng mạnh của Pháp, theo thời gian sang tay nhiều lần giữa Pháp và Đức. Hòa ước Versailles quy định các mỏ than ở Saar thuộc quyền khai thác của Pháp trong 15 năm để bồi thường cho những thiệt hại ở các mỏ than của Pháp trong Thế chiến 1.
Ngày 13 tháng 1 năm 1935, sau thời hạn 15 năm, cư dân vùng Saar bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo muốn trả lại vùng đất nhiều mỏ than này cho Đức. Nhân cơ hội này, Hitler công khai tuyên bố Đức không còn có đòi hỏi lãnh thổ gì đối với Pháp, có nghĩa là Đức từ bỏ yêu sách về các vùng Alsace và Lorraine.
Tái chiếm Rhineland
Rhineland là vùng thuộc lãnh thổ Đức tiếp giáp với Pháp, Bỉ, và Hà Lan, nằm dọc bờ tây Sông Rhine. Sau Thế chiến 1, Hòa ước Versailles năm 1920 quy định quân Đồng minh chiếm đóng tạm thời trong 15 năm vùng Rhineland. Mục đích sâu xa của Đồng minh là tránh Đức đánh qua Tây Âu một cách bất ngờ. Hiệp ước Locarno năm 1925 quy định Rhineland là vùng trung lập, phi quân sự, vì thế quân Đồng minh rút ra khỏi Rhineland năm 1930, 5 năm trước thời hạn.
Đây là vùng công nghiệp và có nhiều mỏ than mà Đức thấy Đồng minh đã quá bất công, chỉ vì họ là bên thắng trận.
Riêng Pháp vẫn lo lắng về sự an nguy của họ, đặc biệt là từ khi Hitler nắm quyền thủ tướng năm 1933. Vì thế, tháng 5 năm 1935 Pháp ký một hiệp ước hữu nghị và tương trợ với Liên Xô. Hitler cho rằng hiệp ước này có tính thù địch đối với Đức, và viện cớ đó để điều quân đến Rhineland. Các tướng lĩnh Đức đều e ngại bởi vì vào lúc này, Đức vẫn chưa được tái vũ trang đầy đủ.
Tuân theo chỉ thị của Hitler, ngày 28 tháng 2 năm 1936 Blomberg (Thống chế đầu tiên dưới thời Hitler, Bộ trưởng Chiến tranh kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực) ban hành lệnh chiếm đóng Rhineland, tin rằng đó là “cuộc hành quân yên bình”, hoặc nếu Pháp chống trả thì Blomberg “có quyền quyết định cho bất cứ cuộc phản công quân sự nào”. Thật ra, Blomberg quyết định sẽ rút quân nếu Pháp chống cự. Nhưng nước Pháp chẳng biết điều này, và cũng đang bị tê liệt do xung đột nội bộ và người dân có tư tưởng chủ hòa.
Sáng ngày 7 tháng 3 năm 1936, một lực lượng nhỏ của Đức tiến vào Rhineland. Cùng lúc, Ngoại trưởng Đức Neurath triệu các đại sứ Ý, Anh và Pháp tại Đức để trao công hàm tố cáo Pháp đã vi phạm Hiệp ước Locarno khi phê chuẩn Hiệp ước Pháp–Nga, vì thế Đức đã quyết định từ bỏ Hiệp ước Locarno. Neurath cũng đề xuất kế hoạch hòa bình mới.
Khi máy bay thám thính Đức báo cáo có vài nghìn lính Pháp tập trung dọc biên giới Đức-Pháp, Tướng Blomberg van nài Hitler rút các lực lượng Đức về. Hitler gần đi đến quyết định này, nhưng Neurath giữ bình tĩnh mà khuyên Hitler cứ giữ ý định. Được biết quân Pháp vẫn không thực sự vượt qua đường biên giời, Hitler trấn an Blomberg rằng cần chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. (Wikipedia_Remilitarization of the Rhineland).
Hai tiếng đồng hồ sau, Hitler đứng trên diễn đàn của Nghị viện Đức, đưa ra những đề xuất mới nhất để duy trì hòa bình. Đặc biệt, ông nói về “hai lời nguyền thiêng liêng”:
Thứ nhất, chúng ta nguyền không nhượng bộ bất cứ sức mạnh nào trong việc phục hồi danh dự của nhân dân ta… Thứ hai, chúng ta cam kết rằng bây giờ, hơn lúc nào hết, chúng ta sẽ nỗ lực đạt đến sự cảm thông giữa các dân tộc Châu Âu, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng phương Tây… Chúng ta không đòi hỏi lãnh thổ ở Châu Âu!… Đức sẽ không bao giờ phá vỡ hòa bình!
Hitler còn than phiền Hòa ước Versailles đã xử ép Đức bởi vì một quốc gia độc lập có quyền điều quân đến bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ mình, nhưng lại cấm Đức làm như thế. Đây là điểm khiến cho nhiều nước cảm thông với Đức và Anh–Pháp thấy khó mà phản đối Đức mạnh mẽ.
Dù Đại sứ Pháp tại Đức François-Poncet đã đánh động vào mùa thu năm trước, Chính phủ và Quân đội hai nước Pháp–Anh vẫn bị bất ngờ hoàn toàn khi Đức tiến quân. Thực ra, khi Đức tiến quân, Chính phủ Pháp muốn hành động nhưng Bộ Tổng Tham mưu Pháp lại muốn kiềm chế. Thống chế Tổng Tham mưu trưởng Gamelin chỉ lo tập trung 13 sư đoàn gần biên giới Đức, nhưng chỉ để tăng cường cho Phòng tuyến Maginot. Tuy vậy, như thế cũng đủ cho Bộ Tổng Tham mưu Đức hốt hoảng.
Quyết định của Hitler là một ván bài vô cùng liều lĩnh, Như Đại tướng cấp Cao hay Chuẩn Thống chế Jodl (Tham mưu phó Hành quân Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) khai trước Tòa án Nuremberg:
Xét qua tình thế mà chúng tôi dấn thân vào, lực lượng Pháp đang hiện diện trong vùng có thể bắn chúng tôi tan tành.
Nếu Quân đội Pháp làm thế, hầu như chắc chắn đấy sẽ là dấu chấm hết cho Hitler, sau đó đáng lẽ lịch sử đã đi theo một chiều hướng khác sáng sủa hơn, vì nhà độc tài hẳn không thể tồn tại sau thảm họa ấy.
Chính Hitler sau này cũng công nhận:
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau khi tiến vào Rhineland là thời gian gây khủng hoảng tinh thần nhất trong đời tôi. Nếu Pháp tiến quân vào Rhineland thì đáng lẽ chúng tôi đã phải rút lui… Nếu Quân đội ta rút lui thì hẳn đã có thể dẫn đến sụp đổ.
Sở dĩ Hitler dám đánh ván bài liều là do Pháp lưỡng lự và Anh mềm yếu. Theo điều khoản của Hiệp ước Locarno, Pháp có quyền dùng vũ lực để chống lại sự hiện diện của Đức trong vùng phi quân sự, và Anh bị ràng buộc với hiệp ước ấy để hỗ trợ Pháp bằng quân sự. Nhưng thái độ của hai nước cho thấy trong ván bài liều này Hitler đã thắng.
Ít tuần sau, ngày 29 tháng 3, Đức tổ chức trưng cầu dân ý với đại đa số áp đảo đồng ý việc tái chiếm Rhineland. Hitler đạt đến một đỉnh cao mới trong việc thu phục sự ủng hộ của dân Đức, còn các tướng lĩnh vốn có óc bảo thủ lại tỏ ra thua kém.
Khi Hitler phá vỡ Hiệp ước Locarno, chiếm đóng Rhineland, đặt Quân đội Đức sát biên giới Bỉ, Vua Leopold của Bỉ rút ra khỏi Hiệp ước Locarno và khỏi liên minh với Anh–Pháp, tuyên bố từ bây giờ trở đi Bỉ sẽ hoàn toàn đi theo con đường trung lập. Đây là điều tai hại cho hệ thống bảo vệ tập thể của phương Tây, nhưng Anh và Pháp chấp thuận.
Hơn nữa, Hitler chứng tỏ mình có tinh thần thép trong khi tướng lĩnh Đức e sợ. Từ đây về sau, Hitler có xu hướng khinh bỉ tướng lĩnh trong khi tướng lĩnh chịu lép vế thêm với ông ta.
Sáp nhập nước Áo vào Đức
Áo có lịch sử liên quan mật thiết với Đức. Ý tưởng tập họp những lãnh thổ có người nói tiếng Đức thành một quốc gia Đức thống nhất đã âm ỉ từ lúc Đế quốc La Mã Thần thánh (được xem là Đế chế Đức Thứ Nhất) của Vương triều Habsburg tan rã năm 1806.
Sau Thế chiến 1, các nước thắng trận giải tán Đế quốc Áo-Hung (được xem là Đế chế Đức Thứ Hai, 1867-1918), gộp lại các lãnh thổ của đế quốc cũ có đa số là dân tộc Đức thành Cộng hòa Áo-Đức (1918-1919) có lãnh thổ tương đương với nước Cộng hòa Áo ngày nay. Các nước Đồng minh e ngại việc thống nhất các vùng nói tiếng Đức, vì thế họ đổi tên Cộng hòa Áo-Đức thành Cộng hòa Áo thứ nhất (1919-1934) và không cho phép nước này sáp nhập vào Đức. Nhưng vẫn có nhiều người dân ở hai bên biên giới Áo và Đức mong muốn sự thống nhất của hai quốc gia họ. (Wikipedia_Anschluss)
Riêng Hitler luôn mong muốn đưa những lãnh thổ lân cận có người nói tiếng Đức vào Đại Đế chế Đức mà ông gọi là Đế chế Thứ Ba. Ông vạch ra ý tưởng này trong quyền sách tự thuật Mein Kampf (Đức văn, có nghĩa: Cuộc tranh đấu của tôi. Đến khi Hitler nắm quyền thủ tướng năm 1933, vẫn còn có nhiều người Áo không muốn sáp nhập Áo vào Đức. Thủ tướng Áo Kurt Schuschnigg vẫn muốn trông cậy vào những người như thế để duy trì nước Áo độc lập tuy không muốn chống đối Hitler quá mạnh.
Hitler có vũ khí lợi hại là Đảng Áo Quốc xã, được Đức ngầm tài trợ và do đó trở thành công cụ của Đức, luôn đóng vai trò dẫn dắt dư luận và nếu cần, sử dụng vũ lực nhằm phục vụ cho quyền lợi của Đức. Nền kinh tế xuống dốc và chế độ độc tài bắt đầu từ Thủ tướng Engelbert Dollfuss (cầm quyền 1932-1934) và tiếp nối bởi Thủ tướng Kurt Schuschnigg (cai trị bằng sắc lệnh) khiến cho càng ngày càng có nhiều người Áo hướng đến Đức. Suốt năm 1937, với sự tài trợ và thúc giục từ Berlin, đảng viên Áo Quốc xã gia tăng chiến dịch tuyên truyền và khủng bổ. Bom nổ hầu như mỗi ngày đây đó trên đất Áo; biểu tình diễn ra rầm rộ ở những tỉnh miền núi và thường gây bạo lực khiến cho Chính phủ suy yếu dần.
Trong thời gian này, chính trường Châu Âu không được thuận lợi cho Áo. Từ khi thành lập Trục Ý-Đức, Mussolini càng thân cận hơn với Hitler và chẳng còn mặn mà với việc duy trì nền độc lập cho Áo. Cả Anh dưới chính phủ mới của Thủ tướng Chamberlain muốn xoa dịu Hitler, và Pháp đang rối bời vì xung đột nội bộ, đều không quan tâm đến việc bảo vệ Áo nếu Hitler tấn công.
Trong khi đó, ngoài mặt Hitler cho biết chỉ muốn thảo luận “những chuyện hiểu lầm và những điểm xích mích”, nhưng bên trong gây áp lực nặng nề lên Chính phủ Áo. Đỉnh điểm của việc này là cuộc hội đàm ngày 12 tháng 2 năm 1938, khi Hiler mặc đồng phục của lực lượng bán quân sự S.A. cùng ba vị tướng Đức đón tiếp Schuschnigg. Hitler thẳng thừng khủng bố tinh thần vị Thủ tướng Áo, nhắc nhở Schuschnigg về vị thế cô lập và vô vọng của Áo, nói các tướng lĩnh Đức đang túc trực để sẵn sàng nhận lệnh để xua quân đánh Áo. Sau chiến tranh, Thống chế Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) tiết lộ Hitler chỉ hù dọa chứ thật sự Đức chưa hội đủ điều kiện dùng vũ lực (Chen, 2011). Nhưng từng ấy cũng đủ khiến cho Schuschnigg mất tinh thần.
Rồi Hitler đưa ra tối hậu thư: Áo phải bãi bỏ lệnh cấm Đảng Áo Quốc xã, ân xá mọi đảng viên đang ngồi tù, đưa người thân Đức vào nội các Áo (đặc biệt là bổ nhiệm Seyss-Inquart – một Áo gian cộm cán – chức Bộ trưởng Công An), sáp nhập nền kinh tế Áo vào hệ thống kinh tế của Đức, và Quân đội Áo nhận sĩ quan chỉ huy Đức. (Shirer, 1960)
Schuschnigg lập tức nhận ra rằng chấp nhận tối hậu thư này có nghĩa là Áo sẽ mất quyền tự chủ. Nhưng Hitler cho biết từ lúc này trở đi Đức sẽ tôn trọng thỏa thuận này, và Áo sẽ không bị khó khăn nào khác.
Ngày 20 tháng 2 năm 1938, Hitler đọc bài diễn văn trước Nghị viện Đức, lần đầu tiên được truyền thanh trực tiếp qua hệ thống phát thanh của Áo. Dù nồng nhiệt nói về “sự cảm thông” của Schuschnigg và về việc “sẵn lòng với đầy tình cảm” nhằm mang đến sự thông cảm gần gũi hơn giữa Áo và Đức – ngôn từ bịp bợm nhưng tạo ấn tượng cho Thủ tướng Anh Chamberlan – Hitler cũng tuyên bố thẳng thừng rằng từ đây về sau tương lai của 7 triệu người Áo và 3 triệu người Đức Sudeten ở Tiệp Khắc là chuyện nội bộ của Đức. Bài diễn văn của Hitler làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn của Áo Quốc xã. Lực lượng cảnh sát dưới quyền Seyss-Inquart thân Đức không cố gắng ngăn chặn các đám biểu tình. Chính phủ Áo đang tan rã, nền kinh tế bắt đầu rối loạn. Nhiều người rút những số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Các công ty nước ngoài tới tấp gửi lệnh hủy đơn đặt hàng. Du khách nước ngoài, một trong những nguồn ngoại tệ chính, đang sợ hãi lánh xa. Tình hình xem ra tuyệt vọng.
Schuschnigg quyết định có thêm một động thái cuối cùng mà ông đã nghiền ngẫm trong đầu kể từ những ngày cuối tháng 2 khi Áo Quốc xã bắt đầu chiếm các tỉnh. Tối 09 tháng 3, Schuschnigg thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý bốn ngày sau, Chủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 1938. Cuộc bỏ phiếu này nhằm trao cơ hội cho người dân Áo quyết định có đồng ý hay không Anschluss (tiếng Đức, có nghĩa là “sáp nhập”).
Hitler nổi cơn giận dữ khi nghe tin bất ngờ này, và tỏ ý chiếm đóng Áo bằng quân sự. Các tướng lĩnh Đức đều kinh ngạc. Nếu muốn ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg diễn ra ngày Chủ Nhật, Quân đội Đức phải tiến vào Áo ngày Thứ Bảy, nhưng không có kế hoạch cho việc động binh khẩn cấp như thế.
Trong giai đoạn đầy biến cố này, Schuschnigg không hề có lời kêu gọi chính thức nào gửi đến Anh, Pháp, Tiệp Khắc và Hội Quốc liên. Có lẽ – như hồi ký của ông chỉ ra – ông nghĩ đấy chỉ là chuyện phí thời giờ. Vấn đề ở chỗ, sau Thế chiến 1, dù thắng hay bại, các quốc gia đều phải chịu đựng một thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Khuynh hướng chủ hòa chế ngự trong nền chính trị tại các cường quốc dân chủ. Lãnh tụ hàng đầu của khuynh hướng này là thủ tướng Anh, Nevill Chamberlain, luôn chủ trương chính sách nhân nhượng (appeasement) đối với Hitler. Trong khi Đức đòi sáp nhập Áo, Chamberlain không có phản ứng cụ thể nào.
Hitler yêu cầu Schuschnigg bãi bỏ trưng cầu dân ý, và ông này đồng ý.
Theo cách âm mưu của Quốc xã, khi đối thủ đã nhượng bộ một việc thì phải dẫn nhanh đến việc khác. Đức ra yêu sách Schuschnigg phải từ chức, và Áo phải bổ nhiệm Seyss-Inquart làm thủ tướng. Đức lại ra lệnh Seyss-Inquart gửi điện cho Hitler nói rằng “như đã thỏa thuận trước”, yêu cầu điều quân Đức đến Áo để lập lại an ninh trật tự, nhằm biện minh với quốc tế cho việc xâm chiếm Áo.
Nhận ra Anh–Pháp không hỗ trợ Tiệp Khắc, vào buổi tối ngày 11 tháng 3 Thủ tướng Schuschnigg từ chức. Dưới sự ép buộc của Đức Quốc xã, trong diễn văn từ chức ông yêu cầu các lực lượng Áo không phản kháng “bước tiến” của người Đức.
Khoảng 10 giờ tối có một bức điện đề tên người gửi là Seyss-Inquart yêu cầu Hitler điều quân Đức vào Áo để giữ gìn an ninh trật tự. Đó là bức điện giả mạo, bởi vì vào lúc ấy Seyss-Inquart không có thẩm quyền yêu cầu như thế, ông chỉ được bổ nhiệm thủ tướng sau nửa đêm 11 tháng 3 rạng sáng 12 tháng 3 (Wikipedia_Anschluss).
Khi biết rõ thái độ của Pháp và Anh chỉ là sự phản đối rỗng tuếch, Tổng thống Áo Wilhelm Miklas đành xuôi tay: bổ nhiệm Thủ tướng Seyss-Inquart và chấp nhận danh sách nội các mới thân Đức. Sau này, ông nhận xét một cách cay đắng: “Tôi đã bị bỏ rơi hoàn toàn cả trong và ngoài nước.”
Lúc 2 giờ sáng ngày 11 tháng 3 năm 1938, Hitler ban hành Chỉ thị số Một cho Chiến dịch Otto bắt đầu bằng:
Nếu các biện pháp khác chứng tỏ không thành công, tôi định tấn công Áo bằng quân sự…
Các lực lượng Lục quân và Không quân được giao nhiệm vụ trong chiến dịch này phải sẵn sàng cho cuộc xâm chiếm ngày 12 tháng 3 năm 1938, chậm nhất lúc 12 giờ…
Hôm sau, ngày 12 tháng 3, Hitler cùng quân đội Đức tiến vào Áo, và được chào đón bởi những đám đông thật lòng nhiệt tình. Ngày hôm sau, chính sách Anschluss được tuyên bố. Ngày 15 tháng 3, Hitler chính thức tuyên cáo Anschluss ở Công trường các Anh hùng (Heldenplatz), Vienna.
Hitler ra lệnh cho thủ tướng Áo tay sai Seyss-Inquart “soạn thảo luật cho việc sáp nhập hoàn toàn nước Áo”. Luật bắt đầu bằng câu: “Áo là một tỉnh của Đế chế Đức.” Seyss-Inquart được cử làm thống đốc của tỉnh này.
Đức đồng thời ban hành Luật Sáp nhập Anschluss, quy định “trưng cầu dân ý tự do và kín” để người Áo có thể quyết định “vấn đề thống nhất với Đế chế Đức”. Sau đó, Hitler tuyên bố công dân nước Đức cũng tham gia trưng cầu dân ý về việc thống nhất Đức–Áo.
Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 10 tháng 4, đa số người Áo chấp thuận Áo sáp nhập vào Đức. Nhiều người thật lòng tin rằng thống nhất với nước Đức – dù dưới chế độ Đức Quốc xã – là kết cục thỏa đáng và không tránh khỏi. Cộng thêm vào những người Áo như thế là đảng Áo Quốc xã cuồng tín mà hàng ngũ đang bành trướng nhanh chóng. Nhiều người Công giáo trong đất nước thiên Công giáo này cũng bị ảnh hưởng bởi Hồng y Innitzer khi ông này lên tiếng hoan nghênh chủ nghĩa Quốc xã ở Áo và thúc giục cử tri bỏ phiếu chấp thuận sáp nhập Áo vào Đức. Vài ngày sau, một số giám mục Áo phát biểu tương tự.
Theo ý kiến của sử gia Shirer (1960), nếu tổ chức đầu phiếu công bằng và chân thật ngày 10 tháng 4, thì kết quả vẫn thế, bởi vì phải can đảm lắm người Áo mới dám bỏ phiếu chống. Giống như ở Đức, cử tri e sợ người bỏ phiếu chống sẽ bị phát giác. Cũng theo sử gia này, trước đó Hitler đã không cho phép Áo tổ chức trưng cầu dân ý bởi vì ông ta lo sợ Chính phủ Áo cũng tổ chức bỏ phiếu trong sự khủng bổ tinh thần như cách của Đức!
Thế là, không cần bắn một phát súng và không có sự can thiệp của Anh, Pháp và Liên Xô vốn có lực lượng quân sự áp đảo, Hitler thêm 7 triệu thần dân vào Đức và chiếm được một vị trí chiến lược có giá trị cực kỳ lớn lao. Là thủ phủ của Đế quốc Áo-Hung ngày xưa, Vienna từ lâu đã là trung tâm giao thông và mậu dịch của nam và đông-nam Châu Âu. Bây giờ, trung tâm như thế nằm trong tay Đức. Có thêm mối lợi thực tiễn là mỏ sắt ở vùng Erzberg trong khi Đức rất thiếu thép cho nhu cầu quân sự, và tài chính: trữ lượng đồng Mark Đức ở Đức không bằng phân nửa trữ lượng ở Ngân hàng Trung ương Áo.
Uy thế của Hitler được nâng cao hơn bao giờ: bởi vì dân Đức ở cả hai nước Đức và Áo thật sự chấp nhận cuộc sáp nhập – là ước vọng lâu đời của họ về một nước Đại Đức.
Có lẽ điều quan trọng nhất đối với Hitler là biểu hiện cho thấy cả Anh lẫn Pháp không hề nhấc một ngón tay để ngăn cản ông. Hai nước và cả Mỹ đều phản ứng yếu ớt sau khi sự sáp nhập diễn ra.
Áo trở thành một bang thuộc liên bang Đức cho đến khi kết thúc Thế chiến 2, thời điểm các cường quốc Đồng minh tuyên bố bác bỏ Anschluss và tái lập nước Áo độc lập.
Sáp nhập Tiệp Khắc vào Đức
Shirer (1960) và nhật báo The Guardian (2018) tường thuật chi tiết những sự kiện dẫn đến Hiệp ước Munich (tên Đức: München).
Nước Cộng hòa Tiệp Khắc được thành lập sau Thế chiến 1 gồm các vùng Slovakia, Bohemia và Moravia, theo các hòa ước mà người Đức căm ghét. Được tách ra từ Đế quốc Áo-Hung của Vương triều Habsburg, Tiệp Khắc phát triển thành một nước dân chủ và phồn thịnh nhất Trung Âu. Nhưng vì có nhiều dân tộc khác nhau, ngay từ đầu Tiệp Khắc bị giằng co bởi những vấn nạn về dân tộc thiểu số mà suốt 20 năm vẫn chưa thể giải quyết được. Vấn đề luôn âm ỉ ở vùng Sudetenland, là tên tiếng Đức gọi chung một số vùng đất ở miền bắc, tây-nam và tây của Tiệp Khắc, nơi có ba triệu rưỡi người Đức sinh sống, bị các nước thắng trận Thế chiến 1 tách ra khỏi Áo và đưa vào Tiệp Khắc. Thuật ngữ “Sudetenland” xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, và chỉ được để ý tới sau Thế chiến 1 khi Đế quốc Áo-Hung bị phân chia, và người Sudeten Đức trở thành thiểu số trong nước Tiệp Khắc mới được thành lập.
Dưới áp lực từ các nhóm ly khai thuộc đảng Đức Sudeten, Chính phủ Tiệp Khắc thi hành những chính sách nhượng bộ về kinh tế đối với khu vực này. So với những dân tộc thiểu số ở phương Tây, ngay cả ở Mỹ, những dân tộc thiểu số ở Tiệp Khắc không bị lép vế. Họ có quyền dân chủ và tự do cá nhân trọn vẹn – ngay cả quyền được bầu cử – lại có thêm ít quyền được lập trường học riêng và duy trì nền tảng văn hóa của riêng họ. Lãnh tụ các dân tộc thiểu số thường là bộ trưởng trong chính quyền trung ương. Tuy nhiên, người Tiệp không thể giải quyết những vấn đề của người thiểu số. Họ thường có tư tưởng ái quốc cực đoan và thiếu khôn khéo. Chính phủ Tiệp Khắc nhu nhược không quyết tâm bảo vệ đất nước. Sự phân hóa và thiển cận trong thành phần lãnh đạo của hai sắc dân Slovak và Czecho trong chính phủ Tiệp khiến cho guồng máy lãnh đạo quốc gia rệu rã.
Điều trái khoáy là người Đức Sudeten có vị thế khá cao trong nước Tiệp Khắc – chắc chắn cao hơn bất kỳ dân tộc thiểu số nào khác trong nước, và cao hơn dân tộc thiểu số Đức ở Ba Lan hoặc ở nước phát-xít Ý. Nhưng họ bất mãn với tính hà khắc vụn vặt của quan chức địa phương người Séc và thái độ kỳ thị đôi lúc xảy ra ở thủ đô Prague. Sống trong các vùng tây-bắc và tây-nam công nghiệp hóa, họ giàu lên và dần dà trở nên hòa thuận với người Séc, nhưng họ vẫn tiếp tục đòi hỏi thêm quyền tự trị và sự tôn trọng đối với các quyền về ngôn ngữ và văn hóa. Trước khi Hitler nổi lên, không có phong trào chính trị nghiêm túc nào đòi hỏi hơn thế.
Thế rồi, khi Hitler nắm quyền Thủ tướng năm 1933, cơn bão Quốc xã tràn đến vùng Sudetenland, dẫn đến việc thành lập Đảng người Đức Sudeten (SDP) được Đức bí mật hỗ trợ tài chính và do đó có quyền chỉ đạo. Trong âm mưu xảo quyệt, ngày 28 tháng 3 năm 1938 Hitler ra lệnh: “Đảng SDP phải đưa ra những đòi hỏi mà Chính phủ Tiệp Khắc không thể chấp nhận.” Đến phiên thủ lĩnh Đảng SDP Konrad Henlein – bị xem là Tiệp gian cộm cán – tóm tắt quan điểm của Hitler: “Ta phải luôn đòi hỏi nhiều để ta không bao giờ hài lòng.”
Vì thế, hoàn cảnh khó khăn của người Đức thiểu số ở Tiệp Khắc đối với Hitler chỉ là cái cớ để ông ta khuynh đảo, tung hỏa mù và gây hiểu lầm giữa những bạn hữu của mảnh đất ấy, và che giấu mục đích thực sự của mình.
Mặc cho những gì đã xảy ra ở Áo, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp vẫn chưa nhận ra con người thật của Hitler. Cho đến lúc cuối, Thủ tướng Anh Chamberlain và Thủ tướng Pháp Daladier cùng với phần lớn thế giới còn lại vẫn thật sự tin rằng Hitler chỉ mong muốn sự bình đẳng cho người Đức ở Tiệp Khắc. Hai Chính phủ Anh và Pháp cố tìm cách tạo áp lực lên Chính phủ Tiệp để nhượng bộ thêm cho người Đức Sudeten.
Trong khi đó, qua các bài diễn văn hùng hồn và có tính thuyết phục, Hitler luôn đòi hỏi những vùng của người Đức ở Tiệp Khắc được thống nhất với nước Đức. Thật ra, ông ta muốn sáp nhập không chỉ Sudetenland mà còn cả Tiệp Khắc vào Đức – nhưng ông đi từng bước một. Đảng Đức Quốc xã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm tố cáo Chính phủ Tiệp bạc đãi, đàn áp dân gốc Đức trong vùng Sudetenland, xúi dục người dân Tiệp gốc Đức đứng lên đòi quyền tự trị, và hô hào việc sáp nhập vùng này vào Đức.
Quá hào hứng sau khi sáp nhập Áo một cách dề dàng, Hitler còn ra lệnh soạn kế hoạch tấn công bất ngờ Tiệp Khắc. Kế hoạch này đòi hỏi phải “đạt kết quả trong vòng 4 ngày để chứng tỏ cho các kẻ thù muốn can thiệp thấy rõ tình hình tuyệt vọng của Quân đội Tiệp Khắc”. Riêng các tướng lĩnh chiến trường hàng đầu của Đức không ủng hộ kế hoạch đánh Tiệp Khắc vì họ thấy Quân đội Đức chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến.
Khi tình hình trở nên căng thẳng, Anh, Pháp, Tiệp Khắc và Liên Xô trở nên hốt hoảng tin rằng Châu Âu ở gần bờ vực chiến tranh. Trái với người Áo hai tháng trước, Chính phủ Tiệp Khắc quyết tâm chiến đấu: ngày 20 tháng 5 năm 1938, Tổng thống Tiệp Khắc Eduard Benes quyết định động binh một phần ngay lập tức: một phần quân trừ bị được gọi vào Quân đội.
Tuy Tiệp Khắc có liên minh quân sự với Pháp và Liên Xô còn Pháp có liên minh quân sự với Anh, các mối liên minh này chẳng giúp gì cho Tiệp Khắc. Cả Anh và Pháp đều không sẵn sàng tham gia chiến tranh nhằm bảo vệ Tiệp Khắc vì không muốn đối đầu quân sự với Đức. Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt còn tuyên bố chủ trương trung lập của Mỹ trong cuộc tranh chấp Sudetenland. Tóm lại, Tiệp Khắc không có ai là bạn bè thật sự.
Hitler nhận thức được tình hình này, nên ngày 28 tháng 5 năm 1938, triệu tập tướng lĩnh cao cấp của Quân đội để phổ biến một quyết định quan trọng: thực hiện các bước chuẩn bị cho động thái quân sự chống Tiệp Khắc vào ngày 2 tháng 10. Trước mặt các tướng lĩnh Đức, Hitler thét lên: “Ý chí không gì lay chuyển của tôi là xóa Tiệp Khắc khỏi bản đồ thế giới!”
Tổng thống Tiệp Khắc Benes cũng nhận thức được tình hình và thấy cần có bước quyết định để cứu vãn hòa bình, nên ngày 5 tháng 9 năm 1938, ông mời hai nhà lãnh đạo Sudeten đến và bảo họ viết ra giấy tất cả yêu sách. Dù là yêu sách gì, ông sẽ chấp nhận hết. Ngày hôm sau, một nhà lãnh đạo Sudeten thốt lên: “Chúa ơi, họ đã cho chúng ta mọi thứ!” Nhưng các nhà lãnh đạo Sudeten và quan thầy của họ ở Berlin không muốn chấp nhận. Đó là mưu đồ như ở Áo: khi đối phương nhượng bộ thì ra yêu sách mới.
Bên Đức càng gây thêm áp lực qua các bài diễn văn hiếu chiến, khiến cho người Tiệp bị căng thẳng, Chính phủ Pháp bắt đầu hốt hoảng vì viễn cảnh của chiến tranh, còn Thủ tướng Anh Chamberlain vẫn chủ trương nhân nhượng mà cố đáp ứng với những yêu sách của Hitler – dĩ nhiên là phần thiệt về Tiệp Khắc. Ông nói sẵn sàng đi gặp Hitler để tìm ra giải pháp; thời gian và nơi chốn tùy Hitler định.
Nắm bắt thời cơ, ngày 15 tháng 9 năm 1938 Hitler mời vị Thủ tướng Anh đến biệt thự nghỉ dưỡng của mình mang tên Berghof ở Berchtesgaden. Hitler tuyên bố 3 triệu người Đức ở Tiệp Khắc phải “trở về” Đế chế Đức. Chamberlain – với vốn kiến thức về lịch sử Đức không có vẻ sâu lắm – chấp nhận việc sử dụng sai lạc từ ngữ “trở về” cả trong buổi gặp gỡ này với Hitler và trong báo cáo sau này trước Nghị viện Anh. Vào cuối buổi hội đàm giữa hai người, Hitler hứa sẽ không có hành động quân sự cho đến khi đàm phán lại lần nữa, còn Chamberlain nói trở về Anh để báo cáo và thuyết phục Chính phủ Anh về yêu sách của Hitler.
Trong khi đó, Lực lượng Tự do Sudeten – được trang bị bằng vũ khí Áo – nhận lệnh của Hitler là duy trì “hỗn loạn và xô xát” với người Tiệp. Riêng các tướng lĩnh Đức cũng bận rộn chuẩn bị cho cuộc hành quân đánh Tiệp Khắc.
Cả Anh và Pháp đều muốn tránh chiến tranh nên nhanh chóng đồng ý về điều kiện chung mà Tiệp Khắc phải chấp nhận: giao cho Đức mọi lãnh thổ có trên phân nửa là người Đức Sudeten nhằm đảm bảo “duy trì hòa bình và an ninh vì quyền lợi sống còn của Tiệp Khắc”. Để đáp lại, Anh và Pháp hứa sẽ tham gia vào “sự đảm bảo quốc tế cho những đường biên giới mới…”
Tiệp Khắc không hề được tham khảo về đề xuất Anh–Pháp, và từ khước đề xuất này.
Anh–Pháp gây áp lực yêu cầu Tiệp Khắc chấp nhận đề xuất của họ, nếu không Tiệp Khắc sẽ phải một mình chống lại Đức.
Tổng thống Tiệp Khắc Benes nhận ra là đã bị bạn hữu của mình bỏ rơi. Ngày 21 tháng 9, Chính phủ Tiệp Khắc đành chịu thua, chấp nhận đề xuất Anh–Pháp.
Chamberlain và Hitler gặp lại nhau ở thị trấn nhỏ Godesberg bên Sông Rhine vào chiều ngày 22 tháng 9 năm 1938. Ông mang đến nhượng bộ mà Hitler đòi hỏi trước đây: giao Sudetenland cho Đức, và hơn thế nữa: không cần trưng cầu dân ý, còn tương lai của những vùng pha trộn nhiều chủng tộc sẽ do một ủy hội gồm ba thành viên giải quyết: một Đức, một Tiệp Khắc, một trung lập. Một đảm bảo quốc tế sẽ thay thế các hiệp ước giữa Tiệp Khắc với Pháp và Liên Xô.
Hitler hỏi: “Theo tôi hiểu thì Anh, Pháp và Tiệp Khắc đồng ý chuyển giao vùng Sudetenland cho Đức, đúng không?” Hitler cảm thấy kinh ngạc vì vụ việc đi xa như thế và đến nhanh như thế.
Thủ tướng Anh mỉm cười, đáp: “Đúng.”
Hitler nói: “Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng sau những sự việc trong những ngày qua, kế hoạch này chẳng có ích gì nữa.”
Chamberlain đứng bật dậy, gương mặt lộ vẻ kinh ngạc và tức giận. Chamberlain thấy bao nhiêu công khó nhọc của mình tiêu tán vì Hitler lật lọng. Hitler bây giờ đòi hỏi Đức được chiếm đóng vùng Sudetenland ngay lập tức và phải “giải quyết toàn vẹn và rốt ráo vấn đề chậm nhất vào ngày 1 tháng 10”. Ông có sẵn một bản đồ chỉ ra phải chuyển giao lập tức những lãnh thổ nào.
Chamberlain không hề biết rằng ngày 24 tháng 6 năm 1937, theo ý Hitler, Thống chế Blomberg (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội) gửi một chỉ thị ghi “Tối mật” và chỉ có 4 bản, trong đó có câu “phải đập tan Tiệp Khắc ngay từ đầu rồi chiếm đóng luôn”. Chấp nhận kế hoạch Anh-Pháp thì đấy không phải là hành động quân sự, trong khi Hitler vừa muốn làm nhục Tiệp Khắc vừa muốn các cường quốc phương Tây thể hiện sự hèn yếu. Để đạt được mục đích này, ít nhất cần phải chiếm đóng bằng biện pháp quân sự. Chamberlain đối mặt với một thời hạn mới. Đức đòi hỏi người Tiệp bắt đầu rút ra khỏi lãnh thổ sẽ chuyển giao từ ngày 26 tháng 9 và hoàn tất ngày 28 tháng 9.
Chamberlain thốt lên: “Nhưng điều này không khác gì tối hậu thư!”
Hitler đáp trả: “Không phải… Xem đây, văn kiện có tựa là ‘Bản ghi nhớ’.”
Cuối cùng, Hitler nói có một “nhượng bộ”: Ngày duy nhất cho việc rút lui của Tiệp Khắc là 1 tháng 10. Dĩ nhiên đấy không phải là nhượng bộ. Ngay từ đầu, Hitler đã định 1 tháng 10 là ngày tấn công Tiệp Khắc.
Bản ghi nhớ đòi hỏi mọi lực lượng của Tiệp Khắc, kể cả cảnh sát, rút khỏi những vùng tô màu đỏ trên bản đồ. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ quyết định tương lai của những vùng tô màu lục. Phải chuyển giao nguyên trạng cho bên Đức mọi cơ sở quân sự, thương mại và giao thông, “đặc biệt là những bộ phận di động”. Không được mang theo lương thực, hàng hóa, bò, nguyên vật liệu… Hàng trăm nghìn người Tiệp không được mang theo vật dụng, đồ nội thất hoặc bò của gia đình. Hitler nói rằng đây là đòi hỏi cuối cùng của Đức về lãnh thổ.
Chính phủ Tiệp Khắc thông báo cho biết tối hậu thư Godesberg là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, và ban hành lệnh tổng động viên để có quân số lên đến 1 triệu. Tiệp Khắc và Pháp cộng lại có số quân áp đảo Đức bằng tỷ lệ hơn 2 trên 1.
Chamberlain vẫn gây áp lực lên Tiệp Khắc, đặt trách nhiệm về hòa bình hoặc chiến tranh lên Benes chứ không phải lên Hitler. Ông gửi điện cho Tổng thống Benes biết rằng quân Đức sẽ vượt biên giới Tiệp Khắc nếu nước này không chấp nhận những điều kiện của Đức vào hạn chót là 2 giờ chiều ngày hôm sau, 28 tháng 9. Trước khi Benes có thời giờ để trả lời, Chamberlain gửi tiếp bức điện thứ hai, đề nghị Tiệp Khắc chấp nhận cho Đức chiếm đóng một phần vào ngày 1 tháng 10.
Nhằm cứu vãn tình thế vào phút chót, Chamberlain đề nghị một hội nghị bốn bên gồm Đức, Anh, Pháp và Ý – Tiệp Khắc vẫn tiếp tục bị phớt lờ, còn Đức và Anh đều không muốn Nga can dự. Hitler nhất quyết không chấp nhận cho người Tiệp dự hội nghị nhưng Chamberlain cuối cùng đạt được một ít nhượng bộ. Hội nghị đồng ý rằng đại diện của Tiệp Khắc có thể chờ đợi “trong phòng bên cạnh”. Ngày 29 tháng 8, nhà độc tài Đức Adolf Hitler, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, Thủ tướng Pháp Édouard Daladier và nhà độc tài Ý Benito Mussolini gặp nhau tại Thành phố Munich: Hai đại diện của Tiệp Khắc là Voltech Mastny, Công sứ Tiệp Khắc tại Đức và Hubert Masarik của Bộ Ngoại giao Tiệp Khắc được lạnh lùng đưa vào một căn phòng bên để ngồi chờ.
Mussolini nói “nhằm mang đến một giải pháp thực tế cho vấn đề”, ông mang theo một đề xuất ghi trên giấy. Một thời gian dài sau này, người ta mới biết được nguồn gốc văn bản đó. Cái mà Mussolini mang ra như là kế hoạch dung hòa của chính ông đã được vội vã soạn thảo ngày hôm trước tại Bộ Ngoại giao Đức. Các tác giả là Thống chế Tư lệnh Không quân Göring, Bộ trưởng Ngoại giao Neurath và Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Weizsaecker. Bản dịch đề xuất được Đại sứ Ý tại Đức Attolico đọc nội dung qua điện thoại cho Mussolini nắm bắt ở Rome ngay trước khi ông lên đường đi Munich. Vì thế, “đề xuất Ý”, vốn cung cấp cho hội nghị văn kiện làm việc duy nhất và cũng thể hiện những điều khoản cơ sở rồi cuối cùng trở thành Hiệp định Munich, thật ra là đề xuất của Đức được soạn ra ở Berlin. Đáng lẽ việc này được xem như hiển nhiên bởi vì bản văn phù hợp với yêu sách Godesberg của Hitler đã bị từ khước, nhưng Daladier và Chamberlain không thấy đó là hiển nhiên.
Sau nhiều thảo luận, khoảng sau 1 giờ sáng ngày 30 tháng 9 năm 1938, Chamberlain, Daladier, Hitler và Mussolini cùng ký vào Hiệp ước Munich.
Thật ra, Hiệp ước đề ngày 29 tháng 9 năm 1938. Các điều khoản chính quy định Đức sẽ tiến vào chiếm đóng trong bốn giai đoạn từ 1 tháng 10 đến 7 tháng 10. Đức sẽ chiếm đóng phần lãnh thổ còn lại ngày 10 tháng 10, sau khi Ủy hội Quốc tế vạch ranh giới. Ủy hội Quốc tế – gồm ba đại sứ Anh, Pháp, Ý tại Đức, một nhân viên Bộ Ngoại giao Tiệp Khắc, và Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Đức Weizsaecker – sẽ quy định vùng nào cần tổ chức trưng cầu dân ý để xác định ranh giới.
Trong phần phụ lục, Anh và Pháp tuyên bố:
thi hành đề nghị… liên quan đến việc đảm bảo quốc tế đối với đường biên giới mới của Tiệp Khắc chống lại sự xâm lấn vô cớ. Khi đã giải quyết các vấn đề dân tộc thiểu số Ba Lan và Hungary…, Đức và Ý sẽ đảm bảo cho Tiệp Khắc.
Lúc 1 giờ 30 sáng, hai đại diện của Tiệp Khắc được gọi vào chỉ để nghe hai đoàn Anh và Pháp thông báo về kết quả hội đàm, sau khi hai đoàn Đức và Ý đã rút lui. Không ai muốn nghe ý kiến của hai đại diện người Tiệp. Ngược lại, họ khuyên Chính phủ Tiệp Khắc nên chấp nhận Hiệp định Munich.
Sáng ngày ấy, vị Thủ tướng Anh rút ra từ trong túi áo một văn bản mà ông viết sẵn để mong Hitler cùng ký vào:
Chúng tôi, Lãnh tụ và Thủ tướng Đức, và Thủ tướng Anh, đã gặp gỡ thêm hôm nay và nhất trí nhận định rằng quan hệ Anh–Đức có tầm quan trọng hàng đầu cho hai nước và cho Châu Âu.
Chúng tôi xem hiệp ước đã ký kết tối qua và Hiệp định Hải quân Anh-Đức là biểu tượng cho lòng mong mỏi của hai dân tộc chúng tôi là sẽ không bao giờ gây chiến với nhau nữa.
Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng phương pháp tham vấn để đối phó với bất kỳ vấn đề nào khác có thể liên quan đến hai nước chúng tôi, và chúng tôi nhất quyết tiếp tục nỗ lực nhằm loại ra những bất đồng, và qua đó đóng góp đảm bảo nền hòa bình của Châu Âu.
Hitler đọc qua bản văn và nhanh chóng ký vào. Những diễn tiến về sau cho thấy Hitler không hề tôn trọng cam kết này.
Chamberlain trở về London – giống như Daladier trở về Paris – trong vinh quang chiến thắng. Trên chuyến trở về từ Munich, tại Sân bay Heston, ông vung lên bản văn ký riêng với Hitler và tuyên bố: “Hòa bình trong thời đại của chúng ta”.
Ngày 1 tháng Mười năm 1938, các đơn vị tiền phương của quân Đức vượt qua biên giới Tiệp giữa tiếng hò reo ủng hộ của các đảng viên đảng Sudeten, và cũng trong lúc đó hàng chục sư đoàn Tiệp được trang bị đầy đủ nhận lệnh chính phủ phải rút lui.
Cam kết về trưng cầu dân ý không bao giờ được thực hiện. Cả Đức lẫn Ý không bao giờ đảm bảo cho Tiệp Khắc chống lại sự xâm lấn, ngay cả sau khi các vấn đề dân tộc thiểu số Ba Lan và Hungary đã được giải quyết, và, như ta sẽ thấy, Anh và Pháp từ chối việc đảm bảo của họ.
Hiệp ước Munich trao cho Hitler những gì mà ông đòi hỏi ở Godesberg. Tiệp Khắc nhường cho Đức gần 30.000 km2 lãnh thổ, trên đó có 2.800.000 người Đức Sudeten và 800.000 người Séc sinh sống. Trên lãnh thổ này là một hệ thống lô cốt mà từ trước đến giờ tạo nên tuyến phòng thủ vững chắc nhất Châu Âu, có lẽ chỉ kém Phòng tuyến Maginot của Pháp. Thêm nữa, cả hệ thống đường sắt, đường bộ, điện thoại và điện tín của Tiệp Khắc đều bị rối loạn. Theo số liệu của Đức, Tiệp Khắc mất trên dưới 80% than non, hóa chất, xi măng; trên dưới 70% than đá, sắt, thép, điện năng; và 40% gỗ. Một đất nước công nghiệp phồn thịnh trong phút chốc bị tan rã.
Tổng thống Tiệp Khắc Benes không có chọn lựa nào khác hơn là phải chấp nhận. Anh và Pháp không những bỏ rơi đất nước ông, mà bây giờ còn ủng hộ Hitler sử dụng vũ lực nếu ông bác bỏ bản hiệp ước. Tiệp Khắc nhượng bộ “dưới sự phản đối với thế giới”, theo lời bản công bố chính thức. Tướng Sirovy, tân Thủ tướng, nói với người dân Tiệp Khắc trên sóng phát thanh: “Chúng ta đã bị bỏ rơi. Chúng ta chỉ có một mình.”
“Ủy hội Quốc tế” được vội vã thành lập gồm các Đại sứ Ý, Anh và Pháp, thêm Công sứ Tiệp Khắc tại Đức và Thứ trưởng Ngoại giao Đức Weizsaecker. Hitler và Quân đội Đức gây áp lực để mọi sự tranh cãi về các lãnh thổ được dàn xếp có lợi cho Đức. Cuối cùng, ngày 13 tháng 10 Ủy hội Quốc tế biểu quyết bãi bỏ cuộc trưng cầu dân ý mà Hiệp ước Munich quy định cho những vùng đang bị tranh chấp.
Mất đi Sudetenland, Tiệp Khắc mang tên theo tiếng Anh là Czecho-Slovakia (có thêm dấu gạch nối) thay cho tên cũ là Czechoslovakia, nhưng trong tiếng Việt, từ “Tiệp Khắc” không thể hiện sự thay đổi này.
Sau khi tạo một chiến tích vĩ đại to tát mà không phải bắn phát súng nào, uy tín của Hitler vươn lên tầm cao mới. Chỉ trong vòng 6 tháng, Hitler thôn tính Áo và Sudetenland, nhận thêm 10 triệu dân gia nhập Đế chế Thứ Ba và một dải đất mênh mông, mà không phải hy sinh một mạng sống của người Đức nào! Với bản năng của một thiên tài hiếm hoi trong lịch sử Đức, Hitler tìm ra điểm yếu của các nước nhỏ ở Trung Âu và của hai nền dân chủ phương Tây – Anh và Pháp – và buộc họ phải chiều theo ý nguyện của mình. Ông nghĩ ra và vận dụng thành công một chiến lược và kỹ năng mới của chiến tranh chính trị, khiến cho không cần thiết phải gây ra chiến tranh thật sự.
Hitler còn thắng các tướng lĩnh Đức, mà một số người đã có âm mưu đảo chính và bắt giữ ông ta nếu Quân đội Đức nhận lệnh tấn công Tiệp Khắc. Sau này, họ khai rằng họ từ bỏ ý định đó khi Chamberlain đến gặp Hitler, và một lần nữa chịu thất thế dưới tinh thần thép của Hitler. Chỉ vì việc nhận lãnh thổ Sudetenland qua đường ngoại giao, không phải nổ phát sút nào, khiến cho uy tín Hitler tăng cao và tướng lĩnh Đức đành chấp nhận cho Hitler tiếp tục là nhà độc tài nắm giữ mọi quyền hành.
Sau chiến tranh, Halder (cựu Đại tướng cấp Cao hay Chuẩn Thống chế, Tham mưu trưởng Lục quân Đức) khai:
Đã có kế hoạch đánh chiếm Phủ Thủ tướng và các tòa nhà văn phòng của Chính phủ, đặc biệt của các bộ do đảng viên điều hành, với ý định tránh đổ máu…
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thành công. Nhưng lúc đó ông Chamberlain đi đến, và ngay lập tức có thể tránh khỏi nguy cơ chiến tranh… Người ta chỉ có thể chờ đến một dịp khác…
Hitler thắng các nước phương Tây nhờ chơi trò tháu cáy: đe dọa chiến tranh trong khi Tiệp Khắc, Anh và Pháp gộp lại tuy có tiềm lực quân sự mạnh hơn Đức nhưng lại sợ chiến tranh.
Sau này, trong Tòa án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh, khi được hỏi về phản ứng của tướng lĩnh Đức đối với Hiệp ước Munich, Keitel khai:
Chúng tôi rất vui mừng là việc này không dẫn đến chiến dịch quân sự bởi vì… chúng tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi không có đủ phương tiện để đánh phá những công sự phòng thủ vùng biên giới của Tiệp Khắc.
Những chuyên gia quân sự Đồng minh luôn nghĩ Quân đội Đức có khả năng xuyên thủng Tiệp Khắc. Nhưng ngoài lời khai của Keitel rằng không phải như thế, còn có thêm ý kiến của Thống chế Manstein, một trong những tư lệnh mặt trận tài giỏi nhất của Đức. Khi khai ở Nuremberg về vị thế của Đức vào thời điểm Hiệp ước Munich, ông giải thích:
Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không thể bảo vệ biên giới phía Tây lẫn biên giới Ba Lan, và rõ ràng là chúng tôi đáng lẽ đã bị các công sự phòng thủ của Tiệp Khắc chặn đứng, bởi vì chúng tôi không có khả năng để xuyên phá.
Jodl, “bộ óc” của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, khai trước Tòa án Nuremberg:
Không thể nào 5 sư đoàn tác chiến và 7 sư đoàn dự bị của Đức ở phía Tây… chống chọi được 100 sư đoàn của Pháp. Về mặt quân sự, việc này là bất khả thi.
Thu hồi Memel
Memel là vùng lãnh thổ có cảng cùng tên dọc bờ Biển Baltic với dân số 40.000, trước Thế chiến 1 thuộc Đế chế Đức, được Hòa ước Versailles tách ra là xứ bảo hộ dưới quyền kiểm soát của Hội Quốc liên nhằm tạo đường thông thương ra biển cho nước Lithuania mới được thành lập.
Trong một thời gian, Chính phủ Đức và nhất là Đảng Quốc xã tổ chức người Đức ở Memel theo cách thức như ta đã thấy ở Áo và Sudetenland. Kết quả là Quân đội Đức được kêu gọi trợ giúp và Hitler chỉ thị các quân chủng lo chuẩn bị. Vì Hải quân chưa có vinh quang gì trong hai chiến dịch ở Áo và Tiệp Khắc sâu trong đất liền, bây giờ Hitler quyết định thu hồi Memel từ ngoài biển. Tháng 11 năm 1938, kế hoạch của Hải quân được soạn thảo dưới tiêu đề “Thao diễn vận chuyển Stettin”. Hitler và Thủy sư Đô đốc Raeder muốn phô trương sức mạnh của Hải quân nên cả hai đi trên chiếc tàu thiết giáp bỏ túi Deutschland đến Memel ngày 22 tháng 3 năm 1939, đúng một tuần sau khi Lãnh tụ tiến vào Prague.
Ngày 21 tháng 3, Weizsaecker (Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Đức) báo cho Chính phủ Lithuania là “không được để mất thời giờ” và phải gửi đại diện toàn quyền đến Berlin “bằng máy bay đặc biệt vào ngày mai” để ký kết nhường Memel cho Đức. Sau những hồi giằng co, lúc 1 giờ 30 giờ sáng 23 tháng 3 năm 1939, Ngoại trưởng Ribbentrop gửi điện cho Hitler đang đi trên chiếc Deutschland cho biết phía Lithuania đã chịu ký.
Lúc 2 giờ 30 chiều ngày 23 tháng 3 năm 1939, Hitler có thêm một chuyến đi thắng lợi vào một thành phố mà ông vừa thu hồi, lần này ở Memel Hitler cũng phát biểu với một đám đông người Đức mà ông vừa “giải phóng”. Thêm một cuộc thu hồi không đổ máu.
Xúi bẩy Slovak tách ra khỏi Tiệp Khắc
Ngày 21 tháng 10, Hitler chỉ thị cho các cấp chỉ huy quân sự “việc chuẩn bị tiến hành chiến tranh”, ghi rõ “Mục đích là chiếm đóng nhanh chóng Bohemia cùng Moravia, và cắt đứt Slovakia”.
Ngay từ ngày 14 tháng 10 năm 1938, khi tân Ngoại trưởng Tiệp Khắc Chvalkovsky dò hỏi liệu Đức có cùng với Anh và Pháp đảm bảo đường biên giới còn lại của Tiệp Khắc hay không, Hitler khinh khỉnh trả lời rằng “sự đảm bảo của Anh và Pháp là vô giá trị… và sự đảm bảo hữu hiệu nhất là của Đức.” Nhưng cho đến đầu năm 1939, vẫn không thấy Đức đảm bảo gì cả. Lý do đơn giản là: Hitler không có ý định đảm bảo. Việc đảm bảo như thế sẽ ngáng trở những kế hoạch mà ông đang chuẩn bị ngay sau khi ký Hiệp ước Munich. Chẳng bao lâu sẽ không còn Tiệp Khắc để đảm bảo. Nhằm bắt đầu việc này, cần tách Slovakia ra khỏi Tiệp Khắc.
Kế hoạch của Đức là tiến hành song song hai việc: tách Slovakia khỏi Tiệp Khắc, và chiếm đóng Bohemia và Moravia.
Dù cố xoa dịu Hitler nhưng tân Chính phủ Tiệp Khắc thân Đức bắt đầu nhận ra rằng số phận của đất nước họ đã bị định đoạt.
Để xem có thể cứu vãn được những mảnh đất còn lại hay không, Chvalkovsky cố xin gặp Hitler ngày 21 tháng 1. Vị Ngoại trưởng Tiệp phải khom lưng nhũn nhặn trước Hitler kiêu ngạo. Hitler nói “thái độ kiềm chế của Đức” cứu cho Tiệp Khắc thoát khỏi thảm họa. Tuy thế, nếu người Tiệp không thể hiện tinh thần khác, ông sẽ “trừ khử” họ. Họ phải quên “lịch sử” của họ vì đấy chỉ là “chuyện vô nghĩa của học trò”, và phải làm theo mệnh lệnh của Đức.
Cụ thể là Đức bắt buộc Tiệp Khắc phải:
- rút khỏi Hội Quốc liên;
- giảm mạnh quân số “bởi vì Quân đội không có nghĩa lý gì cả”;
- gia nhập Hiệp ước Chống Đệ tam Quốc tế;
- chấp nhận cho Đức chỉ đạo chính sách ngoại giao;
- ký hiệp định thương mại ưu đãi với Đức, với một điều kiện là Tiệp Khắc không được xây dựng ngành công nghiệp nào mà Đức không đồng ý;
- sa thải mọi quan chức và biên tập viên không thân thiện với Đức;
- đặt người Do Thái ra ngoài vòng pháp luật, giống như Đức đã làm với Luật Nuremberg;
- giao một phần trữ lượng vàng trong Ngân hàng Nhà nước Tiệp Khắc cho Ngân hàng Nhà nước Đức
- giữ kín với Anh và Pháp về những đòi hỏi mới của Đức, chỉ phải tuân hành mà không cần lo lắng về việc Đức đảm bảo đường biên giới!
Tấm màn cho tấn tuồng kế tiếp của thảm kịch cho Tiệp Khắc bây giờ có thể vén lên. Lại thêm một chuyện oái oăm trong lịch sử này: chính người Tiệp ở Thủ đô Prague làm cho tấm màn vén lên nhanh.
Vào đầu tháng 3 năm 1939, Tiệp Khắc lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Các phong trào ly khai của Slovakia và Ruthenia bùng phát mạnh đến mức Tiệp Khắc có nguy cơ tan nát. Trong trường hợp ấy, Hitler chắc chắn sẽ chiếm lấy Thủ đô Prague. Nhưng nếu chính quyền trung ương trấn áp họ, thì cũng chắc chắn là Hitler sẽ lợi dụng tình hình mà đưa quân vào Prague. Sau nhiều lưỡng lự và cũng vì tình hình đến mức nguy cấp, Chính phủ Tiệp Khắc chọn phương án thứ hai. TS. Hácha, tân Tổng thống Tiệp Khắc, giải tán các chính quyền tự trị Ruthenia và Slovakia, bắt giam các nhà lãnh đạo đối lập kể cả Đức cha Tiso, Thủ tướng Slovakia, và TS. Tuka, đồng thời ban hành tình trạng thiết quân luật ở Slovakia.
Bây giờ là lúc Hitler “giải phóng” Slovakia.
Đức cha Tiso đến gặp Hitler vào tối ngày 13 tháng 3 năm 1939. Hitler nói: “Chỉ nhờ có Đức mà Tiệp Khắc mới không bị chia năm xẻ bảy thêm.” Đức đã cố “kiềm chế đến mức tối đa”, nhưng người Tiệp không đánh giá cao điều này. “Trong những tuần lễ gần đây, tình trạng đã đến mức không thể chấp nhận được.” Bây giờ ông muốn Tiso làm rõ vấn đề trong thời gian ngắn nhất: Slovakia muốn được độc lập hay không?… Đây là vấn đề cấp thiết không phải từng ngày, mà là từng giờ. Nếu Slovakia muốn độc lập, ông sẽ ủng hộ và thậm chí đảm bảo cho nền độc lập này… Nếu Slovakia chần chừ hoặc không muốn tách ra khỏi Tiệp Khắc, ông sẽ phó mặc số phận của Slovakia cho biến cố và không còn chịu trách nhiệm gì nữa.
Ngoại trưởng Đức Ribbentrop soạn thảo bản tuyên ngôn “độc lập” của Slovakia và cho dịch sang tiếng Slovakia để Tiso kịp mang về nước. “Thủ tướng” Tiso đọc bản văn chỉ với một ít sửa đổi trước Nghị viện ngày hôm sau, 14 tháng 3, với yêu cầu Hitler bảo vệ cho quốc gia mới này. Điều này khiến ta nhớ lại bức điện năm trước mà Seyss-Inquart gửi để yêu cầu Hitler điều quân qua Áo. Nhưng lúc này, chiến thuật “điện tín” của Quốc xã được hoàn hảo.
Hitler phúc đáp rằng ông sẽ lấy làm vui mà “đảm nhiệm việc bảo vệ quốc gia Slovakia”.
Thế là, nước Cộng hòa Slovakia “độc lập” ra đời ngày 14 tháng 3 năm 1939, trở thành chư hầu của Đức. Sau khi tuân phục Hitler, Tiso trở thành một cộng tác viên trung thành cho chế độ Quốc xã và làm tổng thống bù nhìn của Slovakia trong giai đoạn 1939-1945.
Tiệp Khắc chỉ còn có phần lõi Bohemia và Moravia. Sau Thế chiến 2, Slovakia nhập trở lại vào Tiệp Khắc, và Tiệp Khắc mang tên cũ Czechoslovakia.
Chiếm phần còn lại của Tiệp Khắc
Bộ máy tuyên truyền của Goebbels khuấy động báo chí Đức gây ồn ào về cái mà họ gọi là những hành động khủng bố của người Tiệp Khắc chống lại người Đức đáng thương.
Vị Tổng thống già nua Hácha của Tiệp Khắc chủ động xin đến gặp Hitler ngày 11 tháng Ba năm 1939. Hitler bày tỏ ý định chiếm toàn bộ Tiệp Khắc bằng quân sự và hứa nếu Hácha chịu hợp tác Tiệp Khắc sẽ được hưởng quyền tự trị rộng rãi, còn nếu nghịch lại sẽ bị quân Đức tấn công bằng mọi phương tiện. Tư lệnh Không quân Göring còn đe dọa không quân của Đức sẽ cày nát thủ đô Prague. Hácha gọi điện về thông báo tình hình cho nội các Tiệp Khắc rõ và khuyên họ nên nhượng bộ. Rồi ông ký vào bản thông cáo chung đề ngày 15 tháng 3, 1939, ghi Tổng thống Tiệp Khắc “tin tưởng đặt vận mệnh của nhân dân và của đất nước Tiệp Khắc vào tay của Lãnh tụ Đế chế Đức”, còn Hitler “chấp nhận lời tuyên bố ấy và bày tỏ ý định của ông là đặt nhân dân Tiệp Khắc dưới sự bảo vệ của Đế chế Đức”.
Lúc 6 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1939, quân Đức tràn vào Bohemia và Moravia. Họ không gặp sự kháng cự nào, và đến buổi tối Hitler tiến bước như người chiến thắng vào thủ đô Prague. Ngày hôm sau, Hitler ra tuyên cáo thành lập Xứ Bảo hộ Bohemia và Moravia, tạo dựng chế độ “tự trị và tự thành lập chính quyền”. Để xoa dịu dư luận quần chúng ở Anh và Pháp, Hitler bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Neurath được Anh–Pháp vị nể vào chức Bảo quốc. Neurath chấp nhận khi nghe giải thích rằng qua sự bổ nhiệm này, Hitler muốn trấn an Anh và Pháp rằng ông “không muốn thực hiện chính sách thù địch với Tiệp Khắc.” Emil Hácha là Tổng thống bù nhìn của Xứ Bảo hộ Bohemia và Moravia trong giai đoạn 1939-1945.
Tiệp Khắc bị xâu xé thêm. Tháng 10 năm 1938, Ba Lan chiếm vùng Zaolzie, nơi phần lớn cư dân là người Ba Lan.
Đối với Ruthenia, là phần chóp mũi miền đông của Tiệp Khắc, nền độc lập của lãnh thổ này có tên “Cộng hòa Carpatho-Ukraina” được tuyên cáo ngày 14 tháng 3 nhưng chỉ kéo dài 24 giờ. Hitler không màng gì đến lời kêu gọi giúp “bảo vệ”. Ông đã giao lãnh thổ này cho Hungary.
Quân Hungary chỉ việc tiến vào Ruthenia ngày 15 tháng 3 năm 1939, cùng lúc với Quân đội Đức tiến vào miền tây, và ngày hôm sau lãnh thổ này được chính thức sáp nhập vào Hungary. Vì thế, vào cuối ngày 15 tháng 3, như Hitler nói, Tiệp Khắc không còn hiện diện nữa.
Cả Anh và Pháp không làm gì để cứu vãn Ruthenia, dù ở Hội nghị Munich họ đã long trọng đảm bảo với Tiệp Khắc.
Nếu Tiệp Khắc đánh trả?
Theo Quigley (1952), tương quan lực lượng vào tháng 9 năm 1938 là như sau:
- Về bộ binh, Đức có 36 sư đoàn yếu kém và Tiệp Khắc có 34 sư đoàn được trang bị đầy đủ hơn.
- Về không quân, Đức có khoảng 1.500 máy bay, Tiệp Khắc có 1.000, nhưng nếu tính cả Anh–Pháp thì số lượng phi cơ của ba nước cộng lại vượt xa Đức.
- Về xe tăng, Đức yếu hơn hẳn: chủ yếu loại Mark II dưới 10 tấn và gắn súng máy cùng một số ít Mark III 18 tấn gắn đại bác 37 li và tổng cộng hai loại 300 chiếc, Tiệp Khắc có gần 500 tăng gắn đại bác 75 li, còn Pháp có xe tăng với chất lượng tốt hơn xe tăng Đức.
Vì thế, nếu Tiệp Khắc kiên cường chống trả thì có thể đánh dằng dai với Đức một thời gian dài, còn nếu Anh–Pháp yểm trợ bằng không quân thì Đức sẽ yếu thế, và nếu Anh–Pháp điều bộ binh tham chiến thì Đức sẽ bị đánh bại.
Quigley (1952) cho rằng nếu Tiệp Khắc đánh trả, Hitler đã có thể bị các tướng lĩnh Đức làm đảo chính và hạ bệ ông ta.
Vì thế, Tiệp Khắc là nước cờ vô cùng táo bạo mà ở nước Đức, ngoại trừ Hitler ra, không ai dám mạo hiểm.
Nếu Hitler dừng bành trướng và không gây chiến tranh: nước Đại Đức
Ta hãy tổng kết tình hình và xét qua những kịch bản nếu Hitler dừng bành trướng lãnh thổ và không gây ra Thế chiến 2.
- Saar. Lãnh thổ đã thuộc về Đức từ ngày trước; không có bàn cãi gì ở đây. Việc thu hồi Saar cho thấy Hòa ước Versailles do các nước chiến thắng trong Thế chiến 1 đã quá khắc nghiệt với Đức, giúp Đức chiếm thiện cảm trên trường quốc tế còn các nước phương Tây thêm e dè đối với những đòi hỏi của Đức về lãnh thổ sau này.
- Rhineland. Việc chiếm lại là một nước cờ thần sầu của Hitler sau khi dự đoán phía Đồng minh sẽ bất lực như thế nào, trong khi tướng lĩnh Đức quá rụt rè. Đức tiến quân vào vùng này mà không có sự phản đối quyết liệt từ phương Tây. Vì lẽ trước giờ vùng này vẫn thuộc Đức nên phương Tây khó mà đòi hỏi gì khác.
- Áo. Đức thật sự có động thái khuynh đảo và khủng bố trong lòng nước Áo. Tuy nhiên, chính vì những thành phần có tiếng nói mạnh mẽ ở Áo hướng về Đức và có chủ tâm cõng rắn cắn gà nhà ngay trong lòng nước Áo tạo tác động mạnh cho việc sáp nhập Áo vào Đức. Anh, Pháp và Hội Quốc liên không tỏ lập trường gì trong thời gian khẩn trương này để ngăn chặn Hitler (Shirer, 1960). Vì thế, sau này nếu Thế chiến 2 không xảy ra và nước Đức mãi vững mạnh, Áo khó đòi lật ngược thế cờ.
- Sudetenland. Việc chuyển giao vùng đất này được Anh–Pháp cùng ký kết với Ý–Đức, do đó cho dù qua bao ý đồ xảo quyệt Đức vẫn có tính chính danh mà về sau nếu không có biến cố gì đặc biệt thì khó nước nào có thể lật ngược tình thế.
- Memel. Vùng đất cảng này đã thuộc về Đức từ ngày trước; không có bàn cãi gì ở đây.
- Bohemia và Moravia. Đức không dùng sức mạnh quân sự để thu phục. Đó là do Tổng thống Tiệp Khắc Emil Hácha đặt hai vùng này dưới sự bảo hộ của Đức trong khi Anh–Pháp không phản đối gì cả. Chỉ khi nào Đức suy yếu rõ rệt thì hai vùng Bohemia và Moravia có thể được độc lập hơn, còn bình thường họ đóng vai trò là vùng đệm cho Đức chống lại ảnh hưởng từ phía Đông, nếu có.
- Slovakia. Đức không dùng sức mạnh quân sự để thu phục. Đó là do Thủ tướng Tiso của Slovakia tuyên cáo độc lập rồi làm tổng thống Slovakia cho đến năm 1945. Tương tự như hai vùng trên, nếu Đức hùng mạnh thì khó có nước nào đảo ngược tình thế trong khi Slovakia không hề muốn gia nhập trở lại vào Tiệp Khắc.
- Tiệp Khắc nói chung. Chính những thành phần cõng rắn cắn gà nhà ngay trong lòng Tiệp Khắc, cộng thêm vấn đề chủng tộc phức tạp và chính phủ phân hóa, yếu kém, thiếu quyết tâm – là những lý do chính thúc đẩy sự sáp nhập Tiệp Khắc. Thủ tướng Tiệp Khắc Schuschnigg không hề có lời kêu gọi chính thức nào gửi đến Anh, Pháp, Tiệp Khắc và Hội Quốc liên (Shirer, 1960). Sau này nếu Thế chiến 2 không xảy ra và nước Đức mãi vững mạnh, Tiệp Khắc khó đòi lật lại tình trạng cũ. Cùng lắm, việc đàm phán sẽ nhùng nhằng rồi Ba Lan và Hungary có thể trả lại phần đất họ chiếm, nhưng Đức thì không vì có thế mạnh hơn hẳn. Nói chung, nước Tiệp Khắc thống nhất sau Thế chiến 1 chỉ là gượng gạo, được thành lập bởi bên thắng trận. Các dân tộc luôn xung khắc với nhau, và việc này tạo tiền đề cho Hitler khai thác để phân hóa Tiệp Khắc. Sau Thế chiến 2, nước Tiệp Khắc thống nhất được thành lập lại cũng theo cách gượng gạo, nhưng cũng do vấn đề dân tộc nên cuối cùng vẫn phân chia thành hai nước Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia. Điều này cho thấy cội rễ phân hóa đã xuất hiện từ trước mà Hitler khôn khéo lợi dụng được.
Do những yếu tố trên, sau khi thu hồi Saar có nhiều mỏ than, chiếm lại vùng công nghiệp Rhineland, sáp nhập Áo có tiềm năng dịch vụ và giao thương sung túc, sáp nhập Sudetenland có tiềm lực công nghiệp vững chãi, và thu hồi vùng đất cảng Memel, nước Đại Đức (Greater Germanic Reich – tiếng Đức: Großgermanisches Reich) được hình thành theo viễn tưởng của Hitler. Đại Đức có diện tích lớn nhất Tây Âu, riêng tiềm năng kinh tế còn lớn hơn mức tương xứng, với Slovakia, Bohemia và Moravia là những lãnh thổ thân thiện đóng vai trò là vùng đệm ở phía Đông. Nếu Hitler thấy mãn nguyện mà dừng bành trướng và không gây nên Thế chiến 2, thay vào đó lo phát triển kinh tế và củng cố sức mạnh quân sự từ đó gây thêm uy thế trên trường quốc tế, Đại Đức sẽ trở thành một cường quốc hàng đầu Châu Âu. Hãy xem Tây Đức làm thế nào mà vươn lên từ đống tro tàn thành cường quốc kinh tế, với nhận xét nổi tiếng: “Trong khi công nhân Đức luôn sản xuất thì công nhân Pháp thường đình công”. Cả Tây Đức, Đông Đức cộng thêm trung tâm giao thương Áo, và các vùng hầm mỏ, công nghiệp được sáp nhập thì với tài trí và tính kỷ luật của người Đức, nước Đại Đức còn vững mạnh vượt trội. Hitler không cần bành trướng không gian sinh sống (libesraum), chỉ cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh khai khoáng, công nghiệp và dịch vụ để mua lương thực và dầu khí thì không sợ thiếu thốn mặt nào. Với sự phát triển kinh tế đi đôi với sự lớn mạnh về quân sự thì không nước nào có đủ thế lực để bắt nạt Đại Đức. Dần dà, Đại Đức mãi mạnh thêm và những lý do đòi lại lãnh thổ càng yếu thêm, lãnh thổ sẽ mãi mãi như được chỉ ra trong hình.
Tóm lại, nếu Hitler không gây ra Thế chiến 2, có phần chắc là nước Đức mở rộng sẽ cường thịnh mãi theo ý niệm Đại Đức gồm có Đức cộng ít nhất Saar, Rhineland, Áo, Sudetenland và vùng đất cảng Memel, với Slovakia, Bohemia và Moravia là những lãnh thổ thân thiện.
Trong toàn thể vụ việc, phương Tây chỉ nên tự trách chính họ vì đã quá hèn yếu.
Cũng có phần chắc là những công trình kiến trúc được thiết kế bởi Kiến trúc sư trưởng Albert Speer sẽ thành hiện thực để Berlin tráng lệ hơn Paris như Hitler mong muốn, ví dụ như:
- Sảnh đường Nhân dân (Volkshalle) cao 290m (so với Điện Capitol của Mỹ cao 88m) có thể chứa 180.000 người bên trong và Khải hoàn môn (Triumpfbogen) ở Berlin, lớn gấp 3 lần công trình cùng tên ở Paris, nối với nhau bởi Đại lộ Tráng lệ (Prachtallee) dài 7 km trong một tổ hợp kiến trúc cho thủ đô được tân trang và được gọi là Germania. (Chỉ có Phủ Thủ tướng mới trong tổ hợp này được hoàn thiện nhưng bị máy bay Đồng minh phá hủy trong Thế chiến 2.)
- Sân vận động Đức 400.000 chỗ ngồi và Sảnh đường Đại hội 50.000 chỗ ngồi ở Nuremberg.
Chỉ vì Thế chiến 2, các nước chiến thắng mới có thể ép buộc nước Đức bại trận mà vẽ lại các đường biên giới; Áo và Tiệp Khắc trở lại là nước tự chủ. Tất cả chỉ do một cá nhân: vì quá say men chiến thắng và mù quáng về sức mạnh của Đức mà Hitler đưa nước Đức từ chiến thắng vinh quang đến chiến bại nhục nhã.
Sai lầm Số 2: Dừng tấn công Dunquerque
Nhiều sử gia đồng nhất cho rằng dừng tấn công quân Đồng minh đang bị bó rọ ở bãi biển Dunquerque (viết theo tiếng Anh: Dunkirk) là một sai lầm trọng đại của Đức. (Draper, 2015; Morris, 2017; Peck, 2017).
Theo phương án tấn công đầu tiên của Đức ở Tây Âu, mũi tiến công chính của Đức vẫn áp dụng cung cách trong Thế chiến 1: theo cánh phải đánh qua vùng đồng bằng nước Bỉ và miền đông-bắc nước Pháp nhằm chiếm lấy các cảng dọc bờ biển Manche. Mục đích của Hitler là chỉ đẩy lùi chứ không hạ nốc ao quân Pháp, thay vào đó là trấn đóng các căn cứ không quân và hải quân dọc bờ biển Manche nhằm làm bàn đạp mà khuấy phá và phong tỏa nước Anh. Theo những lời hô hào của Hitler với tướng lĩnh, Hitler nghĩ rằng với chiến bại như thế thì Anh và Pháp sẽ chịu dàn hòa để rồi ông sẽ chuyển sự chú tâm qua phía Đông.
Bên Đồng minh đoán biết được hướng tiến quân của Đức, nên họ tập trung toàn bộ Lực lượng Viễn chinh Anh, lực lượng chính yếu của Quân đội Pháp, 22 sư đoàn của Bỉ và 10 sư đoàn của Hà Lan – cộng lại tương đương với Đức về quân số để đương đầu với hướng tiến quân của Đức. Cuộc đụng độ sẽ dằng dai mà phần thắng không chắc chắn thuộc về bên nào.
Nhằm tránh đối đầu trực diện một cách nhùng nhằng và ngược lại đưa quân Đồng minh vào rọ mà Thượng tướng Manstein, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân A dưới quyền Thống chế Rundstedt, có ý tưởng đầy sáng kiến. Ông đề xuất chuyển mũi tiến công chính của Đức về hướng nam do Tập đoàn quân A phụ trách, xuyên qua vùng rừng núi Ardennes bằng một lực lượng cơ giới mạnh, vượt Sông Meuse ở phía bắc thị trấn Sedan, đánh qua vùng đồng trống thiếu phòng bị của Pháp mà tiến nhanh đến bờ biển Manche chỉ cách 260 km. Manstein hỏi ý kiến Đại tướng cấp Cao hay Chuẩn Thống chế Guderian, tác giả chiến thuật đánh tăng sấm sét (blitzkrieg). Guderian xác nhận có thể đánh bằng tăng qua Ardennes–Sedan cho dù cùng này có địa hình dốc và đường sá chật hẹp. Tuy thế, các tướng lĩnh hàng đầu của Đức – vốn bảo thủ – nghĩ phương án của Manstein quá mạo hiểm. Họ còn tức giận vì Manstein chỉ là một tướng lĩnh cấp trung lại dám “nói leo” cho rằng phương án của họ yếu kém, nên họ xếp xó đề xuất của Manstein. Khi Manstein tiếp tục van nài, họ bèn điều ông đi chỉ huy một quân đoàn bộ binh cho khuất mắt – tuy trên lý thuyết đó là thăng cấp.
May cho Đức và không may cho Đồng minh, ngày 17 tháng 2 năm 1940, sau bữa ăn ở Berlin để khoản đãi các tân tư lệnh quân đoàn, Manstein có cơ hội diễn giải cho Hitler nghe quan điểm phi chính thống của mình. Riêng Toland (1976) nhận định đây là ý tưởng của Hitler được hình thành độc lập và song song với Manstein. Các sử gia khác đồng ý cho rằng Manstein chính là tác giả của phương án (Wikipedia_Kế hoạch Manstein).
Theo Manstein đề xuất (trận tiến công thực tế có thay đổi chút ít):
- Tập đoàn quân B dưới quyền Thống chế Bock: mũi tấn công chính ở cánh phải (phía bắc) trong phương án đầu tiên của Đức bây giờ đánh qua Hà Lan, Bỉ và Luxembourg chỉ với mục đích nghi binh nhằm thu hút quân Anh-Pháp đổ xô đến Bỉ.
- Tập đoàn quân A dưới quyền Thống chế Rundstedt: là cánh chủ lực, mũi tiến công bằng cơ giới qua Ardennes–Sedan sẽ khiến cho Đồng minh bị bất ngờ nhất, vì lẽ tướng lĩnh của họ – cũng như phần lớn tướng lĩnh Đức – đều xem vùng đồi núi này là không thích hợp cho xe tăng. Lúc ấy, bằng cách đánh qua Pháp ở Ardennes–Sedan và phóng về hướng tây, quân Đức sẽ bao vây được lực lượng chủ lực của Đồng minh.
- Tập đoàn quân C dưới quyền Thống chế Leeb: ngăn chặn quân Đồng minh từ miền nam đánh lên.
Vốn luôn để ý đến những giải pháp táo bạo và thậm chí khinh suất, Hitler quan tâm đến phương án mới của Manstein, và ra lệnh cho tướng lĩnh Đức cải thiện phương án này rồi điều chuyển các đơn vị quân đội để tiến hành. Nhằm thực hiện chiến thuật mới, một đại quân đoàn thiết giáp được thành lập dưới quyền Đại tướng Kleist mang tên ông, trong đó có Quân đoàn XIX Thiết giáp dưới quyền Guderian.
Ngày 10 tháng 5 năm 1940, Tập đoàn quân B đánh qua vùng đồng bằng Bỉ, quân Anh–Pháp bị nhử đúng theo ý đồ của Đức, và dồn lực lượng đến mặt trận này.
Hai ngày sau, 12 tháng 5, Tập đoàn quân A phóng đoàn quân thiết giáp chưa từng thấy về quân số, sự tập trung, tính cơ động và hỏa lực, theo ba mũi rộng 160 km, tập kích qua các Đại Quân đoàn Thứ Chín và Đại Quân đoàn Thứ Hai của Pháp mà sức mạnh chỉ thuộc hạng B. Dẫn đầu là từng đợt khu trục cơ Stuka tiến đánh những điểm phòng thủ yếu ớt của Pháp, kế đến là công binh tác chiến đưa tàu cao su xuống sông Meuse và bắc cầu phao. Mỗi sư đoàn thiết giáp có riêng đại bác tự hành và một lữ đoàn bộ binh cơ giới. Những sư đoàn bộ binh cơ giới chạy theo sau từng đội hình thiết giáp để chiếm đóng những vị trí do thiết giáp đánh xuyên thủng trước. Binh sĩ trú phòng Pháp hoảng loạn, không có cách nào ngăn chặn đội hình sắt thép và lửa đạn như thế. Quân Đức vòng qua phía sau phòng tuyến lực lượng Đồng minh ở Bỉ mà tiến nhanh đến Biển Manche.
Từ ngày 20 tháng 5 năm 1940, khi các đội hình thiết giáp của Guderian đang đánh xuyên qua Abbeville để tiến đến bờ biển, Hải quân Anh nhận lệnh của Thủ tướng Churchill huy động mọi tàu thuyền để chuẩn bị di tản Lực lượng Viễn chinh Anh và những đơn vị Đồng minh khác. Những người không có nhiệm vụ chiến đấu được di tản trước.
Ngày 24 tháng 5, trận tuyến của Bỉ ở hướng bắc gần sụp đổ. Ở hướng nam, thiết giáp Đức đánh lên từ Abbeville, chiếm lấy Boulogne và bao vây Calais – hai cảng chính của Pháp. Sư đoàn 1 Thiết giáp dưới quyền Guderian tiến đến Kênh Aa, là chướng ngại cuối cùng chỉ cách Dunquerque 20 km. Đứng trên một ngọn đồi, Guderian có thể nhìn thấy bức tường thành của thị trấn. Từ buổi sáng ngày 24 tháng 5, quân Đức đã bắc được một số cầu qua Kênh Aa để chuẩn bị cho thiết giáp tiến qua. (Lengel, 2011)
Bị lọt vào rọ là một đại quân đoàn của Bỉ, chín sư đoàn thuộc Lực lượng Viễn chinh Anh và mười sư đoàn thuộc Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Pháp. Cộng thêm Đại Quân đoàn Thứ Sáu và Đại Quân đoàn Thứ Mười Tám của Đức đang tiến tới từ hướng đông-bắc, xem như quân Đồng minh sẽ bị đánh tan tác giữa hai gọng kìm.
Đột nhiên, trưa ngày 24 tháng 5 có lệnh đưa đến: các lực lượng thiết giáp Đức phải dừng lại dọc Kênh Aa. Lệnh này giúp cho quân Anh có thời giờ quý báu cùng Hải quân và Không lực Hoàng gia Anh khai thác triệt để, mà Guderian cho rằng đó là “ảnh hưởng tai hại nhất cho toàn bộ tiến trình tương lai của cuộc chiến”, và sau này Rundstedt cũng nhìn nhận đó là “một trong những điểm ngoặt quan trọng của cuộc chiến”.
Tại sao và ai ra lệnh dừng quân khó hiểu như thế khi mà Đức hầu như chắc chắn sẽ giành đại thắng? Chủ đề này tạo nên một trong những cuộc tranh cãi dữ dội nhất giữa các tướng lĩnh Đức có liên quan và giữa các sử gia. Sau chiến tranh, các tướng lĩnh trong Bộ Tư lệnh Lục quân Đức trút mọi trách nhiệm cho cá nhân Hitler. Sự thật không hẳn thế. Có thể tổng hợp ba lý do chiến thuật, chiến lược và chính trị như sau (Benbow, 2016; Lengel, 2011); Shirer, 1960).
Về chiến thuật: Ngay từ đầu, một số tướng tham mưu Đức đã nhận thấy Kế hoạch Manstein có rủi ro. Đến khi quân Đức bị quân Đồng minh phản công ngày 21 tháng 5 vào mạn sườn ở Arras, nỗi lo lắng càng nặng nề thêm. Cuộc phản công đó chỉ có kết quả cục bộ nhưng gây ảnh hưởng kế tiếp trên tinh thần của tướng lĩnh Đức: họ e sợ nguy cơ Đồng minh sẽ phản công sau này với quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, Rundstedt nhận báo cáo rằng lực lượng thiết giáp đã chịu thiệt hại đến mức nguy hiểm. Hơn nữa, sau cuộc hành quân thần tốc trên đường dài, lực lượng thiết giáp thật sự cần nghỉ ngơi, sửa chữa và bổ sung. Bên Đức thấy không nên để họ chịu rủi ro trên địa hình không thích hợp cho xe thiết giáp vì có nhiều kênh mương xẻ ngang dọc và nhiều vùng ngập nước, mà nên bảo tồn họ cho chiến dịch đánh về miền nam nước Pháp sau này để triệt hạ quân Pháp vẫn còn mạnh.
Tinh thần Hitler giao động giữa hai thái cực bất an và tự tin quá mức. Cuộc hành quân thần tốc đến mức khó tin làm cho ông kinh ngạc. Cùng lúc, ông chia sẻ với tướng lĩnh nỗi lo lắng về sự thiệt hại của thiết giáp và về chiến dịch dài hơi đánh Paris cùng phần còn lại của nước Pháp. Ông đồng ý cần phải bảo toàn lực lượng thiết giáp. Ông cũng lo lắng Đồng minh sẽ phản công mạnh.
Sáng ngày 24 tháng 5, Hitler đến làm việc với tổng hành dinh Tập đoàn quân A. Rundstedt và Kluge đề xuất là nên cho dừng lại các sư đoàn thiết giáp để chờ cho bộ binh tiến lên. Hitler đồng ý cho dừng quân. Có lẽ là với sự chấp thuận của Hitler, Rundstedt ban hành lệnh cho thiết giáp dừng quân lập tức, vì Churchill tiết lộ vào lúc 11 giờ 42 sáng quân Anh bắt được sóng vô tuyến của Đức ban hành lệnh này. Lúc ấy Hitler và Rundstedt đang hội họp với nhau.
Về chiến lược: Ngày 23 tháng 5, Göring (Tư lệnh Không quân và nhân vật số 2 của Đảng Quốc xã) gọi điện cho Hitler và yêu cầu để cho Không quân tham gia phần còn lại trong trận chiến bao vây, do đó loại trừ rủi ro phải sử dụng những đơn vị thiết giáp quý giá. Phớt lờ ý kiến phản đối của Đại tướng cấp Cao Milch (Phó Tư lệnh Không quân) cho rằng việc này là bất khả thi, Göring khai thác nỗi khinh thường của Hitler đối với tướng lĩnh Lục quân Đức vốn trước đây đã quá e dè trong việc chiếm vùng Rhineland và động quân chống lại Tiệp Khắc. Vì thế, Göring vạch ra với Hitler rằng nếu chỉ có Lục quân lập công trong chiến thắng vĩ đại thì uy tín của Hitler sẽ xuống thấp. Có thể tránh được điều này nếu để cho Không quân – chứ không phải Lục quân – thực hiện cuộc tấn công dứt điểm.
Tóm lại, ý tưởng của Hitler – mà Göring và Rundstedt ủng hộ nhưng Tư lệnh Lục quân Brauchitsch và Tham mưu trưởng Lục quân Halder cực lực chống đối – là để cho Không quân và Tập đoàn quân B của Thống chế Bock làm nhiệm vụ quét sạch quân đối phương đang bị bao vây ba mặt, mặt còn lại là biển. Nhưng Không quân Đức không thể thực hiện được nhiệm vụ này bởi vì bom chìm sâu xuống nước mới nổ, và cũng vì máy bay Anh đánh trả mãnh liệt. Còn quân của Bock lúc ấy không có đơn vị thiết giáp nào đáng kể và chỉ chậm chạp đẩy lùi quân Bỉ và Anh ở hướng tây-nam Biển Manche.
Về chính trị: Thượng tướng Blumentritt (Tham mưu trưởng Tập đoàn quân A dưới quyền Thống chế Rundstedt) kể lại nội dung cuộc họp giữa Hitler và Rundstedt ngày 24 tháng 5, chỉ ra rằng Hitler kiềm chế lực lượng xe thiết giáp trước cửa ngõ Dunkirk có lẽ là nhằm tránh cho Anh một thảm bại nhục nhã, vì thế Anh sẽ tiến đến giải pháp hòa bình dễ dàng hơn. Đó sẽ là nền hòa bình mà Anh trao cho Đức, hầu Đức được rảnh tay quay qua đánh Liên Xô.
Đối với Anh quốc Hitler không căm ghét như là đối với Ba Lan hoặc Pháp (Nelson, 2017). Trong quyển sách tự thuật Mein Kampt (Đời tranh đấu của tôi), trong khi khinh miệt các dân tộc phía Đông, Hitler lại tỏ ý ca ngợi Anh quốc và có ý trách các hoàng đế Đức trước đây đã gây chiến với Anh, thậm chí còn mong mỏi Anh gia nhập Phe Trục! Tuy thế, không có nhiều sử gia tin vào chủ ý của Hitler muốn tha cho quân Anh vì mong Anh sẽ chấp nhận hòa bình với Đức, bởi vì sự kiện thực tế cho thấy ngược lại. Ngày 24 tháng 5, Bộ Chỉ huy Tối cao ban hành Chỉ thị số 13, ra lệnh cụ thể phải tiêu diệt quân Pháp, Anh và Bỉ trong rọ, còn Không quân được lệnh ngăn chặn sự tẩu thoát của quân Anh qua Biển Manche. (Wikipedia_Battle of Dunkirk)
Có thể kể thêm tư duy quân sự: Đức bị bất ngờ về quy mô của cuộc rút lui, cứ nghĩ trước sau gì thì cả đoàn quân Anh-Pháp sẽ đầu hàng trên bãi biển Dunkirk.
Tóm lại, Thống chế Rundstedt (Tư lệnh Tập đoàn quân A) cùng với Thống chế Kluge (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Tư) phải chia sẻ với Hitler trách nhiệm cho lệnh dừng quân nổi tiếng ấy, còn Göring cũng có trách nhiệm vì đã khoác lác về khả năng của Không quân mà tham mưu cho Hitler một cách sai lạc.
Vào buổi tối 26 tháng 5, Hitler xét thấy tiến độ chậm chạp của Tập đoàn quân B ở Bỉ và sự vận chuyển của binh sĩ đối phương khỏi bờ biển, nên ông hủy bỏ lệnh dừng quân: các lực lượng thiết giáp phải tiếp tục tiến đến Dunquerque. Nhưng lúc này thì đã muộn: chỉ trong vòng 3 ngày quân Anh đã bố trí ba sư đoàn bộ binh được pháo hạng nặng yểm trợ chống lại thiết giáp Đức. Ít lâu sau khi Hitler hủy bỏ lệnh dừng quân, Hải quân Anh ra lệnh bắt đầu di tản binh sĩ Đồng minh khỏi Dunquerque. Vào đêm này, thiết giáp Đức mở đợt tiến công bến cảng từ hướng tây và nam, nhưng họ gặp nhiều khó khăn và tiến chậm chạp.
Cùng lúc, một đội tàu gồm 850 chiếc đủ mọi kích thước và loại hình, từ tàu hải quân cho đến thuyền buồm nhỏ do dân thường lái từ những thị trấn ven biển Anh, tụ tập đến Dunquerque. Trong 4 ngày đầu – 27 tháng 5 cho đến 30 tháng 5 – họ di tản được tổng cộng gần 130.000 người, vượt quá mong đợi của Hải quân Anh vốn dự trù di tản 45.000 người trong thời gian họ đoán chỉ có 2 ngày.
Chỉ đến ngày 30 tháng 5, bên Đức mới thức tỉnh để thấy chuyện gì đang xảy ra. Suốt 4 ngày, các bản thông cáo của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực vẫn lặp đi lặp lại rằng số phận quân địch đang bị bao vây đã khép lại. Nhưng đối phương đang rút ra khơi. Chỉ rút lui tay không chứ không có vũ khí và chiến cụ, nhưng chắc chắn là binh sĩ được cứu sống để còn chiến đấu sau này. Dù quân Đức gây áp lực từ mọi hướng, phòng tuyến của Anh vẫn trụ vững và có thêm binh sĩ được di tản.
Ngày 1 tháng 6, khi máy bay Đức mở cuộc không kích mạnh nhất (và chịu thiệt hại nặng nhất – mỗi bên mất 30 máy bay), đánh chìm 3 khu trục hạm và một số tàu vận tải nhỏ của Anh, vẫn có gần 65.000 người được di tản. Ngày hôm sau chỉ còn lại 4.000 binh sĩ Anh, được bảo vệ bởi 100.000 quân Pháp giờ đang phụ trách tuyến phòng thủ quanh khu vực bị bao vây.
Lúc này, Đức đã điều đến pháo hạng trung trong tầm bắn, và Anh không thể di tản vào ban ngày được nữa. Không quân Đức vào thời này chưa thể hoạt động ban đêm, vì thế trong hai đêm 2 và 3 tháng 6 tất cả Lực lượng Viễn chinh Anh còn lại và thêm 60.000 quân Pháp được di tản. Lúc này Dunquerque còn 40.000 quân Pháp cố thủ, trụ được cho đến sáng 4 tháng 6. Đến ngày này, tổng cộng gần 340.000 quân Anh và Pháp đã thoát ra khỏi gọng kìm của Đức. Họ không còn là một đoàn quân; điều dễ hiểu là phần lớn ở trong tình trạng thảm não. Nhưng họ là những chiến binh dạn dày trận mạc; họ biết nếu được vũ trang đầy đủ và được không quân yểm trợ thì họ có thể đứng lên lại mà chiến đấu với quân Đức.
Sai lầm của Đức ở Dunquerque lấy đi một chiến thắng giòn giã cho Đức, đồng thời giúp duy trì sức mạnh đáng kể của Đồng minh để phản công Đức sau này (Morris, 2017). Nếu số quân Đồng minh ở Dunquerque bị bắn hạ hoặc cầm tù, nước Anh sẽ vô cùng khốn khổ, khó mà tưởng tượng họ sẽ trụ được lâu (Draper, 2015).
Sai lầm Số 3: Trận chiến Anh quốc
Đáng lẽ Đức đã có thể thắng Anh nếu không mắc một số sai lầm trọng đại trong trận chiến trên bầu trời Anh quốc. (Henderson, 2001; Holzwarth, no date).
Đây là trận chiến lớn lao nhất được tiến hành hoàn toàn bởi không quân trong Thế chiến 2, chủ yếu diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1940 trên bầu trời nước Anh (tuy có những định nghĩa khác về thời khoảng).
Cuộc tổng không kích của Không quân Đức có mục đích tiêu diệt Không lực Hoàng gia Anh và qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đổ bộ của Đức qua Biển Manche. Thống chế Đế chế Göring (Tư lệnh Không quân) khoác lác với Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng chỉ cần mất hai đến bốn tuần là đủ để tiêu diệt hoàn toàn Không lực Anh, từ đó hạ gục Anh quốc và vì thế cuộc đổ bộ dự kiến lên nước Anh sẽ không cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, Göring có ba đại quân đoàn không quân: Số 2 dưới quyền Thống chế Kesselring hoạt động từ Bắc Âu và miền Bắc nước Pháp, Số 3 dưới quyền Thống chế Sperrle xuất phát từ miền Bắc nước Pháp, và Số 5 của Đại tướng Stumpff đặt căn cứ ở Na Uy và Đan Mạch. Hai đại quân đoàn không quân số 2 và số 3 có tổng cộng 929 khu trục cơ (còn được gọi là chiến đấu cơ hoặc máy bay tiêm kích), 875 oanh tạc cơ và 316 máy bay ném bom bổ nhào; Số 5 thì nhỏ hơn, chỉ có 123 oanh tạc cơ và 31 khu trục cơ. Để chống lại lực lượng mạnh mẽ này, Không lực Hoàng gia Anh vào đầu tháng 8 chỉ có 700-800 khu trục cơ.
Suốt tháng 7, Không quân Đức dần gia tăng những cuộc tấn công xuống tuyến hàng hải của Anh và các cảng biển miền Nam nước Anh. Đây là cách đánh thăm dò. Dù cần thiết phải đánh dẹp tàu Anh khỏi eo biển trước khi có thể bắt đầu đổ bộ, mục đích chính của những cuộc không kích khởi đầu này là nhằm lôi cuốn khu trục cơ của Anh xuất trận. Họ thất bại. Anh quốc khôn ngoan không cho nhiều khu trục cơ cất cánh, vì thế tuyến hàng hải và các cảng biển của Anh chịu thiệt hại đáng kể.
Sai lầm Số 3A của Göring
Việc bổ nhiệm con người bất tài Göring làm Tư lệnh Không quân Đức là sai lầm trước tiên của Hitler (Henderson, 2001).
Kỹ năng của Anh trong việc chỉ đạo máy bay của họ chặn đánh được những đội hình máy bay Đức đông đảo hơn chủ yếu là nhờ radar. Từ lúc cất cánh, máy bay Đức đã bị theo dõi trên màn hình radar của Anh, và hành trình của họ được vẽ ra một cách chính xác đến nỗi bên Anh biết được nên chặn đánh đối phương ở đâu và lúc nào. Đây là điều mới lạ trong chiến tranh trên không và khiến cho Đức hoang mang, vì Đức kém xa Anh trong việc phát triển và sử dụng thiết bị điện tử.
Adolf Galland, một phi công khu trục cơ có nhiều thành tích, khai rằng:
Chúng tôi nhận ra rằng các phi đội máy bay chiến đấu của Không lực Anh hẳn phải được kiểm soát từ mặt đất bởi một quy trình mới nào đấy, bởi vì chúng tôi nghe những lệnh chỉ dẫn một cách khéo léo và chính xác giúp máy bay Spitfire và Hurricane đến chặn đánh đội hình của Đức… Chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên và cay đắng về việc sử dụng radar và kiểm soát khu trục cơ như thế.
Nhờ số lượng máy bay vượt trội, từ ngày 12 đến 14 ngày tháng 8, các đợt tấn công tới tấp của Đức khiến cho 5 đài bị hư hại và 1 bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, bên Đức không nhận ra tầm quan trọng của radar nên sau đó không tiếp tục tấn công các đài radar Anh. Thế là chỉ sau 6 tuần, ngày 15 tháng 8 năm 1940, Göring phạm sai lầm đầu tiên về chiến lược: ra lệnh dừng không kích đài radar. Ông nghĩ không ích gì phải tiếp tục tấn công như thế bởi vì một số đài radar đã bị tấn công vẫn hoạt động được.
Sai lầm Số 3B của Hitler
Một yếu tố cốt lõi cho hệ thống phòng vệ bầu trời nước Anh là Hệ thống Dowding gồm những trung tâm chỉ huy khu vực nằm dưới mặt đất, từ đây khu trục cơ Anh được hướng dẫn bằng sóng vô tuyến dựa trên thông tin cung cấp từ radar, từ đài quan sát trên mặt đất và từ phi công trên bầu trời. Người Đức luôn nghe được lời lẽ liên tục trao đổi qua sóng vô tuyến giữa những trung tâm chỉ huy khu vực và phi công, và dần dà nhận ra tầm quan trọng của các trung tâm này. Sau quyết định của Göring được nêu trên, Anh có thể sửa chữa các đài radar bị hư hại trong khi không có đài nào bị tấn công thêm. Do đó, các trung tâm chỉ huy khu vực càng phát huy tác dụng. Cuộc chiến trên không diễn ra bất lợi cho Đức. Loại máy bay tiêm kích Stuka – vốn đã lập chiến công ở Ba Lan và Pháp – trở thành mục tiêu ngon xơi cho máy bay chiến đấu của Anh. Khi Göring rút máy bay Stuka ra khỏi bầu trời Anh, lực lượng Không quân Đức bị giảm đi một phần ba.
Giữa các ngày 19-23 tháng 8 là khoảng thời gian yên ắng do thời tiết xấu. Göring xem xét tình hình rồi ra lệnh khi thời tiết cải thiện, Không quân Đức phải tập trung những cuộc tấn công nhắm duy nhất vào Không lực Hoàng gia. Ông ta tuyên bố:
Ta đã đi đến giai đoạn có tính quyết định trong cuộc chiến trên không chống Anh. Nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt không lực địch. Mục tiêu trước tiên là tiêu diệt khu trục cơ của địch.
Đêm 23 tháng 8, bên Đức thay đổi chiến thuật, phóng lên trung bình 1.000 máy bay mỗi ngày để đạt mục tiêu như Göring đã tuyên bố. Ít nhất một lần, vị Tư lệnh Không quân Đức ra chỉ thị đúng lý. Cuộc chiến trên bầu trời nước Anh đi đến giai đoạn có tính chất quyết định. Dù phi công Anh chiến đấu một cách dũng cảm nhưng đã mệt mỏi sau một tháng bay vài phi vụ mỗi ngày, nên số lượng áp đảo của máy bay Đức bắt đầu đạt ưu thế. Đức gây hư hại nặng cho năm căn cứ không quân tiền phương ở miền Nam nước Anh bị và, hay hơn nữa, phá hủy 7 trung tâm chỉ huy khu vực ở các căn cứ không quân xung quanh London thiết yếu cho sự phòng vệ của miền Nam nước Anh và của chính thủ đô. Toàn hệ thống thông tin đang ở bờ vực bị tiêu diệt. Nước Anh bị đe dọa đối mặt với thảm họa.
Tệ hại nhất là ở sự phòng vệ do khu trục cơ phụ trách. Chỉ trong tuần lễ cuối tháng 8 đến tuần lễ đầu tháng 9, 103 phi công Anh tử trận và 128 bị thương nặng – chiếm một phần tư đội ngũ phi công hiện có. Trong suốt tháng 8 có không quá 260 phi công khu trục hoàn thành huấn luyện và thương vong trong tháng đó là hơn 300 người. Tình hình thiệt hại máy bay cũng trầm trọng: 466 khu trục cơ Anh bị phá hủy hoặc hư hại nặng trong hai tuần lễ kể trên so với 460 khu trục cơ được sản xuất mỗi tháng. Tóm lại, Anh không thể bù đắp số phi công và máy bay bị loại khỏi vòng chiến.
Sau này Churchill kể lại: “Cán cân nghiêng bất lợi cho Bộ Chỉ huy Khu trục cơ… Có nhiều lo lắng.” Nếu tiếp tục thêm vài tuần như thế này, nước Anh sẽ chẳng còn hệ thống phòng vệ bầu trời.
Trong khi Anh đang nguy khốn và Đức gần đi đến chiến thắng, bỗng Đức phạm sai lầm chiến lược thứ hai: dồn toàn lực chuyển qua ném bom London. Sai lầm lần này tương đương với việc Hitler cho dừng cuộc tấn công của thiết giáp ở Dunquerque ngày 24 tháng 5, cứu nguy cho Không lực Hoàng gia đang bị đánh tơi tả, và đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng của trận chiến trên không lớn nhất trong lịch sử. Nhờ dân cư đô thị đỡ gánh nặng nên Anh có thể sửa chữa các căn cứ không quân, đài radar và trung tâm chỉ huy cũng như phục hồi đội ngũ phi công.
Chuyện gì đã xảy ra khiến cho Không quân Đức đổi chiến lược mà sau này sẽ gây hậu quả tai hại cho các tham vọng của Hitler và Göring? Câu trả lời chứa đầy trớ trêu.
Khởi đầu là do phi công của khoảng một chục oanh tạc cơ Đức phạm một ít nhầm lẫn về phi hành trong đêm 23 tháng 8. Được chỉ thị thả bom xuống các nhà máy chế tạo máy bay và kho xăng dầu vùng ngoại ô London, họ bay chệch mục tiêu vì có nhiều sương mù và thả bom xuống khu vực trung tâm thủ đô, phá hủy một ít ngôi nhà và sát hại vài dân thường. Bên Anh nghĩ đó là hành động cố ý, họ bèn cố tình thả bom xuống Berlin để trả đũa. Việc trả đũa không đạt kết quả gì nhiều; chỉ có khoảng phân nửa trong số 81 oanh tạc cơ của Anh tìm đến mục tiêu. Thiệt hại về vật chất không đáng kể, nhưng tác động lên tinh thần người Đức là nặng nề. Vì lẽ, đây là lần đầu tiên bom rơi xuống thủ đô Berlin.
Không lực Hoàng gia Anh bay đến với lực lượng mạnh hơn vào các ngày 28-29 tháng 8 và lần đầu tiên sát hại người Đức giữa thủ đô của Đức. Giới lãnh đạo Quốc xã nổi xung thiên. Trước đó Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền Goebbels ra lệnh cho báo chí chỉ đăng một vài dòng khi loan báo đợt tấn công đầu tiên, bây giờ ông chỉ thị họ phải phản đối sự “tàn bạo” của phi công Anh khi sát hại phụ nữ và trẻ em ở Berlin. Thật ra, số thương vong không lớn.
Thần kinh của Hitler chính là một yếu tố tai hại khi điên cuồng tuyên bố cứ mỗi quả bom của Anh rơi xuống các đô thị Đức phải trả đũa bằng 100 quả bom nhằm “tiêu diệt” các thành phố Anh. Từ đó, Hitler có ý nghĩ sai lầm rằng cần khủng bố tinh thần người dân Anh để thúc ép Chính phủ Anh đi đến dàn xếp hòa bình với Đức.
Không quân Đức chuyển những cuộc không kích ban ngày thành thả bom rải thảm ban đêm xuống London. Xế chiều ngày 7 tháng 9, cuộc không tập dữ dội xuống London bắt đầu. Đức phóng lên 625 oanh tạc cơ và 648 khu trục cơ. Đợt đầu tiên ném bom xuống Công xưởng Woolwich cùng những nhà máy khí đốt, trạm phát điện, kho tàng và hàng dặm dài bến cảng. Cả một vùng rộng lớn chẳng bao lâu chìm trong biển lửa. Tại khu Silvertown, dân chúng bị lửa bao vây bốn mặt và được thuyền bè di tản. Lúc 8 giờ 10 tối, đợt thứ hai bắt đầu, rồi nối tiếp bằng những đợt khác cho đến 4 giờ 30 sáng Chủ Nhật. Buổi tối kế tiếp, 200 oanh tạc cơ tàn phá suốt đêm. Từng khu vực rộng của thành phố bị thiệt hại nặng. Những cuộc thả bom diễn ra mỗi đêm trong cả tuần lễ sau. Trong thời gian này, kỹ thuật phòng không ban đêm chưa được hoàn thiện, nên thiệt hại của máy bay Đức là không đáng kể.
Và rồi, hưng phấn vì những thành công ban đầu, Không quân Đức quyết định tiến hành thả bom ban ngày xuống Thủ đô London còn đang bốc khói. Việc này dẫn đến một trận không chiến ngày 15 tháng 9. Khoảng 200 oanh tạc cơ Đức, được khoảng 600 khu trục cơ yểm trợ, tiến đến London. Các trung tâm chỉ huy khu trục cơ Anh theo dõi đường bay của các đội hình Đức và chuẩn bị sẵn sàng. Máy bay Đức bị chặn đánh trên đường đến thủ đô, và 148 oanh tạc cơ bay được đến London, nhưng lượt về họ lại bị chặn đánh và chịu thêm thiệt hại. Hai tiếng đồng hồ sau, một đội hình máy bay Đức tiến đến và cũng bị chặn đánh. Đức mất 60 máy bay so với 26 khu trục cơ Anh.
Trận chiến này cho thấy sau khi Bộ Chỉ huy Khu trục cơ có thời gian quý báu để phục hồi, Không quân Đức không còn có thể tấn công hữu hiệu Anh vào ban ngày. Nếu như thế, hy vọng cho cuộc đổ bộ lên đất Anh là mong manh. Vì thế, ngày 15 tháng 9 là một điểm ngoặt cho cuộc chiến trên bầu trời Anh.
Kết quả
London hứng bom 57 đêm liên tiếp, từ 7 tháng 9 đến 3 tháng 11, chịu đựng trung bình 160-200 oanh tạc cơ mỗi đêm. Toàn thành phố London có nguy cơ nhanh chóng trở thành đống gạch vụn, nhiều thành phố khác cũng bị thiệt hại nặng. Nhưng cuộc chiến trên không nghiêng về bên Anh. Hơn nữa, oanh tạc cơ Anh hoạt động ngày lẫn đêm gây thiệt hại nặng cho tàu thuyền và cảng biển được sử dụng cho Chiến dịch Sư tử Biển dự kiến đổ bộ lên đất Anh.
Rốt cuộc, London chịu cảnh khổ để Không lực Anh phục hồi mà phản công lại, cứu nguy Anh quốc. Các cuộc không kích của Đức bắt đầu kém hiệu quả từ năm 1942, rồi ngưng hẳn để chuyển qua trận chiến ở Nga. (Connolly, 2002; Morris, 2017)
Trong trận chiến nước Anh, sai lầm chính yếu do Göring, vốn là phi công khu trục xuất sắc nhưng là tư lệnh không quân tồi về chiến lược. Hitler cũng sai lầm vì đã khoán mọi việc về không quân cho Hitler nhưng không tham khảo với Phó Tư lệnh Không quân Erhard Milch. Đáng lẽ Hitler phải nhìn ra điểm yếu của Göring trong Trận Dunquerque được lặp lại ở Anh: giỏi nói khoác nhưng làm không được việc. Trên hết, quyết định của Hitler chỉ dựa trên nỗi nóng giận cá nhân mà chẳng xét đến tầm chiến lược, tạo bước ngoặt định mệnh trong Thế chiến 2.
Tóm lại, như White (2015) nhận xét, kết quả trận chiến trên bầu trời là do Anh quả cảm và Đức có nhận thức kém cỏi về chiến lược lẫn chiến thuật. Trong khi Churchill có thể vực dậy nước Anh đang rệu rã thành lực lượng có sức chiến đấu kiên cường, Hitler không thể thúc đẩy Quân đội Đức một cách mạnh mẽ như thế. Như Churchill nhận xét lúc ấy: “Hitler không được hỗ trợ bởi một quốc gia có ý chí mạnh mẽ như ông ta”.
Vấn đề cốt lõi đã được Hitler vạch ra cho các tướng lĩnh ngày 13 tháng 7 năm 1940. Halder ghi lại:
Cũng như chúng tôi, ông ấy thấy giải pháp cho vấn đề là ở chỗ Anh đang đặt hy vọng vào Nga. Vì thế, ông cũng nghĩ phải dùng vũ lực thì mới ép được Anh chấp nhận hòa bình. Tuy nhiên, ông không thích làm việc như thế. Lý do: Nếu ta đánh bại Anh về mặt quân sự, Đế quốc Anh sẽ tan rã. Tuy thế, Đức không có lợi gì trong việc này. Máu của Đức đổ ra nhưng chỉ có Nhật, Mỹ và những nước khác hưởng lợi.
Thế thì Hitler không có ý tiêu diệt Anh quốc, mà chỉ muốn tạo sức ép để Anh đi đến thỏa thuận hòa bình với Đức hầu Đức có thể rảnh tay mà đánh sang Liên Xô. Trong quyển sách tự thuật Mein Kampf, Hitler chủ trương tiến sang miền Đông và sau này ông vẫn nhất quán với chủ trương đó. Ông thù ghét các dân tộc Slav phía Đông trong khi có cảm tình với Anh quốc. Tiến trình chiến tranh về sau vẫn theo ý nghĩ đó.
Nếu Đức thắng Anh?
Nếu Không quân Đức dốc toàn lực tấn công các đài radar và trung tâm chỉ huy của Không lực Anh thì đáng lẽ Anh đã kiệt quệ về quân sự. Cộng thêm giả định trước là Đức tiêu diệt quân Đồng minh ở Dunquerque thì đáng lẽ Đức đã có thể tiến hành chiến dịch đổ bộ lên đất Anh để đi đến chiến thắng toàn diện. (Alenxander, 2007)
Henderson (2001) đưa ra những kịch bản trong trường hợp này:
- Không còn sự đe dọa từ Anh ở Địa Trung Hải thì Đức sẽ không cần tăng viện cho lực lượng của Rommel ở Bắc Phi.
- Không còn sự đe dọa từ Anh ở Hy Lạp thì Đức sẽ không cần tấn công Nam Tư, nếu Hitler bỏ qua ác cảm cá nhân đối với chính biến ở Nam Tư.
- Từ hai yếu tố trên, Đức sẽ có đủ 100% lực lượng và không mất 5 tuần quý giá ở Hy Lạp và Nam Tư.
- Do đó, Đức càng có thêm sức mạnh để tấn công dứt điểm mục tiêu mà họ mong muốn ở Nga trước mùa đông, nếu Hitler không quá tham lam muốn chiếm nhiều mục tiêu cùng một lúc. Đức có thể chiếm đóng Moskva làm nơi trú đông vừa khiến cho bên Nga mất tinh thần, rồi đến mùa xuân năm sau Lục quân và Không quân Đức được củng cố lực lượng để tiếp tục tấn công Nga.
- Vì lẽ Hitler không muốn chiếm toàn bộ đất Nga và với thủ đô Moskva trong tay Đức, Stalin sẽ chấp nhận đàm phán hòa bình với thế mạnh của Đức. Rồi dần dà, giống như trường hợp của Tiệp Khắc, Hitler sẽ tiến đến kiểm soát toàn bộ nước Nga. Trong kịch bản này, không cần tấn công vùng Caucasus (tên gốc: Kavkaz) Đức vẫn có thể chiếm lấy nguồn dầu hỏa nước Nga.
Sai lầm Số 4 (?): Không đổ bộ lên Anh quốc
Shirer (1960) đưa ra thông tin chi tiết về Kế hoạch đổ bộ lên đất Anh mang tên Sea Lion (Sư tử Biển).
Sau khi toàn thắng Pháp, Đức soạn thảo Kế hoạch Sea Lion dự trù đổ bộ lên đất Anh. Khối lượng tài liệu quân sự Đức tịch thu được sau chiến tranh cho thấy kế hoạch của Hitler xâm lăng Anh là hoàn toàn nghiêm túc tuy có nhiều do dự, và Hitler thật sự muốn thực hiện kế hoạch này nếu nhìn thấy một cơ may thành công nào đó. Kết quả chung cuộc của chiến dịch này không phải là do thiếu sự quyết tâm hoặc nỗ lực, mà là do vận may rủi của cuộc chiến lần đầu tiên tỏ ra bất lợi với Hitler.
Ngày 17 tháng 7, Bộ Tư lệnh Lục quân (Oberkommando des Heeres, OKH, chủ yếu phụ trách Mặt trận Tây) hoàn tất kế hoạch đổ bộ trên diện rộng dọc bờ biển miền Nam nước Anh. Hai tập đoàn quân sẽ tiến hành 3 mũi tiến công.
- Thống chế Rundstedt (Tư lệnh Tập đoàn quân A) sẽ phụ trách mũi tiến công chính. Sáu sư đoàn bộ binh của Đại Quân đoàn Thứ Mười Sáu dưới quyền Tướng Ernst Busch sẽ xuống tàu ở vùng Pas-de-Calais để đổ bộ giữa Ramsgate và Bexhill.
- Bốn sư đoàn của Đại Quân đoàn Thứ Chín dưới quyền Tướng Strauss sẽ xuất phát từ Le Havre để đổ bộ giữa Brighton và Đảo Wight.
- Về hướng tây, ba sư đoàn của Đại Quân đoàn Thứ Sáu (thuộc Tập đoàn quân C của Thống chế Leeb) sẽ tiến từ bán đảo Cherbourg đến Vịnh Lyme, giữa Weymouth và Lyme Regis.
Tổng cộng sẽ có 90.000 quân tiến công trong đợt đầu; đến ngày thứ ba dự kiến sẽ đổ bộ 260.000 quân. Quân dù sẽ nhảy xuống Vịnh Lyme để yểm trợ. Trong đợt tiến công thứ hai sẽ có 6 sư đoàn thiết giáp cùng với 3 sư đoàn cơ giới, và trong vòng vài ngày kế tiếp dự kiến sẽ đưa lên bờ tổng cộng 39 sư đoàn cộng thêm 2 sư đoàn không vận.
Có bất đồng ý kiến trong nội bộ cấp lãnh đạo Đức. Ngày 17 tháng 7 năm 1940, Đại tướng cấp Cao hay Chuẩn Thống chế Brauchitsch (Tư lệnh Lục quân) nói với Thủy sư Đô đốc Raeder (Tư lệnh Hải quân) rằng cả chiến dịch sẽ chấm dứt trong vòng một tháng và sẽ tương đối dễ dàng.
Riêng Raeder và Bộ Tư lệnh Hải quân thì ngờ vực. Đơn giản là một chiến dịch lớn lao như thế trên phòng tuyến rộng như thế vượt quá khả năng vận chuyển và yểm trợ của Hải quân Đức. Đặc biệt là Hải quân Đức đã hứng chịu thiệt hại nặng ở Na Uy nên lại càng kiêng dè Hải quân Anh. Lục quân muốn mở một mặt trận rộng, nhưng Hải quân không thể cung ứng đủ các loại tàu thuyền cho chiến dịch to tát như thế chống lại sự kháng cự mạnh của Hải quân và Không lực Hoàng gia Anh. Đây là vấn đề tiến thoái lưỡng nan gay cấn. Nếu mở chiến dịch trên diện rộng với quân số cao, Hải quân Anh có thể đánh đắm toàn bộ lực lượng chuyển vận. Nếu là diện hẹp với quân số thấp, Lục quân Anh có thể đánh bật quân Đức trở xuống biển. Hải quân lại không tin tưởng vào sự yểm trợ của Không quân dưới quyền Göring .
Ngày 31 tháng 7, Hitler triệu tập Raeder thuộc Hải quân, Keitel và Jodl thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, Brauchitsch và Halder thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân. Lần này, vị Thủy sư Đô đốc chiếm phần lớn thời gian phát biểu. Ông không có vẻ lạc quan.
Khi Hitler hỏi về thời tiết, Raeder đáp lại bằng một bài giảng về đề tài này bằng giọng hùng hồn và ra vẻ ngăn cản. Ông giải thích rằng ngoại trừ hai tuần lễ đầu tháng 10, thời tiết “nói chung là xấu” ở Biển Manche và Biển Bắc; sương mù nhẹ đến vào giữa tháng và sương mù nặng vào cuối tháng. Nhưng đấy chỉ là phần bắt đầu của vấn đề thời tiết. Ông nói “chỉ có thể tiến hành chiến dịch nếu biển lặng”. Khi biển động, sà lan sẽ chìm và ngay cả tàu lớn cũng vô dụng vì không thể chuyển hàng hậu cần lên bờ. Tình trạng này sẽ khiến cho Lục quân trở thành mục tiêu ngon ăn cho đối phương vì thiếu hàng hậu cần và tăng viện. Raeder mạnh mẽ đề xuất rằng nên thu hẹp mặt trận – chỉ từ Eo biển Dover đến Eastbourne, tức thu hẹp chỉ còn một phần tư chiều dài bờ biển đổ bộ. Ông kết luận: “Xét qua mọi yếu tố, thời điểm thích hợp nhất cho chiến dịch là tháng 4 năm 1941.”
Nhưng Hitler không muốn chờ lâu đến thế. Ông thừa nhận rằng “theo lẽ tự nhiên” họ không thể làm gì được với thời tiết. Nhưng họ phải xét đến những hệ lụy nếu để mất thời giờ. Hải quân Đức sẽ vẫn còn yếu hơn Hải quân Anh vào mùa xuân năm sau. Bây giờ, Lục quân Anh đang đuối sức. Nhưng nếu được để yên trong 8-10 tháng, họ sẽ mạnh lên thành một lực lượng đáng kể trong khu vực hạn hẹp của cuộc tiến công. Vì thế, trong chỉ thị tối mật ngày hôm sau, 1 tháng 8 năm 1940, Hitler ra lệnh “Không quân Đức trấn áp Không lực Anh bằng mọi cách…” Như trên ta đã thấy, Không quân Đức thất bại trong nhiệm vụ này.
Thái độ cẩn trọng và kiên quyết của Hải quân bắt đầu ảnh hưởng lên Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Ngày 13 tháng 8, Jodl soạn thảo bản “đánh giá” tình hình, đặt ra năm điều kiện cho sự thành công của Sư tử Biển mà các tướng lĩnh và đô đốc có lẽ thấy khó tin là khả thi. Trước hết, phải tiêu diệt Hải quân Anh khỏi bờ biển miền Nam; thứ nhì, phải loại trừ Không lực Hoàng gia Anh khỏi bầu trời. Những điều kiện khác, liên quan đến việc đổ bộ Lục quân với lực lượng mạnh và với tốc độ nhanh, hiển nhiên là vượt quá khả năng yểm trợ của Hải quân. Nếu những điều kiện này không đạt được, Jodl cho rằng việc đổ bộ là một hành động vô vọng nên không có lý do gì phải thực hiện bây giờ.
Sau khi nỗi lo sợ của Hải quân lan đến Jodl, đến lượt thái độ lưỡng lự của ông này ảnh hưởng đến Hitler. Suốt cuộc chiến, Lãnh tụ dựa vào Jodl hơn là con người hèn yếu và trì trệ Keitel. Sau khi nghe thêm ý kiến của Raeder và Brauchitsch, rốt cuộc lần đầu tiên Hitler thể hiện mối nghi ngại: “Lệnh cuối cùng sẽ được đưa ra khi tình hình được sáng tỏ.”
Trong khi đó, Hải quân Đức gặp khó khăn. Ngoài yếu tố thời tiết mà Hải quân báo cáo ngày 10 tháng 9 là “hoàn toàn bất thường và thiếu ổn định”, còn có Không lực Hoàng gia Anh – mà Göring hứa sẽ tiêu diệt – và Hải quân Anh đang ngăn cản càng ngày càng mạnh sự tập trung của hạm đội tiến công. Tàu chiến hạng nhẹ của Anh tấn công các cảng Ostend, Calais, Boulogne và Cherbourg, trong khi Không lực Hoàng gia Anh đánh chìm 80 sà lan ở Cảng Ostend.
Hitler nhìn nhận vấn đề là:
Kẻ thù hồi phục và hồi phục lại… Máy bay chiến đấu của kẻ thù chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Những báo cáo của ta về những thành tựu không cho thấy hình ảnh đáng tin cậy, dù là kẻ thù bị thiệt hại nặng nề.
Thế thì, trên bình diện tổng thể, Hitler tuyên bố “dù cho tất cả những thành công, những điều kiện cần thiết cho Chiến dịch Sư tử Biển chưa được thực hiện”.
Cảm nghĩ của Hải quân Đức về Không quân Đức trở nên bi quan thêm từng ngày. Bộ Tư lệnh Hải quân Đức báo cáo Không lực Hoàng gia Anh tấn công dữ dội các cảng biển từ Antwerp đến Boulogne để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ. Trăng tròn đêm 17 tháng 9, oanh tạc cơ Anh lợi dụng triệt để yếu tố ánh sáng này. Bộ Tư lệnh Hải quân Đức báo cáo “thiệt hại rất đáng kể” tuyến hải vận nên các cảng biển xuất phát bị tắc nghẽn.
Không quân Đức không thể đạt ưu thế trên bầu trời Anh để tạo thuận lợi cho cuộc đổ bộ. Về việc này, Thống chế Kesselring giải thích lý do:
Không có chỉ thị rõ ràng cho đại không đoàn của tôi về chiến thuật hoặc về sự yểm trợ Lục quân và Hải quân. Các cuộc không kích không bao giờ phù hợp với những yêu cầu cho cuộc đổ bộ.
Kesselring có ý phê phán việc Không quân Đức nhận lệnh chuyển qua đánh bom các thành phố Anh thay vì tiếp tục đánh phá lực lượng Hoàng gia Anh.
Ngày 17 tháng 9, nhận thấy Không quân Đức đã thất thế dù cho bao báo cáo thổi phồng, Hitler ra lệnh đình hoãn Chiến dịch Sư tử Biển. Đình hoãn có nghĩa là hủy bỏ; từ thời điểm đó cuộc xâm lược Ạnh quốc chỉ còn tồn tại trên giấy. Hitler nói với Tùy viên Hải quân của mình, Đại tá Kuttkarmer: “Chúng ta đã chinh phục được nước Pháp, nhưng mất đi 30.000 người. Trong một đêm vượt Eo biển Manche, chúng ta có thể mất nhiều lần hơn số đó – mà thắng lợi lại chưa chắc chắn”. (Toland, 1976)
Sau bao năm đạt thành công chói lọi, rốt cuộc Hitler gặp thất bại. Ngày 19 tháng 9, ông ra lệnh ngừng tập kết thêm tàu thuyền và phân tán tàu thuyền ở các cảng “để thiệt hại do những cuộc tấn công của không quân địch có thể giảm đến mức tối thiểu”.
Hitler có cơ sở để ra quyết định đó. Tài liệu mật của Đức cho biết ngày 21 tháng 9, 12% toàn bộ phương tiện được tập kết cho cuộc đổ bộ gồm 21 tàu vận tải và 214 sà lan bị đánh đắm hoặc hư hại. Bị máy bay Anh oanh tạc ác liệt và trọng pháo Anh bắn qua Biển Manche, Hải quân Đức phải phân tán mỏng các tàu chiến và tàu vận tải đã tập kết trên Biển Manche, còn các tàu khác dừng di chuyển vào các cảng biển xuất phát. Nhưng không thể nào duy trì đội ngũ tàu thuyền dù đã phân tán, lại thêm những đội ngũ binh sĩ, pháo, thiết giáp và hậu cần đã được tập kết. Halder than thở trong nhật ký ngày 28 tháng 9: “Không kham nổi tình trạng kéo dài sự hiện hữu của Sư tử Biển như thế này.”
Cả Hải quân và Lục quân đang thúc giục Lãnh tụ nên hủy bỏ hẳn Chiến dịch Sư tử Biển.
Rốt cuộc, ngày 12 tháng 10 Hitler ban hành chỉ thị tối mật chính thức chấp nhận thất bại và hoãn cuộc đổ bộ đến mùa xuân năm sau. Đó chỉ là một cách nói thay vì nói hủy bỏ hẳn. Lý do gì khiến cho Adolf Hitler rốt cuộc phải chịu rút lui? Có hai lý do: Kết quả tồi tệ trong cuộc chiến trên bầu trời Anh quốc (Sai lầm Số 3 nêu trên), và ý nghĩ xoay chiều của Hitler hướng đến Liên Xô.
Nhưng liệu Hitler sẽ thành công nếu nhất quyết ra lệnh cuộc đổ bộ?
Theo phân tích của Axe (2016), Forczyk (2016) và Morris (2017), khi quân Anh rút lui khỏi Dunquerque, họ bỏ lại trọng pháo, cao xạ, tăng và cơ giới tương đương với phân nửa số lượng toàn Quân đội Anh hiện có. Trong năm kế tiếp, Quân đội Anh gần như bất lực trong việc phòng ngự. Họ lại còn giữ tư duy chiến thuật lạc hậu như thời Thế chiến 1. Vì thế, đáng lẽ quân Đức đã có thể đặt chân lên đất Anh thành công vào cuối năm 1940. Đức không cần chiếm ưu thế về không quân, bởi vì hạm đội, sà lan và tàu đánh cá có thể được huy động tiến quân vào ban đêm, trong khi oanh tạc cơ Anh không thể ngăn chặn vì sẽ bị khu trục cơ Đức chặn đánh.
Ý kiến ca ngợi khả năng phòng vệ của Hải quân Anh được cho là sai lầm. Ngay từ tháng 7, Hải quân Anh đã rút tàu lớn hơn khu trục hạm khỏi Eo biển Manche vì sợ các tàu này sẽ làm mồi cho Không quân Đức. Sau đó, Sir Forbes (Tư lệnh Hạm đội Anh) duy trì một số ít chiến hạm Anh trên Biển Manche, và giao việc phòng vệ trên biển cho các khu trục hạm và một ít tuần dương hạm được hỗ trợ bởi máy bay hạng nhẹ. London hối thúc, nhưng Sir Forbes chỉ điều thêm một thiết giáp hạm cũ kỹ nhằm ngăn chặn cuộc đổ bộ. Kế hoạch của Hải quân Hoàng gia Anh là huy động 40 khu trục hạm và 4 tuần dương hạm chia làm hai mũi chận đánh hạm đội và sà lan Đức từ hướng đông và hướng tây. Nhưng họ sẽ bị máy bay Đức chặn đánh trong khi phải tránh thủy lôi rồi mới tiếp cận được với lực lượng đổ bộ hùng mạnh – vào ban đêm. Tàu ngầm Anh có thể tạo một ít thành tích, nhưng tàu mặt nước Anh khó ngăn chặn được lực lượng đổ bộ.
Forczyk (2016) trích lời Thủ tướng Anh Churchill: “Hải quân có thể khiến cho chúng ta thua cuộc chiến.”
Còn Lục quân Anh càng không thể chống cự quân Đức, như đã nêu trên. Đại tướng Montgomery (Tư lệnh Quân đoàn 5 ở Anh) tin rằng vào năm 1940 hoặc 1941, nếu Đức đổ bộ 15 sư đoàn lên đất Anh thì Anh không có cơ may chống trả thành công. (Carlson, 1989)
Việc Hitler hủy bỏ Chiến dịch Sư tử Biển hé lộ điều trái khoáy là trong khi Đức e sợ Hải quân Anh thì Anh e sợ Không quân Đức! Cựu Tư lệnh Hải quân Đức, Doenitz (1946), sau chiến tranh vẫn cho rằng Hải quân Đức không có đủ năng lực chống trả Hải quân Anh cho cuộc đổ bộ lên đất Anh, và nếu bộ binh đổ bộ được thì cũng không có đủ năng lực bảo vệ các bãi đổ bộ và tiếp vận. Forczyk (2016) nêu một lý do khác cho việc hủy bỏ Chiến dịch Sư tử Biển là Hitler đã quá mệt mỏi với những tranh cãi giữa các tư lệnh Hải, Lục, Không quân của Đức.
Có ý kiến phản bác Forczyk, cho rằng ông này quá đề cao Đức và xem nhẹ Anh. Nhận định có phần đúng hơn là: nếu Đức đổ bộ đánh Anh thì có lẽ không bên nào thắng ngay, mà cuộc chiến trên bộ lẫn trên không giữa Đức và Anh sẽ dằng co lâu dài, cuối cùng Đức vẫn thua cuộc chiến vì Mỹ không thể nào giữ vị trí trung lập mãi, sẽ tận lực chi viện cho Anh và đó là yếu tố quyết định.
Sai lầm Số 5: Chuỗi sai lầm trong chiến dịch đánh Liên Xô năm 1941
“Chúng ta hãy chấm dứt bước tiến không ngừng nghỉ của người Đức đến miền nam và tây Châu Âu, và hãy hướng tầm mắt đến những vùng đất ở phía Đông… Nếu cần đất ở Châu Âu thì chỉ có thể chiếm lấy đất của Nga và các nước anh em của họ… Chỉ có một vùng đất rộng trên quả đất này mới đảm bảo một quốc gia được trường tồn… Ta phải kiên trì với mục tiêu này… nhằm đảm bảo dân tộc Đức có đủ đất sống…”
(Adolf Hitler, Mein Kampf, 1925)
“Một trong những quy luật trong chiến tranh là: đừng hành quân đến Moskva.”
(Thống chế Bernard Montgomery, Barton Whaley trong Codeword Barbarossa)
Ý kiến thông thường cho rằng đất ở miền Đông là đích nhắm của Hitler nhằm tạo không gian sinh sống (Đức văn: lebensraum) cho dân Đức, còn việc chinh phục Tây Âu chỉ là thứ yếu, sau khi Anh–Pháp ra mặt chống đối Đức xâm chiếm Ba Lan. Ở miền Tây, Hitler nhìn ra chủng tộc Aryan thượng đẳng mà Đức có thể kết thân. Ở miền Đông, Hitler chỉ nhìn thấy những chủng tộc Slav hạ đẳng và chế độ bolshevik ở Nga mà ông có ác cảm, cộng thêm lớp người Do Thái ăn trên ngồi trốc mà ông căm ghét. Thêm một yếu tố khác nung nấu ý nghĩ đánh Nga: Anh quốc đang chống cự bởi vì tin rằng sẽ có thể lôi kéo Nga về phía họ. Nếu Đức đánh bại Nga, Anh sẽ mất chỗ dựa và vì thế sẽ đi đến dàn xếp hòa bình với Đức (Nelson, 2017). Hitler tuyên bố: “Con đường đến London chạy qua Moskva”. Còn một yếu tố nữa mà dần dà sẽ hé lộ: dầu hỏa của Nga.
Luồng tư tưởng khác cho rằng Hitler muốn tấn công Nga chỉ để nắm thế thượng phong, thay vì chờ cho Nga tấn công để rồi có thể bị động. Sau chiến tranh, một số tướng lĩnh Đức công nhận việc tấn công Nga có lý do chính đáng (Scott, 2019):
- Jodl khai tại Tòa án Nuremberg rằng trong các trao đổi giữa Hitler và ông vào mùa thu 1940, Hitler không bao giờ nói đến động cơ không gian sinh sống (Đức văn: lebensraum), và trong nhiều tháng Hitler luôn lặp lại với ông rằng “Rõ ràng là Nga đang động quân. Một ngày nào đó, thình lình ta hoặc sẽ bị tống tiền hoặc bị tấn công.”
- Cũng tại Tòa án Nuremberg, Tướng Winter khai rằng “Vào lúc ấy chúng tôi tin mình đang đánh tới một cuộc động binh đang diễn tiến”.
- Rundstedt cũng làm chứng cho nhận định trên.
Thế thì tại sao Đức không chuẩn bị cho chiến tranh phòng vệ? Jodl có câu trả lời:
Chắc chắn đó là chiến tranh để chiếm tiên cơ. Chúng tôi đã xác định có sự chuẩn bị khổng lồ về quân sự của Nga bên kia biên giời. Chúng tôi chỉ tạo ngạc nhiên về chiến thuật trong ngày tấn công, nhưng không phải ngạc nhiên về chiến lược. Nước Nga đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc chiến.
Chúng tôi không bao giờ đủ mạnh mà phòng ngự ở phía Đông. Để dàn quân trên chiến tuyến rộng trên 2.000 km, chúng tôi cần ít nhất 300 sư đoàn, mà chúng tôi không bao giờ có đủ.
Nếu chần chừ, chúng tôi có thể bị kẹp giữa hai gọng kìm Nga và phương Tây, lúc đó chắc chắc chúng tôi sẽ chiến bại.
Cũng tại Tòa án Nuremberg, TS Exner (luật sư cho bên bị) biện hộ rằng chiến tranh để chiếm tiên cơ là việc minh chứng được:
Rõ ràng đây là việc được cho phép trong Hiệp ước Kellogg-Briand (Từ bỏ Chiến tranh như là Công cụ của Chính sách Quốc gia). Đó là quyền tự bảo vệ mà các quốc gia ký kết đều thấu hiểu.
Hitler đặt tên cho cuộc tấn công là “Chiến dịch Barbarossa”, và ngày 18 tháng 12 năm 1940 ra chỉ thị tối mật sau:
Quân lực Đức phải chuẩn bị nghiền nát Liên Xô trong một chiến dịch thần tốc trước khi chấm dứt chiến tranh chống Anh. Để đạt mục đích này, quân lực phải sử dụng mọi đơn vị hiện có, chỉ cần đề phòng việc các lãnh thổ đã chiếm đóng bị tấn công bất ngờ…
Phải thận trọng để giữ bí mật ý định tấn công…
Phải tiêu diệt quân Nga ở miền Tây nước Nga bằng cách hành quân táo bạo với những mũi tiến công sâu bằng thiết giáp, ngăn chặn các đơn vị còn toàn vẹn, có khả năng tác chiến rút lui về những vùng rộng lớn của nước Nga. Mục đích chung cuộc của chiến dịch là lập một tuyến phòng thủ chống quân Nga từ Á Châu, chạy dài từ Sông Volga đến Arkhangelsk.
Chỉ thị của Hitler đưa ra khá nhiều chi tiết, cho thấy từ lúc đầu kế hoạch quân sự của Đức đã khá hoàn chỉnh. Chiến dịch gồm có ba mũi tiến công:
- Tập đoàn quân Bắc tiến đến vùng Biển Baltic và Thành phố Leningrad (bây giờ mang lại tên cũ: Sankt-Peterburg).
- Tập đoàn quân Trung tâm ở xa về phía nam, đánh chiếm Thủ đô Moskva (tiếng Anh: Moscow) rồi rẽ lên phía bắc để bắt tay với mũi thứ nhất, vì thế bao vây đơn vị Nga nào còn lại cố thoát khỏi vùng Baltic.
- Tập đoàn quân Nam đánh qua phía nam Ukraina rồi hướng đến Kiev, với mục đích chính là bao vây và tiêu diệt quân Nga ở phía tây Sông Dniepr.
Xa hơn về phía nam, liên quân Đức-Rumania sẽ bảo vệ cạnh sườn của mũi tiến công chính và hướng đến Odessa rồi tiến dọc bờ Biển Đen. Sau đó, sẽ chiếm vùng lưu vực Sông Donets, nơi tập trung 60% công nghiệp của Liên Xô.
Đó là kế hoạch to tát của Hitler, được hoàn tất ngay trước Giáng sinh năm 1940, và được chuẩn bị kỹ lưỡng đến nỗi về cơ bản không cần phải thay đổi gì cả. Để đảm bảo bí mật, chỉ có 9 bản chỉ thị được ban hành, ba bản cho ba quân chủng, và những bản kia được lưu giữ ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Hitler ra lệnh chỉ phổ biến kế hoạch đến càng ít cấp chỉ huy càng tốt.
Không có chứng cứ gì cho thấy các tướng lĩnh trong Bộ Tư lệnh Lục quân chống lại quyết định đánh Liên Xô của Hitler trong khi Liên Xô vì tôn trọng hiệp ước với Đức đã giúp Đức chiến thắng tại Ba Lan và phía Tây. Sau này, Halder tỏ ra chế nhạo về “cuộc phiêu lưu của Hitler ở Nga”, và cho rằng giới chỉ huy Lục quân đã chống đối ngay từ lúc đầu. Nhưng tập nhật ký dày của ông trong tháng 12 năm 1940 không ghi chi tiết nào như thế. Thay vào đó, ông cho người ta có cảm tưởng là ông thật lòng hăng hái đối với “cuộc phiêu lưu” mà ông trên cương vị Tham mưu trưởng Lục quân có trách nhiệm chính trong việc hoạch định. Dù sao đi nữa, cuộc đời của Hitler đã được định đoạt, và tuy ông không biết, số phận của ông đã khép lại qua Chỉ thị ban hành ngày 18 tháng 12 năm 1940. (Shirer, 1960)
Nhiều sử gia như Dvorsky (2014), Middleton (1981), Morris (2017), Roberts (2012) cho rằng quyết định đánh Liên Xô năm 1941 là một trong những sai lầm trọng đại của Hitler. Nếu ông biết cách hòa hoãn với Liên Xô thì có lẽ Stalin thấy không cần phải tấn công Đức trước như Hitler đã từng e ngại, và vì Đức luôn duy trì sức mạnh quân sự thì Đồng minh khó mà phản công thắng lợi như chiến dịch đổ bộ lên Normandie vào tháng 6 năm 1944. Điều tệ hại là từ cuộc chiến chống Anh quốc vốn đang bị suy nhược trong khi Mỹ còn giữ thái độ trung lập, Đức giúp Anh phục hồi và từ lúc này Đức phải đối đầu cùng một lúc trên hai mặt trận – một điều tối kỵ. Cuối cùng, Đức phải trả giá quá đắt: Mặt trận phía Đông thu hút đến ba phần tư nguồn lực của Quân đội Đức để rồi gây nên hai phần ba số thương vong hoặc bốn phần năm số tử trận của Đức trong toàn Thế chiến 2. (Peck, 2016)
Không có chứng cứ gì cho thấy Liên Xô muốn đánh Đức trong khi Đức đang bận bịu đánh Anh, còn nếu không chia lực lượng đánh Liên Xô thì đáng lẽ Đức đã có thể thắng Anh. Lúc đó, vì không còn sự đe dọa từ phía Tây, Đức sẽ không cần tăng cường lực lượng cho Rommel ở Châu Phi, việc đánh Nam Tư và Hy Lạp sẽ không cần thiết, và nếu không mắc sai lầm nào thì Đức đáng lẽ đã đánh thắng Liên Xô (Henderson, 2001).
Stahel (2010) phân tích chi ly về những sai lầm khiến cho chiến dịch Barbarossa có nguy cơ thất bại ngay từ lức khởi đầu:
- mục tiêu về chiến lược không rõ ràng
- sự lãnh đạo bị chia rẽ giữa một bên là Hitler và bên kia là tướng lĩnh do những nhận thức khác nhau về mục đích
- kế hoạch tồi tệ, không xét đến những điều kiện địa hình, địa lý, cơ sở hạ tầng, thời tiết…
- những kỳ vọng thiếu thực tế
- việc cung ứng hậu cần yếu kém
- sự đánh giá quá thấp tiềm năng của đối thủ dựa trên sự kiện thay vì dựa trên chủ thuyết.
Xét theo đó, bước ngoặt của Đức trong Thế chiến 2 xảy ra từ năm 1941, chứ không phải Trận Stalingrad năm 1942 hoặc Trận Kursk năm 1943.
Nhưng có một số người cho rằng quyết định đánh Liên Xô là đúng theo quan điểm và tình huống của Đức: chủ động đánh trước để lấy thế thượng phong kẻo bị đánh trước sẽ thất thế. Khi phân tích thêm, người ta nhận thấy một chuỗi những sai lầm mà nếu không xảy ra thì bản thân quyết định đánh Liên Xô tự nó không phải là sai lầm. Có nghĩa là nếu những quyết định của Hitler trong chiến dịch đánh Liên Xô đều đúng đắn, thế thì ông được minh chứng.
Trong mùa hè 1940, khi Hitler đang bận rộn chỉ đạo cuộc thôn tính Tây Âu, Stalin thừa cơ hội tiến vào các quốc gia vùng Baltic và hướng đến vùng Balkans. Ngày 15 tháng 6 năm 1940, quân Liên Xô tiến vào chiếm đóng Lithuania, nước vùng Baltic duy nhất tiếp giáp Đức. Kế tiếp, Hồng quân tiến vào Latvia và Estonia. Những cuộc “bầu cử” được tổ chức ở ba nước, và Xô viết tối cao (Quốc hội) nhanh chóng “tiếp nhận” ba nước vào Liên bang Xô viết.
Việc chiếm đoạt ba nước vùng Baltic chưa làm cho Stalin mãn nguyện. Sự sụp đổ nhanh chóng của quân Anh–Pháp thúc đẩy ông tìm kiếm thêm lợi lộc trong khi cơ hội và thời gian chẳng còn nhiều. Ông nhắm đến Rumania.
Đức cảm thấy âu lo: họ tùy thuộc vào nguồn xăng dầu, lương thực và thức ăn gia súc ở Rumania. Đức gây áp lực cho Rumania khiến nước này quy phục. Ngày 28 tháng 6, quân Liên Xô tiến vào chiếm hai vùng lãnh thổ Bessarabia và bắc Bucovina. Đức thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất nguồn cung ứng xăng dầu và lương thực không bị cắt khi Liên Xô không chiếm toàn bộ Rumania.
Việc Stalin nhanh chóng chiếm lấy các nước vùng Baltic và hai tỉnh của Rumania thúc đẩy Hitler phải có hành động. Ông và tướng lĩnh Đức tự tin sẽ đánh bại Liên Xô trong vòng ba tháng.
Vấn đề nằm ở cụm từ “thần tốc” như được nêu ra trong chỉ thị của Hitler. Với chiến thuật đánh tăng tổng lực (blitzkrieg, có nghĩa: chiến tranh sấm sét) do Guderian khởi xướng, Đức đã thắng Ba Lan và Pháp như chẻ tre, và Hitler nghĩ Quân đội Đức sẽ áp dụng cùng chiến thuật này để đánh bại nhanh chóng Liên Xô. Một khi Liên Xô đã bại trận và Mỹ chưa tham chiến, Hitler nghĩ Anh quốc sẽ chấp nhận hòa bình. Như thế, vấn nạn phải chiến đấu cùng lúc trên cả hai mặt trận sẽ trôi qua chóng vánh, và Đức sẽ tránh được mối liên minh Mỹ–Nga–Anh. Theo cách lý luận này, Đức có cơ may thắng cuộc chiến, nếu không mắc phải những sai lầm (Nelson, 2017).
Mặt khác, nhờ quyết định của Hitler mà phương Tây được cứu nguy. Người ta vẫn không quên nhờ tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh của người Nga khi hai phần ba lực lượng trong toàn Thế chiến 2 đánh nhau trên đất Nga mang đến cái chết cho 30 triệu người mà phương Tây thoát khỏi ách nô lệ của Hitler. (Henderson, 2001)
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, đúng một năm sau khi Pháp ký văn kiện đầu hàng, lực lượng chưa từng chiến bại của Hitler nhanh chóng tiến sâu vào nước Nga vốn bị bất ngờ hoàn toàn. Đây là cuộc tấn công tổng lực của khoảng 3,6-3,8 triệu quân Phe Trục dọc chiến tuyến rộng hơn 2.400 km từ Bắc Băng Dương xuống đến Biển Đen. Quân Đức có lợi thế vượt trội về tính chủ động, hệ thống thông tin và sự tập trung hỏa lực ở những mũi tiến công, vì thế trong thời gian đầu của chiến dịch họ nhanh chóng áp đảo được quân biên phòng Liên Xô phân tán. Hết đại quân đoàn này đến đại quân đoàn khác của Liên Xô bị bao vây hoặc tan rã. Chỉ trong vòng 2 tuần, khoảng 300.000 quân Nga bị bắt làm tù binh.
Nhưng nếu Hitler không đánh Nga năm 1941 thì sao? Peck (2016) đưa ra các kịch bản:
- Đức đổ bộ lên đất Anh vào lúc Anh chưa hồi phục kịp sau Trận Dunquerque. Như đã phân tích ở trên, nếu không mắc sai lầm thì Đức có thể thắng Anh. Nhưng nếu đổ bộ năm 1942 thì với chương trình chi viện của Mỹ, Anh sẽ hồi phục nhanh hơn trong khi Đức không thể xây dựng thêm Không quân và Hải quân nhanh chóng.
- Lựa chọn hay hơn cho Hitler trong năm 1941 là tiến về nam thay vì tiến về đông. Có thể gây sức ép lên Franco để ông này bỏ đường lối trung lập mà cho phép Đức trấn giữ Eo biển Gibraltar (hoặc xâm lăng Tây Ban Nha rồi chiếm luôn Gibraltar). Do đó, Đức sẽ bóp nghẹt tuyến đường biển của Anh trên Địa Trung Hải, rồi tăng viện cho Rommel để chiếm Kênh đào Suez (việc mà Rommel gần thành công năm 1942).
- Năm 1942, Đức mới đánh Nga trong khi Nga vẫn bị bất ngờ do Hiệp ước Bất tương xâm giữa hai nước. Khi đó, Đức sẽ đánh nhanh xuống Caucasus (tên gốc: Kavkaz) còn Rommel sẽ đánh từ Trung Đông lên trong thế gọng kìm. Các nguồn dầu sẽ rơi vào tay Đức dễ dàng hơn so với Chiến dịch Barbarossa năm 1941.
Dĩ nhiên là đánh xuống Địa Trung Hải cần sức mạnh Hải quân, cho nên Đức cần dồn nỗ lực để xây dựng thêm hạm đội kể cả tàu ngầm.
Sai lầm Số 5A: Đánh Nam Tư và Hy Lạp
Henderson (2001) cho rằng đây là một sai lầm trọng đại của Hitler khiến cho Đức mất thời gian quý báu để đánh dứt điểm mục tiêu mong muốn ở Nga trước mùa đông.
Để dọn đường đánh Nga, Đức thu phục Bulgaria và nước này gia nhập Phe Trục của Đức–Ý.
Nam Tư thì cứng rắn hơn, nhưng cuối cùng Thủ tướng Dragisha Cvetković cùng Ngoại trưởng Alexander Cincar-Marković của Nam Tư bí mật đến Vienna để ký vào Hiệp ước Phe Trục. Ngay sau khi các vị khách Nam Tư trở về thủ đô Belgrade, vào đêm 26 tháng 3 Chính phủ bị một số sĩ quan không quân được phần lớn lục quân hỗ trợ đứng lên lật đổ. Thái tử trẻ Peter được tôn lên làm vua. Hitler thấy rõ chế độ mới không chấp nhận vị thế bù nhìn mà ông ta mong áp đặt. Vụ đảo chính ở Nam Tư khiến cho Hitler nổi lên một trong những cơn thịnh nộ dữ dội nhất trong đời. Ông ta xem đó là sự xúc phạm đối với cá nhân mình, và trong cơn giận dữ đi đến một quyết định lịch sử: ông nhất quyết “tiêu diệt Nam Tư bằng quân sự” một cách không khoan nhượng mà không cần đưa ra tối hậu thư.
Và rồi, Hitler loan báo quyết định tạo nên một trong những điểm ngoặt quan trọng nhất trong cuộc chiến:
Việc khởi động Chiến dịch Barbarossa sẽ được dời lại bốn tuần.
Shirer (1960) cho rằng việc hoãn lại cuộc tiến công Liên Xô có lẽ là quyết định nguy hại nhất cho sự nghiệp của Hitler vì đã vứt bỏ cơ hội bằng vàng để thắng trong cuộc đại chiến và đưa Đức lên thành một đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử Đức và đưa ông lên làm chủ nhân của cả Châu Âu. Tư lệnh Lục quân Brauchitsch và Tham mưu trưởng Lục quân Halder sau này sẽ thấu hiểu hơn những hệ lụy, khi giữa mùa đông họ nhận ra rằng chỉ thiếu 3-4 tuần là đủ đi đến chiến thắng chung cuộc ở Liên Xô. Họ và các tướng lĩnh khác đều quy tội cho quyết định vội vã ấy là nguyên nhân cho mọi thảm trạng.
Ngày 6 tháng 4 năm 1941, quân Đức tràn xuống Nam Tư và Hy Lạp với tất cả tốc độ của cơ giới để tiến đánh những đơn vị phòng thủ được trang bị thô sơ và lại bị Không quân Đức bắn phá trước. Theo lệnh của Hitler, thủ đô Belgrade của Nam Tư bị san bằng. Đến cuối tháng 4 năm 1941 – chỉ trong vòng 3 tuần – mọi chuyện đều xong xuôi, ngoại trừ Đảo Crete phải đến tháng 5 quân dù Đức mới chiếm được từ tay Anh.
Tháng 6, quân Đức ở Nam Tư và Hy Lạp được điều trở về Nga, dùng đường bộ thô sơ và đường sắt cũ kỹ nên tiến trình chậm chạp.
Sự chậm trễ hóa ra cực kỳ tai hại. Những người ca ngợi thiên tài quân sự của Hitler biện luận rằng chiến dịch đánh Nam Tư và Hy Lạp không gây chậm trễ lắm cho Chiến dịch Barbarossa, và rằng sự trì trệ chủ yếu là do năm ấy tuyết tan chậm khiến cho các tuyến đường lầy lội cho đến giữa tháng 6. Những lời khai của tướng lĩnh Đức thì biện luận ngược lại. Thống chế Friedrich Paulus – với tên tuổi gắn liền với Stalingrad năm sau – người lúc này giữ vai trò chủ chốt ở Bộ Tham mưu Lục quân trong việc lập kế hoạch đánh Liên Xô, khai trước Tòa án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh rằng quyết định của Hitler đánh Nam Tư khiến cho Chiến dịch Barbarossa bị chậm trễ “khoảng năm tuần lễ”. Nhật ký Chiến tranh của Hải quân đưa ra khoảng thời gian tương tự. Thống chế Rundstedt, người chỉ huy Tập đoàn quân Nam ở Nga, sau chiến tranh khai rằng do chiến dịch Balkans, “chúng tôi khởi đầu chậm ít nhất bốn tuần lễ…, đó là sự chậm trễ rất đắt giá”.
Quân Đức mất thời gian quý báu, và lực lượng Đức đánh Nga bị sứt mẻ. Có ý kiến cho rằng nếu đánh Nga sớm thì bị trở ngại do mưa tạo bùn lầy lội. Tuy nhiên, vào cuối mùa mưa đất càng ngày càng khô nên vấn nạn bùn lầy ngày càng nhẹ đi.
Cũng có ý kiến cho rằng việc đánh Hy Lạp mang lại lợi ích chiến lược cho Đức:
- Đức được an toàn ở sườn phía nam trong khi đánh Nga vì chặn được đường tiến của quân Anh qua ngõ Balkans như họ từng làm trong Thế chiến 1.
- Các nước đàn em – đặc biệt là Romania và Hungary – chịu nép mình mà trợ giúp đánh Nga.
- Đánh Nam Tư và Hy Lạp vô hình trung là thế dương đông kích tây, tạo cho Stalin lẫn Bộ Chính trị Liên Xô chủ quan mà thiếu phòng bị.
- Đức phải duy trì một số sư đoàn ở Hy Lạp nhưng đó chỉ là những sư đoàn hạng hai, dù đi đánh Nga vẫn không tạo thêm lợi thế là bao.
Sai lầm Số 5B: Tình báo yếu kém
Ngày 3 tháng 2 năm 1941, Hitler triệu tập hội nghị chiến tranh quy tụ những tướng lĩnh hàng đầu của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và Bộ Tư lệnh Lục quân, kéo dài từ lúc giữa trưa đến 6 giờ chiều. Sau này Halder – người phác thảo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Lục quân – kể lại trong quyển sách của ông rằng ông và Brauchitsch tỏ ý nghi ngờ sự đánh giá của Đức đối với sức mạnh quân sự của Liên Xô và nói chung chống đối Chiến dịch Barbarossa như là “cuộc phiêu lưu”. Tuy nhiên, không có câu chữ nào trong nhật ký của ông hoặc trong biên bản tối mật của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ghi lại ý kiến này. Thay vào đó, biên bản cho thấy Halder thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc khi ước lượng tiềm lực của đối phương, tính ra rằng Liên Xô có 155 sư đoàn (sau đó có thể lên đến 200) và sức mạnh của Đức là tương đương nhưng “có khả năng tác chiến cao hơn hẳn”. Sau này, khi tai họa diễn ra, Halder và các tướng lĩnh đồng sự của ông nhận ra rằng tin tức tình báo về Hồng quân đã sai lạc đến mức không tưởng tượng được. Nhưng vào ngày 3 tháng 2 năm 1941, không ai nhận ra điều đó. (Shirer, 1960)
Sai lầm của tình báo Đức bắt đầu hiện rõ chẳng bao lâu sau khi quân Nga tiến vào đất Nga.
Ngày 3 tháng 7, không đầy hai tuần sau khi quân Đức xuất phát, Tham mưu trưởng Lục quân Đức Halder hồ hởi ghi vào nhật ký:
Tựu chung, có thể nói rằng ta đã đạt được mục đích tiêu diệt quân địch trước Sông Dvina và Sông Dnieper… Về hướng đông chỉ có lực lượng địch nhỏ lẻ, không đủ mạnh để ngăn chặn kế hoạch hành quân của ta. Có lẽ không nói quá khi cho rằng chiến dịch chống Nga sẽ đi đến chiến thắng trong vòng mười bốn ngày. (Catherwood, 2014)
Thế mà chỉ hơn một tháng sau, ngày 11 tháng 8, nhật ký của Halder có phần ảm đạm:
Càng ngày càng thấy rõ rằng ta đã đánh giá quá thấp sức mạnh của Nga không những về các lĩnh vực kinh tế và giao thông, mà trên tất cả là về mặt quân sự. Khởi đầu ta ước lượng địch có khoảng 200 sư đoàn và bây giờ ta xác định được 360. Khi hàng chục sư đoàn của họ bị tiêu diệt, người Nga tung ra hàng chục sư đoàn khác. Trên mặt trận bao la này, phòng tuyến của ta là quá mỏng, không có chiều sâu. Vì thế, các cuộc phản công liên tục của địch thường có mức độ thành công nhất định. (Shirer, 1960)
Sự bất ngờ của Tham mưu trưởng Lục quân Đức thật đáng ngạc nhiên. Khi cuộc xâm lăng của Đức bắt đầu, Liên Xô có 5.373.000 quân hiện dịch và 14 triệu quân trừ bị. Đến cuối tháng 8, số quân hiện dịch là 6.889.000, và đến cuối năm lên đến 8 triệu, dù cho số thương vong trong ba tháng 6-9 lên đến 2 triệu. Điều này có nghĩa là chỉ trong vòng nửa năm số quân bổ sung lên đến khoảng 4,5 triệu. Nga có thừa nhân lực để bù đắp tổn thất, nhưng Đức không có đủ người thay thế trong trận chiến dằng dai. (Catherwood, 2014)
Quân Nga còn được trang bị tốt hơn là bên Đức nghĩ. Một số tướng lĩnh chiến trường báo cáo bày tỏ sự kinh ngạc khi lần đầu tiên đối mặt với xe thiết giáp T-34 của Liên Xô mà trước đó họ chưa từng nghe qua, được bọc bằng lớp thép dày đến nỗi đạn pháo chống thiết giáp của Đức chỉ dội lại chứ không gây thiệt hại gì cả.
Và lần đầu tiên trong cuộc chiến, Không quân Đức bị yếu thế trên bầu trời nên không bảo vệ được Lục quân và không thể bay trinh sát phía trước. Dù bị thiệt hại nặng trong vài tuần lễ đầu tiên của chiến dịch và trong những cuộc không chiến ban đầu, khu trục cơ của Liên Xô – giống như những sư đoàn bộ binh – liên tục xuất hiện mà bên Đức không rõ họ từ đâu đến. Hơn nữa, vì quân Đức tiến quá nhanh vào nước Nga trong khi thiếu sân bay thích hợp, những căn cứ không quân của Đức ở quá xa về phía sau nên máy bay Đức không thể yểm trợ hữu hiệu trên mặt trận. Đại tướng Kleist (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Nhất Thiết giáp thuộc Tập đoàn quân Nam) báo cáo:
Trong vài giai đoạn khi tiến công, các lực lượng thiết giáp của tôi bị trở ngại vì thiếu yểm trợ của máy bay.
Thêm một sai lầm về tình báo khi các cố vấn chính trị của Hitler gieo rắc sự tin tưởng rằng sẽ có sự nổi dậy chính trị ở Nga, và Stalin sẽ bị chính người Nga lật đổ nếu quân Nga thất bại. Có một sự tính toán sai lạc của Đức mà Kleist nêu ra và được đa số tướng lĩnh đồng tình:
Hy vọng về chiến thắng được dựa trên viễn cảnh là sẽ có sự nổi dậy chính trị ở Nga… Quá nhiều kỳ vọng dựa trên sự tin tưởng là Stalin sẽ bị chính người Nga lật đổ nếu quân Nga thất bại nặng nề. Các cố vấn chính trị của Lãnh tụ đã gieo rắc sự tin tưởng này.
Xét qua bản chất của chế độ hà khắc và kết quả thảm hại từ những đợt tấn công đầu tiên của Đức, tướng lĩnh Quốc xã không thể hiểu được tại sao quân Nga không tan rã như quân Pháp và nhiều quân đội khác vốn ở trong tình trạng khả quan hơn. Đại tướng Blumentritt, Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Tư dưới quyền Thống chế Kluge thuộc Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế Bock) viết:
Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và thất vọng khi thấy người Nga lúc bị đánh bại vẫn không nhận ra rằng lực lượng quân sự của họ không còn nguyên vẹn nữa.
Guderian kể lại lời của một tướng lĩnh thời Nga hoàng xa xưa, giờ đã về hưu, mà ông gặp ở Orel trên con đường dẫn đến Moskva:
Nếu các ông đến đây hai mươi năm về trước, thì đáng lẽ chúng tôi đã có thể dang rộng hai tay mà chào đón. Nhưng bây giờ thì quá muộn. Chúng tôi vừa mới bắt đầu đứng trên đôi chân, và bây giờ các ông đến đưa chúng tôi ngược lại hai mươi năm để chúng tôi sẽ phải làm lại mọi việc từ đầu. Bây giờ chúng tôi chiến đấu vì nước Nga và động cơ này giúp chúng tôi đoàn kết với nhau.
Sai lầm Số 5C: Đánh giá Liên Xô quá thấp
Trên thực tế, dù bị bất ngờ lúc đầu, sau đó bị thiệt hại nặng về quân số và khí tài, dù phải rút lui hoặc vài đơn vị thiện chiến nhất bị bao vây, vào tháng 7 quân Nga bắt đầu chống cự ngày càng mạnh mà quân Đức chưa từng thấy bao giờ. Nhật ký của Halder và báo cáo của các tư lệnh chiến trường như Guderian – người chỉ huy thiết giáp trên mặt trận trung tâm – càng ngày ghi càng nhiều những cuộc đụng độ dữ dội, những cuộc phòng thủ và phản công của Nga, và thiệt hại nặng cho cả hai bên.
Blumentritt ghi lại:
Ngay cả trong trận đánh đầu tiên này [ở Minsk], tinh thần chiến đấu của quân Nga hoàn toàn khác hẳn so với quân Ba Lan và các nước Đồng minh ở phía Tây. Thậm chí khi bị bao vây, quân Nga vẫn trụ vững mà chiến đấu.
Rundstedt khai một cách thẳng thừng với những điều tra viên Đồng minh sau cuộc chiến:
Chẳng bao lâu sau khi tấn công, tôi nhận ra rằng mọi chuyện đã viết về Nga đều là càn bậy.
Cần nêu rõ một điểm: dù mùa đông có khắc nghiệt và đúng là binh sĩ Liên Xô được trang bị đầy đủ hơn quân Đức, yếu tố chủ yếu phải ghi nhận không phải là thời tiết, mà là tinh thần chiến đấu của Hồng quân và ý chí kiên cường không muốn chịu thua của họ. Nhật ký của Halder và báo cáo của các tư lệnh chiến trường đều bày tỏ kinh ngạc đối với mức độ và sức mạnh của những cuộc tấn công và phản công từ quân Nga, và nỗi chán nản đối với những thất bại và thiệt hại của quân Đức.
Sự kinh ngạc như thế một phần dựa vào chiến dịch thanh trừng của Stalin trong giai đoạn 135-138 vốn đã sát hại 2 trong số 5 nguyên soái, 154 trong số 186 tư lệnh sư đoàn, và 401 trong số 456 đại tá. Cấp lãnh đạo quân sự Đức nghĩ rằng chiến dịch thanh trừng đó đã làm Hồng quân suy yếu nghiêm trọng, và họ muốn hành động nhanh trước khi Stalin có thể khắc phục thiệt hại. Họ không nhận ra chế độ độc tài hà khắc của Stalin hóa ra lại tạo nên một guồng máy chiến tranh mạnh mẽ hơn chế độ của Sa hoàng trong Thế chiến 1. (Gompert et al., 2014)
Tình báo yếu kém cộng tư tưởng khinh thường Nga khiến cho Hitler tin tưởng hão huyền khi trước đây nói với Đại tướng cấp Cao Jodl, Tham mưu phó Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực:
Chúng ra chỉ cần đá cánh cửa rồi cả cấu trúc mục nát sẽ đổ sụp.
Sai lầm Số 5D: Nhập nhằng giữa chiến lược và chiến thuật khi đánh Moskva
Dường như Hitler nhìn ra cơ hội “đá cánh cửa” đã đạt được phân nửa vào tháng 7, khi xảy ra sự tranh cãi dữ dội đầu tiên trong Bộ Tư lệnh Lục quân về chiến lược. Ngày 18 tháng 7, chỉ trong vòng 3 tuần từ ngày mở chiến dịch, tình hình là như sau:
- Tập đoàn quân Bắc của Thống chế Leeb – được bổ sung bởi 12 sư đoàn Phần Lan – tiến về miền Baltic và đang bao vây Thành phố Leningrad.
- Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế Bock tiến được hơn 700 km đến Smolensk thuộc vùng trung-tây nước Nga sau khi bắt được 620.000 tù binh và tiêu diệt 2.500 xe tăng cùng 250 máy bay. Moskva chỉ còn cách 320 km.
- Tập đoàn quân Nam của Thống chế Rundstedt tiến về Sông Dniepr và Thành phố Kiev, thủ phủ của vùng đất màu mỡ Ukraina mà Hitler thèm muốn, tiêu diệt nửa triệu quân Nga trong tam giác Konotop-Kremenchug-Kiev.
Middleton (1981) và Shirer (1960) cho rằng đến lúc này, Hitler phạm một sai lầm trọng đại, và Henderson (2001) cho biết các tướng lĩnh Đức sau chiến tranh phê phán đây là sai lầm đáng trách nhất của Hitler. Đó là quyết định của Hitler mà lúc ấy phần lớn tướng lĩnh hàng đầu đều phản đối, và Halder nghĩ đó là “sai lầm về chiến lược tai hại nhất trong chiến dịch phía Đông”. Vấn đề thì đơn giản nhưng có tầm quan trọng cốt lõi. Liệu Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế Bock – mạnh nhất và cho đến lúc này thành công nhất trong ba mặt trận – có nên tiến thêm 320 km từ Smolensk hướng về Moskva hay không? Hoặc có nên tiến hành theo kế hoạch ban đầu là gồm hai mũi chính ở sườn bắc và sườn nam hay không? Nói cách khác, Moskva là mục tiêu chính, hay là Leningrad và Ukraina?
Bộ Tư lệnh Lục quân do Thống chế Brauchitsch và Đại tướng cấp Cao Halder cầm đầu ủng hộ phương án tiến thẳng đến thủ đô Liên Xô vì lý do quân Nga dưới quyền Thống chế Timoshenko còn đang rời rạc. Họ được hai tư lệnh chiến trường ủng hộ: Bock đang chỉ huy Tập đoàn quân Trung tâm tiến theo con đường dẫn đến Moskva, và Guderian chỉ huy đội hình thiết giáp đi đầu ở mặt trận này. Đó không phải chỉ vì giá trị về mặt tâm lý khi chiếm được thủ đô của đối phương. Các tướng lĩnh biện luận với Hitler rằng Moskva là trung tâm sản xuất vũ khí quan trọng, và quan trọng hơn, cũng là trung tâm chính trị và giao thông liên lạc của nước Nga. Nếu chiếm được Moskva, Liên Xô sẽ bị cắt nguồn cung cấp vũ khí thiết yếu, và còn không thể vận chuyển binh sĩ cùng hàng hậu cần đến những trận tuyến ở xa, rồi họ sẽ yếu đi, tàn tạ và sụp đổ.
Còn có một luận cứ khác mà các tướng lĩnh đưa ra cho người cựu hạ sĩ và bây giờ là Tư lệnh Tối cao của họ. Mọi tin quân báo đều cho thấy những lực lượng chính yếu của Liên Xô hiện đang tập trung trước Moskva nhằm quyết liệt bảo vệ thủ đô của họ. Ngay phía đông Smolensk, nửa triệu quân Nga đã thoát ra khỏi gọng kìm của Bock, giờ đang trụ lại nhằm ngăn chặn bước tiến của Đức hướng về Moskva.
Ngay sau cuộc chiến, Halder soạn thảo một báo cáo cho Đồng minh, vẫn bảo lưu quan điểm của Lục quân Đức:
Trọng tâm của sức mạnh quân Nga vì thế nằm trước mặt Tập đoàn quân Trung tâm…
Bộ Tư lệnh Lục quân đặt mục tiêu là đánh bại sức mạnh quân sự của địch, và vì thế công tác kế tiếp phải là đánh bại những lực lượng Nga bằng cách tập trung mọi lực lượng cho Tập đoàn quân Trung tâm để tiến đến Moskva, nhằm chiếm lấy trung tâm đầu não đối kháng của địch và nhằm tiêu diệt những đội hình địch. Phải tiến hành càng sớm càng tốt việc tập trung cho cuộc tiến công này vì mùa đông đang đến gần…
Riêng Hitler luôn khát khao vành đai sản xuất thực phẩm và những khu công nghiệp vùng Ukraina cũng như những mỏ dầu vùng Caucasus (Caucasia) nên cho rằng Moskva “không quan trọng lắm”. Hơn nữa, ông nghĩ có cơ hội bằng vàng để khóa chặt hai phương diện quân Nga dưới quyền Nguyên soái Budenny phía đông Sông Dniepr gần Kiev lúc ấy vẫn còn đang chiến đấu. Ông cũng muốn chiếm lấy Leningrad ở miền bắc và bắt tay với quân Phần Lan. Để đạt được cả hai mục tiêu này, phải tách vài sư đoàn bộ binh và thiết giáp từ Tập đoàn quân Trung tâm để điều đi miền bắc và nhất là miền nam. Mũi tiến công đến Moskva phải đình lại.
Vì thế, ngày 21 tháng 8 năm 1941 Hitler ra chỉ thị mới cho Bộ Tư lệnh Lục quân từng phản kháng ông:
Các đề xuất của Lục quân về việc tiếp tục hành quân ở phía Đông không phù hợp với ý định của tôi.
Mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được trước mùa đông không phải là đánh Moskva, mà phải chiếm vùng Crimea, vùng công nghiệp và mỏ than của Lưu vực Donetsk, và cắt đứt nguồn cung cấp xăng dầu khỏi Caucasus.
Hitler còn ban hành một chỉ thị mà Bộ Tư lệnh Lục quân mô tả là “đầy xúc phạm”, như muốn nói rằng họ toàn là “những đầu óc cứng nhắc với những lý thuyết lạc hậu”.
Đại tướng Guderian (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Hai Thiết giáp thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) đến xin gặp Hitler. Ông kể lại:
Hitler để cho tôi nói hết. Rồi ông ấy diễn giải chi tiết những cân nhắc khiến cho ông phải quyết định theo cách khác. Hitler nói nguyên liệu và nông sản của Ukraina là thiết yếu để tiến hành chiến tranh trong tương lai. Ông nói về việc cần thiết phải chiếm lấy Crimea để tấn công những mỏ dầu Rumania. Lần đầu tiên tôi nghe ông ấy nói câu: “Các tướng lĩnh của tôi chẳng biết gì về những khía cạnh kinh tế của chiến tranh…”
Khía cạnh kinh tế của chiến tranh
Khía cạnh kinh tế của chiến tranh mà Hitler đề cập và tướng lĩnh chẳng biết là như thế nào?
Augagneur (2018), Keller (no date), Hayward (1995), Luis (2019) và Murphy (2018) đưa ra những phân tích kinh tế chiến tranh về dầu hỏa để đi đến kết luận rằng Đức thua cuộc chiến chỉ vì một chữ: dầu.
Vào năm 1938 – năm cuối cùng của thời bình – Đức lệ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu lên đến 60% nhu cầu tiêu thụ; trong thời chiến tỉ lệ này còn cao hơn bởi vì sản lượng dầu nội địa có hạn. Thiếu dầu thì Đức sẽ chiến bại: tàu ngầm, máy bay và xe tăng sẽ tê liệt. Hệ lụy đầu tiên là chương trình huấn luyện, ví dụ như vì thiếu xăng dầu, phi công Đức có giờ huấn luyện ít hơn phi công Anh. Việc chế tạo xăng nhân tạo cực kỳ tốn kém nên nền kinh tế Đức không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, số liệu cho thấy việc chế tạo xăng nhân tạo khiến cho việc sản xuất vũ khí sút giảm. Khuyết điểm khác của xăng nhân tạo Đức là có độ octan thấp khiến cho máy bay Đức bay chậm hơn máy bay Đồng minh dùng xăng chế tạo từ dầu hóa thạch. Vì thế, mục đích mở rộng không gian sinh sống và tiêu diệt các dân tộc Slav trở thành thứ yếu; xăng dầu là động lực chủ đạo. Điều này được Speer (Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang của Đức Quốc xã) xác nhận sau chiến tranh.
Trong hai năm đầu của cuộc chiến, Đức phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn dầu của Rumania, khiến cho Hitler bất an. Ông thường bày tỏ nỗi lo lắng rằng các giếng dầu Ploesti ở Rumania nằm trong tầm bay của oanh tạc cơ Nga. Ngày 20 tháng 1 năm 1941, Hitler nói với các tướng lĩnh: “Nga có thể biến các giếng dầu của Phe Trục thành đống tro tàn… và cuộc sống của Phe Trục lệ thuộc vào những giếng dầu đó.” Đúng là như thế, bởi vì ngay trong 1940, năm đầu của cuộc chiến, 94% nguồn dầu nhập khẩu là từ Rumania. Tệ hơn nữa, từ tháng 6 năm 1940, nước Ý lại lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn dầu từ Đức, khiến cho việc sản xuất dầu càng thêm gánh nặng và lượng dầu dự trữ càng hạ thấp. Trong chiến dịch đánh Liên Xô, Đức huy động khoảng 600.000 xe cơ giới, 3.600 xe tăng và trên 2.700 máy bay. Đơn giản là nền kinh tế Đức không thể cung cấp đủ xăng dầu cho lực lượng này trong thời gian dài.
Không giống chiến dịch đánh Ba Lan và Tây Âu vốn có thể áp dụng chiến tranh sấm sét (blitzkrieg), chiến dịch đánh Nga bị dằng dai, càng tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế chiến tranh. Phải chuyên chở xăng dầu đến Nga bằng tàu hỏa, trên khổ đường ray Nga rộng hơn khổ đường ray Châu Âu kể cả Đức. Đoàn quân viễn chinh càng tiến xa, việc cung ứng xăng dầu cho họ càng gian nan. Khi Hitler ra lệnh tái khởi động đánh Moskva vào tháng 9 năm 1941, đến tháng 10 quân Đức chỉ nhận được 75% số xăng dầu so với nhu cầu, và đến tháng 11 chỉ nhận được 15%. Tình trạng bùn lầy trong mùa mưa ở Nga làm cho vấn nạn trầm trọng thêm: quân Đức tiến 35-40 km tiêu tốn lượng xăng dầu đủ dùng để tiến 100 km trong mùa khô. (Hayward, 1995)
Thật ra, tình hình tồi tệ về dầu hỏa không có gì là bất ngờ. Ngay từ tháng 3 năm 1941, Đại tướng Thomas (Chủ nhiệm Cục Kinh tế và Vũ trang của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực) đã gửi một báo cáo chi tiết đến Göring và Keitel cảnh báo rằng trữ lượng dầu có thể cạn kiệt vào tháng 10 cùng năm. Ông khẩn thiết đề xuất:
Điều thiết yếu là phải nhanh chóng chiếm đoạt và khai thác các giếng dầu ở Caucasus, ít nhất là những vùng quanh Maikop (Malikop) và Grozny. Ở những giếng dầu không bị phá hủy hoàn toàn, sẽ cần một tháng để phục hồi sản lượng và một tháng để vận chuyển, vì thế phải chiếm các giếng dầu này chậm nhất là vào tháng thứ hai của chiến dịch, kể cả những cơ sở vận chuyển (tàu dầu trên Biển Đen, tuyến vận chuyển trên đường ray Nga từ Odessa đến Premysl để vận dụng các xe goòng sẵn có). Nếu thất bại trong việc này thì sẽ có hệ lụy nghiêm trọng đối với các hoạt động quân sự sau ngày 1 tháng 9 và đối với sự tồn vong của nền kinh tế.
Xăng dầu cạn kiệt đòi hỏi cắt giảm việc cung ứng dầu cho Ý, và cho Hải quân Đức khiến cho tình hình trên Đại Tây Dương đi xuống. Lượng dầu cho mục đích dân dụng cũng bị cắt, tạo âu lo về chính trị và xã hội.
Dù cho bao trở ngại, mục đích trong chiến dịch đánh Liên Xô vẫn quá rõ ràng. Hitler đã đúng lý khi ra lệnh dừng quân trước Moskva để lo đánh miền nam.
Fritz (2015) có suy nghĩ tương tự như Hitler, cho rằng tướng lĩnh Đức vẫn còn tư duy cứng nhắc như khi đánh Pháp năm trước: cố tiến quân qua những vùng rừng và đầm lầy mênh mông có rất ít đường giao thông để đến mục tiêu mấu chốt về chính trị là thủ đô, chứ không đánh nhanh theo vùng thích hợp cho tăng ở Ukraina mà chiếm lấy nguồn lợi kinh tế ở miền nam.
Sau này, Nguyên soái Zhukov trong riêng tư nhìn nhận chiến lược của Hitler trong mùa hè 1941 khi không đánh vào Moskva là hoàn toàn đúng đắn (Irving, 2002).
Mặt trận miền nam
Luis (2019) đưa ra những luận cứ để phản bác nhận định thông thường cho rằng nếu Đức đánh chiếm được Moskva thì Liên Xô sẽ đầu hàng. Tác giả đi đến kết luận cực đoan: cách duy nhất Đức có thể thắng Thế chiến 2 là chiếm lấy được nguồn dầu để phục vụ nhu cầu chiến tranh. Theo chiều hướng biện luận này thì Hitler đã có nhận định đúng: Moskva không quan trọng bằng nguồn dầu ở Caucasus. Đức chiếm được thủ đô Nga thì chỉ tạo tiếng vang về mặt tâm lý, chứ về chiến lược đó là chiến thắng quá tốn kém nhưng không được lợi lộc là bao.
Hitler nhận định đúng nhưng cách làm thì sai. Theo Shirer (1960), một lần nữa nhà độc tài Quốc xã là nạn nhân của tính ngông cuồng hoang tưởng. Chiếm Moskva trước mùa đông là không đủ. Ông ra lệnh cho Leeb ở miền bắc cùng lúc phải chiếm lấy Leningrad, còn Rundstedt ở miền nam cũng cùng lúc phải chiếm lấy những mỏ dầu ở Maikop và tiến đến Stalingrad. Khi Rundstedt cố giải thích cho Hitler hiểu việc này có nghĩa là tiến 650 km, và sườn trái của ông bị trống trải một cách nguy hiểm, Hitler trả lời rằng quân Nga ở miền nam không còn đủ sức chống cự nữa. Rundstedt nhận thấy mệnh lệnh của Hitler là lố bịch, và chẳng bao lâu thực tế cho thấy vị thống chế này có lý.
Rundstedt phóng mũi tiến công ở miền nam với sự tăng cường của lực lượng thiết giáp dưới quyền Guderian và các sư đoàn bộ binh tách ra từ mặt trận trung tâm. Ngày 26 tháng 9, Trận Kiev kết thúc; bên Đức cho biết 665.000 quân Nga bị bắt làm tù binh. Đối với Hitler, đó là “trận đánh vĩ đại nhất trong lịch sử của thế giới”. Nhưng vài tướng lĩnh nghi ngờ giá trị chiến lược của chiến thắng này.
Các mục tiêu ở mặt trận nam gồm có (1) Kharkov, trung tâm công nghiệp lớn thứ tư của Liên Xô, (2) Lưu vực Donetsk có các công nghiệp than và sắt, và (3) vùng Caucasus giàu dầu hỏa, đặc biệt là hai vùng gần nhất: Maikop và Grozny. Hitler vui mừng khi Đại quân đoàn Thứ Sáu dưới quyền Reichenau chiếm được Kharkov ngày 24 tháng 10. Nhưng khi Stulpnagel dẫn Đại quân đoàn Thứ Bảy tiến vào Lưu vực Donetsk, phần lớn cơ sở công nghiệp ở đây đã không còn. Nhiều nhà máy bị phá hủy, các kỹ sư Nga đã tháo rời hàng trăm nhà máy khác mà di tản đến vùng núi Urals xa xôi để lắp ráp lại rồi tiếp tục sản xuất. Đây được xem là một trong những thành tựu lớn lao của Liên Xô trong cuộc chiến.
Ngày 21 tháng 11, những đội hình thiết giáp của Đại tướng Kleist tiến vào Thành phố Rostov ở cửa Sông Don trong khi bộ máy tuyên truyền của Goebbels rêu rao rằng “cửa ngõ ra Caucasus” đã rộng mở. Nhưng không mở được lâu. Cả Kleist và Rundstedt đều nhận ra rằng không thể giữ được Rostov. Năm ngày sau, quân Liên Xô chiếm lại. Quân Đức bị tấn công ở cả hai mạn sườn bắc và nam nên phải rút lui 80 km về Sông Mius, nơi Kleist và Rundstedt ban đầu đã muốn lập phòng tuyến cho mùa đông. Cuộc rút lui khỏi Rostov là một điểm ngoặt nhỏ khác trong lịch sử của Đế chế Thứ Ba. Lần đầu tiên, quân Quốc xã chịu một thất bại quan trọng.
Hitler lại đưa ra lệnh mới: Tập đoàn quân Nam phải tiếp tục tiến đến chiếm Maikop (khu vực bắc của vùng Caucasus) đồng thời “bằng mọi giá chiếm cho được Stalingrad mùa đông này” vì đó là trung tâm của trục nam-bắc vận chuyển 90 % lượng dầu cho nước Nga.
Ngày 30 tháng 11, Rundstedt thông báo cho Hitler rằng bởi vì quân địch mạnh áp đảo và thời tiết khắc nghiệt, Tập đoàn quân Nam bắt buộc phải rút về tuyến phòng thủ chiến thuật Sông Mius. Hitler cấm rút lui. Lo lắng cho sự an nguy của binh sĩ dưới quyền, Rundstedt cho Brauchitsch biết không thể tuân hành lệnh của Hitler, và yêu cầu hoặc rút lại lệnh đó hoặc tìm người thay thế mình. Hitler thấy đây là sự thánh thức quyền hành của mình, nên ngày 1 tháng 12 cách chức Rundstedt và cử Thống chế Reichenau lên thay. Ông này đang là Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu (thuộc Tập đoàn quân Nam) ở phía bắc các sư đoàn thiết giáp của Kleist đang rút về từ Rostov.
Tiếp theo đó, Halder viết:
Reichenau gọi điện cho Hitler và xin phép đêm nay rút về phòng tuyến Sông Mius. Ông được cho phép. Thế là ta trở về đúng vị trí dự kiến ngày hôm qua. Nhưng phải hy sinh thời gian cùng sức lực, và mất Rundstedt.
Cuộc rút lui này phá tan hy vọng của Hitler chiếm các mỏ dầu trước cuối năm 1941.
Mặt trận trung tâm
Sau khi phải chia lực lượng cho Rundstedt, Tập đoàn quân Trung tâm của Bock gồm 1,5 triệu binh sĩ đành phải chôn chân ngay phía trước Smolensk. Những cơn mưa mùa thu đang đến gần, và sẽ biến đường giao thông thành bãi lầy. Sau đó là mùa đông – với băng tuyết và giá lạnh.
Hitler miễn cưỡng chiều theo sự thúc giục của Brauchitsch, Halder và Bock mà ra lệnh mở lại mũi tiến công đến Moskva. Ông hứa sẽ điều lực lượng thiết giáp của Guderian (lúc này vẫn còn đang chiến đấu cật lực ở Ukraina) trở lại Tập đoàn quân Trung tâm, và thêm quân đoàn thiết giáp của Reinhardt từ mặt trận Leningrad. Nhưng đã quá muộn! Mãi đến đầu tháng 10, các lực lượng thiết giáp mới có thể về đến nơi. Từ ngày 21 tháng 8 lúc Hitler ra lệnh dừng tiến công Moskva đến ngày 2 tháng 10 lúc mũi tiến công Moskva khởi động lại, quân Đức mất đi 6 tuần lễ quý giá.
Lúc đầu, quân Đức ở mặt trận trung tâm tiến nhanh. Trong hai tuần đầu tháng 10, họ bao vây hai đại quân đoàn Liên Xô, báo cáo bắt được 650.000 tù binh, thu được 5.000 đại pháo cùng 1.200 xe thiết giáp (Shirer, 1960). Đến ngày 20 tháng 10, những đội thiết giáp tiền phong chỉ còn cách Moskva 65 km. Văn phòng các bộ của Chính phủ Nga và các đại sứ quán nước ngoài vội vã di tản khỏi Moskva. Ngay cả Halder bây giờ cũng tin rằng với chiến thuật táo bạo và thời tiết thuận lợi, Đức có thể chiếm Moskva trước mùa đông khắc nghiệt.
Tuy thế, khi gần đến cuối tháng 11, giữa những cơn bão tuyết và nhiệt độ âm, đối với Hitler và phần lớn tướng lĩnh thì Moskva xem dường nằm trong tầm tay của họ. Những đội hình quân Đức ở hướng bắc, nam và tây của thủ đô đã tiến đến gần mục tiêu. Khi Hitler nhìn vào bản đồ, đoạn đường còn lại có vẻ như không phải là khoảng cách gì cả. Những đoàn quân của Đức đã đánh qua 800 km; bây giờ chỉ còn 30 đến 50 km cuối. Giữa tháng 11, Hitler nói với Jodl: “Chỉ cần ráng sức thêm một chút là ta sẽ chiến thắng.”
Khi gọi điện cho Halder ngày 22 tháng 11, Thống chế Bock (Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm) nói: “Chỉ cần ném vào tiểu đoàn cuối cùng là đủ để quyết định trận đánh”. Dù quân Nga đang chống trả quyết liệt thêm, Bock báo cáo với Tham mưu trưởng Lục quân rằng ông tin “mọi việc đều có thể đạt được”. Vào ngày cuối tháng 11, đúng thật là Bock ném vào tiểu đoàn cuối cùng. Đội tiền phương của Đại Quân đoàn Thứ Ba Thiết giáp chỉ còn cách Moskva 40 km, còn đội của Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp cách 16 km. Cuộc tổng tấn công vào trái tim của Liên bang Xô viết được định vào ngày hôm sau, 1 tháng 12 năm 1941. Nhưng nhiệt độ đã xuống đến -20 °C, và binh sĩ không được trang bị chống lạnh. (Catherwood, 2014)
Một lực lượng thiết giáp hùng mạnh nhất trước đây chưa từng được tập trung trên một mặt trận: Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Đại tướng Hoepner (thuộc Tập đoàn quân Bắc) và Đại Quân đoàn Thứ Ba Thiết giáp của Đại tướng Hoth (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở cửa ngõ phía bắc của Moskva tiến xuống hướng nam, Đại Quân đoàn Thứ Hai Thiết giáp của Đại tướng Guderian (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở cửa ngõ phía nam của Moskva tiến lên hướng bắc; còn Đại Quân đoàn Thứ Tư hùng mạnh của Thống chế Kluge (thuộc Tập đoàn quân Trung tâm) ở giữa và đang chiến đấu hướng về đông qua vùng rừng xung quanh Moskva – chính ở cánh quân này mà Hitler đặt tất cả kỳ vọng. Quân Đức vấp phải sức chống trả với tinh thần thép của Liên Xô.
Ngay từ tối ngày 1 tháng 12, Bock gọi điện cho Halder cho biết ông không còn có thể chiến đấu khi binh sĩ đã suy yếu. Tham mưu trưởng Lục quân cố gắng cổ vũ tinh thần ông này: “Phải ra sức hạ gục quân địch bằng cách tung ra lực lượng cuối cùng.”
Ngày 2 tháng 12, một tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn 258 Bộ binh xâm nhập vào Khimki cách trung tâm Moskva khoảng 18 kí-lô-mét, từ đây họ có thể nhìn thấy những mái hình tháp nhọn của Điện Kremlin. Nhưng sáng hôm sau, vài xe thiết giáp Nga và một lực lượng hỗn tạp gồm công nhân trong những nhà máy của thành phố được huy động một cách vội vã đánh bật quân Đức ra ngoài. Đó là điểm gần Moskva nhất mà quân Đức có thể tiến đến; đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng họ có thể thoáng nhìn thấy Kremlin.
Ngày hôm sau, 3 tháng 12. Bock gọi điện cho Halder, và ông này ghi lại:
Mũi tiến công của Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp phải rút về vì hai bên sườn không thể tiến lên… Phải đối mặt với thời khắc mà sức mạnh của quân ta đã kiệt quệ.
Ngày kế tiếp, Đại Quân đoàn Thứ Hai Thiết giáp của Guderian phải dừng lại, và ông báo cáo hàn thử biểu chỉ -350C. Ngày hôm sau, nhiệt độ hạ xuống thêm 20C. Số binh sĩ Đức chết cóng do thiếu trang phục chống lạnh nhiều hơn là số tử trận khi chiến đấu (Beevor, 1999). Đó là vì Hitler luôn tin rằng có thể đánh bại Nga nhanh chóng nên không màng chuẩn bị cho binh sĩ qua mùa đông. Guderian cho biết xe thiết giáp dưới quyền mình “hầu như là bất động”; lực lượng của ông đang bị đe dọa từ hai bên sườn và mặt sau.
5 tháng 12 là ngày khủng hoảng. Suốt dọc phòng tuyến dài 360 km xung quanh Moskva, quân Đức đều phải dừng lại. Vào buổi tối, Guderian thông báo cho Bock biết lực lượng của ông chẳng những dừng lại mà còn phải rút lui. Bock gọi điện cho Halder rằng quân của mình đã “kiệt sức”.
Tại tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Kluge, Tham mưu trưởng Blumentritt nhận ra đã đến điểm ngoặt. Ông viết:
Hy vọng của ta trong việc đánh bại Liên Xô trong năm 1941 tan vỡ vào phút cuối.
Ngày hôm sau, 6 tháng 12 năm 1941, Đại tướng Zhukov phát động cuộc phản công. Ông thay thế Nguyên soái Timoshenko làm Tư lệnh Phương diện quân Trung tâm chỉ mới sáu tuần trước. Dọc phòng tuyến rộng 360 km trước Moskva, ông tung ra tổng cộng 100 sư đoàn gồm những binh sĩ hoặc còn sung sức hoặc đã dày dạn trận mạc được trang bị và huấn luyện để tác chiến trong không khí giá lạnh và trên lớp tuyết dày. Trong số họ là những tiểu đoàn lính trượt tuyết mặc trang phục trắng, và phần lớn các xe tăng là loại T-34 xích rộng có thể đi lại dễ dàng trên tuyết. Sức mạnh mà vị tướng tương đối còn vô danh tung ra với một lực lượng đáng sợ gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp, kỵ binh và không quân – mà bên Đức không ngờ hiện diện với số lượng lớn đến thế – là bất thình lình và mãnh liệt đến nỗi Quân đội Đức không bao giờ hồi phục được.
Điều trái khoáy là Hitler ra lệnh tấn công Moskva mà ông cho là “không quan trọng”, còn Liên Xô chống trả chỉ nhằm làm hao mòn quân Đức chứ cũng không cho Moskva là quan trọng: nơi chốn di tản đã được chuẩn bị kể cả hầm tránh bom cho Stalin, còn các cơ sở công nghiệp đã được tháo ra rồi lắp lại ở dãy núi Urals và Siberia để tiếp tục sản xuất.
Trong một tường trình mật trước Hội đồng Quốc phòng Tối cao ở Moskva vào tháng 11 năm 1941, Nguyên soái Timoshenko phân tích về nguy cơ thất thủ Moskva:
Việc này là đáng thất vọng, nhưng sẽ không nguy hại đến chiến lược vĩ mô của ta. Quân Đức sẽ có chỗ trú ẩn cho mùa đông, nhưng chỉ việc này sẽ không giúp cho họ thắng trận. Yếu tố quan trọng duy nhất là dầu hỏa. Trong giai đoạn 1939-1941, họ luôn phàn nàn về vấn nạn nghiêm trọng là dầu hỏa. Vì thế, ta chỉ cần (a) khiến cho Đức tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu [tức là chiến tranh tiêu hao], và (b) ngăn chặn quân Đức chiếm vùng Caucasus.
Có nghĩa là Liên Xô sẵn sàng hy sinh Moskva nhưng quyết liệt bảo vệ nguồn dầu ở vùng Caucasus – một chiến lược đúng lý. Đối lại, ban đầu Hitler để cho một tập đoàn quân hùng mạnh chôn chân trước Moskva nhưng lại mở cuộc tấn công nửa vời xuống Caucasus. Sau đó, Hitler ra lệnh tấn công Moskva nhưng đó cũng chỉ là nửa vời bởi vì một lực lượng đáng kể đang hành quân ở miền nam. Cuối cùng, Hitler không đạt được mục đích nào cả.
Đúc kết chiến dịch đánh Liên Xô năm 1941, Đức thất bại nặng nề. Hồng quân bị thiệt hại nặng nhưng không bị tiêu diệt. Đức không chiếm được Moskva, Leningrad, Stalingrad hoặc những mỏ dầu vùng Caucasus. Lần đầu tiên trong hơn hai năm chiến thắng liên tục, những đoàn quân của Hitler phải rút lui trước một lực lượng mạnh hơn. Vì thế, ngày 6 tháng 12 năm 1941 là một điểm ngoặt khác trong lịch sử ngắn ngủi của Đế chế Thứ Ba, và đó là một trong những điểm ngoặt có tính định mệnh nhất. Quyền lực của Hitler đã lên đến đỉnh điểm; từ bây giờ quyền lực ấy bị vắt kiệt lực bởi những cuộc phản công của các quốc gia mà ông ta đã chọn để gây chiến.
Tóm lại, chiến lược của Hitler về kinh tế chiến tranh là đúng đắn. Điều đáng ngạc nhiên là ghi chép các buổi họp tịch thu được sau chiến tranh cho thấy Hitler thường nói dông dài, nhưng trước chiến dịch đánh Liên Xô lại không giải thích rõ cho tướng lĩnh về chiến lược trong kinh tế chiến tranh để đạt đồng thuận ngay từ đầu. Vì vậy mà hai tháng sau khi xuất phát, một số tướng lĩnh vẫn phản kháng ý định của Hitler đánh về miền nam. Lúc ấy, Hitler chỉ giải thích về kinh tế chiến tranh với Guderian nhưng không nói chuyện với Tư lệnh Lục quân và Tham mưu trưởng Lục quân đang ở kề bên.
Khi thấy tướng lĩnh không nắm rõ chiến lược, Hitler lại nắm luôn quyền chỉ đạo chiến thuật, tức đã sai càng thêm sai. Đã nói rằng Moskva không phải là quan trọng, nhưng khi tướng lĩnh thúc giục lại chuyển quân từ miền nam về đánh Moskva, vẫn không truyền đạt cho tướng lĩnh thấu hiểu về chiến lược, đến nỗi sau chiến tranh Halder vẫn còn khăng khăng bám vào ý kiến ban đầu của Lục quân.
Đáng lẽ Hitler phải làm ngược lại: giải thích rõ cho tướng lĩnh thấu hiểu về chiến lược, rồi để tùy họ phát huy chiến thuật nhằm đạt mục đích đã đề ra. Nếu làm như thế, hẳn tướng lĩnh sẽ toàn tâm toàn ý điều động quân đội để đánh vào trọng tâm chứ không đánh phân tán rồi chẳng đạt được gì cả.
Trong chiến dịch đánh Liên Xô năm 1942, Hitler phạm Sai lầm Số 12 vì vẫn không lĩnh hội bài học năm trước, vẫn nhập nhằng giữa chiến lược và chiến thuật, vẫn muốn đánh dàn trải giữa Stalingrad và vùng Caucasus giàu dầu hỏa.
Sai lầm Số 5E: Không dự liệu điều kiện địa hình và thời tiết
Chiến dịch năm 1941 lộ ra thêm một sai lầm của Đức. Alexander (2007) nhận xét rằng sau khi giòn giã đánh thắng Ba Lan và Tây Âu, Hitler không hiểu chinh chiến ở nước Nga là khác hẳn so với Tây Âu vốn có lãnh thổ hạn hẹp nên các trục tiếp vận ngắn, các khu dân cư tập trung gần nhau, nguồn lực sung túc cho đoàn quân chiếm đóng, các mục tiêu đều rõ rệt ở khoảng cách gần, và có ranh giới cuối cùng là Đại Tây Dương.
Ở vùng Moskva, thời khoảng tháng 6-9 có số ngày mưa nhiều nhất, nhưng giữa tháng 10 cả chiến trường vẫn là bãi bùn lầy mênh mông. Đoàn quân Đức hùng mạnh tiến chậm lại và thường phải dừng hẳn. Điều hiển nhiên quân Đức đáng lẽ đã phải biết trước là Liên Xô có rất ít đường sá đủ sức chịu tải xe tăng, và càng tệ hại trong mùa mưa, thế nên họ thiếu chuẩn bị. Xe thiết giáp phải ngừng chiến đấu để lo kéo pháo và xe tải đạn khỏi vũng lầy. Không có đủ dây xích và khớp nối cho việc này; Không quân phải thả xuống dây thừng trong khi máy bay cần phải vận chuyển những hàng hậu cần thiết yếu.
Blumentritt kể lại:
Lính bộ binh trơn trượt trong bùn lầy, trong khi cần có nhiều ngựa để kéo những khẩu pháo. Bùn ngập đến trục bánh xe của phương tiện cơ giới. Ngay xe kéo cũng di chuyển rất khó khăn. Một phần lớn đại pháo của ta chẳng bao lâu bị sa lầy hẳn… Không thể nào diễn tả hết những khổ nhọc mà binh sĩ của ta đã sẵn mệt mỏi phải chịu đựng.
Lần đầu tiên, nhật ký của Halder và báo cáo chiến trường của tướng lĩnh chứa đầy ý nghĩ nghi ngờ rồi chán nản. Tư tưởng này lan đến sĩ quan cấp dưới và binh sĩ trên chiến trường – hoặc có thể bắt nguồn từ họ. Blumentritt nhớ lại:
Và bây giờ, khi Moskva gần như nằm trong tầm mắt, tinh thần của cấp chỉ huy và binh sĩ bắt đầu thay đổi. Địch càng chống trả mạnh hơn và những cuộc đụng độ trở nên quyết liệt… Nhiều đại đội chỉ còn cơ số 60 hoặc 70 người…
Mùa đông sắp bắt đầu, nhưng không có đủ trang phục chống lạnh… Phía sau phòng tuyến, những đơn vị dân quân của Liên Xô đang hoạt động trong những vùng rừng và đầm lầy mênh mông. Những chuyến tiếp vận của Đức thường bị phục kích…
Vào mùa đông năm ấy ở Nga, tuyết dày và giá lạnh đến sớm. Động cơ của xe cơ giới và thiết giáp Đức không được thêm phụ gia chống đông, nên bị tê liệt. Guderian thêm:
Băng giá gây nhiều vấn đề rắc rối cho bánh xích của xe thiết giáp. Thời tiết lạnh khiến cho ống nhòm trở nên vô dụng. Phải đốt lửa phía dưới động cơ mới có thể nổ máy xe thiết giáp. Xăng đôi khi bị đóng băng và dầu nhờn trở nên sánh đặc… Mỗi trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 112 bị hao tổn khoảng 500 người vì tê cóng. Vì nhiệt độ quá thấp, không thể vận hành súng máy…
Thời tiết băng giá, thiếu nơi trú ẩn, thiếu quần áo ấm, thiệt hại nặng về người và khí tài, việc cung ứng xăng dầu xuống thấp – tất cả đều khiến cho nhiệm vụ của một tư lệnh gặp nhiều khó khăn…
Riêng bên Nga có ý kiến cho rằng không nên đổ lỗi cho thời tiết, bởi vì hiển nhiên là mùa đông năm nào ở Nga vẫn thế. Các tướng lĩnh Đức chỉ nên tự trách chính mình vì đã chuẩn bị Chiến dịch Barbarossa quá sơ sài, và khi lâm trận không có phương án ngăn chặn quân dự bị của Nga từ phía sau phòng tuyến tiến ra trận tiền. (Henderson, 2001)
Sai lầm Số 6 (?): Ra lệnh cấm rút lui
Một số sử gia cho rằng đây là sai lầm của Hitler xuyên suốt các chiến dịch đánh Nga năm 1941-1942, và Trận Ardennes năm 1944.
Bằng cách đảm nhiệm thêm chức vụ chỉ huy trực tiếp, Hitler có động thái quyết liệt trong mùa đông khắc nghiệt năm 1941 để ngăn chặn những đoàn quân chiến bại rút lui, và cứu họ khỏi số phận của đoàn quân Napoléon trên cùng những con đường phủ đầy băng tuyết từ Moscow trở về. Ông nghiêm cấm mọi bước rút lui thêm. Trong một thời gian dài, tướng lĩnh Đức tranh cãi nhau về chủ trương sắt đá của Hitler – hoặc cứu nguy lực lượng khỏi thảm họa toàn diện hoặc gây thiệt hại thêm trầm trọng. Phần lớn chỉ huy chiến trường lập luận rằng nếu họ được phép rút lui khi không thể giữ vững vị trí, thì đáng lẽ họ đã có thể bảo toàn nhiều nhân lực và khí tài, bảo tồn được vị thế mạnh hơn để tái tổ chức hoặc thậm chí tiến công trở lại. Thay vào đó, nguyên từng sư đoàn thường bị áp đảo hoặc bị bao vây rồi bị đánh tan nát.
Nhưng cũng có những tướng lĩnh nhìn nhận rằng ý chí sắt đá của Hitler – khi đòi hỏi các đơn vị phải trụ lại để chống trả – là thành tựu to tát nhất của ông trong cuộc chiến, và có lẽ nhờ vậy mà quân Đức không bị tan rã giữa những cánh đồng tuyết. Tướng Blumentritt tóm tắt quan điểm này:
Chắc chắn là Hitler tỏ ra đúng lý khi đòi hỏi binh sĩ phải trụ lại ở bất kỳ vị trí nào và trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Theo bản năng, Hitler nhận ra rằng nếu rút lui trên tuyết và băng giá thì chỉ trong vòng ít ngày phòng tuyến sẽ tan vỡ và khi ấy lực lượng sẽ cùng chung số phận với binh đoàn [Napoléon]… Chỉ có thể rút lui trên đồng trống vì lẽ đường sá đã bị lấp đầy tuyết. Sau ít đêm, binh sĩ không thể chịu đựng được nữa, và họ sẽ gục ngã tại chỗ. Không có căn cứ ở phía sau để họ có thể lui về trú ẩn, và cũng không có phòng tuyến nào để trụ lại.
Tướng Tippelskirch, tư lệnh một quân đoàn thiết giáp, đồng ý:
Đó là thành tựu vĩ đại nhất của Hitler. Vào thời khắc khủng hoảng này, binh sĩ đang nhớ đến việc Napoléon cho binh đoàn của ông rút lui khỏi Moscow… Một khi quân đội bắt đầu rút lui, họ có thể hoảng hốt tháo chạy.
Sai lầm Số 7: Thiếu nguồn lực
Đây là sai lầm của Hitler bắt đầu thể hiện từ Chiến dịch Barbarossa đánh Nga năm 1941, cho đến Chiến dịch Ardennes phản công Đồng minh năm 1944
Theo Beevor (1999), trong khi soạn thảo kế hoạch hành quân, Tướng Paulus (Tham mưu phó Lục quân dưới quyền của Halder) có nhắc với Hitler những khó khăn sắp tới của mùa đông, nhưng Hitler trả lời bằng cách cấm tất cả mọi người nói đến chuyện này. Quân Đức thiếu trang phục ấm để chống chọi thời tiết giá lạnh ở Nga.
Đường sắt – phương tiện vận chuyển hậu cần chính – không cung ứng được đầy đủ cho tiền tuyến do số tàu hỏa dùng cỡ bánh chạy trên đường ray Liên Xô có quá ít (đường ray Liên Xô rộng hơn đường ray châu Âu). Do đó xăng dầu cho xe tăng cũng thiếu bởi vì xăng dầu được vận chuyển bằng xe lửa. Đến đầu tháng 10, những sư đoàn thiết giáp chuẩn bị đánh tới Moskva đã thiếu linh kiện phụ tùng. Như nhà chiến lược quân sự người Anh Liddell Hart nhận xét, Nga được cứu nguy chủ yếu là nhờ tình trạng “cổ lổ sỉ” thay vì tiến bộ trong kỹ thuật và công nghiệp (Henderson, 2001).
Do thiếu cơ giới và xăng dầu, hơn phân nửa quân Đức tiến vào Nga theo cách thức của đạo quân Napoléon: đi bộ trong khi hàng hậu cần được vận chuyển bằng sức ngựa, gây trở ngại cho sức tiến quân và tạo thêm gánh nặng cho việc vận chuyển khối lượng lớn thức ăn cho ngựa. (Fritz, 2015)
Theo lời tướng Guderian, một phần lý do là sự lạc quan vô căn cứ của Hitler vốn lan đến Quân đội Đức, đến nỗi cứ năm binh sĩ Đức mới có một bộ quần áo chống lạnh. (Toland, 1976)
Nếu như Đức không phạm sai lầm ở Nga?
Tóm tắt, một số kịch bản giả tưởng khi Đức Quốc xã không phạm sai lầm là như sau:
- Nếu tình báo Đức giỏi hơn, quân Đức có thể được chuẩn bị tốt hơn và tránh những bất ngờ gây thiệt hại nặng trên chiến trường.
- Binh pháp Tôn Tử nhấn mạnh điểm “biết mình biết ta”, nhưng Hitler ngu dốt ở cả hai mặt: tự kiêu về cá nhân mình và khinh thường Liên Xô.
- Nếu Đức không tiến đánh Nam Tư và Hy Lạp, đáng lẽ họ có thể đánh Liên Xô trước 4-5 tuần lễ với lực lượng còn mạnh 100% và tránh được mùa đông.
- Hoặc là Đức tập trung đánh Moskva một cách cật lực khi mùa đông giá lạnh chưa đến và Liên Xô chưa kịp tổ chức lại để phản công thì họ đáng lẽ đã không mất đi 6 tuần lễ quý giá vì dừng quân. Tổng cộng Đức đáng lẽ không bị muộn gần 3 tháng, thì có phần chắc Moskva đã thất thủ, tạo thành đòn tâm lý mạnh mẽ cho Đức và là thất bại nặng nề cho Liên Xô. Sau khi chiếm được Moskva, vào mùa xuân năm sau quân Đức được bổ sung lực lượng trong khi quân Nga xuống tinh thần, Stalin sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là đi đến thỏa hiệp hòa bình với Hitler. Lúc đó, không cần đánh chiếm hết lãnh thổ Nga nhưng Đức vẫn có thể kiểm soát nước Nga tương tự như trường hợp của Tiệp Khắc. (Henderson, 2001).
- Hoặc là Hitler làm công tác tư tưởng để tướng lĩnh quán triệt chiến lược kinh tế chiến tranh – nhất là kinh tế dầu hỏa – mà dồn lực lượng chiếm các nguồn dầu miền nam thay vì để một lực lượng lớn chôn chân trước cửa ngõ Moskva. Hitler không làm như thế, để xảy ra chuyện kỳ khôi và là điều cấm kỵ: ra đến trận tiền còn tranh cãi với nhau phải đánh ở đâu!
Cộng thêm sự may mắn là Stalin đã quá mù quáng khi phớt lờ những lời cảnh báo cụ thể của phương Tây về việc Đức sắp tấn công Liên Xô, nếu không có những sai lầm nêu trên thì đáng lẽ Đức đã có thể chiến thắng giòn giã – ít nhất về mặt chiến thuật chứ chưa hẳn về chiến lược vốn vẫn còn nhiều bàn cãi.
Những luận bàn xoay quanh kinh tế chiến tranh về dầu hỏa của Đức Quốc xã đưa đến nhận định cho rằng quyết định của Hitler là có cơ sở:
- Không đánh chiếm Moskva năm 1941 để đoạt lấy nguồn dầu ở Caucasus vốn chiếm 90% sản lượng của Nga.
- Đánh chiếm Stalingrad năm 1942 để chặn nguồn dầu ở Caucasus.
Đó là cơ sở ban đầu. Kế tiếp là vấn nạn to tát: nếu chiếm được nguồn dầu Caucasus thì đó chỉ là bước đầu. Năm 1942, Liên Xô cho Đức thấy rõ vấn nạn này: ngày 8 tháng 8, Đức chiếm được những mỏ dầu Maikop (Malikop) có sản lượng hai triệu rưỡi tấn mỗi năm, nhưng khi chiếm xong họ thấy hầu như toàn bộ các cơ sở đã bị phá hủy.
Việc chở đủ số lượng dầu từ Caucasus về Đức là vấn nạn thứ ba. Có vẻ như Hitler và giới quân sự ít bàn bạc với nhau về vấn đề thiết yếu này, cũng là vấn đề của Đức trong Thế chiến 1. (Hayward, 1995)
Vào tháng 3 năm 1941, Trung tướng Hanneken thuộc Cơ quan Kinh tế Chiến tranh và Vũ khí Chiến tranh gửi một báo cáo cho Keitel mà có lẽ Hitler không đọc qua. Hanneken cảnh báo rằng nếu chiếm được các giếng dầu Caucasus còn nguyên vẹn, chỉ có thể vận chuyển rất ít dầu (10.000 tấn mỗi tháng) về được qua đường bộ. Nếu Biển Đen được an toàn thì vẫn không có đủ tàu chở dầu đi lên Sông Danube về Đức bởi vì số tàu này đang được dùng hết công suất để chở dầu Rumania. Tuyến đường duy nhất còn lại là ra Biển Đen qua Eo biển Dardanelles đến các cảng vùng Địa Trung Hải. Vì thế, báo cáo kết luận: “Cần thiết phải mở tuyến đường biển và đảm bảo an toàn cho tàu chở dầu trên Biển Đen để dùng dầu từ Nga với sản lượng đủ để tiếp tục chiến tranh”. Đây là điều bất khả thi bởi vì Hạm đội Biển Đen của Liên Xô quá mạnh còn Anh quốc vẫn đang làm bá chủ trên Địa Trung Hải.
Cuối cùng thì Đức không thể giải bài toán về dầu; phe có dầu chiến thắng còn phe không dầu chiến bại.
Miller (2001) cũng đồng quan điểm cho rằng dầu là yếu tố mang đến chiến bại cho Đức, và dẫn lời Thống chế Rundstedt sau chiến tranh:
Đức chiến bại là do ba yếu tố: (1) các cuộc không kích của không quân Đồng minh; (2) các cuộc pháo kích của hải quân Đồng minh; và; (3) Đức thiếu dầu.
Sai lầm Số 8: Can dự quá sâu vào chiến thuật quân sự
Đây là sai lầm của Hitler bắt đầu thể hiện từ Chiến dịch Barbarossa đánh Nga năm 1941, cho đến của trận chiến về sau: bản thân là con người chính trị với kiến thức kém về quân sự nhưng ông lại can dự quá sâu vào những tiểu tiết chiến thuật (Henderson, 2001).
Morris (2017) cho rằng sự can dự của Hitler vào chiến thuật quân sự gây tổn hại cho Đức còn hơn là những nỗ lực của Đồng minh cộng lại. Trên mặt trận phía Đông, Hitler phớt lờ ý kiến tham mưu của các tướng lĩnh, đảm nhận công tác chỉ đạo hàng ngày, biến bộ tham mưu thành dịch vụ tiếp nhận tin tức từ chiến trường và chuyển phát quyết định của Hitler từ tổng hành dinh.
Khi có tướng lĩnh dám phản đối mạnh mẽ, Hitler cách chức họ. Rommel vạch ra cho Hitler hiểu về tình hình thiếu kém của quân Đức, rồi nhận lệnh phải đi dưỡng bệnh ở Áo. Khi List và Halder cũng cố gắng làm như thế, Hitler cách chức cả hai, cố nắm quyền chỉ huy tập đoàn quân A của List. Hitler thăng vượt cấp con người dễ bảo Đại tướng cấp Cao Zeitzler làm Tham mưu trưởng Lục quân hầu dễ thực hiện ý đồ của mình. Sau khi cách chức Tư lệnh Lục quân Brauchitsch, Hitler đảm nhận luôn chức vụ này vì muốn chỉ đạo sâu sát hằng ngày Việc Hitler kiêm nhiệm chức Tư lệnh Lục quân trong khi đang cầm đầu Bộ Tư lệnh Tối cao Quân lực (Oberkommando der Wehrmacht – OKW, chỉ huy trực tiếp Mặt trận Đông) được xem là chiến thắng to tát của Liên Xô, vì nhờ đó ông ta có thể “tự do phạm sai lầm”. (Henderson, 2001)
Những người cấp cao khác bị cho về vườn là Thống chế Brauchitsch (Tư lệnh Lục quân), Thống chế Rundstedt (Tư lệnh Tập đoàn quân Nam), Thống chế Bock (Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm), Thống chế Leeb (Tư lệnh Tập đoàn quân Bắc), và Đại tướng Guderian, thiên tài đã khởi xướng lối đánh sấm sét (blitzkrieg). Còn có hơn 30 tư lệnh quân đoàn và tư lệnh sư đoàn bị thay thế trong cuộc rút lui giữa mùa đông năm 1941/1942.
Nhiều quyết định cách chức là do cơn điên cuồng nhất thời muốn dập tắt tiếng nói phản biện chứ không theo lý luận gì cả, rồi cũng do tính bốc đồng mà xoay vòng nhân sự khi cách chức người này và thay thế bằng người kia. Trong chiến dịch đánh Nga năm 1941, Thống chế Bock (Tư lệnh Tập đoàn quân Trung tâm) bị thay thế bởi Thống chế Kluge trong khi Đại Quân đoàn Thứ Tư của Kluge đang rút lui. Năm sau, Bock được bổ nhiệm vào vị trí Tư lệnh Tập đoàn quân đánh Nga, rồi cũng bị cách chức vì không đồng ý với quyết định thay đổi đột ngột kế hoạch hành quân của Hitler.
Tướng Hoepner (vị tư lệnh thiết giáp tài giỏi của Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp vốn đã đến sát Moscow rồi phải rút ra) đột nhiên bị Hitler cách chức với cùng lý do, bị tước quân hàm và bị cấm mặc quân phục.
Tướng Sponeck (người nhận Huân chương Chữ thập Hiệp sĩ của Chữ thập Sắt do đã chỉ huy quân nhảy dù đánh Hà Lan năm trước) bị trừng phạt nặng hơn vì đã ra lệnh một sư đoàn trong quân đoàn của mình rút lui ở Crimea sau khi quân Liên Xô đổ bộ phía sau đội hình của Đức. Ông bị tước quân hàm, bị đưa ra tòa án binh và nhận án tử hình do lệnh của Hitler. Ông bị thi hành án vào tháng 7 năm 1944 sau vụ ám sát hụt Hitler mà ông không can dự.
Ngay cả người trung thành một cách cuồng tín, Jodl (Tham mưu phó Hành quân thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực), cũng lên tiếng chống đối việc bãi nhiệm Thống chế List và Tướng Halder. Việc này khiến cho Hitler nổi giận. Vào tháng 1 năm 1943, Hitler định bãi nhiệm Jodl và định điều Thống chế Paulus thay thế, nhưng đã muộn: Paulus đã đầu hàng Liên Xô.
Riêng vị Thống chế Rundstedt đầy uy tín có binh nghiệp khá gian nan. Ông mất chức Tập đoàn quân Nam trong chiến dịch đánh Nga năm 1941 vì yêu cầu rút quân mà không được Hitler đồng ý, nhưng sau đó người thay thế ông cũng yêu cầu như thế rồi được Hitler chấp thuận. Năm sau, Rundstedt được bổ nhiệm vào chức Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây rồi bị cách chức tháng 7 năm 1944 sau khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie và ông kêu gọi Hitler nên đối mặt với thực tế mà cố gắng chấm dứt chiến tranh. Việc Rundstedt bị cách chức có thể một phần là do lời lẽ thô thiển ông nói ra với Keitel vào đêm hôm trước. Keitel gọi điện cho ông để hỏi về tình hình, hỏi: “Ta sẽ làm gì đây?” Rundstedt trả lời: “Tìm kiếm hòa bình, đồ ngu ngốc! Liệu ông có thể làm được gì khác?” Dường như Keitel – mà phần lớn chỉ huy chiến trường gọi là kẻ “hớt lẻo để nịnh nọt” – thuật lại vụ việc và có thêm phê phán. Lúc ấy, Hitler đang thảo luận với Kluge, hiện đang nghỉ dưỡng bệnh sau một tai nạn ô tô. Lập tức, Kluge được cử thay thế Rundstedt. Đó là cách thức Hitler thay đổi chỉ huy cấp cao. Tháng 9 năm 1944 Rundstedt được tái bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tư lệnh Mặt trận phía Tây rồi lại bị cách chức tháng 3 năm sau. Đến đây là kết thúc binh nghiệp kéo dài 52 năm.
Hitler đặt chức vụ Tổng Tư lệnh cho các mặt trận: phía Tây (Pháp), phía Nam (Địa Trung Hải và Bắc Phi), phía Tây-Nam (Ý) nhưng không đặt chức vụ tương đương cho mặt trận phía Đông (Liên Xô), mà muốn nắm quyền chỉ huy trực tiếp trên mặt trận này. Có lúc Manstein đề nghị Hitler giao quyền hạn cho tướng lĩnh chuyên nghiệp và thiết lập chức vụ Tư lệnh Tối cao phía Đông, nhưng Hitler từ chối. Lại thêm may mắn cho Liên Xô!
Với thói quen loại trừ người có tiếng nói phản biện, dần dà Hitler chỉ còn chung quanh mình những người dễ bảo, không hề tham mưu ý kiến nào hữu ích, chỉ răm rắp tuân lệnh. Đó là nguồn cội cho thất bại trong Trận Normandie.
Nhà độc tài Hitler luôn tự cho mình là thiên tài quân sự và luôn đánh giá quá thấp Liên Xô, rồi đi đến việc chỉ đạo hành quân cấp vi mô dựa trên thông tin quá lỗi thời khi tới tay ông, đặc biệt là tin xấu vốn được truyền đi chậm hơn tin tốt. Hơn nữa, Hitler còn có thói quen tệ hại là thường thức khuya đến 4 giờ sáng rồi đi ngủ cho đến xế chiều, đến chiều mới họp với tướng lĩnh để rà soát tình hình buổi sáng – lúc đã quá muộn. Vào những lúc khác, Hitler bị phân tâm bởi những sự kiện chính trị và sinh hoạt Đảng Quốc xã không liên quan gì đến quân sự. Lấy ví dụ, khi quân Anh–Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi ngày 8 tháng 11 năm 1942, Hitler không có mặt ở tổng hình dinh vì đang bận tham dự những lễ kỷ niệm cuộc Bạo loạn Nhà hàng Bia xảy ra năm 1923.
Như Halder nhận xét, vào những thời điểm gay go của cuộc chiến, tố chất của chính trị gia trong con người Hitler lấn át tố chất của một chiến binh. Trong khi tình hình chiến sự quanh Stalingrad đang nguy cấp, công việc trực Tổng hành dinh Tối cao ở Đông Phổ được giao cho một đại tá, còn Keitel, Jodl cùng các sĩ quan đầu não khác của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực đều phải tháp tùng Hitler đi dự những lễ hội bia. Có điều gì đấy kỳ quặc và gàn dở khiến cho Tư lệnh Tối cao Hitler – người muốn chỉ đạo cuộc chiến trên những mặt trận xa hàng nghìn kí-lô-mét xuống đến cấp sư đoàn và trung đoàn – lại bỏ đi làm một nhiệm vụ chính trị không quan trọng khi tình thế quân sự đang cực kỳ khẩn trương. (Shirer, 1960; The History Place, 2010)
Khi Hitler và các tướng lĩnh chủ chốt của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực còn nán lại vùng rừng núi mát mẻ quanh biệt thự nghỉ dưỡng mang tên Berghof ở Berchtesgaden thì có tin tức về đợt phản công của Liên Xô trong cơn bão tuyết rạng sáng ngày 19 tháng 11. Tin xấu đưa đến quá chậm và tính khẩn cấp không được nhấn mạnh khiến cho Hitler cùng hai tướng lĩnh hàng đầu Keitel và Jodl thấy không cần phải vội vã quay về tổng hành dinh ở Đông Phổ. Thế là Lãnh tụ cùng các chiến hữu cũ tiếp tục sum vầy ở Berghof. Hitler và đoàn tùy tùng về đến tổng hành dinh ngày 22 tháng 11. Lúc này, vào ngày thứ tư Liên Xô phản công, tình hình chiến trường đã trở thành đại họa.
Cũng chính vì Hitler dính dáng quá sâu vào chiến thuật quân sự như thế mà quân Đức thảm bại khi Đồng minh phản công trên mặt trận phía Tây, bắt đầu từ Trận Normandie.
Nói chung, vì chủ thuyết lệch lạc mà Hitler muốn nắm lấy mọi quyền quyết định, đi ngược lại với truyền thống của quân đội ở nhiều nước là nhà lãnh đạo chỉ ra lệnh phải làm gì và để cho quân đội tìm cách làm như thế nào. (Carlson, 1989)
Đặt ngược lại vấn đề, có ý kiến cho rằng sự phê phán Hitler can dự quá sâu chịu ảnh hưởng từ các tướng lĩnh Đức vốn sau chiến tranh đổ riệt mọi lỗi lầm lên Hitler. Nếu Hitler giao toàn quyền cho tướng lĩnh về chiến thuật thì có lẽ tướng lĩnh Đức chẳng thành công là bao, bởi vì họ không nắm vững chiến lược về kinh tế chiến tranh – đúng như Hitler nói. Được trao toàn quyền, có lẽ họ sẽ cố đánh chiếm Moskva rồi quân Đức chỉ có chỗ trú đông nhưng lại không có dầu ở Caucasus.
Sai lầm Số 9: Tuyên chiến với Hoa Kỳ
Theo Dvorsky (2014), Henderson (2001), Morris (2017), việc tuyên chiến một cách nóng nảy và khinh suất với Hoa Kỳ là một sai lầm cực kỳ tệ hại của Hitler. Roberts (2012) nhận định:
Đáng lẽ Hitler phải phớt lờ những sự trêu tức của Franklin Roosevelt… Thay vào đó, ông lại tuyên chiến một cách không cần thiết đối với nước Mỹ vốn không ai xâm lăng được.
Đức chẳng có lợi gì trong việc này, ngược lại còn trao cho Mỹ lý do chính đáng để tham chiến. Chính quyền Roosevelt đã luôn đối mặt với những nhóm chống đối Mỹ tham chiến: đảng viên Cộng hòa có chủ trương cô lập (như Thượng nghị sĩ Taft từ Bang Ohio), đảng viên Dân chủ có tư tưởng nhân nhượng và chủ bại (như Đại sứ Mỹ tại Anh Joe Kennedy), người có cảm tình với Đức (như phi công nổi tiếng Charles Lindbergh), các nhà công nghiệp chống Do Thái (Henry Ford), và những cộng đồng người Mỹ gốc Ireland, Mỹ gốc Đức và Mỹ gốc Ý. (Draper, 2015)
Sau khi Hitler tuyên chiến, Roosevelt không còn bị ngáng trở, cho nên có thể mạnh tay tăng cường chi viện cho nỗ lực chiến tranh, giúp cho Anh và Liên Xô lên tinh thần và sức chiến đấu. Từ lúc này, Đức phải chống chọi cả ba đối thủ kiên cường cùng một lúc!
Vào mùa xuân 1941, ngay trước khi Đức tiến công Liên Xô, Hitler cam kết một cách cẩu thả với Nhật Bản trong loạt hội đàm ở Berlin với Yosuke Matsuoka, Ngoại trưởng Nhật có xu hướng thân Phe Trục. Các tài liệu tịch thu được sau chiến tranh cho thấy Hitler quá dốt nát, nhân vật Quốc xã số 2 Göring quá cao ngạo và Ngoại trưởng Ribbentrop quá dại khờ nên không ai hiểu biết gì về tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ. Đó là một sai lầm nghiêm trọng mà Hoàng đế Willhelm II, Thống chế Hindenburg và Đại tướng Ludendorff đã phạm phải trong Thế chiến 1.
Chính sách của Hitler đối với Mỹ thiếu nhất quán về cơ bản. Dù Hitler khinh thường sức mạnh quân sự của Mỹ và dù Tư lệnh Hải quân Đức luôn thúc hối ông cho phép bắn tàu Mỹ, trong hai năm đầu của cuộc chiến ông cố gắng giữ Mỹ đứng ngoài vòng chiến. Đó là nhiệm vụ chính yếu của Đại sứ quán Đức tại Washington. Phái bộ ngoại giao Đức làm đủ mọi việc, từ hối lộ dân biểu Mỹ đến trả tiền thù lao cho bài viết, hỗ trợ cho những người theo chủ trương trung lập – tất cả đều nhằm ngăn Mỹ về phe với kẻ thù của Đức trong cuộc chiến. (Shirer, 1960)
Thật ra, kể từ năm 1941 hai nước đã có hành động thù địch với nhau khi Mỹ chuyên chở hàng hậu cần, hàng dân dụng và lương thực vượt Đại Tây Dương đến Anh, thậm chí còn điều quân giúp Anh tuy ở quy mô nhỏ, trong khi các hạm trưởng Mỹ được phép bắn bất kỳ tàu của bất kỳ nước nào đe dọa tuyến tiếp vận. Ngược lại, các hạm trưởng tàu ngầm Đức nhận lệnh không gây hại cho thương thuyền hoặc tàu chiến Mỹ, vì thế họ không đánh chìm tàu chiến Anh bởi vì qua kính tiềm vọng họ không thể xác định đó là tàu Anh hay Mỹ. Vì thế mà các đô đốc Đức luôn nài nỉ Hitler cho phép họ bắn bất kỳ tàu nào tham gia các tuyến tiếp vận.
Nhà độc tài Quốc xã hiểu rõ rằng Hoa Kỳ – chừng nào mà Roosevelt còn tại chức – luôn ngáng trở bước đường chinh phục thế giới của Đức và luôn ngăn chặn việc phân chia những lãnh thổ của hành tinh này cho ba nước trong Phe Trục. Ông biết – và Anh quốc cũng công nhận – nếu không có sự tiếp tế dồi dào lương thực, nguyên vật liệu và vũ khí của Mỹ qua Đại Tây Dương thì Anh hẳn đã sụp đổ. Ông ta thấy rốt cuộc sẽ phải đối phó với Hoa Kỳ “một cách quyết liệt”. Nhưng mỗi lần chỉ đối phó với một nước. Đó là bí quyết cho sự thành công của ông ta cho đến lúc này. Đức sẽ tính đến Hoa Kỳ, nhưng chỉ sau khi đánh gục Anh và Liên Xô. Lúc ấy, với sự hỗ trợ của Ý và Nhật, ông ta sẽ xử lý Mỹ. Hitler tin rằng Mỹ khi bị cô lập và đơn độc sẽ dễ dàng gục ngã dưới sức mạnh của Phe Trục.
Nhật Bản là chìa khóa cho những nỗ lực của Hitler nhằm giữ Hoa Kỳ đứng ngoài vòng chiến cho đến ngày Đức sẵn sàng tiếp chiến. Nhật được xem là đối trọng với Mỹ để ngăn Mỹ can thiệp vào Châu Âu mà chống Đức. Khi tiếp xúc với Nhật, khởi đầu Hitler và Ribbentrop nhấn mạnh tầm quan trọng không nên khiêu khích Mỹ kẻo Mỹ từ bỏ chủ trương trung lập. Vào đầu năm 1941, họ thiết tha muốn kéo Nhật vào cuộc chiến, không phải để chống Mỹ, thậm chí không phải để chống Liên Xô, mà là chống Anh vì Anh không muốn chịu thua. Vì thế mà Đức thúc giục Nhật tấn công Singapore nhằm làm suy yếu Anh và trói chân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngày 4 tháng 4 năm 1941, trong lần hội kiến thứ hai với Matsuoka, Hitler cam kết với Nhật – một cách xuề xòa, dù không được yêu cầu:
Đức sẽ lập tức tham gia trong trường hợp có xung đột giữa Nhật và Mỹ.
Hitler sẽ trả giá đắt cho lời cam kết xuề xòa này.
Ngày 18 tháng 11, Ribbentrop nhận được yêu cầu của Nhật là hai nước nên ký một hiệp ước quy định không dàn xếp hòa bình riêng rẽ với kẻ thù chung. Ai là kẻ thù chung thì bên Nhật không nói rõ, nhưng vị Ngoại trưởng Quốc xã cứ nghĩ đó là Liên Xô. Ông đồng ý “trên nguyên tắc” đối với đề xuất, vì cảm thấy nhẹ nhõm khi ông tin tưởng rốt cuộc Nhật đồng ý sẽ đánh Liên Xô ở Siberia. Vừa đúng lúc, vì lẽ Nga đang phản công ngày một mạnh hơn và mùa đông Nga đang đến – sớm hơn nhiều so với dự trù. Nếu Nhật chịu tấn công Vladivostok và những tỉnh có hoạt động hàng hải phát triển ở Thái Bình Dương, họ sẽ tạo thêm sức ép để Liên Xô chóng sụp đổ.
Ngày 28 tháng 11, Hitler gọi điện cho Đại sứ Nhật tại Đức Oshima cho biết thái độ của Đức đối với Mỹ đã “cứng rắn hơn nhiều”. Hitler sẽ từ bỏ chính sách giữ cho Mỹ ở ngoài cuộc chiến. Ribbentrop nói rõ hơn:
Nếu Nhật lâm chiến với Hoa Kỳ, dĩ nhiên là Đức sẽ tham chiến lập tức. Hoàn toàn không có việc Đức đi đến thỏa thuận hòa bình riêng rẽ với Mỹ trong tình huống như thế.
Đây là câu trả lời dứt khoát mà Nhật đang trông chờ. Đúng là vào mùa xuân Hitler từng nói theo cách tương tự với Matsuoka, nhưng trong thời gian qua họ đã quên khi ông ta bực bội vì Nhật từ chối tham gia cuộc chiến chống Liên Xô.
Trận không kích của Nhật xuống Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 khiến cho Đức hoàn toàn bất ngờ.
Ngày hôm sau, Oshima yêu cầu Ribbentrop làm rõ quan điểm của Đức, và đòi hỏi Đức tuyên chiến chính thức với Mỹ “ngay lập tức”. Ông còn tỏ ẩn ý với Hitler là nếu Đức tham chiến với Mỹ thì Nhật có thể sẽ xóa Hiệp ước Bất Tương xâm ký với Liên Xô tháng 4 năm 1941. Điều lạ lùng là con người gian xảo và tinh ranh Hitler lại tin vào lời hứa miệng mơ hồ như vậy từ một đại sứ Nhật.
Tại Tòa án Nuremberg sau chiến tranh, Ribbentrop khai mình đã vạch ra với Hitler rằng Đức không nhất thiết phải tuyên chiến với Mỹ chiếu theo Hiệp ước Ba bên, bởi vì “Bản văn của Hiệp ước Ba bên bắt buộc chúng tôi phải hỗ trợ Nhật chỉ trong trường hợp Nhật bị tấn công”. Hiệp ước Ba bên được Đức, Ý và Nhật ký kết ngày 27 tháng 9 năm 1940, trong đó Điều 3 quy định sự hỗ tương nếu một trong ba nước bị nước khác tấn công. Ribbentrop vận dụng chính xác ngôn từ: Hiệp ước Ba bên quy định nghĩa vụ các bên trong trường hợp một bên bị tấn công, nhưng ở đây Nhật không bị tấn công nên Đức không cần thi hành nghĩa vụ gì cả.
Ribbentrop khai thêm rằng Hitler nghĩ hiển nhiên là Hoa Kỳ sẽ tuyên chiến với Đức, vì thế ông ta muốn tuyên chiến với Mỹ trước. Điều trái khoáy ở chỗ đó là quyết định mà Tổng thống Roosevelt đang chờ đợi. Chỉ trước đó nửa năm, cuộc điều tra của Viện Gallup vào tháng 5 năm 1941 cho thấy gần 80% người Mỹ được phỏng vấn tỏ ý chống Mỹ tham chiến. Sau vụ Trân Châu Cảng, dân Mỹ căm ghét Nhật nhưng Roosevelt biết rõ người Mỹ vẫn còn thờ ơ với Đức và Ý. Vì thế, ông chưa có đủ hậu thuẫn trong lòng nước Mỹ để đánh Đức.
Sau khi Mỹ tuyên chiến với Nhật, Đại biện Lâm thời Hans Thomsen của Đức tại Mỹ báo cáo về Berlin:
Việc ông ấy [Roosevelt] không hề đề cập đến Đức và Ý cho thấy trước tiên ông muốn tránh làm cho tình hình trên Đại Tây Dương thêm căng thẳng… Không biết chắc liệu Roosevelt sẽ yêu cầu tuyên chiến với Đức và Ý hay không. Theo quan điểm của các chỉ huy quân sự Mỹ, điều hợp lý là tránh mọi hành động dẫn đến chiến tranh hai mặt trận…
Shirer (1960) cũng cho biết vào lúc này Roosevelt có thể khó thuyết phục Quốc hội tuyên chiến với Đức. Dường như trong cả hai viện ở Quốc hội cũng như trong Lục quân và Hải quân, có ý kiến mạnh mẽ rằng nên tập trung nỗ lực để đánh bại Nhật và không nên cùng lúc thêm gánh nặng là giao tranh với Đức.
Thế mà Hitler thiếu khôn ngoan vận dụng dư luận Mỹ chống chiến tranh để có lợi cho Đức trong khi Roosevelt đang bị bó tay ít nhiều. Ngược lại, Hitler quá chán ngán với những lời lẽ Roosevelt chỉ trích ông ta và Quốc xã; ông hết kiên nhẫn do Hải quân Mỹ có hành động chống tàu ngầm Đức trên Đại Tây Dương, và vì việc này mà trong gần một năm nay Raeder (Thủy sư Đô đốc Tư lệnh Hải quân) cứ nài nỉ ông ta cho phép Hải quân Đức tấn công. Hitler có mối ác cảm càng ngày càng sâu sắc đối với nước Mỹ và người Mỹ. Và còn tệ hại hơn, càng ngày ông càng đánh giá thấp tiềm lực của Hoa Kỳ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả cực kỳ tai hại và lâu dài. Đồng thời, Hitler đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nhật. Có vẻ như ông tin rằng một khi người Nhật – với lực lượng Hải quân mà ông tin là mạnh nhất thế giới – đã đánh bại Anh và Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, họ có thể quay sang Liên Xô và giúp ông ta hoàn tất cuộc thôn tính lớn lao nhất ở phía Đông.
Trong bài diễn văn trước Nghị viện Đức ngày 11 tháng 12 năm 1941, nhằm biện luận cho việc tuyên chiến với Hoa Kỳ nhưng chủ yếu là dành cho việc công kích cá nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt, Hitler tố cáo ông này đã gây chiến nhằm che đậy thất bại của mình và gào thét rằng “chỉ duy nhất con người này”, được những nhà triệu phú và người Do Thái ủng hộ, “chịu trách nhiệm cho Thế chiến 2”. Hitler giận dữ trút ra mọi bất mãn đang chất chứa đối với người ngăn chặn ông ta thống trị thế giới, người liên tục mắng nhiếc ông ta, người viện trợ ồ ạt cho Anh vào lúc có vẻ như đảo quốc này sụp đổ.
Thế là, chỉ 5 ngày sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng, phớt lờ ý kiến của Ngoại trưởng Ribbentrop và phái bộ ngoại giao Đức tại Mỹ, Hitler chính thức tuyên chiến với Mỹ. Một số người cho rằng đây là lần thứ ba Hitler phạm sai lầm nghiêm trọng về chiến lược trong vòng 18 tháng, sau sai lầm tấn công Tây Âu tháng 5 năm 1940 và tấn công Liên Xô tháng 6 năm 1941.
Tóm lại, do nhận thức sai lầm về Mỹ yếu đuối và Nhật hùng mạnh, thêm ám ảnh cá nhân về người Do Thái ở Mỹ cùng nỗi bực tức cá nhân đối với Roosevelt mà Hitler tuyên chiến với Hoa Kỳ – là quốc gia duy nhất ông tuyên chiến trong suốt Thế chiến 2.
Theo Farley (2016) và Farley (2019), cả Đức và Mỹ đều nhận ra rằng cuối cùng hai nước sẽ đánh nhau, vấn đề là nước nào khai chiến trước để nước kia đỡ gánh nặng về tính chính danh. Hải quân Đức vẫn luôn thúc giục Hitler cho phép họ đánh phá các đoàn tàu chuyển vận của Đồng minh trên Đại Tây Dương. Vì thế, quyết định tuyên chiến của Hitler không hẳn chỉ do tính khí bốc đồng nhất thời, mà có tính toán nhằm có thể đánh tổng lực trên mặt biển hầu chặn đứng sự tiếp tế của Mỹ cho Anh. Nhưng làm như thế, Đức lâm vào một tình huống bất lợi khác. Nếu Hitler và Mussolini không tuyên chiến, Hải quân Đức vẫn có thể đánh phá tuyến đường biển tiếp tế trong khi Mỹ cũng sẽ không tuyên chiến hoặc tuyên chiến chậm hơn, Do đó, đáng lẽ cuộc đổ bộ của quân Mỹ lên Bắc Phi sẽ không xảy ra hoặc xảy ra chậm hơn, vì thế sức ép từ Mỹ lên Phe Trục sẽ đến chậm hơn. Mỹ cũng sẽ điều không quân chiến lược đánh phá Đức chậm hơn, từ đó Đức có thể dồn nguồn lực cho việc chế tạo nhanh hơn khu trục cơ phản lực và xăng phản lực. Chỉ với yếu tố này, cán cân quân sự có thể nghiêng trở lại bên Đức.
Ngược lại, lúc đầu Mỹ chưa trực tiếp tham chiến nhưng đóng góp đáng kể vào nỗ lực của Đồng minh. Lấy ví dụ, trong Thế chiến 2, Liên Xô nhận được từ Mỹ tổng cộng 15.000 máy bay, 7.000 xe tăng, trên 670.000 xe cơ giới các loại, gần 4,5 triệu tấn thực phẩm, v.v. Sự viện trợ này giúp nghiêng hẳn cán cân về phía Đồng minh mà đáng lẽ Mỹ khó thực hiện nếu Hitler không tuyên chiến. Chính Stalin nhìn nhận rằng đáng lẽ Nga đã thất trận nếu không nhờ tiềm lực sản xuất của Hoa Kỳ. (Henderson, 2001).
Shirer (1960) nhận xét rằng
Chỉ mới 6 tháng trước đối mặt với một mình nước Anh bị cô lập trong một cuộc chiến có vẻ như gần thắng lợi, bây giờ, với sự chọn lựa một cách cố ý, Adolf Hitler đang phải chống lại ba cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới mà sức mạnh quân sự phần lớn dựa trên tiềm lực kinh tế. Ba quốc gia thù nghịch cộng lại còn có ưu thế về dân số so với ba nước Phe Trục. Dường như vào ngày gần cuối năm 1941 định mệnh ấy, cả Hitler lẫn các tướng lĩnh và đô đốc của ông không cân nhắc tới những sự kiện này.
[…]
Với tình hình tồi tệ ở Liên Xô và Châu Phi nơi Rommel đang thoái lui, Hitler và các tướng lĩnh không còn đầu óc để nghĩ ngợi nhiều đến kẻ thù mới mà họ cho là bị trói tay ở Thái Bình Dương xa xôi. Chỉ một năm nữa họ mới nghĩ đến, trong năm định mệnh nhất của cuộc chiến, ở điểm ngoặt quan trọng. Lúc ấy, chẳng những kết quả của cuộc xung đột mà số phận của Đế chế Thứ Ba cũng sẽ được định đoạt. Điểm ngoặt này là cực kỳ quan trọng, bởi vì trong năm 1941 người Đức nghĩ rằng họ sắp thắng cuộc sau những thành tựu đầy kinh ngạc ban đầu khiến cho Hitler thật sự tin – và nói ra – rằng Đế chế sẽ phồn thịnh trong một nghìn năm.
Farley (2016) đưa ra những kịch bản nếu Hitler không tuyên chiến với Mỹ:
- Mỹ tiếp tục duy trì tuyến tiếp vận trên Đại Tây Dương với ưu thế ngày càng nghiêng về Đồng minh. Tình hình này vẫn thế cho dù Hitler tuyên chiến hay không.
- Mỹ có thể sẽ không can dự vào việc đổ bộ lên Bắc Phi. Điều này giúp Đức giữ uy thế ở Bắc Phi lâu dài hơn.
- Việc can dự vào không quân chiến lược phối hợp với Anh nhằm đánh bom các cơ sở quân sự và công nghiệp (nhất các nhà máy lọc dầu) sẽ diễn ra chậm hơn. Điều này sẽ giúp Đức phát triển nhanh hơn máy bay phản lực và xăng phản lực, tạo uy thế vượt trội so với không quân Mỹ–Anh.
Sai lầm Số 9A: Thiếu hiểu biết về văn hóa-xã hội nước Mỹ
Điều đáng ngạc nhiên là Hitler đọc rất nhiều sách và biết cách đọc (chính Hitler nêu ra nghệ thuật đọc sách là giữ lại phần thiết yếu, quên đi phần không thiết yếu) nhưng khi phát biểu lại cho thấy kiến thức cực kỳ thấp kém về văn hóa-xã hội nước Mỹ khi cho rằng xã hội Mỹ suy đồi, khinh miệt nước Mỹ là “gã khổng lồ có chân bằng đất sét”, hoặc “nhu nhược với cái miệng ồn ào”, “Tôi thấy người Mỹ không có tương lai, theo ý tôi đó là một xứ sở mục nát”, lại cho rằng Mỹ bị trói tay bởi các đạo luật giữ trung lập, sau trận Trân Châu Cảng Hitler zodn tuyên bố “Tôi không tin người Mỹ có thể chiến đấu như là một anh hùng”… (Weinberg, 1964)
Holzwarth (no date) nhận xét tương tự: Hitler cho rằng người Mỹ hèn yếu và suy đồi, chỉ muốn hưởng thụ chứ không làm việc chăm chỉ, không hăng hái nhận nghĩa vụ. Dưới cái nhìn của Hitler, dân Mỹ đã quá lai tạp đến mức hạ đẳng, không màng gì đến thời sự thế giới, và không muốn từ bỏ cuộc sống xa hoa để chiến đấu cho nước bạn. Hitler không hề nghĩ ra rằng người Mỹ có thể chiến đấu anh dũng không kém binh sĩ Đức.
Riêng Fisher (2011) có phân tích khúc chiết về suy nghĩ nước đôi của Hitler đối với Mỹ. Chỉ 2 tháng sau những công kích dữ dội khi tuyên chiến với Mỹ, Hitler ca ngợi Mỹ về những thành tựu trong nền công nghiệp và thừa nhận rằng Đức cần một thời gian mới theo kịp Mỹ. Hitler nói người Mỹ đã nêu gương về phương pháp sản xuất có hiệu năng đặc biệt trong các lĩnh vực khai thác than đá và sắt vốn là cơ sở cho nền công nghiệp hiện đại. Ông cũng nhắc đến thành tựu vượt bật của Mỹ trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là công nghiệp ô tô – ông xem Henry Ford là anh hùng trong thời đại công nghiệp. Nhưng Hitler có tư duy nước đôi về Mỹ. Có khi ông lớn tiếng chê bai Hoa Kỳ là đất nước hèn yếu, khi khác ông nói đó là quốc gia công nghiệp lớn lao cần noi gương. Trong khi hạ thấp nước Mỹ bằng ngôn từ độc địa, Hitler vẫn xem phim Mỹ (đặc biệt là loạt phim hoạt hình Mickey Mouse), xem những tranh ảnh về nước Mỹ.
Rốt cuộc, còn lại một yếu tố quan trọng khiến cho Hitler tuyên chiến với Mỹ: nỗi căm ghét cá nhân đối với Tổng thống Roosevelt, vốn làm lu mờ mọi lập luận và nhận định trong đầu óc của ông ta.
Sai lầm Số 9B: Không nhận ra tiềm lực kinh tế của Mỹ
Nhân vật quan trọng trong Phe Trục thấu hiểu tiềm lực kinh tế của Mỹ là Đô đốc Yamamoto (Tư lệnh Hạm đội Hỗn hợp của Hải quân Nhật), người đã sống nhiều năm ở Mỹ kể cả 2 năm làm Tùy viên Quân sự ở Đại sứ quán Nhật. Nhờ sự thấu hiểu như thế, ông luôn chống lại ý đồ hiếu chiến của nhóm quân phiệt lãnh đạo Lục quân, nhưng ý kiến của ông bị phớt lờ. Sau khi phải tham gia chiến tranh, ông nói Hải quân Nhật chỉ có thể tung hoành từ chiến thắng này đến chiến thắng khác trong 6 đến 12 tháng đầu, nhưng nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn sau đó thì ông không mong thắng lợi. Hải quân Nhật nhận thất bại nặng nề trong Trận Midway và tạo bước ngoặt quan trọng trên Thái Bình Dương, chỉ 6 tháng sau sự kiện Trân Châu Cảng.
Hitler và cả bộ sậu của ông không có nhận thức như Yamamoto trong khi đáng lẽ Đại sứ quán Đức ở Mỹ có thể cung cấp đánh giá xác thực về tiềm lực kinh tế của Mỹ thay vì chỉ lo chú tâm vào việc tuyên truyền thiếu tính thuyết phục và mua chuộc những thành phần phản chiến. Hậu quả là khi quân Mỹ chưa chiến đấu, vũ khí và hàng hậu cần Mỹ cũng đủ làm nghiêng cán cân thắng bại.
Lấy một ví dụ: nhờ tiềm lực kinh tế lớn lao, Mỹ có thể tăng công suất đóng máy bay từ dưới 3.000 chiếc trong năm 1939 đến 300.00 chiếc lúc kết thúc Thế chiến 2, tức trung bình 50.000 chiếc mỗi năm. Một ví dụ khác là việc đóng tàu hàng lớp Liberty. Do sử dụng các bộ phận tiền chế và áp dụng phương pháp sản xuất theo dây chuyền, tàu được sản xuất rất nhanh, trung bình 42 ngày mỗi chiếc (kỷ lục nhanh nhất chưa đến 5 ngày), phục vụ đắc lực trong Thế chiến 2. Với giá thành không tới 2 triệu USD và trọng tải 10.600 tấn, tàu lớp Liberty chỉ cần chở hàng thuê vài chuyến xuyên Đại Tây Dương là đủ để thu hồi vốn.
Mỹ còn thực hiện chương trình chi viện Land-Lease cho các nước Đồng minh với tổng giá trị lên đến thời giá 50 tỉ USD, kể cả 30.900 máy bay, 26,900 xe tăng, 637.000 xe cơ giới các loại, 1.800 tàu hàng và 1.400 tàu chiến từ vận tải hạm, tàu đổ bộ đến hàng không mẫu hạm, và hàng chục triệu tấn hàng hậu cần kể cả lương thực. Riêng Liên Xô nhận được 15 triệu tấn hàng hậu cần kể cả 427.00 xe tải, 15.000 cơ giới khác, 2.6 triệu tấn dầu, 2.000 đầu máy xe lear, 10.000 toa xe, cùng lượng lớn vũ khí, trang phục, nguyên liệu thô, và thực phẩm (Henderson, 2001). Qua chương trình Land-Lease, Mỹ đóng góp phần quan trọng cho chiến thắng chung cuộc.
Như William S. Knudsen (thành viên Ủy ban Cố vấn Quốc phòng của Roosevelt) nhận định:
Chúng ta chiến thắng bởi vì chúng ta làm cho địch thủ ngộp thở với hàng núi sản phẩm mà họ chưa từng thấy bao giờ, và cũng chưa từng tưởng tượng được có thể như thế.
Sai lầm Số 10: Không chiếm Trung Đông
Hitler phạm một sai lầm khác, cũng trọng đại không kém những sai lầm của ông hai năm trước. Theo sử gia Alexander (2007), sau khi Đức đánh thắng Pháp, Anh quốc chỉ có một sư đoàn thiết giáp để bảo vệ Ai Cập kể cả Kênh Zuez, còn Đức có 20 sư đoàn nhưng không sử dụng sư đoàn nào cả. Chỉ cần 4 sư đoàn thiết giáp thì đáng lẽ Đức đã có thể chiếm lấy Ai Cập, từ đó đạt được nhiều thắng lợi kế tiếp ở Trung Đông. Hoặc là Đức có thể thực hiện việc này 2 năm sau nhưng khó khăn hơn.
Theo Murphy (2018), chính Rommel là người nhận ra tầm quan trọng của xăng dầu đối với các đơn vị thiết giáp dưới quyền, khi vị tướng này viết: “Vào năm 1939, Ba Tư [Iran ngày nay] và Iraq gộp lại sản xuất mỗi năm 15 triệu tấn dầu so với 6,5 triệu tấn ở Romania.” Rommel vẫn luôn mong mỏi Hitler hỗ trợ để mình có đủ lực lượng thực hiện kế hoạch mà ông vạch ra như sau (được dùng làm hồ sơ tham khảo sau chiến tranh):
Đáng lẽ chúng ta đã có thể tiêu diệt quân Anh và việc này sẽ mở đường cho quân ta tiến đến Kênh Suez… Với cả bờ biển Địa Trung Hải trong tay chúng ta, hàng hầu cận có thể được vận chuyển đầy đủ đến Bắc Phi. Lúc đó ta có thể tiến quân đến Ba Tư và Iraq để cắt đứt đường vận chuyển dầu từ Basra [nguồn cung ứng dầu chính ở Liên Xô], chiếm lấy các giếng dầu và tạo thành căn cứ địa để đánh lên miền nam Liên Xô. Từ đó ta sẽ đạt những điều kiện đi đến thắng lợi ở vùng bình nguyên Liên Xô.
Đó là kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc vụ của Quân báo Đức xâm nhập Iraq ngay dưới mũi người Anh, lập mạng lưới gieo rắc bất đồng và hỗ trợ cựu thủ tướng Gaylani vốn là người theo chủ nghĩa quốc gia không muốn Iraq bị Đồng minh lợi dụng. Khi được bổ nhiệm thủ tướng lần nữa ngày 31 tháng 3 năm 1940, Gaylani không cho phép quân Đồng minh đi qua đất Iraq, và từ chối yêu cầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với phát xít Ý. Thủ đô Baghdad trở thành căn cứ địa đầu tiên của tình báo Đức ở Trung Đông trong Thế chiến 2. Nhờ tình báo Đức lập kế hoạch và quân Đức hỗ trợ mà một số tướng lĩnh Iraq làm đảo chính ngày 01 tháng 4 năm 1941, đưa Gaylani lên làm thủ tướng lần thứ ba. Đối với Rommel, đây là lúc ước vọng của ông có thể trở thành hiện thực.
Vì lẽ Iraq nằm trên đường vận chuyển của nguyên liệu từ thuộc địa Ấn Độ, Thủ tướng Anh Churchill ra lệnh cho quân Anh tiến đánh Iraq. Thiếu sự quan tâm hỗ trợ của Hitler, quân Anh đuổi Rashid Ali trốn chạy khỏi Iraq.
Đức còn một cơ hội khác. Trước khi mũi tiến công Caucasus và Stalingrad diễn ra ở Liên Xô năm 1942, Đức giành được một chiến thắng vang dội ở Bắc Phi. Đại tướng Rommel chỉ huy Binh đoàn Châu Phi của Đức cùng 8 sư đoàn Ý tiến đánh thần tốc, đẩy lùi quân Anh về biên giới Ai Cập. Ngày 21 tháng 6 năm 1942, Rommel chiếm được Tobruk, điểm mấu chốt cho sự phòng thủ của Anh. Đến cuối tháng 6, ông tiến đến El Alamein, cách Thành phố Alexandria 100 km. Nhiều chính khách phe Đồng minh nhìn vào bản đồ và thấy xem chừng không gì có thể ngăn chặn được Rommel giáng cho Anh một đòn chí tử bằng cách chiếm lấy Ai Cập, từ đây nếu được tăng viện ông sẽ đánh lên hướng đông-bắc để chiếm những mỏ dầu vùng Trung Đông rồi tiến đến Caucasus để bắt tay với quân Đức ở Liên Xô tiến xuống từ hướng bắc.
Lúc này là một trong những thời khắc đen tối nhất của phe Đồng minh và là một trong những giai đoạn sáng chói nhất cho Phe Trục. Nhưng may mắn cho Đồng minh, Hitler phớt lờ ý tưởng của Rommel.
Shirer (1960) cho rằng Hitler không bao giờ hiểu được chiến tranh toàn cầu nên không biết khai thác chiến công của Rommel. Lãnh tụ ban cho vị tướng Rommel đầy mưu lược cây gậy thống chế nhưng không gửi hàng hậu cần hoặc quân tăng viện để thôn tính Ai Cập.
Chìa khóa của việc thôn tính này là hòn đảo nhỏ Malta, nằm trên Địa Trung Hải giữa Sicily và những căn cứ của Phe Trục ở Libya. Chính từ pháo đài này mà Không lực và Hải quân Anh làm mưa làm gió trên những tuyến hàng hải mà Đức và Ý vận chuyển hàng hậu cần đến Bắc Phi. Trong tháng 8 năm 1941, hơn một phần ba số hàng hậu cần và tăng viện cho Rommel bị đánh chìm; tháng 10, hai phần ba.
Muộn còn hơn không, Đức điều vài tàu ngầm từ Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải, và thêm vài phi đội cho các căn cứ ở Sicily. Đến cuối năm 1941, Anh bị mất 3 thiết giáp hạm, 1 hàng không mẫu hạm, 2 tuần dương hạm, vài khu trục hạm và tàu ngầm, phần còn lại của hạm đội phải lùi về những căn cứ ở Ai Cập. Máy bay Đức bắn phá Malta cả ngày lẫn đêm, kéo dài trong nhiều tuần. Nhờ thế, hàng hậu cần của Phe Trục được chuyển qua – trong tháng 1 năm 1942 không một tấn hàng nào bị mất – và Rommel có thể tăng cường lực lượng dưới quyền để chuẩn bị đánh một trận lớn ở Ai Cập.
Tháng 3 năm 1942, Hải quân Đức khuyến dụ Hitler chấp thuận cả hai kế hoạch cho Rommel tiến đến Sông Nile và cho quân nhảy dù chiếm lấy Malta lúc này được phòng thủ yếu. Nhưng ngày 15 tháng 6 Hitler ra lệnh hoãn lại đợt tấn công Malta. Ông nói cứ giữ cho Malta im tiếng bằng cách tiếp tục ném bom.
Nhưng Malta không chịu im tiếng. Khi bỏ ý định triệt phá hoặc chiếm lấy Malta, Đức phải trả một giá đắt. Ngày 16 tháng 6, một hạm đội hùng hậu của Anh đi đến Malta. Dù Anh mất vài thiết giáp hạm và vận tải hạm, họ vẫn có thể tái lập những hoạt động quân sự từ Malta. Khu trục cơ của Anh cất cánh từ hàng không mẫu hạm Wasp của Mỹ bắn tan tác oanh tạc cơ của Đức. Rommel chịu hậu quả kế tiếp. Từ lúc này, ba phần tư vận tải hạm chuyên chở hàng hậu cần cho ông bị đánh đắm.
Rommel đã tiến đến El Alamein nhưng ghi vào nhật ký ngày 3 tháng 7 năm 1942: “Sức mạnh của ta đã mờ nhạt.” Và đấy chính là lúc quân Đức nhìn thấy những kim tự tháp ở chân trời, và tiếp theo sau – chiến lợi phẩm vĩ đại là Ai Cập và Kênh đào Suez! Đức mất một cơ hội quý báu, một trong những cơ hội cuối cùng cho Hitler.
Thủ tướng Anh Churchill từng thông báo cho Tổng thống Mỹ Roosevelt: “Nếu mất Egypt, tiến trình chiến tranh sẽ kéo dài, khó khăn và ảm đạm”.
Cần một thời gian Hitler mới nhìn ra sự việc mà đối với Churchill là rõ ràng. Nhưng ông nói sẽ tham thảo với lãnh đạo Ý Mussolini, lãnh đạo Pháp thân Đức Pétain và lãnh đạo Tây Ban Nha Franco, trong khi ông chỉ cần thúc đẩy Mussolini là có thể tiến hành, và rồi cuối cùng chẳng tiến hành gì cả.
Alexander (2007) phân tích bối cảnh liên quan đến vị trí của Ai Cập. Tác giả cho rằng thay vì đánh trực diện, Đức có thể thắng Liên Xô một cách gián tiếp qua đường Châu Phi. Đại tướng cấp Cao Jodl (Tham mưu phó Hành quân của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực), Thủy sư Đô đốc Raeder (Tư lệnh Hải quân) và Đại tướng Rommel (Tư lệnh Binh đoàn Châu Phi) nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Ai Cập, nhưng nhà độc tài Hitler chỉ chăm chăm nhắm đến Liên Xô. Ông không nhận ra rằng Đức đáng lẽ có thể dễ dàng chiếm được Ai Cập rồi hưởng ngay nguồn tài nguyên dầu hỏa nhằm phục vụ nỗ lực chiến tranh với chiến phí quá hời. Chỉ vì Hitler ám ảnh với việc tìm không gian sinh sống (lebensraum) ở phía Đông, trong khi các tướng lĩnh tuân phục theo chính sách này nhưng Hitler không vạch ra rằng nếu chiếm được Ai Cập rồi thì chiến cuộc ở Châu Âu sẽ thuận lợi hơn.
Đó là bởi vì khi Phe Trục đã chiếm Ai Cập có Kênh Suez, họ sẽ kiểm soát đầu đông Địa Trung Hải, Anh quốc sẽ bị tê liệt về mặt chiến lược bởi vì tuyến hàng hải nối Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ bị cắt đứt, phải đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi mất thời giờ và nhiên liệu cho 7.000 km. Nhờ đó, quân Đức từ Ai Cập có thể tiến qua miền bắc Syria và Iraq, cũng từ Hungary, Romania và Bulgaria (đã nằm dưới sự kiểm soát của Đức) tiến xuống Istanbul. Bị uy hiếp hai mặt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu quy phục Đức và tạo ra hành lang tiếp vận cho quân Đức giữa Châu Âu và Châu Phi.
Từ đó, Đảo Malta không còn quan trọng trong việc kiểm soát tuyến hàng hải trên Địa Trung Hải, quân Đức (được tiếp vận đầy đủ qua Thổ Nhĩ Kỳ) có thể kiểm soát thêm bờ bắc Morocco thuộc Pháp dọc Eo biển Gibraltar thuộc quyền Tây Ban Nha. Nhưng Tây Ban Nha không dám chống đối vì sợ Đức đánh xuống từ Pháp. Đức khóa chặt Eo biển Gibraltar xong, Anh phải từ bỏ Đảo Malta bởi vì không còn đường đi đến nơi này. Địa Trung Hải sẽ trở thành ao nhà của Phe Trục, và họ có thể chiếm Dakar ở Senegal có căn cứ không quân và hải cảng. Máy bay và hạm đội Đức xuất phát từ Dakar có thể khống chế tuyến tiếp vận hàng hải trên Đại Tây Dương, khiến cho Anh quốc càng thêm khốn đốn rồi đi đến chiến bại.
Ở vùng Trung Đông, Đức càng có vị thế mạnh thêm nhờ kiểm soát được nguồn dầu (tuy lúc đó có sản lượng thấp hơn Caucasus) và vị trí chiến lược ở Trung Đông bởi vì Anh không có lực lượng đáng kể nào ở đây. Quân Đức ở Iran có thể khoá chặt đường tiếp vận của Mỹ cho Liên Xô, còn Hải quân và Không quân Đức xuất phát từ Na Uy có thể kiểm soát đường tiếp vận cho Liên Xô trên Biển Barents và Biển Bắc.
Quan trọng hơn, quân Đức xuất phát từ miền bắc Iran có thể kiểm soát nguồn dầu hỏa của Liên Xô ở Caucasus, cũng như có thể nhận thêm thiếc, cao su và những hàng hóa khác từ Đông Nam Á qua tuyến đường xe lửa Xuyên Siberia.
Tóm lại, khởi đi từ Ai Cập, Đức nắm được Trung Đông, Bắc Phi và Tây Phi, chiếm được vị thế chiến lược về kinh tế và quân sự rồi đi đến bất khả chiến bại trong khi Anh quốc sẽ lụi tàn. Lúc ấy, Mỹ khó tiếp vận Liên Xô, vực dậy Anh càng khó thêm, vì thiếu chân đứng ở Châu Phi nên cơ hội phản công ở Châu Âu càng mong manh.
Lý do cốt lõi đúng như Hitler giải thích khi không tăng viện cho chiến trường Địa Trung Hải: Đức không dư thừa đơn vị Lục quân hoặc Không quân nào ở mặt trận Liên Xô để điều đi nơi khác. Đó là Sai lầm Số 7 nêu trên: Thiếu nguồn lực.
Sai lầm Số 11 (?): Thiếu quan tâm đến hải quân
Sai lầm này liên quan đến Sai lầm Số 10: Không chiếm Trung Đông
Một số sử gia cho rằng Hitler khởi động Thế chiến 2 khi Quân đội Đức chưa sẵn sàng, đặc biệt là Hải quân. Nếu Hải quân Đức đủ mạnh đồng thời Không quân Đức không phạm sai lầm 3, đáng lẽ Đức đã có thể tiến hành Chiến dịch Sea Lion (Sư tử Biển) đổ bộ lên đất Anh, do đó đáng lẽ Hitler đã có thể đạt chiến thắng trọn vẹn trước Anh quốc.
Hải quân Đức không bao giờ được Hitler quan tâm và hỗ trợ đúng mức bởi vì ông chỉ chú trọng đến Lục quân. Vốn chỉ là hạ sĩ bộ binh trong Thế chiến 1, Hitler không có tầm nhìn về chiến tranh trên biển cả. Vì thế mà ông phạm một số sai lầm liên quan đến chiến lược hải quân. (Alexander, 2007; Dvorsky, 2014; Holzwarth, no date; Morris, 2017)
Sai lầm Số 11A: Không xây dựng hạm đội mạnh trên mặt biển
Vào đầu năm 1939, Hitler chấp thuận Kế hoạch Z nhằm xây dựng 10 thiết giáp hạm (kể cả siêu thiết giáp hạm với đại bác khổng lồ có tầm bắn vượt trội so với hạm đội phương Tây) và 4 hàng không mẫu hạm, được hỗ trợ bởi nhiều tuần dương hạm tầm xa và một hạm đội tàu ngầm. Chương trình dự kiến hoàn tất vào năm 1948. Tuy vậy, cho đến tháng 9 năm năm 1939 khi Thế chiến 2 bùng nổ, Kế hoạch Z vẫn không được thi hành. Đức chỉ hoàn tất một số tàu đã được lệnh thi công trước đó – ví dụ như chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới thời bấy giờ là Bismarck.
Ngày 11 tháng 7 năm 1940, Hitler ra lệnh tiếp tục chương trình đóng hạm đội, song song với việc xây dựng quân cảng và tiến tới việc kiểm soát Eo biển Gibraltar – với điều kiện Đức có thể quy phục Tây Ban Nha dưới quyền nhà độc tài Franco. Từ đó Đức có thể phát triển các căn cứ không quân và hải quân ở các vùng tây-bắc Châu Phi đang thuộc Pháp và Tây Ban Nha, cũng như các hòn đảo thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên Đại Tây Dương. Những viễn tượng màu hồng này không thành hiện thực. Franco có tư tưởng quốc gia nên chỉ muốn hợp tác hạn chế chứ không chịu đánh mất chủ quyền vì Hitler. Đến khi nhu cầu vũ khí tăng cao vào mùa thu 1940 khi chuẩn bị đánh Liên Xô, chương trình xây dựng hạm đội bị đình hoãn lần nữa. (Weinberg, 1992) Tức là Hitler không phải thiếu tầm nhìn về hải quân biển xanh như một số sử gia phê phán, chỉ vì nguồn lực của Đức chỉ có hạn.
Nếu Hitler thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Z đến hoàn thiện, tiêu diệt quân Đồng minh ở Dunquerque và không phạm sai lầm trong trận chiến trên bầu trời Anh quốc, đáng lẽ Đức đã có thể làm chủ Đại Tây Dương, ngăn chặn hữu hiệu đoàn tàu tiếp vận của Đồng minh, và đổ bộ thành công lên đất Anh. (Holzwarth, no date)
Đức không có tàu đổ bộ, nên khi chuẩn bị cho Chiến dịch Sư tử Biến để đổ bộ lên đất Anh, Đức phải huy động xà lan vốn cần có tàu kéo hoặc được gắn động cơ một cách chắp vá. Công nghệ xưa cũ như thế phát huy tác dụng kém.
Sai lầm Số 11B: Thiếu phát triển lực lượng tàu ngầm
Henderson (2001) cho rằng Hitler phạm sai lầm trọng đại khi dồn ưu tiên phát triển Lục quân và Không quân mà thiếu quan tâm đến Hải quân, khiến cho đến lúc Đức cần thêm tàu ngầm nhằm đảm bảo thắng lợi trên Đại Tây Dương thì bị hụt hơi.
Vào năm 1917 của Thế chiến 1 khi bộ binh Đức bị chặn đứng, tàu ngầm Đức gần đánh gục được Anh quốc. Hitler không lĩnh hội bài học đó. Trong Thế chiến 2, lực lượng tàu ngầm Đức luôn có ưu tiên thứ yếu so với Lục quân và Không quân. Tuy vậy, lúc đầu tàu ngầm Đức là nỗi sợ hãi cho Đồng minh. Đỉnh điểm là vào năm 1942, trên Đại Tây Dương, tàu ngầm Đức mỗi tháng đánh chìm 700.000 tấn tải trọng tàu Anh-Mỹ – mà năng suất tổng cộng của những xưởng đóng tàu tất bật ở Mỹ, Canada và Anh vẫn không bù đắp kịp. Trận chiến trên Đại Tây Dương chủ yếu do tàu ngầm phụ trách. Sau khi Đức mất hai chiếc thiết giáp hạm Graf Spee và Bismarck, Hitler ra lệnh giữ các tàu mặt nước trong quân cảng, không muốn hạm đội nhận thêm thất bại kẻo tinh thần quân Đức bị suy sụp. Nếu trước khi đánh Tây Âu, Hitler phát triển hạm đội hùng mạnh trên mặt nước hỗ trợ cho tàu ngầm – đặc biệt khi được Hải quân Ý và tiếp nhận hạm đội Pháp – thì đáng lẽ Đức đã có thể giành kết quả thuận lợi hơn trên Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Doenitz (1946) cho biết việc xây dựng các kiểu tàu ngầm mới như Walter and kiểu XXI bị trì hoãn để dồn ưu tiên cho Lục quân và Không quân.
Nhưng từ đầu năm 1943, Đồng minh bắt đầu lật ngược thế cờ đối với tàu ngầm Đức, sau khi cải tiến kỹ thuật sử dụng máy bay tầm xa cùng tàu sân bay và, trên hết, trang bị radar cho tàu trên mặt nước để phát hiện tàu ngầm địch từ xa. Tân Tư lệnh Hải quân Doenitz ban đầu nghi có nội gián vì nhiều tàu ngầm Đức bị phục kích và tiêu diệt ngay cả trước khi có cơ hội tiếp cận đoàn tàu tiếp tế của Đồng minh. Chẳng bao lâu, ông nhận ra rằng không phải nội gián, mà chính radar là nguyên do gây ra những tổn hại nặng nề cho tàu ngầm Đức. Một yếu tố quan trọng khác mà Đức không biết là Anh đã phá được mật mã Enigma của Đức, giúp họ biết rõ đường đi nước bước bên Đức. Trong ba tháng 2, 3 và 4 năm 1943 Đức mất 50 tàu ngầm, nhưng chỉ riêng tháng 5, có 37 tàu ngầm bị đánh đắm. Với tốc độ này, Hải quân Đức không thể hồi phục, và đến cuối tháng 5, Doenitz tự ý rút tất cả tàu ngầm khỏi Đại Tây Dương.
Tàu ngầm Đức quay lại Đại Tây Dương vào tháng 9, nhưng trong bốn tháng còn lại trong năm 1943, Đức bị mất thêm 64 chiếc và chỉ đánh đắm được 67 tàu Đồng minh – một tỉ lệ cho thấy sự cáo chung của chiến tranh tàu ngầm và quyết định kết quả trận chiến trên Đại Tây Dương.
Ngày 12 tháng 11, Doenitz ghi lại trong nhật ký:
Địch có sẵn mọi con bài chiến thắng, bao trùm tất cả vùng biển bằng máy bay do thám tầm xa và sử dụng những phương pháp mà ta không có phương tiện cảnh báo… Địch biết tất cả bí mật của ta, còn ta không biết gì về địch…
Sau chiến tranh, Doenitz (1946), cựu Thủy sư Đô đốc Tư lệnh lực lượng tàu ngầm từ 1939, Tư lệnh Hải quân Đức từ 1943 và Thủ tướng được Hitler chỉ định năm 1945, soạn một báo cáo cho Hải quân Mỹ, phân tích những vấn nạn mà Hải quân Đức đối đầu trong chiến tranh. Doenitz nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sức mạnh trên biển cả mà Hitler không nhận ra. Chiến thuật “đoàn sói” của tàu ngầm do Doenitz phát triển cần sự trinh sát bằng máy bay nhưng Hải quân Đức không có lực lượng không quân cho riêng họ, nên hoàn toàn dựa vào quân chủng không quân vốn có tầm nhìn và ưu tiên khác biệt. Quá yếu kém về hải quân, Đức đành bỏ dỡ ý định đánh qua Biển Manche để đổ bộ lên đất Anh.
Tarantino (2018) cho rằng Đức đã không quan tâm thúc đẩy việc hoàn thiện và sản xuất đủ số lượng tàu ngầm thế hệ mới Type XXI. Loại tàu ngầm này chạy bằng diesel-điện, có thể hoạt động chủ yếu dưới nước (thay cho kiểu cũ phải thường xuyên nổi lên), đạt vận tốc nhanh hơn dưới nước và tạo tiếng ồn thấp hơn. Tàu ngầm Type XXI có công nghệ đi trước thời đại đến nỗi sau chiến tranh các nước Anh, Mỹ, Nga và Thụy Điển thiết kế tàu ngầm của họ dựa trên công nghệ này. Nếu đủ số lượng tàu ngầm Type XXI được tung ra đánh phá tuyến hải vận của Đồng minh trên Đại Tây Dương thì Anh sẽ khốn đốn thêm và chiến dịch đổ bộ lên Normandie tháng 6 năm 1944 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sai lầm Số 11C: Không sử dụng hạm đội Pháp
Khi quân Đức đánh nước Pháp, phần lớn Hạm đội Địa Trung Hải của Pháp neo đậu ở Toulon. Một số tàu của hạm đội này thuộc loại hiện đại nhất Châu Âu thời bấy giờ. Hiệp ước ngừng bắn giữa Đức và chính phủ Vichy quy định hạm đội Pháp phải được giữ ở quân cảng Pháp. Căn cứ hải quân Toulon được bảo vệ mạnh mẽ chống lại không kích và luôn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Vichy. Hitler không phải là nhà chiến lược hải quân và chỉ đánh giá cao những chiến công của tàu ngầm, thế nên suốt hai năm ông vẫn không để mắt tới hạm đội Pháp.
Chỉ đến năm 1942, khi Đức và Ý muốn chiếm lãnh thổ của chính phủ Vichy, Đức mới quyết định thu lấy hạm đội Pháp. Biết được điều này, bên Pháp đánh chìm hạm đội. Ba thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm và 67 tàu các loại khác bị phá hủy để tránh rơi vào tay Đức. (Holzwarth, no date)
Suy cho cùng, bởi vì Hitler thiếu quan tâm đến sự phát triển hải quân, sau khi đánh thắng Pháp, Đức vẫn không có đủ nhân lực để tiếp nhận và sử dụng hạm đội Pháp. Hai năm sau, Đức muốn tiếp nhận hạm đội này nhưng thiếu kế hoạch chi ly và khôn khéo.
Đúc kết
Tuy việc Hitler thiếu quan tâm tới hải quân thường được cho là một trong những sai lầm, còn có một số yếu tố khác:
- Đức thiếu tiềm năng để phát triển mạnh đồng đều hải, lục, không quân. Vì thế mà, nói ví dụ, Lục quân thiếu phương tiện đổ bộ và Không quân thiếu oanh tạc cơ hạng nặng tầm xa, và bản thân Đức không thể chế tạo cảng biển nhân tạo. Nếu quan tâm hơn đến hải quân thì nguồn lực dành cho hai quân chủng kia bị cắt giảm, rốt cuộc yếu kém không ở mặt này thì ở mặt khác.
- Dù nỗ lực đến đâu chăng nữa thì sản lượng công nghiệp quân sự của Đức không thể nào bì kịp sản lượng ba nước Mỹ, Canada và Anh cộng lại.
- Đồng minh vượt trội về kỹ thuật radar và phá mật mã, nhất là do công trình của nhà toán học Anh Alan Turing (được cho là cha đẻ của ngành khoa học điện toán) giúp phá mật mã Enigma của tàu ngầm Đức. Nhiều sử gia đánh giá đây là đòn chí tử khiến Đức bại trận trên Đại Tây Dương.
Vì thế, Sai lầm Số 11 nên được xem chỉ có ý nghĩa tương đối.
Điều cơ bản ở chỗ, trong bài diễn văn ngày 21 tháng 5 năm 1935, Hitler tuyên bố sẵn sàng giới hạn Hải quân Đức mới ở mức 35% tổng tải trọng lực lượng Hải quân Anh, và ông thêm, như thế vẫn còn khiến cho Hải quân Đức 15% thấp hơn so với tổng tải trọng của Hải quân Pháp. Hitler muốn vi phạm Hòa ước Versailles giới hạn sức mạnh quân sự của Đức nhưng lại dùng ngôn từ xảo quyệt để lừa dối phương Tây. Đồng ý cho Hitler gây dựng Hải quân bằng 1/3 Hải quân Anh tức là cho phép Đức tự do đóng tàu cho hạm đội càng nhanh càng tốt theo khả năng có thể – ngang bằng khả năng huy động tối đa các xưởng đóng tàu và nhà máy thép trong 10 năm. Vì thế, đây không phải là thiện chí giới hạn tái vũ trang của Đức mà là tham vọng bành trướng Hải quân nhanh chóng theo khả năng của Đức – và khả năng của Đức chỉ đến thế. (Shirer, 1960)
Sai lầm Số 12: Sai lầm trong chiến dịch đánh Liên Xô năm 1942
Tình hình năm 1942 diễn ra theo quy mô hạn hẹp hơn năm trước, nhưng mục tiêu chính vẫn là dầu.
Ngày 5 tháng 4 năm 1942, Hitler ban hành kế hoạch là Tập đoàn quân Trung tâm đánh chiếm Leningrad để bắt tay với quân Phần Lan, còn Tập đoàn quân Nam đánh Caucasus – mỗi lần một mục tiêu. Chỉ thị không nói gì đến Moskva. Khởi đầu, mọi nguồn lực sẽ được huy động nhằm hành quân ở miền nam, với mục đích tiêu diệt quân tiền tiêu của Nga ở Sông Don rồi nhắm đến Caucasus. Chỉ thị cũng yêu cầu chiếm Bán đảo Kerch (nằm ở cực đông của Crimea) rồi đánh đến Sevastopol nhằm triệt hạ oanh tạc cơ Nga đang đe dọa những mỏ dầu ở Rumania. (Hayward, 1995)
Ngày 1 tháng 6 năm 1942, bốn tuần trước khi khởi động chiến dịch mới, Hitler tuyên bố với các tướng lĩnh chỉ huy Tập đoàn quân Nam: “Nếu không chiếm được dầu ở Maikop và Grozny thì tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến”. Ông có nhận định đúng đắn, nhưng lại tiết lộ quá rõ ràng cho đối thủ chứ không biết cách nghi binh tức dương đông kích tây. Theo đó, Hitler mong quân Đức sẽ (1) cắt đứt tuyến đường sắt tiếp vận bắc-nam đi từ các vùng dầu và công nghiệp đến Moskva, và (2) phong tỏa Sông Volga, là tuyến vận chuyển dầu và vũ khí, mà Stalingrad là trung tâm. Đó là kế hoạch đúng đắn mà nếu thành công, Liên Xô sẽ sụp đổ.
Vấn đề ở chỗ: vào cuối mùa hè 1942, có vẻ như Hitler một lần nữa vươn lên đến đỉnh cao của thế giới, khiến cho ông ta lại tự tin hão và xem thường đối thủ. Nếu nhìn vào bản đồ, những lãnh thổ mà Hitler thôn tính được cho đến tháng 9 năm 1942 thật là rộng lớn. Địa Trung Hải xem như là ao vườn của Phe Trục, khi Đức và Ý chiếm đóng hầu hết bờ biển bắc từ Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỳ, còn Ý chiếm hầu hết bờ biển nam từ Tunisia cho đến vị trí cách Sông Nile chưa đến 100 km. Quân Đức bây giờ trấn giữ từ cực Bắc của Na Uy trên Bắc Băng Dương cho đến Ai Cập theo trục bắc-nam, từ Đại Tây Dương ở Brest cho đến vùng nam Sông Volga cạnh Trung Á theo trục tây-đông. Vào thời gian này, Đức đã thôn tính khoảng 90% diện tích Tây Âu, chỉ trừ Thụy Điển, Vương quốc Anh, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nhà và Thụy Sĩ; còn ở Bắc Phi, Đức đang chiếm đóng Tunisia, Lybia và một phần Ai Cập.
Tuy vậy, mọi vẻ bề ngoài tốt đẹp đều che giấu sự thật bên trong. Hầu hết tất cả tướng lĩnh trên chiến trường cũng như sĩ quan tham mưu đều nhận thấy những khuyết điểm trong hình ảnh tươi đẹp ấy. Đơn giản là quân Đức không có đủ nguồn lực – quân số hoặc pháo, thiết giáp, máy bay hoặc phương tiện vận chuyển – để tiến đến những mục tiêu mà Hitler luôn thúc giục. (Shirer, 1960; The History Place, 2010)
Ngày 28 tháng 6, chiến dịch đánh Nga khởi sự trên chiến tuyến rộng chưa đến 560 km. Chẳng bao lâu, mặt trận cho thấy nguy cơ ngày càng tồi tệ đối với quân Đức, khi mà Hồng quân đang nỗ lực phản công trong vùng Caucasus và Thành phố Stalingrad, trong khi những trận mưa mùa thu đang đến. Sườn bắc của Đại Quân đoàn Thứ Sáu bị lộ ra một cách nguy hiểm dọc phòng tuyến Sông Don kéo dài hơn 560 km từ Stalingrad đến Voronezh. Dọc phòng tuyến này, Hitler bố trí bốn đại quân đoàn của quân chư hầu: Đại Quân đoàn Thứ Hai của Hungary hướng nam Voronezh, Đại Quân đoàn Thứ Tám của Ý xa hơn về hướng đông-nam, Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania hướng tây-bắc Stalingrad, và Đại Quân đoàn Thứ Tư của Rumania hướng tây-nam Stalingrad. Ngoài năng lực tác chiến đáng ngờ, tất cả các đại quân đoàn này đều thiếu trang bị, thiếu hỏa lực thiết giáp và đại pháo, thiếu cả phương tiện vận chuyển. Thêm nữa, họ phải dàn mỏng trên phòng tuyến quá rộng bởi vì mỗi đại quân đoàn có quân số chỉ tương đương với một quân đoàn của Đức.
Nhưng Hitler chỉ có thể huy động quân chư hầu đến thế. Quân Đức không có đủ cơ số để trám vào những lỗ hổng. Và vì Hitler tin rằng đã “xử lý xong” Liên Xô như đã nói với Halder, ông không lo lắng về phòng tuyến rộng và sơ hở như thế dọc Sông Don. Nhưng chính phòng tuyến này là mấu chốt cho cả Đại Quân đoàn Thứ Sáu cùng Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp ở Stalingrad cũng như Tập đoàn quân A ở Caucasus. Nếu sườn Sông Don bị xuyên thủng, các lực lượng Đức ở Stalingrad sẽ bị bao vây và quân Đức ở Caucasus sẽ bị cắt đứt đường tiếp vận hoặc đường về. Một lần nữa, nhà độc tài Quốc xã lại đánh ván bài liều. Đây không phải là ván bài liều đầu tiên trong chiến dịch mùa hè năm 1942.
Vào lúc chiến dịch lên đến đỉnh điểm, Hitler đánh ván bài liều khác. Quân Liên Xô đang rút lui toàn bộ giữa Sông Donetsk và thượng lưu Sông Don. Cần phải ra quyết định. Liệu quân Đức có nên tập trung tấn công Stalingrad và khóa chặt Sông Don, hay nên hướng mũi tấn công xuống Caucasus để đoạt lấy nguồn dầu hỏa của Nga? Thoạt đầu, mùi dầu hỏa tỏ ra hấp dẫn Hitler hơn, ông ta ngày càng nóng vội để chiếm những mỏ dầu ở Caucasia. Sự nóng vội này dẫn đến những thay đổi tai hại trong kế hoạch hành quân. Phần giữa của chiến dịch là một mũi tiến nhanh của Đại Quân đoàn Thứ Sáu và Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp về phía Stalingrad nhằm cắt đôi các đơn vị của Timochenko và chuẩn bị một cuộc tấn công về phía Rostov rồi vùng Caucasus. Nhưng Hitler bắt cả hai bước phải tiến hành cùng lúc, và đó là chủ trương cực kỳ tệ hại.
Nhằm thúc đẩy cuộc tiến công vào Caucasus, mũi tấn công về phía Stalingrad bị cắt hẳn Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Hoth và Quân đoàn 40 của Đại Quân đoàn Thứ Sáu. Bock hoàn toàn không đồng ý và rất tức giận khi thấy ý của mình không được Hitler nghe. Biết sự bất đồng của Bock, ngày 13 tháng 7 Hitler cách chức ông ta và cắt Tập đoàn quân Nam thành hai tập đoàn quân. Thống chế List chỉ huy Tập đoàn quân A tiến về Caucasus, còn Thống chế Nam tước Weichs chỉ huy Tập đoàn quân B với Đại Quân đoàn Thứ Sáu là mũi nhọn tiến về Stalingrad. Hitler thay đổi không chỉ những đơn vị tham gia mà còn cả nhịp độ của chiến dịch làm cho nó mất hết tất cả lô-gíc ban đầu. (Beevor, 1999)
Nhiều người vẫn nghĩ Trận Stalingrad trở nên khốc liệt chỉ vì cái tên của nó: Hitler muốn hạ nhục Stalin nên muốn chiếm thành phố mang tên đối thủ, còn Stalin vì muốn bảo vệ danh dự cá nhân nên nhất quyết muốn giữ lấy thành phố mang tên mình. Thật ra, Stalingrad có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với cả Đức và Nga chứ không hời hợt như thế. Thế nên cuối cùng, Trận Stalingrad là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới, với con số thương vong lên đến hơn 2 triệu người, bước đầu làm xoay chuyển cục diện trong Thế chiến 2, và rốt cuộc tạo một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới vào thế kỷ XX (Wikipedia_Trận Stalingrad).
Luis (2019) cho rằng cách duy nhất Đức có thể thắng Liên Xô là chặn đường vận chuyển dầu từ Caucasus. Để đạt được mục đích này, quân Đức cần chiếm lấy Stalingrad bởi vì thành phố này là điểm kết nối quan trọng trên đường vận chuyển dầu từ miền nam đi lên Sông Volga và tỏa đi các miền của Liên Xô. Nói cách khác, chiếm được Stalingrad sẽ cắt đứt được đường vận chuyển hầu hết lượng dầu cung cấp cho Liên Xô. Hơn nữa, chiếm được Stalingrad cũng sẽ cắt đứt được đường vận chuyển hàng hậu cần và vũ khí do Mỹ viện trợ được đưa lên từ Astrakhan.
Theo Sourya (2018), nếu chiếm được Stalingrad, quân Đức có thể củng cố sườn trái của Tập đoàn quân A và sau đó chiếm được Caucasus. Không có dầu, nỗ lực chiến tranh của Nga sẽ tiêu tán. Hơn nữa, viện trợ của Mỹ qua đường Iran và Iraq sẽ bị cắt khiến cho Nga càng khốn đốn thêm. Đức sẽ chiếm được tất cả lượng quặng và dầu họ cần, rồi tấn công Moskva từ hướng nam, lần này có thể bao vây quân Nga mà tiêu diệt họ. Tình hình lúc ấy thật sự khẩn trương đối với Nga. Vì thế mà bằng mọi giá Nga phải giữ lấy Stalingrad và Caucasus. Tình hình cũng nguy kịch đối với Anh quốc: nếu Hitler thắng được Nga, ông ta sẽ dồn lực lượng chuyển qua đánh Anh trong lúc Mỹ vẫn chưa tham chiến.
Tướng Alan Brooke (Tham mưu trưởng Lục quân Anh), viết trong nhật ký:
Tôi e rằng Nga không thể trụ vững, Caucasus sẽ bị xâm chiếm, và Abadan (gót chân Achilles của ta) sẽ bị chiếm với hậu quả là Trung Đông, Ấn Độ, v.v. sẽ sụp đổ. Sau khi Nga thất trận, các lực lượng lục quân và không quân Đức được rảnh tay thì làm thế nào ta chống cự được? Anh quốc sẽ bị oanh tạc trở lại, mối đe dọa đổ bộ sẽ tái sinh…
Tóm lại, nếu Stalingrad và Caucasus bị chiếm, sẽ có phản ứng dây chuyền giúp Phe Trục thắng Thế chiến 2. Đó là viễn tưởng trong đầu óc của Hitler.
Đại Quân đoàn Thứ Sáu dưới quyền Đại tướng cấp Cao Paulus tiến 560 km để đến khu vực giữa Sông Don và Sông Volga, rồi gặp sức chống cự mạnh của Nga khiến cho họ phải mất một tháng mới vượt qua được Sông Don ở đoạn uốn khúc gần Stalingrad, rồi ngày 23 tháng 8 tiến đến vùng ngoại ô Stalingrad.
Ngày 23 tháng 7, cánh quân Đức ở miền nam tiến vào Rostov. Hitler vui mừng đến tột độ; chiến thắng này rửa mối nhục ở đây mùa đông năm trước. Trong cơn hân hoan, Hitler lại mở rộng thêm chương trình hành quân. Đại Quân đoàn Thứ Sáu bây giờ phải chiếm và giữ lấy Stalingrad chứ không phải chỉ phá hủy những nhà máy ở đây. Sau đó các đơn vị cơ giới của Tập đoàn quân B sẽ tiến dọc theo sông Volga đến tận Astrakhan nhằm cắt hẳn vùng Caucasia. Tin tưởng sai lạc vào sự kiệt sức của Hồng quân, Hitler còn cắt một sư đoàn khỏi Tập đoàn quân A của List để điều về phía mặt trận Leningrad và một sư đoàn S.S. rút về Pháp nghỉ ngơi.
Ngày 28 tháng 7, trong khi Hitler vẫn còn vui mừng về chiến thắng ở Rostov, Stalin bắt đầu thấy rằng tình hình chung đang xấu đi cho Liên Xô. Nếu Hồng quân tiếp tục lùi trước Đại Quân đoàn Thứ Sáu của Paulus, các đơn vị của Timochenko vẫn còn ở bờ tây sông Don sẽ bị tiêu diệt, và nếu để quân Đức vượt sông Volga, nước Nga sẽ bị cắt ra làm hai. Hơn nữa đoàn tàu PQ 17 chở viện trợ từ Anh vừa mới bị tiêu diệt trên biển Barentz, đường liên lạc an toàn duy nhất còn lại là con đường từ Iran đi lên sẽ bị cắt nếu vùng Caucasia bị chiếm, lúc đó Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn. Stalin ký một mệnh lệnh được lịch sử biết đến qua cái tên “Không một bước lùi nào nữa”.
Lúc Hitler tách đoàn quân làm hai, Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp đang trên đường tiến nhanh đến Stalingrad vốn đang chông chênh vì thiếu phòng vệ, và đáng lẽ có thể chiếm lấy thành phố này một cách dễ dàng. Nhưng khi Hitler nhận ra sai lầm của mình thì đã muộn.
Rồi Hitler phạm một sai lầm khác: mười ngày sau gọi Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp quay về Stalingrad khi quân Nga đã hồi phục và đang bảo vệ thành phố này một cách chắc chắn, trong khi ở Caucasus lực lượng của Kleist lại trở nên quá yếu nên không thể tiến đến những mỏ dầu vùng Grozny. Kleist xác nhận sau này:
Đáng lẽ Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp đã có thể chiếm được Stalingrad vào cuối tháng 7, nhưng lại được điều xuống miền nam để yểm trợ cho tôi vượt Sông Don. Tôi không cần sự yểm trợ này, và họ chỉ làm cho hệ thống đường sá tôi đang dùng bị ùn tắc… Nửa tháng sau, khi họ được gọi quay về hướng bắc thì quân Nga đã tập trung đủ lực lượng tại Stalingrad để đương đầu.
Nhưng vào lúc này Kleist cần có thêm lực lượng thiết giáp:
Đáng lẽ chúng tôi đã có thể đạt mục tiêu [dầu hỏa vùng Grozny] nếu lực lượng dưới quyền tôi không bị rút đi… nhằm hỗ trợ cuộc tấn công Stalingrad.
Hitler vẫn điên cuồng muốn chiếm lấy cả hai mục tiêu: Stalingrad cùng lúc với Caucasus, mà không nghe theo lời tham mưu của Halder và các tư lệnh chiến trường vốn thấy rõ kế hoạch này là bất khả thi. Đây là một trong những động thái có tính định mệnh nhất của Hitler trong cuộc chiến. Vì lẽ, rốt cuộc Hitler không thể chiếm được mục tiêu nào, mà còn chịu một chiến bại nhục nhã nhất trong lịch sử Quân đội Đức. Chiến bại này khiến cho Hitler không thể nào thắng được trong cuộc chiến, còn số phận của Đế chế Thứ Ba chỉ được tính từng ngày.
Đại tướng cấp Cao Halder cảm thấy kinh hoàng, và sóng gió nổi lên tại tổng hành dinh của Hitler. Vị Tham mưu trưởng Lục quân thúc giục Hitler nên tập trung quân để chiếm Stalingrad và cố giải thích rằng đơn giản là Quân đội Đức không có đủ sức mạnh để tiến hành hai mũi tấn công theo hai hướng khác nhau. Khi Hitler trả đũa rằng đã “xử lý xong” Liên Xô, Halder cố thuyết phục ông rằng, theo tin tình báo của Lục quân thì sự thật không phải thế. Halder ghi lại trong nhật ký:
Việc liên tục đánh giá thấp khả năng của đối phương mang tính lố bịch và trở nên nguy hiểm. Không thể nào làm việc một cách nghiêm túc ở đây…
Những quyết định của Hitler chẳng còn theo đúng những nguyên tắc về chiến lược và hành quân như đã được thừa nhận trong nhiều thế hệ trước đây. Những quyết định ấy là sản phẩm của một tố chất bạo lực theo sau những cơn bốc đồng nhất thời, không nhận ra đâu là khả năng và đâu là hoang tưởng…
Halder nghĩ Hitler nhận định quá đáng về năng lực của chính mình và đánh giá quá thấp sức mạnh của địch thủ qua mẩu chuyện sau đây:
Có lần khi nghe trình bày một báo cáo khá khách quan, cho biết vào năm 1942 Stalin có thể điều động từ 1 triệu đến 1,25 triệu tân binh khỏe mạnh cho vùng bắc Stalingrad và tây Sông Volga chưa kể nửa triệu quân trong vùng Caucasus, và công suất chế tạo xe thiết giáp hàng đầu lên đến ít nhất 1.200 chiếc mỗi tháng, Hitler nhảy xổ đến người đang đọc báo cáo, hai bàn tay nắm lại thành nắm đấm, miệng sùi bọt ra hai bên mép, ra lệnh ông này không được nói năng nhảm nhí nữa.
Cuộc tiến công đến Caucasus thất bại. Vào cuối tháng 8, quân Đức dừng bước bởi vì thiếu đạn dược cùng xăng dầu và cũng vì quân Nga chống trả mãnh liệt. Sau khi List đề xuất điều một số đơn vị đang bị cầm chân tiến đánh những vị trí gần hơn nhằm tiêu diệt quân Nga, ông bị cách chức ngày 9 tháng 9.
Hitler cách chức Halder ngày 24 tháng 9, nhưng việc thay đổi Tham mưu trưởng Lục quân không giúp tình hình của Quân đội Đức khá hơn. Mũi tiến công Caucasus chững lại vì thiếu yểm trợ không quân và vượt quá tầm tiếp vận. Mũi tiến công đến Stalingrad vấp phải sự kháng cự mãnh liệt vì Stalin muốn bảo vệ thành phố bằng mọi giá. Suốt tháng 10, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trên đường phố Stalingrad. Quân Đức đạt được vài thành tựu, tiến đánh từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, nhưng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều vùng đổ nát của thành phố lớn lao này tạo cơ hội cho quân Nga phòng thủ kiên cường và dằng dai. Dù Halder và người kế nhiệm cảnh báo Hitler rằng binh sĩ ở Stalingrad đã kiệt sức, Hitler vẫn thúc họ phải tiến lên. Từng sư đoàn còn nguyên vẹn được tung vào rồi bị nghiền nát trong chiến trường địa ngục.
Dù bước tiến khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng, ngày 25 tháng 10 Đại tướng cấp Cao Paulus (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu) gọi vô tuyến về thông báo với Hitler rằng ông hy vọng sẽ chiếm được hoàn toàn Stalingrad chậm lắm là vào ngày 10 tháng 11. Phấn khích với lời trấn an này, Hitler ra lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu và Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp phải chuẩn bị để tiến công theo hướng bắc và nam dọc Sông Volga sau khi chiếm được Stalingrad.
Không phải là Hitler phớt lờ mối đe dọa cạnh sườn dọc Sông Don. Nhật ký chiến trường của Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ghi rõ là ông có lo lắng về việc này. Vấn đề ở chỗ ông không xem đây là việc nghiêm trọng và vì thế không làm gì để phòng tránh.
Ngày 19 tháng 11, quân Liên Xô phản công trên diện rộng trong Chiến dịch Uranus (tiếng gốc: Uran). Nguyên soái Zhukov chỉ huy phối hợp hành động của các Phương diện quân Đông-Nam và Stalingrad, Nguyên soái Vasilevsky chỉ huy phối hợp hành động các Phương diện quân Tây-Nam và Sông Don. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, một lực lượng dưới quyền Thượng tướng Vatutin có hỏa lực vượt trội đánh xuyên qua Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania dọc Sông Don, tây-bắc Stalingrad. Về phía nam thành phố, một lực lượng khác dưới quyền Thượng tướng Yeryomenko tấn công mãnh liệt Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp của Đức và Đại Quân đoàn Thứ Tư của Rumania, đe dọa đánh xuyên qua phòng tuyến của hai đơn vị này. Mục đích của Liên Xô là rõ ràng đối với những ai nhìn vào bản đồ: họ dũng mãnh tiến từ hướng bắc xuống và hướng nam lên nhằm cắt đứt vòng vây Stalingrad và ép Đại Quân đoàn Thứ Sáu của Đức hoặc phải nhanh chóng rút về hướng tây hoặc bị bao vây.
Ngay khi nhìn thấy những gì đang diễn ra, Đại tướng cấp Cao Zeitzler (tân Tham mưu trưởng Lục quân) thu hết can đảm đề xuất với Hitler rút Đại Quân đoàn Thứ Sáu từ Stalingrad về khúc ngoặt của Sông Don (phía nam thành phố) rồi tái lập phòng tuyến ở đây. Chỉ đề xuất ấy cũng đủ cho Hitler nổi cơn giận dữ: “Người lính Đức đặt chân đến nơi nào thì phải trụ lại ở nơi ấy!” Đích thân Hitler ra lệnh cho Đại Quân đoàn Thứ Sáu trụ lại quanh Stalingrad. Được đưa ra trong cơn cuồng nộ, quyết định này dẫn đến thảm họa.
Ngày 22 tháng 11, hai lực lượng Liên Xô từ hướng bắc và nam bắt tay nhau ở Thị trấn Kalach, cách Stalingrad 80 km về hướng tây trên khúc rẽ của Sông Don. Quân Liên Xô cắt đứt đường tiếp vận và liên lạc trên bộ cho Đại Quân đoàn Thứ Sáu. Vào buổi tối, Paulus gửi điện về xác nhận đơn vị của mình đang bị bao vây.
Hitler ra lệnh Paulus dời tổng hành dinh vào thành phố và lập những cứ điểm phòng vệ theo đội hình da báo. Đại Quân đoàn Thứ Sáu sẽ được tiếp tế bằng máy bay cho đến khi được giải cứu. Nhưng đấy chỉ là ngôn từ vô vọng. Có 20 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Rumania bị giam hãm tại Stalingrad. Paulus cho biết họ cần tối thiểu 750 tấn hàng hậu cần mỗi ngày. Göring trấn an Hitler rằng Không quân sẽ thực hiện nhiệm vụ. Khả năng thật sự của Không quân Đức chỉ đến một phần ba nhu cầu vì thiếu vận tải cơ. Cộng thêm trở ngại vì bão tuyết và Không quân Liên Xô đang chiếm ưu thế, 22 sư đoàn ở Stalingrad chỉ nhận tiếp tế nhỏ giọt, nhiều ngày không tới 1 phần 10 nhu cầu (The History Place, 2010). Cho đến lúc này, Göring vẫn khoác lác mà không làm nên chuyện.
Việc giải cứu Đại Quân đoàn Thứ Sáu là biện pháp thực tế hơn. Ngày 25 tháng 11, Hitler triệu hồi Thống chế Manstein – vị tư lệnh chiến trường tài ba nhất – từ mặt trận Leningrad xuống và giao cho ông này chỉ huy một đơn vị mới được thành lập: Tập đoàn quân Don. Hitler cũng đặt Paulus dưới quyền chỉ huy của Manstein. (Sự giao quyền này là hời hợt bởi vì sau đó Manstein chỉ đạo Paulus rút ra khỏi Stalingrad nhưng Hitler vẫn ra lệnh cho Paulus trụ lại.)
Nhiệm vụ của Manstein là đánh lên từ hướng tây-nam để giải cứu Đại Quân đoàn Thứ Sáu tại Stalingrad. Nhưng bây giờ Hitler đặt cho người tư lệnh mới của mình những điều kiện bất khả thi. Manstein cố gắng giải thích cho Hitler hiểu rằng cơ hội duy nhất để thành công là cho phép Đại Quân đoàn Thứ Sáu rút khỏi Stalingrad rồi đánh về hướng tây trong khi Tập đoàn quân Don tiến lên hướng đông-bắc, đánh xuyên qua quân Liên Xô đang ở giữa hai lực lượng của Đức. Nhưng một lần nữa, Hitler từ khước việc rút lui. Đại Quân đoàn Thứ Sáu phải trụ lại Stalingrad và Manstein phải tiến công đến đó.
Không thể nào làm được việc này, như Manstein đã cố biện luận. Quân Liên Xô quá mạnh. Tuy nhiên, với con tim nặng trĩu, ngày 12 tháng 12 Manstein mở cuộc tấn công. Khởi đầu, ông đạt tiến bộ; Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp dưới quyền Đại tướng Hoth mở đường tiến lên hướng đông-bắc theo hai bên tuyến đường sắt hướng đến Stalingrad cách xa 120 km. Ngày 19 tháng 12, họ tiến đến cách chu vi phía nam của thành phố hơn 60 km; ngày 21 còn cách 50 km, và qua vùng thảo nguyên phủ tuyết vào ban đêm binh sĩ của Đại Quân đoàn Thứ Sáu có thể nhìn thấy ánh sáng của hỏa châu do quân bạn đến giải cứu bắn lên.
Theo lời khai sau này của tướng lĩnh Đức, lúc ấy Đại Quân đoàn Thứ Sáu có thể đánh ra, hướng về Đại Quân đoàn Thứ Tư Thiết giáp đang tiến đến họ. Nhưng một lần nữa, Hitler lại ngăn cấm. Ngày 21 tháng 12, Tham mưu trưởng Lục quân Zeitzler cố thúc giục, rồi Hitler đồng ý cho binh sĩ của Paulus đánh ra miễn là họ vẫn giữ được Stalingrad.
Lệnh điên rồ này khiến cho Zeitzler gần nổi khùng. Ông kể:
Buổi tối hôm sau, tôi van nài Hitler cho phép việc đánh ra. Tôi vạch rõ rằng đây thật sự là cơ hội cuối cùng để giải cứu hai trăm nghìn binh sĩ của Paulus.
Hitler không chịu. Trong nỗi vô vọng, tôi mô tả cho ông ấy biết tình cảnh bên trong: binh sĩ đói khát đang tuyệt vọng, họ mất tin tưởng vào Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, thương binh mong ước được chiếu cố đúng mức trong khi hàng nghìn người bị tê cóng mà chết. Ông ấy vẫn không tiếp thu những luận cứ này cũng như những lý do khác mà tôi đưa ra.
Khi gặp sức kháng cự càng lúc càng mạnh của quân Liên Xô phía trước và hai bên sườn, Đại tướng Hoth không có đủ sức mạnh để tiến thêm 50 km còn lại. Ông tin rằng nếu Đại Quân đoàn Thứ Sáu đánh ra, đáng lẽ ông có thể bắt tay với họ rồi cả hai lực lượng cùng rút về Kotelnikovo.
Có lẽ trong một hoặc hai ngày – giữa 21 và 22 tháng 12 – Đại Quân đoàn Thứ Sáu còn có thể rút khỏi Stalingrad, nhưng sau đó là bất khả thi. Hoặc Paulus viện cớ không muốn trái lệnh của Hitler cấm rút ra khỏi Stalingrad, hoặc Đại Quân đoàn Thứ Sáu không còn khả năng để rút lui: không có đủ nhiên liệu cho xe tăng và cơ giới, binh sĩ đã kiệt sức nên không thể chiến đấu ngoài đồng trống, và không thể mang theo đủ thực phẩm. Hoth lại không biết rằng Hồng quân đã đánh về hướng bắc và bây giờ đang đe dọa sườn trái của cả Tập đoàn quân Don dưới quyền Manstein. Ngày 23 tháng 12, Manstein ra lệnh Hoth bỏ dỡ bước tiến, điều một trong số ba sư đoàn thiết giáp về phòng tuyến phía bắc, và cố tự vệ tại chỗ với lực lượng còn lại.
Nỗ lực giải cứu thất bại.
Ngày 17 tháng 12, quân Liên Xô xuyên thủng phòng tuyến Đại Quân đoàn Thứ Tám của Ý phía thượng nguồn Sông Don, và đến tối mở ra một khoảng hở rộng hơn 40 km. Trong vòng ba ngày, khoảng hở rộng hơn 140 km, quân Ý đang hoảng hốt tháo chạy, còn Đại Quân đoàn Thứ Ba của Rumania về phía nam cũng tan rã sau khi bị đánh tơi tả ngay từ ngày 19 tháng 11, ngày đầu tiên Liên Xô phản công. Manstein ra lệnh rút một phần lực lượng thiết giáp của Hoth về để lấp vào khoảng hở. Tiếp theo đó là phản ứng dây chuyền.
Chẳng những Tập đoàn quân Don mà cả lực lượng của Hoth cũng phải rút lui sau khi đã tiến gần Stalingrad đến thế. Những cuộc rút lui này gây nguy hiểm cho quân Đức ở Caucasus: họ sẽ bị cắt đứt nếu quân Nga tiến đến Rostov trên bờ Biển Azov. Một hoặc hai ngày sau Giáng sinh, Zeitzler vạch rõ với Hitler: “Nếu ông không ra lệnh rút khỏi Caucasus, chẳng bao lâu ta sẽ có một Stalingrad thứ hai.” Ngày 29 tháng 12, Hitler đành phải ra lệnh cho Tập đoàn quân A của Kleist – đã thất bại trong việc tiến chiếm những mỏ dầu Grozny – phải rút về.
Ngày 30 tháng 1 năm 1943, Paulus gọi vô tuyến cho Hitler: “Sự sụp đổ cuối cùng sẽ đến trong vòng 24 tiếng đồng hồ.” Tin báo này khiến cho Bộ Chỉ huy Tối cao ban một cơn mưa thăng thưởng cho các sĩ quan, với hy vọng là những vinh dự như thế sẽ củng cố quyết tâm muốn hy sinh một cách vinh quang ngay tại mặt trận đẫm máu. Hitler nhận xét với Jodl: “Lịch sử quân sự chưa từng ghi thống chế Đức nào bị bắt làm tù binh.” Rồi ông phong cho Paulus, qua sóng vô tuyến, quân hàm thống chế, cho rằng Paulus sẽ chọn cái chết để bảo toàn danh dự. Tuy nhiên, Paulus là người theo Công giáo, vì vậy ông không muốn tự sát.
Paulus và quân nhân dưới quyền không chiến đấu đến người cuối cùng. Chống cự thêm không những là vô nghĩa, vô vọng mà còn bất khả thi. Cuối ngày hôm sau, 31 tháng 1 năm 1943, họ đều đầu hàng Liên Xô. 91.000 chiến binh Đức – kể cả 24 tướng lĩnh – đói khát, cóng lạnh, nhiều người mang thương tích, tất cả đều mê mụ, đau khổ, níu lấy tấm chăn lấm máu phủ lên đầu chống lại giá lạnh ở -240C, đi khập khiễng trên lớp băng tuyết hướng đến những trại tù binh ở Siberia. Trừ 20.000 quân Rumania và 29.000 thương binh đã được đưa về bằng máy bay, đó là tất cả những gì còn lại của một đại quân đoàn có quân số 285.000 chỉ hai tháng trước. Những người khác đã bị tàn sát. Trong số 91.000 người vào ngày mùa đông ấy đi đến chốn giam cầm, chỉ có 5.000 người cuối cùng được trở về tổ quốc của họ.
Trận Stalingrad đánh dấu điểm ngoặt quan trọng trong Thế chiến 2. Sau những chiến công hiển hách qua đó Đức đánh bại Ba Lan trong vòng 4 tuần, Đan Mạch đầu hàng ngay ngày đầu bị tấn công, Na Uy đầu hàng sau 2 tháng chống cự; Hà Lan sau 5 ngày; cả Bỉ, Luxembourg và Pháp bị đánh bại trong 6 tuần; hai nước Nam Tư và Hy Lạp trong 6 tuần, bây giờ là khởi đầu cho sự suy tàn của Đức.
Không chỉ mất số lượng lớn binh sĩ, nhiều đơn vị Đức bị tiêu diệt là những đơn vị tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu (ví dụ như Đại quân đoàn Thứ Sáu từng là chủ công trong chiến dịch đánh bại Pháp năm 1940), dù quân Đức động viên tân binh thì vẫn không thể thay thế những đơn vị thiện chiến ấy. Đáng lẽ quân Đức có thể đi vòng qua Stalingrad, vốn có giá trị không lớn về mặt quân sự trong khi những cơ sở vật chất đã được di dời, hoặc tập trung lực lượng hướng xuống miền Nam tới dãy Kavkaz. Tuy nhiên, Hitler lại chọn cách ngược lại, phung phí không biết bao nhiêu binh sĩ thiện chiến trong những trận đánh đẫm máu trong một thành phố tan hoang. Sai lầm này mang lại nhiều lợi thế cho các lực lượng Hồng quân đồn trú và giúp Hồng quân có thời gian huy động một lực lượng khổng lồ để thực hiện đòn vu hồi bao vây Đại quân đoàn Thứ Sáu. Một số tướng lĩnh Đức cho rằng Hitler đã phung phí một trong những đơn vị quân tinh nhuệ nhất chỉ vì danh dự cá nhân.
Số tổn thất về lực lượng và phương tiện ấy ảnh hưởng tai hại đến tình hình chiến lược chung và làm rung chuyển tận gốc toàn bộ guồng máy chiến tranh của Đức. Vì cả quân Đức, Ý, Hungary, Rumania cùng bị tiêu diệt nên uy tín của Đức với các nước Phe Trục giảm đi rõ rệt. Bắt đầu có bất đồng, tranh cãi vì mất lòng tin vào bộ máy thống trị của Hitler, các nước bắt đầu mong làm thế nào thoát khỏi mạng lưới chiến tranh mà Hitler đã đẩy họ vào. Lãnh đạo Ý là Mussolini choáng váng vì tổn thất của quân Ý ở Stalingrad, ông ta bắt đầu tin rằng không thể nào đánh bại Liên Xô.
Rốt cuộc, trong chiến dịch năm 1942 Hitler đề ra quá nhiều mục tiêu rồi không đạt được mục tiêu nào. Hậu quả của sự dàn trải là trong số các vùng dầu Caucasus, quân Đức chỉ chiếm được các giếng dầu ở Maikop rồi sau vài tháng bị Nga chiếm lại.
May mắn cho Đức là tuy gặp nhiều bất lợi năm 1942, tình hình xăng dầu từ năm 1943 về sau có phần cải thiện, cho thấy những dự báo trước đây về sự thiết hụt dầu là thổi phồng (Hayward, 1995). Thứ nhất, khi Ý rời xa Phe Trục vào tháng 9 năm 1943, họ không còn là gánh nặng cho Đức. Thứ hai, khi quân Đức tiến vào Ý họ tìm thấy lượng lưu trữ dầu khá lớn. Thứ ba, công nghiệp sản xuất xăng tổng hợp đạt mức kỷ lục.
Sai lầm Số 13: Chính sách diệt chủng
Chính sách diệt chủng quá khét tiếng và được nhiều tác giả ghi chép chi tiết, như BBC (2019), Shirer (1960), Wikipedia_Holocaust, v.v., cho dù có một số nguồn muốn chối bỏ – là hành động phạm pháp ở một số quốc gia.
Hệ lụy đầu tiên của chính sách này là Đức phải bỏ ra nhiều nhân lực và vật lực để thực hiện mà không thu được lợi lộc gì, lại càng gây hại cho nỗ lực chiến tranh vốn rất cần nguồn nhân lực và vật lực như thế. (Tuy một số tù binh Nga chấp nhận làm lao công chiến trường cho Đức nhưng hiệu quả không lớn bằng nguồn dân lực ở các chiếm đóng nếu được khai thác đúng mức.)
Hệ lụy kế tiếp là sau những thành tựu phát triển kinh tế và ổn định xã hội được quốc tế nể trọng, chính sách diệt chủng gây ác cảm nặng nềở nhiều nước Đức, khiến ngày càng có nhiều quốc gia quay sang chống Đức – tức là Đức bớt bạn thêm thù.
Chính sách bài Do Thái được thực hiện ngay từ lúc Đức chiếm được Ba Lan, và chính sách về chủng tộc được đẩy lên cao trào trong chiến dịch đánh Nga năm 1941 (Wikipedia_Operation Barbarossa) rồi xuyên suốt đến cuối Thế chiến 2.
Tương tự như những sai lầm khác của Hitler, hành động diệt chủng không dựa trên lô-gíc mà do ác cảm cá nhân đối với người Do Thái mà ông ta đổ lỗi cho mọi vấn nạn, đối với các sắc dân Slav ở Đông Âu và Trung Âu (kể cả Nga, Belarus, Ukraina, Ba Lan, Séc, Slovakia, Slovenia, Serb-Croatia, Bulgaria…) mà ông ta xem là hạ đẳng cần tiêu diệt để nhường đất cho người Đức được xem là thuộc dân tộc thượng đẳng.
Đưa người Do Thái vào các trại tập trung rồi giết họ, Hitler tự loại bỏ một số nhà khoa học vốn đáng lẽ có thể đóng góp vào công nghệ quốc phòng, nhất là công nghệ chế tạo bom nguyên tử.
Chỉ ít ngày sau khi Đức tấn công Ba Lan, nhật ký của ký giả kiêm sử gia Shirer (1960) ghi đầy những vụ việc khủng bố của Quốc xã trên lãnh thổ bị thôn tính. Sau này, người ta được biết nhiều nhật ký khác cũng thế. Chế độ khủng bố ở Ba Lan chỉ là sự khơi mào cho những hành động đen tối và kinh khủng mà dần dà Đức sẽ giáng xuống những dân tộc bị thôn tính khác. Nhưng từ đầu đến cuối, tình trạng ở Ba Lan là khủng khiếp nhất.
Ngay trước khi khởi động tấn công Ba Lan, Hitler nói với tướng lĩnh rằng nhiều sự việc sẽ xảy ra “không phù hợp với tư cách tinh tế của tướng lĩnh Đức”, và ông cảnh cáo họ rằng “không nên can dự vào những việc ấy mà chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ quân sự”.
Vốn là những tín đồ Cơ đốc chính trực, tướng lĩnh Đức cảm thấy khó chịu với tình hình đang xảy ra. Ngày 12 tháng 9, Đô đốc Canaris (Chỉ huy Quân báo) phản đối với Keitel về những vụ việc tàn ác ở Ba Lan. Vị Tham mưu trưởng Quân lực hay xu nịnh dấm dẳn trả lời: “Lãnh tụ đã quyết định việc này.” Nếu Quân đội “không muốn can dự vào những vụ việc này, họ sẽ phải chấp nhận S.S. và Mật vụ là đối thủ” – có nghĩa là mỗi đơn vị quân đội sẽ có chính ủy S.S. để “thực hiện công tác tận diệt”. Canaris ghi vào nhật ký của ông, được trình ra trước Tòa án Nuremberg:
Tôi vạch rõ với Tướng Keitel rằng tôi biết những vụ hành hình trên diện rộng được trù định ở Ba Lan, đặc biệt là giới quý tộc và tăng lữ sẽ bị tận diệt. Rốt cuộc thế giới sẽ quy trách nhiệm cho Quân đội Đức về những hành động này.
Thật ra bản chất đạo đức của tướng lĩnh Đức tệ hại ở chỗ họ không chống đối một cách nghiêm túc việc “quét dọn” – tức là tàn sát người Do Thái, trí thức, tăng lữ và quý tộc. Họ chỉ đòi hỏi “trì hoãn” cho đến khi họ rút khỏi Ba Lan và có thể thoát trách nhiệm.
Đầu tháng 3 năm 1941, Hitler triệu tướng lĩnh của ba quân chủng đến để nghe ông ta ra lề luật về “Lệnh Chính ủy”:
Sẽ tiến hành cuộc chiến chống Nga không phải theo cung cách của hiệp sĩ. Đây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ và về những dị biệt chủng tộc, sẽ được tiến hành với sự khắc nghiệt chưa từng có, không khoan nhượng và không ngừng nghỉ. Tôi biết tướng lĩnh không thể hiểu được sự cần thiết phải áp dụng những cách thức tiến hành chiến tranh như thế… Tôi đòi hỏi phải tuyệt đối tuân hành lệnh của tôi mà không được cưỡng lại gì cả. Các chính ủy [của quân đội Liên Xô] là những người mang ý thức hệ trực tiếp chống lại chủ nghĩa Quốc gia Xã hội. Vì thế, phải tiêu diệt các chính ủy. Binh sĩ Đức nào vi phạm công pháp quốc tế… sẽ được miễn tố…
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phát động Chiến dịch Barbarossa, ở vùng Baltic vốn chỉ bị Liên Xô chiếm đóng một thời gian ngắn, ở Ukraina nơi một phong trào độc lập chưa bị dẹp tan, ở Belorussia vốn không bao giờ hòa đồng với người Nga, và ở Phần Lan khao khát tự do, nhiều người cảm thấy hạnh phúc được cứu thoát khỏi ách Liên Xô – cho dù sự cứu thoát ấy do người Đức mang lại. Khi quân Đức lần đầu tiên tiến vào đất Nga, ở nhiều nơi họ được dân địa phương – vốn từ lâu đã bị chế độ hà khắc của Stalin khủng bố – ca tụng là những người giải phóng. Lúc đầu, binh sĩ Liên Xô bỏ hàng ngũ trên diện rộng. Hitler đã quên rằng có cả triệu người Nga vẫn còn có ý tưởng chống đối chế độ Xô Viết. Đức Quốc xã không có chương trình dân vận để thu phục những nhóm người này. Nhiều người Nga cho rằng ý tưởng điên cuồng của Hitler khi miệt thị chủng tộc hạ đẳng ở Nga làm mất đi cơ hội lật đổ chính quyền Stalin và chinh phục thành công nước Nga (Henderson, 2001).
Một ví dụ rõ rệt là từ năm 1918 Đức vẫn thân thiện với Ukraina và luôn tìm mọi cách hỗ trợ phong trào độc lập ở đây chống lại chính quyền Sô viết. Nhưng bây giờ, đảng viên Quốc xã lại muốn tiêu diệt mọi chủng tộc hạ đẳng mà Quân đội Đức không làm gì được. Đức đã tự bắn vào chân mình ngay cả trước khi Chiến dịch Barbarossa bắt đầu. (Catherwood, 2014)
Có một số người ở Berlin tin rằng nếu Hitler tỏ ra khôn khéo hơn, đối xử tử tế với dân địa phương và cam kết giải thoát họ khỏi chế độ bolshevik (bằng cách cho họ hưởng quyền tự do tôn giáo, kinh tế và thiết lập những hợp tác xã thật sự theo hình thức nông trại tập thể), thậm chí cả quyền tự trị, thì đáng lẽ Đức đã có thể chiếm được cảm tình của người Nga. Lúc ấy, người Nga chẳng những hợp tác với người Đức trên vùng bị chiếm đóng mà còn trên những vùng khác đang mong được thoát khỏi luật lệ hà khắc của Stalin. Nếu thế, chế độ bolshevik sẽ sụp đổ và Hồng quân sẽ tan rã. Toland (1976) cho rằng cơ hội chiến thắng duy nhất của Hitler ở phía Đông là một liên minh với hàng triệu người sống trên Liên Xô đang căm ghét Stalin, nhưng ông không nghe lời tham mưu của Rosenberg (Bộ trưởng Lãnh thổ phía Đông chống việc thủ tiêu các dân tộc Slav) cho họ được độc lập, vì thế mất đi cơ hội quý giá, ngược lại còn biến đồng minh tiềm năng thành kẻ thù chung.
Nhưng tính bạo tàn của Quốc xã và mục đích lộ liễu – thường được tuyên bố công khai – nhằm bòn rút đất Nga, biến dân Nga thành nô lệ và mang người Đức đến định cư chẳng bao lâu làm tiêu tán điều khả dĩ ấy.
Theo Shirer (1960), không ai tóm tắt chính sách tai hại ấy và những cơ hội bị bỏ lỡ hay hơn là chính một người Đức, TS. Bräutigam, nhà ngoại giao chuyên nghiệp và là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Lãnh thổ phía Đông của Rosenberg. Trong một báo cáo mật trình cho cấp trên ngày 25 tháng 10 năm 1942, Bräutigam dám phân tích những sai lầm của Quốc xã ở Liên Xô:
Tại Liên Xô, khi ta tiến vào chúng tôi thấy dân địa phương chán ngán chủ nghĩa bolshevik, và họ mong mỏi một tương lai tốt đẹp hơn cho họ… Người dân địa phương hồ hởi chào đón chúng ta như là những nhà giải phóng và tự đặt họ dưới sự điều hành của ta…
Chẳng bao lâu, dân địa phương nhận ra rằng Đức không xem họ như là cộng sự có quyền ngang nhau, mà chỉ là đối tượng cho những mưu đồ chính trị và kinh tế… Chúng ta gạt sang một bên tất cả kiến thức chính trị và… đối xử họ như nô lệ…
Có hai yếu tố mà Bräutigam cho rằng đã khiến cho người Nga chống lại Đức: việc đối xử với tù binh Nga một cách dã man và việc bắt đàn ông và phụ nữ Nga làm nô lệ.
Cả bạn lẫn thù đều biết rằng hàng trăm nghìn tù binh Nga đã chết vì đói hoặc rét trong các trại của ta… Bây giờ chúng ta phải trải qua cảnh ngộ kỳ quặc là phải tuyển chọn hàng triệu lao động từ các lãnh thổ bị chiếm đóng phía Đông sau khi tù binh chết hàng loạt như ruồi nhặng…
Bräutigam kết luận:
Chính sách của ta đã đẩy cả hai phe bolshevik và quốc gia Nga vào một mặt trận chung chống lại ta. Người Nga hiện giờ đang chiến đấu với lòng dũng cảm và hiến thân một cách phi thường để đạt mục đích không gì khác hơn là được công nhận về phẩm giá con người.
Trong đoạn cuối của bản ghi nhớ dài 13 trang, TS. Bräutigam yêu cầu thay đổi toàn bộ chính sách. Ông biện luận:
Cần nói cho người Nga biết cụ thể về tương lai của họ.
Nhưng đấy chỉ là tiếng kêu lạc lõng.
Tù binh chiến tranh
Đối với hàng triệu tù binh chiến tranh, làm công nhân nhà máy hoặc khổ sai chiến trường là đỡ lo nhất. Điều quan trọng nhất đối với họ là giữ mạng sống đến khi chiến tranh kế thúc. Nếu họ là người Nga thì cơ may rất ít. Số tù binh người Nga là khoảng 3,8 triệu trong tổng số khoảng 5,75 triệu tù binh. Khi Đồng minh giải thoát các trại tù binh vào năm 1945, chỉ còn khoảng một triệu người còn sống. Khoảng một triệu người được trả tự do hoặc được phép làm việc trong những đơn vị tập thể do Quân đội Đức thành lập. Hai triệu người Nga chết trong các trại tù binh của Đức – do đói khát, giá lạnh và bệnh tật. Người ta không bao giờ biết gần hai triệu người Nga còn lại sống chết ra sao, có lẽ do những lý do nêu trên hoặc do bị hành quyết. (Shirer, 1960)
Rosenberg (Bộ trưởng Lãnh thổ phía Đông) không phải là một đảng viên Quốc xã có nhân tính, nhất là đối với người Nga, đồng hương cũ của ông. Nhưng ngay cả ông này cũng xúc động đến mức phản đối cách đối xử với tù binh Liên Xô trong một bức thư gửi Tướng Keitel đề ngày 28 tháng 2 năm 1942. Đó là khi đợt phản công của Liên Xô lên đến đỉnh điểm, và với sự tham chiến của Mỹ, Đức nhận ra họ có thể thất trận và do đó có thể phải trả lời về những tội ác chiến tranh của họ. Rosenberg viết:
Số phận của các tù binh chiến tranh Nga ở Đức là thảm kịch bi đát nhất. Trong số 3,6 triệu người, chỉ còn vài trăm nghìn người có thể làm việc tốt. Một phần lớn đã chết đói hoặc chết vì thời tiết khắc nghiệt.
Rosenberg cho rằng có thể tránh được tình trạng này. Đức có đủ lương thực để nuôi họ.
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chỉ huy các trại cấm mang thực phẩm nuôi tù binh, mà để cho họ chết đói. Ngay cả khi dẫn giải họ đến trại, dân thường cũng bị cấm tiếp tế thực phẩm cho tù binh. Trong nhiều trường hợp khi tù binh không thể đi theo kịp vì đói hoặc kiệt sức, họ bị bắn trước đôi mắt kinh hoàng của dân thường và xác của họ bị bỏ lại. Ở nhiều trại, không có chỗ trú thân cho tù binh. Họ nằm giữa trời dưới mưa hoặc tuyết…
Cuối cùng, phải đề cập đến việc bắn tù binh. Việc này… không đếm xỉa đến mọi hiểu biết chính trị. Ví dụ, trong nhiều trại, người Châu Á bị bắn…
Không chỉ là người Châu Á. Ngay sau khi phát động chiến dịch đánh Liên Xô, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực và lực lượng S.S. (đội quân riêng của Đảng Quốc xã) thỏa thuận với nhau để S.S. “sàng lọc” tù binh Liên Xô. Ohkendorf, một trong những kẻ sát nhân khét tiếng nhất của S.D. tiết lộ trong một bản cung khai:
Tất cả người Do Thái và quan chức của Liên Xô bị mang ra khỏi trại tù binh và bị hành quyết. Theo tôi được biết, hành động này được thực hiện khắp cả chiến dịch Liên Xô.
Giải pháp Cuối cùng
Khi cuộc chiến tiếp diễn, cụm từ “giải pháp cuối cùng” được sử dụng thường xuyên hơn trong từ vựng và hồ sơ của giới chỉ huy Quốc xã.
Trong một thời gian dài, chính Hitler đã nghĩ đến “giải pháp cuối cùng”, và phát biểu công khai về việc này ngay cả khi chiến tranh chưa khởi phát. Trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 30 tháng 1 năm 1939, ông ta nói:
Nếu những nhà tài chính quốc tế người Do Thái… một lần nữa nhấn chìm các quốc gia vào một cuộc chiến tranh thế giới, kết quả sẽ là… sự tiêu diệt chủng người Do Thái ở khắp Châu Âu.
Với Hitler, đó là lời tiên tri và ông ta lặp đi lặp lại năm lần, ứng khẩu, trong những phát biểu công khai sau này. Vào lúc cuộc tiến công Liên Xô bắt đầu, ông ta đưa ra những chỉ thị cần thiết. “Lệnh Lãnh tụ về Giải pháp Cuối cùng” được giới lãnh đạo Quốc xã biết đến nhưng chưa hề được thể hiện trên giấy tờ – ít nhất không thể tìm ra văn bản nào trong số tài liệu của Quốc xã tịch thu được sau chiến tranh. Mọi chứng cứ cho thấy có phần đúng là cụm từ này được truyền đạt bằng miệng cho Göring (nhân vật số 2 của Đức Quốc xã), Himmler (Lãnh tụ Lực lượng S.S.) và Heydrich (Đại tướng S.S., Giám đốc Cơ quan Trung ương An ninh Đế chế RSHA), rồi những người này truyền xuống cấp dưới trong mùa hè và mùa thu năm 1941. Một số nhân chứng tại Tòa án Nuremberg khai rằng họ đã “nghe” nói đến nhưng chưa từng thấy văn bản. Dựa trên yếu tố này, Irving (2002) có suy diễn gây tranh cãi: việc tiêu diệt người Do Thái không phải do Hitler chủ trương, mà do Himmler (Lãnh tụ Lực lượng S.S., tổ chức quân sự của Đảng Quốc xã) và Heydrich cùng thuộc hạ của họ tự ý thi hành.
Vào đầu năm 1942, Heydrich nói đã đến lúc “giải quyết những vấn đề cơ bản” của “giải pháp cuối cùng”. Để đạt mục đích này, ngày 20 tháng 1 năm 1942 Heydrich triệu tập một buổi họp gồm đại diện các bộ và ban ngành của lực lượng S.S. (tổ chức quân sự của Đảng Quốc xã) và S.D. (cơ quan tình báo của S.S.). Biên bản buổi họp đóng vai trò quan trọng trong vài phiên xử của Tòa án Nuremberg. Dù Quân đội Đức bị thất thế ở Liên Xô, cấp lãnh đạo Quốc xã vẫn tin rằng Đức gần thắng trận và chẳng bao lâu sẽ thống trị cả Châu Âu, kể cả Anh và Ireland. Vì thế, Heydrich nói với cử tọa gồm khoảng 15 quan chức “trong quá trình thực hiện Giải pháp Cuối cùng cho vấn đề người Do Thái ở Châu Âu, khoảng 11 triệu người Do Thái có liên quan”. Rồi ông ta kể ra con số ở mỗi quốc gia. Đế chế nguyên thủy còn 138.100 người Do Thái (trong tổng số 250.000 người năm 1939), nhưng ở Liên Xô có đến 5 triệu, Ukraina có 3 triệu, Ba Lan 2 triệu rưỡi, Pháp 750.000 người và Anh 330.000 người. Ông ta ngụ ý là cần tiêu diệt tất cả 11 triệu người.
Rồi ông ta giải thích phải làm công việc to tát này như thế nào. Trước hết chuyển người Do Thái ở Châu Âu đến phía Đông để buộc họ lao động cho đến chết, và cuối cùng hành quyết người có sức khỏe. Còn hàng triệu người Do Thái đã sống ở phía Đông thì sao? Bühler (Phó Toàn quyền Ba Lan), yêu cầu giải quyết vấn đề 2 triệu rưỡi người Do Thái ở Ba Lan càng sớm càng tốt.
Sự nôn nóng này là điển hình trong giới lãnh đạo cao cấp của Quốc xã cho đến Hitler. Không ai trong bọn họ hiểu được hàng triệu người Do Thái có giá trị như thế nào cho Đế chế nếu làm lao động nô lệ. Họ chỉ lo là bắt hàng triệu người Do Thái làm việc cho đến chết sẽ mất thời gian. Vì thế, Hitler và Himmler quyết định dùng những biện pháp nhanh chóng hơn.
Chủ yếu có hai biện pháp. Thứ nhất là việc sát hại tập thể người Do Thái ở Liên Xô và Ba Lan do các Đội Đặc nhiệm đảm trách, gây nên cái chết cho khoảng 750.000 người. Thứ hai là phòng hơi ngạt ở các trại tập trung. Chính ở các trại tử thần này mà “giải pháp cuối cùng” đạt được thành công một cách khủng khiếp. Con số tổng cộng người Do Thái bị sát hại thường được đưa ra là 6 triệu, trong tổng số từ 11 triệu đến gần 14 triệu người bị giết trong các hành động diệt chủng có hệ thống (Wikipedia_Holocaust).
Nhận định
Chỉ cần Đức không có hành động tàn bạo với dân địa phương chứ chưa nói đến lấy lòng, thì đáng lẽ chí ít họ có thể nhận chỗ trú ẩn hoặc vật dụng, trang phục để chống chọi với nhiệt độ lạnh giá ở Nga. Tiến thêm mức nữa, với sự đối đãi hợp cách, quân Đức đáng lẽ đã có đội ngũ dân công dọc các tuyến đường tiếp vận trong khi bớt thiệt hại do hoạt động phá hoại vì thù địch. Qua những lợi ích đó, quân Đức đáng lẽ đã có thêm sức mạnh đáng kể thay vì có thêm kẻ thù.
Trong giai đoạn đầu, Hitler cố gắng tránh gây chiến với Mỹ và các phái bộ ngoại giao Đức luôn tìm cách mua chuộc dư luận Mỹ (vì nhiều chính khách và người dân Mỹ có tư tưởng cô lập hoặc chủ bại nên chống Mỹ tham chiến), cũng như tránh khuấy động các nước Bắc Âu có động thái chống Đức. Nhưng chính sách diệt chủng của Hitler làm nguy hại những công việc đó, dần dần khiến các nước từ chủ trương trung lập chuyển sang có ác cảm với Đức.
Tóm lại, chính sách diệt chủng không có lợi gì về mặt chiến thuật hoặc chiến lược, mà trái lại làm nguy hại đến nỗ lực chiến tranh và uy tín thế giới của Đức vốn đã nâng cao trong 5 năm đầu trước cuộc chiến, tức là chỉ thêm thù và bớt bạn. (History.Com Editors, 2009; Morris, 2017)
Tuy nhiên, theo một nhận định chán chường khác, nếu không có chế độ diệt chủng thì Hitler không phải là Hitler!
Sai lầm Số 14: Trận Kursk năm 1943
Sau chiến bại của Đức ở Stalingrad, đến phiên Nga phạm sai lầm hoặc vì quá kiệt sức nên không tiến công tiêu diệt quân Đức dọc Sông Don và phía bắc Caucasus. Nhờ đó, Manstein (Tư lệnh Tập đoàn quân Nam) dẫn quân thoát ra khỏi Caucasus, đánh thắng quân Nga và vào tháng 2-3 chiếm được Kharkov và Belgorod.
Quân Nga phản công về hướng tây rồi chiếm lại một số vùng đất ở Ukraina. Phòng tuyến của họ ở phía nam Orel và phía bắc Kharkov ép lại quanh Kursk (một thành phố công nghiệp quan trọng cách Moskva 480 km về hướng nam), đe dọa đánh gọng kìm quân Đức. Hitler muốn phá vỡ sức ép này.
Về mặt chiến lược, bên Đức tin rằng cần lấy thế chủ động mà giáng cho quân Nga một đòn nặng trong khi Mỹ–Anh chưa thể mở mặt trận ở Tây Âu. Lúc đó, Nga có thể dàn xếp hòa bình với Đức và chấm dứt quan hệ đồng minh với Mỹ–Anh.
Vào giữa tháng 4 năm 1943, Hitler chấp thuận Kế hoạch Zitadelle (Anh ngữ: Citadel) do tướng lĩnh Đức soạn thảo. Tướng Manstein ủng hộ kế hoạch này, cho rằng nếu tấn công sớm lúc quân Nga chưa phòng bị, Đức có thể chiến thắng. Đại tướng Model (Tư lệnh Tập đoàn quân Thứ Chín ở phía tây Orel), yêu cầu trì hoãn để đợi được bổ sung xe tăng loại mới.
Riêng Tướng Guderian chống đối Kế hoạch Zitadelle ngay từ đầu, cho rằng quân Đức chưa sẵn sàng, nếu tấn công lực lượng tăng sẽ chịu thiệt hại nặng và không có đủ số thay thế. Guderian and Speer còn cho rằng có vấn nạn về kỹ thuật trong quy trình sản xuất các loại tăng mới. Tướng Jodl cũng phản đối, cho rằng sử dụng lực lượng dự bị gây nguy hại trong khi có mối đe dọa mới ở Địa Trung Hải. (Steve, 2009)
Hitler phản bác những ý kiến phản đối, nhưng thuận theo Model mà trì hoãn ngày khởi động. Việc này giúp quân Nga củng cố phòng tuyến, thu thập tin tức tình báo (cũng nhờ khai thác một sĩ quan Đức bị bắt, và Anh phá được mật mã Đức mà chuyển tin cho Nga) nên biết rõ quân Đức có lực lượng bao nhiêu, sẽ tấn công ở đâu, và huy động lực lượng dự bị mạnh phía sau phòng tuyến. Thế nên trái ngược với hai năm trước, lần này quân Nga được chuẩn bị chu đáo, lại có ưu thế về quân số và số xe tăng.
Đúng thật là Đức có một số trở ngại lớn. Nhiều sư đoàn chỉ còn 2/3 cơ số, và phương tiện cơ giới cũng như vũ khí chống tăng cũng bị hao hụt tương ứng. Không quân Đức phải chống trả các đợt tập kích của không quân Mỹ–Anh nên không thể yểm trợ hữu hiệu mặt trận Đông. Tàu ngầm Đức đã thất bại trên Đại Tây Dương nên hàng tiếp vận của Mỹ càng đổ đến Châu Âu kể cả Nga nhiều hơn. Ý, Hungary và Romania rút quân về sau khi chịu thiệt hại nặng năm trước, còn Phần Lan lại hạn chế sự cộng tác với Đức. (Carlson, 1989)
Mặt khác, Đức có một số vũ khí mới, như xe tăng hạng trung Panther (Báo) và hạng nặng Tiger (Cọp), được xem là tốt nhất trong Thế chiến 2, khu trục cơ Fw-190, súng không giật Elephant… Bên Đức vẫn quá tự tin và đánh giá quá thấp tiềm lực của Nga.
Trận Kursk là trận đánh có mật độ xe tăng tập trung cao nhất trong Thế chiến 2: khoảng 2.800 chiếc bên Đức và 3.600 chiếc bên Nga (Trueman, 2019). Ngày 5 tháng 7, Hitler phát động đợt tiến công mạnh mẽ – hóa ra là đợt tiến công cuối cùng chống Liên Xô. Tinh hoa của Quân đội Đức – khoảng nửa triệu quân với 17 sư đoàn thiết giáp – tiến đánh Nga từ phía tây Kursk. Hitler tin rằng quân Đức có thể bao vây những đội quân mạnh nhất của Liên Xô gồm khoảng 1 triệu người – chính là những lực lượng đã đánh lui quân Đức khỏi Stalingrad và Sông Don mùa đông vừa rồi – rồi đẩy lui quân Nga về Sông Don, có thể đến Sông Volga và tiến lên hướng đông-nam để chiếm lấy Moskva. (Shirer, 1960)
Bên Đức hô hào binh sĩ của họ điên cuồng lao đến tấn công quân Nga với quân số vượt trội cố thủ vững chắc và được yểm trợ bởi súng chống tăng có chất lượng cao.
Ngày 12 tháng 7, một trận quyết chiến diễn ra ở Prokhorovka giữa trên dưới 640 xe tăng Nga và trên dưới 300 xe tăng Đức. (Có những nguồn cho con số cao hơn nhưng không đúng.) Đức thắng về chiến thuật vì bên Nga thiệt hại nặng hơn, nhưng không đạt được mục tiêu chiến lược nào.
Cùng ngày trên, Hitler tỏ ý muốn chấm dứt Trận Kursk. Đó là vì hai ngày trước quân Đồng minh đổ bộ lên Đảo Sicily của Ý khiến cho ông lo ngại Đồng minh sẽ tấn công thêm từ hướng nam, nên ông muốn chuyển quân từ Kursk đến Ý. Manstein vẫn còn 3 sư đoàn thiết giáp dự bị chưa tham chiến, trong khi các đơn vị Nga không được rảnh tay, nên ông cho rằng quân dưới quyền mình có thể đánh qua vùng trống trải để tiêu diệt quân Nga. Hitler đồng ý cho tiếp tục tấn công, rồi đổi ý. Ngày 17 tháng 7, ông ra lệnh rút quân.
Sau chiến tranh, Manstein phê phán nặng nề quyết định của Hitler. Nếu được phép, nhờ còn có số xe tăng nhiều hơn bên Nga, Manstein sẽ tiếp tục tiến công và quân Nga sẽ chịu thiệt hại hơn nữa (Jensen, 2017). Tuy vậy, có ý kiến cho rằng Manstein đánh giá quá thấp lực lượng dự bị của quân Nga mà nếu được tung ra thì Đức sẽ thất bại.
Có nhiều sai biệt giữa những con số của Trận Kursk, nhưng rõ ràng là hai bên bị thiệt hại nặng. Điều khác biệt là Nga có thể thay thế số binh sĩ và vũ khí bị mất, nhưng Đức không thể. Chiến dịch mang đến thất bại có tính quyết định cho Đức. Đây là lần đầu tiên, Đức không thể xuyên thủng phòng tuyến đối phương trong một cuộc tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Quân Liên Xô trở nên tự tin đến nỗi không cần chờ đến kết quả của Trận Kursk, họ mở ngay đợt tấn công ở Orel, phía bắc Kursk, nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến của Đức. Đây là đợt tấn công mùa hè đầu tiên của Liên Xô trong cuộc chiến, và từ lúc này trở đi quân Liên Xô không bao giờ mất sự chủ động. Ngày 4 tháng 8, họ đẩy lui quân Đức ra khỏi Orel, vốn là bản lề phía nam của mũi tiến công của Đức hướng đến Moskva vào tháng 12 năm 1941.
Giờ đây, Liên Xô mở đợt tấn công trên toàn mặt trận. Họ chiếm lại Kharkov ngày 23 tháng 8. Một tháng sau, ngày 25 tháng 9, cách gần 500 km về hướng tây-bắc, quân Đức bị đánh bật khỏi Smolensk. Đến cuối tháng 9, quân Đức ở miền Nam Liên Xô lui về phòng tuyến Sông Dniepr và một tuyến phòng thủ từ Zaporozhe nơi con sông uốn khúc ở phía bắc Biển Azov. Nga chiếm lại lưu vực Donetsk với nhiều cơ sở công nghiệp; Đại Quân đoàn Thứ Mười Bảy của Đức có nguy cơ bị cắt đứt.
Hitler tự tin mà nghĩ quân Đức có thể cầm cự dọc Sông Dniepr và trên những vị trí được gia cố ở phía nam Zaporozhe – tất cả tạo nên “Phòng tuyến Mùa Đông”. Nhưng quân Nga không muốn dừng bước tiến dù cho để củng cố lực lượng. Trong tuần lễ đầu tháng 10, họ vượt qua Sông Dniepr ở phía bắc và đông-nam Thành phố Kiev, và ngày 6 tháng 11 chiếm lại thành phố này. Đến cuối năm 1943, quân Liên Xô tiến đến biên giới Ba Lan và Rumania.
Sau Trận Stalingrad, nếu Hitler kết hợp nhuần nhuyễn với tướng lĩnh để có chiến lược hợp lý, Đức vẫn còn đủ lực lượng để ngăn đà tiến của Liên Xô trong khi Đồng minh tiến đánh Berlin. Do đó, đáng lẽ Đồng minh đã có thể kết thúc cuộc chiến trước khi Liên Xô có cơ hội chiếm nhiều lãnh thổ Trung Âu, vì thế Liên Xô khó mà vươn lên vị thế siêu cường. (Henderson, 2001).
Sai lầm Số 15: Trận Normandie năm 1944
Sai lầm này liên quan đến Sai lầm Số 7: Thiếu nguồn lực và đặc biệt Sai lầm Số 8: Can dự quá sâu vào chiến thuật quân sự.
Roberts (2012) mỉa mai:
Hitler ngáng trở Rundstedt trong việc bảo vệ Normandie chống lại cuộc đổ bộ của Đồng minh. Đúng thật là nếu Hitler đứng về phe Đồng minh thì hẳn ông ta vẫn khó mà giúp Đồng minh được hơn thế.
Chi tiết của Trận Normandie được trình bày bởi Diệp Minh Tâm (2018).
Cuộc đổ bộ lên bờ biển và nhảy dù xuống vùng Normandie ở Pháp trong Thế chiến 2 là chiến dịch hải–lục–không quân có tầm mức lớn gấp 4 lần Chiến dịch Bão Sa mạc trong chiến tranh vùng Vịnh.
Rundstedt là Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây (OB West, phụ trách Tây Âu), một trong ba tổng tư lệnh mặt trận của Quân đội Đức có quyền cao nhất trên chiến trường chống lại cuộc đổ bộ.
Dưới quyền Rundstedt là Thống chế Rommel, Tư lệnh Tập đoàn quân B phụ trách vùng Normandie trải dài đến vùng Pas-de-Calais.
Ngay từ đầu, các tướng lĩnh chiến trường đã bất đồng ý kiến ở điểm cốt lõi.
Ý tưởng của Rundstedt là cứ để cho quân Đồng minh đổ bộ, và phải bố trí các sư đoàn thiết giáp ở trong sâu để tránh tầm đại pháo của hải quân Đồng minh. Sau khi quân Đồng minh đã tiến sâu vào đất liền thì Đức mới huy động thiết giáp đánh trả theo chiến thuật sấm sét (blitzkrieg). Rundstedt tin đó mới là thời điểm để phản công, khi quân địch vẫn còn yếu, chưa có đại pháo, chưa có đủ tăng, vẫn đang loay hoay củng cố lực lượng nhỏ lẻ trong khi ở ngoài tầm bắn yểm trợ của hải quân Đồng minh.
Ý tưởng của Rundstedt nhận sự ủng hộ của Đại tướng Schweppenburg (Tư lệnh Thiết giáp Mặt trận Tây). Ông này nhắc đến bài học cay đắng ở Ý, nơi thiết giáp Đức gần bờ biển bị Đồng minh oanh kích tơi bời.
Rommel không đồng ý với ý tưởng đó. Ông cho rằng phải chận đứng quân Đồng minh ngay trên bãi biển; nếu để họ lập được một đầu cầu thì Đức sẽ thua cuộc chiến. Sẽ không có thời gian để đưa lực lượng tăng viện từ tuyến sau lên, ông chắc chắn chúng sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng bởi không quân Đồng minh vốn đang chiếm ưu thế tuyệt đối. Vì thế thiết giáp Đức bám sát quân Đồng minh sẽ được an toàn hơn là khi di chuyển từ đất liền ra bờ biển. Vốn đã thắng những trận đánh tăng đáng nhớ trên sa mạc Bắc Phi, Rommel được trao quyền điều động các sư đoàn thiết giáp.
Tranh cãi giữa Rommel ở một bên và Rundstead-Schweppenburg ở bên kia trong kế hoạch điều động thiết giáp được trình lên cho Hitler quyết định. Shirer (1960) tóm tắt kết quả: “Do một chỉ thị ngu xuẩn của Hitler, ngay cả Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây cũng phải xin phép Lãnh tụ khi muốn điều động các sư đoàn thiết giáp.” Chỉ thị này mang đến hệ lụy trầm trọng cho Đức.
Việc phòng thủ vùng Normandie trông đợi nhiều vào 9 sư đoàn thiết giáp và 1 sư đoàn thiết kỵ với tổng cộng 1.400 xe tăng, nhưng có những hạn chế nghiêm trọng do hệ thống quản trị rối rắm:
- Ba sư đoàn thiết giáp được đặt dưới sự điều động của Rommel nhưng chỉ có Sư đoàn 21 ở gần khu vực đổ bộ, còn Sư đoàn 2 và 116 đồn trú ở phía bắc Sông Seine nhằm bảo vệ vùng Pas-de-Calais, vì mắc bẫy đánh lạc hướng của Đồng minh.
- Ba sư đoàn thiết giáp 1, 12, Lehr và Sư đoàn 17 SS Thiết kỵ – là những đơn vị thiện chiến – chỉ được điều động khi Hitler cho phép.
- Ba sư đoàn còn lại nằm trong cơ cấu của Tập đoàn quân G ở phía nam, vì thế muốn sử dụng cũng phải xin phép Hitler.
Tóm lại, Rommel và Rundstedt lâm vào tình trạng dở khóc dở cười ở Normandie: chỉ có một sư đoàn thiết giáp gần bãi biển đổ bộ là sẵn sàng ứng chiến, hai sư đoàn họ có quyền điều động lại ở quá xa, còn muốn điều động hai sư đoàn gần khu vực đổ bộ thì phải xin phép Hitler trước. Riêng việc điều động 4 sư đoàn thiết giáp còn lại thì nhiêu khê hơn nữa.
Thiết giáp đã thế, sự yểm trợ hải quân và không quân cũng có vấn nạn tương tự. Tư lệnh hai lực lượng này ở Mặt trận Tây chỉ nhận lệnh từ tư lệnh quân chủng của họ, và hai ông này chỉ nhận lệnh từ Hitler.
Lúc 5 giờ 00 sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944 tức hai tiếng đồng hồ trước cuộc đổ bộ lên Normandie, Thiếu tướng Pemsel (Tham mưu trưởng Đại Quân đoàn Thứ Bảy trấn giữ vùng đổ bộ Normandie) gọi cho Thiếu tướng Speidel (Tham mưu trưởng cho Rommel) và nói rõ: “Tàu thuyền đang tập trung trong khoảng giữa cửa sông Vire và Orne. Kết luận là cuộc đổ bộ và tấn công quy mô lớn của địch vào Normandie sắp xảy ra”. Ông nói như thế là do báo cáo từ các đơn vị Hải quân Đức dọc theo bờ biển gửi tới trong vòng 1 tiếng đồng hồ vừa qua. Họ đã phát hiện âm thanh của tàu biển, không chỉ một hay hai chiếc như trước, mà là một hạm đội.
Rundstedt cũng đi đến kết luận tương tự, nhưng vẫn nghĩ cuộc tấn công nhắm đến Normandie là hành động đánh lạc hướng chứ không phải đổ bộ thực sự. Mặc dù vậy, ông hành động mau lẹ: ra lệnh Sư đoàn Lehr Thiết giáp và Sư đoàn 12 Thiết giáp SS đang ở vị trí gần nhất tiến ra để ứng chiến. Nhưng đây lại là lực lượng dự bị của Bộ Tư lệnh Tối cao Quân lực (Oberkommando der Wehrmacht – OKW) mà muốn điều động ông phải xin phép Hitler. Nhưng Rundstedt mạo hiểm; ông không tin là Hitler sẽ hủy lệnh đó. Bức điện của ông viết:
OB West chắc chắn rằng đây thực sự là một chiến dịch lớn của địch và chỉ có thể đối phó thành công nếu hành động ngay lập tức. Nó bao gồm việc chuyển giao ngay hôm nay các đơn vị dự bị chiến lược sẵn có… Sư đoàn SS 12 và Sư đoàn Lehr Thiết giáp. Nếu được tập hợp nhanh chóng và khởi hành sớm, họ có thể tham chiến ngay trong ngày. Do đó, trong trường hợp này OB West đề nghị OKW chuyển giao lực lượng dự bị.
Đây là một bức điện theo thủ tục, đơn giản chỉ là để lưu trong hồ sơ.
Tại biệt thự nghỉ dưỡng của Hitler ở Berchtesgaden trong khí hậu êm dịu ở miền nam Bavaria, bức điện trên được chuyển tới văn phòng của Jodl (Tham mưu phó Hành quân của OKW). Đại tướng Warlimont (phụ tá của Jodl) nhận được yêu cầu đó. Jodl đang ngủ và các sĩ quan tin rằng tình hình chưa nghiêm trọng đến mức phải quấy rầy ông này. Bức điện có thể đợi.
Khi Jodl thức dậy, ông không dám quyết, còn Hitler thì đang ngủ mà không ai dám đánh thức.
Warlimont báo cáo: “Blumentritt đã gọi về số xe tăng dự bị. OB West muốn điều họ tới khu vực đổ bộ ngay lập tức”.
Như Warlimont nhớ lại, Jodl im lặng khá lâu trước khi trầm ngâm hỏi: “Ông có chắc đây là cuộc đổ bộ không?” Trước khi Warlimont có thể trả lời, Jodl tiếp tục: “Theo những báo cáo mà tôi nhận được thì đây có thể là một cuộc tấn công nghi binh… một phần của kế hoạch lừa gạt. OB West đã có đủ quân dự bị… OB West nên cố gắng đẩy lui cuộc tấn công với lực lượng trong tay… Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chuyển giao các đơn vị dự bị OKW… Ta phải đợi cho tình hình rõ ràng hơn”.
Warlimont biết tranh cãi là vô ích, mặc dù ông tin rằng cuộc đổ bộ ở Normandie nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà Jodl nghĩ. Ông bị “sốc” vì cách giải thích theo nghĩa đen của Jodl về chỉ thị của Hitler đối với việc kiểm soát các đơn vị xe tăng. Sự thật, chúng là dự bị của OKW và do đó được đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Hitler. Nhưng, cũng giống như Rundstedt, Warlimont đã luôn hiểu rằng “trong trường hợp quân Đồng minh tấn công, bất kể là nghi binh hay không, các đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao ngay tập tức – chuyển giao tự động, trên thực tế”. Đối với Warlimont, làm như thế mới hợp lý; người chỉ huy ở chiến trường đối đầu với cuộc đổ bộ phải có trong tay mọi lực lượng để sử dụng khi cần thiết, đặc biệt khi người đó lại là một chiến lược gia đáng kính Rundstedt.
Đáng lẽ Jodl có thể chuyển giao các đơn vị đó, nhưng ông bỏ qua. Warlimont cảm thấy quan điểm của Jodl chỉ là một ví dụ khác về “sự rối loạn về chỉ huy trong Hội đồng lãnh đạo”. Nhưng không ai tranh cãi với Jodl. Warlimont cho Blumentritt biết qua điện thoại. Lúc này quyết định điều động đơn vị xe tăng dự bị dựa vào tính cách thất thường của người mà Jodl cho là một thiên tài quân sự – Hitler.
Lúc 7 giờ, Jodl yêu cầu Rundstedt hủy lệnh điều động hai sư đoàn thiết giáp. Rồi Jodl gọi cho Speidel để đảm bảo lệnh được thi hành.
Thế là vị Thống chế giống như người bị trói tay: còn khỏe mạnh nhưng không cử động được. Hai sư đoàn thiết giáp nằm chờ suốt buổi sáng ngày 6 tháng 6. Lúc đó bầu trời âm u; đáng lẽ họ có thể tiến ra mà không bị máy bay Đồng minh phát hiện.
Tại Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây (OB West), quyết định của Jodl gây ra choáng váng và hoài nghi. Đại tá Zimmermann (Trưởng phòng Tác chiến của OB West) nhớ lại rằng Rundstedt “tức điên lên, đỏ mặt, cơn thịnh nộ khiến ông hành động một cách khó hiểu”. Zimmermann cũng không thể hiểu nổi. Đêm đó, trong cuộc gọi tới OKW, Zimmermann báo cho Trung tá Friedel (sĩ quan trực của Jodl) rằng OB West đã ra lệnh báo động cho 2 sư đoàn thiết giáp. Zimmermann cay đắng nhớ lại: “Không có sự phản đối nào về việc đó.” Rồi ông gọi OKW một lần nữa và trao đổi với Trưởng ban Tác chiến Lục quân, Thiếu tướng Buttlar-Brandenfels. Ông được tiếp đón lạnh nhạt – Buttlar đã được Jodl gợi ý. Ông ta huênh hoang trong cơn giận dữ: “Những sư đoàn đó nằm dưới quyền điều động trực tiếp của OKW! Các anh không có quyền ra lệnh báo động họ mà không được chúng tôi cho phép trước. Các anh phải dừng lại ngay lập tức – không được làm gì trước khi Lãnh tụ đưa ra quyết định!” Khi Zimmermann cố gắng tranh luận, Buttlar chặn họng ông lại bằng giọng nói the thé: “Hãy làm như đã được yêu cầu!”
Nước đi tiếp theo thuộc về Rundstedt. Là một thống chế, đáng lẽ ông có thể gọi trực tiếp cho Hitler để thuyết phục, rồi có thể những đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao lập tức. Nhưng Rundstedt không gọi cho Lãnh tụ lúc đó hay bất cứ lúc nào trong D-Day. Ngay cả tính nghiêm trọng của cuộc đổ bộ cũng không buộc được nhà quý tộc Rundstedt phải cầu xin với người mà ông vẫn thường gọi là “anh hạ sĩ người Áo”.
Nhưng các sĩ quan của ông vẫn gọi điện dồn dập tới OKW trong những nỗ lực vô vọng nhằm có được quyết định điều động. Họ gọi cho Warlimont, Butltar-Brandenfels và cả sĩ quan quản trị của Hitler, Thiếu tướng Schmundt. Đó là một cuộc đấu tranh kỳ quặc, kéo dài hàng giờ. Zimmermann tóm tắt lại thế này: “Khi chúng tôi cảnh báo là nếu không có các đơn vị xe tăng, cuộc đổ bộ Normandie có thể thành công và dẫn tới những hậu quả khó lường, chúng tôi được bảo đơn giản là mình không ở vị trí đánh giá đúng mức, rằng cuộc đổ bộ thực sự sẽ diễn ra ở một nơi hoàn toàn khác”. Trong khi các tướng lĩnh người thì kèo nài người thì cứng nhắc từ khước, Hitler ngủ suốt ở thế giới không tưởng êm dịu Berchtesgaden, được bao bọc bởi những kẻ nịnh bợ không muốn đánh thức ông. Hitler đã đi nghỉ như thường lệ lúc 4:00 sáng và bác sĩ riêng Morell đã cho ông một liều thuốc ngủ – bây giờ ông ta không thể ngủ nếu thiếu nó.
Cùng lúc, Đề đốc Puttkamer (Tùy viên Hải quân của Hitler) bị đánh thức bởi cuộc gọi từ văn phòng của Jodl. Người gọi điện – Puttkamer không thể nhớ ra là ai – nói rằng đã có “dấu hiệu cuộc đổ bộ lên Pháp”. Vẫn chưa biết chính xác điều gì – thực tế, Puttkamer thấy những báo cáo đầu tiên hoàn toàn mơ hồ. Puttkamer nhớ lại rằng dù sao vẫn chưa có gì nhiều để báo cáo, và ông lo ngại rằng nếu bị đánh thức vào lúc này, Hitler có thể sẽ lại bị một cơn kích động vô tận luôn dẫn tới những quyết định điên rồ nhất. Puttkamer quyết định rằng buổi sáng là thời gian thích hợp để báo tin cho Hitler. Ông tắt đèn và quay vào ngủ tiếp.
Phản ứng của Hitler
Trong những thời khắc trọng đại, phản ứng của Hitler là như thế nào? Phản ứng này cực kỳ quan trọng. Hitler là nhà độc tài, nhưng không phải là độc tài suông. Các chức vụ chính thức mà ông ta kiêm nhiệm bao gồm mọi quyền hành dân sự và quân sự ở cấp cao nhất. Thật ra, khi ông ta ra lệnh thì cấp dưới chỉ biết tuân theo mà không cần biết ông ra lệnh với cương vị gì. Chỉ cần lên tiếng chứ không cần văn bản, lệnh của ông ta sẽ được tuân theo răm rắp.
Thế mà trong thời khoảng 24 tiếng đồng hồ như kể trên, Hitler không có quyết định gì cả, không ra mệnh lệnh gì cả.
Trong một thời gian dài, Hitler đã cảm thấy bực bội vì Đồng minh xây dựng sức mạnh ở Anh mà quân Đức không thể chạm tới. Bây giờ, ông nghĩ sức mạnh đó đã ở trong tầm đạn của Đức. Về cuộc tấn công sắp tới, ông ta một phần mong chờ và coi đó là cơ hội để đập tan quân Đồng minh, đồng thời phân vân liệu nó có thể diễn ra hay không. Với cả hai giả thiết đó, ông ta vẫn tự tin là sẽ giành chiến thắng. Nếu Đồng minh thực sự tấn công, họ sẽ gặp thảm họa và sẽ không bao giờ dám thử nữa. Máy bay phản lực có thể kết liễu họ. Nếu Đồng minh không tấn công thì đó là đúng ý của Hitler: ông muốn đánh thẳng tới London thay vì đánh một trận phòng thủ. Ông có một vũ khí mới để làm việc này: hỏa tiễn V-1. Tiên liệu của Hitler là London sẽ bị biến thành “khu vườn đổ nát”.
Ngày 5 tháng 6, Goebbels (Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền) dùng trà với Hitler và thấy Lãnh tụ có trạng thái bình thản. Có lẽ từ 8 giờ 15 đến 9 giờ 30 tối hôm ấy là lúc OKW bắt đầu tin chắc rằng đây là cuộc đổ bộ thực sự. Trong khi đó, Hitler và người tình Eva Braun cùng đoàn tùy tùng xem phim rồi chuyện trò. Goebbels kể lại: “Đêm hôm ấy chúng tôi ngồi quanh lò sưởi cho tới 2 giờ khuya, trao đổi với nhau về kỷ niệm tươi đẹp của những tháng ngày cũ… Nói chung, trạng thái tinh thần giống như ngày xưa.” Không thấy có ghi chép gì về thảo luận tình hình chiến sự cho dù hai tiếng đồng hồ trước đã có những báo cáo đầu tiên về cuộc đổ bộ.
Lúc 1 giờ 50 rạng sáng ngày 6 tháng 6, Phó Đô đốc Karl Hoffman (chỉ huy Hải quân Mặt trận Tây ở Paris) triệu tập các tùy viên sau khi đã nhận những báo cáo đáng báo động. Ông cho gửi bức điện như sau về Đức: “Hãy báo cáo với tổng hành dinh của Lãnh tụ rằng đây là cuộc tấn công.”
Có lẽ đây là thông báo rõ ràng đầu tiên về cuộc tấn công được gửi đến Hitler. Có vẻ như không có động thái gì phản ứng với tin báo này. Dường như hầu hết những người thân cận của Hitler đang chờ tuyên bố chính thức của phía Đồng minh trước rồi mới dám báo cho ông ta. Đề đốc Puttkamer (Tùy viên Hải quân của Hitler) gọi điện cho Jodl để yêu cầu báo cáo mới nhất. Ông được trả lời rằng “có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một cuộc đổ bộ quan trọng đã được tiến hành”. Tập trung mọi tin tức có thể, Puttkamer và ban tham mưu nhanh chóng chuẩn bị một tấm bản đồ.
Lúc 9 giờ 15 sáng, Hitler thức dậy sau giấc ngủ không bị quấy rầy, ông nghe báo cáo mới nhất. Tức là ông được thông báo 11 tiếng đồng hồ sau khi OKW nhận báo cáo của Quân báo Đức, và 8 tiếng đồng hồ sau khi các đơn vị tiền phương Đức ban hành lệnh báo động. Thời gian quý giá bị uổng phí! Thế mà khi Speer (Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang) đến, ông thấy Hitler vẫn chưa thức tỉnh với tin tức về cuộc đổ bộ.
Hitler lắng nghe báo cáo và cho gọi Keitel (Tham mưu trưởng của OKW) và Jodl (Tham mưu phó Hành quân của OKW). Khi họ đến, Hitler đang đợi họ trong trạng thái kích động. Cuộc thảo luận sau đó, như Puttkamer nhớ lại, “hoàn toàn kích động”. Tin tức chưa đầy đủ, nhưng dựa trên những gì được biết, Hitler quả quyết rằng đây không phải là cuộc đổ bộ chính, và ông ta lặp đi lặp lại điều đó. Cuộc thảo luận chỉ kéo dài vài phút và bị ngắt một cách thô lỗ, như Jodl nhớ lại sau này, khi Hitler bất ngờ quát vào mặt ông và Keitel: “Nào, đây có phải là cuộc đổ bộ không?” rồi xoay lưng đi ra khỏi phòng.
Một nguồn khác kể lại diễn tiến ngày này.
Hitler nói: “Không có tin nào hay hơn. Nếu chúng cứ đóng quân ở Anh, ta không thể tấn công chúng. Bây giờ chúng tới đây thì ta có thể tiêu diệt chúng.” Cùng lúc, Hitler có hẹn tiếp Thủ tướng Hungari, với sự tham dự của các nhà ngoại giao Bulgari và Romani, để yêu cầu họ đóng góp thêm cho nỗ lực chiến tranh. Khi bước vào phòng tiếp tân, ông hồ hởi kêu lên: “Cuối cùng nó bắt đầu rồi.” (Ambrose, 1994).
Sau buổi hội kiến, Hitler trải ra một tấm bản đồ nước Pháp và nói với Göring : “Chúng đang đổ bộ ở đây, và ở đây: đúng là nơi ta đang mong đợi”. Göring không cãi lại sự dối trá hiển nhiên đó.
Goebbels cũng được thông báo về cuộc đổ bộ, và thấy Hitler giống như trong trạng thái trút được gánh nặng trên vai. Ông kêu lên: “Rốt cuộc, Ơn Chúa! Đây là hiệp cuối cùng.”
Một phụ tá của Goebbels giải thích suy nghĩ của Hitler và Goebbels trong một đoạn nhật ký:
Vấn đề liệu Đồng minh sắp tấn công phía Tây hay không lấn áp mọi thảo luận và chính trị quân sự. Goebbels e rằng Đồng minh chưa dám tấn công. Nếu thế, đối với chúng ta có nghĩa là nhiều tháng trông chờ đằng đẵng, mệt mỏi, chỉ thách thức sức mạnh của chúng ta vượt quá mức chịu đựng. Hiện tiềm năng chiến tranh của chúng ta chỉ giảm chứ không thể tăng. Mỗi cuộc không kích mới làm cho tình hình xăng dầu trầm trọng thêm.
Con người ấy luôn hoang tưởng mặt này hay mặt khác. Hitler đã trở nên tin chắc rằng cuộc đổ bộ “thật” sẽ bắt đầu ở khu vực Pas-de-Calais đến mức ông ta giữ nguyên Đại Quân đoàn Thứ Mười Lăm của Salmuth cho đến tận ngày 24 tháng 7. Đến lúc đó thì đã quá muộn. Trớ trêu thay, ban đầu Hitler dường như là người duy nhất tin rằng cuộc đổ bộ sẽ xảy ra ở Normandie. Tướng Blumentritt kể: “Tôi nhớ rõ một cuộc gọi từ Jodl hồi tháng 4, khi đó ông ta nói rằng ‘Lãnh tụ có thông tin rõ ràng rằng không phải là không có khả năng sẽ diễn ra một cuộc đổ bộ ở Normandie’.”
Tại tổng hành dinh OB West ở Paris, Blumentritt gọi cho Speidel ở tổng hành dinh của Rommel. Cuộc đàm thoại với một câu duy nhất này được ghi lại trong Nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân B. Blumentritt nói: “OKW đã chuyển giao Sư đoàn SS 12 và Panzer Lehr”. Lúc này là 3 giờ 40 chiều. Cả hai vị tướng đều biết đã quá muộn. Hitler và cấp dưới của ông ta đã ghìm giữ hai sư đoàn xe tăng suốt gần 11 tiếng đồng hồ. Bây giờ mây mù đã tan, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Đồng minh vần vũ bắn phá khắp cùng. Xe tăng Đức phải chui vào ẩn nấp dưới các tán lá cây ven đường, chờ đến khi đêm tối mới tiếp tục hành quân.
Mười ba tiếng đồng hồ sau khi OB West yêu cầu hai sư đoàn thiết giáp mà bị bác bỏ, Hitler ban hành một chỉ thị nổi tiếng, được lưu giữ trong hồ sơ của Đại Quân đoàn Thứ Bảy:
16:55, 6 tháng 6, 1944
Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây phải nhấn mạnh ý muốn của Bộ Chỉ huy Tối cao là tiêu diệt địch quân ở đầu cầu vào buổi tối 6 tháng 6, vì nguy cơ có thêm quân đổ bộ và nhảy dù để hỗ trợ… Phải quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay.
Trong không khí núi rừng mát mẻ tại Berchtesgaden – nơi Hitler đang chỉ đạo trận chiến quan trọng nhất cho đến lúc này – chỉ thị lạ lùng trên có vẻ nghiêm túc, được cả Jodl và Keitel đồng tình. Vì lẽ, trong nhiều tháng Hitler vẫn nói vận mệnh của Đức sẽ được quyết định ở phía Tây. Dường như ngay cả Rommel cũng xem đó là nghiêm túc, vì ông lập tức truyền đạt chỉ thị trên qua điện thoại, rồi ra lệnh cho tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Bảy mở cuộc phản công bằng Sư đoàn 21 Thiết giáp – là đơn vị thiết giáp duy nhất trong vùng – “ngay lập tức dù có tăng viện hay không”.
Sư đoàn này đã làm việc ấy từ 10 sáng mà không đợi lệnh của Rommel, và họ bị thiệt hại nặng nên phải rút về Caen. Khi Rommel gọi đến, Tướng Pemsel trả lời về chỉ thị “quét sạch, hạn cuối là đêm nay” của Hitler, không phải một, mà là ba đầu cầu. Ông nói: “Việc này là không thể được.”
Không đầy hai tháng trước, Rommel viết cho Tướng Jodl:
Dù địch có ưu thế trên không, nếu trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên ta có thể huy động phần lớn lực lượng cơ giới để tác chiến trên những vùng bờ biển bị đe dọa, tôi tin chắc rằng cuộc tấn công của địch sẽ hoàn toàn sụp đổ trong ngày đầu tiên.
Mệnh lệnh nghiêm ngặt của Hitler khiến cho những sư đoàn thiết giáp không thể tác chiến “trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên” hoặc thậm chí trong những ngày đầu tiên. Khi cuối cùng các sư đoàn này được tung ra, họ bị đánh tan tác.
Đến nửa đêm ngày 6 tháng 6 mà Rondstedt gọi là “ngày dài nhất”, tất cả các đầu cầu trên bãi biển được giữ vững, kéo dài hơn 120 kí-lô-mét, với tổng cộng 6 sư đoàn bộ binh. Phòng tuyến quân Anh-Canada từ các bãi Gold, Juno và Sword lấn sâu vào đất liền gần 10 kí-lô-mét. Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ từ Bãi Utah tiến nhanh hơn dự kiến và bắt tay với Sư đoàn 101 Không vận – thành công gần như hoàn hảo. Chỉ có Bãi Omaha là hơi chông chênh, nhưng cơn khủng hoảng đã qua đi.
Đúng như các tướng lĩnh Đức nói về lệnh của Hitler: quân Đức không thể nào quét sạch bờ biển vào hạn cuối là đêm nay. Hoặc vào bất kỳ đêm nào khác. Ngày dài nhất chấm dứt.
Tổng kết
Hai yếu tố quan trọng đóng góp vào chiến thắng của Đồng minh ở Normandie:
- Trước chiến dịch đổ bộ là chiến dịch đánh lạc hướng quá chi li, quá thần kỳ! Kết quả là Đức dồn sức mạnh quân sự để phòng ngự vùng Pas-de-Calais, khiến cho vùng Normandie yếu hơn hẳn.
- Chiến dịch đổ bộ lên Normandie được yểm trợ bởi lực lượng hải quân và không quân áp đảo.
Tuy nhiên, còn những khía cạnh quan trọng khác do sai lầm của Hitler.
Về mặt quản trị, Tổng thống Mỹ Roosevelt giao toàn quyền cho Đại tướng Eisenhower (Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Đồng minh, được thăng Thống tướng ngày 20 tháng 12 năm 1944), và đến phiên Eisenhower cho phép tướng lĩnh dưới quyền được linh động tùy theo tình hình mặt trận đòi hỏi ở mỗi lúc mỗi nơi. Trái lại, Hitler có những áp đặt vô lý và tướng Jodl ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực quá cứng nhắc, vô hình trung trói tay Rundstedt và Rommel. Hai cách chỉ huy khác nhau tạo khác biệt lớn về thắng bại. Một ví dụ rõ ràng là khi mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tối cao, Eisenhower không có thực quyền đối với lực lượng không quân chiến lược Anh–Mỹ. Các tướng không quân không thích nghe bảo phải đánh bom nơi nào, và họ muốn dành ưu tiên để đánh bom xuống đất Đức. Eisenhower phải kiên trì thuyết phục cấp cao nhất mới có toàn quyền điều động mọi lực lượng theo đúng danh nghĩa Tư lệnh Tối cao. Trái lại, Thống chế Rundstedt muốn điều động vỏn vẹn hai sư đoàn thiết giáp mà vẫn bị từ chối.
Nhờ được trao quyền rộng rãi mà Eisenhower có thể quyết định về ngày đổ bộ, dĩ nhiên là có nghe ý kiến các cộng sự. Sau chiến tranh, Phó đô đốc Friedrich Ruge ca ngợi Eisenhower vì đã đi đến “một trong quyết định thật sự lớn lao nhất trong lịch sử quân sự.” Ông nói thêm rằng không có chỉ huy quân sự nào phía Đức có thể làm như thế nếu không xin chỉ thị từ bên trên. Đó là do một khác biệt nữa: trong khi Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill lắng nghe và tin tưởng Eisenhower thì Hitler không chịu nghe ai hết, tự cho mình là thiên tài quân sự.
Có khác biệt lớn khác là Eisenhower được quyền điều động mọi lực lượng dưới quyền mà không phải xin phép ai, còn Rundstedt bị trói tay: ông không thể ra lệnh cho ba chỉ huy hải quân, không quân và thiết giáp trên Mặt trận Tây dù lực lượng của họ đóng trên địa bàn của ông. Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng thì cách phân nhiệm quyết định sự thành bại của hai bên.
Đó là do hệ thống phân nhiệm rõ ràng trong bộ tư lệnh của Eisenhower (SHAEP), so với sự phân nhiệm phức tạp giữa các cơ cấu của Rundstedt (OB West) và Rommel (Tập đoàn quân B) cũng như giữa hai người này và Schweppenburg (Đại quân đoàn 5 Thiết giáp). Sự phân nhiệm còn dẫn đến hệ lụy kỳ khôi khi Đại tướng Marcks phải xin phép Trung tướng Speidel mới được điều dụng Sư đoàn 21 Thiết giáp (sau cả buổi sáng!), còn Thống chế Runstedt bị Đại tướng cấp Cao Jodl từ chối việc điều dụng hai sư đoàn thiết giáp khác (phải chờ 13 tiếng đồng hồ!)
Một sự kiện nhỏ nhưng có hệ lụy lớn là Hitler ra lệnh không ai được đánh thức ông trước 9 giờ sáng, và Jodl răm rắp tuân theo. Nếu Eisenhower ra lệnh tương tự thì hẳn ai dưới quyền ông cũng sẽ làm trái lệnh này nếu thấy cần thiết – và tạo khác biệt lớn.
Nhà quân sử Ambrose nhận xét: một trong những “vấn nạn lớn của Đồng minh vào cuối năm 1943 chính là vì họ là đồng minh.” Eisenhower giải quyết được vấn nạn này. Eisenhower vượt qua những bất đồng nội bộ và nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa để xây dựng một guồng máy hoạt động nhịp nhàng, có tổ chức, có tính khoa học, và trên hết: tin tưởng lẫn nhau cho mục đích chung, bỏ qua những tị hiềm cá nhân. Ngược lại, Hitler không tin vào tướng lĩnh Đức, giữ quyền điều động các sư đoàn thiết giáp cách xa hàng ngàn kí-lô-mét và bảo Rommel đừng nói chuyện chính trị mà chỉ chú trọng vào mặt trận, trong khi Rundstedt miệt thị Hitler là “anh hạ sĩ người Áo” mà thuộc cấp đều nghe, trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng không màng đích thân gọi cho Hitler để thuyết phục giao thiết giáp cho mình, rồi mắng Jodl là “đồ ngốc.”
Tóm tắt, do Hitler muốn nắm quyền quyết định đối với những sự vụ nhỏ nhặt trong khi lại thiếu hành động cụ thể trong ngày Đồng minh đổ bộ, Trận Normandie tạo một bước ngoặt quan trọng trong Thế chiến 2. Sau khi đặt chân lên Châu Âu, quân Đồng minh tiếp tục tiến về đất Đức, dù chịu ít bước lùi nhưng cuối cùng đi đến chiến thắng.
Sai lầm Số 16: Cuộc Tổng phản công Ardennes, 1944-1945
Sai lầm này liên quan đến Sai lầm Số 7: Thiếu nguồn lực.
Shirer (1960) đưa ra thông tin chi tiết về cuộc Tổng phản công Ardennes (tên chính thức tiếng Đức: Wacht am Rhein, tên thông dụng tiếng Anh: Battle of the Bulge – Trận Túi phình, do quân Đức đánh chiếm được địa bàn trông giống như một túi phình lấn vào phòng tuyến Đồng minh). Vẫn là liên quan đến Sai lầm Số 7: Thiếu nguồn lực.
Sau khi đổ bộ lên Normandie vào tháng 6 năm 1944, quân Đồng minh tiến mạnh và tiến xa, đến nỗi họ thường vượt quá giới hạn của tuyến tiếp vận mà. Đến giữa tháng 12, đà tiến của họ bị hụt hơi, nhiều đơn vị phải dừng quân.
Giữa tháng 9 năm 1944, Hitler nung nấu ý tưởng phản công, khi quân Đồng minh đang dừng lại dọc biên giới Đức phía tây Sông Rhine. Dù ba đại quân đoàn của Mỹ cố mở lại cuộc tiến công trong tháng 10 với mục đích tiến đến Sông Rhine, đà tiến vẫn chậm và khó khăn. Aachen, thủ đô đế quốc xưa kia của Charlemagne, đầu hàng ngày 24 tháng 10. Đó là thành phố đầu tiên của Đức rơi vào tay Đồng minh. Nhưng Đồng minh vẫn không thể vượt qua Sông Rhine. Tuy nhiên, dọc đường họ có thể làm suy yếu lực lượng Đức bằng chiến tranh tiêu hao.
Hitler nhận ra rằng nếu cứ mãi thụ động phòng thủ thì chỉ kéo dài giờ khắc kết liễu số phận của nước Đức. Đầu óc cháy bỏng của Hitler khởi phát một kế hoạch táo bạo và đầy sáng kiến nhằm lấy lại thế chủ động. Ý tưởng là đánh xuyên qua giữa hai tập đoàn quân của Anh và Mỹ, cũng đánh qua giữa hai đại quân đoàn của Mỹ – những nơi được phòng thủ yếu – rồi tiến thẳng đến Cảng Antwerp của Bỉ. Sau khi Đức chiếm được Antwerp, quân Đồng minh không thể sử dụng cảng này để tiếp vận cho các đoàn quân ở xa trong lòng Châu Âu, họ sẽ bị cạn nhiên liệu và lương thực. Đức lại còn có thể đẩy lui quân Anh và Canada dưới quyền Thống chế Montgomery (Tư lệnh Tập đoàn quân 21) dọc biên giới Bỉ-Hà Lan. Chiến dịch tổng phản công đúng là một kế hoạch liều lĩnh. Hitler tin rằng hầu như chắc chắn sẽ tạo được bất ngờ cho Đồng minh và đánh gục họ trước khi họ có cơ hội hồi phục, rồi họ sẽ chấp nhận dàn xếp hòa bình với Đức. Sau đó, Đức sẽ dồn lực lượng phản công quân Liên Xô lúc này đang dừng lại dọc Sông Vistula.
Để giữ bí mật tuyệt đối, Hitler giới hạn thông tin về chiến dịch sắp tới trong Bộ Tư lệnh Tối cao.
Rundstedt (Tổng Tư lệnh Mặt trận Tây) kể lại:
Khi nhận được kế hoạch này vào đầu tháng 11, tôi cảm thấy choáng váng. Hitler đã không màng bàn bạc với tôi… Tôi thấy rõ rằng những lực lượng hiện có là quá nhỏ so với kế hoạch đầy tham vọng như thế.
Rundstedt và Model dưới quyền ông (Tư lệnh Tập đoàn quân B) đều cho rằng, xét tiềm lực của quân Đồng minh, Antwerp là mục tiêu vượt quá khả năng của quân Đức. Không lực Đồng minh liên tục đánh phá các cơ sở công nghiệp và xăng dầu, khiến cho các lực lượng thiết giáp Đức luôn thiếu xăng. Nhưng Hitler lại quá tự tin cho rằng quân Đức sẽ chiếm đoạt xăng của Đồng minh trên đường tiến. Rundsted và Model không đồng ý, cho rằng vấn nạn thiếu xăng dầu đủ gây nguy hại cho toàn chiến dịch. Hitler không nghe. Ông hoãn ngày tiến quân để có thời giờ chuẩn bị thêm. Trong lúc đó, bức màn bí mật vẫn bao phủ tướng lĩnh cấp dưới.
Vì biết rằng không thể nào biện luận với Hitler, Rundstedt và Model quyết định đề xuất một kế hoạch khác có thể thỏa mãn ý muốn của thủ lĩnh quân phiệt về phản công nhưng chỉ giới hạn trong việc đánh phá vị trí quân Mỹ quanh Aachen. Hitler phớt lờ.
Thấy không có hy vọng thuyết phục được Hitler thay đổi ý kiến, Rundstedt không dự buổi họp quân sự ngày 2 tháng 12, mà chỉ cử tham mưu trưởng Blumentritt dưới quyền đi thay.
Nhưng cả Blumentritt, Model, Tướng Manteuffel (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Năm Thiết giáp) và Tướng S.S. Dietrich (Tư lệnh Đại Quân đoàn Thứ Sáu Thiết giáp) đến dự họp mà không thể làm cho Hitler lung lay. Suốt cuối mùa thu ông đã vơ vét khắp nước Đức mọi nguồn lực cho nước cờ mới. Vào tháng 11, ông đã thu thập được gần 1.500 xe thiết giáp mới hoặc tân trang, và tháng 12 thêm 1.000 chiếc nữa. Hitler còn huy động được 28 sư đoàn – kể cả 9 sư đoàn thiết giáp – để đánh xuyên qua Ardennes, thêm 6 sư đoàn để tấn công Alsace, tiếp theo mũi tiến công chính. Göring hứa sẽ cung ứng 3.000 khu trục cơ. So với 610.000 quân Đồng minh, tổng cộng Đức có 450.000 quân.
Đó là một lực lượng đáng kể, tuy còn yếu hơn nhiều so với tập đoàn quân của Rundstedt trên cùng mặt trận năm 1940. Nhưng việc điều quân như thế khiến cho mặt trận phía Đông không có quân tăng viện vốn rất cần thiết để đẩy lui cuộc tấn công của Liên Xô dự trù vào tháng 1 năm 1945.
Khi Tham mưu trưởng Lục quân Guderian – người chịu trách nhiệm chiến trường phía Đông – lên tiếng phản đối, Hitler nghiêm khắc trả lời:
Anh không cần phải dạy tôi. Tôi đã chỉ huy Quân đội Đức trong 5 năm và trong thời gian này tôi có kinh nghiệm thực tiễn hơn bất cứ ai trong Bộ Chỉ huy Tối cao từng mong mỏi… Tôi còn nắm vững tình hình hơn anh!
Khi Guderian vạch rõ là Liên Xô sắp tấn công với sức mạnh vượt trội và đưa ra những con số cho thấy sự tăng cường lực lượng của Liên Xô, Hitler la lối: “Đó là sự bịp bợm lớn nhất kể từ Thành Cát Tư hãn! Ai có trách nhiệm đưa ra những thứ rác rưởi này?”
Vào buổi tối 12 tháng 12 năm 1944, một số tướng lĩnh Đức gồm những tư lệnh chiến trường cấp cao ở Mặt trận Tây được triệu đến tổng hành dinh của Rundstedt, được lệnh giao nộp vũ khí cá nhân và cặp chứa tài liệu, được đưa lên một chiếc xe buýt, chạy lòng vòng nửa tiếng đồng hồ trong vùng đồng quê tối tăm phủ tuyết để mọi người mất phương hướng, rồi được đưa đến một boong-ke sâu dưới mặt đất được dùng làm tổng hành dinh của Hitler ở Ziegenberg gần Frankfurt. Nơi đây, lần đầu tiên họ được thông báo về kế hoạch mà chỉ một nhúm nhỏ sĩ quan tham mưu và chỉ huy đã biết từ tháng trước: trong 4 ngày sắp tới Lãnh tụ sẽ mở một cuộc phản công toàn diện trên mặt trận phía Tây.
Ý định của Hitler vẫn như trước: tiến thẳng đến Cảng Antwerp. Ông biết rõ Không lực Mỹ–Anh mạnh, nhưng hy vọng thời tiết xấu trong mùa đông sẽ giới hạn hoạt động của máy bay Đồng minh. Có một nhược điểm sinh tử. Quân đội Đức bây giờ yếu hơn so với năm 1940, đặc biệt là Không quân, trong khi đối thủ có tiềm năng mạnh hơn và vũ khí tốt hơn. Các tướng lĩnh vội nhắc Hitler chú ý đến điểm này, nhưng Hitler phớt lờ.
Cuộc tổng phản công sẽ đánh qua vùng Ardennes, cũng chính là nơi quân Đức tràn qua năm 1940, mà tình báo Đức cho biết chỉ có 4 sư đoàn bộ binh yếu kém phòng ngự
Theo như Manteuffel kể lại, các tướng lĩnh tụ họp ở tổng hành dinh Lãnh tụ vào buổi tối 12 tháng 12 thấy thủ lĩnh quân phiệt Quốc xã:
một thân hình lom khom với khuôn mặt nhợt nhạt và sưng húp, ngồi gập cong trên chiếc ghế, hai bàn tay run rẩy, cánh tay trái co giật mạnh mà ông cố gắng che giấu. Một con người bệnh hoạn… Khi bước đi, ông kéo lê một chân phía sau.
Tuy nhiên, tinh thần của Hitler vẫn hung hăng như ngày nào.
Khi các tướng lĩnh giải tán, không ai trong số họ – ít nhất họ nói như thế sau này – tin rằng chiến dịch đánh qua Ardennes sẽ thành công. Nhưng họ vẫn quyết tâm thi hành mệnh lệnh theo khả năng có thể.
Và họ thi hành. Các lực lượng thiết giáp động quân vào ban đêm để tránh máy bay Đồng minh, nhưng vào ban đêm âm thanh càng vang xa hơn. Quân Đức duy trì im lặng vô tuyến để tránh lộ hình tích. Tuy vậy, liên lạc của một sư đoàn thiết giáp Đức vô tình lộ tin qua vô tuyến về chiến dịch sắp tới. Tin được đưa về tổng hành dinh SHAEF của Đại tướng Eisenhower (Tư lệnh Tối cao quân Đồng minh trên chiến trường Châu Âu, được thăng Thống tướng ngày 20 tháng 12) nhưng các cấp lãnh đạo không có động thái nào. Họ quá tự tin, nghĩ Đức đã quá suy yếu, lại phớt lờ phân tích tình báo cho rằng sự im lặng vô tuyến của Đức cho thấy điều gì đó lớn lao sắp xảy ra.
Trời tối đen và giá lạnh vào đêm 15 tháng 12 năm 1944. Một màn sương dày bao phủ vùng đồi hiểm trở phủ tuyết của rừng Ardennes khi quân Đức tiến đến các vị trí tấn công trên mặt trận trải rộng 120 km từ Monschau (phía nam Aachen) và Echternach (phía tây-bắc Trier). Chuyên viên khí tượng của Đức dự báo thời tiết như thế sẽ kéo dài vài ngày khiến cho không lực Đồng minh không cất cánh được. Trong 5 ngày, quân Đức gặp may nhờ thời tiết. Bộ Tư lệnh Tối cao Đồng minh bị bất ngờ hoàn toàn; quân Đức đánh xuyên qua được vài điểm vào buổi sáng 16 tháng 12.
Trong ngày đầu, Thượng tướng Bradley (Tư lệnh Tập đoàn quân 12 của Mỹ) vẫn không tin đây là cuộc tổng phản công của Đức. Điều này cho thấy Hitler đã có trực giác đúng khi nghĩ sẽ gây bất ngờ hoàn toàn cho Đồng minh.
Quân Đức xâm nhập vào phía sau phòng tuyến của Đồng minh. Nhiều tù binh Đồng minh bị bắt trong trạng thái kinh hoàng vì không tin nổi. Sau đó, Bradley bắt đầu tin rằng Đồng minh đã đánh giá thấp tiềm năng của Đức và đã phớt lờ tầm quan trọng của vùng Ardennes, giống như Pháp đã phớt lờ năm 1940.
Khi sư đoàn cuồng tín 6 S.S. Thiết giáp của Đức tiến đến Stavelot vào đêm 17 tháng 12, họ chỉ còn cách tổng hành dinh Đại Quân đoàn Thứ Nhất của Mỹ có 13 km ở Spa, và nơi này đang vội vã lo rút lui. Quan trọng hơn, giữa quân Đức và một kho xăng dầu khổng lồ chứa 11 triệu lít xăng của Mỹ chỉ có khoảng cách chưa đến 2 km. Xe thiết giáp Đức đang tiến chậm chạp vì luôn thiếu nhiên liệu. Vì thế, nếu chiếm được kho xăng dầu này, họ có thể tiến nhanh hơn và xa hơn. Eisenhower điều ngay Sư đoàn 82 Không vận của Mỹ đến Stavelot.
Sau khi quân Đức áp đảo 4 sư đoàn yếu kém của Đồng minh tại Ardennes, những đơn vị rời rạc của Đại Quân đoàn Thứ Nhất Mỹ vẫn kiên cường chống trả khiến cho đà tiến của Đức chậm lại. Quân Mỹ lại đốt xăng dầu của mình trước khi rút lui, khiến cho mưu đồ của Hitler thất bại. Quân Mỹ trấn đóng trên các vùng phía bắc Monschau và phía nam của thị trấn nhỏ của Bỉ tên Bastogne chỉ cho phép quân Đức luồn qua một khoảng hẹp, khép lại số phận của Đức.
Giao lộ Bastogne là chìa khóa cho sự phòng vệ vùng Ardennes và Sông Meuse phía sau. Nếu quân Mỹ giữ vững Bastogne, họ sẽ khống chế những con đường chính mà Đại Quân đoàn Thứ Năm Thiết giáp dưới quyền Manteuffel đang sử dụng để tiến đến Sông Meuse, và còn cầm chân được một lực lượng đáng kể của Đức chuẩn bị tiến tiếp. Vào sáng ngày 18 tháng 12, mũi tiến công của Manteuffel chỉ còn cách Bastogne 24 km, trong khi nơi đây chỉ có binh sĩ thuộc tổng hành dinh của một quân đoàn đang chuẩn bị rút lui. Tuy nhiên, tối ngày 17 tháng 12, Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ – lúc ấy đang lo bổ sung lực lượng tại Reims – nhận lệnh hành quân cấp tốc đến Bastogne trên quãng đường dài 160 km. Cả sư đoàn đi trên xe tải bật đèn chạy suốt đêm, đến Bastogne sau 24 giờ. Quân Đức thua trong cuộc chạy đua. Dù Đức bao vây Bastogne với lực lượng vượt trội, các sư đoàn Đức vẫn không thể đi vòng tiến đến Sông Meuse, mà còn phải để lại một lực lượng lớn để cố chiếm lấy giao lộ này.
Ngày 19 tháng 12, lực lượng Mỹ chiếm lại Stavelot, vĩnh viễn cắt đứt đường tiếp vận của Đức.
Eisenhower còn điều Đại Quân đoàn Thứ Ba của Thượng tướng Patton tiến lên đánh vào sườn nam của quân Đức. Với cách điều binh thần tốc của Patton, chỉ trong vòng ba ngày ba sư đoàn thuộc Đại Quân đoàn Thứ Ba quay ngoắt 90 độ để đến Bastogne.
Trước đó, vào ngày 22 tháng 12, Trung tướng Luettwitz (Tư lệnh Quân đoàn XLVII Thiết giáp của Đức), cho người mang thư đến Thiếu tướng McAuliffe (Tư lệnh Sư đoàn 101 Không vận của Mỹ), yêu cầu Bastogne đầu hàng. Phúc đáp của McAuliffe chỉ có một chữ và sau đó trở thành nổi tiếng: “NUTS!” (có nghĩa: KHÙNG!)”
Quân Đồng minh còn bị khốn khổ bởi một âm mưu thần sầu của Hitler, được giao cho Trung tá S.S. Skorzeny thi hành. Ông này là người đã giải cứu Mussolini và giúp trấn áp cuộc bạo loạn sau vụ nổ bom ám sát Hitler ngày 20 tháng 7. Nhiệm vụ mới của Skorzeny là tổ chức một lữ đoàn đặc biệt gồm 2.000 binh sĩ Đức nói giỏi tiếng Anh, cho mặc đồng phục lính Mỹ, và điều họ xâm nhập phía sau phòng tuyến của Mỹ. Họ sử dụng các xe thiết giáp và xe jeep tịch thu được của Mỹ để đi phá hoại hệ thống thông tin, hạ sát các liên lạc viên, điều khiển giao thông đánh lạc hướng – nói chung là gieo rắc sự hoang mang. Đội quân của Skorzeny thật sự gây rối loạn cho quân Đồng minh. Một số lính Đức cải trang làm Quân cảnh Mỹ đứng ở các giao lộ để hướng dẫn xe cộ quân Mỹ đi sai đường. Quân báo của Đại Quân đoàn Thứ Nhất tin vào lời đồn đại rằng binh sĩ dưới quyền Skorzeny đang tìm đường đến Paris để ám sát Eisenhower. Trong nhiều ngày, hàng nghìn lính Mỹ khắp nơi cho đến tận Paris bị Quân cảnh thật chặn đường và phải chứng tỏ quốc tịch của mình bằng cách cho biết đội nào đã thắng trận chung kết bóng đá Mỹ và thủ phủ của bang nơi sinh quán của họ là gì – nhưng nhiều người không nhớ hoặc không biết nên bị tạm giam chờ xác minh – gây trở ngại cho đơn vị của họ. Nhiều lính Đức trong quân phục Mỹ bị bắn tại chỗ, một số bị mang ra tòa án binh rồi chịu tử hình. (Các công ước quốc tế về chiến tranh không bảo vệ cho binh sĩ chiến đấu mà không mặc quân phục của quân đội mình.) Skorzeny bị bắt và năm 1947 bị Mỹ mang ra xét xử, nhưng được tha bổng. Sau đó, ông đến sống ở Tây Ban Nha và Nam Mỹ, trở thành một doanh nhân thành đạt và viết hồi ký.
Bước ngoặt cho nước cờ của Hitler tại Ardennes diễn ra ngày 24 tháng 12. Ngày hôm trước, một tiểu đoàn thám thính thuộc Sư đoàn 2 Thiết giáp của Đức đã tiến đến những đỉnh đồi cách Sông Meuse 5 km ở Dinant về phía đông rồi dừng lại để chờ tiếp nhiên liệu và tăng viện trước khi xông xuống triền dốc của bờ sông. Cả nhiêu liệu và tăng viện đều không đến. Bỗng Sư đoàn 2 Thiết giáp của Mỹ đánh tới từ hướng bắc.
Lúc này, vài sư đoàn thuộc Đại Quân đoàn Thứ Ba của Patton đang tiến gần từ phía nam với mục đích chính là giải vây cho Bastogne. Manteuffel kể lại: “Vào buổi tối ngày 24, rõ ràng là chiến dịch của chúng tôi đã đến đỉnh điểm. Chúng tôi biết sẽ chẳng bao giờ đạt đến mục tiêu.” Quân Mỹ tạo thành hai gọng kìm mạnh từ hai bên sườn bắc và nam của quân Đức trên khoảng hẹp.
Hai ngày trước Giáng sinh, thời tiết tốt giúp cho không lực Anh-Mỹ tấn công dữ dội các tuyến đường tiếp tế của Đức và Quân đội Đức đang di chuyển trên con đường nhỏ hẹp ven những triền núi. Họ còn thả vũ khí, đạn dược và hàng hậu cần xuống Bastogne, củng cố sức mạnh cho quân Mỹ ở đây. Quân Đức huy động đến 9 sư đoàn để cố mở thêm đợt tấn công vào Bastogne. Suốt ngày Giáng sinh, bắt đầu từ 3 giờ sáng, họ mở ra nhiều đợt tiến công, nhưng quân phòng ngự dưới quyền McAuliffe vẫn giữ vững vị trí. Ngày hôm sau, một đội hình thiết giáp thuộc Đại Quân đoàn Thứ Ba đánh xuyên từ phía nam và giải cứu cho thị trấn. Quân Đức phải rút lui khỏi hành lang chật hẹp nếu không muốn bị quân Mỹ tiêu diệt.
Ngày 26 tháng 12, Patton tiến vào Bastogne. Quân Đức vĩnh viễn không đe dọa thị trấn này được nữa.
Nhưng Hitler không muốn nghe đến việc rút lui. Tối ngày 28 tháng 12, ông triệu tập một đại hội quân sự nghiêm chỉnh. Thay vì nghe theo lời tham mưu của Rundstedt và Manteuffel nên rút quân về, Hitler ra lệnh mở lại cuộc phản công, tràn ngập Bastogne và tiến đến Sông Meuse. Hơn nữa, ông còn ra lệnh lập tức mở một cuộc tấn công mới ở Alsace nằm về phía nam, nơi phòng tuyến Mỹ bị mỏng đi do Đại Quân đoàn Thứ Ba của Tướng Patton đã di chuyển đến Bastogne. Các tướng lĩnh nói họ không có đủ lực lượng để tiếp tục phản công ở Ardennes hoặc tấn công Alsace, nhưng Hitler không chịu nghe:
Này các ông, tôi đã làm công việc này trong 11 năm… Tôi chưa từng nghe ai nói mọi thứ đều hoàn toàn sẵn sàng… Các ông không bao giờ sẵn sàng cả. Rõ ràng là thế.
Hitler tiếp tục huyên thuyên. (Dựa theo ghi chép tốc ký được tìm thấy sau chiến tranh hầu như nguyên vẹn, Hitler hẳn đã nói trong nhiều tiếng đồng hồ. Gilbert đưa toàn bộ bản ghi chép vào quyển sách Hitler Directs His War.) Trước khi ông chấm dứt, các tướng lĩnh đều nhận thấy ông đã trở nên mù quáng mà không nhìn thấy thực tế, và bị lạc trên mây xanh.
Vấn đề là… nước Đức có đủ ý chí để sống còn hoặc sẽ bị tiêu diệt… Nếu thua trong cuộc chiến này, dân tộc ta sẽ bị tiêu diệt.
Tiếp theo đó là phần biện luận dài dòng về lịch sử của La Mã và của Phổ trong Chiến tranh Bảy năm. Cuối cùng, Hitler trở lại vấn đề trước mắt. Dù thừa nhận rằng cuộc phản công ở Ardennes đã không “mang lại sự thành công quyết định như mong muốn”, ông vẫn cho rằng nó đã tạo ra “sự chuyển biến cho toàn bộ tình hình mà không ai dám tin chỉ hai tuần trước”.
Kẻ thù đã phải từ bỏ mọi kế hoạch tấn công… Họ phải tung ra những đơn vị đã mệt mỏi. Những kế hoạch hành quân của họ hoàn toàn bị đảo lộn. Họ bị phê bình thậm tệ ở quê nhà. Đó là thời khắc bất lợi cho họ về mặt tâm lý. Họ phải thừa nhận rằng không có cơ hội quyết định cuộc chiến trước tháng 8, có lẽ không thể trước cuối năm…
Phải chăng câu cuối cùng thừa nhận chiến bại chung cuộc của Đức? Hitler nhanh chóng cố cải chính ý kiến đó.
Tôi phải nói ngay rằng… các anh không nên kết luận, dù là bóng gió, rằng tôi nhìn thấy chiến bại… Tôi chưa bao giờ biết đến chữ “đầu hàng”… Đối với tôi, tình hình hiện nay là chẳng có gì mới. Tôi đã lâm vào những tình huống tồi tệ hơn. Tôi nói như thế chỉ vì tôi muốn các anh hiểu tại sao tôi theo đuổi mục đích của tôi với cả lòng tin tưởng và tại sao không gì có thể làm tôi sờn lòng. Dù cho tôi có dằn vặt vì lo lắng và bị xáo trộn về mặt thể chất, không gì lay chuyển được quyết tâm của tôi là chiến đấu cho đến khi cán cân nghiêng về phía ta.
Tiếp theo, Hitler kêu gọi các tướng lĩnh ủng hộ những cuộc tấn công mới “với tất cả hỏa lực của mình”.
Rồi ta sẽ… đập tan hoàn toàn bọn Mỹ… Rồi ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Tôi không tin rằng về lâu về dài quân thù có thể chống lại 45 sư đoàn của Đức… Ta sẽ làm chủ định mệnh!
Đã quá muộn. Đức thiếu sức mạnh quân sự để thực hiện theo kỳ vọng của Hitler.
Vào ngày đầu năm 1945, Hitler tung 8 sư đoàn vào đợt tấn công đến Sông Saar, tiếp theo là một mũi tấn công từ đầu cầu ở thượng lưu Sông Rhine của một đoàn quân dưới sự chỉ huy của Himmler – người làm trò cười cho tướng lĩnh. Cả hai đều không thể tiến xa. Một cuộc tấn công tổng lực vào Bastogne của không dưới hai quân đoàn Đức gồm 9 sư đoàn diễn ra ngày 3 tháng 1 năm 1945, dẫn đến một trong những trận đánh dữ dội nhất trong chiến dịch Ardennes. Đến ngày 5 tháng 1, quân Đức đành phải dẹp bỏ hy vọng chiếm được thị trấn này. Ngày 8 tháng 1, Model được phép rút lui khi quân dưới quyền có nguy cơ bị bao vây.
Ngày 16 tháng 1 năm 1945, chỉ một tháng sau khi phát động cuộc phản công mà Hitler đã tung ra tất cả cơ số dự bị về nhân lực và khí tài, quân Đức rút về phòng tuyến xuất phát.
Thiệt hại bên Đức là 63.222-98.000 thương vong (tử trận, bị thương và mất tích), 554 xe tăng, khoảng 800 máy bay. Thiệt hại bên Mỹ là 89.500 thương vong, 733 xe tăng, khoảng 1.000 máy bay; thương vong của Anh chỉ có 1.408. (Wikipedia_Battle of the Bulge)
Đây là trận đánh lớn nhất và gây thương vong cao nhất cho Mỹ trong lịch sử quân sự.
Nhìn vào những con số thì Hitler đã được minh chứng: gây thiệt hại nặng cho Đồng minh. Nhưng Đức lâm vào tình thế thêm khốn khó bởi vì bên Mỹ có thể bổ sung cho những thiệt hại còn bên Đức thì không, riêng số phi công thiện chiến Đức mất đi là thiệt hại nặng nhất. Đức đã tung ra con lá bài cuối cùng. Đây là cuộc tấn công quan trọng cuối cùng của Đức trong Thế chiến 2. Thất bại khiến cho Đức không chỉ thua trận ở phía Tây, mà còn khép lại số phận quân Đức ở phía Đông, nơi gánh chịu hậu quả do việc Hitler tung lực lượng dự phòng cuối cùng vào vùng Ardennes.
Parker (1999) cho rằng Đức đã thua trận đánh ngay từ lúc khởi động. Lính Đức chủ yếu là từ lực lượng dân quân, thêm thương binh mới bình phục ở các bệnh viện, lại được trang bị kém, vì thế đội hình quá chắp vá, lại bị yếu kém ở điểm chí tử: thiếu xăng dầu. Chỉ mới đến ngày thứ ba (18 tháng 12) Runstedt đã tin rằng quân Đức sẽ chiến bại. Dù cho đánh được qua phòng tuyến quân Đồng minh, vì luôn thiếu xăng dầu họ khó tiến được đến Sông Meuse, và nếu tiến được thì không thể vượt sông này. Mục tiêu chiến lược Antwerp của Hitler chỉ là ảo tưởng.
Sai lầm Số 17: Đức không chế tạo bom nguyên tử
Anh–Mỹ thường lo lắng Đức chế tạo được bom nguyên tử. Nói chung, Đức có đủ tiềm năng để đi trước Mỹ trong việc ra đời bom nguyên tử, và có thể tạo hiểm họa vô cùng khốc liệt cho phương Tây. Đức sở hữu những nhà hóa học và vật lý thuộc hàng đầu thế giới kể cả Werner Heisenberg. Ông này là nhà vật lý cơ học lượng tử nổi danh, được Einstein đề cử cho Giải Nobel Vật lý và nhận giải này năm 1932. Các giáo chức đại học có tiếng tăm – như Einstein và Franck về vật lý; Haber, Willstaetter và Warburg về hóa học – bị sa thải hoặc bị cho về hưu. Những người còn lại phải giảng dạy vật lý Đức, hóa học Đức, toán học Đức. Năm 1935, Phong trào Deutsche Physik (Vật lý Đức) tố cáo với Himmler (trùm Mật vụ) rằng Heisenberg là “Do Thái trắng” (có nghĩa là người thuộc chủng tộc Aryan hành động như người Do Thái). Himmler thấy nước Đức không thể đàn áp một nhà khoa học nổi tiếng như Heisenberg, chỉ cảnh báo ông này cần phân biệt giữa hoạt động nghiên cứu vật lý và thái độ chính trị về những nhà khoa học có liên can. Nhưng trong hai năm 1936 và 1937, tờ báo của Đảng Quốc xã công kích Heisenberg. Có lẽ vì ông không được Quốc xã tín nhiệm nên những phát biểu của ông sau này về phản ứng hạch nhân và “quả bom” không được lắng nghe.
Ngay từ năm 1933, việc chính trị hóa của Đảng Quốc xã nhanh chóng đẩy nhiều nhà vật lý, kỹ sư và nhà toán học ra khỏi nước Đức; một số khác tự ý rời Đức trong sự phản đối. Phân nửa trong số 26 nhà vật lý nguyên tử Đức có bài báo khoa học được trích dẫn trước năm 1933 ra đi.
Vào tháng 4 năm 1939, chỉ vài tháng sau khi hai nhà khoa học Đức vô tình tìm ra phản ứng phân hạch, Đức bắt đầu chương trình tối mật được gọi là Uranprojekt (có nghĩa Dự án Uranium), còn có tên khác là Uranverein (có nghĩa Câu lạc bộ Uranium). Nhưng khi Đức chuẩn bị xâm lăng Ba Lan, nhiều nhà khoa học nguyên tử có tiếng bị bắt đi làm nghĩa vụ quân sự.
Nỗ lực nghiên cứu nguyên tử thứ hai được Quân đội Đức xúc tiến từ ngày 1 tháng 9 năm 1939 khi Đức khởi phát Thế chiến 2. Sau đó, chương trình này bị cho là không thể giúp chấm dứt chiến tranh, nên bị phân tán giữa chín viện nghiên cứu theo đuổi những mục tiêu nghiên cứu khác nhau. Nhiều nhà khoa học nguyên tử được chỉ định nghiên cứu cho những nỗ lực chiến tranh khẩn thiết hơn.
Rốt cuộc, Đức không đạt tiến bộ gì nhiều trong việc phát triển vũ khí nguyên tử. Shirer (1960) cho rằng Hitler không quan tâm, còn Himmler có thói quen bắt giữ các nhà khoa học nguyên tử bị nghi ngờ thiếu lòng trung thành hoặc điều họ đi làm những thử nghiệm “khoa học” mà ông ta cho là quan trọng hơn. Quốc xã vẫn khinh bỉ cho rằng vật lý hạt nhân là ngành “khoa học Do Thái”.
Chương trình nghiên cứu nguyên từ của Đức dừng lại vào tháng 6 năm 1942. Heisenberg viết trong nhật ký:
Chính phủ đã quyết định rằng công trình nghiên cứu về lò phản ứng hạch nhan phải được tiếp tục, nhưng chỉ ở quy mô khiêm tốn. Không có lệnh nào đưa ra về việc chế tạo bom nguyên tử.
Thật may mắn cho phương Tây là ở cấp cao nhất, Hitler quyết định phải dừng lại mọi nghiên cứu khoa học phục vụ quân sự không hoàn tất trong vòng một năm, chỉ vì ông tin rằng Đức sẽ nhanh chóng thắng lợi (Henderson, 2001).
Trái với sự thờ ơ của Đức, Mỹ thành lập Dự án Manhattan với sự cộng tác của Anh và Canada, và ưu tiên dồn nguồn lực cho dự án này. Tuy vậy, khả năng Đồng minh thua Đức trong cuộc chạy đua phát triển vũ khí nguyên tử là có thật: ngoài những nhà khoa học tài giỏi, Đức còn có nền tảng công nghiệp vững mạnh, có đủ nguyên liệu, và sự quan tâm của giới quân sự (Atomic Heritage Foundation, 2016). Một nhân viên của Dự án Manhattan cho biết:
Dự án Manhattan được xây dựng trên nỗi sợ hãi: sợ rằng kẻ thù đã có quả bom, hoặc sẽ có trước chúng tôi. Các nhà khoa học biết việc này là có thể bởi vì một số trong bọn họ là di dân từ Đức, đã tốt nghiệp ở Đức trước khi chiến tranh xảy ra.
Một nhà vật lý của Dự án Manhattan cũng nhớ lại:
Tôi nghĩ mọi người đều rất e sợ rằng chúng tôi phạm sai lầm, rằng người Đức đi trước chúng tôi… Nước Đức dẫn đầu mọi khía cạnh trong môn vật lý…
Chính phủ Mỹ cũng sợ hãi. Một vị tướng cho biết:
Trừ phi và cho đến khi biết chắc, chúng tôi phải giả dụ rằng các nhà khoa học và kỹ sư có năng lực nhất của Đức đang làm việc trong một chương trình nguyên tử với sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ nước họ và mọi tiềm năng của nền công nghiệp Đức được đặt dưới sự sử dụng của họ. Bất kỳ giả thiết nào khác đều phi lý và nguy hiểm.
Thậm chí vào năm 1942, có xem xét việc bắt cóc Heisenberg ở Thụy Sĩ, nhưng không thi hành.
Tarantino (2018) cho rằng nếu Hitler quan tâm đến bom nguyên tử và không có óc bài Do Thái mà ngược lại đãi ngộ họ và cung ứng đủ nguồn lực cho họ, thì đáng lẽ các nhà khoa học nguyên tử người Do Thái có thể giúp chế tạo được bom nguyên tử vào năm 1943.
Đến năm 1944, các Chính phủ Anh và Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi được biết Đức sẽ không chế tạo bom nguyên tử để dùng trong cuộc chiến này, bởi vì những nghiên cứu nguyên tử ở Đức chỉ dừng ở bước đầu.
Sự khác biệt là ở tầm nhìn và ý chí chính trị. Dự án Manhattan là nỗ lực phối hợp giữa các giới khoa học, chính quyền và công nghiệp, đòi hỏi và được nhận đủ nguồn tài chính và dịch vụ khổng lồ. Đức không có những yếu tố như thế.
Sai lầm Số 17B: Quá quan tâm đến “vũ khí thần diệu”
Có ý so sánh cho rằng Hitler quá quan tâm đến những “vũ khí thần diệu” như tên lửa V1, V2; xe tặng siêu trọng Panzer VIII Maus nặng đến 188 tấn nhưng chỉ đạt vận tốc 18 km/giờ, hoặc đại bác Schwerer Gustav có nòng 800 mm bắn quả đạn nặng 7 tấn đi xa 37 km (hoặc 4.7 tấn đi xa 47 km) để nhằm phá phòng tuyến Maginot, hoặc siêu pháo V3 có tầm bắn 165 km để nhắm đến London qua Eo biển Manche.
Thật ra, không thể xem thường công nghiệp chế tạo vũ khí của Đức. Chẳng hạn,
- đại bác Flak 88 bán tự động được xem là loại tốt nhất trong Thế chiến 2, vừa là súng chống tăng vừa là súng phòng không, là nỗi sợ hãi của lính tăng Đồng minh, bên Đồng minh không có loại nào sánh bằng;
- đại liên MG 42 là loại tốt nhất trong Thế chiến 2, gây khiếp sợ cho lính Đồng minh, và là thiết kế gốc của các loại đại liên được sản xuất sau chiến tranh ở Áo, Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… được dùng cho đến ngày nay;
- xe tăng hạng trung Panzer IV và hạng nặng Tiger với pháo nòng 88 mm, được xem là hai loại tăng tốt nhất trong Thế chiến 2;
- khu trục cơ Bf 109, vốn được xem là nỗi ác mộng của phi công Đồng minh trong Thế Chiến 2.
Tóm lại, công nghiệp vũ khí Đức có nhiều ý tưởng đa dạng và họ muốn thử nghiệm tất cả ý tưởng đó. Điều không tránh khỏi là có ý tưởng thành công và có ý tưởng thất bại.
Sai lầm Số 18: Một số sai lầm khác
Irving (2002) nhận định Hitler sai lầm trong những lĩnh vực sau.
Sai lầm Số 18A: Không huy động nền kinh tế chiến tranh
Cho dù quân Đức chinh chiến trên khắp mặt trận từ Bắc Âu, Tây Âu, Đông Âu đến Bắc Phi, và trên Đại Tây Dương lẫn Do Thái, nước Đức vẫn không có nền kinh tế chiến tranh huy động mọi nguồn lực. Lấy ví dụ, phụ nữ không được huy động vào nỗ lực chiến tranh như ở Mỹ và Anh nơi họ làm đủ thứ việc: nhiều người làm trong quân y, quân bưu, nhiều người khác đảm nhận các công tác tình báo, thư ký, trợ lý trung tâm điều hành chiến sự, thông tin giải mã, vũ khí và quân cụ, làm phóng sự, sửa và xếp dù cho lính dù, thậm chí đóng tàu hải quân, v.v… Ngược lại, trong khi các nhà máy công nghiệp vũ khí Đức thiếu công nhân, phụ nữ vẫn lo việc nội trợ và khoảng nửa triệu phụ nữ được thuê làm công việc nhà. Thậm chí một số học giả còn đánh giá sự chuẩn bị chiến tranh của Đức quá lôi thôi, có nhiều lỗ hỗng.
Theo Overy (1982), có vẻ như cho đến năm 1942 nền kinh tế không được huy động toàn phần cho Hitler tiến hành chiến tranh từ năm 1939 và có những kế hoạch quân sự từ nhiều năm trước. Nền kinh tế thiếu hiệu năng một phần bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết Quốc xã là vừa tiến hành chiến tranh vừa không làm gánh nặng cho người dân Đức để tránh bất ổn nội bộ – cũng là do sĩ diện hão. Đó là ý tưởng về “tiến hành chiến tranh nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn sống dân sự.”
Wilde (2018) thêm rằng nền kinh tế Đức chẳng hề vận hành hết công suất để phục vụ chiến tranh, và đánh lẽ đã có thể sản xuất nhiều hơn nếu được tổ chức tốt hơn. Vấn nạn là do (a) các cuộc tấn công của không quân Mỹ–Anh xuống các cơ sở công nghiệp và hạ tầng phục vụ chiến tranh; (b) mâu thuẫn trong nội bộ của Đảng Quốc xã về cách điều hành nền kinh tế chiến tranh; và (c) không khai thác đúng mức tiềm năng trong những lãnh thổ chiếm được. Có thể sử dụng công nhân từ vùng chiếm đóng thay vì sát hại họ trong chiến dịch diệt chủng. Đúng là để nuôi công nhân thì cần có lương thực, nhưng một thành phần nhân lực trong vùng chiếm đóng có thể được huy động để sản xuất lương thực mà nuôi thành phần còn lại làm việc trong các nhà máy.
Một lý do khác là Hitler dốt nát về kinh tế. Quyển Mein Kampf hầu như chẳng đề cập gì đến kinh tế. Hitler chán ngán với lĩnh vực này và chẳng bao giờ màng đến việc tìm hiểu. Hitler chỉ chú tâm đến quyền lực chính trị; để cho nền kinh tế tự nó giải quyết bằng cách nào đấy. (Shirer, 1960)
Sai lầm Số 18B: Không giải quyết mâu thuẫn trong Quân đội
Điều kỳ lạ là con người độc tài Hitler nhiều khi sắt máu không hàn gắn mâu thuẫn giữa Bộ Tư lệnh Tối cao Quân lực (OKW) và Bộ Tư lệnh Lục quân (OKH). Mâu thuẫn chỉ giảm phần nào khi OKW được giao nhiệm vụ ở Mặt trận Đông và OKH phụ trách Mặt trận Tây. Tuy vậy, việc thiếu kết nối giữa hai cơ quan quân sự đầu não này phần nào làm suy yếu sức mạnh của Quân đội Đức.
Sai lầm Số 18C: Không giải quyết chia rẽ nội bộ
Cũng điều kỳ lạ như trên: con người Hitler muốn nói gì thì ai cũng tuân theo răm rắp lại không đoàn kết được những thế lực đối chọi nhau trong Quân đội với Đảng Quốc xã cho mục đích chung.
Sai lầm Số 18D: Không màng đến công việc dân sự
Vì dấn thân quá sâu vào các sự vụ quân sự ở mức vi mô, Hitler lơi lỏng công việc dân sự, và phó mặc cho thuộc hạ: Thống chế Không quân Göring ngoài nhiệm vụ Tư lệnh Không quân còn phụ trách Cơ quan Kế hoạch Bốn năm đầy quyền lực; Hans Lammers điều hành Phủ Thủ tướng, là trung tâm cho các mối liên lạc và điều phối; Martin Bormann là thủ lĩnh Đảng Quốc xã trên thực tế; còn Heinrich Himmler tự tung tự tác với chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, và Thống chế chỉ huy lực lượng S.S. kể cả Mật vụ (Gestapo) đầy những tội ác tàn khốc.
Đúc kết
Sau chiến tranh, các tài liệu đánh giá Hitler chủ yếu là từ các nước thắng trận phương Tây, cho rằng Hitler nghĩ gì cũng sai và làm gì cũng sai. Thêm vào đó, sau chiến tranh, một số tướng lĩnh Đức có xu hướng đổ riệt mọi lỗi lầm cho Hitler và cho rằng Đức chiến bại vì Hitler không nghe theo tham mưu của tướng lĩnh. Theo thời gian, có những nhận định khác về Hitler: không phải những gì ông ta nghĩ và làm đều sai và không phải tướng lĩnh Đức đều đúng, mà thật ra trong một số lĩnh vực Hitler nghĩ đúng nhưng làm không đúng, còn tướng lĩnh Đức nhiều khi không nghĩ đúng và làm chẳng nên chuyện – điển hình là việc soạn thảo các kế hoạch tác chiến vốn là công việc của các bộ tham mưu chứ không phải của Hitler.
Alexander (2007) và Roberts (2012) cho rằng đáng lẽ Hitler đã thắng cuộc chiến khi là lãnh tụ của những chiến binh Đức giỏi nhất trong Thế chiến 2. Ý kiến thông thường vẫn nhận định con người Hitler là điên cuồng, nước Đức thua sút về tiềm năng, và chiến thắng của Đồng minh là lẽ đương nhiên, trong khi Đức thật sự có cơ may chiến thắng bởi vì Hitler là con người thông minh (ít nhất vào những năm đầu), có đầu óc chính trị nhạy bén, có tài hùng biện làm mê hoặc người Đức và khiến cho giới lãnh đạo cũng như truyền thông phương Tây tin nơi lời nói của ông, và có nhận định đúng về kinh tế chiến tranh.
Cụ thể, trong 7 năm sau khi lên cầm quyền từ năm 1933, Hitler không phạm sai lầm nào. Chiến lược của Hitler cho đến giữa năm 1940 là hoàn hảo. Ông cô lập và tiếp thu hết vùng này đến vùng khác ở Châu Âu, dẫn dụ Liên Xô ký hiệp ước bất tương xâm, tiêu diệt đội quân Pháp hùng mạnh nhất Châu Âu, truy đuổi Lực lượng Viễn chinh Anh (tinh túy của Lục quân Anh) bỏ lại tất cả khí tài mà thảm não trở về Anh, chỉ còn lại những mục tiêu yếu ớt nhằm xây dựng một đế chế bao trùm Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Tất cả những thành tựu đó chỉ sử dụng một phần nhỏ nhoi của sức mạnh quân sự. Nếu dừng lại vào thời gian này, Hitler sẽ là một trong những vĩ nhân to tát nhất lịch sử. (Alexander, 2007)
Trận đánh thần tốc và áp đảo ở Pháp được xem là một trong những chiến tích tuyệt vời nhất trong lịch sử quân sự. Việc này khiến cho Hitler nghĩ mình là thiên tài quân sự: chỉ có ông đúng còn cả Bộ Tư lệnh Lục quân đều sai. Nhưng Hitler quên rằng ý tưởng tạo chiến thắng không phải đến từ ông mà từ vị tướng cấp trung Manstein, còn người thực hiện ý tưởng không phải là ông mà là vị tướng cấp thấp Guderian. Việc chấp nhận phương án Manstein là quyết định xuất sắc duy nhất của Hitler trong cuộc chiến (Alenxander, 2007). Hitler có thể đạt thêm chiến thắng nếu tiếp tục lắng nghe ý tưởng đúng đắn và để cho tướng lĩnh tài giỏi thực hiện ý tưởng.
Ngược lại, sau chiến thắng ở Pháp, Hitler là con người đổi khác. Ông trở nên tự phụ, khinh thường đối thủ, quyết định chỉ dựa trên cơn bốc đồng, trực giác sai lầm và hoang tưởng với chủ thuyết kỳ lạ pha căm ghét cá nhân chứ không dựa trên lý luận chín chắn. Vì thế mà Hitler có chính sách bỏ đói hoặc giết hàng triệu người dân tộc Slav để có thêm đất canh tác sản xuất lương thực cho dân Đức. Đó là quan niệm lỗi thời. Đáng lẽ Đức phải phát triển công nghiệp quốc phòng lẫn dân dụng và tạo vị thế chính trị mạnh để nhập khẩu lương thực chứ không nhất thiết phải sản xuất.
Việc sáp nhập các vùng đất vào nước Đức là khát khao của người Đức từ đầu thế kỷ 20, và Hitler chịu ảnh hưởng của khát khao đó. Nhưng ông muốn sáp nhập bằng cách chiếm đất theo cung cách sắt máu thời Trung cổ, thay vì thu phục lòng người như trong giai đoạn trước. Từ đó, các sử gia nhận định thêm một sai lầm của Hitler: dồn nguồn lực vào việc đưa vào trại tập trung người Slav và người Do Thái mà không có sự sản xuất gì đáng kể khiến cho nguồn lực chiến tranh bị hạn chế và lòng người ở các vùng chiếm đóng đều chống lại Đức. Sau khi diệt trừ những chủng tộc mà Hitler cho là hạ đẳng, Đức bị khan hiếm nguồn nhân công trầm trọng để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh.
Hitler thiếu nền giáo dục về quân sự, còn kinh nghiệm chiến trường chỉ đạt đến cấp bậc hạ sĩ trong Thế chiến 1. Ngược lại, các tướng lĩnh Đức trong các bộ tham mưu và trên chiến trường đều có trình độ cao, kỹ năng giỏi. Nhưng Hitler cứ cho mình là thiên tài quân sự mà phớt lờ ý kiến của các tướng lĩnh có năng lực trong khi vẫn dung túng con người bất tài Göring và trọng dụng thuộc hạ tận tâm với ông ta một cách cuồng tín, như hai nhân vật nắm chức vụ cao trong suốt cuộc chiến: Keitel và Jodl.
Một cách sâu xa nhất, chính vì mang chủ thuyết lệch lạc mà Hitler đi đến những quyết định sai lầm, ví dụ như bãi bỏ Chiến dịch Sư tử Biển vì cho rằng người Anh là những anh em miền Nordic, ra lệnh đánh Trận Kursk vì muốn tiêu diệt chủng người Slav bị xem là hạ đẳng. (Carlson, 1989)
Thật may cho Châu Âu vì Hitler không biết dừng lại sau khi mở rộng nước Đức một cách ôn hòa và được quốc tế công nhận, để có một nước Đại Đức mãi trường tồn.
Thật may cho Anh vì Đức không tiêu diệt 350.000 quân Đồng minh ở Dunquerque và không hạ gục được Không lực Hoàng gia Anh – trong khi Đức có đủ cơ may.
Thật may cho Liên Xô, đáng lẽ đã cực kỳ khốn đốn – thậm chí có lẽ chiến bại – nếu Hitler không phạm những sai lầm nêu trên mà trái lại thực hiện những việc sau:
- tổ chức thu thập tin tình báo tốt hơn lúc Liên Xô còn thân thiện với Đức;
- không đánh Nam Tư và Hy Lạp để có đủ 100% lực lượng đánh Liên Xô sớm 4-5 tuần nhằm dứt điểm trước mùa đông;
- chuẩn bị đủ quân nhu và quân cụ thích hợp để quân Đức chiến đấu hữu hiệu trong mùa đông khắc nghiệt;
- vạch rõ cho tất cả tướng lĩnh có liên quan thấu hiểu về kinh tế chiến tranh để có chiến lược thích đáng, rồi giao cho tướng lĩnh phát triển chiến thuật nhằm đạt mục đích;
- hoặc đánh mạnh và thần tốc chiếm Moskva nhằm dứt điểm trước mùa đông chứ không chia quân đánh miền nam để mất 6 tuần, hoặc dồn nỗ lực đánh chiếm nhanh chóng nguồn dầu ở Caucasus, không cho Liên Xô nhiều thời gian để phá hủy hoặc di tản cơ sở công nghiệp;
- không đánh Leningrad mà dồn một phần nguồn lực cho quân dù chiếm Malta nhằm bảo vệ tuyến hàng hải chở hàng tiếp vận cho Rommel và cũng khiến cho Anh khốn đốn;
- cùng lúc dồn một phần nguồn lực cho Rommel chiếm Ai Cập rồi đánh lên Caucasus;
- đồng thời quân Đức ở Liên Xô không đánh Stalingrad nhưng tiến nhanh xuống Caucasus mà bắt tay với Rommel từ Ai Cập tiến lên, không cho Liên Xô nhiều thời gian để phá hủy hoặc di tản cơ sở công nghiệp.
Cũng may cho Mỹ vì Hitler tuyên chiến, tạo cho Mỹ tính chính danh trong khi còn bị gò bó ít nhiều bởi công chúng Mỹ có tư tưởng chống chiến tranh, sau Trận Trân Cảng thù ghét Nhật nhưng không có ác cảm nhiều với Đức.
Trên hết, thật may cho phương Tây – và có lẽ cho cả nhân loại – vì đích thân Hitler quyết định dừng chương trình phát triển bom nguyên tử trong khi Đức có tiềm năng hoàn thiện loại bom này trước Mỹ.
Trách nhiệm cho những thất bại của Đức thuộc về một người: Hitler, vốn kiểm soát mọi quyền lực từ cấp cao nhất trên bình diện chiến lược đến cấp vi mô trên chiến trường. Hitler thường nghiền ngẫm những quyết định trong khi đi tản bộ mà không chia sẻ với ai, khi phổ biến thì phớt lờ những phản biện, rồi nắm lấy mọi quyền điều hành ở cấp nhỏ nhất có thể.
Những sai lầm về chiến lược là hậu quả của trực giác sai lạc, kiêu ngạo, hoang tưởng, xem cái tôi quá lớn như là siêu nhân, trong khi đánh giá quá thấp đối thủ, không lượng định hết những khó khăn và thời khoảng, quá tự tin trong những kế hoạch hành quân, phớt lờ tham mưu của cấp dưới, và trừng phạt người có ý kiến khác biệt. Những điều kiện này đặc biệt nguy hiểm khi kết hợp với việc đánh giá quá cao về bên mình trong việc kiểm soát những diễn tiến. (Gompert et al., 2014)
Hitler hội đủ những yếu tố kể trên. Điều cần thiết là cần có thông tin đầy đủ và kịp thời nhằm minh chứng cho ý tưởng và kế hoạch đề ra, nhưng Hitler có thông tin rất yếu kém.
Thật ra, như trên ta đã thấy, một số đánh giá sau này đi ngược lại với ý kiến thông thường cho rằng các tướng lĩnh Đức tài giỏi còn Hitler ngu xuẩn. Các tướng lĩnh cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong chiến bại: công tác lên phương án tác chiến có nhiều lỗ hổng, thiếu năng động để thay đổi chiến thuật nhằm đối phó với tình huống mới, lại còn quá tự tin (Stahel, 2010). Còn Hitler có đầu óc biết suy nghĩ ở vài phương diện nhưng cách thực hiện thì thất bại, chủ yếu chỉ vì Đức thiếu nguồn lực trong khi tham vọng của Hitler là vô bờ.
Vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Giả sử Hitler không phạm những sai lầm trên, giúp Đức chiếm Ai Cập, Iran, Iraq, Trung Đông v.v. và Moskva, chiếm được rồi với đội hình trải ra quá rộng và phòng tuyến quá mỏng thì giữ được không và giữ được bao lâu? Hoặc chiếm được nguồn dầu thô ở Caucasus thì vận chuyển về Đức bằng cách nào và các nhà máy lọc dầu sẽ ra sao dưới sức tập kích vũ bão của không quân chiến lược Mỹ–Anh?
Có điều chắc chắn là một mặt thế giới chịu nhiều đau thương vì con người Hitler hoang tưởng, đồng thời cũng còn may mắn vì con người Hitler độc tài nhưng điên cuồng đi đến những quyết định do những nỗi ám ảnh hoặc căm ghét cá nhân thiếu lô-gíc chứ không dựa trên suy nghĩ chín chắn mang tầm vóc chiến lược.
Nguồn tham khảo
Alexander, B. (2007). How Hitler could have won World War II: The fatal errors that led to Nazi defeat. Broadway Books.
Ambrose, S.E. (1994). D-Day: June 6, 1944 – The Climactic Battle of WWII. Simon and Schuster.
Atomic Heritage Foundation (2016). German Atomic Bomb Project. https://www.atomicheritage.org/history/german-atomic-bomb-project
Augagneur, H. (2018). Could Hitler win WW2 if Germany had enough oil to overcome its shortages? https://www.quora.com/Could-Hitler-win-WW2-if-Germany-had-enough-oil-to-overcome-its-shortages
Axe, D. (2016). Exposed: How close Nazi Germany came to invading Britain (and the one thing that stopped them). https://listverse.com/2017/07/13/top-10-ways-the-nazis-could-have-won-world-war-ii/
BBC (2019). What was the Holocaust? https://www.bbc.co.uk/newsround/16690175
Beevor, A. (1999). Stalingrad. Viking Press, Penguin Books. Người dịch: Danngoc, nguồn: Trái tim Việt Nam Online. https://www.quansuvn.net/index.php?PHPSESSID=92j0fcopsooumj4ig7e8m21rg4&topic=29451.0
Benbow, T. (2016). The Dunkirk evacuation and the German ‘halt’ order. https://defenceindepth.co/2016/07/11/the-dunkirk-evacuation-and-the-german-halt-order/
Carlson, V.R. (1989). The impact of Hitler’s ideology on his military decisions, Thesis for the Degree of Master of Arts. University of Arizona, U.S.A.
Catherwood, C. (2014). World War II – A beginner’s guide. Oneworld, London, U.K.
Chen, C.P. (2011). Annexation of Austria 12 Mar 1938 – 10 Apr 1938. https://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=86
Connolly, K. (2002). The Luftwaffe blunder that started five years of destruction. https://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/germany/1413593/The-Luftwaffe-blunder-that-started-five-years-of-destruction.html
Diệp Minh Tâm (2018). Trận Normandie (Normandy). https://tamdiepblog.wordpress.com/2018/11/18/tran-normandie/
Doenitz, K. (1946). The conduct of the war at sea, 15 January. Division of Naval Intelligence, Navy Department, Office of the Chief of Naval Operations, U.S.A.
Draper, L. (2015). Escape from Dunkirk: Hitler’s four strategic mistakes. https://www.newsweek.com/escape-dunkirk-hitlers-four-strategic-mistakes-328274
Dvorsky, G. (2014). The 8 worst mistakes made by the Axis during World War II. https://io9.gizmodo.com/the-8-worst-mistakes-made-by-the-axis-during-world-war-1514922468
Farley, R. (2016). What if Hitler never declared war on the U.S. during World War II? https://nationalinterest.org/feature/what-if-hitler-never-declared-war-the-us-during-world-war-ii-17573
Farley, R. (2019). History horrors: How Hitler’s Nazi Germany could have won World War II. https://nationalinterest.org/blog/buzz/history-horrors-how-hitlers-nazi-germany-could-have-won-world-war-ii-51837
Fischer, K.P. (2011). Hitler and America. University of Pennsylvania Press, U.S.A.
Forczyk, R. (2016). We march against England: Operation Sea Lion, 1940-41. Osprey Publishing, U.K.
Fritz, S.G. (2015). Ostkrieg: Hitler’s war of extermination in the East, Reprint edition. University Press of Kentucky.
Gompert, D.C.; Binnendijk, H; Lin, B. (2014). Blinders, blunders, and wars: What America and China can learn. RAND Corporation.
Hayward, J. (1995). “Hitler’s quest for oil: The impact of economic considerations on military strategy, 1941-1942,” The Journal of Strategic Studies, 18(4): 94-135.
Henderson, H.E. (2001). The greatest blunders of World War II: How errors, mistakes and blunders determined victory or defeat. iUniverse, Lincoln, NE, U.S.A.
History.Com Editors (2009). The Holocaust. https://www.history.com/topics/world-war-ii/the-holocaust
Holzwarth, L. (no date). 20 mistakes the Axis powers made in World War II. https://historycollection.co/20-mistakes-the-axis-powers-made-in-world-war-ii/
Irving, D. (2002). Hitler’s war and the war path. Focal Point Publications, Duke Street, London, U.K.
Jensen, (2017). In WW2, was it possible for Germany to fight the Soviet Union to a stalemate if they did not conduct Operation Citadel (Kursk)? https://www.quora.com/In-WW2-was-it-possible-for-Germany-to-fight-the-Soviet-Union-to-a-stalemate-if-they-did-not-conduct-Operation-Citadel-Kursk
Keller, S.P. (no date) Turning point: A history of German petroleum in World War II and its lessons for the role of oil in modern air warfare. Air Command And Staff College, Air University.
Lengel, E.G. (2011). Decisions: Hitler’s halt order. https://www.historynet.com/decisions-hitlers-halt-order.htm
Luis, N. (2019). Could Germany have won World War II if they had not attacked the Soviet Union? https://www.quora.com/Could-Germany-have-won-World-War-II-if-they-had-not-attacked-the-Soviet-Union/answer/Negron-Luis
Middleton, D. (1981). Hitler’s Russian blunder. https://www.nytimes.com/1981/06/21/magazine/hitler-s-russian-blunder.html
Miller, K. (2001). How important was oil in World War II? https://historynewsnetwork.org/article/339
Morris, J. (2017). Top 10 ways the Nazis could have won World War II. https://listverse.com/2017/07/13/top-10-ways-the-nazis-could-have-won-world-war-ii/
Murphy, J.F. (2018). How Hitler might have won World War II: Seize all that oil in the Middle East. https://nationalinterest.org/blog/buzz/how-hitler-might-have-won-world-war-ii-seize-all-oil-middle-east-34012
Nelson, J.J. (2017). Was it ever possible for Germany to win World War II? https://www.quora.com/Was-it-ever-possible-for-Germany-to-win-World-War-II
Overy, R.J. (1982). “Hitler’s war and the German economy: A reinterpretation, The Economic History Review, 35(2): 272-291.
Parker, D.S. (1999). Battle of the Bulge. Combined Publishing,U.S.
Peck, M. (2016). What if Hitler never invaded Russia during World War II? https://nationalinterest.org/feature/what-if-hitler-never-invaded-russia-during-world-war-ii-17492
Peck, M. (2017). Hitler’s greatest World War II mistake: Not crushing the British at Dunkirk. https://nationalinterest.org/blog/the-buzz/hitlers-greatest-world-war-ii-mistake-not-crushing-the-20876
Quigley, C. (1952). Faculty Corner, The Courier, December 12. http://www.carrollquigley.net/misc/Quigley_explains_how_Germany_conquered_Czechoslovakia.htm
Roberts, A. (2012) The storm of war: A new history of the Second World War. Harper Perennial.
Scott, H. (2019). The generals should have listened to Hitler! https://nationalvanguard.org/2019/01/the-generals-should-have-listened-to-hitler/
Shirer, W.L. (1960). The rise and fall of the Third Reich – A history of Nazi Germany; reviewed 1989. Diệp Minh Tâm dịch (2019), Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Thứ Ba – Lịch sử Đức Quốc Xã, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông.
Sourya, D.P. (2018). Which battle was more of a major turning point for the Soviet Union during World War II? The Battle of Kursk or the Battle of Stalingrad? https://www.quora.com/Which-battle-was-more-of-a-major-turning-point-for-the-Soviet-Union-during-World-War-II-The-Battle-of-Kursk-or-the-Battle-of-Stalingrad
Stahel, D. (2010). Operation Barbarossa and Germany’s defeat in the East. Cambridge University Press, U.K.
Steve, P. (2009). The battle that wasn’t necessary: Kursk 1943. https://padresteve.com/2009/09/30/1612/
Tarantino, B. (2018). How could Hitler have won WWII? https://www.quora.com/How-could-Hitler-have-won-WWII-1
The Guardian (2018). The Munich Agreement – archive, September 1938. https://www.theguardian.com/world/from-the-archive-blog/2018/sep/21/munich-chamberlain-hitler-appeasement-1938
The History Place (2010). The defeat of Hitler. http://www.historyplace.com/worldwar2/defeat/catastrophe-stalingrad.htm
Toland, J. (1976). Adolf Hitler – The Definitive Biography. Garden City: Anchor Books/Doubleday.
Trueman, C.N. (2019). The Battle of Kursk. https://www.historylearningsite.co.uk/world-war-two/famous-battles-of-world-war-two/the-battle-of-kursk/
Weinberg, G.L. (1964). “Hitler’s image of the United States”, The American Historical Review 69(4): 1006–1021.
Weinberg, G.L. (1992). “Why Hitler declared war on the United States?”, The Quarterly Journal of Military History 4(3).
White, M. (2015). Battle of Britain was won as much by German ineptitude as British heroism. https://www.theguardian.com/world/2015/aug/31/battle-of-britain-won-german-ineptitude-british-heroism
Wilde, R. (2018). Guns or butter – The Nazi economy. https://www.thoughtco.com/guns-or-butter-the-nazi-economy-12210650
Wikipedia. Anschluss. https://en.wikipedia.org/wiki/Anschluss
Wikipedia. Battle of Dunkirk. https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Dunkirk
Wikipedia. Battle of the Bulge. https://www.youtube.com/watch?v=Ya4Xod9Qq3o&list=PLaFoireYVwujDG0c6hMbej8pPsE64CHv7&index=11
Wikipedia. Remilitarization of the Rhineland.
Wikipedia. German nuclear weapons program. https://en.wikipedia.org/wiki/German_nuclear_weapons_program
Wikipedia. Holocaust. https://vi.wikipedia.org/wiki/Holocaust#cite_note-autogenerated2-58
Wikipedia. Kế hoạch Manstein. https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BA%BF_ho%E1%BA%A1ch_Manstein
Wikipedia. Operation Barbarossa. https://en.wikipedia.org/wiki/Operation_Barbarossa
Wikipedia. Trận Stalingrad. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Stalingrad