Chiến tranh Ba mươi Năm là cuộc chiến bắt đầu từ năm 1618, kết thúc năm 1648, chủ yếu diễn ra tại vùng nay là nước Đức với sự tham gia của hầu hết các cường quốc của châu Âu lục địa thời bấy giờ. Mặc dù trên danh nghĩa đó là cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Tin lành và những người Công giáo, nhưng thật ra, động cơ chính của cuộc chiến bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà Habsburg và các cường quốc khác ở châu Âu. Một ví dụ điển hình chứng minh điều đó là nước Pháp Công giáo, dưới sự lãnh đạo không chính thức của Hồng y Richelieu, đã ủng hộ những người Tin lành để làm suy yếu triều đình Habsburg và qua đó củng cố vị trí của nước Pháp như một cường quốc hàng đầu ở châu Âu. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng giữa nước Pháp và triều đình Habsburg, và đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha sau này.Chiến tranh 30 năm đã tàn phá nặng nề châu Âu, gây ra nạn đói và dịch bệnh (do các xác người chết không chôn kịp), làm giảm dân số của các thành bang ở khu vực nước Đức ngày nay và những vùng khác ở Ý, đồng thời khiến nhiều cường quốc châu Âu suy sụp. Cuộc chiến diễn ra trong 30 năm, nhưng những mâu thuẫn dẫn đến cuộc chiến đã bắt đầu trước đó rất lâu. Cuộc chiến kết thúc với Hòa ước Westphalia - văn bản đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là quốc gia. Khái niệm quốc gia – dân tộc (nation-state) cũng bước đầu được xác định và Hoà ước được xem là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại.Trong suốt cuộc chiến, dân số các thành bang ở khu vực nước Đức ngày nay giảm trung bình 30%, ở vùng Brandenburg, con số này là 50%, và nhiều vùng khác chứng kiến hai phần ba dân số thiệt mạng vì chiến tranh. Dân số nam giới của các thành bang thuộc nước Đức giảm một nửa. Dân số ở các tiểu quốc nay là Cộng hòa Séc và Slovakia giảm một phần ba. Chỉ riêng quân đội Thụy Điển đã phá hủy 2 nghìn lâu đài, 18 nghìn làng mạc và 1.500 thị trấn ở Đức.Nguồn gốc của chiến tranh
Hòa ước AusburgHòa ước Ausburg (1555) do hoàng đế Karl V (Đế quốc La Mã thần thánh) ký, khẳng định kết quả của Nghị quyết Speyer 1526 và kết thúc cuộc xung đột giữa những người theo học thuyết của Martin Luther (sau này phát triển thành phái Tin lành Lutheran) và những người Công giáo ở Đức.Hòa ước Ausburg bao gồm những điểm chính yếu sau:- Các nhà cai trị của 224 vùng lãnh thổ Đức chiếu theo lương tâm có thể chọn tôn giáo (phái Lutheran hoặc Giáo hội Công giáo Rôma) cho lãnh thổ của mình, người dân phải theo tôn giáo đó hoặc chuyển đi nơi khác (nguyên tắc cuius regio, eius religio)
- Những người phái Lutheran đang sống trong một giáo khu của một giám mục vương quyền (prince-bishop) Công giáo được tiếp tục tín ngưỡng của họ.
- Những người phái Lutheran được giữ những vùng đất mà họ chiếm được của Giáo hội Công giáo Rôma từ sau Hòa ước Passau 1552.
-Những giám mục vương quyền chuyển sang theo phái Lutheran phải từ bỏ các lãnh địa của mình (nguyên tắc reservatum ecclesiasticum)
Bức họa "Les Grandes Misères de la guerre" (1632) diễn tả cảnh người Tin Lành bị người Công Giáo treo cổ trong những ngày đầu Chiến tranh 30 năm
Mặc dù Hòa ước Ausburg phần nào làm dịu đi sự căng thẳng, nó vẫn không thể giải quyết dứt điểm mâu thuẫn về tôn giáo. Cả hai phía, Tin lành và Công giáo, giải thích hòa ước đó theo cách có lợi cho mình, đặc biệt, những người theo đạo Luther chỉ coi đó là một thỏa ước tạm thời. Thêm vào đó, học thuyết Calvin và những người theo học thuyết này ngày càng nhiều ở nước Đức trong những năm sau đó, tạo ra một hệ phái tôn giáo thứ ba trong vùng, nhưng đạo Calvin không được đề cập đến trong bất kỳ điều khoản nào của Hòa ước Ausburg, vốn chỉ cho phép người theo Công giáo và người theo đạo Luther ở Đức.Căng thẳng về chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng giữa các quốc gia châu Âu vào đầu thế kỷ 17, cùng lúc với thời kỳ thám hiểm và khai phá mở ra đường tới những nguồn tài nguyên của Tân thế giới và sự ra đời của những học thuyết mới như Chủ nghĩa trọng thương, Chủ nghĩa thực dân và Chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, những mầm mống đầu tiên của Chủ nghĩa dân tộc cũng bắt đầu cắm rễ ở châu Âu.Tình hình các nước trước khi bước vào cuộc chiếnTây Ban Nha chú ý đến các thành bang ở Đức vì có vùng đất Hà Lan thuộc Tây Ban Nha ở phía tây biên giới các thành bang này và những vùng đất khác thuộc Tây Ban Nha nằm trên lãnh thổ Ý ngày nay phải đi qua nước Đức mới đến được. Cuộc nổi dậy của người Hà Lan chống lại sự thống trị của Tây Ban Nha diễn ra trong suốt thập niên 1560, dẫn đến một cuộc chiến tranh giành độc lập và một thỏa ước ngừng bắn giữa hai phía vào năm 1609.Nước Pháp bị kẹp giữa hai quốc gia đều do nhà Habsburg cai trị (Tây Ban Nha và Đế quốc La Mã Thần thánh) và lại đang rất muốn mở rộng quyền lực của mình trước những người láng giềng là các thành bang nhỏ yếu thuộc nước Đức. Mối bận tâm đó của nước Pháp đã lấn át hoàn toàn các xung đột về tôn giáo và dẫn đến việc nước Pháp Công giáo đứng về phe của những người theo đạo Tin lành trong cuộc chiến.Thụy Điển và Đan Mạch muốn kiểm soát các thành bang ở phía bắc nước Đức cận kề với biển Baltic vì các lợi ích kinh tế và chính trị gắn liền với vị trí chiến lược đó.
Hoàng đế Ferdinand II (Đế quốc La Mã Thần thánh) đồng thời cũng là vua xứ Bohemia. Tín ngưỡng của ông là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiến tranh
Đế quốc La Mã Thần thánh, nằm trên vùng đất ngày nay là nước Đức và một số phần đất lân cận, là một liên bang giữa các quốc gia độc lập dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh của dòng họ Habsburg và một hội đồng các tuyển hầu. Dòng họ Habsburg nước Áo (nước Áo khi đó bao gồm cả xứ Bohemia và Hungary) khi đó là một thế lực hùng mạnh ở châu Âu, cai trị vào khoảng 8 triệu thần dân. Đế quốc La Mã thần thánh còn bao gồm một số thực thể chính trị lớn khác, như các công quốc Bayern, Pfalz, Hessen, Sachsen, lãnh địa của bá tước xứ Brandenburg và lãnh địa của Tổng Giám mục xứ Trier và Wurttemberg (có khoảng từ 50 vạn đến một triệu dân). Ngoài ra, còn rất nhiều những lãnh địa độc lập khác, các thành phố tự do, các vùng đất thuộc quyền cai quản của một tu viện hoặc một tổng Giám mục và những công hầu nhỏ bé mà phần lớn quyền hành không vượt quá phạm vi một ngôi làng, ở khắp nơi trên Đế chế. Nước Áo và xứ Bayern là những lãnh địa duy nhất có được một nền chính trị ở tầm mức quốc gia; liên minh giữa các Công quốc có mối quan hệ cùng dòng tộc là rất phổ biến, một phần do tập tục thời đó thường chia các lãnh địa thừa kế cho nhiều người con trai khác nhau của người chủ lãnh địa.Căng thẳng tôn giáo gia tăngCăng thẳng về tôn giáo tiếp tục gia tăng vào nửa cuối thế kỷ 16. Hòa ước Ausburg không có hiệu lực khi một số linh mục cải đạo từ chối không từ bỏ giáo phận của mình và những nhà cai trị theo Công giáo ở Tây Ban Nha và Tây Âu tiếp tục tìm cách khôi phục lại quyền lực của Công giáo ở vùng mà họ cai quản. Những mâu thuẫn tôn giáo được thể hiện rõ ràng qua cuộc chiến tranh Köln (nổ ra năm 1582). Cuộc chiến tranh khởi phát do vị Tuyển hầu đứng đầu thành phố Köln đổi sang đạo Calvin. Là một thành viên trong hội đồng có quyền bỏ phiếu bầu ra Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh, động thái của Gebhard Truchsess von Waldbur (tuyển đế hầu của Köln) có thể dẫn đến việc những người Tin lành sẽ chiếm đa số trong cuộc bầu cử hoàng đế, vị trí từ trước tới giờ luôn do một người Công giáo nắm giữ. Trong chiến tranh Köln, quân đội Tây Ban Nha đã trục xuất tuyển hầu thành phố đó và thay ông ta bằng Tử tước xứ Bayern, một người Công giáo. Sau thắng lợi đó, những người Công giáo tiếp tục bành trướng thế lực ở các vùng Bavaria, Wurzburg và nhiều thành bang khác. Những người theo đạo Luther sống ở đó bây giờ chỉ còn hai lựa chọn: hoặc cải đạo, hoặc bị trục xuất. Một số tuyển hầu ở các lãnh địa theo đạo Luther trước đó cũng cải sang đạo Calvin, như ở các xứ Pfalz (1560), Nassau (1578), Hasse-Kassel (1603) và Brandenburg (1613).
Đế quốc Tây Ban Nha vào thời điểm cực thịnh.
Những thay đổi trong cán cân lực lượng dẫn đến việc từ đầu thế kỷ 17, vùng hạ lưu sông Rhine và phía nam sông Donau hầu hết là do các lực lượng Công giáo nắm giữ, trong khi những người Luther duy trì quyền kiểm soát ở phía bắc, còn những người theo đạo Calvin chia sẻ các vùng đất còn lại, như vùng trung tây nước Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan. Tuy nhiên, những thiểu số của mỗi tôn giáo đó vẫn sống trộn lẫn với nhau. Ở một số lãnh địa và thành phố tự do, số lượng người theo đạo Calvin, Luther và Công giáo gần như là bằng nhau.Những thành viên của dòng họ Habsburg lên làm Hoàng đế La Mã Thần thánh sau hoàng đế Karl V (Ferdinand I, Maximilian II, Rudolf II và Matthias) cho phép các thần dân được tự do theo tôn giáo mà họ chọn. Các vị hoàng đế nói trên cho phép các tín ngưỡng Ki-Tô giáo khác nhau được cùng tồn tại, không ép buộc các thần dân để tránh không xảy ra những cuộc Chiến tranh tôn giáo. Điều này gây ra nhiều lo ngại cho những người cai trị Tây Ban Nha, vốn là họ hàng của Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh, nhưng đồng thời cũng là những người tôn sùng Công giáo đến mức cực đoan. Trong khi đó, Thụy Điển và Đan Mạch đều là những quốc gia chính thức theo đạo Luther và do vậy, ủng hộ những người Tin lành ở Đế chế La Mã thần thánh, đồng thời xem đó là một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của họ trong vùng.Bạo lực bùng phát và nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiếnCăng thẳng về tôn giáo bùng phát thành bạo lực ở thành phố tự do Donauworth của nước Đức vào năm 1606. Đa số những người Luther ở đó đã ngăn chặn một đám diễu hành của cư dân Công giáo thuộc thị trấn Schwaben, dẫn đến một cuộc bạo loạn. Cuộc bạo loạn được mở rộng khi Nam tước Maximilian xứ Bayern (1573-1651) quyết định can thiệp trên danh nghĩa bảo vệ quyền lợi những người Công giáo. Sau cuộc bạo động, những người Calvin tại Đức, vốn vẫn là một thiểu số, bắt đầu cảm thấy họ là những người bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Họ liền tập hợp lại với nhau và thành lập Liên đoàn đoàn kết Phúc âm vào năm 1608, dưới sự lãnh đạo của Friedrich IV của Pfalz (1583-1610), một tuyển hầu có quyền bỏ phiếu bầu Hoàng đế (cũng cần nói thêm là con trai của ông này, Friedrich V, đã kết hôn với Elizabeth Stuart, con gái của James I của Anh). Sự việc phức tạp hơn bởi Pfalz là một thành bang nằm trên sông Rhine mà Tây Ban Nha đang muốn đánh chiếm. Thêm vào đó, sự ra đời của Liên đoàn đoàn kết Phúc âm dẫn đến việc những người Công giáo cũng tập hợp lại trong tổ chức riêng của họ, Liên đoàn Công giáo, được thành lập năm 1609, dưới sự lãnh đạo của chính Nam tước Maximilian.
Friedrich V của Pfalz, vua xứ Bohemia được gọi là "vị vua mùa đông" của Bohemia vì ông trị vì không tới hai tháng vào năm 1620 sau khi được quân nổi loạn dựng lên.
Năm 1617, trước nguy cơ hoàng đế Matthias (Đế quốc La Mã thần thánh) và vua xứ Bohemia khi đó, có thể qua đời mà không có người thừa kế, người họ hàng gần nhất của Matthias, người mà hai năm sau đó sẽ kế vị, Ferdinand II, được chọn làm Thái tử kế vị của xứ Bohemia. Tuy nhiên, Ferdinand II trưởng thành dưới sự giáo dục của Hội đoàn Công giáo, một tổ chức của những người sùng đạo Công giáo cực đoan muốn áp đặt sự thống nhất về tôn giáo trên toàn cõi châu Âu. Điều này khiến xứ Bohemia, vốn có rất nhiều cư dân theo đạo Tin lành, từ chối chấp nhận Ferdinand II làm vua của họ. Cùng với việc những người đại diện của Ferdinand II bị trục xuất khỏi Praha vào năm 1618, Chiến tranh 30 năm đã bùng nổ. Cuộc chiến có thể được chia làm bốn giai đoạn:+Cuộc nổi loạn của những người Bohemia+Sự can thiệp của Đan Mạch+Sự can thiệp của Thụy Điển+Sự can thiệp của PhápDiễn biến chiến tranh
Cuộc nổi loạn của người Bohemia (1618-1625)Nguyên nhân trực tiếp của cuộc nổi loạnDo không có con nối dõi, Hoàng đế La Mã thần thánh Matthias đã cố gắng sắp xếp một cuộc chuyển giao quyền lực trong trật tự khi ông vẫn còn sống bằng cách để người thừa kế của ông (một người Công giáo cực đoan, Ferdinand xứ Styria, sau này là Ferdinand II (Đế quốc La Mã thần thánh) được bầu lên ngôi vua ở hai vùng khác nhau thuộc Đế chế, Bohemia và Hungary. Một số lãnh đạo của phe Tin lành ở Bohemia lo sợ rằng nếu Ferdinand lên ngôi, quyền được theo đạo Tin lành của họ sẽ không còn được bảo vệ như trong bức thư cam kết của Hoàng đế Rudolf II (Đế quốc La Mã thần thánh), tiên vương đồng thời cũng là anh trai của Matthias. Phe Tin lành ở Bohemia muốn chọn tuyển hầu Friedrich V của Pfalz (người kế vị của Friedrich IV của Pfalz, người thành lập Liên đoàn đoàn kết Phúc âm), làm người cai trị họ hơn. Tuy nhiên, cũng có những người Tin lành khác ủng hộ việc trao vị trí vua xứ Bohemia cho người Công giáo. Năm 1617, Ferdinand được bầu làm Thái tử xứ Bohemia và sau khi Matthias qua đời, nghiễm nhiên là tự quân của xứ Bohemia. Khi đó, Ferdinand cử hai sứ thần, đều là người Công giáo (Wilhelm Slavata von Chlum und Koschumberg và Jaroslav Borsita von Martinitz) làm đại diện cho Hoàng đế tại lâu đài hoàng gia Hradcany ở Praha vào tháng 5 năm 1618. Ferdinand muốn hai người này thay mặt ông cai trị xứ Bohemia. Theo những tư liệu dân gian, những người Hussite Bohemia, tức những người theo đạo Tin lành, đã bất ngờ bắt giữ họ, tổ chức một phiên luận tội chóng vánh và ném họ ra khỏi cửa sổ lâu đài, từ độ cao cách mặt đất hơn 20 mét. Thế nhưng họ vẫn sống sót lành lặn. Những truyền thuyết của người Công giáo kể rằng các thiên thần đã xuất hiện và cứu giúp họ, trong khi truyền thuyết của người Tin lành lại khẳng định họ rơi vào một đống phân bón ruộng ở dưới sân lâu đài nên may mắn sống sót.
Cảnh những người Bohemia theo đạo Tin Lành ném 2 sứ thần qua cửa sổ.
Sự kiện này, được biết đến dưới tên gọi Vụ vứt người ra cửa sổ thứ hai ở Praha, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc nổi dậy của người Bohemia. Không lâu sau đó, xung đột giữa những người Bohemia lan ra toàn cõi Đại Bohemia, Bohemia, Silesia, Lusatia và Moravia. Còn cuộc xung đột tôn giáo thì lan khắp châu Âu lục địa, đến Pháp, Thụy Điển và nhiều nước khác.Nếu cuộc nổi loạn của người Bohemia chỉ là một xung đột địa phương thì chiến tranh đã có thể kết thúc chỉ trong không đầy 30 tháng. Tuy nhiên, cái chết của Hoàng đế Matthias đúng vào lúc tình hình căng thẳng nhất đã khuyến khích những lãnh đạo Tin lành nổi loạn. Sự yếu đuối của Ferdinand (lúc này đã là Hoàng đế La Mã Thần thánh) và chính quyền Bohemia khiến chiến tranh lan nhanh tới biên giới phía tây nước Đức và Ferdinand phải cầu viện đến sự trợ giúp của người cháu họ, Felipe IV của Tây Ban Nha.Những người Bohemia, đang muốn thành lập một liên minh chống lại Hoàng đế, đã bày tỏ ý định gia nhập Liên đoàn Tin lành, do Friedrich V của Pfalz, một người Calvin và trước đó là một ứng viên cho ngai vàng của xứ Bohemia, đứng đầu. Những người Bohemia nổi loạn gợi ý với Friedrich rằng ông sẽ trở thành vua xứ Bohemia nếu để họ gia nhập Liên đoàn Tin lành và nhận được sự bảo vệ của ông. Tuy nhiên, cùng lúc, những người Bohemia còn đưa ra đề nghị tương tự với công tước xứ Savoie, tuyển hầu xứ Sachsen và tuyển hầu xứ Transilvania. Những người Áo, kiểm soát tất cả các con đường liên lạc từ Praha ra ngoài, đã bắt được những lá thư đó và cho công khai thái độ hai mặt của người Bohemia. Điều này khiến người Bohemia mất đi rất nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là ở vùng Sachsen.Từ trận Sablat đến trận StadtlohnCuộc nổi loạn lúc đầu phát triển theo chiều hướng có lợi cho những người Bohemia. Họ có được sự ủng hộ của vùng Thượng Áo, nơi giai cấp quý tộc chủ yếu là những người Luther hoặc Calvin. Vùng Hạ Áo cũng nổi dậy không lâu sau đó và năm 1619, bá tước Thurn dẫn một đội quân tiến sát Viên. Ở phía đông, tuyển hầu Transilvania, một người theo Tin lành, dẫn đầu một chiến dịch quả cảm tấn công Hungary với sự ủng hộ của hoàng đế của Đế quốc Ottoman. Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh, vốn đang phải đối phó với cuộc chiến tranh Uzkok, phải nhanh chóng huy động quân đội hòng ngăn chặn những người Bohemia và các đồng minh của họ đang ngày càng chiếm ưu thế ở khắp nơi trên đất nước của ông. Bá tước Bucquoy, tư lệnh quân đội của Hoàng đế La Mã Thần thánh, đánh bại một lực lượng lớn của Liên đoàn Tin lành do bá tước Mansfeld chỉ huy trong trận Sablat, ngày 10 tháng 6 năm 1619. Thất bại đó của quân nổi dậy đã cắt đứt liên hệ của bá tước Thurn, đang tiến sâu vào đất Áo, với Praha và ông buộc phải chấm dứt cuộc vây hãm Wien. Thất bại ở Sablat còn khiến những người Tin lành mất một đồng minh quan trọng, xứ Savoie, một địch thủ lâu đời chống lại sự bành trướng của dòng họ Habsburg. Xứ Savoie đã hỗ trợ những người Tin lành một khoản tiền rất lớn và thậm chí đã gửi quân đồn trú đến các pháo đài ở vùng hạ lưu sông Rhine. Tuy nhiên, thất bại của Mansfeld gây lúng túng cho quân đội Savoie khi kế hoạch của họ bị phá sản và họ buộc phải rút khỏi cuộc chiến.Dù sao, bất chấp trận Sablat, đội quân của bá tước Thurn vẫn là một mối đe dọa nguy hiểm với Hoàng đế La Mã Thần thánh, còn Mansfeld gom góp tàn quân và rút về phía bắc Bohemia. Các vùng Thượng và Hạ Áo đã chính thức ký một thỏa ước liên minh với những người Bohemia vào đầu tháng 8-1619. Ngày 17-8-1619, Ferdinand chính thức không còn là vua xứ Bohemia nữa và những người Bohemia đã chọn tuyển hầu Pfalz Friedrich V thay cho ông ta. Ở Hungary, dù những người Bohemia đã rút lại đề nghị về việc trao ngôi vua cho tuyển hầu Transilvania, xứ này vẫn chiến đấu ngoan cường trong cuộc nổi dậy và họ đã đẩy toàn bộ quân đội của Hoàng đế La Mã Thần thánh ra khỏi đất nước vào năm 1620.
Đế quốc La Mã Thần thánh
Johan Tzerclaes, công tước xứ Tilly, tư lệnh quân đội của xứ Bayern và Đế quốc La Mã Thần thánh
Tây Ban Nha gửi quân đội từ Brussel dưới quyền chỉ huy của Ambrosia Spinola, một viên tướng quyết đoán, sang giúp Hoàng đế La Mã Thần thánh. Ngoài ra, đại sứ Tây Ban Nha tại Wien, Don Inigo Velez de Onate, thuyết phục xứ Sachsen theo đạo Tin lành chống lại quân nổi dậy để đổi lấy quyền kiểm soát Lusatia. Những người Sachsen đã nghe theo và quân đội Tây Ban Nha ở phía tây đã ngăn được Liên đoàn Tin lành tiếp viện cho bá tước Thurn. Onate còn sắp xếp để tước vị tuyển hầu Pfalz được chuyển lại cho công tước xứ Bayern hòng đổi lấy sự ủng hộ của xứ Bayern và Liên đoàn Công giáo. Dưới sự chỉ huy của tướng Tilly, quân đội của Liên đoàn Công giáo (có một sĩ quan nổi tiếng là nhà khoa học người Pháp Rene Descartes) bình định vùng Thượng Áo, trong khi quân đội của Hoàng đế tấn công Hạ Áo. Hai cánh quân sau đó gặp nhau và cùng tiến về phía bắc vào xứ Bohemia. Ferdinand II đã đánh bại Friedrich V trong trận White Mountain, gần Praha, một trận đánh có tính chất quyết định vào ngày 8 tháng 11 năm 1620. Sau thất bại đó, xứ Bohemia phải hoàn toàn theo Công giáo và bị dòng họ Habsburg cai trị thêm gần 300 năm nữa.Thất bại còn dẫn đến việc giải tán Liên đoàn đoàn kết Phúc âm và Frederick V mất toàn bộ các lãnh địa của ông. Xứ Pfalz bị chia nhỏ cho các quý tộc Công giáo. Tước hiệu tuyển hầu xứ Pfalz được chuyển lại cho một người họ hàng xa của Friedrich V theo Công giáo, công tước Maximilian của Bayern. Friedrich V mất hết đất đai và phải lưu vong ở nước ngoài nhưng vẫn không ngừng vận động cho lý tưởng của ông ở Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.Sau khi cuộc nổi loạn thất bại, việc tịch thu của cải và đàn áp những người Bohemia theo đạo Tin lành diễn ra khắp nơi, hòng bảo đảm rằng xứ Bohemia sẽ trở về hẳn với Công giáo sau hơn hai thế kỷ tồn tại của những tôn giáo khác biệt. Tây Ban Nha, vì muốn làm chủ vùng chiến lược ngay cạnh mạn sườn của Hà Lan để chuẩn bị cho việc tiếp tục cuộc Chiến tranh 80 năm, đã chiếm giữ những lãnh địa của Friedrich, vùng Pfalz lưu vực sông Rhine. Giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến ở miền đông nước Đức kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 1621, khi hoàng thân xứ Transilvania và Hoàng đế ký Hòa ước Nikolsburg, trao cho Transilvania một số lãnh địa ở Hungary, vốn thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh.
Bức tranh mô tả trận White Mountain, nơi lực lượng của Hoàng đế với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha đã giành thắng lợi quyết định trước quân nổi dậy Bohemia.
Trận Stadtlohn, trận chiến mà Công tước xứ Tilly đã đánh bại hoàn toàn những người Tin lành nổi loạn.
Một số sử gia xem giai đoạn 1621-1625 là một phần riêng biệt của cuộc Chiến tranh 30 năm, được gọi là "giai đoạn Pfalz". Sau thất bại toàn diện của quân đội Tin lành tại White Mountain và cuộc tháo chạy của Friedrich V, Đại Bohemia đã được Hoàng đế bình định. Tuy nhiên, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Pfalz. Giai đoạn này của cuộc chiến bao gồm những trận đánh nhỏ và những cuộc vây hãm của quân đội Tây Ban Nha. Mannheim và Heidelberg thất thủ vào năm 1622, Frankenthal thất thủ năm 1623 và toàn xứ Pfalz rơi vào tay người Tây Ban Nha.Tàn quân Tin lành, do Mansfeld và Christian nhà Brunswick chỉ huy, rút sang Hà Lan. Dù sự có mặt của đội quân đó đã giúp giải vây cho Bergen op Zoom khỏi lực lượng Công giáo, phía Hà Lan không thể chu cấp nổi cho một đội quân lớn như vậy nên họ chuyển sang khu vực East Friesland gần đó. Mansfeld ở lại Hà Lan, còn Christian dẫn quân rong ruổi để giúp những đội quân Tin lành khác trong Vòng cung Hạ Sachsen và việc này đã lôi kéo sự chú ý của Tilly. Nhận được tin Mansfeld không thể hỗ trợ, quân đội của Christian quyết định rút hẳn vào sâu trong biên giới Hà Lan. Ngày 6-8-1623, quân đội của Tilly đuổi kịp họ khi chỉ còn cách biên giới Hà Lan 10 dặm. Trận Stadtlohn đã nổ ra. Trong trận này Tilly đánh bại hoàn toàn những người Tin lành, tiêu diệt bốn phần năm quân số vào khoảng 15 nghìn quân của đối thủ. Sau thất bại nặng nề đó, Friedrich V, đang lưu vong ở The Hague (Hà Lan), trước sức ép ngày càng lớn từ phía nhạc phụ James I của Anh, phải chấm dứt mọi can dự tới cuộc chiến, đành ngưng các kế hoạch quân sự của ông. Cuộc nổi dậy của người Tin lành đến đây hoàn toàn thất bại.Sự can thiệp của Đan Mạch (1625-1629)Nền hòa bình ở Đế chế không tồn tại được lâu khi xung đột tiếp diễn với sự can thiệp của Đan Mạch. Đan Mạch bắt đầu can dự vào cuộc chiến khi Christian IV của Đan Mạch, một người Luther, đồng thời là công tước xứ Holstein, giúp đỡ những người lãnh đạo theo Tin lành ở vùng Hạ Sachsen lân cận chống lại quân đội của Hoàng đế La Mã thần thánh. Đan Mạch lo sợ rằng chủ quyền của họ sẽ bị xâm phạm khi những quốc gia Tin lành bị đe dọa bởi các chiến thắng liên tiếp của phe Công giáo. Vua Christian IV còn đang hưởng lợi nhờ chính sách trước đây của ông ở miền bắc Đức. Một ví dụ điển hình là vào năm 1621, Hamburg đã buộc phải chịu sự cai trị của người Đan Mạch và con trai thứ hai của Christian được cử làm giám mục thành phố Bremen. Vua Christian IV, dựa vào việc mở rộng ảnh hưởng ở miền bắc Đức, đưa vương quốc của ông đến sự ổn định và thịnh vượng mà khi đó ở châu Âu khó có nơi nào sánh bằng. Sự giàu có của Đan Mạch là nhờ vào thuế thu được từ vùng Oresund và tiền bồi thường chiến tranh từ Thụy Điển. Những tính toán của Đan Mạch trong cuộc chiến nhận được sự trợ giúp về tài chính từ phía người Pháp và người Anh. Đích thân Christian IV trở thành tư lệnh của quân đội Tin lành trên toàn Vòng cung Hạ Saxon với lực lượng lính đánh thuê lên đến 2 vạn quân sĩ.
Christian IV của Đan Mạch. Tổng chỉ huy lực lượng Tin lành giai đoạn 1625-1629
Để đối phó, Hoàng đế Ferdinand II đã viện đến sự trợ giúp về quân sự của Albrecht von Wallenstein, một quý tộc người Bohemia đã trở nên giàu có nhờ tịch thu của cải của những người đồng bào mình sau chiến tranh. Wallenstein cam kết đặt đạo quân ước tính từ 3 vạn đến 10 vạn binh sĩ tinh nhuệ của ông dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Ferdinand II để đổi lấy những lãnh địa chiếm được nhờ chiến tranh. Vua Christian IV thiếu thông tin về lực lượng đối phương nên đã bị liên quân của Wallenstein và Tilly đẩy lui nhanh chóng. Các đồng minh của ông cũng không giúp được gì nhiều như đã hứa hẹn: nước Anh quá yếu và bị chia rẽ, nước Pháp đang mắc kẹt trong một cuộc nội chiến, Thụy Điển quá bận rộn với cuộc chiến chống lại Liên bang Ba Lan-Litva, còn các xứ Brandenburg và Sachsen không mấy mặn mà trước những thay đổi với nền hòa bình còn quá mong manh ở miền đông nước Đức. Wallenstein đánh bại Mansfeld trong trận cầu Dessau (25/4/1626) và Tilly đánh bại quân Đan Mạch trong trận Lutter (1626). Mệt mỏi và hoàn toàn kiệt quệ sau thất bại đã khiến Mansfeld mất hơn một nửa đội quân mới xây dựng lại của mình và Ernst von Mansfeld qua đời vài tháng sau đó do bệnh tật tại Dalmatia.Quân đội của Wallenstein tiến xa hơn về phía bắc, đánh chiếm Mecklenburg, Pomerania và cuối cùng là cả Jutland. Tuy nhiên, Wallenstein không thể chiếm được thủ đô của Đan Mạch trên đảo Zealand. Wallenstein thiếu một đội thủy quân đủ mạnh trong khi cả Liên minh Hanseatic và Ba Lan, những bên không tham chiến, đều từ chối không cho phép quân đội của Đế chế xây dựng các hải cảng quân sự ở bờ biển Baltic. Wallenstein bèn quay về vây hãm thành bang Stralsund (tọa lạc phía nam ở bờ biển Baltic) nhằm có đủ cơ sở vật chất để xây dựng một đội hải quân mạnh. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện kế hoạch đó là quá cao so với việc chiếm được phần còn lại của Đan Mạch, nên Wallenstein quyết định đi tới thỏa thuận với địch thủ.
Chỉ huy lực lượng Công giáo Albrecht von Wallenstein
Những cuộc thương lượng kết thúc với Hiệp ước Lubeck vào năm 1629, tuyên bố rằng vua Christian IV vẫn được quyền cai trị Đan Mạch nếu ông từ bỏ sự ủng hộ với các thành bang theo đạo Tin lành ở Đức. Trong hai năm tiếp theo sau đó, ngày càng nhiều vùng đất rơi vào tay các lực lượng Công giáo.Đến đây, Liên đoàn Công giáo thuyết phục được Ferdinand II lấy lại những lãnh địa của người Luther mà trước Hòa ước Ausburg thuộc quyền sở hữu của các nhà thờ Công giáo. Được liệt kê chi tiết trong một chỉ dụ đặc biệt của Hoàng đế vào năm 1629, những lãnh địa này bao gồm hai tổng giáo phận, 16 giáo phận và hàng trăm nhà thờ. Cũng trong năm đó, Gabriel Bethlen, một trong những lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng lớn của phe Tin lành, qua đời. Chỉ còn lại một mình thành phố cảng Stralsund tiếp tục cuộc chiến chống lại Wallenstein và Hoàng đế.Sự can thiệp của Thụy Điển (1630-1635)Một số triều thần của hoàng đế Ferdinand II tỏ ý nghi ngờ Wallenstein. Họ cho rằng ông ta đang tìm cách củng cố liên minh với các hoàng thân ở Đức và gây áp lực lên Hoàng đế. Ferdinand II cách chức Wallenstein vào năm 1630. Nhưng sau đó đã phải gọi lại ông khi quân đội Thụy Điển, do vua Gustav II Adolf chỉ huy, tấn công Đế chế.Gustav Adolf, giống như Christian IV, cũng lo ngại về sức mạnh ngày càng gia tăng của Hoàng đế La Mã thần thánh, nên quyết định hỗ trợ những người Luther ở Đức, đánh chặn những người Công giáo ngay trên đất của họ đồng thời giành lấy những lợi ích về kinh tế ở các thành bang nước Đức quanh biển Baltic. Giống như Christian IV, Gustav Adolf nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Hồng y Richelieu, quan Thượng thư đầu triều của vua Pháp là Louis XIII, và người Hà Lan. Vào ngày 3 tháng 4 năm 1630, vua Gustav II Adolf và các chiến binh tinh nhuệ tấn công và chiếm được thành phố Frankfurt-an-der-Oder. Quân đội Thụy Điển sau đó tàn sát quân cố thủ tại thành phố này. Từ 1630 đến 1634, quân đội Thụy Điển đã đẩy lùi các lực lượng Công giáo và giành lại rất nhiều phần đất của người Tin lành bị lực lượng Công giáo chiếm đóng trước đó.
Hùng sư phương Bắc: Vua Gustav II Adolf với một bước ngoặt trong trận thắng Breitenfeld (1631), chống Quân đội Đức của Bá tước Tilly.
Sau khi cách chức Wallenstein vào năm 1630, Ferdinand II phải phụ thuộc vào Liên đoàn Công giáo. Pháp và xứ Bayern ký một thỏa thuận bí mật không tấn công lẫn nhau: Hiệp ước Fontainebleau (1631), nhưng hiệp ước này không còn nhiều giá trị khi Thụy Điển, vốn được sự bảo trợ của Pháp, tấn công xứ Bayern. Tại trận Breitenfeld (1631), lực lượng do Gustav II Adolf chỉ huy đánh bại Liên đoàn Công giáo do tướng Tilly chỉ huy. Một năm sau, họ lại giáp mặt trong một chiến thắng nữa dành cho những người Tin lành, và Tilly tử trận. Thế thượng phong giờ chuyển sang tay những người Tin lành do Thụy Điển đứng đầu. Năm 1630, Thụy Điển đã phải chi hơn 2.368.000 daler (đơn vị tiền tệ của Thụy Điển vào thời kỳ đó) để nuôi sống và trang bị cho một đội quân 42 nghìn người. Năm 1632, họ chỉ còn phải chi ra một phần năm số đó cho một lực lượng đông hơn gấp ba lần (ước tính vào khoảng 149 nghìn người) với sự trợ giúp về tài chính từ Pháp và việc bắt lính những tù nhân (chủ yếu là ở trận Breitenfeld).Sau khi Tilly tử trận, Ferdinand II đành quay qua nhờ sự giúp đỡ của Albrecht von Wallenstein và lực lượng quân đội còn rất mạnh của ông. Wallenstein tiến về phía nam, đe dọa đường tiếp tế của "Hùng sư phương Bắc" Gustav II Adolf. Gustav II Adolf hiểu rằng Wallenstein đang chờ đợi quân Thụy Điển tấn công và đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Wallenstein và Gustav II Adolf cuối cùng cũng chạm trán trong trận Lutzen (1632), quân Thụy Điển nắm được ưu thế nhưng Gustav II Adolf tử trận. Năm 1634, lực lượng Tin lành, vốn đã mất vị minh chủ, bị đánh bại trong trận Nordlingen lần thứ nhất.Đến đây, hoàng đế Ferdinand II lại nghi ngờ Wallenstein bởi bắt đầu từ năm 1633, Wallenstein đã tìm cách dàn xếp những khác biệt giữa hai phe Công giáo và Tin Lành. Ferdinand II sợ rằng Wallenstein sẽ phản bội mình nên đã sắp xếp một cuộc bắt giữ Wallenstein rồi sau đó tước hết binh quyền. Một trong những người lính của Wallenstein, đội trưởng Devereux, ám sát ông ở quảng trường Eger ngày 25 tháng 2 năm 1634 (khi Wallenstein đang cố gắng tìm cách liên hệ với những người Thụy Điển).
Chiến thắng của Gustav II Adolf trong trận Breitenfeld (1631)
Trận Lutzen (1632)
Sau sự kiện đó, hai phía gặp nhau để thương lượng về hòa bình, dẫn đến Hòa ước Praha (1635), bao gồm những điều khoản chính yếu sau:+ Hoãn việc thực thi chỉ dụ đặc biệt về thu hồi các giáo phận Tin lành của Hoàng đế trong khoảng thời gian 40 năm và cho phép những người Tin lành giữ lại những giáo phận mà họ đã sở hữu trong năm 1627. Điều này sẽ bảo vệ những nhà cai trị Luther ở phía đông bắc nước Đức, nhưng chưa bảo vệ được những người ở miền nam và miền tây (những người mà đất đai đã bị quân đội của Hoàng đế hoặc của Liên đoàn Công giáo tước đoạt vào trước năm 1627).
+ Hợp nhất quân đội của Hoàng đế và của các thành bang nước Đức thành một quân đội duy nhất dưới sự chỉ huy của Hoàng đế La Mã Thần thánh (mặc dù trên thực tế Johann Georg xứ Sachsen và Maximillian xứ Bayern vẫn có quân đội riêng, độc lập với Hoàng đế).
+ Cấm các tuyển hầu ở Đức liên minh với nhau và với các lực lượng nước ngoài.
+ Ân xá cho những tuyển hầu đã cầm quân chống lại Hoàng đế sau khi người Thụy Điển tham chiến vào năm 1630.Tuy nhiên, hòa ước này đã không làm hài lòng một bên vắng mặt là người Pháp vì nhà Habsburg qua hòa ước này còn trở nên hùng mạnh hơn trước. Vậy là người Pháp trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến, bắt đầu cho giai đoạn cuối cùng của Chiến tranh Ba mươi năm.Sự can thiệp của Pháp (1635-1648)Nước Pháp, mặc dù là "Trưởng nữ của Giáo hội Công giáo", nhưng cũng lại là kình địch của Đế quốc La Mã thần thánh và Tây Ban Nha, bước vào cuộc chiến trong tư cách đứng về phía phe Tin lành. Quan Thượng thư đầu triều Pháp là Hồng y Richelieu cảm thấy quân đội nhà Habsburg ngày càng lớn mạnh, chiếm giữ nhiều lãnh địa ở ngay biên giới phía đông nước Pháp, bao gồm nhiều phần của Hà Lan.Trước đó, trong một thời gian dài, Pháp đã liên minh với Hà Lan, rồi sau đó là Đan Mạch và Thụy Điển, để bảo trợ cho cuộc chiến của người Tin lành chống lại Đế quốc La Mã thần thánh. Hòa ước Praha, được dàn xếp dựa do sự ép buộc của Ferdinand II, khiến người Pháp và phe Tin lành không hài lòng. Thụy Điển muốn được nhiều đất đai hơn nữa để trang trải cho phí tổn mà họ phải gánh chịu trong suốt cuộc chiến. Tháng 4-1635, Pháp và Thụy Điển ký một hiệp ước liên minh, Hiệp ước Compiegne. Cho tới thời điểm đó của cuộc chiến, nước Pháp vẫn chưa bị tổn thất gì và chỉ tham dự một cách hạn chế bằng cách bỏ tiền trang trải chiến phí, thay vì trực tiếp chiến đấu.Vào những tháng đầu của năm 1635, Pháp bắt đầu tỏ ra tích cực hơn trong các hoạt động quân sự. Tháng 2-1635, Richelieu đã gửi cho Hà Lan 2 vạn quân tiếp viện. Tuy nhiên, Pháp không thể cứ đứng ngoài cuộc chiến. Tây Ban Nha tấn công Trier, một xứ bảo hộ của Pháp từ 1631, vào đầu năm 1635 và tháng 5-1635, Pháp tuyên chiến với Tây Ban Nha. Vào lúc đầu, triển vọng quân sự của Pháp là không tốt. Quân đội Pháp không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu so với những địch thủ đã trải qua cuộc chiến được gần 20 năm. Họ bèn tìm kiếm những liên minh với các thành bang Tin lành, Savoie, Parma, Màntova và những người Tin lành ở Thụy Sĩ.Năm 1636, một cuộc tổng tấn công của phe Đế chế nhắm vào Pháp được phát động. Hai đạo quân của Đế chế La Mã Thần thánh đánh vào nước Pháp, một theo hướng dãy Picardy do Hồng y Ferdinand nước Áo chỉ huy và một theo đường Vosges, do Matthias Gallas chỉ huy, trong khi vua Felipe IV của Tây Ban Nha đích thân chỉ huy một đạo quân dự định tấn công miền nam Pháp. Đạo quân của Hồng y Ferdinand giành những thắng lợi liên tiếp và đã có lúc uy hiếp Paris. Tuy nhiên, quân Pháp chống trả quyết liệt và dưới sự kêu gọi của Louis XIII và Hồng y Richelieu, Paris đã không thất thủ, quân Pháp sau đó dần đẩy lui được đạo quân của Hồng y Ferdinand. Đạo quân của Gallas cũng bị công tước Bernard xứ Weimar chặn đứng, còn cuộc tấn công của Felipe IV không thể thực hiện được. Chiến thắng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước Pháp trong cuộc chiến.
Dù là một người Công giáo có thế lực lớn, Hồng y Richelieu quyết định liên minh với những người Tin lành
Tháng 2 năm 1637, Hoàng đế La Mã thần thánh Ferdinand II băng hà, con trai ông, Ferdinand III (Đế quốc La Mã thần thánh), kế vị cha. Ferdinand III ngay lập tức đứng trước những thử thách hết sức khắc nghiệt. Trước đó, tháng 10-1636, quân Thụy Điển đánh bại quân của Đế chế trong một trận đánh lớn tại Wittstock, Brandenburg, qua đó giành quyền kiểm soát phần lớn miền bắc Đức. Gallas đã phải bỏ dở chiến dịch của ông ở Pháp để quay về đối phó. Trận Torgau diễn ra sau đó, với thắng lợi của Đế chế, buộc quân Thụy Điển phải lùi về Pomerania, nhưng vẫn còn đủ mạnh để uy hiếp miền bắc Đế chế.Trong khi đó, Pháp bắt đầu tổ chức phản công và giành được những chiến thắng đáng kể ở miền bắc Ý khi công tước Bernard xứ Weimar đánh bại quân Đế chế ở Rheindelfen rồi chiếm được Alsace và Breisach. Sau khi Bernard qua đời năm 1639, quân đội của ông được đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát của nước Pháp. Lúc này, quân đội Pháp cũng bắt đầu có những chỉ huy tài năng: Tử tước Turenne và Louis II de Bourbon, hoàng thân xứ Conde.Trên biển, liên quân Tin lành cũng giành được những thắng lợi quyết định. Tháng 10-1639, hải quân Hà Lan đánh bại một hạm đội hải quân của Tây Ban Nha trong trận Downs. Tháng 1-1640, một hạm đội hải quân của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại bị hải quân Hà Lan đánh bại trong trận Pernambuco. Kể từ sau đó, quân đội của Đế chế không còn nhận được sự tiếp viện của Tây Ban Nha từ đường biển nữa. Tháng 11-1641, Hồng y Ferdinand qua đời, thêm một tổn thất nữa cho phe Đế chế.
Trận Zusmarshausen.
Trận Lens, 1648
Về phần Tây Ban Nha, họ gặp phải nhiều vấn đề quốc nội hết sức phức tạp. Trong hai năm 1640-1641, Bồ Đào Nha, trước giờ vẫn là một xứ bảo hộ của Tây Ban Nha, nổi dậy đòi quyền độc lập. Xứ Catalan cũng nổi loạn, tham gia một hiệp ước chống Tây Ban Nha với nước Pháp, thành lập liên minh Pháp – Catalan và lật đổ nền cai trị của Tây Ban Nha ở Barcelona, thủ phủ xứ Catalan, vào năm 1641. Tây Ban Nha trở nên hết sức hỗn loạn và vua Felipe IV không còn tâm trí đâu cho cuộc chiến nữa. Tuy nhiên, Pháp đã không tận dụng được cục diện xoay chuyển có lợi cho họ khi đó bởi cái chết của Hồng y Richelieu vào tháng 12-1642. Louis XIII cũng băng hà chỉ sau đó không đầy một năm, tháng 5-1643. Tự quân của nước Pháp, Louis XIV của Pháp, chỉ mới bốn tuổi và những người cầm quyền nhiếp chính, Hoàng hậu Anne, một người Áo và Thủ tướng Mazarin, một người Ý, đều không muốn tiếp tục cuộc chiến. Cùng năm đó, Tướng quan xứ Bayern là Franz von Mercy đánh tan tác quân Pháp.Vào năm 1645, Tướng quan Pháp Turenne bị Tướng quan Franz von Mercy tấn công bất ngờ trong trận Mergentheim, và Turenne thất bại nặng nề. Tuy nhiên, Tổng chỉ huy Quân đội Thụy Điển, Lennart Torstensson đánh bại quân của Đế chế trong trận Jankau gần Praha và Louis II de Bourbon - nhận lệnh Hồng y Mazarin đến cứu vãn Quân đội Pháp sau chiến bại tại Mergentheim và ông đã đánh tan tác Quân đội Bayern trong trận Nordlingen lần thứ hai. Vị tướng tài năng cuối cùng của phe Công giáo, Franz von Mercy, đã hy sinh trong trận đánh này.Vào ngày 14 tháng 3 năm 1647, Bayern, Köln, Pháp và Thụy Điển ký thỏa ước ngừng bắn Ulm. Sau đó, quân Pháp chiếm đóng pháo đài Philipsburg của Đế quốc La Mã Thần thánh. Năm 1648, liên quân Pháp - Thụy Điển do Thống chế Carl Gustaf Wrangel cùng Tướng quan Turenne và Louis II de Bourbon chỉ huy đánh bại Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh trong những trận đánh lớn cuối cùng của cuộc chiến, trận Zurmarshausen và trận Lens. Sau hai thất bại đó, vương triều Habsburg rộng lớn giờ chỉ còn làm chủ mỗi vùng lãnh địa nước Áo và Tây Ban Nha mà thôi. Vào năm 1648, quân Thụy Điển thực hiện cuộc tiến công cuối cùng vào thành Praha và giành được nhiều chiến lợi phẩm nhưng sau đó không lâu phải rút lui vì sự chống trả quyết liệt của dân bản địa.Hòa ước WestphaliaSau khi Louis II de Bourbon đánh bại quân Tây Ban Nha trong trận Rocroi năm 1643, những cuộc thương thuyết hòa bình được bắt đầu. Cuộc thương thảo kéo dài năm năm đã dẫn đến Hòa ước Westphalia. Hòa ước Westphalia bao gồm một loạt các hiệp ước hòa bình được ký kết từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1648 tại Osnabrück và Münster. Hai sự kiện quan trọng nhất liên quan đến Hòa ước Westphalia bao gồm lễ ký Hòa ước Münster ngày 30 tháng 01 năm 1648 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha (được chính thức phê chuẩn ngày 15 tháng 05 năm 1648) và lễ ký hai hiệp ước bổ sung ngày 24 tháng 10 năm 1648: Hiệp ước Münster giữa Đế quốc La Mã Thần thánh với Pháp và các đồng minh của cả hai bên; và Hiệp ước Osnabrück giữa Đế quốc La Mã Thần thánh với Thụy Điển và các đồng minh. Hoà ước Westphalia đã đánh dấu sự kết thúc cuộc Chiến tranh 30 năm ở Đức (1618-1648) và Chiến tranh 80 năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan.
Phê chuẩn Hòa ước Westphalia.
Hòa ước Westphalia bao gồm những nội dung chính sau đây:1. Thụy Điển được chiếm một vùng đất rộng lớn của nước Đức, được bồi thường 5 triệu đồng Taler và có quyền tham gia hội nghị của đế quốc Đức;2. Nước Pháp được vùng Alsace và vùng Lorraine và có quyền tham gia hội nghị của đế quốc Đức; 3. Nước Đức bị chia cắt thành 300 tiểu vương quốc; 4. Các chư hầu Đức hoàn toàn được độc lập; 5. Về vấn đề tôn giáo: cả Tin Lành (Tân giáo) và Thiên chúa giáo (Cựu giáo) đều bình đẳng. Đạo Calvin cũng được thừa nhận. Các quốc gia có quyền quyết định lựa chọn tôn giáo cho mình; 6. Công nhận nền độc lập của Thụy Sĩ và Hà Lan. Hậu quả của chiến tranhNhững tổn thất do cuộc chiến này gây ra từ lâu đã là một đề tài gây nhiều tranh cãi giữa các sử gia. Số liệu trước đây ước tính 30% dân số Đức đã thiệt mạng trong cuộc chiến đang được xem xét lại. Tỷ lệ thương vong có lẽ không cao đến mức đó mà vào khoảng từ 15% đến 20%. Những nguyên nhân chủ yếu là chiến tranh, nạn đói và bệnh dịch. Trong đó lực lượng lính đánh thuê cũng gây ra nhiều tổn thất về tài sản và nhân mạng cho thường dân. Cuộc chiến 30 năm đã gây ra những xáo trộn nghiêm trọng cả về kinh tế và dân số ở trung Âu.Bệnh dịch hạch, hoành hành cả trong quân đội và thường dân ở Đức và những vùng đất lân cận từ 1618 đến 1648, cũng là một nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng. Việc các đội quân di chuyển liên tục đã góp phần khiến bệnh dịch hạch ngày càng lan rộng. Thêm vào đó, những đoàn thường dân chạy loạn và di cư tập trung đông đúc ở các thành phố càng làm bệnh dịch và nạn đói trầm trọng thêm. Thông tin về thiệt hại nhân mạng do bệnh dịch thường được tìm thấy trong các biên niên sử địa phương, như những tài liệu đăng ký giáo dân và đăng ký thuế. Tuy nhiên, những thông tin này thường không đầy đủ, hoặc đôi khi phóng đại con số thực tế. Cũng phải nói thêm rằng dịch bệnh không phải là một hệ quả trực tiếp của chiến tranh. Nhiều thập kỷ trước năm 1618, trên nhiều vùng đất nay là nước Đức cũng thường xuyên phát sinh dịch bệnh.
Cảnh tượng một người dân thường đói khát đang cầu xin sự thương hại từ một người lính
Tuy nhiên, khi quân đội Đan Mạch và quân đội của Đế chế giao tranh tại Sachsen và Thuringia trong những năm 1625 và 1626, bệnh dịch đặc biệt gia tăng. Các cuốn biên niên sử của từng địa phương thường xuyên nhắc đến "những bệnh ở đầu", "bệnh lây truyền từ Hungary" hay "bệnh nổi chấm đỏ". Sau cuộc chiến ở Màntova giữa Pháp và vương triều Habsburg cai trị Ý, phần phía bắc bán đảo Ý phải hứng chịu một đợt dịch hạch khủng khiếp. Trong cuộc vây hãm không thành công Nuremberg vào năm 1632, cả thường dân lẫn binh lính của quân đội Thụy Điển và Đế chế đều mắc bệnh sốt phát ban và sco-bút. Hai năm sau, khi quân đội Đế chế truy đuổi quân Thụy Điển ở miền tây nam nước Đức, dịch bệnh lại hoành hành ở vùng dọc theo sông Rhine. Bệnh dịch hạch đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Đầu năm 1634, Dresden, München và nhiều thành phố nhỏ hơn khác ở Đức như Oberammergau đều xảy ra dịch bệnh. Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, bệnh sốt phát ban và kiết lỵ đã phát triển thành dịch ở nhiều vùng trên khắp đất Đức.Hệ quả chính trị của cuộc chiếnHệ quả đầu tiên của cuộc chiến là việc chia cắt nước Đức thành nhiều vùng khác nhau. Mỗi vùng, dù vẫn là thành viên của Đế chế, trên thực tế có chủ quyền riêng biệt. Điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh của Đế chế La Mã Thần thánh và phi tập trung hóa quyền lực ở Đức. Đây cũng được xem là nguyên nhân sâu xa cội rễ của chủ nghĩa quân phiệt Đức và chủ nghĩa dân tộc ở Đức sau này.Chiến tranh Ba mươi năm đã sắp xếp lại cấu trúc quyền lực trước đó ở châu Âu. Sau khi các xứ Sachsen và Brandenburg về với Đế quốc La Mã Thần thánh, việc quân Pháp nhảy vô tham chiến đã đưa bản chất của cuộc chiến dần trở thành một cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Đức. Ảnh hưởng của Tây Ban Nha, cả về quân sự và chính trị, suy giảm nghiêm trọng. Trong khi Tây Ban Nha đang mắc kẹt trong cuộc chiến với Pháp, Bồ Đào Nha, là một quốc gia nằm dưới quyền bảo hộ của Tây Ban Nha trong 60 năm trước đó (từ 1580), đã có vị vua riêng của họ là João IV, vào năm 1640, và triều đại Braganza được thiết lập ở Bồ Đào Nha. Ngoài ra, Đế quốc Tây Ban Nha cuối cùng phải thừa nhận nền độc lập của Hà Lan vào năm 1648, kết thúc cuộc chiến tranh Tám mươi năm. Cùng với sự suy yếu của Tây Ban Nha, Pháp nổi lên là quốc gia hùng mạnh bậc nhất ở châu Âu, được khẳng định bằng chiến thắng trong cuộc chiến tranh Pháp–Tây Ban Nha diễn ra không lâu sau đó.Thất bại của Tây Ban Nha và các lực lượng ủng hộ đế chế còn đánh dấu sự suy sụp của triều đại Habsburg và sự nổi lên của Vương triều nhà Bourbon nước Pháp. Trong suốt cuộc chiến tranh tàn khốc, xứ Brandenburg bị cả quân Thụy Điển lẫn Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh tàn phá dữ dội. Trong khi đó, Tuyển hầu tước xứ Brandenburg thường thực hiện những chính sách thiếu quyết đoán đối với cả hai phía. Trong thế kỷ thứ 18 sau này, một vị vua vĩ đại của nước Phổ-Brandenburg là Friedrich II Đại Đế (trị vì: 1740 - 1786) có chép sử, theo đó viết rằng Tuyển hầu tước Georg Wilhelm thật không có tài năng trị vì lãnh địa. Vua Friedrich II cũng ghi nhận về hậu quả của cuộc Chiến tranh Ba mươi năm đối với lãnh địa Brandenburg: "...bị tàn phá nặng nề trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm, cái ảnh hưởng ghê tởm của cuộc tàn phá này nó sâu đậm đến mức mà từng chi tiết nhỏ của nó có thể được nhận thức rõ - như Trẫm viết."
Bản đồ châu Âu vào năm 1650.
Từ 1643 đến 1645, những năm cuối cùng của cuộc chiến, chiến tranh Tortenson diễn ra giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Kết quả của cuộc chiến đó và của những cuộc chiến lớn diễn ra trên toàn châu Âu cùng với hòa ước Westphalia năm 1648 đã khẳng định vị thế một cường quốc ở châu Âu của Thụy Điển sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng rồi, tân Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg trung hưng, xây dựng lực lượng Quân đội tinh nhuệ, và rồi đại phá tan tác được hùng binh Thụy Điển vào năm 1675. Xứ Brandenburg vươn lên phát triển cường thịnh, thế là họ thiết lập được Vương quốc Phổ-Brandenburg vào năm 1701. Vua Friedrich II sau này đã đánh giá rất cao vị Tuyển hầu tước lớn Friedrich Wilhelm I về thành tựu này.Những điều khoản được thỏa thuận trong suốt quá trình thương lượng dẫn đến ký kết hòa ước Westphalia đã đặt nền móng cho những nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế sau này và thậm chí được xem là những nguyên lý cơ bản của định nghĩa chủ quyền với các quốc gia độc lập. Ngoài việc xác định biên giới lãnh thổ rõ ràng cho nhiều quốc gia liên quan (cũng giống như các quốc gia mới được thành lập sau này), hòa ước Westphalia đã thay đổi mối quan hệ giữa các thần dân và những người cai trị. Lúc đầu, người dân thường có xu hướng tuân theo cả các quyền lực chính trị và tôn giáo. Sau hòa ước Westphalia, các công dân của một quốc gia có chủ quyền trên nguyên tắc trước hết phải tuân theo luật lệ của chính quyền đang cai quản quốc gia đó, dù cho chính quyền đó là tôn giáo hay là thế tục.Ngoài ra, chiến tranh còn mang tới một số hệ quả quan trọng khác:- Chiến tranh Ba mươi năm là cuộc Chiến tranh Tôn giáo lớn cuối cùng ở châu Âu lục địa, kết thúc thời kỳ dài của những cuộc đổ máu vì lý do tín ngưỡng. Tất nhiên là vẫn còn tồn tại xung đột về tôn giáo đây đó ở châu Âu, nhưng không xảy ra những cuộc chiến tranh lớn về sau nữa.- Những tàn phá do các đội quân lính đánh thuê gây ra là cực kỳ lớn. Cuộc chiến tranh Ba mươi năm đã góp phần dẫn đến việc chấm dứt thời kỳ các quốc gia sử dụng lính đánh thuê. Những quốc gia châu Âu bắt đầu xây dựng cho mình những đội quân riêng, có kỷ luật và chiến đấu trước hết vì đất nước. Ví dụ, sau khi lên nối ngôi vào năm 1640, Tuyển hầu tước lớn của xứ Brandenburg là Friedrich Wilhelm I đã tìm cách chấm dứt chiến tranh, và xây dựng một lực lượng Quân đội tinh nhuệ và có trình độ kỷ luật cao để bảo vệ nền độc lập của lãnh địa mình. Nhờ đó, nền độc lập của xứ Brandenburg được duy trì và bảo vệ bởi một lực lượng vũ trang hùng hậu (thay vì việc tham gia các liên minh mà đã mang lại ảnh hưởng xấu cho xứ Brandenburg trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm). Cuối cùng, trong chiến dịch chinh phạt Brandenburg của quân Thụy Điển hùng mạnh vào năm 1675, Quân đội tinh nhuệ Brandenburg đã đại phá tan tành quân Thụy Điển trong trận đánh lịch sử tại Fehrbellin.