Sài Gòn với người Pháp
Sang đến thời kỳ “một trăm năm đô hộ giặc Tây” Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã trở thành thuộc địa của Pháp. Cũng vì thế, tiếng Pháp đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, xã hội của người Việt. Tiếng Pháp được sử dụng trong các văn bản, giấy tờ của Chính phủ Bảo hộ và trong giảng dạy ở nhà trường, bên cạnh đó là các loại sách báo thâm nhập đời sống thường ngày của người dân.
Chữ Quốc ngữ, vốn được tạo ra bởi một số nhà truyền giáo Tây phương, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes (tác giả cuốn Từ điển Việt-Bồ-La năm 1651), với mục đích dùng ký tự Latinh làm nền tảng cho tiếng Việt. “Latinh hóa” chữ Việt ngày càng được phổ biến để trở thành Quốc ngữ, chịu ảnh hưởng bởi những thuật ngữ, từ ngữ mới của ngôn ngữ Tây phương, chủ yếu là từ tiếng Pháp.
Khi nắm được ba tỉnh Nam Bộ, người Pháp đã nắm trong tay một công cụ vô cùng hữu hiệu để truyền bá văn hoá đồng thời chuyển văn hoá cũ theo hướng văn hoá Pháp. Tờ Gia Định Báo là tờ báo đầu tiên được phát hành bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1865, khẳng định sự phát triển và xu hướng của chữ Quốc Ngữ như là chữ viết chính thức của nước Việt Nam sau này.
Đối với người bình dân, việc tiếp nhận tiếng Pháp đến một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nói “Cắt tóc, thui dê” để chỉ ngày Quốc khánh Pháp 14/7, Quatorze Juliet. Người ta có thể dùng tiếng Tây “bồi” nhưng lại không cảm thấy xấu hổ vì vốn liếng tiếng Pháp của mình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để tả con cọp, người ta có thể dài dòng văn tự: “tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực me-xừ, lủy xực cả moi”. Diễn nôm câu này là một chút màu vàng (jaune), một chút màu đen (noir), nó ăn thịt ông (monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi).
Nhân đây cũng xin nói thêm về những đại danh từ nhân xưng như toa (anh, mày -toi), moa hay mỏa (tôi, tao- moi), en hay ẻn (cô ấy, chị ấy – elle), lúy hay lủy (anh ấy, hắn – lui), xừ hay me-xừ (ông, ngài – monsieur)… Học trò trường Tây, những nhà trí thức khoa bảng hay cả những kẻ tỏ ra “thời thượng” ngày xưa thường dùng những đại từ này. Cũng vì thế có một câu mang tính cách châm chọc: “Hôm qua moa đi xe lửa, buồn đái quá nên moa phải đái trên đầu toa” (toa ở đây có 2 nghĩa: toa xe lửa nhưng cũng có ý là toi (anh) trong tiếng Pháp).
Người Pháp xây dựng đường xe lửa đầu tiên ở Việt Nam tại Sài Gòn từ năm 1881. Đây là đoạn đường ray (rail) từ Cột cờ Thủ Thiêm đến bến xe Chợ Lớn, dài 13km. Mãi đến năm 1885 chuyến xe lửa đầu tiên mới được khởi hành và một năm sau, tuyến đường Sài Gòn-Mỹ Tho dài 71km bắt đầu hoạt động. Sau đó, mạng lưới đường sắt được xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam, dùng kỹ thuật của Pháp với khổ đường ray 1 mét. Tính đến năm 1975 miền Nam có khoảng 1.240km đường ray nhưng vì chiến cuộc nên chỉ được sử dụng khoảng 60%.
Nhà ga cũng có xuất xứ từ tiếng Pháp gare. Ga là công trình kiến trúc làm nơi cho tàu hoả, tàu điện hay máy bay đỗ để hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá. Từ sự vay mượn này ta có thêm những từ ngữ như sân ga, trưởng ga, ga chính,ga xép… Nhân nói về ga tưởng cũng nên nhắc lại động từ bẻ ghi (aiguiller) tức là điều khiển ghi (aiguille) cho xe lửa chuyển sang đường khác. Trong tiếng Việt, bẻ ghi còn có nghĩa bóng là thay đổi đề tài, chuyển từ chuyện mình không thích sang một đề tài khác.
Có những từ ngữ xuất xứ từ tiếng Pháp nhưng vì lâu ngày dùng quen nên người ta cứ tưởng chúng là những từ “thuần Việt”. Chẳng hạn như cao su (caoutchouc), một loại cây công nghiệp được người Pháp du nhập vào Việt Nam qua hình thức những đồn điền tại miền Nam. Ngôn ngữ tiếng Việt rất linh động trong cách dùng từ ngữ cao su qua các biến thể như giờ cao su (giờ giấc co dãn, không đúng giờ), kẹo cao su (chewing-gum), bao cao su (còn gọi là “áo mưa” dùng để tránh thai hoặc tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục)…
Nhà băng (banque) là một chữ quen dùng trong ngôn ngữ hàng ngày còn xà bông cũng là loại chữ dùng lâu ngày thành quen nên ít người để ý xuất xứ của nó là từ tiếng Pháp, savon. Ở miền Bắc, xà bông được cải biên thành xà phòng, là chất dùng để giặt rửa, chế tạo bằng cách cho một chất kiềm tác dụng với một chất béo. Nổi tiếng ở Sài Gòn xưa có xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền, dùng dầu dừa làm nguyên liệu chính.
Chúng ta thấy ngôn ngữ Việt vay mượn từ tiếng Pháp trong rất nhiều lãnh vực. Về ăn uống, tiếng Việt thường mượn cả cách phát âm đến tên của các món ăn có xuất xứ từ phương Tây. Vào nhà hàng, người phục vụ đưa ra mơ-nuy (thực đơn – menu) trong đó có những món như bít-tết (chữ bifteck của Pháp lại mượn từ nguyên thủy tiếng Anh- beefsteak), những thức uống như bia (rượu bia- bière, được chế biến từ cây hốt bố hay còn gọi là hoa bia – houblon), rượu vang (rượu nho- vin)…
Về thịt thì có xúc-xích (saucisse), pa-tê (paté), giăm-bông (jambon), thịt phi-lê (thịt thăn, thịt lườn – filet). Các món ăn thì có ra-gu (ragout), cà-ri (curry)… Khi ăn xong, khách xộp còn cho người phục vụ tiền puộc-boa (tiền thưởng – pourboire). Ngày nay từ boa hay bo được dùng phổ biến với ý nghĩa cho tiền thưởng, hay còn gọi là tiền phong bao hoặc tiền phục vụ.
Từ rất lâu, ở Sài Gòn xuất hiện các loại bánh mì theo kiểu Pháp, miền Bắc lại gọi là bánh tây với hàm ý du nhập từ Pháp. Có nhiều loại bánh đặc biệt như bánh mì ba-ghét (loại bánh mì nhỏ, dài – baguette), bánh pa-tê-sô (một loại bánh nhân thịt, ăn lúc nóng vừa dòn vừa ngon – pathé chaud), bánh croát-xăng (hay còn gọi là bánh sừng bò – croissant
Người Sài Gòn thường ăn sáng với bánh mì kèm theo nhiều kiểu chế biến trứng gà như ốp-la (trứng chỉ chiên một mặt và để nguyên lòng đỏ – oeuf sur le plat), trứng ốp-lết (trứng tráng – omelette) hoặc trứng la-cóc (trứng chụng nước sôi, khi ăn có người lại thích thêm một chút muối tiêu – oeuf à la coque).
Món không thể thiếu trong bữa ăn sáng là cà phê (café). Cà phê phải được lọc từ cái phin (filtre à café) mới đúng điệu. Người miền Bắc ít uống cà phê nên sau năm 1975 vào Sài Gòn đã mô tả cái phin cà phê một cách rất “gợi hình”: “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Ngôn ngữ về trang phục cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Pháp. Bình thường hàng ngày người ta mặc áo sơ-mi (chemise), cổ tay có cài khuy măng-sét (manchette). Khi đi tiệc tùng hoặc hội họp thì mặc áo vét (vest) hay bộ vét-tông (veston) kèm theo chiếc cà-vạt (cravate) trên cổ áo sơ mi. Trời hơi lạnh có thể mặc bên trong áo vét một chiếc gi-lê (gilet) và hai tay mang găng (gants) cho ấm.
Ngay cả quần áo lót bên trong cũng mượn từ tiếng Pháp. Phụ nữ trên thì mang xú-chiêng (nịt ngực- soutien-gorge) dưới thì có xì-líp (slip). Nam giới thì mặc áo may-ô (maillot) bên trong áo sơ-mi. Mặc quần thì phải có xanh-tuya (dây nịt – ceinture) và khi trời nóng thì mặc quần sóc (quần ngắn, tiếng Pháp là short được mượn từ tiếng Anh shorts).
Trang phục có thể được may từ các loại cô-tông (vải bông – coton) hoặc bằng len (làm từ lông cừu – laine). Trên đầu có mũ phớt (feutre, một loại mũ dạ), mũ be-rê (béret, một loại mũ nồi)… dưới chân là đôi dép săng-đan (sandales), sau này người Sài Gòn lại chế thêm dép sa-bô (sabot nguyên thủy tiếng Pháp là guốc).
Đi lính cho Tây thì được phát đôi giày săng-đá (giày của lính – soldat). Loại lính nhảy dù, biệt kích (ngày nay là đặc công) gọi là còm-măng-đô (commando). Một đoàn xe quân sự có hộ tống được gọi là công-voa (convoi, trông cứ như con voi trong tiếng Việt!). Thuật ngữ quân sự chỉ những công sự xây đắp thành khối vững chắc, dùng để phòng ngự, cố thủ một nơi nào đó được gọi là lô-cốt có xuất xứ từ blockhaus. Ngày nay, chữ lô cốt còn được dùng chỉ những nơi đào đường, thường được rào chắn, vây kín mặt đường, cản trở lưu thông.
Xưa kia cảnh sát được gọi qua nhiều tên: mã-tà (xuất xứ từ tiếng Pháp matraque, có nghĩa là dùi cui), sen đầm (gendarme), phú-lít (police), ông cò (commissaire)… Lực lượng thuế quan được gọi là đoan (douane), lính đoan còn có nhiệm vụ đi bắt rượu lậu là một mặt hàng quốc cấm thời Pháp thuộc.
Nông phẩm thì có đậu cô-ve (còn gọi tắt là đậu ve – haricot vert), đậu pơ-tí-poa (đậu Hòa Lan có hột tròn màu xanh – petits-pois), bắp sú (bắp cải – chou), súp-lơ (bông cải – chou-fleur), xà lách (salade), cải xoong (còn gọi là xà lách xoong cresson), cà-rốt (carotte), ác-ti-sô (artichaut)…
Tiếng Tây cũng đi vào âm nhạc. Từ điệu valse, tango… đến đàn piano (dương cầm), violon (vĩ cầm), kèn harmonica (khẩu cầm)… Ở các đăng-xinh (khiêu vũ trường – dancing) luôn có ọc-két (ban nhạc- orchestre) chơi nhạc và xuất hiện một nghề mới gọi là ca-ve (gái nhẩy – cavalière). Ngày nay người ta dùng từ ngữ ca-ve với ý chỉ tất cả những cô gái làm tiền, khác hẳn với ý nghĩa nguyên thủy của nó. Người phương Tây dùng nhiều sữa và các sản phẩm của sữa nên đã đưa vào ngôn ngữ tiếng Việt những từ ngữ như bơ (beurre), pho-mát (fromage), kem (crème)… Nổi tiếng ở Sài Gòn có hai nhãn hiệu sữa Ông Thọ (Longevity) và Con Chim (Nestlé) như đã nói ở phần trên.
Có người cắc cớ thắc mắc, đàn ông mà lại là ông già thì làm sao có sữa? Xin thưa, hình tượng “Ông Thọ chống gậy” trên hộp sữa chỉ muốn nói lên tuổi thọ (longévité) của người dùng sữa. Trường hợp của Nestlé cũng vậy. Con Chim thì làm gì có sữa? Thực ra thì logo của Nestlé là một tổ chim (gồm chim mẹ và 2 chim con) nhưng người Việt mình cứ gọi là sữa Con Chim cho tiện. Cũng vì thế mới có nhiều câu chuyện khôi hài về sữa Con Chim. Chú Ba Tàu, chủ tiệm “chạp phô”, giải thích vì sao sữa Con Chim lại bán với giá mắc hơn những sữa khác: “Sữa con bò vì có nhiều vú nên rẻ, sữa mẹ chỉ có 2 vú nên đắt nhưng Con Chim nhỏ chút xíu, vắt được 1 lon sữa là quý lắm thì phải mắc tiền nhất chớ!”. Các ông lại giải thích khi các bà thắc mắc Con Chim làm gì có sữa: “Tại mấy bà không để ý đấy thôi, con chim khi hứng chí cũng tiết ra một thứ sữa màu trắng đục, đó không phải là sữa thì là gì?”.
Thế mạnh của Nestlé là các sản phẩm sữa bò khác như Núi Trắng (Lait Mont-Blanc) và sữa bột Guigoz. Ngày xưa, những gia đình trung lưu đều nuôi con bằng sữa bột Guigoz. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi ăn vụng một thìa Guigoz của em út: vừa bùi, vừa béo, những hạt sữa nhỏ ly ty như tan ngay trong miệng. Guigoz được chứa trong một cái lon bằng nhôm, cao 15cm, có sọc ngang, bên trong lại có sẵn thìa để giúp người pha dễ sử dụng. Khi dùng hết bột, các bà nội trợ không vứt lon như những loại sữa khác vì lon Guigoz có nắp đậy rất kín nên được “tái sử dụng” trong việc đựng đường, muối, tiêu, bột ngọt…
Những người thiết kế lon Guigoz chắc hẳn chưa bao giờ nghĩ cái lon lại có nhiều công dụng sau khi sữa bột ở bên trong đã dùng hết. Lon Guigoz lại còn theo chân những tù nhân cải tạo như một vật “bất ly thân”. Những người “tưởng đi học có 10 ngày” mang theo lon Guigoz để đựng các vật dụng linh tinh như bàn chải, kem đánh răng, vài loại thuốc cảm cúm, nhức đầu để phòng khi cần đến.
Lon Guigoz thường được chúng tôi gọi tắt là “lon gô”. Học tập càng lâu lon gô càng tỏ ra “đa năng, đa hiệu”. Muốn múc nước từ giếng lên thì dùng gô làm gàu, buổi sáng thức dậy dùng gô làm ly đựng nước súc miệng, nhưng gô còn tỏ ra đặc biệt hữu ích khi dùng như một cái nồi để nấu nước, thổi cơm, luộc măng (lấy ở trên rừng), luộc rau, luộc khoai mỳ (“chôm chỉa” khi đi “tăng gia sản xuất”)… nghĩa là làm được tất cả mọi công việc bếp núc.
Chúng tôi ở trong một căn cứ cũ của Sư đoàn 25 tại Trảng Lớn (Tây Ninh) nên có cái may là còn rất nhiều vỏ đạn 105 ly. Người cải tạo săn nhặt những vỏ đạn về và chế thành một cái lò “dã chiến” và lon gô để vào trong lò vừa khít, tưởng như 2 nhà thiết kế vỏ đạn và lon gô đã ăn ý với nhau “từng centimét” ngay từ khâu thiết kế ban đầu! Ai chưa có lon gô thì nhắn gia đình tìm để đựng đồ ăn mỗi khi được vào trại “thăm nuôi”. Sau 30/4/75 lon gô trở nên hữu dụng vì công nhân, sinh viên, học sinh dùng lon gô để đựng cơm và thức ăn cho bữa trưa. Người Sài Gòn thường đeo một cái túi đựng lon gô khi đi làm, một hình ảnh không thể nào quên của “thời điêu linh” sau 1975.
Tình cờ tôi bắt gặp trang web (
http://www.teslogos.com/.html) của Pháp quảng cáo bán lon sữa Guigoz cho những người sưu tầm, giá lên tới 15 euro cho một lon Guigoz xưa, dĩ nhiên là chỉ có lon không, không có sữa! Người Pháp khi đến Việt Nam mang theo cả chiếc ô-tô (xe hơi – auto, automobile). Xe xưa thì khởi động bằng cách quay ma-ni-ven (manivelle) đặt ở đầu xe, sau này tân tiến hơn có bộ phận đề-ma-rơ (khởi động – démarreur). Sau khi đề (demarrer), xe sẽ nổ máy, sốp-phơ (người lái xe – chauffeur) sẽ cầm lấy vô-lăng (bánh lái-volant) để điều khiển xe… Về cơ khí thì người Sài Gòn dùng các từ ngữ như cờ-lê (chìa vặn-clé), mỏ-lết (molete), đinh vít (vis), tuốc-nơ-vít (cái vặn vít- tournevis),công-tơ (thiết bị đồng hồ – compteur), công tắc (cầu dao – contact)…
Bây giờ nói qua chuyện xe đạp cũng có nhiều điều lý thú. Chiếc xe đạp trong ngôn ngữ Việt mượn rất nhiều từ tiếng Pháp. Trước hết, phía trước có guy-đông (thanh tay lái – guidon), dưới chân có pê-đan (bàn đạp- pedale), săm (ruột bánh xe -chambre à air) và phía sau là bọc-ba-ga (để chở hàng hóa- porte-bagages). Chi tiết các bộ phận trong xe đạp cũng… Tây rặc. Có dây sên (dây xích – chaine), có líp (bộ phận của xe đạp gồm hai vành tròn kim loại lồng vào nhau, chỉ quay tự do được theo một chiều – roue libre), rồi phanh (thắng – frein) ở cả bánh trước lẫn bánh sau. Thêm vào đó còn có các bộ phận bảo vệ như gạc-đờ-bu (thanh chắn bùn – garde-boue) và gạc-đờ-sên (thanh che dây xích – garde-chaine).
Mỗi chiếc xe đạp xưa còn trang bị một ống bơm (pompe) để phòng khi lốp xe xuống hơi. Bên cạnh đó người ta gắn một chiếc đy-na-mô (dynamo – bộ phận phát điện làm sáng đèn để đi vào ban đêm). Tôi còn nhớ khi tháo tung một cái dynamo cũ thấy có một cục man châm gắn vào một trục để khi trục quay sẽ sinh ra điện.
Hồi xửa hồi xưa, đi xe đạp không đèn vào ban đêm rất dễ bị phú-lít thổi phạt nên nếu xe không đèn, người lái phải cầm bó nhang thay đèn! Sài Gòn xưa có các nhãn hiệu xe đạp mổi tiếng như Peugoet, Mercier, Marila, Follis, Sterling… Đó là những chiếc xe đã tạo nên nền “văn minh xe đạp” của những thế hệ trước và một nền “văn hóa xe đạp” còn lưu lại trong ngôn ngữ tiếng Việt của người Sài Gòn xưa.
Kể từ khi tờ báo đầu tiên - Gia Định báo - xuất hiện tại Sài Gòn từ năm 1865 dưới thời Pháp thuộc, nghề báo đã phát triển không ngừng với một đội ngũ chủ báo và người viết báo ngày càng nhiều và thị trường báo chí ngày càng đa dạng tại miền Nam trong suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa (1954-1975).
Biến cố chính trị năm 1954 với cuộc di cư vào Nam của hơn 1 triệu người miền Bắc đã mang lại một sắc thái mới mẻ trong sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn nói chung và trong làng báo Sài thành nói riêng. Ở miền Bắc, báo chí chỉ dành cho giới trí thức, ngược lại, báo chí miền Nam đã ăn sâu vào tận sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Người đạp cyclo, tài xế taxi, giới tiểu thương cũng có tờ nhựt trình để đọc những khi vắng khách.
Thói quen đọc báo đã ăn sâu vào nếp sống của người Sài Gòn và đến khi có cuộc di cư của người Bắc, sinh hoạt báo chí lại nở rộ. Người ta thấy xuất hiện nhiều tờ báo mới như Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận… Người đọc báo cũng dần dần làm quen với những tên tuổi mới như Thanh Nghị, Đặng Văn Sung, Từ Chung, Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Hải Thủy…
Tờ Tự Do quy tụ các tên tuổi như Tam Lang (chủ nhiệm), Mặc Thu (quản lý), Như Phong (thư ký tòa soạn) và một số nhà văn, nhà thơ “di cư” như Ðinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Tạ Quang Khôi… Phần nội dung có các mục đặc biệt như “Chuyện Hàng Ngày” do Tam Lang phụ trách, Ðinh Hùng viết thơ châm biếm “Ðàn Ngang Cung” với bút hiệu Thần Ðăng và một truyện dài dã sử nhiều kỳ mang tên“Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” với bút hiệu Hoài Ðiệp Thứ Lang. Tự Do còn có mục hí họa, tranh châm biếm mang tính cách “tố cộng”.
Theo Tạ Quang Khôi, sở dĩ tờ Tự Do bị đình bản vì lý do chính trị. Phủ Tổng thống thấy báo Tự Dođược dân Bắc di cư ủng hộ thì không vui, vì nhóm chủ trương và nhân viên tòa soạn không ai có đạo Thiên chúa, lại không có ai là người miền Trung. Thế rồi báo đình bản ít lâu lại tái xuất hiện với chủ nhiệm và quản lý mới, đó là hai ông Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân. Hai ông này không những theo đạo Thiên chúa mà còn là nhân viên phủ Tổng thống.
“Ông Như Phong vẫn làm thư ký tòa soạn, ông Nguyễn Hoạt vẫn là một nhân viên tòa soạn. Ông còn viết thêm mục “Chuyện Hàng Ngày” với bút hiệu Hiếu Chân. Mục này được đổi tên là “Nói Hay Ðừng”. Ngoài Hiếu Chân còn hai người nữa cũng viết trong mục này, là nhà văn đường rừng Tchya Ðái Ðức Tuấn. Bút hiệu của ông trong “Nói Hay Ðừng” là Mai Nguyệt. Người thứ ba là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân, với bút hiệu Tiểu Nhã. Ông nói lái “Nói Hay Ðừng” thành “Nứng Hay Ðòi”. Mục này được độc giả rất hâm mộ vì lối viết sắc bén và châm biếm của các tác giả”.
Khi báo Tự Do của nhóm “người Bắc di cư” đình bản, một số cây bút chạy sang cộng tác với Ngôn Luận, một tờ báo được chính phủ Ngô Đình Diệm “ưu ái” qua vai trò “Giám đốc Chính trị” của Hà Ðức Minh. Về sau, Ngôn Luận có Từ Chung về làm thư ký tòa soạn.
Ngôn Luận có mảng thu hút thiến niên, nhi đồng qua mục “Bé Ngôn, Bé Luận” với các hí họa do họa sĩ Văn Ðạt vẽ. Bản thân tôi ngày đó cũng thích mục này và đã có lần được đăng một truyện ngắn trên phụ trang của Ngôn Luận. Về sau trên báo Chính Luận cũng có trang “Mai Bê Bi” dành riêng cho độc giả nhỏ tuổi.
Ngôn Luận còn có mục “Giải đáp tâm tình” của Kiều Diễm Hồng, cái tên do Tạ Quang Khôi đặt ra dù sau này ông không còn phụ trách. “Thương hiệu” Kiều Diễm Hồng cũng “chạy” sang Chính Luận trong mục “Mai Bê Bi”.
Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ qua cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 và nền Đệ nhất Cộng hòa cũng cáo chung. Sang đến thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa, tờ Chính Luận của nghị sĩ Ðặng Văn Sung trở nên ăn khách khi Ngôn Luận đóng cửa và thu hút hầu hết các cây bút một thời viết cho Ngôn Luận. Thư ký tòa soạn Chính Luận là Từ Chung, người sau này bị cộng sản ám sát ngay gần nhà ở trường đua Phú Thọ. Chính Luận có bài xã luận dưới đây về thời Đệ nhất Cộng hòa:
“Dưới thời Nhu, Diệm, không biết có anh nào cắc cớ đã đẻ ra một đoàn thể có danh hiệu rất kêu: Công chức Cách mạng Quốc gia.
…
Có một số thư ký phục vụ tại những tỉnh nhỏ đã lâu năm, vì hoàn cảnh gia đình, xin thuyên chuyển đến tiếp tục công vụ tại những nơi thuận tiện cho họ hơn, nhưng đơn xin của họ chẳng bao giờ được xét tới, mặc dầu dưới thời “Cách mạng Nhân vị” người ta thường lập đi lập lại câu châm ngôn “Cách mạng Quốc gia nhằm thực hiện công bằng xã hội”.
Tức cười hơn hết là cựu Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần hồi đó đã trả lời trước Quốc hội bù nhìn, câu hỏi của một vài dân biểu về việc thuyên chuyển công chức: “Những nhân viên được chỉ định đến làm việc tại các tỉnh là những người phạm kỷ luật hoặc là những người phục vụ đắc lực tại địa phương”. Câu trả lời đầy mâu thuẫn đó đã làm cho một số người thắc mắc. Người ta tự hỏi: “Ngoài hai hạng công chức này, còn có thể có hạng công chức thứ ba phải ở lại các tỉnh nhỏ . . . muôn năm nữa không? Hạng công chức ấy phải chăng là những kẻ không có khả năng . . . “chè lá” cho những ông công chức khác có trách nhiệm về việc quản trị nhân viên công chức?”.
Chính Luận cũng đưa tin những trận hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng từ ngày 17 đến 19/1/1974 [1]. Tờ báo "giật" nhiều tít nóng bỏng như: “VC [Việt Cộng] bác bỏ đề nghị VNCH lên án vụ TC [Trung Cộng] chiếm H. Sa”; “Giờ phút chót của Ty Khí Tượng Hoàng Sa chứng nhân 24 năm qua tại vùng tranh chấp”; “Nga lên án TC đánh chiếm Hoàng Sa, thúc LHQ buộc TC phải thương thuyết”… TrênChính Luận còn in hình di ảnh của HQ Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, thuộc Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ 10), tử trận tại Hoàng Sa.
Chính Luận đưa tin về cuộc hải chiến giữa VNCH và Trung Cộng trên đảo Hoàng Sa
Dân gian có câu “nhà báo nói láo ăn tiền”. Câu nói mang tính cách miệt thị nghề báo nhưng nhiều nhà báo vẫn say mê với cái nghề… nói láo ra tiền. Cũng vì người đọc nhận xét về tài “nói láo” của nhà báo nên ký giả Vũ Bằng [1] đã viết hẳn một cuốn hồi ký mang tên “Bốn mươi năm nói láo” để kể lại chuyện 40 năm lăn lộn trong nghề báo. Ông viết trong tập hồi ký:
“Người mẹ nào sinh con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người con cứ lại xin làm báo!”
Biến cố đặc biệt nhất trong làng báo Sài Gòn là chuyện “ký giả xuống đường đi ăn mày” vào ngày 10/10/1974 để phản đối Sắc luật 007 của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sắc luật này quy định muốn ra nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (ngày đó số tiền này tương đương với khoảng 47.000 USD), báo định kỳ đóng 10 triệu. Số tiền này rất lớn khiến nhiều báo không có tiền ký quỹ đành phải đóng cửa. Cũng theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Đã có nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Theo thống kê không chính thức, khi đó có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình bi đát này, các nghiệp đoàn ký giả Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí.
Ký giả đi ăn mày
Hồi ký không tên của dân biểu kiêm nhà báo Lý Quí Chung cho biết: “…Có vài con số thống kê đáng chú ý như sau: từ vụ xử đầu tiên theo sắc luật 007/72 (tờ báo bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận Biệt khu thủ đô đầu tiên là Điện Tín ngày 18/8/1972) cho đến hết năm 1973 có tất cả 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí. Trước đó khi chưa có sắc luật 007/72, từ tháng 12/1969 đến tháng 8/1972 có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí” cũ (luật 019/69)”.
Theo Lý Quý Chung, có 4 tổ chức báo chí khởi xướng nhưng chỉ cần nhìn vào những nhân vật dẫn đầu cuộc biểu tình thì biết ai đứng sau lưng sự kiện lịch sử của báo chí Sài Gòn.
Ngoài chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam) còn có các nhà văn – nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà báo Văn Mại (cựu Tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), nhà thơ Quốc Phượng, nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà… đều là nhà báo cộng sản chính cống hoặc ít ra cũng… “thiên cộng”.
Chính quyền biết trước cuộc xuống đường vì trong làng báo cũng có nhiều ký giả “giả”, ký giả chỉ điểm, ký giả “ăng ten”, ký giả làm việc cho trung ương tình báo… Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn chặn cuộc xuống đường lấy hình ảnh “ký giả ăn mày”. Mỗi ký giả tham dự đều được phát một nón lá, một bị cói và một cây gậy giống hệt người ăn mày. Lực lượng chính hỗ trợ cho nhà báo là các dân biểu, nghị sĩ đối lập, trong đó có nhiều người đồng thời là nhà báo như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và Lý Quý Chung.
Lý Quý Chung kể lại trong cuốn hồi ký đã dẫn: “Cuộc xuống đường xuất phát từ trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, nằm trên đường Lê Lợi, giáp đường Tự Do (nay là Đồng Khởi). Lộ trình dự định của đoàn biểu tình là tuần hành trên đại lộ Lê Lợi, nhắm thẳng vào chợ Bến Thành nơi có đông đảo quần chúng chờ đợi…
…
Thật sự trước các nhà báo, các dân biểu, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức rất hiền lành, lực lượng cảnh sát cũng không hăng hái lắm để ra tay đàn áp nếu họ không bị khiêu khích hoặc kích động làm mất đi sự bình tĩnh. Do đó khi đám đông “ký giả đi ăn mày” rướn tới một cách quyết liệt là hàng rào cảnh sát tự vỡ ra và dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ.
Ra đại lộ Lê Lợi như dòng sông đổ ra biển. Người dân hai bên đường hoan hô người biểu tình, nhiều người hào hứng nhập vào đoàn, nhất là thanh niên học sinh. Đến chợ Bến Thành, những người buôn bán trong chợ ào ra “bố thí”. Các ký giả ăn mày, nhét vào bị của chúng tôi đủ thứ bánh trái và quà tặng khiến cho hình ảnh ký giả đi ăn mày càng đậm nét..."
Ký giả ăn mày đụng độ với cảnh sát
Một trong những nhân vật nổi tiếng trong làng báo vào thập niên 1960 là nhà văn Chu Tử. Ông ra tờSống và báo thu hút một số lượng lớn người đọc với các tiết mục được ưa thích như “Ao Thả Vịt”(trên trang nhất), “Thơ Đen” và trang nhạc trẻ. Báo Sống thường chạy tít rất “giật gân” như: “66 triệu của Tống nha Ngân khố bay đằng nào…” hoặc “5 phút ‘hàn huyên’ với tử tội ‘chịu chơi’ Đặng Cao Sách”…
|
Nhật báo Sống |
Những cây viết cộng tác với Sống có các nhà văn, nhà báo Tú Kếu, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng, Trùng Dương... Nhật báo Sống đăng tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton) Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, từ đó nhà văn này trở thành nổi tiếng với công chúng.
Trong Hồi Ký Viết Trên “Gác Bút” (nxb Văn Nghệ, California, 1999) Nguyễn Thụy Long tiết lộ: “Tác phẩm đầu tay của tôi là Loan Mắt Nhung ra đời và làm nên văn nghiệp của tôi được xuất hiện trên tờ báo Sống, do sự khuyến khích của ông Chu Tử… Tôi chính thức là ký giả của báo Sống, nhưng cũng đánh lẻ cho nhiều báo như một số anh em ký giả khác…”
Sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, Nguyễn Thụy Long bước vào nghề qua nhật báo Sống từ lúc tờ báo ra mắt cho đến ngày báo đình bản. Chu Tử có rất nhiều “con nuôi” và ông gả một trong số các con nuôi cho Nguyễn Thụy Long.
Vì bất đồng chính kiến, tòa báo Sống bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966. Cũng vào thời điểm này, sáng ngày 16/4/1966, Chu Tử bị mưu sát khi vừa ra khỏi nhà, ông bị trúng đạn nhưng thoát chết. Nhiều người cho rằng cuộc khủng bố này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương.
Tòa soan nhật báo Sống bị tấn công
Cuối thập niên 1960 báo Sống bị thu hồi giấy phép vì chỉ trích việc chính phủ cho Quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng căn cứ Cam Ranh. Chu Tử ra tiếp tờ Sóng Thần vào tháng 10/1971 và bị rút giấy phép vào tháng 2/1975. Nữ ký giả Trùng Dương là người có liên quan trực tiếp đến Sóng Thần cho biết:
“Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai”.
Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Sài Gòn do Trùng Dương đứng tên làm chủ nhiệm, Chu Tử làm chủ biên, Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự và Uyên Thao điều hành với tư cách tổng thư ký.
Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu nhưng không chống chính phủ như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là “anti-government”. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972, Sóng Thần mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954.
Riêng về các nhà văn viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thụy Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thủy… sau tăng cường thêm hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Trùng Dương cho biết thêm về phiên tòa “lịch sử” ngày 31/10/1974, ngày Sóng Thần ra trước vành móng ngựa. Tờ báo chạy tít “Ngày dài vô tận”:
“Tờ báo bị Bộ Nội Vụ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đưa ra toà xử về tội đã đăng nguyên văn bản cáo trạng số 1 của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng do Linh Muc Trần Hữu Thanh chủ xướng với sự tham gia của 300 linh mục. Tổng cộng có 205 luật sư tình nguyện ra toà biện hộ cho Sóng Thần và quyền tự do báo chí”.
"Ngày dài vô tận" của Sóng Thần
Chuyện lạ trong làng báo: chủ nhiệm Sóng Thần là nhà báo nữ Trùng Dương nhưng báo chí Sài Gòn còn “lạ” hơn khi có một chủ báo kiêm chủ bút cũng là phụ nữ: bà Bút Trà đứng tên tờ Sàigòn Mới nổi tiếng một thời trong làng báo Sài Gòn.
Điều “lạ” hơn nữa là bà Bút Trà không phải là dân làm báo hay làm văn nghệ mà chỉ là một thương gia giàu có đã đưa Sàigòn Mới thành tờ báo ưa thích của giới bình dân.
Báo Saigon Mới
Bà Bút Trà, nhũ danh Tô Thị Thân, kết hôn với một ông nhà giàu người Tàu làm chủ khoảng 20 cơ sở kinh doanh nghề “cầm đồ”. Lý do bà nhẩy sang nghề làm báo cũng thật ly kỳ. Nhà văn Bình Nguyên Lộc [4] đã kể lại trong “Hồi Ký Văn Nghệ” như sau:
“Bà nhà giàu nầy [Tô Thị Thân], về sau, khi lấy chồng Việt Nam, đã xây cất biệt thự lớn ở Phú Nhuận, nhưng bà ấy nhứt định tiếp tục sống trong căn nhà liên-kế, tòa soạn của tờ nhựt báo Sàigòn Mới, chớ không chịu dọn về ngôi biệt thự đẹp, vốn bỏ không… Bà mang tục danh là “Bà chị Bồn binh”, chỉ vì bà bám mãi vào căn nhà thuê trước cái bồn cỏ tròn, nằm giữa tòa soạn của bà và chợ Bến Thành”.
Hồi đó báo chí Sài Gòn, có lẽ vì thiếu đề tài khai thác, nên “đánh hội đồng” nghề cầm đồ với lý do tiệm cầm đồ “hút máu dân nghèo”, chính phủ cần phải rút giấy phép! Bị đụng chạm nghề nghiệp nên bà Tô Thị Thân có nói với Tô Văn Giỏi, anh họ của Bình Nguyên Lộc, nguyên văn như sau: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thiệt giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?”. Đầu óc của những người kinh doanh vào thời nào cũng thế: đòi hàng tốt mà giá lại rẻ!
Chính mắt bà Bút Trà xem lại bài vở của nhân viên tòa soạn trước khi đăng và cũng chính tay bà chọn bài lai cảo… Nhà văn Trọng Nguyên, Tổng thư ký tòa soạn Saigon Mới đã có lần tâm sự với Bình Nguyên Lộc:
“Khi nào bà ấy quá bận về việc khác, bà ấy chỉ thị cho tôi làm việc, đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chánh. Bà chỉ cần tôi về mặt kỹ thuật mà thôi. Tôi chết đi, bất kỳ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà.”
Bình Nguyên Lộc ngỏ lời muốn cộng tác với Saigon Mới, bà Thân từ chối thẳng thừng: “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”.
Người ta chửi bà, gọi bà là thím Xồi (ông chồng cũ người Tàu của bà có tục danh là chú Xồi) bà trả lời trên báo: “Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?”
Bà Bút Trà còn bị chọc ghẹo bằng các sửa bút danh của bà thành “Bút Tè”, báo chí tiếp tục “chửi” nghề cầm đồ, bà đáp ngắn gọn: “Hằng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chưởi?”.
Quả là trường hợp của bà chủ báo Bút Trà đi ngược hẳn với lẽ thường tình. Con buôn nào khi bị chửi trên báo cũng chỉ hành động theo một trong ba cách: (1) cắn răng mà chịu đựng khi nào bị báo chí chửi; (2) hối lộ cho các ký giả viết bài chửi bới; hoặc (3) thuê du côn đánh các ký giả đó. Bà Tô Thị Thân là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp thứ tư: ra tờ báo chửi lại dù chẳng viết được một câu văn nào.
Saigon Mới còn có một nhân vật nữ nổi tiếng là bà Tùng Long, phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng từ năm 1953, bà còn giữ mục Tâm Tình Cởi Mở trên báo Tiếng Vang (1962-1972). Hai mục “hỏi đáp tâm tình” này rất ăn khách trên báo và thu hút nhiều người đọc, nhất là phụ nữ vì chủ đề xoay quanh chuyện yêu đương, tình cảm.
Bà Tùng Long làm chủ bút Tuần báo Tân Thời (1935), Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn,ngoài ra còn cộng tác với các báo Đồng Nai, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, và các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Duy Tân, Đông Phương… Bà Tùng Long xuất bản trên 60 tác phẩm trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1972.
Người ta thường ví “hiện tượng Tùng Long” tại Sài Gòn chính là trường hợp trước đó của nhà văn Quỳnh Giao bên Đài Loan với loại tiểu thuyết tình cảm trong đó có những trớ trêu, ngang trái đã khiến nhiều người đọc, nhất là phụ nữ, phải rơi lệ.
***
Chú thích:
[1] Ngày nay, báo chí "lề phải" Việt Nam chỉ đề cập đến những diễn biến trên Biển Đông qua từ mới“Tàu Lạ”, ám chỉ tàu Trung Cộng ngang ngược xâm phạm hải phận Việt Nam theo “Đường lưỡi bò” trong chiến lược thôn tính quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Họ sợ đụng chạm đến phương châm“Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” do chính lãnh đạo Trung Cộng đưa ra năm 1999 để xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt – Trung trong thế kỷ mới.
Theo Wikipedia, cuộc chiến trên Biển Đông năm 1974 giữa VNCH - Trung Cộng có tương quan lực lượng như sau:
Trong trận hải chiến giữa Trung cộng và VNCH, Việt Nam có 4 chiến hạm là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), 1 đại đội hải kích thuộc Hải quân, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và 1 trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.
Phía Trung Cộng có 4 chiếm hạm trực tiếp tham gia trận chiến là Liệp tiềm đĩnh (tàu chống ngầm) số 274, Liệp tiềm đĩnh số 271, Tảo lôi hạm số 389, Tảo lôi hạm số 396, 2 ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407. Ngoài ra còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, trinh sát (không rõ số lượng). Sau khi trận chiến đã kết thúc, thì Liệp tiềm đĩnh số 282, Liệp tiềm đĩnh số 281 mới đến tăng viện.
Trung Cộng chiếm đóng toàn phần quần đảo Hoàng Sa sau những trận hải chiến từ ngày 17 đến 19/1/1974. Hải quân VNCH có 74 binh sỹ tử vong trong đó HQ-10 có 62 người chết bao gồm hạm trưởng Ngụy Văn Thà và Thiếu tá Nguyễn Thành Trí; HQ-4 có 3 người chết, HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương, HQ-16 có 2 người chết.
Theo tài liệu của Trung Cộng thì các tàu 274, 271, 389, 396 đều trúng đạn, 281, 282, 402, 407 bị hư hại trung bình. Trung Cộng bắt giữ 48 tù binh VNCH và cuộc trao trả tù binh diễn ra sau đó tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế.
[2] Vũ Bằng (1913-1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng dưới thời VNCH. Ông sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký... với các bút hiệu Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm...
Khoảng năm 1934-1935, Vũ Bằng nghiện á phiện rất nặng suốt 5 năm. Nhờ người cô ruột và nhờ vợ là Nguyễn Thị Quỳ thường xuyên săn sóc, khuyên nhủ, cộng với sự quyết tâm của bản thân nên ông đã cai được, rồi viết cả một cuốn tự truyện mang tên “Cai”.
Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954 để tiếp tục hoạt động văn chương - báo chí. Ông làm việc tại Việt Tấn Xã và cộng tác với nhiều tờ báo. Vũ Bằng có lúc nắm trong tay 3 tờ báo Đồng Nai, Sài Gòn Maivà Tiếng Dân, có lúc vừa viết cho Dân Chúng, làm tổng thư ký báo Tin Điện, lại vừa hợp tác với làm báo Vịt Vịt...
Vũ Bằng bị mang tiếng là nhà văn “dinh tê”, “quay lưng lại với kháng chiến” và “di cư vào Nam theo giặc” nhưng chỉ sau biến cố Sài Gòn thất thủ năm 1975 người ta mới biết ông là “VC nằm vùng” trong mạng lưới tình báo của Hà Nội. Vì nhiều lý do, trong đó có sự gián đoạn đường dây liên lạc, mãi đến sau này, ông mới được công nhận là người hoạt động ‘cách mạng’ và được truy tặng huân chương nhà nước.
Tác phẩm chính của Vũ Bằng gồm Miếng ngon Hà Nội (bút ký, 1960), Miếng lạ miền Nam (bút ký, 1969), Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969), Thương Nhớ Mười Hai (hồi ký, 1972)...
Vũ Bằng
[3] Chu Tử là bút hiệu của Chu Văn Bình (1917-1975), nhà văn, nhà báo nổi tiếng tại Sài Gòn vào thập niên 1960. Ông được biết đến là chủ nhiệm nhật báo Sống và là tác giả những cuốn tiểu thuyết có tựa đề chỉ một chữ: Yêu, Sống, Ghen, Loạn, Tiền...
Ông một thời dạy học ở Tư thục Phùng Hưng, Hải Phòng, về sau làm hiệu trưởng Trường trung tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh. Vào ngày 30/4/1975, trên đường di tản khỏi Việt Nam bằng tàu Việt Nam Thương tín, tàu trúng pháo B-40 khi qua cửa Cần Giờ và ông tử thương, được thủy táng ngay cửa biển.
Nhà văn Chu Tử
[4] Bình-nguyên Lộc (1915-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7/3/1915 tại làng Tân Uyên, Biên Hòa. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chỉ cách bờ sông Ðồng Nai hơn một trăm thước, chính con sông này đã cung cấp nhiều chi tiết để hoàn tất một số tác phẩm như truyện ngắn Ðồng Ðội(trong Ký Thác), hồi ký Sông Vẫn Ðợi Chờ (viết và đăng báo ở California)….
BNL đang viết dang dở tập hồi ký “Nếu Tôi Nhớ Kỹ” thì qua đời. Trong tập đó có bài “Ông Bà Bút Trà”kể lại trường hợp nào ông bà Bút Trà gia nhập báo giới rồi kết hôn với nhau. Bà Bút Trà giao công việc tìm người làm báo cho thơ ký kế toán của bà tên Tô Văn Giỏi, vốn là anh họ của BNL. Ông Giỏi nhờ BNL tìm kiếm người làm báo. BNL giới thiệu nhà thơ kiêm thầy thuốc Trương Quang Tiền, tuy chưa hề làm báo nhưng ông cũng nhận đảm trách tờ Sàigòn Họa Báo, tiền thân của Saigon Mới. Ít lâu sau, bà Bút Trà ly dị ông chồng người Hoa và nhà thơ này trở thành... ông Bút Trà.
Từ năm 1948 BNL về Sài Gòn và sống bằng nghề viết báo, chuyên về tiểu thuyết feuilleton. Ông đã cộng tác với báo Lẽ Sống (qua bút hiệu Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, v.v…), Điện Tín, Ðời Mới, Tin Mới, Tiếng Chuông, Tin Sớm…
Tháng 10/1985 BNL định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình đoàn tụ gia đình và sống tại Rancho Cordova, một thành phố nằm trong thủ phủ Sacramento của tiểu bang California. Tại đây BNL từ trần ngày 7/3/1987 vì bịnh huyết áp cao.
Tác phẩm của BNL nổi bật nhất có Hương Gió Ðồng Nai, Ðò Dọc, Nguồn gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam và nhiều tập truyện ngắn: Cuống Rún Chưa Lìa, Nhốt Gió, Ký Thác…
[5] Bà Tùng Long (1915-2006), tên thật Lê Thị Bạch Vân, là một nhà văn nổi tiếng với những tiểu thuyết tâm lý xã hội ở miền Nam trước 1975. Bà sinh ngày 1/8/1915 tại Đà Nẵng, học trung học ở trường Đồng Khánh, Huế, và trường Gia Long, Sài Gòn. Năm 1935 bà thành hôn cùng nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy.
Năm 1952, Bà Tùng Long dạy Pháp văn và Việt văn tại các trường Les Laurié, Tân Thịnh, Đạt Đức... nhưng vì lương không đủ sống, bà bắt đầu viết truyện đăng từng kỳ cho một số nhật báo. Vào thập niên 1960, các tác phẩm của bà rất thành công về mặt thương mại, vừa dạy học vừa viết báo, viết văn, thu nhập của Bà Tùng Long rất cao, nghe nói lên đến cả chục lượng vàng. Vào đầu thập niên 1960, bà giữ chức Tổng thư ký Hội Phụ Nữ Việt Nam Cộng hòa, đắc cử Dân biểu tỉnh Quảng Ngãi.
Về bút danh Bà Tùng Long, bà giải thích: “Các vị nho học của chúng ta có câu ‘Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ’, nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp... Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt.”
Một số tác phẩm nổi bật:
- Bóng người xưa
- Đời con gái
- Hồi kí Bà Tùng Long
- Một lần lầm lỡ
- Mẹ chồng nàng dâu
- Nẻo về tình yêu
Bà Tùng Long
Đối với những người trong nghề báo, cực nhất là phải làm việc ở các nhật báo vì thời gian giữa hai số báo chỉ cách nhau 24 giờ nên các ký giả phải chạy đua với đồng hồ. Hơn nữa, tin tức đòi hỏi phóng viên phải nhanh, nhạy và chính xác. Loại tiểu thuyết đăng nhiều kỳ cũng đòi hỏi người viết phải sáng tác đều tay, nếu báo bị thiếu một vài kỳ cho “feilleton”, độc giả sẽ chán và chuyển sang đọc báo khác.
Vô tình trong làng báo thời VNCH hình thành một cuộc cạnh tranh, tuy âm thầm nhưng rất khốc liệt. Chủ báo biết rõ điều này nên họ sẵn sàng trả lương cao cho các phóng viên và những người viết nhiều kinh nghiệm, miễn là tờ báo thu hút nhiều người đọc.
Sạp báo Sài Gòn xưa
Nhà báo Tạ Quang Khôi trong bài viết về “Nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong” đã kể lại một giai thoại khá lý thú trong nghề làm báo với “tai nạn nghề nghiệp” qua vụ tướng Nguyễn Chánh Thi “đảo chính hụt” Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 11/11/1960:
“Phan Nghị là một phóng viên có uy tín trong làng báo. Ông viết nhiều bài phóng sự rất hay. Nhưng ông lại là người chân thật, cả tin, bạn bè liệt ông vào loại “phổi bò”. Khi ông Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính, Phan Nghị đến building Cửu Long ở đường Hai Bà Trưng để chơi bài với một nhóm văn nghệ sĩ như: Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư… rồi khi ra về nghe đồn ông Diệm đã đầu hàng, bèn viết tin có tựa đề “Quân ta đại thắng, Diệm đầu hàng”, được để lên tám cột trang nhất của tờ Ngôn Luận. Báo đã in được 6.000 tờ thì lại có tin tướng Trần Thiện Khiêm đem sư đoàn 7 từ Mỹ Tho về cứu giá. Thế là 6000 tờ báo phải hủy tức khắc”.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng nói về nỗi khổ của nhà văn viết feilleton:
“Nhà in Sàigòn là nơi làm việc phản luật lao động nhứt thế giới, điều đó thì ai cũng biết, nhưng sao các tay viết lách lại chen vào đó để làm gì...? Tòa soạn của một tờ hàng ngày nghèo nhứt, vẫn không thiếu bàn. Ấy, người ở ngoài nghề không làm sao mà biết được chuyện bê bối của các tay viết tiểu thuyết cho báo hàng ngày, mà kẻ nầy là một.
Phải chun vào nhà in, vì thợ sắp chữ họ gào họ thét, họ đòi bài, ta vào đó, xé giấy ra từng mảnh nhỏ, viết được ba bốn giòng chữ thì nộp cho một anh thợ để anh xếp chữ ngay, kẻo không kịp in. Ta lại viết ba bốn giòng nữa giao cho anh thợ thứ nhì, nếu anh thứ nhứt khi nãy, làm chưa xong công việc. Chun vào nhà in để được gần thợ, hầu nộp bài cho nhanh ấy mà! Dĩ nhiên là bài không bao giờ qua tay các thư ký tòa soạn, mà các ông ấy cũng mong khỏi phải đọc bài, vì các ông chỉ có mấy mươi phút mà phải đọc hết năm tiểu thuyết, thì quá đau đầu…”
Tạp chí xưa
Bên cạnh “người anh em” nhật báo, Sài Gòn còn có rất nhiều loại tạp chí xuất bản định kỳ bao gồm tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san hay có khi báo ra hàng quý (3 tháng một kỳ), mỗi nửa năm và thậm chí mỗi năm chỉ ra một số.
Làm báo định kỳ không gặp nhiều căng thẳng về thời gian như báo ngày. Hơn nữa, báo định kỳ phần đông mang tính cách nghiên cứu hoặc chuyên ngành nên đòi hỏi người làm báo phải có một số kiến thức về chuyên đề của tờ báo. Như vậy, làng báo hình thành 2 loại ký giả theo hình thức của tờ báo: phóng viên chạy tin cho nhật báo và người viết tạp chí.
Năm 1917 tại Bắc Kỳ, Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh [1] ra đời với bản in bằng tiếng quốc ngữ và phần chữ Nho do Nguyễn Bá Trác phụ trách. Cũng vào thời gian này tại Nam Kỳ, Toàn quyền Albert Sarraut, ký sắc lệnh ra tạp chí Tribune Indigène bằng tiếng Pháp. Nam Phong xuất bản hàng tháng, tổng cộng ra được 210 số báo trong 17 năm. Đây là một trong những tạp chí Việt Nam đầu tiên đăng thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, và tài liệu lịch sử với sự góp mặt của nhiều tác giả như Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Tương Phố, Dương Quảng Hàm và Tản Đà.
Nam Phong Tạp chí
Năm 1926, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu [2] lại đứng ra thành lập An Nam Tạp chí, tờ báo chuyên về văn học ra được 46 số nhưng cũng giữ một kỷ lục về số lần đình bản và tái bản. Tản Đà và An NamTạp chí có một quãng đời gian nan, lận đận được nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam. Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) làm bài thơ “Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu”, nhại lại bài “Hầu trời” của Tản Đà:
Tội nặng nhất trần gian
Là bắt anh Khắc Hiếu
Làm tạp chí An Nam
Nhà thơ “hậu sinh” Bùi Giáng cũng đã nhận xét về “tiền bối” Tản Đà: “Nếu tiên sinh còn sống, ắt tại hạ xin được phép cùng tiên sinh nhậu nhẹt một trận lu bù. Thơ của tiên sinh làm, chẳng có chi xuất sắc. Nhưng bản dịch "Trường hận ca" của tiên sinh quả thật là vô tiền khoáng hậu”.
Cùng thể loại với An Nam Tạp chí sau này còn có Phong hóa - Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Văn học Tạp chí của Dương Bá Trác, Dương Tự Quán (1932), Tiểu Thuyết Thứ Bảy của Vũ Đình Long (1934), Phổ Thông Bán Nguyệt San cũng của Vũ Đình Long (1936), Tinh Hoa (1937), Tao Đàn (1939), Hà Nội Tân Văn (1940), Phụ Nữ Tân Văn (Phan Khôi), Trung Bắc Chủ Nhật (Nguyễn Văn Luận)...
Tiểu Thuyết Thứ Bảy
Sang đến thời Đệ nhất Cộng Hòa báo định kỳ tại Sài Gòn nở rộ không kém gì báo ngày. Đáng kể nhất là hai tạp chí Bách Khoa và Sáng Tạo. Tiền thân của Bách Khoa là tạp chí của Hội Văn hóa Bình dân và nhóm chủ trương xin lại manchette của tờ Bách Khoa Bình Dân. Như vậy, Bách Khoa Bình Dân chỉ sống được 2 số và sau đó xuất hiện đưới tên Bách Khoa từ năm 1957 cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ.
“Thay Lời Phi Lộ” trên Bách Khoa số ra mắt ngày 15/1/1957 xác định mục đích của tạp chí: “… Quy tụ mọi người không cần cùng một tôn giáo, một quan điểm chính trị, một tổ chức chính trị chặt chẽ mới có thể trở thành bạn đường trong lúc tìm kiếm bất chấp đến dĩ vãng nếu hiện thời đi cùng một con đường…”.
Tờ báo cũng khẳng định bài vở “…không cứ phải cao siêu, vì trải nghiệm của người lao động cũng quan trọng như lý thuyết của học giả” và cũng không nhất thiết “…chỉ nói về một tôn giáo, vì đạo đức của Phật giáo cũng đáng để ta tôn trọng như lòng nhân ái của Chúa Jesus”. Sở dĩ vấn đề tôn giáo được Bách Khoa đề cập đến vì dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm đạo Công giáo vốn được “ưu ái” và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa vào năm 1963.
Tạp chí Bách Khoa số ra mắt
Tạp chí Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang làm chủ nhiệm trong năm đầu, khi ông Lang đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, ông Lê Ngộ Châu đứng ra điều hành. Có thể nói, Lê Ngộ Châu là linh hồn của tạp chí trong vai trò chủ nhiệm điều hành, ông được sự quý mến của mọi người, từ các đồng nghiệp, cộng tác viên cho đến người đọc.
Nguyễn Hiến Lê [3], cộng tác viên có số bài viết nhiều nhất trên Bách Khoa, nhận xét: “Bách Khoa có một vị trí đặc biệt, tờ báo không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà vẫn sống được suốt 18 năm (1957-1975) bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như tờ Nam Phong”.
Bách Khoa từ tháng 2/1965 đổi tên thành Bách Khoa Thời Đại, đến tháng 1/1970 lại trở về với tênBách Khoa. Ngoài số độc giả khá đông tại Sài Gòn và miền Trung, tạp chí còn được sự ủng hộ của các công ty lớn qua việc đăng quảng cáo giúp cho tờ báo đứng vững. Đó là yếu tố tài chính mà bất kỳ một tờ báo nào cũng phải tính đến.
Bách Khoa đã mang lại cho nền văn học nghệ thuật miền Nam một sinh khí mới đồng thời giới thiệu nhiều nhà văn trẻ sau này trở nên nổi tiếng như Vũ Hạnh, Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyễn Ngu Í, Phạm Việt Châu, Phan Văn Tạo, Đoàn Thêm, Bùi Giáng và các cây bút nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Túy Hồng…
Bách Khoa tựa như một “melting pot”, là nơi dung hòa mọi trường phái qua nhiều cây bút cả trẻ lẫn già: bên cạnh Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ còn có nhưng khuôn mặt mới như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo... Bách Khoa cũng là “vùng xôi đậu” giữa những chính kiến khác nhau với các bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan hay Vũ Hạnh, Võ Phiến.
Bách Khoa được đóng thành tập
Tháng 10/1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời tại Sài Gòn. Đối với nhiều người, đó là “chất nổ phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới”. Sáng Tạo đánh dấu một sự “nổi loạn”.
Trên Sáng Tạo xuất hiện những tên tuổi của các nhà văn “di cư” vào miền Nam năm 1954: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Cung Tiến, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn ...
Theo Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo “phá đổ” những “ám ảnh” và những “tàn tích của quá khứ”:
“Văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực ... Những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế”.
Cũng theo Mai Thảo, “Công tác chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu ... và thơ bây giờ là thơ tự do”.
Nếu ta không phủ nhận vai trò của Tự Lực Văn Đoàn trong việc đóng góp vào “thơ mới” thì cũng phải nhìn nhận Sáng Tạo đã đưa ra một loại thơ “mới hơn” mà người ta gọi là “thơ tự do”. Nguyên Sa (Trần Bích Lan) với bài thơ “Mùa xuân buồn lắm em ơi” có những câu thơ rất… tự do:
Mùa xuân buồn lắm em ơi
Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
Đạp xe qua nhà em
Nhìn vào ngưỡng cửa
Nhà số 20
Anh nhớ má em hồng…
…
Làm sao chỉ có một mình anh
Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
Làm sao em không ngó xuống linh hồn?…
Mặt khác, Thanh Tâm Tuyền lên tiếng bênh vực sự nổi loạn mà theo ông. “… nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống: Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo”.
Phải chăng cũng vì lý do đó mà tạp chí mang tên Sáng Tạo?Tạp chí Sáng Tạo được nhiều người khen không tiếc lời. Võ Phiến viết trong “Văn Học Miền Nam Tổng Quan”:
“Tờ báo [Sáng Tạo] đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay. Trước “vận hội mới” quần chúng độc giả chờ đợi một xuất hiện mới trên lãnh vực văn nghệ. Loại thơ văn trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân chẳng hạn không còn sức thu hút nữa, những sáng tác ra mắt trên nhật báo không thể thỏa mãn, tờ Mùa Lúa Mới vẫn chỉ là của một địa phương. Tờ Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhằm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới”.
Theo Võ Phiến, Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình.
Thanh Tâm Tuyền dần dần viết truyện nhiều hơn là làm thơ; Doãn Quốc Sỹ chủ trương một nhà xuất bản; Nguyên Sa đứng ra thành lập các tạp chí Gió Mới, Hiện Đại; Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (sau đổi ra là Nguyễn Đức Sơn) trở thành những thi sĩ có bản sắc riêng biệt; Dương Nghiễm Mậu sáng tác mỗi lúc mỗi độc đáo, đứng ra chủ trương tạp chí Văn Nghệ cùng với Lý Hoàng Phong…
Thế nhưng, cũng không ít người chê bai Sáng Tạo, chẳng hạn như Nguyễn Hiến Lê:
“Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo, muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức tài năng, chỉ hô hào chống Cộng, điểm này không có gì mới cả - mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự Lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo - Mai Thảo - lại có bút pháp cầu kỳ "làm duyên, làm dáng" - không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng được tiếng vang nào cả''.
Sáng Tạo, Số 1, tháng 10/1956
Xét cho cùng, khen hay chê là còn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan của mỗi người. Tuy nhiên, có một điều khách quan là những tạp chí ra đời trong suốt thời VNCH đã khiến sinh hoạt văn thơ miền Namngày càng đa dạng trong khi miền Bắc lại trầm lắng, mang nặng màu sắc chính trị.
***
Chú thích:
[1] Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt (thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp) để viết lý luận và nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
Phạm Quỳnh sinh tại Hà Nội, quê quán Hải Dương, từ một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học. Ông học giỏi, luôn có học bổng và đỗ đầu bằng Thành chung khi theo học Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là Trường Thông ngôn).
Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16. Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút Nam Phong Tạp chí từ năm 1917 cho đến năm 1932, tuyên truyền cho tư tưởng “Pháp Việt đề huề”. Năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức.
Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp. Ông bị Việt Minh bắt năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Phạm Quỳnh bị giết cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi).
Một số tác phẩm chính của Phạm Quỳnh:
- Thượng Chi Văn Tập (gồm 5 quyển, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943)
- Văn minh luận
- Văn học nước Pháp
- Lịch sử thế giới
- Phật giáo đại quan
Phạm Quỳnh
[2] Tản Đà (1889 - 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực và làm chủ bút An Nam Tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường sang thơ lục bát.
Năm 1915, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ Khối tình con. Sau thành công đó, ông viết liền cuốn Giấc mộng con (1917) và một số vở tuồng: Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Thai. Năm 1918, Phạm Quỳnh ca ngợi cuốn Khối tình con và phê phán cuốn Giấc mộng con, biến Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Sau bài phê phán tư tưởng của Giấc mộng con, Tản Đà thôi cộng tác với Nam Phong Tạp chí.
Từ 1919 tới 1921, Tản Đà viết một loạt truyện như Thần tiền, Đàn bà Tàu (1919); sách giáo khoa, luân lý: Đài gương, Lên sáu (1919), Lên tám (1920) và tập thơ Còn chơi (1921). Năm 1922, Tản Đà thành lập Tản Đà thư điếm (sau đổi thành Tản Đà thư cục). Tại đây đã xuất và tái bản hầu hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của Tản Đà:
- Tản Đà tùng văn (1922);
- Truyện thế gian tập I và II (1922),
- Trần ai tri kỷ (1924),
- Quốc sử huấn nông (1924)
- Thơ Tản Đà (1925)
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
[3] Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông quê ở Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội), xuất thân từ một gia đình nhà Nho, học tại trường Bưởi, Hà Nội. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Nam, từ đó bắt đầu gắn bó với vùng đất này trong suốt nửa thế kỷ. Sau năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.
Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính từ năm ông bắt đầu có sách xuất bản vào đầu thập niên 1950, trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị.
Năm 1980 ông về lại Long Xuyên và bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Tác phẩm này được hiệu đính và hoàn chỉnh vào năm 1983 với tựa đề Đời viết văn của tôi. Ông viết:
“Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”.
Nguyễn Hiến Lê viết gần 250 bài trên tạp chí Bách Khoa, 50 bài trên các tạp chí Mai, Tin Văn, Văn, Giáo Dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ. Những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Hiến Lê xếp theo thứ tự thời gian:
- Đắc nhân tâm (1951, dịch Dale Carnegie)
- Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (1954, du ký)
- Tự học để thành công (1954)
- Quẳng gánh lo đi và vui sống (1955, dịch Dale Carnegie)
- Gương danh nhân (1959)
- Chiến tranh và hòa bình (1968, dịch Lev Nikolayevich Tolstoy)
- Sử Trung Quốc (1982, 3 tập)
- Kinh Dịch, đạo của người quân tử (1990)
- Khổng Tử (1992)
- Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (1992)
- Đời viết văn của tôi (1996)
Nguyễn Hiến Lê