Seiten

Freitag, 26. Juli 2019

Nhận Định Và Đánh Giá Về Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu


Lâm Vĩnh Thế 
                        Sau ngày 30-4-1975, và trong một thời gian khá dài, có lẽ đến 10-15 năm, phần đông nguời Việt ở hải ngoại đều có một nhận định chung không tốt về cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như sau: một nhà lãnh đạo hèn nhát, đào ngũ, bỏ rơi đồng đội và đồng bào, và là nguời lãnh đạo chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự sụp đổ quá nhanh của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).  Nhận định này, mặc dù phổ biến, và dựa vào một số sự việc đã xảy ra trong các tháng 3-4/1975, chỉ là do cảm tính, không dựa vào bất cứ tài liệu khả tín nào cả.  Gần như ai cũng biết và nhớ câu nói nổi tiếng của ông “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm,” nhưng hình như đó cũng là sự đánh giá duy nhứt của nhân dân Miền Nam về sự nghiệp chính trị của ông.  Nhưng dần dà sau đó, với sự ra đời của một số sách và bài báo ngày càng nhiều, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, của một số tác giả nghiêm túc, và dựa trên những tài liệu mật của Chính phủ Hoa Kỳ đã được giải mật, nhận định của người Việt hải ngoại về ông đã có phần thay đổi.  Bài viết này cố gắng đưa ra một đánh giá trung thực, khách quan về vị nguyên thủ quốc gia này của VNCH.  Tiêu chuẩn mà người viết sử dụng trong việc đánh giá lại nhân vật lịch sử này gồm 3 yếu tố: 1) Quá trình đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn; 2) Cách ứng xử, quyết định và hành động; và 3) Khả năng chính trị và cầm quyền.  Việc đánh giá này tập trung trong 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời chính trị của nhân vật này: 1) Trước cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, 2) Từ sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 cho đến ngày 30-10-1967; và 3) Từ ngày 1-11-1967 cho đến khi ông từ chức Tổng Thống VNCH vào ngày 21-4-1975. 
 
Trước Đảo Chánh 1-11-1963
 
            Theo Cáo Phó mà gia đình ông in ra khi ông mất vào ngày 29-9-2001, tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5-4-1923, tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận.  Ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó ra Huế học trung học tại Trường Pellerin.  Sau khi xong trung học, ông vào học Trường Hàng Hải, có tốt nghiệp nhưng không hành nghề.  Sau đó ông theo học trường Sĩ Quan Đập Đá tại Huế, tốt nghiệp Thiếu Úy năm 1949, phục vụ tại Miền Tây Nam Phần một thời gian rồi đuợc gởi sang Pháp tu nghiệp tại Coequidan.  Trở về nước, ông phục vụ tại Phân Khu Hưng Yên (Bắc Việt), cùng thời gian với một số sĩ quan Việt Nam, trong đó có 2 nguời về sau trở thành tướng lãnh của Quân Lực VNCH (QLVNCH): Đại Tướng Cao Văn Viên và Thiếu Tướng Đỗ Mậu.  Trong cuốn hồi ký của ông, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Thiếu Tướng Đỗ Mậu đã ghi lại những nhận xét về Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu của vị tướng nguời Pháp, Tư Lệnh Chiến Truờng Bắc Việt, Trung Tướng Francois de Linarès, như sau: "Thông minh sắc bén, siêng năng, thứ tự và tỉ mỉ.  Sĩ quan hảo hạng có một ý thức tuyệt hảo về tổ chức và bảo mật. (Intelligence aigue, travailleur, méthodique et minutieux.  Très bon officier.  Possède un sens remarquable de l'Organisation et du Secret).” 1  Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, ông gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.  Tháng 3-1955, với cấp bậc Trung Tá, ông đuợc bổ nhiệm làm Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.   Thàng 7-1957, ông được gửi đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Fort Leawenworth, Kansas, Hoa Kỳ.  Sau khóa học này, năm 1958, ông về nuớc và đuợc tái bổ nhiệm Chỉ Huy Trưởng trường võ bị này.  Tháng 2-1959, ông rời trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt để đi học khóa Tình Báo Tác Chiến tại Okinawa, Nhật Bản. Trở về nước, ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Hành Quân tại Bộ Tổng Tham Mưu, và ngày 26-10-1959 ông thăng cấp Đại Tá.  Sau đó ông được gửi đi Hoa Kỳ lần thứ hai để theo học khóa Phòng Không tại Fort Bills, Texas.  Đầu tháng 10 năm 1961, ông đuợc bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1.  Ngày 20-12-1962, ông đuợc bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh đóng tại Biên Hòa.2  Khi các tướng lãnh tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đinh Diệm, ông tham gia và mang quân Sư Đoàn 5 từ Biên Hòa về tấn công Dinh Gia Long và thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.  Sau khi cuộc đảo chánh thành công, ông được thăng cấp Thiếu Tướng. (Lúc đó, QLVNCH chưa có cấp bậc Chuẩn Tướng; cấp bậc Chuẩn Tướng do Tướng Nguyễn Khánh thiết lập vào tháng 4-1964, và ngày 8-4-1964, Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân, là vị Đại Tá đầu tiên được thăng cấp Chuẩn Tướng). 
           
            Trong giai đoạn này, những gì chúng ta biết được về ông Thiệu rất ít vì ông chưa có vai trò quan trọng, nổi bật trong chính trường VNCH.   Qua lời phê của Tướng De Linarès, chúng ta được biết ông là một sĩ quan giỏi, thông minh, tỉ mỉ, làm việc có phương pháp, và có ý thức cao về bảo mật.  Điều này có nghĩa là ông làm việc cẩn thận, có tính toán, và luôn luôn có cảnh giác, đề phòng nguời khác.  Những cá tính này sẽ bộc lộ rõ rệt hơn khi ông thực sự nắm quyền.  Trong giai đoạn này, ít nhứt, ông đã có 2 quyết định rất quan trọng cho sự nghiệp của ông, cả hai đều đuợc ông cân nhắc, tính toán rất cẩn thận trước khi quyết định.  Quyết định thứ nhứt là bỏ đạo Phật của gia đình để theo Công giáo của vợ ông.  Ta không biết rõ ông thực hiện quyết định này vào năm nào, nhưng có lẽ phải sau khi chế độ Ngô Đinh Diệm đã vững vàng, và như thế ít nhứt là 4-5 năm sau khi ông kết hôn với bà Mai Anh.  Như thế, rõ ràng là việc ông bỏ đạo của gia đinh mình để theo đạo của vợ hoàn toàn không phải là một đòi hỏi do cuộc hôn nhân mà là một quyết định có tính toán.  Và, quả thật, quyết định này đã giúp ông thăng tiến nhanh trong binh nghiệp, trở thành Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt và Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ trong thời gian 5-6 năm.  Quyết định thứ nhì là tham gia vào cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963.  Quyết định này cũng đã được suy tính kỹ luỡng sau khi ông được Đại Tá Đỗ Mậu kết nạp và biết rõ có sự tham gia của các tướng lãnh quan trọng, đặc biệt là tướng Trần Thiện Khiêm, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, là những người có đầy đủ quyền điều động các đơn vị trọng yếu chung quanh thủ đô.  Và quyết định này đã giúp ông trở thành một tướng lãnh.  Như vậy, ông chỉ mất có 14 năm để lên đến cấp tướng vào năm 1963 lúc ông 40 tuổi, tính từ ngày ông tốt nghiệp Thiếu Úy tại Khoá Sĩ Quan Đập Đá ở Huế năm 1949.   
 
 
Từ Sau Đảo Chánh 1-11-1963 Đến 30-10-1967
 
            Giai đoạn này có thể phân làm 2 giai đoạn nhỏ: 1) từ sau đảo chánh 1-11-1963 cho đến khi Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) ra đời; và, 2) từ khi UBLĐQG ra đời đến ngày 30-10-1967.  Toàn bộ thời gian này có thể xem như là thời gian tập sự cầm quyền của ông Thiệu, giúp ông nắm vững các vấn đề chính trị của đất nuớc, hiểu rõ sách luợc của Đồng Minh Hoa Kỳ và hoàn thiện phương pháp làm việc của riêng cá nhân ông.
 
Giai Đoạn Trước Khi UBLĐQG Ra Đời
 
            Sau khi tham gia vào vụ đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, được thăng cấp Thiếu Tướng, và trở thành một Ủy Viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM), ông Thiệu không được bổ nhiệm vào những chức vụ cao cấp và quan trọng hơn và phải trở vể cương vị Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.  Có lẽ vì thế ông bất mãn với chế độ mới.  Vì là một thành viên của HĐQNCM, chắc chắn ông biết được sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ của Hội Đồng.3  Tuy nhiên, với bản tánh dè dặt và tính toán kỹ luỡng, ông không manh động mà chờ thời cơ đến.  Thời gian chờ đợi không lâu.  Chỉ 3 tháng sau, cùng với những tướng lãnh bất mãn khác, như Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, ông tham gia vào cuộc "Chỉnh Lý" của Trung Tướng Nguyễn Khánh ngày 30-1-1964.  Quyết định này giúp ông thăng tiến thêm cả về chính trị lẫn binh nghiệp: 1) Ông trở thành Tổng Thư Ký của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (từ tháng 2 đến tháng 9-1964) và, 2) Ông đuợc Tướng Khánh bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 4 (từ tháng 9-1964), và ngày 1-1-1965 ông vinh thăng Trung Tướng do chính Tướng Khánh gắn sao tại Bộ Tư Lệnh Vùng 4 ở Cần Thơ.
       
            Với tư cách Tổng Thư Ký của HĐQNCM, chắc chắn ông đã được tiếp cận với những vấn đề chính trị cấp quốc gia mà Hội Đồng phải giải quyết.  Ông cũng được cơ hội thông báo và thi hành những quyết định của Hội Đồng đối với các sĩ quan cao cấp 4 và ngay cả các tướng lãnh; điều này giúp ông mở rộng phạm vi quen biết và ảnh hưởng, giúp gia tăng thế lực của ông trong quân đội và chính trường.  Việc ông được Tướng Khánh bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 4 giúp ông có cơ hội chỉ huy cả một Quân Đoàn (là đơn vị lớn nhứt của QLVNCH) gồm 3 Sư Đoàn 7, 9 và 21, chịu trách nhiệm về an ninh cho 1/4 lãnh thổ của quốc gia.  Với tư cách Tư Lệnh Quân Đoàn, dĩ nhiên, ông là cấp trên trực tiếp của 3 vị sĩ quan cao cấp Tư Lệnh của các Sư Đoàn nói trên.  Cả 3 vị Tư Lệnh này về sau đều thăng lên đến cấp bậc trung tướng và đều trở thành Tư Lệnh Quân Đoàn, đó là Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Trung Tướng Vĩnh Lộc và Trung Tướng Đặng Văn Quang.5  Riêng Trung Tướng Đặng Văn Quang sau này sẽ là Phụ Tá đắc lực về Quân Sự và An Ninh cho ông khi ông trở thành Tổng Thống VNCH.
            Thời gian từ tháng 2 đến tháng 9-1964, Tướng Thiệu, với tư cách Tổng Thư Ký của HĐQNCM, đã luôn luôn làm việc gần gũi với Tướng Khánh.  Thời gian này Tướng Khánh cũng là Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp điều hành guồng máy quốc gia. Thời gian này cũng là thời gian xáo trộn nhất trong lịch sử của VNCH, với những vụ xuống đường, biểu tình, và đảo chánh.  Phật Giáo tạo áp lực rất mạnh và sinh viên học sinh cũng gây nhiều khó khăn cho Chính phủ.  Tướng Khánh không chịu nổi những áp lực đó và nhượng bộ liên tục, khiến cho phe quân nhân cũng bất mãn.  Cuộc đảo chánh ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát cho thấy rõ sự bất mãn này của phe quân nhân đối với Tướng Khánh.  Cuộc đảo chánh này thất bại vì không được các tướng trẻ (Young Turks) ủng hộ.  Tướng Thiệu đã có dịp quan sát trực tiếp cách làm việc của Tướng Khánh. Ông rút ra được hai bài học về chính trị: 1) Càng nhượng bộ thì phe Phật Giáo càng lấn tới; điều này có nghĩa là nhượng bộ nhiều quá không phải là một điều hay trong chính trị, và 2) Muốn giữ được chính quyền thì phải có hậu thuẫn của quân đội, nhứt là các tướng trẻ.
            Nhóm tướng trẻ này, thường được báo chí Mỹ gọi chung duới tên "Young Turks," là các sĩ quan cao cấp, chỉ huy các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH trong giai đoạn này, mà phần lớn là do Tướng Khánh phong tướng với ý đồ tạo ra một tầng lớp tướng lãnh trẻ để làm hậu thuẫn cho những mưu toan chính trị của ông.  Đầu tháng 10-1964, một tài liệu của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency - CIA) đã liệt kê rõ tên họ của nhóm tướng trẻ này, với cấp bậc và đơn vị mà họ chỉ huy như sau: 6
            1. Chuẩn Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân
            2. Đại Tá Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù
            3. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến
            4. Đại Tá Nguyễn Bảo Trị, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh
            5. Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng, Tư Lệnh Vùng I
            6. Chuẩn Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh
            7. Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Sằng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh
            8. Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh
            9. Chuẩn Tướng Đặng Văn Quang, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh
 
            Nhóm tướng trẻ này ngày càng đông, có tổ chức và trở nên một đoàn thể chính trị rất mạnh có khả năng khuynh loát chính quyền.  Đối với riêng Tướng Khánh, chỉ một thời gian ngắn sau khi được thăng lên cấp tướng, các tướng trẻ đã nhận ra yếu kém của ông ta trong cách đối phó với các cuộc khủng hoảng chính trị, nhứt là trong vụ Hiến Chương Vũng Tàu trong tháng 8-1964, mà ông vừa ban hành đã vội hủy bỏ ngay dưới áp lực của sinh viên, làm mất mặt Quân Đội rất nhiều.  Tiếp theo đó, cuộc đảo chánh ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát, mà chính các tướng trẻ đã đứng ra chống đối và dẹp yên được, càng cho họ thấy rõ sự bất lực của Tướng Khánh.  Từ đó trở đi, không những Tướng Khánh không thể lợi dụng được họ nữa mà, trái lại, còn bị họ làm áp lực nặng nề buộc phải thỏa mãn những đòi hỏi của họ.  Họ chiếm đa số trong Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) do Tướng Khánh thành lập.  Tuy vẫn được họ giữ lại trong các chức vụ Tổng Tư Lệnh và Chủ Tịch HĐQL, Tướng Khánh thật sự đã không còn nắm được quyền hành nữa.  Việc các tướng trẻ sẽ loại bỏ ông chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.  Nhân danh HĐQL, họ đã có một loạt những hoạt động khuynh loát chính phủ như sau: 1) giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) khi Hội Đồng này từ chối không chịu thực hiện đòi hỏi cho các tướng già về hưu của họ; 2) giải nhiệm và mang đi quản thúc Thủ Tướng Trần Văn Hương khi Thủ Tướng Hương không giải quyết đuợc tình hình rối loạn do phe Phật Giáo và sinh viên tạo ra; 3) đề cử Bác sĩ Phan Huy Quát lập chính phủ mới; và, 4) khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 19-2-1965 của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đòi loại bỏ Tướng Khánh, họ chống lại cuộc đảo chánh nhưng nắm lấy cơ hội này để loại bỏ Tướng Khánh, và đề cử Trung Tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư Lệnh.  Ngày 22-2-1965 Tướng Khánh vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam.7
            Tuy nhiên, có một điều mà các tướng trẻ không bao giờ ngờ đến là tất cả những hành động này của họ đã vô tình tạo ra những điều kiện thật tốt cho việc thăng tiến của Tướng Thiệu.  Đối với Quân Đội nói chung và đối với nhóm các tướng trẻ nói riêng, có hai điều mà họ luôn luôn tôn trọng và tuân thủ: đó là hệ thống quân giai và thâm niên cấp bậc.  Vào đầu năm 1965, tình hình các tướng lãnh trong QLVNCH là như sau: Thống Tướng Lê Văn Tỵ đã mất từ ngày 21-10-1964; trong 3 vị Đại Tướng là Trần Thiện Khiêm (thăng cấp Đại Tướng ngày 11-8-1964), Dương Văn Minh (thăng cấp Đại Tướng ngày 24-11-1964) và Nguyễn Khánh (thăng cấp Đại Tướng ngày 27-11-1964) thì 2 Tướng Khiêm và Minh đã bị Tướng Khánh dùng cách cử làm Đại sứ và đưa ra khỏi nuớc, còn lại Tướng Khánh thì tuy vẫn còn giữ các chức vụ Tổng Tư Lệnh và Chủ Tịch HĐQL nhưng trên thực tế không còn nắm quyền nữa.  Như vậy, trên thực tế, có địa vị quan trọng nhứt trong Quân Đội lúc bấy giờ là các vị Trung Tướng.  Lúc bấy giờ có tất cả 10 vị Trung Tướng.  Đó là các vị sau đây:
            - Phạm Xuân Chiểu, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
            - Tôn Thất Đính, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
            - Trần Văn Đôn, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-2-1957
            - Lê Văn Kim, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
            - Nguyễn Ngọc Lễ, thăng cấp Trung Tướng ngày 9-12-1956
            - Trần Văn Minh (Minh nhỏ), thăng cấp Trung Tướng ngày 10-12-1956
            - Lê Văn Nghiêm, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
            - Trần Ngọc Tám, thăng cấp Trung Tướng tháng 4-1964
            - Nguyễn Văn Thiệu, thăng cấp Trung Tướng ngày 1-1-1965
            - Mai Hữu Xuân, thăng cấp Trung Tướng ngày 2-11-1963
Trung Tướng Thiệu, tuy thâm niên cấp bậc là kém nhứt trong số 10 vị Trung Tuớng, nhưng trên thực tế lại là ngôi sao đang lên trong khi các vị kia, đặc biệt là 4 tuớng Đà Lạt Đôn-Xuân-Kim-Đính, đều là những vì sao đang sắp tắt.  Kể từ sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đinh Diệm, Tướng Thiệu đã liên tiếp đuợc đề cử giữ những chức vụ quan trọng về cả 2 mặt quân sự và chính trị:
            - 2-11-1963: Vinh thăng Thiếu Tướng
            - 2-11-1963: Ủy Viên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
            - 30-1-1964: Tham gia cuộc "Chỉnh lý” của Tướng Khánh
            - 31-1-1964: Tổng Thư Ký Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng
            - 2-2-1964: Tham Mưu Trưởng Liên Quân Bộ Tổng Tham Mưu
            - 8-2-1964: Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Nội các Nguyễn Khánh
            - 15-9-1964: Tư Lệnh Vùng 4
            - 1-1-1965: Vinh thăng Trung Tướng
            - 18-1-1965: Đệ Nhị Phó Thủ Tướng trong Nội các Trần Văn Hương cải tổ
Chính vì vậy mà ngay trong phiên họp ngày 24-1-1965 của HĐQL do Tướng Khánh triệu tập và chủ tọa, khi các tướng thảo luận về việc nên giải quyết thế nào đối với Chính phủ Trần Văn Hương cũng như việc có nên đề cử ra một vị Thủ Tướng quân sự hay không, và khi bỏ phiếu để chọn ra một vị tướng làm Thủ Tuớng thì Tuớng Thiệu đã nhận đuợc số phiếu cao nhứt.8  Ông từ chối không nhận việc đề cử này, viện lý do ông là người Công Giáo nên chắc chắn sẽ bị phe Phật Giáo chống đối và như vậy sẽ không thể làm tròn đuợc nhiệm vụ giao phó.  Phản ứng này của ông càng làm tăng thêm uy tín của ông trong giới tướng lãnh.  Ngày 27-1-1965, HĐQL giải nhiệm và đem đi quản thúc Thủ Tướng Hương và đề cử Bác sĩ Phan Huy Quát thành lập nội các mới.  Ngôi sao số mạng của Tuớng Thiệu càng sáng rực hơn khi ông đuợc Bác sĩ Quát mời tham gia Chính phủ với chức vụ Đệ Nhứt Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Truởng Quân Lực.  Sau khi Tuớng Khánh bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, ngày 3-3-1965, Tuớng Thiệu đuợc các tuớng lãnh đề cử làm Tổng Thư Ký của Ủy Ban Thường Vụ của HĐQL.  Tháng 5-1965 xảy ra cuộc khủng hoảng nội các của Chính phủ Quát do bất hòa giữa Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Quát.  Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp (HĐQGLP) không giải quyết đuợc.  Cả Quốc Trưởng và Thủ Tướng không ai chịu nhượng bộ.  Sau cùng Thủ Tướng quyết định từ chức và giải tán Chính phủ.  Quốc Trưởng cũng từ chức.  Ngày 11-6-1965, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, Thủ Tướng Phan Huy Quát và Chủ Tịch HĐQGLP Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu ra tuyên cáo chung giao quyền lại cho Quân Đội.9  Ba ngày sau, QLVNCH công bố Quyết định số 3, ngày 14-6-1965, gồm 5 Điều, thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG).10  Điều 2 của Quyết Định này ghi rõ thành phần của UBLĐQG gồm có 10 người như sau:
            - 1 Chủ Tịch
            - 1 Tổng Thư Ký
            - 1 Ủy Viên phụ trách điều khiển Hành pháp
            -  Tổng Truởng Quốc Phòng
            - Tổng Tham Muu Truởng
            - 4 vị Tư Lệnh 4 Vùng Chiến Thuật
            - Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô
Điều 4 của Quyết Định này ghi rõ như sau: Hoàn toàn tín nhiệm và chỉ định:
A. Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu; B. Tổng Thư Ký: Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu; C. Ủy Viên Phụ Trách Điều Khiển Hành Pháp: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ.  Lần này ông Thiệu không từ chối nữa.   
 
Giai Đoạn Từ Khi UBLĐQG Ra Đời Đến Ngày 30-10-1967
 
            Trong thời gian hơn 2 năm này, ông Thiệu, với tư cách Chủ Tịch UBLĐQG, đóng vai trò Quốc Trưởng của VNCH.  Điều 3 của Quyết Định số 3 của QLVNCH ghi rõ "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, thay mặt toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, điều khiển Quốc gia."  Điều 5 đề ra các nhiệm vụ chính yếu của UBLĐQG nhu sau: "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có nhiệm vụ thiết lập thể chế và các cơ cấu Quốc Gia cùng thành lập một Nội Các Chiến Tranh." 
            Ngay từ đầu, ông Thiệu phải đã biết là Ùy Viên Phụ Trách Điều Khiển Hành Pháp sẽ đóng vai trò Thủ Tuớng điều khiển cái gọi là Nội Các Chiến Tranh mà UBLĐQG sẽ phải thành lập theo Điều 5 nói trên.  Tại sao ông chấp nhận làm Chủ Tịch UBLĐQG (Quốc Truởng) và để cho ông Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ) (Thủ Tướng) ?  Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần duyệt lại tình hình các tướng lãnh tại thời điểm đó.  Vào thời điểm giữa tháng 6-1965, 5 vị Trung Tuớng là Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Nguyễn Ngọc Lễ, Lê Văn Nghiêm và Mai Hữu Xuân đều đã đuợc cho giải ngũ (Sắc Lệnh số 119/QT/SL ngày 24-5-1965 do Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu ký).  Như vậy chỉ còn lại 5 vị Trung Tướng là Phạm Xuân Chiểu, Tôn Thất Đính, Trần Văn Minh, Trần Ngọc Tám và Nguyễn Văn Thiệu.  Trong các vị này, Tướng Đính là thất thế nhứt, ông không bị cho giải ngũ cùng với các Tuớng Đôn-Kim-Lễ-Nghiêm-Xuân chỉ vì ông chưa đủ 25 năm quân vụ.  Ông phải chấp nhận giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Quân Lực kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn thuộc loại ngồi chơi xơi nuớc.  Tướng Trần Ngọc Tám, tuy không thuộc đối tượng cần loại bỏ như các tướng Đà Lạt, nhưng cũng không được tin cậy, và ông phải nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Điều Hành Quốc Tế Quân Viện.  Tướng Trần Văn Minh thì đã đảm nhận chức vụ Tổng Tư Lệnh thay thế Tướng Khánh; ngày 14-5 đổi danh hiệu trở lại là Tổng Tham Mưu Trưởng, nhưng ông cũng sẽ không giữ chức vụ này được bao lâu; hai tháng sau, ngày 15-7-1965, ông sẽ phải bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng lại cho Tướng Nguyễn Hữu Có để rời Việt Nam đi làm Đại sứ VNCH tại Tunisie ở Bắc Phi.11  Như vậy thật sự chỉ còn 2 vị Trung Tướng còn có uy tín và thế đứng trong QLVNCH là Phạm Xuân Chiểu (thâm niên cao hơn) và Nguyễn Văn Thiệu (kém thâm niên hơn).  Về phía các tuớng trẻ thì nổi bật nhứt và có quyền lực nhứt là 2 vị Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân.   Theo hồi ký của Đại Tá Phạm Văn Liễu, lúc đó đang giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, khi các tướng lãnh họp để chọn người đảm nhiệm các chức vụ Chủ Tịch UBLĐQG và Chủ Tịch UBHPTƯ thì hai vị tướng đuợc mọi người đề cử là 2 tướng Phạm Xuân Chiểu và Nguyễn Chánh Thi.  Ông Chiểu từ chối không nhận và đề cử Tướng Thiệu; Tướng Thi cũng từ chối và đề cử Tướng Kỳ.  Cả 2 ông Thiệu và Kỳ đều vui vẻ chấp  nhận.12  Điều này cũng đuợc chính Tướng Thi xác nhận trong cuốn hồi ký của ông.   Chỉ khác là ông Thi cho biết là sau khi ông từ chối không nhận sự đề cử của các tuớng lãnh thì chính ông Thiệu đề cử Tuớng Kỳ.  Ông viết như sau trong cuốn hồi ký:  "Sau đó Nguyễn Cao Kỳ đuợc Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu cộng tác, đứng ra lập chính phủ, và đằng sau đã có bọn phù thủy Mỹ che chở.  Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi tôi nói vừa chấm dứt thì được nghỉ mấy phút giải lao, tự nhiên Nguyễn Văn Thiệu đi ngang, ghé tai tôi nói nhỏ: "Để cho thằng Kỳ làm đi !." Nói xong, nhìn tôi cuời liếc." 13  Chúng ta không thể biết chắc chắn là những chi tiết trình bày trong cuốn hồi ký của Tướng Thi có hoàn toàn đúng sự thật hay không nhưng nó phù hợp với tình hình chính trị lúc bấy giờ và cũng phù hợp với cá tính của Tướng Thiệu.  Tình hình chính trị tại thời điểm này là trong vòng chưa đến 2  năm (từ tháng 11-1963 đến tháng 6-1965), kể từ khi chế độ Ngô Đinh Diệm bị lật đổ, đã có liên tiếp 4 Chính phủ (Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương và Phan Huy Quát), trong đó có đến 3 Chính phủ tồn tại không hơn 4 tháng, và rất nhiều vụ đảo chánh hoặc âm mưu đảo chánh, cũng như không biết bao nhiêu vụ biểu tình, xuống đường, bạo động của các phe phái tôn giáo và thanh niên sinh viên học sinh.  Ông Thiệu, với cá tính luôn luôn tính toán, không tin là một Chính phủ mới, dù là Nội Các Chiến Tranh đi nữa, có thể tồn tại lâu hơn 4-5 tháng.  Và một khi đã nhận làm mà thất bại thì chắc chắn sẽ bị cháy tên và sẽ không có cơ hội lần thứ hai.  Chính vì thế, ngay từ cuộc họp ngày 24-1-1965, khi được các tướng lãnh bỏ phiếu đề cử ông làm Thủ Tướng, ông đã từ chối ngay.  Do đó, lần nầy cũng vậy thôi, ông thà nhận trách nhiệm làm Quốc Trưởng (Chủ Tịch UBLĐQG) chứ không dại gì chịu nhận làm Thủ Tướng (Chủ Tịch UBHPTƯ).  Đây là một tính toán sai lầm của Tướng Thiệu và suýt chút nữa nó đã làm tiêu ma luôn sự nghiệp đang lên của ông, như chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau.
            Trong suốt thời gian tập sự cầm quyền này, như đã trình bày bên trên, chúng ta đã thấy rõ cách hành xử và ứng phó của Tướng Thiệu trước tình hình chính trị vô cùng khó khăn phức tạp của VNCH.  Còn về vấn đề đối với đồng minh Hoa Kỳ thì sao?  Chúng ta đã biết cá tính suy nghĩ thận trọng truớc mọi vấn đề của Tướng Thiệu.  Như vậy chúng ta có thể tin chắc chắn rằng ông không thể không nhìn thấy chính sách dùng người của Hoa Kỳ.  Khi còn có giá trị lợi dụng cần thiết cho đường lối và sách lược của họ thì họ đề cao và ủng hộ hết mình.  Khi không còn ích lợi cho việc thi hành đường lối, chính sách của họ thì họ thẳng tay loại bỏ không thương tiếc.  Từ 1963 đến 1965, trong vòng 2 năm ngắn ngủi, Hoa Kỳ đã dùng mọi cách để loại bỏ 3 nhà lãnh đạo VNCH: Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh.  Trong cả 3 lần Hoa Kỳ thi hành chính sách thay người này, Tướng Thiệu đều có tham dự một cách tích cực cả.  Lần thứ nhứt, trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đinh Diệm, ông là người chỉ huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh tấn công vào Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa.  Lần thứ hai, trong vụ Chỉnh Lý ngày 30-1-1964 vô hiệu hóa Quốc Trưởng Dương Văn Minh và bắt giam các Tướng Đôn-Xuân-Kim-Đính, ông cũng ngả theo phe của Tướng Khánh.  Lần thứ ba, sau cuộc đảo chánh của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo ngày 19-2-1965, ông cùng các tướng trẻ trong HĐQL loại Tướng Khánh ra khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh và buộc Tướng Khánh phải rời khỏi Việt Nam vĩnh viễn.  Qua các việc trên, Tướng Thiệu chắc chắn phải hiểu là tuyệt đối không thể làm mất lòng người Mỹ nếu muốn tiếp tục nắm quyền tại VNCH, vì người Mỹ có thể dùng nhiều cách, kể cả đảo chánh, để loại bỏ cấp lãnh đạo của VNCH mà họ không thích hoặc không sử dụng được.  Đặc biệt là trường hợp đối với Tướng Khánh.  Khi Tướng Khánh thực hiện vụ Chỉnh Lý ngày 30-1-1964, Hoa Kỳ ủng hộ ngay từ đầu và sau đó đã đánh bóng đề cao Tướng Khánh rất nhiều.  Nhưng chẳng bao lâu họ nhận ra Tướng Khánh không phải là "người hùng" mà họ nghĩ và mong muốn.  Ông đã để cho tình hình chính trị của VNCH ngày càng rối loạn.  Khi xảy ra vụ HĐQL giải tán THĐQG, Đại sứ Taylor rất tức giận, và trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng của Tướng Khánh, sau khi Tướng Khánh xác nhận chính ông chịu trách nhiệm về việc giải tán THĐQG, Đại sứ Taylor đã buông lời đe dọa Tướng Khánh nguyên văn như sau: "In that case get ready to leave the position of Commander-in-Chief and to leave the country." 14  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Trong trường hợp này, ông hãy chuẩn bị rời chức vụ Tổng Tư Lệnh và ra khỏi nước.”).  Hai tháng sau, như đã trình bày bên trên, Tướng Khánh bị loại khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh và bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, đúng như lời đe dọa trước đó của Đại sứ Taylor.  Vì thế, trong suốt thời gian mà ông giữ cương vị Quốc Trưởng, Chủ Tịch UBLĐQG, (cũng như cả sau này, khi ông đã trở thành Tổng Thống của Đệ Nhị Cộng Hòa) ông rất cảnh giác đối với nguời Mỹ và lúc nào cũng lo sợ bị đảo chánh.  Trong cuốn hồi ký của mình, Đại Tá Phạm Văn Liễu, lúc đó giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, đã mô tả nổi lo sợ này của Tướng Thiệu như sau: "Mỗi lần ở Sài Gòn có tin đồn đảo chính là Tướng Thiệu lại bay ngay xuống Cần Thơ tá túc.  Nhiều khi mới 6, 7 giờ sáng đã thấy Tướng Thiệu bơ phờ xuất hiện ở phi trường Bình Thủy." 15
            Trở lại việc Tướng Thiệu đảm nhận vai trò Chủ Tịch UBLĐQG, tức Quốc Trưởng VNCH.  Như trên có nói, đây là một tính toán sai lầm của Tướng Thiệu.  Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, hay Nội các Chiến tranh, đã tồn tại hơn 2 năm, và ngày một vững mạnh, vuợt qua được tất cả những cuộc khủng hoảng chính trị rất nghiêm trọng.16  Và, dĩ nhiên, uy tín cá nhân của Tướng Kỳ trong Quân Đội cũng như quyền hành của Tướng Kỳ, với tư cách Chủ Tịch UBHPTƯ, tức Thủ Tướng, càng ngày càng tăng và được củng cố rất vững vàng.  Vai trò và uy thế của Tướng Thiệu đã bị giảm thiểu nặng nề.  Đại tá Phạm Văn Liễu đã có những ghi nhận như sau trong cuốn hồi ký của ông: "Tướng Thiệu sử dụng Dinh Gia Long làm Phủ Chủ Tịch UBLĐQG. ... Bên mé trái của tòa nhà, ngoài dăm sĩ quan đã làm việc với Tướng Thiệu ở Sư Đoàn 5 ra, không có mấy người lui tới ... Theo dư luận hồi đó, bao nhiêu quyền hành, công việc do Tướng Kỳ thu tóm hết, Tướng Thiệu chỉ là một thứ bù nhìn giữ dưa.  Tướng Thiệu cũng hiểu vậy, cố gắng chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọt, ngầm chiêu binh mãi mã chờ thời." 17  Sau khi Hiến Pháp mới đuợc ban hành vào ngày 1-4-1967, Nội các Chiến tranh tích cực chuẩn bị bầu cử Tổng Thống và Thượng Nghị Viện sẽ diễn ra vào tháng 9-1967, thì vị thế của Tướng Kỳ đã hoàn toàn chế ngự chính trường VNCH.  Ông được sự ủng hộ của các tướng Tư Lệnh Vùng, và, như thế cũng có thể nói là có luôn cả sự ủng hộ của các vị Tỉnh Trưởng vì các vị này đều là người thân tín của các Tướng Tư Lệnh Vùng. Trong Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) ông cũng đuợc sự ủng hộ của một số dân biểu quan trọng nhờ vậy QHLH, khi thảo luận về Hiến Pháp, đã đồng ý thông qua điều khoản ấn định tuổi tối thiểu để ứng cử Tổng Thống là 35 thay vì 40 (lúc đó Tuớng Kỳ đuợc 37 tuổi, và Tuớng Thiệu 43 tuổi).18  Trong một cuộc họp báo tại Đà Lạt, ngày 12-5-1967, Tướng Kỳ tuyên bố sẽ ra ứng cử Tổng Thống.  Một tuần lễ sau, ngày 19-5-1967, Tướng Thiệu cũng cho biết sẽ ứng cử Tổng Thống.  Việc này làm cho các tướng lãnh lo ngại số phiếu quân nhân có thể bị chia xẻ giữa hai liên danh riêng rẽ của 2 Tướng Thiệu Kỳ và một liên danh dân sự có thể đắc cử.  Các tướng thuộc phe Tuớng Kỳ đã cử Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng đến gặp Tướng Thiệu để thuyết phục Tướng Thiệu rút lui nhưng Tướng Thiệu không đồng ý, nhất định từ chối.19  Điều này bộc lộ bản tính "làm chính trị phải lì" của Tướng Thiệu.  Hiểu theo nghĩa tích cực, "lì" tức là có quyết tâm cao, đã tính làm một chuyện gì thì sẽ cố gắng làm cho đến cùng, nghĩa là có kiên nhẫn.  Tuớng Thiệu rõ ràng là nguời có đức tính này.  Ông lại cũng tỏ ra là một nguời có tinh thần làm việc nghiêm chỉnh, ngược hẳn lại so với Tuớng Kỳ.  Đại Tá Phạm Văn Liễu cũng đã có những nhận xét khách quan đối với 2 vị Tướng này như sau: "Tôi đuợc giao trách nhiệm tổ chức lễ ra mắt cho chính phủ quân đội vào ngày 19-6. Trước ngày 19-6, anh Như Phong nhờ tôi đem hai bài diễn văn do anh soạn thảo tới cho hai vị chủ tịch.  Khi ghé nhà ông Kỳ trong trại Phi Long, ông Kỳ đang bận đánh mạt chược với mấy sĩ quan Không Quân.  Thấy tôi, Tướng Kỳ ra phòng khách nghe tôi trình bày về chương trình buổi lễ.  Khi tôi đưa bản thảo bài diễn văn cho ông Kỳ, ông ta hờ hững đón nhận, nói qua tiếng cười : "Cứ để lại cho tôi, tối tôi sẽ coi.  Bây giờ còn đang dở ván mạt chược."  Hiểu tính ông, tôi xin rút lui để cho ông đỡ mất hứng ... Thái độ Tướng Thiệu chững chạc hơn ông Kỳ nhiều.  Khi tôi đưa ra bản thảo bài diễn văn, ông Thiệu kêu người pha trà mời tôi, rồi thận trọng duyệt lại bản thảo.  Ông Thiệu đọc đi đọc lại nhiều lần, cân nhắc từng câu, từng chữ, có khi đến cả dấu chấm, phẩy trong bài.  Sự tương phản giữa hai ông Thiệu và Kỳ quá rõ ràng.  Mặc dù ông Thiệu lúc ấy chỉ có hư vị nên thái độ khiêm tốn hơn, thận trọng hơn; nhưng nói về bản chất một cấp lãnh đạo và chỉ huy, ông Thiệu có vẻ đuợc chuẩn bị sẵn và đuợc một ban cố vấn có khả năng tiếp sức." 20 Về tính cẩn trọng này của ông Thiệu, chúng ta sẽ có dịp biết thêm khi xét đến giai đoạn ông đã là Tổng Thống qua các nhận xét của những nhân vật thân cận với ông như Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng và Cố vấn Nguyễn Văn Ngân.
 
            Trong thời gian nắm giữ chức vụ Chủ Tịch UBLĐQG, tức Quốc Truởng, Tướng Thiệu đã chứng tỏ khả năng chính trị của ông qua môt số sự việc mà quan trọng nhứt là vụ Biến Động Miền Trung năm 1966.  “13-3-66, Hội-đồng Tướng-lãnh, gồm cả các chỉ huy địa phương nhóm họp tại Bộ Tổng-tham-mưu và biểu quyết với 32 phiếu thuận và 4 phiếu trắng cho tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ việc. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân được cử lên thay làm Tư-lệnh Vùng I kiêm Đại-biểu Chính-phủ.” 21 Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhứt trong thời gian cầm quyền của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tức Nội Các Chiến Tranh.  Cuộc khủng hoảng chính trị này rất phức tạp và ảnh hưởng trên ¼ lãnh thổ của VNCH, lại ngay sát vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc nên gây ra rất nhiều bối rối, khó khăn cho Nội các Nguyễn Cao Kỳ và cả UBLĐQG.  Sau khi Tướng Thi bị cách chức Tư Lệnh Vùng I vào ngày 13-3-1966, chỉ trong một thời gian rât ngắn mà đã có 4 bốn lần thay đổi tướng Tư Lệng Vùng I như sau:
  • Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân: từ ngày 13-3-1966 đến ngày 8-4-1966
  • Trung Tướng Tôn Thất Đính: từ ngày 9-4-1966 đến ngày 15-5-1966
  • Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao: từ ngày 16-5-1966 đến ngày 30-5-1966
  • Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm: từ ngày 31-5-1966   
Điều này cho thấy UBLĐQG, mà Chủ tịch là Tướng Thiệu, đã rất lúng túng và phạm sai lầm nhiều lần trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị này.  Nó cho chúng ta thấy rất rõ tính cách “tập sự cầm quyền” của Tướng Thiệu trong giai đoạn này.  Đồng thời nó cũng cho thấy rõ là Tướng Thiệu đã học tập có kết quả tốt khi ông biết kết hợp cả 2 mặt quân sự và chính trị (vừa cương vừa nhu) trong giai đoạn cuối khi kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị này.  Chúng ta hãy xem lại diễn tiến của việc giải quyết cuộc khủng hoảng để thấy rõ sự trưởng thành về chính trị của UBLĐQG mà Tướng Thiệu là người cầm đầu: 22
  • Vào khoảng cuối tháng 3-1966, chính quyền trung ương ở Sài Gòn gần như không còn kiểm soát được Vùng I nữa.  Ngày 4-4-1965, Tướng Kỳ cùng với hai tướng Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên và Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan mang 2 Tiểu đoàn TQLC có chiến xa yểm trợ ra Đà Nẳng và gặp sự chống đối quyết liệt của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh.  Trước sự chống đối quyết liệt có thể đưa đến một cuộc đụng độ đẫm máu giữa các đơn vị của QLVNCH, Tướng Kỳ và Tướng Viên quyết định trở về Sài Gòn nhưng vẫn để các đơn vị TQLC ở lại; Tướng Có ở lại để điều đình với phe chống đối.
  • Các ngày sau đó, sau khi họp với phe Phật Giáo (do Thượng Tọa Thích Tâm Châu lãnh đạo), UBLĐQG đồng ý sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) trong vòng 6 tháng.  Nhưng sau đó Thượng Tọa Tâm Châu lại có văn thư đòi hỏi nhiều chuyện khác trong đó có đòi hỏi chính quyền trung ương phải rút hết quân về Sài Gòn.  Tướng Kỳ rất tức giận và đơn phương ra lệnh đưa thêm quân ra Đà Nẵng, lần này gồm cả TQLC và Nhảy Dù.  Được tin này, Tướng Thiệu yêu cầu Tướng Viên gửi công điện hỏa tốc, ra lệnh rút các lực lượng tổng trừ bị đó về Sài Gòn ngay.
  • Ngày 12-4-1966, UBLĐQG triệu tập Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc tại Sài Gòn.  Ngày 14-4, khi Đại Hội bế mạc, Tướng Thiệu đích thân đến chủ tọa và đọc Sắc Luật 14/66 thông báo chính phủ sẽ tổ chức bầu cử QHLH trong vòng từ 3 tới 5 tháng.
  • Ngày 22-4-1966, để thi hành Sắc Luật 14/66 nói trên, UBHPTƯ triệu tập một Ủy Ban gồm 48 người với nhiệm vụ soạn thảo luật bầu cử QHLH.
  • Mặc dù chính quyền trung ương đã nhượng bộ và đã tiến hành các bước cần thiết trong việc bầu cử QHLH, phe Phật Giáo ở Miền Trung dưới sự lãnh đạo của Thượng Tọa Thích Trí Quang vẫn tiếp tục chống đối và biểu tình bạo động.  Lần này thì Tướng Thiệu cương quyết dùng võ lực.  Ngày 15-5-1966 chính ông ra lệnh đem quân ra Đà Nẵng để tái lập trật tự.  Ông thật sự đã áp dụng bài học mà ông đã học được trong lúc làm Tổng Thư Ký cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (từ tháng 2 đến tháng 9-1964) thời Tướng Nguyễn Khánh làm Chủ Tịch: “Càng nhượng bộ thì phe Phật Giáo càng lấn tới; điều này có nghĩa là nhượng bộ nhiều quá không phải là một điều hay trong chính trị.”  Cuối tháng 6-1966, quân của chính quyền trung ương từ Sài Gòn gửi ra hoàn toàn làm chủ tình hình tại Đà Nẵng và Huế; cuộc khủng hoảng chính trị tại Vùng I chấm đứt.
 
Cũng trong thời gian giải quyết cuộc khủng hoảng này, ngày 6-6-196, Hội Đồng Tướng Lãnh nhóm họp tại Bộ Tổng Tham Mưu quyết định mở rộng UBLĐQG và mời 10 nhân vật dân sự thuộc các tôn giáo và chính đảng tham gia, gồm các vị sau đây: “Trần Văn Đỗ, Phạm Hữu Chương, Phan Khoang (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Nguyễn Văn Huyền (Công Giáo), Vũ Ngọc Trản (Công Giáo), Trần Văn Ân (Cao Đài), Văn Thành Cao (Cao Đài), Nguyễn Lưu Viên, Quan Hữu Kim (Hòa Hảo), Huỳnh Văn Nhiệm (Hòa Hảo).” 23

Khi xảy ra vụ khủng hoảng nội các vào tháng 10-1966 (6 vị Bộ Trưởng gốc Miền Nam từ chức để phản đối Tướng Nguyễn Ngọc Loan lạm quyền), một lần nữa gây khó khăn không ít cho Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, chính UBLĐQG mở rộng này cũng đã có đóng góp trong việc hòa giải, khiến 4 trong 6 Bộ Trưởng đồng ý rút đơn từ chức và tiếp tục ở lại phục vụ cho Nội Các Chiến Tranh.
Sau khi Hiến Pháp mới được ban hành vào ngày 1-4-1967, đối với Tướng Thiệu, cuộc bầu cử chức vụ Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, sẽ tổ chức vào ngày 3-9-1967, là một cơ hội không thể bỏ qua, và lần này, ông quyết tâm phải dành cho được chức vụ này, không để phạm sai lầm một lần nữa như hồi tháng 6-1965 khi QLVNCH thành lập UBLĐQG và UBHPTƯ.  Hơn ai hết, Tướng Thiệu biết rất rõ rằng tại thời điểm này, sau hai năm trực tiếp nắm quyền trên cả nước với tư cách là Chủ Tịch UBHPTƯ (tức Thủ Tướng), thế lực của Tướng Kỳ đã hoàn toàn chế ngự chính trường VNCH.  Nhưng ông cũng biết rất rõ rằng tất cả các tướng lãnh nói riêng và cả quân đội nói chung đều không muốn thấy một liên danh dân sự (với những chính trị gia được dân chúng Miền Nam ủng hộ mạnh mẽ như các ông Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu) thắng trong cuộc tranh cử này.  Chuyện này có thể xảy ra nếu số phiếu của các cử tri phe quân nhân có thể bị chia ra trong trường hợp có hai liên danh quân nhân.  Do đó, sau khi Tướng Kỳ tuyên bố ra tranh cử Tổng Thống trong một cuộc họp báo tại Đà Lạt vào ngày 12-5-1967, thì một tuần lễ sau, ngày 19-5-1967, Phủ Chủ Tịch UBLĐQG cũng ra thông báo là Tướng Thiệu sẽ ứng cử chức vụ Tổng Thống.  Các tướng lãnh, nhứt là các tướng lãnh thuộc phe Tướng Kỳ, rất không yên tâm về chuyện này.  Họ cử Tướng Nguyễn Đức Thắng đến gặp Tướng Thiệu để thuyết phục Tướng Thiệu rút lui nhưng Tướng Thiệu nhứt quyết không chịu.  Trước tình thế này, Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, phải triệu tập cuộc họp của Đại Hội Đồng Quân Lực tại Bộ Tổng Tham Mưu vào 2 ngày 28 và 29-6-1967 để áp lực 2 tướng Thiệu Kỳ phải đứng chung với nhau trong một liên danh, và vì vấn đề hệ thống quân giai, Tướng Thiệu là một Trung Tướng (3 sao) phải đứng trên (Tổng Thống), và Tướng Kỳ là một Thiếu Tướng (2 sao) phải đứng dưới (Phó Tổng Thống) trong liên danh chung này.  Để thỏa mãn tự ái của Tướng Kỳ và giúp cho Tướng Kỳ dễ dàng chấp nhận đứng chung và làm phó trong liên danh chung này, Tướng Thiệu đã chấp nhận ký tên vào một Mật Ước giữa các tướng lãnh cao cấp, đồng ý là, nếu đắc cử, ông chỉ là Tổng Thống trên danh nghĩa mà thôi, tất cả quyền hành vẫn thuộc về Tướng Kỳ.24  Như vậy, nhờ quyết tâm cao và tính toán đúng, Tướng Thiệu đã thắng lớn trong ván bài chính trị này, một ván bài đã thua thấy rõ ngay từ đầu.  Quyết tâm và tính toán này sẽ được ông áp dụng nhiều lần nữa sau này khi ông đã trở thành Tổng Thống VNCH.
           
Giai Đoạn Từ Khi Trở Thành Tổng Thống VNCH Cho Đến Khi Từ Chức
 
            Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đảm nhận trọng trách Tổng Thống VNCH gần trọn 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ, theo Hiến Pháp ban hành ngày 1-4-1967, là 4 năm), trong một khoảng thời gian chính xác là 7 năm, 5 tháng và 21 ngày, từ ngày 31-10-1967 đến ngày 21-4-1975.
            Người viết sẽ nhận định và đánh giá những việc ông đã làm với tư cách Tổng Thống VNCH trong 3 lãnh vực: chính trị, quân sự, và kinh tế – xã hội.  Người viết sẽ sử dụng hệ thống điểm như sau: A (Xuất sắc = 4), B (Giỏi = 3), C (Khá = 2), D (Kém = 1), và F (Thất bại, không đạt yêu cầu = 0).
           Trước khi tiến hành công việc đánh giá này, chúng ta cần nhận định rõ hai điều sau đây về Tổng Thống Thiệu để có thể thật sự công bằng trong việc đánh giá những việc làm của ông: 1) Ông đã có được một thời gian hơn 2 năm (từ ngày 13-6-1965 đến ngày 30-10-1967) tập sự cầm quyền với tư cách là Chủ Tịch UBLĐQG, tức Quốc Trưởng; 2) Trọn thời gian làm Tổng Thống gần 8 năm của ông, VNCH là một quốc gia trong thời chiến với những khó khăn về mọi mặt, và còn phải chịu rất nhiều áp lực từ phía quốc gia cung cấp các phương tiện chiến đấu là Đồng Minh Hoa Kỳ.
 
Trong Lãnh Vực Chính Trị
 
            Người viết sẽ trình bày những nhận định và đánh giá trong các địa hạt sau đây: nắm quyền, xây dựng chế độ, quan hệ Việt-Mỹ, và hòa đàm Paris.
 
Nắm Quyền
 
Mối quan tâm hàng đầu của Tướng Thiệu sau khi trở thành Tổng Thống VNCH là nắm thực quyền của một Tổng Thống chớ không phải là một Tổng Thống bù nhìn trên danh nghĩa mà thôi như trong Mật Ước mà ông đã ký kết với Tướng Kỳ và các tướng lãnh cao cấp của VNCH lúc hình thành liên danh Thiệu-Kỳ trong thời gian tranh cử.  Ngay từ đầu, Tướng Thiệu đã biết rõ là Mật Ước giữa ông và các tướng lãnh cao cấp là một sự vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng Hiến Pháp năm 1967 của VNCH, và người Mỹ chắc chắn không bao giờ có thể chấp nhận nó cả, và vì vậy, dĩ nhiên, không một tướng lãnh nào dám công khai nói ra sự hiện hữu của Mật Ước đó cả.   Tuy nhiên, sau khi trở thành Tổng Thống VNCH, trong thời gian đầu, khi thế lực của Tướng Kỳ vẫn còn bao trùm trên mọi lãnh vực chính trị và quân sự của VNCH, Tướng Thiệu, với bản tính khôn ngoan và tính toán cố hữu, đã cố gắng nhẩn nhục chịu thi hành Mật Ước này, và chờ thời cơ.  Bằng chứng rõ ràng nhứt là việc ông đồng ý thực hiện đề nghị của Phó Tổng Thống Kỳ là chỉ định Luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ Tướng (ông Lộc là người đã đứng phó trong liên danh riêng của Tướng Kỳ trước khi liên danh Thiệu-Kỳ ra đời).  Thời cơ đến với ông trong vụ Tổng Tấn Công của Việt cộng vào dịp Tết Mậu Thân (đợt 1 vào tháng 2-1968, và đợt 2 vào tháng 5-1968).  Để tạo hậu thuẫn về phía người Mỹ cho những hành động của ông trong tương lai để nắm lại quyền hành, vào đầu tháng 3-1968, ông đã, một cách gián tiếp qua đường dây của C.I.A., than phiền với Chính phủ Hoa Kỳ về những hoạt động của phe Phó Tổng Thống Kỳ nhằm phá hoại uy quyền của ông, khiến cho ông không thể thi hành tốt trách nhiệm tổng thống của ông.25 Và sau đó ông hành động ngay.  Dựa trên chính sách cải tổ hành chánh khởi đầu bằng Khóa Quân Chánh khai giảng từ đầu tháng 3-1968, từ ngày 11-3 đến ngày 29-3-1968, ông bổ nhiệm một loạt 14 tỉnh trưởng mới cho các tỉnh sau đây: Thừa Thiên, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức, Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang, Ba Xuyên, Gò Công, Kiến Hòa, Vĩnh Bình, Phong Dinh, Biên Hòa và Gia Định.26  Phe Tướng Kỳ đã có phản ứng trước việc toan tính nắm lại quyền hành của Tướng Thiệu nhưng không đạt được kết quả mong muốn.  Một Công điện Mật của CIA cho biết rõ là vào ngày 15-5-1968 Phó Tổng Thống Kỳ đã họp trước tại Bộ Tổng Tham Mưu với các tướng lãnh cao cấp để thống nhất chủ trương và sau đó vào Dinh Độc Lập để họp với Tổng Thống Thiệu và yêu cầu ông Thiệu ngưng lại chủ trương cài tổ hành chánh, nhưng ông Thiệu đã bác bỏ yêu cầu này.27  Biến cố này giúp Tổng Thống Thiệu thấy rõ là tất cả các tướng lãnh cao cấp, kể cả Phó Tổng Thống Kỳ, không có ý định đòi hỏi ông phải thi hành cái Mật Ước vi hiến đó nữa.  Sang tháng 5-1968, khi xảy ra vụ Việt cộng Tổng Tấn Công đợt 2, viện lý do Chính phủ Nguyễn Văn Lộc đã bất lực trong vụ Mậu Thân đợt 2 này, ông giải nhiệm Chính phủ Lộc và mời ông Trần Văn Hương làm Thủ Tướng và thành lập Chính phủ mới ngày 25-5-1968.  Phó Tổng Thống Kỳ và nhóm tướng lãnh cao cấp cũng hoàn toàn không có hành động gì chống lại các quyết định thay đổi nhân sự quan trọng này cả.  Đến đây thì ông Thiệu đã biết chắc chắn rằng phe ông Kỳ không thể nào không chấp nhận sự thật là chính ông mới là Tổng Thống của VNCH với toàn quyền theo Hiếp Pháp năm 1967.  Đến cuối năm 1968, ông đã thay thế được những nhân sự quan trọng trong hệ thống thế lực của Tướng Kỳ bằng người của ông như sau:
           
  • Thủ Tướng Trần Văn Hương thay thế Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc
  • Thay được tất cả 19 tỉnh trưởng: thêm 5 tỉnh là Pleiku, Bình Dương, Bình Tuy, Định Tường và Tây Ninh.
  • Thiếu Tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Tư Lệnh Sự Đoàn 21 Bộ Binh, được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô thay cho Trung Tướng Lê Nguyên Khang ngày 4-6-1968
  • Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu thay Đại Tá Văn Văn Của làm Đô Trưởng Sài Gòn ngày 7-6-1968
  • Đại Tá Trần Văn Hai được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia thay Tướng Nguyễn Ngọc Loan (bị thương nặng trong vụ Mậu Thân đợt 2 vào ngày 7-5-1966) ngày 7-6-1968
  • Đại Tá Trần Văn Hai thay 7 Trưởng Ty Cảnh Sát tại Sài gòn ngày 16-6-1968
  • Mai Đen bị giải nhiệm khỏi chức Trưởng Khối Tình Báo Hải Ngoại tại Cục Trung Ương Tình Báo và bỏ trốn sang Thái Lan
  • Trung Tướng Đỗ Cao Trí được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 3 thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang (như vậy Tướng Khang chỉ còn giữ được chức vụ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến mà thôi)      
Ngoài ra, trong thời gian này lại xảy ra vụ trực thăng Mỹ bắn lầm vào bộ chỉ huy hành quân của QLVNCH tại Trường Tiểu học Phước Đức tại đường Khổng Tử trong Chợ Lớn vào lúc hơn 6 giờ chiều ngày 2-6-1968, gây thương vong cho một số sĩ quan thân cận của Tướng Kỳ: tử thương gồm các Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Lê Ngọc Trụ, Phó Quốc Chụ, Đào Bá Phước, các Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy và Nguyễn Ngọc Sinh; bị thương gồm Đại Tá Văn Văn Của, và Trung Tá Trần Văn Phấn.28
 
Kết luận cho mục Nắm Quyền: Tổng Thống Thiệu đã xuất sắc thành công hoàn toàn, ông thật sự đã trở thành Tổng Thống VNCH với toàn quyền đã được xác định trong Hiến Pháp năm 1967.  Điểm A.
 
Xây Dựng Chế Độ
 
            Chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa của VNCH được xây dựng trên nền tảng của Hiến Pháp 29 mới do Quốc Hội Lập Hiến (do phổ thông đầu phiếu bầu ra) thông qua và được UBLĐQG ban hành ngày 1-4-1967.  Do đó việc xây dựng chế độ, mà Tổng Thống Thiệu có trách nhiệm phải thực hiện, hoàn toàn phải phù hợp với những điều khoản được ghi trong bản Hiến Pháp 1967 đó.  Vì vậy, việc đánh giá của chúng ta, về mặt xây dựng chế độ (trong phần này chúng ta chỉ chú trọng về phương diện chính trị mà thôi), là xét xem Tổng Thống Thiệu có làm đúng theo Hiến Pháp 1967 này hay không.
 
            Đối với Nhân dân, Hiếp Pháp 1967 tôn trọng tất cả các quyền sau đây:
  • “Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân” (Điều 2)
  • “Quốc Gia tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân và quyền biện hộ” (Điều 7)
  • “Quốc Gia tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do truyền giáo và hành đạo của mọi công dân miễn là không xâm phạm đến quyền lợi quốc gia, không phương hại đến an ninh, trật tự công cộng và không trái với thuần phong mỹ tục” (Điều 9)
  • “Quốc Gia công nhận quyền tự do giáo dục” (Điều 10)
  • “Quốc Gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục; Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường” (Điều 12)
  • “Mọi công dân đều có quyền tự do hội họp và lập hội trong phạm vi luật định” (Điều 13)
  • “Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định” (Điều 13)
  • “Quốc Gia tôn trọng các quyền chính trị của mọi công dân kể cả quyền tự do thỉnh nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp” (Điều 13)
  • “Mọi công dân đều có quyền tự do cư trú, đi lại, xuất ngoại và hồi hương, ngoại trừ trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do y tế, an ninh và quốc phòng” (Điều 14)
  • “Mọi sự hạn chế các quyền công dân căn bản phải được qui định bởi một đạo luật có ấn định rõ phạm vi áp dụng trong thời gian và không gian. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, tánh cách thiết yếu của các quyền công dân căn bản vẫn không được vi phạm” (Điều 29)
 
Đối với sinh hoạt chính trị, Hiến Pháp 1967 ghi rõ như sau:
 
  • “Quốc Gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ.  Chánh đảng được tự do thành lập và hoạt động theo các thể thức và điều kiện luật định.” (Điều 99)
  • “Quốc Gia công nhận sự định chế hóa đối lập chính trị.” (Điều 100)
 
Về chức vụ Tổng Thống, Hiến Pháp 1967 ghi rõ như sau:
 
  • “Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống là bốn (4) năm. Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thể được tái cử một lần.” (Điều 52)
 
Có thể nói Hiến Pháp 1967 là một Hiến Pháp thật sự tiến bộ, tôn trọng đầy đủ tất cả các quyền công dân và sinh hoạt chính trị của một quốc gia tự do dân chủ.  VNCH, trong thời gian cầm quyền gần 8 năm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, có thật sự là một quốc gia tự do dân chủ như Hiến Pháp 1967 đã vẽ ra hay không ? 
 
Bề ngoài, VNCH có đầy đủ tất cả các định chế tự do dân chủ như đã ghi trong Hiến Pháp 1967: dân chúng có quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tư do đi lại, tự do bầu cử, ứng cử, vv; các chính đảng có tự do hoạt động và đối lập chính trị.  Nhưng sự thật không phải hoàn toàn tốt đẹp như vậy.  Dân chúng, các tôn giáo (nhứt là Phật Giáo), và các đảng phái luôn luôn bị theo dõi, trông chừng bởi một bộ máy an ninh khổng lồ và rất tinh vi, để xem họ có những hành vi nhằm chống đối chính quyền hay không.  Chính phủ luôn luôn tìm những kẽ hở trong Hiến Pháp và các đạo luật để gây khó khăn cho dân chúng, cho các chính đảng và cho giới báo chí.  Hiến Pháp công nhận quyền tự do ứng cử của mọi công dân, nhưng khi soạn thảo các luật bầu cử, chính quyền luôn luôn ghi vào một số điều nhằm giới hạn khả năng ứng cử của người dân.  Sau 4 năm cầm quyền trong nhiệm kỳ 1, với sự phục vụ đắc lực lần lượt của 2 phụ tá Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Ngân, Tổng Thống Thiệu đã kiểm soát được Quốc Hội Lập Pháp.  Vì vậy Quốc Hội đã thông qua Luật bầu cử Tổng Thống năm 1971, với Điều 10, Khoản 7, quy định các ứng cử viên phải có được sự giới thiệu của 40 Dân Biểu Quốc Hội hoặc 100 Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh thì mới hợp lệ.30 Luật bầu cử này đã đưa đến cuộc bầu cử Tổng Thống “độc diễn” với một liên danh duy nhứt Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương, làm cho nhiều nước trong phe thế giới tự do, và nhứt là phe phản chiến tại Hoa Kỳ, có thêm cơ hội chê bai chế độ VNCH là độc tài, không xứng đáng được Hoa Kỳ giúp đở trong cuộc chiến; và đây là mầm mống của việc Quốc Hội Hoa Kỳ, dưới sự kiểm soát của Ðảng Dân Chủ đối lập với Tổng Thống Nixon của Ðảng Cộng Hòa (và người kế vị là Tổng Thống Ford), đã quyết định, vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975, cắt giảm và chấm dứt viện trợ cho VNCH.  Luật Báo Chí 007/72 do Tổng Thống Thiệu ký ban hành ngày 4-8-1972 sửa đổi Luật Báo Chí 019/69 ban hành ngày 30/12/1969, quy định các báo muốn được xuất bản phải đóng một số tiền ký quỹ là 20 triệu đồng cho nhựt báo, và 10 triệu đồng cho báo định kỳ.  Luật Báo Chí 007/72 này đã đưa đến việc nghiệp đoàn ký giả phải tổ chức “Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày” vào ngày 10-10-1974 để phản đối.   Để tạo thêm hậu thuẫn chính trị cho mình, Tổng Thống Thiệu còn tiến hành thành lập Đảng Dân Chủ làm một đảng cầm quyền, theo khuôn mẫu của Đảng Cần Lao thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.  Nhìn chung chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Thiệu có khá nhiều điểm rất giống chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa của Tổng Thống Diệm: có một Hiến Pháp tiến bộ nhưng không được áp dụng tới nơi tới chốn, có 1 Quốc Hội (đặc biệt là Hạ Viện) hoàn toàn bị mua chuộc và kiểm soát, với một số rất đông các nhân vật trọng yếu của chế độ là người Công Giáo, với việc kiểm soát báo chí rất khắc khe, và có một đảng cầm quyền.  Chính vì thế tác giả Đỗ Mậu đã dành ra cả một Chương trong cuốn hối ký của ông để nói về việc này, và được ông đặt tiêu đế là “Chế độ Thiệu: Chế độ Diệm không Diệm” (Chương XIX, từ trang 931-1007).  Không những không tích cực xây dựng một chế độ chính trị hoàn toàn tự do dân chủ như Hiến Pháp 1967 đã ghi rõ, Tổng Thống Thiệu, vào năm 1974, còn tu chỉnh Hiến Pháp 1967 để có thể ra tranh cử tổng thống thêm 1 lần nữa và tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 5 năm.  Ông cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng của VNCH.  Tình trạng tham nhũng này không những được dung dưỡng mà càng ngày càng phát triển mạnh, một số đông các tướng tá làm giàu nhanh chóng và trên xương máu của binh sĩ thuộc hạ.  Trong nhiệm kỳ thứ nhì, ông Trần Văn Hương là Phó Tổng Thống và được giao nhiệm vụ diệt tham nhũng (vì ông nổi tiếng là một chính khách liêm khiết), đã phải thốt lên câu nói nổi tiếng: “Diệt hết tham nhũng thì lấy ai làm việc đây.”  Vụ buôn lậu “Còi hụ Long An” vào ngày 31-1-1974, có dính líu tới phu nhân của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, đương kim Thủ Tướng VNCH, chỉ là phần nổi của tảng băng sơn tham nhũng tại Miền Nam vào thời đó.  Sau cùng đích danh Tổng Thống Thiệu đã bị tố cáo trong phong trào chống tham nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh.  Một số khá đông người Việt thường hay so sánh chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa với chế độ Cộng sản trong nước hiện nay và cho rằng chế độ VNCH dân chủ hơn rất nhiều.  Điều này không sai nhưng việc so sánh như thế là không đúng: không thể so sánh một lực sĩ chạy nước rút với một người què và kết luận là lực sĩ đó chạy nhanh hơn người què rất nhiều.
 
Kết luận cho mục Xây Dựng Chế Độ: Thất bại, thay vì xây dựng một chế độ tự do dân chủ theo đúng tinh thần của bản Hiến Pháp 1967, đã tạo nên một chế độ độc tài và tham nhũng.  Điểm F.   
 
Quan Hệ Việt-Mỹ
 
            Trong thời gian cầm quyền gần 10 năm (2 năm Chủ Tịch UBLĐQG và gần 8 năm Tổng Thống), ông Thiệu đã làm việc với 2 vị Tổng Thống của Hoa Kỳ: Tổng Thống Lyndon B. Johnson (1965-1968) và Tổng Thống Richard M. Nixon (1969-1974).  Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đã trải qua 2 chính sách trái ngược nhau trong Chiến tranh Việt Nam: leo thang (Johnson) và xuống thang (Nixon).  Mặc dù không phải hoàn toàn suông sẻ và êm thắm, Tổng Thống Thiệu đã giữ được mối quan hệ tương đối tốt với Chính phủ Hoa Kỳ trong gần suốt thời gian cầm quyền của ông. 
            Khi ông trở thành Chủ Tịch UBLĐQG vào tháng 6-1965, Chính phủ Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Johnson, đã quyết định leo thang trong Chiến tranh Việt Nam.  Chiến địch Rolling Thunder nhằm oanh tạc liên tục Miền Bắc đã được Tổng Thống Johnson chấp thuận vào ngày 13-2-1965 và bắt đầu thực hiện từ ngày 2-3-1965.  Tiếp theo là việc Hoa Kỳ mang quân bộ chiến vào VNCH, khởi đầu bằng việc đổ bộ 2 Tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ (khoảng 1.500 quân) vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965, và sau đó, theo yêu cầu của cả 2 Tướng Thiệu và Kỳ trong một buổi họp tại Sài Gòn vào giữa tháng 7-1965 với Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara,31 mấy chục tiểu đoàn  quân Mỹ được đưa sang tham chiến tại VNCH, nâng tổng số quân Mỹ lên đến 184.314 vào cuối năm 1965.32  
           
            Hội Nghị Thượng Đỉnh đầu tiên của Tướng Thiệu với Tổng Thống Johnson diễn ra tại Honolulu, thuộc tiểu bang Hawaii, vào 2 ngày 7-8 của tháng 2-1966.  Hội Nghị này rất quan trọng vì nó khẳng định vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến: cùng với VNCH quyết tâm chống lại việc xâm lăng của Bắc Việt tại Miền Nam, đồng thời giúp đỡ VNCH trong việc phát triển đất nước, đặc biệt chú trọng vào chương trình cách mạng xã hội.  Đối lại, phía VNCH cũng cam kết xây dựng dân chủ, tiến tới việc soạn thảo một hiến pháp mới để làm nền tảng cho việc hình thành một chính quyền dân cử.33   Vai trò của Tướng Thiệu tương đối lu mờ hơn của Tướng Kỳ và bài diễn văn chính của phái đoàn VNCH tại Hội Nghị Thượng Đĩnh quan trọng này là do Tướng Kỳ trình bày. 
           
Lần thứ nhì hai tướng Thiệu-Kỳ họp Hội Nghị Thượng Đỉnh với Tổng Thống Johnson là tại đảo Guam vào các ngày 20-21 tháng 3-1967.  Chủ đề quan trọng của Hội Nghị là phía VNCH trình diện bản Hiến Pháp vừa được Quốc Hội Lập Hiến và UBLĐQG thông qua và sắp sửa được ban hành.  Về phía Hoa Kỳ thì họ tái khẳng định những cam kết tại Hội Nghị Honolulu 1 năm trước đó.  Cũng như lần trước, Tướng Kỳ vẫn là người có vai trò nổi bật tại Hội Nghị: chính ông là người thuyết trình về bản Hiến Pháp mới.34
 
Tướng Thiệu chỉ nắm được vai trò chủ chốt trong mối quan hệ Việt-Mỹ sau khi đã trở thành Tổng Thống VNCH, nhất là sau khi ông đã loại trừ được phe cánh của Tướng Kỳ và thật sự nắm trọn quyền hành trong tay.  Đó là năm 1968, cũng là năm bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ.  Thời điểm này, sau vụ Tổng Tấn Công Mậu Thân của Cộng sản (đầu năm 1968), cũng là lúc chính phủ Hoa Kỳ của Tổng Thống Johnson bắt đầu thay đổi cái nhìn của họ về Chiến tranh Việt Nam.  Họ không còn tin tưởng có thể thắng được nữa.  Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara từ chức và được Clark Clifford thay thế.  Tướng Westmoreland cũng không còn giữ chức Tư Lệnh MACV nữa và được gọi về Mỹ.  Ngày 31-3-1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố ngưng một phần chiến dịch oanh tạc Bắc Việt và sẽ không ra tranh cử Tổng Thống nữa, đồng thời mời Bắc Việt tiến hành thương thuyết để chấm dứt chiến tranh.  Nói tóm lại: Hoa Kỳ đơn phương quyết định xuống thang chiến tranh.  Bắc Việt chấp nhận lời mời của Tổng Thống Johnson và hai bên bắt đầu thương thuyết tại Paris, Pháp, từ ngày 13-5-1968.35 Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về thái độ, lập trường và quyết định của Tổng Thống Thiệu về vấn đề này trong mục Hòa Đàm Paris.  Về việc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ của năm 1968, ứng cử viên đại diện Đảng Dân Chủ là Phó Tổng Thống Hubert H. Humphrey chủ trương hòa bình trong đường lối tranh cử của ông.  Ứng cử viên đại điện Đảng Cộng Hòa là cựu Phó Tổng Thống (thời Tổng Thống Dwight D. Eisenhower, 1953-1961) Richard M. Nixon, một chính khách Hoa Kỳ nổi tiếng chống Cộng cứng rắn.  Tổng Thống Thiệu, trong cuộc bầu cử này, đã có một quyết định vô cùng táo bạo có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng đối với mối quan hệ Việt-Mỹ.   Đáng lý ra, ông phải ủng hộ ông Humphrey, đại diện Đảng Dân Chủ đang cầm quyền và đang hết lòng yểm trợ VNCH trong cuộc chiến, nhưng vì e ngại lập trường hòa bình của ông Humphrey, ông quyết định tìm cách ủng hộ ông Nixon là người mà ông tin là hiểu rõ, chống Cộng sản quyết liệt, và vì vậy sẽ tiếp tục tích cực giúp đỡ VNCH trong cuộc chiến.  Tuy việc ủng hộ này không được làm công khai, đây vẫn là một hành động trở mặt trắng trợn, gây bất mãn rất lớn với chính phủ Johnson.  Và ông thành công: giúp được ông Nixon thắng ông Humphrey trong gang tấc (Nixon: 31.770.237 phiếu; Humphrey: 31,270.533 phiếu) 36 Mối quan hệ đặc biệt giữa hai vị Tổng Thống Việt-Mỹ bắt nguồn từ đó và phần nào khiến cho Tổng Thống Nixon cương quyết không chấp nhận điều kiện hòa đàm của phe Cộng sản là phải lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.  Ông viết trong hồi ký của ông như sau, ở trang 348: “…and I would not agree to any terms that required or amounted to our overthrow of President Thieu.” 37 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…và tôi sẽ không đồng ý với những điều kiện đòi hỏi hay đưa đến việc chúng ta lật đổ Tổng Thống Thiệu”).  Mối quan hệ đặc biệt này tiếp diễn mãi cho đến những năm cuối của cuộc chiến, qua những bức mật thư mà hai ông trao đổi với nhau,nhứt là trong suốt thời gian Hòa Đàm cho đến khi Hiệp Định Paris được ký kết.  Trong thời gian này đã có 2 cuộc gặp gỡ chính thức của hai ông: tại đảo Midway vào ngày 8-6-1969, và tại San Clemente, California vào ngày 2-4-1973.  Lần gặp gỡ tại Midway là để chính thức công bố việc Hoa Kỳ bắt đầu rút quân ra khỏi Việt Nam và chuyển giao trách nhiệm chánh trong cuộc chiến cho QLVNCH, thường được gọi dưới tên “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization of the War).  Lần gặp gỡ tại San Clemente là sau khi Hiệp Định Paris đã được ký kết, nhằm khẳng định Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ VNCH.  Đáng tiếc, vì vụ Watergate, Tổng Thống Nixon phải từ chức.  Phó Tổng Thống Gerald Ford lên thay, vì chưa hề được dân bầu, không có đủ uy quyền, lại bị áp chế bởi một Quốc Hội với đa số dân chủ, đã không thể tiếp tục ủng hộ VNCH trong cuộc chiến nữa, và kết quả đưa đến sự sụp đổ của VNCH vào ngày 30-4-1975.
 
            Kết luận cho mục Quan Hệ Việt-Mỹ: Tuy không phải hoàn toàn êm xuôi, Tổng Thống Thiệu đã duy trì được một mối quan hệ Việt-Mỹ tương đối tốt đẹp cho đến cuối năm 1974.  Điểm C.
 
           
Hòa Đàm Paris
 
            Như đã trình bày bên trên, Hoa Kỳ và Bắc Việt đã chính thức khởi sự thương thuyết công khai tại Paris, Pháp, từ ngày 13-5-1968.  Vì là đàm phán công khai, hai bên không thể tạo được thỏa hiệp nên hoàn toàn không có kết quả chi cả.  Do đó hai bên đồng ý chấm dứt họp công khai và bắt đầu họp kín từ ngày 26-6-1968.  Tại phiên họp ngày 19-8-1968, Phó Trưởng Đoàn Hoa Kỳ Cyrus Vance lần đầu tiên đề nghị là nên mở rộng thành phần tham dự hòa đàm bằng cách mời cả 2 phe VNCH và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) tham gia. Phó Trưởng Đoàn Bắc Việt Hà Văn Lâu đồng ý xem xét đề nghị này.  Tổng Thống Thiệu không đồng ý về việc này vì ông cho rằng làm như vậy là công khai và chính thức công nhận MTGPMN như một thực thể chính trị tại Miền Nam, nhưng vào lúc đó ông không chính thức thông báo sự phản đối này của ông cho Chính phủ Hoa Kỳ biết, vì ông tin rằng Bắc Việt sẽ không chấp nhận đề nghị mở rộng hòa đàm vì Bắc Việt không công nhận chính quyền VNCH.38  Quả đúng như nhận xét của Tổng Thống Thiệu, Bắc Việt không chấp nhận đề nghị đó.  Hai tháng sau, vào tháng 10-1968, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đi vào giai đoạn cuối (ngày bầu cử là 5-11-1968) rất quyết liệt giữa 2 ứng cử viên Humphrey của Đảng Dân Chủ và Nixon của Đảng Cộng Hòa.  Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri đều cho thấy là khoảng cách giữa 2 ứng cử viên ngày càng hẹp lại với sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Humphrey đang càng ngày càng tăng lên và ông Humphrey có thể sẽ thắng.  Phe Cộng sản rất muốn ông Humphrey thắng vì lập trường hòa bình của ông có lợi cho họ.  Quay 180 độ, tại phiên họp ngày 26-10-1968, đại diện Bắc Việt Xuân Thủy tuyên bố chấp nhận đề nghị hòa đàm 4 phe của Hoa Kỳ, coi như đó là một nhượng bộ của ho, và, dĩ nhiên, họ cũng mong đợi một nhượng bộ từ phía Hoa Kỳ.  Chính phủ Johnson vui mừng chớp ngay thời cơ.  Đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH, ông Ellsworth Bunker được lệnh ráo riết vận động Tổng Thống Thiệu đồng ý ký tên vào Thông Cáo Chung Việt Mỹ về việc ngưng oanh tạc Bắc Việt (mà Tổng Thống Johnson sẽ tuyên đọc vào tối ngày 31-10-1968) và cử ngay phái đoàn VNCH sang Paris để tham gia Hòa Đàm.  Ông Thiệu đồng ý với các đề nghị đó của Hoa Kỳ.  Ngày 30-10-1968, đại diện Hoa Kỳ ông Harriman báo cho Xuân Thủy biết trước là vào tối ngày hôm sau, 31-10-1968, vào khoảng 7 hay 8 giờ tối giờ Washington, Tổng Thống Johnson sẽ tuyên bố ngưng toàn bộ chiến dịch oanh tạc Bắc Việt.  Với diễn tiến này chắc chắn ông Humphrey sẽ thắng trong cuộc bầu cử 5 ngày sau đó.   Nhưng rồi mọi việc đã không diễn ra theo kế hoạch đã thông qua giữa 2 chính phủ Việt-Mỹ.  Cũng trong ngày 30-10-1968 đó, Tổng Thống Thiệu quay 180 độ, báo cho phía Hoa Kỳ biết là ông từ chối không ký vào Thông Cáo Chung đó và cũng từ chối luôn việc cử phái đoàn VNCH sang Paris vào ngày 6-11-1968 như đã thỏa thuận.  Tối ngày 31-10-1968, Tổng Thống đành phải đơn phương tuyên bố ngưng oanh tạc Bắc Việt.  Nhưng vì sẽ không có sự tham dự của phái đoàn VNCH, Hòa Đàm Paris coi như bị khựng lại, chẳng giúp ích được gì cho ứng cử viên của Đảng Dân Chủ.  Năm ngày sau, ông Humphrey đã thất cử.  Ông Nixon thắng cử với một số lượng phiếu rất thấp, không tới 1% của tổng số phiếu dân bầu.  Việc gì đã xảy ra khiến cho Tổng Thống Thiệu thay đổi lập trường vào giờ chót và giúp cho ông Nixon thắng cử như vậy?   Trong cuốn hồi ký của ông, tác giả Bùi Diễm, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ lúc đó, viết như sau: “Bốn giờ sáng ngày 30 tháng 10, nghe tiếng chuông điện thoại, tôi choàng dậy thì ở đầu dây, anh Hoàng Đức Nhã, bí thư của ông Thiệu, gọi từ Sài Gòn cho biết là chính phủ đang xét lại việc ông Thiệu cùng ký với Tổng Thống Johnson vào bản thông cao chung, như đã được thỏa thuận với ông Bunker.  Lý do chính là từ Ba Lê đại sứ Phạm Đăng Lâm cho biết là hai ông Harriman và Vance không bảo đảm được điều khoản Bắc Việt sẽ thực sự và trực tiếp đàm phán với Việt Nam vì “Hoa Kỳ không có cách nào bắt buộc được Bắc Việt làm việc đó.”  Được tin này, ông Thiệu đã triệu hồi ngay ông Lâm về nước để tham khảo ý kiến.” 39  Đó là lý chính thức mà phía VNCH đưa ra để giải thích việc thay đổi lập trường về Hòa Đàm Paris vào phút chót.   Phía Hoa Kỳ thì Chính phủ Johnson hoàn toàn không tin câu chuyện đó.   Tổng Thống Johnson, trong cuốn hồi ký của ông,  đã ghi lại về việc này như sau: “I believe Thieu and his colleagues were eager to get on good terms with what they thought would be the new administration.  I had reason to believe they had been urged to delay going to the Paris meetings and promised they would get a better deal from a Nixon administration than from Humphrey.  I had no reason to think that the Republican candidate Nixon was himself involved in this maneuvering, but a few individuals active in his campaign were.”40 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi tin rằng ông Thiệu và các người cộng sự của ông ta rất muốn có quan hệ tốt với cái mà họ nghĩ sẽ là chính quyền mới của Hoa Kỳ. Tôi có lý do để tin rằng họ đã bị xúi dục chậm tham dự các phiên họp ở Paris và đã được hứa hẹn sẽ được lợi hơn với một chính quyền Nixon hơn là Humphrey.  Tôi không có lý do gì để nghĩ rằng ứng cử viên Cộng Hòa Nixon có dính líu đến vụ dàn xếp chính trị này, nhưng một vài cá nhân trong bộ máy tranh cử của ông ấy chắc chắn là có dính líu”).  Khi Tổng Thống Johnson nói “tôi có lý do để tin” là ông nói thật và nói một cách lịch sự. Vì quả thật chính ông đã ra lệnh cho 2 cơ quan an ninh của Hoa Kỳ là CIA (Central Intelligence Agency = Cơ quan Trung Ương Tình Báo) và FBI (Fereral Bureau of Investigation = Cơ Quan Điều Tra Liên Bang) theo dõi, ngay cả nghe lén điện thoại, của Đại sứ VNCH Bùi Diễm, cũng như các công điện gửi về VN từ Tòa Đại sứ.  Mọi việc bắt đầu từ buổi gặp gỡ vào ngày 12-7-1968 của Đại sứ Bùi Diễm với ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa Richard Nixon tại Khách sạn Pierre ở New York do bà Anna Chennault giới thiệu.  Bà Anna Chennault, gốc Trung Hoa, là góa phụ của Tướng Không Quân Hoa Kỳ Claire Chennault, tư lệnh nổi danh của Không Đoàn Phi Hổ (Flying Tigers) thời Đệ Nhị Thế Chiến.  Bà là một thành viên quan trọng trong ủy ban vận động tranh cử của ông Nixon.  Sau cuộc gặp gở ngày 12-7 đó, bà trở thành người liên lạc giữa người của ông Nixon và Đại sứ Bùi Diễm.  CIA và FBI đã nghe lén tất cả những liên lạc điện thoại giữa bà và Đại sứ Bùi Diễm.  Trong cuốn hối ký của ông, Đại sứ Bùi Diễm cũng xác nhận như sau: “Sự thực thì điều làm tôi thắc mắc hơn cả là từ đâu mà một phần nội dung của những mật điện của tôi bị thất thoát ra ngoài, nhưng thắc mắc bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng không thể nào ngờ được rằng cả hai cơ quan CIA và FBI đều được lệnh theo dõi những hoạt động của tôi.” 41Mặc dù nắm được một số bằng chứng trong tay, Tổng Thống Johnson quyết định bỏ qua toàn bộ vụ việc vì việc theo dõi, nghe lén điện thoại, và đánh cắp công điện mật của Tòa đại sứ một nước đồng minh như thế vừa bất hợp pháp vừa không có lợi cho uy tín chính trị và ngoại giao của Hoa Kỳ.  Khi mọi việc đã xong, với ông Nixon đã là Tổng Thống đắc cử của Hoa Kỳ, ngày 7-12-1968, Tổng Thống Thiệu đã chính chính thức cử một phái đoàn VNCH do chính Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu sang Paris dự Hòa Đàm.42
 
            Qua sự việc vừa kể trên, chúng ta có một nhận định về con người của Tổng Thống Thiệu.  Ông không coi người Mỹ là một Đồng Minh tuyệt đối đáng tin cậy trong Hòa Đàm Paris.  Ông thật sự là một người yêu nước, dám chống lại những hành động hay việc làm của người Mỹ nếu có hại cho VNCH, và dứt khoát không phải là một “yes-man” như người Mỹ mong đợi.  Chính ông Kissinger cũng công nhận điều này.  Ông viết như sau trong cuốn hồi ký của mình, ở 2 trang 1324-1325: “Thieu was a patriot and a highly intelligent man… But the imperatives on him were almost diametrically the opposite of ours… Our goal was honor; we could (as the phrase went) run a risk for peace.  But Thieu’s problem was survival; he and his people would be left indefinitely after we departed; he had no margin for error.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ông Thiệu là một người yêu nước và là một người rất thông minh… Nhưng những chuyện tối cần thiết của ông gần như là đối nghịch với những chuyện tối cần thiết của chúng tôi… Mục tiêu của chúng tôi là danh dự; chúng tôi (như người ta thường nói) có thể liều với hòa bình.  Nhưng vấn đề của ông Thiệu là việc sống còn; ông và nhân dân của ông sẽ bị bỏ mặc sau khi chúng tôi ra đi; ông không có thể sai lầm”).43 Chúng ta sẽ còn chứng kiến khía cạnh này của con người Tổng Thống Thiệu nhiều lần nữa, đặc biệt là việc ông từ chối không ký Hiệp Định Paris trong tháng 10-1972.
 
            Việc Tổng Thống Thiệu không tin tưởng hoàn toàn vào Đồng Minh Hoa Kỳ trong Hòa Đàm Paris có lý do rất chính đáng.  Qua các báo cáo định kỳ của Đại sứ Bùi Điễm, Tổng Thống Thiệu đã biết rất rõ là Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách và quyết định bằng mọi giá phải thương thuyết để có thể rút quân.  Hoa Kỳ đã đơn phương xuống thang trong những điều kiện căn bản về hòa đàm như sau: 44
 
  • Trong văn thư gửi cho Hồ Chí Minh ngày 8-2-1967: Hoa Kỳ sẽ ngưng oanh tạc Bắc Việt nếu Hà Nội ngưng xâm nhập quân vào Miền Nam; và Hoa Kỳ sẽ rút quân nếu Bắc Việt cũng rút quân về.  Hồ Chí Minh bác bỏ.
  • Trong tuyên bố tại San Antonio, Texas, ngày 29-9-1967: Hoa Kỳ sẵn sàng ngưng oanh tạc Bắc Việt nếu việc này có thể nhanh chóng đưa đến thảo luận nghiêm chỉnh và nếu Hà Nội “không lợi dụng” việc ngưng oanh tạc này.  Mai Văn Bộ, đại diện của Hà Nội tại Paris vẫn bác bỏ, và chủ trương việc ngưng oanh tạc Bắc Việt là “vô điều kiện.”
  • Trong tuyên bố ngày 31-3-1968, Tổng Thống Johnson đơn phương và vô điều kiện ngưng oanh tạc Bắc Việt ở phía Bắc của vĩ tuyến 20.  Hà Nội đồng ý đàm phán và hai phe bắt đầu họp tại Paris, Pháp, từ ngày 13-5-1968
  • Trong tuyên bố ngày 31-10-1968, Tổng Thống Johnson ra lệnh ngưng hoàn toàn việc oanh tạc Bắc Việt, và đồng ý mở rộng Hòa Đàm Paris để có cả sự hiện diện của VNCH và MTGPMN
 
Sau khi ông Nixon trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, thay ông Johnson, cách làm của Hoa Kỳ có thể thay đổi nhưng mục tiêu thì không: vẫn là không tham chiến nữa (disengagement), có nghĩa là, dù cho VNCH có muốn và đồng ý hay không, Hoa Kỳ cũng sẽ rút quân, và tiến tới ký kết với Bắc Việt để hoàn tất việc rút quân và đem tù binh về.  Điều kiện căn bản về hòa đàm mà chính Hoa Kỳ đặt ra ngay từ đầu, Bắc Việt phải ngưng đưa quân xâm nhập vào Miền Nam và rút quân về, đã bị bỏ qua một bên, và sẽ không được đề cập đến nữa.  Trên thực tế, Hoa Kỳ đã tiến hành rút quân từ sau Hội Nghị Thượng Đĩnh Midway giữa Tổng Thống Nixon và Tổng Thống Thiệu vào ngày 8-6-1969, và đến cuối năm 1971, quân số Hoa Kỳ tại VNCH đã giảm từ 536.100 (1968) xuống còn có 156.800.45 Vì Hòa Đàm Paris không tiến triển, Tổng Thống Nixon quyết định cử Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của ông, tiến hành mật đàm với Lê Đức Thọ. Sau khi chuyển sang mật đàm tay đôi giữa Kissinger và Lê Đức Thọ từ ngày 21-2-1970, phía VNCH không còn biết rõ được những gì xảy ra nữa.  Trên thực tế, Kissinger không những đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác về các vấn đề quân sự (rút quân) mà còn tự động cho mình cái quyền thảo luận với Bắc Việt cả những vấn đề chính trị của VNCH.   Trên nguyên tắc, Hoa kỳ phải luôn luôn thông báo và tham khảo chính phủ VNCH về những diễn tiến của Hòa Đàm Paris, trên thực tế, Kissinger chỉ thông báo cho chính phủ VNCH những gì ông muốn thông báo, và lờ đi những chuyện khác, đặc biệt là những nhượng bộ của ông tại mật đàm với Lê Đức Thọ.  Phần Bắc Việt, vì biết quá rõ mong muốn sớm rút quân và kết thúc cuộc chiến của Hoa Kỳ, nên không chịu nhượng bộ gì cả, cố tình kéo dài thương thuyết, và chuẩn bị cho cuộc Tổng Tấn Công vào cuối tháng 3-1972 để tăng thêm thế mạnh của họ tại hòa đàm.  Do đó Hòa Đàm Paris đã dậm chân tại chỗ trong suốt gần 4 năm.  Trong thời gian này, Hoa Kỳ tích cực tìm cách tiếp cận Trung Quốc.  Tháng 7-1971, Kissinger bí mật sang Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Thống Nixon vào tháng 2-1972.  Sang tháng 5-1972, cũng do dàn xếp của Kissinger, Nixon sang Moscow họp thượng đỉnh với Brezhnev, Tổng Bí Thư của Đảng Cộng sản Liên Xô.  Bắc Việt rất lo lắng các với biến cố này vì họ không biết Hoa Kỳ có ký kết mật ước gì với Trung Quốc và Liên Xô hay không, đặc biệt là với Trung Quốc (họ vẫn còn nhớ đã từng bị Trung Quốc đâm sau lưng trong Hội Nghị Genève 1954). Sau khi thất bại hoàn toàn trong cuộc Tổng Tấn Công năm 1972, và trước viễn ảnh Tổng Thống Nixon sẽ được tái cử, nghĩa là họ sẽ còn phải tiếp tục đương đầu với Tổng Thống Nixon thêm 4 năm nữa, cùng với những lo âu về tác động có thể có của mối quan hệ Mỹ-Hoa vừa hình thành, Bắc Việt đã quyết định tạm thời hài lòng với những gì đã đạt được trong mật đàm và tỏ ra chiều hướng muốn sớm ký kết với Kissinger trước khi bầu cử Tổng Thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11-1972.  Kết quả là đã diễn ra rất nhiều phiên họp rất tích cực trong các tháng giữa năm 1972, và lập trường thương thuyết giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ đã tiến đến gần nhau rất nhiều với một số nhượng bộ từ phía Bắc Việt.  Trong cuốn hồi ký của ông, Kissinger ghi lại như sau ở trang 1318: “After three meetings, then, there had been significant movement, entirely by Hanoi; it was moving in the right direction but not at a pace that would keep it from reversing course later.  Hanoi had given up the demand for Thieu’s immediate removal.  It had agreed to negotiating forums in which the Saigon government would participate, thus in a sense recognizing its legitimacy.  It had abandoned the absurd demand for an unconditional deadline for the withdrawal of American forces.  The proposed coalition government, heretofore a transparent front for a Communist takeover, had been reduced to a fifty-fifty split of power.” 46 (Xin tạmdịch sang Việt ngữ như sau: “Kế đó, sau ba phiên họp, đã có biến chuyển quan trọng, hoàn toàn do phía Hà Nội; họ đã đi đúng hướng nhưng không phải với một tốc độ có thể giúp họ quay ngược lại được.  Hà Nội đã từ bỏ yêu cầu phải loại bỏ Thiệu ngay.  Họ đã đồng ý thương thuyết về các diễn đàn mà chính phủ Sài Gòn sẽ tham gia, và như vậy có nghĩa là họ công nhận tính chính thống của chính phủ này.  Họ đã từ bỏ cái đòi hỏi vô lý về thời hạn chót vô điều kiện cho việc rút quân của Hoa Kỳ.  Cái chính phủ liên hiệp mà họ đề nghị, cho tới lúc đó chỉ là một cái bình phong quá rõ ràng cho việc chiếm quyền của Cộng sản, đã được giảm xuống thành một sự chia quyền 50-50”).  Ngày 17-8-1972, Kissinger đến Sài Gòn để trình bày và thảo luận với Chính phủ VNCH về những tiến triển này.  Trọng tâm của việc thương thuyết bây giờ không còn là về mặt quân sư nữa (vấn đề Mỹ rút quân) vì Hoa Kỳ đã rút gần hết quân về rồi (vào tháng 8-1972, Hoa kỳ chỉ còn lại khoảng 27.000 quân tại VNCH, chỉ hơn phân nữa số 50.000 quân Mỹ đóng tại Nam Hàn từ sau năm 1953), mà nghiêng nặng về các vấn đề chính trị của VNCH.    Kissinger trình Tổng Thiệu một bản đề nghị mà ông sẽ công bố và thảo luận với phe Bắc Việt trong phiên họp sắp tới với Lê Đức Thọ vào ngày 15-9-1972.   Về mặt quân sự, Hoa kỳ dời thời hạn chót để rút hết quân từ 4 tháng xuống còn 3 tháng.  Về chính trị, Hoa Kỳ tiếp tục bác bỏ đề nghị thành lập chính phủ liên hiệp của Bắc Việt, nhưng sẽ đề nghị một ủy ban hỗn hợp ba thành phần để tổ chức bầu cử.   Trong khi trình bày bản đề nghị này, Kissinger dùng luận cứ là cần phải làm như vậy để giúp Tổng Thống Nixon có thể thắng cử vào tháng 11.  Đây là một luận cứ không trung thực vì Tổng Thống Nixon không cần điều này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1972.    Trong cuốn hồi ký của ông, Tổng Thống Nixon viết như sau: “The opinion polls confirmed my own intuition that, in terms of voter support, my handling of the war was generally viewed as a positive issue for me and a negative one for McGovern, who was perceived as weal and favoring surrender.  Therefore any settlement that was hastily completed in time for the election would look cynical and suspicious … I am inclined to think that the better bargaining time for us would be immediately after the election rather than before.” 47 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Các cuộc thăm dò dư luận đều khẳng định trực giác của tôi rằng, về mặt ủng hộ của cử tri, cách điều hành cuộc chiến của tôi phần lớn được xem là một yếu tố tích cực đối với tôi và tiêu cực đối với ông McGovern, người bị xem như là yếu và chủ trương đầu hàng.  Do đó bất cứ thỏa thuận nào hoàn tất một cách vội vả cho kịp trước bầu cử sẽ bi xem là ích kỷ và đáng nghi ngờ. …  Tôi nghĩ rằng thời điểm tốt hơn để thương thuyết là ngay sau bầu cử hơn là trước bầu cử”).  Ngày hôm sau, 18-8-1972, Tổng Thống đưa cho Kissinger một văn thư 4 trang gồm hơn 20 đề nghị sửa đổi đối với bản đề nghị của Hoa Kỳ, trong đó có 2 điều quan trọng là : 1) yêu cầu thay cụm từ “standstill cease-fire = ngưng bắn tại chỗ” bằng cụm từ “general cease-fire = ngưng bắn tổng quát”; và, 2) phản đối việc thành lập Ủy Ban Hòa Giải Dân Tộc (UBHGDT) gồm 3 thành phần (the tripartite Committee of National Reconciliation), với lý do điều này sẽ tạo ra nghi ngờ đối với nhân dân Miền Nam.  Tổng Thống Thiệu cũng cho Kissinger biết là ông cần thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị về mặt tâm lý và chính trị đối với đề nghị của Hoa Kỳ.   Trong cuốn hồi ký về Hòa Đàm Paris của ông, tác giả Nguyễn Phú Đức, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu, có mặt tại buổi họp này, đã ghi lại như sau: “In Saigon, at the end of the 18 August session, President Thieu told Kissinger: We need time to think about it.  We are not prepared psychologically and politically on your proposal.” 48  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tại Sài Gòn, vào cuối phiên họp ngày 18 Tháng 8, Tổng Thống Thiệu bảo Kissinger: Chúng tôi cần thời gian để suy nghĩ về chuyện này.  Chúng tôi chưa chuẩn bị về mặt tâm lý và chính trị đối với đề nghị của ông”).  Sau khi Kissinger rời Sài Gòn, Tổng Thống đã triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm Tổng Thống, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, các ông Nguyễn Phú Đức và Hoàng Đức Nhã để duyệt xét từng điểm trong đề nghị của Kissinger.  Sau khi thảo luận, những nguyên tắc chỉ đạo sau đây về thương thuyết tại hòa đàm Paris được thiết lập:  
 
  • “Diễn đàn” giữa Washington và Hà Nội không có thẩm quyền “giải quyết” các vấn đề giữa Chính phủ VNCH và MTGPMN, như Kissinger đề nghị.
  • Hà Nội không có quyền can thiệp vào các vấn đề chính trị của VNCH.  Hiệp Định Genève 1954 công nhận VN bị chia thành 2 nước phân cách bởi Vùng Phi Quân Sự.  Trong khi chờ đợi thống nhứt, Chính phủ VNCH không có ý định thương thuyết để thay đổi chế độ chính trị của Miền Bắc.  Ngược lại, Hà Nội cũng không thể đòi hỏi một sự thay đổi chế độ chính trị ở Miền Nam.
  • Hiến Pháp của VNCH, đã được thông qua bởi Quốc Hội dân cử của nhân dân Miền Nam, phải được tôn trọng như Tổng Thiệu đã tuyên thệ bảo vệ nó.
  • Một cuộc trưng cầu dân ý có thể được tổ chức theo đúng Hiến Pháp.  Việc tổ chức trưng cầu dân ý có thể do ỦBHGDT thực hiện, thay vì do Tối Cao Pháp Viện như đòi hỏi của Hiến Pháp, để có thể bảo đảm sự công bằng.  Nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý, UBHGDT phải được giải tán, chứ không được tiếp tục ở lại để sửa đổi Hiến Pháp.  Chính phủ VNCH, sau cuộc trưng cầu dân ý, có thể chấp nhận sự tham gia Chính phủ của các thành viên MTGPMN theo tỷ lệ phiếu của họ, với điều kiện họ phải công nhận Hiến Pháp.
  • Nếu Tổng Thống Thiệu chấp nhận từ chức trước khi bầu cử để bảo đảm cuộc bầu cử được công bằng thì Phó Tổng Thống Trần Văn Hương không có lý do gì cũng phải từ chức vì làm như thế là xóa bỏ ngành Hành Pháp của chính phủ VNCH.
 
Lập trường của VNCH về Hòa Đàm Paris, dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo vừa kể trên, đã được trình bày trong một văn thư giao cho Đại sứ Bunker vào ngày 28-8-1972 để kịp chuyển giao cho Tổng Thống Nixon và Kissinger tại phiên họp của họ tại Honolulu, Hawai vào ngày 30-8-1972.49 Kissinger, do đó, không thể bảo là không biết rõ lập trường của VNCH về Hòa Đàm Paris.  Trong cuốn hồi ký của ông, Kissinger ghi lại như sau: “I left Saigon with a false sense of having reached a meeting of the minds. Thieu and I had decided that we would settle the few remaining disagreements over our draft proposal by exchanging messages through Bunker.  There were plenty of time – nearly four weeks until my next meeting on September 15.  Instead, Thieu enveloped himself in silence; we heard absolutely nothing from the Palace.” 50(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi rời Sài Gòn với một cảm giác sai lầm là đã có sự đồng ý với nhau.  Ông Thiệu và tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ giải quyết một vài bất đồng còn lại về dự thảo đề nghị của chúng tôi bằng cách trao đổi thông điệp cho nhau qua ông Bunker.  Thời gian còn nhiều – gần 4 tuần lễ trước khi tôi có phiên họp sắp tới vào ngày 15 tháng 9.  Thay vì như vậy, ông Thiệu hoàn toàn im lặng; chúng tôi tuyệt đối không nhận được tin tức gì cả từ Dinh Độc Lập”).  Lời tường thuật trong hồi ký này là một lời nói láo trắng trợn (cũng như những lời nói láo khác của Kissinger, như sau này chúng ta đã biết được qua những tài liệu đã giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ) vì làm sao Đại sứ Bunker có thể không chuyển giao văn thư ngày 28-8-1972 của Chính phủ VNCH cho Tổng Thống Nixon và ông Kissinger tại cuộc họp ở Honolulu, Hawaii, vào ngày 30-8-1972 được.  Sau đây là một bằng chứng không chối cãi được là Hoa Kỳ có nhận được văn thư ngày 28-8 về lập trường hòa đàm của Chính phủ VNCH.  Trong cuốn hồi ký của mình, ông Nguyễn Phú Đức đã có ghi rõ như sau về cuộc họp với Tướng Alexander Haig, phụ tá của Kissinger vào ngày 2-10-1972 tại Sài Gòn: “PRESIDENT THIEU: The GVN has put down its views in its memo of August 28.  Has the US transmitted these views to the North Vietnamese?  HAIG: If we presented these views, this would break up the talks, and this would endanger our long range possibility to support you.” 51 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “TỔNG THỐNG THIỆU: Chính phủ VNCH đã trình bày quan điểm của mình trong văn thư ngày 28 tháng 8.  Hoa Kỳ có thông báo các quan điểm đó cho Bắc Việt hay không?  HAIG: Nếu chúng tôi trình bày các quan điểm đó thì điều đó sẽ phá vỡ hòa đàm và gây nguy hại cho khả năng ủng hộ các ông về lâu về dài”).  Như vậytrên thực tế, rõ ràng là Kissinger đã lờ đi, bỏ qua hoàn toàn văn thư ngày 28-8-1972 của Chính phủ VNCH, và vẫn tiếp tục thảo luận với Lê Đức Thọ trên căn bản những đề nghị của ông.  Đúng như Tổng Thống Nixon đã nhận định về trạng thái tâm thần của Kissinger trong hồi ký của ông như sau: “… obsessed with the idea that there should be a negotiated settlement.” 52(xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… bị ám ảnh với ý nghĩ là phải ký cho được thỏa hiệp”), Kissinger thật sựmong muốn, và sẵn sàng trả mọi giá, để ký kết cho được với Bắc Việt trước ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11-1972.  Và quả thật ông đã đạt được thỏa hiệp với Bắc Việt trong phiên họp ngày 17-10-1972.  Ông lập tức thông báo cho Tổng Thống Nixon thời khóa biểu hoạt động của ông trong thời gian còn lại của tháng 10-1972 như sau: 53
 
  • Sau ngày 17-10, sang Sài Gòn 3 ngày để trình bày về thỏa hiệp với Bắc Việt và đạt sự đồng thuận của Chính phủ VNCH
  • Ngày 22-10 đến Hà Nội để ký tắt Hiệp Định với Bắc Việt
  • Trở về Washington để tuyên bố Thông Cáo Chung về Hiệp Định vào ngày 26-10
  • Lệnh ngưng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30-10 khi Ngoại Trưởng của các bên cùng ký tên vào Hiệp Định tại Paris
           
Như vậy, trên thực tế, Kissinger tin rằng, với việc sắp đặt của ông, mọi việc đã xong, VNCH sẽ dễ dàng đồng ý và chấp nhận bản Hiệp Định mà ông đã đạt được với Bắc Việt tại Paris vì ông tin rằng đó là thỏa hiệp tốt nhứt mà VNCH có thể đạt được.  Nó gồm những điều khoản chính như sau:
 
  • Một cuộc ngưng bắn tại chổ
  • Hoa Kỳ rút hết quân sau 60 ngày
  • Bắc Việt đồng ý không xâm nhập thêm quân vào Miền Nam
  • Trao trả tù binh của cả hai phía
  • Bắc Việt không đòi hỏi một chính phủ liên hiệp nữa; thay vào đó là một HĐHGDT gồm 3 thành phần để tổ chức bầu cử
  • Bắc Việt không đòi hỏi Tổng Thống Thiệu phải từ chức nữa
 
Ông đến Sài Gòn với tinh thần lạc quan đó.  Nhưng mọi việc đã diễn ra không phải như ông mong đợi.  Hai phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH bắt đầu họp từ ngày 19-10-1972.  Việc đầu tiên Kissinger làm là trình cho Tổng Thống Thiệu lá thư riêng của Tổng Thống Nixon viết cho ông, với nội dung chính là khuyên Tổng Thống Thiệu chấp nhận bản thỏa hiệp, trong đó có câu sau đây: “I believe we have no reasonable alternative but to accept this agreement.” 54 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Tôi tin rằng chúng ta không có giải pháp nào hợp lý hơn là chấp nhận bản thỏa hiệp này”).  Ông Thiệu đọc xong không bình luận gì cả và bắt đầu phiên họp ngay.
 
Phía Hoa Kỳ gồm có: Cố Vấn Kissinger, Đại sứ Bunker và phụ tá là ông Charles Whitehouse, ông William Sullivan của Bộ Ngoại Giao, ông Winston Lord của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và thông dịch viên David Engel.  Phía VNCH gồm có: Tổng Thống Thiệu, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ngoại Trường Trần Văn Lắm, Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức, ông Trần Kim Phượng, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ, ông Phạm Đăng Lâm, Trưởng Phái Đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris, và ông Hoàng Đức Nhã với tư cách thông dịch viên.  Sau khi nghe ông Kissinger trình bày về thỏa hiệp, phía VNCH đã đặt một số câu hỏi.  Cuối phiên họp Tổng Thống Thiệu bảo ông Kissinger là phía VN cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng bản thỏa hiệp.  Sáng ngày 21-10-1972, phía VNCH yêu cầu phía Hoa Kỳ sửa lại bản thỏa hiệp tất cả 23 chỗ trong văn bản.  Một phiên họp tại Dinh Độc Lập để thảo luận về 23 điểm này được ấn định vào lúc 2 giờ chiều.  Sau đó phiên họp được phía VNCH dời lại đến 5 giờ chiều mà không cho biết lý do.  Đến 5 giờ cũng không thấy động tịnh gì về phía VNCH cả.  Đại sứ Bunker gọi điện thoại vào Dinh Độc Lập thì được báo cho biết là Tổng Thống Thiệu đang bận họp Hội Đồng Nội Các.  Nửa tiếng đồng hồ sau, ông Hoàng Đức Nhã gọi điện thoại đến báo cho phái đoàn Mỹ biết buổi họp đã được dời lại 8 giờ sáng hôm sau và sau đó cúp máy, không một lời giải thích.  Ngày hôm sau, Chúa Nhựt, 22-10-1972, lúc 8 giờ sáng, trong phiên họp chỉ có 4 người, Tổng Thống Thiệu và ông Hoàng Đức Nhã một bên, và Kissinger và Đại sứ Bunker một bên, Tổng Thống Thiệu cho biết ông không đồng ý rất nhiều điểm trong thỏa hiệp, nhưng quan trọng nhứt là 2 chuyện sau đây: 1) Bắc Việt không rút quân; và 2) Thành phần và hoạt động của HĐHGDT.   Ông cũng cho biết ông cần tham khảo Quốc Hội và chờ đợi báo cáo của các cố vấn của ông về phản ứng của Hoa kỳ đối với 23 điểm mà phía VNCH đã đề nghị sửa lại.  Và hẹn gặp lại Kissinger vào 5 giờ chiều để trả lời dứt khoát về bản thỏa hiệp.  Tại buổi họp lúc 5 giờ chiều, với thành phần giống như vào buổi sáng, Tổng Thống Thiệu, nói bằng tiếng Việt và ông Hoàng Đức Nhã dịch sang tiếng Anh, dứt khoát từ chối không ký thỏa hiệp.  Trong hồi ký của mình, Kissinger ghi lại là trong lúc trình bày, cả hai ông Thiệu và ông Nhã có lúc bật khóc.55  Mặc dù thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục Tổng Thống Thiệu, Kissinger vẫn giữ dự định ra Hà Nội để ký tắt thỏa hiệp với Bắc Việt, nhưng Tổng Thống Nixon không đồng ý 56 và ra lệnh cho ông phải quay về Mỹ ngay.  Kissinger trở về Hoa Kỳ ngày 23-10-1972.  Trước khi rời Sài Gòn, Kissinger đã đến Dinh Độc Lập gặp Tổng Thống một lần chót vào buổi sáng.  Phiên họp này diễn ra nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng Tổng Thống Thiệu vẫn khẳng định 3 điều: 1) Bắc Việt phải rút quân; 2) Khu Phi Quân Sự phải được tôn trọng; và 3) Thành phần của HĐHGDT phải được quyết định dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý.  Kissinger hứa sẽ cố gắng thương thuyết trở lại với Bắc Việt những điểm này.  Chiều hôm đó Tổng Thống Thiệu ra trước lưỡng viện Quốc Hội, đọc một bài diễn văn (có trực tiếp truyền hình cho cả nước), trình bày mọi việc và được Quốc Hội hoan hô và ủng hộ rất mạnh.  Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức đề nghị và Tổng Thống Thiệu đồng ý thực hiện: cử các cố vấn của ông đi trình bày và giải thích quyết định của Chính phủ VNCH cho các nước bạn và đồng minh trong vùng để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của họ đối với lập trường của VNCH về vấn đề hòa đàm.  Phụ Tá Nguyễn Phú Đức đi các nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan, và Indonêxia.  Đại sứ Trần Kim Phượng đi các nước Singapore, Mã Lai Á, Úc, và Tân Tây Lan.  Đại sứ Phạm Đăng Lâm đi các nước Phi Luật Tân, Đại Hàn, và Nhật Bản.57
 
Về phía Bắc Việt, tức giận vì Kissinger không ra Hà Nội để ký kết thỏa hiệp như hai bên đã thỏa thuận, vào ngày 25-10-1972, đã đơn phương công bố toàn bộ bản thỏa hiệp mà hai bên đã đồng ý trước khi Kissinger đến Sài Gòn, nhằm gây bối rối và mất mặt cho Hoa Kỳ.  Kissinger phải họp báo ngay ngày hôm sau, 26-10-1972, để trả lời cho Hà Nội là phía Hoa Kỳ vẫn tôn trọng bản thỏa hiệp đã ký kết, và trong dịp này, ông đã phát biểu cái câu nổi tiếng là “Peace is at hand.” (Hòa bình trong tầm tay).  Ông cũng đề nghị hai bên trở lại bàn hội nghị để thảo luận những đề nghị sửa đổi của VNCH.   Ngày 4-11-1972, 3 ngày trước ngày bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ, Bắc Việt đồng ý sẽ trở lại bàn hội nghị vào ngày 14-11-1972.
 
Ngày 7-11-1972, Tổng Thống Nixon đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với một đa số rất lớn (theo ngữ vựng chính trị của Hoa Kỳ, đây là một landslide victory ; phiếu dân bầu (popular vote): Nixon được 47.168.710 phiếu (60.7%), McGovern được 29.173.222 (37.5%); phiếu cử tri đoàn (electoral vote): Nixon được 520 phiếu, McGovern chỉ được 17 phiếu, vì Nixon thắng tại tất cả 49 tiểu bang, McGovern chỉ thắng ở 1 tiểu bang duy nhứt là Massachusetts, thành trì của phe phản chiến chủ hòa, và tại District of Columbia--DC tức là thủ đô, nơi đa số là dân da đen 58), đánh bại một cách rõ ràng ứng cử viên George McGovern của Đảng Dân Chủ chủ trương hòa bình bằng mọi giá và chấm dứt viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH.  Kết quả bầu cử cho thấy Tổng Thống Nixon đã nhận định rất đúng là việc ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt trước cuộc bầu cử là hoàn toàn không cần thiết như sự tin tưởng của Kissinger, và dân chúng Hoa Kỳ không đồng ý hòa bình bằng mọi giá và bỏ rơi VNCH.  Tuy nhiên, việc thắng cử vẻ vang của cá nhân ông Nixon vẫn không giúp Đảng Cộng Hòa chiếm được đa số tại Quốc Hội (Hạ Viện: Dân Chủ 242, Cộng Hòa 192; Thượng Viện: Dân Chủ 56, Cộng Hòa 42).  Chính vì đảng đối lập Dân Chủ vẫn còn nắm được đa số tại Quốc Hội, Tổng Thống Nixon nghĩ rằng cần phải ký thỏa hiệp với Bắc Việt càng sớm càng tốt.      
 
Ngày hôm sau, 8-11-1972, Bắc Việt yêu cầu dời ngày họp lại đến ngày 20-11-1972 với lý do là Lê Đức Thọ bị bịnh.  Ngày hôm sau, 9-11-1972, Hoa Kỳ đồng ý, và việc hòa đàm tại Paris tiếp tục trở lại vào ngày 20-11-1972. 
 
Để chuẩn bị cho phiên họp ngày 20-11 này, Tướng Haig lại được cử sang Sài Gòn.  Ngày 10-11, mở đầu phiên họp ở Đinh Độc Lập, Tướng Haig trình Tổng Thống Thiệu một văn thư đề ngày 8-11 của Tổng Thống Nixon gửi cho ông.  Bức thư dài 4 trang hứa hẹn sẽ điều chỉnh lại bản thỏa hiệp theo những đòi hỏi của VNCH nhằm thuyết phục Tổng Thống Thiệu chấp nhận bản thỏa hiệp, đồng thời cũng hàm ý đe dọa nếu Tổng Thống Thiệu tiếp tục chống đối.  Ở trang 3 của bức thư có đoạn ghi khá rõ như sau: “The other alternative would be for you to pursue what appears to be your present course.  In my view this would play into the hands of the enemy and would have extremely grave consequences for both our peoples and it would be disaster for yours.” 59 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Giải pháp kia sẽ là việc Ngài tiếp tục đường lối hiện nay của Ngài.  Theo cách nhận định của tôi làm như vậy là rơi vào bẫy của kẻ thù và sẽ mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cả hai dân tộc chúng ta, và đó sẽ là tai họa cho dân tộc của Ngài”).   Sau khi Tổng Thống Thiệu đọc xong văn thư này, Tướng Haig trình bày ngay thời khóa biểu của phái đoàn Hoa Kỳ tại hòa đàm như sau:
 
  • Từ ngày 20 đến cuối tháng 11, hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris
  • Ngày 1 và 2 tháng 12 Kissinger sẽ đến Sài Gòn để làm việc với Chính phủ VNCH
  • Ngày 3-12 Kissinger sẽ ra Hà Nội để ký tắt thỏa hiệp
  • Ngưng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 10-12
  • Thỏa hiệp sẽ được Ngoại Trưởng các nước chính thức ký kết tại Paris ngày 13-12
 
Và nói thêm như sau: “If you go your separate way, we can manage the difficulty, but for you it will be fatal.” 60(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nếu quý vị không đi cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ có cách giải quyết chuyện khó khăn đó, nhưng đối với quý vị thì đó là con đường chết của quý vị”).
 
Như vậy, tình hình hòa đàm vẫn y như cũ, đâu có khác gì nhiều lắm, so với tình hình đã xảy ra trong tháng 10 vừa qua.  Hoa Kỳ đã quyết định sẽ ký kết thỏa hiệp rồi, ngay trước khi hòa đàm tiếp tục lại.  Những hứa hẹn sẽ tìm cách thay đổi bản dự thảo thỏa hiệp theo những yêu cầu của phía VNCH chỉ là những lời hứa mà chính Hoa Kỳ cũng không tin tưởng sẽ đạt được.  Hơn ai hết, Tổng Thống Thiệu đã thấy rõ việc này, nhưng ông nghĩ cứ còn nước còn tát, và vì hoàn toàn không còn có thể tin cậy được Kissinger nữa, ông quyết định cử Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức thay mặt ông điều đình trực tiếp với Tổng Thống Nixon.  Đây là một bước đi có tính toán và tình cờ lại rất đúng lúc của Tổng Thống Thiệu.  Đúng lúc vì vào lúc bấy giờ mối quan hệ mật thiết giữa Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger đã bắt đầu có sự rạn nứt.   Trước đây Nixon gần như khoán trắng cho Kissinger trong vụ Hòa Đàm Paris, mặc dù có những vụ việc ông không đồng ý với Kissinger nhưng ông vẫn lờ đi, không nói ra, ví dụ như ông nhận định là không cần thiết phải ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt trước ngày bầu cử (7-11) như Kissinger tin tưởng.  Nhưng rồi ông nhận thấy Kissinger bắt đầu đi quá đà khi Kissinger trả lời nữ phóng viên Ý Oriana Fallaci trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Americans like the cowboy … who rides all alone into the town, the village, with his horse and nothing else … This amazing, romantic character suits me precisely because to be alone has always been part of my style or, if you like, my technique.” 61 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Người Mỹ thích chàng cao bồi … một mình cỡi ngựa vào thị trấn, vào làng, chỉ với con ngựa của mình mà thôi … Cái nhân vật lạ lùng, lãng mạn đó thích hợp với tôi chính vì hành động đơn độc bao giờ cũng là cách làm của tôi, hay nếu cô thích, là phương pháp của tôi”).  Kiểu nói này hàm ý Kissinger mới chính thật là nhân vật trung tâm của mọi việc chứ không phải Tổng Thống Nixon. Nixon cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.  Ngày 19-11, khi Kissinger lên đường đi Paris để mật đàm với Lê Đức Thọ, Nixon không đưa tiễn mà chỉ gọi điện thoại từ văn phòng ông.  Khi Tổng Thống Thiệu ngỏ ý muốn cử Phụ Tá Nguyễn Phú Đức sang gặp ông, ông nhận lời ngay.  Ông Đức đến Paris trước để gặp phái đoàn VNCH cũng như phái đoàn Mỹ để năm tình hình đàm phán.  Trong thời gian ông đang ở Paris, Tổng Thống Thiệu cử Hoàng Đức Nhã đích thân mang một thư rất dài sang cho ông Đức với những chỉ thị mới.  Sau khi được dịch sang Anh ngữ, bức thư dài đến 24 trang.  Ngày 28-11-1972, ông Đức rời Paris lên đường đi Washington.  Trong thời gian này, Kissinger đã có thêm 2 buổi họp với Lê Đức Thọ vào ngày 20-11 và 25-11 nhưng đều không có tiến triển vì Bắc Việt bác bỏ tất cả những đòi hỏi thay đổi quan trọng trong bản dự thảo thỏa hiệp của VNCH.  Nixon ra lệnh cho Kissinger trở về Mỹ. 
 
Ngày 29-11-1972, ông Đức cùng với Đại sứ Trần Kim Phượng được Tổng Thống Nixon tiếp kiến tại Tòa Bạch Ốc, trong Phòng Bầu Dục (Oval Office), có sự hiện diện của Kissinger và Tướng Haig.  Cố Vấn Đức trình lên Tổng Thống Nixon bức thư dài 24 trang của Tổng Thống Thiệu, và sau đó giải thích từng điểm trong bức thư, đặc biệt chú trọng vào 2 điểm chính: 1) Việc đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân, và 2) Vấn đề HĐHGDT và thành phần cấu tạo của HĐ.  Tổng Thống Nixon có vẻ đồng tình và ông chỉ thị ngay cho Kissinger phải tìm mọi cách cải thiện bản dự thảo thỏa hiệp về 2 điểm đó.   Sau đó, ông nói rõ quan điểm của ông về thỏa hiệp như sau: “The agreement is just a piece of paper.  What counts is our determination to support you.” 62 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Thỏa hiệp chỉ là một mảnh giấy mà thôi.  Điều quan trọng là sự quyết tâm của chúng tôi trong việc hỗ trợ các ông”).  Và ông nói rõ những cam kết của ông như sau:
 
  • Viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH sau khi ký thỏa hiệp
  • Không Quân Hoa Kỳ đóng tại Thái Lan và trên các hàng không mẫu hạm sẽ oanh tạc trở lại nếu tình báo Hoa Kỳ phát hiện phe Cộng sản vi phạm thỏa hiệp
  • Giữ vững lập trường ủng hộ Tổng Thống Thiệu
  • Hoa Kỳ đã có những thỏa thuận với Liên Xô và Bắc Kinh về các giới hạn viện trợ cho Bắc Việt
 
Ngày hôm sau, 30-11-1972, trong phiên họp với Cố Vấn Nguyễn Phú Đức, khi được ông Đức hỏi về vấn đề Bắc Việt rút quân thì Kissinger nói thẳng là không thể nào có được điều đó trong bản thỏa hiệp.63 Trước tình hình gần như bế tắc này, Phụ Tá Đức đã đề nghị với Kissinger là Hoa Kỳ có thể ký kết riêng rẽ với Bắc Việt để rút quân và mang tù binh về.  VNCH cam kết sẽ thả 10.000 tù binh Cộng sản để đánh đổi cho việc Bắc Việt chịu thả tất cả tù binh Mỹ.  Sau đó VNCH sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Việt và MTGPMN về những vấn đề chính trị của Miền Nam.  Kissinger báo cáo lại đề nghị này của ông Đức và Tổng Thống Nixon lại có thêm một phiên họp nữa với Phụ Tá Đức trong cùng ngày.   Sau khi nghe ông Đức trình bày về đề nghị này, Tổng Thống Nixon cho biết là ông đã tham khảo các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ, thuộc phe diều hâu (tức là những người ủng hộ VNCH), thành viên của hai Ủy Ban Quân Vụ (Armed Forces Committee) của cả Thượng Viện và Hạ Viện, và tất cả đã đồng thanh chấp thuận bản thỏa hiệp rồi.  Nếu VNCH không cùng ký kết với Hoa Kỳ thì Quốc Hội sẽ chấm dứt mọi viện trợ.  Ông nói rõ như sau: “I hope that we shall go forward together, then you will have economic and military assistance.  Please convey this to President Thieu, what counts is U.S. alliance.  I can make that commitment.” 64 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng đi với nhau, như vậy các ông sẽ có được viện trợ kinh tế và quân sự.  Xin ông trình lại với Tổng Thống Thiệu điều này: chuyện quan trọng là liên minh của Hoa Kỳ.  Tôi có thể cam kết điều đó”). Sau đó Tổng Thống Nixon yêu cầu Phụ Tá Đức cho Kissinger biết những điều ưu tiên mà VNCH muốn Hoa Kỳ thảo luận với Bắc Việt tại các buổi họp trong đợt hòa đàm kế tiếp.  Ông Đức cho biết ngoài vấn đề rút quân của Bắc Việt, VNCH chống lại việc xem như có hai chính phủ tại Miền Nam, và, do đó, không chấp nhận việc sử dụng danh xưng Chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) thay cho Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, và VNCH cũng chống lại việc HĐHGDT gồm có 3 thành phần ngang nhau.  Ngày hôm sau, 1-12-1972, ông Đức làm việc với Kissinger về những vấn đề chi tiết và cụ thể của thỏa hiệp, như vấn đề ngưng bắn tại chỗ, vấn đề Lào và Campuchia, vv.  Ngày 2-12-1972, Phụ Tá Đức rời Washington về Sài Gòn.
 
Ngày 3-12-1972, trong phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (HĐANQG) tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của Tồng Thống Thiệu, Phụ Tá Đức phúc trình lại mọi diễn tiến trong các phiên họp tại Washington của ông với Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger.  Cuối phiên họp, khi được Tổng Thống Thiệu hỏi ý kiến cá nhân của ông, ông trả lời ngay là nếu ký thỏa hiệp, với các điều khoản ngay lúc đó, thì Miền Nam sẽ mất. Trong cuốn hồi ký, ông ghi như sau: “President Thieu asked me this basic question: Do you think that we should sign this Agreement?  I replied: In my judgment, if we sign the Agreement, as it is, South Vietnam will be lost.” 65 (Xin tam dịch sang Việt ngữ như sau: “Tổng Thống Thiệu hỏi tôi câu hỏi căn bản: Anh nghĩ chúng ta có nên ký Thỏa hiệp này hay không? Tôi trả lời: Theo nhận định của tôi, nếu chúng ta ký Thỏa hiệp này, như trong tình trạng hiện nay, Miền Nam sẽ mất”).  Tổng Thống Thiệu và toàn thể HĐANQG cùng đồng ý với quan điểm này.
 
Trong thời gian này Hoa Kỳ và Bắc Việt trở lại bàn hội nghị từ ngày 4-12-1972 nhưng hội nghị không có tiến triển gì cả vì Bắc Việt bác bỏ tất cả những đòi hỏi thay đổi bản thỏa hiệp của Kissinger dựa trên các yêu cầu của VNCH.  Ngày 17-12-1972, Tổng Thống Nixon ra lệnh tái phong tỏa hải cảng Hải Phòng và tái oanh tạc Bắc Việt, và, đặc biệt trong lần này, lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, Hoa kỳ cho phi cơ B-52 trải thảm Hà Nội.  Chiến dịch này được đặt tên là Linebacker II, thực hiện trong thời gian từ 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, thường được báo chí và sách vở Mỹ gọi là “The Christmas Bombing” (Chiến Dịch Oanh Tạc Mùa Giáng Sinh).
 
Ngày 19-12-1972, Tổng Thống Nixon cử Tướng Haig sang Sài Gòn, mang theo một bức thư của ông đề ngày 17-12-1972 gửi Tổng Thống Thiệu với lời lẽ vô cùng cứng rắn, gần như là một tối-hậu-thư.  Trong hồi ký của ông, Tổng Thống Nixon ghi rõ như sau: “Haig arrived in Saigon on December 19, carring the strongest letter I had yet written to Thieu.  In it I stated: “General Haig’s mission now represents my final effort to point out to you the necessity for joint action and to convey my irrevocable intention to proceed, preferably with your cooperation but, if necessary, alone… I have asked General Haig to obtain your answer to this absolutely final offer on my part for us to work together in seeking a settlement along the lines I have approved or to go our separate ways.”” 66 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Haig đến Sài Gòn ngày 19-12, mang theo bức thư với lời lẽ mạnh mẽ nhứt mà tôi từng viết cho ông Thiệu.  Trong đó tôi nói rõ: “Sứ mệnh của Tướng Haig lần này thể hiện cố gắng cuối cùng của tôi để nói rõ với Ngài sự cần thiết phải hành động chung và thông báo cho Ngài cái ý định không thể đảo ngược của tôi là tôi sẽ tiến tới thỏa hiệp, tốt nhứt là với sự hợp tác của ngài, nhưng, nếu cần thiết, thì tôi sẽ tiến hành một mình.  Tôi đã chỉ thị cho Tướng Haig phải nhận được sự trả lời của Ngài về   đề nghị tuyệt đối cuối cùng này của tôi nhắm tới hoặc là mình cùng cộng tác để mưu tìm một sự thỏa hiệp dựa trên những đường lối mà tôi đã chấp nhận hoặc là đường ai nấy đi”). Trước tình hình nghiêm trọng do bức “tối hậu thư” này tạo ra, Tổng Thống Thiệu triệu tập ngay một phiên họp của HĐANQG, lần này được mở rộng với sự tham gia của các vị đứng đầu của cả hai ngành Lập Pháp và Tư Pháp: đó là các ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ Tịch Thượng Viên, ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Viện, và Thẩm Phán Trần Văn Linh, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện.67
 
Mặc dù văn thư của Tổng Thống Nixon mang tính cách gần như là một tối-hậu-thư, Tổng Thống Thiệu không tin là Nixon có thể tiến hành ký kết riêng rẽ với Bắc Việt nên, sau buổi họp của HĐANQG, ông vẫn yêu cầu Phụ Tá Đức soạn văn thư đề ngày 20-12-1972 trả lời thư ngày 17-12-1972 của Tổng Thống Nixon.  Văn thư này mở đầu bằng tóm lược lại 3 đòi hỏi căn bản của VNCH về: 1) Việc Bắc Việt phải rút quân, 2) Không công nhận cái gọi là CPCMLTCHMNVN, và 3) Thành phần và nhiệm vụ của HĐHGDT cho thấy HĐHGDT chỉ là một chính phủ liên hiệp trá hình.  Sau đó, văn thư đề nghị VNCH sẵn sàng chấp nhận bản thỏa hiệp của ngày 12-12-1972 nếu 2 yêu cầu sau đây được giải qujyết: 1) Không được xem CPCMLTCHMNVN như một chính quyền song song với Chính phủ VNCH tại Miền Nam, và 2) Bắc Việt phải rút hết quân về trong cùng thời gian với quân các nước đồng minh của VNCH.  Sau cùng, bức thư kết luận: “I must say the South Vietnamese Government and people absolutely cannot go beyond these new important concessions, because otherwise it would be tantamount to surrender.” 68 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi phải nói rằng Chính phủ và nhân dân Miền Nam tuyệt đối không thể đi xa hơn những nhượng bộ mới và quan trọng này, vì làm khác đi thì coi như là đầu hàng”).
 
Trong thời gian này, Chiến dịch Linebacker II, tuy có gây thiệt hại bất ngờ cho Hoa Kỳ là có tất cả 15 phi cơ B-52 bị bắn rơi,một điều chưa bao giờ xảy ra cho không lực Hoa Kỳ, đã gây tổn thất rất nghiêm trọng cho Bắc Việt, cả về phương diện cơ sở vật chất và về phương diện tinh thần đối với dân chúng thủ đô Hà Nội.  Trong một thời gian rất ngắn, chỉ có 11 ngày (trừ 1 ngày duy nhứt là ngày Lễ Giáng Sinh, 25-12-1972), Hoa Kỳ đã thực hiện 741 phi vụ B-52 và 1.274 phi vụ của các chiến đấu cơ thuộc Không Quân và Hải Quân để yểm trợ cho B-52 (kể cả phi cơ F-111 là loại tối tân nhứt tại thời điểm này), và đã ném một số lượng bom lên đến 20.237 tấn,69 gây kinh hoàng cho dân chúng thủ đô Hà Nội.  Về phía Bắc Việt, lực lượng phòng không đã bắn trên 1.000 hỏa tiễn SAM (Surface-to-Air Missiles = hỏa tiển địa-không) nhờ vậy đã hạ được một số lượng đáng kể phi cơ B-52 vốn bay ở không độ rất cao (nhờ vậy trong bao nhiêu năm thực hiện các phi vụ oanh tạc chiến thuật ở Miền Nam – và gây kinh hoàng cho bộ đội Bắc Việt và Việt Cộng -- chưa bao giờ có một B-52 nào bị bắn rơi cả).  Ngày 28-12-1972, Bắc Việt đồng ý sẽ tiếp tục hòa đàm trở lại vào hai ngày 2-1 và 8-1-1973.  Vào lúc 7 giờ tối ngày 29-12-1972, Chiến dịch Linebacker II chính thức chấm dứt.
 
Ngày 2-1-1973, một ngày trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ tái nhóm, các Dân Biểu thuộc khối Dân Chủ (Hạ Viện) biểu quyết với tỷ số 154/75 đồng ý sẽ cắt hết viện trợ quân sự cho Việt Nam ngay sau khi đạt được thỏa hiệp rút quân và mang tù binh Mỹ về.  Ngày 4-1-1973, một ngày sau khi Quốc Hội tái nhóm, Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy đề nghị một nghị quyết tương tự cho khối Dân Chủ tại Thượng Viện và nghị quyết được thông qua với tỷ số 36/12.  Trước tình hình như vậy, cả Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger đều thấy cần phải tiến hành ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt ngay trước khi việc ủng hộ VNCH tại Quốc Hội tan thành mây khói.
Nhằm chuẩn bị cho việc tái nhóm của Hòa đàm Paris vào ngày 8-1-1973, ngày 5-1-1973, Nixon lại gửi thêm một thư nữa cho Tổng Thống Thiệu với lời hứa sẽ đặt lại vấn đề rút quân của Bắc Việt nhưng ông tin là Bắc Việt cũng sẽ lại bác bỏ nữa, và ông cũng hứa là, nếu VNCH đồng ý ký kết thỏa hiệp thì sau này nếu Bắc Việt vi phạm thỏa hiệp, ông sẽ trả đũa quyết liệt với tất cả sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.  Nguyên văn Anh ngữ trong văn thư như sau: “With respect to the question of North Vietnamese troops, we will again present your views to the Communists as we have done vigorously at every other opportunity in the negotiations.  The result is certain to be once more the rejection of our position… Should you decide, as I trust you will, to go with us, you have my assurance of continued assistance in the post-settlement period and that we will respond with full force should the settlement be violated by North Vietnam.” 70 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Về vấn đề quân Bắc Việt, chúng tôi sẽ lại trình bày quan điểm của Ngài cho phe Cộng Sản như chúng tôi đã từng làm một cách mạnh mẽ mỗi khi có cơ hội tại hòa đàm.  Kết quả chắc chắn là họ sẽ lại bác bỏ lập trường này của chúng ta nữa… Nếu như Ngài quyết định, như tôi tin là Ngài sẽ làm, đi cùng chúng tôi, Ngài sẽ có được sự bảo đảm của tôi về vấn đề tiếp tục viện trợ sau khi ký kết, và, nếu Bắc Việt vi phạm ký kết này, chúng tôi sẽ trả đũa với tất cả sức mạnh”). Nhận được thư này, Tổng Thống Thiệu trả lời ngay bằng văn thư đề ngày 7-1-1973, giữ nguyên lập trường của mình trong văn thư ngày 20-12-1972, và nhấn mạnh rằng những điều kiện đó là những vấn đề sống chết của Miền Nam.
 
Ngày 8-1-1973, Hòa đàm Paris tái nhóm.  Ngày đầu tiên không có kết quả gì cả.  Ngày thứ nhì, 9-1-1973, hai bên đồng ý sử dụng bản dự thảo của ngày 23-12-1972 làm căn bản để thảo luận thêm một số chi tiết.  Vấn đề rút quân của Bắc Việt hoàn toàn bị loại bỏ, không được đề cập đến nữa.  Chỉ có 2 vấn đề chính sau đây được thảo luận và đi tới đồng thuận: 1) vấn đề Vùng Phi Quân Sự hai bên vĩ tuyến thứ 17 (VPQS, DMZ = Demilitarized Zone); và 2) vấn đề CPCMLTCHMNVN.  Về vấn đề VPQS, Bắc Việt đồng ý chấp nhận công thức mà Kissinger đã đề nghị vào tháng 12-1972: hai miền Nam Bắc tiếp tục tôn trọng VPQS nhưng sẽ tiến hành thương thuyết về việc cho phép những di chuyển dân sự xuyên qua VPQS.  Về vấn đề CPCMLTCHMNVN, để thỏa mãn đòi hỏi của VNCH, được giải quyết bằng hai cách: 1) Danh xưng CPCMLTCHMNVN chỉ được ghi trong phần mở đầu (preamble), hoàn toàn không có ghi trong phần chính của bản thỏa hiệp; 2) Trong phần chữ ký, phe Cộng sản, tức Bắc Việt và CPCMLTCHMNVN sẽ ký chung trong một trang, và phe Tự Do, tức Hoa Kỳ và VNCH, sẽ ký chung trong một trang khác.  Ngày 13-1-1973, hai bên hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi điều khoản trong bản thỏa hiệp cũng như thủ tục ký kết bản thỏa hiệp. 
 
Ngày 14-1-1973, Tổng Thống Nixon gửi thêm một văn thư nữa cho Tổng Thống Thiệu và lần này cũng lại do chính Tướng Haig mang sang.  Trong thư, Nixon nói rõ ông đã quyết định sẽ ký bản thỏa hiệp vào ngày 27-1-1973, và, nếu cần, Hoa Kỳ sẽ ký một mình; trong trường hợp này ông sẽ công khai tuyên bố là Chinh phủ VNCH đã cản trở hòa bình; và, để phía VNCH dễ dàng chấp nhận cùng ký vào bản thỏa hiệp, ông cũng lại hứa, sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, và, nếu, Bắc Việt vi phạm thỏa hiệp, ông sẽ trả đũa mạnh mẽ.  Nguyên văn Anh ngữ trong văn thư như sau: “I have therefore irrevocably decided to proceed to initial the Agreement on January 23, 1973 and to sign it on January 27 in Paris.  I will do so, if necessary, alone.  In that case I shall have to explain publicly that your Government obstructs peace.” 71 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Do đó tôi đã dứt khoát quyết định tiến hành ký tắt bản Thỏa Hiệp vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1973 và ký chính thức vào ngày 27 Tháng Giêng tại Paris.  Nếu cần, tôi sẽ làm điều đó một mình.  Trong trường hợp đó, tôi sẽ phải giải thích một cách công khai là Chính phủ của Ngài cản trở hòa bình”).  Tổng Thống Thiệu vẫn không chịu nhượng bộ ngay; ông lại gửi thêm một văn thư nữa cho Tổng Thống Nixon đề ngày 17-1-1973, yêu cầu điều chỉnh lại các điều khoản về VPQS, về vấn đề quân Bắc Việt tại Miền Nam, và về vai trò của ủy hội kiểm soát đình chiến.  Lần này Tổng Thống Nixon không nhượng bộ nữa, ông trả lời ngay cùng ngày, nhắc lại tất cả các điểm trong văn thư ngày 14-1, và yêu cầu Tổng Thống Thiệu trả lời văn thư này chậm nhứt là vào sáng ngày 20-1-1973 (ngày ông sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2).  Tổng Thống Thiệu vẫn chưa chịu chấp nhận, lại gửi thêm một văn thư nữa đề ngày 20-1-1973 trong đó ông đề nghị một vài phương cách để giải quyết vấn đề quân Bắc Việt tại Miền Nam.  Ngày hôm sau, 21-1-1973, Tổng Thống Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu một công điện trong đó ông nói rõ là không còn thời gian để cứu xét bất cứ đề nghị nào của VNCH nữa hết, và yêu cầu Tổng Thống Thiệu, nếu đồng ý cùng ký kết với Hoa Kỳ, phải trả lời trước 12 giờ trưa, ngày 21-1-1973, giờ Washington, Hoa Kỳ, tức là vào sáng sớm ngày 22-1-1973, giờ Sài Gòn, Việt Nam.72  Lần này thì Tổng Thống Thiệu đã hiểu quá rõ là ông không còn có cách nào khác hơn là phải đồng ý ký vào Thỏa Hiệp Paris mà thôi, nghĩa là ông phải làm cái chuyện mà ông đã không muốn làm trước đây, khi ông nói với Tướng Haig vào ngày 19-12-1972 sau khi đọc xong thư của Tổng Thống Nixon đề ngày 17-12-1972 là các ông muốn tôi ký thỏa hiệp không phải vì hòa bình mà chỉ là để tiếp tục nhận được viện trợ của Hoa Kỳ Trong cuốn hồi ký của mình, Tổng Thống Nixon đã ghi lại rõ chuyện này như sau: “After Thieu had read the letter through twice, he looked up and said that it was obvious that he was not being asked to sign an agreement for peace but rather an agreement for continued American support.  Haig replied that as a soldier and as someone completely familiar with Communist treachery, he agreed with Thieu’s assessment.” 73 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau khi đọc hết bức thư hai lần, ông Thiệu ngước lên và nói [với Tướng Haig] là rõ ràng ông ta được yêu cầu ký một bản thỏa hiệp không phải vì hòa bình mà đúng ra là một thỏa hiệp để tiếp tục được Hoa Kỳ viện trợ.  Haig trả lời rằng với tư cách một quân nhân và một người hoàn toàn quen thuộc với sự dối trá của Cộng sản ông đồng ý với đánh giá của ông Thiệu”).
 
Kết luận cho mục Hòa đàm Paris:  Tuy thất bại, không đạt được mục tiêu của Hòa Ðàm là buộc Bắc Việt phải rút quân, nhưng Tổng Thống Thiệu đã cố gắng làm hết mọi cách trong bối cảnh cực kỳ khó khăn đó để bảo vệ quyền lợi của VNCH.  Ðiểm C.   
 
 
Trong Lãnh Vực Quân Sự
 
          Có thể nói QLVNCH đã trưởng thành vượt bậc trong thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.  Khi được thành lập vào năm 1950, với quân số chỉ vào khoảng 60.000, lực lượng này mang tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam.  Trong thời gian Ðệ Nhứt Cộng Hòa (1955-1963), lực lượng được cải danh thành Quân Ðội VNCH.  Từ 1965 trở đi chính thức mang tên QLVNCH, và vào năm 1970, với sự trợ giúp rất tích cực của Hoa Kỳ, có một quân số lên đến trên 1 triệu người, với đầy đủ tất cả các quân binh chủng trang bị rất tối tân, gần như rập khuôn theo quân đội Mỹ, để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lăng do Bắc Việt phát động với viện trợ quân sự rất lớn lao của khối Cộng Sản mà quan trọng nhứt là từ Liên Xô và Trung Cộng.  QLVNCH trở thành một niềm tự hào của Miền Nam nhưng cũng trở thành một con dao hai lưỡi cho sự an nguy của Miền Nam.  Nó đã có thể giúp VNCH đương đầu một cách hiệu quả với những sư đoàn tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại của phe Cộng sản từ Miền Bắc xâm nhập vào trong hai cuộc Tổng Tấn Công vào năm 1968 và 1972, nhưng cũng chính vì không còn nhận được đầy đủ quân viện để chi cho hoạt động của nó mà Miền Nam đã sụp đổ một cách thảm hại trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ có 44 ngày.  
 
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị Tổng Thống hội đủ điều kiện nhứt để đảm nhận vai trò hiến-định Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH (Ðiều 60, Hiến Pháp 1967), với những lý do sau đây:
 
  • Ông là một Tướng lãnh cao cấp của QLVNCH, mang cấp bậc Trung Tướng 3 sao
  • So với phần đông các tướng lãnh cùng thời, không những ông có thâm niên hơn họ (ngay cả đối với Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, thăng cấp Thiếu Tướng ngày 3-3-1964, trong khi ông Thiệu đã thăng cấp Thiếu Tướng từ ngày 2-11-1963), mà, trong một số trường hợp, ông còn từng là cấp chỉ huy trực tiếp của họ (như các vị Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Nguyễn Bảo Trị, và Vĩnh Lộc)
  • Ông đã từng chỉ huy các đơn vị quân đội ở nhiều cấp, kể cả Tư Lệnh Sư Ðoàn và Tư Lệnh Quân Ðoàn
 
Người viết sẽ trình bày những nhận định và đánh giá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về phương diện quân sự trong khía cạnh điều hành cuộc chiến tranh, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn cuối 1974 và đầu 1975.   
           
            Từ năm 1969 trở đi, Tổng Thống Thiệu, lấy tư cách Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH theo Hiến Pháp, nắm hết quyền hành về quân sự, ra lệnh trực tiếp cho các vị tư lệnh của các quân đoàn và các đại đơn vị, không thông qua Bộ Tổng Tham Mưu nữa.74 Do đó người viết nghĩ rằng ông phải chịu một phần rất lớn trách nhiệm về sự thất bại và sụp đổ về quân sự của VNCH vào năm 1975.
 
            Trước hết, để có thể hiểu rõ động cơ của Tổng Thống Thiệu trong những quyết định quan trọng về mặt quân sự trong thời gian cuối 1974 và đầu 1975 đưa đến sự thất trận của Miền Nam, chúng ta phải tìm hiểu rõ bản chất của cuộc chiến, giới hạn của nó, và chiến lược mà VNCH sử dụng để đối phó với cuộc chiến.
 
            Về bản chất, đối với VNCH, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH, tức Bắc Việt) là nước gây chiến.  VNCH, tức Nam Việt Nam, là nạn nhân với lãnh thổ bị xâm phạm.  Như vậy cuộc chiến tranh này, đối với VNCH, là một cuộc chiến tranh tự vệ.  Hoa Kỳ và các nước Ðồng Minh (Ðại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan) mang quân sang Việt Nam tham chiến là để bảo vệ VNCH chống lại việc xâm lược của VNDCCH.  Về giới hạn của cuộc chiến, để tránh mở rộng cuộc chiến và tạo ra cái cớ chính đáng cho Trung Cộng có thể mang quân vào Bắc Việt (như trong Chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950), Hoa Kỳ đã không ủng hộ chủ trương Bắc Tiến của VNCH.  Do đó, về chiến lược, trong suốt thời gian gần 20 năm của cuộc chiến, VNCH luôn luôn ở vào thế thụ động với chiến lược tổng quát là phòng ngự.  QLVNCH phải dàn trải ra khắp nơi, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, để bảo vệ lãnh thổ.  Toàn bộ lãnh thổ VNCH được chia thành 4 Quân Khu:
 
  • Quân Khu I: gồm 5 tỉnh ở cực Bắc là Quảng Trị, Thừa Thiên (gồm cả Huế), Quảng Nam (gồm cả Ðặc Khu Ðà Nẵng), Quảng Tín, và Quảng Ngải, do Quân Ðoàn I phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 3 Sư Ðoàn BB (Bộ Binh) là các Sư Ðoàn 1, 2, 3, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu (mỗi tỉnh là một Tiểu Khu)
  • Quân Khu II: gồm 7 tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức, và 5 tỉnh duyên hải là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, do Quân Ðoàn II phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 2 Sư Ðoàn BB 22 và 23, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
  • Quân Khu III: gồm 11 tỉnh của Miền Ðông Nam Phần là Phước Long, Bình Long, Phước Tuy, Bình Tuy, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Biên Hòa, Gia Ðịnh, và Ðặc Khu Vũng Tàu, do Quân Ðoàn III phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 5, 18, 25, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
  • Quân Khu IV: gồm 16 tỉnh của Miền Tây Nam Phần là Gò Công, Kiến Tường, Ðịnh Tường, Kiến Hòa, Kiến Phong, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Châu Ðốc, An Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang, Chương Thiện, Bạc Liệu, An Xuyên, do Quân Ðoàn IV phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 7, 9, 21, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
 
Ngoài các đơn vị cố định chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ kể trên, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH còn thành lập một số đơn vị cơ động gọi là Lực Lượng Tổng Trừ Bị có thể được điều động đi khắp nơi khi cần.  Ðó là Sư Ðoàn Nhảy Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, 5 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.
 
Ngoài quân chủng Lục Quân với các binh chủng và đơn vị kể trên, cùng với các binh chủng khác như Thiết Giáp, Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh, vv, QLVNCH còn có 2 quân chủng nữa là Không Quân và Hải Quân cũng đã phát triển rất nhanh và trở thành những lực lượng rất hiện đại với đầy đủ tất cả các loại phi cơ và tàu chiến.  Không Quân có tất cả 6 Sư Ðoàn rải ra trên khắp lãnh thổ của VNCH như sau:
 
  • Sư Ðoàn 1: đóng tại Ðà Nẵng
  • Sư Ðoàn 2: đóng tại Nha Trang
  • Sư Ðoàn 3: đóng tại Biên Hòa
  • Sư Ðoàn 4: đóng tại Cần Thơ
  • Sư Ðoàn 5: đóng tại Sài Gòn
  • Sư Ðoàn 6: đóng tại Pleiku
 
Hải Quân cũng có các hạm đội và giang đoàn khắp nơi và tại mỗi Quân Khu đều có một Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng đứng đầu là một vị Phó Ðề Ðốc (tướng một sao; tương đương với cấp Chuẩn Tướng bên Lục Quân và Không Quân).
 
            VNCH hoàn toàn không có khả năng kinh tế để nuôi dưỡng và duy trì một quân lực hùng hậu và hiện đại như vậy nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ.
 
            Vào đầu năm 1975, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ không phê chuẩn Hiệp Ðịnh Paris, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua War Powers Act vào ngày 7-11-1973 giới hạn tối đa quyền của Tổng Thống gửi quân ra nước ngoài, và Tổng Thống Nixon phải từ chức vào ngày 9-8-1974 vì vụ Watergate, và được thay thế bởi ông Gerald Ford, Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ không hề được dân bầu vào chức vụ đó, Tổng Thống Thiệu chắc chắn phải suy nghĩ là ông không còn có thể trông đợi vào viện trợ đầy đủ về quân sự của Hoa Kỳ cho cuộc chiến tranh với một Quốc Hội hoàn toàn do phe phản chiến và chống VNCH chiếm đa số, và vào việc Hoa Kỳ sẽ trả đũa trong trường hợp Bắc Việt vi phạm Hiệp Ðịnh Paris với vị Tổng Thống mới hoàn toàn yếu thế đối với Quốc Hội vì không được nhân dân Hoa Kỳ bầu ra.  Một số sự việc quan trọng sau đây đã khiến cho ông khẳng định là ông đã nghĩ đúng.  Việc thứ nhứt là Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt giảm nghiêm trọng quân viện cho VNCH.  Năm 1973, con số này là 2,8 tỷ đô la; năm 1974 cắt xuống còn 1 tỷ, và 3 ngày sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, vào ngày 11-8-1974, Quốc Hội cắt thêm 300 triệu nữa chỉ còn lại 700 triệu đô la mà thôi.75  Việc thứ nhì là Hoa Kỳ đã hoàn toàn không có phản ứng gì cả sau khi xảy ra vụ phe Cộng sản vi phạm nghiêm trọng Hiệp Ðịnh Paris trong vụ tấn công tỉnh Phước Long từ giữa tháng 12-1974 và chiếm được tỉnh này vào ngày 6-1-1975.   Việc thứ ba là: “Một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố Ban-Mê-Thuột mất, hạ viện Mỹ đã biểu quyết cắt hoàn toàn 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH mà trước đây Tổng Thống Ford đã cố gắng đệ trình Quốc Hội.” 76  Và chính cái suy nghĩ đó đã thúc đẩy ông tin rằng VNCH không còn có đủ khả năng và phương tiện để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của mình nữa.  Ngày 11-3-1975, một ngày sau khi Ban Mê Thuột lọt vào tay quân Cộng sản, ông triệu tập một cuộc họp rất quan trọng tại Dinh Ðộc Lập.  Hiện diện tại cuộc họp này với Tổng Thống Thiệu là Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính phủ, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống.  Chính trong cuộc họp này, lần đầu tiên, Tổng Thống Thiệu trình bày ý tưởng của ông là QLVNCH chỉ còn có thể giữ được hai Vùng 3 và 4 mà thôi, có nghĩa là phải cắt bỏ 2 Vùng 1 và 2 ở phía Bắc của lãnh thổ VNCH cho phía Cộng sản.  Ðây là một việc mà, theo đánh giá của người viết bài này, Tổng Thống Thiệu đã làm không đúng hoàn toàn.  Lẽ ra ông phải trình bày chuyện hết sức quan trọng này tại một phiên họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia thì mới đúng.  Ba ngày sau, vào ngày 14-3-1975, cũng cùng với các vị tướng kể trên, Tổng Thống Thiệu lại có một cuộc họp quan trọng khác tại Cam Ranh, lần này là với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Vùng 2.  Chính tại cuộc họp định mệnh này mà Tổng Thống Thiệu, với tư cách Tổng Thống và đương nhiên là Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, đã biến suy nghĩ của ông thành hành động, trực tiếp ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ Pleiku-Kontum.  Dù cho ông, trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sau này, có biện minh rằng: “Tôi ra lệnh tái phối trí tức là rút quân khỏi Pleiku và Kontum để tái chiếm Ban Mê Thuột, chứ không phải rút lui hoàn toàn khỏi Quân đoàn II,” 77 và dù cho lời biện minh này có đúng đi nữa thì sự thật lịch sử vẫn là chính ông đã ra lệnh cho Tướng Phú triệt thoái khỏi Pleiku, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Quân đoàn II.  Ngoài ra, cũng trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Hưng, ông còn nói thêm rằng: “Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột; và thứ hai, Bộ Tổng Tham Mưu ‘theo dõi và giám sát’ (suivre et surveiller) cuộc triệt thoái này.” 78 Về cái lệnh thứ hai này thì Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng cho biết là không có.  Cho dù là có thật đi nữa, Tướng Viên cũng sẽ không tích cực thi hành, vì, trên thực tế, ông đã không còn làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng của ông từ bao nhiêu năm trước đó rồi vì không đồng ý với cách làm việc của Tổng Thống Thiệu là luôn luôn ra lệnh trực tiếp cho các Tư Lệnh Quân Ðoàn, không qua hệ thống của Bộ Tổng Tham Mưu.  Trên thực tế, ông đã nhiều lần xin từ chức nhưng không được Tổng Thống Thiệu chấp thuận.  Phản ứng của ông là không tích cực làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng nữa.   Trở lại vấn đề cái lệnh thứ hai này, chúng ta có cơ sở để tin là Tướng Viên đã không nói hết sự thật.  Trong cuốn hồi ký Ðôi dòng ghi nhớ của ông, Ðại Tá Phạm Bá Hoa (nguyên Chánh Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng, 1965-1966), có thuật lại là vào buổi trưa ngày 15-3-1975, Ðại Tướng Viên có điện thoại cho ông, lúc đó dang giữ chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận của Bộ Tổng Tham Mưu, và ra lệnh cho ông điều động tất cả các phi cơ vận tải C-130 có thể sử dụng được lên cho Quân đoàn II, nhưng không cho biết để dùng trong việc gì và cũng ra lệnh cho ông phải bảo mật chuyện đó.79  Qua chuyện này, chúng ta có thể tin rằng Tổng Thống Thiệu có ra cái lệnh thứ hai này, vì nếu không thì, với thái độ tiêu cực trong nhiệm vụ của ông từ bao năm trước đó, chắc chắn Tướng Viên đã không có điện thoại cho Ðại Tá Hoa như vậy.  Và Tướng Viên cũng chỉ có hành động như vậy thôi, hoàn toàn đúng với cách làm việc tiêu cực của ông.
 
            Trở lại cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum, người viết thấy có rất nhiều điều cần phải được phân tích để có thể hiểu rõ và đánh giá Tổng Thống Thiệu: bối cảnh và thời điểm lệnh được ban hành, tính chất của lệnh, nội dung của lệnh, tính khả thi của lệnh, cách thi hành lệnh, và hậu quả của lệnh.
 
Bối Cảnh và Thời Ðiểm Của Lệnh
 
            Về bối cảnh và thời điểm, Tổng Thống Thiệu trực tiếp ra lệnh này cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II, tại cuộc họp ở Cam Ranh, vào ngày 14-3-1975.  Tại thời điểm này, VNCH đang ở vào giai đoạn khó khăn nhứt trong suốt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 20 năm: mức quân viện từ Hoa Kỳ bị cắt giảm nặng nề, và có thể sẽ không còn nữa trong tài khóa 1976, đưa QLVNCH đến chổ không còn khả năng tác chiến hiệu quả như trước nữa; không còn lực lượng tổng trừ bị để bổ sung cho các mặt trận cần đến vì đã được điều động đi khắp nơi hết rồi; hai tỉnh Phước Long và Ban Mê Thuột đã bị quân Cộng sản chiếm mà QLVNCH không có khả năng đánh chiếm lại được.  Và trước tình hình như vậy, vị Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã có ý quyết định phải cắt bỏ 2 Quân Khu I và II, chỉ giữ lại 2 Quân Khu III và IV mà thôi.  Khi ra cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum cho Tướng Phú, Tổng Thống Thiệu lần đầu tiên chính thức thực hiện cái quyết định cắt bỏ lãnh thổ đó.  Tuy đã có họp với các tướng lãnh cao cấp vào ngày 11-3-1975, như chúng ta đã thấy trong phần trên, nhưng Tổng Thống Thiệu phải một mình chịu trách nhiệm về quyết định này vì đây là ý nghĩ của ông và 3 vị tướng kia hoàn toàn không có đóng góp gì cả trong cuộc họp; họ gần như chỉ đóng vai trò làm nhân chứng mà thôi.  Trong cuộc họp tại Cam Ranh ngày 14-3-1975 thì cũng vậy, không có một vị tướng nào có một lời phản biện nào cả.  Tướng Phú là người mang cấp bậc thấp nhứt tại cuộc họp nên lại càng không có ý kiến gì cả vì ông đã thấy rõ là Tổng Thống đã quyết định như vậy với sự đồng thuận của 3 vị tướng lãnh cao cấp kia.  Thật là một điều hết sức đáng tiếc về cuộc họp này cho một quyết định vô cùng quan trọng về quân sự và chính trị của VNCH.
 
Tính Chất Của Lệnh
 
            Về tính chất của lệnh thì đây là một lệnh tối mật, chỉ có các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được biết mà thôi, ngay cả các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu cũng không được thông báo.  Trong cuốn hồi ký của ông, Ðại Tá Hoa còn cho biết thêm là khi ông liên lạc với Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II, để thông báo về việc ông điều động phi cơ vận tải C-130 lên Pleiku cho Quân Ðoàn II, thì Ðại Tá Lý cũng không cho ông biết sử dụng các phi cơ đó trong việc gì.80 Các giới chức Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng hoàn toàn không được thông báo gì hết về lệnh này.  Tác giả Ðỗ Sơn, trong tác phẩm Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II, đã có ghi lại cuộc phỏng vấn của ông với Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất về cuộc triệt thoái này.  Khi được hỏi về việc Tướng Phú đã truyền đạt lại lệnh của Tổng Thống Thiệu như thế nào tại cuộc họp của Quân Ðòan II vào buổi chiều ngày 14-3-1975 thì Tướng Tất đã trả lời như sau: “Lệnh Tống Thống là giữ bí mật tuyệt đối, chỉ rút quân chủ lực, còn bỏ lại tất cả.  Có nghĩa là bỏ Tiểu Khu, bỏ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, và dân chúng.  Có người đã hỏi tại sao vậy? Tướng Phú trả lời: Tổng Thống đã có nói nếu họ muốn theo thì họ sẽ biết cách đi theo, các anh không phải lo.  Phải rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ.” 81Tính chất tối mật nàykhông giữ được lâu vì trên thực tế không thể nàocó thể giữ đượcbí mật việc di chuyển của cả một Quân Ðoàn.  Cuốn hồi ký của Ðại Tá Hoa cho biết khi phi cơ C-130, mà ông điều động lên Pleiku vào sáng ngày 16-3-1975, đến phi trường Cù Hanh (Pleiku) đã “không thể nào đáp xuống phi trường được, vì người ta đông không thể tưởng tượng nổi.” 82
 
Nội Dung Của Lệnh
 
            Về mặt nội dung, lệnh của Tổng Thống Thiệu gồm 2 phần: 1) Bỏ Pleiku-Kontum, rút toàn bộ quân chủ lực của Quân Ðoàn II về vùng duyên hải; và 2) Tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột.   Quân Ðoàn II chỉ thực hiện được phần 1 của lệnh này; phần 2 của lệnh này không bao giờ được thực hiện vì, trên thực tế, sau cuộc triệt thoái, Quân Ðoàn II không còn hiện hữu nữa.  Lệnh của Tổng Thống Thiệu, như đã nói ở trên, là: “rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ,” nhưng hoàn toàn không có nói gì hết về khung thời gian, như vậy có thể được xem như giao toàn quyền cho Tướng Phú quyết định về khía cạnh này.  Và Tướng Phú, trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II của ông vào đêm 14-3-1975, đã quyết định bắt đầu ngay cuộc triệt thoái vào sáng ngày 16-2-1975, nghĩa là chỉ sau có 1 ngày chuẩn bị (15-3-1975) mà thôi, nghĩa là, trên thực tế, có thể xem như là không có chuẩn bị gì cảmột điều gần như không có thể nào tưởng tượng được cho một cuộc hành quân ở cấp quân đoàn.  Một điều cũng không bình thường là ngay cả lệnh hành quân trên giấy tờ mà lẽ ra Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn phải gửi cho các đơn vị trực thuộc Quân Ðoàn cũng không có luôn.
 
Tính Khả Thi Của Lệnh
 
            Về tính khả thi của lệnh này, được Tổng Thống Thiệu đưa ra trong một bối cảnh chính trị – quân sự hết sức nghiêm trọng, có rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét và đánh giá một cách đầy đủ và khách quan.  Trước hết là cái cách thức ra lệnh của Tổng Thống Thiệu: khi ông cảm thấy không thuyết phục được Tướng Phú về chủ trương rút bỏ Vùng II của ông (vì Tướng Phú xin được cùng toàn quân ở lại tử thủ), ông đã sử dụng đến cả hạ sách là hăm dọa cách chức và bỏ tù Tướng Phú.83 Như người viết đã trình bày bên trên, lệnh triệt thoái này gồm 2 phần: 1) rút lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II ra khỏi Pleiku-Kontum, và 2) tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột.  Như vậy, phần 2 chính là mục tiêu để biện minh cho Phần 1 chỉ là phương tiện.  Lý luận này hoàn toàn không có cơ sở vững chắc.  Ban Mê Thuột đã mất và Quân Ðoàn II, với lực lượng sẵn có (và sẽ không có thêm bất cứ lực lượng Tổng Trừ Bị nào được tăng viện nữa cả), đã không thể phản công tái chiếm, thì làm thế nào, cũng với lực lượng đó (chắc chắn sẽ bị giảm thiểu rất nhiều sau cuộc triệt thoái) lại có thể phản công chiếm lại được Ban Mê Thuột.  Ðó là mới chỉ xét sự việc thuần túy về mặt lực lượng mà thôi.  Còn về mặt tinh thần chiến đấu của binh sĩ thì sao ?  Chắc chắn sẽ bị sút giảm trầm trọng sau khi QLVNCH đã thua 2 trận lớn, đã mất luôn 2 tỉnh và cả một Quân Ðoàn phải rút lui.  Tổng Thống Thiệu có thể đã nghĩ rằng rút bỏ Pleiku-Kontum thì Quân Ðoàn II sẽ không còn phải trải quân bảo vệ các vùng đó nữa, vậy có thể tập trung nhiều quân hơn để tấn công Ban Mê Thuột.  Nếu quả thật ông đã suy nghĩ như vậy thì ông đã quên là Bắc Việt cũng sẽ không cần các sư đoàn của họ bao vây Pleiku và Kontum nữa, mà sẽ tập trung chúng lại để bảo vệ Ban Mê Thuột.  Ngoài ra, về phương diện tinh thần binh sĩ, thì quân Bắc Việt chắc chắn sẽ cao hơn tinh thần của binh sĩ QLVNCH rất nhiều vì họ đang liên tiếp chiến thắng và đã khiến cho QLVNCH phải triệt thoái cả một Quân Ðoàn, một điều chưa từng xảy ra trong suốt cuộc chiến tranh gần 20 năm.  Chuyện phản công tái chiếm Ban Mê Thuột, mục tiêu của lệnh triệt thoái này, rõ ràng là một chuyện không tưởng.  Câu hỏi cần có lời giải đáp là có thể nào Tổng Thống Thiệu là một vị tướng lãnh cao cấp, có nhiều kinh nghiệm, và là một người luôn luôn làm việc có tính toán cẩn thận, lại có thể suy nghĩ nông nổi như vậy hay không?  Câu trả lời của người viết bài này là: KHÔNG.  Tổng Thống Thiệu chỉ dùng nó làm cái cớ để thực hiện việc cắt bỏ Vùng II mà ông đã quyết định tại cuộc họp ngày 11-3-1975 tại Dinh Ðộc Lập với các Tướng Khiêm, Viên và Quang. Suy nghĩ thêm một chút nữa chúng ta cũng thấy rằng ông không đề cập gì cả đến chuyện tái chiếm Pleiku- Kontum, nghĩa là nếu có phản công thì chỉ là để chiếm lại Ban Mê Thuột mà thôi, không phải để chiếm lại Vùng II.  Tóm lại mức độ khả thi của lệnh này là rất đáng nghi ngờ.
 
Cách Thi Hành Lệnh
 
            Về cách thức thực hiện lệnh này thì có thể tóm tắt trong một câu: không được chuẩn bị chu đáo, nếu không muốn nói là không có chuẩn bị gì cả.  Ðây là một lỗi lầm lớn, rất lớn của Tướng Phú.  Dù cho lệnh của Tổng Thống Thiệu là phải thực hiện cho nhanh, ông cũng không thể và không nên thực hiện quá nhanh như vậy.  Chắc chắn ông phải biết rằng dân chúng trong Vùng II, đặc biệt là tại Pleiku, nơi đóng Bộ Tư Lệnh của Quân Ðoàn II, sẽ biết về việc triệt thoái này, và họ sẽ đi theo.  Như vậy, ông không thể chỉ quan tâm đến khía cạnh quân lính và quân trang, quân dụng mà phải tính trước cả yếu tố dân chúng, mà là dân chúng bị hoảng hốt, kinh hoàng trước việc lui binh vĩ đại, vô tiền khoáng hậu này.  Ngoài ra, một số việc làm của Tướng Phú trong thời gian này cũng cần phải được đánh giá.  Việc thứ nhứt là việc ông đòi hỏi, gần như là một điều kiện để đánh đổi cho việc ông phải thi hành cái lệnh vô cùng khó khăn này, Tổng Thống Thiệu phải đồng ý thăng cấp Chuẩn Tướng cho Ðại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Vùng II.  Tình hình quân sự lúc bấy giờ hoàn toàn không phù hợp cho việc thăng cấp trong quân đội; QLVNCH đang thua trận nặng nề chứ có phải đang chiến thắng oanh liệt gì đâu.  Thứ hai, chỉ thăng cấp cho 1 vị đại tá là ông Tất mà thôi (với lý do gì cũng không thấy nói rõ, nhưng chắc chắn không phải do hành động gì phi thường tại mặt trận lúc bấy giờ) làm sao không tạo ra sự dèm pha (ông Tất là bạn thân của ông Phú từ nhiều năm) và bất mãn của các vị đại tá khác trong Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, trong lúc đang cần sự đồng thuận và cộng tác tích cực giữa các sĩ quan cao cấp của Quân Ðoàn trong cuộc hành quân hết sức quan trọng này.  Việc thứ ba là Tướng Phú gần như không có mặt trong cuộc triệt thoái này.  Sáng ngày 15-3, ông và một số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông bay về Nha Trang với lý do là để thiết lập bản doanh mới cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn.  Cũng trong ngày 15-3 này, Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ Tá Hành Quân của Tướng Phú, bay về Tuy Hòa để chuẩn bị việc cơ sở cho việc tiếp đón đoàn quân triệt thoái.  Việc chỉ huy tổng quát cuộc triệt thoái này được ông giao cho Tướng Tất.84Ðây có thể là động cơ chính của Tướng Phú trong việc hết sức cố gắng xin Tổng Thống Thiệu thăng cấp Chuẩn Tướng cho bằng được cho Ðại Tá Tất.  Theo kế hoạch, chỉ có Sư Ðoàn 6 Không Quân sẽ tự lo liệu để di chuyển toàn bộ lực lượng về căn cứ không quân Phan Rang, tất cả các lực lượng còn lại của Quân Ðoàn II sẽ di chung với nhau, mỗi ngày sẽ có một đoàn 200-250 xe sẽ rời Pleiku với binh sĩ và chiến cụ.  Toàn bộ các lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II hiện diện trong vùng Pleiku-Kontum lúc đó gồm:
 
  • 1 tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44, Sư Ðoàn 23 Bộ Binh
  • 6 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân: 4, 7, 21, 22, 24 và 25
  • Thiết Ðoàn 21 Chiến Xa M.48 (thuộc Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh)
  • 2 tiểu đoàn pháo 155 ly Howitzer
  • 1 tiểu đoàn pháo 175 ly tầm xa   
  • Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu
  • Liên Ðoàn 231 Yểm Trợ Tiếp Vận
 
Theo kế hoạch mà Tướng Phú đã đề nghị tại cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14-3 và đã được Tổng Thống Thiệu và các tướng lãnh hiện diện đồng chấp thuận, Liên Tỉnh Lộ 7B (LTL-7B), con đường (tách ra từ Quốc Lộ 14 là quốc lộ nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột) từ Ngã Ba Mỹ Thạch đi về hướng Ðông Nam đến Tuy Hòa, đã được chọn để rút quân.  Lý do là vì cả 2 quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với duyên hải là Quốc Lộ 19 (nối liền Pleiku với Qui Nhơn) và Quốc Lộ 21 (nối liền Ban Mê Thuột với Ninh Hòa) đều đã bị các đơn vị quân Bắc Việt đóng chốt và cắt đứt.  LTL-7B là một con đường trải đá, dài 182 km, ít được sử dụng vì hư hại nhiều, gần như bỏ hoang, gồm 3 đoạn như sau:
 
  • từ ngã ba Mỹ Thạch đến Cheo Reo: 84 km, đường tốt
  • từ Cheo Reo đến Củng Sơn: 48 km, qua đèo Tuna (cách Cheo Reo khoảng 4 km về phía Nam, ngày nay gọi là đèo Tô Na), qua cầu Sông Ba (thời Pháp thuộc gọi là cầu Le Bac, sông Ba ở khúc này rất rộng nên cầu nầy dài đến 600 m nhưng đã bị sập từ lâu, và sau cùng phải qua cầu Cà Lúi (một sông nhánh của sông Ba) trước khi đến Củng Sơn
  • từ Củng Sơn đến Tuy Hòa: 50 km, đoạn đường này đã bị quân Đồng minh Ðại Hàn gài rất nhiều mìn trước năm 1973.
 
 Nói chung LTL-7B không phải là một trục lộ giao thông tốt cho cuộc rút quân, nhưng nó là con đường duy nhứt còn lại và có thể tạo ra yếu tố bất ngờ cần thiết cho cuộc rút quân.
 
Lịch trình rút quân được sắp xếp như sau:
 
  • Ngày 16-3: Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu đi tiền tiêu, mở đường và sửa chữa cầu đường nếu cần; Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân đi theo để yểm trợ cho Công Binh; cùng đi trong đợt đầu tiên này là một số đơn vị tiếp vận, quân cụ di chuyển trên khoảng 200 quân xa, cùng với một số đơn vị pháo binh, và một chi đoàn thiết giáp M-48 thuộc thiết đoàn 21 đi theo để bảo vệ đoàn xe  
  • Ngày 17-3: các đơn vị còn lại của tiếp vận, pháo binh, và quân y, di chuyển trên khoảng 250 quân xa, với một chi đoàn thiết giáp M-48 đi theo để bảo vệ đoàn xe
  • Ngày 18-3: các đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, một vài đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, các đơn vị Quân Cảnh, Tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44 của Sư Ðoàn 23, và một đơn vị thiết giáp đi theo bảo vệ đoàn xe cũng gồm khoảng 250 quân xa
  • Ngày 19-3: các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân còn lại và các đơn vị thiết giáp cuối cùng đi tập hậu để chận địch quân truy kích     
   
 
 
      Bản đồ Liên Tỉnh Lộ 7B                  
Bản đồ Liên Tỉnh Lộ 7B
 
 
Ngày đầu tiên của cuộc rút quân diễn ra suông sẻ, tốt đẹp, đúng kế hoạch vì dân chúng cũng như các đơn vị quân Bắc Việt chưa hay biết về cuộc triệt thoái.  Nhưng vào cuối ngày thì dân chúng Pleiku đã biết chuyện và họ lũ lượt kéo nhau chạy theo đoàn quân di tản.  Cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, Tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt cũng đã biết tin về cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II, và ông ra lệnh cho Tư Lệnh Sư Ðoàn 320 phải cấp tốc truy kích đoàn quân đang triệt thoái trên LTL-7B.
 
Ngày hôm sau, 17-3, dân chúng bắt đầu nhập vào đoàn quân triệt thoái bằng đủ tất cả những phương tiện di chuyển mà họ có, kể cả một số rất đông đi bộ, tất cả khiến cho đoàn quân không thể di chuyển nhanh được.  
 
 Cảnh đoàn quân triệt thoái trên LTL 7B
 
Một cảnh của đoàn quân triệt thoái trên LTL-7B
                       
Ngày 18-3, đoàn quân đến được Cheo Reo và ngừng lại vì Công Binh chưa làm kịp cầu bắc qua sông Ba ở phía Nam Cheo Reo.  Cũng trong ngày này, trước tình hình cuộc triệt thoái có vẻ thuận lợi với yếu tố bất ngờ, “tướng Phú thay đổi ý kiến.  Ông ra lệnh ngưng cuộc lui binh và thay vào đó là lệnh lập tuyến phòng thủ tại Hậu-Bổn.” 85 Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn II dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm đặt ngay tại một trường học trong thị trấn Hậu Bổn (Cheo Reo).  Nhưng ngay tối hôm đó, các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 của Bắc Việt đã bắt kịp đoàn quân triệt thoái tại Cheo Reo và bắt đầu tấn công bằng tất cả hỏa lực mà họ có, gây thiệt hại rất nặng cho đoàn quân triệt thoái và dân chúng đi theo, rất nhiều quân xa bốc cháy, nhiều trọng pháo và thiết giáp bị phá hủy, xe cộ và xác người ngổn ngang trên tỉnh lộ và trong thị trấn.  Liên Ðoàn 23 BÐQ được lệnh tiến chiếm đèo Ban Bleik ở phía tây Thị Trấn Cheo Reo để chặn dứng sức tấn công của quân Bắc Việt, kéo dài thời gian để giúp cho Công Binh có thể làm xong được cầu bắt qua sông Ba.   
 
Ngày 19-3, trận kịch chiến vẫn tiếp tục tại Cheo Reo giữa các liên đoàn BÐQ và các đơn vị của Sư Ðoàn 320 Bắc Việt đang truy kích.  Trong ngày này, một số đơn vị Ðịa Phương Quân người Thượng đã nổi loạn, bỏ hàng ngũ, cướp phá, gây hỗn loạn trong đoàn quân dân triệt thoái.  Trong lúc trận chiến đang diễn ra ác liệt, một phi tuần phản lực cơ A-37 của Không Quân VNCH lại oanh tạc lầm vào quân bạn, gây thiệt hại rất nặng cho một một tiểu đoàn của Liên Ðoàn 7 BÐQ, và làm cho tình hình trong đoàn quân triệt thoái càng thêm hỗn loạn; mệnh lệnh và kỷ luật gần như không còn nữa.  Một số cấp chỉ huy của các thiết đoàn cũng như của các tiểu đoàn BÐQ có nhiệm vụ yểm trợ đoàn quân triệt thoái không còn chỉ huy được các đơn vị của họ nữa.  Trước tình hình rối loạn, không còn kiểm soát được nữa tại Hậu Bổn, Tướng Phú lại một lần nữa thay đổi ý kiến, ra lệnh bỏ tuyến phòng thủ ở Hậu Bổn, và tiếp tục lui quân về Tuy Hòa.  Ông “… cho trực thăng tới bốc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn đưa về Tuy Hòa, riêng Tướng Cẩm là người ở lại sau cùng nên chính trực thăng của tôi [tôi = Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất) bốc ông.” 86 Kể từ lúc này trở đi, không còn một vị tướng lãnh nào trong đoàn quân triệt thoái nữa hết, việc chỉ huy thống nhứt hoàn toàn không còn nữa, đoàn quân như rắn mất đầu, binh sĩ cảm thấy bị bỏ rơi, các cấp chỉ huy và các đơn vị mạnh ai nấy lo.  Trong thời gian đó, Không Quân VNCH được lệnh ném bom phá hủy tất cả các chiến cụ nặng, không để chúng lọt vào tay địch quân.  Sáng ngày 20-3, đoàn quân triệt thoái cố gắng phá vòng vây của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 Bắc Việt, thoát ra khỏi Hậu Bổn để tiến về phía Củng Sơn, nhưng mới được khoảng nửa đường thì bị chận lại vì Phú Túc đã bị quân Cộng sản chiếm.  Liên Ðoàn 7 BÐQ được lệnh tiến lên, tấn công dũng mãnh và chiến thắng, chiếm lại được Phú Túc trong cùng ngày.  Ngày hôm sau, 21-3, đoàn quân tiếp tục tiến về Củng Sơn, mặc dù vẫn tiếp tục bị địch quân truy kích.  Trên đường đi, sau khi ra khỏi Phú Túc, tình hình mất kỷ luật bên trong đoàn quân triệt thoái càng lúc càng tệ hơn, binh sĩ nhiều đơn vị tranh nhau, kể cả bắn nhau, để vượt lên trước.  “… Súng bắt đầu nổ từ một phe, bạo lực lan nhanh như lửa cháy đồng, trong chốc lát nó bao trùm đoàn xe, súng nổ khắp nơi, người ta bắn để cướp đường giành đi trước…Bấy giờ súng không nổ phát một, ngưới ta bắn hàng tràng đại liên, không bắn chỉ thiên, mà bắn xả trên đầu… ” 87 Ðoàn xe sau cùng cũng đến được bờ sông Ba.  Lúc đó Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu vẫn làm chưa xong cầu.  Cầu phao đã được đưa từ Nha Trang lên Tuy Hòa nhưng sau đó không đưa được bằng đường bộ từ Tuy Hòa về Củng Sơn vì các chốt chận của quân Cộng sản.  Sau cùng Không Quân VNCH phải sử dụng đến các trực thăng khổng lồ Chinook CH-47 để dưa từng phần từ Tuy Hòa về Củng Sơn.88  Liên Ðoàn 6 BÐQ, tại phòng tuyến phía Tây Củng Sơn, đã chiến đấu rất ác liệt để chận đứng các cuộc tấn công của Trung Ðoàn 64 của Sư Ðoàn 320 Bằc Việt, nhằm giúp cho Công Binh hoàn thành cầu phao bắt ngang qua Sông Ba.  Ngày 22-3, cầu phao làm xong, đoàn xe bắt đầu vượt sông Ba.  Lúc bắt đầu vượt sông, vì tranh nhau qua cầu cho nhanh, một số xe tiến quá nhanh làm sập một đoạn cầu phao, gây thêm một số thương vong.  Công Binh đã nhanh chóng sửa chửa lại đoạn cầu bị sập và đoàn quân triệt thoái qua được sông Ba, sử dụng Tỉnh Lộ 436 để tiến về Tuy Hòa.   Các Tiểu Ðoàn 35 và 51, thuộc Liên Ðoàn 6 BÐQ, tiếp tục bám giữ phòng tuyến tại Củng Sơn để bảo vệ phía sau của đoàn quân.  Tiểu Ðoàn 34, thuộc Liên Ðoàn 7 BÐQ, tiến về phía trước, nhổ từng chốt chận của Cộng quân để giúp đoàn dân quân triệt thoái tiến về Tuy Hòa.  Ngày 27-3, vào lúc 9 giờ tối, những chiếc quân xa đầu tiên của đoàn quân triệt thoái về đến Tuy Hòa.                                  
 
Hậu Quả Của Lệnh
 
            Về mặt hậu quả, cuộc triệt thoái này là bước đầu của tiến trình sụp đổ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của VNCH: nếu tính từ ngày 16-3-1975, ngày khởi đầu của cuộc lui quân, cho đến ngày 30-4-1975, ngày Ðại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống cuối cùng của VNCH đầu hàng quân Bắc Việt tại Dinh Ðộc Lập, thời gian chỉ có 44 ngày. 
 
Hậu quả đầu tiên và trực tiếp của cuộc triệt thoái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của QLVNCH này là việc Quân Ðoàn II đã bị xóa sổ, và điều này có nghĩa là VNCH đã mất đi ¼ lực lượng quân sự trong vòng chỉ có hơn 10 ngày.   “Khoảng 60 ngàn quân chủ lực khi về đến Tuy Hòa chỉ còn lại khoảng 20 ngàn.  Năm liên đoàn BÐQ với quân số khoảng 7 ngàn chỉ còn lại 900 người.  Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh với hơn 100 thiết-xa các loại chỉ còn đúng 13 thiết-vận-xa M-113.” 89 Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, tổng kết thiệt hại của Quân Ðoàn II trong tác phẩm của ông viết bằng Anh ngữ, The Final collapse, như sau: “At least 75 percent of II Corps combat strength, to include the 23d Infantry Division as well as Ranger, armor, artillery, engineer, and signal units, had been tragically expended within ten days.” 90 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ít nhứt 75 phần trăm lực lượng chiến đấu của Quân Ðoàn II, bao gồm các đơn vị của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cũng như Biệt Ðộng Quân, thiết giáp, pháo binh, công binh, và truyền tin, đã bị tiêu diệt một cách bi thảm trong vòng mười ngày”).  Về phương diện lãnh thổ, Quân Ðoàn II đã mất gần hết các tỉnh thuộc vùng Cao Nguyên, đó là các tỉnh Pleiku, Kontum, Darlac, và Phú Bổn, với các tỉnh còn lại là Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và toàn bộ các tỉnh ở vùng Duyên Hải đang bị đe dọa rất nặng nề.
 
Các hậu quả dây chuyền tiếp theo là việc QLVNCH phải rút lui khỏi tất cả những vùng lãnh thổ của Quân Ðoàn I và II bị áp lực nặng nề của các sư đoàn quân Bắc Việt.  Trong thời gian này một số chỉ huy cao cấp của Quân Ðoàn II như Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh Tiền Phương, và Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng, đã bị địch quân bắt làm tù binh.  Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I phải rút bỏ Huế và Ðà Nẵng.  Lần lượt tất cả lãnh thổ của hai quân khu này đều lọt vào tay địch.  Quân Ðoàn III phải thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại Phan Rang, nhưng chẳng bao lâu, phòng tuyến này cũng tan vỡ vào ngày 15-4-1975, và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh, và Chuần Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân (từ Pleiku di chuyển về) cũng đã bị địch quân bắt làm tù binh.  Bắc Việt tập trung tất cả 5 sư đoàn tấn công Xuân Lộc nhưng bị Sư Ðoàn 18 của Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo chận đứng lại.  Phe Cộng sản quyết định bỏ Xuân Lộc tiến thẳng về Sài Gòn và VNCH đã đầu hàng vào trưa ngày 30-4-1975. 
 
Kết luận cho mục Quân Sự: Tuy có đầy đủ điều kiện để có thể đảm nhận vai trò Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, Tổng Thống Thiệu đã hoàn toàn sai lầm khi quyết định cắt bỏ Vùng II, đưa đến hậu quả vô cùng tai hại là sự sụp đổ quá nhanh chóng của VNCH vào ngày 30-4-1975.  Ðiểm F.
 
Trong Lãnh Vực Kinh Tế – Xã Hội
 
           Về phương diện kinh tế, trong khoảng thời gian 1965-1975, bề ngoài, VNCH có vẻ phát triển về mọi mặt.  Ðời sống của dân chúng đô thị có nhiều tiện nghi hơn (máy giặt, máy truyền hình, vv,); ở nông thôn, phương thức canh tác có nhiều cải tiến (sử dụng cơ giới, phân bón, thuốc trừ sâu, lúa Thần Nông, vv); hệ thống giao thông vận tải được cải thiện và phát triển rất mạnh (số xa lộ và phi trường được xây dựng thêm rất nhiều); một số kỹ nghệ mới hình thành, và vào những năm cuối có thêm triển vọng khai thác dầu hỏa ở thềm lục địa; và khu vực tam đẳng (dịch vụ) cũng phát triển rất mạnh. 
 
Sự thật thì nền kinh tế này hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ.  Sau đây là mức viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho VNCH trong thời gian 1965-1975: 91
 
  • 1965:    290,3 triệu MK
  • 1966:    793,9   -      -
  • 1967:    666,6   -      -
  • 1968:    651,1   -      -
  • 1969:    560,5   -      -
  • 1970:    655,4   -      -
  • 1971:    778,0   -      -
  • 1972:    587,7   -      -
  • 1973:    531,2   -      -
  • 1974:    657,4   -      -
  • 1975:    240.9   -      -
 
VNCH không phải là quốc gia duy nhứt nhận viện trợ Mỹ nhưng là quốc gia duy nhứt nhận viện trợ Mỹ trong tình trạng chiến tranh, và phải nói là chiến tranh rất ác liệt với mức độ tàn phá rất lớn.  Mặc dù có tiềm lực kinh tế khá tốt, và với viện trợ Mỹ lớn lao, VNCH là quốc gia duy nhất (trong nhóm 4 nước bị đe dọa quân sự từ bên ngoài nhận được viện trợ kinh tế lớn lao của Hoa Kỳ gồm Do Thái, Ðại Hàn, Ðài Loan, Việt Nam) đã phải đương đầu với quá nhiều khó khăn lớn lao do chiến tranh gây ra và vì vậy đã không thể thành công trong việc phát triển kinh tế.  Tuy nhiên, sự thất bại trong việc phát triển kinh tế tại VNCH không phải hoàn toàn chỉ do yếu tố khách quan là tình trạng chiến tranh, mà còn do một yếu tố chủ quan rất quan trọng nữa: đó là không có sự tha thiết và quyết tâm cao của cấp lãnh đạo của VNCH trong việc phát triển kinh tế.  Ðiều này có thể giải thích được: 1) Các nhà lãnh đạo của VNCH trong giai đoạn này đều là quân nhân, họ chú trọng nhiều hơn vào lãnh vực quân sự; 2) Họ lại hoàn toàn không có đủ kiến thức để có thể hiểu và nắm vững được vấn đề phát triển kinh tế.   Trong thời gian này, giới lãnh đạo của VNCH cũng đã từng áp dụng nhiều biện pháp kinh tế quan trọng (phá giá tiền Ðồng của VN, tăng lương quân nhân công chức, tổ chức hệ thống phân phối lương thực và nhu yếu phẩm, luật Người Cày Có Ruộng, vv) nhưng nhìn chung tất cả chỉ là những biện pháp vá víu và VNCH hoàn toàn không có một kế hoạch phát triển kinh tế chủ đạo đúng nghĩa.  Một trong những chỉ số chính về phát triển kinh tế mà giới lãnh đạo VNCH hoàn toàn không quan tâm đến là: mức tiết kiệm trong nước.
 
 Biểu đồ tỷ lệ tiết kiệm trên GNP của Việt Nam
 
Biểu đồ Tỷ lệ Tiết Kiệm Trên GNP của Việt Nam
So với Do Thái, Ðại Hàn và Ðài Loan và Các Nước Châu Mỹ La Tinh 92
 
Biểu đồ này cho thấy rõ là trong khoảng thời gian 1965-1973, tỷ lệ Mức Tiết Kiệm Trong Nước (Domestic Saving Ratio) trên Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GNP = Gross National Product) của VNCH phần lớn là điểm âm, trong khi các nước kia, nhất là hai nước Ðại Hàn và Ðài Loan đều tăng rất nhanh:
 
  • Ðại Hàn: từ dưới 10% của GNP (1965) tăng lên trên 20% của GNP (1973)
  • Ðài Loan: từ 20% của GNP (1965) tăng lên trên 30% của GNP (1973)
 
Có thể có 2 lý do chính cho mức tiết kiệm âm này.  Thứ nhứt là vì cấp lãnh đạo của VNCH, như vừa nói bên trên, đã không quan tâm đúng mức đến chuyện này, và vì vậy đã không có một chính sách nhằm khuyến khích việc tiết kiệm.  Thứ hai, vì vật giá gia tăng cùng với nạn lạm phát phi mã, đồng lương không đủ sống, chuyện tiết kiệm của dân chúng, dù cho nếu có sự khuyến khích của chính phủ, chắc cũng khó có thể thực hiện được. 
 
 Cho đến đầu năm 1965, mức lạm phát tại VNCH là vào khoảng 4% một năm.  Hoa Kỳ chính thức đưa quân bộ chiến vào Miền Nam vào ngày 8-3-1965 với 2 Tiểu đoàn TQLC đổ bộ vào Ðà Nẵng.  Sáu tháng sau đó vật giá đã gia tăng 20% tại Miền Nam và tiếp tục gia tăng không ngừng.  Ngoài ra VNCH còn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong cán cân ngoại thương: trị giá nhập cảng gấp 10 lần trị giá xuất cảng.  Tháng 7-1966, Chính phủ VNCH bắt buộc phải phá giá tiền Ðồng VN (ÐVN), từ 1 MK = 72 ÐVN xuống mức 1MK = 118 ÐVN.  Việc phá giá tiền ÐVN này hoàn toàn không ngăn chận được vật giá tiếp tục leo thang.  Sau đây là mức gia tăng khủng khiếp của chỉ số về giá cả đối với nhân dân lao động (working-class price index) trong khoảng thời gian 1965-1974 (so với chỉ số gốc là 100 của năm 1962): 93
 
  • 1965:    128.4
  • 1966:    208.6
  • 1967:    299.4
  • 1968:    380.0
  • 1969:    463.1
  • 1970:    633.5
  • 1971:    749.3
  • 1972:    938.3
  • 1973: 1.355.5
  • 1974: 2.004.5
 
Do mức lạm phát này, giá chợ đen của đồng đô la Mỹ (USD) luôn luôn cao hơn giá chính thức rất nhiều.  Từ năm 1972 trở đi, chính phủ VNCH đành phải chấp nhận “thả nổi” giá chính thức luôn.  Sau đây là bảng liệt kê giá chính thức và giá chợ đen tiền USD tại VNCH trong thời gian 1967-1974: 94
 
      Giá chính thức         Giá chợ đen
 
  • 1967:        118                             164
  • 1968:        118                             189
  • 1969:        118                             229
  • 1970:        118                             393
  • 1971:        118                             388
  • 1972:        356                             439
  • 1973:        494                             531
  • 1974:        633                             641
 
Sau khi Hoa Kỳ đưa quân bộ chiến vào Miền Nam, cường độ chiến tranh gia tăng ác liệt, sản xuất nông nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng, và lần đầu tiên trong lịch sử, từ năm 1965, VNCH phải nhập cảng gạo để cung ứng cho nhu cầu của dân chúng. Năm 1967, số gạo nhập cảng, phần lớn là từ Hoa Kỳ, lên đến 770.000 tấn.95  Việc nhập cảng gạo này vẫn tiếp tục mãi cho đến cuối cuộc chiến.
 
Sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973, tiên liệu viện trợ Mỹ sẽ giảm đi, chính phủ VNCH đã đưa ra một kế hoạch phát triển 4 năm nhằm tiến tới độc lập về kinh tế.  Kế hoạch này gồm 4 chương trình chính yếu: 1) Tái thiết hạ tầng kinh tế và xã hội; 2) Tái lập sản xuất nông nghiệp; 3) Khuyến khích đầu tư; và 4) Cải thiện xuất cảng.96 Kế hoạch phát triển kinh tế này rất đúng hướng và đáng khen nhưng đã quá chậm vì VNCH không còn thời gian nữa.  Các chương trình này đều chỉ mới thực hiện được có một năm (1974) và còn đang dở dang thì VNCH đã thất trận vào cuối tháng 4 sau cuộc Tổng Tấn Công Mùa Xuân năm 1975 của phe Cộng sản.    
 
Về phương diện xã hội, VNCH cũng đối diện với nhiều thay đổi, xáo trộn lớn lao.  Với cường độ gia tăng ác liệt của cuộc chiến, càng ngày càng có thêm nhiều người rời bỏ nông thôn ra thành thị sinh sống.  Ngoài ra, trong thời gian xảy ra các cuộc tổng tấn công của phe Cộng sản, như các năm Mậu Thân 1968, hay Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, con số người tỵ nạn đổ về các thành phố có thể lên đến hàng trăm ngàn trong một thời gian rất ngắn.  Sự hiện diện của mấy trăm ngàn quân Mỹ và các nước Ðồng Minh vừa gây ra chuyện vật giá gia tăng và nạn lạm phát phi mã, đồng thời cũng tạo ra nhiều vấn đề xã hội trầm trọng.  Các tệ nạn xã hội như mãi dâm, xì ke, ma túy tăng lên rất nhiều, một phần lớn tập trung chung quanh các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Ðời sống của những người làm công ăn lương, có lợi tức thấp và cố định như các giới quân nhân, công nhân, viên chức chính phủ trở nên vô cùng khó khăn.  Ngược lại những người làm việc trong các cơ quan, công ty của Mỹ, hay cung cấp dịch vụ cho quân đội Mỹ thì có lương cao hơn rất nhiều và làm giàu rất nhanh chóng.  Thứ tự xếp hạng các tầng lớp trong xã hội truyền thống của Việt Nam đã bị đảo lộn hoàn toàn.  
 
Trong điều kiện kinh tế – xã hội nhiều khó khăn như vừa kể trên, chính phủ VNCH đã có những cố gắng áp dụng một số biện pháp để đối phó, thí dụ như tăng lương cho quân nhân công chức, kiểm soát giá cả, cải thiện hệ thống tiếp tế lương thực cho các đô thị, đặc biệt là sau cuộc Tổng Tấn Công năm Mậu Thân (1968) của phe Cộng sản.  Kế Hoạch Phát Triển Kinh Tế Hậu Chiến, hoàn thành do sự hợp tác của hai chính phủ Việt-Mỹ, dưới sự chỉ đạo của hai Giáo sư David E. Lilienthal và Vũ Quốc Thúc, thực hiện trong năm 1967, được chính phủ VNCH duyệt và chấp thuận ngay trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ I (1967-1971) của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.  Một số khuyến cáo trong kế hoạch đã được mang ra áp dụng trong năm 1970 để chuẩn bị cho chương trình hậu chiến (nhưng đáng tiếc, chương trình phát triển kinh tế hậu chiến này đã không bao giờ xảy ra như chúng ta đã biết).97 Ngoài ra cũng phải kể đến một cố gắng đáng kể của Tổng Thống Thiệu trong việc cải thiện số phận của người nông dân: đó là Luật Người Cày Có Ruộng (NCCR).  Ðạo luật NCCR được Quốc Hội chung quyết thông qua ngày 16-3-1970 và được Tổng Thống Thiệu ký ban hành tại Cần Thơ ngày 26-3-1970.98  Luật NCCR “có những quy định chính như sau:   
 
  • Hủy bỏ quy chế tá điền;
  • Phân chia công điền, công thổ;
  • Giới hạn mỗi điền chủ chỉ được canh tác một diện tích không quá 15 mẫu; trên số đó là phải bán cho chính phủ để tái phát cho nông dân;
  • Ưu tiên dành cho người trực tiếp canh tác đất đai truất hữu;
  • Ðền bù cho chủ đất thật nhanh và phải chăng: 20% bằng tiền mặt; 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi suất trong 8 năm (có thể dùng để chuyển nhượng, thế chấp vay ngân hàng, cầm cố).”  99     
 
            Ðến cuối năm 1973, chương trình NCCR đã cấp 1.193.376 mẫu đất cho 953.370 gia đình nông dân.100 Nếu tính theo con số trung bình là 4 người cho mỗi gia đình, chương trình NCCR đã hữu sản hóa cho khoảng gần 4 triệu người trên tổng số dân gần 20 triệu (19.954.000 dân vào năm 1973 101), tức là 1/5 hay 20% dân số VNCH.  Ðây là một thành quả rất đáng kể trong một quốc gia đang gặp những nặng nề do chiến tranh gây ra.
 
            Một thành quả nữa về phương diện xã hội cần được nêu ra đây là sự phát triển rất đáng kể của hệ thống giáo dục, như chúng ta có thể thấy trong bảng thống kê sau đây:
 
 Thống Kê Giáo Dục VNCH 1960-1970
Thống Kê Giáo Dục VNCH 1960-1970
 
            Từ 1970 trở đi, hệ thống giáo dục của VNCH vẫn tiếp tục phát triển rất mạnh và đến năm học 1973-1974, số lượng người đi học đã tăng lên như sau: 102
 
  • Tiểu học:      3.101.560   học sinh
  • Trung học:    1.091.779   học sinh
  • Ðại học:           101.454   sinh viên
 
Ðến năm 1975, tổng số sinh viên các trường cao đẳng và đại học đã lên đến 150.000 với tổng số viện đại học là 14 gồm:
 
  • Công lập:     4 (Sài Gòn, Thủ Ðức, Cần Thơ, và Huế)
  • Cộng đồng:  3 (Tiền Giang, Duyên Hải, và Quảng-Ðà)
  • Tư lập:        7 (Vạn Hạnh, Phương Nam, Ðà Lạt, Minh Ðức, Cao Ðài, Hòa Hảo, và Cửu Long)       
 
            Ðiều đáng buồn là từ sau 1965, khi bắt đầu có sự hiện diện của các quân đội đồng minh trên lãnh thổ VNCH, nạn lạm phát tiền tệ và vật giá gia tăng cùng với những tệ nạn xã hội tràn lan, các tầng lớp và giá trị xã hội cổ truyền bị đảo lộn, đời sống của giới giáo chức, đặc biệt là giáo viên tiểu học, bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mức báo động.  Trong cuốn sách “Các vấn đề giáo dục,”do nhà xuất bản Trẻ xuất bản tại Sài Gòn năm 1971, ở mục “Hiện trạng nền tiểu học Việt Nam,“ có ghi như sau: “So với những công chức khác cùng ngạch trật, giáo chức [tiểu học] là người nghèo nhứt vì phải chi phí nhiều cho nghề nghiệp, không có phương tiện để gây thêm tài chánh, và vì sĩ diện nên đành sống kham khổ để khỏi hổ với lương tâm… Nhiều người không đủ can đảm theo đuổi nghiệp giáo nên đã bỏ nghề.  Nhiều người phải tìm việc làm khác ngoài nghề dạy học mới có thể nuôi sống gia đình.  Bi đát hơn, có nhiều giáo chức làm nghề ‘lái xe ôm’ ở đô thành và ở tỉnh… Trong hoàn cảnh hiện tại, giá trị tinh thần nói chung, uy thế của giáo chức nói riêng đã sút giảm nhiều; thiện chí cùng lương tâm của giáo chức cũng phai dần với thời gian…”  103    
 
Kết luận cho mục Kinh Tế – Xã Hội:  Nền kinh tế của VNCH, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ.  Mặc dù chính phủ VNCH dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thi hành một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân Miền Nam trong thời gian 1965-1975 đã rất khó khăn do vật giá gia tăng và nạn lạm phát phi mã, bên cạnh những tệ nạn xã hội rất trầm trọng.  Ðiểm C
 
 
Ðánh Giá Chung:
 
          Nhìn lại tất cả những lãnh vực đã đánh giá thì rõ ràng tất cả đều quan trọng nhưng tầm quan trọng có khác nhau.   Ðể có thể thực sự công bằng, người viết nhận thấy cần một hệ thống hệ số áp dụng cho việc cho điểm để làm nổi bật được tầm quan trọng của từng lãnh vực.  Hệ thống hệ số đó như sau:
             
  • Xây Dựng Chế Ðộ:        hệ số 3
  • Quân Sự:                     hệ số 3
  • Quan Hệ Việt Mỹ:          hệ số 2
  • Hòa Ðàm Paris:            hệ số 2
  • Nắm Quyền:                 hệ số 1
  • Kinh Tế – Xã hội:          hệ số 1
                                           
            Tổng kết tất cả các điểm:
 
  • Xây Dựng Chế Ðộ:        F(0)  x  3  =    0
  • Quân Sự:                     F(0)  x  3  =    0
  • Quan Hệ Việt  Mỹ:        C(2)  x  2  =    4
  • Hòa Ðàm Paris:            C(2)  x  2  =    4
  • Nắm Quyền:                 A(4)  x  1  =    4
  • Kinh Tế- Xã Hội:           C(2)  x  1  =    2
                  Tỏng cộng:                               14
 
Ðiểm trung bình: 14 / 6 = 2,3 (C) Khá
 
 
Thay Lời Kết
 
            Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, với vai trò Chủ Tịch UBLÐQG (1965-1967) và Tổng Thống (1967-1975), là người đã lãnh đạo VNCH trong suốt gần 10 năm.  Trong trọn thời gian này, VNCH là một quốc gia đang gặp quá nhiều khó khăn về mọi mặt gây ra bởi một cuộc chiến tranh rất phức tạp, vừa là ngoại xâm vừa là nội chiến, lại mang cả màu sắc ý thức hệ giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản.  VNCH không có khả năng về kinh tế và quân sự để yểm trợ cho một cuộc chiến như vậy nên phải cần đến viện trợ lớn lao của Hoa Kỳ, và vì thế không thể nào hoàn toàn không lệ thuộc vào Hoa Kỳ trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và quân sự.  Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng Thống Thiệu không những phải đương đầu với kẻ thù Cộng sản xâm lược, ông còn phải luôn luôn đối phó với người bạn đồng minh Hoa Kỳ, nhứt là từ năm 1968 trở đi, khi họ không còn ảo tưởng về chiến thắng nữa mà chỉ còn muốn rút lui trong danh dự.  Bên cạnh những khó khăn về chính trị và quân sự đó, ông còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế - xã hội do cuộc chiến đem lại mà chính phủ của ông không có đủ khả năng để giải quyết. Do đó, việc đánh giá công việc làm của ông cần phải được đặt trong bối cảnh đầy khó khăn đó.  Trong bối cảnh đó, và với khả năng giới hạn của ông, người viết bài này nghĩ rằng ông đã có phạm một số sai lầm nghiêm trọng nhưng ông cũng đã có cố gắng hết sức của mình để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo của ông.  Việc quyết định rút bỏ Vùng II vào tháng 3-1975 của ông, trực tiếp đưa đến sự thất trận và đầu hàng của VNCH vào ngày 30-4-1975, là một lỗi lầm quân sự rất lớn của ông nhưng rõ ràng cũng cần phải được hiểu rõ trong bối cảnh “phủi tay” của Chính phủ Mỹ vào đầu năm 1975 đó.  Xét như một cá nhân, ông là một người có tác phong làm việc nghiêm chỉnh, có tính toàn cẩn thận, có khả năng và bản lãnh chính trị khá tốt, có kiên nhẫn và có quyết tâm cao.  Xét chung trên tất cả các lãnh vực chính trị, quân sự, và kinh tế – xã hội như một nhà lãnh đạo của VNCH, ông chỉ là một vị Tổng Thống khá, không giỏi nhưng cũng không phải là quá tệ.  Xét riêng trên 2 lãnh vực thực thi Hiến Pháp 1967 và bảo vệ đất nước chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng sản, Tổng Thống Thiệu đã thất bại hoàn toàn với hậu quả bi thảm là đưa VNCH đến chỗ bị xóa tên trên bản đồ thế giới.  Lịch sử sẽ phán xét công và tội của ông sau này.
 
Ghi Chú:
 
1. Đỗ Mậu.  Việt-Nam máu lửa quê hương tôi : hồi-ký chính-trị : bổ-túc hồ-sơ  về sự sụp-đổ của Việt Nam Cộng-Hòa.  Hoa Kỳ: Tác giả xuất bản, 1986.  Tr. 767.  Những lời phê nầy, tác giả Đỗ Mậu cho biết xuất xứ từ tờ tuần báo Paris Match, số ra ngày 11-11-1972, tr. 38.
 
2. Luợc sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa / Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đinh Thụy.  San Jose, Calif. : Huong Quê, 2014.  Tr. 218. 
 
3. Lâm Vĩnh Thế.  Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967 : những năm xáo trộn.  Hamilton, ON : Hoài Việt, 2010.  Tr. 30-32.
 
4. Nguyễn Chánh Thi.  Việt Nam : một trời tâm sự.  Los Alamitos, Calif. : Anh Thư, c1987.  Tr. 235.  Tuớng Thi (lúc đó vẫn còn mang cấp Đại Tá) cho biết ngày 7-2-1964, Thiếu Tuớng Nguyễn Văn Thiệu gọi điện thoại thông báo quyết định của HĐQNCM bổ nhiệm ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế Đại Tá Trần Thanh Phong.
 
5. Trần Văn Ngà.  Vùng 4 Chiến Thuật kiêu hùng : hồi ký.  Tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.buinhuhung.com/chiendich/Vungr_4_Chieenk_Thuaatj_Kieeu_Hungr.htm
 
6.  Identificatiơon of the "Young Turks" group of military commanders and their views concerning General Nguyen Khanh and other matters, tài liệu mật (đuợc xếp loại SECRET) của CIA thuộc loại Intelligence Information Cable, đề ngày 2-Oct-1964, giải mật ngày 27-July-1976, gồm 4 tr.  Tài liệu nầy có thể đọc nguyên văn trực tuyến tại địa chỉ INTERNET sau đây: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=0410214005 trên trang Web của The Vietnam Center and Archive của Đại Học Texas Tech Universiy, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.
 
7. Lâm Vĩnh Thế, "Nhóm tuớng trẻ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn 1964-1965."  Tài liệu này có thể truy dụng trực tuyến và toàn văn tại địa chỉ sau đây: http://www.namkyluctinh.org/a-ctri-kte/lvthe-NhomTuongTre.pdf của trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh.
 
8. Deliberations of Armed Forces Council (AFC) on 24 January, trong co sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS).  Tài liệu của CIA, không đuợc xếp loại mật, thuộc loại Intelligence Information Cable, mang số hiệu TDCS DB-315/00241-65, đề ngày 24-Jan-1965, có thanh lọc (sanitized), gồm 7 trang, nơi trang 6 có ghi rõ nhu sau: "... the proposals for a military Prime Minister were made.  Thieu got the highest number votes in a ballotting..."
 
9. Lâm Vĩnh Thế, "Cuộc khủng hoảng nội các tại VNCH vào cuối tháng 5/1965," trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa(Hamilton, Ont.  : Hoài Việt, 2008), tr. 130-152.
 
10. "Quyết Định số 3 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa," Chính Luận, số ra ngày Thứ Tu, 16-6-1965, tr. 1.
 
11. Tất cả các thông tin về các vị trung tuớng này đều trích từ sách Luợc sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòađã dẫn tại Ghi chú số 2 bên trên.
 
12. Phạm Văn Liễu.  Trả ta sông núi : hồi ký, tập 2, 1963-1975.  Houston, Tex. : Văn Hóa, 2003.  Tr. 302-303.
 
13. Nguyễn Chánh Thi, sđd, tr. 312.
 
14. Discourteous attitude and abuse of power of Amb Maxwell Taylor, trong cơ sở dữ liệu DDRS.  Tài liệu này là một công điện của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại Giao, đề ngày 26-12-1964, giải mật ngày 12-4-1978, gồm 4 tr.  Công điện này là bản dịch sang tiếng Anh của bức thư mà các tướng lãnh gửi cho Quốc Trưởng Sửu và Thủ Tướng Hương, kể lại thái độ, và ngôn từ trịch thuợng của Đại sứ Taylor đối với 4 tướng Thiệu, Thi, Kỳ, Chung và ngay cả với Tướng Khánh.  Công điện cũng ghi rõ là bức thư có chữ ký của Tướng Khánh và bên duới là một danh sách gồm tất cả 32 tướng lãnh và 1 một Đại Tá.
 
15. Phạm Văn Liễu, sđd, tr. 313. 
 
16. Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 140-166.
 
17. Phạm Văn Liễu, sđd, tr. 313.
 
18. Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 182.
 
19. Bùi Diễm.  Gọng kìm lịch sử.  Paris : Phạm Quang Khai, 2000.  Tr. 326.
 
20. Phạm Văn Liễu, sđd, tr. 306-307.
 
21. Đoàn Thêm, Việc từng ngày: 1966; tựa của Lãng Nhân.  [Sài Gòn]: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968 ; Los Alamitos, Calif. : Nhà xuất bản Xuân Thu tái bản, 1989. Tr. 43.
 
22. Lâm Vĩnh Thế, “Biến động Miền Trung năm 1966,” đăng trong Trang Web Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tại địa chỉ Internet sau đây: http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/bienkhao/159-lamvinhthe/1801-biendongmientrung1966
 
23. Đoàn Thêm, sđd, tr. 108.
 
24. Lâm Vĩnh Thế, “Mật ước giữa các tướng lãnh cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Công Hòa (Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 228-251.
 
25. Lâm Vĩnh Thế,”Công điện mật của CIA ngày 06-03-1968,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa(Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 77-93. Tài liệu này là một Công điện Mật của CIA, đề ngày 06-03-1968, giải mật ngày 30-06-1999, gồm 6 trang. Ở trang 2 có ghi rõ như sau: “President Nguyen Van Thieu said that his major problem at the present time is a personal one which involves activities designed to undermine his power and prestige as president.  Thieu named Vice President Nguyen Cao Ky, Director General of National Police Nguyen Ngoc Loan and Chief of the Overseas Security Service Mai Den as the instigators of this effort.  Thieu feels that he has been backed into a corner, and although he is generally fair and gentle with all people, he would like to take some action to assert himself against such detractors.  All Thieu wants is to be a good president for the full four years or even these first five months, if he does not survive the present fighting, though he has no fears for his personal safety.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bảo rằng vấn đề chính của ông hiện nay là một vấn đề cá nhân liên quan đến các hoạt động nhằm phá hoại quyền lực cũng như uy tín tổng thống của ông.  Ông Thiệu nêu đích danh Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Ngọc Loan và người đứng đầu Cơ Quan An Ninh Quốc Ngoại Mai Đen như là những người chủ mưu của các hoạt động đó.  Ông cảm thấy ông đã bị dồn vào chân tường, và mặc dù nói chung ông đối xử với mọi người một cách công bình và nhã nhặn, ông muốn có những hành động để xác định tư thế của ông đối với những người phá rối đó.  Ông cho biết điều ông muốn là làm một tổng thống tốt trong trọn nhiệm kỳ bốn năm, hay ngay cả trong năm tháng đầu tiên này của nhiệmn kỳ nếu ông không vượt qua được cuộc tranh chấp hiện nay, mặc dù ông không lo ngại cho sự an toàn của bản thân ông.”
 
26. Đoàn Thêm, Việc từng ngày: 1968 ; tựa của Lãng Nhân.  [Sài Gòn]: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1969 ; Los Alamitos, Calif. : Nhà xuất bản Xuân Thu tái bản, 1989.  Các tr. 92, 107 và 111.
27. South Vietnamese President Nguyen Van Thieu’s meeting with Vice President Nguyen Cao Ky and the South Vietnamese senior generals to discuss cabinet reorganization and government policies, trong cơ sở dữ liệu DDRS.  Tài liệu này là một Công điện Mật của CIA, đề ngày 16-5-1968, giải mật ngày 22-10-1999, gồm 9 trang.  Ở tr. 3, có đoạn ghi rõ danh sách các tướng lãnh cao cấp đã họp với Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tại Bộ Tổng Tham Mưu trước khi họp với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như sau: “In addition to Ky and Khang others attending were I Corps Commander Lieutenant General Hoang Xuan Lam, II Corps Commander Major General Lu Mong Lan, IV Corps Commander Major General Nguyen Duc Thang, Chief of the Joint General Staff General Cao Văn Viên, Minister of Defense Lieutenant General Nguyen Van Vy, Minister of Interior Lieutenant General Linh Quang Vien, and Minister of Revolutionary Development Lieutenant General Nguyen Bao Tri.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ngoài Kỳ (tức Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ) và Khang (tức Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân Đoàn III), những người tham dụ khác là Tư Lệnh Quân Đoàn I Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn II Thiếu Tướng Lữ Mộng Lan, Tư Lệnh Quân Đoàn IV Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng, Tổng Tham Mưu Trưởng Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Trưởng Quốc Phòng Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng Trưởng Nội Vụ Trung Tướng Linh Quang Viên, và Tổng Trưởng Xây Dựng Nông Thôn Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.”).   Ở tr. 4, có đoạn ghi rõ như sau: “The Corps Commanders specifically asked Thieu to cancel his projected overhaul of the provincial administrative system…” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Các Tư Lệnh Quân Đoàn đặc biệt yêu cầu Thiệu hủy bỏ chính sách cải tổ hành chánh địa phương mà ông đã hoạch định…).  Ở tr. 5, có đoạn ghi rõ như sau: “Thieu then expounded on his concept of how the government should function.  This exposition made it clear that he did not intend to reverse any of his administrative reforms…”  (Xn tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau đó ông Thiệu nói về quan niệm điều hành chính phủ của ông.  Phần trình bày này cho biết rõ ràng là ông không có ý định hủy bỏ việc cải tổ hành chánh của ông…).
28. Đoàn Thêm, Việc từng ngày: 1968, sđd, tr. 195.
29. Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967, cò thể truy dụng trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikisource.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_1967
30. “Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Văn Ngân nói gì về những bí ẩn quanh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu?”tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?127122-Ph%E1%BB%A5-T%C3%A1-%C3%90%E1%BA%B7c-Bi%E1%BB%87t-Nguy%E1%BB%85n-V%C4%83n-Ng%C3%A2n-n%C3%B3i-g%C3%AC-v%E1%BB%81-nh%E1%BB%AFng-b%C3%AD-%E1%BA%A9n-quanh-T%E1%BB%95ng-Th%E1%BB%91ng-Nguy%E1%BB%85n-V%C4%83n-Thi%E1%BB%87u
31. Johnson, Lyndon Baines, The Vantage point: perspectives of the presidency, 1963-1969.  New York: Holt, Rinehart and Winston, 1971.  Tr. 144 có ghi rõ như sau: “One of the first things General Thieu and Prime Minister Ky told McNamara was that they were convinced that American and perhaps other foreign forces would be needed to hold back the Communist attackers.  When McNamara asked for their estimates of how many might be needed, the Vietnamese leaders said they thought that in addition to the forty-four battalions they had already requested, there should be another combat division.  The total estimate called for about 200,000 American men in all categories.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Một trong những điều đầu tiên mà Tướng Thiệu và Thủ Tướng Kỳ nói với McNamara là họ tin rằng là cần có quân Mỹ hay các nước khác để chận đứng quân xâm lược Cộng sản.  Khi McNamar hỏi họ ước lượng cần bao nhiêu quân thì các nhà lãnh đạo Việt Nam nói họ nghĩ là bên cạnh 44 tiểu đoàn mà họ đã yêu cầu cần có them một sư đoàn tác chiến nữa.  Tổng số ước lượng sẽ vào khoảng 200.000 quân thuộc đủ các binh chủng”).
32. 1965 in the Vietnam War, trên mạng Internet tại địa chỉ sau đây:    https://en.wikipedia.org/wiki/1965_in_the_Vietnam_War ; “31 December. The number of U.S. military personnel in South Vietnam totaled 184.314 compared to 23,310 at the end of 1964.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “31 Tháng 12. Tổng số quân nhân Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam là 184.314 so với 23.310 vào cuối năm 1964”).
33. Johnson, sđd, tr. 244 có ghi rõ về Thông Cáo Chung giữa hai nước khi kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh Honolulu, gọi là “Tuyên bố Honolulu = The Declaration of Honolulu” trong đó có đoạn ghi như sau: “… 4. We must build true democracy for our land and for our people… Under the last point, the Vietnamese leaders pledged to have a constitution written “in the months ahead.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…4. Chúng tôi phải xây dựng một nền dân chủ thật sự cho đất nước và nhân dân chúng tôi… Về điểm cuối cùng này, các nhà lãnh đạo Việt Nam cam kết sẽ hoàn thành một bản hiến pháp trong những tháng sắp tới”).
34. Johnson, sđd, tr. 260 có ghi rõ: “At our formal meeting, Prime Minister Ky said: “Very soon this Constitution will be promulgated.  Four to five months after that, we will hold national elections for a President and a Senate.  One month after the Presidential and senatorial elections, we will hold an election for a House of Representatives.  Vietnam will then have a freely elected, popularly chosen government.”  (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tại cuộc họp chính thức của chúng tôi, Thủ Tướng Kỳ nói: “Bản Hiến Pháp này sẽ được sớm ban hành.  Bốn đến năm tháng sau, chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử trên toàn quốc để bầu ra một Tổng Thống và một Thượng Viện.  Một tháng sau cuộc bầu cử Tổng Thống và Thượng Viện chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử một Hạ Viện.  Đến lúc đó Việt Nam sẽ có một chính phủ do dân chúng bầu ra môt cách tự do”).
35. Asselin, Pierre, A Bitter peace: Washington, Hanoi and the making of the Paris Agreement.  Chapell Hill, N.C.: University of North Carolina Press, 2002.  Tr. 5.
36. Kimbal, Jeffrey, Nixon’s Vietnam War.  Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 1998.  Tr. 60 có ghi rõ như sau: “On Novermber 5 Nixon won the election by a narrow margin in the popular vote, 31,770,237 to 31,270,533.  No presidential election has ever been a referendum on a single issue, but some issues are more important than others, and the war was a very important issue in 1968.  In his memoir William Safire speculated: “Nixon probably would not be President were it not for Thieu.  Nixon remembered.”  Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Vào ngày 5 tháng 11 Nixon thắng cử với một đa số rất thấp trong số phiếu dân bầu, 31.770.237 phiếu so với 31.270.533 phiếu.  Bầu cử tổng thống chưa bao giờ là một cuộc trưng cầu dân ý dựa trên một vấn đề duy nhứt, nhưng lúc nào cũng có những vấn đề này quan trọng hơn những vấn đề khác, và chiến tranh là một vấn đề rất quan trọng trong năm 1968.  Trong cuốn hối ký của mình, William Safire nhận định: “Có lẽ Nixon sẽ không thể là Tổng Thống nếu không có ông Thiệu.  Nixon nhớ chuyện này.”   Xin nói thêm một ít về William Safire: ông là một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của báo New York Times, phụ trách theo dõi việc tranh cử của Nixon năm 1968, và, sau khi Nixon đắc cử Tổng Thống năm 1968, ông làm việc cho Nixon với nhiệm vụ chuyên môn là soạn diễn văn cho Nixon. 
37. Nixon, Richard, The Memoirs of Richard Nixon.  New York: Grosset & Dunlap, 1978.  Tr. 348.
38. Asselin, sđd, tr. 7-8 có ghi như sau: “However, because he believed Hanoi would not accept the proposal for quadripartite talks since it did not recognize his government, Thieu never formally communicated his objection to the proposal to Washington.”  (Xin tam dịch sang Việt ngữ như sau: “Tuy nhiên, vì ông tin là Hà Nội sẽ không chấp nhận đề nghị hòa đàm 4 phe vì họ không công nhận chính phủ của ông, ông Thiệu đã không bao giờ thông báo chính thức sự phản đối đề nghị đó của ông cho Hoa Thịnh Đốn”).
39. Bùi Diễm, sđd, tr. 394-395.
40. Johnson, sđd, tr. 517-518.
41. Bùi Diễm, sđd, tr. 403.
42. Đoàn Thêm, Việc từng ngày: 1968, sđd, tr. 399.
43. Kissinger, Henry, White House years.  Boston: Little, Brown & Co., 1979.  Tr. 1324-1325.
44. Nguyễn Phú Đức, The Vietnam’s peace negotiations: Saigon’s side of the story.  Christiansburg, Va.: Dalley Book Service, 2005.  Tr. 10-13.
45.  Quân số Hoa Kỳ tại VNCH trong khoảng thời gian 1968-1973 là như sau: 536.100 (1968), 475.200 (1969), 334.600 (1970), 156.800 (1971), và 24.200 (1972). Nguồn tin: U.S. Department of Defense Manpower Data Center; tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.americanwarlibrary.com/vietnam/vwatl.htm
46. Kissinger, sđd, tr. 1318.
47. Nixon, sđd, tr. 700.
48. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 310.
49. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 310-311.
50. Kissinger, sđd, tr. 1326.
51. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 315-316.
52. Nixon, sđd, tr. 600.
53. Nixon, sđdf, tr. 693.
54. Nixon, sđd, tr. 696.
55. Kissinger, sđd, tr. 1385.
56. Nixon, sđd, tr. 698-699.
57. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 332-333.
58. United States presidential election, 1972, tài liệu trực tuyến trên Internet, tại địa chỉ sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_presidential_election,_1972
59.  Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy.  San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2005.  Tr. 529-532.
60. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 341.
61. Kissinger, sđd, tr. 1410.
62. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 353.
63. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 354-355.  Tác giả ghi như sau: “I asked him whether he had come up with something new on the withdrawal of the NVA, as President Nixon, the day before, did not foreclose the issue, Kissinger said that it would be impossible to have the NVA withdrawal in the agreement.”  Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi hỏi ông ta đã nghĩ ra được điều gì mới về vấn đề rất quân của Bắc Việt, vì như Tổng Thống Nixon, ngày hôm trước, đã không có gạt bỏ vấn đề đó, Kissinger trả lời là không thể nào có được điều khoản rút quân của Bắc Việt trong bản thỏa hiệp được”).
64. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 356.
65. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 361.
66. Nixon, sđd, tr. 737.
67. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 365.
68. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 367.
69. Operation Linrbacker II: The Christmas bombing, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây:  http://thevietnamwar.info/operation-linebacker-ii-christmas-bombing/, ở tr. 2.
70. Nguyễn Tiến Hưng, tr. 547-548.
71. Kissinger, sđd, tr. 1469.
72. Nguyễn Phú Ðức, sđd, tr. 373.
73. Nixon, sđd, tr. 737.
74. Tiểu sử Ðại Tướng Cao Văn Viên, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây:   http://nhaydu.com/index_83hg_files/main_files/Tuong/TS-TuongCaoVanVien.htm.
75. Congress cuts military aid to South Vietnam, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.history.com/this-day-in-history/congress-cuts-military-aid-to-south-vietnam
76. Nguyễn Ðức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập: từ trận đầu (Ấp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975).  Toronto: Làng Văn, 2001.  Tr. 732.
77. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu.  San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2010.  Tr. 52.
78. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, sđd, tr. 57.
79. Phạm Bá Hoa, Ðôi dòng ghi nhớ: hồi ký chính trị, 1963-1975.  Ấn bản lần 4.  Houston, Tex.: Ngày Nay, 2007.  Tr. 271.
80. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 273-274.
81. Ðỗ Sơn, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II.  Burke, Va.: Nhà xuất bản THAO UYEN PHAM, 2013.  Tr. 111.
82. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 275.
83. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 98 và 122.
84. Vấn đề ai là người được Tướng Phú giao cho nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ cuộc triêt thoái của Quân Ðoàn II cho đến nay vẫn còn được tranh cải, lý do chánh là vì hoàn toàn không có lệnh hành quân trên giấy tờ.  Tuy nhiên, trừ trường hợp cuốn sách của tác giả Ðỗ Sơn, tất cả các tài liệu, đặc biệt là 2 tác phẩm viết bằng Anh ngữ do Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History) xuất bản, The Final collapse của Ðại Tướng Cao Văn Viên (năm 1983), và Vietnam: from cease-fire to capitulation của Ðại Tá Hoa Kỳ William E. Le Gro (năm 1981), đều ghi rằng Tướng Phú đã chỉ định Tướng Tất chỉ huy tất cả các lực lượng trong cuộc triệt thoái này.  Hai cuốn sách Anh ngữ này có mức độ khả tín cao.
85. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 735.
86. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 132.
87. Hoàng Khởi Phong, Ngày N+…. Sách điện tử trực tuyến tại địa chỉ Internet như sau: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1663&rb=08Phần 1, Pleiku-Tuy Hòa, Ðoạn Ngày N+2, 12 giờ trưa.
88. Cao Văn Viên, The Final collapse.  Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1985.  Tr. 92.  Nguyên văn Anh ngữ như sau: “A pontoon bridge had been brought to Tuy Hoa from Nha Trang, but it was impossible to move the bridge to Cung Son by road because of several enemy blocking positions.  Finally, the bridge was carried to Cung Son piece by piece by CH-47 helicopters.”
89. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 738.
90. Cao Văn Viên, sđd, tr. 95.
91. Dacy, Douglas C.  Foreign aid, war, and economic development: South Vietnam, 1955-1975.  Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1986, Trích từ bảng Table 10.2, tr. 200.
92. Dacy, Douglas C., sđd, tr. 259.
93. Dacy, sđd, trích từ bảng Table 7.1, tr. 134-135.
94. Dacy, sđd, trích từ bảng Table 9.5, tr. 190.
95. Dacy, sđd, tr. 82.
96. Nguyễn Anh Tuấn.  South Vietnam: trial and experience: a challenge for development.  Athens, Ohio: Ohio University Center for International Studies, Center for Southeast Asian Studies, 1987.  Tr. 184.
97. The Post-war development of the Republic of Vietnam: policies and programs / Joint Development Group (Saigon), Development and Resources Corporation (New York); foreword by David E. Lilenthal.  New York: Praeger, 1970.   Tr. xiii-xiv.
98. Luật Người Cày Có Ruộng của ai ban hành? ý nghĩa?tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20090515073832AAxABlS
99. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, tr. 475-476.
100. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, sđd, tr. 477.
101. Dacy, sđd, trích từ bảng Table A4.1, tr. 99.
102. Trần Văn Chánh, Giáo dục Miền Nam Việt Nam (1954-1975): trên con đường xây dựng và phát triển, in trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7-8 (114-115), 2014, tr. 41, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây:  http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/18251/16519.
103. Trần Văn Chánh, sđd, tr. 27