Chính thể Quốc gia Việt Nam được thành lập vào ngày 14 tháng 6 năm 1949 và cáo chung vào ngày 26 tháng 10 năm 1955. Hiện nay, có nhiều luồng dư luận về chế độ chính trị này, nhưng trước hết vẫn nên xem đây là một trong những giai đoạn khuất lấp của dòng sử Việt Nam ; bởi nguồn tư liệu không nhiều và lại có phần khó thuyết phục. Với bài viết này, nhóm biên tập TTXVA cố gắng thâu gồm những hình ảnh và tài liệu còn sót lại để quý độc giả phần nào hình dung được bối cảnh lịch sử. Song le, chúng tôi lấy làm vinh hạnh được tiếp nhận mọi quan điểm từ phía độc giả, làm sao để chúng ta có cái nhìn đa diện và khách quan hơn về thời kỳ này !
Bìa sổ thông hành (passeport) của mọi công dân Quốc gia Việt Nam.
1. Vấn đề quốc danh :
Trong Pháp ngữ, Quốc gia Việt Nam được hiểu là État du Viêt Nam, tên gọi này thực tế không phản ánh thể chế chính trị. Khi đặt ra “giải pháp Bảo Đại” (Bao Dai solution), chính phủ Pháp đứng trước hai thách thức :
• Về mặt pháp lý, cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên chiếu thoái vị vào ngày 25.8.1945 nên không còn tư cách nguyên thủ quốc gia nữa. Nếu khôi phục quốc danh Đế quốc Việt Nam (Empire du Viêt Nam) sẽ tạo cớ cho lực lượng Việt Minh (đối thủ chính trị – quân sự của Liên hiệp Pháp) mở chiến dịch bôi nhọ (điều thường thấy trong các cuộc xung đột), khiến cho “giải pháp Bảo Đại” cầm chắc thất bại.